Ngày 25-01-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 25 tháng 1: Kính Thánh Phao lồ Tông đồ trở lại
PhóTế Huỳnh Mai Trác
18:15 25/01/2008
Theo triết gia Kierkegaard, một khi đối diện với Ðức Giêsu Kitô thì chỉ có hai thái độ: một là chống đối, hai là tuân phục. Ðối với Saul, một người Do thái sùng đạo, lối suy luận trên rất thích hợp. Việc các Tông đồ tuyên xưng Ðức Giêsu là Ðấng Messiah là sự thật hoặc là một sự phạm thánh. Nếu là một sự phạm thánh thì cần phải diệt trừ. Nếu là sự thật thì không còn cách nào khác hơn là từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo Chúa Giêsu. Saul là con người nhiệt tình không thể sống lưng chừng.

Thánh Phao lồ xuât hiện đầu tiên trong sách Công vụ Tông đồ là lúc Saul đang đứng nhìn người ta ném đá thánh Stêphanô đến chết. Bọn người ném đá đã để áo dưới chân Saul. Thánh Luca viết là Saul tán thành hành động này. Tiếp đến là Saul không còn đứng nhìn nữa mà là một người hăng say đi tìm băt những người tin Chúa Giêsu.

Trên đường đi đến Damascus, cuộc đời của Saul đã thay đổi hoàn toàn. Trong lúc đang đi thì có một làn chớp đánh ngã Saul xuống đất và có tiếng nói: “Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ ta?” Saul muốn nhận biết tiếng nói đó là ai thì Saul nghe: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ.” Bây giờ Saul biết rỏ Ðức Giêsu thật là Ðấng Kitô, nên Saul xin chịu phép rửa và dùng cuộc đời còn lại của mình đi rao giảng Tin Mừng.

Saul trở về Jerusalem và đi tìm gặp các Tông đồ. Thật khó khăn để thuyết phục được lòng tin cậy của các Tông đồ, cuối cùng Saul được cùng Barnabas giao nhiệm vụ trông coi giáo đoàn Antioch. Từ nay Saul trở thành một nhà truyền giáo. Trước tiên là đến các Hôi dưòng người Do thái, thường thì bị họ xua đuổi. Nên Saul quay ra giảng Tin Mừng cho kẻ ngoại và Saul đã rất thành công.. Sau đó Saul đưọc gọi là Phao lồ theo tiếng Hy lạp.

Tại cuộc họp ở Jerusalem thánh Phao lồ và thánh Barnabas vớí sự ủng hô của thánh Phêrô và đồng quyết định là những người ngoại trở lại thì không phải cắt bì như những người Do Thái. Thánh Phao lồ đã lý luận vững chắc là việc không cắt bì không ảnh hưởng gì đến việc cứu rỗi và từ đó có một sự cách biệt giữa Do thái giáo và Kitô giáo.

Thánh Phao lồ đã đi đến nhiều thành phố chung quanh Ðịa Trung hải gieo rắc hạt giống Tin Mừng nhiều lúc bị chống đối dữ dội. Nhiều lúc thánh Phao lồ đã bị đánh đập, bị bỏ tù, bị ném đá. Thánh Phao lồ nhiều lần bị đắm tàu, đói khát lạnh lẽo và bị nhục nhã. Nhưng ngài luôn tin vào sức mạnh chiến thắng của Ðức Kitô sống lại: “Nếu Chúa ở cùng chúng ta thì ai có thể thắng được chúng ta.”

Trong những thư gởi cho các cộng đoàn giáo hữu nêu lên việc Ðấng Kitô đã chiến thắng bằng sự thất bại trên cây thánh giá. “Thiên Chúa đã chọn những điều mà thế gian cho là điên rồ để làm ngỡ ngàng những kẻ khôn ngoan, đã chọn những kẻ yếu hèn để làm ngỡ ngàng những kẻ mạnh mẽ…”

Thánh Phao lồ bị bắt tại Jerusalem nhưng ngài cho biết mình là công dân Roma nên được giải về Roma để xét xử. Ðến Roma dù bị nhốt tù ngài vẫn viết thư gởi đến các cộng đoàn giáo dân, ngài khuyên nhủ họ hãy can đảm, giữ vững niềm tin và yêu thương lẫn nhau. Dù gặp phải định mệnh khắc khe, nhưng thánh Phao lồ rất bằng lòng với chính mình: “Tôi đã chiến đấu một cuộc chiến gay go, tôi đã chạy đến đích và tôi đã giữ vững được niềm tin.”

Theo như lời truyền tụng của thì thánh Phao lồ bị chém đầu dưới thời Hoàng đế Nero vào khoảng năm 64, nhưng những thư của ngài vẫn được chép lại và lưu truyền trong cộng đồng Kitô hữu và trở thành tài liệu căn bản cho Giáo Hội sơ khai.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:43 25/01/2008
DƯƠNG LÝ HOA TỬ BỆNH HAY QUÊN

N2T


Dương Lý Hoa Tử người nước Tống, thời trung niên thì có bệnh hay quên, việc làm buổi sáng thì buổi tối quên mất, không phân biệt rõ ràng việc trước việc sau, cũng không hiểu sự khác biệt trong quá khứ và hiện tại.

Người nhà của ông ta rất lo lắng nên mời sứ quan đến bốc quẻ nhưng cũng không kết quả, mời đồng bóng đến khấn vái cũng không chuyển biến tốt, mời thầy thuốc đến kê toa thuốc cũng không thấy khởi sắc. Người nhà vừa sợ vừa hoảng, không biết làm thế nào mới tốt.

Lúc bấy giờ ở nước Lỗ có một nho sinh đến cổng tự mình giới thiệu, nói mình có thể chữa lành bệnh ấy của Dương Lý Hoa Tử, trong tình huống này thì mọi người đều bó tay hết cách, nên quyết định để anh ta thử xem.

Không biết Nho sinh ấy dùng phương pháp gì mà trị lành bệnh cho Dương Lý Hoa Tử. Nhưng khi ông ta vừa tỉnh lại thì nộ khí xung thiên đuổi Nho sinh chạy gấp, lại còn lớn tiếng chửi vợ mắng con nữa.

Bà con hàng xóm cảm thấy kỳ cục bèn hỏi nguyên nhân. Dương Lý Hoa Tử nói: “Trước đây khi tôi còn mắc bệnh hay quên, lòng trống trải không biết có sự tồn tại của trời đất, bây giờ nhớ lại sự tình, thua thiệt, buồn vui, tốt xấu hơn mười mấy năm rồi bây giờ nhớ lại nên thường thường làm rối loạn tâm hồn của tôi. Từ nay tôi không có cách gì để có được sự vui vẻ trong chốc lát.”

(Liệt tử: Châu Mục vương)

Suy tư:

Có những người vì quá mệt nhọc với công việc nên cầu xin trời đất cho mình trở thành người điên để quên hết mọi việc; có người vì cứ bị cấp trên chèn ép và bị áp lực công việc mà cầu xin trời cho mình chết quách cho rồi; lại có người cứ làm ăn thua lỗ và gánh nặng gia đình nên cũng có khi cầu xin trời cho mình quên hết sự đời.

Cứ nhìn người điên thì bạn sẽ thấy mình hạnh phúc; cứ nhìn những người thất nghiệp không có công ăn việc làm, thì sẽ thấy mình là người may mắn; cứ nhìn thấy những người đang làm ăn thua lỗ, bị kiện cáo, bị đòi nợ, thì sẽ thấy mình là người vẫn còn có cơ hội gặp may mắn.

- Người Ki-tô hữu sẽ không cầu xin cho mình điên khi công việc ngập đầu ngập cổ, nhưng họ cầu xin cho mình có sức khỏe và nghị lực để làm việc.

- Người Ki-tô hữu sẽ không cầu xin cho mình chết quách cho rồi khi bị cấp trên chèn ép và áp lực của công việc, nhưng họ cầu nguyện cho cấp trên mình được sáng suốt, và cầu cho mình biết chu toàn bổn phận.

- Người Ki-tô hữu không cầu xin cho mình quên hết sự đời, nhưng họ cầu xin cho mình luốn nhớ đến những người nghèo khổ, những bệnh nhân, những người bị áp bức, để khi có thể được thì đến an ủi và phục vụ.

Đó chính là nhờ họ biết học hỏi và suy niệm và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình vậy.
 
Tam giáo đại đồng
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
04:51 25/01/2008

Tam giáo đại đồng

Phố cổ Jerusalem, Ảnh Nguyễn Trung Tây
— Cái phố Giêrusalem mới đến là lạ nhỉ. Đường xá thì bé tí ti như cái lỗ mũi. Đi tới đi lui mới được có dăm phút là lại đã đụng tường thành cạn đường xá. Thế mà không hiểu người ở đâu ra mà cứ rầm rập lên cả với nhau. Thì đấy, chiều hôm qua ngắm đàng thánh giá, được mấy ngắm đầu là còn cầm lòng cầm trí, mấy ngắm về sau là cái đầu nó cứ toang toác ra. Ai đời cụ thì vác thánh giá gỗ đi đằng trước, mình đi sát ngay theo sau tay lần hạt, thế mà có mấy cái người tây đầu vấn khăn cứ sấn sổ lấn tới. Nhìn chẳng ra đâu vào với đâu. Giá mà ở bên làng ta, là tôi mắng cho mấy mắng.

— Hên cho bác đấy, bác mà sẩy miệng ra một cái thì lại sinh ra lắm giống tội rồi. Mấy cái người tây vấn khăn đó là người Hồi Giáo đấy.

— Chết chửa! Nào có biết chi đâu. (Ngẫm nghĩ) Mà ông nói đúng đấy, hôm qua mà nóng nảy một cái thì lại vãi tội ra rồi.

— Thì đã hẳn. Nhưng mà em cũng phải công nhận với bác, ngắm đàng thánh giá bữa hôm qua đến là chia trí. Mà cũng khó trách, bởi đường xá thì bé tí ti, nhưng thiên hạ cứ nườm nượp người, cứ như gặp phải bữa chợ phiên. Nào là người Hồi Giáo, người Chính Thống, người Do Thái, rồi lại còn lính tráng đeo súng lủng lẳng bả vai đứng khắp các ngõ, em nhìn hãi quá. Chẳng còn lòng dạ đâu nữa mà đi cho giọn một chặng đàng thánh giá.

— Đấy, ông thấy chưa, ông cũng thế chứ nào đâu phải là tôi nói ngoa. Mà cái phố cổ Giêrusalem cũng lạ lùng lắm cơ. Mình cứ mới đi được đâu khoảng non một đoạn đường thì đã lại thấy người ta mặc áo vấn khăn đội mũ nom khác hẳn ra rồi.

— Khổ quá! Bác dạo này đãng trí quá. Cụ đã nói hẳn hoi từ cái hôm mình mới tới là phố cổ Giêrusalem được phân chia ra làm bốn khu vực hẳn hoi, khu người Hồi, khu người Do Thái, khu người Kitô, rồi là khu tín hữu Armenian. Mà bác đã nom thấy rồi đấy, cái phố thì bé tí ti như cái mắt muỗi. Hỏi sao mà không đi một bước là lại lạc sang một khu khác ngay.

— Ừ nhỉ, ông nhắc mới nhớ. À, mà này, có chuyện này tính hỏi ông mấy lần, nhưng lại cứ quên đi. Chẳng hiểu tại sao sáng nào cũng vậy, cứ khoảng tầm gà gáy bên ta là cái tháp canh sát ngay bên nhà cứ ồn ào inh ỏi cả lên.

— Cái tháp canh nào, đó là đền thờ của người Hồi Giáo đấy. Khoảng tầm 5 giờ là họ đọc kinh. Rồi kinh sáng, kinh trưa, kinh chiều, kinh tối. Ngày đủ năm kinh.

— Chết chửa! Nào có biết chi đâu. (Ngẫm nghĩ) Nếu vậy, cái người đạo Hồi cũng đến là siêng năng kinh sách nhỉ.

— Đã hẳn là như thế. Mà họ cũng giống như bên làng ta vậy thôi. Sáng khoảng 5 giờ sáng tinh mơ là bác giật chuông kính coong gọi người đi lễ sáng vậy. Bác với cái ông đạo Hồi đọc kinh sáng sớm làm cùng một nghề đấy. Đến mà bắt tay chào đồng nghiệp. Mà không khéo bác lại còn thua người ta đấy. Bác thì chỉ giật ngày có hai lần chuông sáng chiều. Còn ông ấy ngày xướng kinh năm lần đủ cả năm.

— À, bây giờ mới vỡ nhẽ ra. Còn cách nhà mình mấy bước, tôi thấy có cái đền tráng xi-măng mái vòm cong cong, nhìn cũng hoàng tráng lắm. Có lần hỏi cụ, cụ nói cái tên chi đó, tự nhiên lại quên rồi.

— Hội đường Do Thái.

— Phải rồi, Hội đường Do Thái. Hèn chi nhìn ngôi đền nguy nga quá. Bữa mới tới, tôi mới đến là ngớ ngẩn. Nhìn Hội đường Do Thái mà lại cứ tưởng nhà thờ. Cứ sấn sổ bước vào, tính đọc vài câu kinh. Nhưng nhìn quanh lại chẳng thấy tượng chịu nạn đâu sất.

— Đến là khéo nhé. Bước vô Hội Đường Do Thái mà lại đi kiếm tượng chịu nạn…

— Vậy thì mới có chuyện để mà nói.

— Từ bữa đó tới nay, bác đã có dịp tới nhà thờ Chúa Sống Lại xem một ván lễ chửa?

— Sao mà lại không? Tới đất thánh là chỉ để đi xem lễ với cầu nguyện mà thôi. Nhà thờ Chúa Sống Lại thì làm sao mà lại thiếu mặt tôi được. Nhưng ở cái nhà thờ đó cũng nhiều cái nom đến là lạ. Tôi nhớ tầm chiều hôm đó, cụ làm lễ ở trong nhà nguyện Mộ Đá vừa mới xong. Từ trong nhà nguyện bước ra, đã nhìn thấy giáo dân tây với ông cha ngoại quốc đang đứng chờ sẵn ngay bên ngoài cửa mộ rồi. Mà lạ lắm. Cái ông cha tây này râu dài gần tới rốn, lại còn đội cái mũ to tướng trên đầu. Nói xin phép, nhìn chẳng ra đâu vào với đâu. Ai đời ở trong nhà Chúa, mà lại ngay chỗ Chúa sống dậy, thế mà cứ mũ nón đội xùm sụp trên đầu. Nom đến là lạ. Mà nếu phải là giáo dân thì mình không nói, đây lại là ông cha.

— Sao bác biết cái ông tây râu dài tới rốn đội mũ là cha?

— Làm sao mà lòe được mắt tôi. Ông ấy mặt áo chùng thâm hẳn hoi. Tay lại cầm cuốn Kinh Thánh với cuốn sách Lễ. Tôi nom thấy rõ ràng mà.

— Bác ơi, cái ông cha tây đó không phải là ông cha Công Giáo đâu. Ông ấy là linh mục của phái Chính Thống đấy. Bác có nhớ cái hôm mà em với bác dẫn nhau đi uống càfe, rồi mãi vui chuyện lạc qua khu giáo hội Armenian lúc nào chẳng hay? Trên đường đi lạc, bác với em cũng lại đụng mặt với mấy ông cha tây Armenian lận. Đó, phái Chính Thống cũng giống như phái Armenian vậy. Họ cũng tin vào Chúa Giêsu y như Công Giáo mình vậy thôi.

— Càng nghĩ lại càng thấy lạ nhỉ. Có cái phố bé xí xi như vậy mà có tới bốn năm giáo phái hẳn hoi.

— Vậy mới hay. Bốn năm tôn giáo cùng chung sống một khu phố cổ, cùng cử hành những nghi thức tôn giáo riêng biệt. Bác có thấy không? Hôm nay thứ Sáu, ngày Lễ của người Hồi Giáo, tự nhiên nguyên cả một khu phố Hồi Giáo chợ búa vắng tanh. Vừa xong ngày thứ Sáu, lại tới ngày thứ Bẩy là ngày Sabát của người Do Thái. Sang tới sáng Chúa Nhật, nhà thờ khắp nơi trong khu phố đổ chuông kính coong. Nhìn đến là tam giáo đại đồng.

Suy Niệm

Từ tổ phụ Abraham, sinh ra ba tôn giáo, ba cuốn Kinh Thánh, và một Niềm Tin

I. Tôn Giáo

— Do Thái giáo

— Ki Tô giáo

— Hồi giáo

II. Kinh Thánh

Do Thái giáo có Kinh Thánh: Do Thái Kinh (Cựu Ước).

Ki Tô giáo có Kinh Thánh: Cựu Ước (Do Thái Kinh) và Tân Ước.

Hồi giáo có Kinh Thánh: Kinh Koran.

III. Niềm Tin

Người Do Thái giáo tin vào một Giavê Thiên Chúa, và mặc khải của Ngài qua Ngôn Sứ Môisen và Torah (Ngũ Kinh).

Người Ki Tô giáo tin vào Giavê Thiên Chúa và mặc khải của Ngài qua Chúa Giêsu Kitô và Kinh Thánh (Cựu Ước và Tân Ước).

Người Hồi giáo tin vào Giavê Thiên Chúa (Allah) và mặc khải của Ngài qua Ngôn Sứ Mahomed và Kinh Koran.

Ba tôn giáo cùng có một Niềm Tin, tin vào một Giavê Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Ba tôn giáo cùng nhận Abraham là tổ phụ niềm tin.

www.nguyentrungtay.com
 
Thề Hứa
Lm Vũđình Tường
07:23 25/01/2008
Giữ trọn lời thề là một thách đố lớn trong cuộc sống. Thất hứa dù lớn dù nhỏ cũng là thất hứa. Điều hứa đôi khi đối với mình không quan trọng nhưng quan trọng đối với người. Có nhiều lí do giải thích cho việc thất hứa. Một là quên. Hai do hoàn cảnh. Ba điều hứa khó thực hiện. Bốn hứa điều ngoài khả năng. Năm lười biếng thực hiện điều đã hứa. Thất hứa xảy ra khi một trong hai bên hoặc cả hai đều không thực hiện đúng điều đã cam kết.Thất hứa rất ngộ vì đôi khi ta thất hứa với chính ta, với người thân, tha nhân và với Chúa. Thất hứa khác nói dối mặc dù đôi khi kết quả giống nhau. Nói dối là thiếu thành thật ngay từ ban đầu. Thất hứa ngay từ đầu có ý ngay lành nhưng ý đó sau này không thành hiện thực.

BẢN THÂN

Đời người thường có nhiều ước mơ, mộng đẹp. Điều này cần cho cuộc sống vì nhờ những mơ ước trên con người cố gắng thực hiện để gặt hái bao thành quả ích lơi cho đời. Trong những ước mơ đó có nhiều ước mơ cứ ù lì ra theo năm tháng rồi chết dần mòn. Giấc mơ này qua đi lại dệt giấc mơ khác và cứ thế người đó tiếp tục sống trong mơ, xa vời thực tế. Phải chăng sống để dệt mộng chính là thất hứa với chính mình.

Nếu thành tâm, cố gắng không ít thì nhiều thế nào cũng thực hiện phần nào ước mơ trong đời.

Có nhiều điều ước rất thực tế vẫn không thực hiện được. Cụ thể như việc hứa bỏ hút thuốc, giảm rượu chè, bỏ cờ bạc. Lời hứa không thực hiện vì thiếu quyết tâm, mất tinh thần quyết liệt lúc ban đầu hay chỉ hứa để làm vừa lòng người. Hứa cho xong chuyện mà không có ý thực hành.

GIA ĐÌNH

Hứa thưởng cho con như là cách khuyến khích chúng siêng học thành người tốt, hữu dụng cho đời. Con thực hiện lời hứa với cha mẹ; trong khi cha mẹ lại quên điều đã hứa. Hứa kì nghỉ hè cho đi chơi rồi bận việc không dứt ra được lời hứa đi lòng vòng hết hè này sang hè sau và cuối cùng chết lạnh cóng vì mùa đông.

THA NHÂN

Tha nhân nhìn vào kết quả lời hứa để nhận định là chính xác nhất. Nhiều đoàn thể có kinh nghiệm nghe người này hứa đảm trách việc này kẻ kia hứa phụ trách việc nọ. Khi đúng hẹn kẻ sốt sắng làm trọn điều hứa một cách tốt đẹp; bên cạnh đó cũng có kẻ làm phân nửa, kẻ khác thực hiện độ phần ba, kẻ khác nữa trốn biệt. Điều này có thể không làm ai thương tật, hao sinh mạng nhưng tạo khó khăn cho người có trách nhiệm tổ chức, và cách nào đó thất hứa tự làm tổn thương danh dự mình.

THIÊN CHÚA

Điều hứa suông thường được bỏ qua, ít ai nhắc đến vì sự việc đã xong cho chúng vào quá khứ. Đừng tưởng lời hứa vô hại thực tế chúng tác hại nhiều đến uy tín xã hội, ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của mình và con em.

Hứa nhiều, thực hành chẳng bao nhiêu dẫn đến tình trạng mất uy tín nên trong tương lai nếu cần nhờ vả đến người ta sẽ e dè, cân nhắc cẩn thận hơn trước khi (ban tổ chức) trao phó trách nhiệm. Như thế không nhắc đến đâu đồng nghĩa với bỏ qua. Phải hiểu là bỏ qua không tin dùng nữa thì đúng hơn. Thất hứa làm giảm uy tín.

Cứ tưởng con cái hay thân nhân cằn nhằn vài ba câu rồi thôi. Thực tế không thôi mà chính là không tin nữa.

Sự kính trọng và lòng tin giảm dần bởi thất hứa. Việc giáo dục sao tránh khỏi gợi lên trong đầu óc non nớt con trẻ mối hoài nghi. Phụ huynh than. Thầy cô bảo gì cháu cũng nghe, về nhà cha mẹ bảo nó không nghe. Dễ hiểu vì thầy cô nói sao làm vậy, không thất hứa nên em tin. Hơn nữa thầy cô giải thích cặn kẽ sự việc; cha mẹ phán, bảo, thất hứa, thiếu giải thích, đôi khi quát tháo.

Các em tin Chúa qua cha mẹ. Việc làm của cha mẹ ảnh hưởng nhiều đến niềm tin của con cái. Đừng tưởng là cháu nhỏ không biết. Hãy nhớ cha mẹ không biết là cháu biết. Cháu biết nhưng không dám nói cứ để suy gẫm trong lòng và khi lớn lên điều suy gẫm trở thành lối sống. Cha mẹ giật mình than nó học thói ranh ma đó ở đâu. Thưa học từ cha mẹ. Cha mẹ làm vụng, nói trộm, cháu cũng học vụng, nghe trộm. Cha mẹ biết. Muộn rồi.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html
 
Truyền Giáo Mới Miền Cao Nguyên & Đồng Bằng Miền Tây Sông Cửu Long: đang cần nhiều thợ gặt
Linh mục Lý Phan Sinh
08:18 25/01/2008
Tiếp nối bài Tin Mừng của Chủ Nhật tuần vừa qua, hôm nay chúng ta cùng đồng hành với Chúa Giêsu và các môn đồ của Ngài đến thành phố Capharnaum…

Như chúng ta đã biết, sau thời gian sống ẩn dật, Chúa Giêsu đã xuất hiện trên bờ hồ Nazaréth, nhận phép rửa của Gioan, sau đó, Ngài bắt đầu giai đoạn công khai rao giảng Tin Mừng. Chúa đã chọn một thành phố nhỏ sát bờ biển Galilêa, một cảng nhỏ nằm về phía Tây Bắc gọi là Capharnaum, từ đây, phát xuất một cuộc cách mạng lớn, đảo lộn cả thế giới. Tiếng của ‘Nhà Cách Mạng Giêsu’ vang vọng cả núi đồi vùng Galilêa: "Hãy ăn năn trở lại, vì Nước Trời đã gần đến". Đây không phải là một đề tài mới mẻ, nhưng đã được các tiên tri rao giảng, nhất là tiên tri Giêrêmia. Đối với Chúa Giêsu và Giáo Hội thời tiên khởi đây là một cuộc cách mạng toàn diện con người, một số đổi mới hoàn toàn trong tư tưởng và hành động, một sự thanh tẩy tâm hồn. Dựa vào bối cảnh của miền biển Galilêa và bối cảnh của núi đồi Miền Tây Nguyên Việt Nam, chúng ta cùng chia sẻ với nhau những cách thế Truyền Giáo Mới trong bối cảnh của ‘Giáo Hội Việt Nam Hôm Nay’ đang cần nhiều trợ lực mới. Những trợ lực nầy tôi thiết nghĩ không ngoài tầm tay và khả năng của chúng ta…

Những ai có cơ hội thăm viếng miền Rừng Núi - Biển Khơi thuộc Giáo Phận Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Buôn Mê Thuột, Komtum… và được cùng đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc hành trình nầy nếu có được các Linh Mục hoặc Tu Sĩ Nam Nữ có kinh nghiệm với công cuộc truyền giáo với những sắc dân hay với những ai sống gắn bó với núi rừng chắc chắn chúng ta phải khâm phục những vết chân oai hùng của các vị Thừa Sai Truyền Giáo và những hy sinh quên mình của quý Linh Mục Tu Sĩ Nam Nữ đã và đang tiếp tục cuộc hành trình truyền giáo trong thiếu thốn và gian khổ, để thiết lập những ngôi Nhà Nguyện nhỏ giữa núi rừng để quy tụ những con cái Chúa sống tản mác trong các làng mạc xa nhau hằng mấy chục cây số mà họ phải cuốc bộ để đi tham dự một thánh lễ. Họ sống giữa rừng thiêng nước độc… Họ đang cần dựng một mái nhà vừa là Nhà Nguyện vửa là Nhà Cộng Đồng vừa là nơi Vãng Lai đôi ngày để học hỏi Giáo Lý, Sinh Hoạt hoặc trú ngụ qua đêm để rồi ngày mai gia đình, vợ con cùng đùm bộc nhau lại lên đường trở về bản làng của mình… Đôi lúc bên cạnh Nhà Nguyện, Nhà Cộng Đồng, Nhà Vãng Lai đó cần một giếng nước ngọt cho Khách Vãng Lai - Con Cái Chúa - Như Chúng Ta - mà không có… Vi Ngôi Nhà Nguyện - Nhà Cộng Đồng vẫn chưa có mái che, chưa có vách thì làm sao dám mơ đến những giọt nước ngọt trên Miền Rừng Núi Nầy???

Những vết chân kiên cường của Quý Cha, Quý Thầy cũng như Quý Tu Sĩ Nam Nữ thuộc các Dòng Tu vẫn không ngừng hăng say Rao Giảng Tin Mừng trong những hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn của cuộc sống trên Quê Hương và trong Giáo Hội Nơi Quê Nhà, Giáo Hội Việt Nam Hải Ngoại hay Quê Nhà là Một Giáo Hội Việt Nam Duy Nhất đã trưởng thành trong đau khổ của Quê Hương và cùng nhau chia sẻ những trách nhiệm Truyền Giáo của Giáo Hội. Hãy tiếp tay với Giáo Hội Mẹ Việt Nam, đặc biệt là những nơi xa xôi hẻo lánh trên những vùng Cao Nguyên ít ai biết đến hoặc những nơi rừng sâu nước độc thuộc những tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.

Lời kêu mời vang vọng của tôi hôm nay như tiếng vang của một Gioan Tiền Hô - Linh Mục - Giữa Núi Đồi của Vùng Cao Nguyên - khi viết bài Chia Sẻ Nầy và lời van xin khẩn thiết gởi đến Anh Em Linh Mục đang phục Dân Chúa khắp nơi, may mắn hơn chúng tôi hãy chia sẻ với chúng tôi những Stipend Masses cho dù rất khiêm tốn của các bạn, với sự giúp đỡ nầy, chúng tôi sẽ dùng nó để Khơi Nguồn Nước cho Dân Thánh Chúa đang cần những giọt nước để giảm cơn khát sau một cuộc hành trình trên 15 hay 20 cây số để tham dự một Thánh Lễ, mà có thể chính chúng tôi cũng sẽ dùng nó để hòa vào rượu sẽ được tế hiến trên bàn thờ giữa núi đồi hùng vĩ hãy giữa đồng bằng sông Cửu Long, cũng như chính các bạn sẽ hòa giọt nước vào rượu mỗi khi tế hiến chính Đức Kitô là Linh Mục Đời Đời trên bàn thờ mỗi ngày trên khắp thế giới. Nơi Quê Nhà, chúng tôi - Anh Em Linh Mục - và Dân Thánh Chúa sẽ tiếp tục cầu nguyện theo ý chỉ của Giáo Xứ, Cộng Đoàn hay Cá Nhân mà Quý Anh Em Linh Mục mong ước với ý chỉ ‘Duo’.

Nếu những ai - kể cả Anh Em Linh Mục & Tu Sĩ - có dịp về thăm Quê Hương Việt Nam - ngoài những Thắng Cảnh và Di Tích Lịch Sử của Quê Hương sẽ đi tham quan, hãy tạo cho Dân Chúa mà Quý Cha đang được Giáo Hội Mẹ Thứ Hai trao cho chăm sóc… những cơ hội để viếng thăm Thân Thể Mình Mầu Nhiệm của Giáo Hội Mẹ Việt Nam của chúng ta… Một Giáo Hội vẫn còn những thương tích nơi Mình Mầu Nhiệm của Đức Kitô cần được chăm sóc và chữa lành sau những nét đẹp của một Đất Nước đang được phục hồi… Nhưng phía sau những cái đẹp bên ngoài đó, người Mẹ của chúng ta đang phải lo toan với những đứa con tật nguyền đang bi nhiễm thể HIV, Siđa, Khuyến Tật, Mồ Côi, những Chị Em Lỡ Lầm, Thai Nhi Vô Tội… do hậu quả của chiến tranh, hoàn cảnh xã hội hiện nay … rải rác khắp nơi trên mãnh đất hình chữ S trải dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau dưới mọi hình thức… Họ đang được nuôi nấng, giúp đỡ, săn sóc bởi những bàn tay Từ - Mẫu - Phụ của những Anh Chị Em thuộc nhiều Dòng Tu, Hội Đoàn, Giáo Xứ khác nhau. Họ đã quên mình để gặp Chúa nơi những anh chị em kém may mắn nầy. Cao quý thay những trái tim với những giọt máu hồng mang lại niềm hy vọng còn sót lại của những ai đang mắc những chứng bệnh nan y, những em bé bị nhiễm HIV không phải do tội của các em nhưng do hoàn cảnh… Nói như thánh Phaolô là mỗi người chúng ta trong cuộc sống phải hoàn tất những gì còn sót lại trong sự Thương Khó của Đức Kitô.

Để tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô trong môi trường và hoàn cảnh chúng ta đang sống hiện nay là cùng chia sẻ những gánh nặng, cùng xoa dịu, hàn gắn và cảm thông những nổi thống khổ của tha nhân trong những điều kiện có thể. Đừng quên là Chúa cũng chia sẻ niềm vui và hạnh phúc với chúng ta. Nói cách khác, là đừng quên Ngài khi cuộc sống của chúng ta được hạnh phúc, an vui. Giáo Hội là Mẹ Thánh luôn mời gọi chúng ta - trong hoàn cảnh của mỗi người - lên đường thi hành sứ mệnh mang Chúa đến cho anh em đồng loại, mang tình yêu của Chúa đến cho anh em. Vì qua bí tích rửa tội, chúng ta đã được kết hiệp nên một trong nhiệm thể Chúa Kitô và cũng qua phép rửa, chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa và được tham dự vào sứ mệnh của Chúa Kitô. Sứ mạng nầy đã được tiên tri Isaia loan báo: "Ngài sẽ thiết lập sự công chính trên địa cầu, sẽ mở mắt cho người mù, giải phóng những người bị áp bức tù đày, và xoa dịu những tâm hồn đau thương dập nát".

Hãy tiếp tay với Giáo Hội Mẹ Thánh bằng vật lực và tài lực, Giáo Dân và Giáo Sĩ, nếu hoàn cảnh và địa vị của chúng ta cho phép để Giáo Hội Mẹ Việt Nam tiếp tục săn sóc và chữa lành thân thể Mình Mầu Nhiệm của Giáo Hội Lữ Hành Nơi Quê Nhà do chính sự giúp đỡ của chính chúng ta là Thân Thể Minh Mầu Nhiệm của Giáo Hội Việt Nam Quê Nhà. Sau 20, hoặc 40 hay 60 năm theo Chúa, chúng ta đã làm gì cho Chúa và Giáo Hội. Khi được rửa tội là chúng ta được trở nên giống Chúa Kitô - trở nên Kitô hữu - tin nhận Thiên Chúa là Cha và như thế tha nhân là anh chị em trong đại gia đình nhân loại.

Khi Chúa hỏi chúng ta về những người anh em khác, trong ngày phán xét, chúng ta không thể trả lời một cách vô trách nhiệm như kiểu Cain trả lời với Chúa về Abel: "Tôi đâu có giữ nó". Hãy để Thánh Linh Thiên Chúa hoạt động trong mỗi người chúng ta. Thánh Linh sẽ soi sáng chúng ta thực hiện trong cuộc sống hằng ngày những nghĩa cử bác ái, vị tha, góp phần xây dựng cộng đoàn, xây dựng tình người trong sự hiệp thông và chia sẻ với anh chị em của mình, đặc biệt đối với những công cuộc Truyền Giáo Mới đang mời gọi trên Quê Hương Thân Yêu Việt Nam. Cho dù ‘Hạt Muối Tình Thương’ của chúng ta góp phần vào công cuộc Truyền Giáo Mới của Giáo Hội Việt Nam trước đại sự sẽ không làm cho ‘Biển Đông’ mặn hơn, nhưng Hạt Muối Đó Sẽ Ướp Mặn Tình Yêu Giáo Hội Mẹ Việt Nam.

Chớ chi mỗi người trong chúng ta sẽ là chứng nhân của Chúa bằng chính cuộc sống vị tha đem tình thương đến cho tha nhân mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày, nếu thực hiện được như thế, đời sống của người tông đồ mỗi ngày sẽ trở nên giống Chúa nhiều hơn, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ và hiến mình làm giá cứu chuộc cho nhân loại.

Ước chi người tín hữu công giáo, qua học hỏi, chia sẻ lời Chúa và những gương sống vị tha trong lịch sử Giáo Hội Mẹ Thánh, phải nhìn ra hình ảnh Thiên Chúa trong anh chị em đồng loại, nhất là những anh chị em nghèo đói đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Nếu hấp thụ được điều nầy thì mắt tâm hồn của chúng ta sẽ luôn mở ra trước những nỗi thống khổ của nhân loại, như thế chúng ta khỏi mù lòa trước nỗi rên xiết của anh em đồng loại.

Mùa Xuân Mậu Tý đang đến trên Quê Hương Thân Yêu. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Chúa Xuân Vĩnh Cửu qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ban cho Quê Hương - Giáo Hội Việt Nam và ‘Đồng Bào Việt Nam’ ở khắp nơi trên thế giới được mọi điều may mắn. Ước gì năm Mậu Tý sắp đến, sẽ bắt đầu Một Trang Sử Mới, Một Kỷ Nguyên Mới cho Hòa Bình Thế Giới và cho Nước Việt An Bình Hạnh Phúc, cho mỗi người Công Giáo Việt Nam ở khắp đó đây luôn ý thức mình là phần tử của Đại Gia Đình Việt Nam, luôn góp phần xây dựng nhiệm thể của các Cộng Đoàn Giáo Hội Địa Phương và nếu có thể được Chia Sẻ Những Hồng Ân Chúa ban tặng cho những Anh Chị Em kém may mắn hơn chúng ta nơi Quê Nhà.

Lễ Thánh Phaolô Trở Lại

25.1.2008
 
Tôi vào đời: Lời nguyện của một người Mẹ
Nam Giao
10:32 25/01/2008
Tôi vào đời

Tôi không vào đời bằng đôi chân,vì tôi chỉ là hài nhi không biết đi. Ra khỏi cuộc đời tôi cũng chẳng ra khỏi bằng đôi chân vì họ khiêng xác tôi đi.

Từ lúc mới chập chửng bước đi cho đến lúc lìa đời, là một hành trình dài. Đến nay, với 70 năm lữ hành trong cuộc sống của tôi, tôi đã đi và đã phải bước đi theo thời gian vì thời gian cứ đẩy tôi đi tới.

Tôi vào đời, được đón nhận sự sống bằng bước chân thiêng liêng. Vì tôi được niềm tin vào Thiên Chúa qua dòng sữa mẹ.

Khi từ giả cuộc đời, tôi chỉ đem theo được những báu vật mà bước chân thiêng của tôi kiếm được qua tình yêu Thiên Chúa mà tôi dành cho tha nhân. Như vậy, những bước chân tôi đi gieo gặt hằng ngày rất liên quan đến đích điểm đời sống vĩnh cữu của tôi.

Lạy Chúa, nhìn lại 70 năm trong cuộc đời, con cảm nhận được tình Chúa thương con quá cao vời. Chúa ấp ủ gìn giữ con qua những chặng đường đầy chông gai bão tố. Tất cả những báu vật Chúa ban cho con qua đời sống hôn nhân vẫn nguyên vẹn với tuổi đời con. Con xin giơ cao đôi tay dâng lời cảm tạ.

Lòng con tha thiết chờ ngày Chúa gọi về. Con biết trước hạnh phúc đang chờ con với một niềm vui khó tả.

Con cảm nghiệm tình thương của Chúa cao vời, trải dài phủ kín đời con. Chúa đã ban cho con lữ hành trên đường dài vững chắc, một khung trời mở rộng vĩnh phúc đời sau.

Lạy Chúa Giêsu, giờ đây con dâng hết gia đình. Dâng đàn trẻ thơ với nổi niềm lo lắng. Bao nhiêu ước mơ của trẻ thơ, xin Ngài nhận lấy. Làm thành lễ vật dâng về Thiên Chúa Cha.

Con xin cúi đầu cám tạ Tình Cha cao vời.

Lời Nguyện Cầu của một người mẹ

Đời con đã ngả về chiều,

Nhưng luôn quanh quẩn trăm điều lắng lo.

Nhìn đàn cháu hảy còn thơ,

Càng thương mến Chúa, càng mơ lòng thành.

Tình thương Thiên Chúa song hành,

Ban cho con cháu nên hàng con ngoan.

Cuộc đời phải biết lo toan,

Tuân giử luật Chúa, hoàn toàn cậy tin.

Gia đình ấm cúng niềm tin, Các con khôn lớn trong tình yêu thương.

Người cha, người mẹ khôn lường,

Mới mong chỉ dạy môi trường cho con

Hờn oan đâu có gì hơn,

Sống lời Chúa dạy lảnh ơn tuyệt vời.

Đời mẹ nay đã qua rồi,

Các con cất bước mẹ ngồi, mẹ lo.

Cầu xin ơn thánh ban cho,

Bình an của Chúa ấm no tình người.

Măng non luôn mãi xinh tươi,

Tình yêu Thiên Chúa thắm tươi tâm hồn.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:47 25/01/2008
CHỦ NHẬT III THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 4, 12-23.

“Đức Giê-su đến ở Ca-phác-na-um, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a.”

Bạn thân mến,

Trước Chúa Giê-su sinh ra khoảng sáu trăm năm, ngôn sứ I-sai-a đã loan báo việc Chúa Giê-su sẽ đến ở Ca-phác-na-um rồi, và giờ đây lời tiên tri ấy đã ứng nghiệm: Chúa Giê-su đã đến ở Ca-phác-na-um, và chính nơi đây Ngài đã loán báo tin mừng Nước Trời. Ngài chính là ánh sáng, là Nước Trời và là tình yêu.

1. Chúa Giê-su là ánh sáng đã đến trong thế gian, dân Ca-phác-na-um và những vùng lân cận đang sống trong nô lệ của tội lỗi, trong bóng tối của tử thần đã nhìn thấy ánh sáng là Chúa Giê-su và họ đã đi theo Ngài, bởi vì lời giảng dạy của Ngài có sức mạnh làm cho kẻ yếu đuối nên mạnh mẽ, người thất vọng có hy vọng, và người đau khổ tìm được niềm an ủi và niềm vui.

2. Chúa Giê-su là Nước Trời không những đã đến gần, mà còn đến trong thành Ca-phác-na-um và những vùng lân cận, Ngài rao giảng: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Chính Ngài là Đấng từ trời xuống, không phải để cai trị nhưng để phục vụ; không phải để la mắng thóa mạ, nhưng là để dạy dỗ và loan báo tin vui Nước Trời...

3. Chúa Giê-su là tình yêu đã đến trong thế gian, ở đâu có tình yêu là có Nước Trời, và Nước Trời chính là Ngài, tình yêu cho đi luôn cả mạng sống của mình để cứu chuộc nhân loại tội lỗi. Ngài đã đến ở Ca-phác-na-um là để thực thi tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại, và từ Ca-phác-na-um này, Ngài đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên để tiếp nối công việc rao giảng của mình.

Bạn thân mến,

Bạn có lúc nào nghĩ rằng tại sao bạn ở thành phố không ? Có lúc nào bạn nghĩ rằng tại sao mình ở đây (công xưởng, công ty, nhà trọ, giáo xứ, trường học.v.v...) và làm nghề (công nhân, thầy giáo, bác sĩ, kỷ sư, nhân viên, lao động, học sinh, sinh viên.v.v...) này không ?

Tôi tin chắc là bạn không nghĩ như thế đâu, nhưng với cảm hứng của bài Phúc Âm hôm nay, về việc Chúa Giê-su đến ở Ca-phác-na-um, tôi tin rằng bạn sẽ suy nghĩ: tôi ở đây là vì Chúa muốn tôi dùng đời sống của mình để rao giảng, làm chứng cho Ngài; Chúa muốn tôi ở đây, trong hoàn cảnh này để tôi có ơ hội tiếp xúc, làm việc với người khác, và qua đó tôi sẽ dùng cuộc sống của người Ki-tô hữu để giới thiệu Chúa Giê-su cho mọi người...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:48 25/01/2008
N2T


15. Ai muốn không vâng lời chủ nhân thì không phải đầy tớ của chủ nhân.

(Thánh Augustinus)
 
Chúa Nhật III Thường Niên Năm A
Lm. Phan Du Sinh chuyển ý
20:11 25/01/2008
Cielito Almazan Ofm

Phan Du Sinh chuyển ý

Bài đọc 1: I-sai-a 8,23-9,3

23 Thời đầu, Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại.

1 Dân đang lần bước giữa tối tăm

đã thấy một ánh sáng huy hoàng;

đám người sống trong vùng bóng tối,

nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

2 Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ,

đã tăng thêm nỗi vui mừng.

Họ mừng vui trước nhan Ngài

như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt,

như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.

3 Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ,

và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy

như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an.

Bố cục

§ Đảo ngược số phận của đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li c. 23

§ Đảo ngược số phận của dân chúng c.1-3

Chú giải

§ C.23 trình bày sự đảo ngược số phận của hai miền đất, Dơ-vu-lun và Náp-ta-li (2 chi tộc của Ít-ra-en, thời các thẩm phán)

* thời đầu họ bị hạ nhục, nay được tôn vinh

* thời đầu có đau khổ và tối tăm, nay không còn nữa

§ 9,1 tiếp tục c.23. Nhưng giờ đây nói về dân tộc, chứ không về đất đai nữa.

* trước đây dân đi trong tối tăm, nay trong ánh sáng

* trước đây dân ở trong bóng tối, nay trong ánh sáng.

§ C.2 nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn gốc của sự đảo ngược.

§ Niềm vui mà Thiên Chúa đem đến không chỉ là một niềm vui bình thường, nhưng là một niềm vui to lớn, đầy tràn.

§ C.3 nói đến lý do của niềm vui: Cái ách, cây gậy, ngọn roi đã bị bẻ gãy.

Suy tư trên Bài đọc 1

§ Công việc của vị ngôn sứ là loan báo sự đảo ngược số phận.

§ Với người đang sống trong bóng tối, ngôn sứ loan báo ánh sáng.

§ Với người đang u sầu, ngôn sứ loan báo niềm vui.

§ Bài đọc chỉ nói đến một sự đảo ngược.

§ Trong những nơi khác, ngôn sứ loan báo sự huỷ diệt cho những người tự mãn.

§ Các ngài loan báo sự huỷ diệt cho những ai nghĩ rằng mọi sự đều tốt đẹp.

Bài đọc 2: 1 Cô-rin-tô 1,10-13.17

10 Thưa anh em, nhân danh Ðức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận một lòng một ý với nhau. 11 Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơlôe cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. 12 Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Ðức Kitô. 13 Thế ra Ðức Kitô đã bị chia năm sẻ bảy rồi ư? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao? 17 Vì Ðức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Ðức Kitô khỏi trở nên vô hiệu.

Bố cục

§ Khuyên nhủ hiệp nhất c. 10

§ Báo cáo về nạn bè phái c. 11-12

§ Đặt vấn đề c. 13

§ Ơn gọi của Phao-lô c. 17

Chú giải

§ Bài đọc nói về sự hiệp nhất ki-tô giáo.

§ Trong c.10, Phao-lô, tác giả và người tổ chức Giáo hội ở Cô-rin-tô, khuyên nhủ anh chị em của mình sống hiệp nhất, đừng chia rẽ.

§ Sự hiệp nhất được mời gọi đây là một lòng một ý.

§ C.11 nói đến các nguyên nhân của chia rẽ: nạn bè phái

§ C.12 giải thích rõ hơn vấn đề:

§ Đó đúng hơn là một sự chia rẽ, vì hiểu sai ý nghĩa của sự thuộc về.

§ Trong c.13, Phao-lô làm lại trật tự nơi các ki-tô hữu chia rẽ, bằng cách nêu lên tính độc nhất của Đức Ki-tô.

§ Chỉ có một ý nghĩa của sự thuộc về.

§ Mọi ki-tô hữu thuộc về Đức Ki-tô, chứ không thuộc về ai khác.

§ Phao-lô, A-pô-lô và Kê-pha đều là những dụng cụ của Đức Ki-tô.

§ C.17 nói lại ơn gọi của Phao-lô: không làm phép rửa nhưng loan báo Tin mừng.

§ Phao-lô cũng làm phép rửa cho dân, nhưng ở đây ngài nói đến mục đích chính của ngài: loan báo Tin mừng.

§ Cách thức loan báo Tin mừng của ngài không giống như những người ăn nói hay ho.

§ Ngài nói cách đơn sơ và rõ ràng về Đức Ki-tô.

§ Vì ngài muốn gìn giữ sự toàn vẹn của thập giá Đức Ki-tô.

§ Hùng biện có thể làm cho ý nghĩa của thập giá Đức Ki-tô nên vô nghĩa.

§ Những nhà giảng thuyết khác có thể đã được dạy dỗ để loan báo, rao truyền, giới thiệu Tin mừng khá tốt đến nỗi ngời ta ưa thích phương pháp hơn là chính nội dung tức là thập giá Đức Ki-tô.

§ Những nhà giảng thuyết tài hoa có thể giảng hay và dược mến chuộng, nhưng có thể không sản sinh những ki-tô hữu dấn thân, có thể mang lấy thập giá.

Suy tư trên Bài đọc 2

§ Là ki-tô hữu, ta phải tập trung vào Đức Ki-tô.

§ Chúng ta không tập trung vào người đã rửa tội chúng ta.

§ Chúng ta không tập trung vào người đã soi sáng chúng ta, gợi hứng chúng ta.

§ Chúng ta không thần tượng hoá nhóm đặc sủng của chúng ta, sự ghi danh của chúng ta vào một tôn giáo, thừa tác vụ của chúng ta hay những người bạn linh mục của chúng ta.

§ Điều quan trọng là là đề cao việc chúng ta thuộc về Đức Ki-tô và chúng ta cũng có thể mang lấy thập giá của chúng ta.

§ Giờ đây chúng ta hiểu loan báo Tin mừng và hy sinh nghĩa là gì.

§ Phép rửa trong Đức Ki-tô phải hiệp nhất chúng ta, bất kể ai đã rửa tội chúng ta, dạy giáo lý cho chúng ta, hay giúp đỡ chúng ta trong đức tin.

§ Chia rẽ và bè phái không có chỗ đứng trong cộng đoàn ki-tô hữu.

Bài Tin mừng: Mát-thêu 4,12-23

12 Khi Ðức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói:

15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li,

hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan,

hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại!

16 Ðoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm

đã thấy một ánh sáng huy hoàng,

những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần

nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

17 Từ lúc đó, Ðức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần".

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là Si-mon, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá". 20 lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

21 Ði một quảng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-dê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-dê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22 lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

23 Thế rồi Ðức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.

Bố cục

§ Ứng nghiệm lời ngôn sứ c. 12-16

§ Kêu gọi các tông đồ c. 17-22

§ Hoạt động của Đức Giê-su c. 23

Chú giải

§ C.12-16 nói đến bối cảnh của việc kêu gọi các tông đồ:

* Gio-an bị bắt

* Đức Giê-su đi đến miền Ga-li-lê

* Đức Giê-su rời Na-da-rét

* Đức Giê-su ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li.

§ C.14 giải thích sự di chuyển của Đức Giê-su như ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a trong Bài đọc 1.

§ C.15 mô tả miền này như con đường đi ra biển (Ga-li-lê).

§ Giờ đây trong miền này đã thấy ánh sáng. Họ đã ngồi trong vùng tối tăm, trong bóng tối tử thần.

§ Đâu là ánh sáng?

§ C.17 nói với chúng ta về ánh sáng: Đức Giê-su rao giảng về sự thống hối và Nước Thiên Chúa.

§ C.18-22 mô tả việc kêu gọi 4 tông đồ.

§ Họ được kêu gọi trong bối cảnh Đức Giê-su rao giảng và trong bối cảnh đánh cá.

§ C.18-19 nói về hai anh em Phê-rô và An-rê được kêu gọi khi họ đang giặt lưới.

§ C.20 mô tả họ đáp lại lời kêu gọi như thế nào: lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

§ C.21-22 nói về hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an đang ngồi vá lưới trong thuyền.

§ C. 23 mô tả họ đáp lại lời kêu gọi như thế nào: lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người

§ C.23 nói đến các hoạt dộng của Đức Giê-su:

* giảng dạy trong các hội đường

* loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa

* chữa lành các bệnh hoạn, tật nguyền.

Suy tư trên Bài Tin mừng

§ Miền đất Dơ-vu-lun và Náp-ta-li giờ đây thấy ánh sáng vì sự hiện diện của Đức Giê-su, Người rao giảng, dạy dỗ, kêu gọi và chữa lành.

§ Ánh sáng mà họ thấy chính là Đức Giê-su.

§ Những người dân ấy được biết trong quá khứ là những người ngồi trong vùng tối tăm, trong bóng tối tử thần.

§ Chính tại nơi đây mà Đức Giê-su kêu gọi các tông đồ đầu tiên, họ làm nghề đánh cá.

§ Tại nơi đây, chúng ta thấy những con người sẵn sàng đáp trả lời kêu gọi.

Nối kết 3 Bài đọc

§ Bài đọc 1 nói đến miền đất Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, vùng tăm tối.

§ Bài đọc 2 nói về sự hiệp nhất các ki-tô hữu tại Cô-rin-tô, nơi có bè phái và chia rẽ.

§ Bài Tin mừng lại nói về miền đất Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, nơi đó giờ đây có ánh sáng.

Cách triển khai bài giảng

§ Chúng ta nói về các dân cư tại Dơ-vu-lun và Náp-ta-li đã thay đổi như thế nào nhờ sự hiện diện của Đức Giê-su.

§ Đức Giê-su loại trừ tối tăm, buồn rầu, bóng tối, (Bài đọc 1) bè phái và chia rẽ (Bài đọc 2).

§ Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ tại miền Gali-lê, chung quanh biển hồ. (Bài Tin mừng)

§ Người bắt đầu rao giảng sự thống hối.

§ Lý do: “Nước Thiên Chúa đã đến gần.”

§ Dân cư tại Dơ-vu-lun và Náp-ta-li đáp trả. Họ được lợi từ sứ vụ của Đức Giê-su.

§ 4 ngư phủ sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi của Đức Giê-su để đi theo Người.

§ Không đặt câu hỏi, họ liền bỏ lưới, thuyền, cha mẹ và đi theo Người.

§ Họ đi bất cứ nơi nào Đức Giê-su đến.

§ Trong câu cuối của Bài đọc, c.23, Đức Giê-su được mô tả như ở một mình.

§ Tác giả chú ý đến một mình Đức Giê-su. Là độc giả, chúng ta phải thêm vào điều ngài không nói.

§ Các môn đệ đi theo Người và học hỏi từ điều Người nói và làm, như chúng ta sẽ thấy sau, khi họ dấn thân làm tông đồ.

§ Mọi Ki-tô hữu, chứ không chỉ các linh mục và tu sĩ, được mời gọi đi theo Đức Ki-tô.

§ Chúng ta cũng có ánh sáng khi chịu phép Thánh tẩy và khi học giáo lý, tham dự phụng vụ.

§ Câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra:

* Chúng ta đã từ bỏ bao nhiêu?

* Chúng ta đã dành bao nhiêu thời giờ để lắng nghe Đức Giê-su?

* Chúng ta đã dành bao nhiêu thời giờ để chia sẻ sứ vụ của Người?

* Chúng ta đã trung thành như thế nào trong việc cổ võ sự hiệp nhất trong Giáo hội?

§ Không phải là một môn đề tốt khi từ chối được đào tạo.

§ Không lắng nghe những ai biết rõ hơn thì không giúp vun trồng đức tin.

§ Gieo rắc bất hoà, so sánh, không biết tầm nhìn và sứ vụ của Giáo hội là những nguồn mạch của chia rẽ. (Bài đọc 2)

§ Đó là những bất toàn của người môn đệ.

§ Nếu Đức Giê-su sinh sống ngày hôm nay, chúng ta sẽ đi theo Người thế nào khi Người rao giảng Nước Trời, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ?

§ Trong bí tích Thánh Thể này, Đức Giê-su lại đến loan báo cho chúng ta sự thống hối “vì Nước trời đã đến gần.”

§ Tiếp nhận bí tích Thánh Thể là dấu chỉ chúng ta bằng lòng để Người cai trị chúng ta.

§ Không thống hối, chúng ta không thể đáp trả cách đúng đắn lời mời gọi của Thiên Chúa và và tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.

§ Bí tích Thánh Thể là bí tích của người môn đệ và sự hiệp nhất ki-tô hữu.

§ Bí tích Thánh Thể ban sức mạnh cho chúng ta khi đi theo Đức Giê-su và khi mang thập giá của chúng ta.
 
Tín hữu Kitô hầm trú của Thiên Chúa
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
21:26 25/01/2008
TÍN HỮU KITÔ HẦM TRÚ CỦA THIÊN CHÚA

Xuyên qua con đường hẽm của thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, chằng chịt người đi bộ và đi xe đạp với những sinh hoạt lặng lẽ về đêm, tôi lần mò tìm ra căn nhà tôi muốn đến.

Bước vào căn phòng đầy băng ghế gỗ sơ sài, tôi thấy có mặt khoảng 20 người, đang quỳ trên nền nhà bằng bêtông: các sinh viên mặc quần jeans, những người trẻ mặc đồ bộ và các phụ nữ cao tuổi. Tất cả đang sốt sắng đọc kinh và hát thánh ca. Tôi hiểu ngay mình đang chứng kiến tận mắt hình ảnh sống động ”hầm trú” của Giáo Hội Kitô tại Trung Quốc, giống y như đời sống trong các hang toại đạo xưa kia của các tín hữu Kitô tiên khởi tại đế quốc La Mã.

Tất cả tín hữu Kitô tham dự buổi cầu nguyện đều biết rõ đây là cuộc họp bị ngăn cấm. Công an nhà nước có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và bắt giam mọi người, đặc biệt vị lãnh đạo tinh thần đang hướng dẫn buổi cầu nguyện. Đó là mục sư Lâm Hiến Cao. Với dáng người gầy còm nhưng bên trong lại dấu ẩn cả một kho tàng đức tin bất khuất, kiên dũng. Sau bản thánh ca cuối cùng, mục sư Lâm nói với các tín hữu:

- Giống như xưa kia Đức Chúa GIÊSU rảo quanh các làng mạc phố xá của Thánh Địa để rao giảng Tin Mừng như thế nào, ngày nay, chúng ta cũng phải mang Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU đến cho mọi người khác y như vậy!

Giọng nói rõ ràng cương quyết của mục sư Lâm vang lên trong đêm khuya, mang một sức mạnh vô song. Nó xuất phát từ vị chủ chăn từng sống 20 năm tù trong các trại lao động khổ sai của chế độ cộng sản Trung Quốc. Không một quyền lực vô thần nào, không một áp bức đe dọa nào có thể lay chuyển Đức Tin kiên dũng của mục sư. Mục sư Lâm Hiến Cao trở thành vị chủ chăn Tin Lành nổi tiếng của Giáo Hội Kitô thầm lặng Trung Quốc, và là biểu tượng của Đức Tin Kitô, bất khuất trước các quyền lực sự dữ đang hoành hành tại Trung Quốc.

Năm 1949, lúc vừa nắm quyền, đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu ngay các cuộc đàn áp dữ dội. Hàng ngàn hàng vạn tín hữu Tin Lành và Công Giáo bị bắt giam vì trung thành với Đức Tin. Năm đó mục sư Lâm đang sống yên hàn ở Hong Kong. Nhưng tiếng Chúa gọi mục sư trở lại với đàn chiên tại Trung Quốc. Mục sư không ngần ngại tuân phục thánh ý THIÊN CHÚA, trở về Quảng Châu, vào năm 1950, lúc bấy giờ đang ngụp lặn trong một cuộc cách mạng đẫm máu và đàn áp tôn giáo.

5 năm sau - tháng 9 năm 1955 - mục sư Lâm bị bắt và bị ở tù trong vòng 16 tháng. Vừa được trả tự do, mục sư lại bị bắt và bị kết án 20 năm lao động khổ sai trong một hầm mỏ than. Thời gian này, để khỏi trở thành điên, mục sư Lâm thường đọc thầm, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ, những câu Kinh Thánh thuộc lòng. Trong vòng 20 năm trời, trước không biết bao nhục hình phải chịu, mục sư Lâm không bao giờ chối bỏ Đức Tin, cũng không bao giờ tiết lộ bất cứ danh tánh nào của các tín hữu Kitô.

Được trả tự do vào ngày 29-5-1978, mục sư Lâm dạy Anh ngữ một thời gian, với dụng cụ duy nhất là cuốn Kinh Thánh. Sau đó, mục sư bắt đầu lại các hoạt động mục vụ. Ngày 22-2-1990, sau buổi kinh chiều, các công an ùa vào nhà mục sư lục soát và tịch thu tất cả đồ đạc, sách báo tôn giáo. Họ liên tục chất vấn và ngăn cấm mục sư không được giảng dạy Kinh Thánh. Trước mọi ngăm đe, đàn áp, mục sư Lâm chỉ điềm tĩnh trả lời:

- Tôi từng sống 20 năm trong các trại tù của các ông. Do đó không còn gì có thể làm tôi sợ hãi nữa!

Trước khi rời căn nhà mục sư Lâm Hiến Cao, tôi hỏi:

- Mục sư có nghĩ mình sẽ bị bắt trở lại không?

Mục sư trả lời:

- Có thể lắm! Nhưng chúng tôi là tín hữu Kitô, do đó, khó khăn thử thách sẽ giúp chúng tôi tiến đến gần Đức Chúa GIÊSU KITÔ hơn.

Ngừng một lúc, mục sư Lâm bắt tay từ biệt tôi và chậm rãi nói:

- Xin hãy cầu nguyện thật nhiều cho chúng tôi!

Chứng từ của ông Fergus Bordewich.

... ”Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Chúa KITÔ. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ, cùng nhau chiến đấu vì Đức Tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em. Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ THIÊN CHÚA ban. Quả thế, nhờ Đức Chúa KITÔ, anh em đã được phúc chịu đau khổ vì Người. Nhờ vậy, anh em được tham dự cùng một cuộc chiến mà anh em đã thấy tôi phải đương đầu trước kia, và nay anh em nghe biết là tôi vẫn còn tiếp tục” (Thư gửi tín hữu Philipphê 1,27-30).

(”Les Clandestins de Dieu”, Reader's Digest SÉLECTION, 1/1992, trang 41-46)
 
Xin cho được lòng sám hối tội lỗi gồm tội chia rẽ
LM. Trần Bình Trọng
22:58 25/01/2008
XIN CHO ĐƯỢC LÒNG SÁM HỐI TỘI LỖI GỒM TỘI CHIA RẼ

Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm A

Is 8:23-9:3; 1Cr 1:10-13,17; Mt 4:12-17


Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước có liên hệ mật thiết với nhau. Có thể nói những gì ghi chép trong Cựu ước đều được ứng nghiệm trong Tân ước. Ngôn sứ Isaia trong Cựu ước hôm nay tiên báo: Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng (Is 9:1). Trong Phúc âm, thánh sử Mát-thêu nhận ra Ðức Kitô đã đến để hoàn thành lời ngôn sứ Isaia: Ðoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng (Mt 4:16). Ðức Kitô đến mang ánh sáng chiếu soi để loại trừ bóng tối: bóng tối lầm lạc và tội lỗi, gồm tội chia rẽ.

Thánh Phaolô nhận ra tín hữu Corintô đã làm lu mờ ánh sáng Ðức Kitô bằng cách phân tán thành bè phái trong cộng đoàn. Hôm nay thư thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô ghi lại, giáo dân chia thành năm bè, bảy nhóm: Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Khêpha, tôi thuộc về Ðức Kitô (1 Cr 1:12). Ðiều đó khiến thánh Phaolô thắc mắc: Thế ra Ðức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi sao (1 Cr 1:13)? Những vấn đề tranh chấp giữa họ không thuộc phạm vi tín lý hay luân lý, nhưng chỉ là những khác biệt về tính tình và sở thích. Khi đã đến lúc phải chận đứng vấn đề phe nhóm trong giáo đoàn, thánh Phaolô bảo họ: Anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao? (1 Cr 1:13). Thánh Phaolô muốn nói với họ rằng họ chỉ chịu phép rửa nhân danh Ðức Kitô mà thôi.

Thánh Phaolô là người hơn ai hết hiểu được ý niệm thần học của nhiệm thể màu nhiệm Chúa Kitô. Trên đường đi xin uỷ nhiệm thư để bách hại người Kitô giáo, một luồng sáng từ trời chiếu toả quanh người, khiến Phaolô bị choáng váng, ngã xuống đất, ông nghe có tiếng phán bảo: Saolê, Saolê, tại sao nhà ngươi bách hại ta (Cv 9:4). Thực sự thì Phaolô chỉ bách hại người Kitô hữu mà thôi. Sau này nhờ suy niệm, cầu nguyện và được ơn thánh linh soi sáng, Phaolô hiểu được người Kitô hữu là phần chi thể trong nhiệm thể màu nhiệm mà Chúa Kitô là đầu. Cắt nghĩa theo ý niệm thần học của thánh Phaolô thì bách hại người Kitô hữu là bách hại chính Chúa Kitô. Trong bữa tiêc li, Chúa cầu nguyện cho các tông đồ và cho tất cả những người nghe theo lời giảng dạy của các tông đồ được hiệp nhất trong một Giáo hội mà Chúa đã thiết lập trên nền tảng đá thánh Phêrô. Người còn làm hơn nữa ngoài việc cầu nguyện. Người đã chịu chết để họ được hiệp nhất.

Nếu đưa mắt nhìn quanh, ta thấy bao nhiêu giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện. Phái nào cũng mạo nhận là theo gót chân Chúa một cách trung thực. Ngoài Giáo hội Công giáo, còn có các Giáo hội Chính thống, các Giáo hội Ðông phương không hiệp thông với Giáo hội Công giáo và cả hàng trăm giáo phái Tin lành khác nhau. Nhiều người lập ra những giáo hội hay giáo phái Kitô giáo không hiệp thông với Giáo hội công giáo lúc đầu cũng nằm trong Giáo hội Công giáo. Vì những lý do khác nhau như bất đồng quan điểm hoặc bất phục tùng, hoặc vì đam mê hoặc tham vọng cá nhân, đã tách rời khỏi Giáo hội Công giáo để lập những giáo phái riêng. Lịch sử giáo hội cho thấy nếu không ở lại hiệp nhất với Giáo hội mà chính Chúa đã thiết lập, người ta còn tiếp tục chia rẽ thêm nữa.

Trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo, mỗi người Kitô giáo cần nhận thức rằng việc chia rẽ phân tán trong thế giới Kitô giáo nói chung, và trong Giáo hội Công giáo nói riêng, đang làm suy yếu nhiệm thể Chúa Kitô, khiến cho việc rao giảng sứ điệp Phúc âm ít hấp dẫn đối với người ngoài Kitô giáo. Vậy sứ vụ của người Kitô giáo là cầu nguyện cho việc hiệp nhất giữa những người tin theo Chúa.

Người tín hữu cũng cần cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong chính Giáo hội Công giáo. Nếu muốn cổ võ sự hiệp nhất trong thế giới Kitô giáo, trước hết ta cần cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội: Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Ðể được hiệp nhất, người công giáo cần tôn trọng quyền giáo huấn chính thức của giáo hội. Người tín hữu cần cầu nguyện cho các giám mục được hiệp nhất với Ðức Giáo hoàng là người kế vị thánh Phêrô. Người tín hữu còn cần cầu nguyện cho các linh mục được hiệp nhất với Giám mục bản quyền. Và người tín hữu cần biểu lộ sự hiệp nhất bằng lời nói, hành động và lời cầu nguyện.

Ðể được bước đi trong ánh sáng - ánh sáng chân lí - Chúa dạy phải sám hối (Mt 4:17), nghĩa là phải loại trừ bóng tối lầm lạc và tội lỗi. Sám hối theo nghĩa thánh kinh có nghĩa là từ bỏ nếp sống tội lỗi. Có những tội mà người ta phạm, và sở dĩ người ta phạm những tội đó, là vì người ta có vấn đề. Khi mà người ta đối đầu với vấn đề, người ta cần đem vấn đề ra ánh sáng. Trước hết người ta phải thú nhận rằng người ta có vấn đề, hay nói trắng ra là người ta có bệnh, thường là bệnh tâm lí. Không nhận mình có bệnh thì không thể nào được chữa khỏi. Khi người ta nhận mình có bệnh là người ta đã được chữa lành một phần. Bời vì khi nhận mình có bệnh, người ta mới tìm gặp thầy thuốc tâm linh để được chữa trị, hoặc người ta sẽ đọc sách tìm hiểu sao mình mắc bệnh đó và người ta cầu nguyện xin Chúa giải thoát mình khỏi bệnh.

Ðể đối chất với vấn đề, người ta cần đi qua ba giai đoạn. (1) Thứ nhất tìm ra căn nguyên cội rễ tại sao mình có bệnh phạm tội đó. Lí do có thể là vì cô đơn, hoặc vì tò mò, ham muốn, tham lam, ghen tuông, đánh giá thấp về mình (low self-esteem), hoặc tự ti mặc cảm về phương diện nào đó, hoặc chưa thoả hiệp với chính mình, với những gì mình có, hoặc ước muốn chưa được toại nguyện.. Do đó mà người ta mới phạm tội để mong được toại nguyện. Người ta không ý thức được rằng tìm cách toại nguyện kiểu này thì không bao giờ toại nguyện được. (2) Thứ hai tìm cách phát triển những tài năng hay ưu điểm mình có để mình cũng có gì để hãnh diện, cũng có một thế đứng nào đó trong nhóm, hay trong cộng đồng hay trong xã hội, để mình có thể mãn nguyện về mình về phương diện nào đó. Người ta cũng có thể tình nguyện làm những việc bác ái xã hội nào đó để đem lại sự thoải mái về tinh thần hay thoải mái thiêng liêng cho đời sống. (3) Khi không phát triển được tài năng hay ưu điểm nào để được mãn nguyện, người ta phải học để chấp nhận: chấp nhận bản thân và hoàn cảnh, và học để biết đầu hàng ý mình, ý muốn và tham vọng của mình trước ý Chúa. Từ đó mình học để thiết lập mối liên hệ cá biệt và gần gũi với Chúa, hầu có thể cảm nghiệm được tình yêu của Chúa đối với mình.

Lời cầu nguyện xin cho ánh sáng chiếu rọi vào bóng tối lầm lạc và tội lỗi:

Lạy Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa!

Chúa xuống thế chịu chết để giao hoà đất trời.

Chúa thiết lập Giáo hội trên nền tảng các tông đồ,

và đặt Phêrô làm người lãnh đạo.

Xin cho các giáo phái Kitô giáo được hiệp nhất

trong một nhiệm thể mà Chúa là đầu

để làm chứng cho chân lí Phúc âm.

Xin chiếu rọi ánh sáng vào tâm trí và đời sống con

để con biết tìm ra đâu là sự thật, đâu là giả trá. Amen.


Lm Trần Bình Trọng

trongtb@yahoo.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những người chủ chốt phá thai nhìn nhận rằng lý luận của họ không còn có sức thuyết phục
Anthony Lê
09:26 25/01/2008
Những người chủ soái cho việc phá thai đã lên tiếng nhìn nhận rằng lý luận của họ không còn có sức thuyết phục được nữa

Họ nhìn nhận rằng: những lý luận của những người phò sinh có sức thuyết phục và đúng sự thật hơn nhất là khi các hình ảnh phá thai ghê rợn được trưng bày ra cho công chúng

Bà Kate Michelman
LOS ANGELES (LifeSiteNews.com) - Hai trong số những vị lãnh đạo có tầm ảnh hưởng cao và quan trọng nhất của phong trào phá thai đã lên tiếng công khai nhìn nhận rằng: phong trào phò sinh đã đưa ra những lý luận và chứng cớ có tính rõ ràng và thuyết phục hơn, khiến cho những người phò phá thai phải đuối lý và đành phải cuối đầu để chấp nhận sự thật.

Trong phần chia sẽ ý kiến được đăng trên tờ Los Angeles Times vào ngày 22 tháng 1, hai Bà Frances Kissling và Kate Michelman đã viết bằng cách dùng đến cụm từ của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị khi nói rằng:

"Nền văn hóa sự sống đã có một ảnh hưởng rất lớn. Đối với một số người, các giá trị có liên quan đến việc được tự do chọn lựa dường như đã thật sự bị lấn áp bởi mong muốn để cứu lấy những con cá voi hay các cây cỏ, để tôn trọng đời sống của thú vật, và để chấm dứt nạn bạo lực ở tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị cũng đã đề cập đến điều đó qua cụm từ nổi tiếng, và để đời của Ngài đó là 'Nền Văn Hóa Sự Sống,' và Tổng Thống Bush cũng dùng theo cụm từ đó, như là một khẩu hiệu, mà đối với chúng tôi thật đau đớn khi phải nhìn nhận rằng nó đã làm rúng động một số con tim và khối óc. Do đó, việc ủng hộ cho sự phá thai thì rất khó mà có thể thích ứng được trong bối cảnh này."

Hai tác giả này cũng còn nhìn nhận rằng: "Sự lưu tâm của phong trào phò sự sống nhằm vào các trẻ thơ chưa được chào đời, và mọi nổ lực của phong trào này nhằm làm giới hạn tối đa việc phá thai, về mặt chánh trị lẫn xã hội, đã có hiệu quả."

Hai người này còn ta thán rằng: "Hai mươi năm trước, việc trở thành một người phò sinh là một điều hơi lạ và lỗi thời. Thì nay đó lại là một thứ quan điểm đáng được tôn trọng trong mọi giai tầng của xã hội."

Điều có ý nghĩa quan trọng hơn chính là việc hai người này nhìn nhận rằng chiến thuật đưa cho công luận xem thấy các hình ảnh, nêu ra hiện thực man rợ và dã man của việc phá hoại các bào thai, quả thật là có hiệu quả và sức mạnh ghê ghớm.

Họ viết rằng: "Trong những năm vừa qua, phong trào chống phá thai gặt hái được sự thành công bằng việc đưa ra các hình ảnh rất chi tiết của các giai đoạn và tiến trình phá thai, ra cho công luận được thấy, khiến cho càng ngày càng có nhiều người có cái nhìn và suy nghĩ không mấy thiện cảm với ngành kỹ nghệ phá thai. Những ai thuộc phái tự do chọn lựa giờ đây đã không còn có thể thuyết phục được nước Mỹ rằng chúng ta ủng hộ cho một cuộc thảo luận công khai có liên quan đến các chiều kích luân lý và đạo đức của việc phá thai được nữa."

Những sự nhìn nhận theo đúng lẽ phải như thế cho thấy được sức mạnh của những lời lập luận của phong trào phò sinh là có hiệu quả; đặc biệt khi những lời nhìn nhận sự thật đó lại đến từ phía hai nhân vật rất quan trọng và nổi tiếng của phong trào chủ trương phá thai.

Bà Kate Michelman chính là Chủ Tịch của Liên Đoàn Hành Động về Quyền Được Phá Thai (National Abortion Rights Action League hay NARAL), mộ tổ chức nguyên thủy và có sự ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại Hoa Kỳ, sau Tổ Chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình (Planned Parenthood).

Còn Bà Frances Kissiling trong nhiều năm đã từng là lãnh đạo của phong trào gọi là "Những Người Công Giáo Cho Một Sự Chọn Lựa Tự Do" (Catholics for a Free Choice) - một tổ chức đã bị Giáo Hội Công Giáo bác bỏ và tẩy chay, vốn cổ võ cho việc phá thai, việc gian dâm, và việc thông dâm - một tổ chức nhằm tranh đấu để cố tìm mọi cách để loại bỏ vai trò làm quan sát viên của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc.
 
Bí mật của hai vị Giáo Hoàng trong việc gởi bức thông điệp của các Ngài ra cho công chúng
Anthony Lê
10:05 25/01/2008
Bí mật của hai vị Giáo Hoàng trong việc gởi bức thông điệp của các Ngài ra cho công chúng

Ông Navarro Valls phân tích cách truyền thông giao tiếp của Đức Thánh Cha Benedict XVI và của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

ROME (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI là một nguời truyền đạt xuất chúng, và thông điệp của Ngài chính là điều mà mọi người muốn lắng nghe, đó chính là lời nhận xét của vị cựu phát ngôn viên Tòa Thánh.

Ông Joaquín Navarro Valls, cựu giám đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh từ năm 1984 đến năm 2006, người đã từ lâu được biết tới như là gương mặt và tiếng nói đằng sau các tin tức của Vatican, đặc biệt là trong thời gian bệnh tật cuối đời của vị Giáo Hoàng quá cố, Đức Gioan Phaolô II.

Ông nói với hãng tin Zenit rằng: có một điều bí mật của việc truyền thông giao tiếp rất hiệu quả của cả hai vị Giáo Hoàng này trong việc gởi ra bức thông điệp của các Ngài ra cho nhân loại.

Ông nói:

"Vấn nạn chính của mọi khó khăn trong tất cả mọi việc giao tiếp truyền thông chính là việc phải có điều gì đó để nói ra, rồi sau đó, phải biết cách phát triển về mặt ngữ nghĩa học sao cho thật phù hợp để trình bày ra điều mà bạn muốn nói. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị hội đủ cả hai yếu tố này một cách xuất chúng. Ngài có một bức thông điệp vĩ đại về nhân loại và các giá trị Kitô Giáo để thông truyền cho cả thế giới, và Ngài làm điều này theo một cách rất xuất chúng và có hiệu quả cao, và đơn giản mà nói, đó chính là điều đã tạo ra tính phi thường trong suốt những năm dài trong triều đại giáo hoàng của Ngài. . và hệ quả của nó chính là sự thích thú của công luận dành và hướng về cho Ngài."

Ông Navarro Valls cũng đã mô tả về triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô 16 như là một triều đại "chăm sóc về việc mục vụ tri thức vĩ đại."

Ông giải nghĩa rằng:

"Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 là người rất phong phú về các ý niệm vĩ đại, Ngài có rất nhiều nội dung phong phú để giải thích về tất cả mọi điều, Ngài diễn giải và làm rõ tất cả mọi điều cho cả thế hệ, cho toàn thể thời đại nhân loại, rất nhiều các khái niệm cơ bản, những khái niệm mà giờ đây con người đã không còn hiểu rõ được nữa, chẳng hạn như khi Ngài nói về tình yêu của nhân loại hay phẩm giá của con người, vân vân. .. Ngài làm điều này theo một các rất tài tình và lỗi lạc. Ngài trực tiếp truyền thông đến sự thông minh của con người, và tôi nghĩ phản ứng đã từng được chứng kiến trong mọi hoàn cảnh và môi trường trên khắp cả thế giới, nói một cách đơn giản đó là: 'Đây đúng là điều mà chúng tôi muốn lắng nghe, đây đúng là điều hiện thực trong lúc này, và đây mới đúng là điều mà nền văn hóa lúc này đang cần đến.'"
 
Lá thư của Đức Thánh Cha về tầm quan trọng thiết yếu của giáo dục
Phụng Nghi
11:39 25/01/2008
Lá thư của Đức thánh cha về tầm quan trọng thiết yếu của giáo dục

Vatican (VIS) – Hôm 23 tháng 1 năm 2008 Tòa thánh công bố Thư của Đức giáo hoàng gửi giáo phận và thành phố Roma về tầm quan trọng thiết yếu của giáo dục.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày chủ nhật vừa qua, vào dịp giáo phận Roma cử hành Ngày Các Trường Công Giáo, Đức thánh cha khuyến khích các nhà quản trị, giáo viên và phụ huynh cũng như học sinh các trường Công giáo, mặc dù có nhiều khó khăn phải đương đầu, hãy tiếp tục công việc của họ, “đặt Phúc âm làm trọng tâm, theo đuổi một chương trình giáo dục nhằm mục tiêu đào tạo con người toàn diện.”

Trong lá thư đề ngày 21 tháng giêng này, ĐGH Bênêđictô ghi nhận rằng giáo dục ngày nay “dường như trở nên càng khó khăn hơn nữa…Do đó người ta thường nói đến “tình trạng khẩn cấp của giáo dục”, được xác nhận bằng những thất bại trong các nỗ lực của chúng ta nhằm đào tạo những cá nhân tròn trịa, có khả năng cộng tác với những người khác và làm cho cuộc đời họ có ý nghĩa.” Người ta cũng nói đến “sự đổ vỡ giữa các thế hệ”, điều này chắc chắn có thật và là một gánh nặng, nhưng đó là hậu quả hơn là nguyên nhân của sự thất bại trong việc truyền đạt những sự thật và các giá trị.”

Đức thánh cha ghi nhận là phụ huynh và giáo sư có thể cảm thấy “cám dỗ muốn bỏ cuộc” về giáo dục, và ngay cả gặp thấy mối nguy “không hiểu biết vai trò của họ ra sao” và ngài chỉ ra “một trạng thái tâm lý và một hình thức văn hoá dẫn con người đến chỗ hoài nghi giá trị của con người nhân bản, ý nghĩa của chân lý và của điều thiện hảo và, sau tất cả mọi sự suy xét thích đáng, của điều thiện hảo nơi chính cuộc đời.”

“Đương đầu với những khó khăn như thế, “những khó khăn chẳng thể không vuợt qua được”, xin đừng sợ hãi!...Ngay cả những giá trị cao cả nhất của quá khứ cũng không thể chỉ đơn giản được kế thừa mà chúng ta phải tìm cách sở đắc lấy cho chính mình và làm mới chúng bằng các chọn lựa cá nhân thường khi rất khó khăn.

“Tuy nhiên, ngài nói thêm, khi các nền tảng bị lung lay và những sự thật thiết yếu biến mất, nhu cầu về các giá trị đó lại trở lại với tính cách áp đặt. Do đó chúng ta ngày nay thấy một đòi hỏi càng ngày gia tăng cần có giáo dục thực sự. Đìều này được đòi hỏi do các bậc phụ huynh, các giáo sư, do toàn thể xã hội… và do chính những người trẻ không muốn bị đặt trước các thách đố trong đời sống phải đương đầu một thân một mình.”

Đức thánh cha viết về nhu cầu “phải xác định một số đặc tính chung cần có của một nền giáo dục đích thực, ghi nhận rằng nó đặc biệt đòi hỏi sự gần gũi và lòng tin cậy phát xuất từ tình yêu thương.”

“Thế nên, một nền giáo dục nghèo nàn sẽ hạn chế chính nó vào các ý niệm và thông tin phổ biến mà lại bỏ qua vấn nạn lớn lao về chân lý, quan trọng hơn tất cả là, chân lý có thể hướng dẫn chỉ đạo cả cuộc đời.”

Đức thánh cha xác định “phương diện tinh tế nhất của giáo dục” là tìm được sự quân bình đúng đắn giữa tự do và kỷ luật”. Tuy nhiên, ngài quả quyết rằng “mối quan hệ giáo dục còn phải đặc biệt là sự gặp gỡ của hai nền tự do, và giáo dục thành công là đào tạo cách sử dụng tự do một cách đúng đắn…Do đó, chúng ta phải chấp nhận nguy cơ của tự do, cảnh giác để giúp đỡ tự do và để sửa chữa các tư tưởng và lựa chọn sai lạc.

“Giáo dục không thể từ bỏ uy tín có thế giá đó, uy tín làm cho người ta có thể tin tưởng được vào sự hành xử quyền hành và điều này có được trước nhất bằng sự gắn bó của riêng cuộc đời một con người”. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự quan trọng có tính quyết định của ý thức về trách nhiệm: “Trách nhiệm trước nhất phải là của cá nhân nhưng cũng có trách nhiệm mà chúng ta cùng nhau chia sẻ.”

Trong bối cảnh này, ĐGH nhận thấy rằng chiều hướng chung của cả xã hội chúng ta sống và hình ảnh nó tự trưng ra qua các phương tiện truyền thông, tạo ra ảnh hường lớn lao vào việc đào tạo các thế hệ mới, để làm điều thiện cũng như rất thường khi cả điều ác. Xã hội không phải là một quan niệm trừu tượng, mà suy cho cùng, chính là chúng ta.

Để kết luận, Đức thánh cha đề cập đến hy vọng (chủ đề trong Thông điệp mới nhất của ngài) là “linh hồn của giáo dục”, ngài cho biết rằng “ngày nay hy vọng bị đe dọa từ nhiều phía và cả chúng ta nữa, cũng như những người ngoại giáo thời xưa, có nguy cơ trở thành những người kẻ không có “hy vọng và không có Thiên Chúa trên cõi đời này.”

Ngài kết luận: “Căn bản của cuộc khủng hoảng giáo dục là cuộc khủng hoảng niềm tin vào cuộc đời. Niềm hy vọng hướng về Thiên Chúa không bao giờ chỉ là hy vọng cho riêng tôi, mà luôn luôn còn là niềm hy vọng cho những người khác nữa, nó không cô lập chúng ta nhưng kết hợp chúng ta trong điều thiện hảo, khuyến khích ta giáo dục lẫn nhau trong chân lý và tình thương.”
 
Sứ điệp ĐTC Benêđictô XVI nhân ngày thế giới Truyền thông lần thứ 42
+ĐGH Benedictô XVI
13:52 25/01/2008
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG LẦN THỨ 42


Chúa Nhật, 4 tháng Năm 2008

Phương tiện truyền thông: trước hai lựa chọn tự tôn phong hay phục vụ.

Tìm kiếm Sự Thật để chia sẻ với người khác.

Anh chị em thân mến,

1. Chủ đề của Ngày Thế Giới Truyền Thông năm nay- “Phương tiện truyền thông trước hai lựa chọn tự tôn phong hay phục vụ. Tìm kiếm Sự Thật để chia sẻ với người khác.”- soi sáng cho vai trò quan trọng của các phương tiện truyền thông trong đời sống cá nhân cũng như xã hội. Thật vậy, không có một linh vực nào trong kinh nghiệm của con người, đặc biệt trước hiện tượng toàn cầu hoá đang mở rộng, mà trong đó truyền thông lại không nắm giữ một vai trò bao quát trong các mối tương quan liên vị cũng như trong sự phát triển về xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo. Như tôi đã trình bày trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình đầu năm (1 tháng Giêng 2008): “Các phương tiện truyền thông xã hội, vì tiềm năng giáo dục đặc thù của nó, giữ một trách nhiệm đặc chuyên trong việc phát huy sự tôn trọng gia đình, làm sáng tỏ những nguyện vọng và các quyền của gia đình, cũng như trình bày tất cả vẻ đẹp của nó” (s. 5).

2. Nhờ tiến bộ mau chóng về kĩ thuật, các phương tiện truyền thông đã thủ đắc được những tiềm lực phi thường, nhưng cũng đăt ra biết bao vấn đề mới lạ, những vấn nạn chưa từng có trước đây. Người ta không thể phủ nhận những đóng góp của nó trong việc phổ biến tin tức, truyền đạt những kiến thức về các biến cố cũng như việc phổ cập thông tin: nó nắm giữ một vai trò quyết định, thí dụ như trong việc phổ biến văn hoá và trong tiến trình xã hội hoá, cũng như trong việc phát triển nền dân chủ và đối thoại giữa các dân tộc. Không có những đóng góp của truyền thông thật khó mà mở mang và củng cố sự thông hiểu giữa các quốc gia, khó thổi hơi vào các cuộc đối thoại mang tính toàn cầu, khó bảo đảm lợi ích ưu hảo của việc cập nhật thông tin, mà đồng thời vẫn bảo đảm quyền tự do trao đổi tư tưởng, nhất là cổ vũ các lí tưởng về tình liên đới và công bình xã hội. Qủa thật, nhìn một cách bao quát, các phương tiện truyền thông không chỉ là những phương tiện để truyền đạt tư tưởng, mà còn có thể và phải trở thành những khí cụ để phục vụ thế giới được công bằng và liên đới hơn. Nhưng thật đáng buồn, các phương tiện truyền thông đang bị biến thành những hệ thống nhắm vào việc bắt người ta phải lệ thuộc các chương trình đặt ra vì chủ đích lợi nhuận. Điều này xảy ra khi truyền thông bị lạm dụng vào các mục tiêu tuyên truyền ý thức hệ hoặc quảng cáo việc tiêu thụ sản phẩm gây ra bực bội. Mệnh danh là trình bày thực tế, người ta có thể hợp pháp hoá hay áp đặt những kiểu mẫu lệch lạc về đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Hơn nữa, để thu hút và gia tăng khán thính giả, đôi khi người ta không ngần ngại đi trệch hướng để đưa vào những cái tầm thường và bạo lực. Truyền thông cũng có thể trình bày và hỗ trợ các mô hình phát triển, giúp thăng tiến hơn là chế giảm trình độ kĩ thuật giữa các nước giàu và nước nghèo.

3. Nhân loại ngày hôm nay đang đứng trước một giao lộ. Người ta có thể áp dụng đúng mức cho truyền thông những điều tôi đã trình bày trong Thông điệp Spe Salvi liên quan đến tính hàm hồ của sự tiến bộ, một mặt nó tạo ra nhiều khả năng mới mẻ để thực hiện điều thiện, nhưng đồng thời nó cũng mở ra những tiềm lực kinh khủng phát sinh sự ác chưa hề tồn tại trước đây (x. số 22). Bởi đó, chúng ta phải truy vấn xem có khôn ngoan không khi để cho các phương tiện truyền thông bị khai thác bừa bãi vào việc “ tự phát triển”, và rốt cuộc lại rơi vào tay những kẻ dụng tâm lèo lái lương tâm con người. Thay vào đó, sao người ta không ưu tiên bảo đảm cho nó luôn phục vụ con người và thiện ích chung cũng như vun trồng “việc đào tạo luân lí cho con người…giúp con người phát triển tâm hồn” (ibid.)? Người ta đều nhìn nhận ảnh hưởng lớn lao của các phương tiện truyền thông trên đời sống cá nhân cũng như xã hội, tuy nhiên ngày hôm nay cần phải nhấn mạnh đến bước ngoặt triệt để, hoặc như người ta có thể nói, sự biến thái hoàn toàn nó đang tạo ra. Hôm nay, truyền thông dường như vẫn không chỉ đòi hỏi trình bày thực tại mà còn xác định thực tại nhờ đặc quyền và sức mạnh dẫn dụ nó nắm giữ. Chẳng hạn, rõ ràng là trong một tình hình người ta không sử dụng truyền thông vào mục đích chính đáng là phổ biến thông tin, mà còn “tạo ra” chính các biến cố. Chuyện thay đổi chức năng gây nguy hại này đã được nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội quan tâm chỉ vạch. Chính bởi chúng ta đang tiếp cận với những thực tại có ảnh hưởng sâu đậm trên tất cả mọi khía cạnh của đời sống (luân lí, suy nghĩ, tôn giáo, tương quan, tình cảm, văn hoá), trong đó cái thiện của con người giao chuyển, thì cần phải nhấn mạnh rằng không phải tất cả những gì khả thi về mặt kĩ thuật đều được phép về mặt đạo đức. Do đó, ảnh hưởng của truyền thông trên đời sống hiện đại đặt ra những vấn nạn không thể tránh né, đòi phải có những lựa chọn và giải quyết không thể trì hoãn.

4. Vai trò mà các phương tiện truyền thông thủ đắc trong xã hội phải được nhìn nhận như một phần hoàn chỉnh về vấn đề con người, đang mở ra như một thách đố trọng yếu trong ngàn năm thứ ba. Giống như những gì đang xảy ra trong lãnh vực sự sống con người, hôn nhân và gia đình, trong các vấn đề trọng đại hiện nay liên quan đến hoà bình, công lí, bảo vệ môi trường, thì trong lãnh vực truyền thông xã hội những chiều kích nền tảng về con người và sự thật liên quan đến con người cũng đang nảy sinh. Khi truyền thông đánh mất trụ cột đạo đức của mình, để cho xã hội khống chế thì rốt cuộc nó không còn để ý đến trọng tâm con người, có một phẩm giá bất khả xâm phạm. Hệ qủa là nó liều lĩnh tác động ảnh hưởng tiêu cực trên lương tâm của họ, trên chọn lựa của họ để cuối cùng ràng buộc tự do và chính đời sống của họ vào những điều kiện khác nhau. Chính vì vậy, truyền thông xã hội phải miệt mài bảo vệ con người và hết lòng tôn trọng phẩm giá con người. Nhiều người ngày nay cho rằng trong lãnh vực này cần phải có một nền “đạo đức truyền thông”, như đã có nền luân lí sinh học trong lãnh vực y khoa với những nghiên cứu tìm tòi liên quan đến sự sống.

5. Truyền thông phải tránh trở thành tiếng nói cổ xúy cho chủ thuyết duy vật kinh tế và chủ thuyết tương đối về đạo đức, là những vết thương thật sự trong thời đại của chúng ta. Thay vào đó, nó có thể và phải góp phần thông đạt sự thật về con người, và phải bênh vực sự thật chống lại những kẻ muốn phủ nhận hoặc loại bỏ sự thật. Người ta còn có thể xác quyết rằng truy tìm sự thật và trình bày sự thật về con người làm nên ơn gọi cao quý nhất của truyền thông xã hội. Sử dụng mọi ngôn từ cao đẹp và ý nhị vào mục đích truyền thông là một bổn phận đầy phấn khích, được trao phó trước hết cho những nhà quản lí cũng như nhà thực hiện chương trình. Tuy nhiên, đó cũng là bổn phận mà trong một mức độ nào đó, liên quan đến tất cả chúng ta, bởi vì trong thời đại toàn cầu hoá này, tất cả chúng ta đều là những người hưởng dùng và là những người thực hiện truyền thông xã hội. Các phương tiện truyền thông hiện đại- liên lạc viễn thông và đặc biệt Internet- đang biến đổi chính bộ mặt của truyền thông; và có lẽ đây là một dịp quý hoá để tái định dạng chúng, và theo lời vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II, để làm cho những yếu tố nền tảng và thiết yếu của sự thật về con người được hiển thị rõ nét hơn (x. Tông thư Sự Phát Triển nhanh Chóng, 10).

6. Con người khao khát sự thật, họ truy tìm sự thật; sự kiện này được minh chứng bằng việc chăm chú theo dõi những thành qủa đạt được do những ấn phẩm đa dạng xuất bản, những chương trình hoặc những văn phẩm giá trị, trong đó sự thật và nét cao quý của con người, gồm cả chiều kích tôn giáo được trình bày và thu nhận một cách tốt đẹp. Chúa Giêsu nói: “Các ngươi sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ngươi” (Ga 8, 32). Sự thật giải phóng chúng ta là Chúa Kitô, vì chỉ Người mới có thể hoàn toàn làm dịu cơn khát về sự sống và tình yêu hiện hữu trong tâm khảm con người. Những ai đã gặp Người và hăng hái đón nhận sứ điệp của Người đều cảm nhận một sự ao ước không thể kềm hãm là phải chia sẻ và truyền thông sự thật này. Thánh Gioan viết: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống…chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha, và với Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Những điều này chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1 Ga 1, 1- 3).

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần để có được những người làm truyền thông dũng cảm và những chứng nhân đích thực làm chứng cho sự thật, trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô và nhiệt thành với sứ điệp đức tin, đó là những người biết “cắt nghĩa nhu cầu văn hoá của thời đại, dấn thân đi vào thời đại truyền thông không phải như thời khắc đầy băn khoăn bối rối, nhưng như thời điểm quý báu để tìm kiếm sự thật và phát huy tình hiệp thông giữa con người và các dân tộc” (Gioan Phaolô II, Diễn văn cho Hội Nghị của những người hoạt động Truyền thông và Văn Hoá, 9 tháng Mười Một 2002).

Qua những lời cầu chúc này tôi thân ái ban Phép Lành cho mọi người.

Từ Vatican, 24 tháng Giêng 2008, Lễ Thánh Phanxicô đờ Xan.

+ BENEDITUS PP. XVI

(Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch)
 
Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô
LM. Trần Đức Anh, OP.
17:33 25/01/2008
Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều 25-1-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần hiệp nhất năm nay có một sắc thái đặc biệt vì cũng là kỷ niệm đúng 100 năm tuần này được đề xướng do sáng kiến của Cha Paul Watson, nguyên là một mục sư Anh giáo Hoa kỳ, sau đó đã trở thành LM Công Giáo và thiết lập dòng Phanxicô Thống Hối.

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, ngoài đông đảo các HY, GM, giáo sĩ và giáo dân Roma, còn có nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là Mục Sư Samuel Kobia người Kenia, Chủ tịch Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, Ủy ban làm việc chung giữa Công Giáo và Hội đồng đại kết, cũng như Bề trên Tổng quyền và các tu sĩ dòng Phanxicô Thống Hối.

Đầu buổi cầu nguyện, ĐHY Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã giới thiệu các vị lãnh đạo Kitô khác, và Mục Sư Kobia, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và nói đến những hoạt động của Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, một tổ chức qui tụ 340 Giáo Hội Kitô không Công Giáo tại hơn 100 nước trên thế giới.

Trong bài giảng, sau khi quảng diễn ý nghĩa sự hoán cải của Thánh Phaolô tông đồ, nhất là xác tín của thánh nhân về hiệu năng của ơn thánh Chúa, ĐTC đề cao tầm quan trọng của ơn thánh và lời cầu nguyện trong phong trào đại kết. Ngài nói:

”Vào cuối tuần cầu nguyện hiệp nhất này, chúng ta càng ý thức rằng công trình tái tạo sự hiệp nhất các tín hữu Kitô là điều vượt lên mọi khả năng của chúng ta vạn bội, tuy cũng đòi hỏi mọi năng lực và cố gắng của chúng ta. Hiệp nhất cùng Thiên Chúa và anh chị em chúng ta là một hồng ân đến từ Trời Cao, phát sinh từ sự hiệp thông yêu thương giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.. Chúng ta không có quyền năng quyết định khi nào và theo thể thức nào sự hiệp nhất trọn vẹn được thực thi. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được điều đó”.

Trong chiều hướng đó, ĐTC quảng diễn chủ đề tuần cầu nguyện hiệp nhất năm nay là câu rút từ thư Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Tessalonica: ”Anh chị em hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Ts 5,17) và ngài nhận định rằng:

”Lời mời gọi của thánh Phaolô gửi đến các tín hữu thành Tessalonica vẫn luôn luôn là điều thời sự. Đứng trước những yếu đuối và tội lỗi còn cản trở sự hiệp thông trọn vẹn giữa các tín hữu Kitô, mỗi lời nhắn nhủ của thánh Phaolô vẫn giữ nguyên giá trị thích hợp, và điều đặc biệt cấp thiết chính là câu “Anh chị em hãy cầu nguyện không ngừng”. Phong trào đại kết sẽ ra sao nếu không có lời cầu nguyện riêng và chung, để ”tất cả được nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Gv 17,21)?.. Ước muốn hiệp nhất của chúng ta không thể chỉ thu hẹp vào những dịp thất thường, nhưng phải trở nên thành phần trọn vẹn trong trọn đời sống cầu nguyện của chúng ta.. Chính con đường cầu nguyện đã mở ra phong trào đại kết như chúng ta thấy ngày nay”.

Sau cùng, ĐTC loan báo ngày 28-6 tới đây, cũng tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, ngài sẽ khai mạc Năm dành riêng về chứng tá và giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Đồ: ”Ước gì lòng nhiệt thành không biết mệt mỏi của thánh nhân trong việc xây dựng Thân Mình Chúa Kitô trong hiệp nhất giúp chúng ta không ngừng cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả các tín hữu Kitô”. (SD 25-1-2008)
 
Đức Giáo Hoàng suy tư về tuần cầu nguyện hiệp nhất các Kitô hữu
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:34 25/01/2008
VATICAN (Zenit.org) Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói cầu nguyện là trung tâm sự sống của Giáo Hội, và là điều ban sự sống cho phong trào đại kết.

Đức Giáo Hoàng suy tư hôm Thứ Tư 23/1 trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần tại thính đường Phaolô VI về tuần cầu nguyện cho các hiệp nhất các Kitô hữu, sẽ kết thúc ngày hôm nay thứ Sáu 25/1, là ngày lễ Thánh Phaolô trở lại.

Trong tuần bát cầu nguyện, ngài nói, “các kitô hữu từ những giáo hội và những cộng đồng giáo hội khác nhau qui tụ lúc này trong sự cầu nguyện nhất trí xin Chúa Giêsu tái thiết lập sự hiệp nhất giữa các môn đệ của Người.”

Đức Giáo Hoàng vắn tắt giải thích về lịch sử 100-năm của Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô hữu, được ngài gọi là một trực giác phong phú” và “ ý niệm tiên tri.”

Tuần bát cầu nguyện đã bắt đầu trong năm 1908, theo mệnh lệnh của cha Paul Wattson, một người Anh giáo từ Hoa Kỳ và là người sáng lập Hội Đền Tạ, hội này về sau đã trở thành các Chị và các Anh Phan sinh chuyên việc Đền Tội.

Cha đặt các niên hiệu của tuần bát nhật cầu nguyện quanh năm vào ngày 18/1. là ngày lễ kính Toà thánh Phêrô, và ngày 25 là ngày lễ Thánh Phaolô trở lại.

“Một trăm năm sau tiếng gọi đầu tiên cùng chung cầu nguyện cho sự hiệp nhất,” Đức Thánh Cha nói tiếp, “Tuần Cầu nguyện này bây giờ trở thành một truyền thống bền vững.

“Cầu nguyện là chính trung tâm sự sống của toàn giáo Hội,” Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tiếp tục nói, ngài giải thích sắc lệnh Công Đồng Vatican hai về sự Hiệp Nhất Giáo Hội, “Unitatis Redintegratio.” (Sự tái lập sự Hiệp Nhất).

Đức Giáo hoàng nói, Công Đồng “đã dành một thời gian lâu dài và sự chú tâm lớn vào chủ đề sự hiệp nhấp Kitô hữu,” và sắc lệnh về chủ đề nâng cao đặc biệt tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

“Điều đã ban và tiếp tục ban, sự sống cho cuộc hành trình này tới sự hiệp nhất trọn vẹn cho mọi kitô hữu trước hết và hơn hết– là sự cầu nguyện”

Khi giải thích vể chủ đề –“Câu nguyện liên lỉ” – Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói rằng đó là một “lời mời không bao giờ ngưng vang trong các cộng đồng chúng ta, bởi vì sự cầu nguyện là ánh sáng, sức mạnh và sự chỉ dẫn cho những bước chân chúng ta khi chúng ta nghe cách khiêm tốn Chúa chúng ta, Chúa của tất cả mọi người chúng ta.”

Trưng dẫn “Unitatis Redintegratio,” Đức Giáo Hoàng nói: “Đề nghị thánh thiêng này phải hoà giải mọi người Kitô hữu trong sự hiệp nhất Giáo Hội của Chúa Kitô, một và duy nhất, vượt quá những sức lực và quà tặng nhân bản. Do đó, Giáo Hội đặt mọi hy vọng của mình trong sự cầu nguyện của Chúa Kitô cho Giáo Hội.”

Ngài nói iếp: “Chính sự biết những hạn chế nhân bản của chúng ta thúc giục chúng ta phó thác mình trong tay Chúa với sự tin tưởng trọn vẹn.

“Chúng ta chỉ thấy qúa rõ ý nghĩa thật của Tuần Cầu Nguyện; dựa vào sự cầu nguyện của Chúa Kitô, Đấng tiếp tục cầu nguyện trong Giáo Hội Người cho ‘tất cả nên một…ngỏ hầu thế giới có thể tin,’ “

“Hôm nay, trong tuần này,” Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói, “chúng ta tạ ơn Chúa Đấng đã nâng đở và hướng dẫn cuộc hành trình tới đây; một cuộc hành trình phong phú mà sắc lệnh công đồng về sự hiệp nhất diễn tả như ‘đã phát sinh do ân sủng Chúa Thánh Thần’ và ‘lớn lên rộng rải hơn mỗi ngày.”’
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến các nhà giáo luật
LM. Trần Đức Anh, OP.
17:34 25/01/2008
Đức Thánh Cha tiếp kiến các nhà giáo luật

VATICAN. Sáng 25-1-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 700 tham dự viên Hội nghị kỷ niệm 25 năm ban hành Bộ giáo luật hiện hành. Ngài tái khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của giáo luật trong đời sống Giáo Hội.

Hội nghị do Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật tổ chức tại Nội thành Vatican. Trong số các tham dự viên, có đông đảo các HY, GM, giáo sư và sinh viên giáo luật đến từ Italia và nước ngoài.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Yếu tính của giáo luật chính là nhân vị của Kitô hữu trong Giáo Hội.. Giáo Hội được thiết lập như một tổ chức xã hội và hữu hình, vì thế cần phải có các qui luật, để cơ cấu phẩm trật và tổ chức của Giáo Hội được hữu hình, cũng như để việc thi hành các chức năng được Chúa ủy thác, đặc biệt là chức năng thánh quyền và cử hành các bí tích được tổ chức một cách thích hợp, và để quan hệ giữa các tín hữu được điều hành theo công lý, dựa trên đức bác ái, đảm bảo quyền của mỗi người... Giáo Hội nhìn nhận các luật lệ của mình có bản chất và chức năng dụng cụ và mục vụ để theo đuổi mục đích của mình là phần rỗi các linh hồn”.

ĐTC nói thêm rằng: để chu toàn việc phục vụ quí giá đó, một đàng giáo luật phải gắn liền với nền tảng thần học mang lại cho nó đặc tính hợp lý và có chỗ đứng hợp pháp trong Giáo Hội, và đàng khác giáo luật phải thích ứng với những hoàn cảnh thay đổi trong thực tại lịch sử của Dân Chúa.. Vì thế, cần phải bãi bỏ những qui luật lỗi thời, thay đổi những luật cần sửa chữa, giải thích dưới ánh sáng Giáo huấn sinh động của Hội Thánh những luật hồ nghi, và sau cùng là lấp đầy lỗ hổng luật pháp”.

Sau cùng, ĐTC nhận xét rằng: ”Giáo luật trước tiên là luật tự do: luật làm cho chúng ta tự do để gắn bó với Chúa Giêsu. Vì thế, cần phải biết trình bày cho Dân Chúa, cho các thế hệ trẻm và những người được kêu gọi tôn trọng giáo luật, mối liên hệ cụ thể của giáo luật với đời sống Giáo Hội, nhắm bảo vệ những quyền lợi tế nhị của những gì thuộc về Thiên Chúa, và bảo vệ quyền lợi của kẻ yếu, của những người không có sức mạnh nào khác để bênh vực các quyền của họ; sau cùng là bảo vệ những thiện ích quí giá mà mỗi tín hữu đã nhận lãnh nhưng không, đó là hồng ân đức tin, ơn thánh của Chúa”.

ĐTC không quên cám ơn Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật là cơ quan giúp ĐGH, là Nhà Lập Pháp tối cao, trong nhiệm vụ thăng tiến, bảo đảm và giải thích luật trong Giáo Hội” (SD 25-1-2008)
 
Top Stories
Vietnam Catholics hold vigil for land
AP
18:19 25/01/2008
Vietnam Catholics hold vigil for land

(By MARGIE MASON, ASSOCIATED PRESS WRITER)

HANOI, Vietnam -- Thousands of Catholics blocked a busy street in Vietnam's capital Friday in a rare public demonstration, chanting and praying for the Communist government to return land once owned by the church.

A priest in a white robe carrying a large cross led a procession of parishioners, accompanied by a marching band, from St. Joseph's Cathedral in downtown Hanoi to the adjacent site of the former Vatican embassy.

The embassy - one of many church properties taken over by the Communist government after French colonialists were ousted in 1954 - is one of several sites the church is asking the government to return. Church officials say they have documents showing the 2.5-acre property belongs to the diocese.

Foreign Ministry spokesman Le Dung insisted all land in Vietnam belongs to the state and no one is permitted to own private plots.

"Individuals and organizations only have land use rights," Dung said at a regular news briefing Thursday.

"The Hanoi People's Committee will consider the needs of land use by the Hanoi church and will handle it in accordance with the land laws," he said.

Church members have been holding daily prayer vigils at the site since late December, but Friday's gathering was the largest because many people from outside Hanoi had come to the capital to celebrate Cardinal Pham Dinh Tung's 90th birthday. No arrests were made and police did not break up the event.

"I haven't seen anything like this before," said parishioner Nguyen Ngoc Vinh, 70, who stood quietly in the rain as the marching band and a huge drum played. "We are not protesting, but we are just asking the government to give it back."

Church officials called on parishioners to show restraint as a number of protesters began pushing against the fence. At least two people who scaled the property's locked iron gate were beaten by guards.

"They did not respect human rights and the rights of religious freedom," said Trinh Duy Hung, a priest at the site, referring to the guards.

Protests are prohibited in Vietnam and most gatherings involving large numbers of people are broken up by police.

A police official said city officers were not involved in the clash. He declined to give his name because he was not authorized to speak to the media. He said police were not inside church property. Uniformed officers were seen blocking traffic and watching the demonstration from the street.

"They seized my camera and I was beaten by five or six security guards," said Le Quoc Quan, a lawyer and pro-democracy dissident who was detained for three months last year after returning from a fellowship at the National Endowment for Democracy in Washington, D.C.

The U.S. State Department pressured Hanoi for Quan's release, which came just before Vietnamese President Nguyen Minh Triet made a trip to Washington. Foreign diplomats, including representatives from the U.S. Embassy, were present at Friday's vigil.

There are about 6 million Catholics, the second-largest faith after Buddhism, in the country of 86 million people.

(Source: Seattlepi.com)
 
Viet Catholics clash with police in Hanoi
Catholic World News
19:39 25/01/2008
Hanoi, Jan. 25, 2008 (CWNews.com) - Angered by the Vietnamese government's refusal to restore Church possession of the office once occupied by the apostolic nuncio in Hanoi, more than 2,000 Catholics demonstrated at the site on January 25. Some were beaten and taken into custody by local police.

The first protest in front of the building
Carrying a large cross to the site
Traffic came to a halt in Hanoi on Friday when Catholic priests, religious, and laity marched in procession from St. Joseph cathedral to the building that once housed the apostolic delegation and is currently being used by the government for commercial enterprises (the garden of what was the nunciature is now a parking lot for government officials). The morning protest was followed by another demonstration after the Mass celebrated for the 89th birthday of Cardinal Paul Joseph Pham Dinh Tung, the retired Archbishop of Hanoi.

During the second protest, some Catholic women climbed over a gate to place flowers at a statue of the Virgin Mary inside the building. There they were confronted by security officials. Disregarding the women's explanations for venturing into the building, the guards attacked them with batons, kicking and cuffing them. When several other protestors broke through the gate to rescue the women, they too were embroiled in the scuffle with police.

The protestors took control the building for a while-- long enough to put up a large cross in the garden-- before the security force was reinforced by local police units.

As they regained control of the building, police made several arrests. A local source reported that officials are still looking for others who were actively involved in the protest.

The January 25 clash was the most serious conflict yet in a confrontation that began in December. Hanoi's Catholics have demonstrated daily at the old nuncio's office. Today's demonstrations were the largest to date, coming in the face of warnings that the government might take action against the protests.
 
Vietnam: Mass demonstration to defense the Church – Police severely beat Hanoi Catholics
J.B. An Dang
05:42 25/01/2008
Hanoi -
The first prayer protest
The second prayer protest
Protestors clashed with the security force
Furious at a government refusal to hand the former office of the apostolic delegation back, more than two thousands Catholics of Hanoi archdiocese, carried Crosses to the site where they prayed, chanted and sang. Later, some were beaten and detained by security force.

Traffic came to a halt in Hanoi today when more than two thousands priests, religious and faithful went in procession from Saint Joseph cathedral to the building that once housed the apostolic delegation and is currently being used by the government for commercial enterprises with its garden turned into a parking lot for officials.

The protest which lasted from 9 to 10 am was followed by another protest after the Mass celebrated for the 89th birthday of Card Paul Joseph Phạm Đình Tụng, former archbishop of Hanoi (The archdiocese of Hanoi officially celebrated his birthday today. On January 10, there was a similar Mass celebrated by priests from other dioceses).

In the second protest, some H’mong Catholic women climbed over the gate to bring flowers to a Pieta Virgin Mary statue inside the building where they confronted with the security force. Despite peaceful explanations of the women, security officials attacked them with baton, kicks and cuffs. Lawyer Lê Quốc Quân, a Catholic activist intervened but he himself was beaten and detained. In an attempt to rescue the women and the lawyer, protestors standing outside the building broke through the gate, poured into the garden, and clashed with the security personnel.

The protestors took control the building for a while long enough to put up a large Cross in the garden of the building.

The protest today is the strongest challenge to the communist government not only due to its magnitude but also because it occurred just a few days after local authorities accused the archbishop of "using freedom of religion to provoke protests against the government." The government also claimed that the protests “damaged relations between Vietnam and the Vatican," and threatened that a crackdown was likely.

A local source reported that police forces are hunting down those who were actively involved in the protest.
 
Government officials make surprise visit to Archbishop of Hanoi
Asia-News
06:28 25/01/2008
by J.B. An Dang

http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=11346&size=AThe gesture is being seen as an attempt to defuse tensions created in the wake of demonstrations by Catholics in support of the Archbishops request that the former residence of the apostolic delegation be returned, even if the vice-president of the People’s Committee makes known that charges against Msgr. Ngo have not been dropped.

Hanoi (AsiaNews) – A surprise visit was paid by a Vietnamese government delegation yesterday to the Archbishop of Hanoi, msgr. Joseph Ngo Quang Kiet. The group was led by the vice-president of the Capital’s People’s Committee, Ngo Thi Thanh Hang, who said the purpose of the visit was to exchange greetings ahead of the upcoming Lunar New Year (the Tet).

The gesture is being seen as an attempt to defuse tensions created in the wake of peaceful demonstrations by Catholics ongoing since December 18th in support of the diocese request the former residence of the apostolic delegation be restored. The building which was appropriated by the authorities is currently being used as a restaurant, while its grounds have been converted into a car park for officials.

The government officials have made known that they have neither apologised for nor withdrawn charges laid against the Archbishop on January 14th which accuses him of “using religious freedom to provoke anti-government protests” and of “damaging relations between Vietnam and the Vatican”.

Sources from the Archbishopric state that the issue of ownership of the apostolic delegation building was not discussed. For their part the authorities yesterday published a statement in which they recognise the “contribution offered by the Archbishop Joseph Ngo and Catholic community in the common cause for a society of peace, equality, progress and development”. The declaration echoes similar stances taken by the Communist authorities and appears in contrast to the threatening tones used by governments over recent days.
 
Visita a sorpresa di esponenti governativi all’arcivescovo di Hanoi
Asia-News
06:30 25/01/2008
Visita a sorpresa di esponenti governativi all’arcivescovo di Hanoi

di J.B. An Dang

http://www.asianews.it/index.php?l=it&art=11346&size=Il gesto è visto come un tentativo di abbassare la tensione creata dalle manifestazione dei cattolici in appoggio alla richiesta dell’arcivescovo di avere restituito il complesso della ex delegazione apostolica, anche se la vicepresidente del Comitato popolare fa sapere di non aver ritirato le accuse che ha rivolto a mons. Ngo.

Hanoi (AsiaNews) – Visita a sorpresa, ieri, di una delegazione governativa vietnamita all’arcivescovo di Hanoi, mons. Joseph Ngo Quang Kiet. Il gruppo era guidato dal vicepresidente del Comitato popolare della capitale, Ngo Thi Thanh Hang, la quale ha detto che la ragione della visita erano gli auguri per il prossimo capodanno lunare (il Tet).

La visita viene considerata un gesto del governo per abbassare la tensione provocata dalle pacifiche manifestazioni dei cattolici ormai dal 18 dicembre in sostegno della richiesta di restituzione avanzata dalla diocesi dell’edificio che un tempo ospitava la delegazione apostolica, requisito dalle autorità pubbliche ed attualmente usato anche come ristorante, mentre il giardino serve da parcheggio per i funzionari statali.

L’esponente governativa ha fatto sapere di non essersi scusata e di non aver ritirato l’accusa che ha rivolto il 14 gennaio all’arcivescovo di “usare la libertà di religione per provocare proteste contro il governo” e di “danneggiare i rapporti tra Vietnam e Vaticano”.

Fonti dell’arcivescovato hanno sostenuto che durante l’incontro la questione della proprietà dell’edificio della ex delegazione apostolica non è stata discussa. Dal canto loro le autorità hanno diffuso una dichiarazione nella quale si riconosce “il contributo offerto dall’arcivescovo Joseph Ngo e dalla comunità cattolica per la causa comune di una società di pace, uguaglianza, progresso e sviluppo”. La dichiarazione echeggia il linguaggio di analoghe prese di posizione fatte in passato dalle autorità comuniste e appare in contrasto con i toni minacciosi usati dai rappresentanti governativi nei giorni scorsi.
 
VIETNAM: Tafferugli tra manifestanti cattolici e polizia, oggi ad Hanoi
Asia-News
07:15 25/01/2008
VIETNAM: Tafferugli tra manifestanti cattolici e polizia, oggi ad Hanoi

di J.B. An Dang

http://www.asianews.it/index.php?l=it&art=11346&size=A

Gli scontri avvengono all’indomani di una visita a sorpresa di esponenti governativi all’arcivescovo della capitale, visto come un tentativo di abbassare la tensione creata dalle manifestazione dei cattolici in appoggio alla richiesta dell’arcivescovo di avere restituito il complesso della ex delegazione apostolica. Oggi i manifestanti sono entrati nell’edificio e la polizia li ha respinti con calci e bastonate.

Hanoi (AsiaNews) –
The first prayer protest
The second prayer protest
Protestors clashed with the security force
Tafferugli tra manifestanti cattolici e polizia, oggi ad Hanoi, all’indomani di una visita a sorpresa, ieri, di una delegazione governativa vietnamita all’arcivescovo di Hanoi, mons. Joseph Ngo Quang Kiet, considerata un gesto del governo per abbassare la tensione provocata dalle pacifiche manifestazioni dei cattolici, che si svolgono dal 18 dicembre in sostegno della richiesta di restituzione avanzata dalla diocesi dell’edificio che un tempo ospitava la delegazione apostolica.

Proprio una manifestazione che oggi ha visto la partecipazione di più di duemila sacerdoti, religiosi e fedeli è stata all’origine degli scontri con a polizia. Sacerdoti e fedeli sono usciti in processione (nella foto) dalla cattedrale di San Giuseppe per recarsi nel vicino edificio che ospitava la delegazione apostolica.

Il traffico è stato bloccato per la processione. Alcune donne sono poi entrate nel recinto del complesso della delegazione, chiedendo di poter portare fiori alla statua della Vergine che è all’interno dell’edificio. La polizia ha tentato di impedire l’ingresso delle donne, anche con bastonate, calci e spintoni. I gesti violenti hanno provocato la reazione degli uomini partecipanti ala processione che, a loro volta, sono entrati nel giardino, riuscendone a prendere possesso abbastanza a lungo da piantarci una croce.

Un ritorno in forze della polizia li ha allontanati. Ci sono stati degli arresti. Tra i fermati, l’avvocato Le Quoc Quan, noto attivista cattolico.

Ieri, il gruppo di esponenti governativi recatisi da mons. Hgo era guidato dal vicepresidente del Comitato popolare della capitale, Ngo Thi Thanh Hang, la quale ha detto che la ragione della visita erano gli auguri per il prossimo capodanno lunare (il Tet).

L’esponente governativa ha fatto sapere di non essersi scusata e di non aver ritirato l’accusa che ha rivolto il 14 gennaio all’arcivescovo di “usare la libertà di religione per provocare proteste contro il governo” e di “danneggiare i rapporti tra Vietnam e Vaticano”.

Fonti dell’arcivescovato hanno sostenuto che durante l’incontro la questione della proprietà dell’edificio della ex delegazione apostolica non è stata discussa. Dal canto loro le autorità hanno diffuso una dichiarazione nella quale si riconosce “il contributo offerto dall’arcivescovo Joseph Ngo e dalla comunità cattolica per la causa comune di una società di pace, uguaglianza, progresso e sviluppo”. La dichiarazione echeggia il linguaggio di analoghe prese di posizione fatte in passato dalle autorità comuniste e appare in contrasto con i toni minacciosi usati dai rappresentanti governativi nei giorni scorsi.
 
Vietnamese Catholics challenge Communist control
CathNews
07:37 25/01/2008
Catholics in Vietnam are challenging their country's communist government in a bold, yet quiet move calling for Church land to be returned.

AP reports Church leaders and faithful have been gathering daily in front of the old Vatican embassy in Hanoi – one of many properties seized by the communists after 1954 – in a silent yet powerful statement.

The Church wants the government to hand back the 2.5-acre lot – a property worth millions of dollars.

Father Nguyen Khac Que, from the Hanoi province said it was a ''tragedy'' their land was taken away.

Although the dispute could raise church-state tensions, it also offers dramatic testimony to how much these relations have improved in Vietnam recently.

Five years ago, police would almost certainly have jailed the ''protestors''.

Peter Hansen of the Catholic Theological College in Melbourne, Australia says he believes there is now a ''sufficient feeling of comfort on both sides that the Church feels it can air its grievances publicly and the state feels it can tolerate them.''

Vietnam's Catholic Church, which counts 6 million members, was established by missionaries and grew during French colonial rule in Vietnam. It is the second-largest faith in predominantly Buddhist Vietnam.
 
Vietnamese Catholics continue pressuring government over stolen property
Catholic News Agency
08:16 25/01/2008
Hanoi, Jan 25, 2008 / 01:17 am (CNA).- The Vietnamese government continues to face petitions from Catholics over properties confiscated by the government after 1954, the Associated Press reports.

However, improved church-state relations have meant the Vietnamese government has not cracked down as harshly as it has in the past.

Catholics have focused their prayers and pleas on the old Vatican embassy, a 2.5-acre lot in central Hanoi worth millions.

"It is a tragedy for us that our holy land was taken away," said Father Nguyen Khac Que, a priest of the Hanoi diocese who helped organize the prayer vigils.

Church officials say they have documentation showing the property belongs to the diocese. Government officials claim a former priest voluntarily turned the land over to them in 1960.

"This whole matter of returning land is very complicated," Duong Ngoc Tan, of Vietnam's national Committee for Religious Affairs, told the Associated Press.

Only five years ago, the public prayer vigil of the protesters would probably have led to jail time.

"There is now a sufficient feeling of comfort on both sides that the church feels it can air its grievances publicly and the state feels it can tolerate them," said Peter Hansen of the Catholic Theological College in Melbourne, Australia, speaking to the Associated Press.

Despite city officals’ requests to stop the protests, church leaders plan their biggest vigil yet for this Friday. Because public protests are generally forbidden, leaders are careful to refer to the gatherings as vigils, rather than demonstrations.

Pham Vu Thuc, a lay Catholic in Vietnam, said globalization had caused the Vietnamese government to become more attentive to global standards of religious freedom.

"Things have changed a lot since we've become more connected with the outside world," she told the Associated Press. "We have the Internet, we've joined the World Trade Organization. Now Vietnam has to follow the rules of the international community."

