Ngày 16-03-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 25
VietCatholic Network
07:05 16/03/2012
"Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền". (Lk 1:38). Chúng ta hãy tưởng tượng đức tin của Ðức Mẹ phải mạnh mẽ đến thế nào trong lời Xin Vâng của Mẹ trước lời mời gọi dự phần vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sự phó thác, đức tin, hy vọng, khiêm nhường, vâng phục và tình yêu đã hội tụ trong những lời đơn sơ này, những lời làm thay đổi thế giới mãi mãi.

Lời Xin Vâng của Ðức Mẹ không chỉ dừng lại trong ngày Thiên Thần Chúa truyền tin cho Mẹ mà còn trên mọi bước trong cuộc hành hương dưới thế của Mẹ. Xuyên suốt trong cuộc đời Mẹ, Mẹ đã sống trong sự khiêm nhường vâng phục ý Chúa. Xuyên suốt trong cuộc đời Mẹ, Mẹ lớn dần trong sự lệhuộc vào Thánh Thần Chúa và trở nên một chứng nhân cao cả của cuộc sống mới mà Ðức Giêsu Kitô mang đến cho tất cả chúng ta.

Như Ðức Mẹ, chúng ta cũng được kêu gọi để Xin Vâng với Thiên Chúa không phải chỉ một lần mà nhiều lần. Như Mẹ, chúng ta cũng được mời gọi để vào một mối quan hệ thân tình với Thánh Linh Thiên Chúa - biến tâm hồn ta nên nơi Ngài ngự, lắng nghe lời Ngài, để hành động dưới sự dẫn dắt của Ngài, và để mang Ðức Giêsu đến cho thế giới. Như Ðức Mẹ, có thể chúng ta cũng sẽ hỏi "Chuyện ấy xảy ra thế nào được?" (Lk 1:34). Nhưng cuối cùng, xin cho chúng ta cũng nói được tiếng Xin Vâng trong phó thác, đức tin, hy vọng, khiêm nhường, vâng phục và tình yêu.

Thánh Augustinô có lần đã viết: "Ðức Mẹ cưu mang Ngài trong cung lòng bà. Xin cho chúng ta mang Ngài trong tâm hồn ta. Ðức Mẹ đã cưu mang Ngài nhờ mầu nhiệm nhập thể. Xin cho chúng ta mang Ngài trong tâm hồn ta nhờ đức tin. Ðức Mẹ mang đến cho thế gian Ðấng Cứu Ðộ. Xin cho chúng ta cũng mang ơn cứu độ và lời tán tụng đến cho anh chị em".

"Lạy Chúa, xin giúp cho con biết lắng nghe tiếng Chúa để yêu thương và phục vụ. Xin giúp con nói được tiếng Xin Vâng trong các ơn gọi của con, để Ðức Giêsu có thể có thể hạ sinh trong tâm hồn con".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Lòng Chúa thương xót
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
19:53 16/03/2012
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY B
+++
A. DẪN NHẬP

Chúa nhật 4 mùa chay có thể được gọi là Chúa nhật mầu hồng vì Giáo hội hé mở cho chúng ta những lý do khiến chúng ta vui mừng. Phụng vụ mời gọi chúng ta hãy vui lên :”Anh em hãy vui lên với thành Giêrusalem, anh chị em là những người đang mang tang chế”. Phụng vụ khuyến khích chúng ta hãy vui lên, chúng ta muốn vui lắm, nhưng nhiều khi không vui được vì còn gặp nhiều nỗi buồn phiền lo lắng, kể cả thất vọng nữa. Thực ra chẳng bao giờ chúng ta hết lo, hết khổ dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhưng làm sao vui lên được ?

Thì đây, thánh Gioan đã đưa ra lý do căn bản về niềm vui : Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta tới mức độ sai Con Một Ngài xuống thế cứu vớt nhân loại. Vậy muốn tham dự ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, còn cần phải tin vào Ngài ! Đức tin thật cần thiết vì:”Ai tin thì sẽ được sống đời đời”(Ga 3,16).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : 2 Sb 36,14-16. 19-23

Tác giả sách Biên niên điểm lại những giai đoạn lịch sử dân Israel trước, trong và cuối thời lưu đầy. Nếu Thiên Chúa ngoảnh mặt đi mà cho quân đội Babylon đến phá hủy Đền thờ Giêrusalem và bắt dân ưu tuyển đi lưu đầy, chính là dân đã phản bội, đã bỏ Ngài trước. Dân Israel bị phạt vì tội bất trung, nhưng lại được tha thứ vì biết sám hối. Qua các biến cố trong lịch sử của họ, tác giả luôn tìm được những lý do để trông cậy, mà một trong những lý do quan trọng là Chúa trung thành bởi vì chính Ngài là Tình Thương.

+ Bài đọc 2 : Ep 2,4-10

Thánh Phaolô nhắc lại cho tín hữu Êphêsô biết là mọi người được cứu độ nhờ ân sủng khi Ngài nói:”Chính là bởi ân sủng mà chúng ta được cứu độ nhờ đức tin”. Chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng miễn là có lòng tin. Đó là giáo thuyết thánh Phaolô dạy chúng ta về ơn cứu độ “nhưng không” mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Ơn cứu độ được ban “nhưng không” chứ không do một điều gì trong con người chúng ta có quyền đòi hỏi. Vì thế, thánh Phaolô xác quyết rằng:”Tất cả là hồng ân”.

+ Bài Tin mừng : Ga 3,14-21

Ông Nicôđêmô là một người biệt phái đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Đây là đoạn nối tiếp câu chuyện giữa Đức Giêsu và ông. Trong buổi nói chuyện này, ông được hiểu thêm về ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho loài người qua Đức Giêsu Kitô. Qua đó, ông biết được rằng tin vào Đức Kitô, chính là nhận biết Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến, là người Con đã được Chúa Cha ban cho thế gian vì yêu thương, ngõ hầu thế gian được cứu độ.

Nói khác đi , là nhìn nhận ơn cứu độ con người đến từ trời cao, do mối liên hệ cha con, tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nhưng ta chỉ biết một sự thật như vậy khi “sống sự thật “ ấy, khi thực sự dấn buớc vào một cuộc sống được soi sáng không ngừng bởi phận làm con.

Theo ý nghĩa đó, không tin vào Đức Kitô, đó là tự kết án chính mình, vì tự tách rời khỏi nguồn sống và tất nhiên đi vào con đường những việc làm xấu xa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Lòng Chúa yêu thương tha thứ

I. THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ

1. Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại

Con người được Thiên Chúa yêu thương. Đây là một chân lý mà không ai chối cãi được. Chân lý gây xúc động sâu xa nhất mà Giáo hội rao giảng là chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương từ trước muôn đời. Kitô giáo được xây dựng trên một niềm xác tín rằng tình yêu Thiên Chúa đã hạ cố đến thế gian đau khổ bệnh tật qua con người Đức Kitô. Đối với mọi tín hữu, đây là lời cốt tủy của Tin mừng. Không có đoạn văn nào trong Kinh thánh nói rõ điều này hơn là lời Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô:”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Mình, ngõ hầu những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời”(Ga 3,15).

Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta cứ như là không còn ai khác để cho Ngài yêu thương. Ngài như người cha luôn mong muốn cùng gia đình đồng hành suốt cuộc đời, và không thể an lòng cho đến khi con cái đi đây đó, ai nấy đều an toàn trở về mái ấm gia đình.

2. Nhưng dân Chúa lại phản bội

Bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết dân Do thái đã bất tuân lề luật và phụ bạc đối với tình yêu Thiên Chúa như thế nào. Họ đã phá vỡ giao ước và kéo theo sự sụp đổ hoang tàn của Đền thờ và thành thánh. Chúa đâu có muốn trách phạt họ, Ngài muốn cho họ sống trung thành với Ngài như con cái đối với người cha, nhưng họ cứ đi sâu vào đàng tội, bỏ Chúa mà đi theo tà thần dân ngoại, bất đắc dĩ Ngài phải phạt để cho họ tỉnh ngộ. Cho đến lúc mà Thiên Chúa không còn dung thứ được nữa, Ngài liền cho phép quân thù đến tấn công họ. Quân Babylon đến xâm chiếm đất nước của họ, giết chết hàng ngàn, hàng vạn người. Quân thù phá hủy thành thánh, đốt phá Đền thờ và cưỡng ép dân còn sống sót đi lưu đầy bên Babylon.

3. Các tiên tri nhắc nhở dân chúng

Tuy nhiên vừa khi họ bị sát phạt, thì các tiên tri của Chúa liền xuống giọng. Các tiên tri bảo họ : đó là hình phạt của Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu. Nhiều tiên tri đã lên tiếng kêu gọi thống hối và sửa đổi cách sống, nhưng đã hoài công, chẳng ai màng tới. Chưa hết, ngay trong những giây phút đen tối nhất của cuộc lưu đầy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Ngài nhưng tiếp tục kêu gọi họ quay về với lề luật, với Thiên Chúa.

Lịch sử dân Do thái thật là một kho lưu trữ nhắc nhở cho chúng ta hay biết những gì sẽ xẩy ra mỗi khi chúng ta phũ phàng từ chối tình yêu Thiên Chúa. Lịch sử ấy cũng đem lại cho chúng ta niềm an ủi rằng chúng ta phải đối diện với sự lựa chọn : đón nhận hay từ chối lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta đã tự đặt mình vào một tình thế nguy hiểm là sống xa lìa với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn kính trọng tự do cá nhân của chúng ta và sẽ không áp đặt ép uổng tình yêu của Ngài, đi ngược với những ước vọng chúng ta. Chúng ta có thể từ chối lòng thương yêu cũng như quà tặng tình nghĩa của Chúa. Chúng ta có thể quay lưng lại với tình yêu của Chúa mà ôm lấy bóng tối của tội lỗi và tự mình vĩnh viễn tách xa khỏi Ngài.

4. Dân hối cải, Chúa thứ tha

Tuy vậy, Chúa không nỡ bỏ rơi dân Ngài. Chúa dùng vua của dân ngoại là Cyrô, vua Ba tư, để cứu thoát dân Ngài và đưa họ trở về quê cha đất tổ. Như vậy ta thấy những hình phạt của Chúa, không phải nhằm báo thù, trách phạt, mà là cách thế để luyện lọc, thanh tẩy và chữa trị họ, khiến họ trở nên tùy thuộc vào Chúa.

Trong bài Tin mừng hôm nay có nhắc đến chuyện con rắn đồng. Sau khi xuất Ai cập, bốn mươi năm ròng rã trong hoang địa, dân Israel gặp mọi thử thách. Họ oán trách Chúa đã để họ lầm than. Một lần cơn thịnh nộ của Chúa đã để cho rắn độc cắn chết nhiều người. Dân Chúa quá sức khiếp sợ. Họ nhìn nhận tội lỗi của mình, và Chúa đã đoái thương nỗi khốn khổ của họ. Ngài dạy ông Maisen hãy làm một con rắn bằng đồng, treo lên một cái sào để bất cứ ai bị rắn cắn, nếu nhìn lên con rắn đồng, sẽ được khỏi. Như vậy, khi con rắn đồng được giương lên, thì ngay chính lúc đó, lòng tha thứ của Thiên Chúa lại tỏa sáng và trao ban. Từ nay Thiên Chúa sẽ cứu sống dân, những kẻ đã từng oán trách Ngài.

II. TÌNH YÊU THIÊN CHÚA NƠI ĐỨC KITÔ

1. Sự sóng đôi giữa Cựu ước và Tân ước

Thiên Chúa yêu thương con người, nhưng con người không nhìn ra. Chính vì thế Thiên Chúa đã biểu lộ một cách cụ thể tình yêu của Ngài cho nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô, Con yêu của Ngài, như lời thánh Gioan đã nói:”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một Ngài, để tất cả những ai tin vào Con Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời”(Ga 3,16). và Ngài còn nói tiếp:”Thiên Chúa đã không sai Con Ngài đến để luận phạt mà là để cứu độ”(Ga 3,17).

Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại qua Đức Kitô đã được ám chỉ trong Cựu ước. Ta có thể nói Cựu ước là hình ảnh của Tân ước. Cựu ước là hình ảnh, Tân ước là thực tại. Chính vì thế, ta thấy có sự sóng đôi giữa Cựu ước và Tân ước. Những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Cựu ước đều là hình bóng của những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Tân ước.

Chẳng hạn , họ chứng tỏ cho thấy Isaac, con trai tổ phụ Abraham là hình bóng của Đức Giêsu như thế nào :
. Isaac con trai độc nhất, Đức Giêsu cũng thế.
. Isaac được cha mình rất mực yêu dấu, Đức Giêsu cũng thế.
. Isaac bị dâng làm hy lễ, Đức Giêsu cũng thế.
. Isaac bị hiến tế trên một ngọn đồi, Đức Giêsu cũng thế.
. Isaac vác củi dùng vào việc hy tế, Đức Giêsu cũng thế.

Thánh Phaolô cũng so sánh tương tự như thế giữa Cựu ước và Tân ước. Chẳng hạn, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Ngài đã so sánh giữa Adong và Đức Giêsu. Ngài viết:”Con người đầu tiên là Adong, đã được dựng nên là một người sống động, nhưng Adong sau cùng (Đức Giêsu) là Thánh Linh ban sự sống... Adong thứ nhất được dựng nên bằng đất, từ đất mà sinh ra, còn Adong thứ hai (Đức Giêsu) từ trời mà sinh ra. Người thuộc về đất thế nào, thì những người thuộc về đất cũng thể ấy. Người thuộc về trời thế nào thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của người thuộc về trời”(1 Cr 15,45-49) (Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 88).

2. Thập giá, dấu tích của tình yêu

Chính khi nhìn vào thập giá, chứng kiến hình ảnh Đức Kitô chịu khổ hình treo trên thập giá, thấm đẫm bao nhiêu là quyền lực của sự dữ nơi tội lỗi, chúng ta mới bắt đầu nhận ra tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta cao cả biết bao. Tất cả mọi độc ác hận thù ghen ghét bất công của cuộc đời đều đổ dồn vào cây khổ giá, sừng sững giữa trời và đất, trên ngọn đồi Calvê. Một trong những chi tiết đầy ngỡ ngàng nhất về cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giêsu chính là Thập giá nay trở nên bằng chứng tột cùng cho tình yêu Thiên Chúa. Thập giá sừng sững trên đồi cao, xưa kia là dấu chỉ của tủi nhục, nay trở nên chiếc cầu ân sủng thần kỳ có sức chữa lành cả thế giới. Cây chết chóc nay trở nên cây sự sống, cây thất bại nay trở thành cây chiến thắng.

3. Truyện con rắn đồng

Con rắn đồng là biểu trưng cho Đức Giêsu bị treo trên thánh giá. Sách Dân số 21,4-9 kể rằng : Dân Do thái đi từ núi Horeb về phía Biển đỏ đi vòng quanh xứ Eđom. Quãng đường dài này đã làm cho dân chúng kêu trách Đức Chúa và ông Maisen:”Tại sao đem chúng tôi ra khỏi Ai cập để rồi cho chúng tôi chết trong rừng ? Không có bánh, không có nước, chúng tôi đã chán món ăn khốn nạn này lắm rồi”. Bấy giờ Đức Chúa cho một thứ rắn lửa từ trong rừng bò ra cắn dân chúng, nhiều người phải chết.

Dân chúng chạy đến ông Maisen, thưa với ông:”Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi đã nói phạm đến Đức Giavê và đến ông, xin ông cầu với Đức Giavê cho chúng tôi để Ngài đuổi lũ rắn này xa khỏi chúng tôi đi”. Ông Maisen cầu cho dân. Chúa bảo Maisen:”Hãy làm một con rắn và treo trên ngọn sào, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn vào đó thì được sống”. Maisen làm một con rắn bằng đồng và treo lên ngọn sào. Hễ ai bị rắn cắn nhìn vào rắn đó đều được khỏi.

Rắn lửa nói đây không phải nó đỏ như lửa, nhưng vết thương nó gây ra cho người ta rát như bỏng lửa. Tại miền nam xứ Palestine có rất nhiều thứ rắn và rắn có nọc.
Không phải tự con rắn treo lên có sức chữa người ta , nhưng cái sức chữa đó do Đấng truyền lệnh đã ban cho.

Sau này, những con rắn đồng đã trở thành vật dị đoan cho dân Do thái : Họ đốt hương trước rắn đồng. Vì thế, trong cuộc cách mạng tôn giáo Ezechias truyền đập nát con rắn đồng (4 Sb 18,4).

Việc treo rắn đồng là tượng trưng cho việc Chúa chịu treo sau này. Ai tin vào Chúa chịu treo trên Thánh giá sẽ được cứu rỗi (Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật, năm B, tr270).

III. HÃY TIN NHẬN ĐỨC GIÊSU LÀ CỨU CHÚA

1. Ngài đã cứu chuộc bằng máu Ngài

Thiên Chúa có thể cứu chuộc nhân loại bằng bất cứ cách nào nhưng Ngài lại muốn Con của Ngài phải đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc. Máu ấy có thể rửa sạch mọi tội lỗi của nhân loại, làm linh hồn con người được trở nên trong trắng, xứng đáng được làm con Chúa và làm đền thờ của Ngài. Chúng ta không thể hiểu được việc này vì đây là một mầu nhiệm lớn, mầu nhiệm “Ngôi hai cứu chuộc”. Vì thế, suy niệm về ơn cứu độ này, thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Do thái đã khẳng định:”Không có đổ máu ra thì không có ơn tha thứ”(Dt 9,22).

Truyện : Máu của Telmachus.
Ngày đại hội năm 444 sau kỷ nguyên, làn sóng người từ khắp nơi kéo về Rôma. Rôma tưng bừng với vẻ của một ngày hội.

Hoàng đế Honorius cho tổ chức các trận giác đấu mừng ngày giải phóng dân Goths. Giữa đám đông lũ lượt đi đi lại lại, một ông già trong bộ y phục đơn giản của một vị tu trì Đông phương trầm lặng bước đi. Tên ông là Telmachus. Nhà tu trì này chỉ chăm lo chuyên khảo Thánh kinh và cầu nguyện. Cái trò chơi đẫm máu bỉ ổi này đã chấm dứt ở miền Đông nơi phát xuất ra ông. Nhưng nó vẫn còn đang tiếp diễn ở Rôma, đất nghìn năm muôn thuở, mặc dầu đã có ba vị hoàng đế tìm cách chấm dứt. Telmachus đăm chiêu, vì ông đang suy nghĩ phải làm gì để chấm dứt trò chơi này.

Những tay giác đấu gồm đủ mọi hạng người : có khi là những phạm nhân đã bị án tử, có khi là Kitô hữu, thường hơn là tù binh, đôi khi có người vì tham tiền, ham danh tình nguyện...

Trận đấu đầu tiên ghi lại trong lịch sử diễn ra năm 264 trước kỷ nguyên với 3 cặp đấu. Con số mỗi ngày một tăng. Quốc hội phải hạn chế chỉ cho Julius Cesar được có 320 cặp để chiến đấu trong một trận. Dưới triều Augustô, có lúc tới 10.000 tham dự trận đấu.

Hôm nay ngày tổ chức giác đấu, 85.000 chỗ ngồi trong đại thao trường Colosseum chật ních không còn chỗ trống.

Cái ung nhọt này không còn cơ cứu chữa. Nhân vật duy nhất đã dám lên tiếng chỉ trích là nhà hiền triết Sénèque. Ngoài ra còn có 3 vị hoàng đế chống lại trò chơi này, nhưng không dám thi hành vì sợ sự phản ứng mạnh phía quần chúng.

Đến giờ, những tay giác đấu xếp thành hàng dài chậm chạp diễn quanh đấu trường. Tới chân khán đài danh dự, chỗ vua ngồi, họ la to : kẻ hạ thần là những người sắp chết xin kính chào bệ hạ.

Khán giả quanh đấu trường chọn tay giác đấu nào họ ưa thích rồi la hét kích thích họ xung trận.

Khi hai tay giác đấu đang sát phạt đến hồi gây cấn nhất, bỗng một người ăn mặc đơn giản xông vào giữa hai đấu thủ gạt họ ra. Đám đông khán giả giận dữ la hét vang dội. Một số bực tức quá chạy ra tận đấu trường xé ông ra hàng trăm mảnh vì làm cho họ cụt hứng. Con người đó chính là Telmachus.

Kinh hoàng trước sự việc xẩy ra, Honorius chính thức tuyên bố bãi bỏ trò chơi bỉ ổi đã giết hại không biết bao nhiêu sinh linh ở Rôma cũng như ở các nơi khác.
Kể từ đó lịch sử không còn nói những trận đấu gươm tại Rôma nữa.
Không đổ máu không có ơn cứu rỗi.
Nhờ dòng máu Telmachus làm tắt dòng máu nhiều kẻ khác (Op, cit, tr 271-273).

2. Ai tin thì sẽ được sống

Thánh Gioan nói:”Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”(Ga 3, 20 ). Tin đối với Gioan là nhìn nhận Đức Giêsu là Con và là sứ giả của Chúa Cha, là đến với Đức Giêsu và gặp Ngài, là biết Ngài và cùng với Ngài biết Chúa Cha. Đức tin còn là hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha.

Người tin bước vào một cuộc sống mới. Đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa, là một ân huệ Đấng Messia mang lại. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma qủi. Phải, chính trong đêm tối của tối tăm mà con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, miễn là đừng khép kín lòng lại :”Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm họ đều xấu”(Ga 3,19). Hãy tin vào Đức Giêsu thì sẽ được tha thứ và được hưởng nhờ ơn cứu độ,

Truyện : Tượng Thánh giá ban phép lành.
Tại một nhà thờ bên Tây ban nha có một tượng Thánh giá rất đặc biệt : Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.

Chuyện kể rằng : một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi toà giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe:”Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”. Hối nhân ra khỏi toà giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ.

Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát:”Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây Thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình:”Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.

Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi:”Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.

Thiên Chúa đã không dạy bài học tha thứ suông, nhưng đã dạy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Con yêu dấu Ngài là Đức Giêsu. Nếu ngày xưa, con rắn đồng trong sa mạc được giương lên, thì hôm nay chính Chúa Giêsu được giương lên. Mãi mãi chúng ta biết ơn Chúa Giêsu và khắc sâu lời Ngài:”Như Maisen đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ giương cao như vậy”.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh kêu gọi Huynh Đoàn thánh Piô 10
LM Trần Đức Anh OP
10:55 16/03/2012
VATICAN - Tòa Thánh kêu gọi Huynh Đoàn thánh Piô 10 minh định lập trường để có thể hàn gắn sự rạn nứt giữa Huynh đoàn này với Giáo Hội Công Giáo.

Trên đây là nội dung thông cáo công bố hôm 16-3-2012, về cuộc gặp gỡ giữa ĐHY William Levada, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cũng là Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh ”Ecclesia Dei” (Giáo Hội của Thiên Chúa), và Đức GM Bernard Felly, Bề trên Tổng quyền của Huynh đoàn Thánh Piô 10, một tổ chức qui tụ các tín hữu Công giáo thủ cựu do Đức Cố TGM Marcel Lefebvre thành lập và không còn hiệp nhất trọn vẹn với Giáo Hội sau khi vị GM này truyền chức cho 4 GM không có sự ủy nhiệm của ĐTC hồi cuối tháng 6-1988.

Thông cáo nhắc lại rằng ngày 14-9-2011, ĐHY Levada đã trao cho Đức Cha Felley một bản ”tiền đề đạo lý” (Preambolo dottrinale), kèm theo một văn kiện tiên quyết (Nota preliminare) như căn bản để đạt tới sự hòa giải hoàn toàn với Tòa Thánh. Trong các văn kiện đó có chứa đựng những nguyên tắc đạo lý và tiêu chuẩn giải thích đạo lý Công Giáo, cần thiết để bảo đảm sự trung thành với Huấn Quyền của Hội Thánh và có cùng cảm thức với Giáo Hội (sentire cum Ecclesia).

Hồi tháng giêng năm 2012 này, Huynh Đoàn thánh Piô 10 đã gửi bản trả lời đến Bộ giáo lý đức tin, nhưng Bộ cứu xét và thấy câu trả lời này không đủ để vượt tháng những vấn đề đạo lý gây ra sự rạn nứt giữa Tòa Thánh và Huynh Đoàn.

Vào cuối cuộc gặp gỡ hôm nay, 16-3-2012, Bộ giáo lý đức tin đã mời gọi Bề trên Tổng quyền thánh Piô 10 hãy minh định lập trường của mình để có thể đạt tới sự hàn gắn những rạn nứt hiện nay, như mong ước của ĐTC Biển Đức 16.

Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết cuộc gặp gỡ giữa ĐHY Levada và ĐGM Felley kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ và Tòa Thánh gia hạn một tháng, tức là trước ngày 15-4-2012, để Huynh đoàn trả lời.
Trong cuộc gặp gỡ, ĐGM Fellay có LM Alain-Marc Nély tháp tùng. Về phía Tòa Thánh còn có Đức TGM Luis Francisco Ladaria SJ, Tổng thư ký Bộ giáo lý đức tin, và Đức ông Guido Pozzo, Tổng thư ký Ủy ban ”Giáo Hội của Thiên Chúa”.

Trong những tháng gần đây, Huynh đoàn Thánh Piô 10 thường lên tiếng cho biết không thể ký nhận bản ”tiền đề đạo lý”, vì vẫn còn vấn đề về đạo lý.

Huynh đoàn này phủ nhận giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2 về Phụng vụ, Đại kết, Đối thoại liên tôn và Tự do tôn giáo (SD 16-3-2012)
 
Tại Cuba, Đức Thánh Cha có thể đẩy mạnh vụ án phong thánh cho Cha Felix Varela
Bùi Hữu Thư
16:26 16/03/2012
VATICAN (CNS) – Vụ án phong thánh cho một linh mục sanh tại Cuba có thể có một bước tiến nhẩy vọt trong chuyến viếng thăm Cuba của Đức Thánh Cha Benedict XVI từ ngày 26 đến 28 tháng 3.

Cha Federico Lombadi, Dòng Tên, phát ngôn viên Vatican nói: Bộ Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh “đã làm phận sự của họ” và đã đề nghị với Đức Thánh Cha Benedict chính thức công nhận các nhân đức anh hùng của cha Varela, một tác giả và một tâm lý gia thuộc thế kỷ 19.

Cha Lombardi nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo về chuyến đi của Đức Thánh Cha: "Việc này không có trong chương trình, nhưng nếu Đức Thánh Cha muốn nói là ngài chấp thuận thì ngài sẽ tuyên bố.”

Sắc lệnh của Đức Thánh Cha tuyên bố là một người đã sống các nhân đức Kitô một cách anh hùng là một sự công nhận đầu tiên cần thiết trong vụ án phong thánh của một ứng viên. Trước bước kế tiếp – phong chân phước – còn cần đến một sắc lệnh công nhận một phép lạ được gán cho sự cầu bầu của ứng viên.

Cha Varela sanh tại Havana năm 1788 và được chiu chức linh mục tại nhà thờ chánh tòa Havana vào tuổi đời 23. Ngài nổi tiếng là một người cổ võ cho nhân quyền, tự do của người nô lệ và độc lập cho Cuba khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha.

Bi trục xuất ra khỏi Cuba, ngài đã di cư sang Hoa Kỳ. Ngài đã phục vụ một thời gian làm phụ tá tại Tổng Giáo Phận Nữu Ước. Tuy nhiên, bị bệnh xuyễn, ngài sống những ngày cuối đời tại St. Augustine, Florida, và mất tại đây năm 1853. Xương cốt ngài được gửi sang Cuba năm 1911.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mùa chay Giáo Phận Thanh Hóa sẻ chia “chút tình” với người dân tộc Hmông…
Tiểu Yến
11:20 16/03/2012
Mùa Chay Giáo Phận Thanh Hóa sẻ chia “chút tình” với người dân tộc Hmông…

GPTH._ Tháng Ba nhẹ nhàng đến với chút nắng đầu mùa nhè nhẹ, vài cơn gió lạnh cuối mùa, phảng phất chút sương sớm đọng trên cành lá. Tháng Ba cũng có cái non xanh của lá non đang trở dậy sau một mùa đông dài. Với người Công giáo, tháng Ba như một lần hồi sức, con người tĩnh lặng trong Mùa Chay yêu thương, Mùa Chay bác ái, Mùa Chay sẻ chia…

Xem hình

Lại một lần nữa tôi được lên với những con người cùng tôn giáo nhưng khác dân tộc trên bản nhỏ mang tên một dòng suối – Suối Tôn (thuộc xã Phú Lệ - Quan Sơn – Thanh Hóa). Đường lên Pa Búa gập ghềnh sỏi đá. Đường lên Suối Tôn có phẳng hơn, có dễ đi hơn nhưng lại ngoằn nghèo như đồ thị hình sin. Con đường ấy nhìn xa cứ như một con rắn khổng lồ, hết đoạn cua này đến đoạn cua khác, dốc lên dốc xuống dễ khiến người ta hoa mắt.

Trên con đường đó, các cha ở xứ Phong Ý vẫn hàng tuần, hàng tháng xuống làm phúc cho bà con, dù quản đường đi không hề ngắn, mất cả 4 tiếng ngồi xe. Phải có một ý chí mạnh mẽ, tính kiên nhẫn, và lòng nhiệt thành các cha mới làm được điều đó. Cha phó Phong Ý, Gioan Baotixita Đinh Xuân Đức có tâm sự, đường xa không ngại bằng việc lên đến nơi với bà con mà không được dâng lễ. Cha có kể nhiều lần đến nơi, bà con giáo dân bản đã tập trung đầy đủ nhưng cán bộ nói không được làm lễ, “đành tâm sự với bà con chút rồi về”. Có khi cha phải vào tận bản, đèo từng người tới nhà nguyện để dâng lễ. Tuy có vất vả, “nhưng người dân tộc họ đơn sơ lắm, thấy các cha tới là vui rồi. Nhìn thấy họ là bao nhiêu mệt mỏi thấy cũng đáng lắm…”

Đi qua một cây cầu treo leo bắc qua Sông Mã oai hùng, đi vào sâu khoảng gần 20km, chúng tôi vào tới bản khi mặt trời đã đi ngủ. Dưới ánh điện mập mờ, rất đông bà con đã đứng đó để đợi đoàn chúng tôi. Đoàn gồm Cha Giuse Nghiêm Văn Sơn – chánh văn phòng Tòa giám mục Thanh hóa, Cha Gioan Baotixita Đinh Xuân Đức – phó xứ Phong ý, cha Phêrô Nguyễn Cao Vinh – chánh xứ Sầm Sơn, anh Hiếu, anh Toản, anh Sơn và các bạn đại diện cho nhóm sinh viên công giáo Thanh hóa học tại Hà Nội.

Mới đầu mọi người còn ngơ ngác nhưng rồi dường như nhận ra khuôn mặt thân quen của cha Sơn, của một số bạn sinh viên đã từng lên đây, những nụ cười hồn nhiên nở trên từng khuôn mặt. Ông trùm Lo đón chúng tôi với cái bắt tay nồng hậu. Ông nói trước đó các em nhỏ chờ ở đây đông lắm, nhưng muộn quá các em về mất rồi. Nói rồi ông cầm loa gọi mọi người tới nhà nguyện bằng tiếng của người H’Mông.

Nhà nguyện nhỏ, đơn sơ trước đây là nơi mà các cha lui tới làm lễ hàng tuần. Nhưng giờ thì làm lễ được khó lắm. Các cha cũng chỉ có thể trao quà, nói chuyện cùng bà con và ban phép lành chứ không được làm lễ. Bên ngoài, biên phòng và cán bộ xã cũng có mặt.

Tôi cùng mấy bạn sinh viên được một bạn gái H’Mong mời vào nhà chơi. Ngôi nhà nhỏ kề bên nhà nguyện. Nói là bạn nhưng cô còn kém tôi đến năm tuổi. Năm nay cô bước sang tuổi 17 nhưng cô đã có tổ ấm của mình với đứa con hơn một tháng tuổi. Đám cưới của người H’Mong cũng đơn giản lắm. Cô kể cho chúng tôi chồng cô đem đến nhà cô một con lợn rồi đón cô về. Không nhà lầu, xe hoa, không trầu cau, không vàng bạc đá quí…nhưng hai con người vẫn nên duyên cùng nhau, bền vững bên nhau cả một cuộc đời. Cái tình hồn nhiên và chân thật mà biết bao người ước ao có được là thế đó…

Ngôi nhà bé nhỏ ấy là nơi nương thân của một đại gia đình gồm ba thế hệ (10 người). Chồng cô hơn cô khoảng 6 tuổi. Đối với người H’Mong, đó có thể là tuổi đã lớn. Nhưng với người miền xuôi, tuổi 24 hãy còn trẻ lắm. Trong ngôi nhà nhỏ cũng được chia làm hai gian, một gian dành để ngủ, một gian để đun nấu. Trên bếp lửa hồng luôn sẵn sàng, có một nồi cơm đã nấu sẵn. Hỏi cả nhà đi đâu hết, cô trả lời “đi làm hết rồi, không biết bao giờ mới về”. Cô tên Và Thị Lầu, con gái tên Thầu Lệ Phi – một cái tên rất đẹp. Ước gì cuộc đời của cô bé rồi cũng đẹp như cái tên ấy…

Sau khi tập hợp đông đủ bà con tại nhà nguyện, các cha có đôi lời với mọi người. Cả bản chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ nhỏ. “Còn lại đi làm trên núi hết rồi” – một cụ bà nói. Dù không được dâng lễ nhưng mọi người vẫn cùng nhau đọc kinh. Tiếng nói có khác nhau, nhịp điệu có khác nhau nhưng nỗi lòng hướng về Chúa thì giống nhau. Người miền ngược, kẻ miền xuôi, người là linh mục, người là con chiên…cùng chung một tấm lòng, một ước nguyện cho tương lai Suối Tôn trở nên tươi sáng hơn, tự do hơn. Những món quà nhỏ được trao tận tay từng người. Chuyến đi này có sự đóng góp của cộng đoàn dân Chúa Âu Châu do cha Bùi Thựơng Lưu kêu gọi, của anh Hiếu và của nhiều tấm lòng hảo tâm. Chuyến đi có mệt vì đường xa lắc léo, nhưng “thật là ý nghĩa” như lời anh Hiếu chia sẻ. Quà gồm có gạo, muối, bánh, mì chính, dầu ăn, đường. Tuy nhỏ nhưng cũng đủ cho bà con có bữa ăn ngon, đậm đà hơn thay vì ăn cơm trộn sắn…

Sương bắt đầu giăng phủ không gian. Ánh điện càng mờ hơn. Trời cũng đã trôi dần về khuya, đoàn phải nói lời tạm biệt với Suối Tôn. Ông Trùm Lo muốn mời đoàn ở lại ăn tối với bản. Nhưng muộn quá, hơn nữa các cha cũng còn công việc ở xứ. Đành phải chia tay trong tiếc nuối và trong cái hẹn gặp lại ở ngày gần nhất. Dù là Suối Tôn, dù là Pa Búa…hay bất cứ nơi nào, dù xa xôi, dù đường xá cách trở, nhưng miễn là con chiên của Chúa thì cái tình vẫn còn, và người ta vẫn tìm tới nhau. Đó là tình liên đới thiêng liêng mà có lẽ không tôn giáo nào có được.

Mùa Chay sắp qua đi nhưng tình bác ái thì không dừng lại. Cầu nguyện cho Suối Tôn và những con người vùng sơn cước có cuộc sống khởi sắc hơn. Cầu nguyện cho những tấm lòng bác ái tìm được về với những cảnh đời còn thiếu thốn…Cầu nguyện một Mùa Chay sốt sắng và yêu thương trên khắp giáo phận Thanh hóa thân yêu…

Tiểu Yến
 
Thông báo của TGM Phát Diệm về lễ phong chức Linh Mục
GP Phát Diệm
12:41 16/03/2012
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Âm vang từ bài viết Mong Manh của Đức Cha Vũ Văn Thiên
Giuse Thẩm Nguyễn
17:58 16/03/2012
Âm vang từ bài viết Mong Manh của Đức Cha Vũ Văn Thiên

Khi đọc bài suy niệm " Mong Manh" của Đức Giám Mục Hải Phòng, Giuse Vũ Văn Thiên, đăng trên Vietcatholic.net, (http://vietcatholic.net/News/Html/96068.htm) tôi cảm nhận được cái mong manh của cuộc đời. Cái mong manh ấy ngân vang vọng về trong tôi và làm cho tôi có dịp suy tư hơn khi tôi tham dự thánh lễ an táng của người bạn trong giáo xứ, anh cũng là người tù cải tạo năm xưa ở Việt Nam. Tôi đã thấm thía lắm khi nghe hát những câu đáp ca này :

“Đời sống con người giống như hoa cỏ. Như bông hoa nở trên cánh đồng. Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi. Nơi nó mọc không còn mang vết tích” (TV 102)

Tựa đề " mong manh" làm cho tôi nghĩ về những mảnh đời buông xuôi,những cảnh đời nay còn mai mất.

Cái " mong manh" của cuộc đời làm tôi thấy cần phải thay đổi lối sống để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Bởi đời là mong manh, lắm chòng chành nên đời là một cuộc hành trình luôn thăng trầm hướng tới một nơi cố định. Nơi ấy có thể là Thiên Đàng bình an hạnh phúc và cũng có thể là chốn địa ngục trầm luân .

Nếu đem so sánh cuộc sống của những người tù cải tạo trong các trại tù ở Việt Nam sau năm 1975 khi được thả về gia đình với cuộc sống đời thường của một kiếp người khi lìa cõi đời, tôi nhìn thấy rất rõ cái tạm bợ, cái phù du, cái mong manh của một đời người .

Nhớ lại thời gian đi tù cải tạo, tôi như đang xem một cuốn phim chiếu chậm và đoạn kết của cuốn phim là ngày tôi được tự do trở về đoàn tụ với gia đình.

Đi tù cải tạo ở Việt Nam là đi tù và lao động khổ sai.Trại tù không giống như nhà tù ở Mỹ hay các nước khác trên thế giới. Ở Mỹ người tù chỉ mất tự do thôi, nhưng các quyền làm người căn bản khác vẫn được tôn trọng. Người tù được nuôi ăn ở trong một môi trường thích hợp, phòng ốc sạch sẽ vệ sinh, được học hành, được cập nhật thông tin qua báo chí, internet, được chăm sóc y tế, được thăm viếng ...

Ở nước Việt Nam Xã Hội chủ Nghĩa trong thời gian tôi bị đi tù cải tạo, người tù như chúng tôi, ngoài việc mất tự do, bị xỉ nhục, bị hành hạ, chúng tôi không được nuôi ăn tử tế, chúng tôi bị đói dài dài. Những con gì nhúc nhích như con gián, con thạch sùng, con chuột, con rắn, ngay cả những con sâu nằm trong gỗ đều trở thành những món ăn của người tù. Người tù phải lao động, lao động khổ sai vì lao động không làm ra của cải vật chất cho xã hội tương xứng với sức bỏ ra , không được hưởng thành quả do sức lao động của mình, mà bị lợi dụng bởi những cai tù cũng như chính sách bóc lột đối với tù nhân theo quan niệm "nước sông công tù". Chúng tôi được gia đình nuôi ăn với chính sách mà nhà nước rêu rao là nhân đạo qua việc cho phép thăm nuôi.Thăm nuôi trước là người tù được thăm viếng sau là được tiếp tế đồ ăn cho khỏi chết đói.

Tôi nhớ lại những năm ấy, gia đình tôi đã trở nên nghèo xác sơ qua mấy lần đổi tiền. Bố mẹ gìa của tôi, vợ tôi và các con nhỏ của chúng tôi đều rất đói, đói liên tục. Những củ sắn hà, những miếng khoai sùng chỉ làm cho ỏng bụng chứ không giúp no lòng.Thế mà vì thương tôi, mẹ tôi và nhất là vợ tôi đã cứ đến hẹn lại đến thăm nuôi tôi. Vượt đường xá xa xôi, lo chạy tiền đi xe, rồi lại tiền mua đồ ăn cho tôi nữa. Dĩ nhiên những chi phí này lại làm cho bố mẹ, vợ con tôi phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa.Cái nghèo triền miên ở nhà san sẻ cho cái đói hàng ngày trong tù. Bây giờ mọi sự đã đi vào dĩ vãng và bố tôi đã ra người thiên cổ... cái còn nhớ mãi là tình yêu của gia đình đã dành cho tôi.

Chính trong hoàn cảnh như vậy, cuộc sống của người tù đã trở nên rất giống đời thường trong một xã hội thu nhỏ.

Có người tù chấp nhận đói ăn, cho nên trại cho ăn gì thì ăn đó. Khi được thăm nuôi thì có thêm một chút bổ dưỡng càng tốt, nhưng nếu không có thì vẫn bấm bụng chịu đói được. Những người này dành thời giờ ít ỏi có được để suy tư, để nhớ về gia đình, để tư tưởng của mình vượt qua khỏi hàng rào kẽm gai, vượt qua sự kiểm soát ngặt nghèo của bộ đội canh gác, vượt qua các buổi kiểm điểm để ước mơ một cuộc sống có ý nghĩa hơn khi có cơ hội trở về.

Có người cần phải " cải thiện" thêm, nghĩa là lo kiếm thêm rau dại, măng rừng, bắt thêm con cóc, con nhái để thêm vào bữa ăn. Dĩ nhiên là những người này rất vất vả, có khi còn bị nhốt, bị đánh vì đã vi phạm kỷ luật của trại. Họ dành thời giờ cho việc kiếm ăn, tích góp những lon nhôm để làm nồi nấu, túi ny-lon để mồi lửa, cành cây khô để làm củi đun . Họ ăn no bụng với những thứ lổn ngổn ấy, có khi lại gây ra đau bụng, tiêu chảy. Ngày nào họ cũng bận rộn với những thứ linh tinh và đêm về mệt nhoài lăn ra ngủ để quên hết nỗi nhớ nhà .

Vì cái bụng, có người đang tâm bán đứng anh em, là ăng-ten, để mong được thêm chút ân huệ như thêm được miếng cháy vét nồi hay được thăm nuôi lâu giờ...

Có người bon chen để được làm chức " Trưởng" như trưởng nhà, trưởng phòng, trưởng bếp, trưởng ban này ban nọ, để sai bảo người khác,để tỏ ra uy quyền. Cái danh hão ấy lại càng tởm lợm hơn khi đến giờ đi tắm, cán bộ trại dẫn từng toán tù đến một dòng suối, mọi người trần truồng như nhộng nhảy xuống, vội vàng " tranh thủ" tắm, rồi khi nghe tiếng còi lại vội vàng leo lên bờ. Đã đến nước này mà vẫn còn có những kẻ muốn làm khác, muốn nổi hơn trong cảnh đám tù đang " trở về nguyên thủy loài người".

Có người nhận ra tù đã là khổ quá rồi, nên không muốn bị khổ thêm cũng như không muốn gây khổ cho ai nữa. Họ vượt lên cái thiếu thốn về ăn mặc, vượt lên cái tầm thường hàng ngày để sống đúng địa vị của con người bằng chia sẻ, giúp đỡ yêu thương anh em tù khác. Họ trở thành những người cổ vũ và làm chứng cho tình yêu, không qua lời nói, không qua diễn thuyết mà bằng chính việc làm của mình, bằng hy sinh của chính mình. Họ là những người có tâm hồn thánh thiện, họ là ánh sáng, là niềm hy vọng và cũng là chân lý sáng ngời làm chùn bước những mưu đồ đen tối. Họ can đảm nâng đỡ những người chỉ vì không chịu nổi đói khát, cô đơn đã trở nên thù hận với chính mình, rồi gieo thù gieo oán cho những anh em cùng cảnh ngộ.

Một điều chắc chắn người tù nào cũng nhận ra là ngay khi được tự do, được bước ra khỏi không gian tù tội thì họ sẽ bỏ lại hết, bỏ lại tất cả bon chen, kèn cựa, chức tước...những thứ tích lũy, những thứ "cải thiện" đều không còn ý nghĩa gì. Họ quên hết mọi sự, quên đói, quên gian truân, quên cả hận thù. Những người tù khi được thả đã ra về với chỉ một bộ quần áo trên mình và mảnh giấy tạm tha.

Hành trang về nhà của người tù được gói ghém trong tim sẽ là ánh mắt cảm thông, chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ, là nụ cười an ủi, nâng đỡ những giây phút yếu lòng muốn đầu hàng buông xuôi, là tình bạn chân thành nảy sinh trong chốn tù đày.. Hành trang đó là mầm sống đem cấy vào gia đình ngày vui đoàn tụ, là hoa an bình nở rộ trong những ngày hạnh phúc.

Nghĩ lại cảnh sống trong trại tù cải tạo và cuộc đời thường mà tôi đang sống hiện nay, tôi nhận ra những điểm mong manh tương đồng và tôi cần phải chọn lối sống cho xứng đáng là con của Chúa, là người Kitô hữu đích thực.

Nếu tôi chọn lối sống quá nhiều lo toan, vật vã tối ngày vì đồng tiền, vì xe cộ, vì nhà cửa thì tôi cũng giống như anh tù bận rộn với lon ống, củi lửa, bếp núc cho cái bụng khi ở trong tù . Khi đến giờ Chúa gọi tôi về, mọi thứ vật chất tôi miệt mài tìm kiếm sẽ chẳng là gì đối với tôi và tôi cũng đành lòng bỏ lại tất cả mà ra đi.

Nếu tôi chọn lối sống đua chen vì danh vọng, quyền thế mà lại bất chấp luân thường đạo lý, làm hại người khác thì tôi cũng đã chọn lối sống của anh tù với bả danh hão . Tôi không biết mình sống trên cõi đời này để làm gì. Khi Chúa gọi tôi về thì tôi cũng ra đi với một cái xác chờ rữa thối trong nấm mộ ngoài nghĩa trang hiu quạnh mà thôi. Nếu mộ tôi có được xây thật đẹp, lát vàng, đá quý thì cũng chỉ là cái cớ cho thân nhân của tôi đi vào con đường vênh vang và kết cục cũng lạnh lùng như tôi dưới lòng đất này .

Nếu tôi chọn lối sống có những suy tư về cuộc đời, có giây phút tâm sự với Chúa là Đấng tạo dựng lên tôi và cảm nhận được tình yêu của Ngài đối với tôi, thì tôi sẽ lợi dụng những giờ phút trên cõi đời này để thiết lập sự tương giao tốt đẹp với Chúa, để nghe tiếng Chúa và thực thi lời Ngài dạy là mến Chúa yêu người. Tôi sống với cái tròng trành của cuộc đời nhưng cuộc đời tôi có ý nghĩa hơn. Tôi dành nhiều thì giờ và công sức chuẩn bị cho ngày đòan tụ với Cha tôi, với anh chị em tôi ở trên Thiên Đàng. Tôi đánh đổi những cái gỉa tạo đời này để lấy hạnh phúc thật và trường cửu đời sau.

Có một điều rất khác biệt giữa xã hội chốn lao tù cải tạo và đời thường là đi cải tạo sẽ có ngày hoặc về với gia đình hoặc chết rũ trong tù. Nhưng với xã hội đời thường thì chắc chắn là ai cũng phải chết, phải từ bỏ thế gian này mà ra đi dù có yêu thế gian này đến mấy. Đi về đâu? Đi về nhà Cha yêu dấu để được hưởng hạnh phúc bên Cha mãi mãi hay là đi vào chốn trầm luân hỏa ngục đời đời là do sự chọn lựa lối sống của mình. Chúa quyền phép có thể làm được mọi sự, nhưng Ngài cho tôi cái quyền chọn lựa, theo Chúa hay không.

Trong Mùa Chay Thánh này, Giáo Hội mời gọi tôi nhận biết tôi là tro bụi, rồi tôi trở sẽ về bụi tro, cuộc đời tôi đang sống là mong manh tạm bợ. Chính chúa là Đường, là Sự Thât. Ngài là mẫu mực cho cuộc sống của tôi. Chớ gì tôi được bắt chước Thánh Phaolo để sống như lời này " Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà chính Chúa sống trong tôi "(Gl 2,20). Tôi đang sống nhưng luôn canh cánh bên lòng, mong chờ ngày về đoàn tụ với Cha tôi ở trên trời .Sự canh thức của tôi ví như người tù cải tạo mong ngày về đoàn tụ với gia đình, như người lính gác mong chờ hừng đông.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cử tri Pháp bầu Tổng thống
Hà minh Thảo
10:17 16/03/2012
CỬ TRI PHÁP BẦU TỔNG THỐNG 2012 (3)
(Tiếp theo)

Tối 06.03.2012, khi được phỏng vấn trên đài truyền hình France 2 bởi ký giả Hélène Jouan, Tổng thống Nicolas Sarkozy trả lời rằng không phải ông lo việc chữ ký giới thiệu cho bà Marine Le Pen, nhất là khi những lời nói của bà ít gây cảm tình nơi tôi. Ông nghĩ rằng có thể có một cuộc cải tổ về điều này bằng sự giới thiệu của quốc dân với khoảng trên một triệu chữ ký. Đây là một vấn đề dân chủ của nước Pháp, chứ không là vấn đề ‘thích hay không’.

Năm 2007, ông Edouard Balladur đã chủ trì các cuộc thảo luận và kiến nghị về việc hiện đại hóa và củng cố của các tổ chức chính trị đã đề nghị : thay thế phương cách 500 giới thiệu này bằng một Uũy ban của khoảng 100.000 dân cử để duyệt xét khả năng những người muốn tham gia cuộc bầu cử Tổng thống. Nhưng, đến nay, các giới hữu trách Hành pháp và Lập pháp chểnh mảng trong việc thảo luận và biểu quyết để trở thành luật.

Hơn nữa, ông Sarkozy và bà Le Pen là hai ứng cử viên đang tranh trực tiếp số phiếu của cùng một phần cử tri đoàn. Các viện thống kê, qua các cuộc thăm dò dân ý, cho thấy bà Le Pen có thể đạt được từ 14 đến 17% số người được phỏng vấn.

Trong bài báo ‘Nếu không có Le Pen, Sarkozy là ngang bằng với Hollande’ (Sans Le Pen, Sarkozy fait jeu égal avec Hollande), đăng trên tuần báo ‘Journal du Dimanche’, phát hành ngày 05.02.2012, chúng ta đọc được kết quả cuộc thăm dò dân ý thực hiện bởi Viện thống kê Ifop từ 31.01 đến 03.02.2012, với số mẫu của 922 người có tên trên danh sách cử tri. Theo đó, vì không hội đủ 500 chữ ký giới thiệu, nên bà Chủ tịch Mặt trận quốc gia không thể tham gia tuyển cử ngày 22.04.2012, thì hai ông Hollande (29,5%) và Sarkozy (24,5%) đều thu được 33% ý định bầu phiếu của số người được hỏi. François Bayrou, Phong trào Dân chủ (MoDem, Mouvement Démocratique) về hạng ba với 17% (12,5%). Tiếp đến là ông Jean-Luc Mélenchon, Mặt trận Tả phái (Front de gauche) với 9% (8%). Sau cùng, bốn ứng cử viên khác được chia thêm 0,5% ý định bầu phiếu như các bà Eva Joly và Nathalie Arthaud cùng các ông Nicolas Dupont-Aignan và Philippe Poutou (cả bốn đều dưới 3% ý định bầu phiếu).

Những con số bách phân trong ‘dấu ngoặch đơn’ biểu thị cho những ý định bầu phiếu mà mỗi ứng cử viên nhận được do Viện thống kê Ifop công bố ngày 03.02.2012 về một cuộc thăm dò dân ý khác được thực hiện kể cả bà Le Pen để chúng ta có thể so sánh hai kết quả.

Từ đó, chúng ta thấy, nếu bà Le Pen vắng mặt, thì hai ông Sarkozy và Bayrou được hưởng lợi lớn : ông Sarkozy tăng được 8,50% và ông Bayrou 4,50%. Tuy nhiên, khi được phỏng vấn, hai ông Hollande và Sarkozy cho rằng việc bà LePen không tìm được chữ ký giới thiệu là việc của bà và đó là quy định của luật. Ông Bayrou thì đề nghị các đảng lớn nên họp lại để tìm giải pháp thích hợp. Cho tới ngày 08.03.2012, một tuần trước hạn nộp đơn, bà Le Pen cho biết bà cần 30 chữ ký để đạt được con số 500 cần thiết. Nhiều dân cử cho rằng bà Le Pen đến quá trể. Nhưng, từ tháng 09.2011, bà đến thì họ trả lời bà tới quá sớm.

Đảng Xã hội thì ao ước sự tham gia tuyển cử của bà LePen để chia phiếu với ông Sarkozy, nhưng họ không dám lên tiếng để bênh vực Mặt trận quốc gia, một đảng bị cho là ‘cực hữu’ vì chủ trương ‘người Pháp trước hết’ (les Français d'abord) tức dành việc làm, các trợ cấp… cho người Pháp. Đây là ý tưởng của đa số dân Pháp, chứ đâu phải chỉ của những ‘fontistes’ (đảng viên Font National).

Ngày 07.03.2012, bà Nathalie Arthaud (Lutte Ouvrière, Tranh đấu Thợ thuyền, cực tả) loan báo rằng bà đã nộp 521 chữ ký giới thiệu tại Hội đồng Hiến pháp để tham dự ứng cử Tổng thống. Hôm sau, ông Jacques Cheminade mang đến Hội đồng Hiến pháp 538 chữ ký giới thiệu với cùng mục tiêu như bà Arthaud. Các cuộc thăm dò dân ý cho thấy bà Arthaud chỉ thu được tín nhiệm từ 0,5 đến 1% số người được phỏng vấn và ông Cheminade chỉ từ 0,5% trở xuống. Ông này đã tham gia cuộc bầu cử Tổng thống năm 1995, thu được 0,28% số phiếu hợp lệ. Ngày 11.10.1995, Hội đồng Hiến pháp từ chối hợp thức hóa Bản kê khai Thu Chi của ông.

Bà Nathalie Arthaud là ứng cử viên tiếp nối bà Arlette Laguiller, sáu lần ứng cử viên Tổng thống 1974 (thu được 2,33% số phiếu hợp lệ), 1981 (2,30%), 1988 (1,99%), 1995 (5,30%), 2002 (5,72%) và 2007 (1,33%, thấp nhất). Bà Arthaud không được người Pháp biết nhiều so với bà Arlette Laguiller.

Ngoài bà Le Pen, các ông Dominique de Villepin (République Solidaire, Cộng hòa Liên đới, RS), Nicolas Dupont-Aignan (Debout la République, Cộng hòa hãy đứng lên) và Philippe Poutou (NPA, Nouveau Parti anti capitaliste, Tân đảng chống tư bản) cùng bà Corinne Lepage (Cap21, Citoyenneté, action, participation pour le XXIe siècle, Công dân tính, hành động, sự tham dự vì thế kỷ 21) đã tuyên bố tham gia tranh cử và đang tìm để đủ 500 chữ ký giới thiệu trước hạn kỳ cuối cùng là 18 giờ ngày 16.03.2012.

Sáng ngày 13.03.2012, bà Marine Le Pen tuyên bố đã có đủ 500 chữ ký giới thiệu cho mỗi người. Năm 2007, 16.615 dân cử đã ký tên giới thiệu cho 12 ứng cử viên (trong đó, Ségolène Royal nộp 3.500, Nicolas Sarkozy 3.461, Franẫois Bayrou 1.384, Marie-Georges Buffet 865, …).

Với khoảng 12 ứng cử viên tranh cử năm nay, biện pháp ‘500 chữ ký giới thiệu của các dân cử’ có đạt mục tiêu giới hạn số ứng cử viên không ? Hay cần phải có một biện pháp khác : Tài trợ chi phí tranh cử.

II. TRỢ CẤP TÀI CHÍNH CHO HOẠT ĐỘNG CHÁNH TRỊ.

Một dân tộc phải có tự do mới có dân chủ. Sự dân chủ, tuy vô giá, nhưng việc thực hành quyền dân chủ luôn có một cái giá phải trả, nhiều khi thật đắt. Hơn ai hết, theo ước lượng của những tổ chức phi chánh phủ, khoảng nửa triệu người Việt đã bỏ mạng trên đường tìm tự do. Người dân làm chủ Đất Nước, trực tiếp trao nhiệm vụ chánh trị cho các dân cử để điều hành quốc sự. Do dó, ngân sách quốc gia có bổn phận tài trợ một cách công bằng để các chính đảng có phương tiện sinh hoạt và đào tạo các chính trị gia. Ở đây cũng vậy, 85 triệu đồng bào sống trên Quê hương sống trong lầm than, chỉ những kẻ chịu cộng tác với đảng cộng sản mới vừa có tiền và quyền. Nước Pháp không như vậy vì quốc gia này có một nền dân chủ lâu đời, đã có những đạo luật cho phép sự trợ cấp đời sống chánh trị (le financement de la vie politique) và sự trợ cấp những ứng cử viên tham gia các cuộc tranh cử chính trị.

A. TÀI CHÁNH CỦA CÁC CHÁNH ĐẢNG.

1. Những chi tiêu của các chánh đảng.

Cũng như các Hiệp hội, thành lập theo luật ngày 01.07.1901, các chánh đảng phải đối đầu với những chi tiêu đủ loại như thuê trụ sở và các văn phòng trực, những chi phí về văn phòng, trả lương nhân viên… Nhất là khi đề cử ứng cử viên tranh cử Tổng thống như ba ứng cử viên đã chi nhiều nhất trong cuộc chạy đua năm 2002 : ông Jacques Chirac (đắc cử) : 18.030.826 euros; ông Lionel Jospin : 12.506.834 euros và ông Jean-Marie Le Pen (vào vòng hai) : 12.050.718 euros.

Do phải giới thiệu cho ứng cử viên cùng cho đảng mình, những chi phí vì dân chủ của các chánh đảng đã gia tăng đáng kể từ khi thành lập Đệ Ngũ Cộng hòa.

2. Những nguồn thu của các chánh đảng.

Để có thanh toán các khoản chi tiêu chính đáng, các chánh đảng có hai nguồn thu chính :

a. Nguồn thu tư nhân.

Như các Hiêp hội, các chánh đảng được quyền nhận niên liễm của các đảng viên. Tuy nhiên số tiền thu nầy không đáng kể nên các chánh đảng yên cầu những đảng viên giữ một (hay nhiều) chức vụ dân cử đóng một số tiền đáng kể hơn.

Các chánh đảng chỉ được phép nhận tiền biếu từ các thể nhân (personne physique), nhưng cấm từ những pháp nhân (personne juriqique, điều 16 luật ngày 19.01.1995. Các số tiền biếu của các hộ thuế (contribuable) cũng như niên liễm có thể được trừ thuế 66% những số tiền này trong giới hạn 20% lợi tức tính thuế với điều kiện số tiền phải trả qua trương mục ngân hàng, tức bằng chi phiếu hay chuyển trương, trong giới hạn 7.500 euros đối với mỗi người trong một năm và 4.600 euros số tiền biếu cho một hay nhiều ứng cử viên trong một cuộc tuyển cử. Các số tiền này chỉ được trừ thuế trong năm có tuyển cử.

Các đảng phái và ứng cử viên không được nhận tài trợ bởi các chánh phủ ngoại quốc.

b. Nguồn thu từ ngân sách.

Sau những vụ án liên quan đến việc tài trợ các đảng phái bởi các pháp phân, nhất là các xí nghiệp, công ty, nên từ năm 1988, giới lập pháp đã biểu quyết những đạo luật, như các luật số 88-227 ngày 11.03.1988, số 90-55 ngày 15.01.1990, ngày 19.01.1955 và ngày 11.04.2003 đã giải quyết tình trạng này và cũng để hạn chế chi phí bầu cử. Các vi phạm các tiêu chuẩn kế toán bị trừng phạt, đôi khi hình sự.

Việc tài trợ từ ngân sách quốc gia cho các chánh đảng theo hai tiêu chuẩn :

- Kết quả bầu cử Quốc hội cho những đảng có ứng cử viên tranh cử tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử (circonscriptions) theo luật ngày 20.02.1993. Trong năm 2007, ngân sách quốc gia được cấp theo số phiếu mà các tập thể chánh trị (đảng, nhóm…) đã giới thiệu ứng cử viên tham gia tuyển cử Quốc hội thu được ít nhất 1% số phiếu hợp lệ và hiện diện tại ít nhất 50 đơn vị bầu cử (circonscriptions), nhận được 1,63 euro cho mỗi lá phiếu hàng năm trong trong suốt nhiệm kỳ (thường là 5 năm, nếu Quốc hội không bị giải tán.
Các đảng nhỏ ở các phần đất ở hải ngoại (outre-mer) chỉ cần đạt được ít nhất 1% số phiếu hợp lệ trong tất cả các đơn vị bầu cử mà đảng có ứng cử viên tham gia tranh cử.

- Tỷ lệ theo số Dân biểu và Nghị sĩ thuộc từng chính đảng.

Năm 2007, ngân sách quốc gia cũng đã chi 40 tỷ euros để tài trợ theo tỷ lệ số các Dân biểu và Nghị sĩ mang đảng tịch những chính đảng hiện diện tại Quốc hội và Thượng nghị viện.

Trái lại, các đảng không tuân theo luật ngày 06.06.2002 về số ứng cử viên nam nữ phải bằng nhau, số tiền trợ giúp công sẽ bị trừ bớt.

Một nghị định được đăng vào Công báo ngày 07.05.2003 đã ấn định số tiền trợ giúp phân phối tới 66 đảng và nhóm chánh trị năm 2003 là 73, 2 triệu euros. Với 526 Dân biểu và Nghị sĩ, đảng UMP đã nhận được 33,40 triệu euros, nhưng bị trừ đi gần 4 triệu euros vì không tôn trọng luật ngày 06.06.2002 đã nói trên. Kế đến, liên đảng PS-PRG (Parti Radical de Gauche, đảng Cấp tiến Tả phái) với 19,60 triệu euros (235 Dân biểu và Nghị sĩ), Front national được 4,60 triệu euros (0 Dân biểu hay Nghị sĩ, nhưng có nhiều ứng cử viên tranh cử Quốc hội năm 2002), UDF (Union pour la Démocratie Francaise, Liên minh vì nền Dân chủ Pháp) nhận 4,30 triệu euros (61 Dân biểu và Nghị sĩ), Cộng sản Pháp được 3,70 triệu euros (41 Dân biểu và Nghị sĩ).

Năm 2004, ngân sách quốc gia đã chi trả tổng số tiền cho chính đảng lên đến 73.235.264 euros, gồm 33.073.341 cho UMP, 19.660.452 cho PS, 4.580.229 cho FN, 4544246 cho UDF, 3.717.106 PCF ...

c. Sự minh bạch bắt buộc.

Để bảo đảm sự minh bạch về tài chính của các chánh đảng, hai ủy ban đã được thành lập :
- Ủy ban quốc gia những Tài khoản vận động bầu cử và tài trợ chánh trị (Commission Nationale des Comptes de Campagne et des Financements politiques) bởi luật ngày 15.01.1990, có nhiệm vụ kiểm soát tài khoản của các chánh đảng và cho đăng vào Công báo.
- Ủy ban phụ trách sự Minh bạch của Đời Sống chánh trị (Commission pour la Transparence de la Vie politique) do luật ngày 11.03.1998 thẩm tra và phát hiện những vị dân cử đã làm giàu bất thường nhờ vào chức vụ.

Việc tài trợ từ ngân sách quốc gia, do người dân đóng thuế, để công bình giúp các tập thể chánh trị đào tạo các chánh trị gia theo đúng chính kiến của tập thể, trong tinh thần thượng tôn pháp luật nước. Hoạt động chánh trị để phục vụ Công Ích và Công Bình là hình thức cao của Đức Bác Ái.

(Còn tiếp)
 
Thông Báo
Phân Ưu: LM Joachim Trần Qúy Thiện đã an nghỉ trong Chúa
Đức ông Trịnh Minh Trí
09:56 16/03/2012
PHÂN ƯU
Trong mầu nhiệm Đức Kitô chịu thương khó và Phục Sinh,
Xin kính báo:

Linh Mục Joachim Trần Qúy Thiện
đã tạ thế ngày 14.3.2012 tại Kindred Hospital, Santa Ana.
Xác được quàn tại Peek Funeral Home 7801 Bolsa Ave. CA.92683.

Chương trình:
Linh cữu được quàn tại Thánh đường Đức Mẹ La Vang
288 S. Harbord Blvd. Santa Ana, CA. 92704.
Thánh lễ Đưa Chân tại Trung Tâm Công Giáo VN vào lúc 9.00 AM Thứ Năm 15.03.2012.
Nghi thức Phát tang, thăm viếng và cầu nguyện: Thứ Hai 19-3-2012, từ 1:00 đến 5:30 PM.
Thăm viếng và cầu nguyện: Thứ Ba 20-3-2012, từ 1:00 đến 5:30 PM.
Thánh lễ an táng: Thứ tư 21-2-2012, lúc 8:00AM
Sau thánh lễ sẽ di quan an táng tại nghĩa trang Chúc Chiên Lành
8301 Talbert Ave. Huntington Beach, CA. 92646.

Vài nét về cuộc đời Cha Joachim
LM Trần Quý Thiện sinh ngày 20.10.1928 tại Phú Ốc Nam Định,thuộc Tổng Giáo Phận Hanoi.
Đã tu học tại tiểu chủng viện Hoàng Nguyên.
Học Đại chủng viện Xuân Bích Hanoi và Thị Nghè.
Đi du học Phi luật Tân một năm.
Chịu chức Linh Mục tại Saigon ngày 29.6.1960.
Phó xứ tại xứ Hanoi Hố Nai Biên Hòa,
Phó xứ Long Khánh, Xuân Lộc,
Phó xứ Thăng Long, Phú Thọ.
Phục vụ tai Mộc Hóa, Đồng Tháp một thời gian ngắn.
TGM Saigon bổ nhiệm đi phục vụ tuyên úy quân đội, thiếu tá truởng khối Giáo Vụ của Nha Tuyên Úy Công giáo,
kiêm chủ bút báo nguyệt san Tinh Thần.
Sau năm 1975 đi cải tạo 13 năm… và được cho đi định cư tại Hoa Kỳ.
Phục vụ một thời gian tại giáo xứ Các thánh Tử Đạo Arlington, Virginia.
Đi giảng tĩnh tâm nhiều nơi và viết nhiều sách báo, cộng tác thường xuyên với trang Web Người Tín Hữu.
Nghỉ hưu tại Virginia, rồi về hưu tại Santa Ana, Califonia.
Bị bạo bệnh tim, được chịu các phép bí tích sau hết trước khi mổ.
Qua đời ngày 14.3.2012 tại Kindred Hospital, Santa Ana.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
Xin hiệp thông dâng lễ và cầu nguyện cho linh hồn Linh Mục Joachim
được an nghỉ đời đời trong Tình Yêu Chúa
và xin thành kính phân ưu cùng gia đình Cha Joachim.
Chủ tịch Liên Đoàn CGVN HK
 
Văn Hóa
Hồng ân cứu độ
Ngô xuân Tịnh
10:15 16/03/2012
Trong hoang địangày xưa rắn cắn
Biết bao ngườichết thật thảm thương
Mai -sen treorắn đồng lên
Người nào rắncắn ngước nhìn khỏi ngay

ChúaGiêsu đây Chiên vô tội
Hiến thân rồithập giá treo lên
Thế nhân tội lỗivững tin
Ddược đời sốngmới vững bền thiên thu

Ôi thế nhân mặcdù tội lỗi
Con Chúa Trờichí ái trao ban
Ddể cho tất cảchúng nhân
Tin Người sẽđược chứa chan phúc lành

Phúc trườngsinh tuyệt vời lãnh nhận
Thoát khỏi taythần chết diệt vong
Tình yên ThiênChúa vô cùng
Dẫn đưa nhânloại thoát vùng khổ đau

Ôi Thiên Chúagiàu lòng thương xót
Muôn muôn đờimột dạ tín trung
Dù con tội lỗivô cùng
Máu đào Chúa rửasạch trong tội tình

Xin cho con thựctình hối cải
Quyết một lòngtội lỗi tránh xa
Trở về vớiChúa người Cha
Ddón hồng ânChúa tuôn sa dạt dào

Cho cuộc sốngtuôn trào hạnh phúc
Trong mọi lúcluôn được bình an
Ngợi ca tìnhChúa chứa chan
Sống trong hạnhphúc ngập tràn tin yêu

Phủ thật nhiều,Chúa ơi, làn sóng
Con lắng đọngnhững lời phúc âm
Lời Chúa chínhthật của ăn
Ddèn soi hướngdẫn lữ hành trần gian

Cùng xây dựngthiên đàng dưới thế
Muôn thế hệđón nhận hồng ân
Hồng ân cứu rỗituôn tràn
Phúc lành sungmãn hân hoan tràn đầy

Rồi đến ngàyChúa Cha đã định
Về thiên đìnhvui hưởng thánh nhan
Phúc vinh viênmãn ngập tràn
Vĩnh hằng củaChúa vinh quang huy hoàng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tuổi Hoa Trong Vườn Xuân
Dominic Đức Nguyễn
21:22 16/03/2012
TUỔI HOA TRONG VƯỜN XUÂN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Bước em dáng mẹ, điệu cha
Hương xuân thơm gót chân ngà tuổi hoa.
(nđc )

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền