Ngày 29-03-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 30/03: THIÊN TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU - Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
01:19 29/03/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, sau khi chữa lành một người bệnh trong ngày sa-bát, Đức Giê-su tuyên bố với người Do-thái rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông : người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con. Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.

“Thật, tôi bảo thật các ông : giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống. Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người. Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.

“Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.”

Đó là lời Chúa
 
Nước của ảo ảnh
Lm. Minh Anh
01:29 29/03/2022

NƯỚC CỦA ẢO ẢNH
“Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm”.

Samuel Baker kể về một trung đoàn chết khát trên sa mạc. Nhìn xa xa, họ nghĩ, họ thấy nước; nhưng hướng dẫn viên Ả Rập cảnh báo, đó chỉ là ‘nước của ảo ảnh!’. Họ cãi cọ, hướng dẫn viên bị giết! Trung đoàn lao về phía trước; dặm này, dặm khác. Ảo ảnh dẫn đoàn quân tiến sâu hơn vào sa mạc. Quá muộn, họ đã nhận ra sự thật. Họ đã chết khi theo đuổi một điều viển vông!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không nói với chúng ta về ‘nước của ảo ảnh’ đã dẫn đến cái chết của một trung đoàn, nhưng nói về một ‘mạch nước thật’ làm cho sống và sống đời đời! Thật ý vị khi Gioan nhắc đến con số “38”. Người đàn ông trong Tin Mừng phải sống cuộc sống bại liệt những 38 năm! “38 năm”, khoảng thời gian Israel lang thang trong sa mạc; cũng thế, người này nằm bên hồ suốt 38 năm, nhưng không với tới nước. Người ấy ‘lang thang trong sa mạc của mình!’.

Trong Đệ Nhị Luật 2, 14, Môisen viết, “Thời gian chúng ta đi từ Cađê Bacnêa cho đến khi qua thung lũng Derét là 38 năm”. Sa mạc, nơi thử thách; ở đó, thiếu thốn trăm bề, và cái cần nhất là nước! Thế nhưng, Chúa không để Israel chết khát, nước từ các mạch đá đủ cho họ suốt gần 40 năm. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Chính Chúa Tể Càn Khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta!”. Từ đó, chúng ta hiểu ý nghĩa thị kiến nước trào ra từ đền thờ mà Êzêkiel nhìn thấy hôm nay! Phụng vụ Phép Rửa sẽ ca lên, “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra; và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên, Halleluia!”.

Một chi tiết thú vị khác chúng ta cần lưu ý là, Êzêkiel chẳng những là một ngôn sứ, ông còn là một tư tế! Vì thế, khi nói về nước chảy ra từ bàn thờ, đền thờ, thì phải chăng tư tế Êzêkiel đang mơ về một Giêsu Tư Tế Thượng Phẩm; Đấng sẽ là bàn thờ, là đền thờ, cũng là dòng nước cứu độ ban sự sống và chữa lành. Ngài từng tuyên bố, “Ai đến với Tôi, sẽ không khát bao giờ!”.

Trở lại với Tin Mừng, Chúa Giêsu tự nguyện đến với người đàn ông ‘lang thang trong sa mạc’; Ngài bước vào sự cô lập của anh dù không được mời! Ngài nhìn thấy anh, biết hoàn cảnh của anh, đến gặp anh và nói chuyện trực tiếp với anh. Thoạt tiên, Ngài hỏi, “Anh có muốn khỏi bệnh không?”. Anh không trả lời, “Có” hay “Không” nhưng anh phàn nàn, “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động”. Anh ta mắc bệnh bi quan; anh phát ốm vì buồn; anh bị bệnh lười! Đây là căn bệnh của anh, “Đúng, tôi muốn lành, nhưng...”, và anh đợi ở đó. Thế mà mấu chốt là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu; dẫu xem ra, anh không cần được chữa lành. Phải chăng anh đang tiếc nuối thuở lang thang?

Tuyệt vời thay! Chúa Giêsu đã chữa lành con người bi quan tuyệt vọng này mà không cần nhúng anh xuống hồ Bêthesda. Bêthesda có nghĩa là “Ngôi nhà của lòng thương xót”, hoặc “Ngôi nhà của ân sủng” theo tiếng Do Thái. Đúng thế, người đàn ông này đang cần lòng thương xót và ân sủng ngay cả khi anh không ý thức. Và Chúa Giêsu không phải là ‘nước của ảo ảnh’ nhưng là mạch ân sủng và xót thương đã thương phục hồi anh! Thánh Augustinô nói, “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì toàn năng. Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi, nếu tôi không tìm thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!”.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu, không phải là ‘nước của ảo ảnh’, nhưng là đài phun chữa lành đích thực; Ngài là nước làm cho sống! Ngài là đền thờ mới mà Êzêkiel đã có một tầm nhìn với một dòng suối tuyệt vời chảy sâu hơn bao giờ hết từ phía bên phải của nó. Nơi nào nước này chảy qua, nó đều mang lại an lành và sự sống. Đỉnh đền thờ mới là Canvê, nơi nước ngọt ngào của phép Rửa chảy ra từ cạnh sườn Đấng Kitô khi người lính lấy giáo đâm cạnh nương long Ngài. Ngày nay, dòng nước cứu độ ấy vẫn tiếp tục chảy và rửa sạch mọi thương tích trong tâm hồn chúng ta. Nước Giêsu cho chúng ta sống hạnh phúc viên mãn ngay trong sa mạc trần gian khô khốc này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không thể cứu con; tệ hơn, con ‘vui tươi’, an phận trong sa mạc đời mình; ở đó, con chạy theo ‘nước của ảo ảnh’. Xin cứ dìm con vào Chúa mà đừng thèm hỏi con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:17 29/03/2022

7. Con mắt của người bị lửa phẫn nộ đốt cháy thì không thể phân biện được thị phi.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:21 29/03/2022
34. TAM CHỈ THỪA TƯỚNG

Vương làm thừa tướng, không lập được công trạng gì trên chính trường. Mỗi buổi sáng lên triều thì theo thứ tự mà tấu ngôn, vẫn cứ nói:

- “Có thể lãnh thánh chỉ chứ?”

Triều bái xong thì nói:

- “Lãnh thánh chỉ”.

Về phủ đem việc triều chính báo cáo lại cho các quan thuộc hạ thì nói:

- “Đã được thánh chỉ”.

Cho nên người ta gọi ông là “tam chỉ thừa tướng”.

(Khiển Sầu tập)

Suy tư 34:

Thời nay, đọc báo thấy có nhiều vị lãnh đạo có nhiều “chỉ” hơn cả thừa tướng họ Vương, họ có đến cả “bốn chỉ” chứ không phải ba: chỉ nhậu, chỉ tay năm ngón, chỉ chơi bời và chỉ tham nhũng.

Người Ki-tô hữu chỉ có một “chỉ” duy nhất, là chỉ kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và chỉ vì tha nhân mà phục vụ, “hai chỉ” này tóm gọn trong một “chỉ” mà thôi, như lời dạy của thánh Gioan tông đồ rằng:

“Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa

mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối;

vì ai không yêu thương người anh em

mà họ trông thấy,

thì không thể yêu mến Thiên Chúa

mà họ không trông thấy”.
(1Ga 4, 20)

Nếu không có “chỉ” này, thì người Ki-tô hữu cũng sẽ như những người khác mà thôi, tức là “chỉ nhậu nhẹt, chỉ tay năm ngón, chỉ tham nhũng, chỉ chơi bời, chỉ làm biếng.v.v...”

Ai hiểu thì thực hành vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho rằng việc Ukraine cầm cự được cho đến nay là một phép lạ
Đặng Tự Do
05:47 29/03/2022


Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương kêu gọi mọi người “cầu nguyện trước các thánh đường của Giáo Hội Chính thống Nga trên khắp thế giới cho hòa bình ở Ukraine.”

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã ca ngợi một cuộc tụ họp gần đây của các tín hữu bên ngoài một nhà thờ Chính thống giáo Nga ở Giêrusalem.

Đức Cha Shevchuk, có trụ sở tại Kiev, thủ đô sầm uất của Ukraine, cho biết: “Giêrusalem và Kiev cảm thấy có mối quan hệ tâm linh. Kiev được xây dựng như một Giêrusalem mới. Cầu mong lời cầu nguyện này, phong trào chống chiến tranh này, lan rộng đến các trung tâm khác của đời sống tôn giáo và tâm linh trên khắp thế giới. “

“Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện trước các thánh đường của Giáo Hội Chính thống Nga trên khắp thế giới cho hòa bình ở Ukraine. Chúng ta sẽ thấy rằng Chúa là Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta và chúng ta sẽ thắng cuộc chiến này.”

Người đứng đầu Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã gửi lời “cảm ơn đặc biệt” tới những người tham gia cuộc họp liên tôn giáo vào ngày 21 tháng 3 trước Nhà thờ Holy Trinity, nằm trong Khu liên hợp Nga ở trung tâm Giêrusalem.

Sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Phát triển Bền vững Liên tôn và Viện Liên tôn Elijah, có sự tham dự của Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh ở Giêrusalem là Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa và các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương khác.

Sau một loạt các bài phát biểu, một bức thư gửi cho Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống giáo Nga, đã được dán lên các bức tường của nhà thờ.

Bức thư có chữ ký của 150 nhân vật tôn giáo, viết: “Vì mối quan hệ chặt chẽ của hiền huynh với Tổng thống Vladimir Putin, chúng tôi kêu gọi hiền huynh yêu cầu ông ấy thực hiện các bước ngay lập tức để giảm leo thang xung đột và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xâm lược.”

Trong thông điệp video của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk ca ngợi sự đoàn kết giữa những người Ukraine sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào ngày 24 tháng 2.

Ngài nói: “Chúng tôi thấy rõ cách người dân đoàn kết để đánh bại kẻ thù đang chà đạp lên đất Ukraine.

“Chúng tôi thấy rằng mọi người đều cảm thấy lương tâm thôi thúc phải bền đỗ và chiến thắng.”

“Chúng tôi thực sự cảm thấy rằng, cuộc chiến này không phải là cuộc chiến mà chỉ có quân đội Ukraine tham chiến. Đây không phải là cuộc chiến do kẻ thù tiến hành chống lại tổng thống hay chính phủ Ukraine vì một động cơ ý thức hệ”.

“Kẻ xâm lược Nga đang tiến hành cuộc chiến tranh chống lại người dân Ukraine. Và cuộc chiến này có tất cả những dấu ấn của sự diệt chủng, sự tiêu diệt con người, di sản văn hóa của chúng ta, truyền thống tinh thần của chúng ta”.

Lần thứ hai trong tháng này, vị tổng giám mục 51 tuổi gọi cuộc kháng chiến thành công của người Ukraine chống lại các lực lượng lớn hơn nhiều của Nga là “Phép lạ trên tàu Dnipro.”

Dnipro, hay Dnieper, là một con sông chảy từ bắc xuống nam qua trung tâm Ukraine và đổ ra Biển Đen.

“Điều rất quan trọng là tất cả mọi người, mỗi người trong chúng ta, tất cả những ai nghe tôi đều tham gia vào sự nghiệp thiêng liêng và vĩ đại này,” ngài nói.

“Phéplạ trên sông Dnipro đang bày ra trước mắt chúng ta, đó là một công việc được Chúa chúc lành. Chúng ta chiến đấu để giành chiến thắng, nhưng chiến thắng này là do Thiên Chúa của chúng ta ban cho chúng ta.”
Source:Catholic News Agency
 
Bảo vệ đàn chiên một linh mục ở Ukraine bị quân Nga hạ sát
Đặng Tự Do
05:47 29/03/2022


Cha Rostyslav Dudarenko ngẩng cao đầu khi cố gắng đối đầu với những kẻ xâm lược. Sau đó ngài bị bắn.

Vị linh mục không có vũ khí. Ngài giơ một cây thánh giá lên trước mặt khi chạy ra ngoài để đối đầu với quân xâm lược của Nga, có thể hy vọng kêu gọi bản năng đạo đức của họ để anh chị em giáo dân có thể trốn thoát một cách an toàn. Nhưng ngài đã bị bắn chết.

Cha Rostyslav Dudarenko, một linh mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine, đang hỗ trợ các tình nguyện viên dân sự quản lý một trạm kiểm soát ở lối vào thị trấn của họ, khi ngài bị giết vào ngày 5 tháng 3, chưa đầy hai tuần sau khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu. Như đã xảy ra trên khắp đất nước, thường dân Ukraine đã cố gắng ở nơi họ có thể, để hỗ trợ quân đội Ukraine – bị áp đảo về số lượng bởi các lực lượng xâm lược.

Cha Dudarenko, 45 tuổi, là linh mục quản xứ ở làng Yasnohorodka, cách thủ đô Kiev khoảng 25 dặm về phía tây. Ngài và khoảng một chục người khác đang kiểm tra xe hơi trên đường vào làng thì biết được rằng ba xe tăng Nga đã lái đến Yasnohorodka. Một nhân chứng, tên là Yukhym, nói với BBC rằng nhóm tình nguyện viên đã rời trạm kiểm soát để trốn trong rừng, sẵn sàng đối đầu với xe tăng nếu cần thiết.

Khi đến gần trạm kiểm soát, quân đội Nga bắt đầu “bắn về mọi hướng”, một nhân chứng, tên là Yukhym, nói với BBC rằng “Khi họ nhận ra chúng tôi đang trốn trong bãi cỏ, họ đã lái xe tăng chạy tới chỗ chúng tôi.”

“Tôi thấy Cha Rostyslav giơ cây thánh giá lên trên đầu, đứng dậy khỏi nơi ẩn náu, hét lên điều gì đó và đi về phía họ,” Yukhym nói. “Có lẽ ngài muốn ngăn họ lại. Tôi đã cố gắng gọi ngài quay lại”.

Sau đó, các phát súng đã được bắn về phía Cha Dudarenko. Theo Yukhym, chúng dường như đang nhắm thẳng vào vị linh mục. “Ngài chỉ bước được một vài bước và bị ngã.”

Yukhym, người bị bắn và bị thương trong vụ tấn công, tin rằng tất cả mọi người trong nhóm đã thiệt mạng nếu các quân nhân Ukraine không đến kịp để đẩy lùi quân Nga.
Source:Aleteia
 
Nhật ký trừ tà # 183: Trinh nữ Vladimir
Đặng Tự Do
05:48 29/03/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #183: The Virgin of Vladimir”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 183: Trinh nữ Vladimir”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bức ảnh Đức Maria mà tôi có không có gì đặc biệt hấp dẫn, ít nhất là trên bề mặt. Gam màu tối và vẻ mặt Đức Maria ảm đạm, gần như không vui. Tôi đã được tặng bức ảnh cách đây nhiều năm và tôi đã định tặng lại cho người khác, nhưng sau đó tôi cảm thấy tiếc, không nên cho bức ảnh này đi. Vì vậy, tôi đã giữ lại. Trong nhiều năm, tôi đã cầu nguyện với bức ảnh hàng ngày, vì bức ảnh nằm cạnh nhà tạm. Bây giờ, khi tôi đang đi trên đường, tôi cảm thấy nhớ bức ảnh đến nỗi nếu tôi đi công tác xa, thỉnh thoảng tôi sẽ gói bức ảnh lại và mang theo bên mình; kết nối của tôi với bức ảnh đã trở nên mạnh mẽ.

Hai tuần sau cuộc xâm lược Ukraine, tôi có cảm hứng nhìn vào mặt sau của biểu tượng kỹ hơn và tìm hiểu nguồn gốc của nó. Dòng chữ xác định nó là: “Trinh nữ Vladimir.” Tôi đã xem xét kỹ bức ảnh và thấy rằng bức ảnh này có thể là một bản sao của bức ảnh Byzantine thế kỷ 12 đã được tặng cho thành phố Kiev của Ukraine và sau đó được đặt tại thành phố Vladimir của Ukraine, trước khi cuối cùng được chuyển giao và cư trú ngày nay ở Mạc Tư Khoa. Đã có rất nhiều phép lạ được quy cho bức ảnh. Tại sao tôi đã cầu nguyện trước Đức Trinh Nữ của Ukraine trong nhiều năm?

Một điều thú vị nữa là một trong những trường hợp khó khăn nhất của chúng tôi lại liên quan đến một phụ nữ trẻ người Ukraine. Gần đây nhất, cô đã gần như được giải phóng hoàn toàn khỏi bị ma quỷ ám ảnh. Tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ với lòng dũng cảm và sức mạnh của cô ấy. Ngay cả những con quỷ nói rằng chúng rất ngạc nhiên khi cô ấy vẫn còn sống. Cô ấy là một người phụ nữ mạnh mẽ. Sự giải phóng của một người Ukraine có đóng góp một cách khiêm tốn, theo một cách nào đó, vào sự giải phóng tinh thần của một quốc gia không?

Và sau đó, trước khi chiến tranh nổ ra, tôi đã có vinh dự được gặp Michael Brown, người sáng lập Spirit Daily. Anh ấy nói với tôi về người bạn Ukraine Josyp Terelya của anh ấy, người đã bị tra tấn trong nhiều thập kỷ bởi những người Cộng sản vì ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Ukraine và đức tin Công Giáo nhiệt thành của anh ấy, nhưng không bao giờ khuất phục. Ông được tường trình rất yêu mến các cuộc hiện ra của Đức Mẹ và cuốn sách “Nhân chứng” đề cập đến cuộc đời ông của Michael Brown là cuốn sách nhất định phải đọc. Nó cho thấy tầm quan trọng tinh thần của Ukraine và vai trò của Đức Mẹ. Điều thú vị là Mariupol, tâm điểm của những hành động tàn bạo nhân đạo gần đây, thực sự có nghĩa là: Thành phố của Đức Maria.

Tôi không biết tất cả những điều này có nghĩa là gì. Nhưng tôi bị thuyết phục về ba điều. Thứ nhất. Cuộc chiến ở Ukraine có ý nghĩa tinh thần vô cùng to lớn. Thứ hai: Niềm tin và sức mạnh của những người nam nữ Ukraine thật đáng kinh ngạc. Thứ ba, Đức Mẹ tham gia một cách mãnh liệt vào tất cả những gì đang diễn ra và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ chiến thắng!

Về phần mình, tôi tiếp tục cầu nguyện trước bức ảnh Đức Mẹ đồng trinh Vladimir. Tôi tham gia vào lời kêu cầu khẩn thiết xin Đức Mẹ ban hòa bình cho quốc gia này. Tôi có một niềm hy vọng mãnh liệt rằng những ngày sắp tới sẽ nhanh chóng kết thúc khi tàn dư của chủ nghĩa cộng sản vô thần sẽ bị đè bẹp dưới gót chân Đức Mẹ (Gn 3:15).
Source:Catholic Exorcism
 
Nhẫn vàng bị đánh cắp từ tượng Thánh Nicholas trong nhà thờ Ý
Đặng Tự Do
16:13 29/03/2022


Một tên trộm đã đột nhập vào Vương cung thánh đường Thánh Nicholas ở thành phố Bari, miền nam nước này vào ban đêm, lấy trộm một chiếc nhẫn vàng từ ngón tay của một bức tượng của vị thánh, người được các Kitô hữu Công Giáo và Chính thống tôn kính và di tích của người đã thu hút rất nhiều khách hành hương từ Nga đến ngôi thánh đường Ý này.

Nhật báo Corriere della Sera dẫn lời cảnh sát ở Bari cho biết các camera giám sát video cho thấy một người đàn ông đội mũ trùm đầu và đeo mặt nạ phá cửa kim loại để vào nhà thờ trước bình minh hôm thứ Ba. Các nhân viên nhà thờ cho biết tên trộm đã lấy trộm tiền của các tín hữu để lại trong một chiếc hộp đựng tiền và mở một tủ kính trưng bày một bức tượng cao mô tả vị thánh.

Bên cạnh chiếc nhẫn, kẻ trộm còn lấy đi một cuốn sách được trang trí bằng bạc mà bức tượng của vị thánh cầm trên tay

Thánh Nicholas được tôn kính nhiều ở Bari, một thành phố cảng Adriatic, và sự nổi tiếng của ngài được coi là cầu nối giữa Tây và Đông.

“Với cử chỉ này, tên trộm đã chạm đến thần kinh của các tín hữu và văn hóa Bario,” Đức Tổng Giám Mục Bari Giuseppe Satriano nói với TV2000, một đài truyền hình Công Giáo Ý. Ngài cho rằng những đồ vật bị đánh cắp sẽ khó bán vì chúng nổi tiếng và được xếp vào danh mục.

Thị trưởng Bari, ông Antonio Decaro, cho biết:

Vương cung thánh đường là một điểm đến hành hương nổi tiếng, đặc biệt là đối với du khách đến từ Nga. Năm 2003, một bức tượng của vị thánh đã được dựng lên bên ngoài nhà thờ như một món quà của Tổng thống Nga Putin.

Sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ 3, thánh Nicholas là vị thánh bảo trợ của các thủy thủ. Khi còn trẻ, Nicholas đã lên một con tàu để hành trình đến Thánh Địa, và trên đường trở về, con tàu đã bị đe dọa bởi một cơn bão lớn. Sau khi ngài cầu nguyện, sóng đã dịu dần. Các thủy thủ từ Bari cuối cùng đã mua được hài cốt của ngài và đưa hài cốt của thánh nhân đến thành phố miền nam nước Ý vào năm 1087, nơi sau đó hài cốt của thánh nhấn được chôn cất trong hầm mộ của một nhà thờ mới.
Source:AP

 
Đức Tổng Giám Mục Riga thăm trẻ em tị nạn Ukraine
Đặng Tự Do
16:14 29/03/2022


Đức Tổng Giám Mục Zbigņev Stankevičs đã đến thăm trẻ em tị nạn Ukraine ở Latvia hay còn gọi là Lithuania, vào hôm thứ Sáu, chào mừng các em đến đất nước khi một cuộc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của các em đang được chuẩn bị.

Chuyến thăm ngày 25 tháng 3 của Đức Tổng Giám Mục Riga tới Trung tâm dành cho người Ukraine đã đánh dấu ngày lễ Truyền tin và thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội.

Caritas Latvija và Giáo hội trong nước đang tổ chức triển lãm các bức vẽ do trẻ em tị nạn Ukraine thực hiện, sẽ khai mạc vào tháng Năm.

Triển lãm nghệ thuật “nhằm giúp trẻ em vượt qua những căng thẳng về tinh thần mà chúng phải chịu đựng trong khi thoát khỏi sự xâm lược của Nga ở Ukraine và giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn ở một đất nước mới”, một đại diện của Tổng giáo phận Riga nói với CNA.

Cùng tham dự sự kiện này còn có Leonid Grebennyk, Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Ukraine ở Riga. Chuyến thăm được tổ chức bởi Gabriella Cabiere, một nhà sử học nghệ thuật, người phụ trách triển lãm.

Trong chuyến thăm, Đức Tổng Giám Mục Stankevičs đã “chúc phúc cho trẻ em và cha mẹ của chúng và nói chuyện với các tình nguyện viên. Ngài cũng xem các bức vẽ của trẻ em, đánh giá cao khả năng nghệ thuật của các em”

Đức Tổng Giám Mục cũng ban phép lành cho các em, và đọc kinh cùng với Cha Roman Sapuzhak của giáo xứ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Riga.

Cha mẹ của những đứa trẻ sau đó đã nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Stankevičs và Cha Roman về kinh nghiệm của họ, và Đức Tổng Giám Mục đã mời họ đến thăm các giáo xứ Công Giáo của thành phố.
Source:Catholic News Agency
 
Nhật ký trừ tà # 182: Satan làm chứng cho sự thánh thiện của bí tích thánh thể
Đặng Tự Do
16:15 29/03/2022


Thông thường, rất khó để thỉnh được một người bị ma quỷ chiếm hữu hoàn toàn đi tham dự Thánh lễ. Khi chúng ta khuyến khích người đó một cách thường xuyên, người bị quỷ ám cảm thấy kinh hãi Thánh Thể một cách rất lạ lùng. “K” cũng không ngoại lệ. Chúng tôi không thể khiến cô ấy đi nếu không thực sự kéo cô ấy vào Nhà thờ. Và sau đó, ngồi suốt cả Thánh lễ thật đau đớn, nếu không muốn nói là không thể.

Sau nhiều tháng bị trừ tà, cô ấy đã khá hơn nhiều nhưng việc đưa cô ấy vào nhà nguyện vẫn là một cuộc đấu tranh rất lớn. Cuối cùng, chúng tôi đã có thể sắp xếp một thánh lễ riêng cho cô ấy, cha cô ấy và chú của cô ấy. Trong ba ngày trước thánh lễ đã định, cô ấy hầu như liên tục có các cử chỉ phản kháng. Những con quỷ biết những gì đã được lên kế hoạch và chúng đã tìm cách né tránh.

Chúng thao túng cô và mọi người khác, cố gắng phá hoại sự kiện, nhưng không ai nhúc nhích.

Khi ngày đó đến, gia đình của cô, tất cả đã phải vất vả kéo cô ấy vào nhà nguyện. Cô ấy được ngồi giữa hai thành viên trong gia đình, những người đã giữ cô ấy tại chỗ. Sau đó thánh lễ bắt đầu. Khi thánh lễ diễn ra, cô ấy tiếp tục la hét, “Ông đang giết tôi!” Cô ấy nói bụng cô ấy đau và cô ấy cảm thấy buồn nôn. Cô ấy giẫy giụa nhiều lần. Chúng tôi có một cái xô gần đó và cô ấy đã ói vào một lớp bọt trắng xoá trong thùng. Khi Tin Mừng được đọc, cô đã phản ứng dữ dội. Tôi phải thừa nhận rằng tôi rất khó tập trung.

Sau đó, đến phần rước lễ. Sau nhiều lần dỗ dành và cuối cùng là cha cô ấy phải ra lệnh, cô ấy đã mở miệng. Khi tôi đến gần với Mình Thánh, cô ấy hét lên, “Ông đang đốt cháy tôi!” Tôi đưa Mình Thánh Chúa vào miệng cô ấy. Cô đập tay mạnh xuống ghế và cố gắng nhổ bánh thánh ra, nhưng cha cô đã giữ miệng cô lại. Sau đó, cô ấy nói rằng Bánh Thánh có vị giống như “tro”.

Sau khi thánh lễ kết thúc, cô trở lại là chính mình. Cô ấy nói những con quỷ đã biến mất, ít nhất là tạm thời và cô ấy đã bình an. Cô ấy cười, nói đùa và vui vẻ.

Satan, dù không chủ ý, đã làm chứng cho tất cả những gì là thánh thiêng. Nó quằn quại khi bị rảy nước thánh; nó co rúm người khi nhìn thấy một cây thánh giá được làm phép; và nó điên cuồng hét lên khi tiếp xúc với Bí tích Thánh Thể.

Về phần mình, chúng tôi cũng làm chứng cho sự thánh thiện của Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cúi mình trước Thánh Thể trong nhà tạm; chúng ta tôn thờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong giờ chầu Thánh Thể; chúng ta rước Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu trong Thánh lễ với lòng tôn kính cao độ.

Như Thánh Tôma đã viết: Chúng ta thật diễm phúc biết bao khi nhận được “bánh của các thiên thần!” (Panis Angelicus)
Source:Catholic Exorcisms
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ tạ ơn mừng các Phó tế ngày 28-3-2022
Văn Minh
08:49 29/03/2022
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, vậy anh em hãy xin chủ thợ gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2).

Trong tâm tình cảm tạ và tri ân, vào chiều thứ Hai, ngày 28-3-2022, tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, cha giáo Giuse Đỗ Xuân Vinh đã về giáo xứ Vĩnh Hòa dâng thánh lễ tạ ơn cầu nguyện cho hai thầy (Phó tế) Giuse Nguyễn Mạnh Tùng và Đaminh Lê Công Nguyên đã được Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Giuse Nguyễn Năng, TGP Sài Gòn, phong chức Phó tế vào lúc 8g30 sáng ngày 28-3-2022, tại Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn.

Xem Hình

Thánh lễ tạ ơn diễn ra lúc 17g30, do cha giáo Giuse Đỗ Xuân Vinh chủ tế. Đồng tế cùng ngài có linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán – Chánh xứ Vĩnh Hòa, Lm Giuse Lê Ngọc Đa - Chánh xứ Bình Thuận – giáo hạt Bình An, (nghĩa phụ) của thầy Đaminh Lê Công Nguyên, Lm Antôn Nguyễn Thanh Hà, Dòng Ngôi Lời và các Lm bản hương.

Đầu lễ, Lm Chánh xứ thay mặt cộng đoàn giáo xứ ngỏ lời chào mừng các Lm đã về ngôi nhà thờ đá giáo xứ Vĩnh Hòa thân thương nhỏ bé hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn hôm nay. Đặc biệt, cảm ơn ông bà cố và hai gia đình của các thầy, đã có người con đóng góp cho Giáo hội hy sinh dâng mình để làm chứng nhân cho Chúa Kitô.

Trong phần giảng lễ, thầy Giuse Nguyễn Mạnh Tùng dựa bài Tin Mừng (Lc 4, 21-30) chia sẻ qua dụ ngôn ơn chữa lành: Theo lẽ thường, mỗi khi một người nào đó bị đau yếu bệnh tật thì chúng ta sẽ đi đến bệnh viện hoặc tìm các bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho mình. Qua trường hợp người con của một viên sĩ quan cận thần nhà vua kia, khi biết được người con bị một căn bệnh hiểm nghèo, ông đã đi mời các bác sĩ giỏi nhất ở khắp nơi về chữa trị nhưng không đem lại được kết quả. Do đó, vị viên sĩ quan lấy làm tuyệt vọng và thầm nhủ rằng: mình vừa có tiền và lại vừa có quyền mà vẫn bị bất lực trước căn bệnh quái ác đang lấy đi sinh mạng của con ông. Sau cùng, viên sĩ quan ấy chạy đến tìm gặp và cầu xin Chúa Giêsu thương ban chữa lành cho con ông và đã được Chúa nhận lời.

Kết thúc bài giảng, thầy Giuse mời gọi mỗi người tín hữu chúng ta mỗi khi gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống cũng biết chạy đến gặp gỡ và cầu xin Chúa để Ngài thương giúp đỡ cho chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng phải siêng năng đi tham dự thánh lễ và lãnh nhận các Bí tích khác nữa.

Sau phần chia sẻ Lời Chúa là phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông cố Giuse Phạm Văn An – Chủ tịch, thay cộng đoàn lên ngỏ lời cảm ơn các Lm đồng tế và chúc mừng hai thầy Phó tế được nhiều sức khỏe và tràn đầy ân sủng của Đức Kitô, để các thầy ra đi thi hành sứ vụ mà Giáo hội trao phó đạt được kết quả như lòng Chúa ước mong. Tiếp lời cảm ơn, thầy Đaminh Lê Công Nguyên có lời cảm ơn các Lm đồng tế, cách riêng, đối với Lm chủ tế và Lm Chánh xứ Gioakim đã cầu nguyện dìu dắt động viên các thầy trong thời gian qua cũng như thánh lễ hôm nay được tốt đẹp, cùng với những người cầu nguyện giúp đỡ cách âm thầm. Đặc biệt đối với bố mẹ và gia đình, cũng từ đây đã ươm mầm đức tin và là điểm tựa vững bước cho các thầy đi theo ơn Chúa mời gọi. Một lần nữa xin cảm ơn và cầu mong các Lm cùng cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho các thầy được ơn khôn ngoan và ơn bền đỗ đến cùng.

Văn Minh
 
Phóng sự Tĩnh Tâm Mùa Chay 2022 tại Gx ĐMHCG, Garland TX
Trần Mạnh Trác
10:11 29/03/2022
Xem hình ảnh

Trong khung cảnh đầu Xuân hoa đào đua nở tuyệt đẹp, Gx ĐMHCG- Garland TX đã tổ chức 3 ngày Tĩnh Tâm Mùa Chay do LM Phêrô Phạm Duy Khánh, O.P. dòng Đa Minh giảng thuyết.

Cũng như lần trước, 3 ngày tĩnh tâm được tổ chức vào thứ 2,3 và 4 để cho phần đông giáo dân là những người hành nghề dịch vụ có thể thu xếp tham gia. Nếu tổ chức vào cuối tuần như trước thì họ bị công việc gây trở ngại.

Và dĩ nhiên, nhà thờ trên 1000 chỗ đã chật tới 2/3.

Theo lời LM Chánh xứ Phêrô Nguyễn Tất Hải, DCCT, thì việc Cha Phêrô Phạm Duy Khánh tới đây là để trả nợ cái hẹn 2 năm trước, lúc mà đáng lý Ngài đã tới giảng phòng nhưng bị đại dịch ngăn cản.

Cha Khánh cũng là vị phó xứ cuả GX Lộ Đức ở Houston mà chúng tôi đã đề cập trong một phóng sự nhân muà lễ Tạ Ơn năm ngoái.

Đề tài giảng phòng là sự phân định ra Ơn Gọi cuả người Kitô hữu, sống chiều kích hiệp thông, tham gia và chu toàn sứ vụ, giống như một 'Giòng Sông Chảy Ra Bao Nhánh'. Đồng thời, Ngài được yêu cầu giải thích rõ thêm về nỗ lực 'Hiệp Hành' cuà Giào Hội hoàn vũ.

Đó là những đề tài rất lớn, rất nhiều quan điểm, và rất Khô Khan...

Thế mà trong suốt 1 tiếng rưỡi, Cha giảng phòng đã có thể thu hút người nghe, lôi kéo sự chú ý cuả họ cho đến hết, không ai bỏ ra về.

Như một thầy giáo, với một giọng nói ôn tồn và rõ ràng, Ngài nhẫn nại giải thích từng điểm theo trình thuật trên video, nhưng đặc biệt, Ngài đã lồng vào đó những sinh hoạt rất chi tiết cuả ngay Gx ĐMHCG ở đây, giống như ngài là người sống ở Gx này vậy.

Đứng cạnh Cha chánh xứ Phêrô Nguyễn Tất Hải, tôi buột miệng hỏi Ngài:

"Bộ Cha mớm cho Ngài hay sao mà Ngài biết rõ về giaó xứ cuả mình thế?"

"Là có bà con." Cha Hải trả lời, "... Này! Bà con là người trong Liên Minh Thánh Tâm đấy..."

"Hèn chi mà được cảm tình nhiều đến thế!...Khôn đấy chứ?", tôi nói vậy làm cha Hải cũng phải phì cười...

Ngày xưa, Tôn Tử viết binh pháp có câu "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Ngày nay cha giảng phòng còn biết dùng thêm cả 'nội công' nữa đấy!

(Ngoài hình ảnh cuà ngày đầu tiên, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng thêm hình cho đến khi bế mạc.)
 
Văn Hóa
Đám Tang Không Vẳng Tiếng Khóc Than !
Sơn Ca Linh
08:58 29/03/2022
Đám Tang Không Vẳng Tiếng Khóc Than !

(Chút cảm nhận về sự “Ra Đi” của cha Phêrô Nguyễn Văn Kính- Linh mục giáo phận Qui Nhơn)

Thuở còn thơ,
Những đêm sao thường ngước mắt lên trời,
Một ông sao, hai ông sao, ba ông sao...
Trời càng về khuya, có nhiều “ông sao đi ngủ” !

Cõi người ta như bầu trời vần vũ,
Kẻ trước người sau,
Như những vì sao lặng lẽ “một cõi đi về” !
Đời vô thường hôm nay hay “một mai qua cơn mê”,
Cỏ dại bên đường,
Tươi sáng tàn chiều..., qua đi ai tiếc nhớ !

Nhưng có những vì sao,
Ở riêng một “góc trời duyên nợ”,
Nhỏ bé thôi mang những “giọt sáng âm thầm”,
Như chú lừa con trong ngày lễ lá lặng câm (Mc 11,4-11) !
Mang Chúa trên lưng giữa rừng hoa vang dậy !

Vâng, linh mục, những “vì sao vĩ đại”,
Dẫu chẳng là “sao hôm”, “sao mai” rực sáng giữa trời !
Cái “vĩ đại” của “bà góa nghèo”, “đồng xu nhỏ” thế thôi,
Nên rất nhiều khi,
Chẳng ai biết ai hay khi “vì sao lịm tắt” !

Nên hèn chi,
Ngoài lời ca kinh, chỉ là khoảng không im bặt,
Ngày đưa tang linh mục, không vẳng tiếng khóc than !
Dẫu “đông con nhiều cháu”,
Nhưng chỉ là những thổn thức trong lòng,
Thay giọt lệ, khóc thương bằng lời kinh cảm tạ !

Cảm ơn anh,
Người linh mục âm thầm như “giọt mưa trên lá”,
Như “hạt nắng vô tư” mang hơi ấm cho đời...
Anh ra đi,
Không là những “cây đổ” vang những tiếng ồn ào,
Mà là những “chồi non”,
Mang sức sống đang âm thầm vươn dậy !

Nhắn gởi về anh, hôm nay về “bên ấy”,
Nhớ mỉm cười mà nhìn xuống đàn em.
Như vì sao vẫn rực chiếu đêm đêm,
Mà thắp sáng,
Niềm hy vọng Phục Sinh giũa đêm đời nhân thế !

Sơn Ca Linh (28.3.2022)
 
VietCatholic TV
Tĩnh Tâm Mùa Chay 2022 Cùng Giáo Triều Rôma: Bài thứ ba – Hiệp Thông Thánh Thể
VietCatholic Media
02:53 29/03/2022

Bên cạnh rất nhiều tai ương mà đại dịch Covid đang gây ra cho nhân loại, từ quan điểm của đức tin đã có ít nhất một tác động tích cực. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà sự thiếu vắng Bí tích Thánh Thể tạo ra; đại dịch đã giúp chúng ta không coi Bí Tích Thánh Thể là điều hiển nhiên.

Một số Giáo Hội địa phương và quốc gia đã quyết định dành năm hiện tại cho một bài giáo lý đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì mong muốn có một sự phục hưng về Bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Theo Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đó là một quyết định đúng lúc và là một tấm gương để noi theo, khi đề cập đến một số khía cạnh có lẽ ít được xem xét về Bí Tích Thánh Thể. Do đó, ngài dành những suy tư của Mùa Chay 2022 để trình bày về mầu nhiệm Thánh Thể để nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, không chỉ về mặt ý định mà thôi, nhưng là “thực sự” trong cái thế giới dường như có thể tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào.

Trong hai bài tĩnh tâm trước, Đức Hồng Y đã trình bày phần thứ nhất Phụng vụ Lời Chúa, và phần thứ Hai là Phụng Vụ Thánh Thể.

Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 25 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đã có bài thuyết giảng thứ ba cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề của bài giảng này là “Hiệp Thông Thánh Thể” hay rước lễ.

Mở đầu bài suy niệm, Đức Hồng Y nói:

Trong các bài giáo lý khai tâm của chúng ta về Bí tích Thánh Thể - sau phần Phụng vụ Lời Chúa và việc Truyền phép – giờ đây chúng ta đã đạt tới phần thứ ba, đó là phần hiệp lễ.

Đây là thời điểm trong Thánh lễ thể hiện rõ ràng nhất sự hiệp nhất và bình đẳng cơ bản của mọi thành phần dân Chúa, không có bất kỳ sự phân biệt nào về cấp bậc và thừa tác vụ. Trước thời điểm này, ta có thể thấy sự hiện diện rõ rệt của sự phân biệt giữa các thừa tác vụ: trong Phụng vụ Lời Chúa, có sự phân biệt giữa Giáo Hội giảng dạy và Giáo Hội học tập; trong phần truyền phép, có sự phân biệt giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế phổ quát. Trong phần hiệp lễ thì không hề có sự phân biệt nào cả. Người tín hữu được rước lễ y như các linh mục và giám mục. Hiệp thông Thánh Thể là lời tuyên xưng mang tính bí tích rằng: trong Giáo Hội, tư cách thành viên trong Giáo Hội, hay koinonia, cao hơn và quan trọng hơn phẩm trật.

Chúng ta hãy suy tư về hiệp thông Thánh Thể khởi đi từ một bản văn của thánh Phaolô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).

Từ ngữ “thân thể” xuất hiện hai lần trong hai câu trên, nhưng với ý nghĩa khác nhau. Trong trường hợp thứ nhất (“Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?”), từ ngữ “Thân thể” ở đây chỉ thân thể đích thật của Đức Kitô, sinh ra bởi Đức Maria, đã chết và sống lại; còn trong trường hợp thứ hai (“chúng ta là một thân thể”), ở đây, “thân thể” nói về nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo Hội. Nói một cách rõ ràng và súc tích nhất là thế này: hiệp thông Thánh Thể luôn là hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với anh chị em của chúng ta; nghĩa là trong đó có một sự hiệp thông chiều dọc, và một sự hiệp thông chiều ngang. Chúng ta hãy bắt đầu với chiều kích đầu tiên.

Hiệp thông với Chúa Kitô

Loại hiệp thông nào được thiết lập giữa chúng ta và Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể? Thưa: trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, chương 6 câu 57, Chúa Giêsu nói: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, và Ta sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Ta, cũng sẽ nhờ Ta mà được sống như vậy”. Giới từ “nhờ” ở đây (trong tiếng Hy Lạp là dià) có giá trị nguyên nhân và chung cuộc; nó chỉ ra cả chuyển động của điểm xuất phát và chuyển động của điểm đến. Có nghĩa là ai ăn thân thể Đức Kitô, thì sống “nhờ” Người, tức là sống nhờ vào sự sống đến từ Người; và sống “cho” Người, tức là cho vinh quang của Người, tình yêu của Người, Vương quốc của Người. Như Chúa Giêsu sống nhờ Chúa Cha và cho Chúa Cha, cũng thế, khi hiệp thông bản thân chúng ta trong mầu nhiệm Mình và Máu Chúa Giêsu, chúng ta sống nhờ Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu.

Trên thực tế, chính yếu tố mạnh nhất biến hóa yếu tố kém hơn vào chính nó, chứ không phải ngược lại. Rau biến hóa khoáng chất, chớ không phải ngược lại; động vật biến hóa cả rau và khoáng chất, chớ không phải ngược lại. Vì thế, trên bình diện thiêng liêng, chính Thiên Chúa biến hóa con người, chớ không phải ngược lại. Vì vậy, trong tất cả các trường hợp khác, người ăn là người biến hóa những gì mình ăn, ở đây, trong Bí tích Thánh Thể, chính Đấng bị ăn đồng hóa những ai đón nhận Người. Đối với những ai tiến lên lãnh nhận Thánh Thể, Chúa Giêsu lặp lại điều mà thánh Augustinô đã nghe chính Người nói: “Không phải ngươi sẽ đồng hóa Ta thành ngươi, nhưng chính Ta sẽ đồng hóa ngươi thành Ta”

Một triết gia vô thần đã nói: “Con người là những gì anh ta ăn” (F. Feuerbach), nghĩa là ở con người không có sự khác biệt về chất giữa vật chất và tinh thần, mà mọi thứ đều được giản lược trong thành phần hữu cơ và vật chất. Một người vô thần đã đưa ra công thức tốt nhất về một mầu nhiệm Kitô giáo, dù ông không biết về điều đó. Nhờ Thánh Thể, người Kitô hữu mới thực sự là những gì mình ăn! Trước đó rất lâu, thánh Lêô Cả cũng đã viết: “Việc chúng ta tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô, không nhằm điều gì khác hơn là làm cho chúng ta trở thành Đấng mà chúng ta đã ăn”

Do đó, trong Bí tích Thánh Thể, không chỉ có sự hiệp thông giữa Chúa Kitô và chúng ta, mà còn có sự đồng hóa; hiệp thông không chỉ là sự kết hợp của hai thân thể, hai tâm trí, hai ý chí, nhưng nó là sự đồng hóa nên một thân thể, một tâm trí và ý chí của Đức Kitô. “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (1Cr 6,17).

Chất dinh dưỡng – ăn và uống - không phải là hình thái tương đồng duy nhất mà chúng ta có đối với hiệp thông Thánh Thể, ngay cả khi nó không thể thay thế được. Có điều gì đó mà từ dinh dưỡng không lột tả hết được, cũng như khi ta dùng quan hệ giữa cây nho và cành nho để nói về sự hiệp thông, cách diễn tả ấy không nói hết được ý nghĩa. Đó là sự hiệp thông giữa các vật, không phải giữa con người với nhau. Chúng giao tiếp, nhưng chúng không biết chúng giao tiếp. Tôi muốn nhấn mạnh vào một phép tương tự khác có thể giúp chúng ta hiểu bản chất của hiệp thông Thánh Thể là một sự hiệp thông giữa những người nhận biết và muốn sống trong tình hiệp thông.

Thư gửi tín hữu Êphêxô nói rằng hôn nhân của con người là biểu tượng của sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn đề cập đến Đức Kitô và Hội Thánh.” (Ep 5,31-33). Dùng một hình ảnh táo bạo nhưng chân thực, ta có thể nói rằng Bí tích Thánh Thể là sự viên mãn của cuộc hôn nhân giữa Chúa Kitô và Hội thánh, và đời sống Kitô hữu không có Thánh Thể là một cuộc hôn nhân được phê chuẩn nhưng không viên mãn. Trong phần hiệp lễ, vị chủ tế nói: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa!” (Beati qui ad coenam Agni vocati sunt) và Sách Khải Huyền - mà từ đó cụm từ này được trích - nói rõ ràng hơn: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!” (Kh 19:9).

Giờ đây - một lần nữa theo thánh Phaolô – hệ quả tức thì của hôn nhân là thân xác (nghĩa là toàn thể con người) của người chồng trở thành của người vợ và ngược lại, thân thể của vợ trở thành thân thể của chồng (x. 1Cr 7,4). Điều này có nghĩa là xác thịt không hư nát và ban sự sống của Ngôi Lời nhập thể trở thành “của tôi”, nhưng cũng là xác thịt của tôi, nhân tính của tôi, trở thành của Đức Kitô, do Người làm nên của riêng Người. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng Chúa Kitô cũng “lãnh nhận” mình và máu chúng ta nữa! Thánh Hilariô thành Poitiers viết, Chúa Giêsu “nhận lãnh xác thịt của những ai nhận lãnh Ngài”. Chúa Kitô nói với chúng ta: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy”, nhưng chúng ta cũng có thể nói với Chúa rằng: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình con”.

Bây giờ chúng ta hãy cố gắng hiểu hệ quả của tất cả những điều này. Trong cuộc sống trần thế của Người, Chúa Giêsu không có tất cả những kinh nghiệm con người có thể có và có thể tưởng tượng được. Đầu tiên, Ngài là một người đàn ông, không phải một người phụ nữ: Chúa Giêsu không kinh qua kinh nghiệm của một nửa nhân loại; Người không kết hôn, Người không trải nghiệm được ý nghĩa của việc kết hợp trọn đời với một thụ tạo khác, để sinh con cái, hoặc tệ hơn là mất con; Người chết khi còn trẻ và Người không biết đến tuổi già...

Nhưng bây giờ, nhờ Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu có tất cả những kinh nghiệm này: tình trạng của nữ giới nơi người phụ nữ, tình trạng bệnh tật nơi người đau yếu, tình trạng già nua nơi người cao niên, tình trạng bấp bênh nơi những người di cư, nỗi kinh hoàng của người hứng chịu bom đạn... Không có gì trong đời tôi mà không thuộc về Đức Kitô. Không ai nên nói: “A! Chúa Giêsu không biết thế nào là lấy chồng, làm đàn bà, mất con, ốm đau, già yếu, trở thành người đen đủi!”

Điều mà Đức Kitô đã không thể sống “theo xác thịt”, thì bây giờ Người sống và “kinh nghiệm” như đã sống lại “theo Thần Khí”, nhờ sự hiệp thông phu phụ trong Thánh Lễ. Thánh nữ Êlisabét Chúa Ba Ngôi đã hiểu được lý do sâu xa của điều này khi thánh nữ viết cho mẹ mình: “Tân nương nay thuộc về lang quân. Đức Lang Quân của con giờ đây đã có được con rồi. Chúa muốn con trở thành một nhân tính được thêm vào cho Người”.

Thật là một lý do vô tận để ngạc nhiên và an ủi khi nghĩ rằng nhân loại của chúng ta trở thành nhân tính của Đức Kitô! Nhưng cũng có trách nhiệm từ tất cả những điều này! Nếu mắt tôi đã trở thành mắt của Đức Kitô, miệng tôi là của Đức Kitô, thì sao tôi có thể để cho mắt tôi nhìn vào những hình ảnh dâm ô, hay để lưỡi tôi nói lời chống lại anh em mình, hay để thân thể tôi bị dùng như một công cụ của tội lỗi. “Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!”, thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Côrintô với sự kinh hoàng như thế (1Cr 6:15).

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả; phần đẹp nhất vẫn còn bị thiếu. Thân thể nàng dâu thuộc về chàng rể; đúng, nhưng thân thể của chàng rể cũng thuộc về nàng dâu. Từ việc cho đi, chúng ta phải ngay lập tức chuyển qua việc nhận lãnh trong sự hiệp thông. Chúng ta không nhận lãnh điều gì khác hơn là sự thánh thiêng của Đức Kitô! “Sự trao đổi kỳ diệu” (admirabile commercium) mà phụng vụ nói đến sẽ thực sự diễn ra ở đâu trong đời sống của người tín hữu, nếu nó không được thực hiện vào lúc hiệp lễ?

Ở đó, chúng ta có cơ hội trao cho Chúa Giêsu những chiếc áo rách bẩn thỉu của mình và đón nhận từ Người “áo choàng công chính” (Is 61,10). Thật vậy, có lời chép rằng “chính nhờ Thiên Chúa, Đức Kitô Giêsu đã trở nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh hóa và ơn cứu chuộc cho chúng ta” (x. 1Cr 1,30). Những gì Người đã trở nên “cho chúng ta” thì đã được tiền định cho chúng ta, thuộc về chúng ta. Cabasilas viết: “Vì chúng ta thuộc về Chúa Kitô hơn thuộc về chúng ta, ‘Người đã trả giá đắt mà chuộc lấy chúng ta’ (1Cr 6:20), thật trái ngược là những gì thuộc về Chúa Kitô thì lại thuộc về chúng ta hơn là nếu nó là của chúng ta”. Chúng ta chỉ cần nhớ một điều: chúng ta thuộc về Đức Kitô nhờ quyền [làm con cái Chúa], Người thuộc về chúng ta bởi ân sủng!

Đó là một khám phá có khả năng chắp cánh cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Đây là một sự đột phá của đức tin và chúng ta nên cầu nguyện xin Chúa đừng để chúng ta chết trước khi chúng ta đạt được đức tin đó.

Hiệp thông với Chúa Ba Ngôi

Suy niệm về Bí tích Thánh Thể cũng giống như nhìn thấy những chân trời ngày càng rộng lớn đang mở ra trước mặt một người khi người đó càng tiến lên cao thì càng nhìn xa hết mức mắt có thể nhìn thấy. Chân trời Kitô học về sự hiệp thông mà chúng ta đã chiêm ngưỡng cho đến nay mở ra một chân trời Ba Ngôi. Nói cách khác, nhờ hiệp thông với Chúa Kitô, chúng ta tiến vào sự hiệp thông với cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong “lời nguyện hiến tế”, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha rằng: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17:23). Những lời: “Con ở trong họ và Cha ở trong con” có nghĩa là Chúa Giêsu ở trong chúng ta và Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu. Vì vậy, người ta không thể đón nhận Chúa Con mà không đón nhận Chúa Cha đến với mình. Lời của Đức Kitô: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9) cũng có nghĩa là “ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Cha Thầy”.

Lý do tối cao cho điều này là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một và bản tính thần linh không thể tách rời, tất cả Ba Ngôi là “một”. Về vấn đề này, thánh Hilariô thành Poitiers đã viết: “Chúng ta kết hiệp với Đức Kitô, Đấng không thể tách rời khỏi Chúa Cha. Khi ở trong Chúa Cha, Người vẫn hiệp nhất với chúng ta; do đó, chúng ta cũng đi đến sự hiệp nhất với Chúa Cha theo cách đó. Thật vậy, Đức Kitô ở trong Chúa Cha một cách đồng bản tính, vì Người được sinh ra bởi Chúa Cha; nhưng theo một cách nào đó, chúng ta cũng nhờ Đức Kitô mà được ở trong Chúa Cha một cách đồng bản tính. Đức Kitô sống nhờ Chúa Cha, và chúng ta sống nhờ nhân tính của Người”

Trong Bí tích Thánh Thể có một bản sao bí tích của những gì đã diễn ra trong lịch sử cuộc đời trần thế của Đức Kitô. Vào giây phút giáng sinh trên trần thế, chính Chúa Thánh Thần đã ban Chúa Kitô cho thế giới (Mẹ Maria đã thụ thai bởi phép của Chúa Thánh Thần!); vào giờ chết, chính Chúa Kitô là Đấng ban Thánh Thần cho thế gian (khi trút hơi thở cuối cùng, Người đã “trao Thần Khí”). Tương tự, trong Bí tích Thánh Thể, lúc truyền phép, chính Chúa Thánh Thần ban Chúa Giêsu cho chúng ta, vì nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, mà bánh được biến đổi thành thân thể Đức Kitô; tại thời điểm hiệp lễ, chính Đức Kitô, Đấng đến trong chúng ta, ban Thánh Thần cho chúng ta.

Thánh Irênê (người mà cuối cùng là Tiến sĩ của Hội thánh!) nói rằng: Chúa Thánh Thần là “chính sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô”. Trong sự hiệp thông, Chúa Giêsu đến với chúng ta với tư cách là Đấng ban Thần Khí. Không phải như Người xưa kia đã ban Thánh Thần, nhưng như Người bây giờ, một lần nữa, khi hiến tế trên bàn thờ, “Người trao Thần Khí” (x. Ga 19,30).

Tất cả những gì tôi đã nói về Chúa Ba Ngôi và Thánh Thể được tóm tắt một cách trực quan trong biểu tượng bức tranh của Rublev về ba Thiên thần xung quanh bàn thờ. Cả Ba Ngôi ban cho chúng ta Thánh Thể và tự hiến cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể không chỉ là Lễ Phục sinh hàng ngày của chúng ta; đó cũng là Lễ Hiện Xuống hàng ngày của chúng ta nữa!

Hiệp thông với nhau

Từ những đỉnh cao chóng mặt này, giờ đây chúng ta hãy trở lại trần gian và chuyển sang chiều kích thứ hai của hiệp thông Thánh Thể: đó là hiệp thông với nhiệm thể Chúa Kitô là Hội thánh. Chúng ta hãy nhớ lại lời của thánh Phaolô Tông đồ rằng: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10:17).

Phát triển một tư tưởng đã được phác thảo trong sách Didache, thánh Augustinô nhìn thấy một phép tương đồng trong cách thức mà hai thân thể của Đức Kitô được hình thành: Thánh Thể và Hội thánh. Trong trường hợp của Bí tích Thánh Thể, trước hết chúng ta có lúa mì rải rác trên các ngọn đồi, lúa mì được đập, xay, trộn trong nước và nấu trên lửa trở thành bánh dâng lên bàn thờ; còn trong trường hợp của Hội thánh, chúng ta có vô số người, những người hiệp nhất bằng cách rao giảng Tin Mừng, bằng cách ăn chay và sám hối, dìm vào trong nước khi làm phép rửa và nấu chín trong lửa của Thánh Linh, tạo thành thân thể là Hội thánh.

Về bình diện này, lời của Đức Kitô ngay lập tức đến với chúng ta: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5:23-24). Nếu anh chị em đi rước lễ, nhưng anh chị em đã xúc phạm một người anh chị em của mình, và anh chị em chưa hòa giải, anh chị em chứa một mối hận thù, thì theo thánh Augustinô, anh chị em giống một người nhìn thấy một người bạn lâu năm không gặp tiến đến với mình. Người ấy chạy đến với người bạn, nhón chân lên hôn lên trán người bạn… Nhưng khi làm điều này, người ấy đã không để ý rằng, mình đang dẫm lên chân người bạn bằng đôi giày đinh của mình. Các anh chị em của chúng ta là đôi chân của Chúa Giêsu, Đấng vẫn còn bước đi trên trần gian.

Hiệp thông với những người nghèo

Điều này đặc biệt đúng đối với những người nghèo, những người khốn khổ, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Đấng đã nói về bánh: “Này là Mình Thầy”, thì cũng nói về người nghèo. Đức Giêsu đã nói điều này khi đang nói về những gì đã làm cho những kẻ đói, kẻ khát, người tù và người trần truồng, thì Người tuyên bố trịnh trọng rằng: “các ngươi đã làm cho chính Ta vậy!”. Điều này chẳng khác nào nói: “Vì xưa Ta đói; Ta khát; Ta là khách lạ; Ta đau yếu; Ta ngồi tù” (x. Mt 25: 35ff). Tôi đã nhớ những lần mà khoảnh khắc khi sự thật này gần như bùng nổ trong tôi. Tôi đang thực hiện một nhiệm vụ ở một đất nước rất nghèo. Băng qua các con đường của thủ đô, tôi thấy đâu đâu cũng có những đứa trẻ phủ trên mình một vài mảnh áo rách bẩn thỉu, chạy theo xe rác để kiếm chút gì ăn. Vào một khoảnh khắc nào đó, cứ như thể Chúa Giêsu đang nói với tôi rằng: “Hãy xem kỹ: đó là thân thể Thầy!”.

Người em gái của triết gia vĩ đại Blaise Pascal kể sự việc này với anh Pascal. Trong lần đau ốm cuối cùng của mình, Pascal không thể giữ lại trong miệng bất cứ thứ gì ông đã ăn, và vì thế mà họ không cho ông ta nhận Thánh Thể như của ăn đàng khi ông nhất quyết yêu cầu. Sau đó, ông nói: “Nếu không thể ban phép Thánh Thể cho tôi, thì ít nhất hãy để một người nghèo khó nào đó vào phòng của tôi. Nếu tôi không thể hiệp thông với Đấng là Đầu, thì tôi muốn rằng, ít nhất tôi cũng phải được hiệp thông với các chi thể của Người”.

Trở ngại duy nhất cho việc rước lễ mà thánh Phaolô nêu rõ ràng là sự kiện trong khi họp cộng đoàn là, “kẻ thì đói, người lại say”: “Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say” (1Cr 11:20-21). Nói “đây không phải là ăn Bữa Tiệc Ly của Chúa” chẳng khác nào nói: bữa ăn của bạn không còn là Thánh Thể đích thực nữa! Đó là một tuyên bố mạnh mẽ, ngay cả từ quan điểm thần học, mà có lẽ chúng ta không chú ý đến đúng mức.

Ngày nay, tình trạng kẻ ăn không hết người lần không ra không còn là vấn đề địa phương mà là vấn đề toàn cầu. Không thể có điểm chung nào giữa bữa ăn tối của Chúa và bữa ăn trưa của người giàu, nơi ông chủ tổ chức tiệc tùng xa hoa, không để ý đến những người nghèo đang ở trước cổng nhà mình (x. Lc 16:19ff). Mối quan tâm chia sẻ những gì mình có với những người có nhu cầu, gần và xa, phải là một phần không thể thiếu trong đời sống Thánh Thể của chúng ta.

Không có ai có thiện chí mà trong suốt một tuần lại không thể thực hiện một trong những cử chỉ mà Chúa Giêsu nói: “Ngươi đã làm điều đó cho chính Ta vậy”. Chia sẻ không chỉ đơn giản có nghĩa là “cho một cái gì đó”: lương thực, quần áo, lòng hiếu khách; nó cũng có nghĩa là đi thăm một ai đó: một tù nhân, một người bệnh, một người già cả neo đơn sống một mình. Đó không chỉ là đưa mớ tiền giúp đỡ cho một ai đó, mà còn là dành thời giờ cho họ nữa. Người nghèo và những người đau khổ cần tình liên đới và tình yêu thương, không kém gì cơm ăn áo mặc, nhất là trong thời bị phong tỏa cô lập do đại dịch Covid áp đặt.

Đức Giêsu đã nói: “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu!” (Mt 26:11). Điều này cũng đúng theo nghĩa là chúng ta không phải lúc nào cũng có thể rước Mình Thánh Chúa trong Bí tích Thánh Thể, và ngay cả khi chúng ta làm vậy, thì việc hiệp lễ đó cũng chỉ kéo dài vài phút, trong khi chúng ta luôn có thể nhận được Mình Thánh Chúa nơi những người nghèo. Không có giới hạn ở đây, chỉ cần chúng ta muốn là có. Chúng ta luôn có người nghèo ở bên cạnh chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta gặp ai đó đang đau khổ, nhất là khi chúng ta đang phải đối mặt với một số hình thức đau khổ tột cùng nào đó, nếu chúng ta chú ý lắng nghe, chúng ta sẽ nghe thấy, với đôi tai của đức tin, và lời của Chúa Kitô: “Này là Mình Thầy!”.

Tôi xin kết thúc bằng một câu chuyện nho nhỏ mà tôi đã đọc ở đâu đó. Một người đàn ông nhìn thấy một cô bé bị suy dinh dưỡng, đi chân đất và run lên vì rét, và gần như ông tức giận hét lên với Chúa rằng: “Chúa ơi, tại sao Chúa không làm một điều gì đó cho cô bé đi chứ?”. Chúa trả lời ông rằng: “Dĩ nhiên, Ta đã làm một điều gì đó cho cô bé đó rồi: Ta đã dựng nên con để con giúp đỡ cô bé!”

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết nhắc nhở bản thân mình đúng lúc.

1. x. Thánh Augustinô, Tự thuật, VII, 10.

2. Thánh Lêô Cả, Bài giảng số 12, về cuộc thương khó, 7 (CCL 138A, tr. 388).

3. Thánh Hilariô Poitiers, De Trinitate, 8, 16 (PL 10, 248): “Eius tantum in se adsumptam habens carnem, qui suam sumpserit”.

4. Thánh Elisabét Chúa Ba Ngôi, Thư gửi mẹ số 261

5. N. Cabasilas, Đời sống trong Đức Kitô, IV, 6 (PG 150, 613).

6. Thánh Hilariô, De Trinitate, VIII, 13-16 (PL 10, 246ff).

7. Thánh Irênê, Adversus haereses, III, 24, 1.

8. Thánh Augustinô, Sermo Denis, 6 (PL 46, 834ff).

9. x. Thánh Augustinô, Chú giải về Thư thứ nhất của thánh Gioan, 10,8.

10. Cuộc đời của Pascal, trong Biology Pascal, Oeuvres Coalètes, Paris 1954
Source:http://www.cantalamessa.org/?p=4010&lang=en
 
Diễn biến phức tạp: Nga tung lính đánh thuê vào Ukraine, tấn công mạng, đầu độc tài phiệt chủ hòa
VietCatholic Media
02:58 29/03/2022


1. Tranh cãi chung quanh vụ tài phiệt Roman Abramovich và hai quan chức chính quyền Ukraine bị đầu độc

Dan Sabbagh, phân tích gia của tờ The Guardian nhất quyết cho rằng nhà tài phiệt người Nga, chủ của đội bóng Chelsea FC và hai quan chức của Ukraine đã bị đầu độc. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng có thể không phải như thế.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ ý kiến của Dan Sabbagh qua phần trình bày của Kim Thúy.

Có một lịch sử mờ mịt đằng sau vụ tấn công rõ ràng vào Roman Abramovich và hai nhà đàm phán Ukraine

Rõ ràng là có một vụ đầu độc nhắm vào một trong những nhân vật quốc tế được biết đến nhiều nhất của đất nước. Một câu chuyện như vậy thực sự chỉ có thể liên quan đến Nga, quốc gia bị cáo buộc đứng sau hàng chục vụ đầu độc trong thế kỷ qua.

Cốt truyện, theo cách kể ban đầu, có vẻ kỳ lạ: Roman Abramovich, hiện là chủ sở hữu sắp mãn nhiệm của Chelsea FC, và các nhà đàm phán Ukraine tham gia vào các cuộc thảo luận trong hậu trường đã bị nhắm mục tiêu sau một cuộc họp ở Kiev - họ gặp phải các triệu chứng bao gồm da bong tróc, mắt khó chịu và được tường trình là có những giọt nước mắt đau đớn.

Liệu chúng ta có thể chắc chắn rằng họ đã bị đầu độc không? Không hẳn vậy; ba người đàn ông quá bận rộn để có thể cung cấp mẫu cho các nhà phân tích các chất độc của Đức một cách nhanh chóng. Và các triệu chứng của họ, không bao giờ đe dọa đến tính mạng, dường như đã được cải thiện. Vì vậy, giống như một bí ẩn thực sự của Nga, sự thật có thể không bao giờ được biết đến.

Nhưng Điện Cẩm Linh có đủ các phương thức trong lĩnh vực này để việc đầu độc là một nguyên nhân khả thi, lịch sử 100 năm bắt nguồn từ việc Vladimir Lenin thành lập phòng thí nghiệm chất độc Lab X ở Mạc Tư Khoa vào năm 1921.

Những danh xưng, các nhà lãnh đạo và cả ý thức hệ có thể đã thay đổi trong thời kỳ can thiệp, nhưng chế độ hiện tại của Vladimir Putin bị cáo buộc đứng sau nhiều vụ đầu độc những người phản đối Điện Cẩm Linh, bao gồm cả việc sử dụng chất độc thần kinh novichok.

FSB bị cáo buộc cố gắng giết thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny, người đã gục ngã trên một chuyến bay nội địa vào tháng 8 năm 2020 và chỉ sống sót vì được đến các chuyên gia ở Đức để điều trị. Một đặc vụ FSB sau đó đã vô tình tiết lộ cho chính Navalny là FSB đã ra tay trong “đường may bên trong” quần lót của anh ta.

Vài năm trước đó, hai đặc vụ thuộc lực lượng tình báo quân đội GRU đã thực hiện một chuyến đi đến Salisbury, mặc dù họ không có ý định chiêm ngưỡng ngọn tháp nhà thờ cao 123 mét của thành phố, như họ tuyên bố sau này. Novichok, mang trong mình một chai nước hoa ngụy trang, đã được xịt vào tay nắm cửa của ngôi nhà của kẻ đào tẩu và đồng nghiệp cũ Sergei Skripal.

Chuyện đó xảy ra vào là tháng 3 năm 2018 và con gái của Sergei là Yulia đang đến thăm. Vài giờ sau khi các đặc vụ đến thăm, cả hai được tìm thấy trên một băng ghế công viên ở trung tâm thành phố Wiltshire, sùi bọt mép và bất tỉnh.

Họ đã may mắn sống sót. Giống như Navalny, họ được điều trị kịp thời và liều lượng không lớn lắm. Không may mắn như vậy là Dawn Sturgess, người Anh, người bạn đã tìm thấy chai nước hoa bị vứt bỏ trong thùng và đưa nó cho cô vì nghĩ rằng đó là một món quà. Sau khi xịt vào cổ tay vào tháng 7 năm 2018, cô ấy ngã bệnh trong vòng 15 phút và chết vài ngày sau đó.

2. Tổng thống Biden mâu thuẫn với các trợ lý và tái khẳng định lời kêu gọi lật đổ Putin

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ “không xin lỗi” sau khi cho rằng Putin là “tên đồ tể”, không nên được tiếp tục nắm quyền, vào hôm thứ Bẩy tại Ba Lan, đồng thời nói thêm rằng ông đang bày tỏ “sự phẫn nộ về mặt đạo đức”.

Khi được một phóng viên hỏi liệu ông có hối hận khi nói rằng Putin không nên tiếp tục nắm quyền hay không, Biden nói:

“Tôi không quay rút lại bất cứ điều gì… Cả lúc đó, cũng như bây giờ, tôi không trình bày về một sự thay đổi chính sách. Tôi đang bày tỏ sự phẫn nộ về mặt đạo đức mà tôi cảm thấy và tôi không xin lỗi về điều đó”.

Biden nói thêm: “Không ai tin rằng tôi đang nói về việc hạ bệ Putin… không ai tin điều đó. Tôi đang bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi của người đàn ông này”.

Trước đó, khi phát biểu ở Ba Lan, tổng thống Biden nói rằng Putin “không thể tiếp tục nắm quyền”. Các quan chức Mỹ nhanh chóng sửa đổi các bình luận của Biden, nói rằng Biden không kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga.

Đến lượt Nga, người phát ngôn Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, trả lời nhận xét trước đó của Biden rằng: “Việc tổng thống Putin còn nắm quyền không phải do ông Biden quyết định. Nó phải là sự lựa chọn của người dân Liên bang Nga”.

3. Tình hình chiến sự đến hết ngày 28 tháng Ba

Theo bản tin sáng 29 tháng Ba của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, hôm 28 tháng 3, Không quân Ukraine đã đánh trúng 17 mục tiêu trên không của người Nga, bao gồm 8 máy bay và 3 máy bay trực thăng.

Bộ tư lệnh Lực lượng Phòng không của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã thông báo điều này trên Facebook.

Báo cáo cho biết: “Vào ngày 28 tháng 3, Lực lượng Không quân đã tấn công 17 mục tiêu trên không: 8 máy bay, 3 trực thăng, 4 máy bay không người lái và 2 hỏa tiễn hành trình.

Trên các hướng Donetsk và Luhansk, quân trú phòng Ukraine đã đẩy lùi 7 đợt tấn công của người Nga, phá hủy 12 xe tăng, 10 xe chiến đấu bộ binh và 3 xe tăng.

“Do các hành động khéo léo của lực lượng phối hợp, 7 cuộc tấn công của người Nga đã bị đẩy lùi thành công cho đến nay. Những người lính của chúng ta đã gây tổn thất cho quân xâm lược Nga. Trong ngày, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 12 xe tăng, 10 xe chiến đấu bộ binh và 3 xe cơ giới “.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết người Nga đang tấn công mạnh theo hướng Sloviansk

Lực lượng phòng thủ Ukraine đang tập trung ngăn chặn bước tiến của người Nga trên các hướng Sloviansk và Barvinkove. Quân Ukraine đã tái chiếm các khu dân cư Kamyanka, Topolske; tạo điều kiện cải thiện tình hình chiến thuật trên địa bàn thành phố Chuhuiv; ngăn chặn các cuộc tấn công của người Nga trong các khu vực định cư của Rubizhne, Lysychansk, Popasna.

Đồng thời, lực lượng phòng thủ Ukraine tiếp tục duy trì thế trận phòng thủ thành phố Mariupol và ngăn chặn bước tiến của người Nga trong khu vực Chernihiv.

Theo Bộ Tổng tham mưu, “Quân Nga bị suy yếu, mất phương hướng, phần lớn bị cắt đứt hậu cần và quân chủ lực”.

Báo cáo cho biết Bộ chỉ huy các lực lượng chiếm đóng của Nga đang cố gắng bù đắp cho sự suy giảm tiềm năng chiến đấu của các đơn vị đối phương bằng các cuộc tấn công bằng pháo và hỏa tiễn bừa bãi, do đó phá hủy cơ sở hạ tầng của các thành phố Ukraine.

Trong khi đó, tình báo quân sự Anh cho biết, Nga dự kiến sẽ cử hơn 1.000 lính đánh thuê tới miền đông Ukraine trong bối cảnh bị thiệt hại nặng nề.

Công ty quân sự tư nhân của Nga, tập đoàn Wagner, đã được triển khai tới miền đông Ukraine và dự kiến sẽ cử hơn 1,000 lính đánh thuê, bao gồm cả các quan chức cấp cao trong tổ chức, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trên Twitter.

Các nhân viên của nhóm Wagner được cho là đã bị rút khỏi các nhiệm vụ riêng biệt ở Syria và các khu vực khác của Phi Châu vì Ukraine được ưu tiên hơn.

4. Ukraine vừa trải qua một cuộc tấn công mạng

Đầu ngày 28 tháng Ba, Ukraine đã trải qua một cuộc tấn công mạng rất lớn nhằm vào nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Ukrtelecom.

Cơ quan Thông tin liên lạc đặc biệt của Nhà nước Ukraine báo cáo rằng các lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công mạng nhằm vào Ukrtelecom, công ty điện thoại số một của Ukraine.

Chủ tịch Yurii Shchyhol của công ty xác nhận rằng cuộc tấn công mạng đã được vô hiệu hóa và nói rằng các nỗ lực đang được tiến hành để khôi phục hoạt động.

Trong bối cảnh cuộc tấn công mạng, Ukretelecom không cung cấp dịch vụ cho phần lớn người dùng tư nhân và khách hàng doanh nghiệp để bảo vệ cơ sở hạ tầng mạng của mình và tiếp tục cung cấp dịch vụ cho quân đội Ukraine.

5. Tổng thống Zelenskiy cảnh báo: 'Nỗi sợ hãi luôn khiến bạn trở thành kẻ đồng lõa'

Trong bài diễn văn tối thứ Hai 28 tháng Ba, tổng thống Zelenskiy kêu gọi các quốc gia khác hãy can đảm hành động.

Người Ukraine không nên chết chỉ vì ai đó không thể tìm thấy đủ can đảm để giao nộp vũ khí cần thiết cho Ukraine.

Nỗi sợ hãi luôn khiến bạn trở thành kẻ đồng lõa.

Nếu ai đó sợ Nga, nếu họ sợ phải đưa ra những quyết định cần thiết quan trọng đối với chúng tôi, đặc biệt khi họ không dám trao máy bay, xe tăng, pháo cần thiết, đạn pháo, thì những người này phải chịu trách nhiệm về thảm họa do người Nga tạo ra

Bởi vì nếu bạn có thể cứu, bạn phải cứu.

Trong một thứ đã trở thành một dấu ấn thời chiến cho tổng thống Ukraine, ông Zelenskiy đã đưa ra một bài diễn văn quốc gia vào đêm khuya.

Ghi nhận những thành công quân sự của đất nước mình trong ngày qua, Zelenskiy cho biết các lực lượng Ukraine đã giải phóng Irpin, đang tiến công trong khu vực Kiev và đang giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine.

“Những kẻ chiếm đóng đang bị đánh bật khỏi Irpin.” Tuy nhiên, ông nói thêm rằng còn quá sớm để nói về an ninh ở khu vực này của chúng tôi. Cuộc giao tranh vẫn tiếp tục.

Mô tả tình hình trong và xung quanh thủ đô Kiev, Zelenskiy cho biết:

Quân đội Nga đang kiểm soát phía bắc của Kiev, họ có các tài nguyên và nhân lực. Họ đang cố gắng khôi phục lại các đơn vị bị tổn thất.

Mức độ tổn thất của họ, thậm chí ở mức 90%, không phải là lý do để họ dừng lại. Hàng trăm, hàng trăm đơn vị thiết bị của người Nga bị đốt cháy và bị bỏ rơi không thuyết phục được họ rằng chiến tranh phải dừng lại.

Vùng Chernihiv, Sumy, Kharkiv, Donbas, miền nam Ukraine - tình hình khắp nơi vẫn căng thẳng, rất khó khăn.

Thành phố Mariupol bị bao vây ở phía nam “vẫn bị phong tỏa”, tổng thống Zelenskiy xác nhận thêm rằng “Quân đội Nga không cho phép bất kỳ hành lang nhân đạo nào được tổ chức ngày hôm nay”.

Ông Zelenskiy cũng mô tả một “ngày ngoại giao rất tích cực” sau khi nói chuyện với thủ tướng Anh Boris Johnson, thủ tướng Canada Justin Trudeau, thủ tướng Đức Olaf Scholz, thủ tướng Ý Mario Draghi và tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Chúng tôi cám ơn chính phủ Anh đã hứa sẽ hỗ trợ hơn nữa cho nền quốc phòng của chúng ta và tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga.

Canada cũng ủng hộ phản ứng cứng rắn hơn từ thế giới đối với thảm họa do quân đội Nga gây ra tại các thành phố của Ukraine.

Trong cuộc trò chuyện với Thủ tướng Đức Scholz, tôi cũng rất chú ý đến sự cần thiết phải tăng áp lực trừng phạt đối với Nga.

Ý đã đồng ý trở thành một trong những nhà bảo đảm an ninh của Ukraine trong hệ thống bảo đảm mới có liên quan mà chúng tôi đang xây dựng.

Tổng thống Zelenskiy cho biết ông sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán vào ngày mai và trong tuần sẽ phát biểu tại quốc hội của Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Hy Lạp và Úc.

Ông nói: “Điều quan trọng là đây là những bài phát biểu không chỉ trước các chính trị gia, mà còn trước các xã hội. Trước hàng triệu người muốn nghe Ukraine và sẵn sàng nghe để giúp đỡ và hỗ trợ. Họ là những người cảm thấy rằng chúng ta đang đấu tranh cho tự do chung của cộng đồng nhân loại. Một cuộc đấu tranh cho tất cả mọi người trên Trái đất của chúng ta.
 
Đức Tổng Giám Mục Ukraine nói về phép lạ Dnipro. Man rợ: Quân Nga bắn thẳng vào linh mục đang bảo vệ đàn chiên
VietCatholic Media
05:46 29/03/2022


1. Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho rằng việc Ukraine cầm cự được cho đến nay là một phép lạ

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương kêu gọi mọi người “cầu nguyện trước các thánh đường của Giáo Hội Chính thống Nga trên khắp thế giới cho hòa bình ở Ukraine.”

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã ca ngợi một cuộc tụ họp gần đây của các tín hữu bên ngoài một nhà thờ Chính thống giáo Nga ở Giêrusalem.

Đức Cha Shevchuk, có trụ sở tại Kiev, thủ đô sầm uất của Ukraine, cho biết: “Giêrusalem và Kiev cảm thấy có mối quan hệ tâm linh. Kiev được xây dựng như một Giêrusalem mới. Cầu mong lời cầu nguyện này, phong trào chống chiến tranh này, lan rộng đến các trung tâm khác của đời sống tôn giáo và tâm linh trên khắp thế giới. “

“Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện trước các thánh đường của Giáo Hội Chính thống Nga trên khắp thế giới cho hòa bình ở Ukraine. Chúng ta sẽ thấy rằng Chúa là Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta và chúng ta sẽ thắng cuộc chiến này.”

Người đứng đầu Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã gửi lời “cảm ơn đặc biệt” tới những người tham gia cuộc họp liên tôn giáo vào ngày 21 tháng 3 trước Nhà thờ Holy Trinity, nằm trong Khu liên hợp Nga ở trung tâm Giêrusalem.

Sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Phát triển Bền vững Liên tôn và Viện Liên tôn Elijah, có sự tham dự của Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh ở Giêrusalem là Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa và các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương khác.

Sau một loạt các bài phát biểu, một bức thư gửi cho Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống giáo Nga, đã được dán lên các bức tường của nhà thờ.

Bức thư có chữ ký của 150 nhân vật tôn giáo, viết: “Vì mối quan hệ chặt chẽ của hiền huynh với Tổng thống Vladimir Putin, chúng tôi kêu gọi hiền huynh yêu cầu ông ấy thực hiện các bước ngay lập tức để giảm leo thang xung đột và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xâm lược.”

Trong thông điệp video của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk ca ngợi sự đoàn kết giữa những người Ukraine sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào ngày 24 tháng 2.

Ngài nói: “Chúng tôi thấy rõ cách người dân đoàn kết để đánh bại kẻ thù đang chà đạp lên đất Ukraine.

“Chúng tôi thấy rằng mọi người đều cảm thấy lương tâm thôi thúc phải bền đỗ và chiến thắng.”

“Chúng tôi thực sự cảm thấy rằng, cuộc chiến này không phải là cuộc chiến mà chỉ có quân đội Ukraine tham chiến. Đây không phải là cuộc chiến do kẻ thù tiến hành chống lại tổng thống hay chính phủ Ukraine vì một động cơ ý thức hệ”.

“Kẻ xâm lược Nga đang tiến hành cuộc chiến tranh chống lại người dân Ukraine. Và cuộc chiến này có tất cả những dấu ấn của sự diệt chủng, sự tiêu diệt con người, di sản văn hóa của chúng ta, truyền thống tinh thần của chúng ta”.

Lần thứ hai trong tháng này, vị tổng giám mục 51 tuổi gọi cuộc kháng chiến thành công của người Ukraine chống lại các lực lượng lớn hơn nhiều của Nga là “Phép lạ trên tàu Dnipro.”

Dnipro, hay Dnieper, là một con sông chảy từ bắc xuống nam qua trung tâm Ukraine và đổ ra Biển Đen.

“Điều rất quan trọng là tất cả mọi người, mỗi người trong chúng ta, tất cả những ai nghe tôi đều tham gia vào sự nghiệp thiêng liêng và vĩ đại này,” ngài nói.

“Phéplạ trên sông Dnipro đang bày ra trước mắt chúng ta, đó là một công việc được Chúa chúc lành. Chúng ta chiến đấu để giành chiến thắng, nhưng chiến thắng này là do Thiên Chúa của chúng ta ban cho chúng ta.”


Source:Catholic News Agency

2. Bảo vệ đàn chiên một linh mục ở Ukraine bị quân Nga hạ sát

Cha Rostyslav Dudarenko ngẩng cao đầu khi cố gắng đối đầu với những kẻ xâm lược. Sau đó ngài bị bắn.

Vị linh mục không có vũ khí. Ngài giơ một cây thánh giá lên trước mặt khi chạy ra ngoài để đối đầu với quân xâm lược của Nga, có thể hy vọng kêu gọi bản năng đạo đức của họ để anh chị em giáo dân có thể trốn thoát một cách an toàn. Nhưng ngài đã bị bắn chết.

Cha Rostyslav Dudarenko, một linh mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine, đang hỗ trợ các tình nguyện viên dân sự quản lý một trạm kiểm soát ở lối vào thị trấn của họ, khi ngài bị giết vào ngày 5 tháng 3, chưa đầy hai tuần sau khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu. Như đã xảy ra trên khắp đất nước, thường dân Ukraine đã cố gắng ở nơi họ có thể, để hỗ trợ quân đội Ukraine – bị áp đảo về số lượng bởi các lực lượng xâm lược.

Cha Dudarenko, 45 tuổi, là linh mục quản xứ ở làng Yasnohorodka, cách thủ đô Kiev khoảng 25 dặm về phía tây. Ngài và khoảng một chục người khác đang kiểm tra xe hơi trên đường vào làng thì biết được rằng ba xe tăng Nga đã lái đến Yasnohorodka. Một nhân chứng, tên là Yukhym, nói với BBC rằng nhóm tình nguyện viên đã rời trạm kiểm soát để trốn trong rừng, sẵn sàng đối đầu với xe tăng nếu cần thiết.

Khi đến gần trạm kiểm soát, quân đội Nga bắt đầu “bắn về mọi hướng”, một nhân chứng, tên là Yukhym, nói với BBC rằng “Khi họ nhận ra chúng tôi đang trốn trong bãi cỏ, họ đã lái xe tăng chạy tới chỗ chúng tôi.”

“Tôi thấy Cha Rostyslav giơ cây thánh giá lên trên đầu, đứng dậy khỏi nơi ẩn náu, hét lên điều gì đó và đi về phía họ,” Yukhym nói. “Có lẽ ngài muốn ngăn họ lại. Tôi đã cố gắng gọi ngài quay lại”.

Sau đó, các phát súng đã được bắn về phía Cha Dudarenko. Theo Yukhym, chúng dường như đang nhắm thẳng vào vị linh mục. “Ngài chỉ bước được một vài bước và bị ngã.”

Yukhym, người bị bắn và bị thương trong vụ tấn công, tin rằng tất cả mọi người trong nhóm đã thiệt mạng nếu các quân nhân Ukraine không đến kịp để đẩy lùi quân Nga.
Source:Aleteia

3. Nhật ký trừ tà # 183: Trinh nữ Vladimir

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #183: The Virgin of Vladimir”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 183: Trinh nữ Vladimir”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bức ảnh Đức Maria mà tôi có không có gì đặc biệt hấp dẫn, ít nhất là trên bề mặt. Gam màu tối và vẻ mặt Đức Maria ảm đạm, gần như không vui. Tôi đã được tặng bức ảnh cách đây nhiều năm và tôi đã định tặng lại cho người khác, nhưng sau đó tôi cảm thấy tiếc, không nên cho bức ảnh này đi. Vì vậy, tôi đã giữ lại. Trong nhiều năm, tôi đã cầu nguyện với bức ảnh hàng ngày, vì bức ảnh nằm cạnh nhà tạm. Bây giờ, khi tôi đang đi trên đường, tôi cảm thấy nhớ bức ảnh đến nỗi nếu tôi đi công tác xa, thỉnh thoảng tôi sẽ gói bức ảnh lại và mang theo bên mình; kết nối của tôi với bức ảnh đã trở nên mạnh mẽ.

Hai tuần sau cuộc xâm lược Ukraine, tôi có cảm hứng nhìn vào mặt sau của biểu tượng kỹ hơn và tìm hiểu nguồn gốc của nó. Dòng chữ xác định nó là: “Trinh nữ Vladimir.” Tôi đã xem xét kỹ bức ảnh và thấy rằng bức ảnh này có thể là một bản sao của bức ảnh Byzantine thế kỷ 12 đã được tặng cho thành phố Kiev của Ukraine và sau đó được đặt tại thành phố Vladimir của Ukraine, trước khi cuối cùng được chuyển giao và cư trú ngày nay ở Mạc Tư Khoa. Đã có rất nhiều phép lạ được quy cho bức ảnh. Tại sao tôi đã cầu nguyện trước Đức Trinh Nữ của Ukraine trong nhiều năm?

Một điều thú vị nữa là một trong những trường hợp khó khăn nhất của chúng tôi lại liên quan đến một phụ nữ trẻ người Ukraine. Gần đây nhất, cô đã gần như được giải phóng hoàn toàn khỏi bị ma quỷ ám ảnh. Tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ với lòng dũng cảm và sức mạnh của cô ấy. Ngay cả những con quỷ nói rằng chúng rất ngạc nhiên khi cô ấy vẫn còn sống. Cô ấy là một người phụ nữ mạnh mẽ. Sự giải phóng của một người Ukraine có đóng góp một cách khiêm tốn, theo một cách nào đó, vào sự giải phóng tinh thần của một quốc gia không?

Và sau đó, trước khi chiến tranh nổ ra, tôi đã có vinh dự được gặp Michael Brown, người sáng lập Spirit Daily. Anh ấy nói với tôi về người bạn Ukraine Josyp Terelya của anh ấy, người đã bị tra tấn trong nhiều thập kỷ bởi những người Cộng sản vì ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Ukraine và đức tin Công Giáo nhiệt thành của anh ấy, nhưng không bao giờ khuất phục. Ông được tường trình rất yêu mến các cuộc hiện ra của Đức Mẹ và cuốn sách “Nhân chứng” đề cập đến cuộc đời ông của Michael Brown là cuốn sách nhất định phải đọc. Nó cho thấy tầm quan trọng tinh thần của Ukraine và vai trò của Đức Mẹ. Điều thú vị là Mariupol, tâm điểm của những hành động tàn bạo nhân đạo gần đây, thực sự có nghĩa là: Thành phố của Đức Maria.

Tôi không biết tất cả những điều này có nghĩa là gì. Nhưng tôi bị thuyết phục về ba điều. Thứ nhất. Cuộc chiến ở Ukraine có ý nghĩa tinh thần vô cùng to lớn. Thứ hai: Niềm tin và sức mạnh của những người nam nữ Ukraine thật đáng kinh ngạc. Thứ ba, Đức Mẹ tham gia một cách mãnh liệt vào tất cả những gì đang diễn ra và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ chiến thắng!

Về phần mình, tôi tiếp tục cầu nguyện trước bức ảnh Đức Mẹ đồng trinh Vladimir. Tôi tham gia vào lời kêu cầu khẩn thiết xin Đức Mẹ ban hòa bình cho quốc gia này. Tôi có một niềm hy vọng mãnh liệt rằng những ngày sắp tới sẽ nhanh chóng kết thúc khi tàn dư của chủ nghĩa cộng sản vô thần sẽ bị đè bẹp dưới gót chân Đức Mẹ (Gn 3:15).
Source:Catholic Exorcism
 
Putin kinh ngạc: Sư đoàn xe tăng số 4 cờ đỏ Lênin huyền thoại của Nga đã biến mất
VietCatholic Media
15:29 29/03/2022


1. Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 huyền thoại của Nga chịu tổn thất nặng

Theo các quan chức quốc phòng Ukraine, Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 huyền thoại và “tinh nhuệ” của Nga, nổi tiếng trong giới quân sự Nga vì đã giúp giải phóng Ba Lan khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, đã phải chịu thất bại nặng nề dưới tay lực lượng Ukraine, đặc biệt là từ Lữ đoàn cơ giới 93 của Ukraine, được gọi là “Kholodhny Yar” trong trận chiến Trostyanets ở Sumy, cách Kiev khoảng 220 dặm và chỉ cách biên giới Nga 15 dặm.

Thị trấn Trostyanets đã nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng Nga trong thời gian đầu của cuộc xâm lược và Nga nắm quyền kiểm soát khu vực này trong 25 ngày cho đến khi các báo cáo về các vấn đề tinh thần của quân đội Nga được truyền thông đưa tin. Có thể giả thiết rằng Sư đoàn xe tăng cận vệ 4 đã đổ bệnh vì thiếu lương thực và tiếp liệu. Điều này khiến họ dễ bị tấn công bởi lực lượng Ukraine, lực lượng được trang bị nhiều tên lửa chống tăng và chống thiết giáp từ các đồng minh phương Tây, chẳng hạn như Javelin, NLAW, một số Panzerfaust 3 và hệ thống ATGM của chính họ.

Tin tức về thất bại của Nga đến từ Lữ đoàn Cơ giới 93 của Ukraine, trong tuyên bố theo đó họ đã giải phóng thành phố Trostyanets, cung cấp bằng chứng ảnh về chiến thắng của họ.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine xác nhận tin này và cho biết:

“Hôm nay, bởi các lực lượng của lữ đoàn 93 Kholodhny Yar, với sự trợ giúp của lực lượng bảo vệ lãnh thổ và các du kích địa phương, thành phố Trostyanets ở vùng Sumy đã được giải phóng khỏi quân chiếm đóng của Nga,”

Sư đoàn xe tăng cận vệ 4 trước đây được gọi là Quân đoàn xe tăng 17, được đổi tên vào năm 1943, và còn được gọi là “Sư đoàn Kantemirovskaya xe tăng cờ đỏ Lenin”.

Đây là những đơn vị xe tăng tinh nhuệ của Nga gánh phần lớn thương vong ở Ukraine lúc này

Những gì còn lại của Sư đoàn xe tăng cận vệ 4 đã được báo cáo là đã chạy trốn khỏi thành phố đến một địa điểm không xác định để lại trang thiết bị của họ bị bỏ rơi hoặc bị phá hủy.

Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 của Nga đã hoạt động ở Sumy sớm nhất là vào ngày 1 tháng 3, nghĩa là trong tuần đầu tiên của cuộc xâm lược. Quân Nga đã bỏ rơi các xe tăng T-80U cũng như các thiết giáp, pháo tự hành Msta-S 152mm, xe chỉ huy 1V13, và một số xe vận tải hậu cần.

Lữ đoàn 93 cho biết: “Sau một loạt thất bại, quân đội Nga đã tháo chạy khỏi Trostyanets, bỏ lại vũ khí, trang thiết bị và đạn dược mà Lữ đoàn 93 sẽ sử dụng để giải phóng các thành phố khác của Ukraine khỏi sự chiếm đóng.”

Thất bại của Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 của Nga chứng minh một cách khéo léo câu ngạn ngữ quân sự cũ rằng “Xe tăng có thể chiếm một thị trấn, nhưng không thể giữ nó.”

Theo cựu Đại tá Tình báo Anh, ông Philip Ingram, “Trostyanets là một thị trấn trên một tuyến đường quan trọng Bắc-Nam giữa Sumy và Okhtyrka. Nếu Ukraine nắm quyền kiểm soát con đường đó, thì họ đang hạn chế nghiêm trọng khả năng điều động của Nga”, ông nói với tờ The Telegraph.

Mỹ đã gửi cho Ukraine các hệ thống chống tăng bổ sung, trong số các loại vũ khí khác nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD, cụ thể là 2,000 khẩu Javelins, 1,000 vũ khí chống thiết giáp hạng nhẹ, 6,000 hệ thống chống thiết giáp AT-4 và 800 Stinger.

Vương quốc Anh cũng sẽ gửi 6,000 hỏa tiễn bao gồm vũ khí chống tăng cùng với khoản viện trợ tài chính trị giá 33 triệu Mỹ Kim. NATO cũng giúp tăng cường khả năng của Ukraine trong việc chống lại các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học và sinh học thông qua các thiết bị bổ sung.

2. Diễn biến các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine

Dưới đây là thông tin cập nhật về vị trí các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine hiện đang diễn ra, từ Max Seddon, Roman Olearchyk và Henry Foy của Financial Times:

Nga không còn yêu cầu Ukraine “phi Quốc Xã hóa” và sẵn sàng để Kiev gia nhập Liên minh Âu châu nếu nước này vẫn không liên kết quân sự với NATO như một phần của các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra.

Mạc Tư Khoa và Kiev đang thảo luận về việc tạm dừng các hành động thù địch như một phần của thỏa thuận có thể có liên quan đến việc Ukraine từ bỏ nỗ lực trở thành thành viên NATO để đổi lấy các bảo đảm an ninh và triển vọng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Dự thảo văn kiện ngừng bắn không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về ba yêu cầu cốt lõi ban đầu của Nga - “phi Quốc Xã hóa”, “phi quân sự hóa” và bảo vệ pháp lý đối với người Nga ở Ukraine. Các đặc phái viên của cả hai bên gặp nhau tại Istanbul vào hôm thứ Ba trong một vòng đàm phán hòa bình lần thứ tư được thiết kế để chấm dứt cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine.

Sự nhượng bộ của phía Nga được đưa ra trong bối cảnh cuộc tấn công trên bộ kéo dài một tháng của họ phần lớn bị đình trệ do sự kháng cự dữ dội của Ukraine hơn mức dự kiến và những khiếm khuyết trong hoạt động của Nga. Nhưng Ukraine và những người ủng hộ phương Tây vẫn hoài nghi về ý định của Putin, lo ngại rằng Tổng thống Nga có thể sử dụng các cuộc đàm phán như một màn khói để bổ sung lực lượng đang kiệt quệ và lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mới.

David Arakhamia, người đứng đầu đảng của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại quốc hội và là thành viên nhóm đàm phán của Kiev, nói với tờ Finacial Times rằng các bên đã gần đạt được thỏa thuận về các bảo đảm an ninh và việc gia nhấp Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine nhưng kêu gọi thận trọng về triển vọng cho một bước đột phá.

“Tất cả các vấn đề” đã được “bàn từ đầu” của các cuộc đàm phán nhưng “trong mỗi hạng mục đều có rất nhiều những điểm chưa được giải quyết”, Arakhamia nói.

3. Ukraine có bằng chứng cho thấy lực lượng Nga đã sử dụng bom chùm bị cấm ở hai miền nam đất nước.

Tổng công tố Ukraine Iryna Venediktova hôm nay nói với các phóng viên rằng mặc dù các quan chức Ukraine không có bằng chứng cho thấy lực lượng Nga đã sử dụng bom chùm ở Kiev, nhưng họ có bằng chứng cho thấy bom chùm đã được sử dụng ở khu vực Odesa và Kherson.

Tổng Công Tố Ukraine Iryna Venediktova (Ірина Валентинівна Венедіктова)

Cô Venediktova cho biết: “Chúng tôi có bằng chứng về việc sử dụng bom chùm ở khu vực Odesa và khu vực Kherson”.

Venediktova cũng nói thêm, trong tư cách Tổng công tố, “Tôi chỉ có thể đề cập đến những trường hợp mà tôi có bằng chứng rất cụ thể, chẳng hạn… khi tôi có những mảnh bom hoặc mẫu đất và phân tích.”

Các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng nói rằng họ có bằng chứng rằng, trong cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã sử dụng bom chùm ở những khu vực có dân thường.

AFP nhấn mạnh rằng: “Bom chùm rải hàng chục vụ nổ cực nhỏ trong một khu vực. Một số chất nổ có thể không phát nổ ngay lập tức và trên thực tế, trở thành mìn sát thương gây ra mối đe dọa cho dân thường sau khi xung đột kết thúc.”

Một hiệp ước của Liên Hợp Quốc năm 1997 kết luận rằng việc sử dụng mìn sát thương đã bị cấm. Mặc dù Nga và Mỹ chưa bao giờ ký kết, nhưng Ukraine đã ký trong hiệp ước đó.

4. Hoa Kỳ đưa ngay sang Đức sáu máy bay thông minh Growler

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, thiếu tướng Hải quân John Kirby, thông báo rằng Ngũ Giác Đài đang triển khai sáu máy bay EA-18G Growler của Hải quân Hoa Kỳ tới Căn cứ Không quân Spangdahlem, ở Đức để tăng cường sự hiện diện của lực lượng này giữa các đồng minh NATO.

Ông giải thích như sau: Máy bay Growler “chuyên thực hiện các nhiệm vụ tác chiến điện tử, sử dụng một bộ cảm biến gây nhiễu, để làm nhầm lẫn các radar của đối phương, hỗ trợ rất nhiều trong khả năng tiến hành ngăn chặn các hoạt động phòng không của đối phương,” Thiếu tướng Kirby nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm thứ Hai. Các chiến đấu cơ này dự kiến đã đến Căn cứ Không quân Spangdahlem từ Căn cứ Không quân của Hải quân Đảo Whidbey, Washington, vào hôm thứ Hai 28 tháng Ba.

Khoảng 240 phi hành đoàn, nhân viên bảo trì và phi công cũng sẽ được triển khai.

Ông giải thích: “Điều này nhằm tăng cường sự sẵn sàng và thế trận phòng thủ tập thể của NATO, đồng thời tăng cường hơn nữa khả năng liên kết trên không với các quốc gia Đồng minh và đối tác của chúng tôi. Các bạn có thể mong đợi rằng chúng sẽ thực hiện các nhiệm vụ bay và hỗ trợ cho việc ngăn chặn và phòng thủ bên sườn phía đông.”

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cũng nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng người Nga đã phóng hơn 1370 hỏa tiễn kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine.

Kirby cũng lưu ý rằng những máy bay này sẽ không được “sử dụng để chống lại lực lượng Nga ở Ukraine”; thay vào đó, quan điểm của việc triển khai “phù hợp với nỗ lực của chúng tôi nhằm tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của NATO dọc theo sườn phía đông đó”.

Đây là động thái mới nhất của Ngũ Giác Đài, vì họ đã nhiều lần cố gắng hỗ trợ các đồng minh NATO, đặc biệt là những nước xa nhất về phía đông. Hoa Kỳ đã triển khai hàng nghìn binh sĩ đến Âu Châu, bên cạnh hơn 80.000 quân đang đóng quân ở Âu Châu. Mỹ nằm trong số các quốc gia đã cung cấp các nguồn lực quân sự cho Ukraine, quốc gia đã thành công trong việc ngăn chặn các lực lượng của Nga.

Quân đội Nga phần lớn đã không thành công trong việc đạt được mục tiêu nhanh chóng chiếm giữ thủ đô Kiev. Quân đội Ukraine đã ngăn chặn họ và thậm chí đã giành lại một số lãnh thổ mà lực lượng Nga đã kiểm soát. Sau đó, các lực lượng Nga dường như đã chú ý đến việc chiếm giữ khu vực giữa Bán đảo Crimea và phần phía đông của Ukraine, bao gồm các lãnh thổ do các phần tử ly khai thân Nga chiếm đóng.

5. Ngoại trưởng Liz Truss nói, Putin đang dùng đến 'các biện pháp tuyệt vọng' bằng cách bắt cóc thường dân vô tội

Ngoại trưởng Anh đã cáo buộc lực lượng của Putin bắt cóc thường dân vô tội, mô tả động thái này là một “chiến thuật ghê tởm”.

Nhóm nhân quyền Ukraine, ZMINA, tuyên bố đã xác định được hàng chục trẻ em đã bị bắt cóc, và hàng nghìn trẻ em khác bị đưa sang Nga.

Liz Truss đã lên án “chiến thuật ghê tởm” và nói rằng Putin đang sử dụng “các biện pháp tuyệt vọng” trong các tuyên bố do Bộ Ngoại Giao Anh đưa ra.

Bà nói: “Putin tiếp tục sử dụng các chiến thuật ghê tởm chống lại người dân Ukraine, bao gồm cả việc bắt cóc thường dân vô tội. Ông ta không đạt được mục tiêu của mình và đang dùng đến các biện pháp tuyệt vọng. Putin phải thất bại ở Ukraine”.

Trong một tuyên bố trước Hạ viện, Ngoại trưởng Anh nói: “Chúng ta biết rằng Putin không nghiêm chỉnh trong các cuộc đàm phán, ông ta vẫn đang cố ý ném bom các công dân vô tội trên khắp Ukraine và đó là lý do tại sao chúng ta cần phải làm nhiều hơn để bảo đảm rằng ông ấy thua và chúng ta buộc ông ta phải suy nghĩ lại”.

“Chúng ta không chỉ ngăn cản Putin ở Ukraine mà còn phải nhìn về lâu dài. Chúng ta cần bảo đảm rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai đều không kết thúc việc bán đứng Ukraine hoặc lặp lại những sai lầm trong quá khứ”.

Người đứng đầu ZMINA Tetiana Pechonchyk cho biết: “Nga đang giam giữ và bắt cóc thường dân trong một nỗ lực nhằm phá vỡ tinh thần của người dân Ukraine”.

“Hôm nay, chúng tôi công bố danh sách đầu tiên của chúng tôi về những người đã bị bắt để Điện Cẩm Linh biết rằng thế giới đang theo dõi và sẽ không cho phép họ xâm hại”.

“Tổng cộng cho đến nay chúng tôi đã ghi nhận 39 trường hợp bị cưỡng chế mất tích và bị giam giữ tùy tiện trên các vùng lãnh thổ Ukraine mới bị Nga chiếm đóng ““.

Trong khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh tại thành phố cảng Mariupol của Ukraine.

Tổ chức nhân quyền cho biết họ sẽ sớm công bố một báo cáo chuyên sâu về sự tàn phá do cuộc tấn công của Nga đối với thành phố trên Biển Azov. Tổng thư ký của Ân xá quốc tế, Agnes Callamard đã đưa ra thông báo này trong một cuộc họp báo ở Johannesburg, như AP đưa tin.

Theo điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế, trong cuộc bao vây Mariupol, người Nga đã và đang từ chối di tản nhân đạo và đào thoát nhân đạo cho người dân, và nhắm mục tiêu vào dân thường. Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định rằng tất cả đều là tội ác chiến tranh.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, cuộc xâm lược không chỉ là một hình thức vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn, nó còn là một sự gây hấn. Đó là sự vi phạm hiến chương của Liên hợp quốc thô bạo nhất.

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là “sự lặp lại những gì chúng ta đã thấy ở Syria”, Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.

Agnes Callamard, tổng thư ký của cơ quan giám sát quyền toàn cầu, nói với Agence France-Presse:

Những gì đang diễn ra ở Ukraine là sự lặp lại của những gì chúng ta đã thấy ở Syria.

Bà nói và cáo buộc Nga đang biến các hành lang nhân đạo thành 'bẫy tử thần'.

Chúng tôi thấy điều tương tự ở Ukraine, giống như Nga đã làm ở Syria “.

Giám đốc Tổ chức Ân xá tại Đông Âu và Châu Á, Marie Struthers cũng đồng tình khi nói trong một cuộc họp riêng tại Paris rằng các nhà nghiên cứu ở Ukraine đã “ghi nhận việc sử dụng các chiến thuật tương tự như ở Syria và Chechnya, bao gồm các cuộc tấn công vào dân thường và sử dụng vũ khí bị cấm theo luật quốc tế.
 
Quá đáng: Đánh cắp cả nhẫn vàng trên tay tượng Thánh Nicholas trong đền thờ Ý
VietCatholic Media
16:12 29/03/2022


1. Nhẫn vàng bị đánh cắp từ tượng Thánh Nicholas trong nhà thờ Ý

Một tên trộm đã đột nhập vào Vương cung thánh đường Thánh Nicholas ở thành phố Bari, miền nam nước này vào ban đêm, lấy trộm một chiếc nhẫn vàng từ ngón tay của một bức tượng của vị thánh, người được các Kitô hữu Công Giáo và Chính thống tôn kính và di tích của người đã thu hút rất nhiều khách hành hương từ Nga đến ngôi thánh đường Ý này.

Nhật báo Corriere della Sera dẫn lời cảnh sát ở Bari cho biết các camera giám sát video cho thấy một người đàn ông đội mũ trùm đầu và đeo mặt nạ phá cửa kim loại để vào nhà thờ trước bình minh hôm thứ Ba. Các nhân viên nhà thờ cho biết tên trộm đã lấy trộm tiền của các tín hữu để lại trong một chiếc hộp đựng tiền và mở một tủ kính trưng bày một bức tượng cao mô tả vị thánh.

Bên cạnh chiếc nhẫn, kẻ trộm còn lấy đi một cuốn sách được trang trí bằng bạc mà bức tượng của vị thánh cầm trên tay

Thánh Nicholas được tôn kính nhiều ở Bari, một thành phố cảng Adriatic, và sự nổi tiếng của ngài được coi là cầu nối giữa Tây và Đông.

“Với cử chỉ này, tên trộm đã chạm đến thần kinh của các tín hữu và văn hóa Bario,” Đức Tổng Giám Mục Bari Giuseppe Satriano nói với TV2000, một đài truyền hình Công Giáo Ý. Ngài cho rằng những đồ vật bị đánh cắp sẽ khó bán vì chúng nổi tiếng và được xếp vào danh mục.

Thị trưởng Bari, ông Antonio Decaro, cho biết:

Vương cung thánh đường là một điểm đến hành hương nổi tiếng, đặc biệt là đối với du khách đến từ Nga. Năm 2003, một bức tượng của vị thánh đã được dựng lên bên ngoài nhà thờ như một món quà của Tổng thống Nga Putin.

Sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ 3, thánh Nicholas là vị thánh bảo trợ của các thủy thủ. Khi còn trẻ, Nicholas đã lên một con tàu để hành trình đến Thánh Địa, và trên đường trở về, con tàu đã bị đe dọa bởi một cơn bão lớn. Sau khi ngài cầu nguyện, sóng đã dịu dần. Các thủy thủ từ Bari cuối cùng đã mua được hài cốt của ngài và đưa hài cốt của thánh nhân đến thành phố miền nam nước Ý vào năm 1087, nơi sau đó hài cốt của thánh nhấn được chôn cất trong hầm mộ của một nhà thờ mới.


Source:AP

2. Đức Tổng Giám Mục Riga thăm trẻ em tị nạn Ukraine

Đức Tổng Giám Mục Zbigņev Stankevičs đã đến thăm trẻ em tị nạn Ukraine ở Latvia hay còn gọi là Lithuania, vào hôm thứ Sáu, chào mừng các em đến đất nước khi một cuộc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của các em đang được chuẩn bị.

Chuyến thăm ngày 25 tháng 3 của Đức Tổng Giám Mục Riga tới Trung tâm dành cho người Ukraine đã đánh dấu ngày lễ Truyền tin và thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội.

Caritas Latvija và Giáo hội trong nước đang tổ chức triển lãm các bức vẽ do trẻ em tị nạn Ukraine thực hiện, sẽ khai mạc vào tháng Năm.

Triển lãm nghệ thuật “nhằm giúp trẻ em vượt qua những căng thẳng về tinh thần mà chúng phải chịu đựng trong khi thoát khỏi sự xâm lược của Nga ở Ukraine và giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn ở một đất nước mới”, một đại diện của Tổng giáo phận Riga nói với CNA.

Cùng tham dự sự kiện này còn có Leonid Grebennyk, Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Ukraine ở Riga. Chuyến thăm được tổ chức bởi Gabriella Cabiere, một nhà sử học nghệ thuật, người phụ trách triển lãm.

Trong chuyến thăm, Đức Tổng Giám Mục Stankevičs đã “chúc phúc cho trẻ em và cha mẹ của chúng và nói chuyện với các tình nguyện viên. Ngài cũng xem các bức vẽ của trẻ em, đánh giá cao khả năng nghệ thuật của các em”

Đức Tổng Giám Mục cũng ban phép lành cho các em, và đọc kinh cùng với Cha Roman Sapuzhak của giáo xứ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Riga.

Cha mẹ của những đứa trẻ sau đó đã nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Stankevičs và Cha Roman về kinh nghiệm của họ, và Đức Tổng Giám Mục đã mời họ đến thăm các giáo xứ Công Giáo của thành phố.


Source:Catholic News Agency

3. Exorcist Diary # 182: Satan làm chứng cho sự thánh thiện của bí tích thánh thể

Thông thường, rất khó để thỉnh được một người bị ma quỷ chiếm hữu hoàn toàn đi tham dự Thánh lễ. Khi chúng ta khuyến khích người đó một cách thường xuyên, người bị quỷ ám cảm thấy kinh hãi Thánh Thể một cách rất lạ lùng. “K” cũng không ngoại lệ. Chúng tôi không thể khiến cô ấy đi nếu không thực sự kéo cô ấy vào Nhà thờ. Và sau đó, ngồi suốt cả Thánh lễ thật đau đớn, nếu không muốn nói là không thể.

Sau nhiều tháng bị trừ tà, cô ấy đã khá hơn nhiều nhưng việc đưa cô ấy vào nhà nguyện vẫn là một cuộc đấu tranh rất lớn. Cuối cùng, chúng tôi đã có thể sắp xếp một thánh lễ riêng cho cô ấy, cha cô ấy và chú của cô ấy. Trong ba ngày trước thánh lễ đã định, cô ấy hầu như liên tục có các cử chỉ phản kháng. Những con quỷ biết những gì đã được lên kế hoạch và chúng đã tìm cách né tránh.

Chúng thao túng cô và mọi người khác, cố gắng phá hoại sự kiện, nhưng không ai nhúc nhích.

Khi ngày đó đến, gia đình của cô, tất cả đã phải vất vả kéo cô ấy vào nhà nguyện. Cô ấy được ngồi giữa hai thành viên trong gia đình, những người đã giữ cô ấy tại chỗ. Sau đó thánh lễ bắt đầu. Khi thánh lễ diễn ra, cô ấy tiếp tục la hét, “Ông đang giết tôi!” Cô ấy nói bụng cô ấy đau và cô ấy cảm thấy buồn nôn. Cô ấy giẫy giụa nhiều lần. Chúng tôi có một cái xô gần đó và cô ấy đã ói vào một lớp bọt trắng xoá trong thùng. Khi Tin Mừng được đọc, cô đã phản ứng dữ dội. Tôi phải thừa nhận rằng tôi rất khó tập trung.

Sau đó, đến phần rước lễ. Sau nhiều lần dỗ dành và cuối cùng là cha cô ấy phải ra lệnh, cô ấy đã mở miệng. Khi tôi đến gần với Mình Thánh, cô ấy hét lên, “Ông đang đốt cháy tôi!” Tôi đưa Mình Thánh Chúa vào miệng cô ấy. Cô đập tay mạnh xuống ghế và cố gắng nhổ bánh thánh ra, nhưng cha cô đã giữ miệng cô lại. Sau đó, cô ấy nói rằng Bánh Thánh có vị giống như “tro”.

Sau khi thánh lễ kết thúc, cô trở lại là chính mình. Cô ấy nói những con quỷ đã biến mất, ít nhất là tạm thời và cô ấy đã bình an. Cô ấy cười, nói đùa và vui vẻ.

Satan, dù không chủ ý, đã làm chứng cho tất cả những gì là thánh thiêng. Nó quằn quại khi bị rảy nước thánh; nó co rúm người khi nhìn thấy một cây thánh giá được làm phép; và nó điên cuồng hét lên khi tiếp xúc với Bí tích Thánh Thể.

Về phần mình, chúng tôi cũng làm chứng cho sự thánh thiện của Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cúi mình trước Thánh Thể trong nhà tạm; chúng ta tôn thờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong giờ chầu Thánh Thể; chúng ta rước Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu trong Thánh lễ với lòng tôn kính cao độ.

Như Thánh Tôma đã viết: Chúng ta thật diễm phúc biết bao khi nhận được “bánh của các thiên thần!” (Panis Angelicus)
Source:Catholic Exorcisms