Ngày 09-01-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Tính
Lm Vũđình Tường
06:40 09/01/2020
Đức Kitô, Đấng vô tội, không cần nhận phép rửa, thế nhưng Ngài đến xin Gioan làm phép rửa cho. Điều này gây thắc mắc, không phải chỉ chúng ta mà thôi, mà ngay cả Gioan cũng ngạc nhiên, tự hỏi tại sao Đức Kitô làm như thế. Vì thế Gioan lên tiếng: 'Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi' Mat 3,14. Đức Kitô không giải thích, đáp lại ông: 'Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính'. c.15.

Đức Kitô chịu phép rửa chắc chắn không phải do thống hối, ăn năn hay được sạch tội, mà chính là công nhận việc Gioan đang làm và điều ngài rao giảng. Đức Kitô xác nhận việc đó bằng nhiều cách khác nhau.

Thứ nhất, Đức Kitô xác nhận cho mọi người biết phép rửa của Gioan đến từ Thiên Chúa, và công việc rao giảng của ông chính là chuẩn bị lòng người sẵn sàng đón nhận Đấng Cứu Thế. Gioan công bố rõ ràng ông không phải là Đấng Cứu Thế mà chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, dọn đường cho Đấng Cứu Thế (Gn 1,23). Gioan đến làm chứng cho sự sáng, và phép rửa của Gioan là dấu chỉ của một tâm hồn thống hối, ăn năn, thể hiện ra bên ngoài bằng cách đến xin Ngài làm phép rửa. Gioan cũng xác nhận Ngài rửa bằng nước nhưng Đấng đến sau Ngài quyền phép hơn gấp bội, và phép rửa Ngài ban trong Thánh Thần và lửa Lc 13,15-17. Khi thấy Đấng Cứu Thế đi về phía mình, Gioan nói với các môn đệ ông: 'Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian. Người là Đấng tôi đã nói tới'. Gn 1,30.

Thứ hai, Khi Đức Kitô chịu phép rửa từ Gioan, có tiếng phát ra từ trên cao phán dậy: 'Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người' Mat 3,17.

Thứ ba, sau khi Đức Kitô lên trên bờ có ba sự kiện quan trọng xảy ra. Thứ nhất tầng trời mở ra; thứ hai, có tiếng phán từ trời cao và thứ ba, có Thánh Thần Chúa, dưới hình chim bồ câu, đến ngự trên Đức Kitô. Điều này mặc khải một Thiên Chúa, Đấng có có ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mặc khải này còn xác nhận Đức Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa.

Thứ tư, trở lại câu đáp về công chính của Đức Kitô cho Gioan. Hành động công chính là hành động ngay thẳng, công bằng hợp giáo huấn của Thiên Chúa. Đức Kitô chịu phép rửa là công khai tuyên bố Ngài đến không phải làm theo í riêng mà tự nguyện, vâng lời, thực hiện trọn vẹn í Thiên Chúa. Nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau, trong cuộc đời rao giảng, Ngài xác định, Ngài đến làm theo í Chúa Cha. Í của Thiên Chúa Cha là sai Chúa Con đến tha tội và cứu độ nhân loại.

Thứ năm, Đức Kitô luôn tiến xa hơn Gioan một bước. Gioan nhận mình là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Đức Kitô không những chỉ dọn đường mà Ngài còn tuyên bố chính Ngài là Đường, là sự thật và là sự sống. Ngài là Đấng lãnh đạo quyền uy nhưng rất nhẹ nhàng, đầy yêu thương và hay tha thứ. Là Đấng lãnh đạo, không như lãnh tụ trần gian, họ luôn đi sau, để người khác hy sinh, bảo vệ cho họ an toàn. Đức Kitô không theo đường lối trần gian đó. Ngài luôn khởi đầu công việc và luôn dẫn đường, đi trước, và ngay cả hy sinh mạng sống, bảo vệ, mang lại an toàn cho các môn đệ.

Phép rửa ngày nay chúng ta lãnh nhận mang hai dấu chỉ: dấu chỉ hữu hình và cảm nghiệm vô hình. Dấu chỉ hữu hình là nước và dầu thánh. Cảm nghiệm vô hình mà có lần Gioan nhắc đến, đó chính là ấn tín không gì xoá nhoà, ơn Chúa Thánh Thần xuống trong tâm hồn người lãnh nhận bí tích, món quà trọn đời do Đức Kitô ban tặng. Theo nghĩa đó thì phép rửa ngày nay chính là kết hợp phép rửa Gioan ban (rửa trong nước) và phép rửa Đức Kitô trao ban (rửa trong Thánh Thần và lửa). Phép rửa có sức nhiệm mầu tháp, cấy cuộc sống của Kitô hữu vào trong thân thể của Đức Kitô Phục Sinh, qua tình yêu và sự sống lại của Ngài.

TiengChuong.org

Identification

Jesus, sinless, doesn't need to be baptized, and yet he came to John for baptism. It is hard to know exactly why Jesus came to John to be baptised. We are not alone on this matter; even John himself protested, 'It is I who need baptism from you and yet you come to me'. Jesus gave no explanation but simply insisted, saying: 'Leave it like this for the time being, it is fitting that we should, in this way, do all that righteousness demands'.

Jesus' baptism certainly has nothing to do with the expiation of his own sin, but rather it has something to do with John the Baptist's mission.

First, Jesus recognized that John's baptism came from God, and his mission was preparing the heart of the people for the coming of the Lord. John himself declared his mission was that he was not the Christ, but only a voice crying in the wilderness, paving the way for the Lord (John 1,23). He came to testify for the Light, and his baptism served as the sign of repentance. The One who is coming after him is mightier than he, and John is unfit to undo his sandals. He will baptize people with the Holy Spirit and fire Lk 3,15-17. John made it clear to his disciples, pointing to the man Jesus saying, 'behold, the Lamb of God who takes away the sin of the world ( Jn 1,29).

Second, at Jesus' baptism there was the voice from on high to affirm his identity, 'This is my Son, the Beloved, my favour rests on him'.

Third, after Jesus came out of the river, three significant events happened: a/ the heaven opened, b/ the voice of the Father came from on high and c/ the descent of the Holy Spirit in the form of a dove resting upon him. Jesus' baptism revealed the Holy Trinity, the Three Persons of God, and it also revealed Jesus' identity.

Fourth, an act of righteousness means to do what is right, and just, in accordance with God's will. Jesus’ baptism signified his commitment to do not his own will but God's. In his public ministry he once confirmed, that He came to do not his own will but the Father's. Through Jesus we know about God redemptive plan to save the human race.

Fifth, Jesus went one step ahead of John. John's mission was preparing the way for the Lord. Jesus declared he was not preparing the way, but he actually is the way. Jesus' leadership went ahead of his people. To protect His people, Jesus went ahead of them to show the right way, not follow after as the world's leaders do.

At our baptism, there are two signs: one is visible and the other is invisible. a/ the visible sign has something to do with water and oil, and b/ the inwards affect John talked about; it is the inerasable seal of the Holy Spirit, Jesus gives to a baptised person. In this sense our baptism is the combination of John the Baptist's baptism (baptism with water) and the power of the Spirit Jesus gives (baptise with the Holy Spirit). Our baptism enables us to incorporate our lives into the mystical Body of the Risen Christ, through the love and power of the Risen Christ.
 
Suy Niệm Lễ Chúa Giê-Su Chịu Phép Rửa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:10 09/01/2020
Suy Niệm Lễ Chúa Giê-Su Chịu Phép Rửa

(Mt 3, 13-17)

Kết thúc mùa Giáng sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa để nhận biết Chúa Giêsu một cách trọn vẹn hơn biến cố Chúa giáng sinh. Lễ này đã được các Giáo phụ quan tâm đặc biệt ngay từ những thời kỳ đầu, vì tầm quan trọng đặc biệt có tính cổ thời của nó. Đây là lễ được mừng sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao hàm lời rao giảng của các Tông Đồ, là điểm khởi hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải làm chứng cho (x. Tđcv 1, 21-22; 10, 37-41). Chính vì thế Tin Mừng cho chúng ta thấy hai yếu tố quan trọng: mối tương quan giữa Chúa Giêsu và dân chúng; mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.


Xem video va nghe bài giảng

Để thực hiện ơn cứu rỗi nhân loại, trước khi dìm mình vào dòng nước, Chúa Giêsu hòa mình vào trong đám đông, liên đới trọn vẹn với thân phận con người ngoại trừ tội lỗi. Dù là Đấng vô tội, Chúa Giêsu đã mang trên mình tội lỗi thế nhân. Hành động khiêm nhường và tự hủy này, đã được Chúa Cha chứng dám: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta" (Mt 3, 17).

Hòa mình với tội nhân trong cùng một dòng sông

Mừng Con Thiên Chúa nhập thể làm người là mừng: "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14). Nên hôm nay, chúng ta chứng kiến việc Chúa Giêsu hòa mình vào đám đông trong cùng dòng sông Giođan, với những con người có tội để sám hối thay cho loài người đang cần sám hối để được tha thứ. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa cho mình, lúc mà Gioan đang làm phép rửa cho dân chúng để giúp họ sám hối xin tha tội lỗi.

Khởi đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã kêu gọi người ta ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Sám hối để nhận biết tội mình đã phạm để xin Chúa tha thứ. Con Thiên Chúa đến trần gian với mục đích đi tìm kẻ có tội để tha thứ. Cố ý cứu cho con người khỏi phải chết đời đời vì tội, Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa đã gánh tội trần gian.

Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu, và đậu trên Người (x. Mt 3,17). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra: "Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra " (Mt 3,16).

Chúa Giêsu bước lên khỏi nước, các tầng trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Người. Vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính A-đam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.

Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng ta không có gì ở dưới đất.

Phép rửa của Chúa Giêsu và Phép rửa của chúng ta

Vậy, phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau. Phụng Vụ của ngày lễ này đã hát lên như sau: "Đức Kitô chịu phép rửa, cả trần gian được thánh hoá, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần" (Tiền xướng của Kinh Bênêdictus, của Giờ Kinh Sáng). Chúng ta hãy thanh tẩy mình cho thanh sạch, hãy tiếp tục thanh tẩy cho thanh sạch hoàn toàn và đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Đức Ki-tô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ cách xứng đáng. Thiết nghĩ, thực hành và sống lời hứa khi chịu phép Rửa tội là việc phải làm trong đời sống người kitô hữu chúng ta.

Sống lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội tốt lành để đổi mới với lòng biết ơn và xác tín lời hứa trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, hãy dấn thân sống xác tín này trong đời sống hàng ngày. Chúa Giêsu cứu độ chúng ta không phải vì cộng trạng của chúng ta nhưng là để thực hiện lòng tốt vô biên của Cha với cả nhân loại. Vì thế, mỗi ngày chúng ta hãy cố gằng thực hiện những điều đã hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội là từ bỏ ma quỷ, xa lánh các dịp tội và tin vào Thiên Chúa, như thế chúng ta mới có thể đón nhận mọi ơn lành Thiên Chúa ban và sống xứng đáng là con Thiên Chúa.

Không phải cứ được rửa tội, cứ nói tôi tin Chúa Kitô, là được cứu rỗi để vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa. Rửa tội chỉ là bước đầu cần thiết cho việc cứu rỗi mà thôi. Bước tiếp theo quan trọng hơn, đó là thi hành những điều cam kết khi được rửa tội. Nếu không thi hành những lới hứa hay cam kết này thì Phép Rửa sẽ thành vô ích.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trung thành với lời hứa khi chịu phép Rửa tội trong suốt cuộc đời chúng con, nhờ lời chuyển cầu của thánh Gioan Tẩy Giả. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Lễ Chúa Chịu Phép Rửa. Năm A. 12.1.2020
Lm Francis Lý văn Ca
16:11 09/01/2020
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Phụng vụ lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay đánh dấu cuộc đời công khai của Chúa Cứu Thế. Đúng ra Ngài đâu cần phải lãnh nhận phép rửa của Gioan, nhưng Chúa Giêsu muốn làm gương cho chúng ta, vì Ngài đã gia nhập vào một gia đình của nhân loại cho nên Ngài muốn làm gương cho nhân loại, phương châm của chúng ta có câu:"Nhập gia tùy tục".

Qua việc Chúa chịu phép rửa hôm nay, cũng nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về ơn phép rửa tội của mình. Chúng ta đã được tái sinh để trở nên người mới, trở nên con cái Thiên Chúa.

Qua bí tích rửa tội, mỗi người trong chúng ta đã trở nên người mới, qua những tác động thống hối, những tâm tình yêu mến. Để được như thế, điều đòi buộc mỗi người là phải chết đi cho tội lỗi, chết cho những khuynh hướng xấu của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

Với những tưởng chuẩn bị, giờ đây chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀi I:
Hình ảnh Isaia tiên báo là ám chỉ Đấng Thiên Sai - Đấng luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha - bài đọc thứ III, tức bài Phúc Âm, Thiên Chúa Cha hài lòng về người Con Yêu Dấu nầy.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phêrô đã mạnh dạn minh chứng về Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Ngài đã quả quyết với đông đảo dân Dothái về biến cố và lịch sử của Con Người mà họ đã đóng đinh trên thập tự.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Chúa đã đến trần gian gia nhập vào gia đình nhân loại, Ngài chu toàn tất cả những gì mà xã hội, phong tục tập quán của con người đòi hỏi. Ngài đã sống kiếp người như chính chúng ta, và Ngài đã nâng chúng ta lên địa vị làm con Thiên Chúa.


Lời Nguyện Giáo Dân.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta biết đem Chúa đến với những người quen biết, ngõ hầu, qua sứ vụ của chúng ta, nhiều người sẽ nhận biết Chúa.

1. Xin cho Giáo Hội Hoàn Vũ, luôn thể hiện sứ vụ truyền giáo mà Giáo Hội có bổn phận làm cho thế giới mỗi ngày có thêm nhiều người tin vào Thiên Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin Chúa cho chính chúng ta, là những người được thừa hưởng giá máu Con yêu dấu của Chúa, luôn là những chứng nhân kiên cường trong đời sống ngày. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho chúng ta trở thành những nhà truyền giáo trong xưởng thợ, nơi cánh đồng, nơi học đường hoặc nơi những anh chị em cùng sống dưới cùng một mái nhà mà họ không cùng tôn giáo với chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho chúng ta biết dùng miệng lưỡi để ca tụng tình tương của Thiên Chúa; dùng đôi môi để rao truyền Lời Chúa; dùng đôi tai để lắng nghe Lời Chúa và dùng đôi chân để đem Chúa đến cho anh em đồng loại. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đã lãnh nhận bí tích rửa tội đã yên nghỉ, những linh hồn chúng ta nhớ đến trong thánh lễ hôm nay, xin cho họ được hưởng kiến nhan thánh Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin cho chúng con được trung thành làm chứng tá tình yêu của Chúa ở giữa thế gian. Xin Thánh Linh, Ngôi Ba Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào trên chúng con để mỗi người trong chúng con sẽ là những chứng nhân hùng hồn của tình yêu Chúa ở giữa thế gian. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.






 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:57 09/01/2020

34. Đức nhẫn nại khiến cho người ta trong hoàn cảnh thuận lợi biết tự mình khiêm tốn, trong nghịch cảnh thì biết điềm tĩnh.

(Thánh Cyprianus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:09 09/01/2020
12. KHÔNG CÓ NGƯỜI ĐI THEO

Có ông hoạ sĩ Trầm Châu vẽ bức “Ngũ tả hành xuân” tặng cho thái thú nọ, sau khi coi thì ông thái thú rất là không vừa ý, nói:

- “Lẽ nào ta xuất hành chỉ có một mình mà không có người nào đi theo ta sao ?”

Trầm Châu biết như thế thì vẽ bức tranh khác có người tuỳ tùng đưa đi và nói với thái thú:

- “Chẳng may lụa quá ngắn nên chỉ vẽ cờ lọng đi trước được ba đôi mà thôi”.

Thái thú cười nói:

- “Ba đôi, thì đại khái cũng được vậy”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 12:

Quyền lực là ước mơ của những người thích thống trị và thích dạy đời thiên hạ, nên khi có chức quyền danh vọng thì đi đâu cũng phải có tiền hô hậu ủng, hoặc ít nữa là có một vài người đi theo cho oai, để cho mọi người biết rằng ta đây có nhiều...thủ hạ.

Có người dùng quyền lực như là bàn đạp để tiến lên đài danh vọng, cho nên họ không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích của mình; có người suốt đời chạy theo quyền lực để rồi khi chết bị quyền lực đẩy xuống tận âm phủ; có người thích quyền lực đến nỗi trong cuộc sống gia đình đã dùng quyền lực để bắt vợ con cung phụng mình như ông hoàng; có người được chút quyền lực thì đi đến đâu cũng la ó hét hò tùm lum để bày tỏ cái uy quyền của mình...

Tất cả những kiểu thích quyền lực trên đây đều do lòng tham lam và hiếu thắng của ma quỷ thúc giục.

Người Ki-tô hữu luôn tin chắc rằng: quyền lực danh vọng là từ Thiên Chúa mà có, cho nên khi có quyền lực, địa vị, danh vọng thì họ hết sức phục vụ tha nhân, phục vụ anh em chị em trong tinh thần yêu mến của Đức Chúa Giê-su.

Thời nay có những người có quyền lực khi đi đâu thì đều thích có tiền hô hậu ủng, phèng la trống đánh, thì đời sau chắc sẽ không được ca đoàn thiên sứ đàn hát tung hô đưa lên trời cao; thời nay người có quyền lực địa vị biết yêu thương giúp đỡ tha nhân, phục vụ anh em chị em, thì chắc chắn đời sau sẽ được Thiên Chúa tưởng thưởng xứng đáng trên trời cao.

Quyền lực và tội ác chỉ cách nhau có...ba hàng tiền hô hậu ủng, nhưng quyền lực và thiên đàng thì chỉ cách nhau có...một quả tim mà thôi.

Ai hiểu thì hiểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà thờ nơi chôn cất nhà soạn nhạc trứ danh Johann Sebastian Bach liên tục bị đập phá cửa kính
Đặng Tự Do
16:05 09/01/2020
Cảnh sát đang điều tra sau khi 25 tấm kính bị đập vỡ vào đêm giao thừa tại một nhà thờ nổi tiếng thế giới ở thành phố Leipzig miền đông nước Đức.

Cảnh sát đã mở một cuộc điều tra sau khi các cửa sổ bị đập vỡ tại nhà thờ Thánh Tôma ở Leipzig, nơi chôn cất nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach.

Hai tấm kính màu và hơn 20 tấm kính có hoa văn Nouveau đã bị phá hủy. Thiệt hại được ghi nhận là nặng nề vì các tấm kính có hoa văn rất là đắt tiền.

Trong cuộc tấn công, những viên đá rất nặng đã được ném vào nhà thờ. Nếu có người bên trong thì sẽ rất nguy hiểm.

Điều lạ lùng là nhà thờ nằm ở một nơi thị tứ đông người qua lại nên không ai hiểu tại sao những kẻ tấn công đã có thể phá hủy một số lượng kính lớn như thế trong đêm giao thừa lúc đông người đổ ra để xem bắn pháo bông.

Cảnh sát đã nhặt các hòn đá trong vùng lân cận ngay sau đó, nhưng chưa có vụ bắt giữ nào được thực hiện.

Vài ngày trước lễ Giáng Sinh hai tấm kính màu đã bị đập phá. Sau đó, một người đến nhà thờ tự xưng mình là “Con Thiên Chúa” và nhận mình đã chọi đá làm vỡ hai tấm kính màu này. Các viên chức trong nhà thờ cho rằng người này điên loạn nên đuổi anh ta đi. Anh ta, sau đó, đã đến báo cảnh sát với những luận điệu tương tự. Cảnh sát cũng cho rằng người này điên loạn nên đuổi anh ta đi.

Sự thù địch chống Kitô giáo đang gia tăng ở Tây Âu, nơi có khoảng 3,000 nhà thờ và các biểu tượng Kitô giáo khác bị tấn công phá hoại trong năm 2019, theo đánh giá của Viện Gatstone.

Nghiên cứu của cơ quan này, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ái Nhĩ Lan, Bỉ, Đan Mạch, Ý và Tây Ban Nha, cho thấy các trường học, nghĩa trang, nhà thờ và tượng đài bị tấn công nhiều nhất là ở Pháp, nơi trung bình ba địa điểm bị tấn công mỗi ngày.

Kế đến là Đức, nơi các cuộc tấn công đang diễn ra trung bình hai địa điểm mỗi ngày, theo báo cáo của cảnh sát.

Hầu hết các cuộc tấn công là vào các địa điểm và biểu tượng của Công Giáo nhưng ở Đức, nhiều nhà thờ Tin lành cũng bị tấn công. Các động cơ hàng đầu của các cuộc tấn công này bao gồm phá hoại, trộm cắp, chính trị và tôn giáo, nhưng thủ phạm thường không bị bắt. Hành vi của họ có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm đốt phá, tiểu tiện và đại tiện, mạo phạm, cướp bóc, viết nghuệch ngoạc các dòng chữ chế giễu, tục tĩu, và thậm chí cả các nội dung suy tôn Satan.

Gatestone nhấn mạnh rằng nhiều vụ việc không được phân loại là tội ác căm thù đức tin vì nghi phạm thường được cho là bị rối loạn tâm thần. Ở Pháp và Đức, các cuộc tấn công được cho là phù hợp với sự gia tăng người nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo, nhưng không có số liệu thống kê chính thức nào cho thấy có thể đổ lỗi cho các hoạt động bài Kitô của người Hồi giáo hoặc các chiến binh thánh chiến.

Trong khi đó, các cuộc tấn công ở Tây Ban Nha thường được cho là do những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, nữ quyền cấp tiến và các cá nhân cực đoan khác thực hiện.

Các phương tiện truyền thông Âu châu thường không chú ý loan tin về các hành động bài Kitô trong khilại báo cáo thường xuyên hơn về các cuộc tấn công chống lại người Hồi giáo.


Source:Classic FM
 
Mục sư Tin lành rao giảng Phép Thánh Thể là có Mình Thật Máu Thật cuả Chuá Giêsu.
Trần Mạnh Trác
18:02 09/01/2020
Vị mục sư Tin Lành nổi tiếng Francis Chan (Phanxicô Trương) đang làm xôn xao dư luận khi ông đưa ra bằng chứng lịch sử về phép Thánh Thể.

Rao giảng về "Thân thể Chúa Kitô và sự hiệp lễ", mục sư Chan đã nói về cách người Công Giáo nhìn vào Phép Thánh Thể, là một bí tích mà Chúa Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly và nay là một phần của Thánh lễ, đã không nhận được sự chú ý và sùng kính đáng lẽ phải có trong các nhà thờ Tin lành.

Các nhà thờ Tin lành khi cử hành nghi thức đó, đã chỉ coi đó là "một biểu tượng", MS Chan phàn nàn như vậy. Theo truyền thống, người Công Giáo xem bí tích Thánh Thể là thực sự có xác và máu của Chúa Giêsu theo nghĩa đen, trong khi người Tin lành xem nó như một biểu tượng.

Tôi đã không biết rằng trong 1.500 năm đầu tiên của lịch sử Kitô giáo, mọi người đều coi đó là thịt và máu của Chúa Kitô thật, MS Chan nói tiếp, và chỉ khoảng 500 năm trước đây, một người nào đó đã phổ biến một suy nghĩ rằng đó chỉ là một biểu tượng không hơn không kém. Tôi không biết điều đó và bây giờ thì tôi nghĩ, 'Wow, đây là điều cần phải xét lại.'

Bài giảng đã được đăng trực tuyến trong tuần vừa qua bởi mạng SermonIndex.

MS Chan muốn thân xác của Chúa Kitô, chứ không phải là một ông mục sư nào đó, hay một bục giảng hay một bài giảng, được đặt vào vị trí trung tâm của nhà thờ một lần nữa ở Hoa Kỳ. Ông nói điều này sẽ hợp nhất các nhà thờ một lần nữa, thay vì có hàng chục ngàn giáo phái như ngày nay.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu đây là trung tâm của mọi cuộc tụ họp Kitô giáo ở Mỹ?" MS Chan kết luận. "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ bắt đầu thấy sự chia rẽ biến mất và mọi người lại bắt đầu trở lại với nhau."

Nhiều người đã nghĩ rằng có vẻ như MS Chan đang trên đường chuyển đổi sang đạo Công Giáo, nhưng có những người khác thì cho rằng cũng đã có những người Tin Lành tin như vậy mặc dù họ không gọi mình là Công Giáo.

Theo Fox News thì mục sư Joseph Prince , cai quàn một megachurch (siêu thánh đường) có trụ sở tại Singapore, nói rằng ông tin "Chúa ban cho tôi một sứ mệnh để dạy về sức mạnh, sự truyền đạt, sức mạnh chữa lành của việc Hiệp Lễ", khi trình bày về nội dung cuốn sách mới nhất của ông, "Eat Your Way to Life and Health: Unlocking the power of the Holy Communion." (Hãy ăn mà nhận sự sống và sức khỏe: Chià khóa sức mạnh của việc Hiệp Lễ Thánh Thiêng. ") Ông nói rằng ông thường xuyên rước lễ hàng ngày, đôi khi nhiều lần.

Mặc dù các Kitô hữu không có sự đồng ý về việc cử hành Hiệp Lễ là một biểu tượng hay là Mình Thật Máu Thật của Chúa Giêsu, nhưng họ đồng ý rằng việc cử hành đó là nền tảng của đức tin, là điều cần thiết để trở thành tín đồ của Chúa Kitô.

Mặc dù MS Chan đã bắt đầu bài giảng nói rằng ông "không đưa ra bất kỳ tuyên bố lớn nào", nhưng ông thường không né tránh những tuyên bố cực đoan hoặc những động thái quyết liệt nhân danh đức tin của mình.

Năm 2010, ông trở nên nổi tiếng sau khi bỏ một megachurch ở Nam California, là một phong trào mà ông đã thành lập bắt đầu ở nhà riêng cuả mình. Ông và gia đình đi rao giảng qua Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc trước khi trở về Hoa Kỳ định cư ở San Francisco, và bắt đầu thành lập một giáo phái mới nữa "We Are Church" (Chúng ta là Giáo Hội,) là một phong trào nay đã có đến 25 mục sư.
 
Văn Kiện Tự Do Tôn Giáo của Ủy Ban Thần học Quốc Tế: Quyền của các cộng đồng được hưởng tự do tôn giáo
Vũ Văn An
20:19 09/01/2020
4. Quyền của các cộng đồng được hưởng tự do tôn giáo

Chiều kích xã hội của nhân vị

43. Quan niệm Kitô giáo về các quyền của con người – một quan niệm tìm được nhiều tiếng vọng trong nền nhân học minh nhiên hoặc mặc nhiên của các truyền thống tôn giáo khác – quả quyết rằng quyền tự do vốn cố hữu trong chủ thể nhân bản được kêu gọi sống có trách nhiệm đối với thiện ích của mọi người. Tuy nhiên, nó không có khả năng lớn lên về sức mạnh và khôn ngoan nếu không có sự trung gian của các mối liên hệ nhân bản hóa vốn giúp nền tự do này tự dấn thân, tự giáo dục, tự củng cố và cũng tự lưu truyền, vượt ra ngoài các tha hóa trong đó tính cá thể thuần túy, bị chủ nghĩa cá nhân nuốt chửng, chỉ có thể sống leo lét. Nói cách khác, trên thực tế, không có ai sống một mình trong vũ trụ, nhưng họ luôn ở cùng với những người khác, mà với những người này, họ được kêu gọi thành lập một cộng đồng [41]. Từ lâu người ta vốn thừa nhận rằng chúng ta không bao giờ có thể phán đoán liệu một điều gì đó có tốt hơn một điều khác hay không, liệu ý thức cơ bản về sự thật đã có bao giờ thấm nhiễm trong ta hay không. Việc phán đoán của lương tâm về tính chính trực của hành động được thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm bản thân, thông qua suy tư luân lý; và phán đoán này tự xác định trong tương quan với triết lý sống (ethos) của cộng đồng, một triết lý giáo huấn và làm cho giá trị của các tác phong đạo đức phù hợp với sự thật của con người được hiển thị[42]. Theo nghĩa này, các cộng đồng thống thuộc (gia đình, quốc gia, tôn giáo) có trước cá nhân để chào đón họ và hỗ trợ họ trong cuộc phiêu lưu nhân học vĩ đại nhằm ngôi vị hóa toàn diện chính họ [43]. Ở đây, hình thức lịch sử và xã hội của việc thể hiện bản chất con người được xác minh; bản chất này bao gồm một chuyển động hội nhập hỗ tương giữa sự thật và tự do.

44. Dù sao, việc công nhận "phẩm giá bình đẳng" của mọi người không thể được giải quyết chỉ bằng việc lên công thức pháp lý cho các "quyền bình đẳng". Một quan niệm quá trừu tượng và hình thức về sự bình đẳng pháp lý của các cá nhân, trong khuôn khổ tính hợp pháp định chế, có xu hướng làm ngơ sự phong phú của các khác biệt có thể và phải được coi trọng và được đặt trong mối liên hệ như một nguồn phong phú nhân bản, chứ không bị trung lập hóa, trong chính chúng, như thể chúng là nền tảng của việc kỳ thị và tiêu diệt bản sắc. Một mặt, cần phân biệt các khác biệt vốn lên cơ cấu cho thân phận con người khỏi tính võ đoán của các khuynh hướng chủ quan tư riêng. Nhà nước nào tự hạn chế mình vào việc đăng ký các mong muốn chủ quan này, bằng cách biến chúng thành các nối kết pháp lý, mà không kể chi tới mối liên hệ với thiện ích chung sẽ có nguy cơ làm suy yếu sự hỗ trợ định chế cần có vì các lý do đạo đức vốn bảo vệ dây liên kết xã hội [44]. Việc bảo vệ yếu tố nhân bản, vốn là thiện ích chung quý giá nhất của chúng ta, theo kiểu này bị phơi bầy cho một sự xói mòn không thể tránh khỏi, một việc xói mòn kết cục cũng sẽ gây hại cho cá nhân [45]. Đặc biệt, ngày nay, chúng ta nhận ra, một cách hiển nhiên như chưa bao giờ có, rằng phẩm giá bình đẳng của phụ nữ phải tự diễn dịch thành sự thừa nhận đầy đủ các nhân quyền bình đẳng. Thực thế, "Kinh thánh không hề làm điểm tựa cho ý tưởng nam giới tự nhiên trổi vượt hơn nữ giới" [46]. Dù người ta có thể nhận ra rõ ràng trong văn bản Cựu Ước (x. St 2:18-25), cũng như trong lời nói và thái độ của Chúa Giêsu (Cf. Mt 27: 55; 28: 6; Mc 7: 24- 30; Lc 8: 1-3; Ga 4: 1-42; 11: 21-27; 19: 25), phẩm giá bình đẳng nơi tạo vật của Thiên Chúa, mà nhờ vào đó, tính hỗ tương phải làm nổi bật chứ không loại bỏ sự khác nhau của hữu thể “đàn ông và đàn bà” [47], việc khai triển cụ thể và phổ quát một cách chi tiết về nguyên tắc này chỉ mới bắt đầu, không những trong tư tưởng Kitô giáo, mà cả trong nền văn hóa dân sự [48].

Tính phụ đới và câu chuyện xây nền

45. Việc thiếu thủ tục nơi các định chế dẫn đến việc bỏ qua vai trò nhân bản hóa rất đặc trưng của gia đình, trong đó mối liên kết mật thiết giữa người đàn ông và người đàn bà bảo đảm được tính liên tục bản vị trong việc sinh ra và giáo dục con cái. Tính hợp nhất - sinh học và tâm linh - của việc dẫn nhập này vào thân phận làm người và bản sắc bản vị, trong một môi trường nguyên thủy của tính hỗ tương và tính trách nhiệm cảm xúc, tạo thành tiền đề không thể thiếu cho việc sở đắc ý nghĩa nhân bản của tính xã hội [49] . Toàn bộ xã hội sống nhờ nền tảng này: kinh nghiệm hàng ngàn năm của các cộng đồng nhân bản, nhờ các nền văn hóa cực kỳ đa dạng của họ, biết rất rõ đặc tính không thể thay thế của nó.

Thứ hai, nỗi ám ảnh về một tính trung lập đạo đức hoàn toàn - có khuynh hướng ngả theo thuyết bất khả tri – đối với viễn kiến tôn giáo về ý nghĩa, nhất thiết bắt tính hợp pháp định chế phải xa lánh bất cứ vũ trụ biểu tượng nào của cộng đồng dân sự, nghĩa là của nền văn hóa nhân bản đúng đắn. Mọi cộng đồng tôn giáo đều rút tỉa từ vũ trụ biểu tượng này và tự phát biểu bằng cách đưa nó ra ánh sáng và giải thích nó. Sự dửng dưng của Nhà nước dần dần khiến nó trở nên xa lạ đối với các chức năng biểu tượng vốn nuôi sống sự thống thuộc xã hội và ngày càng không có khả năng hiểu các chức năng này, và do đó, tôn trọng chúng, như họ vốn tuyên bố muốn hiểu.

46. Kinh nghiệm tôn giáo là người bảo vệ trình độ thực tại trong đó việc chung sống xã hội diễn ra và sẵn sàng đương đầu với các chủ đề và các mâu thuẫn vốn là đặc trưng của thân phận làm người (tình yêu và sự chết, điều đúng và điều công chính, điều người ta không thể hiểu và điều người ta không thể hy vọng). Chứng từ tôn giáo là người bảo vệ những chủ đề này về cuộc sống và ý nghĩa với tất cả chiều sâu huyền nhiệm của chúng. Thực vậy, tôn giáo minh nhiên hóa và duy trì tính siêu việt của các nền tảng đạo đức và cảm xúc của con người: nó kéo chúng ra khỏi chủ nghĩa hư vô của ý chí quyền lực và phục hồi ý chí này vào đức tin nơi tình yêu Đấng khác. Sự hợp nhất bất khả phân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận, được đóng ấn tín trong đức tin Kitô giáo, đem lại cho câu chuyện gia đình về công lý và đích điểm của tình cảm chân trời sự thật độc đáo của lòng hy vọng thực sự đạt được đỉnh cao các hứa hẹn của cuộc sống.

Các thực hành tôn giáo và nhân tính cụ thể

47. Lời hứa cứu chuộc vĩnh viễn cuộc phiêu lưu xúc cảm của con người, tương ứng với niềm hy vọng rằng chúng sẽ được công chính hóa và cứu rỗi - vượt xa mọi niềm hy vọng của con người – chặn đường tiếc nuối trở lui vào chính bản thân đầy tính cá nhân và duy vật chủ nghĩa của mình về thân phận con người và chính nền văn hóa dân sự. Việc phổ quát thương nhớ người quá cố, một tưởng nhớ đã và vẫn còn là một đặc trưng của cộng đồng tôn giáo, chứng minh sức mạnh của lòng chung thủy đối với đặc tính bất khả hủy diệt của các mối liên hệ nhân bản. Trong chúng, một điều gì đó chưa hoàn tất vẫn còn đó, chờ được cứu chuộc, ngay cả khi chúng bị thách thức bởi cái chết. Truyền thống cổ xưa nhất của loài người chứng thực rằng con người từ thuở ban đầu vốn có thiên hướng chấp nhận sự thật siêu việt trong các ngôn từ biểu tượng cho sự sống, những ngôn từ vốn tự nhiên chống lại sự giản lược sinh học và mở ra các dây liên hệ với mầu nhiệm sự sống thần thiêng. Mặt khác, trong các điều kiện có tính hạn chế của các biến cố bi thảm làm đảo lộn cuộc sống và các dây liên kết của nó, ngay trong các quốc gia bị tục hóa, người ta vẫn công khai dành chỗ cho sự thật biểu tượng của cử hành tôn giáo. Khi một thảm họa quy mô lớn tấn công cộng đồng dân sự, sự kiên quyết của tôn giáo chống lại chủ nghĩa hư vô về cái chết, đối với mọi người, dường như là một thành lũy không thể thay thế của nhân loại. Công lý của các tình âu yếm gia đình và cộng đồng, một công lý dường như các nguồn nhân lực không thể nào đạt tới, không bác bỏ niềm hy vọng, một niềm hy vọng chỉ có thể được qui cho công lý và tình yêu của Đấng Tạo hóa. Trong những trường hợp như vậy, chủ đề về ý nghĩa và vận mệnh cuối cùng của con người rõ ràng là một vấn đề công cộng. Và "hình thức tôn giáo" của việc thừa nhận này, có thể nói, đã tự hợp pháp hóa chính nó, như một "chức năng công cộng" thực sự, ngay trong khuôn khổ của Nhà nước thế tục.

48. Lịch sử quốc gia, trong đó các số phận cá nhân cố gắng tự viết vào một cách liên tục qua nhiều thế hệ - để tìm được nguồn gốc và bản sắc sâu sắc của họ trước và vượt quá hình thức chuyên biệt của Nhà nước - ngày nay là một thách đố địa chính trị hoàn cầu. Nếu quả thật - và quả như thế - tự do và phẩm giá các ngôi vị chỉ có thể được định hình bởi các truyền thống và các câu chuyện phát biểu và thể hiện chúng, thì điều khẩn cấp là câu truyện quốc gia phải đạt tới chỗ tự làm giàu chính nó, chấp nhận tính phức tạp và dị biệt hóa các đóng góp của chúng, thông qua câu chuyện gia đình của mỗi công dân, có tham chiếu với câu chuyện hoàn cầu của con người phổ quát. Do đó, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, cũng thông qua câu chuyện đặc thù của cộng đồng tôn giáo [50]. Vì lý do này, những người từ nay không còn biết đến Kitô giáo nữa đã nhầm lẫn nó với một ý thức hệ, một thứ luân lý dạy đời, một kỷ luật, hoặc với một siêu cấu trúc cổ lỗ, chỉ có thể được tiếp cận một lần nữa thông qua một cuộc gặp gỡ có tính gia đình và nhân bản, trong đó, người ta có thể lắng nghe được câu chuyện về lịch sử từng cho phép họ nhận biết Thiên Chúa và trong đó họ phải duy trì các thế hệ tiếp theo: "Mai ngày khi con anh (em) hỏi anh (em) rằng : ‘Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đã truyền cho quý vị ?’ Anh (em) sẽ trả lời cho con anh (em) : ‘Chúng ta xưa làm nô lệ cho Pharaô bên Ai-cập, nhưng Chúa đã ra tay uy quyền đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập (...) Còn chúng ta, Người đã đưa ra khỏi đó, để dẫn chúng ta vào và ban cho chúng ta đất Người đã thề hứa với cha ông chúng ta. Chúa đã truyền cho chúng ta đem ra thực hành tất cả những thánh chỉ này và kính sợ Chúa, Thiên Chúa chúng ta, để chúng ta được hạnh phúc mọi ngày và để Người cho chúng ta được sống” (Đnl 6:20-24).

Giáo dục toàn diện và việc hòa nhập vào cộng đồng

49. Sự tự do gắn bó với con người của Chúa Giêsu, với lời nói và cử chỉ của Người, được nuôi sống qua một cộng đồng, tức Giáo hội, trong đó mối liên hệ của mỗi tín hữu với Chúa Kitô đang hiện diện được làm cho khả hữu về phương diện hiện sinh và tự triển khai về mặt xã hội trong sự hiệp thông giáo hội [51]. Như thế, hiện sinh Kitô giáo hợp nhất tính tự do cá nhân của hành vi đức tin với việc hội nhập vào một truyền thống cộng đồng, như hai mặt của cùng một năng động tính bản vị. Việc nại tới gia phả đức tin Kitô giáo này dẫn chúng ta trở lại với xác tín, rất chủ yếu trong lăng kính nhân học, cho rằng quyền tự do của con người, được bảo vệ bằng việc công nhận các nhân quyền, không thể được hiện thực hóa một cách tự phát và duy cá nhân. Các con người tự do được soi sáng trong mối tương quan với những người khác, những người đã chinh phục được nhiều tự do hơn, và học hỏi từ những người được tự do hơn trong việc sửa chữa trong chính bản thân mình mọi thứ vẫn còn phụ thuộc vào các xung lực, các điều kiện hóa, các ràng buộc duy hình thức, tự củng cố bản thân theo chiều hướng yêu mình thái quá. Bất kể đặc tính nào - 'dân chủ', 'tự do', 'đa nguyên' - mà với chúng, nhà nước hiện đại dự định tự xác định mình như một cơ cấu vững chắc và vĩnh viễn, tự nhiên và có tính lịch sử, trong đó các công dân có thể phát triển các nhân quyền của họ, điều chủ yếu là việc hiểu phải hỗ trợ diễn trình này cách nào và làm thế nào quy định diễn trình này một cách công chính và hữu hiệu nhất.

50. Nói cách khác, đây là vấn đề phải nói rõ làm thế nào các công thức tổng quát này có thể đảm nhận được sự chuyển động của cuộc sống và việc tham gia vào quyền công dân, trong các điều kiện có khả năng hài hòa được sự khác biệt trong diễn trình nhân hóa và sự thống nhất lịch sử từng tạo ra cộng đồng quốc gia [52]. Không một quốc gia duy nhất nào có thể bảo đảm cách khác các cộng đồng tạo ra nó, và qua các cộng đồng này, sức sống của "nền dân chủ" như một thiện ích chung [53]. Trong trường hợp ngược lại, ngay cả các công thức cao quý nhất cũng vẫn chỉ là những từ ngữ thuần túy, thậm chí trở thành những bùa hộ mệnh đầy tính lừa đảo và phù phiếm hơn nhiều so với các arcana imperii (các bí quyết đế chế) thời xa xưa. Quan niệm của Kitô giáo về một chính quyền tốt lành bao gồm ý tưởng cho rằng tự do của con người, tự nó, không có cùng đích riêng của nó, như thể ý nghĩa và sự hoàn thành của nó trùng khớp với tính độc đoán không giới hạn và không xác định của mọi khả thể của cảm giới và ý chí. Cùng đích của tự do, đúng hơn, hệ ở sự gắn bó chặt chẽ của nó với phẩm giá nhân bản của cảm giới và ý chí, một phẩm giá luôn luôn hướng về phẩm chất sự thiện mà nhờ đó nó được xác định.

51. Phẩm chất nhân bản, có tính bản vị và tương quan, một phẩm chất tự thể hiện thông qua tự do được lý trí và mặc khải về sự thiện giáo huấn, là cùng đích đúng đắn của tự do nhân bản. Chính từ đó, người ta đo được sự tiến bộ của nó trong cách xây dựng lịch sử và sinh sống trên trái đất. Ngày nay, ý tưởng này được bao gồm trong biểu thức nổi tiếng "sinh thái nhân bản", tức cam kết đối với việc tổ chức cuộc sống và môi trường sống của con người gắn bó chặt chẽ với các lý lẽ tối cao (tự nhiên và thần thiêng) về nguồn gốc và điểm đến của nó. Chính vì điều này, người ta đã mở rộng biểu thức đến độ đề xuất một "hệ sinh thái toàn diện" rõ ràng bao trùm các khía cạnh nhân bản và xã hội của nó [54]. Trong viễn kiến Kitô giáo từng truyền cảm hứng cho những con đường mới trong lịch sử tự do và trách nhiệm nhân bản đối với việc cấu thành và vận mệnh của ngôi vị, tự do chắc chắn là sự phản ánh tuyệt vời của hành động sáng tạo của Thiên Chúa đối với người đàn ông và người đàn bà. Diễn trình bước qua ý thức và tự do là điều nền tảng cho việc bảo tồn và gia tăng phẩm giá cho tạo vật, và theo ý nghĩa này, nó là điều kiện chủ yếu để thực hiện lịch sử cứu rỗi. Ý chí tự do và cảm xúc thân mật của hữu thể nhân bản trong tương quan với Thiên Chúa, quyết định phẩm chất cứu rỗi của lịch sử con người, được quan niệm như một dự án liên minh và hiệp thông với một Thiên Chúa muốn được tin và yêu chứ không chịu đựng một cách thụ động.

Giá trị của các cơ quan trung gian và Nhà nước

52. Để mở rộng việc suy tư này về chiều kích xã hội, người ta cũng có thể nhớ lại tầm quan trọng chuyên biệt của điều gọi là "các cơ quan trung gian", nghĩa là, các tổ chức xã hội tự trình bầy và tự đại diện trong các lĩnh vực hoặc địa điểm đã được xác định của xã hội dân sự [55]. Trong tư cách như vậy, chúng bảo đảm chức năng làm trung gian giữa quyền bản thân và chính phủ Nhà nước. Cần phân biệt chúng với các nhóm ý kiến hoặc vận động (chẳng hạn như các nhóm vận động hành lang hoặc nhóm hành động tập thể), có ý định phục vụ lợi điểm chuyên nhất của các nhóm xác tín và hoặc các nhóm hội họp nhau, chứ không quan tâm đến thiện ích chung. Các cơ quan trung gian thực hiện việc làm trung gian tích cực đối với Nhà nước với các chức năng phụ đới có tính định chế và gây lợi cho ích chung [56].

53. Giáo Hội Công Giáo bác bỏ việc mình đồng nhất hóa với một chủ thể tư lợi nhằm đấu tranh để khẳng định các đặc quyền của mình. Sứ mệnh của Giáo hội là truyền giảng Tin Mừng, một việc công bố chính nghĩa tình yêu phổ quát của Thiên Chúa và không để mình bị giản lược thành lợi ích chính trị đảng phái. Do đó, đóng góp của nó vào nền văn hóa tốt đẹp và vào các thực hành đạo đức công cộng thông qua dây nối kết xã hội và việc tham gia vào đời sống dân sự. Giá trị công khai của việc làm trung gian này lưu ý đến lợi ích chung và mối quan tâm đối với nền nhân bản chính trị. Theo nghĩa này, người ta có thể nói rằng Giáo hội là nguyên tắc sinh động của các định chế trung gian, vốn trung thành góp phần vào việc hỗ trợ nền đạo đức công cộng và dây liên kết xã hội bên trong các khả thể và giới hạn của chính quyền Nhà nước trên bình diện quốc gia và cả trên bình diện quốc tế. Do đó, nó không tự nhận mình như một nhóm ý kiến hay nhóm áp lực đơn thuần. Nó cũng không tự đặt mình ở thế cạnh tranh với Nhà nước trong chức năng cai trị xã hội dân sự. Trong viễn tượng này, một viễn tượng bác bỏ bằng mọi cách mô hình chính quyền thần trị, Giáo hội góp phần xác định khuôn khổ chính xác của tự do tôn giáo trong phạm vi công cộng, ngay trong quan điểm phương pháp luận. Điển hình tự do trong đó, Giáo hội tự lồng mình vào một cách lý tưởng, thực sự đã giữ khoảng cách đối với mô hình đa văn hóa bất khả tri, một mô hình chấp nhận việc tự quy chiếu thuần túy nơi các tập đoàn ý thức hệ hoặc tôn giáo, bằng cách cùng một lúc loại chúng ra khỏi bất cứ chức năng trung gian hợp pháp nào – dù là đạo đức, văn hóa, hay cộng đồng - giữa tính công dân tích cực và chính quyền Nhà nước.

Nhà nước, mạng lưới và các cộng đồng xác tín

54. Sau cuộc khai triển các việc truyền thông qua internet và các mạng lưới xã hội, chúng ta có thể thoáng thấy nhiều tiềm năng nơi các nguồn lực kỹ thuật mới dành cho sự tương tác giữa con người. Chủ đề này được nhiều người biết đến và sự phức tạp của nó đòi hỏi sự chú ý liên tục. Các mạng thông tin hiện đại làm nổi bật một cách ngoại thường các biểu hiện của các tôn giáo, nhưng cũng phổ biến, và khuếch đại, nhiều lý thuyết và thực hành được quy cho họ một cách không chính đáng. Sự dễ dàng và độ can thiệp nhanh trên các mạng lưới, ở nhiều bình diện khác nhau, mở ra nhiều khả thể tham gia xã hội cho đến tận gần đây chưa hề có. Chúng ta chỉ có thể đánh giá cao những khả năng mới này mà thôi. Tuy nhiên, các khả thể này tạo điều kiện thuận lợi cho một phong cách tương tác có tính cảm xúc, mỗi ngày một tăng cường độ, như các nhà quan sát hiện nay từng nhấn mạnh. Sự tự do biểu kiến nơi các hình thức phát biểu cá nhân trên trực tuyến, cộng với sự khó khăn ngày càng tăng trong việc xác minh tính đáng tin của các nội dung, tạo thuận lợi cho các hiện tượng đại chúng hóa các tin tức giả (fake news) và phân cực hóa bạo lực đàn áp (haters). Tất cả những yếu tố này làm cho giá trị của các hiệu quả thông tin / thảo luận và sự đồng thuận / bất đồng trở nên lưỡng nghĩa; đây là các hiệu quả vốn lên đặc điểm cho việc tham gia vào diễn đàn (agora) mới mẻ này. Không nên đánh giá thấp sức nặng của chúng, dù là theo quan điểm các hiệu quả thuộc loại chính trị và xã hội.

55. Tự do phát biểu và trách nhiệm tham gia có thể dễ dàng bị tách biệt trong môi trường tương tác trực tuyến, khiến mọi người và cộng đồng phải đương đầu với các hình thức áp lực mới, những hình thức thay vì tạo thuận lợi cho một nền đạo đức học tự do có suy nghĩ và được chia sẻ, có thể phục vụ cho một cuộc thao túng triết lý hành động (ethos) một cách tinh tế hơn. Trong khuôn khổ mới này, các hình thức phát biểu tôn giáo là một trong những hình thức bị chường mặt nhiều nhất cho tính cảm xúc không giới hạn và là thí điểm hiểu lầm. Với thời gian, cộng đồng hoàn cầu sẽ học hỏi các quy tắc phù hợp để quản lý các hình thức trao đổi tư riêng và công khai mới này. Từ giờ trở đi, cộng đồng Kitô giáo phải có khả năng xác định các phương thế giáo dục có thể đáp ứng thoả đáng đặc tính xâm lấn của lĩnh vực truyền thông vào các diễn trình xây dựng triết lý hành động có tính tương quan và đào tạo sự đồng thuận chính trị [57]. Theo nghĩa này, cộng đồng Kitô giáo phải đặc biệt chú ý đến sự cần thiết không để mình bị khép kín về phương diện truyền thông vào hình ảnh một thứ đại phường hội có tính phe phái, một nhóm vận động hành lang gây áp lực, một ý thức hệ tranh giành quyền lực với chính phủ hợp pháp của Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.

Kỳ tới: 5. Nhà nước và tự do tôn giáo
 
Quốc Hội Hoa Kỳ nhận định: Tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc tồi tệ hơn sau thỏa thuận Vatican - Trung Quốc
Đặng Tự Do
23:36 09/01/2020
Một báo cáo mới của chính phủ Hoa Kỳ cho biết tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong năm ngoái, 2019, và đặc biệt nhấn mạnh đến việc leo thang các cuộc đàn áp nhắm vào người Công Giáo sau khi Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Vatican vào năm 2018.

“Trong suốt năm báo cáo 2019 [kéo dài từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2019], Ủy ban Thường trực của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc phát hiện ra rằng tình hình nhân quyền đã xấu đi và việc tôn trọng luật pháp ngày càng tệ hại hơn, khi chính phủ và Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng thích sử dụng các quy định và sắc luật tùy tiện để khẳng định quyền kiểm soát chính trị và xã hội,” báo cáo hàng năm của ủy ban, được công bố hôm thứ Tư, cho biết như trên.

Báo cáo cho biết sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ký thỏa thuận với Tòa thánh vào tháng 9 năm 2018, mở đường cho việc thống nhất các cộng đoàn Công Giáo thầm lặng và cộng đoàn do nhà nước chi phối, chính quyền tại các địa phương của Trung Quốc đã gia tăng việc đàn áp các tín hữu Công Giáo như phá hủy các nhà thờ, triệt hạ thánh giá, và tiếp tục giam giữ tùy tiện và vô thời hạn hàng giáo sĩ thầm lặng.

Khung thời gian của báo cáo bao gồm các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc kéo dài từ tháng 8 năm 2018 đến tháng 8 năm 2019. Ủy ban được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2000, khi Trung Quốc muốn xin gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới, gọi tắt là WTO. Mục đích của ủy ban là báo cáo tình trạng vi phạm nhân quyền ở nước này và thu thập dữ liệu về các tù nhân chính trị.

Theo báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ, kế hoạch 5 năm nhằm “Trung Hoa hóa” các tôn giáo đang được tiến hành ráo riết nhằm thiết lập sự kiểm soát của nhà nước đối với các tôn giáo. Các học giả và các nhóm nhân quyền quốc tế đã mô tả cuộc bách hại tôn giáo đang diễn ra ở Trung Quốc trong năm qua là ráo riết và trắng trợn chưa từng thấy kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa.

Các phúc trình cho thấy Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các nhóm và các sự kiện tôn giáo trong năm 2020.

Những hạn chế mới được thiết lập, và sẽ có hiệu lực thi hành vào tháng 2, bao gồm các nhiệm vụ mà các nhóm tôn giáo phải tuân thủ “nhằm thi hành chặt chẽ các chỉ thị về tôn giáo ở Trung Quốc, cổ vũ các giá trị của chủ nghĩa xã hội, và thúc đẩy các nguyên tắc và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Trong một chỉ thị, đảng cộng sản “yêu cầu chính quyền các cấp phải tham gia vào việc lựa chọn các chức sắc tôn giáo và tham gia vào các cuộc tranh luận trong nội bộ các tôn giáo.” Các cộng đoàn thầm lặng và các “nhà thờ tại gia” bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục nhằm mục đích mang lại sự hợp nhất giữa cộng đoàn công khai do Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc lãnh đạo và Giáo hội thầm lặng hiệp thông với Rôma. Tuy nhiên, cuộc đàn áp Giáo hội thầm lặng vẫn tiếp tục và, theo một số người, lại còn dã man hơn trước đó.

Theo báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ, số người Công Giáo ở Trung Quốc ước tính là hơn 10 triệu tín hữu. Các số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc nói chỉ có 6 triệu người Công Giáo ở quốc gia này và phần lớn thuộc về cộng đoàn quốc doanh.

Các quan sát viên và các tín hữu Công Giáo bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận này chẳng mang lại ích lợi gì cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc. Một số học giả còn chỉ ra rằng chính sách khủng bố của chính quyền đối với cả cộng đoàn Công Giáo thầm lặng và chính thức đã thực sự gia tăng trong năm qua dưới chiêu bài “Trung Hoa hóa” các tôn giáo.

Báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ nêu một thí dụ là: “Mùa xuân năm 2019, chính quyền đã bắt giữ ba linh mục thầm lặng của giáo phận Tuyên Hóa (Xuanhua, 宣化) ở tỉnh Hà Bắc(Hebei, 河北).”

Trên cơ sở báo cáo này, Ủy ban khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ gia tăng áp lực đối với bọn cầm quyền Bắc Kinh để người Công Giáo có thể được lãnh đạo bởi các giáo sĩ được chọn theo đúng những tiêu chuẩn của Giáo Hội Công Giáo.

Bản báo cáo cũng nhấn mạnh đến việc chính phủ Trung Quốc gia tăng bách hại các cộng đồng tôn giáo khác, đặc biệt là người Hồi Giáo tại Tân Cương (Uyghur,新疆).


Source:Catholic Herald
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
90 Năm Có Đảng Nhưng Mất Tương Lai
Phạm Trần
10:14 09/01/2020
“Chín mươi năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của nước ta đã được tăng cường, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một quốc gia kinh tế - văn hóa phát triển, chính trị - xã hội ổn định, có nhiều triển vọng tốt... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay.”

Đó là lời tự khoe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng trong cuộc phỏng vấn đầu năm dành cho Thông tấn xã nhà nước ngày 03/01/2020.

Nhưng sau tấm màn nhung giả tạo này là quốc nạn tham nhũng năm sau cao hơn năm trước của cán bộ, đảng viên; tình trạng thanh niên mất định hướng; hàng ngũ lãnh đạo suy thoái tư tưởng, mất đạo đức trong lối sống; xã hội băng hoại trong các lĩnh vực giáo dục, đạo lý, thuần phong mỹ tục, tội phạm, nghiện xì ke ma túy, cờ bạc, tai nạn lưu thông và ngày càng có nhiều người trẻ muốn bỏ nước ra đi.

Tại sao ? Vì đảng duy nhất cầm quyền Cộng sản tiếp tục độc tài và độc quyền ca trị đất nước, mặc dù nhân dân, nay trên 90 triệu người, chưa bao giờ bỏ phiếu hay ủy thác cho đảng giữ quyền này.

Đảng đã tự ý tròng Chủ nghĩa Cộng sản ngoại lai (Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh) vào cổ dân, nhưng chưa bao giờ dám trưng cầu ý dân xem họ có muốn hay không. Đảng còn bao biện tự cho mình quyền lãnh đạo toàn xã hội và không chấp nhận đa đảng chính trị. Đảng còn độc quyền ngôn luận, không cho tư nhân ra báo và kiểm soát gắt gao các diễn đàn dân sự trên Internet của cá nhân và tập thể.

Đảng cũng chỉ muốn có một Quốc hội và các Hội đồng nhân dân do người của đảng, hay cảm tình viên kiểm soát.

Đảng cũng sợ bị lật đổ nếu để cho dân có quyền biểu tình và lập hội như quy định trong Điều 25 Hiến pháp nên đã tìm mọi cách trì hoãn việc làm luật của Quốc hội. (Điều 25:”Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”)

Tuy nhiên đảng cầm quyền đã thành lập và bỏ tiền nuôi ăn các Tổ chức ngoại vi để mạo nhận tính đại diện nhân dân như : Mặt trận Tồ Quốc, Hội Cựu Chiến Binh, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hiệp hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh v.v…

Tổng chi phí hàng năm cho các tổ chức không làm gì cho dân này, ước lượng khoảng 68 ngàn tỷ đồng.

KỲ TÍCH HẠI DÂN

Vậy mà, trong cuộc phỏng vấn của TTXVN, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn huyênh hoang nói rằng:”Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, làm nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam; đồng thời chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.”

“Kỳ tích” gì, ngoài chiến thắng Điện Biên Phủ mà đảng tự phong “chấn động địa cầu” ngày 07/05/1954 đã chia đất nước làm hai. Hơn một triệu người miền Bắc đã bỏ của chạy lấy người vào miền Nam tìm tự do và xây dựng đời sống ấm no với đồng bào ruột thịt miền Nam.

Sau đó là “kỳ tích” của chiến dịch Cải cách ruộng đất ở miền Bắc từ 1953 đến 1956 mà đảng CSVN, khi ấy do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã cam tâm giết hại từ khoảng 15,000 đến ngót 50,000 người dân vô tội hay bị cáo oan.

Sau đó, bắt đầu từ 1960, đảng Lao động Việt Nam (sau đổi thành đảng Cộng sản Việt Nam) đã đưa ra kế hoạch xâm lăng miền Nam qua chiêu bài gọi là “giải phóng” để chiếm phần lãnh thổ còn lại bằng võ lực với súng đạn và lương thực của Trung Cộng và khối Cộng sản quốc tế do Nga lãnh đạo.

Hậu quả của chiến dịch “kỳ tích” mang tên Hồ Chí Minh, kết thúc ngày 30/04/1975, đã đặt miền Nam trong gông cùm Cộng sản. Từ đó, thay vì hòa giải dân tộc, đảng CSVN đã đạt “kỳ tích” khác bằng các chiến dịch trả thù Quân-Cán-Chính miền Nam, qua các đợt bắt tù gọi là “học tập cải tạo” và tấn công giới thương nghiệp miền Nam để cướp tài sản.

Tiếp theo là “kỳ tích” uất hận mà đảng CSVN đã gây ra cho hàng chục ngàn người miền Nam bị chết thê thảm trên đường vượt biển và vượt biên tìm tự do từ sau 1975.

Cũng là một “kỳ tích” khi chưa bao giờ trong lịch sử nước Việt, đã có trên 4 triệu người dân, đa phần là tị nạn Cộng sản từ miền Nam Việt Nam, bỏ nước ra đi sống rải rác trên thế giới.

Giờ đây, sau gần 45 năm thống nhất đất nước mà giấc mơ đại đoàn kết toàn dân trong chiêu bài “hòa hợp” dân tộc một chiều của đảng đã bị tẩy chay bởi người miền Nam ở ngoài nước. Mặt trái của Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Chính trị ban hành ngày 26/3/2004, chỉ nhằm thu hút trí tuệ, khả năng và vật lực của người Việt ở nước ngoài về giúp đảng củng cố quyền hành và xây dựng đất nước theo chủ trương và chính sách của đảng cầm quyền.

Tuyệt nhiên, Nghị quyết 36 (NQ-36) không có thực tâm “hòa giải” những bất đồng trong dân tộc và giữa các khuynh hướng chính trị Cộng sản và không Cộng sản. Do đó, nó chỉ là một chiêu bài nhằm kích thích tình tự dân tộc và nỗi nhớ về quê hương và nguồn cội của người xa xứ để có lợi cho nhà nước.

Bằng chứng thất bại của NQ-36 là đã có rất ít Trí thức tị nạn chịu về giúp nước theo các điều kiện của đảng CSVN. Cũng chỉ có số đếm trên đầu ngón tay số thương gia Việt hải ngoại chịu bỏ tiền đầu tư vào các dự án kinh tế lớn. Tính đến cuối năm 2019 tuy có khoảng 300 doanh nghiệp đã đầu tư lối 4 tỷ dollars nhưng chỉ tập trung vào ngành địa ốc và hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên Việt Nam đã nhận được trên 16.7 tỷ dollars, gọi là Kiều hối, của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về giúp gia đình hay đầu tư trong năm 2019, tăng 800 triệu dollars so với năm 2018.

NGƯỜI TRONG NƯỚC

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài thì như thế. Người Việt trong nước không dính dáng với đảng và các tổ chức của đảng cũng không may mắn hơn. Giới lao động chân lấm tay bùng thì làm còng lưng vẫn không đủ sống. Ngược lại cán bộ đảng viên có chức có quyền, tuy cấp trung với đồng lương đủ ăn, nhưng lại có nhà lầu, nhà cho thuê, xe hơi hoặc đất đai thì tiền nay đâu ra không thấy nhà nước điều tra.

Khôi hài là khi bị vặn hỏi, có người khai nhờ nuôi lợn (heo), hay bán chổi, trồng rau sạch bán v.v…

Đến khi bắt khai thì khai xong lại nộp cho Thủ trưởng hay Cơ quan nơi làm việc cất đi, hoặc chỉ công bố trong nội bộ, không cho dân biết thì khai làm gì cho xấu hổ ?

Cũng vì đã có bất công và lợi ích nhóm làm giầu bất chính nhưng đảng không tìm ra manh mối nên đã có tiếng nói của những người can đảm và trí thức đòi dân chủ và thực hiện quyền dân để xã hội có công bằng và pháp trị.

Nhưng thay vì lắng nghe, đảng lại quy chụp những người này bằng nhiều loại mũ như “phản động”, “cơ hội chính trị”, hay “nội gián” của các thế lực thù địch, hoặc “tay sai” của “diễn biền hòa bình” để chống phá đảng.

Lý do đảng muốn đội cho họ nhiều mũ vì đảng cầm quyền không muốn đối thoại với những người, dù biết có thiện tâm, vì sợ mất thể diện ta là lãnh đạo. Vì vậy, đã có một khoảng trống sâu thẳm giữa những người đấu tranh đòi dân chủ, quyền con người với hàng ngũ lãnh đạo, cách riêng giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Trí thức, những người đã nhìn ra sự thất bại của Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam, nhất là thứ Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.

Những người chống đảng đòi phục hồi quyền làm chủ đất nước cho dân và phải để dân quyết định vận mệnh chính trị của mình

Nhưng ông Trọng, một trong số người mê muội Chủ nghĩa Cộng sản và đam mê quyền lực hơn ai hết đã khẳng định đảng phải lãnh đạo toàn diện. Vì vậy, trong cuộc phỏng vấn của TTXVN ngày 03/01/2010, ông nói:”Cần quán triệt tinh thần: Dứt khoát phải đổi mới, song đổi mới mà không xa rời những vấn đề có tính nguyên tắc, không chệch hướng, đổi màu…”

Phương châm này có từ lâu, được vẽ ra bởi Hội đồng Lý luận Trung ương, toàn bộ là “đổi mới nhưng không đổi màu. Hội nhập mà không hòa tan”.

Hội đồng này là cơ quan soạn thảo các Văn kiện cho các kỳ Đại hội đảng. Vì vậy, những điều ông Trọng nói với TTXVN, sẽ phản ảnh trong nội dung các văn kiện của Đại hội đảng XIII, diễn ra vào tháng 1/2021.

Trong đó, quan trọng nhất là phải tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác-Lenin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước, như đã quy định trong Cương lĩnh (bổ xung) năm 2011.

Nhưng đảng CSVN đang phải đối diện với tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” không còn tin Mác-Lenin và tư tưởng ông Hồ là cứu cánh bất diệt cho đảng.

Vì vậy, trong thời gian qua, Ban Tuyên Giáo đã phải bươn chải tóat mồ hôi để bảo vệ chế độ không tan.

Nội dung bài viết “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng”, ngày 3/1/2020 là một tỷ dụ.

Một đoạn tiêu biểu nói rằng :”Việt Nam đang đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến khó lường cùng những khó khăn, phức tạp trong đời sống xã hội, nhất là sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa và hội nhập đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân phai nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa, hoang mang, dao động, giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội...”

Nhưng một lần nữa, Ban Tuyên giáo lại đổ vấy cho thế lực bên ngoài đạ thúc đầy đảng viên chệch hướng. Bài báo viết tiếp rằng:”Trong khi đó, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa.

Và, vẫn luận điệu cũ, bài viết đã khuyến cáo đảng viên:”Thế giới có thể đổi thay, nhưng hơn bao giờ hết, thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải: “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị. Kiên định (là vững vàng, không dao động, thay đổi lập trường, ý chí trước mọi trở ngại) chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới” - coi đó là một nguyên tắc cơ bản để giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng.”

TRỤ ĐƯỢC BAO LÂU ?

Mặc dù Tuyên Giáo và Bộ Chính trị cố níu kéo cho đảng vững mãi, nhưng liệu được bao lâu trước tình hình suy thoái mỗi ngày một sâu rộng hiện nay ?

Hãy đọc lại những lời nói thẳng của Cố Thiếu tướng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Cộng, Nguyễn Trọng Vĩnh, người đã qua đời ngày 26/12/2019, hưởng thọ 104 tuổi.

Theo nguyên Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang ghi lại thư chuyển của Nhà văn kiêm dịch giả Nguyễn Nguyên Bình, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, trưởng nữ của Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ngày 25/9/2017 thì tướng Vĩnh đã :”Cho rằng ĐCSVN nay đã hoàn toàn biến chất, trở nên quá hư hỏng, khó có thể sửa chữa được! Đảng đã đánh mất mình, không còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nữa! Trong các hư hỏng trên, cụ nói có 3 hư hỏng nguy hiểm nhất:

- Một là, ĐCSVN đã trở thành một ổ tham nhũng trầm trọng, khó có thể kiềm chế và kiểm soát được! Bọn tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên trung cao cấp của Đảng, chúng đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu và ăn của dân không từ một thứ gì!

- Hai là, ĐCSVN không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Nay đã chia rẽ, đang hình thành nhiều phe nhóm lợi ích tệ hại trong đảng, và các phe phái này đang ra sức đấu đá, tranh giành nhau quyền lợi và quyền lực, không thiết tha gì với lợi ích dân tộc, với quyền lợi đất nước như hồi ĐLĐVN trước đây nữa!

- Ba là, ĐCSVN ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào ĐCSTQ! Sau khi bí mật ký kết thỏa ước Thành Đô (9/1990) với ĐCSTQ, Ban lãnh đạo ĐCSVN kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào ĐCSTQ! ĐCSVN làm ngơ, không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị bọn TQ xâm phạm, đặc biệt là sự kiện từ đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014, khi TQ ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, chúng hạ đặt trái phép dàn khoan HD.981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và mới đây Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu sách ngang ngược của TQ đòi VN phải ngừng Dự án khoan thăm dò khí đốt tại Lô 136/03 thuộc bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam!”

Như vậy, nếu đem nhận xét của Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh khi còn sinh thời cách nay 3 năm so với tình trạng xiêu vẹo của đảng CSVN trước thềm Đại hội XIII thì có thấy khác gì không, hay còn nguy kịch hơn với đe dọa mỗi ngày một nghiêm trọng của Trung Cộng ở Biển Đông, nhất là sau vụ Tư Chính từ ngày 3/7 đến 24/10/2019 ? -/-

Phạm Trần

(01/020)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc di cư vào Nam năm 1954
J.B. Vũ Văn Long
10:19 09/01/2020
Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc di cư vào Nam năm 1954

Người đời thường nói: Tuổi trẻ sống về tương lai, tuổi già sống về quá khứ. Ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, Chúa lại đã ban cho cả chục năm “bonus” (thưởng thêm), tôi thường hay nhớ lại những thăng trầm của đất nước, những biến cố đã ảnh hưởng đến cuộc đời của mình; trong số các biến cố ấy, cuộc di tản của Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc năm 1954 vẫn là một biến cố quan trọng.

