Ngày 17-03-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hạt lúa mì rơi vào lòng đất
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:17 17/03/2015
Chúa Nhật V MÙA CHAY, năm B
Gr 31,31-34 Dt 5, 7-9 Ga 12,20-33

HẠT LÚA MÌ RƠI VÀO LÒNG ĐẤT…

Giờ tử nạn của Chúa Giêsu sắp tới. Hôm nay, Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem, do đó, có một số người Do Thái là dân ngoại bang nhưng họ lại có cảm tình với Do Thái giáo, họ lên Giêrusalem vào dịp lễ Vượt qua và ước ao được Chúa Giêsu. Họ muốn gặp Chúa Giêsu không chỉ để biết Ngài nhưng họ muốn hiểu thấu đạo về một con người mà xem ra họ cho rằng Ngài rất bí ẩn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đáp ứng nhu cầu của họ, mà Ngài lại tỏ cho họ biết vinh quang của Ngài, biết giờ của Ngài: giờ Ngài đi vào cuộc tử nạn…Ngài tự ví Ngài như hạt lúa mì rơi xuống đất…

Đọc lại những lời Kinh Thánh trong các bài đọc hôm nay, chúng ta nhận ra nỗi thống khổ của dân Do Thái khi họ bị lưu đầy ở bên Ai Cập, cuộc đời của họ, dòng họ của họ và cả dân tộc của họ lâm cảnh lầm than cơ cực. Họ phải làm tôi tớ cho dân Ai Cập. Cuộc lưu đầy ở Babylon là một cuộc trừng phạt khủng khiếp. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa tình thương. Ngài luôn tỏ lòng thương xót. Giữa cảnh khốn cùng luôn lóe lên tia sáng, tia hy vọng. Thiên Chúa phán :”…Ta ký kết với dân Ta một giao Ước mới, Ta sẽ là Chúa của chúng và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa “. Thật là lời an ủi, khích lệ, và làm tăng thêm can đảm, sự hy vọng cho mọi người. Lời của Thiên Chúa sẽ được thực hiện nơi Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô :” …Máu của Chúa Giêsu sẽ đổ ra để chúng ta và nhiều người được tha tội “. Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái cho thấy niềm hy vọng, ánh sáng lại bừng lên…Khi Chúa Giêsu được thánh Phaolô xác tín :” Mặc dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã học vâng phục do những đau khổ Ngài chịu và khi hoàn tất, Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho những kẻ tùng phục Ngài “. Chúa đã chấp nhận cái chết nhục hình trên thập giá để tiến tới vinh quang và trở ne6nm nguồn ơn cứu độ cho mọi ngưởi bởi vì “ Ơn cứu độ chứa chan nơi Người “. Chúa Giêsu vẫn là thắc mắc luôn mãi cho nhiều người và cho chúng ta bởi vì chỉ ai có đức tin mới hiểu được cái chết đau thương của Chúa Giêsu. Chúa tự ví mình như hạt lúa mì vùi sâu trong đất, phải thúi đi, nó mới trổ sinh bông hạt. Điều này cho hay, thân xác thánh của Chúa Giêsu cũng phải chết đi: chết khổ hình trên thập giá, rồi bị chôn vùi trong mồ ba ngày…Chúa sẽ khải hoàn sống lại. Hình ảnh chôn vùi trong đất là hình ảnh của sự chết. Giờ của Chúa Giêsu là giờ cuối cùng, giờ tử nạn, giờ được tôn vinh: giờ hoàn tất sứ mạng cứu thế của Ngài. Hạt lúa mì bị chôn vùi, thúi đi và bừng lên đầy nhựa sống. Hình ảnh này là hình ảnh phục sinh. Chúa Giêsu chết và Ngài đã chiến thắng tử thần bằng việc phục sinh vinh hiển. Chúng ta mỗi người đều có sứ mạng Phục sinh và loan báo Tin mừng Phục Sinh.

Thực Tế, chúng ta đã nhận ra giờ hấp hối của Chúa Giêsu. Tuy thánh Gioan không tường thuật trong đoạn Tin Mừng này về cuộc thống khổ của Chúa Giêsu.Nhưng chúng ta vẫn mường tượng rõ ràng cuộc thương khó của Chúa đã bắt đầu. Con rắn đồng trong sa mạc là tiên báo cái chết của Giêsu trên thập giá. Cái chết ấy minh chứng cách hùng hồn rằng “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mình vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ) hoặc ” Khi nào Ta bị treo lên cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta “.

Linh mục André Guitton, S.s.s đã viết :” Qua dụ ngôn hạt lúa mì rơi xuống đất, ôi Giêsu, Chúa đã loan báo “ sự vinh quang “ đó, nhất thiết phải ngang qua cái chết và được táng trong mồ.Nhưng Chúa là chủ của số phận mình.” Giờ “ của Chúa là giờ Chúa tự do hiến cuộc đời mình. Hơn nữa, cái chết của Chúa không phải là sự chấm dứt một số phận, dù có rực rỡ đến đâu, nó là mầm mống của sự phục sinh và của cuộc đời viên mãn. Cũng như nắm lúa mì kia gieo xuống đất, và nó trở thành một mùa bội thu, trăm hạt nhờ một hạt… Ôi, Giêsu, giờ của Chúa, là giờ Chúa hiến cuộc đời mình trên thập giá, không chỉ cho “dân tộc” Itraen, mà để đoàn tụ trong sự hiệp nhất tất cả con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi ( Ga 11, 51 ). Cuộc hy tế của Chúa là ơn tha thứ cho mọi người đến với Chúa, dù là ai. Hy tế của Chúa là sự hòa giải và sự bình an cho mọi dân tộc “.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến thập giá để chúng con sẵn sàng, mau mắn góp phần vào công cuộc cứu độ của Chúa . Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Ai muốn gặp Chúa Giêsu dịp lễ Vượt Qua tại Giêrusalem ?
2. Họ đã nhờ vị tông đồ nào để họ có thể gặp gỡ được Chúa Giêsu ?
3. Chúa Giêsu ví mình như hạt lúa mì, tại sao ?
4. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá có ý nghĩa gì ?
5. Mầu nhiệm Phục sinh nói gì cho chúng ta ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Năm điều dự đoán về Đức Phanxicô
Vũ Van An
00:38 17/03/2015
Nhà báo John Allen, một ký giả theo dõi sát nút các biến cố tại Vatican trong hơn 20 năm qua, nhận định rằng Đức Phanxicô là vị giáo hoàng của ngạc nhiên, khó lòng có thể nói trước ngài sẽ làm gì và nói gì. Những bất ngờ xưa nay do ngài tạo ra đủ chứng minh điều ấy. Tuy nhiên, ông vẫn đưa ra 5 tiên đoán mà ông không dám cho là dự ứng, nhưng chúng cho ta một vài ý nghĩ nào đó về năm thứ ba của triều Giáo Hoàng Phanxicô.

1. Phe cấp tiến quay chiều

Từ trước đến nay, phần lớn các chống đối đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo đều phát xuất từ những người bảo thủ. Đức HY Hoa Kỳ Raymond Burke được nhiều người cho là lãnh tụ của phong trào chống đối duy truyền thống này.

Chỉ cần 10 phút trên liên mạng cũng đủ tìm ra hàng tá những nhận định chua chát về Đức Giáo Hoàng trên các blogs Công Giáo bảo thủ, với những từ ngữ đại loại như “lạc giáo”, “thảm họa” và “ly giáo”.

Ấy thế nhưng người ta có đủ lý do để hoài nghi lối ăn nói ấy được tín hữu giáo dân nói chung ủng hộ.

Đầu tháng này, trung tâm nghiên cứu Pew công bố kết quả cuộc thăm dò mới nhất của họ về ý kiến người Công Giáo Hoa Kỳ đối với Đức Phanxicô: ngài được lòng họ giống như Đức Gioan Phaolô II ở lúc nổi tiếng nhất. Nhưng điều còn đáng lưu ý hơn nữa là lúc yêu cầu họ cho biết khuynh hướng chính trị.

Đức Phanxicô được 89 phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ theo khuynh hướng Cộng Hòa mộ mến, người Công Giáo theo khuynh hướng Dân Chủ còn mộ mến ngài hơn nữa, với 90 phần trăm. Trong số những người tự mô tả là “bảo thủ”, ngài được ủng hộ 94 phần trăm trong khi chỉ có 87 phần trăm những người tự mô tả là “ôn hòa/cấp tiến” ủng hộ ngài.

Có lẽ đối với người bảo thủ, Đức Phanxicô chỉ chú trọng tới lòng cảm thông và từ bi khi thực thi tín lý, chứ không hề là một Che Guevara mặc áo dòng. Nếu quả tình có “cuộc cách mạng Phanxicô” đang diễn ra, thì cuộc cách mạng ấy phần lớn là do áp dụng giáo huấn vào mục vụ, chứ không phải xét lại giáo huấn này.

Bình thản mà xét, Giáo Hội Công Giáo vẫn nói “không” đối với các vấn đề như nữ linh mục, hôn nhân đồng tính và ngừa thai, cho dù có khuynh hướng mềm dẻo hơn trong việc thông truyền và chấp pháp các vấn đề này. Đây là một nghị trình rất được người ôn hòa tán thưởng, nhưng người cấp tiến thì không.

Năm ngoái nhiều người Công Giáo cấp tiến lên tiếng chỉ trích Đức Phanxicô nhất là đối với các tuyên bố của ngài về phụ nữ và việc thiếu theo dõi các hứa hẹn phát huy hơn nữa các vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, cũng như lời ngài liên tiếp chống lại các cố gắng nhằm tái định nghĩa hôn nhân và gia đình.

Đối với người cấp tiến, trong 24 tháng qua, từng hy vọng Đức Phanxicô sẽ dọn đường cho một cuộc xét lại học lý, năm nay sẽ là năm trong đó “Mùa Xuân Rôma” bắt đầu trông giống như một thứ bánh vẽ.

2. Một ngôi sao nhạc rock tại Hoa Kỳ

Đức Phanxicô sẽ viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng Chín. Đây là lần viếng nước này đầu tiên cả trong tư cách giáo hoàng, lẫn trong đời ngài. Ngài sẽ tới Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, Nữu Ước và Philadelphia. Có lời đồn từ Rôma rằng ngài hơi bồn chồn về chuyến đi này, nên đã điện thoại cho một số tu sĩ Dòng Tên để nắm vững tình hình.

Sự bồn chồn này là điều dễ hiểu. Ngoài việc không thông thạo tiếng Anh, Hoa Kỳ còn là nơi ngài không thấy thoải mái bao nhiêu. Không một nền văn hóa Công Giáo nào khác trên trái đất này lại có một hạ tầng cơ sở sâu rộng đến thế dành cho việc bảo vệ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, một chủ nghĩa bị ngài phê bình gắt gao. Các chủ trương của ngài về di dân và môi trường vốn gây chia rẽ ở đây, các lập trường của ngài về các điểm nóng như Syria và Ukraine thường bị các giới nắm giữ chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ngờ vực, và dư luận ở đây vẫn coi các cố gắng của Đức Giáo Hoàng đối với việc giải quyết các tai tiếng lạm dụng tình dục là chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, người ta vẫn dự đoán là Đức Phanxicô sẽ gây chấn động tại đây.

Lý do thứ nhất, Đức Phanxicô đã chứng tỏ đầy đủ ngài là thỏi nam châm thu hút tình người mà Đức Gioan Phaolô II vốn là trước đây. Ngài thu hút 3 triệu người tới Bãi Biển Copacabana ở Rio de Janeiro năm 2013, không thua gì cuộc hòa nhạc Tân Niên 1994 của Rod Stewart. Và tại Manila hồi tháng Giêng năm nay, ngài lôi cuốn 6 triệu người, dù trong mưa bão.

Các đám đông ở Hoa Kỳ chắc chắn sẽ đông và hào hứng, tạo ra một cuộc tập họp tích cực.

Thứ hai, truyền thông Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều tài nguyên to lớn trong việc đề cao Đức Phanxicô như một anh hùng được lòng dân, đến nỗi phải có một tai họa tầm cỡ không ai hiểu nổi may ra mới làm họ thay đổi ý kiến.

Thêm vào đó, không ai không biết rằng không như phần lớn các xã hội Tây Phương khác, Hoa Kỳ, căn bản, vẫn là một xã hội tôn giáo thâm hậu trong đó các nhà lãnh đạo tôn giáo vẫn được kính trọng nhiều.

Còn về tiếng Anh của Đức Giáo Hoàng, thì quả có giới hạn, nhưng điều này vẫn không ngăn cản ngài nhận được 70 phần trăm ủng hộ, ngay trong giới không Công Giáo, chỉ 15 phần trăm thấy điều ấy có vấn đề mà thôi. Người Cộng Hòa cũng như người Dân Chủ, da trắng hay da đen, già hay trẻ, về căn bản, đều rất mộ mến ngài.

Nói cách khác, mọi chuyện đã sẵn sàng để chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của Đức Phanxicô sẽ là một biến cố lớn.

3. Vị Giáo Hoàng xanh đậm

Đức Bênêđíctô XVI từng được tuyên dương là “Vị Giáo Hoàng Xanh” vì giáo huấn và gương sáng của ngài về môi sinh, trong đó, có việc cho ráp các tám năng lượng mặt trời trên nóc Hội Trường Yết Kiến ở Vatican và việc ký kết thoả ước biến Vatican thành quốc gia đầu tiên ở Âu Châu trung tính đối với cácbon nhờ tái tạo một cánh rừng kiểu Hung Gia Lợi.

Năm nay có thể là năm Đức Phanxicô sẽ xuất hiện như một nhân vật mà giới môi sinh quen gọi là “xanh đậm” theo nghĩa sẽ tăng cường cam kết của Giáo Hội đối với môi trường bằng cách liên kết các hiệu quả sói mòn của chủ nghĩa duy tiêu thụ và hiệu quả chạy trốn của chủ nghĩa tư bản hoàn cầu.

Vào khoảng mùa hè, Đức Phanxicô sẽ công bố thông điệp của ngài về tạo thế, đánh dấu lần đầu tiên một vị giáo hoàng dành một văn kiện giáo huấn hàng đầu cho các chủ đề môi sinh. Vì là quan tâm hàng đầu như thế, chắc chắn Đức Phanxicô sẽ lưu ý tới tác động tai hại của môi sinh và các thiên tai đè nặng lên người nghèo một cách không tương xứng và sẽ liên kết sự mẫn cảm về môi sinh với các vấn đề rộng lớn hơn về công lý.

Đức Phanxicô cũng nói rằng ngài muốn công bố thông điệp nói trên sớm để ảnh hưởng tới các cuộc thảo luận tại Hội Nghị Thượng Đỉnh của LHQ về thay đổi khí hậu tại Paris vào tháng Mười Hai; ngài muốn thúc đẩy hội nghị này đưa ra “các quyết định can đảm”.

Trước khi Đức Phanxicô xuất hiện trên diễn đàn, lý thuyết gia chính trị Mỹ Jeremy Rifkin đã tiên đoán rằng các vấn đề như thay đổi khí hậu đang làm tan biến các chia rẽ tả/hữu cổ điển để tạo nên một thứ “chính trị sinh học” mới trong đó những người bảo vệ thiên nhiên thuộc cánh tả và những người bảo vệ sự sống con người thuộc cánh hữu sẽ trở thành đồng minh của nhau, chống lại thứ chủ nghĩa duy kỹ nghệ siêu độ chuyên coi mọi sự, kể cả thiên nhiên và sự sống hữu cơ, như một món hàng.

Năm nay có thể là năm trong đó, Đức Phanxicô biến lời tiên đoán của Rifkin thành sự thật.

4. Sẽ không như thời khắc Humanae Vitae

Khi Đức Phanxicô quyết định tổ chức hai thượng hội đồng giám mục để bàn về gia đình, ngài không chủ yếu nghĩ tới vấn đề gây tranh cãi là có nên cho phép những người Công Giáo ly dị và tái hôn bên ngoài Giáo Hội được rước lễ hay không. Viễn kiến của ngài rộng hơn nhiều, khởi đầu với việc Giáo Hội phải hỗ trợ ra sao các gia đình đang gặp khó khăn khắp trên thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề người ly dị và tái hôn đã trở thành vấn đề nóng bỏng nhất trong diễn trình thượng hội đồng, và đối với nhiều người, đây là đầu mối cho thấy liệu cam kết cải tổ của Đức Phanxicô có đôi chút gì thực chất hay không.

Thượng hội đồng thứ hai sẽ diễn ra trong tháng Mười và có người tiên đoán: các giám mục cũng sẽ chia rẽ về người ly dị và tái hôn như hồi tháng Mười năm ngoái. Thành thử vấn đề không phải là Đức Phanxicô sẽ nghe được gì, mà đúng hơn là ngài sẽ làm gì khi nghe thấy nó.

Một số quan sát viên tin rằng nếu Đức Phanxicô không cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ, thì Humanae Vitae lại xuất hiện một lần nữa. Đó là thông điệp gây tranh cãi năm 1968 của Đức Phaolô VI nhằm duy trì việc ngăn cấm kiểm soát sinh đẻ theo truyền thống, do đó làm nản lòng những người mong đợi có sự thay đổi, khiến nhiều người có ý kiến tiêu cực đối với Đức Giáo Hoàng.

Hiện nay, các dự đoán về điều Đức Phanxicô sẽ làm xem ra quá sớm. Tuy nhiên, cho dù ngài nói không đi chăng nữa, cũng vẫn có 3 lý do khiến ta không gặp một thời điểm nữa như Humanae Vitae.

Thứ nhất, ngừa thai nhân tạo giống như trận động đất văn hóa vĩ đại trong xã hội nói chung tạo nên cả một thứ cách mạng về tình dục. Trong khi ấy, việc người Công Giáo ly dị và tái hôn có được rước lễ hay không chỉ là một vấn đề nội bộ trong Giáo Hội Công Giáo, khó lòng có thể tạo ra phản ứng tương tự ở bên ngoài.

Thứ hai, Đức Phaolô VI chưa bao giờ có được sự ủng hộ mạnh mẽ của báo chí như Đức Phanxicô hiện nay. Vốn liếng chính trị này chắc chắn giúp Đức Phanxicô vượt qua nhiều thứ gió ngược.

Thứ ba, Đức Phanxicô đã ra dấu hiệu sẽ ủng hộ một cách mềm dẻo hơn nữa người ly dị và tái hôn bằng nhiều cách thế khác nhau. Nếu ngài thoái lui, nhiều người sẽ chỉ cho rằng ngài làm thế vì tinh thần hợp đoàn, hơn là áp đặt ý muốn riêng. Điều này cả phe cấp tiến cũng khó lòng phản đối được.

5. Vị Giáo Hoàng của người bị bách hại

Đức Phanxicô rõ ràng đã tái sinh lực hóa khả năng chính trị và ngoại giao của Tòa Thánh và của ngôi vị giáo hoàng, tượng trưng bởi vai trò của ngài trong việc kết thúc các căng thẳng của chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Cuba.

Cho tới nay, ta vẫn đang chờ vấn đề chính trị địa dư đặc trưng của triều giáo hoàng của ngài thành hình. Với Đức Gioan Phaolô II, đó là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Cộng Sản tại Âu Châu. Các hoàn cảnh đang hội tụ để cung cấp câu trả lời đối với Đức Phanxicô dưới hình thức bạo lực mỗi ngày một lên cao chống lại các Kitô hữu.

Với đà tiến của ISIS ở Trung Đông, sự hiếu chiến của Boko Haram tại nhiều vùng ở Phi Châu, và một môi trường hoàn cầu trong đó, các Kitô hữu đã trở thành bộ phận tôn giáo bị áp bức hơn cả, năm này sẽ là năm trong đó, Đức Phanxicô xuất hiện như là Vị Giáo Hoàng của người bị bách hại.

Đức Phanxicô vốn đã biến sự hy sinh của nhiều vị tân tử đạo thành chất liệu cho nhiều bài nói hùng hồn của ngài trong đó, ngài không ngừng nhắc đến “nền đại kết bằng máu” đang hợp nhất các Kitô hữu ngày nay. Ngài lên tiếng ủng hộ một hành động quân sự chống lại ISIS, cho rằng được phép chặn đứng kẻ gây hấn bất chính.

Trong số Time trực tuyến tuần này, Francis Rooney, cựu đại sứ Mỹ tại Tòa Thánh, lý luận rằng Vatican dưới thời Đức Phanxicô rất thích hợp để triển khai “một lực lượng hòa dịu” chống chủ nghĩa tôn giáo quá khích.

Rooney cho rằng Đức Phanxicô có thể cổ vũ “một cộng đồng rộng rãi các quốc gia … để tạo nên một lực lượng có thể hỗ trợ được, và công chính chống lại những người quá khích duy Hồi Giáo” và để khuyến khích “các quốc gia Hồi Giáo và chính các nhà lãnh đạo của chúng… đưa ra các luận chứng thần học và triết học nhằm đem Hồi Giáo nói chung hòa hợp với thế giới hiện đại”.

Thời điểm để một cố gắng như thế có thể xuất hiện sẽ là tháng Mười Hai, khi Đức Phanxicô viếng thăm Cộng Hòa Trung Phi. Đây là một quốc gia bị khủng hoảng từ năm 2013 vì bạo động phe phái đôi khi nổ ra ở lằn ranh Hồi Giáo/Kitô Giáo.

Đó cũng là nơi các Kitô hữu không phải chỉ là nạn nhân mà còn là kẻ phạm tội nữa: các dân quân Kitô Giáo cũng từng sát hại người Hồi Giáo, đốt nhà họ và cướp trâu bò của họ, một thực tại sẽ giúp Đức Phanxicô lên tiếng nhân danh tất cả các nạn nhân của bạo lực tôn giáo và lên án chủ nghĩa qua khích bất cứ phát xuất từ đâu.

Nếu sự việc diễn ra như thế, thì Chúa quan phòng quả muốn biến vị giáo hoàng đầu tiên lấy tên Phanxicô thành tông đồ ưu việt của hòa bình tôn giáo.
 
Quyền của người đồng tính và tự do tôn giáo
Vũ Van An
22:03 17/03/2015
Người đồng tính đã công khai đi vào nghị trình thảo luận của Giáo Hội Công Giáo, khi Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình năm 2014 chính thức mời ông Romano và bà Mavis Pirola của Úc Đại Lợi phát biểu ngay từ những ngày đầu tiên. Nói một cách tổng quát, ông bà đồng cảm và đề cao câu nói bất hủ của Đức Phanxicô khi đề cập tới những người đồng tính có thiện chí, luôn tìm kiếm Thiên Chúa: tôi là ai mà dám phê phán họ!

Chiều hướng của Đức Phanxicô rõ ràng là cần một thái độ tích cực hơn để chào đón người đồng tính. Nhưng trên thực tế, việc chào đón này có nhiều giới hạn. Mấy ngày gần đây, có cuộc tranh luận lý thú về vấn đề này.

Cứ việc nướng bánh và cung cấp hoa cưới cho các cặp đồng tính

Donna Carol Voss, thuộc Religion News Service, có bài “Just bake the cake and arrange the flowers” (cứ việc nướng bánh và sắp xếp những bó hoa). Cô có ý nói tới hai sự kiện đã xẩy ra cách nay lâu rồi: chủ tiệm bánh Công Giáo từ khước không nướng bánh cưới cho một cặp đồng tính; và chủ tiệm hoa Công Giáo từ khước không cung cấp hoa cưới cho một cặp đồng tính khác. Cả hai đều bị tòa kết án là kỳ thị.

Donna khẳng định: cô không ủng hộ các cuộc hôn nhân đồng tính. Lý do của cô không hẳn có tính tôn giáo, vì theo cô, đặt bất cứ cuộc ghép đôi nào ngang hàng với cuộc ghép đôi có khả năng phát sinh ra sự sống con người đều không hợp luận lý. Ấy là chưa kể đến cuộc tự sát có tính xã hội…

Nhưng những người buôn bán từ khước cung cấp dịch vụ cho các đám cưới đồng tính lại là chuyện khác. Barronelle Stutzman, người bán hoa, trong hơn 20 dịp trước đây, vốn phục vụ khách hàng đồng tính của mình, nhưng lần này từ khước không phục vụ nữa. Cô cho hay: “tôi đặt tay tôi lên tay anh ta và nói với anh ta rằng vì mối liên hệ của tôi với Chúa Giêsu Kitô, tôi không thể làm việc này, không thể phục vụ đám cưới của anh ta”.

Donna cho rằng cô cũng thực thi mối liên hệ của cô với Chúa Giêsu hàng ngày nhưng việc này không cho cô cái quyền được lựa được chọn giáo huấn thánh kinh nào để theo nếu giáo huấn này đi ngược lại luật dân sự (!) như lời viên chánh án ở Hoa Thịnh Đốn, người vốn kết án người bán hoa, nói: “động lực tôn giáo không miễn chuẩn việc tuân thủ luật pháp”.

Luận lý học cũng khiến Donna tự hỏi: Ở đâu có chuyện từ khước việc cung cấp hoa hay bánh cưới cho những cặp liên sắc tộc? Hay những cặp không kết hôn (nghĩa là gian dâm) muốn cử hành mối liên hệ của họ? Nhiều phần trong Thánh Kinh cũng từng lên án những việc này.

Cuối cùng, luận lý học đòi phải nhìn nhận rằng Thánh Kinh tự mâu thuẫn ở rất nhiều chỗ. Ta phải theo những chỗ nào? Những người bán hoa hay làm bánh này có vay nợ không? (Vì Thánh Kinh cấm việc cho vay nặng lãi). Họ có giữ ngày Sabát không? Họ có dâng cúng 1 phần 10 hay không? (Thánh Kinh rất rõ ràng đối với sự quan trọng của cả hai việc này).

Đề cao các quan điểm tôn giáo được mình tin một cách sâu sắc khi chúng có tính cách tư riêng là một chuyện. Các quan điểm riêng tư không cần phải nhất quán, công bình hay hợp luận lý. Nhưng tác phong công cộng, được luật pháp qui định, thì buộc phải nhất quán, công bình và hợp luận lý.

Những người đàn ông Do Thái cực chính thống làm xáo trộn chuyến bay vì không chịu ngồi bên cạnh các phụ nữ dĩ nhiên là sai. Đáp máy bay là một chọn lựa tự ý, và bạn thuận theo các điều kiện khi mua vé. Điều hành hay quản lý một doanh nghiệp thương mại là một quyết định tự ý, và bạn thỏa thuận các điều kiện khi bạn nạp đơn xin phép mở kinh doanh hay tiếp tục kinh doanh đó.

Đối với các nhân viên chính phủ: quan tòa, thư ký tòa, thẩm phán hòa giải cũng thế không thể viện cớ tôn giáo để miễn chuẩn thi hành nhiệm vụ, trong trường hợp này là cấp chứng chỉ hôn thú dân sự cho các cặp đồng tính. Họ được trả tiền để làm việc đó, chứ không phải để theo đuổi một chiến dịch truyền giáo.

Ngay cả việc tham dự một đám cưới đồng tính cũng không hẳn là ủng hộ hôn nhân đồng tính. Donna cho hay cô từng dự hai đám cưới đồng tính nữ, không phải vì cô ủng hộ định chế hôn nhân đồng tính cho bằng hỗ trợ những người quyết định cưới nhau.

Không tham dự cuộc cử hành của họ cũng không mang thắng lợi gì cho hôn nhân truyền thống; nó chỉ phá hoại các mối liên hệ của ta. Tôi rất có thể không đồng ý với cách nhìn của họ, nhưng tại sao lại làm thương tổn họ ở cái điều họ coi là quan trọng nhất trong đời họ?

Quan điểm của Donna Carol Voss, một tác giả, một blogger và là một diễn giả, không hẳn sai, nhưng cô xếp nhiều điều khác nhau vào các lý lẽ bênh vực quan điểm của mình. Có điều chỉ đụng tới tác phong, nhưng có những điều đụng tới nguyên tắc. Nói rằng không được dựa vào bất cứ giáo huấn thánh kinh nào để bất tuân luật dân sự là chối bỏ chứng tá của biết bao anh hùng chết cho tự do lương tâm, tự do tôn giáo khắp trong lịch sử loài người. Luận điệu ấy chỉ đúng đối với quan tòa, nhất là những quan tòa không tôn trọng tự do lương tâm và tự do tôn giáo, mà hiện nay, nhan nhản khắp mọi xã hội, kể cả xã hội Hoa Kỳ. Nó không đúng đối với lương tâm con người phổ quát.

Tôn trọng các xác tín tôn giáo

Xin mời qúy độc giả đọc các luận điểm của Linh Mục Dwight Longernecker trong bài “Respect religious convictions” (tôn trọng các xác tín tôn giáo).

Trước nhất, linh mục Longernecker muốn minh xác ngay từ đầu rằng: các luận điểm của ngài không đề cập tới tính hợp luân hay vô luân của các hành vi đồng tính. Ngài chỉ muốn nói tới sự căng thẳng giữa tự do tôn giáo và việc kỳ thị mà thôi. Và vì ngài là một linh mục Công Giáo, chứ không một chuyên gia luật pháp, nên ngài không đề cập tới vấn đề như một luật gia mà như một mục tử quan tâm tới sự triển nở nhân bản và như một công dân ưu tư đối với ích chung.

Ngài hy vọng đại đa số người Mỹ đồng ý rằng không được kỳ thị bất cứ ai trên căn bản nòi giống, tín ngưỡng, phái tính hay khuynh hướng tính dục. Mọi người phải được hưởng cơ hội bình đẳng và được tôn trọng. Ngài cũng hy vọng đại đa số người Mỹ tin tự do tôn giáo. Xét theo lịch sử, điều này không những có nghĩa tự do thờ phượng theo ý muốn, mà còn tự do theo một lối sống tôn giáo và chọn lựa theo các xác tín tôn giáo của mình. Tự do thực hiện các chọn lựa như thế vốn được luật pháp bảo vệ và chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp hạn hữu như song hôn, loạn luân, phân biệt chủng tộc và con nít kết hôn, tức các trường hợp trong đó, người ta cho rằng các chọn lựa do tôn giáo thúc đẩy có thể gây hại cho một người khác.

Một nguyên tắc khác của tự do tôn giáo là không ai bị buộc phải vi phạm lương tâm và các xác tín tôn giáo của mình. Nhân viên y tế theo Kitô Giáo có thể chọn không thực hiện các thủ tục phá thai dù các thủ tục này hợp pháp. Các bác sĩ Công Giáo được tự do cố vấn các bệnh nhân của mình sử dụng việc kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên, tránh ngừa thai theo lối nhân tạo. Các định chế tôn giáo được miễn chuẩn một số khía cạnh của luật nhân dụng có thể đi ngược các xác tín tôn giáo của họ, và các chủ nhân Kitô Giáo không buộc phải chi trả cho các thủ tục và kỹ thuật y khoa xâm hại tới lương tâm họ.

Nhưng trong khi các tín hữu có thể chọn lựa vì các lý do tôn giáo, họ không được ép người khác chấp nhận cùng các xác tín như họ. Một y tá Công Giáo có thể quyết định không phụ giúp một cuộc phá thai, nhưng cô không được ngăn cản một thủ tục hợp pháp do những người không có cùng một xác tín tôn giáo như cô thực hiện. Một mục sư Baptist có thể từ chối không chủ tọa một đám cưới đồng tính, nhưng ông không thể ngăn cấm một người Episcopalian làm thế.

Nếu ta chấp nhận các nguyên tắc hiện hữu, thì tất nhiên, các công dân có quyền từ khước không cung cấp một dịch vụ nào đó vốn có khả năng vi phạm lương tâm của họ, hay họ có thể nghĩ ra cách thế thực hiện công việc của mình mà không vi phạm các nguyên tắc của mình. Như thế, một người Hồi Giáo được phép một là không làm bánh san-duýt thịt heo hai là nghĩ ra cách làm một bánh sanduýt giả thịt heo để không vi phạm tôn giáo của mình. Chủ nhân của anh ta nên nhậy cảm và thông cảm, còn nhân viên thì nên quân bình hóa và sẵn sàng thoả hiệp trong khi không vi phạm các xác tín riêng của mình…

Liên quan tới vấn đề đồng tính luyến ái, các xác tín của một người phải được tôn trọng trong khi người thành thực phản đối về tôn giáo nên có những thỏa hiệp hợp theo lương tri. Nếu tôi là chủ tiệm bánh và được yêu cầu cung cấp bánh cưới cho một đám cưới đồng tính, tôi có thể đồng ý nướng bánh cho các khách hàng đồng tính, nhưng yêu cầu họ kiếm một tiệm bánh khác cung cấp đường cô (icing) mầu hồng và tượng nhỏ hai người đàn ông hôn nhau trên chiếc bánh. Nếu người có xác tín tôn giáo không tìm ra được giải pháp thỏa hiệp, họ nên được phép rút lui. Vì dù sao, cũng có nhiều tiệm bánh khác. Một thẩm phán hòa giải có thể từ khước cử hành một đám cưới đồng tính không? Ông có thể trao nhiệm vụ cho một đồng nghiệp giống một bác sĩ có thể từ chối tiến hành một vụ phá thai để một bác sĩ khác cung cấp dịch vụ này.

Người ta có thể lý luận rằng chủ tiệm bánh từ khước việc cung cấp bánh cưới cho người đồng tính là kỳ thị họ. Điều này có thể đúng, nếu ông từ khước không cung cấp bất cứ chiếc bánh nào cho họ. Ông không ngại cung cấp bánh cho họ, nhưng vì các xác tín tôn giáo, ông không muốn tham dự “sâu” vào một đám cưới đồng tính. Ông đáng được hưởng quyền không tham dự như thế.

Cha Longernecker cho rằng trong tư cách một linh mục Công Giáo, ngài ưu tư trước việc các cuộc kết hợp đồng tính được coi như tương đương với hôn nhân. Nhưng ngài còn ưu tư hơn nữa khi một số người muốn buộc người có tôn giáo phải thỏa hiệp các xác tín tôn giáo của họ để hành động ngược với lương tâm họ. Lý do không những là vấn đề kết hợp đồng tính đúng nghĩa mà thôi, mà là vấn đề rộng lớn hơn đó là sự va chạm của lương tâm cá nhân trước sức mạnh của giới quyền uy (establishment).

Tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ không được khai phá một cách đơn độc, nhưng là một phản ứng đối với các tôn giáo “nhà nước” tại Âu Châu. Các nhà sáng lập ra Hiệp Chúng Quốc chống lại ý niệm tôn giáo nhà nước vì nó là một hình thức của ý thức hệ cưỡng bức, và do đó, tự do cá nhân được phép bất đồng đã trở thành đối cực. Mọi người được tự do theo tôn giáo của mình hơn là thứ tôn giáo từ trên áp đặt xuống, cưỡng chế bằng thuế khóa, trưng thu, tù đầy, thậm chí tra tấn và xử tử.

Tự do tôn giáo là thuẫn che không những chống lại tôn giáo nhà nước, mà chống lại bất cứ ý thức hệ nào do nhà nước cưỡng chế, và do đó, nó là một giá trị độc đáo, qúy giá và mỏng dòn. Tự do tôn giáo bị chà đạp, là lương tâm cá nhân bị chà đạp, và khi một người đàn ông hay một người đàn bà cá thể không được quyền tranh đấu cho điều họ nghĩ là đúng và chống lại điều họ nghĩ là sai, thì toàn bộ xã hội sẽ lâm nguy. Lâm nguy là vì luôn lấp ló đâu đó anh chàng duy ý thức hệ không cho phép ai được bất đồng, tự tung tự tác như một bạo chúa sẵn sàng dập tắt bất cứ bất đồng nào trước khi triệt hạ người bất đồng.

Cha Longernecker, vì thế, cho rằng ngài ủng hộ những con người bình thường dám can đảm nói lên các xác tín tôn giáo của mình, dù bị coi là kẻ cuồng tín điên rồ. Ngài ủng hộ người đàn bà từ khước không cho một cặp không cưới nhau thuê phòng trong nhà trọ của bà. Đây là nhà trọ của bà và là tôn giáo của bà. Bà không nên bị những kẻ lăng nhăng bắt nạt hù họa. Còn có những khách sạn khác. Ngài ủng hộ người Hồi Giáo không chịu phân phối xúc xích thịt heo và người Ấn Giáo không chịu ăn thịt bò. Ngài ủng hộ người Amish lái xe độc mã và người Mormon không uống trà. Ngài bênh vực em học sinh trung học sẵn sàng nói với ông chủ rằng em không thể làm việc vào Chúa Nhật, người Baptist không vào quán bar và bác sĩ Công Giáo nhất định không hoài thai một em bé chưa sinh.

Chúng ta nên coi những cá nhân trên là người can đảm và ủng hộ quyền bất đồng của họ vì nếu không làm như thế, khi phải quyết định đứng lên chống những tên bắt nạt và những bạo chúa trong các vấn đề quan trọng hơn chiếc bánh cưới, thì đã quá muộn.

Hai người đồng tính nổi tiếng lên tiếng ủng hộ hôn nhân truyền thống

Elise Harris và Ann Schneible, của hãng tin CNA, tường thuật về hai nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Ý, đó là Domenico Dolce và Stefano Gabbana. Hai người này đồng sáng lập ra “đế quốc” thời trang Dolce & Gabbana năm 1985 và trong tuần qua, đã gây xôn xao dư luận hoàn cầu khi lên tiếng bênh vực hôn nhân truyền thống.

Stefano cho rằng “Gia đình không phải là một mốt nhất thời. Trong đó, có một cảm thức siêu nhiên được thuộc về”. Domenico thì cho rằng “chúng ta không sáng chế ra gia đình”.

Điều đáng lưu ý: hai nhân vật này công khai đồng tính luyến ái. Nhưng họ cho hay: con cái có quyền được dưỡng dục bởi một người cha và một người mẹ, và họ lên án việc ngừa thai nhân tạo cũng như việc sử dụng các bà mẹ đẻ giùm (surrogate mothers) của các cặp đồng tính, gọi việc này là “tử cung cho thuê”.

Vì theo họ, sinh con phải là một “hành vi của tình yêu”. Họ cho biết thêm: cho tới nay, các nhà tâm lý học vẫn chưa sẵn sàng đối diện với các hậu quả của “các thử nghiệm này”.

Họ cho biết: “Chúng tôi, trong tư cách một cặp, phản đối việc người đồng tính nhận con nuôi. Đã đủ các con cái hóa chất và tử cung cho thuê rồi. Con cái phải có một bà mẹ và một ông bố”.

Họ tuyên bố như trên ngày 12 tháng Ba và lời tuyên bố trên khiến cộng đồng đồng tính phẫn nộ. Ca nhạc sĩ Elton John và nhiều nhân vật nổi tiếng khác cho rằng họ tẩy chay các nhà thiết kế thời trang này. Chúa Nhật qua, Dolce-Gabbana ra tuyên bố cho rằng họ không muốn xúc phạm ai.

Đây không phải là lần đầu cặp đồng tính này bày tỏ việc họ chống đối hôn nhân đồng tính. Năm 2013, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Telegraph, Dolce từng nói rằng “tôi không tin hôn nhân đồng tính” và anh cho biết anh là một người Công Giáo ngoan đạo.

Họ cũng không phải là những người đồng tính đầu tiên phản đối hôn nhân đồng tính. Năm 2012, trong cuộc phỏng vấn của tờ Sunday Times, tài tử Anh Rupert Everett từng nói rằng anh “không nghĩ được điều gì tệ hại hơn việc được hai ông bố dưỡng dục”.

Luật lệ mới đây của Pháp đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và việc này làm dấy lên cả một phong trào chống đối khắp nước, trong đó, nhiều người nam nữ tham gia việc bảo vệ hôn nhân truyền thống.

Nhân dịp này, Dolce cho biết: “bạn không thể có hết mọi chuyện ở trên đời. Thiếu một điều gí đó vẫn là điều tốt đẹp. Đời sống có đường đi tự nhiên của nó; có những điều không thể nào sửa đổi được. Gia đình là một trong số đó… Nó không phải là một vấn đề tôn giáo hay địa vị xã hội, không hề có hai lối về nó: sinh ra, bạn đã có một người cha và một người mẹ”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Hà Nội, hạt Hố Nai, mừng 60 năm thành lập
Khổng Hữu Nguồn
09:00 17/03/2015
MỪNG NGỌC KHÁNH GIÁO XỨ HÀ NỘI (1955-2015)

Sáng thứ Ba ngày 17.03.2015, Cộng đoàn Giáo xứ Hà Nội, hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc hân hoan tổ chức lễ mừng kỷ niệm 60 năm hình thành xây dựng và phát triển giáo xứ.

Hình ảnh

Trong dịp này, mọi người sốt sắng tham dự lễ Khai mạc Năm Thánh và tạ ơn Chúa với biết bao hồng ân Chúa ban cho giáo xứ trong 60 năm qua (1955-2015).

Cùng dâng lễ với Đức Cha Đaminh Giáo phận có Đức Ông Vinh Sơn, Quý Cha Quản Hạt, và Quý Cha trong giáo phận.

Dự lễ có đông đảo quý tu sĩ nam nữ, quý khách, quý ân nhân, quý chức Ban hành giáo, các thành phần và đại diện các gia đình trong giáo xứ.

Sau ít phút, Đức Cha Đaminh Giáo phận gặp gỡ quý chức ban hành giáo trong giáo xứ và Ngài vui mừng khen ngợi những cố gắng hy sinh của tất cả mọi người mọi thành phần trong giáo xứ.

9 giờ, đoàn rước tiến bước từ trong khuôn viên nhà xứ đến cuối thánh đường tham dự nghi thức Khai Mạc Năm Thánh.

Mở đầu nghi thức Khai Mạc Năm Thánh, Đức Cha Giáo phận dâng lời nguyện cùng Mẹ Mân Côi, thánh cả Giuse và các thánh, xin Chúa dẫn đưa cộng đoàn giáo xứ đi vào Năm Thánh với con tim bừng cháy niềm vui: vui vì hồng ân đức tin Chúa ban, vui vì luôn có Chúa hiện diện trong đời, vui vì được sống yêu thương vun đắp đức tin. Tạ ơn Chúa, và cám ơn bao người đã cộng tác với Chúa, để giáo xứ có được đức tin vững mạnh ngày nay.

Xin Chúa đổ đầy ơn sủng trên tất cả mọi người trong Năm Thánh này, để đời sống đức tin ngày càng trở nên chứng tá sống động của tình yêu Thiên Chúa giữa đời, giúp nhiều người tin Chúa, yêu mến Chúa hơn.

Sau phần công bố Lời Chúa, Cha Giuse Chưởng ấn Giáo phận đọc sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao ban Phép Lành Tòa Thánh kèm theo Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh cho Giáo xứ Hà Nội nhân Kỷ niệm Mừng Ngọc Khánh Giáo xứ.

Kế đến Đức Cha Giáo phận long trọng tuyên bố Khai Mạc Năm Thánh tại giáo xứ Hà Nội và Ngài cùng Cha Đaminh Chánh xứ dẫn cộng đoàn tiến vào cung thánh với nghi thức phụng vụ Lời Chúa, phụng vụ Thánh Thể và lãnh nhận ơn toàn xá trong thánh lễ Mừng Kính Thánh Giuse Bổn Mạng Giáo xứ hôm nay.

Trước khi nhận phép lành toàn xá, Cha Đaminh Chánh xứ lên dâng lời cảm ơn Đức Cha, Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, quý chức ban hành giáo, quý khách, quý ân nhân trong ngoài nước, cảm ơn Cha đặc trách và anh chị em ban truyền thông giáo phận, quý cộng đoàn hiện diện, tiếp theo, hai vị đại diện cộng đoàn tiến lên dâng hoa Đức Cha và Đức Ông. Đức Cha Giáo phận tươi cười nói với cộng đoàn, xin tặng những bó hoa tươi thắm này cho Cha xứ, cho Ông Trưởng đại diện Ban hành giáo; thế là cộng đoàn vui cười, hòa với tràng pháo tay vang dội cả nhà thờ.

Trình tự lễ nghi diễn ra tốt đẹp, ca đoàn hát rất hay, giúp cộng đoàn sốt sắng tham dự thánh lễ, các ban phục vụ, âm thanh, ánh sáng, trật tự, khánh tiết, tiếp tân, y tế rất tốt, ân cần chu đáo phục vụ cộng đoàn.

Sau lễ, Đức Cha, Đức Ông cùng Quý Cha, Quý Tu sĩ, quý chức và cộng đoàn dùng tiệc liên hoan văn nghệ trong xứ đường và khuôn viên vườn sao phía đông nhà thờ.

Giáo xứ Hà Nội Quá trình hình thành và phát triển

Năm 1954, một số giáo dân dưới sự hướng dẫn của Cha Phanxicô Xaviê Vũ Kim Loan di cư đến xã Hố Nai, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa sinh sống và thành lập Giáo xứ Hà Nội. Thời gian đầu, Cha Phanxicô Xaviê và cộng đoàn đã dựng một nhà nguyện tạm bằng gỗ với kích thước 6m x 12m để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện. Hai năm sau, Cha Phaolô Nguyễn Quang Hiền kế nhiệm Cha Phanxicô Xaviê phụ trách Giáo xứ Hà Nội. Trong những năm đầu phụ trách Giáo xứ, Cha Phaolô từng bước ổn định các sinh hoạt mục vụ. Năm 1969, Cha và cộng đoàn thể hiện tinh thần hiệp thông trong việc xây nhà thờ mới với kích thước 24m x 64m bằng vật liệu kiên cố và hoàn thành hai năm sau đó. Năm 1975, Cha Đaminh Trần Xuân Thảo thay thế Cha Phaolô coi sóc Giáo xứ. Từ đó Cha Đaminh phát triển thêm những thành quả đã có qua các thời quý Cha quản xứ, đồng thời, hoàn thiện các sinh hoạt của Giáo xứ và tu sửa chỉnh chu các cơ sở vật chất để làm nên Giáo xứ Hà Nội tốt đẹp như ngày nay.

Giáo xứ có 5 giáo khu: La Vang, Fatima, Lộ Đức, La Mã, Mông Triệu và có thêm một khu Vô Nhiễm có nhà trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Thánh Giuse.

Giáo xứ có hơn 15 ngàn người và gần 4 ngàn gia đình Công Giáo.

Giáo xứ nhận Thánh Giuse Bầu Cử làm bổn mạng và mừng vào ngày 19 tháng Ba hàng năm.

Đất giáo xứ rộng 2,3 cây số vuông.

Các dòng tu trong giáo xứ hiện nay: Nữ Tá viên Thánh Camillo - Cộng Đoàn Chân phước Maria Domenica và Thánh Camillo. Đaminh Đức Mẹ Mân Côi Phú Cường - Tu Viện Thánh Giuse. Đaminh Thánh Tâm - Thí điểm Mái ấm Chúa Hài Đồng. Đức Mẹ Lên Trời - Cộng đoàn Đức Mẹ Lên Trời - Hố Nai.

Giáo xứ Hà Nội hiện nay đã và đang từng bước xây dựng các cơ sở mục vụ nhà giáo lý, nhà nuôi dậy trẻ mồ côi, cơ sở sinh hoạt dành cho việc học hỏi và Loan Báo Tin Mừng. Và giáo xứ sẽ tiến hành xây nhà quàng, nhà để hài cốt tại nghĩa trang giáo xứ. Dự kiến 10 lầu; nhưng trước mắt xây 1 trệt 2 lầu trên diện tích 1000 mét vuông.

Về ơn gọi, từ ngày thành lập giáo xứ đến nay, giáo xứ đã dâng hiến cho Hội Thánh 38 linh mục triều và dòng. 51 tu sĩ nam, nữ tại các dòng tu khác nhau, trong đó có 1 Đức Cha và 1 Đan Viện Phụ, 11 nam tu sĩ, 40 nữ tu sĩ và hiện có 6 chủng sinh.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Nếu việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng rơi vào Thứ Sáu Tuần Thánh, thì tính sao?
Nguyễn Trọng Đa
20:11 17/03/2015
Giải đáp phụng vụ: Nếu việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng rơi vào Thứ Sáu Tuần Thánh, thì tính sao?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi đang cố gắng hết sức để hoàn tất tham dự 9 Thánh Lễ cho việc đạo đức 9 Thứ Sáu đầu tháng. Tháng Tư tới sẽ là tháng thứ tám của tôi, nhưng không có Thánh lễ vào ngày thứ sáu đầu tháng ấy – vì đó là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Tôi sẽ tham gia nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh và rước lễ. Điều này có ảnh hưởng đến việc đạo đức của tôi không? Liệu nó được tính là Thứ Sáu đầu tháng số 8, hay thứ Sáu đầu tháng Năm mới là số 8, hoặc liệu thứ Sáu đầu tháng Năm sẽ trở thành số 1 chăng, vì không có Thánh Lễ của thứ Sáu đầu tháng trong tháng Tư? - M. W.

Đáp: Bạn đọc này của chúng tôi chắc là đang nhắc tới lời hứa cuối cùng trong 12 lời hứa của Thánh Tâm Chúa với Thánh nữ Marguerite Marie Alacoque (1647-1690). 12 lời hứa là như sau:

”1. Cha sẽ ban cho các kẻ tôn sùng Thánh Tâm Cha tất cả những ơn cần thiết theo đấng bậc.

2. Cha sẽ ban cho gia đình các con được bằng an.

3. Cha sẽ an ủi con trong cơn gian khổ.

4. Trái Tim Cha là nơi náu ẩn trọn đời cho các con, nhất là trong giờ các con lâm tử.

5. Cha sẽ chúc phúc tràn trề cho các công việc con làm.

6. Kẻ có tội sẽ gặp nơi Trái Tim Cha một biển cả thương xót bao la.

7. Các linh hồn khô khan sẽ trở nên sốt sắng.

8. Các linh hồn sốt sắng sẽ mau tiến tới đỉnh trọn lành.

9. Cha sẽ chúc lành cho các gia đình có trưng bày và tôn kính ảnh Thánh Tâm Cha.

10. Cha sẽ ban cho các linh mục tài lay chuyển các tấm lòng chai đá nhất.

11. Tên kẻ truyền bá sự sùng kính Thánh Tâm sẽ được khắc vào Trái Tim Cha, không hề bị phai mờ.

12. Bởi lòng lân tuất quá bội của Thánh Tâm, Cha hứa rằng tình yêu toàn năng của Thánh Tâm sẽ ân ban cho các kẻ rước lễ liên tiếp chín thứ Sáu đầu tháng, được ơn ăn năn trong giờ sau hết, không phải chết thất nghĩa cùng Cha, lại được lãnh nhận các bí tích vì Thánh Tâm Cha sẽ nên nơi náu ẩn vững vàng trong giờ ấy”. (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, Tổng giáo phận Huế).

Vì lời hứa số 12 đề cập đến việc rước lễ, chứ không nhắc đến việc tham dự thánh lễ, tôi nghĩ rằng thật là an toàn để nói rằng việc rước lễ trong nghi thức ngày Thứ Sáu tuần Thánh là quả đủ, để chu toàn các đòi hỏi của sự thực hành việc đạo đức của bạn. Đồng thời, khi tham dự thánh lễ các ngày thứ Sáu đầu tháng khác, bạn cần rước lễ nếu có thể được.

Theo việc đạo đức này, thứ Sáu đầu tháng của mỗi tháng được chính Chúa Giêsu chỉ định để tín hữu tôn thờ Thánh Tâm Chúa, gia tăng tình yêu của chúng ta đối với Chúa, và đền bù các xúc phạm quá khứ và hiện tại của chúng ta đối với tình yêu Chúa.

Đôi khi, danh sách 12 lời hứa là đối tượng của cuộc tranh luận nào đó. Trong các bút tích của thánh nữ Marguerite Marie Alacoque, không có danh sách 12 lời hứa rõ ràng, nhưng chúng nằm rải rác trong các bút tích ấy, trong các hình thức và ngày tháng khác nhau.

Danh sách này được trình bày lần đầu tiên trong một cuốn sách nhỏ, được xuất bản ở Pháp vào năm 1863. Năm 1882, ông Philip Kemper, một doanh nhân giàu có người Mỹ gốc Đức ở thành phố Dayton, bang Ohio (Mỹ), đã phổ biến danh sách này trên toàn thế giới, in một số lượng rất lớn tờ riêng gồm danh sách các lời hứa, với khoảng 238 ngôn ngữ.

Mặc dù ông Kemper nhận lời chúc lành cho công việc "đạo đức" và "hữu ích" này từ Giáo Hoàng Lêô XIII vào năm 1895, nhưng không phải mọi người đều hoàn toàn đồng ý. Ví dụ, Đức Hồng Y Pháp Adolph Perraud (1828-1906) cho rằng lời hứa được in trong tờ riêng là khác với từ ngữ và cách diễn đạt, vốn được sử dụng bởi Thánh Marguerite Marie Alacoque, và muốn sử dụng các từ ngữ trong bản gốc hơn. Chẳng hạn, trong khi các lời hứa được in trong lối phát biểu trực tiếp, thánh nữ Marguerite Marie Alacoque luôn luôn dùng lối nói gián tiếp: "Chúa đã cho tôi biết rằng Chúa sẽ chúc lành cho các gia đình có trưng bày và tôn kính ảnh Thánh Tâm Chúa...” Lối phát biểu trực tiếp cho thấy rằng Chúa Giêsu đọc cho thánh nữ, nhưng thường không là như vậy.

Ngoài ra còn có một số trường hợp mà các từ đã được thay đổi. Ví dụ, lời hứa thứ 10 là “Cha sẽ ban cho các linh mục tài lay chuyển các tấm lòng chai đá nhất". Trong thư cho linh mục Gioan Croiset (khoảng năm 1650-1738), cha linh hướng và người viết tiểu sử đầu tiên của thánh nữ, thánh nữ Alacoque đã viết: "Thầy chí thánh của con đã cho con biết rằng những ai lao nhọc cho việc cứu rỗi các linh hồn sẽ thành công trong công việc của họ, và sẽ có tài lay chuyển các tấm lòng chai đá nhất, nếu họ có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa, và nếu họ làm việc để truyền cảm hứng cho tất cả mọi người có lòng sùng kính, và thiết lập lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa ở khắp mọi nơi".

Các lời phê bình dường như không làm thay đổi ý nghĩa cơ bản của các lời hứa, đặc biệt là lời hứa thứ 12, như nó xuất hiện trong tác phẩm của thánh nữ: "Vào ngày thứ Sáu, khi con rước lễ, Chúa nói với người nô lệ không xứng đáng của Chúa, nếu con không nhầm rằng: Bởi lòng lân tuất quá bội của Thánh Tâm, Cha hứa rằng tình yêu toàn năng của Thánh Tâm sẽ ân ban cho các kẻ rước lễ liên tiếp chín thứ Sáu đầu tháng, được ơn ăn năn trong giờ sau hết, không phải chết thất nghĩa cùng Cha, lại được lãnh nhận các bí tích vì Thánh Tâm Cha sẽ nên nơi náu ẩn vững vàng trong giờ ấy".

Nói chung, các người cổ vũ việc đạo đức này đặt ra các điều kiện hoặc đề xuất sau đây, nhằm tránh cho việc thực hành thánh thiêng trở thành một cái gì đó tự động hoặc ma thuật:

(1) Chúa Giêsu yêu cầu rước lễ vào ngày đặc biệt do chính Ngài chọn;

(2) chín ngày thứ Sáu đầu tháng phải là liên tục với nhau;

(3) tín hữu phải thực hiện việc đạo đức ấy để tôn vinh Thánh Tâm Chúa, vốn có nghĩa rằng những ai làm việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng phải thực hành tốt, và phải có lòng yêu mến tuyệt vời đối với Chúa chúng ta;

(4) Chúa Giêsu không nói rằng những ai làm việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng được miễn bất kỳ nghĩa vụ nào của họ, hoặc thực hành sự cảnh giác cần thiết để có một đời sống tốt và vượt qua cám dỗ; thay vào đó, Chúa hứa một cách mặc nhiên hồng ân dồi dào cho những ai thực hiện việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng, để giúp họ thực hiện bổn phận và kiên tâm đến cùng;

(5) sự kiên trì cho việc rước lễ trong 9 thứ Sáu đầu tháng liên tiếp giúp tín hữu có thói quen rước lễ, mà Chúa rất mong muốn cho chúng ta;

(6) và sự thực hiện việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng là làm đẹp lòng Chúa, vì Chúa hứa ân thưởng lớn lao, và mọi người Công Giáo cần nỗ lực để thực hiện việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng như thế. (Zenit.org 17-3-2015)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hồn Nhiên
Dominic Đức Nguyễn
21:24 17/03/2015
HỒN NHIÊN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Hãy dành thì giờ chơi đùa
Đó là bí quyết trẻ mãi không già.
(Lời Mẹ Mẹ Têrêsa Calcutta)
 
Thánh Ca
Video Thánh Ca: Tình Khúc - Sáng Tác: Lm. Ân Đức - Trình Bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic
07:36 17/03/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây