Ngày 08-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:53 08/03/2020

16. Bố thí tiền bạc là tài sản và ân thưởng mà người nghèo nên được, nó cũng là tiền mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô trưng thâu của chúng ta.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:58 08/03/2020
63. SỢ SAI LẠI BỊ SAI

Con rể của Tấn Minh đế, là phò mã đông Tấn Dân tên là Huyễn Ôn chuẩn bị đề cử Đoạn Hạo làm thượng thư, nhưng trước đó thì viết cho Đoạn Hạo một bức thư.

Đoạn Hạo vui vẻ viết thư hồi âm, sau khi viết xong thì sợ có chỗ sai, nên dán xong thì mở ra coi lại, coi rồi lại dán, làm như thế đến bốn năm lần.

Cuối cùng thì gởi cái bao thư rỗng ruột đi.

Huyễn Ôn nhận được cái bao thư rỗng ruột thì nổi giận, nên Đoạn Hạo cũng không được làm thượng thư lịnh.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 63:

Bối rối là một loại tâm bệnh, tâm bệnh này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của cá nhân hoặc ảnh hưởng đến đời sống của cộng đoàn...

Làm linh mục mà có bệnh bối rối thì không thể ngồi tòa cho giáo dân, bởi vì bệnh bối rối không thể làm cho các ngài phán đoán đúng như những gì Giáo Hội đã dạy; bệnh bối rối cũng làm cho linh mục không thể hướng dẫn giáo dân trong đời sống thiêng liêng được, bởi vì đối với các ngài tất cả đều còn trong “vòng hồ nghi” không biết phải xử lý như thế nào cho phải...

Người có bệnh bối rối thì cuộc sống không được bình thường: thái quá hoặc bất cập.

Người có bệnh bối rối mà sống trong cộng đoàn thì sẽ trở nên gánh nặng cho cộng đoàn, bởi vì mọi phán đoán của họ đều trở nên nặng nề hoặc quá đơn giản, nên không có sự hợp tác của những anh em chị em trong cộng đoàn.

Người có bệnh bối rối muốn làm linh mục hay làm tu sĩ thì trước hết phải chữa bệnh cho lành đã, bằng không thì sẽ gây “sốc” lớn cho mọi người một khi họ trở thành kẻ lãnh đạo.

Vì bối rối nên Đoạn Hạo dù đã coi lui coi tới nhiều lần nhưng cuối cùng thì gởi cái bao thư rỗng ruột cho phò mã, và thế là mất cả chỉ lẫn chài (mất chức vụ và mất lòng tin của người khác); cũng vậy, làm linh mục tu sĩ mà có bệnh bối rối thì cũng sẽ làm cho giáo dân ngày càng sợ Thiên Chúa hơn, vì những phán đoán của họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 8 tháng Ba
Đặng Tự Do
09:03 08/03/2020
Trong bài huấn đức được truyền trực tiếp trên đài truyền hình công cộng Rai Uno của Ý và Mạng lưới Eurovision, cũng như qua mạng lưới điện toán toàn cầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài liên quan đến trình thuật Tin Mừng Chúa Giêsu biến hình trên núi trước mặt các tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến!

Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm nay có chút lạ lùng, với Đức Giáo Hoàng “bị nhốt” trong thư viện, nhưng tôi nhìn thấy anh chị em, tôi gần gũi với anh chị em. Và tôi cũng muốn bắt đầu bằng việc cảm ơn nhóm đang có mặt trên quảng trường, là những người gióng lên tiếng nói và chiến đấu “cho thành phố Idlib bị lãng quên”. Cảm ơn anh chị em! Cảm ơn mọi điều anh chị em đã làm. Nhưng chúng ta phải đọc kinh Truyền Tin như ngày hôm nay, để thực hiện các quy định phòng ngừa, để tránh các đám đông người, có thể làm cho việc lây nhiễm virus trở nên dễ dàng.

Tin Mừng của Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay này (x. Mt 17: 9-9) trình bày câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ngài mang các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi cùng và leo lên một ngọn núi cao, đó là một biểu tượng cho sự gần gũi với Thiên Chúa, để mở trí cho họ hiểu biết đầy đủ hơn về mầu nhiệm về ngôi vị của Ngài, Đấng sẽ phải chịu đau khổ, chết đi rồi lại sống lại. Trên thực tế, Chúa Giêsu đã bắt đầu nói chuyện với họ về sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh đang chờ đợi Ngài, nhưng họ không thể chấp nhận viễn cảnh đó. Vì lý do này, khi đạt đến đỉnh núi, Chúa Giêsu đã cầu nguyện và biến đổi trước mặt ba môn đệ Ngài: “mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết.” (c 2.)

Qua sự kiện biến hình tuyệt vời này, ba môn đệ được mời gọi nhận ra nơi Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đang tỏa sáng với vinh quang. Do đó, họ nâng cao kiến thức về vị Thầy của mình, nhận ra rằng khía cạnh con người không thể hiện được hết toàn bộ thực tại của Ngài; họ tận mắt được chứng kiến thế giới bên kia và chiều kích thần linh của Chúa Giêsu đang được mạc khải. Và từ trên cao, một giọng nói vang lên: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (c 5). Chính Cha trên trời, Đấng đang khẳng định “huy chương” – tạm gọi là như thế - mà Chúa Giêsu đã nhận được vào ngày Ngài chịu phép rửa tại sông Giôđan và mời gọi các môn đệ hãy lắng nghe và làm theo lời Ngài.

Cần nhấn mạnh rằng, trong số các tông đồ trong nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đã chọn đưa các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi cùng Ngài lên núi, ban cho họ đặc quyền chứng kiến sự biến hình của Ngài. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại chọn ba vị này? Phải chăng vì họ là những tông đồ thánh thiện nhất? Không đâu, Phêrô, trong giờ phút thử thách, sẽ chối Ngài; và hai anh em hai ông Giacôbê và Gioan sẽ yêu cầu có những chỗ trọng nhất trong vương quốc của Ngài (x. Mt 20:20-23). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chọn theo tiêu chí của chúng ta, mà theo kế hoạch yêu thương của Người. Tình yêu của Chúa Giêsu không có thước đo: đó là tình yêu, và Ngài chọn họ với kế hoạch yêu thương đó. Đó là một sự lựa chọn nhưng không, vô điều kiện, một sáng kiến nhưng không, một tình bạn thiêng liêng không đòi hỏi hồi đáp. Và như Chúa Giêsu đã gọi ba môn đệ này, hôm nay Chúa cũng mời gọi những người gần gũi với Ngài, để làm chứng. Trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu là một ân sủng mà chúng ta không xứng đáng: chúng ta cảm thấy không xứng đáng, nhưng chúng ta không thể thối lui với lý do chúng ta không có khả năng.

Chúng ta chưa từng đến Núi Tabor, chúng ta chưa thấy tận mắt thiên nhan Chúa Giêsu tỏa sáng như mặt trời. Tuy nhiên, Lời cứu rỗi cũng đã được trao cho chúng ta, đức tin đã được ban cho và chúng ta đã trải nghiệm, dưới những hình thức khác nhau, niềm vui gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta rằng: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ” (Mt 17, 7). Trong thế giới này, được đánh dấu bởi sự ích kỷ và tham lam, ánh sáng của Thiên Chúa bị che mờ bởi những mối quan tâm hàng ngày. Chúng ta thường nói: Tôi không có thời gian để cầu nguyện, tôi không thể phục vụ trong giáo xứ, để đáp lại những yêu cầu của người khác. Nhưng chúng ta không được quên rằng Bí tích Rửa tội mà chúng ta nhận lãnh đã làm cho chúng ta trở thành chứng nhân, không phải vì khả năng của chúng ta, nhưng nhờ ân sủng của Thánh Linh.

Trong thời gian thuận lợi của Mùa Chay, chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho chúng ta có được sự ngoan ngoãn đối với Thánh Linh, là điều không thể thiếu để kiên quyết bước đi trên con đường hoán cải.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả các anh chị em đang theo dõi khoảnh khắc cầu nguyện này. Tôi chào đón đặc biệt các tham dự viên khóa đào tạo “các linh hoạt viên cho một phương pháp giao tiếp mới”; các tín hữu từ giáo phận Torrent, bên Tây Ban Nha; nhóm các bạn trẻ từ giáo phận Corato; và những bạn trẻ của giáo phận Coverciano, cũng như các trẻ em mới rước lễ lần đầu tại giáo phận Monteodorisio.

Tôi xin chào các hiệp hội và các nhóm tham gia thể hiện tình liên đới với người dân Syria và đặc biệt là với các cư dân của thành phố Idlib và tây bắc Syria – Từ đây tôi thấy anh chị em rõ ràng - những người buộc phải chạy trốn khỏi những diễn biến gần đây của cuộc chiến. Anh chị em thân mến, tôi lặp lại sự hiểu biết rõ ràng của tôi, nỗi đau của tôi đối với tình trạng vô nhân đạo này đối với những người vô phương thế tự vệ, bao gồm nhiều trẻ em, những người đang phải mạo hiểm cuộc sống của họ. Chúng ta không được rời mắt khỏi cuộc khủng hoảng nhân đạo này, nhưng hãy đặt nó ưu tiên hơn bất kỳ quan tâm nào khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người này, những anh chị em của chúng ta, những người phải chịu đựng rất nhiều ở phía tây bắc của Syria, tại thành phố Idlib.

Tôi gần gũi trong lời cầu nguyện với những người nhiễm coronavirus hiện nay và tất cả những người chăm sóc các bệnh nhân. Tôi hiệp cùng với các Giám mục anh em của tôi khuyến khích các tín hữu sống khoảnh khắc khó khăn này với sức mạnh của đức tin, với xác tín hy vọng và lòng nhiệt thành trong đức ái. Mùa Chay giúp tất cả chúng ta một cảm thức truyền giáo trong khoảnh khắc thử thách và đau đớn này.

Chúc các anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Bây giờ tôi sẽ nhìn ra, để thấy anh chị em một chút thực sự. Chúc anh chị em ăn trưa ngon miệng và tạm biệt!


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Hàng giáo phẩm Hoa Kỳ có thái độ thân thiện hơn sau cuộc viếng thăm Ad Limina với ĐGH
Trần Mạnh Trác
10:56 08/03/2020
Theo luật Giáo Hội thì mỗi 5 năm các vị giám mục điạ phận phải đi tới Toà Thánh trong một cuộc thăm viếng gọi là "ad limina apostolorum," (“về Rôma để viếng mộ các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và yết kiến Đức Giáo Hoàng”).Tuy nhiên vì trên Thế Giới có đến 3,017 giáo phận cho nên Toà Thánh phải dùng tới 8 năm để sắp xếp cho tròn một chu kỳ.

Các Giám Mục Hoa Kỳ đã chu toàn phận sự cuả họ vào những năm 2004 và 2012, năm nay 2020, các vị ấy lại thi hành phận sự “Ad Limina”một lần nữa.

Trong một tình huống có nhiều biến cố căng thẳng kéo dài 2 năm giữa Vatican và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, thì mọi cơ quan ngôn luận đã đổ dồn sự chú ý vào phản ứng cuả những Giám Mục Hoa Kỳ mỗi khi họ kết thúc cuộc “Ad Limina” cuả họ, để bắt mạch xem mối liên hệ giữa Đức Thánh Cha và hàng Giáo Phẩm Hoa Kỳ có được sáng suả hơn hay là còn thêm căng thẳng?

Phân tích ban đầu cho thấy đã có một sự thân thiện hơn, có thể nói là thắm thiết, giữa Đức Thánh Cha và các giám mục Hoa Kỳ, đặc biệt là một số giám mục đã từng “có vẻ cương quyết chống đối” (“supposedly implacably opposed”).

Sự kiện này được luật sư Ed Condon (luật sư về Giáo Luật, biên tập viên cuả nhiều tờ báo Công Giáo lớn và trưởng phòng báo chí cuả CNA ở thủ đô Washington, DC,) gọi là “Cuộc chiến thắng ngoại giao cuả Đức Giáo Hoàng với hàng giáo phẩm Hoa Kỳ” (“Pope Francis’ diplomatic triumph with US bishops”).

Chúng tôi xin phỏng dịch bài phân tích dài cuả Ed Condon như sau:



Washington DC, ngày 6 tháng 3 năm 2020 ( CNA ).- Trong một thời gian dài, nhiều học giả và nhà quan sát Công Giáo vẫn cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các giám mục Hoa Kỳ không hòa hợp với nhau.

Mặc dù phần lớn câu chuyện đó là do giới truyền thông thổi phồng ra, nhưng mối quan hệ giữa các giám mục Hoa Kỳ và Tòa Thánh đã, trên thực tế, suy giảm trong những năm gần đây trong bối cảnh căng thẳng do vụ bê bối McCarrick.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi sáu tháng vừa qua, và bây giờ nếu có ai còn có ý đồ tạo ra một khoảng cách giữa Đức Giáo Hoàng và các giám mục Hoa Kỳ thì đó là một việc làm khó khăn hơn.

Bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, những giám mục Hoa Kỳ sau khi trở về từ những cuộc thăm viếng “Ad Limina” thì đã có đầy lời khen ngợi về Đức Phanxicô.

Nhiều tháng hội họp giữa Đức Giáo Hoàng với các vị giám mục Mỹ dường như đã đạt được một sự yên tĩnh, có thể nói rằng, là một chiến thắng ngoại giao trong lãnh vực mục vụ tại một thời điểm quan trọng.

Những bài tường thuật trước đây của các phương tiện truyền thông thường xoay quanh các căng thẳng về tông huấn Amoris Laetitia, xuất bản năm 2015. Một chú thích trong tông huấn dường như mở ngõ cho sự thay đổi giáo huấn về ly dị và tái hôn, và điều đó đã báo động nhiều người Công Giáo, trong đó có các giám mục Hoa Kỳ.

Dù cho đã không có bất kỳ thay đổi nào về giáo lý và thực hành, nhưng những tiếng trống đều đặn của những giải thích không chính thức và ngoài quyền giáo huấn của Giáo hội đã dẫn đến việc bốn vị Hồng Y viết ra một bản Dubia nổi tiếng, trong đó có Hồng Y Raymond Burke, người gốc Wisconsin, được coi là siêu bảo thủ.

Những nhóm diễn giải không chính thức ở trên sau đó lại tiếp tục xuất bản nhiều bài chỉ trích về nền chính trị, văn hóa và tôn giáo của người Mỹ.

Các phương tiện truyền thông đã đóng khung một số tuyên bố của Đức Giáo Hoàng, như “tôi là ai mà phán xét” khi phán đoán ơn gọi cuả một linh mục dựa vào xu hướng tình dục, đã được sử dụng để đối nghịch hai tiêu chí phong thái và hướng đi (tone and direction) giữa các giám mục người Mỹ và Đức Giáo Hoàng. Trong đó, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput thường được qui kết là “thân hữu” và “bảo thủ gộc” (archconservative)

Trong khi đó, một số giáo dân Công Giáo nổi tiếng của Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng lo ngại về những chương trình cải cách của Đức Giáo Hoàng, do đó đã trở thành một ấn tượng ngày càng căng thẳng cho rằng người Mỹ trở thành một lực đối trọng với Rome.

Nếu những căng thẳng ban đầu này là do bởi các phương tiện truyền thông xoay vần (spin) và vặn vẹo (crossed wires), thì thực sự cũng từng có một điểm thấp tận cùng (nadir) trong mối quan hệ Mỹ-Rome vào năm 2018, khi xảy ra các cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và chủng sinh cuả Theodore McCarrick.

Đức Phanxicô đã hành động nhanh chóng để đối phó với vụ bê bối, vốn phát xuất từ trung tâm hệ thống giáo phẩm của Mỹ, trước tiên là truất bỏ chiếc mũ Hồng Y cuả McCarrick và sau đó kết án ông phải có một đời cầu nguyện và đền tội, ngay cả trước khi những quá trình điều tra theo pháp luật bắt đầu.

Dù cho đã có những hành động ban đầu này, nhưng những lời buộc tội của Tổng Giám mục Carlo Maria Vigano và sự can thiệp của Rome vào cuộc họp Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB) năm 2018 tại Baltimore, (để ngăn cản các giám mục Mỹ thông qua các biện pháp khẩn cấp về trách nhiệm cuả một giám mục,) đã bị một số người tỏ vẻ giận dữ ra mặt.

Các vị giám mục như Joseph Strickland của Tyler đã nổi nóng, gọi các cáo buộc của Vigano - kêu gọi Đức Giáo Hoàng phải từ chức – là đáng tin cậy và yêu cầu phải hành động.

Và trong khi các giám mục Mỹ vẫn còn đang chờ đợi thì lời kêu gọi cải cách của Đức Giáo Hoàng vào năm sau là Vos estis lux mundi (‘anh là ánh sáng cuả thế gian’) xảy ra trong khi mà báo cáo của McCarrick vẫn còn nằm lì trên bàn giấy cuả Đức Giáo Hoàng, thì sự kiên nhẫn (cuả hàng giáo phẩm Hoa Kỳ) rõ ràng là mỏng manh.

Tuy nhiên, nhiều giám mục được cho là chống đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau khi trở về từ Rôma, bây giờ đã hát lên những lời ca tụng Ngài.

Sau cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng vào tháng 1, Đức Giám Mục Strickland tuyên bố rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô là tuyệt vời. Vị giám mục cũng quay ngược sự hỗ trợ cho TGM Vigano, nói rằng ngài không bao giờ có ý định ủng hộ lời kêu gọi giáo hoàng từ chức.

"[Nó] khiến bạn nhận ra rằng luôn luôn có một bức tranh lớn hơn là cái phần mà bạn đang nhìn thấy", GM Strickland nói sau khi hội kiến với ĐGH Phanxicô. "Tôi chắc chắn không có khả năng để đánh giá một hành động trong một thời điểm nào đó của một vị giáo hoàng."

Đức Phanxicô lại thường rất hào phóng với thời gian, khi các giám mục Mỹ nộp đơn qua Rome, Ngài đã đề nghị họp với mỗi người hơn hai giờ để thảo luận về các ưu tiên và mối quan tâm của họ. Sự hào phóng đó đã mang lại nhiều ơn ích.

Giám mục Robert Baker của Birmingham mô tả phiên họp giữa Đức Giáo Hoàng với nhóm khu vực là rất cởi mở và tích cực.

“Đó là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời,” ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Tổng giáo phận Tuyên Úy Quân đội cho biết Đức Giáo Hoàng “đã rất cởi mở với những lời bình luận của chúng tôi và về cơ bản, ngài đã để cho chúng tôi đặt vấn đề, để chúng tôi giới thiệu, để chúng tôi hỏi.”

“Ngài rất thân thiện. Chúng tôi đã nói tất cả mọi thứ, từ việc đào tạo linh mục cho đến việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay, cho đến cách làm việc với nhau trong một hội nghị giám mục.”

Ngoài việc giải quyết mong muốn của các giám mục về báo cáo McCarrick, Đức Giáo Hoàng đã thể hiện sự sẵn sàng bàn đến những quan ngại rõ rệt của người Mỹ, và thậm chí cả nội bộ chính trị của Hội Đồng Các Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB,) trong đó một số giám mục đã tự cho mình là thông dịch viên của Đức Giáo Hoàng.

Trong cuộc họp USCCB vào tháng 11 vừa qua, nhiệt độ đã tăng cao trong một cuộc tranh luận về việc có nên đặt vấn đề phá thai là vấn đề ưu tiên ưu việt trong đời sống công cộng Mỹ không?

Đức Giám Mục Robert McElroy đã can thiệp như đặt vào một rào cản rằng việc các giám mục nghĩ rằng phá thai phải là mối quan tâm ưu việt là lỗi nhịp với cả Đức Giáo Hoàng và giáo huấn của Giáo hội.

Đức Tổng Giám Mục Chaput đã chống lại, được vỗ tay từ các giám mục khác, rằng ngài chống lại bất cứ ai nói rằng [phá thai] là vấn đề ưu việt thì trái với giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, vì điều đó không đúng. Nó tạo ra một trận chiến giả tạo giữa hội đồng giám mục Hoa Kỳ và Đức Thánh Cha, điều đó không đúng.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann, người chủ trì ủy ban đời sống của hội nghị, đã thảo luận vấn đề ấy trực tiếp với Đức GH Phanxicô trong buổi triều yết vào tháng Một.

Theo TGM Naumann, Đức GH Phanxicô đã khuyến khích việc bảo vệ thai nhi là ưu tiên hàng đầu.

Đây là câu trả lời của Ngài, 'Tất nhiên rồi. Đó là quyền cơ bản nhất, “ Theo Đức TGM Naumann.

Một chủ đề nóng bỏng khác mà Đức Phanxicô sẵn sàng thảo luận với các giám mục Mỹ là việc mục vụ cho những người LGBT của linh mục Dòng Tên James Martin, đã gây chia rẽ trên khắp các giáo phận Hoa Kỳ.

Theo một số giám mục, Đức Phanxicô nói rõ trong một phiên họp Ad Limina rằng việc tiếp kiến LM Martin (được có nhiều tweet) trong năm ngoái không phải là với ngụ ý chứng nhận những công việc của vị linh mục, và Đức Giáo Hoàng hoàn toàn không hài lòng về việc cuộc gặp đã được sử dụng để nâng cao vị thế công khai của LM Martin.

Trong khi xác nhận sự thất vọng của Đức Giáo Hoàng về cuộc họp ấy, Đức Tổng Giám Mục John Wester đã tranh luận với các báo cáo cuả một số giám mục nói rằng Đức Giáo Hoàng đã nói rằng LM Martin và bề trên cuả ngài đã từng có liên lạc với ĐGH về việc này. Đức Tổng Wester khẳng định rằng chỉ có một thảo luận về việc hàng giáo phẩm (ecclesiastical leaders) cần phải làm rõ một số khía cạnh của công việc mục vụ cuả LM Martin. Và đức Tỗng Wester cũng không đồng ý với nhiều mô tả khác về vẻ mặt của Đức Giáo Hoàng.

“Tuy nhiên,” Đức Tổng Giám Mục Wester lưu ý, “cuộc họp của chúng tôi với Đức Giáo Hoàng đã kéo dài gần hai giờ bốn mươi lăm phút, vì vậy khó có ai có thể nhớ chính xác bất cứ điều gì đã nói.”

Trong khi những tiếng nói ủng hộ LM Martin trên các phương tiện truyền thông xã hội đã thổi phồng những sự bất đồng đó, tất cả các giám mục đều đồng ý rằng Đức Giáo Hoàng đã thẳng thắn bày tỏ mối quan tâm của mình với cách mà cuộc họp của Martin được sử dụng trên phương tiện truyền thông - cho thấy Ngài rất vui khi được tranh luận vấn đề lôi thôi này (contentious) với các giám mục Hoa Kỳ, và thẳng thắn nói lên những suy nghĩ của mình.

Kết quả của các cuộc đối thoại với Đức Giáo Hoàng là, trong khi các giám mục có thể không đồng ý về một số vấn đề, họ dường như thống nhất trong sự đánh giá cao về Đức Giáo Hoàng - một điều khó có thể nói như vậy chỉ vài tháng trước.

Những người phê bình Đức Giáo Hoàng thường hay trích dẫn sự việc rằng Ngài ưa thích thảo luận riêng tư thay vì tuyên bố công khai. Mà thật vậy, Ngài dường như nghiêng về các cuộc trò chuyện cá nhân thay vì đưa ra một can thiệp rộng rãi về một vấn đề đơn lẻ. Nhưng qua cuộc Ad Limina gần đây của các giám mục Hoa Kỳ, điều này có thể có một tác dụng tích cực là tạo ra một mối liên kết rất cá nhân và đầy tinh thần mục tử giữa các giám mục và Đức Giáo Hoàng – đó cũng là mối quan hệ mà Ngài khuyến khích các giám mục nên có với các linh mục của mình.

Trong khi Đức Phanxicô có thể chỉ đơn giản đang cố gắng lãnh đạo các giám mục qua gương sáng, thì những nỗ lực này cuả Ngài cũng có thể là một chiến thắng ngoại giao thầm lặng nhưng quan trọng.
 
Ngày di dân 2020: «Bị buộc phải trốn chạy như Chúa Giê-Su Kitô»
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
14:20 08/03/2020
Sứ điệp của Đức Phanxicô: Ngày di dân 2020: « ị buộc phải trốn chạy như Chúa Giê-Su Kitô»

«Bị buộc phải trốn chạy như Chúa Giê-Su Kitô » : Đó là đề tài sứ điệp của Đức Phanxicô cho ngày di dân và tỵ nạn thế giới lần thứ 106 sẽ được mừng vào ngày 27.09.2020

Phân bộ người Di dân và Tị nạn của Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện đã giải thích rằng : sứ điệp này tập trung vào việc mục vụ cho những người đã di tản ở trong nội địa tính tổng cộng cho đến hôm nay trên thế giới đã lên tới trên 41 triệu.

Suy tư khởi đi từ trải nghiệm của Trẻ Giêsu và cha mẹ Ngài, vừa phải di tản (Bê Lêm) vừa phải tỵ nạn (sang Ai Cập) … Suy tư trên vach ra « một nền tảng Kitô học chuyên biệt về việc đón tiếp và lòng hiếu khách của Kitô giáo ».

Đề tài chính này được khai triển trong sáu đề tại phụ sau đây : quen biết để thông hiểu / tiếp cận để phục vụ / lắng nghe để hòa giải / chia sẻ để phát triển / tham gia để thăng tiến / hợp tác để xây dựng.

Chính phân bộ « Di dân và tỵ nạn » của Tòa Thánh sẽ chuẩn bị cho ngày di dân và tỵ nạn thế giới và sắp sửa khai mào một chiến dịch truyền thông : mỗi tháng sẽ có những suy tư được phổ biến, cũng như các tài liệu thông tin và các phương tiện truyền thông đa chiều hữu ích để đào sâu đề tài đã được ĐTC chọn.

Nguồn : https://fr.zenit.org/articles/journee-du-migrant-2020-contraints-de-fuir-comme-jesus-christ/
 
Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn từ nhiệm của ĐHY Barbarin
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
14:21 08/03/2020
Hội Đồng Giám Mục Pháp cầu mong rằng kết cục của các thủ tục tố tung này giúp các nạn nhân bị lạm dụng được thoa dịu..

Vào ngày mùng 06.03.2020, Tòa Thánh đã thông báo : ĐTC Phanxicô đã chấp nhận việc từ nhiệm của ĐHY Phillipe Barbarin khỏi trọng trách Tổng Giám Mục giáo phận Lyon

ĐHY đã được tòa tuyên bố trắng án vào ngày 20.01.2020 vừa qua, kết thúc vụ kiện cáo ngài về việc không thông báo những lạm dụng tính dục đối với các vị thành niên trong vụ việc liên quan đến linh mục Bernard Preynat. Nhưng chính vào lúc được tha bổng này, ĐHY đã một lần nữa xin ĐTC cho ngài được từ nhiệm và sẵn sàng chờ đợi phán quyết của ĐTC.

Một thông báo chính thức của đức cha chủ tịch HĐGM Pháp (CEF) đã ghi nhận rằng : « Với quyết định này, giáo phận Lyon đang chờ đợi một vị mục tử mới »…Tưởng cũng nên nhắc lại vào ngày 26.06.2019 Đức Cha Michel Dubost đã được bổ nhiệm là giám quản tông tòa để điều hành giáo phận trong thời gian ĐHY Barbarin tự tạm rời khỏi trọng trách chủ chăn…

Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort cầu mong rằng « sau nhiều thử thách trong những tháng qua » giáo phận Lyon sẽ có thể « tiếp tục tiến trình sự thật và hòa giải mà giáo phận đã khởi xướng và canh tân động lực truyền giáo với một quả tim tinh ròng"

HĐGM Pháp cám ơn ĐHY Philippe Barbarin « về những đóng góp cho giáo hội Pháp qua trọng trách giám mục ở giáo phận Moulins và tổng giáo phận Lyon từ năm 1998. HĐGM Pháp bầy tỏ tình huynh đệ thân tình với ĐHY trong giai đoạn mới của chức vụ phục vụ Chúa Kitô và Hội Thánh ». HĐGM Pháp cũng cầu mong rằng : « Chớ gì sự kết cục của các vụ kiện cáo đã qua sẽ góp phần thoa dịu các nạn nhân, và đối với họ HĐGM Pháp lập lại sự đau thương sâu đậm về tất cả những gì họ phải gánh chịu… »

Vị giáo trưởng miền Gaules, đã được bổ nhiệm TGM Lyon vào năm 2002, đã bị kiện cáo từ năm 2016 vì « không khai báo » những xâm phạm tính dục của một linh mục thuộc giáo phận ngài, cha Bernard Preyat, đã lạm dụng chừng 70 vị thành niên trong đoàn hướng đạo sinh trong những năm 70-80 (trong thời của ĐHY Albert Decourtray và các vị kế vị tiếp theo là hai Tổng Giám Mục Jean Balland và Louis-Marie Billé). Ngày mùng 7 tháng 3 năm 2019, ĐHY đã bị kết án vì đã « không tố cáo các hành vi tồi bại đối với vị thành niên giữa các năm 2014 và 2015 » và bị kết án tù treo sáu tháng..Ngài đã kháng án lên công tố viện Lyon và đã được tòa tha bổng….Vì dự đoán về sự vô tội của ĐHY, nên ĐTC Phanxicô đã không chấp nhận đơn từ nhiệm của ngài trong khi vụ xử án vẫn đang tiếp diễn…

Nguồn: https://fr.zenit.org/articles/france-le-pape-accepte-la-demission-du-cardinal-barbarin/
 
Thánh lễ và đám tang bị đình chỉ trên khắp nước Ý , thông cáo của Hội đồng Giám mục Ý
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
17:39 08/03/2020
Ngày 8.3.2020, Hội đồng Giám mục Ý thông cáo về những quy định mới. Giáo hội hiện diện tại Ý và, qua các Giáo phận và giáo xứ, muốn gần gũi với mọi người, chia sẻ mối quan tâm chung, trước tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đang ảnh hưởng đến đất nước. Trong tình huống này, Hội đồng Giám mục Ý – xét về quan hệ đối phó và hợp tác - trong những tuần gần đây đã khởi động lại các quan hệ riêng, các biện pháp mà chính phủ cam kết chống lại sự lây lan của "coronavirus".

Nghị định của Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng, có hiệu lực ngày hôm nay, đình chỉ ở cấp độ phòng ngừa "các nghi lễ dân sự và tôn giáo, bao gồm các tang lễ" trong cả nước cho đến thứ Sáu ngày 3 tháng Tư.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Thông cáo của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh ngày 08.03.2020 về dịch Covid -19
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
17:44 08/03/2020

Phối hợp với các biện pháp do Chính quyền Ý đưa ra, một số biện pháp đã được thực hiện ngày hôm nay để tránh sự lây lan của Covid-19 sẽ được tuân giữ trong các Bộ và các thực thể khác của Tòa thánh hoặc kết nối với Tòa thánh và tại trụ sở Thống đốc Quốc gia Thành phố Vatican.

Các biện pháp này bao gồm việc đóng cửa phòng ngừa Bảo tàng Vatican, Văn phòng Khai quật, Bảo tàng Biệt thự Giáo hoàng và các trung tâm bảo tàng thuộc các vương cung thánh đường giáo hoàng. cho đến ngày 3 tháng 4 năm 2020.

Nhân dịp này, cần nhắc lại rằng cho đến nay, có một trường hợp dương tính với Covid-19 duy nhất đã được xác nhận về một dân cư ngoại thành đã đến phòng khám bệnh của Sở Y tế và Vệ sinh để kiểm tra y tế theo dự liệu và 5 người đã liên hệ gần với người này đang bị cách ly kiểm dịch.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
ĐTGM Tokyo: Hãy cầu nguyện cùng Đức Mẹ Akita trong thời ôn dịch, làm chứng cho Chúa Kitô hơn bao giờ
Đặng Tự Do
19:29 08/03/2020
Một số giáo phận Nhật Bản đã đình chỉ các Thánh lễ trong vài tuần do dịch coronavirus đang diễn ra trên khắp đất nước.

Tuần trước, Tổng Giáo Phận Tokyo đã hủy bỏ tất cả các Thánh lễ công cộng trong hơn hai tuần cho phù hợp với các biện pháp phòng ngừa được chính phủ Nhật Bản đề ra.

Các Thánh lễ sẽ bị đình chỉ cho đến ngày 14 tháng Ba tại khu vực Tokyo. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ trực tuyến ngày Chúa Nhật 8 tháng Ba, tức là Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay do Đức Cha Isao Kikuchi, Tổng giám mục Tokyo cử hành.

Giảng trong thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh đến lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngài hô hào anh chị em giáo dân đừng để coronavirus gây ra nỗi sợ hãi đến mức tê liệt. Nhưng thời ôn dịch như thế này chính là lúc chúng ta phải đưa ra các chứng tá mãnh liệt nhất về niềm tin Kitô của mình. Cụ thể, trong tình thế này, chúng ta càng phải quan tâm nhiều hơn đến người láng giềng. Ngài đặc biệt chỉ trích các hình ảnh được chiếu rộng rãi trên truyền hình trong đó hàng hóa trong các siêu thị bị người ta tranh mua đến mức chỉ còn lại những cái kệ trống không. Ngài gọi đó là hiện tượng “ích kỷ, tranh sống” với nhau.

“Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc Chúa Giêsu biến hình trước mặt các tông đồ, mặt Người chiếu sáng như mặt trời. Ước gì chúng ta cũng để cho thiên nhan Người được chiếu sáng trên khuôn mặt chúng ta và cách xử thế của chúng ta,” ngài nói.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tính đến 10 giờ sáng Chúa Nhật 8 tháng Ba, tại Nhật Bản, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 đã tăng lên đến 13 người, và số người nhiễm bệnh lên đến 1,148 người. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 438 người là cư dân trên đất Nhật Bản. 696 người là các du khách trên con tàu du lịch Diamond Princess, và 14 người trên các chuyến bay do chính phủ thuê bao để chở các công dân về nước.

Trước khi về làm Tổng giám mục Tokyo, Đức Cha Isao Kikuchi, coi sóc giáo phận Niigata ở Tây Bắc Nhật Bản, và vì giáo phận đó vẫn bị trống tòa, nên ngài vẫn được ủy thác lãnh đạo giáo phận này.

Nhiều người tại Thành phố Niigata được xét nghiệm dương tính đối với coronavirus trong những ngày gần đây, vì thế Đức Tổng Giám Mục đã hủy bỏ tất cả các Thánh lễ công khai trong giáo phận Niigata, từ ngày 3 tháng Ba đến ngày 21 tháng Ba.

Trong một tuyên bố chính thức, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi, cho biết ngài rất lấy làm tiếc phải đưa ra quyết định đình chỉ các thánh lễ tại Tokyo và đặc biệt là tại Niigata, nơi có Đền Thánh Đức Mẹ Akita, là nơi người Nhật thường chạy đến kêu cầu Đức Mẹ trong những hoàn cảnh khó khăn.

Ngài cho biết với tốc độ lây lan của dịch bệnh này, hai tuần tới là thời gian rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh, do đó chính phủ khuyến nghị không nên tổ chức các cuộc tụ họp có đông người tham dự.

Trong một bức thư gửi các tín hữu, Đức Tổng Giám Mục, giải thích rằng trong hoàn cảnh cụ thể này, việc không tham dự các Thánh lễ sẽ không vi phạm nghĩa vụ thiêng liêng giữ ngày Chúa Nhật của người Công Giáo. Thay vào đó, Đức Tổng Giám Mục khuyến khích việc thờ phượng tại nhà, tránh xa các khu vực công cộng.

Tổng giám mục Kikuchi nói: “Tôi khuyên mọi người nên tìm thời gian để đọc Kinh thánh và cầu nguyện. Chúng tôi đang tận dụng khả năng phát sóng Thánh lễ qua internet và tôi khuyến khích anh chị em tham gia bằng cách xem Thánh lễ trực tuyến trong tâm tình hiệp thông thiêng liêng.”

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nhật Bản đã không đăng bất kỳ khuyến nghị chính thức hoặc một chính sách toàn quốc nào trên trang web của các ngài liên quan đến sự bùng phát của coronavirus. Tất cả tùy thuộc vào các vị bản quyền địa phương.

Trong một diễn biến khác có liên quan đến Trung Quốc, cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, khoảng 20 người vẫn bị mắc kẹt trong một khách sạn bị sụp đổ ở phía đông nam Trung Quốc.

Khách sạn Tân Cương (Xinjia -新疆) ở thành phố Tuyền Châu (Quanzhou -泉州), tỉnh Phúc Kiến (Fujian -福建) gồm 80 phòng, mới xây vào năm 2018, đã sụp đổ chỉ trong vài giây vào khoảng 7:30 tối Thứ Bảy 7 tháng Ba. Không có trận động đất chung quanh nào được ghi nhận. Nguyên nhân có lẽ do các quan chức tham ô làm ảnh hưởng đến sức bền của vật liệu.

Ban đầu, khoảng 70 người đã bị mắc kẹt bên trong đống đổ nát. Họ là các bệnh nhân nhiễm coronavirus đang được cách ly.

Bốn mươi tám người đã được kéo ra từ đống đổ nát của khách sạn này ở Tuyền Châu, một thành phố ven biển thuộc tỉnh Phúc Kiến.


Source:Archdiocese Of Tokyo
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bổn Mạng Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney
Diệp Hải Dung
10:17 08/03/2020
Sáng Chúa Nhật 08/03/2020 các em Thiếu Nhi Cung Thánh thuộc các Giáo Đoàn Cabramatta, Georges Hall, Lakemba, Marrickville, Miller và Mt.Pritchard đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly Sydney tham dự Lễ kính Thánh Dominic Savio là Quan Thầy của Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney.

Xem Hình

Trước khi dâng Thánh lễ. Cha GB Lê Hồng Mạnh Tuyên uý Đặc trách Thiếu Nhi Cung Thánh ngỏ lời chúc mừng bổn mạng các em và sau đó Cha dâng Thánh lễ mừng kính bổn mạng.

Trong bài giảng Cha Lê Hồng Mạnh nói sơ lược về Thánh Dominic Savio là một vị Thánh trẻ rất đẹp lòng Chúa để các em biết vị Thánh Quan Thầy của mình, Cha nhắc nhở các em về 10 Điều Răn của Thiên Chúa và khi Chúa Giêsu xuống thế Ngài tóm gọn lại 2 điều rất quan trọng là Thờ kính Thiên Chúa và yêu thương mọi người. Và Cha cũng nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói Mùa Chay nếu được thì chúng ta hãy tắt TV và mở Kinh Thánh mở Lời Chúa ra, giảm bớt Internet và Iphone... sau cùng Cha khuyến khích các em cố gắng phục vụ tốt trên cung Thánh…

Trước khi kết thúc Thánh lễ. ông Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng các em Thiếu Nhi Cung Thánh và kế tiếp hai em Hồng Ân và Tina Nguyễn đại diện Thiếu Nhi Cung Thánh ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ mừng Bổn Mạng của các em hôm nay. Đặc biệt cám ơn Ca đoàn Marickville, quý Ban Mục Vụ Trung Tâm Tĩnh Huấn Bringelly và quý ân nhân đã trợ giúp cho các em Thiếu Nhi Cung Thánh có cơ hội mừng kính Lễ Quan Thầy.

Thánh lễ kết thúc, mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc liên hoan mừng bổn mạng trong hội trường trung tâm.

Diệp Hải Dung
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sự Tự do của Kitô hữu, Khảo luận của Martin Luther, đoạn chót
Vũ Văn An
16:34 08/03/2020
Trong Mt 17:22-27, khi các môn đệ của Người bị đòi tiền thuế, Chúa Kitô đã thảo luận với Thánh Phêrô có phải con các vua không được miễn trả thuế hay không, và Thánh Phêrô trả lời rằng họ được miễn. Dù thế, Chúa Kitô cũng ra lệnh cho Thánh Phêrô ra biển và nói “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra : anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”. Biến cố này rất thích hợp với đề tài này vì Chúa Kitô, ở đây, tự gọi Người và những kẻ là con cái của Người là con vua, những người không cần điều gì; ấy thế nhưng Người vẫn tự do tùng phục và nạp thuế. Hệt như việc làm này cần thiết và hữu ích cho việc công chính hóa và cứu rỗi của Chúa Kitô thế nào, thì các việc làm khác của Người và của các môn đệ của Người cũng thế đối với việc công chính hóa, vì chúng đều đến sau việc công chính hóa và có tính tự do, được thực hiện chỉ để phục vụ người khác và cung cấp cho họ một gương sáng về việc làm tốt.

Thuộc cùng bản chất là các quy tắc được Thánh Phaolô đưa ra ở Rm 13:1-7, tức là, các Kitô hữu nên tùng phục các nhà cầm quyền và sẵn sàng thực hiện mọi việc làm tốt, không phải nhờ thế họ sẽ được công chính hóa, vì họ đã được công chính hóa rồi bởi đức tin, nhưng để, trong tính tự do của Thần Khí, khi làm thế, họ sẽ phục vụ người khác và các nhà cầm quyền và vâng theo ý muốn của họ một cách tự do và vì tình yêu. Việc làm của các học viện, đan viện, và của các linh mục phải có bản chất này. Mỗi người hãy làm các việc thuộc nghề nghiệp hay chức vị của mình, không phải vì qua đó, họ cố gắng để được công chính hóa, nhưng qua đó, họ có thể kiểm soát được thân xác họ, nêu gương cho những người khác, những người cũng cần phải kiểm soát thân xác họ, và cuối cùng, qua các việc làm đó, họ có thể bắt ý chí họ lệ thuộc ý chí của những người khác trong tự do của yêu thương. Nhưng luôn phải thật cẩn trọng để không một ai tin tưởng lầm lẫn rằng nhờ những việc làm như thế, họ sẽ được công chính hóa hay được công phúc và được cứu rỗi; vì điều này là công việc của một mình đức tin mà thôi, như tôi đã nói đi nói lại nhiều lần.

Bất cứ ai biết điều đó cũng dễ dàng và an toàn có thể tìm được đường đi của mình qua muôn vàn những mệnh lệnh và giới truyền của các Giáo Hoàng, Giám Mục, đan viện, Giáo Hội, ông hoàng, và thẩm phán mà một số mục tử dốt nát nhấn mạnh như thể là cần thiết để được công chính hóa và cứu rỗi, gọi chúng là “các giới răn hội thánh”, dù chúng không hề là như thế. Vì, là một người tự do, người Kitô hữu sẽ nói “tôi sẽ ăn chay, cầu nguyện, làm việc này việc nọ như con người ra lệnh, không phải vì nó cần thiết cho việc công chính hóa hay cứu rỗi của tôi; nhưng để tôi có thể chứng tỏ lòng kính trọng phải lẽ đối với Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục, công đồng, chánh án, hay người lân cận của tôi, và nêu gương cho họ. Tôi sẽ làm và chịu đựng mọi sự, như Chúa Kitô đã làm và đã chịu còn nhiều hơn nữa cho tôi, mặc dù Người không cần điều gì cho chính Người, và đã chịu tuân phục lề luật vì tôi, mặc dù Người không lệ thuộc lề luật”. Mặc dù các bạo chúa thực hiện bạo lực và bất công khi ban hành các đòi hỏi của chúng, nhưng điều này không gây thiệt hại chi miễn là chúng không đòi hỏi điều gì trái ý Thiên Chúa.

Từ những điều vừa nói, ai cũng có thể an tâm phán kết về mọi việc làm và lề luật và phân biệt một cách đáng tin cậy các điều này để biết ai là các mục tử đui mù và dốt nát và ai là các mục tử tốt lành và chân thật. Bất cứ việc làm nào nếu không được làm duy nhất với mục đích kiểm soát thân xác và phục vụ người lân cận của mình, miễn là không đòi điều gì ngược với Thiên Chúa, thì đều không tốt hay không có tính Kitô giáo. Vì lý do này, ngày nay, tôi rất sợ rằng ít có hay không có học viện, đan viện, bàn thờ, hay văn phòng nào trong Giáo Hội thực sự có tính Kitô giáo cả - cả các việc ăn chay và cầu nguyện đặc biệt trong một số ngày lễ các thánh. Tôi nói, tôi sợ rằng trong tất cả những việc này, chúng ta chỉ đi tìm lợi ích của chúng ta, nghĩ rằng nhờ chúng, tội lỗi ta sẽ được thanh tẩy và chúng ta sẽ tìm được ơn cứu rỗi trong chúng. Hiểu như thế là tiêu diệt tự do Kitô giáo. Đó là hậu quả của việc ta không biết gì về đức tin và tự do của Kitô giáo.

Việc dốt và dẹp bỏ tự do này được rất nhiều mục tử khổ công khuyến khích. Họ khuấy động và thúc giục giáo dân của họ trong các thực hành này bằng cách ca ngợi các việc làm như thế, quảng cáo khuếch khoác chúng bằng các ân xá của họ, và không bao giờ giảng giải về đức tin. Tuy nhiên, nếu bạn muốn cầu nguyện, ăn chay, hay thiết lập một qũy nào đó trong Giáo Hội, tôi khuyên bạn cẩn thận, đừng làm như thế để được một ơn ích nào đó, bất luận là mau qua hay vĩnh viễn, vì bạn sẽ gây thương tích cho đức tin của bạn, vốn là điều duy nhất đem lại cho bạn mọi sự. Bạn chỉ nên quan tâm duy nhất làm sao cho đức tin lớn mạnh, xem nó được rèn luyện bởi việc làm hay đau khổ. Hãy tặng các tặng phẩm một cách tự do và không có tính toán chi, để người khác nhờ chúng mà được ơn ích và hành xử tốt đẹp vì bạn và lòng tốt của bạn. Nhờ cách này, bạn sẽ thực sự là người tốt và là Kitô hữu. Có ích chi cho bạn các việc làm tốt mà bạn không cần để kiểm soát thân xác bạn? Đức tin của bạn đã đủ đối với bạn, nhờ thế, Thiên Chúa ban cho bạn mọi sự.

Bạn thấy đó, theo qui luật này, những điều tốt đẹp chúng ta có được từ Thiên Chúa nên tuôn từ người này sang người khác và thành của chung mọi người, để mọi người nên “mặc lấy” người lân cận của mình và nhờ thế hành xử với họ như thể mình ở chỗ người khác vậy. Từ Chúa Kitô, những điều tốt đẹp đã tuôn tràn và còn đang tuôn tràn sang chúng ta. Như thế, Người đã “mặc lấy” chúng ta và hành động cho chúng ta như thể Người vốn là điều chúng ta là. Từ chúng ta, chúng tuôn sang những người cần đến chúng để tôi đặt đức tin và sự công chính của tôi trước mặt Thiên Chúa ngõ hầu chúng che chở và cầu bầu cho tội lỗi của người lân cận của tôi, những tội lỗi mà tôi mang lấy và do đó, làm việc và phục vụ trong chúng như thể chúng là của chính tôi. Đó chính là điều Chúa Kitô đã làm cho chúng ta. Đó là tình yêu đích thực và là qui luật chân chính cho đời sống Kitô hữu. Tình yêu là đích thực và chân chính khi có đức tin đích thực và chân chính. Bởi thế, Thánh Tông đồ nói về tình yêu trong 1Cr 13:5 rằng “Nó không tìm tư lợi”.

Bởi thế, chúng ta kết luận rằng Kitô hữu sống không phải trong họ mà trong Chúa Kitô và trong người lân cận của họ. Nếu không, họ không phải là Kitô hữu. Họ sống trong Chúa Kitô bằng đức tin, trong người lân cận của họ bằng tình yêu. Nhờ đức tin, họ được nâng lên chính họ để nhập vào Thiên Chúa. Nhờ tình yêu, họ hạ thấp chính họ để nhập vào người lân cận. Tuy nhiên, họ luôn ở trong Thiên Chúa và ở trong tình yêu của Người, như Chúa Kitô nói trong Ga 1:51, “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”.

Nay nói như thế về tự do đã đủ. Như bạn thấy, nó là thứ tự do thiêng liêng và đích thực và làm tâm hồn chúng ta thoát mọi tội lỗi, lề luật và lệnh truyền, như Thánh Phaolô nói trong 1Tm 1:9, “Lề Luật có đó, không phải cho người công chính”. Nó trổi vượt hơn mọi thứ tự do khác vốn chỉ ở bên ngoài, y như thiên đàng trổi vượt hơn mặt đất. Xin Chúa Kitô ban cho chúng ta thứ tự do này cả để hiểu biết lẫn để duy trì. Amen.

Cuối cùng, phải nói thêm một điều giúp những người mà đối với họ không điều gì có thể được nói hay đến nỗi họ không làm hư nó bằng cách hiểu lầm nó. Quả đáng hoài nghi liệu họ có hiểu ngay cả những gì được nói ra ở đây. Có rất nhiều người, khi nghe nói đến thứ tự do của đức tin này, lập tức biến nó thành một dịp cho xác thịt và nghĩ rằng nay họ được phép làm mọi sự. Họ muốn chứng tỏ rằng họ chỉ là những người tự do và là Kitô hữu bằng cách khinh miệt và bắt lỗi các nghi lễ, truyền thống, và lề luật con người, như thể họ là Kitô hữu vì vào những ngày nhất định, họ không ăn chay hay ăn thịt khi những người khác ăn chay, hay vì họ không dùng các bản kinh quen thuộc, và hỉ mũi nhạo báng các giới luật của con người, mặc dù họ hoàn toàn coi thường mọi điều khác vốn thuộc Kitô giáo. Hoàn toàn ngược lại với những người này là những người dựa sự cứu rỗi của họ duy nhất vào việc cung kính tuân giữ các nghi lễ, như thể họ sẽ được cứu rỗi vì vào những ngày nhất định nào đó, họ ăn chay hay kiêng thịt, hoặc đọc một số kinh nào đó; những người này huênh hoang về các giới răn của Giáo Hội và của các giáo phụ, chứ không quan tâm chi tới những điều vốn là yếu tính trong đức tin của chúng ta. Rõ ràng, cả hai đều sai lầm vì họ làm ngơ những điều nặng ký hơn vốn cần thiết cho ơn cứu rỗi, và cãi nhau inh ỏi về những vấn đề tầm phào và không cần thiết.

Tốt hơn xiết bao là giáo huấn của Thánh Tông đồ Phaolô khi ngài khuyên chúng ta theo lẽ trung dung và lên án cả hai phía khi ngài viết “Người ăn đừng có khinh kẻ không ăn, còn kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người ăn, vì Thiên Chúa đã đón nhận người ấy” (Rm 14:3). Ở đây, bạn thấy những ai làm ngơ và hạ giá các nghi lễ, không vì lòng đạo đức, mà chỉ vì khinh miệt mà thôi, bị khiển trách, vì Thánh Tông đồ dạy ta đừng khinh thường chúng. Những người như thế bị kiến thức làm cho vênh váo. Đàng khác, ngài dậy những người hay nhấn mạnh tới nghi lễ đừng có xét đoán người khác, vì không bên nào hành động hướng về người khác theo luật yêu thương vốn có tính xây dựng. Do đó, chúng ta phải lắng nghe Sách Thánh là sách dạy chúng ta rằng chúng ta không nên đi trệch bên phải hay bên trái (Đnl 28:14) nhưng tuân theo các sắc lệnh của Chúa vốn chân chính, “làm tâm hồn hân hoan” (Tv 19:8). Vì con người không nên công chính vì tuân giữ và bám lấy việc làm và các hình thức nghi lễ thế nào, họ cũng sẽ không được kể là công chính chỉ vì làm ngơ và khinh thường chúng.
Đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô không giải phóng chúng ta khỏi việc làm nhưng khỏi các ý kiến lầm lạc liên quan tới việc làm, nghĩa là, khỏi giả định ngớ ngẩn cho rằng công chính hóa có được nhờ việc làm. Đức tin cứu chuộc, sửa dạy và duy trì lương tâm ta để ta biết rằng sự công chính không hệ ở việc làm, mặc dù việc làm không thể và không nên thiếu; chúng ta không thể không ăn không uống và mọi việc làm của thân xác này, thế nhưng sự công chính của ta không hệ ở chúng, nhưng hệ ở đức tin; nhưng cũng không vì vậy mà được coi thường hoặc lơ là đối những việc làm này. Ở đời này, chúng ta bị trói buộc bởi các nhu cầu của sự sống thân xác của chúng ta, nhưng chúng ta không công chính nhờ chúng. Chúa Kitô vốn nói: “Nước Tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18:36). Còn Thánh Phaolô thì nói: “Quả thế, chúng tôi đang sống trong xác phàm, nhưng không chiến đấu theo tính xác thịt” (2Cr 10:3) và trong Gl 2:20: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa”. Như thế, điều chúng ta làm, chúng ta sống, làm việc và thực hiện các nghi lễ, chúng ta làm vì các cần thiết của đời này và do cố gắng muốn kiểm soát thân xác ta. Tuy nhiên, chúng ta công chính, không hệ ở chúng, mà hệ ở đức tin vào Con Thiên Chúa.

Bởi thế, Kitô hữu phải chọn con đường ở giữa và đối diện với hai loại người. Họ sẽ gặp trước hết những người duy nghi thức bất khoan nhượng, ngoan cố, giống những con rắn lục điếc tai không muốn nghe sự thật của tự do (Tv 58:4) nhưng, vì không có đức tin, nên đã khoác lác, truyền dạy, và nhấn mạnh tới các nghi lễ của họ như một phương thế công chính hóa. Họ là những người Do Thái thuở xưa, không sẵn lòng học cách làm điều tốt. Kitô hữu phải đề kháng những người này, làm chính điều ngược lại, và mạnh dạn xúc phạm họ kẻo nhờ quan điểm vô đạo của họ, họ kéo theo nhiều khác vào cùng sai lạc như thế. Trước mặt những người như thế, tốt nhất nên ăn thịt, phá chay, và vì sự tự do của đức tin hãy làm những việc khác bị họ coi là những tội lỗi nặng nề nhất. Về họ, chúng ta phải nói rằng “Hãy để mặc họ; họ là các hướng dẫn viên mù”. Theo nguyên tắc này, Thánh Phaolô có lẽ đã không cắt bì cho Titô khi người Do Thái nhấn mạnh ngài nên làm (Gl 2:3), còn Chúa Kitô thì cáo lỗi cho các môn đệ khi họ ngắt các bông lúa trong ngày Sabát (Mt 12:1-8). Còn nhiều thí dụ tương tự như thế nữa. Loại người khác mà Kitô hữu sẽ gặp là những người đơn sơ, ngu dốt, yếu đức tin, như Thánh Tông Đồ gọi họ, chưa có khả năng nắm vững tự do đức tin, ngay cả khi họ sẵn lòng làm thế (Rm 14:1). Những người này, Kitô hữu nên thận trọng đừng xúc phạm họ. Kitô hữu phải chiều theo sự yếu đuối của họ cho tới khi họ được giáo huấn trọn vẹn hơn. Vì họ có thế nào họ làm và nghĩ như vậy, không phải vì ác ý một cách ương ngạnh nhưng chỉ vì đức tin của họ yếu ớt, nên các việc ăn chay và các việc khác được họ coi là cần thiết phải được tuân giữ để tránh làm phật lòng họ. Đây là giới răn yêu thương, không được làm hại ai nhưng phải phục vụ mọi người. Họ yếu ớt không phải lỗi của họ, mà là do lỗi của các mục tử của họ đã giam giữ họ bằng những cạm bẫy truyền thống và đã gian ác sử dụng các truyền thống này như những chiếc roi để đánh đập họ. Đáng lẽ họ nên được giải thoát khỏi các mục tử này bằng các giáo huấn đức tin và tự do. Bởi thế, Thánh Tông Đồ dạy chúng ta trong chương 14 thư Rôma rằng “Nếu thực phẩm là nguyên nhân cho người anh em tôi sai phạm, tôi sẽ không bao giờ ăn thịt” (xem Rm 14:21 và 1Cr 8:13); và một lần nữa “Trong Chúa Giêsu, tôi biết và xác tín rằng không có gì tự nó là ô uế; có ô uế là chỉ đối với người cho nó là ô uế” (Rm 14:14).

Vì lý do đó, dù chúng ta mạnh bạo chống lại các thầy dạy truyền thống và cực lực khiển trách các luật lệ của các giáo hoàng, các luật lệ họ dùng cưỡng đoạt dân Chúa, thế nhưng chúng ta phải dung thứ quần chúng nhút nhát những người vốn bị các bạo chúa vô đạo giam cầm bằng các luật lệ này cho tới khi họ được tự do. Do đó, hãy hăng hái đấu tranh chống các sói lang, nhưng hãy chiến đấu cho các con chiên và không nên chống các con chiên. Bạn sẽ làm điều này nếu bạn đả kích chống lại lề luật và các nhà làm luật, nhưng đồng thời giữ luật với người yếu đuối để họ không bị xúc phạm, cho tới khi họ cũng nhận ra tính bạo chúa và hiểu được sự tự do của họ. Nếu bạn muốn sử dụng tự do của bạn, bạn nên sử dụng nó cách kính đáo, như Thánh Phaolô từng viết trong Rm 14:22, “Bạn xác tín điều gì, thì cứ giữ lấy cho mình trước mặt Thiên Chúa”; nhưng thận trọng, đừng sử dụng tự do của bạn trước mặt người yếu đuối. Mặt khác, hãy sử dụng tự do của bạn cách liên tục và nhất quán trước mặt và bất chấp các bạo chúa và những người ngoan cố để cả họ cũng học biết rằng họ là kẻ vô đạo, luật lệ của họ không thắng thế sự công chính, và họ không có quyền thiết lập chúng.

Vì chúng ta không thể sống mà không có các nghi lễ và việc làm, và tuổi trẻ hư đốn và không được huấn luyện cần được kiềm chế và cứu khỏi tai họa nhờ các mối dây ràng buộc đó; và vì mỗi người nên kiểm soát thân xác mình bằng những việc làm như thế, nên điều cần là thừa tác viên của Chúa Kitô phải biết nhìn xa và có lòng trung thành. Họ phải cai quản và dạy dỗ các Kitô hữu trong mọi vấn đề này cách nào để lương tâm và đức tin của họ sẽ không bị xúc phạm và sẽ không nẩy sinh nơi họ một nghi ngờ hay nguyên nhân gây cay đắng nào khiến nhiều người do đó phải hư hỏng, như Thánh Phaolô từng khuyên bảo tín hữu Do Thái (Dt 12:15); nghĩa là, họ đừng mất đức tin và trở thành hư hỏng bởi việc lượng giá sai lạc về giá trị của việc làm và nghĩ rằng họ cần được công chính hóa nhờ việc làm. Trừ khi ta không ngừng cùng một lúc giảng dậy về đức tin, điều này sẽ diễn ra cách dễ dàng và làm hư hỏng rất nhiều người, như đã xẩy ra cho đến nay qua các truyền thống độc hại, vô đạo, tiêu diệt các linh hồn của các Giáo Hoàng của chúng ta và các ý kiến của các thần học gia chúng ta. Vì các cạm bẫy này, không biết bao nhiêu linh hồn đã bị lôi vào hỏa ngục, để bạn thấy việc làm của Phản Kitô trong việc này.

Tóm lại, sự giầu sang là đá thử đức khó nghèo, buôn bán là đá thử lòng trung thành, danh dự là đá thử đức khiêm nhường, tiệc tùng là đá thử đức điều độ, khoái lạc là đá thử đức trong sạch thế nào, thì các nghi lễ là đá thử sự công chính của đức tin như thế. Vua Salômôn từng đặt câu hỏi “Có ai giấu lửa trong người mà không bị cháy áo?” (Cn 6:27). Thế nhưng, con người phải sống giữa giầu sang, buôn bán, danh dự, khoái lạc, và tiệc tùng thế nào, họ cũng phải sống giữa các nghi lễ như thế, nghĩa là giữa các nguy hiểm. Thực vậy, như các bé trai cần trước hết được nâng niu trong lòng và trong bàn tay của các trinh nữ để chúng khỏi bị diệt vong, thế nhưng, khi chúng đã lớn, thì ơn cứu rỗi của chúng sẽ lâm nguy nếu chúng cứ quanh quẩn với các trinh nữ thế nào, thì tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm và hư đốn cần được kiềm chế và huấn luyện bằng thanh sắt nghi lễ kẻo sự hăng say không kiềm chế của chúng sẽ lao đầu thẳng vào hết từ thói hư này đến thói hư khác. Mặt khác, sẽ là án tử cho chúng khi lúc nào cũng bị giam cầm trong ách nô lệ của các nghi lễ, vì nghĩ rằng các nghi lễ này công chính hóa chúng. Thay vào đó, nên dạy chúng rằng chúng bi giam cầm trong các nghi lễ, không phải để chúng nhờ đó mà nên công chính hay được công phúc lớn lao nào, nhưng để chúng khỏi làm điều xấu và có thể trở nên dễ dàng hơn trong việc được dạy dỗ về sự công chính của đức tin. Một việc dạy dỗ như thế chúng sẽ không chịu đựng được nếu tính bốc đồng tuổi trẻ của chúng không được kiềm chế.

Do đó, các nghi lễ cần được dành cho cùng một vị thế trong đời sống Kitô hữu như các mô hình và họa đồ đối với các người xây dựng và thợ thủ công. Chúng được soạn thảo, không như các cơ cấu vĩnh viễn, nhưng vì nếu không có chúng, không toà nhà nào được xây dựng hay tái tạo. Khi một cơ cấu hoàn thành, các mô hình và họa đồ đều bị để qua một bên. Bạn thấy đấy, chúng không bị khinh bỉ, đúng hơn, người ta hết sức tìm kiếm chúng; nhưng điều chúng ta khinh bỉ là việc lượng giá sai lạc về chúng vì không ai coi chúng là cơ cấu thực sự và vĩnh viễn.

Nếu có ai đó trắng trợn ngớ ngẩn đến nỗi suốt đời không lưu tâm đến bất cứ điều gì ngoài việc soạn các mô hình và họa đồ tốn kém nhất, cẩn thận nhất, và kiên trì nhất mà không bao giờ nghĩ tới chính cơ cấu, và chỉ hài lòng với việc sản xuất ra các họa đồ và chỉ là các dụng cụ để làm việc, và huênh hoang khoác lác về chúng, thì há mọi người lại không thương hại cho cái tính ngớ ngẳn này và nghĩ rằng một điều vĩ đại đã có thể xây dựng bằng những điều người này bỏ phí hay sao? Bởi thế, chúng ta không khinh bỉ các nghi lễ và việc làm, nhưng chúng ta coi trọng chúng; chúng ta khinh bỉ việc lượng giá sai lạc đối với các việc làm để không ai nghĩ rằng chúng là sự công chính đích thực như những kẻ giả hình vốn tin; họ là những người phí phạm và mất hết đời sống vì nhiệt tình đối với việc làm và không bao giờ đạt được mục tiêu mà vì nó các việc làm cần phải nhắm, những người, như Thánh Tông Đồ từng nói “lắng nghe bất cứ ai nhưng không bao giờ đạt tới việc nhận biết sự thật” (2Tm 3:7). Dường như họ chỉ muốn xây dựng, họ chuẩn bị mọi thứ, ấy thế nhưng họ không bao giờ bắt tay vào việc xây dựng. Như thế, họ mãi đóng khung trong hình thức đạo thánh nhưng không đạt tới sức mạnh của nó (2Tm 3:5). Trong khi họ hài lòng với các cố gắng của mình và thậm chí còn dám phê phán mọi người khác, những người họ không thấy chói sáng với việc biểu diễn việc làm tương tự. Thế nhưng với các ơn phúc của Thiên Chúa, những ơn phúc mà họ đã tiêu phí và lạm dụng vô ích, đáng lẽ, nếu đã được đổ tràn đức tin, đã thực hiện được nhiều điều lớn lao có lợi cho ơn cứu rỗi của họ và ơn cứu rỗi của người khác.

Vì bản tính nhân loại và lý lẽ tự nhiên, như thường được gọi như thế, tự bản chất, vốn mê tín và sẵn sàng tưởng tượng, khi luật lệ và việc làm đã được ra lệnh, rằng sự công chính phải đạt được nhờ lề luật và các việc làm; và hơn nữa, vì họ vốn được huấn luyện và củng cố trong ý kiến này bởi thói quen của mọi nhà làm luật trần gian, nên tự họ, họ không thể nào thoát ra ngoài ách nô lệ của việc làm và tiến tới chỗ nhận thức được tự do của đức tin. Bởi thế, cần phải cầu nguyện để Chúa ban ơn cho chúng ta và biến chúng ta thành các theodidacti, tức những người được chính Thiên Chúa dạy dỗ (Ga 6:45), và chính Người, như Người vốn hứa, sẽ viết lề luật của Người trong trái tim chúng ta; nếu không, sẽ không còn hy vọng dành cho chúng ta. Nếu Người không dạy dỗ trái tim chúng ta sự khôn ngoan vốn được dấu kín trong mầu nhiệm (1Cr 2:7), tự nhiên chỉ có thể lên án nó và phán xử nó là lạc giáo vì tự nhiên bị xúc phạm bởi nó và coi nó như một điều ngớ ngẩn. Chúng ta thấy nó đã diễn ra thời xa xưa với các Tông đồ và tiên tri, và, các giáo hoàng vô thần và mù quáng và những kẻ tâng bốc họ cũng đã làm thế đối với tôi và những người giống như tôi. Cuối cùng, Xin Thiên Chúa thương xót họ và thương xót chúng ta và khiến nhan thánh Người rạng chiếu trên chúng ta để chúng ta nhận ra đường lối của Người trên trái đất (Tv 67:1-2), ơn cứu rỗi của Người giữa mọi dân tộc, Thiên Chúa, Đấng được chúc tụng muôn đời (2Cr 11:31). Amen.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trời Đã Xế Trưa
Nguyễn Trung Tây Lm.
22:44 08/03/2020
TRỜI ĐÃ XẾ TRƯA
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

“Ở lại với con Chúa ơi,
Ngoài kia đêm xuống bóng tối đang về,
Hồn con lo lắng xao xuyến tư bề,
Chúa ơi, con nào biết trông cậy vào ai?”
(Trích thơ của LM Nguyễn Hùng Cường MM)
 
VietCatholic TV
Những hình ảnh mới nhất của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 8 tháng Ba
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
09:01 08/03/2020
Như chúng tôi đã loan tin, chiều thứ Bẩy 7 tháng Ba, Phòng Báo chí Tòa thánh đã ra thông báo liên quan đến các hoạt động của Đức Thánh Cha trong những ngày tới. Theo thông báo này buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với Đức Thánh Cha vào ngày Chúa Nhật 8 tháng Ba diễn ra từ Thư viện của Dinh Tông tòa chứ không phải từ cửa sổ hướng ra quảng trường Thánh Phêrô. Buổi đọc kinh được truyền trực tiếp bởi Vatican News và trên các màn hình ở quảng trường Thánh Phêrô, và được Truyền thông Vatican phân phát cho các phương tiện truyền thông có yêu cầu, để các tín hữu có thể tham gia.

Dàn xếp này không phải vì tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha. Ngài đã khoẻ hơn nhiều sau mấy ngày bị cảm lạnh. Tuy nhiên, quyết định này được đưa ra theo yêu cầu của chính quyền Ý trong nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh.

Tính đến 10 giờ sáng Chúa Nhật 8 tháng Ba, tại Ý, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 đã tăng vọt lên đến 233 người, và số người nhiễm bệnh lên đến 5,883 người.

Tòa Thánh cho biết quyết định chưa từng có trong lịch sử này “là cần thiết để tránh nguy cơ lây lan COVID-19 khi một nhóm đông đảo người phải tập trung tại các trạm kiểm tra an ninh trước khi có thể vào quảng trường Thánh Phêrô.”

Trong bài huấn đức được truyền trực tiếp trên đài truyền hình công cộng Rai Uno của Ý và Mạng lưới Eurovision, cũng như qua mạng lưới điện toán toàn cầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài liên quan đến trình thuật Tin Mừng Chúa Giêsu biến hình trên núi trước mặt các tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến!

Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm nay có chút lạ lùng, với Đức Giáo Hoàng “bị nhốt” trong thư viện, nhưng tôi nhìn thấy anh chị em, tôi gần gũi với anh chị em. Và tôi cũng muốn bắt đầu bằng việc cảm ơn nhóm đang có mặt trên quảng trường, là những người gióng lên tiếng nói và chiến đấu “cho thành phố Idlib bị lãng quên”. Cảm ơn anh chị em! Cảm ơn mọi điều anh chị em đã làm. Nhưng chúng ta phải đọc kinh Truyền Tin như ngày hôm nay, để thực hiện các quy định phòng ngừa, để tránh các đám đông người, có thể làm cho việc lây nhiễm virus trở nên dễ dàng.

Tin Mừng của Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay này (x. Mt 17: 9-9) trình bày câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ngài mang các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi cùng và leo lên một ngọn núi cao, đó là một biểu tượng cho sự gần gũi với Thiên Chúa, để mở trí cho họ hiểu biết đầy đủ hơn về mầu nhiệm về ngôi vị của Ngài, Đấng sẽ phải chịu đau khổ, chết đi rồi lại sống lại. Trên thực tế, Chúa Giêsu đã bắt đầu nói chuyện với họ về sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh đang chờ đợi Ngài, nhưng họ không thể chấp nhận viễn cảnh đó. Vì lý do này, khi đạt đến đỉnh núi, Chúa Giêsu đã cầu nguyện và biến đổi trước mặt ba môn đệ Ngài: “mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết.” (c 2.)

Qua sự kiện biến hình tuyệt vời này, ba môn đệ được mời gọi nhận ra nơi Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đang tỏa sáng với vinh quang. Do đó, họ nâng cao kiến thức về vị Thầy của mình, nhận ra rằng khía cạnh con người không thể hiện được hết toàn bộ thực tại của Ngài; họ tận mắt được chứng kiến thế giới bên kia và chiều kích thần linh của Chúa Giêsu đang được mạc khải. Và từ trên cao, một giọng nói vang lên: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (c 5). Chính Cha trên trời, Đấng đang khẳng định “huy chương” – tạm gọi là như thế - mà Chúa Giêsu đã nhận được vào ngày Ngài chịu phép rửa tại sông Giôđan và mời gọi các môn đệ hãy lắng nghe và làm theo lời Ngài.

Cần nhấn mạnh rằng, trong số các tông đồ trong nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đã chọn đưa các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi cùng Ngài lên núi, ban cho họ đặc quyền chứng kiến sự biến hình của Ngài. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại chọn ba vị này? Phải chăng vì họ là những tông đồ thánh thiện nhất? Không đâu, Phêrô, trong giờ phút thử thách, sẽ chối Ngài; và hai anh em hai ông Giacôbê và Gioan sẽ yêu cầu có những chỗ trọng nhất trong vương quốc của Ngài (x. Mt 20:20-23). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chọn theo tiêu chí của chúng ta, mà theo kế hoạch yêu thương của Người. Tình yêu của Chúa Giêsu không có thước đo: đó là tình yêu, và Ngài chọn họ với kế hoạch yêu thương đó. Đó là một sự lựa chọn nhưng không, vô điều kiện, một sáng kiến nhưng không, một tình bạn thiêng liêng không đòi hỏi hồi đáp. Và như Chúa Giêsu đã gọi ba môn đệ này, hôm nay Chúa cũng mời gọi những người gần gũi với Ngài, để làm chứng. Trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu là một ân sủng mà chúng ta không xứng đáng: chúng ta cảm thấy không xứng đáng, nhưng chúng ta không thể thối lui với lý do chúng ta không có khả năng.

Chúng ta chưa từng đến Núi Tabor, chúng ta chưa thấy tận mắt thiên nhan Chúa Giêsu tỏa sáng như mặt trời. Tuy nhiên, Lời cứu rỗi cũng đã được trao cho chúng ta, đức tin đã được ban cho và chúng ta đã trải nghiệm, dưới những hình thức khác nhau, niềm vui gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta rằng: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ” (Mt 17, 7). Trong thế giới này, được đánh dấu bởi sự ích kỷ và tham lam, ánh sáng của Thiên Chúa bị che mờ bởi những mối quan tâm hàng ngày. Chúng ta thường nói: Tôi không có thời gian để cầu nguyện, tôi không thể phục vụ trong giáo xứ, để đáp lại những yêu cầu của người khác. Nhưng chúng ta không được quên rằng Bí tích Rửa tội mà chúng ta nhận lãnh đã làm cho chúng ta trở thành chứng nhân, không phải vì khả năng của chúng ta, nhưng nhờ ân sủng của Thánh Linh.

Trong thời gian thuận lợi của Mùa Chay, chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho chúng ta có được sự ngoan ngoãn đối với Thánh Linh, là điều không thể thiếu để kiên quyết bước đi trên con đường hoán cải.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả các anh chị em đang theo dõi khoảnh khắc cầu nguyện này. Tôi chào đón đặc biệt các tham dự viên khóa đào tạo “các linh hoạt viên cho một phương pháp giao tiếp mới”; các tín hữu từ giáo phận Torrent, bên Tây Ban Nha; nhóm các bạn trẻ từ giáo phận Corato; và những bạn trẻ của giáo phận Coverciano, cũng như các trẻ em mới rước lễ lần đầu tại giáo phận Monteodorisio.

Tôi xin chào các hiệp hội và các nhóm tham gia thể hiện tình liên đới với người dân Syria và đặc biệt là với các cư dân của thành phố Idlib và tây bắc Syria – Từ đây tôi thấy anh chị em rõ ràng - những người buộc phải chạy trốn khỏi những diễn biến gần đây của cuộc chiến. Anh chị em thân mến, tôi lặp lại sự hiểu biết rõ ràng của tôi, nỗi đau của tôi đối với tình trạng vô nhân đạo này đối với những người vô phương thế tự vệ, bao gồm nhiều trẻ em, những người đang phải mạo hiểm cuộc sống của họ. Chúng ta không được rời mắt khỏi cuộc khủng hoảng nhân đạo này, nhưng hãy đặt nó ưu tiên hơn bất kỳ quan tâm nào khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người này, những anh chị em của chúng ta, những người phải chịu đựng rất nhiều ở phía tây bắc của Syria, tại thành phố Idlib.

Tôi gần gũi trong lời cầu nguyện với những người nhiễm coronavirus hiện nay và tất cả những người chăm sóc các bệnh nhân. Tôi hiệp cùng với các Giám mục anh em của tôi khuyến khích các tín hữu sống khoảnh khắc khó khăn này với sức mạnh của đức tin, với xác tín hy vọng và lòng nhiệt thành trong đức ái. Mùa Chay giúp tất cả chúng ta một cảm thức truyền giáo trong khoảnh khắc thử thách và đau đớn này.

Chúc các anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Bây giờ tôi sẽ nhìn ra, để thấy anh chị em một chút thực sự. Chúc anh chị em ăn trưa ngon miệng và tạm biệt!


Source:Libreria Editrice Vaticana