According to Independent Catholic News, thousands of California Catholics have been holding prayer vigils in solidarity with their fellow Vietnamese Catholics. Two thousand attended a candlelight vigil and Mass at St. Maria Goretti parish in San Jose, California, praying for the Vietnamese Catholics’ effort.

There are six million Catholics in Vietnam, a predominantly Buddhist country.
 
Scuffles break out in Hanoi between Catholic demonstrators and police
Asia-News
09:12 25/01/2008
Scuffles break out in Hanoi between Catholic demonstrators and police

by J.B. An Dang

http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=11346&size=A

Scuffles break out a day after government officials pay a surprise visit to the capital’s archbishop to reduce tensions due to Catholic demonstrations in favour of the archbishop’s demand that the former Apostolic Delegation compound be returned to the Church. Demonstrators entered the building today but were pushed out by kicking and stick-wielding police.

Hanoi (AsiaNews) – Scuffles broke out today in Hanoi between Catholic demonstrators and police a day after a Vietnamese government delegation visited the Archbishop of Hanoi, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, in a gesture meant to reduce tensions sparked by peaceful demonstrations by Vietnamese Catholics ongoing since 18 December in favour of the request made by the diocese that the building that once housed the Apostolic Delegation be returned to the Church.

The first prayer protest
The second prayer protest
Protestors clashed with the security force
Today’s incident came as some 2,000 people—priest, men and women religious and faithful—gathered to protest. Priests and worshippers left St Joseph’s Cathedral in procession (see photo) and made their way to the nearby building that used to be the home of the Apostolic Delegation.

The procession blocked traffic. Some women entered the old Apostolic Delegation compound to place some flowers on the statue of Our Lady inside the building. Police tried to stop them with sticks, kicks and shoves but provoked instead a reaction by the men in the procession who entered the gardens where they erected a cross.

The protesters were eventually removed by police but some were arrested, including Lê Quốc Quân, a well-known Catholic lawyer.

Yesterday the group of government officials who visited Monsignor Ngô was led by Ngô Thị Thanh Hằng, deputy chairman of the capital’s People’s Committee, ostensibly to offer the prelate their best wishes for the lunar New Year (Tết).

Ms Ngô did not however apologise for or withdraw comments she made on 14 January to the effect that the archbishop was “using religion freedom to provoke anti-government protest” that could “damage relations between Vietnam and the Vatican.”

Sources in the archdiocese said that the issue of who owns the building of the former Apostolic Delegation was not discussed.

The authorities for their part released a statement in which they acknowledged “the contribution made by Archbishop Ngô and the Catholic community for the common cause of a society based on peace, equality, progress and development.”

The statement echoes similar declarations made in the past by the Communist authorities apparently at odds with the threatening language used by some government officials in recent days.
 
Marcha pacífica de católicos vietnamitas sufre violenta represión policíaca (Tây Ban Nha)
Aciprensa
21:20 25/01/2008
REDACCIÓN CENTRAL, 25 Ene. 08 / 01:04 pm (ACI).- Más de dos mil católicos que protestaban pacíficamente en las calles de Hanoi contra la decisión del gobierno de no devolver propiedades confiscadas por el régimen comunista, que originalmente pertenecían a la Iglesia en Vietnam, fueron violentamente reprimidos por la policía en las afueras del edificio que hasta 1954 era la Nunciatura Apostólica.

El sacerdote vietnamita An Dang reveló a ACI Prensa que al llegar a este edificio, algunas mujeres intentaron trepar las rejas para dejarle flores a la estatua de la Virgen María. Cuando fueron vistas por el personal de seguridad, fueron obligadas a bajar y golpeadas duramente con varas. Algunos de los que marchaban salieron en defensa de las mujeres y terminaron enfrentándose a los efectivos.

Durante el enfrentamiento, algunos de los manifestantes colocaron una gran cruz blanca en el frente de la antigua Nunciatura.

El P. Dang también indica que la protesta de hoy es el más grande desafío para el gobierno comunista no solo por su magnitud sino porque ha ocurrido solo algunos días antes de que las autoridades locales acusaran al Arzobispo Joseph Ngo Quang Kiet por "usar la libertad religiosa para provocar protestas contra el gobierno". Además, el gobierno también alega que estas protestas "han dañado las relaciones entre Vietnam y el Vaticano", y consideran que es probable una ruptura, explica el sacerdote.

Una fuente local dijo que la policía está tras todos aquellos que han participado en la marcha de hoy.

La marcha se inició en la Catedral de Saint Joseph y terminó en la antigua Nunciatura convertida ahora en un centro juvenil deportivo, una de las varias propiedades tomadas por el gobierno comunista. Autoridades eclesiales indican que poseen la documentación necesaria para probar que este inmueble efectivamente pertenece a la diócesis.
 
Catholic prayer vigil turns into clash with Vietnamese police
Catholic News Agency
13:16 25/01/2008
Catholics erect a cross in front of the former Vatican embassy

Hanoi, Jan 25, 2008 / 12:48 pm (CNA).- Thousands of Catholics gathered in the streets of Hanoi to show their opposition to the government’s refusal to hand over buildings that originally belonged to the Catholic Church of Vietnam. In protests today, some 2,000 Catholics marched from St. Joseph’s Cathedral to the building that was once the Vatican embassy.

The building, which is now a youth sports center, is one of many church properties taken over by the Communist government in 1954. Church officials say they have documents showing the 2.5-acre property belongs to the diocese.

The morning “protest” was followed by a Mass for the birthday of Cardinal Paul Joseph Pham Dinh Tung, the former archbishop of Hanoi. Following the celebration, a second peaceful demonstration began which became violent.

A VietCatholic reporter told CNA that some H’mong Catholic women climbed over the gate to bring flowers to a statue of the Virgin Mary. When they were discovered by security personnel, the women were kicked and attacked with batons. When nearby protestors saw this brutality, they broke through the gate and confronted the security officers.

As the conflict ensued, a few protestors were able to put up a large white cross in front of the former embassy.

VietCatholic also reports that the protest today is the strongest challenge to the communist government not only due to its magnitude but also because it occurred just a few days after local authorities accused the archbishop of "using freedom of religion to provoke protests against the government." The government also claimed that the protests “damaged relations between Vietnam and the Vatican," and threatened that a crackdown was likely.

A local source reported that police forces are hunting down those who were actively involved in today's protest.
 
Des catholiques de Hanoi sont sévèrement réprimés par la police dans la cour de l'ancienne délégation apostolique
Eglises d'Asie
13:47 25/01/2008
Des catholiques de Hanoi sont sévèrement réprimés par la police dans la cour de l'ancienne délégation apostolique

The first prayer protest
The second prayer protest
Protestors clashed with the security force
Dans le conflit qui oppose la communauté catholique de Hanoi essayant de récupérer le domaine de l'ancienne délégation apostolique et les autorités civiles, la tension est brusquement montée d'un cran au début de l'après-midi du 25 janvier. À l'issue d'une messe célébrée à la cathédrale, prêtres et laïcs sont revenus prier devant les bâtiments de la Délégation apostolique, mais cette fois-ci, le portail d'entrée du bâtiment contesté a été enfoncé, la foule a pénétré dans la cour, y a planté une croix et s'est heurté pendant plusieurs heures à la police. Il y aurait un assez grand nombre de blessés.

Les circonstances étaient exceptionnelles. Dans la matinée, le clergé de Hanoi, une partie des catholiques de la capitale (10 par paroisse) s'étaient réunis dans la cathédrale pour célébrer l'anniversaire du cardinal Pham Dinh Tung, ancien archevêque de Hanoi à la retraite. Le cardinal archevêque de Saigon, une grande partie des évêques du Vietnam, des prêtres de tous les diocèses, au total, plus de 3000 personnes avaient participé à cette eucharistie.

Déjà, avant la messe, quelques 2000 chrétiens étaient allés prier devant le bâtiment de l'ancienne Délégation apostolique. La messe achevée, aux alentours de 13 h 30, environ 100 prêtres et 2000 laïcs se sont à nouveau rendus dans la cour de la Délégation sous la pluie froide qui sévit actuellement à Hanoi. Des incidents se sont alors produits. Pendant la prière, quelques fidèles ont escaladé et franchi le portail d'entrée pour aller déposer des fleurs auprès de la statue de la vierge. La police les a poursuivis et frappés. Une chrétienne d'ethnie muong a été blessée la tête. D'autres personnes munies de caméras, d'appareils photo et de téléphones, ayant, elles aussi, suivi le même chemin, ont été dépouillées de leur équipement par les forces de l'ordre. La foule émue par le spectacle, a alors enfoncé la porte et transporté dans la cour une croix métallique de 4 m de haut, qu'elle a plantée dans le sol. Dans la cour, la bagarre est devenue générale et la police a frappé avec violence. Selon des sources rapportées par Vietcatholic News, parmi les blessés se trouverait l'avocat Lê Quôc Quân, défenseur des droits de l'homme. Certains blessés graves auraient été amenés à l'hôpital en urgence. La police est venue prêter main-forte au service d'ordre déjà en place dans la cour de la délégation. Pendant ce temps, à l'extérieur, devant la porte enfoncée, les prières des prêtres et des laïcs se sont poursuivies.

Il est trop tôt pour déterminer les motifs précis de cette fièvre soudaine. Mais on peut noter que les déclarations d'un responsable du bureau des affaires religieuses, publiées dans la matinée du 24 janvier par l'agence officielle d'information du Vietnam, pourraient avoir contribué à faire monter la tension. Le fonctionnaire a répété qu'il n'existait pas de propriété privée au Vietnam, mais une propriété du peuple tout entier dont l'État est le représentant. Il a aussi regretté que les catholiques aient pris l’initiative d'occuper, à la paroisse de Thai Hà et à l'archevêché, des domaines gérés par l'État.

Au cours de la semaine dernière, un certain nombre d’informations avaient laissé entrevoir que des négociations pourraient avoir lieu entre autorités civiles et responsables religieux. Le président de la Conférence épiscopale avait, semble-t-il rencontré les autorités civiles au plus haut niveau à Hanoi. Dans des communications publiées par l’agence Vietcatholic news, Mgr Nguyên Van Sang a fait état de deux rencontres durant lesquelles il s'était entretenu au sujet des propriétés d’Eglise, une première fois avec un cadre administratif et, une seconde fois, avec un responsable des affaires religieuses. L'évêque avait laissé entrevoir quelque espoir.

(Source: Eglises d'Asie, Dépêches du 25 JANVIER 2008, Internet: http://eglasie.mepasie.org )
 
河内天主教徒示威期间与警方发生争执
Asia-News
13:57 25/01/2008
河内天主教徒示威期间与警方发生争执

by J.B. An Dang

冲突发生在河内市政府官方代表团造访总主教的第二天。此举,被视为是希望缓解紧张气氛。此前,天主教徒示威支持总主教要求归还前宗座代表处旧址后,引发了紧张局势。今天,示威群众进入了宗座代表处旧址。警察用棍棒和肢体冲突驱赶天主教徒

河内(亚洲新闻)—今天,越南天主教徒在市政府官员突然拜访首都河内总主教区总主教的第二天举行的示威游行中与警方发生冲突。昨天,越南政府代表团突然造访首都河内总主教区总主教吴光杰。舆论认为,政府此举是希望缓解目前的紧张气氛。自十二月十八日以来,为了支持吴光杰总主教向政府提出归还原宗座代表办事处的要求,河内天主教徒举行了和平示威。这幢建筑属于河内总主教区,后被政府当局强行征占。现在,居然在其间开起了餐馆;花园变成了国家公务员的停车场。

今天,两千多名天主教司铎、修会会士、修女和教友一起参加了示威,并与警方发生冲突。大家聚集在距离原宗座代表处不远处的河内总主教区圣若瑟主教座堂前,和平示威。

游行队伍一度堵塞了交通。接着,部分女教友进入了原宗座代表处建筑内,要求向童贞圣母像献花。警方却试图阻止她们,甚至动用警棍、推搡等肢体冲突。此类暴行激怒了在场示威的男性,他们闯进了花园,并将十字架放置在了园子中。

警方再度制止他们,并试图将他们驱散。部分教友被捕,其中包括了著名天主教律师,活跃人士黎国军。

昨天,越南政府代表团突然造访首都河内总主教区总主教吴光杰。由市人大常委会副委员长率领的代表团表示,这次拜访旨在向总主教祝贺农历新年。

政府官员还表示,此举无意表示歉意,或者收回一月十四日对吴总主教的指责。日前,政府指责河内总主教“利用宗教自由煽动反政府抗议”;“损害了越南与梵蒂冈之间的关系”。

总主教公署消息来源表示,会晤期间,双方没有谈及归还前宗座代表处的问题。此外,当局还发表了一项声明,承认“吴光杰总主教和天主教会团体为社会和平、平等、进步与发展所作出的贡献”。声明与共产党当局历来所采用的基调是一致的,但不同于日前部分政府官员威胁性的口吻。
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ mừng Thượng thọ ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng
Gioan Đình Sơn
19:26 25/01/2008
THÁNH LỄ MỪNG THƯỢNG THỌ ĐỨC HỒNG Y PHAOLO GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG

Triều đình trọng tước, hương đẳng trọng xỉ
(Ở triều đình quí trọng chức tước, ở nhà quê trọng người rụng răng cao tuổi)

Tổ chức lễ mừng thượng thọ cho các bậc ông bà, cha mẹ là truyền thống hiếu thảo của người Việt Nam. Theo truyền thống tốt đẹp đó, vào hồi 10 giờ ngày 25. 01. 2008 toàn thể Giáo phận Hà nội nói riêng và Giáo hội tại Việt Nam nói chung hướng về thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa để mừng thượng thọ Đức Hồng Y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng: 90 năm Hồng ân, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục và 15 năm Hồng y. Vị chủ tế thánh lễ là Đức Hồng Y Gioan. B Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh, cùng đồng tế với ngài có Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, mười Giám Mục đến từ các giáo phận, gần 150 linh mục, quí nam nữ tu sĩ và trên 2000 bà con giáo dân đến từ nhiều nơi trên tổ quốc…

Trước khi bước vào thánh lễ, cha Gioan Lê Trọng Cung, chánh văn phòng Tòa Tổng giám mục Hà nội đã đọc điện văn của Tòa Thánh chúc mừng Đức Hồng Y Phaolô Giuse nhân dịp đặc biệt này. Kế đó là điện văn chúc mừng của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Kính mời quí vị vào đây để đọc toàn bộ bản điện văn: ……

Sau đó là lời mời gọi của Đức Hồng Y Gioan. B Phạm Minh Mẫn, ngài nói: …Dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta tỏ lòng hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha trên trời, lòng hiếu thảo đối với ĐHY Phaolo Giuse là cha dưới đất, đồng thời chúng ta cũng bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa đã yêu thương và chăm sóc chúng ta… Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người cha, người thầy đáng kính mà hôm nay ta quy tụ để mừng lễ thượng thọ ngài. Qua ngài, Thiên Chúa đã làm cho sự triển nở của Giáo hội ngay tại thủ đô Hà nội này. Tất cả đều là Hồng ân của Thiên Chúa.

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục giáo phận Lạng Sơn- Cao Bằng đã bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Hồng Y, một đời tận hiến cho đoàn chiên của mình và đặc biệt là quan tâm đến lĩnh vực đào tạo. ĐHY Phaolô Giuse không chỉ là một người cha nhân hậu, một người thầy mẫu mực mà còn là một tài sản quí giá cho nền giáo dục, không phải là phương pháp mà bằng chính đời sống con người của ngài. Hướng lên ngài, chúng ta hãy noi gương ngài để tiếp tục tận hiến công ích cho việc đào tạo của giáo hội ngày hôm nay…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục giáo phận Thanh Hóa, phó Chủ tịch HĐGMVN đại diện Giám Mục đoàn Việt Nam mừng chúc ĐHY Phaolo Giuse, Cha Laurenxô Chu Văn Minh, giám đốc Đại chủng viện thánh Giuse Hà nội chúc mừng đại diện linh mục đoàn (mời quí vị vào đây để xem toàn văn bài chúc mừng của cha…), và cuối cùng là một đại diện giáo dân dâng những lời vàng ngọc kính chúc thượng thọ ĐHY: 90 năm Hồng ân, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục và 15 năm Hồng Y. Những đóa hoa tươi thắm dâng lên quí ĐHY và quí Đức Cha đồng tế không thể thiếu vì đó là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Tràng An.

Vì sức khỏe của ĐHY nên cha nghĩa tử của ngài là cha Xuyên đã có những lời tri ân ĐHY chủ tế, Đức Tổng Giám mục, quí Đức Cha, quí cha, quí chủng sinh, tu sĩ nam nữ và toàn thể mọi tín hữu….

Cuối thánh lễ, toàn thể cộng đoàn được lãnh phép lành đặc biệt của quí ĐHY và quí Đức Cha đồng tế. Nguyện chúc Đức Hồng Y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng luôn An Khang- Trường Thọ để làm bóng mát cho các thế hệ con cháu vững bước trên lữ hành trần thế.
 
Lời chúc mừng Đức Hồng Y của Linh mục Đoàn Hà Nội
Linh mục đoàn Hà Nội
11:25 25/01/2008
Lời chúc mừng Đức Hồng Y của Linh mục Đoàn Hà Nội

(Cha Lôrenxô Chu Quang Minh, Giám đốc ĐCV Hà Nội đọc)

Kính thưa Đức Hồng Y Phao lô Giuse

Hôm nay Giáo Hội hoàn vũ long trọng cử hành Lễ Thánh Phao Lô Tông đồ, đồng trụ của Giáo hội, vị thánh bảo trợ Đức Hồng Y, Giáo hội Việt Nam hân hoan dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Thiên Chúa và mừng kính Đức Hồng Y Đại thọ 90 năm, Ngọc Khánh linh mục 60 năm, Giám mục 45 năm, Hồng Y 15 năm, những con số tròn trĩnh, đẹp đẽ thể hiện một cuộc đời cao quý viên mãn, tràn đầy hồng ân Thiên Chúa, đây không phải chỉ là ân ban riêng cho Đức Hồng Y mà còn cho toàn thể Giáo tỉnh Hà Nội.

Đức Hồng Y là một người Cha Nhân từ, yêu thương nâng đỡ hết thảy mọi người, ngay từ những ngày đầu đời linh mục Đức Hồng Y đã đảm nhận Cô Nhi Viện, chăm sóc các trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ mồ côi thiếu tình thương của cha mẹ.

Một mục tử tốt lành, tận tâm, tận lực cho đoàn chiên, khi ở Giáo phận Bắc Ninh, đã nổi tiếng là một Giám mục bình dị, hòa đồng với mọi giới trong giáo phận nhất là những người dân nghèo khổ.

Một vị bề trên thánh thiện, đã sáng lập ra hai Tu Đoàn Truyền Tin cho cả nam giới lẫn nữ giới với hàng trăm tu sinh nhiệt thành.

Một Người Thầy gương mẫu, là Giám đốc Tiểu Chủng Viện thánh Gioan và Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội, Đức Hồng Y đã đào luyện cho Giáo Hội Việt Nam một hàng giáo sĩ vững mạnh, gồm nhiều Giám mục kiên vững, hàng trăm linh mục đạo đức nhiệt thành đầy khả năng, một hàng ngũ giáo dân trưởng thành có những Chánh trương, trùm quản, giáo lý viên nhiệt thành, hăng hái và có khả năng phục vụ, để xây dựng một Giáo hội phát triển, góp phần cho xã hội bao công dân ưu tú với các kỹ sư, bác sĩ, giám đốc xí nghiệp, cả những ah hùng lao động, những người đem công bằng, bác ái, vào môi trường xã hội thường ngày, để chung sức cùng toàn dân xây dựng một đất nước phồn vinh hạnh phúc.

Hơn nửa thế kỉ qua, trải qua bao biến động của cuộc đời, vượt qua bao khó khăn thử thách, chịu đựng bao hy sinh gian khổ, dù ở cương vị nào, linh mục, giám đốc, Giám mục, Tổng Giám mục, là một vị lãnh đạo tôn giáo, Đức Hồng Y vẫn luôn vững vàng như một đại thụ cây cao, bóng cả, ảnh hưởng của Đức Hồng Y bao trùm khắp cả Giáo tỉnh Miền Bắc, trải dài qua nhiều thế hệ, các hậu duệ mai sau còn lưu truyền, những kỉ niệm quý báu, những hình ảnh tốt đẹp về Đức Hồng Y, vị tiền bối khả kính, bậc huynh trưởng đạo cao đức trọng, người Cha từ nhân, người Ông kinh nghiệm, người Thầy cần mẫn, người anh hùng đức tin, người chứng của thời đại.

Giờ đây Đức Hồng Y có thể dùng lời thánh Phao lô mà nói về chính mình rằng: “Tôi đã thi đấu trong cuộc thi cao đẹp, đã chạy hết chặng đường dài, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là vị Thẩm phán chí công sẽ trao phầ thưởng đó cho tôi trong Ngày của Chúa”.

Và ước chi từ trời cao lời của Thiên Chúa Cha xưa đã phán với Đức Giêsu Kitô, người tôi trung của Ngài, thì nay cũng vang lên với Đức Hồng Y rằng: “Đây là con chí ái của Ta. Ta hài lòng về Người mọi đàng”.

Phần chúng con, tất cả những người đang hiện diện, các vị chức sắc trong hàng giáo phẩm toàn quốc gồm Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, Viện phụ, linh mục, nam nữ tu sĩ cùng toàn thể cộng đồng Dân Chúa thưa với Đức Hồng Y Phao lô rằng: “Chúng con kính yêu Cha, chúng con tri ân Cha”.

Giờ đây tất cả cộng đồng Dân Chúa hiệp nhất với Đức Hồng Y dâng lên Thiên Chúa lời ca khen tạ ơn rằng:

Vinh quang Thiên Chúa trên Trời.

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Nguyện xin thiên Chúa toàn năng và Đức Nữ Vương Maria luôn gìn giữ Đức Hồng Y trong vòng tay quyền phép và yêu thương của các Ngài.

Nhân dịp năm mới, chúng con chúc xuân và dâng mối chân tình lên Đức Hồng Y, người cha chung của chúng con bằng mấy vần thơ mộc mạc:

Chẳng bánh chưng xanh, chẳng pháo hoa,

Lấy đầu làm lễ đến tết Cha,

Thiên hạ đãi nhau tòa rượu thịt,

Dâng tấm lòng chay mới thiết tha.
 
Bài giảng trong Thánh lễ mừng ĐHY Phạm Đình Tụng
+ GM Giuse Đặng Đức Ngân
11:28 25/01/2008
Bài giảng trong Thánh lễ mừng ĐHY Phạm Đình Tụng
(do Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục Lạng Sơn - Cao Bằng)

Trọng kính Quý Đức Hồng Y, quý Đức Tổng, quý Đức Cha,
Quý Cha Tổng đại diện, quý Cha Bề trên các Dòng,
Quý Cha Giám đốc Đại Chủng viện, quý Cha,
quý Tu Sĩ Nam Nữ, Chủng sinh và Quý Ông bà anh chị em.

Phụng vụ ngày 25 tháng 01 hằng năm thật là đặc biệt, ngày Giáo hội mừng lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại, cuộc trở lại hồng phúc của Ngài vời Chúa Kitô, với Giáo hội và với anh em. Nhìn vào cuộc đời thánh thánh nhân, chúng ta có thể nói cuộc đời thánh nhân luôn là những BẤT NGỜ: Bất ngờ vì gặp gỡ chính Chúa Kitô để thay đổi đời mình, để Yêu mến Chúa và Rao giảng Tin Mừng tình thương của Chúa.

Gặp gỡ Chúa Kitô để thay đổi đời mình: Đây có lẽ là điều bất ngờ lớn nhất mà thánh nhân không bao giờ ngờ tới. Là môt người có quốc tịch Rôma trong tư cách một biệt phái Do Thái, một địa vị vừa xã hội vừa tôn giáo, nghĩ mình thánh thiện hơn người khác, nên rất hăng hái để bắt các tín hữu phải thay đổi về niềm tin sai lầm khi tin vào Giêsu Kitô. Thế mà, trên con đường đi tìm những người lầm lạc như vậy, thánh nhân đã gặp được Chúa Kitô: Ánh sáng của Chúa chiếu vào mắt, bị ngựa hất ngã xuống đất. Saul cảm thấy mình mù lòa: mù lòa đức tin, mùa lòa khi chọn lựa sai hướng đi cuộc đời. Chỉ khi gặp gỡ Đức Kitô, thánh nhân mới cảm nhận được mình là ai. Thật lạ lùng, khi mắt mở to để nhìn người khác, chỉ thấy lỗi lầm của người khác và không gặp được Chúa; còn khi chính mình mù lòa, lại là lúc nhìn được chính mình để cảm nhận một giá trị niềm tin và tình yêu mến chân thành với Chúa và anh em. Chính sự gặp gỡ này đã biến đổi hoàn toàn từ Saul hung hăng trở nên một Phaolô, một thánh nhân, một môn đệ hăng hái nhiệt thành rao giảng tình thương của Chúa.

Gặp gỡ Chúa Kitô để yêu mến Chúa và Giáo hội: Bất ngờ thứ hai là thánh nhân tưởng mình Yêu mến lề luật và yêu mến Chúa hơn mọi người. Giờ đây khi gặp gỡ Chúa, ngài mới nhận ra Chúa Kitô yêu thương ngài biết chừng nào: không trách móc những lầm lỗi, việc làm quá khứ: mà tín nhiệm mời gọi trởi nên môn đệ yêu mến của Ngài. Thánh nhân cảm thấy choáng váng vì tình yêu nhưng không này, nên đã cần một thời gian tĩnh lặng để suy tư, để sám hối, để nhận ra tình thương yêu của Chúa đối với mình, một tình yêu mến lạ lùng nhất: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Để từ đó Ngài có thể thốt lên lời xác quyết của đức tin và cuộc sống cho một khởi đầu mới: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).

Gặp gỡ Chúa Kitô để Rao giảng Tin Mừng: Bất ngờ tiếp theo là tư tưởng của thánh nhân “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”. Từ nay cuộc đời của thánh nhân là sống, chia sẻ, giới thiệu và rao giảng tình yêu và Tin mừng Nước Thiên Chúa, rao giảng Đức Kitô tử nạn Phục sinh cho muôn dân. Những chặng đường truyền giáo dù khó khăn, đầy thử thách, nhưng với thánh nhân tất cả chỉ là dịp để Ngài thực thi và giới thiệu Chân Lý Tình Yêu Cứu độ của Chúa Kitô và mợi gọi mọi người cũng như Ngài: “Mạng sống tôi, tôi coi chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giếu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 21,24).

Quý Ông bà và anh chi em thân mến, Ngày hôm nay, khi Giáo phận Hà Nội mừng lễ kỷ niệm 45 năm Giám mục, 60 năm linh mục và 90 năm thượng thọ của Đức Hồng Y Phaolô, nhân ngày lễ Quan Thầy của Ngài, chúng ta thấy thật ý nghĩa. Cuộc đời của Đức Hồng Y có thể tóm lại một cụm từ: PHẤN ĐẤU, Ngài đã phấn đấu để gặp Đức Kitô, PHẤN ĐẤU để sống mầu nhiệm tình yêu của Chúa Kito; PHẤN ĐẤU để rao giảng tình yêu của Chúa Kitô với ơn gọi của người Cha, người Thầy người Mục Tử.

Đức Hồng Y Phaolô Giuse sinh tại Ninh Bình, ngay từ nhỏ mới 8 tuổi cậu Phaolô đã lên Hà Nội học với linh mục nghĩa phụ và Cha Phêrô Phạm Bá Trực, khi 10 tuổi đã được vào trường tập Hà Nội, 11 tuổi được gọi vào Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, 21 tuổi học tại Đại Chủng viện Liễu Giai, Hà Nội, 30 tuổi chịu chức Linh mục, phục vụ tại Cô nhi viện Têrêsa Hà Nội, Cha Phó xứ Hàm Long và phụ trách Trung tâm Bác ái Bạch Mai, rồi Giám đốc Tiểu Chủng viện Gioan Hà Nội.

Chúng ta thấy ngay từ nhỏ cậu Phaolô đã luôn phấn đấu để gặp gỡ Đức Kitô: để tin hơn, để yêu mến hơn, để sống điều tin yêu đó bằng sự phấn đấu liên lỉ qua những chặng đường ơn gọi, để biến đổi mình mỗi ngày trọn vẹn hơn, dấn thân hơn cho ơn gọi là môn đệ của Chúa. Năm 44 tuổi đựôc tấn phong Giám mục Bắc Ninh. Khẩu hiệu “chúng con tin ở Tình yêu Thiên Chúa” của ngày biểu lộ ngài luôn phấn đấu với chính mình, từ nay lịch sử cuộc đời gắn liền với những cố gắng mới cho trách vụ tại Bắc Ninh. Ngài đã luôn luôn tin ở tình yêu Thiên Chúa, dù ở cương vị bổn phận, trách nhiệm nào, Đức Hồng Y luôn chọn cho mình sự cố gắng để chia sẻ niềm tin và tình yêu Thiên Chúa của mình cho cộng đoàn và anh chị em.

Thao thức với nhân sự của Giáo phận vì quá ít linh mục, nam nữ tu sĩ, Ngài đã sáng lập Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất, Ngài luôn thể hiện sự khôn ngoan của một NGƯỜI THẦY, và tình thương của NGƯỜI CHA trong cương vị MỤC TỬ, để PHẤN ĐẤU liên lỉ đem Chúa Giêsu Kitô đến với cộng đồng Dân Chúa cũng như anh chị em lương dân. Tiếp tục được mời gọi làm Giám quản Giáo Phận Hà Nội, Tổng Giám mục Hà Nội, Giám đốc Đại Chủng Viện Hà Nội, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đựôc nâng lên tước vị Hồng Y năm 1994. Đức Hồng Y luôn phấn đấu qua hành trình ơn gọi của mình để rao giảng tình yêu của Chúa Kitô; Ngài luôn cố gắng bằng niềm tin, tình yêu mến và sự can đảm của mình với tâm tình của người Cha, người Thầy trong cương vị Mục tử để mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hiểu biết tình yêu Chúa và được mời gọi sống mầu nhiệm tình yêu. Dù khi tuổi già, sức yếu, hay bệnh tật, khi những người tới thăm hoặc chăm sóng Ngài: dù là y bác sĩ, những người phục vụ, cũng như ai tới thăm Ngài đều nhận ra sự an bình, tin yêu và phó thác vào tình yêu Thiên Chúa, và đều cảm nhận Ngài vẫn luôn nâng đỡ mọi người trong nguyện cầu.

Trong ngày hồng ân này, chúng ta không chỉ chúc mừng Ngài, cầu nguyện với Ngài và còn là dịp để cám ơn Ngài vì những cố gắng phấn đấu liên lỉ của Ngài trong cuộc hành trình làm nguời, làm con cái Chúa, làm môn đệ và tông đồ của Chúa. Với ơn Chúa, và phấn đấu của bản thân, Ngài góp phần đem lại nhiều hoa trái cho các Giáo Phận Bắc Ninh, Giáo Phận Lạng Sơn, Tổng Giáo Phận Hà Nội và Giáo hội Việt Nam. Chúng ta hiệp ý xin Thánh Phaolô là đấng quan thày cẩu xin Thiên Chúa nâng đỡ Ngài trong tuổi già, luôn ban cho Ngài nhiều Ơn thánh, sức khỏe và bình an, để Ngài tiếp tục phấn đấu với sự can đảm của tuổi già mà dâng lời cầu nguyện liên lỉ lên Thiên Chúa, để cầu nguyện cho Giáo hội, và cho mõi người chúng ta.

Niềm vui cáng lớn khi chúng ta gặp nhau những ngày cuối năm Âm lịch Đinh Hợi, cùng chuẩn bị bước vào Tết Nguyên Đán Mậu Tý với tâm tình cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất mừng Xuân mới. Xin chân thành kính chúc quý Đức Hồng Y, quý Đức Tổng, quý Đức Cha, quý Cha tổng đại diện, quý cha Bề trên các Dòng, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh và quý ông bà anh chị em, luôn chàn đầy ơn thánh Chúa, bình an, hạnh phúc và niềm vui. Để như thánh Phao lô, mỗi ngày là sự gặp gỡ cá nhân của chúng ta với Đức Kitô để tin hơn, yêu mến hơn mà đổi mới chính mình với những phấn đấu mới, để cuộc đời mỗi chúng ta là phản ánh của Mùa Xuân mới của Tình yêu và hy vọng, để mỗi người chúng ta là chứng nhân cho Tin mừng Tình yêu của Thiên Chúa với thế giới, với con người và với Giáo hội hôm nay. Amen.
 
Lời cám ơn của Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng
+ ĐHY Phạm Đình Tụng
11:30 25/01/2008
LỜI CÁM ƠN CỦA ĐỨC HỒNG Y
(Cha Nguyễn Đăng Xuyên đọc thay)

Đối với tôi mọi sự đều là hồng ân của Chúa giống như chiếc bình xành đã được đổ đầy dầu thơm, Chúa đã ban hồng ân chan chứa, và cất nhắc một con người bé mọn như tôi lên hàng tư tế vương giả, trao phó cho tôi những trọng trách trong Giáo hội, vượt quá khả năng của tôi.
Dù suốt đời tôi luôn cố gắng hoàn thành sứ vụ của một tông đồ Chúa, là người phục vụ cộng đồng Dân Chúa, nhưng đã là con người thì không thể không có những khiếm khuyết.
Vậy tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Gioan Baitixita, quý Đức Tổng Giám mục, quý Đức Cha, quý Cha, quý nam nữ tu sĩ cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa, đặc biệt là Đức Tổng Giuse Hà Nội đã dành cho tôi những tình cảm chân thành thắm thiết, xin các đấng các bậc hợp ý với tôi tạ ơn Thiên Chúa và lượng thứ cho tôi những thiếu sót.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Vô cùng nghiêm trọng tại Tòa Khâm Sứ: công an đánh người trọng thương, giáo dân phá cổng vào cứu người!
VietCatholic
02:20 25/01/2008
HÀ NỘI -- Hôm nay tại nhà thờ chính tòa Hà Nội, giáo dân cả địa phận về tham dự Lễ mừng ĐHY Phạm Đình Tụng, có cả ĐHY Phạm Minh Mẫn, các Đức Giám Mục và linh mục thuộc nhiều giáo phận về đồng tế thánh lễ, mỗi giáo xứ trong giáo phận có 10 đại biểu, cộng thêm giáo dân Hà Nội dự lễ cỡ chừng 3000 người. Cuộc lễ hết sức nghiêm trang và sốt sắng.

Trước thánh lễ như chúng tôi đã trình bầy (kèm theo hình ảnh) có chừng 2000 người đã đến hăng hái đến cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ.

Sau thánh lễ chúng tôi vừa được tin là cả từng 100 linh mục và cả trên 2000 giáo dân cùng giáo dân lại kéo sang Tòa Khâm Sứ cầu nguyện nữa, mặc dù trời mưa rất to và Hà nội đang phải chịu đợt rét đậm nhất trong năm.

Bây giờ là 1:30 trưa ngày 25/01/2008 (giờ Hà nội) và là 10:30PM tối ngày 24/01 (giờ Los Angeles) chúng tôi được tin khẩn cấp sau đây: Đang khi dân chúng đứng trước cổng Tòa Khâm Sứ cầu nguyện thì có mấy người giáo dân, đặc biệt là một phụ nữ người Mường leo cổng nhảy vào bên trong để dâng hoa cho Đức Mẹ thì bị bảo vệ đánh chảy máu đầu. Một số
Phụ nữ Mường bị rượt bắt và bị đánh!
người khác vào theo quay phim chụp ảnh thì bị công an rượt đuổi và thu máy quay phim, máy chụp ảnh và điện thoại, giáo dân đứng ngoài thấy vậy liền chui vào đánh lại bảo vệ để cứu người ra.

Tình hình nguy cấp, thế là cuối cùng giáo dân phá cửa sắt ùa vào bên trong, dựng một cây Thánh giá bằng sắt cao chừng 4m.

Buổi cầu nguyện vào sau trưa hôm nay trước Tòa Khâm Sứ hết sức là căng thẳng vì công an và bảo vệ đã đánh một số người trọng thương, ít nhất là 4 người trong đó có 3 phụ nữ phải đưa đi nhà thương cấp cứu. Trong những người bị công an đánh ở Tòa Khâm Sứ người tên là luật sư Lê Quốc Quân, một nhà từ lâu đã tranh đấu cho dân chủ tự do ở Việt nam. Anh Quân đã bị bắt giam tù mấy lần và mới được thả ra ít tháng nay trước những áp lực của quốc tế.

Dựng Thánh Giá mới cao 4 mét
Cảnh tượng công an và bảo vệ rượt đuổi bắt người, những cảnh xô đẩy và đánh người ngoạn mục! Theo tin nhận được thì công an đã đánh người cách cực kì dã man.

Tại hiện trường Tòa Khâm Sứ cho đến lúc này 3 giờ chiều, nhiều linh mục và bà con giáo dân vẫn tiếp tục cầu nguyện, chưa dùng bữa trưa. Các Cha Quế (linh mục chính xứ Thạch Bích và đặc trách mục vụ cho người Mường ở vùng Hòa Bình) và các Cha Ly, Ruẫn và Phương cùng giáo dân nhất định ở lại hiện trường đòi công an phải trả lại máy quay phim, máy chụp và điện thoại mà họ đã tịch thu của giáo dân, nếu không trả lại nhất quyết không chịu về.

Hiện tình tại Tòa Khâm Sứ hiện rất còn đang vô cùng căng thẳng và bi đát... Cảnh sát liên tục tuấn đến Tòa Khâm Sứ nhiều vô kể...

Dân chúng phá cổng tràn vào cầu nguyện cùng Đức Mẹ
Máy hình và điện thoại di động của một trong những phóng viên chúng tôi cũng đã bị công an tịch thu! Tuy nhiên chúng tôi cũng đang liên lạc để thu thập những hình ảnh từ các người quen biết khác về những cảnh công an rượt đuổi bắt người và đánh đập dân chúng để trình bầy cho cả thế giới biết sự đàn áp trắng trợn những người dân hiền lành bị đánh đập chỉ vì họ cầu nguyện cho công lý.
 
Hai tấm hình tiêu biểu đáng nhớ
PV VietCatholic
08:29 25/01/2008
Của Cesar trả lại cho Cesar
Của chúng tôi trả lại cho chúng tôi
 
Giáo dân Hà Nội Nội bị đánh đập nài xin mọi người cầu nguyện trợ giúp
Hồng Hạnh
10:09 25/01/2008
Giáo dân Hà Nội Nội bị đánh đập nài xin mọi người cầu nguyện trợ giúp.

Thật đau lòng trước buổi cầu nguyện tại Toà Khâm Sứ trưa ngày 25 tháng 01 năm 2008 sau Thánh lễ mừng thọ Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng. Toà Khâm Sứ là tài sản thiết yếu của Toà Tổng Giám mục Hà nội của Giáo hội Công giáo Việt nam vậy mà người ta tranh chấp ăn cứớp một cách trắng trợn. Nhà của giáo hội đất của giáo hội người ta đã ngang nhiên khoá cửa sắt không cho giáo dân vào cầu nguyện. Vì thế, trưa nay có một vài giáo dân leo hàng rào sắt vào để dâng hoa, thắp hương nến trước chân dung Đức Mẹ Sầu Bi tại Toà Khâm Sứ. Nhìn Đức Mẹ buồn nên ai ai cũng muốn được đến gần với mẹ nhưng cửa sắt thì luôn luôn bị khoá bị xích làm sao chúng con có thể vào được. Có người leo cửa sắt đến với mẹ đã bị bảo vệ công an đánh trọng thương.

Mẹ ơi, Toà Khâm Sứ là tài sản linh thiêng của Giáo hội Công giáo Việt nam chúng con, chúng con đang quyết tâm kiên trì bên bỉ tha thiết cầu nguyện để xin mẹ soi sáng cho các nhà cầm quyền hành động sáng suốt hã y sớm trả lại cho Giáo hội chúng con. Xin mẹ hãy chỉ cho họ những cách thức để họ hành động đừng để họ đánh đập những người giáo dân hiền lành vô tội.

Nói đến công an bảo vệ là nói đến việc bảo vệ người và tài sản vậy sao họ lại đi đánh người giáo dân hiền lành trọng thương nhơ vậy, thế có được gọi là công an và bảo vệ nữa không? Nếu công an, bảo vệ cứ tiếp tục đánh người, dần dần cụm từ công an bảo vệ đó có còn ý nghĩa nữa không? Giáo dân cầu nguyện, chụp ảnh, quay phim, dâng hoa có tội gì mà công an bảo vệ đi đánh chảy máu đầu người ta, thu máy ảnh, máy điện thoại của giáo dân.

Tại đất Hà Thành vốn được coi là văn minh thanh lịch từ lâu, vậy lại có những công an bảo vệ đó sao? Liệu những công an bảo vệ đó có được qua lớp đào tạo về nghiệp vụ hay không? Nếu có, nghiệp vụ có dạy đánh người không?

Tình hình càng căng thẳng nên con xin muốn tất cả chúng ta - những người con của Giáo phận Hà nội và Giáo hội Công giáo Việt nam hãy cầu nguyện nhiều và thật nhiều hơn nữa. Con tin Chúa Đức Mẹ không bao giờ từ chối những lời cầu xin tha thiết chân thành của chúng ta.

XIN CHÚA VÀ ĐỨC MẸ sớm cho CÔNG LÝ ngự trị trên Giáo phận Hà nội nói riêng và Giáo hội Công giáo Việt nam chúng con nói riêng. Amen
 
RFA đưa tin: Hàng ngàn tín đồ Thiên Chúa Giáo tuần hành qua đường phố Hà Nội
RFA
11:01 25/01/2008
Hàng ngàn tín đồ Thiên Chúa Giáo tuần hành qua đường phố Hà Nội

Hàng ngàn tín Thiên Chúa Giáo tuần hành trên đường phố Hà Nội, yêu cầu nhà nước trả lại đất đai của nhà thờ. Photo courtesy of Vietcatholic.net.

Hàng ngàn tín Thiên Chúa Giáo hôm nay tuần hành và cầu nguyện qua đường phố đông người ở Hà Nội, để yêu cầu nhà nước Việt Nam trả lại đất đai đã chiếm dụng của nhà thờ.

Hãng tin AP truyền đi từ Hà Nội nói đây là một cuộc biểu tình hiếm thấy. Hình ảnh từ Hà Nội cho thấy cuộc tuần hành quy tụ hằng trăm giáo sĩ và hằng ngàn giáo dân mặc lễ phục rực rỡ, với ban nhạc trổi những bài ca hùng tráng.

Tin AP mô tả một vị linh mục trong áo giòng màu trắng mang một thánh giá lớn, dẫn đầu đoàn giáo dân với dàn nhạc theo sau, đi từ nhà thờ Thánh Joseph đến khu vực trước đây đặt văn phòng đại diện tòa thánh Vatican.

Khu đất này đã bị nhà nước chiếm dụng sau khi đánh đuổi thực dân Pháp khỏi Việt Nam vào năm 1954, nay giáo hội Thiên Chúa Giáo yêu cầu Hà Nội hoàn trả lại, vì nắm đầy đủ chứng từ về quyền sở hữu thuộc về mình.

Trong cuộc họp báo thường lệ tại Hà Nội hôm qua, ông Lê Dũng người phát ngôn bộ ngoại giao tuyên bố, tất cả đất đai thuộc về nhà nước, các tổ chức hay cá nhân chỉ được quyền sử dụng.

Ông Dũng cho biết ủy ban nhân dân Hà Nội sẽ căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất dành cho nhà thờ và sẽ giải quyết vấn đề này theo luật định.
 
BBC nói: Tranh chấp tôn giáo không chỉ về đất
BBC
11:10 25/01/2008
Tranh chấp tôn giáo không chỉ về đất

Giáo dân dựng thánh giá trong khuôn viên Tòa Khâm Sứ cũ, trung tâm của cuộc tranh chấp

Các tin tức từ Việt Nam cho hay cuộc cầu nguyện đòi đất của giáo dân Việt Nam ở thủ đô Hà Nội đang chuyển sang một giai đoạn mới.

Buổi dâng hoa trước tượng Đức Mẹ trong khuôn viên tòa nhà của quận Hoàn Kiếm vốn là trụ sở Tòa Khâm Sứ cũ trưa hôm nay, thứ Sáu 25.01 đã diễn ra với một vụ xô xát.

Nhưng nhìn tổng hợp từ giữa tháng 12 đến nay thì nhà báo Ben Stocking (AP) cho rằng "một cách lặng lẽ, từng bước, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đang thách thức chính phủ một cách dũng mãnh nhất kể từ khi những người cộng sản nắm quyền lực hơn năm thập niên về trước".

Trong bài gửi đi từ Hà Nội hôm 24.01, nhà báo này đã nhìn cả vào góc độ ý thức hệ và giá trị bất động sản của khu đất và toà nhà, một trong "những tài sản của Giáo hội bị nhà nước lấy đi sau năm 1954".

Theo bài có tựa đề "Catholic-Communist Land Fight in Vietnam" (Cuộc chiến Công giáo-Cộng sản về Đất), Giáo hội muốn Chính phủ hoàn trả khu đất rộng khoảng 2,5 acre ở trung tâm Hà Nội, nơi một mảnh đất như thế có giá tới hàng triệu đô la.

Thật là một bi kịch đối với chúng tôi khi mảnh đất linh thiêng của mình bị lấy đi.

Cha Nguyễn Khắc Quế, Hà Nội

Cha Nguyễn Khắc Quế, một trong những linh mục thuộc giáo phận Hà Nội tham gia tổ chức các buổi lễ dâng nến cầu nguyện, nói với AP:

"Thật là một thảm hoạ đối với chúng tôi khi thánh địa của mình bị người ta lấy mất".

Mặc dù có thể làm tăng thêm các mối căng thẳng giữa Giáo hội và Chính quyền, cuộc tranh chấp cũng đưa lại một bằng chứng mạnh mẽ về mức độ cải thiện trong các quan hệ giữa hai bên ở Việt Nam gần đây.

Nếu như những người lãnh đạo các nhà thờ dám có những thách thức công khai như vậy chỉ cách đây 5 năm, thì chắc chắn cảnh sát đã bỏ tù họ.

AP trích lời ông Peter Hansen thuộc Đại học Thần học Công giáo Melbourne, Úc nói:

"Cả hai bên cũng đều cảm thấy đủ thoải mái, giáo hội thì cảm thấy có thể bày tỏ sự phàn nàn của mình, còn nhà nước thì cảm thấy có thể chấp nhận mức độ đó".

Các quan chức của chính quyền thành phố kiểm soát khu đất có Toà Khâm sứ cũ đã không trả lời các đề nghị phỏng vấn của AP.

Trong khi đó, các vị chức sắc Giáo hội cho biết họ có trong tay các giấy tờ, tài liệu chỉ rõ khu đất đó thuộc sở hữu của giáo phận Hà Nội.

Song theo ông Dương Ngọc Tấn, Ban Tôn giáo Chính phủ, các quan chức Hà Nội khẳng định là một vị cựu linh mục trước đây đã tự nguyện trao quyền sở hữu khu đất cho nhà nước vào năm 1960.

Được biết vị khâm sứ tức đại sứ của Tòa Tháng cuối cùng rời Việt Nam năm 1959.

Hãng AP trích lời ông Tấn nói: "Chuyện trả lại đất đai là rất phức tạp".

Sau cuộc Cách mạng Tháng Tám, các tài sản bị sung công không chỉ của giáo hội mà còn của những địa chủ và các nhà tư sản giàu có.

Giáo hội Công giáo cầu nguyện trước Tòa Khâm sứ cũ và nói họ cần đất đai để có thể phục vụ nhu cầu của giáo dân

Tài sản liền sau đó được chính phủ sử dụng hoặc được trao cho người khác nắm giữ trong nhiều thập niên.

Cầu nguyện hay biểu tình?

Các nhà lãnh đạo Giáo hội đã thận trọng gọi các cuộc tụ họp là "cầu nguyện chứ không phải biểu tình - một từ mang một ý nghĩa nặng nề ở một đất nước mà các vụ phản đối công khai nhìn chung đều bị cấm đoán".

Các cuộc thắp nến cầu nguyện được tổ chức ở tòa giáo đường tại Việt Nam, nhưng Nhà thờ thánh Giu-se, hay còn gọi là Nhà thờ Lớn, to nhất Hà Nội, là tâm điểm.

Nhà thờ này thông thường vẫn thu hút 2.000 người đến dự các buổi lễ trong khuôn viên và sân của nó.

Trong các buổi cầu nguyện tập thể, hàng trăm giáo dân đồng thời tụ tập ở ngay phía trước Toà Khâm sứ của Vatican trước đây.

Ngôi nhà có kiến trúc kiểu biệt thự Pháp này hiện đang được sử dụng làm một trung tâm thể thao thanh niên.

Trong buổi cầu nguyện đầu tiên, ngay trước Giáng sinh 2007, các giáo dân đã đẩy bằng xe xích lô một bức tượng Đức mẹ Đồng Trinh vào khu biệt thự.

Trước đây, tượng từng được đặt bên cạnh Toà nhà Khâm sứ cũ nhưng sau đó được đặt trở lại một nơi kế bên Nhà thờ lớn.

Các giới chức địa phương đã khoá cổng khu vực kể từ lúc đó. Trước đó, khu đất đã được các giáo dân dùng hoa hồng trắng trang trí, điểm tô.

Vào một Chủ nhật gần đây, một linh mục mang mang theo thánh giá, đã dẫn khoảng 500 người đến khu đất, cầu nguyện, hát thánh ca.

Người ta không nhìn thấy cảnh sát mặc quân phục.

Bà Phạm Vũ Thục, 51 tuổi, một giáo dân của Nhà thờ lớn nói: "Tôi chưa từng bao giờ có thể tưởng tượng một điều gì đó như thế xảy ra trước đây".

Bây giờ chúng tôi đã có thể nói ra miệng. Giờ mọi thứ đã dân chủ hơn

Cha Nguyễn Khắc Quế, địa phận Hà Nội

Bà nói tiếp: "Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều kể từ khi chúng tôi được nối kết với thế giới bên ngoài".

"Chúng tôi có mạng Internet, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Bây giờ Việt Nam phải tuân theo các quy tắc của cộng đồng quốc tế."

Trong khi các quan hệ giữa Giáo hội với Chính quyền trung ương được cải thiện, Cha Quế cho biết, các cuộc xung đột vẫn xảy ra với các cấp chính quyền địa phương.

Cha Quế nói tiếp: "Họ đã có lần đặt một sàn nhảy disco ngay cạnh các trụ sở của giáo phận".

Vẫn theo nhà báo Ben Stocking, Giáo hội Công giáo Việt Nam, với 6 triệu dân, được thành lập bởi các nhà truyền giáo và phát triển trong suốt thời kỳ thực dân Pháp thống trị ở Việt Nam.

Đây là tôn giáo lớn thứ hai, sau Phật giáo - một tôn giáo phổ biến đông đảo ở Việt Nam.

Giáo hội Công giáo Việt Nam đã luôn luôn được nhìn với con mắt nghi ngờ do các quan hệ gần gũi của nó với chính phủ Pháp và với chính phủ miền Nam Việt Nam trước đây.

Chính phủ Sài Gòn đã từng tiến hành một cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ hậu thuẫn chống lại những người cộng sản.

Hà Nội và Vatican đã bàn thảo việc khôi phục quan hệ ngoại giao

Trong thời gian nhiều năm, các giáo dân Công giáo đã phải đối diện với các vụ ngược đãi, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm và vào học đại học. Hàng trăm ngàn người đã bỏ chạy vào miền Nam Việt Nam.

Nhiều người khác ở lại phía sau, và các nhà thờ của họ vẫn được mở. Tuy vậy, chính phủ đã hạn chế các hoạt động của các nhà thờ, chiếm dụng các tài sản, đất đai bên cạnh các nhà thờ, bao gồm các trường dòng, trường học và các bệnh viện.

Bài của AP cũng ghi nhận rằng trả qua nhiều thời gian, quan hệ giáo hội - chính quyền đã bắt đầu ấm hơn. Năm ngoái, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm Vatican và được Giáo Hoàng Benedict XVI tiếp. Hai bên đã xem xét việc khôi phục các quan hệ ngoại giao.

Chính phủ Việt Nam cũng thông qua một pháp lệnh tôn giáo mới, vài năm trước đây, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những giáo dân đạo Tin Lành không được thừa nhận có thể đăng ký chính thức với chính quyền.

Tất cả các điều này đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Công giáo.

Hãng AP trích lời cha Quế nói: "Bây giờ chúng tôi đã có thể nói ra miệng. Giờ mọi thứ đã dân chủ hơn".

Ngoài ra, cuộc tranh chấp ở Hà Nội không phải là về hệ tư tưởng. Cha Quế nói thêm: "Đây là cuộc tranh chấp về một miếng đất có giá trị cao".
 
VOA đưa tin: Diễn biến mới của cuộc tranh chấp Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội
VOA
11:48 25/01/2008
Diễn biến mới của cuộc tranh chấp Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội

Hàng ngàn giáo dân và tu sĩ Công Giáo đã tập trung trước Tòa Khâm Sứ Vatican cũ (Tòa Khâm Sứ) tại trung tâm Hà Nội trong ngày thứ sáu, 25 tháng giêng. Đám đông giáo dân hô to khẩu hiệu và hát kinh cầu nguyện nhằm đòi chính quyền Hà Nội trả lại Tòa Khâm Sứ vốn bị nhà nước tịch thu từ năm 1954 cho Giáo Hội.

Tin cho hay đã xảy ra xô xát giữa các nhân viên bảo vệ của tòa nhà và các giáo dân. Đây là diễn biến mới nhất của việc giáo dân Công Giáo đòi chính quyền Hà Nội trả lại một trong số những tài sản của Giáo Hội bị chính phủ Việt Nam tịch thu từ năm 1954.

Tin của hãng AP vừa loan đi từ Hà Nội nói rằng một tu sĩ mặc áo lễ màu trắng, rước một thánh giá lớn, dẫn đầu một nhóm giáo dân trong đó có cả ca đoàn, đi từ nhà thờ thánh Guise ở trung tâm Hà Nội đến trước Tòa Khâm Sứ.

Tòa Khâm Sứ, nói theo ngôn ngữ phổ thông là trụ sở đại diện hoặc là tòa đại sứ của Giáo Hội Công Giáo Vatican đặt tại Hà Nội,là một trong số những tài sản của của Giáo Hội Công Giáo bị chính phủ Việt Nam tịch thu khi thực dân Phát bị lật đổ vào năm 1954. Các nhà lãnh đạo giáo phận Hà Nội nói rằng họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh tòa nhà tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 1 hecta này là của Giáo Hội.

Theo hãng tin AP, thì người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Dũng, trong cuộc họp báo hôm thứ năm vừa qua đã lập lại rằng: 'toàn bộ đất đai tại Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước, các cá nhân và tổ chức chỉ được cấp quyền sử dụng đất'.

Phát ngôn viên này nói tiếp rằng Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội sẽ xem xét nhu cầu sử dụng đất của Giáo Hội Công Giáo tại Hà Nội và theo đó sẽ cấp quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của luật pháp.

Giáo dân Công Giáo đã tổ chức hàng loạt các buổi tập trung cầu nguyện tại địa điểm này từ tháng 12 vừa qua cho đến nay, nhưng buổi tập trung hôm thứ sáu như vừa nêu là lớn nhất từ trước đến nay.

Khoảng 3,000 dân đã tập trung về nhà thờ chính tòa Hà Nội hôm thứ sáu, cùng với các giới chức cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, để dự Lễ Mừng Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng. Giáo dân và tu sĩ đến dự lễ đã tổ chức các buổi tập trung cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ.

Một linh mục có mặt trong đám đông đang đứng trong cái rét mùa đông dưới trời mưa đã nói với các phóng viên rằng: “Tôi chưa bao giờ được chứng kiến một cảnh tượng như vậy, chúng tôi không chống đối, chúng tôi chỉ yêu cầu chính phủ trả lại tài sản cho Giáo Hội.”

Bản tin của hãng AP nói rằng không xảy ra vụ bắt bớ nào, tuy nhiên các giới chức nhà thờ kêu gọi giáo dân tự chế khi có những người trong đám đông xô đẩy hàng rào, trong đó có ít nhất là hai người tìm cách leo qua hàng rào và đã bị những người bảo vệ tòa nhà đánh.

Tin cho hay không thấy có các nhân viên an ninh mặc sắc phục xuất hiện trong nhà thờ, hoặc trà trộn trong đám đông trước Tòa Khâm Sứ, tuy nhiên có nhiều nhân viên an ninh không mặc sắc phục đã đứng ra chặn xe cộ và theo dõi các diễn biến.

Các hãng tin đã trích lời luật sư Lê Quốc Quân, một nhân vật bất đồng chính kiến vốn đã bị chính quyền giam cầm 3 tháng hồi năm ngoái, rằng ông đã bị 'năm sáu nhân viên bảo vệ đã đánh đập, và họ đã tịch thu máy hình' của ông.

Một số các thông tin trên đây được trích AP, Vietcatholic News Agency (www.vietcatholic.net)
 
''Đêm nay chúng tôi sẽ thức trắng đêm để cầu nguyện ở nơi đây''
PV VietCatholic
12:13 25/01/2008
ĐÊM NAY CHÚNG TÔI SẼ THỨC TRẮNG ĐỂ NGUYỆN CẦU...

HÀ NỘI -- Chúng tôi vừa ở Toà Khâm sứ về, lúc này là 22giờ00 (giờ đêm Việt Nam) ngày 25.01.2008. Một số giáo dân cũng đã trở về nhà. Đang khi đó, chúng tôi cũng thấy một số giáo dân mà đa số là các cụ già và một số chị em phụ nữ khác đang mang theo chăn màn đến Tòa Khâm Sứ và họ nói sẽ ngủ đêm nay tại đây để canh thức trông chừng những biến động có thể xảy ra.

Tối nay, có một thông tin khiến đại bộ phận giáo dân ái ngại, đó là chính quyền quận Hoàn Kiếm quyết tâm dỡ bỏ cây thánh giá mà giáo dân đã trồng sáng nay. Thực tế, lúc này, cán bộ công an, an ninh... xuất hiện rất đông và họ đang yêu cầu những giáo dân còn ở lại phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân, ai không có thì tức khắc phải rời khỏi hiện trường ngay sau 22giờ00.

Chúng tôi vừa nghe một chị giáo dân nói: “Chúng tôi đi đọc kinh mà cũng kiểm tra giấy tờ chúng tôi sao. Ngày mai, chúng tôi mời anh đến cửa nhà thờ, chúng tôi sẽ xuất trình giấy tờ...” . Mọi người vỗ tay tán thưởng câu trả lời hết sức nhã nhặn và đầy sức thuyết phục của chị giáo dân này.

Hiện thời số giáo giáo còn ở lại rất ít ỏi. Chúng tôi đếm được khoảng 40 người. Họ đang ngồi cả dưới khu lều bạt và đang lần hạt Mân côi. Một số người đa số là nam giới, đang đứng chuyện trò tại các cổng ra vào khu Toà Khâm sứ. Một số người cũng đang có ý định trở về sau một ngày mệt mỏi.

Nguồn tin đáng tin cậy cho chúng tôi biết, từ chiều tối đến giờ, tiếp tục có những cuộc đánh người vô cớ, nhắm vào một số anh chị em tín hữu tới đọc kinh tại đây. Vào lúc khoảng 20giờ15, một cụ già, râu dài, sau khi đọc kinh vừa bước ra tới cổng thì bị một thanh niên chặn lại, quát nạt và xô ông cụ ngã xuống. Mấy người ra can ngăn cũng bị đánh một cách vô cớ.

Từ chiều tối đến giờ, số người bị đánh đã lên tới 4 người, trong đó có ba phụ nữ.

Tại hiện trường, lúc này, cán bộ, an ninh rất đông. Họ hiện diện ở khắp nơi. Họ ngồi lẫn vào cả giữa cộng đoàn giáo dân đang cùng đọc kinh. Một số xe công chạy qua chạy lại khu phố Nhà Chung, chúng tôi còn trông thấy cả những máy quay phim bên trong những cánh cửa hé mở của những chiếc xe này. Một số giáo dân trông thấy la lớn: “Mời qúy vị xuống quay phim dưới này”. Những chiếc xe này vụt bỏ chạy. Chúng tôi để ý chỉ một lúc sau, những chiếc xe này lại đi qua đi lại trong khu vực.

Nhiều người nói với chúng tôi: “Hôm nay, ngày cuối cùng cả Giáo hội cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Thiên Chúa sẽ biến mọi sự dữ nên sự lành. Chúng tôi cầu xin Chúa và Ngài đã nhận lời. Chúng tôi không bao giờ nghĩ chuyện sẽ xảy ra như hôm nay, vậy mà nó đã xảy ra ngoài ý của mọi người. Chúng tôi xác tín rằng ngày hôm nay là ngày ý của Chúa được thể hiện” .

Một người khác nói: “Ngay từ đầu họ đã sai rồi. Họ vô cớ đánh người. Chúng tôi có làm gì xấu đâu. Chúng tôi chỉ cầu nguyện cho công lý và hoà bình. Chúng tôi thương chị người Mường quá...Người ta là người dân tộc, đơn sơ, thấy Đức Mẹ là nhào tới dâng hoa. Thế mà... Sao người ta nhẫn tâm thế. Bây giờ còn nhẫn tâm đánh cả cụ già... Đêm nay, chúng tôi sẽ cùng thức với Chúa để cầu nguyện. Xin mọi người hiệp ý với chúng tôi...”

Thấy tôi đi đi lại lại hỏi truyện, một cụ già lên tiếng nói với tôi: "Hình như ông là nhà báo thì phải, và nếu có đúng thì ông đưa tin với thế giới rằng: Chúng tôi mong ước mọi người giáo dân và những người thiện chí, hãy hiệp ý với những giáo dân bé mọn nhưng trung kiên này, bởi đêm nay, chúng tôi sẽ trải qua một đêm dài canh thức dưới thời tiết rất khắc nghiệt của mùa đông Hà Thành".

Thực vậy, đêm nay, cùng với cái lạnh của thời tiết, họ còn phải đối diện với dòng máu lạnh của một số nhà chức trách, đang quyết tâm và cố tình trấn áp những con người yêu chuộng công lý và Hoà bình.

Mong ước của nhiều người nói với chúng tôi rằng, ngay lúc này, xin tất cả hãy cùng hát vang bài ca hoà bình, để xin cho công lý được hiển trị; cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết lưu tâm tới nhu cầu chính đáng của người giáo dân; nhất là cầu cho những anh chị em giáo dân đang còn ở tại hiện trường đêm nay, luôn biết tỉnh thức trước những khó khăn có thể xảy tới bất cứ lúc nào.

Lúc này là 23giờ30, giờ Hà Nội, tình hình đang dịu đi. Một số cán bộ an ninh đã rời khỏi hiện trường.

Bà con giáo dân vẫn tiếp tục cầu nguyện.
 
Tiếng Nhạc oai hùng vang trên khắp cõi trời Việt Nam
PV VietCatholic
12:31 25/01/2008
 
Phá cổng tiến vào Tòa Khâm Sứ
PV VietCatholic
12:35 25/01/2008
 
Vác Thánh Giá vào Tòa Khâm Sứ
PV VietCatholic
12:37 25/01/2008
 
Video dân chúng phản đối công an bảo vệ đánh người!
PV VietCatholic
12:38 25/01/2008
 
Trong ngày mừng ĐHY Hà Nội thì tại Tòa Khâm Sứ công an đánh người, giáo dân phá cổng xông vào cứu...
PV VietCatholic
12:43 25/01/2008
Trong ngày mừng ĐHY Hà Nội thì tại Tòa Khâm Sứ công an đánh người, giáo dân phá cổng xông vào cứu...

(Những sự kiện nóng bỏng trong ngày 25 tháng 1 năm 2008)

Ngày hôm nay, 25 tháng 1 năm 2008, tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội, đông đảo các giáo sỹ, tu sỹ, giáo dân trong và ngoài giáo phận đã cử hành Thánh lễ tạ ơn, chúc mừng và cầu nguyện cho Đức Hồng Y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng – nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội nhân dịp mừng thượng thọ 90 tuổi, 60 năm linh mục, 45 năm giám mục, 15 năm hồng y.

Đúng như một số phóng viên đã nhận định từ mấy ngày trước, diễn biến vụ việc đòi lại đất và nhà Tòa Khâm Sứ của giáo phận Hà Nội đã trở nên hết sức căng thẳng và có thể nói, không khí trở nên nóng bỏng hơn rất nhiều bởi nhiều sự kiện làm chấn động dư luận.

Vấn đề tòa Khâm Sứ đã trở thành một đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, đã có rất nhiều ý kiến xung quanh lộ trình giải quyết vấn đề nhức nhối này. Theo nguồn tin hành lang chúng tôi được biết, nhiều hy vọng chính quyền sẽ trao trả lại cho Giáo Hội tài sản này trước ngày 24 tháng 1, tức trước ngày đại lễ của Đức Hồng y. Cách đây vài ngày, đại diện các cấp chính quyền đã đến chúc tết Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, hai bên đã trao đổi với nhau trong không khí thân thiện và cởi mở, do đó nhiều người càng thêm hy vọng Tòa Khâm Sứ sẽ được trả lại nhanh chóng. Tuy nhiên, ngày 24 trôi qua mà không nhận thấy một động thái tích cực nào từ phía chính quyền về việc này.

Vào chiều ngày 24, UBND quận Hoàn Kiếm còn gửi một công văn khẩn yêu cầu Tòa Tổng Giám Mục phải nghiêm túc thực hiện tiết kiệm, tránh ồn ào tụ tập đông người, tránh mọi hành vi gây mất trật tự an ninh, nhất là trật tự an toàn giao thông. Rất nhiều ý kiến bức xúc xung quanh công văn này, phải chăng chính quyền e ngại và như một biện pháp đánh đòn phủ đầu để không còn những cuộc cầu nguyện đông đảo để đòi lại Tòa Khâm Sứ - một tài sản của Giáo Hội.

Ngày hôm nay, 25 tháng 1. Từ sáng sớm, mặc dù trời rất lạnh và mưa rả rích nhưng không khí như ấm áp, náo nhiệt hẳn lên bởi hàng ngàn người về chúc mừng và cầu nguyện cho Đức Hồng Y nhân ngày kỷ niệm đặc biệt của Ngài. Những đoàn kèn tây cùng với đội cồng chiêng đến từ vùng Hòa Bình, đội trống lớn…càng làm cho không khí ngày lễ thêm sôi nổi hào hứng. Niềm vui tràn ngập tâm hồn, thể hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người.

9h sáng, khoảng 100 linh mục và hàng ngàn giáo dân cùng với đoàn kèn, trống, cồng chiêng đã sắp thành hàng lối theo sau thánh giá nến cao tiến sang trước Tòa Khâm Sứ, cổng vào tòa nhà vẫn bị khóa kín. Hôm nay, chúng tôi nhận thấy có rất đông công an, nhân viên an ninh có mặt, chìm nổi trong đoàn người đông đảo. Phố Nhà Chung vốn nhỏ bé nay lại trở nên chật hẹp hơn bởi đông đảo người tụ họp cầu nguyện. Sau khoảng 15 phút cầu nguyện sốt sắng, đoàn người lại theo hàng ngũ trở về Tòa Tổng Giám Mục để chuẩn bị bước vào Thánh Lễ.

10h sáng, tại Nhà Thở Chính Tòa Hà Nội đã diễn ra Thánh Lễ trọng thể mừng kỷ niệm thượng thọ 90 tuổi, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục, 15 năm Hồng y của Đức Hồng Y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng – nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội. Thánh lễ đã diễn ra thật sốt sắng và cảm động với sự chủ tế của Đức Hồng Y Gb Phạm Minh Mẫn – TGM Sài Gòn, cùng đồng tế với Ngài có 16 Giám mục và hàng trăm linh mục, với sự tham dự của khoảng trên 3000 giáo dân. Đức Hồng Y Phaolo Giuse hiện diện cùng hiệp thông trong Thánh Lễ đặc biệt này trong cuộc đời Ngài. Thánh lễ kết thúc vào lúc 11h20.

Sau lễ giáo dân Hà nội tiến về Tòa Khâm Sứ cầu nguyện...

Sau những lời chúc mừng dành cho Đức Hồng y, đoàn ngũ linh mục, giáo dân đông đảo lại theo hàng lối trang nghiêm có trật tự tiến sang Tòa Khâm Sứ, ai có thể đoán trước được những sự kiện nóng bỏng sẽ diễn ra trong ít phút nữa, quả thực nó nằm ngoài sự tưởng tượng của mọi người hiện diện, Tuy nhiên, cái điều không ngờ đó đã xảy ra và trở nên một bước ngoặt mới trong hành trình đòi lại tài sản Giáo Hội.

11h30, Phố Nhà Chung đã không còn một chỗ trống, xe cộ cũng đã bị chặn lại ở hai đầu để dòng người đông đảo cất lên lời cầu nguyện. Đang khi mọi người cầu nguyện, một vài em nhỏ “trèo” cổng mang hoa vào dâng Đức Mẹ nhưng lập tức bị các nhân viên an ninh trong sân đuổi ra. Không dừng lại ở đó, một chị giáo dân người Mường đến từ vùng Hòa Bình đã can đảm mang hoa vào trong sân để dâng lên Mẹ, có lẽ đã quen với cuộc sống núi rừng nên chị đã nhanh chóng leo qua hàng rào cao để vào. Ngay lập tức, hàng chục nhân viên an ninh, công an nam có nữ có ập đến ra sức đẩy chị ra khỏi sân, họ đẩy nhưng chị cố gắng phân tích cho họ hiểu hành động của chị cũng như không chịu khuất phục. Sau cùng, các nhân viên an ninh đẩy chị ra đến cổng nhỏ vào Tòa Khâm Sứ phía quán phở, họ còn dùng vũ lực đối với chị, đuổi chị ra ngoài va còn dùng tay tát vào mặt chị mấy cái, nhiều người đã bức xúc khi chứng kiến hành động này. Chúng tôi nhận thấy không khí của dòng người đang cầu nguyện đã nóng dần lên, một số thanh niên đã leo lên hàng rào nhưng chưa vào bên trong được, đặc biệt có hai linh mục còn mang áo lễ cũng leo lên. Lúc này, lời qua tiếng lại giữa giáo dân và công an đã trở nên gay gắt.

Giáo dân phá cổng xông vào cứu người thanh niên bị đánh trọng thương thì ra là là luật sư Lê Quốc Quân

11h45. Một anh thanh niên đã dũng cảm bất chấp bạo lực cường quyền đã nhất quyết leo vào bên trong sân tòa Khâm Sứ, mang theo camera, máy ảnh. Ngay lập tức, hàng chục nhân viên an ninh ập đến, họ dùng vũ lực công khai đánh anh trước hàng ngàn người bên ngoài chứng kiến. Anh vẫn kiên cường và cố gắng trụ lại, nhưng rồi họ đã đẩy anh vào bên trong, lối ra ngoài phía quán phở. Ở ngoài phố, dòng người đã bức xúc đến tột độ, nhiều người định trèo vào trong nhưng lập tức bị chặn lại. Không khí trở nên rất căng thẳng.

Đặc biệt, mãi đến mấy phút sau, khi một vài người đang trong quán phở chạy ra cấp báo thì giáo dân mới được biết anh chàng kia đã bị công an giữ lại trong một căn phòng nhỏ ở phía sau quán phở và đang đánh đập anh, những người này nghe tiếng kêu cứu của anh nên ra ngoài cấp báo. Lúc này giáo dân đã hết kiềm chế nổi, họ kéo đến đông đảo trước cánh cổng sắt nhỏ vào sân Tòa Khâm Sứ, la hét yêu cầu công an trả người và lên án công an bắt người, đánh người trái phép.

Sau một hồi thương thảo bất thành, một số người đã phá tung cánh cổng bọc nhôm đó để vào giải cứu anh thanh niên. Tuy vậy, khi vào bên trong, họ còn gặp sự chống trả mạnh mẽ cùng với những lời đe dọa của công an. Trên hệ thống âm thanh của Tòa Giám Mục, một linh mục lớn tiếng nghiêm túc yêu cầu công an “trả người ngay lập tức” và kêu gọi giáo dân hãy kiềm chế nhưng cũng hãy kiên trì đấu tranh hòa bình.

Lúc này rất đông người đã kéo vào bên trong sân Tòa Khâm Sứ, một cuộc đụng độ với các công an và nhân viên an ninh đã diễn ra quyết liệt. Sau cùng, biết không thể chống đỡ với sức mạnh của nhiều ngàn giáo dân, công an chịu chùn bước nhưng vẫn còn rất ngoan cố. Mãi lâu sau họ mới chịu thả anh thanh niên, anh bị đánh đập dã man vào bụng vào đầu, theo lời anh kể thì chúng túm tóc đập đầu anh vào tường đến chảy máu tai, dùng vật cứng và chân đập vào bụng anh, một cách hành hung mà theo anh là “chúng cố gắng không để lại thương tích bên ngoài”. Ngay khi được thả, anh đã được đưa đến cầu nguyện với Đức Mẹ Sầu Bi và nhanh chóng được xe Tòa Giám Mục đưa đi cấp cứu. Chúng tô được biết người thanh niên can đảm đó là luật sư Lê Quốc Quân, một người đã từng bị Chính quyền bắt giam vô cớ cách đây ít lâu

Hàng ngàn giáo dân đã vào bên trong sân Tòa Khâm Sứ tụ họp trước tượng Đức Mẹ. Một số thanh niên đã nhanh chóng phá tan khóa và những tảng bê tông lớn chèn cổng chính để mở toang cánh cổng vào Tòa Khâm Sứ. Không khí trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết, công an, cảnh sát đứng kín đường nhưng họ không dám manh động. Đoàn người còn ở bên ngoài phố tràn vào trong sân Tòa Khâm Sứ, mọi người tràn ngập niềm vui và phấn khởi, đồng thời cũng đầy quyết tâm và mạnh mẽ. Những bản nhạc kèn, những nhịp cồng chiêng, nhịp trống rộn ràng vang lên như để ăn mừng chiến thắng đầu tiên, làm rung động cả một vùng Thủ đô.

Dựng Thánh Giá tại Tòa Khâm Sứ

Chưa dừng lại ở đó, giáo dân còn đem dựng lên ở ngay bậc lên tiền sảnh Tòa Khâm Sứ một cây thánh giá lớn, cao chừng 4m, nhanh chóng xây bệ vững chắc. Giáo dân và nhân viên an ninh vẫn có những cuộc đụng độ, tuy vậy nhân viên an ninh cũng dần trốn đi, điều thú vị là một vài giáo dân đã “bắt” được ba nữ nhân viên an ninh (hay công an gì đó) đã đuổi đánh người phụ nữ Mường và anh thanh niên, đang trốn trong nhà vệ sinh, ba cô này cũng bị lãnh nhiều lời lẽ nặng nề và cả bị “ăn đòn” vào buổi chiều.

Thánh giá dựng lên, cổng chính đã mở tung, đoàn giáo dân đông đảo cùng với các Linh mục tiếp tục cầu nguyện và cất lên tiếng nói đòi công lý trong hòa bình và tôn trọng nhân quyền. Một vài Linh mục đã yêu cầu gặp các cán bộ hữu trách đang bảo vệ Tòa Khâm Sứ để yêu cầu trả lại tài sản là máy quay phim, máy ảnh, điện thoại mà họ đã chiếm giữ trái phép của anh thanh niên trèo tường vào lúc đầu.

Sau khi dùng cơm trưa, đoàn giáo dân đông đảo ấy lại cùng nhau sang Tòa Khâm Sứ, sang nhà của họ. Lúc này chính quyền điều động đến hiện trường rất đông nhân viên an ninh, công an, cảnh sát 113, cảnh sát cơ động với hy vọng dập tắt tinh thần của giáo dân. Dù vậy, trước hàng ngàn giáo dân đấu tranh hòa bình cho công lý, họ cũng chỉ biết đứng yên lặng nhìn. Hàng nghìn giáo dân đã cùng nhau tháo dỡ tất cả 5 cánh cổng trước Tòa Khâm Sứ, xếp vào trong và khóa lại. Như vậy, tất cả các lối vào sân Tòa Khâm Sứ đã được mở rộng. Nhiều cuộc đụng độ căng thẳng mạnh mẽ đã xảy ra giữa công an và giáo dân.

Buổi chiều, vẫn có rất đông bà con giáo dân cầu nguyện và đấu tranh ở hiện trường. Họ đã dựng lên nhiều phông bạt để che nắng mưa và tránh giá rét khi cầu nguyện, chuẩn bị cho một tiến trình mới mà chắc chắn có nhiều khó khăn trắc trở. Điều đặc biệt là có mấy anh làm công tác bảo vệ trong Tòa nhà Khâm Sứ phải lẩn trốn, sau vì quá sợ nên đã đến van xin bà con không trách cứ và mấy anh còn trao cho giáo dân 2 chùm chìa khóa của Tòa Khâm Sứ. Thật là một điều không ai ngờ. Nhiều người nghĩ rằng việc trao lại tòa Khâm Sứ lại diễn ra đơn giản vậy thôi sao, nhưng chắc chắn chặng đường trước mắt còn nhiều truân chuyên, khó khăn hơn. Dù vậy, họ tiếp tục cầu nguyện và cậy trông, phó thác trong tay Chúa và Mẹ Sầu bi.

Đại diện TGM Hà Nội không tán đồng những quy chụp của Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm

Khoảng 17h chiều, Cha Gioan Lê Trọng Cung, Chánh văn phòng TGM đã tiếp chính quyền cùng với đại diên các cơ quan của quận Hoàn Kiếm vào “làm việc” với Tòa TGM Hà Nội. Theo nguồn tin chúng tôi được biết, đại diên chính quyền, ông chủ tịch UBND Quận đã khăng khăng quy kết việc tổ chức giáo dân tụ tập đông người cầu nguyện ở ngoài nơi thờ tự, tranh chấp đòi lại đất đai là vi phạm pháp luật, rằng có sự chỉ đạo của các chức sắc giáo hội, ông cũng khẳng định “đất đai là thuộc sở hữu của nhà nước, nhà nước có thể cấp đất cho các tổ chức, các nhân sử dụng lâu dài và ổn định..”. Ông còn tỏ vẻ nghiêm khắc yêu cầu Tòa TGM nhanh chóng hoàn lại nguyên trạng cho khu 42 nhà chung và giải tán các buổi tụ tập cầu nguyện đông người ở đó… Đại diện Tòa Tổng Giám mục, Cha Gioan Lê Trọng Cung đã tỏ ý không tán thành những điều quy chụp của đại diện chính quyền, yêu cầu chính quyền phải nghiêm túc sớm giải quyết trao trả lại cho Giáo Hội khu Tòa Khâm Sứ đó.

Công an và Chủ tịch Quận nói truyện với LM Chánh Văn Phòng TGM
Buổi tối, mấy trăm giáo dân, tu sỹ đã tiếp tục tụ họp cầu nguyện rất sốt sắng và cảm động. Khoảng 21h30, một ông cụ dáng vẻ hớt hải chạy vào báo cho mọi người biết Cụ vừa bị đánh khi cầu nguyện ở đây xong đang trên đường về nhà, theo cụ thì đó là công an hành hung. Mọi người rất bức xúc trước thái độ của những người làm công tác an ninh bảo vệ dân mà lại hành hung một cụ già trên 80 tuổi một mình đi trên đường về nhà, hơn nữa cụ lại bị đánh ngay trước trung tâm bồi dưỡng chính trị Đảng của quận Hoàn Kiếm. Từ trong tòa nhà này, chính quyền còn cho người quay phim cảnh giáo dân bảo vệ cụ già, nhiều người cho rằng việc đánh cụ già là một âm mưu để sách động dân chúng rồi quy cho họ tội làm rối trật tự an ninh để lấy cớ đàn áp các buổi cầu nguyện.

Sau những giờ cầu nguyện sốt sắng, phần lớn giáo dân đã ra về, lúc này ở hiện trường còn mấy chục người tình nguyện ở lại qua đêm ở đây để bảo vệ, đề phòng âm mưu phá hoại của công an và chính quyền. Thật nực cười khi hàng chục anh công an đến yêu cầu những người giáo dân đang túc trực trong sân Tòa Khâm Sứ phải khai báo tạm trú tạm vắng nếu qua đêm ở đây, giọng điệu của họ rất hống hách trịch thượng.Nhiều người phản ứng mạnh mẽ, họ nói “chúng tôi không ngủ, chúng tôi đến đây canh thức cầu nguyện, hơn nữa, đây là nhà của chúng tôi không ai có quyền yêu cầu chúng tôi làm việc đó”. Thật nực cười khi ở chính nhà mình lại phải khai báo tạm trú với chính quyền, hơn nữa, nếu khai báo tạm trú thì trú ở Tòa Khâm Sứ với chủ nhà là ai?...

Giáo dân Thái Hà tiếp tục kéo đến canh thức tại Tòa Khâm Sứ

Giờ đã gần nửa đêm, chúng tôi nhận thấy có một số giáo dân đến từ giáo xứ Thái Hà. Họ nói đến đây cùng hiệp thông cầu nguyện và canh chừng Tòa Khâm Sứ bởi nhiều người nhận định đêm nay ó thể công an và chính quyền sẽ gây “sự biến” gì thì khó có ai mà lường trước được.

Một ngày dần khép lại, lời cầu nguyện vẫn đang vang vọng trên không gian Tòa Khâm Sứ, muôn tâm tình, muôn tấm lòng chung một ý hướng để cho công lý được sớm thực thi. Để kết hành trình một ngày đầy biến động, chúng ta cùng cất lên lời kinh tha thiết:

Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm….”
 
Đoạn Video bảo vệ xôn xao khi người phụ nữ Mường vào dâng hoa
PV VietCatholic
12:56 25/01/2008
 
Video công an và bảo vệ đánh người phụ nữ Mường
PV VietCatholic
13:34 25/01/2008
 
Thánh Giá dựng lên rồi! Dậy mà đi, Dân Chúa ơi!
Bs Vũ Linh Huy
13:47 25/01/2008
Thánh Giá dựng lên rồi!
Dậy mà đi, Dân Chúa ơi!


Dân Chúa đẩy tung cổng “Toà Khâm”
Tiếng reo vang dội tưạ sét gầm.
Giống hệt Paris ngày khởi nghiã,
Phá Ngục Bastilles chốn giam cầm!

Thánh Giá uy nghi đã dựng cao,
Ngay cưả Toà Khâm, giưã lối vào
Khiến lòng Dân Chúa thêm kiên vững,
Tin tuởng quyền năng tự Trời Cao.

Đừng ghép “cuồng tín” cho dân tôi.
Dân tôi nhẫn nhục tự lâu rồi:
Mấy phen giết chóc và đầy ải,
Rẻ khinh, kỳ thị chẳng hề ngơi.

Công giáo là dân dưới hạng nhì,
Bị nhìn với con mắt hoài nghi,
Chỉ người tham lợi mà bỏ Chúa
Mới được Đảng cho một chức gì.

Tài sản nhà thờ “mượn” bao năm,
Đo đạc, bán, thuê cứ ngấm ngầm,
Tiền túi chia nhau tiêu như nước,
Bị đòi lại giả điếc cùng câm!

Vùng quê Dân Chúa bị đạp chà,
H-Mông công giáo tại Sơn La,
Bỏ nhà, bỏ bản vì cấm cách,
Trốn vào giữ đạo tận rừng xa!

Xin trả tự do cho dân tôi,
Nhân quyền, nhân phẩm, trọn quyền người.
Tự Do Tôn Giáo cho cả nước,
Cho mọi con dân cuả Phật, Trời!

Nay giờ đã điểm Dân Chúa ơi!
Đứng dậy mà đi, khóc đủ rồi!
Dậy đi, thắp nến và cầu nguyện,
Đẩy lui bóng tối, dựng đời tươi!

Boston, ngày 25 tháng 1 năm 2008
 
Công Giáo VN hải ngoại cần phổ biến rộng rãi tin tức, hình ảnh cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội.
Vietcatholic
14:48 25/01/2008

Công GiáoVN hải ngoại cần phổ biến rộng rãi tin tức, hình ảnh cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội.



Nhằm mục đích yểm trợ tinh thần cho các giáo dân Hà Nội đang trải qua những giây phút vô cùng nghiêm trọng trong công việc đệ đạt nguyện vọng yêu cầu nhà nước trả lại Tòa Khâm Sứ, Vietcatholi đề nghị các cộng đoàn giáo dân Việt Nam tại khắp nơi trên thế giới cần làm 2 công việc sau đây:

1. Tiếp tục gia tăng lời cầu nguyện cho giáo dân Hòa Nội vì tại hiện trường Tòa Khâm Sứ, giáo dân đang trải qua những giờ phút căng thẳng tột độ. Giáo dân đã bị công an, lực lượng bảo vệ đánh đập trọng thương và hiện nay giáo dân đang ngủ tại tòa Khâm Sứ dưới trời mưa lạnh lẽo mùa đông để canh gác tài sản của Giáo Hội

2. Xin các Linh Mục quản nhiệm, các ban mục vụ, các người thiện chí trong cộng đoàn, nhất là các bạn trẻ có hiểu biết về Internet, hãy vào mạng lưới www. Vietcatholic.net để in ra các hình ảnh và các tin tức từ Hà Nội gửi sang. Sau đó lấy các hình ảnh và các tin tức này hoặc làm Slide Show, hoặc dán lên một cái bảng (Poster) rồi xin phép cha chính xứ cho đặt ở cuối nhà thờ để giáo dân đi lễ biết được tình hình cuộc tranh đấu của giáo dân Hà Nội hiện đang diễn tiến ra sao. Việc làm này rất cần thiết và có tầm ảnh hưởng lớn để giáo dân gia tăng lời cầu nguyện và hiệp thông với Giáo Hội Mẹ tại Việt Nam. Ước mong mỗi người sẽ cầu nguyện và đóng góp việc làm cụ thể để hỗ trợ giáo dân tại quê nhà
 
Tòa Khâm Sứ ngày 25.01.2008: Một ngày lịch sử sang trang
PV VietCatholic
19:45 25/01/2008
Tòa Khâm Sứ ngày 25.01.2008: Một ngày lịch sử sang trang

Nhật ký Nhóm phóng viên VietCatholic

CẢNH 1:

Chúng tôi có mặt lúc 7 h 45’. Các phóng viên của AP, AFP, và UCAN cũng có mặt. AP hùng hậu nhất với ba người cho cả báo ảnh và báo viết và truyền hình.

Các ngã ba ngã tư trên các con đường đổ về Toà Giám Mục cảnh sát vàng xanh đông bất ngờ. Đầu phố và cuối phố là mấy chiếc xe càn. Một xe cảnh sát 113 đậu ngay gần cổng Toà Giám Mục. Hễ có xe nào dừng lập tức cảnh sát thúc ép phải đi ngay.

Từng nhóm cảnh sát trật tự đi hai bên lề đường. Các nhân viên an ninh mang thường phục cũng tràn ngập khu vực trước Toà Khâm Sứ và trong Toà Giám Mục để nghe ngóng và giám sát giáo dân.

Trong khu vực Toà Giám Mục-Nhà Thờ Lớn không khí từng bừng của ngày hội lớn. Một đoàn nào đấy rước quà cáp có cả một con lợn quay thò đầu ra tiến vào nhà Đức Hồng Y trông đến vui.

Lúc đấy khoảng 9 giờ sáng. Một loạt cồng chiêng âm vang dạo đầu. Rồi một đợt trống nổi dồn dập. Sau đó là tiếng kèn xung trận đầy khí thế với bài: Tiếng nhạc oai hùng, vang lên khắp cõi trời Việt Nam…

Tôi quay ra thì thấy đoàn cồng chiêng của Mường Riệc, rồi đội trống Nội Hồ, Thạch Bích, rồi đoàn kèn đồng của Thượng Thụy và Hàm Long. Cả ba khối đều mặc đồng phục trông thật bắt mắt và hoành tráng. Phía sau là cả một đoàn người đông đảo gồm các linh mục tu sĩ và giáo dân trở về đây từ nhiều tỉnh thành trong ngoài giáo phận.

Đoàn người tiến bước đầy khí thế. Tiếng bước trong lời ca tiếng hát thi vị. Thoáng chốc con phố đã biến thành nhà thờ. Lời kinh tiếng hát, nhịp trống, điệu kèn cứ lần lượt vang lên mênh mông theo sự hướng dẫn của linh mục chủ sự.

Từng lớp trong khối người đông đảo trên phố ra vào tiến lui rất nhịp nhàng. Khi nhóm này dừng thì nhóm kia tiến. Nhóm này rẽ hai bên thì nhóm kia đi ở giữa. Nhóm này kết thúc thì nhóm kia bắt đầu. Không có bất cứ một sự mất trật tự nào. Chỉ thấy nơi đoàn người đông đảo vừa mới kết nhóm kia một sự hài hoà, thành tín đáng khâm phục.

CẢNH 2:

Khoảng 9 h 30’ chúng tôi theo đoàn người trở về bên phần sân Toà Giám Mục. Khoảng 9 h 45 đoàn rước bắt đầu tiến ra nhà thờ. Giáo dân đứng bên ngoài không đông lắm. Có lẽ do trời quá rét.

Đức Hồng Y Phaolô-Giuse, nhân vật trung tâm của buổi lễ hôm nay, dù tuổi cao sức yếu, tưởng chừng không ra tham dự được vậy mà cũng thấy ngài phẩm phục oai phong ngự trên toà nơi gian cung thánh ngay từ đầu chí cuối thánh lễ. Đôi mắt vẫn tinh anh.

Chúng tôi thấy hiếm có cuộc lễ nào nhiều giám mục và linh mục đến vậy. Có mười hai Đức Cha, khoảng 130 linh mục và khoảng hơn 2000 giáo dân. Số linh mục đến chủ yếu từ hai giáo phận Bắc Ninh và Hà Nội. Có cả Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Sài Gòn cũng có mặt. Phải thôi. SG-HN phải nối với nhau trong lúc khó khăn và đau khổ, vui mừng và hy vọng này.

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Sài Gòn chủ tế. Đức Giám Mục Cao Bằng-Lạng Sơn giảng lễ. Một thánh lễ trọng thể, thật cảm động. ấm áp tình nghĩa gia đình. Làm sao kể hết các tình cảm tốt đẹp của các thành phần dân Chúa bày tỏ đối với vị chủ chăn đáng kính của mình.

Đức Hồng Y Phaolô-Giuse nói về mình rằng ngài chỉ là một con người bé mọn, được Chúa thương cắt nhắc lên hàng tư tế, trao cho những trao cho những trọng trách trong Giáo Hội vượt quá khả năng của mình. Rằng bản thân ngài luôn cố gắng hoàn thành sứ vụ của một tông đồ, nhưng vì là con người cho nên không thể không có khiếm khuyêt, do đó xin mọi người cầu nguyện và lượng thứ cho ngài.

Người ta nói về Đức Hồng Y rằng ngài là người cha nhân hậu, mục tử tốt lành, người thầy gương mẫu, bề trên thánh thiện, luôn tin ở tình yêu Thiên Chúa. Người ta nói ngài là chứng nhân lịch sử, là vị lãnh đạo tài ba và khôn ngoan ở Miền Bắc đau thương này trong hơn nửa thế kỷ qua. Người ta nói Ngài là quà tặng quí giá Chúa ban cho Giáo Hội.

Kết thúc một linh mục nói đại ý rằng: Chúng ta hãy noi gương ngài. Chúng ta cũng biết rằng ngay từ khi trở về Hà Nội làm Tổng Giám Mục ngài đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng xin lại khu nhà đất của Toà Giám Mục vốn trước đây dùng làm Toà Khâm Sứ mà nay đang bị các cơ quan chiếm dụng bất công. Giờ đây chúng ta hãy làm cho nguyện ước của ngài được thành sự. Chúng ta hãy tiến ra cầu nguyện ở bên Toà Khâm Sứ ngay bây giờ và sau bữa ăn trưa.

CẢNH 3

Thế là phiên cầu nguyện thứ hai bắt đầu. Trời mưa lạnh. Đoàn người vẫn đầu trần tiến bước dưới mưa trong tiếng hát, tiếng kèn, tiếng trống. Lúc ấy khoảng 11 h 30.

Ngay khi đoàn rước vừa tới khu vực Toà Khâm Sứ chúng tôi thấy có một số tiếng ồ lên, rồi tiếp theo là những tiếng la ó mà những lời hát thánh ca phát ra từ máy phóng thanh không làm át đi được.

Hoá ra là một chị người Mường đang trèo lên hàng rào. Rồi một người trao hoa cho chị. Rồi chị ôm bó hoa chạy vào dâng Đức Mẹ Sầu Bi. Lập tức hơn một chục bảo vệ mà chúng tôi tin là có cả các công an giả dạng thường dân đứng bên trong hung hăng sáp lại vồ lấy như một bầy hổ trong chuồng thấy con mồi được ném vào.

Một màn rượt đuổi và chụp bắt ngoạn mục. (Xem phần video chúng tôi quay được đã phát từ sớm trên mạng) Họ lôi kéo chị và giằng co với chị. Họ giữ chị. Chị cứ vùng ra. Họ lôi chị đi ra. Chị cứ ghì người lại. Họ đẩy chị lùi lại. Chị cứ tiến lên. Mấy cô gái chắc là mấy nữ công an hình sự còn hung hăng hơn cả mấy anh mang đồng phục bảo vệ có những hành động khống chế nặng tay với chị.

Cả hàng nghìn người nghẹt thở trong lời hát.

Nếu người chị em mình bị hành hạ như thế mà cứ đứng nhìn và hát thánh ca thì thật là bất nhân chứ đừng nói là thiếu bác ái. Một số người phản đối. Các bà trước nhất.

Cùng lúc ấy một người khác nhảy vào chia lửa. Một thanh niên. Anh cầm máy quay phim nhảy tường rào leo vào quay cảnh đuổi bắt. Lập tức các nhân viên bên trong buông chị phụ nữ và quay về bắt giữ anh thanh niên.

Lôi kéo giằng co dữ dội (Xem băng video chúng tôi quay được từ xa) Gần một chục nhân viên nam nữ lôi anh về phía quán phở. Ở đấy có ngôi nhà nhỏ và một lối đi nhỏ. Họ tống anh vào đó. Không thấy họ trở lại. Thế là đủ biết họ đang đánh anh ở bên trong.

Có một số linh mục chạy ngược phố tiến vào lối đi nhỏ bên trong quán phở cùng một số giáo dân. Chúng tôi bám theo. Chúng tôi thấy có tiếng la hét bên trong. Chúng tôi biết là có đánh người. Các linh mục và giáo dân yêu cầu bảo vệ bên trong thả người. “Các anh không cho người ta cắm hoa, thì thả người ta ra. Không được giữ người. Không được đánh người!”.

Một anh bảo vệ đứng bên trong cửa cứ làm thinh. Bà con bắt đầu đập cánh cửa sát nhỏ. Nhưng nó quá vững.

Tức thì một người chạy ra bên ngoài đi tìm micro kêu gọi can thiệp. Một lát sau chúng tôi thấy trên loa phóng thanh kêu gọi: “Xin cộng đoàn chúng ta dừng đọc kinh. Yêu cầu các nhân viên bên trong thả người của chúng tôi ra. Phản đối hành vi bắt giữ người. Phản đối hành vi đánh người. Phản đối!”.

Tiếng loa phóng thanh yêu cầu trả người liên tục lập đi lập lại yêu cầu. Vẫn không thấy anh thanh niên bị bắt và các nhân viên bảo về trở lại ra sân.

Cả cộng đoàn đứng bên hàng rào sắt bắt đầu lay hàng rào. Hàng rào đung đưa dữ dội như hàng cây bị gió bão quật mạnh. Chúng tôi có cảm giác nó sắp đổ sập đến nơi.

Nhiều người nam nữ bắt đầu tiếp tục vượt qua hàng rào vào giải cứu anh thanh niên và bảo vệ chị phụ nữ.

Các nhân viên bảo vệ bắt giữ và tấn công một số người khác nữa.

Tiếng loa phóng thanh tiếp tục lập lại yêu cầu trả người: Xin trả người của chúng tôi. Chúng tôi chưa thấy các người bị đánh được thả ra và đưa về phía cổng Toà Giám Muc.

Đến lúc này các nhân viên bảo vệ dong anh thanh niên bị bắt trở lại hàng rào. Theo sau là cả một đoàn người đông đảo. Hoá ra là khi áp lực thả người từ loa phóng thanh, từ sự im lặng của cộng đoàn, các nhân viên bảo vệ tính đưa anh thanh niên qua cửa phụ phía quán phở, nhưng khi mở ra thì trong ngõ tràn vào.

Các nhân viên bảo vệ tính buộc anh thanh niên trèo qua hàng rào ra ngoài. Nhưng lúc này đã quá muộn. Thấy anh thanh niên còn bị giữ, diễu hành trước mặt cả nghìn người, hàng trăm người khác ồ ạt vượt rào chạy vào.

Loa phóng thanh tiếp tục yêu cầu trả người.

Loa phóng thanh kêu gọi đưa các nạn nhân về phía phòng trực Toà Giám Mục.

Loa phóng thanh kêu gọi y tá trợ giúp.

Loa phóng thanh kêu gọi tìm xe cứu thương.

Cả nghìn người vô cùng phẫn uất.

Rất nhiều tiếng hô, tiếng thét nổi lên.

Hàng trăm người bất chấp nguy hiểm, không kìm được cơn phẫn uất dồn nén, đã vượt ra tràn vào. Họ giải thoát được anh thanh niên bị đánh và mấy chị phụ nữ.

Một số người lao thẳng đến chỗ Đức Mẹ cầu nguyện. Một số giật phắt các bảng hiệu gắn trên tường Toà Khâm Sứ. Một số muốn xô cửa xông vào bên trong toà nhà. Một số cãi cọ với các nhân viên bên trong.

Lại thấy loa phóng thanh kêu gọi mọi người kiềm chế: “Xin cộng đoàn giáo dân bình tĩnh. Xin cộng đoàn kiềm chế. Xin không có các hành vi bạo lực. Xin gìn giữ không xúc phạm đến các tài sản của Giáo Hội”

Các nhân viên bảo vệ mau chóng tự động giải tán. Các nhân viên của các cơ quan bên trong không dám đứng nhìn đắc thắng ngạo nghễ như lúc đầu. Họ rút vào bên trong hai toà nhà khoá cửa cố thủ.

“Vỡ trận”.

Cộng đoàn tràn vào sân tiến đến chỗ tượng Đức Mẹ và cầu nguyện. Các nữ tu thuộc số những người nhanh chân nhất, vì họ đã quen lối vào phía quán phở.

Đoàn kèn trống của Hàm Long và Thượng Thụy cũng đã vào được. Họ mau chóng nhập đội hình và “tiếng nhạc oai hùng, vang lên khắp cõi trời Việt Nam…” lại bắt đầu.

Được cổ vũ bởi tiếng kèn hùng tráng, bên ngoài, đoàn người đông đảo vẫn bám sát bờ rào và tiếp tục lung lay dữ dội.

Giáo dân Hà Nội dựng Thánh Giá tại Tòa Khâm Sứ
Cũng khi ấy chúng tôi thấy một số giáo dân khiêng ở đâu ra toà nhà khâm sứ một cây thánh giá sắt khá lớn. Trông dung nhan vóc dáng chúng tôi đoán không phải người ở Hà Nội. (Xin xem hình chúng tôi chụp được đã công bố).

Ngay khi cây thánh giá được khiêng đến cổng chính Toà Khâm Sứ, thì cánh cổng sắt đổ sập. Đoàn người công kênh thánh giá tiến vào. Trong nháy mắt thánh giá đã được dựng lên. Không phải chỉ bằng gạch đá bê tông cốt thép mà trước nhất và trên hết là bằng niềm tin. (Xin xem đoạn phim chúng tôi quay được).

Lúc ấy khoảng 12 h 30, ngày thứ sáu 25.01.2008 lịch sử.

CẢNH 4

Cánh cổng vỡ.

Toàn thể cộng đoàn tự do ùa vào Toà Khâm Sứ. Trống cồng khua rộn ràng chẳng theo bài bản nào. Rồi đoàn kèn cũng vào. Họ lại thổi bài Tiếng nhạc oai hùng. Họ thổi cho hả lòng hả dạ, cho đã cơn phẫn uất.

Theo chương trình thì còn có giờ cầu nguyện thứ ba, sau ăn trưa, nhưng cảnh hỗn loạn xảy ra, khiến rất nhiều chẳng có lòng dạ nào để ăn nữa. Họ cầu nguyện liên lỉ. Cả các linh mục, tu sĩ lẫn giáo dân. Họ đội mưa cầu nguyện giữa trời. Bây giờ thì chẳng còn lượt ba nữa. Chỉ còn giao dân liên lỷ cầu nguyện.

Các giáo dân cắm thánh giá xuống phần đất trước cửa lối lên bậc tam cấp Toà Khâm Sứ. Nhưng cây thánh giá cứ đu đưa trong gió. Thấy có vẻ nguy hiểm và có thể dễ bị kẻ xấu nhổ lên, họ bàn nhau phải xây cho chắc. Thế là họ đi kiếm cuốc xẻng, xi măng, gạch cát. Chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng họ đã xây xong bệ thánh giá.

Chỉ một lát sau quanh tượng Đức Mẹ Sầu Bi và thánh giá đã đầy hoa. Có cả một lẵng hoa lớn còn băng rôn của Thành uỷ-HĐND-MTTQ thành phố Hà Nội chúc mừng Đức Hồng Y.

Băng bó vết thương và xoa dịu vết thương lòng cho những người bị đánh

Trong khi đó, chúng tôi thấy gần chục người nam nữ dìu anh thanh niên bị đánh sang nhà khách Toà Giám Mục.

Lập tức chúng tôi thấy một linh mục kêu các bác sĩ và y tá. Các nữ tu xem xét vết thương và cùng bạn bè chăm sóc anh ta ngay tại phòng khách Toà Giám Mục. Hồi lâu sau các bác sĩ cũng tới. Trong khi đó, các công an chìm cũng mon men tìm cách đột nhập vào nhưng các nữ tu giữ phòng khách đã nhanh chóng khoá cửa.

Một phóng viên ngoại quốc tìm vào tiếp xúc nạn nhân. Hình như người của Hãng AP. Chúng tôi cũng vào. Chúng tôi thấy chụp được hình nạn nhân. Tên anh là Lê Quốc Quân. Nhiều người nói với chúng tôi dó là một giáo dân Công giáo đạo đức trong thành phố (Xin xem hình)

Chúng tôi thấy trán anh bị đánh trán xưng lên như mấy quả cau. Mặt mày tái mét, còn chưa hết cảnh bàng hoàng. Anh nói rằng anh không thể nào ở yên khi chứng kiến niềm tin, tình yêu và lòng can đảm của chị phụ nữ người Mường. Anh muốn vào “chia lửa” với chị và với Đức Mẹ.

Anh nói khi bị giữ và giải về trong cái phòng phía cổng quán phở. Người ta giữ anh lại trong phòng, có năm sáu người giữ và đánh anh ta. Họ thục gối vào bụng anh. Đấm và tát anh tới tấp. Dập đầu anh vào tường. Cả mấy chị nữ bảo vệ ăn mặc như dân chơi cũng xông vào đánh anh. Anh nói nếu giáo dân chậm phản đối việc đánh người và chậm vào giải cứu vài phút, thì có thể người ta sẽ đánh chết anh.

Anh nói anh sẵn lòng hy sinh vì Chúa, vì Đức Mẹ, vì Giáo Hội. Anh cảm thấy vô cùng cảm động và an ủi khi chứng kiến tình thương yêu đùm bọc của các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân dành cho anh.

Các linh mục giúp giáo dân dàn xếp với cán bộ

Ngay khi cánh cổng chưa sập, thì chúng tôi thấy cha Quế, cha Lý đã vào Toà Khâm Sứ. Một nhóm giáo dân đã đi theo các ngài. Tất cả đã tràn vào vây quanh hai cán bộ mà các cha và giáo dân nghĩ là cán bộ của cơ quan chủ quản đang đóng ở đây. Các anh đi vào cái quán nhỏ phục vụ cho sân tennis ở phía sau Toà Khâm Sứ. Lát sau, chúng tôi cũng thấy có cha Ruẫn, cha Phượng, cha Khải, cha Hoà đi vào.

Trong khi hầu hết cộng đoàn đang cầu nguyện, số ở xa đã đi vào ăn trưa và ra về, thì nhóm các linh mục và giáo dân này đang vây quanh hai người cán bộ to béo kia để đòi lập biên bản về việc đánh người, lấy tài sản của người. Các linh mục và giáo dân yêu cầu (1) trả lại tài sản là kính, máy quay phim, (2) lập biên bản cơ quan chủ quản tổ chức bắt giữ người và đánh người trái phép, 3) yêu cầu cho các nhân viên bảo vệ dưới quyền đến cho giáo dân nhận mặt những kẻ đánh người.

Hai anh này cứ chối quanh co. Chối tư cách chủ quản của mình. Chối không biết ai đánh người. Giáo dân nói: Người ngoài vào các anh biết ngay và bắt đánh ngày, vậy mà người ở bên trong này các anh bảo các anh không biết thì vô lý. Bắt người ta cướp tài sản của người ta trước mắt mọi người mà bảo là không ai làm thì quá trắng trợn. Giáo dân bức xúc nhiều người đòi tự xử hai anh này. Các linh mục người lo kiềm chế các giáo dân này, người điện thoại yêu cầu đại diện chính quyền các cấp đến giải quyết.

Nhưng đại diện chính quyền bận. Không thấy ai. Nghe qua điện thoại thì biết các linh mục đang bất mãn vì thái độ trốn tránh trách nhiệm và không muốn tới hiện trường giải quyết của các cán bộ nào đó mà các linh mục gọi tới.

Tất cả giáo dân kiên quyết không ăn trưa, không về, nếu không giải quyết. Một số khác thấy tình hình có vè kéo dài đã ra ngoài tự lấy cọc, gỗ và thứ gì có thể che được làm tạm các lều che mưa. Một số khác kiên quyết đòi hai anh mở cửa văn phòng và lên làm việc ở văn phòng chứ không thể ở mãi trong cái kho này được.

Chúng tôi cùng một anh phóng viên của BBC thấy rằng nếu không có các linh mục ở đây thì chắc chắn hai anh cán bộ kia khó cũng giữ được an toàn. Áp lực của hàng trăm giáo dân rất mạnh. Cha Quế tiếng lạc đi cũng không thể giữ được yên lặng.

Giáo dân kèm hai anh cán bộ lên toà nhà mà trước làm nhà Đức Khâm Sứ. Cùng lúc ấy có anh Sơn công an thành phố và anh Tư công an quận tới cùng các nhân viên khác. Các nhân viêc bên trong mở cửa. Các cán bộ và các linh mục đi vào. Có mấy giáo dân đi theo. Chúng tôi thấy có các cha Quế, Lý, Cung, Hoà, Hùng, Ruẫn, Khải và một số giáo dân đi vào mang theo máy quay phim và áy chụp ảnh.

BÀn thảo bên trong. Họ khoá trái cửa. Giáo dân đông đảo đứng dưới mưa bên ngoài.

Không biết hai bên bàn thảo thế nào mà kéo dài hơn 1 tiếng nữa. Khoảng 15 h chúng tôi vẫn chưa thấy các bên ra khỏi phòng. Thế là cuộc bàn thảo để giải quyết vấn đề đánh người và lấy tài sản của người kéo dài đã gần 3 tiếng đồng hồ. Không biết kết cục ra sao?

Trong khoảng thời gian đó, hầu hết giáo dân cứ đứng dưới mưa cầu nguyện. Không biết ai nhanh trí và có lòng bác ái đã mua cả trăm hộp cơm mang về để ở khu vực Toà Khâm Sứ. Chúng tôi cũng được hưởng nhờ một hộp. Chưa hết, ai đó còn mua hàng trăm áo đi mưa mang đến cho các tín hữu. Chúng tôi cũng được hưởng nhờ một cái. Thật là ấm áp cõi lòng.

Sau hàng giờ dưới mưa, các tấm áo mưa và các cái ô nhỏ không đủ để chứa người, ai đó đã nhanh trí đi mua bạt về. Các ông các anh đi thuê ở đâu cái bộ khung sắt làm phông bạt đám cưới và khiêng ra sân Toà Khâm Sứ. Họ mau chóng dựng mấy cái lều bạt cho giáo dân trú mưa cầu nguyện.

Một đoàn đông đảo giáo dân bức xúc trước cảnh đánh người và cướp của người, mà mãi chưa giải quyết xong, đứng ngoài hàng rào, đã ấy đổ nốt cái cửa sắt còn lại giáp cổng nhà chung. Cùng lúc ấy đoàn người khiêng cái khung sắt lều tạm tiến vào (Xem hình chúng tôi chụp được).

Cảnh sát trật tự đi lại bên vỉa hè làm trật tự chứng kiến. Các công an quận đang đứng nói chuyện với một cha, hình như là cha Bình ở Toà Giám Mục.

Khoảng hơn 15 giờ chúng tôi thấy một công an đi ra khỏi phòng cùng cha Lý. Thấy hai người tiến về phía khu vực giáp quán phở và khu vực nhà bảo vệ đang tạm trú. Đông đảo giáo dân đi theo. Chúng tôi thấy một cái máy quay phim hiệu Sony treo trên một cái xe máy. Giáo dân nhận diện đúng là cái máy đã bị đánh cướp. Giáo dân và các công an lại ồn ào lời qua tiếng lại một hồi lâu.

Khoảng 15 h 15 chúng tôi thấy đoàn các linh mục, cán bộ và công an đi ra khỏi căn phòng khoá trái cửa. Không biết sự vụ đánh người và cướp đồ người giải quyết thế nào mà các cha xem có vẻ mệt mỏi. Nhưng giáo dân bên ngoài trời mữa rét thì lại phấn chấn vui tươi. Họ đang tha thiết cầu nguyện giữa trời mưa.

Anh công an Dược và một anh nữa đi qua họ vẫn coi như không có trên đời. Các anh im lặng cúi mặt bước đi co ro với điếu thuốc lá dưới trời mưa. Trông thật tội nghiệp. Trong khi đó, các cảnh sát trật tự và các bảo vệ vẫn ở xa xa ngoài hè phố và khoảng sân nơi góc xa xa phía quán phở.

Có hai cha ở trong ra có lẽ đói qua cho nên ngồi ăn cơm hộp bên bờ tường toà khâm sứ với giáo dân.

CẢNH 5

Khoảng 20 h tối chúng tôi thấy Cha xứ Nhà thờ Chính toà ra thăm hiện trường và cầu nguyện cùng cộng đoàn.

Khoảng 21 h tối qua 25.01 hàng trăm giáo dân vẫn cầu nguyện trong Toà Khâm Sứ. Họ đến từ khắp các giáo xứ trong thành phố. Ba lều bạt được dựng tạm trước tượng Đức Mẹ bên gốc đa.

Công an tụ tập ở căn nhà 33 phố Nhà Chung và trong phòng bảo vệ của Toà Khâm Sứ. Một số sinh sự lôi thôi. Một số thanh niên lạ mặt đến sinh sự và đánh một số người canh thức cầu nguyện.

Giáo dân tập trung cầu nguyện đông. Khoảng 21 h đêm mọi người ra về dần. Trời mưa rét, chúng tôi thấy một số chị em và một số thanh niên sinh viên Công giáo kéo nhau đến canh thức và cầu nguyện bên Đức Mẹ.

Một đêm canh thức trong rét buốt nhưng tâm hồn đầy quả cảm

Khoảng 22 giờ có khoảng 20 chục giáo dân, không kể nữ tu và nam tu, canh thức tại hiện trường sân Toà Khâm Sứ.

Các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội cũng hiện diện và trợ giúp giáo dân canh thức bên Toà Khâm Sứ.

Công an đến sinh sự và đòi giải tán, nhưng giáo dân và nam nữ tu sĩ phản đối, gần 23 giờ đêm chúng tôi còn thấy một nhóm sinh viên công giáo đến canh thức và ngủ đêm tại hiện trường.

Gần 100 người gồm các bà các chị xa quê, các sinh viên, các nữ tu đã canh thức trọn đem. Sáng nay, 26 01.2008, lúc 6 h 30 các giáo dân nam nữ đã ra về bình an. Một nhóm giáo dân khác vừa đến hiện trường cầu nguyện tiếp.

Có mặt ở hiện trường sáng sớm hôm nay, chúng tôi thấy người ta nhắn tin và kêu gọi như sau:

"Xin anh chị em nào có công việc gì ra khỏi nhà nên ghé qua chỗ chúng tôi cầu nguyện và chia sẻ cho vui. Cũng nên biết đêm rồi chăn màn chỉ đủ cho hơn hai chục người. Thiếu chăn màn và thảm nghiêm trọng. Cả phản gỗ nữa. Xin anh chị em nào có hãy mau chở đến chia sẻ với chúng tôi. Mình tự động bảo nhau mang đến. Kẻo rồi ai đó lại đổ ấn cho Toà Giám Mục và cho các cha rằng các vị này tổ chức. Giáo dân chúng ta đã trưởng thành rồi. Chúng ta tự định liệu lấy phần việc chúng ta thấy và chúng ta có thể. Xin cám ơn".
 
Công Giáo Tây Ban Nha tức khắc làm Video về cuộc biểu tình ở Hà Nội ngày 25/1
Aciprensa
21:15 25/01/2008
Marcha pacífica de católicos vietnamitas sufre violenta represión policíaca

REDACCIÓN CENTRAL, 25 Ene. 08 / 01:04 pm (ACI).- Más de dos mil católicos que protestaban pacíficamente en las calles de Hanoi contra la decisión del gobierno de no devolver propiedades confiscadas por el régimen comunista, que originalmente pertenecían a la Iglesia en Vietnam, fueron violentamente reprimidos por la policía en las afueras del edificio que hasta 1954 era la Nunciatura Apostólica.

El sacerdote vietnamita An Dang reveló a ACI Prensa que al llegar a este edificio, algunas mujeres intentaron trepar las rejas para dejarle flores a la estatua de la Virgen María. Cuando fueron vistas por el personal de seguridad, fueron obligadas a bajar y golpeadas duramente con varas. Algunos de los que marchaban salieron en defensa de las mujeres y terminaron enfrentándose a los efectivos.

Durante el enfrentamiento, algunos de los manifestantes colocaron una gran cruz blanca en el frente de la antigua Nunciatura.

El P. Dang también indica que la protesta de hoy es el más grande desafío para el gobierno comunista no solo por su magnitud sino porque ha ocurrido solo algunos días antes de que las autoridades locales acusaran al Arzobispo Joseph Ngo Quang Kiet por "usar la libertad religiosa para provocar protestas contra el gobierno". Además, el gobierno también alega que estas protestas "han dañado las relaciones entre Vietnam y el Vaticano", y consideran que es probable una ruptura, explica el sacerdote.

Una fuente local dijo que la policía está tras todos aquellos que han participado en la marcha de hoy.

La marcha se inició en la Catedral de Saint Joseph y terminó en la antigua Nunciatura convertida ahora en un centro juvenil deportivo, una de las varias propiedades tomadas por el gobierno comunista. Autoridades eclesiales indican que poseen la documentación necesaria para probar que este inmueble efectivamente pertenece a la diócesis.
 
Thư ngỏ của GM Thái Bình gửi Đức TGM Hà Nội nhân sự kiện xẩy ra hôm nay
+GM F.X. Nguyễn Văn Sang
21:23 25/01/2008
 
Ngưỡng phục Luật sư Lê Quốc Quân (thơ)
Bs Vũ Linh Huy
23:41 25/01/2008
Ngưỡng phục Luật Sư Lê Quốc Quân

Tấm lòng ngưỡng phục gửi Anh Quân,
Nhân quyền, dân chủ, tranh đấu luôn.
Tra khảo, tù đày, lòng không sợ;
Đớn đau, thương tích, dạ chẳng buồn.
Thấy người tranh đấu thì hợp sức;
Giận kẻ tham tàn uất khí tuôn.
Ngọn lưả hôm nay từng âm ỉ,
Góp phần nuôi nó có Anh Quân.

Boston, ngày 25 tháng 1 năm 2008
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cha Cantalamessa: Môt điều răn mới
PhóTế Huỳnh Mai Trác dịch
19:48 25/01/2008
Từ “mới” thuộc về một nhóm từ rất kỳ diệu là những từ chỉ luôn mang lại những cảm xúc rất tích cực. Như “hoàn toàn mới”, “áo quần mới”, “đời sống mới”, “năm mới”, “một ngày mới”. Một sự việc mới tạo nên nguồn tin mới. Những từ này đều đồng nghỉa. Phúc Âm được gọi là “Tin Mừng” (good news) bởi vì Phúc Âm quả thật chứa đựng những điều rất mới mẻ.

Tại sao chúng ta lại quá tin tưởng vào những gì mới mẻ? Bởi vì là mới, chưa xử dụng (chẳng hạn xe mới) lẽ dỉ nhiên là chạy tốt hơn. Nếu đây chỉ là một lý do, tại sao chúng ta lại đón mừng năm mới hay một ngày mới trong vui mừng? Lý do sâu xa vì trong sự mới mẻ có điều gì còn ẩn dấu, chưa có kinh nghiệm, để lại cho ta nhiều khoảng trống để mà mong chờ, những bất ngờ, hy vọng và tưởng tượng. Và chính hạnh phúc phát sinh ra từ những tình cảm đó. Nếu chúng ta chắc chắn là năm mới vẫn y như năm cũ, không hơn không kém thì chúng ta chẳng có gì để mà náo nức.

Mới mẻ không trái nghỉa với “cổ xưa” nhưng phản nghỉa với “cũ kỹ”. “Đồ cổ”,“nguời buôn bán đồ cổ” v.v. là những từ rất tích cực. Như vậy thì có gì khác biệt? Cũ kỹ là cùng với thời gian trở nên xấu đi và không còn giá trị nữa, còn đồ cổ thì trở nên có giá trị với thời gian. Bởi vậy ngày nay những nhà thần học của Ý tránh dùng thành ngữ “Vecchio Testamento” (Old Testament) mà dùng từ ngữ “Antico Testamento” (Ancient Testament).

Bây giờ, chúng ta hãy suy nghỉ về Phúc Âm hay Tin Mừng. Vấn đề được nêu lên ngay tức khắc: Tại sao một diều răn đã được viết trong Cựu Ước (Leviticus 19:18)lại được gọi là “mới mẻ”? Thât là hữu ích khi phân biệt từ “cổ xưa” và “cũ kỹ”

Thánh Gioan thánh sử đã viết trong thư: “Các bạn thân mến, tôi không đưa ra một điều răn mới cho các bạn, nhưng một điều răn rất cổ xưa... nhưng đó là một điều răn mới mà tôi gởi đến cho các bạn” (1 John 2:7-8). Đó là một điều răn mới hay một điều răn rất cổ xưa. Cả và hai!

Nói một cách khác, đó là một điều răn cổ xưa vì đã được truyền bá từ thời xa xưa; nhưng theo Tinh Thần là mới, bởi vì Chúa Kitô là sức mạnh để đem ra mà thực hành. Như tôi đã nói mới ở đây không nghịch lại với cổ xưa mà với cũ kỷ. Điều răn hãy yêu thương người khác như chính mình là một điều răn rất cổ xưa trở thành cũ kỹ và yếu kém đi bởi vì được xem như một lề luật nhưng không có sức mạnh để thực hành lề luật đó.

Bởi vậy ân sủng là một điều cần thiết. Không phải khi Chúa Giêsu đưa ra điều răn hãy thương yêu lẫn nhau trong khi Chúa còn sống mà trở thành mới mẽ, nhưng chính khi Chúa chịu chết trên thánh giá và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Chúa đã tạo cho chúng ta tinh yêu thương lẫn nhau khi Chúa tuôn trào tình yêu thương của Chúa vào trong mỗi một người chúng ta.

Điều răn của Chúa Giêsu là mới mẻ trong một ý nghỉa rất sinh động, bởi vì điều răn đó làm cho mọi sự trở nên mới mẻ, đổi mới và biến cải tất cả mọi sự. “Và tình yêu đó đổi mới chúng ta, biến đổi chúng ta thành những con người mới, được thụ hưởng gia tài của Tân Ước, trở thành những ca sĩ của một bài ca mới” (St Augustine) Nếu tình yêu biết nói, thì đó là những lời của Chúa nói: “Này đây, Ta đổi mới tất cả mọi sự.”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cánh Tay Của Mẹ
Lm. Tâm Duy
00:21 25/01/2008

CÁNH TAY CỦA MẸ



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Con mỗi ngày một lớn

Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

(Trích thơ Mẹ của Đỗ Trung Quân)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền