Ngày 03-03-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay 4/3/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:12 03/03/2018
Bài Ðọc I: Xh 20, 1-17

"Luật do Môsê đã ban ra".

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta.

Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.

Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.

Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69).

Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

Xướng:Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy.

Xướng: Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 22-25

"Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho nhiều người, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những người được gọi".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Ga 2, 13-25

"Các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".

Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

Ðó là lời Chúa.
 
Ngọn roi của Đức Kitô chạm đến để…
Lm Giuse Trương Đình Hiền
11:25 03/03/2018
Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B

1. Từ “Thập Giới” tới “Con bò vàng” :

Nếu thời gian Xuất Hành luôn là điểm qui chiếu của cuộc hành trình Mùa Chay, thì Giao Uớc Si-Nai với Thập Điều luôn là tiêu đích để dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay định hướng mối quan hệ với Chúa và anh em.

Chúng ta vừa nghe lại trích đoạn sách Xuất Hành (Bđ 1) với các điều khoản trong Thập Điều được Chúa truyền cho dân Ít-ra-en qua trung gian nhà lãnh đạo lừng danh Mô-sê. (Xh 20,1-17).

Nếu tính từ thời điểm xuất hiện (1250 trước Công Nguyên) thì cho đến hôm nay, “Mười Điều Răn Đức Chúa Trời” đã có tuổi thọ trên 3 ngàn năm. Một “bản Hiến Pháp”, một “bản quy luật” dành cho tất cả loài người đã tồn tại trên 30 thế kỷ mà vẫn luôn hợp thời, cần thiết, mới mẻ và bất khả thay thế. Chỉ có Thiên Chúa mới làm nên một công trình tuyệt hảo đến thế.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên. Mặc dù dân Ít-ra-en khi vừa nghe ông Mô-sê công bố Thập điều đã đồng thanh tuyên bố : “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24,3); thì sau đó, khi Mô-sê lên nui Si-nai để tiếp tục diện kiến và nhận thêm các chỉ thị của Thiên Chúa, thì dân Ít-ra-en đã xin ông Aharon đúc một con bò vàng để họ tôn thờ.

Vừa mới nghe công bố điều răn thứ nhất : “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp…để mà thờ” (Xh 20,4); và cũng vừa tuyên bố cứng : “…Chúng tôi sẽ thi hành”, nhưng dân Ít-ra-en đã vội sa ngã; quên béng Thiên Chúa và cúi đầu thờ lạy “bò vàng”. Rõ ràng điều đầu tiên mà Lời Chúa hôm nay muốn nhắc bảo chúng ta đó là : hãy tỉnh táo, khiêm nhượng. Giới Luật tốt, Lời thánh thiêng vẫn sờ sờ ra đó. Nhưng bản chất mỏng dòn yêu đuối của phận người, chúng ta có thể một sớm một chiều như dân Ít-ra-en sẽ “cuối đầu thờ lạy bò vàng” lúc nào không hay. Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để chúng ta trở về nghiêm chỉnh thực thi Thập Điều.

2. Ngọn roi Đức Kitô những “con bò vàng trong lịch sử”.

Hiện tượng “bò vàng tục hóa” của dân Ít-ra-en thời Xuất Hành thật ra không phải chỉ diễn ra có một lần, mà gần như xuất hiện triền miên trong lịch sử nhân loại muôn nơi và muôn thuở.

Thật vậy, khi con người đem những giá trị thần linh, thiêng thánh xuống khỏi bệ thờ, khi hạ giá những đối tượng cao khiết thánh thiêng xuống hàng “phàm phu tục tử”... , thì đó chính là “hiện tượng bò vàng xuất hiện” hay là sự tục hóa. Cứ nhìn những cảnh xô đẩy, cướp giật, đánh đấm hổn loạn ở các lễ hội ngoài miền Bắc trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua hay những ngày đầu xuân nầy, (Từ Lộc Hội Gióng ngày mồng 6 Tết, đến đêm khai ấn Đền Trần ngày 14/1 âm lịch…) đủ cho chúng ta thấy hiện tượng tục hóa, hiện tượng bò vàng đang nở rộ nhiều như thế nào trong xã hội…!

Càng tinh vi hơn nữa khi hiện tượng tục hóa mặc những hình thức “quyến rủ ngọt ngào” mà theo Đức Thánh Cha Phanxico định nghĩa trong Sứ Điệp Mùa Chay 2018 là “những kẻ thổi kèn dụ rắn” hay những “tiên tri giả”. ĐTC đã nhận diện đó là những kẻ : “thao túng cảm xúc con người để bắt những người khác làm nô lệ và dẫn dắt người ta đến những nơi mình muốn. Có bao nhiêu con cái của Thiên Chúa bị mê hoặc bởi những thú vui tạm thời, nhầm tưởng những thứ ấy là hạnh phúc thật sự! Có bao nhiêu cuộc đời của những người nam nữ bị hớp hồn bởi ước mơ giàu có, mà chung cuộc chỉ là làm nô lệ cho những lợi nhuận và những ham muốn nhỏ nhen! Có bao nhiêu người trong cuộc đời tin rằng mình có đủ mọi thứ, nhưng cuối cùng chỉ chìm đắm trong cô đơn!

Các tiên tri giả cũng có thể là “những lang băm”, những người đưa ra các giải pháp dễ dàng và tức khắc cho những đau khổ, nhưng những thứ giải pháp ấy chỉ sớm cho thấy chúng cực kỳ vô ích. Có bao nhiêu người trẻ bị mê hoặc bởi những thứ thuốc chữa bách bệnh, bởi các mối quan hệ qua đường, và những lợi ích dễ dàng nhưng không trung thực! Có bao nhiêu người chìm đắm trong một cuộc sống hoàn toàn là “ảo”, với những mối quan hệ xem ra chóng vánh và đơn giản, nhưng chung cuộc chỉ là vô nghĩa! Những kẻ lừa đảo này, khi bán rong những thứ không có giá trị thực sự, đang cướp đi tất cả những gì quý giá nhất như phẩm giá, tự do và khả năng yêu thương. Họ thu hút thói phù hoa của chúng ta, lòng tin tưởng của chúng ta vào vẻ bề ngoài, nhưng cuối cùng họ chỉ lừa đảo chúng ta. Chúng ta cũng không nên ngạc nhiên. Để làm ngỡ ngàng tâm hồn con người, ma quỷ là “đứa quỷ quyệt và là cha của những lời dối trá” (Ga 8:44), đã luôn luôn ngụy trang điều ác như là sự thiện, và điều giả dối như là chân lý.”

Mùa Chay đúng là thời thuận tiện để chúng ta tỉnh táo nhận ra “những mưu ma chước quỷ” của những kẻ “thổi kèn dụ rắn” đó để quay trở về nhà Cha, để hoán cải đổi đời.

Riêng với Đức Kitô trong Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay, thì Ngài không chỉ mời gọi suông cách nhẹ nhàng như lời gọi mời trong những ngày đầu khai trương sứ vụ “hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), mà Ngài đã quyết liệt “lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu :”Đem tất cả những thứ nầy ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. (Ga 2,14-15)

Quả thật đây là một điều “mới mẻ” trong cách hành xử của Đức Kitô mà Thánh Gioan đã nhận xét chí lý khi áp dụng lời Chúa cho trường hợp đặc biệt nầy : “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17) ; và cũng càng “mới hơn nữa” khi Ngài xác nhận với dân Do Thái về đền thờ : “các ông cứ phá hủy Đền Thờ nầy đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”; và cũng chính Thánh Gioan đã chú giải : “Nhưng đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài” (Ga 21).

Phải chăng đây chính là đề tài trọng tâm của Chúa Nhật 3 Mùa Chay hôm nay, khi tất cả chúng ta, những người Kitô hữu, đang được gọi mời thanh luyện đức tin khỏi những cách kiểu “tục hóa” mà không ít thì nhiều vẫn thường “có mặt” trong nhịp sống đức tin hằng ngày.

Phải chăng Mùa Chay chính là dịp để “ngọn roi của Đức Kitô” chạm đến cõi lòng, cuộc sống và việc thực hành niềm tin của mỗi người chúng ta, để chúng ta có được “một trái tim mới”, “một cõi lòng mới”, theo đúng kích thước của Tin Mừng.

Ngọn roi Đức Kitô chạm đến để :

- Ta biết quỳ xuống nơi Tòa Giải Tội mà gội sạch tâm hồn khỏi những rác rưới tội lỗi đã làm biến dạng tâm hồn là chính “cung điện của Thiên Chúa”.

Ngọn roi Đức Kitô chạm đến để :

- Ta biết can đảm xóa bỏ đi những cách ngăn, đố kỵ, giận hờn, ghen ghét với tha nhân để biến cuộc tập họp của Hy tế Tạ Ơn thành Tiệc huynh đệ, biến cộng đoàn thành địa chỉ của yêu thương, chứ không phải là cuộc “tập họp bất đắc dĩ của những con người xa lạ và mỗi cái tôi, mỗi nhân vị trở thành một “pháo đài” kiên cố của bất khoan dung, hẹp hòi, kiêu ngạo…

Ngọn roi Đức Kitô chạm đến để :

- Ta biến giáo lý của Chúa, lề luật của Giáo Hội, lời cam kết khấn dòng… luôn trở thành một Tin Mừng của niềm vui và sự sống, chứ không còn là “những vòng kim cô vô hồn khắc nghiệt”, hay những nguyên tắc xa lạ rỗng tuếch…

Ngọn roi Đức Kitô chạm đến để :

- Ta chuẩn bị thường xuyên một “không gian nội tâm” thích hợp và xứng đáng cho Thiên Chúa ngự trị, một “con đường thẳng tắp để gặp gỡ tha nhân”, mà theo ngôn ngữ của Tin Mừng hôm nay, đó chính là “ngôi nhà của Thiên Chúa”, ngôi nhà của “cầu nguyện”, của hiệp nhất, yêu thương…đối lập với những “hang trộm cướp”, địa chỉ của tham lam, dục vọng, oán thù, ghanh ghét. Và một khi đã có được một cuộc đời là “cung thánh”, một trái tim xứng đáng là “đền thờ”, thì những giá trị của Tin Mừng Đức Kitô sẽ trở thành thuyết phục, con đường cứu độ của Kitô giáo sẽ là giải đáp và lựa chọn duy nhất của con người và “Thập giá điên rồ sẽ biến thành khôn ngoan” như Thánh Phaolô phát biểu trong thư gởi giáo đoàn Cô-rin-tô. (BĐ 2). Amen.

Giuse Trương Đình Hiền

 
Cầu Nguyện: Nâng Nhau Lên Trong Mùa Chay
Phó tế Giuse Nguyễn Xuân Văn
16:20 03/03/2018
Trong cuộc sống hàng ngày hầu như ai trong chúng ta cũng gặp phải những tình huống hoặc biết một ai đó hoặc biết qua tin tức những trường hợp như: Một người vợ, người chồng, cha, mẹ hay con cái mới chẩn đoán bị bệnh ung thư. Một người con, cháu, anh, chị, em đã và đang rời xa khỏi Giáo Hội vì một lý do nào đó. Một người thân, người bạn đồng nghiệp bị vào bệnh viện sau một tai nạn. Một người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân cận bị thất nghiệp mất việc làm, v.v… Ở khắc mọi nơi đang có hàng triệu người không nhà không cửa vô gia cư không có nơi ăn chốn ngủ ổn định. Nhiều người không có bảo hiểm sức khỏe, không được chăm sóc y tế. Biết bao nhiêu phụ nữ và trẻ em đã và đang bị bắt buộc đi vào con đường nô lệ tình dục. Một Xã hội của sự chết đang thịnh hành khi mà xã hội đó làm ngơ, từ chối quyền sống của một thai nhi, v.v…

Có qúa nhiều những tệ nạn và những nỗi thống khổ trên thế giới làm cho chúng ta có cảm tưởng như là con người không có hy vọng, không thể nào vượt qua nó được. Thế nhưng chúng ta hãy có hy vọng vì điều này đã được tìm thấy trong Kinh Thánh "Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa." (Luca 18:27) Đây rõ ràng là một lý do chính đáng để chúng ta thấy được vì sao việc cầu nguyện chuyển cầu (intercessory prayer) đáng quý và có giá trị. Đặc biệt là trong mùa Chay Thánh chúng ta được mời gọi chú ý đến lợi ích của sự cầu nguyện chuyển cầu này trong gia đình, trong nhóm, hội đoàn, giáo xứ và Giáo Hội.

Giá Trị Của Sự Cầu Nguyện Chuyển Cầu.

Việc cầu nguyện chuyển cầu không giống như việc thờ phượng, việc soi sáng thiêng liêng (spiritual enlightenment), hay tạ ơn. Đây không chỉ là việc cầu nguyện cho những người đang cần giúp đỡ. Nhưng nó là một sự kết hợp của việc cầu xin Thiên Chúa đồng hành bước vào một hoàn cảnh nào đó của mỗi người chúng ta. Qua sự đồng hành này chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ ban ân sủng để giúp chúng ta tìm ra phương cách nào đó ngõ hầu chúng ta có thể giải quyết cho một sự việc, một vấn nạn nào đó mà chúng ta đang gặp phải trong đời sống.

Chúng ta có biết việc cầu nguyện chuyển cầu quan trọng đến như thế nào đối với Thiên Chúa không? Có lẽ chỉ cần nhìn vào Kinh Lạy Cha chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Trong lời Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin những điều gì là quan trọng, thí dụ như: Cho chúng ta thờ phương và thấy được vinh quang của Thiên Chúa. Cho chúng ta mở lòng đón nhận “Ý” và kế hoạch của Thiên Chúa, để Thiên CHúa ban cho chúng ta lương thực hằng ngày, tha thứ tội lỗi, và bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ, khỏi những cám dỗ. Và một điều quan trọng hơn nữa là Thiên Chúa ao ước chúng ta cũng sẽ làm cho những người chung quanh những gì mà Thiên Chúa làm cho từng người chúng ta.

Việc cầu nguyện chuyển cầu thật sự là đều rất quý giá đến nỗi chính Chúa Giêsu Kitô cũng áp dụng phương thức cầu nguyện này. Vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, trong Bữa Tiệc Ly vài giờ trước khi bị bắt, bị tử nạn, thì Chúa Giêsu đã cầu nguyện xin Thiên Chúa bảo vệ cho các tông đồ và những môn đệ tương lai của Ngài là mỗi người chúng ta, và ban ân sủng ngõ hầu chúng ta có thể chiến thắng sự cám dỗ của ma quỷ; thánh hóa mỗi người chúng ta và ban ơn để chúng ta có sự hiệp nhất. (Gioan 17: 9-21)

Như thế thì đã quá rõ ràng là lời cầu nguyện chuyển cầu không phải là một việc thiêng liêng thứ yếu; nhưng ngược lại nó rất quan trọng và cần thiết cho đời sống tâm linh của người tín hữu Công Giáo. Đặc biệt hơn nữa là trong mùa Chay Thánh thì việc cầu nguyện chuyển cầu là một thứ vũ khí mạnh mẽ chống lại những cám dỗ của tội lỗi và sợ hãi trong con người yếu đuối của mỗi người chúng ta.

Sự liên lĩ kiên trì

Sự liên lĩ kiên trì là tâm điểm của việc cầu nguyện chuyển cầu. Người thực hành cầu nguyện liên lĩ sẽ dành được sự chú ý của Thiên Chúa. Đây không phải là điều mà Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta thấy qua những câu chuyện trong Phúc Âm hay sao!? Trong Phúc Âm Thánh Luca có câu chuyện người kìa bị người bạn hàng xóm đến quấy rầy lúc nữa đêm. Vì không muốn ra khỏi gường cho nên ông ta đã từ chối không chịu giúp đỡ. Mặc dầu bị từ chối nhưng người bạn kia vẫn không bỏ cuộc mà cứ tiếp tục liên lĩ kiên trì gõ cửa. Cuối cùng thì ông ta cũng ra khỏi giường để giúp người hạn hàng xóm. (Luca 1:5-13)

Kinh Thánh cũng có hai câu chuyện khác nữa mang cùng một ý tưởng “đạt được” do sự bền đỗ liên lĩ và kiên trì. Câu chuyện thứ nhất trong Phúc Âm thánh Luca nói về việc một bà góa đã đến xin ông quan tòa thẩm phán chấp nhận yêu cầu của bà ta. Trong câu chuyện này Chúa Giêsu cho thấy rằng ông quan tòa không nhất thiết phải theo quyết định của bà ta bởi vì bà ta đúng, nhưng mà vì bà ta cứ kiên trì liên lĩ cầu xin mãi nên ông đã làm vừa lòng bà ta để bà ta không còn làm phiền nữa nhờ đó ông ta hết mệt mỏi. (Luca 18:-8)

Câu chuyện thứ hai nằm trong Phúc Âm của Thánh Mát-thêu qua cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người đàn bà thành Ca-na. Bà ta đến xin Chúa chữa lành cho con bà đang bị bệnh. Nhưng vì bà là người dân ngoại, nên Chúa Giêsu đã không sẵn lòng giúp đỡ. Bất chấp việc Chúa Giêsu coi người dân ngoại là bà ta như những con chó, bà ta vẫn khiên nhẫn liên lĩ cầu xin. Cuối cùng thì Chúa Giêsu cũng đã phải đầu hàng cái tâm tình liên lĩ kiên trì của bà ta khi Ngài nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.” (Mát=thêu 15:21-28)

Cũng cùng một cách như thế, Chúa Giêsu đã khắng định cho chúng ta biết rẳng Thiên Chúa hứa rằng nếu chúng ta liên lĩ kiên trì trong việc cầu nguyện chuyển cầu thì Ngài sẽ đáp trả, "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho…” (Mát-thêu 7:7)

Chúa Giêsu Chuyển Cầu Cho Chúng Ta

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng tất cả các ông sẽ bỏ rơi Ngài trong những giờ phút mà Ngài cần sự chia sẻ và giúp đỡ nhiều nhất. Rồi Chúa Giêsu quay sang nói với ông Phê-rô rằng: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh" (Luca 22:32). Chúa Giêsu biết trước rằng ông Phê-rô sẽ cần đến sự giúp đỡ ân sủng của Thiên Chúa khi ông chối là đã không biết Ngài trong đinh quan Phi-la-tô, nên Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho ông Phê-rô cụ thể là cho việc chối Chúa của ông.

Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện riêng cho Thánh Phê-rô hoặc các tông đồ, mà Ngài còn cầu nguyện cho những ai theo Ngài như đã nói trong thứ gửi các tìn hữu Do Thái rằng Ngài “sống mãi mãi để chuyển cầu” cho mỗi người chúng ta.(Thư Do-Thái 7:25) Chúng ta hãy hình dung tưởng tượng trong đầu mình hình ảnh Chúa Giêsu đang sống trong vinh quang và đẹp đẻ của Thiên Đàng, và Ngài đang dành toàn thời gian của Ngài “mãi mãi cầu nguyện”cho chúng ta là môn đệ của Ngài. Hãy tin rằng ngay bây giờ trong khi chúng ta đọc bài này thì Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho chúng ta và cho những người thân yêu của chúng ta.

Cũng cùng một cách thức như thế, là người Công Giáo, chúng ta đã được dạy ngay từ khi còn bé là hãy cầu xin Đức Mẹ Maria “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử,” vì chúng ta tin rằng Đức Mẹ có một vai trò đặc biệt trong việc chuyển cầu trên Thiêng Đàng. Giống như bất kỳ một bà mẹ tốt lành nào có thể bước vào căn phòng của con trai mình bất cứ lúc nào để xin sự giúp đỡ của con mình. Mẹ Maria cũng có thể làm như vậy. Mẹ Maria biết những khó khăn thách đố và đau đớn của những vết thương cũng như những nhu cầu cần thiết của các con cái của Mẹ. Do đó Mẹ Maria hằng tiếp tục cầu nguyện cho các con cái của Mẹ. Mẹ Maria luôn an ủi chúng ta khi chúng ta cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta. Mẹ Maria đảm bảo cho chúng ta rằng Mẹ hằng ở bên cạnh và cùng cầu nguyện cho và với chúng ta.

Điều này không phải là một sự thật mang lại an ủi và hy vọng cho mỗi người chúng ta hay sao? Chúa Giêsu đã hứa rằng nếu chúng ta xin, thì chúng ta sẽ được. "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho…” (Mát-thêu 7:7) Chúa Giêsu đã hứa rằng nếu chúng ta liên lĩ kiên trì trong việc cầu nguyện, thì chúng ta sẽ thấy những hành động của Thiên Chúa. Chúa Giêsu hứa rằng Ngài và Mẹ của Ngài sẽ cùng đồng hành với chúng ta trong việc cầu nguyện cho hết mọi nhu cầu và bận tâm mà chúng ta dâng lên cho Thiên Chúa. Do đó chúng ta hãy tin chắc rằng chúng ta không bao giờ đơn côi và lẻ loi một mình trong cầu nguyện!

Ý Muốn Nhiệm Mầu Của Thiên Chúa

Một số người trong chúng ta có lẽ cũng thường hay nói: “Tôi đã từng liên lĩ kiên trì cầu nguyện, nhưng tại sao lâu quá mà lời cầu nguyện của tôi không được Thiên Chúa nhận lời, đáp trả!?” Đây là một trong những mầu nhiệm lớn lao cho đức tin của chúng ta. Chúng ta tin chắc rằng Chúa Giêsu Kitô luôn yêu thương từng người chúng ta. Và chúng ta cũng tin rằng Thiên Chúa không muốn thấy bất cứ một ai phải bị hư mất. Nhưng chúng ta thường xuyên không thấy những đáp trả từ Thiên Chúa cho những lời cầu nguyện của chúng ta, mặc dù đó là những ý hướng tốt lành và kiên nhẫn cầu nguyện có như thế nào đi chăng nữa. Câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi “tại sao” này là chúng ta hãy tin chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn đáp trả lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng Ngài đáp trả bằng cách nào và khi nào thì chúng ta không biết mà thôi. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta có nhận ra và sẵn sàng mở trái tim ra để đón nhận Ngài hay không mà thôi.!!!

Ông Joe Difato là chủ nhiệm nhà xuất bản tạp chí “The Word Among Us”, cho chúng ta một giương mẫu của sự nhẫn nại trong cầu nguyện cho dù không thấy có kết quả. Ông Joe có một đứa con gái lớn bị mù khi mới lên bốn tuổi. Ông ta cầu nguyện thường xuyên cho con gái mình được chữa lành. Giống như bất kỳ một người bố nào, ông Joe ao ước con gái của ông sẽ tìm lại được ánh sáng, sẽ khỏi mù. Cùng một lúc đó, ông thấy chính bản thân ông bị từ chối, bị thất vọng là con gái ông sẽ luôn bị mù. Tuy nhiên ông vẫn không đầu hàng và bỏ cuộc khi ông nói: “tôi tin rằng Chúa Giêsu muốn chữa lành cho con gái của tôi cho nên tôi vẫn tiếp tục cầu xin điều này.” Ông nói tiếp: “tuy thế, con gái của tôi vẫn cứ mù. Đôi khi điều này đã làm cho tôi thất vọng và lấy đi mất niềm tin và hy vọng là con gái của tôi sẽ được sáng mắt trở lại. Những lúc bị cám dỗ như thế, tôi luôn tự nhủ với lòng mình rằng tất cả những gì mà tôi có thể làm được là tiếp tục liên lĩ và kiên trì cầu nguyện bất chấp mọi sự ngờ vực và hoài nghi có nổi lên trong lòng của tôi.

Bốn Mươi Ngày Cầu Nguyện

Với sự hiểu biết rất hạn hẹp nên rất khó để cho chúng ta có thể hiểu được ý hướng của Thiên Chúa, “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi…” (Isaia 55:*) Như thế việc tốt nhất chúng ta có thể làm là hãy tiếp tục kiên trì đặt vững đức tin vào Thiên Chúa. Do đó chúng ta hãy tiếp tục kiên tri liên lĩ trong lời cầu nguyện với một tâm tình tin tưởng rẳng Thiên Chúa sẽ đáp trả lời cầu nguyện của chúng ta theo sự khôn ngoan và thời gian mà Thiên Chúa thấy là có lợi nhất cho mỗi người chúng ta.

Với tâm tình này, tại sao mỗi người chúng ta lại không làm một chương trình kế hoạch cầu nguyện thiết thực trong Mùa Chay năm nay? Cầu nguyện, ăn chay, bác ái là ba việc mà Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta làm để sống trọn vẹn tâm tình Mùa Chay. Trong ba hành động này thì lợi ích và đối tượng của việc“bác ái” là người khác nhiều hơn chứ không phải là cho người thực hành việc bái ái. Do đó, chúng ta hãy nghĩ đến những người mà chúng ta biết đang gặp hoàn cảnh khó khăn, đau đớn, v.v.. bất luận về thể lý hay tinh thần gần nơi chúng ta đang sinh sống. Đi xa hơn một ít nữa chúng ta hãy nghĩ đến một vài hoàn cảnh đang xẩy ra trên thế giới đang làm chúng ta bận tâm nhất, thí dụ như ở Việt Nam đã và đang có những tình trạng đàn áp tôn giáo, đấu tranh đòi lại đất của Giáo Hội bị chính phủ Việt Nam chiếm đoạt, đấu tranh chống ô nhiễm môi trường làm cho cá chết do tập đoàn Formosa gây ra, v.v… Hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ đến những vấn nạn như tình trạng bất ổn ở Trung Đông, vấn nạn phá thai, ly dị, đồng tình luyến ái của xã hội, nạn đói ở Châu Phi, tình trạng nghèo khổ ở Việt Nam, ở Châu Mỹ La Tinh, v.v…. Chúng ta hãy mang những hoàn cảnh và vấn nạn này nói chuyện tâm tình với Chúa Giêsu trong giời cầu nguyện mỗi ngày của Mùa Chay năm nay.

Ao ước rằng tất cả chúng ta hãy cầu nguyện liên lĩ, “cầu nguyện không ngừng” (1 Thesalonians 5:17 trong Mùa Chay Thánh này. Có ai mà biết được!? Biết đâu đó, có khi nào vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh Thiên Chúa sẽ cho chúng ta thấy một dấu chỉ, một câu trả lời đặc biệt nào đó cho những ý chỉ, cho một người nào đó mà chúng ta đã liên lĩ kiên trì cầu nguyện trong suốt bốn mười ngày của Mùa Chay chăng!!!. Nếu được như vậy thì thật là hạnh phúc và vui sướng biết bao.

Phó tế Giuse Nguyễn Xuân Văn

Viết theo “When you Pray” trong The Word Among Us

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm mộ Thánh Piô Năm Dấu Thánh ngày 17 tháng Ba
Đặng Tự Do
08:07 03/03/2018
Sáng ngày thứ Bẩy 17 tháng Ba tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm đền thánh Giovanni Rontondo là quê hương, và cũng là nơi có mộ của Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh.

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ Ba đến viếng mộ Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh. Thật vậy, cách đây 31 năm, vào ngày 23/5/1987, Đức Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm mộ của cha Piô, vị giải tội mà ngài đã từng gặp khi còn là một linh mục sinh viên ở Rôma 40 năm về trước. Ngày 21/6/2009, Đức Bênêđictô XVI đã là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm mộ của vị thánh linh mục hầu như suốt đời chỉ thi hành hai tác vụ là dâng Thánh lễ (đôi lúc kéo dài 3 giờ đồng hồ) và ban bí tích giải tội.

Cha Thánh Piô là một linh mục dòng Capucinô, sinh năm 1887 và qua đời năm 1968. Từ năm 1918, cha đã được bề trên cử về San Giovanni Rotondo, là đền thờ dâng kính thánh Gioan Tẩy giả, được cất từ thế kỷ thứ Bẩy, để hoạt động mục vụ cho đến khi qua đời.

Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên Chân Phước vào ngày 2 tháng 5 năm 1999. Ba năm sau đó, ngày 16 tháng 6 năm 2002, trước hơn 300,000 người sùng mộ, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên phong hiển thánh cho ngài.
Source Vatican Calendar - Attività del Santo Padre Francesco
 
Đức Thánh Cha thêm vào Lịch Phụng Vụ Lễ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội
Đặng Tự Do
16:40 03/03/2018
Từ nay trở đi, thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội sẽ cử hành lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, Đức Thánh Cha đã công bố như trên.

Trong một sắc lệnh được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích công bố hôm thứ Bảy 3 tháng Ba, Đức Hồng Y Robert Sarah viết rằng cử hành mới này “sẽ giúp chúng ta nhớ rằng sự tăng trưởng trong đời sống Kitô cần phải ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nơi hy tế của Chúa Kitô trong Bàn Tiệc Thánh Thể, nơi Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của những người được cứu chuộc, nơi Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Chúa”.

Lễ nhớ này sẽ xuất hiện trong tất cả các lịch và sách phụng vụ cho việc cử hành Thánh Lễ và cho các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria đã trở nên phổ biến trong những thập kỷ gần đây. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã long trọng công bố tước hiệu này của Đức Maria vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vatican II. Trước đó, tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14 và Đức Giáo Hoàng Leo thứ 13 sử dụng.

Năm 1975, Tòa Thánh đã chuẩn bị một thánh lễ Ngoại Lịch (Votive Mass) cho danh hiệu này và một số Hội Đồng Giám Mục đã được cấp phép để thêm tước hiệu này vào Kinh Cầu Đức Bà (Litany of Loretto).

Một số quốc gia và các giáo phận đã được cấp phép để thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ địa phương của họ.

Giờ đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ chung của Giáo Hội Hoàn Vũ để “khuyến khích sự gia tăng cảm thức của các vị mục tử, các tu sĩ và tín hữu về Mẹ Giáo Hội, cũng như lòng kính mến chân thành đối với Đức Mẹ.”

Năm nay, lễ Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội sẽ được cử hành vào ngày 21 tháng 5.
Catholic Herald - Pope Francis adds new Marian celebration to Church Calendar
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn và Đàng Thánh Giá Mùa Chay tại Đồi Ta’Pinu, Melbourne
Trần Văn Minh
00:31 03/03/2018
Melbourne, vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy, 3/3/2018. Tại Đồi Đức Mẹ Ta’Pinu, Melbourne, nơi có Nhà Nguyện Đức Mẹ La Vang của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam. Ban Cổ Động Nhà Nguyện Đức Mẹ La Vang của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne đã tổ chức Thánh lễ tạ ơn, và đi đàng Thánh Giá Mùa Chay 2018, để mọi người được thông phần chia sẻ cuộc khổ nạn với Chúa, trong công cuộc cứu nạn cho nhân loại.

Xem hình

Trong một ngày nắng, nóng, cộng với gió. Trên ngọn đồi cao, nơi nhà nguyện chính của trung tâm. Thánh lễ do Linh mục Phê Rô Hoàng Kim Huy, Tuyên úy trưởng Cộng đồng Công Giáo Việt Nam, kiêm linh hướng của Nhà Nguyện Đức Mẹ La Vang chủ tế thánh lễ tạ ơn.

Mở đầu thánh lễ, Linh mục chủ tế đã cám ơn mọi người đã từ tất cả các nơi trong tổng giáo phận về hiệp dâng thánh lễ. Chính nhờ vào lòng yêu mến Thiên Chúa, chúng ta mới có dịp đến đây và gặp mặt nhau, vì nếu không, chúng ta chỉ sinh hoạt riêng lẻ trong các cộng đoàn.

Trong phần chia sẻ lời Chúa qua bài Tin Mừng về dụ ngôn: Người Cha nhân hậu. Xin tóm tắt đại ý của Linh mục chủ tế đã nói về bản thân chúng ta phải biết đâu là đi, và đâu là về, như người con út trong dụ ngôn, vì biết mình sai, nên tìm về với cha mình, biết mình đáng tội, biết mình không xứng đáng để được ơn tha thứ. Và một câu chuyện thật cảm động nói về tình phụ tử đón chờ người con trở về. Anh ta đã nghi ngờ tình thương của cha mình, nên đã viết thơ báo trước cho cha là con sẽ về, nhưng với một lời nhắn: nếu cha còn thương con, cha treo cái áo con ở cửa nhà, và khi con về, nếu con thấy áo con được treo lên, con sẽ vào nhà.

Khi anh về tới đầu làng, anh đã thấy áo của anh không những được treo trên khung cửa nhà anh, mà áo của anh đã được người cha treo dọc đường làng, nơi nào anh sẽ đi qua cũng đều có áo anh được treo. Ôi một tình phụ tử bao la mà người con còn nghi ngờ gì mà không về nhà để được đón nhận tình thương xót bao la của người cha nhân từ. Câu chuyện được cha chủ tế diễn tả thật cảm động, đến nồi chính cha chủ tế cũng phải nghẹn ngào.

Sau thánh lễ, trời về trưa, ánh nắng chói chang và gió cũng nóng. Cha linh hướng và ban tổ chức thông báo với mọi người, để cho tất cả đều cùng đi đàng thánh giá mà không bị thời tiết ngăn trở vì nắng, vì đường dốc, các vị cao niên khó đi được trọn vẹn. Năm nay, Đàng Thánh Giá sẽ đi trong nhà nguyện, xin mọi người cùng sốt sắng, lắng nghe những bài suy niệm, cùng với Ca đoàn tổng hợp hát những bài Thánh ca mùa chay.

Linh mục chủ tế nâng Thánh Giá nơi Thứ Nhất, các đại diện các cộng đoàn và đoàn thể tiếp tục nâng Thánh giá đi suốt 14 chặng đàng Thánh giá Chúa. Buổi lễ và đi Đàng Thánh Giá Mùa Chay Năm 2018 đã kết thúc lúc 13 giờ 30. Mọi người được mời dùng bữa ăn trưa nhẹ và giải khát trước khi trở về các cộng đoàn, giáo xứ. Với đoạn đường dài từ 40 tới 70 km cho những người sống ở phía Đông Melbourne. Ngồi trên xe Bus mọi người lại có nhiều thời gian lần chuỗi Mân Côi bên nhau để cùng Mẹ dâng lên Chúa lời tạ ơn, cảm mến.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Giáo Hoàng Phanxicô 5 năm trên ngai tòa Phêrô
Phạm Huy Thông
09:24 03/03/2018
Đến ngày 13- 3 - 2018 là tròn 5 năm Đức Phanxicô ở trên ngai tòa Phêrô. 5 năm chưa phải là dài nhưng cũng có nhiều điều để nói về triều đại của vị Giáo hoàng, xuất thân là giáo sĩ dòng Tên người Argentina này. Vì thế, ngày 13-2-2018, nhiều chuyên gia Công Giáo đã quy tụ trong buổi tọa đàm: “Nhân tố Phanxicô qua 5 năm: suy tư và đối thoại” ở trường đại học Georgetown, Hoa Kỳ để trao đổi. Nhiều ý kiến nhận xét sắc sảo đã được nêu ra.

.Một người cởi mở nhưng mạnh dạn cải tổ

Khi Giáo hoàng Bênêdictô XVI tuyên bố từ chức tháng 1-2013, dư luận vẫn còn bàn tán về lý do thoái vị của Ngài: do sức khỏe hay áp lực công việc? Rõ ràng sau chuyến công du Mêhicô và Cu Ba năm 2012, Ngài thấy không còn đủ sức để đi Brazin dự Đại hội giới trẻ năm 2013 nữa. Bác sĩ đã khuyên Ngài ở nhà. Nhưng cũng có lý do vì Ngài thấy việc cải tổ của Giáo triều quá chậm chạp, không theo ý muốn. Diễn văn từ nhiệm của Ngài nêu rõ: “ Trong thế giới ngày nay, một thế giới có quá nhiều thay đổi nhanh chóng liên quan sâu rộng tới đời sống đức tin. Để có thể cai quản con thuyền của thánh Phêrô và công bố Tin mừng cần cả tâm trí lẫn thể xác mạnh mẽ nhưng trong ít tháng gần đây, sức lực của tôi đã mất dần đến độ phải thừa nhận sẽ không thể chu toàn sứ vụ được trao phó cho tôi”.

Ngày 28-2-2013, Đức Bênêdictô XVI chính thức từ nhiệm. Các Hồng Y trong mật viện đã bỏ phiếu và Hồng Y Jorge Mario Borgglio, dòng Tên, người Argentina đã trúng cử, sau lần bỏ phiếu thứ ba. Vị tân Giáo hoàng 76 tuổi, đã từng phẫu thuật cắt một thùy phổi không hứa hẹn nhiều hy vọng lắm cho mọi người trừ người nghèo với tước hiệu Phanxicô khó khăn. Nhưng chỉ ít ngày ở ngôi Giáo hoàng, Ngài đã làm nên một hiện tượng phi thường (fenomena) như tờ Le Figaro đã gọi. Ngài không đi xe riêng của Giáo hoàng biển công vụ đặc biệt của Vatican mà đi xe bus, không ở biệt thự của Giáo hoàng mà vẫn ở nhà trọ Matta và trả tiền thuê đầy đủ, không dùng điều hòa mà tự đốt lò sưởi, không thuê đầu bếp mà tự nấu ăn sáng, không tổ chức sinh nhật hoành tráng mà ăn cơm với người vô gia cư và đi đâu cũng sẵn sàng dừng xe lại để ôm hôn người bệnh tật, đau yếu (ảnh). Ngài có một cô em gái là nữ tu, khi còn ở quê hương vẫn thường xuyên gặp nhau cuối tuần nhưng khi cô em gái cũng như họ hàng, kể cả Tổng thống Argentina muốn đến Vatican để dự lễ đăng quang của Ngài thì Ngài từ chối, xin đừng đi, để tiền đó cho người nghèo. Ngài thường đi thăm viếng những khu “ổ chuột” để chia sẻ với người nghèo nên còn có danh hiệu “ Giáo hoàng ổ chuột” (Papa villera).

Ngài chỉ ra 15 “căn bệnh của Giáo triều” bắt tay vào cải tổ. Nhiều Ủy ban được sáp nhập như Ủy ban Công lý và hòa bình, Cordium, Phát triển các dân tộc, Thăng tiến các Kitô hữu thành Bộ cổ võ phát triển toàn diện con người. Bộ giáo dân và gia đình, Bộ Truyền thông Vatican News, Bộ kinh tế cũng thế theo nguyên tắc bình đẳng, tập trung và hiệu quả. Trước đây, Giáo hoàng có thẩm quyền tuyệt đối trên cả hành pháp, tư pháp và lập pháp. Bây giờ, Ngài lập nhóm cố vấn 9 Hồng Y quen gọi là nhóm G.9 thường xuyên nhóm họp để tư vấn cho Ngài. Tức là có xu hướng chuyển cách quản trị từ các nhân qua tập thể. Ngài thẳng tay trừng phạt những giáo chức có lối sống sa hoa như cách chức Giám mục giáo phận Lumburg (Đức) vì tội xây Tòa Giám mục lộng lẫy. Tổng Giám mục J. Lowski ở Dominic cũng chung số phận vì bị tố cáo lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, ngay trong số Hồng Y được tấn phong trong triều đại của Ngài lại thấy đại diện của nhiều nước vốn có số giáo dân ít và cũng là nước nhỏ như Lào, Myanmar, Panama, Việt Nam hay những nước đang phát triển chứ không chỉ ưu tiên dành cho châu Âu, châu Mỹ.

Thông điệp “Laudato Si” (Bảo vệ ngôi nhà chung) của Ngài có ảnh hưởng tích cực trong việc bảo vệ môi trường trái đất. Ngài lập ra ngày 1-9 hàng năm là ngày bảo vệ môi trường và luôn phê phán các nước giàu vì lợi nhuận mà khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng khoa học công nghệ gây ra thảm họa cho ngôi nhà chung của mọi người là trái đất. Thông điệp “Amoris Laetitia” (Niềm vui yêu thương) lại đưa ra một quan niệm tha thứ với tư cách Giáo Hội Công Giáo là mẹ hiền thì có thể nào ngoảnh mặt nhìn con cái phạm tội ly dị, tái hôn mà không đau khổ… Ngài phê phán việc một em bé, con ngoài giá thú không được rửa tội khi bế đến nhà thờ vì “Giáo hội không làm dịch vụ”. Ngài mạnh mẽ chống lại nạn khủng bố, buôn bán người, lạm dụng tình dục và trực tiếp dàn xếp việc bỏ cấm vận của Hoa Kỳ với Cu Ba năm 2015, không ngại ngần khi đến Myanma năm 2017 khi xung đột tôn giáo, sắc tộc ở đây đang căng thẳng hay cùng với Đức Thượng phụ Chính Thống Nga Kirill chung tay tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Trung Đông… Vì vậy, Tạp chí Time đã chọn Ngài là nhận vật của năm 2013, còn Tạp chí Forbes đã xếp Ngài là nhân vật quyền lực thứ tư trên thế giới sau Tổng thống Hoa Kỳ, Nga và Chủ tịch Trung Quốc.

. Cũng là nguyên nhân của những tranh luận

Thông điệp Amoris Laetitia (Niềm vui yêu thương) dài 60 trang được công bố ngày 19-3-2016 đem lại hy vọng cho những người Công Giáo trong tình trạng ly dị, tái hôn bao nhiêu thì tiếng nói chống đối ngay ở hàng ngũ chức sắc cao cấp của Giáo hội cũng mạnh mẽ không kém. Bốn vị Hồng Y mà đứng đầu là Hồng Y Raymond Burke (Hoa Kỳ) đã yêu cầu Giáo hoàng Phanxicô phải giải thích một số luận điểm trong thông điệp có trái với giáo lý Công Giáo truyền thống không, nhất là luật bất phân ly của hôn nhân Công Giáo. Thậm chí, nhóm này còn tập hợp lấy chữ ký 45 học giả và gây áp lực sẽ làm to chuyện nếu Ngài không trả lời.

Chương 8 của Thông điệp bị phản ứng nhiều nhất. Ví dụ chú thích 301 viết: “Bởi thế người ta không thể nói rằng tất cả những người đang ở trong hoàn cảnh “trái quy tắc” là đang sống trong tình trạng tội trọng và mất ơn thánh hóa”. Nếu đọc kỹ, Thông điệp nói đúng vì không phải “cứ đỏ ngỡ là chín”. Có người ly dị, sống với người khác giới cùng nhà nhưng như anh chị em ruột chứ không phải quan hệ vợ chồng thì đâu họ có lỗi luật và bị cấm xưng tội, rước lễ. Ngài nhắc nhở các linh mục nên mở lòng Thương xót với hối nhân: “Tòa giải tội không phải là phòng tra tấn, nhưng đây là cuộc gặp gỡ với lòng Thương xót của Chúa. Tôi cũng muốn chỉ ra rằng Thánh thể không chỉ là phần thưởng cho người hoàn hảo nhưng là thuốc chữa mạnh mẽ và là của nuôi người yếu đuối” (1). Nhưng những người chống đối thì coi đó là sự ly giáo, chống lại giáo lý truyền thống nhất là luật “bất phân ly” về hôn phối. GS.TS triết gia Công Giáo người Áo đã tố cáo: “Tôi cảm thấy bất lực, phải viết ra điều này, để tránh được quả bom nguyên tử mang tính phá hoại luân lý, đạo đức có thể làm cho giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo sụp đổ và đưa nhiều linh hồn phải sa hỏa ngục” (2).

Khi trả lời một phóng viên về thái độ của Ngài với những người đồng tính, Ngài trả lời: Tôi là ai mà lên án họ? Họ không phải là tội nhân và giáo hội cần mở lòng ra yêu thương họ. Lập tức dư luận bùng lên, coi đó là sự ủng hộ của Ngài với giới đồng tính và hôn nhân đồng tính. Một lá thư ngỏ dài gửi tới tất cả các Hồng Y, Giám mục trên thế giới viết: “Có vị nào không cảm thấy xấu hổ, ngượng miệng, không cảm thấy một sự phản bội tư tưởng của Chúa Giêsu, giáo luật và các giáo huấn tốt lành, thánh thiện của Chúa khi ủng hộ hôn nhân đồng tính và muốn giáo hội Côn giáo chào đón họ như một ân huệ lớn lao và hôn nhân của họ được giáo luật Công Giáo đảm bảo như Đức Phanxicô đề xuất không?” (3).

Một vấn đề được coi là “điểm yếu” của Ngài khi chưa giải quyết được dứt điểm nạn lạm dụng tính dục nơi giáo sĩ. Trước chuyến thăm Chi Lê của Ngài cuối năm 2017 vừa qua, 8 nhà thờ Công Giáo bị đốt phá, tòa Khâm sứ ở Santiago bị người biểu tình chiếm giữ nhiều giờ để phản đối vụ Giám mục Juan Barros bị tố cáo là che giấu linh mục nghĩa phụ F. Karadina cũng phạm tội lạm dụng tính dục mà không bị phạt. Giám mục J.Barros chẳng những không bị kỷ luật mà còn được vinh thăng lên bậc Hồng Y coi sóc Tổng giáo phận Osorno. Tại Chi Lê vừa qua có 80 linh mục trong đó có 4 Giám mục bị ra tòa về tội danh này nhưng Đức Phanxicô vẫn đòi bằng chứng cáo buộc Hồng Y J. Barros.

Một vụ việc khác đang ồn ào dư luận suốt thời gần đây liên quan đến quan hệ Vatican- Trung Quốc. Dư luận cho rằng Vatican đã nhân nhượng quá nhiều khi yêu cầu hai vị Giám mục trung thành với Vatican (thuộc nhóm hầm trú) ở Sơn Đông và Mông Phụ, Trung Quốc phải nghỉ hưu, vị còn lại xuống làm phó cho vị Giám mục thuộc Công Giáo yêu nước. Tin tức cho biết, cuối tháng ba năm 2018, một thỏa thuận về tấn phong Giám mục ở nước này sẽ được ký trong đó, Nhà nước Trung Quốc được chỉ định nhân sự Giám mục, còn Giáo hoàng có thể bác bỏ ứng viên nếu thấy không đủ tiêu chuẩn trong vòng 3 tháng. Tòa thánh sẽ công nhận thêm 7 vị Giám mục do Nhà nước phong trong đó có 3 vị từng bị Tòa thánh buộc vạ tuyệt thông vì không có sự chuẩn y của Giáo hoàng. Đổi lại, Nhà nước sẽ công nhận khoảng 20 Giám mục hầm trú. Hồng Y Zen (Trần Nhật Quân), nguyên TGM Hồng Kông cho rằng đó là “bán đứng giáo hội trung thành với Vatican” và làm mất đi độc quyền phong Giám mục của Giáo hội. Vị Hồng Y này đã sang tận Rôma để đưa kiến nghị của nhiều nhân sĩ, giáo chức cả Hồng Kông, Đài Loan yêu cầu Tòa thánh xem xét lại vụ việc, không nên nghe theo những cố vấn không hiểu tình hình Trung Quốc. Đáp lại, Hồng Y Pietro Parolin- Quốc vụ khanh của Tòa thánh cho rằng: “Tòa thánh cố gắng tìm một cách tổng hợp sự thật và một cách thiết thực để đáp ứng sự mong đợi hợp pháp của tín hữu bên trong và bên ngoài Trung Quốc. Tất cả chúng ta cần cẩn trọng và chừng mực hơn để tránh bớt đi những lời than vãn, chỉ trích làm tổn thương sự hiệp thông và lấy đi niềm hy vọng về môt tương lai tốt đẹp hơn, bớt đi đau khổ cho các anh chị em tín hữu ở đất nước này”(4). Còn vài vị Giám mục “hầm trú” như Phêrô Cận Lộc Cương hay Giuse Chu Bảo Ngọc lại vui mừng thấy Trung Quốc đối thoại với Tòa thánh vì như vậy “Giáo hoàng được thừa nhận” và sẵn sàng tuân phục thỏa thuận được ký kết. Gây nhiễu cho vấn đề này phải kể đến tờ Vatican Insider, một tờ báo tư nhân có quan hệ với vài quan chức của Tòa thánh.

Một phê phán khác nhằm vào Giáo hoàng Phanxicô cho rằng Ngài thiếu cương quyết trong quản trị. Bằng chứng là vụ Giám mục Peter Okpaleke ở giáo phận Ahiara, Algieria. Vị Giám mục này được bổ nhiệm năm 2012 và là người thuộc bộ tộc Igbo. Cho nên người của bộ tộc Mibase phản đối, không chấp nhận. Sự phản đối này kéo theo cả hàng giáo sĩ khiến cho mục vụ ở đây tê liệt nhiều năm. Không có cuộc phong chức linh mục, phó tế nào, không có trẻ em nào được chịu phép Thêm sức ở giáo phận Ahiara. Nhằm chấn chỉnh kỷ luật, Ngài đã ra lệnh buộc 400 linh mục ở đây phải viết bản cam kết vâng phục Giám mục P. Okpaleke trong vòng 30 ngày từ 9-6 đến 9-7-2017. Quá hạn này, linh mục nào không viết cam kết, coi như bị treo chén vĩnh viễn. Nhưng hết hạn, chỉ có gần nửa số linh mục viết cam kết. Nhưng rồi cũng không thấy linh mục nào bị phạt mà cuối cùng chính Giám mục P. Okpaleke lại viết đơn từ nhiệm “vì thiện ích của Giáo hội” và được Ngài chấp thuận hôm 19-2-2018. Tòa thánh cũng không bổ nhiệm vị Giám mục mới mà để cho vị Giám mục ở giáo phận Umualia sang làm giám quản Ahiara.

Dù còn có những tranh luận, nhưng Giáo hoàng Phanxicô đã để lại một dấu ấn không hề nhỏ trong Giáo Hội Công Giáo và trên thế giới.

Chú thích:

1- Tổng hợp theo Vietcatholic/News.com

2- Theo Lifesilennew.com, August, 23, 2017

3- Theo thoisuthoicuoi.com ngày 21-11-2015

4- Theo báo La Stampa ngày 26-1-2018

 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương: Hãnh Diện Là Người Việt
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
09:36 03/03/2018

Có chi thái quá hay bất cập ?



Tiên vàn, chúng ta hãy lướt qua tập sách của học giả gốc Tầu tên là Bá Dương viết, nhan đề ‘Người Trung quốc xấu xí’, kể ra những thứ không hay của con cháu cụ Mao. Tác giả chắc muốn nhắc người đồng hương ráng sửa sai cách sống cho hợp hơn với nền văn minh thế giới ngày nay. Ông mở đầu bằng loạt diễn thuyết ở đại học Iowa Mỹ vào năm 1984. Ông cũng nhắc đến mấy tác giả khác cũng viết như vậy về dân Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Nhưng rồi đâu phải ai cũng ủng hộ đồng tình với ông Dương ! Khi ông chân thành nói lên những thói xấu cố hữu của dân ông, như khó hợp tác chung, tâm địa hẹp hòi, sống lộn xộn dơ dáy, ưa đả kích bạn bè, thích tìm trả thù vặt, cũng như chỉ kiếm lợi ích cá nhân và gia đình, thiếu bao dung, quen sống vô cảm, tự ái không mấy khi chịu nhận lỗi, hay thích khoa trương hãnh diện hão, kém mà không chịu khiêm tốn học hỏi nơi người ngoài…, thì bạn bè xem ra không vui với ông. Khi ông bảo kẻ thù lớn nhất của người Trung quốc là chính…người Trung quốc, thì ông bị bao kẻ nhao nhao lên phản đối. Nhưng ông vẫn bênh vực lập trường của mình, rồi hăng hái chứng minh vì những thứ đó mà nước Tàu chậm tiến quá, so với thế giới hiện đại.

Có anh bạn cũng khoái tư tưởng của ông Dương lắm, nhất là câu ông ngôn về quan niệm lệch lạc của người Tầu thế này: Bên Tầu ai cũng khoe nước mình có dân chủ, nhưng họ hiểu rằng “Mày là dân, còn Tao là chủ” ! Và anh bạn này hay kiếm dịp thử đem tâm tình dân Việt Nam ra bàn bạc mổ xẻ, theo chân ông Dương trước đây. Bàn như sau:

Thế kỷ trước, tại Việt Nam có học giả nổi tiếng Nguyễn văn Vĩnh, một lần viết báo bảo rằng dân Việt Nam có thói xấu là ‘gặp cái gì cũng cười’. Mà cười ở đây không phải cười tươi để khích lệ hay xây dựng, mà cười hóm hỉnh bí mật, cười ‘ruồi’ cho qua chuyện, cười khẩy như vẻ khinh bạc…Phải chăng đây là một dấu chỉ đặc trưng, nói lên tâm trạng dân mình lâu nay. Nó có thể nói lên sự vắng bóng của lòng chân thành với nhau, khiến xóm thôn thiếu hẳn đi tình người. Đây xem ra chỉ là một góc của vấn đề ?

Mới đây, tôi về thăm quê nhà, thấy hoàn cảnh dân chúng sống trong một xã hội kiểu ‘bao cấp, đã rất buồn lòng khi thấy đa số dân chúng xem chừng đang quen lối sống ‘ảo’ thế này:

Ai cũng có việc làm, nhưng không ai làm việc.

Ai cũng không làm việc, nhưng ai cũng có lương.

Ai cũng có lương, nhưng không ai đủ sống.

Ai cũng không đủ sống, nhưng ai cũng sống.

Ai cũng sống, nhưng không ai hài lòng.

Ai cũng không hài lòng, nhưng ai cũng giơ tay ‘đồng ý’.

Vào chi tiết, anh bạn thêm: “Tôi đọc nhiều sách của cả chục học giả Việt Nam cũ mới, từ Phan kế Bính, tới Phạm Quỳnh, rồi Đào duy Anh, Phan Bội Châu, Phan Khôi…, nay xin tóm gọn cái phần ‘tiêu cực’ thế này: nhìn cho kỹ, dân ta cũng thuộc diện khá ‘loạng quạng’: nào là cái dở về đạo đức nông cạn, ưa xu nịnh, hám danh hão, rồi làm việc thiếu sáng tạo, kém kiên trì dài lâu, không ưa hợp tác vì hay đố kỵ và thiếu chữ tín “.

Vậy bây giờ chúng ta thử ‘tản mạn’ vụ này xem sao nhé: Phải chăng phần nào mình đã bị lây tâm trạng người Tầu ? Hoặc vì 100 năm bị người Pháp đô hộ ? Dĩ nhiên chả thoát chuyện bị ‘lây’, nhưng chuyện cần nói là cái tinh thần ‘nô lệ’ vẫn phảng phất nhiều nơi. Cái tinh thần này kéo theo cái thái độ ỷ lại đáng lưu tâm. Rồi kết cục người ta suy ra tại sao nhiều người vẫn sống trong tâm trạng chia rẽ, phe nhóm, cục bộ. Kẻ dễ tính thì bảo tại vì từ thuở ban đầu, tổ tiên ta đã thích phân rẽ: Lạc long Quân mang 50 con xuống vùng biển, còn nàng Âu Cơ lôi 50 con lên miền núi…

Nhân chi sơ tính bản thiện



Câu nói lạc quan này của đức Khổng Tử tiên vàn phải áp dụng cho dân Việt chúng ta. Chẳng những có căn bản thiện hảo, mà còn luôn sống hào hùng bất khuất. Dẫu đó đây ta thấu nhiều thiếu sót và lệch lạc, và dù một số người thất học vì nghèo túng hay chiến tranh nên còn ‘kém văn minh’, nhưng nói chung dân ta khá dễ ‘phục thiện’ khi được hướng dẫn sửa sai. Này nhé, người mình can đảm trước hiểm nguy, nhất là biết đoàn kết chống ngoại xâm qua bề dài lịch sử. Dân Tầu ỷ người đông,’cả vú lấp miệng em’, nhất là trong thời gian dài đô hộ nước ta, nhưng họ luôn phải e dè và kiêng nể. Khi họ dùng chữ ‘rợ’ để gọi dân Việt, nhưng ai cũng nghĩ đây là thứ rợ ‘có văn hóa cao cấp’.

Vào thời Hồng Đức nhà Lê, khi sứ giả Tàu qua gặp vua Việt Nam, ông đã được ‘chủ’ căn dặn kỹ lưỡng “phải lấy lễ độ mà ứng xử, vì đây là một xứ có văn hiến rõ ràng”. Chung quy là qua bề dày lịch sử, dân Việt luôn biết đoàn kết khi nước có biến, khi bờ cõi bị xâm lấn. Còn khi thái bình, họ thấm đạo làm người, nên có thêm đức tính thủy chung. Tất cả bắt nguồn từ chuyện giáo dục gia đình:

Trai thì trung hiếu làm đầu,

Gái thì tiết hạnh làm câu sửa mình.

Và nữa:

Con ơi muốn nên thân người

Ghi lòng tạc dạ những lời mẹ cha.

Văn hóa Việt Nam luôn chú trọng chữ hiếu: kính trọng và vâng phục ông bà cha mẹ suốt đời mình. Thành ra tác phẩm ‘Nhị thập tứ hiếu’, dù tả lại những gương sáng từ nước Tầu, luôn được đem ra để dạy dỗ đàn con lũ cháu tại mỗi gia đình Việt Nam. Chữ hiếu luôn được coi là nến móng nối kết tình nghĩa của mọi thành phần trong gia đình, để rồi gia đình xây dựng nền tảng của cộng đồng xã hội. Nó tạo nên cái sườn cho nền luân lý của cả quốc gia, dân tộc. Chữ hiếu do đó cung cấp những giá trị cao cả, ca tụng những điều căn bản thiêng liêng nhất mãi gắn bó với con người.

Từ điểm này mà chúng ta thấy trong đời sống thường ngày, chuyện dựng vợ gả chồng, chuyện cưới hỏi đã có những nề nếp và khung khổ rõ ràng. Các bạn trẻ luôn tham khảo ý kiến của cha mẹ, cũng như chia sẻ ‘chuyện tương lai’ của mình với các anh chị em, trước khi quyết định việc lập gia đình. Ai cũng biết, tại Việt Nam, xuyên qua bao thế hệ, anh chị em trong nhà được ví như ‘tay chân’. Cha mẹ già cả đau yếu thì con cái phải tận tình săn sóc thăm nom. Nếu cha chết thì anh cả sẽ ‘quyền huynh thế phụ’. Với các dịp giỗ tết, qua truyền thống khói hương, cha mẹ tuy đã qua đời mà vẫn được coi như còn sống quanh quẩn trong nhà với con cháu.

Nền văn hóa sáng ngời



Sau khi thoát ách đô hộ Tầu, dân ta vươn mình trên đường tiến bộ cùng thế giới. Chuyện chế ra chữ Nôm là một điểm son thuộc góc cạnh văn học, đã làm sửng sốt nhiều dân tộc khác. Dĩ nhiên sau khi được các giáo sĩ Công Giáo ngoại quốc, đặc biệt với cố gắng tuyệt vời của cha Đắc Lộ, dân Việt đã tiến một bước rất xa và thật dài. Dựa vào những nét văn học huy hoàng, dân Việt liên tục góp phần vào sự nghiệp chung, khởi sự với những mảng văn học bình dân ngay từ thời phôi thai. Qua kho tàng văn thơ dân dã, người Việt chứng minh cách hùng hồn là một dân rất có tâm hồn lãng mạn, giỏi về trí tưởng tượng, tài về nét khôi hài trào phúng.:

Bà già đi chợ Cầu Đông

Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng

Thày bói xem quẻ nói rằng

Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn !

Ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ còn được tăng cường với một ‘bồ’ câu đố, mà một khi có dịp được mang ra khoe với người ngoại quốc, ai ai cũng bỡ ngỡ sửng sốt. Vài ví dụ cụ thể:

-Đi nằm, đứng nằm, ngồi nằm, nằm thì ngồi (2 bàn chân)

-Ngả lưng cho thế gian nhờ,

Vừa êm vừa mát, lại ngờ bất trung (cái phản nằm)

-Bốn ông đạp đất, một ông phất cờ

Một ông vơ cỏ, một ông bỏ phân (trâu gặm cỏ).

Dĩ nhiên chẳng ai quên nổi biết bao truyện tiếu lâm dân gian, giúp già trẻ luôn có cơ hội để cười vui giữa cuộc sống lao động vất vả. Đâu thấy dân tộc nào có cách diễn tả nhiều hành động khác nhau, nhưng luôn có chung một từ, tỉ như từ ‘ăn’: Ăn mặc, ăn chơi, ăn thua, ăn cắp, ăn ở, ăn gian, ăn vạ, ăn chắc, ăn năn, ăn tiêu, ăn hỏi, ăn chay, ăn khớp… Quả là một thứ ngôn ngữ lạ kỳ hiếm thấy ! Kế đến là thói quen đặc biệt của dân Việt thích dùng từ ngữ kép cho đậm đà ý nghĩa: Nhà cửa, họ hàng, bóng hình, bạn bè, cao ráo, thân mật, ngọt ngào…Rồi người ngoại quốc cũng thường sửng sốt với giọng nói trầm bổng líu lo ‘như chim hót’ của dân ta, qua 5 dấu ‘sắc huyện hỏi ngã nặng’, như hệt âm nhạc Việt với hệ thống ngũ âm ‘Cung, Thương, Giốc, Chủy và Vũ’. Ngũ âm ở đây thực sự được gắn liền và dựa trên nền tảng ‘ngũ hành’, chi phối sự vận hành của cả vũ trụ cũng như thân thể con người (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ). Lại thêm một nhân sinh quan hết sức cao sâu !

Nền văn học dựa vào tiếng nói và chữ viết này luôn có tính cách hài hòa, pha trộn chung với mọi thành phần Bắc Trung Nam, cũng như tạo và nhận ảnh hưởng ở nơi các sắc dân thiểu số nữa, kể cả nhóm dân Chiêm Thành (tạo nhiều nét văn hóa độc đáo về nghệ thuật cổ điệu nghệ).

Nối tiếp nền văn học bình dân, biết bao nhiêu văn thi sĩ Việt Nam đã tiếp tục góp phần và để lại một kho tàng thơ văn quý giá. Hàng trăm tác phẩm chữ Nôm, rồi qua chữ Quốc Ngữ đã và đang tạo niềm hãnh diện chung cho dân ta. Những tên tuổi như Nguyễn đình Chiểu, Đặng trần Côn, Nguyễn Du (quá xuất sắc với truyện Kiều), Nguyễn công Trứ, Tản Đà, rồi tới các thế hệ cận đại của Nguyễn văn Vĩnh, Trương vĩnh Ký, Hàn mạc Tử, Nhất Linh, Khái Hưng, Duyên Anh, Mai Thảo…Nhất nhất họa nên những nét son đậm nét, đem văn học góp phần cho nền văn hóa dân tộc thật sáng ngời.

Dặn dò gì cho con cháu tại hải ngọai ?



Chẳng ai muốn con cháu mình mất gốc. Thành ra các bậc cha mẹ nên ráng khuyên nhủ bọn trẻ nên nhớ về cội nguồn, mà thăng tiến cho nền văn hóa ngàn năm của cha ông tổ tiên. Tất cả học tinh thần bất khuất của tiền nhân từ thời dựng nước. Nhất định không chịu cúi đầu nhục nhã trước bạo quyền. Làm mọi cách để bảo vệ lãnh thổ và nền độc lập của quê hương. Cụ thể là dứt khoát duy trì bảo tồn tiếng và chữ viết Việt Nam.

Quan trọng nhất là không được phế bỏ những tinh hoa của truyền thống gia đình, làng xóm. Cứ lấy ví dụ trong miền Nam nứơc ta có tục gọi tên con cái trong nhà theo số thứ tự: Anh hai, chị ba, anh tư…Tôn tri trật tự rõ ràng. Tình nghĩa phải trung thực gắn bó. Xưng hô phải minh bạch: ông, bà bác, chú, cô cậu, anh chị…Rồi lúc nào cũng đề cao phần giáo dục cho con em. Học là ưu tiên. Các cụ dạy “sĩ, nông, công, thương” rõ ràng về bậc thang giá trị trong xã hội ! Riêng về cái kho báu trang phục ‘Áo dài’ của nữ giới vô cùng thanh lịch duyên dáng (cả thế giới đều ngưỡng mộ) thì rất cần được duy trì dài lâu vĩnh viễn.

Làm nền cho văn hóa Việt Nam là cuộc sống tinh thần, thiêng liêng (tôn giáo ở đây đã từng là cột trụ cho đời người). Nhờ tôn giáo mà dân ta luôn biết thương yêu, cảm thông, chia sẻ với tha nhân bạn bè. Lúc này, nó cũng đang giúp đàn con Việt tha hương còn biết quý mến cái khuôn khổ tâm linh, để rồi dễ dàng đồng cảm với nhau trong những buổi họp mặt cộng đồng, như Tết nguyên đán, Trung thu… Nhờ vậy, chúng ta mới có cơ hội nhắc bảo nhau không quên quê mẹ hiện mịt mờ mãi chốn xa xôi ngàn dặm bên bờ đại dương. Nó cũng giúp ai nấy thương yêu quấn quýt nhau, chung lời cầu cho dân tộc ta, trong nước cũng như hải ngoại, sớm chứng kiến cuộc tái sinh thực sự của nền văn hóa nhân bản cao đẹp thời cha ông ngày nào.

Lúc đó ta mới thật sự vui sướng hãnh diện để nhắc tới ‘bốn ngàn năm văn hiến của’ dân tộc mình.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
 
Vị Giảng Thuyết của Phủ Giáo Hoàng: Mùa Chay và Lánh Đời, kỳ cuối
Vũ Văn An
18:14 03/03/2018
2. Cuộc khủng hoảng của lý tưởng “fuga mundi” (lánh đời)

Sự việc đã thay đổi trong thời kỳ trước thời kỳ ta. Về lý tưởng tách biệt khỏi thế giới, chúng ta đã bước qua một thời kỳ trong đó, lý tưởng này bị “phê phán” và nghi ngờ. Cuộc khủng hoảng này có nguồn gốc xa xôi. Ít nhất về phương diện lý thuyết, nó bắt đầu với phong trào nhân bản Phục Hưng, một phong trào nhằm phục hồi sự quan tâm và hào hứng đối với các giá trị trần gian, đôi khi với một sức quyến rũ ngoại đạo. Nhưng nhân tố có tính quyết định của cuộc khủng hoảng này được tìm thấy nơi hiện tượng gọi là “tục hóa” (secularization) khởi đầu từ Phong Trào Ánh Sáng và đạt tới tuyệt đỉnh trong thế kỷ 20.
Sự thay đổi hiển nhiên nhất liên quan tới chính các ý niệm “thế giới” và “thời đại”. Trong trọn lịch sử linh đạo Kitô Giáo, chữ “saeculum” (đời) vốn có một âm hưởng tiêu cực, hoặc ít nhất, hàm hồ. Nó chỉ thời hiện đại vốn làm tôi tội lỗi, đối lập với thời tương lai hay cõi đời đời. Trong một vài thập niên, ý nghĩa của nó đã có nhiều biến đổi cho đến lúc nó nhận được một ý nghĩa tích cực dứt khoát trong hai thập niên 1960 và 1970. Một số tựa sách xuất hiện trong thời gian này như The Secular Meaning of the Gospel (Ý Nghĩa Đời trong Tin Mừng) của Paul van Buren và The Secular City (Thành Đời) của Harvey Cox, đã làm nổi bật ý nghĩa lạc quan mới mẻ của “saeculum” và “đời”. Thế là “nền thần học về tục hóa” ra đời.

Tuy nhiên, đối với một số người, tất cả các điều trên đã góp phần thổi phồng sự lạc quan thái quá về thế giới vì đã không tính chi đến mặt kia, cái mặt chịu ảnh hưởng của “tên ác” và chống lại thần trí Chúa Kitô (xem Ga 14:17). Ở một lúc nào đó, trong tâm thức một số người (cả giáo sĩ lẫn tu sĩ), ý niệm truyền thống về việc chạy trốn “khỏi” thế giới đã bị thay thế bằng ý niệm chạy “về phía” thế giới, tức tinh thần thế gian (worldliness).

Trong bối cảnh trên, một số điều phi lý và đầy ảo vọng nhất chưa bao giờ xuất hiện dưới danh nghĩa “thần học” đã được viết ra. Trước nhất là ý niệm cho rằng chính Thiên Chúa cũng đã trở thành “đời” và “thế gian” khi Người để qua một bên ngôi vị Thiên Chúa để trở thành người phàm. Đó chính là điều được đặt tên là “Thần Học về Cái Chết của Thiên Chúa”. Cũng còn một nền thần học quân bình về tục hóa trong đó, việc tục hóa không bị coi như một điều chống lại Tin Mừng nhưng đúng hơn là sản phẩm của Tin Mừng. Tuy nhiên, đấy không phải nền thần học chúng ta đang nói về.

Một số người nhận định rằng “các nền thần học về việc tục hóa” đã nhắc ở trên chẳng là gì khác hơn các cố gắng hộ giáo “nhằm cung cấp một biện minh có tính ý thức hệ cho việc dửng dưng đối với tôn giáo nơi con người hiện đại”; chúng cũng thích đáng đối với “ý thức hệ cho rằng các giáo hội phải biện minh cho việc mình càng ngày càng bị đẩy qua bên lề” (5). Chẳng bao lâu sau, người ta thấy rõ đây là một ngõ cụt. Trong vòng mấy năm thôi, gần như không còn người nào nói đến thần học tục hóa nữa, và một số người cổ vũ cho nó tự tách mình ra khỏi nó luôn.

Cũng như bao giờ, rớt tới đáy khủng hoảng đã trở thành cơ hội để quay về với Lời “hằng sống và đời đời” của Thiên Chúa. Ta hãy lắng nghe lời khuyên của Thánh Phaolô một lần nữa: “Đừng đồng hình đồng dạng với thế giới nhưng hãy được biến đổi bởi việc canh tân tâm trí để anh chị em có thể chứng minh đâu là thánh ý Thiên Chúa và điều gì tốt, có thể chấp nhận được và hoàn hảo”.

Nhờ Tân Ước, ta đã biết thứ thế giới ta không nên đồng hình đồng dạng với: đó không phải là thế giới đã được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương và không phải là những người ở trong thế giới mà ta luôn phải đi gặp gỡ, nhất là những người nghèo, bị chà đạp, và đau khổ. Nghịch lý thay, “trà trộn” với thế giới đau khổ và bị chà đạp này là cách tốt nhất để “tách” ta ra khỏi thế giới vì việc này đi theo một hướng bị thế giới trốn chạy càng xa càng tốt. Nó có nghĩa tách chúng ta ra khỏi chính nguyên tắc đang cai trị thế giới, tức tự lấy mình làm trung tâm.

Ta hãy chú tâm một chút vào ý nghĩa của điều sau đây: được biến đổi ở những ngõ ngách sâu xa nhất của tâm trí ta. Mọi sự trong ta bắt đầu từ tâm trí, từ các ý nghĩ. Có một câu phương châm khôn ngoan nói rằng:

Hãy canh chừng các ý nghĩ của bạn, vì chúng sẽ trở thành lời nói
Hãy canh chừng các lời nói của bạn vì chúng sẽ trở thành các hành động.
Hãy canh chừng các hành động của bạn vì chúng sẽ trở thành các thói quen.
Hãy canh chừng các thói quen của bạn vì chúng sẽ trở thành tính nết của bạn
Hãy canh chừng tính nết bạn vì nó sẽ trở thành số phận bạn
.

Như thế, trước các việc làm của ta, thay đổi phải xẩy ra trong cách ta suy nghĩ, nghĩa là, trong đức tin của ta. Có nhiều nguyên nhân ngay ở nguồn gốc tính thế gian, nhưng nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng đức tin. Theo nghĩa này, lời khuyên của Thánh Tông Đồ chỉ lặp lại lời khuyên của Chúa Kitô lúc Người bắt đầu rao giảng: “Hãy ăn năn và tin”; Hãy ăn năn, nghĩa là, hãy tin! Hãy thay đổi lối anh chị em suy nghĩ; đừng suy nghĩ theo “lối suy nghĩ của con người” nữa và hãy bắt đầu suy nghĩ theo “lối suy nghĩ của Thiên Chúa” (xem Mt 16:23). Thánh Tôma Aquinô rất đúng khi nói rằng “Hồi tâm đầu tiên hệ ở việc tin (prima conversio fit per fidem).”[6]

Đức tin là mặt trận hàng đầu giữa Kitô hữu và thế giới. Chính nhờ đức tin, Kitô hữu không còn “thuộc về” thế giới nữa. Khi đọc các kết luận mà các khoa học gia vô tín ngưỡng rút ra từ các quan sát vũ trụ của họ và khi tôi xem viễn kiến về thế giới mà các nhà văn và người làm phim ảnh đề xuất với ta, viễn kiến trong đó Thiên Chúa, ít tệ nhất, thì bị rút gọn vào một thứ cảm thức mơ hồ và chủ quan về mầu nhiệm, còn Chúa Giêsu Kitô, thậm chí, bị loại ra mọi xem xét, nhờ đức tin, tôi cảm thấy tôi thuộc một thế giới khác.Tôi cảm nghiệm được sự thật trong những lời của Chúa Giêsu sau đây: “Phúc cho những đôi mắt được thấy điều chúng con đang thấy!” Và tôi luôn ngạc nhiên khi quan sát thấy Chúa Giêsu đã thấy trước điều đó và Người đã ban cho ta lời giải thích việc đó từ lâu lắm rồi: “Cha đã che dấu những điều này cho kẻ khôn ngoan và thông hiểu và tỏ lộ chúng cho những người bé nhỏ” (Lc 10:23, 21).

“Thế giới” hiểu theo nghĩa luân lý, từ định nghĩa, vốn là những người bác bỏ đức tin. Tội mà Chúa Giêsu cho hay Đấng Phù Trợ sẽ “thuyết phục thế giới” phải nhận là tội không tin vào Người (xem Ga 16:8-9). Thánh Gioan viết “đây là vinh thắng sẽ khuất phục thế giới, đức tin của chúng ta” (1Ga 5:4). Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, ta đọc “Người đã làm anh chị em được sống, khi anh chị em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi xưa kia anh chị em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục” (Ep 2:1-2).

Nhà chú giải Heinrich Schlier đã thực hiện một phân tích sâu sắc về “tinh thần của thế giới” này, tinh thần mà Thánh Phaolô coi là kình địch trực tiếp của “Thần Trí Thiên Chúa” (1Cr 2:12). Nó đóng một vai trò quyết định trong công luận..., và ngày nay, nó quả thực là tinh thần “của không khí” vì nó lan truyền qua không khí bằng điện tử. Schlier định nghĩa “tinh thần tổng quát của thế giới” là:

Tinh thần của một thời kỳ, một thái độ, một quốc gia hay một địa phương đặc thù... Quả vậy, nó cường mạnh đến độ không một cá nhân nào thoát được nó. Nó được dùng như một quy tắc và được coi là tự nhiên. Hành động, suy nghĩ hay nói ngược lại tinh thần này được coi là vô nghĩa hoặc, thậm chí, sai lầm và phạm tội nữa. Chính “trong” tinh thần này, con người gặp gỡ thế giới và sự việc, điều này có nghĩa họ chấp nhận thế giới như tinh thần này trình bầy với họ... Chính bản chất (tinh thần) của họ đã giải thích vũ trụ và nhân sinh theo cách riêng của họ.[7]

Việc trên mô tả điều ta gọi là “thích ứng theo tinh thần thời đại”. Tinh thần này hành xử như một thứ ma cà rồng trong dã sử. Ma cà rồng tấn công người đang khi họ ngủ và khi hút máu họ nó đồng thời bơm vào một thứ chất lỏng gây ngủ khiến họ càng ngủ ngon hơn và cứ thế họ mê man trong giấc ngủ để nó tha hồ hút hết máu của họ. Tuy nhiên, thế giới còn tệ hơn cả ma cà rồng vì ma cà rồng không thể làm con mồi của nó thiếp ngủ mà chỉ có thể tới gần những người đã thiếp ngủ rồi. Trái lại, thế giới, trước nhất, khiến người ta thiếp ngủ, rồi hút hết nghị lực thiêng liêng của họ, bơm vào một thứ chất lỏng gây ngủ khiến họ càng ngủ ngon hơn.

Thuốc chữa tình huống trên là một ai đó phải hét vào tai người ngủ “Hãy thức dậy!” Đó chính là điều Lời Thiên Chúa làm trong rất nhiều dịp và là điều phụng vụ của Giáo Hội khiến chúng ta nghe một lần nữa ngay ở đầu Mùa Chay: “Ôi người mê ngủ, hãy tỉnh dậy” (Ep 5:14); “ nay đã trọn vẹn tới giờ để anh chị em thức giấc” (Rm 13:11).

3. Hình Thức của Thế Giới Này Đang Biến Đi

Nhưng ta hãy tự hỏi lý do tại sao Kitô hữu không nên đồng hình đồng dạng với thế giới. Lý do này không có tính hữu thể mà có tính cánh chung. Ta không cần tách mình ra khỏi thế giới này vì vật chất xấu từ trong nội tại và là kẻ thù của tinh thần, như phái duy Platông và một số văn sĩ Kitô Giáo chịu ảnh hưởng của họ vốn nghĩ. Như Thánh Kinh dạy, lý do là: “hình thức của thế giới này đang qua đi” (1Cr 7:31); “thế giới đang qua đi và cả lòng thèm muốn nó nữa; nhưng ai thực hiện thánh ý Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi mãi” (1Ga 2:17).

Ta chỉ cần dừng lại vài phút và nhìn quanh để ý thức được sự thật của những lời lẽ trên.

Đời sống tương tự như những gì xuất hiện trên màn truyền hình: các chương trình, điều người ta quen gọi là đội hình để coi (viewing lineup), tiếp theo nhau một cách nhanh chóng, và chương trình này triệt tiêu chương trình trước đó. Màn hình thì vẫn như nguyên, nhưng các chương trình và hình ảnh thì thay đổi. Với chúng ta cũng y như vậy: thế giới còn đó, nhưng phần chúng ta thì kẻ trước người sau sẽ lìa khỏi. Trong mọi tên tuổi, khuôn mặt, và tin tức viết đầy trên các nhật báo và chương trình phát tuyến tin tức hôm nay, những gì của họ, của mọi người chúng ta, sẽ còn lại, trong một vài năm hay một vài thập niên nữa? Không gì hết.

Ta hãy nghĩ đến những gì còn lại từ những huyền thọai cách nay 40 năm và những gì sẽ còn lại trong 40 năm kể từ nay từ những huyền thoại và người nổi tiếng của ngày hôm nay. Đọc trong Isaia ta thấy nó sẽ “giống như khi người đói mơ thấy mình được ăn nhưng thức dậy thấy cơn đói của mình chưa đã, hay như khi người khát mơ thấy mình được uống nhưng lúc tỉnh ngất xỉu, vì cơn khát của mình không đã” (Is 29:8). Giầu có, tiếng khen, và vinh quang là chi nếu không phải là một giấc chiêm bao sẽ tan biến lúc hừng đông? Thánh Augustinô mô tả người ăn mày một đêm kia có một giấc chiêm bao thật tuyệt vời. Ông ta mơ thấy một gia tài kếch xù bỗng rơi vào lòng mình. Trong giấc chiêm bao, ông ta được mặc những bộ quần áo lộng lẫy; được vây quanh đủ vàng đủ bạc và là chủ nhân của những cánh đồng và vườn nho mênh mông. Một cách kiêu hãnh, ông ta còn mắng mỏ cả cha mình và giả bộ không hề biết đến ông cụ... Nhưng khi thức giấc vào buổi sáng, ông thấy mình mê ngủ.[8]

Gióp than rằng “từ lòng mẹ tôi sinh ra trần truồng, và tôi sẽ trần truồng trở về [lòng đất]” (G 1:21). Cũng một điều y hệt sẽ xẩy ra cho các nhà triệu phú đầy tiền ngày nay và với các nhà quyền thế từng làm thế giới khiếp run trước uy quyền của họ. Bên ngoài bối cảnh đức tin, con người nhân bản không là gì cả ngoài khuôn hình được tạo nên bởi bọt sóng dạt vào bờ biển sẽ bị bọt sóng kế tiếp triệt tiêu.

Ngày nay, có một vũ đài mới trong đó ta cần đặc biệt đừng đồng hình đồng dạng với thế giới này: đó là hình ảnh. Người xưa vốn có câu châm ngôn “ăn chay thế giới (nesteuein tou kosmou).”[9] Ngày nay ta có thể áp dụng điều đó như là ăn chay hình ảnh thế giới. Ngày nay, người ta ăn chay vì nhiều động lực khác, nhất là để giữ cho thân hình cân xứng. Thánh Kinh nói không thức ăn nào tự nó là dơ dáy cả (xem Mt 7:19), nhưng nhiều hình ảnh quả thật dơ dáy. Chúng đã trở nên một trong những cỗ xe ưa thích để nhờ đó, thế giới vung vãi thứ phản tin mừng của nó. Một ca khúc Mùa Chay khuyên chúng ta:

Utamur ergo parcius (Ta hãy thanh đạm sử dụng)
Verbis, cibis et potibus (lời nói, thức ăn, thức uống)
Somno, iocis et arctius (ngủ nghỉ và vui chơi)
Perstemus in custodia. (Ta nên cảnh giác hơn trong việc gìn giữ các giác quan)
.[10]

Ta nên thêm các hình ảnh vào danh sách các thứ ta cần sử dụng một cách thanh đạm là lời nói, thức ăn, thức uống và ngủ nghỉ. Trong các điều phát xuất từ thế giới chứ không từ Chúa Cha, Thánh Gioan đã thêm một cách có ý nghĩa, cùng với lòng thèm muốn xác thịt và cậy mình có của (pride of life), “dục vọng đôi mắt” (1Ga 2:16). Ta hãy nhớ lại Vua Đavít đã sa ngã ra sao... Điều xẩy ra với ngài lúc ngài từ sân thượng nhìn xuống căn nhà bên cạnh ngày nay cũng thường xẩy ra khi ta mở một số trang mạng trên Internet.



Nếu đôi khi ta cảm thấy bối rối bởi các hình ảnh không trong sạch hoặc vì sự thiếu khôn ngoan hoặc vì chủ trương xâm nhập của thế giới nhất quyết tống hình ảnh của nó trước mắt ta, thì ta hãy bắt chước điều người Do Thái từng làm ở sa mạc khi họ bị rắn cắn. Thay vì phí thì giờ ân hận vô bổ hoặc cố gắng tìm cớ bào chữa ở việc cô đơn của mình hay việc người khác không thấu hiểu, ta hãy nhìn lên tượng chịu nạn và đến với Đấng Thánh. “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:14-15). Ước chi liều thuốc này vào được nơi độc dược đã vào, nghĩa là, đôi mắt chúng ta.

Với những đề nghị được lời thư của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Rôma gợi ý, và trên hết, với ơn thánh Chúa, kính thưa qúy cha, qúy thầy và qúy dì đáng kính, chúng ta hãy khởi sự việc chuẩn bị Mừng Lễ Phục Sinh Thánh của chúng ta. Thánh Augustinô dạy rằng cử hành Lễ Phục Sinh là “từ thế giới bước tới Chúa Cha” (Ga 13:1), nghĩa là, bước tới điều không qua đi! Điều cần là bước ra ngoài thế giới để không bước ra khỏi thế giới. Xin kính chúc một Mùa Chay hạnh phúc và thánh thiện!
____________________________________________________________________
[1] “From a Letter to Diognetus: The Christian in the World,” Trang mạng Vatican.
[2] Xem Selections from The Sayings of the Desert Fathers, Bản tiếng Anh của Benedicta Ward (Kalamazoo, MI: Cistercian Publications, 1975), tr. 14.
[3] Xem St. Ambrose, “Flight from the World” [“De fuga saeculi”], 1, trong Seven Exegetical Works, Bản tiếng Anh của Michael P. McHugh, vol. 65, The Fathers of the Church (Washington, DC: Catholic University of America Press, 1972), 279-288; cũng nên xem Corpus Scriptorum Ecclesiasticorum Latinorum, 32, 2, tr. 251.
[4] St. Ambrose, “Isaac, or the Soul,” 3, 6, Seven Exegetical Works, tr. 14. Cũng nên xem Exposition on the Gospel of Luke, 9, 36.
[5] Xem Claude Geffré, “Sécularisation,” trong Dictionnaire de Spiritualité, vol. 15, 1989, các tr. 502tt.
[6] St. Thomas Aquinas, Summa theologiae, I-IIae, q. 113, a. 4.
[7] Heinrich Schlier, Principalities and Powers in the New Testament (New York: Herder and Herder, 1961), các tr. 31-32.
[8] Xem St. Augustine, “Sermon 39,” 5, Sermons on the Old Testament 20-50, vol. 2 (Hyde Park, NY: New City Press, 1990); PL 38, 242.
[9] Câu nói này phát xuất từ câu nói không có trong qui điển được gán cho chính Chúa Giêsu: “Nếu các con không ăn chay khỏi thế giới, các con sẽ không bao giờ khám phá ra Nước Thiên Chúa” Phúc Âm Tôma, câu số #27. Xem Thánh Clement thành Alexandria, Stromati 111, 15 (GCS, 52, p. 242, 2); Alfred Resch, Agrapha, 48, TU, 30 (1906), p. 68.
[10] Dịch từ trang mạng của Vatican, “Message of His Holiness Benedict XVI for Lent 2009.”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thác Trắng Trên Ngàn
Dominic Đức Nguyễn
09:54 03/03/2018
THÁC TRẮNG TRÊN NGÀN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Ôi đẹp tuyệt vời cảnh nước non
Nước phun trắng xóa một khung trời
Cỏ cây chen chút vui ca hát
Dòng thác luôn tuôn chảy dạt dào
(Trích thơ của YTQ)