Ngày 11-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:25 11/01/2018
35. CHÀNG RỂ DÂNG CƠM RƯỢU
Có một phú ông nọ có ba chàng rể, ai cũng có cái hay của mình. Một ngày nọ, tất cả đều đến chúc mừng thượng thọ của nhạc phụ, ai cũng nói về tay nghề tài giỏi của mình.
Chàng rể lớn nói:
- “Xuân nhuốm kiều la, hạ nhuốm hồng, chỉ vì thiên đạo không tương đồng, ân cần thời sắp sẵn ba ly rượu, cúc cung dâng tiến nhạc phụ ngài.”
Chàng rể thứ hai nói:
- “Xuân câu cá lươn hạ câu chép, chỉ vì nước biển không tương đồng, ân cần thời sắp sẵn ba ly rượu, cúc cung dâng tiến nhạc phụ ngài.”
Chàng rể thứ ba nói:
- “Xuân trồng cải củ hạ trồng hành, chỉ vì đất đai không tương đồng, ân cần thời sắp sẵn bốn ly rượu, cúc cung dâng tiến nhạc phụ ngài.”
Nhạc phụ hỏi:
- “Sao anh dâng nhiều hơn một ly ?”
Chàng rể thứ ba trả lời:
- “Con dâng là dâng cơm rượu, cho nên phải nhiều hơn một ly ạ !”
(Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

Suy tư 35:
Ở đời, chàng rể và nhạc phụ thì thường ít xung khắc với nhau, nhưng nàng dâu và mẹ chồng thì ít khi cùng nhau thuận hòa, đây không phải là “trời sinh” như thế, nhưng chính là do tại lòng mình mà thôi.
Có những chàng rể hiếu kính nhạc phụ hơn cả con trai của nhạc phụ, như thế tình lý của đạo làm người anh chàng rể này đã hiểu rõ là nếu không có nhạc phụ nhạc mẫu thì không có vợ mình, công lao nuôi nấng con gái của nhạc phụ nhạc mẫu cũng to lớn như cha mẹ nuôi dưỡng mình, do đó, hiếu kính nhạc phụ nhạc mẫu cũng như là hiếu kính cha mẹ ruột của mình vậy.
Đạo hiếu không đóng khung trong gia đình cha mẹ ruột và con cái, nhưng còn thể hiện trên nề nếp luân thường đạo lý của con người, rể và dâu không phải là người xa lạ trong gia đình của vợ hoặc của chồng, nhưng là người trong gia đình, bổn phận hiếu kính của họ đối với bố mẹ vợ cũng như đối với cha mẹ sinh ra mình vậy.
Đạo lý là như vậy, sáng rõ như ban ngày, nhưng vẫn có nhiều chàng rể coi nhạc phụ ngang hàng với mình, vung tay thoá mạ nhạc phụ, xách dao rượt bố vợ chạy có cờ và coi bố vợ như kẻ thù...Những chàng rể này chưa hiểu đạo lý làm người thì khoan lập gia đình đã, bởi vì khi lập gia đình thì phải có sự liên hệ với bên gia đình vợ, rồi có con cái và con cái lớn lên cũng phải dựng vợ gả chồng, rồi lỡ mà con cái nó giống tính của mình thì, hỡi ôi, chẳng vẻ vang gì cho dòng họ.v.v...
Hạnh phúc gia đình là ở đó: kính trên nhường dưới.
Gia đình thánh thiện là ở đó: hoà thuận trong ngoài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:27 11/01/2018

26. Cầu nguyện là vượt qua chiếc cầu cám dỗ, là bố trí vũ khí chống lại buồn phiền trong sự chết, là dấu hiệu quang vinh của tương lai.

(Thánh John Climacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa, trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên – Năm B
Lm. Anthony Trung Thành
09:54 11/01/2018
VAI TRÒ TRUNG GIAN

Vai trò người làm trung gian để nối kết con người với Thiên Chúa và Thiên Chúa với con người bao giờ cũng hết sức cần thiết. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy điều đó.

Bài đọc I, kể lại ơn gọi của Samuel: Từ nhỏ, Samuel ở lại trong đền Silô để giúp việc cho Thầy Hêli. Vào một đêm nọ, khi Samuel đang ngủ bên cạnh hòm bia Giao ước thì Thiên Chúa đã gọi Samuel ba lần. Hai lần đầu, cậu tưởng là Thầy Hêli gọi, nên cậu đến trình diện. Nhưng sau đó, Thầy Hêli cho biết là tiếng Chúa gọi, nên lần thứ ba Samuel đã mau mắn đáp trả lại rằng: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.”(1Sm 3,9). Thế rồi, Samuel được Chúa chọn thay thế thầy Hêli, làm thủ lãnh dân Do thái.

Bài Tin mừng hôm nay được thánh Gioan tường thuật lại việc các môn đệ đầu tiên gặp gỡ và đi theo Đức Giêsu chính là nhờ vai trò trung gian của Thánh Gioan Tẩy Giả. Tin mừng cho biết: Khi thấy Đức Giêsu đi qua, Thánh Gioan Tẩy Giả nhìn về phía Người và giới thiệu với Anrê và Gioan rằng: “Đây là chiên Thiên Chúa.” (Ga 1,36). Thế rồi, hai môn đệ đã đi theo Đức Giêsu, đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Sau thời gian đó, hai ông đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Khi trở về nhà, Anrê lại làm trung gian giới thiệu Đức Giêsu cho em mình là Simon: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”(Ga 1,41). Sau đó, Anrê dẫn Simon tới gặp Đức Giêsu và được Người đổi tên cho Simon là Kêpha, nghĩa là Đá (x. Ga 1,42).

Như vậy, nhờ thầy Hêli mà Samuel nhận ra tiếng Chúa gọi, nhờ Thánh Gioan Tẩy Giả mà Anrê và Gioan đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu và nhờ Anrê mà Simon tin theo Đức Giêsu và trở thành Kêpha, tức là Đá. Cho nên, Thánh Gioan Tẩy Giả trở thành trung gian nối kết giữa Anrê và Gioan với Đức Giêsu, còn Anrê trở thành trung gian nối kết giữa Phêrô với Đức Giêsu. Và cứ như thế, nhờ trung gian của các Tông đồ, các môn đệ, các kitô hữu đầu tiên và của Giáo hội suốt hai ngàn năm qua mà vô số người ngoại giáo trở thành kitô hữu.

Ngày hôm nay, để cho con người gặp gỡ Thiên Chúa và Thiên Chúa gặp gỡ con người cũng cần có những vai trò trung gian.

Trước hết, vai trò trung gian trong ơn gọi linh mục và tu sĩ. Samuel đã nhờ Thầy Hêli mà gặp được Chúa, trở thành lãnh tụ của dân Do Thái. Để trở thành linh mục, tu sĩ cũng cần có những người làm trung gian. Đó chính là cha mẹ, người thân, bạn bè, thầy cô giáo lý viên, cha xứ, cha đỡ đầu, những người bảo trợ…Chính nhờ gương sáng của các vị này mà nhiều bạn trẻ đã có chí hướng đi tu làm linh mục hay tu sĩ. Sống trong một đất nước nghèo như ở Việt Nam chúng ta thì sự nâng đỡ về vật chất cho các ứng sinh tu sĩ và linh mục tương lai là điều hết sức cần thiết. Vì thế, có thể nói đa số các linh mục tu sĩ trưởng thành như hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ của những người trung gian như: cha xứ, cha đỡ đầu, người bảo trợ.

Thứ đến, vai trò trung gian trong việc giúp người tội lỗi trở về với Chúa. Qua dụ ngôn con chiên lạc, người đàn bà đánh mất đồng bạc, chúng ta thấy Đức Giêsu chú trọng đến việc “đi tìm”. Người chủ chăn đi tìm con chiên lạc. Người đàn bà đi tìm đồng bạc đã đánh mất. Chúng ta cũng phải trở thành người trung gian đi tìm “các con chiên lạc” hay “đồng tiền bị đánh mất”. Đó là những người kitô hữu nhưng sống đạo khô khan, sa vào các tệ nạn, phạm tội nặng hay thậm chí họ không còn sống đạo nữa. Họ có thể là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè của chúng ta. Chúng ta có thể giúp họ trở về với Chúa bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng, bằng sự khuyên bảo, dẫn dắt họ đến với các linh mục, đến với bí tích Giao hòa. Đó là trách nhiệm tái truyền giáo của chúng ta.

Thứ ba, người kitô hữu làm trung gian để giúp người ngoại giáo trở thành người kitô hữu. Thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Đức Giêsu cho Anrê và Gioan. Anrê đã giới thiệu Đức Giêsu cho Simon. Suốt 2000 năm qua, Giáo hội không ngừng giới thiệu Đức Giêsu cho muôn dân. Thế nhưng con số kitô hữu trên thế giới vẫn còn là thiểu số. Tại Việt Nam, người Công Giáo chỉ chiếm khoảng 10%. Vì vậy, vai trò trung gian của người kitô hữu vẫn luôn quan trọng và cấp bách. Chúng ta có thể rao giảng về Chúa cho họ, chúng ta có thể cầu nguyện cho họ, nhưng hiệu quả hơn cả đó chính là làm gương sáng bằng chính đời sống bác ái yêu thương. Đó chính là trách nhiệm truyền giáo của chúng ta.

Nhưng để chu toàn vai trò trung gian giữa con người với Thiên Chúa và Thiên Chúa với con người thì người làm trung gian cần phải dành nhiều thời gian để: gặp gỡ Chúa, ở lại với Chúa như Anrê và Gioan; lắng nghe tiếng Chúa như Samuel. Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa, ở lại với Chúa qua đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, qua Giáo huấn của Giáo hội, qua sự khuyên dạy của Bề trên như Cha xứ, cha mẹ hay những người khôn ngoan. Chúng ta cũng có thể lắng nghe tiếng Chúa nhắc bảo qua lương tâm.

Mặt khác, người trung gian cần phải có một đời sống mẫu mực, nghĩa là phải có Chúa trong mình thì mới có thể đem Chúa đến với tha nhân, vì “không ai cho cái mình không có”. Để có Chúa trong mình, cần phải xa tránh tội lỗi. Trong bài đọc II hôm nay, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Cônrintô, khi đã chịu Phép Rửa tội là đã trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần nên họ không được phạm tội tà dâm, vì như vậy sẽ làm ô uế thân xác. Ngài nói: “Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” (1 Cr 18-20). Lời mời gọi các tín hữu Côrintô cũng là lời mời gọi mọi người chúng ta hôm nay. Ngày hôm nay do ảnh hưởng bởi sách báo, phim ảnh, internet nên con người lại càng dễ bị cám dỗ phạm tội dâm dục hơn. Vì thế, để tránh được tội này cần phải thường xuyên cầu nguyện xin Chúa trợ giúp, đồng thời cần phải xa tránh các dịp tội bằng cách quyết tâm không đọc sách báo xấu, không vào các trang mạng xấu, không xem phim ảnh dâm ô và xa tránh những nơi ảnh hưởng đến đức trong sạch.

Xin cho tất cả mọi người kitô hữu chúng ta biết xa tránh tội lỗi nhất là tội dâm ô, để sống thánh thiện, xứng đáng làm cầu nối cho tha nhân đến với với Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân chủ Nhật 2 Mùa Quanh Năm B. 14.1.2018
Lm Francis Lý văn Ca
15:19 11/01/2018
ĐẦU LÊ: Anh Chị Em thân mến,
Phụng vụ lời Chúa hôm nay hướng chúng ta đến ơn gọi mà mỗi người được Chúa kêu mời đáp lại tiếng của Ngài. Qua câu chuyện Chúa gọi Samuên, khi cậu còn niên thiếu, khi ở trong đền thờ cận kề thầy cả Êli. Hằng ngày cậu chuyên cần phụng sự thầy cả Êli trong những việc bàn thờ, Chúa đã gọi cậu từ thuở ấy.
Với cái nhìn khách quan và tổng quát, chúng ta sẽ thấy trên thế giới ngày nay, ơn thiên triệu sút giảm hơn những thập niên trước đây. Nhìn vào các bản thống kê trên mạng lưới điện toán, chúng ta có thể biết được khá chính xác trong những giáo phận có bao nhiêu linh mục, tu sĩ nam nữ…
Chúng ta hướng những lời cầu nguyện của chúng ta về ơn thiên triệu trong thánh lễ hôm nay. Chúng ta cầu nguyện cho thanh thiếu niên nam nữ, luôn sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa, như các tông đồ ngày xưa đã đáp lại tiếng Chúa và bước đi theo Ngài.
Với những tư tưởng dẫn nhập, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Chúa gọi Samuên khi cậu còn là một cậu bé. Cậu chưa hiểu thế nào là Chúa gọi. Thầy cả Êli đã giúp cậu khám phá ra tiếng của Chúa. Những bậc làm cha mẹ, hãy giúp con cái đáp lại tiếng Chúa, nhận ra tiếng gọi khi con em còn sống dưới mái gia đình.

TRƯỚC BÀI II:
Với những khó khăn và phức tạp của đời sống gia đình và cộng đoàn, thánh Phaolô đã nhắn nhủ giáo dân thành Côrintô luôn sống liên kết với thân thể mầu nhiệm là Đức Kitô.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Các tông đồ của Gioan Tiền Hô đã từ giã ông, để theo Đức Kitô, qua sự giới thiệu của Gioan. Đây là những tông đồ đầu tiên Chúa đã gọi khi bắt đầu sứ vụ và đời sống công khai của Ngài.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúa hiện diện với nhân loại qua Lời Ngài. Lời Ngài phán qua muôn thế hệ dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn để luôn tuân giữ Lời Ngài và thực thi Lời Ngài trong cuộc sống hôm nay:

1. Xin Chúa gìn giữ Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc tông du của Ngài tại các nước Âu Châu được bình an và đạt nhiều kết quả như lòng mong ước. Xin Chuá cũng ban cho các phẩm trật trong Giáo Hội, ơn khôn ngoan và sáng suốt để hướng dẫn Giáo Hội theo đúng giáo lý Tông Truyền. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin ban ơn cho giới trẻ hôm nay, được hướng dẫn về đời sống thiêng liêng, để họ có những hiểu biết về cuộc sống hiến dâng. Với ơn Chúa tác động và lời cầu nguyện của những bậc phụ mẫu, Giáo Hội được tăng số những kẻ dâng mình cho Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta cầu nguyện cho ơn thiên triệu; xin cho giới trẻ thêm can đảm, đầy nghị lực, chuyên cần học hỏi để thích nghi và phục vụ Giáo Hội trong hoàn cảnh mới hôm nay. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta cầu nguyện cho những nam nữ tu sĩ; xin cho họ luôn trung thành với ơn gọi, kiên trì trong việc tu học, để sau nầy sẽ trở thành những thợ làm vườn nho của Chúa nhiệt thành và thánh thiện. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho những tín hữu của Chúa và những linh hồn mồ côi đã qua đời trong năm vừa qua, đuợc hưởng một mùa Xuân bất diệt trên thiên quốc. Chúng ta cùng nguyện xin. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, Chúa hiện với chúng con qua bí tích Thánh Thể và Lời Hằng Sống. Xin cho chúng con biết nhận ra Chúa trong phục vụ. Xin vun trồng nơi chúng con tình yêu mến nồng nàn và tăng sức cho chúng con bằng ơn thánh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Chúa Nhật II Thường Niên B
Lm Jude Siciliano OP
17:35 11/01/2018
I Samuel 3: 3b-10, 19; Tv. 39: 2-4, 7-10; I Côrintô. 6: 13c-15a, 17-20; Gioan 1: 35-42

Các bài sách hôm nay đều nói về ơn gọi và sự liên hệ của người môn đệ. Là môn đệ là phải lắng nghe. Samuel ở trong Đền Thờ và nghe Đức Chúa gọi. Anh ta là một môn đệ vì anh ta phụng sự trong Đền Thờ. Nhưng Đức Chúa gọi anh ta hãy bước thêm nhiều bước nữa để theo Chúa. Trong Đền Thờ, ánh đèn trong cung thánh phải cháy ngày đêm. Ánh đèn đó là tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ. Bổn phận của Samuel là giữ ánh đèn trong Đền Thờ cháy luôn. Đó là hình ảnh đẹp đẻ cho giảng thuyết nói về ánh sáng trong bóng tối âm u, và chúng ta hãy thận trọng giữ ánh sáng của Thiên Chúa luôn cháy. Chúng ta được gọi nghe theo lời Thiên Chúa. Có thể chúng ta nghe trong đêm tối, chúng ta sẽ được dẫn dắt để biết làm thế nào giữ ánh sáng Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta. Người tín hữu là người giữ ánh đèn cháy sáng trong đêm tối.

Ông Martin Luther King Jr. là một tín hữu như thế. Ngày 15 tháng giêng là ngày lễ của ông ta. Trong một thế giới âm u của sự kỳ thị chủng tộc, ông ta chiếu soi ánh sáng bất bạo động vào sự bình đẳng chủng tộc, không kỳ thị. Nhờ việc rao giảng và hoạt động của Ông đã đem đến Đạo Luật Nhân Quyền năm 1964. Nhưng, hôm nay, điều ông ta mơ ước về công lý cho tất cả mọi người vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn. Chúng ta không thể mong mỏi chỉ có một số người nghĩ đến những sự kiện như công lý và hòa bình. Mà tất cả chúng ta cũng đều có phần việc trong đó, dù lớn hay nhỏ, để giúp thực hiện mơ ước của ông Martin Luther King chăng? Không phải mơ ước của ông ta liên hệ với mơ ước của Thiên Chúa cho toàn thể loài người hay sao? Vì thế mọi người được đối xử như nhau, Và sự công chính là thành quả của việc chúng ta đối đải với tha nhân hay sao?

Chúng ta có phần việc gì trong sự công chính này? trong gia đình, nơi sở làm và trong xã hội? Ngày lễ ông Martin Luther King có thể cho chúng ta có dịp để hỏi Thiên Chúa: bổn phận chúng con là thế nào trong việc thực hiện mơ ước của ông Martin Luther King? Chúng con có như Samuel, ngủ trong Đền Thờ trong khi Thiên Chúa muốn nói với chúng con hay không? Trong bí tích Thánh Thể chúng ta tuyên xưng hôm nay, chúng ta có thể mượn lời Samuel trong lời cầu nguyện: "Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe". Chúng ta cũng cầu xin trong phụng vụ hôm nay ban cho chúng ta có tâm tình lắng nghe Thiên Chúa và được lòng can đảm đáp lại Ngài.

Một cách khác nữa. Suốt những năm trung học và vài năm đại học, tôi có làm việc trong một xưởng máy. Trước hết tôi tập sự học làm thợ máy. Các thợ lành nghề dạy cho tôi về việc đó, xem kết quả và khi nào cần giúp đở thi hỏi. Tôi chú ý xem và lắng nghe các thợ mày lành nghề đó, vì họ có kinh nghiệm mà tôi không có. Tất cả chúng ta học hỏi bổn phận chúng ta trong đời sống qua việc lắng nghe và chú ý xem việc người khác làm. Chúng ta cần người giúp đở dạy dỗ. Samuel cũng vậy. Lúc đầu Samuel không biết phải làm gì khi anh ta nghe tiếng Thiên Chúa gọi trong bóng tối. Ngôn sứ Eli, lúc đầu hơi chậm chạp. Nhưng sau này ông ta dạy Samuel phải thưa gì với Thiên Chúa khi Ngài gọi Samuel lần nữa và thưa: "Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe".

Cũng như Samuel, chúng ta đã ở trong việc phụng sự Thiên Chúa. Chúa Nhật hôm nay chúng ta đang ở trong đền thờ "chăm sóc ngọn đèn" thánh của đức tin chúng ta. Nhưng, Thiên Chúa gọi chúng ta hãy nghe kỹ hơn để theo Ngài hơn nữa. Đời sống chúng ta không bị trì trệ, và lời chúng ta đáp lại Thiên Chúa cũng không gò ép, vì Thiên Chúa có thể gọi chúng ta một lần nữa. Hôm nay có thể là ngày tốt để tạ ơn người dẫn dắt chúng ta trong đời sống và dạy dỗ chúng trong đức tin như thế nào, và đã giúp chúng ta biết điều gì cần thiết thật sự trong đời sống. Trong thánh lễ chúng ta có thể nhớ đến những người đã giúp đở chúng ta và cám ơn họ. Họ là những ơn mà Thiên Chúa đã ban để dạy dỗ chúng ta qua những người khác.

Cũng nên chú ý tạ ơn Thiên Chúa trong bài sách này. Samuel lúc đầu chưa biết tiếng Thiên Chúa gọi, nên Thiên Chúa gọi đi gọi lại hai lần nữa. Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta nếu chúng ta không nghe được Ngài, hay do chúng ta tìm Ngài không đúng chỗ. Vì thế, Thiên Chúa gọi lại thêm lần nữa.

Quan điểm về ơn gọi cũng được diễn tả trong bài đọc thứ hai. Thần Khí Thiên Chúa ở trong chúng ta và thánh hóa chúng ta. Thiên Chúa ở trong thân xác chúng ta và bởi thế chúng ta được ơn Chúa ban nên giá trị. Chúng ta không phải là người không chết được, và chúng ta cũng không biến con người trở thành dụng cụ. Chúng ta phải đối xử với nhau như chúng ta là người sẽ trở thành. Cũng nên nhớ là sự liên kết xác thịt là một hình ảnh quý trong Kinh Thánh Do thái về sự liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Ơn gọi của chúng ta trong phép rửa là ơn gọi nên thánh và cũng là ơn gọi nên nhìn vào giá trị của mỗi người màThiên Chúa đã tạo dựng.

Phúc âm cho chúng ta biết về những người đi tìm, đã được nghe tiếng gọi trong thâm tâm. Những người trong câu chuyện hôm nay đã là những người đi tìm kiếm Thiên Chúa. Thánh Gioan Tẩy Giả là người dẫn dắt các môn đệ của ông và ông ta chỉ cho họ đến một Đấng khác sẽ là Thầy của họ. Ông Gioan dùng một hình ảnh tốt đẹp về Chúa Giêsu: "Con Chiên Thiên Chúa". Hình ảnh đó có nhiều ý nghĩa tốt đẹp theo Kinh Thánh. Và nhũng nhà bình luận Kinh Thánh khuyên chúng ta không nên coi thường đó chỉ là một hình ảnh thôi. Chúng ta cũng có tên và hình ảnh của chúng ta về Chúa Giêsu. Chúng ta làm sao biết được những tên và hình ảnh đó có giá trị cho chúng ta? Chúng ta có thay đổi không, và đời sống chúng ta có lớn lên không? Chúa Giêsu là ai trong đời sống chúng ta bây giờ, và chúng ta kêu gọi Ngài như thế nào? Chúng ta như những môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, đã được mời gọi theo Chúa Giêsu trong lúc này của đời sống chúng ta để sống với Ngài, và để tìm thấy Ngài là ai trong đời sống chúng ta bây giờ. Cũng như hai môn đệ ông Gioan muốn đến ở với Chúa Giêsu. Vậy người thuyết giảng có ý kiến gì cụ thể để đề nghị cho những người quá bận rộn trong cuộc sống hướng họ đến "ở" với Chúa Giêsu không?

Môn đệ ông Gioan là những người đi tìm và đã xế chiều cho họ. Họ cần nghỉ chân sau khi đi tìm kiếm, và Chúa Giêsu mời gọi họ đến. "Ban chiều cho 4 người". Hình ảnh đó có thể nói đến bắt đầu ngày sau là ngày Sabát. Các môn đệ đó sẽ được nghỉ ngơi, sống với Chúa Giêsu. Họ sẽ được nghỉ chân trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự mời gọi đã đưa họ đến liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu. Chúng ta có nghe được không: "hãy đến mà xem".

Thành quả của sự ở lại với Chúa Giêsu là ngay lúc đó: những người muốn theo Chúa Giêsu ra đi và kêu gọi những người khác. Họ là nhân chứng về cảm nghiệm của họ. Và việc này đưa đến trong trường hợp có thể có thái độ dè dặt nói về đức tin của chúng ta với người khác. Thường thì không phải là việc chúng ta đi gõ cửa nhà người ta để nói về Chúa Giêsu (có lẽ vài người trong chúng ta cần làm việc đó). Nhưng chúng ta có thể mở lòng rộng hơn khi có dịp nói về đức tin của chúng ta với người khác.


Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP


2nd SUNDAY (B)
I Sam 3: 3b-10, 19; Ps. 40: 2-4, 7-10; I Cor. 6: 13c-15a, 17-20; John 1: 35-42


The readings are about vocation and the bond of discipleship. They suggest that being a disciple is about attentive listening. Samuel is in the Temple and there he hears the voice of God. He is already a follower, since he is ministering in the Temple. But God is going to call him to take further steps in following God. In the Temple, the sacred flame had to be lighted from dusk to daybreak. It was a sign of God's presence. Samuel’s task may have been that of guarding the Temple flame as it burned through the night. That's a wonderful image for the preacher to play with – in the world when it is dark, we are vigilant to keep God's light burning, and called to listen to what God has to say. Perhaps, if we listen in the dark, we will be guided to know how to carry the flame of God into our world. The believer is one who keeps the light going in the dark.

One such believer was Dr. Martin Luther King, Jr., whose holiday is January 15th. In a dark world of racial inequality he tended the flame of non-violence and racial equality. His preaching and work led to the passing of the Civil Rights Act in 1964. But today his dream for justice for all is far from fulfilled. We can’t expect that only some have to be concerned about issues like peace and justice. Don’t we all have some part to play, in large or small ways, to help further the dream of Dr. King? Doesn’t his dream coincide with the dream God has for humanity, that all be treated equally, that justice be the hallmark of our daily ways with others?

What part do we have in this work of justice: at home, where we work and in our society? The Martin Luther King, Jr holiday may give us an occasion to ask God: What role do we have in fulfilling Dr. King’s dream? Are we, like Samuel, asleep in the temple, while God is trying to get through to us? At this Eucharistic celebration we might make Samuel’s words our own prayer, "Speak, Lord, for your servant is listening." We also pray at this liturgy that we have an attentive heart to hear God and a courageous heart to respond.

Another approach. I worked in a machine shop through high school and part of college. I learned to be a machinist by first being an apprentice. Other machinists taught me how to work the machines, check my results and when to ask for help. I watched and listened to them, for they had the experience I didn’t. We all learn our roles in life by listening and watching how others do it. We need mentors. Samuel did. He did not know what to do when he first heard the voice in the dark. Eli, though initially a bit slow, could teach Samuel what he must say when God spoke again. Say, "Speak, Lord, your servant is listening."

Like Samuel, we are already in God's service. Today, Sunday, we are actually in the Temple "tending the flame" of our faith. But God is calling us to hear more and to follow further. Our lives are not stagnant, nor is our response to God, who may be calling us to a new hearing. Today might also be a good day to give thanks for the mentors in our lives who have taught us how to live our faith and have guided us to know what really counts in life. During the Mass we might call some of them to mind and give thanks for them – these gifts from a God who calls and instructs us through others.

Notice too, the mercy of God in this passage. Samuel doesn't get it at first, so God calls over and over again. God does not abandon us if we don't hear, or if we have gone looking in the wrong places. Rather, God calls again.

The notion of vocation goes through the second reading as well. The Spirit of God dwells in us and makes us holy. God inhabits our human flesh and so we have a dignity given us by God. We aren't made for immorality, nor can we reduce another person to an object. We must see one another as who we are, or can become. Remember too that sexual union is a favorite Hebrew scriptural image for intimacy with God. Our baptismal vocation is a call to holiness and also a call to see the dignity of each person God has created.

The Gospel tells us about seekers who discovering a deeper call. The people in today's story already are people looking for God. John the Baptist is a mentor to his disciples and he points them to another who will be their teacher ("Rabbi"). John uses a favorite image for Jesus, "Lamb of God." It is rich in many biblical meanings, and the commentators warn us not to settle on just one. But we too have had our titles, our names for Jesus. How do we know these titles are still valid for us? Haven't we changed, haven't our lives grown? Who is Jesus for us now and how do we call upon him? We, like the disciples of John, are being invited to follow Jesus at this time in our lives, to spend time with him and to discover who he is for us now. Like the two disciples we are seekers who want to "stay" with Jesus. Can the preacher suggest concrete ways for very busy people to "stay with Jesus"?

John’s disciples have been seekers and it is late in the day for them. They need rest (from their search?) and Jesus is offering it to them. The "four in the afternoon" image may be referring to the beginning of the next day's Sabbath. These disciples will find rest, abiding with Jesus, they will find God's rest and presence. The invitation is to deeper friendship with the Lord. Can we hear it? "Come and see."

The results of being with Jesus are immediate: the new followers go out and call others. They become witnesses to what they have experienced. Which brings up the possibility of not being shy to talk about our faith around others. It is not of our tradition to go around knocking on doors for Jesus (maybe some of us should). But we could be a little more open with others when there is a chance in daily conversations to talk about our faith.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Chí Lợi có thể giúp khôi phục niềm tin vào Giáo Hội địa phương
Đặng Tự Do
01:50 11/01/2018
Những chuyến tông du bên ngoài Italia gần đây nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy ngài có khả năng đương đầu với nhiều vấn đề địa chính trị phức tạp của thế giới. Tháng 9 năm ngoái, ngài sang Colombia cổ vũ cho một thỏa thuận hòa bình với các chiến binh du kích. Nhiều người Colombia không tán thành thỏa thuận hòa bình này do chính phủ đề ra và mong muốn các chiến binh cộng sản phải bị trừng phạt vì tội lỗi của họ. Tháng Mười Một, ngài đã đến Miến Điện thu hút chú ý của thế giới vào tình cảnh bi thảm của người thiểu số Hồi giáo Rohingya, trong khi không dồn chính quyền nước này vào đường cùng.

Bây giờ, Đức Giáo Hoàng đang chuẩn bị khởi hành một chuyến tông du đến Chí Lợi.

Các quan sát viên địa phương và nhiều tiếng nói ở nước ngoài cho biết họ sẽ tập trung chú ý vào cách thức Đức Thánh Cha Phanxicô khôi phục lại niềm tin vào Giáo Hội địa phương sau các tai tiếng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Ngày 09/06/2016, sau khi kết thúc cuộc biểu tình ôn hòa của khoảng 150 ngàn học sinh trung học và sinh viên đại học ở thủ đô Santiago của Chí Lợi, một nhóm thanh niên bịt mặt đã xông vào nhà thờ Gratitud Nacional, nằm ở trung tâm Santiago, đập vỡ cửa và mang đi tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh cao khoảng ba mét, sau đó đập phá tượng ngay trên các đường phố chính của thành phố.

Bàng hoàng trước biến cố này, Đức Cha Luis Fernando Ramos Pérez, là Giám Mục Phụ Tá của Santiago cho biết: “Đó là một tình huống rất đau đớn đối với chúng tôi. Một biểu tượng tôn giáo có giá trị lớn đối với chúng tôi đã bị đập phá”

Cũng còn phải kể đến những vụ những người trẻ xông vào nhà thờ chính tòa Santiago, giơ cao những hình ảnh của bà tổng thống Michelle Bachelet, và gào thét các khẩu hiệu phò phá thai để phá rối các thánh lễ khi một số đông các Giám Mục vẫn còn đang cử hành trên cung thánh.

Với 66.7% dân số là người Công Giáo, những biến cố bi thảm này cho thấy Giáo Hội Chí Lợi đang bị thương rất trầm trọng. Giải thích tại sao Giáo Hội Chí Lợi ra đến nông nỗi như vậy không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ chắc chắn đóng một vai trò nhất định.

Nhưng cần phải nói ngay rằng những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ không nhất thiết tương ứng với quy mô của những vụ lạm dụng. Thật thế, trước thềm chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, người ta nói nhiều về những tai tiếng này khiến nhiều người nghĩ rằng có rất nhiều giáo sĩ Chí Lợi mắc vào tội ác này. Không đúng. Ngày thứ Tư 10 tháng Giêng, vài ngày trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha, báo chí rộ lên một thống kê của một tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ tên là BishopAccountability.org chuyên săn lùng các Giám Mục nào “bao che” tội ác này của các linh mục thuộc quyền và đưa các ngài ra tòa. Thống kê của tổ chức cố gắng lôi ra hết các giáo sĩ Chí Lợi phạm vào tội ác này từ thời xa xưa cho đến nay cũng chỉ đưa ra được 80 vị, trong đó có những vị tòa chưa có phán quyết. Thống kê này bao gồm cả những vị làm việc mục vụ tại Chí Lợi nhưng không phải là người Chí Lợi như linh mục Jeremiah Healy, người Ái Nhĩ Lan, linh mục Cornell Bradley, người Mỹ và linh mục Richard Joey Aguinaldo, người Phi Luật Tân.

Giáo Hội Công Giáo tại Chí Lợi có bao nhiêu giáo sĩ? Theo niên giám Tòa Thánh năm 2016, Chí Lợi có 2251 linh mục (1137 linh mục triều và 1114 linh mục dòng), 1091 phó tế vĩnh viễn, 1906 nam tu sĩ không có chức linh mục và 4048 nữ tu. Các vị chăm sóc mục vụ cho 952 giáo xứ thuộc 5 tổng giáo phận, 19 giáo phận, 2 miền Phủ Doãn Tông Tòa và một giáo phận của quân đội.

Như vậy, tỉ lệ các vị mắc vào tội ác này là rất ít. Tuyệt đại hàng giáo sĩ Chí Lợi là những người thánh thiện, tận tụy với sứ mệnh được giao và yêu mến đàn chiên được uỷ thác cho mình kể cả trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn ở các vùng nông thôn hẻo lánh.

Những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ Chí Lợi trong thực tế đã được thổi phồng lên, và có cả những âm mưu lôi kéo Đức Giáo Hoàng vào cuộc.

Vụ linh mục Fernando Karadima

Cha Fernando Karadima đã từng là một gương mặt rất có thế giá trong Giáo Hội Chí Lợi. Ông đã giúp đào tạo nhiều linh mục trong đó có 4 vị sau này là Giám Mục, Đức Cha Juan Barros là một trong 4 vị đó.

Tháng 2 năm 2011, Bộ giáo lý Đức Tin tuyên bố rằng những cuộc điều tra tại Chí Lợi cho thấy cha Karadima đã lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và truyền cho cha Karadima, lúc ấy đã 84 tuổi, phải lui vào sống ẩn dật, chấm dứt mọi thừa tác vụ công khai. Quyết định của Bộ giáo lý Đức Tin đã được đưa ra dù rằng trước đó tòa án đời đã hủy bỏ những cáo buộc chống lại cha Karadima xét vì những vụ lạm dụng đã xảy ra quá lâu và đương sự đã quá già.

Tai tiếng trong vụ cha Karadima gây ra những thiệt hại nặng nề cho Giáo Hội vì những cáo buộc cho rằng Đức Tổng Giám Mục Juan Francisco Fresno, Tổng Giám Mục Santiago de Chile, đã bao che cho những tội lỗi của cha Karadima trước những cáo buộc của anh chị em giáo dân từ năm 1984.

Đức Cha Juan Barros lúc ấy là linh mục thư ký cho Đức Tổng Giám Mục. Vì thế, ngài bị nghi ngờ đã có những ý kiến chống lại việc mở một cuộc điều tra các tội lỗi của cha Karadima - là thày dạy cũ của mình.

Ngày 10 tháng Giêng, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô thuyên chuyển Đức Cha Barros từ Giám Mục giáo phận quân đội về làm Giám Mục giáo phận Osorno, là một giáo phận rất nhỏ chỉ có 23 giáo xứ và 43 linh mục. Đây cũng là một giáo phận hẻo lánh nằm cách thủ đô Santiago đến 945km về phía Nam.

Phá rối ngay trong thánh lễ nhậm chức
Báo chí tại Chí Lợi làm ầm lên, và trong một diễn biến hết sức bi đát, một số người biểu tình phản đối Đức Cha Juan Barros ngay bên trong nhà thờ trong lễ nhậm chức của ngài hôm 21 tháng Ba, 2015.

Bộ Giám Mục đã ra một thông cáo nói rằng “Trước khi bổ nhiệm Đức Cha Juan de la Cruz Barros Madrid là giám mục Osorno, Chilê, Bộ Giám Mục đã cẩn thận xem xét vị ứng viên và không tìm thấy lý do khách quan nào để ngăn cản việc bổ nhiệm này”.

Hai tháng sau đó, Jaime Coiro, người từng là phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi, và là một người chống lại việc bổ nhiệm Đức Cha Juan Barros, gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô.

Không biết ông ta nói gì với Đức Thánh Cha, nhưng ngài có vẻ bực mình và nói rằng

“Người dân ở Osorno đau khổ, đúng thế, nhưng vì dại dột, bởi vì họ không mở lòng ra với Chúa Thánh Thần. Hãy suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Đừng để những thành phần tả phái xỏ mũi, tất cả những kẻ ngốc đã khuấy động vụ này lên.”

Ngài nói thêm rằng người dân Osorno đã “mất tự do, khi cho phép các chính trị gia lấp đầy đầu mình, phán đoán một giám mục mà không có bằng chứng nào, đó là vị từng là giám mục trong 20 năm”.

Mấy tháng sau đó, vào ngày 2 tháng 10, 2015 một đài truyền hình Chí Lợi bằng cách nào đó có được video này và tung lên với cáo buộc cho rằng Đức Thánh Cha không động lòng trắc ẩn đối với con chiên bổn đạo Osorno, không thích người Chí Lợi và quyết liệt bao che cho Đức Cha Juan Barros.

Trong một diễn biến mới nhất, Peter Saunders, người từng là một thành viên trong Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Em của Tòa Thánh, và đã rút ra khỏi ủy ban này nói với tờ Tablet là ông ta sẽ qua Chí Lợi để “quậy ầm lên”.
 
Vài nét về thủ đô Santiago de Chile của Chí Lợi
Đặng Tự Do
06:21 11/01/2018
Ðức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 8h sáng ngày thứ Hai 15 tháng Giêng và bay tới thủ đô Santiago của Chí Lợi (hay còn gọi là Chi-lê) lúc 8h10 tối cùng ngày. Ngài sẽ đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại thủ đô Santiago lúc 9h tối và nghỉ đêm tại đây.

Trong ngày thứ Ba, 16 tháng Giêng, tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha sẽ diễn ra trong phạm vi thủ đô Santiago.

Santiago de Chile [santjaɣo ðe tʃile], hay đơn giản là Santiago, là thủ đô và thành phố lớn nhất của Chí Lợi, đồng thời cũng là một trong những thành phố lớn nhất châu Mỹ.

Santiago là tiếng Tây Ban Nha, kết hiệp hai từ “Santo”, nghĩa là Thánh, và “Yago”, nghĩa là Giacôbê. Như vậy, Santiago nghĩa là Thánh Giacôbê tông đồ, vị thánh được Giáo Hội mừng kính vào ngày 25 tháng 7 hàng năm, và được nhắc đến trong Phúc Âm thánh Matthêu:

“Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.” (Mt 4:21-22).

Santiago là trung tâm của khu vực bình nguyên rộng lớn nhất của Chí Lợi và có mật độ dân số cao nhất quốc gia. Hầu hết thành phố nằm ở độ cao từ 500m đến 650m so với mực nước biển.

Được thành lập vào năm 1541, bởi nhà thám hiểm Tây Ban Nha Pedro de Valdivia, Santiago đã là thủ đô của Chí Lợi từ thời còn là thuộc địa của Tây Ban Nha. Trung tâm thành phố vẫn giữ được lối kiến trúc tân cổ điển hồi thế kỷ thứ 19 với các đường phố quanh co như thường thấy ở các nước châu Âu.

Phong cảnh thành phố Santiago được hình thành bởi nhiều ngọn đồi và dòng sông Mapocho chảy xiết. Dãy núi Andes có thể được nhìn thấy từ hầu hết các điểm trong thành phố. Những ngọn núi này góp phần gây ra sương mù, đặc biệt là vào mùa đông.

Vùng ngoại ô của thành phố được bao quanh bởi những vườn nho. Từ Santiago đi sâu vào vùng núi Andes hay ra bờ biển Thái Bình Dương cũng chỉ vài giờ.

Santiago là trung tâm văn hoá, chính trị và tài chính của Chí Lợi và là trụ sở chính của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Cơ quan hành pháp và tư pháp Chilê được đặt tại Santiago, nhưng Quốc hội được đặt tại thành phố Valparaíso, lân cận.

Trong vùng đô thị của Santiago, có 174 di sản được coi là Di tích Quốc gia, trong đó có các di tích khảo cổ, kiến trúc và lịch sử. Chính phủ Chí Lợi đã đề nghị với Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới: Khu bảo tàng El Caño, nhà thờ và tu viện San Francisco và cung điện La Moneda, nơi Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 8h20 thứ Ba 16 tháng Giêng.

Trận động đất đầu tiên xảy ra vào năm 1575, 34 năm sau khi thành phố Santiago được chính thức thành lập. Trận động đất ở Santiago năm 1647 tàn phá nặng nề thành phố này.

Trận động đất Valdivia năm 1960 và trận động đất Algarrobo năm 1985 đã gây ra thiệt hại nặng ở Santiago, khiến cho chính quyền đề ra các tiêu chuẩn xây dựng nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra trong tương lai.

Năm 2010, Chí Lợi đã bị một động đất lên đến mức 8.8 độ Richter khiến 525 người chết, trong đó có 13 người ở Santiago, và thiệt hại ước tính khoảng 15 đến 30 tỷ Mỹ Kim. 370,000 ngôi nhà bị hư hại, nhưng các chuẩn mực xây dựng được thực hiện sau trận động đất trước đó đã giúp giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng rất nhiều so với trận động đất ở Haiti một vài tuần trước đó. 100,000 người chết ở Haiti, trong khi ở Chí Lợi chỉ có 525 người chết.

Ngày 27 tháng 6 năm 1561, Tòa Thánh thiết lập giáo phận Santiago de Chile và bổ nhiệm Đức Cha Rodrigo González de Marmolejo làm Giám Mục tiên khởi. Ngày 21 tháng Năm 1840, Tòa Thánh nâng Santiago de Chile lên hàng tổng giáo phận với tổng diện tích là 9,132 km vuông.

Tổng giáo phận Santiago de Chile ngày nay được coi sóc bởi Đức Hồng Y Ricardo Ezzati Andrello, dòng Salêsiêng, năm nay 76 tuổi. Bên cạnh đó còn có Đức Hồng Y nghỉ hưu Francisco Javier Errázuriz Ossa. Ngài là một trong số 9 vị Hồng Y cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Theo niên giám Tòa Thánh năm 2016, trong tổng số 6,358,210 dân của Santiago, có 4,254,000 người Công Giáo, tức là 66.9%, sinh hoạt trong 212 giáo xứ. Toàn tổng giáo phận có 862 linh mục, trong đó có 250 linh mục triều và 612 linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 385 phó tế vĩnh viễn, 1,081 nam tu sĩ không có chức linh mục, và 1,951 nữ tu.
 
Vài nét về thành phố Temuco và vấn đề người Mapuche
Đặng Tự Do
16:34 11/01/2018
Sau thánh lễ ban sáng ngày thứ Tư 17 tháng Giêng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Santiago, lúc 8h sáng, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay tới thành phố Temuco cách Santiago 670 cây số về hướng nam và cử hành thánh lễ lúc 10h30 tại phi trường Maquehue.

Sau lễ, lúc 12h45 ngài sẽ dùng bữa trưa với một số người dân miền Aracaunia, chủ yếu là với các đại diện của người Mapuche, tại Nhà Mẹ Thánh Giá. Lúc 3h30 chiều ngài lại đáp máy bay trở về thủ đô Santiago.

Temuco là một thành phố lớn và là thủ phủ vùng Araucanía ở miền nam Chí Lợi. Thành phố nằm cách Santiago 670 km về phía nam tại trung tâm vùng Araucanía hiện đại và gần khu Araucanía lịch sử, nơi đã diễn ra các trận đánh đẫm máu giữa người da đỏ Mapuche và quân Tây Ban Nha.

Temuco là nơi đang có những tranh chấp đất đai gay gắt giữa người bản địa Mapuche và người Chí Lợi. Chỉ cần nhìn vào nhà thờ chính tòa của thành phố này, bạn hiểu ngay vùng đất này là nơi “tấc đất, tấc vàng”.

Temuco được thành lập năm 1881 trong thời gian quân Chí Lợi chiếm đóng Araucanía và nhanh chóng phát triển thành một trong những thành phố chính của Chí Lợi. Vị trí trung tâm của Temuco cùng với việc dễ dàng đi đến các thung lũng, hồ và vùng duyên hải Andean làm cho thành phố này trở thành trung tâm của các hoạt động du lịch, nông nghiệp, chăn nuôi và lâm nghiệp, cũng như trung tâm giao tiếp và thương mại cho nhiều thị trấn nhỏ của miền Araucanía.

Temuco gần đây được coi là một thành phố đại học vì nó có hai trường đại học chính: Universidad de La Frontera của chính phủ và Universidad Católica de Temuco của Công Giáo. Hai người đoạt giải Nobel văn học là Gabriela Mistral và Pablo Neruda đều đã từng sống ở Temuco.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 11 tháng Giêng, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết vấn đề môi trường và quyền của người bản địa là một trong những chủ đề chính của chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Chí Lợi và Peru.

Tại Chí Lợi, Đức Thánh Cha muốn đến thăm vùng Araucania phía nam, nơi cộng đồng Mapuche đã bị tước đoạt đất đai của họ nhiều lần - trước hết là do người Tây Ban Nha, sau đó là những người định cư Chí Lợi di chuyển đến khu vực này để trồng trọt, và gần đây hơn là trồng rừng. Ở thành phố Temuco, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ cùng với các nhóm người bản địa và sau đó chia sẻ bữa ăn trưa với đại diện của họ và với Đức Cha Hector Vargas Bastidas của Temuco.

Đức Thánh Cha Phanxicô biết rất rõ miền đất này vì ngài đã trải qua một năm rưỡi ở Chí Lợi trong thời gian tập viện. Đức Thánh Cha cũng biết rõ tất cả các giám mục Chí Lợi vì tháng 2 năm ngoái các ngài vừa thực hiện chuyến thăm “ad limina” tới Rôma.

Trong những tháng gần đây, hơn một chục nhà thờ Công Giáo và hai nnhà thờ Tin Lành đã bị các nhóm bản địa ở Nam Chí Lợi đốt cháy. Mặc dù bị đa số cộng đồng Mapuche lên án, các cuộc tấn công vẫn tiếp tục, trong một nỗ lực để gây chú ý của công luận đến cuộc xung đột đất đai có một lịch sử dài này.

Tháng Tư năm ngoái, tại một nhà thờ bị tấn công, những người Mapuche để lại một lời cảnh cáo cho biết: “Mọi nhà thờ sẽ bị đốt cháy. Rời khỏi đây ngay! Trả tự do cho các tù nhân chính trị Mapuche.”

Hàng giáo phẩm Giáo Hội Công Giáo ở miền nam Chí Lợi đang cố gắng xây dựng các nhịp cầu đối thoại, và có xu hướng đứng về phía những người bản địa của đất nước.

Khi còn là giám mục giáo phận Concepción, Đức Cha Ezzati Andrello (nay là Hồng Y Tổng Giám Mục Santiago de Chile) đã từng làm trung gian hòa giải một cuộc tranh chấp giữa chính phủ và một nhóm 34 tù nhân Mapuche đã tuyệt thực 82 ngày và có nguy cơ mất mạng.

Những người Mapuche chiếm 12% trong số 17,6 triệu dân của Chí Lợi.

Tuy nhiên, trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha sang Chí Lợi, cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã gửi một lá thư tới Vatican để cảnh báo Đức Giáo Hoàng về những hành động bạo lực gia tăng, nói rằng hàng trăm chủ đất nhỏ và công dân thường đã bị tấn công, bị bắn, bị đe doạ và thậm chí giết chết.

“Chúng tôi hy vọng thông tin này sẽ giúp Đức Thánh Cha hiểu được nỗi đau của một quốc gia và những thống khổ người Chí Lợi đang phải chịu đựng vì đức tin đang bị tấn công bởi những kẻ khủng bố, không tôn trọng các giá trị, và các tôn giáo, đe dọa tự do tín ngưỡng”, bức thư kết luận.

Theo niên giám Tòa Thánh năm 2016, giáo phận Temuco do Đức Cha Hector Vargas Bastidas coi sóc có 395,000 người Công Giáo trong tổng số 611,000 dân, chiếm tỉ lệ 64.6%. Giáo phận Temuco được thành lập như một miền Phủ Doãn Tông Tòa vào năm 1908 và được nâng lên hàng giáo phận vào ngày 18 tháng 10, 1925. Giáo phận Temuco với 35 giáo xứ hiện có 71 linh mục bao gồm 49 linh mục triều và 22 linh mục dòng, 42 phó tế vĩnh viễn, 117 nam tu sĩ không có chức linh mục và 34 nữ tu.
 
Thành phố Iquique, thủ đô của các lễ hội Công Giáo ở Chí Lợi
Đặng Tự Do
18:19 11/01/2018
Sáng thứ Năm, 18 tháng Giêng, sau thánh lễ sáng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Santiago, lúc 8h sáng, Ðức Thánh Cha sẽ giã từ thủ đô Chí Lợi để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chí Lợi và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito lúc 11h30.

Lúc 2h chiều, ngài dùng bữa trưa tại nhà tĩnh tâm của Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức.

Lúc 4h45 sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường quốc tế Iquique.

Sau nghi thức tiễn biệt, lúc 5h05, ngài giã từ Chí Lợi để bay tới thủ đô Lima của Peru.

Iquique là một thành phố cảng ở phía bắc Chí Lợi, cách thủ đô Santiago 1473 km theo đường chim bay và 1761km nếu đi đường bộ. Đây là thủ phủ của cả tỉnh Iquique và miền Tarapacá.

Iquique nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, phía tây của sa mạc Atacama. Theo số liệu điều tra dân số năm 2016, đô thị này có 254,600 dân. Thành phố được phát triển trong thời kỳ huy hoàng của việc khai thác mỏ muối ở sa mạc Atacama vào thế kỷ 19. Ban đầu Iquique là một thành phố của Peru với một lượng lớn cư dân người Chí Lợi.

Các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bolivia và Chí Lợi đã gây ra cuộc chiến tranh Thái Bình Dương vào năm 1879. Một trận đánh lớn đã diễn ra tại bến cảng Iquique vào ngày 21 tháng 5 năm 1879, nay được kỷ niệm là Ngày Hải quân, một ngày nghỉ quốc gia hàng năm ở Chí Lợi.

Peru liên minh với Bolivia trong cuộc chiến này nên sau chiến tranh Thái Bình Dương (từ 1879 đến 1883), Peru đã phải nhường thành phố này cho Chí Lợi. Ngày nay, Iquique là một trong hai cảng dân sự của Chí Lợi.

Mặc dù thành phố được thành lập vào thế kỷ 16, nhưng có những bằng chứng cho thấy người Chango đã sinh sống tại đây vào khoảng 7,000 năm trước Chúa Giáng Sinh. Trong thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha, Iquique là một phần của đặc khu Virreinato del Perú, do người Tây Ban Nha trực tiếp quản trị, nhưng vẫn là một phần của lãnh thổ Peru cho đến cuối thế kỷ 19. Sự phát triển sớm của Iquique chủ yếu là do vùng này có nhiều khoáng sản, đặc biệt là hàm lượng lớn nitrat natri trong sa mạc Atacama, lúc đó là một phần của lãnh thổ Peru.

Thành phố đã bị tàn phá bởi một số trận động đất, bao gồm trận động đất Arica năm 1868, trận động đất Iquique năm 1877 và trận động đất Tarapacá năm 2005. Trận động đất Iquique năm 2014 xảy ra lên đến 8.2 độ Richter vào ngày 1 tháng 4 năm 2014.

Vào tháng 12 năm 1907, một vụ thảm sát kinh hoàng đã diễn ra khi quân đội Chí Lợi, dưới quyền chỉ huy của tướng Roberto Silva Renard, đã nổ súng vào hàng ngàn thợ mỏ muối, cũng như vợ và con của họ đang tụ tập bên trong trường học Santa María. Các công nhân đã vào thị trấn để phản đối điều kiện làm việc và tiền lương chết đói của họ. Khoảng từ 500 đến 2000 người đã bị giết. Từ tháng 12 năm 2007, một loạt các hoạt động văn hoá và lễ nghi đã được tổ chức; và sau đó mỗi năm trong khoảng thời gian từ 14 đến 21 tháng 12, nhiều lễ kỷ niệm được tổ chức để tưởng niệm vụ thảm sát này.

Vụ thảm sát này là một trong những lý do Đức Thánh Cha muốn đến thăm vùng này. Ngài muốn lôi kéo sự chú ý đến tình cảnh của người lao động và lên án những chính sách tàn bạo của những chủ nhân chỉ chạy theo lợi nhuận.

Cha Felipe Herrera, một vị trong ban tổ chức chuyến tông du của Chí Lợi, nói: “Chúng tôi hy vọng cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng sẽ mang lại cho chúng tôi một cuộc ‘cách mạng về lòng nhân ái’ trong xã hội Chí Lợi. Đó sẽ là một chủ đề rất lớn trong nghị trình 30 năm tới [của Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi]”.

Ngài nói thêm: “Chúng ta cần một cuộc cách mạng của lòng nhân ái, yêu thương nhau, và tình anh em giữa tất cả người Chí Lợi.”

Iquique cũng là thủ đô của các lễ hội Công Giáo ở Chí Lợi. Gần 80km về phía đông thành phố Iquique, cũng vẫn còn trong giáo phận Iquique, là thị trấn La Tirana, quê hương của một ngôi đền kính Đức Mẹ Núi Camêlô. Ở đó, hàng năm bắt đầu từ ngày 12 tháng 7, người dân Chí Lợi tổ chức một lễ hội kéo dài cả một tuần lễ để kính Đức Mẹ, bao gồm cả pháo hoa và những điệu múa truyền thống.

Năm 1880, Tòa Thánh thiết lập miền Phủ Doãn Tông Tòa Iquique và giao cho Đức Cha Plácido Labarca Olivares làm Giám Quản Tông Tòa. Ngày 20 tháng 12 năm 1929, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 11, nâng Iquique lên hàng giáo phận và bổ nhiệm Đức Cha Carlos Labbé Márquez làm Giám Mục.

Theo niên giám Tòa Thánh vào năm 2016, giáo phận Iquique có 174,000 người Công Giáo trong tổng số 254,600 dân, chiếm tỉ lệ 68.3%. Ngày 22 tháng 2 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Guillermo Patricio Vera Soto coi sóc giáo phận này cùng với 30 linh mục trong đó có 11 linh mục triều và 19 linh mục dòng. Giáo phận Iquique, với 21 giáo xứ, cũng có 15 phó tế vĩnh viễn, 24 nam tu sĩ không có chức linh mục, và 44 nữ tu.
 
Tổng thư ký của ''Tông đồ Mục vụ cho Sắc tộc Mapuche'' phát biểu: chúng tôi không mong đợi ĐTC sẽ đưa ra những giải pháp chính trị cho những vấn nạn của chúng tôi!”
Thanh Quảng sdb
23:24 11/01/2018
Tổng thư ký của "Tông đồ Mục vụ cho Sắc tộc Mapuche" phát biểu: chúng tôi không mong đợi ĐTC sẽ đưa ra những giải pháp chính trị cho những vấn nạn của chúng tôi!”

Theo Thông tấn xã Fides từ Temuco cho hay những người Thổ dân Công Giáo Mapuche đang chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ "ban phước cho chúng họ, củng cố đức tin cho họ". Họ hy vọng các bài giảng của ĐTC sẽ tập trung vào sự "hài hòa của xã hội"; chứ họ không mong đợi các giải pháp chính trị từ ĐTC để giải quyết các vấn đề, bởi vì ĐTC "là một mục tử, chứ không phải là một vị Tổng thống của đất nước Chi-lê, thậm chí Ngài cũng chẳng phải là một bộ trưởng có quyền hạn gì cả!". Đó là lời phát biểu của cô Isolde Reuque Paillalef, Tổng thư ký của ủy ban Tông đồ Mục vụ sắc tộc "Mapuche" của giáo phận Temuco nước Chi-Lê. Thật vậy ĐTC muốn lắng nghe những thao thức của sắc dân Mapuche và góp ý với chính quyền Chi-lê hầu đưa ra một giải đáp tốt đẹp cho sự phát triển xã hội toàn diện".

Bóng hình "kẻ xâm lăng" bạo lực
Trong những năm gần đây, "vấn nạn" của sắc tộc Mapuches - "trẻ em" cũng như những người bản địa ở các khu vực ở trung tâm, và phía Nam Chi-lê và Argentina, cảm thấy họ đang bị chiếm đoạt - bị các phương tiện truyền thông khích động bạo lực và đổ dầu vào lửa, phân rẽ Tin Lành và Công Giáo trước vấn nạn những sắc dân bản địa. "Trong thực tế", Cô Tổng thư ký Isolde cho hay "chúng tôi không biết ai là thủ phạm của những hành vi bạo lực này, bởi vì công lý ở Chi-lê chưa nhận ra danh tính của họ, và do đó chúng tôi chẳng có thể đổ lỗi và kết án cho bất cứ ai. Nhiều người nghĩ rằng những người ấy thực sự là người nước ngoài! họ không phải là người Mapuche, họ đến từ bên ngoài để tạo ra sự hỗn loạn và rồi qui lỗi cho những người Mapuche gây ra.Trong bất kỳ trường hợp nào, Ông Isolde cho hay những kẻ gây ra những đồng và bạo lực này rất ít và họ dấu tên! Nên nếu được phát hiện, chắc chắn họ sẽ bị trừng phạt, cái khó là cần có bằng chứng về những tội ác của họ! vì chúng ta cũng thấy nhiều người bị bắt vì vấn nạn của sắc dân Mapuche, bị bắt rồi lại được thả ra, vì thiếu những chứng cứ hiển nhiên rằng họ chống lại những người Mapuche mà đốt phá nhà thờ, nhà nguyện thuộc về sắc tộc Mapuche.

Lời cầu nguyện và hộ phù của các thánh
Sự chú ý đến vấn đề nóng bổng và bạo lực đang âm ỉ trong cuộc sống cộng đoàn Kitô hữu Mapuche, những người xác quyết trung thành với đức tin hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô. "Không có gì mâu thuẫn là người Mapuche và là một Kitô hữu, giữa truyền thống thiêng liêng truyền thông của người Mapuche và niềm tin Kitô giáo; giữa tình yêu Thiên Chúa nối kết với tình yêu trái đất và thiên nhiên ". Thánh lễ được cử hành bằng ngôn ngữ Mapuzugun dâng lên những lời cầu nguyện cho thiên nhiên luôn là một hấp lực sốt sáng và hấp dẫn.
Các cộng đoàn Kitô giáo Mapuche đã ấp ủ và nuôi dưỡng đặc biệt cho Ceferino Nunancura, một thanh niên con tù trưởng Mapuche, là học sinh Sa-lê-diêng đã được phong Chân phước vào tháng 11/2007 năm qua. Cô Isolde Reuque cho hãng Fides hay rằng với kinh nghiệm trong vai trò linh mục và giám mục của ĐTC một thời tại nước láng giềng Argentina thì "Chúng tôi tự tin và cảm thấy Đức Thánh Cha rất gần gũi với chúng tôi, thúc đẩy chúng tôi phải năng động tiến tới chứ không được giẫm chân tại chỗ!

Một hành trình dài dấn thân song hành với Giáo hội
Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha như một sự tiếp nối những nỗ lực của giáo hội trước "vấn nạn của người Mapuche" mà trong Thư Mục Vụ về việc công bố Tin Mừng cho người Mapuche, đã được các Giám mục Chi-lê đề cập tới và được xuất bản vào năm 1979. "Với tài liệu đó" Cô Isolde Reuque nhắc lại: "Giáo hội tái khẳng định lập trường về nhân phẩm con người". Bản văn đó được coi như những ánh sáng gây cảm hứng cho các bước tiến quan trọng về việc chăm sóc mục vụ đối với người Mapuche, sự hỗ trợ của giáo hội đối với các tổ chức xã hội và lãnh đạo các cộng đồng để tái khám phá lại truyền thống và lịch sử của họ. Những năm gần đây, Giáo hội địa phương cũng tập trung vào mục tiêu nhằm giúp những người Mapuche tiến tới một "cuộc sống tốt đẹp" hơn cả về vật chất lẫn tâm linh. Những mục tiêu này cũng vượt qua những rào cản xã hội, những mâu thuẫn giữa các cộng đoàn tại khu vực Auracana. Hy vọng "Thông điệp về 'cuộc sống tốt đẹp' mà cô Isolde đề cập tới cũng sẽ là "Thông điệp" cho một cuộc sống tốt đẹp hơn mà chúng ta sẽ được lắng nghe qua các bài giảng và diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô dưới chủ đề: việc bảo trì ngôi nhà chung của chúng ta, đang thu hút những sự chú ý trước mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, là trọng tâm trong linh đạo và văn hoá của người Mapuche ".
Theo thống kê mục vụ cho người Mapuche của giáo phận Temuco cho hay thì trong thời gian gần đây, có một số linh mục sẵn sàng đi phục vụ dân bản địa của vùng Auracanìa: "Việc đào tạo linh mục trẻ cần thích nghi với tâm linh và cac nghi lễ của người Mapuche, những trở ngại văn hoá này đang tiệm tiến được đưa vào chương trình đào tạo ở chủng viện. Theo giáo phận Tomuco thi hiện nay giáo phận đào tạo được ba linh mục gốc người Mapuche, và theo cô Isolde Reuque thì cho đến bây giờ họ đã không gặp vấn đề khó khăn nào "liên quan đến luật độc thân linh mụ” cả! Cô Isolde Reuque nhắc nhớ lại dư âm của chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Giáo Hoàng II tới Chi-lê vào năm 1987. Ngài đã minh nhiên mời gọi những người dân Mapuches hãy hào hùng bảo tồn văn hóa của mình. Cô cũng nhớ rằng sau những lời đó, "rất nhiều người bắt đầu cảm thấy tự hào vì thuộc về sắc dân này, họ ăn mặc áo quần truyền thống của người Mapuche và tham gia vào cộng đoàn nói ngôn ngữ Mapuzungun". Cô Isolde nói thêm "Cuộc thăm viếng tới sẽ giúp chúng ta tiến tới, gạt sang một bên những lời chỉ trích, những bất mãn dèm pha của bất luận ai ngay cả của những người trong cộng đồng Kitô hữu của chúng ta" (Fides,10/1/2018)
 
Một vài con số so sánh giữa Giáo hội & Đất nước Chi-lê và Pê-ru:
Thanh Quảng sdb
23:28 11/01/2018
Một vài con số so sánh giữa Chi-lê và Pê-ru:

Đức Giáo Hoàng Francis sẽ thăm Chilê và Pê-ru từ ngày 15-22 tháng 4 năm 2018. Dưới đây là những dữ liệu thống kê khác biệt của Giáo Hội Công Giáo ở Chi-lê và Pê-ru tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 (từ Văn phòng Trung ương về Thống kê của Giáo hội)

Bảng 1 - Cơ cấu dân số và giáo hội
Diện tích (km2) Chi-lê là 756.626 cây số vuông; còn Pê-ru là 1.285.216 cây số vuông
Dân số Chi-lê là 18,006 ,000; còn Pê-ru là 31,152,000
Số Người Công Giáo cửa Chi-lê là 13.329,000; còn Pê-ru là 27.911,000
Người Công Giáo trên 100 dân thì Chi-lê là 74% còn Pê-ru là 89%

Bảng 2 - Những người tham gia vào các hoạt động của hoạt động tông đồ
Các giám mục Chi-lê có 50 còn Pê–ru có 68
Linh mục địa phận tại Chi-lê là 1,175 còn tại Pê-ru là 2,088
Linh mục dòng tại Chi-lê có 1,108 và Pê-ru có 1,273
Nữ tu tại Chi-lê là 4.006 và Pê-ru có 5.568
Các Học viện và Đại học đạo đời tại Chi-lê có 472 cơ sở trong lúc đó ở Pê-ru có 179
Các Giáo Lý Viên ở Chi-lê là 43.547 trong lúc đó ở Pê-ru có 51.367

Bảng 3 - Các trung tâm giáo dục do Giáo hội trông coi
Trường mẫu giáo và tiểu học tại Chi-lê là 957 trong khi đó ở Pê-ru có 995
Trung học tại Chi-lê là 597 trong khi đó ở Pê-ru có 524
Cao đẳng và đại học tại Chi-lê có 27 trong khi đó ở Pê-ru có 90
 
Đức Hồng Y Parolin cho hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn năm 2018 là Năm Giới trẻ và Gia đình
Thanh Quảng sdb
23:30 11/01/2018
Đức Hồng Y Parolin cho hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn năm 2018 là Năm Giới trẻ và Gia đình

Trong một cuộc phỏng vấn với Alessandro Gisotti của tờ Tin Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã đưa ra một cái nhìn về năm 2018 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
ĐHY Tổng trưởng Ngoại giao mô tả năm 2018 Giáo hội "đặc biệt chú ý đến người trẻ, đâu là những hy vọng, mục tiêu và thách đố của họ".
Cuộc họp của các Gia đình Thế giới diễn ra tại Dublin, Ireland vào ngày 21-26 tháng 8, ngay trước Hội nghị Thường niên của Thượng Hội đồng Giám mục tại Rome, với trọng điểm "Giới trẻ, đức tin và sự phân biệt nghề nghiệp".
Đức Hồng Y Parolin nói rằng một khía cạnh sáng tạo và quan trọng là "mối quan hệ mới của Giáo hội với những người trẻ tuổi, thể hiện trong một khung mẫu về trách nhiệm, loại trừ bất cứ loại chủ nghĩa phụ hệ nào."
"Giáo hội và Đức Giáo Hoàng đang yêu cầu những người trẻ xem họ có thể đóng góp gì cho Tin Mừng và công bố của họ trong xã hội ngày nay!".
Thông điệp Niềm Vui Yêu Thương (Amoris laetitia) và người trẻ

Đức Hồng Y Parolin cho rằng "tài liệu này là kết quả của một mô hình mới mà Đức Giáo Hoàng đang thực hiện với sự khôn ngoan, sáng suốt và kiên tâm." Các khó khăn xung quanh vấn đề "ngoài một số khía cạnh về nội dung, còn sự thay đổi và thái độ trước vấn đề tình yêu thì Đức Giáo Hoàng kêu mời các địa phương đóng góp. "
"Tôi tin rằng thông điệp Niềm Vui Yêu Thương mà Giáo hội đang canh cánh ấp ủ cho các gia đình trước các vấn đề của nó trong thế giới ngày nay, thật sự giúp cho việc nhập thể Tin Mừng trong gia đình, vốn đã là một Tin Mừng: Phúc Âm của gia đình - đồng thời là một lời mời để các gia đình có thể giúp đỡ bằng cách cộng tác và đóng góp cho sự phát triển của Giáo Hội. "
Cải cách giáo dục

Đức Hồng Y Parolin sau đó đã nói về tiến trình cải cách Nội các của Giáo triều mà ngài cho "đã có một số bước tiến quan trọng."
Ngài nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô tập trung sâu xa vào "tinh thần hơn để làm sống động mọi cải cách của Giáo Hội, đó là chiều kích căn bản của đời sống Kitô hữu, là sự hoán cải."
Ngài nói, thái độ này là ưu tiên hơn là "cải cách cơ cấu, với việc ban hành các luật, định mức, đề cử mới, v.v ..."
Cải cách nên làm cho Giáo triều Rôma là "những trợ giúp thực sự giúp Đức Giáo Hoàng trong việc công bố Tin Mừng". Đức Hồng Y Parolin nói: "Tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh này.
Hành trình tông du đến Chi-lê và Pê-ru

Cuối cùng, Đức Hồng Y Parolin đã nói về Hành trình Tông du sắp tới của ĐTC tới Chi-lê và Pê-ru.
Là một mục tử của Giáo hội, Ngài đến để gặp gỡ các Giáo hội địa phương và những người đang phải đối diện với những thách đố gây lên bởi những thực tại của thế giới ngày nay ".
- Thứ nhất là những thách đố của người dân bản địa", mà ĐTC muốn Thượng hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 2019 sẽ bàn về Rừng Amazon. Ngài nói tiếp những điểm xoay quanh "vai trò và sự đóng góp của các sắc dân này trong các quốc gia đơn lẻ và xã hội của họ".
- Thách thức thứ hai là nạn tham nhũng. Ngài nói: " Đức Giáo Hoàng cảm thấy nạn tham nhũng, cản trở sự phát triển và tăng thêm nạn đói nghèo và đau khổ.
Nói tóm lại, Đức Hồng Y Parolin nói: "Đây không phải là chuyến thăm dễ dàng, nhưng chắc chắn đó sẽ là một chuyến phiêu lưu đầy thú vị."
Chuyến thăm của Giáo hoàng đến Chi-lê và Pê-ru khẳng định lại những cam kết với những sắc dân bản địa
 
Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh họp báo tại Vatican để thông tin về cuộc hành trình sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Chi-lê và Pê-ru.
Thanh Quảng sdb
23:32 11/01/2018
Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh họp báo tại Vatican để thông tin về cuộc hành trình sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Chi-lê và Pê-ru.

Chuyến tông du sắp tới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Chi-lê và Pê-ru sẽ đưa Ngài đến các vùng nghèo khổ nhất và bị loại khỏi đất nước của họ mà còn tập trung vào những vấn đề về môi trường và nhu cầu quyền sở hữu đất đai mà thậm chí đã bị lạm dụng tới tình trạng nguy cơ hủy diệt!
Chuyến thăm Tông du lần thứ 22 ra nước ngoài của ĐTC
Trong buổi họp báo với các báo giới ở Vatican, Giám đốc Văn phòng Báo giới Tòa thánh, Đức Ông Greg Burke cho hay cuộc Tông du từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 1, là chuyến viếng thăm lần thứ 22 của ĐTC ra nước ngoài tới thăm 33 quốc gia.
Đức ông cho hay Đức Phanxicô biết rất rõ về hai nước này vì trong thời gian làm nhà tập của Dòng Tên Ngài đã sống một năm rưỡi ở Chi-lê và đến Pê-ru nhiều lần. Ngài cũng cho hay ĐTC biết hầu hết các giám mục qua những chuyến về thăm một Thánh Phêrô "ad limina" của các ngài về Rome.
Cuộc Tông du kéo dài một tuần của Đức Giáo Hoàng tất nhiên là một thời gian thăm viếng mục vụ. Như ĐTC Phanxicô nhấn mạnh trong đoạn băng video lời chào chúc trước khi Ngài lên được, ngài nhấn mạnh ngài đến để đem sự bình an và hy vọng của Chúa trong tinh thần và niềm vui của Phúc Âm.

Môi trường và quyền của người bản địa
Tuy nhiên, Đức ông Burke cũng đã xác nhận vấn nạn về môi trường rât quan trọng trong cuộc hành trình này, cũng như các vấn nạn liên quan đến quyền sống của những người dân bản địa.
Tại Chi-lê, ĐTC sẽ du hành đến vùng Araucania phía nam, nơi cộng đồng Mapuche đã bị tước đoạt đất đai của họ - trước hết do thực dân Tây Ban Nha, sau đó là những người định cư di chuyển đến khu vực này để trồng trọt, và gần đây hơn là trồng rừng. Ở thành phố Temuco, Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ cùng với các nhóm người bản địa và chia sẻ bữa trưa với các đại diện của họ và với Giám mục của Giáo phận Temuco.
Trong chuyến đi thứ hai đến Pê-ru, ĐTC dự kiến sẽ gặp gỡ những sắc dân ở Amazon tại thành phố Puerto Maldonado ở khu vực Madre de Dios phía đông Pê-ru. Đây là một địa điểm đặc biệt biểu tượng vì thành phố này là cửa ngõ vào rừng Amazon của Pê-ru, chiếm gần 60% lãnh thổ quốc gia và đang ngày càng bị khai thác bởi các ngành khai thác gỗ mà đẩy các bộ lạc bản địa ra khỏi vùng đất mà tổ tiên họ đã sinh sống.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Về
Tấn Đạt
21:49 11/01/2018
CHIỀU VỀ
Ảnh của Tấn Đạt
Chiều tà đâu phải ngày đã hết
Phiá trước chân trời ánh bình minh.
(nđc)