Thật sự, ngôi trường Chủng viện Phúc Nhạc ba tầng đồ sộ vẫn còn đó, chỉ những con người sống trong ngôi trường ấy đã hốt hoảng di tản để thoát khỏi sự thống trị của Việt Minh Cộng sản. Đó là cuộc tháo chạy của Chủng viện theo chân Quân đội Quốc gia và Quân đội Pháp rút lui chiến thuật khỏi vùng đất đã một thời trấn đóng.

Sau hơn một nửa thế kỷ, hồi tưởng về cuộc di tản ngày ấy, tôi chỉ nhớ được những sự kiện nối tiếp nhau, còn ngày tháng thì đã nhạt nhoà theo thời gian. Và sau đây là những ghi nhận và cảm xúc của một chủng sinh ở lứa tuổi 14 trong thời điểm lúc bấy giờ.

Chủng viện Phúc Nhạc
Hồi đó, tôi đang trong kỳ nghỉ hè tại xứ Tôn Ðạo là quê ngoại, vì xứ Quân Triêm, chánh quán đã bị Việt Minh kiểm soát. Một ngày vào buổi trưa, tôi được cha bố (Cha Gioan Phạm Minh Học, giáo sư Tiểu chủng viện) nhắn tin là phải xuống Nhà Chung Phát Diệm ngay để chuẩn bị đi Saigon. Saigon, tên một địa danh ở Miền Nam không quá xa lạ với tôi vì thầy tôi (vùng tôi gọi cha mẹ là thầy mẹ) đã nhiều lần đi vào trong đó buôn bán, khi về, có mua quần áo mới, tân thời cho chị em chúng tôi, có khi còn mang cả một hòm (rương) bát đĩa với những hoa văn rất đẹp mà chỉ khi nào có những bữa ăn lớn trong gia đình mới mang ra sử dụng. Từ Nhà Xứ Tôn Ðạo (lúc đó cha già Tùng làm chánh xứ, phó xứ là Cha Cát) tôi vội vã ra về, tâm trạng hoang mang đến tột cùng. Vừa bước chân vào nhà, tôi liền báo cho mẹ và chị tôi cái tin quan trọng và đột ngột này. Me tôi oà lên khóc, còn chị tôi sụt sùi trong nước mắt. Tuy nhiên, mẹ cũng giúp tôi gom góp một ít quần áo và một số vật dụng cần thiết. Tất cả đều dồn vào chiếc balô vải sẵn có. Tôi khoác lên vai và chuẩn bị ra đi. Tôi thấy mẹ tôi còn chạy vội vào buồng, khi ra dúi vào túi tôi một ít tiền giấy (tiền Ðông Dương), lúc đó, tôi cũng chẳng biết là bao nhiêu, mẹ nói rằng để vào trong đó mà tiêu. Mẹ còn dặn thêm: con cố tìm được mấy chú họ ở Saigon, các chú đã đi vào Nam trong những đợt tuyển phu đi làm đồn điền cao su lúc trước. Còn chị tôi thì ôm chặt tôi từ giã, có lẽ chị nghĩ rằng số tiền mẹ đưa không đủ cho tôi, chị liền cởi chiếc dây chuyền vàng trên cổ đeo vào cho tôi và dặn: khi cần em bán đi mà tiêu, chị cầu nguyện cho em. Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!!! Tôi gạt nước mắt, thất thểu bước đi trên con đường hướng về Phát Diệm.

Từ Chủng viện Phúc Nhạc, có hai lối xuống Phát Diệm: con đường tôi đang đi là một phần của đường từ chủng viện đi Phát Diệm qua xứ Tôn Ðạo. Trên đoạn đường này, nhóm chủng sinh cùng quê Tôn Ðạo gồm có Tích, Quyền, Phương (sau này là các Cha Tích, Cha Quyền và Đức ông Phạm Văn Phương Atlanta) và tôi là nhóm bạn thường cùng đi về với nhau mỗi khi có “sortie libre” (được về thăm nhà). Ðường được tráng nhựa cho đến Phố Hậu, nhưng một quãng cũng bị đào hố trong chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh. Phần còn lại, mặt đường lởm chởm đá, có quãng được phủ bằng những lớp cỏ xanh, bên lề là lối mòn cho người đi bộ. Một lối khác đến Phát Diệm là đi về phía Kiến Thái. Con đường này nhỏ hơn, không được tráng nhựa mà có chỗ còn là đường đất, rất dễ bị Việt Minh đặt mìn rồi tấn công phá hoại các đoàn “convois” (đoàn xe quân sự) hay các xe hơi di chuyển trên con đường này. Vì thế, mỗi lần muốn di chuyển, quân đội phải rà mìn và mở đường trước. Do đó, mỗi khi cha Nhuận, quản lý Chủng viện và các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá phụ trách nấu ăn cho Chủng viện, đi Phát Diệm mua thực phẩm bằng chiếc xe hơi “Peugeot familiale” hoặc cha giáo Bảo có về thăm ông bà cố bằng chiếc mô-tô Peugeot mầu nâu, là chúng tôi phải cầu nguyện cho các ngài đi về được an toàn.

Trên đường xuống Phát Diệm, tôi đi qua Phố Hậu, nơi gia đình tôi đã từng ở, trong thời kỳ Tháng Ba Ðói (1945). Hình ảnh những xác chết đắp chiếu nằm la liệt dọc theo đường lại hiện lên trong tâm trí một thời kỳ đói khát kinh hoàng của quê hương tôi. Qua Hoà Lạc với cây đa cổ thụ to lớn mà khi tôi còn ở Trường Thử Trì Chính (Probatorium Trì Chính), mỗi lần đi sortie libre về quê, thế nào cũng phải ngừng lại nghỉ mát rồi mới tiếp tục đi. Ðến Ứng Luật, giáo xứ đã có kỳ hè tôi về ở và giúp lễ Cha Ba, chánh xứ. Những dịp này tôi ở nhà ông bà cố Liệu, ông bà Cố có 3 người con làm linh mục: Cha Trần Trung Lương (giáo sư Tiểu Chủng viện), Cha Trần Phương Phi (chính xứ sáng lập giáo xứ An Nhơn Gò Vấp), và Cha Trần Ngọc Phan (khi du học ở Mỹ về làm thư ký cho Ðức cha Lê Hữu Từ thay cho Ðức ông Trần Ngọc Thụ rời đi làm thư ký cho Toà Khâm Sứ Saigon; Cha Phan còn làm quản lý Chủng viện Phát Diệm Phú Nhuận và sau cùng là bí thư của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình). Cha Trần Phương Phi là cha bố (cha đỡ đầu) của tôi, ngài đã đưa tôi vào nhà Trường Thử, nhưng sau vì nhu cầu truyền giáo ngài đã nối tôi cho Cha Học. Ngoài ra, ông bà cố Liệu còn có người con trai thứ tư là thầy Trần Trung Lập cũng đã một thời gian làm giáo sư Lý hoá cho lớp tôi ở Tiểu Chủng viện và Soeur Chuộng. Trong địa phận Phát Diệm, ông bà cố Liệu chỉ thua ông bà cố Hoá có tới 4 vị linh mục (là các Cha giáo Trần Phúc Long, Trần Phúc Vỵ, Trần Phúc Hạnh tức nhạc sĩ Vinh Hạnh và Trần Phúc Nhân) và 2 người con gái là nữ tu (Sr. Bảo thuộc Dòng Thánh Phao Lô Thiện Bản và Sr. Hường thuộc Tu hội Huynh Đệ Quốc tế AFI).

Qua Hướng Ðạo, xứ của Cha Lê Nguyên Kỷ đến Kiến Thái, quê của người bạn học cũng là chủng sinh lớp tôi Phan Hiếu Học, cháu gọi Ðức Cha Phan Ðình Phùng là chú ruột. Cuối cùng là Trì Chính nơi có Trường Thử, nơi chúng tôi đã học 2 năm trước khi lên Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc. Qua cầu Trì Chính rồi vào Nhà Chung Phát Diệm. Tại đây, trước tiền đường của Toà Giám Mục, tôi đã thấy một số các bạn, lớp trên có, lớp dưới có đang đứng tụm năm tụm ba bàn tán về biến cố quan trọng và bất ngờ này: Chủng viện di chuyển vào Nam. Chúng tôi được lệnh ra bến đò Trì Chính. Từ Nhà Chung chúng tôi phải qua một cái đập nước, chợ Năm Dân rồi tới bến đò. Bến đò nằm bên hữu ngạn sông Trì Chính. Ở đây đã tụ tập khá đông, thuyền nan có thuyền gỗ có, trong đó có số thuyền của Chủng viện thuê, còn lại là của dân chúng. Người người xôn xao, kẻ đã xuống thuyền, người còn ở trên bờ. Tôi nhập bọn với những người đứng trên bờ. Hỏi nhau sao chưa đi còn chờ gì nữa? Nghe nói tất cả còn đang chờ lệnh của Ðức Cha. Ðức Cha Lê Hữu Từ, trên danh nghĩa là Cố vấn Tối cao của Hồ Chí Minh, trong thực tế Ngài là vị lãnh đạo Khu Tự Trị Phát Diệm trong đó có Khu An Toàn là khu vực Nhà Chung mà Việt Minh không bao giờ dám đụng tới. Tôi còn nhớ khi Ðịa phận tổ chức cuộc rước kiệu Ðức Mẹ Fatima vào một buổi chiều, ngay đêm hôm đó Việt Minh tấn công Secteur Trì Chính. Bộ độ Việt Minh hầu như tràn ngập cả vùng Phát Diệm, nhưng Khu An Toàn vẫn yên tĩnh, không bị xâm nhập. Có thể nói uy quyền của Ngài gồm cả giáo quyền lẫn thế quyền bao trùm cả địa phận hay nói đúng hơn cả tỉnh Ninh Bình lúc đó. Trong một giai đoạn ngắn, với sự trợ giúp của Cha Hoàng Quỳnh, Ngài có lực lượng quân sự riêng mà người ta thường gọi là “Lính Ðức Cha”. Các thanh niên thuộc các giáo xứ hăng hái gia nhập “Lính Ðức Cha” và chiến đấu rất kiên cường. Tôi nghe nói có những đồn khi chống trả sự tấn công của Bộ đội Việt Minh, “Lính Ðức Cha” đã tay mang súng tay cầm tràng hạt quyết tử với đối phương.

Trong khi mọi người nóng lòng chờ đợi thì một chiếc máy bay bà già, một loại máy bay thám thính xuất hiện trên bầu trời. Sau khi lượn một vòng, máy bay đáp xuống phi trường gần bến đò chúng tôi đang đứng. Nói là phi trường thực ra là sân vận động được cải biến thành phi trường mỗi khi có loại phi cơ nhỏ cần đáp xuống. Ðó là máy bay đưa Ðức Cha từ Hà Nội về. Sau khi họp với chính quyền ở Hà Nội về số phận của Phát Diệm, Đức Cha biết quân đội Việt – Pháp đã quyết định rút lui khỏi Phát Diệm. Ðức Cha lên xe về Toà Giám Mục. Tôi và một số anh em lại quay về Nhà Chung để nghe lệnh của Ðức Cha.

Và đây là số phận của Phát Diệm: trước tiền đường của Toà Giám Mục, Ngài tuyên bố là phải chuẩn bị đi ngay vì quân đội Việt - Pháp dứt khoát rút khỏi Phát Diệm. Một lần nữa, chúng tôi lại hối hả ra bến đò. Một điều cho tới giờ tôi vẫn còn thắc mắc là vào thời đó chưa có cellphone mà sao chúng tôi liên lạc với nhau rất chinh xác, nhanh chóng và kịp thời. Ðến bến đò, tôi leo lên một chiếc thuyền gỗ với các bạn đã ngồi sẵn trên đó. Tất cả đoàn thuyền đều rộn rịp đi ra cửa biển. Dọc sông Trì Chính, tới Kim Ðài, nơi có ngọn hải đăng để hướng dẫn cho tầu bè, đây cũng là ngã ba khi sông Trì Chính gặp sông Ðáy trước khi đổ ra biển. Ðoạn đường rút lui này tương đối yên tĩnh, cùng với đoàn thuyền dân sự di chuyển, thỉnh thoảng có một chiếc tàu nhỏ hay những chiếc ca-nô chạy song song nhanh hơn, nhưng mạnh ai nấy đi. Ai ai cũng vội vã đi về phía trước. Nhưng từ Kim Ðài ra cửa biển thi tình hình khác hẳn, trên trời đã xuất hiện những phóng pháo cơ nhào lên lộn xuống để thả bom hai bên bờ. Tôi đã nhìn thấy những cột khói đen bốc lên cao và nghe thấy nhiều tiếng nổ kinh hoàng. Có lẽ đây là biện pháp bảo đảm an toàn cho cuộc rút lui. Ðã vậy, trong cơn hoảng loạn, có lúc thuyền đâm vào cồn cát mắc cạn, chúng tôi lại phải nhảy xuống sông đẩy thuyền ra chỗ sâu để tiếp tục đi. Khoảng 5, 6 giờ chiều, thuyền đã ra tới cửa biển. Thuỷ triều bắt đầu lên, gió thổi rất mạnh và những con sóng lớn từ biển dồn dập đổ vào như muốn lật chìm con thuyền. Vì thuyền thì nhỏ lại chở quá nhiều người, đâu có chuẩn bị đi biển nên chủ thuyền và vợ con trên thuyền khóc lóc van xin để dừng lại tại đây hay quay trở về, nhưng những người di tản thì nhất quyết ra khơi. Trong lúc dùng dằng như vậy, thì bỗng thấy một chiếc ca-nô nhỏ chạy qua, thoáng có bóng áo trắng trong đó giơ tay và chỉ về phía trước. Ðược biết đó là Ðức Cha Lê Hữu Từ. Ngài cùng với vị Quan Năm Pháp rời Phát Diệm bằng chiếc ca-nô này. Đó là chiếc ca-nô cuối cùng của đoàn di tản, vì đi sát bờ quá nên bộ đội Việt Minh đã ném một quả lựu đạn vào ca-nô và chiếc áo trắng của Ngài đã vấy máu của người bị thương trên tàu. Ngài ra lệnh thuyền cứ ra khơi vì đã có tàu lớn đón ở ngoài đó. Mọi người mừng rỡ và hăm hở ra biển, nhìn xa xa đã thấy vài ba con tàu lớn đen thui đang neo chờ. Thuyền chúng tôi tiến sát gần, áp vào con tàu gần nhất và được lệnh trèo lên tàu bằng chiếc lưới to đã thả sẵn xuống bên mạn tàu. Mọi người đều lên tàu bằng phương tiện này và khi đã đầy đủ, chúng tôi tìm chỗ để nghỉ ngơi. Trời sập tối và con tầu nhổ neo đi về hướng Hải Phòng. Tôi cũng chọn một chỗ nằm, nhưng thao thức không ngủ được, thêm vào đó, sợ bị say sóng nên leo lên boong, đứng dựa vào thành tàu, qua bóng đêm dày đặc nhìn về quê hương bỏ lại mà lòng buồn man mác... Sau một đêm không ngủ, trời bắt đầu sáng rõ. Mọi cảnh vật chung quanh đều xa lạ, phía dưới tàu thuyền bè đã nhộn nhịp qua lại, tàu cũng đi chầm chậm tiến vào cảng Hải Phòng.

Tàu cập bến và chúng tôi được lệnh xuống tàu và lên mấy chiếc camions đã chờ sẵn ở dưới bến. Những chiếc xe chúng tôi di chuyển không phải là xe khách mà là những chiếc xe vân tải có mui, không có ghế ngồi, mọi người đều phải đứng vịn vào nhau để giữ thế thăng bằng, nên mỗi lần xe thắng thì cả đám nghiêng ngả và có người ngã lăn cù xuống sàn xe. Ðoàn xe đổ chúng tôi xuống một khu vực khá rộng rãi gồm những dãy nhà ngang dọc. Ðược biết đây là Chủng viện Thánh Giu-se thuộc địa phận Hải Phòng. Vì đang là kỳ nghỉ hè, chủng viện còn trống nên để cho chúng tôi tạm thời tá túc. Chúng tôi lại chia nhau vào các phòng để ở. Trong thời gian này, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do cha Bề Trên và các cha giáo chỉ dẫn. Ẩm thực thì vẫn do nhóm các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá (biệt phái giúp chủng viện) và các chị giúp việc (xưa gọi là các nữ tỳ) đi theo phụ trách.

Trong dịp này, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm (nhà mẹ Lưu Phương cùng hầu hết các nữ tu của hội dòng) cũng di tản, vì thế tôi may mắn được gặp soeur Vóc là cô họ của tôi. Cô đi tu khi tôi còn nhỏ. Cô có nghe biết tôi vào chủng viện, nhưng chưa bao giờ gặp mặt.Cô Vóc dò hỏi và biết tôi ở đây. Một hôm tôi được nhắn xuống phòng cơm, cô cháu nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi. Cô hứa là khi vào Saigon sẽ đưa đến thăm mấy người anh của cô và là chú họ của tôi, các chú đã vào Saigon từ lâu như mẹ tôi đã dặn. Từ đó tôi được cô thỉnh thoảng gửi cho ít vật dụng và thức ăn. Một thời gian ngắn ở Chủng viện Thánh Giu-se, chúng tôi nghe tin Ðức Cha đang thu xếp để tìm nơi đưa chủng viện lên Hà Nội và tu học ở đó chứ không đi vào Saigon như dự trù trước đây. Chúng tôi lại chờ đợi. Và cuối cùng quyết định của Ðức Cha là đưa chúng tôi vào Nam. Có lẽ với tầm nhìn xa thấy rộng, Ngài biết lên Hà nội cũng không yên, miền Bắc rồi cũng vào tay Cộng sản.

Chúng tôi lại chuẩn bị một chuyến hải hành vào miền Nam. Con tàu Ðức Cha dự trù cho chúng tôi đi là một chiếc tàu chiến tương đối không lớn lắm tên là La Charente của quân đội Pháp. Chúng tôi được chở đến bến tàu Hải Phòng. Lên tàu, chúng tôi chia nhau để kiếm chổ nghỉ ngơi. Vì tàu chỉ dành riêng cho chủng viện nên chỗ ở rất thoải mái, một số xuống dưới tàu, một số căng bạt nằm trên boong tàu. Các Cha thì hình như được cung cấp một số phòng riêng ở dưới tàu. Trong thời gian ở đây chúng tôi được cung cấp thức ăn của tàu, dĩ nhiên là theo thực đơn của thuỷ thủ trên tàu, tuy lạ nhưng rất thích thú. Trên tàu cả ngày ăn xong là chơi hoặc đứng ngắm trời, mây, nước. Trong thời gian này, có lẽ vì giao tế, cha Bề trên Phượng muốn có một một mục mua vui cho thuyền trưởng và các sĩ quan trên tàu, nên đã yêu cầu đoàn vũ chúng tôi đảm trách. Ðoàn vũ của lớp Ba Vua chúng tôi do anh Trần Anh Linh, sau là nhạc sĩ Anh Linh, thành lập khi còn ở Phúc Nhạc, trong đó tôi là một thành viên và một số anh em trong lớp như Trần Văn Phát (nay là Cha Phát), Nguyễn Thượng Hiến v.v... Tối hôm đó, trong phòng dành cho sĩ quan trên tàu, chúng tôi đã múa bài Thiên Thai của Văn Cao, một trong những bài hát chúng tôi thường múa vào các dịp lễ ở Phúc Nhạc. Sau hơn hai ngày đêm lênh đênh trên biển cả, con tàu đi qua Cap Saint Jacques (nay là Vũng Tàu) và bắt đầu vào sông Saigon. Rồi cuối cùng tàu đã cập bến. Cái bến này không phải là bến tàu Saigon ngày nay, nó yên tĩnh, không có nhà cửa mà cũng không có người qua lại. Trên bờ chỉ thấy một ít cây dừa và mấy chiếc xe vận tải đang chờ chúng tôi ở đó.

Chúng tôi đến Sàigon vào một ngày tháng bảy năm 1954. Rời tàu, chúng tôi lên xe trực chỉ Thủ Ðức. Chúng tôi được đổ xuống trường Mossard Thủ Ðức, ngôi trường thuộc dòng các Frères Lasan. Vẫn còn đang kỳ hè nên trường còn trống. Trường có những dãy nhà hai tầng kiên cố ngang dọc, chúng tôi chỉ sử dụng tầng dưới. Thật sự, chúng tôi không lạ gì vì đã từng ở Chủng viện Phúc Nhạc, một ngôi nhà 3 tầng kiên cố mà cha giáo Bảo đã có lần nói đó là một toà nhà lớn nhất Ðông Dương vào thời đó. Có một cái lạ đối với hầu hết các anh em là ở đây có cái hồ bơi mà Chủng viện Phúc Nhạc không có. Ở Phúc Nhạc, mỗi lần đi tắm, chúng tôi phải khăn gói xếp hàng đi bộ ra vụng Tam Châu. Cái vụng này rất lớn. Ở đây, chủng viện có một khu đất rất rộng, gồm một dãy nhà ngói cửa trống, với những hàng cây muỗng cao, sân chơi rông rãi, đá banh hay voley ball (bóng chuyền) tuỳ ý. Ra đây chúng tôi vui chơi thể thao thoả thích sau dó xuống vụng tắm rồi về. Vào đây có hồ bơi nên anh em hăm hở xuống tắm, tha hồ ngụp lặn trong hồ nước trong xanh. Không quen với độ sâu của piscine (hồ bơi) nên anh Trúc, bạn cùng lớp tôi, nhào xuống chỗ cạn, mặt đâm xuống đáy hồ làm gãy một cái răng và môi thì bị thương phải đi cấp cứu để vá môi.

Ngày Chúa Nhật đầu tiên, chúng tôi được ra nhà thờ Thủ Ðức gần đó dự lễ. Tan lễ, chúng tôi xếp hàng ra về, giáo dân thấy đoàn người lạ nên đứng hai bên đường nhìn chúng tôi. Trong đám đông ấy, có một người đàn ông trông thấy tôi thì kéo lại, sau một vài câu trao đổi, ông xưng là chú họ tôi và muốn xin cho tôi về Saigon chơi. Cha Bề trên chấp thuận, thế là có lẽ tôi là người đầu tiên tiếp xúc với Saigon: thành phố và con người. Tôi nghĩ rằng có lẽ soeur Vóc, cô tôi đã vào trước và báo cho các chú tôi để đến tìm tôi, tôi không phải đi tìm các chú như mẹ tôi đã dặn. Tôi được gặp các chú khác cho đi ăn, sắm vali, quần áo và các thứ cần dùng.

Nếp sống tạm bợ chúng tôi đã quen nên thời gian ở đây không khó khăn và cũng qua mau. Chúng tôi chờ để trụ sở mới của chủng viện xây cất xong. Nghe rằng Ðức cha Từ đã thương lượng với giáo xứ Phú Nhuận nhượng cho một khu đất giáo xứ đã lâu không sử dụng. Nơi này sẽ là trụ sở mới của Tiểu chủng viện, nay được đổi tên là Tiểu chủng viện Phú Nhuận. Công tác xây cất xong và chúng tôi được lệnh dọn về trụ sở mới. Cấu trúc của khuôn viên Tiểu chủng viện hầu như là một hình vuông, nằm sát đuờng xe lửa nên khi vào chúng tôi phải qua một đường rầy sắt. Qua cái cổng thép gai khung gỗ, hai bên là hai căn nhà nhỏ một dùng làm phòng tiếp khách, một là chỗ ở cho ông bõ (cố Thu) giữ cổng. Bên trái là dãy nhà gỗ lợp tôn, tường gạch xi-măng hai tầng dành làm phòng ngủ cho các chủng sinh. Các dãy nhà mới xây cất đều là nhà gỗ lợp tôn, trừ 2 căn nhà xây lợp ngói sẵn có. Tiếp đó là căn nhà xây lợp ngói (như vừa nói) dành cho các cha giáo và các thầy. Dãy ngang cũng là nhà hai tầng, tầng dưới là nhà ăn, tầng trên là nhà nguyện, phía cuối dãy là một số phòng dành cho các Cha của Nhà Chung. Ðầu tầng dưới là phòng Cha Trần Ngọc Thụ, thư ký Toà Giám Mục. Phía sau là dãy nhà nhỏ một tầng dùng làm chỗ ở cho các nữ tu Dòng mến Thánh Giá và các chị giúp việc nhà bếp. Bên phải là dãy nhà một tầng làm nhà nguyện. Cuối dãy này là căn nhà ngói nhỏ hai tầng, Ðức Cha ở tầng trên, tầng dưới là kho. Tiếp đó là căn nhà hai tầng ngắn dùng làm phòng họp. Vì là khu đất trũng và xây cất chưa xong nên khi mới về mỗi khi mưa, nước đọng đầy sân, đêm ngủ còn nghe cóc nhái kêu inh ỏi. Sau này sân được bồi đắp và hai con đường đổ đá dăm làm thành hình chữ thập, một đi thẳng từ cổng vào nhà ăn, một vắt ngang từ phòng ngủ qua nhà nguyện. Trên hai con đường này chúng tôi thường đi đi tản bộ sau bữa cơm chiều. Sau một thời gian cơ sở được hoàn chỉnh và chúng tôi yên tâm tu tập.

Trong thời gian đã xẩy ra 2 sự kiện đặc biệt:

Một: Vào một buổi sáng tinh sương, trong khi chúng tôi đang đọc kinh nguyện trên nhà nguyện thì một đoàn xe của Tổng thống Ngô Ðình Diệm bất thần đến để cùng dự lễ với chúng tôi. Sau lễ, ngài xuống lầu, dân chúng hay biết tụ tập rất đông để hoan hô Ngô Tổng thống. Sau một vài lời cám ơn Ngài ra về. Ðơn sơ chỉ có thế cho một vị tổng thống.

Hai: Khi Ðức Hồng Y Spellman thăm Việt Nam Cộng Hoà, Chủng viện tổ chức làm khán đài đón tiếp Đức Hồng Y, có dân chúng ở ngoài tham dự. Ðứng trên bục cao, ngài ban huấn từ và trong dịp này, 2 giám mục vừa được phong chức là Ðức Cha Nguyễn Văn Hiền, giám mục Saigon và Ðức Cha Nguyễn Văn Bình, giám mục Cần Thơ cũng được giới thiệu.

Qua diễn tiến của cuộc vượt thoát khỏi Phát Diệm, di tản ra Hải Phòng rồi di chuyển vào Nam, chúng tôi thấy Ðức Cha Lê Hữu Từ, với tầm nhìn xa, đã tiên liệu miền Bắc trước sau gì cũng sẽ do Việt minh Cộng sản kiểm soát, cho nên Ngài đã đưa Tiểu Chủng viện vào Nam. Đức Cha Lê đã ưu ái lo lắng cho Chủng viện trong mọi giai đoạn của cuộc di cư. Sau khi ổn định, Ngài vẫn ở trong một căn phòng nhỏ trong khuôn viên của Tiểu Chủng viện. Công ơn của Ngài đối với Giáo phận Phát Diệm nói chung và Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc nói riêng, hết sức lớn lao. Công ơn ấy có thể diễn tả bằng đoạn cuối của bài hát do Cha giáo Nguyễn Ngọc Bảo sáng tác và tập cho chúng tôi để, từ Phúc Nhạc xuống Phát Diệm, hát mừng Đức Cha nhân dịp năm mới tại tiền đường Toà Giám Mục: “... Ðức Cha Lê Hữu Từ muôn muôn thuở, Ðức Cha Lê Hữu Từ muôn muôn thuở, Phát Diệm! Phát Diệm! tường chăng hạnh phúc ngươi”

Ðồng hành với Chủng viện là Cha Bề trên Giuse Nguyễn Duy Phượng và toàn thể các vị ân sư là các cha giáo và các thầy mà chúng tôi không thể nêu tên từng vị ở đây. Riêng Cha Bề trên Phượng, một nhà tu đức, một người cha nhân từ đã đặc biệt ưu ái cho lớp chúng tôi. Khi vừa vào Trường Thử, Cha đã đặt tên lớp chúng tôi là Lớp Ba Vua. Khi Lớp Ba Vua lên Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc, thì ngài lên làm bề trên Chủng viện. Khi vào Nam, ngài cũng làm bề trên trong nhiều năm kế tiếp. Xin ghi ơn Cha Bề trên và các vị ân sư đã dày công đào tạo và dạy dỗ để chúng tôi được như ngày nay. Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít. Trong lớp Ba Vua của chúng tôi, Chúa đã chọn 6 linh mục là các Cha Trần Văn Cảnh, Vũ Sĩ Hoằng, Trần Văn Phát, Ðỗ Đức Minh, Nguyễn Thế, Trần Minh Phú. Ngoài ra, trong số những chủng sinh địa phận Vinh gửi theo học cùng lớp có các linh mục như: Nguyễn Đình Thi, Ðặng Sĩ Bình...; Dòng Phước Sơn gửi có Lm. Nguyễn Văn Vinh. Thành phần Chúa không gọi lên chức linh mục, tất nhiên là nhiều hơn. Tuy nhiên, qua những nổi trôi của cuộc đời, dù trong hoàn cảnh nào, ở vị trí nào, chúng tôi vẫn luôn luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng tôi tin có Chúa theo dõi, dẫn dắt, nâng đỡ từng bước và ban cho những ơn theo đấng bậc. Tin tưởng vào Chúa thì đời sống không phải là bể khổ mà là một hồng ân.

Hồng ân Thiên Chúa bao la,

Muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người.

J.B. Vũ Văn Long, cựu chủng sinh Phát Diệm, phó tỉnh trưởng tỉnh Hậu Nghĩa trước 30-4-1975

Dallas, 2019
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Rùa Biển/Sea Turtle
Robert Helfman
23:06 09/01/2020
RÙA BIỂN/SEA TURTLE
Ảnh của Robert Helfman

Giống rùa nhà tớ bướng đừng thương.
Vậy chứ lù đù nhưng quật cường.
Có lúc cũng co đầu rút cổ?
Đôi khi lại tính chuyện về vườn.
Ngẫm suy nên học gương kiên nhẫn.
Lo nghĩ được gì tơ đã vương.
Trong mềm ngoài cứng mong người nhớ.
Dạ thiết thạch đây, chớ xem thường!
(Trích thơ của Bảo Như)
 
VietCatholic TV
Nỗi kinh hoàng của Kitô hữu Trung Đông trước tiếng hú ghê rợn của chiến tranh. Bối cảnh cuộc xung đột
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:12 09/01/2020
Năm nay có thể là năm cuối cùng của tín hữu Công Giáo Iraq

Đức Thánh Cha Phanxicô, các nhà lãnh đạo khác tại Vatican và trong vùng Trung Đông đã lên tiếng đặc biệt quan ngại trước viễn cảnh chiến tranh trong vùng. So với năm 2003 khi Hoa Kỳ mở cuộc tấn công vào Iraq để lật đổ Saddam Hussein, người Công Giáo tại Iraq chỉ còn lại 10% so với trước đây.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là những cuộc biểu tình dữ dội của các trào lưu Hồi Giáo cực đoan ngay trên đường phố Baghdad trong những ngày này. Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê âu lo về tình hình này và quan ngại rằng nếu xảy ra một cuộc chiến tranh nữa, người Công Giáo sẽ biến mất hoàn toàn khỏi quốc gia này.

Người Công Giáo tại Syria cũng chỉ còn lại chưa đến 1/3 so với trước khi bắt đầu cuộc nội chiến vào năm 2011. Trong thánh lễ hôm 6 tháng Giêng tại Damascus, Đức Thượng Phụ Ignatius Aphrem II của Công Giáo nghi lễ Syria kêu gọi thế giới hiệp ý cầu nguyện cho hòa bình.

Trong chương trình này chúng tôi xin được giới thiệu với quý vị và anh chị em vài nét lịch sử và những lý do dẫn đến tình trạng hiện nay, cũng như nhận định của hàng giáo phẩm trong khu vực.

Quan hệ Iran- Vatican và vài nét lịch sử cũng như những lý do dẫn đến tình trạng căng thẳng hiện nay

Quan hệ ngoại giao giữa Tehran và Vatican đã được manh nha dưới triều đại của Vua Abbas I khi các đại sứ Iran, hay còn gọi là Ba Tư, tại Ý lần lượt đến thăm Đức Giáo Hoàng Piô XII.

Năm 1953, CIA ủng hộ một cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Mohammed Mossadegh, rất được ưa chuộng, để mở rộng và củng cố quyền lực của Vua Mohammad Reza Pahlavi. 10 năm sau đó, CIA cũng làm một trò tương tự như thế tại Việt Nam đối với tổng thống Ngô Đình Diệm.

Vua Pahlavi đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican từ năm 1954, có thể có các lý do khác, nhưng chắc chắn một phần là vì muốn được thế giới công nhận rộng rãi. Ngay từ đầu và đến tận ngày nay, Iran có một đoàn ngoại giao lớn thứ hai tại Vatican chỉ sau Cộng hòa Dominican.

Những cuộc biểu tình trong cuộc Cách mạng Hồi Giáo diễn ra suốt năm 1978 đã khiến Vua Pahlavi phải bỏ chạy sang Hoa Kỳ. Nghiêm trọng hơn, ngày 4 tháng 11, 1979 các sinh viên Hồi Giáo đã chiếm toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Tehran để buộc Hoa Kỳ phải dẫn độ Pahlavi về nước. Khi Hoa Kỳ từ chối, họ bắt giữ 52 nhân viên sứ quán làm con tin. Đáp lại, Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và tịch thu tất cả tài sản của quốc gia này trên đất Mỹ. Năm 1979, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phái sứ thần đến Iran để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng con tin. Tuy nhiên, hai bên khăng khăng giữ quan điểm của mình. Một chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ nhằm giải cứu con tin đã được thực hiện nhưng thất bại.

52 nhân viên sứ quán bị bắt làm con tin trong suốt 444 ngày. Họ chỉ được trả tự do sau khi tổng thống Jimmy Carter rời khỏi chức vụ và tổng thống Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức.

Sau cuộc cách mạng Hồi giáo, Tehran cắt đứt quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia Âu châu. Tuy nhiên, quan hệ giữa Tehran và Vatican vẫn được duy trì, và thực tế càng có vẻ mặn mà hơn.

Sau cuộc khủng hoảng con tin, Hoa Kỳ luôn coi Iran là quốc gia thù địch và nguy hiểm vì Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân và tài trợ cho các nhóm khủng bố Hồi Giáo Shiite. Năm 1984, Hoa Kỳ chính thức liệt kê Iran là quốc gia tài trợ cho khủng bố Hồi Giáo.

Tình hình càng căng thẳng hơn khi tàu chiến Vincennes của Mỹ bắn nhầm vào một chiếc máy bay chở hành khách của Iran giết chết 290 người vào tháng 7, 1988.

Tháng 6, 2007, tổng thống George Bush được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tiếp tại Vatican. Ngài nêu lên mong muốn Hoa Kỳ và Iran chấm dứt cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử là mối đe dọa toàn cầu. Một năm sau đó, Hoa Kỳ bắt đầu thương thảo với Iran về các hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân.

Cho nên, vào năm 2008 mối quan hệ giữa Iran và Tòa thánh đã “ấm lên” rất nhiều. Tiêu biểu là phát biểu của tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Ông nói rằng “Vatican là một lực lượng tích cực cho công lý và hòa bình” khi tiếp tân Sứ thần Tòa Thánh tại Iran, là Đức Tổng Giám Mục Jean-Paul Gobel, đến trình quốc thư.

Theo một bài báo của Carol Glatz đăng trên Catholic News Service vào ngày 7 tháng 10 năm 2010, Tổng thống Ahmadinejad nói với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 rằng ông muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Vatican trong nỗ lực ngăn chặn sự bất khoan dung tôn giáo và sự tan vỡ của các gia đình. Tổng thống cũng kêu gọi các tôn giáo trên thế giới hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa duy vật. Tuyên bố này được đích thân Phó Chủ tịch Quốc hội Iran, Mohammad-Reza Mir-Tajeddini, trình lên Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào ngày 6 tháng 10, 2010.

Một tuyên bố quá hay như thế gây ngạc nhiên đến mức khó tin đối với nhiều người. Cho nên, vào ngày 7 tháng 10, Cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh lúc bấy giờ, phải chính thức xác nhận với Catholic News Service và nhiều thông tấn xã Công Giáo khác rằng bức thư đã được gửi cho Đức Giáo Hoàng và nội dung của nó đúng hệt như những gì đã được các phương tiện truyền thông Iran công bố.

Ngăn chặn sự bất khoan dung tôn giáo và sự tan vỡ của các gia đình là những mối quan tâm rất lớn của Tòa Thánh. Do đó, vào ngày 3 tháng 11, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã gửi thư cho Tổng thống Iran để trả lời, trong đó ngài tuyên bố rằng việc thành lập một ủy ban song phương của Vatican-Iran sẽ là một bước mong muốn để giải quyết các vấn đề của Giáo Hội Công Giáo ở Iran. Đến nay Iran vẫn chưa xúc tiến đề nghị này. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo ở Iran có phần dễ thở hơn.

Tháng 7, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô hoan nghênh diễn biến Hoa Kỳ và Iran đạt được hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, tháng 5, 2018 tổng thống Trump quyết định đơn phương rút khỏi hiệp ước này vì Hoa Kỳ, Pháp và Anh cho rằng Iran vẫn bí mật nghiên cứu cách làm giàu Uranium và các vũ khí hạt nhân. Lệnh trừng phạt kinh tế được tái lập.

Trong tháng 5 và tháng 6 năm ngoái, các tầu chở dầu bị tấn công trong vùng Vịnh. Hoa Kỳ đổ lỗi cho Iran nhưng quốc gia này phủ nhận và bắn rớt một chiếc máy bay không người lái của Hoa Kỳ.

Căng thẳng gần đây lại rộ lên sau khi một nhà thầu Mỹ bị giết gần Kirkuk, Iraq, hôm 27 tháng 12, và bốn thành viên quân sự đã bị thương trong một cuộc tấn công của dân quân Kataib Hezbollah do Iran hậu thuẫn.

Một cuộc tấn công trả đũa của Hoa Kỳ đã giết chết 25 thành viên của dân quân và làm bị thương hơn 50 người khác.

Hôm 31 tháng 12, những người biểu tình do nhóm dân quân này ủng hộ đã tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Baghdad.

Ngày 3 tháng Giêng, Hoa Kỳ đã dùng một chiếc máy bay không người lái MQ-9 tấn công vào một đoàn xe, giết chết Qasem Soleimani, một vị tướng hàng đầu của Iran. Đó là một sự leo thang lớn giữa hai nước.

Tướng Qasem Soleimani là kiến trúc sư của Iran trong việc mở rộng thế lực của nước này ở Trung Đông. Ông sinh năm 1957 tại tỉnh Kerman, Iran. Ông bỏ học vào năm 13 tuổi để làm công nhân xây dựng. Sự nghiệp quân sự của ông bắt đầu trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào thập niên 1980. Tám năm chiến tranh với Iraq đã mang lại cho ông nhiều kinh nghiệm chiến trường. Ông trở thành người đứng đầu Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran vào năm 1998. Trong nhiều năm, Soleimani đã giúp củng cố các thế lực ngoại vi của Iran tại Trung Đông. Ông đã trở nên nổi bật hơn khi áp dụng bạo lực thẳng tay trong cuộc Nổi dậy Ả Rập, chống lại các chế độ độc tài trong vùng. Tháng Tư 2019, Hoa Kỳ đã liệt kê Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, được hình thành vào năm 1998, là một nhóm khủng bố. Hoa Kỳ đổ lỗi cho Soleimani về cái chết và thương tích của hàng trăm người Mỹ. Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng ông ta đang âm mưu tấn công nhiều hơn vào các quyền lợi của Hoa Kỳ trong khu vực. Một cuộc không kích của Hoa Kỳ đã tấn công đoàn xe của ông tại Sân bay Bagadad của Iraq vào ngày 3 tháng Giêng. Soleimani, một số phụ tá của ông và các thủ lĩnh dân quân chủ chốt khác đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Iran đã thề sẽ trả thù mạnh mẽ cho cái chết của ông ta.

Một cuộc tấn công khác đã được tiến hành ở Iraq, lần này nhắm vào các thành viên của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở nước này.

Sáng sớm thứ Bảy theo giờ địa phương, một đoàn xe hai chiếc chở các thành viên của Lực lượng dân quân PMF của Hồi Giáo Shiite, được Iran hậu thuẫn, đã bị tấn công, ít nhất năm người bị giết chết.

Nhận định của hàng giáo phẩm trong vùng

Đức Hồng Y Louis Rafaël Sako, Thượng Phụ Công Giáo Chanđê, đã đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ vào hôm thứ Bảy sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Hoa Kỳ tại Baghdad giết chết Tướng Qasem Soleimani của Iran, và các cuộc biểu tình diễn ra sau đó.

Lời kêu gọi của Đức Thượng Phụ đã diễn ra trong bối cảnh hàng ngàn người xuống đường ở thủ đô Iraq, than khóc về cái chết của Tướng Soleimani và la hét các khẩu hiệu chống Mỹ. Vào buổi tối, một hoả tiễn đã bắn trúng vào vùng xanh của Baghdad, tức là một khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt gần Đại sứ quán Hoa Kỳ. Một hoả tiễn khác rớt vào khu phố Jadriya gần đó, và hai hoả tiễn khác được nhắm vào căn cứ không quân Balad. Theo một tuyên bố của quân đội Iraq, không có ai bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công hoả tiễn này và không ai nhận trách nhiệm đã gây ra cuộc tấn công.

Đáp lại, trong một tweet vào hôm thứ Bảy, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cảnh báo Iran rằng Hoa Kỳ đã chọn 52 địa điểm sẽ bị tấn công rất nhanh và rất nặng nề, nếu bị Iran tấn công bất kỳ người Mỹ nào hoặc tài sản của Mỹ. Số 52 là biểu tượng của 52 con tin Hoa Kỳ bị bắt giữ trong khoảng thời gian từ 1979 đến 1981.

Đức Hồng Y Louis Sako nói:

“Người dân Iraq vẫn còn bị kinh hoàng bởi những gì đã xảy ra tuần trước. Thật là một thảm họa khi đất nước chúng ta bị biến thành một nơi các thế lực nước ngoài muốn cân bằng tỷ số với nhau, thay vì là một quốc gia có chủ quyền, có khả năng bảo vệ vùng đất của chính mình, của cải của chính họ, của chính công dân mình. Trước tình hình tế nhị và nguy hiểm này, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có liên quan biết tự chế, thể hiện sự khôn ngoan, hành động hợp lý và ngồi vào bàn đàm phán để đối thoại và tìm hiểu lẫn nhau để quốc gia này có thể tránh được những hậu quả không thể tưởng tượng được.

Chúng tôi dâng lời cầu nguyện lên Chúa toàn năng để Ngài ban cho Iraq và khu vực này được hòa bình, ổn định, an toàn, và một cuộc sống bình thường mà chúng tôi mong muốn.”

Giám Mục Phụ Tá của Đức Thượng Phụ Babylon, là Đức Cha Mar Shlemon Warduni nói trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News rằng “một cuộc chiến mới ở Iraq sẽ vô cùng khủng khiếp đối với dân chúng và cộng đồng Kitô giáo. Chúng tôi luôn là người yếu nhất phải trả hậu quả nặng nề trong các cuộc xung đột vũ trang.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho hòa bình trong một tweet: “Chúng ta phải tin rằng những người khác cũng cần hòa bình như chúng ta. Hòa bình sẽ không có được trừ khi nó được hy vọng. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho hồng ân hòa bình!”

Trước đó, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5 tháng Giêng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Chiến tranh chỉ mang đến cái chết và hủy diệt.”

Dù không nêu đích danh một quốc gia nào, Đức Thánh Cha cho biết hiện đang có một bầu không khí căng thẳng khủng khiếp ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngài kêu gọi tất cả mọi bên hãy dùng phương thế đối thoại và tự kiềm chế mà xua đuổi con ma thù hận đi! Sau đó Đức Thánh Cha mời mọi người hãy thinh lặng cầu nguyện trong giây lát cho ý chỉ này.

Đề cập đến sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, nhận xét rằng “Thật là điều đáng buồn và đau lòng khi chuyện đó xảy ra chỉ vài ngày khi chúng ta bắt đầu năm mới với đầy nhiệt tình, đầy hy vọng cho hòa bình và thanh thản, nhưng rồi chúng ta phải đón nhận tin tức về bạo lực và chiến tranh ở những nơi khác trên thế giới.”

Ngài nói tiếp rằng “trong khi chúng ta nói về hòa bình, vẫn có những thế lực trên thế giới sẽ nói về bạo lực với chúng ta, và chỉ khi nào chúng ta nắm chặt tay Chúa chúng ta, vị Hoàng tử hòa bình, chúng ta mới có thể vượt qua được tất cả những trở ngại này.”
 
Hàng triệu người Phi Luật Tân rước tượng Chúa chịu nạn cầu cho Năm Mới và cho Giáo Hội tại Trung Đông
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:37 09/01/2020
1. Gần 10 triệu người Phi Luật Tân tham dự cuộc rước tượng Chúa chịu nạn

Mỗi năm vào dịp đầu năm mới, hàng mấy triệu người tham gia vào một cuộc rước khổng lồ một bức tượng Chúa Giêsu đang vác thánh giá gọi là tượng Black Nazarene. Tượng Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.

Trong cuộc rước năm nay, diễn ra hôm thứ Năm 9 tháng Giêng, cảnh sát ước lượng gần 10 triệu người Phi Luật Tân đã đi chân không tham gia vào cuộc rước để cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông và cầu nguyện cho Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle trong sứ vụ mới của ngài là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Đây là lần cuối cùng, Đức Hồng Y chủ sự thánh lễ nửa đêm của biến cố này trong tư cách Tổng Giám Mục Manila.

Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.

Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.

Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.

Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Năm nay cuộc rước kéo dài 7km này lôi cuốn đến 10 triệu người. Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros (Nội Thành), là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo. Sau đó, bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.

Trong cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận.

Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.

Năm nay cuộc rước tượng Black Nazarene đen đã được khởi động tại thủ đô Manila với thánh lễ nửa đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 do Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, chủ tế và thuyết giảng.

Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y cho biết ngài kinh hoàng trước các diễn biến đang diễn ra tại Trung Đông. Ngài không khỏi ngậm ngùi khi nhắc lại một tiên đoán đầy bi quan của Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê Iraq. Nếu chiến tranh diễn ra, năm nay sẽ là năm cuối cùng của người Công Giáo Iraq.

Đức Hồng Y Tagle cũng nhân dịp này kêu gọi người Công Giáo Phi Luật Tân cầu nguyện cho đất nước của chính họ sau khi quốc gia này vừa trải qua trận bão Phanfone gây thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng và tài sản.

Năm ngoái, trong dịp này, ngài đã lên tiếng kêu gọi anh chị em giáo dân hãy phân biệt giữa lòng sùng đạo và sự cuồng tín.

Đức Hồng Y Tagle cho biết chỉ những ai có lòng sùng kính thực sự mới có thể hiểu được ý nghĩa của ngày lễ này. Ngài nói rằng không giống như những kẻ cuồng tín, những người sùng mộ yêu mến Chúa “vô điều kiện”.

“Kẻ cuồng tín không yêu. Kẻ cuồng tín chỉ bám vào những ai là quan trọng đối với họ”, vị Hồng Y nói. “Nhưng một người sùng mộ thì mộ đạo vì tình yêu, và đó là những gì Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy”.

Theo Đức Hồng Y, người sùng đạo sẽ luôn trung thành vì tình yêu. Những người sùng mộ hiệp nhất với Đấng họ yêu mến, bất kể là trong đau khổ, gian truân, hạnh phúc, hay bệnh tật.

Ngài nhắc nhở người Công Giáo rằng là người tôn sùng tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene không chỉ là một việc chỉ diễn trong một ngày hay chỉ trong buổi lễ này.

“Lòng mộ mến là một hành động hàng ngày ... Mọi loại hình thái yêu mến, trung thành và hiệp nhất phải diễn ra hàng ngày”, Đức Hồng Y Tagle nói.

2. Trong 9 năm qua, Chính Thống Giáo Nga xây thêm 110 thánh đường mới tại Mạc Tư Khoa.

Trong 9 năm qua, riêng tại thủ đô Mạc Tư Khoa đã có 110 thánh đường mới của Chính Thống Nga được xây cất, bao gồm 92 nhà thờ lớn và 18 nhà thờ nhỏ.

Hồi cuối năm 2010, Ðức Thượng Phụ Kirill, Giáo Chủ Chính Thống Nga đã phát động “Chương trình 200” nhắm xây cất 200 thánh đường mới tại thủ đô Liên bang Nga để các tín hữu Chính Thống Mạc Tư Khoa có thể tìm thấy những nơi cầu nguyện gần gia cư của họ. Các thánh đường mới được đặt dưới sự bảo trợ của “các vị tử đạo mới”, là những vị thánh hiện đại đã chịu đau khổ vì đức tin dưới thời cộng sản Liên Sô.

Chương trình dự kiến xây các thánh đường mới, để tại thủ đô Nga, cứ 20 ngàn người thì có một nhà thờ. Trong năm 2019, có 7 thánh đường bắt đầu hoạt động, và 12 thánh đường khác sắp hoạt trong trong thời gian tới đây.

Ngoài ra có 29 thánh đường đang được kiến thiết và 19 thánh đường đang chuẩn bị khởi công. Thêm vào đó, có 47 dự án thánh đường đang ở giai đoạn thiết kế đồ án, sau cùng là công trình chuẩn bị thiết kế cho 22 nhà thờ khác.

Ông Vladimir Ressine, Ðại biểu quốc hội Nga, đã thông báo như trên hồi cuối tháng 12 năm 2019.

3. Chiến dịch lễ Ba Vua tại Ðức

Như mọi năm, chiến dịch lễ Ba Vua tại Ðức nhằm gây quỹ tài trợ cho các dự án tại Á Châu, Phi Châu, Mỹ La tinh, Ðông Âu và Châu Ðại Dương đã được khai mạc hôm 28 tháng 12 và kéo dài cho đến ngày lễ Chúa Hiển Linh, 06 tháng Giêng năm 2020, với sự tham dự của 300 ngàn thiếu nhi Công Giáo thuộc các giáo xứ trên toàn quốc.

Tham gia trong chiến dịch này, các em thiếu nhi đi tới các gia đình, hát các bài thánh ca, chúc lành và lạc quyên để tài trợ các dự án cứu trợ, đặc biệt tại những nước đang bị cuộc khủng hoảng người tị nạn. Các thiếu nhi tham gia trong chiến dịch này tiếng Đức gọi là “Sternsinger” hay “Các Ca Viên Ngôi Sao”.

Trong chiến dịch lễ Ba Vua năm ngoái, “Các Ca Viên Ngôi Sao” đã quyên góp được một ngân khoản kỷ lục lên đến 50 triệu và 200 ngàn Euro.

Nếu tính kể từ khi được thành lập vào năm 1959 đến nay, chiến dịch này đã góp được 1 tỷ 140 triệu Euro để tài trợ hơn 74 ngàn dự án tại Á, Phi, Mỹ La tinh, Ðông Âu và Châu Ðại Dương.

Chiến dịch lễ Ba Vua, với các tham dự viên được gọi là “Các Ca Viên Ngôi Sao” không chỉ được tiến hành tại Đức, nhưng còn được tiến hành tại 6 nước Âu Châu khác là Áo, Thụy Sĩ, Rumani, Hung Gia Lợi, Italia và Slovak.

Trong những ngày qua, một phái đoàn gồm các ca viên này từ 7 nước đã đến viếng thăm Roma và Vatican, với cao điểm là tham dự thánh lễ đầu năm 2020 do Ðức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Ðền thờ Thánh Phêrô.

Các em cũng đã viếng thăm đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ, và cũng được Ðức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, tiếp đón.

4. Giám Mục Nigeria than thở: Nhà cầm quyền nước này cực đoan không kém Boko Haram

Vụ phiến quân Hồi giáo ở Nigeria chặt đầu 10 Kitô hữu đã khiến một giám mục nước này phẫn nộ và cáo buộc chính phủ nước này cũng là những người Hồi Giáo cực đoan không kém Boko Haram, và đang sử dụng các phương pháp đa dạng để đạt được cùng một mục tiêu là sự thống trị của Hồi giáo tại Nigeria.

Đứng trước cuộc tấn công vào ngày Giáng sinh của bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Tây Phi, gọi tắt là ISWAP, và cuộc tấn công của Boko Haram vào đêm Giáng sinh, Đức Cha Matthew Hassan Kukah của giáo phận Sokoto đã nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là ngài ghê tởm chính quyền hiện nay.

Theo Đức Cha Kukah: “Sự khác biệt duy nhất giữa chính phủ và Boko Haram là Boko Haram đang cầm một quả bom trong tay”.

Ngài nói thêm: “Họ đang sử dụng các đòn bẩy quyền lực để bảo đảm quyền thống trị của Hồi giáo, củng cố thêm cho ý tưởng muốn đạt được điều đó bằng bạo lực. Với tình hình này ở Nigeria, thật khó có thể thấy tinh thần muốn đánh bại Boko Haram của họ”.

Ngài nhấn mạnh rằng “Họ đã tạo điều kiện cho Boko Haram có thể hoạt động theo ý muốn của chúng.”

Hôm 26/12/2019, ISWAP đã đưa ra một video trong đó chúng chặt đầu 10 Kitô hữu và bắn chết một người Hồi giáo, và nói rằng chúng đang trả thù cho cái chết của Abu Bakr al-Baghadi, lãnh đạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và các thành viên IS cao cấp khác bị giết trong một cuộc đột kích của Hoa Kỳ vào tháng 10 .

Vụ này diễn ra sau một cuộc tấn công ngay trong đêm Giáng sinh của Boko Haram, làm bảy người bị thiệt mạng.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn 2.2 triệu người đã phải di dời vì các hành động của Boko Haram. Từ năm 2013 đến 2015, hơn 11,000 người đã bị nhóm này giết chết.

Đức Cha Kukah cho biết chính phủ Nigeria đã bổ nhiệm những người Hồi giáo cực đoan vào các vị trí quan trọng trong chính phủ, và đưa ra các thỏa thuận ngầm với các nhóm Hồi Giáo quá khích trong nước.

“Nếu những người có quyền lực không làm hết sức để hòa nhập các Kitô hữu vào các tiến trình chính trị ở quốc gia này thì họ sẽ cung cấp dưỡng khí cho Hồi giáo. Nếu họ muốn xây dựng một quốc gia trong đó chỉ có người theo đạo Hồi mới được nắm quyền lực thì lúc đó họ tung hô ý tưởng cho rằng đạo Hồi nên có vị trí thống trị trong xã hội.”

Đức Cha Kukah cũng lên tiếng phê phán các quốc gia phương Tây, những người mà theo ngài rất vui khi được quyền khai thác tài nguyên của Phi châu nhưng lại miễn cưỡng không bảo vệ người dân.

Ngài nói: “Các quốc gia phương Tây không làm hết sức mình. Họ đã chỉ ra rằng tài nguyên của Phi Châu quan trọng hơn người dân thường. Rõ ràng, các quốc gia phương Tây có thể làm giảm ảnh hưởng của Boko Haram tới 80 hoặc 90 phần trăm - nhưng họ đã cố tình không làm như thế.”

Đức Cha Kukah nói rằng điều duy nhất ngăn Nigeria không bị nhậnn chìm trong cuộc nội chiến là những nguyên lý hòa bình của Kitô giáo.

Ngài nói: “Kitô hữu có tất cả lý do để cảm thấy không an toàn và cũng có một cảm giác chung là bị gạt ra ngoài lề mọi tiến trình chính trị. Nếu các nguyên tắc của tôn giáo của chúng ta không phải là theo đuổi hòa bình và thiện ích chung, thì đã xảy ra một cuộc nội chiến rồi.”

“Chính là vinh quang của tôn giáo của chúng ta mà điều này đã không xảy ra. Nhưng càng ngày càng khó để rao giảng hòa bình trong bối cảnh như thế này. Bất kỳ giải pháp nào ở Nigeria đều phụ thuộc vào cách Kitô hữu quyết định phản ứng như thế nào trước các giải pháp ấy. Chúng ta không muốn sử dụng bạo lực nhưng chúng ta sẽ làm gì đây [khi tiếp tục bị tấn công và chèn ép như thế]?”

5. Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt

Trong quyết định đầu tiên của năm 2020, liên quan đến các Giám Mục trên thế giới, ngày 2 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt

Toàn văn tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ngày 2 tháng Giêng cho biết như sau:

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức Sứ thần Tòa thánh tại Sri Lanka, do Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Tổng Giám mục hiệu tòa Rusticiana, trình lên ngài.”

Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, người Việt Nam duy nhất cho đến nay làm Sứ Thần Tòa Thánh, sinh ngày 15 tháng Tư 1949 tại Lái Thiêu, Huyện Thuận An, Tỉnh Bình Dương

Từ năm 1954, ngài theo học tại trường tiểu học Công Giáo Thánh Phaolô, Lái Thiêu.

Sau đó, ngài tiếp tục học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse Sàigòn từ 1960.

Năm 1967, ngài sang Rôma, theo học tại trường Giáo Hoàng Truyền giáo Urbanô.

Ngài được Đức Hồng Y Agnelo Rossi, Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo truyền chức linh mục vào ngày 24 tháng Ba 1974 và được cử làm Phó Giám đốc Trường Truyền giáo Rôma.

Hai năm sau đó, vào năm 1976, ngài được cử đi truyền giáo tại Cộng hòa Zaire, nay gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo, Phi châu.

Từ năm 1979, Cha Phêrô Nguyễn Văn Tốt gia nhập trường Ngoại giao Tòa Thánh đậu cử nhân giáo luật và tiến sĩ thần học. Ra trường năm 1985, ngài được cử đi phục vụ tại nhiều Sứ Quán Tòa Thánh như tại Panama, Brazil, Congo Zaire, Ruanda, và Pháp.

Ngày 25 tháng 11, 2002, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục và làm Sứ thần Tòa Thánh tại Benin và Togo.

Ngày 06 tháng Giêng, 2003, ngài được tấn phong Tổng Giám Mục hiệu tòa Rusticiana. Khẩu hiệu Giám Mục của ngài là “Hãy đi rao giảng cho muôn dân”.

Cuộc đời trong ngành ngoại giao của ngài đã trải qua các nhiệm sở sau:

Sứ thần Tòa Thánh tại Benin (25/11/2002 – 24/08/2005)

Sứ thần Tòa Thánh tại Togo (25/11/2002 – 24/08/2005)

Sứ thần Tòa Thánh tại Chad (24/08/2005 – 13/05/2008)

Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng Hòa Trung Phi (24/08/2005 – 13/05/2008)

Sứ thần Tòa Thánh tại Costa Rica (13/05/2008 – 22/03/2014)

Sứ thần Tòa Thánh tại Sri Lanka 22/03/2014 –02/01/ 2020)

Quyết định thứ hai của Đức Thánh Cha cũng là một quyết định nhận đơn từ chức. Ngài đã nhận đơn từ chức của Đức Cha Richard Brendan Higgins, Giám Mục Phụ Tá của giáo phận quân đội Hoa Kỳ.

6. Đức Hồng Y Turkson nhận định: Trên bờ vực chiến tranh, chúng ta phải hướng nhìn đến hòa bình

Việc giết một chỉ huy quân đội Iran chủ chốt đánh dấu sự leo thang rất lớn trong căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện đã nhận định như trên và nhận xét thêm rằng: “đó là một khởi đầu đáng buồn của năm mới, tuy nhiên, chúng ta nên hướng đến hòa bình, là điều bắt nguồn từ đức cậy.”

Căng thẳng giữa Washington và Tehran đã leo thang đáng kể sau khi một chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran, Tướng Qasem Soleimani, bị giết vào sáng sớm hôm thứ Sáu 3 tháng Giêng trong một cuộc không kích của Mỹ tại Iraq. Tướng Soleimani là người đứng đầu Lực lượng Quds, được giao nhiệm vụ hoạt động vượt ra khỏi biên giới Iran.

Nói về sự leo thang căng thẳng lớn giữa Mỹ và Iran, Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, nhận xét rằng “Thật là điều đáng buồn và đau lòng khi chuyện đó xảy ra chỉ vài ngày khi chúng ta bắt đầu năm mới với đầy nhiệt tình, đầy hy vọng cho hòa bình và thanh thản, nhưng rồi chúng ta phải đón nhận tin tức về bạo lực và chiến tranh ở những nơi khác trên thế giới.”

Đức Hồng Y tổng trưởng nói với ký giả Amadeo Lomonaco của Vatican News rằng đối với các Kitô hữu “chúng ta biết rằng Cứu Chúa và là nhà lãnh đạo của chúng ta đã chào đời trong những tình huống như vậy.”

Ngài nói tiếp rằng “trong khi chúng ta nói về hòa bình, vẫn có những thế lực trên thế giới sẽ nói về bạo lực với chúng ta, và chỉ khi nào chúng ta nắm chặt tay Chúa chúng ta, vị Hoàng tử hòa bình, chúng ta mới có thể vượt qua được tất cả những trở ngại này.”

Khi được hỏi về thông điệp ngày 1 tháng Giêng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đánh dấu Ngày Hòa bình Thế giới, Đức Hồng Y Turkson nhắc lại rằng Đức Giáo Hoàng mời mọi người xem hòa bình như một cuộc hành trình. Hòa bình đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Hòa bình cũng đòi hỏi rất nhiều thử thách và rất nhiều đấu tranh. Nhưng ngài nói thêm rằng những đấu tranh này bắt nguồn từ hy vọng lớn lao, là nhân đức “bắt nguồn từ thực tế là thực tại hòa bình đang được Chúa Giêsu, Hoàng tử hòa bình đưa vào thế giới.”

Cuộc tấn công vào sáng sớm thứ Sáu, cũng đã giết chết chỉ huy dân quân hàng đầu của Iraq, là ông Abu Mahdi al-Muhandis, một cố vấn của Soleimani. Cuộc tấn công diễn ra theo lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Bộ trưởng Ngoại giao, Mike Pompeo nói rằng cuộc tấn công nhằm triệt hạ từ trong trứng nước một “cuộc tấn công sắp xảy ra” sẽ khiến người Mỹ ở Trung Đông gặp nguy hiểm. Cuộc tấn công hôm thứ Sáu đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ các căng thẳng lâu dài giữa Hoa Kỳ và Iran. Vài ngày trước đó, hôm thứ Ba, các dân quân thân Iran đã tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Iraq. Washington cũng đổ lỗi cho Tehran về các cuộc tấn công trước đó vào các tàu vận tải của Mỹ trong vùng Vịnh.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Baghdad khuyên tất cả công dân Mỹ rời khỏi Iraq ngay lập tức. Các đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Âu, bao gồm Anh, Pháp và Đức, đã bày tỏ lo ngại về sự leo thang căng thẳng. Hôm thứ Sáu, ngoại trưởng Anh Dominic Raab kêu gọi tất cả các bên xuống thang. “Chúng tôi không thấy hứng thú trước một cuộc xung đột khác,” ông nói.

Phản ứng trước cuộc không kích, lãnh đạo tối cao của Iran là đạo trưởng Hồi Giáo Ayatollah Ali Khamenei nói rằng “đòn trả thù nghiêm trọng đang chờ đợi bọn tội phạm” đứng đằng sau vụ tấn công này.

7. Ảnh hưởng của vụ không kích giết chết tướng Soleimani đối với các cộng đoàn Kitô Trung Đông

Có nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng các cộng đồng Kitô giáo ở Trung Đông có thể bị bách hại hơn nữa sau cuộc không kích của Mỹ giết chết tướng Soleimani cuả Iran.

Như chúng tôi đã tường trình, tướng Qasem Soleimani là vị chỉ huy Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, đã bị giết chết trong cuộc không kích ngày 3 tháng Giêng tại Sân bay Quốc tế Baghdad, do Tổng thống Donald Trump ra lệnh. Cùng bị giết với ông ta là tướng Abu Mahdi al-Muhandis, lãnh đạo Lực lượng dân quân tình nguyện cuả Iraq.

Cuộc không kích này diễn ra sau khi đại sứ quán Mỹ ở Baghdad bị tấn công đốt phá và các quan chức Mỹ tuyên bố rằng ông Soleimani đang âm mưu mở thêm nhửng cuộc tấn công mới vào cơ sở Mỹ.

Trong bối cảnh xung đột leo thang và bất ổn ở khu vực, các nhóm Kitô giáo đã lên tiếng kêu cứu xin quốc tế cần phải tập trung vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số đã bị bỏ ra ngoài lề xã hội ở đây.

“Tướng Soleimani và Lực lượng Quds của ông đã từng tàn phá các cộng đồng Kitô hữu và những người khác ở Iraq, Iran, Li Băng và Syria trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi mong mỏi sự ra đi của ông sẽ kết thúc một kỷ nguyên khủng bố và bất ổn,” theo lời ông Peter Burns, giám đốc phòng liên lạc với các chính phủ cuả tổ chức Bảo vệ Kitô hữu (IDC).

“Nhưng,” ông Burns nói thêm “có những lo ngại rằng khu vực này sẽ trở nên bất ổn định, và điều này có thể làm tăng khả năng tấn công vào các nhóm thiểu số tôn giáo.”

“Tổ chức IDC đang theo dõi tình hình chặt chẽ để đảm bảo rằng các cuộc tấn công như vậy không xảy ra,” ông nói.

Tổ chức của ông đã kêu gọi chính phủ Iraq và Syria hợp tác để bảo đảm sự an toàn của những người biểu tình từng bị tấn công bởi những bọn côn đồ được Iran hỗ trợ, và ông Burns lưu ý rằng Kitô hữu ở các quốc gia này đã biểu tình bên cạnh người Hồi giáo để cải cách chính trị và kinh tế.

“Quyền tụ họp và đòi hỏi cải cách của họ không thể bị Iran dùng bạo lực để đe dọa và trả đũa” ông Burns nói.

Mặc dù chưa rõ những hệ lụy do cuộc không tập ngày 3 tháng 1 vừa qua sẽ ra sao, nhưng nhiều người cho rằng nguy cơ bị khủng bố và bị tấn công có thể gia tăng đối với các Kitô hữu.

8. Quan ngại của các tổ chức bênh vực Kitô hữu

“Dù cho bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo ở Iraq, điều quan trọng là chúng ta không quên hoàn cảnh của các Kitô hữu ở đây, họ đã bị ảnh hưởng nặng nề - và thường là nạn nhân trực tiếp - trong các tình huống biến động và bạo lực,” theo ông Andrew Walther. Phó Chủ tịch Truyền thông của hội Hiệp sĩ Columbus.

Ông Walther cho biết, sự an toàn và sự sống còn của các cộng đồng này, vừa bị tàn phá bởi chiến dịch diệt chủng của ISIS, vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.

Hội Hiệp sĩ Columbus đã chi ra hơn 25 triệu đô la trong 5 năm qua để hỗ trợ các Kitô hữu ở Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq và Syria.

Cha Luis Montes, một linh mục người Á Căn Đình của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể và là một nhà truyền giáo ở Iraq, nói rằng tuy cuộc không kích là khá nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa thấy có dấu hiệu trực tiếp nào chống lại Kitô hữu.

Cha Montes nói rằng ngài lo ngại những bất ổn ở Iraq sẽ khiến cuộc sống của các Kitô hữu trở nên khó khăn hơn.

“Chiến tranh ảnh hưởng đến các Kitô hữu nhiều hơn đến những người khác bởi vì người Kitô hữu chúng ta là thiểu số, chúng ta không được bảo vệ. Hầu hết các Kitô hữu đã rời khỏi khu vực, điều này càng làm xói mòn những nỗ lực giúp ổn định đất nước.”

Ông Edward Clancy là giám đốc ngoại giao của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cũng lo ngại rằng sự bất ổn mới sẽ gây nguy hại cho dân số Kitô giáo. Ông nói rằng phản ứng ban đầu của ông sau khi nghe về cuộc không kích là “Oh No,” nhưng đồng thời ông cũng không bỏ mất hy vọng.

“Hoạt động khủng bố sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các Kitô hữu. Nhưng không nhất thiết là vì số người bị giết, mà là số người có còn ở lại hay không. Vì tình trạng thiếu an toàn cho nên người ta sẽ tìm cách bỏ đi”, ông nói.

“Vì vậy, ngay bây giờ, là vô cùng quan trọng cho bất cứ ai có thể cung cấp nó, cung cấp cho cộng đồng Kitô giáo một cảm giác vững tâm về an ninh,” ông Clancy nói.

Ông Clancy đặc biệt lưu tâm đến khu vực bình nguyên Ninivê, nơi có một số cộng đồng Kitô giáo lâu đời nhất thế giới, nhưng thiếu cơ sở hạ tầng và mạng lưới truyền thông, và các Kitô hữu từng bị bị bỏ rơi thẳng thừng trong những tình huống rất khó khăn.

“Ngày nay cộng đồng đó rất dễ bị tổn thương.”

“Chúng ta thực sự cần cảnh giác cầu nguyện cho những người này, và chúng ta cũng cần gây áp lực lên những giới hữu trách để đảm bảo rằng những cộng đồng Kitô giáo này không bị lãng quên.”