Ngày 09-02-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:46 09/02/2020

19. Hành vi thánh thiện mới có thể kêu gọi con người ta trở thành người suy nghĩ thấu đáo trước mặt Thiên Chúa.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:53 09/02/2020
40. ÔN CÔNG KINH HOÀNG

Thừa tướng Viên Thái Trọng cùng với hai viên quan đang nghỉ ngơi giải trí trong nhà khách, một viên quan nói:

- “Tư mã Tương Như cùng với người đẹp Trác Văn Quân ngày ngày quấn quýt với nhau, sao lại không khoái lạc được chứ?”.

Người thứ hai kiến thức nông cạn nên nói:

- “Khoái lạc thì khoái lạc, nhưng khi bị hình phạt thiến thì cũng rất khổ”.(ông ta hiểu lầm là các tư mã cùng với tư mã Tương Như đều giống nhau).

Viên Thái Trọng nhắm mắt cười thầm, nghĩ rằng: “Con sâu hồ đồ này đem họ của tư mã kéo làm một, tư mã Ôn Công không lẽ cũng bị kéo vào hay sao?”

Bèn làm mặt nghiêm nghị nói:

- “Lời ông nói đó ngay cả tư mã Ôn Công (tư mã Quang) nghe được thì cũng phải giật mình”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 40:

Thời nay hiểu lầm người khác thì là chuyện “phổ thông”, tức là chuyện thường xảy ra, bởi vì xã hội có quá nhiều điều bất công nên tâm của con người cũng đổi thay.

Hiểu lầm là ngộ nhận cái tốt thành cái sai, cái xấu thành cái đẹp, là coi người tốt thành người xấu và người xấu thành người tốt.

Không biết mà hiểu lầm là tội nhỏ, nhưng biết mà vẫn cứ nghĩ sai nghĩ bậy cho người khác là chuyện lớn, bởi vì như thế là hại đến thanh danh của người khác, mà thanh danh là “cái mặt” của tự ái, cho nên từ hiểu lầm đến nghi ngờ không những hại người khác, mà còn làm thương tổn đến tinh thần của họ nữa.

Người Ki-tô hữu nhờ có Lời Chúa hướng dẫn nên họ không hiểu lầm nghi ngờ cho tha nhân, vì Chúa Kitô đã dạy họ rằng: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán”, cho nên cuộc sống của họ có nhiều bạn bè và họ trở thành người bạn của mọi người...

Người khác không hiểu Lời Chúa nên thường hay hiểu lầm ngộ nhận nhau, nhưng chúng ta có Chúa Thánh Thần hướng dẫn dạy dỗ, nên thay vì hiểu lầm ngộ nhận, chúng ta biến nó thành sự thông cảm bao dung và yêu thương, đó chính là đem yêu thương xóa bỏ mầm mống hận thù vây !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kết thúc bi đát của vụ thảm sát tại Thái Lan 27 người chết, 57 bị thương
Đặng Tự Do
03:56 09/02/2020
Trong một cuộc họp báo diễn ra vào lúc 11:30 giờ địa phương ngày Chúa Nhật 9 tháng Hai, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết hung thủ trong vụ nổ súng tại quận Korat của thành phố Nakhon Ratchasima đã bị bắn chết vào khoảng 9g sáng Chúa Nhật trong một cuộc giao tranh với các đơn vị quân đội và cảnh sát Thái. Tổng cộng có 27 người đã thiệt mạng, bao gồm cả hung thủ, và 57 người khác bị thương. Trong số những người bị thương có những người bị thương rất nặng và đang phải chiến đấu với tử thần.

Thủ tướng Prayut đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan liên quan hỗ trợ các nạn nhân và gia đình phải chịu đựng những gì ông gọi là một vụ bạo lực chưa từng thấy tại quốc gia này.

“Tôi phải thừa nhận rằng loại tình huống này chưa từng xảy ra ở Thái Lan trước đây,” ông Prayut nói tại Korat. “Và chúng ta phải làm hết sức để nó đừng xảy ra lần nữa.”

Thủ tướng cho biết cuộc điều tra về vụ việc đang diễn ra và cảm ơn các thành viên của cộng đồng đã hiến máu cho các nạn nhân của vụ thảm sát này. Ông cũng bênh vực cho các đơn vị quân đội và cảnh sát Thái trước những lời chỉ trích cho rằng cuộc bao vây kéo dài quá lâu, và nói rằng các nhân viên an ninh phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi tiến vào bên trong khu thương mại rộng lớn này.

Tử vong mới nhất là một thành viên của một đội đặc công cảnh sát đã bị bắn chết vào khoảng 4 giờ sáng khi tham gia vào một cuộc đấu súng với hung thủ bên trong trung tâm thương mại Terminal 21. Anh thuộc biệt đội cảnh sát Hanuman tinh nhuệ của Thái được máy bay trực thăng đưa cấp tốc từ Bangkok trong một chuyến bay dài 40 phút.

Các nguồn tin cảnh sát cho biết hung thủ, là Trung sĩ nhất Jakrapanth Thomma, 32 tuổi, đã bị bắn chết vào khoảng 9 giờ sáng tại khu vực Foodland của tầng hầm trung tâm mua sắm. Theo các viên chức, Jakkrapanth được phát hiện đang trốn trong siêu thị và bắn vào cảnh sát, buộc họ phải bắn trả lại.

Công binh dò mìn đã được triển khai để tìm kiếm chất nổ do tay súng này mang đến. Do đó, siêu thị này buộc phải tiếp tục đóng cửa cho đến khi nhà chức trách hoàn thành xong công tác dò tìm các loại chất nổ.

Động cơ của vụ thảm sát vẫn chưa rõ ràng, nhưng dường như viên sĩ quan chỉ huy của Jakkrapanth, ở căn cứ của anh có tranh chấp với anh về các khoản tiền mượn của người lính này.

Tờ Bangkok Post cho biết trong cuộc cãi vã tại căn cứ quân sự Suatham Phithak ở Nakhon Ratchasima, người lính Thái Lan này đã bắn chết viên sĩ quan chỉ huy của mình.

Anh ta cũng đã giết chết ít nhất hai người khác tại căn cứ này, trong đó có một phụ nữ 63 tuổi và một người lính thứ hai, trước khi lấy đi 3 hay 4 khẩu tiểu liên, và 700 viên đạn và nhảy lên một chiếc humvee phóng đi.

Jakkrapanth được tường thuật là một tay súng thiện xạ liên tiếp đoạt giải nhất trong các cuộc thi bắn của đơn vị.

Hung thủ đã lái xe đến khu thương mại Terminal 21 của thành phố, lao vào các cửa hàng và xả súng bắn bừa bãi làm ít nhất 20 người thiệt mạng, và 31 người đã bị thương. Sau đó, y bắt giữ một số người làm con tin.


Source:Khaosod
 
Giáo Hội tại Hương Cảng giữa cuộc khủng hoảng dịch bệnh: Các thánh lễ vắng vẻ quá
Đặng Tự Do
17:07 09/02/2020
Hôm 6 tháng Hai, giáo phận Hồng Kông đã ra thông cáo báo chí chỉ rõ các chỉ dẫn mục vụ mới cho việc cử hành các thánh lễ và những cuộc tụ họp cộng đồng.

Do tình hình “ngày càng nghiêm trọng” do dịch bệnh gây ra, tất cả những người đã ở Trung Quốc trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi virus này không nên tham dự các thánh lễ trong nhà thờ, mà nên theo dõi các thánh lễ trực tuyến, “dành thời gian đọc Kinh Thánh, lần chuỗi Mân côi, và suy niệm các bài đọc của Thánh lễ.”

Những chỉ dẫn này cũng áp dụng cho tất cả mọi người, để giảm số lượng tín hữu trong các cuộc tụ họp và tránh nguy cơ lây lan virus. Những người quyết định đến nhà thờ tham dự thánh lễ được yêu cầu đeo khẩu trang y tế, giữ vệ sinh, đứng xa nhau ở một khoảng cách nhất định, không được hát ngoại trừ câu Alleluia trước Phúc Âm và câu “Đây là mầu nhiệm đức tin” sau khi thánh hiến bánh và rượu. Những người đau yếu được khuyên tốt nhất là không nên tham dự các thánh lễ.

Thông cáo này có thể có tác dụng ngăn chặn dịch bệnh một phần nào nhưng hậu quả hiển nhiên như quý vị và anh chị em có thể thấy trong đoạn video này là các thánh lễ trong hai ngày cuối tuần thứ Bẩy và Chúa Nhật mùng 8 và 9 tháng Hai gần như không có bao nhiêu giáo dân tham dự thánh lễ.

Asia-News, cơ quan thông tin của PIME, tức là Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một giáo xứ ở Trường Châu (Cheung Chau - 长洲) đã cố gắng tìm kiếm mua khẩu trang y tế để phát cho anh chị em giáo dân đến nhà thờ nhưng không có kết quả vì các hiệu thuốc và các cửa hàng khác đã hết hàng. Không có các khẩu trang y tế trong các thánh lễ tại nhà thờ có thể khiến nhiều người lo ngại.

Kể từ khi dịch coronavirus bắt đầu, khẩu trang y tế và các dụng cụ y tế khác đã biến mất ở Hương Cảng.

Một cư dân ở Kennedy Town đã dành một ngày để tìm chất tẩy hoặc chất khử trùng cho giáo xứ của cô và cho nhà của mình nhưng không thể tìm thấy, thậm chí một chai cũng không có.

Giáo phận Hương Cảng đã ra chỉ thị theo đó các phòng họp và nhà thờ phải được khử trùng và giữ vệ sinh ở mức cao nhất.

Kể từ khi dịch coronavirus bùng phát và những trường hợp đầu tiên được báo cáo ở Hương Cảng, cư dân đã tích trữ khẩu trang, găng tay và thuốc khử trùng. Điều này đã dẫn đến sự thiếu hụt.

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh SARS 17 năm trước đã khiến 300 người Hương Cảng bị thiệt mạng. Cho nên, đứng trước vụ bùng phát dịch bệnh này mọi người lo tích trữ thuốc và các mặt hàng khác.

Nhà cầm quyền Hương Cảng đã hạn chế các giao dịch thương mại với Trung Quốc và đưa ra các biện pháp kiểm dịch và khử trùng gắt gao. Điều này cũng gây ra nỗi sợ hết lương thực, cho đến nay vẫn nhập chủ yếu từ Trung Quốc.

Trong chớp mắt, các siêu thị đã trở nên trống rỗng. Người ta nhào đến các siêu thị khuân về nhà dự trữ gạo, thịt heo, thịt gà, trái cây, rau, hải sản, v.v.

Các bác sĩ và y tá đã đình công trong bốn ngày vì chính phủ đã từ chối làm theo lời khuyên của họ là phải đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc.

Ít nhất 5,000 nhân viên y tế tại các bệnh viện đã lãng công, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe tại địa phương.


Source:Asia News
 
Hãy xử dụng kỹ thuật phát triển để ngăn chặn nạn buôn người
Thanh Quảng sdb
22:57 09/02/2020
Hãy xử dụng kỹ thuật phát triển để ngăn chặn nạn buôn người

Sau Ngày Quốc tế Cầu nguyện Chống lại nạn buôn người, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi đọc kinh Truyền tin vào trưa Chúa Nhật tại Quảng trường thánh Phêrô rằng mọi người phải xử dụng kỹ nghệ tân tiến mà chống lại các tổ chức tội phạm ngày càng lạm dụng internet để dụ dỗ nạn nhân vào tròng tệ nạn buôn người!
(Tin Vatican - Devin Watkins)
Nhân ngày lễ kính Thánh Josephine Bakhita, quan thầy của các nạn nhân của nạn nô lệ buôn bán người, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hãy cung cấp các phương tiện bảo vệ và chữa lành cho những nạn nhân của mọi hình thức nô lệ thời đại hiện nay và hãy dùng phương tiện kỹ nghệ tân tiến mà ngăn ngừa các tệ nạn này!

Chữa bệnh
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi để hủy diệt hiểm họa này - các tổ chức, các hiệp hội, cũng như các cơ quan giáo dục cần phải tận dụng các phương tiện kỹ thuật tân tiến… và Đức Thánh Cha nêu lên một nỗ lực mới, một sáng kiến gây quỹ mang tên là Nữ Tu Siêu Việt - Super Nun.
Chính Đức Thánh Cha là người đầu tiên hỗ trợ bằng cách đăng ký trên trang mạng mang tên Talitha Kum của các nữ tu, những người hiến cuộc đời của họ để giải cứu và phục hồi nhân phẩm của những nạn nhân của nạn buôn người.

Phòng ngừa
Trong bài chia sẻ vào trưa Chúa Nhật tuần qua, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết giáo dục là chìa khóa để giúp dân chúng không bị lôi cuốn vào tệ nạn buôn bán người!
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng các nghiên cứu khác nhau đã chỉ cho chúng ta thấy rằng các tổ chức tội phạm ngày càng xử dụng các phương tiện liên lạc hiện đại để dụ dỗ các nạn nhân vào vòng lừa đảo!
Vì vậy, Giáo hội cố gắng cống hiến cho mọi người sự giáo dục về việc sử dụng công nghệ điện toán internet lành mạnh, đồng thời, nhắc nhở các nhà cung ứng các dịch vụ internet ý thức hơn về trách nhiệm của họ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Fresno, California mừng xuân Canh Tý
Magarita Nguyễn Phương Lan
21:33 09/02/2020
Hoa lời tụng ca mừng Tân Niên Chúa ban.

Một mùa xuân mới tràn thắm muôn hồng ân.”

Bài ca nhập lễ đầy ý nghĩa cho Thánh Lễ Mừng Xuân Canh Tý Chúa Nhật, ngày 9 tháng Hai, năm 2020 vào lúc 10 giờ 30 sáng tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Fresno, California. Thánh lễ chủ tế do Cha Guise Vũ Tùng, Tu Đoàn Nam Thừa Sai Thánh Mẫu, Việt Nam. Đồng tế có Cha Chánh xứ Guise Victor Đinh Toàn và Thầy xứ Phó tế Guise Nguyễn Phi Hùng.

Xem Hình

Thánh lễ bắt đầu nghi thức dâng hương để dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi và kính nhớ tổ tiên theo nghi lễ cổ truyền Việt Nam do đoàn Liên Minh Thánh Tâm phú trách.

Trong bài giãng Cha chủ tế mời gọi mọi người chào đón một năm mới trong bình an và chan hoa tình yêu Thiên Chúa, là Chúa của mùa Xuân. Cha cũng tha thiết mời gọi cộng đoàn hãy đón mùa xuân mới trong Chúa và cùng với Chúa hãy mang bình an của Chúa sang sẽ đến mọi người những người lân cận những người chúng ta nhận biết họ đang cần sự đỡ nâng.

Cuối Thánh lễ Cha Chánh xứ Guise mừng tuổi Cha chủ tế, Thầy Phó tế và Cha chúc Tết hết mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ tràn đầy phúc lộc của Thiên Chúa An Khang-Thành Đạt-Hạnh Phúc trong năm Canh Tý 2020 này.

Và Cuối cùng ông Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ đã đại diện cộng đoàn dân Chúa, kính chúc tuổi đến Cha Chánh xứ, Cha chủ tế, Thầy Phó tế, và toàn thể cộng đoàn.

Trước khi cộng đoàn chúc nhau những lời chúc tốt đẹp ngày đầu Xuân, mọi người thứ tự xếp hàng đến đón nhận lộc lời Chúa và phong lì xì theo truyền thống của dân tộc Việt Nam được 2 Cha và Thầy Phó tế trao tặng.

Niềm hân hoan gặp gỡ trong những ngày đầu năm được tiếp nối bằng bữa tiệc mừng Xuân sau tiếng pháo dồn dã cùng hoà vui với nhịp điệu múa lân do đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Thánh Linh phụ trách.

Và cuối cùng, một điểm son nổi bật của Xuân Canh Tý năm nay Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Fresno là những cảnh vật đặc sắc dân tộc Việt Nam được trưng bày: cây mai, cây đào, bánh tét, bánh chưng, ngũ quã ngay tại sau khuôn viên nhà thờ cũng do Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Thánh Linh, đã làm thêm vẽ đẹp và tự hào dân tộc Việt Nam tại Xứ Người là luôn cố gắng duy trì truyền thống văn hoá Việt.

Magarita Nguyễn Phương Lan
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hướng về các người bệnh.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
16:05 09/02/2020
Hằng năm ngày 11.Tháng hai Dương lịch là ngày kỷ niệm Đức Mẹ Maria hiện ta với Thánh nữ Bernadette ở Lourdes bên nước Pháp năm 1858.

Thời Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II., ngày kỷ niệm Đức Mẹ Lourdes 11. Tháng hai 1993, được chọn là ngày dành riêng cầu cho các người bệnh trên toàn thế giới hằng năm trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Những khách hành hương đến kính viếng Đức Mẹ Lourdes xưa nay đều đến hang đá suối nước, nơi ngày xưa Đức Mẹ Maria đã hiện ra với Bernadette cầu nguyện xin ơn chữa lành bệnh thể xác lẫn tinh thần tâm hồn.

Rất nhiều khách hành hương lấy nước chảy trào vọt ra từ hang núi đá rửa mặt, chân tay với lòng tin cầu khấn xin Đức Mẹ Maria phù trợ ban cho được khoẻ mạnh. Và trung tâm hành hương Lourdes cũng xây khu nhà với những bể tắm cho những ai muốn tắm dìm mình trong dòng nước xin ơn chữa lành bệnh.

Vì thế hằng năm có tới hơn kém bảy triệu người đến hành hương kính viếng Đức Mẹ Lourdes xin ơn chữa lành bệnh nạn. Vào mùa hành hương, nhất là mùa hè trời nắng ấm, những người bệnh được chuyên chở tới Lourdes hành hương rước kiệu nhận lãnh Bí tích Xức dầu bệnh nhân. Nhiều người được khỏi bệnh. Nhưng cho tới bây giờ Gíao hội mới chỉ công nhận 67 trường hợp được khỏi lành bệnh nhờ phép lạ Đức Mẹ Lourdes.

Năm nay từ Tháng Giêng 2020 bệnh dịch viêm phổi do vi trùng Corona nguy hiểm lây lan gây đe dọa sức khoẻ và sự sống con người.

Các nhà khoa học ngành y khoa đang nỗ lực tìm mọi phương cách chế vắc xin, thuốc chữa bệnh và tiêm chủng ngăn ngừa loại vi trùng Corona nguy hiểm này.

Các nỗ lực ngành y khoa mong sao tìm ra phương thuốc ngăn ngừa chống diệt trừ loại bỏ vi trùng Corona cực kỳ nguy hiểm gây lo âu sợ hãi cùng cướp đi sự sống con người đang lây lan hoành hành trên thế giới.

Chính quyền các quốc gia đất nước trên thế giới đang nỗ lực đưa ra những phương sách bảo vệ ngăn chặn bệnh dịch lan tràn, nhằm giúp mang lại bảo đảm an ninh cùng sức khoẻ cho người dân đất nước.

Từ ngày bệnh dịch viêm phổi Corona lan tràn đe dọa gây bệnh nạn chết chóc cho người, gây khủng hoảng mọi nơi trên thế giới. Con người ngoài chạy tìm đến phương thức chữa bệnh y khoa thuốc men ở các bệnh viện, đây là nhu cầu rất quan trọng cần thiết chữa trị bệnh dịch, mọi người còn hướng tâm hồn về chốn cao sang linh thiêng cầu khẩn xin ơn.

Hướng về về Đức Mẹ Lourdes và Thánh Rocco, vị thánh quan thầy bảo trợ cho những người bị bệnh dịch:

- cầu xin cho nạn bệnh dịch viêm phổi corona mau chấm dứt đừng gây truyền nhiễm lây lan nữa,

- cầu nguyện cho các nhà khoa học tìm chế ra thuốc, vắc-xin chữa bệnh bài trừ vi trùng bệnh dịch,

- cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá, những người chăm sóc người bệnh được khoẻ mạnh, có sức khoẻ thể xác lẫn tinh thần. Vâng, họ là những thiên thần, là những anh hùng chiến sĩ xông pha chữa trị cứu giúp con người trong cơn nguy hiểm của bệnh dịch viêm phổi lây lan.

- cầu cho các bệnh nhân bị mắc bệnh dịch viêm phổi corona được ơn an ủi chữa lành mau bình phục,

- và trong ngậm ngùi thắp sáng cây nến dâng lời cầu xin cho những người đã qua đời vì mắc bệnh dịch được hưởng ơn cứu độ của Chúa dành cho con người sau cuộc sống trên trần gian.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết những tâm tình hướng về các người bệnh ngày thế giới cầu cho người bệnh 11.02.2020:

„ Với người bệnh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh, bệnh nhân là những người đặc biệt trong số những người mà Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng Thánh Matthêu, những người “đang vất vả và mang gánh nặng nề”, những người được Chúa đoái thương cách đặc biệt. Vì thế, trong giây phút đêm tối, cái nhìn âu yếm của Chúa làm cho người bệnh được hy vọng. Chúa mời gọi “Hãy đến”, vì trong Chúa, những lo lắng và sầu khổ của “đêm tối” thể xác và tinh thần tìm được sức mạnh.

Với các nhân viên y tế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở tất cả hành động của nhân viên y tế, từ chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị, nghiên cứu, chữa bệnh cho đến phục hồi chức năng đều phải hướng đến người bệnh, danh từ “người” phải luôn đi trước tính từ “bệnh”. Vì thế, mọi hoạt động của nhân viên y tế phải nhắm đến phẩm giá và sự sống con người, không được có bất kỳ hành vi nào gây nguy hại cho sự sống của người bệnh, ngay cả khi tình trạng của họ không thể cứu vãn. ĐTC nhấn mạnh: “Chúng ta nhớ rằng sự sống là thánh thiêng và thuộc về Thiên Chúa. Sự sống phải được đón nhận, bảo vệ, tôn trọng và phục vụ từ khi sinh ra cho đến khi chết tự nhiên”.

Với các tổ chức y tế và các vị lãnh đạo các quốc gia: “Tôi nghĩ đến nhiều anh chị em trên khắp thế giới không có cơ hội được điều trị vì điều kiện sống nghèo khổ. Tôi mời gọi các tổ chức y tế và các chính phủ ở tất cả các quốc gia trên thế giới, trong khi quan tâm đến khía cạnh kinh tế, không bỏ quên công bằng xã hội. Tôi hy vọng, cùng với các nguyên tắc của tình liên đới và bổ trợ, chúng ta sẽ hợp tác để mọi người được chăm sóc đầy đủ trong việc bảo vệ và phục hồi sức khỏe”. ( Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Ngày thế giới bệnh nhân 11.02.2020).

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hiên Ngang Giữa Núi Đồi
Nguyễn Trung Tây Lm.
22:26 09/02/2020
HIÊN NGANG GIỮA NÚI ĐỒI
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Nguồn trợ lực tôi bởi Đức Chúa
Đấng đã dựng lên trời cùng đất.
Ngước mắt nhìn đỉnh núi cao xanh
Hỏi rằng ai cứu tôi (TV121)
(NTT)

 
VietCatholic TV
Đức Cha Robert Barron: Làm sao đối diện với các khóa thần học tào lao trên Net?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:45 09/02/2020
Đức Cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá Los Angeles, nói rằng các giám mục nên xem xét việc cấp một ủy nhiệm thư chính thức cho những ai muốn giảng dạy về đạo lý Công Giáo trên các phương tiện truyền thông xã hội. Đức Cha Barron là một người nổi tiếng với công việc đề cao việc giảng dạy đạo lý Công Giáo trực tuyến.

Trong một cuộc phỏng vấn với National Catholic Register, Đức Cha Robert Barron nói rằng ngài tin rằng một giám mục giáo phận có thẩm quyền để áp dụng các tiến trình kiểm tra và công nhận những ai có thể giảng dạy đức tin trực tuyến, tương tự như cơ chế Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phát triển trong Tông hiến Ex Corde Ecèreiae cho các trường cao đẳng và đại học, được công bố năm 1990.

“Nói một cách thẳng thừng, có một số lượng lớn thiếu phối hợp những người như vậy trên các phương tiện truyền thông xã hội đang rao giảng những lời nói gây chia rẽ, hận thù, thường xuyên mâu thuẫn với thần học của Giáo hội và, đáng buồn thay, họ lại có tác động mạnh mẽ đến mọi người.”

Theo Đức Cha Barron, các giám mục là “các mục tử của Giáo hội, là những người được giao nhiệm vụ giám sát việc huấn giáo” và các ngài “có thể và nên chỉ ra khi mọi người trên các phương tiện truyền thông xã hội đang làm hại Nhiệm thể Chúa Kitô.”

Để chống lại những thông tin sai lệch từ những người tuyên bố đại diện cho những gì Giáo hội dạy, theo Đức Cha Barron, có lẽ ngài và các giám mục khác nên đưa ra một cái gì đó giống như một ủy nhiệm thư cho những người giảng dạy đức tin Công Giáo trực tuyến, theo đó, một giám mục khẳng định người đó đang giảng dạy trong tình hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội.

Nhận xét của Đức Cha Barron đã ngay lập tức bị tấn công trên các mạng xã hội với các cáo buộc theo đó đề nghị của ngài chẳng qua chỉ là một nỗ lực nhằm kiểm duyệt ý kiến của người Công Giáo trên các phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, thực ra đề xuất của Đức Cha chỉ áp dụng giới hạn trong số những người muốn giảng dạy đạo lý và các nhà thần học Công Giáo trên phương tiện truyền thông xã hội.

Giáo luật 812 quy định rằng “Những người dạy các môn thần học trong bất cứ một học viện cao đẳng nào, đều phải có ủy nhiệm của nhà chức trách có thẩm quyền.”

Ủy nhiệm thư này, tiếng Latin gọi là mandatum, là bắt buộc để dạy thần học Công Giáo tại một trường cao đẳng hoặc đại học, nhưng không phải tất cả các trường đều yêu cầu mọi giáo sư của họ phải có một ủy nhiệm thư.

Các giáo sư đại học giảng dạy toán học, khoa học, văn học, hoặc các môn học khác không liên quan đến thần học, không bắt buộc phải có một mandatum. Theo đề xuất của Đức Cha Barron, một mandatum trực tuyến dường như cũng có thể chỉ áp dụng cho những người tự xưng là thần học gia và những người tuyên bố sẽ trình bày thần học Công Giáo.

Đức Cha Barron được nhiều người biết đến như một gương sáng trong việc sử dụng internet và các phương tiện truyền thông xã hội một cách thường xuyên và sáng tạo để truyền bá Tin Mừng. Ngài có sự hiện diện tích cực trên YouTube và đã tham gia vào một số mục của “Ask Me Anything” trên Reddit. Ngài cũng duy trì sự hiện diện thường xuyên trên Twitter và Facebook.

Trong một bài thuyết trình vào tháng 11 năm 2019 trước Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Đức Cha Barron khuyến khích các giám mục Hoa Kỳ khác nhận ra tiềm năng của các phương tiện truyền thông xã hội để truyền giáo cho những người mà xã hội ngày nay gọi là “nones”, tức là những người trẻ không có niềm tin tôn giáo.

Đức Cha Barron nói trong bài thuyết trình của ngài trước Hội Đồng Giám Mục rằng các linh mục, giám mục và giáo xứ phải biết cách sử dụng sáng tạo các phương tiện truyền thông mới, cụ thể là, các mạng xã hội như Reddit, Twitter, YouTube và Facebook, là những nơi đang thu hút giới trẻ.

Đức Cha Barron gọi các phương tiện truyền thông xã hội là công cụ thích hợp, để tiếp cận những người trẻ không có niềm tin tôn giáo, và nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Giáo hội phải tỏ tường hơn trên các phương tiện truyền thông trực tuyến, nơi ngày càng có nhiều người tìm kiếm các câu trả lời trong cuộc sống của họ.


Source:Catholic News Agency
 
Giáo Hội Năm Châu 10/02/2020: ĐTGM Anthony Fisher âu lo về xu thế nới lỏng luật độc thân linh mục
Giáo Hội Năm Châu
16:53 09/02/2020
1. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher đề cập đến tương quan giữa vùng Amazon và các thổ dân Úc

Đức Cha Fisher xác nhận ngài chỉ mới nhận được văn kiện tóm tắt các điều được bàn luận tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon hồi tháng 10 năm ngoái chứ chưa nhận được gì về chính tông huấn hậu thượng hội đồng.

Được hỏi có gì tương tự giữa Úc và Amazon hay không và ngài nghĩ gì về việc phong chức linh mục cho các Viri Probati, Đức Cha Fisher cho hay: tại Úc cũng có những vấn đề tương tự. Nhiều người nói rằng sau hơn 200 năm, Úc vẫn chưa có hàng linh mục thổ dân. Thưc thế, Đức Cha cho hay hiện ở Úc chỉ có một linh mục thổ dân, nhưng là một linh mục từ Hiệp Thông Anh Giáo trở lại Công Giáo. Trước đây, có một linh mục khác, nhưng ông này đã rời bỏ chức linh mục và nay là một chính trị gia và là một nhà lãnh đạo quan trọng.

Người Thổ Dân, chiếm tới 5 phần trăm dân số Úc, tuy có phó tế và nữ tu, nhưng không có ai tham gia hàng ngũ linh mục cả. Đức Cha hỏi tại sao và ngài trả lời: “một trong các lý do... là trong các xã hội thổ dân truyền thống, cho tới khi bạn cưới vợ và có con, bạn không thể lãnh đạo, được tôn kính như một nhà lãnh đạo. Bạn phải chứng tỏ tư cách đàn ông của mình bằng cách có con. Và do đó, theo các nền văn hóa này, không thể quan niệm được việc trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần nếu bạn là người độc thân.

Thành thử ta phải thừa nhận thực tại văn hóa của người bản địa Amazon và người Thổ Dân Úc. Theo Đức Cha, “ban bí tích và quyền lãnh đạo tinh thần cho các cộng đồng này là điều quan trọng hơn truyền thống độc thân của chúng ta”.

Nhưng Đức Cha Fisher không đồng ý đối với quan điểm cho rằng vì người bản địa Amazon và người Thổ Dân Úc “không có khả năng sống độc thân” nên ta phải chấp nhận, như một nhượng bộ, cho phép những viri probati của họ được phong chức linh mục.

Đức Cha gọi quan điểm ấy là quan điểm kỳ thị chủng tộc. “Chúng ta phải nhấn mạnh rằng mọi người, kể cả những người thuộc các nền văn hóa thổ dân, đều có khả năng có nền linh đạo và nhân đức cao độ như mọi con người khác”.

2. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher âu lo về xu thế nới lỏng luật độc thân linh mục

Nhân dịp này, Đức Cha Fisher tỏ ý lo ngại trước viễn ảnh thay đổi luật độc thân giáo sĩ, khi ngài phát biểu sau đó rằng “Tôi nghĩ còn có một vấn đề về việc, trong một đất nước, có thể có một nhóm có thể có các linh mục có vợ còn các nhóm khác thì không thể. Liệu tình huống này có còn hiện hữu trong trường kỳ hay không?”.

Nếu vì bất cứ lý do gì mà “bạn phải cho phép một hàng giáo sĩ có vợ, chẳng bao lâu bạn sẽ đẩy luật độc thân vào các đan viện. Nó sẽ trở thành một thực hành trong đan viện, không dành cho các linh mục thông thường mà chỉ dành cho những người thuộc các cộng đồng tu trì thường sống cô lập, trên những đỉnh núi cao”.

Đức Cha nhận định về luật độc thân như sau: “Tôi nghĩ bất kể các thất bại của một số linh mục độc thân tại một số thời điểm và tại một số nơi, luật độc thân vẫn mang lại nghị lực lớn lao và tài lãnh đạo tinh thần cho Giáo Hội, ở nhiều thời điểm trong lịch sử và tại nhiều nơi. Và đẩy luật độc thân vào các đan viện như tôi nghĩ sẽ diễn ra trong một số ít thế hệ hay thậm chí nhanh hơn, sẽ là một mất mát lớn lao cho Giáo Hội”.

Ngài kết luận “Tôi lo lắng về điều đó, tuy không muốn nói rằng tôi tuyệt đối loại bó nó”.

Trở lại chuyện Thượng Hội Đồng hay bất cứ loại hội nghị nào, kể cả công đồng toàn thể của Giáo Hội Công Giáo Úc, Đức Cha Fisher cho rằng người ta thường có những hoài mong không có thực chất. Đức Cha thuật lại phản ứng lúc mới công bố Công đồng Tòan thể của Úc năm 2017, “người ta bảo rằng mọi điều có đó để nắm bắt: bất cứ bạn nghĩ hay muốn gì, bất cứ bạn mơ ước gì, cứ việc nói ra”.

Họ làm như thể “Giáo Hội ở Úc không phải là thành phần của một điều gì đó lớn hơn, nó có thể đi con đường riêng; hay Giáo Hội Công Giáo không lệ thuộc Chúa và Thầy, chúng ta chỉ là một nghị viện có thể tạo ra luật lệ riêng; hay Giáo Hội Công Giáo không phải là một phần của truyền thống, nhưng thực sự có thể tiến hành theo tinh thần thời nay... “.

Theo ngài, có một lối nói cùng một điều như thế nhưng không tạo ra các hoài mong không thực tiễn. “Và tôi nghĩ đó là điều các nhà tổ chức muốn nói: ‘dĩ nhiên, chúng ta vẫn sẽ là Công Giáo, nhưng làm thế nào để có thể là một Giáo Hội tốt đẹp hơn cho anh chị em và với anh chị em’”.

Nhưng theo Đức Cha, chúng ta ưa nói và nghĩ theo các khẩu hiệu vắn tắt, và qua đó, thông điệp chúng ta nhận được khiến người ta có cảm tưởng nếu họ muốn bãi bỏ hàng giáo phẩm thì điều đó có thể thực hiện được. Hoặc nếu họ muốn thay đổi một vài điều trong Kinh Tin Kính, việc này có thể được Giáo Hội Úc thực hiện.

Nhưng đâu có thể thế được, vì Giáo Hội tại Úc là “một phần của điều gì đó lớn hơn”. Đức Cha nói: “Giáo Hội Công Giáo, trong tư cách một Giáo Hội hoàn cầu, chuyển dịch chậm hơn. Tôi nghĩ Chesterton từng nói ‘Nó là một trong các định chế dân chủ nhất, vì người chết cũng có lá phiếu của họ’. Truyền thống của chúng ta có một lá phiếu, chúng ta không tạo hoẹt ra nó trên đường chúng ta đi. Không nên coi nó như cối đá treo ở cổ vì quả là giải thoát khi không phải tái phát minh mỗi ngày điều niềm tin và nền luân lý của tôi sẽ là gì. Tôi cũng có một bản sắc, một truyền thống và một cộng đồng mà tôi tự hào”.

Tôn trọng nó có nghĩa có những điều sẽ không thay đổi hay không thay đổi một cách nhanh chóng. “Tôi nghĩ phương thức tích cực hẳn phải nghĩ bên trong những điều khả hữu, chúng ta có đang làm điều tốt nhất không? Có thể có thay đổi giáo luật trong tương lai, và chúng ta có thể giúp việc này. Nhưng chúng ta có làm tốt nhất với những gì chúng ta đã có chưa? Tôi không nghĩ như thế”.

Như trong vấn đề phụ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo. Nhiều nơi trên thế giới chưa làm đủ. Ta phải thách thức việc này bằng cách “nhìn ra bên ngoài chiếc hộp ta đang sử dụng một cách sáng tạo, cách chúng ta luôn luôn làm, nhưng bên trong những điều đã khả hữu trong luật lệ và phong tục cũng như thần học của ta, điều này là một khởi điểm tốt hơn là chỉ nói: ‘ta hãy hoàn toàn tưởng nghĩ lại Giáo Hội’, trừ phi là chuyện tiểu thuyết khoa học giả tưởng”

3. Đông Phi kêu cứu vì nạn Cào cào Châu chấu

Liên Hiệp Quốc cho hay nạn Cào cào Châu chấu đang tàn phá Đông Phi một cách tệ hại nhất trong 70 năm qua và xứ sở này cần ít nhất 76 triệu đô để diệt trừ đại họa này và phục hồi cuộc sống.

Cho đến nay, người ta mới vận động được 15 triệu đô để giúp ngăn ngừa đại họa đang đe tình trạng đói khổ của hàng triệu người ở các quốc gia Kenya, Ethiopia, Somalia và nhiều nơi khác! Giám đốc cấp cứu của Tổ chức Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, ông Dominique Bourgeon cho hay trong một cuộc họp ngắn tại Rome.

Nạn Cào cào Châu chấu là đại họa tồi tệ nhất trong 70 năm qua, lý do vì tình trạng biến đổi khí hậu. Sự bùng phát đại họa này một phần do khí hậu thay đổi, hiện đang đe dọa lan tràn sang Nam Sudan và Uganda! Những cơn mưa mới trong những tuần tới sẽ làm nẩy mầm nhiều cây hạt mới… Nhưng đại họa về Cào cào Châu chấu, nếu không được kiểm soát cho đến tháng 6 khi thời tiết khô tạnh, thì số lượng Cào cào Châu chấu, thể tăng gấp 500 lần hiện nay!

Nông dân đã mất 90% vụ mùa vì nạn Cào cào Châu chấu.

Ông Dongyu, chủ tịch của Hiệp Hội Lương thực Quốc tế Thế giới cho hay nếu số tiền đó mãi tháng Tư mới có, thì sẽ ra vô dụng; vì vậy, thời điểm và địa điểm là rất quan trọng. Nạn Cào cào Châu chấu sẽ tăng vọt hàng tỷ con và phá hoại mùa màng… Người đại diện cho tổ chức ở Ethiopia cho hay một số nông dân ở Châu Phi, quốc gia đông dân thứ hai của châu này đã mất 90% sản lượng mùa màng vì nạn Cào cào Châu chấu! Những con vật này đang di chuyển về thung lũng Rift của Ethiopia, cái nôi nông sản nông nghiệp chính của đất nước.

Các nhà chức trách cho biết việc phun thuốc trừ sâu hiện nay không có hiệu quả, các quan chức ở Kenya và các nơi khác nói cần nhiều máy bay xịt thuốc trừ sâu hơn. Một bầy Cào cào Châu chấu mà thôi đã có thể lên tới 150 triệu con, chúng bay rập một chu vi nhiều cây số vuông tương tự như cả 250 sân bóng đá gom lại... Một bầy Cào cào Châu chấu lớn ở đông bắc Kenya bay dài cả 60 km và trải rộng cả 40 km (37 dặm dài 25 dặm rộng).

Cuộc sống phần đa dân chúng phụ thuộc vào mùa này, nên chúng tôi lo rằng Cào cào Châu chấu sẽ phá hủy vụ thu hoạch, làm thực phẩm bị thiếu hụt trầm trọng! Phải chờ đến tháng 10 của vụ mùa tới mới lại có lương thực! Ngay cả trước khi bộc phá nạn Cáo cào Châu chấu này, gần 20 triệu người đã phải đối diện với tình trạng thiếu lương thực ở Đông Phi vì hạn hán và lũ lụt triền miên...

4. Sau Đông phi đến lượt Pakistan tuyên bố tình trạng khẩn trương vì Châu Chấu

Chính quyền Pakistan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc gia vào ngày 31 tháng 1 để chống lại sự lan tràn cuả loài châu chấu sa mạc đang phá hủy mùa màng ở tỉnh Punjab, sau khi đã phá hủy 22.000 mẫu Anh (8,900 ha) nông sản ở tỉnh Sindh.

Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước, loại côn trùng này đã lan đến các tỉnh miền bắc, tới tận tỉnh biên giới cuả miền Tây Bắc là Khyber Pakhtunkhwa. Trước đây các tai ương cuả những năm 1993 và 1997 chỉ ảnh hưởng đến hai tỉnh Punjab và Sindh.

Theo ông Bộ trưởng Bộ An ninh lương thực quốc gia Makhdoom Khusro Bakhtiar, sự xâm nhập của châu chấu là do biến đổi khí hậu.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Thủ tướng Imran Khan đã thành lập một ủy ban liên bang cấp cao.

Các Bộ trưởng và quan chức từ bốn tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hành động cho toàn quốc với số tiền là 7,3 tỷ rupee (48 triệu USD) để loại bỏ châu chấu.

Ông Manshad Asghar, tổng thư ký của Caritas tại Hyderabad, cho biết rằng các phương tiện truyền thông địa phương đã không công bố tin tức về các khu vực bị lâm nạn bởi vì họ lo sợ dân chúng bị báo động quá mức.

Tuy nhiên, châu chấu đã nhanh chóng tấn công “các quận nghèo, thiếu nước và thực phẩm”, ông nói.

Năm 2018, Caritas đã cung cấp nhiều khóa học về quản lý chăn nuôi, bảo quản thức ăn và thức ăn gia súc, lưu trữ hạt giống, quản lý cây trồng, bảo tồn đất và quản lý nước ở các huyện sa mạc Nagarparkar và Tharparkar. Năm nghìn người đã tham gia các khóa đào tạo, kết thúc vào tháng 3 năm 2019.

Vào cuối tuần trước ông Giám đốc Caritas Pakistan Amjad Gulzar đã họp khẩn cấp với toà khâm sứ Toà Thánh ở Balochistan, là nơi cào cào xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2019.

Chúng tôi đang lên kế hoạch phòng ngừa, ông nói, và đã đóng một vai trò lớn hơn trong việc nâng cao nhận thức của những người nông dân nghèo.

Đối với họ, việc trồng vây và chăn nuôi là phương tiện sinh sống duy nhất. Việc mất mùa có thể khiến các thực phẩm thiết yếu tăng giá.

Trong khi đó, Pakistan cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lúa mì nghiêm trọng ảnh hưởng đến các thành phố chính của nước này.

Giá bột và bánh mì tăng vọt vào tháng trước khi lúa mì biến mất khỏi các cửa hàng.

Để phản đối chính sách kiểm soát giá cả của chính phủ, các thợ làm bánh đã đình công.

Lúa mì là thực phẩm chính ở Pakistan, được trồng trên 60% diện tích nông nghiệp.

Theo ông Ashgar, tổng thư ký của Caritas, một ông bộ trưởng đã làm cho vấn đề tồi tệ hơn bằng những lời diễu cợt coi thường thiên tai này.

Tháng 11 năm ngoái, lan truyền ra một video của ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ở tỉnh Sindh, là Ismail Rahu. Ông đề nghị mọi người giải quyết thiên tai bằng cách ăn châu chấu: Chúng mà đến, thì mọi người cứ việc bắt chúng mà nhậu.

Ông Rahu nói rằng những người ở sa mạc thường ăn châu chấu, mọi người không nên lo lắng “vì chúng không có hại”.

5. Ðức Giáo hoàng Phanxicô xuất bản một cuốn sách cho trẻ em.

Một lần nữa Ðức Giáo hoàng Phanxicô lại đối thoại với các trẻ em, và lần này ngài thực hiện việc này qua một cuốn sách dành cho các em với những câu nói ngắn và đơn giản, với những hình ảnh sống động, khuyến khích các em chia sẻ, khoan dung và hòa bình.

“Trẻ em là hy vọng”, tập sách có tác giả là Ðức Giáo hoàng Phanxicô, đã được bán ở Ý từ hôm 30 tháng 01 năm 2020. Trong sách này, Ðức Giáo hoàng nói với các bạn nhỏ những câu như “hãy hạnh phúc khi ở bên người khác” hoặc “chơi với người khác như thể các con là một đội và tìm kiếm điều tốt cho mọi người.”

Những câu nói đơn giản và ngắn gọn của Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã được cha Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí “Văn minh Kitô giáo” của dòng Tên, thu thập và được minh họa bởi các hình ảnh của nữ họa sĩ vẽ tranh minh họa trẻ em Sheree Boyd, cộng tác của các tờ báo như New York Times và tạp chí American Baby.

Ðức Giáo hoàng Phanxicô đồng hành cùng những khoảnh khắc khác nhau trong ngày của trẻ em cách nhẹ nhàng, bằng cách gợi lên những điểm suy tư. Và như thế, khi nhìn thấy các em chơi đùa, ngài khuyên: “Hãy hạnh phúc khi ở bên người khác”, hoặc, tưởng tượng các em đang ở trong một khoảnh khắc khó khăn hay buồn bã, ngài khuyên: “Chúa Giê-su hiểu những vấn đề của con. Hãy cầu nguyện trong im lặng và để những lời nói được sinh ra từ nước mắt.”

Ðó là những lời khuyên nho nhỏ, giống như của một ông nội hay ông ngoại, để đồng hành cùng trẻ em, thông qua một hành trình với những hình ảnh độc đáo và đầy màu sắc.

Cuốn sách được giới thiệu: “Thông điệp của Ðức Giáo hoàng Phanxicô là phổ quát, gửi đến những người nhỏ nhất, bằng cách mời các em đón nhận tinh thần chia sẻ, khoan dung, hòa bình. Ðức Giáo hoàng nói với trẻ em một cách đơn giản và trực tiếp, mời gọi các em trở nên quảng đại, không sợ khóc, làm điều tốt trong cuộc sống, nhưng cũng phải mỉm cười, luôn luôn hợp sức, vui mừng và bộc phát niềm vui. Với một hình ảnh phản chiếu, trong đó mỗi đứa trẻ sẽ tìm thấy hình ảnh của mình.”

6. Những điều mang lại cuộc sống hạnh phúc - một cái nhìn chung giữa khoa học và lời dạy của Chúa Giêsu.

Nghiên cứu của Ðại Học Harvard đã theo dõi cùng một số người trong 80 năm và những phát hiện về những điều mang lại cuộc sống hạnh phúc được tiết lộ!

Bạn đã đọc gì về nghiên cứu mà Ðại Học Harvard theo đuổi trong suốt 80 năm, một việc đo lường sức khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống con người? Nghiên cứu bắt đầu trong những năm 1930 và tiếp tục cho đến ngày nay bằng việc thu thập dữ liệu về con cái của những người tham gia ban đầu. Cho đến nay, dữ liệu đã tiết lộ một vài xu hướng mạnh mẽ cho thấy những điều tạo nên một cuộc sống hạnh phúc. Ðiều thú vị là những phát hiện này tương đồng với những gì mà Chúa Giêsu và Tân Ước dạy. Dưới đây là 5 cách để vun đắp hạnh phúc từ những phát hiện của cuộc nghiên cứu và có liên hệ với những lời được trích từ Kinh Thánh.

1. Chất lượng cuộc sống của bạn, đặc biệt khi bạn luống tuổi, phụ thuộc vào các mối tương quan của bạn

Một phát hiện lớn của nghiên cứu là những người có mối tương quan tốt, ổn định và những hệ thống hỗ trợ ở tuổi 50 thì thường có sức khỏe tốt hơn ở tuổi 80 so với những người nghèo nàn các mối tương quan tốt.

Chúa Giêsu cũng ủng hộ cho những mối tương quan và cộng đồng ổn định. Người sai cứ hai người một đi rao giảng (x. Lc 10,1). Người thành lập một cộng đoàn gồm 12 người (Tông Ðồ) và cùng với họ, Người rảo quanh làng mạc, dạy dỗ và trải nghiệm cuộc sống. Và Người nói rằng hình vi cao cả nhất của tình yêu là hy sinh tính mạng vì bạn hữu (x. Ga 15,13), cùng với lệnh truyền hãy yêu người lân cận như chính mình (x. Mc 12,31).

2. Ðời sống hôn nhân ổn định và thỏa mãn làm con người hạnh phúc hơn

Nghiên cứu nói rằng, khi con người sống trong hôn nhân hạnh phúc, họ có tâm trạng tốt vào những ngày mà họ trải nghiệm nhiều nỗi đau thể xác hơn so với bình thường. Mặt khác, những người có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc cho biết, tâm trạng và thể xác đau đớn, tồi tệ hơn so với những ngày bình thường. Sự cô đơn cũng là nguyên nhân làm con người chết sớm hơn, với các nhà nghiên cứu cho rằng, nó nguy hiểm cho sức khỏe của bạn cũng giống như lạm dụng thuốc lá hoặc rượu.

Chúa Giêsu đòi buộc sự cam kết với người phối ngẫu của bạn bằng những tuyên bố chống lại ly dị (x. Mt 19). Sau này, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrinthô, thánh Phaolô thôi thúc những người chồng và những người vợ hãy yêu thương nhau - điều này nhắm tới những mối tương quan yêu thương và tốt đẹp cho cả hai vợ chồng.

3. Hạnh phúc là khả năng ăn uống có chừng mực mà không lệ thuộc vào rượu bia hay thuốc lá

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người có cuộc sống quân bình và hạnh phúc có thể quay ngược 180 độ nếu họ bắt đầu dính bén vào bia rượu trong nửa cuộc đời còn lại. Ðiều ngược lại cũng đúng - những người bị “chìm đắm” do lạm dụng rượu bia có thể trở lại cuộc sống trong nửa cuộc đời còn lại và tìm thấy hạnh phúc và sự quân bình.

Chúa Giêsu đồng ý rằng sự tiết độ là chìa khóa, khi Người rao giảng sự thanh thoát khỏi thế gian, và thay vào đó là sự gắn bó với Thiên Chúa. Người cật vấn rằng, được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi? (x. Mt 16,26). Trong nhiều lần, Người nói thật khó vào Thiên Ðàng nếu bạn quá gắn bó với những thứ thuộc thế gian (người giàu khó vào Nước Trời, vì anh ta tích trữ những kho báu dưới đất ngày một lớn, anh ta buồn bã bỏ đi vì không muốn chia tài sản của mình cho người nghèo).

4. Duy trì một sức khỏe cường tráng thì có ích cho hạnh phúc lâu dài

Ðiều này bao gồm duy trì hoạt động trong suốt cuộc đời bạn. Trong khi Chúa Giêsu không nói về việc ăn ở hợp lý, thì thánh Phaolô lại nhấn mạnh sự quan trọng của việc chăm lo cho thân xác chúng ta như là đền thờ Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6,19). Ngài cũng nhắc nhớ chúng ta tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác chúng ta.

5. Khả năng đương đầu với cuộc sống thăng trầm một cách lành mạnh là điều thiết yếu cho hạnh phúc

Ðó là những gì mà nghiên cứu cho thấy. Và Kitô giáo giúp đặt hoàn cảnh đổi thay của cuộc sống trong viễn cảnh: Chúa Giêsu nói rằng chúng ta không thuộc về thế gian (x. Ga 17,16) và Người sẻ chia sự đau khổ của chúng ta trong thế giới này thực sự giúp chúng ta sẵn sàng cho thế giới tương lai (x. Mt 5,3).

Vì vậy, làm thế nào chúng ta có được hạnh phúc? Nếu cả Chúa Giêsu và cả dọc dài nghiên cứu khoa học đều đồng tình rằng phải có sự tiết độ trong ăn uống, duy trì một ý nghĩa của niềm hy vọng và kiên nhẫn với cuộc sống, và dành ưu tiên cho các mối tương quan của chúng ta (đặc biệt là hôn nhân nếu chúng ta được chúc lành với người phối ngẫu), thì quan trọng cho một cuộc sống hạnh phúc lâu dài, bạn hãy bắt đầu như thế!

7. Ðức Tổng giám mục Giáo phận Erbil kêu gọi bình quyền cho các tín hữu Kitô Iraq.

Ðức Tổng giám mục Bashar Warda, thuộc Giáo Hội Công Giáo Canđê ở Erbil, Iraq, kêu gọi sự bình quyền và phẩm giá cho các tín hữu Kitô tại nước này, giữa lúc những cuộc biểu tình phản đối chính quyền vẫn tiếp diễn tại Iraq.

Hãng tin Công Giáo CNA truyền đi hôm 30 tháng 01 năm 2020 từ Washington, cho biết trong cuộc thảo luận với một đại biểu quốc hội Mỹ ở thủ đô Mỹ, Ðức Tổng giám mục Bashar Warda tuyên bố rằng các tín hữu Kitô tại Iraq phải giữ một vai trò tích cực trong tương lai của đất nước, nếu họ muốn một nước Iraq hiệp nhất và đa tôn giáo.

Ðức Tổng giám mục đưa ra lời kêu gọi trên đây giữa lúc các cuộc biểu tình chống tham nhũng trong chính phủ Iraq kéo dài từ nhiều tháng nay. Cuộc biểu tình trong tuần lễ chót hồi tháng giêng vừa qua tại thủ đô Baghdad, có khoảng 200 ngàn người tham dự, trong đó đa số là người trẻ.

Hôm 28 tháng 01 năm 2020, trong cuộc gặp gỡ dân biểu Jeff Fortenberry, thuộc đảng Cộng hòa bang Nebraska, Ðức Tổng giám mục Warda cho biết “nạn tham nhũng tại Iraq hiện nay rất trầm trọng. Không có công ăn việc làm, không an ninh và cũng chẳng có tương lai. “Rất nhiều người trẻ Iraq không thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”. Họ cũng mong muốn một tương quan trong tinh thần tôn trọng nhau với cộng đồng quốc tế, chủ quyền Iraq được tôn trọng trên mọi bình diện chính trị, xã hội, tôn giáo.

Hồi tháng 12 năm 2019, Ðức Tổng giám mục Warda đã phát biểu tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc, và cho biết những cuộc biểu tình tại Iraq là để bác bỏ chính phủ của Iraq sau năm 2003, đặc biệt là những chính phủ này được thành lập theo tinh thần phe phái. Theo Ðức Tổng giám mục Warda, các tín hữu Kitô cũng được chào đón khi tham gia các cuộc biểu tình, đó là một dấu chỉ cho thấy có sự yêu cầu một nước Iraq chân thực, đa tôn giáo, được xây dựng trên một hiến pháp không phản ánh luật Sharia của Hồi giáo, nhưng tôn trọng tự do tôn giáo.

Hôm Thứ Bảy 25 tháng 01 năm 2020, khi tiếp tổng thống Barham Salih của Iraq, Ðức Thánh cha nói đến nhu cầu ổn định để đất nước có tương lai và tầm quan trọng của các tín hữu Kitô trong việc duy trì kết cấu xã hội tại nước này.