Ngày 16-02-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bỏ qua chưa hẳn là tha thứ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:10 16/02/2012
Chúa Nhật VII Thường niên B

Một trong những hình thức vô thần hiện đại, như nhận định của đức Phaolô VI, đó là mất cảm thức về tội lỗi. Đã không còn nhạy cảm với tội lỗi thì cũng sẽ chẳng cần đến sự thứ tha. Trái lại, người có niềm tin tôn giáo thường rất nhạy bén với chủ đề tha thứ. Bởi lẽ họ là những người dễ cảm nhận thân phận tội lỗi của mình.

Kitô hữu thì càng nhạy cảm hơn với chủ đề này. Các buổi cử hành Phụng vụ, cách riêng Phụng vụ Thánh Thể thì thường được mở đầu bằng sự thống hối ăn năn. “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng… Xin Chúa thương xót chúng con…”. Ngay các bé thơ khi đã dăm bảy lần đến Nhà Thờ dù chưa thuộc lòng kinh thú nhận tội lỗi nhưng vẫn hăng hái đấm ngực: “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, không thua kém người lớn.

Nhu cầu được thứ tha tội lỗi là một nhu cầu rất hiện sinh với người có niềm tin. Được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi thì không gì bằng. Tuy nhiên, để có thể cảm nhận một cách nào đó sự thứ tha của Thiên Chúa thì chúng ta cần phải xét xem cách thế Chúa tha thứ cho chúng ta.

Tha thứ là bỏ qua tất cả lầm lỗi: Tác giả Thánh Vịnh cảm nghiệm rằng khi Chúa tha thứ là Người bỏ qua mọi tội ác chúng ta đã phạm vì “nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi thì nào ai chịu nỗi được ư?” Ngôn sứ Isaia nói thay Thiên Chúa: Chính Ta đây, vì danh dự của Ta, Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa” (Is 43,24-25). Không còn nhớ thì cũng có nghĩa là không hề nhắc lại.

Khi đã lỗi phạm đến một ai đó, với lời xin lỗi thì chúng ta không gì hơn chỉ mong họ bỏ qua cho. Phận người chúng ta lắm khi nói rằng đã bỏ qua lầm lỗi của nhau, thế mà thỉnh thoảng cũng hay nhắc đi nhắc lại lầm lỗi ấy. Nhiều đức phu quân vốn thấy khó chịu vì sự càm ràm của người vợ, vì quý bà thật khó chừa cái tật nhắc lại lỗi lầm của chồng. Có bà lại chống chế: sở dĩ em nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của anh là để cho anh nhớ rằng em đã tha thứ cho anh!

Tha thứ là chữa lành, là cứu sống, là thi ân nhiều hơn trước. Phúc thay người có tội mà được thứ tha (x.Tv 3). Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta không chỉ là bỏ qua, không còn nhớ hay không còn nhắc đi nhắc lại tội chúng ta đã phạm, mà còn chữa lành hậu quả do tội chúng ta gây ra, cứu sống chúng ta và thi ân giáng phúc cho chúng ta hơn trước.

Chắc chắn có nhiều người bị bệnh tật về thể lý, hoặc gánh chịu những sự dữ mà không do bởi tội lỗi của họ. Chúa Giêsu đã nói rõ điều này về người mù từ lúc mới sinh (x.Ga 9) cũng như về những người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết (x.Lc 13,4-5). Tuy nhiên cũng có nhiều người vương phải bệnh tật hay chịu sự dữ nào đó, chính là vì tội lỗi của họ đã phạm. Người bị bại liệt được bốn thân nhân khiêng đến cùng Chúa Giêsu mà tin mừng tường thuật rất có thể thuộc trường hợp thứ hai. Giữa sự bị bại liệt và tội lỗi của anh ta chắc chắn có mối giây liên hệ nào đó. Anh ta không chỉ bị bại liệt về mặt thể lý mà còn bất toại về phương diện tâm linh.

Với những người thân của anh ta hôm ấy, phải thừa nhận rằng họ rất mong muốn Chúa Giêsu ra tay chữa lành bệnh bất toại cho người thân của họ bằng mọi giá. Bằng chứng là vì không thể vào nhà được do đám đông dân chúng cản trở, nên họ đã dỡ mái nhà người ta mà thòng chiếc chõng xuống. Chắc hẳn họ cũng như chính người bất toại đã thoáng chưng hững trước câu nói của Chúa Giêsu: “Này con, tội của con được tha rồi”. Thầm xin một điều mà lại nhận được một điều khác. Dù có chưng hững phút đầu, nhưng họ và cả người bất toại không hề có một phản ứng. Phải chăng, được tha tội quả là một hồng phúc? Và có lẽ không ai hơn người bất toại bấy giờ hiểu được thân phận tội lỗi của mình.

Biết được ý nghĩ của kinh sư có mặt lúc ấy cho rằng mình phạm thượng, Chúa Giêsu đã thách thức họ rằng: Nói với người bất toại: “Tội con được tha” hay nói: “hãy chỗi dậy vác chõng mà về nhà” đằng nào dễ hơn? Không thấy ai trả lời. Một sự im lặng như ngầm hiểu rằng thật khó mà nói với người bất toại: “Hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”, nếu người nói không có quyền năng chữa lành. Và rồi Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó để chứng tỏ quyền năng chữa lành của Người và cũng để chứng minh rằng Người có quyền tha tội.

Thiên Chúa biểu lộ sự thứ tha tội lỗi cho chúng ta bằng sự chữa lành, cứu sống, bằng sự tin tưởng trao phó trách nhiệm (x. Ga 21,15-17) như với Phêrô ngày nào, bằng sự đón nhận chúng ta vào mối liên hệ tình thân (x.Lc 15,11-32) như với đứa con hoang đàng… Tuy nhiên để đón nhận sự thứ tha của Chúa cách hữu hiệu thì phải thực thi một điều kiện như không thể thiếu, đó là chúng ta phải biết quảng đại tha thứ cho nhau (x.Mt 6,12; 18,23-35). Và chắc chắn việc chúng ta tha thứ cho nhau không chỉ là bỏ qua mà còn phải biểu lộ bằng các dấu chỉ bên ngoài như Chúa đã làm, đó là cứu sống, chữa lành, đón nhận vào mối tình thân, tin tưởng trao phó trách nhiệm…
 
Tin vào Đấng có quyền chữa bệnh và tha tội
Lm Trần Bình Trọng
09:34 16/02/2012
Chúa Nhật 7 Thường Niên, Năm B

Is 43:18-19, 21-22, 24-25; 2Cr 1:18-22; Mc 2:1-12

Trong khi Đức Giêsu giảng dạy tại thành Ca-phác-na-um thì dân chúng tuốn đến vây quanh Người tại nhà một người kia. Nghe biết Chúa làm nhiều phép lạ chữa nhiều người, người ta tụ họp vây quanh Chúa cả trong nhà lẫn ngoài sân để nhìn xem Chúa hay để xin ơn. Rồi có bốn người khênh đến một người bất toại để xin Chúa chữa trị.

Vì dân chúng đứng đông nghẹt, họ không thể đem người bất toại đến gần Chúa được. Họ bèn dỡ mái nhà để thả người bất toại nằm trên chõng xuống gần chỗ Chúa ngồi.

Nghĩ về việc trèo lên mái nhà, thì có linh mục kia khi còn là tu sinh cứ thắc mắc tại sao người ta có thể đưa người bất toại nằm trên chõng lên mái nhà dốc được, nhỡ té thì sao? Chắc họ phải trèo giỏi lắm? Rồi chủ nhà có đòi bồi thường không? Khảo cổ học cho thấy mái nhà thời bấy giờ ở miền đất Chúa Giêsu sinh trưởng làm bằng đất sét trộn với vôi và bện với cành cây, rơm rạ hay cỏ khô. Mái nhà bằng giống như sân thượng, có lan can vây quanh ((2 V 1:2) và có thang ở trong hay ngoài, chứ không phải mái dốc. Chiều đến họ leo lên hóng mát và nói chuyện. Việc dỡ mái nhà chắc phải là việc dễ dàng chứ không phải đập phá như người ta tưởng tượng. Và việc sửa lại mái cũng đơn giản. Ai giầu tưởng tượng có thể cho diễn lại cảnh này thành màn kịch thánh tuyệt vời với những vai sau đây. Ðám đông trong nhà giật mình không biết chuyện gì xẩy ra trên mái nhà khi nghe tiếng động, rồi thấy có người đang lay hoay cậy mái... Chủ nhà thì ngỡ ngàng toan bảo họ dừng lại: Hê! Mấy người kia. Bộ phá nhà người ta hả? Người nhà đâu, kêu cảnh sát, mau lên, lẹ đi!!! Còn Chúa Giêsu thì cứ bình tĩnh, cảm kích vì đức tin sắt đá của họ...

Trèo lên mái nhà, dỡ mái để hạ người bất toại xuống là một việc làm quyết tâm và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Phúc âm hôm nay ghi lại Chúa Giêsu động lòng trắc ẩn vì đức tin quả quyết của người bất toại và của bạn hữu anh ta. Tuy nhiên Chúa lại chưa chữa trị chứng bất toại ngay cho anh ta. Tại sao lại như vậy? Thưa rằng Chúa muốn dùng cơ hội này để dạy đám đông bài học, cho họ cái nhìn sâu hơn về sứ mệnh của Chúa giữa loài người. Nói cách khác Chúa dùng cơ hội này để nói về việc tha tội hầu gây chú ý trong đám đông. Chúa dùng lời quyền thế mà nói với người bất toại: Này con, tội con được tha rồi (Mc 2:5). Bằng lời ban ơn tha tội, Chúa Giêsu đồng hoá với Thiên Chúa.

Lấy làm vấp phạm về lời ban ơn ơn tha tội, nên mấy người kinh sư mới nói với nhau: Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? (Mc 2:7). Tuy nhiên Chúa Giêsu đi guốc trong bụng họ, nên quyết định làm chứng quyền tha tội bằng một phép lạ, bảo người bất toại: Ðứng dậy, vác chõng mà đi về nhà (Mc 2:11). Việc chữa người bất toại là để đáp ứng lòng tin của anh ta và bốn người giúp khiêng anh.

Còn đám đông ngạc nhiên và ca tụng Thiên Chúa vì Người đã làm một việc lạ lùng qua Người Con Một. Bất cứ khi nào làm phép lạ, Chúa Giêsu đều nại đến đức tin: đức tin đưa đến phép lạ, đức tin đem ơn chữa lành. Còn khi người Pharisêu xin Chúa một dấu lạ trên trời để thử Người, thì Chúa từ chối vì họ thiếu lòng tin. Theo Phúc âm thánh Mác-cô, Chúa thở dài và thắc mắc tại sao họ lại xin dấu lạ và Người bảo họ: Thế hệ này sẽ không được một phép lạ nào (Mc 8:12). Như vậy ta thấy, nếu thiếu lòng tin, sẽ không có phép lạ, cũng không được ơn chữa lành.

Ðám đông càng lấy làm sửng sốt hơn nữa, bởi vì ngoài việc chữa bệnh phần xác, Chúa còn chữa trị bệnh phần hồn, ban cho anh ta được ơn tha tội, một đời sống mới trong ơn thánh, hơn cả điều anh ta xin được lành bệnh. Không những Chúa ban cho người bất toại điều anh ta xin, mà còn ban cho anh ta điều anh ta cần, không những ban cho anh ta được phục hồi khỏi bệnh phần xác, mà còn ban cho anh ta được phục hồi khỏi bệnh phần hồn.

Bài trích sách ngôn sứ Isaia hôm nay cho thấy, Thiên Chúa dùng miệng lưỡi vị ngôn sứ để loan báo Người sẽ đến làm mới lại lời giao ước trên núi Sinai. Mặc dầu dân riêng của Chúa thường bất trung phản nghịch cùng Chúa, Chúa vẫn muốn đưa dẫn họ trở về nhà Chúa: Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa (Is 43:25). Theo thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô thì lời Chúa hứa đã được thực hiện nơi Ðức Giêsu (2 Cr 1:20). Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu còn hiện ra và ban cho các tông đồ quyền tha tội, và qua các tông đồ cho những người kế vị và thừa hành trong Giáo hội: Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20:22). Lời Chúa tha tội cho người bất toại cũng thường được nói với ta trong Bí tích Giải tội. Ðó là lời ban ơn tha tội, lời ban bình an và sự sống mới.

Vì có lòng tin, Chúa ban cho người bất toại không những điều anh ta xin là chữa lành phần xác, mà còn ban cho anh điều anh ta cần là chữa trị phần hồn. Việc Chúa chữa trị người bất toại trong Phúc âm hôm nay khỏi bệnh thiêng liêng mặc dầu anh ta không xin, phải nhắc nhở cho ta cần tìm đến thầy thuốc linh dược. Như vậy bài học nào ta có thể học trong Phúc âm hôm nay? Bài học thứ nhất là khi đau yếu, bệnh tật ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị. Chúa dùng bác sĩ, nha sĩ cùng với thuốc men như là dụng cụ chữa trị. Ðồng thời ta cũng cần cầu nguyện xin Chúa ban cho được khỏi bệnh. Bài học thứ hai là nếu bị đau yếu về phần hồn, ta cũng cần tìm đến thầy thuốc thiêng liêng để được chữa lành trong Bí tích Cáo giải. Người không nhận mình có bệnh, thì vô phương cứu chữa.

Lời cầu nguyện, xin được ơn chữa lành bệnh tật phần xác phần hồn:

Lạy Chúa, cũng như Chúa đã chữa trị người bất toại
khi bệnh nhân được đem đến với Chúa,
xin Chúa lắng nghe những ngưởi kêu cầu đến Chúa
ngày đêm, với tất cả lòng chân thành và khiêm tốn của họ,
mà ban cho họ điều họ van xin.
Và xin Chúa cũng chữa lành bệnh tật xác hồn con
để con được phụng sự Chúa với tâm hồn thanh thoả. Amen.
 
Sống lạc quan
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
17:11 16/02/2012
Chúa nhật 7B Quanh Năm

Dưới ánh nắng mặt trời, người nào, vật nào cũng tạo ra một bóng đen. Tấm gương nào cũng có mặt trái của nó. Người tốt, người xấu đan xen trong cuộc đời. Việc hay việc dỡ lẫn lộn trong đời sống.

Có hai loại người trong xã hội: bi quan và lạc quan. Người bi quan nhìn cuộc đời qua kính đen, chỉ thấy người xấu việc xấu. Người lạc quan nhìn cuộc đời bằng kính hồng, luôn thấy cái tốt cái đẹp của cuộc sống.

Câu chuyện Phúc âm hôm nay, Thánh sử Maccô kể về hai hạng người đến với Chúa Giêsu: bốn người khiêng một ngươi bất toại và các kinh sư.

1. Bốn người bạn.

Bốn người khiêng, nhiệt thành làm việc bác ái tương trợ, tận tình giúp đỡ bệnh nhân. “Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống”. Vì dân chúng quá đông, nên bốn người khiêng bệnh nhân không sao đến gần Chúa Giêsu được. Họ có sáng kiến táo bạo, khiêng bệnh nhân lên mái nhà theo lối đi cầu thang phía ngoài, lên bên trên dỡ mái nhà. Maccô không ghi lại nhà đó là của ai, cũng không nói người chủ nhà có đòi bồi thường vì mái nhà của họ bị dỡ hay không. Có lẽ ngày xưa mái nhà làm đơn giản và dân làng quen biết nhau nên họ thông cảm với người bất toại, không đòi bồi thường. Theo nhà chú giải Thánh Kinh William Barclay diễn tả.Mái nhà người Do Thái sống ở Palestine được làm bằng một số cây đà, đặt ngang từ tường này sang tường kia cách nhau khoảng một mét. Khoảng trống giữa các cây đà là những tấm phên bằng gỗ mềm có trét đất sét, và lớp trên cùng có phủ một lớp đất sét trộn với vôi. Do đó mái nhà rất bằng phẳng. Thường có cỏ mọc xanh tươi. Người ta dùng chổ này để nghỉ ngơi hóng mát yên tĩnh. Bốn người khiêng đã gỡ các miếng phên gỗ nằm giữa hai cây đà để làm lối đưa chiếc chõng với bệnh nhân xuống ngay trước mặt Chúa Giêsu.

Thấy thiện chí và lòng tin của bốn anh bạn này, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi"; “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác chõng mà về!”.

“Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ”.

Người bất toại đã lành mạnh, anh vui sướng hạnh phúc.Từ bao năm tháng bị tê liệt tay chân, không đi lại được, phải nằm liệt giường liệt chiếu, chạy thầy chạy thuốc mà không khỏi bệnh. Đời anh kể như tàn phế. Không thể đi làm, anh trở nên gánh nặng cho người khác. Có lúc anh cảm thấy tuyệt vọng, chán chường. Bại liệt thân xác đã làm anh dần dần tê liệt tâm hồn. Gặp được Chúa Giêsu, anh vui sướng hân hoan, anh nhảy mừng “lập tức anh đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người“. Anh đã được Chúa chữa lành phần xác. Anh “tung tăng“ đi lại, như bao người khác. Cử chỉ “đứng lên vác chõng mà về” nói lên sự lành mạnh thể lý và sức khỏe đủ để chu toàn bổn phận của một con người. Anh biết ơn Chúa Giêsu và “ngợi khen“ Thiên Chúa. Tâm hồn anh được đổi mới. Niềm tin vào Đấng Cứu Thế đã khởi đầu đem mùa xuân hy vọng cho đời anh.

Tin Mừng Maccô trong những Chúa nhật vừa rồi và hôm nay khắc hoạ dung mạo Chúa Giêsu. Vị lương y quyền năng và nhân hậu. Chúa hấp dẫn lôi cuốn đám đông. Chúa ở đâu thì dân chúng đến bao quanh không còn chỗ chen chân. Chúa thu hút đến lạ lùng. Lời giảng dạy đầy uy quyền. Quyền phép siêu phàm chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, tẩy trừ mọi thứ ma quỷ.

Con người cần phải mở lòng và tin tưởng vào Chúa.

Thánh Phaolô xác tín: "Tôi biết tôi đã tin vào ai" (2Tm 1 ).

Thánh vịnh 12 reo vui:
"Lạy Chúa, con tin cậy vào tình thương Chúa.
Được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng.
Con sẽ hát bài ca dâng Chúa vì phúc lộc Ngài ban"
(Tv 12, 6).

Thánh vịnh 9 hân hoan:
"Lạy Chúa, con xin kể muôn việc lạ Chúa làm.
Mừng Ngài, con hân hoan nhảy múa.
Đàn hát, kính dâng Ngài, lạy Đấng Tối Cao"
( Tv 9, 2-3 ).

2. Các Kinh sư.

Trái với thái độ thiện chí tương trợ của bốn người bạn, nhóm Kinh sư luôn tìm cách bắt bẻ kết án loại trừ.

Nghe Chúa nói: “Này con, tội con được tha rồi”, các kinh sư thắc mắc "Sao ông này lại dám nói như vậy ? Ông ta nói phạm thượng ! Ngoài một mình Thiên Chúa ra, ai có quyền tha tội?". Họ lập luận: hoặc là ông này phạm thượng, vì chỉ là người mà dám tha tội cho kẻ khác, hoặc là ông có quyền như Thiên Chúa? Nếu là con người, thì làm sao ông ta có quyền tha tội? Nếu ông ta là Thiên Chúa, thì tín điều “chỉ có một Giavê độc nhất mà thôi”, làm sao có thể dung hòa ? Chúa Giêsu lại hỏi họ: “Điều nào dễ hơn ?”. Cả hai câu hỏi điều vượt quá sức con người. Chúa Giêsu làm được cả hai. Người tuyên bố tha tội cho người bại liệt, rồi lại chữa anh ta khỏi bệnh. Người Do thái quan niệm, bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Ai mắc bệnh tật đều là người có tội. Bệnh càng nặng, tội càng nhiều. Chúa Giêsu không chấp nhận lối nhìn ấy. Đối với Chúa, bệnh tật và tội lỗi là hai vấn đề riêng biệt. Có thể có người vừa có bệnh vừa có tội, nhưng có người có bệnh mà không có tội, có người có tội mà không có bệnh. Khi nói:“Này con, tội con được tha rồi” là Chúa Giêsu muốn khẳng định Ngài là Thiên Chúa, có quyền tha tội. Đối với người Do thái, chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Bất cứ ai tự xưng mình có thể làm được như vậy là sỉ nhục Thiên Chúa, là phạm thượng, mà hình phạt đối với tội lộng ngôn, phạm thượng là bị ném đá cho đến chết (x.Lv 24,16). Chúa Giêsu hỏi họ: “Bảo rằng tội lỗi con đã được tha” hay “đứng dậy vác chõng mà đi, thì câu nào dễ hơn?”.

Cuộc tranh luận đạt tới đỉnh cao trong lời công bố long trọng của Chúa Giêsu "Này con, con đã được tha tội rồi; đứng dậy vác chõng mà đi. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ “. Thấy phép lạ nhãn tiền, các Kinh sư bàng hoàng kinh ngạc, họ lại một phen bị “gậy ông đập lưng ông”. Đó cũng là hậu quả của lối nhìn bi quan, cách sống cố chấp hay bắt bẻ kết án người khác.

3. Sống lạc quan.

Một triết gia bảo rằng: Hãy quay về phía mặt trời, bạn sẽ không thấy cái bóng đen sau lưng.

Trong thực vật học có hiện tượng gọi là quang hướng động, nghĩa là sự phát triển của cây tùy theo ánh sáng.Thân cây có quang hướng động dương nên thường mọc về phía có ánh sáng. Rể cây có quang hướng động âm nên mọc về phía tối. Ánh sáng chiếu soi trên muôn loài loài cây cỏ. Khi mùa xuân về, nắng ấm xóa tan cái lạnh lẽo của mùa đông. Cây xanh tươi. Hoa đua nở để mùa hè kết trái. Năng lượng mặt trời là nguồn gốc mọi năng lượng của chính sự sống trên trái đất. Nhờ năng lượng mặt trời, cây cỏ mọc lên rồi lớn dần xanh tươi, cung cấp lương thực cho động vật. Con người được nuôi sống nhờ động thực vật.

Ánh nắng mặt trời rọi chiếu trên hồ ao, sông biển. Nước bốc lên thành mây rồi tụ lại thành mưa. Mưa rơi xuống đất tạo thành khe suối sông ngòi chảy xuôi về biển cả. Muôn loài đều hướng về mặt trời đón nhận ánh sáng. Giữa muôn loài, có loài hoa.Trong các loài hoa, có một loài không những thân luôn mọc về phía ánh sáng mà còn hoa luôn quay về phía mặt trời. Đó là Hoa hướng dương. Hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời với cánh hoa rộng mở. Hoa hướng dương chỉ nhìn thấy ánh sáng. Trong lòng nó chất chứa nhựa trong trắng, lạc quan yêu đời. Cơn gió thổi qua. Cơn mưa ập tới. Hoa hướng dương cúi đầu xuống. Rồi lại ngữa mặt lên cao chiêm ngưỡng ánh mặt trời. Hoa hướng dương là hình ảnh những con người sống lạc quan yêu đời yêu người.

Người lạc quan có trái tim rộng mở hướng về người khác.
Người lạc quan luôn sống yêu thương, đem ấm áp cho mọi người xung quanh.
Ánh mặt trời soi chiếu muôn loài.
Tình yêu Thiên Chúa trao ban cho muôn người.
Ai biết mở lòng hướng về Thiên Chúa, người ấy sẽ luôn đón nhận dồi dào tình yêu và ân sủng để sống lạc quan tin yêu.
 
Này con, tội con đã được tha rồi
Lm Jude Siciliano, OP
22:41 16/02/2012
CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN – B
Isaia 43: 18-19,21-22, 24b-25; Tv 41; 2 Corintô 1: 18-22; Máccô 2: 1-12

Khi đọc 10 chương đầu của Tin Mừng Máccô, ta thực sự ấn tượng bởi số các phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện. Chẳng có gì lạ khi người ta rất phấn khởi với Người và dường như đổ xô đến Người trong suốt sứ vụ của Người.

Giọng điệu phấn khởi này được nhận ra ngay từ đầu Tin Mừng Máccô. Sau khi chữa lành mẹ vợ ông Simon (1,29-31), Máccô cho biết “toàn thị trấn” (1,33) đã tụ họp tại nhà và Đức Giêsu đã chữa bệnh và trừ quỷ. Sáng hôm sau, Đức Giêsu một mình đi vào hoang địa, nhưng ông Simon và các bạn “tìm thấy Người” và các ông đã thưa: “Mọi người đang tìm Thầy”. Việc chữa bệnh của Đức Giêsu đã thực sự lôi cuốn những người tuyệt vọng đang mong được cứu khỏi những gì đã nhấn chìm cuộc đời họ.

Thoạt nhìn, bài Tin Mừng hôm nay có vẻ không khác gì một câu truyện thần kỳ. Có lẽ những ai ở bên ngoài, những người không thể nghe thấy những gì Đức Giêsu đã nói, mà chỉ thấy kẻ bại liệt vác chõng mà đi, hẳn sẽ nghĩ rằng: Đức Giêsu, Đấng đã làm phép lạ, lại đã thực hiện phép lạ nữa rồi. Phải chăng đó là điều khiến họ “sửng sốt”, một phép lạ khác trong hàng loạt các phép lạ? Phải chăng đó chỉ là việc chữa trị thể xác khiến họ ấn tượng? Rõ ràng, một số hiện diện tại đó đã không hề thấy ấn tượng gì, vì họ lên án Đức Giêsu đã phạm thượng. Họ không hiểu toàn bộ những gì Đức Giêsu đã làm: Người đã chữa cho kẻ bại liệt cả vể thể xác lẫn tinh thần.

Thêm một lần nữa, chúng ta trở lại phần đầu của Tin Mừng. Sau khi lãnh phép rửa và chịu cám dỗ trong hoang địa, Đức Giêsu xuất hiện ở Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." (1,15).

Phép lạ trong Tin Mừng hôm nay cho những kẻ chúng kiến biết thế nào là tin vui. Nơi đức Giêsu, Thiên Chúa đã đến gần để hàn gắn vết thương nhân loại. Phép lạ thể lý thì quan trọng vì nó cho thấy rõ việc chữa trị sâu xa hơn mà Thiên Chúa muốn đem lại: chữa lành một tâm hồn tan vỡ do tội lỗi gây ra. Đức Giêsu cho thấy rõ tính hiệu quả của phép lạ: “Nhưng để các ông biết rằng Con Người có quyền tha tội…”.

Thời Đức Giêsu, người ta nối kết tội lỗi với bệnh tật. Nếu quý vị bị bệnh, chắc chắn quý vị đã làm điều gì sai, vì thế Thiên Chúa mới trừng phạt. Nhiều người dường như vẫn còn suy nghĩ như thế, khi có điều xấu xảy ra với họ, họ liền hỏi: “Tôi đã làm gì sai mà Thiên Chúa lại trừng phạt tôi?” Vì thế, Đức Giêsu đã công khai việc chữa bệnh để cho thấy rằng Người có quyền thực hiện những gì Người đã loan báo, chữa lành trọn vẹn cho người bại liệt – tha tội cho anh ta cũng như chữa trị bệnh thể xác. Sứ điệp đã quá rõ ràng đối với họ; nếu người bại liệt được chữa khỏi thì chắc chắn anh ta phải được tha thứ. Đức Giêsu đang nói lên sự thật rằng: Người có thể tha tội, việc chữa bệnh đã chứng minh điều đó. Quý vị có để ý cách Đức Giêsu nói với người bại liệt: “Này con, tội con được tha rồi”? Mỗi chúng ta đều là người con đó trong đôi tay của Thiên Chúa Tình Thương. Nhờ vào ơn tha thứ của Thiên Chúa, mỗi chúng ta lại được đổi mới – trở nên con cái Chúa với một đời sống mới phía trước.

Trước kia, chúng ta đã kết luận rằng phạm tội trọng là điều thường xảy ra trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Thời niên thiếu, việc xếp hàng dài để xưng tội vào các ngày thứ Bảy ở giáo xứ có vẻ chứng minh điều này. Nhưng, thực tế cho thấy chỉ có khoảng một nửa trong số thành viên trong cộng đoàn lên rước lễ ngày Chúa Nhật. Có lẽ họ nghĩ rằng tội của họ nghiêm trọng đến nỗi không thể lãnh Bí tích; và rằng họ ở trong tình trạng tội trọng và bị cắt đứt khỏi Thiên Chúa.

Qua nhiều năm tháng, ý nghĩ về điều gì cấu thành tội trọng đã thay đổi. Những bậc luân lý đã giúp mang lại thay đổi này. Trọng tâm huấn dụ của họ là vấn nạn: Yếu tố chọn lựa cơ bản nào mà chúng ta đã thực hiện trong cuộc sống? Cuộc sống của chúng ta hướng đến Thiên Chúa hay không cần đến Người? Theo cách suy nghĩ này, tội trọng là tội cắt đứt mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa; tội xảy ra vì chúng ta đã thực hiện một chọn lựa cơ bản là rời xa Thiên Chúa.

Khuynh hướng cơ bản trên không xảy ra mà không có ý muốn, tự nguyện và thói quen thường xuyên trong suốt cuộc đời chúng ta. Khi chúng ta nhận ra một số hay một chuỗi những hành vi đã làm cho chúng ta rời xa Thiên Chúa, thì đó là lúc để xin ơn tha thứ. Một cách quan trọng để những người Công giáo chúng ta quay về với chỉ dẫn của Thiên Chúa là chúng ta đến với Bí tích Hòa giải (Chúng ta thường gọi là “Xưng tội”).

Quý vị có chú ý đến vai trò của cộng đoàn trong Tin Mừng hôm nay không? Bốn người đàn ông, có lẽ là những người bạn của người bại liệt, đã mang anh ta đến cho Đức Giêsu. Họ đã khó nhọc vì anh ta. Khi đám đông ngăn không cho họ đến gần, họ đã dỡ một lỗ trên mái nhà rồi thả người bại liệt xuống trước mặt Đức Giêsu.

Bốn người này không chỉ là những người khuân vác được mướn dịp này. Thánh Máccô nhấn mạnh vai trò quan trọng của họ qua việc nói với chúng ta rằng Đức Giêsu đã tha các tội cho người bại liệt khi Người thấy được đức tin của họ. Đức tin của “cộng đoàn” này đã đóng vai trò quan trọng trong sự tha thứ và chữa lành cho người bại liệt.

Bí tích Hòa giải là sự biểu lộ đức tin của cộng đoàn tín hữu với ước mong được Đức Giêsu tha tội. Bí tích tán dương ơn tha thứ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu. Linh mục, đại diện cho cộng đoàn, chào đón chúng ta quay về sau những sai lầm mà chúng ta đã trót làm vì tội lỗi xúi giục. Khi đã xa rời Thiên Chúa, giờ đây chúng ta quay về và, trong Bí tích, cộng đoàn đảm bảo chúng ta đã được ơn tha thứ, dâng lời tạ ơn và tán dương Thiên Chúa cùng với chúng ta.

Tuần tới, chúng ta sẽ bước vào Mùa Chay. Người tín hữu chúng ta sẽ nghe trong Tin Mừng lời quả quyết của Đức Giêsu: “Thời kỳ đã mãn. Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Thiên Chúa đã thấy nhu cầu được chữa lành của chúng ta và Người đang kéo chúng ta đến gần Người. Đó chẳng phải là tin vui hay sao? Khi đó Đức Giêsu loan báo cho chúng ta thời cơ đã đến gần: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để thực hiện điều này. Đây cũng là dịp tốt để duyệt xét lại chỉ dẫn của đời sống chúng ta, nhận ra những cách thức lớn nhỏ chúng ta đã chọn lựa ngoài Thiên Chúa, sau đó đến với Bí tích Hòa giải, nơi chúng ta có thể cảm thấy Đức Giêsu đang nói với chúng ta như với người bại liệt trong Tin Mừng hôm nay: “Này con, tội con được tha rồi”.
Chuyển ngữ : Anh em HV Đaminh Gò-Vấp

7th SUNDAY IN ORDINARY TIME (B)
Isaiah 43: 18-19,21-22, 24b-25; Psalm 41; 2 Corinthians 1: 18-22; Mark 2: 1-12

Reading the first ten chapters of Mark's gospel one can't help but be impressed by the number of miracles Jesus performed. No wonder people got so excited over him and seemed to mob him throughout his ministry.

This tone of excitement is set very early in Mark's gospel. After healing Simon's mother-in-law (1:29-31), Mark says "the whole town" (1:33) gathered at the house and Jesus performed healings and exorcisms. The next morning Jesus went off early to be alone in the desert, but Simon and his companions "track him down" and they tell Jesus, "Everybody is looking for you." Jesus' cures couldn't help but attract desperate people looking for relief from what wore them down.

At first glance today's gospel may seem like one more miracle story. Perhaps those who were there on the periphery of the event, who couldn't hear what Jesus said, but only saw the once-crippled man pick up his mat and leave, surmised that Jesus, the miracle worker, had done it again. Is that what "astounded" them, another miracle in a series of miracles? Was it just the physical cure that impressed them? Apparently some of those present weren't impressed at all, since they accused Jesus of blasphemy. They didn't perceive the totality of what Jesus had done: he made the man both physically and spiritually whole.

Once again we turn to the beginning of the gospel. After his baptism and desert temptations Jesus emerges in Galilee preaching the good news of God. "This is the time of fulfillment. The reign of God is at hand. Reform your live and believe in the gospel!" (1:15)

Today's gospel miracle shows the witnesses what the good news looks like. In Jesus God has drawn close to heal hurting humanity. The physical miracle is important because it points to the deeper healing God wants to bring about: the healing of a broken spirit caused by sin. Jesus makes the point of the miracle very clear, "But that you may know that the Son of Man has the authority to forgive sins…."

In Jesus' time people linked sin and sickness. If you got sick, you must have done something wrong and so God was punishing you. Some people still seem to think in this way for, when something bad happens to them, they ask, "I wonder what I've done wrong that God is punishing me?!" So, Jesus did something visible, the healing, to show he had power to perform what he announced, a full healing for the man -- the forgiveness of his sins as well as a physical cure. The message should have been clear to them; if the man was cured then he must have been forgiven. Jesus was telling the truth, he could forgive sin, the healing proved it. Did you notice how Jesus addressed the man? "Child your sins are forgiven." Each of us is that child in the hands of a loving God. Each of us, through God's forgiveness, is made new again -- a child of God with new life before us.

In the past we might have concluded that committing mortal sin was a frequent occurrence in our spiritual lives. The long lines for confession on Saturdays at my boyhood parish seemed to give evidence of this. So did the fact that only about half of the Sunday congregants came forward to receive communion. People seemed to think their sins were serious enough to keep them from the sacrament; that they were in a state of mortal sin and cut off from God.

Over these years the thinking about what constitutes mortal sin has changed. Teachers of morality have helped bring this change about. At the heart of their teaching is the question: what fundamental choice have we made in life? Is our life oriented to God, or is it without God? In this way of thinking mortal sin is what ruptures our relationship with God; it comes about because we have a made a fundamental choice away from God.

Such a fundamental orientation does not occur without thought, choices and habitual practice throughout our lifetime. When we realize some act, or a series of acts, have turned us away from God, it is time to ask for forgiveness. One key way we Catholics make the turn again in God's direction is that we go to the Sacrament of Reconciliation. (We used to call it "Confession.")

Did you notice the community's role in today's gospel? Four men, possibly the man's friends, brought the paralytic to Jesus. They worked hard on the man's behalf. When the crowds inhibited them from getting close, they opened a hole in the roof and lowered the man down before Jesus.

These four were not mere stretcher bearers hired for the occasion. Mark underlines their important role by telling us that Jesus forgave the man's sins when he saw their faith. The faith of this "community" played an important role in the man's forgiveness and healinng.

The Sacrament of Reconciliation is a manifestation of the believing community's faith in Jesus' desire to forgive. The sacrament celebrates the forgiveness God offers us in Jesus. The priest, representing the community, welcomes us back from the misdirections our sins have led us. Having turned from God, now we turn back and, in the sacrament, the community assures us of forgiveness, gives thanks and praises God with u

Next week Lent begins. We, the faithful, will hear in the gospel Jesus' assurance, "This is the time of fulfillment. The Kingdom of God is at hand." God has seen our need for healing and is drawing close. Isn't that good news? Jesus then announces to us the opportunity at hand, "Repent and believe in the gospel." Lent is a good time to do that. It is also a good time to review our life's direction, notice the big and small ways we have made choices other than God and then to go to the sacrament of Reconciliation where we, like the man in today's gospel, can experience Jesus saying to us, "Child your sins are forgiven."

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha kêu gọi đừng chiều theo quyền lực thế gian
LM. Trần Đức Anh OP
08:17 16/02/2012
ROMA. ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các chủng sinh và các tín hữu thực hành lời dạy của Thánh Phaolô: đừng chiều theo quyền lực thế giới, và đổi mới đường lối suy nghĩ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài suy gẫm về đoạn 12, câu 1 và 2 trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Roma, khi đến thăm Đại chủng viện Roma chiều ngày 15-2 vừa qua, nhân dịp chuẩn bị mừng lễ Đức Mẹ Tín Thác, Bổn mạng của chủng viện này vào thứ bẩy ngày 18-2-2012.

Đến nơi vào lúc 6 giờ 15, ĐTC đã được ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, cũng với các GM Phụ tá và ban giám đốc đại chủng viện, tiểu chủng Roma và 3 đại chủng viện khác tại giáo đô đón tiếp.

Tiếp đến, tại nhà nguyện Đại chủng viện, ĐTC đã cùng với các vị giám đốc, giáo sư, và 190 đại chủng sinh nghe đọc thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Roma qua đó thánh Tông Đồ nhắn nhủ các tín hữu hãy dâng hiến thân thể mình như lễ vật sống động, thánh thiện và đạp lòng Thiên Chúa. Đó là việc phụng tự tinh thần của anh em. Đừng chiều theo thế gian này, nhưng hãy để cho mình được biến đổi bằng cách canh tân lối tư tưởng, để có thể phận định thánh ý Thiên Chúa, điều gì là tốt, điều gì là hoàn hảo và làm đẹp lòng Chúa.

ĐTC đã diễn giảng cho mọi người đoạn thư trên đây như một bài lectio divina, nguyện gẫm Lời Chúa. Ngài giải thích từng câu và nhiều khi từng chữ trong đoạn thư và ngài nhấn mạnh rằng: ”thế gian” ở đây được hiểu là thế giới ở trong quyền lực của sự ác. Ngày nay có hai quyền lực lớn của sự ác, đó là quyền lực và tài chánh và quyền lực của các phương tiện truyền thông. Hai thứ này tự chúng là tốt và cần thiết, nhưng chúng trở nên xấu khi bị lạm dụng. ”Chúng ta thấy thế giới tài chánh có thể thống trị trên con người: sự ham hố của cải và danh vọng thống trị thế giới và biến nó thành nô lệ. Thế giới tài chánh không còn là một dụng cụ để mưu an sinh, thăng tiến sự sống con người, nhưng trở thành một quyền lực áp bức con người, một quyền lực mà người ta phải tôn thờ như thần tài, nó thực là thần minh giả dối thống trị thế giới. Chúng ta không thể chiều theo và tùng phục thứ quyền lực như thế!
ĐTC cũng phê bình thứ quyền lực thứ hai là quyền lực của dư luận quần chúng. Nó có vẻ là thực tại, nhưng thực tế nó làm cho con người không còn theo đuổi sự thật nữa. Chúng ta cần chống lại thứ quyền lực này: chúng ta không muốn chiều theo nó, không muốn được ca tụng, không muốn cái vẻ bề ngoài, nhưng muốn sự thật; sự thật mang lại cho chúng ta tự do đích thực, được giải thoát khỏi nhu cầu khoái lạc, khỏi thái độ chỉ biết nói theo tập thể... Chính thái độ không về hùa như thế theo tinh thần Kitô giải thoát chúng ta và trả lại cho chúng ta sự thật.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các chủng sinh mỗi ngày canh tân cách thức suy nghĩ và nói: ”Đây là một nghĩa vụ hằng ngày trên hành trình học thần học để chuẩn bị cho chức linh mục. Học thần học kỹ lưỡng, trong tinh thần, suy nghĩ về thần học đến cùng, suy niệm Kinh Thánh mỗi ngày, cách học thần học như thế, với sự lắng nghe chính Chúa nói, là con đường canh tân lề lối tư duy, biến đổi chính con người chúng ta và thế giới”.
Cuộc viếng thăm của ĐTC kết thúc với kinh nguyện và phép lành Tòa Thánh. Ngài cũng ở lại dùng bữa tối với ban giám đốc và các chủng sinh.

Hàng năm ĐTC vẫn đến thăm và ban huấn dụ tại Đại chủng viện, để chứng tỏ mối quan tâm đặc biệt đối với các LM tương lai của giáo phận. (SD 16-2-2012)
 
ĐTC: Luôn luôn tha thứ cho những kẻ hãm hại chúng ta và cầu nguyện cho họ
Linh Tiến Khải
08:16 16/02/2012
Các lời cầu của Chúa Giêsu trước khi chết trên thập giá mời gọi chúng ta biết sống yêu thương nhân từ luôn luôn tha thứ cho những người hãm hại chúng ta, cầu nguyện cho họ, và xác tín rằng ngay cả trong những thử thách khó khăn và đau khổ lớn nhất chúng ta cũng sẽ không bao giờ rơi ra ngoài đôi tay của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 15-2-2012 trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích ba lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi tắt thở trên thập giá, theo trình thuật của thánh sử Luca. Lời cầu nguyện thứ nhất và thứ ba hướng tới Thiên Chúa Cha, lời cầu thứ hai là lời hứa với người kẻ trộm hối lỗi.

Chúa Giêsu nói lên lời cầu nguyện đầu tiên ngay sau khi bị đóng đanh, lúc quân lính chia nhau áo của Người như phần thưởng công việc buồn thảm của họ. Thánh sử Luca viết: ”Khi đến nơi gọi là ”Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: ”Lậy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm” (Lc 23,33-34). Đức Thánh Cha nói:

Lời cầu nguyện đầu tiên mà Chúa Giêsu thưa lên với Thiên Chúa Cha là lời bầu cử: xin ơn tha thứ cho các kẻ giết mình. Qua đó Chúa Giêsu chu toàn điều Người đã dậy trong Bài Giảng Trên Núi, khi nói: ”Thầy nói với các con là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con” (Lc 6,27); và Người đã hứa cho những ai biết tha thứ như sau: ”phần thưởng của các con sẽ lớn lao, và các con sẽ là con Đấng Tối Cao” (c. 35). Giờ đây, Người không chỉ tha thứ cho các kẻ giết mình, mà còn hướng thẳng về Thiên Chúa Cha và bầu cử cho họ nữa.

Thái độ này của Chúa Giêsu tìm thấy sự noi gương cảm động trong trình thuật ném đá thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên sắp chết: ”Rồi ông qùy xuống, kêu lớn tiếng: ”Lậy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi ông an nghỉ (Cv 7,60). Đó đã là câu nói cuồi cùng của thánh nhân. Thật ý nghĩa khi so sánh hai lời cầu nguyện. Thánh Stêphanô hướng tới Chúa Phục Sinh và xin Chúa đừng quy tội giết người của họ. Chúa Giêsu trên thánh giá hướng về Thiên Chúa Cha, không chỉ xin ơn tha thứ cho các kẻ đóng đinh Người, mà còn bào chữa cho họ nữa. Người lấy sự ”không hiểu biết” của họ làm lý do để xin Chúa Cha tha tội cho họ, bởi vì sự không hiểu biết đó rộng mở cho con đường hoán cải, như xảy ra với lời của viên quan bách quản nói về cái chết của Chúa: ”Người này đích thực là người công chính” (c.47), là Con Thiên Chúa. ”Còn lại một sự an ủi cho tất cả mọi thời và cho tất cả mọi người là đối với các kẻ giết Chúa, những người thật sự không hiểu biết, cũng như những người hiểu biết và đã kết án Người, Chúa Giêsu lấy sự không hiểu biết như là lý do lời cầu xin ơn tha thứ, coi nó như cánh cửa có thể mở ra cho sự hoán cải” (Đức Giêsu thành Nagiarét. II, 233).

Lời nói thứ hai của Chúa Giêsu trên thập giá, được thánh sử Luca ghi lại, là một lời hy vọng, đáp trả lời cầu xin của một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh với Người. Trước Chúa Giêsu, người ăn trộm lành trở về với chính mình và hối lỗi, anh nhận thấy mình đang ở trước Con Thiên Chúa, Đấng khiến cho Gương mặt của chính Thiên Chúa trở thành hữu hình, và anh cầu nguyện: ”Ông Giêsu ơi, xin nhớ tới tôi khi Ông vào vào Nước của Ông” (c. 42). Câu trả lời của Chúa Giêsu vượt xa hơn điều anh ta xin; thật thế, Chúa nói: ”Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (c. 43). Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Chúa Giêsu ý thức rằng Người trực tiếp bước vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha và tái mở ra cho con người con đường vào thiên đàng của Thiên Chúa. Như vậy qua câu trả lời này, Người trao ban niềm hy vọng chắc chắn rằng lòng lành của Thiên Chúa có thể đụng chạm tới chúng ta trong giây phút sau hết của cuộc đời; và lời cầu nguyện chân thành, cả sau một đời lầm lỗi, cũng gặp vòng tay rộng mở của Thiên Chúa Cha từ nhân đón chờ đứa con đi hoang trở về.

Thánh Luca viết tiếp trong trình thuật: ”Bấy giờ đã tới giờ thứ sáu. Thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ”Lậy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong Người tắt thở” (cc.44-46). Trình thuật có vài điểm khác với trình thuật của hai thánh sử Marcô và Mátthêu. Thánh Marcô không miêu tả ba giờ tối tăm, trong khi thánh Mátthêu gắn liền chúng với một loạt các biến cố khải huyền như động đất, mồ mả mở ra, người chết sống lại (x. Mt 27,51-53). Trong trình thuật của thánh sử Luca các giờ tối tăm là do nhật thực, nhưng trong lúc đó bức màn che trong Đền Thờ cũng bị xé rách. Trình thuật giới thiệu hai dấu chỉ song song trên trời và trong Đền Thờ. Trời mất đi ánh sáng, đất sụp xuống, trong khi trong Đền Thờ là nơi hiện diện của Thiên Chúa, màn che cung thánh bị rách. Đức Thánh Cha nói:

Cái chết của Chúa Giêsu có đặc thái tỏ tường như một biến cố vũ hoàn và phụng tự; đặc biệt nó ghi dấu sự khởi đầu của một phụng tự mới, trong một đền thờ không do tay người phàm làm ra, bởi vì chính Thân Xác của Chúa Giêsu chết và phục sinh quy tụ các dân tộc và hiệp nhất họ trong Bí tích của Mình và Máu Người.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong lúc khổ đau ấy: ”Lậy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” là một tiếng kêu mạnh mẽ của sự tín thác tột cùng và hoàn toàn cho Thiên Chúa Cha. Lời cầu nguyện đó diễn tả ý thức tràn đầy không bị bỏ rơi. Tiếng ”Cha” nhắc nhớ lời tuyên bố đầu tiên của thiếu niên Giêsu khi lên 12 tuổi. Khi đó Người ở lại trong Đền Thờ Giêrusalem, mà bức màn giờ đây bi xé, và đã trả lời cha mẹ rằng: ”Tại sao Cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lc 2,49).

Từ đầu cho tới cuối điều xác định hoàn toàn sự cảm nhận, lời nói việc làm của Chúa Giêsu, là tương quan duy nhất với Thiên Chúa Cha. Trên thập giá Người sống một cách tràn đầy trong tình yêu, tương quan con thảo đó với Thiên Chúa Cha, là Đấng linh hoạt lời cầu nguyện của Người.

Các lời Chúa Giêsu nói sau tiếng kêu lậy Cha đó lấy lại lời Thánh Vịnh 31: ”Con xin phó thác hồn con trong tay Chúa” (Tv 31,6). Tuy nhiên chúng không chỉ đơn thuần là lời trích, mà diễn tả một quyết định vững chắc: Chúa Giêsu ”tự trao mình” cho Thiên Chúa Cha trong một cử chỉ hoàn toàn tín thác. Các lời này là một lời cầu nguyện ”tín thác”, tràn đầy tin tưởng nơi tình yêu của Thiên Chúa. Lời cầu của Chúa Giêsu trước cái chết thê thảm như đối với tất cả mọi người, nhưng đồng thời nó cũng thấm nhuần sự thanh thản sâu xa, nảy sinh từ niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa Cha và từ ý chí trao mình hoàn toàn cho Người. Trong vườn Giệtsêmani khi Chúa Giêsu bước vào cuộc chiến cuối cùng và lời cầu nguyện sâu đậm; và khi ”sắp bị giao vào tay con người” (Lc 9,44, mồ hôi Người trở thành ”như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Nhưng trái tim Người hoàn toàn vâng phục ý muốn của Thiên Chúa Cha, và vì thế ”một thiên thần từ trời” đến để an ủi Người (x. Lc 22,42-43). Giờ đây trong những giây phút cuối cùng này, Đức Giêsu hướng tới Thiên Chúa Cha và nói lên đây là bàn tay trong đó Người thực sự trao thác toàn cuộc sống của Người.

Trước khi lên Giêrusalem Chúa Giêsu đã nhấn mạnh với các môn đệ: ”Hãy lắng tai nghe kỹ các lời sau đây: Con người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,44). Giờ đây sự sống đang bỏ Người. Người đóng ấn trong lời cầu nguyện quyết định cuối cùng của Người: Chúa Giêsu để cho mình bị trao vào tay người đời, nhưng chính trong tay Thiên Chúa Cha mà Người trao phó linh hồn Người. Như vậy như thánh Gioan khẳng định tất cả đã hoàn tất, cử chỉ tột cùng của tình yêu thương đã được đem đi cho tới cùng, cho tới ranh giới và vượt qua ranh giới nữa.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: Anh chị em thân mến, các lời của Chúa Giêsu trên thập giá trong các giây phút cuối cùng cuộc sống của Người trên trần gian này cống hiến cho chúng ta nhiều chỉ dẫn dấn thân trong lời cầu nguyện, nhưng cũng mở ra cho sự tin tưởng thanh thản và niềm hy vọng vững vàng. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người hãm hại chúng ta bằng cách luôn luôn tha thứ để ánh sáng của Thiên Chúa có thể soi sáng con tim họ. Nghĩa là Chúa mời gọi chúng ta sống thái độ thương xót yêu mến trong lời cầu của chúng ta như Chúa yêu mến và thương xót chúng ta. Người thông truyền cho chúng ta xác tín rằng cho dù có gặp các thử thách khó khăn cam go và khổ đau nặng nề tới đâu đi nữa, chúng ta sẽ không bao giờ rơi ra ngoài bàn tay của Thiên Chúa đã tạo dựng, nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trên con đường cuộc sống, vì chúng ta được hướng dẫn bởi một tình yêu vô biến và trung tín.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau đặc biệt là Hiệp hội gia đình đông con Italia. Ngài cầu mong có các thăng tiến xã hội và pháp luật để bảo vệ và trợ giúp các gia đìinh đông con, là một kho tàng phong phú và là niềm hy vọng cho toàn quốc gia. Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Bài Giáo Lý của ĐTC: Ba Lời Cầu Nguyện của Chúa Giêsu trên Thánh Giá theo Thánh Luca
Phaolô Phạm Xuân Khôi
08:25 16/02/2012
“Ai chân thành cầu nguyện sẽ tìm thấy vòng tay rộng mở của Người Cha nhân lành đang chờ đợi đứa con trở lại.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư mùng 15 tháng 2 năm 2012 tại Đại Sảnh Phaolô VI. Lần này ĐTC suy niệm về Ba Lời Cầu Nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá như được tường thuật trong Tin Mừng Thánh Luca.

* * *


Anh chị em thân mến,

Trong trường cầu nguyện của chúng ta, thứ tư tuần trước, tôi đã nói về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, với Thánh Vịnh 22: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, tại sao Ngài nỡ bỏ con?” Bây giờ tôi muốn tiếp tục suy niệm về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, ngay khi cái chết gần kề, và hôm nay tôi muốn để tâm đến tường thuật mà chúng ta gặp trong Tin Mừng Thánh Luca. Thánh Sử đã truyền lại cho chúng ta ba lời của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, hai lời trong đó – lời thứ nhất và thứ ba - rõ ràng là những lời cầu nguyện với Chúa Cha. Lời thứ hai là lời hứa với người được gọi là Kẻ Trộm Lành bị đóng đinh cùng với Người,; thực ra, khi đáp lại lời cầu xin của kẻ trộm, Chúa Giêsu bảo đảm với anh: “Quả thật Tôi nói với anh ngày hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Trong tường thuật của Thánh Luca, hai lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu Kitô thưa cùng Chúa Cha khi đang sinh thì được nối kết một cách gợi ý với việc đón nhận lời khẩn cầu mà kẻ tội lỗi ăn năn trở lại đang thưa với Người. Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha đồng thời Người lắng nghe lời cầu nguyện của người thường được gọi là latro poenitens, “kẻ trộm ăn năn.”

Chúng ta hãy ngừng lại ở ba lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên được Người công bố ngay sau khi bị đóng đinh vào Thánh Giá, trong khi các binh lính còn đang chia nhau áo của Người như phần thưởng đáng buồn về việc phục vụ của họ. Theo một nghĩa nào đó, tiến trình đóng đinh vào thập giá được kết thúc bằng việc này. Thánh Luca đã viết: “Khi đến chỗ gọi là ‘Núi Sọ’, chúng đóng đinh Người vào thập giá, cùng với hai phạm nhân, một tên bên tay phải, một tên bên tay trái Người. Và Chúa Giêsu cầu nguyện rằng, ‘Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.’ Rồi chúng bắt thăm chia nhau áo của Người.” (23,33-34). Lời cầu nguyện đầu tiên của Chúa Giêsu với Chúa Cha là lời cầu bầu, xin tha thứ cho những lý hình của Người. Với lời này, Chúa Giêsu thực hiện điều mà chính Người đã dạy trong Bài Giảng Trên Núi khi Người nói “Nhưng Thầy bảo các con là những người đang nghe Thầy đây, hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét các con” (Lc 6:27), và Người cũng đã hứa với những người có thể tha thứ rằng “Phần thưởng của các con sẽ thật lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao” (c. 35). Bây giờ, từ trên Thánh Giá, Người không những chỉ tha thứ cho những kẻ hành quyết Người, mà còn trực tiếp thưa với Chúa Cha để cầu bầu cho họ.

Một chuyện “noi gương” thái độ của Chúa Giêsu được tìm thấy trong tường thuật cảm động về việc ném đá Thánh Têphanô, vị tử vì đạo đầu tiên. Thực ra, Thánh Têphanô, khi gần đến lúc cuối đời, “đã quỳ xuống, và nói lớn tiếng, ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.’ Sau khi nói xong lời đó thì ông từ trần.” (Cv 7,60): đây là lời cuối cùng của ông. Sự so sánh giữa lời cầu nguyện xin tha thứ của Chúa Giêsu với lời cầu nguyện của vị tử đạo là điều đầy ý nghĩa. Thánh Têphanô thưa chuyện với Chúa Phục Sinh và xin Chúa đừng quy tội cho những kẻ ném đá ông khi nói về việc người ta giết ông - một hành động được xác định rõ ràng bằng thuật ngữ “tội này.” Trên Thánh Giá Chúa Giêsu thưa cùng Chúa Cha và không những chỉ xin tha thứ cho những kẻ đóng đnh Người, nhưng còn giải thích về những gì đang xảy ra. Thực ra, theo lời Người, thì những kẻ đóng đinh Người “không biết việc chúng làm” (Lc 23:34). Người đặt sự thiếu hiểu biết, sự “vô minh” của họ như động lực của việc Người xin Chúa Cha tha thứ, bởi vì sự thiếu hiểu biết này mở đường cho việc hoán cải, như trường hợp những lời mà viên bách đội trưởng sẽ công bố về cái chết của Chúa Giêsu: “Người này thật sự là người công chính!” (câu 47). Người này là Con Thiên Chúa. “Vẫn là một sự an ủi cho mọi thời đại và cho mọi người rằng trong trường hợp những kẻ không thực sự biết Người – những lý hình của Người – và trong trường hợp những kẻ biết – những kẻ kết án Người --, Chúa dùng sự thiếu hiểu biết như lý do để xin tha thứ cho họ: Người coi nó như một cánh cửa có thể mở lòng chúng ta ra mà hoán cải” (Chúa Giêsu thành Nazareth, II, 208).

Lời thứ hai của Chúa Giêsu trên Thánh Giá được Thánh Luca tường thuật là một lời hy vọng; nó là câu trả lời cho lời cầu xin của một trong hai kẻ bị đóng đinh với Người. Người Trộm Lành, trước sự hiện diện của Chúa Giêsu, anh nghĩ đến mình và hối hận, anh cảm thấy mình ở trước Con Thiên Chúa, Đấng tỏ lộ dung nhan Thiên Chúa, và cầu xin: “Lạy Ông Giêsu, xin nhớ đến tôi khi vào vương quốc của Ngài” (câu 42). Câu trả lời của Chúa cho vượt xa điều anh cầu xin, Người nói, “Thật, Tôi bảo anh, hôm nay, anh sẽ được ở cùng Tôi trên Thiên Ðàng” (c. 43). Chúa Giêsu biết rằng Người sẽ trực tiếp đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha và mở lại cho loài người con đường đi đến thiên đàng với Thiên Chúa. Vì vậy, qua câu trả lời này, Người cho chúng ta một hy vọng chắc chắn rằng sự tốt lành của Thiên Chúa có thể chạm đến chúng ta, ngay cả trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, và ngay cả sau một cuộc đời sống sai lầm, ai chân thành cầu nguyện sẽ tìm thấy vòng tay rộng mở của Người Cha nhân lành đang chờ đợi đứa con trở lại.

