Ngày 27-02-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lậy Chúa, Con Đây!
Tuyết Mai
23:56 27/02/2011
Chúa Nhật Thứ 9 Mùa Thường Niên - Năm A

Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta: 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: 'Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?' Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: 'Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta'. (Mt 7, 21-27).

Nhận định và am tường được phần nào những điều Chúa nói trong Phúc Âm của tuần này, làm cho tôi xác tín thêm những gì tôi tin và tôi làm từng ngày một, trong cuộc sống đầy dẫy những đam mê và tội lỗi này! Cả những điều tôi hằng dậy dỗ các con tôi. Ở trần gian này chúng ta hẳn biết rằng vàng thau lẫn lộn. Nhưng vàng ròng thật thì không sợ mình lẫn lộn với thau. Hay lúa thật thì không sợ người lẫn lộn với cỏ lùng hay cỏ dại. Hoặc người sống có trái tim hiền lành và khiêm nhường giống Chúa sẽ không sợ người lầm lẫn với những con người gian tà xảo quyệt. Quả thật đối với con người gian tà muốn đội lốt ngay lành, cũng không dấu ai được lâu, bởi vì cái đuôi ấy không chóng thì chầy cũng sẽ lộ ra ngoài mà thôi!. Ngay cả cỏ lùng và cỏ dại đã không khó để mà biết thì hà huống gì con người?. Giữa hai cách sống và tư cách của con người ngay lành và con người gian tà thì không khó để chúng ta không nhận ra được đâu!. Một con người ngay thẳng và hiền lành thì cách sống của họ chẳng có gì để có thể dấu chúng ta được. Nhất nhất từ lời ăn tiếng nói của họ, suy nghĩ, cử chỉ, hành động, một mực là chân thật và rất chất phát; họ sống rất thật với chính họ, gia đình, và anh chị em láng giềng. Điều này rất dễ để chúng ta nhận ra họ là vì ngay chính họ không làm điều gì để chúng ta bị hiểu lầm, khó chịu, hay gây xích mích hoặc mích lòng.

Chứ không như những con người luôn mượn Danh Chúa để làm những việc lợi riêng cho mình. Bởi lẽ rất dể hiểu vì không ai tin mình và công việc của mình làm, nên phải mượn Danh Chúa làm hậu thuẫn gây thêm sức mạnh cho mình để được người tin theo, mà lấy tiền của người ta buôn bán lấy lời, hay những công ăn việc làm bất chính, v.v…... Chúng ta thường thấy rằng trong cuộc sống đời thường đây chẳng hạn, con người nghèo khổ, kiếm từng miếng ăn cũng còn chưa xong và chưa đủ, nay gặp hoạn nạn muốn có số tiền để nuôi người bệnh trong nhà, dễ nhất là nhờ vả ai có tiếng là người đạo đức nhất làng, đi với mình đến người giầu có mà vay tiền. Chứ đi mượn tiền mà không có ai để có thể tin tưởng là số tiền sẽ được hoàn trả lại thì ai mà dám cho mình mượn; mà đó là số tiền cho vay lấy lời cắt cổ người ta rồi đó! Chẳng thế mà có thể gọi chó đi đuổi người ta ra khỏi đất của mình vì đã làm hôi hám nơi chốn sang trọng của họ. Mượn Danh Chúa thì có rất nhiều hình thức, do đó Chúa mới phán cùng các môn đệ rằng: “Không phải tất cả những ai nói với Ta: 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: 'Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?' Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: 'Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta'.

Có phải thời buổi ngày nay chúng ta chứng kiến được rất nhiều việc và rất nhiều nhóm người tổ chức hết hội này đến tổ chức những công việc làm vô vụ lợi, để giúp người nghèo khổ hay đi gây quỹ để giúp những nơi có biến cố lớn như thiên tai, xẩy đến khắp cùng thế giới?. Nhưng sự thật có ai biết rõ được là số tiền thâu vào thực sự là bao nhiêu, và số tiền thật sự cho người nghèo khổ là bao nhiêu?. Còn số tiền thất thoát to lớn nhưng ém nhẹm được, không biết nó đi vào đâu???. Vì những hành vi tồi tệ này và là những thành phần sâu bọ làm rầu nồi canh này, đã gây tác hại thật lớn lao, là họ đã đầu độc những con người có lòng muốn giúp đỡ, nay nghi ngại vì tiền mình giúp thì ít mà chẳng được vào tay những người cần được giúp đỡ. Tôi nghĩ đó là lý do mà tại sao Chúa lại phán với môn đệ những lời trên. Nếu thế thì thật phải bởi lẽ những con người ấy họ là những thành phần buôn thần bán thánh và bán cả Chúa, để đem lợi lộc riêng về cho túi của mình. Họ buôn bán cả linh hồn của họ cho ma quỷ nữa cơ mà!. Có phải Chúa bảo sẽ có thời kỳ mà quỷ vương ra đời hay không? Chúng trà trộn cả vào Hội Thánh của Chúa nữa cơ mà!. Có điều gì mà ma quỷ chúng không làm được chứ!?. Vâng, chúng làm được tất cả vì chúng ta đã thuộc về chúng và cho phép chúng làm. Đừng quên chúng quỷ ấy quyền năng vô cùng, chỉ thua quyền năng của Thiên Chúa mà thôi!. Chúa cho chúng toàn quyền để dụ dỗ chúng ta như chuyện của ông Gióp ngày xưa vậy!. Vì lẽ Chúa ban cho chúng ta có quyền tự do để sống, tự do lựa chọn, theo hay không theo Người.

