Ngày 15-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tiến về phía mình
Lm Minh Anh
03:03 15/01/2023

TIẾN VỀ PHÍA MÌNH
“Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình!”.

A. J. Gordon nhận xét, “Nếu bạn phá một tổ chim sẻ, nó sẽ làm lại tổ ở chỗ cũ; nếu bạn kéo xuống nhiều lần, nó sẽ tìm một địa điểm cao hơn, ít bị tổn thương hơn. Không phải lúc nào Kitô hữu cũng khôn ngoan như vậy! Họ tạo những nơi trú ngụ của hạnh phúc trong thế giới tạm thời này, chỉ để thấy chúng bị kéo xuống hết lần này đến lần khác. Sau những tiếng thở dài và nước mắt, họ bắt đầu xây lại tất cả theo cùng một cách. Không bao giờ họ nhận ra rằng, qua những thất bại, Thiên Chúa đang ‘tiến về phía mình’, hướng dẫn họ đặt sự an toàn của họ vào Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,


Với nhận xét của Gordon, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay tiết lộ một sự thật rằng, Thiên Chúa luôn tiến về phía con người; và mỗi người có thể nói, Ngài ‘tiến về phía mình’, không chỉ “hướng dẫn họ đặt sự an toàn của mình vào Ngài”, nhưng còn để trao cho họ một sứ mệnh!

Thiên Chúa tiến về phía con người, vì Ngài yêu thương mỗi người từ ngàn đời; Ngài cưu mang nó, dõi theo nó từng phút giây. Trong bài đọc thứ nhất, Isaia xác tín Thiên Chúa ‘tiến về phía mình’, “Ngài là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ”. Cả Phaolô và Sostênê trong bài đọc hai cũng thế, “Chúng tôi là những người được gọi làm tông đồ”. Thiên Chúa luôn “đi bước trước!”; Phúc Âm hôm nay mở đầu rằng, “Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình!”.

Tại sao Thiên Chúa tiến về phía con người? Chỉ vì Ngài yêu nó! Ngài không bao giờ áp đặt ai; không bao giờ xông vào nhà ai và buộc ai thừa nhận Ngài. Ngài chực chờ ở cửa, và luôn hy vọng chúng ta thoáng thấy Ngài, nhận ra tình yêu Ngài, tất cả những gì trái tim chúng ta khao khát. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu cánh cửa trái tim chúng ta rộng mở? Ngài sẽ khiến chúng ta từ bỏ ích kỷ, tham lam, ham muốn, đố kỵ; mở ra những chân trời không tưởng, mang đến một chiều kích mới mẻ cho những ngày tháng nghèo nàn, phù du của chúng ta trên trái đất này.

Câu hỏi thứ hai, vậy Chúa tiến về phía con người để làm gì? Ngài tiến về phía nó để ban cho mỗi người một sứ mệnh siêu việt: làm chứng cho Ngài, không chỉ bằng lời nói, mà bằng tất cả những gì nó là. Với Isaia, “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân”; và Isaia xác tín, “Để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ Isaia chung quanh Người”. Cũng thế, với Gioan, “Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói, ‘Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!’”. Gioan không nói về mình nhưng nói về Chúa Giêsu.

Đức Phanxicô nói, “Giáo Hội mọi thời, được mời gọi làm điều Gioan làm: chỉ Chúa Giêsu cho thế giới và nói, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”. Ngài là Đấng Cứu Rỗi Duy Nhất! Ngài là Chúa, khiêm hạ, ở giữa tội nhân; chính Ngài, không có Đấng nào khác. Không, chính Ngài! Khốn thay Giáo Hội khi tuyên xưng chính mình; làm thế, Giáo Hội mất phương hướng, không biết mình đi đâu! Giáo Hội loan báo Chúa Kitô; không cao rao chính mình!”.

Anh Chị em,

“Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình!”. Ngài vẫn đang tiến về phía bạn và tôi dưới nhiều hình thức, cách thế. Nhưng ở bất cứ dạng nào, Ngài vẫn trao cho chúng ta cũng một sứ mệnh, “trở thành ánh sáng muôn dân”, “đem ơn cứu độ của Ngài đến tận cùng cõi đất”. Ngài tiến về chúng ta để mỗi người có thể chỉ thẳng Giêsu và nói, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”. Chúng ta có thể trải nghiệm cách thức Ngài đến; âm thầm qua Lời Chúa; nghiệt ngã qua một tai ương hay một sự hiểu lầm… Tắt một lời, hằng giây hằng phút, Chúa đang đến với chúng ta! Trong những ngày cuối năm này, Ngài đang đến giữa những khó khăn của mỗi người, mỗi gia đình; và ở bất cứ hoàn cảnh nào, bạn và tôi vẫn xác tín, Chúa đang ‘tiến về phía mình!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để đáp lại tình yêu Chúa, cho con sẵn sàng thưa lên như lời Đáp Ca hôm nay, “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài!”; cho con biết, đó là điều đẹp lòng Chúa nhất!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 16/01: Rượu mới – Bầu mới – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
05:13 15/01/2023


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:16 15/01/2023

3. Người nào muốn yêu mến Thiên Chúa mà không muốn vì Ngài mà luôn chịu đau khổ, thì không thể yêu Ngài cách chân chính.

(Thánh Aloisius Gonzaga)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:18 15/01/2023
36. MƠ THẤY TÁO QUÂN

Lúc Vệ Linh công chấp chánh, Di Tử Hà rất được sủng ái, nên chuyên quyền ở nước Vệ.

Có một tên lùn nói với Vệ Linh Công:

- “Giấc mơ của tiểu thần đã ứng nghiệm rồi.”

Vệ Linh công hỏi:

- “Mơ cái gì?”

Tên lùn nói:

- “Mơ thấy đại vương trở thành táo quân.”

Vệ Linh công giận dữ:

- “Ta chỉ nghe nói: thấy quân vương như thấy mặt trời, làm thế nào mày thấy ta lại biến thành táo quân?”

Tên lùn nói:

- “Mặt trời chiếu dọi khắp thiên hạ không có một thứ gì có thể che lấp được nó, quân vương chiếu rọi khắp đất nước không có gì là che chắn được quân vương, cho nên người muốn nhìn thấy quốc vương thì phải mơ thấy mặt trời. Mà táo quân thì không giống như vậy, một người đối diện với lửa để sưởi ấm thì người bên cạnh không thể nhìn thấy lửa. Bây giờ có lẽ có người che khuất quân vương, cho nên có thể nói là tôi mơ thấy táo quân không phải là không hợp lý sao?”

(Hàn Phi Tử)

Suy tư 36:

Đức Chúa Giê-su đã nói với chúng ta: ”Chính anh em là ánh sáng cho trần gian, một thành xây trên núi không tài nào che lấp được…” ( Mt 5, 14 )

Không thể che giấu được vì nó đã cao lại to lớn, nhưng nếu một ngày nào đó trời mưa mây giăng đen kín cả bầu trời thì núi càng cao càng bị che khuất nên không thấy thành xây trên núi. Có nhiều người trong cuộc sống rất là tin tưởng vào bản thân mình, việc gì cũng xốc vác, năng nổ, đến nỗi không muốn ai phụ với mình, vì sợ người ta làm hỏng việc, sợ người khác làm không bằng mình, nên dần dần chẳng có ai lui tới với họ, và người ta chỉ thấy cả “một cục kiêu ngạo” nơi họ, nó che lấp việc làm tốt của họ.

Mây mù chính là ở đó, ngay chính trong tâm hồn của mỗi người, nó che mất con mắt tâm hồn, che mất những ưu điểm của mình.

Xây thành trên núi cao, tức là đem cuộc sống của mình đặt vào trong thánh ý Chúa, và sống chan hòa với mọi người, thì thằng quỷ kiêu căng làm sao mà đến che lấp nó được chứ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Các Ngày Tết : Giao thừa - Mùng Ba Tết
Lm Đan Vinh
19:31 15/01/2023

LỄ ĐÓN GIAO THỪA ĐẦU XUÂN
Mt 5,1-10
LỜI CHÚC ĐẦU XUÂN
TÁM MỐI PHÚC THẬT

1. LỜI CHÚA :“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3)

2. CÂU CHUYỆN :

 1) HẠNH PHÚC ĐÒI TA LUÔN PHẤN ĐẤU :
Vào một buổi sáng đẹp trời, chú cún con chạy đến bên mẹ và hỏi : 
- Mẹ ơi, hạnh phúc ở đâu?
Mẹ cún con mỉm cười đáp : 
- Hạnh phúc nằm ở chiếc đuôi xinh xắn của con đó !
Cún con thích lắm, ngày nào chú cũng ngắm nghía chiếc đuôi của mình, vừa nhảy vừa vẫy vẫy chiếc đuôi ! Nhưng rồi bỗng một hôm, chú cún con buồn bã chạy đến bên mẹ : 
- Mẹ ơi, tại sao con chẳng bao giờ nắm giữ được cái đuôi là hạnh phúc của con vậy?
Mẹ khẽ vuốt ve cún con và đáp : 
- Chỉ cần con tự tin bước về phía trước, hạnh phúc sẽ tự đi theo con thôi !!!

2) HẠNH PHÚC Ở TRONG LÒNG CHÚNG TA :
Ngày xưa, có một bầy yêu tinh tập hợp lại với nhau để lên kế hoạch làm hại con người. Một con yêu tinh lên tiếng : "Chúng ta nên giấu cái gì quý giá của con người. Nhưng mà cái đó là cái gì?"
Một con yêu tinh khác lên tiếng : "Chúng ta nên giấu hạnh phúc của con người. Không có nó, ngày đêm con người sẽ phải khổ sở. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ giấu hạnh phúc nơi nào mà con người không thể tìm thấy được."
Một con yêu tinh cho ý kiến : "Chúng ta sẽ quẳng hạnh phúc lên đỉnh núi cao nhất thế giới."
Con yêu tinh khác phản đối : "Con người rất khỏe mạnh, chuyện trèo lên đỉnh núi đối với họ không có gì khó khăn."
"Vậy thì chúng ta sẽ đem hạnh phúc ném xuống đáy biển sâu."
"Không được, con người rất tò mò. Họ sẽ chế tạo ra những con tàu hiện đại để đi xuống tận đáy biển. Rồi tất cả mọi người sẽ biết."
Một con yêu tinh trẻ có ý kiến : "Hay là chúng ta đem giấu hạnh phúc ở một hành tinh khác."
Con yêu tinh già phản đối : "Không được, con người rất thông minh. Càng ngày họ càng thám hiểm nhiều hành tinh khác đấy thôi."
Suy nghĩ hồi lâu, có một con yêu tinh già lụ khụ lên tiếng : "Tôi biết phải giấu hạnh phúc ở đâu rồi. Hãy giấu nó ở chính bên trong con người. Đa số con người đi tìm hạnh phúc ở khắp chốn, khắp nơi và bao giờ họ cũng thấy người khác hạnh phúc hơn mình. Bản thân họ thì chẳng bao giờ quan tâm. Giấu nó ở đó thì con người không bao giờ tìm thấy !!!"
Tất cả các con yêu tinh đều đồng ý. Và kể từ đó, rất nhiều người mãi miết kiếm tìm hạnh phúc ở những nơi nào khác mà không biết rằng nó đang nằm ngay trong lòng mình.

3) NGƯỜI GIÀU CŨNG KHÓC :
PAUL GETTY là ông chủ một hãng dầu lớn nhất tại Anh Quốc. Khu đất ông ở rộng bốn mươi mẫu tây. Tài sản của ông trị giá hàng tỷ mỹ kim. Thế mà mỗi ngày ông đều phải thức dậy làm việc từ lúc ba giờ sáng. Chung quanh ông lúc nào cũng có tới mười người cảnh sát bảo vệ. Mỗi ngày, ông nhận được hàng trăm cú điện thoại và những lời đe dọa ám sát… Ông đã phải thốt lên rằng : “Tôi là người đau khổ nhất và chẳng bao giờ cảm nghiệm được thế nào là hạnh phúc !”.

3. THẢO LUẬN :
1) Hạnh phúc thực sự là gì?
2) Làm thế nào để đạt được hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện tại và mai sau?

4. SUY NIỆM :
Năm cũ sắp qua nhường chỗ cho năm mới đang tới. Trong dịp này, chúng ta thường chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Chẳng hạn: Chúc cho đông con nhiều cháu, phát tài phát lộc, khỏe mạnh sống lâu… Những lời cầu chúc thường qui về ba chữ: Phúc, Lộc, Thọ. Tóm lại là chúc nhau được hạnh phúc trong Năm Mới. Nhưng thế nào là hạnh phúc thực sự?

1) Hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc là tình trạng thỏa mãn khi đạt được những điều mong ước mà người đời thường mong ước như Phúc, Lộc và Thọ. Tuy nhiên không nhất thiết cứ có đông con nhiều cháu, cứ sở hữu nhiều nhà cửa tiền bạc, chức cao quyền trọng hoặc được sống lâu trăm tuổi là đương nhiên có hạnh phúc… Vì lòng tham con người vô đáy như người đời thường nói : “Được voi đòi tiên”, “Đứng núi này trông núi nọ”…
Người ta cũng thường chúc nhau khỏe mạnh. Nhưng khỏe mạnh vẫn chưa phải là thứ hạnh phúc thực sự. Vì nếu sức khỏe là hạnh phúc, thì chắc hẳn những nhà lực sĩ sẽ là người hạnh phúc nhất. Thế nhưng, không phải vậy. Bởi vì có những người dù đau yếu, sức khỏe èo uột, thế mà nụ cười vẫn tươi nở trên môi, đang khi những nhà vô địch Ô-lim-pic sức khỏe vô địch lại thường âu lo có ngày sẽ bị soán ngôi vô địch như người ta thường nói : “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”.
Rất nhiều người đã mong ước kiếm nhiều tiền để được sống an nhàn như người ta thường nói : “Có tiền mua tiên cũng được: Đồng tiền là Tiên là Phật; Là sức bật của tuổi trẻ; Là sức khỏe của tuổi già; Là cái đà của danh vọng; Là cái lọng để che thân; Là cán cân của công lý; Là triết lý của cuộc đời”... Nhưng thực ra “Người giàu cũng khóc !” Biết bao gia đình nông dân việt Nam đang sống vất vả trên mảnh đất ruộng nhưng gia đình hạnh phúc. Rồi đột nhiên có dự án làm đường đi qua khu đất nhà của họ, biến đất ruộng trở nên quý giá “Tấc đất tấc vàng”, tiền bạc rủng rỉnh. Nhưng từ khi bán đất lấy tiền lấy vàng, gia đình được ở nhà cao cửa rộng, có đủ xe máy xịn, tivi màu, máy lạnh máy giặt… nhưng gia đình con cái bỏ học ăn chơi sa đà vào nghiện hút xì-ke ma túy, vợ ngày ngày chơi đề, chồng thì nhậu nhẹt vợ nọ con kia… gia đình xào xáo dẫn đến chỗ ly hôn và bất hạnh.

2) Hạnh phúc thực sự do đâu?
Hạnh phúc thật sự không nhất thiết do tiền bạc, chức quyền, sắc đẹp, sức khỏe... dù rằng những điều đó đều là ưu điểm có thể mang lại cho chúng ta niềm vui trong một lúc nào đó. Vậy hạnh phúc đích thật ở đâu?
Thực ra : Con người chúng ta không những gồm thân xác mà còn có linh hồn nữa. Cơm áo gạo tiền hay tiền bạc vật chất, địa vị chức quyền, sắc đẹp, tài năng, sức khỏe, sống lâu… chỉ đáp ứng được những nhu cầu về thể xác bên ngoài và không bền lâu, nên đã không thực sự mang lại hạnh phúc. Điều quan trọng để có hạnh phúc là một tâm hồn bình an và nhiều niềm vui như Đức Ma-ri-a, sau khi được bà chị Ê-li-sa-bét khen là người có phúc, đã dâng lời ca tụng Thiên Chúa như sau : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47).
Dù thân xác chúng ta có gặp những tai nạn rủi ro và những điều trái ý, nhưng người có đức tin vẫn luôn phó thác vào Thiên Chúa và gặp được niềm vui hạnh phúc trong sự nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân, quảng đại tha thứ cho những kẻ thù ghét bách hại mình, như Phó tế Tê-pha-nô khi bị kết án ném đá sắp chết, vẫn mở miệng cầu xin Chúa : “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60), hoặc như Đức Giê-su khi bị treo trên thập giá sắp chết cầu xin với Chúa Cha : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Như thế, hạnh phúc phải bắt nguồn từ Thiên Chúa là nguồn mạch mang lại hạnh phúc đích thực. Nơi nào có Chúa hiện diện thì nơi ấy sẽ có bình an hạnh phúc như Người đã hứa : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29).

3) Cho thì có phúc hơn là nhận (Cv 20,35) :
Trong một buổi hội thảo về hạnh phúc gồm 50 người tham dự. Diễn giả khởi đầu bằng một hoạt động tập thể. Ông đưa cho mỗi người một quả bóng và yêu cầu họ viết tên của mình lên trái bóng bằng chiếc bút lông. Sau đó, số bóng được thu hết lại trong giỏ rồi được đưa sang một phòng khác.
Rồi 50 người này lại được tập trung sang phòng chứa bóng và được yêu cầu hãy tìm quả bóng có ghi tên mình trong thời hạn 5 phút. Mọi người đều lao vào giỏ xô đẩy nhau để tìm kiếm quả bóng tên mình và căn phòng trở nên hỗn loạn, khi hết 5 phút mà ít có người tìm được quả bóng tên mình.
Sau đó, vị diễn giả lại yêu cầu mỗi người tự nhặt lên một quả bóng bất kỳ rồi tìm chuyển cho người có tên ghi trên bóng. Chỉ trong vòng 5 phút, ai nấy đều đã có được quả bóng tên mình.
Lúc này, vị diễn giả mới dẫn vào đề tài về hạnh phúc: Trong cuộc sống, mỗi người đều hối hả đi tìm hạnh phúc của mình, nhưng thực ra lại không biết chúng nằm ở đâu.
Hạnh phúc của chúng ta nằm xen lẫn với hạnh phúc của người khác. Hãy tìm cách làm cho người xung quanh có được hạnh phúc của họ, rồi chúng ta cũng sẽ được người khác mang lại hạnh phúc cho ta. Cũng như câu chuyện trên cho thấy: khi náo loạn đi tìm bóng thì sẽ không tìm thấy. Còn khi mỗi người cầm bóng trao cho kẻ khác thì chính họ cũng sẽ được người khác trao quả bóng hạnh phúc cho mình. Hãy cứ cho đi rồi sẽ được nhận lại : “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6,38).

4) Phương thế để được hạnh phúc thực sự là sống Tám Mối Phúc :
Hạnh phúc không ở đâu xa, nó luôn ở bên cạnh mình hoặc ở trong lòng mình. Có điều chúng ta quên điều này nên cứ đi tìm hạnh phúc ở nơi đâu khác và cuối cùng đành chịu mất nó.
Để luôn có hạnh phúc nghĩa là có Chúa ở cùng, là luôn có tình yêu của Chúa trong lòng, thì chúng ta phải thực hành Tám Mối Phúc bằng cách quên mình vị tha, ứng xử công bình nhân ái, như lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay : Sống khiêm hạ nghèo khó, luôn ăn ở hiền lành, chấp nhận đi con đường hẹp : “qua đau khổ vào trong vinh quang”, luôn khát khao nên người công chính, biết chạnh thương những kẻ bất hạnh, có tâm hồn trong sạch, luôn ăn ở thuận hòa, sẵn sàng chịu bách hại vì sống công chính, chấp nhận bị sỉ nhục vì danh Chúa...
Niềm hạnh phúc luôn có Chúa ở cùng, cũng chính là hạnh phúc mà chúng ta cần phải cầu chúc cho nhau trong giờ phút đón Giao Thừa và trong Năm Mới này. Dù chúng ta ít nhiều vẫn còn chịu đau khổ và gặp những điều trái ý, nhưng nếu thực sự có Chúa ở cùng, chắc chắn chúng ta vẫn cảm thấy vui mừng và hy vọng, bình an và hạnh phúc như thánh Phao-lô đã chia sẻ : “Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2 Cr 7,4b).

5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con quyết tâm thực thi tinh thần Tám Mối Phúc của Chúa trong Tin Mừng hôm nay, thể hiện qua cách suy nghĩ, nói năng và cách ứng xử khiêm tốn, vị tha, luôn nhẫn nhịn chịu đựng, từ bi nhân hậu, sẵn sàng tha thứ cho tha nhân noi gương Chúa khi xưa, để tâm hồn chúng con luôn được bình an, lạc quan vui vẻ từ giờ phút đón Giao Thừa này, như dấu chỉ chúng con sẽ được an bình hạnh phúc trong suốt năm nay và hạnh phúc ấy sẽ kéo dài mãi ở đời sau.- AMEN.

MÙNG MỘT TẾT
Mt 6,25-34
PHÓ THÁC VÀO TÌNH THƯƠNG QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).

2. CÂU CHUYỆN : TÁI ÔNG THẤT MÃ, AN TRI HỌA PHÚC
Sách Hoài Nam Tử có ghi lại một câu chuyện dạy đời như sau :
Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần bên Trường thành có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho nó ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua bên nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão. Ông lão bình tỉnh nói : “Các ông bà đừng lo cho tôi. Biết đâu con ngựa chạy mất kia sau này sẽ đem lại những điều tốt cho tôi”. Vài tháng sau, con ngựa chạy mất tự nhiên quay về nhà, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ. Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây. Ông lão không tỏ vẻ gì vui mừng mà nói : “Ông bà đừng vội chia vui với tôi. Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy về sau sẽ dẫn đến tai họa cho tôi”.
Quả nhiên con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết, chưa quen người nên nhảy loạn lên, khiến đứa con trai ông lão bị ngựa Hồ hất xuống đất, bị gãy một xương đùi thành ra bị què chân và thành người tật nguyền. Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão vì không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông như thế. Ông lão thản nhiên nói : “Xin các vị cũng đừng lo cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ cái họa nầy mà về sau sẽ biến thành phúc đó”.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ để ngăn chặn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới nhập ngũ và nhiều trai tráng đã bị tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân được miền đi lính, nên còn sống sót.

3. THẢO LUẬN :
1) Qua câu chuyện “Tái ông thất mã, an tri họa phúc” nghĩa là : Lão ông mất ngựa, họa hay là phúc?, bạn suy nghĩ thế nào về các điều phúc họa trong cuộc sống của bạn?
2) Tin Mừng trong thánh lễ Mùng Một Tết hôm nay dạy thế nào về sự quan phòng của Thiên Chúa trước những điều may rủi gặp phải giữa đời thường?

4. SUY NIỆM :

1) Nội dung Tin Mừng ngày đầu Năm Mới :
Tin Mừng thánh lễ ngày đầu Năm Mới hôm nay, Đức Giê-su đã dạy môn đệ đừng quá lo lắng về đời sống cho bản thân nhưng phải tin cậy vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa qua ba ví dụ cụ thể như sau :
Một là loài chim trời không gieo không gặt nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống.
Về việc sống lâu thì dù có lo lắng cũng không thể kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc!
Về cơm ăn áo mặc : Như loài hoa huệ ngoài đồng không kéo sợi may mặc, thế mà Cha trên trời vẫn cho chúng mặc áo đẹp hơn long bào của vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc.
Từ đó Đức Giê-su dạy các môn đệ phải biết phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa : “Nếu loài chim trời chẳng đáng giá là bao, và loài hoa đồng nội chỉ sớm nở tối tàn mà Cha trên trời còn chăm sóc cho như thế, phương chi con cái loài người chúng ta còn đáng giá hơn muôn phần lại không được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ sao?” Và Đức Giê-su kết luận : "Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó".

2) Về sự quan phòng của Thiên Chúa :
Ngày nay chúng ta cũng có muôn ngàn nỗi lo chính đáng : Người làm cha mẹ thì lo sao cho gia đình có cái ăn cái mặc hằng ngày, lo căn nhà đang ở khỏi dột khi mùa mưa đến, lo cho con cái được học hành tử tế, lo cho người nhà mắc bệnh được có tiền đi khám bệnh và mua thuốc, lo giá cả tiêu dùng không bị tăng vọt, lo mùa màng không bị thất bát do nắng hạn, sâu rầy hay lũ lụt... Những nỗi lo như thế phát xuất từ trách nhiệm của mỗi chúng ta và đều chính đáng theo thánh ý của Thiên Chúa.

3) Phải tránh thói ỷ lại lười biếng và vô trách nhiệm :
Chim trời tuy không phải vất vả gieo gặt như loài người, nhưng chúng cũng phải bay đi đó đây để tìm mồi. Hoa huệ ngoài đồng tuy không phải dệt may nhưng cũng phải đâm rễ tìm chất bổ dưỡng. Đàng khác chính Đức Giê-su đã nói : "Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6,34).
Không những Đức Giê-su không muốn chúng ta rơi vào thói hư lười biếng vô trách nhiệm, mà còn muốn ta phải chịu khó làm việc để góp phần làm cho môi trường mình đang sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn, cho thế giới này ngày một hoàn thiện hơn. Ngay từ khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ra lệnh cho họ phải canh tác trái đất và làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt 25,15-25), Đức Giê-su đã đòi mỗi đầy tớ phải làm lợi cho chủ gấp đôi các nén bạc được trao, chứ không được mang đi chôn giấu. Như vậy, chúng ta có bổn phận phải lo lắng, tiên liệu cho tương lai. Điều Chúa không chấp nhận là quá lo lắng về đời sống vật chất, coi nó là cùng đích đời mình.

4) Tiên vàn phải lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa :
Người môn đệ Đức Giê-su phải coi trọng Nước Thiên Chúa. Những điều khác cũng cần phải quan tâm, nhưng không được coi chúng hơn Nước Thiên Chúa. Người ta thường coi tiền bạc vật chất là số một và có khả năng giải quyết được mọi vấn đề của con người. Nhưng thực tế chứng minh suy nghĩ ấy thật sai lầm. Thực ra tiền bạc của cải là phương tiện cần để giúp con người có đời sống tốt hơn như người ta thường nói : “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc. Nó chỉ tốt khi chúng ta biết dùng nó như phương tiện, như đầy tớ của chúng ta. Nhưng tên đầy tớ tiền bạc này lại rất có uy, rất dễ tự coi mình là ông chủ lúc nào không hay. Khi nó đã nắm quyền làm chủ, nó sẽ bắt chúng ta là đầy tớ phải phụng sự nó với bất cứ giá nào.
Ưu tiên tìm nước Thiên Chúa là phải chịu khó làm việc với hết khả năng, tìm kiếm đối sách và nhìn xa trông rộng để giải quyết các vấn đề mới phát sinh theo khả năng của mình. Cần tránh thái độ ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Khi gặp sự khó, chúng ta tránh thụ động, nhưng phải biết chủ động xin ơn Thánh thần soi sáng để tìm ra cách giải quyết theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su trong Tin Mừng. Cần thực hành lời người xưa dạy: “Hãy làm hết sức mình, rồi trời sẽ giúp”, hoặc : “Hãy thắp sáng lên ngọn đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.

5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay Chúa đã dạy chúng con phải biết ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính, còn những thứ khác như ăn gì mặc gì, thì phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa Cha trên trời. Xin cho chúng con ý thức rằng: “Đồng tiền chính là đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ xấu”. Nhờ biết sử dụng đồng tiền phụng sự cho Nước Chúa và phục vụ tha nhân, mà chúng con sẽ có bình an nội tâm và sẽ nên chứng nhân của Chúa trước mặt người đời, góp phần xây dựng một thế giới mới là Nước Trời đời sau.- AMEN.


MÙNG HAI TẾT
Mt 15,1-6
HÃY HIẾU KÍNH ÔNG BÀ CHA MẸ

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Thiên Chúa đã dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo : Ai nói với cha với mẹ rằng : Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,4-6).

2. CÂU CHUYỆN :
Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già nên tay thường bị run, và có lần đã làm bể bát chén kiểu đắt tiền khi đang ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt một chiếc gáo dừa mang về gọt dũa làm thành một cái chén bằng gáo dừa để bố anh ta dùng. Đứa con trai của anh ta thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh trả lời con rằng : “Để ông nội con dùng chén gáo dừa này ăn cơm. Nếu có run tay làm rơi cũng không bị bể đó con”.
Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì anh nghe đứa con trả lời : “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này khi bố già dùng sẽ không bị bể nếu bị run tay giống như ông nội bây giờ!”.

3. THẢO LUẬN :
1) Về lối sống hiếu thảo với ông bà tổ tiên, bạn có đồng ý với câu người xưa nói : “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó” hay không? Tại sao?
2) Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?

4. SUY NIỆM :

 1) Ngày Xuân xây dựng tình thân gia đình :
Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết là dịp để các tín hữu chúng ta thực hành bổn phận hiếu thảo với ông bà tổ tiên, cụ thể là hai đấng sinh thành là cha mẹ. Sự hiếu thảo được thể hiện qua những lời nói, thái độ cử chỉ và hành động đối với cha mẹ, qua các món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ nói lên lòng thảo hiếu với các ngài.
Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được đón giờ phút thiêng liêng ngày đầu xuân bên cha mẹ, ông bà và con cháu.

2) Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ :
Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải thể hiện trong suốt thời gian sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình.
Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta cha mẹ là lá chắn che chở suốt đời mình.
Nếu cha mẹ già yếu, con cháu không được xem thường và coi các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, cho bú mớm và lau dọn vệ sinh khi ta còn thơ bé.
Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết.

3) Làm gì trong những ngày này? :
Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì như câu ca dao người xưa dạy:
“Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
“Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.
Dịp Xuân Mới, bạn sẽ mua biếu quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ ông bà còn sống và những đấng bề trên đã qua đời?

5. LỜI CẦU :
Lạy Thiên Chúa là Chúa của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con. Xin cho chúng con một Năm Mới an lành và hạnh phúc trong bàn tay quan phòng của Cha.- Amen.


MÙNG BA TẾT NGUYÊN ĐÁN
Mt 25,14-30
AI KHÔNG LÀM VIỆC THÌ CŨNG ĐỪNG ĂN !

1. LỜI CHÚA : "Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô" (1Pr 4,10-11).

2.CÂU CHUYỆN : SỰ TÍCH CON TRÂU ĐI CÀY.
Ngày xưa, khi thế gian mới được tạo thành, Thượng Đế đã sai một vị thần từ trời xuống trần mang theo 1 bao hạt lúa và 1 bao cỏ để gieo trên mặt đất. Thượng Đế đã dặn đi dặn lại vị thần gieo trồng là phải gieo hạt lúa làm thức ăn cho loài người trước rồi mới được gieo cỏ làm thức ăn cho loài vật. Nhưng khi xuống tới trần gian, do mãi mê ngắm phong cảnh tuyệt đẹp khác lạ ở trần gian nên thần gieo trồng đã quên lời dặn nên đã gieo cỏ trước gieo lúa. Từ đó, cỏ không cần trồng mà vẫn mọc lên khắp nơi và thú vật không cần lao động vẫn có dư cỏ ăn, đang khi loài người muốn có gạo phải chịu vất vả cày bừa gieo trồng mà vẫn bị bữa no bữa đói. Thượng Đế thấy vậy liền phạt tội vị thần gieo trồng tắc trách này phải bị hóa kiếp thành con Trâu để giúp loài người cày bừa trước khi gieo lúa và khi nào ăn hết cỏ mới được lên thiên đường. Nhưng rồi do cỏ mọc nhanh nên Trâu không sao ăn hết được, nên Trâu cứ phải tiếp tục chịu cảnh vất vả cày bừa để chịu đền tội và không sao thoát được kiếp làm trâu để có thể trở lại thiên đường.
Câu chuyện dạy chúng ta bài học : phải luôn làm việc cách nghiêm túc và chăm chỉ để có cái ăn như câu người ta thường nói : "Tay làm hàm nhai, tai quai miệng trễ". Hoặc như câu tục ngữ phương Tây : “Hãy làm hết sức mình rồi trời sẽ giúp”. Tránh thái độ ở không lười biếng không chịu làm việc mà chỉ biết ngồi “há miệng chờ sung rụng”.

3. THẢO LUÂN :
1) Thánh Kinh dạy gì về việc lao động bằng trí óc và tay chân?
2) Mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì trong Năm Mới này?

4. SUY NIỆM :
Có người nghĩ rằng con người làm bá chủ thiên nhiên và có toàn quyền làm chủ trái đất mà quên rằng Thiên Chúa mới là Đấng sáng tạo và làm chủ vũ trụ vạn vật. Tin mừng Gio-an đã cho biết về công trình Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc như sau : “Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tao thành” (Ga 1,1-3). Hôm nay, Hội Thánh muốn các tín hữu hiểu biết giá trị của công việc tạo dựng của Thiên Chúa và dạy chúng ta phải tích cực cộng tác với Thiên Chúa để góp phần hoàn thiện thiên nhiên như Chúa đã tự nhủ khi sáng tạo nên loài người : “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).

1) Loài người được trao quyền làm chủ thiên nhiên :
Sau khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa đã trồng một vườn cây ở Ê-đen về phía Đông, và đặt vào đó con người do ngài dựng nên… “Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây, trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,9). Như vậy, Thiên Chúa không muốn con người ở không, nhưng đòi họ phải làm việc. Bởi vì : “Nhàn cư vi bất thiện”. Từ đây con người phải làm việc theo thánh ý Thiên Chúa và chỉ làm việc thành công khi biết cậy dựa vào ơn Chúa giúp như tác giả Thánh Vịnh đã viết : “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1).

2) Gương sáng lao động của thánh gia Na-da-rét :
Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su đã được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo khó tại làng Na-da-rét : Cha nuôi của Người là ông Giu-se hành nghề thợ mộc, còn mẹ đẻ là bà Ma-ri-a thì chăm lo công việc nội trợ phục vụ chồng con. Riêng trẻ Giê-su thì ngoan ngoãn hiếu thảo vâng lời cha mẹ (x. Lc 2,51), chia sẻ nỗi vất vả của cha mẹ, luôn qui hướng mọi việc theo thánh ý Chúa Cha (x. Lc 22,41), và làm vui lòng Ngài (x. Lc 2,46; Ga 4,34).
Trong khi đi giảng đạo, Đức Giê-su đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, kèm theo việc chữa lành mọi thứ tật bệnh. Người đặt nặng công việc phục vụ hơn là giữ Luật Mô-sê. Do đó Người đã chữa bệnh trong ngày sa-bát là ngày bị Luật cấm làm việc. Người đã trả lời cho các đầu mục Do thái như sau : "Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát” (Mc 2,27-28). Đức Giê-su cũng khẳng định vai trò ngang hàng với Thiên Chúa trong công việc như sau : “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

3) Phải chăm chỉ làm việc để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân :
Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn của Đức Giê-su về những nén bạc nhằm dạy môn đệ phải cộng tác để làm lợi thêm các nén bạc vật chất tinh thần được Chúa trao phó như sau :
Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao phó tài sản của ông : người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén tùy khả năng mỗi người. Điều ông muốn nơi các đầy tớ là sự chăm chỉ làm việc theo ý của ông và không chấp nhận sự lười biếng. Khi ông chủ trở về và đòi các đầy tớ tính sổ : người đã lãnh năm nén và ba nén bạc đều đã làm lợi thêm gấp đôi nên được chủ khen thưởng. Trái lại, người lãnh một nén do bất tín và biếng nhác đã mang nén bạc đi chôn vì sợ bị phạt thay vì yêu mến làm lợi thêm cho chủ. Cuối cùng anh ta đã bị mất tất cả những gì đang có.

4) “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn !” :
Thời Giáo Hội sơ khai, tông đồ Phao-lô nghe biết có một số tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca lười biếng làm việc vì nghĩ rằng sắp đến ngày tận thế, ngài đã viết thư khuyên họ như sau : "Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em : ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói : trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí !” (2 Tx 3,10-13). Rồi khi từ biệt các tín hữu ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm về sự làm việc như sau : "Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy : Cho thì có phúc hơn là nhận." (Cv 20,33-35).

5) Chúng ta phải làm gì?
Trong Kinh Tiền Tụng Thánh lễ Mùng Ba Tết, Hội Thánh đã ca tụng Thiên Chúa như sau : "Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người mà còn để làm trạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại thế ".
Ông Tê-tu-li-a-nô dạy người tín hữu phải làm mọi việc với tinh thần đức Tin như sau : “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu phải làm mọi sự để qui hướng về Thiên Chúa : “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Mỗi người chúng ta hãy làm việc theo đúng luật và phù hợp với thánh ý Thiên Chúa khi sử dụng những gì Chúa trao như : Sự sống, thời gian, tài năng, của cải, con cái... và cần ý thức rằng : chúng ta sẽ phải trả lẽ trước tòa phán xét sau này.

5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc chúng con vẫn còn có thái độ lười biếng, chưa tích cực cộng tác với Chúa để chu toàn nhiệm vụ được Chúa và Hội Thánh trao phó. Chúng con cũng thường hay kêu trách Chúa khi cầu xin những điều chúng con nghĩ là tốt mà không được như ý. Xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng những gì ở trong tầm tay để phục vụ Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con sau này được Chúa cho vào Nước Trời hưởng Tôn nhan Chúa đến muôn đời.- Amen.
 
Chúa Giêsu, Ánh Sáng muôn dân
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
22:38 15/01/2023
CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN

Is 8,23-9,3; 1 Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23

CHÚA GIÊSU, ÁNH SÁNG MUÔN DÂN

Trong thánh lễ Chúa Nhật III Thường Niên này, chúng ta suy niệm về chủ đề mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lên: “Chúa Giêsu là ánh sáng muôn dân.”

1. Ánh sáng chiếu soi đêm tối

Trong bài đọc I, hình ảnh được dùng ở đây là ánh sáng. Tiên tri Isaia nói về Galilê là mảnh đất của dân ngoại, những con người không thanh sạch và nhỏ bé, thấp hèn. Nhưng trong cái nhìn tiên tri của Isaia, đây là nơi mà ánh sáng của Thiên Chúa sẽ xuất hiện và “dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). Dưới ánh sáng của mạc khải Tân Ước, chúng ta nhận ra ánh sáng mà Isaia loan báo đó chính là Đức Giêsu, Người là ánh sáng soi chiếu cho muôn dân.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nói với dân chúng ở Côrintô, những người được coi là đã đón nhận ánh sáng Chúa Kitô, ánh sáng đó đã đến với họ để soi chiếu lòng trí họ nhận ra con đường dẫn tới ơn cứu độ. Tuy nhiên, khốn thay có những tranh chấp, xung đột và chia rẽ đã xảy ra giữa cộng đoàn vì lòng trung thành và trung tín của họ. Ánh sáng của Chúa Kitô đã bị giảm thiểu và hiểu một cách sai lạc. Họ tranh luận nhau:

“Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô. Thế ra Đức Kitô bị chia năm xẻ bảy rồi ư?” (1 Cr 1,12-13).

Thế ra, thay vì tập trung vào Chúa Kitô, họ lại tập trung vào các Tông Đồ, những người rao giảng về Chúa Kitô. Và như thế có một sự cắt đứt với ánh sáng ở giữa họ: một số thì trung thành hơn với Phêrô, một số thì trung thành hơn với Phaolô hay Apôlô hơn là trung thành với Chúa Giêsu. Điều này đã mang đến cho cộng đoàn những bóng tối về sự chia rẽ, thiếu sự hiệp nhất. Điều này là một sự nhắc nhở rất ý nghĩa cho chúng ta, những tông đồ của Chúa, các giám mục, linh mục, giáo dân, các cô thầy giáo, những người hướng dẫn… chúng ta không được chiếm chỗ của Chúa Kitô nơi dân chúng, không được cạnh tranh với Người. Bởi Người là ánh sáng cho muôn người và khi dân chúng đến với chúng ta, chúng ta phải hướng họ đến với Chúa Kitô như Phaolô đã làm.

2. Chúa Giêsu, ánh sáng thật

Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu bước vào một khoảnh khắc của bóng tối, tương tự như trong bài đọc I, Isaia nói tới, dân bước đi trong đêm tối. Ở đây là bóng tối gì vậy? Gioan Tẩy Giả đã bị bắt và bị bỏ tù. Đó là một giây phút rất đen tối của xã hội lúc bấy giờ đối với các môn đệ của Gioan và cả các môn đệ của Chúa Giêsu, những người được Gioan giới thiệu đến với Người. Nhưng đây là khoảnh khắc đêm tối không biết làm sao để hướng tới ánh sáng, bởi vì khi Gioan Tẩy Giả bị bắt, Chúa Giêsu rút lui và lánh qua miền Galilê, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê. Người đến với đoàn dân ngoại, không trong sạch và bị khinh thường, từ đó ánh sáng đã bừng lên chiếu rọi mọi người.

Theo thánh Mátthêu, việc Chúa Giêsu rút lui để đến Galilê, nơi dân ngoại sinh sống là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: Ánh sáng sẽ đến và ánh sáng Chúa Kitô đến với một thông điệp mở đầu:

“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17).

Nước Trời không phải là triều đại của thế giới này, nhưng là triều đại đến từ trên cao. Nước Thiên Chúa rất gần, đang đến với chúng ta và nó đến với chúng ta qua Galilê, qua một dân tộc bị ngờ vực, một dân tộc không thanh sạch. Ánh sáng sẽ đến. Nước Thiên Chúa đang đến với chúng ta. Nên chúng ta phải hoán cải đời sống. Vì Chúa đang đến với chúng ta, nên những gì không thuộc về Thiên Chúa cần phải từ bỏ và quay về với Chúa, trở về với ánh sáng này. Nước Thiên Chúa đang đến với chúng ta, vậy ngay bây giờ, chúng ta hãy chọn lựa để thuộc về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta phải từ bỏ những sự lệ thuộc, những dính bén của chúng ta với những gì mà chúng ngăn cản chúng ta đến với ánh sáng Chúa Kitô.

3. Để nên ánh sáng cho đời

Có một cách thế khác để ánh sáng của Nước Thiên Chúa đến với dân chúng ở Galilê: Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên của mình không ở Giêrusalem, thành thánh, nhưng ở miền quê Galilê. Phêrô, Anrê, Gioan và Giacôbê. Người mời gọi họ:

“Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19).

Đây là lời mời gọi khác: Nước Thiên Chúa đã đến gần. Nào hãy đến và theo tôi. Tôi sẽ tôn trọng các anh, những ngư phủ. Tôi biết khả năng của các anh. Tôi biết các anh giỏi về mặt gì. Nào, hãy đến và theo tôi, tôi sẽ biến đổi các anh trở thành những kẻ lưới người. Cũng là một nghề, nhưng có gì đó khác biệt bởi vì từ đây, họ trở thành những người phục vụ Nước Trời. Họ sẽ trở thành những kẻ đánh bắt cá người như là ánh sáng đến chiếu soi và hướng dẫn họ đến với ánh sáng Chúa Kitô. Ngày hôm nay, Giáo Hội mời gọi tất cả chúng ta tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới. Đây là sứ vụ cao cả, đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ như các môn đệ đầu tiên để có thể lên đường theo Chúa và loan báo Nước Trời. Tất cả chúng ta đều được mời gọi: Hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay.

Như thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc là xa lánh các tội lỗi, nhưng còn làm cho mình sẵn sàng trở thành người phục vụ Nước Thiên Chúa, nhờ đó qua tôi, trong mọi sự, tôi trở thành một ngư phủ, một cảnh sát, một thầy, cô giáo, một doanh nhân, một thương gia…, tôi có thể đưa những người khác tới ánh sáng Nước Trời trong Chúa Kitô. Nhờ ánh sáng đó soi sáng, chúng ta đã được thoát cảnh tối tăm của u mê, tội lỗi, và giúp chúng ta sẵn sàng phục vụ Người. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người Công Giáo yêu mến Đức Hồng Y Pell hơn cả thế gian ghét ngài
Vu Van An
16:48 15/01/2023


Trên tuần báo The Catholic Weekly của Tổng giáo phận Sydney, ngày 13 tháng 1 năm 2023, (https://www.catholicweekly.com.au/peter-rosengren-cardinal-george-pells-enduring-legacy-at-home-and-in-rome/) Peter Rosengren nhận định rằng trong khi hầu hết các giám mục đều được các cộng đồng của họ thương tiếc, thì tầm vóc của Đức Hồng Y George Pell lớn lao đến nỗi tin tức về cái chết của ngài ở Rôma vào ngày 11 tháng 1 ở tuổi 81 đã được người Công Giáo Úc ở khắp mọi nơi đón nhận như một cú sốc và ngay lập tức được đưa tin khắp thế giới.



Hiệu quả này càng lớn lao hơn nhờ ảnh hưởng mạnh mẽ của ngài trong Giáo hội và chính trị trong nhiều thập niên, sự thăng tiến của ngài trong các công việc của Giáo hội và mưu toan ám sát ngài bằng pháp luật bởi sự cuồng loạn của công chúng trong một sự kiện pháp lý có thể là đáng xấu hổ nhất trong lịch sử quốc gia.

Trước khi qua đời, ngài đã trở thành nhân vật quan trọng thứ ba ở Vatican, giữ chức Bộ Trưởng Văn phòng Kinh tế đầu tiên sau khi được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo các nỗ lực dọn dẹp mớ hỗn độn tài chính kỳ lạ của Vatican.

Cả ở Úc và quốc tế, Đức Hồng Y Pell là mối liên kết giữa hai thế giới: một đức tin Công Giáo mạnh mẽ và tự tin hơn nhiều vào nửa đầu Thế kỷ 20 và việc Giáo hội tìm cách giải quyết những thách thức của thời hiện đại ngày càng coi Kitô giáo, và Giáo Hội Công Giáo nói riêng, như không còn liên quan gì đến ý nghĩa của cuộc sống con người.

Việc ngài sẵn lòng tham gia tranh luận và quảng cáo công khai cho Chúa Kitô, Kitô giáo và Giáo hội đã khiến ngài được nhiều người Công Giáo trên toàn quốc ngưỡng mộ. Nó cũng đã gây ra cho ngài quá nhiều kẻ thù. Nhưng Giáo hội của ngài yêu mến ngài nhiều hơn thế gian ghét ngài.

Một khi đã bước vào cuộc tranh luận, ngài thường không thể được xếp vào loại tế nhị, thay vào đó, ngài chọn cách đề cập tới các chủ đề một cách trực diện và nếu cần, thẳng thừng. Việc ngài sẵn sàng nói rõ ràng và tránh ngôn ngữ nhẹ nhàng và thường cực kỳ hòa hoãn của những người cùng thời với ngài trong giáo hội đã khiến ngài được người Công Giáo ở khắp mọi nơi quý mến. Trên hết, họ coi ngài là một nhà lãnh đạo dũng cảm trong đức tin, điều mà họ hiếm khi gặp được.

Họ gọi ngài đơn giản là “Đức Hồng Y”. Bất cứ khi nào họ sử dụng chữ này, họ đều biết họ đang nói về ai. Trên hết, Đức Hồng Y George Pell là một người can đảm.

Tầm vóc khổng lồ của ngài trong Giáo hội ở Úc có nghĩa là cái chết của ngài trong tháng này đã được đón nhận nhiều như tin tức vào năm 1963 về việc bước vào cuộc sống vĩnh cửu của người tiền nhiệm của ngài là Đức Tổng Giám Mục Melbourne, Daniel Mannix.

Đức Hồng Y Pell ngưỡng mộ Đức Tổng Giám Mục Mannix vì sự bảo vệ mạnh mẽ của ngài đối với một Giáo Hội Công Giáo mà trong lịch sử đã bị con cháu Thệ phản Anglô Saxông của Úc lúc bấy giờ hạ xuống vị trí hạng hai.

Giống như “Danny” Mannix đã đối đầu với Thủ tướng Billy Hughes về vấn đề cưỡng bách tòng quân trong Thế chiến thứ nhất và giành chiến thắng, “Đức Hồng Y” không sợ đảm nhận các vấn đề khó khăn hoặc chức vụ cao trong cuộc tranh luận công khai, ngay cả khi điều đó có nghĩa là đảm nhận các chức vụ không được ưa chuộng.

Điều quan trọng với ngài là sự thật, điều mà ngài không bao giờ tin là được xác định bởi các cuộc thăm dò dư luận hoặc tình cảm của công chúng, bất kể mức độ phổ biến như thế nào.

Thông phần vào Thập Giá Chúa Kitô

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Pell chắc chắn đã dự một phần vào Thập Giá mà Chúa của ngài dường như dành cho những người mà Người hết sức yêu thương khi ngài bị buộc tội lịch sử về lạm dụng tình dục, bị kết án tại một tòa án ở Victoria vào tháng 2 năm 2019 và bị kêu án tù.

Người Công Giáo Úc đã bị sốc khi biết một anh hùng của đức tin và bản sắc của họ đã bị kết án vì những tội ác ghê tởm nhất, tuy nhiên nhiều người cảm nhận rõ rằng cuộc điều tra về căn bản đã được dàn dựng một cách tồi tệ bởi những người quyết tâm gài bẫy ngài. Kết quả là một trò hề pháp lý, vì không có nhân chứng và bằng chứng.

Tất cả điều này đã xảy ra trong bối cảnh phổ biến của một số báo chí tồi tệ nhất trong lịch sử Úc, bao gồm cả từ đài truyền hình quốc gia của Úc, nơi đã muốn dư luận trên toàn quốc và ở tiểu bang quê hương của ngài bị đầu độc chống lại ngài trong nhiều năm, khiến - nhiều chuyên gia pháp lý đồng ý - một xét xử công bằng gần như không thể có.

Ngay cả những người Công Giáo đối lập và chỉ trích quan điểm thần học và chính trị của Đức Hồng Y, chẳng hạn như giáo sư luật Đại Học Công Giáo Úc, Frank Brennan SJ, đã coi cuộc điều tra, xét xử và các bản án kết quả là siêu thực, vượt quá niềm tin hợp lý và là trò hề công lý rõ ràng.

Chuyên gia về Luật Hiến pháp Úc, Giáo sư Greg Craven, Phó Viện trưởng Viện Đại học Công Giáo Úc, đã đồng tình trong cách hiểu của ông đối với mớ hỗn loạn pháp lý và não trạng bề hội đồng của đám đông công chúng đã được tung ra để chống lại Đức Hồng Y.

Điều trớ trêu nhất là, bắt đầu với tư cách Tổng Giám mục Melbourne, vị giáo phẩm này đã quyết tâm thay mặt các nạn nhân giải quyết các tội ác lạm dụng, kể cả các cách hỗ trợ họ và cung cấp các biện pháp khắc phục. Trong khi đó, các đồng nghiệp giám mục người Úc thận trọng hơn nhiều của ngài vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề và không thoải mái với quyết định của ngài.

Do đó, việc cuối cùng Đức Hồng Y Pell được tòa án tối cao minh oan và nhất trí tha bổng vào tháng 4 năm 2020 là một cái tát lịch sử và nặng nề vào mặt cảnh sát Victoria, các công tố viên, hai trong số ba thẩm phán chủ tọa phiên phúc thẩm của ngài và giới truyền thông, những người đã hỗ trợ và tiếp tay cho toàn bộ sự kiện. Việc tha bổng đã trở thành tiêu đề hoàn cầu.

Trong khi đó, cuộc tranh cãi ở Úc đã tạm thời làm lu mờ tầm quan trọng lịch sử rộng lớn hơn của Đức Hồng Y Pell đối với Giáo hội ở Úc và trên toàn thế giới.

Một sự nghiệp trái ngược với thế gian

Sinh ngày 8 tháng 6 năm 1941 khi chiến tranh nổ ra trên khắp thế giới với cha mẹ là ông bà George và Margaret Pell, chàng trai trẻ người Úc cao lớn đã đăng ký với Câu lạc bộ bóng đá Richmond vào năm 1959 và chơi trong đội dự bị của môn túc cầu Úc. Tuy nhiên, sự nghiệp như một ngôi sao trong các trận đấu quốc gia của Úc đã không thành.

Thay vào đó, chàng trai trẻ George Pell bắt đầu học để trở thành linh mục tại Corpus Christi College, Werribee vào năm 1960, và cũng theo học trường Cao đẳng Truyền bá Đức tin ở Rome.

Thời gian có tính lịch sử; diễn trình học tập để trở thành linh mục của George Pell diễn ra trong Công đồng Vatican II năm 1962-1965, một sự kiện mang tính bước ngoặt trong đời sống của Giáo hội hiện đại.

Ngài được thụ phong cho Giáo phận Ballarat vào năm 1966 bởi Đức Hồng Y Grégoire-Pierre Agagianian, vị Hồng Y từng là đặc sứ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII tại Đại hội Thánh Mẫu Saìgòn năm 1959, khi vẫn đang học ở Rome.

Ngài tiếp tục học tại Đại học Oxford, nhận bằng Tiến sĩ về Lịch sử Giáo hội vào năm 1971, một thời gian nghiên cứu cung cấp thông tri sâu sắc cho suy nghĩ của ngài về một Giáo hội đang nhanh chóng bị nhấn chìm bởi sự thay đổi triệt để trong quan điểm của thời hiện đại.

Khi Giáo hội hoàn cầu nhận thấy mình bị ảnh hưởng bởi các cuộc tranh luận của thời đại về mọi điều, từ biện pháp tránh thai đến thần học giải phóng, Giáo hội mỗi năm mỗi thấy mình bước vào cuộc khủng hoảng về căn tính của chính mình.

Tuy nhiên, trong khi nhiều người Công Giáo gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bị coi là mất phương hướng về phần Giáo hội, trong khi sử gia George Pell chấp nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình, ngài biết rõ Giáo hội đã nhiều lần trải qua những điều tồi tệ hơn. Ngài luôn giữ tinh thần lạc quan.

Với những ai cảnh báo về một Giáo Hội có nguy cơ bị tràn ngập bởi dị giáo, đôi khi ngài nhấn mạnh rằng nếu muốn thấy một Giáo hội đang gặp khó khăn nghiêm trọng, thì thay vào đó, nên nhìn vào kinh nghiệm của Giáo Hội trong Thế kỷ thứ 10, trong đó sự thối nát lan tràn phần lớn đời sống của Giáo Hội.

Trong khi đó, mối quan hệ lâu dài của ngài với những nhân vật như BA Santamaria, nhà trí thức Công Giáo có ảnh hưởng ở Melbourne, đã khiến ngài bị xếp vào loại “bảo thủ” trong các công việc của Giáo hội ở Úc.

Mặc dù hai người không đồng ý với nhau về mọi chuyện, nhưng Santamaria, từng được người viết tiểu sử của Gough Whitlam mô tả như nhà trí thức duy nhất của Úc thuộc đẳng cấp cao của châu Âu, là một trong những nhánh trí thức chính của George Pell.

Hai người chia sẻ niềm đam mê đối với Giáo hội, bóng đá và chính trị, cũng như một tình bạn sâu sắc và sự tôn trọng lẫn nhau. Chính Đức Tổng Giám Mục Pell lúc đó đã chủ trì lễ tang cấp nhà nước của Santamaria tại Nhà thờ Chính tòa St Patrick ở Melbourne vào năm 1998.

Một dấu chỉ mâu thuẫn

Do đó, việc tấn phong ngài làm Giám Mục Phụ Tá của Melbourne vào năm 1987 đã được người Công Giáo Úc lo lắng theo dõi với hy vọng có sự tự do hơn cho tín lý của Giáo hội, trong các vấn đề hôn nhân, ngừa thai và luân lý tính dục vốn trở thành tiêu điểm của một xã hội đang trong diễn trình thay đổi sâu xa do cuộc Cách mạng Tình dục những năm 1960 gây ra.

Tuy nhiên, việc ngài được Thánh Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng Giám mục thứ bảy của Melbourne vào năm 1996 đã gây ra một cú sốc đối với các giới quan liêu và giáo sĩ trị của Giáo hội, nhiều người trong số họ dường như đã mặc nhiên quyết định theo đuổi một cuộc rút lui nhằm nhích lại gần với một nước Úc ngày càng bị thế tục hóa, trong bối cảnh một cộng đồng Công Giáo rõ ràng đang suy giảm về số lượng.

Sự quyết đoán và khả năng lãnh đạo của George Pell không mất nhiều thời gian để bộc lộ. Ngài ưu tiên cải tổ Chủng viện Tổng giáo phận, thiết lập các thực hành bắt buộc đối với các chủng sinh như tham dự Thánh lễ hàng ngày và lần chuỗi Mân Côi - những thực hành được coi là bình thường ở mọi nơi khác trong Giáo hội.

Các nhân viên chủng viện giận dữ đã nổi dậy và công khai đe dọa sẽ từ chức chống lại việc áp đặt lại những gì họ coi là chương trình nghị sự “bảo thủ” của Tổng Giám mục.

Một cách đầy cá tính, George Pell đã nắm bắt cơ hội và chấp nhận đơn từ chức của họ. Ngài lập tức bắt tay vào việc bổ nhiệm lại các nhân viên mà ngài tin tưởng sẽ đào tạo nên các linh mục cho công cuộc tân phúc âm hóa.

Lấy cảm hứng từ việc Đức Giám Mục William Brennan khai trương chủng viện riêng của mình ở Wagga Wagga vào năm 1992, sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Sydney vào năm 2001, ngài đã hồi sinh Chủng viện Good Shepherd tại Homebush.

Theo sự dẫn dắt của một đồng minh giám mục thân cận khác, Đức Tổng Giám Mục Barry Hickey của Perth, ngài đã lo cho chủng viện Redemptoris Mater thứ hai của Úc được mở tại Villawood, hoạt động dưới sự bảo trợ của Con đường Tân dự tòng.

Khuôn mặt công khai của ngài trong các cuộc tranh luận đã khiến nhiều người coi ngài là một nhà lãnh đạo bẩm sinh, với thủ tướng lúc đó là John Howard chỉ định ngài là đại biểu của Hội nghị Lập hiến Úc năm 1998.

Phục vụ Rome và Giáo hội hoàn vũ

Tuy nhiên, khuôn mạo Đức Tổng Giám Mục Pell đã được theo dõi xa hơn. Năm 1990, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm thành viên của Bộ Giáo lý Đức tin, vốn là cơ quan bảo vệ tín lý chính của Giáo hội trong nhiều thế kỷ, nơi ngài sẽ phục vụ cho đến năm 2000.

Việc bổ nhiệm nhạy cảm và quan trọng về phía vị thánh-giáo hoàng tương lai phản ảnh mức độ tin tưởng và tôn trọng đối với phán đoán trí thức và sự hiểu biết của Đức Tổng Giám Mục Pell về Giáo hội.

Năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Chủ tịch Ủy ban Vox Clara về các bản dịch tiếng Anh của các bản văn phụng vụ, một sự bổ nhiệm quan trọng để bảo đảm các bản dịch Thánh lễ sang tiếng bản xứ trung thành với các bản văn tiếng Latinh.

Việc dịch các bản văn đã phát triển thành một vấn đề trong Giáo hội trong nhiều thập niên sau Công đồng Vatican II, khi Thánh lễ bắt đầu được cử hành bằng tiếng bản xứ. Đồng thời, những đổi mới phụng vụ - một số kỳ lạ và chắc chắn không bao giờ được công đồng cho phép hoặc kêu gọi - đã nhân lên và phát triển mạnh ở nhiều quốc gia.

Các bản dịch do Vox Clara thực hiện dưới sự chủ trì của George Pell đã trở thành những bản văn dứt khoát của những lời cầu nguyện được sử dụng cho việc cử hành Thánh lễ Công Giáo trên khắp thế giới.

Năm 2003, ngài được phong Hồng Y bởi Thánh Gioan Phaolô II, khiến ngài trở thành một trong số khoảng 130 người chịu trách nhiệm bầu chọn người kế vị thứ 264 của Thánh Phêrô.

Việc bổ nhiệm làm Hồng Y, trong căn bản là một thành viên trong nội các cố vấn của Đức Giáo Hoàng, là một trong những dấu hiệu tin cậy cao nhất đối với sự dấn thân của một cá nhân đối với Chúa Kitô và Giáo hội. Nó cũng tự động làm cho những người đã được phong Hồng Y trở thành giáo hoàng tiềm năng trong tương lai.

Năm 2005, Đức Hồng Y Pell trở thành thành viên của mật nghị bầu chọn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, một giáo sĩ trầm lặng, uyên bác và nhã nhặn, làm Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Ratzinger, một trong những nhà thần học hàng đầu của thời đại, đã từng là một chuyên viên tại Vatican II. Trước cuộc khủng hoảng đang diễn ra của chính Giáo hội về căn tính trong thời hiện đại, Đức Hồng Y Pell đã xác định rõ ràng tính chính thống của Công đồng Vatican II và nỗ lực bảo đảm giáo huấn của nó lan rộng và được chấp nhận trong toàn Giáo hội.

Mặc dù các Hồng Y bị cấm tiết lộ bất cứ chi tiết nào của mật nghị, nhưng Đức Hồng Y Pell được coi là người có ảnh hưởng lớn trong quyết định bầu chọn Ratzinger làm giáo hoàng của mật nghị.

Ngày Giới trẻ Thế giới: một chiến thắng

Mặc dù ngày càng tham gia nhiều hơn vào các công việc của giáo hội ở bình diện hoàn cầu, nhưng Đức Hồng Y Pell đã không bỏ bê thành phố Sydney được ngài chọn làm thành phố thân yêu của ngài. Với sự tự tin đặc trưng, ngài bắt đầu vận động hành lang cho Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Sydney năm 2008 trong một chiến dịch hậu trường được phối hợp và tổ chức chặt chẽ.

Ngài coi sự kiện này là một thời điểm khích lệ và tiềm năng quan trọng trong đời sống của một Giáo hội đang đương đầu với thực tại nằm ở một trong những xã hội thế tục nhất trên thế giới.

Nửa triệu người hành hương đã đến Sydney vào năm 2008 để tụ họp với tân giáo hoàng người Đức, Hồng Y Pell và các giám mục từ khắp nơi trên thế giới. Công việc tổ chức hàng ngày của sự kiện lớn được giao cho Giám Mục Phụ Tá Sydney lúc đó là Anthony Fisher OP.

Bất chấp sự xa xôi của Úc với phần còn lại của thế giới, sự kiện ở Sydney được coi là thiết lập một tiêu chuẩn mới xuất sắc cho các cuộc tụ họp Ngày Giới trẻ Thế giới và là một thí dụ điển hình về cách tổ chức thành công.

Trong số những thành quả của nó là việc nhiều người trở lại với Giáo hội và nhiều ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, đời sống tu trì và chức linh mục, cùng với tác động rộng lớn hơn đối với Giáo hội ở Sydney và Úc. Tác động của nó tiếp tục diễn ra 15 năm sau sự kiện.

Đức Hồng Y Pell cũng dấn thân mạnh mẽ vào giáo dục, đặc biệt vào thời điểm trong đó Ngành Học Thuật ở các xã hội phương Tây dường như đã tự nguyện đầu hàng các ý thức hệ tản mạn chủ yếu được thống nhất nhờ việc bác bỏ và thù địch đối với Kitô giáo.

Ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng ngành giáo dục đại học Công Giáo của Úc: trong tư cách Viện trưởng danh dự xây dựng Đại học Công Giáo Úc, người sáng lập phân bộ Melbourne của Viện Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II, đồng sáng lập cơ sở Sydney của Đại học Notre Dame Australia, và là người hỗ trợ có ảnh hưởng của Cao đẳng Campion, trường cao đẳng Nghệ thuật Tự do đầu tiên của Úc.

Ngài coi những sáng kiến trên và những sáng kiến khác như cung cấp cho giới trẻ một nền giáo dục độc đáo nhưng cũng góp phần vào lợi ích chung lâu dài của xã hội.

Trong suốt thời gian làm Hồng Y Tổng Giám mục Sydney, ngài đã theo đuổi các mối quan hệ và liên minh chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác như Tổng Giám mục Anh giáo lúc bấy giờ của Sydney Peter Jensen và thúc đẩy nhiều phong trào mới ở Sydney. Giáo hội là một trong số ít dấu hiệu của sự phát triển đầy tự tin trong bối cảnh Công Giáo Úc.

Năm 2012, ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm thành viên của Bộ Giám mục, một chức vụ quan trọng tư vấn cho Đức Giáo Hoàng về việc lựa chọn các giám mục để lãnh đạo Giáo hội trên khắp thế giới và do đó xác định phần lớn đặc tính của Giáo hội ở bất cứ nơi nào nó hiện hữu.

Sau sự từ chức lịch sử của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, vào năm 2013, Đức Hồng Y Pell đã tham gia mật nghị thứ hai, chắc chắn sớm hơn nhiều so với dự đoán của ngài vì không có giáo hoàng nào nghỉ hưu trong hơn sáu thế kỷ.

Kết quả bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam bán cầu, người Mỹ đầu tiên và người Argentina đầu tiên, có thể đã khiến vị Hồng Y người Úc nghĩ rằng cuối cùng ngài cũng có thể bắt đầu suy tính về việc nghỉ hưu.

Thay vào đó, ngài được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng đầu tiên của Văn phòng Kinh tế Vatican mới được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào tháng 2 năm 2014, được giao nhiệm vụ nhạy cảm là hỗ trợ Đức Giáo Hoàng cải cách và giải quyết tình trạng lạm dụng và tham nhũng tài chính của Vatican từng kéo dài trong nhiều thập niên.

Tình trạng tồi tệ của các khía cạnh quản lý tài chính của Vatican được cho là một trong những yếu tố khiến Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI già yếu phải từ chức giáo hoàng.

Đức Hồng Y Pell đã cư trú toàn thời gian ở Rôma và bắt đầu quá trình gian khổ để xác định những gì hiện hữu về tài chính và những gì cần phải làm.

Điều rõ ràng là ngài đã vấp phải sự phản đối gay gắt của giáo triều, kể cả từ các nhân vật cao cấp ở Vatican, những người đã không ngờ phải đối phó với sự xem xét kỹ lưỡng và nhân cách mạnh mẽ của cậu bé người Úc xuất thân từ rừng rậm.

Quyết định trở lại Úc của ngài để đối đầu với cáo buộc lạm dụng — mặc dù ngài có thể chọn ở lại Vatican vô thời hạn — đã khiến ngài từ bỏ vai trò của mình. Quyết định cũng cho thấy điều có thể được mô tả là sự ngây thơ đáng ngạc nhiên của vị giáo phẩm liên quan đến hệ thống pháp luật Úc, khi ngài cho rằng mong muốn trở lại của ngài được thúc đẩy chính bởi lòng mong muốn có công lý và được bênh vực mình trước một tòa án.

Điều chắc chắn là cả ngài lẫn nhóm pháp lý của ngài đều không biết rõ các thủ tục đầy ác mộng và kỳ lạ của hệ thống đó. Sau khi Tòa án tối cao minh oan cho ngài, có vẻ như một trong những người tìm cách làm hỏng nỗ lực cải cách tài chính của ngài ở Vatican, Đức Hồng Y Angelo Becciu - hiện đang bị xét xử ở Vatican vì các giao dịch tài chính mờ ám liên quan đến một tài sản đầu tư ở London - đã gửi vài triệu đô la đến Úc chính vào thời điểm có phiên toà xử Đức Hồng Y Pell.

Sau khi được trả tự do, Đức Hồng Y Pell đã mời Đức Hồng Y Becciu một cách rõ ràng và công khai giải thích nhiều lần về ý hướng và mục đích sử dụng số tiền này. Các chi tiết đã không được đưa ra.

Di sản lâu dài của Đức Hồng Y Pell

Tuy nhiên, điều tốt đẹp có thể đến từ bóng tối. Điều hoàn toàn có thể là rất lâu sau khi ngài qua đời, di sản lâu dài nhất của ngài sẽ được tìm thấy trong nhật ký trong tù của ngài.

Những tài liệu trầm lặng, đầy suy tư này có thể trở thành kinh điển vì chiều kích tâm linh trong việc chúng vượt qua các đau khổ thuộc loại tồi tệ nhất. Điều sáng lạn trong các trang của chúng là niềm tin vào Thiên Chúa và Đấng Cứu Rỗi mà những người biết và làm việc với ngài đều biết đã củng cố toàn bộ cuộc đời ngài.

Ngài trở thành một sức mạnh trong Giáo hội hoàn cầu, không chỉ về mặt quản trị mà còn về tư duy của ngài đối với xã hội hiện đại, Giáo hội và những điểm giao thoa giữa hai bên.

Ngài đã đọc rất nhiều trong suốt cuộc đời của ngài, đưa ra nhiều bài phát biểu và đóng góp nhiều bài báo cho các ấn phẩm có ảnh hưởng, tập trung vào lịch sử, xã hội, Giáo hội, văn hóa và chính trị.

Một thí dụ điển hình là bài phát biểu kéo dài một giờ của ngài tại Quốc hội New South Wales trong Bữa tối dành cho Đại học Campion vào tháng 8 năm 2022. Theo phong cách tiêu chuẩn của Đức Hồng Y George Pell, ngài đã dám đi vào việc đánh giá trên phạm vi rộng lớn về tình trạng hiện tại của thế giới, các vấn đề địa chiến lược, những thay đổi sâu rộng trong xã hội và văn hóa Úc trong suốt cuộc đời của ngài, những thách thức mà Giáo hội phải đối đầu và tầm quan trọng của nền giáo dục đích thực trong một thế giới bị thống trị bởi ý thức hệ.

Cái chết của Đức Hồng Y Pell để lại một khoảng trống trong Giáo hội ở Úc và xa hơn nữa ở những nơi như Hoa Kỳ, nơi mà ngài thường đến để nói chuyện và diễn thuyết và là nơi ngài được nhiều người ngưỡng mộ.

Bị ghét rộng rãi ở Úc, người Công Giáo ở mọi nơi khác trên thế giới ngưỡng mộ và yêu mến ngài. Nhiều nhân vật và trí thức Công Giáo cao cấp coi ngài như một papabile, tức một trong những người được coi là có tiềm năng được bầu làm giáo hoàng.

Rõ ràng là nhà lãnh đạo Giáo Hội Úc dễ nhận biết nhất trong bất cứ giáo phái nào, ngài được biết đến, được tôn kính và bị ghét ở những bộ phận ngang nhau khắp nước. Ở Úc, dù tốt hay xấu, ngài là tiếng nói của Giáo hội, trong quá trình này trở thành cột thu lôi cho những người ghét Giáo Hội và những lời chỉ trích của họ trở nên phi lý và ác ý, đổ lỗi cho con người này.

Không ngoa khi nói rằng ngài bị tấn công vì sự hiện diện hùng vĩ và các chủ trương vững chắc của ngài. Bằng bất cứ cách đo lường nào, ngài vẫn là một nhân vật khổng lồ.

Cậu bé xuất thân từ bụi rậm vươn tới tầm ảnh hưởng cao trong Giáo hội trong khi có đặc điểm khiêm tốn đối với tất cả, một phẩm chất mà bạn bè và đồng nghiệp của cậu chắc chắn cậu sở hữu ở mức độ đáng kể mặc dù tầm vóc to lớn của cậu đã thống trị Giáo hội ở Úc trong một thời gian dài. Có lẽ ngài không nhận ra rằng ngài đã trở nên quan trọng như thế đối với người Công Giáo ở Úc và trên toàn thế giới.

Mặc dù đau buồn trước sự mất mát chắc chắn bị cộng hưởng bởi cái chết của Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđictô XVI chỉ 12 ngày trước đó, hàng ngàn người Công Giáo Úc—đặc biệt những người tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 2008—cũng tin chắc rằng họ có một người bạn mới trên thiên đàng.
 
Những kẻ khủng bố thiêu sống một linh mục ở Niger
Đặng Tự Do
17:36 15/01/2023


Chúng tôi xin thông báo với quý vị và anh chị em một tin rất buồn là Cha Isaac Achi, cha sở của nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ ở Kafin-koro thuộc khu vực chính quyền địa phương Paikoro của Niger vừa bị những kẻ khủng bố thiêu sống vào lúc 3 giờ sáng ngày Chúa Nhật 15 Tháng Giêng theo giờ địa phương, tức là 9 giờ sáng theo giờ Việt Nam.

Ngài là linh mục đầu tiên trên thế giới hy sinh trong năm 2023 này.

Tuyên bố của ty cảnh sát Wasiu cho biết như sau: “Vào khoảng 03:00 ngày 15 Tháng Giêng, bọn cướp có vũ trang đã xâm nhập vào nhà xứ của Cha Isaac Achi kế bên Nhà thờ Công Giáo Hai Thánh Phêrô và Phaolô, dọc theo đường Daza, Kafin-Koro, Paikoro”

“Thật không may, những tên cướp được cho là đã cố gắng đột nhập nhưng không được và đã đốt cháy ngôi nhà, bị thiêu chết vị linh mục”.

“Một linh mục khác cũng ở trong nhà xứ được xác định là Cha Collins cũng bị bắn vào vai khi cố gắng trốn thoát khỏi hiện trường. Các đội cảnh sát trực thuộc chi khu cảnh sát Kafin-Koro ngay lập tức được điều động đến hiện trường, nhưng những tên lưu manh đã trốn thoát trước khi họ đến nơi”.

“Cha Isaac đã được tìm thấy đã chết trong khi Cha Collins vẫn còn sống và được đưa đến bệnh viện để điều trị.”

Cảnh sát tuyên bố rằng những nỗ lực đang được tiến hành để bắt giữ những tên cướp.

Nhiều linh mục Công Giáo đã bị sát hại dã man hoặc bị bắt cóc để đòi tiền chuộc ở miền Bắc Niger.

Vào tháng Giêng năm 2021, một Linh mục Công Giáo của Giáo phận Minna, là Cha John Gbakaan Yaji, bị bắt cóc và bị giết bởi những tên cướp có vũ trang ở Bang Niger.

Vào tháng 5 năm 2022, một Linh mục Công Giáo khác, Cha Joseph Bako, qua đời trong khi bị giam giữ bởi những kẻ bắt cóc ở Kaduna.

Vào ngày 25 tháng 6 năm 2022, Cha Vitus Borogo đã bị sát hại dã man bởi những kẻ khủng bố đã đột kích vào trang trại của ngài ở Kaduna.

Vào ngày 15 tháng 7 năm 2022, những kẻ khủng bố lại tấn công và bắt cóc hai Linh mục Công Giáo – là các Cha John Cheitnum và Donatus Cleopas – khi các ngài đang làm công việc mục vụ tại Nhà thờ Công Giáo Chúa Kitô Vua, ở Yadin Gura.
Source:thenicheng.com
 
Đức Hồng Y Pell có đức tin sâu sắc và sự kiên định tuyệt vời đối với giáo lý Công Giáo
Đặng Tự Do
17:37 15/01/2023


Người Công Giáo từ gần xa đã đến tham dự Thánh lễ an táng Đức Hồng Y George Pell tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào hôm thứ Bảy.

Vị Hồng Y người Úc qua đời tại Rome vào ngày 10 tháng Giêng do ngừng tim sau ca phẫu thuật hông. Đức Hồng Y đã 81.

Tang lễ ngày 14 tháng Giêng của ngài, được tổ chức tại Bàn thờ Ngai Tòa, đã kín chỗ, với những chiếc ghế phụ được bổ sung vào phút cuối để đủ chỗ cho những người đứng ở phía sau bàn thờ chính của Đền Thờ Thánh Phêrô

“Là người của Thiên Chúa và là người của Giáo hội, ngài được đặc trưng bởi một đức tin sâu sắc và sự kiên định tuyệt vời đối với giáo lý, là điều mà ngài luôn bảo vệ không do dự và với lòng can đảm, chỉ quan tâm đến việc trung thành với Chúa Kitô,” Đức Hồng Y Giovanni Battista Re nói về Pell trong bài giảng tang lễ của mình.

“Như ngài đã nhiều lần lưu ý, sự suy yếu niềm tin của thế giới phương Tây và cuộc khủng hoảng đạo đức trong các gia đình khiến ngài đau buồn,” Đức Hồng Y Re nói. “Chúng ta xin phó thác người anh em này cho Thiên Chúa, Đấng nhân lành và giàu lòng thương xót, cầu xin Thiên Chúa đón nhận ngài vào trong bình an và tình yêu thân mật của Người.”

Em trai của Đức Hồng Y Pell, David Pell, và em họ Chris Meney, cùng với các thành viên khác trong gia đình, các linh mục và tu sĩ, đã từ Úc đến dự tang lễ.

Michael Casey, cựu thư ký của Đức Hồng Y Pell hiện đang làm việc tại Đại học Công Giáo Úc, cũng tham dự.

Từ Rôma, các nhà ngoại giao, sinh viên và linh mục của Tòa thánh cũng đến để cầu nguyện cho linh hồn Đức Hồng Y Pell. Các chủng sinh của Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ đã tham dự Thánh lễ an táng ngay sau buổi tiếp kiến của họ với Đức Thánh Cha Phanxicô vào buổi sáng cùng ngày.

Tác giả người Mỹ George Weigel, một người bạn lâu năm của Đức Hồng Y Pell, đã từ Hoa Kỳ đến dự tang lễ.

Thánh lễ được cử hành bởi Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y Đoàn, và được đồng tế bởi các Hồng Y và giám mục.

Thư ký riêng của Đức Hồng Y Pell trong những năm ngài ở Rôma, Cha Joseph Hamilton, và Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký lâu năm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cũng đồng tế.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến vào cuối Thánh lễ để thực hiện nghi thức tuyên dương và từ biệt lần cuối, như thông lệ của ngài đối với tang lễ của một Hồng Y.

“Xin Thiên Chúa kết hợp linh hồn của ngài với linh hồn của tất cả các thánh và tín hữu đã ra đi,” Đức Thánh Cha cầu nguyện. “Xin Chúa ban cho ngài một sự phán xét đầy lòng thương xót, để được cứu chuộc khỏi sự chết, thoát khỏi hình phạt, được hòa giải với Chúa Cha, được ôm ấp trong vòng tay của vị Mục Tử Nhân Lành, cầu xin ngài có thể xứng đáng cùng với tất cả các thánh bước vào hạnh phúc vĩnh cửu cùng với Vua vĩnh cửu.”

Đức Thánh Cha đã rảy nước thánh. Một linh mục xông hương quan tài khi ca đoàn và cộng đoàn hát điệp ca Sub Tuum Praesidium kính Đức Mẹ. Người Việt chúng ta vẫn thườg đọc hàng ngày và gọi là Kinh Trông Cậy.

Tiếng vỗ tay nổ ra khi quan tài của Đức Hồng Y Pell được khiêng ra từ Đền Thờ Thánh Phêrô. Đức Hồng Y sẽ được an táng tại nhà thờ chính tòa cũ của ngài, là nhà thờ chính tòa Đức Bà, ở Sydney, Australia.

Một ngày trước tang lễ của ngài, một lễ viếng đã được tổ chức tại Nhà thờ Santo Stefano degli Abissini bên trong Vatican.

Phúc âm cho Thánh lễ an táng của Đức Hồng Y Pell là từ Lu-ca 12, nói về những người đầy tớ cảnh giác và trung thành: “Phước cho những đầy tớ mà chủ thấy cảnh giác khi đến,”

Thánh vịnh đáp ca trích từ Thánh vịnh 23: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi”

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Re đã nhận xét về cái chết bất ngờ của Đức Hồng Y Pell, và về việc ngài mới đây tham dự tang lễ của Đức Bênêđictô XVI.

Ngài nói: “Mặc dù đã 81 tuổi nhưng Đức Hồng Y dường như vẫn có sức khỏe tốt. Nhập viện để phẫu thuật hông, biến chứng tim xảy ra sau đó khiến ngài tử vong.”

“Được soi sáng và an ủi bởi niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, chúng ta quy tụ quanh bàn thờ này và thi hài của Đức Hồng Y Pell để phó thác linh hồn của ngài cho Thiên Chúa, để Đức Hồng Y được đón nhận vào tình yêu bao la của Thiên Chúa trong cuộc sống bất tận.”

Đức Hồng Y Re mô tả Đức Hồng Y Pell là một “nhân vật chính có ý chí mạnh mẽ và quyết đoán, được đặc trưng bởi tính khí của một nhân vật mạnh mẽ, đôi khi có thể tỏ ra gay gắt.”

Đức Hồng Y Re nói, cái chết sớm của Hồng Y đã khiến chúng ta mất tinh thần, nhưng “trong trái tim chúng ta chỉ có chỗ cho hy vọng.”
Source:Catholic News Agency
 
Vai trò của Đức Giáo Hoàng trong cuộc điều tra tài chính của Vatican một lần nữa là tâm điểm
Đặng Tự Do
17:39 15/01/2023


Vai trò của chính Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc điều tra về sai phạm tài chính tại Tòa thánh đã chiếm vị trí trung tâm hôm thứ Sáu tại tòa án Vatican, với các nhân chứng nói rằng ngài khuyến khích một nghi phạm chính hợp tác với các công tố viên và một bị cáo chính cáo buộc ngài can thiệp vào phiên tòa.

Phiên điều trần hôm thứ Sáu là một trong những phiên tòa được mong đợi háo hức nhất trong “phiên tòa thế kỷ” của Vatican, vì phiên tòa này có lời khai của một trong những nhân vật nổi bật hơn trong lịch sử Vatican gần đây, Francesca Chaouqui. Chuyên gia quan hệ công chúng này đã được triệu tập sau khi có thông tin nổi lên vào cuối năm ngoái rằng cô ấy đã đóng vai trò hậu trường trong việc thuyết phục Đức ông Alberto Perlasca từ một người bị nghi ngờ trở thành nhân chứng chính, quay lại báo cáo xếp cũ của mình là Hồng Y Angelo Becciu.

Nhưng phiên điều trần kéo dài cả ngày đã kết thúc bằng một quả bom bất ngờ, khi Hồng Y Becciu đáp lại lời khai của Chaouqui bằng cách đọc to một bức thư trao đổi với Đức Giáo Hoàng gợi ý rằng chính Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục phủ bóng đen lên phiên tòa, cho dù là vô tình.

Phiên tòa xét xử tại tòa án hình sự của thành phố bắt nguồn từ khoản đầu tư 350 triệu euro của Tòa thánh vào một khu dân cư ở London. Các công tố viên đã buộc tội 10 người, cáo buộc các nhân viên Tòa Thánh và người môi giới cho Vatican đã lừa Tòa thánh hàng chục triệu euro tiền phí và hoa hồng, sau đó tống tiền Tòa thánh 15 triệu euro để có toàn quyền kiểm soát tài sản.

Đức ông Alberto Perlasca ban đầu nằm trong số những nghi phạm chính, nhưng ngài đã thay đổi câu chuyện của mình vào tháng 8 năm 2020 và bắt đầu hợp tác với các công tố viên, đổ lỗi cho Hồng Y Becciu, khi đó là nhân vật số 2 trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về khoản đầu tư ở London và các khoản chi đáng ngờ khác.

Khi bị thẩm vấn vào tháng 11, Đức Ông Perlasca tiết lộ rằng ngài đã thay đổi câu chuyện của mình sau khi nhận được lời khuyên thông qua một người bạn của gia đình từ một người mà ông tin là một quan tòa đã nghỉ hưu, người đang hợp tác chặt chẽ với các nhà điều tra, công tố viên của Vatican và chính Đức Giáo Hoàng. Mọi chuyện nhanh chóng nổi lên rằng vị thẩm phán đã nghỉ hưu không ai khác chính là Chaouqui, người được biết đến trong giới Vatican vì vai trò của cô ta trong vụ bê bối “Vatileaks” năm 2015-2016, trong đó cô bị kết tội âm mưu chuyển các tài liệu mật cho các nhà báo.

Chaouqui từ lâu đã nuôi mối hận với Hồng Y Becciu, đổ lỗi cho ngài đứng sau vụ bắt giữ và truy tố “Vatileaks”. Sự can thiệp của cô ấy vào phiên tòa mới và quan tâm đến việc khiến Perlasca thay đổi câu chuyện của ngài, được nhiều người coi là một nỗ lực để dàn xếp tỷ số với Hồng Y Becciu.

Chaouqui nói với tòa án hôm thứ Sáu rằng cô ấy không huấn luyện Perlasca để giúp bên công tố nhiều như để giúp Đức Thánh Cha Phanxicô hiểu những gì đang xảy ra “sau lưng ngài.”

Chaouqui làm chứng rằng, thông qua một người bạn của gia đình, cô ấy đã đề nghị Đức Ông Perlasca ghi lại những gì ngài biết về một loạt các giao dịch đáng ngờ cho Đức Giáo Hoàng nghe, đưa ra những gợi ý cho Đức Ông Perlasca để ngài có thể trả lời. “Đây dường như là cách tốt nhất để tôi cho Đức Giáo Hoàng biết những điều này,” Chaouqui nói, ngụ ý rằng cô ấy thường xuyên tiếp cận với Đức Giáo Hoàng và cung cấp cho ngài một luồng thông tin ổn định.

Về phần mình, người bạn của gia đình, Genoveffa Ciferri, nói với tòa án rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như cha mẹ của Đức Ông Perlasca, cũng khuyến khích ngài hợp tác với các công tố viên. Perlasca cho biết đã quen biết với Đức Thánh Cha trong thời gian ngài là Tổng Giám Mục Buenos Aires và Perlasca làm việc trong Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Á Căn Đình, từ năm 2006 đến 2008.
Source:AP
 
Đức Hồng Y trở về từ chuyến viếng thăm đặc biệt đến Ukraine; một Giáng Sinh Kitô thực sự
Đặng Tự Do
17:40 15/01/2023


Quan Phát Chẩn của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, đã nói lời cảm ơn đến những người đã quảng đại giúp đỡ Ukraine trong mùa đông này.

Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Bác ái, đã gửi một thông điệp cảm ơn đến những người đã ủng hộ chiến dịch của ngài nhằm cung cấp máy phát điện và áo giữ nhiệt cho những người đang chịu đựng cái lạnh ở Ukraine.

Trở về từ Ukraine, ngài gọi Lễ Giáng Sinh vừa qua là một Lễ Giáng Sinh thực sự “Kitô giáo”.

Ngài nói với Vatican News: “Chúng ta đã có thể chia sẻ với những người khác những gì thuộc về chúng ta, ngay cả khi đó chỉ là một vài đồng xu, nhưng đó là cuộc sống đối với họ.”

Những lời của Đức Hồng Y là một phần trong lời bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người đã tham gia vào chiến dịch gây quỹ mua áo giữ nhiệt và máy phát điện để giúp người dân Ukraine vượt qua những tháng mùa đông khắc nghiệt.

Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc, UNHCR, báo cáo rằng khoảng 7 triệu người đã phải di tản trong nước ở Ukraine và đang đối phó với điều kiện mùa đông lạnh giá. Nhiều người đang trú ẩn trong các tòa nhà bị hư hại và không có điện và sưởi ấm.

Mục tiêu ban đầu của chiến dịch là 100.000 euro, nhưng hơn 250.000 đã được quyên góp.

Đức Hồng Y Krajewski cũng cảm ơn những người đã sản xuất quần áo giữ nhiệt vì chúng được mua với giá rất thấp từ các nhà máy khác nhau của Ý nhờ lòng hảo tâm của các nhà sản xuất.

Vatican News báo cáo rằng bốn xe tải chứa quần áo đã được gửi đến Lviv, và sau đó được phân phối đến các vùng chiến sự.

Máy phát điện cũng được mua bằng tiền quyên góp được.
Source:Aleteia
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 Tháng Giêng
Đặng Tự Do
21:35 15/01/2023


Chúa Nhật 15 Tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Hai Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel, tôi đến làm phép rửa trong nước.”

Ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, cầu chúc anh chị em Chúa Nhật hạn phúc!

Bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay (x. Ga 1:29-34) kể lại lời chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu, sau khi đã làm phép rửa cho Người tại sông Giođan. Ông nói: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi” (c. 29-30).

Lời tuyên bố này, lời chứng này cho thấy tinh thần phục vụ của Gioan. Ông được sai đi để dọn đường cho Đấng Mêsia, và đã làm điều đó mà không tiếc bản thân mình. Theo suy nghĩ người ta thường tình, ta chắc sẽ nghĩ rằng ông sẽ được trao một “phần thưởng”, một vị trí nổi bật trong đời sống công khai của Chúa Giêsu. Nhưng không. Gioan đã hoàn thành sứ vụ của mình, biết tránh sang một bên, ông rút lui khỏi hiện trường để nhường chỗ cho Chúa Giêsu. Ông đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Người (x. c. 33-34), ông đã chỉ ra rằng Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, và giờ đây đến lượt ông khiêm nhường lắng nghe. Ông đi từ vị tiên tri đến môn đệ. Ông rao giảng cho dân chúng, thu nạp môn đệ và huấn luyện họ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ông không ràng buộc bất cứ ai với chính mình. Và điều này tuy khó, nhưng lại là dấu hiệu của nhà giáo dục đích thực: không ràng buộc người ta với mình. Gioan làm điều này: ông khuyến khích các môn đệ của mình theo dấu chân của Chúa Giêsu. Ông không quan tâm đến việc có người theo mình, không màng đến danh tiếng và thành công, nhưng ông làm chứng và rồi lùi lại một bước, để nhiều người có được niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói: Thánh Gioan mở cửa, sau đó ngài rời đi.

Với tinh thần phục vụ này, với khả năng nhường bước cho Chúa Giêsu, Thánh Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta một điều quan trọng: hãy thoát khỏi những ràng buộc. Đúng thế, bởi vì người ta dễ bị dính mắc vào vai trò và địa vị, mắc kẹt trong nhu cầu được tôn trọng, công nhận và khen thưởng. Và điều này, mặc dù là tự nhiên, nhưng không phải là một điều tốt, bởi vì sự phục vụ bao hàm sự nhưng không, đó là sự chăm sóc cho người khác mà không nghĩ đến lợi ích cho bản thân, không có động cơ thầm kín, không mong đợi được đền đáp. Như Gioan, thật tốt cho chúng ta, nếu chúng ta biết vun trồng nhân đức, biết gạt bỏ mình đúng lúc, làm chứng rằng điểm quy chiếu của đời sống là Chúa Giêsu. Bước sang một bên, học cách rời đi: Tôi đã hoàn thành sứ mệnh này, tôi đã có cuộc gặp gỡ này, tôi sẽ bước sang một bên và nhường chỗ cho Chúa. Hãy học cách bước sang một bên, không lấy một cái gì đó cho bản thân để bù đắp.

Chúng ta hãy nghĩ xem điều này quan trọng biết bao đối với một linh mục, người được yêu cầu rao giảng và cử hành, không phải vì tự cao hay vì lợi ích, nhưng để đồng hành với người khác đến với Chúa Giêsu. Thử nghĩ điều này quan trọng biết bao đối với cha mẹ, nuôi nấng con cái với biết bao hy sinh nhưng rồi lại phải để chúng tự do đi trên con đường riêng của mình trong công việc, trong hôn nhân, trong cuộc sống. Điều tốt và đúng đắn là cha mẹ tiếp tục bảo đảm sự hiện diện của họ, nói với con cái của họ: “Bố mẹ sẽ không để con một mình đâu”, nhưng với sự thận trọng, không xâm phạm, nhưng tạo ra cho con cái sự tự do để phát triển. Và điều tương tự cũng áp dụng cho các lĩnh vực khác, chẳng hạn như tình bạn, cuộc sống lứa đôi, cuộc sống cộng đồng. Giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc vào cái tôi của chính mình và biết cách bước sang một bên phải trả giá, nhưng rất quan trọng: đây là bước quyết định để phát triển trong tinh thần phục vụ, mà không tìm kiếm điều gì đáp lại.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy thử tự hỏi: chúng ta có khả năng tạo không gian cho người khác không? Hãy lắng nghe họ, để họ tự do, không ràng buộc họ với chính chúng ta, đừng đòi hỏi sự công nhận. Và đôi khi, hãy để họ nói chứ đừng nói “Bạn chẳng biết gì cả!”. Hãy để họ nói, nhường chỗ cho người khác. Chúng ta thu hút người khác đến với Chúa Giêsu hay đến với chính mình? Và hơn nữa, noi gương thánh Gioan: chúng ta có biết vui mừng khi mọi người đi theo con đường riêng của họ và đi theo tiếng gọi của họ, ngay cả khi điều này đòi hỏi một số tách rời khỏi chúng ta? Chúng ta có vui mừng trước những thành tựu của họ, với sự chân thành và không ghen tị không? Điều này mang đến cho những người khác cơ hội phát triển.

Xin Mẹ Maria, tôi tớ của Chúa, giúp chúng ta thoát khỏi những ràng buộc, biết nhường chỗ cho Chúa và nhường chỗ cho người khác.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng, Tuần truyền thống cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu sẽ được tổ chức. Chủ đề năm nay được lấy từ lời tiên tri Isaia: “Hãy học làm điều lành; tìm kiếm công lý” (1:17). Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, Đấng đã hướng dẫn dân của Người tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn với lòng trung thành và kiên nhẫn, và chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ chúng ta bằng các hồng ân của Người.

Con đường hướng tới sự hiệp nhất Kitô giáo và con đường hoán cải đồng nghị của Giáo hội được liên kết với nhau. Vì vậy, tôi muốn nhân cơ hội này thông báo rằng vào Thứ Bảy, ngày 30 tháng Giêng, tại Quảng trường Thánh Phêrô, sẽ diễn ra một Buổi Canh thức Cầu nguyện Đại kết, qua đó chúng ta sẽ phó thác cho Thiên Chúa công việc của Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục. Đối với các bạn trẻ đến tham dự Đêm Vọng, sẽ có một chương trình đặc biệt kéo dài suốt cuối tuần, do Cộng đoàn Taizé tổ chức. Ngay bây giờ, tôi mời tất cả anh chị em thuộc mọi hệ phái Kitô giáo tham gia vào cuộc quy tụ dân Chúa này.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên những người dân Ukraine bị dày vò, những người đang chịu nhiều đau khổ. Chúng ta hãy ở gần họ với tâm tình, sự trợ giúp và lời cầu nguyện của chúng ta.

Và bây giờ tôi xin chào các bạn, những người Rôma và những người hành hương đã tập trung tại đây. Cách riêng, tôi chào các tín hữu Tây Ban Nha ở Murcia và các tín hữu ở Sciacca ở Sicilia. Xin cho chuyến viếng thăm mộ thánh Phêrô củng cố đức tin và chứng tá của anh chị em.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vườn Xoài: Bữa ăn huynh đệ và phát quà tết cho người nghèo 2023
Maria Loan-Phượng
10:10 15/01/2023
Giáo xứ Vườn Xoài: Bữa ăn huynh đệ và phát quà tết cho người nghèo 2023

TGPSG - “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13)

Vào lúc 9g ngày 14-1-2023 trong khuôn viên Giáo xứ Vườn Xoài, giáo hạt Tân Định, TGP Sài Gòn. Linh mục (Lm) Chánh xứ Phêrô Vũ Minh Hùng chia sẻ: “Hôm nay Giáo xứ cùng với quý ân nhân, nhà tài trợ và các Giáo khu đã tạo nên bữa ăn này để phục vụ cho hơn 300 gia đình anh chị em (ACE) nghèo trong và ngoài Giáo xứ không phân biệt tôn giáo và hơn 100 ACE khuyết tật đủ mọi ngành nghề mưu sinh kiếm sống”

Xem Hình

Tham dự trong buổi liên hoan và trao quà hôm nay có đại diện HĐMV: ông Gioan Nguyễn Văn Tiến, ông Gioan Nguyễn Thanh Toàn, bà Matta Nguyễn Thị Thảo, bà Maria Têrêsa Trần Thị Tuyết Yến và đại diện các hội đoàn Giáo xứ.

Trong buổi khai mạc Lm Phêrô chúc cho mọi người một năm mới an khang, thịnh vượng và có nhiều sức khỏe để chúng ta nâng đỡ nhau trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, tất bật, nhưng ACE cùng ngồi lại với nhau trong những ngày cuối năm này, tôi muốn nói lên lời cầu chúc cho tất cả quý vị an khang, thịnh vượng.

Buổi liên hoan nhẹ gồm có món bún cari gà, chè và các loại nước uống, các anh chị phục vụ chuyển thức ăn và nước uống đến trước tận nơi cho nhóm khuyết tật ăn uống tại chỗ ngay trên xe của họ, tiếp theo là phục vụ cho các ACE có hoàn cảnh khó khăn, không bỏ sót một ai, tất cả đều được ăn no và trò chuyện thăm hỏi nhau trong tinh thần đồng cảm và hiệp hành.

Sau bữa ăn ấm áp tình Chúa, tình người mỗi vị khách mời còn nhận được một phần quà do Giáo xứ trao tặng gồm: 05 kg gạo, 01 bánh chưng, 01 chai dầu gội (hoặc sữa tắm) và 01 thùng mì ăn liền.

Chị Phương Trang hai vợ chồng đều làm công nhân vệ sinh môi trường ngụ tại đường Trần Văn Đang có lời cám ơn Lm Phêrô cùng Giáo xứ, năm nào cũng cho chị phần quà tết, gia đình chị rất vui và phấn khởi.

Anh Ngô Minh Phú 50 tuổi, người khuyết tật ngụ tại Hóc Môn bán vé số nói em rất vui khi nhận được phiếu quà do Gx trao tặng, em đến từ sáng sớm, được ăn no còn có quà mang về, em cảm ơn quý ân nhân cùng các mạnh thường quân.

Bữa ăn huynh đệ và buổi phát quà kết thúc lúc 11g00 mọi người ra về trong niềm vui phấn khởi giữa người trao tặng lẫn người nhận.

Maria Loan-Phượng (TGPSG)

Ảnh: Viết Luyện
 
Văn Hóa
Đâu có mùa Xuân
Pt. Phạm bá Nha
09:55 15/01/2023
Đâu có mùa Xuân

Ngày 11.12.2018, tổ chức UNICEF - LHQ công bố hiện tình trẻ em trên thế giới. Đây là ‘’danh sách đen’’. Lướt qua, chúng ta cảm thấy các em này từ nhỏ đã nhuốm, trải qua biết bao cực nhọc đau khổ, ‘‘Đâu Có Mùa Xuân”. Danh sách cho biết:

50 triệu trẻ em sinh ra không có tên tuổi và không quốc tịch vì không được khai báo

11 triệu trẻ em chết trước 5 tuổi, vì có các bệnh không có loại thuốc chích ngừa

120 triệu trẻ em bỏ học vì nhiều lý do khác nhau

100 triệu trẻ em và vị thành niên sống lang thang trên vỉa hè thành phố.

2 triệu trẻ em chết và 6 triệu trẻ em bị thương tích vì chiến tranh đó đây

300 ngàn trẻ em bị buộc gia nhập quân đội chiến đấu.

14 triệu trẻ em dưới 15 tuổi mồ côi vì cha mẹ chết vì chiến tranh hay bị bệnh liệt kháng.

211 triệu trẻ em từ 5 đến 17 tuổi bị khai thác bóc lột lao động nặng nhọc. Trong hầm đá, quặng mỏ (Mỹ châu Latinh), xưởng dệt thảm, khâu bóng đá, bị chủ xích vào máy dệt, trả nợ thay cho cha mẹ (Ấn Độ, Bacladesh, Pakistan). Các em làm việc, ăn ngủ tại chỗ.

1 triệu 200 ngàn trẻ em bị liên lụy trong dịch vụ buôn bán trẻ em mãi dâm. Có tổ chức lời hàng triệu Mỹ kim / năm. Bên Mỹ châu Latinh có nạn giết, bán bộ phận trẻ em bụi đời.

Hàng triệu trẻ em bị cha mẹ người thân bạo hành, mang thương tích suốt đời.

(ns HN 312, 12. 2018, tr.27)

Diễn văn trước giáo triều 22.12.2018, trong 40 phút, ĐGH Phanxicô đề cập tới :

Việc Chúa giáng sinh là ánh sáng liên kết : Lần đầu Chúa đến trong khiêm nhường, lần thứ hai, Chúa đến trong vinh quang. Củng cố niềm tin, đừng thất vọng.

Chúa sinh ra trong bất ổn chính trị và tôn giáo, tranh đấu căng thẳng, và u ám. Chúa sinh ra cho sự chờ đợi của một số người. Số đông từ chối.

Trong diễn văn này, hướng về các trẻ em, nạn nhân nhiều hình thức khác nhau trên thế giới, ĐGH nói, chúng ta quan tâm đến trẻ em hàng ngày thiếu nước, thức ăn và thuốc men. Các em thiếu thốn nghèo đói cùng cực. Bạo lực nhắm vào những người dễ bị tổn thương, trẻ em và phụ nữ. Những cuộc chiến tranh tuyên bố hay không. Tất cả những người bị tra tấn bất công trong xã hội.

Chúng ta đang trải nghiệm một thời tử đạo, khốc liệt tàn bạo hơn thời Roma. Một Néron mới đàn áp tín hữu. Nhóm cực đoan mới nhắm vào nhà thờ, nơi thờ phượng, các thừa tác viên và các thành viên tín hữu. Các phe đảng, nhóm mới cũ, nuôi dưỡng hận thù với Chúa Kitô với Giáo Hội. Có biết bao Kitô hữu đang gánh chịu sự bách hại nặng nề, đẩy ra bên lề, kỳ thị bấy công. Họ chấp nhận cái chết hơn bác bỏ Chúa Giêsu.

ĐGH chủ sự chầu tạ ơn Te Deum, 31.12.1918, tại Đền Thánh Phêrô. Trong bài giảng, ĐGH nói : Chúa sinh ra để giải thoát, đưa chúng ra ra khỏi tình trạng nô lệ và đem trở lại phẩm giá xứng đáng con Thiên Chúa. Trong Roma có tới hơn 10. 000 vô gia cư, nam nữ trẻ em. Cuộc sống của họ rất phức tạp gặp nhiều khó khăn, vất vưởng lay lứt trên vỉa hè công viên bến xe… Chúa chào đời để biểu lộ tình yêu dành cho người bé mọn, người nghèo và qua đó gieo rắc Nước Trời trên thế giới. (VietCatholic New 31.12.2018)

Trong Tông Huấn ‘’Vui Mừng Hoan Hỷ’’(Gaudate et Exultate, 19.3.2018) ĐGH đặc biệt kêu

gọi nghĩ đến những người xấu số trong xã hội hôm nay.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên Chúa ủi an

Thế giới nói với chúng ta điều ngược lại : giải trí, thú vui, tiêu khiển và thoát ly thực tế mới

Làm cho cuộc sống dễ chịu. Người thế gian ngoảnh mặt trước vấn đề đau ốm, buồn phiền gia đình hay chung quanh. Thế giới không muốn khóc lóc, đúng hơn, họ không quan tâm đến những tình cảnh đau thương, tìm cách phủ lấp hoặc che giấu các hoàn cảnh ấy. Người ta tốn nhiều công sức để chạy trốn đau khổ và tưởng rằng có thể che giấu được thực tại, nhưng thực tế cuộc sống không bao giờ vắng bóng thập giá (Tông Huấn số 75)

Một người biết nhìn các sự vật đúng như sự thật của chúng, biết cảm nhận những đau khổ và muộn phiền, thì mới có thể chạm đến chiều sâu của đời sống và tìm được hạnh phúc chân thật. Người ấy được Chúa Giêsu an ủi chứ không phải thế gian. Người như thế, không sợ chia sẻ đau khổ của người khác và không trốn tránh những hoàn cảnh đau thương. Như thể họ khám phá ra ý nghĩa đau khổ cuộc sống bằng cách giúp đỡ những người đau khổ, cảm thông nỗi thống khổ của người ta mà mang lại sự xoa dịu. Người ấy cảm nhận tha nhân là xương thịt của chính mình mà không sợ đến gần, Chúa Giêsu an ủi chứ không phải thế gian. Người như thế, không sợ chia sẻ đau khổ của người khác và không trốn tránh những hoàn cảnh đau thương. Như thế họ khám phá ra ý nghĩa cuộc sống bằng cách giúp đỡ những người đau khổ

cảm thông nhữn nỗi thống khổ của người ta và mang lại sự xoa dịu. Người ấy cảm nhận nơi tha nhân là thịt và xương của mình và không sợ đến gần. Thậm chí chạm vào các vết thương của họ. Họ cảm thương người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều không còn. Như thế, người ấy có thể lời khuyên của Thánh Phaolo6 : Hãy khóc với người khóc (Rm 12, 15)

Biết khóc với người khác : Đó là sự thánh thiện (số 76)

Tìm lại mùa xuân. Ngoài lời kêu gọi trên của ĐGH, trong một thế giới và xã hội như thế chúng ta phải làm gì cho những người xấu số bên cạnh mà chúng ta gặp. Xin đọc và suy nghĩ những mẩu tin và truyện sau :

ĐGH nêu gương : Ngày 10.12. 2018, ĐGH cắt băng khánh thành phòng khám bệnh y khoa cho những người ăn xin chung quanh đền thờ Thánh Phêrô. Phòng mang tên : Phòng Khám Bệnh, Mẹ Lòng Thương Xót. Phòng ở ngay hàng cột tay trái công trường Thánh Phêrô. Ngày 18.12.2018, ĐGH đến dùng cơm trưa với người vô gia cư do Hội Bóng Đá Ý tổ chức tại câu lạc bộ Bóng Dá. Trong bữa tiệc, ĐGH phát biểu : Belem nghĩa là ‘‘nhà bánh’’. Trong ‘’ngôi nhà’’ này, Chúa muốn gặp gỡ nhân loại. Ngài biết chúng ta cần lương thực để sống. Từ máng cỏ Belem đến phòng tiệc ly ở Giêrusalem. Chúa đã trở thành lương thực trên bàn thờ hàng ngày. Ngài gõ cửa nhà để vào cùng ăn với chúng ta. (x. Kh.3,20)

Nhật ký của nữ y tá (+ 2014) kể lại : Hôm ấy, 11.11. 1999, khoảng 8g, trại tôi nhiều việc, bận rộn. Một cụ khoảng 80 tuổi bước vào, và xin cắt chỉ khâu ở ngón tay. Ông nói ông vội vì có hẹn vào lúc 9g. Tôi mời ông ngồi vì phải hơn 1 giờ nữa mới có nngười giúp ông. Tôi thấy ông nhìn đồng hồ vì lúc đó ông bận gì, nên tôi quyết định khám vết thương. Khi khám tôi thấy vết thương ăn da non, thế là tôi nói với bác sỹ khác cắt chỉ, còn tôi săn sóc vết thương cho ông. Tôi hỏi, phải chăng ông hẹn với bác sỹ khác. Ông nói sáng nay ông vội đến nhà dưỡng lão để ăn sáng với vợ. Bà bị alzheimer. Ông vỗ nhẹ vai tôi và nói : Bà không nhận ra tôi, nhưng tôi biết bà là ai.

Khi ông đi rồi, tôi không cầm nổi nước mắt, còn hai cánh tay nổi da gà. Tôi nghĩ rằng

đây là tình yêu tôi muốn có trong đời : Tình yêu chân thật, không thân xác, không lãng mạn. Chân thật là chấp nhận tất cả. Trong những chuyện bông đùa email thỉnh thoản, cũng có thông điệp, hôm nay tôi muốn nói : Những người hạnh phúc nhất là người biết tổ chức những gì mình có. ‘’Sống không phải thoát khỏi trận bão, mà nhảy múa dưới cơn mưa’’.

Các nước không cho Chúa Hài Đồng sinh ra. Hai lý do là ý thức cộng sản và chủ nghĩa Hồi Giáo cực doan, hình như bị cấm mừng lễ Giáng Sinh. Đó là các nước :

Brunei : Nước có 5765 csv, 420.000 dân, 62% là Hồi Giáo. Chỉ được có thể mừng lễ Giáng Sinh trong gia đình. Từ 2015, có lệnh phạt tù từ 5 năm hay tiền, những ai công khai, lớn tiếng mừng Lễ Giáng Sinh. Có video phổ biến cấm người Hồi Giáo tham dự các lễ nghi của Kitô giáo, như dùng thánh giá, thắp đèn cầy, trang hoàng cây Noel, ăn uống vào đêm Noel

Somalie : Từ 2015, vua Hồi Giáo ra lệnh cấm mừng lễ Giáng Sinh : Tất cả Giáng Sinh và năm mới là đi ngược lại văn hóa Hồi Giáo và làm hại đức tin cộng đồng Hồi giáo.

Tadjikistan : Từ 2013, nhà cầm quyền cấm TV chiếu phim Noel. Trường học không được trưng cây Noel và nhận quà Noel. Cấm đốt pháo bông, bữa ăn và gây qũi dịp năm mới.

Arabie Saoudite : Nước cai trị nghiêm nhặt nhất theo Hồi Giáo. Cấm mừng lễ Giáng Sinh. Nên có đụng độ giữa nhóm cởi mở và cực đoan. Noel 2015, trong bệnh viện công cho phép người không Hồi Giáo mừng lễ Giáng Sinh, thì nhóm Hồi Giáo quyết liệt chống.

Bắc Hàn : Từ 1950, cộng sản đến, tất cả sinh hoạt thờ phượng bị cấm. Tổ chức bảo vệ nhân quyền ước lượng 50.000 đến 70.000 tín hữu trong các nhà tù. Năm 2016, nhà độc tài Kim Jong-Un không những cấm mừng lễ Giáng Sinh đêm 24.12, mà phải mừng sinh nhật bà nội ông là bà Kim Jong-Suk (1949-1919), người đánh bại Nhật và trở thành vợ nhà độc tài đầu tiên Kim II Sung, Bắc Hàn. Bà là ‘’mẹ thánh cuả cách mạng’’.

Trung Quốc : Có bán ‘vật dụng, cảnh trí ’’ trang hoàng Giáng Sinh, nhắm thu lợi nhuận thương mại kinh tế. Đa số dân chúng coi dịp cuối năm như ‘’lễ hội theo mùa’’ hay ‘‘nét văn hóa hiện đại, theo tây phương’’, là kẻ thù dân tộc. Dưới mắt dân chúng, mừng Giáng Sinh với con mắt dè dặt, thù nghịch. Năm 2014, viện Khoa học Xã Hội phát hành sách có phần ‘các vấn đề gay go nhất’’ : ý tưởng dân chủ du nhập từ tây phương, quyền bá chủ tây phương, phát tán tin tức trên internet, sự tăng trưởng tôn giáo. Nhóm 10 sinh viên Tiến sỹ công bố bài báo tố cáo ‘sùng bái Noel’’ kêu gọi dân chúng ‘tẩy chay Noel’’. Họ cho ‘‘đây là bước tiến mới Kitô hóa’’ đất nước họ.

(ns HN, số 312, 12. 2018, ttr.58-59)

Truyện ‘’Cô bé bán diêm’’ (La Petite Fille Aux Allumettes, viết 1845) của văn hào Đan Mạch, Hans Christian Andersen (1805-1875), nhiều người biết : Vào buổi tối mùa thu, khu phố Copenhagnen, Đan Mạch. Trước mặt độ 10 bước, Andersen nghe tiếng khàn khàn vọng ra của cô bé, khoảng 10 tuổi, run rẩy ngồi co ro ngồi trên thềm nhà cao ráo, ánh đèn trong nhà hắt ra. Andersan bước tới, ái ngại, cất tiếng :

- Tối lắm rồi, sao cháu chưa về nhà ngủ?

Cô bé nhích mép : Chú ơi ! Mua hộ cháu bao diêm !

Rồi chỉ tay vào túi vải bên cạnh, em khẩn nài : Cả ngày, cháu chẳng bán được gì. Và chả ai bố thí cho cháu đồng nào. Cô bé rớm rớm nước mắt, thân hình tiều tụy, ốm yếu run lên khi gió lạnh thổi qua.

Sát đến gần, Andersen động lòng, khẽ vuốt mái tóc dài xoắn từng búp trên lưng cô bé : Gia đình cháu đâu cả? Không ai lo cho cháu?

Cô bé buồn, lắc đầu, bùi ngùi kể : Những năm xưa, khi còn sống trong căn nhà xinh đẹp. Từ khi bà em mất, gia sản lụi bại. Gia đình chui rúc trong xó hẹp tối tăm. Nhìn Anderson với vẻ cầu khẩn : Không có tiền, em đâu dám về nhà, sợ ba đánh chết. Thật, em có người cha khắc nghiệt. Hai cha con chen nhau ở trên gác xép tồi tàn, gió rét vẫn chui vào dù bít kín kẽ vách. Về nhà không ích gì.

Lúc này cô bé mang đôi giầy vải mòn của mẹ để lại.

Anderson yên ủi : Cháu đừng lo. Rồi móc túi, đặt một số tiền vào tay bé bỏng của em : Còn bấy nhiêu cho cháu hết. Về nhà mau, kẻo chết cóng.

Đầy mừng rỡ, cô bé hôn tíu tít lên tay chàng : Ôi, lạy Chúa. Từ ngày bà cháu mất đi, chú là người thương cháu nhất. Với món tiền này bố con cháu sẽ có nhiều bữa no.

Cô bé đăm chiêu : Chú cho hết, thì tiền đâu chú sống. Hở chú?

Chàng mỉm cười, nụ cười hiền dịu : Cháu khéo lo? Chú còn cho cháu nhiều thứ nữa. Chú sắp đi xa. Đầu năm chú trở lại sẽ tặng cháu món quà đặc biệt.

- Ồ, thích quá. Còn cháu, sẽ tặng chú một món quà. À mà tên chú là gì?

- Chú là Anderson. Có bao giờ nghe đến tên ấy chưa?

- Tên chú quen lắm. Có phải chú là thợ mộc, thợ may, hay bác sỹ?

- Không phải. Thế này. Chàng đưa ngón tay vẽ vào không khí…

- A, cô bé reo lên : Cháu hiểu, chú làm nghề bán bút?

Sau đó, Anderson đi du lịch. Một năm sau. Anderson trở lại. Dò hỏi thăm Cô bé bán diêm, thì chủ hiệu quần áo cho biết cô đã chết cóng, lúc nào ở góc giữa 2 ngôi nhà. Ngồi bên cạnh những bao diêm, có 1 bao đã đốt nhẵn. (bđd. Ttr.76-77)

Cuối bài, cũng là cuối năm, cùng đọc thánh thi Te Deum (Lạy Thiên Chúa) xin Chúa giải phóng, mở cửa cho những ai tin tưởng nơi Ngài.

Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng. Tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Chúa là Cha, Đấng trường tồn vạn đại. Hoàn vụ này kính cẩn suy tôn. Trước nhan Chúa các tổng thần phủ phục. Mọi thiên thần và đạo binh thiên quốc, đều cảm tạ và cung chúc tôn thờ. Chẳng khi ngừng vang dạy tung hô. Thánh! Thánh! Chí Thánh. Chúa tể càn khôn là Đấng Thánh. Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa uy linh. Bậc tông đồ đồng thành ca ngợi Chúa. Bao vị ngôn sứ tán tụng Ngài. Đoàn tử đạo quang huy hùng dung. Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài. Và trải rộng khắp nơi trần thế. Hội Thánh Ngài hoan hỷ tuyên xưng. Chúa là Cha lẫm liệt uy hùng. Và Con Một Ngài chí tôn chí ái. Cùng Thánh Thần. Đấng an ủi yêu thương.

Lạy Đức Kitô, Con Chúa Trời hằng sống. Ngài là Chúa hiển vinh. Đã chẳng nề mặc lấy xác phàm, nơi cung lòng Trinh Nữ. Hầu giải phóng nhân loại lầm than. Ngài đã ra tay chiến thắng tử thần. Mở cửa cho những ai tin tưởng. Ngài hiển trị bên hữu Chúa Cha. Ngày cuối cùng sẽ giáng lâm thẩm phán. Cúi lạy Chúa, xin phù hộ bề tôi. Ngài cứu chuộc bằng bửu huyết tuôn tràn. Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh. Phúc miên trường vui hưởng vinh quang. Amen.
 
Ba Mươi TẾT: Lễ Vật Tiến Dâng 2
Nguyễn Trung Tây
14:17 15/01/2023
□ Nguyễn Trung Tây
Ba Mươi TẾT: Lễ Vật Tiến Dâng 2


□ Ông Tư Dì Tư, một đôi vợ chồng người miền Nam, định cư tại Quận Cam từ những ngày cuối năm 75. Ông Tư hồi xưa người trong thôn gọi cậu Tư Cường, răng cậu Tư bịt vàng sáng chóe.

Dì Tư hỏi chồng,
— Ông! Nhắc tới cái vụ cúng kiến tui mới chợt nhớ. Ta nói hồi đó Giao Thừa bên Việt Nam sao mà dzui. Sau cái bữa cúng Ông Táo, làng dựng cây nêu ở sân đình Ông Ba. Rồi hàng xóm rộn ràng đốt pháo. Nghe tiếng pháo nổ không thôi cũng đã thấy nao nao cái bụng. Tui với mấy đứa bạn, sáng sáng dẫn nhau ra chợ làng sắm đồ Tết. Ta nói ôi thôi hoa mai, mứt gừng, mứt bí, thèo lèo, ê hề. Tha hồ mà lựa!
Dì Tư xuýt xoa,
— Nhắc tới bỗng dưng mắc thèm. Muốn bay về Việt Nam ăn Tết ngay bây giờ.
— Mần gì phải về Việt Nam mới thấy cảnh đón Tết. Bây giờ bà rảo rảo dưới phố Việt một vòng mà coi. Ta nói hôm qua có chuyện xuống phố Bolsa. Tui thấy trước cửa thương xá, người ta bầy cơ man là hoa. Hoa mai, hoa đào, hoa lan, hoa nào cũng có, đủ kiểu đủ loại.
Ông Tư giọng điệu hứng khởi,
— Tôi còn thấy mấy sòng bầu cua họp ngay cửa chợ. Thấy vui vui, tui lật đật dừng xe lật đật ghé vào chợ nhặt mấy hộp thèo lèo, mua mấy đòn bánh tét mang về ăn Tết.
Dì Tư giọng điệu gậy mọt,
— Chứ không phải ông dừng lại sòng bầu cua…
Ông Tư cự nự,
— Bà! Ở đâu mà chui ra cái vụ tui mê cờ bạc đỏ đen ở đây…
Dì Tư lơ lửng con cá vàng,
— Ai biết đâu! Cậu Tư Cường nhà mình mà…
Nghe vợ ăn nói mát mẻ, tưởng ông Tư sẽ khó chịu. Nhưng không, ông Tư cười toe toe,
— Chà! Bà cũng nhớ dai dữ đa! Ta nói cái thời tui đi học trên Sài Gòn. Năm đó tía cho phép tui về quê ăn Tết, bởi năm đầu tiên xa nhà, tui than với tía má tui nhớ nhà. Tía mới gật đầu sai người đánh xe ô tô lên Sài Gòn đón tui về quê ăn Tết. Chà! Xe mới dừng lại ngay cửa sân đình, thấy sòng bầu cua vui quá, tui nhào vào liền. Thiệt tình cũng thua một mớ bạc.
Ông Tư nhìn lên bàn thờ tổ tiên,
— Ta nói tối hôm đó, trước giờ cúng Giao Thừa, tía “cúng” cho tôi một trận. Tía nói, “Tư Cường chứ không phải công tử Bạc Liêu mà đòi đốt tiền luộc trứng. Tiền của ông bà là tiền mồ hôi nước mắt, chứ không phải trong nhà trồng được cây tiền mà xài phung phí, thiên hạ người ta cười chê!” Rồi tía đóng cửa phòng khách lại. Tía bắt tui nằm dài trên phản chân ngựa. Ổng dợt tui mấy hèo. Sau đó, tui mới được mặc khăn đống áo dài đại diện tía má cúng ông bà gia tiên.
Dì Tư cười tủm tỉm,
— Chà! Cậu Tư Cường cũng ngoan quá ta!
— Bà ở với tui bao nhiêu năm rồi mà. Bà biết rồi đó, má thì không sao. Chớ tía đã buông lời hả, có ai mờ dám cản ổng. Ờ, mà thôi, đang nói chuyện sắm đồ Tết…
Dì Tư liếc liếc, nhìn chồng,
— Ừ đúng đó! Chà! Biết ông sắm đồ Tết, tui nhắc ông mua mấy loại trái cây dâng lên bàn thờ Chúa ngày đầu năm.
— Tưởng chuyện chi, mấy thứ trái cây dâng Chúa ngày Tết tui sắm đầy đủ hết rồi mà. Bà đừng có lo.
Dì Tư mắt thòm lõm, nhìn chồng hỏi,
— Ủa! Ông mua thứ chi vậy? Ông nói cho tui nghe coi…
Ông Tư hỏi cắc cớ,
— Đâu! Bà đoán thử coi?
Dì Tư liếc xéo chồng,
— Ông nói chiện lạ! Ông mua chi làm sao mà tui rành. Nhưng đừng có dâng lên bàn thờ Chúa nguyên nải chuối đó nghen.
— Bà! Mình người Công Giáo, tin vào Chúa không tin. Ai lại mê tín dị đoan?
Dì Tư bĩu môi,
— Ông đừng có tài lanh à nghen. Có kiếng có lành. Mà ông đừng có làm bộ lơ lơ! Ông chưa có trả lời câu hỏi của tui đó nghen.
— Ừa! Thì tui cũng ghé vào chợ mua Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, và Xoài. Mỗi thứ một cặp.
— Lạ kỳ chưa? Lựa chi không lựa lại lựa Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, và “Xài”?
Ông Tư cười móm xọm, khoe mấy cái răng bịt vàng,
— Có dzậy mà bà cũng không hiểu. Ngày đầu năm mình dâng lên Chúa bốn thứ trái cây: Cầu, Dzừa, Đủ, “Xài”. Tâm ý của tui là sang năm mới, “cầu” xin Chúa ban cho hai vợ chồng mọi thứ “dzừa” “đủ” “xài”. Dzậy là mãn nguyện rồi. Bà nghĩ tui nói có đúng hay không?
— Ông già! Thiệt tình là hết chiện nói! Chuyện tào lao khú đế như thế mà cũng ngồi nghĩ ra cho đặng! Mà sao ông không mua trái “xài” với cái líp ba ga xe đạp cúng ngày Tết?
— Bà! Ăn nói lãng xẹt không à! Hên là hôm nay Ba Mươi Tết, chứ gặp ngày Mùng Một là xui cả năm rồi.
Ông Tư hỏi vợ,
— Mà mần chi bà xúi tui mua cái líp ba ga? Ở bên này đi đâu một bước thì cũng leo lên xe hơi. Xe gắn máy tui còn chưa dám lái, nói chi xe đạp. Mà tui có đạp xe đạp bao giờ đâu mà bà xúi tui mua cái líp ba ga để mần chi?
Dì Tư ăn nói mát mẻ,
— Ông đó! Ông mới cự tui là mê tín dị đoan. Còn ông, ông cũng kém chi. Ba Mươi với Mùng Một! Mà thôi. Tui nhắc ông mua trái “xài” với cái líp ba ga bởi ông nói ông năm mới ông xin với Chúa cầu dzừa đủ xài.
Dì Tư buông thõng,
— Còn tui, tui khác ông. Tui là tui khoái “xài” líp ba ga, xài thả dàn.
Ông Tư trợn mắt nhìn vợ, đứng dậy, lắc lắc đầu, bỏ đi,
— Bà này! Già rồi sao mà còn ham hố quá! Thiệt tình!

Lời Chúa
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày dùng đủ (Matt 6:11).

Lời Nguyện
Lạy Chúa, trong không khí rộn ràng của Giao Thừa Ba Mươi Tết, chúng con xin dâng lên Chúa một năm mới. Xin Thiên Chúa chúc lành chúng con, gia đình yêu mến, và bạn bè thân thương một năm mới bình an và sức khỏe.□
(Trích Quán Nước Đầu Làng: Niềm Tin Việt Nam - Tập II. NXB Văn Học Press & Sống, 2023)
 
VietCatholic TV
Quân Nga cố ý bỏ rơi Wagner ở Soledar. Âu Châu lên án Nga quá dã man, viện trợ xe tăng cho Ukraine
VietCatholic Media
03:12 15/01/2023


1. Trận chiến khốc liệt giành Soledar vẫn đang diễn ra chiều hướng đang có lợi cho quân Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 15 tháng Giêng, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar, cho biết trận chiến giành thị trấn Soledar vẫn tiếp tục khi các lực lượng Nga cố gắng tiến công ở một số khu vực phía đông Donetsk.

Cô nói: “Kẻ thù không từ bỏ ý định chiếm hoàn toàn khu vực Donetsk. Để làm như vậy, nó tập trung nỗ lực chính vào các hoạt động tấn công trên hướng Bakhmut trong khi các trận chiến khốc liệt cho Soledar vẫn tiếp tục. Các lực lượng Ukraine đang đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù suốt ngày đêm.”

Để trấn an người dân, đài truyền hình quốc gia Ukraine chiếu cảnh một địa đạo bên dưới lòng đất. Quân Ukraine sử dụng địa đạo này để tấn công quân Nga và rút lui khi cần thiết. Người Nga dù chiếm được thành phố Soledar, cũng không thể kiểm soát được. Cô Hanna Maliar cho biết, mỗi ngày quân Nga chịu tổn thất khoảng 500 người, vừa chết, vừa bị thương. Trong 24 giờ qua, 6 xe tăng và 6 xe thiết giáp của quân Nga đã bị bắn cháy ở khu vực trung tâm thành phố.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nhận xét rằng các lực lượng Nga đã không thành công khi cố gắng chiếm thị trấn Soledar trong hơn 4 tháng qua, vì họ muốn giành quyền kiểm soát con đường tới Bakhmut để di chuyển các thiết bị quân sự và vũ khí của họ đến đó. Họ cũng sẽ không thành công vào thời điểm này.

Các bloggers quân sự của Nga bày tỏ nghi ngờ rằng Bộ Quốc Phòng Nga đang chơi xấu nhóm Wagner khi rút bớt các yểm trợ hỏa lực của pháo binh và không quân khỏi thành phố Soledar.

Chiều tối thứ Tư lãnh đạo của Wager, trùm du đảng tài phiệt Yevgeny Prigozhin, nói rằng quân Wagner đã chiếm được thành phố Soledar. Đáp lại, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã tạt một gáo nước lạnh vào tuyên bố này khi nói rằng “một số công việc rất lớn đã đạt được, nhưng các công việc chính vẫn còn.” Trong khi đó, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, trong bản tin thời sự hàng ngày đã không nhắc đến nhóm Wagner trong các báo cáo liên quan đến thành phố Soledar.

Hôm thứ Sáu, Konashenkov tuyên bố quân Nga đã chiếm được thành phố Soledar và không nhắc gì đến quân Wagner. Trước phản ứng của Prigozhin, Konashenkov sau đó thừa nhận rằng các tình nguyện viên Wagner và quân chính quy Nga đã tham gia trận chiến và rằng một “nhóm quân không đồng nhất” đã thực hiện một “kế hoạch chung” theo hướng Soledar.

Quân trú phòng tại thành phố Soledar cho biết hỏa lực yểm trợ cho quân Nga đã giảm một cách đáng kể phù hợp với nhận định của các bloggers quân sự Nga cho rằng Bộ Quốc Phòng Nga đang chơi xấu Prigozhin.

Thứ trưởng Quốc phòng Hanna Maliar cho biết thêm: “Kẻ thù cũng đang tấn công theo các hướng Lyman, Avdiivka và Novopavlivka”.

Các lực lượng Ukraine chiếm lại Lyman vào cuối tháng 9. Cô cho biết “Mức biên chế của một số đơn vị thuộc lữ đoàn súng trường cơ giới biệt lập số 3 của quân đoàn 1 Nga đóng ở vùng lân cận Horlivka đã xuống thấp đến mức chỉ còn không tới 40% quân số”

Ở phía nam, theo Bộ Tổng tham mưu, người Nga đang cố gắng tăng cường khả năng phòng thủ ở bờ đông sông Dnipro ở Kherson. Quân đội cho biết: “Việc di chuyển nhân sự, vũ khí, thiết bị quân sự và đạn dược đã được báo cáo.

Trong 24 giờ qua, Nga đã mất khoảng 530 quân cùng với 6 xe tăng, 6 xe thiết giáp, và 4 hệ thống pháo. Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 14 Tháng Giêng, 114.660 quân xâm lược đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 3.104 xe tăng, 6.173 xe thiết giáp, 2.090 hệ thống pháo, 437 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 219 hệ thống tác chiến phòng không, 286 máy bay, 276 trực thăng, 1.867 máy bay không người lái, 723 hỏa tiễn hành trình, 17 tàu chiến, 4.846 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 186 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Không quân Ukraine cho biết trong cuộc tấn công cường tập mới nhất 25 trong số 38 hỏa tiễn Nga bị bắn hạ

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 15 tháng Giêng, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết hôm thứ Bẩy 14 tháng Giêng, quân xâm lược Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn khác vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine. Các lực lượng Ukraine đã phá hủy 25 trong số 38 hỏa tiễn các loại của Nga.

Khoảng 13h ngày thứ Bẩy theo giờ địa phương, tức là 6 giờ chiều theo giờ Việt Nam, quân xâm lược phóng hỏa tiễn hành trình Kh-101 và Kh-555 từ 8 máy bay ném bom chiến lược Tu-95ms từ Biển Caspi và hỏa tiễn Kalibr từ tàu chiến nổi và tàu ngầm ở Hắc Hải. Có tổng cộng 23 hỏa tiễn hành trình trên không và trên biển.

Đồng thời, hoạt động của máy bay chiến lược địch được quan sát theo nhiều hướng khác nhau. Năm hỏa tiễn dẫn đường Kh-59 được phóng từ máy bay chiến đấu Su-35.

Năm hỏa tiễn hành trình Kh-22 được phóng từ năm máy bay ném bom tầm xa Tu-22m3. Một trong những hỏa tiễn này đã đánh trúng một khu chung cư ở Dnipro.

Ngoài ra, thêm 5 hỏa tiễn dẫn đường Kh-59 đã được phóng đi, 4 trong số đó đã bị lực lượng phòng không bắn hạ. Tổng cộng, 25 trong số 38 hỏa tiễn các loại của địch đã bị phá hủy.

3. Số người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào khu chung cư ở Dnipro tăng lên 12 người

12 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào một khu chung cư ở thành phố Dnipro.

“Số người chết đã tăng lên 12 người, trong đó có một bé gái 15 tuổi... Và 64 người bị thương, 59 người phải nhập viện, những người còn lại được điều trị tại nhà. Một quả hỏa tiễn của Nga đã mang đến đau thương cho hàng chục gia đình thành phố Dnipro,” Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Kyrylo Tymoshenko cho biết như trên và nói thêm 37 người, trong đó có 6 trẻ em, đã được giải cứu khỏi tòa nhà. Mười bốn trẻ em nằm trong số 64 người bị thương.

Tymoshenko lưu ý rằng hiện tại toàn bộ khu chung cư không có điện, gas và cửa sổ.

“Trên thực tế, hơn 1.000 người cần được cung cấp nhà ở và nhiệt. Các điểm bất khả chiến bại bổ sung ngay lập tức được triển khai gần đó. Tất cả các dịch vụ của thành phố và khu vực đang hoạt động và chắc chắn sẽ hoạt động suốt đêm dài. Người dân của chúng ta đang thể hiện sự hỗ trợ lẫn nhau đáng kinh ngạc! Họ đang cung cấp nhà ở tạm thời và giúp dọn dẹp đống đổ nát,” Tymoshenko lưu ý.

4. Tòa Bạch Ốc lên án các cuộc tấn công “tàn bạo và man rợ” mới nhất của Nga ở Ukraine

Tòa Bạch Ốc đã lên án vụ bắn phá mới nhất của Nga vào Ukraine hôm thứ Bảy, nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự dẫn đến ít nhất 12 người chết và 64 người bị thương.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: “Những cuộc không kích này là một ví dụ khác về cuộc chiến tàn bạo và man rợ mà Nga đang tiến hành, tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine - nơi cung cấp ánh sáng và nhiệt cho dân thường Ukraine”.

“Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để tự vệ, bao gồm các hệ thống phòng không, cùng với các đồng minh và đối tác của chúng ta và chúng ta sẽ tiếp tục công việc của mình để buộc các lực lượng Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh và hành động tàn bạo của họ. Nga tiếp tục đánh giá thấp sức mạnh và quyết tâm của người dân Ukraine, và những nỗ lực mới nhất nhằm làm mất tinh thần của họ sẽ thất bại một lần nữa”.

Tuần trước, Hoa Kỳ đã công bố gói viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu - trị giá 2,85 tỷ đô la, bao gồm 50 Xe chiến đấu Bradley, 500 hỏa tiễn chống tăng TOW và hàng chục nghìn viên đạn 25 ly.

Quân đội Ukraine cũng sẽ bắt đầu huấn luyện về hệ thống hỏa tiễn Patriot tại Hoa Kỳ ngay trong tuần tới, Ngũ Giác Đài tuyên bố vào đầu tuần này.

5. Moldova lên án các cuộc tấn công của Nga và cho biết các mảnh vỡ hỏa tiễn đã rơi xuống lãnh thổ của mình

Chính phủ Moldova đã lên án các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga nhằm vào nước láng giềng Ukraine và bày tỏ “sự phẫn nộ” khi các mảnh vỡ từ một hỏa tiễn rơi xuống lãnh thổ của họ hôm thứ Bảy.

Thủ tướng Natalia Gavrilita cho biết: “Không có sự biện minh chính trị, lịch sử hay thậm chí là đạo đức nào cho việc sát hại dân thường và tấn công cơ sở hạ tầng bảo đảm sự sống còn của người dân”.

Bà cũng chỉ trích “sự thiếu tôn trọng của người Nga đối với chủ quyền của Cộng hòa Moldova, không phận của nước này lại bị xâm phạm ngày hôm nay và phần còn lại của một hỏa tiễn rơi xuống vùng lân cận thị trấn Larga thuộc quận Briceni.”

Bộ Nội vụ Moldova đã đăng những bức ảnh về mảnh vỡ trên một cánh đồng.

6. Năm tàu sân bay hỏa tiễn của Nga với tổng cộng 36 hỏa tiễn hành trình loại Kalibr hiện đã sẵn sàng chiến đấu ở Hắc Hải.

Trong cuộc họp báo qua cầu truyền hình tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật 15 tháng Giêng, phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk cho biết: “Hiện tại, đã có 5 tàu sân bay hỏa tiễn ở Hắc Hải. Tổng cộng có 36 hỏa tiễn hành trình loại Kalibr”.

Trước đó, Thống Đốc Mykolaiv là Ông Vitalii Kim đã cảnh báo về các hỏa tiễn do quân đội Nga bắn vào lãnh thổ Ukraine và các hệ thống phòng không đã hoạt động trong khu vực Mykolaiv.

7. Anh cung cấp cho Ukraine 12 xe tăng Challenger

Chính phủ Anh đã quyết định cung cấp cho Ukraine xe tăng Challenger 2 - một nhóm bốn xe tăng sẽ được chuyển giao ngay lập tức, và tám chiếc nữa sẽ được giao ngay sau đó.

Phát ngôn nhân phủ Thủ tướng Anh cho biết: “Thủ tướng Rishi Sunak sẽ cử một đội xe tăng tới Ukraine trước cuộc tấn công mùa xuân. Các phương tiện bọc thép sẽ được chuyển giao như một phần trong nỗ lực giành lại lãnh thổ bị quân đội Nga chiếm giữ kể từ cuộc xâm lược gần một năm trước”

Phát ngôn nhân cũng cho biết Thủ tướng Sunak sẽ thông báo cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về kế hoạch hôm nay, nói rằng ông ấy “muốn hành động của chúng ta mạnh hơn lời nói”.

Phát ngôn nhân nói thêm rằng : “Một nhóm bốn xe tăng Challenger 2 sẽ được chuyển đến Đông Âu ngay lập tức, và tám chiếc nữa sẽ tiếp theo ngay sau đó”.

Người ta lưu ý rằng thủ tướng Anh cũng đã có cuộc hội đàm với các lãnh đạo quốc phòng và an ninh trong tuần này để nói với họ rằng ưu tiên hoạt động là đưa xe tăng đến Ukraine.

Như đã đưa tin, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong chuyến thăm Lviv đã tuyên bố Ba Lan sẽ gửi một đại đội xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard do Đức sản xuất tới Ukraine.

8. Du kích Ukraine tấn công trại lính Nga gần Melitopol

Một số điểm triển khai của quân xâm lược Nga đã bị tấn công gần Melitopol, vùng Zaporizhzhia. Thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov cho biết: “Lúc 4 giờ sáng Chúa Nhật, hai tiếng nổ lớn vang lên ở Melitopol. Ngay sau vụ nổ, quân xâm lược bắt đầu lùng sục ở phía đông thành phố. Theo thông tin sơ bộ, một căn cứ quân sự của quân xâm lược Nga tại một trong những nhà máy bị chiếm đóng đã bốc cháy.”

Ông lưu ý rằng những tiếng nổ vang lên vào sáng sớm cũng xảy ra tại khu vực quân xâm lược đóng quân ở Berdiansk.

Fedorov cũng nói rằng một chiếc xe của quân xâm lược đã bị nổ tung vào tối thứ Bẩy. Ngoài ra, một điểm tập kết của người Nga đã bị phá hủy vào ban đêm.

Hành động này dường như là để đáp trả việc quân xâm lược Nga đã phá dỡ tượng đài Taras Shevchenko ở Melitopol đêm hôm thứ Bẩy.

9. Chiến thuật biển người của lính đánh thuê Nga ở Soledar

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Russian Mercenaries’ Human Wave Tactics Push Back Ukrainian Troops In Soledar”, nghĩa là “Chiến thuật biển người của lính đánh thuê Nga đẩy lùi quân đội Ukraine ở Soledar”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi quân đội Ukraine bắt đầu luân chuyển các đơn vị mới vào miền đông Ukraine vào giữa tháng 12, Lữ Đoàn Dù số 46 đã không được may mắn cho lắm.

Lữ Đoàn luân chuyển vào khu vực xung quanh Bakhmut, một thị trấn ở vùng Donbas phía đông Ukraine, cách Donetsk 30 dặm về phía bắc, nơi đặt trụ sở của Cộng hòa Nhân dân Donetsk ly khai.

Bakhmut, một thị trấn có dân số trước chiến tranh là 72.000 người, là đối tượng không may mắn trong nỗi ám ảnh của người Nga. Tập đoàn Wagner, công ty lính đánh thuê mờ ám được tài trợ bởi Yevgeny Prigozhin - người trước đây từng là người bán xúc xích yêu thích của tổng thống Nga Vladimir Putin - vào mùa xuân năm ngoái đã chọn Bakhmut làm mục tiêu chính.

Trong nhiều tháng, Wagner đã tung hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác gồm những binh lính chưa được huấn luyện kỹ lưỡng—hầu hết là những người từng bị kết án—vào các tuyến phòng thủ của Ukraine ở Bakhmut. Oleksandr Pohrebyskyy, một trung sĩ thuộc Lữ đoàn Cơ động Không quân số 46, nói với tờ Pravda của Ukraine: “Chiến thuật của họ là khiến mọi người chết.”

Người Ukraine đã tiêu diệt hàng nghìn chiến binh Wagner và quyết liệt cầm cự ở Bakhmut. Nhưng ở khu định cư Soledar, ngay phía bắc Bakhmut, chiến thuật làn sóng người của Wagner rõ ràng đã phát huy tác dụng.

2.000 binh sĩ của Lữ Đoàn Dù 46 đã chiến đấu hết mình vì Soledar. Các video lan truyền trên mạng mô tả các xe bọc thép bánh lốp của lữ đoàn trút hỏa lực súng máy hạng nặng vào các vị trí của quân Nga. Hôm thứ Tư, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bày tỏ “sự tri ân đặc biệt” đối với các binh sĩ của Lữ Đoàn Dù số 46 “vì sự dũng cảm và kiên định của họ trong việc bảo vệ Soledar.”

Cùng ngày, bộ tổng tham mưu Ukraine bày tỏ sự lạc quan rằng Soledar sẽ được giữ vững. Bộ tổng tham mưu báo cáo: “Những kẻ xâm lược đang cố gắng kiểm soát thành phố Soledar và các tuyến đường tiếp tế của các đơn vị Ukraine và chịu tổn thất nặng nề. Cuộc chiến vẫn tiếp tục.”

Nhưng bản cập nhật hàng ngày tiếp theo về tình hình chiến sự hoàn toàn không đề cập đến Soledar - một dấu hiệu đáng ngại. Ngay sau đó, cónhững bức ảnh được lan truyền trên mạng với mục đích mô tả các chiến binh Wagner trong các mỏ muối mang tính biểu tượng của Soledar.

Luôn có khả năng các lực lượng Ukraine có thể phản công và giải phóng Soledar. “Tình hình có thể thay đổi trong nửa ngày,” Pohrebyskyy nhấn mạnh.

Trong mọi trường hợp, sự sụp đổ của Soledar không nhất thiết có nghĩa là Bakhmut cũng có nguy cơ sụp đổ. Igor Girkin, một cựu sĩ quan quân đội Nga, người đóng vai trò quan trọng trong việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, viết: “Việc các đơn vị Wagner chiếm được trung tâm và hầu hết Soledar là một thành công chiến thuật chắc chắn. Tuy nhiên, mặt trận của kẻ thù đã không bị phá vỡ.”

“Kẻ thù đang tạo ra một tuyến phòng thủ mới ở vùng ngoại ô phía tây, dựa vào các mỏ muối,” Girkin nói thêm. “Các trận chiến giành thành phố vẫn chưa kết thúc—còn phải xông vào vùng ngoại ô phía tây và tất cả các vùng ngoại ô. Bộ chỉ huy địch chắc chắn kiểm soát tình hình.”

Wagner đã ném khoảng 40.000 chiến binh vào Bakhmut và Soledar. Theo The Guardian, có tới 4.100 người đã chết. 10.000 người khác bị thương. Không lực lượng chiến đấu bộ binh nào có thể duy trì các hoạt động tấn công sau khi mất đi một phần ba sức mạnh.

Việc Wagner có thể chiêu mộ các chiến binh mới nhanh hay không – có thể là từ các tù nhân ở Nga – có thể định hình những gì xảy ra tiếp theo. Không ai nghĩ rằng Wagner sẽ từ bỏ Bakhmut. Thật vậy, công ty lính đánh thuê có thể coi việc chiếm được Soledar là bằng chứng cho thấy chiến thuật biển người của họ hoạt động và xứng đáng với cái giá phải trả bằng xương máu—và họ sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa.

Girkin viết về Bakhmut: “Vẫn cần phải đạt được điều đó. Lữ Đoàn Dù số 46 chắc chắn đang lên kế hoạch phù hợp.”

10. Bất ngờ, Ukraine có thể nhận được xe tăng từ khắp Âu Châu

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Leopard 2s From Poland. Challenger 2s From The United Kingdom. All Of The Sudden, Ukraine Could Get Tanks From All Over Europe.”, nghĩa là “Xe tăng Leopard 2s Từ Ba Lan. Challenger 2s đến từ Vương quốc Anh. Bất ngờ, Ukraine có thể nhận được xe tăng từ khắp Âu Châu”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một tá xe tăng Leopard 2 từ Ba Lan. Có khả năng là 10 xe tăng Challenger 2 từ Vương quốc Anh. Khi cuộc chiến tranh rộng lớn của Nga với Ukraine đang bước sang tháng thứ 11, các đồng minh của Ukraine cuối cùng cũng bắt đầu cung cấp một số xe tăng hạng nặng của họ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine—nhưng cho đến nay với số lượng rất nhỏ.

Hãy mong đợi những con số tăng dần. Có thể tăng rất nhanh.

Chính phủ Ukraine trong nhiều tháng đã cầu xin các đồng minh cung cấp xe tăng hiện đại do phương Tây sản xuất để bổ sung cho kho vũ khí ngày càng mệt mỏi của các xe tăng Liên Xô cũ.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda là người đầu tiên chú ý đến lời kêu gọi. Trong chuyến thăm Lviv ở miền tây Ukraine hôm thứ Tư, Duda tuyên bố Ba Lan sẽ tặng một đại đội xe tăng Leopard 2. Một đại đội xe tăng có thể bao gồm từ 12 đến 14 xe tăng.

“Chúng tôi đã quyết định đóng góp gói xe tăng đầu tiên, một đại đội xe tăng Leopard, tôi hy vọng, cùng với các đại đội Leopard khác và các xe tăng khác do các quốc gia khác cung cấp sẽ có thể tăng cường sức mạnh Quốc phòng của Ukraine,” Duda nói.

Leopard 2 là xe tăng do Đức sản xuất và Berlin phải cho phép tái xuất khẩu. Việc Đức miễn cưỡng tham gia vào các hoạt động tấn công của Ukraine trước đây có chức năng như một quyền phủ quyết ảo đối với bất kỳ quốc gia nào—Ba Lan, Tây Ban Nha, Phần Lan, Hà Lan— trong việc tặng những chiếc Leopard 2 dư thừa của mình cho Ukraine.

Thông báo của Duda dường như ngụ ý rằng sự kháng cự của Đức đã dịu đi. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà chính phủ Vương quốc Anh trong tuần này đã báo hiệu sự sẵn sàng ngày càng tăng để tặng khoảng 10 xe tăng Challenger 2—đủ cho một đại đội nhỏ. Âu Châu đang dần trở thành nhà cung cấp xe tăng cho Ukraine.

Leopard 2 và Challenger 2 không phải là xe tăng mới. Leopard 2 bắt đầu phục vụ trong quân đội Đức năm 1979. Challenger 2 ra mắt trong quân đội Anh năm 1998. Nhà sản xuất Rheinmetall của Đức đã liên tục nâng cấp Leopard 2. Việc nâng cấp của hãng BAE Systems của Anh lên Challenger 2 mới hơn có phần ít tham vọng hơn.

Nhưng cả hai xe tăng vẫn là một trong những xe tăng tốt nhất trên thế giới. Leopard 2 nặng 69 tấn với súng nòng trơn 120 ly cân bằng hoàn hảo giữa tốc độ, lớp giáp và hỏa lực — giống như người anh em M-1 của Mỹ.

Ngược lại, Challenger 2 nặng 71 tấn với khẩu súng trường 120 ly nhấn mạnh vào lớp giáp bảo vệ và hỏa lực tầm xa - phần nào phải trả giá bằng tốc độ. Leopard 2 có thể đạt 43 dặm một giờ trên đường. Tốc độ tối đa trên đường của Challenger 2 chỉ là 37 dặm một giờ.

Cả hai xe tăng đều có kíp lái 4 người và hệ thống quang học ngày đêm tinh vi.

Nếu người Ukraine sử dụng xe tăng mới của họ — và không có lý do gì để tin rằng họ sẽ không thể làm thế — thì hãy mong đợi nhiều loại xe tăng hơn nữa sẽ xuất hiện, có lẽ sớm nhất là vào mùa xuân này.

Rheinmetall đã chế tạo hơn 3.000 chiếc Leopard 2 và hàng trăm chiếc trong số đó đang được cất giữ trên khắp Âu Châu. Riêng Ba Lan có khoảng 250 chiếc Leopard 2 và vì nước này cũng đang mua những chiếc M-1 do Mỹ sản xuất nên có thể cho đi những chiếc xe tăng do Đức sản xuất mà không gây nguy hiểm cho quốc phòng của chính mình.

Quân đội Anh từng sở hữu gần 400 chiếc Challenger 2, nhưng sau nhiều lần cắt giảm, hiện chỉ nâng cấp khoảng 150 chiếc xe tăng để sử dụng trong tương lai. Vương quốc Anh có thể cho đi hàng trăm chiếc Challenger 2 mà không làm ảnh hưởng đến quân đoàn bọc thép đang bị suy giảm của chính mình.

Thật công bằng khi đặt câu hỏi tại sao Ba Lan và Vương quốc Anh không tặng tất cả các xe tăng dư thừa của họ cùng một lúc.

Các đồng minh của Ukraine rõ ràng tin rằng việc tăng dần nguồn cung cấp vũ khí mới sẽ hiệu quả hơn và ít gây gián đoạn hơn cho các hoạt động của Ukraine. Hãy nhớ lại rằng, khi Hoa Kỳ bắt đầu cung cấp cho Ukraine các Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao đẳng cấp thế giới vào mùa xuân năm ngoái, ban đầu họ cũng cung cấp với số lượng nhỏ.

Ban đầu là bốn. Sau đó, cứ mỗi lần 4 chiếc nhỏ giọt và nhỏ giọt cho đến 20 chiếc. Sau đó, một lô lớn 18.

Có những lý do chính đáng để tăng tốc. Trước tiên, bạn bàn giao vừa đủ bệ phóng hỏa tiễn hoặc xe tăng mới để huấn luyện đội ngũ nòng cốt gồm các cơ đoàn vận hành và binh sĩ hậu cần người Ukraine, những người sau đó có thể huấn luyện những người vận hành bổ sung. Đồng thời, bạn giúp người Ukraine thiết lập các quy trình hỗ trợ vũ khí mới.

“Họ không chỉ cần biết cách sử dụng các hệ thống, mà tất nhiên là cách duy trì hệ thống,” Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về chính sách, nói với các phóng viên vào tháng 6. “Vì vậy, hãy nghĩ về hậu cần, bảo trì, những thứ tương tự.”

Quân đoàn hậu cần của quân đội Ukraine đặc biệt phải đối mặt với một mùa đông và mùa xuân khó khăn khi bắt đầu hỗ trợ không chỉ một hoặc hai loại xe tăng mới mà còn cả xe chiến đấu M-2 do Mỹ sản xuất, xe chiến đấu Marder cũ của Đức và xe trinh sát AMX-10RC của Pháp.

Sự kết hợp đa dạng giữa các phương tiện này có thể còn phong phú hơn nữa nếu Hoa Kỳ cung cấp một số trong số hàng nghìn chiếc M-1 cũ mà nước này có trong kho.

Các quan chức Hoa Kỳ cho đến nay đang tỏ ra e dè. “Như đã xảy ra kể từ khi bắt đầu chiến dịch này, chúng ta duy trì một cuộc đối thoại rất mạnh mẽ và liên tục với các đối tác Ukraine và cộng đồng quốc tế để xem xét nhu cầu hỗ trợ an ninh của Ukraine dựa trên các điều kiện trên chiến trường,” Chuẩn tướng Không quân Tướng Pat Ryder, thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, nói với các phóng viên hôm thứ Ba.

“Và vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục có những cuộc trò chuyện đó.”
 
Cuộc đời thăm trầm của Thượng phụ Chính Thống Giêrusalem Eirinaios. Moscow hục hặc với đảo Síp
VietCatholic Media
05:16 15/01/2023


1. Nguyên Thượng phụ Eirinaios của Giêrusalem đã an nghỉ trong Chúa

Giám Mục Eirinaios I, sinh ngày 17 tháng 4 năm 1939, là Thượng phụ Giêrusalem từ ngày 13 tháng 8 năm 2001 đến ngày 24 tháng 5 năm 2005. Nhưng ngài bị phế truất bởi Thượng hội đồng của Giáo hội Chính thống và đã trở lại hàng ngũ tu sĩ. Ngài đã được phục hồi tước vị giám mục với tước hiệu nguyên Thượng phụ Giêrusalem vào ngày 25 tháng 7 năm 2019.

Ngài sinh ngày 17 tháng 4 năm 1939 tại Samos. Năm 1953, ngài đến Giêrusalem. Năm 1959, ngài được thụ phong Phó tế và Linh mục. Ngài tốt nghiệp Trường Thần học Athens năm 1966 và cùng năm đó, ngài được phong tước Giám Mục.

Ngày 29 tháng 3 năm 1981, ngài được tấn phong Tổng Giám mục Hierapolis. Ngài là Giám đốc Mộ Thánh ở Athens từ năm 1979 đến năm 2001.

Sau cái chết của Thượng phụ Diodorus, 8 tháng sau đó trôi qua trong bối cảnh ngoại giao căng thẳng, vì chính phủ Israel từ chối 5 ứng cử viên, một số người trong số họ có nhiều khả năng nhất. Ngày 13 tháng 8 năm 2001, Eirinaios cuối cùng đã được bầu làm Thượng phụ Giêrusalem, với 7 phiếu trên 17 phiếu.

2. Ả Rập Saudi: Hành hương Hajj trở lại mức trước COVID

Cuộc hành hương hajj hàng năm của người Hồi giáo ở Ả Rập Saudi sẽ trở lại mức trước đại dịch trong năm nay sau khi các hạn chế khiến lễ kỷ niệm tôn giáo hàng năm bị cắt giảm do lo ngại về coronavirus.

Hajj là cuộc hành hương được yêu cầu đối với tất cả những người Hồi giáo khỏe mạnh. Họ phải làm điều đó một lần trong đời. Vì thế cuộc hành hương Hajj là một trong những cuộc tụ tập đông người nhất thế giới. Trước đại dịch, cuộc hành hương đã thu hút hàng triệu người mỗi năm đến thánh địa Mecca của đạo Hồi, nơi có Kaaba hình khối lập phương mà những người Hồi giáo cầu nguyện hướng tới năm lần một ngày.

Năm 2019, hơn 2,4 triệu người đã tham gia cuộc hành hương. Nhưng vào năm 2020, trong bối cảnh phong tỏa do đại dịch gây ra, Ả Rập Xê Út đã cắt giảm đáng kể số người hành hương hajj. Chỉ có 1.000 cư dân Ả Rập Xê Út được phép tham gia. Đó là một động thái chưa từng có ngay cả trong trận dịch cúm năm 1918 đã giết chết hàng chục triệu người trên toàn thế giới.

Vào năm 2021, khoảng 60.000 cư dân của Ả Rập Xê Út đã tham dự. Năm ngoái đã chứng kiến 1 triệu tín hữu thực hiện cuộc hành hương.

Phát biểu vào tối thứ Hai tại một hội nghị về cuộc hành hương hajj ở thành phố cảng Jeddah, Saudi Hajj và Bộ trưởng Umrah Tawfiq bin Fawzan al-Rabiah đã tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế.

Chỉ những người trong độ tuổi từ 18 đến 65 mới có thể tham dự hajj trong những năm gần đây. Ả-rập Xê-út cũng hạn chế các công ty tư nhân có thể thu xếp việc đi lại cho cuộc hành hương hajj.

3. Tân tổng giám mục đảo Síp đăng quang, không có giáo sĩ Nga tham dự

Người đứng đầu Giáo hội Chính thống của Síp, Đức Tổng Giám Mục Georgios đã chính thức đảm nhận nhiệm vụ mới của mình vào hôm Chúa Nhật sau một buổi lễ lên ngôi gợi lên vẻ huy hoàng của truyền thống Byzantine hàng thế kỷ trước sự chứng kiến của các giáo sĩ từ khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

Thượng phụ Nga Kirill không cử đại diện đến dự lễ tại Nhà thờ St. Barnabas sau quyết định của Giáo hội Síp ủng hộ nền độc lập của Giáo hội Chính thống Ukraine, là điều phù hợp với quan điểm của Tòa Thượng phụ Đại kết ở Istanbul.

Ngược lại, Đức Tổng Giám Mục Symeon và Đức Tổng Giám Mục Efstratios của Giáo Hội Chính Thống Ukraine độc lập, gọi tắt là OCU đã tham dự. Với tư cách là Tổng giám mục, Đức Cha Georgios, mặc lễ phục phụng vụ màu đỏ thẫm và trang trí bằng vàng, dẫn đầu đoàn rước các giáo sĩ cấp cao vào nhà thờ.

Mặc dù một số giám mục thân Nga không đồng ý với quyết định năm 2020 của Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Síp gồm 16 thành viên, cơ quan ra quyết định cao nhất của Giáo hội Síp, đã hoàn toàn đồng ý sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.

Giáo Hội Chính thống Nga đã cắt đứt quan hệ với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô có trụ sở tại Istanbul sau khi ngài trao Tomos, tức là cấp tư cách độc lập cho Giáo Hội Chính thống Ukraine vào năm 2019.

Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo To Vima của Hy Lạp, Đức Tổng Giám Mục Georgios cho biết sự ủng hộ của Giáo hội Síp đối với quyết định của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô xuất phát từ luật của Chính thống giáo đặt quyền tối cao của Tòa Thượng phụ Đại kết lên hàng đầu so với tất cả các Giáo hội Chính thống khác. Nhưng ngài đã tặng một nhánh ô liu cho Giáo Hội Nga, khi nói rằng ngài sẽ liên hệ với Mạc Tư Khoa để xóa tan mọi quan niệm về sự thù địch và giúp khôi phục sự thống nhất của Chính thống giáo.

Sự hiệp nhất Kitô giáo là thông điệp trọng tâm trong lời chào mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô được Sứ thần Tòa thánh tại Síp là Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana chuyển tải.

Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh nói: “Tôi biết rằng phúc lành của anh chị em sẽ tiếp tục trong cam kết thúc đẩy sự hiệp nhất của tất cả các môn đệ của Chúa Kitô. Trong những thời điểm khó khăn được đánh dấu bằng bất công, bạo lực và chiến tranh, điều quan trọng hơn hết là các Kitô hữu phải đưa ra chứng tá đích thực về sự hiệp nhất để thế giới tin vào sứ điệp yêu thương, hòa giải và hòa bình của Chúa.”

Việc đăng quang của Đức Tổng Giám Mục Georgios trở thành chính thức sau khi ngài ký hiến pháp của Giáo hội bằng mực đỏ — một đặc ân được Hoàng đế Byzantine Zeno ở thế kỷ thứ năm ban cho người đứng đầu Giáo hội Síp sau khi ông được tặng một cuốn phúc âm được tìm thấy trong lăng mộ của người sáng lập Giáo hội Síp và là một vị Tông đồ Chúa Kitô, là Thánh Banaba.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tân Tổng Giám mục cho biết mục tiêu chính của ngài là tái tạo lại thông điệp Kitô giáo trong diễn ngôn tâm linh hiện đại, tiếp tục với việc Giáo hội tiếp cận với người nghèo và truyền đạt rằng tư tưởng khoa học không mâu thuẫn với các giới luật của Kitô giáo.

Đức Tân Tổng Giám Mục cũng cho biết Giáo hội sẽ tiếp tục có tiếng nói trong các vấn đề giáo dục và sẽ phản đối bất kỳ cuộc đàm phán chính trị nào nhằm giải quyết sự chia rẽ sắc tộc của Síp vốn sẽ khuyến khích “chủ nghĩa bành trướng” của Thổ Nhĩ Kỳ và tạo điều kiện cho Ankara kiểm soát hoàn toàn đất nước.

Đảo Síp bị chia cắt theo các sắc tộc vào năm 1974 khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược sau một cuộc đảo chính nhằm hợp nhất với Hy Lạp.

Đức Cha Georgios đã được bầu làm tổng giám mục vào tháng trước sau cái chết của người tiền nhiệm là Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư. Tân Tổng giám mục đã học hóa học và thần học ở Hy Lạp và sau đó là ở Anh trước khi được bầu làm giám mục Paphos vào năm 2006.


Source:AP

4. Đức Tổng Giám Mục thư ký lâu năm của Đức Bênêđictô XVI có âm mưu chống Đức Giáo Hoàng không?

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng lâu năm của Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đã được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô sáng thứ Hai 9 tháng Giêng. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như trên trong một thông báo ghi rất cẩn thận rằng Đức Thánh Cha đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, là Tổng Giám Mục hiệu tòa Urbisaglia, Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng.

Cuộc gặp gỡ của vị Tổng Giám Mục người Đức với Đức Thánh Cha diễn ra chỉ bốn ngày sau khi Đức Bênêđictô XVI được an nghỉ trong hầm mộ của Đền Thờ Thánh Phêrô hôm thứ Năm, 5 tháng Giêng.

Cuộc gặp gỡ cũng diễn ra ngay trước khi cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Gänswein trình bày chi tiết gần 20 năm phục vụ của ngài cho Đức Bênêđictô XVI, được dự kiến ra mắt vào ngày 12 tháng Giêng. Cuốn sách được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Một bản xem trước bằng tiếng Anh, được gởi cho các ký giả, cho thấy cuốn sách dày 330 trang có tựa đề “Nothing But The Truth - My Life Beside Benedict XVI”, nghĩa là “Không Có Gì Ngoài Sự Thật – Cuộc Sống Của Tôi Bên Cạnh Đức Bênêđíctô XVI”. Phiên bản tiếng Anh được nhà xuất bản Ignatius, do Cha Joseph Fessio, linh mục dòng Tên điều hành. Cuốn sách được viết cùng với nhà báo người Ý Saverio Gaeta.

Trái với những đồn thổi của các phương tiện truyền thông cho rằng cuốn sách nhằm chống lại Đức Thánh Cha Phanxicô. Độc giả có thể thấy xuyên suốt 330 trang của cuốn sách một thái độ điềm tĩnh, kính trọng dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Người ta có thể thấy rõ gần như ngay lập tức là cuốn sách nhằm mục đích bảo vệ Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và di sản của ngài.

Cuốn sách thực sự có bao gồm các chi tiết về những bất đồng được cho là của vị giáo hoàng người Đức với người kế nhiệm người Á Căn Đình về các vấn đề như việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô hạn chế Thánh lễ Latinh truyền thống và những tuyên bố của ngài liên quan đến các vấn đề đạo đức như phá thai và đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, nó được trình bày một cách ôn tồn. Đặc biệt, tường thuật được báo chí nhắc đến nhiều là cho rằng Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein viết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “làm tan nát trái tim” của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô khi cấm nghi thức cổ xưa bằng tiếng Latinh. Chi tiết này không hề được viết ở bất cứ đâu trong cuốn sách. Đó là câu chuyện được dựng đứng từ A đến Z.

Một tình tiết khác được cho là đã được thảo luận trong cuốn sách là việc Đức Tổng Giám Mục Gänswein bị sa thải khỏi vai trò Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, xảy ra vào đầu năm 2020. Chuyện này thì có. Tuy nhiên, cách tường thuật của báo chí đã trầm trọng hóa vấn đề.

Họ nói rằng Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã bắn vào Đức Thánh Cha Phanxicô 2 “mũi tên”. Mũi tên thứ nhất là chuyện “làm tan nát trái tim” vừa nêu ở trên. Mũi tên thứ hai chuyện Đức Thánh Cha sa thải vị Tổng Giám Mục.

Ban đầu được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng vào năm 2012, Đức Tổng Giám Mục Gänswein tiếp tục giữ chức vụ này trong triều Giáo Hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Chức năng chủ yếu của vị Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng là tổ chức các buổi yết kiến chính thức với Đức Thánh Cha.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã ngừng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến vị trí này sau một cuộc tranh cãi vào tháng Giêng năm 2020 xung quanh một cuốn sách về luật độc thân của linh mục, được xuất bản lần đầu bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Đức Hồng Y Robert Sarah người Guinea. Cuốn sách, “From the Depths of Our Heart” nghĩa là “Từ Sâu Thẳm Trái Tim Chúng Ta”, được xuất bản trong bối cảnh thượng hội đồng toàn Amazon đang gây tranh cãi và được nhiều người coi là một bài phê bình từ Đức Giáo Hoàng Danh dự về việc Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép đem ra thảo luận các vấn đề liên quan đến khả thể phong chức linh mục cho những người đã kết hôn.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã yêu cầu Đức Hồng Y Sarah xóa tên của Đức Giáo Hoàng Danh dự với tư cách là đồng tác giả của văn bản và nói rằng một “sự hiểu lầm” đã dẫn đến việc vị giáo hoàng về hưu được đưa vào làm đồng tác giả.

Chức vụ của Đức Tổng Giám Mục Gänswein không thay đổi sau vụ này, nhưng việc ngài ngừng các nhiệm vụ phụ trách Phủ Giáo Hoàng được Phòng Báo Chí Tòa Thánh giải thích là phản ảnh việc “phân phối lại các công việc và nhiệm vụ khác nhau” của các binh sĩ trong Phủ Giáo Hoàng.

Trong cuốn sách sắp xuất bản của mình, Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã viết rằng, sau sự đồng tác giả, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ngài “ngày mai đừng quay lại làm việc”. Ngài đã “bị sốc và không nói nên lời”. Ngài cũng viết rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã viết hai lá thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu khôi phục nhiệm vụ của Đức Tổng Giám Mục Gänswein vì vị tổng giám mục người Đức đang “bị tấn công từ mọi phía”, nhưng việc phục hồi của ngài không bao giờ diễn ra. Đức Tổng Giám Mục Gänswein than thở rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã biến ngài thành “một vị giám chức nửa vời”. Có vẻ quá đáng khi gọi những lời than thở của Đức Cha Gänswein là “mũi tên” bắn vào Đức Thánh Cha Phanxicô. Việc phân chia công việc như thế nào là thẩm quyền hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô. Việc ngài không yêu cầu Đức Tổng Giám Mục thực thi các công việc thường lệ của mình nữa mà dành thời gian lo cho Đức Giáo Hoàng danh dự không thể bị phê phán. Đức Tổng Giám Mục Gänswein, có bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại Học Ludwig Maximilian vào năm 1993, đương nhiên ngài hiểu được đó là thẩm quyền hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thành ra, chúng ta nghĩ rằng vụ “giám chức nửa vời” này có lẽ chỉ là một tiếng thở dài hơn là một lời tố cáo.

Giờ đây, Đức Bênêđíctô không còn trên trái đất này nữa, cơn lũ phân tích được mong đợi về “cuộc chiến” sắp xảy ra giữa các mặt trận của Giáo hội đã bắt đầu tràn ngập mọi kênh truyền thông có thể. Báo chí, TV, trang web và mạng xã hội. Báo chí thế tục cho rằng người hâm mộ của cả hai Giáo hoàng sẵn sàng rút kiếm và cho nhau một trận tơi bời. Bên cạnh các báo chí, có cả các linh mục sẵn sàng chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng bằng những bài mạ lỵ Đức Tổng Giám Mục Gänswein.

Hãy nghĩ xem, trong tình cảnh của Đức Tổng Giám Mục Gänswein hiện nay, khi Đức Bênêđíctô không còn sống, không rõ tương lai ra sao, ngài chống Đức Thánh Cha Phanxicô để làm gì?

Thành ra, với tư cách là một người đã đọc cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Gänswein, chúng ta bảo đảm với anh chị em rằng cuốn sách ấy không nhằm mục đích chống Đức Thánh Cha mà là để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Danh dự.

Việc Đức Thánh Cha tiếp Đức Tổng Giám Mục và thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ghi cẩn thận như thế cho thấy chính Đức Thánh Cha cũng không nghĩ Đức Tổng Giám Mục chống lại ngài.

Theo thông lệ tiêu chuẩn dành cho các buổi tiếp kiến riêng, văn phòng báo chí của Vatican không chia sẻ chi tiết về cuộc gặp gỡ, trừ khi đó là cuộc gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia.

Có lẽ cần phải đợi một thời gian nữa mới biết được Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm ngài trong công việc gì: phục hoạt đầy đủ chức vụ Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, hay giao cho ngài chăm sóc một giáo phận, hay quay trở lại công việc học thuật của ngài.


Source:National Catholic Register
 
Lữ Đoàn Dù của Nga bị đánh bại gần Kreminna. Nhật tin rằng cựu tổng thống Nga sợ quá nên đã hóa điên
VietCatholic Media
17:30 15/01/2023


1. Lữ Đoàn Dù của Nga bị đánh bại ở Kreminna, thương vong nặng nề

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 15 tháng Giêng, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết ở hướng Kreminna, khu vực Luhansk, quân đội Nga đang thực hiện những nỗ lực vô ích để phản công Lực lượng Vũ trang Ukraine.

“Người Nga đang cố gắng phản công về hướng Kreminna nhưng không thành công. Lực lượng Vũ trang Ukraine đang tiến về phía trước”. Ông nói thêm rằng các khu định cư Stelmakhivka, Makiivka và Chervonopopivka đang bị kẻ thù tấn công.

“Chính từ những hướng này, quân đội Nga đang cố gắng phản công Lực lượng vũ trang Ukraine, nhưng lực lượng phòng thủ của chúng ta đã đẩy lùi mọi cuộc tấn công.”

Sau khi rút lui khỏi Kherson, hai Tiểu Đoàn Dù của Lữ Đoàn Dù 108 được điều động đến Kreminna vào trung tuần tháng 11. Họ rút về vùng Kherson sau khi bị tổn thất quá nặng. Đầu năm nay, các tiểu đoàn của Lữ Đoàn Dù 108 lại được tái triển khai tới khu vực Kreminna. Hôm 9 Tháng Giêng, họ đã bị tổn thất nặng trong cuộc giao tranh với quân Ukraine tại Bilohorivka. Họ bỏ chạy về hướng Rubizhne bỏ lại hàng trăm xác đồng đội, 4 hệ thống pháo, và 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Theo Thống Đốc Serhiy Haidai, từ ngày 14 tháng Giêng, sau khi được bổ sung quân từ các tân binh mới bị gọi nhập ngũ, họ lại giao tranh với quân Ukraine tại 3 khu định cư Stelmakhivka, Makiivka và Chervonopopivka. Tuy nhiên, tình hình của Lữ Đoàn Dù Nga này xem ra còn bi thảm hơn trước. Các tân binh mới bị gọi nhập ngũ không có kinh nghiệm chiến đấu, không được huấn luyện đầy đủ. Chính các lính Dù của Lữ Đoàn này cũng nhát đảm sau nhiều lần thất bại tại Kreminna.

Ông Serhiy Haidai nhận định rằng Lữ Đoàn Dù Nga này sẽ lại thất bại.

2. Tuyên bố của phủ Thủ tướng Anh về việc đồng ý gửi xe tăng tới Ukraine

Sau cuộc gọi giữa thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, phát ngôn nhân của phủ Thủ tướng cho biết như sau:

“Thủ tướng đã nói chuyện với tổng thống Ukraine Zelenskiy hôm nay. Các nhà lãnh đạo đã phản ánh về tình trạng hiện tại của cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, với những chiến thắng liên tiếp của Ukraine đã đẩy lùi quân đội Nga và làm trầm trọng thêm các vấn đề quân sự và tinh thần của họ.”

“Họ nhất trí về sự cần thiết phải nắm bắt thời điểm này với việc tăng cường hỗ trợ ngoại giao và quân sự toàn cầu cho Ukraine.”

“Thủ tướng đã cho biết một quyết định của Vương quốc Anh nhằm tăng cường sự hỗ trợ đối với Ukraine, bao gồm thông qua việc cung cấp xe tăng Challenger 2 và các hệ thống pháo bổ sung.”

“Thủ tướng và tổng thống Zelenskiy hoan nghênh các cam kết quốc tế khác theo hướng này, bao gồm cả đề nghị của Ba Lan cung cấp một đại đội xe tăng Leopard”.

“Thủ tướng nhấn mạnh rằng ông và toàn bộ chính phủ Vương quốc Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để nhanh chóng cung cấp hình thức hỗ trợ cho phép Ukraine tận dụng lợi thế của mình, giành chiến thắng trong cuộc chiến này và bảo đảm một nền hòa bình lâu dài.”

3. Nhật Bản tin rằng cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev sợ quá đã hóa điên

Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm thứ Bảy đã cáo buộc thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phục tùng Hoa Kỳ và gợi ý một cách kỳ lạ rằng ông nên tự mổ bụng theo nghi thức truyền thống của Nhật Bản.

Đây là tuyên bố mới nhất trong một chuỗi dài các tuyên bố gây sốc và khiêu khích của Medvedev, người từng được coi là một nhà cải cách ôn hòa nghiêng về phương Tây nhưng đã bất ngờ trở thành một tay diều hâu kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine năm ngoái.

Tại Nhật Bản, không có giới chức nào ngay lập tức có mặt để bình luận về những nhận xét này vì ngoài giờ làm việc bình thường, Reuters đưa tin. Tuy nhiên, báo chí tại Nhật Bản gợi ý rằng Medvedev có lẽ sợ quá nên đã hóa điên.

Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia.

Medvedev thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.

4. Tình báo Ukraine cho biết: Nga chuẩn bị cho cuộc chiến trường kỳ

Theo quan sát của tình báo quân sự Ukraine, Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài quy mô lớn.

“Các biện pháp của Putin nhằm tổ chức lại nền kinh tế và tổ hợp công nghiệp-quân sự của Liên bang Nga là minh chứng cho việc chuẩn bị chuyển Nga sang chế độ thiết quân luật. Chúng nhằm mục đích củng cố tiềm năng của Lực lượng Vũ trang Nga và tạo điều kiện để tiến hành các hoạt động đã được lên kế hoạch ngay từ đầu cuộc chiến, nhưng đã bị lực lượng xâm lược của Nga thực hiện không thành công,” Thiếu Tướng Kyrylo Budanov, Tổng cục trưỏng Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết như trên.

Ông lưu ý rằng “những nỗ lực của Liên bang Nga nhằm thu hút tất cả các nguồn lực quân sự để tiếp tục chiến tranh ở Ukraine và việc bổ nhiệm gần đây Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga Gerasimov làm Tổng Tư Lệnh các lực lượng xâm lược không chỉ chứng minh cho những thất bại quân sự của Nga mà còn cho thấy sự chuẩn bị của Liên bang Nga cho việc tiếp tục một cuộc chiến tranh kéo dài quy mô lớn”.

Như đã đưa tin, Liên bang Nga đã cấm công dân đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự rời khỏi đất nước. FSB Nga đã gửi một lệnh tương ứng tới tất cả các bộ phận bảo vệ biên giới của đất nước. Tưởng cũng nên biết thêm: tại Liên bang Nga, bộ đội biên phòng là một phần của FSB.

5. Zelenskiy nói “khủng bố Nga” chỉ có thể bị đánh bại trên chiến trường

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết chỉ có thể ngăn chặn “khủng bố Nga” trên chiến trường trong bài phát biểu hàng đêm gởi quốc dân đồng bào.

“Khủng bố Nga có thể được ngăn chặn hay không? Có thể.” Zelenskiy nói. “Có thể làm điều đó bằng cách nào đó khác với trên chiến trường ở Ukraine không? Tiếc là không có. Điều này có thể và phải được thực hiện trên đất của chúng ta, trên bầu trời của chúng ta, trên biển của chúng ta,” ông nhấn mạnh.

Để đạt được những mục tiêu này, Zelenskiy cho biết ông tin rằng Ukraine cần “vũ khí nằm trong kho của các đối tác của chúng ta và quân đội của chúng ta đang rất chờ đợi”.

Ông Zelenskiy nói thêm: “Không có sự thuyết phục nào, cũng chẳng có sự trì hoãn nào có thể ngăn chặn được những kẻ khủng bố đang giết hại người dân của chúng ta một cách có phương pháp bằng hỏa tiễn, máy bay không người lái mua ở Iran, pháo, xe tăng và súng cối của chính chúng”.

Cập nhật về vụ bắn phá hôm thứ Bẩy 14 Tháng Giêng, Tổng thống Ukraine cho biết “tình hình khó khăn nhất là ở khu vực Kharkiv và khu vực Kyiv” sau cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga.

“Thật không may, các cơ sở hạ tầng năng lượng cũng bị ảnh hưởng,” Zelenskiy nói. “Các đội sửa chữa đang cố gắng hết sức để khôi phục việc phát điện và cung cấp điện càng sớm càng tốt, và công việc sẽ tiếp tục suốt ngày đêm.”

Zelenskiy cũng nói rằng các lực lượng Ukraine đã bắn hạ hơn 20 hỏa tiễn của Nga vào thứ Bảy, trong số hơn 30 quả được bắn vào Ukraine. “Đây là hàng trăm sinh mạng đã được cứu,” anh nói.

Trước đó vào hôm thứ Bảy, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết Nga đã “thực hiện khoảng 28 vụ phóng hỏa tiễn hành trình các loại và 5 vụ phóng hỏa tiễn dẫn đường từ máy bay”.

Ông Zaluzhnyi cho biết thêm Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã phá hủy 18 hỏa tiễn hành trình và 3 hỏa tiễn dẫn đường từ máy bay.

Zelenskiy cũng bình luận về cuộc tấn công bằng hỏa tiễn chết người của Nga nhằm vào một tòa nhà chung cư ở thành phố Dnipro trước đó vào thứ Bảy.

Tổng thống Ukraine cho biết: “Tất cả các tầng của tòa nhà này – từ tầng 2 đến tầng 9 – đã bị phá hủy trong vụ nổ hỏa tiễn của Nga. “Có thể cứu được hàng chục người – những người bị thương đang được điều trị. Trong số đó có cả trẻ em, một bé gái mới ba tuổi”.

Theo Zelenskiy “việc dọn dẹp các mảnh vỡ vẫn đang diễn ra và sẽ tiếp tục suốt đêm.”

“Vẫn chưa biết có bao nhiêu người đang ở dưới đống đổ nát,” ông nói thêm. “Thật không may, số người chết đang tăng lên hàng giờ.”

6. Không quân Ukraine cho biết hỏa tiễn Nga bắn vào Dnipro cùng loại với hỏa tiễn đã tấn công một trung tâm mua sắm vào mùa hè năm ngoái

Lực lượng Không quân Ukraine cho biết hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng một khu chung cư ở Dnipro hôm thứ Bảy, khiến 9 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, là Kh-22 - một loại hỏa tiễn hành trình cũ và kém chính xác hơn so với hầu hết các hỏa tiễn hiện đại.

Yurii Ihnat, phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine, cho biết Kh-22 “được bắn từ máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, được phóng từ khu vực gần Kursk và Biển Azov”.

“Có tổng cộng 5 lần phóng các hỏa tiễn này,” Ihnat nói.

CNN đã báo cáo vào tháng 6 năm ngoái rằng hỏa tiễn Kh-22 đã tấn công một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk ở miền trung Ukraine.

Ban đầu được thiết kế như một hỏa tiễn chống hạm, Kh-22 mang đầu đạn nặng gần một tấn. Nhưng các nhà phân tích phương Tây nói rằng nó chỉ chính xác trong bán kính khoảng 500 mét.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết mục tiêu hồi tháng 6 là một cơ sở sửa chữa phương tiện quân sự, cách trung tâm mua sắm vài trăm mét. Ít nhất 18 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công đó.

Nói về cuộc tấn công hôm thứ Bảy, Ihnat cho biết: “Họ đã tấn công bằng một hỏa tiễn như vậy vào một thành phố đông dân cư với người dân, phụ nữ và trẻ em. Không có lời giải thích và biện minh nào cho hành động khủng bố này”.

Nga đã sử dụng Kh-22 trong suốt chiến dịch của mình ở Ukraine, dựa trên kho dự trữ ước tính lên tới hàng nghìn chiếc.

7. Nga phóng hỏa tiễn từ phía bắc theo quỹ đạo đạn đạo

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật 15 tháng Giêng, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết trong cuộc tấn công hôm thứ Bẩy, Nga đã phóng hỏa tiễn từ hướng bắc theo quỹ đạo đạn đạo.

“Nhiều khả năng đây là những hỏa tiễn bay theo quỹ đạo đạn đạo. Rõ ràng là có hậu quả. Loại hỏa tiễn chính xác vẫn đang được sử dụng... Chúng bay từ hướng bắc. Tôi muốn lưu ý rằng chúng ta không có khả năng phòng thủ hiệu quả trước hỏa tiễn đạn đạo,” Ignat nói.

Theo ông, báo động không kích sáng nay ở Kyiv được ban bố muộn hơn do thiếu dữ liệu radar và thông tin từ các nguồn khác.

Một số vụ nổ lớn đã làm rung chuyển thành phố Kyiv vào sáng ngày 14 tháng Giêng. Sau đó, cảnh báo không kích đã được ban bố ở Kyiv và khu vực.

8. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định thông báo Soledar của Nga nêu bật xung đột nội bộ với Wagner

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Soledar Announcement Highlights Internal Wagner Conflict: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định thông báo Soledar của Nga nêu bật xung đột nội bộ với Wagner.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cách Nga thông báo rằng họ đã chiếm được Soledar cho thấy mâu thuẫn giữa Nhóm lính đánh thuê Wagner chiến đấu trong thị trấn Donetsk và Bộ Quốc phòng Nga.

Cơ quan cố vấn của Hoa Kỳ cho biết đã có “phản ứng dữ dội” trong không gian thông tin ủng hộ Điện Cẩm Linh về việc Bộ Quốc phòng Nga ban đầu không công nhận vai trò của Wagner trong vụ chiếm thị trấn nhỏ ở vùng Donetsk mà cho đến nay Ukraine vẫn bác bỏ.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó thừa nhận rằng các tình nguyện viên Wagner và quân chính quy Nga đã tham gia trận chiến và rằng một “nhóm quân không đồng nhất” đã thực hiện một “kế hoạch chung” theo hướng Soledar.

Wagner được lãnh đạo bởi doanh nhân Yevgeny Prigozhin, một đồng minh của Vladimir Putin nhưng là nhà phê bình lực lượng quân sự Nga, người đã công khai vai trò của quân đội ông trong trận chiến giành Soledar.

ISW cho biết hôm thứ Sáu rằng các blogger quân sự nổi tiếng đã mô tả “một cuộc xung đột đang diễn ra giữa Bộ Quốc phòng Nga và Prigozhin đằng sau những cánh cửa đóng kín”.

Một số nhà bình luận quân sự tin rằng Prigozhin đã “chế ngự được luận điệu mơ hồ có chủ ý của Bộ Quốc phòng Nga”, và điều này đã buộc Điện Cẩm Linh phải chấm dứt chính sách lâu đời là không công khai công nhận Wagner và các nỗ lực chiến tranh của họ.

ISW lưu ý cách một blogger có liên hệ với Điện Cẩm Linh đã nói rằng Prigozhin và Bộ Quốc phòng Nga đang cố gắng “làm suy yếu lẫn nhau” với việc bản thân Prigozhin không công nhận lực lượng vũ trang Nga “là một lực lượng tham gia trên chiến trường”.

ISW cũng nói rằng việc Bộ Quốc phòng Nga đề cập đến lực lượng Wagner là một “chiến thắng quan trọng” đối với Prigozhin, người có khả năng sử dụng chiến dịch Soledar “như một công cụ thương lượng để nâng cao quyền lực của mình ở Nga.”

Bất chấp những tuyên bố của Nga về Soledar, tình hình ở thị trấn khai thác muối mà Mạc Tư Khoa nói có thể được sử dụng làm bàn đạp cho một cuộc tấn công vào thành phố Bakhmut cách đó khoảng 9 dặm về phía nam vẫn chưa được xác minh độc lập.

Phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, cho biết hôm thứ Sáu rằng các lực lượng của họ đang cầm cự, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu qua video hàng đêm rằng trận chiến ở đó vẫn tiếp tục.

Trong khi đó, Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự khu vực Donetsk, nói với truyền hình Ukraine rằng Soledar “do chính quyền Ukraine kiểm soát và quân đội của chúng ta kiểm soát thành phố này”.

“Tuy nhiên, có cả những trận đánh trong đô thị và những trận chiến bên ngoài thành phố, bởi vì kẻ thù đang cố gắng tiến công theo nhiều hướng,” ông nói thêm.

Lữ Đoàn Dù số 46 của Lực lượng Vũ trang Ukraine, đang bảo vệ Soledar, xác nhận rằng giao tranh vẫn tiếp diễn ở ngoại ô thành phố và tính đến thứ Bảy, khoảng 550 người vẫn ở trong thành phố, cổng thông tin Lviv News của Ukraine đưa tin.

Phát ngôn nhân chính quyền quân sự Odesa Serhii Bratchuk đã công bố một đoạn video mà ông nói rằng cho thấy ít nhất phần phía tây của thành phố vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để xin bình luận.
 
Đau đớn: Sáng Chúa Nhật kinh hoàng 15/1, cha sở bị thiêu sống, cha phó bị bắn trọng thương
VietCatholic Media
17:35 15/01/2023


1. Những kẻ khủng bố thiêu sống một linh mục ở Niger

Chúng tôi xin thông báo với quý vị và anh chị em một tin rất buồn là Cha Isaac Achi, cha sở của nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ ở Kafin-koro thuộc khu vực chính quyền địa phương Paikoro của Niger vừa bị những kẻ khủng bố thiêu sống vào lúc 3 giờ sáng ngày Chúa Nhật 15 Tháng Giêng theo giờ địa phương, tức là 9 giờ sáng theo giờ Việt Nam.

Ngài là linh mục đầu tiên trên thế giới hy sinh trong năm 2023 này.

Tuyên bố của ty cảnh sát Wasiu cho biết như sau: “Vào khoảng 03:00 ngày 15 Tháng Giêng, bọn cướp có vũ trang đã xâm nhập vào nhà xứ của Cha Isaac Achi kế bên Nhà thờ Công Giáo Hai Thánh Phêrô và Phaolô, dọc theo đường Daza, Kafin-Koro, Paikoro”

“Thật không may, những tên cướp được cho là đã cố gắng đột nhập nhưng không được và đã đốt cháy ngôi nhà, bị thiêu chết vị linh mục”.

“Một linh mục khác cũng ở trong nhà xứ được xác định là Cha Collins cũng bị bắn vào vai khi cố gắng trốn thoát khỏi hiện trường. Các đội cảnh sát trực thuộc chi khu cảnh sát Kafin-Koro ngay lập tức được điều động đến hiện trường, nhưng những tên lưu manh đã trốn thoát trước khi họ đến nơi”.

“Cha Isaac đã được tìm thấy đã chết trong khi Cha Collins vẫn còn sống và được đưa đến bệnh viện để điều trị.”

Cảnh sát tuyên bố rằng những nỗ lực đang được tiến hành để bắt giữ những tên cướp.

Nhiều linh mục Công Giáo đã bị sát hại dã man hoặc bị bắt cóc để đòi tiền chuộc ở miền Bắc Niger.

Vào tháng Giêng năm 2021, một Linh mục Công Giáo của Giáo phận Minna, là Cha John Gbakaan Yaji, bị bắt cóc và bị giết bởi những tên cướp có vũ trang ở Bang Niger.

Vào tháng 5 năm 2022, một Linh mục Công Giáo khác, Cha Joseph Bako, qua đời trong khi bị giam giữ bởi những kẻ bắt cóc ở Kaduna.

Vào ngày 25 tháng 6 năm 2022, Cha Vitus Borogo đã bị sát hại dã man bởi những kẻ khủng bố đã đột kích vào trang trại của ngài ở Kaduna.

Vào ngày 15 tháng 7 năm 2022, những kẻ khủng bố lại tấn công và bắt cóc hai Linh mục Công Giáo – là các Cha John Cheitnum và Donatus Cleopas – khi các ngài đang làm công việc mục vụ tại Nhà thờ Công Giáo Chúa Kitô Vua, ở Yadin Gura.
Source:thenicheng.com

2. Đức Hồng Y Pell có đức tin sâu sắc và sự kiên định tuyệt vời đối với giáo lý Công Giáo

Người Công Giáo từ gần xa đã đến tham dự Thánh lễ an táng Đức Hồng Y George Pell tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào hôm thứ Bảy.

Vị Hồng Y người Úc qua đời tại Rome vào ngày 10 tháng Giêng do ngừng tim sau ca phẫu thuật hông. Ông đã 81.

Tang lễ ngày 14 tháng Giêng của ngài, được tổ chức tại Bàn thờ Ngai Tòa, đã kín chỗ, với những chiếc ghế phụ được bổ sung vào phút cuối để đủ chỗ cho những người đứng ở phía sau bàn thờ chính của Đền Thờ Thánh Phêrô

“Là người của Thiên Chúa và là người của Giáo hội, ngài được đặc trưng bởi một đức tin sâu sắc và sự kiên định tuyệt vời đối với giáo lý, là điều mà ngài luôn bảo vệ không do dự và với lòng can đảm, chỉ quan tâm đến việc trung thành với Chúa Kitô,” Đức Hồng Y Giovanni Battista Re nói về Pell trong bài giảng tang lễ của mình.

“Như ngài đã nhiều lần lưu ý, sự suy yếu niềm tin của thế giới phương Tây và cuộc khủng hoảng đạo đức trong các gia đình khiến ngài đau buồn,” Đức Hồng Y Re nói. “Chúng ta xin phó thác người anh em này cho Thiên Chúa, Đấng nhân lành và giàu lòng thương xót, cầu xin Thiên Chúa đón nhận ngài vào trong bình an và tình yêu thân mật của Người.”

Em trai của Đức Hồng Y Pell, David Pell, và em họ Chris Meney, cùng với các thành viên khác trong gia đình, các linh mục và tu sĩ, đã từ Úc đến dự tang lễ.

Michael Casey, cựu thư ký của Đức Hồng Y Pell hiện đang làm việc tại Đại học Công Giáo Úc, cũng tham dự.

Từ Rôma, các nhà ngoại giao, sinh viên và linh mục của Tòa thánh cũng đến để cầu nguyện cho linh hồn Đức Hồng Y Pell. Các chủng sinh của Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ đã tham dự Thánh lễ an táng ngay sau buổi tiếp kiến của họ với Đức Thánh Cha Phanxicô vào buổi sáng cùng ngày.

Tác giả người Mỹ George Weigel, một người bạn lâu năm của Đức Hồng Y Pell, đã từ Hoa Kỳ đến dự tang lễ.

Thánh lễ được cử hành bởi Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y Đoàn, và được đồng tế bởi các Hồng Y và giám mục.

Thư ký riêng của Đức Hồng Y Pell trong những năm ngài ở Rôma, Cha Joseph Hamilton, và Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký lâu năm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cũng đồng tế.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến vào cuối Thánh lễ để thực hiện nghi thức tuyên dương và từ biệt lần cuối, như thông lệ của ngài đối với tang lễ của một Hồng Y.

“Xin Thiên Chúa kết hợp linh hồn của ngài với linh hồn của tất cả các thánh và tín hữu đã ra đi,” Đức Thánh Cha cầu nguyện. “Xin Chúa ban cho ngài một sự phán xét đầy lòng thương xót, để được cứu chuộc khỏi sự chết, thoát khỏi hình phạt, được hòa giải với Chúa Cha, được ôm ấp trong vòng tay của vị Mục Tử Nhân Lành, cầu xin ngài có thể xứng đáng cùng với tất cả các thánh bước vào hạnh phúc vĩnh cửu cùng với Vua vĩnh cửu.”

Đức Thánh Cha đã rảy nước thánh. Một linh mục xông hương quan tài khi ca đoàn và cộng đoàn hát điệp ca Sub Tuum Praesidium kính Đức Mẹ. Người Việt chúng ta vẫn thườg đọc hàng ngày và gọi là Kinh Trông Cậy.

Tiếng vỗ tay nổ ra khi quan tài của Đức Hồng Y Pell được khiêng ra từ Đền Thờ Thánh Phêrô. Đức Hồng Y sẽ được an táng tại nhà thờ chính tòa cũ của ngài, là nhà thờ chính tòa Đức Bà, ở Sydney, Australia.

Một ngày trước tang lễ của ngài, một lễ viếng đã được tổ chức tại Nhà thờ Santo Stefano degli Abissini bên trong Vatican.

Phúc âm cho Thánh lễ an táng của Đức Hồng Y Pell là từ Lu-ca 12, nói về những người đầy tớ cảnh giác và trung thành: “Phước cho những đầy tớ mà chủ thấy cảnh giác khi đến,”

Thánh vịnh đáp ca trích từ Thánh vịnh 23: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi”

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Re đã nhận xét về cái chết bất ngờ của Đức Hồng Y Pell, và về việc ngài mới đây tham dự tang lễ của Đức Bênêđictô XVI.

Ngài nói: “Mặc dù đã 81 tuổi nhưng Đức Hồng Y dường như vẫn có sức khỏe tốt. Nhập viện để phẫu thuật hông, biến chứng tim xảy ra sau đó khiến ngài tử vong.”

“Được soi sáng và an ủi bởi niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, chúng ta quy tụ quanh bàn thờ này và thi hài của Đức Hồng Y Pell để phó thác linh hồn của ngài cho Thiên Chúa, để Đức Hồng Y được đón nhận vào tình yêu bao la của Thiên Chúa trong cuộc sống bất tận.”

Đức Hồng Y Re mô tả Đức Hồng Y Pell là một “nhân vật chính có ý chí mạnh mẽ và quyết đoán, được đặc trưng bởi tính khí của một nhân vật mạnh mẽ, đôi khi có thể tỏ ra gay gắt.”

Đức Hồng Y Re nói, cái chết sớm của Hồng Y đã khiến chúng ta mất tinh thần, nhưng “trong trái tim chúng ta chỉ có chỗ cho hy vọng.”
Source:Catholic News Agency

3. Vai trò của Đức Giáo Hoàng trong cuộc điều tra tài chính của Vatican một lần nữa là tâm điểm

Vai trò của chính Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc điều tra về sai phạm tài chính tại Tòa thánh đã chiếm vị trí trung tâm hôm thứ Sáu tại tòa án Vatican, với các nhân chứng nói rằng ngài khuyến khích một nghi phạm chính hợp tác với các công tố viên và một bị cáo chính cáo buộc ngài can thiệp vào phiên tòa.

Phiên điều trần hôm thứ Sáu là một trong những phiên tòa được mong đợi háo hức nhất trong “phiên tòa thế kỷ” của Vatican, vì phiên tòa này có lời khai của một trong những nhân vật nổi bật hơn trong lịch sử Vatican gần đây, Francesca Chaouqui. Chuyên gia quan hệ công chúng này đã được triệu tập sau khi có thông tin nổi lên vào cuối năm ngoái rằng cô ấy đã đóng vai trò hậu trường trong việc thuyết phục Đức ông Alberto Perlasca từ một người bị nghi ngờ trở thành nhân chứng chính, quay lại báo cáo xếp cũ của mình là Hồng Y Angelo Becciu.

Nhưng phiên điều trần kéo dài cả ngày đã kết thúc bằng một quả bom bất ngờ, khi Hồng Y Becciu đáp lại lời khai của Chaouqui bằng cách đọc to một bức thư trao đổi với Đức Giáo Hoàng gợi ý rằng chính Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục phủ bóng đen lên phiên tòa, cho dù là vô tình.

Phiên tòa xét xử tại tòa án hình sự của thành phố bắt nguồn từ khoản đầu tư 350 triệu euro của Tòa thánh vào một khu dân cư ở London. Các công tố viên đã buộc tội 10 người, cáo buộc các nhân viên Tòa Thánh và người môi giới cho Vatican đã lừa Tòa thánh hàng chục triệu euro tiền phí và hoa hồng, sau đó tống tiền Tòa thánh 15 triệu euro để có toàn quyền kiểm soát tài sản.

Đức ông Alberto Perlasca ban đầu nằm trong số những nghi phạm chính, nhưng ngài đã thay đổi câu chuyện của mình vào tháng 8 năm 2020 và bắt đầu hợp tác với các công tố viên, đổ lỗi cho Hồng Y Becciu, khi đó là nhân vật số 2 trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về khoản đầu tư ở London và các khoản chi đáng ngờ khác.

Khi bị thẩm vấn vào tháng 11, Đức Ông Perlasca tiết lộ rằng ngài đã thay đổi câu chuyện của mình sau khi nhận được lời khuyên thông qua một người bạn của gia đình từ một người mà ông tin là một quan tòa đã nghỉ hưu, người đang hợp tác chặt chẽ với các nhà điều tra, công tố viên của Vatican và chính Đức Giáo Hoàng. Mọi chuyện nhanh chóng nổi lên rằng vị thẩm phán đã nghỉ hưu không ai khác chính là Chaouqui, người được biết đến trong giới Vatican vì vai trò của cô ta trong vụ bê bối “Vatileaks” năm 2015-2016, trong đó cô bị kết tội âm mưu chuyển các tài liệu mật cho các nhà báo.

Chaouqui từ lâu đã nuôi mối hận với Hồng Y Becciu, đổ lỗi cho ngài đứng sau vụ bắt giữ và truy tố “Vatileaks”. Sự can thiệp của cô ấy vào phiên tòa mới và quan tâm đến việc khiến Perlasca thay đổi câu chuyện của ngài, được nhiều người coi là một nỗ lực để dàn xếp tỷ số với Hồng Y Becciu.

Chaouqui nói với tòa án hôm thứ Sáu rằng cô ấy không huấn luyện Perlasca để giúp bên công tố nhiều như để giúp Đức Thánh Cha Phanxicô hiểu những gì đang xảy ra “sau lưng ngài.”

Chaouqui làm chứng rằng, thông qua một người bạn của gia đình, cô ấy đã đề nghị Đức Ông Perlasca ghi lại những gì ngài biết về một loạt các giao dịch đáng ngờ cho Đức Giáo Hoàng nghe, đưa ra những gợi ý cho Đức Ông Perlasca để ngài có thể trả lời. “Đây dường như là cách tốt nhất để tôi cho Đức Giáo Hoàng biết những điều này,” Chaouqui nói, ngụ ý rằng cô ấy thường xuyên tiếp cận với Đức Giáo Hoàng và cung cấp cho ngài một luồng thông tin ổn định.

Về phần mình, người bạn của gia đình, Genoveffa Ciferri, nói với tòa án rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như cha mẹ của Đức Ông Perlasca, cũng khuyến khích ngài hợp tác với các công tố viên. Perlasca cho biết đã quen biết với Đức Thánh Cha trong thời gian ngài là Tổng Giám Mục Buenos Aires và Perlasca làm việc trong Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Á Căn Đình, từ năm 2006 đến 2008.
Source:AP

4. Đức Hồng Y trở về từ chuyến viếng thăm đặc biệt đến Ukraine; một “Giáng Sinh Kitô” thực sự

Quan Phát Chẩn của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, đã nói lời cảm ơn đến những người đã quảng đại giúp đỡ Ukraine trong mùa đông này.

Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Bác ái, đã gửi một thông điệp cảm ơn đến những người đã ủng hộ chiến dịch của ngài nhằm cung cấp máy phát điện và áo giữ nhiệt cho những người đang chịu đựng cái lạnh ở Ukraine.

Trở về từ Ukraine, ngài gọi Lễ Giáng Sinh vừa qua là một Lễ Giáng Sinh thực sự “Kitô giáo”.

Ngài nói với Vatican News: “Chúng ta đã có thể chia sẻ với những người khác những gì thuộc về chúng ta, ngay cả khi đó chỉ là một vài đồng xu, nhưng đó là cuộc sống đối với họ.”

Những lời của Đức Hồng Y là một phần trong lời bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người đã tham gia vào chiến dịch gây quỹ mua áo giữ nhiệt và máy phát điện để giúp người dân Ukraine vượt qua những tháng mùa đông khắc nghiệt.

Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc, UNHCR, báo cáo rằng khoảng 7 triệu người đã phải di tản trong nước ở Ukraine và đang đối phó với điều kiện mùa đông lạnh giá. Nhiều người đang trú ẩn trong các tòa nhà bị hư hại và không có điện và sưởi ấm.

Mục tiêu ban đầu của chiến dịch là 100.000 euro, nhưng hơn 250.000 đã được quyên góp.

Đức Hồng Y Krajewski cũng cảm ơn những người đã sản xuất quần áo giữ nhiệt vì chúng được mua với giá rất thấp từ các nhà máy khác nhau của Ý nhờ lòng hảo tâm của các nhà sản xuất.

Vatican News báo cáo rằng bốn xe tải chứa quần áo đã được gửi đến Lviv, và sau đó được phân phối đến các vùng chiến sự.

Máy phát điện cũng được mua bằng tiền quyên góp được.
Source:Aleteia