Nhưng chúng ta hãy ngừng lại ở những lời cuối cùng của Chúa Giêsu đang hấp hối. Thánh Sử nói: “Bấy giờ khoảng giờ thứ sáu, tăm tối bao phủ khắp trái đất đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên tối tăm, và bức màn che trong Ðền Thờ bị xé ngay ở giữa. Chúa Giêsu kêu lớn tiếng, ‘Lạy Cha, con xin phó thần trí con trong tay Cha;’ Nói xong những lời đó, Người trút hơi thở cuối cùng.” (cc 44-46). Một số khía cạnh của tường thuật này khác với hình ảnh được đưa ra trong Tin Mừng Thánh Marcô và Matthêu. Ba giờ tối tăm không được mô tả trong Tin Mừng Thánh Marcô, trong khi trong Tin Mừng Thánh Matthêu chúng liên quan đến hàng loạt những biến cố khải huyền, như động đất, các ngôi mộ mở ra, người chết sống lại (x. Mt 27:51-53). Trong Tin Mừng Thánh Luca, những giờ tối tăm là do nhật thực, nhưng vào giây phút ấy bức màn che của Đền Thờ cũng bị xé ra làm đôi. Như vậy, tường thuật của Thánh Luca có hai dấu chỉ, một cách nào đó song song với nhau, trên bầu trời và trong Đền Thờ. Bầu trời bị mất ánh sáng, đất vỡ ra, trong khi ở Đền Thờ, nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa, bức màn che để bảo vệ cung thánh bị xé ra làm đôi. Cái chết của Chúa Giêsu một cách rõ ràng được mô tả như một biến cố vũ trụ và phụng vụ, đặc biệt là đánh dấu việc khởi đầu của một phụng tự mới, trong một Đền Thờ không do tay người phàm xây dựng, bởi vì nó là chính Thân Thể của Chúa Giêsu Chịu Chết và Phục Sinh, là Đấng tụ tập dân chúng lại và kết hợp họ trong Bí Tích Mình và Máu Người.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong lúc đau khổ này, “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha” - là một tiếng kêu lớn của lòng tín thác tột độ và hoàn toàn vào Thiên Chúa. Lời cầu nguyện này diễn tả ý thức hoàn toàn của Người rằng Người đã không bị bỏ rơi. Lời cầu khẩn thứ nhất - “Lạy Cha”, nhắc lại lời nói đầu tiên của Người được ghi lại khi lên mười hai tuổi. Khi ấy, Người đã ở lại ba ngày trong Đền Thờ Giêrusalem, là nơi mà màn che giờ đây bị xé đôi. Và khi cha mẹ Người bày tỏ sự lo âu của các ngài, Người đã trả lời, “Tại sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải ở nhà Cha con sao?” (Lc 2:49). Từ đầu đến cuối, điều hoàn toàn xác định cảm giác, lời nói và hành động của Chúa Giêsu, là mối liên hệ độc đáo của Người với Chúa Cha. Trên Thánh Giá, Người sống hoàn toàn trong tình yêu, chính mối liên hệ con thảo này với Thiên Chúa, đã sinh động hóa lời cầu nguyện của Người.

Những lời nói của Chúa Giêsu, sau khi cầu khẩn “Lạy Cha”, tiếp tục một diễn tả của Thánh Vịnh 31: “Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha” (Tv 31:6). Tuy nhiên, những lời này không phải là một câu trưng dẫn đơn giản, nhưng thay vào đó, biểu lộ một quyết định vững chắc: Chúa Giêsu “phó Mình” cho Chúa Cha trong một hành động hoàn toàn phó thác. Những lời này là một lời cầu nguyện “trao phó”, hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước cái chết là một điều bi thảm, cũng như với mọi người, nhưng cùng một lúc, được tràn ngập bởi sự bình thản thẳm sâu đến từ lòng tín thác vào Chúa Cha và ý muốn hiến thân hoàn toàn cho Ngài trong vườn Cây Dầu, khi Người bước vào cuộc chiến đấu cuối cùng, cùng cầu nguyện mãnh liệt, và sắp sửa “bị nộp vào tay người ta” (Lc 9:44), mồ hôi của Người đã trở thành “như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22:44). Nhưng trái tim của Người hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, và “một thiên sứ từ trời” đã đến để an ủi Người (x. Lc 22:42-43). Bây giờ, trong những giây phút cuối cùng của Người, Chúa Giêsu đã thưa cùng Chúa Cha rằng Người phó thác trọn cuộc đời Người trong tay Chúa Cha. Trước khi rời [Galilêa] để đi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh nhiều lần với các môn đệ: “Hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người ta” (Lc 9:44). Bây giờ, sự sống sắp sửa rời Người, Người đóng ấn lời cầu nguyện của Người trong quyết định cuối cùng: Chúa Giêsu tự cho phép mình bị nộp “vào tay người ta”, nhưng chính trong tay Chúa Cha mà Người phó linh hồn, vì vậy, -- như Thánh Sử Gioan nói -- mọi sự đã hoàn tất, hành động tối cao của tình yêu đã được thực hiện đến cùng, đến giới hạn và vượt quá giới hạn.

Anh chị em thân mến, những lời của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời dương thế của Người, cung cấp những dấu chỉ đặc biệt cho lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng chúng còn mở cửa cho một sự tự tin tưởng trầm lặng và hy vọng chắc chắn. Chúa Giêsu, Đấng xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người, mời gọi chúng ta làm một cử chỉ khó khăn là cầu nguyện cho những người có lỗi với chúng ta, đã gây tổn thương cho chúng ta, bằng cách biết luôn luôn tha thứ, để ánh sáng của Thiên Chúa có thể chiếu soi lòng họ; và Người mời gọi chúng ta sống lời cầu nguyện của mình trong cùng một thái độ thương xót và tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, như chúng ta đọc mỗi ngày trong “Kinh Lạy Cha”. Đồng thời, Chúa Giêsu, là Đấng trong giây phút cùng cực của cái chết đã phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa Cha, ban cho chúng ta sự chắc chắn rằng, cho dù những thử thách của chúng ta có cam gó, những vấn đề của chúng ta có khó khăn, và đau khổ của chúng ta có nặng nề thế nào đi nữa, chúng ta sẽ không bao giờ rơi ra ngoài bàn tay của Thiên Chúa, bàn tay đã dựng nên chúng ta, nâng đỡ chúng ta và đồng hành với chúng ta trên đường đời, bởi vì chúng được hướng dẫn bởi một tình yêu vô hạn và trung thành. Xin cảm ơn anh chị em.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 70 Hồng y, Giám mục Phi châu và Âu Châu
Lm Trần Đức Anh OP
19:07 16/02/2012
ROMA - Trong buổi tiếp kiến sáng 16-2-2012 dành cho các GM Phi châu và Âu châu, ĐTC cổ võ các vị tiếp tục cộng tác với nhau để đáp ứng những thách đố lớn đang được đề ra cho Giáo Hội tại hai đại lục.

70 HY, GM đại biểu của Liên HĐGM Âu Châu và Liên HĐGM Phi châu, Madagascar nhóm Đại hội kỳ 2 ở Roma từ ngày 13 đến 17-2-2012 về đề tài: ”Rao giảng Tin Mừng ngày nay: hiệp thông và cộng tác mục vụ giữa Phi châu và Âu Châu. Con người và Thiên Chúa: sứ mạng của Giáo Hội loan báo sự hiện diện và tình thương của Thiên Chúa”.
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến những thách đố lớn các GM đang có trước mặt như sự dửng dưng đối với tôn giáo là cho nhiềungười sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu, hoặc chỉ hài lòng với một thứ đạo đức mơ hồi, không thể đối chiếu với chân lý và nghĩa vụ phải sống phù hợp với đức tin. Tại Âu Châu cũng như một số nơi ở Phi châu, người ta cảm thấy gánh nặng của môi trường tục hóa và thù nghịch với đức tin Kitô. Một thách đố khác nữa đối với việc rao giảng Tin Mừng là trào lưu duy khoái lạc góp phần đưa khủng hoảng các giá trị vào đời sống thường nhật, trong các cơ cấu gia đình và cả cách thức giải thích ý nghĩa cuộc sống. Triệu chứng của tình trạng khó chịu nặng nề trong xã hội là nạn dâm ô và mại dâm lan tràn”.

Trước những tình trạng đó, ĐTC khuyến khích các GM Âu Phi đừng thất vọng, nhưng hãy coi đó như cơ hội để đổi mới quyết tâm và niềm hy vọng xuất phát từ xác tín đêm sắp tàn và bình minh sắp đến gần (Xc Rm 13,12), vì Chúa Kitô phục sinh luôn ở với chúng ta.

ĐTC ghi nhận trong các xã hội Phi châu và Âu châu có nhiều sức mạnh tốt, trong các giáo xứ, và nổi bật qua sự dấn thân thánh hóa bản thân và hoạt động tông đố. Ngài nói: ”Tôi cầu mong rằng với sự trợ giúp của anh em, các sức mạnh ấy ngày càng trở thành những tế bào sống động và sinh tử của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng”.
ĐTC đặc biệt cổ võ các GM quan tâm đến các gia đình là Giáo Hội tại gia, và đây là bảo đảm vững chắc cho sự canh tân xã hội. Trong gia đình bảo tồn các tập tục, truyền thống, nghi thức đức tin, có môi trường thích hợp để các ơn gọi được triển nở.

ĐTC nói: ”Não trạng duy tiêu thụ ngày nay có thể tạo ảnh hưởng tiêu cực đối với sự nảy sinh và nuôi dưỡng ơn gọi; vì thế, cần phải đặc biệt quan tâm thăng tiến các ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến. Gia đình cũng là chiếc nôi để huấn luyện giới trẻ. Âu châu và Phi châu cần những người trẻ quảng đại, biết lãnh nhận tương lai của mình trong tinh thần trách nhiệm”.

Hội nghị nói trên diễn ra trong khuôn khổ dự án cộng tác giữa hai Liên HĐGMM đại lục, bắt đầu từ hồi năm 2004, nhắm đào sâu trách nhiệm chung của các GM Phi châu và Âu châu về vấn đề rao giảng Tin Mừng và thăng tiến nhân bản tại hai đại lục cũng như trên thế giới nói chung.

Hội nghị được ĐHY Polycarpo Pengo, TGM giáo phận Dar-es-Salam bên Tanzania, Chủ tịch Liên HĐGM Phi châu và Madagascar (Secam), và ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch HĐGM Italia kiêm Phó chủ tịch Liên HĐGM Âu Châu khai mạc. Tiếp theo đó là bài thuyết trình của ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình.
Trong những ngày họp, các GM đề cập tới những vấn đề như: ai là những người nam và người nữ Phi châu và Âu Châu mà Giáo hội được sai đến để rao giảng Tin Mừng? Cái nhìn về nhân loại học và thần học. Những người tin, những người đang tìm kiếm, và những người quả quyết mình không tin.

Một vấn đề khác: Hiệp thông và cộng tác mục vụ giữa Phi châu và Âu Châu, qua việc thăng tiến các quan hệ cụ thể giữa các giáo xứ, giáo phận, người trẻ, gia đình.

Những con đường mới cần đi theo để có sự cộng tác hữu hiệu giữa Liên HĐGM Phi châu - Madagascar và Liên HĐGM Âu Châu. (SD 16-2-2012)
 
“Giáo Hội Công giáo Cổ” và “Giáo Hội Công Giáo Quốc gia Ba Lan”
Nguyễn Trọng Đa
09:23 16/02/2012
“Giáo Hội Công giáo Cổ” và “Giáo Hội Công Giáo Quốc gia Ba Lan”

The Old Catholic And Polish National Churches

ROMA - Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Hỏi: Tôi hiểu rằng trong các hoàn cảnh bất thường, chẳng hạn trong một cuộc khủng hoảng, hoặc bị cô lập nên không lãnh các bí tích Công giáo được, thì có thể chấp thuận, theo quan điểm Công giáo, cho việc lãnh các bí tích từ một linh mục Chính thống giáo, việc truyền chức của ngài là hợp lệ vì các Giám mục của Giáo hội này vẫn là kế tục Tông đồ. Với các điều kiện khẩn cấp hoặc một sự cô lập như trên, một người Công giáo có thể nhận lãnh các bí tích hữu hiệu từ Giáo Hội Công Giáo Cổ hoặc Giáo Hội Công Giáo quốc gia Ba Lan không, vì một người bạn của tôi nói rằng hai Giáo Hội này vẫn còn là kế tục Tông đồ? Anh ấy dường như cũng nghĩ là sẽ có vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ ở hai Giáo Hội này nữa. Liệu Giáo Hội Công giáo vẫn còn công nhận hai Giáo Hội này là kế tục Tông đồ không? - L.Q., Watertown, Wisconsin (Mỹ)

Đáp: Tình hình là không như nhau đối với "Giáo Hội Công Giáo Cổ” với trung tâm lịch sử là thành phố Utrecht (Hà Lan), và “Giáo Hội Công Giáo Quốc gia Ba Lan" có trụ sở tại Bắc Mỹ. Cả hai nhóm đều ở trong sự hiệp thông cho đến tương đối gần đây.

Vì nhiều lý do, Giáo Phận Utrecht tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo sau năm 1703. Giáo Hội này sau đó đã tấn phong Giám mục độc lập cho các giáo phận khác của Hà Lan. Sau ngày công bố tín điều bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng vào năm 1870, nhiều nhóm chủ yếu là người Công giáo nói tiếng Đức tách ra khỏi Giáo Hội. Họ được hỗ trợ bởi Giám mục độc lập của giáo phận Utrecht, người đã tấn phong một số linh mục làm Giám mục.

Cho đến bây giờ, họ đã duy trì sự kế tục Tông đồ cách hợp pháp và các bí tích hữu hiệu. Tuy nhiên, họ có một số khác biệt tín lý mạnh mẽ với Giáo Hội Công Giáo, và sau năm 1996 họ đã bắt đầu truyền chức linh mục cho phụ nữ.

Trừ phi các Giáo Hội này chấp nhận các nữ Giám mục, họ sẽ duy trì sự kế tục tông đồ. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo không công nhận tính hợp lệ của chức linh mục được truyền cho phụ nữ, và như một hệ quả, một người Công Giáo không bao giờ có thể yêu cầu các bí tích từ nữ linh mục.

Vì các lý do này, mặc dù trong một trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng, một người Công giáo có thể nhận các bí tích từ một linh mục hợp lệ của Giáo Hội Công Giáo Cổ, các khác biệt về tín lý giúp khuyên người Công giáo không Rước lễ hoặc lãnh các bí tích khác, trong một buổi lễ của Giáo Hội Công giáo Cổ trong các trường hợp dự kiến ở điều 844 của Giáo Luật (xem dưới).

”Giáo Hội Công Giáo quốc gia Ba Lan” được thành lập tại Mỹ vào năm 1887, như là một kết quả của một loạt các sự hiểu lầm mục vụ và tranh chấp tài sản. Một trong các nhà lãnh đạo của Giáo hội này, Cha Franciszek Hodur, được tấn phong Giám mục bởi ba Giám mục của Giáo Hội Công Giáo Cổ tại Utrecht năm 1907, và sau đó ngài đã tấn phong các Giám mục khác để bảo đảm sự kế tục Tông đồ. Giáo Hội này thiết lập sự hiệp thông với Giáo Hội Tin lành Tân giáo (Episcopal) và Giáo Hội Công Giáo Cổ.

