Ngày 27-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hoa trái thiêng liêng của một đời sốnt thánh khiết
Lm. Minh Anh
02:31 27/02/2022

HOA TRÁI THIÊNG LIÊNG CỦA MỘT ĐỜI SỐNG THÁNH KHIẾT
“Cây tốt không sinh trái xấu!”.

Richard Baxter viết, “Một lời nói kiêu hãnh, gắt gỏng, mang vẻ lãnh chúa; một tranh cãi không cần thiết; một hành động thèm muốn… có thể ‘cắt cổ’ nhiều bài giảng, và làm ‘nổ tung’ kết quả của tất cả những gì bạn đã và đang làm! Nó không trổ sinh một trái trăng tốt lành nào, vốn là ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời cảnh tỉnh của Richard Baxter thật phù hợp với Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, khi chúng ta chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy là những “cây tốt” trổ sinh trái tốt; trái tốt trong lời nói, trái tốt trong việc làm. Ngài ước mong chúng ta có được những ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’ được cắm rễ trong Ngài.

Bài đọc Huấn Ca nói, “Xem trái thì biết cây thế nào, nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người thể ấy”. Mỗi người hãy đào tạo cho mình một tâm hồn tốt, một trái tim tốt, để có thể nói những lời tốt! Chúa Giêsu dạy, “Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện”. Lời tốt chỉ có thể phát xuất từ một tấm lòng tốt, “sẽ xây dựng và sinh ơn ích cho người nghe”; như thế, ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’ cũng chỉ xuất phát từ một trái tim thánh!

Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô kêu gọi chúng ta tiếp tục trổ sinh trái tốt trong những việc làm, “Anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng. Hãy biết rằng, công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa”. Công việc tốt lành của chúng ta có tác dụng siêu nhiên, là góp phần thánh hoá các linh hồn và làm vinh danh Chúa, Đấng đáng được ngợi khen và tán tạ, như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, thiện hảo thay việc ngợi khen Ngài!”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Cây tốt không sinh trái xấu!”; tích cực hơn, ngược lại, “Cây tốt, sinh trái tốt!”. Đây phải là mục tiêu của đời sống Kitô hữu! Khi nói “Cây tốt, sinh trái tốt”, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’; đó là một đời sống đâm rễ sâu trong Ngài, một đời sống luôn tiến đến việc nên thánh. Đây là một nguyên tắc tâm linh quan trọng! Ai trong chúng ta cũng muốn sống tốt, muốn tạo ra một sự khác biệt trong thế giới và trong cuộc sống người khác vì những điều tốt đẹp. Nhưng điều này sẽ được thực hiện thế nào? Câu trả lời là, không cần quá quan trọng, chỉ cần chúng ta thường xuyên chọn làm những việc tốt; đúng hơn, ở mức độ căn bản, chúng ta chọn nên thánh bằng việc nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày; và bằng cách ấy, chúng ta trở thành những “cây tốt”.

Muốn sinh trái tốt, tạo ra một sự khác biệt thánh thiện và tích cực, chúng ta chỉ cần ghi khắc một điều, ‘Tôi làm tốt mọi sự để nên thánh!”. Áp dụng hình ảnh Chúa Giêsu đưa ra, mỗi người hãy xem mình như một “cây tốt” được trồng trong đất tốt; rễ đâm sâu và toả rộng; thân được nuôi dưỡng và đắm mình trong ánh nắng mặt trời, để rồi, nhìn thấy bản thân ngày càng phát triển và thăng hoa. Đây là một cuộc sống của ân sủng và kết quả là, trái tốt sẽ tự động trổ ra; đó là ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’ nhuần thấm ân sủng!

Anh Chị em,

“Cây tốt, sinh trái tốt!”. Không có cây nào trên trần gian này tốt bằng cây mang tên “Giêsu”. “Cây Giêsu” cắm rễ sâu trong Thiên Chúa Ba Ngôi và toả rộng khắp cõi địa cầu. Hạnh phúc cho chúng ta khi được là cành của Ngài để có thể vươn xa tới những chân trời thế giới! Chính Chúa Giêsu đã nói, “Thầy là cây nho, các con là cành”; cành chỉ sinh hoa trái khi gắn liền với thân cây, và cành cũng chỉ sinh trái tốt khi chấp nhận ánh nắng của Lời sưởi ấm cũng như biết chịu khó để Lời cắt tỉa. Được như thế, ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’ sẽ sum suê, chín mọng, hứa hẹn một mùa bội thu ngay hôm nay, trên dương thế; và mai ngày, trên thiên đàng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con luôn trở nên một cây tốt, được ân sủng nuôi dưỡng, dám chịu cắt tỉa; hầu có thể trổ sinh ‘hoa trái thiêng liêng của một đời sống thánh khiết’ cho anh em con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 28/02: Khôn ngoan đích thực - Suy Niệm: Lm. Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
04:08 27/02/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói : “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.

Đó là lời Chúa
 
Tiếng Nói Con Người Và Công Trình Của Thiên Chúa
LM.Trương Đình Hiền
10:27 27/02/2022
Tiếng Nói Con Người Và “Công Trình Của Thiên Chúa”

(Chúa Nhật 8 TN C 2022)

Thế giới nói chung và đất nước Ucraina nói riêng đang có một “Chúa Nhật buồn”. Thật vậy, hôm nay, Chúa Nhật 27.2.2022, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Liên bang Nga được kích hoạt để xâm lăng đất nước Ucraina đã bước qua ngày thứ tư; và dĩ nhiên, cuộc chiến tranh với vũ khí hiện đại của một đại cường chắc chắn đã mang đến đau thương đổ vỡ không hề nhỏ cho những người dân vô tội. Và qua sự kiện “chiến tranh mang tính thảm họa” nầy, thế giới lại được “nghe những lời phát biểu” và được chứng kiến “những hành động” để biện minh !

Vâng, “lời nói’ và “hành động” cũng là chủ đề được Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay (8 TN C) lưu ý chúng ta.

Trước hết, trích đoạn Lời Chúa của Sách Huấn Ca mà tác giả chính là Ben Sira, một học giả Do Thái sống vào thế kỷ II trước Công Nguyên, đã lưu ý về “giá trị đích thực” của lời nói: “Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy.… Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy....”.

Khi chính thức kích hoạt chiến dịch quân sự đặc biệt để xâm lăng Ucraina, tống thống Putin đã có những lời hoa mỹ: “để phi quân sự hóa và phi phát-xít hóa Ucraina”, tuy nhiên, đằng sau những lời tuyên bố đó là hiện cảnh đây bi đát, như cách mô tả của giáo sư Chu Mộng Long trong bài thơ “Nói với Putin”:

Putin mày thấy chưa?

bom của mày đè nát lưng người già đang ôm trẻ

đạn của mày xuyên qua tim những đôi trai gái đang hôn nhau

xe tăng của mày uống máu tươi những đứa trẻ đang nô đùa

mày yêu hoà bình bằng cái lưỡi đầy máu tươi

mày tự vệ bằng cái răng nanh ngập thịt sống…

Dĩ nhiên, khi dạy những lời khôn ngoan trên, Ben Sira đã cảnh báo dân Israel đang bị văn hóa và não trạng Hy Lạp cám dỗ để chạy theo trào lưu thế tục, xa lìa thứ ngôn ngữ của Lời mạc khải, của sứ điệp khôn ngoan là giáo huấn Ngôn sứ… để bơi lội trong thứ ngôn ngữ chợ trời, ngoại giao môi mép và thương trường vụ lợi của thế tục. Cái thứ ngôn ngữ thế tục đi ngoài đường lối của Thiên Chúa chỉ dẫn đến những “quả độc”, những thứ “rác rến” làm ô nhiễm dân Chúa.

Xem ra lời cảnh báo của sách Huấn Ca vẫn “rất thời sự” trong bối cảnh nền “văn minh kỹ thuật số”, “văn hóa internet, điện thoại di động…” của thế giới chúng ta hôm nay, một thế giới đang ngập tràn thứ “ngôn ngữ rác rến”, đãi bôi, tục tĩu, dối trá, phĩnh gạt, chửi bới… Những người Kitô hữu hôm nay phải là chứng nhân của “tiếng nói chân thật, công chính”, phải là những “phát ngôn nhân” của những điều tốt lành, bình an, hy vọng.

Và còn hơn thế nữa ! Đằng sau những lời nói tốt lành phải là những hành động thiện lương, đạo đức, thánh thiện; và đó chính là giáo huấn của Đức Kitô nơi Tin Mừng Luca được trích đọc hôm nay: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.

Đằng sau những lời “Ta đến để chiên được sống và sống phong phú”, lập tức có bao nhiêu người mù được thấy, kẻ què được đi, người câm nói được, người điếc nghe được, những người phung cùi lành bệnh để lại hội nhập vào cuộc sống bình thường, những người tội lỗi như Maria Mađalêna, Giakê, người phụ nữ ngoại tình… bắt đầu cuộc đời mới, Lêvi bỏ bàn thu thuế đếm tiền để thanh thản ra đi làm tông đồ…; và sau hai ngàn năm, biết bao nhiêu thế hệ Kitô hữu, những thánh nhân… đã “sinh hoa quả phúc đức” và mang lại bao nhiêu phước hạnh cho con người muôn nơi muôn thuở !

Và để luôn giữ được sự “đoan chính” của lời nói cũng như hành động, Đức Kitô còn lưu ý chúng ta luôn “kiểm soát” chính lời nói và hành động của mình theo nguyên tắc mà các hiền nhân phương đông gọi là “tiên trách kỷ hậu trách nhân”; một cách ứng xử khiêm hạ được Đức Kitô minh họa như một dụ ngôn: “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi…”.

Sở dĩ thế giới hôm nay còn có quá nhiều “người mù lại dắt người mù” phải chăng vì con người luôn “lấy mình là thước đo cho chân lý”, lấy tư tưởng, ý thức hệ của chính mình làm chân lý vẹn toàn để bắt mọi người phải khuất phục. Và hệ quả của những “tên mù thế kỷ” như Nietzsche, như Max-Engels, như Lênin, như Stalin, như Mao Trạch Đông, như Polpốt…; và hôm nay, như Putin, cả thế giới đã đã sa xuống những “hố mù tăm tối” của chiến tranh, bạo lực, đau thương, đổ vỡ…

Thế nhưng, chỉ “lời nói” và “hành động” thôi chưa đủ ! Lời Chúa hôm nay còn đề nghị và cung ứng một giải pháp tối ưu, một con đường đích thực đó là “ân sủng”, là “ơn Chúa” mà thánh Phaolô qua thư gởi giáo đoàn Côrintô đã gọi là “cuộc chiến thắng của Đức Kitô” hay là “công trình của Thiên Chúa”: “Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cho nên, hỡi anh em thân mến, anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa”.

Cùng với việc đón nhận và thực thi sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho cuộc chiến vô nghĩa đang diễn ra trên đất nước Ucraina mau chấm dứt, cho những tiếng nói công lý và sự thật được lắng nghe và cho hoa quả của hòa bình yêu thương hiệp nhất sớm được trổ hoa và hiện thực… Amen.

LM.Trương Đình Hiền
 
Lễ Tro: Mùa Chay, Mùa Trở Về
LM. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:31 27/02/2022
Mùa Chay, Mùa Trở Về

Suy Niệm Thứ Tư Lễ Tro

(Mt 6, 1-6; 16-18)

Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta được nghe lại Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Giôen vang lên nghe thật tha thiết. Lời đầy yêu thương ấy phát xuất từ trái tim đầy của một Vì Thiên Chúa tình yêu kèm theo cánh tay mở rộng vẫy mời: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Ge 2,12). Phải chăng chúng ta lầm đường lạc lối làm phiền lòng Chúa và đã đi quá xa khiến Thiên Chúa xót thương cho thân phận con người vì tình yêu vấn vương tạo dựng mà cất lời kêu gọi con người trở về?

Biết bao lần, vì khô khan biếng trễ xưng tội, rước lễ, bỏ đọc kinh, lười đi nhà thờ, bỏ lễ Chúa Nhật, hay viện cớ bận rộn, thờ ơ mà thưa với Chúa : "Lạy Chúa, sau này con sẽ đến với Chúa, xin Chúa đợi con... Hôm nay con không thể, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm điều gì đó cho người khác". Và cứ thế, hết lần này, đến lần khác. Tuy nhiên, ngay bây giờ Chúa vẫn đang cất tiếng kêu gọi chúng ta "Hãy hết lòng trở về với Ta" (Ge 2,12). Trong đời sống thường này nơi dương thế, mỗi người chúng ta luôn có những việc phải làm và chúng ta có những lý do để thoái thác, nhưng hôm nay là lúc để trở về với Chúa.

Mùa Chay chúng ta bước vào đây không đơn thuần chỉ là ăn chay, cầu nguyện và làm phúc. Nhưng hơn thế nữa cần phải làm một cuộc kiểm duyệt lại đường đi cách sống của chúng ta trong tương quan với Chúa và tha nhân, ngay cả với chính bản thân mình nữa là trọng tâm của Mùa Chay. Chúng ta tự hỏi : lòng tôi đang hướng về đâu? Về Chúa hay quy về tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa, hay để được chú ý, khen ngợi, ưa thích, được chỗ nhất, v.v.? Tôi có tiến một bước, rồi lại lùi một bước không? Lúc tôi yêu Chúa và lúc khác tôi yêu thế gian.Tôi có hài lòng với thói đạo đức giả của mình không, hay tôi đang đấu tranh để giải thoát trái tim mình khỏi sự giả tạo và giả dối đang trói buộc tâm hồn tôi?

Mùa Chay là thời gian để giải thoát bản thân khỏi ảo ảnh đuổi theo cát bụi. Mùa Chay giúp chúng ta nhận ra rằng, chúng ta được tạo thành vì Chúa, chứ không phải vì thế gian; vì sự vĩnh cửu của thiên đàng, chứ không phải vì sự tạm thời trần thế; vì tự do của con cái Chúa, chứ không phải để làm nô lệ cho vạn vật.

Chủ đề sứ điệp Mùa Chay năm 2022 được lấy từ Thư Galát, đoạn 6, câu 9 và 10 công bố sáng hôm 24 tháng Hai, với chủ đề là : “Chúng ta đừng nản chí khi làm điều thiện; thực vậy, nếu chúng ta không nản lòng, khi đến giờ chúng ta sẽ gặt được gặt hái. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho tất cả mọi người” (x.PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay, 2022).

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu đáp lại ơn gọi trở thành những “cộng tác viên của Thiên Chúa” (1 Cr 3,9) bằng cách tận dụng thời hiện tại để gieo vãi qua việc làm điều thiện cho bản thân và tha nhân.

Dựa vào lời của thánh Phaolô tông đồ. Ngài nhận định rằng: “Trong cuộc sống chúng ta, quá nhiều khi sự tham lam và kiêu hãnh, ham muốn sở hữu, tích trữ và tiêu thụ, như người ngu dại trong dụ ngôn Tin mừng, nghĩ rằng cuộc đời mình được an toàn và hạnh phúc nhờ tích trữ đầy kho lẫm”(x. Lc 12,16-21). Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải, thay đổi não trạng, nhờ đó cuộc sống có sự thật và được đẹp đẽ không phải để sở hữu nhưng là cho đi, không phải để tích trữ cho bằng gieo vãi điều thiện và chia sẻ.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Chính khi gieo vãi để mưu ích cho tha nhân, chúng ta tham gia vào lòng đại đảm của Thiên Chúa… Sự gieo vãi mưu ích cho tha nhân giải thoát chúng ta khỏi những tiêu chuẩn hẹp hòi của lợi lộc bản thân và mang lại cho hành động của chúng ta sắc thái nhưng không, quảng đại, tháp nhập chúng ta vào chân trời tuyệt diệu của những kế hoạch từ nhân của Thiên Chúa” (x.PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay, 2022).

Đức Thanh Cha kêu gọi các tín hữu kiên trì cầu nguyện, loại trừ sự ác khỏi đời sống, siêng năng lãnh nhận Bí tích giao hòa đề cầu xin Chúa thứ tha, gia sức chống lại sự đam mê và ham muốn thúc đẩy chúng ta đi tới ích kỷ và mọi sự ác khác. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác con cái mình về sự nghiện ngập các phương tiện kỹ thuật số làm cho các tương quan giữa con người trở nên nghèo nàn. Ngài viết: “Mùa Chay là mùa thuận tiện để chống lại những cám dỗ vừa nói và vun trồng một sự đả thông toàn diện hơn với con người, bằng những cuộc gặp gỡ thực sự, diện đối diện” (x.PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay, 2022).

Sau cùng, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Nếu trọn cuộc sống của chúng ta là thời kỳ gieo vãi điều thiện, chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay để chăm sóc những người ở gần, trở nên gần gũi với những anh chị em bị thương tổn trên đường đời” (x. Lc 10,25-37). Mùa Chay là thời điểm thuận tiện để tìm kiếm, và không tránh né những người đang túng thiếu, cần được giúp đỡ, để gọi thăm chứ không làm ngơ đối với người cần được lắng nghe và mong được một lời nói tốt lành, để viếng thăm chứ không bỏ rơi người đang đau khổ vì cô đơn… Hãy dành thời giờ để yêu mến những người bé nhỏ nhất và không được bảo vệ, những người bị bỏ rơi và khinh rẻ, bị kỳ thị và gạt ra ngoài lề (x. Fratelli tuti, số 193).

Sống Mùa Chay với tình yêu, là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì chiến tranh và đại dịch. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.

Lạy Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse xin đồng hành với chúng con trong Mùa Chay Thánh này. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Chay Tịnh
Lm. Thái Nguyên
21:22 27/02/2022


CHAY TỊNH

Thứ Tư Lễ Tro: Mt 6, 1-6.16-18

Suy niệm

Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta nghe văng vẳng bên tai lời Chúa mời gọi: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Joel 2,12). Để thể hiện sự trở về một cách cụ thể, Chúa Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người Do Thái, đó là cầu nguyện, bố thí, ăn chay. Đây cũng là ba việc quan trọng thường xuyên của người Kitô hữu, chứ không phải đợi đến Mùa Chay mới làm. Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta quan tâm cách đặc biệt với tinh thần sám hối. Cầu nguyện là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa; Bố thí là làm mới lại tương quan với tha nhân; Ăn chay là làm mới lại tương quan với chính mình. Đây là ba chiều kích làm nên một đời sống thánh thiện của đời Kitô hữu.

- Điều quan trọng nhất là cầu nguyện. Cầu nguyện là những giây phút kết hiệp mật thiết với Chúa. Đỉnh cao của việc cầu nguyện là thánh lễ, sau đó là những giờ cầu nguyện riêng của ta trong ngày như sáng, tối, trưa, chiều, và được nối dài trong mọi giây phút của đời sống. Như thánh Phaolô nói: dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì, chúng ta cũng làm trong sự kết hợp với Chúa. “Cầu nguyện để học biết cách khước từ sự sùng bái thần tượng cũng như tự mãn về cái tôi của mình, đồng thời thú nhận rằng, chúng ta cần tới Thiên Chúa và Lòng thương xót của Ngài”. (Sứ điệp Mùa Chay 2019).

- Bố thí là chia sẻ tiền bạc, thời giờ, sức khỏe, tâm trí cho mọi người cần đến, nhất là những người nghèo khổ, một sự chia sẻ đầy yêu thương kính trọng, vì biết rằng đó là bổn phận của chúng ta là những anh chị em con cùng một Cha trên trời. “Chia sẻ bác ái để tự giải thoát khỏi tính ngông cuồng, khiến chúng ta chỉ sống cho mình, với ảo tưởng rằng mình sẽ có được một tương lai bảo đảm, trong khi tương lai đó không thuộc về chúng ta” (Sứ điệp Mùa Chay 2019). Chia sẻ bác ái đem lại cho chúng ta niềm an vui hy vọng, vì ngày phán xét, Chúa cũng dựa vào đó để quyết định về số phận mỗi người.

- Ăn chay là hãm dẹp và tiết chế những thỏa mãn đang bào mòn đời sống tâm hồn chúng ta. Theo thời gian, ta khó lòng mà tránh được tình trạng suy thoái, xuống cấp, và nhiều thứ hư hao khác trong đời sống tinh thần, ngoài ra còn chất thêm những bất đồng, mâu thuẫn với chính mình, dường như không còn là mình vì những lôi kéo chạy theo thế tục.“Ăn chay có nghĩa là học để thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác cũng như đối với mọi loài thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến” mọi thứ để thỏa mãn sự thèm muốn của mình, đến chỗ có khả năng hy sinh vì tình yêu, và khả năng lấp đầy sự trống rỗng của con tim chúng ta” (Sứ điệp Mùa Chay 2019). Nhờ vậy ta biết dâng hiến chính mình cho Chúa và tha nhân sâu xa hơn.

Cả ba việc cầu nguyện, bố thí, ăn chay đều có tương quan chặt chẽ với nhau, là ba trong một và cũng là một trong ba. Nghĩa là khi ta tha thiết yêu chuộng sự cầu nguyện thì tự nhiên trái tim ta cũng mở rộng ra với tha nhân, và càng quyết tâm chay tịnh để đổi mới đời sống mình. Khi làm tốt một việc, ta sẽ dễ làm hai việc còn lại hơn. Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là: nội tâm. Canh tân nội tâm vẫn là trọng tâm của Mùa Chay. Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là những hình thức bên ngoài.

Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay, không chỉ ăn chay hay giữ chay, mà là sống chay, nói lên một tinh thần chay tịnh, nghĩa là luôn biết hãm mình, nhẫn nhục, hy sinh, từ bỏ, không chỉ để gột rửa bản thân khỏi những hư hèn mà còn để biểu hiện một tình yêu cao độ, trong sự dâng hiến cho Thiên Chúa, như chính Đức Giêsu ngày xưa trong sa mạc 40 đêm ngày. Chính tình yêu đó đã khiến Đức Giêsu dấn thân hoàn toàn cho công việc cứu chuộc theo kế hoạch của Chúa Cha, thì cũng chính tình yêu đó khiến chúng ta dám sống thánh ý Chúa trong cuộc đời, và dấn thân cho sứ mạng Kitô hữu, để niềm vui ơn cứu độ lan tỏa đến mọi người xung quanh.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

Tôn giáo nào cũng nhắm đến ăn chay,

là điều cần để tu luyện bản thân,

vì môi trường và ích lợi tha nhân,

để nâng cao một đời sống tinh thần.

Chúa cũng đã ăn chay trong sa mạc,

để tâm hồn được thanh khiết an nhiên,

để cho mình được sáng suốt khôn ngoan,

theo ý Cha với tình mến vô vàn.

Đã có lần môn đệ gặp quỉ dữ,

nhưng các ông không đủ sức để trừ,

cuối cùng cũng không biết phải làm sao,

Chúa cho thấy phải ăn chay cầu nguyện.

Chúng con cũng ăn chay để nói lên,

một tấm lòng ăn năn và sám hối,

để tiết chế và diệt trừ tội lỗi,

nhưng ăn chay không chỉ có thế thôi,

vì Chúa đã mở ra một đường lối,

cho con thấy được ý nghĩa thâm sâu.

Cũng chính là mục đích rất nhiệm mầu,

là chính Chúa trung tâm cuộc sống mới,

là cuộc sống tin yêu rất cao vời,

nên con ăn chay là vì lòng mến Chúa,

để mong chờ ngày tái lâm giáng thế,

hưởng phúc quê trời thoát khỏi bến mê.

Có biết bao lôi cuốn và cám dỗ,

khiến đời con bị gió đẩy sóng xô,

thuyền đời cứ loay hoay không bến đỗ,

nếu con không chay tịnh dễ sa chìm.

Xin cho con một đời tìm kiếm Chúa,

đợi trông Ngài trong hy vọng bình an,

dù gian nan hay giăng mắc lầm than,

trong tin yêu con vẫn sống vững vàng. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thượng phụ Đại kết cầu nguyện cho linh hồn của những người thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine
Đặng Tự Do
04:26 27/02/2022


Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã chủ sự Phụng Vụ thánh tại Nhà thờ Tòa Thượng Phụ Constatinople ở Phanar.

Sau khi hoàn thành Phụng Vụ thánh, Đức Thượng phụ Đại kết đã cử hành Lễ Trisagion để tưởng nhớ linh hồn của những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và của tất cả các Kitô Hữu Chính thống giáo đã nghỉ yên sau nhiều thế kỷ bị bách hại.

Đức Tổng Giám Mục Eugenios của Crete, Đức Tổng Giám Mục Kyrillos của Ierapytni và Sitia, và Đức Tân Tổng Giám Mục Prodromos của Rethymno và Avlopotamos, đã cùng cầu nguyện, cùng với các giáo sĩ của Giáo hội ở Crete, Archons, các tín hữu của Constantinople và ở nước ngoài.

Sau đó, Đức Thượng Phụ đã hội đàm với các vị Tổng Giám Mục. Ngài chúc mừng Đức Tân Tổng Giám Mục Prodromos đã được bầu và chúc Đức Cha Prodromos đạt hiệu quả trong việc chăn dắt các linh hồn. Đức Thượng Phụ và các vị Tổng Giám Mục cũng đã bàn bạc về tình hình ở Ukraine và tương lai của Giáo Hội Chính Thống Giáo.

Vai trò của Giáo Hội Chính thống Nga, gọi tắt là ROC, hỗ trợ cho Putin trong một liên minh có qua có lại đang gây ra các thiệt hại nghiêm trọng cho sứ mệnh truyền giáo ở một đất nước đang phục hồi sau sự tàn phá kinh hoàng của chủ nghĩa vô thần.

Để đổi lấy sự hỗ trợ của Chính thống Nga, Putin cho ROC được đặc quyền nhập cảng thuốc lá mà không phải chịu thuế. Các nhà báo của các tờ báo Kommersant và Moskovskij Komsomolets đã cáo buộc Đức Thượng Phụ Kirill trục lợi và lạm dụng đặc quyền nhập khẩu thuốc lá miễn thuế được cấp cho Nhà thờ vào giữa những năm 1990 và gọi ông là “Thượng Phụ thuốc lá”.

Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga bị cáo buộc đã đóng vai trò là nhà cung cấp thuốc lá ngoại lớn nhất ở Nga. Lợi nhuận của hoạt động này được nhà xã hội học Nikolai Mitrokhin ước tính là 1.5 tỷ Mỹ Kim vào năm 2004 và 4 tỷ Mỹ Kim theo tờ The Moscow News vào năm 2006.

Tuy nhiên, tác giả Nathaniel Davis nói rằng “Không có bằng chứng nào cho thấy Đức Thượng Phụ Kirill đã thực sự dùng đến số tiền này cho mục đích cá nhân. Điều có nhiều khả năng hơn là lợi nhuận từ việc nhập khẩu thuốc lá đã được sử dụng cho các chi phí cấp bách, bức xúc của Giáo hội”. Đặc quyền nhập khẩu thuốc lá miễn thuế đã chấm dứt sau các chống đối.

Năm 2012, Đức Thượng Phụ Kirill lại bị cáo buộc đeo một chiếc đồng hồ Breguet của Thụy Sĩ trị giá hơn 20,000 bảng Anh, tức là khoảng 30,000 Mỹ Kim. Trong một cuộc phỏng vấn với Vladimir Solovyov, Thượng Phụ Kirill nói rằng ngài sở hữu một chiếc Breguet, trong số những món quà khác, nhưng ngài chưa bao giờ đeo nó. Liên quan đến một bức ảnh cho thấy ngài thực sự đã đeo một chiếc Breguet trong một buổi lễ, Thượng Phụ Kirill nói rằng “Tôi đang xem bức ảnh đó và đột nhiên tôi hiểu ra - đó là một bức ảnh ghép!”

Tất cả những rắc rối trong quá khứ, Đức Thượng Phụ Kirill có thể phủ nhận nhưng việc ngài không kiên quyết lên án chiến tranh, tách mình hoàn toàn khỏi Putin là điều rất khó chối cãi và tối hậu sẽ có những ảnh hưởng tai hại cho Kitô Giáo ở một đất nước đang phục hồi sau sự tàn phá kinh hoàng của chủ nghĩa vô thần.
Source:Orthodox Times
 
Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Ukraine nhận định: Ukraine và thế giới sẽ không quên những tội ác của Nga
Đặng Tự Do
04:28 27/02/2022


Hôm thứ Bẩy 26 tháng Hai, Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Chính Thống Giáo Ukraine vừa đưa ra một thông điệp gởi các tín hữu Chính Thống Giáo Ukraine. Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong ngày thứ ba của cuộc tấn công xâm lược của Nga, Ukraine đã thành công trong việc chống lại và bảo vệ tự do cũng như tương lai của mình khỏi chế độ chuyên chế mà Tổng thống Putin muốn gây ra cho chúng ta.

Chúng ta có thể tự hào rằng chúng ta với tư cách là một quốc gia đã đáp trả xứng đáng cho thử thách đối với sự trưởng thành về mặt tinh thần và quốc gia của chúng ta. Chúng ta đang bảo vệ không chỉ bản thân mà cả thế giới văn minh khỏi sự mê sảng đẫm máu của nhà lãnh đạo nước Nga.

Trong trận chiến này, những người con vĩ đại nhất của Ukraine đang hy sinh mạng sống của họ. Những công dân vô tội đang bị giết dưới tay của các lực lượng chiếm đóng.

Hôm nay vào ngày này khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng ta tưởng nhớ những người đã chết dưới tay của kẻ xâm lược. Nước Thiên đàng của Thiên Chúa, Ký ức Vĩnh cửu và Vinh quang đối với họ!

Ukraine và thế giới sẽ không quên những tội ác mà kẻ thù đã gây ra và tiếp tục gây ra. Sau chiến thắng của chúng ta, phải có tòa án quốc tế Neuremburg thứ 2 chống lại các thủ lĩnh ở Điện Cẩm Linh đã phạm tội ác chiến tranh và đã đặt nhân loại vào bờ vực của Chiến tranh thế giới thứ ba.

Trong suốt những ngày này, những lời cầu nguyện của chúng ta phải vang lên với sức mạnh to lớn hơn cho Ukraine, đó là những người bảo vệ, quân đội, chiến thắng và hòa bình! chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa chúc lành, hướng dẫn trí thông minh và quyết tâm kiên quyết cho Tổng thống Volodymyr Zelensky của chúng ta, ban lãnh đạo chính quyền quốc gia và địa phương của chúng ta, và cho tất cả những người mà trọng lượng lãnh đạo đang đặt lên vai họ trong thời kỳ đen tối này.

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các nhà ngoại giao, người dân Ukraine và bạn bè của chúng tôi trên khắp thế giới, những người đang làm việc không ngừng suốt ngày đêm để ngăn chặn kẻ xâm lược và trả lại hòa bình cho Ukraine. Hôm nay, đã có thêm các bước và lệnh trừng phạt được ban hành đối với Nga. Ngoài ra, viện trợ lớn hơn cho Ukraine cũng đã được đưa ra. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không dừng lại, nhưng hãy tiếp tục thêm các bước mới hơn và bổ sung cho đến khi kẻ xâm lược buộc phải dừng hoạt động tội phạm của nó.

Tôi kêu gọi các giáo sĩ của chúng ta: nếu có thể, hãy tổ chức việc đọc Thánh vịnh, kinh cầu Các Thánh, các giờ kinh Moleben – cầu cùng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Các Thánh Nam Nữ - cho những người bảo vệ của chúng ta và cho Ukraine. Đừng để lời cầu nguyện im lặng dù chỉ một phút. Ngoài ra, hãy giúp đỡ với sự quan tâm hơn nữa những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang của chúng ta, lực lượng bảo vệ lãnh thổ của chúng ta và các công dân của chúng ta để vượt qua những thời điểm này.

Một phần lãnh thổ Ukraine hiện đang bị kẻ thù chiếm đóng tạm thời. Vì vậy, tôi cho phép các giáo sĩ được hành động tùy theo tình huống: Nếu có thể xin hãy tiến hành các buổi thờ phượng. Nếu không, xin hãy thực hiện các nghĩa vụ mục vụ và cộng đồng theo những cách khác phù hợp.

Ngày mai, là Chúa Nhật Sự phán xét cuối cùng. Đây là lời nhắc nhở cho tất cả: không ai trốn tránh được trách nhiệm. Người công chính sẽ được giải thưởng, kẻ tội lỗi - sẽ phải chịu đau khổ vĩnh viễn. Chúng ta hãy chiến đấu, bởi vì sự thật đứng về phía chúng ta, Chúa sẽ ban cho chúng ta chiến thắng!

Tôi khẩn cầu những lời chúc phúc trên toàn thể Quốc gia Ukraine, các lực lượng vũ trang và Tổng thống của chúng ta!

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!

Lạy Thiên Chúa vĩ đại, vĩnh cửu! Xin bảo vệ chúng con, và Ukraine!

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm sau đã chấp nhận thống nhất trong Giáo Hội Chính Thống tân lập. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa coi Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập là ly giáo và cảnh cáo bất cứ Giáo Hội Chính Thống Giáo nào trên thế giới dám công nhận Giáo Hội mới này.

Hiện nay, ở Ukraine có hai Giáo Hội Chính Thống Giáo là Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine do Đức Thượng Phụ Epiphaniy lãnh đạo và một Giáo Hội Chính Thống Giáo khác trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Nếu Nga chiếm được Ukraine, hầu chắc là Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine do Đức Thượng Phụ Epiphaniy lãnh đạo sẽ bị xóa sổ.
Source:Orthodox Times
 
Đại sứ quán Ukraine cho biết: Đức Giáo Hoàng gọi điện cho tổng thống Ukraine
Đặng Tự Do
04:31 27/02/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, Đại sứ quán Ukraine cạnh Tòa thánh đã thông báo như trên qua Twitter vào ngày 26 tháng 2. Đức Thánh Cha đã “bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về những sự kiện bi thảm đang diễn ra” ở Quốc gia Đông Âu này.

Được I.MEDIA liên lạc, văn phòng báo chí Vatican xác nhận cuộc gọi đã diễn ra nhưng không cho biết chi tiết nội dung cuộc trò chuyện.

Cũng trên Twitter, Tổng thống Ukraine cảm ơn Đức Giáo Hoàng đã “cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và một lệnh ngừng bắn”.

Tổng thống nói thêm: “Người dân Ukraine cảm thấy sự ủng hộ tinh thần của Đức Giáo Hoàng,”

Hôm 29 tháng 6 năm ngoái 2021, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi điện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân dịp lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ. Hai vị đã thảo luận về cuộc xung đột đã xảy ra trong khu vực từ năm 2013. Hai vị cũng từng gặp nhau tại Vatican vào tháng 2 năm 2020.

Ông Zelensky là tổng thống người Do Thái đầu tiên của Ukraine.

Hôm 25 tháng 2, Đức Thánh Cha bảo đảm rằng ngài sẽ làm “mọi thứ trong khả năng của mình” để chấm dứt cuộc khủng hoảng, trong cuộc trò chuyện với Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần ủng hộ một giải pháp hòa bình trong cuộc xung đột hiện nay. Đặc biệt, gạt bỏ các giao thức ngoại giao sang một bên, ngài đã đích thân đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh vào ngày 25 tháng 2 để bày tỏ mối quan tâm của mình với cuộc chiến.
Source:Aleteia
 
Báo cáo của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc: Tehran đã bắt giữ hàng chục tín hữu Kitô trong năm 2021
Đặng Tự Do
05:23 27/02/2022


Từ tháng Giêng đến tháng 12 năm 2021, “ít nhất 53 Kitô hữu đã bị bắt giữ” chỉ vì “thực hành sự thờ phượng liên quan đến đức tin của họ”. Báo cáo của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Iran Javaid Rehman xác nhận các trường hợp vi phạm tự do tôn giáo lặp đi lặp lại, cũng ảnh hưởng đến các tín hữu Kitô giáo.

Trong một báo cáo được công bố cách đây vài ngày, trước phiên họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 1 tháng 4, Javaid Rehman nêu lên “lo ngại” về “sự đàn áp tiếp tục đối với các nhóm thiểu số tôn giáo”, bao gồm cả việc giam giữ tùy tiện.

Trong số các vi phạm có trong báo cáo của Liên Hợp Quốc là việc “buộc đóng cửa” các địa điểm cầu nguyện, đặc biệt là các nhà thờ tư gia, với lý do bị cáo buộc là vi phạm “an ninh quốc gia”. Rehman nhắc lại lời kêu gọi “trả tự do cho những người đã bị bắt giữ” chỉ vì thực hành “quyền tự do quan điểm, biểu đạt, lập hội và hội họp ôn hòa”.

Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng, trên thực tế, tuyên bố của chính phủ rằng 'các nhóm thiểu số được tôn trọng' và ‘các tín hữu Kitô, người Do Thái và các tín hữu Zoroast được tự do thực hành các nghi lễ của tôn giáo họ trên cơ sở Điều 13 của Hiến pháp’ đã không xảy ra trên thực tế.

Xác nhận thêm về các báo cáo lạm dụng và vi phạm tự do tôn giáo đến từ các nhà hoạt động trên Hiến Chương 18, một trang web chuyên ghi lại các vụ đàn áp ở các Cộng hòa Hồi giáo. Trong những ngày gần đây, một nhóm tín hữu Kitô, những người đã được tuyên bố trắng án vào tháng 11 năm ngoái vì tội vi phạm luật pháp và tuyên truyền chống nhà nước, đã bị buộc phải đi “cải tạo” bằng cách tham gia các lớp học và hội thảo do các chuyên gia Hồi giáo tổ chức.

Nhóm người Kitô giáo đến từ Dezful, ở phía tây đất nước, và được các nhân viên tình báo thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo liên lạc vào nửa đêm, yêu cầu họ phải trình diện vào sáng hôm sau.

Các nhà hoạt động giải thích “các buổi cải tạo” ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây đến mức chúng xuất hiện trong danh sách “các hình phạt khắc phục” trong các tài liệu chính thức của tòa án.
Source:Asia News
 
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan bày tỏ ‘mối quan tâm của tình huynh đệ’ đối với ‘Tiến Trình Công Nghị’ của Đức
J.B. Đặng Minh An dịch
05:25 27/02/2022


Hôm thứ Ba 22 tháng Hai, Chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã bày tỏ “mối quan tâm huynh đệ” về hướng đi của “Tiến Trình Công Nghị” trong một bức thư ngỏ có lời lẽ mạnh mẽ gửi cho chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức Georg Bätzing.

Trong bức thư gần 3,000 từ được công bố vào ngày 22 tháng 2 trên trang web của các giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki đã đặt câu hỏi liệu sáng kiến tập hợp các giám mục và giáo dân của Đức có bắt nguồn từ Phúc âm hay không.

Ngài nói: “Giáo Hội Công Giáo ở Đức có vai trò quan trọng trên bản đồ Âu Châu, và tôi biết rằng giáo hội này sẽ làm rạng rỡ đức tin hoặc sự bất tín của mình trên toàn lục địa”.

“Vì vậy, tôi nhìn với vẻ không hài lòng về các hành động của ‘Tiến Trình Công Nghị’ của Đức cho đến nay. Quan sát những thành quả của nó, người ta có thể có ấn tượng rằng Tin Mừng không phải lúc nào cũng là cơ sở để suy tư”.

Sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gądecki có khả năng làm tăng cường cuộc tranh luận về Tiến Trình Công Nghị Đức, một quá trình kéo dài nhiều năm giải quyết cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, đạo đức tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ ở Đức.

Tại một cuộc họp đầu tháng này, những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo văn bản kêu gọi cho phép các linh mục được kết hôn trong Giáo hội Latinh, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc phúc đồng tính và những thay đổi đối với giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái.

Tiến Trình Công Nghị này cũng đã phải đối mặt với sự chỉ trích ngay trong Giáo Hội Công Giáo Đức.

Các thành viên của một sáng kiến được gọi là “Khởi đầu mới” đã bày tỏ lo sợ vào đầu tháng này rằng quá trình này sẽ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa những người Công Giáo.

“Cuộc ly giáo tiếp theo trong Kitô giáo đang đến gần. Và nó sẽ lại đến từ Đức”, họ nói.

Nhưng Giám mục Bätzing đã nhiều lần bác bỏ những ý kiến cho rằng Tiến Trình Công Nghị sẽ dẫn đến ly giáo.

Trong lá thư của mình, Đức Tổng Giám Mục Gądecki đề cập đến các cuộc bỏ phiếu gần đây và kêu gọi Bätzing đừng chiều theo áp lực uốn nắn giáo huấn của Giáo hội cho phù hợp với dư luận.

Ngài viết: “Trung thành với giáo huấn của Giáo hội, chúng ta không nên khuất phục trước những áp lực của thế giới hoặc những khuôn mẫu của nền văn hóa thống trị vì điều này có thể dẫn đến sự băng hoại về đạo đức và tâm linh.”

“Chúng ta hãy tránh lặp lại những khẩu hiệu đã cũ và những đòi hỏi lặp đi lặp lại như bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, cho những người đã ly hôn và tái hôn dân sự được rước lễ, và chúc lành cho những người đồng tính luyến ái.”

Sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gądecki là rất quan trọng vì Ba Lan và Đức là hai nước láng giềng, có chung đường biên giới dài gần 480km.

Nhưng có những khác biệt nổi bật giữa Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan và Đức.

Hơn 90% dân số gần 38 triệu người của Ba Lan xưng mình là người Công Giáo, với 36.9% người Công Giáo thường xuyên tham dự Thánh lễ.

Khoảng 27% trong số 83 triệu dân số của Đức xác định mình là người Công Giáo, nhưng chỉ có 5.9% người Công Giáo tham dự Thánh lễ vào năm 2020. Hơn 220,000 người chính thức rời bỏ Giáo Hội Công Giáo vào năm đó.

Đức Tổng Giám Mục Gądecki nêu bật lịch sử chung của người Công Giáo Ba Lan và Đức, bao gồm quá trình hòa giải sau Chiến tranh thế giới thứ hai được hỗ trợ bởi vị Giáo Hoàng tương lai người Ba Lan Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y Stefan Wyszyński.

Đức Cha Gądecki, tổng giám mục của Poznań, miền tây Ba Lan nóiL “Ghi nhớ sự hiệp thông đức tin và lịch sử này giữa Ba Lan và Đức, tôi muốn bày tỏ sự quan tâm và lo lắng sâu sắc của mình về thông tin gần đây đã nhận được từ một số lĩnh vực của Giáo Hội Công Giáo ở Đức”.

“Vì vậy, với tinh thần bác ái Kitô, tôi xin phép ngỏ lời với ngài – đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức - bức thư này, đầy sự quan tâm của tình huynh đệ và trong tinh thần trách nhiệm chung đối với kho tàng đức tin tông đồ thánh thiện được Chúa Kitô giao phó cho chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng trong suốt lịch sử, các nhân vật hàng đầu đã cố gắng tái tạo lại Kitô giáo cho thời đại của họ thông qua một quá trình loại trừ.

Ngài trích dẫn Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, người đã sản xuất ra một phiên bản Kinh thánh loại bỏ những đoạn mà ông tin rằng không phải từ Chúa Giêsu, mà là từ “những Tông đồ thất học”.

“Tin chắc rằng mình có đủ tiêu chuẩn để phân biệt câu này với câu khác, ông ta đã quyết định kiểm duyệt Kinh Thánh. Bằng cách đó, một ngụy thư hiện đại đã được sáng tác mà theo tác giả của nó là hay hơn bản gốc.”

“Không thể loại trừ rằng proprium christianum – Kitô Giáo tinh túy - điều đặc trưng cho Kitô giáo - được thể hiện một cách chính xác trong những đoạn Kinh thánh khó hiểu nhất đã bị loại trừ vì sự kiểm duyệt của Jefferson”.

Đức Cha Gądecki nói rằng một cám dỗ khác mà Giáo hội ngày nay phải đối mặt là tìm cách cập nhật giáo huấn của Chúa Giêsu dựa trên những phát hiện mới nhất của tâm lý học và khoa học xã hội.

Đức Cha Gądecki chỉ trích tâm lý cho rằng: “Nếu điều gì đó trong Phúc âm không phù hợp với tình trạng kiến thức hiện tại trong các ngành khoa học này, thì các môn đệ, muốn cứu Thầy khỏi bị tổn hại trong mắt những người đương thời, hãy cố gắng cập nhật Phúc âm”.

“Sự cám dỗ để 'hiện đại hóa' các mối quan tâm cách riêng xảy ra trong lĩnh vực bản sắc tình dục. Tuy nhiên, người ta đã quên rằng trạng thái của tri thức khoa học thay đổi thường xuyên và đôi khi đột ngột”.

Ngài trích dẫn Đạo luật Nguồn gốc Quốc gia, nhằm hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ, được Quốc hội thông qua năm 1924.

Đức Cha Gądecki lưu ý: “Lý do chính của đạo luật này là niềm tin cho rằng các dân tộc như người Ý và người Ba Lan, thuộc các chủng tộc kém cỏi.”

“Ngoài ra, dựa trên kiến thức về thuyết ưu sinh, ước tính có khoảng 70,000 phụ nữ thuộc các dân tộc thiểu số đã bị cưỡng bức triệt sản ở Hoa Kỳ trong thế kỷ 20”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng lịch sử của tri thức khoa học được đánh dấu không chỉ bởi những “sai sót”, mà còn là những “ngụy biện tư tưởng”, và viện dẫn một nghiên cứu của nhà tình dục học Alfred C. Kinsey.

Ngài nói rằng những cuốn sách về tâm lý học và khoa học xã hội “được coi là không thể sai lầm” ngày nay sẽ bị các thế hệ tương lai “gạt sang một bên”.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm rằng những người Công Giáo ở Đức và cả ở Ba Lan, nên tránh sống với “một loại mặc cảm” về đức tin của họ.

Đức Tổng Giám Mục Gądecki nhìn nhận rằng một cuộc lìa bỏ đức tin của người Công Giáo và sự sụt giảm mạnh trong ơn gọi linh mục ở Đức đã thúc đẩy những lời kêu gọi nới lỏng luật độc thân linh mục.

Nhưng ngài nói rằng câu trả lời này có “nguy cơ của suy nghĩ công ty” không có đủ nhân viên, vì vậy chúng ta hãy hạ thấp tiêu chí tuyển dụng”.

Phát biểu về cuộc bỏ phiếu phong chức linh mục cho phụ nữ trong Tiến Trình Công Nghị Đức, Đức Tổng Giám Mục nói rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã “đưa ra lời chung cuộc cho vấn đề này” trong tông thư Ordinatio Sacerdotalis – nghĩa là Truyền chức linh mục - năm 1994, mà ngài nhấn mạnh rằng đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận.

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng những người tham gia trong Tiến Trình Công Nghị cũng ủng hộ một văn bản dự thảo kêu gọi điều mà ngài mô tả là một “thực hành sai lầm và tai tiếng trong việc chúc lành cho các mối quan hệ đồng tính”, cũng như “nỗ lực thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tội lỗi của các hành vi đồng tính.”

“Sách Giáo lý phân biệt rõ ràng giữa khuynh hướng đồng tính luyến ái và hành vi đồng tính luyến ái. Sách Giáo lý dạy mọi người tôn trọng người khác bất kể khuynh hướng của họ như thế nào, nhưng dứt khoát lên án những hành vi đồng tính là những hành vi chống lại tự nhiên.”

“Bất chấp sự phản đối kịch liệt, tẩy chay và không được ưa chuộng, Giáo Hội Công Giáo - trung thành với chân lý của Phúc âm và đồng thời được thúc đẩy bởi tình yêu đối với mỗi con người - không thể im lặng và dung túng cho viễn cảnh sai lầm này của con người, chứ đừng nói đến chuyện chúc phúc hay cổ vũ nó”.

Đề cập đến cuộc gặp gỡ gần đây với Giám Mục Bätzing ở Poznań, Đức Tổng Giám Mục Gądecki cho biết ngài hiểu rằng Giám Mục Bätzing “quan tâm sâu sắc” đến đàn cừu được giao phó cho mình, “và mong muốn không có con cừu nào trong số các con cừu đi lầm đường lạc bước”.

Ngài kết luận bằng cách trích dẫn thư của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho các tín hữu Êphêsô, trong đó thúc giục họ “mặc lấy áo giáp của Thiên Chúa” và “giữ vững lập trường của mình”.
Source:Catholic News Agency
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/2
Đặng Tự Do
08:08 27/02/2022


Chúa Nhật 27 tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 8 Mùa Quanh Năm. Bài Tin Mừng thuật lại biến cố Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hãy xét mình cẩn thận.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy tư về cách nhìn và cách nói. Cái nhìn của chúng ta và ngôn từ của chúng ta.

Trước hết là cái nhìn của chúng ta. Chúa nói, rủi ro mà chúng ta gặp phải là chúng ta tập trung nhìn vào cái rác trong mắt anh em mình mà không để ý đến cái xà của chính mình (x. Lc 6, 41). Nói cách khác, chúng ta rất chú ý đến lỗi lầm của người khác, ngay cả những lỗi nhỏ như một hạt bụi, thản nhiên coi nhẹ lỗi của mình, cho rằng chúng chẳng đáng chi. Điều Chúa Giêsu nói rất chí lý: chúng ta luôn tìm lý do để đổ lỗi cho người khác và biện minh cho chính mình. Và rất thường chúng ta phàn nàn về những điều sai trái trong xã hội, trong Giáo hội, trên thế giới, mà không tự vấn bản thân trước và không nỗ lực thay đổi bản thân trước. Mọi thay đổi tích cực, hiệu quả đều phải bắt đầu từ chính chúng ta. Nếu không, sẽ không có thay đổi. Chúa Giêsu giải thích, khi chỉ nhìn thấy lỗi của người khác, chúng ta nhìn một cách mù quáng. Và nếu chúng ta bị mù, chúng ta không thể tự nhận mình là người hướng dẫn và giảng dạy cho người khác: quả thật, Chúa nói một người mù không thể dẫn dắt một người mù khác (xem câu 39).

Anh chị em thân mến, Chúa mời gọi chúng ta thanh tẩy cái nhìn của mình, làm sạch ánh nhìn của chúng ta. Trước tiên, Ngài yêu cầu chúng ta nhìn vào bên trong bản thân để nhận ra những thất bại của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta không có khả năng nhìn thấy những khuyết điểm của chính mình, chúng ta sẽ luôn có xu hướng phóng đại những khuyết điểm của người khác. Trái lại, nếu chúng ta thừa nhận những sai lầm và khuyết điểm của chính mình, thì cánh cửa của lòng thương xót sẽ mở ra cho chúng ta. Và sau khi nhìn vào bên trong chính mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn người khác như cách Ngài làm - đây là bí quyết, hãy nhìn người khác như cách Chúa nhìn - trước tiên không phải nhìn vào điều ác, nhưng nhìn vào điều thiện. Thiên Chúa nhìn chúng ta theo cách này: Ngài không nhìn thấy những lỗi lầm không thể sửa chữa được trong chúng ta, nhưng như những đứa trẻ mắc lỗi. Đó là một sự thay đổi trong cách nhìn: Ngài không tập trung vào những sai lầm, mà tập trung vào những đứa trẻ mắc lỗi. Thiên Chúa luôn luôn phân biệt người đó với lỗi của người ấy. Ngài luôn cứu người. Ngài luôn tin tưởng vào con người và luôn sẵn sàng tha thứ cho những sai sót. Chúng ta biết rằng Chúa luôn tha thứ. Và Ngài mời gọi chúng ta cũng làm như vậy: đừng tìm điều ác nơi người khác, nhưng hãy tìm điều thiện.

Sau cách nhìn của chúng ta, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy ngẫm về ngôn từ của mình. Chúa giải thích rằng “lòng đầy miệng mới nói ra” (câu 45). Đúng thế, từ cách nói của một người, bạn có thể nói thẳng được điều gì trong lòng họ. Những từ ngữ chúng ta sử dụng nói lên chúng ta là ai. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta ít chú ý đến lời nói của mình và sử dụng chúng một cách hời hợt. Nhưng lời nói có sức nặng: chúng cho phép chúng ta bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, nói lên những nỗi sợ hãi mà chúng ta có và những kế hoạch chúng ta dự định thực hiện, để chúc tụng Chúa và tán dương những người khác. Tuy nhiên, thật không may, thông qua ngôn ngữ, chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng những định kiến, nâng cao rào cản, gây hại và thậm chí phá hủy; chúng ta có thể tiêu diệt anh em của mình bằng ngôn ngữ. Tin đồn làm tổn thương và vu khống có thể sắc hơn dao! Ngày nay, đặc biệt là trong thế giới kỹ thuật số, ngôn từ di chuyển nhanh chóng; nhưng có quá nhiều người trong số họ truyền tải sự tức giận và hung hăng, đưa ra những tin tức sai sự thật và lợi dụng nỗi sợ hãi của tập thể để tuyên truyền những ý tưởng xuyên tạc. Một nhà ngoại giao, người từng là Tổng thư ký Liên hợp quốc, nói rằng “'lạm dụng lời nói là khinh miệt con người' (D. HAMMARSKJÖLD, Waymarks, Magnano BI 1992, 131).

Như thế, chúng ta hãy tự hỏi mình loại ngôn từ nào chúng ta sử dụng: ngôn từ thể hiện sự quan tâm, tôn trọng, hiểu biết, gần gũi, lòng trắc ẩn hay những ngôn từ chủ yếu nhằm mục đích khiến chúng ta trông đẹp hơn trước mặt người khác? Và chúng ta nói nhẹ nhàng hay chúng ta làm ô nhiễm thế giới bằng cách gieo rắc nọc độc: chỉ trích, phàn nàn, gây hấn trên diện rộng?

Xin Đức Mẹ, Mẹ Maria, người mà Thiên Chúa đã nhìn đến lòng khiêm nhường của Mẹ, Đức Trinh Nữ của sự thinh lặng mà chúng ta đang cầu nguyện, giúp chúng ta thanh tẩy cái nhìn và lời nói của chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày gần đây, chúng ta đã bị chấn động bởi một thứ bi thảm: là chiến tranh. Chúng ta đã cầu nguyện hết lần này đến lần khác rằng người ta sẽ không chọn con đường này. Và xin chúng ta đừng ngừng nói; đúng thế, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa cách mãnh liệt hơn. Vì lý do này, tôi xin tiếp tục với lời mời gọi ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro, là một ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraine. Một ngày để gần gũi với những đau khổ của người dân Ukraine, để cảm thấy rằng tất cả chúng ta là anh chị em, và cầu xin Chúa kết thúc chiến tranh.

Những kẻ gây chiến đã quên đi tình nhân loại. Họ không bắt đầu từ nhân dân, họ không nhìn vào cuộc sống thực của người dân, mà đặt lợi ích đảng phái và quyền lực lên trên hết. Họ tin tưởng vào logic ma quỷ và sự biến thái của vũ khí, thứ xa cách với logic của Chúa nhất. Và họ xa cách với những người dân thường, những người muốn hòa bình, và những người bình thường - là nạn nhân thực sự trong mọi cuộc xung đột, những người phải trả giá cho những kẻ gây chiến tranh bằng chính làn da của mình. Tôi nghĩ đến những người già, đến những người tìm kiếm nơi nương tựa trong những thời điểm này, những bà mẹ chạy trốn cùng con cái của họ. Họ là những anh chị em, những người cần các hành lang nhân đạo mở ra cho họ và là những người phải được chào đón. Với trái tim tan nát bởi những gì đang xảy ra ở Ukraine - và chúng ta đừng quên những cuộc chiến ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Yemen, Syria, Ethiopia. Tôi xin nhắc lại: hãy bỏ vũ khí xuống! Thiên Chúa ở với những người tạo dựng hòa bình, không phải với những người sử dụng bạo lực. Bởi vì những người yêu chuộng hòa bình, như Hiến pháp Ý khẳng định, “hãy bác bỏ chiến tranh như một công cụ xâm lược chống lại tự do của các dân tộc khác và như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

Hôm qua, linh mục Gaetano Giménez Martín và mười lăm bạn đồng hành tử đạo, bị giết vì lòng thù hận đức tin trong cuộc đàn áp tôn giáo vào những năm 1930 ở Tây Ban Nha, đã được tuyên phong chân phước ở Granada, Tây Ban Nha. Ước gì chứng tá của những môn đệ anh hùng này của Chúa Kitô khơi dậy trong mọi người lòng khao khát phục vụ Tin Mừng với lòng trung thành và can đảm. Một tràng pháo tay cho các Chân phước mới!

Tôi xin chào đặc biệt các cô gái mừng sinh nhật thứ 15 của Panama, các sinh viên đại học trẻ từ giáo phận Porto, các tín hữu của Mérida-Badajoz và Madrid, Tây Ban Nha, những người đến từ Paris và Ba Lan, các nhóm từ Reggio Calabria, Sicilia và đơn vị mục vụ Alta Langa, xác nhận và từ Urgnano và những người trẻ tuổi từ Petosino, thuộc giáo phận Bergamo.

Một lời chào đặc biệt gửi đến những người đã đến nhân Ngày Bệnh Hiếm, diễn ra vào ngày mai. Tôi khuyến khích các Hiệp hội khác nhau dành cho người bệnh và gia đình của họ, cùng với các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực này. Tôi gần gũi với bạn! Tôi nhiệt liệt chào mừng các dân tộc có mặt ở đây ngày hôm nay. Và tôi thấy nhiều lá cờ Ukraine! Bằng tiếng Ukraine, Đức Thánh Cha nói: Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may lành, một bữa trưa ngon miệng và xin chào. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Source:Holy See Press Office
 
Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhận xét về chuyến đi sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Malta
Đặng Tự Do
16:11 27/02/2022
00:00:00 Đài Hiệu

“Malta và Địa Trung Hải đang trải qua một cuộc khủng hoảng về tình đoàn kết.” Đây là những lời mạnh mẽ của Đức Tổng Giám Mục Scicluna của Malta trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, trong đó ngài kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn từ Âu Châu để Biển này, nơi thường xuyên trở thành nghĩa địa, có thể trở thành một khu vực đồng trách nhiệm cụ thể.

Những lời này được đưa ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Florence, nơi sẽ quy tụ các thị trưởng và giám mục của khoảng 60 thành phố Địa Trung Hải, và một tháng trước chuyến tông du Malta của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đối với Đức Tổng Giám Mục Scicluna, “cam kết đối thoại là con đường dẫn chúng ta đến một vùng biển chung, hòa hợp và công lý,” đồng thời đòi hỏi “sự đồng trách nhiệm của mỗi người”.

Đức Giáo Hoàng sẽ thăm Malta trong hai ngày 2 và 3 tháng 4 năm 2022. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 36 của vị Giáo Hoàng 85 tuổi bên ngoài nước Ý kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh đảo quốc Malta đang kỷ niệm một ngày lễ đặc biệt, đó là vụ đắm tàu của Thánh Phaolô.

10 câu đầu tiên của Chương 28 sách Tông Đồ Công Vụ kể lại câu chuyện đắm tàu của Thánh Phaolô như sau:

Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Malta. Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. Ông Phaolô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống.” Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì. Họ cứ đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần.

Gần nơi ấy, có đồn điền của viên quan lớn nhất đảo, tên là Púpliô. Ông tiếp đón chúng tôi và niềm nở cho chúng tôi trú ngụ trong ba ngày. Có ông thân sinh ông Púpliô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phaolô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi. Thấy thế, các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với ông và được chữa lành. Họ trọng đãi chúng tôi, và khi chúng tôi xuống tàu, họ đã đem tới những gì chúng tôi cần dùng.

Đến thăm Malta, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đầu tiên trong năm 2022 bên ngoài nước Ý. Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm Malta sau hai chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 1990 và 2001, và Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2010.
Source:Vatican News
 
Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ bị giam cầm đến 9 tháng gần chết mới được thả
Đặng Tự Do
16:13 27/02/2022
00:00:00 Đài Hiệu

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Giám Mục của giáo phận Tân Hương (Xinxiang, 新乡) vừa được trả tự do vào ngày 21 tháng Hai sau 9 tháng mất tích. Ngài được trả về để điều trị bịnh ung thư.

Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) 63 tuổi, là giám mục giáo phận Tân Hương, thuộc tỉnh Hà Nam từ năm 1991. Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm nhưng không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận và điều này khiến ngài trở thành một tên “tội phạm”.

Đức Cha Trương và các linh mục của ngài đã bị bắt trong hai ngày 20 và 21 tháng 5 năm ngoái trong một chiến dịch cảnh sát quy mô có sự tham gia của 100 cảnh sát từ Thương Châu (Cangzhou, 沧州), Hà Gian (Hejian, 河间) và Sa Hà Cao (Shaheqiao, 沙河桥). 10 sinh viên đang theo học thần học trong một nhà máy được dùng làm chủng viện cũng bị bắt. Sau đó, ba sinh viên khác bỏ trốn được, cũng đã bị bắt. Tính đến chiều ngày 25 tháng 5, năm ngoái, tất cả các chủng sinh đã được thả về với gia đình của họ, sau khi bị đe nẹt, và bị cấm tiếp tục học thần học.

Tại Trung Quốc, Pháp lệnh tôn giáo mới chỉ cho phép các hoạt động tôn giáo, bao gồm cả các lớp thần học, diễn ra trong các cơ sở được bọn cầm quyền cho phép và kiểm soát. Các nhân viên tôn giáo chỉ có thể thực hiện các chức năng của mình nếu họ gia nhập Giáo hội quốc doanh độc lập với Tòa thánh, và phải phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thỏa thuận giữa Vatican và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không làm thay đổi bản chất của việc kiểm soát này: Tòa thánh đã ký thỏa thuận với bộ ngoại giao Trung Quốc. Nhưng hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc do Mặt trận Tổ quốc và Bộ Tôn giáo quản lý. Mọi thỏa thuận với bộ ngoại giao không có một chút ảnh hưởng nào đến tình hình cụ thể ở quốc gia này.

Vì lý do này, mặc dù Thỏa thuận công nhận Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, và do đó cũng là của Giáo hội Trung Quốc, nhưng điều này không dẫn đến bất kỳ hệ quả nào liên quan đến quyền tự do thờ phượng cho các cộng đồng địa phương. Ngược lại, sau Thỏa thuận, đã có sự gia tăng các cuộc đàn áp, đặc biệt là đối với các cộng đồng thầm lặng: có các giám mục bị quản thúc tại gia, chẳng hạn như Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国); có các giám mục đã bị cắt nước, điện và khí đốt, chẳng hạn như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进); có cả một Giám Mục phải ngủ đầu đường xó chợ, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì bọn cầm quyền cộng sản cấm không cho các tín hữu chứa chấp ngài. Đó là trường hợp của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民); và có cả các giám mục phải chịu học tập cải tạo để “tẩy não”, như trường hợp Đức Cha Trương Vĩ Trụ mà chúng tôi vừa nêu.

Việc giam giữ Đức Cha Trương - giống như nhiều nhân vật tôn giáo và phi tôn giáo khác - phủ bóng đen lên sự nhấn mạnh về tình bạn được tuyên bố trong Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, kết thúc ngày 20 tháng Hai. Khẩu hiệu của Trò chơi là “Cùng nhau vì một tương lai chung”.

Nhiều nhà quan sát quốc tế không tin rằng Trung Quốc muốn có một tương lai chung, mà chỉ là “sự khuất phục trước sức mạnh của họ”.

Từ quan điểm này, ngay cả Hiệp định Tạm thời giữa Trung Quốc và Tòa thánh dường như đã bị “phản bội”. Việc đàn áp người Công Giáo - đặc biệt là người Công Giáo thầm lặng - đã gia tăng kể từ sau hiệp định này

Ở Hà Nam, cuộc đàn áp được báo cáo là khốc liệt hơn các nơi khác vì người Công Giáo chiếm khoảng 4% dân số, một tỷ lệ cao hơn so với phần còn lại của đất nước. Giáo phận Tân Hương có 100,000 tín hữu.
Source:Asia News
 
Các Tông đồ có thiết lập Mùa Chay không?
Đặng Tự Do
16:14 27/02/2022
00:00:00 Đài Hiệu

Các nhà sử học không đồng ý về tuyên bố rằng Mùa Chay là do các Thánh Tông đồ thành lập, và chỉ ra nhiều quan điểm khác nhau trong Kitô giáo sơ khai.

Mặc dù có vẻ như Mùa Chay đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo, các sử gia vẫn tiếp tục tranh luận về việc liệu có phải chính các Thánh Tông đồ đã thiết lập Mùa Chay hay không.

Ví dụ, một cuốn sách đầu thế kỷ 20 có nhan đề “Một bài bình luận về Giáo huấn Công Giáo”, lập luận rằng các Thánh Tông đồ đã thiết lập Mùa Chay.

Nhiều Giáo phụ và Tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội nói rằng các Tông đồ ra lệnh rằng Lễ Phục sinh trọng thể phải được chuẩn bị trước bởi một thời gian chay tịnh phổ quát và để tưởng nhớ đến bốn mươi ngày của Chúa Kitô trong sa mạc, các ngài đã thiết lập Mùa Chay.

Tuy nhiên, đồng thời, các tác giả của cuốn sách cho rằng không có một hình thức thống nhất để cử hành Mùa Chay trong Giáo hội sơ khai.

Trước hết, không có một hình thức thống nhất trong việc cử hành Mùa Chay. Các tín hữu trong bốn mươi ngày đã tự mình chay tịnh và cầu nguyện theo gương Thầy của họ. Ban đầu, các tín hữu Kitô áp dụng cùng một phong tục ăn chay như đã được quy định trong Luật cũ, theo đó vào những ngày ăn chay, họ chỉ được ăn một bữa và sau khi mặt trời lặn.

Nhận định này được khẳng định thêm bởi Nicholas V. Russo trong một bài báo viết cho Đại học Baylor.

Tuy nhiên, việc kiểm tra kỹ hơn các nguồn cổ xưa cho thấy một sự phát triển lịch sử dần dần. Mặc dù việc nhịn ăn trước Lễ Phục sinh dường như đã có từ xưa và phổ biến, nhưng thời gian của việc nhịn ăn đó thay đổi đáng kể giữa các nơi và qua các thế hệ. Ví dụ, vào nửa sau của thế kỷ thứ hai, Thánh Irênê thành Lyons (ở Gaul) và Giáo Phụ Tertullian (ở Bắc Phi) cho chúng ta biết rằng thời gian chay tịnh chuẩn bị chỉ kéo dài một hoặc hai ngày, hoặc bốn mươi giờ - kỷ niệm chính xác thời gian Chúa Kitô nằm trong mộ.

Mãi cho đến Công đồng Nicê năm 325, thời gian Mùa Chay mới được ấn định là bốn mươi ngày.

Một phần lý do đằng sau sự tuân thủ khác nhau của Mùa Chay trong ba thế kỷ đầu tiên của Giáo hội là các Kitô hữu thường chỉ đơn giản là cố gắng sống sót và không bị giết. Sự bắt bớ lan rộng trong Đế quốc La Mã đã không cho phép các mùa phụng vụ phổ quát.

Mặc dù các Thánh Tông đồ có thể không thiết lập Mùa Chay như chúng ta biết hiện nay, nhưng có lẽ các ngài đã thực hiện một giai đoạn chuẩn bị ráo riết trước Lễ Phục sinh, theo gương Chúa Giêsu về việc chay tịnh và cầu nguyện.
Source:Aleteia
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
LM Thái Quốc Bảo, niềm tự hào của cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Mỹ
Đoan Trang/Người Việt
10:46 27/02/2022
GARDEN GROVE, California (NV) – “Việc tôi được đại diện cho đức cha của giáo phận chăm sóc và điều hành nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô là niềm vui chung của tất cả người Việt hải ngoại, của cộng đồng Công Giáo người Việt tại Orange County, và cũng là niềm tự hào, hãnh diện của bản thân tôi,” Linh Mục Thái Quốc Bảo nói tại buổi họp báo chiều Thứ Sáu, 25 Tháng Hai.

Buổi họp báo do Giáo Phận Orange tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa trong khuôn viên nhà thờ ở Garden Grove, nhân dịp linh mục được bổ nhiệm làm chánh xứ ngôi nhà thờ Công Giáo được coi là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất ở miền Tây Hoa Kỳ.

Giám Mục Nguyễn Thái Thành, Giám Mục Phụ Tá giáo phận và là giám mục gốc Việt duy nhất hiện nay ở Hoa Kỳ đồng tình.

“Việc Linh Mục Thái Quốc Bảo được bổ nhiệm làm chánh xứ nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô là niềm hãnh diện, không chỉ trong cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại địa phận Orange, mà còn cho tất cả người Việt trên toàn thế giới,” giám mục nói.

Về việc Linh Mục Thái Quốc Bảo được bổ nhiệm làm chánh xứ nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, Giám Mục Kevin Vann, giám mục giáo phận, bày tỏ niềm vui vì sau khi Linh Mục Christopher Smiths nghỉ hưu (vào ngày 1 Tháng Bảy, 2022) sẽ có một vị linh mục là người Việt, thay thế làm chánh xứ (rector).

Đây là lần đầu tiên một linh mục gốc Việt đảm nhận vai trò này tại giáo phận có đông giáo dân gốc Việt nhất hải ngoại, là nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô (hay còn gọi là Nhà Thờ Kiếng) – ngôi nhà tâm linh của giám mục Giáo Phận Orange và là trung tâm thờ phượng Công Giáo tầm cỡ quan trọng thuộc miền Tây Hoa Kỳ.

“Điều này nói lên sự trưởng thành về đức tin và đạo đức của người lãnh đạo cộng đồng Công Giáo Việt Nam,” Giám Mục Nguyễn Thái Thành cho biết. “Tôi xin chúc mừng Cha Bảo được giao chức vụ rất quan trọng tại giáo phận chúng ta.”

Giám Mục Thành cho biết thêm Linh Mục Bảo là người thông minh, giỏi về lãnh đạo, và là người có khả năng “giải hòa” rất tuyệt vời.

“Tôi cần điều này, và cộng đồng Công Giáo Việt Nam cần điều này, để cộng đồng chúng ta luôn có được sự hiệp nhất,” Giám Mục Thành nói.

Tại cuộc họp báo, Linh Mục Bảo chia sẻ về cuộc đời cá nhân mình.

Ông cho biết, gia đình ông không phải là người Công Giáo “gốc” mà chỉ mới theo đạo sau khi ông rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh” lúc 15 tuổi, do bị sốt xuất huyết, và lời thề của người mẹ, nếu ông được chữa lành, bà sẽ theo đạo.

Ông được cứu sống. Tuy vậy, ông chỉ chính thức học để trờ thành linh mục sau khi gia đình ông sang Mỹ định cư theo diện HO, sau khi người cha được ra tù Cộng Sản.

Nhiều thách thức trước mắt

Linh Mục Bảo giải thích về chức vụ chánh xứ tại nhà thờ Chính Tòa mà ông sẽ đảm nhận: “Rector còn gọi là cha chánh xứ, cha quản đốc, hoặc cha giám đốc. Có ba điều tôi phải thực hiện: Điều hành giáo xứ Chính Tòa lớn nhất của Orange County và có tầm cỡ quốc tế; giữ gìn, duy trì và phát triển đức tin mà Cha Christopher để lại; và thực hiện những ước mơ, dự kiến, dự định của Đức Cha Vann.”

“Là linh mục người Việt của giáo xứ Chính Tòa, dĩ nhiên tôi sẽ đem vào cộng đồng giáo xứ những gì có thể làm để thể hiện niềm tin Công Giáo, qua các chương trình sinh hoạt như Lòng Thương Xót Chúa mỗi Chúa Nhật, Thứ Hai mùa Phục Sinh, Lễ Các Thánh Tử Vì Đạo Nước Việt Nam, Thánh Lễ tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang mỗi Thứ Bảy đầu tháng, chương trình liên hoan nhạc Thánh Ca Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán cổ truyền, và nhiều chương trình phong phú khác,” vị linh mục nói.

Cuộc họp báo để công bố quyết định của Giám Mục Kevin Vann diễn ra rất nhanh. Sau đó, Linh Mục Thái Quốc Bảo dành thời gian để trả lời phỏng vấn riêng với các cơ quan báo chí.

Linh Đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa – lần đầu tiên sẽ đón tiếp mọi người từ các nơi về tham dự Đại Hội Thánh Mẫu La Vang vào Tháng Bảy. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Chia sẻ với nhật báo Người Việt, Linh Mục Bảo cho biết từ nay đến ngày chính thức nhậm chức sẽ có nhiều việc phải làm, như chuyển giao công việc ở giáo xứ Thánh Cecilia mà ông đang làm quản xứ cho Linh Mục Khởi Phan (hiện đang là phó giáo xứ Westminster) sẽ nhận nhiệm vụ thay thế, học việc tại giáo xứ Chính Tòa, nhận bàn giao công việc từ Linh Mục Christopher Smiths, và đặc biệt là cùng Giám Mục Thành tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu, lần đầu tiên tại Orange County.

“Sự kiện lớn này lần đầu tiên được tổ chức tại cộng đồng Công Giáo có rất đông người Việt, sẽ quy tụ quý ông bà anh chị em từ khắp nơi trở về để cùng nhau thấy được sự lớn mạnh và phát triển niềm tin tôn giáo,” Linh Mục Bảo nói.

Đại Hội Thánh Mẫu La Vang sẽ được tổ chức tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa, trong hai ngày 1 và 2 Tháng Bảy năm nay.

Về các chương trình cho giới trẻ trong tương lai, mà ông là người rất quan tâm, như “Life Teen Mass,” Linh Mục Bảo cho biết: “Ngay trong ngày Đại Hội Thánh Mẫu vào Tháng Bảy tới, chúng ta sẽ có chương trình riêng, đặc biệt cho giới trẻ. Vì thế, quý ông bà anh chị em hãy kêu gọi con cháu đến tham gia vào ngày đó nhé.”

“Trong tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều chương trình phong phú hơn tổ chức tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang mà chúng tôi sẽ mời các bạn trẻ đến tham dự,” linh mục nói tiếp.

Bật mí sở thích cá nhân

Linh Mục Bảo cũng chia sẻ với nhật báo Người Việt về sở thích cá nhân của mình là “ăn và ngủ.”

“Tôi thích tất cả các món ăn Việt, đặc biệt là phở. Làm việc nhiều, nên tôi hơi thiếu ngủ, và vì thế rất… thèm ngủ. Ngoài ra, tôi thích xem phim Mỹ,” Linh Mục Bảo nói.

“Bật mí điều này nhé, từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ xem phim Việt Nam, nhưng trong mấy tháng đầu của năm 2020, vì đại dịch COVID-19, không có gì làm, nên tôi lên mạng xem phim của miền Bắc, miền Nam Việt Nam. Thích lắm, vì có nhiều phim hay,” ông nói thêm.

Vị tân chánh xứ nhà thờ Chính Tòa kêu gọi: “Xin mọi người cầu nguyện cho tôi và tất cả mọi người bốn phương. Xin Thượng Đế chúc lành cho người Việt của chúng ta ở khắp mọi nơi. Chúng ta tự hào mình là người Việt và tiếp tục làm những điều rạng danh giống nòi Việt.” [đ.d.]

 
Văn Hóa
Blondel, triết gia hành động, mở đường dẫn tới khuynh hướng canh tân của Vatican II
Vũ Văn An
21:51 27/02/2022

I.Cuộc đời và sự nghiệp

Maurice Blondel sinh ra ở Dijon ngày 2 tháng 11 năm 1861. Ông thuộc một gia đình rất lâu đời của Burgundy, một gia đình đã cho đất nước nhiều công chứng viên, bác sĩ, sĩ quan, nhưng chưa bao giờ có giáo sư: Theo Jean Guitton, người đã dành cho ông một cáo phó trong niên bạ của École Normale Supérieure [Trường Cao đẳng Sư phạm], nghề này chưa bao giờ được tưởng nghĩ ở đó. Ông sống ở Dijon trong một ngôi nhà lịch sử, được bao quanh bởi bóng râm, hòa bình và tình âu yếm. Ông từng nghĩ đến việc trở thành linh mục nhưng sau một cuộc cấm phòng, ông đã quyết định chọn cách sống ngoài thế gian; đối với ông điều này hàm nghĩa vừa kết hôn vừa trở thành một giáo sư Đại học. Gia đình ông hay đi nghỉ ở nhà nghỉ riêng tại Saint-Seine-sur-Vingeanne, gần Dijon.



Ở đó, Blondel khám phá ra cả phụng vụ lẫn nông thôn. Ông biết côn trùng và sự biến thái của chúng, cũng như sau này ở Provence, ông sẽ yêu ve sầu và các loài cây cỏ. Tình yêu thiên nhiên sớm sủa này ghi dấu ấn sâu đậm nơi ông, đồng thời phú bẩm nơi ông như cùng một lúc cả những chuyển động của chủ nghĩa hiện thực lẫn chủ nghĩa tượng trưng, nghĩa là, của thi ca. Chính tại cơ sở này ở Saint-Seine, trong hai năm ẩn dật và im lặng, một mình trong một căn phòng trên tầng hai, trước cảnh rừng và đồng cỏ được tưới mát bởi dòng sông Vingeanne êm đềm, ông liên tiếp viết nhiều bản thảo khác nhau cho luận án của mình, dưới tên L’Action, luận án được ông bảo vệ năm 1893; lý do: thoạt đầu ông muốn viết một luận án có tính hộ giáo, nhưng sau đó, từ từ ông đã ngả theo các đòi hỏi nghiêm ngặt của khoa triết học hơn. Trước đó, Blondel học tại Trung học ở Dijon. Giáo sư triết của ông là Alexis Bertrand, người khai tâm ông về Leibniz, người mà ông sẽ cống hiến luận án tiếng Latinh của mình. Tại trường đại học, ông lấy bằng Cử nhân Văn chương và Cử nhân Luật. Đặc biệt nhờ Henri Joly, ông đã có thể đào sâu kiến thức của mình về Leibniz. Sau đó, ông tự chuẩn bị để thi vào Truờng Cao đẳng Sư phạm, nơi ông được nhận năm 1881. Ông học ở đó cho đến năm 1885. Sau khi đậu thạc sĩ, ông đã lần lượt giảng dạy tại các trường trung học Chaumont, Montauban và Aix-en-Provence. Năm 1889, ông xin nghỉ phép để chuẩn bị luận án sẽ làm ông nổi tiếng. Nhưng tại thời điểm đó, ông được chấp nhận nhưng không được hiểu rõ. Ngoài ra, trong hai năm, ông bị từ chối một chức vụ giảng dạy cao đẳng, lấy cớ rằng các kết luận của ông có tính chất Kitô giáo và do đó thiếu lý lẽ do chính việc lồng tôn giáo mạc khải vào một lĩnh vực trong đó một mình lý lẽ phải nổi bật. Nhưng sự hiểu lầm kép này đối với phương pháp của ông cũng như mục tiêu của ông cuối cùng đã tan biến. Tháng 4 năm 1895, ông được bổ nhiệm vào Đại học Lille, sau đó, tháng 12 năm 1896, vào Đại Học Aix, nơi ông giảng dạy cho đến năm 1927, là một trong những bậc thầy hiếm hoi không những chỉ có sinh viên, mà còn có nhiều đệ tử nữa. Đến lúc nghỉ hưu sớm do bệnh tật bắt buộc, đặc biệt ông gần như mù và ngày càng điếc, ông ở lại Aix cho đến khi qua đời vào ngày ngày 4 tháng 6 năm 1949. Vì vậy, ông đáng được gọi là triết gia vùng Aix.

Mặc dù ông chỉ được nhận thi thạc sĩ lần vận động thứ ba, nhưng những năm tháng của ông tại Trường Cao đẳng Sư phạm đặc biệt thành công. Hai giáo sư đặc biệt ảnh hưởng đến ông, trước tiên là Boutroux, người không chỉ bằng lòng dạy triết học và lịch sử triết học cho ông, mà còn dành cho ông một chỗ dựa không bao giờ dao động. Vị này là chủ tịch chấm luận án của ông và tập hợp các đồng nghiệp của mình cùng một lúc với việc buộc ông phải làm lại một kết luận không được hoan nghênh. Sau đó, vị này còn giúp ông vào ngành giáo dục cao đẳng, nhờ anh họ của mình, vốn là bộ trưởng Bộ Giáo dục Công cộng tên là Raymond Poincaré. Sau đó là Ollé-Laprune, tác giả cuốn Certitude morale [Sự chắc chắn luân lý], người dạy ông rằng "đời sống tinh thần luôn liên đới với đời sống hữu thể”. Trong một nhận định dành cho vị này, ông cho thấy vị này đã mang đến cho ông một sứ điệp chưa từng thấy, nhất là trong thời đại của chủ nghĩa duy nghiệm và duy khoa học. "Trong triết học, có lẽ ông là người đầu tiên đã quan niệm và thực hành hữu hiệu, đã làm ta lưu ý đến điều chính yếu chưa từng thấy. Đề xuất hành động một cách hữu hiệu, thực tại vô giá của nó trong mạng lưới suy nghĩ sống động, điều này có vẻ như không có gì, nhưng không ai đã thực sự làm điều đó trước đây". Như vậy, nếu Blondel nghĩ ra một luận án về Hành động, điều này một phần là nhờ Léon Ollé-Laprune, mặc dù nguồn cảm hứng chủ yếu phát xuất từ chính ông.

Sau luận án quan trọng và khó khăn trên, Blondel được dẫn dắt để giải thích và bảo vệ nó bằng nhiều bài báo khác nhau và có lẽ trên hết bằng những bức thư đáng ngưỡng mộ mà gần đây đã được công bố. Về phía Công Giáo, đôi khi ông bị buộc tội hợp lý hóa Kitô giáo, bằng cách biến nó thành một thứ triết lý; về phía đại học, ngược lại ông bị buộc tội coi thường quyền tự chủ của triết học, bằng cách biến nó thành tôn giáo. Nhưng ông cũng tìm thấy nhiều người bênh vực. Brunschvicg, khởi đầu là một đối thủ, sau đó không lâu bị chinh phục, nhận ra sự nghiêm ngặt hoàn toàn thuận lý trong công trình của ông nên đã trở thành bạn của ông. Các người Công Giáo cũng đã làm như vậy, như các học trò cũ của ông, Đức Cha Mulla và Cha Auguste Valensin, như Cha Wehrlé và nhất là, nhờ việc đọc L’Action, một cha dòng Oratorie, tức Cha Laberthonnière, đã trở thành người mà ông từng cộng tác mật thiết trong 30 năm, trước khi sự khác biệt của họ trở nên rõ rệt, đặc biệt là vì tính khí và phương pháp. Vốn là một linh hồn bừng lửa, Laberthonnière muốn giải thoát các hàm ý siêu hình khỏi Kitô giáo: viện dẫn một sự đối lập triệt để giữa chủ nghĩa duy tâm Hy Lạp và chủ nghĩa hiện thực Kitô giáo, ngài say mê tố cáo sự xâm nhập của ngoại giáo vào bên trong đạo Công Giáo. Đối với ngài, chủ nghĩa Tôma là sự pha trộn đó giữa Kitô giáo và ngoại giáo mà ngài vốn ghê tởm. Ngài nói, "Thiên Chúa của Aristốt, Đấng chỉ suy tưởng các ý nghĩ riêng của mình và phớt lờ thế giới, là hợp luận lý nhưng vô luân, Thiên Chúa của Kitô giáo vừa hợp luận lý vừa hợp luân lý; trộn lẫn cả hai, Thiên Chúa của trường phái Tôma vừa không hợp luận lý vừa không hợp luân lý, nó thực sự là quái vật». Để giải thích các khác biệt của họ, một ngày kia, ngài đã viết cho Blondel: "Ông đã chinh phục được Kitô giáo chống lại những người vô thần ở Sorbonne trong khi tôi phải chinh phục Kitô giáo của tôi chống những người vô thần của thần học”. Quả là một công thức phóng đại trong cả hai trường hợp - và đặc biệt là trong trường hợp đầu! Đòi hỏi nhiều hơn trong vấn đề siêu hình, kỹ thuật nhiều hơn về triết học, Blondel dần dần khám phá ra những mặt đối lập mà việc bênh vực chung trước đó đã khám phá ra. Chính trong Annales de philosophie chrétienne [Biên niên sử Triết học Kitô giáo] được ông xuất bản năm 1896, mà lá thư quan trọng về các đòi hỏi cấp thiết của tư tưởng hiện đại trong vấn đề hộ giáo và về phương pháp triết học trong nghiên cứu vấn đề tôn giáo, một vấn đề, hơn cả cuốn l’Action, đã khơi lên các tranh cãi mãnh liệt, chỉ dịu đi một thời gian ngắn trước khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Chính trên một tạp chí khác, La Quinzaine, ông đã cho công bố Histoire et dogme [Lịch sử và tín điều], là cuốn, cùng với cuốn l’ActionLá Thư vừa nói, tạo thành một tổng thể, trong đó ba trước tác soi sáng cho nhau và phát xuất từ cùng một chuyển động tinh thần.

Người ta gần như có thể ấn định thời điểm này làm thời điểm kết thúc điều Henri Gouhier gọi là thời kỳ đầu tiên của Blondel. Chán nản trước các hiểu lầm đa dạng và các cuộc tấn công vừa mãnh liệt vừa thiếu thông minh, phần nào Blondel muốn rút lui khỏi cuộc chiến và ông gia tăng các bài viết theo tình hình: các bài báo nói tới lịch sử triết học về Pascal, Descartes, Malebranche và các bài trình bày cuộc hành trình triết học của mình cho Frédéric Lefèvre, các tác phẩm về Triết học Kitô giáo, v.v. Chắc chắn không phải là không còn gì để nói, cuốn L’Action, đối với ông, chưa bao giờ chỉ là một thứ dẫn nhập. Cũng không phải chỉ là một học thuyết đã được vạch rõ, nhưng nó còn cung ứng một cách để làm triết học. Người ta thậm chí còn có thể nói một cách khá chính đáng rằng ông đã dùng hạn từ Action [Hành động] theo cùng một nghĩa như nhiều người sau đó không lâu sử dụng hạn từ existence [hiện sinh].

Và cách làm triết lý trên ông muốn áp dụng vào mọi vấn đề triết học truyền thống, từ hữu thể và tư tưởng đến tôn giáo. Nhưng vì điều này, ông đã phải suy nghĩ lại công trình thời trẻ của mình và đi lùi đủ để cuối cùng có thể thử nghiệm một tổng hợp toàn bộ. Việc rút lui của ông không phải là một sự bỏ cuộc. Chính vào khoảng thời gian này, ông nói với học trò cũ của mình, Đức Cha Mulla, rằng: “Tôi gần như là người chưa được ai nói tới». Một cách minh nhiên hơn, ngày 4 tháng 3 năm 1915, ông viết cho người thông dịch xuất sắc và là người bạn Paul Archambault của ông: "Cuốn L’Action không phải là một triết lý toàn bộ. Nó chỉ xuất hiện với tôi như một chương của một học thuyết tổng quát mà trước tiên phải giả định một sự thống nhất thường hằng, một tính tức thời nguyên thủy, một chủ nghĩa hiện thực nguyên khởi, nhưng là một sự thống nhất mặc nhiên, một sự thống nhất, nhờ chính sự tiến bộ của đời sống và suy nghĩ, sẽ tự phân tích trong một tam thể (trinité) thực sự gồm suy nghĩ, hành động và hiện hữu, trước khi đạt đến sự kết hợp cuối cùng và minh nhiên». Tam thể này ông sẽ dành gần hai mươi năm để viết ra.

Tháng 12 năm 1934 bắt đầu giai đoạn thứ ba với việc ra đời tập đầu tiên của La Pensée: tác giả đã 73 tuổi nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu. Từ năm 1934 đến năm 1937, xuất hiện 5 tập của bộ ba: La Pensée [Tư tưởng] (2 quyển), L’Être [Hữu thể] (1 quyển, kiệt tác của loạt sách mới), L’Action (tái bản thành 2 tập từ cuốn L’Action cũ).

Cuối cùng là việc xuất bản vào năm 1944 và 1946 gồm hai tập (cuốn thứ 3 sẽ không được viết) của bộ La Philosophie et l’Esprit Chrétien [Triết học và Tinh thần Kitô giáo] hoàn tất bộ ba bằng cách biến nó thành bộ bốn. Việc phân tích ba chiều về suy nghĩ, hiện hữu và hành động đã cùng một lúc thiết lập cả ý chí và nỗ lực của con người để tự hoàn thiện và hoàn thành lẫn sự bất lực trong đó chính họ phải tự thể hiện mình trọn vẹn. Khi suy nghĩ, hữu thể và ý chí đều kiệt quệ, thì chính họ không bị kiệt quệ: họ vẫn còn một sức mạnh chưa được sử dụng. Như thế, trong mỗi con người đều có một nhu cầu siêu nhiên, không hẳn dưới hình thức thoát khỏi quan sát tâm lý hoặc thậm chí luân lý, nhưng được bao bọc trong tính năng động tâm linh. Chắc chắn đây không phải là việc chuyển từ mong muốn này sang thực tại đối tượng của nó. Triết lý chỉ có thể chứng minh là trong nó có một khoảng chân không và một lời kêu gọi đừng cố gắng làm đầy nó bằng chính sức lực riêng của mình. Giả thuyết cho rằng con người có thể được hoàn thành từ bên ngoài, nghĩa là bởi một người khác không phải chính họ, tóm lại là giả thuyết siêu nhiên, là một giả thuyết mà triết học dẫn đến, nhưng nó không thể chứng minh. Nó chỉ có thể nói rằng một tôn giáo chỉ có thể là chân chính nếu nó có nguồn gốc siêu nhiên. Trong trường hợp một thực tại như vậy xuất hiện trong lịch sử, triết học vẫn không hẳn có nhiệm vụ phải chọn nó mà là xem xét liệu nó có đáp ứng các yêu cầu của một khoa phê bình tiên quyết hay không thôi. Đây là đối tượng của những cuốn sách mới nhất về tinh thần Kitô giáo. Chúng giải đáp ý hướng đầu tiên của nhà triết học và hoàn thành con đường của ông bằng cách soi sáng nó.

Như thế, từ L’Action đến l’Esprit Chrétien, Blondel có những ý định khác nhau. Người ta chỉ tiếc rằng giải thích cuối cùng và cần thiết của ông đến quá trễ: các nhà phê bình đã không thành công trong việc làm ông đi chệch khỏi đường hướng của ông, nhưng họ đã làm cho những bước cuối ra vụng về và do dự. Lớn tuổi và bệnh tật, ông không còn biết cách tìm thấy trong bộ bốn đà đẩy của tuổi trẻ nữa. Lo sợ các phản đối, ông thường nghĩ đến việc ngăn cản chúng hơn là khai triển tư tưởng của mình, điều này mang lại cho văn phong của ông cả yếu tố thận trọng lẫn thương tổn khiến việc đọc chúng khá nặng nề. Nhưng người ta không thể nói tới thứ triết học thứ hai. Thậm chí, chúng ta có quyền nghĩ rằng dù có nhiều lỗi lầm, bộ bốn của ông vẫn là một tác phẩm chính của suy tư triết học mọi thời. Không có nó, người ta có nguy cơ hiểu lầm Blondel - và những hiểu lầm tiếp sau l’ActionLá Thư đủ chứng minh điều đó. Do đó, cần phải nhấn mạnh tới tính thống nhất trong dự án của Blondel. Đối với ông, cuộc sống của con người là "Siêu hình học trong hành động". Nhưng siêu hình học này chỉ có thể được minh giải bằng một cố gắng nghiêm ngặt và khổ hạnh cùng một lúc. Nỗ lực này, một nỗ lực luôn luôn dang dở, bởi vì việc suy tư không bao giờ có thể múc cạn hoạt động tự phát và không suy nghĩ, tức trải nghiệm sống như người ta thường nói ngày nay, cũng chính là triết học. Do đó, mà có kế sách của Blondel dành tư thế siêu hình học cho l’Action. Như Duméry từng nói, nhờ tái tích hợp hành động vào nghiên cứu triết học, hành động hữu hiệu là hành động nhập thân các ý định của người ta và làm cho chúng hiển hiện đồng thời hữu hiệu, ông đã mở rộng phạm vi triết học: ông đã làm cho ý thức triết học truy cập cả một toàn bộ lĩnh vực kinh nghiệm vốn ẩn khuất đối với nó. Nhưng nếu ông chọn hành động thì đó là vì những lý do còn sâu sắc hơn và liên quan đến hữu thể thân thiết nhất của mình, đến điều vốn là nền linh đạo chủ yếu của ông ngay cả trước khi ông học cách suy tư về nó. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng hành động, theo nghĩa của Blondel, trong căn bản, là điều người hiện đại gọi là hiện sinh. Và nếu Blondel lần đầu tiên lấy hiện sinh cụ thể chứ không phải tư tưởng trừu tượng làm đối tượng cho suy tư, thì chính vì mục tiêu tối hậu được ông theo đuổi. Đó là khám phá nhu cầu siêu nhiên từ tận đáy lòng con người. Nhưng người ta không thể làm cho ý niệm siêu nhiên xuất hiện từ việc phân tích ý niệm tự nhiên, cho dù đó là bản nhiên của con người.

Cách duy nhất có thể có là nhờ một phân tích phi tâm lý nhưng phản tỉnh, khám phá ra luận lý học của hành động và cập nhật điều nó không hề khẳng định cách minh nhiên, nhưng điều nó ngụ ý. Do đó, phương pháp sẽ chính là phương pháp biện chứng của các hàm ý. Blondel trước nhất chỉ là một triết gia về hành động vì trong yếu tính, ông muốn trở thành một triết gia về tôn giáo: không phải là một triết gia Kitô giáo về tinh thần, mà là một triết gia về tinh thần Kitô giáo. Và ý định triệt để của ông là cách nào đó phải dứt khoát thể hiện được chương trình như một công thức nổi tiếng của Lachelier đã vạch rõ: vai trò của triết học là hiểu mọi sự, ngay cả tôn giáo.

Ngoài ra, toàn bộ công trình của Blondel được triển khai dưới dấu hiệu kép vừa vĩ đại vừa yếu kém của triết học. Vĩ đại, vì nó muốn hiểu mọi sự và nó có quyền điều tra mọi sự; yếu kém, vì nó không tự xây dựng hoặc tự đóng kín vào chính mình và do đó cho thấy sự bất cập của chính nó. Blondel đã từng tóm lược triết học của mình trong một so sánh nổi bật (Études philosophiques [Nghiên cứu Triết học], Năm 1946, tr. 10). Trong Panthéon d’Agrippa [Lăng Danh Nhân Agrippa], ở Rome, mái vòm khổng lồ không có chìa khóa để vào, nhưng có một lỗ hổng ở giữa qua đó ánh sáng tràn vào chiếu sáng tòa nhà. Việc xây dựng linh hồn chúng ta, như một công trình chưa hoàn thành, cũng dựa vào, không phải một viên mãn, mà là một khoảng không, một khoảng không cần thiết cho ánh sáng thần linh chiếu qua, mà nếu không có ánh sáng này, đôi mắt của chúng ta sẽ hóa mù hoàn toàn và chúng ta sẽ không thể thực hiện được bất cứ nhiệm vụ nào. Nếu con người có một định mệnh thực sự, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, thì không thể nào triết học lại không quan tâm đến; nếu, như Kitô giáo khẳng định, định mệnh này là siêu nhiên, thì triết học lại càng không thể với tới nó bằng chính sức mạnh của mình - nếu không, siêu nhiên sẽ không còn là siêu nhiên đúng nghĩa nữa. Từ sự đối lập này phát sinh tư thế của triết học: buộc phải đặt ra một vấn đề mà nó không thể giải quyết hoàn toàn, nó chỉ có thể mãi mãi chưa hoàn thành trong khi cố gắng giải thích sự chưa hoàn thành của mình. Sẽ không có triết học nếu không có hệ thống; sẽ triết học nhiều hơn nếu hệ thống tự khép mình vào chính mình. Theo nghĩa này, người ta có thể nói ý niệm hệ thống mở đã xác định ra học thuyết Blondel. Triết học về sự bất cập này dẫn đến sự bất cập thực sự của triết học”. Phân tích cùng một lúc cả sự bất cập lẫn sự đầy đủ này, điểm yếu và sự vĩ đại này, chứng minh rằng tư tưởng luôn cố gắng nhiều hơn để cân bằng với hành động, với hiện sinh, với điều sống động mà không bao giờ hoàn toàn đạt được nó, do đó, nó không bao giờ là sự sống đúng nghĩa và thay thế nó, nhưng chính xác nó là ngôn từ về sự sống, là trình bầy triết lý của Blondel, triết lý hành động, sau đó là triết lý tôn giáo và nó chỉ là triết lý hành động vì nó đã muốn trở thành một triết lý tôn giáo.

Tác phẩm

L’Action. Tiểu luận về phê phán đời sống và về một khoa học thực hành (luận án tiến sĩ văn chương), Alcan, 1893, Presses Universitaires de France tái xuất bản năm 1950.

De vinculo substantiali et de substantia composita apud Leibnitium, 1893 (tiểu luận án bằng tiếng Latinh, không còn lưu hành).

Lá thư về các đòi hỏi cấp thiết của tư tưởng hiện đại trong vấn đề hộ giáo và về phương pháp triết học trong nghiên cứu vấn đề tôn giáo trong Annales de philosophie chrétienne, janvier-juillet 1896, được in lại trong Premiers Écrits, t. II, Presses Universitaires de France.

Histoire et dogme. «Các thiếu sót triết học của khoa chú giải hiện đại», trong La Quinzaine, 16 janvier, 1er et 16 février 1904, được in lại trong Premiers Écrits, t. II.

Le Procès de l’intelligence (hợp tác với Paul Archambault), Bloud & Gay, 1922.

L’Itinéraire philosophique de Maurice Blondel, các câu chuyện do Frédéric Le Fèvre thu thập, Spes, 1928 (thực tế tất cả đều được chính Blondel tái hiệu đính, ngoại trừ các trang nói về Cha Jousse). Đây là một dẫn nhập tốt nhất vào tư tưởng của Blondel.

Une énigme historique: le vinculum subsiantiale d’après Leibniz et l’ébauche d’un réalisme supérieur, Beauchesne, 1930 (bản dịch tiếng Pháp hay đúng hơn sự chỉnh đốn luận án bằng tiếng Latinh năm 1983 không còn được bày bán nữa, một tác phẩm trên thực tế có tính tín lý nhiều hơn lịch sử).

Vấn đề Triết học Công Giáo. Cahiers de la Nouvelle Journée, n° 20, Bloud & Gay, 1932.

La Pensée : I. La genèse de la pensée et les paliers de son ascension spontanée ; II. Les responsabilités de la pensée et la possibilité de son achèvement, Alcan, 1934, Presses Universitaires de France.

L’Être et les êtres, « Tiểu luận về Hữu thể học cụ thể và toàn diện”, Alcan, 1935, Presses Universitaires de France.

L’Action : I. Le problème des causes secondes et le pur Agir. Alcan,
1936; II. L’Action humaine et les conditions de son aboutissement, Alcan, 1937, Presses Universitaires de France.

Lutte pour la civilisation et philosophie de la paix, Flammarion, 1939.

La Philosophie et l’Esprit chrétien : I. Autonomie essentielle et connexion indéclinable, Presses Universitaires de France, 1944; II. Conditions de la symbiose seule normale et salutaire, Presses Universitaires de France, 1946.

Exigences philosophiques du christianisme, Presses Universitaires de France, 1950.

Các ấn phẩm sau khi Blondel qua đời

Les premiers écrits de Maurice Blondel : t. I. L’Action, 1950; t. II.
La Lettre, Histoire et dogme, etc., Presses Universitaires de France, 1951.

Maurice Blondel et Auguste Valensin. Correspondance (1899-1912), 2 vol., Aubier, 1957.

Au coeur de la crise moderniste. Le dossier d’une controverse (thư từ), Aubier, 1960.

Lettres philosophiques de Maurice Blondel, Aubier, 1961.

Maurice Blondel. Lucien Laberthonnière. «Thư từ triết học do Claude Tresmontant trình bầy”, Le Seuil, 1961.

Carnets intimes (1883-1894), Éditions du Cerf, 1961.

Người ta tìm thấy một danh sách đầy đủ hơn trong tác phẩm của Henri Bouillard, Blondel et le christianisme, và nhất là một thư tịch tuyệt hảo có tính phân tích ở cuối cuốn sách của Duméry, La Philosophie de l’Action. Ấy là chưa kể rất nhiều bài báo của Blondel.

Viết theo cuốn “Maurice Blondel, Sa Vie, Son Oeuvre, avec un Exposé de Sa Philosophie” của Jean Lacroix, Presses Universitaires de France, Paris 1963

Còn tiếp
 
VietCatholic TV
Tin Vui: ĐTC là nhà lãnh đạo tinh thần xuất sắc trong thời chiến, tổng thống Ukraine rất cảm kích
VietCatholic Media
04:13 27/02/2022


1. Đại sứ quán Ukraine cho biết: Đức Giáo Hoàng gọi điện cho tổng thống Ukraine

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, Đại sứ quán Ukraine cạnh Tòa thánh đã thông báo như trên qua Twitter vào ngày 26 tháng 2. Đức Thánh Cha đã “bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về những sự kiện bi thảm đang diễn ra” ở Quốc gia Đông Âu này.

Được I.MEDIA liên lạc, văn phòng báo chí Vatican xác nhận cuộc gọi đã diễn ra nhưng không cho biết chi tiết nội dung cuộc trò chuyện.

Cũng trên Twitter, Tổng thống Ukraine cảm ơn Đức Giáo Hoàng đã “cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và một lệnh ngừng bắn”.

Tổng thống nói thêm: “Người dân Ukraine cảm thấy sự ủng hộ tinh thần của Đức Giáo Hoàng,”

Hôm 29 tháng 6 năm ngoái 2021, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi điện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân dịp lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ. Hai vị đã thảo luận về cuộc xung đột đã xảy ra trong khu vực từ năm 2013. Hai vị cũng từng gặp nhau tại Vatican vào tháng 2 năm 2020.

Ông Zelensky là tổng thống người Do Thái đầu tiên của Ukraine.

Hôm 25 tháng 2, Đức Thánh Cha bảo đảm rằng ngài sẽ làm “mọi thứ trong khả năng của mình” để chấm dứt cuộc khủng hoảng, trong cuộc trò chuyện với Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần ủng hộ một giải pháp hòa bình trong cuộc xung đột hiện nay. Đặc biệt, gạt bỏ các giao thức ngoại giao sang một bên, ngài đã đích thân đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh vào ngày 25 tháng 2 để bày tỏ mối quan tâm của mình với cuộc chiến.
Source:Aleteia

2. Thượng phụ Đại kết cầu nguyện cho linh hồn của những người thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã chủ sự Phụng Vụ thánh tại Nhà thờ Tòa Thượng Phụ Constatinople ở Phanar.

Sau khi hoàn thành Phụng Vụ thánh, Đức Thượng phụ Đại kết đã cử hành Lễ Trisagion để tưởng nhớ linh hồn của những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và của tất cả các Kitô Hữu Chính thống giáo đã nghỉ yên sau nhiều thế kỷ bị bách hại.

Đức Tổng Giám Mục Eugenios của Crete, Đức Tổng Giám Mục Kyrillos của Ierapytni và Sitia, và Đức Tân Tổng Giám Mục Prodromos của Rethymno và Avlopotamos, đã cùng cầu nguyện, cùng với các giáo sĩ của Giáo hội ở Crete, Archons, các tín hữu của Constantinople và ở nước ngoài.

Sau đó, Đức Thượng Phụ đã hội đàm với các vị Tổng Giám Mục. Ngài chúc mừng Đức Tân Tổng Giám Mục Prodromos đã được bầu và chúc Đức Cha Prodromos đạt hiệu quả trong việc chăn dắt các linh hồn. Đức Thượng Phụ và các vị Tổng Giám Mục cũng đã bàn bạc về tình hình ở Ukraine và tương lai của Giáo Hội Chính Thống Giáo.

Vai trò của Giáo Hội Chính thống Nga, gọi tắt là ROC, hỗ trợ cho Putin trong một liên minh có qua có lại đang gây ra các thiệt hại nghiêm trọng cho sứ mệnh truyền giáo ở một đất nước đang phục hồi sau sự tàn phá kinh hoàng của chủ nghĩa vô thần.

Để đổi lấy sự hỗ trợ của Chính thống Nga, Putin cho ROC được đặc quyền nhập cảng thuốc lá mà không phải chịu thuế. Các nhà báo của các tờ báo Kommersant và Moskovskij Komsomolets đã cáo buộc Đức Thượng Phụ Kirill trục lợi và lạm dụng đặc quyền nhập khẩu thuốc lá miễn thuế được cấp cho Nhà thờ vào giữa những năm 1990 và gọi ông là “Thượng Phụ thuốc lá”.

Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga bị cáo buộc đã đóng vai trò là nhà cung cấp thuốc lá ngoại lớn nhất ở Nga. Lợi nhuận của hoạt động này được nhà xã hội học Nikolai Mitrokhin ước tính là 1.5 tỷ Mỹ Kim vào năm 2004 và 4 tỷ Mỹ Kim theo tờ The Moscow News vào năm 2006.

Tuy nhiên, tác giả Nathaniel Davis nói rằng “Không có bằng chứng nào cho thấy Đức Thượng Phụ Kirill đã thực sự dùng đến số tiền này cho mục đích cá nhân. Điều có nhiều khả năng hơn là lợi nhuận từ việc nhập khẩu thuốc lá đã được sử dụng cho các chi phí cấp bách, bức xúc của Giáo hội”. Đặc quyền nhập khẩu thuốc lá miễn thuế đã chấm dứt sau các chống đối.

Năm 2012, Đức Thượng Phụ Kirill lại bị cáo buộc đeo một chiếc đồng hồ Breguet của Thụy Sĩ trị giá hơn 20,000 bảng Anh, tức là khoảng 30,000 Mỹ Kim. Trong một cuộc phỏng vấn với Vladimir Solovyov, Thượng Phụ Kirill nói rằng ngài sở hữu một chiếc Breguet, trong số những món quà khác, nhưng ngài chưa bao giờ đeo nó. Liên quan đến một bức ảnh cho thấy ngài thực sự đã đeo một chiếc Breguet trong một buổi lễ, Thượng Phụ Kirill nói rằng “Tôi đang xem bức ảnh đó và đột nhiên tôi hiểu ra - đó là một bức ảnh ghép!”

Tất cả những rắc rối trong quá khứ, Đức Thượng Phụ Kirill có thể phủ nhận nhưng việc ngài không kiên quyết lên án chiến tranh, tách mình hoàn toàn khỏi Putin là điều rất khó chối cãi và tối hậu sẽ có những ảnh hưởng tai hại cho Kitô Giáo ở một đất nước đang phục hồi sau sự tàn phá kinh hoàng của chủ nghĩa vô thần.
Source:Orthodox Times

3. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Ukraine nhận định: Ukraine và thế giới sẽ không quên những tội ác mà kẻ thù đã gây ra

Hôm thứ Bẩy 26 tháng Hai, Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Chính Thống Giáo Ukraine vừa đưa ra một thông điệp gởi các tín hữu Chính Thống Giáo Ukraine. Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong ngày thứ ba của cuộc tấn công xâm lược của Nga, Ukraine đã thành công trong việc chống lại và bảo vệ tự do cũng như tương lai của mình khỏi chế độ chuyên chế mà Tổng thống Putin muốn gây ra cho chúng ta.

Chúng ta có thể tự hào rằng chúng ta với tư cách là một quốc gia đã đáp trả xứng đáng cho thử thách đối với sự trưởng thành về mặt tinh thần và quốc gia của chúng ta. Chúng ta đang bảo vệ không chỉ bản thân mà cả thế giới văn minh khỏi sự mê sảng đẫm máu của nhà lãnh đạo nước Nga.

Trong trận chiến này, những người con vĩ đại nhất của Ukraine đang hy sinh mạng sống của họ. Những công dân vô tội đang bị giết dưới tay của các lực lượng chiếm đóng.

Hôm nay vào ngày này khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng ta tưởng nhớ những người đã chết dưới tay của kẻ xâm lược. Nước Thiên đàng của Thiên Chúa, Ký ức Vĩnh cửu và Vinh quang đối với họ!

Ukraine và thế giới sẽ không quên những tội ác mà kẻ thù đã gây ra và tiếp tục gây ra. Sau chiến thắng của chúng ta, phải có tòa án quốc tế Neuremburg thứ 2 chống lại các thủ lĩnh ở Điện Cẩm Linh đã phạm tội ác chiến tranh và đã đặt nhân loại vào bờ vực của Chiến tranh thế giới thứ ba.

Trong suốt những ngày này, những lời cầu nguyện của chúng ta phải vang lên với sức mạnh to lớn hơn cho Ukraine, đó là những người bảo vệ, quân đội, chiến thắng và hòa bình! chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa chúc lành, hướng dẫn trí thông minh và quyết tâm kiên quyết cho Tổng thống Volodymyr Zelensky của chúng ta, ban lãnh đạo chính quyền quốc gia và địa phương của chúng ta, và cho tất cả những người mà trọng lượng lãnh đạo đang đặt lên vai họ trong thời kỳ đen tối này.

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các nhà ngoại giao, người dân Ukraine và bạn bè của chúng tôi trên khắp thế giới, những người đang làm việc không ngừng suốt ngày đêm để ngăn chặn kẻ xâm lược và trả lại hòa bình cho Ukraine. Hôm nay, đã có thêm các bước và lệnh trừng phạt được ban hành đối với Nga. Ngoài ra, viện trợ lớn hơn cho Ukraine cũng đã được đưa ra. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không dừng lại, nhưng hãy tiếp tục thêm các bước mới hơn và bổ sung cho đến khi kẻ xâm lược buộc phải dừng hoạt động tội phạm của nó.

Tôi kêu gọi các giáo sĩ của chúng ta: nếu có thể, hãy tổ chức việc đọc Thánh vịnh, kinh cầu Các Thánh, các giờ kinh Moleben – cầu cùng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Các Thánh Nam Nữ - cho những người bảo vệ của chúng ta và cho Ukraine. Đừng để lời cầu nguyện im lặng dù chỉ một phút. Ngoài ra, hãy giúp đỡ với sự quan tâm hơn nữa những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang của chúng ta, lực lượng bảo vệ lãnh thổ của chúng ta và các công dân của chúng ta để vượt qua những thời điểm này.

Một phần lãnh thổ Ukraine hiện đang bị kẻ thù chiếm đóng tạm thời. Vì vậy, tôi cho phép các giáo sĩ được hành động tùy theo tình huống: Nếu có thể xin hãy tiến hành các buổi thờ phượng. Nếu không, xin hãy thực hiện các nghĩa vụ mục vụ và cộng đồng theo những cách khác phù hợp.

Ngày mai, là Chúa Nhật Sự phán xét cuối cùng. Đây là lời nhắc nhở cho tất cả: không ai trốn tránh được trách nhiệm. Người công chính sẽ được giải thưởng, kẻ tội lỗi - sẽ phải chịu đau khổ vĩnh viễn. Chúng ta hãy chiến đấu, bởi vì sự thật đứng về phía chúng ta, Chúa sẽ ban cho chúng ta chiến thắng!

Tôi khẩn cầu những lời chúc phúc trên toàn thể Quốc gia Ukraine, các lực lượng vũ trang và Tổng thống của chúng ta!

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!

Lạy Thiên Chúa vĩ đại, vĩnh cửu! Xin bảo vệ chúng con, và Ukraine!

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm sau đã chấp nhận thống nhất trong Giáo Hội Chính Thống tân lập. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa coi Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập là ly giáo và cảnh cáo bất cứ Giáo Hội Chính Thống Giáo nào trên thế giới dám công nhận Giáo Hội mới này.

Hiện nay, ở Ukraine có hai Giáo Hội Chính Thống Giáo là Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine do Đức Thượng Phụ Epiphaniy lãnh đạo và một Giáo Hội Chính Thống Giáo khác trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Nếu Nga chiếm được Ukraine, hầu chắc là Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine do Đức Thượng Phụ Epiphaniy lãnh đạo sẽ bị xóa sổ.
Source:Orthodox Times
 
Nghiêm trọng: ĐTGM Ba Lan cáo buộc các GM cấp tiến Đức xa lìa Đức Tin. Bách hại lại rộ lên ở Iran
VietCatholic Media
05:22 27/02/2022


1. Báo cáo của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc: Tehran đã bắt giữ hàng chục tín hữu Kitô trong năm 2021

Từ tháng Giêng đến tháng 12 năm 2021, “ít nhất 53 Kitô hữu đã bị bắt giữ” chỉ vì “thực hành sự thờ phượng liên quan đến đức tin của họ”. Báo cáo của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Iran Javaid Rehman xác nhận các trường hợp vi phạm tự do tôn giáo lặp đi lặp lại, cũng ảnh hưởng đến các tín hữu Kitô giáo.

Trong một báo cáo được công bố cách đây vài ngày, trước phiên họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 1 tháng 4, Javaid Rehman nêu lên “lo ngại” về “sự đàn áp tiếp tục đối với các nhóm thiểu số tôn giáo”, bao gồm cả việc giam giữ tùy tiện.

Trong số các vi phạm có trong báo cáo của Liên Hợp Quốc là việc “buộc đóng cửa” các địa điểm cầu nguyện, đặc biệt là các nhà thờ tư gia, với lý do bị cáo buộc là vi phạm “an ninh quốc gia”. Rehman nhắc lại lời kêu gọi “trả tự do cho những người đã bị bắt giữ” chỉ vì thực hành “quyền tự do quan điểm, biểu đạt, lập hội và hội họp ôn hòa”.

Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng, trên thực tế, tuyên bố của chính phủ rằng 'các nhóm thiểu số được tôn trọng' và ‘các tín hữu Kitô, người Do Thái và các tín hữu Zoroast được tự do thực hành các nghi lễ của tôn giáo họ trên cơ sở Điều 13 của Hiến pháp’ đã không xảy ra trên thực tế.

Xác nhận thêm về các báo cáo lạm dụng và vi phạm tự do tôn giáo đến từ các nhà hoạt động trên Hiến Chương 18, một trang web chuyên ghi lại các vụ đàn áp ở các Cộng hòa Hồi giáo. Trong những ngày gần đây, một nhóm tín hữu Kitô, những người đã được tuyên bố trắng án vào tháng 11 năm ngoái vì tội vi phạm luật pháp và tuyên truyền chống nhà nước, đã bị buộc phải đi “cải tạo” bằng cách tham gia các lớp học và hội thảo do các chuyên gia Hồi giáo tổ chức.

Nhóm người Kitô giáo đến từ Dezful, ở phía tây đất nước, và được các nhân viên tình báo thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo liên lạc vào nửa đêm, yêu cầu họ phải trình diện vào sáng hôm sau.

Các nhà hoạt động giải thích “các buổi cải tạo” ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây đến mức chúng xuất hiện trong danh sách “các hình phạt khắc phục” trong các tài liệu chính thức của tòa án.
Source:Asia News

2. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan bày tỏ ‘mối quan tâm của tình huynh đệ’ đối với ‘Tiến Trình Công Nghị’ của Đức

Hôm thứ Ba 22 tháng Hai, Chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã bày tỏ “mối quan tâm huynh đệ” về hướng đi của “Tiến Trình Công Nghị” trong một bức thư ngỏ có lời lẽ mạnh mẽ gửi cho chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức Georg Bätzing.

Trong bức thư gần 3,000 từ được công bố vào ngày 22 tháng 2 trên trang web của các giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki đã đặt câu hỏi liệu sáng kiến tập hợp các giám mục và giáo dân của Đức có bắt nguồn từ Phúc âm hay không.

Ngài nói: “Giáo Hội Công Giáo ở Đức có vai trò quan trọng trên bản đồ Âu Châu, và tôi biết rằng giáo hội này sẽ làm rạng rỡ đức tin hoặc sự bất tín của mình trên toàn lục địa”.

“Vì vậy, tôi nhìn với vẻ không hài lòng về các hành động của ‘Tiến Trình Công Nghị’ của Đức cho đến nay. Quan sát những thành quả của nó, người ta có thể có ấn tượng rằng Tin Mừng không phải lúc nào cũng là cơ sở để suy tư”.

Sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gądecki có khả năng làm tăng cường cuộc tranh luận về Tiến Trình Công Nghị Đức, một quá trình kéo dài nhiều năm giải quyết cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, đạo đức tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ ở Đức.

Tại một cuộc họp đầu tháng này, những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo văn bản kêu gọi cho phép các linh mục được kết hôn trong Giáo hội Latinh, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc phúc đồng tính và những thay đổi đối với giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái.

Tiến Trình Công Nghị này cũng đã phải đối mặt với sự chỉ trích ngay trong Giáo Hội Công Giáo Đức.

Các thành viên của một sáng kiến được gọi là “Khởi đầu mới” đã bày tỏ lo sợ vào đầu tháng này rằng quá trình này sẽ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa những người Công Giáo.

“Cuộc ly giáo tiếp theo trong Kitô giáo đang đến gần. Và nó sẽ lại đến từ Đức”, họ nói.

Nhưng Giám mục Bätzing đã nhiều lần bác bỏ những ý kiến cho rằng Tiến Trình Công Nghị sẽ dẫn đến ly giáo.

Trong lá thư của mình, Đức Tổng Giám Mục Gądecki đề cập đến các cuộc bỏ phiếu gần đây và kêu gọi Bätzing đừng chiều theo áp lực uốn nắn giáo huấn của Giáo hội cho phù hợp với dư luận.

Ngài viết: “Trung thành với giáo huấn của Giáo hội, chúng ta không nên khuất phục trước những áp lực của thế giới hoặc những khuôn mẫu của nền văn hóa thống trị vì điều này có thể dẫn đến sự băng hoại về đạo đức và tâm linh.”

“Chúng ta hãy tránh lặp lại những khẩu hiệu đã cũ và những đòi hỏi lặp đi lặp lại như bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, cho những người đã ly hôn và tái hôn dân sự được rước lễ, và chúc lành cho những người đồng tính luyến ái.”

Sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gądecki là rất quan trọng vì Ba Lan và Đức là hai nước láng giềng, có chung đường biên giới dài gần 480km.

Nhưng có những khác biệt nổi bật giữa Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan và Đức.

Hơn 90% dân số gần 38 triệu người của Ba Lan xưng mình là người Công Giáo, với 36.9% người Công Giáo thường xuyên tham dự Thánh lễ.

Khoảng 27% trong số 83 triệu dân số của Đức xác định mình là người Công Giáo, nhưng chỉ có 5.9% người Công Giáo tham dự Thánh lễ vào năm 2020. Hơn 220,000 người chính thức rời bỏ Giáo Hội Công Giáo vào năm đó.

Đức Tổng Giám Mục Gądecki nêu bật lịch sử chung của người Công Giáo Ba Lan và Đức, bao gồm quá trình hòa giải sau Chiến tranh thế giới thứ hai được hỗ trợ bởi vị Giáo Hoàng tương lai người Ba Lan Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y Stefan Wyszyński.

Đức Cha Gądecki, tổng giám mục của Poznań, miền tây Ba Lan nóiL “Ghi nhớ sự hiệp thông đức tin và lịch sử này giữa Ba Lan và Đức, tôi muốn bày tỏ sự quan tâm và lo lắng sâu sắc của mình về thông tin gần đây đã nhận được từ một số lĩnh vực của Giáo Hội Công Giáo ở Đức”.

“Vì vậy, với tinh thần bác ái Kitô, tôi xin phép ngỏ lời với ngài – đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức - bức thư này, đầy sự quan tâm của tình huynh đệ và trong tinh thần trách nhiệm chung đối với kho tàng đức tin tông đồ thánh thiện được Chúa Kitô giao phó cho chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng trong suốt lịch sử, các nhân vật hàng đầu đã cố gắng tái tạo lại Kitô giáo cho thời đại của họ thông qua một quá trình loại trừ.

Ngài trích dẫn Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, người đã sản xuất ra một phiên bản Kinh thánh loại bỏ những đoạn mà ông tin rằng không phải từ Chúa Giêsu, mà là từ “những Tông đồ thất học”.

“Tin chắc rằng mình có đủ tiêu chuẩn để phân biệt câu này với câu khác, ông ta đã quyết định kiểm duyệt Kinh Thánh. Bằng cách đó, một ngụy thư hiện đại đã được sáng tác mà theo tác giả của nó là hay hơn bản gốc.”

“Không thể loại trừ rằng proprium christianum – Kitô Giáo tinh túy - điều đặc trưng cho Kitô giáo - được thể hiện một cách chính xác trong những đoạn Kinh thánh khó hiểu nhất đã bị loại trừ vì sự kiểm duyệt của Jefferson”.

Đức Cha Gądecki nói rằng một cám dỗ khác mà Giáo hội ngày nay phải đối mặt là tìm cách cập nhật giáo huấn của Chúa Giêsu dựa trên những phát hiện mới nhất của tâm lý học và khoa học xã hội.

Đức Cha Gądecki chỉ trích tâm lý cho rằng: “Nếu điều gì đó trong Phúc âm không phù hợp với tình trạng kiến thức hiện tại trong các ngành khoa học này, thì các môn đệ, muốn cứu Thầy khỏi bị tổn hại trong mắt những người đương thời, hãy cố gắng cập nhật Phúc âm”.

“Sự cám dỗ để 'hiện đại hóa' các mối quan tâm cách riêng xảy ra trong lĩnh vực bản sắc tình dục. Tuy nhiên, người ta đã quên rằng trạng thái của tri thức khoa học thay đổi thường xuyên và đôi khi đột ngột”.

Ngài trích dẫn Đạo luật Nguồn gốc Quốc gia, nhằm hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ, được Quốc hội thông qua năm 1924.

Đức Cha Gądecki lưu ý: “Lý do chính của đạo luật này là niềm tin cho rằng các dân tộc như người Ý và người Ba Lan, thuộc các chủng tộc kém cỏi.”

“Ngoài ra, dựa trên kiến thức về thuyết ưu sinh, ước tính có khoảng 70,000 phụ nữ thuộc các dân tộc thiểu số đã bị cưỡng bức triệt sản ở Hoa Kỳ trong thế kỷ 20”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng lịch sử của tri thức khoa học được đánh dấu không chỉ bởi những “sai sót”, mà còn là những “ngụy biện tư tưởng”, và viện dẫn một nghiên cứu của nhà tình dục học Alfred C. Kinsey.

Ngài nói rằng những cuốn sách về tâm lý học và khoa học xã hội “được coi là không thể sai lầm” ngày nay sẽ bị các thế hệ tương lai “gạt sang một bên”.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm rằng những người Công Giáo ở Đức và cả ở Ba Lan, nên tránh sống với “một loại mặc cảm” về đức tin của họ.

Đức Tổng Giám Mục Gądecki nhìn nhận rằng một cuộc lìa bỏ đức tin của người Công Giáo và sự sụt giảm mạnh trong ơn gọi linh mục ở Đức đã thúc đẩy những lời kêu gọi nới lỏng luật độc thân linh mục.

Nhưng ngài nói rằng câu trả lời này có “nguy cơ của suy nghĩ công ty” không có đủ nhân viên, vì vậy chúng ta hãy hạ thấp tiêu chí tuyển dụng”.

Phát biểu về cuộc bỏ phiếu phong chức linh mục cho phụ nữ trong Tiến Trình Công Nghị Đức, Đức Tổng Giám Mục nói rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã “đưa ra lời chung cuộc cho vấn đề này” trong tông thư Ordinatio Sacerdotalis – nghĩa là Truyền chức linh mục - năm 1994, mà ngài nhấn mạnh rằng đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận.

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng những người tham gia trong Tiến Trình Công Nghị cũng ủng hộ một văn bản dự thảo kêu gọi điều mà ngài mô tả là một “thực hành sai lầm và tai tiếng trong việc chúc lành cho các mối quan hệ đồng tính”, cũng như “nỗ lực thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tội lỗi của các hành vi đồng tính.”

“Sách Giáo lý phân biệt rõ ràng giữa khuynh hướng đồng tính luyến ái và hành vi đồng tính luyến ái. Sách Giáo lý dạy mọi người tôn trọng người khác bất kể khuynh hướng của họ như thế nào, nhưng dứt khoát lên án những hành vi đồng tính là những hành vi chống lại tự nhiên.”

“Bất chấp sự phản đối kịch liệt, tẩy chay và không được ưa chuộng, Giáo Hội Công Giáo - trung thành với chân lý của Phúc âm và đồng thời được thúc đẩy bởi tình yêu đối với mỗi con người - không thể im lặng và dung túng cho viễn cảnh sai lầm này của con người, chứ đừng nói đến chuyện chúc phúc hay cổ vũ nó”.

Đề cập đến cuộc gặp gỡ gần đây với Giám Mục Bätzing ở Poznań, Đức Tổng Giám Mục Gądecki cho biết ngài hiểu rằng Giám Mục Bätzing “quan tâm sâu sắc” đến đàn cừu được giao phó cho mình, “và mong muốn không có con cừu nào trong số các con cừu đi lầm đường lạc bước”.

Ngài kết luận bằng cách trích dẫn thư của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho các tín hữu Êphêsô, trong đó thúc giục họ “mặc lấy áo giáp của Thiên Chúa” và “giữ vững lập trường của mình”.
Source:Catholic News Agency
 
Bỏ qua thông lệ ngoại giao, ĐTC lên án Putin với những lời mạnh mẽ nhất. Tình hình chiến sự tại Ukraine ngày 27/2
VietCatholic Media
16:06 27/02/2022


1. ĐTC lên án Putin với những lời mạnh mẽ nhất

Đức Thánh Cha vừa là nhà lãnh đạo tinh thần, nhưng đồng thời, ngài cũng là quốc trưởng của quốc gia thành Vatican. Tuy nhiên, bỏ qua các giao thức ngoại giao, Đức Thánh Cha đã dùng những từ rất nặng nề để lên án Putin.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, dưới một bầu trời xám xịt, u ám, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày gần đây, chúng ta đã bị chấn động bởi một thứ bi thảm: là chiến tranh. Chúng ta đã cầu nguyện hết lần này đến lần khác rằng người ta sẽ không chọn con đường này. Và xin chúng ta đừng ngừng nói; đúng thế, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa cách mãnh liệt hơn. Vì lý do này, tôi xin tiếp tục với lời mời gọi ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro, là một ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraine. Một ngày để gần gũi với những đau khổ của người dân Ukraine, để cảm thấy rằng tất cả chúng ta là anh chị em, và cầu xin Chúa kết thúc chiến tranh.

Những kẻ gây chiến đã quên đi tình nhân loại. Họ không bắt đầu từ nhân dân, họ không nhìn vào cuộc sống thực của người dân, mà đặt lợi ích đảng phái và quyền lực lên trên hết. Họ tin tưởng vào logic ma quỷ và sự biến thái của vũ khí, thứ xa cách với logic của Chúa nhất. Và họ xa cách với những người dân thường, những người muốn hòa bình, và những người bình thường - là nạn nhân thực sự trong mọi cuộc xung đột, những người phải trả giá cho những kẻ gây chiến tranh bằng chính làn da của mình. Tôi nghĩ đến những người già, đến những người tìm kiếm nơi nương tựa trong những thời điểm này, những bà mẹ chạy trốn cùng con cái của họ. Họ là những anh chị em, những người cần các hành lang nhân đạo mở ra cho họ và là những người phải được chào đón. Với trái tim tan nát bởi những gì đang xảy ra ở Ukraine - và chúng ta đừng quên những cuộc chiến ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Yemen, Syria, Ethiopia. Tôi xin nhắc lại: hãy bỏ vũ khí xuống! Thiên Chúa ở với những người tạo dựng hòa bình, không phải với những người sử dụng bạo lực. Bởi vì những người yêu chuộng hòa bình, như Hiến pháp Ý khẳng định, “bác bỏ chiến tranh như một công cụ xâm lược chống lại tự do của các dân tộc khác và như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

2. Tình hình chiến sự tại Ukraine

Giao tranh trên đường phố đã nổ ra tại thành phố Kharkiv là thành phố lớn thứ hai của Ukraine hôm Chúa Nhật và quân đội Nga ngày càng gây áp lực lên các cảng chiến lược ở miền nam đất nước sau làn sóng tấn công vào các sân bay và cơ sở nhiên liệu ở những nơi khác, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc xâm lược của Nga.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào sáng Chúa Nhật, là video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Putin nói rằng sau những thành quả đạt được trên thực địa, Nga đã cử một phái đoàn tới Belarus để đàm phán hòa bình với Ukraine. Tổng thống Ukraine đề nghị các địa điểm khác, nói rằng đất nước của ông không muốn gặp Nga ở Belarus vì đây là nơi chuẩn bị cho cuộc xâm lược.

Cho đến sáng Chúa Nhật, quân đội Nga vẫn ở ngoại ô Kharkiv, thành phố 1.4 triệu dân, cách biên giới với Nga khoảng 20 km về phía nam, trong khi các lực lượng khác băng qua để đẩy mạnh cuộc tấn công sâu hơn vào Ukraine.

Trưa ngày Chúa Nhật, các video được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Ukraine và mạng xã hội cho thấy các phương tiện của Nga đang tấn công vào Kharkiv và một chiếc bốc cháy trên đường phố. Theo Oleh Sinehubov, người đứng đầu chính quyền khu vực Kharkiv, các lực lượng Ukraine đã giao tranh với quân Nga. Ông không cho biết thêm chi tiết, nhưng nói dân thường không được rời khỏi nhà của họ.

Khi Nga đẩy mạnh cuộc tấn công, phương Tây đang nỗ lực trang bị vũ khí và đạn dược cho Ukraine, đồng thời tung ra các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm cô lập Mạc Tư Khoa hơn nữa.

Những vụ nổ lớn đã thắp sáng bầu trời vào sáng sớm Chúa Nhật gần thủ đô Kiev, nơi mọi người tập trung trong nhà, nhà để xe dưới lòng đất và ga tàu điện ngầm đề phòng một cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng Nga.

Ngọn lửa bốc lên bầu trời trước bình minh từ một kho dầu gần căn cứ không quân ở Vasylkiv, nơi đã xảy ra giao tranh dữ dội. Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết có một vụ nổ khác là tại sân bay dân sự Zhuliany.

Văn phòng của Zelenskyy cũng cho biết các lực lượng Nga đã làm nổ một đường ống dẫn khí đốt ở Kharkiv, khiến chính phủ phải cảnh báo người dân tự bảo vệ mình khỏi khói bằng cách che cửa sổ bằng vải hoặc các miếng gạc ẩm.

Zelenskyy tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chiến đấu để giải phóng đất nước của chúng tôi”.

Những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em sợ hãi tìm kiếm sự an toàn bên trong và dưới lòng đất, và chính phủ đã duy trì lệnh giới nghiêm trong 39 giờ để ngăn mọi người ra đường. Hơn 150,000 người Ukraine chạy sang Ba Lan, Moldova và các nước láng giềng khác, và Liên Hợp Quốc cảnh báo con số này có thể tăng lên 4 triệu người nếu giao tranh leo thang.

Tại biên giới Ukraine-Ba Lan, hàng loạt người tị nạn chờ đợi trong giá lạnh

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết quân đội Nga cũng gây sức ép ngày càng lớn lên các cảng chiến lược ở phía nam Ukraine, phong tỏa các thành phố chiến lược Kherson trên Biển Đen và cảng Berdyansk trên Biển Azov.

Ông cho biết các lực lượng Nga cũng đã giành quyền kiểm soát một căn cứ không quân gần Kherson và thành phố Henichesk trên Biển Azov. Các nhà chức trách Ukraine trước đó đã thông báo có giao tranh ở nhiều khu vực dọc theo bờ biển.

Nga đã bao vây thủ đô Ukraine, họ cũng tập trung vào việc đẩy mạnh cuộc tấn công ở phía nam của đất nước với nỗ lực rõ ràng là giành quyền kiểm soát bờ biển của Ukraine kéo dài từ biên giới với Rumani ở phía tây đến biên giới với Nga ở phía đông.

Các nhà chức trách Ukraine thông báo giao tranh đang diễn ra gần Odesa, Mykolaiv và các khu vực khác.

Những bước tiến của Nga dọc theo bờ biển Ukraine đánh dấu nỗ lực cắt giảm khả năng tiếp cận các cảng biển của nước này, vốn sẽ giáng một đòn lớn vào nền kinh tế của nước này. Cuộc tấn công ở phía nam cũng có thể cho phép Mạc Tư Khoa xây dựng một hành lang trên bộ tới Crimea, cho đến nay được kết nối với Nga bằng một cây cầu dài 19 km, cây cầu dài nhất ở Âu Châu được khánh thành vào năm 2018.

3. Toan tính của Nga

Tổng thống Vladimir Putin không tiết lộ kế hoạch cuối cùng của mình, nhưng các quan chức phương Tây tin rằng ông ta quyết tâm lật đổ chính phủ Ukraine và thay thế bằng một chế độ của riêng mình, vẽ lại bản đồ Âu Châu và phục hồi ảnh hưởng của Mạc Tư Khoa thời Chiến tranh Lạnh.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, một phái đoàn gồm các quan chức quân sự và nhà ngoại giao Nga đã đến thành phố Hormel của Belarus để đàm phán với Ukraine hôm Chúa Nhật.

Ông nói: “Phái đoàn Nga đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán và chúng tôi đang chờ đợi những người Ukraine. Ukraine cho biết họ đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình nhưng sẽ không chấp nhận các tối hậu thư.

Tổng thống Ukraine cho biết đất nước của ông đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình với Nga nhưng không phải ở Belarus vì nước này là đồng minh của Nga trong cuộc xâm lược. Phát biểu trong một tin nhắn video hôm Chúa Nhật, tổng thống Zelenskyy nhắc Warsaw, Bratislava, Istanbul, Budapest hoặc Baku là những địa điểm thay thế. Ông cho biết các địa điểm khác cũng có thể. Trước đó, Tổng thống Ukraine đã đề nghị Tòa Thánh đứng ra làm trung gian nhưng Nga bác bỏ.

4. Nga sử dụng vũ khí nhiệt áp giết người hàng loạt

Có những mối lo ngại đang gia tăng rằng Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí nhiệt áp như một phần của cuộc xâm lược Ukraine.

Loại vũ khí này có hiệu quả đốt cháy không khí, tạo ra một làn sóng xung kích lớn và hút không khí ra khỏi phổi của các nạn nhân - được cho là đã được nhìn thấy gần thành phố Kharkiv, phía đông Ukraine, trong cuộc tấn công hôm Chúa Nhật.

Việc sử dụng chúng sẽ đánh dấu sự leo thang trong cuộc tấn công của các lực lượng Nga, đang nhắm vào các thành phố trên khắp đất nước, bao gồm cả thủ đô Kiev.

CNN hôm nay đưa tin, các bệ phóng tên lửa TOS-1 của Nga, có thể phóng tới 30 tên lửa trang bị đầu đạn nhiệt áp, đã được huy động ở miền đông Ukraine.

Vũ khí nhiệt áp là gì?

Các loại vũ khí nhiệt áp có nhiều kích cỡ khác nhau, từ lựu đạn phóng tên lửa được thiết kế để cận chiến, đến các phiên bản lớn có thể được triển khai từ máy bay.

Chất nổ đốt cháy không khí xung quanh, tạo ra sóng xung kích gây chết người và hút không khí từ phổi của bất kỳ ai ở xung quanh.

Mạnh hơn nhiều so với chất nổ thông thường, vũ khí nhiệt áp - còn được gọi là bom nhiên liệu-không khí và bom chân không - cũng có thời gian cháy lâu hơn, làm tăng khả năng hủy diệt của chúng.
 
Ác quá: Sau 9 tháng bị mời đi uống trà, vị GM thành thân tàn ma dại, vì kiên quyết giữ vững đức tin
VietCatholic Media
16:11 27/02/2022
00:00:00 Đài Hiệu

1. Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhận xét về chuyến đi sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Malta

“Malta và Địa Trung Hải đang trải qua một cuộc khủng hoảng về tình đoàn kết.” Đây là những lời mạnh mẽ của Đức Tổng Giám Mục Scicluna của Malta trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, trong đó ngài kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn từ Âu Châu để Biển này, nơi thường xuyên trở thành nghĩa địa, có thể trở thành một khu vực đồng trách nhiệm cụ thể.

Những lời này được đưa ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Florence, nơi sẽ quy tụ các thị trưởng và giám mục của khoảng 60 thành phố Địa Trung Hải, và một tháng trước chuyến tông du Malta của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đối với Đức Tổng Giám Mục Scicluna, “cam kết đối thoại là con đường dẫn chúng ta đến một vùng biển chung, hòa hợp và công lý,” đồng thời đòi hỏi “sự đồng trách nhiệm của mỗi người”.

Đức Giáo Hoàng sẽ thăm Malta trong hai ngày 2 và 3 tháng 4 năm 2022. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 36 của vị Giáo Hoàng 85 tuổi bên ngoài nước Ý kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh đảo quốc Malta đang kỷ niệm một ngày lễ đặc biệt, đó là vụ đắm tàu của Thánh Phaolô.

10 câu đầu tiên của Chương 28 sách Tông Đồ Công Vụ kể lại câu chuyện đắm tàu của Thánh Phaolô như sau:

Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Malta. Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. Ông Phaolô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống.” Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì. Họ cứ đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần.

Gần nơi ấy, có đồn điền của viên quan lớn nhất đảo, tên là Púpliô. Ông tiếp đón chúng tôi và niềm nở cho chúng tôi trú ngụ trong ba ngày. Có ông thân sinh ông Púpliô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phaolô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi. Thấy thế, các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với ông và được chữa lành. Họ trọng đãi chúng tôi, và khi chúng tôi xuống tàu, họ đã đem tới những gì chúng tôi cần dùng.

Đến thăm Malta, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đầu tiên trong năm 2022 bên ngoài nước Ý. Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm Malta sau hai chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 1990 và 2001, và Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2010.
Source:Vatican News

2. Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ bị giam cầm đến 9 tháng

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Giám Mục của giáo phận Tân Hương (Xinxiang, 新乡) vừa được trả tự do vào ngày 21 tháng Hai sau 9 tháng mất tích. Ngài được trả về để điều trị bịnh ung thư.

Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) 63 tuổi, là giám mục giáo phận Tân Hương, thuộc tỉnh Hà Nam từ năm 1991. Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm nhưng không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận và điều này khiến ngài trở thành một tên “tội phạm”.

Đức Cha Trương và các linh mục của ngài đã bị bắt trong hai ngày 20 và 21 tháng 5 năm ngoái trong một chiến dịch cảnh sát quy mô có sự tham gia của 100 cảnh sát từ Thương Châu (Cangzhou, 沧州), Hà Gian (Hejian, 河间) và Sa Hà Cao (Shaheqiao, 沙河桥). 10 sinh viên đang theo học thần học trong một nhà máy được dùng làm chủng viện cũng bị bắt. Sau đó, ba sinh viên khác bỏ trốn được, cũng đã bị bắt. Tính đến chiều ngày 25 tháng 5, năm ngoái, tất cả các chủng sinh đã được thả về với gia đình của họ, sau khi bị đe nẹt, và bị cấm tiếp tục học thần học.

Tại Trung Quốc, Pháp lệnh tôn giáo mới chỉ cho phép các hoạt động tôn giáo, bao gồm cả các lớp thần học, diễn ra trong các cơ sở được bọn cầm quyền cho phép và kiểm soát. Các nhân viên tôn giáo chỉ có thể thực hiện các chức năng của mình nếu họ gia nhập Giáo hội quốc doanh độc lập với Tòa thánh, và phải phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thỏa thuận giữa Vatican và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không làm thay đổi bản chất của việc kiểm soát này: Tòa thánh đã ký thỏa thuận với bộ ngoại giao Trung Quốc. Nhưng hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc do Mặt trận Tổ quốc và Bộ Tôn giáo quản lý. Mọi thỏa thuận với bộ ngoại giao không có một chút ảnh hưởng nào đến tình hình cụ thể ở quốc gia này.

Vì lý do này, mặc dù Thỏa thuận công nhận Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, và do đó cũng là của Giáo hội Trung Quốc, nhưng điều này không dẫn đến bất kỳ hệ quả nào liên quan đến quyền tự do thờ phượng cho các cộng đồng địa phương. Ngược lại, sau Thỏa thuận, đã có sự gia tăng các cuộc đàn áp, đặc biệt là đối với các cộng đồng thầm lặng: có các giám mục bị quản thúc tại gia, chẳng hạn như Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国); có các giám mục đã bị cắt nước, điện và khí đốt, chẳng hạn như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进); có cả một Giám Mục phải ngủ đầu đường xó chợ, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì bọn cầm quyền cộng sản cấm không cho các tín hữu chứa chấp ngài. Đó là trường hợp của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民); và có cả các giám mục phải chịu học tập cải tạo để “tẩy não”, như trường hợp Đức Cha Trương Vĩ Trụ mà chúng tôi vừa nêu.

Việc giam giữ Đức Cha Trương - giống như nhiều nhân vật tôn giáo và phi tôn giáo khác - phủ bóng đen lên sự nhấn mạnh về tình bạn được tuyên bố trong Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, kết thúc ngày 20 tháng Hai. Khẩu hiệu của Trò chơi là “Cùng nhau vì một tương lai chung”.

Nhiều nhà quan sát quốc tế không tin rằng Trung Quốc muốn có một tương lai chung, mà chỉ là “sự khuất phục trước sức mạnh của họ”.

Từ quan điểm này, ngay cả Hiệp định Tạm thời giữa Trung Quốc và Tòa thánh dường như đã bị “phản bội”. Việc đàn áp người Công Giáo - đặc biệt là người Công Giáo thầm lặng - đã gia tăng kể từ sau hiệp định này

Ở Hà Nam, cuộc đàn áp được báo cáo là khốc liệt hơn các nơi khác vì người Công Giáo chiếm khoảng 4% dân số, một tỷ lệ cao hơn so với phần còn lại của đất nước. Giáo phận Tân Hương có 100,000 tín hữu.
Source:Asia News

3. Các Tông đồ có thiết lập Mùa Chay không?

Các nhà sử học không đồng ý về tuyên bố rằng Mùa Chay là do các Thánh Tông đồ thành lập, và chỉ ra nhiều quan điểm khác nhau trong Kitô giáo sơ khai.

Mặc dù có vẻ như Mùa Chay đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo, các sử gia vẫn tiếp tục tranh luận về việc liệu có phải chính các Thánh Tông đồ đã thiết lập Mùa Chay hay không.

Ví dụ, một cuốn sách đầu thế kỷ 20 có nhan đề “Một bài bình luận về Giáo huấn Công Giáo”, lập luận rằng các Thánh Tông đồ đã thiết lập Mùa Chay.

Nhiều Giáo phụ và Tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội nói rằng các Tông đồ ra lệnh rằng Lễ Phục sinh trọng thể phải được chuẩn bị trước bởi một thời gian chay tịnh phổ quát và để tưởng nhớ đến bốn mươi ngày của Chúa Kitô trong sa mạc, các ngài đã thiết lập Mùa Chay.

Tuy nhiên, đồng thời, các tác giả của cuốn sách cho rằng không có một hình thức thống nhất để cử hành Mùa Chay trong Giáo hội sơ khai.

Trước hết, không có một hình thức thống nhất trong việc cử hành Mùa Chay. Các tín hữu trong bốn mươi ngày đã tự mình chay tịnh và cầu nguyện theo gương Thầy của họ. Ban đầu, các tín hữu Kitô áp dụng cùng một phong tục ăn chay như đã được quy định trong Luật cũ, theo đó vào những ngày ăn chay, họ chỉ được ăn một bữa và sau khi mặt trời lặn.

Nhận định này được khẳng định thêm bởi Nicholas V. Russo trong một bài báo viết cho Đại học Baylor.

Tuy nhiên, việc kiểm tra kỹ hơn các nguồn cổ xưa cho thấy một sự phát triển lịch sử dần dần. Mặc dù việc nhịn ăn trước Lễ Phục sinh dường như đã có từ xưa và phổ biến, nhưng thời gian của việc nhịn ăn đó thay đổi đáng kể giữa các nơi và qua các thế hệ. Ví dụ, vào nửa sau của thế kỷ thứ hai, Thánh Irênê thành Lyons (ở Gaul) và Giáo Phụ Tertullian (ở Bắc Phi) cho chúng ta biết rằng thời gian chay tịnh chuẩn bị chỉ kéo dài một hoặc hai ngày, hoặc bốn mươi giờ - kỷ niệm chính xác thời gian Chúa Kitô nằm trong mộ.

Mãi cho đến Công đồng Nicê năm 325, thời gian Mùa Chay mới được ấn định là bốn mươi ngày.

Một phần lý do đằng sau sự tuân thủ khác nhau của Mùa Chay trong ba thế kỷ đầu tiên của Giáo hội là các Kitô hữu thường chỉ đơn giản là cố gắng sống sót và không bị giết. Sự bắt bớ lan rộng trong Đế quốc La Mã đã không cho phép các mùa phụng vụ phổ quát.

Mặc dù các Thánh Tông đồ có thể không thiết lập Mùa Chay như chúng ta biết hiện nay, nhưng có lẽ các ngài đã thực hiện một giai đoạn chuẩn bị ráo riết trước Lễ Phục sinh, theo gương Chúa Giêsu về việc chay tịnh và cầu nguyện.
Source:Aleteia