Ngày 16-03-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 17/03: Cuộc sống chúng ta là cơ hội - Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đồng
Giáo Hội Năm Châu
03:20 16/03/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’

“Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này !’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ Ông Áp-ra-ham đáp : ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.’”

Đó là lời Chúa
 
Một cách yêu luôn thua thiệt
Lm. Minh Anh
06:19 16/03/2022

MỘT CÁCH YÊU LUÔN THUA THIỆT
“Các con có thể uống chén mà ít nữa đây Thầy sắp uống chăng?”.

Tháng 10/1864, được tin 5 người con trai của quả phụ Bixby thiệt mạng, Abraham Lincoln viết một thư chia buồn; lá thư được đánh giá như một kiệt tác! Oái ăm thay, chỉ vài tuần sau, báo chí cho biết, nội các phân hoá, liên minh chia rẽ… Tổng thống bị lừa! Chỉ 2 người chết, 2 người đào ngũ và 1 bị bắt làm tù binh; sau đó, anh về với mẹ. Carl Sandburg, trong cuốn tiểu sử về Lincoln, viết, “Cho dù cả 5 người đều đã chết, hay chỉ 2 hoặc 4 đã bỏ mình; 2 người bỏ đi như đã tử trận, và chỉ 1 trở về từ nhà tù, thì bà mẹ ấy vẫn xứng đáng với khen ngợi và phần thưởng của Lincoln. Tổng thống không bị lừa! Ông chỉ yêu thương theo ‘một cách yêu luôn thua thiệt!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cũng tiết lộ ‘một cách yêu luôn thua thiệt’ mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài yêu! Đó không chỉ là uống chén Ngài uống mà Giacôbê và Gioan hoặc các vị tử đạo khác đã uống, nhưng còn là chết đi từng ngày trong phục vụ và những hy sinh lớn nhỏ.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta như đã hỏi Giacôbê và Gioan, những người mà chúng ta không biết do ‘mẹ chiều con hay con chiều mẹ’ đến nỗi bà đã đến quỳ gối van vỉ, “Xin truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài”. Chúa Giêsu ôn tồn trả lời, “Các con có thể uống chén mà ít nữa đây Thầy sắp uống chăng?”. Chén Chúa Giêsu nghĩ đến không chỉ là một cái chết như Ngài, nhưng còn là chén phục vụ, hy sinh; nói đúng hơn, là chết đi chính mình mỗi ngày! Đối với một số người, một chén như vậy có thể kéo theo sự đau khổ thể xác và tinh thần, mà cao điểm là cuộc chiến đau đớn qua việc tử đạo; nhưng với nhiều người, việc theo Chúa còn đòi hỏi một thói quen lâu dài trong đời sống, với tất cả hy sinh hàng ngày trong phục vụ; đó có thể là chiến đấu, thất vọng, nghi ngờ, thất bại, kể cả các cơn cám dỗ và bỏ mình lớn nhỏ. Đó là ‘một cách yêu luôn thua thiệt’ mà Chúa Giêsu muốn.

Chúa Giêsu biết rằng, Giacôbê và Gioan được thôi thúc bởi một lòng nhiệt thành lớn lao đối với Ngài và Nước Trời; nhưng Ngài cũng biết, sự kỳ vọng và lòng nhiệt thành nơi họ đã bị hoen ố bởi tinh thần thế tục. Ở đây, Ngài như muốn nói, ‘Được rồi, nhưng bây giờ, hai anh hãy theo Tôi, học cách yêu thương ‘mất mát’ của Tôi, ‘một cách yêu luôn thua thiệt’. Cha trên trời sẽ nhìn thấy, Ngài sẽ dành phần thưởng cho chúng ta!”. Với Ngài, yêu có nghĩa là gạt bỏ chủ nghĩa ích kỷ, tự quy chiếu vào mình, để phục vụ người khác, “Ai muốn làm lớn, hãy làm người phục vụ!”. Thánh Augustinô đã tổng kết lời dạy đó rằng, “Phục vụ là trị vì với Chúa Kitô! Bạn muốn trở nên vĩ đại? Hãy bắt đầu từ những gì nhỏ nhặt nhất! Bạn định xây một toà nhà hùng vĩ? Hãy nghĩ đến nền móng của sự khiêm tốn! Khi nghĩ đến việc xây một toà nhà đồ sộ, người ta nghĩ đến việc đào móng thật sâu. Và như vậy, bạn buộc phải đi xuống vực sâu!”. Cũng thế, khi được thông phần vào việc xây dựng toà nhà vĩ đại Nước Thiên Chúa, không cách nào khác, bạn phải đi xuống chỗ sâu nhất, bằng ‘một cách yêu luôn thua thiệt’, hạ mình phục vụ như Chúa Giêsu!

Thật thú vị, Giêrêmia trong bài đọc hôm nay, cũng tỏ bày nỗi lòng như một người đã ‘yêu cách thua thiệt’, “Lạy Chúa, xin lưu tâm đến con… họ đào lỗ chôn con. Xin Chúa nhớ lại con đã đứng trước nhan thánh Chúa để biện hộ cho họ!”. Và Giêrêmia chỉ biết cậy trông vào Chúa; Thánh Vịnh đáp ca diễn tả tâm tình của một tôi tớ, “Lạy Chúa, xin lấy tình thương mà cứu độ con!”.

Anh Chị em,

“Các con có thể uống chén mà ít nữa đây Thầy sắp uống chăng?”. Chúa Giêsu thấy trước chén đắng đau thương, nhục hình đang chờ đợi Ngài vì phần rỗi của con người; điều này khẳng định ‘một cách yêu luôn thua thiệt’, ‘mất mát’, của Ngài. Mùa Chay, mùa Giáo Hội mong con cái mình tập trung cái nhìn và con tim vào con người và cách sống của Chúa Giêsu. Khi biết quy về Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta sẽ bớt quy vào mình. Đây là một hành trình biến đổi trong từng giây phút, trong từng biến cố, để nên giống Con Thiên Chúa. Hãy luôn nhớ, bạn và tôi, ‘ở đây, lúc này’, đang thông phần vào việc xây dựng toà nhà Nước Thiên Chúa nơi trần gian. Muốn làm được điều đó, hãy cùng Chúa Giêsu đi xuống chỗ sâu nhất, bằng cách hạ mình phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ. Đó là ‘một cách yêu luôn thua thiệt’ mà Chúa Giêsu đã nêu gương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con phục vụ hoặc yêu thương vì đặc quyền, đặc lợi; xin dạy con biết đi xuống chỗ sâu nhất, để có thể yêu ‘một cách yêu luôn thua thiệt’ như Chúa đã yêu!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sai và sửa sai
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:33 16/03/2022

SAI VÀ SỬA SAI
CN 3 CHAY C

Phụng vụ Lời Chúa Mùa Chay hai tuần vừa qua nói về ý nghĩa của thử thách cám dỗ và vinh quang của Đức Kitô. Chúa nhật III, các bài đọc Kinh Thánh hướng về chủ đề ăn năn sám hối.

Ăn năn sám hối gồm hai giai đoạn. Ăn năn là cảm thấy ray rứt, bị giày vò vì lỗi lầm đã mắc phải. Cha Đắc Lộ giải thích: “Năn: thứ cỏ đắng; Ăn năn: ăn thứ cỏ đắng, theo lối nói ẩn dụ để chỉ sự thống hối” (Alexandre de Rhodes, Từ Điển Việt – Bồ – La, Roma, 1651). Ăn năn là nghĩ lại về bản thân mình, nhìn lại cuộc sống, nghĩ lại cách sống của mình trong nhiều môi trường khác nhau. Nghĩ lại và thấy mặt tốt mặt xấu của chính mình. Biết hối hận về những gì không tốt hay chưa tốt của bản thân, nơi cách mình sống. Con người vốn mỏng dòn yếu hèn và tội lỗi. Sám hối là quyết tâm thay đổi là thành tâm sửa chữa lỗi lầm, là cải thiện đời sống là canh tân tâm hồn là đổi mới tư duy là định hướng lại cách cư xử, là lên đường hoà giải với mình, với Chúa và với cộng đoàn.

Ăn năn sám hối là thấy sai và sửa sai.
Sai và sửa sai là một chuyện bình thường có tính quy luật. Bởi vì sai mà không sửa, sửa sai không kịp thời thì không những không có tiến bộ mà còn ngày càng lún sâu trong vực thẳm suy vong.Là con người, ai cũng có sai lầm, không trừ một ai. Chỉ có điều là có những người không có khả năng thấy được sai lầm, thậm chí còn cho rằng mình không thể phạm sai lầm, hoặc đã thấy mình sai lầm nhưng không chịu thừa nhận, hoặc có thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa, hoặc có sửa chữa mà cũng không quyết tâm cho đến cùng.

Từ xưa, các bậc minh triết đã cho rằng việc thấy được sai lầm của bản thân mình, có dũng khí để công khai thừa nhận và có quyết tâm sửa chữa những sai lầm đó là những dấu chỉ của một con người chân chính, trung thực, đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng.

Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể hai sự kiện:

- Sự kiện vụ án Philatô giết người vô tội, Chúa Giêsu không ủng hộ những người quá khích trong cuộc đấu tranh của họ chống lại Roma. Sứ điệp của Người luôn rõ ràng và rất tập trung: “Thời giờ đã hoàn tất, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy ăn năm sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15). Chúa Giêsu cảnh tỉnh: “Nếu các ngươi không sám hối thì cũng bị chết như vậy” ( Lc 13,3.5).

- Sự kiện tháp Silôa đổ xuống đè chết mười tám người ở Giêrusalem. Cũng như trong trình thuật người mù bẩm sinh (Ga 9,2–3), Chúa Giêsu giải thích rằng “không phải vì anh ta,không phải vì cha mẹ anh ta đã phạm tội, mà anh ta sinh ra đã bị mù loà”. Ngài khẳng định nơi đây rằng, không ai trong bọn họ là nạn nhân của trừng phạt. Thiên Chúa không tìm trừng phạt mà là nâng dậy. Tuy nhiên, mỗi người chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Nhân hai sự kiện thời sự, những người nổi loạn bị Tổng trấn Philatô giết và mười tám người bị tháp Silôa đè chết, Chúa Giêsu cảnh báo người đương thời phải sám hối. Ngài mạnh mẽ quả quyết: “Nếu các ngươi không sám hối thì các ngươi cũng sẽ chết như vậy”.

Người Do Thái thời xưa quen nghĩ "ác giả ác báo". Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng, những nạn nhân ấy là "ác giả" cho nên bị "ác báo". Chúa Giêsu khuyên, đừng hồ đồ suy đoán về người khác, nhưng mỗi người hãy coi các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở, hãy xét lại lương tâm mình để lo sám hối. Ngài không vạch lá tìm sâu, không tìm những nguyên nhân tôn giáo, chính trị, kỹ thuật, càng không được kết tội ai. Trước những tai họa đó, Ngài nhấn mạnh cho chúng ta điều phải lo nhất là cái chết đời đời. Qua dụ ngôn cây vả không sinh trái, Chúa Giêsu bảo mỗi người hãy tận dùng thời gian gia hạn mà Thiên Chúa đã ban cho mình để sớm lo sám hối. Điều quan trọng phải lo là xét tội mình, phải đấm ngực mình để sám hối và cải thiện chính mình.

Mùa Chay là mùa đặc biệt dành cho sự trở về của người biết thấy sai và sửa sai. Ăn năn sám hối bắt đầu từ nội tâm với những bước cụ thể sau đây.

- Ý thức tội lỗi. Trong thâm sâu của cõi lòng, mỗi người thấy mình có tội, nhận ra tội lỗi của mình. Bản thân phán xét chính mình, nhận điều xấu mình đã làm. Đối với nhiều người, bước đầu tiên này đã là khó. Nhiều người trong thời đại hôm nay dù đã làm bao nhiêu điều xấu, vẫn không thấy mình có tội. Họ đã đánh mất ý thức tội lỗi, và đó là nguy cơ lớn nhất của nhân loại ngày nay.
- Hối hận, đau buồn, ray rứt trong lòng vì những điều xấu mình đã làm. Sự đau buồn này là một liều thuốc đắng, chữa lành cho vết thương tội lỗi.
- Gặp gỡ Thiên Chúa trong tin yêu. Khi đã lỡ phạm tội, nhiều người rất hối hận, vì yêu Chúa nên quyết tâm trở về. Mỗi người gặp gỡ Chúa, thú nhận tội lỗi với Chúa và xin Chúa tha thứ. Chắc chắn Chúa tha thứ và ban lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an.
- Quyết tâm thú nhận tội lỗi của mình, không những với Chúa, mà còn với Giáo hội. Đến với Bí tích Hoà giải, biểu lộ sự chân thực của lòng thống hối.
- Thực sự sửa đổi đời sống. Dứt khoát với tình trạng tội lỗi mà mình đang mắc phải. Giai đoạn này đòi hỏi sự hy sinh, chiến đấu với chính mình, làm chủ được chính mình. Chính vì thế mà cần rất nhiều ơn Chúa trợ giúp.

Ăn năn sám hối là chiều kích nền tảng của đời sống đức tin.

Có nhìn nhận thân phận tội lỗi yếu hèn của mình con người mới nhận được ơn cứu độ và tình thương của Chúa. Có biết mình hay vấp ngã, con người mới dễ cảm thông với anh em. Như vậy, mến Chúa yêu người chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của sám hối mà thôi. Sám hối là việc làm mỗi ngày, vì không ngày nào lại không có lỗi; không lỗi nhiều thì cũng lỗi ít, không lỗi nặng thì cũng lỗi nhẹ, không lỗi trong hành động thì cũng lỗi trong tư tưởng, lời nói.... Sám hối cũng là việc làm liên lỉ thường ngày vì không ai biết trước được mình sẽ chết khi nào, cách nào… Dụ ngôn cây vả nói lên lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, đồng thời cũng nói lên tính cấp bách của việc sám hối. Ăn năn sám hối để đón nhận tình thương tha thứ của Thiên Chúa và giao hoà cùng anh chị em.

Mỗi biến cố xảy đến trong đời đều mời gọi con người ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa để đón nhận tình thương tha thứ của Ngài.

Vua Ðavít phạm tội ngoại tình với bà Bát Seva là vợ của tướng Urigia. Sau khi phạm tội, nhà vua cố tình che đậy tội lỗi của mình. Nhà vua sai chồng bà đang ở ngoài mặt trận về nhà với vợ. Tuy nhiên tướng Urigia nhất định không chịu về nhà vì ông là một tướng lãnh chiến trường, muốn sống chết với binh sĩ ngoài mặt trận. Giấu giếm bằng cách này không được, vua Ðavít lại toan che đậy tội lỗi của mình bằng cách lập kế và để cho vị tướng Urigia bị chết ngoài trận địa. Thiên Chúa sai ngôn sứ Nathan đến để thức tỉnh lương tâm của nhà vua.
Ðavít liền ăn năn hối lỗi, trở về với Chúa. Nhà vua thốt lên: Tôi đã đắc tội với Thiên Chúa (2Sm 12,13). Vua tỏ lòng ăn năn sám hối và viết nên Thánh vịnh 51: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài...Nhưng ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ” (c 3-6).

Kinh nghiệm đầu tiên mà Thánh Phêrô chia sẻ cho cộng đoàn Giáo Hội sơ khai là: anh em hãy sám hối. Ba lần chối Thầy vì yếu đuối bản thân chứ không phải vì không yêu mến Thầy. Phêrô đã biết lỗi lầm đó và ngài đã ăn năn bằng những giọt nước mắt sám hối chân thành. Phêrô đã sửa sai lầm bằng chính sự can đảm, thái độ hiên ngang,bằng một tình yêu nồng nàn với Thầy trong sứ vụ Tông Đồ của mình.Đối với Phêrô, sám hối là bước đi thứ nhất của hành trình lãnh nhận Thánh Thần. Không có sám hối thì không có ân huệ Thánh Thần. Đó là kinh nghiệm bản thân và cũng là gương sáng của Thánh Phêrô : “đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,3). Gương sáng của Thánh Phêrô trước hết là gương sám hối, thấy sai và sửa sai đến cùng. Ngài muốn chia sẻ bài học thấm thía ấy với những người đang cùng mình giữ trọng trách mục tử.

Thánh Phaolô cũng bằng chính kinh nghiệm cuộc đời mình đã chia sẻ rằng : sám hối là làm hoà lại với Thiên Chúa. Phaolô, người lãnh đạo nhiệt thành bắt bớ Đạo Chúa, được ơn sám hối, đã sửa sai lỗi lầm, từ đó ngài làm hoà với Chúa để nên Tông Đồ dân ngoại. Theo Thánh Phaolô, tội lỗi đã phá huỷ những liên hệ hài hoà giữa con người với Thiên Chúa, sám hối là tái lập những liên hệ ấy. Thời gian sám hối là thời Thiên Chúa thi ân, thời Thiên Chúa cứu độ.

Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm về sai lầm bản thân, về sự đỗ vỡ, sự bất hoà. Hai người bạn trở nên lạnh nhạt, hai người tình bỗng hoá xa lạ, hai vợ chồng trở thành dửng dưng. Đỗ vở bất hoà sinh ra hiểu lầm, đau khổ, tiếc nuối. Khi đỗ vở, phía nào thấy sai để sửa chữa, phía nào yêu nhiều hơn sẽ chủ động tìm cách làm hoà, hàn gắn lại. Không ai không phạm sai lầm. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ đối xử với sai lầm của mình như thế nào mà thôi.

Sám hối và canh tân, nhận ra sai lầm và sửa đổi không chỉ là việc làm trong Mùa Chay mà là suốt đời người.

Ðể có thể ăn năn sám hối, chúng ta phải cầu xin cho được ơn biết kính sợ Chúa, không phải sợ mà không dám đến gần Chúa, nhưng sợ làm điều mất lòng Chúa như sách Huấn ca dạy: “Kính sợ Chúa là bước đầu của khôn ngoan” (Hc1,14). Ơn biết kính sợ Chúa là cần thiết để được hưởng nhờ ơn cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu chí thánh! Chúa là Ðấng nhân từ hay thương xót.Chúa ghét tội, nhưng lại thương kẻ có tội.Xin dạy con biết khiêm tốn nhận ra tội lỗi mình và khơi dậy tâm tình ăn năn sám hối hầu được Chúa thương tha thứ. Amen.
 
Đóng Băng Tâm Hồn
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghiã
09:45 16/03/2022
Đóng Băng Tâm Hồn

(Lc.16,19-31)

Văn phong dụ ngôn là một loại hình văn chương rất quen thuộc với người Do Thái thời Chúa Giê-su, dù vậy nó không đương nhiên dễ hiểu đối với Ki-tô hữu, kể cả hôm nay. Qua một câu chuyện có thể rất thường nhật, người kể muốn truyền đạt một chân lý nào đó. Chìa khoá để nắm bắt ý tưởng người kể muốn nói, bình thường ta cần chú ý đến câu kết của câu chuyện hoặc một chi tiết nào đó xem ra không ‘lôgich’ với tiến trình của câu chuyện.

Ông nhà giàu trong dụ ngôn trên khi đang trầm luân trong âm phủ (hay hoả ngục) lại có lòng nghĩ đến các anh em đang còn dương thế quả là một chi tiết nghịch lý thú vị. Tuy nhiên cái thú vị này lại hướng chúng ta trở về với ông thời còn tại thế. Gia cảnh giàu có, phải chăng vì ông ta biết cách kinh doanh? Điều này ta không rõ, nhưng Đức Giêsu không minh nhiên kể rằng nhờ làm ăn bất chính mà ông giàu có. Có tiền, có của thì ăn mặc lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình đâu phải là điều đáng lên án. Tuy nhiên điều đáng trách nơi ông ta là cái sự “không thấy” anh Ladarô nghèo khổ, mụn nhọt đầy mình nằm trước cổng nhà ông đang nhỏ “nước miếng” thèm thuồng của ăn thừa, thức ăn rơi vải từ bàn ăn của ông ta mà chẳng được. Tất thảy vì một lẽ này: nhiều người và cả ông nhà giàu “đã có nhìn mà không thấy”.

Nhìn mà không thấy hẳn có nhiều nguyên nhân, thế nhưng cái nguyên nhân chính ở câu chuyện này hẳn ta phải rõ. Đó là sự vô tâm, lòng dửng dưng của ông nhà giàu trước cảnh tình khốn khổ của đồng loại. Không ai ngây ngô tin rằng nếu ở trần gian này gặp nhiều sự may lành thì mai sau sẽ “xuống hoả ngục” hoặc ngược lại nếu gặp sự khốn khổ ở đời này thì mai sau sẽ “lên thiên đàng”. Chính bởi cái tâm và cung cách sống của ta đối với tha nhân, nhất là đối với bần cùng, khốn khổ mới quyết định số phận chúng ta sau này. Nội dung Tin mừng, đặc biệt Tin mừng Matthêu chương 25 cho ta khẳng định điều này. Quả thật ông nhà giàu trong dụ ngôn đã phải trầm luân dưới âm phủ là vì sự dửng dưng, sự vô tâm của ông trước cảnh tình của anh Ladarô nghèo khổ.

Đọc Tin mừng, chúng ta phải ngạc nhiên, vì có những tội ta xem là lớn và quả thật nó cũng gây tai hại thế mà Chúa Giêsu bỏ qua và tha thứ dễ dàng, chẳng hạn những tội về tính xác thịt. Cả đến tội ngoại tình như chuyện người đàn bà bị bắt quả tang trong Tin Mừng Gioan thì Chúa Giêsu lại ngõ lời rất nhân từ: “Ta cũng không kết tội chị. Hãy về và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Trái lại, Ngài mạnh mẽ lên án sự vô tâm, sự dửng dưng trước người nghèo, người khốn khổ, người tội lỗi.

Tuy nhiên ta phải ngạc nhiên vì câu kết của dụ ngôn trên bằng lờì của Abraham: “Môsê và các ngôn sứ mà họ chẳng còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ chẳng chịu tin” (Lc 17,31). Câu kết này làm ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “họ có mắt mà không thấy, có tai mà chẳng nghe”(x.Mt 13,10-15). Đúng hơn, họ có nhìn mà không muốn thấy, có nghe mà chẳng chịu tin, tức là nghe theo. Thấy điều phải làm, nghe điều phải đạo mà vẫn làm ngơ hay tìm cách bào chữa hẳn có nhiều nguyên cớ. Cái lý do mà dụ ngôn này muốn nói chính là sự giàu có, nhiều tiền, đầy đủ của cải vật chất, đủ đầy tiện nghi.

Tiền của càng phình ra thì con tim càng bó hẹp lại. Tiện nghi càng đủ đầy thì khoảng cách giữa người với người càng xa. Thực tiễn đời sống đô thị cho chúng ta thấy hiện tượng này. Không thể làm tôi hai chủ được. Khi đã đặt của tiền vào tâm trí thì Thiên Chúa sẽ bị đẩy ra xa và dĩ nhiên tha nhân sẽ chẳng là gì cả. Xin chớ để sự giàu có đóng băng tâm hồn. Nếu xét giàu có là tình trạng sở hữu trên mức bình thường những cái có giá trị về vật chất hoặc tinh thần thì quyền lực, địa vị, thậm chí cả những “công lao đạo đức” cũng có thể khiến chúng ta hóa thành “giàu có” cách đáng tiếc.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Chúa từ nhân
LM. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:46 16/03/2022
Chúa từ nhân

Suy Niệm Chúa nhật III Mùa Chay – C

(Lc 13, 1-9)

Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, “chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103,8). Nếu không có lòng Chúa xót thương thì tất cả chúng ta hầu như hết đường sống.

Thiên Chúa của Israel là Đấng nhân từ

Môsê, người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa xuất thân từ một gia tộc tư tế (x.Xh 2,1), và bản thân ông là tư tế (Tv 99,6) được Thiên Chúa phái đến giải cứu dân Ngài và truyền đạt cho dân mạc khải của Thiên Chúa là Cha nhân từ. Một nhiệm vụ mà ông cảm thấy mình không được trang bị đúng mức (x.Xh 4,10-17). Một hôm, Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng mà không bị thiêu rụi. Thấy lạ, ông tự nhủ: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” (Xh 3,3). Đức Chúa thấy ông lại xem liền gọi “Môsê! Môsê!”. Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” (Xh 3,4). Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là ĐẤT THÁNH” (Xh 3,5).

Sau đó, Thiên Chúa lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Gia cóp” (Xh 3,6). Ông Môsê phải che mặt đi, vì SỢ NHÌN PHẢI THIÊN CHÚA. Tại sao vậy? Không phải là Thiên Chúa dữ tợn hoặc dị dạng khó nhìn, nhưng vì Thiên Chúa là Đấng Thánh. Mắt phàm nhân không thể nhìn thẳng vào mặt trời thì làm sao nhìn Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Sáng được? Biết vậy nên Đức Chúa liền trấn an ông Môsê: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Canaan, Khết, Emôri, Pơrítdi, Khivi và Giơvút” (Xh 3,7-8).

Lúc đó, ông Môsê thân thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ítraen và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” (Xh 3,13). Thiên Chúa xác nhận với ông Môsê : “Ta là ĐẤNG HIỆN HỮU. Ngươi nói với con cái Ítraen thế này: Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em” (Xh 3,14). Không vòng vo. Trực tiếp. Chính xác. Rõ ràng. Thiên Chúa lại phán với ông Môsê : “Ngươi sẽ nói với con cái Ítraen thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3,15).

Khi đọc đoạn Kinh Thánh này và biết rằng Thiên Chúa mà chúng ta đang tin kính và tôn thờ là Đấng nhân hậu từ bi.

Hãy mau hoán cải

Hai biến cố thời sự, một là cuộc nổi loạn của vài người Galilê bị quan Philatô đàn áp giết chết; hai là ngọn tháp tại Giêrusalem bị sụp đổ làm cho 18 người thiệt mạng; hai bi thảm khác nhau, một do con người tạo ra, và một do tai nạn. Người đương thời với Chúa Giêsu nghĩ rằng, tai nạn đã đổ xuống trên các nạn nhân, bởi vì họ đã phạm lỗi trầm trọng. Thay vì kết luận đơn giản coi sự dữ như là hình phạt của Thiên Chúa, Chúa Giêsu phục hồi lại hình ảnh chân thực của Một Vì Thiên Chúa từ nhân, không muốn sự dữ; Người còn yêu cầu đừng coi những tai họa đó như là kết quả trực tiếp của tội lỗi cá nhân. Chúa Giêsu kết luận: “Không phải thế. Tôi nói cho các người biết, nếu các người không ăn năn hối cải, các người cũng sẽ phải chết như vậy” (Lc 13,3.5). Chúa Giêsu muốn dẫn những kẻ lắng nghe Người đến kết luận về sự cần thiết phải ăn năn trở lại.

Để làm rõ lời kêu gọi hoán cải, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả. Đã ba năm nay, cây không sinh quả. Ông chủ tượng trưng cho Chúa Cha và người làm vườn là hình ảnh của Chúa Giêsu, còn cây vả tượng trưng cho loài người vô cảm, khô cạn và cằn cỗi. Chúa Giêsu cầu khẩn Chúa Cha cho con người, xin Người chờ đợi và thêm chút thời gian, với ước mong những hoa trái tình yêu và công bình sẽ trổi lên trong nó. Cây vả mà ông chủ trong dụ ngôn muốn loại bỏ muốn nói đến một cuộc đời không sinh hoa trái, không biết cho đi, không biết làm việc lành. Ðó chính là biểu tượng của một người chỉ biết sống cho mình, trong sự đầy đủ, êm đềm và thoải mái của riêng họ, mà không để mắt, để tâm đến những người xung quanh, những người đang sống trong đau khổ, nghèo đói, và thiếu tiện nghi. Thái độ ích kỷ và không sinh hoa trái thiêng liêng này đi ngược lại với tình yêu lớn lao mà người làm vườn dành cho cây vả: bác ta kiên nhẫn, chờ dợi, dành thời gian và công sức cho nó. Bác ấy hứa với ông chủ sẽ chăm sóc đặc biệt cho cái cây đang gây thất vọng ấy.

Chúa nhân từ cho chúng ta thời gian để hoán cải. Dù nhiều lần trong đời, chúng ta là thứ cây cằn cỗi, không sinh hoa trái, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và cho chúng ta cơ hội để thay đổi, để tiến bộ mỗi ngày trên nẻo đường thánh thiện. Nhưng việc gia hạn cho đến ngày cây ra trái cho thấy việc hoán cải là điều cấp bách. Người làm vườn nói với ông chủ : “Xin cứ để nó lại năm nay nữa” (Lc 13,8).

Vậy hãy sám hối ngay ngày hôm nay để đón nhận lòng nhân từ Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:47 16/03/2022

18. Một câu nói đùa giỡn tục tĩu được nói ra thì có thể làm gương xấu cho người khác, và có khi một câu có hàm ý xấu thì so với câu nói tục tĩu thì hiển nhiên càng có hại hơn.

(Thánh Alphonsus giám mục)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:50 16/03/2022
23. XƠ BÔNG CHỊU ĐẠN

Giữa năm Thành Hóa triều đại nhà Minh, đại thần Lưu Cát thường bợ đỡ nịnh nọt khoa đạo (1) để khỏi bị vạch tội.

Về sau, người hầu là Trương Thăng đọc mười sáu tội trạng của Lưu Cát, kết quả Trương Thăng lại bị ngự sứ Ngụy Chương kết tội đến giáng chức, hồi ấy người ta cho rằng Lưu Cát chịu được “đạn”, nên gọi là “Lưu xơ bông”.

(Ký Viên Ký Sở Ký)

Suy tư 23:

Thời nay, có một thứ áo chống đạn chắc chắn hơn áo giáp và xe bọc thép, đó là “áo đô la” và “xe quyền thế”, bởi vì những ông quan tham đều dùng “áo đô la” này để tránh đạn pháp luật và lưỡi dao công lý, họ ngồi trên “xe quyền thế” chạy nhỡn nhơ trước những bất công và tiếp tay cho những thế lực ngầm làm hại dân lành...

Trong đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng như thế, giữa sóng gió cuộc đời, giữa bóng đêm tội lỗi và những cám dỗ như những mũi tên độc, những viên đạn rình mò giết chết linh hồn họ, thì áo giáp chắc chắn vững bền nhất để chống lại ma quỷ chính là việc cầu nguyện liên lĩ, năng rước Thánh Thể và năng đến tòa cáo giải.

Ai không trang bị cho mình “siêu áo giáp” ấy, thì không thể chống đỡ được những mũi tên độc hưởng thụ, những viên đạn dục vọng độc hại của thế gian và ma quỷ.

(1) Phát ngôn của viện kiểm sát.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ý Chúa? - Không Chắc!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:13 16/03/2022
Ý Chúa? - Không Chắc!

(Lễ Trọng Kính Thánh cả Giuse – 19/3 – Mt 1,16.18-21.24a)

Có thể nói rằng toàn thể Giáo Hội Công Giáo đều nhìn nhận vai trò, vị trí quan trọng của thánh cả Giuse trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và theo dòng thời gian nhiều nhân đức của thánh nhân ngày càng được đoàn tín hữu Kitô suy ngắm, học hỏi, noi gương. Một trong những nét trỗi vượt của thánh Giuse đó là “không thấy nói gì”, nhưng lại mau mắn, nhiệt thành thực thi thánh ý Thiên Chúa. Xin được nhìn vào cuộc đời của thánh nhân để ngẫm suy việc Ngài không chỉ là người cha nuôi mà còn thực sự là mẹ, là anh chị em của Chúa Giêsu vì đã biết “lắng nghe”,“đón nhận” và “thực thi” thánh ý Cha trên trời.

Tin mừng tường thuật: Khi ấy có “Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,31-35). Vấn đề đặt ra đó là khi nào thì chúng ta thực sự thi hành thánh ý Thiên Chúa?

1.Khi làm điều hợp pháp, đúng luật? Xin mạnh dạn trả lời: Không chắc là đã thực thi ý Chúa. Trước dữ kiện Maria thụ thai do bởi phép Chúa Thánh Thần dĩ nhiên thánh Giuse không thể hiểu và có thể nói là ngài còn hiểu sai và hiểu lầm là đàng khác. Tin Mừng ghi rõ: “Giuse không muốn tố giác bà…” (x.Mt 1,19). Không ai nói tố giác một điều tốt hoặc điều không xấu. Đã là tố giác thì điều mình nhắm tố giác ắt phải là sự gì đó xấu, ít là theo lối nghĩ suy của mình. Nếu thánh Giuse tố giác chuyện Maria thụ thai thì ngài làm đúng với luật Do Thái giáo lúc bấy giờ. Làm điều đúng luật thì chưa chắc là thực thi ý Chúa. Tạ ơn Chúa, thánh Giuse đã không làm điều theo đúng luật dạy.

2.Khi không làm thiệt hại gì cho tha nhân? Cũng không chắc là đã làm theo ý Chúa. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Sống theo lời dạy của Đức Khổng Tử và của tác giả sách Tôbia thì quả là đáng kính trọng (x.Tb 4,15). Thế nhưng, theo dụ ngôn về ngày cánh chung Chúa Giêsu kể thì những người bị xếp bên trái không thấy nói là vì đã làm điều này, điều kia gây thiệt hại cho tha nhân (x.Mt 25,31-46). Họ đã phạm thứ tội đáng trách đó là đã bỏ qua việc đáng làm, phải làm trong khả năng và hoàn cảnh của mình. Đây là một nội hàm trong lời kinh thú tội đầu Thánh Lễ: “tội thiếu sót” (I have greatly sinned in…and in what I have failed to do). Thánh Giuse thoạt đầu quyết định “lìa bỏ Maria cách kín đáo” (Mt 1,19) chấp nhận mang tai tiếng cho bản thân là phụ bạc, là vô trách nhiệm, để không làm thiệt hại Maria. Tuy nhiên đây chưa phải là thánh ý Thiên Chúa.

3.Khi đón nhận nhau trong tình yêu và tinh thần trách nhiệm? Phải mạnh dạn khẳng định rằng đây chắc chắn là thực thi ý Chúa. Lời sứ thần báo mộng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria, bạn mình về…(Mt 1,20). Khi sẵn sàng đón nhận Maria và Hài nhi trong dạ về nhà thì Giuse không chỉ yêu thương mà còn biết sống có trách nhiệm của một người chồng, người cha. Tin Mừng Matthêu và Luca khi tường thuật khoảng đời thơ ấu và niên thiếu của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rõ điều này.

Trọng kính thánh cả Giuse, thiết tưởng rằng không gì là đẹp lòng Ngài hơn đó là noi gương Ngài không dừng lại ở vai vị làm cha nuôi Đấng Cứu Thế mà hãy làm mẹ, làm anh em, chị em của Người bằng việc nhạy bén nhận ra thánh ý Thiên Chúa và nỗ lực thực thi. Xin được nhắc lại với nhau rằng: Làm một điều hợp pháp, đúng với dân luật, thậm chí đúng với Giáo luật vẫn chưa chắc là đã thực thi ý Chúa. Không làm điều gì gây thiệt hại cho tha nhân cũng chưa hẳn là đã làm theo ý Chúa. Chính khi chúng ta tích cực làm cho tha nhân những gì mình muốn tha nhân làm cho mình thì chắc chắn là thực thi thánh ý Thiên Chúa, vì đó là lời Chúa Giêsu khi Người tóm gọn lề luật và lời các ngôn sứ (x.Mt 7,12).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Một phần của cảnh quan
Lm. Minh Anh
23:49 16/03/2022

MỘT PHẦN CỦA CẢNH QUAN
“Ta là Chúa, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”.

Một nhà tu đức nói, “Hãy trân trọng từng phút giây bạn có; hãy chia sẻ cho người khác khi còn kịp! Ngày kia, bạn sẽ thấy của cải vô dụng như thế nào. Người nghèo luôn có đó, họ không phải là ‘một phần của cảnh quan’ tô điểm cuộc đời bạn, họ là một phần của định mệnh bạn! Hãy nhớ, chiếc đồng hồ không ngừng nghỉ, không chờ đợi bất cứ ai, vì bất kỳ lý do gì!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Đồng tình với ý tưởng của nhà tu đức trên, cả hai bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy, tha nhân không phải là ‘một phần của cảnh quan!’. Đó là những con người cần được tôn trọng, yêu thương và giúp đỡ; Chúa Giêsu từng coi Ngài là họ. Họ là những ‘Nhà Tạm di động’ của Ngài!

Bài đọc Giêrêmia hôm nay cho biết, hành vi bác ái đối với tha nhân sẽ được Thiên Chúa ghi nhận và ân thưởng, “Ta là Chúa, thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”. Cùng với Thánh Vịnh đáp ca, Giêrêmia gọi họ là người có phúc, vì họ chọn Chúa làm nơi ẩn náu, “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!”.

Trái với người ẩn náu nơi Chúa, Tin Mừng hôm nay kể chuyện một người ‘nương náu’ nơi của cải! Một người giàu sống xa hoa biệt lập, say mê thời trang và những món ăn ngon nhất. Ông không làm hại ai; không tước đoạt tài sản của Lazarô; không ngại việc Lazarô quanh quẩn để tìm thức ăn thừa; cũng chẳng miệt thị Lazarô không chịu làm việc để kiếm sống. Vậy thì đâu là tội của ông? Tội của ông là không coi Lazarô như một con người; với ông, Lazarô chỉ là ‘một phần của cảnh quan’. Một người mù trong Tin Mừng đã từng nói, “Tôi thấy người ta như cây cối!”. Đúng thế, xem ra người giàu kia cũng mù loà để chỉ nhìn thấy Lazarô ngang mức cây cối!

Như vậy, tội của ông là không biết xót thương khi ông coi mình là trung tâm! Từ ngữ “xót thương”, “thấu cảm” bắt nguồn từ tiếng Latin và Hy Lạp, nó có nghĩa là “cùng chịu đựng”. Thua cả người nghèo, ông nhà giàu không biết đến đau khổ! Đang khi đau khổ của mỗi người có thể làm cho người ta ‘ra người’ hơn, nhân đạo hơn, giúp họ cởi mở hơn trước cảnh ngộ của đồng bào mình. Nhờ trải nghiệm khổ đau, tầm nhìn của chúng ta trở nên mẫn cảm hơn trước những khó khăn của người khác và trái tim chúng ta trở nên nhạy cảm hơn để nhân ái với tha nhân.

Dụ ngôn hôm nay gợi lại những lời khiển trách gay gắt của Đấng Phán Xét trong Ngày Chung Thẩm, “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống”. Lazarô là một ví dụ điển hình về những tiếng kêu thầm lặng của người nghèo thời hiện đại và những mâu thuẫn của một thế giới mà của cải và tài nguyên vô ngần đang nằm trong tay một số ít. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ, bỏ qua một người nghèo, hoặc chỉ coi họ là ‘một phần của cảnh quan’ đích thị là khinh miệt Thiên Chúa! Như Lazarô đã trở thành một phần định mệnh của ông nhà giàu, người nghèo cũng là một phần định mệnh của chúng ta!

Anh Chị em,

“Ta là Chúa, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”. Thiên Chúa sẽ trả công cho mỗi người theo cách người đó cư xử với tha nhân, cụ thể là người nghèo. Như thế, người nghèo không phải là ‘một phần của cảnh quan’ mà chúng ta muốn, hoặc không muốn; nhưng họ là những món quà Thiên Chúa gửi đến cho mỗi người! Quả thật, nhờ người nghèo và qua họ, chúng ta được phần phúc từ Thiên Chúa. Đừng quên, Thiên Chúa không bao giờ xem chúng ta là ‘một phần của cảnh quan’ cho Ngài, mà là những người con rất yêu dấu có một không hai trên mặt đất này, những con trai con gái xứng đáng để được Con Một của Ngài đổ máu ra mà cứu chuộc. Mùa chay, mùa Giáo Hội kêu mời chúng ta hãy làm những gì có thể khi còn kịp; mùa mỗi người không còn coi anh chị em mình như ‘một phần của cảnh quan’, nhưng coi họ như là ‘những Nhà Tạm Giêsu di động’, hầu có thể yêu thương, trân trọng và cứu giúp!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin lấp đầy con sự hiện diện của chính Chúa, để con có thể toả hương Giêsu cho anh chị em con. Họ là hình ảnh của Chúa, chứ không phải là ‘một phần của cảnh quan’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Reuters đưa tin về những bình luận mới nhất từ Điện Cẩm Linh
Đặng Tự Do
07:32 16/03/2022


Điện Cẩm Linh cho biết những người Nga nói rằng họ cảm thấy xấu hổ về “hoạt động quân sự đặc biệt” của đất nước ở Ukraine không phải là người Nga thực sự.

Người phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên khi được hỏi về khẩu hiệu “xấu hổ khi là người Nga” mà một số người đã lặp lại cả trong và ngoài nước Nga.

Peskov nói: “Nếu ai đó nói những điều như vậy thì họ không phải là người Nga.”

Peskov nói rằng tình cảm chống Nga đang dâng cao một cách nguy hiểm ở phương Tây và nói rằng ông hy vọng các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ ngừng khơi dậy tâm lý sợ hãi người Nga như vậy.

Reuters cũng đưa tin rằng một cơ sở dữ liệu của cảnh sát Nga hôm nay cho thấy Kira Yarmysh đang nằm trong danh sách truy nã và họ đang tìm cách tống cổ cô vào tù.

Yarmysh rời Nga vào năm ngoái sau khi cô bị tòa án đưa ra 18 tháng hạn chế di chuyển vì bị cáo buộc vi phạm các quy tắc an toàn của Covid.

Navalny đã kêu gọi các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở các thành phố bao gồm cả Mạc Tư Khoa vào hôm Chúa Nhật.
Source:The Guardian
 
ĐTGM Sviatoslav Shevchuk than thở: Quân Nga đã biến Thành phố của Đức Maria ở Ukraine thành nghĩa trang
Đặng Tự Do
07:33 16/03/2022


Một nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine than thở rằng thành phố Mariupol bị bao vây đã bị biến thành nghĩa trang do bị Nga bắn phá. Mariupol có nghĩa là “Thành phố của Đức Mẹ”.

Trong một thông điệp video được đưa ra vào ngày 10 tháng 3, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã than thở về điều mà ngài mô tả là “vụ tàn sát hàng loạt” người Ukraine trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

“Hôm nay lương tâm của tôi và lương tâm của mọi Kitô hữu đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng khắp thế giới và lớn tiếng nói 'Không', để phản đối mạnh mẽ vụ giết người hàng loạt ở Ukraine”.

“Đặc biệt là trong những giây phút cuối cùng này, chúng ta chứng kiến vụ giết người hàng loạt ở thành phố Mariupol bị bao vây. Thành phố này, được cộng đồng người Hy Lạp đặt tên là 'Thành phố của Đức Maria', đã được biến thành nghĩa trang cho hàng chục nghìn người. “

Ngài nói tiếp: “Hôm qua chúng tôi đã thấy những cảnh tượng khủng khiếp về vụ bắn phá một bệnh viện hộ sinh cũng như cảnh những ngôi mộ tập thể, những khu chôn cất chung, nơi hàng trăm thi thể an nghỉ mà không hề được vinh danh, không hề có các nghi lễ Kitô Giáo”.

“Ngày nay trên toàn thế giới chúng ta phải nói rằng: Không! Không được giết người hàng loạt ở Ukraine! Kể từ sau thời kỳ chủ nghĩa Quốc xã và sự đàn áp của Stalin, Ukraine chưa từng chứng kiến những cuộc chôn cất tập thể như vậy trong những ngôi mộ chung, không danh dự, không lời cầu nguyện của người tín hữu Kitô”.

Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 9 tháng 3 cho biết họ đã ghi nhận 1,424 thương vong dân thường ở Ukraine, với 516 người thiệt mạng và 908 người bị thương. Họ nói rằng các số liệu thực tế có thể “cao hơn rất nhiều.”

Một linh mục đang chạy trốn khỏi Mariupol, một thành phố cảng trên Biển Azov ở đông nam Ukraine, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ hôm Chúa Nhật rằng thành phố này là “địa ngục”.

Vị linh mục, chỉ được xác định là Cha Pavlo, nói: “Mariupol giống như Armageddon. Đó là địa ngục. Xin hãy nói với thế giới rằng: đó là một thảm kịch. Người ta tác xạ một cách ngẫu nhiên. Toàn bộ thị trấn như một chiến trường lớn. Bom rơi ở khắp mọi nơi. Ở khắp mọi nơi bạn chỉ nghe thấy tiếng súng. Mariupol là một thành phố bị bao vây bởi quân đội Nga. Mọi người chỉ đang ngồi trong tầng hầm của họ.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng Mariupol có dân số gần 400.000 người.

“Trong gần hai tuần thành phố bị bao vây hoàn toàn. Mọi người đang chết vì đói. Mọi người đang chết vì lạnh. Trên đầu họ có hỏa tiễn, đạn pháo, bom rơi xuống”, vị Tổng Giám Mục 51 tuổi nhận xét.

“Hôm nay chúng ta phải tưởng nhớ họ và nhân danh họ, nói với lương tâm của toàn thế giới. Chúng tôi cầu xin bạn: Hãy mở những hành lang nhân đạo! Cho phụ nữ, trẻ em và người già cơ hội rời khỏi thành phố lạnh lẽo bị bao vây này. Hãy cho chúng tôi cơ hội để gửi thức ăn và thuốc men đến đó. Hãy cho chúng tôi một cơ hội để giải cứu mọi người”.

“Nhân danh thành phố Mariupol, chúng ta hãy kêu gọi toàn thế giới: Hãy cứu lấy bầu trời Ukraine! Làm mọi thứ có thể để đóng cửa bầu trời Ukraine, đóng cửa vũ khí Nga và máy bay Nga đang thả bom xuống những cư dân hòa bình”.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã bày tỏ sự thất vọng trước vụ đánh bom các cơ sở bệnh viện ở Mariupol.

Ngài nói với một phóng viên tại một sự kiện ở Rôma vào ngày 9 tháng 3 rằng “không thể chấp nhận được việc đánh bom một bệnh viện.”

Nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican cho biết: “Không có lý do hay động cơ nào để làm như vậy.

Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục của thủ đô Belarus đã yêu cầu người Công Giáo cầu nguyện trong tuần cửu nhật cho hòa bình.

Đức Tổng Giám Mục Iosif Staneuski đã kêu gọi giáo dân và giáo sĩ trong tổng giáo phận Minsk-Mohilev cầu nguyện một tuần cửu nhật xin cùng Thánh Giuse, đấng bảo trợ của Nhà thờ Hoàn vũ.

Chính phủ Belarus, do Tổng thống Alexander Lukashenko đứng đầu, liên minh chặt chẽ với Nga.

Trong thông điệp video của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk kêu gọi các linh mục và giám mục của cộng đồng Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương trên toàn thế giới chia sẻ “sự thật về tội ác diệt chủng của người Nga đối với dân Ukraine”.

Ngài nói: “Trong tất cả các nhà thờ của chúng ta, tôi yêu cầu các bạn cử hành các buổi lễ tưởng niệm cho những người đã được chôn cất trong những ngôi mộ chung mà không có lời cầu nguyện của Kitô giáo và một đám tang”.
Source:Catholic News Agency
 
Linh mục Chính thống giáo Nga bị bắt vì lập trường phản đối cuộc xâm lược của Nga
Đặng Tự Do
07:34 16/03/2022


Một linh mục Chính thống giáo Nga, người đã ký đơn kêu gọi chấm dứt ngay lập tức chiến tranh ở Ukraine đã bị chính quyền Nga bắt giữ trong bối cảnh nước này đang tiếp tục đàn áp những người biểu tình chống chiến tranh.

Cha Ioann Burdin của Nhà thờ Phục sinh ở vùng Kostroma phía tây của Nga đã bị giam giữ vì bị cáo buộc làm mất uy tín của lực lượng quân đội Nga trong bài giảng ngày 6 tháng 3 về “Chúa Nhật của sự tha thứ”, là ngày Chúa Nhật cuối cùng trước khi bắt đầu Mùa chay Chính thống giáo Nga.

Trong bài giảng của mình, Cha Burdin nói với các giáo dân của mình về “Quân đội Nga ở Ukraine đã pháo kích vào các thành phố của Ukraine như Kiev, Odesa, Kharkiv và giết chết công dân Ukraine - những người anh chị em trong Chúa”, theo Media Zona, một hãng truyền thông độc lập của Nga.

Cha Burdin sẽ bị xét xử vì có tình cảm chống chiến tranh và vì đã công bố trên trang web giáo xứ của mình một đường liên kết tới một bản kiến nghị chống chiến tranh mà ngài đã ký.

Giáo xứ của ngài được cho là đã đăng một liên kết đến bản kiến nghị vào tuần trước cùng với một tuyên bố chỉ trích quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 24 tháng 2.

Trong tuyên bố, Cha Burdin nói rằng “Chúng tôi, những Kitô Hữu, không thể đứng yên khi một người anh giết một người em, một Kitô Hữu giết một Kitô Hữu. Chúng ta đừng lặp lại tội ác của những kẻ đã ca ngợi những việc làm của Hitler vào ngày 1 tháng 9 năm 1939”.

Theo báo cáo của cảnh sát được Media Zone trích dẫn, Cha Burdin bị bắt vì đã “phạm tội công khai làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Nga đang tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Đó là cách Putin mô tả về cuộc chiến.

Cha Burdin dự kiến sẽ ra hầu tòa vào tuần này tại Tòa án Quận Krasnoselsky của vùng Kostroma để trả lời về những cáo buộc chống lại ngài.

Ngài là người thứ 77 trong số 286 linh mục Chính thống giáo Nga đã ký vào bản kiến nghị, được đưa ra vào ngày 27 tháng 2 và kêu gọi “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.”

Trong đơn thỉnh cầu, các linh mục cho biết những người chịu trách nhiệm về cuộc chiến sẽ phải trả lời về hành động của họ trước mặt Chúa tại Tòa Phán Xét sau cùng và nói rằng Ukraine nên được tự do lựa chọn tương lai của mình, không phải trước mũi súng.”

Các linh mục cũng chỉ trích việc bắt giữ và đàn áp những người phản đối chiến tranh một cách ôn hòa, và nói rằng “không một lời kêu gọi bất bạo động nào cho hòa bình và chấm dứt chiến tranh nên bị đàn áp cưỡng bức và bị coi là vi phạm pháp luật, vì đó là điều răn thiêng liêng: 'Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình. '“

Đáng chú ý, người đầu tiên ký đơn là Cha Igumen Arseny, của Tòa Thượng phụ đại diện cho Tòa Thượng phụ Antiôkia của Mạc Tư Khoa, người vừa tháp tùng Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Mạc Tư Khoa, trong chuyến công du ngày 5 tháng 3 tới Syria.

Người thứ hai ký đơn là Cha Hegumen Nektary, người được biết đến rộng rãi và được đánh giá cao trong Chính thống giáo Nga về các bài viết của ngài.

Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, có rất ít chữ ký bổ sung được thêm vào bản kiến nghị, đó có thể là kết quả của một cuộc đàn áp những người chỉ trích chiến tranh.

Cho đến nay, hơn 13,000 người được cho là đã bị bắt ở Nga kể từ khi quân đội nước này xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, với khoảng 5,000 người bị giam giữ trong các cuộc biểu tình cuối tuần trước ở Mạc Tư Khoa.

Nhà phê bình Điện Cẩm Linh Alexei Navalny Sunday đã lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, ít nhất 15 giáo phận của Ukraine đã công khai yêu cầu các linh mục ngừng cầu nguyện cho Thượng phụ Kirill của Chính thống giáo Nga, là người đã đưa ra một số tuyên bố ủng hộ chiến tranh.


Source:Crux
 
Hai giám mục Anh giáo từ chức để trở thành người Công Giáo
Đặng Tự Do
16:20 16/03/2022


Các động thái này diễn ra sau khi Giáo Hội Công Giáo đón nhận hai vị Giám Mục Anh Giáo là Michael Nazir-Ali và Peter Forster.

Thêm hai giám mục Anh giáo đã công bố ý định trở thành người Công Giáo. Tin tức này theo sau quyết định diễn ra vào năm ngoái của hai cựu giám mục khác của Giáo hội Anh về việc hiệp thông với Rôma.

Các giám mục Anh giáo mới nhất quyết định “bơi qua sông Tiber” là Jonathan Goodall, người từng là giám mục của giáo phận Ebbsfleet, trong tám năm, và John Goddard, cựu giám mục của Burnley. Cả hai đều là đã kết hôn và được phong chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Cụm từ “swim the Tiber” hay “bơi qua sông Tiber” là cách nói bóng bẩy để chỉ việc gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Tiber là con sông bao quanh Rôma.

“Tôi đã đi đến quyết định từ chức Giám mục Ebbsfleet, để được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, sau một thời gian dài cầu nguyện. Đây là một trong những giai đoạn thử thách nhất trong cuộc đời tôi,” Đức Cha Goodall cho biết trong một tuyên bố được công bố trên trang web của Tổng Giám mục Canterbury.

“Cuộc sống trong sự hiệp thông của Giáo hội Anh đã hình thành và nuôi dưỡng tư cách môn đệ của tôi với tư cách là một Kitô hữu trong nhiều thập kỷ. Đây là nơi tôi nhận được lần đầu tiên - và trong nửa cuộc đời tôi đã phục vụ, với tư cách là linh mục và giám mục - ân sủng bí tích của đời sống và đức tin Kitô. Tôi sẽ luôn trân trọng điều này và biết ơn vì đức tin đó. Tôi mong tất cả anh chị em hãy tin rằng tôi đã đưa ra quyết định của mình như một cách để nói đồng ý với lời kêu gọi và lời mời hiện tại của Thiên Chúa, chứ không phải từ chối những gì tôi đã biết và kinh nghiệm trong Giáo hội Anh, là điều mà tôi mang ơn rất sâu sắc.”

Vợ của Đức Cha Goodall, là bà Sarah, cũng quyết định theo đạo Công Giáo.

Giáo phận Ebbsfleet được thành lập vào năm 1994 để phục vụ các giáo xứ Anh giáo không chấp nhận phụ nữ làm linh mục. Một giám mục khác của Ebbsfleet, Andrew Burnham, cũng đã trở thành một người Công Giáo trước đây, khi từ chức vào năm 2010 để cùng với những cựu thành viên Anh giáo khác tham gia vào Giáo Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham.

Các lễ phong chức sắp tới

Tổng giám mục của Canterbury Justin Welby cho biết trong tuyên bố trên trang web của mình rằng ngài đã chấp nhận đơn từ chức của Goodall “với sự hối tiếc.”

“Tôi vô cùng biết ơn Đức Cha Jonathan về chức vụ và nhiều năm trung thành phục vụ của ngài. Những lời cầu nguyện của tôi dành cho ngài và Sarah, cho cả chức vụ trong tương lai của ngài và hướng đi họ đang được kêu gọi trong cuộc hành trình liên tục phục vụ Chúa Giêsu Kitô”.

Sau lễ tấn phong tại nhà thờ chính tòa Westminster của Công Giáo vào ngày 12 tháng 3, Cha Goodall sẽ phục vụ với tư cách là linh mục quản xứ của giáo xứ Thánh William thành York ở Stanmore trong Tổng giáo phận Westminster và ở quận Harrow phía bắc London.

Cha Goddard hy vọng sẽ được bổ nhiệm vào một giáo xứ trong Tổng giáo phận Liverpool sau khi ngài được Đức Giám Mục Phụ Tá Tom Williams của Liverpool tấn phong trong một buổi lễ ngày 2 tháng 4 tại Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Vua ở Liverpool.

Ngài nói với tờ Catholic Herald rằng: “Tôi không có niềm vui nàolớn hơn trong cuộc sống là được phục vụ với tư cách là một linh mục quản xứ. Đó có lẽ là món quà lớn nhất đối với một linh mục.”

Năm ngoái, cựu Giám mục Anh giáo của Rochester, Michael Nazir-Ali, và cựu Giám mục của Chester, Peter Forster, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo. Vào năm 2019, Giám Mục Gavin Ashenden, cựu tuyên úy của Nữ hoàng và là giám mục Anh giáo truyền thống, đã trở thành một người Công Giáo.
Source:Catholic News Agency
 
Bài Giáo Lý Hàng tuần của Đức Phanxicô, tuổi già tiên tri chống sa đọa
Vũ Văn An
18:17 16/03/2022


Theo tin Tòa Thánh, thứ 4, ngày 16 tháng 3 năm 2022, tại Hội trường Yết kiến Phaolô VI, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về tuổi già, nhấn mạnh tới khía cạnh tuổi già là tiên tri chống sa đọa. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào Bản Tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Câu chuyện trong kinh thánh - với ngôn ngữ tượng trưng của thời kỳ nó được viết ra - cho chúng ta biết một điều gì đó gây ngỡ ngàng. Thiên Chúa quá chán ghét sự độc ác tràn lan của con người, vốn đã trở thành một phong cách sống bình thường, đến nỗi Người nghĩ rằng mình đã sai lầm khi tạo ra họ và quyết định tận diệt họ. Một giải pháp triệt để. Nó thậm chí còn có thể là sự thay đổi đầy nghịch lý về lòng thương xót. Không còn con người, không còn lịch sử, không còn phán xét, không còn kết án. Và nhiều nạn nhân tiền định của thối nát, bạo lực, bất công sẽ được dung tha mãi mãi.

Há đã không xảy ra với chúng ta đôi khi hay sao trong đó - bị choáng ngợp bởi cảm giác bất lực trước cái ác hoặc bị mất tinh thần bởi "các nhà tiên tri bất hạnh" - chúng ta nghĩ rằng thà chúng ta không sinh ra thì hơn? Chúng ta có nên công nhận một số lý thuyết gần đây, vốn tố cáo loài người như một cản trở về phương diện tiến hóa có hại cho sự sống trên hành tinh của chúng ta không? Tất cả đều tiêu cực? Không.

Thật vậy, chúng ta đang bị áp lực, phải chịu những căng thẳng đối nghịch khiến chúng ta bối rối. Một mặt, chúng ta có niềm lạc quan của một tuổi trẻ vĩnh cửu, được nuôi dưỡng bởi sự tiến bộ phi thường của kỹ thuật, một tiến bộ mô tả một tương lai đầy những máy móc hữu hiệu hơn và thông minh hơn chúng ta, sẽ chữa khỏi bệnh tật của chúng ta và nghĩ cho chúng ta những giải pháp tốt nhất để không chết: thế giới của người máy. Mặt khác, trí tưởng tượng của chúng ta xem ra ngày càng tập trung vào việc diễn tả một thảm họa cuối cùng sẽ tận diệt chúng ta. Điều gì xảy ra với một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự. “Ngày sau” điều này - nếu vẫn còn ngày tháng và con người - sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Phá hủy mọi thứ để bắt đầu lại từ đầu. Lẽ dĩ nhiên, tôi không muốn tầm thường hóa ý niệm tiến bộ. Nhưng dường như biểu tượng hồng thủy ngày càng có chỗ đứng trong tiềm thức của chúng ta. Bên cạnh đó, đại dịch hiện nay đè nặng lên sự suy nghĩ bất cần ai của chúng ta về những điều quan trọng, đối với cuộc sống và số phận của nó.

Trong câu chuyện kinh thánh, khi nói đến việc cứu sự sống trên trái đất khỏi băng hoại và hồng thủy, Thiên Chúa giao nhiệm vụ cho lòng trung thành của người già nhất, Ông Nô-ê “công chính”. Liệu tuổi già có cứu được thế giới không, tôi tự hỏi? Theo nghĩa nào? Và tuổi già sẽ giải cứu thế giới ra sao? Và triển vọng là gì? Sự sống sau cái chết hay chỉ sống sót cho đến lúc hồng thủy?

Một lời của Chúa Giê-su, gợi lên “thời Nô-ê”, sẽ giúp chúng ta khám phá sâu hơn ý nghĩa của đoạn Kinh thánh mà chúng ta đã nghe. Khi nói về thời kỳ cuối cùng, Chúa Giê-su nói: “Thời Nô-ê thế nào, thì thời của Con Người cũng như thế. Người ta ăn, người ta uống, người ta cưới nhau, người ta hiến thân trong hôn nhân, cho đến ngày khi ông Nô-ê vào tàu, thì trận hồng thủy đến phá hủy tất cả ”(Lc 17:26-27). Quả thật, chuyện ăn uống, lấy vợ lấy chồng là những chuyện hết sức bình thường và dường như không phải là điển hình của sa đọa. Sa đọa ở đâu? Sa đoạ ở chỗ nào trong đó? Thực ra, Chúa Giê-su nhấn mạnh sự kiện này là con người, khi chỉ biết hưởng thụ cuộc sống, họ đánh mất cả ý thức về sự sa đọa, điều này làm thối hoại phẩm giá của họ và chuốc độc ý nghĩa. Khi ý thức sa đọa mất đi, và sa đọa trở thành một điều bình thường: mọi thứ đều có cái giá của nó, mọi thứ! Ý kiến, hành vi công lý, đều được mua và bán. Điều này là phổ biến trong thế giới kinh doanh, trong thế giới của nhiều ngành nghề. Và sa đọa thậm chí còn được trải nghiệm một cách bất cần ai, như thể nó là một phần bình thường của hạnh phúc con người. Khi anh chị em đi làm một việc gì đó, và nó chậm tiến triển, diễn trình làm việc đó tiến hơi chậm, anh chị em thường nghe nói: “đúng, nhưng nếu bạn cho tôi một tiền thưởng, tôi sẽ làm nó nhanh hơn”. Rất thường xuyên như thế. “Hãy cho tôi một điều gì đó thì tôi sẽ làm nó tiến hơn”. Tất cả chúng ta đều biết thế. Thế giới sa đọa dường như là một phần bình thường của con người, và điều này thật tồi tệ. Sáng nay tôi đã nói chuyện với một người phụ nữ; bà nói với tôi về vấn đề này ở quê hương của bà. Tiện ích của đời sống được tiêu dùng và hưởng thụ mà không quan tâm đến phẩm chất của cuộc sống tinh thần, không quan tâm đến môi trường sống của ngôi nhà chung. Mọi thứ đều bị khai thác, mà không quan tâm đến nỗi khổ và sự thất vọng mà nhiều người phải gánh chịu, cũng không nghĩ đến cái ác đầu độc cộng đồng. Miễn là cuộc sống bình thường có thể được lấp đầy bằng “phúc lợi”, chúng ta không muốn nghĩ về những gì làm cho nó trở nên trống rỗng công lý và tình yêu. “Nhưng tôi vẫn ổn! Tại sao tôi phải nghĩ về các vấn đề, về chiến tranh, về nỗi đau khổ của con người, về tất cả sự nghèo đói, tất cả những điều xấu xa đó? Không, tôi ổn mà. Tôi không quan tâm đến người khác”. Đây là ý nghĩ trong tiềm thức dẫn chúng ta đến việc sống trong tình trạng sa đọa.

Tôi tự hỏi, sa đọa có thể trở thành bình thường hay không? Thưa anh chị em, rất tiếc, có. Chúng ta có thể hít thở bầu không khí sa đọa giống như chúng ta hít thở oxy. “Nhưng nó là chuyện bình thường; nếu bạn muốn tôi làm việc này nhanh hơn, bạn sẽ cho tôi cái gì? ” Thật là bình thường! Đó là điều bình thường, nhưng nó là một điều xấu, nó không tốt! Điều gì dọn đường cho điều này? Điều duy nhất là: tính bất cần ai trở thành chỉ biết chăm lo cho bản thân: đây là cửa ngõ dẫn đến sa đọa, nhấn chìm cuộc đời của tất cả chúng ta. Sa đọa được hưởng lợi ích rất nhiều từ sự bất cần ai chẳng hợp với Thiên Chúa chút nào này. Khi mọi thứ đang diễn ra êm xuôi đối với một người nào đó, và những người khác không quan trọng đối với anh ta hoặc cô ta: sự thiếu suy nghĩ này làm suy yếu khả năng phòng thủ của chúng ta, làm thui chột lương tâm của chúng ta và biến chúng ta - thậm chí vô tình - thành đồng phạm. Bởi vì sa đọa không đơn độc: nó luôn có đồng bọn. Và tham nhũng luôn luôn lan rộng, nó lan rộng.

Tuổi già nằm ở vị thế tốt để nắm bắt sự lừa dối của việc bình thường hóa cuộc sống bị ám ảnh bởi sự hưởng thụ và trống rỗng nội tâm tính: cuộc sống không suy nghĩ, không hy sinh, không cái đẹp, không chân lý, không công lý, không tình yêu: tất cả chỉ là sa đọa. Sự nhạy cảm đặc biệt của những người già chúng ta, của tuổi già đối với sự quan tâm, suy nghĩ và tình cảm làm cho chúng ta thành nhân bản, một lần nữa nên trở thành ơn gọi của nhiều người. Và nó sẽ là quyết tâm yêu thương của những người cao niên đối với những thế hệ mới. Chúng ta sẽ là những người gióng lên hồi chuông cảnh báo, cảnh tỉnh: “Hãy ý thức, đây là sa đọa, nó sẽ chẳng mang lại gì cho bạn cả”. Ngày nay rất cần sự khôn ngoan của người cao niên để chống lại sa đọa. Những thế hệ mới mong đợi ở chúng ta, những người cao niên, một lời nói tiên tri, mở ra những cánh cửa cho những tầm nhìn mới bên ngoài thế giới sa đọa bất cần ai đó, thế giới của thói quen sa đọa đó. Phước lành của Thiên Chúa chọn tuổi già, vì đặc sủng này rất nhân bản và nhân bản hóa. Đâu là ý nghĩa của tuổi già của tôi? Mỗi người trong chúng ta, những người cao niên đều có thể tự hỏi mình điều này. Ý nghĩa là thế này: làm một nhà tiên tri chống sa đọa và nói với những người khác: “Hãy dừng lại, tôi đã đi con đường này và nó không dẫn bạn đến đâu cả! Bây giờ tôi sẽ kể cho bạn nghe kinh nghiệm của tôi”. Chúng ta, những người cao tuổi, nên là nhà tiên tri chống lại sự sa đọa, cũng như Nô-ê là nhà tiên tri chống lại sự sa đọa thời ông, bởi vì ông là người duy nhất được Thiên Chúa tin cậy. Tôi hỏi tất cả anh chị em - và tôi cũng tự hỏi chính bản thân tôi: ngày nay trái tim tôi có rộng mở để trở thành một nhà tiên tri chống lại sự sa đọa hay không? Điều tồi tệ, là khi những người cao niên không trưởng thành, và trở thành những người già với những thói hư hỏng của lớp trẻ. Hãy nghĩ đến câu chuyện kinh thánh về các thẩm phán xử bà Susanna: họ là tấm gương của tuổi già sa đọa. Và chúng ta, với kiểu tuổi già này, sẽ không thể trở thành những nhà tiên tri cho các thế hệ trẻ.

Và Nô-ê là điển hình của tuổi già vẫn còn khả năng sinh sản này: nó không sa đọa, nó có khả năng sinh sản. Nô-ê không rao giảng, không phàn nàn, không buộc tội, mà là lo cho tương lai của thế hệ đang gặp nguy hiểm. Những người cao niên chúng ta phải chăm sóc những người trẻ tuổi, những đứa trẻ đang gặp nguy hiểm. Ông xây dựng con tầu tiếp đón và để người và động vật vào đó. Trong mọi hình thức chăm sóc sự sống, Nô-ê tuân theo lệnh truyền của Thiên Chúa, lặp lại cử chỉ dịu dàng và hào phóng của sáng thế, mà thực tế là ý nghĩ từng linh hứng cho mệnh lệnh của Thiên Chúa: một phước lành mới, một tạo thế mới (x. St. 8: 15-9,17). Ơn gọi của Nô-ê vẫn luôn liên quan tới chúng ta. Một lần nữa, thánh tổ phụ phải cầu bầu cho chúng ta. Và chúng ta, đàn bà và đàn ông ở một độ tuổi nào đó - để không chỉ nói về người già, vì một số người sẽ bị xúc phạm - chúng ta đừng quên rằng chúng ta có khả thể khôn ngoan để nói với người khác: "Hãy xem, con đường sa đọa này không dẫn đến đâu ”. Chúng ta phải giống như rượu ngon, càng lâu năm, càng có thể đưa ra một thông điệp tốt chứ không phải một thông điệp xấu.

Hôm nay tôi kêu gọi tất cả những người ở bất cứ độ tuổi nào, chứ đừng nói là người già. Hãy cẩn thận: bạn có trách nhiệm tố cáo sự sa đọa của con người nơi chúng ta đang sống và trong đó lối sống của chủ nghĩa duy tương đối này tiếp diễn, hoàn toàn tương đối, như thể mọi thứ đều hợp pháp. Chúng ta tiến lên phía trước. Thế giới cần những người trẻ mạnh mẽ, những người tiến lên và những người lớn tuổi khôn ngoan. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan.
 
ĐGH Phanxicô đã thảo luận về cuộc chiến Ukraine với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga.
Nguyễn Long Thao
22:13 16/03/2022
ĐGH Phanxicô đã thảo luận về cuộc chiến Ukraine với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga.

Vào ngày 16 tháng 3 ĐGH Phanxicô và Thượng phụ Kirill của Chính Thống Giáo Nga đã có cuộc họp qua video để nói về cuộc chiến tại Ukraine.

Cuộc họp diễn ra vào buổi chiều theo giờ Roma. Tòa Thượng Phụ Mátxcơva và văn phòng Báo Chí Tòa Thánh đều đã xác nhận tin

Văn phòng báo chí cho biết: “Cuộc họp tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine và vai trò của những người theo đạo Thiên chúa và hàng giáo sĩ trong các nỗ lực để đảm bảo hòa bình.

Tòa Thánh Vatican cho biết ĐGH cảm ơn Đức Thượng phụ Kirill về cuộc gặp hai bên và đồng ý với Đức Thượng Phụ rằng “Giáo hội không được sử dụng ngôn ngữ chính trị, mà là ngôn ngữ của Chúa Giê-su”. Văn phòng báo chí dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô:

“Chúng ta là những mục tử của cùng một Dân Thánh, những người tin vào Thiên Chúa, vào Ba Ngôi Chí Thánh, vào Thánh Mẫu của Thiên Chúa: đó là lý do tại sao chúng ta phải hiệp nhất trong nỗ lực giúp đỡ hòa bình, giúp đỡ những người đau khổ, tìm kiếm những phương cách hòa bình, để ngăn chiến tranh ”

Hai nhà lãnh đạo tôn giáo đã nhất trí về tầm quan trọng của các cuộc đàm phán hiện tại để chấm dứt chiến tranh.

ĐGH nói “Những người phải trả giá cho cuộc chiến là người dân, là những người lính Nga, là những người bị chết vì ném bom đạn,”

“Với tư cách là những mục tử,” ĐGH nói tiếp “chúng tôi có nhiệm vụ ở sát gần và giúp đỡ tất cả những người đang đau khổ vì chiến tranh.

Đã có lúc ngay cả trong Giáo hội của chúng ta, chúng ta cũng nói về thánh chiến hay chiến tranh chính nghĩa. Ngày nay chúng ta không thể nói như vậy. Lương tâm Kitô giáo về tầm quan trọng của hòa bình đã phát triển. ”

Văn phòng báo chí của Tòa Thánh nói rằng Đức Thánh Cha đồng ý với quan điểm của Thượng phụ Kirill rằng các Giáo hội phải giúp xây dựng hòa bình và công lý.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: “Các cuộc chiến tranh luôn bất công. Vì kẻ phải trả giá là dân Đức Chúa Trời. Trái tim chúng tôi không thể không khóc trước những đứa trẻ, những người phụ nữ bị giết, tất cả những nạn nhân của chiến tranh. Chiến tranh không bao giờ là con đường. Chúa Thánh Thần liên kết chúng ta yêu cầu chúng ta với tư cách là những mục tử phải giúp đỡ những dân tộc đang phải chịu đựng chiến tranh ”.

Đưa ra lời giải thích của mình về cuộc thảo luận, Cục Đối ngoại Giáo hội Chính thống Nga (DECR) nói rằng cuộc đàm phán bao gồm “một cuộc thảo luận chi tiết về tình hình trên đất Ukraine”.

“Đặc biệt chú ý đến các khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng hiện tại và các hành động của Giáo hội Chính thống Nga và Giáo Hội Công Giáo La Mã để khắc phục hậu quả của nó,”

“Các bên nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của quá trình đàm phán đang diễn ra, bày tỏ hy vọng rằng một nền hòa bình công bằng sẽ đạt được càng sớm càng tốt.”

Cục Đối Ngoại của Chính Thống Nga (DECR) cho biết chủ tịch Metropolitan Hilarion và Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Hiệp nhất Cơ đốc giáo, cũng tham gia vào cuộc thảo luận hôm thứ Tư.

“Giáo hoàng Francis và Đức Thượng phụ Kirill cũng đã thảo luận về một số vấn đề song phương,” DECR cho biết.

Chính thống Nga là một Giáo Hội Phương Đông với khoảng 150 triệu thành viên, chiếm hơn một nửa số người theo Chính Thống Giáo trên thế giới.

Thượng phụ Kirill cũng đã nhận được lời kêu gọi từ các giám mục Công Giáo trên khắp châu u lên tiếng chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, được đưa ra vào ngày 24 tháng 2.

Trong số những giới chức đã kêu gọi Đức Thượng Phụ can thiệp để chấm dứt chiến tranh có Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki của Ba Lan, Đức Hồng Y Reinhard Marx, các giám mục Ireland, và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục Liên minh Châu u (COMECE ).

Nguyễn Long Thao
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nước Mỹ Sau Khi Việt Nam Cộng Hòa Chết 13
Hà Minh Thảo
15:25 16/03/2022
Nước Mỹ Sau Khi Việt Nam Cộng Hòa Chết 13

(Tiếp theo 12)

I./ HIỆP THƯƠNG THỐNG NHẤT QUÊ HƯƠNG

Sự Thật là Mỹ đã có ý đồ tiếp xúc với Bắc Việt từ năm 1962. Trong sách ‘Ngô Đình Diệm và Bang Giao Việt Mỹ 1954-1963’, Tiến sĩ Sử học Phạm Văn Lưu cho biết : ‘Tháng 7/1962, Tổng thống Kennedy đã chỉ thị cho Harriman, trưởng phái đoàn Mỹ tại Hội nghị Geneva về Lào, phải bí mật gặp ngoại trưởng Bắc Việt, Ung Văn Khiêm, để thảo luận về vấn đề Việt Nam, kể cả việc mở một hội nghị khác, bàn về trung lập hóa Việt Nam, để có lý do rút khỏi vùng đất này; nhưng Harriman đã hoàn toàn thất bại. Điều này cho thấy, Mỹ muốn đóng vai chính trong vấn đề thương thảo với Bắc Việt.

Cộng sản Bắc Việt mơ Ðường mòn Hồ Chí Minh, sau khi Mỹ đồng ý ‘trung lập hóa Lào’ sẽ giúp chúng đưa quân vào Nam hầu toàn thắng ‘Mỹ, ngụy’. Là Tổng thống VNCH, ông Ngô Ðình Diệm đã có quyết định khôn ngoan để bảo vệ Ðộc lập cho Tổ Quốc và an ninh cho Ðồng bào.

Lại có một Sự Thật khác là chính Harriman-Lodge đã thuê giết Tổng thống Ngô Đình Diệm và nhị vị bào huynh (nếu có tội, ông Cẩn cần một bản án hợp pháp. Sau đó, chúng đã thua việt cộng để đồng bào rơi vòng đau khổ cộng sản.

A. Những lý do biện minh cho việc dàn xếp đôi bên Nam-Bắc:

1) Hai miền Nam-Bắc nội chiến. Miền Nam được khối Tự Do viện trợ; miền Bắc được các nước cộng sản chi giúp. Bên này tăng viện thì bên kia cũng tăng viện; mức độ chiến tranh sẽ lớn dần, trở thành khốc liệt thì chỉ có nước Việt Nam và dân Việt Nam phải chịu thiệt hại, chứ các nước viện trợ có thiệt thòi gì đâu.

2) Tổng thống Diệm không muốn lệ thuộc quá nhiều vào viện trợ Mỹ, nhất là sự hiện diện quân tác chiến trên đất Việt độc lập. Sự kiện đó làm miền Nam mất Chính Nghĩa, tạo cho miền Bắc hô hào ‘đánh cho Mỹ cút’. Các chính sách Tố Cộng, Diệt Cộng và Chiêu Hồi từ thời 1955-1958, đã gây cho cộng sản thiệt hại nặng nề. Theo Văn Tiến Dũng, trong ‘Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước’ trang 16, thì trong vòng 3 năm từ 1955-1958, con số thiệt hại lên đến 90%, từ 60.000 cán binh công sản, xuống còn 5.000. Do đó, ông Diệm cho rằng, với Quốc sách Ấp Chiến Lược, VNCH nắm chắc phần thắng mà không cần quân tác chiến Mỹ.

3) Năm 1956, Hồ Chí Minh kêu gọi Tổng Tuyển cử Thống nhất Ðất Nước, nhưng ông Diệm từ chối vì :

- không có qui định trong Hiệp định Gevèvre 20.07.1954;

- tuyển cử khi đó, còn hơn bây giờ, bị áp lực cộng đảng khắp nơi. Ngày 23.05.2021, cử tri Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bầu Quốc hội khóa 15 đạt bách phân 99,60% làm lan tràn bệnh COVIC-19 chết người…

Những năm 1962-1963, các cơ sở nằm vùng hầu như là tê liệt hoàn toàn, người dân miền Bắc thiếu ăn nên chán ngán chế độ cộng sản rồi. Hồ Chí Minh là con người xảo quyệt; khi ở thế yếu, sẽ dùng chiêu bài hòa hợp, đoàn kết dân tộc để cứu vãn cộng đảng. Nhưng sau đó, ông sẽ tìm mọi cách để tiêu diệt đối thủ của ông.

Tháng 02/1946, Hồ Chí Minh cho bắt và đưa ông Diệm về gặp ông ở Bắc Bộ phủ. Ông Diệm đã tỏ khí phách can trường trong một cuộc đối thoại thẳng thắn giữa hai người, qua đó, ông Diệm đã từ chối đề nghị cộng tác với Hồ Chí Minh qua chức vụ Bộ trưởng Nội vụ:

- « Không thể được, ông có chính sách cứu nước của ông, và tôi có chính sách cứu nước của tôi. Ông có cam đoan rằng ông sẽ bỏ thuyết vô sản chuyên chính không? Khắp nơi, cán bộ ông đang thi hành thuyết đó. Họ giết hết các nhà quốc gia chân chính. Họ giết cả anh tôi ».

Hồ Chí Minh tìm lời chữa mình và nói:

- « Tôi không hay biết gì cả. Nước đang lâm cảnh loạn ly. Xin ông ở lại với tôi để cùng nhau chống Pháp ».

- « Ông biết tôi là ai không? Tôi không phải hạng hèn nhát ».

- « Không, ông không hề hèn nhát ». Họ Hồ vội vàng nói đỡ

- « Vậy thì để cho tôi đi ». Và Hồ Chí Minh để ông Diệm ra đi. (Trích Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, số 118).

Đây là trận đấu cân não giữa một bên là Chủ Quyền Dân Tộc và một bên là chủ quyền của vô sản quốc tế. Ông Diệm biết rõ ông Hồ là tay sai của Cộng sản Quốc tế không hề có ý thức về chủ quyền mà chỉ làm việc theo lệnh Liên Xô và Trung Cộng nên ông Diệm đã không sợ chết một khi cần bảo vệ và công khai hóa lý tưởng và con đường đấu tranh mình đang theo.

Lý tưởng bênh vực Chủ Quyền Quốc gia luôn là điểm quyết định trong lịch trình hoạt động của chí sĩ Ngô Đình Diệm trong các giai đoạn tranh đấu trước khi nắm chính quyền. Tháng 02/1948, ông Diệm và các nhân sĩ phe quốc gia gặp tại Sài Gòn để thảo ra một khung đàm phán với Pháp về vấn đề Ðộc lập Việt Nam. Sau đó, ông Diệm đến Hồng Kông để cố gắng thuyết phục Bảo Đại ủng hộ kế hoạch này; ông cũng vận động các quan chức Pháp nhượng bộ thêm về phạm vi chủ quyền của Việt Nam…

B.- Dự kiến hiệp thương nẩy mầm.

Năm 1962, sau khi dự lễ đăng quang của Quốc vương Maroc, ông Ngô đình Nhu đã đến Paris gặp ông A. Pinay, đại diện Tổng thống Charles De Gaulle, để bàn chuyện hiệp thương với Hồ chí Minh, với sự hiện diện của Giáo sư Bửu Hội, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Rabat (Maroc), từng là cố vấn cho ông Hồ. Nên trong việc này, có thể nói ông Bửu Hội có vai trò cũng quan trọng không kém ông Nhu. Nhiều phiên họp đã diễn ra cả tháng vì Hồ chí Minh đã nhờ ông Jean Sainteny xin Tổng thống De Gaulle giúp. Ông biết ông De Gaulle đang có chủ trương trung lập hóa Đông dương vì hận Mỹ đã ‘hất cẳng’ Pháp và xin Tổng thống Pháp can thiệp để tiếp xúc với Sài gòn. Tổng thống Pháp rất sốt sắng trong việc này.

C.- Tiến trình Hòa bình dự định bắt đầu.

Sự giao thiệp thương thảo bí mật giữa ông Ngô đình Nhu với Cộng sản Hà nội nhằm thúc đẩy hai miền Nam-Bắc Việt Nam tránh một cuộc xung đột ý thức hệ ngu xuẩn chỉ có lợi cho Trung quốc. Chúng dạy bọn cộng sản Việt cứ giết nhau đến người Việt cuối cùng.

==>> Ngay ngày 02.11.1963 cho đến thời nay, người Việt tự cho là Quốc gia có giết nhau không? Câu trả lời trong đoạn bài sau.

Để mở đầu cuộc thuơng thảo, VNCH đồng ý viện trợ kinh tế bao gồm lúa gạo, sản phẩm gia dụng và y tế cho Cộng sản Hà nội nếu họ đồng ý tuyên bố đứng trung lập như miền Nam và đồng tham gia khối ‘Các Nước Không Liên Kết’ do Ấn Độ đứng đầu. Qua sự trao đổi thuơng mại với miền Bắc, chính phủ Sài gòn cam kết sẽ cố gắng giúp đồng bào miền Bắc thoát khỏi tình trạng đói kém do đang phải sống bằng hiện vật chu cấp mọi thứ bởi Bắc kinh. Họ lưỡng lự trước đề nghị yêu nước, thương đồng bào, nhưng thật táo bạo này của ông Nhu vì biết rõ những cam kết mà VNCH đưa ra rất thật lòng dựa trên sự ổn định phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam trong suốt gần chín năm sau hiệp định Geneva 1954.

1. Với sự tiếp tay và bảo đảm bởi các vị thuộc ngoại giao đoàn.

Tháng 9/1962, Hồ chí Minh nói với Chủ tịch Ủy hội Quốc tế Ấn độ là muốn bắt tay với Diệm được coi là một người ‘yêu nước theo kiểu ông ta’ (Il est, à sa manière, un patriote). Phạm văn Đồng gợi ý là Đại diện Pháp ở Hà nội Jean François de la Boissière nên viếng thăm Sài Gòn. Tổng thống Diệm, khi bàn cãi với Đại sứ Pháp, không dứt khoát bác triển vọng một giải pháp hoà bình. Những người cầm quyền Sài Gòn muốn Pháp đặt nhịp cầu đó, nhưng Á đông vụ Bộ Ngoại giao không muốn làm tăng thêm sự căng thẳng giữa Mỹ và ông Diệm hầu buộc VNCH phải hoàn toàn phục vụ những mục tiêu của Washington.

Đại sứ Roger Lalouette là một nhà ngoại giao lão luyện, rất rành về những vấn đề Việt Nam. Ông biết một hành động quá lộ liễu sẽ làm ông Diệm bị thay thế rất nhanh để nhường chỗ cho một chính phủ hoàn toàn theo đường lối của Washinton. Nên ông quyết định trao sứ vụ cho Đại sứ Mieczyslaw Maneli, Trưởng phái đoàn Ba lan trong Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến tại Việt Nam, với một kế hoạch ba giai đoạn cho Việt Nam :

1. mở cuộc đối thoại giữa Hà Nội và Sài Gòn;

2. đặt những trao đổi kinh tế và văn hoá;

3. tổ chức những cuộc hội đàm về chính trị. Maneli đã chuyển tin ra Hà Nội nơi mà ông đi và về.

Đầu tháng 07/1963, ông cho biết khi gặp Thủ tướng Phạm văn Đồng và Bộ trưởng ngoại giao Xuân Thủy : « Tôi hỏi nên làm gì nếu Ngô Ðình Nhu mời tôi tới nói chuyện ». Họ trả lời ‘nhận gặp và lắng nghe’. Tôi lại hỏi họ có muốn tôi nói gì. Họ đáp ‘Tất cả những gì đồng chí biết về lập trường của chúng tôi trong sự trao đổi và hợp tác kinh tế và văn hóa. Một điều chắc chắn là Mỹ phải rút đi. Trên cơ sở chính trị ấy, chúng tôi có thể thương lượng bất cứ điều gì’. Maneli hỏi thêm về khả năng một chính phủ liên hiệp ở miền Nam hay một hình thức liên bang Bắc Nam, ông Đồng trả lời ‘Trên cơ sở độc lập và chủ quyền của Việt Nam, mọi điều đều có thể thương lượng. Hiệp định Genève đã đặt ra nền tảng pháp lý và chính trị : không có căn cứ hay quân đội nước ngoài trên lãnh thổ đất nước chúng tôi. Như thế, chúng tôi có thể đi tới thoả thuận với bất luận người Việt Nam nào ». Miền Bắc sẵn sàng cung cấp than đá không đặt điều kiện nào với giá rẻ để đổi lấy gạo, thực phẩm và cao su, để đối phó với một cơn hạn hán trầm trọng, đồng thời, có thể thoát khỏi viện trợ từ Trung cộng.

Ngày 01.06.1963, Roger Lalouette thông báo cho Tổng thống Diệm những điều mật mà Maneli thâu thập được. Điện Élysée (Tổng thống phủ Pháp) cũng được thông báo về thành quả này và họ không tỏ dấu hiệu chống Lalouette tiếp tục làm chuyện đó. Ngày 25.08.1963, trong cuộc tiếp tân của Quyền Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Trương Công Cừu, các Đại sứ Lalouette (Pháp), d’Orlandi (Ý), Goburdhun (Ấn độ) và Đức Khâm sứ Salvatore Asta (Tòa Thánh) đã giới thiệu ông Maneli với ông Nhu. Ông Nhu vui vẻ mời ông Maneli thu xếp để gặp nhau. Ngày hôm sau, văn phòng ông Nhu đã liên lạc và hẹn cuộc gặp vào sáng ngày 02.09.1963.

Sau cuộc gặp gỡ này tại dinh Độc Lập, ông Maneli cho biết ông Nhu đã nói, trong khoảng hai giờ, về chủ nghĩa Cần lao Nhân vị, chính sách Ấp chiến lược, thành quả của VNCH v.v… Còn về vấn đề hiệp thương giữa hai Miền, ông Nhu có ý như sau: « Tôi không chống lại việc đàm phán và hợp tác với miền Bắc, và như ông biết, nhiều nhà ngoại giao phương Tây đã đề nghị với tôi. Ngay trong những trận giao tranh tàn ác nhất, người Việt Nam cũng không quên ai là người Việt, ai là ngoại quốc. Nếu bắt đầu đối thoại trực tiếp, thì có thể tiến tới xích lại gần. Ủy hội quốc tế, cũng như bản thân ông, sẽ đóng vai trò tích cực ở đây… Trong tương lai gần, tôi không dự liệu điều gì dẫn tới nói chuyện trực tiếp, nhưng sớm muộn có thể sẽ hé ra khả năng… ». Như vậy, ông Nhu chưa có một ý để đi xa hơn nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo cộng sản Hà Nội.

Ngày 20.10.1963, khi tiếp đoàn Đại biểu Viện Kiểm soát Tối cao Liên xô, Hồ chí Minh tuyên bố: « Để hoà bình vãn hồi ở miền Nam Việt Nam hiện nay, chỉ có một cách là Đế quốc Mỹ phải rút khỏi nơi đây, vấn đề miền Nam Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự gỉai quyết, như hiệp định Geneva đã quy định ».

2. Ông Ngô đình Nhu gặp ông Phạm Hùng.

Ông Ngô đình Nhu là nhân vật rất thâm cứu về Trung quốc nên muốn thương thảo với Cộng sản Hà nội nhằm thúc đẩy hai miền Việt Nam tránh khỏi một cuộc xung đột ý thức hệ ngu xuẩn chỉ có lợi cho Trung quốc. Từ năm 1962, chính phủ Kennedy đã ép Tổng thống Diệm phải nhận lính tác chiến Mỹ vào nước Việt Nam. Sự hiện diện này khiến cộng sản Hà nội tuyên truyền ‘Miền Nam đang bị đế quốc Mỹ chiếm đóng, chúng ta phải hy sinh để giải phóng’. Sự lường gạt có hiệu lực rất mạnh trên trên các thiếu niên như chúng ta đã chứng kiến trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân 1968. Trái lại, những lính Mỹ, sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, bị buộc phải đi quân dịch và rời cha mẹ, bạn gái… để đến một nước xa lạ. Họ rất bất mãn.

Năm 2012, ông Cao xuân Vỹ, người đã tháp tùng ông Nhu bí mật gặp Phạm Hùng, tại khu rừng Tánh linh (Bình tuy), đã kể : « Chúng tôi cùng đến Quận Tánh linh, nơi đây có một vùng do cộng quân kiểm soát. Khi đầu, tôi tưởng là đi săn cọp như mọi khi. Nhưng đến nơi, ông Nhu bảo chúng tôi ở ngoài, còn ông đi về phía trước độ vài trăm mét để gặp Phạm Hùng. Sau này, khi ông Vỹ hỏi, ông Nhu chỉ tiết lộ về Ấp Chiến lược. Họ rất sợ chương trình này. Ai chủ trương và để làm gì? Ông Nhu trả lời: đó chỉ là một chủ trương của chính phủ nhằm bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân, ngăn ngừa sự xâm nhập, phá phách của du kích các ông… Các ông bảo cán bộ đừng tìm cách đánh phá làng xã, thì chúng tôi sẽ bỏ luật 10/59 ».

D.- Tổng thống Ngô đình Diệm chủ trương để hiệp thương với Miền Bắc phải có 6 giai đoạn:

– Bắt đầu bằng việc cho dân hai Miền trao đổi thư tín tự do;

– Rồi cho dân đi lại tự do giữa hai Miền;

– Cho dân hai Miền được tự do chọn định cư sang bên kia, nếu muốn;

– Thứ 4 mới đến giai đoạn trao đổi kinh tế. Ví dụ miền Nam đổi gạo lấy than đá của miền Bắc chẳng hạn;

– Qua được các giai đoạn đó rồi mới tiến tới hiệp thương;

– Và sau cùng là tổng tuyển cử.

Ông Ngô đình Nhu dự tính : Nếu cho người dân tự do chọn nơi định cư, thì căn cứ theo tình trạng về tự do, dân chủ tồi tệ và kinh tế kiệt quệ của Miền Bắc lúc ấy, sẽ có khoảng 3 triệu người dân sẽ dần dần vào định cư ở Miền Nam. Vì vậy ‘mình’ phải chuẩn bị đất cho dân. Ông cũng tính rằng hiện dân số Miền Bắc có tới 23 triệu, trong khi dân số Miền Nam chỉ có 17 triệu. Nếu có được 3 triệu dân Bắc vào định cư ở Miền Nam thì dân số 2 bên sẽ cân bằng. Bầu cử tự do, với sự giám sát Quốc tế thì chắc mình sẽ thắng.

Ð./ Từ năm 1962, chính phủ Kennedy đã ép Tổng thống Diệm phải nhận lính tác chiến Mỹ vào nước Việt Nam. Sự hiện diện của các lính viễn chinh làm Việt Nam mất chính nghĩa (cộng sản Hà nội đã tuyên truyền ‘Miền Nam đang bị đế quốc Mỹ chiếm đóng, chúng ta phải hy sinh để giải phóng’. Sự lường gạt có hiệu lực rất mạnh trên trên các thiếu niên như chúng ta đã chứng kiến trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân 1968. Trái lại, những người lính Mỹ, sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, bị buộc phải đi quân dịch và rời cha mẹ, bạn gái… để đến một nước xa dù chỉ để dạy Anh ngữ quân đội. Họ rất bất mãn.

Ông Ngô đình Diệm nhận và thi hành sứ vụ Thủ tướng và Tổng thống với tất cả khả năng đạo đức, thâm cứu lý thuyết cùng quan sát tại chổ và kinh nghiệm hành chánh địa phương các cấp của mình để phục vụ Tổ Quốc và Đồng bào. Nghĩa cử của vị Tổng thống từ chối để người lính quốc gia nỗ súng vào nhau vì mình, dù có bị kẻ giết mướn đâm và bắn mình chết cho thấy sự thương người, những đồng bào, dù bên kia chiến tuyến và tôn trọng đời sống con người. Người không muốn tung ra những trận đánh lớn để chiến tranh leo thang và thương vong gia tăng. Do đó, một vài Tướng Mỹ ‘dám’ nghi Tổng thống Diệm là Việt cộng (!). Ông chủ trương : « Chính sách của chúng tôi là chính sách hòa bình. Nhưng không có gì có thể khiến chúng tôi đi chệch khỏi mục tiêu của chúng tôi là sự thống nhất đất nước, thống nhất trong tự do chứ không phải trong nô lệ. Vì dân tộc, chúng tôi sẽ đấu tranh hết sức mình cho sự thống nhất đất nước. Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hòa bình và dân chủ. Tuy nhiên nếu những cuộc bầu cử là một trong những nền tảng cơ bản của nền dân chủ thật sự thì chúng chỉ có ý nghĩa với điều kiện chúng hoàn toàn tự do. Hiện nay, thực tế phải đối mặt với chế độ áp bức Việt minh, chúng tôi nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc ».

Sau đảo chính hụt ngày 11.11.1960, ông Ngô đình Nhu đã nói với Đại sứ Pháp Roger Lalouette là ‘Nếu nước Pháp muốn, giờ của Pháp đã điểm ở Việt Nam’. Sau đó, hàng hóa Pháp sản xuất được dễ dàng nhập cảng vào Việt Nam. Sau cuộc viếng thăm của Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson tháng 05/1961 tại Sài gòn khi ông này đề nghị Tổng thống Diệm phải chấp nhận quân tác chiến Mỹ vào Việt Nam, ông Diệm đã ngỏ ý với ông Lalouette là Việt Nam muốn ‘giảm sự chi phối của Mỹ bằng sự hiện diện của một cường quốc khác, ưu tiên là Pháp hay Pháp cùng Anh quốc’. Ngày 24.06.1961, Thủ tướng Michel Debré tiếp kiến ông Ngô đình Nhu, một người thấm nhuần văn hoá Pháp và có ảnh hưởng lớn trong chính quyền Việt Nam.

Để mở đầu cuộc thuơng thảo, VNCH đồng ý viện trợ kinh tế bao gồm lúa gạo, sản phẩm gia dụng và y tế cho Cộng sản Hà nội nếu họ đồng ý tuyên bố đứng trung lập như Việt Nam Cộng hòa đồng tham gia khối ‘Các Nước Không Liên Kết’ do Ấn độ đứng đầu. Qua sự trao đổi thuơng mại với Miền Bắc, chính phủ Sài Gòn cam kết sẽ cố gắng giúp đồng bào Miền Bắc thoát khỏi tình trạng đói kém do đang phải sống bằng hiện vật chu cấp mọi thứ bởi Bắc kinh, nhất là để đến cán bộ cộng sản không phải theo đường lối Đấu tố của Mao trạch Đông đã khiến 200.000 oan mạng bị giết chỉ trong vài năm. Họ lưỡng lự trước đề nghị yêu nước, thương đồng bào, nhưng thật táo bạo này của ông Nhu vì biết rõ những cam kết mà VNCH đưa ra rất thật lòng dựa trên sự ổn định phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam trong suốt gần chín năm sau hiệp nghị Geneva 1954.

II./ THỜI KỲ QUÂN QUẢN

Lúc hơn 10 giờ ngày 02.11.1963, sau khi Ðài Phát thanh loan tin thất thiệt ‘anh em ông Ngô Ðình Diệm đã tự tử’, nhưng xác nhận một Sự Thật ‘cuộc cướp chánh quyền thành công’ do Mỹ thuê các tướng tá thảm sát Tổng thống dân cử Ngô Ðình Diệm. Việc ‘cướp’ luôn là môt ‘hành vi phạm pháp’, nên các chánh phủ trong thời gian quân quản không có tính cách Dân Chủ (không do dân bầu) mà chỉ được chỉ định bởi các tướng, do Mỹ, nắm Chủ quyền VNCH giật dây. Các Thủ tướng, Tổng Bộ trưởng chỉ là những ‘búp bê’ Mỹ và các tuớng muốn thì còn nhảy múa. Chúng bảo thôi thì đem vào kho cất. Xin chứng minh.

Sau khi cướp chánh quyền từ tay Tổng thống dân cử Ngô Ðình Diệm, VNCH mất Ðộc lập. Từ đó, Chủ quyền Quốc gia bị bán cho nhà nước Mỹ, đại diện tại Sài Gòn bởi đại sứ khát máu Henry C. Lodge. Các tướng tá cũng như những chính trị gia của cái gọi là ‘Caravelle’*, gần nghĩa với ‘chánh trị salon’ muốn phục vụ Ðất Nước phải được chuẩn nhận bởi hắn.

>> * { Trong danh sách ‘Caravelle’ có tên Cha Gioan Baotixita Hồ Văn Vui, cựu Chánh sở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, bị nghi ngờ không thích chính quyền thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Cha về nương náu tại Tha La với sự chấp thuận của Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền. Năm 1960 Cha rời Xóm Đạo, qua ngã Campuchia sang Pháp học và tốt nghiệp ngành Xã hội học. Sau trở về Việt Nam, có lúc nhận chức Giám đốc Cơ quan Bác Ái Công Giáo Caritas Việt Nam.

Theo chúng tôi được biết : Trong một bài giảng, Cha đề cập đến từ ‘sáng suốt’ trước một kỳ bầu cử. Một giáo dân ‘đi mét…’ Nhiều giáo dân khác làm chứng mang lại Sự Thật cho Cha. Kẻ théc méc này, nhờ ‘luồn cúi’ hay CIA, nên, lúc nào, cũng có chức trong công quyền cho đến khi tháo chạy trước ngày 30.04.1975.}

1./ Chánh phủ Nguyễn Ngọc Thơ

Sau khi đảo chính, Hiến pháp 1956 bị thay thế bởi Hiến ước tạm thời dự trù chức vụ Thủ tướng. Do quen thân với Big Minh và được OK bởi Lodge, ông Nguyễn Ngọc Thơ, Phó Tổng thống thời ông Diệm, đã được Lodge hứa trước để đừng liên can đến đảo chánh 1963. Dương Văn Minh cử ông Thơ đảm nhiệm Thủ tướng. Sự kiện này khiến ông Bùi Diễm phảm đối cho đây là một ‘chánh phủ Diệm không có Diệm’. Do đó, nhiều chính trị gia khác ồn ào phản đối. Họ cho đây là ‘Chính phủ Diệm không có Diệm’. Cuộc tranh quyền giữa những kẻ kém tài và đức, dưới sự dẫn dắt của bọn Mỹ.

Nếu ông Diệm còn thì làm sao có chuyện tướng Đính tuyên bố ‘cho phép tự do nhảy đầm’. Lập tức, cùng với các tướng đồng chí khác, như Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim và Mai Hữu Xuân, cùng các nữ sinh viên và học sinh nhảy nhót.

Sáng tinh sương ngày 30.01.1964, trong khi các tướng ‘nhảy đầm’ đang an giấc, tướng Trần Thiện Khiêm (đạo diễn chính cuộc đảo chính 01.11.1963 và thảm sát Tổng thống Diệm đã bị đám Ðính, Ðôn, Kim và Xuân vượt quyền), thừa lịnh ‘toàn quyền Mỹ’, đem lính đến bắt bốn tướng nầy, trong biến cố mệnh danh ‘Chỉnh Lý’ tuyệt đẹp, không đổ máu, nhanh chống chỉ vài giờ. Các tướng này bị buộc tội ‘thân Pháp, mưu toan trung lập hóa VNCH và bị nhốt ở Đà Lạt. Tướng Minh an phận ‘bù nhìn’.

Ngoài ra, cuộc chỉnh lý cũng bắt thiếu tá Nguyễn Văn Nhung, bị cho là đã giết hai anh em ông Diệm. Bị giam tại trại Hoàng Hoa Thám (Nhảy dù). Sau khi viết tờ khai tướng Thu đã hạ sát cả hai ông (trong Quân đội, lúc đó, không có ai là tướng Thu). Sau đó, dùng dây giày, Nhung đã tự sát. Bí mật vẫn chưa ‘bật mí’.

Tuy nhiên, mục đích chính trong cuộc binh biến này là Khiêm muốn đem bạn thân là tướng Nguyễn Khánh về chia quyền mà hậu quả là đưa VNCH vào gông cùm cộng sản.

Xin mời đọc ‘Cuộc chiến thắng bị bỏ lỡ’ (Stephen B. Young, Nguyễn Vạn Hùng chuyển ngữ) trang 36 và 37 về một biến cố cười ta nước mắt trong cùng ngày 30.01.1964:

- Khi tướng Nguyễn Khánh được mời về Bộ Tham mưu của phe đảo chánh bằng chiếc thiết vận xa* đã khiến ông ta hãi sợ. Vừa đến nơi những người phe đảo chánh đang họp, ông ta cúi người quì trên sàn nhà và xin mọi người tha tội. Người sĩ quan trẻ đã tiến cử ông lúc trước vội kéo ông đứng dậy : « Ðừng làm thế ! Chúng tôi muốn đưa ông lên làm nguyên thủ quốc gia mà».

Dựa trên liên hệ qua đảng phái** mà tướng Nguyễn Khánh khi trở thành Chủ tịch nước chỉ loay hoay trong đảng của mình, bỏ mặc miền Nam Việt Nam chìm đắm trong những hỗn loạn chánh trị. Quân đội miền Nam trước đó vốn đã hùng mạnh, trở nên suy sụp, mất tinh thần chiến đấu. Ðể chận đứng đà leo thang chiến tranh của Việt cộng, Hoa Kỳ không còn con đường nào khác hơn là phải đưa quân chiến đấu của mình vào miền Nam Việt Nam***.

[Ghi chú :

* ông hoảng sợ khi nhớ lại hai ông Diệm và Nhu đã bị giết chết trong loại xe này;

** đảng Ðại Việt;

*** rõ ràng nhà nước Mỹ đã đưa Nguyễn Khánh cầm quyền. Một tướng hề, giết người để làm ‘suy sụp, mất tinh thần chiến đấu’, tạo lý do đưa quân Mỹ vào]

Sau cuộc chỉnh lý thành công, tướng Khánh nắm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, nhưng hắn lưu tướng Dương Văn Minh làm Quốc trưởng vì Minh đang còn là thần tượng của Phật giáo.

2./ Chánh phủ Nguyễn Khánh

Tướng Nguyễn Khánh có vai trò quan trọng trong việc phản công gây thất bại cho vụ Đảo chính ngày 11.11.1960. Ngày 17.12.1962, bàn giao chức Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu cho Tướng Trần Thiện Khiêm để nhận chức Tư lệnh Quân đoàn II và Vùng II Chiến thuật thay Tướng Tôn Thất Đính. Khi Đảo chính ngày 01.11.1963, Khánh án binh bất động. Ngày 02.11.1963, đảo chính thành công, ông tuyên bố ủng hộ Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Do đó, ông được thăng Trung tướng. Ngày 11.12.1963, ông hoán chuyển nhiệm vụ với Tướng Đỗ Cao Trí giữ chức Tư lịnh Quân đoàn I, tướng Trí thành Tư lịnh Quân đoàn II.

Ngày 30.01.1964, được Mỹ ủng hộ và cho phép tướng Khiêm, bạn rất thân của Khánh, và "nhóm các tướng trẻ" làm cuộc "Chỉnh lý" để trao quyền cho Nguyễn Khánh. Ngay sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng thay Dương Văn Minh. Ngày 07.02.1964, ông được Hội đồng này cử ông làm Thủ tướng thay ông Nguyễn Ngọc Thơ.

Việc đầu tiên của hắn là xóa tan cái ‘quá khứ đảng viên Cần Lao’ hầu lấy lòng Lodge và Phật giáo bằng thành lập Tòa án Ðặc biệt để xử tử hình và qui một số hành động của các nhân vật cộng tác với chế độ Ðệ Nhất VNCH vào các tội cố sát, lũng đoạn kinh tế quốc gia v.v… và Sắc luật này còn qui định có hiệu lực hồi tố, trái với nguyên tắc là hình luật chỉ áp dụng cho những hành vi trọng tội xẩy ra sau ngày ban hành luật đó mà thôi. Hai bản án ngày 28.02.1964 và 24.04.1964, hai ông Ðông và Cẩn đã bị tuyên xử tử một cách vô luật pháp.

Ngoài ra, Điều 11, khoản 2, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền ghi: “Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật quốc tế hiện hành, mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.”

i. Phan Quang Đông, bằng phiên tòa diễn ra trong 3 ngày tại Huế, bị kết tội làm mật vụ thời chính quyền Ngô Đình Diệm, đàn áp, bắt giam và hành hạ dã man, tàn bạo những người đối lập. Ngày 28.03.1964, ông bị kết án tử hình và bị tịch thu tài sản. Ngày 09.05.1964, ông bị xử bắn tại sân vận động Tự Do tức sân Bảo Long ở Huế. Phiên hành hình ông diễn ra rất ghê rợn. Vợ ông khi ấy đang mang thai và sắp sinh, đã ngất lịm ngay tại pháp trường khi chứng kiến cảnh chồng bị trói vào cọc.

ii. Ngô Ðình Cẩn, ngày 03.11.1963, vào trú tại Dòng Chúa Cứu Thế (Huế) và đang cân nhắc việc xin Mỹ cho phép đi tị nạn chính trị. Cùng ngày, tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân đoàn I, từ Đà Nẵng bay ra Huế liên lạc với Đại úy Nguyễn Văn Minh để nhờ nhắn với Ông Cẩn: ‘Thế nào chúng cũng lục soát tư thất tại Phủ Cam. Còn tài sản thì giao cho Trí giữ sau này tình hình yên ổn sẽ trả lại. Đừng lo lắng gì cả. Hắn Thiếu tướng sẽ đảm bảo sinh mạng cho’.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ thị: "Ngô Đình Cẩn cần được cấp quyền tị naïn nếu ông ta gặp nguy hiểm về thể chất từ bất kỳ phía nào. Nếu ông được cấp quyền tị nạn, hãy giải thích cho chính quyền Huế hiểu rằng bạo lực sẽ làm tổn hại đến uy tín của chế độ mới trên trường quốc tế. Cũng xin nhắc lại với họ rằng Hoa Kỳ từng có hành động tương tự để bảo vệ Thích Trí Quang khỏi chính quyền ông Diệm và trường hợp ông Cẩn lần này cũng tương tự như vậy". Bạch Ốc gửi điện tín đến Đại sứ quán Hoa K ỳ ở Sài Gòn ngày 04.11.1963 đồng ý di tản mẹ con ông Cẩn. Ngày 05.11.1963, ông Cẩn đến lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Huế với một vali Mỹ kim. Cùng sáng đó, tướng Trí, được lệnh Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đưa hai mẹ con Ông Cẩn vô Sài Gòn. Tướng Trí chỉ hứa với ông Cẩn rằng hai người sẽ an toàn lên một máy bay Mỹ vào Sài Gòn, tại đó quan chức sứ quán sẽ tiếp đón. Ông Cẩn lúc bấy giờ đã có ý định xin được tị nạn ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, ai ngờ sự tàn bạo của người Mỹ đáng khinh, tên Lodge đã sai CIA Conein đến đón hai mẹ con ông Cẩn tại sân bay Tân Sơn Nhất và trao ông Cẩn cho các tướng VNCH chở thẳng vào khám Chí Hòa. Lodge nói rằng tướng Đôn đã hứa sẽ xử Ông Cẩn "về mặt pháp lý và tư pháp". Ông báo với Washington rằng Mỹ không cần phải cấp phép tị nạn cho ông Cẩn nữa. Lodge lý luận rằng vì nếu Cẩn không bị giết, việc bảo vệ ông sẽ tạo ấn tượng rằng Mỹ ủng hộ các hoạt động đi ngược với luật pháp của ông. Hắn kể lại rằng tướng Dương Văn Minh đảm bảo rằng ông Cẩn sẽ nhận được sự khoan hồng ngay cả khi bị kết án tử hình. Tuy nhiên, lời nói này mâu thuẫn với Conein khẳng định Quân lực VNCH (?) muốn ông Cẩn phải chết.

Lodge buộc Lãnh sự tại Huế phải báo cáo rằng đã có hằng ngàn người bao vây tư gia ông Cẩn tại làng Phủ Cam và phao vu ông Cẩn có chứa vũ khí và tài liệu Việt cộng trong nhà ông ta. Thật ra chẳng có gì cả mà là chuyện bịa đặt của Lodge mà thôi.

Nhận được tin trên, Ngoại trưởng Dean Rusk gởi một công điện với nội dung: "Nếu ông Cẩn yêu cầu được trú ẩn, trong tình trạng sinh mạng bị nguy hiểm, tiếp xúc với tướng Trí, yêu cầu bảo vệ thích nghi và đưa ông ta đi”.

Ngày 20.04.1964, ông Cẩn phải ra Toà án Cách mạng. Ngồi ghế chánh án là Đại tá Đặng Văn Quang. Luật sư bào chữa là ông Võ Văn Quan. Nhân chứng tố cáo là bà vợ ông Nguyễn Đắc Phương, bị người của ông Cẩn xô té từ trên lầu cao trước đây.

Toà tuyên án tử hình ông Cẩn với đủ thứ tội. Ông Cẩn nói: "Tôi quân sự không biết, hành chánh không biết, học tầm thường thì làm sao ra lệnh cho ai được?".

Bốn ngày sau khi tuyên án, ông Cẩn đệ đơn xin ân xá. Hai ngày sau đó, Quốc trưởng Dương Văn Minh bác đơn ân xá. Tướng Khánh, đại sứ Lodge có xin ân xá giùm nhưng không được chấp thuận. Nghiêm chỉnh hơn, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài Gòn đã gởi thư yêu cầu Dương Văn Minh ân xá cho ông Cẩn vì ông không còn sống bao lâu.

Ra Pháp Trường: Sáng ngày ông Cẩn ra pháp trường, con gái bà Ấm (cháu gọi ông Cẩn là cậu) được phép vào tận trong phòng giam thăm với sự hiện diện của nhân viên coi tù. Chị giơ năm ngón tay ra hiệu cho ông Cẩn (có nghĩa là 5 giờ chiều sẽ bị xử tử). Ông Cẩn khẽ gật đầu. Còn cô cháu gái thì khóc lóc lu bù, và không tiếc lời nguyền rủa những ai phản phúc với ông Cẩn. Ông Cẩn thì vẫn điềm đạm nói với cô cháu gái: "Không có gì đáng buồn mà phải khóc lóc. Làm chính trị là phải như thế. Cậu không có gì oán thán hết. Làm chính trị thì phải biết sẽ có ngày như thế này".

Lưu Ý : Trước đảo chánh 01.11.1963, các tướng tá xưng hô ‘cậu và con’ với ông Cẩn khi nhờ can thiệp này nọ, nay cần phải giết để khỏi bị ‘quê’ và ‘bật mí’. Đôn đã từng xin ông Cẩn cho vô Đạo. Ông Cẩn nhờ Cha Đỗ Bá Ái, Tuyên úy Quân đội, dạy Giáo lý. Nhưng bất thành.

iii. Tại phiên tòa quân sự xử Thiếu tá Đặng Sĩ ngày 02.06.1964, các chuyên viên quân cụ đã phân tích các loại chất nổ M26 và MK3.

Giả thuyết lựu đạn M26 đã bị loại và MK3, được các thẩm phán đặc biệt lưu ý, nhưng rồi cũng bị loại vì, tuy có thể làm chết người do áp lực của hơi nổ, nhưng tác dụng không thể nào gây con số thương vong cao như vậy nhất là ở nơi có khoảng trống.

Không thể để ‘bọn lợi dụng cách mạng đàn áp Công Giáo’ đối với Thiếu tá Sĩ, ngày 07.06.1964, Khối Công dân Công Giáo đã tổ chức cuộc biểu tình lớn với cả 100.000 người tại Công trường Lam Sơn. Chiều hôm đó, tướng Khánh sai Tướng Nguyễn Cao đến gặp Đức cha Nguyễn Văn Bình, Cha Trần Tử Nhản, Dòng Chúa Cứu Thế, và gia đình ông Đặng Sĩ cho biết: ‘Thiếu tá Đặng Sĩ sẽ không bị tuyên án tử hình và đừng quan tâm đến bản án tòa sẽ tuyên ngày mai. Tòa chỉ tuyên án để thỏa mãn những đòi hỏi của Phật giáo mà thôi. Trong một thời gian ngắn, khi tình hình lắng dịu, ông Sĩ sẽ được trả tự do’.

Ngoài ra, ngày 24.11.1963, Thiếu tá Đặng Sĩ bị bắt, giải vào Sài Gòn giam tại Nha An ninh Quân đội. Buổi chiều, ông được đưa đến gặp Thiếu tướng Đỗ Mậu để vị tướng này nói ‘Anh khai cho ông Ngô Đình Thục đã ra lệnh cho anh đàn áp Phật giáo ở Huế thì anh sẽ được trả tự do’. Ông Sĩ từ chối vì không đúng sự thật. Hôm sau, một Trung úy đã cho ông Sĩ biết ‘nếu đồng ý khai theo ý của Thiếu tướng thì sẽ được cho vào làm việc tại Sài Gòn, vẫn mang cấp bậc cũ và còn được cho một chiếc xe Peugeot 203 mới nữa’.

Ông Sĩ đề nghị ‘Nếu Thiếu tướng đã chỉ thị rõ ràng như vậy thì xin viết tay ra lệnh cho tôi thì tôi mới thi hành’. Đỗ Mậu viết trên một mảnh giấy nhỏ ‘Lưu ý Đặng Sĩ đừng khai dài dòng, chỉ nói mục đích chính cuộc đàn áp. Hỏi Ngô Đình Thục đã ra lệnh cho y khi nào?’. Sau đó, một Đại úy khác lại ‘Theo ý của Thiếu tướng, Thiếu tá chỉ khai một lời duy nhất: Chính ông Ngô đình Thục đã ra lệnh cho Thiếu tá ngày nào, giờ nào, trực tiếp hay qua trung gian... Chỉ cần viết một trang, rồi ký tên là đủ, không cần dài dòng’. Viết xong, trở về phòng giam, ông Sĩ liên lạc nhờ một người quen ở Nha An ninh Quân đội để nhờ photocopy chỉ thị viết tay của Đỗ Mậu và đem đến trao cho bà vợ ông Sĩ để trao cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình gởi cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ hầu báo cho thẩm quyền Mỹ.

Nội vụ bị bại lộ, Tín hữu Công Giáo biểu tình, Hội đồng Quân nhân Cách mạng bắt Tướng Mậu rời khỏi Nha An ninh Quân đội.

3./ Để dung hòa mâu thuẫn giữa các tướng lãnh đạo, giải pháp "Tam đầu chế" ra đời. Ngày 27.08.1964, Trần Thiện Khiêm được Hội đồng Quân lực gồm 53 thành viên tướng tá họp tại Bộ Tổng Tham mưu, bầu vào Ủy ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực cùng với hai tướng Dương Văn Minh và Nguyễn Khánh.

4./ Binh biến ngày 13.09.1964 nhằm lật đổ quyền lực tướng Nguyễn Khánh. Tuy nhiên, dưới áp lực của các tướng trẻ, cuộc binh biến kết thúc êm thắm mà không đạt được bất kỳ mục đích nào.

Ngày 13.09.1964, đảng Đại Việt đảo chính, do Đại tá Huỳnh Văn Tồn, Tư lịnh Sư đoàn 7 Bộ Binh, và Trung tướng Dương Văn Đức, Tư lịnh Quân đoàn IV. Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tham mưu Trưởng liên quân, tại Bộ Tổng Tham mưu không có quân trong tay nên phải cầu cứu với Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh về Sài Gòn để phản công. Thi phải nhờ Tư lệnh Nhảy Dù và Thủy quân Lục chiến cùng Không quân để phản công, dẹp Đảo chính khá dễ dàng.

Tuy nhiên, mâu thuẫn quyền lực đã nẩy sinh giữa đôi bạn thân Khiêm và Khánh. Sau cuộc binh biến ngày 13.09 này, Khánh nghi ngờ có sự hậu thuẫn của Khiêm, nên vào đầu tháng 10, Khiêm bị Khánh buộc phải bàn giao hai chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Quân lực lại cho Khánh kiêm nhiệm. Ngày 07.10.1964, Khiêm ‘bị’ cử làm Trưởng phái đoàn công du Vương quốc Anh và Liên bang Tây Đức. Ngày 24.10.1964, hết hạn công du, thay vì về nước, Khiêm nhận được quyết định từ Khánh đi làm Đại sứ ở Hoa Kỳ

Giữa năm 1965, nhóm các tướng trẻ do tướng Nguyễn Cao Kỳ và một bạn của Khiêm là tướng Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu, đã buộc Khánh phải rời khỏi mọi chức vụ để đi làm "Đại sứ Lưu động", không ngày trở về. Tháng 10/1965, mãn nhiệm Đại sứ tại Mỹ, Khiêm được lịnh từ Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, tiếp đi làm Đại sứ ở Trung Hoa Quốc gia như một hình thức lưu vong ở nước ngoài trong cái thời ‘Thắng làm Vua, thua là Đại sứ’.

5./ Thượng Hội đồng Quốc gia (THÐQG) là cơ quan chấp chính dân sự do Ủy ban Lãnh đạo Lâm thời (tam đầu chế gồm Minh, Khánh và Khiêm) thành lập ngày 08.09.1964 (gồm: Nguyễn Xuân Chữ, Tôn Thất Hanh, Nguyễn Văn Huyền, Phan Khắc Sửu, Lương Trọng Tường, Mai Thọ Truyền và Trần Văn Văn,…) để chuyển dần sang Chính phủ dân sự trong thời kỳ Quân quản. Nhưng, cơ cấu này bị Hội đồng Quân lực giải tán vào ngày 20.11.1964 sau một binh biến, chỉ sau hơn 2 tháng hoạt động.

Ngày 27.09.1964, Hội đồng bầu Phan Khắc Sửu làm Chủ tịch. Ngày 24.10.1964, THÐQG đề cử ông Sửu làm Quốc trưởng và bầu ông Nguyễn Xuân Chưõ làm Quyền Chủ tịch THÐQG, Tổng thư ký là Trần Văn Văn. Ngày 26.10.1964, Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (UBLÐQG do Dương Văn tướng Minh làm Chủ tịch) chuyển giao quyền hành Quốc trưởng cho Phan Khắc Sửu.

Lúc đầu, ông Hồ Văn Nhựt được chọn để làm Thủ tướng vì được sự ủng hộ của các thành phần tôn giáo và chính trị. Nhưng, do ông muốn tìm giải pháp hòa hợp dân tộc, và sau những cuộc thảo luận không thỏa đáng với UBLÐQG và nhà nước Mỹ, ông Nhựt đã từ chối chức vụ này. Thay vào đó, Trần Văn Hương được cử làm Thủ tướng, ngày 30.10.1964, bởi Quốc trưởng Phan Khắc Sửu.

6./ Chánh phủ Trần Văn Hương.

Ngày 04.11.1964, Nội các Trần Văn Hương hình thành hoàn toàn dân sự.

Chính phủ ông Hương dù được hậu thuẫn của nhiều thành phần nhưng bị ông Chữ, các lãnh đạo Phật giáo và lực lượng sinh viên chống đối kịch liệt vì cho rằng thành phần chính phủ không phản ánh nguyện vọng các đảng phái. Ông Hương lại không chịu nhượng bộ cải tổ nên tình hình trở nên tê liệt.

=>> Chúng tôi nhớ rõ : lúc đó, cứ mội chiều, khoảng 18 giờ, Phật tử kéo về Việt Nam Quốc Tự để nghe quý Thầy thuyết pháp chê bay chánh phủ ông Hương, rồi sau đó kéo ra đường biểu tình, khiến Thủ tướng Hương phải tuyên bố qua Ðài Phát thanh gọi đó là các ‘Trò Khỉ’.

Ngày 05.11.1964, ông Chữ từ chức Quyền Chủ tịch. Ngày 18.11.1964, ông Lê Văn Thu được bầu làm Chủ tịch THÐQG. Hội đồng Quân lực ra lệnh giải thể THÐQG ngày 20.11.1964 để lập Hội đồng Quốc gia Lập pháp.

7./ Binh biến ngày 19.12.1964 do Hội đồng Quân lực thực hiện, đã thực sự giải tán cơ cấu THÐQG, bắt giữ các thành viên và chuyển quyền lãnh đạo chính quyền VNCH vào tay các tướng Quân đội.

Tướng Khánh, Tổng Tư lệnh Quân lực cho thành lập Hội đồng Quân lực sau khi các cuộc xung đột giữa các đoàn thể Phật giáo và chính phủ dân sự Trần Văn Hương làm gần như bế tắc chính sự. Phe quân nhân bèn nhân cơ hội đó đứng lên tham chánh.

THÐQG là một cơ quan cố vấn lập pháp không do cử tri bầu mà y đã tạo ra theo yêu cầu Hoa Kỳ và VNCH để đưa ra một quy tắc dân sự. Sự tan rã làm kinh hoàng Mỹ, đặc biệt là đại sứ Maxwell D. Taylor. Ông đã tranh cãi giận dữ với các tướng, kể cả Khánh và đe doạ cắt giảm viện trợ. Họ không thể làm bất cứ điều gì, bởi vì cần thắng chiến tranh.

Lý do việc loại bỏ THÐQG là một cuộc đấu tranh quyền lực trong chính quyền quân sự. Khánh, kẻ đã được cứu thoát khỏi cuộc đảo chính tháng 09/1964 do sự can thiệp của các tướng trẻ, và cần thỏa mãn mong muốn nắm quyền lực của họ. Họ không thích các tướng già, bất lực, cần nghỉ hưu. Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, một người cao tuổi được quân đội bổ nhiệm để cai trị dân sự, đã không muốn ký nghị định mà không có sự đồng ý của THÐQG. Thượng hội đồng khuyến cáo chống lại chính sách mới, và các sĩ quan trẻ tuổi, do Nguyễn Chánh Thi và Nguyễn Cao Kỳ, đã giải tán cơ chế và bắt giữ một số thành viên cùng với các chính trị gia khác.

Kết quả sự kiện là đại sứ Taylor triệu tập Khánh đến văn phòng ông. Khánh gửi Thiệu, Kỳ, Cang đến, Taylor bắt đầu hỏi "Tất cả các ông có hiểu tiếng Anh không?" một cách khinh miệt và đe dọa cắt giảm viện trợ. Hôm sau, Khánh gặp Taylor và đã đưa ra những cáo buộc Hoa Kỳ muốn có một đồng minh rối; ông chỉ trích Taylor về cách thức của ông ngày hôm trước. Khi Taylor nói với Khánh rằng anh đã mất niềm tin vào sự lãnh đạo của mình, Taylor đã bị đe doạ trục xuất, và đáp lại với những mối đe doạ về tổng số cắt giảm trợ cấp. Tuy nhiên, sau đó Khánh cho biết ông sẽ rời Việt Nam cùng với một số tướng khác, và trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại, Khánh đã nhờ Taylor giúp đỡ việc đi du lịch. Sau đó, ông yêu cầu Taylor lặp lại tên những người lưu vong để xác nhận, và Taylor tuân theo, không biết Khánh đang ghi hình cuộc đối thoại. Sau đó, Khánh trình băng cho các tướng khác, khiến họ nghĩ rằng Taylor muốn họ trục xuất khỏi đất nước của họ để nâng cao uy tín của mình.

Vài ngày sau, Khánh bắt đầu một cuộc tấn công bằng phương tiện truyền thông, nhiều lần chỉ trích chính sách Hoa Kỳ và lên án những gì mà ông coi như là một ảnh hưởng và xâm phạm bất hợp pháp đối với chủ quyền Việt Nam, lên án Taylor và tuyên bố độc lập của quốc gia này trước "thao túng nước ngoài". Khánh và các tướng trẻ bắt đầu chuẩn bị trục xuất Taylor trước khi đổi ý; tuy nhiên, các chiến thuật gây hiểu nhầm của Khánh đã tập hợp các tướng này quanh sự lãnh đạo yếu ớt của ông ta ít nhất là trong tương lai gần. Người Mỹ bị buộc phải từ bỏ sự khăng khăng rằng THÐQG sẽ được phục hồi và không thực hiện được những lời đe doạ của Taylor về việc cắt giảm viện trợ, bất chấp sự chống đối của Sài Gòn.

8./ Phan Huy Quát ngày 16.02.1965 đến 05.06.1965, đảng viên Đại Việt Quốc dân đảng.

Ngày 19.02.1965, Tướng Lâm Văn Phát và các Tá Phạm Ngọc Thảo, Bùi Dzinh và Lê Hoàng Thao đem quân và xe tăng chiếm trại Lê Văn Duyệt, đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất, lùng bắt tướng Nguyễn Khánh. Một lần nữa, Khánh phải đào thoát bằng máy bay ra Vũng Tàu.

Hội đồng các tướng lĩnh đã cử tướng Nguyễn Chánh Thi làm Tư lệnh Quân đoàn Giải phóng Thủ đô, đưa quân về Sài Gòn để phản đảo chính. Được sự ủng hộ của các tướng trẻ, ngày 20.02.1965, tướng Thi buộc quân đảo chính rút lui, sau khi đạt thỏa thuận yêu cầu Quốc trưởng Phan Khắc Sửu ra lệnh giải nhiệm tướng Khánh, và ép tướng Khánh phải xuất ngoại "trị bệnh".

Về mặt quân sự, VNCH, Mỹ cùng các đồng minh tiếp tục chiến đấu chống lại các hoạt động quân sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quy mô và mức độ ác liệt của chiến tranh ngày càng tăng. Trong phúc trình gửi Tổng thống Johnson ngày 16.03.1964, McNamara đưa ra một bức tranh bi thảm, hậu quả của cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm: "Trong số đất đai của 22 tỉnh (trong 44 tỉnh), Việt Cộng kiểm soát tới 50% hoặc nhiều hơn.". Sau đảo chính 1963, trong một thời gian ngắn, đường mòn Hồ Chí Minh trở thành một "xa lộ thênh thang", lượng hàng vận chuyển vào miền Nam tăng vọt. Trước đây, đoàn vận tải ô tô chỉ vào Khe Hó đổ hàng rồi từ đây dùng voi hay sức người chuyển vào Palin Thừa Thiên. Đầu năm 1964, các đoàn ô tô đã có thể đi tới đieåm traïm ngã ba biên giới Kontum, số lượng vận tải tăng 40 lần so với năm trước, tỉ trọng vận tải cơ giới là 51%. Trước những thất bại này, Tổng thống Mỹ quyết định gởi quân viễn chinh trực tiếp tham chiến tại VNCH.

Khánh chủ trương đưa quân Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam và đã tuyên bố "Quân đội là cha quốc gia!", uy tín hắn càng lúc càng xuống thấp và mất lòng dân. Nhóm các tướng trẻ, do đó, đã truất phế ông. Ngày 21.02. 1965, ông bị mất tất cả các chức vụ và ngày 22.02.1965 ông trở thành Đại sứ lưu động. Trước khi đi, ngày 25.02.1965, tay nắm theo một miếng đất, ông tuyên bố: "Tôi có mang theo nắm đất quê hương, một ngày nào đó nhất định sẽ trở về". Tuy nhiên, cho đến khi qua đời ông không thể thực hiện được. Nhưng ông đã có dịp cho biết chính Đại sứ Maxwell D. Taylor đã trực tiếp ra lệnh cho ông phải rời khỏi Việt Nam.

Sau khi rời Việt Nam, Khánh, từ năm 1966, hưởng trợ cấp Pháp dành cho những người từng phục vụ quân đội Pháp ở Đông Dương.

9.- Ngày 08.03.1965, Mỹ chính thức đổ quân viễn chinh lên Đà Nẵng. Phía Mỹ đã không thông báo cho VNCH thời gian và địa điểm đổ quân, dù bản tin Bộ Quốc phòng Mỹ 2 hôm trước loan báo Mỹ đổ quân vào VNCH theo yêu cầu của chính phủ VNCH. Sáng 08.03.1965, một sĩ quan Mỹ đến gặp Thủ tướng Phan Huy Quát, yêu cầu (ra lịnh) soạn thảo một thông cáo chung song ngữ Anh-Việt để thông báo rộng rãi, lúc đó ông Quát mới biết quân Mỹ đã đổ bộ vào Việt Nam. Ðiều này cho thấy Mỹ tỏ ra rất coi thường và không tin chế độ Đệ II Cộng hòa. Thủ tướng Quát phải hợp thức hóa việc này bằng cách gọi Tổng trưởng Phủ Thủ tướng Bùi Diễm cùng viên chức Mỹ Melvin Manfull soạn ngay thông cáo chào mừng quân Mỹ, với chỉ đạo: "Viết càng ngắn càng tốt. Chỉ mô tả sự kiện rồi khẳng định rằng chúng ta đã đồng ý mà thôi". Trong những tháng sau đó, Mỹ đổ bộ hàng chục vạn quân, lính Mỹ hiện diện ở khắp miền Nam.

Ngày 25.05.1965, ông quyết định cải tổ Nội các, thay thế một số Tổng trưởng nhưng Giáo dân Công Giáo phản đối. Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cũng không đồng tình nên không phê chuẩn. Tình hình bế tắc kéo dài sang tháng 6 vì bất đồng giữa Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát không giải quyết được; chính phủ hoàn toàn tê liệt.

Ngày 11.06.1965, ông triệu tập chính phủ để giải quyết nhưng không đạt được thỏa hiệp nên ông ra lệnh giải tán chính phủ và từ chức Thủ tướng. Quốc trưởng Phan Khắc Sửu đã trao lại quyền hành cho Hội đồng tướng lĩnh. Ngay hôm đó, Hội đồng tướng lĩnh đã họp dưới sự chủ tọa của tướng Nguyễn Văn Thiệu để chọn ra người lãnh đạo.

Sự coi thường của Mỹ đối với đám tướng tá đã có từ khi chúng nhận tiền của Mỹ để giết Tổng thống Ngô Ðình Diệm và các chánh trị gia phục tùng chúng. Tiền nhân dạy ‘tu thân, tích đức, tề gia mới trị quốc. Trong đám ‘trị quốc’ sau ngày 02.11.1963 có ai ‘đạo đức’ bằng ông Diệm không. Không phải cứ là bác sĩ, kỹ sư… đều có thể trị quốc được đâu. Công dân Ngô Ðình Diệm đã tốt ngiệp trường Hậu Bổ, từng là Quận và Tỉnh trưởng, rồi bốn lần Vua Bảo Ðại mời làm Thủ tướng, hai lần được cử tri trao quyền Tổng thống qua Trưng cầu dân ý và tuyển cử.

Các vị này quên lời Tiền Nhân dạy ‘Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’. Có thể họ sống thân vinh đến cuối đời ở Hoa kỳ. Nhưng đồng bào vô tội phải sống đời khốn khổ, bị trả thù vì tội ‘dân và lính VNCH’

10./ Giới tuớng lãnh và chánh trị gia thất bại trong việc điều hành quốc sự.

Tổ tiên dạy rằng ‘chỉ trích thì dễ, phá hoại càng dễ hơn, nhưng xây dựng mới khó.

Các tướng lãnh tiếp thu chính quyền và đặt hai cơ quan: Ủy ban Hành pháp Trung ương và Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia. Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu (lên lon nhanh nhất trong thời Quân quản, do tham dự nhiều binh biến) làm chủ tịch Ủy ban lãnh đạo Quốc gia với cương vị quốc trưởng trong khi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương với cương vị Thủ tướng (sau khi tướng Thi chịu nhường) cho tới khi thành lập nền Nhị Cộng hòa vào năm 1967. Ngày trình diện đồng bào của Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia được chọn làm "Ngày Quân lực" 19 Tháng Sáu, kỷ niệm hằng năm bằng cuộc diễn binh ở Sài Gòn.

Sự Thật là, sau khi Đấng Sáng Lập nền Cộng Hòa Việt Nam bị Kennedy để Harriman cho phép Lodge thảm sát, thì các chính trị gia nối tiếp từ 1963 đến 1966 có tới 15 lần thay đổi chính phủ (có quốc gia nào trên Thế giới ‘tệ’ như vậy không, dưới sự đạo diễn của Lodge và Taylor?).

11./ Biến động Miền Trung

Nguyên nhân sâu xa Biến động Miền Trung là sự bất mãn của đồng bào với việc các tướng lãnh tự do tranh giành quyền hành, liên tiếp gây nhiều binh biến, khiến tình hình VNCH không ngớt bị xáo trộn; quần chúng đòi hỏi dân chủ hóa đất nước, lập Quốc hội Lập hiến, trở lại Chính phủ Dân sự. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Biến động Miền Trung là vụ cách chức Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng I Chiến thuật, người công khai chỉ trích Nguyễn Văn Thiệu (Quốc trưởng) và Nguyễn Cao Kỳ (Thủ tướng), những việc mà ông cho là bất công, tham nhũng.

Sau khi buộc tướng Khánh phải lưu vong, sự tranh chấp quyền lực giữa các tướng trẻ không thuyên giảm mà lại càng tăng thêm. Hội đồng tướng lĩnh phân thành 4 nhóm Thiệu, nhóm Kỳ, nhóm Thi và nhóm Có (Nguyễn Hữu Có). Do vai trò quan trọng trong các cuộc đảo chính và phản đảo chính, tướng Thi bị xem như là mối nguy cơ làm nổ ra đảo chính quân sự. Ba tướng còn lại hợp sức để chống đối, cử tướng Kỳ làm thủ lĩnh.

Lực lượng Phật giáo, vốn tự xem là lực lượng chính đẩy cao mâu thuẫn giữa quần chúng với chính phủ Diệm, gián tiếp dẫn đến đảo chính 1963, một lần nữa nắm vai trò lãnh đạo quần chúng chống lại chính phủ do các tướng lĩnh lập nên, đòi hỏi thành lập Quốc hội Lập hiến để có Hiến pháp cho Miền Nam Việt Nam, thay cho Chánh phủ Quân nhân cai trị không có căn bản pháp lý là mầm mống biến loạn như năm 1963.

Tại miền Trung, tướng Thi đã có những cáo buộc nảy lửa công khai về tệ tham nhũng cũng như những chỉ trích sự độc tài trong chính phủ của tướng Kỳ. Phong trào Phật giáo ở đâu cũng bùng nổ mạnh hơn hết do lực lượng quân đội của Quân đoàn I do tướng Thi chỉ huy đã không thực hiện các mệnh lệnh trấn áp phong trào Phật giáo từ chính phủ trung ương đưa xuống, là một cách không chính thức chống lại quyền lực của tướng Kỳ.

Nhận định tướng Thi một đối thủ nguy hiểm, tướng Kỳ đã tìm cách liên kết với nhiều tướng lãnh để giải trừ chức vụ của tướng Thi. Phía Hoa Kỳ lúc đó ủng hộ việc tống xuất tướng Thi, vì người Mỹ xem ông là "tướng nổi loạn", không tích cực chống Cộng và còn tỏ ra muốn nói chuyện thương thảo với Bắc Việt. Nắm được quan điểm này của tổng thống Mỹ Johnson, tháng 02/ 1966, trong cuộc họp của Hội đồng tướng lĩnh, tướng Kỳ đã thuyết phục các tướng lĩnh trao quyền cho ông để trục xuất tướng Thi và trấn áp cuộc tranh đấu của Phật giáo.

Ngày 10.03.1966, Kỳ cách chức Tư lệnh Quân đoàn I của Thi và cử Tướng Nguyễn Văn Chuân thay, với lý do rằng ông đã bất lực trước phong trào đấu tranh của Phật giáo tại miền Trung. Tuy nhiên, tướng Kỳ chỉ thị cho giới truyền thông công bố tướng Thi từ chức vì lý do sức khỏe. Ngay khi ra đến Ðà Nẵng để bàn giao chức vụ, Thi bị tướng Nguyễn Hữu Có, khi đó là Phó thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, ra lệnh bắt giữ và đưa vào giam lỏng tại Sài Gòn.

Việc cách chức tướng Thi đã làm bùng nổ thêm phản ứng của phong trào Phật giáo miền Trung. Ngày 12.03.1966, Thượng tọa Thích Trí Quang vận động Phật tử biểu tình ở Huế và Ðà Nẵng, thậm chí kiểm soát các thị xã trong ít ngày. Thích Trí Quang làm "rung chuyển nước Mỹ" khi yêu cầu Mỹ loại bỏ tướng Kỳ. Các tướng Tôn Thất Đính (Thay tướng Chuân bị đưa ra Hội đồng kỷ luật), rồi Huỳnh Văn Cao được cử ra Huế để thay chức vụ của tướng Thi đều bất lực, không thể kiểm soát được binh sĩ Quân đoàn I.

Nhằm giảm nhẹ căng thẳng, ngày 16.03.1966, tướng Kỳ đồng ý đưa tướng Thi ra Ðà Nẵng để xoa dịu quần chúng. Tuy nhiên, khi vừa ra đến nơi, tướng Thi đã có những tuyên bố ngả theo phe tranh đấu. Ngày 17.03.1966, tại Sài Gòn đại sứ Mỹ Lodge đã có cuộc gặp với Thích Trí Quang. Các tướng Thiệu, Kỳ cũng tiếp xúc với thượng tọa Thích Tâm Châu. Các cuộc tiếp xúc đã đạt được thỏa thuận. Ngày 19.03.1966, Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra tuyên bố không chống đối chính phủ mà chỉ đòi hỏi bầu cử và thành lập chính phủ dân sự.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn và trở nên hỗn loạn. Ngày 03.04.1966, tướng Kỳ tuyên bố là Cộng sản đã xâm nhập vào các phong trào tranh đấu ở miền Trung và sẽ dùng vũ lực để tái lập an ninh. Lời tuyên bố này làm cho cuộc đấu tranh bùng lên mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chính phủ tướng Kỳ đã có những bước chuẩn bị trước đó. Khối Phật giáo bị chia rẽ khi Thích Tâm Châu tuyên bố ủng hộ chính phủ, hình thành hai khối Ấn Quang, do Trí Quang chỉ huy, và khối Vĩnh Nghiêm, do Tâm Châu lãnh đạo. Do sự chia rẽ này hành động tranh đấu của Phật giáo không thống nhất như lúc năm 1963.

Ngày 14.05.1966, tướng Kỳ đã cho 4.000 binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng, do tướng Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy, được các máy

bay Mỹ chuyên chở, ra Đà Nẵng, dùng vũ lực trấn áp phong trào ly khai. Quân đội nhanh chóng kiểm soát Đà Nẵng, rồi từ đó tiến ra Huế. Phong trào ly khai nhanh chóng chấm dứt. Tướng Thi một lần nữa bị đưa vào Sài Gòn. Tướng Tôn Thất Đính cũng bị bắt giữ và đưa vào nhà giam chờ xét xử.

II. HẬU QUẢ SỰ HIỆN DIỆN LÍNH MỸ TRÊN ĐẤT VIỆT

1. Cuộc đổ bộ Quân viễn chinh Mỹ vào Ðà Nẵng ngày 08.03.1965 do Johnson ra lịnh, đã dâng cho Cộng sản Việt một cơ hội vàng để chúng hô hoán với Thế giới rằng ‘Mỹ xâm lăng Việt Nam’ và phát động cái gọi là ‘giải phóng Miền Nam’. Do đó, giới trẻ Miền Bắc hồ hởi đi bộ đội. Thêm vào đó, ‘Ðường mòn mang tên Bác’ được hình thành, nhờ Harriman-Kenneny giúp hoàn thành để đưa bộ đội và chiến cụ vào Nam. Tết Mậu Thân 1968, lứa tuổi 14-15, thế hệ SBTN (sinh Bắc, tử Nam) được hình thành, đào luyện và xử dụng để xâm nhập vào tận Tòa Ðại sứ kiên cố Mỹ tại Sài Gòn khiến Jonhson phải chấp nhận ‘vừa đánh vừa đàm’ với Bắc Việt tại Paris và thua chạy khiến 58.000 lính Mỹ chết. Có lúc, số lính Mỹ lên đến 500 ngàn ở chiến trận với đầy đủ chiến cụ tối tân.

2. Khủng hoảng xã hội. Sự lên bờ của lính Mỹ lắm đô la phát triển kỷ nghệ mãi dâm. Những ‘snack-bar’ mọc lên như nấm trúng mưa với các đàn bà, thanh nữ trét đầy son phấn. Trên dường Tự Do đẹp đẽ Sài Gòn, phía gần bờ sông, những tiêm may mặc hay bán tạp hóa phải đóng cửa để mở những ‘bar Mỹ’ hầu thu đô-la. Nếu việc kinh doanh thu lắm bạc tiền này thời Pháp thuộc, có kiểm soát bịnh và thu thuế cho ngân sách quốc gia như Ðại thế giới hay Kim chung đã bị Thủ tướng Ngô Ðình Diệm can đảm đóng cửa ngày 01.01.1955 triệt để tiêu trừ tứ đổ tường.

Tội kinh doanh bán dâm bất hợp pháp trong một VNCH mất Chủ quyền tạo dịp để Cộng nô thu góp tiền Ðô, làm điên đảo giới hữu trách cường quốc số một thế giới. Họ chế ra tiền Ðô đỏ, trị giá giới hạn trong thời gian và nội bộ. Tuy nhiên, không đạt bao nhiêu kết quả.

3. Khủng hoảng kinh tế. Sự có mặt của ngoại quân Mỹ gia tăng cường độ chiến tranh vì thanh niên trong tuổi lao động phải nhập Quân Ðội.

- Sự sản xuất bị đình trệ thì lấy đâu đủ sản phẩm để xuất cảng. Do đó, không đủ ngoại tệ để nhập cảng nguyên, nhiên liệu cho việc sản xuất. Trước đây, gạo đủ nuôi đồng bào lẫn xuất cảng thì nay lại phải nhập cảng từ Mỹ.

- Nạn lạm phát phi mã thật nghiêm trọng với bách phân trung bình trên 30-40%/năm, giá cả hàng hóa đều tăng vọt. Theo thống kê, giá một số thực phẩm cuối năm 1965 và cuối năm 1967 như sau: 1 kg thịt gà tăng từ 96 đồng lên 309 đồng (gấp 3,2 lần); 1 kg tôm tươi tăng từ 62 đồng lên 216 đồng (gần 3,5 lần). Tại chợ đen, giá 1 mỹ kim lên tới 270 đồng, 360 (1969), 414 (1971), 640 (1974), 700 (1975).

- Năm 1966, loạt "giấy bạc Đệ Nhị Cộng hòa" được phát hành để ổn định nền kinh tế" bằng cách phá giá đồng tiền Việt, tăng giá hàng hóa lên 100%, tỷ giá chính thức từ 60 đồng đổi 1 mỹ kim sụt còn 117 đồng.

Ðối với cá nhân chúng tôi, chúng tôi tôn trọng quân nhân các quốc gia Ðồng Minh thi hành lịnh chánh phủ. Riêng với các lính Mỹ thi hành quân dịch vừa tốt nghiệp Ðại học phải xa cha mẹ, người yêu. Khi nhập quân ngũ, tôi học Anh văn với Mỹ, nhưng để trở thành Sĩ quan Hải Quân, tôi đã thụ huấn tại Úc Ðại Lợi và, sau đó, không lúc nào nhận sự ‘cố vấn của sĩ quan Mỹ.

(Còn tiếp 1 kỳ)

HÀ MINH THẢO
 
VietCatholic TV
Rơi lệ: Cậu bé 11 tuổi một mình chạy trốn chiến tranh. Chứng kiến tận mắt của một linh mục Ukraine
VietCatholic Media
03:21 16/03/2022


1. Cậu bé 11 tuổi này đã một mình chạy trốn khỏi cuộc chiến Ukraine

Nhiều người đã giúp em trên đường đi, và các tình nguyện viên ở biên giới đã cho em thức ăn và quần áo ấm.

Em đeo một ba lô và một túi ni lông, trên cánh tay em có những số điện thoại được viết bằng một cây bút. Cha mẹ em phải ở lại Ukraine. Mẹ em không thể rời bỏ mẹ ruột của bà, là người cần sự hỗ trợ, và cha em đã đi chiến đấu trên chiến trường. Gia đình phải đối mặt với một sự lựa chọn đầy khó khăn: hoặc mạo hiểm mạng sống của cậu bé ở một đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, hoặc để cậu trốn thoát một mình. Họ đã chọn điều sau.

Một mình ra đi

Cậu bé chạy khỏi Zaporizhzhia, Ukraine, đi về phía biên giới với Slovakia, và sau đó đi về phía thủ đô Bratislava, nơi em có người thân. Một mình em vượt quãng đường dài khoảng 1,300 km. Bộ Nội vụ Slovakia gọi cậu bé 11 tuổi dũng cảm là “người hùng lớn nhất của đêm qua”.

Em đã đến đích một cách an toàn và bình yên. Trên đường đi, em được nhiều người tốt bụng giúp đỡ, trong đó có những người tình nguyện đã cho em ăn ở biên giới. Như Bộ Nội vụ Slovakia đã viết trên mạng xã hội, “Em khiến mọi người quý mến mình bằng nụ cười, thái độ không sợ hãi và lòng quyết tâm xứng đáng là một anh hùng thực sự”.

Một anh hùng thực sự

Nhờ có số điện thoại ghi trên cánh tay và một mảnh giấy trong hộ chiếu, người ta có thể liên lạc được với người thân của em. Họ đã đến đón em.

Zaporizhzhia, thị trấn mà cậu bé trốn thoát, gần đây đã trở thành mục tiêu của những đợt nã pháo tàn bạo. Đó là nơi mà người Nga ném bom trước và sau đó tiếp quản một nhà máy điện hạt nhân.
Source:Aleteia

2. Đập phá khách sạn của con rể Putin

Hôm thứ Hai cảnh sát đã bắt giữ bốn người đột nhập vào một dinh thự ở London có liên quan đến gia đình một nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt. Cảnh sát Pháp cũng đã bắt những người đang chiếm giữ một biệt thự sang trọng do con rể của Putin làm chủ.

Một video clip được đăng tải trên Twitter cho thấy cảnh sát Anh mặc đồ chống bạo động bị những kẻ vô chính phủ ở London chửi bới từ trên ban công.

Trong một tuyên bố sau đó, cảnh sát cho biết, “Bốn người biểu tình trên ban công của một tòa nhà ở Quảng trường Belgrave đã xuống và bị bắt.”

Một phát ngôn viên của nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt Oleg Deripaska cho biết việc tịch thu các máy đào đất khổng lồ trị giá 65 triệu Mỹ Kim thuộc sở hữu của các thành viên trong gia đình ông ta, và việc đóng băng tài sản của ông ta ở Vương quốc Anh vào tuần trước là “thông đồng với các hạng người cướp phá tài sản tư nhân”.

Trong khi đó, cảnh sát Pháp hôm thứ Hai đã bắt giữ hai nhà hoạt động chiếm một biệt thự sang trọng ở thành phố ven biển Biarritz mà họ cho rằng có liên quan đến con rể cũ của Putin là Kirill Shamalov.

Pierre Haffner, người Pháp và Sergei Saveliev, một người tị nạn chính trị từ Belarus, đã đột nhập vào ngôi nhà 8 phòng ngủ hôm Chúa Nhật và dự định sử dụng nó để làm nơi ở cho những người tị nạn Ukraine. Vladimir Osechkin, một nhà hoạt động nhân quyền Nga tại Biarritz, cho biết.

“Họ gọi tôi để giúp mua những thứ ở IKEA, giường và ga trải giường. Nhưng dự án của họ đã kết thúc vì cảnh sát đã bắt họ,” Osechkin nói.

3. Mỹ 'sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào trợ giúp cho Nga' trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang lan rộng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết Mỹ sẽ “không cho phép bất kỳ quốc gia nào trợ giúp các thiệt hại cho Nga” trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang lan rộng.

Price đưa ra bình luận sau khi xuất hiện thông tin cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ đang xem xét cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Nga.

“Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ, mức độ mà Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hoặc bất kỳ quốc gia nào khác tham gia vào vấn đề đó, cung cấp bất kỳ hình thức hỗ trợ nào cho dù đó là hỗ trợ vật chất, hỗ trợ kinh tế, hay hỗ trợ tài chính cho Nga - bất kỳ hỗ trợ nào như vậy từ bất kỳ nơi nào trên thế giới được chúng tôi rất quan tâm,” Price nói trong cuộc họp báo hôm thứ Hai.

Ông nói: “Chúng tôi đã thông báo rất rõ ràng với Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ không đứng ngoài cuộc, sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào trợ giúp các thiệt hại cho Nga.”

Ông không tiết lộ liệu Mỹ có đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia như vậy hay không.

Sau đó trong cuộc họp báo, Price tiết lộ Bộ Ngoại Giao đã có “cuộc trò chuyện với các đối tác của chúng tôi” ở Nam Á, Ấn Độ Dương, Trung Đông và Phi Châu. Anh ta không tiết lộ 0bất kỳ chi tiết nào về những cuộc trò chuyện đó.

4. Người đứng đầu LHQ: Triển vọng xung đột hạt nhân trở lại 'trong phạm vi có thể xảy ra'

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết mối đe dọa của chiến tranh nguyên tử là rất thực tế sau khi Nga đặt các lực lượng hạt nhân của họ trong tình trạng báo động cao.

“Nâng cao cảnh báo về các lực lượng hạt nhân của Nga là một bước phát triển lạnh tóc gáy. Viễn cảnh xung đột hạt nhân, từng là không thể tưởng tượng được, giờ đã quay trở lại trong phạm vi có khả năng xảy ra.”

Ông Guterres kêu gọi Nga ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự ở Ukraine sau khi cuộc xâm lược của nước này bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Hàng triệu người đã bỏ trốn khỏi đất nước và hàng nghìn người khác vẫn bị mắc kẹt tại các thành phố hiện đang bị quân Nga tấn công.

Ông Guterres nói: “Đã đến lúc ngăn chặn nỗi kinh hoàng gây ra cho người dân Ukraine và tiến tới con đường ngoại giao và hòa bình”.

Putin đã ra lệnh chuẩn bị kho vũ khí hạt nhân của đất nước và đặt ở mức sẵn sàng chỉ ba ngày sau cuộc xâm lược.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã phản ứng bằng cách chỉ trích động thái của Putin như một phần trong khuôn mẫu leo thang xung đột thường thấy của Nga. Cô cũng nói rằng Mỹ có khả năng tự bảo vệ mình.

5. Video cho thấy cuộc tấn công hỏa tiễn chết người trên xe buýt Kiev

Đoạn video kinh hoàng hôm thứ Hai ghi lại cảnh một vụ tấn công bằng hỏa tiễn chết người vào một chiếc xe buýt ở thành phố Kiev khiến nó bùng phát thành một quả cầu lửa.

Đoạn video giám sát do Hội đồng thành phố Kiev công bố cho thấy một chiếc xe buýt màu xanh lá cây đứng yên tại một ngã tư Kiev vào khoảng 11 giờ sáng giờ địa phương ngày thứ Hai 14 tháng Ba. Một người ngoài xe buýt, ở phía trước xe, ngước nhìn lên bầu trời, và ngay sau đó chiếc xe buýt phát nổ sau một cú tấn công thẳng vào chiếc xe.

Trong video được quay sau đó và có vẻ như tại hiện trường vụ việc tương tự, thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko cho thấy cận cảnh chiếc xe buýt bị lật.

Hãng tin Bild của Đức đưa tin 2 người chết và 9 người bị thương vì cuộc tấn công.

6. Một tuyên úy quân đội Ukraine báo cáo từ tiền tuyến

Cha Maxim từ thành phố Kherson bị chiến nói: “Người Nga săn lùng chúng tôi - họ biết chúng tôi là ai”.

Cha Maxim, linh mục Tuyên úy quân đội Ukraine từ giáo xứ Chính thống Sinh Nhật Đức Trinh nữ Maria ở Dariyvka, chia sẻ một câu chuyện đau lòng về cuộc chiến và thực tế của việc Nga chiếm đóng Ukraine.

Cha Maxim đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về thừa tác vụ cực kỳ khó khăn hiện tại của ngài trong một cuộc phỏng vấn với MarketWatch. Vào ngày 24 tháng 2, khi rõ ràng rằng Ukraine đã bị tấn công, vị linh mục và những người bạn của ngài từ tiểu đoàn hải quân 124 đã tập trung tại một điểm tập kết, nơi họ được giao vũ khí tự động. Vị tuyên úy nhớ lại rằng đây là một buổi sáng đầy nắng và mùa xuân đang vương trong không khí. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều nhận thức được rằng một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử của Âu Châu đương đại đã bắt đầu.

Các binh sĩ Ukraine đã nhận thức được nguy cơ bị Nga xâm lược trong nhiều tháng. Ngay sau khi họ nhận được vũ khí, đơn vị của họ đã bị tấn công bởi một phi đội trực thăng Nga. Một vài người trong số bạn bè của Cha Maxim bị thương. “Ba ngày đầu tiên trôi qua như nhau. Không có thời gian để ngủ, ăn uống hay thậm chí là cầu nguyện,” ngài với MarketWatch.

“Mặc dù tôi là một linh mục, tôi có đầy đủ quyền về mặt đạo đức để cầm vũ khí bảo vệ người dân và gia đình tôi,” vị tuyên úy lập luận. Ngay trong ngày đầu tiên của trận chiến, đơn vị của ngài đã ở dưới các trậm mưa pháo của hỏa tiễn Grad. Cha Maxim cũng là nhân chứng cho việc người Nga nổ súng vào dân thường đang cố gắng chạy trốn khỏi thành phố.

Tuy nhiên, vào ngày thứ năm, đơn vị của vị tuyên úy dũng cảm cuối cùng đã bị áp đảo và buộc phải rút lui về thành phố Nikolaev gần đó. Đây là nơi mà một phòng tuyến mới được hình thành. Theo Cha Maxim, thành phố Kherson đã bị cướp phá bởi quân đội Nga, những kẻ đã đánh cắp xe hơi của người dân và lục soát các cửa hàng điện thoại di động.

Bản thân Cha Maxim và một số binh lính vẫn ở lại thành phố, nơi ngài đang lẩn trốn quân Nga. “Chúng tôi biết họ săn lùng chúng tôi và chúng tôi biết rằng họ biết chúng tôi là ai. Vào lúc này, tất cả những gì chúng tôi có thể làm là chờ đợi và giữ thái độ ẩn nhẫn”, vị linh mục kết luận.

Kherson là một thành phố cảng với hơn 300,000 cư dân. Nó nằm ở cửa sông Dnepr ra đến Biển Đen. Rõ ràng ngay từ đầu cuộc chiến, do vị trí chiến lược của nó, Kherson là một trong những mục tiêu chính của quân Nga khi tiến quân từ Crimea. Sau một tuần chiến đấu ác liệt, thành phố đã bị kẻ xâm lược chiếm giữ vào ngày 2 tháng 3. Cho đến nay, đây là đô thị lớn nhất do người Nga nắm giữ.

Mặc dù bị đàn áp và bắt giữ, theo người Ukraine, người Nga đã giam giữ hơn 400 người trong thị trấn, người dân Kherson vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình chống lại quân xâm lược. Các cuộc giao tranh với các nhóm binh sĩ Ukraine diễn ra thường xuyên ở ngoại ô thành phố. Tình hình đầy biến động và thái độ của những kẻ xâm lược đã ngăn cản việc di tản dân thường khỏi Kherson. Người Nga đang ngăn chặn thực phẩm và nguồn cung cấp y tế và đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng, thay thế các phương tiện truyền thông và mạng điện thoại di động của Ukraine bằng các mạng của Nga.
Source:Aleteia

7. Những người tị nạn Ukraine trẻ tuổi nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại ngôi trường mới

Một số trẻ em tị nạn Ukraine đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt trong ngày đầu tiên đến trường mới ở Ý sau khi chạy trốn khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Trong đoạn clip, hai anh em ruột - chỉ được xác định là Dmitri, 10 tuổi và Victoria, 8 tuổi - hồi hộp chờ đợi bên ngoài cửa trước trường Don Milani ở Napoli vào tuần trước.

Khi cánh cửa mở ra, họ được chào đón bằng tiếng cổ vũ nồng nhiệt từ giáo viên và học sinh, với nhiều người được nhìn thấy vẫy cờ Ukraine.

Những người tị nạn trẻ tuổi lúc đầu dường như không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó, những người bạn học mới của họ nồng nhiệt nắm tay và dắt họ vào tòa nhà. Video đã được xem hơn 4.2 triệu lần.

Khoảng 35,000 người tị nạn Ukraine chạy trốn sau khi Nga xâm lược Ukraine ba tuần trước đã vào Ý, hầu hết qua biên giới phía đông bắc với Slovenia. Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 2.8 triệu người đã rời Ukraine.

https://nypost.com/2022/03/14/russia-ukraine-news-live-coverage-from-the-battlefield/
 
Mariupol: Nga pháo 19 ngày đêm, đưa tướng tài từ Syria về, đã không thắng nổi lại mất luôn tướng tài
VietCatholic Media
07:28 16/03/2022

Giao tranh ngày 14 tháng Ba

Tối ngày thứ Hai 14 tháng Ba, sau hơn hai tuần pháo kích liên tục suốt 24 giờ, người Nga tưởng rằng quân Ukraine đã thiệt hại rất nặng nên quân Nga do những kẻ nằm vùng DPR dẫn đường đã mở cuộc tấn công quy mô nhằm dứt điểm thành phố này.

Trong đợt tấn công đầu tiên, Lữ đoàn đặc nhiệm số 22, được kể là một trong các đơn vị tinh nhuệ của Nga, bị thiệt mất hơn 100 quân nhân, hai xe tăng, ba xe chiến đấu bộ binh và một xe bọc thép chở quân.

Đợt tấn công thứ hai từ hướng Volnovakha cũng không thắng nổi quân Ukraine. 4 xe chiến đấu bộ binh và 2 trung đội bộ binh của quân Nga bị loại khỏi vòng chiến.

Máy bay và pháo binh Ukraine đã trả đũa tấn công vào Lữ đoàn thủy quân lục chiến 336 và Lữ đoàn biệt kích số 11 của Nga. Các đơn vị này của Nga được báo cáo đã rút lui.

Thê thảm nhất, sáng 15 tháng Ba, Lữ đoàn đặc nhiệm số 22 được tăng viện bởi sư đoàn súng trường cơ giới số 150, từng tham chiến ở Syria, mở cuộc tấn công quy mô dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Oleg Mityaev.

Lúc 18 giờ cùng ngày, Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko, đã công bố một bức ảnh trên Telegram mà ông nói là của Oleg Mityaev, đã chết hôm thứ Ba.

Oleg Mityaev là vị tướng thứ tư của Nga thiệt mạng. Ba vị tướng của Nga đã bị giết trước đó tại Ukraine là Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, Thiếu tướng Andrei Kolesnikov và Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky.

Oleksiy Arestovych, một cố vấn trong văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói rằng cuộc bắn phá của Nga vào thành phố Mariupol ở miền nam nước này hiện đã khiến hơn 2,500 người thiệt mạng.

“Quân đội của chúng tôi đang thành công ở đó - hôm qua họ đã đánh bại một nỗ lực khác trong một cuộc đột phá thiết giáp ở Mariupol, bắt được nhiều tù binh. Nhưng vì điều này, người Nga đang tìm cách xóa sổ thành phố.”

Giới thiệu thành phố Mariupol

Mariupol là một thành phố ở phía đông nam Ukraine, nằm trên bờ biển phía bắc của Biển Azov ở cửa sông Kalmius, trong vùng Pryazovia. Đây là thành phố lớn thứ mười ở Ukraine, và lớn thứ hai trong miền Donetsk với dân số 432,000 dân.

Mariupol được người di dân Hy Lạp thành lập trên địa điểm của một đồn điền trước đây tên là Kalmius và được cấp tư cách thành phố vào năm 1778. Tên Mariupol, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Thành Phố của Đức Mẹ Maria”.

Mariupol từng là trung tâm buôn bán ngũ cốc, luyện kim và cơ khí nặng. Thành phố đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa của Ukraine. Ngày nay, Mariupol vẫn là một trung tâm cho ngành công nghiệp, cũng như giáo dục đại học và kinh doanh.

Từ năm 1948 đến năm 1989, thành phố được đặt tên là Zhdanov, theo tên của Andrei Zhdanov, một quan chức cộng sản Liên Xô. Dưới thời cộng sản, bọn cầm quyền thường đổi tên thành phố theo tên các nhà lãnh đạo Cộng sản.

Cuộc chiến Donbas

Trong thời kỳ Liên Xô, người Nga đã ồ ạt di dân sang đây nhằm chiếm cứ lâu dài. Kể từ tháng 4 năm 2014, Donetsk và các khu vực lân cận là một trong những địa điểm giao tranh chính trong cuộc chiến Donbas vẫn đang diễn ra, khi lực lượng ly khai thân Nga chiến đấu chống lại lực lượng quân đội Ukraine để giành quyền kiểm soát miền Donetsk.

Lực lượng ly khai thân Nga đã thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk, hay vắn tắt là DPR.

Trong suốt cuộc chiến, thành phố Donetsk được quản lý bởi lực lượng ly khai thân Nga với tư cách là thủ đô của DPR. Các vùng ngoại ô vẫn còn đang tranh chấp. Sân bay quốc tế Donetsk trở thành tâm điểm của cuộc chiến kéo dài gần một năm dẫn đến thương vong lớn cho dân thường và khiến các khu dân cư phía tây bắc của thành phố bị thiêu rụi hoàn toàn.

Tháng 5 năm 2014, một trận chiến giữa quân đội Ukraine và DPR đã nổ ra ở Mariupol sau khi nó nằm dưới sự kiểm soát của DPR một thời gian ngắn. Thành phố cuối cùng đã bị quân chính phủ chiếm lại, và vào tháng 6 năm 2015 Mariupol được tuyên bố là thủ phủ tạm thời của vùng Donetsk cho đến khi có thể tái chiếm thành phố Donetsk.

Để bảo vệ thành phố, các lực lượng chính phủ đã thiết lập ba tuyến phòng thủ ở ngoại ô, triển khai pháo hạng nặng, cùng một lực lượng lớn quân đội.

Các đợt tấn công vào Mariupol đã được phát động vào ngày 24 tháng Giêng năm 2015 bởi lực lượng nổi dậy DPR, và kéo dài cho đến khi Nga mở cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 vừa qua.

Sau khi cầu Crimea bắc tù lãnh thổ Nga sang bán đảo Crimea được khánh thành vào tháng 5, 2018, các tàu chở hàng đi Mariupol đã phải chịu sự kiểm tra của các nhà chức trách Nga, dẫn đến sự chậm trễ kéo dài, đôi khi có thể kéo dài đến một tuần.

Cuối tháng 9, 2018, hai tàu hải quân Ukraine xuất phát từ cảng Biển Đen Odessa, đi qua Cầu Crimea và đến Mariupol. Nhưng vào ngày 25 tháng 11 năm 2018, ba tàu hải quân Ukraine cố gắng làm điều tương tự đã bị lực lượng an ninh của Nga bắt giữ.

Tình hình hiện nay

Thành phố hiện đang bị bao vây và đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Các cáo buộc về tình trạng vô nhân đạo do lực lượng Nga thực hiện ở Mariupol cũng như cáo buộc tội ác chiến tranh đã được đưa ra. Thành phố đã được trao tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng của Ukraine vào ngày Chúa Nhật 13 tháng 3 năm 2022.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Mariupol trở thành mục tiêu chiến lược cho các lực lượng Nga và thân Nga. Từ ngày 25 tháng 2, thành phố đã bị bao vây và hứng chịu 19 ngày pháo kích liên tục suốt 24 giờ. Vào ngày 13 tháng 3, Hội Hồng Thập Tự quốc tế cảnh báo rằng cuộc bao vây đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13 tháng Ba, Đức Thánh Cha nói:

Thưa anh chị em, chúng ta vừa cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria. Cuối tuần này, thành phố mang tên Đức Mẹ, Mariupol, đã trở thành một thành phố bị tàn phá bởi cuộc chiến tàn khốc đang tàn phá Ukraine. Đối mặt với sự man rợ của việc giết hại trẻ em và những công dân vô tội và không được bảo vệ, không có lý do chiến lược nào có thể chấp nhận được: điều duy nhất cần làm là chấm dứt các cuộc xâm lược vũ trang không thể chấp nhận được trước khi thành phố bị biến thành một nghĩa trang. Với trái tim đau đớn, tôi thêm tiếng nói của mình vào tiếng nói của những người bình thường, những người cầu xin sự kết thúc của chiến tranh. Nhân danh Thiên Chúa, hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ, và chấm dứt các vụ đánh bom và các cuộc tấn công! Hãy tập trung thực sự và dứt khoát vào các cuộc đàm phán, và để các hành lang nhân đạo hoạt động hiệu quả và an toàn. Nhân danh Chúa, tôi yêu cầu các bạn: hãy dừng cuộc thảm sát này lại!

Tôi muốn một lần nữa thúc giục sự chào đón của nhiều người tị nạn, trong đó Chúa Kitô đang hiện diện, và cảm tạ vì mạng lưới đoàn kết tuyệt vời đã hình thành. Tôi yêu cầu tất cả các cộng đồng giáo phận và tôn giáo hãy gia tăng những giây phút cầu nguyện cho hòa bình. Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của hòa bình, Ngài không phải là Thần chiến tranh, và những kẻ ủng hộ bạo lực đã xúc phạm danh ngài. Bây giờ, chúng ta hãy thinh lặng cầu nguyện cho những người đau khổ, và xin Chúa chuyển đổi trái tim họ thành một ý chí kiên định cho hòa bình.

Quân Nga chiếm được một phần của thành phố, nhưng giao tranh vẫn rất ác liệt. Lính Nga đã bắt các bác sĩ và bệnh nhân của bệnh viện Mariupol làm con tin. Nhiều bệnh nhân cho biết “Không thể xuất viện được. Có pháo kích lớn, chúng tôi ở dưới tầng hầm. Hai ngày nay xe cộ không vào được bệnh viện. Xung quanh là những tòa nhà cao tầng bốc cháy ngùn ngụt. Người Nga dẫn 400 người từ các ngôi nhà lân cận đến bệnh viện của chúng tôi. Chúng tôi không thể di tản.”

Có tới 2,187 cư dân của Mariupol đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của quân Nga tính đến ngày 13 tháng 3.
 
Nga đã biến thành phố của Đức Maria thành nghĩa trang. Công an Nga bắt linh mục chống chiến tranh
VietCatholic Media
07:31 16/03/2022


1. Reuters đưa tin về những bình luận mới nhất từ Điện Cẩm Linh

Điện Cẩm Linh cho biết những người Nga nói rằng họ cảm thấy xấu hổ về “hoạt động quân sự đặc biệt” của đất nước ở Ukraine không phải là người Nga thực sự.

Người phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên khi được hỏi về khẩu hiệu “xấu hổ khi là người Nga” mà một số người đã lặp lại cả trong và ngoài nước Nga.

Peskov nói: “Nếu ai đó nói những điều như vậy thì họ không phải là người Nga.”

Peskov nói rằng tình cảm chống Nga đang dâng cao một cách nguy hiểm ở phương Tây và nói rằng ông hy vọng các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ ngừng khơi dậy tâm lý sợ hãi người Nga như vậy.

Reuters cũng đưa tin rằng một cơ sở dữ liệu của cảnh sát Nga hôm nay cho thấy Kira Yarmysh đang nằm trong danh sách truy nã và họ đang tìm cách tống cổ cô vào tù.

Yarmysh rời Nga vào năm ngoái sau khi cô bị tòa án đưa ra 18 tháng hạn chế di chuyển vì bị cáo buộc vi phạm các quy tắc an toàn của Covid.

Navalny đã kêu gọi các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở các thành phố bao gồm cả Mạc Tư Khoa vào hôm Chúa Nhật.


Source:The Guardian

2. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk than thở: Quân Nga đã biến 'Thành phố của Đức Maria' ở Ukraine thành nghĩa trang

Một nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine than thở rằng thành phố Mariupol bị bao vây đã bị biến thành nghĩa trang do bị Nga bắn phá. Mariupol có nghĩa là “Thành phố của Đức Mẹ”.

Trong một thông điệp video được đưa ra vào ngày 10 tháng 3, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã than thở về điều mà ngài mô tả là “vụ tàn sát hàng loạt” người Ukraine trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

“Hôm nay lương tâm của tôi và lương tâm của mọi Kitô hữu đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng khắp thế giới và lớn tiếng nói 'Không', để phản đối mạnh mẽ vụ giết người hàng loạt ở Ukraine”.

“Đặc biệt là trong những giây phút cuối cùng này, chúng ta chứng kiến vụ giết người hàng loạt ở thành phố Mariupol bị bao vây. Thành phố này, được cộng đồng người Hy Lạp đặt tên là 'Thành phố của Đức Maria', đã được biến thành nghĩa trang cho hàng chục nghìn người. “

Ngài nói tiếp: “Hôm qua chúng tôi đã thấy những cảnh tượng khủng khiếp về vụ bắn phá một bệnh viện hộ sinh cũng như cảnh những ngôi mộ tập thể, những khu chôn cất chung, nơi hàng trăm thi thể an nghỉ mà không hề được vinh danh, không hề có các nghi lễ Kitô Giáo”.

“Ngày nay trên toàn thế giới chúng ta phải nói rằng: Không! Không được giết người hàng loạt ở Ukraine! Kể từ sau thời kỳ chủ nghĩa Quốc xã và sự đàn áp của Stalin, Ukraine chưa từng chứng kiến những cuộc chôn cất tập thể như vậy trong những ngôi mộ chung, không danh dự, không lời cầu nguyện của người tín hữu Kitô”.

Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 9 tháng 3 cho biết họ đã ghi nhận 1,424 thương vong dân thường ở Ukraine, với 516 người thiệt mạng và 908 người bị thương. Họ nói rằng các số liệu thực tế có thể “cao hơn rất nhiều.”

Một linh mục đang chạy trốn khỏi Mariupol, một thành phố cảng trên Biển Azov ở đông nam Ukraine, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ hôm Chúa Nhật rằng thành phố này là “địa ngục”.

Vị linh mục, chỉ được xác định là Cha Pavlo, nói: “Mariupol giống như Armageddon. Đó là địa ngục. Xin hãy nói với thế giới rằng: đó là một thảm kịch. Người ta tác xạ một cách ngẫu nhiên. Toàn bộ thị trấn như một chiến trường lớn. Bom rơi ở khắp mọi nơi. Ở khắp mọi nơi bạn chỉ nghe thấy tiếng súng. Mariupol là một thành phố bị bao vây bởi quân đội Nga. Mọi người chỉ đang ngồi trong tầng hầm của họ.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng Mariupol có dân số gần 400.000 người.

“Trong gần hai tuần thành phố bị bao vây hoàn toàn. Mọi người đang chết vì đói. Mọi người đang chết vì lạnh. Trên đầu họ có hỏa tiễn, đạn pháo, bom rơi xuống”, vị Tổng Giám Mục 51 tuổi nhận xét.

“Hôm nay chúng ta phải tưởng nhớ họ và nhân danh họ, nói với lương tâm của toàn thế giới. Chúng tôi cầu xin bạn: Hãy mở những hành lang nhân đạo! Cho phụ nữ, trẻ em và người già cơ hội rời khỏi thành phố lạnh lẽo bị bao vây này. Hãy cho chúng tôi cơ hội để gửi thức ăn và thuốc men đến đó. Hãy cho chúng tôi một cơ hội để giải cứu mọi người”.

“Nhân danh thành phố Mariupol, chúng ta hãy kêu gọi toàn thế giới: Hãy cứu lấy bầu trời Ukraine! Làm mọi thứ có thể để đóng cửa bầu trời Ukraine, đóng cửa vũ khí Nga và máy bay Nga đang thả bom xuống những cư dân hòa bình”.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã bày tỏ sự thất vọng trước vụ đánh bom các cơ sở bệnh viện ở Mariupol.

Ngài nói với một phóng viên tại một sự kiện ở Rôma vào ngày 9 tháng 3 rằng “không thể chấp nhận được việc đánh bom một bệnh viện.”

Nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican cho biết: “Không có lý do hay động cơ nào để làm như vậy.

Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục của thủ đô Belarus đã yêu cầu người Công Giáo cầu nguyện trong tuần cửu nhật cho hòa bình.

Đức Tổng Giám Mục Iosif Staneuski đã kêu gọi giáo dân và giáo sĩ trong tổng giáo phận Minsk-Mohilev cầu nguyện một tuần cửu nhật xin cùng Thánh Giuse, đấng bảo trợ của Nhà thờ Hoàn vũ.

Chính phủ Belarus, do Tổng thống Alexander Lukashenko đứng đầu, liên minh chặt chẽ với Nga.

Trong thông điệp video của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk kêu gọi các linh mục và giám mục của cộng đồng Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương trên toàn thế giới chia sẻ “sự thật về tội ác diệt chủng của người Nga đối với dân Ukraine”.

Ngài nói: “Trong tất cả các nhà thờ của chúng ta, tôi yêu cầu các bạn cử hành các buổi lễ tưởng niệm cho những người đã được chôn cất trong những ngôi mộ chung mà không có lời cầu nguyện của Kitô giáo và một đám tang”.


Source:Catholic News Agency

3. Linh mục Chính thống giáo Nga bị bắt vì lập trường phản đối cuộc xâm lược của Nga

Một linh mục Chính thống giáo Nga, người đã ký đơn kêu gọi chấm dứt ngay lập tức chiến tranh ở Ukraine đã bị chính quyền Nga bắt giữ trong bối cảnh nước này đang tiếp tục đàn áp những người biểu tình chống chiến tranh.

Cha Ioann Burdin của Nhà thờ Phục sinh ở vùng Kostroma phía tây của Nga đã bị giam giữ vì bị cáo buộc làm mất uy tín của lực lượng quân đội Nga trong bài giảng ngày 6 tháng 3 về “Chúa Nhật của sự tha thứ”, là ngày Chúa Nhật cuối cùng trước khi bắt đầu Mùa chay Chính thống giáo Nga.

Trong bài giảng của mình, Cha Burdin nói với các giáo dân của mình về “Quân đội Nga ở Ukraine đã pháo kích vào các thành phố của Ukraine như Kiev, Odesa, Kharkiv và giết chết công dân Ukraine - những người anh chị em trong Chúa”, theo Media Zona, một hãng truyền thông độc lập của Nga.

Cha Burdin sẽ bị xét xử vì có tình cảm chống chiến tranh và vì đã công bố trên trang web giáo xứ của mình một đường liên kết tới một bản kiến nghị chống chiến tranh mà ngài đã ký.

Giáo xứ của ngài được cho là đã đăng một liên kết đến bản kiến nghị vào tuần trước cùng với một tuyên bố chỉ trích quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 24 tháng 2.

Trong tuyên bố, Cha Burdin nói rằng “Chúng tôi, những Kitô Hữu, không thể đứng yên khi một người anh giết một người em, một Kitô Hữu giết một Kitô Hữu. Chúng ta đừng lặp lại tội ác của những kẻ đã ca ngợi những việc làm của Hitler vào ngày 1 tháng 9 năm 1939”.

Theo báo cáo của cảnh sát được Media Zone trích dẫn, Cha Burdin bị bắt vì đã “phạm tội công khai làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Nga đang tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Đó là cách Putin mô tả về cuộc chiến.

Cha Burdin dự kiến sẽ ra hầu tòa vào tuần này tại Tòa án Quận Krasnoselsky của vùng Kostroma để trả lời về những cáo buộc chống lại ngài.

Ngài là người thứ 77 trong số 286 linh mục Chính thống giáo Nga đã ký vào bản kiến nghị, được đưa ra vào ngày 27 tháng 2 và kêu gọi “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.”

Trong đơn thỉnh cầu, các linh mục cho biết những người chịu trách nhiệm về cuộc chiến sẽ phải trả lời về hành động của họ trước mặt Chúa tại Tòa Phán Xét sau cùng và nói rằng Ukraine nên được tự do lựa chọn tương lai của mình, không phải trước mũi súng.”

Các linh mục cũng chỉ trích việc bắt giữ và đàn áp những người phản đối chiến tranh một cách ôn hòa, và nói rằng “không một lời kêu gọi bất bạo động nào cho hòa bình và chấm dứt chiến tranh nên bị đàn áp cưỡng bức và bị coi là vi phạm pháp luật, vì đó là điều răn thiêng liêng: 'Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình. '“

Đáng chú ý, người đầu tiên ký đơn là Cha Igumen Arseny, của Tòa Thượng phụ đại diện cho Tòa Thượng phụ Antiôkia của Mạc Tư Khoa, người vừa tháp tùng Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Mạc Tư Khoa, trong chuyến công du ngày 5 tháng 3 tới Syria.

Người thứ hai ký đơn là Cha Hegumen Nektary, người được biết đến rộng rãi và được đánh giá cao trong Chính thống giáo Nga về các bài viết của ngài.

Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, có rất ít chữ ký bổ sung được thêm vào bản kiến nghị, đó có thể là kết quả của một cuộc đàn áp những người chỉ trích chiến tranh.

Cho đến nay, hơn 13,000 người được cho là đã bị bắt ở Nga kể từ khi quân đội nước này xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, với khoảng 5,000 người bị giam giữ trong các cuộc biểu tình cuối tuần trước ở Mạc Tư Khoa.

Nhà phê bình Điện Cẩm Linh Alexei Navalny Sunday đã lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, ít nhất 15 giáo phận của Ukraine đã công khai yêu cầu các linh mục ngừng cầu nguyện cho Thượng phụ Kirill của Chính thống giáo Nga, là người đã đưa ra một số tuyên bố ủng hộ chiến tranh.


Source:Crux
 
Putin mất tinh thần, suy sụp. Tổng thống Zelenskiy kêu gọi các quan chức Nga đào ngũ để khỏi ngồi tù
VietCatholic Media
16:15 16/03/2022

1. Putin dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết kể từ khi bắt đầu chiến tranh Ukraine

Một chuyên gia về các vấn đề quốc tế cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lao mình vào một tảng băng mỏng dính sau khi cuộc xâm lược Ukraine của ông ta không diễn ra theo kế hoạch, và bây giờ sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi xem xét bất kỳ động thái táo bạo nào trong tương lai.

Mark Katz - Giáo sư môn Chính phủ và Chính trị tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ và là thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương đưa ra nhận xét rằng Putin bây giờ sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi cân nhắc bất kỳ động thái táo bạo nào trong tương lai.

Theo Giáo sư Katz, Putin đã khiến bản thân mình trở nên dễ bị tổn thương hơn so với trước chiến tranh. Bây giờ ưu tiên cao nhất của ông ta là làm sao giữ được tính mạng của mình.

Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng họ mong đợi cuộc chiến lớn này kéo tới Mạc Tư Khoa, tôi nghĩ rằng họ giả định mọi chuyện sẽ rất dễ dàng, và sẽ kết thúc trong vài ngày mà thôi”

“Bây giờ họ đang mắc kẹt với một cái gì đó lớn hơn, tồi tệ hơn nhiều và tôi chắc chắn rằng quân đội Nga không hài lòng lắm về điều đó.”

Giáo sư Katz cho biết Putin đã thể hiện mình ở cả trong nước và quốc tế là một người đã tính toán sai lầm.

“Ông ta đã vượt quá giới hạn và tôi nghĩ rằng ông ta sẽ bị coi là quá kém khả năng”.

Giáo sư Katz nói rằng việc nhìn thấy Putin bị lật đổ hoặc các nhà tài phiệt không ủng hộ nữa là mơ ước của nhiều người.

Giáo sư Katz cho biết ông không chắc liệu Putin có thể cứu vãn thể diện mà không kéo theo sự đau khổ liên tục của người dân Ukraine hay không. Tuy nhiên, Giáo sư Katz ghi nhận trong suốt mấy tuần qua, Putin gần như tê liệt và không thấy có các quyết định đáng kể nào.

2. Thượng viện Mỹ nhất trí tuyên bố Putin là tội phạm chiến tranh

Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh, một sự thể hiện đoàn kết hiếm có trong Quốc hội đang bị chia rẽ sâu sắc.

Nghị quyết do Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham đưa ra và được các thượng nghị sĩ của cả hai bên ủng hộ, đã khuyến khích Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague và các quốc gia khác nhắm mục tiêu vào quân đội Nga trong bất kỳ cuộc điều tra tội ác chiến tranh nào trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Reuters trích lời Lãnh đạo Đa số Thượng viện đảng Dân chủ Chuck Schumer trong bài phát biểu tại Thượng viện trước cuộc bỏ phiếu:

Tất cả chúng tôi trong phòng này cùng tham gia, với các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa, để nói rằng Vladimir Putin không thể trốn tránh trách nhiệm giải trình cho những hành động tàn bạo đã gây ra đối với người dân Ukraine”.

3. Ukraine khởi động các biện pháp phản công chống lại lực lượng Nga

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết các lực lượng vũ trang của Ukraine đang phát động các chiến dịch phản công chống lại lực lượng Nga “ở một số khu vực đang có giao tranh”.

“Điều này thay đổi hoàn toàn quan điểm của các bên,” ông viết trên Twitter.

Trong một bản cập nhật về cuộc chiến, bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang của Ukraine đã đề cập đến “cường độ cao của các hành động thù địch” nhưng không cho biết nơi nào giao tranh là nặng nề nhất.

Quân Ukraine có vẻ lên tinh thần sau các chiến thắng gần đây.

Tối ngày thứ Hai 14 tháng Ba, sau hơn hai tuần pháo kích liên tục suốt 24 giờ, người Nga tưởng rằng quân Ukraine đã thiệt hại rất nặng nên quân Nga do những kẻ nằm vùng DPR dẫn đường đã mở cuộc tấn công quy mô nhằm dứt điểm thành phố này.

Trong đợt tấn công đầu tiên, Lữ đoàn đặc nhiệm số 22, được kể là một trong các đơn vị tinh nhuệ của Nga, bị thiệt mất hơn 100 quân nhân, hai xe tăng, ba xe chiến đấu bộ binh và một xe bọc thép chở quân.

Đợt tấn công thứ hai từ hướng Volnovakha cũng không thắng nổi quân Ukraine. 4 xe chiến đấu bộ binh và 2 trung đội bộ binh của quân Nga bị loại khỏi vòng chiến.

Máy bay và pháo binh Ukraine đã trả đũa tấn công vào Lữ đoàn thủy quân lục chiến 336 và Lữ đoàn biệt kích số 11 của Nga. Các đơn vị này của Nga được báo cáo đã rút lui.

Thê thảm nhất, sáng 15 tháng Ba, Lữ đoàn đặc nhiệm số 22 được tăng viện bởi sư đoàn súng trường cơ giới số 150, từng tham chiến ở Syria, mở cuộc tấn công quy mô dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Oleg Mityaev.

Lúc 18 giờ cùng ngày, Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko, đã công bố một bức ảnh trên Telegram mà ông nói là của Oleg Mityaev, đã chết hôm thứ Ba.

Oleg Mityaev là vị tướng thứ tư của Nga thiệt mạng. Ba vị tướng của Nga đã bị giết trước đó tại Ukraine là Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, Thiếu tướng Andrei Kolesnikov và Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky.

4. Cựu tổng thống Trump 'ngạc nhiên' về cuộc chiến của Putin ở Ukraine

Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông “ngạc nhiên” khi Vladimir Putin xâm lược Ukraine và đàn áp các quyền tự do ở Nga, trong một cuộc phỏng vấn với Washington Examiner hôm thứ Ba.

“Tôi ngạc nhiên - tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ ông ta đang đàm phán khi đưa quân đến biên giới. Tôi nghĩ rằng ông ấy đang đàm phán”

“Tôi nghĩ rằng đó là một cách đàm phán nhưng là một cách đàm phán láu cá.”

Cuối cùng, cựu tổng thống Trump nói rằng chiến tranh sẽ không xảy ra nếu ông tái đắc cử.

Trong khi đó, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Mỹ đang cố gắng hạn chế và chấm dứt chiến tranh của Nga.

5. Tổng thống Zelenskiy nói: Chiến tranh sẽ kết thúc với 'sự ô nhục, nghèo đói, cô lập kéo dài nhiều năm trời'

Trong bài diễn văn đêm qua, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói:

Tuần thứ ba sắp kết thúc. Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình. Tất cả chúng ta đều muốn chiến thắng. Và có cảm giác rằng chỉ một chút nữa thôi là chúng ta sẽ đạt được những gì mà chúng ta, những người Ukraine, đáng được hưởng.

Tổng thống Zelenskiy nói thêm rằng các cuộc họp giữa các quan chức Ukraine và Nga vẫn tiếp tục.

Các cuộc họp vẫn tiếp tục. Tôi được báo cáo rằng các quan điểm tại các cuộc đàm phán hiện thực tế hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cần thêm thời gian để bảo đảm rằng quyết định đó là vì lợi ích của Ukraine.

Tổng thống cho biết Nga đã mất hàng loạt thiết bị, binh sĩ và tướng lĩnh Nga.

Nhiều lính nghĩa vụ Nga đã bị giết. Có hàng chục sĩ quan trong số những kẻ xâm lược bị giết, và một vị tướng nữa đã bị giết ngày hôm nay. Những người chiếm đóng đã phạm tội ác chiến tranh mới và rõ ràng, nã đạn vào các thành phố hòa bình, cơ sở hạ tầng dân sự.

Số lượng rocket mà Nga sử dụng để chống lại Ukraine đã vượt quá 900 quả. Có rất nhiều quả bom không thể đếm được. “

Khi nói với công dân Nga, tổng thống Zelenskiy chuyển sang tiếng Nga:

Các bạn công dân nước Nga, thân mến, bất kỳ ai trong số các bạn có quyền truy cập thông tin trung thực có thể đã nhận ra cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào đối với đất nước của các bạn: với sự ô nhục, nghèo đói, sự cô lập kéo dài hàng năm, một hệ thống đàn áp tàn bạo sẽ đối xử vô nhân đạo với công dân Nga như các bạn, như những kẻ xâm lược đối xử với người Ukraine. Điều gì sẽ đến tiếp theo phụ thuộc vào hành động của bạn.

Tôi muốn nói chuyện với các quan chức Nga và tất cả những người có liên quan đến chính phủ đương nhiệm. Nếu các bạn ở lại vị trí của mình, mà các bạn lại không lên tiếng phản đối chiến tranh, cộng đồng quốc tế sẽ tước bỏ tất cả những gì các bạn kiếm được trong nhiều năm. Họ đang làm việc đó. Điều này bao gồm cả tuyên truyền ở Nga. Nếu bạn tiếp tục làm công việc tuyên truyền, bạn sẽ tự đặt mình vào một nguy cơ lớn hơn mà bạn phải đối mặt nếu bạn từ chức: đó là nguy cơ bị trừng phạt bởi tòa án quốc tế vì tuyên truyền chiến tranh xâm lược, vì sự biện minh cho tội ác chiến tranh. Hãy bỏ công việc của các bạn. Vài tháng không có việc làm còn hơn cả đời bị quốc tế truy tố.”

Tổng thống Zelenskiy tiếp tục bằng tiếng Ukraine:

Vì vậy, tất cả mọi người, những người sát cánh cùng chúng tôi, sẽ nhận được sự biết ơn không chỉ từ chúng tôi mà từ toàn thế giới. Tất cả những ai sát cánh cùng chúng tôi đều có cơ hội trở thành người hùng thực sự.

Tổng thống Zelenskiy cũng cảm ơn sự ủng hộ của người dân Canada và Tổng thống Mỹ Biden về gói hỗ trợ mới trị giá 13.6 tỷ Mỹ Kim. “Chúng tôi coi đó là bước đầu tiên để khôi phục đất nước của chúng tôi,” ông nói thêm.

Tổng thống vẫn lạc quan rằng vào thứ Tư sẽ có một cuộc di tản đã được chờ đợi từ lâu của những người dân Izyum trong vùng Kharkiv.

“Một hành lang nhân đạo đã được đồng ý. Trong 24 giờ qua, chúng tôi đã di tản được 28,893 người Ukraine khỏi các vùng Sumy, Kharkiv và Donetsk. Trong số họ, 20,000 người đã có thể rời Mariupol, hiện tại, trên xe riêng của họ”.

“Viện trợ nhân đạo của Ukraine đang bị chặn bởi các binh sĩ Nga trên đường tới thành phố. Nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ việc cố gắng cứu người dân và thành phố của mình “.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã thẳng thừng dự đoán ai sẽ còn lại sau cuộc chiến ở Ukraine.

“Bằng cách này hay cách khác, Ukraine sẽ còn ở đó và một lúc nào đó Putin sẽ biến mất”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trên trong chương trình “The Situation Room” của CNN hôm thứ Ba.

Nhận xét của ông được đưa ra khi Mỹ đang cố gắng tìm sự cân bằng giữa việc hỗ trợ đồng minh của mình và không làm leo thang thêm cuộc xâm lược của Nga.

Mỹ đang “làm việc chăm chỉ nhất có thể để hạn chế, ngăn chặn, chấm dứt cuộc chiến mà Nga gây ra”, ông nói.

6. Cư dân Kiev sợ hãi các khu vực của thành phố có thể không chịu được pháo kích 'không ngừng'

Giáo sư đại học Olga Polotska, người đã chuyển đến sống ở ngoại ô Kiev, đã tiết lộ cuộc sống ở thủ đô như thế nào sau đợt tấn công mới nhất của Nga.

Cô ấy nói rằng người dân của cô ấy đã kiên cường như thế nào và hy vọng các cuộc tấn công sẽ kết thúc, nhưng sợ một số khu vực trong thành phố thân yêu của mình có thể không thể chịu đựng được các cuộc ném bom không ngừng.

Cô tin rằng Kiev sẽ tiếp tục đứng vững.

“Tôi không nghi ngờ gì về việc Kiev sẽ đứng vững,” cô nói.

“Nhưng đồng thời tôi lo về cái giá mà Kiev có thể phải trả, và đã phải trả, và đang phải trả có thể là quá cao bởi vì người Ukraine đang phải đương đầu với tình trạng này trên đất liền, và bầu trời có thể là một thảm hỏa”

Vị Giáo sư đại học thừa nhận bà lo sợ nhiều di tích lịch sử và biểu tượng của nền văn hóa Slav ở Kiev sẽ bị phá hủy nếu các cuộc tấn công diễn ra.

Bà cũng nói rằng điều quan trọng là cuộc chiến phải kết thúc và người Ukraine có thể trở về nhà.
 
Đặc sứ ĐGH rúng động trước các đau khổ vô biên tại Ukraine. Âu lo của các giám mục Công Giáo Bắc Âu
VietCatholic Media
16:18 16/03/2022


1. Tại biên giới Ukraine, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tố cáo việc đánh bom bệnh viện

Một đặc phái viên của Giáo hoàng tại Ukraine đã tố cáo vụ đánh bom một bệnh viện nhi ở thành phố Mariupol.

Đức Hồng Y Michael Czerny, tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, đang ở biên giới giữa Hung Gia Lợi và Ukraine khi nhận được tin này, nói: “Đánh bom và bệnh viện: hai từ này trong cùng một câu đã khiến bạn rùng mình”.

Đức Hồng Y Czerny đã nhắc đến phản ứng của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Ngài đã mô tả vụ bắn phá ngày 9 tháng 3 vào một bệnh viện phụ sản và trẻ em ở thành phố đông nam Ukraine là “không thể chấp nhận được”.

Theo hội đồng thành phố Mariupol, một cuộc không kích của Nga đã giết chết ít nhất 3 người, trong đó có một trẻ em, và làm bị thương ít nhất 17 bác sĩ, trẻ em và phụ nữ mang thai.

“Đức Hồng Y Parolin nói rất đúng; không thể chấp nhận được hành động này. Chúng ta phải ngăn chặn những cuộc tấn công vào dân thường như thế”, Đức Hồng Y Czerny nói.

Đức Hồng Y Czerny, sinh ra ở Tiệp Khắc, trước khi gia đình chuyển đến Canada, là tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện thay cho Đức Hồng Y Peter Turkson.


Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục Công Giáo Bắc Âu: Tiến Trình Công Nghị của Đức khiến chúng tôi lo lắng

Các giám mục Công Giáo Bắc Âu đã đưa ra một bức thư ngỏ vào hôm thứ Tư bày tỏ sự báo động trước tình trạng công khai bội giáo trong Tiến Trình Công Nghị của Đức.

Trong bức thư ngày 9 tháng 3, các ngài cảnh báo chống lại việc “đầu hàng theo chủ nghĩa hiện đại” và “làm nghèo đi nội dung đức tin của chúng ta”.

Trong khi thừa nhận những thách thức mà Giáo Hội Công Giáo ở Đức đang đối mặt, các ngài nói rằng “định hướng, phương pháp và nội dung trong Tiến Trình Công Nghị của Giáo hội ở Đức khiến chúng tôi lo lắng”.

Tiến Trình Công Nghị Đức là một quá trình kéo dài nhiều năm giải quyết cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, đạo đức tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ ở Đức.

Các giám mục Bắc Âu đã công bố bức thư của các ngài sau khi những người tham gia Tiến Trình Công Nghị Đức bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo văn bản kêu gọi bãi bỏ chế độ độc thân linh mục trong Giáo hội Latinh, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành các kết hiệp đồng tính và thay đổi giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái.

“Trên khắp thế giới, một số người Công Giáo đặt câu hỏi về lối sống và sự đào tạo của các linh mục, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, quan điểm về tình dục con người, v.v.”, các giám mục Bắc Âu viết.

“Để tìm kiếm câu trả lời hợp pháp cho những câu hỏi của thời đại chúng ta, chúng ta dù sao cũng phải tôn trọng những ranh giới được đặt ra bởi những chủ đề đại diện cho những khía cạnh không thể thay đổi của giáo huấn Giáo hội.”

“Đã từng có trường hợp những cải cách thực sự trong Giáo hội được đặt ra từ giáo huấn Công Giáo dựa trên Mặc khải của Chúa và Truyền thống đích thực, để bảo vệ nó, giải thích nó và biến nó thành sự sống đáng tin cậy - chứ không phải từ sự đầu hàng theo chủ nghĩa hiện đại.”

Hội đồng Giám mục các nước Bắc Âu quy tụ các giám mục Công Giáo của Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland.

Một bức thư ngỏ đã được gửi cho chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Georg Bätzing, được ký bởi các nhà lãnh đạo Giáo hội bao gồm Hồng Y Anders Arborelius của Stockholm, Giám mục Erik Varden của Trondheim, Giám mục David Tencer của Reykjavik, và chủ tịch hội đồng giám mục Bắc Âu, Giám mục Czesław Kozon của Copenhagen.

Nữ tu Anna Mirijam Kaschner, tổng thư ký của hội nghị, cũng ký vào bức thư ngỏ. Nữ Tu này là người Đức, và là một thành viên của Dòng Truyền giáo Máu Châu Báu Chúa Kitô.


Source:Catholic News Agency

3. Hai giám mục Anh giáo từ chức để trở thành người Công Giáo

Các động thái này diễn ra sau khi Giáo Hội Công Giáo đón nhận hai vị Giám Mục Anh Giáo là Michael Nazir-Ali và Peter Forster.

Thêm hai giám mục Anh giáo đã công bố ý định trở thành người Công Giáo. Tin tức này theo sau quyết định diễn ra vào năm ngoái của hai cựu giám mục khác của Giáo hội Anh về việc hiệp thông với Rôma.

Các giám mục Anh giáo mới nhất quyết định “bơi qua sông Tiber” là Jonathan Goodall, người từng là giám mục của giáo phận Ebbsfleet, trong tám năm, và John Goddard, cựu giám mục của Burnley. Cả hai đều là đã kết hôn và được phong chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Cụm từ “swim the Tiber” hay “bơi qua sông Tiber” là cách nói bóng bẩy để chỉ việc gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Tiber là con sông bao quanh Rôma.

“Tôi đã đi đến quyết định từ chức Giám mục Ebbsfleet, để được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, sau một thời gian dài cầu nguyện. Đây là một trong những giai đoạn thử thách nhất trong cuộc đời tôi,” Đức Cha Goodall cho biết trong một tuyên bố được công bố trên trang web của Tổng Giám mục Canterbury.

“Cuộc sống trong sự hiệp thông của Giáo hội Anh đã hình thành và nuôi dưỡng tư cách môn đệ của tôi với tư cách là một Kitô hữu trong nhiều thập kỷ. Đây là nơi tôi nhận được lần đầu tiên - và trong nửa cuộc đời tôi đã phục vụ, với tư cách là linh mục và giám mục - ân sủng bí tích của đời sống và đức tin Kitô. Tôi sẽ luôn trân trọng điều này và biết ơn vì đức tin đó. Tôi mong tất cả anh chị em hãy tin rằng tôi đã đưa ra quyết định của mình như một cách để nói đồng ý với lời kêu gọi và lời mời hiện tại của Thiên Chúa, chứ không phải từ chối những gì tôi đã biết và kinh nghiệm trong Giáo hội Anh, là điều mà tôi mang ơn rất sâu sắc.”

Vợ của Đức Cha Goodall, là bà Sarah, cũng quyết định theo đạo Công Giáo.

Giáo phận Ebbsfleet được thành lập vào năm 1994 để phục vụ các giáo xứ Anh giáo không chấp nhận phụ nữ làm linh mục. Một giám mục khác của Ebbsfleet, Andrew Burnham, cũng đã trở thành một người Công Giáo trước đây, khi từ chức vào năm 2010 để cùng với những cựu thành viên Anh giáo khác tham gia vào Giáo Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham.

Các lễ phong chức sắp tới

Tổng giám mục của Canterbury Justin Welby cho biết trong tuyên bố trên trang web của mình rằng ngài đã chấp nhận đơn từ chức của Goodall “với sự hối tiếc.”

“Tôi vô cùng biết ơn Đức Cha Jonathan về chức vụ và nhiều năm trung thành phục vụ của ngài. Những lời cầu nguyện của tôi dành cho ngài và Sarah, cho cả chức vụ trong tương lai của ngài và hướng đi họ đang được kêu gọi trong cuộc hành trình liên tục phục vụ Chúa Giêsu Kitô”.

Sau lễ tấn phong tại nhà thờ chính tòa Westminster của Công Giáo vào ngày 12 tháng 3, Cha Goodall sẽ phục vụ với tư cách là linh mục quản xứ của giáo xứ Thánh William thành York ở Stanmore trong Tổng giáo phận Westminster và ở quận Harrow phía bắc London.

Cha Goddard hy vọng sẽ được bổ nhiệm vào một giáo xứ trong Tổng giáo phận Liverpool sau khi ngài được Đức Giám Mục Phụ Tá Tom Williams của Liverpool tấn phong trong một buổi lễ ngày 2 tháng 4 tại Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Vua ở Liverpool.

Ngài nói với tờ Catholic Herald rằng: “Tôi không có niềm vui nàolớn hơn trong cuộc sống là được phục vụ với tư cách là một linh mục quản xứ. Đó có lẽ là món quà lớn nhất đối với một linh mục.”

Năm ngoái, cựu Giám mục Anh giáo của Rochester, Michael Nazir-Ali, và cựu Giám mục của Chester, Peter Forster, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo. Vào năm 2019, Giám Mục Gavin Ashenden, cựu tuyên úy của Nữ hoàng và là giám mục Anh giáo truyền thống, đã trở thành một người Công Giáo.
Source:Catholic News Agency
 
Diễn từ nghẹn ngào của tổng thống Zelensky trước Quốc Hội Mỹ. Phản ứng của tổng thống Biden
VietCatholic Media
19:11 16/03/2022


1. Zelensky đề cập đến trận Trân Châu Cảng, và biến cố ngày 11 tháng 9 trong diễn từ xúc động trước Quốc Hội Hoa Kỳ

Lúc 9h sáng giờ Washington DC ngày thứ Tư 16 tháng Ba, tức là lúc 8 giờ tối cùng ngày theo giờ Việt Nam, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có một bài diễn văn quan trọng trước Quốc Hội Hoa Kỳ.

Ông Zelensky đã cầu xin Mỹ giúp đỡ nhiều hơn trong việc chống lại cuộc xâm lược tàn bạo của người Nga đối với đất nước của ông, đề cập đến cuộc tấn công Trân Châu Cảng và vụ 11/9 trong khi nói với các thành viên Quốc hội rằng người Ukraine đang trải qua “ngày nào cũng như vậy ngay bây giờ”.

“Bạn là nhà lãnh đạo của quốc gia - một quốc gia vĩ đại - Tôi mong muốn bạn trở thành nhà lãnh đạo của thế giới,” Zelensky nói trong một tham chiếu trực tiếp tới Biden gần cuối bài phát biểu dài 18 phút của mình với các nhà lập pháp. “Trở thành nhà lãnh đạo của thế giới có nghĩa là trở thành nhà lãnh đạo của hòa bình.”

Các thành viên tập trung trong khán phòng 450 chỗ của trung tâm dành cho du khách của Quốc hội Hoa Kỳ đã chào đón Zelensky với sự hoan nghênh nhiệt liệt trước bài phát biểu của ông, trong đó ông nhắc lại lời kêu gọi Mỹ và NATO thực thi vùng cấm bay đối với Ukraine - một bước đi mà phương Tây đã từ chối vì lo sợ rằng nó sẽ làm leo thang xung đột với Mạc Tư Khoa.

“Quân đội Nga đã bắn gần 1,000 tên lửa vào Ukraine, vô số quả bom,” Zelensky nói. “Họ sử dụng máy bay không người lái để giết chúng tôi một cách chính xác. Đây là một nỗi kinh hoàng mà Âu Châu chưa từng chứng kiến trong 80 năm qua… tạo ra một vùng cấm bay trên Ukraine để cứu người dân, điều này có quá đáng để cầu xin hay không? “

Zelensky nhớ lại cả cuộc tấn công của Nhật Bản đã buộc Mỹ vào Thế chiến thứ hai và những hành động tàn bạo tại Trung tâm Thương mại Thế giới và Ngũ Giác Đài, nói với khán giả Mỹ của mình rằng những thảm kịch đó nên “cho phép bạn hiểu Ukraine và hiểu chúng tôi ngay bây giờ.”

“Khi cái ác cố gắng biến các vùng lãnh thổ độc lập của các bạn thành chiến trường, khi những người dân vô tội bị tấn công từ trên không… và bạn không thể ngăn chặn nó.” Ông nói.

Zelensky cũng đề cập đến một biểu tượng khác của nước Mỹ, Núi Rushmore - tác phẩm điêu khắc lớn ở Nam Dakota có khuôn mặt của George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln và Theordore Roosevelt.

“Tôi nhớ đến đài tưởng niệm quốc gia của các bạn… gương mặt của các vị tổng thống lỗi lạc của các bạn, những người đã đặt nền móng cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ như ngày nay,” ông nói. “Dân chủ, độc lập, tự do, và quan tâm đến mọi người. Chúng tôi, ở Ukraine, cũng muốn điều tương tự cho người dân của mình “.

Tổng thống Zelensky dự kiến sẽ tiếp tục lời kêu gọi thiết lập vùng cấm bay đối với Ukraine - một động thái mà chính quyền Biden đã nhiều lần né tránh, với lý do có khả năng xảy ra xung đột trực tiếp với Nga.

Sau đó trong phát biểu của mình, Zelensky đã phát một đoạn video xen kẽ hình ảnh các thành phố của Ukraine trong thời bình với các cảnh quay đồ họa về các cuộc không kích của Nga và các cuộc di tản khó khăn. Đoạn video kết thúc với thông điệp, “Hãy đóng lại bầu trời Ukraine.”

Tổng thống Ukraine cho biết thêm, nếu vùng cấm bay không thể thực hiện được, Mỹ phải gửi hệ thống tên lửa S-300 và các loại vũ khí khác đến viện trợ cho lực lượng phòng không của Kiev. Có thời điểm, Zelensky cũng viện dẫn bài phát biểu “Tôi có một giấc mơ” năm 1963 của Martin Luther King Jr.

“Tôi có một ước mơ: những từ này được biết đến với mỗi người trong số các bạn. Hôm nay có thể nói, tôi có nhu cầu. Tôi cần phải bảo vệ bầu trời của chúng ta,” ông nói.

Zelensky cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Mạc Tư Khoa, nói rằng chúng “cần thiết liên tục hàng tuần cho đến khi bộ máy quân sự của Nga ngừng hoạt động”.

Ông nói: “Chúng tôi đề xuất Hoa Kỳ trừng phạt tất cả các chính trị gia ở Liên bang Nga, những người vẫn ở trong chức vụ của họ và không cắt đứt quan hệ với những người chịu trách nhiệm về hành động gây hấn chống lại Ukraine”, đồng thời kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các thành viên trong Quốc Hội Nga gọi là viện Duma.

Ngoài ra, ông yêu cầu Mỹ bảo đảm rằng “Người Nga không nhận được một xu nào có thể được sử dụng để tiêu diệt người dân ở Ukraine.”

“Nga đã tấn công không chỉ chúng tôi, không chỉ đất đai của chúng tôi, không chỉ các thành phố của chúng tôi, nó đã tấn công tàn bạo các giá trị của chúng ta, các giá trị cơ bản của con người”, Zelensky nói, cáo buộc Điện Cẩm Linh tấn công “quyền được sống tự do” của Ukraine.

Zelensky, người đã được ca ngợi trên khắp thế giới như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và dũng cảm giữa cuộc tấn công không ngừng của Nga, đã mô tả khả năng lãnh đạo “mạnh mẽ” là “sẵn sàng chiến đấu vì cuộc sống của công dân của mình và công dân trên thế giới, vì quyền con người, vì tự do, vì quyền được sống hòa bình và được chết khi đến thời của mình “.

Cuối bài phát biểu của mình, Zelensky nhấn mạnh vào hàng nghìn thường dân thiệt mạng trong cuộc xung đột, đặc biệt lưu ý đến cái chết của hàng chục trẻ em.

“Bây giờ tôi đã gần 45 tuổi. Hôm nay tuổi của tôi như ngừng đập khi trái tim của hơn 100 đứa trẻ ngừng đập. Tôi thấy cuộc sống không có ý nghĩa gì nếu nó không thể ngăn chặn những cái chết,” anh nói.

Sau khi dành cho Zelensky sự hoan nghênh nhiệt liệt thứ hai khi kết thúc phát biểu của ông, nhiều thành viên Quốc hội đã sẵn sàng trả lời lời kêu gọi hành động của ông. Thượng nghị sĩ Mitt Romney của Đảng Cộng Hòa đơn vị Utah, và Mark Kelly của đảng Dân Chủ đơn vị Arizonia nói với NBC News rằng họ ủng hộ việc chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 và tìm kiếm các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Trong một tuyên bố ngắn gọn với các phóng viên, Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy của Đảng Cộng Hòa đơn vị California gọi bài phát biểu của Zelensky là “rất mạnh mẽ” và thúc giục Tòa Bạch Ốc xem xét lại đề xuất của Ba Lan về việc chuyển khoảng hai chục máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine thông qua Mỹ - một ý tưởng đã bị cá nhân ông Biden phản đối vào tuần trước.

“Tôi nghĩ có một phong trào lưỡng đảng ngay tại đây để cung cấp cho Ukraine những chiếc MiG, cung cấp cho họ những chiếc máy bay để họ có thể tạo ra vùng cấm bay, cung cấp cho họ những vũ khí cần thiết để tiếp tục chiến đấu trong một cuộc chiến mà họ không tạo ra,” Dân biểu Kevin McCarthy nói.
Source:New York Post

2. Biden nói rằng Mỹ cung cấp cho Ukraine 800 triệu đô la vũ khí, máy bay không người lái - nhưng không chấp nhận lời cầu xin máy bay chiến đấu của Zelensky

Tổng thống Biden hôm thứ Tư cho biết Mỹ sẽ viện trợ quân sự 800 triệu USD cho Ukraine - bao gồm cả máy bay không người lái - vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra với các thành viên Quốc hội hai lần với lời đề nghị đầy xúc động về việc giúp chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Biden từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ các phóng viên - bao gồm cả về lời cầu xin cụ thể của Zelensky về máy bay chiến đấu - sau khi ra sân bay muộn hơn một giờ và sau đó phát biểu chưa đầy 10 phút.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế Điện Cẩm Linh của Putin, cô lập ông ấy trên trường toàn cầu. Đó là mục tiêu của chúng tôi: khiến Putin phải trả giá và làm suy yếu vị thế của mình trong khi củng cố bàn tay của người Ukraine trên chiến trường trên bàn đàm phán,” tổng thống nói.

“Cùng với các đồng minh và đối tác của mình, chúng tôi sẽ đi đúng hướng và chúng tôi sẽ làm mọi cách để thúc đẩy chấm dứt cuộc chiến bi thảm và không cần thiết này. Đây là một cuộc đấu tranh để bày tỏ sự thèm muốn của một kẻ chuyên quyền chống lại mong muốn được tự do của loài người”.

Gói trợ giúp được Biden công bố bao gồm 100 máy bay không người lái, nhưng Tòa Bạch Ốc không tiết lộ cụ thể loại nào. NBC News đã đưa tin hôm thứ Ba rằng các quan chức Mỹ đang cân nhắc việc gửi đến Ukraine máy bay không người lái Switchblade sử dụng một lần - có biệt danh là “máy bay không người lái kamikaze” - có thể bay 50 dặm trước khi phát nổ khi chúng đến mục tiêu.

Công nghệ máy bay không người lái tương đối mới có giá thành rẻ khoảng 6,000 Mỹ Kim một chiếc và chưa được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh trước đây.

Biden đưa ra chi tiết cụ thể hơn về các lô hàng khác của Mỹ - một ngày sau khi ký luật bao gồm 13,6 tỷ USD viện trợ Ukraine.

“Theo yêu cầu của Tổng thống Zelensky, chúng tôi đã xác định và đang giúp Ukraine mua thêm các hệ thống phòng không tầm xa hơn và các loại đạn dược cho các hệ thống đó. Gói hỗ trợ mới của chúng tôi cũng bao gồm 9,000 hệ thống chống thiết giáp - đây là những tên lửa vác trên vai di động có độ chính xác cao mà lực lượng Ukraine đã và đang sử dụng với hiệu quả tuyệt vời để tiêu diệt xe tăng và thiết giáp của những kẻ xâm lược”, ông Biden nói.

Tòa Bạch Ốc sau đó đã tiết lộ rằng những tên lửa đó bao gồm 6,000 vũ khí chống tăng AT-4 và 2,000 Javelins, đã trở thành một trong những biểu tượng của cuộc kháng chiến của Ukraine trước sự xâm lược của Nga.

“Nó sẽ bao gồm 7,000 vũ khí nhỏ — súng liên thanh, súng ngắn, súng phóng lựu - để trang bị cho quân đội Ukraine, bao gồm cả những người phụ nữ và đàn ông dũng cảm đang bảo vệ thành phố của họ với tư cách là dân thường … cũng như đạn dược, đạn pháo và súng cối đi với vũ khí nhỏ - tổng cộng 20 triệu viên đạn, 20 triệu viên đạn”, Biden nói tiếp.

Bất chấp đợt hỗ trợ mới nhất của Mỹ, tổng thống vẫn cảnh báo rằng Ukraine phải đối mặt với “một trận chiến lâu dài và khó khăn”.

Biden không đề cập trong tuyên bố của mình về yêu cầu của Zelensky về vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine và từ chối trả lời câu hỏi về đề xuất chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 từ Ba Lan - điều mà một số thành viên Quốc hội Cộng hòa đã yêu cầu sau nhận xét của tổng thống Ukraine.

“Tôi sẽ không bình luận về điều đó ngay bây giờ. Tôi sẽ không bình luận về bất cứ điều gì khác ngoài những gì tôi đã nói với bạn hôm nay”, Biden nói.

Biden đã bác bỏ kế hoạch chuyển giao 28 máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan vào tuần trước sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Ba Lan đã được “bật đèn xanh” để tiến tới, điều mà chính phủ Warsaw hy vọng sẽ làm được với sự giúp đỡ của Mỹ.

Phát biểu của Tổng thống Mỹ ban đầu được lên kế hoạch vào 11 giờ 45 phút sáng, tức là hơn hai giờ sau khi Zelensky phát biểu trước các thành viên Hạ viện và Thượng viện thông qua liên kết video. Tuyên bố của Biden cuối cùng đã được lùi lại đến 12:30 chiều và ông đã lên sân khấu tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower gần Tòa Bạch Ốc thêm 32 phút nữa, lúc 1:02 chiều.

Trong bài phát biểu qua liên kết video trước Quốc hội Hoa Kỳ, Zelensky đã thẳng thắn yêu cầu Mỹ áp đặt vùng cấm bay đối với Ukraine, điều mà các thành viên của cả hai đảng trong Quốc hội phần lớn phản đối vì nó sẽ làm tăng khả năng xảy ra giao tranh trực tiếp giữa Mỹ và Nga.

Kể từ khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin và nền kinh tế Nga - mặc dù nhiều bước chỉ diễn ra sau các áp lực từ Quốc hội.

Vài ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, Biden đã đáp trả sức ép dữ dội của Quốc Hội và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với khối tài sản cá nhân khổng lồ của Putin và đạt được thỏa thuận với các đồng minh của Mỹ để rút một phần nước Nga khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT.

Sau khi một liên minh lưỡng đảng rộng rãi trong Quốc hội chuẩn bị các dự luật để buộc ông phải ra tay, Biden tuần trước đã công bố lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá của Nga.

Zelensky đã vạch ra những vùng áp lực tiềm tàng mới khi Biden chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bỉ vào tuần tới, bao gồm lời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với “tất cả các chính trị gia ở Liên bang Nga” và yêu cầu tên lửa đất đối không S-300. Gói trợ giúp của Tòa Bạch Ốc cuối cùng bao gồm 800 hệ thống phòng không Stinger.

Ukraine chính thức không phải là đồng minh của Mỹ, nhưng chính phủ Mỹ đã viện trợ quân sự khoảng 3 tỷ USD kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine và kích động cuộc nổi dậy của một số quốc gia ly khai thân Mạc Tư Khoa ở miền Đông Ukraine.

Nhưng vào tuần trước, Biden đã nói rằng việc giúp Ba Lan chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine có thể châm ngòi cho “Thế chiến III”.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết hôm thứ Sáu rằng Ukraine được cho là vẫn có 56 máy bay chiến đấu có thể thực hiện khoảng 5 đến 10 nhiệm vụ mỗi ngày trong nước.

Không rõ tại sao ngay lúc đầu Ukraine không sử dụng lực lượng không quân của mình để ném bom đoàn xe của Nga dài 64km về phía bắc thủ đô Kiev, mặc dù một số chuyên gia suy đoán rằng các nhà lãnh đạo Ukraine đang dự trữ thiết bị cho một cuộc phản công nếu lực lượng đối phương tiến gần hơn đến thủ đô.
Source:New York Post