Ngày 22-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:31 22/03/2024

29. Thánh Thể là thức ăn uống ngọt ngào của linh hồn. Người quen rước lễ sẽ trở thành đứa con nối dõi của thiên quốc, có chung phần hưởng phúc đời đời.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:34 22/03/2024
10. TIỂU THƯƠNG BÁN BÁNH NGỌT

Có một tiểu thương men theo phố rao bán:

- “Bánh ngọt thơm ! Bánh ngọt thơm.”

Tiếng rao vừa nhỏ vừa khàn.

Có người hỏi ông ta:

- “Âm thanh sao lại nhỏ như vậy?”

Tiểu thương đáp:

- “Tôi đói bụng rồi?”

Người ấy nói:

- “Bụng đói à, tại sao không ăn bánh ngọt?“

Tiểu thương nhẹ tiếng trả lời:

- “Vì nó đã bị thiu rồi.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 10:

Hình như có rất ít vị thánh làm nghề buôn bán, bởi vì buôn bán thì thường là đụng đến tiền và sự công bằng.

Đem bánh thiu rao bán thì không những là người không có đạo đức, mà còn là người có lòng tham và là người có tâm địa độc ác; thời nay cũng có rất nhiều người “treo đầu dê bán thịt chó” làm ăn không thành thật, chỉ muốn túi mình đầy tiền còn ai chết mặc bây.

Có những gia đình nghèo cam lòng ăn những sản phẩm xấu do mình làm ra, và đem bán những sản phẩm tốt kiếm tiền lo cho gia đình con cái; có những người thà ăn khổ cực và bán những cái bánh ngon thơm cho khách để giữ uy tín, đó là những người có tâm hồn trong sạch và lương tâm nghề nghiệp đạo đức...

Thời nay nỗi sợ hãi hàng giả và thức ăn độc đang đè nặng trên người tiêu dùng, bởi vì có rất nhiều hàng giả và thức ăn thức uống đầy hóa chất độc bày bán chế tạo cách tinh vi để lừa dối người tiêu dùng, những tiểu thương, những công ty xí nghiệp này đang bán mất lương tâm của mình cho ma quỷ vì chút lợi nhuận ở đời này, nhưng phải khốn nạn đời sau trong ngày phán xét của Thiên Chúa...

Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ lỗi đức công bằng là tội như thế nào: là tội phải bị phạt cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng. Đó là lời của Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Giờ Đã Điểm
Lm Vũđình Tường
04:48 22/03/2024
An và Hoà nhà ở gần sân trường cho nên chúng có cơ hội đến sân trường thường xuyên. Hai đứa không thích chơi với nhau lắm bởi An giỏi về mọi trò chơi và luôn thắng Hoà. Mỗi lần có tôi xuất hiện, Hoà vui hơn trong khi An lại buồn một phút. Tôi chơi thua cả hai, nhưng có mặt tôi thì cơ hội cho Hoà thắng nhiều hơn và cơ hội An thua đặm. An thua không phải vì chơi dở mà do cá tính thích thắng một lúc cả hai đứa. Nếu thắng từng đứa một thì An dư sức; nhưng thắng cả hai một lúc thì may nhiều hơn tài. May mắn lại nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân. Đang chơi vui mà chuông nhà thờ đổ làm cả ba buồn, bởi giờ chơi đến hồi kết thúc. Đứa nào cũng đứng ngó tiếc hùi hụi, nhưng bất lực.

Cuộc đời ai cũng biết khi giờ đã điểm thì việc gì đó chấm dứt để bước sang việc mới. Đối với học sinh, giờ đã điểm là giờ vào lớp; với người làm công sở, giờ đã điểm là giờ giải lao chấm dứt. Giống như trò chơi nơi sân trường, giờ đã điểm thì chia tay, kẻ muốn tiếp tục, người phải ngưng. Những ai giúp việc cho kẻ liệt biết rõ, giờ đã điểm kẻ đi phải đi, người ở lại khóc sụt sùi nhưng ai ngăn được khi giờ đã điểm.

Đức Kitô nhiều lần nói với môn đệ, 'Giờ Ta chưa đến' nên kẻ hại Ngài không thể thi hành í định. Câu nói vắn vủi, vỏn vẹn có bốn chữ 'Giờ Ta chưa đến' nhưng í nghĩa câu đó vừa phủ kín, vừa bật mí nhiều sự kiện quan trọng. Đức Kitô bật mí cho các môn đệ biết ngoài số môn đệ tin theo Ngài cách công khai, còn có những môn đệ thầm kín. Đó là người cho Đức Kitô mượn lừa cuỡi vào thành thánh Jerusalem mà mãi đến ngày Lễ Lá người ta mới hay biết. Người môn đệ khác nữa cho Đức Kitô mượn căn phòng trên lầu để Ngài tổ chức Mừng Lễ Vượt Qua cùng các môn đệ. Người cho mượn mộ mà mãi sau khi Ngài chết người ta mới hay. Giờ của Đức Kitô chưa đến cho nên kẻ chủ trương hại Ngài bất lực. Họ thất bại trong việc mượn thế quân bảo hộ Roma làm công việc hại người. Họ thua cách ê chề trong việc dùng mưu, gài bẫy, hại Đức Kitô. Họ cay đắng vì lời giảng dậy của Ngài 'vừa mới mẻ vừa í nghĩa'. Khi giờ của Ngài đến là lúc Ngài làm Vinh Danh Chúa Cha (Gn 12,28), và cũng là lúc Chúa Cha làm Vinh Danh Người (Gn 13,32). Giờ của Ngài đến là giờ chia lìa, xa cách, nhưng không lâu; tất cả sẽ gặp lại. Giờ của Ngài đến cũng là lúc tỏ lộ việc Giuđa phản bội bán Thầy mình. Tiếp theo là việc Phêrô chối Thầy và nhát đảm của các môn đệ khác. Phêrô chối Thầy vì yếu đuối, vì sợ hãi trước bắt bớ, đòn vọt. Giuđa phản bội Thầy trong hoàn cảnh hoàn toàn tự do chọn lựa. Chính ông tự nguyện tìm gặp kẻ chống đối Đức Kitô để phản Thầy. Hành động của Giuđa có bàn tay ma quỉ nhúng vào thúc đẩy, bởi ông đã gian dối trước mặt Đức Kitô và trước mặt anh em. Khi Đức Kitô nói, '...một người trong anh em sẽ nộp Thầy'.

Giuđa lên tiếng 'Rapbi, chẳng lẽ con sao?

Đức Kitô đáp: 'Chính anh nói đó' Mt 26:25.

Giờ của Ngài đến mặc khải hai phản bội khác nhau. Khi nói câu 'chẳng lẽ con sao?' Giuđa biết rõ mình đang dối mình, dối đồng bạn, đối Thầy. Ma quỉ là cha của dối trá. Dối trá chính là cộng tác với ma quỉ. Đức Kitô trao cho Giuđa miếng bánh. Điều này hiểu là, dù biết rõ Giuđa phản bội, Thầy vẫn yêu quí trò như xưa. Trò đặt lợi lộc cá nhân trên tình thầy trò. Ma quỉ dùng phù hoa mua chuộc con người. Nhớ lại, sau bốn mươi ngày chay tịnh, ma quỉ cám dỗ Đức Kitô, chúng dùng phù hoa vinh quang trần thế phủ dụ. Ma quỉ thất bại; giờ Giuđa thua đặm. Nhận miếng bánh tình yêu Đức Kitô trao; Giuđa vẫn không hồi tâm. Điều này xác định Giuđa trao con tim mình ma quỉ. Phạm tội là để cho con tim yêu thích sự dữ.

Trong pháp trường, từ đàng xa, Đức Kitô quay nhìn Phêrô; ngay lập tức Phêrô ăn năn, thống hối, khóc than. Khác biệt giữa hai phản bội. Giuđa cố tình, hoàn toàn tự do, tự nguyện và từ chối ơn Chúa; nhận 'miếng bánh' nhưng không chấp nhận thay đổi. Phêrô không cố tình, không có tự do, sợ hãi, mất tự chủ. Phêrô đón nhận ơn Chúa qua 'cái nhìn'. Ông ăn năn, thống hối. Có khác biệt trong thống hối. Phêrô thống hối bằng cách ăn năn, khóc lóc. Sau này Giuđa cũng thống hối, nhưng theo cách riêng ông chọn; tự kết liễu đời mình.

Đức Kitô biết rõ môn đệ phản bội; Ngài buồn sầu, nhưng không ngăn cấm, cũng chẳng khiển trách. Nếu bạn phê bình, khiển trách, kết án Giuđa phản bội là bạn đang phê bình, khiển trách, kết án chính mình. Không sai đâu. Công tâm, thành thật với chính mình. Mỗi lần tôi phạm tội, tôi hành xử i hệt như Giuđa làm cách đây hơn hai ngàn năm. Tôi hoàn toàn tự do trong việc quyết định phạm tội. Tôi biết rõ điều đó là sai, trái, có tội nhưng quyết tâm. Tôi làm vì thú tính, tự ái, khát khao. Tôi tính toán cách phạm tội, và tôi gây đau khổ cho người khác. Giờ đã điểm của cá nhân tôi chính là lúc tôi quyết định trung thành hay phản bội Chúa tôi.

TiengChuong.org
 
Vô cảm đến tàn bạo
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
06:32 22/03/2024
SUY NIỆM BÀI THƯƠNG KHÓ
VÔ CẢM ĐẾN TÀN BẠO

Vô cảm là thái độ dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại. Thái độ vô cảm không chỉ xảy ra ở thời đại chúng ta. Đọc lại bài thương khó, tôi nhận ra ở đó là cả một sự vô cảm lớn của cả kẻ nắm quyền lẫn đám đông bình dân. Họ thể hiện sự vô cảm đến độ tàn độc, đến độ không còn nhân tính.

Giả sử, một người đáng tội chết, sau khi thi hành án tử cho người ấy, hoặc tàn nhẫn hơn, sau khi đã để người ấy bước vào cực hình đến mức sắp chết, thì những người xung quanh sẽ như thế nào? Có dám chỉ vào cái xác đang nằm đó mà nói rằng "mày trỗi dậy đi" không?. Chắc chúng ta sẽ không làm, ít ra còn chút tình người với nhau.

Tôi nghĩ rằng, người sắp chết ấy, dù thực sự đáng chết, dù không thể thương tình, không thể động lòng được, chúng ta cũng không tàn độc đến nỗi buông những lời khó nghe, thậm chí nhục mạ để phỉ báng, để nguyền rủa.

Đằng này đám người bên chân thánh giá - đã thực sự giết Chúa, đã vừa thực sự đóng đinh Chúa, đã thực sự treo Chúa lên rồi, và đang chứng kiến sự quằn quại của Chúa trên thánh giá, đang chứng kiến người bị mình xử chết dần trong máu, trong bi thảm - còn chưa hả hê, chưa lấy đó làm đủ, lại nỡ lòng nào dám chỉ vào thánh giá, chỉ thẳng vào con người đau thương đến cực độ ấy phỉ nhổ: "Ngươi xuống khỏi thập giá đi, nếu ngươi là Con Thiên Chúa thì xuống khỏi thập giá đi".

Tàn độc. Một sự tàn độc hết sức. Sự tàn độc khó có thể nói hết, khó có lời diễn tả. Dường như sự vô cảm một khi lên đến tột độ đã biến con người ác đến mức không còn nhân tính.

Tôi không thể hiểu nổi những kẻ nhân danh quyền bính, không thể hiểu nổi những kẻ nhân danh lề luật của Thiên Chúa, không thể hiểu nổi những kẻ nắm giữ Kinh Thánh trong tay, những kẻ hàng ngày giảng dạy đạo đức và là bậc thầy của thiên hạ, lại có thể nhẫn tâm đến vậy.

Nhất là trong tư cách đạo đức, trong tư cách của một rabbi mà lại có thể chỉ vào một người do chính mình giết hại, giờ đây chỉ còn có chết là chấm dứt tất cả, lại có thể thách thức: "Mày xuống khỏi thập giá đi". Một sự vô cảm đến lạ lùng, vô cảm đến mức khó hiểu, vô cảm đến độ giết chết chính lương tri của mình.

Nhưng dù suy tư về hình ảnh tang thương của Chúa đứng trước sự tàn bạo của những kẻ giết Chúa, thì không vì thế mà chúng ta lên án họ, cũng không nhằm moi lại lịch sử để xem ai tội lớn, ai tội nhẹ...

Đúng hơn, nhìn vào thái độ ác tâm của người xưa dành cho Chúa Giêsu để chúng ta soi lại lòng mình, khám phá lại bản thân mình, để thấy mình cần phải đi vào chính nội tâm và lương tâm của mình. Chúng ta xem lại, để rồi tự đánh giá lại bản thân: Tôi có vô cảm không? Tôi có từng là người đẩy xua anh em tôi không? Tôi có là người đóng lại đôi mắt, khép lại cánh tay để không phải nhìn thấy đau khổ của anh em, để khỏi phải chìa tay ra và nắm lấy anh em khi mà anh em cần đến tôi không?

Nếu sống giữa anh em mà tôi vẫn để thói vô cảm ngự trị hoặc để nó lộng hành đến độ chiến thắng tình yêu trong tôi, thì đó là thứ chai đá tệ hại của lòng tôi. Đó chính là thói sống tàn nhẫn.

Và nếu tôi để cho lòng mình xa lìa tình yêu anh em đến mức khốc liệt, thì đó là sự nhẫn tâm đáng sợ. Tôi cần phải loại trừ sự vô cảm khỏi lương tâm của một người Công Giáo trong tôi.

Vì thế, nhìn vào cái chết của Chúa Giêsu xưa và nhìn vào khung cảnh của những con người đứng xung quanh thánh giá, chúng ta cần tự rút ra bài học cho mình về lòng yêu thương, cảm thông, chia sớt...

Chỉ có như thế, chúng ta mới mong mình biết yêu thương hơn, chan hòa hơn, biết để cho cái chết của Chúa bắt đầu từ đây lấp đầy trong tâm hồn mình, qua đó, chúng ta học bài học yêu của Chúa: Yêu cho đến chết không chỉ cho người mình yêu, mà còn cho cả kẻ thù của mình.

Hãy để tình thương của Chúa Giêsu ngự đầy trong thâm tâm, trong cõi đời, trong tấm linh hồn để không còn thứ vô cảm độc ác, không còn thứ vô cảm mà không có bất cứ cái gì có thể đẩy lùi được.

Hãy loại trừ sự vô cảm. Nhất là trong những ngày tuần Thánh, chúng ta thể hiện bằng tình yêu sắc bén hơn trước những anh chị em đồng loại, trước những con người là hiện thân của Chúa Kitô đang ở bên cạnh, đang ở giữa chúng ta.
 
Con tim tinh tuyền
Lm. Minh Anh
15:26 22/03/2024
CON TIM TINH TUYỀN
“Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”.

Ngày kia, ‘Nữ Thần Tự Do’ xuất hiện trên bìa một tạp chí, có ký giả nhận xét, “Thấy đỉnh đầu của khối tượng, tôi ngạc nhiên với mái tóc! Nhà điêu khắc phải chắc chắn rằng, đôi mắt duy nhất có thể thấy những chi tiết này sẽ là đôi mắt của loài mòng biển. Anh không mơ một ngày nào đó có ai sẽ bay qua đầu cô ấy; tuy nhiên, với một con tim tinh tuyền đối với nghệ thuật và một lương tâm trong sáng của người nghệ sĩ, anh đã dành cho mái tóc cô ấy những gì đã dành cho khuôn mặt, vóc dáng và cả ngọn đuốc trên tay Nữ Thần!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Con tim tinh tuyền’, một biểu tượng được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay! Đối diện với Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài, ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu!’. Họ tự do chọn tin Ngài, hoặc từ chối Ngài; tự do đi về phía sự thật, hoặc giết chết sự thật, chính Ngài!

Bối cảnh Tin Mừng là phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại sau bốn ngày trong mồ. Gioan ghi nhận, “Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”; nhưng số khác thì không! Trong thực tế, những người này tìm gặp nhóm Pharisêu để ‘đổ dầu vào lửa’ hầu kết án tử cho Ngài. Hậu kết của những toa rập này là cái chết thảm khốc của Con Thiên Chúa mà Giáo Hội sắp tưởng niệm khi Tuần Thánh đã đến ngoài ngõ.

Với Chúa Giêsu, động lực trong ‘con tim tinh tuyền’ của Ngài là tình yêu; với các nhà lãnh đạo, tất cả trong tim họ chỉ là quyền lực! Chúa Giêsu đang nổi tiếng và điều này sẽ khuấy động mọi thứ; họ ghen tị vì Ngài quá thu hút. Trước tình thế đó, lập luận của Caipha là một diệu kế, “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Nghĩa là, tốt hơn, nên “loại bỏ vấn đề” để mọi việc trở lại theo cách của nó! Họ quan tâm bản thân, địa vị hơn lẽ thật. Họ gán cho Ngài làm nhiều dấu lạ - lẽ ra - họ phải tin; đàng này, vì không nuốt trôi niềm kiêu hãnh, không thể buông bỏ quyền lực, họ tìm giết Ngài!

Vậy mà, ý đồ đen tối của họ vẫn được Thiên Chúa tận dụng! Vì thế, việc Chúa Giêsu “chết thay cho dân” là logic dẫn đến ơn cứu độ cho toàn nhân loại! Và logic đầy tính tiên tri này có thời hiệu vĩnh viễn, “Không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Chúa tản mác khắp nơi về một mối”. Tuyệt vời thay! Đây là điều chính Thiên Chúa đã hứa hằng trăm năm trước, “Từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại!” - bài đọc Êzêkiel; để rồi, “Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đàn chiên!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”. Với phép lạ Lazarô, nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu, lắm kẻ tìm giết Ngài. Trong những ngày này, Giáo Hội mời chúng ta chiêm ngắm ‘con tim tinh tuyền’ của Con Thiên Chúa, cùng Ngài bước vào cuộc thương khó, để yêu mến Ngài hơn, và nhất là để hiểu được sự tự do của Ngài. Tự do của Ngài là tự do yêu thương, tự do cứu chuộc. Mong sao bạn và tôi có được một con tim yêu mến như con tim Ngài, chọn đi theo Ngài và nhất là tháp nhập thánh giá đời mình vào thánh giá đời Ngài; kiên định thay vì ta thán, yêu mến thay vì càu nhàu và ghì chặt thay vì trốn chạy!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con làm tất cả mọi việc lớn nhỏ với một con tim không vạy vò, và một lương tâm không méo mó!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa nhật Lễ Lá
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:13 22/03/2024
SUY NIỆM TUẦN THÁNH

(Có thể dùng để gợi ý tĩnh tâm)

Thái độ và tâm tình khi bước vào Tuần Thánh.

- Đem hết lòng thành tâm tìm kiếm Chúa vì Chúa đã phán: “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống !”. Hãy khao khát Chúa, khao khát thật sự chứ không phải theo ý thích của mình.

- Thinh lặng: giúp tâm sự với Chúa, vì Thiên Chúa không ở nơi ồn ào. Cần có sự thinh lặng bên ngoài mới có thinh lặng bên trong. Hãy tìm Chúa trong cõi thinh lặng.

***

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Người tôi tớ của Thiên Chúa

“Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.(Is 50, 4-7)

Thời nay có nhiều hạng tôi tớ, nhưng không có hạng tôi tớ nào tự nguyện chịu bị đánh đập, bị khinh miệt, bị sỉ nhục, và không một ai tình nguyện làm tôi tớ, nếu không vì quyền lợi riêng tư của mình.

Đức Chúa Giê-su đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, đã tự nguyện trở nên người tôi tớ trong thân phận con người như chúng ta. Tiên tri I-sai-a đã cho chúng ta thấy hình tượng của một tôi tớ trong con người của Đức Chúa Giê-su: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu...”

Chúng ta là những người tôi tớ của Thiên Chúa, và qua cái chết của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta đã được trở nên con cái của Ngài.

Có nhiều hạng tôi tớ, nhưng chỉ có một tôi tớ tự nguyện đáng để cho mỗi người trong chúng ta suy tư và chiêm ngắm, đó chính là vị tôi tớ tự nguyện của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su.

Chúng ta có ba đề mục nhỏ để suy tư:

1. Người tôi tớ của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su.

2. Người tôi tớ của anh em: Đức Chúa Giê-su.

3. Đầy tớ vô dụng.

A. Suy niệm.

1. Người tôi tớ của Thiên Chúa: Đức Chúa Giê-su

Tuần Thánh, tự nó đã trở nên một gợi ý thánh thiện.

Tuần Thánh, tự nó cũng nói lên tất cả tính chất thánh thiện của một tôn giáo, không phải do loài người sáng lập, nhưng do Thiên Chúa sáng lập cho con người và vì con người.

Hôm nay là ngày bắt đầu của Tuần Thánh, ngày mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem cách long trọng, không ai thấy nơi Ngài là một người tôi tớ chịu sỉ nhục, bị đánh đòn, bị khạc nhổ...

Hôm nay là ngày mà mọi nhà thờ trên thế giới đều cử hành cách long trọng Đức Chúa Giê-su tiến vào đền thánh Giê-ru-sa-lem, một biến cố lịch sử có một không hai trên thế giới: Đấng Thiên Sai bởi Thiên Chúa mà đến với nhân loại.

Hôm nay, mọi người Ki-tô hữu đều hân hoan đón nhận vị vua khiêm tốn đến ngự trong nhà mình, vị vua nhân ái và uy nghiêm không cỡi trên ngựa chiến, nhưng cỡi trên con lừa mẹ giữa tiếng hoan hô chúc tụng của mọi người...

Chúng ta được trở nên con cái của hoàng tộc –dân thánh- không phải bởi tổ tiên chúng ta là hoàng tộc, nhưng là bởi Đức Chúa Giê-su đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, chịu tất cả mọi sự sỉ nhục vì chúng ta, và cuối cùng, người tôi tớ ấy đã chết để cho chúng ta –những tội nhân- được sống trong tình yêu của Thiên Chúa.

Người tôi tớ ấy, hôm qua như một vị vua uy nghiêm tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem giữa tiếng hoan hô của đám đông quần chúng; hôm nay cũng đám đông dân chúng ấy đã nhất loạt đồng lòng với các thượng tế, biệt phái hô hào lên án đóng đinh Ngài vào thập giá, Ngài thật sự đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa, để chúng ta được làm con của Cha trên trời.

“Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.

Không một tôi tớ nào của loài người tự nguyện chịu sỉ nhục, có chăng cũng là vì miếng cơm manh áo, đồng tiền; có chăng cũng chỉ là chịu đựng với một tấm lòng oán hờn thù hận, và chắc chắn là không có tình yêu.

Nhưng người tôi tớ của Thiên Chúa là Đức Chúa Giê-su đã làm được điều ấy, Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân......Qua đoạn văn này của thánh Phao-lô tông đồ, chúng ta có thể hình dung ra một người tôi tớ đau khổ mà tiên tri I-sai-a đã loan báo trước. Quả thật, Ngài đã gánh chịu tất cả những đau khổ mà nhân loại phải chịu, hi sinh tất cả vì chúng ta, những tội nhân của tội nhân là ma quỷ và sự dữ. Vì yêu Cha và vì yêu nhân loại tội lỗi, Đức Chúa Giê-su đã vâng phục Cha và đã tự nguyện làm một tôi tớ thấp hèn để cứu chuộc nhân loại, một sự hi sinh cao độ để nhân loại được hưởng hơng cứu chuộc, đó là trở nên con cái của Thiên Chúa.

2. Người tôi tớ của anh em: Đức Chúa Giê-su.

Khi mang thân phận con người, Đức Chúa Giê-su đã thật sự là con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi, với tất cả tình cảm, buồn vui của Ngài trong cuộc sống đều chứng tỏ Ngài là một con người, và vì thế, Ngài đã trở nên người anh em của chúng ta và ở giữa chúng ta.

Người tôi tớ của Thiên Chúa đã trở thành tôi tớ của anh em khi ngài cúi xuống rữa chân cho các môn đệ của mình là các tông đồ: “...nên trong bữa ăn tối, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rữa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.

Một Đấng Thiên Sai, một vị vua uy nghiêm nhưng rất khiêm nhường ấy, giờ đây đã trở nên tôi tớ của người anh em mình, và khi cúi xuống rữa chân cho các môn đệ, chính Ngài đã dạy cho chúng ta một bài học yêu thương và phục vụ, đó là trở nên người tôi tớ phục vụ anh em chị em trong cuộc sống.

Không ai tưởng tượng ra được câu chuyện lạ lùng này: vị Thiên Chúa đã trở nên tôi tớ phục vụ con người, Đấng là vua lại trở nên người tôi tớ của anh chị em mình. Nhưng với tình yêu thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, tình yêu làm cho khoảng cách chia rẻ và thù hận ngắn lại, tình yêu làm cho Thiên Chúa trở nên người tôi tớ của loài thụ tạo do chính Ngài tạo dựng.

3. Đầy tớ vô dụng.

Đức Chúa Giê-su, Đấng Thiên Chúa đã huỷ mình ra không để trở nên một tôi tớ của Thiên Chúa, Ngài hiểu rất rõ ràng và cụ thể bổn phận của một tôi tớ đó chính là phục vụ tha nhân.

Ngài vâng phục thánh ý của Chúa Cha để phục vụ nhân loại, phục vụ cho đến chết và chết trần truồng trên thập giá, tức là Ngài đã hạ xuống đến mức không còn ra hình tượng người nữa, có nghĩa là Ngài đã trở thành một đầy tớ vô dụng trước mặt loài người: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu”.

Ngài đã trở nên đầy tớ vô dụng làm việc chỉ vì vinh danh Cha mà thôi: “Phần tôi, tôi không tìm vinh quang cho mình”. Vì không tìm vinh quang cho mình, nên Đức Chúa Giê-su đã không lên tiếng chửi mắng, xỉ vả những người lên án tử và đóng đinh mình vào thập giá, trái lại, Ngài hiền lành như con chiên bị đem đi sát tế và sẵn lòng tha thứ cho họ. Nơi Ngài ánh sáng tình yêu và khiêm tốn của một đầy tớ vô dụng được nổi bật cao chót vót khi bị dựng đứng trên núi Sọ giữa bầu trời âm u, giữa những tiếng nguyền rủa của quân lính và tiếng hò hét la lối của đám đông dân chúng, mà chính họ, đã lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác của Ngài ban cho...

Chúng ta là những tội nhân, nhưng trong cuộc sống chúng ta chưa nhận ra mình là một tội nhân bởi vì chúng ta luôn muốn trở thành quan toà phán xét anh em, phán xét người không cùng sở thích, không cùng chính kiến với chúng ta. Đức Chúa Giê-su không xét xử người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Ngài cũng không hầm hè lên án Gia-Kêu là quân thu thuế tội lỗi, nhưng Ngài trở nên thân thiết với họ và vừa là Chúa là Thầy và là bạn hữu với họ. Cuối cùng, Ngài bị treo chết trên thập giá, hoàn tất mọi sự và an bình phó thác linh hồn trong tay Cha từ đây dưới con mắt của nhân loại, Ngài trở thành đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa.

“Đầy tớ vô dụng” không phải là không biết làm gì cả, nhưng tất cả việc làm của họ đều là làm cho và làm vì Thiên Chúa –Đấng sáng tạo- cho nên sau khi hoàn tất công việc được giao phó, thì họ nói như lời Đức Chúa Giê-su dạy: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.

Biết mình là tôi tớ của Thiên Chúa, nên Đức Chúa Giê-su đã chu toàn bổn phận của mình, cũng vậy, mỗi người trong chúng ta không là gì cả trước mặt Chúa. Tất cả đều bởi Thiên Chúa mà đến, cho nên khi làm được việc gì đó cho ai, thì không nên khoe khoang tự mãn tự đắc nói lên mặt dạy đời anh em chị em, nhưng tự trong thâm tâm nên cám ơn Chúa đã dùng mình như một khí cụ để thay Ngài giúp đỡ tha nhân.

Mỗi ngày chúng ta sẽ nhìn thấy rất rõ ràng mình là khí cụ của Thiên Chúa, là đầy tớ vô dụng của Ngài, nếu chúng ta thành tâm khiêm tốn suy gẫm về cuộc đời trong quá khứ và trong hiện tại của mình rồi đối chiếu, so sánh, thì sẽ thấy tất cà đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho, lúc đó chúng ta mới hân hoan vui vẻ, nhiệt tình mà nói với Chúa rằng: Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng.

B. Cầu nguyện.

Lạy Đức Chúa Giê-su, hôm nay là ngày mở đầu cho Tuần Thánh, Giáo Hội với việc long trọng cử hành nghi thức việc Chúa tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem, để cho chúng con xác tín rằng Chúa là vua, vị vua hiền từ và khiêm tốn của những tâm hồn hiền từ khiêm tốn, để rồi ngày mai ngày mốt, chúng con sẽ chia sẻ sâu xa mầu nhiệm khổ nạn của Chúa trong Tuần Thánh này.

Chúng con đang suy tư về việc Chúa là Thiên Chúa và là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, là Con Chiên hiền lành bị đem đi sát tế không phải để cứu mình, nhưng là để cứu nhân loại tội lỗi, trong đó có chúng con.

Hôm nay chúng con mặc áo quần và trang điểm như ngày hội, cũng đúng thôi, vì chúng con đang đi rước vị Vua của các vua, chúng con đang hân hoan chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của toàn thể nhân loại, của toàn thể vũ trụ. Chúng con đang hiệp cùng dân Do Thái xưa kia tung hô vạn tuế Con Vua Đa- vít đã đến. Thật hạnh phúc cho chúng con.

Nhưng Chúa muốn chúng con đừng như những người Do Thái ngày xưa ấy, hôm nay tung hô Chúa là vua, ngày mai cũng chính họ miệng hét tay vung đòi đóng đinh Chúa vào thập giá. Chúa muốn chúng con học hỏi nơi Chúa tinh thần của một đầy tớ vô dụng, biết khiêm tốn chu toàn bổn phận của mình trong yêu thương, trong vui vẻ và tích cực. Chúa cũng muốn chúng con nhìn thấy Chúa nơi những người anh em bất hạnh để phục vụ Chúa qua con người của họ.

Lạy Chúa, xin nhậm lời chúng con, và làm cho chúng con trở thành đầy tớ vô dụng của Chúa, không những trong Tuần Thánh này, mà còn trong suốt cả cuộc đời của chúng con. Amen

C. Gợi ý.

a. Tôi có giống như người Do Thái, hôm nay hoan hô Chúa, ngày mai đóng đinh Chúa vào thập giá vì những tội lỗi của mình.

b. Tôi có tâm tình và quyết tâm gì trong Tuần Thánh năm nay?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng phụ Pizzaballa cho hay: Tình hình ở giải Gaza là không thể chấp nhận được!
Thanh Quảng sdb
15:57 22/03/2024
Thượng phụ Pizzaballa cho hay: Tình hình ở giải Gaza là không thể chấp nhận được!
Thiếu sinh quân ở Belem trong dịp đón ĐHY Thương phụ

Phát biểu với một đài truyền hình Ý, Đức Thượng Phụ Latinh ở Giêrusalem, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, nói rằng “mọi người phải làm mọi điều có thể để chấm dứt tình trạng này”.

(Tin Vatican)

"Về mặt khách quan thì không thể chấp nhận được."

Đó là cách mà Đức Hồng Y Gianbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem, đã mô tả tình hình ở Gaza trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài truyền hình Ý TV2000.

ĐHY tiếp tục: “Chúng tôi luôn phải đối diện nhiều vấn đề đủ loại, và thậm chí tình hình kinh tế-tài chính luôn mong manh, nhưng trước đây chưa bao giờ có nạn đói”.

Đức Thượng phụ Pizzaballa nói: “Mọi người – mọi cộng đồng tôn giáo, chính trị và xã hội phải làm mọi thứ có thể để chấm dứt tình trạng này”.

Đức Thượng phụ nhấn mạnh: “Sự yếu kém của Hoa Kỳ tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn, bởi vì từ trước đến nay luôn có người sắp xếp mọi việc. Bây giờ không còn ai đóng vai trò này nữa, và chúng ta phải chịu và tự mình giải quyết. Tôi không biết điều này có thể thực hiện được hay không, bằng cách nào hoặc khi nào.”

Lễ Phục sinh trong thời chiến

Phát biểu vài ngày trước khi bắt đầu Tuần Thánh, Đức Thượng phụ Pizzaballa đưa ra lời đảm bảo rằng sẽ cho phép cho các Kitô hữu sống ở các vùng lãnh thổ của Palestine về thăm Jerusalem để cử hành phụng vụ.

“Chúng tôi sẽ nhận được giấy phép,” Ngài nói. “Chúng tôi nhấn mạnh rằng vì Do thái đã cấp giấy phép cho người Hồi giáo tham gia tháng Ramadan, họ cũng nên cấp giấy phép cho những người theo đạo Công Giáo vào dịp Lễ Phục sinh. Dù con số nhỏ hơn, chúng tôi sẽ có vài nghìn giấy phép cho cả Chúa Nhật Lễ Lá và Lễ Phục Sinh.”

“Đây sẽ là một lễ Phục sinh khó khăn”, Đức Hồng Y Pizzaballa kết luận. “Tôi nghĩ đến nỗi cô đơn của Chúa Giêsu trong vườn Ghết-sê-ma-nê, nỗi cô đơn mà tất cả chúng ta hiện đang chia sẻ.”
 
Đức Phanxicô nhận lời mời viếng Moscow?
Vũ Văn An
19:54 22/03/2024

Tạp chí The Pillar, ngày 22 tháng 3, cho rằng một điều chắc chắn không xảy ra trong tuần này là việc Đức Phanxicô nhận lời mời đến thăm Moscow như một phần trong nỗ lực của ngài để Vatican trở thành tác nhân hòa bình trong cuộc chiến ở Ukraine.

Vì Vatican vừa nhanh chóng phủ nhận một cách bất thường các báo cáo từ một cơ quan báo chí của Pháp rằng tân đại sứ Nga tại Tòa thánh đã đưa ra lời mời và Đức Phanxicô sẽ tới Moscow vào tháng Sáu.

Tất nhiên, ta nên lưu ý rằng Vatican dường như từng bác bỏ một cách nghiêm ngặt mọi kế hoạch cho chuyến viếng thăm của Giáo hoàng - chứ không phải lời mời đến thủ đô Nga cuối cùng đã được đưa ra. Và, giả sử lời mời đã được đưa ra, chính thức hay không chính thức, thật trớ trêu là Đức Phanxicô sẽ không đi và Vatican đã phải hành động quá nhanh và chắc chắn để dập tắt đề nghị này.

Kể từ trước khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, người Ukraine đã yêu cầu Đức Thánh Cha đến Kyiv – đầu tiên với hy vọng rằng sự hiện diện của ngài sẽ ngăn chặn chiến tranh nổ ra, và sau đó như một cử chỉ liên đới với những người dân đang đau khổ của đất nước.

Trong suốt chặng đường, Vatican đã nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô muốn trở thành một tác nhân hòa bình và sẽ chỉ chấp nhận lời mời của Ukraine nếu ngài có thể thực hiện một chuyến đi song song tới Nga. Bây giờ, theo tin đồn, ngài đã đạt được mong muốn của mình nhưng không thể chấp nhận, hoặc thậm chí được cho là đang suy nghĩ về điều đó.

Tất nhiên, vấn đề là những bình luận gần đây của Đức Giáo Hoàng trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Thụy Sĩ, trong đó ngài đã đưa ra một đề cập được thảo luận nhiều về việc người Ukraine cần có can đảm ôm “cờ trắng” để đàm phán.

Đây là nỗ lực mới nhất trong một loạt nỗ lực của Đức Giáo Hoàng khẩn khoản yêu cầu hòa bình nhằm tìm cách tránh xa việc chọn phe quá rõ ràng, và do đó đóng cửa đối thoại với Moscow, nhưng thường khiến người Ukraine, thậm chí và đặc biệt là người Công Giáo Ukraine, coi là xúc phạm, và vô cảm.

Vì vậy, đây là một sự trớ trêu đặc biệt cay đắng đối với Đức Phanxicô nếu ngài được yêu cầu đến Nga, vì việc đi bây giờ sẽ chỉ làm tăng thêm tình cảm chống lại những nỗ lực của ngài đối với các nạn nhân của Putin - do đó Vatican đã vội vàng bác bỏ.

Tạp chí này không biết liệu có thuật ngữ nào chỉ việc lúc khoảng thời gian cần có để làm một sự việc khả thi trở thành một việc không khả thi hay không. Nếu không, có lẽ chúng ta có thể gọi nó là “Nghịch lý Phanxicô”.

Tất nhiên, rất có thể nguồn gốc của câu chuyện là ở chính nước Nga.

Có thể không có lời mời nào thực sự được đưa ra và toàn bộ sự việc là sai, hoặc có thể một lời mời đã được đưa ra, nhưng dù thế nào đi nữa, họ nghi ngờ nó đã bị rò rỉ cho báo chí để làm Đức Giáo Hoàng bối rối, gây căng thẳng và khiến mối quan hệ giữa ngài và các Kitô hữu Ukraine của mọi Giáo Hội ngày càng sâu xa hơn.

Thực tại mà Đức Phanxicô đối diện hiện nay là việc giao kết có thiện chí với những tác nhân không có thiện chí - những kẻ không có thiện chí bạo lực vô nhân đạo - không bao giờ kết thúc tốt đẹp, cho dù ý định của bạn có chân thành đến đâu.

Đó cũng cùng là một bài học mà Vatican đã học được một cách chậm rãi đau đớn trong sáu năm qua về thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục.

Cho dù có bao nhiêu cuộc bổ nhiệm đơn phương mà Rome đồng ý chấp nhận, hoặc dù nhiều giám mục bị bắt và sách nhiễu mà không hề tỏ ra phẫn nộ, Giáo hội đã giành được rất ít, nếu có, không gian hứa hẹn cho các tín hữu Kitô sinh sống ở Trung Quốc.

Sự sỉ nhục ngày càng tăng đối với những nỗ lực bất lực của Vatican trong chủ nghĩa thực dụng ngoại giao đã không được chú ý ở những nơi khác, đó là lý do tại sao Venezuela đã quyết định tự tin triểnn hạn việc bổ nhiệm các giám mục quan trọng, trong khi Nicaragua đã lựa chọn trục xuất hàng loạt giáo sĩ.

Vatican, trong con người Đức Giáo Hoàng, có thể sử dụng quyền lực mềm đáng kể. Ở mức mạnh nhất, nó có thể kích động dư luận hoàn cầu và dời những ngọn núi ngoại giao, nhưng chỉ khi nó lên tiếng từ thẩm quyền thực sự duy nhất mà Giáo hội có trên thế giới – sự trong sáng về mặt đạo đức.

Đúng là nó không phải lúc nào cũng được việc. Thánh Gioan Phaolô II đã giúp gây ra sự sụp đổ của đế chế tà ác Liên Xô - và ngài không nói nặng lời trong quá trình đó - tuy nhiên ngài không thể ngăn chặn cuộc xâm lược Iraq, điều mà ngài đã nói một cách nghiêm khắc không kém trong những năm cuối đời.

Nhưng sự lập lờ, dù có chủ ý chân thành đến đâu, không phải là một chứng tá mà Giáo hội sinh ra để làm chứng. Và nó cũng thường không phải là di sản của vị giáo hoàng.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lễ Lá
Đinh văn Tiến Hùng
21:47 22/03/2024
**** LỄ LÁ ****

Mở đầu Tuần Thánh

+ Tường thuật trong 4 sách Phúc Âm +

Mátthêu - Máccô - Luca - Gioan

Mátthêu 21:7–11
7Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên. 8Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. 9Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời. 10Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” 11Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét xứ Ga-li-lê đấy.”

Máccô 11:7–11
7Hai ông đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên. 8Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. 9Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! 10Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” 11Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.

Luca 19:35–40
35Các ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên 36 Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. 37 Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. 38Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời! 39 Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!” 40 Người đáp: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”

Gioan 12:12–18
12Hôm sau, dân chúng lũ lượt tuôn đến mừng lễ. Thoạt nghe tin Đức Giê-su tới Giê-ru- sa-lem 13 họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Chúc tụng vua Ít-ra-en 14 Đức Giê-su gặp một con lừa nhỏ, liền cỡi lên như có lời chép: 15Hỡi thiếu nữ Xi-on, đừng sợ ! Này Đức Vua của ngươi ngự đến, ngồi trên lưng lừa con. 16 Lúc đầu, các môn đệ không hiểu những điều ấy. Nhưng sau khi Đức Giê-su được tôn vinh, các ông mới nhớ lại là Kinh Thánh đã chép những điều đó về Người, và dân chúng đã làm cho Người đúng y như vậy. 17 Vậy, đám đông dân chúng làm chứng cho Đức Giê-su, họ là những người đã có mặt, khi Đức Giê-su gọi anh La-da-rô ra khỏi mồ và làm cho anh trỗi dậy từ cõi chết. 18 Sở dĩ đón Người, là vì họ nghe biết Người đã làm dấu lạ đó.


+ Ý nghĩa của Chúa Nhật Lễ Lá +
Với Lễ Lá, chúng ta bắt đầu tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ gọi là Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế. Dầu cho với cái nhìn chính trị, xã hội của con mắt người đời, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, là một việc có tính cách gây rối chính trị, vì đế quốc Rôma đang cai trị và Hêrôđê đang làm vua. Nhưng Chúa Giêsu, Người biết rõ việc Người làm. Trước mặt Philatô, Người tuyên bố rõ ràng: “Tôi là Vua nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này”.

*Phụng vụ Lễ Lá có thể gợi lên ba ý nghĩa

- Ý nghĩa thứ nhất của Chúa Nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Và cũng đã nhiều lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẩn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.

- Ý nghĩa thứ hai của Lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua. Ðây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: “Hoan hô chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời.” Người vào Giêrusalem, thành của vua cả trong phong cách đế vương, và chính vì phong cách đế vương này mà Người đã bị kết án tử hình. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng, Do Thái, La Tinh và Hy Lạp, “Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái.” Vì thế, dầu cho Người bị kết án tử hình bằng một hình khổ dã man và nhục nhã, đóng đinh chân tay căng thây trần truồng trên Thập Giá, nhưng các sách Phúc Âm đều ghi đậm nét vẻ vương giả của Người để khai mào một vương quốc mới. Vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói trước mặt Philatô: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng Tôi.” Vậy Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta một cơ hội nữa để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Vua các vua, Vua cả trời đất, nhất là Vua của mọi cõi lòng.

- Với ý nghĩa thứ ba, Chúa Nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê. Khi chấp nhận bằng lòng vác thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, đó là chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Người, noi gương Người để vác thập giá, nhưng điều quan trọng là không phải vác đi trong than khóc mà trong hy vọng. Vì với Chúa Giêsu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại.

Hôm nay trong cái nghịch lý của Lễ Lá, vị Vua của chúng ta tiến lên, vị Vua đã bênh vực nhân vị của con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác như tinh thần của những ai đến cùng Người. Vị Vua đó đã thu, đã hút tất cả những đau khổ của thể xác và tinh thần của con người vào chính bản thân mình, để chết đi một lần cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào chốn trường sinh. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.
(Theo Wikipedia tiếng Việt)

+ Việc sử dụng Lá.

Việc làm phép và sử dụng cành dừa đã có từ thế kỷ 8 tại Đức. Từ đó cành lá dừa được sớm kết hợp trong truyền thống phụng vụ Ky-tô Giáo vào Chúa nhật mở đầu Tuần Thánh.

Tuy nhiên cho tới nay dừa vẫn không thể sử dụng trên mọi quốc gia vì nhu cầu khan hiếm.

Nên đã được thay thế như Ý dùng Ô-liu – Anh và Ba-lan dùng cây liễu – Hung-Gia-Lợi và Tây-Ban-Nha lại dùng hoa, nên gọi là Chúa Nhật Hoa….

* Ca Khúc Vinh Quang *

Ánh bình minh vươn cao trên đồi núi,
Nắng tràn lên đem sức sống cho đời,
Tiếng gọi nhau vang động cả vùng trời,
Lòng rạo rực chào mừng ngày đại hội.

Dân chúng già trẻ tươi cười bước vội,
Đem lá và vải phủ kín mặt đường,
Những trẻ thơ bộ mặt thật dễ thương,
Cuốn chiếc lá làm còi thổi rộn rã.

Hai bên đường dân bảo nhau hối hả,
Giữ trang nghiêm chờ đợi đón Quốc Vương,
Từ đàng xa tiến lại thật mến thương,
Cưỡi trên lừa uy nghiêm một Hoàng Tử.

Ngày hôm ấy hoàng thành mở rộng cửa
Nắng chiếu soi sáng rực cả cung thành,
Ôi Jerusalem trần thế là thiên đàng,
Cất cao lên Hôsana!! Hôsana!!

+ Ai Ca Núi Sọ +

+ Nhưng ba ngày sau cũng đám dân ấy,
Trước mặt Philatô nơi tiền đường,
Chúng hò hét kết tội rất thảm thương,
Chính Vị Quân Vương là Đấng Cứu Thế.

Đồi Can-ve sao u buồn ảm đạm!
Mây ngừng trôi che lấp ánh mặt trời,
Vũ trụ ngưng đọng, vạn vật im hơi,
Khắc khoải âu sầu ngày tang trần thế.

Chân đồi lớp người cuốn như sóng bể,
Bọn quan binh đang la hét mở đường,
Tiếng roi vun vút vọng xoáy bi thương,
Tội nhân bị lôi đi không thương tiếc.

Thân mình nát tan, áo quần tơi tả,
Vòng mạo gai đâm suốt chặt quanh đầu,
Máu nhỏ dòng loang lổ khắp châu thân,
Quá kiệt sức nên nhiều lần ngã gục.

Tai vang dội biết bao lời sỉ nhục,
Các thượng tế, luật sĩ, cả đám dân,
Ngẩng mặt đắc chí, hò hét rần rần,
Say đắc thắng vì âm mưu hoàn hảo.

Người nhân đức bước sau buồn ảo não,
Hai phụ nữ dìu theo Người Mẹ hiền,
Lòng Bà dâng trào đau xót triền miên,
Tội tình chi hỡi Con Mẹ yêu dấu!

Tới đỉnh đồi nơi lý hình đang đợi,
Chúng cởi trói, lột áo mà chia nhau,
Giật mạo gai gẫy nát đâm vào đầu,
Để quyết liệt bắt đầu cho bản án.

Bắt tội nhân nằm ngửa trên thập ác,
Và tay chân bị lôi kéo giãn ra,
Tới lỗ đinh còn một khoảng cách xa,
Nghe xương cốt đang tách ra rơi rụng.

Những nhát búa đập mạnh để chọc thủng,
Chân tay tội nhân vặn vẹo đau thương,
Toàn thân quằn quại đau đớn khôn lường,
Không cuộc hành hình nào dã man hơn thế!

Thập giá dựng lên cùng hai tử tội,
Một tử tội biết thống hối kêu cầu,
Khát khao mong đợi diễm phúc bấy lâu,
Đang nhận được vinh quang nơi Thiên Quốc.

Ngước nhìn trời Tù nhân cầu nguyện:
Xin tha cho những kẻ làm khốn mình,
Xót thương Gio-an người đệ tử thân tình,
Trao cho Mẹ nhận người con đau khổ.

Rồi xuất thần ngước mặt kêu: Ta khát!
Một lý hình nhúng dấm chua đưa lên,
Sau khi nếm, nghiêng đầu qua một bên,
Kêu: Đã hoàn tất! Gục đầu tắt thở.

Lòng quặn đứt Bà Mẹ hiền chết ngất,
Khi lính cầm đòng đâm suốt nương nong,
Máu và nước tuôn xuống chảy thành dòng,
Bà đã chết cùng người Con yêu dấu!

Vũ trụ chuyển rung, quay cuồng tinh đẩu,
Bầu trời vần vũ, lốc cuộn bật mồ,
Đền thờ màn xé, mưa sóng tràn bờ,
Có phải chăng đây là ngày tận thế?

Dấu minh chứng cho muôn ngàn thế hệ,
Người tử tội: Đấng Cứu Thế Hiến Mình!
Chết nhục nhã cho ta sống quang vinh.
Bản Ai ca nhiệm mầu đồi Thập Giá

+ Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Hôm nay dân chúng cầm cành lá tung hô rước Chúa vào thành Jerusalem, nhưng chỉ vài ngày sau họ lại dùng mọi khổ hình và treo Chúa trên cây thập giá. Nhưng Chúa vì muốn cứu rỗi nhân loại, Chúa đã hy sinh gánh lấy mọi đau đớn tủi nhục.

Xin cho mỗi người chúng con biết lắng tâm hồn mình, sống trọn vẹn Tuần Thánh đồng hành cùng Chúa trên con đường Thương khó, để chúng con biết cảm thông, chia sẻ và càng yêu mến Chúa nhiều hơn. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời
. Amen-

Đinh văn Tiến Hùng - Tổng hợp

*Bài suy niệm của ĐTC Phanxicô :
NGÀI THỰC SỰ LÀ CON THIÊN CHÚA. NGÀI LÀ CHÚA CỦA CON

Mỗi năm phụng vụ này luôn khiến chúng ta kinh ngạc: chúng ta chuyển từ niềm vui chào đón Chúa Giêsu khi Người vào thành Giêrusalem sang nỗi buồn khi chứng kiến Người bị kết án tử hình và sau đó bị đóng đinh. Cảm giác kinh ngạc nội tâm đó sẽ vẫn còn với chúng ta trong suốt Tuần Thánh. Chúng ta hãy suy ngẫm sâu hơn về điều đó.

Ngay từ đầu, Chúa Giêsu khiến chúng ta kinh ngạc. Dân chúng chào đón Ngài một cách long trọng, nhưng Ngài vào thành Giêrusalem trên một con ngựa non hèn mọn. Người dân của Người mong đợi một đấng giải phóng quyền năng trong Lễ Vượt Qua, nhưng Ngài đã đến để đưa Lễ Vượt Qua đến chỗ viên mãn bằng cách hy sinh chính bản thân mình. Dân của Người đang hy vọng chiến thắng người La Mã bằng gươm, nhưng Chúa Giêsu đến để ăn mừng chiến thắng của Thiên Chúa bằng thập tự giá.

Điều gì đã xảy ra với những người trong thời gian vài ngày, từ chỗ hô vang “Hosanna” đến chỗ gào lên “Đóng đinh nó đi”? Chuyện gì đã xảy ra? Họ đang theo đuổi một ảo tưởng về Đấng Mêsia hơn là chính Đấng Mêsia. Họ ngưỡng mộ Chúa Giêsu, nhưng họ không để mình kinh ngạc trước Ngài. Kinh ngạc không giống như ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ có thể là trần tục, vì nó tập chú vào những thị hiếu và mong đợi của riêng nó.

Ngược lại, sự kinh ngạc vẫn mở ra đối với những điều khác và sự mới mẻ mà những điều ấy mang lại. Ngay cả ngày nay, có rất nhiều người ngưỡng mộ Chúa Giêsu: Ngài nói những điều đẹp đẽ; Ngài tràn đầy tình yêu và sự tha thứ; tấm gương của Người đã thay đổi lịch sử và vân vân. Họ ngưỡng mộ Ngài, nhưng cuộc sống của họ khbàông thay đổi. Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu thôi thì chưa đủ. Chúng ta phải bước theo những bước chân của Chúa, để cho mình được thử thách bởi Người; chuyển từ ngưỡng mộ sang kinh ngạc…

( Trích phần đấu baì Suy niệm của ĐTC PHANXICÔ )
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Phần I, Chương 1, tiếp theo
Vũ Văn An
00:23 22/03/2024

Étienne Gilson

Một người theo học thuyết Tôma khác, người nổi tiếng trước công chúng, ngay cả trong giới học thuật thế tục, là người Pháp đồng hương của Maritain và gần như là người cùng thời với Maritain, Étienne Gilson (1884–1978). Mặc dù gia đình ông theo truyền thống Công Giáo và dường như chưa bao giờ ông rời xa di sản đó, Gilson, giống như Maritain, đã đến với học thuyết Tôma bằng một con đường gián tiếp và độc lập. Ông học triết học tại Sorbonne, và lĩnh vực chuyên môn của ông - không có gì đáng ngạc nhiên ở Pháp - là Descartes và triết học hậu Descartes. Theo gợi ý của Lucien Lévy-Bruhl, cố vấn của ông, Gilson đã viết luận án tiến sĩ của mình về các yếu tố Kinh viện trong Descartes. (33) Gần một thế kỷ sau, dường như không có gì đáng chú ý khi ai đó lại có thể xem xét các trào lưu triết học thời trung cổ có thể đã ảnh hưởng đến Descartes. Nhưng vào thời điểm đó, một bộ môn lịch sử nhất định thống trị triết học; nói một cách đơn giản, hầu hết các triết gia đều cho rằng triết học thực sự đã chết với người Hy Lạp và La Mã. Những gì được coi là triết học thời Kitô giáo thực sự là thần học — thần học dựa trên sự mặc khải. Triết học “thuận lý”, đã hồi sinh cùng với Descartes, đơn giản không có điểm chung nào với những gì đã diễn ra ở khoảng giữa trong cả một thiên niên kỷ và hơn. Tuy nhiên, Gilson đã phát hiện ra rằng cái khung huyền thoại này hoàn toàn sai, và nó đã cho ông căn bản để nghiên cứu sâu sắc về lịch sử triết học trung cổ, một điều sẽ không quá mạnh miệng khi nói rằng nó đã cách mạng hóa tư duy về chủ đề này. Ông cũng có những đóng góp quan trọng cho những quan niệm đang gây tranh cãi gay gắt về ý nghĩa của triết học “Kitô giáo”.

Thí dụ, bất kể những nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỷ 17 như Descartes, Leibniz và Spinoza (và những người đã nghiên cứu về họ) nghĩ gì, Kitô giáo đã đưa chất liệu mới vào suy tư triết học. Loại Thiên Chúa mà chúng ta tìm thấy nơi Descartes, trong tất cả các yếu tố yếu tính là Thiên Chúa của Kitô giáo truyền thống, không có trong suy nghĩ của người Hy Lạp. Đấng Tạo Hóa vô hạn tự tồn tại và duy trì vạn vật trong hiện hữu không có trong Platông hay Aristốt hay các nhà tư tưởng Hy Lạp sau này. Tương tự như vậy, linh hồn bất tử và những đặc điểm khác của con người khi chúng xuất hiện trong Descartes và những người kế tục ông chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tư tưởng thời trung cổ. Phản ứng tiêu chuẩn đối với những khám phá này vào thời điểm đó sẽ là loại bỏ chúng như tàn dư của sự mê tín bị loại bỏ không có chỗ trong các hệ thống tư tưởng thuần lý. Gilson đã đưa ra lập luận ngược lại một cách chính xác: giống như các quan niệm tôn giáo của Hy Lạp đã định hình hệ thống duy lý của các triết gia cổ thời, các khái niệm Kitô giáo đã định hình triết học sau này và bổ sung các ý tưởng mà triết học đã khám phá. Nói cách khác, nghiên cứu về điều mà Gilson khăng khăng gọi là “triết học Kitô giáo” cũng hợp pháp như nghiên cứu triết học Hy Lạp.

Đối với Gilson, triết học được thực hiện trong một chân trời Kitô giáo không phải là bất hợp pháp. Chẳng hạn, nhiều người ngoài cuộc nghĩ rằng triết học Kitô giáo về cơ bản là một sự hợp lý hóa nhất dạng cho những chân lý phi lý. Là một nhà sử học và nhà phân tích sắc sảo, Gilson đã có thể chỉ ra rằng các hệ thống triết học thực sự rất đa dạng trong thời Trung cổ—điều mà ngày nay có thể nhận thấy được nhờ công trình đột phá của ông và các nhà sử học khác về tư tưởng thời Trung cổ, chẳng hạn như Denifle, De Wulf và van Steenberghen. Đức Lêô XIII đã ca ngợi triết lý phổ biến trong thời Trung cổ được minh họa rõ nhất ở Thánh Tôma. Gilson nhận thấy rằng không có triết học chung như vậy, nếu bạn nhìn kỹ, mặc dù có một “tinh thần triết học thời trung cổ” chung, tựa đề của một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của ông. (34) Tinh thần đó có nghĩa là thực hiện triết học trong một tập hợp các ý tưởng thần học nhất định, nhưng khởi điểm đó khiến nó không bất hợp pháp hơn, chẳng hạn, một triết học hiện đại cố gắng suy nghĩ về bản chất của Thiên Chúa trên cơ sở những dữ kiện hiện tại của vũ trụ học Big Bang [Nổ Lớn]. Ngược lại, các nhà tư tưởng Kitô giáo thời trung cổ - giống như những đối tác Ả Rập và Do Thái của họ - ý thức được những tuyên bố tương ứng về lý trí và mặc khải, và Thánh Tôma Aquinô đã đặc biệt cẩn thận phân biệt hai điều này.

Như Gilson đã quan sát trong tác phẩm Reason and Revelation in the Middle Ages [Lý trí và Mạc khải thời Trung cổ] ngắn gọn nhưng tuyệt vời của ông:

Có đức tin là đồng ý với một điều gì đó bởi vì điều đó đã được Thiên Chúa mạc khải. Và bây giờ, nghĩ sao khi điều đó có khoa học? Vì đó là đồng ý với một điều được chúng ta cho là đúng dưới ánh sáng tự nhiên của lý trí. Sự khác biệt yếu tính giữa hai trật tự khác biệt này của đồng ý nên được ghi nhớ cẩn thận bởi bất cứ ai xử lý các mối liên hệ của Lý trí và Mạc khải. Nhờ lý trí, tôi biết rằng điều gì đó là đúng bởi vì tôi thấy rằng nó là đúng; nhưng tôi tin rằng điều gì đó là sự thật bởi vì Thiên Chúa đã nói điều đó. Trong hai trường hợp này, nguyên nhân khiến tôi đồng ý chuyên biệt khác nhau, do đó, khoa học và đức tin nên được coi là hai loại đồng ý chuyên biệt khác nhau. (35)

Ông hết sức khổ công trong công trình này và những công trình khác để cho thấy rằng Thánh Tôma, vốn là một nhà lý luận vĩ đại, thậm chí còn cảnh cáo các Kitô hữu không được làm cho những sự thật mạc khải như Chúa Ba Ngôi, Nhập thể và Cứu chuộc có thể được giải thích một cách hợp lý. Thánh Tôma nói, “Và điều hữu ích là phải cân nhắc điều này, kẻo có ai, khi cao vọng muốn chứng minh điều gì thuộc về đức tin, dám đưa ra những lý do không chính đáng, tạo cơ hội cho những người không tin cười nhạo, vì nghĩ rằng trên cơ sở đó chúng ta tin những điều thuộc về đức tin” (ST I, q. 46, a. 2; 243).

Viễn kiến lịch sử này về triết học qua các thời đại và vai trò tương đối của lý trí và mạc khải không những ảnh hưởng đến các định chế Công Giáo trên toàn thế giới (Gilson được yêu cầu giúp thành lập Viện Giáo hoàng về Nghiên cứu Trung cổ ở Toronto năm 1929), mà còn được đánh giá cao trong thế giới thế tục. Giống như các sách của Maritain, một số cuốn sách của Gilson đã được coi là loạt giảng khóa có uy tín: The Spirit of Mediaeval Philosophy [Tinh thần Triết học Thời Trung cổ] bắt đầu như các Giảng Khóa Gifford năm 1931–1932 tại Đại học Aberdeen ở Scotland; The Unity of Philosophical Experience [Sự Thống nhất của Kinh nghiệm Triết học] phát xuất từ các giảng khóa William James của Gilson tại Harvard (1936—1937); và Reason and Revelation in the Middle Ages [Lý trí và Mạc khải Thời Trung Cổ] thu thập các Giảng khóa Richard năm 1937 tại Đại học Virginia. Gilson nói về mối quan tâm ngày càng tăng đối với mọi sự việc thời trung cổ vốn đã bắt đầu từ thế kỷ 19 với Chủ nghĩa lãng mạn, và việc ông nói và viết theo quan điểm Công Giáo dường như đã bị lấn át tại các tổ chức thế tục nổi tiếng này bởi sự mới mẻ trong suy nghĩ và phạm vi ghê gớm trong tư cách học giả của ông. Ông cũng nói rất chính xác: những người đã nghe cả Maritain lẫn Gilson thuyết trình đều nói rằng Maritain, suốt cả đời mình, đã lan man khắp các lãnh vực rộng lớn và để người nghe tự tìm ra mọi điều sau đó. Ngược lại, Gilson trình bày rất có trật tự, thường kết thúc vài giây trước khi chuông kết thúc giờ học với một câu dí dỏm tóm tắt tất cả những gì ông vừa nói. (36)

Ngoài các nỗ lực của mình để làm cho ý tưởng về triết học Kitô giáo trở nên đáng tin cậy, Gilson thường được mô tả là người khởi xướng học thuyết Tôma hiện sinh, có nghĩa là một điều gì đó khác với những gì hai thuật ngữ liên kết với nhau dường như muốn gợi ý. Hiện hữu được ông nhấn mạnh là của Thiên Chúa, “Ta là Đấng hằng hữu” nói với Môsê. Một số nhà giải thích hiện đại trước đó đã cho rằng Thánh Tôma nhấn mạnh đến mô thức hoặc yếu tính của Thiên Chúa, nhưng Gilson thấy rằng điều đặc biệt về Thiên Chúa là hành vi hiện hữu thuần túy của Người là yếu tính của Người. Gilson nói rằng các nhà triết học vĩ đại đến giữa như Hồng Y Cajetan và Francisco Suârez đã hiểu sai điều này. Nơi Thánh Tôma, agere sequitur esse (“hành động theo sau hiện hữu”), và Thiên Chúa, Đấng là Hành động Thuần túy, cũng là Hữu thể Thuần túy. Con người và tất cả những tạo vật khác mà chúng ta quen thuộc với trên thế giới đều hoàn toàn khác biệt. Mọi vật được tạo ra đều có cả “yếu tính”, chúng là gì, và sự hiện hữu thực sự, được thông truyền cho họ từ nguồn gốc của mọi hiện hữu, tức Thiên Chúa. Đối với Gilson, có một “sự phân biệt thực sự” giữa hiện hữu và yếu tính—một khái niệm được tranh luận nhiều giữa những người theo học thuyết Tôma—nhưng cả hai đều hiện diện trong mỗi hữu thể được tạo dựng. Tuy nhiên, “những người theo chủ nghĩa hiện sinh” hiện đại đã nhầm lẫn khi gán cho con người sự hiện hữu không có yếu tính, một sự tách biệt triệt để khỏi bất cứ điều gì mang lại cho cuộc sống con người một vị thế và phương hướng, điều này đương nhiên dẫn đến xao xuyến, buồn nôn, phi lý và tuyệt vọng khi được sử dụng bởi một nhân vật như Jean-Paul Sartre. Gilson vạch rõ điều này ở hình thức đầy đủ nhất trong tác phẩm Being and Some Philosophers [Hữu thể và Một số Triết gia] của ông. (37)

Gilson cũng đã viết về nhiều chủ đề ít trừu tượng hơn nằm ngoài ranh giới của triết học, chẳng hạn như Dante, âm nhạc và hội họa. Mặc dù rõ ràng ông không có sải cánh như Maritain, nhưng tầm với lịch sử của ông rất xa và rộng. Những nghiên cứu của ông về Thánh Augustinô, Thánh Bonaventura, Duns Scotus và ánh Tôma Aquinô rất sâu sắc và vẫn đáng đọc. (38) Nhưng ông biện phân thấy một kế hoạch nào đó trong triết học Kitô giáo bị nhiều người chỉ trích, ngay cả trong số những người chia sẻ sự nhiệt tình của Gilson dành cho Thánh Tôma; và bản thân ông có thể gay gắt chỉ trích những người khác - kể cả Maritain – những người không nhìn nhận mọi việc theo cách của ông. Các cuộc tranh luận này không thể được xem xét một cách rộng dài ở đây, nhưng ít nhất chúng ta có thể vạch ra một số đường hướng tổng quát của chúng.

Tác phẩm của Gilson gây tranh cãi lớn nhất liên quan đến việc ông khăng khăng đòi tái cấu trúc ý nghĩa của các bản văn của Thánh Tôma một cách nghiêm ngặt về phương diện lịch sử. Sự chính xác này phù hợp với một nhà sử học về triết học sống trong thời kỳ lần đầu tiên người ta có thể đánh giá đầy đủ các khác biệt giữa các nhà triết học thời trung cổ cũng như sự sai chạy khỏi chữ nghĩa nghiêm ngặt được các nhà giải thích sau này đưa vào. Nhưng Gilson đã đẩy quan điểm này đi khá xa theo hai cách. Đầu tiên, ông tấn công những gì ông coi là cách giải thích sai lầm và gây hiểu lầm về Thánh Tôma được đưa ra trong các bài bình luận thường được tham khảo bởi Cajetan và Gioan Thánh Tôma (tức Jean Poinsot). Tất nhiên, bất cứ sự giải thích nào cũng cần phải khác với bản gốc chỉ bởi sự kiện này là nó không đồng nhất với bản văn mà nó bình luận. Gilson đã đặt để hai trong số những hướng dẫn được kính trọng nhất về Thánh Tôma, trên thực tế bác bỏ toàn bộ truyền thống giải thích theo trường phái Tôma để ủng hộ việc tái tạo lịch sử được cho là thuần túy hơn về ngài — một điều bị nhiều người khác chỉ trích như chính nó là một giải thích gây tranh cãi. Sự hiếu chiến của Gilson về quan điểm của chính ông — điều này trở nên sắc nét hơn khi ông có tuổi hơn — không đại diện cho mặt tốt nhất ngay cả trong những thành tựu của chính ông, một điều, trong các tác phẩm như The Unity of Philosophical Experience [Sự Thống nhất của Kinh nghiệm Triết học và Hữu thể] và Being and Some Philosophers [Hữu thể và Một số Triết gia], có liên quan tới các hiểu biết thông suốt rất độc đáo về ý nghĩa của lịch sử triết học đối với chính triết học và không chỉ giới hạn trong nhận định thuần túy của học thuyết Tôma.

Bên cạnh cuộc tranh cãi lịch sử này, Gilson đã thực hiện những nỗ lực đương thời để thực hiện điều được Đức Lêô XIII yêu cầu trong Aeterni Patris: áp dụng triết học của Thánh Tôma vào các vấn đề văn hóa và xã hội đương thời. Có thể lập luận rằng cách tiếp cận của Gilson đã tuân theo thông điệp nhưng lại coi thường tinh thần của Thánh Tôma, người không hề dè dặt trong việc suy nghĩ theo những cách độc đáo về các vấn đề nảy sinh trong thời đại của ngài. Các đích nhắm của Gilson thậm chí bao gồm cả Maritain, người rõ ràng đang suy nghĩ sáng tạo dưới ánh sáng của triết học trường phái Tôma. Vào những năm 1950, Gilson đã cố gắng thuyết phục Maritain tham gia cùng ông trong cuộc tấn công vào các nhà bình luận lớn tuổi hơn của trường phái Tôma, nhưng không thành công lắm, mặc dù Gilson cho rằng Maritain đồng ý với ông. Sau cái chết của Maritain, Gilson đã đọc cuốn Untrammeled Approaches [Những Phương thức Không bị Cản trở] Maritain để lại và viết trong một lá thư cho Armand Maurer:

“Tôi đã ngây thơ khẳng định rằng một người không thể tự coi mình là người theo học thuyết Tôma nếu không xác định trước ý nghĩa chân thực của học thuyết Thánh Tôma, điều mà chỉ lịch sử mới có thể làm được; trong suốt thời gian đó, ông [Maritain] đã coi mình là một môn đệ chân chính của Thánh Tôma vì ông tiếp tục suy nghĩ của mình. Cố gắng khám phá lại ý nghĩa của học thuyết như nó đã từng có trong tâm trí Thánh Tôma Aquinô là chủ nghĩa lịch sử thẳng thắn. Chúng tôi đã nói chuyện với những mục đích khác nhau trong suốt thời gian đó”. (39)

Gilson rõ ràng đang thú nhận ở đây một định kiến về ý nghĩa nguyên gốc một điều có lẽ không thể đạt được và thậm chí không phải là cách tốt nhất để mô tả tác phẩm độc đáo của chính ông. Như với mọi nhân vật triết học vĩ đại, có nhiều cách giải thích hợp lý khác nhau về Thánh Tôma, một số có thể bị loại bỏ hoàn toàn, nhưng đòi hỏi một xác định đơn nhất và cuối cùng về suy nghĩ của Thánh Tôma và hạn chế những người theo học thuyết Tôma trong tương lai chỉ đơn thuần sao chép điều đó dường như đã hiểu sai chính bản chất của một viễn kiến triết học rộng lớn. Một độc giả hiện đại cũng không thể không tự hỏi: Ngay cả khi chúng ta có thể hiểu được tư tưởng đó ở hình thức nguyên thủy, thì nó có ý nghĩa gì đối với Giáo hội và thế giới ngày nay?

Học thuyết Tôma siêu việt

Một số nhà triết học Công Giáo tham gia vào cuộc phục hưng học thuyết Tôma đưa ra nhiều quan điểm không chính thống về việc sử dụng Thánh Tôma hơn là những bất đồng tương đối phổ biến này. Một trào lưu, học thuyết Tôma siêu việt, tìm cách thu hút một số kẻ dường như là kẻ thù của toàn bộ dự án Công Giáo thông qua một loại nhu thuật [jujitsu] trí thức. Học thuyết tân Tôma thường công nhận rằng kể từ Descartes - và gần đây nơi Hume và Kant - việc lập luận từ những suy nghĩ và hình ảnh trong tâm trí trở lại những sự vật trong thế giới đã trở nên khó khăn. Hầu hết những người theo Học thuyết tân Tôma đều tin và sẽ tiếp tục tin rằng một khi mắc phải sai lầm chết người của Descartes khi hướng về kinh nghiệm của chủ thể, thì không có cách nào thoát khỏi ngõ cụt của chủ nghĩa chủ quan. Đồng thời, quan điểm duy máy móc về tự nhiên đã khiến cho cả con người cũng chỉ là một cỗ máy. Sự nhiệt tình đối với Élan Vital [Sinh đà] của Bergson và, như chúng ta đã thấy trước đó, đối với triết lý của Maurice Blondel về chủ thể năng động là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu cần có một phương thức tiếp cận khác.

Có lẽ không thể tránh khỏi việc ai đó sẽ cố gắng kết hợp những gì dường như vẫn tồn tại trong Học thuyết Tôma với các nhận thức luận hiện đại có phê phán (tức là các lý thuyết về cách chúng ta thu nhận kiến thức) với hy vọng đáp ứng các thách thức văn hóa. Một trong những nhà lãnh đạo sớm nhất trong diễn trình này là Pierre Rousselot (1878—1915), một nhà thần học Dòng Tên. (40) Ngài công khai lập luận rằng một số phần triết học và thế giới quan của Thánh Tôma đã bị tri thức hiện đại thay thế, nhưng các yếu tố khác—“các luận đề có tổ chức và thống nhất hóa” [architectonic theses] —có thể được cứu cùng với “sự hấp thụ cần thiết” từ tư tưởng hiện đại. Trong cuốn sách L’intellectualisme de Saint Thomas [Thuyết chủ trí của Thánh Tôma], ngài lập luận rằng không nên đồng nhất Intellectus [trí hiểu] của Thánh Tôma với quan niệm hiện đại về lý trí. Trí hiểu mang trong mình một lực đẩy sống động hướng tới sự sống, tình yêu và Phúc Kiến (Beatific Vision). Nó không chỉ là một thiết bị để lắp ráp các hệ thống mạch lạc hợp lý. Theo quan điểm này, các khái niệm hạn chế và hình ảnh tâm trí của chúng ta, bất chấp những lời cảnh cáo đúng đắn của Kant, không đóng cửa với thế giới; đúng hơn, chúng chứa đựng bên trong chúng một động lực hướng tới việc khẳng định điều gì là có thật, bao gồm cả thực tại tối hậu. Nói một cách mạnh mẽ, Rousselot đã so sánh sự năng động bên trong của tâm trí này với “một động lực tự nhiên để trở thành một thiên thần”. (41) Mặc dù Rousselot đã chết trong chiến đấu vào đầu Thế chiến thứ nhất, nhưng tác phẩm của ngài đã gợi ý những con đường mà Joseph Maréchal, Karl Rahner, và Bernard Lonergan, tất cả đều là tu sĩ Dòng Tên, sẽ đi sau đó, đến những điểm đến khác nhau.

Ngay cả trong phác thảo ngắn gọn, người ta vẫn có thể thấy rằng lập trường triết học này rõ ràng hấp dẫn những người đã có thiện cảm với tôn giáo trên những cơ sở khác. Nhà triết học Scotland hiện đại John Haldane tuyên bố rằng sự pha trộn giữa Kant và Thánh Tôma trong Học thuyết Tôma siêu việt, “mặc dù có ảnh hưởng lan rộng trong giới thần học gia, nhưng chưa bao giờ được các nhà triết học coi trọng”. (42) Động lực trở thành một thiên thần có thể là một tinh thần hơi quá mạnh đối với những triết gia bình tĩnh hơn; Tuy vậy, trên thực tế, nó có thể chứa đựng nhiều điều đáng xem xét. Dù việc sáp lại gần nhau giữa Kant và Thánh Tôma có vẻ kỳ lạ, Joseph Maréchal (1878–1944) vẫn đã theo Rousselot khi tin rằng, mặc dù các đối tượng thích hợp của trí hiểu con người là các yếu tính của những hữu thể hữu hạn, nhưng tâm trí có một lực đẩy tự nhiên hướng tới Hữu thể Vô hạn.

Tất nhiên, Thánh Tôma cũng biết rằng tâm trí con người không thể nắm bắt được Thiên Chúa, nhưng ngài tin rằng chúng ta có thể đạt được một số kiến thức về Người thông qua phép loại suy được rút ra từ kiến thức của chúng ta về các vật thể trong thế giới. Thí dụ, khi chúng ta sử dụng các thuật ngữ “tốt lành” hoặc “quyền năng” hoặc “tối cao” của Thiên Chúa, chúng ta dựa trên những đánh giá của mình về những điều chúng ta quan sát được trong thế giới và sử dụng chúng để ám chỉ một thực tại mà những thuật ngữ đó không bao giờ có thể diễn đạt đầy đủ. Ngược lại, Kant tin rằng có một tiên nghiệm [a prioris] nào đó làm cho việc nhận thức một loại chân lý tất yếu thành khả hữu (thí dụ: 2 + 2 = 4), nhưng chúng ta không bao giờ có thể biết mọi điều trong chính chúng hoặc Thiên Chúa. Maréchal tin rằng một sự xích lại gần nhau giữa hai lập trường này có thể được thực hiện và do đó đã áp dụng một số quy trình của “luận lý học siêu việt” của Kant vào các phạm trù của Thánh Tôma nhằm tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt. Rõ ràng cả hai đều cho phép tâm trí đóng một vai trò tích cực trong việc tạo ra sự hiểu biết đối tượng. Như với mọi điều liên quan đến lý thuyết về nhận thức của Kant, những so sánh này nhanh chóng gặp khó khăn, nhưng đáng để chúng ta xem xét một số đặc điểm xuất hiện trong nghiên cứu năm tập của Maréchal, được đặt tên một cách khéo léo là Le point de départ de la métaphysique [Khởi điểm của siêu hình]. (43)

Lý lẽ của Maréchal là: khởi điểm cho siêu hình học của Thánh Tôma không phải là một ý tưởng trừu tượng về hữu thể, như những người theo Học thuyết tân Tôma trước đó đã tuyên bố, mà thay vào đó, giả định trước một sự khẳng định về Thiên Chúa như Hữu thể Tất yếu có trước bất cứ phán đoán nào về những hữu thể ngẫu nhiên (tức là, mọi vật trong thế giới của chúng ta). Theo Maréchal, Kant và Thánh Tôma không đồng ý về khả thể có nhận thức siêu hình, nhưng đồng ý về việc nhận thức như vậy sẽ là gì: một trực giác rõ ràng về Hữu thể Tuyệt đối. Ít nhất trong cách hiểu của Maréchal, họ đồng ý với nhau rằng nhận thức về các hữu thể trong thế giới này không thể cho chúng ta tiếp cận với Hữu thể vượt quá thế giới này. Tuy nhiên, Thánh Tôma tin rằng chúng ta có thể biện phân được Hữu thể Tuyệt đối bằng con đường loại suy. Maréchal tự hỏi, đây là kết quả của niềm tin thời trung cổ của Thánh Tôma, hay ngài nhận thấy điều gì đó mà Kant đã bỏ sót về cách tâm trí con người giải thích các đối tượng có thể nhận thức bằng giác quan [phenomenal]? Nói khác đi một chút, liệu có những điều kiện hoạt động của tâm trí bên cạnh những điều kiện do luận lý học siêu việt của Kant đặt ra (những hữu thể khả giác riêng rẽ, các phạm trù phổ quát của trí hiểu, sự thống nhất siêu việt của tổng giác [apperception]) khiến không những việc nhận thức các đối tượng riêng rẽ mà cả “sự xuất hiện của bất cứ đối tượng nào của bất cứ ý thức nào” hay không? (44)

Maréchal đã xem xét cẩn thận những điểm tương đồng trong lập trường của họ và chỉ ra một điểm khác biệt nghiêm trọng: Giả định của Thánh Tôma, theo chân Aristốt, cho rằng tâm trí cũng được định hướng trong hoạt động nhận thức của nó bởi một xu hướng thống nhất hướng tới mục đích cuối cùng của nó. Mỗi hành vi cá nhân nhận biết các đối tượng ngẫu nhiên đều dẫn đến những câu hỏi và kiến thức xa hơn, phản ảnh sự lôi cuốn tâm trí khôn nguôi hướng tới những nguyên nhân cuối cùng, mà Maréchal gọi là “sự khẳng định hữu thể học”. Về điều này, dưới mắt Maréchal, Thánh Tôma đã được biện minh, khi coi động lực này như xác minh một loại chủ nghĩa hiện thực siêu hình. Bất chấp sự khẳng định của Kant về câu nói tiêu biểu về toàn bộ thời kỳ Ánh sáng—Sapere aude (“Dám biết”)—ông đã không nhận thấy ý nghĩa tổng thể của tính năng động này của tâm trí. Maréchal nói, Thánh Tôma đã áp dụng phương pháp siêu việt một cách triệt để hơn chính Kant, và đã không bỏ qua sự trọn vẹn của chuyển động tâm trí của chúng ta. Kant đã phần nào nhận ra sự thiếu sót này trong Critique of Pure Reason [Phê bình Lý trí Thuần túy] bằng cách gọi Hữu thể Tuyệt đối là một “lý tưởng quy định” khi tâm trí cố gắng thống nhất ngày càng nhiều nhận thức. Nhưng Kant đã phủ nhận một cách nổi tiếng rằng tâm trí, vốn luôn bị giới hạn vào sự hiện hữu có thể nhận thức bằng giác quan, có thể nói bất cứ điều gì về sự hiện hữu của một Thiên Chúa siêu việt.

Maréchal, khi áp dụng phép phân tích siêu việt vào chính Kant, đã tuyên bố rằng Kant đã không nhận ra rằng tính khả niệm của động thái tâm trí hướng tới việc nhận thức mọi sự vật phụ thuộc vào một nguyên nhân cuối cùng. Và đối với Maréchal, điều này có nghĩa là việc áp dụng đầy đủ và nhất quán phương pháp siêu nghiệm sẽ kết cục ở chủ nghĩa hiện thực—và việc chấp nhận Thiên Chúa như hữu thể vô hạn và tất yếu. Nếu không, sự thèm khát mà chúng ta biện phân như hiện diện trong tính năng động của trí hiểu không hướng đến điều gì cả, một điều dường như bất khả theo định nghĩa. Đối với Maréchal, phương pháp của Kant dẫn đến các kết luận của Thánh Tôma, một kết quả được rất ít người theo tân học thuyết Tôma hoặc Kant chấp nhận hoặc thậm chí tin là có thể. Thực thế, điều khá thông thường là tìm thấy những nhận xét mang tính chỉ trích cao đối với Maréchal trong những người theo học thuyết Tôma thuộc hạng nhất và hạng hai của nửa đầu thế kỷ XX; họ dường như tin rằng bất cứ sự sai lệch nào khỏi một số cách tiếp cận quen thuộc nhất định đối với nhận thức luận đều mang đến những nguy hiểm nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ quan điểm của vài thập niên sau, bất kể người ta quy sự yếu kém nào cho các nỗ lực của Maréchal, điều rõ ràng là chúng chân thành và có tính đổi mới và ít nhất đã đưa ra một lý lẽ hợp lý rằng điều thường có vẻ là động thái chí tử của Kant đối với chủ thể và hậu quả là đánh mất thế giới trong chủ nghĩa chủ quan không nhất thiết là lời cuối cùng, ngay cả về Kant.

Trong thập niên sau cuốn cuối cùng trong bộ Le point de départ de la métaphysique [Khởi điểm của siêu hình] của Maréchal, một nhà tư tưởng quan trọng khác đã khai triển một cách tiếp cận khác để bảo đảm chân lý triết học và các mệnh đề siêu hình phù hợp với đức tin Công Giáo. Bernard Lonergan (1904—1984), một tu sĩ Dòng Tên người Canada và là giáo sư triết học tại Đại học Gregoriana trong nhiều năm, có nhiều mối quan tâm khác nhau ngoài triết học đúng nghĩa, bao gồm toán học hiện đại, khoa học và—không kém phần quan trọng—kinh tế học. Đóng góp chính của ngài, Insight: A Study of Human Understanding [Thông sáng: Nghiên cứu Cách Hiểu của Con người], phản ảnh phạm vi rộng lớn đó và thường được mô tả như cố gắng hoàn thành một kiểu tổng hợp mọi nhận thức trong thời đại chúng ta như Thánh Tôma đã thực hiện thời ngài, một loại Tổng luận hiện đại tiến hành với các phân biệt thận trọng của riêng nó. (45)

Thực sự, nó là hai cuốn sách có liên quan với nhau. Phần I, “Thông sáng như một Hoạt động”, bao gồm hơn ba trăm trang được lập luận dày đặc nhằm tìm cách cho thấy việc tự ý thức nhận ra và phân tích cái hiểu của chúng ta về diễn trình nhận thức trong toán học, các khoa học và trong các lĩnh vực thường thức [commun sense] cung cấp ra sao một lĩnh vực nhận thức thống nhất và một nền tảng cho một triết học có thể đưa ra một siêu hình học có thể minh xác được:

“Do đó, sự khởi đầu không những là nhận thức về chính mình và tự chiếm hữu bản thân mà còn là một tiêu chuẩn của điều có thật. Nếu để thuyết phục bản thân rằng biết là hiểu, người ta khẳng định chắc chắn rằng biết toán học là hiểu biết và biết khoa học là hiểu biết và nhận thức của thường thức là hiểu biết, thì người ta kết thúc không những với một giải trình chi tiết về hiểu biết mà còn với một kế hoạch về điều cần được biết đến. Nhiều ngành khoa học mất đi sự cô lập với nhau; khoảng cách giữa khoa học và thường thức được bắc cầu; cấu trúc của vũ trụ tương ứng với trí hiểu của con người được tiết lộ; và vì cấu trúc được tiết lộ đó cung cấp một đối tượng cho siêu hình học, nên sự tự phê ban đầu cung cấp một phương pháp để giải thích việc những khẳng định siêu hình và phản siêu hình đã nảy sinh ra sao, để chọn những khẳng định đúng và để loại bỏ những khẳng định hiển nhiên phát xuất từ sự thiếu nhận thức chính xác về chính mình.” (46)

Mục tiêu khá tham vọng ở đây vừa là sự hiểu biết các loại nhận thức thực nghiệm khác nhau vừa là một cách để phân xử các tuyên bố siêu hình, lựa sự thật khỏi sai lầm — chính là điều mà phần lớn triết học hiện đại, đáng chú ý nhất là trong các tương phản của Kant, đã phủ nhận là có thể.

Như đã rõ ngay từ mô tả ngắn gọn này, mặc dù, giống như nhiều triết gia Công Giáo trong thế kỷ 20, Lonergan từng dành nhiều quan tâm cho nhận thức luận và đặc biệt cho câu hỏi khoa học hiện đại và khía cạnh thống kê mới của nó liên quan ra sao với những câu hỏi truyền thống hơn về Thiên Chúa và con người, ông đã làm như vậy khởi từ những khuynh hướng thực nghiệm hơn của truyền thống triết học nói tiếng Anh. Ngay trong diễn trình thiết lập một lập luận rất phức tạp và tinh tế về nhu cầu “hiểu sâu sắc về việc hiểu sâu sắc” [insight into insight] hoặc sự cần thiết của việc chống lại sự trốn tránh hiểu biết trong thời đại chúng ta, ông đã đưa ra lời kêu gọi hành động: “Vậy thì chương trình, vừa cụ thể vừa thực tế, và động cơ để đảm nhiệm việc thực hiện nó không nằm trong lĩnh vực của những điều chung chung dễ dãi, mà nằm trong lĩnh vực khó khăn của các vấn đề sự kiện.” (47) Trong khía cạnh này, ông đã thử một cách tiếp cận khác đối với các vấn đề chung của thời hiện đại: sa vào chủ nghĩa hoài nghi và duy tương đối, thường được thúc đẩy bởi sự hiểu sai về ý nghĩa của khoa học hiện đại.

Do đó, Phần 2, “Cái Nhìn Sâu sắc như là Nhận thức”, đã tập hợp sự khôn ngoan có được nhờ sự hiểu biết thấu đáo và linh hoạt, đồng thời chứng minh một siêu hình học vững chắc có thể được khai triển ra sao trên cơ sở cuộc điều tra bản thân về các phương thức nhận biết của chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, Lonergan đang cố gắng làm một điều gì đó tương tự như những gì mà Husserl, ở điểm tốt nhất của ông, và phía tốt hơn của truyền thống hiện tượng luận vốn làm, mặc dù ông đã khởi đi từ một quan điểm phi Lục địa. Ông tiến lên từ sự hiểu biết về việc có nhận thức thực nghiệm nghĩa là gì, đến việc điều này muốn nói gì về cấu trúc của người nhận thức, đến việc bản chất của thế giới phải là gì để cho phép việc nhận thức đó—theo cách riêng của ông khi trình bày lại diễn trình quen thuộc từ kinh nghiệm qua hiểu biết tới phán đoán. Hơn nữa, Lonergan đã cố gắng giải trình sự phản kháng hiện tại đối với loại nhận thức này là do những thành kiến và sự gắn bó với những thói quen đánh dấu phần lớn nền văn minh hiện đại, vốn được xây dựng trên chủ nghĩa thực dụng không có thực chất và sai lầm về bản chất của thực tại. Trong khía cạnh này, theo cách riêng của mình, ông đã đáp lại mong muốn của Đức Lêô XIII trong Aeterni Patris về một triết lý đổi mới để giúp đổi mới trật tự xã hội.

Trong một tác phẩm sau này, Method in Theology [Phương pháp trong Thần học], Lonergan cũng sẽ giải thích các phân tích hóc búa này liên quan ra sao với các chủ đề tôn giáo truyền thống hơn: “Các sự kiện thiện và ác, tiến bộ và suy tàn, nêu ra nhiều câu hỏi về đặc tính của vũ trụ chúng ta. Những câu hỏi như vậy đã được nêu ra rất nhiều cách, và những câu trả lời được đưa ra thậm chí còn nhiều hơn nữa. Nhưng đằng sau sự đa dạng này có một sự thống nhất cơ bản được đưa ra ánh sáng khi thực hiện phương pháp siêu việt. Chúng ta có thể tìm hiểu về khả thể tìm hiểu hữu hiệu. Chúng ta có thể suy nghĩ về bản chất của sự suy nghĩ. Chúng ta có thể nghị bàn xem việc nghị bàn của mình có đáng hay không. Trong mỗi trường hợp, đều nảy sinh câu hỏi về Thiên Chúa.” (48) Đằng sau những hạn từ có vẻ đơn giản này là một công việc hết sức nghiêm túc để làm sáng tỏ và tổng hợp. Các tác phẩm được sưu tập của Lonergan vẫn đang được xuất bản và cuối cùng sẽ đạt hơn hai mươi tập. Vào giữa thế kỷ này, cách tiếp cận triết học của ông đã thu hút một số môn đệ lỗi lạc, những người đã viết về ông hoặc tạo ra những tác phẩm quan trọng theo danh nghĩa riêng của họ, bao gồm Anthony Kenny, Bernard McGinn, Michael Novak và David Tracy. (49) Như thường xảy ra với một nhà văn, sau khi ông qua đời, ảnh hưởng của Lonergan phần nào phai nhạt, có lẽ vì nhiều hệ thống khác đã xuất hiện cùng lúc với nỗ lực giải quyết vai trò của khoa học và sự hiểu biết của con người trong khuôn khổ rộng lớn hơn của đời sống con người. Nhưng ông tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ trong trật tự của mình và đóng góp lâu dài cho suy nghĩ tổng thể của Giáo hội nói chung trong thế giới hiện đại.

Còn 1 kỳ
 
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Phần I, Chương 1, hết
Vũ Văn An
23:14 22/03/2024

Chống khô khan: Josef Pieper

Ngay từ những năm 1930, một số tác giả đã phàn nàn về “sự buồn tẻ trong cách diễn giải về Thánh Tôma”. (50) Và không khó để hiểu tại sao. Thời gian đã bảo tồn những tác phẩm hay hơn và sống động hơn, nhưng, như trường hợp của bất cứ lĩnh vực nào, những tác phẩm tồn tại bên cạnh phần nhiều tầm thường và buồn tẻ—có thể bị bỏ qua trong im lặng. Tuy nhiên, một nhân vật rõ ràng thuộc phạm trù trái ngược là nhà văn người Đức Josef Pieper (1904–1997). Pieper là một nhà trình bầy có tài năng, người đã mang lại sức sống, sự tươi mát và những góc nhìn độc đáo cho mọi điều được ông đụng tới. Tính trôi chảy và sức sống này cùng hiện hữu với một nhận thức rất chính xác và được nội tâm hóa sâu sắc về triết học cả cổ thời lẫn trung cổ, đến nỗi, bản vị và truyền thống dường như nói bằng một giọng nói duy nhất, độc đáo trong ông, tiết lộ những sự thật khác xa với tầm thường. Bài viết của Pieper hiếm khi mang tính kỹ thuật theo nghĩa xấu của thuật ngữ đó. Mỗi trang đều thể hiện khả năng nắm vững dễ dàng cả từ vựng lẫn nội dung của tài liệu triết học, nhưng tác phẩm của ông cũng thể hiện mối quan tâm thường xuyên là thu hút người đọc và lôi cuốn họ vào chủ đề bằng những phương tiện sáng suốt và tiết kiệm nhất. Không giống như tác phẩm của nhiều người hiện đại khác theo học thuyết Tôma, các tác phẩm của Pieper thường ngắn, mặc dù không dễ hiểu, theo nghĩa đơn giản hóa quá mức. Nhà thần học vĩ đại người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar nói rằng Pieper đã viết “những cuốn sách dày và nhỏ”. (51) Vấn đề có vẻ dễ hiểu, nhưng nó cần được suy gẫm mới đạt đến chiều sâu của chính Pieper.

Cuốn sách nhỏ sống động của ông Hướng dẫn về Thánh Tôma Aquinô mô tả những phẩm chất cơ bản của vị Tu sĩ Đa Minh vĩ đại: “Tôi có thể nói rằng trong những hành động đầu tiên của ngài, đã xuất hiện một khuôn mẫu... các sức mạnh thẩm hóa, tức các sức mạnh không loại trừ điều gì, không loại bỏ điều gì, khẳng định rằng mọi sự đều hiện hữu, đều 'thuộc về' — thí dụ, cả Kinh thánh lẫn siêu hình học của Aristốt”. Vài trang sau, ông giải thích điều gì khiến Thánh Tôma trở thành một thầy dạy vĩ đại:

“Việc giảng dạy theo đúng nghĩa chỉ diễn ra khi tiếp cận được người nghe—không phải do sức thu hút cá nhân hay phép thuật bằng lời nói nào đó, mà đúng hơn, khi sự thật của điều được nói đến với người nghe như là sự thật. Việc giảng dạy thực sự chỉ diễn ra khi kết quả cuối cùng của nó - điều phải được dự định ngay từ đầu - đạt được: khi người nghe được “dạy dỗ”. Và được dạy dỗ là một điều gì khác với việc bị cõng đi, và cũng là một điều gì khác với việc bị trí hiểu của người khác thống trị. Được dạy dỗ có nghĩa là nhận thức được rằng những gì thầy nói là đúng và có giá trị, và nhận thức được tại sao điều này lại như vậy. Do đó, việc giảng dạy giả định phải tìm người nghe ở nơi họ hiện hữu. (52)

Như chính những đoạn trích ngắn này cho thấy, Pieper không phải là người giải thích nặng nề hay buồn tẻ. Ông có một ý thức sống động về công trình làm triết học và ý nghĩa của nó cả khi bạn đang cố gắng giải thích Thánh Tôma. Cả hai điểm trong đoạn trích dẫn trên—về khả năng thẩm hóa và năng khiếu giảng dạy chân chính—đều là những đặc điểm nổi bật trong bài giảng và bài viết của ông.

Pieper đã viết về tình yêu, sự thật và truyền thống nhân đức. Cuốn The Four Cardinal Virtues (Bốn nhân đức chính] (53) của ông là một sự phục hồi hiện đại xuất sắc của đức khôn ngoan đạo đức cổ thời, một tác phẩm kinh điển hiện đại, mà ông đã bổ sung bằng những tập sách sáng sủa không kém về các nhân đức đối thần. Phản ảnh khía cạnh Platông của triết học Công Giáo, cuốn Enthusiasm and Divine Madness [Sự Nhiệt tình và Sự điên rồ Thần linh], tức cuốn bình luận của ông về cuốn Phaedrus của Platông, khám phá cách chúng ta “đứng ngoài chính mình” trong những trải nghiệm ngây ngất như tình yêu, bệnh tật, lời tiên tri và nhận thức về cái đẹp. Đây là một trong những cuốn sách nhỏ phong phú nhất được xuất bản trong toàn bộ thế kỷ XX. Nhưng có lẽ tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Leisure, the Basis of Culture [Hưởng nhàn, Căn bản của Văn hóa], lần đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Anh với lời tựa của một nhân vật không thua kém gì là T. S. Eliot. Viết vào đầu những năm 1950, Eliot đã chỉ ra rằng triết học hiện đại đã bộc lộ nhiều mặc cảm tự ti khi đối diện với toán học và khoa học hiện đại. Luận lý học biểu tượng và thậm chí cả đạo đức học vào đầu thế kỷ 20, và chủ nghĩa thực nghiệm luận lý ở giai đoạn giữa của thế kỷ, đã cố gắng bắt chước triết học của các đối thủ khoa học được kính trọng hơn về mặt trí thức. Nhưng như nhiều người phàn nàn, mặc dù định hướng này có thể dẫn đến sự chính xác ở quy mô nhỏ, nhưng nó đã không tạo ra những triết gia vĩ đại như thuật ngữ này đã được hiểu trong quá khứ: những nhà tư tưởng đáng chú ý đưa ra tầm nhìn sâu sắc và sự khôn ngoan. Eliot đã mô tả đúng tác phẩm của Pieper như đặt cơ sở trên nền tảng của Platông, Aristốt và Các Nhà Kinh viện và cung cấp chính loại chiều kích vượt thời gian của sự vĩ đại triết học.

Việc đề cập đến Platông là một tri nhận sắc sảo. Học thuyết Tôma thế kỷ 20 đã khám phá lại yếu tố Platông trong tư tưởng của Thánh Tôma. Cornelio Fabro và Louis-B. Geiger đặc biệt đã chỉ ra cách Thánh Tôma kết hợp các khái niệm tham gia của Platông, (54) và nhiều học giả khác đã khám phá ra món nợ của Thánh Tôma đối với con đường phủ định [apophatic] của Pseudo-Dionysius. Nhưng việc tiếp nhận các ý tưởng của Platông chỉ hình thành một phần ảnh hưởng của Platông đối với Pieper. Pieper không viết đối thoại, như Platông đã làm, nhưng những tiểu luận ngắn gọn, trau chuốt của ông thường đối thoại với một hoặc nhiều đặc điểm của cuộc sống đương thời. Trong khía cạnh này, ông giống Platông và Socrates của Platông thậm chí còn hơn cả cách mà ông sử dụng những ý tưởng ông thừa hưởng từ họ. Sự khéo léo và duyên dáng trí thức đó đã và đang là một điều gì đó khá độc đáo trong học thuyết Tôma nói chung là nặng nề của thế kỷ XX.

Cuốn Leisure, the Basis of Culture [Hưởng nhàn, Căn bản của Văn hóa] bắt đầu bằng một câu trích dẫn của Platông về các lễ hội như ơn phúc của các vị thần và một dòng lấy từ Thánh vịnh 65: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Thiên Chúa.” (55) Cả hai điều này có vẻ là điểm khởi đầu khá trừu tượng. Nhưng Pieper ngay lập tức chuyển sang các ứng dụng cụ thể. Trong những năm ngay sau chiến tranh, mọi người đều tập trung vào việc tái thiết, một sự nhấn mạnh dễ hiểu. Tuy nhiên, Pieper tự hỏi, việc tái thiết có dựa trên các nguyên tắc cổ điển của phương Tây không? Những người ngoại giáo và Kitô giáo vĩ đại coi nền văn minh là dựa trên trường dạy hát [schola], giải trí hoặc chiêm niệm, chứ không phải hành động thực tế, bất kể giá trị như thế nào. Ngược lại, nền văn minh của chúng ta gặp khó khăn trong việc hiểu cả điều này, như Aristốt từng nói, “chúng ta làm việc để có thời gian hưởng nhàn.” Thế giới của chúng ta đang có xu hướng coi bản thân việc làm như một loại cùng đích của con người. “Những thay đổi ngầm to lớn này trong thang giá trị của chúng ta và trong ý nghĩa của giá trị, không bao giờ dễ dàng phát hiện và phơi bày ra, và chắc chắn chúng không thể được nhìn thấy trong nháy mắt”, Pieper nhận xét và nói thêm rằng do đó chúng ta phải đi sâu tận gốc rễ nếu chúng ta muốn hiểu và hướng dẫn thời đại ngày nay một cách đúng đắn. (56)

Để làm như vậy, Pieper đối đầu với Kant, nhưng theo một cách khác với cách được sử dụng bởi những người theo học thuyết Tôma, những người cố gắng phản ứng chủ yếu đối với những hạn chế về nhận thức luận của Kant. Người xưa, ngoại giáo và Kitô giáo, tin vào sự chiêm niệm trí thức thuần túy. Ngược lại, Pieper nói, Kant tin rằng một điều như vậy là chủ nghĩa tình cảm lãng mạn và nhận thức thực sự là thành quả của lao động trí thức, là lý trí chứ không phải trí hiểu. Lý trí gắn liền với quan sát nghiêm ngặt và đấu tranh, trong khi trí hiểu tham gia vào một viễn kiến bao quát và ít cố gắng hơn. Tất nhiên, người cổ thời đã dành chỗ cho lý trí như một sức mạnh chuyên biệt của con người, nhưng họ cũng coi trí hiểu như “đã vượt quá phạm vi được dành cho con người”. (57) Khái niệm này xa lạ với chúng ta đến mức khó hiểu, nhưng loại bỏ nó sẽ là “bỏ qua một điều có tính yếu tính”. (58) Đánh đồng nhận thức với việc làm của chúng ta là khẳng định rằng không có điều gì trí thức đến với chúng ta một cách tự do; chúng ta không thể được truyền cảm hứng hoặc nhận được hồng ân hiểu biết. Và Pieper coi quan điểm này về việc làm trí thức tương tự như quan điểm của Kant về luân lý như một nghĩa vụ đòi hỏi hơn là việc không cần cố gắng của các nhân đức đã hoàn thiện của con người hay của tình yêu. Ngược lại, Thánh Tôma nói rằng yêu một kẻ thù, mà người ta thường nghĩ là rất khó, sẽ càng đáng khen hơn nếu nó không cần cố gắng vì tình yêu hoàn hảo (Quaest. disp. de caritate 8 ad 17). Tất cả điều này kết thúc trong nhận xét này là “hình thức nhận thức cao nhất đến với con người giống như một hồng ân—sự soi sáng bất ngờ, một nét thiên tài, sự chiêm niệm thực sự.” (59) Theo cách hiểu của Pieper, trái ngược với Kant, Thánh Tôma tin rằng “mục đích và chuẩn mực của kỷ luật là hạnh phúc.” (60)

Pieper khôn ngoan nhận thấy rằng tất cả những điều này cũng có một khía cạnh xã hội. Những “công nhân” trí thức mong muốn được biện minh trong sự hiện hữu của họ bằng cách được coi là một phần của thế giới việc làm có ích cho xã hội. Nhưng cũng dễ hiểu như việc nhấn mạnh vào kết quả thực tế luôn luôn như thế, do nhu cầu của con người, nền văn minh cũng luôn nhận ra nhu cầu phải có nghệ thuật tự do, những nghiên cứu vốn thuộc về con người chính vì con người được tự do chiêm ngưỡng bản thân, thiên nhiên và Thiên Chúa. Một chiều kích quan trọng của điều làm nên con người chúng ta phụ thuộc vào việc nhận ra điều này: “Liệu có một lĩnh vực của hoạt động nhân bản, thậm chí có thể nói của sự hiện hữu nhân bản, mà không cần phải được biện minh bằng cách lồng vào kế hoạch 5 năm và tổ chức kỹ thuật của nó không?” (61) Vào thập niên 1950, Pieper đã lo lắng về sự nhầm lẫn giữa giáo dục thực sự và huấn luyện thực tế, cả hai đều là những thành tựu có giá trị, nhưng hoàn toàn không giống nhau.

Một cách đặc trưng, ông kết nối việc không thể nhìn rõ điều này với một tật xấu hiện đại, là acedia. Thuật ngữ Latinh đó có nghĩa là “lười biếng”, và thoạt nhìn nó có vẻ mâu thuẫn với tất cả những gì ông đã nói khi gọi cuộc sống hiện đại là lười biếng. Nhưng có một ý nghĩa sâu sắc hơn của thuật ngữ được ông đưa ra. Hoạt động đơn thuần có thể là việc từ chối đối diện với những câu hỏi chuyên biệt của chúng ta trong tư cách các hữu thể tự do có khả năng hiểu biết và đối đầu với các lựa chọn về số phận đời đời của mình, hoặc, như Thánh Tôma từng nói, chúng ta không có được “sự bình an của tâm trí trong Thiên Chúa” (ST II-II, q. 35, a. 3 ad 1). (62) Pieper có khả năng phi thường khi trích dẫn một câu như thế này từ Thánh Tôma hoặc người Hy Lạp cổ thời chính vào thời điểm mà bạn có thể tin rằng, khi tham gia vào các vấn đề hiện đại, ông ở xa nhất đối với suy nghĩ của họ.

Và điều này đúng cho dù ông đang bàn tới định hướng của một tâm hồn cá nhân hay một vấn đề xã hội. Như ông đã chỉ ra trong một số tác phẩm, chúng ta cần các định chế, đặc biệt là các định chế tôn giáo, để bảo tồn ý niệm đúng đắn về hưởng nhàn như một hình thức cử hành. Đây là một chủ đề chính trong công trình của ông. Không có lễ hội thực sự nếu không có các vị thần, bất chấp chúng ta nói về một cuộc hôn nhân hay một kỳ nghỉ. Chúng ta có thể có những khoảng thời gian trong đó chúng ta nghỉ lao động—để trở lại lao động. Nhưng chỉ trong việc nếm trước điều vĩnh cửu mà chúng ta cảm nhận được trong một lễ hội thực sự, con người mới chạm tới một đặc điểm yếu tính của thế giới. Hoặc, như Pieper tổng kết: “Bị cắt đứt khỏi việc thờ phượng thần linh, hưởng nhàn trở thành lười biếng và việc làm vô nhân đạo.” (63) Trường phái Platông định rõ các lễ hiến tế cho các thần minh trong những ngày lễ đặc biệt—một dự ứng về phương diện triết học về các chân lý mà thế giới Kitô giáo tiếp nhận và bảo tồn trong những ngày thánh và cử hành đặc biệt của riêng họ. Chỉ có thực hành đó mới đưa chúng ta ra khỏi thế giới việc làm hàng ngày của chúng ta để bước vào lãnh vực thần linh.

Thêm vào công trình khác của mình, Pieper đã viết hai cuốn sách rất hay về Thánh Tôma, cả hai đều phản ảnh tâm trí sống động và độc đáo của ông. Cuốn Guide to Thomas Aquinas [Hướng dẫn về Thánh Tôma Aquinô] của ông với các lời giới thiệu của Chesterton, Chenu và Gilson—tất cả đều là những nhân vật xuất chúng, thuộc phong trào hồi sinh học thuyết Tôma thế kỷ 20 và như những phản bác đối với “sự buồn tẻ của cách giải thích về Thánh Tôma”. Bằng cách đặt Thánh Tôma trong bối cảnh lịch sử được nền học giả hiện đại tái tạo, Pieper đã cho thấy tâm trí của ông thực sự triệt để và rộng lớn đến thế nào. Ông tham gia một dòng khất sĩ, tương đương với một nhà quý tộc - như Pieper và Chesterton đều đã chỉ rõ - kết hôn với một người gypsy hoặc bỏ trốn theo gánh xiếc. Nhưng đồng thời, ông tiếp thu những chất liệu trí thức tiên tiến nhất hiện có trong thời đại của mình: trong tác phẩm mới được dịch của Aristốt, Pieper tuyên bố rằng không giống như những người kém cỏi hơn, Thánh Tôma không tìm cách tạo ra một hệ thống khép kín. Toàn bộ tinh thần đằng sau mỗi điều khoản của Tổng Luận [Summa] và các tác phẩm khác là một khám phá chung về sự thật, trong đó chính các đối tượng giúp dẫn xa hơn tới sự thật, tuy nhiên, luôn nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta ở đời này. Trong khía cạnh này, thành tựu thực sự của Thánh Tôma “rất gần với cuộc đối thoại của Platông”. (64) Trong một cuốn sách nhỏ sâu sắc khác, The Silence of St. Thomas [Sự Im lặng của Thánh Tôma], Pieper trích dẫn ngài: “Đây là điều tối hậu nằm trong sự hiểu biết của con người về Thiên Chúa: biết rằng chúng ta không biết Thiên Chúa.” (65)

Đằng sau mô tả khá bình tĩnh này là một sự không hài lòng rõ ràng với cách Thánh Tôma năng động và cởi mở bị trình bầy như một hệ thống mệt mỏi và khép kín. Pieper phủ nhận rằng Thánh Tôma đã viết một tác phẩm có hệ thống, bởi vì ở mọi điểm, nó đều cho thấy nguồn gốc của nó trong suy nghĩ của những người khác mà với họ, ngài không đồng ý và câu trả lời của ngài đối với những quan điểm đó (thí dụ: các điểm và phản điểm trong mỗi mục viết của Tổng Luận [Summa]). Theo quan điểm này, Thánh Tôma thậm chí không phải là người theo phái Aristốt, bất chấp việc ngài luôn nhắc đến ông như “Triết gia” [The Philosopher], bởi vì ngài không ngần ngại bất đồng với người tiền nhiệm Hy Lạp vĩ đại của mình hoặc thách thức những gì ngài cho là những phản bác quá hời hợt chống Platông trong các tác phẩm của Aristốt. Tất nhiên, Aristốt là một nhân vật quan trọng rất nhiều vì vào thời điểm đó trong lịch sử thời trung cổ, các bản văn của Aristốt mới được tìm lại và sự khôn ngoan của chúng đang được tiếp thu và đổi mới.

Tuy nhiên, cuối cùng, Pieper dường như là người ủng hộ điều mà Đức Gioan Phaolô II, trong Fides et Ratio [Đức tin và Lý trí] gọi là “phương pháp của Thánh Tôma”, nghĩa là theo đuổi sự thật một cách có hệ thống bằng cách xây dựng trên sự thật trước đó, hơn là cách thông thường mô tả Thánh Tôma như người đưa ra một lý thuyết về nhận thức, một hữu thể học và một siêu hình học, như được trình bày trong hầu hết các sách giáo khoa và các định chế Công Giáo.

Các thăm dò thêm

Vào giữa thập niên 1950, một sự kết hợp mới bắt đầu xuất hiện và sẽ tiếp tục phát triển trong thế kỷ 21: học thuyết Tôma phân tích (hay Wittgensteinian). Trong một hiện tượng phần lớn sử dụng tiếng Anh, những nhân vật như Elizabeth Anscombe và chồng bà là Peter Geach bắt đầu mở rộng việc phân tích “ngôn ngữ thông thường” và các chủ đề chặt chẽ nhưng hạn hẹp liên quan đến Bertrand Russell và Ludwig Wittgenstein trong truyền thống triết học Anh bằng cách tìm đến các khái niệm Aristốt và thời trung cổ như tính ý hướng [intentionality] chẳng hạn. Cả hai nhà triết học đều thăm dò nền đạo đức đức hạnh. (66) Về bề mặt, bất cứ nỗ lực nào nhằm kết hợp hai truyền thống này, vốn có vẻ gần như đối lập nhau, dường như đều thất bại. Nhưng trên thực tế, nếu đọc từ một góc độ nào đó, có thể thấy rằng có nhiều cách Thánh Tôma có thể được coi là đang phân loại ngôn ngữ “thông thường” của chúng ta cũng như những vấn đề phi thường (một lần nữa, hầu hết mọi mục của Tổng Luận [Summa] đều giải thích ý nghĩa của các thuật ngữ đã được phổ biến rộng rãi trong việc sử dụng chung). Sự chú ý và đánh giá của ngài đối với các chi tiết đặc thù của Sáng Thế cũng cung ứng một số nẻo đường để thông truyền hỗ tương. Phần lớn, việc đi lại giữa hai truyền thống này chỉ là một chiều, những người theo học thuyết Tôma lưu tâm đến triết học phân tích, chứ hầu như không bao giờ các triết gia quan tâm đến học thuyết Tôma. Nhưng một số nhân vật quan trọng, chẳng hạn như triết gia người Scotland John Haldane, có thể được mô tả rộng rãi là những người theo học thuyết Tôma phân tích, và một số cuốn sách đã xuất hiện gợi ý những nẻo đường phát triển hơn nữa dọc theo hướng này và các hướng khác. (67)

Như sẽ trở nên rõ ràng trong chương tiếp theo, cho dù nửa thế kỷ mở rộng này của triết học Tôma dường như đã đến hồi kết thúc vào thập niên 1960 tại Công đồng Vatican II, nhưng thực tế không phải vậy. Triết lý vĩnh viễn có tên như vậy bởi vì nó đã có thể đâm chồi non qua nhiều thế kỷ, ngay cả trong những thời kỳ như phần thứ ba cuối thế kỷ XX, thời kỳ cung cấp lớp đất rất mỏng cho bất cứ loại triết học nào phát triển. Và có những điều ngạc nhiên khi một số loại triết học được dự trữ sẵn một khi tình trạng hỗn loạn của Giáo hội hậu công đồng qua đi.

Ghi Chú

1 James V. Schall, The Regensburg Lecture [Giảng thuyết Regensburg] (South Bend, Ind.: St. Augustine’s Press, 2007), chứa bản văn và bình luận.

2 Xem Russell Hittinger, “Two Modernisms, Two Thomisms: Reflections on the Centenary of Pius X’s Letter against the Modernists” [Hai chủ nghĩa hiện đại, hai chủ nghĩa Tôma: Các Suy tư nhân kỷ niệm 100 năm bức thư của Đức Piô X chống lại những người theo chủ nghĩa hiện đại] Nova et Vetera, Ấn bản tiếng Anh, tập. 5, số 4 (2007): 843-80.

3 Để có cái nhìn về hình ảnh này, hãy xem Richard Peddicord, The Sacred Monster of Thomism: An Introduction to the Life and Legacy of Reginald Garrigou-Lagrange, O.P. [Con quái vật Thánh thiêng của chủ nghĩa Tôma: Dẫn nhập vào Cuộc đời và Di sảnh của Reginald Garrigou-Lagrange, O.P.] (South Bend, Ind.: St. Augustine's Press, 2005).

4 Karol Wojtyła, Faith according to St. John of the Cross [Đức tin theo Thánh Gioan Thánh Giá], Bản tiếng Anh của Jordan Aumann, O.P. (San Francisco: Ignatius Press, 1981).

5 Chẳng hạn, hãy xem tác phẩm đồ sộ ba tập của ông, The Three Ages of the Interior Life: Prelude of Eternal Life [Ba thời đại của đời sống nội tâm: Khúc dạo đầu của cuộc sống vĩnh cửu], bản dịch của M. Timothea Doyle (St. Louis, Mo., và London: Herder, 1947—1948); và Christian Perfection and Contemplation according to St. Thomas Aquinas and St. John of the Cross [Sự hoàn hảo và chiêm niệm Kitô giáo theo Thánh Tôma Aquinô và Thánh Gioan Thánh Giá] của ông, bản dịch của M. Timothea Doyle (St. Louis, Mo.: Herder, 1937).

6 Xuất bản bằng tiếng Ba Lan với tên Zagadnienie pommiotu morności [Vấn đề chủ thể đạo đức] (Lublin: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Lublin, 1991). Có một số bản dịch sang các ngôn ngữ châu Âu khác nhưng không có bản dịch sang tiếng Anh.

7 Xem Rocco Buttiglione, Karol Wojtyła: The Thought of the Man Who Became Pope John Paul II [Karol Wojtyła: Suy nghĩ của người trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II], Bản dịch của Paolo Guietti và Francesca Murphy (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1997).

8 Xem Arthur McGovern, Marxism: An American Christian Perspective [Chủ nghĩa Mác: Một Quan điểm Kitô giáo Mỹ] (Maryknoll: Orbis, 1980), 2.

9 Thảo luận về sự phục hưng của trường phái Tôma trong chương này dựa trên khảo sát xuất sắc của Gerald A. McCool, The Neo-Thomists, Marquette Studies in Philosophy [Các Người theo chủ nghĩa Tôma, Các Nghiên cứu Marquette về Triết học] 3 (Milwaukee: Nhà xuất bản Đại học Marquette, Hiệp hội Nhà xuất bản Đại học Dòng Tên, 1994).

10 Xem Roberto Papini, The Christian Democrat International [Dân chủ Thiên Chúa giáo Quốc tế], bản dịch của Robert Royal (Lanham, Md.: Rowman & Littlefield, 1997).

11 Hittinger,, “Two Modernisms, Two Thomisms” [Hai chủ nghĩa hiện đại, hai chủ nghĩa Tôma], 859.

12 Nhiều kết quả của những nỗ lực học thuật tập thể này được phản ảnh trong Jean-Pierre Torrell, Thomas Aquinas, tập. 1: The Person and His Work [Con người và Công việc của Người], bản dịch của Robert Royal, ấn bản lần thứ 2, duyệt lại và mở rộng (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 2005).

13. Xem Marie-Dominique Chenu, Une école de théologie: Le Saulchoir [Một Trường phái Thần học: Le Saulchoir] (Paris: Cerf, 1985).

14 Bản dịch tiếng Anh đáng tham khảo: The Letter on Apologetics, and History and Dogma [Thư về hộ giáo, và Lịch sử và Tín điều], bản dịch của Alexander Dru và Illtyd Trethowan (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1994); Action [Hành động], bản dịch của Oliva Blanchette (South Bend, Ind.: Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 2003).

15 Maritain đã viết hai cuốn sách phê phán chủ nghĩa Bergson, cuốn quan trọng hơn là La philosophie bergsonienne [Triết học Bergson], đã trải qua nhiều lần xuất bản trong đó Maritain đã phần nào làm dịu đi những lời chỉ trích của mình. Điều thú vị là, một trong những người lãnh đạo phong trào phục hưng chủ nghĩa tân Tôma, A.-G. Sertillanges, đã đưa ra một cách xử lý mang tính phê phán, Henri Bergson et le catholicisme [ [Henri Bergson và đạo Công Giáo] (Paris: Flammarion, 1941), nhưng bỏ ngỏ khả thể một số quan điểm của Bergson có thể dung hòa được với tư tưởng Công Giáo. Bergson thực sự có thể đã trở thành một người Công Giáo vào cuối đời nếu ông không muốn từ bỏ những người Do Thái ở Pháp, mà ông vốn là một trong số đó, trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Ông chết vì đứng xếp hàng dưới trời lạnh để đăng ký với những người chiếm đóng. Một đánh giá ngắn gọn về Bergson là cuốn Bergson của Leszek Kolakowski (New York: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 1985).

16 Bergson đã nói về Péguy: “Ông ấy có năng khiếu tuyệt vời trong việc bước ra ngoài tính vật chất của hữu thể, vượt qua nó và thâm nhập vào linh hồn. Vì vậy, chính ông biết suy nghĩ sâu kín nhất của tôi, như tôi chưa bao giờ bày tỏ nó, như tôi mong muốn bày tỏ nó”: Charles Péguy, Basic Verities [Charles Péguy, Các Sự thật Căn bản] Bản dịch của Anne và Julian Green (New York: Pantheon, 1943), 9.

17 Về cuộc sống ban đầu của người vợ chồng Maritain, xem Jean-Luc Barré, Jacques and Raïssa Maritain: Beggars for Heaven [Jacques và Raïssa Maritain: Những Hành khất Nước Trời] bản dịch của Bernard E. Doering (Notre Dame, Ind.: Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 2005). Để có cái nhìn tổng quan ngắn gọn về cuộc đời và các tác phẩm, lời giới thiệu hay nhất là của Ralph Mc-Inerny, The Very Rich Hours of Jacques Maritain: A Spiritual Life [Những Giờ phút Phong phú nhất của Jacques Maritain: Một Cuộc sống Tâm linh] (Notre Dame, Ind.: University of Notre Dame Press, 2003). Jude P. Dougherty, Jacques Maritain: An Intellectual Profile [Jacques Maritain: Một hồ sơ trí thức] (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 2003), rất sâu sắc.

18 La philosophie bergsonienne [triết học Bergson] (Paris: Rivière, 1914), 306.

19 Jacques Maritain, A Preface to Metaphysics [Lời tựa cho Siêu hình học] (New York: Omega Mentor, 1962), 10.

20 Jacques et Raïssa Maritain, Oeuvres complètes [Các tác phẩm trọn bộ] (Fribourg, Thụy Sĩ: Éditions Universitaires; Paris: Éditions Saint-Paul, 1982-1999).

21 Xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp, với tên Distinguer pour unir, ou, Les degrés du savoir [Phân biệt để kết hợp, hay, Các Mức độ của hiểu biết] (Paris: Desclée de Brouwer, 1932), và Bản dịch của Bernard Wall và Margot R. Adamson dưới tên The Degrees of Knowledge [Các Mức độ của Kiến thức] (London: G. Bles, Centenary Press, 1937).

22 Trong A Preface to Metaphysics [Lời tựa cho Siêu hình học], Maritain chịu khó giải thích trực giác này là gì và không phải là gì: “Đó là một cái nhìn rất đơn giản, vượt trội hơn bất cứ lý luận hay chứng minh rời rạc nào, bởi vì nó là nguồn gốc của chứng minh. Đó là một cái nhìn mà nội dung và hàm ý của nó không ngôn từ nào của con người có thể diễn tả hết hoặc diễn tả thỏa đáng, và trong đó, có thể nói, trong khoảnh khắc của cảm xúc dứt khoát ngọn lửa thiêng liêng, tâm hồn tiếp xúc, một sự tiếp xúc sống động, xuyên thấu và soi sáng, với một thực tại được nó chạm tới và nắm giữ lấy nó... Những đặc điểm của trực giác như tôi vừa mô tả thoạt nhìn có vẻ giống với trực giác của Ông Bergson. Quả chúng có vẻ như vậy, nhưng có điểm khác biệt quan trọng là ông phủ nhận rằng trực giác của ông có tính trí thức. Mặt khác, tôi khẳng định rằng đối tượng ưu việt của trực giác là hiện hữu, nhưng trực giác đó mang tính trí thức. Điều này thực sự khác xa với triết lý Bergson” (50-51). Đồng thời, trực giác trí thức này phải được phân biệt với kiến thức khái niệm. Maritain nói, Kant chưa bao giờ có nó: “Đâu là giải thích cho điều này? Nó rất khó khăn. Nó thực sự không khó như một ca phẫu thuật khó thực hiện, mà việc thực hiện thành công đòi hỏi kỹ năng chuyên môn. Vì không có gì đơn giản hơn. Chính vì ông đã tìm kiếm nó bằng một kỹ thuật, một kỹ thuật trí thức cực kỳ tinh tế mà Kant đã không đạt được nó” (52). Maritain so sánh trực giác này với việc nghe và lắng nghe hiện hữu, hơn là “soạn thảo các câu trả lời” (53).

23 Existence and the Existent [Hiện hữu và hiện thể], Bản dịch của Lewis Galantière và Gerald B. Phelan (New York: Pantheon, 1948).

24 Xem Robert Royal, biên tập, Jacques Maritain and the Jews [Jacques Maritain và người Do Thái] (Notre Dame, Ind.: American Maritain Association, 1993).

25 Jacques Maritain, Man and the State [Con người và Nhà nước] (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 1998), là một trong những ấn bản gần đây hay nhất của bản gốc năm 1951.

26 Cùng nguồn, 10.

27 Cùng nguồn, 27.

28 Cùng nguồn, 24.

29 Yves R. Simon, Philosophy of Democratic Government [Triết học về Chính phủ Dân chủ] (Notre Dame, Ind.: Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 1993).

30 Yves R. Simon, The Road to Vichy [Đường tới Vichy], 1918—1938, Bản dịch của James A. Corbett và George J. McMorrow (Lanham, Md.: Nhà xuất bản Đại học Hoa Kỳ, 1988).

31 Cùng nguồn, 203.

32 Cùng nguồn, 202.

33 Étienne Gilson, La liberté chez Descartes et la théologie [Tự do nơi Descartes và thần học] (Paris: Alcan, 1913).

34 Étienne Gilson, The Spirit of Medieval Philosophy [Tinh thần của triết học thời trung cổ], Bản dịch của A.H.C. Downes, Bài giảng của Gifford (New York: Charles Scribner's Sons, 1940).

35 Étienne Gilson, Reason and Revelation in the Middle Ages [Lý trí và Sự mặc khải ở thời Trung Cổ] (New York: C. Scribner’s Sons, 1938), 72-3. “Khoa học” ở đây có nghĩa là chỉ ra những kiến thức nhất định dựa trên dữ kiện đích thực và lý luận đúng đắn, chứ không phải các ngành khoa học khác nhau như chúng ta sử dụng từ này trong ngôn ngữ thông thường.

36 Tôi nợ Kenneth Schmitz việc mô tả đặc điểm này trong một cuộc trò chuyện riêng.

37 Étienne Gilson, Being and Some Philosophers [Hữu thể và Một số Nhà triết học], tái bản lần thứ 2, duyệt lại và mở rộng (Toronto: Giáo Hoàng Học Viện Nghiên cứu Trung cổ, 1952). Những nhận xét về Sartre và chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện ở trang 152.

38 Étienne Gilson, The Christian Philosophy of Saint Augustine [Triết học Kitô giáo của Thánh Augustinô] (New York: Random House, 1960); The Philosophy of St. Bonaventure [Triết học của Thánh Bonaventura], Bản dịch của Dom Illtyd Trethowan và F.J. Sheed (New York: Sheed & Ward, 1938); Jean Duns Scot: Introduction à ses positions fondamentales [Jean Duns Scot: Dẫn nhập vào các lập trường nền tảng của ông] (Paris: Vrin, 1952).

39 Étienne Gilson và Jacques Maritain, Deux approches de l'être: Correspondance [Hai phương thức của hữu thể: Thư tín] 1923—1971, chủ biên Géry Prouvost, Bibliothèque des textes philosophiques [thư viện các bản văn triết học] (Paris: Vrin, 1991), 275. Về vấn đề này và mối quan hệ rộng hơn của hai triết gia, xem Ralph McInerny, The Very Rich Hours of Jacques Maritain: A Spiritual Life [Những Giờ phút phong phú của Jacques Maritain: Một cuộc sống Thiêg liêng] (Notre Dame, Ind.: Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 2003), 124-28.

40 Về Rousselot, xem McCool, Neo-Thomists, 97-116.

41 Trích trong cùng nguồn, 108.

42 John Haldane, “Thomism” [Chủ nghĩa Tôma], trong Routledge Encyclopedia of Philosophy [Từ điển Bách khoa triết học Routledge] (London: Routledge, 1998), 3:384.

43 (Brussels: Éditions Universelles; Paris: Desclée de Brouwer, 1944—1949). Bản dịch rộng dài nhất các đoạn trích từ tác phẩm này cùng với lời bình luận xuất sắc là Joseph Donceel, S.J., chủ biên và dịch thuật, A Maréchal Reader (New York: Herder and Herder, 1970).

44 Ngôn ngữ là của McCool's, Neo-Thomists, 122.

45 Bernard J. F. Lonergan, Insight: A Study of Human Understanding [Cái nhìn sâu sắc: Nghiên cứu về sự hiểu biết của con người] (New York: Thư viện Triết học, 1958).

46 Cùng nguồn, xxxx.

47 Cùng nguồn, xvii.

48 Bernard J. F. Lonergan, Method in Theology [phương pháp trong thần học] (New York: Herder and Herder, 1972), 101.

49 Đặc biệt, xem David Tracy, The Achievement of Bernard Lonergan [thành tựu của Bernard Lonergan] (New York: Herder and Herder, 1970).

50 Josef Pieper, Guide to Thomas Aquinas [hướng dẫn vào Thánh Tôma Aquinô] (San Francisco: Ignatius Press, 1991), 20.

51 Josef Pieper, An Anthology [một sưu tập] (San Francisco: Ignatius Press, 1989), ix.

52 Pieper, Guide to Thomas Aquinas [Hướng dẫn vào Thánh Tôma Aquinô], 22, 32.

53 Josef Pieper, The Four Cardinal Virtues [Bốn nhân đức chính] (Notre Dame, Ind.: Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, 1966).

54 Cornelio Fabro, Participation et causalité selon S. Thomas d’Aquin [Sự tham gia và tính nhân quả theo Thánh Tôma Aquinô] (Louvain: Publications universitaires de Louvain, 1961); và Louis-Bertrand Geiger, La participation dans la philosophie de S. Thomas d’Aquin [tham gia vào triết học của Thánh Tôma Aquinô] (Paris: J. Vrin, 1953).

55 Một bản dịch khác nhấn mạnh câu này hơi khác liên quan đến tựa đề của Pieper: “Hãy nhàn nhã và biết rằng ta là Chúa.”

56 Josef Pieper, Leisure, the Basic of Culture [Nhàn nhã, Điều Căn bản của văn hóa] (San Francisco: Ignatius Press, 2009), 23.

57 Cùng nguồn, 28.

58 Cùng nguồn, 30.

59 Cùng nguồn, 34.

60 Cùng nguồn, 35.

61 Cùng nguồn, 38.

62 Cùng nguồn, 45.

63 Cùng nguồn, 68.

64 Pieper, Guide to Thomas Aquinas [Hướng dẫn vào Thánh Tôma Aquinô], 81.

65 Josef Pieper, The Silence of St. Thomas [Sự thinh lặng của Thánh Tôma] bản dịch của John Murray và Daniel O’Connor (New York: Pantheon, 1957), 64.

66 Xem John Haldane, “Thomism and the Future of Catholic Philosophy” [Chủ nghĩa Tôma và Tương lai của Triết học Công Giáo], New Black-friars, 80 (1999): 158-69; cũng như Fergus Kerr, After Aquinas: Versions of Thomism [Sau Aquinô: Các dịch bản của chủ nghhĩa Tôma] (Malden, Mass.; Oxford: Blackwell, 2002), 29-30 và 115-16; G. E. M. Anscombe, Intention [Ý định] (Oxford: Black-well, 1957); và Peter Geach, Mental Acts, Their Contents and Their Objects [Các Hành vi tinh thần, Nội dung và Đối tượng của chúng] (London: Routledge và Paul, 1957).

67 Bằng tiếng Anh, Craig Paterson và Matthew S. Pugh, chủ biên, Analytical Thomism: Traditions in Dialogue [Chủ nghĩa Tôma phân tích: các Truyền thống trong Đối thoại] (Burlington: Ashgate, 2006). Xem Roger Pouivet, Après Wittgenstein, saint Thomas [Sau Wittgenstein, thánh Tôma] (Paris: PUF, 1997), Bản dịch của Michael S. Sherwin dưới tựa đề After Wittgenstein, St. Thomas [Sau Wittgenstein, Thánh Tôma ] (South Bend, Ind.: St. Augustine's Press, 2008).
 
VietCatholic TV
Tình báo Anh vạch trần mánh lới tàu ngầm giả của Nga. Tướng Pháp: 60.000 quân sẵn sàng cứu Kyiv
VietCatholic Media
17:18 22/03/2024


1. Vương quốc Anh cho biết Nga sơn tàu ngầm mồi nhử tại các cảng Hắc Hải trong bối cảnh tổn thất ngày càng gia tăng

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Painting Decoy Submarines at Black Sea Ports Amid Mounting Losses—UK”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá mới, khi Nga đang gấp rút ngăn chặn tổn thất thêm ở Hắc Hải, Mạc Tư Khoa đã chuyển sang sử dụng những tài sản đắt giá nhất của mình làm mồi nhử để ngăn chặn hạm đội thuyền không người lái của hải quân Ukraine.

Bất chấp những bước tiến của Nga rải rác dọc theo chiến tuyến xuyên qua miền đông Ukraine, Kyiv đã đạt được thành công trong việc tấn công vào các tài sản của Nga ở Hắc Hải và xung quanh Bán đảo Crimea. Mạc Tư Khoa đã nắm quyền kiểm soát Crimea 10 năm trước và Kyiv đã thề sẽ giành lại nó.

Một phần trong nỗ lực này của Ukraine bao gồm các cuộc tấn công hỏa tiễn tầm xa và sử dụng hiệu quả các thuyền không người lái của hải quân nội địa - một diễn biến thời chiến mà Nga không được trang bị đầy đủ để chống đỡ. Ukraine cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quanh Hắc Hải.

Chính phủ Anh cho biết trong một đánh giá hôm thứ Tư rằng Nga hiện đang ngụy trang các tàu của Hạm đội Hắc Hải bằng sơn đen, “có khả năng khiến các tàu chiến của họ trông nhỏ hơn và trở thành mục tiêu kém hấp dẫn hơn”. Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Hình bóng của các tàu cũng được sơn ở bên các bến cảng, có thể nhằm gây nhầm lẫn cho những người điều khiển máy bay không người lái của Ukraine”.

Bộ Quốc phòng Anh sau đó đã chia sẻ một hình ảnh vệ tinh mà họ cho là cho thấy một trong những tàu ngầm lớp Kilo của Mạc Tư Khoa với hình bóng mồi nhử nhỏ hơn được vẽ dọc theo nó tại căn cứ Novorossiysk của Nga. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Kyiv cho biết các máy bay không người lái hải quân MAGURA V5 của Ukraine đã được ghi nhận đã thực hiện một loạt cuộc tấn công thành công vào hạm đội Hắc Hải của Nga, với việc các máy bay không người lái này đã phá hủy tàu hộ tống trang bị hỏa tiễn Ivanovets vào tháng 2. Cuối tháng đó, Ukraine cho biết họ đã tấn công vào Caesar Kunikov, một tàu đổ bộ lớn, với các phương tiện mặt nước không có người lái và đã tấn công một số tàu đổ bộ còn lại của Nga trong các cuộc tấn công riêng biệt. Trong tháng này, Ukraine đã đăng tải đoạn phim cho thấy máy bay không người lái MAGURA V5 tấn công Sergei Kotov, một trong 4 tàu tuần tra Dự án 22160 của Nga.

Ukraine thường xuyên công bố các đoạn phim mà nước này cho rằng chiếu cảnh các cuộc tấn công kịch tính bằng thuyền không người lái của hải quân vào các tàu Nga xung quanh Crimea.

Trước đó trong cuộc chiến, hỏa tiễn chống hạm của Ukraine được cho là đã đánh chìm tàu Moskva, soái hạm của Hắc Hải của Nga. Kyiv đã sử dụng hỏa tiễn phóng từ trên không tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công một tàu chiến Nga và tàu ngầm Rostov-on-Don của Nga tại cảng Sevastopol của Crimea vào tháng 9 năm 2023. Việc mất tàu ngầm vào thời điểm đó được mô tả là khiến Mạc Tư Khoa vô cùng xấu hổ.

Ukraine đã thành công trong việc buộc Nga tiến về phía đông, chuyển một số nguồn tài nguyên của nước này tới Novorossiysk, một thành phố cảng ở Hắc Hải nằm trong lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận và quan trọng là cách xa vùng biển duyên hải của Ukraine hơn. Mạc Tư Khoa hiện nay thận trọng hơn nhiều trong việc giữ các tàu lớn, mới hơn của mình ở Crimea và đã chuyển một số tàu đến Novorossiysk, Đại úy Hải quân Ukraine đã nghỉ hưu Andrii Ryzhenko nói với Newsweek vào đầu tháng 3.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Ba đánh giá rằng Nga có thể đã hạn chế hầu hết các hoạt động của mình ở phía đông Hắc Hải.

Bức tranh và nỗ lực ngụy trang các tàu của Mạc Tư Khoa là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Điện Cẩm Linh nhằm bảo vệ Hạm đội Hắc Hải khỏi bị tổn thất thêm. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu “đã ra lệnh lắp đặt thêm vũ khí hỏa lực, hệ thống súng máy cỡ lớn để tiêu diệt máy bay không người lái của đối phương”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật. Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin các khẩu súng này sẽ được triển khai trên các tàu của hạm đội Hắc Hải.

Mạc Tư Khoa cho biết hôm Chúa Nhật rằng hỏa lực mới sẽ giúp “tăng khả năng sống sót của tàu bè” cùng với các chương trình huấn luyện mới “cả ban ngày lẫn ban đêm để đẩy lùi các cuộc tấn công khủng bố của đối phương”.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết vào tháng 12 rằng Điện Cẩm Linh đã mất 20% hạm đội Hắc Hải trong 4 tháng trước đó, đồng thời nói thêm: “Sự thống trị của Nga ở Hắc Hải hiện đang bị thách thức”.

Chính phủ Anh cho biết thêm hôm thứ Tư rằng Nga đã áp dụng chiến thuật tương tự với máy bay của mình, đặt lốp trên cánh máy bay và sử dụng mồi nhử.

Nhưng bất chấp những nỗ lực này để bảo vệ tài sản trên không và trên mặt nước của mình, “máy bay Nga vẫn dễ bị bắn hạ khi đang ở trên không và các tàu Nga vẫn dễ bị tổn thương khi hoạt động ở Hắc Hải”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong đánh giá của mình. Nó nói thêm rằng các kỹ thuật mồi nhử và nỗ lực ngụy trang máy bay và tàu của họ không có khả năng “dẫn đến bất kỳ sự suy giảm tổn thất đáng kể nào”.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến những trò ngụy trang của quân Nga.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Học thuyết quân sự của Nga tập trung cao độ vào việc sử dụng các kỹ thuật ngụy trang và đánh lừa (thường được gọi là Maskirovka) để nâng cao khả năng sống sót của lực lượng Nga cũng như che giấu mục đích hoạt động của họ. Việc thiếu sử dụng Maskirovka hiệu quả là một trong những thất bại chiến thuật quan trọng của Nga trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược Ukraine.

Các lực lượng Nga rất có thể đang nỗ lực tăng cường và cải thiện việc sử dụng các kỹ thuật Maskirovka để giảm thiểu tổn thất nặng nề trong hai năm qua cho cả Hạm đội Hắc Hải và Lực lượng Hàng không Vũ trụ.

Tại các căn cứ không quân của Nga, ứng dụng của Maskirovka bao gồm các mô hình máy bay giả làm mồi nhử và lốp trên cánh máy bay. Theo báo cáo, còn có hình bóng của khung máy bay được sơn tại 9 căn cứ không quân của Nga. Trong lĩnh vực hàng hải, các tàu của Hạm đội Hắc Hải sơn đen ở mũi và đuôi tàu, có thể khiến tàu chiến của họ có vẻ nhỏ hơn và trở thành mục tiêu kém hấp dẫn hơn. Bóng của các con tàu cũng được sơn ở bên các bến cảng, có lẽ nhằm gây nhầm lẫn cho những người điều khiển máy bay không người lái của Ukraine.

Bất chấp những nỗ lực che giấu này, máy bay Nga vẫn dễ bị bắn hạ thông thường khi đang ở trên không và các tàu Nga vẫn dễ bị tổn thương khi hoạt động ở Hắc Hải. Khó có khả năng việc sử dụng các kỹ thuật Maskirovka sẽ dẫn đến việc suy giảm đáng kể những tổn thất.

3. Báo cáo nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết Nga đang sử dụng 'nỗi sợ hãi' để cai trị Ukraine bị tạm chiếm

Nga đã tra tấn và giam giữ một cách tùy tiện những người dân ở Ukraine bị tạm chiếm, tạo ra “bầu không khí sợ hãi” và đàn áp bản sắc Ukraine, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Tư, AFP đưa tin

Báo cáo mà văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết dựa trên hơn 2.300 cuộc phỏng vấn, cáo buộc Mạc Tư Khoa “có hành vi vi phạm nhân quyền trên diện rộng”.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Volker Türk cho biết kể từ khi xâm lược vào tháng 2 năm 2022, Mạc Tư Khoa đã chiếm giữ những vùng đất rộng lớn ở miền nam và miền đông Ukraine.

Văn phòng Liên Hiệp Quốc cho biết trong một thông cáo đi kèm với báo cáo rằng Nga đã áp đặt “ngôn ngữ, quyền công dân, luật pháp, hệ thống tòa án và chương trình giảng dạy giáo dục tại các khu vực bị tạm chiếm”, đồng thời ngăn chặn bản sắc Ukraine.

“Ngay từ đầu, các lực lượng vũ trang Nga, hành động mà không bị trừng phạt nói chung, đã vi phạm trên diện rộng, bao gồm cả việc giam giữ thường dân một cách tùy tiện, thường đi kèm với tra tấn và ngược đãi,” báo cáo nói.

Báo cáo cho biết thêm, Nga đã cố gắng ngăn chặn bản sắc Ukraine ở trẻ em, thay thế chương trình giảng dạy trong trường học bằng chương trình giảng dạy của Nga nhằm tìm cách “biện minh” cho cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa.

Báo cáo cho biết các cuộc biểu tình ôn hòa đã vấp phải “vũ lực” từ quân đội Nga, lực lượng đã hạn chế quyền tự do ngôn luận và cướp phá nhà cửa cũng như cơ sở kinh doanh.

Báo cáo nhấn mạnh rằng Mạc Tư Khoa đã chặn quyền truy cập vào mạng lưới điện thoại và truyền thông Ukraine trong khu vực nhằm nỗ lực kiểm soát thông tin.

“Các hành động của Liên bang Nga đã phá vỡ cơ cấu xã hội của các cộng đồng và khiến các cá nhân bị cô lập, gây ra những hậu quả sâu sắc và lâu dài cho toàn thể xã hội Ukraine”, thông cáo dẫn lời Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Volker Türk cho biết.

Ukraine đã cáo buộc Mạc Tư Khoa phạm tội ác chiến tranh trên diện rộng ở các khu vực bị tạm chiếm. Điện Cẩm Linh phủ nhận mọi hành vi sai trái, gọi việc tiếp quản các khu vực này là một “sự giải phóng”.

4. Người phụ nữ bị bắt đang bò vào trung tâm bỏ phiếu 'ở Nga' để 'ném phiếu' vào thùng phiếu

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Woman Caught Crawling Into Polling Center 'In Russia' To 'Throw in Ballots'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội dường như cho thấy một người phụ nữ bò vào một trung tâm bỏ phiếu ở Nga để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống kéo dài từ ngày 15 đến 17 Tháng Ba vừa qua.

Đoạn clip, được đăng trên X,, bởi người dùng “Maks_NAFO_FELLA”, người chia sẻ thông tin cập nhật về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, cho thấy một người phụ nữ quỳ gối bò vào trung tâm bỏ phiếu trước khi bắt đầu thêm phiếu bầu vào đống phiếu hiện có. Một nhân viên bảo vệ ngó lơ chỗ khác, và một người phụ nữ khác tham gia hỗ trợ người đầu tiên thêm phiếu bầu.

Các cuộc bầu cử ở Nga trong lịch sử thường bị hủy hoại bởi sự thao túng, gian lận phiếu bầu và cưỡng bức bỏ phiếu. Những người chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin nhiều nhất thường bị cấm tranh cử tổng thống, trong khi những nhân vật đối lập thường bị bỏ tù hoặc bị lưu đày.

“'Bầu cử' ở Nga: một người phụ nữ quỳ gối đến điểm bỏ phiếu để kín đáo bỏ phiếu. Người bảo vệ nhìn thấy tất cả những điều này đã ngó lơ”, người dùng X nói.

Agentstvo, một trang web điều tra của Nga, đưa tin rằng địa điểm được quay phim “tương tự” với một trạm bỏ phiếu trên Lermontovsky Prospekt ở St. Petersburg, Nga.

“Chúng tôi đã thu thập những bức ảnh được chụp tại địa điểm này trong cuộc bầu cử vừa qua. Một trong số họ thậm chí còn giới thiệu một chiếc máy ảnh có thể quay được mọi thứ”, cơ quan truyền thông cho biết.

Hãng tin này cho biết một tấm áp phích gần thùng phiếu trong video có thông tin về 4 ứng cử viên tổng thống năm nay—Putin, Nikolai Kharitonov, Leonid Slutsky và Vladislav Davankov.

Trong cuộc bầu cử năm nay, Ủy ban Bầu cử Trung ương cho biết hôm thứ Hai rằng ông Putin đã giành được 87,3% số phiếu bầu với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục là 77,5%.

Putin ghi nhận sự ủng hộ to lớn của công chúng.

“Tất cả các kế hoạch mà chúng tôi đã lập ra để phát triển nước Nga chắc chắn sẽ được thực hiện và đạt được mục tiêu”, ông Putin nói với các phóng viên ở Mạc Tư Khoa về kết quả đạt được. “Chúng tôi đã đưa ra những kế hoạch hoành tráng và sẽ làm mọi cách để thực hiện chúng.”

Hoa Kỳ đã tố cáo tuyên bố của Putin về chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử và coi cuộc bỏ phiếu là “rõ ràng là không tự do và công bằng”. Kết quả bỏ phiếu cũng bao gồm tổng số từ năm khu vực của Ukraine bị Nga xâm lược.

Cuộc bầu cử cũng bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy lên án, ông nói: “Những ngày này, nhà độc tài Nga đang mô phỏng một cuộc bầu cử khác”.

“Mọi người trên thế giới đều thấy rõ rằng nhân vật này, như đã từng xảy ra trong lịch sử, chỉ đơn giản là ham hố quyền lực và đang làm mọi cách để cai trị mãi mãi,” Zelenskiy nói thêm.

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết Pháp “không công nhận và sẽ không bao giờ công nhận việc tổ chức cũng như kết quả của cái gọi là cuộc bầu cử này và tái khẳng định cam kết của mình đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Hôm thứ Hai, cơ quan truyền thông độc lập Meduza của Nga đưa tin một khu vực bỏ phiếu của Nga ở miền nam Siberia đã phải gấp rút kiểm lại phiếu bầu sau khi ứng cử viên tổng thống Nikolai Kharitonov nhận được nhiều phiếu bầu hơn ông Putin trong cuộc bầu cử.

Kết quả bỏ phiếu được kiểm lại tại một điểm bỏ phiếu ở thành phố Barnaul, Cộng hòa Altai sau khi ủy ban bầu cử Nga phát hiện “lỗi kỹ thuật”. Kết quả là ứng cử viên kỳ cựu Kharitonov của Đảng Cộng sản nhận được 763 phiếu bầu - gấp 10 lần số phiếu bầu cho Putin, cơ quan truyền thông này cho biết.

5. Nga cho biết kế hoạch đóng băng tài sản ở Liên Hiệp Âu Châu của Borrell sẽ dẫn đến nhiều vụ kiện tụng

Reuters có thêm một số chi tiết về phản ứng của Nga trước đề xuất của Borrell về việc sử dụng doanh thu từ tài sản bị phong tỏa của Nga để tài trợ cho Ukraine.

Theo kế hoạch của Borrell, số tiền thu được từ các tài sản như thanh toán lãi sẽ được chuyển đến Cơ sở Hòa bình Âu Châu, một quỹ ngoài ngân sách cung cấp viện trợ quân sự cho các quốc gia ngoài Liên Hiệp Âu Châu và được sử dụng chủ yếu cho Ukraine.

Điện Cẩm Linh cho biết những kế hoạch như vậy - nếu được thực hiện - sẽ hủy hoại danh tiếng của Âu Châu với tư cách là người bảo vệ quyền sở hữu đáng tin cậy và dẫn đến nhiều năm kiện tụng.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Người Âu Châu nhận thức rõ về thiệt hại mà những quyết định như vậy có thể gây ra cho nền kinh tế, hình ảnh và danh tiếng của họ vì họ là những người bảo đảm đáng tin cậy về quyền bất khả xâm phạm về tài sản”.

“ Thiệt hại sẽ là điều khó tránh khỏi. Những người sẽ tham gia vào việc đưa ra những quyết định như vậy, các bang sẽ quyết định việc này, tất nhiên, họ sẽ trở thành đối tượng bị truy tố trong nhiều thập kỷ”, ông nói thêm.

Khoảng 70% tổng tài sản của Nga được cố định ở phương Tây được giữ tại kho lưu ký chứng khoán trung tâm Euroclear ở Bỉ, nơi có lượng chứng khoán và tiền mặt tương đương 190 tỷ euro (206 tỷ Mỹ Kim/162 tỷ bảng Anh).

Khi được hỏi về kế hoạch của Borrell, Maria Zakharova, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nga, nói: “Đó chỉ là một vụ cướp và trộm cắp đơn giản”.

Zakharova nói rằng Nga sẽ đáp trả nếu phương Tây tiếp tục tịch thu tài sản của Nga. Nga tuyên bố sẽ có hành động chống lại tài sản của phương Tây nếu tài sản của họ bị tịch thu

6. Tướng Pháp nói Đồng minh NATO có thể chỉ huy 60.000 lực lượng mạnh ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Ally Could Command 60,000 Strong Force in Ukraine: General”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Pháp đã sẵn sàng cho “những cuộc giao tranh khó khăn nhất”, chỉ huy lực lượng Lục Quân của nước này cho biết, khi Tổng thống Emmanuel Macron đang cân nhắc việc triển khai quân sự chính thức tới Ukraine bất chấp những lời đe dọa trả đũa liên tục của Nga.

Trong một bài xã luận được nhật báo Le Monde của Pháp xuất bản hôm thứ Ba, Tướng Pierre Schill - tư lệnh lực lượng Lục Quân của Pháp - cho biết lực lượng của ông “sẵn sàng” nếu được yêu cầu, và việc phô diễn sức mạnh quân sự của Pháp sẽ “ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào vào Pháp. “

Macron là người đi đầu trong đề xuất mới của một số quốc gia NATO nhằm thảo luận về việc gửi lực lượng đồng minh tới Ukraine với vai trò huấn luyện và cố vấn, mặc dù không phải với tư cách là quân chiến đấu. Các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Lithuania và Latvia cũng như Ba Lan đều bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Paris, mặc dù các nước NATO lớn như Mỹ và Đức lại phản đối.

Schill cho biết Pháp có thể điều động một sư đoàn gồm 20.000 quân trong vòng 30 ngày để hoạt động như một phần của liên minh đồng minh. Ông nói thêm, Paris sẽ có thể chỉ huy một lực lượng khoảng 60.000 binh sĩ gồm quân Pháp và quân đồng minh khác. Quân đội Pháp có khoảng 121.000 binh sĩ và 24.000 quân dự bị.

“Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh,” vị tướng viết, trích dẫn một câu ngạn ngữ nổi tiếng tiếng Latinh. “Các nguồn gốc của cuộc khủng hoảng đang nhân lên và mang theo những nguy cơ xoắn ốc hoặc mở rộng”, người chỉ huy nói thêm, mặc dù ông không đề cập cụ thể đến cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra.

Các quan chức Nga đã nhiều lần chỉ trích bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy NATO can dự sâu hơn vào Ukraine. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov hôm thứ Tư cho biết “ý tưởng cử một đội quân như vậy của Macron” “rõ ràng được nhìn nhận khác nhau ở các thủ đô khác nhau ở Âu Châu”. Ông nói thêm: “Chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình này.”

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Cơ quan Tình báo Nước ngoài, Sergey Naryshkin, tuyên bố - mà không cung cấp bằng chứng - có thông tin tình báo về kế hoạch của Pháp gửi 2.000 quân đến Ukraine.

“Do đó, nó sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên hợp pháp cho các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Nga”, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo cho biết. “Điều này có nghĩa là nó sẽ phải chịu số phận của tất cả những người Pháp từng đến thế giới Nga bằng một thanh kiếm.”

Hiện vẫn chưa có kế hoạch công khai nào về việc triển khai quân sự của Pháp hoặc đồng minh tới Ukraine. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như đã tiết lộ vào tháng 2 rằng một số lượng nhỏ quân nhân Pháp và Anh đang hỗ trợ quân đội Ukraine tấn công vào các hỏa tiễn Storm Shadow/SCALP do hai quốc gia NATO cung cấp.

Ông Macron lần đầu tiên gợi ý rằng binh sĩ NATO có thể triển khai tới Ukraine vào tháng 2 trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo Âu Châu ở Paris. Tổng thống cho biết “không có sự đồng thuận” về đề xuất này, mặc dù nói thêm rằng “không có gì bị loại trừ”.

Mỹ và Đức đã đẩy lùi bất kỳ bước đi nào như vậy. Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết vào tuần trước rằng Tổng thống Joe Biden đã “nói rõ rằng chúng tôi sẽ không đưa quân Mỹ đến hiện trường”.

Cách giải thích của Scholz về hội nghị thượng đỉnh Paris có vẻ khá khác với cách giải thích của Macron. Ông nói sau cuộc họp: “Sẽ không có bộ binh, không có binh sĩ nào trên đất Ukraine được các nước Âu Châu hoặc các nước NATO gửi tới đó”.

Tuy nhiên, Paris đã tìm được những người ủng hộ ở những nơi khác trong liên minh. Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cho biết hồi đầu tháng này: “Sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine không phải là không thể tưởng tượng được”. Trong khi đó, các ngoại trưởng vùng Baltic ca ngợi Pháp vì đã “suy nghĩ sáng tạo”.

Một quan chức ngoại giao Âu Châu – người đã nói chuyện với Newsweek hồi đầu tháng này với điều kiện giấu tên – nói: “Tôi nghi ngờ bạn có thể thay đổi tính toán của Nga chỉ bằng cách cử giảng viên tới Ukraine”.

Một nhà ngoại giao thứ hai, người cũng yêu cầu giấu tên để nói chuyện thẳng thắn, cũng đồng tình. Họ nói với Newsweek: “Phương Tây bị tê liệt vì sợ hãi”. “Cho đến nay, tất cả những 'ranh giới đỏ' mà chúng ta đã vượt qua đều chưa mang đến trận Armageddon mà chúng ta rất sợ hãi.”

7. Ukraine cho biết họ có thể sản xuất 2 triệu máy bay không người lái mỗi năm với sự hỗ trợ tài chính từ phương Tây

Ukraine có thể sản xuất 2 triệu máy bay không người lái mỗi năm - gấp đôi tốc độ sản xuất hiện tại - với sự hỗ trợ tài chính bổ sung từ Mỹ, các chính phủ phương Tây khác và công dân tư nhân, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của nước này tuyên bố.

Mykhailo Fedorov cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng chính phủ Ukraine “ký hợp đồng ít hơn nhiều so với khả năng của các nhà sản xuất của chúng tôi” vì họ không có đủ vốn trong tay. Ông thúc giục quyên góp thêm để giúp đỡ nỗ lực chiến tranh.

Bộ trưởng kỹ thuật số 33 tuổi, người chịu trách nhiệm sản xuất máy bay không người lái, cho biết Ukraine đang trên đà sản xuất “hơn một triệu” máy bay không người lái vào năm 2024, vượt mục tiêu 1 triệu máy bay do tổng thống Volodymyr Zelenskiy đặt ra vào cuối năm nay, nhưng có thể kiếm được nhiều hơn nữa.

Ông nói: “Chúng tôi có thể mở rộng thị trường đến mức có thể sản xuất hơn một hoặc thậm chí hai triệu máy bay không người lái,” đồng thời cho rằng có tiềm năng tăng sản lượng tất cả các loại máy bay không người lái hơn nữa.

8. Ukraine tiến gần đến việc nhận được 1,5 triệu quả đạn pháo tăng cường của NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Closes In on 1.5M NATO Artillery Shell Boost”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine có thể sắp có thêm khoảng 1,5 triệu viên đạn quan trọng vì nhu cầu về đạn mới đang cản trở nỗ lực của Kyiv nhằm ngăn chặn bước tiến của lực lượng Nga ở phía đông đất nước.

Theo tờ The Wall Street Journal, Cộng hòa Tiệp, một trong những nước ủng hộ trung thành nhất của Ukraine, đã xác định được khoảng 700.000 quả đạn pháo mới có thể được chuyển sang Ukraine, bên cạnh 800.000 viên đạn pháo mà Praha đã xác định hồi đầu năm nay.

Đạn dược đã trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của Nga. Các chiến binh của Kyiv được cho là đã bắn khoảng 1/5 số đạn mà quân đội Nga có thể sử dụng hết. Các quan chức Ukraine và các nhà phân tích phương Tây cho biết các hoạt động của Ukraine đã bị hạn chế do nạn đói đạn pháo khi lực lượng Nga tiến về phía tây.

Cộng hòa Tiệp đang đi đầu trong nỗ lực bổ sung kho đạn dược khan hiếm của Ukraine. Tổng thống Tiệp Petr Pavel hồi tháng 2 cho biết chính phủ của ông đã tìm thấy 800.000 quả đạn pháo, có thể mua được với sự hậu thuẫn của nhiều quốc gia. Trong số những quả đạn pháo này, khoảng 500.000 quả sẽ là đạn 155 ly - tiêu chuẩn NATO theo yêu cầu - và khoảng 300.000 quả sẽ là đạn 122 ly, Pavel cho biết.

Thủ tướng Tiệp Petr Fiala ngày 8/3 cho biết Praha đã dồn “đủ tiền để mua lô 300.000 quả đạn pháo đầu tiên”.

“Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi là mang lại nhiều hơn thế nữa!” Fiala nói.

Cùng với 700.000 quả đạn pháo mà Cộng hòa Tiệp đã theo dõi, theo The Journal, Praha sẽ dẫn đầu nỗ lực gửi cho Ukraine thêm 1,5 triệu viên đạn pháo.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Tiệp để yêu cầu bình luận qua email.

Các đồng minh của NATO đã cố gắng tìm cách giữ cho pháo binh của Kyiv tiếp tục bắn, nhưng điều này đã chứng tỏ yêu cầu cao trong việc cung cấp các loại đạn có tính năng rất cao trong danh sách mong muốn của Ukraine. Đầu tháng này, CNN đưa tin Mạc Tư Khoa có thể sẽ sớm sản xuất số lượng đạn pháo gấp ba lần lượng đạn pháo mà Mỹ và Âu Châu có thể sản xuất. Một quan chức cao cấp của NATO nói với mạng lưới: “Những gì chúng ta đang gặp phải hiện nay là một cuộc chiến sản xuất”.

Liên minh Âu Châu thừa nhận sẽ chỉ giao một nửa trong số một triệu viên đạn mà họ đã cam kết gửi tới Ukraine trong tháng này. Đầu tuần này, khối cho biết họ sẽ giao khoảng 500.000 quả đạn pháo cho Ukraine vào cuối tháng 3 và 1 triệu quả vào cuối năm nay.

Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Tiệp cho biết sẽ cần khoảng 3,3 tỷ Mỹ Kim để bảo đảm 1,5 triệu quả đạn pháo.

Các nước Âu Châu ủng hộ Ukraine đã chuyển sang tăng cường các gói viện trợ quân sự thay cho sự bảo đảm về sự hỗ trợ trong tương lai từ nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất của Ukraine, là Mỹ.

Gói viện trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim đã bị trì hoãn trong Quốc hội trong nhiều tháng. Việc bổ sung thiết bị được Ngũ Giác Đài công bố hồi đầu tháng này được Bộ Quốc phòng mô tả chỉ là giải pháp tạm thời cho những nhu cầu cấp thiết của Ukraine.

9. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc điện đàm riêng vào thứ Tư với Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và thảo luận về việc tăng cường quan hệ với cả hai, trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Ukraine tới New Delhi.

Reuters đưa tin:

Hai quan chức Ấn Độ nắm rõ vấn đề này cho biết, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba sẽ thăm Ấn Độ vào tuần tới khi Kyiv tìm cách xây dựng sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình của nước này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức hàng đầu Ukraine kể từ khi Nga xâm lược.

Điện Cẩm Linh cho biết ông Modi đã gọi điện cho ông Putin để chúc mừng chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống cuối tuần ở Nga và hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về vấn đề Ukraine.

Chính phủ Ấn Độ cho biết trong tuyên bố riêng của mình rằng ông Modi đã nhắc lại “lập trường nhất quán của Ấn Độ coi đối thoại và ngoại giao là con đường phía trước” trong cuộc khủng hoảng Ukraine và các nhà lãnh đạo cũng đồng ý tăng cường quan hệ song phương.

Modi sau đó cho biết trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X rằng ông cũng đã nói chuyện với Zelenskiy về việc tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ và Ukraine và truyền đạt “sự ủng hộ nhất quán của Ấn Độ đối với mọi nỗ lực vì hòa bình và sớm chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra”.

Một trong những quan chức cho biết chuyến thăm của Kuleba diễn ra theo lời mời của người đồng cấp Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, sau cuộc điện đàm giữa Modi và Zelenskiy vào đầu năm.

Cả hai quan chức đều phát biểu với điều kiện giấu tên.

Ngoài các cuộc đàm phán với các quan chức Ấn Độ, Kuleba còn chuẩn bị “xem xét ủy ban liên chính phủ Ấn Độ-Ukraine”, một trong các quan chức cho biết, đề cập đến một hội đồng chịu trách nhiệm duy trì mối quan hệ kinh tế, văn hóa và công nghệ của hai quốc gia.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Một trong những quan chức cho biết dự kiến sẽ có thông báo chính thức về chuyến thăm vào tuần tới. Truyền thông Ấn Độ lần đầu tiên đưa tin vào thứ Ba.

10. Khu vực biên giới Belgorod của Nga mở rộng việc đóng cửa trường học và đại học trong bối cảnh có kế hoạch di tản lớn

Một khu vực biên giới của Nga đang bị pháo kích và máy bay không người lái của Ukraine tấn công đang mở rộng việc đóng cửa các trường học và cao đẳng trong bối cảnh có kế hoạch di tản lớn, hãng tin AP đưa tin.

AP cho biết thêm, lực lượng của Kyiv đang mở rộng chiến dịch tấn công tầm xa nhằm gây áp lực lên Điện Cẩm Linh.

Các nhà chức trách ở khu vực biên giới Belgorod hôm thứ Tư thông báo rằng một số trường học sẽ đóng cửa sớm trước kỳ nghỉ học. Ngoài ra, các trường đại học và cao đẳng sẽ chuyển sang hình thức học tập từ xa và các câu lạc bộ cũng như các cơ sở văn hóa, thể thao và giáo dục khác sẽ tiếp tục đóng cửa.

AP đưa tin Ukraine thiếu nguồn cung cấp đạn dược dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km (620 dặm) do thiếu hụt nguồn cung cấp như hứa hẹn của phương Tây, đây là một trong những yếu tố chính buộc quân đội nước này phải có lập trường phòng thủ nhiều hơn. Nhưng đồng thời, quân Ukraine đang tấn công các cơ sở dầu mỏ nằm sâu bên trong nước Nga và tìm cách gây lo ngại cho các khu vực biên giới của Nga.

Các biện pháp này được công bố một ngày sau khi thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov công bố kế hoạch di tản khoảng 9.000 trẻ em khỏi khu vực.

Putin hôm thứ Tư tuyên bố sẽ hỗ trợ những thường dân Belgorod bị mất nhà cửa và cơ sở kinh doanh.

Ông nói trong một cuộc họp trên truyền hình ở Điện Cẩm Linh: “Có rất nhiều việc phải làm và chúng tôi sẽ làm mọi thứ tùy thuộc vào chúng tôi”. “Tất nhiên, nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm an toàn. Có nhiều cách khác nhau để làm điều này. Đây không phải là điều dễ dàng nhưng chúng tôi sẽ làm được”.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã chặn được 13 hỏa tiễn của Ukraine bay qua khu vực Belgorod vào khoảng giữa sáng thứ Tư. Gladkov cho biết một người đã thiệt mạng và hai người khác bị thương, trong đó có một cô gái 17 tuổi, trong vụ tấn công. Ông cho biết chỉ riêng tuần qua đã có 16 người thiệt mạng.
 
Tình hình Thánh Địa Giêrusalem Tuần Thánh năm nay. Giải pháp hai nhà nước ở Thánh Địa
VietCatholic Media
17:21 22/03/2024


1. 40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay - Thứ Bảy tuần 5 Mùa Chay

THỨ BẢY 23/3/2024

Êdêkiên 37:21-28

Giêrêmia 31:10-13

Ga 11:45-56

“Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” (Ga 11:48)

Có vẻ như có hai vấn đề với dòng trên. Vấn đề đầu tiên là niềm tự hào. Bạn có ngạc nhiên không khi thấy những người Pharisêu tự tin như thế nào khi tóm tắt tình hình? Nếu điều này thì đó sẽ là dấu chấm hết. Đối mặt với sự hồi sinh của Ladarô, một điều hoàn toàn vượt quá tầm hiểu biết của họ, suy nghĩ của họ hướng tới một thảm họa nào đó. Caipha, vị thượng tế, thể hiện sự kiêu ngạo này đến mức cao độ khi ông coi thường những người khác khi nói: “Có vẻ như các ông không hiểu được tình hình chút nào…” (Ga 11:49).

Vấn đề thứ hai là đường lối của Chúa vượt xa đường lối của con người. Kế hoạch cứu rỗi của Ngài không phải là để Chúa Giêsu thực hiện một loạt phép lạ liên tục giữa đám đông đang tôn thờ. Hành động của Thiên Chúa là quy tụ những con cái Thiên Chúa đang tản mác lại bằng cách chết cho họ. Ngài cứu chúng ta bằng cách trói buộc, thanh tẩy chúng ta bằng gánh nặng tội lỗi, chịu đau khổ để mang lại bình an cho chúng ta, chết để mang lại cho chúng ta sự sống đời đời. Đúng vậy, lối suy nghĩ của Chúa đi ngược lại với lối suy nghĩ của chúng ta, đặc biệt là lối suy nghĩ kiêu ngạo của chúng ta. Thánh Maximô Cha Giải Tội vẽ ra hình ảnh Chúa Giêsu bị ném như mồi vào lưỡi câu. Ma quỷ đã cắn câu, kéo xuống vực sâu, tưởng mình đang thắng. Tuy nhiên, với một cú kéo mạnh, Chúa đã có được tiếng cười cuối cùng.

Ma quỷ bị bắt và cái chết bị chinh phục. Ngay cả trong khung cảnh Phúc âm này, lập trường kiêu hãnh của Caiaphas cũng được sử dụng mà ông không hề hay biết, khi tiên tri về chính kế hoạch của Thiên Chúa.

Khi sắp đến lễ Vượt Qua của người Do thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giêrusalem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giêsu và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không? (Ga 11:55-56)

Ngài sẽ tới. Ngài sẽ thực sự thanh lọc. Tuy nhiên, cách thức Ngài đến sẽ như thế nào?

Hãy đến, Lạy Chúa Giêsu. Hãy đến và cứu chúng con. Hãy khiêm tốn trong tâm trí và trái tim của chúng ta để đón nhận Chúa. Amen.

2. Nữ tu Gaza nói: “Chúng tôi đang đến gần Đấng Cứu Thế bị đóng đinh hơn bao giờ hết”

Cộng đồng Kitô giáo ở Gaza đang ở mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Đường dây điện thoại bị cắt, kết nối trực tuyến liên tục bị gián đoạn. Người ta khó có thể hiểu được chị Nabila đang nói gì: “khá,” “à,” “Nhà thờ,” và sau đó đường dây bị ngắt. Đây là cách mọi thứ đã diễn ra trong nhiều tuần. Thỉnh thoảng có một vài tin nhắn được gửi đến: “Chúng tôi ổn.” Nhưng khi bạn nhấn mạnh hơn nữa, bạn nhận ra rằng “ổn” có nghĩa là “chúng tôi còn sống, nhưng chúng tôi không có đủ, và những gì chúng tôi có ít ỏi là do ân sủng của Chúa”.

Đối với cộng đồng Kitô giáo ở Gaza, đây là giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Một đối tác khác của dự án Viện trợ Giáo hội Đau khổ, gọi tắt là ACN, có đường dây điện thoại ổn định nhưng tổ chức bác ái muốn giấu tên vì lý do an toàn, cho biết: “Người dân của chúng tôi liên tục phải chịu đau khổ. Mỗi khi cả hai bên nói về lệnh ngừng bắn, cường độ hoạt động quân sự lại tăng lên”. Trong hai tuần qua, khu vực lân cận Al Zeyton, nơi đặt giáo xứ Thánh Gia, đã chứng kiến các cuộc đụng độ quân sự và pháo kích dữ dội. Theo báo cáo của ACN, khu giáo xứ hiện đang tiếp đón 128 gia đình – tổng cộng 512 Kitô hữu, trong đó có 120 trẻ em, 60 người khuyết tật và 84 người trên 65 tuổi.

Nguồn cung cấp thực phẩm rất hạn chế và “vấn đề không liên quan gì đến việc có sẵn tiền mặt hay không”, nguồn tin này giải thích. “Đơn giản là lương thực khan hiếm, khó tìm ở đâu cả. Cộng đồng Kitô hữu tận dụng mọi cơ hội có thể để bảo đảm nguồn nước sạch và thực phẩm.”

Với sự giúp đỡ của ACN và các tổ chức khác, Tòa Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem có thể cung cấp hai bữa ăn hàng tuần cho mỗi người và một ổ bánh mì mỗi hai ngày. Nhưng mặt khác, cộng đồng phải tồn tại bằng cách quản lý nguồn cung cấp của họ hoặc cố gắng tìm kiếm thức ăn ở nơi khác. “Người ta phải đi bộ hàng giờ để mua được một hộp thức ăn nhỏ, cuối cùng không đủ cho ba người. Trong chế độ ăn kiêng bắt buộc này, việc chia sẻ là một phần của cuộc sống hàng ngày và là bản sắc Kitô giáo mới”, nguồn tin nói với ACN.

Nước sạch là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất hiện nay. “Chúng tôi có nước bẩn cho nhà vệ sinh và các thiết bị vệ sinh, đồng thời nước được lọc bằng các phương pháp truyền thống.” Một vấn đề nữa là vấn đề vệ sinh. “Trẻ em đang bị nhiễm một loại virus gây buồn nôn và tiêu chảy, 4 người lớn tuổi đang phải đối mặt với bệnh nặng và phải vào bệnh viện ngay lập tức, điều này là không thể vào lúc này.”

Nhưng đức tin khuyến khích cộng đồng nhỏ. Ngoài Thánh lễ, các buổi dạy giáo lý và đọc kinh Mân Côi, giáo xứ còn tổ chức các hoạt động cho trẻ em và các buổi gặp gỡ để chữa lành vết thương qua cầu nguyện. Nhân viên của trung tâm Công Giáo Thomas Aquinas, nơi chuyển đến khu vực giáo xứ sau khi tòa nhà bị đánh bom, cũng tham gia vào các hoạt động này.

Các linh mục và các nữ tu, giống như chị Nabila, đang làm công việc anh hùng. “Tất cả họ đều kiệt sức. Không ai có thể thực sự trải nghiệm những gì họ đang trải qua. Với ân sủng của Chúa, con cái chúng ta giờ đây càng gần gũi với đức tin hơn bao giờ hết. Đó là một lễ Phục sinh rất đặc biệt. Chúng ta đang gần gũi hơn bao giờ hết với Đấng Cứu Thế bị đóng đinh”

Mặc dù rất khó để tiếp cận được chị Nabila, nhưng có một điều chị luôn nói với ACN để xin mọi người: “Hãy cầu nguyện cho chúng tôi, cầu nguyện cho toàn thể dân chúng. Hãy cầu nguyện để cuộc chiến này có thể kết thúc.”


Source:AID TO THE CHURCH IN NEED

3. Tổng giám mục người Pháp chuyển đến giáo phận nhỏ hơn

Trong một động thái hiếm hoi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thuyên chuyển một tổng giám mục người Pháp từ tổng giáo phận mà ngài đã lãnh đạo từ năm 2015 đến một giáo phận nhỏ hơn.

Chín năm trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thuyên chuyển Đức Giám Mục Hervé Giraud Địa phận Soissons về Tổng Giáo phận Sens và Auxerre; vào thời điểm đó, Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm Đức Cha Giraud làm nhà lãnh đạo Miền Truyền Giáo Mission de France tại Pontigny, nằm cách Sens 35 dặm.

Đức Thánh Cha hiện đã thuyên chuyển Đức Tổng Giám Mục Giraud, 67 tuổi, đến Giáo phận Viviers, nhưng vẫn cho phép ngài giữ chức danh tổng giám mục. Đức Tổng Giám Mục Giraud vẫn là nhà lãnh đạo Miền Truyền Giáo Mission de France tại Pontigny, cách tòa nhà mới của ngài gần 300 dặm.

Đức Tổng Giám Mục Giraud, người gốc Giáo phận Viviers, nói rằng ngài “vô cùng hạnh phúc” với việc chuyển đi, điều này sẽ giúp ngài được gần gũi hơn với người mẹ già của mình.

4. Đức Hồng Y Vatican gợi ý về khả năng suy nghĩ lại về giải pháp hai nhà nước ở Trung Đông

Một Hồng Y hàng đầu và nhà ngoại giao hàng đầu của Đức Giáo Hoàng đã nói rằng giữa cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, hòa bình ở Thánh địa đòi hỏi một sự thay đổi não trạng trong đó cả hai bên đều công nhận và tôn trọng quyền tồn tại của nhau, bất kể có một hay hai quốc gia.

Đức Hồng Y Fernando Filoni, một nhà ngoại giao kỳ cựu và hiện là Thủ lãnh Dòng Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem, cho biết: “Tôi không biết liệu hai quốc gia có tốt hơn một hay không”.

Khi được hỏi liệu giải pháp hai nhà nước có còn là một lựa chọn khả thi hay không, Đức Hồng Y Filoni nói: “Tôi không thể nói chắc” và nói thêm rằng việc dự đoán kết quả tiềm tàng của một giải pháp như vậy là rất khó, bởi vì “chúng là hai thực tế tồn tại trong cùng một lãnh thổ”.

Vatican từ lâu đã nhấn mạnh đến giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel/Palestine, một quan điểm gần đây đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với một cơ quan truyền thông Ý. Những bình luận của Đức Hồng Y Filoni thể hiện một trong những gợi ý đầu tiên rằng ít nhất một số người ở Vatican có thể đang suy nghĩ lại lập trường đó.

Filoni cho biết điều quan trọng nhất, theo quan điểm của ngài, là phải tôn trọng “quyền của mỗi người”, nghĩa là cả Israel và Palestine, “không có công dân hạng nhất, hạng hai, hạng ba”.

Phát biểu với các nhà báo tại hội nghị bàn tròn truyền thông vào tuần trước, Đức Hồng Y Filoni nói rằng đó là nguyên tắc cơ bản, “Bạn không thể có hòa bình nếu không có công lý”.

Ngài nói: “Chúng ta cần một nền hòa bình không tạo ra những cuộc chiến tranh mới, hận thù mới, bạo lực mới”, đồng thời lưu ý rằng Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra vì người dân ở Đức tin rằng họ là nạn nhân của sự bất công.

“Tôi không đánh giá liệu điều đó có đúng hay không, nhưng nó là như thế. Sau đó, ở những nơi khác trên thế giới, điều tương tự cũng xảy ra. Khi một dân tộc, một nhóm, một thực tại, cảm thấy rằng họ là nạn nhân của sự bất công, nếu họ không được lắng nghe, thì sự hận thù sẽ sinh ra và phát triển, đến một thời điểm nào đó, trở nên bạo lực,” ngài nói.

Cựu Sứ thần tại Iraq và Jordan từ 2001-2006, Đức Hồng Y Filoni từng giữ chức vụ phó của Phủ Quốc vụ khanh Vatican, một vị trí gần giống với chánh văn phòng của Đức Giáo Hoàng, từ 2007-2011, khi ngài được bổ nhiệm làm Bộ trưởng trước đây của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, một chức vụ mà ngài nắm giữ cho đến khi được bổ nhiệm làm Thủ lãnh Dòng Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem vào năm 2019.

Khi nói đến Thánh địa, Đức Hồng Y Filoni nói rằng theo quan điểm của ngài, sự chia rẽ hiện nay xuất phát từ sự thiếu khoan dung và tôn trọng các quyền cơ bản của cả hai bên.

“Bạn không thể phủ nhận quyền tồn tại của người Palestine và bạn không thể phủ nhận quyền tồn tại trong hòa bình của người Israel. Bạn không thể nói rằng chúng tôi muốn hủy diệt Israel, điều này luôn tạo ra bạo lực mới. Cũng như bạn không thể nói, chúng tôi muốn tiêu diệt người Palestine, bạn không thể nói điều này”.

Đề cập đến các khu định cư của Israel tại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, Đức Hồng Y Filoni cho biết người Palestine tin rằng đất đai của họ đã bị tạm chiếm bất hợp pháp và “điều này không bình thường, đây là một hành động bạo lực”.

Ngài nói, hòa bình “không phải là sự cân bằng giữa bên này và bên kia, mà là để nói rằng những yếu tố này, những bạo lực này, tạo ra những tình huống xung đột trở thành chiến tranh”.

Ngài nói: “Chúng ta vẫn giữ nguyên tắc rằng hòa bình có thể đạt được nếu được thực hiện trong công lý và công nhận quyền của mọi người”.

Về cách thoát khỏi tranh chấp khu vực lâu đời giữa Israel và Palestine, Đức Hồng Y Filoni cho biết bất kể đề xuất nào được coi là tốt nhất, “các bạn phải ngồi vào bàn và thảo luận về nó, nhưng quyền tồn tại phải được tất cả mọi người bảo đảm”.

“Từng chút làm trống rỗng những tranh chấp, những hận thù, những căng thẳng này phải được làm trống rỗng, nếu không chúng sẽ trở nên gần như tự nhiên và dần dần chúng lớn lên và rồi bùng phát,” ngài nói và bày tỏ niềm tin rằng hòa bình vẫn có thể xảy ra, nhưng “chúng ta phải muốn nó, chúng ta phải nỗ lực vì điều này.”

Tuy nhiên, trên hết, “Chúng ta không nên tiếp tục gây ra những bất công, nếu không sẽ không đạt được hòa bình”.

Filoni cũng nói về công việc được thực hiện bởi Dòng Hiệp Sĩ Thánh Mộ, bao gồm khoảng 30.000 hiệp sĩ và phu nhân từ khắp nơi trên thế giới. Nó thu hút khoảng 1.000 thành viên mới hàng năm và tận tâm cung cấp hỗ trợ tài chính cho nhà thờ ở Thánh địa.

Đức Hồng Y Filoni cho biết hầu hết sự hỗ trợ được gửi trực tiếp đến Tòa Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem và phân phối cho các dự án và những người dân đang cần nhất.

Một nguồn tài trợ chính, ngoài sự đóng góp của các thành viên cá nhân, là Palazzo della Rovere nổi tiếng của dòng dọc theo Via della Conciliazione, con đường chính dẫn đến dãy cột của Bernini ở Quảng trường Thánh Phêrô, nơi sắp được chuyển đổi thành một khách sạn Four Seasons sang trọng.

Đức Hồng Y Filoni cho biết khoảng 10% số tiền mà dòng thu được từ những nguồn này và các nguồn khác được sử dụng để trang trải chi phí hành chính để điều hành dòng, và khoảng 90%, “nếu không muốn nói là nhiều hơn”, được gửi trực tiếp đến Tòa Thượng phụ Latinh.