Bởi vì lẽ này, mà Thiên Chúa Cha mới phải cho chính Con của mình, xuống trần. Ra đời trong hang đá dơ bẩn, hôi tanh, là nơi chốn cho bò lừa chúng ở và ăn uống. Bố Mẹ là Thánh Cả Giuse và Đức Mẹ Maria Đồng Trinh, nghèo khổ chẳng là gì trong một xã hội. Ông Giuse làm nghề thợ mộc để nuôi sống gia đình. Nhà cửa thì vách tranh nền đất; cả ba sống trong chật hẹp trong cơ hàn, nhưng thật hạnh phúc.

Đến 30 tuổi, Chúa Giêsu mới Ra Đi giảng đạo. Ngài giảng về đạo của Cha Ngài. Ngài giảng thiên hạ về Nước Trời, là Nơi mà Ngài từ đó mà đến, và Ngài sẽ trở về Thiên Quốc của Ngài sau khi chương trình của Ngài và của Cha Ngài hoàn tất, nơi trần gian này.

Vậy lậy Chúa! Xin cho tất cả chúng con sống thật với con người của chúng con hằng ngày. Biết kính sợ và tôn thờ Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất của chúng con. Xin cho công việc hằng ngày của chúng con trở thành hữu ích và hữu dụng cho Chúa và cho anh chị em chúng con, dù xem ra chỉ là những công việc thật cỏn con hằng ngày. Nhưng đòi hỏi trách nhiệm và bổn phận phải thi hành trong một gia đình bé nhỏ; nếu không thì chúng con chỉ là những con người sống ích kỷ và vô tích sự!??. Và vì chúng con sẽ không biết khi nào thì được Chúa gọi trở về. Xin cho chúng con biết Quê Trời mới là nơi mà để chúng con cần thiết để nghĩ tới và tìm kiếm. Biết sống bám vào Chúa để trong Chúa chúng con mới cảm thấy cuộc sống ngày lại ngày là có ý nghĩa. Hạnh phúc thay khi chúng con được Chúa Chúc Phúc ngay tại đời này và được thưởng ban cho Nước Trời trong cuộc sống mai sau. Muôn đời và viên mãn hạnh phúc trong Tình Yêu Thiên Chúa. Xin đừng để chúng con sống như những con người vô dụng. Chôn cất những tài năng và kho tàng riêng Chúa ban cho chúng con ở dưới lòng đất sâu, mà chẳng làm nên huê lợi gì cho Chúa và tha nhân. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng đến thăm nơi Đức quốc xã hành hình hàng trăm người Ý
Paul Bùi Nguyên Tâm
09:40 27/02/2011
VATICAN (EWTN/CNA) - Vào tháng 3, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ đến nơi đã xẩy ra vụ thảm sát tàn bạo đã lâý đi sinh mạng của 335 người Ý trong Thế chiến II, trong ngày đánh dấu kỉ niệm -- ngày 24 tháng 3 năm 1944 -- binh lính Đức quốc xã tàn sát hàng trăm ngươì để trả thù cho một vụ đánh bom bất ngờ tại trung tâm của Rome giết chết 33 đồng bọn của họ.

Khi ông nghe nói về vụ tấn công này, Adolf Hitler đã ra lệnh rằng 10 người Roma được làm tròn lên cho mỗi nạn nhân Đức Quốc xã. Các chỉ huy Đức Quốc xã tại Roma đã giết những người mang án tử trong một nhà tù quân sự, nhưng họ đã không giết bằng số Hitler đã ra lệnh. Hitler giết thêm 75 người Do Thái, tù nhân chính trị, những người ở trong tù vì tội phạm nhỏ nhặt và những dân thường có mặt tại các cuộc tấn công vào nhóm để đạt được con số đó. Các số cuối cùng được chứng minh là cao hơn 330.

335 nạn nhân đã được dẫn vào các hang động của các mỏ đá của binh sĩ được điều khiển bởi các sĩ quan chỉ huy để giết mỗi người trong số họ, từng người một, với một phát bắn vào phía sau đầu.

Sau vụ thảm sát, Đức quốc xã xóa dấu vết bằng cách cho nổ các hang động. Các thi thể được tìm thấy và được chôn một năm sau đó, khi chiến tranh đã kết thúc.

Một lăng mộ trông tương tự như một két quân sự sau đó đã được dựng lên tại nơi đây để tưởng niệm những người chết. Đức Giáo Hoàng sẽ đi đến nơi đó, gọi là "hốc Ardeatine," ngày kỷ niệm 67 năm ngày hành quyết. Nó cũng rất gần Hầm mộ của Thánh Callistus ở ngoại ô Roma.

Trong chuyến đi thăm trại tập trung tại trại Auschwitz, Ba Lan tháng 5 năm 2006, Giáo hoàng Benedict nói, "Trong sự im lặng, chúng tôi cúi đầu trước dòng bất tận của những người chịu đau khổ và đã được đưa đến cái chết ở nơi đây, nhưng sự im lặng của chúng tôi vẫn lần lượt trở thành một lời bào chữa cho sự tha thứ và hòa giải, một lời bào chữa cho Thiên Chúa hằng sống không bao giờ để cho điều này xảy ra lần nữa. "
 
ĐTC: Tin tưởng vào Chúa quan phòng
Lưu Minh Gian
12:11 27/02/2011
KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN

Kính thưa quý vị và các bạn

Tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa là sứ điệp chính yếu trong phụng vụ lời Chúa của ngày hôm qua, Chúa nhật thứ VIII thường niên. Đức Thánh Cha đã nhắc lại và nêu bật tầm quan trọng của sứ điệp ấy trước sự hiện diện đông đảo của các phái đoàn hành hương, là những người cùng tham dự giờ Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài nói:

Anh chị em thân mến

Phụng vụ ngày hôm nay cho chúng ta nghe lại một trong những lời cảm động nhất của Kinh Thánh. Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta những lời ấy ngang qua ngòi bút của tác giả mà chúng ta vẫn gọi là “Isaia đệ nhị”. Để an ủi dân Chúa trước sự kiện thành Giêrusalem bị tàn phá, tác giả này đã viết: “Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”(Is 49, 15). Đó là lời mời gọi tin tưởng vào tình yêu không bao giờ phôi phai của Thiên Chúa.

Lời mời gọi này cũng được đề cập đến trong Tin Mừng Mat-thêu, khi Đức Giêsu dạy các môn đệ của mình tin tưởng vào sự quan phòng của Cha trên trời, Đấng nuôi dưỡng mọi loài chim trời và điểm trang cho hoa huệ ngoài đồng, là Đấng thấu biết mọi điều cần thiết của chúng ta (x. Mt 6, 24-34). Vị Thầy của chúng ta đã dạy: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.”

Trước tình cảnh còn vô số những người đang phải sống trong đau khổ, dù là những người gần gũi hay những người xa lạ, những lời này của Đức Giêsu có vẻ như ít thực tiễn, nếu không muốn nói là lẫn tránh thực tế. Thế nhưng đúng ra, Đức Giêsu muốn chúng ta hiểu rõ rằng không ai có thể làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và sự giàu có. Ai tin vào Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương yêu dành cho con cái mình, người ấy sẽ đặt lên hàng đầu việc tìm kiếm nước của Thiên Chúa và Thánh Ý của Người. Điều này rất khác với chủ thuyết định mệnh hay với một khuynh hướng nhân nhượng ngây thơ. Quả thế, niềm tin vào sự quan phòng không thế chỗ cho những nỗ lực chiến đấu để hướng đến một cuộc sống đúng với phẩm giá con người, nhưng giải phóng chúng ta khỏi những nỗi bận tâm hướng đến vật chất và những nỗi sợ hãi hướng về ngày mai.

Lời giáo huấn này của Đức Giêsu luôn chính đáng và chân thực đối với tất cả mọi người. Lời ấy được áp dụng vào cuộc sống với những cách thế khác nhau, ứng với những ơn gọi khác nhau, chẳng hạn: các tu sĩ dòng Phanxicô có thể bước theo lời giáo huấn này cách tận căn hơn; trong khi đó, một người gia trưởng của một gia đình thì luôn phải để ý đến những phận vụ của mình đối với vợ và con cái của mình... Dù trong trường hợp nào đi nữa, điểm đặc biệt của một người kitô hữu đó là: thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa là Cha Trên Trời, như Đức Giêsu đã thể hiện. Chính nhờ mối liên hệ với Thiên Chúa là Cha đã mang đến một ý nghĩa đặc biệt cho cuộc sống của Đức Giêsu, cho những lời rao giảng và những cử chỉ cứu độ của Người, cho cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Người.

Chính Đức Giêsu đã thể hiện cho chúng ta thấy một cung cách sống đặc biệt: đôi chân đặt vững vàng trên mặt đất, lưu tâm đến những tình huống cụ thể của những người thân cận; nhưng đồng thời, luôn giữ vững con tim mình hướng về Trời, chìm sâu vào trong lòng thương xót của Thiên Chúa.

Các bạn thân mến,

Dưới ánh sáng của Lời Chúa trong ngày Chúa nhật hôm nay, tôi mời gọi các bạn hãy kêu cầu với Đức Trinh Nữ Maria với tước hiệu là Mẹ Quan Phòng. Trong tay Mẹ, chúng ta phó thác cuộc sống của chúng ta, phó thác cuộc lữ hành của Giáo hội chúng ta, và phó thác cả những diễn biến của lịch sử. Cách đặc biệt, chúng ta hãy kêu xin sự chuyển cầu của Mẹ để tất cả chúng ta biết sống một lối sống đơn sơ giản dị trong những công việc thường ngày, và trong sự tôn trọng các tất cả các tạo vật mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta chăm sóc.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tuần Chầu Lượt tại Giáo xứ Đồng Sơn
Phạm Nam
09:49 27/02/2011
HÀ NỘI - Chúa Nhật, ngày 27 tháng 02 năm 2011, giáo xứ Đồng Sơn được vinh dự thay mặt giáo phận chầu Mình Thánh Chúa. Từ mấy ngày trước, ban trùm xứ, cùng các hội đoàn và bà con giáo dân đã đến lao động, dọn vệ sinh, trang trí làm cho ngôi nhà thờ mới càng thêm đẹp đẽ, trang nghiêm. Trước đó cha phó Antôn đã giúp nhiều người lãnh nhận Bí tích Hòa Giải để mừng lễ chầu sốt sắng. Và hồi 17h30 chiều thứ bẩy, cha quản xứ Phêrô đã về dâng lễ khai mạc ngày chầu, sau lễ cha quản xứ đã đặt Mình Thánh để các hội đoàn trong xứ chầu Mình Thánh đến 22h00 đêm.

Sáng hôm sau, vào hồi 5h30 sáng cha phó Antôn dâng lễ cầu nguyện cho giáo xứ, sau đó các xứ, họ trong miền Phủ Lý - Kim Bảng tiếp tục thông công giờ chầu đến 10h30 trưa.

Cao điểm của ngày chầu lượt là thánh lễ đồng tế trưa. Chủ tế thánh lễ là cha quản xứ Phêrô, cùng đồng tế còn hai cha phó Phêrô và Antôn, cha xứ Sở Kiện, quý cha hạt Nam Định, hạt Phú Xuyên đến hiệp dâng thánh lễ và cầu nguyện cho giáo xứ. Tham dự thánh lễ còn có đông đảo quý tu sĩ nam nữ và bà con giáo đan đến từ các xứ, họ Miền Phủ Lý - Kim Bảng.

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế đã nhắc đến Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của mọi sinh hoạt của Hội Thánh. Cha đã mời gọi mọi người năng đến với Bí tích cao trọng này để kín múc được ơn lành phần hồn, phần xác.

Chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ, cha phụ trách xứ Bình Cách đã nhắc nhủ mọi người tránh xa thói ham mê của cải vật chất để chọn Chúa là cùng đích của cuộc đời. Thánh lễ kết thúc trong không khí vui tươi, đoàn kết.
 
ĐC Giuse Nguyễn Chí Linh thăm Chủng Viện Holy Apostles
Lê Hạnh
09:54 27/02/2011
CONNECTICUT – Trong chuyến thăm mục vụ tại Mỹ, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Phó Chủ tịch HĐGMVN, Giám mục giáo phận Thanh Hóa – đã dành hai ngày thăm và động viên các sinh viên Việt Nam đang học tại chủng viện Holy Apostles, tiểu bang Connecticut.

Xem hình ảnh

Tiểu bang Connecticut nằm ở phía đông bắc nước Mỹ, khí hậu lạnh kéo dài trong năm. Nơi đây có ít người Việt sinh sống. Vì thế các sinh viên Việt Nam học ở vùng này ít có cơ hội tiếp xúc với người Việt, ăn cơm Việt. Hoàn cảnh cùng nỗi nhớ người thân luôn làm các sinh viên mang nặng tâm trạng hướng về quê hương. Đang trong những ngày đông giá rét, tại chủng viện Holy Apostles các sinh viên cảm thấy ấm cúng, phấn khởi với sự hiện diện của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh.

Ngày 26 tháng 2 năm 2011, Đức Cha Giuse có buổi nói chuyện với các sinh viên Việt Nam. Mở đầu cuộc gặp gỡ, cha Nguyễn Huy Long – linh mục giáo phận Bắc Ninh – đại diện các sinh viên nói lời chào mừng và cám ơn Đức Cha đã dành thời gian và tâm tình quí mến cho những người con xa quê hương. Trong buổi nói chuyện, Đức Cha chia sẻ về tình hình Giáo Hội tại quê nhà trong tương quan với Giáo Hội hoàn vũ, với Nhà nước và trong nội bộ Giáo Hội VN. Trong thời gian qua Giáo Hội VN có những dấu chỉ và những hoạt động tích cực: ơn gọi vẫn dồi dào, các khóa tập huấn dành cho mọi thành phần Dân Chúa được tổ chức thành công tốt đẹp.

Đức Cha nhắn nhủ và khích lệ các sinh viên cố gắng giữ tình hiệp thông, sống chứng nhân ngay trong chủng viện, đồng thời cố gắng trau dồi những điều tốt đẹp để sau này về phục vụ Giáo Hội tại quê nhà. Các sinh viên cần chuẩn bị lòng đạo đức và tinh thần phục vụ Giáo Hội sau khi mãn khóa học. Đã trải qua những năm học ở nước ngoài, Đức Cha chia sẻ với các sinh viên về kinh nghiệm, cách học và định hướng trong học hành. Sau những lời chia sẻ của Đức Cha, các sinh viên có thêm cơ hội phỏng vấn, trao đổi với Đức Cha trong tình thân mật.

Ngày 27 tháng 2 năm 2011, Đức Cha Giuse chủ sự dâng Thánh Lễ tại nhà nguyện của chủng viện. Trong bài giảng, Đức Cha nói lên tình hiệp thông giữa Giáo Hội VN và Giáo Hội Mỹ qua việc các linh mục, tu sĩ và chủng sinh VN đang được đào tạo ở các chủng viện Mỹ. Đức Cha rất lạc quan khi thấy số các sinh viên VN trong các chủng viện Mỹ ngày các tăng. Ở Việt Nam, mặc dù có những khó khăn, người Công giáo vẫn sốt sắng đi lễ và tham dự các sinh hoạt của Giáo Hội. Trong khi ấy, ở các nước phương Tây, vật chất đầy đủ, nhưng ơn gọi giảm, tinh thần sống đạo sa sút. Với cái nhìn của con người, chúng ta có thể bi quan. Nhưng mọi biến cố, dù thế nào, đều được Thiên Chúa quan phòng một cách kỳ diệu. Đức Cha mời gọi hãy tín thác và làm chứng cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Hãy là những người rao giảng tình yêu thương như tiên tri Isaia nói trong bài đọc thứ nhất Chúa Nhật thứ tám thường niên. Hãy tin tưởng Chúa ở trên các biến cố và dẫn chúng ta đi về tương lai.