Năm 1978, Giáo hội này chấm dứt sự liên thông hiệp với Giáo hội Tin lành Tân giáo, và chấm dứt sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Cổ sau năm 1996. Trong cả hai trường hợp, lý do là quyết định của các nhà thờ này thừa nhận người phụ nữ làm linh mục - một lập trường hoàn toàn bị bác bỏ bởi Giáo Hội Công Giáo quốc gia Ba Lan.

Quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo quốc gia Ba Lan và Giáo hội Công giáo đã được cải thiện phần nào từ thập niên 1970. Năm 1996, Hội đồng Giám mục Mỹ đã đạt được một thỏa thuận, được Tòa Thánh chấp thuận, vốn đặt Giáo Hội này vào một vị trí tương tự như vị trí của các Giáo Hội Chính Thống Đông phương.

Vì vậy, các quy định của Điều 844 của Giáo Luật có thể được áp dụng cho các thừa tác viên của Giáo Hội Công Giáo quốc gia Ba Lan. Mời đọc:

"Ðiều 844: (Bản dịch Việt ngữ của Bộ Giáo Luật do các Linh Mục sau đây thực hiện: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh)

§ 1 Các thừa tác viên Công Giáo chỉ ban các Bí Tích cách hợp pháp cho những người Công Giáo. Cũng vậy, người tín hữu Công Giáo chỉ lãnh nhận các Bí Tích cách hợp pháp nơi các thừa tác viên Công Giáo, đừng kể những trường hợp nói ở các triệt 2, 3 và 4 của điều luật này và ở triệt 2 của điều 861.

§ 2 Mỗi khi nhu cầu đòi hỏi, hay thực sự một ích lợi thiêng liêng thúc đẩy, và miễn là tránh được nguy cơ sai lầm và lãnh đạm, những tín hữu Công Giáo nào không thể đến với một thừa tác viên Công Giáo, do tình trạng bất khả kham về thể lý hay luân lý, được phép lãnh nhận các Bí Tích Thống Hối, Mình Thánh và Xức Dầu Bệnh Nhân với những thừa tác viên không Công Giáo, nếu trong Giáo Hội của họ có các Bí Tích ấy hữu hiệu.

§ 3 Các thừa tác viên Công Giáo cũng ban các Bí Tích Thống Hối, Mình Thánh và Xức Dầu Bệnh Nhân một cách hợp pháp cho các phần tử thuộc các Giáo Hội Ðông Phương không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ tự ý xin và chuẩn bị sẵn sàng lãnh nhận Bí Tích. Ðiều này cũng có giá trị đối với các phần tử của các Giáo Hội khác, ở trong cùng điều kiện như các Giáo Hội Ðông Phương nói trên về phương diện các Bí Tích, dựa theo sự phán đoán của Tòa Thánh.

§ 4 Trong khi nguy tử hay, theo sự nhận định của Giám Mục giáo phận hoặc của Hội Ðồng Giám Mục, có nhu cầu quan trọng khác đòi hỏi, thì các thừa tác viên Công Giáo được phép ban các Bí Tích ấy cách hợp pháp cho những người Kitô hữu không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, khi những người này không thể đến với thừa tác viên thuộc cộng đoàn của họ và tự ý xin lãnh Bí Tích, với điều kiện là họ tuyên xưng Ðức Tin Công Giáo về các Bí Tích ấy và họ đã chuẩn bị hợp lệ.

§ 5 Về những trường hợp nói đến trong triệt 2, 3 và 4, Giám Mục giáo phận hay Hội Ðồng Giám Mục không được đưa ra những quy luật tổng quát khi chưa tham khảo ý kiến với người có thẩm quyền, ít ra là cấp địa phương, của Giáo Hội hay cộng đoàn không công giáo liên hệ.” (Zenit.org 14-2-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi nhân loại
Bùi Hữu Thư
10:41 16/02/2012
Ba lời cuối của Đức Kitô

ROME, Thứ Tư 15 tháng 2, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định: Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi nhân loại. Đức Thánh Cha đã dành bài giáo lý ngày thứ tư, 15 tháng 2, trong sảnh đường Phaolô VI ở Vatican, và đây là lần thứ hai, ngài nói đến lời nguyện của Chúa Kitô trên thập giá, luôn luôn trong khuôn khổ của việc giảng dậy về cầu nguyện, và đặc biệt về lời nguyện của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha khẳng định: "Trong lúc đau khổ, lời cầu của Chúa Giêsu - "Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha" - một lời kêu phó thác toàn vẹn trong bàn tay Chúa Cha. Lời cầu của Người bầy tỏ ý thức trọn vẹn là Người không bị bỏ rơi."

Đức Thánh Cha Benedict XVI nối kết lời kinh này với một giai đoạn trong thời thơ ấu của Chúa Kitô: "Tiếng gọi đầu tiên - "Cha" - nhắc lại lời tuyên bố khi Người mới có mười hai tuổi. Người đã ở trong Đền Thánh Giêrusalem ba ngày, mà bây giờ màn đền thờ đã bị xé ra. Và khi cha mẹ Người cho hay ông bà phải lo lắng, Người đã trả lời: "Tại sao cha mẹ tìm con làm gì? Cha mẹ không biết là con phải ở trong nhà của Cha con sao?"

Ngài nhấn mạnh mối liên hệ thường trực, từ đầu đến cuối, và trong suốt cuộc đời của Chúa Kitô: "Từ lúc đầu cho đến lúc cuối, điều hoàn toàn xác định những cảm xúc, lời nói, và hành động của Chúa Giêsu, là mối liên hệ duy nhất của Người với Chúa Cha. Trên thập giá, Người đã thấy rõ ràng, trong tình yêu, mối tình phụ tử với Chúa Cha đã sống động trong lời cầu nguyện của Người."

Thật vậy, Đức Thánh Cha đã đặc biệt bình luận về ba lời của Chúa Kitô trên thập giá. Lời thứ nhất: "Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm!" Đức Thánh Cha bình giải việc tha thứ những gì ngu dốt khi ngài nói: "Như thế, Chúa Giêsu đã thực hiện tình yêu kẻ thù mà Người đã dậy cho các môn đệ. Và ngài khẳng định rằng chủ đích của lời xin của Người là sự kiện 'không biết', là ngu dốt, để mở đường cho sự hoán cải, như tên đội trưởng đã chứng minh khi công nhận Chúa Giêsu là người công chính, là Con Thiên Chúa."

Lời thứ hai nói với Tên Trộm Lành, cũng bị đóng đinh. Đức Thánh Cha thấy ở đây một lời mời gọi để hy vọng: "Chúa Giêsu xác nhận là hắn sẽ được ở với Người ngày hôm nay trên thiên đàng. Người đã ban cho niềm hy vọng chắc chắn, là lòng nhân lành của Thiên Chúa có thể chạm đến chúng ta ngay tại những giờ phút cuối, mắc dù đời sống chúng ta có thể hết sức khó khăn."

Lời thứ ba" "Con xin phó linh hồn trong tay Cha." Đức Thánh Cha nhấn mạnh về niềm tin tuyệt đối qua lời này: Đây là việc lập lại một biểu lộ tin tưởng và phó thác nơi Chúa Cha. Như Người đã tuyên bố, Chúa Giêsu đã bị nộp trong tay con người, nhưng trong tay Chúa Cha, Người đã trao phó linh hồn, và đã hoàn tất mọi sự."

Đức Thánh Cha rút tiả ở đây hậu quả cho các Kitô hữu: "Chúng ta cũng vậy, mặc dầu chịu nhiều thử thách và đau đớn, chúng ta không bào giờ rơi ra khỏi bàn tay Thiên Chúa. Chúa đã tạo dựng chúng ta, nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời!"
 
Top Stories
Pope: there is much talk of the Church of Rome, we hope they also speak of our faith
AsiaNews
09:31 16/02/2012
Visiting the Major Seminary of Rome, Benedict XVI emphasizes that the Christian must not "conform himself" to powers which “almost demand adoration” such as the world of finance and the media, which risk transforming the world into a virtual reality.

Vatican City (AsiaNews) - "Even today there is much talk of the Church of Rome, of many things, we hope they will also speak of our faith, the exemplary faith of the Church of Rome." The phrase was pronounced yesterday by Benedict XVI during his visit to the Pontifical Roman Major Seminary, where he also remained for dinner.

The Pope began by commenting on a passage from the Letter to the Romans, where St. Paul calls on them not to be conformed to this world, but to allow themselves be transformed in order to discern the will of God. In this sense he indicated the power that the world of finance and media have today. "The world of finance - he said - no longer represents an instrument to favour our wellbeing, to favour the life of mankind, instead it has become an oppressive power, that almost demands our adoration, mammon, the false divinity that truly dominates the world. Faced with conformity and submission to this power we are non conformists: it is not having, but being that counts!. We do not submit to this, we use it as a means, but with the freedom of the children of God".

And often information does not always report what is said or written, so that the virtual world risks becoming more important than the real world. In this context, "the non-conformity of the Christian redeems us, restores us to the truth. Let us ask the Lord to help us to be free men in this non-conformity that is not against the world, but it is true love in the world."

These are concepts that fall in line with the "rediscovery" of the spiritual that marks the pontificate of Benedict XVI, in his continued emphasis on the love of God and his pushing of Christians and the Church itself to appropriate the word of God. It is also in this context that we draw near to the beginning of the Year of the faith. Moreover, it is a thought that the then Cardinal Ratzinger clearly expressed in the 2001 Synod, when he spoke of a auto-secularization of bishops, of the bishops and Church being distracted by internal problems, "while the world is hungry for God ".

This is all consistent with the his papacy's emphasis on the desire to make a clarity and transparency a characteristic of Church life and institutions. "How much filth there is in the Church, and even among those who, in the priesthood, should belong entirely to Him!" He wrote in 2005, in his meditations for the Stations of the Cross.

That same year he became pope, Benedict XVI demanded rigor in the fight against child sexual abuse, which now sees the Catholic Church as perhaps the most careful institution in the world on this painful issue. In a completely separate sphere, but with same logic, the norm that provides for the full inclusion of the Holy See on the "white list" of states that have the highest standards of financial transparency in the world.

But all of this is negligible in the media's coverage: a great deal of space rather is given over to delirious plots to murder the Pope, leaks and arguments among churchmen.

(Source: http://www.asianews.it/news-en/Pope:-there-is-much-talk-of-the-Church-of-Rome,-we-hope-they-also-speak-of-our-faith-23993.html)
 
Pope urges support for large families
Carol Glatz, CNS
09:35 16/02/2012
VATICAN CITY -- Pope Benedict XVI called on governments and communities to help large families, saying children represent hope and the well-being of every nation.

"There is no future without children," he said at the end of his general audience Wednesday in a greeting to members of an Italian association of large families.

"In today's social context, a family made up of many children constitutes a witness of faith, courage and optimism," he said.

"I hope that adequate social and legislative measures are promoted that safeguard and sustain large families, which represent richness and hope for the whole country," he said.

In his catechesis, the pope continued a series of talks on prayer by highlighting some of Jesus' prayers during his crucifixion.

Jesus' willingness to forgive his tormenters and executioners is an invitation to all Christians to forgive those who cause harm or are in the wrong, the pope said.

People should pray for those who have done them wrong with "the same attitude of mercy and love that God has for us," he said.

Jesus called on God to forgive his executioners as they nailed him to the cross and divided up his clothing. He said the soldiers "do not know what they are doing" and, by forgiving them, he showed "the depths of his reconciling love for humanity," which often sins out of ignorance, the pope said.

His prayer invites all Christians to follow the same "difficult gesture of also praying for those who do us wrong or hurt us -- always knowing to forgive so that God's light may illuminate their hearts," Pope Benedict said.

Jesus then prayed for the man crucified next to him -- the good thief -- who recognized Jesus as the Son of God and asked him to "remember me when you come into your kingdom."

Jesus told him there would be a place for him in paradise, thereby giving the repentant man "unfaltering hope." His prayer shows "that God's goodness can touch us even at the last moment of life and that sincere prayer, even after a bad life, encounters the open arms of the good father," the pope said.

Jesus' final prayer on the cross was when he commended his spirit to God, showing his complete surrender to his father's will, the pope said.

"It shows us the certainty that no matter how hard the trials, difficult the problems and oppressive the suffering, we will never fall out of God's hands -- those hands that created us, sustain us and accompany us on the journey of life guided by an infinite and faithful love," he said.
 
People who revealed documents are wolves, says Vatican
Gulf-Times
09:38 16/02/2012
The Vatican newspaper yesterday suggested those responsible for revealing sensitive internal documents alleging corruption and a cover-up were irresponsible, undignified “wolves”, the latest twist in what has become known as “Vatileaks”.

But an editorial in the Osservatore Romano, while renewing criticism of some media handling of the scandal, also said that the Catholic Church should see the current image crisis as a chance to purify itself.

It was the latest chapter in a saga in which the Vatican has had to scramble to deal with what one spokesman called its own version of “Wikileaks” and what the Italian media have dubbed “Vatileaks”. It also coincided with the publication of new leaks about the Vatican bank.

The editorial was ostensibly to mark the 30th anniversary of the arrival in Rome from Germany of then Cardinal Joseph Ratzinger, who was elected pope in 2005, to take up the powerful post as head of the Vatican’s doctrinal enforcer.

But in a section about current events, it described the pope as a man who “is not stopped by wolves” and that he was ready to stand up to “irresponsible and undignified behaviour”.

A senior Vatican official familiar with the newspaper’s editorial line, asked if that part of the editorial which referred to wolves was criticising those who have leaked the documents, said “even them” and added: “They certainly are not boy scouts.”

From leaked letters by an archbishop who was transferred after he blew the whistle on what he saw as a web of corruption and cronyism, to a leaked poison pen memo which puts a number of cardinals in a bad light, to new suspicions about its bank, Vatican spokesmen have had their work cut out responding.

But the editorial said the Church should see the entire episode, which some say is part of a power struggle inside the Vatican, as an opportunity for renewal.

The “irresponsible and undignified behaviour,” the editorial said, “winds up becoming intertwined with the noise of the media, which is inevitable and certainly not disinterested, but which we need to see as an occasion for purification in the Church”.

The flurry of leaks has come at an embarrassing time - just before a usually joyful ceremony this week known as a consistory, when Benedict will admit more prelates into the College of Cardinals, the exclusive men’s club that will one day pick the next Roman Catholic leader from among their own ranks.

The latest image crisis began last month when an Italian television investigative show broadcast private letters to Secretary of State Cardinal Tarcisio Bertone and the pope from Archbishop Carlo Maria Vigano, the former deputy governor of Vatican City and currently the Vatican ambassador in Washington.

The letters showed that Vigano was transferred after he exposed what he argued was a web of corruption, nepotism and cronyism linked to the awarding of contracts to contractors at inflated prices.

Other leaks centre on the Vatican bank, which is trying to put past scandals behind it. They include the collapse 30 years ago of Banco Ambrosiano in a tangle of lurid allegations about money-laundering, freemasons, mafias and the mysterious 1982 death of Ambrosiano chairman Roberto Calvi - “God’s banker”.

The Vatican bank, formally known at the Institute for Works of Religion (IOR), aims to comply fully with EU standards on financial transparency in order to make Europe’s “white list” by June.

(Source: http://www.gulf-times.com/site/topics/article.asp?cu_no=2&item_no=486935&version=1&template_id=39&parent_id=21)

 
Bishops get earful at Vatican sex abuse summit
John L Allen Jr / NCR
16:26 16/02/2012
ROME -- Though a four-day summit in Rome on the sexual abuse crisis was, in a sense, directed at everyone, its primary audience was composed of approximately 100 bishops and superiors of religious orders from around the world, who face a Vatican-imposed May deadline to submit their anti-abuse policies.

As it turns out, those church potentates got an earful.

First, they were told, if you come from a place where you think sexual abuse of children isn’t a problem, think again. Experts said child abuse occurs at roughly the same high levels in every region of the world, so that if the clerical abuse crisis has not yet exploded someplace, it’s only a matter of time.

Second, the bishops were warned, if you drop the ball on handling abuse charges, be ready to face the music. There seems to be a new determination in the Vatican and across the Catholic world to use the tools of church law to hold bishops accountable.

Those were among the highlights of a Feb. 6-9 symposium titled “Toward Healing and Renewal,” held at Rome’s Jesuit-run Gregorian University, and cosponsored by a variety of Vatican departments.

The warning about the global dimension of the crisis came from American Msgr. Stephen Rossetti, former director of the St. Luke Institute, a facility in Silver Spring, Md., that treats abuser priests.

“Church leaders around the world began by saying, ‘This is only an American problem,’ ” Rossetti said. “Then, as more cases surfaced in other countries, they said, ‘This is an English-speaking problem.’ Then, as the circle of abuse cases widened, they expanded it to: ‘This is a Western problem.’

“Each time, church leaders said, in effect, ‘It doesn’t happen here.’ ”

Rossetti said data show this is a global problem, with no reason to think that the Catholic church in any particular part of the world would be immune.

“If there are people in the church today who are thinking that this is not a problem in their country, I urge them to speak to those who work with children,” Rossetti said. “Contact those who generously run programs for abused children or staff child abuse hotlines. Find out what is being said behind closed doors.”

The call for accountability rang out in an address by Irish laywoman Marie Collins, the only victim to address the invitation-only summit.

Collins said there must be “acknowledgement and accountability for the harm and destruction that has been done to the life of victims and their families,” before she and other victims can regain trust in the church’s leadership.

Collins found an ally in the Vatican’s top prosecutor for sex abuse cases, Maltese Msgr. Charles Scicluna, who bluntly said it is “not acceptable” for bishops to ignore anti-abuse protocols established by the Vatican or by their bishops’ conference.

“We need to be vigilant in choosing candidates for the important role of bishop, and we also need to use the tools that canonical law and tradition give us for the accountability of bishops,” Scicluna said.

As a case in point, Scicluna said the church in Ireland “has paid a very high price for the mistakes of some of its shepherds.” He was apparently referring to a damning 2011 Irish government report, which found that officials of the Cloyne diocese flouted civil laws and church procedures on abuse complaints as recently as 2009.

Scicluna supported using church law to impose sanctions on bishops if they don’t respond aggressively.

“Bishops are accountable to the Lord, but also to their people,” he said during a Jan. 8 session with the media. “They owe their people good stewardship.”

Bishop Daniel Conlon of Joliet, Ill., who chairs the U.S. bishops’ Committee on Child and Youth Protection, called the debate over accountability “legitimate,” and said in an exclusive interview with NCR that creating stronger mechanisms “may be a step that has to be taken.”

For anyone who has followed the arc of the crisis from the beginning, the change in tone from senior Vatican officials this week, as compared to years past, was unmistakable.

Canadian Cardinal Marc Ouellet, who serves as prefect of the Vatican’s powerful Congregation for Bishops, presided over a liturgy of repentance Feb. 7. Ouellet’s presence carried symbolic importance, signifying that the crisis wasn’t just a matter of priests who abuse, but also bishops who failed to act.

Ouellet said that in many instances, abusers should have been identified and removed from the priesthood much earlier, but instead were left in place.

“Once again, we apologize to the victims,” he said, for their “terrible and humiliating experience.”

There was also something of a reappraisal of the media’s role in the crisis.

American Cardinal William Levada, prefect of the Congregation for the Doctrine of the Faith, cited Canada, the United States, Brazil, Great Britain, Ireland, France, Belgium, Germany, South Africa, Australia and New Zealand as countries whose bishops have adopted strong anti-abuse policies. Yet, he conceded, bishops often acted only after damaging press coverage.

“In many cases, such response came only in the wake of the revelation of scandalous behavior by priests in the public media,” he said. “What seems useful going forward is a more proactive approach.”

One centerpiece of the summit was the launch of a new “Center for Child Protection,” a joint project of Gregorian University’s Institute of Psychology, the Munich and Freising archdiocese in Germany, and the University Clinic of Ulm, Germany. The idea is to develop an e-learning course in abuse prevention and detection in English, German, Italian and Spanish.

Even some of the more skeptical participants seemed impressed, both with what the summit achieved and what it represented.

“I think this conference is a sign of changing mindsets,” Collins said. “People are very seriously and sincerely trying to get this thing right.”

(Source: http://ncronline.org/news/vatican/bishops-get-earful-vatican-summit)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cuộc hội ngộ cảm động của nông dân mất đất tại đầm hồ của anh Đoàn văn Vươn
Blog NguyenCuVinh
12:54 16/02/2012
10 giờ sáng ngày 15/2, bất ngờ có hai đoàn nông dân gần 200 người thuê nhiều xe khách từ Hưng Yên và Hà Nội về thẳng vùng đầm hồ gia đình anh Đoàn Văn Vươn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bà con đều quê ở xã Phụng Công, xã Xuân Quang, xã Cựu Cao huyện Văn Giang thuộc tỉnh Hưng Yên và bà con tổ dân phố Trung Bình, Dương Nội, Hà Đông ( Hà Nội), họ đều là những nạn nhân bị chính quyền cưỡng chế thu hồi đất một cách bất công, đã đâm đơn kiện nhiều nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ông Trương Văn Kỉnh, xã Phung Công, Văn Giang tỉnh Hưng Yên đại diện bà con nói: ba xã chúng tôi có hơn 1800 hộ đều ở trong hoàn cảnh bị chính quyền cưỡng chế đất bất công, không minh bạch, không thảo đáng để xây dựng dự án Khu đô thị EcoPark. Chúng tôi đã khiếu kiện từ năm 2004 đến nay, nhiều lần đã bị các đối tượng xấu de dọa, tấn công, uy hiếp nhưng chúng tôi vẫn cương quyết theo kiện đến cùng.

Bà Cấn Thị Thêu đại diện 356 hộ dân ở Dương Nội cũng gặp hoàn cảnh tương tự, chính quyền thu hồi đất để xấy dựng Khu đô thị Lê Trọng Tấn và Dương Nội ( Hà Đông), đã khởi kiện từ tháng 3 năm 2008 đến nay nhưng chính quyền vẫn không giải quyết thỏa đáng.

Những người dân nói, sở dĩ hôm nay họ tới thăm gia đình anh Đoàn Văn Vươn vì qua sự phản kháng của anh Đoàn Văn Vươn, câu chuyện đã làm cho các cơ quan nhà nước và cao hơn cả là Thủ tướng xử lý, kết luận hết sức được lòng dân. Họ muốn tới gặp gia đình để tìm hiểu mọi chuyện đã xảy ra ở đây và thấy có nhiều sai trái của chính quyền Tiên Lãng như sai trái ở địa phương mình. Họ mong ước các Bộ ngành quan tâm và cả Thủ tướng cũng quan tâm đến họ như đang quan tâm xử lý thấu đáo cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn.

Chị Nguyên Thị Thương và chị Phạm Thị Hiền (vợ của Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý) hết sức cảm động trước tấm lòng của bà con cùng cảnh ngộ và đón nhận cả tình cảm, quà tặng của bà con nơi xa với gia đình mình.

Tất cả bà con đều cùng ký đơn đề nghị các cơ quan tố tụng trả tự do anh em họ Đoàn.

Chúng tôi trân trọng gửi đến bà con cô bác những hình ảnh ghi lại tình cảm, sự chia sẻ của nhân dân các địa phương đối với gia đình anh Đoàn Văn Vươn vào hôm nay.

(Nguồn: Blog NguyenCuVinh)
 
Ai sai phạm trong vụ Đoàn Văn Vươn?
LS Nguyễn Văn Đài
09:48 16/02/2012
Ai sai phạm trong vụ Đoàn Văn Vươn?

Vụ việc UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng tiến hành cưỡng chế trái pháp luật để thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã dẫn đến việc gia đình ông tự chế mìn và trang bị súng bắn đạn hoa cải để tự vệ.

Điều này cho thấy những người dân vốn hiền lành quanh năm lao động bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm sống, nay khi họ bị chính quyền ức hiếp, đối xử bất công nhằm tước đoạt mồ hôi, nước mắt, vốn liếng của họ đã bỏ ra biết bao năm trời. Họ đã sử dụng đến các công cụ pháp lý là khởi kiện ra tòa án, họ tin tưởng là tòa án sẽ đem lại công lý cho họ.

Kết quả là họ đã bị cả tòa án và chính quyền lợi dụng pháp luật, bẻ cong pháp luật, rồi thực hiện hành vi trái pháp luật để tước đoạt tài sản của họ. Thất vọng, mất niềm tin vào chính quyền và tòa án, không còn nơi nương dựa. Họ đã buộc phải lựa chọn giải pháp cuối cùng đó là trang bị vũ khí tự chế để tự vệ tài sản và bảo vệ công lý cho chính mình. Kết quả là chính quyền huyện Tiên Lãnh đã biến họ từ những người dân vô tội, hiền lành có nguy cơ trở thành những người tội phạm.

'Thi hành công vụ?'

Hành vi vi phạm pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng đã gây ra sự bất bình và phẫn nộ trong nhân dân.

Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đã khẳng định trên trang tin nhanh Vnexpress vào ngày 13/1/2012 rằng: quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng( Hải Phòng) với gia đình ông Đoàn Văn Vươn là vừa trái pháp luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân.

Luật sư Trần Vũ Hải đã gửi thư lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại biểu quốc hội của thành phố Hải Phòng. Ông đề nghị Thủ tướng Dũng chỉ đạo bộ Công an khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi hủy hoại tài sản công dân. Nhiều Văn phòng luật sư đã đứng ra nhận bào chữa miễn phí cho các thành viên trong gia đình ông Vươn. Vụ việc cũng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người nguyên là lãnh đạo cao cấp của Nhà nước và của đảng Cộng sản. Đặc biệt có hàng trăm người đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ và ủng hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Trước áp lực của nhân dân cả nước, ngày 10/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận: UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã có sai phạm trong giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn. Cụ thể là các quyết định 460/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2008, quyết 461/QĐ-UBND ngày 7 tháng 4 năm 2009 của UBND huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất của gia đình ông Vươn là không đúng với qui định của Luật đất đai năm 2003. Do vậy quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật.

Từ kết luận của thủ tướng chính phủ, tính chất pháp lý của vụ án đã thay đổi. Vấn đề đặt ra ở đây là 6 người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn có phạm các tội hình sự “giết người” và “chống người thi hành công vụ” mà các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng đã khởi tố hay không?

Trước hết, chúng ta xem xét đến việc UBND huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế trái pháp luật để thu hồi đất của gia đình ông Vươn có phải là thi hành công vụ hay không?

Khái niệm người thi hành công vụ được nêu trong Điều 257 Bộ luật hình sự bao gồm các nhân viên của các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức đang thừa hành nhiệm vụ được giao theo đúng qui định của pháp luật. Nhiệm vụ được giao những hoạt động bình thường, đúng đắn và đúng pháp luật.Theo kết luận của Nguyễn Tấn Dũng thì quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là không đúng pháp luật. Do vậy việc UBND huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế là trái pháp luật và đương nhiên không phải là hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. Do vậy những người được UBND huyện Tiên Lãng giao nhiệm đến cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Vươn không phải là những người thi hành công vụ.

Vậy UBND huyện Tiên Lãng và những người được giao nhiệm đó vi phạm pháp luật như thế nào?

Điều 73 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 qui định:

Khu nhà và vườn của ông Đoàn Văn Vươn bị 'đốt sạch, phá sạch'

“Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép….”

Quyết định số 447/QĐ-UB ngày 4 tháng 10 năm 1993 và quyết định số 200/QĐ-UB ngày 9 tháng 4 năm 1997 của UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn là phù hợp với qui định của pháp luật tại thời điểm đó(Kết luận của TT Nguyễn Tấn Dũng). Do vậy nhà ở,các công trình xây dựng và tài sản trên đó là thuộc quyền sở hữu hợp pháp của gia đình ông Vươn. Không ai được tự ý xâm phạm.

Về mặt khách quan: Việc UBND huyện Tiên Lãng lợi dụng pháp luật để huy động một lực lượng trên 100 người gồm công an, quân đội, dân phòng. Họ được trang bị vũ khí và các công cụ hỗ trợ nhằm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản được pháp luật bảo hộ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Các loại vũ khí mà UBND huyện Tiên Lãng sử dụng hoàn có thể gây thương tích và tước đoạt mạng sống của các thành viên gia đình ông Vươn.

Về mặt khách thể: UBND huyện Tiên Lãng đã sử dụng một lực lượng đông đảo, được trang bị vũ khí để sẵn sàng dùng vũ lực ngay tức khắc buộc gia đình ông Đoàn Văn Vươn lâm vào tình trạng mất khả năng chống cự nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của gia đình ông. Tính mạng và sức khỏe của các thành viên trong gia đình ông Vươn có thể bị tước đoạt nếu họ quyết tâm bảo vệ tài sản hợp pháp của mình đến cùng.

Thực tiễn là sau khi cho nổ mìn tự chế để ngăn cản hành vi vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng, nhưng những người vi phạm vẫn kiên quyết thực hiện hành vi phạm tội tới cùng.

Họ tiếp tục tấn công bất hợp pháp vào khu vực của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, buộc gia đình ông phải bắn đạn hoa cải để tự vệ gây thương vong cho một số người vi phạm pháp luật. Khi UBND huyện Tiên Lãng tăng cường lực lượng và vũ khí thì gia đình ông Vươn buộc phải rút lui để bảo toàn tính mạng, sức khỏe.

Đốt sạch, phá sạch

Hậu quả xảy ra: Toàn bộ tài sản hợp pháp của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã bị cướp sạch, phá sạch và đốt sạch.

UBND huyện Tiên Lãng đã vi phạm Điều 73 Hiến pháp Việt Nam năm 1992, khi huy động một lực lượng đông đảo, được trang bị vũ khí xâm phạm vào nơi ở của gia đình ông Đoàn Văn Vươn khi không được pháp luật cho phép. Hành vi của UBND huyện Tiên Lãng có dấu hiệu của tội cướp tài sản có tổ chức, có vũ khí được qui định tại Điều 133 Bộ luật hình sự Việt Nam.

Khi họ sử dụng một lực lượng đông đảo để dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm tấn công vào gia đình ông Vươn, làm cho gia đình ông không thể chống cự để chiếm đoạt tài sản hợp pháp của gia đình ông Vươn. Việc gia đình ông Vươn sử dụng mìn tự chế, súng tự chế bắn đạn hoa cải chỉ là giải pháp cuối cùng để tự vệ bảo vệ tài sản hợp pháp của gia đình mình trước hành vi tấn công ăn cướp của người khác. Hành động tự vệ cho nổ mìn tự chế và bắn đạn hoa cải chỉ nhằm hạn chế hành vi vi phạm pháp luật của người khác.

Chúng ta xét đến mức độ tương xứng giữa lực lượng vi phạm pháp luật và gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Bên UBND huyện Tiên Lãng với trên 100 công an, quân đội, dân phòng. Được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện đại và đầy đủ. Còn gia đình ông Đoàn Văn Vươn có bốn người đàn ông và hai người phụ nữ.

Họ tự trang bị một mìn tự chế, và một số súng tự chế bắn đạn hoa cải. Điều rõ ràng ở đây là gia đình ông Vươn hoàn toàn yếu thế trước những người vi phạm pháp luật là UBND huyện Tiên Lãng.

Việc gia đình ông Vươn cho nổ mìn, bắn súng hoa cải chỉ nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm của những người tấn công chiếm đoạt tài sản của gia đình ông. Nhưng mặc dù gia đình ông đã cho nổ mìn, bắn đạn hoa cải, nhưng vẫn không ngăn chặn được hành động phạm tội của UBND huyện Tiên Lãng. Cuối cùng tài sản mà ông và gia đình đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, tiền bạc đã bị họ cướp, đốt và phá sạch.

Tất cả những điều trên đã chứng minh rằng hành động tự vệ của gia đình ông Vươn thấp hơn mức độ cố ý phạm tội đến cùng của các nạn nhân. Hành động tự vệ đã không đủ để ngăn chặn quyết tâm phạm tội đến cùng của những người vi phạm pháp luật.

Không một ai, hay không có một cơ sở nào có thể biện minh cho hành động vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng. Nhưng sự quan tâm, ủng hộ và lên tiếng của cả xã hội là chứng minh tốt nhất cho hành động tự vệ hợp pháp và đúng đắn của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Hàng động tự vệ của gia đình ông Vươn khi cho nổ mìn tự chế và bắn hoa cải vào những người vi phạm pháp luật vẫn nằm trong giới hạn phòng vệ chính đáng mà pháp luật cho phép. Đó không phải là hành vi giết người như quyết khởi tố của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng. Do vậy, các ông Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) không phạm tội giết người như quyết định khởi tố của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bà Phạm Thị Báu (tức Hiền vợ của ông Quý) và bà Nguyễn Thị Thương(vợ của ông Vươn) không phạm tội chống người thi hành công vụ như quyết định khởi tố của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng. Do những người được UBND huyện Tiên Lãng giao nhiệm vụ trong ngày 5 tháng 1 năm 2012 khi xâm phạm bất hợp pháp vào nơi ở của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là những người vi phạm pháp luật. Họ không phải là những người thi hành công vụ.

Vậy việc các ông Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ sử dụng mìn tự chế và súng bắn đạn hoa cải vi phạm điều luật nào?

Theo qui định tại Nghị định số 175/CP ngày 11 tháng 12 năm 1964 của Hội đồng chính phủ thì các loại: "vũ khí thể thao quốc phòng và các loại vũ khí khác như (súng săn, súng kíp, súng hỏa mai…), thuốc nổ và kíp mìn dùng trong sản xuất không phải là vũ khí quân dụng."

Như vậy, các ông Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ chỉ có thể có dấu hiệu vi phạm vào Điều 232 Bộ luật hình sự qui định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng...vật liệu nổ. Và Điều 234 qui định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.

Gia đình ông Đoàn Văn Vươn sử dụng vật liệu nổ và vũ khí thô sơ chỉ nhằm bảo vệ tài sản hợp pháp của mình. Chống lại hành vi vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng. UBND huyện Tiên Lãng đã thực hiện âm ưu, thủ đoạn, sử dụng mọi lực lượng để quyết tâm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến cùng. Nhằm dồn gia đình ông Vươn vào đường cùng để họ dễ dàng chiếm đoạt tài sản.

Hành vi vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng đã bị nhân dân cả nước phẫn nộ và lên án. Nhưng hành động tự vệ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn lại được nhân dân cả nước đồng cảm, chia sẻ và ủng hộ.

Do vậy chúng ta mong rằng các cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố Hải phòng không xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 232 và 234 đối với các ông Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ để đáp ứng sự mong đợi của nhân dân cả nước.
 
Ba vị tiên chỉ nói về Tiên Lãng
Nguyễn Thông
20:48 16/02/2012
Ba vị tiên chỉ nói về Tiên Lãng

Khi biết tôi đang ở Hải Phòng, lại vừa đi Tiên Lãng về, ông bạn tôi, một quan năm an ninh nhưng rất đàng hoàng gọi điện bảo có đi nữa không. Tôi rằng Tiên Lãng lúc này tới bao nhiêu lần cũng chả đủ nhưng hôm nay mưa rét, quan anh tính sao. Bạn tôi nói, thế thì cùng đi với anh Chuyên nhé, sẽ có dịp gặp một số nhân vật đặc biệt đấy, chỉ cần ông trả phí bằng sự thông thạo đường đi lối lại đất Tiên Lãng thôi.

Đầu chiều 10.2 xe bác Phạm Chuyên xuống tới Phòng. Cũng may bữa qua mưa rả rích sụt sùi, hôm nay chỉ loáng thoáng đúng kiểu "mưa xuân lất phất bay". Theo điện đã hẹn trước của gã đại tá, mấy anh em tôi vừa tới thì các vị thành hoàng đất cảng cũng có mặt. Cuộc gặp gỡ nho nhỏ, đầm ấm trong một quán ăn giản dị, trao đổi trò chuyện thân tình. Ngoài anh Phạm Chuyên mà tôi từng được biết được gặp, quả tình tôi phải cám ơn ông bạn tôi bởi cuộc diện kiến những nhân vật nổi tiếng, "người của công chúng" này, nhất là với sự xuất hiện của đạo diễn Đào Trọng Khánh và thi sĩ Thi Hoàng.

Cũng nên giới thiệu sơ qua cho phải đạo. Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội gặp một lần thì khó quên. Ông làm tướng, mà lại tướng công an, tuy nhiên chả dáng con nhà võ tí nào, chỉ toát lên dáng vẻ và phẩm chất một trí thức đúng nghĩa. Hiểu biết sâu sắc sự đời. Nhỏ nhẹ, từ tốn, không đao to búa lớn nhưng khi cần làm rõ điều gì thì nhiệt thành kiên quyết dứt khoát lắm.

Cái ông đạo mạo mà tếu tếu kia, đã lâu tôi chỉ gặp trên hình ảnh, bữa nay lại thân tình nắm chặt tay tôi. Nhiều người, rất nhiều người biết ông, nể trọng ông, nhà đạo diễn phim tài liệu lừng danh, NSND Đào Trọng Khánh, cùng quê Kiến Thụy (Hải Phòng) của tôi. Chỉ cần nghe ông nói một châp là bạn như bị thôi miên, không dứt ra được. Không hẳn bởi cái duyên ăn nói của một nghệ sĩ quảng giao mà chính là sự hiểu biết gần như vô tận, sâu đậm, tinh tế thông qua cách diễn đạt cực kỳ dí dỏm, thông minh. Tôi thì thầm với bác Chuyên, anh ạ, giờ thì em hiểu hơn cái câu đúc kết của các cụ ngày xưa mà em hay phê phán "một ngày tựa mạn thuyền rồng/còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài", bên bác Khánh có nửa buổi mà em tỉnh hẳn ra, bội thu bác ạ.

Vị tiên chỉ thứ ba, tôi nghe tên đã lâu nhưng cũng trực diện lần đầu, nhà thơ quê tôi, Thi Hoàng. Rất hiền lành. Bác cùng thời với Đào Cảng, Thanh Tùng, giọng thơ gân guốc chất chứa tình người đất cảng. Anh em văn nghệ sĩ Hải Phòng quý bác lắm, bác mà ngồi đâu thì họ xúm đến đấy để được nghe những nhời chậm rãi nhưng chắc như đinh đóng cột và cực vui. Cô em gái tôi chơi với nhà thơ Vũ Thị Huyền kể rằng khi rảnh rỗi mấy đứa đến thăm bác, nghe ông cụ đưa đẩy vài câu là đã cười nghiêng cười ngả. Duyên dáng và hóm hỉnh lắm. Nhìn Thi Hoàng, tôi ngớ ngẩn tự hỏi trong cái thân thể nhỏ thó giản dị kia sao mà chứa nhiều sức hấp dẫn lạ lùng đến thế.

Tôi là cái thằng liều, tự biết mình chả là thứ đinh gì nhưng cứ gọi các tiên chỉ bằng anh tuốt. "Các anh" chả thèm chấp, thấy thằng em chịu khó hóng chuyện nên không nỡ đuổi mà còn cho cụng ly rôm rốp. Chuyện các anh giữa chiều mưa phùn đất cảng lại xoáy vào chủ đề Tiên Lãng. Nhiều lắm, hay lắm, tôi chỉ biên ra đây mấy ý.

Nhà thi sĩ đất cảng Thi Hoàng nhỏ nhẹ, ngắn gọn: Vụ Tiên Lãng chả cần bàn nhiều, các ông ạ, chỉ cần gút lại thế này: Mấy cha lãnh đạo Hải Phòng và cả trung ương nữa hãy bỏ thói sĩ diện, tự ái đi. Làm sai thì nhận, thì sửa, càng sớm càng tốt, cứ quanh co che đậy gian dối chỉ tổ làm cho dân ghét.

Thiếu tướng Phạm Chuyên nhân nhắc vụ Tiên Lãng bèn kể lại mấy vụ cưỡng chế thời ông làm giám đốc Công an Hà Nội, trong đó có vụ sân golf Uy Nỗ. Không ít vị lãnh đạo cấp cao hồi đó đã "có ý kiến" khi ông không điều quân trấn áp những người dân, thậm chí có người quá khích khi ngăn cản lực lượng cưỡng chế. Theo ông "chả có gì phải xấu hổ khi thua dân", mấy đứa công an Hải Phòng không biết thế lại còn rùm beng việc cưỡng chế nhà Vươn bảo là trận hợp đồng lực lượng tuyệt đẹp, đó mới là xấu hổ, nhục nhã. Chiều nay (10.2) thủ tướng kết luận vụ việc ra sao, xin cứ chờ, nhưng theo tôi để hạ nhiệt, giảm bức xúc trong dân, giữ nghiêm phép nước, hãy rút ngay 3 thanh củi trong cái bếp rừng rực đó ra mà trị, cách chức ngay bí thư, chủ tịch và giám đốc công an thành phố này; tiếp nữa là tha ngay, tha bổng cho Đoàn Văn Vươn.

Những vật dụng còn sót lại trên đống đổ nát chứng minh rằng đây là nơi cư ngụ của một gia đình chứ không phải cái lều coi cá, nhà chòi như ông bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành rêu rao (ảnh Nguyễn Thông chụp ngày 10.2.2012)

Bác Khánh dẫn câu của đức thánh Trần, nên lấy việc đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ làm nguy; lấy điều kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm sợ. Nhất trí với ông Chuyên, phải cách chức 3 thằng củi ấy ngay, để ngày nào hại ngày ấy. Vụ thằng Vươn đó chính là cơ hội vàng để nhìn nhận và chỉnh đốn lại cái bộ máy cai trị này. Không làm, sẽ hối tiếc. Cá chép vượt vũ môn chính là lúc này đây, phải mạnh dạn dứt bỏ bọn cá làng nhàng nheo nhệch giói giếc ra thì mới có cơ lên được. Cứ bảo thằng Vươn có tội, đúng ra là nó có công, không biết ơn nó thì thôi, sao lại bắt tội. Đúng như ông Chuyên nói, tha thằng Vươn có nghĩa là mày vẫn có tội nhưng tội mày không đáng, tao bề trên, đàng hoàng tao tha cho mày. Như thế có phải ân uy không nào.

Ngồi nghe các cụ rôm rả, tôi cứ lo muộn về Tiên Lãng theo kế hoạch. Rồi chúng tôi cũng chia tay nhà đạo diễn và nhà thơ đáng kính cùng một số bạn bè để lên đường. Mưa, mặc, chúng tôi cứ đi. Lần này là lần thứ 3 trong vòng 4 ngày tôi đến đầm Vươn, tuy nhiên đi cùng vị sĩ quan an ninh kỳ cựu nên tôi biết thêm được khá nhiều. Trên nền nhà Vươn-Quý, bác Chuyên đã làm tôi sửng sốt khi bới ra một đống dép nhựa, đủ loại người lớn trẻ con, đàn ông đàn bà, lại lôi ra cả khẩu súng nhựa đồ chơi, mảnh gỗ bàn thờ, một tấm ảnh cưới và nhiều thứ khác nữa trong đống xi măng bê tông đổ nát. Bác Chuyên bảo, đây là những bằng chứng hùng hồn cho thấy căn nhà của Vươn là nơi sinh sống, sinh hoạt hằng ngày của một gia đình chứ không phải nhà chòi, lều coi cá như chúng nó lếu láo. Và rất tinh, bác còn chỉ cho tôi xem mảnh tường gạch đầy vết đạn từ ngoài bắn vào, bảo tôi chụp làm chứng tích, nhưng trầm ngâm không nói gì thêm.

Tiết xuân 2012

N. T.

Nguồn: thongcao55.blogspot.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hội Tháng Giêng
Nguyễn Bá Khanh
22:30 16/02/2012
HỘI THÁNG GIÊNG
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh

Tết xong, ta vẫn hội hè tháng giêng….

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền