Ngày 22-03-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cầu nguyện trong Tuần Thánh 2015
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:32 22/03/2015
TUẦN THÁNH 2015 : NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN.

THỨ HAI : GIUĐA và BÌNH NƯỚC HOA
Ga 12,1-11

Mở màn cho ngày thứ hai thánh, chúng ta cảm thấy khó chịu vì sự giả hình của Giuđa, một môn đệ của Chúa…Giuđa được Chúa Giêsu tin tưởng giao cho chức vụ làm quản lý, tuy nhiên Giuđa theo Chúa, nhưng lòng trí ở xa Chúa. Giuđa ham tiền, ham địa vị và đặc biệt ích kỷ, bủn xỉn chỉ nghĩ tới chính mình. Do đó, Ông rất khó chịu khi thấy Maria đem bình bạch ngọc, chứa đầy dầu thơm hảo hạng. Thực tế, theo các tin Mừng diễn tả :

Maria là người nữ tội lỗi. Cô nghe tin Chúa Giêsu đang ở nhà Ông Simon.Cô đã tìm tới đó để gặp Chúa Giêsu. Gặp được Chúa thay vì cô lấy vài giọt dầu thơm xức chân Chúa, đàng này cô đã đập bể cổ bình dầu, đổ đầy trên chân Chúa khiến hương thơm bốc lên ngào ngạt cả nhà, rồi cô lấy tóc lau chân Chúa.

Trước tấm lòng kính trọng, yêu mến của cô. Giuđa đã để lộ chân tướng hẹp hòi, ích kỷ của mình. Ông bực tức, phản đối hành động của cô Maria. Ông che đậy lòng tham của mình viện cớ để số tiền ấy giúp người nghèo. Ông quí bình nước hoa hơn thương kẻ nghèo.Ông đã sa ngã bán Chúa 30 đồng bạc.

Năm Tân Phúc Âm Giáo xứ và Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến. Chúng ta cầu xin cho các Giáo xứ, đặc biệt những người sống đời thánh hiến luôn biết sống cao thượng. Tiền bạc là cần thiết, nhưng nó không phải là cứu cánh, là mục đích sống còn của đời sống. Chúng ta và mọi người, đặc biệt những người đang sống đời thánh hiến đừng để mình ham mê tiền bạc đến nỗi quên mất tình người, quên Chúa và phản bội Chúa.

THỨ BA : GIUĐA PHẢN BỘI
Ga 13, 21-33.36-38

Có nhiều cái hôn. Có cái hôn âu yếm ngọt ngào. Có cái hôn tràn đầy nhựa sống.Nhưng, hôm nay, Giuđa hôn Chúa Giêsu không phải vì yêu Thầy mà phản bội Thầy. Cái hôn của Giuđa trở nên vô nghĩa, trờ thành bội phản.Bởi vì, trong bữa ăn cùng với các môn đệ khác. Giuđa cũng vờ vịt hỏi Chúa Giêsu:” Rápbi, chẳng lẽ con sao ? “. Giuđa cứ tưởng ai cũng như mình. Điều nặng nhất đối với Giuđa là ông đã không tin vào tình thương của Chúa. Ông hoàn toàn lạc đường. Tiền bạc, danh vọng, vinh hoa phú quí trần gian đã làm cho Giuđa mờ mắt. Giuđa đã hoàn toàn tuyệt vọng dù rằng bán Thầy, ông đã nhận ra lỗi lầm nhưng ông không tin vào lòng thương xót của Chúa, ông đã không tin Chúa có thể tha thứ tội lỗi tầy đình cho ông. Ông đã mất hết niềm tin, do đó ông đã chọn cái chết: thắt cổ. Ông đã tránh cái nhìn đầy yêu thương của Chúa và tránh những cái nhìn trách móc, xỉa xói của bạn bè.

Năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ : Mỗi thành viên trong Giáo xứ, Giáo họ hãy luôn tin tưởng vào Chúa. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta dù chúng ta tội lỗi, xa Chúa. Chúa luôn chờ đợi và tạo cho chúng ta dịp tốt, cơ hội thuận tiện để trở về. Chúng ta đừng bao giờ mắc phải lỗi lầm của Giuđa.

Đặc biệt là những người được Chúa chọn trong đời thánh hiến, chúng ta càng phải tin tưởng nhiều vào Chúa, càng phải bám chặt lấy Chúa vì Chúa luôn rộng lượng nhân từ thứ tha.

THỨ TƯ : GIUĐA TUYỆT VỌNG
Mt 26,14-25

Tuyệt vọng có nghĩa là buông xuôi, bỏ cuộc.Giuđa đã ở trong trường hợp này. Sau khi bán Chúa 30 đồng bạc. Giuđa thay đổi hoàn toàn.Sự thay đổi này có nghĩa rằng Giuđa đã bị quỷ ám.Ông cũng dùng bữa Tiệc Ly với Chúa Giêsu và các môn đệ khác.Tuy nhiên, trong bữa ăn này, Chúa Giêsu đã tỏ ra hết sức buồn sầu vì biết Giuđa đã phản bội. Đáng lẽ ra Giuđa biết nhìn vào Chúa, biết nhìn vào anh em và nhận ra tình thương của Chúa, chắc chắn Chúa sẽ thương yêu tha thứ. Chúa vẫn để cho Giuđa một cơ hội tốt, một dịp thuận tiện để quay về. Nhưng, Giuđa đã mất niềm tin…Ông bỏ đi và không ngoảnh lại nhìn Chúa. Ông ra đi trong bóng tối, có nghĩa đồng lõa với tội lỗi, với ma quỷ, với sự dữ. Giuđa đã tuyệt vọng hoàn toàn.Ông chọn cái chết mất nghĩa cùng Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, trong năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ và Cộng Đoàn Những Người Sống đời thánh hiến, xin cho chúng con dù là giáo dân hay tu sĩ, giáo sĩ, luôn biết trung thành với lời Chúa và sốt sắng thự hành lời Chúa.Xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa để chúng con không bao giờ phản nghịch bội bạc với Chúa. Amen.

THỨ NĂM : RỬA CHÂN - LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Ga 13, 1-15

Ngày thứ năm thánh đánh dấu biến cố lớn lao trong lịch sử cứu rỗi. Chúa Giêsu cùng với các môn đệ ăn bữa cuối cùng tại nhà Tiệc Ly. Bữa ăn này nói lên tình thương vô biên của Chúa. Tình thương tha thứ, tình yêu tự hiến, tình yêu nói lên tất cả. Trong bữa ăn chiều hôm nay, Chúa Giêsu đã bộc bạch tất cả nỗi lòng của mình với các môn đệ. Trong bữa tiệc này, chúng ta như hiểu được rõ ràng từng lời nói của Chúa :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ) hoặc “ Khi nào Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mỏi người đến cùng Ta”. Từng lời nói của Chúa như in đậm trong tâm hồn của mỗi người. Thật vậy, trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã trối lại cho các môn đệ và cho nhân loại ba tặng vật vô cùng quí giá. Ba tặng vật, ba cử chỉ tuyệt vời mà nhân loại sẽ không bao giờ quên được và không ai có thể làm phai nhòa.

RỬA CHÂN và THIẾT LẬP GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG: Đang ăn, Chúa Giêsu đứng dậy, thắt lưng, lấy chậu đổ nước, rửa chân cho các môn đệ. Chúa muốn để lại cho các môn đệ những lời trănho chúng ta bánh chính là thịt Ngài trối đầy tình yêu thương :” Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con “. Đây là lời trăn trối đầy yêu thương. Như thế, Ngài thiết lập giới răn yêu thương huynh đệ. Chúa Giêsu đã yêu các môn đệ, yêu thương nhân loại đến cùng. Yêu thương đến bằng lòng hy sinh chấp nhận cái chết trên thập giá. Đó là tình yêu tuyệt đối.Chết mới nói lên tất cả. Bằng cử chỉ rửa chân, Chúa Giêsu làm gương cho các môn đệ :” Hãy phục vụ nhau trong tình yêu, trong sự khiêm nhường “. Rồi Chúa lại ngồi vào bàn ăn và tiếp tục dạy bài học yêu thương.

THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ :

Trước khi từ biệt các môn đệ, Chúa Giêsu muốn để lại cho các môn đệ, cho nhân loại một kỷ vật. Ngài cầm lấy bánh, lấy rượu tạ ơn Chúa Cha, trao cho các môn đệ mà nói :” Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy “. Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể và truyền cho các môn đệ tái diễn lại hy tế trên bàn thờ mỗi ngày. Chúa Giêsu cho chúng ta hay bánh chính là thịt của Ngài và rượu chính là máu của Ngài. Đây là mầu nhiệm đức tin và mầu nhiệm tình thương. Trong bữa tiệc này Chúa đã thiết lập Thánh Thể và trao quyền chức Giám mục, Linh mục cho các môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu, trong năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ và Cộng Đoàn Những Người Sống Đời Thánh Hiến, xin cho mỗi người chúng con luôn biết yêu mến bí tích Thánh Thể để qua bí tích tình yêu này, chúng con luôn sống trong tình đoàn kết yêu thương để phục vụ nhau và phục vụ anh em với tất cả đức tin, lòng yêu mến của mình. Amen.


THỨ SÁU : CHÚA GIÊSU CHẾT THAY CHO CHÚNG TA
Ga 18, 1-19, 42

Ngày thứ sáu thánh là ngày cao cả, thánh thiêng, ngày đẹp nhất của mọi người theo Chúa. Bởi chính do cái chết trên thập giá tự nguyện của Chúa đã đem lại cho mọi người sự sống, hạnh phúc và niềm hy vọng, niềm vui. Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Chúa. Trên đồi Canvê, Chúa đã bị treo trên thập, giữa hai người trộm cướp. Cái chết của Chúa mang ý nghĩa cứu độ. Thực tế, có bao giờ chúng ta hiểu được cái chết của Chúa trên đồi Gongotha? Có bao giờ chúng ta hiểu được tại sao Chúa lại chết thay cho chúng ta ? Đây là một mầu nhiệm: Mầu nhiệm đức tin. Mầu nhiệm tình thương.

Do đó, chúng ta phải từ bỏ tội lỗi, đừng cố tình đóng đinh Chúa vào thập giá.Chúng ta hãy yêu anh em bằng cách đem Chúa cho anh em.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay ngày thứ sáu thánh, chúng con tôn vinh thánh giá. Xin cho trong năm Tân Phúc Âm Phúc Âm Hóa Giáo xứ, Cộng Đoàn Thánh Hiến, chúng con luôn biết mến yêu, tôn kính thánh giá Chúa vì chỉ nơi thập giá của Chúa mới chứa chan ơn cứu độ. Amen.


THỨ BẢY : SÁNG : CÙNG THINH LẶNG VỚI MẸ MARIA

Hội Thánh giữ thinh lặng thánh để suy nghĩ về cuộc thống khổ, cái chết và sự phục sinh của Chúa. Mẹ Maria thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm con của Mẹ đã hy sinh chấp nhận cái chết nhục nhã thập hình để cứu độ nhân loại. Sự im lặng thánh rất cần cho mỗi người chúng ta để chúng ta cùng thông hiệp với Mẹ Maria chiêm ngưỡng cái chết và đón chờ sự Phục sinh của Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con để dù chúng con là giáo dân, là tu sĩ hay giáo sĩ chúng con luôn hiểu được tình thương vô biên của Chúa, tình thương đã được Chúa thể hiện bằng cái chết trên thập giá. Năm Tân Phúc âm Hóa Giáo xứ và Cộng Đoàn Những Người Thánh Hiến, chắc chắn sẽ cho chúng con cơ hội tốt, nhìn lên Chúa nhiều hơn để chúng con hiểu, yêu thương và noi gương bắt chước Chúa. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC thành lập một miền Giám Quản Tông Tòa mới cho Giáo Hội nghi lễ Byzantine ở Hung Gia Lợi
Đặng Tự Do
09:25 22/03/2015
Với sắc lệnh ngày 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức lại hệ thống phân cấp của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Byzantine tại Hung Gia Lợi, và thành lập một miền Giám Quản Tông Tòa (sui juris) mới tại đây.

Đức Thánh Cha đã nâng giáo phận đông phương Hajdúdorog thành một tổng giáo phận, và đặt Đức Cha Fulop Kocsis làm giám mục trưởng. Ngài cũng nâng miền Phủ Doãn Tông Tòa Đông Phương (Apostolic Exarchate) Miskolc thành một giáo phận đông phương, do Đức Giám Mục Atanáz Orosz coi sóc.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha thành lập miền Giám Quản Tông Tòa Nyiregyhaza từ lãnh thổ của giáo phận Hajdúdorog.

Trong tổng số 9.9 triệu dân, 37.2% người Hung Gia Lợi là các tín hữu Công Giáo nghi lễ La Tinh sinh hoạt trong 5 tổng giáo phận, 8 giáo phận và một giáo phận quân đội. 1.8% dân số Hung Gia Lợi theo Công Giáo nghi lễ Byzantine sinh hoạt trong một tổng giáo phận, một giáo phận và một miền Giám Quản Tông Tòa.
 
ĐTC Phanxicô chúc mừng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nhân lễ quan thầy
Đặng Tự Do
09:25 22/03/2015
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện chúc mừng lễ bổn mạng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 hôm 19 tháng Ba là lễ Thánh Giuse, bổn mạng của ngài.

Về phần mình, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã chúc mừng đệ nhị chu niên ngày lễ nhậm chức mục tử toàn thể Hội Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thánh Giuse được vinh danh là Quan Thầy của Giáo Hội hoàn vũ, và là một trong những Thánh Quan Thầy của nước Ý. Ngày lễ Thánh Giuse là một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ Latinh, và là một ngày nghỉ lễ ở Vatican
 
ĐTC: Kitô hữu phải trung thực trong lời nói và việc làm
Linh Tiến Khải
20:20 22/03/2015
VATICAN - Chúng ta có thể cống hiến ba điều cho tất cả những người “muốn thấy Chúa Giêsu”: sách Phúc Âm, Thánh Giá và chứng tá đức tin nghèo nàn nhưng chân thành của chúng ta. Phúc Âm: trong đó chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu, lắng nghe Người và hiểu biết Người. Thánh Giá; dấu chỉ tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã tự trao ban cho chúng ta. Và một đức tin được diễn tả ra trong các cử chỉ đơn sơ của tình bác ái huynh đệ.

ĐTC Phanxicô dã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: trong Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, thánh sử Gioan lôi kéo sự chú ý của chúng ta với một chi tiết lạ kỳ: vài người Hy lap” theo Do thái giáo đến Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua, hướng tới tông đồ Philiphê và nói: “Chúng tôi muốn trông thấy Đức Giêsu” (Ga 12,21). Trong thành thánh, nơi Chúa Giêsu đến lần cuối cùng, có nhiều người. Có những người bé nhỏ và đơn sơ đã tiếp đón vị ngôn sứ thành Nagiarét vui như lễ hội, vì họ nhận ra nơi Ngài Đấng Chúa Sai Đến. Có những thượng tế và các vị lãnh đạo của dân muốn loại trừ Ngài, bởi vì họ coi Ngài là lạc giáo và nguy hiểm. Cũng có những người, như những người Hy lạp tò mò muốn trông thấy Ngài và hiểu biết hơn về con ngưòi và các việc Ngài đã làm, mà việc sau cùng là cho ông Ladarô sống lại đã gây nhiều ồn ào. ĐTC quảng diễn lời xin của các người Hy lạp như sau:

“Chúng tôi muốn trông thấy Đức Giêsu”: các lời này, như biết bao lời khác trong các Phúc Âm, vượt ngoài giai thoại đặc biệt này và diễn tả một cái gì phổ quát. Chúng vén mở cho thấy một uớc mong hiện hữu trong con tim của biết bao nhiêu người đã nghe nói tới Đức Kitô, nhưng chưa gặp được Ngài. “Tôi muốn trông thấy Đức Giêsu”, Ngài cảm thấy lời này trong trái tim của dân chúng. Trả lời một cách gián tiếp, một cách ngôn sứ, cho lời xin có thể trông thấy Ngài, Chúa Giêsu nói lên một lời tiên tri vén mở cho thấy căn cước của ngài và chỉ cho thấy con đường giúp hiểu biết Ngài thực sự: “Đã đến giờ con người được tôn vinh” (Ga 12,23). Đó là giờ của Thập Giá! Đó là giờ bại trận của Satan, ông hoàng của sự dữ, giờ chiến thắng vĩnh viễn của tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa. Chúa Kitô tuyên bố rằng “Ngài sẽ được nâng cao khỏi đất” (c. 32), đây là một kiểu diễn tả có hai nghĩa: “được nâng cao” bởi vì bị đóng đinh, và “được nâng cao” bởi vì được Thiên Chúa Cha tán dương trong việc Sống Lại, để lôi kéo tất cả mọi người đến với Ngài và hòa giải con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Giờ của Thập Giá, giờ đen tối nhất lịch sử, cũng là suối nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào Ngài.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: tiếp tục lời tiên tri về lễ Vượt Qua của Ngài gần kề, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh đơn sơ và gợi ý, đó là hình ảnh “hạt lúa” rơi xuống đất, chết đi để sinh bông hạt (c. 24). ĐTC giải thích thêm như sau:

Trong hình ảnh này chúng ta tìm thấy một khía cạnh khác nữa của Thập Giá Chúa Kitô: đó là hình ảnh của sự phong phú. Thật vậy, cái chết của Chúa Giêsu là một nguồn suối vô tận của sự sống mới, bởi vì nó mang theo trong chính nó sức mạnh tái sinh của tình yêu thương của Thiên Chúa. Được dìm mình trong tình yêu đó qua bí tích Rửa Tội, kitô hữu có thể trở thành “các hạt lúa” và đem lại nhiều bông hạt, nếu họ “đánh mất sư sống mình” vì tình yêu thương Thiên Chúa và các anh chị em khác như Chúa Giêsu (c. 25). Vì thế cho những người ngày nay “muốn trông thấy Chúa Giêsu”; cho những ngưòi kiếm tìm gương mặt của Thiên Chúa; cho những người từ nhỏ đã nhận được giáo lý và rồi đã không đào sâu nó; cho biết bao nhiêu người còn chưa gặp được Chúa Giêsu một cách cá nhân; cho tất cả những người đó chúng ta có thể cống hiến ba điều: sách Phúc Âm, Thánh Giá và chứng tá đức tin nghèo nàn nhưng chân thành của chúng ta. Phúc Âm: trong đó chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu, lắng nghe Người và hiểu biết Người. Thánh Giá; dấu chỉ tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã tự trao ban cho chúng ta. Và một đức tin được diễn tả ra trong các cử chỉ đơn sơ của tình bác ái huynh đệ. Nhưng một cách chính yếu trong sự trung thực của cuộc sống giữa điều chúng ta nói và điều chúng ta sống, sự trung thực giữa đức tin và cuộc sống, giữa các lời nói và các hành động của chúng ta. Sách Tin Mùng. Thánh Giá và chứng tá. Xin Đức Maria Mẹ chúng ta giúp chúng ta theo Chúa Giêsu trên con đường của thập giá và sự sống lại.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người:

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào khen tín hữu và các tham dự viên cuộc chay đua Marathon đường dài mùa xuân ở Roma là can đảm, vì trời mưa mà vẫn tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin. ĐTC cho biết hôm thứ bẩy ngài đã viếng thăm tổng giáo phận Napoli: ngài cám ơn sự tiếp đón nồng hậu của tín hữu Napoli và khen họ rất giỏi.

ĐTC cũng nhắc cho mọi người biết Chúa Nhật hôm qua là Ngày quốc tế về nước, do Liên Hiệp Quốc phát động nhằm gây ý thức về việc cấp thiết bảo vệ, quý trọng và tiết kiệm nước ngọt. Ngài nói: nước là yếu tố nòng cốt nhất cho sự sống, tương lai của nhân loại tùy thuộc nơi khả năng của chúng ta biết giữ gìn và chia sẻ nước. Tôi khích lệ cộng đồng quốc tế canh thức để nước của địa cầu được bảo vệ một cách thích đáng, và để không ai bị loại trừ hay kỳ thị trong việc sử dụng thiện ích này, là thiện ích chung tuyệt diệu. Cùng với thánh Phanxicô thành Assisi chúng ta hãy nói: “Xin chúc tụng Chúa, lậy Chúa của con, vì nước, rất ích lợi và khiêm tốn, qúy báu và trong sạch” (Bài ca của anh Mặt Tròi).

ĐTC đã chào nhiều nhóm hiện diện trong đó có ca đoàn của “Đại học âm nhạc chuyên nghiệp Orihuela Tây Ban Nha, các tín hữu Hungari, các nhóm nhạc công bang Ticino Thuỵ Sĩ, giới trẻ trường trung học Saint Jean de Passy Paris, nhóm Phan Sinh đời tỉnh Cremona, tổ chức chuyên chở các bệnh nhân hành hương Lộ Đức UNITALSI vùng Lombardia, bắc Italia. Nhóm Giám Mục Tử Đạo Oscar Romero sắp được phong chân phước, cũng như tín hữu vùng Fiumicino, trẻ em mới rước lễ lần đầu vùng Sambuceto và các trẻ em tỉnh Ravenna, Milano và Firenze mới hay đang chờ lãnh bí tích Thêm Sức.

Sau cùng ĐTC nói ngài lập lại cử chỉ đã làm hồi năm ngoái: theo truyên thống cổ xưa của Giáo Hội trong Mùa Chay sách Phúc Âm được phân phát cho những người chuẩn bị lãnh bí tích Rửa Tội. Cũng thế, hôm nay tôi muốn tặng anh chị em hiện diện tại quảng trường một món quà: đó là cuốn Phúc Âm bỏ túi. Sách sẽ được phân phát bởi một số anh chị em vô gia cư ở Roma. Cả trong cử chỉ này nữa chúng ta cũng trông thấy một cử chỉ rất hay đẹp khiến Chúa Giêsu hài lòng: đó là các anh chị em nghèo túng nhất là những người trao tặng Lời Chúa cho chúng ta. Xin anh chị em hãy nhận lấy, đem theo mình trong sắc tay, trong túi để thường xuyên đọc Phúc Âm mỗi ngày. Lời Chúa là ánh sáng soi đường của chúng ta. Nó sẽ sinh ích cho anh chị em, hãy làm điều đó. Xin chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an vui và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi nhé.
 
Năm Thánh Từ Bi không phải là cơ hội để kiếm tiền
Nguyễn Việt Nam
19:09 22/03/2015
Người đứng đầu văn phòng Caritas tại Rôma nói các công ty trong vùng nên cung cấp các trợ giúp đặc biệt cho người nghèo trong Năm Thánh ngoại thường vừa được Đức Thánh Cha công bố vào chiều thứ Sáu 13 tháng Ba trong nghi thức thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đức Ông Enrico Fierce, giám đốc Caritas giáo phận Rôma cho biết: “Trong Năm Thánh Từ Bi, nhiều quỹ bác ái có thể được thành lập để chi trả cho những dịch vụ dành cho người nghèo”.

Được biết sau khi Đức Thánh Cha thăm vùng Tor Bella Monaca, quan phát chẩn của ngài là Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski đã cung cấp hơn 500 kg lương thực cho những người vô gia cư trong vùng.

Ngài nói tiếp: “Năm Thánh không phải là một cơ hội để làm ăn" nhưng là một thời gian biểu lộ lòng thương xót cho những ai đang quẫn bách.

Đức Ông cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng tội phạm và những hành vi trục lợi trong Năm Thánh. Theo ngài, "mỗi lần Tòa Thánh mở ra một không gian mới, lại có ai đó cố gắng thâm nhập vào" vì những lợi ích cá nhân.
 
Tòa Thánh phản ứng lạnh nhạt trước những tranh luận về chi phí trong Năm Thánh Từ Bi của các chính trị gia Italia
Nguyễn Việt Nam
19:22 22/03/2015
Các quan chức Vatican đã phản ứng lạnh lùng trước một cuộc tranh cãi đang diễn ra sôi nổi của các chính trị gia người Ý về mức tiêu tốn mà chính phủ Ý có thể phải chịu trong Năm Thánh ngoại thường vừa được Đức Thánh Cha công bố vào chiều thứ Sáu 13 tháng Ba trong nghi thức thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Ngay sau khi Đức Thánh Cha công bố Năm Thánh Từ Bi sẽ bắt đầu vào ngày 08 Tháng 12, một số nhân vật chính trị tả phái đã bắt đầu lên tiếng phàn nàn và ước tính chi phí đón tiếp những người hành hương sẽ đến thăm Rôma trong dịp này.

Được biết trong Năm Thánh 2000, ước tính đã có khoảng 25 triệu người đổ về thành phố.

Tuy nhiên, các viên chức Vatican nói rằng kế hoạch của Năm Thánh Từ Bi sẽ liên quan nhiều hơn đến các sự kiện diễn ra trên khắp thế giới. Các vị ước lượng chỉ có một con số tương đối khiêm tốn là 8 triệu người hành hương sẽ về Rôma trong dịp này.

Về những chi phí liên quan đến việc đón tiếp khách hành hương - và những nguồn lợi nhuận to lớn mà nước Ý thu được từ những người hành hương này, một viên chức Tòa Thánh nói với thông tấn xã ANSA: "Những cuộc thảo luận đó không liên quan gì với chúng ta".

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, người sẽ phối hợp các hoạt động trong Năm Thánh Từ Bi, đã gặp đô trưởng Ignazio Marino của Rôma để bắt đầu các cuộc đàm phán về kế hoạch trong năm này.
 
Tòa Thánh lên án các cuộc tấn công khủng bố những đền thờ Hồi Giáo tại Yemen
Nguyễn Việt Nam
19:33 22/03/2015
Tòa Thánh đã mạnh mẽ lên án những vụ khủng bố tại các đền thờ Hồi Giáo Shiite /shii – ai/ ở thủ đô Sanaa của Yemen hôm thứ Sáu 20 tháng Ba khiến cho ít nhất 142 người chết và 260 người khác bị thương.

Những vụ tấn công này đã được thực hiện để cho thấy khả năng xâm nhập của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại bất cứ quốc gia nào trong vùng Trung Đông.

Tại đền Badr ở phía Nam thủ đô Sanaa, một tên khủng bố cho nổ bom tự sát trong giờ cầu kinh thứ Sáu hàng tuần. Khi các tín hữu Hồi Giáo bỏ chạy ra ngoài, một tên khủng bố khác nổ bom tự sát giết thêm nhiều người khác.

Phương thức tấn công tương tự cũng diễn ra tại đền Al-Hashush ở phía Bắc thủ đô Sanaa.

Cuộc tấn công thứ ba đã xảy ra tại một đền thờ gần tổng hành dinh của Huthi, là nhóm phiến quân Hồi Giáo Shiite đang kiểm soát thủ đô Sanaa. Không có ai bị thương hay thiệt mạng ngoại trừ tên khủng bố bị bắn chết tại chỗ.

Trước đó hai ngày, hôm thứ Tư 18 tháng Ba, bọn khủng bố Hồi Giáo IS cũng gây ra một vụ khủng bố tại Tunisi làm cho 22 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

5 tên khủng bố toan tính tấn công vào trụ sở quốc hội, nhưng sau đó đã rút vào Bảo tàng viện Bardo và bắt giữ các du khách làm con tin. Sau cuộc tấn công của lực lượng an ninh, có 22 người chết, trong đó 22 là du khách nước ngoài và 42 người bị thương. 1 người bị bắt, 2 tên khủng bố bị giết và một số khác tẩu thoát.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã lên án những vụ tấn công này.
 
Tại sao một “giáo hoàng hòa bình” lại ủng hộ việc dùng vũ lực chống ISIS
Vũ Van An
23:41 22/03/2015
Nhà báo John L. Allen Jr., ngày 21 tháng Ba vừa qua, kể lại rằng tại Đại Hội Giáo Lý ở Los Angeles năm nay, ông có đưa ra một số ước đoán về Đức Phanxicô trong năm 2015. Một trong các ước đoán đó là: nếu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho phép tổ chức một liên minh quân sự chống lại bọn ISIS trong đó có sự tham dự của các quốc gia Hồi Giáo, thì dù từ trước đến nay, vốn được coi là “Vị Giáo Hoàng Hòa Bình”, Đức Phanxicô cũng sẽ ủng hộ. Nghe thấy thế, một thính giả trẻ đã bật dậy phản đối, cho rằng Allen có khuynh hướng hiếu chiến kiểu Donald Rumsfeld và Dick Cheney, bộ trưởng quốc phòng và phó tổng thống Mỹ thời tổng thống G.W. Bush.

Chàng thanh niên trên quả quyết rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ không bao giờ làm thế, khi ngài đã chọn tên của vị thánh Công Giáo nổi tiếng nhất về việc kiến tạo hòa bình làm tên hiệu cho triều giáo hoàng của mình. Không riêng gì chàng thanh niên này, nhiều người trên thế giới coi ý niệm Đức Phanxicô ủng hộ một hành động quân sự là khá lạc điệu.

Vì xưa nay, nhất là tại Trung Đông, trong huyết quản của mình, Vatican luôn chống lại bất cứ hình thức can thiệp quân sự nào. Hơn nữa, khuynh hướng nói chung của Đức Phanxicô là chấm dứt tranh chấp chứ không “đổ dầu vào lửa”. Như vai trò của ngài trong việc chống đối cuộc tấn công kể như chỉ còn tang gấc tại Syria năm 2013 đã chứng minh, cũng như buổi cầu nguyện lịch sử cho hòa bình tại Vatican cùng với Tổng Thống Do Thái và Chủ Tịch Palestine hồi tháng Sáu, năm 2014.

Ấy thế nhưng, có ba lý do đầy thuyết phục khiến người ta tin rằng kết cục chính ISIS đã đẩy tình thế đến chỗ phát khởi một nghịch lý lịch sử vĩ đại: vị “Giáo Hoàng Hoà Bình” phải tán thành việc sử dụng vũ khí.

1. Đức Phanxicô đã biến số phận các Kitô hữu và nhiều nhóm sắc tộc khác bị bách hại thành viên đá góc cho nghị trình xã hội và chính trị của ngài.

Đức Giáo Hoàng ít khi bỏ lỡ cơ hội nói lên nỗi thống khổ của họ; gần đây, ngài đã tố cáo thế giới là “cố gắng che dấu” sự kiện các Kitô hữu đang lâm nguy. Ngài thấy cả một “đại kết bằng máu” tại tâm điểm các cố gắng thực hiện sự hợp nhất Kitô giáo. Gần đây nhất, ngài trưng dẫn các tân tử đạo Kitô Giáo, như 21 Kitô hữu Coptic bị ISIS thảm sát tại Lybia hồi tháng Hai và các Kitô hữu Pakistan bị cảm tử quân Taliban đặt bom sát hại vào tuần trước, như là nạn nhân của hình phạt tử thần đầy bất công bởi “các chế độ độc tài và các nhóm cuồng tín”.

Khi được hỏi về ISIS, ngài nói đi nói lại rằng: “ngăn chặn kẻ gây hấn bất chính là điều hợp pháp”, dù luôn kèm theo một số giới hạn, như phải có bảo đảm quốc tế và phải tránh các phương pháp gây hại cho thường dân. Trong một lá thư gần đây để bác bỏ án tử hình, ngài phân biệt án tử hình với việc “đẩy lui một cách cân xứng cuộc gây hấn đang diễn ra nhằm ngăn ngừa kẻ hiếu chiến không gây tai hoạ”.

Trong ngữ cảnh trên, nếu có sự động viên được sắp xếp cẩn thận với sự hỗ trợ rõ rệt của quốc tế, trong đó, các quốc gia Hồi Giáo đóng một vai trò lãnh đạo, thì Đức Giáo Hoàng Phanxicô khó mà cưỡng được việc chúc lành cho sự động viên này.

2. Không như các tình huống tranh chấp khác, các vị giám mục của ngài đang kêu gọi thế giới hành động chống lại ISIS.

Hồi tháng Hai, Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda của Irbil, Iraq, lên tiếng trước quốc hội Anh, căn bản yêu cầu gửi quân bộ vào. Ngài nói với Thượng Viện Anh rằng: “Nói rằng chúng tôi phải bênh vực một hành động quân sự là điều khó khăn đối với một giám mục Công Giáo, nhưng chúng tôi buộc phải đi xa đến thế. Không còn chọn lựa nào khác”.

Ngài nói thêm: “Hành động quân sự là cần thiết, một hành động mạnh mẽ trong đó họ thực sự xua đuổi những người kia ra khỏi các làng mạc và để dân của chúng tôi và những người khác có thể trở về”.

Đức Cha Warda nói với các nhà làm luật Anh rằng quân đội Iraq và dân quân Kurd không được huấn luyện hay trang bị đầy đủ để đánh bại ISIS. Ngài bảo: “một ai đó phải thực hiện cuộc chiến đấu”.

Gần cùng thời gian đó, Thượng Hội Đồng của Giáo Hội Công Giáo Canđê kêu gọi một lực lượng quốc tế để “giải phóng các lãnh thổ bị chiếm đóng” của Iraq khỏi tay Nhà Nước Duy Hồi Giáo.

Họp tại Baghdad, các vị giám mục thúc giục các nhà lãnh đạo quốc tế “đặt để các biện pháp cần thiết để bảo vệ các Kitô hữu và những người Iraq khác, để họ trở về nhà cửa họ và sống trong an toàn và hợp nhân cách”.

Không phải vị giáo phẩm nào cũng cùng tiếng nói như trên. Tuần rồi, Thượng Phụ Melkite Hy Lạp của Damascus là Gregoire III Laham gọi ý tưởng can thiệp vào Syria là “khinh xuất”. Nhưng căn cứ vào sự gần gũi của Thượng Phụ Laham với chính phủ Syria, có lẽ ngài có ý nói tới các cố gắng nhằm lật đổ Tổng Thống Bashar al-Assad, chứ không hẳn nói tới một liên minh mà mục đích duy nhất là chặn đứng các cuộc tấn công của ISIS.

3. Các nhà ngoại giao cao cấp của Vatican đang di chuyển về hướng công khai ủng hộ giải pháp quân sự.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây của tạp chí Crux, Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, nói rằng: “ chúng ta phải chấm dứt thứ diệt chủng này”.

Ngài nói thêm: “nếu không, trong tương lai ta phải than khóc về việc tại sao ta không chịu làm gì cả, tại sao ta để cho thảm kịch khủng khiếp như thế diễn ra”.

Khi các vị giáo hoàng và các nhà ngoại giao Vatican còn chống đối việc dùng vũ lực ở Trung Đông trước đây, một lý do đầy thuyết phục liên quan đến cái hậu của can thiệp: sợ rằng cuộc can thiệp này sẽ mở tung nắp cho các căng thẳng phe phái và biến cuộc sống trở thành tệ hại hơn, nhất là đối với thiểu số Kitô Giáo.

Ngày nay, kiểu tính toán đó không còn giá trị nữa, vì cơn ác mộng hiện đang có mặt rồi. Thành thử, cả các vị giám mục địa phương lẫn các nhà ngoại giao Vatican càng ngày càng coi giải pháp quân sự đối với ISIS là giải pháp tốt nhất trong các giải pháp hiện có.

Không, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không diều hâu như Rumsfeld hay Cheney. Tuy nhiên, ngài có thể bước chân theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, miễn cưỡng nhìn nhận rằng: trong một số trường hợp hạn hữu, “việc “can thiệp nhân đạo”, được vũ lực yểm trợ, có lẽ là giải pháp duy nhất bảo vệ dân chúng, mà nếu không, họ sẽ không có niềm hy vọng nào cả.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Trung Mỹ Tây Hóc Môn khai mạc Năm Thánh
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
22:38 22/03/2015
Giáo xứ Trung Mỹ Tây khai mạc Năm Thánh

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và mừng kính lễ Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam và Cha xứ Giuse. Lúc 18g00 ngày 19/03/2016, Giáo xứ (Gx) Trung Mỹ Tây hạt Hóc Môn đã long trọng cử hành Thánh lễ khai mạc Năm Thánh Mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ (1955-2015) do Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Giáo phận Cần Thơ chủ tế.

Xem Hình

Gx được thành lập từ tháng 3/1955 do Cha cố Phêrô Đặng Chánh Tế cùng một số gia đình giáo dân làng Phú Ốc (Nam Định) và Cẩm Bối (Hà Nam) thuộc giáo phận Hà Nội di cư vào miền Nam định cư tại địa bàn xã Trung Mỹ Tây – Hóc Môn. Dân địa phương thuở ấy thường hay gọi là “trại Cha Tế”, nhà thờ ban đầu chỉ là ngôi nhà đơn sơ với cột gỗ, mái lá và vách ván với cái tên “Hội đường” cộng đoàn giáo xứ Phú Cẩm (Phú Ốc & Cẩm Bối).

Năm 1962, Cha cố Phêrô Trần Ngọc Thục khởi công xây dựng Thánh đường kiên cố đầu tiên và đến năm 1996 Cha cố Giuse Trần Văn Phước phát động “Quỹ tiết kiệm xây dựng Thánh đường mới” vì Thánh đường cũ đã xuống cấp. Đến ngày 22/02/2009, Cha Giuse Nguyễn Đức Trí, chánh xứ đương nhiệm đã làm lễ “động thổ” khởi công xây dựng ngôi Thánh đường mới nguy nga, tráng lệ như ngày hôm nay.

Trải qua 60 năm dưới sự dẫn dắt của 12 vị mục tử nối tiếp nhau, Gx đã vun trồng và cống hiến cho Giáo Hội 24 người con ưu tú. Đứng đầu là Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Giám mục Chính Tòa GP. Long Xuyên, 06 Linh Mục, 01 sư huynh, 02 thầy và 14 nữ tu.

Sáu mươi năm tuy không phải là một thời gian dài nhưng cũng đủ để cho một đời người gẫm suy về quá khứ. Lễ Ngọc Khánh của Gx từ ngày 19/03 đến ngày 27/12/2015 nhằm mục đích thêm Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến cho cộng đoàn. “Sáu mươi năm tình Chúa tuôn đổ - Năm năm phúc lành đời con cảm tạ”, nhớ ơn quý Cha, quý chức tiền nhiệm, quý ân nhân còn sống cũng như đã qua đời.

Từ lúc 17g00 các đoàn thể với trang phục tề chỉnh và những chùm bóng bay đủ mầu sắc trên tay đã xếp thành hai hàng dàn chào tại con đường dẫn vào Thánh đường để đón tiếp Đức Cha Stêphanô, quý Cha, quý Ân nhân và quý Khách. Đoàn đã cùng Cha xứ, Cha phụ tá cùng HĐMV đón rước Đức Cha Stêphanô vào phòng khách của Gx trong tiếng vỗ tay, reo vang chúc mừng của các em thiếu nhi hòa lẫn tiếng chuông rộn rã.

Sau giờ chầu Thánh Thể do Cha phụ tá Gioan Baotixita chủ sự, đoàn đón tiếp cùng cộng đoàn đã tiếp tục rước đoàn đồng tế từ nhà Mục vụ ra tiền sảnh cuối Thánh đường. Tại đây, Cha quản hạt Hóc Môn Phêrô đã tuyên đọc sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao ban Phép Lành Tòa Thánh kèm theo Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh cho Gx nhân Mừng Ngọc Khánh Giáo xứ. Đức Cha Stêphanô đã long trọng tuyên bố Khai Mạc Năm Thánh trong giáo xứ, mở cửa chính và cùng Cha xứ Giuse dẫn cộng đoàn tiến vào Thánh đường dâng thánh lễ trọng thể Mừng kính Thánh Giuse.

Trong bài giảng, với sự chia sẻ thật gần gũi có pha chút dí dỏm, Đức Cha Stêphanô đã hướng dẫn cộng đoàn tìm ra bí quyết đơn giản để thực hành và hưởng được nhiều ơn ích từ Năm Thánh: “những gì Chúa muốn cho chúng ta làm thì chúng ta sẽ cố hết sức để làm và những gì Chúa không muốn cho chúng ta làm thì chúng ta đừng làm.” Nếu mỗi giáo dân thực hành bí quyết này trong suốt năm thì Năm Thánh sẽ là năm đầy hồng ân và chắc chắn sẽ mang lại nhiều đổi thay trong Gx bởi vì điều đó sẽ làm đẹp lòng Chúa và được Chúa chúc lành.

Trước khi nhận phép lành toàn xá, Ô. Chủ tịch HĐMV đã thay mặt cộng đoàn đã dâng lên lời chúc mừng bổn mạng Cha xứ. Cha xứ Giuse cũng ngỏ lời cảm ơn Đức Cha, quý Cha xứ tiền nhiệm 60 năm qua, quý Cha đồng tế, quý Tu sĩ nam nữ, quý chức HĐMV tiền và đương nhiệm, quý ân nhân còn sống cũng như đã qua đời, quý khách và toàn thể cộng đoàn hiện diện. Tiếp đến các em thiếu nhi đại diện cộng đoàn đã tiến dâng lên Đức Cha và quý Cha đồng tế những bó hoa tươi thắm.

Sau Thánh lễ, Ban điều hành các giáo khu đã phát bằng Phép lành Tòa thánh của ĐTC Phanxicô cho giáo dân trong khu của mình. Được biết thêm, Năm Thánh Ngọc Khánh Gx được ghi dấu bằng chín ngày lễ đặc biệt để cầu nguyện cho những nhu cầu khác nhau của các giáo khu, đoàn thể, các giới trong Gx và kết thúc vào ngày Lễ Thánh Gia Thất bổn mạng Gx, cũng là ngày kỷ niệm năm năm cung hiến và khánh thành Thánh đường hiện nay.
 
Thông Báo
Cáo phó: LM Nicôla Đinh Quang Điện qua đời tại Saigòn
Lm. Giuse Lê Vinh Hiến
11:16 22/03/2015
CÁO PHÓ

Cha cố Nicôla Đinh Quang Điện
Linh mục Sàigòn, gốc Phát Diệm
Sinh ngày 13.05.1918 tại Như Sơn, Kim Sơn, Ninh Bình
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 6g15 tối Chúa Nhật 22.03.2015
hưởng thọ 97 tuổi với 55 năm Linh Mục.

Chương trình lễ tang :
* Lễ nhập quan : 3g00 chiều thứ hai 23.03.2015 tại Nhà Vãng Lai
Phát Diệm 102 Chiến Thắng P.9 Q.Phú Nhuận
* Lễ cầu hồn : 5g15 chiều thứ ba 24.03.2015 tại Nt. Phát Diệm Phú Nhuận
Xin mời các cha gốc Phát Diệm thu xếp đến đồng tế lễ này.
* Lễ An táng : 8g30 thứ năm 26.03.2015 tại Nhà thờ Đồng Tiến
Sau thánh lễ Hoả táng tại Bình Hưng Hoà – gửi cốt tại Nt. Tống Viết Bường

Tiểu sử Cha Cố Nicola Đinh Quang Điện :
- Sinh ngày 13.05.1918 tại Như Sơn, Kim Sơn, Ninh Bình, Gp. Phát Diệm
- Thụ phong Linh Mục ngày 10.01.1960 tại Nhà thờ Phát Diệm Phú Nhuận
- 1960-1962 : Chính Xứ Đông Mỹ
- 1962-1966 : Dưỡng bệnh
- 1966-1967 : Tuyên Uý Không Quân
- 1967-1971 : Phó Xứ Đồng Tiến
- 1971-1995 : Chính Xứ Đồng Tiến
- 1995-2001 : Chính Xứ Tống Viết Bường
- 2001-2003 : Nghỉ hưu tại Gx. Tống Viết Bường
- 2003-2014 : Nghỉ hưu tại Nhà Vãng Lai Phát Diệm Phú Nhuận
Chức vụ : - Tổng linh hướng Hướng Đạo Công Giáo Việt Nam : 1970-2014
- Đại diện các LM-TS gốc Phát Diệm : 1993-2006
- Giám Đốc Nhà Vãng Lai Phát Diệm Phú Nhuận : 2001-2012

Xin Quý Cha gốc Phát Diệm dâng lễ, quý Tu sĩ nam nữ và giáo dân hiệp ý cầu nguyện. R.I.P.

Lm. Giuse Lê Vinh Hiến : nghĩa tôn, đại diện linh tông
Lm. Gioan Nguyễn Xuân Thu, CSsR : cháu, đại diện huyết tộc
Lm. Giuse Phạm Bá Lãm : Đại Diện LM-TS gốc Phát Diệm, đồng kính báo
 
Tin Đáng Chú Ý
Cử tri Pháp bầu nghị viên Hội Đồng Tỉnh
Hà Minh Thảo
22:31 22/03/2015
CỬ TRI PHÁP BẦU NGHỊ VIÊN HỘI ĐỒNG TỈNH

Trong năm 2015, 44,6 triệu cử tri Pháp được mời tham gia hai cuộc tổng tuyển cử : Nghị viên Hội đồng Tỉnh vào tháng Ba và Nghị viên Vùng (conseiller régional) vào tháng Chạp. Năm 2012, cử tri Pháp đã tín nhiệm ông Francois Hollande (đảng Xã hội) vào chức vụ Tổng thống tháng Năm và, để hợp lý với dự trù của Hiến pháp, đã trao quyền Lập pháp cho đa số các Dân biểu xã hội tại Quốc hội vào tháng Sáu. Lần đầu tiên, đảng Xã hội có lợi thế với, cùng lúc, có đa số tại Thượng nghị viện trong một thời gian ngắn (9/2011-9/2014). Trong năm 2014, các ứng cử viên đảng Xã hội thất cử trầm trọng trong cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố tháng Ba và dân biểu Nghị viện Âu châu tháng Năm và đưa đến việc mất đa số tại Thượng nghị viện tháng Chín. Tại sao ?

Trong phần kế tiếp của bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cuộc tổng tuyển cử Nghị viên Hội đồng Tỉnh và việc tiên đoán kết quả qua các cuộc thăm dò dân ý (sondages).

I.- CHÁNH TÌNH NƯỚC PHÁP XÃ HỘI 2012-2015.

A. Khủng hoảng tài chính đưa đến bất ổn xã hội.

Từ giữa năm 2007, các ngân hàng và những quỹ đầu tư Hoa kỳ bị lỗ vốn vì, do lãi suất tăng, con nợ ‘Subprimes’ không còn khả năng thanh toán. Đó là những khoản nợ mà các định chế trên chấp thuận cho vay với bảo đảm thấp để mua nhà, sau đó, được biến thành những phần (part) niêm yết tại thị trường chứng khoán với chiêu bài ‘có gan làm giàu’, tức ai can đảm mua thì sẽ thu lời nhiều, nếu con nợ vẫn có khả năng thanh toán vốn và lời, nhưng sự thật không xảy ra như vậy, nên họ bị mất cả vốn lẫn lời. Do sở hữu rất nhiều chứng khoán này, từ đầu tháng 08.2007, nhiều ngân hàng và định chế tài chính Âu châu nhận được những báo cáo lỗ vốn về subprimes… Pháp đã phản ứng cuộc khủng hoảng tài chính này khá chậm trễ. Sự phá sản Lehman Brothers ngày 15.09.2008 đã gây thiệt cho các ngân hàng Pháp gần 4 tỷ euro (BNP Paribas: 405 triệu euro; Société générale: 479 triệu; Crédit agricole : 270 triệu và Dexia: 350 triệu). Do đó, chánh phủ đã có Chương trình cứu nguy với 650 tỷ euro cho:

- Ngân hàng : 40 tỷ euro để tăng vốn cho ngân hàng nào cần tới, với lãi suất 8%/năm trong 5 năm ;

- Kỹ nghệ xe hơi gặp nhiều khó khăn trong việc bán xe, nên phải giảm sản xuất khiến công nhân phải rơi vào tình trạng thất nghiệp kỹ thuật (chômage technique) ;

- Các xí nghiệp được dành 22 tỷ euro để cho họ vay. Ngành báo viết cũng được trợ giúp 600 triệu euro…

Thêm vào đó, nhiều xí nghiệp lợi dụng cơ hội khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế để sa thải công nhân gây ra những cuộc biểu tình bạo động. Các quỹ An ninh xã hội bị giảm số thu trích từ tiền lương và sức mua không có còn mạnh nên mức thu thuế doanh thu bị kém gây khiếm hụt ngân sách. Do đó, chính phủ phải đi vay để trám sự khiếm hụt đó. Nhưng để bảo vệ đồng tiền chung Âu châu Euro, mức vay công nợ không vượt quá 60% Tổng sản lượng nội địa {TSLNĐ (GDP, Gross Domestic Product, tiếng Anh hay Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp}. Do áp lực của Đức, nước mà mức lương tối thiểu chỉ có hiệu lực bó buộc từ 01.01.2015, Ũy ban Âu châu buộc các quốc gia thành viên phải tiến tới thăng bằng ngân sách, tức phải giảm chi và tăng thu thuế để bớt vay. Đó là chính sách kiệm ước hay ‘thắt lưng buộc bụng’ làm giảm mức tín nhiệm nơi Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Bởi thế, trong cuộc Bầu cử Tổng thống năm 2012 vào các ngày 22.04 và 06.05.2012, mười ứng cử viên đều có chương trình tranh cử ít nhiều chống lại ứng cử viên Tổng thống xuất nhiệm. Trong số đó, ông Francois Hollande, ứng viên đảng Xã hội, với nhiều triển vọng thắng đã đưa ra một chương trình hô hào tăng trưởng kinh tế để giảm sống người thất nghiệp và tạo những hợp đồng do ngân sách chi trợ cấp luơng cho những việc làm phi thương mãi. Oâng hứa hẹn đánh thuế 75% trên những số lợi tức đánh thuế từ một triệu euro/năm cũng như đám cưới đồng tính, bồi hoàn 100% chi phí phá thai và trợ tử. Dù thế, ông đã chỉ đắc cử vòng hai với bách phân 51,90% số phiếu hợp lệ.

Nhậm chức, ông Hollande gặp bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, và đã theo đuổi chính sách kiệm ước một cách tệ hại hơn, khiến cho số người thất nghiệp gia tăng. Thuế 75% bị Hội đồng Hiến pháp (Conseil constitutionnel) bác bỏ. Trước sự kiện người dân bất mãn Tổng thống, chính phủ đưa dự luật ‘Mariage pour tous’ (Đám cưới cho mọi người) để che dấu ‘đám cưới đồng tính’ gây sự tranh cải là chia rẽ người dân Pháp trong khi nước Pháp đã có Khế ước dân sự liên đới (Pacs, pacte civil de solidarité). Ngoài ra, chính phủ cũng quyết định tăng bồi hoàn chi phí viên chức y tế và thuốc men 100% cho các vụ phá thai từ Quỹ Trị bệnh (Caisse Maladie), đang bị khiếm hụt, trong khi phá thai không phải là ‘bệnh’ và nhiều loại thuốc trị bệnh bị giảm hay không còn bồi hoàn chi phí mua.

{Ngày 25.11.2014, khi ngỏ lời tại Nghị viện Âu châu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói : « … Các vị sáng lập Liên Âu đã đặt con người vào trung tâm dự án của mình, không chỉ như một công dân hay chủ thể kinh tế, nhưng là một nhân vị có phẩm giá siêu việt… Thực vậy, sau thế chiến 2, người ta ước muốn bảo đảm ‘phẩm giá’ mỗi người... Ngày nay, sự thăng tiến các nhân quyền vẫn tiếp tục, nhưng có những lúc Con Người bị đối xử như đồ vật, như xếp đặt việc thụ thai và có thể bị vứt bỏ khi không còn hữu ích vì bệnh tật hay già yếu. Vẫn còn có những người không được tự do bày tỏ tư tưởng hay tuyên xưng niềm tin tôn giáo mình… Phẩm giá nào dành cho người không có lương thực hay điều kiện tối thiểu để sống, và tệ hơn khi họ không có công ăn việc làm xứng với phẩm giá con người? Trái lại, có sự hiểu lầm ý niệm các nhân quyền và từ sự lạm dụng mâu thuẫn về các quyền này: người ta ngày càng đòi hỏi nhiều hơn các quyền cá nhân, đòi hỏi các quyền lợi nhưng không kèm theo các nghĩa vụ, không để ý đến bối cảnh xã hội tha nhân, trong đó các quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với các quyền người khác và công ích... ». Thật vậy, đành rằng chúng ta không có ý nghĩ kỳ thị người đồng tính vì Đức Kitô dạy ‘thương người như thể thương thân’. Tuy nhiên, chỉ một gia đình gồm một người nam và một người nữ mới hoàn thành nhiệm vụ sinh sản để tái tạo một thế hệ cho dân tộc, nên xứng đáng mang danh ‘hôn nhân’. Cũng vậy, sự khoái cảm do sự kết hợp giữa người nam và người nữ có thể đưa đến sự thụ thai. Đó là phần thưởng Tạo Hóa dành cho đôi vợ chồng đã cộng tác để tạo thế hệ mới cho nhân loại. Nếu những ai muốn hưởng sự khoái cảm đó thì phải nhớ đến trách nhiệm do hậu quả của hành động đó để tránh sự phá thai, không phù hợp với Luật Thiên nhiên.}

Vì Pháp là một nước trong khu vực Euro, nên Tổng thống Pháp phải theo quy định chung tức phải giảm mức khiếm hụt ngân sách và công nợ như đã áp định với Tổng thống tiền nhiệm Sarkozy bằng chế độ kiệm ước, tăng thuế và giảm công chi khi nền kinh tế chưa tìm lại được sự tăng trưởng. Tại Quốc hội, các dân biểu đảng xã hội chơi trò ‘đối lập khôn’ chỉ gây khó chịu cho chính phủ trước của ông Jean Marc Ayrault và nay là Manuel Valls, nhưng không dám đi tới Quốc hội bị giải tán để phải đặt lại sự tín nhiệm trong tay cử tri mà kết quả chắc sẽ không tốt. Do đó, ngày 17.02.2015, Thủ tướng Valls phải dùng điều 49 khoản 3 để nhận trách nhiệm hầu Đạo luật mang tên Macron (Tổng trưởng kinh tế – tài chánh) được thông qua mà không thảo luận tại Quốc hội. Nếu đối lập không đồng ý thì sử dụng điều 49 khoản 2 (motion de censure) để lật đổ chính phủ và giải tán Quốc hội. Phiên họp thảo luận và đầu phiếu (chỉ những dân biểu bỏ phiếu Thuận mới phải dự mà thôi) vào ngày 19.02.2015. Kết quả, motion de censure bị đánh bại và chính phủ Valls tiếp tục.

B. Khủng bố chết người dẫn tới biểu tình quốc tế.

1.- tại tòa soạn Tuần báo Charlie Hebdo, ngày 07.01.2015, lúc 11 giờ 30, hoạ sĩ biếm họa Corrine Rey vừa đón con gái từ nhà trẻ về tới trước cửa tòa soạn thì bị hai người đàn ông bịt mặt trang bị tiểu liên tự động AK 47 buộc phải mở cửa vào bằng mật mã, nếu không chúng sẽ giết chết con trẻ, và , sau đó, dẫn lên phòng họp ở lầu hai. Tại đây, chúng bắn chết chủ nhiệm báo là Stéphane Charbonnier, viên cảnh sát bảo vệ ông, 3 hoạ sĩ biếm họa và 4 ký giả. Trở ra đường, chúng bắn người đi đường, làm chết 2 người và 12 người bị thương. Trên đường tẩu thoát, gặp một xe cảnh sát chặn đường, chúng bắn xối xả vào xe và làm bị thương người cảnh sát. Biết không chống cự nổi, anh lết ra khỏi xe giơ tay xin hàng nhưng bọn khủng bố bắn vào đầu anh, anh chết tại chỗ. Chúng lên xe chạy lối 3 km, chận cướp một xe Renault Clio và phóng đi.

Lục soát trên xe bỏ lại, cảnh sát tìm thấy một căn cước mang tên Said Kouachi (34 tuổi). Do đó, tung tích các hung thủ sớm bị khám phá và hình ảnh của hắn và đồng phạm Chérif Kouachi (32 tuổi) được loan đi để truy tầm. Cả hai đã bị bắt vào năm 2005 vì tham gia nhóm Buttes Chaumont, một nhóm chuyên tuyển mộ thanh niên Hồi giáo sang chiến đấu tại Iraq. Cherif đã bị kết án 3 năm tù giam và 18 tháng tù treo.

Tuần báo biếm họa Charlie Hebdo đăng tải các hình ảnh châm biếm nổi tiếng tới các vấn đề tôn giáo, chính trị và những nhân vật liên hệ, góp mặt vào làng báo Pháp mấy chục năm qua, nhân danh tự do ngôn luận nên nhiều lần mang lại phiền phức cho những họa sĩ và nhân viên tòa soạn họ. Nhiều kẻ khủng bố giấu mặt đã đe dọa họ vì xuất bản ‘hình ảnh xuyên tạc’ về đạo Hồi và tiên tri Mahomet. Năm 2011, văn phòng Charlie Hebdo bị đánh bom vì đăng tải bức ảnh châm biếm tiên tri Mahomet ngay trên trang bìa và chủ biên báo Stéphane Charbonnier, có biệt danh là ‘Charb’ đã được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát từ đó. Tuy nhiên, báo vẫn tiếp tục đăng tải ảnh biếm họa Mahomet năm 2012. Do đó, Pháp phải tạm thời đóng cửa các đại sứ quán và trường học ở trên 20 nước vì sợ bị trả thù.

Do hình ảnh các hung thủ được loan đi bởi hệ thống truyền thông, chiều ngày 08.01.2015, một người dân nhận ra hai nghi can, với vũ khí, xuất hiện gần một cây xăng ở Villiers-Cotteret thuộc tỉnh Aisne. Lực lượng an ninh đặc nhiệm gồm cảnh sát (RAID : recherche assistance intervention dissuasion) và hiến binh (= gendarme, GIGN : groupe d'intervention de la Gendarmerie nationale) được gởi đến để khám xét khắp nơi trong diện tích 20 km x 15 km. Sáng ngày 09.01.2014, chúng vào ẩn trốn trong nhà in CTD và khẳng định quyết chết như những anh hùng tử đạo, với súng cầm tay và đã xảy ra như vậy vào lúc 17 giờ.

2.- Tại Montrouge, hoảng gần 8 sáng thứ Năm 8 tháng Giêng, theo giờ Paris, cuộc tấn công thứ hai của bọn khủng bố đã diễn ra tại Montrouge, Paris. Quân khủng bố trang bị tiểu liên tự động M5 bắn chết một nữ cảnh sát thành phố Clarissa Jean-Philippe khi cô dừng lại để kiểm tra một tai nạn giao thông. Một người phu quét đường bị bắn trọng thương.

3.- Tại Porte de Vincennes. Lúc 13 giờ ngày 09.01.2015, một phần tử nổ súng tự động tại một tiệm thực phẩm casher để bắt làm tin các khách hàng. Người ta nhận biết đó là Amedy Coulibaly, hung thủ bắn chết nữ cảnh sát ở Montrouge hôm trước và vừa bắn chết bốn con tin Do thái tại đây. Nhiều con tin đã trốn vào phòng lạnh của cửa hiệu, dù hắn biết. Lúc 15 giờ, hắn nói với phóng viên đài BFMTV là hắn hành động liên hệ với hai ‘anh em Kouachi’ và thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo. Hắn cho biết đang bắt giữ 16 người và 4 đã chết. 17 giờ, lực lượng đặc nhiệm phá cửa vào, Coulibaly, tay cầm súng, bắn vào cảnh sát để bị bắt trả lại và chết anh hùng tử đạo.

Ngày 14.01.2015, thủ lãnh Nasser al-Ansi của lực lượng Al-queda ở Yemen công nhận vụ tấn công vào tòa soạn tờ Charlie Hebdo xảy ra để trả đũa những hành động cố ý xúc phạm đến Đấng Tiên tri Mahomet và tuyên dương những kẻ khủng bố này là những anh hùng tử vì đạo. Ông cũng nói vụ bắt con tin tại tiệm thực phẩm casher ngày 09.01.2015 chỉ là một sự trùng hợp, chứ không được tổ chức ông đài thọ.

B. Các phản ứng về những vụ khủng bố này.

1. Giới Công Giáo. Vài giờ sau vụ khủng bố tại tòa soạn Charlie Hebdo, Đức Hồng Y Jean Pierre Ricard, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp bày tỏ : « Giáo Hội Công Giáo Pháp nghĩ đến các gia đình và người thân của các nạn nhân đứng trước sự kinh hoàng không thể hiểu nổi của vụ tàn sát dã man này. Giáo Hội cũng chia buồn với các ký giả và nhân viên báo Charlie Hebdo… Một sự khủng bố như vậy không thể biện minh cho bạo lực như thế. Nó làm thương tổn đặc biệt là tự do ngôn luận, yếu tố cơ bản xã hội chúng ta. Xã hội này gồm những khác biệt đa dạng, và chúng ta phải không ngừng kiến tạo hòa bình và tình huynh đệ. Sự dã man trong vụ thảm sát này làm thương tổn tất cả chúng ta. Nhưng cả trong tình trạng bi đát này, khi sự thịnh nộ đang xâm chiếm và đè nặng tâm hồn, chúng ta càng phải gia tăng gấp đôi sự lưu ý đến tình huynh đệ đang trở nên mong manh hơn và đến nền hòa bình ngày càng phải củng cố ».

Trong Thánh Lễ sáng 08.01.2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói cuộc tấn công này ‘thể hiện sự tàn bạo cùng cực cùng những chiều kích kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố, cả thứ khủng bố riêng lẻ lẫn thứ khủng bố nhà nước… Con người có thể tàn ác đến ngần nào! Chúng ta hãy cầu nguyện trong Thánh Lễ này, rất nhiều cho các nạn nhân của sự tàn bạo này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những kẻ tàn ác như vậy, xin Chúa hoán cải con tim của họ’.

Ngày 15.01.2015, trên chuyến bay từ Colombo (Sri Lanka) đến Manila (Phi luật tân), Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi của một ký giả Pháp về nhận định của Ngài đối với vụ khủng bố gần đây tại Paris, tự do tôn giáo và tự do ngôn luận : « Cả hai tự do này đều là những quyền căn bản con người. Kẻ nào chủ trương giết người nhân danh Thiên Chúa thì rơi vào lầm lạc, và cũng sai lầm như thế những kẻ nào xúc phạm tôn giáo nhân danh quyền được nói những gì mình muốn. Về tự do ngôn luận, mỗi người không những có tự do và có quyền, nhưng còn có nghĩa vụ nói điều mà mình nghĩ có thể giúp xây dựng Công ích. Nếu một đại biểu không nói điều mà họ nghĩ là con đường chân thực phải theo, thì không cộng tác vào Công ích… Nhưng chắn chắn không thể dùng bạo lực để phản ứng lại sự xúc phạm, nhưng cũng không thể khiêu khích Không thể mạ lỵ tín ngưỡng người khác, không thể chế nhạo đức tin, vì tự do ngôn luận có một giới hạn, đó là phẩm giá của mỗi tôn giáo ». Đức Thánh Cha cũng nói rằng người ta có nguy cơ bị những phản ứng xấu khi lăng mạ điều thánh thiêng đối với người khác. Tương tư như thế, người ta có nguy cơ trở thành nạn nhân của thiên nhiên khi khai thác thiên nhiên thái quá.

2. Chính phủ Pháp và các Đồng minh. Tối 07.01.2014, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố quốc tang ngày 08.01.2014 và một phút mặc niệm cho các nạn nhân trong vụ khủng bố tại tòa soạn Charlie Hebdo được cử hành đúng 12 giờ. Cùng với người Pháp, hôm đó, ông Nguyễn Quốc Nam treo trước nhà 2 lá cờ: một cờ Pháp, một cờ vàng ba sọc đỏ và cho biết sự khủng bố làm liên tưởng đến sự tàn sát những người yêu nước tranh đấu vì dân chủ ngày 08.01.1985, trong đó có anh Trần Văn Bá, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Paris, mang Việt tịch khi hiên ngang khi ra Tòa cộng sản và lúc bị xử tử. Sự tàn bạo không có biên giới, dù đến từ một người hay một nhóm lãnh đạo. Điều đó làm cho anh hết sức xúc động (phỏng theo RFA ngày 09.01.2015).

Ngoài những cuộc họp mặt do công dân Pháp tự phát để tưởng nhớ các nạn nhân, chính phủ tổ chức cuộc ‘Tuần hành Cộng hòa’ [Marche Républicaine, nhưng đảng Mặt trận quốc gia (Front national) không được mời. Đảng này về đầu trong cuộc Bầu cử toàn quốc cuối cùng về Nghị viện Aâu châu]. Có gần 50 lãnh đạo các nước (Quốc vương, Tổng thống, Thủ tướng hay Tổng, Bộ trưởng) bước đi bên cạnh ông François Hollande… để cùng ‘Nước Pháp quật khởi chống khủng bố’ và 1,5 triệu người đang sống tại Pháp.

Các báo phát hành ngày 12.01.2015 đều gọi cuộc tuần hành này là ‘lịch sử’: ‘Nước Pháp đứng thẳng’ (La France debout, báo Le Figaro), ‘Chúng ta là một dân tộc’ (Nous sommes un peuple, Libération), ‘Biển người chống lại sự dã man (Marée humaine contre la barbarie, Les Echos) hay ‘Tuần hành chống nỗi kinh hoàng’ (Marcher contre la terreur, Le Monde)… Tuy nhiên, cũng có những hoài nghi. Một người Hồi gốc Mali nói : ề Người ta kêu gọi chúng tôi biểu tình. Được rồi, nhưng ngày mai thì sao ? Chúng tôi sẽ làm gì ? Người ta sẽ nhìn tôi với con mắt không thân thiện. Chúng tôi lên án vụ giết người, nhưng Charlie Hebdo không nên xúc phạm đạo Hồi Ừ. Một học sinh trung học ở Saint Denis, ngoại ô Paris, cũng nhận xét : « Không nên đùa giỡn với tôn giáo ».

Nhân danh cuộc ‘Tuần hành Cộng hòa’, đảng Mặt trận Quốc gia không được mời tham gia cuộc diễn hành.

II. BẦU CỬ HỘI ĐỒNG TỈNH.

Đạo luật số 2013-403 ngày 17.05.2013 qui định việc bầu cử các nghị viên Tỉnh (conseiller départemental). Từ ‘Département’ được dịch sang Tỉnh trong tiếng Việt. Trước đạo luật này, nghị viên Tỉnh phải được dịch là conseiller général (conseillers généraux, số nhiều) hợp thành Conseil Général (Hội đồng Tỉnh). Mỗi Tỉnh hợp thành trung bình khoảng 20 Tổng và toàn nước Pháp có 2 054 Tổng (số cũ là 4 046).

Các Tỉnh được chia thành nhiều đơn vị bầu cử, gọi là Tổng (Canton) và mỗi Tổng cử một liên danh hai nghị viên Tỉnh (conseillers départementaux), một nam và một nữ, để họp thành Hội đồng Tỉnh (Conseil départemental).

A. Ngày bầu cử. Vòng một được tổ chức vào ngày Chúa Nhật 20.03.2011 và, nếu cần, vòng hai vào ngày Chúa Nhật 27.03.2011.

B. Thể thức bầu cử. Nghị viên Tỉnh từng Tổng được bầu theo thể thức liên danh hai ứng cử viên, một nam và một nữ, đa số hai vòng, phổ thông, trực tiếp và kín.

Vòng 1. Để được tuyên bố đắc cử ở vòng một, liên danh ứng cử phải đạt được:

- ít nhất đa số tuyệt đối số phiếu bầu hợp lệ (50% phiếu bầu cộng một),

- và số phiếu đạt được phải bằng ít nhất 25% số cử tri ghi danh.

Nếu không có liên danh nào đắc cử, vòng 2 được tổ chức.

Vòng 2. Hai liên danh về đầu tham dự với, nếu có, các liên danh khác đã đạt được ít nhất 12,50% số cử tri ghi danh. Liên danh đạt được số phiếu nhiều nhất (đa số tương đối) sẽ được tuyên bố đắc cử.

Như vậy, Hội đồng Tỉnh sẽ có số nghị viên nam nữ bằng nhau và Nhiệm kỳ mỗi người sẽ là sáu (6) năm.

Các cuộc bầu cử sẽ được diễn ra tại 2 054 Tổng trên toàn quốc, trừ :

- Paris vì Thủ đô nước Pháp vừa là thành phố cũng vừa là Tỉnh ;

- Tại Lyon, lãnh địa ‘Thủ phủ Lyon’ (Métropole de Lyon) vừa được thành lập ngày 01.01.2015, với qui chế riêng, có chức năng một Tỉnh ;

- Guyane và Martinique, từ năm 2015, trở thành những lãnh địa đãm nhận những chức năng về Tỉnh cũng như Vùng. Như vậy, hai nơi này chỉ bầu cử một lần vào tháng 12 năm nay.

C. Bồi hoàn chi phí vận động tranh cử.

Chiếu điều 216 Luật bầu cử, các liên danh đạt ít nhất 5% số phiệu hợp lệ ở một trong hai vòng đầu phiếu được bồi hoàn 47,50% mức trần được phép chi tiêu (montant plafond des dépenses). Mức trần này được ấn định tùy thuộc dân số trong Tổng và cho mỗi cư dân:

- dân số đến 5 000 cư dân : 0,64 euro

- từ 5 001 đến 30 000 : 0,53

- từ 30 001 đến 60 000 : 0,43

- từ 60 001 trở lên : 0,30.

Số tiền này được nhân cho hệ số 1,23 do nghị định ngày 30.12.2009).

D. Vài kết quả Điều tra Dân ý.

Trong bốn cuộc Điều tra Dân ý trước lúc bị cấm công bố kết quả về vòng 1 vào lúc 0 giờ ngày 21.03.2015 cho thấy :

1. Viện thống kê IPSOS cho đài France Info loan báo ngày 20.03.2015 với liên đảng Liên minh vì một Phong trào Nhân dân (UMP, Union pour un Mouvement Populaire) và Liên minh những người Dân chủ và Độc lập (UDI, Union des Démocrates et Indépendantes) về đầu với 30% lời hứa bầu. Theo sát, Mặt trận Quốc gia (FN, Front National) được 29%. Hạng ba đảng Xã hội (PS, Parti Socialiste) với 21%. Số cử tri không đi bầu dự đoán là 54% số người ghi danh. 48% số người được hỏi đi bầu phiếu là để nói lên sự bất mãn với Tổng thống Hollande.

2. Viện HARRIS thực hiện cho báo ‘20 phút’ và đài truyền hình LCP loan báo ngày 19.03.2012 với FN về nhứt 29% và liên đảng UMP-UDI đứng nhì với 28% lời hứa bầu. PS chỉ đạt 19%.

3. Viện CSA công bố bởi đài truyền hình BFMTV ngày 13.03.2015 về số bách phân những ý định sẽ tín nhiệm cho : FN 28% ; UMP-UDI 27 % và PS 20%. Số vắng mặt được dự đoán lối 56%, giống như năm 2011.

4. Viện OpinionWay điều tra cho báo ‘metronews’ và truyền hình LCT loan báo lần đầu tiên, ngày 06.03.2015, trong cuộc tuyển cử Hội đồng Tỉnh 2015 với 29% ý định bầu của những người được phỏng vấn. FN về nhì với 1% ít hơn và PS chỉ được 21%.

Đó là những trả lời của những người được hỏi chỉ có giá trị vào những thời điểm thực hiện, nhưng những lá phiếu được đặt vào thùng phiếu mới có giá trị chính trị cho vòng một, được xem như tiếng nói của con tim. Tiếp theo, ở vòng hai, lá phiếu có giá trị lý luận bằng trí óc. Điều chắc chắc là liên đảng UMP-UDI sẽ thắng lớn. Đảng FN có thể đứng đầu vài Tỉnh trong khi đảng Cộng sản đang kiểm soát hai Tỉnh, có thể sẽ mất hết.

Hà Minh Thảo
 
Văn Hóa
Viết cho người vứt bỏ con mình!
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
23:19 22/03/2015
Viết cho người vứt bỏ con mình!

Em thân mến,

Tôi rất đỗi bàng hoàng khi thấy thi hài con em chết tất tưởi trong khu vườn dưới nhà của em. Tôi không rõ động cơ nào khiến em làm chuyện động trời như thế; nhưng cứ nhìn hậu quả, không ai có thể cảm thông cho em được. Mấy ngày nay, búa rìu dư luận không chỉ hướng về em mà còn nhắm đến những người nhẫn tâm vứt bỏ đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra. Đó là một hiện tượng đau lòng cho con dân Nước Việt vốn có truyền thống ý thức mạnh mẽ về sự thiêng liêng của tình cha nghĩa mẹ. Tôi muốn viết cho em đôi dòng, chia sẻ cùng em chút tâm tư của tôi.

Dư luận chỉ trích em là một người mẹ mất hết nhân tính. Họ vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ trước hành động bất nhân của em. Tôi cũng vậy! Em biết đấy, là con người, ai cũng yêu quý sự sống của mình và tôn trọng sự sống của người khác. Đó là món quà Thượng Đế dành tặng cho con người để họ cùng nhau kiến tạo một nền văn mình tình thương và sự sống. Hơn nữa, người con em mang nặng đẻ đau lại chính là phần máu thịt của em. Mối dây thiêng liêng ấy không ai có quyền xem nhẹ hay cắt bỏ. Tôi không tin em quê mùa thiếu hiểu biết về những đòi hỏi của luân thường đạo lý, của bổn phận làm cha mẹ đối với con cái đến như vậy. Là một nữ sinh trường y, tuy có thể hiểu biết về kiến thức giới tính, nhưng em lại thiếu một trái tim yêu thương, một tấm lòng nhân nghĩa. Hậu quả là hành vi khủng khiếp của em mãi mãi bị người đời lên án và lương tâm em không ngớt dày vò, ray rứt.

Nhưng câu chuyện của em cũng là câu chuyện xót xa của rất nhiều người trẻ hiện nay. Họ không chỉ vất đứa con mình mang nặng đẻ đau, mà còn nỡ giết con mình ngay trong thế giới tưởng như an toàn nhất: dạ mẹ. Nơi cung lòng ấy, thai nhi tin rằng mình được bố mẹ yêu thương và chăm sóc ân cần, chờ đến ngày chúng mở mắt chào đời. Nhưng đáng buồn thay, từng giây phút, biết bao người mẹ nỡ đành vứt bỏ, giết hại người con của mình. Họ bỏ con trong xọt rác, vứt con bên vệ đường, bãi rác, dưới ao hay nơi hoang vắng, hoặc có thể nạo phá thai. Nếu người ta cho em bị vấn đề tâm sinh lý bất ổn định, hoang tưởng hay bất nhân mới nhẫn tâm vứt bỏ con của em như thế, thì với những người phá thai, chẳng lẽ tâm sinh lý của họ bình thường, chẳng lẽ họ nhân nghĩa với đứa con mình đang cưu mang? Trớ trêu thay, nhiều người vẫn mong mỏi tiếng nói cười của trẻ thơ, được hạnh phúc trong vai trò làm cha, làm mẹ, thì em cũng như nhiều người trẻ khác lại chối bỏ đặc quyền thiêng liêng Tạo Hoá dành cho mình. Ước chi qua sự kiện rúng động dư luận của em, mỗi người biết yêu quý sự sống của các thai nhi vô tội và những em bé đáng thương.

Đứng trước thi hài con em, ngoài sự thương tiếc xót xa, ai ai cũng ưu tư lo lắng cho nền đạo đức nước nhà. Một khi giới trẻ hiện nay sống buông thả, vô trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và xã hội, thì câu chuyện của em cũng là nỗi đau không chỉ của riêng ai. Đau vì phải chứng kiến nhiều con người đang hủy hoại chính sự sống của chính mình và của người khác; đau vì nền văn minh sự chết đang lan tràn; và đau vì sự ác đang cướp đi hạnh phúc của bao người.

Em biết đấy, đúng là vứt bỏ con mình hay nạo phá thai là điều khủng khiếp, đáng lên án và phải loại trừ. Nhưng giải pháp cho vấn nạn này là gì, nên bắt đầu từ đâu? Chắc là em cũng đồng ý với tôi câu trả lời là: “Hãy tôn trọng sự sống” vì ba lý do:

1. Sự sống là món quà Thượng Đế dành tặng riêng cho từng con người. Không ai có quyền cướp đi quà tặng ấy.

2. Yêu quý sự sống của người khác như chính sự sống của mình. Đó không chỉ là công bằng mà còn là trách nhiệm.

3. Và, vì chúng ta là con người!

Được như thế, tôi tin rằng em và mỗi người, với tình yêu và hy vọng, sẽ kiến tạo được một xã hội của văn minh tình thương và sự sống, để không còn tang tóc như câu chuyện buồn của em nữa.

Thân chào em,

Thủ Đức ngày 20.03.2015

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trên Đồi Xuân
Nguyễn Đức Cung
10:41 22/03/2015
TRÊN ĐỒI XUÂN

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Tạ ơn Thượng Đế ban mưa, nắng

để gió, hoa đùa trên núi non..

(nđc)
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Xuân Bên Đường
Thérésa Nguyễn
20:58 22/03/2015
HOA XUÂN BÊN ĐƯỜNG
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Nhìn hoa rộn rã bên đường
Mới hay trời cũng trên đường vào xuân.
(tn)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 17/03 – 23/03/2015: Taliban đánh bom vào hai nhà thờ ở Pakistan
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:53 22/03/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Kitô hữu Cộng Hòa Trung Phi lên tinh thần trước viễn tượng chuyến viếng thăm nước này của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chuyến viếng thăm nước Cộng hòa Trung Phi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào Tháng Mười Một sắp tới sẽ là "một dấu chỉ về lòng nhân lành của Thiên Chúa và là một sự an ủi" cho người dân của một đất nước đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Đức Tổng Giám mục Dieudonné Nzapalainga đã nói như trên với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.

Tòa Thánh đã chính thức xác nhận Đức Giáo Hoàng sẽ tông du đến châu Phi vào tháng Mười Một, và Cộng hòa Trung Phi sẽ có trong hành trình của ngài.

Đức Tổng Giám mục Nzapalainga cho biết cuộc chiến đã tàn phá nặng nề Cộng hòa Trung Phi giờ đây đã lắng đọng, ít nhất là tạm thời, do sự can thiệp của một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. "Các binh sĩ hòa bình giống như một bác sĩ đã giúp đưa đất nước chúng tôi đến tình trạng của một con bệnh đang hồi phục." Nhưng ngài nói rằng hòa bình là mong manh, và có thể sụp đổ bất cứ khi nào nếu các lực lượng của Liên Hợp Quốc rút ra.

Mặc dù cuộc chiến đã dịu đi, cuộc sống bình thường vẫn chưa trở lại, Đức Tổng Giám Mục nói. Khoảng 30,000 người đang sống trong các trại tị nạn ở thủ đô, với nhiều ngàn người khác tìm kiếm nơi trú ẩn trong các nhà thờ và đền thờ Hồi giáo. "Nhiều người không thể trở về nhà, vì nhà cửa của họ đã bị phá hủy. Các trẻ em không thể đến trường, trong khi những người đàn ông và phụ nữ không có công ăn việc làm" do hạ tầng cơ sở kinh tế của nước này đã bị triệt tiêu gần như hoàn toàn.

Đức Tổng Giám mục Nzapalainga nói rằng nhiệm vụ của ngài trong tư cách một giám mục là "trông chừng và chăm sóc đoàn chiên và đem lại cho họ niềm hy vọng." Ngài nói thêm rằng, chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, và thông điệp hy vọng của Ngài, sẽ "mang lại sức mạnh mới cho người dân Cộng hòa Trung Phi."

2. Bộ Giáo Lý Đức Tin yêu cầu hủy bỏ buổi nói chuyện của một “nhân chứng” Medjugorje tại St. Louis, Missouri

Buổi nói chuyện của một “nhân chứng” Medjugorje tại một giáo xứ ở St. Louis đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của Bộ Giáo Lý Đức Tin Tòa Thánh.

Ivan Dragicevic, là một trong những người tuyên bố đã thấy Đức Mẹ hiện ra trong nhiều năm tại Medjugorje, được dự kiến sẽ nói chuyện ở St. Louis hôm 18 tháng Ba. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị hủy bỏ.

Đức Tổng Giám mục Robert Carlson của St. Louis đã đưa ra một thông cáo cho biết:

“Tôi đã nhận được yêu cầu từ Bộ Giáo lý Đức tin để nhắc nhở mọi người không nên tham dự vào các sự kiện nhằm đề cao cái gọi là những thị kiến tại Medjugorje và đặc biệt là đề cao ông Ivan Dragicevic. Tôi cũng được yêu cầu thông tin rộng rãi cho các tín hữu”.

Ngày 17 tháng Ba năm 2010, Tòa Thánh công bố rằng, theo yêu cầu của các giám mục Bosnia và Herzegovina, Tòa Thánh đã thành lập một ủy ban, đứng đầu là Đức Hồng Y Camillo Ruini, lúc ấy là Giám Quản Rôma, để điều tra hiện tượng Medjugorje.

Ngày 17 tháng Giêng 2014, ủy ban đã chính thức hoàn tất cuộc điều tra. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ công bố kết luận chung cuộc về vấn đề này.

Tuy nhiên, với diễn biến mới này có lẽ người ta cũng đoán được kết luận chung cuộc.

3. Taliban đánh bom vào hai nhà thờ giết chết 14 người dự lễ

Mười bốn người đã thiệt mạng và hơn 70 người bị thương khi hai kẻ đánh bom tự sát Taliban tấn công vào một nhà thờ Kitô Giáo ở Lahore, Pakistan vào sáng Chúa Nhật 15 tháng Ba. Biểu tình bạo động chống Taliban đã bùng lên tại nhiều thành phố để phản kháng nhà cầm quyền bất lực bảo vệ dân lành.

Các quan chức Pakistan cho biết các vụ đánh bom đã xảy ra trong thời gian cầu nguyện tại hai nhà thờ Công Giáo và Tin Lành nằm cách nhau khoảng 500m tại khu phố Youhanabad của thành phố Lahore, nơi tập trung hơn 100,000 Kitô hữu.

Ít nhất 4,000 người đã lập tức xuống đường tuần hành phản đối. Kitô hữu cũng đã xuống đường tại các thành phố khác, bao gồm Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan, Peshawar, Multan và Quetta.

Bác sĩ Mohammad Saeed Sohbin, giám đốc bệnh viện đa khoa Lahore, nói với AFP: "Chúng tôi đã nhận được 14 thi thể người chết và 70 người bị thương". Con số này không bao gồm thi thể của những kẻ nổ bom tự sát và của hai người Taliban bị tình nghi dính líu vào vụ đánh bom và đã bị đám đông cuồng nộ đánh chết.

Cuộc tấn công hôm Chúa Nhật 15 tháng Ba là tồi tệ nhất trong hơn một năm qua nhắm vào các Kitô hữu Pakistan, là nhóm tôn giáo thiểu số tại quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo này.

Một nhân chứng tại chỗ tên là Jacob David cho biết người ta phải nhảy ra khỏi cửa sổ nhà thờ để thoát chết. Phát ngôn viên cảnh sát Nabila Ghazanfar nói hai cảnh sát bảo vệ các nhà thờ đã bị thiệt mạng trong các vụ tấn công

Trong một tuyên bố gửi qua email cho các phương tiện truyền thông, Jamaat-ul-Ahrar phát ngôn viên của bọn Taliban lên tiếng ca tụng các vụ tấn công tự sát này và thề sẽ tiếp tục chiến dịch của họ nhằm tiến tới một nhà nước Pakistan xây dựng trên luật Hồi giáo Sharia.

4. Đức Thánh Cha lên án vụ tấn công kinh hoàng của Taliban tại Lahore, Pakistan

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Pakistan và tình liên đới với nhóm thiểu số Kitô giáo đang chịu nhiều bách hại tại đất nước này sau một vụ tấn công khủng bố kép hôm Chúa Nhật 15 tháng Ba đã khiến ít nhất 14 người chết và hàng chục người khác bị thương ở thành phố Lahore. Dịp này, Đức Thánh Cha cũng tố cáo thế giới đang "cố gắng che giấu" sự bách hại nhắm vào các Kitô hữu.

Đức Thánh Cha nói với các tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng Ba rằng:

"Với nỗi đau, rất đau đớn, tôi đã được biết về cuộc tấn công khủng bố vừa mới diễn ra hôm nay tại hai nhà thờ ở thành phố Lahore ở Pakistan, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong và thương tích".

Một nhóm khủng bố Taliban, tự xưng là Jamatul Ahrar, đã nhận trách nhiệm về vụ này.

Các cuộc tấn công kép đã diễn ra tại hai nhà thờ chỉ cách nhau 500 mét trong khu Youhanabad là khu vực Kitô giáo lớn nhất của thành phố. Một trong hai ngôi nhà thờ là nhà thờ Công Giáo Thánh Gioan, còn nhà thờ kia là nhà thờ Anh Giáo Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha nói tiếp: "Đây là những nhà thờ Kitô giáo: Các Kitô hữu đang bị bách hại. Anh chị em chúng ta đã đổ máu ra chỉ vì họ là Kitô hữu. Trong khi bảo đảm với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho các nạn nhân và gia đình của họ, tôi cầu xin Chúa, là nguồn mạch mọi sự, ban hồng ân hòa bình và hòa hợp cho đất nước này. "

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng cầu nguyện: "Để chính sách khủng bố chống lại các Kitô hữu, mà thế giới cố gắng che giấu, có thể kết thúc, và hòa bình được xuất hiện."

"Những cuộc tấn công đã khiến người ta nghĩ rằng dân chúng không còn an toàn ở bất cứ nơi đâu," Sadaf Saddique, người đứng đầu một tổ chức trợ giúp các trẻ em bị bóc lột của Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Pakistan nói với Đài phát thanh Vatican từ Lahore, ngay sau khi các cuộc tấn công xảy ra.

Luật sư Saddique cho biết, "Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng Youhanabad thể bị tấn công, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng bọn khủng bố dám đi vào nơi này, và tấn công một thị trấn lớn như thế của Kitô Giáo. "

Kitô hữu chiếm khoảng 2% trong tổng số hơn 182 triệu dân Pakistan, và đã từng là mục tiêu của bạo lực ngày càng căng thẳng và nguy hiểm trong những năm gần đây.

5. Thành lập sư đoàn Kitô Giáo đầu tiên tại Iraq để chống bọn khủng bố Hồi Giáo IS

Sư đoàn quân đầu tiên của các tín hữu Kitô Iraq đã được ra mắt hôm thứ Năm 12 tháng Ba tại Fishkhabur, một thị trấn gần biên giới với Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Sư đoàn này được thành lập vơí mục đích bảo vệ các làng mạc, thị trấn Kitô Giáo ở miền Bắc Iraq và tái chiếm lại Mosul cũng như các thị trấn và làng mạc trong vùng bình nguyên Ninivê đến nay vẫn còn trong tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Sư đoàn mới được sự hỗ trợ của chính phủ trong vùng tự trị của người Kurd Iraq, nơi các chiến binh người Kurd đang đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Trước đây, hầu hết các Kitô hữu Iraq sống ở đồng bằng Nineveh, và Mosul. Nay họ phải tạm cư ở thủ đô Arbil của người Kurd Iraq trong vòng bảy tháng qua.

Năm 2004, một lữ đoàn phòng vệ của Kitô hữu đã từng được thành lập tại Mosul để bảo vệ các nhà thờ Kitô Giáo trong khu vực.

6. Đức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân trận bão kinh hoàng ở Vanuatu

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã bầy tỏ sự gần gũi của ngài với người dân đảo Vanuatu trong Thái Bình Dương bị bão lớn.

Ngài nói: “Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, cho những người bị thương và không nhà cửa. Tôi xin cám ơn những ai đã lập tức phát động việc cứu trợ các nạn nhân.”

Từ sáng thứ Sáu 13 tháng Ba, bão với lốc xoáy Pam ở cấp 5 với sức gió 300km/h đã đánh vào hòn đảo gây tàn phá nặng nề. Ít nhất 40 người trong tỉnh Penama ở phía bắc thủ đô Port Vila bị chết và nhiều người khác bị thương. Hàng ngàn người trong 83 hòn đảo của Vanuatu đã lâm vào tình cảnh màn trời chiếu đất vì nhà cửa của họ bị tàn phá thành bình địa.

Trong tổng số 267, 000 dân, 70% là người Tin Lành, 12.4% là người Công Giáo.

7. Lại một tòa nhà nữa bị sập tại Bangladesh

Mái nhà của một nhà máy xi măng năm tầng được xây dựng ở Bangladesh đã bị sập hôm Thứ Năm 12 tháng Ba, giết chết ít nhất bốn công nhân và chôn vùi nhiều người khác.

Khoảng 150 công nhân đang làm nhiệm vụ tại đây khi biến cố này xảy ra tại Mongla thuộc huyện Bagerhat.

Ít nhất 40 người đã được cứu từ dưới đống đổ nát và còn đến hơn 40 người nữa bị mắc kẹt bên dưới. Đa số những người sống sót đã được nhập viện với những vết thương rất nặng.

Nguyên nhân gây ra sự sụp đổ vẫn còn đang được điều tra.

Những người sống sót cho biết khoảng 50 đến 60 người đang làm việc trên mái nhà trong khi khoảng 90 người khác đang ở tầng trệt khi tòa nhà sụp đổ.

Nhà máy bên bờ biển này nằm cách thủ đô Dhaka khoảng 135 km về phía tây nam thuộc sở hữu của một tổ chức phúc lợi quân đội.

Ngày 24 tháng Tư 2013, Rana Plaza, một tòa nhà thương mại tám tầng, đã bị sụp đổ ở Savar, một vùng ngoại ô của thủ đô của Bangladesh. Việc tìm kiếm những người chết đã kết thúc vào ngày 13 tháng Năm với con số người chết lên đến 1,129 người và làm bị thương khoảng 2,515 người khác.

Đây được coi là tai nạn đẫm máu nhất trong lịch sử, cũng như một sự thất bại nặng nề nhất về kiến trúc gây ra tai nạn khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người hiện đại.

8. Hội đồng Giám mục Công Giáo Ái Nhĩ Lan kết thúc khóa họp mùa xuân 2015.

Các Giám Mục Ái Nhĩ Lan đã kết thúc khóa họp Mùa Xuân 2015 với việc công bố một thư chung về cuộc trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính sắp diễn ra. Các Giám Mục đã nhắc nhở người dân nước này rằng "Hôn nhân là quan trọng – hãy suy tư trước khi bạn thay đổi nó".

Bên cạnh đó, các ngài cũng khuyến khích các tín hữu đi xưng tội, tham dự Thánh Lễ kính Thánh Patrick, suy tư và góp ý cho thượng hội đồng sắp tới về gia đình, hỗ trợ những nỗ lực từ thiện để đương đầu với những thiệt hại gây ra do biến đổi khí hậu, và cầu nguyện cho các Kitô hữu bị đàn áp.

Các giám mục cũng "đã thảo luận về tầm quan trọng của máu và việc hiến tặng nội tạng như là một phần của các hành vi bác ái của chúng ta trong Giáo Hội". Các ngài cũng kêu gọi chấm dứt việc "quảng cáo và tiếp thị các sự kiện thể thao của ngành công nghiệp đồ uống."

9. Israel kết thúc lệnh cấm trưng bày cây thông Giáng sinh trong các khách sạn

Tòa Thượng Phụ Latinh của Jerusalem bày tỏ niềm vui là Israel đã kết thúc một lệnh cấm trưng bày cây thông Giáng sinh tại các khách sạn.

Ngoài ra, một số quy định liên quan đến ngày Sa-bát cũng đã được thay đổi.

"Từ bây giờ người Israel và các nhóm khách du lịch có thể tổ chức hội nghị và các sự kiện vào cuối tuần mà không có hạn chế về quay phim, chiếu phim và thuyết trình, cũng như thưởng thức âm nhạc". Bản tin của Tòa Thượng Phụ Latinh của Jerusalem cho biết như trên.

Các tín hữu Do Thái Giáo cho tới nay vẫn giữ một số cấm đoán nghiêm nhặt. Trong đoạn video này chiếc máy bay đã không thể cất cánh vì các tín hữu Do Thái từ chối không chịu ngồi vào ghế. Luật Do Thái Giáo không cho một người đàn ông ngồi bên cạnh một người phụ nữ không phải là vợ và cũng không trực hệ với mình như mẹ, em gái ..