Các sinh viên đều phấn khởi nghe những lời chia sẻ, động viên của Đức Cha. Chuyến viếng thăm của Đức Cha đã khích lệ và làm ấm lòng các sinh viên trong những ngày đông lạnh lẽo.
 
Giáo hạt Cửa Lò tập huấn Giáo lý
Antôn Hoàng Cảnh Hồng
12:07 27/02/2011
VINH - Đến hẹn lại về, hàng năm theo thường lễ, giáo phận Vinh tổ chức tập huấn giáo lý cho các giáo hạt trong toàn giáo phận của mình. Theo sự xắp xếp của Ban tổ chức, năm nay giáo hạt Cửa Lò tập huấn nhằm ngày 21/2 đến ngày 23/2, thời gian tuy là ngắn ngủi song với điều kiện như hiện nay giáo phận duy trì cho các giáo lý viên trong toàn giáo hạt được gặp nhau năm một lần tại một địa điểm của giáo hạt mình thế đã là quý lắm. Phải coi đây là những ngày “vào phòng” của tất cả anh chị em giáo lý viên trong toàn giáo hạt.

Xem hình ảnh

Giáo xứ Tân Lộc, trụ sở của giáo hạt năm nay lại được vui mừng đón tiếp tất cả anh chị em giáo lý viên và nhiều phụ huynh đứng lớp (Phó tế cho giáo lý viên) cùng tấp nập nhộn nhịp từ các xứ Làng Anh, Lộc Mỹ, Lập Thạch nấp nập về giáo xứ Tân Lộc, trước đó Ban tổ chức, Ban giáo lý giáo hạt đã lên chương trình cho tuần tập huấn, nhắm mượn những gia đình trên địa bàn giáo họ Tân Lộc để các giáo xứ về tập huấn có chỗ ăn chỗ nghỉ. Mới 5h sáng ngày 21/2 các gia đình trong giáo họ trị sở đã chuẩn bị đón tiếp anh chị em và các ban ngành của các xứ bạn về tập huấn. Lòng hiếu khách và lòng hy sinh vì Giáo Hội và vì Nước Trời nơi nhiều gia đình, bà con đã ưu ái nhường và dọn những phòng ngủ tươm tất đón khách, để các giáo lý viên an tâm tập huấn.

Đúng 7h30 anh chị em giáo lý viên và phụ huynh đã tập trung đầy đủ để đón đoàn giảng viên của giáo phận. Gần 250 GLV và phụ huynh cùng tất cả các HĐMV các giáo xứ, giáo họ và Ban giáo lý từ giáo hạt trở xuống của các giáo xứ, nhiều thanh niên và những người giáo dân muốn tìm hiểu về giáo lý cũng tham dự. Ba gian trên của nhà thờ xứ Tân Lộc được cắm nêu quy định cho các giáo xứ đã xếp ngồi đầy đủ. Chào mừng đoàn giáo phận bằng một bài kèn hơi dài do đội nhạc hơi gia đình Thánh Tâm giáo xứ trị sở, mười giáo lý viên trên tay cầm 10 bó hoa tươi thắm chúc mừng với bài hát “ …Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân…”. Sau phần giới thiệu của Ban tổ chức là diện văn của Cha quản hạt Martinô Nguyễn Xuân Hoàng, ngài vừa là cha quản hạt, quản xứ nhưng lại là cha trưởng Ban giáo lý giáo phận. (trưởng Ban giáo lý đức tin Giáo phận). Ngài cầu chúc sức khoẻ và năm mới trên tất cả mọi người nhất là đội ngũ giáo lý viên, phụ huynh trong toàn hạt

Mở đầu bài diễn văn ngài đã mượn (Ga 2,5) mà rằng “ Có một câu trong kinh thánh làm tôi suy nghĩ và tâm đắc rất nhiều đó là lời dạy bảo có tính chúc thư của Mẹ Maria “ Ngài bảo gì các anh cứ việc làm theo” đây không chỉ là một lời khuyên bảo theo nghĩa thông thường mà hơn bao giờ hết đó là một lệnh truyền. Việc loan báo Tin Mừng Nước Trời và lời mời gọi sám hối canh tân đời sống là một mệnh lệnh rõ ràng truyền cho mọi người phải theo đuổi con đường nên thánh. Và chúng ta là GLV chúng ta đặt sứ mệnh giáo dục đức tin cho thế hệ trẻ giới bàn tay từ ái của Mẹ Thiên Chúa để Mẹ hướng dẫn, dìu dắt chúng ta trong ơn gọi thánh thiện nhưng đầy khó khăn thử thách này. Hơn ai hết Mẹ là GLV tiên khởi và sáng chói mà hết mọi GLV chúng ta khi nhìn vào cũng có thể học được nơi Mẹ một đời sống chứng nhân và giáo dục đức tin đại tài, chúng ta hãy bám víu vào Mẹ, hãy phó thác nơi Mẹ, hãy mời Mẹ cùng hành động, cùng lên đường với chúng ta trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Kytô – con yêu dấu của Mẹ”...

Ngài chứng minh tổng thể thực trạng xã hội ngày nay nhất là một số giới trẻ, ngài tiếp “ Giới trẻ ngày nay, đạo cũng như đời thích chạy đua với những hào nhoáng bên ngoài, theo thời trang, theo mốt, theo thời thượng. Đua đòi theo lối sống tây hoá mà quên đi điều kiện bản thân, gia đình, xã hội mà quan trọng hơn là thiếu đi một nền tảng luân lý đạo đức. Lối sống vụ hình thức, lối sống tiện nghi, lối sống theo kiểu “Mỳ ăn liền” đã trở nên như là phong cách của họ, không sống như thế là không sành điệu, không thể hiện được bản lĩnh và họ cảm thấy không sống như thế thì cuộc đời không đáng sống.

Ảnh hưởng quan niệm duy vật, giới trẻ vật chất hoá mọi giá trị trong cuộc sống. Kể cả những giá trị thuộc lãnh vực tâm linh. Họ lấy tiền bạc vật chất để làm thước đo cho mọi tiêu chuẩn của xã hội. Đồng tiền trở nên ông chủ, có quyền sinh tử, chuyển đổi vận mạng. Sức mạnh của đồng tiền đã làm đảo lộn mọi trật tự xã hội.

Điều ai cũng nhận ra đó là sự tuột dốc không phanh của nền luân lý đạo đức xã hội. Nền móng cương thường đổ nát. Xã hội không còn tôn ty trật tự. Trên sách báo và trên các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật hàng ngày, hàng giờ bao nhiêu là vụ việc đau lòng.: Con giết cha, cháu giết chú, trò giết thầy cô, anh em chém giết lẫn nhau… xảy ra như chuyện thường tình. Mà nguyên nhân của tất cả những việc đáng tiếc ấy không gì khác là sự ích kỷ, hẹp hòi, gian tham, đố kỵ của bản thân, không muốn ai làm ảnh hưởng đến bát cơm manh áo của mình. Tinh thần bao dung tha thứ được thay bằng phương pháp “ Búa và liềm”, “ăn đòn trả miếng”…

Ngài dẫn ra nhiều nguyên nhân dẫn đến những thảm trạng trên như gia đình, xã hội và đặc biệt nó đến từ nhà trường, ngài tiếp “ Giới trẻ ngày nay phải chịu cơn “ suy dinh dưỡng tâm hồn” nghĩa là giới trẻ không được cung cấp những thứ chất dinh dưỡng mà họ cần. Các nhà giáo dục không quan tâm đến nhu cầu thiết yếu của học sinh. Người ta chỉ nhồi nhét những tư tưởng “đạo đức” theo ý thức hệ, sáo ngữ trống rỗng không có tính thực tế khả thi và có ích cho cuộc sống làm người. Những môn học tư tưởng, chính trị thì nặng nề về nội dung, áp đặt về chương trình và lạc hậu về phương pháp. Thảm hại hơn, môn học lịch sử có vai trò “ ôn cố tri tân”, học lịch sử để học làm người, dạy sử để giáo dục nhân bản và gia phong cùng những phong tục tập quán của quê hương đất nước. Thế nhưng đáng buồn và bất bình thường khi “dân ta không muốn học sử ta”, “ Thầy không muốn dạy, mà trò cũng không muốn học”. Lịch sử trở nên gánh nặng, lịch sử bị chính trị hoá, lịch sử không đúng nghĩa của nó mà được biến thành công cụ phục vụ cho chính trị, chính vì thế lịch sử đã trở nên chàm chán. Ngài còn trưng dẫn “ Sự áp đặt của sách giáo khoa, chủ trương giáo điều bóp méo sự kiện lịch sử để thực hiện chính sách ngắn hạn, ở “lỗi nhận định” và cách đánh giá “lệch chuẩn” của công tác nghiên cứu, cũng như dạy sử ở nước ta suốt mấy thập niên qua”. (“Còn chăng dạy sử để dạy người?” Tg và gd. GM. Nguyễn Thái Hợp. O.P).

Sau những trích dẫn ngài kêu gọi anh chị em GLV.

“ Thưa các thầy cô GLV! Thà thắp lên một ngọn đuốc còn hơn là nguyền rủa bóng tối. Chúng ta không ai khác phải xắn tay vãn hồi thảm trạng này. Trách nhiệm sứ vụ của chúng ta không phải là dễ dàng. Chúa gọi chúng ta làm ngôn sứ cho Chúa trong bối cảnh nhiều khó khăn và lắm thử thách, đòi buộc chúng ta phải cố gắng hơn nữa, hy sinh hơn nữa và quảng đại hơn nữa để giúp con em chúng ta vượt qua giai đoạn hiểm nghèo này. Ngài nhận định tiếp “… Chính các thầy các cô GLV là cánh tay đắc lực, nối dài của cha xứ. Giáo hội đang cần và đặt niềm tin tưởng phó thác nơi các thầy, cô, ngài trích dẫn lờì của Đức cố Giáo Hoàng Gioan II nhắn gửi các Đức Giám Mục Việt Nam rằng: “ cùng cho tôi gửi lời chào thăm hỏi tất cả các thầy cô giáo lý viên, nói với họ rằng: Đức Giáo Hoàng luôn cầu nguyện cho họ và khích lệ họ đảm nhận những thách đố của Tin Mừng đề ra, noi gương các thánh, nhất là các thánh tử đạo đã đi trước trên con đường đức tin, và máu các vị đổ ra vẫn còn là hạt giống sinh sự sống cho đất nước”…

Cuối cùng ngài tri ân Quý thầy cô GLV rằng: “ Tôi chân thành biết ơn vì sự hy sinh công việc riêng tư, không quản ngại thời tiết bất thuận, đường xá xa xôi và nhiều khó khăn khác đã về đây đông đủ thế này. Sự hiện diện của các thầy cô nói lên sự quan tâm thao thức trăn trở trong cuộc sống giáo dục đức tin cho thế hệ trẻ. Các thầy cô là những người nhiệt tâm hăng say và yêu mến phục vụ Giáo hội hơn ai hết, Giáo hội có quyền đặt niềm tin và hy vọng nơi các thầy cô là những người chăm lo vườn nho của Chúa. Chính các thầy cô là cánh tay đắc lực của Giáo hội, trực tiếp xây dựng và kiến tạo những tâm hồn thánh thiện đẹp lòng Chúa. Giáo hội đặt niềm hy vọng nơi thầy cô trong việc hướng dẫn thế hệ trẻ khỏi hố diệt vong. Dĩ nhiên mình không tự hào cho tất cả những thành quả là do công sức của mình. Đó là công việc của Chúa. Tất cả là của Chúa. Nhưng chúng ta cũng phải vui mừng vì mình đang là công cụ sắc bén trong bàn tay của Chúa”.

Ngài cũng xin gửi tới những gia đình đã tạo điều kiện để các giáo lý viên, phụ huynh được an tâm tập huấn, những ân nhân, những gia đình và hết mọi người đã chung tay góp vào cho tuần tập huấn.

Những tràng pháo tay vang dội, những bó hoa ân tình được kính tặng trao ban, lời bài hát lại được anh chị em cất lên đầy sức sống và hào hùng như xung trận “ Đẹp thay ôi đẹp thay…”.

Kết thúc nghi thức khai mạc là giờ chầu suy niệm do các giảng viên giáo phận chủ trì và chương trình học chung các chủ đề mở rộng thêm kiến thức tín giáo lý được các thầy, các Soeur giảng viên của đoàn giáo phận chuyển tải. Những giờ học riêng từng khối đã được các giảng viên giáo phận đi vào chi tiết, lồng ghép các nghiệp vụ sư phạm, làm cho các thầy cô GLV hiểu biết thêm, làm giàu thêm cho hành trang của mình. Tối ngày 22/2, ngày thứ hai của tuần tập huấn là đêm gặp gỡ và giải đáp những vấn nạn, những thắc mắc của GLV đã viết trên trang giấy và gửi về đoàn giảng viên trước đó, suốt 3 tiếng đồng hồ những câu hỏi những vấn nạn được cha trưởng đoàn Antôn Nguyễn Quang Tuấn và cha đặc trách giáo lý hạt Phalô Nguyễn Xuân Tính cùng các thầy cô giảng viên giáo phận thay nhau trả lời, giải đáp thật sôi nổi.

“Cuộc vui nào cũng có hồi kết” Hôm nay phải nói được là “ Ngày ra phòng của các chiến sĩ trung kiên của Chúa Thánh Thần”. Sau ba ngày tập huấn, học hỏi cầu nguyện và tĩnh tâm của đội ngụ GLV và phụ huynh. Được bế mạc trước Thánh Thể Chúa Giê-su trong lời kinh GLV và lời hứa quyết tâm. Anh chị em GLV và phụ huynh như được tiếp thêm sức mạnh để ra đi rao giảng Tin Mừng và làm tròn sứ mạng Chúa giao. Những cái bắt tay xiết chặt tạm biệt chẳng muốn rời, bài hát “ Phút tạm biệt đã đến rồi…” cùng với những nhịp vỗ tay, những vẫy chào theo làn điệu cứ thế quyến luyến xoắn quyện vào nhau và “ bay toả lan xa… “xin được là ánh đuốc hồng để xua tan tăm tối đêm dài ”… cứ thế họ ôm nhau, bát tay quấn quýt bên nhau không muốn rời xa.

Cảm tạ Chúa đã cùng với chúng con trong những ngày tập huấn vừa qua, xin giúp chúng con chu tròn sứ mạng mà Chúa và Giáo hội trao ban.
 
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Garland Texas khởi công xây dựng Trung Tâm Giáo Dục
Trần Mạnh Trác
20:22 27/02/2011
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Garland Texas, là một cộng đòan Việt Nam đầu tiên trong vùng đã thành công mua lấy cơ sở riêng để sinh họat độc lập từ năm 1992, và đã đựơc nâng lên hàng 'giáo xứ thể nhân' từ ngày 19 tháng 1 năm 1993.

Có thể ngọai trừ vùng New Orleans ra, thì theo văn khố lưu trữ, đây là cộng đòan Việt Nam đầu tiên được hưởng qui chế 'giáo xứ' tại Hoa Kỳ.

Từ đó cho đến nay, qua nhiều thăng trầm, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã phát triển bền vững với dân số trên 5 ngàn người, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam Hải Ngọai cai quản.

Từ những cơ sở cũ kỹ đầu tiên, giáo xứ đã mở rộng ra chung quanh khi có cơ hội mua thêm đất và do đó diện tích đã tăng lên đến 14 acres ngày nay. Một thánh đường tân thời nhưng kiến trúc đậm nét Việt Nam đã được thánh hiến năm 2002. Một nhà xứ được xây năm 2004. Một nhà cốt được thánh hiến năm 2005, một công viên (Fatima) được khai trương năm 2006 và một tượng đài Đức Mẹ đựơc khánh thành năm 2009.

Tuy việc xây cất cơ sở 'hạ tầng' đã được sự ủng hộ sốt sắng của giáo dân trong những năm qua, vẫn còn một vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết: đó là nơi đào tạo các con em.

Một giáo xứ không đào tạo được mầm non của mình là một giáo xứ không có tương lai.

Với 7 lớp học chật chội, và mặc dù đã chia mỗi cấp ra làm nhiều lớp với giờ khác nhau để học từ sáng đến chiều, giáo xứ vẫn không có đủ phòng ốc cho các lớp giáo lý và Việt ngữ cho trên 1000 học sinh.

Hội trường đã bị chia nhỏ và nhà kho cũng bị tân trang để ngăn làm lớp học. Nhưng dù thế hàng trăm em vẫn bị từ chối ghi danh.

Đó là chưa kể mọi hội đòan và ca đòan phải sinh họat vào những ngày thường, hoặc nếu cần tụ họp trong ngày Chúa Nhật thì phải tìm một góc nào đó trong nhà thờ.

Cho nên từ 4 năm qua, giáo xứ đã khởi đầu một chương trình gây quĩ cho việc xây dựng một Trung Tâm Giáo Dục mới.

Trung tâm không chỉ cung cấp thêm 30 lớp học rộng, còn có một hội trường với sức chứa 2000 người và một hội quán với bàn ăn cho trên 500 người. Chi phí trên 5 triệu đô la.

Ngày Chúa Nhật 27 tháng 2 hôm nay, lễ khởi công đã diễn ra tại khu xây cất với trên 30 ân nhân và đại diện giáo dân được mời để chung tay 'động thổ' với cha xứ.

Đây là một dịp vui mừng vì sau 4 năm chờ đợi thì ước mơ có một nơi sinh họat thỏai mái sẽ không còn xa vời nữa.

Nhưng điểm son mà người ta ghi nhận ở đây là với sự kiện Khởi Công ngày hôm nay, giáo xứ ĐMHCG Garland đã chứng tỏ là một cộng đòan bền vững.

Bởi vì chương trình đã được đề xướng bởi cha xứ cũ, cha Giuse Trịnh Đức Hòa, và tất cả các nhiệm kỳ của các cơ cấu trong giáo xứ cũng đã mãn nhiệm mấy năm trước. Nhưng không vì thế mà chương trình bị gián đọan. Cha xứ mới, cha Phêrô Bùi Quang Tuấn, và những nhân sự kế tiếp đã thúc đẩy chương trình tiến lên. Đây là một việc làm không dễ dàng trong thời điểm kinh tế suy thóai hiên nay.

Một giáo xứ có tính liên tục và bền vững về mục tiêu, công việc và nhân sự như thế phải là một giáo xứ trưởng thành.

Xin chúc mừng và cầu chúc mọi ơn lành cho Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong công trình xây dựng lớn lao này.

















 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
tôi xuống phố hôm nay
Văn Quảng
09:43 27/02/2011
tôi xuống phố hôm nay
hàng cây xôn xao Mùa Hoa Thế Kỷ
những bông Lài thơm như Mẹ quyện hương Sen Bát Nhă
những ngọn dừa Hòa Hảo xanh lá tận Thái Hà
tôi xuống phố không xa
con đường quen bỗng lạ
những ánh mắt vội vã một giờ G
bàn tay Anh
bàn tay Chị
vòng cả nước Diên Hồng
bàn chân Anh
bàn chân Chị
vang Lịch Sử dồn dập trống Mê Linh
tôi xuống phố linh thiêng
không cần thấy công an chìm nổi
chỉ thấy triệu triệu cờ lau phất phới
tôi xuống phố hôm nay ngày vinh quang chói lọi
hiến thân vào cuộc xuống đường vĩ đại
Toàn Dân Vùng Dậy!

(Kính tặng Tuổi Trẻ Việt Nam anh hùng, ngày 26-2-2011)
 
Văn Hóa
Niềm tin thôi thúc
Ngô xuân Tịnh
09:40 27/02/2011
Nền gia đình rung rinh
Băng hoại sẽ thành hình
Hôn độn làm tan tác
Nền thụ hưởng văn minh

Nền văn minh chết chóc
Sẽ tiêm vào nọc độc
Cây đời sống chết khô
Đời lạnh giá nấm mồ

Nền văn minh yêu thương
Là đuốc sáng dẫn đường
Đời trần luôn đau khổ
Tình yêu sẽ xông hương

Cuộc chiến đấu kiên cường
Bằng niềm tin sắt đá
Đuốc hy vọng chói lòa
Cùng nhau bước lên đường

Phúc âm hóa xã hội
Giáo hội đang mời gọi
Từng giờ đang thôi thúc
Tim của anh và tôi
Của tất cả mọi người.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hồng Gai
Phạm Tuấn Anh
21:44 27/02/2011
HỒNG GAI

Ảnh của Phạm Tuấn Anh (Toronto, Canada)

Hồng nào hồng chẳng có gai

Miễn đừng là thứ hồng lài không hoa

Là hồng thì phải có hoa

Không hoa chỉ có gai mà ai chơi?

Ta yêu hồng lắm hồng ơi!

Có gai mà cũng có mùi hương thơm.

(Trích thơ của Phan Khôi)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền