Ngày 01-03-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xây nhà trên Đá
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:43 01/03/2011
Chúa nhật 9 thường niên A

Đêm nọ vị mục sư đi đóng cửa nhà thờ bỗng thấy một cậu bé nằm ngủ trên hàng ghế chót. Ông đến đánh thức cậu dậy, mời cậu ra để ông đóng cửa nhà thờ. Cậu bé nài nỉ ông thương cho ngủ đỡ một đêm, nhưng ông dứt khoát từ chối. Thấy cậu van xin quá, ông gọi điện đến hai trung tâm, nhưng cả hai nơi đều từ chối vì hết chỗ. Thế là cậu bé phải lủi thủi đi vào đêm tối, mà chẳng biết mình sẽ đi về đâu!...

Về đến phòng, vị mục sư bắt đầu đọc kinh tối và Kinh thánh như thường lệ. Hôm đó, ông đọc ngay dụ ngôn nói về người Samaritanô nhân hậu. Bỗng ông thấy cậu bé lúc nãy giống như người bị kẻ cướp, còn ông là một trong các tư tế bước qua một bên mà đi, không thương giúp người bị cướp…

Nhìn lại chính mình và tự vấn lương tâm, nhiều lúc chúng ta cũng đã hành động như vị mục sư trên đây. Chúng ta đã từng đọc và nghe Lời Chúa, nhưng hạt giống Lời Chúa không sinh hoa kết quả gì trong cuộc sống chúng ta.

Những ai nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì “giống như người dại xây nhà trên cát” (Lc 6,49). Cuộc đời này quá ngắn ngủi để chúng ta xây dựng khát vọng trường cửu của mình. Cần sáng suốt nhận định những gì chóng qua và những gì có giá trị vĩnh cửu. Phải lấy Lời Chúa làm khuôn vàng thước ngọc và nền tảng vững chắc cho cuộc sống như người xây nhà trên đá… (Theo “Sám hối và Canh Tân”).

Sau khi trình bày Hiến Chương Nước Trời trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu kể dụ ngôn xây nhà trên đá và trên cát như để xác quyết rằng: Nghe Tin Mừng cứu độ chưa đủ, cần phải đem ra thực hành. Biết Phúc Âm chưa đủ, còn phải sống Phúc Âm.

1. Sống đạo cũng giống như xây nhà.

Muốn xây một ngôi nhà hoàn mỹ phải hội đủ hai yếu tố quan trọng, đó là đẹp và bền. Ngôi nhà càng cao nền móng càng phải vững chắc.

Chúa Giêsu ví đời sống đạo của người tín hữu như việc xây nhà. Có người xây trên nền cát không vững. Có người xây trên nền đá rất vững vàng. Người nghe và thực hành Lời Chúa như người khôn ngoan xây nhà trên nền đá. Gió bão mưa lũ không làm cho ngôi nhà lay chuyển được. Người nghe Lời Chúa mà không thực hành như người ngu dại xây nhà trên cát. Mưa sa bão táp nuớc lùa, ngôi nhà sẽ bị đổ.

Hai ngôi nhà bề ngoài như nhau. Chỉ khi có mưa sa bão táp mới biết nhà nào xây trên đá, nhà nào xây trên cát. Như hai ngôi nhà, hai tín hữu có thể giống nhau bề ngoài, sử dụng cùng những từ ngữ, thi hành cùng một chức vụ, được cùng thứ ơn đoàn sủng trong Giáo Hội. Chẳng thấy họ khác biệt nhau chỗ nào, lương tâm của cả hai có lẽ cũng bình an như nhau. Thế nhưng kẻ này mềm như cát, người kia vững như đá. Chính cơn thử thách sẽ cho thấy bản chất đích thực của hai người. Có những Kitô hữu đã ngã đỗ vì một thử thách. Chẳng hạn, cầu nguyện sốt sắng mà vẫn không được nhận lời, bị người thân yêu nhất phản bội, bàng hoàng trước gương xấu của một số chủ chăn. Đó là bởi thay vì đặt niềm tin của mình trên Lời Chúa, họ đã xây nó trên tình cảm tôn giáo (mà họ lầm lẫn với đức tin), trên các quyến luyến nhân loại (mà họ cho là đức bác ái) hay trên một sự nóng lòng chờ đợi các kết quả thấy được bên ngoài (mà họ đồng hóa với đức cậy trông).

Có một số cách sống đạo, cần xét mình để xem đó có phải là xây nhà trên nền đá vững chắc hay không.

- Sống đạo bằng cách đọc kinh, dự lễ rất đầy đủ và chuyên cần. Có lẽ đa số người giáo dân theo cách này. Ngày Chúa nhật và những ngày lễ, nhà thờ đông người tham dự. Nhiều nơi xây thêm nhà thờ mới. Nhiều nhà thờ ngày càng trở nên chật hẹp, phải nới rộng thêm. Đây cũng là cách của những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã nói “Không phải những ai thưa ‘Lạy Chúa lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời”. Đọc kinh dự lễ rất nhiều mà rốt cuộc không được vào Nước Trời. Đó là xây nhà trên cát.

- Sống đạo bằng cách chọn Chúa là Đấng bảo vệ che chở cho đời mình. Người ta, có kẻ thờ Quan Công, có người thờ thần tài, có người thờ Phật Bà Quan Âm. Nhưng tôi nhất quyết chọn Chúa vì tin rằng Ngài quyền phép hơn tất cả những thần thánh kia. Bởi thế, khi bắt đầu làm ăn, tôi cầu xin Chúa giúp; khi gặp trục trặc, tôi xin Ngài giải quyết; khi thành công, tôi dâng lễ vật tạ ơn Ngài; cho đến khi sắp chết, tôi xin Ngài rước tôi lên thiên đàng với Ngài. Thiên Chúa trở thành ô dù, là nhà tài trợ, là mạnh thường quân, là lá bùa hộ mệnh. Những người này có phần “khôn khéo” vì biết chọn theo Thiên Chúa mạnh thế hơn, nhưng xét cho cùng thì cách sống đạo của họ cũng không khác gì những người thờ các thần khác. Cũng là xây nhà trên cát.

- Có những người bệnh tật không đến nhà thờ được, hoặc ở nơi không có nhà thờ. Họ không dự lễ nhiều, nhưng họ luôn cố gắng thực hành những điều Chúa dạy trong Tin Mừng, họ quan tâm tìm hiểu ý Chúa và làm theo ý Chúa. Chúa Giêsu nói về họ: “Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá”. (sợi chỉ đỏ).

2. Xây nhà trên đá vững chắc

Cái nền đá vững chắc mà Chúa Giêsu nói, đó chính là đức tin thể hiện bằng việc làm “Không phải những ai nói với Ta ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người nào thực hiện ý Cha Ta trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời”; “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá”.

Chúa Giêsu không hề hứa là ngôi nhà trên đá sẽ không bị mưa tuôn, sóng vỗ. Điều Chúa hứa là cho dù ngôi nhà đó có bị bao nhiêu mưa tuôn và sóng vỗ đi nữa thì nó vẫn đứng vững.

Hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội vẫn luôn đứng vững dù gặp nhiều cơn bão tố phủ vây. Giáo Hội được xây dựng trên nền Lời Chúa. Lời đã được đem ra thực hành trong đời sống của Giáo Hội suốt dòng lịch sử.

Tri thức cần phải chuyển biến thành hành động. Lý thuyết cần đem vào thực hành. Thần học cần đưa vào cuộc sống.Một giáo dân thường biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống, canh tân theo tinh thần Tin Mừng thì có giá trị hơn nhà Thần học, nhà Thánh Kinh mà không sống Lời Chúa.

Một đời sống đạo được kết hợp bằng những hiểu biết lý thuyết, được diễn tả bằng ngôn ngữ hoa mỹ, có thể đánh lừa được người khác, hoặc tự tạo cho bản thân một cảm giác an toàn giả tạo, nhưng nó sẽ rất nguy hiểm khi mưa lũ thử thách và bão táp bách hại kéo đến, thiệt hại tất sẽ nặng nề.

Sách Cách Ngôn viết: “Bão táp thổi qua, gian ác chẳng còn, nhưng người chính trực vững như nền vạn cổ” (Cn10,25). Người chính trực là kẻ khôn ngoan đã xây nhà trên nền đá, mưa có đổ, nước có tràn, gió có thổi nhà vẫn không sập. Người khôn ngoan ở đây không có nghĩa là người hiểu biết, giỏi lý luận, có thể nói về Thiên Chúa một cách lưu loát. Người khôn ngoan phải là người luôn tuân giữ giới luật của Thiên Chúa. Người khôn ngoan đón nhận hạt giống từ kho tàng Thánh Kinh và đem gieo vào cuộc sống thực tế để cây Lời Chúa mọc lên trổ sinh bông hạt.

Lời Chúa vốn đã tốt đẹp bền vững, không cần con người phải chải chuốt tô điểm. Bổn phận của con người là phải liên kết Lời Chúa vào đời sống của mình. Chẳng một dịp nào mà con người có thể bỏ qua mà không áp dụng vào lời dạy của Chúa Giêsu. Chẳng một câu hỏi nào mà không đòi hỏi có giải đáp đã nằm sẵn trong lời dạy của Đức Kitô. Một đời sống đạo lý tưởng phải là lời lặp lại câu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

Sống đạo không chỉ bằng lời nói: đọc kinh nhiều, hoặc bằng ý nghĩ hay: suy tưởng sâu xa, nhưng còn bằng việc làm nữa, biết chăm lo thực hành thánh ý Chúa để thánh hoá đời sống mỗi ngày.

Lòng đạo đức đích thực không phải do những hình thức đạo đức bên ngoài, nhưng do đời sống phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Muốn vào Nước Trời, cần phải nỗ lực và kiên trì sống tinh thần và giáo huấn của Chúa, chứ không được tự mãn vì những hình thức sống đạo bên ngoài. Tác giả linh đạo Kenpis từng nói: “Sống khiêm nhường thì quan trọng hơn biết được định nghĩa về đức khiêm nhường”. Học, đọc, suy niệm Lời Chúa chưa đủ, mà còn phải đem áp dụng vào đời sống những giáo huấn của Chúa nữa.

3. Vấn đề thời sự.

Diễn biến của khu vực Trung Đông dồn dập xảy ra những ngày này. Sau sự ra đi của các nhà độc tài, các nhà phê bình thường phán xét mức độ tội ác trong thời gian trị vì, sự thiệt hại, cũng như hậu quả mà họ đã gây ra cho quốc gia đó và thế giới. Có nhiều nhận định về sự khôn ngoan, ngu xuẩn của các nhà lãnh đạo. Ngày hôm nay, nhân dân yêu chuộng tự do và dân chủ trên toàn thế giới nói chung và người Việt nói riêng, vui mừng trước sự sụp đổ của hai thể chế độc tài ở Tunisia và Ai Cập. Đồng thời mọi người cũng đang hồi hộp theo dõi dòng các sự kiện dầu sôi, lửa bỏng tiếp theo ở các quốc gia Ả Rập khác như Algieria, Yemen, Jordan, Barhain, Syria,. .. và đặc biệt tại Libya.

Ngày 22/2, trong một cuộc họp khẩn cấp, Saif al-Islam Gaddafi, con trai của Muammar Kadafi thông báo đã có 300 người bị chết, trong đó có 242 thường dân và 58 binh lính.Thấy khó giành được ưu thế trên mặt đất, Kadafi đã ra lệnh cho máy bay quân sự ném bom, nhả đạn vào người biểu tình, tuyên bố đanh thép sẽ tử thủ tại Tripoli và với những ai chống đối sẽ bị trừng phạt bằng cái chết.

150 ngàn binh lính, cảnh sát và lính đánh thuê là nền móng của chế độ Kadafi. Một nửa trong số này là quân tinh nhuệ. Nếu không tiếp tục duy trì quyền kiểm soát được lực lượng này, Kadafi sẽ mất quyền lực.Tuy nhiên, dù quân đội tinh nhuệ, cảnh sát và lính đánh thuê hùng hậu, nhưng khi đã dã man, vô đạo nổ súng vào dân thường, thì họ không đủ mạnh nữa.Tàn ác cỡ Hitler cũng không quay ngược súng bắn vào nhân dân của mình. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel nói rằng “Kadafi đã tuyên bố chiến tranh với chính dân tộc mình”. Miền Đông Libya dường như tuột khỏi tầm kiểm soát của Kadafi, trong khi ngày càng tăng lên số binh lính ngả về phe đối lập. Lệnh xử bắn ngay lập tức lính đào ngũ không giúp được Kadafi bao nhiêu.Truyền hình Al-Jazeera loan tin Ngoại trưởng Libya kêu gọi quân đội đứng về phía đối lập. Các giáo sĩ chuyển thông điệp tới tín hữu chống lại Kadafi và coi đây là trách nhiệm của người Hồi giáo. Hai máy bay phản lực hạ cánh xuống Malta xin tỵ nạn chính trị vì từ chối ném bom xuống quần chúng. Hàng loạt các đại sứ của Libya ở nước ngoài từ chức phản đối cuộc tắm máu của Kadafi. Liên đoàn các nước Ả Rập họp bất thường loại bỏ Libya tham dự và đòi hỏi Kadafi “chấp nhận khát vọng của dân tộc Libya” và “phải bảo vệ an toàn cho nhân dân”. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp...

Hosni Mubarak trong tình thế nguy cập đã lên truyền hình xoa dịu, cam kết không ra tranh cử vào tháng 9, tiến cử Phó Tổng thống và uỷ quyền cho ông ta thương lượng với các lược lượng phản kháng và quân đội. Quan trọng nhất là Mubarak đã không dùng quân đội chống lại nhân dân. Việc điều động xe tăng tới quảng trường Tahrir chỉ cốt đe doạ. Hình ảnh người cha đặt em bé ngồi trên xe tăng hay cặp uyên ương trong bộ đồ cưới chụp hình bên xe tăng sẽ đi vào lịch sử như những hình ảnh tuyệt đẹp của cuộc xuống đường bất bạo động và tình cảm giữa người lính với nhân dân.

Có khoảng 100 người tử vong, hàng trăm người bị thương, trong hơn ba thập kỷ cầm quyền cái ác mà Mubarak đưa lại cho nhân dân Ai Cập nhiều hơn cái thiện, nhưng sự ra đi của Mubarak dù sao cũng khôn ngoan hơn Kadafi nhiều.

Kadafi cho máy bay dội bom chính thủ đô của mình, bắn thẳng vào chính nhân dân của mình, những người mà không có họ ông ta đã không có cơ hội để ngồi trên ngai vàng suốt 42 năm.

Về số phận của Muammar Kadafi tôi cho rằng, nếu không giống như Saddam Hussein của Iraq, Slobodan Milosevic của Serbia, thì rất có thể là màn kịch dành cho Ceausescu của Romania trong năm 1989 sẽ tái diễn. Cho dù Kadafi không những sử dụng xe tăng như Đặng Tiểu Bình trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 mà còn sử dụng cả máy bay ném bom nữa. Kadafi rồi sẽ thất bại. Những ngày tàn của Kadafi chắc chắn đang kết thúc.(x.Blog LeDienDuc)

Một loạt tổng thống thủ lĩnh sống như vua nhiều năm không thể bạo tàn mãi ở Tunisia,Ai Cập, Bahrain,Lybie,Yemen…Những Ben Ali, Hosni Mubarak, Muammar Kadafi và tiếp theo còn ai nữa ôm hàng tỷ đôla bãi chức ra đi tìm mua một chỗ nằm…

Những bài học về sự khôn dại, xây nhà trên đá trên cát rất thiết thực qua những diễn biến thời sự nóng bỏng.
 
Cha là đóa huệ nở muôn đời
Gioan Lê Quang Vinh
11:51 01/03/2011
Mỗi khi tháng Ba về, người Công giáo vui mừng cảm động vì là dịp kính nhớ Thánh Giuse, Cha nuôi của Chúa Giêsu một cách đặc biệt. Nói “kính nhớ” không đúng lắm, vì Ngài có ở xa đâu mà phải nhớ. Thánh Giuse ở bên con cái Ngài còn trên trần gian như ngày xưa Ngài ở bên Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Ngày còn bé, tôi dại khờ không biết tôn kính yêu mến Thánh Giuse. Ngày ấy tôi thấy hình Chúa Giêsu Hài Đồng dễ thương, Chúa Giêsu Vua uy nghi, Thánh Tâm Chúa Giêsu dịu dàng dễ yêu mến gần gũi. Ngày ấy tôi nhìn ảnh tượng Mẹ Maria rất thích vì Mẹ dịu dàng trìu mến. Còn Thánh Giuse luôn là một cụ già râu tóc bạc phơ xa lạ.

Sau này lớn lên tôi mới hiểu ý định của các hoạ sĩ. Khi vẽ hình Thánh Giuse, các hoạ sĩ muốn khắc hoạ sự tinh tuyền và khôn ngoan của Thánh Giuse bằng hình ảnh của tuổi già, vì Kinh Thánh viết “tuổi già là một cuộc đời thanh sạch”. Đồng thời, hình ảnh người Cha già bên Chúa Giêsu nhắc đến tình yêu và sự chăm sóc ân cần của Cha trên Trời.

Nhưng ý định và nghệ thuật ẩn dụ tốt đẹp ấy lại giấu mất sự trẻ trung, can trường mạnh mẽ và sự tinh tuyền như đoá huệ mùa Xuân nơi người Cha nhân hậu của Chúa Giêsu và của nhân loại. Cha Thánh Giuse là đoá huệ đẹp mà Thiên Chúa đã gửi đến vườn hoa trần gian này để làm cho trần gian đẹp lộng lẫy hơn.

Kinh Exultet trong Đêm Vọng Phục Sinh nhắc lại lời Thánh Phaolô “Ôi tội hồng phúc”. Tội lỗi là tội đem ơn phúc vì chính tội lỗi làm cho trần gian có được Đấng Cứu Chuộc muôn đời. Và nhờ Đấng Cứu Chuộc nhập thể làm người, nhân loại có người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria và người Cha nuôi cao cả đáng kính yêu là Thánh Cả Giuse.

Thánh Giuse được ca tụng vì sự tinh tuyền, vì công lao chăm sóc Chúa Giêsu ở trần gian. Thánh Giuse được ca tụng vì Ngài là mẫu gương làm việc để cộng tác vào công trình của Thiên Chúa. Nhưng trên hết, Thánh Giuse được tôn vinh vì Ngài vâng phục Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa cách hoàn hảo.

Khi nghe Lời Chúa Giêsu phán: “Ai nghe và giữ lời Thầy, đó là Mẹ và anh em Thầy”, “Phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa”, thì người ta luôn nghĩ đến Đức Maria. Điều ấy rất đúng. Nhưng khi nói những lời ấy, chắc chắn một người con hiếu thảo như Chúa Giêsu cũng nghĩ đến Cha nuôi của mình, người Cha mà trong suốt cuộc đời trần gian chẳng có quyền cao chức trọng cũng chẳng có tiền của. Ngài chỉ có một điều: vâng phục Thiên Chúa.

Khi nhìn ngắm Thánh Giuse bồng ẵm Chúa Giêsu thơ bé trên đôi tay lao động của Ngài, chúng ta thấy cảm động. Ngài là một người đàn ông đã từ bỏ đời sống hôn nhân vì Nước Trời, cũng như các tu sĩ linh mục, Thánh Giuse không có con ruột của mình. Nhưng Thánh Giuse yêu mến người con nuôi là Chúa Giêsu và hạnh phúc với tình yêu ấy hơn mọi người cha trên đời.

Vâng, đúng như thế. Chúa Giêsu là con nuôi Chúa Giêsu, nhưng không một người đàn ông nào khác là Cha của Người. Và như vậy Thánh Giuse là người Cha duy nhất của Người trên trần gian. Hơn nữa, Chúa Giêsu yêu mến Thánh Giuse hơn mọi người con khác yêu mến cha mình, vì Chúa Giêsu là chính tình yêu. Như vậy, Thánh Giuse là người gia trưởng, người Cha hạnh phúc nhất.

Là một người Cha đã đi cùng với con trai suốt thời thơ ấu và lúc cậu con trai ấy trưởng thành, chắc chắn Thánh Giuse hiểu các gia đình trần gian một cách rõ ràng. Thánh Giuse đi cùng với Thánh Gia trên nhiều nẻo đường, có lúc tìm quán trọ mệt nhoài, có lúc bôn ba nơi đất khách quê người, và có lúc hốt hoảng tìm con đi lạc. Trong những cuộc hành trình ấy, Thánh Giuse có niềm hạnh phúc là luôn đi với Giêsu.

Chúng ta thường thấy hình ảnh Thánh Gia nghiêm nghị dù vẫn đầy yêu thương. Nhưng có một bức ảnh do hoạ sĩ A. Tangi (hình như là một linh mục Phi luật tân) vẽ rất thú vị. Thánh Giuse vui cười trêu bé Giêsu cũng đang cười tươi, bên cạnh Mẹ Maria rạng ngời hạnh phúc. Nhìn hình ảnh Đức Maria đặt tay trên vai Thánh Giuse khi Cha đang đùa với Chúa Giêsu ấu thơ, một vị Giám mục đã nói: “Dễ thương quá!”.

Những người đàn ông đã lập gia đình, khi nô đùa với con trai, cảm nghiệm được niềm hạnh phúc lớn lao của thiên chức làm cha mà Thiên Chúa chia sẻ. Những lúc ấy, con người còn hạnh phúc hơn khi ý thức rằng Thánh Giuse cũng đã sống đời sống như mình và Ngài bây giờ vẫn ở bên những người chồng, người cha trần gian để nâng đỡ và dìu dắt họ.

Thánh Têrêsa Avila đã cảm nghiệm được sự nâng đỡ dìu dắt của Thánh Giuse trong đời sống tu trì. Thánh nữ đã viết: “Tôi thấy không lần nào xin sự gì cùng thánh Giuse mà không được như ý. Dường như Thiên Chúa ban ơn cho các Thánh giúp ta việc này việc nọ nhưng kinh nghiệm cho tôi biết Thánh Giuse giúp chúng ta trong mọi trường hợp. Tôi lấy danh Chúa mà xin những ai không tin lời tôi hãy thử mà xem.”

Lạy Thánh Giuse, con đã cảm nghiệm điều ấy rõ ràng trong đời con, rằng “Thánh Giuse giúp chúng ta trong mọi trường hợp”. Tháng Ba trở về, con ghi lại vài nét khi nghĩ về Cha Thánh với lòng ngưỡng mộ tri ân. Xin cho những bước chân Cha ở trần gian này luôn dẫn đưa gia đình con đi, để sau khi qua mọi thăng trầm cuộc đời, cuối cùng chúng con đến với Chúa Giêsu là Con nuôi chí ái của Cha muôn đời.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:55 01/03/2011
N2T


7. Chị em có sai lầm, nếu để họ miễn cưỡng nhận tội là phương pháp không hay, bởi vì chúng ta không có bổn phận trông coi họ, chúng ta là thiên thần hòa bình, chứ không phải là pháp quan hạch tội.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói về việc rao giảng Phúc Âm trong thế giới thông thạo kỹ thuật tân tiến
Bùi Hữu Thư
00:46 01/03/2011
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Cũng y như Chúa Giêsu đã có thể truyền thông hữu hiệu Lời Chúa bằng các dụ ngôn liên quan đến các đồng cỏ và chiên cừu, Giáo Hội cần phải khám phá ra các hình ảnh của thế giới ngày nay để có thể thu hút sự chú ý và tâm hồn của các người nam và nữ thông thạo kỹ tuật tân tiến

Ngài nói: Rao truyền Phúc Âm có thể dựa trên các khẩu hiệu mạnh mẽ hay “những quyến rũ mê hoặc của ngôn ngữ,” tuy nhiên, người truyền thông phải thực sự là một nhân chứng có thể biểu lộ các giá trị Kitô giáo và biết tôn trọng người khác trong việc đối thoại.

Đức Thánh Cha nói với các tham dự viên của phiên họp khoáng đại từ ngày 28 tháng Hai đến 3 tháng Ba của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội với chủ đề “Ngôn Ngữ và Truyền Thông".

Ngài nói ngày 28 tháng Hai: “Nền văn hóa kỹ thuật số đem lại những thách đố mới về khả năng nói và nghe được một ngôn ngữ tượng trưng về những gì siêu nhiên.”

Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu biết sử dụng các biểu tượng và ý tưởng thích hợp nhất đối với nền văn hóa của thời đại của Người, như chiên cừu, cánh đồng, hạt giống, bữa tiệc và vân vân.

Ngài nói: “Ngày nay chúng ta cũng được mời gọi để khám phá ra nền văn hóa kỹ thuật số, với các biểu tượng và hình ảnh có ý nghĩa đối với mọi người bây giờ, sao cho có thể giúp đỡ những người nam và nữ tân tiến học và biết về Nước Trời.”

Ngài nói: Tuy nhiên, người truyền thông không bao giờ chỉ được dựa sự hữu hiệu của mình vào “sự mê hoặc của ngôn ngữ, như trường hợp của con rắn (trong vường Điạ Đàng) hay trên hiện tượng bất khả truyền thông và bạo lực như với Cain.

Ngài nói: Rao Truyền Phúc Âm, “Theo Thánh Ý Chúa sẽ phải luôn luôn đi đôi với đối thoại và trách nhiệm như chẳng hạn, những hình ảnh của Abraham, Môisen, Giốp và các tiên tri làm nhân chứng.”

Truyền thông cần phải “thực sự nhân bản" và dựa trên các giá trị và ý nghĩa thiêng liêng.

Đức Thánh Cha nói: Người Công Giáo có thể giúp đỡ cho lãnh vực kỹ thuật số bằng cách “mở ra những chân trời mới về ý nghĩa và giá trị mà nềnvăn hóa kỹ thuật số không thể thể hiện hay bầy tỏ.”

Ngài nói: Điều này sẽ giảm thiểu một vài mối nguy cơ hiện diện trong truyền thông kỹ thuật số ngày nay như việc để mất đi những suy tư nội tâm, hay đem lại những mối tương quan hời hợt, hay ngụp lặn trong cảm xúc, và chú tâm đến những ý kiến thuyết phục thay vì sự thật.

Đức Thánh Cha Benedict dẫn chứng một nhà truyền thông hữu hiệu là Linh Mục Matteo Ricci, vị thừa sai Dòng Tên thế Kỷ 16 đã đến Trung Hoa không những chỉ để học tiếng Trung Hoa mà còn hội nhập lối sống và các phong tục của nền văn hóa Trung Hoa, và chiếm được sự kính trọng của họ.

Đức Thánh Cha nói Cha Ricci loan truyền sứ điệp của Chúa Kitô bằng cách luôn luôn coi người dân ngài đang đối thoại với “trong bối cảnh văn hóa và triết học, giá trị và ngôn ngữ của họ, thu nhập tất cả những gì tích cực trong truyền thống của họ, và tìm cách làm cho sống động và cao cả thêm bằng sự khôn ngoan và chân lý của Chúa Kitô.”

Ngài nói: Thực vậy, đức tin luôn luôn “xâm nhập, làm cho phồn thịnh, tuyên dương và làm sống động nền văn hóa, ” trong khi văn hóa lại cung ứng cho đức tin một động cơ để phát biểu – đó chính là ngôn ngữ.

Ngài nói: Chính vì vậy mà các nhà lãnh đạo giáo hội phải được trợ giúp để có thể “giải thích và nói ngôn ngữ mới của giới truyền thông” trong công tác mục vụ của họ.

Đức Thánh Cha hỏi: Một vài câu hỏi các nhà truyền thông cần đặt ra là: não trạng kỹ thuật số đem đến những thách đố nào cho đức tin và thần học, và có những hậu quả nào khi người ta thường xuyên tiếp xúc với các máy vi tính và những dụng cụ cầm tay lưu động?

Đức Tổng Giám Mục Claudio Celli, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội nói với Radio Vatican ngày 27 tháng Hai là một đường lối truyền thông chân chính và tôn trọng là điều rất quan trọng.

Đức tin Kitô của một người phải chiếu sáng qua người khác, không phải vì đề tài hoàn toàn tôn giáo, nhưng vì cách thức người này giao thiệp với người khác được thể hiện “người này có sẵn trong tim sứ điệp Phúc Âm và, vì vậy sống đời hiệp thông với Chúa Giêsu.”

Đức Tổng Giám Muc nói: Đem Phúc Âm đến cho người khác “không phải là một điều bó buộc hay một quảng cáo thương mại, nhưng là một truyền thồng về đời sống, một truyền thông đi từ trái tim một người sang trái tim một người khác.”

Ngài tiếp: Một nhân chứng cho sự thật như vậy cũng phải được thực hiện “một cách kín đáo và tôn trọng người khác.”
 
Mùa xuân Ả Rập
Vũ Văn An
21:45 01/03/2011
Cuộc cách mang đang diễn ra trong thế giới Ả Rập khởi sự ngày 17 tháng 12 năm 2010 khi Mohammed Bouazizi, một thanh niên Tunisia 26 tuổi, tự thiêu để phản đối một nữ cảnh sát viên đã tịch thu chiếc cân mà anh ta vốn dùng để bán trái cây với lý do anh ta không có giấy phép. Trước khi tự thiêu, anh ta hô lớn: “các ông các bà mong tôi làm cách nào để sống đây?”. Chia sẻ nỗi bất mãn của anh, đồng bào anh đã xuống đường phản đối và các cuộc biểu tình này đã lật đổ chế độ thối nát của Zine El Abidine Ben Ali, khiến ông ta phải rời Tunisia ngày 14 tháng Giêng. Tiếp theo đó, ai cũng rõ: Phong trào phản kháng mau chóng lan qua Ai Cập lôi cuốn cả hàng triệu người phản đối, kết quả, ông Mubarak cũng đã miễn cưỡng rút lui vào ngày 11 tháng Hai. Những ngày gần đây, phong trào phản kháng nổi lên rầm rộ khắp vùng Ả Rập mà đẫm máu nhất chính là Lybia, nơi hàng trăm thường dân đã bị chế độ Moammar Gadhafi nã đạn sát hại.

Dù có những lo ngại trước làn sóng phản kháng không có lãnh tụ này, rất dễ cho những khuynh đảo ma quái luôn rình rập phía đàng sau, linh mục Samir Khalil, Dòng Tên, gốc Ai Cập, một chuyên gia của Giáo Hội về Trung Đông và Hồi Giáo, vẫn tỏ ra lạc quan và cho rằng một mùa xuân đang bừng nở cho thế giới Ả Rập. Đó cũng là tựa đề một tham luận cha gửi cho Aisanews ngày 24 tháng 2 vừa qua.

Chứng cớ của mùa xuân này là không hề có chủ nghĩa cực đoan hay ý thức hệ trong các cuộc biểu tình ở Libya, Ai Cập và Tunisia… Đây là một phong trào của người trẻ, được thúc đẩy bởi đau khổ kinh tế và các lý tưởng như dân chủ, bình đẳng, tự do và công lý. Các cuộc biểu tình không có bóng dáng bạo động và hận thù. Cả thế giới Ả Rập đang thay đổi, đem lại cho ta một viễn tượng chưa từng có ở đây: tầm quan trọng của người trẻ.

Cuộc cách mạng của giới trẻ

Theo Cha Khalil, những người đã và đang biểu tình, đang liên lạc với nhau và với thế giới bên ngoài, đang truyền bá tin tức đều là người trẻ dưới 30 tuổi. Trong các nước Ả Rập, nửa dân số thuộc lớp tuổi này. Lớp người này mơ ước có một việc làm và một gia đình riêng. Nhu cầu của họ là những nhu cầu căn bản nhất. Thêm vào đó, họ mong ước có dân chủ, tự do, bình đẳng và công lý. Đó là mơ ước của mọi người trẻ trên thế giới, nhưng ở đây, vì những lý do kinh tế, xã hội, và chính trị, nó đang là động cơ thúc đẩy thay đổi.

Những người trẻ này ít quan tâm tới các tranh chấp quốc tế. Trong các phong trào phản kháng này, các vấn đề có quan hệ tới Hoa Kỳ, Do Thái, cuộc chiến đấu của người Palestine, việc giải phóng Giêrusalem… đều không được nêu ra. Hàng mấy thập niên qua, thế giới Ả Rập đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc biểu tình có tính ý thức hệ. Nhưng những thanh niên này chỉ biết tập chú vào các vấn đề quốc gia và xã hội, họ không biểu tình cho bất cứ ý thức hệ nào, dù là tả hay hữu. Trong những tháng này, không một lá cờ Hoa Kỳ hay Do Thái nào bị đốt; không ai hô hào, tranh đấu cho Hồi Giáo được thống trị thế giới. Họ không muốn ý thức hệ, họ muốn chủ nghĩa hiện thực.

Cuộc cách mạng của liên đới, không cuồng tín

Điều đáng lưu ý là những người trẻ trên tuy vẫn muốn tôn giáo, nhưng không muốn cuồng tín. Cha Khalil cho hay: trong mấy ngày qua, ngài có dịp tham gia một cuộc tụ tập để tưởng niệm cái chết của Rafik Hariri (1) ở Li Băng. Buổi lễ diễn ra trong một căn phòng mấy trăm người, vừa chức sắc vừa thường dân, tại Biel, Beirut. Trên lễ đài, bài Ave Maria đã được một ca sĩ Kitô Giáo Li Băng đơn ca quện lẫn với lời kêu gọi cầu nguyện do một ca sĩ Hồi Giáo trình diễn. Hai giọng ca ấy hòa lẫn vào nhau một cách sâu sắc và tuyệt diệu đến nỗi nhiều người phải chẩy nước mắt. Bởi thế, trong các phong trào này, người ta nhận rõ một khát mong đối với đoàn kết, hòa bình, hơi có vẻ lý tưởng một chút, nhưng rất hiện thực. Trong các cuộc biểu tình ở Ai Cập, người ta được chứng kiến nhiều cử chỉ mới và hiếm thấy như các phụ nữ ôm hôn những người lính như ôm hôn con cái mình, vì những người lính này nhất định không nã súng vào thường dân. Binh sĩ tại Libya cũng án binh bất động đến nỗi chính phủ phải mời lính đánh thuê từ vùng Hạ Sahara. Hiện nay, 5 đại sứ của Libya đã từ chức, nhiều bộ trưởng cũng đã từ nhiệm, nhiều binh sĩ khác nhất định không ném bom các thị xã.

Đây nguyên tuyền là một phong trào phản kháng độc tài, một mùa xuân thực sự mà người ta có quyền hy vọng sẽ không làm họ thất vọng. Trong bầu không khí này, lòng đạo chính thức hay quá khích không bao giờ xuất hiện. Các ông giáo sĩ có râu có thể xuất hiện ở các quảng trường để đòi hỏi tự do. Nhưng họ không tạo thành một khối riêng rẽ, mà hòa lẫn vào đám đông như một toàn bộ. Sự đoàn kết này lần đầu mới có.

Một cuộc cách mạng ôn hòa

Một yếu tố khác hết sức nổi bật là mọi người đều cố gắng biểu tình đòi hỏi thay đổi một cách ôn hòa: nhất là tại Ai Cập, nhưng ở Bahrain, Tunisia và đôi khi ở Lybia cũng thế. Xem ra cả thế giới Ả Rập cuối cùng đã khao khát một thời đại hòa bình.

Yếu tố ôn hòa được thấy rõ qua sự kiện người ta không hận thù Mubarak cũng như Ben Ali. Đôi khi cũng có đấy, nhưng không bao giờ kèm theo bạo lực. Điều này cho thấy người phản kháng sẵn sàng cùng nhau thể hiện điều tốt và mới mẻ.

Có điều hơi lo ngại là các phong trào phản kháng này không có lãnh tụ. Có lẽ vì các phong trào này gồm toàn người trẻ, là những người không có máu ý thức hệ hay cực đoan. Khía cạnh này hơi nguy hiểm, vì rất có thể bị khuất phục hay lèo lái bởi các lãnh tụ bất xứng.

Nhưng mặt khác, các phong trào này khiến ta nhớ tới các phong trào tương tự tại Đông Âu vào năm 1989. Ngay lúc ấy, người ta đã thấy rõ hiệu quả domino khi hết chế độ này đến chế độ nọ thay nhau cáo chung, không tốn một viên đạn. Hiện tượng đó khiến người ta tin rằng lớp trẻ hiện nay sẽ không bị lèo lái bởi các phong trào tôn giáo hay ý thức hệ quá khích.

Còn Âu Châu thì sao?

Cha Khalil cho hay hầu hết các nước Phương Tây rất ngỡ ngàng trước các cuộc cách mạng này. Tại sao các nước này, tuy có nhiều liên hệ kinh tế với khu vực, lại không nhận ra bất cứ dấu hiệu nào? Rất có thể vì lâu nay, Tây Phương chỉ chú tâm tới việc đầu tư mà thôi. Họ thiếu hẳn nhậy cảm hay đui mù trước cao trào dân chủ trước khi nó nổ bùng rầm rộ. Tuy nhiên cũng có người cho rằng Hoa Kỳ đứng đàng sau, giật dây các cuộc biểu tình này hòng củng cố quyền lực của họ từ Morocco tới Kuwait, thiết trí lại cơ cấu lãnh đạo các nước này và kiểm soát nguồn dầu hỏa của cả vùng. Cha Khalil không tin như thế.

Thay vào đó, cha hy vọng Âu Châu sẽ nhân dịp này ra tay giúp đỡ Thế Giới Ả Rập, nhưng không được can thiệp vào nội bộ của họ. Vùng này không muốn người ngoài can thiệp vào nền chính trị của họ. Nhưng họ cần được nâng đỡ. Những cuộc biểu tình vừa kể đã dẫn tới một thảm họa về kinh tế: đình công lâu dài, phá hủy và cùng quẫn. Cần phải giúp họ vượt qua các khó khăn này.

Cũng nhân dịp này, Tây Phương nên tự vấn lương tâm. Trước đây họ đã làm gì cho các chế độ trong thế giới Ả Rập? Họ đã ủng hộ chúng. Pháp thì ủng hộ Tunisia, Ý thì ủng hộ Libya, Hoa Kỳ ủng hộ Ai Cập. Xét mặt này mặt nọ, các chế độ đó vốn có những người bảo trợ Tây Phương. Nay là lúc Tây Phươg phải có thái độ tích cực hơn.

Quá chán chường

Cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Zenit, Cha Khalil gọi các cuộc phản kháng trong thế giới Ả Rập gần đây là một tự phát của người trẻ, không do đảng phái hay tổ chức chính trị nào điều khiển. Việc tự phát này có điểm chung là nhằm chống lại các chế độ đã kéo dài quá lâu: Tunisia: 21 năm; Ai Cập: 30 năm; Libya: 42 năm, Yemen: 21 năm v.v… Họ quá chán chường với các chế độ này, muốn chúng “cút đi”. Các khẩu hiệu bằng tiếng Ả Rập thường là "irhal" đúng là cút đi, bọn tao chán mày quá chừng rồi. Phong trào chống Mubarak cũng được mô tả bằng tiếng Ả Rập là "kefaya!" nghĩa là đủ rồi!

Việc tự phát ấy cũng có đặc điểm chung là nhu cầu làm việc, tạo dựng một gia đình, sống tối thiểu xứng đáng. Người thanh niên tự thiêu Tunisia vốn từng đi học, không có việc làm, phải đi bán trái cây kiếm sống, mà đường cùng vẫn bị cản trở. Tại Ai Cập, gần 30 triệu con người chỉ kiếm được mỗi ngày không quá 2 đôla. Trong khi các nhà lãnh đạo của họ không những chỉ là triệu phú, mà còn là tỉ phú sống phè phỡn.

Việc tự phát này còn có đặc điểm nữa là không gây hấn, không tấn công ai. Không người Mỹ nào bị tấn công, không lá cờ Mỹ hay Do Thái nào bị đốt cháy hay giầy xéo. Người biểu tình chỉ quan tâm tới số phận của họ. Họ cũng không có mưu toan giết hay cầm tù các nhà lãnh đạo chính phủ: họ lên án nhưng vẫn để những người đó ra đi. Nó là một phong trào không nhằm chống ai, chỉ nhằm dành quyền sống, một cuộc sống xứng đáng hơn. Đúng là một mùa xuân thực sự.

Mùa xuân này không bị lèo lái bởi các phong trào cực đoan. Tại Ai Cập, người Hồi Giáo và người Kitô Giáo nắm tay nhau, bất chấp các cố gắng của phe cực đoan muốn họ đối nghịch nhau. Các chính khách cũng thất bại không thực hiện được âm mưu chia rẽ ấy.

Không khí hiện nay là một không khí mừng vui đại hội, mừng chiến thắng của dân chủ. Đây là chiều hướng ít được thế giới Tây Phương để ý. Thực ra, thế giới Ả Rập đã đề cập, đã viết nhiều về nhu cầu dân chủ này từ lâu rồi. Họ cho thấy thế giới của họ không tốt đẹp, nó là một trong những nơi tồi tệ nhất thế giới. Họ mong muốn được sống như các quốc gia khác. Nhân dân trong thế giới Ả Rập biết rõ Âu Châu vì họ rất gần gũi với châu lục này. Mọi người đều có thân nhân ở Pháp, ở Đức, ở Ý, ở Bỉ, ở Anh v.v… Họ biết ở đó cuộc sống rất khác. Ở đấy, dù có khó khăn kinh tế, nhưng có công lý, ai cần đi bệnh viện để mổ, có thể đi dù nghèo xác xơ: hệ thống dân chủ Âu Châu cho phép điều đó xẩy ra dù bệnh nhân không có tiền trả. Họ cũng biết rằng ở Âu Châu, người ta được luật sự bào chữa vì họ không có tiền trả cho ông ta. Công lý phục vụ cả người nghèo lẫn người giầu hay gần như thế. Họ biết tất cả những điều này qua bạn bè, qua internet, mà người ta càng ngày càng sử dụng rộng rãi hơn. Điều ấy đang tạo ra cao trào kêu gọi dân chủ.

Phong trào canh tân Hồi Giáo

Nhân dịp này cũng nên nhắc tới một bài khác cũng của Cha Khalil đăng trên AsiaNews ngày 26 tháng Giêng tựa là: “Các Giáo Sĩ và Các Nhà Trí Thức Ai Cập: Canh Tân Hồi Giáo Hướng Về Tính Hiện Đại”. Bài báo này tường thuật việc một số giáo sĩ và trí thức nổi tiếng của Ai Cập lên tiếng đòi canh tân Hồi Giáo, trước khi có những biến động khiến Mubarak phải từ chức, mà các điểm chính là: suy nghĩ lại vai trò của phụ nữ, huynh đệ hóa các phái tính, liên hệ bình đẳng với người Kitô Giáo. Họ cũng muốn làm rõ việc giải thích các lời nói của Mohammad và các huyền thoại của chủ nghĩa cực đoan Salafism (2), bác bỏ các ảnh hưởng của Saudi Arabia.

Trong số này, có tiến sĩ Nasr Farid Wasel, nguyên Trưởng Giáo Chủ của Ai Cập, giáo sĩ Safwat Hegazi, Tiến Sĩ Gamal al-Banna, em trai người sáng lập ra phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo (3), các giáo sư Malakah Zirâr và Âminah Noseir, văn sĩ Hồi Giáo nổi tiếng Fahmi Huweidi và một số lớn các vị giảng thuyết (du’ât) có trách nhiệm về chương trình Tuyên Truyền Hồi Giáo, như Kalid al-Gindi, Muhammad Hedâyah, Mustafa Husni… Ngày 24 tháng Giêng vừa qua, họ cho công bố một tài liệu tựa là “Tài Liệu Về Việc Canh Tân Ngôn Từ Hồi Giáo” trên trang mạng của tuần san Yawm al-Sâbi’'("Ngày Thứ Bẩy").

Trong chính ngày công bố, đã có 153 lời bình luận, trong đó hết 88.25% lên tiếng chỉ trích bản văn, cho rằng nó làm méo mó Hồi Giáo và mưu toan đưa ra một tôn giáo khác hẳn. Chỉ có 18 người ca ngợi các tác giả.

Sau đây là bản dịch tài liệu này lấy từ bản “tạm dịch” sang tiếng Anh của chính Cha Khalil:

Phải duyệt lại các sách Hadith (các lời được gán cho Muhammad) (4) và các sách chú giải Kinh Kôrăng để thanh lọc chúng.

Phải thích ứng một cách tinh tế các từ vựng tôn giáo chính trị duy Hồi Giáo như gizyah (thuế đặc biệt đánh trên các dhimmi, tức các công dân bậc nhì) (5).

Phải tìm ra một cách phát biểu mới cho ý niệm huynh đệ giữa các phái tính.

Phải khai triển quan điểm Hồi Giáo về phụ nữ và tìm ra nhưng phương thức thích hợp cho luật hôn nhân.

Hồi Giáo phải là tôn giáo của sáng tạo.

Phải giải thích ý niệm Hồi Giáo về gihâd (6), và minh giải các qui luật và các đòi hỏi điều hướng nó.

Phải tấn công lòng đạo đức bề ngoài và các thực hành phát xuất từ các quốc gia láng giếng (một lối nói thường để chỉ các ảnh hưởng của Saudi Arabia).

Phải phân biệt nhà nước và tôn giáo.

Phải thanh tẩy gia tài “Các thế kỷ đầu của Hồi Giáo” (phái Salafism), vứt bỏ các huyền thoại và tấn công chống tôn giáo.

Hãy chuẩn bị thích đáng cho các giảng thuyết viên truyền giáo (du’ât) và trong lãnh vực này, phải mở cửa cho những ai không theo học tại Đại Học Al Azhar (7), theo các tiêu chuẩn rõ ràng.

Phải xác nhận các nhân đức chung của ba tôn giáo mạc khải.

Phải loại bỏ các thực hành không đúng đắn và đưa ra các hướng dẫn liên quan tới các đường lối của Tây Phương.

Phải xác định rõ mối tương quan cần phải có giữa thành viên các tôn giáo qua nhà trường, đền thờ và nhà thờ.

Phải dùng nhiều cách khác nhau để thích ứng việc trình bày tiểu sử của Tiên Tri cho Tây Phương.

Đừng làm dân xa cách các hệ thống kinh tế bằng việc buộc họ không được liên hệ với các ngân hàng.

Phải nhìn nhận quyền của phụ nữ được đảm nhận chức vị tổng thống cộng hòa.

Phải chống lại các chủ trương bè phái cho rằng cờ Hồi Giáo phải là một. Phải mời gọi dân chúng đến với Thiên Chúa vì lòng biết ơn và đức khôn ngoan, chứ không vì sự đe dọa.

Phải thay đổi cách giảng dạy tại Al Azhar.

Phải thừa nhận quyền lợi người Kitô Giáo, để họ có thể nắm giữa các chức vụ quan trọng kể cả chức vụ tổng thống.

Phải tách biệt ngôn từ tôn giáo ra khỏi quyền lực và phục hồi sợi dây liên kết vì nhu cầu của xã hội.

Phải thiết lập mối liên kết giữa Da’wah (lời kêu gọi trở lại Hồi Giáo) (8) và kỹ thuật tân tiến…


Trong cuộc phỏng vấn của Zenit, Cha Khalil xác nhận rằng: chỉ trong vòng vài giờ sau khi bài trên được đăng tải, hơn 12,400 trang mạng Ả Rập đã cho đăng lại, chứng tỏ cao trào dân chủ đang lên rất cao tại thế giới Ả Rập. Điều ấy càng làm cha tin tưởng rằng các biến động hiện nay không bị lèo lái bởi bất cứ âm mưu cực đoan hay ý thức hệ nào.

Cha cũng cho hay: việc tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước là một chủ đề quen thuộc được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các xã hội Ả Rập. Trên một diễn đàn Tunisia gần đây về tính thế tục, có độc giả viết rằng: “Tôi hoàn toàn ủng hộ ý niệm thế tục chân thực tại Tunisia”. Người khác cho rằng: Tuy Tunisia khá thế tục, nhưng có nhiều điểm, nó vẫn chưa thế tục đủ, như chưa công khai nhìn nhận quyền tự do thực hành đạo của người ta, hay chưa coi đàn ông và đàn bà ngang nhau về quyền thừa kế.

Người dân Ả Rập cũng dần dần nhận ra rằng tôn giáo là điều tốt, phải phát huy, nhưng nên duy trì nó ở phạm vi bản thân, đừng lấn vào lãnh vực công luật. Mặt khác, họ cho rằng cũng cần phân biệt giữa tôn giáo, là định chế có những nguyên tắc đạo đức, và quyền lợi vốn là nền tảng của cuộc sống. Nhân quyền là điều không thể từ bỏ được, nếu luật tôn giáo đi ngược lại nhân quyền, “thì chúng tôi thích nhân quyền hơn luật Sharia”. Tóm lại, theo Cha Khalil, hiện đang có sự ý thức tổng quát hơn về nhân quyền, dân chủ đích thực và các quyền tự do.

Kitô Giáo và Hồi Giáo tay trong tay

Dấu hiệu khác của mùa xuân Ả Rập là sự tham gia của cả tín hữu Hồi Giáo và tín hữu Kitô Giáo vào các cuộc phản kháng gần đây. Nhất là tại Ai Cập. Ở đây, Kitô Giáo chỉ chiếm 10% dân số và vào dịp Giáng Sinh vừa qua, 23 Kitô hữu từng bị bọn quá khích Hồi Giáo hạ sát lúc đang tham dự Thánh Lễ. Ấy thế mà chỉ 3 tuần lễ sau, họ đã cùng người Hồi Giáo nắm tay nhau biểu tình chống độc tài, giương cao cả Thánh Giá lẫn Kinh Kôrăng, mang nhiều biểu tượng ý nghĩa, như một lá cờ với hình thánh giá và hình trăng lưỡi liềm lớn. Một thanh niên Hồi Giáo nằm cầu nguyện trên cát, mình phủ lá cờ Ai Cập, và đàng trước anh ta là cặp kính che nắng có hình thánh giá và trăng lưỡi liềm. Cha cũng kể: vào hôm Thứ Sáu, người Hồi Giáo qùy cầu nguyện đàng trước các xe tăng, được người Copts Kitô Giáo bao bọc chung quanh tạo thành một vòng đai người để bảo vệ họ. Các biểu ngữ như “Người Hồi Giáo Và Người Kitô Giáo, Một Bàn Tay Duy Nhất” hay “Người Hồi Giáo Và Người Kitô Giáo Đoàn Kết Chống Chính Phủ” là những biểu ngữ rất phổ biến trong các cuộc xuống đường gần đây.

Một phần có lẽ phần đông những người biểu tình đều còn trẻ. Người trẻ không muốn sống trong hận thù, kỳ thị, họ đã chán chường đối với các tranh chấp của cha mẹ họ, của các thế hệ đàn anh, họ muốn gào lên: “hãy để chúng tôi yên”, họ không muốn kéo những cuộc tranh chấp vô bổ ấy vào đời họ nữa; họ muốn sống trong hòa bình, xây dựng gia đình riêng, có được một đất nước cởi mở hơn, phát triển hơn.

Dĩ nhiên, tiến trình dân chủ thế giới Ả Rập không hẳn là chuyện một sớm một chiều, nó cần thời gian. Tuy nhiên, nó đang tiến triển, nó đang đi tới. Mới đây, một bài báo của một phụ nữ Saudi Arabia làm người ta chú ý. Bà trưng dẫn Aisha, người vợ trẻ của Muhammad, trong một cuộc chiến, từng cỡi riêng một con lạc đà để thúc đẩy các người đàn ông thuộc bộ lạc của bà chiến đấu. Bài báo này viết rằng: “Lúc còn trẻ, Aisha cỡi lạc đà riêng, không cần tới đàn ông, còn chúng ta, các phụ nữ thời nay, sau 14 thế kỷ, vẫn không thể lái một chiếc xe. Chúng ta đang ở đâu vậy?” Nhiều giáo sĩ phê phán nữ ký giả này: “Cô ta muốn tái giải thích trọn bộ tôn giáo”. Nhưng không thiếu người đáp lễ: “Cô ta sai ở chỗ nào? Nếu qúy vị bất đồng, thì phải giải thích tại sao chứ”. Cha Khalil nghĩ rằng nhờ những tranh luận trên liên mạng này, thế giới Ả Rập sẽ thay đổi. Người ta hỏi nhau: “Tại sao ta phải chấp nhận điều ấy? Nền tảng mọi sự phải là bình đẳng. Thiên Chúa dựng nên mọi người đều bình đẳng. Tại sao ta lại không thể tiến bước với ý tưởng đó”… Liên mạng đang thay đổi não trạng người ta, làm họ gần lại nhau hơn. Hoàn cầu hóa thực sự không tới nhờ kinh tế mà là nhờ liên mạng. Chính trên liên mạng, người trẻ của Hoa Kỳ và Yemen tiếp cận với nhau và có những ý kiến tuy không y hết nhưng rất gần gũi nhau.

Về vấn đề giải phóng phụ nữ, Cha Khalil cho hay hiện đang có hai trào lưu. Trào lưu phụ nữ thì cho rằng phụ nữ không thấp mà cũng không cao hơn nam giới, nhưng bằng nhau. Họ không chấp nhận việc phụ nữ không được làm điều này điều nọ, vì họ thấy phụ nữ tại các nước khác có mặt ở mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội. Tại sao họ lại không được như thế?

Trào lưu thứ hai là trào lưu tôn giáo. Trào lưu này dựa vào Kinh Kôrăng mà cho rằng Thiên Chúa đã thiết lập giữa đàn ông và đàn bà một dị biệt về phẩm tính, đàn ông hơn đàn bà một bậc. Thiên Chúa vốn ưa đàn ông hơn đàn bà. Phụ nữ đáp lại: cho là đúng thế đi, nhưng lý do Thiên Chúa ưa đàn ông hơn đàn bà là vì đàn ông hồi ấy có nhiệm vụ chính nuôi sống gia đình. Nay thì tình thế đã ra khác rồi, người đàn bà cũng có nhiệm vụ nuôi sống gia đình như thế. Vậy vấn đề không hẳn là do bản tính mà là một yếu tố có tính kinh tế xã hội.

Tình thế quả có đang thay đổi, dù rất từ từ. Ta đã chẳng thấy một Benazir Bhutto cầm đầu chính phủ tại Pakistan đó sao? Tại nhiều nước khác, phụ nữ đang làm bộ trưởng, lãnh cả giải Nobel nữa, như tại Iran. Người ta càng ngày càng ý thức rằng nếu có cơ hội, phụ nữa dám vượt cả nam giới.

Về phần Kitô hữu, đứng trước mùa xuân Ả Rập này, thái độ của họ phải là nhập cuộc. Nhưng nhập cuộc với người Hồi Giáo, đừng tạo nên một phong trào riêng rẽ, nếu muốn tranh đấu để có nhiều công lý hơn, nhiều dân chủ, nhiều tự do và bình đẳng hơn cho mọi người. Sự bình đẳng này phải là giữa phái tính, chủng tộc, tôn giáo, giữa người tin và người không tin, giữa người Hồi Giáo và người Kitô Giáo. Ta chỉ nên ủng hộ sự bình đẳng như thế.

Không nên can thiệp

Trong chương trình “Octava Dies”, linh mục Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí của Toà Thánh, gần đây cũng lên tiếng tỏ vẻ lạc quan trước tình hình chính trị hiện nay tại thế giới Ả Rập. Nhân dịp này, ngài kêu gọi Tây Phương không nên can thiệp vào diễn tiến thay đổi chính trị tại vùng này, chỉ nên giúp đỡ. Ngài cũng dùng thuật ngữ “Mùa xuân trong thế giới Ả Rập” để mô tả viễn tượng tương lai cho vùng này, một viễn tượng hết sức bất ngờ đối với con mắt Tây Phương. Ngài nhấn mạnh rằng mùa xuân này phải đến từ chính thế giới Ả Rập, không có sự can thiệp “phá thối” (counterproductive) từ bên ngoài.

Trong cuộc họp báo ngày 28/2 tại Hoa Thịnh Đốn, tuy bà Rice, đại sứ Mỹ tại LHQ, xác nhận Mỹ không đóng vai trò chỉ đường đi nước bước (roadmap) cho nhân dân Libya, nhưng liền sau đó lại đề cập đến một tham khảo về giải pháp quân sự cho tình hình bất ổn tại nước này. Bà ngoại trưởng Clinton cũng cho rằng mọi giải pháp hiện đang được đem ra thảo luận. Chờ xem “đáp ứng” của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương.

Ghi Chú

(1) Rafik Baha El Deen Al-Hariri (01/11/1944 – 14/02/2005‎), tỷ phú và thủ tướng Li Băng từ 1992 tới 1998, rồi từ 2000 tới lúc từ chức ngày 20/10/2004. Có tiếng đã tái thiết Beirut sau 15 nội chiến. Bị ám sát ngày 14/02/2005, có lẽ do lệnh của chính phủ Syria, nhưng theo điều tra của LHQ, rất có thể là trách nhiệm của Hezbollah. Việc ông bị ám sát đã dẫn tới nhiều thay đổi chính trị tại Ly Băng, trong đó có cuộc Cách Mạng Cedar và việc rút quân của Syria.

(2) Salafism là nhóm tranh đấu quá khích của phong trào Hồi Giáo Sunni. Họ tin rằng họ mới là người giải thích đúng Sách Kôrăng và họ coi phái Hồi Giáo ôn hòa là dân vô đạo; họ tìm cách cải đạo mọi tín hữu Hồi Giáo và tìm cách làm cho các quan điểm cực đoan của họ thống trị khắp thế giới.

(3) Hội Huynh Đệ Hồi Giáo (The Society of the Muslim Brothers) là một phong trào đa quốc Hồi Giáo và là tổ chức đối lập chính trị lớn nhất tại nhiều quốc gia Ả Rập. Nó là nhóm chính trị Hồi Giáo lâu đời nhất và lớn nhất trên thế giới. Khẩu hiệu của họ là “Hồi Giáo là giải pháp”. Được thành lập năm 1928 tại Ai Cập bởi học giả Hassan al-Banna. Mục tiêu của họ là thiết lập kinh Kôrăng và Kinh Sunnah làm “điểm qui chiếu duy nhất… để điều hướng cuộc sống gia đình, cá nhân, cộng đồng và quốc gia Hồi Giáo…”. Tuy tuyên bố bất bạo động, nhưng liên hệ giữa họ và phong trào khủng bố quốc tế là điều đang được tranh cãi. Biến cố sát hại 23 Khitô hữu tại Alexandria gần đây cho người ta thấy một bức tranh khác hẳn về phong trào này.

(4) Hadith là các trình thuật liên quan tới các lời nói và việc làm của Muhammad, được các trường phái luật học Hồi Giáo cổ truyền coi như dụng cụ quan trọng để hiểu Kôrăng và các vấn đề pháp chế. Được thu thập thành bộ trong hai thế kỷ thứ 8 và thứ 9. Có điều hai phái Shia và Sunni mỗi bên đều có một Hadith riêng.

(5) Gizyah là thuế đánh trên những người không phải là Hồi Giáo để được miễn quân dịch. Nhưng sau này, bị lạm dụng nên được đánh lên nhiều đối tượng khác.

Còn dhimmi là thần dân không phải là Hồi Giáo theo luật Sharia. Cũng được gọi là công dân theo khế ước, vì dựa vào học thuyết Hồi Giáo vốn ban cấp tư cách đặc biệt cho các tín hữu thuộc Do Thái Giáo và Kitô Giáo cũng như một số tôn giáo khác, gọi chung là Dân Của Sách. Họ được quyền cư trú nhưng phải đóng thuế. Họ được hưởng ít quyền lợi về luật pháp và xã hội hơn là người Hồi Giáo, nhưng hơn những người không phải là Hồi Giáo khác. Ngày nay, từ này áp dụng cho mọi người không phải là Hồi Giáo hiện sống tại các lãnh thổ Hồi Giáo bên ngoài các thánh địa bao quanh Mecca, Saudi Arabia. Do đó, bao bồm hàng triệu người từ Tây Ban Nha và Morocco tới Indonesia. Một thí dụ: tiền nợ máu phải trả cho một vụ giết người được Saudi Arabia qui định như sau: nếu nạn nhân là Kitô hữu hay Do Thái Giáo, số tiển chỉ bằng nửa số tiền trả cho một nạn nhân Hồi Giáo, các nạn nhân khác thì chỉ là 1/16!

(6) Gihâd thường hiểu là thánh chiến. Tuy nhiên, thánh chiến này, thoạt đầu, có nghĩa thiêng liêng giống như thư 1Timôtê 6:12 và 2 Timôtê 4:7: “con hãy đánh trận đánh tốt của đức tin”, sự cố gắng ôn hòa để chiến thắng chính mình cũng như người khác dành một đức tin tốt. Đây là nghĩa duy nhất phù hợp với nguyên ngữ g-h-d vốn là bà quen cận kề của g-w-d có nghĩa là “hãy nên tốt” (chữ good của tiếng Anh và gut của tiếng Đức dám cũng do nguyên ngữ này).

Từ điển mở Wikipedia thì viết là Jihad, và cho đây là nghĩa vụ tôn giáo của người Hồi Giáo. Từ này xuất hiện 41 lần trong kinh Kôrăng và thường được nhắc tới trong các thành ngữ “cố gắng chiến đấu trong đường lối Thiên Chúa” (al-jihad fi sabil Allah). Một số học giả Sunni coi nghĩa vụ này là một trong số 6 cột trụ của Hồi Giáo. Còn với phái Shia, nó là một trong 10 thực hành của tôn giáo này. Ngày nay, người Hồi Giáo sử dụng hạn từ này để đề cập đến 3 cuộc chiến đấu hay thánh chiến: cuộc chiến đấu nội tâm để duy trì đức tin, cuộc chiến đấu để cải thiện xã hội Hồi Giáo và cuộc chiến đấu trong thánh chiến. Hồi Giáo quá khích chỉ biết tới nghĩa thứ ba này.

(7) Đại học Al-Azhar là cơ sở giáo dục tại Cairo, Ai Cập, thành lập từ những năm 970-972, trở thành trung tâm chính của nền văn chương và học thuật Hồi Giáo theo phái Sunni, và là đại học cấp bằng cao đẳng lâu đời nhất sau đại học Cairo. Năm 1961, nhiều môn không tôn giáo đã được đưa vào học trình. Sứ mệnh của đại học là truyền bá tôn giáo và văn hóa Hồi Giáo. Trong tư cách này, các học giả ở đây ra những fatwas (án quyết) liên quan tới các tranh luận đệ trình cho họ từ khắp nơi thuộc hế giới Hồi Giáo Sunni về tác phong của mọi cá nhân cũng như hiệp hội Hồi Giáo. Đại học này cũng huấn luyện các giảng thuyết viên do chính phủ Ai Cập cử nhiệm để cải đạo (da’wah).

(8) Da‘wah hay Dawah thường chỉ việc giảng thuyết về Hồi Giáo, kêu mời người ta gia nhập Hồi Giáo, tương đương như nhà truyền giáo của Kitô Giáo. Nhưng trong Kôrăng, từ này đôi khi chỉ có nghĩa kêu gọi người chết sống lại để được phán xét, hay lời kêu gọi của Allah mời gọi người ta sống theo ý của Người. Và do đó, đôi khi nó đồng nghĩa với sharia. Da’wah cũng được hiểu là việc khuyến khích người đồng đạo sống đạo tích cực hơn.
 
Đức Thánh Cha phê chuẩn việc bổ nhiệm các giám mục mới cho Giáo Hội Công Giáo Syria
Bùi Hữu Thư
23:03 01/03/2011
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI đã phê chuẩn việc bổ nhiệm các giám mục của Giáo Hội Công Giáo Syria, kể cả các tổng giám mục cho Baghdad và Mosul tại Iraq.

Việc bổ nhiệm đã xẩy ra sau khi có những vụ bạo hành gia tăng đối với các người tín hữu và cơ sở Công Giáo tại Iraq.

Mùa Thu vừa qua, một vụ tấn công bằng bom tại một nhà thờ Công Giáo Syria đã khiến cho trên 50 người thiệt mạng.

Linh Mục Yousif Mansoor được tấn phong làm tổng giám mục theo nghi thức Syria tại Baghdad. Cha Mansoor, 59 tuổi, là một linh mục bẩm sanh là người Iraq. Cha hiện phục vụ tại nhà thờ Công Giáo Syria tại Mississauga, Ontario, Canada. Kể từ năm 1997, ngài đã đảm trách việc mục vụ cho các tín hữu Công Giáo theo nghi thức Syria tại Hoa Kỳ và Canada. Ngài nói được tiếng Syria, Ả Rập, Pháp và Anh.

Được bổ nhiệm làm tổng giám mục Mosul theo nghi thức Syria là linh mục Irqa Boutros Moshe, 67 tuổi, ngài đã phục vu trong việc đào tạo tại chủng viện tại Baghdad và Mosul. Năm 2007, cha làm viện trưởng của tân chủng viện tại Qaraqosh gần Mosul, và đã làm phụ tá cho tổng giáo phận Syia tại Mosul. Tân tổng giám mục Moshe thay thế tổng giám mục Georges Casmoussa, 72 tuổi, người đã nói sau vụ tấn công bằng bom năm ngoái là Liên Hiệp Quốc cần can thiệp để bảo vệ cộng đồng Công Giáo tại Iraq.

Tổng giám mục Casmoussa đã bị quân võ trang bắt cóc năm 2005 và bị đe dọa tử hình, nhưng sau đó được thả ra lành mạnh. Tổng giám mục Casmoussa đã được thuyên chuyển về Tông Tòa Công Giáo Curia Syria.

Đức Thánh Cha cũng chấp thuận việc bổ nhiệm linh mục Jihad Battah, 54 tuổi, làm giám mục tại Tông Tòa Công Giáo Curia Syria.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Chương, tân Giám Mục Đà Lạt; Đức Cha Vũ Tất, tân Giám Mục Hưng Hóa
LM Trần Đức Anh OP
11:24 01/03/2011
VATICAN - Ngày 1-3-2010, Phòng Báo Chí Tòa Thánh chính thức thông báo: ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, cho đến nay là GM Hưng Hóa, làm tân GM giáo phận Đà Lạt, đồng thời ngài bổ nhiệm Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất làm tân GM chính tòa giáo phận Hưng Hóa.

Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương năm nay 67 tuổi, sinh ngày 14-9-1944 tại Bến Thôn, huyện Thạch Thất, giáo phận Hưng Hóa. Ngài học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô 10 Đà Lạt từ 1963-1971 và tốt nghiệp với bằng cử nhân thần học. Thầy Chương thụ phong linh mục ngày 18-12-1971, thuộc giáo phận Cần Thơ. Những năm sau đó, cha Chương làm giáo sư và linh hướng chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ, rồi làm Phó Giám đốc, giáo sư Đại chủng viện Cần Thơ cho đến khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục chính tòa Hưng Hóa ngày 6-7-2003 và thụ phong Giám Mục ngày 1-10 sau đó.

Giáo phận Đà Lạt trống tòa từ ngày 22-4 năm ngoái, sau khi Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng GM Phó Tổng giáo phận Hà Nội và ngày 13-5 sau đó ngài trở thành TGM chính tòa tại đây sau khi đơn xin từ chức của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt được ĐTC chính thức chấp nhận và công bố.

Giáo phận Đà Lạt có hơn 312 ngàn tín hữu Công Giáo, trong đó có gần 51.500 là ngừơi dân tộc. Theo thống kê năm 2008, giáo phận có 194 LM, 167 tu huynh và 690 nữ tu.

Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, tân GM Hưng Hóa

Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, tân GM Hưng Hóa, năm nay 67 tuổi, sinh ngày 10-3 năm 1944 tại Huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Sơn Bình, Hưng Hóa. Trong 8 năm, từ 1969 đến 1987, thầy Tất theo học riêng triết học và thần học tại tòa GM, đồng thời hành nghề để mưu sinh. Sau đó thày học bổ túc tại Đại chủng viện Hà Nội và thụ phong linh mục ngày 1-4-1987, khi đã 43 tuổi, sau thời gian dài chờ đợi phép của chính quyền.

Sau đó, cha Vũ Tất lần lượt đặc trách mục vụ ơn gọi trong Giáo phận Hưng Hóa (1987-1992), rồi phụ tá Giám quản Giáo Phận trong 4 năm từ 1992. Năm 1995 cha Vũ Tất được gửi sang Roma du học trong 2 năm và đậu cử nhân giáo luật tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana, trước khi học thêm một về mục vụ tại Đại Học Công Giáo Paris (1997-1998).

Trở về nước, Cha Vũ Tất phụ tá tại Tòa GM đồng thời đặc trách mục vụ truyền giáo tại tỉnh Lào Cai (1998-2003). Từ năm 2003 đến năm 2009, cha làm chánh sở giáo xứ Bạch Lộc. Ngoài ra, cha dạy môn Giáo luật tại Đại chủng viện Hà Nội từ năm 1999 đến 2004. Sau cùng từ năm 2005, cha Vũ Tất làm Phó giám đốc Đại chủng viện Hà Nội, phụ trách cơ sở 2 tại Cổ Nhuế, Sở Kiện.

Giáo Phận Hưng Hóa có diện tích rộng nhất trong 26 giáo phận tại Việt Nam với hơn 54.350 cây số vuông bao gồm 10 tỉnh, với gần 223 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 7 triệu dân cư. Trong số các tín hữu Công giáo có 10 ngàn là người dân tộc.

Hồi năm ngoái, Tòa GM Hưng Hóa cho biết giáo phận này có 75 giáo xứ, 480 giáo họ, nhưng chỉ có 64 linh mục triều, 202 nữ tu Mến Thánh Giá Hưng Hóa. Số tu sinh nam nữ khá dồi dào. Hiện nay có khoảng 200 nơi chưa có nhà thờ và trên 100 nhà thờ xuống cấp cần tái thiết hoặc tu sửa. (SD 1-3-2011)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hội Đồng Qúy Chức - Chương IV: Tham Gia Vào Thừa Tác Vụ Thánh Hóa
Lm. Mai Đức Vinh
21:57 01/03/2011
HỘI ĐỒNG QUÝ CHỨC

CHƯƠNG IV: THAM GIA VÀO THỪA TÁC VỤ THÁNH HÓA


Trong chương này, chúng tôi sễ đề cập đến ba mục chính:

I.Đời sống Bí tích
II. Đời sống đạo đức
III. Đời sống gương mẫu của các quý chức


MỤC I: ĐỜI SỐNG BÍ TÍCH

Các quý chức giữ một vai trò quan trọng trong đời sống bí tích của xứ đạo. Họ luôn có mặt không chỉ khi rửa tội và hôn lễ cho giáo dân, mà còn giúp cả những người đau yếu. Điều luật của các quí chức, những văn bản của Công Nghị, những cuốn Chỉ Nam đã nhấn mạnh, nhưng lại nói rất ít về sự chuẩn bị cho giáo dân, nhất là cho các trẻ em khi chịu các bí tích Thêm Sức, Giải Tội, Rước Lễ. Thí dụ như, sự xác định của Chỉ Nam giáo phận Huế và Quy Nhơn: "để hợp thức hóa cũng như nhu cầu của xứ đạo và giáo dân, các quí chức giữ việc trung gian giữa cha sở và giáo dân, trong các buổi hôn lễ, rửa tội, thăm người đau yếu, tang lễ. Họ xướng kinh, hướng dẫn những buổi cầu nguyện chung. Họ là những người nhắc nhở và chăm lo cho giáo dân giữ đạo, và, đặc biệt ở những xứ đạo không có linh mục, họ quan tâm đến việc dạy giáo lý và kinh nguyện cho các trẻ em" (1).

Vì thế, với những bí tích Thêm Sức, Giải Tội và Rước Lễ, bổn phận của các quí chức là xem chừng giáo dân theo giữ luật của Chúa và Giáo Hội (xưng tội và rước lễ trong mùa Phục Sinh, dự lễ ngày chủ nhật...) làm sao để các trẻ em hiểu biết giáo lý, kinh nguyện (dọn mình khi chịu phép Thêm Sức, Xưng Tội, Rước Lễ.)

Trong lời mở đầu cuốn Chức Sở Mục Lệ của các quí chức, đức cha Colombert khẳng định rằng: "Các quí chức là những người góp phần trọn việc cứu rỗi các linh hồn" (2).

Ở mục này, chúng tôi xin trình bày sự góp phần thực tiễn của các quí chức vào tác vụ 'ban hành bí tích' của linh mục, những bí tích cần thiết cho giáo dân như: Rửa Tội, Thêm Sức, Giải Tội, Rước Lễ, Hôn Phối và Xức Dầu bệnh nhân.

I. Bí tích Rửa Tội

Rửa tội là bí tích tối cần thiết. Bởi vậy, các nhà truyền giáo thời trước, không những yêu cầu sự tiếp tay của các quí chức, mà còn cần sự trợ giúp của các y sĩ, 'bà mụ', 'cô mụ' vào công việc của các vị. Trong những trang kế tiếp, chúng tôi dựa vào các tài liệu chính thức, trình bày về những người ban phép Rửa Tội trong xứ đạo, bổn phận của quí chức trong việc rửa tội và của linh mục đối với việc đào tạo những người cộng tác trong việc thánh thiện này.

1) Những người ban bí tích Rửa Tội trong họ đạo.

Tất cả các Công Nghị, hội đồng và rất nhiều thư chung nhấn mạnh cho các xứ đạo hay các họ lẻ rằng: luôn phải có những người ban phép Rửa Tội, những người này phải là những người mà nhiều người biết đến, để cạy tới khi cần thiết. Sau các thầy giảng và các nữ tu dòng Mến Thánh Giá, quí chức là những người đầu tiên trong họ có bổn phận ban phép Rửa Tội, rồi đến các y sĩ, và các bà mụ. Thí dụ trong thư chung của đức cha Puginier (Phước) năm 1869, ngài viết: "Từ lâu nay mỗi khi có một em bé chào đời, người ta có thói quen tìm tới người ban phép Rửa Tội trong họ đạo hay kiếm các nữ tu để rửa tội cho em nhỏ ở tư gia, rồi sau đó mới mang em đến nhà thờ rửa tội. Còn ở những họ đạo hẻo lánh, cha mẹ em nhỏ cần tìm tới những người đã được linh mục hoặc các quí chức chỉ định để làm công việc này" (3).

2) Chức việc là người ban phép Rửa Tội

Một trong những bổn phận chính của quí chức là rửa tội cho các em nhỏ công giáo khi không có linh mục hay thầy giảng, hay những em nhỏ ngoại giáo đang hấp hối, hoặc cho những người lớn đang học giáo lý nhưng gặp tình trạng nguy kịch. Bổn phận này được coi như mục đích chính yếu của việc huấn luyện người quí chức. Điều IV trong Công Nghị Faifo năm 1672 ghi rõ: "Ở họ đạo đông giáo dân, phải chọn một người có khả năng và đạo đức, để trong trường hợp linh mục hoặc thầy giảng vắng mặt, sẽ giúp đỡ, thăm người bệnh, rửa tội cho các em nhỏ và cho những người hấp hối" (4).

Cũng như mọi người, người công giáo trước tiên phải được sinh ra, sinh ra nhờ việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội để trở thành kitô hữu. Kể từ lúc đứa bé đi vào đời sống kitô hữu, người quí chức luôn sẵn sàng giúp đỡ cha sở và cha mẹ của em. Vì thế, nếu trong họ đạo có một em bé chào đời, thì trong hạn một tuần, cha mẹ em phải tới báo cho quí chức gần gũi nhất trong khu xóm, hay cho quí chức bạn hữu của gia đình. Không có quy luật nào về điểm này, nhưng công việc diễn tiến tùy từng trường hợp. Vậy sau khi hay tin, quí chức tới báo với cha sở và xin ngài ấn định ngày giờ để rửa tội cho em nhỏ. Đồng thời, quí chức phải sắp đặt: Nếu cha sở ở xa xứ đạo của em nhỏ, quí chức phải đi cùng với cha sở, thường là ngay sau đó, mang theo trên vai một rương nhỏ đựng những đồ cần thiết để cử hành bí tích Rửa Tội.

Trước đây, trải qua thời gian dài, số linh mục rất ít, hầu hết những trẻ em đã được rửa tội bởi các quí chức.

Các tài liệu liên quan đến Hội Đồng Quí Chức đều ấn định rõ ràng về phận vụ rửa tội của quí chức, đặc biệt của ông trùm họ và ông bà quản giáo. Sau đây là những quy luật chính yếu:

+ Quí chức phải học biết tường tận về những việc phải làm khi cử hành bí tích Rửa Tội cho một em nhỏ hay cho một người lương trong trường hợp nguy cấp, hoặc cho các em sơ sinh trong gia đình công giáo khi vắng linh mục và thầy giảng.

+ Khi có em nhỏ sơ sinh trong khu xóm, quí chức phải báo cho cha sở và xin ngài ấn định ngày, giờ để cử hành nghi thức rửa tội.

+ Quí chức phải chỉ dẫn cho những người đỡ đầu (vú, bõ) biết những câu họ phải thưa trong nghi thức rửa tội, nhất là những bổn phận thiêng liêng họ phải chu toàn về sau đối với 'con đỡ đầu', lúc em còn nhỏ cũng như khi em đã trưởng thành.

+ Khi có người mang em nhỏ đến rửa tội, quí chức phải để ý cho em ăn mặc tươm tất, không đươc trần truồng, dơ bẩn, bất xứng với nghi lễ.

+ Ông trùm họ phải quan tâm xem các bà mụ biết đầy đủ nghi thức ban hành bí tích Rửa Tội hay không (5).

+ Khi quí chức hay một giáo dân khác cử hành việc rửa tội cho em nhỏ mà cha mẹ của em là công giáo, họ có bổn phận ghi giữ kỹ càng tên thánh, tên họ, tên gọi của em nhỏ, cũng như tên đầy đủ của cha mẹ, của vú bõ đỡ đầu, của những người chứng. Cũng phải ghi rõ nơi và ngày rửa tội, để sau này linh mục 'rửa tội bổ túc' nếu cần, rồi chính ngài phải cho ghi tất cả vào sổ rửa tội.

+ Việc rửa tội cho những em mà cha mẹ không phải công giáo hay người lớn trong lúc lâm nguy, thì phải ghi rõ tất cả từng chi tiết về tình trạng em bé hay của người đã được rửa tội, chẳng hạn như: người đó con ai, con thứ mấy trong gia đình, ở làng nào v.v... (6).

+ Tóm lại, hai cuốn Chỉ Nam của giáo phận Quy Nhơn và giáo phận Huế đã dựa trên Luật Giáo Hội khoản 759 ấn định: trong tình trạng hiểm nghèo, các quí chức hay người nào khác được quyền rửa tội (baptiseur, baptiseuse) chỉ được cử hành bí tích Rửa Tội: a) Khi linh mục vắng mặt, không thể trở về trong một tuần lễ sau khi em nhỏ ra đời; b) Khi em nhỏ không thể mang tới nhà thờ và vị linh mục không thể di chuyển để rửa tội cho em trong vòng tuần lễ sau khi em được sanh ra, vì lý do ở quá xa xôi, đau yếu hay vì thời tiết v.v… (7).

3) Bổn phận của linh mục.

Phần việc của linh mục gồm có:

+ Chọn và lập những người nam, nữ ban phép rửa tội trong xứ đạo, nghĩa là theo đức cha Puginier "đào tạo những quí chức, những y sĩ, những bà mụ, và tất cả những người có thói quen rửa tội trong họ đạo, để họ biết cử hành bí tích Rửa Tội cho đúng nghi thức" (8).

+ Khảo sát ít nhất mỗi năm một lần, chẳng hạn vào dịp xưng tội thường niên, xem các người nam, nữ ban phép rửa tội có cử hành đúng nghi thức không (9).

+ Kiểm soát lại sổ ghi và tờ khai rửa tội mà các quí chức hay những người ban phép rửa tội đã ghi (10).

+ Mỗi năm trao lại cho bề trên bản báo cáo trong đó khai rõ số người được rửa tội trong giáo xứ và tên tuổi... của họ (11).

II. Bí tíchThêm Sức

Các quí chức không quên những em nhỏ sau khi đã rửa tội. Dưới sự điều khiển của linh mục, họ giữ việc dạy các em kinh nguyện, những điều chính yếu trong đạo; ngay từ lúc các em đến tuổi có trí khôn, nhất là thời kỳ các em chuẩn bị nhận phép bí tích Thêm Sức, Rước Lễ lần đầu, Rước Lễ bao đồng. Trong họ đạo. các quí chức đảm nhiệm chức vụ 'quản giáo' hoặc 'cai sĩ' hay 'biện động nhi', phải thay cha mẹ và linh mục dạy giáo lý cho các em. Lớp giáo lý thường được tổ chức từ nhiều tháng trước ngày lễ thêm sức. Được quí chức chỉ dẫn kỹ lưỡng và khảo hạch nghiêm chỉnh bởi linh mục, các em từ 7 tuổi trở lên còn phải qua một cuộc khảo sát bởi giám mục hay vị đại diện trong lúc viếng thăm mục vụ, thường cứ ba hoặc bốn năm một lần (13).

Vai trò của quí chức không thể thiếu nơi họ đạo chính cũng như họ đạo lẻ: Họ chuyển lại cho cha sở danh sách những ứng viên đủ khả năng nhận bí tích Thêm Sức, họ dạy và khảo hạch giáo lý, sửa soạn cho những người đỡ đầu và sau hết dẫn các em và những người liên hệ tới nhà thờ họ, trình diện với đức giám mục vào ngày lễ thêm sức.

Trong thời bách đạo, nhiều khi giám mục phải ban bí tích Thêm Sức bí mật cho các em tại ngay nhà của các quí chức. Như trường hợp ông Lưu, một quí chức họ đạo Chợ Quán, vào năm 1862, sau khi kết thúc lớp giáo lý cho giáo dân, ông đã mời đức cha Dominique Lefèbre (đức cha Ngải) tới nhà để ban phép Thêm Sức cho họ (14).

III. Bí tích Giải Tội.

Trong thực tế, quí chức và nhất là các nam, nữ giáo lý viên có nhiều bổn phận liên quan đến bí tích Giải Tội:

+ Họ lo việc dạy giáo lý cho các em tới tuổi rước lễ lần đầu: họ trao cho cha sở danh sách các em đã được dạy giáo lý, chỉ dẫn cho các em biết cách xưng tội với cha sở.

+ Họ nhắc nhở các bậc phụ huynh bổn phận thúc dục con cái học giáo lý, chuẩn bị cho các em xưng tội, rước lễ.

+ Họ nhắc nhở các vú, bõ đỡ đầu rửa tội của các em đừng quên bổn phận thiêng liêng dìu dắt các em (15).

+ Thông thường, khi linh mục đến ban phép Giải Tội, phải có ít nhất một quí chức túc trực tại nhà thờ, để giúp các em và cả người lớn, giữ trật tự và thinh lặng lúc cha ngồi tòa.

+ Ở họ đạo không có linh mục, các quí chức kêu gọi giáo dân chu toàn việc xưng tội trong mùa Phục Sinh; đưa dẫn những người từ lâu không xưng tội đến tòa giải tội.

+ Cuốn Chức Sở Mục Lệ còn xác định rằng: quí chức và nhất là ông trùm họ, phải nắm biết tình trạng phần hồn của họ đạo như: người nào đã xưng tội và rước lễ trong mùa Phục Sinh, người nào đã rước lễ lần đầu nhưng chưa chịu phép Thêm Sức, những em đã được 12 tuổi vẫn chưa rước lễ lần đầu (16).

Theo cha Cadière, phương pháp ngài đã thấy và chính ngài đã áp dụng để biết số người không chu toàn bổn phận trong mùa Phục Sinh, như sau: "Trong mùa Chay lúc thi hành nghi thức, hai quí chức ngồi cuối nhà thờ, đánh dấu trên danh sách, tên những người đến tuổi xưng tội, và họ phát cho mỗi người một tấm thẻ tre có ghi tên người đó. Lúc xưng tội người đó trao thẻ lại cho cha giải tội, khi chấm dứt mùa chay, người ta sẽ đếm được số thẻ không hoàn lại. Tôi phải nói thêm, như ở họ Di Loan, có 2.500 giáo dân, số người bê bối không đếm quá mấy đầu ngón tay" (17).

IV. Bí tích Mình Thánh

Sự góp phần của quí chức trong thừa tác vụ linh mục liên hệ đến bí tích Mình Thánh, cụ thể là việc rước lễ, được thực hiện dưới nhiều hình thức thực tế:

+ Dạy giáo lý để các em nhỏ chuẩn bị rước lễ lần đầu hay rước lễ bao đồng. Đặc biệt ở họ đạo không có linh mục, không có thầy giảng hay nữ tu, thì quí chức phải đảm nhiệm việc này. Họ dạy giáo lý cho các em nhỏ, rồi đưa các em tới gặp linh mục. Sau khi khảo thí các em kỹ càng, nghe các em xưng tội, linh mục sẽ cho các em rước lễ lần đầu (18).

+ Họ bắt buộc để ý đến giáo dân trong họ đạo xem người ta có rước lễ thường xuyên hay không, nhất là trong mùa Phục Sinh (19).

+ Họ có bổn phận lo trật tự trong nhà thờ khi cha cho giáo dân rước lễ: "Giáo dân kính cẩn tiến lên bàn thánh, trong trật tự, không được chen lấn. Tốt nhất là có một hay hai quí chức lo giữ trật tự... (20).

+ Để lo giữ nhà thờ, bàn thờ được sạch sẽ, để trang hoàng và chuẩn bị trong những ngày lễ lớn (21), đặc biệt ngày có chầu Thánh Thể, đức cha J.M. Gendreau (đức cha Đông) trong thư chung năm 1903 đã viết: "Khi đến ngày họ đạo nào có chầu Thánh Thể, nhà thờ, và nhất là bàn thờ phải được trang hoàng trịnh trọng; nếu thiếu đồ trang hoàng, hay bình xông hương, chân nến... thì phải mượn ở họ đạo bên cạnh... Bởi vậy cha sở phải báo cho các quí chức biết, ít nhất hai tuần trước ngày chầu (20).

+ Sau hết, quí chức còn phải tậm tâm giúp linh mục mỗi khi ngài đi cho bệnh nhân rước lễ và khuyến khích giáo dân, nhất là các thành viên của hội Thánh Thể, theo cha sở đến tận nhà người bệnh (23).

V.Bí tích Hôn Phối.

Khi em nhỏ trưởng thành, tới tuổi thành hôn, người quí chức luôn phải sẵn sàng giúp đỡ họ trong dịp quan trọng này. Việc giúp đỡ lúc này trở nên thân mật hơn và có thể diễn tả như sau:

+ Khi hai gia đình đồng ý cho đôi trẻ kết hôn, họ báo tin cho một quí chức gần gũi hay quí chức ở khu xóm hoặc một quí chức quen biết gia đình. Quí chức này ghi tên tuổi của đôi trẻ rồi tới thảo luận cùng cha mẹ hai bên để xem có điều gì ngăn trở với luật Giáo Hội hay không.

+ Nếu nơi họ cư ngụ không có linh mục, đây là trường hợp thường có trong thời cấm đạo, hôn lễ sẽ được ký kết và tổ chức trong vòng thân mật trước mặt các quí chức họ đạo.

+ Nếu nơi đó có linh mục, quí chức đến gặp cha sở, cha sẽ kiểm soát lại sổ ghi của họ đạo, xét xem đôi bạn có bị ngăn trở gì không. Nếu mọi sự đúng luật đời và luật Giáo Hội, cha cho đôi bạn ấn định ngày cưới. Ngày cử hành hôn lễ, người quí chức đã lo hồ sơ từ đầu phải có mặt cùng với một đồng nghiệp khác để làm chứng (24)

Tất cả sự việc này được ghi rõ trong cuốn Chức Sở Mục Lệ do đức cha Colombert soạn thảo

1) Trước hôn lễ: Trước hết, ông trùm họ phải trông chừng người ta có giữ ba nghi lễ: lễ bỏ trầu cau, lễ hỏi và lễ cưới. Lễ bỏ trầu cau không quan trọng lắm, nhưng lễ hỏi phải tổ chức đàng hoàng, thời gian cách nhau giữa hai lễ không lâu, vì lý do này lễ hỏi quan trọng gần giống như lễ cưới. - Khi ông trùm nhận thấy một trong hai bên yêu sách quá đáng, không đúng lệ, hoặc cha mẹ gây áp lực trên con cái hay làm những điều trái ngược, ông phải báo cùng cha sở với tất cả mọi chi tiết cần thiết.

2) Trường hợp bình thường: Khi đôi bên cùng thật sự đồng ý và làm lễ bỏ trầu cau, quí chức đưa cha mẹ và con cái đôi bên đến gặp cha sở để xin rao ba lần ở nhà thờ; nếu như cặp này ở nơi xa xôi, hẻo lánh thì cũng phải rao tại nơi đó. - Ngoài ra, ông cũng báo cho đôi bạn biết, sau lần rao thứ nhất, phải xưng tội theo luật của giám mục trong giáo phận (26). Sau ba lần rao, không chờ đợi lâu, đôi này phải tiến hành ngày làm phép cưới. - Dù có làm chứng cho đôi vợ chồng mới hay không, ông trùm họ cũng phải hiện diện trong lễ cưới tại nhà thờ, ông cũng phải kêu gọi tất cả những người được mời đến nhà thờ dự lễ. - Ông nhắc nhở và chuẩn bị tất cả những gì cần thiết cho lễ cưới như: nhẫn cưới, một cặp nến, tiền bổng lễ của đôi tân hôn. Cặp nến sẽ dâng lên bàn thờ Đức Mẹ sau nghi lễ. Cuối cùng, họ sẽ nộp giấy chứng nhận kết hôn ở nhà làng khi xong nghi lễ. - Người trùm họ còn phải để ý tới những điều sau đây: theo phong tục, các giáo dân thường làm phép cưới ở nhà thờ và tiệc cưới cùng ngày ở nhà gái rồi đưa dâu về đàng trai. Điều nên tránh: không nên tổ chức trọng thể, linh đình tại tư gia hơn là lúc nhận bí tich hôn phối ở nhà thờ. - Theo thông lệ, ông trùm luôn được mời dự tiệc cưới, ông phải ngăn ngừa những thủ tục rườm rà, hoặc những gì có tính cách mê tín dị đoan.

3) Sau ngày cưới: Ông trùm phải chú ý tới thái độ của gia đình nhà chồng đối với cô gái mới về làm dâu, để tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc; ông hướng dẫn cha mẹ hai bên sớm cho đôi trẻ ở riêng. Vì nếu cô dâu phải chịu đựng cảnh chung đụng quá lâu, có thể xảy ra chuyện làm cho đôi trẻ chia tay. Có thể, ông phải dặn dò những điều này trước ngày lễ cưới (27).

4) Trường hợp bất bình thường: Lúc loạn lạc tìm được linh mục để làm đám cưới rất khó khăn, nếu tình trạng này xảy ra cho đôi trẻ, đã chờ linh mục quá một tháng, thì họ có thể tổ chức lễ cưới trước sự hiện diện của hai quí chức hay hai người chứng, lễ cướí này vẫn có giá trị với Giáo Hội (28). Sau đó đôi tân hôn phải nộp giấy hôn thú cùng chữ ký của hai người chứng trình lên cha sở để xin làm phép cưới ở nhà thờ. Trong trường hợp này điều cần nhớ trước khi cử hành hôn lễ, người quí chức đứng đầu họ đạo phải cẩn thận xem coi cả đôi bên không có sự gì ngăn trở, ép buộc, thì mới tiến hành việc cưới hỏi. Nếu như ngược lại với sự việc kể trên, các quí chức sẽ mang lỗi nặng trước Chúa và Giáo Hội (29).

5) Trường hợp những gia đình bị rối: Đây là những trường hợp rối ren, gây tai tiếng mà ông trùm họ cố tránh để khỏi xảy ra trong họ đạo. Bởi vậy ông luôn tìm cách giải quyết những gia đình còn sống trong tình trạng bất hợp lệ, những cặp sống chung không cưới hỏi; ông cố gắng hòa giải những người có mối bất hòa, ông còn để ý đến những người cho vay lãi nặng, người cờ bạc, nghiện ngập, những người làm việc ngày chủ nhật không dạy dỗ và làm gương cho con cái biết bổn phận của người có đạo. Như vậy ông trùm họ phải có những lời khuyên để chuyển mọi việc từ xấu xa nên tốt lành. Nếu không có kết quả thì phải nhờ tới cha sở xét lại (30).

Lưu ý riêng các linh mục: các linh mục phải giữ nghiêm chỉnh những quy định của Công Đồng Indochine liên quan đến việc chuẩn bị hôn phối (31). Theo thông lệ, Hội Đồng Quí Chúc đảm nhiệm việc điều tra những cản trở, nhưng chính linh mục phải đích thân hỏi xét lại cả hai bên. Phải khôn khéo hỏi riêng từng bên xem có thật lòng muốn kết hôn không: "voluntate spontanea nupturientium, etiam seorsum et caute" (32)

VI. Bí tích xức dầu bệnh nhân

1) Cuốn Tử Hầu.

Khi một giáo dân trong họ sắp lìa đời, người ta thấy các quí chức túc trực bên cạnh người bệnh để giúp đỡ họ. Điểm chính yếu trong sự tham dự của quí chức vào thừa tác vụ linh mục trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là việc trợ giúp tận tình các bệnh nhân và người hấp hối. Đây là một trong những trách nhiệm lớn của quí chức được vạch rõ trong một tập sách nhỏ có tên là Tử Hầu (Trợ giúp người hấp hối). Gần như trong tủ sách của các quí chức đều có cuốn sách này, trong đó chứa đựng tất cả những điều chỉ dẫn cần thiết cũng như các kinh nguyện có thể đọc khi thăm bệnh nhân và người hấp hối. Cuốn sách được soạn và phát hành do đức cha Mosard (Mão) giám mục giáo phận Sài Gòn (1899-1920) năm 1907. Trong lời mở đầu ngài viết: "Chúng tôi được biết rất nhiều quí chức ở các họ đạo mong muốn bề trên cho in một tập sách kinh nhỏ, gọn, để giúp cầu nguyện cho người hấp hối vì thế chúng tôi thực hiện việc này".

Sau lời mở đầu, cuốn sách được chia theo hai phần thứ tự: Phần một "Trợ giúp người hấp hối", Phần hai "Những việc cần làm cho người qua đời". Ở đây chúng tôi xin trình bày tổng quát phần thứ nhất: 1. Báo cho biết có người hấp hối (trang 9-11) 2. Cách giúp những người hấp hối (tr 11-15) 3. Cách giúp bệnh nhân giữ vững đức tin (tr 15-20 ) 4. Cách khuyến khích và làm cho bệnh nhân vững lòng cậy trông (tr 20-25) 5. Cách giúp bệnh nhân tin tưởng vào tình yêu của Chúa ( tr 25-33 ) 6. Cách giúp bệnh nhân ăn năn tội (tr 33-41) 7. Cách giúp bệnh nhân can đảm vượt qua đớn đau thể xác ( tr 41-49 ) 8. Cầu nguyện cho người hấp hối (tr 50-117) ( 33 )

2) Điều tối buộc

Trước và sau khi có cuốn Tử Hầu, tất cả những văn bản của các Công Nghị và các cuốn Chỉ Nam, trong chương về "Bí tích Xức Dầu" đều đòi hỏi tại mỗi họ đạo cần chỉ định vài người đạo đức để thăm viếng người bệnh và nhất là những người đang hấp hối, vì có nhiều giáo dân qua đời mà không có linh mục hiện diện (34). Dĩ nhiên bổn phận lo cho người bệnh trong họ đạo, trước tiên là phần việc của các quí chức, như cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và Quy nhơn tuyên bố "Trong họ đạo, người quí chức có thông lệ thăm viếng người bệnh, khuyến khích họ nghĩ tới việc đọc kinh cầu nguyện. Nếu không có các quí chức thì phải giao việc này cho một người khác, đảm nhận một cách thận trọng". Theo cuốn Chỉ Nam giáo phận Sài Gòn đối với người bệnh, các quí chức phải sốt sáng chăm lo cho những giáo dân và đặc biệt những người bỏ đạo hoặc sống trong tội lỗi lâu năm, báo cho linh mục biết nếu có một trong những người này đau ốm mà không dám hay không nghĩ tới việc tìm gặp linh mục vì khô khan nguội lạnh (36). Những người này cần đến các thừa tác viên nhiều hơn vì họ đã xa Chúa.

3) Quan tâm đến phần rỗi linh hồn của bệnh nhân.

Một lý do khác đòi buộc các quí chức trợ giúp bệnh nhân là để lo việc rỗi các linh hồn. Bởi vì khi chấp nhận công việc thay thế linh mục, quí chức phải quan tâm đến người hấp hối và những ai đơn độc không kém gì như chính các linh mục phải quan tâm. Nếu thiếu sót bổn phận quan trọng này, thì ngày phán xét, quí chức sẽ bị Chúa Giêsu quở trách: "Lúc Ta đau, các ngươi không thăm viếng. Vậy giờ đây hãy tránh xa Ta....." (Mt 25,43). Còn những quí chức nhiệt tình, tận tâm giúp các bệnh nhân, thì ngày sẽ được phần thưởng trên nước trời, và ngày phán xét Chúa Giêsu sẽ khen rằng: "Lúc Ta đau ốm, các ngươi đã thăm viếng và trợ giúp Ta hết lòng, hãy về trời hưởng phúc lộc và thánh nhan Ta đời đời" (37).

4) Phải trợ giúp cách tự nhiên và tận tình.

Như vậy, tất cả những quí chức một khi biết có ai đau ốm trong họ đạo, phải ngưng việc riêng của mình mà chạy thật mau đến với họ như đến với chính Chúa Giêsu bị đau yếu và cần sự trợ giúp khẩn cấp. Sau đó, nếu quí chức thấy người bệnh ở trong tình trạng nguy kịch, quí chức phải cho người đi tìm cha sở ngay để kịp thời ban phép Xức Dầu cho bệnh nhân lúc họ còn tỉnh táo. Nếu vì chậm trễ mà người bệnh bất tỉnh và ra đi bất ngờ không nhận được bí tích Xức Dầu, hay vì quá yếu mệt không còn đủ sức lãnh nhận bí tích Xức Dầu cách xứng đáng, thì trách nhiệm và sai lỗi của quí chức có thể bị coi như phạm tội nặng (38). Nhiều khi, chính quí chức phải đi theo linh mục ngay tức thì, vai đeo rương nhỏ đựng vật dụng cần thiết để cử hành bí tích Xức Dầu.

5) Giúp bệnh nhân xét mình và ăn năn tội thực lòng.

Sau khi cho người đi rước linh mục, quí chức phải hỏi bệnh nhân xem họ có sống đúng luật đạo không? Chẳng hạn, vợ chồng sống chung có hợp thức không; có cho vay ăn lời quá mức; có giữ của người một cách bất công không; nợ của ai chưa trả; có làm thiệt hại ai mà chưa đền bù; đã chia gia tài cho con cái đồng đều để tránh sự tranh dành chưa; còn ganh ghét ai hay còn điều ấm ức chưa muốn giải hòa chăng v.v… Quí chức phải khuyến khích và giúp bệnh nhân giải quyết những khó khăn kịp thời đừng chần chờ viện cớ chờ linh mục đến. Tóm lại, quí chức phải báo cho bệnh nhân biết để kịp xét mình, thường thì người bệnh làm việc này rất khó, vì vậy phải đọc cuốn sách Tử Hầu cho người bệnh nghe, giúp họ xét mình và nhớ lại những tội đã phạm.

Ngoài ra, còn phải giúp người bệnh ăn năn tội cho trọn bằng cách trích theo thứ tự trong sách, hay giảng ít lời về việc ăn năn tội v.v… Cần đọc chậm rãi, rõ ràng, không dài quá, làm người bệnh mệt mỏi, không hiểu được gì. Phải dịu dàng khéo léo khuyến khích bệnh nhân can đảm chịu mọi đau đớn để đền bù những tội đã phạm (39).

6) Những việc cần chuẩn bị.

Trước khi linh mục ban phép xức dầu cho bệnh nhân, quí chức phải sắp một chiếc bàn nhỏ trải khăn trắng sạch sẽ, trên bàn đặt hai cây nến có sẵn nước thánh và một cành lá để rảy.

Khi linh mục mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, phải đặt thêm trên bàn một tách nước, một khăn lau tay. Dưới đất trải một hoặc hai chiếc chiếu với một ngọn đèn thắp sáng (40).

7) Khích lệ bệnh nhân phần thiêng liêng.

Việc ưu tiên phải làm là giúp bệnh nhân giữ vững đức tin, vững lòng trông cậy vào tình thương của Chúa mà ăn năn tội. Vì vậy, sau khi nhờ người đi rước linh mục, nếu bệnh nhân trở bệnh nặng, mê man bất tỉnh, mà linh mục chưa kịp tới ban phép Giải Tội, thì quí chức phải mau mắn giúp bệnh nhân ăn năn tội cách trọn vì đây là việc rất quan trọng để được rỗi linh hồn (41).

8) Tiếp tục giúp bệnh nhân.

Hơn nữa, sau khi đã nhận đủ các bí tích mà bệnh nhân không thuyên giảm, quí chức phải có mặt mỗi ngày hai hay ba lần cạnh người bệnh, nhưng đừng làm họ lo sợ. Bởi thế, quí chức luôn để ý thích ứng tùy hoàn cảnh, nếu bệnh tình thuyên giảm, quí chức vẫn nên đến thăm họ, dù trong chốc lát, và nếu họ trở bệnh nặng hơn, quí chứ cđến thăm nhiều hơn (42).

Như chúng ta đã thấy, trong một họ đạo, hoạt động của Hội Đồng Quí Chức về đời sống bí tích của giáo dân rất quan trọng. Từ bí tích Rửa Tội, Thêm Xức, Rước Lễ, Xưng Tội, Hôn Phối cho đến bí tích Xức Dầu, họ luôn sẵn sàng, nhanh nhẹn và nhiệt tình tông đồ, phụ tá các linh mục và phục vụ giáo dân trong họ đạo. Hoạt động như vậy, quí chức làm nổi bật đời sống đạo trong cộng đoàn dân Chúa. Đời sống đạo của cộng đoàn giáo xứ là điều chúng tôi sẽ trình bày trong chương kế tiếp.


Mục II: ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC

I. Chủ tọa những buổi cầu nguyện.

1) Bổn phận và vinh dự của các quí chức.

Nói chung, sinh hoạt đạo đức trong họ đạo biểu hiện rõ rệt vào những buổi hội họp ở giáo đường. Có rất nhiều buổi hội họp, có buổi chỉ có vài người, trái lại nhiều lần có mặt một phần lớn số người trong họ đạo. Tất cả những buổi họp được chủ tọa bởi một quí chức hiện diện từ đầu đến cuối. Chính ra thì đây là bổn phận của ông chánh trương hay của ông trùm họ, nhưng thực tế, trong nhiều giáo phận, các quí chức chia nhau, mỗi người trách nhiệm một tuần, nếu quí chức nào bị ngăn trở có thể nhờ người khác thay thế. Cuốn Chức Sở Mục Lệ cho biết: "Khi đọc kinh ở nhà thờ, ông trùm cả (chánh trương) hay ông trùm họ là người chủ tọa, nếu ông vắng mặt vì một lý do nào đó, thì phó chánh trương hay ông trùm họ sẽ thay thế" ( 44 ).

Chủ tọa buổi cầu nguyện chung là bổn phận mà cũng là vinh dự của các quí chức, vì tất cả các cuốn Chỉ Nam của giáo phận đều công nhận (45). Hơn nữa từ năm 1672, công nghị Faif nói rõ: "Nơi giáo dân đông đảo, điều cần thiết là chọn một quí chức đạo đức và cẩn thận. Nhiệm vụ của họ trong khi linh mục và các thầy giảng vắng mặt là lo những buổi cầu nguyện, những ngày lễ buộc, lo dạy giáo lý và thăm viếng các bệnh nhân v.v… (46)

Năm 1884, cuốn Chức Sở Mục Lệ nói thêm: "Nếu không có cha sở, các quí chức phải rao lịch phụng vụ trong nhà thờ để mọi người đều nghe, họ cũng lo soạn lời rao, đọc sách thánh, xướng kinh nguyện" (47). Điều quy định này còn được nhấn mạnh bởi công nghị Tokin 1900: "Các quí chức hướng dẫn những bưổi cầu nguyện chung ở nhà thờ, ít ra là những ngày lễ và những khi thầy giảng vắng mặt, họ thông báo những ngày lễ, ngày kiêng thịt, giữ chay ghi trong lịch. ( 48 )

Chủ tọa là làm dấu thánh giá trịnh trọng mở đầu buổi cầu nguyện cũng như lúc kết thúc; xướng những kinh, thí dụ như kinh cám ơn vào lúc chót, kinh cầu, đọc Kinh Thánh, khi ngắm chặng đàng Thánh Giá hay khi lần chuỗi Mân Côi. Có nhiều phần luôn được đọc bởi nhiều hay một quí chức, có thể nói, là những người chuyên môn, thí dụ như trong mùa Chay những bài ca vãn, những bài ngắm sự thương khó, với giọng buồn rầu, khóc than Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn.

2) Chương trình tổng quát.

Tất cả các cuốn Chỉ Nam của giáo phận đều đưa ra một chương trình tổng quát cho năm phụng vụ và mỗi mùa, mỗi tuần: "Ở mỗi họ đạo, mọi giáo dân giữ đạo không phải cho một mình riêng rẽ, mà phải công khai và với mọi người, dự lễ ngày chúa nhật và các ngày lễ, đọc kinh sáng, tối". Các kinh thường thay đổi: 1) Theo mùa phụng vụ: mùa Giáng Sinh, mùa Chay, tháng kính thánh Giuse, tháng kính Đức Mẹ, tháng Thánh Tâm, tháng Mân Côi. 2) Tùy theo ngày trong tuần: thứ hai, cầu cho các linh hồn; thứ sáu, chặng đàng thánh giá; thứ bảy, ngày kính Đức Mẹ. 3) Những ngày đặc biệt: ngày có gia đình xin lễ cầu hồn, xin khấn v.v… (49).

Trong những buổi họp mặt ngày chủ nhật hay ngày lễ trọng, nếu cha sở hay thầy giảng không hiện diện, người quí chức đọc Sách Thánh và Phúc Âm, với những điều đạo đức hợp trình độ giáo dân, tiếp theo là bài giảng. Sau đó họ thông báo những ngày lễ trong tuần, những ngày ăn chay kiêng thịt, những hôn lễ và tên các người bệnh trong giáo xứ. Họ cũng thông báo nếu có cha sở hay giám mục tới thăm và những quyết định của Hội Đồng Quí Chức v.v… (50).

Về cách xướng kinh chung, những sách Chỉ Nam đã định rõ các kinh phải hát, đọc, ngân nga lớn giọng, rõ ràng, nhịp nhàng, chia làm hai bè, nam ngồi bên phía đọc Thánh Thư, nữ bên phía đọc Phúc Âm. (51).

3) Cách sắp đặt chỗ trong nhà thờ.

Những chỗ trong nhà thờ thường được sắp xếp như sau: nam nữ ngồi riêng biệt, nam bên phía đọc thánh thư, nữ phía đọc Phúc Âm (52); trẻ em ngồi phía trên cùng, bên cạnh là các ông bà quản giáo, rồi đến các đoàn thanh thiếu niên, xong đến các bà và các ông. Các quí chức giữ chỗ danh dự và riêng biệt, chỗ có thể trông xem hết cả nhà thờ.

Giữa các quí chức, sách Chức Sở Mục Lệ: ở những buổi cầu nguyện, hay nghi thức tại nhà thờ, các quí chức ngồi ở giữa nhà thờ kế tiếp nhau theo thứ tự: những ông giáp và trùm họ trên cùng, ông trùm cả, trùm phủ ngồi sau chót; các cựu quí chức ngồi sau các quí chức đang hoạt động (53). Nhưng khi sắp đặt chỗ trong nhà thờ giữa các ông trùm họ và các chức vị trong làng, Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Quy Nhơn và giáo phận Huế đều đồng ý: những quan chức từ ông thị trưởng đến ông tỉnh trưởng... được đặt ngồi cùng hàng với trùm phủ hay trùm cả và câu I, II..., các chức vị khác trong làng ngồi sau các quí chức của họ đạo (54).

4) Để chu toàn bổn phận.

Chủ tọa những buổi kinh nguyện tước đám đông, người quí chức phải thuộc kinh nguyện cũng như giáo lý, tất cả quí chức đều phải có sách kinh, sách giáo lý thường dùng và vài cuốn sách thiêng liêng. Cũng như mọi nơi, các quí chức trong nhà thờ, đều phải trung thành giữ mọi điều luật của họ đạo và chỉ thị của linh mục. Các quí chức không được tự ý làm bất cứ việc gì. Nhất là ngày chủ nhật và ngày lễ buộc, các quí chức, và riêng ông trùm họ, phải dự buổi giáo lý. Họ phải hiện diện trong tất cả các buổi họp ở nhà thờ để làm gương cho mọi ngườ. Họ còn tìm hỏi để biết nếu giáo dân nào trong họ đạo dự thánh lễ đều đặn và thuộc nhiều kinh nguyện, đặc biệt với các em nhỏ, họ cũng theo dõi xem các em có theo học giáo lý thường xuyên hay không.
Hơn nữa, khi tới phiên một quí chức chủ tọa buổi cầu nguyện, người này phải nhiệt thành chu toàn bổn phận. Mỗi ngày, ông giữ việc đọc kinh sáng, tối ở nhà thờ, ông không thể để một ai khác thay thế nhiệm vụ quan trọng này, vì mỗi khi tới phiên, ông đại diện cho tất cả họ đạo trước mặt Chúa để cảm tạ những ơn đã nhận được và cầu xin những đặc ân mới.( 55 )

5) Những buổi cầu nguyện tại nhà các quí chức.

Cũng nên biết thêm: trong thời cấm đạo những buổi cầu nguyện đã được tổ chức tại nhà của quí chức, một phần để tránh sự theo dõi của quan lại, phần khác vì thiếu nơi tôn thờ. Đây là hai thí dụ: Năm 1830 trong khi bị bách đạo, hai nhà thờ ở Kim Ngọc và Tâm Hưng đều bị tàn phá. Các giáo dân không còn nhà thờ, tụ họp trong nhà của các quí chức để đọc kinh. Như ở Tâm Hưng nơi nhà quí chức Thi, quí chức Liêm và nhất là ở nhà ông trùm họ Mai. Còn giáo dân ở Kim Ngọc, họ tụ họp ở nhà ông trùm họ Xiêm và bà quí chức Yến (56). Lịch sử còn chứng nhận một trong ba quí chức họ đạo ở Cửa Bạng, được cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) bổ nhiệm năm 1627, là một người giàu ở trong làng. Ông đã dùng nhà mình làm thành nơi trú ẩn cho các linh mục và là nơi hội họp hàng ngày cho giáo dân học giáo lý hay đọc kinh. Mỗi chủ nhật, nhà của ông đã được xem như "ngôi chùa" của người công giáo (57).

II. Nhiệm vụ thường niên.

1) Nghĩa vụ của cha sở.

Như đã nói ở trên, tại Việt Nam, một giáo xứ thường gồm một họ đạo chính và nhiều họ đạo nhỏ cách xa nhau. Mỗi linh mục không chỉ giúp một hay hai họ đạo mà nhiều khi tới ba, năm chục họ đạo. Nhiều họ đạo chỉ có khoảng hai, ba chục người, hầu hết là những người sùng đạo. Do đó, để đáp ứng lòng đạo đức của họ, linh mục thường phải di chuyển chứ không ở yên tại họ chính của ngài. Giáo dân Việt Nam quen nói "cha đi làm phúc". Cụm từ này có nghĩa là linh mục đi giúp giáo dân sống đạo và đi truyền giáo cho lương dân. "Làm phúc" nghĩa là "đem hạnh phúc" đến cho người khác, vì phúc thật ban xuống từ trời và ơn trở lại thì mở ra cho mọi người. Câu nói này thật sự không sai. Một năm hai lần, linh mục lần lượt đi từ nhà thờ này tới nhà nguyện khác, từ nhà nguyện đến những túp lều tranh được sắp xếp lại. Ngài ở đây một tuần, chỗ kia năm ngày, chỗ khác ba ngày, tùy theo sự cần thiết của 'đàn chiên nhỏ'.

Thật vậy, theo luật giáo phận và các giám mục thường hay nhắc nhở: cha sở, hoặc cha phó, phải đi "truyền giáo" trong các họ đạo ít nhất mỗi năm hai lần, một vào mùa Chay, hai vào mùa Thu (58).

Dĩ nhiên cha sở phải báo trước ngày ngài sẽ ở lại nhà của ông trùm họ. Ông trùm họ có bổn phận thông báo cho giáo dân biết và sửa soạn đón cha sở trong khi ngài thi hành nhiệm vụ: sắp sửa nhà thờ hay nhà nguyện, từ trong ra ngoài, giải quyết những vấn đề của họ đạo, sắp sẵn sổ Rửa Tội, sổ Nhân Danh...; nói với giáo dân cầu nguyện cho cha sở hoàn thành sứ mạng sắp tới và cho phép các gia đình thay phiên tổ chức những bữa ăn (cơm lượt) cho cha sở v.v… (58).

2/ Ngày đến, công việc và ngày đi.

Vào ngày ấn định, vài quí chức đi đón cha sở và giúp cha mang chiếc rương, đựng tất cả những đồ cần thiết cho thời gian làm phúc.

Cha Louvet thuật lại bầu khí ngày cha sở tới họ đạo như sau: "Đây là ngày lễ đối với tất cả giáo dân trong họ. Mọi công việc đều tạm ngưng, mọi người ăn mặc chỉnh tề, đứng thành từng nhóm được chia ra: đàn ông, đàn bà, thanh thiếu niên. Dưới sự hứng dẫn của các quí chức, từng giới tới chào và tặng quà cho cha. Những món quà thổ sản: trái cây, trứng gà, trứng vịt, một hay hai con chim ngói, đặc biệt một mâm gạo thơm, một khay trầu cau, là những lễ vật không thể thiếu trong những cuộc tiếp đón ở Việt Nam. Cha xứ cảm ơn và trao đổi vài lời với tất cả, rồi giáo dân vui vẻ ra về" (59). Cha Louvet cũng cho biết thời khóa biểu của một ngày làm phúc:

a) Buổi sáng: Tất cả họ đạo chen chúc trong nhà nguyện nhỏ để cầu nguyện rồi tham dự Thánh Lễ, vì đã lâu họ đã không được dự Thánh Lễ, linh mục giảng cho họ bài giảng đầu tiên, tiếp theo bài Phúc Âm (60)

b) Lúc 10g sáng: Giáo lý cho từng trình độ giáo dân. Cha sở dạy người lớn, thầy giảng đi theo cha sở, hay túc trực trong nhà xứ, lo cho những người trẻ, các quí chức dạy các em nhỏ. Nếu cha sở quá bận rộn, và nếu thầy giảng vắng mặt, thì có thêm các ông bà quản giáo thế vào.

c) Buổi chiều: Giờ lần chuỗi Mân Côi hay đi chặng đàng Thánh Giá, sau đó giải tội nếu có người xin. Thường thì có một hay hai quí chức túc trực ở nhà thờ để giúp người ta xét mình và giữ trật tự.

d) Buổi tối: Giờ cầu nguyện, chầu Thánh Thể, cha sở giảng bài thứ hai. Sau đó là buổi họp của các hội đoàn.

Hơn nữa, trong thời gian làm phúc, có ít nhất hai hay ba buổi họp các quí chức dưới sự chủ tọa của cha sở. Các quí chức làm tờ bá cáo về tình trạng trong họ đạo và những khó khăn chính mà họ đã giải quyết trong thời gian cha vắng mặt. Cha sở ghi nhận tất cả, cho quyết định, giải hòa, nếu chẳng may có những bất hòa. Cha cũng hỏi cho biết số những người từ lâu bỏ xưng tội mùa Phục Sinh, hay số vợ chồng sống chung không hợp pháp v.v... Cha sở đích thân tới thăm những người này, với lòng nhân từ của người chủ chiên, để đưa họ về với đời sống của người công giáo và khuyến khích họ giữ vững đức tin. Nếu trong họ đạo có người bệnh hoạn, cha sẽ cùng với quí chức đến viếng và an ủi họ. Gặp trường hợp khẩn cấp, cha sẽ ban phép Xức Dầu cho bệnh nhân (61).

Sau hết, cha sở cũng nhân dịp này 'rửa tội lại' (bù các phép) cho các em nhỏ hay những người lớn mà các quí chức và những người khác đã ban phép Rửa Tội và tiếp nhận họ trong thời gian cha vắng mặt. (62) Cha cũng không quên ôn lại cho họ cách rửa tội cho đúng nghi thức (63). Cha còn phải kiểm tra sổ đăng ký và tình trạng tài chánh của họ đạo (64).

Tới ngày lên đường, Cha Louvet viết: "Nếu ngày cha sở đến họ là một ngày vui, thì ngày ngài ra đi là ngày u buồn, tang chế. Lúc giáo dân đến chào cha, ngài cảm ơn tất cả và thu nhận những ý kiến cuối cùng của họ. Ngài được đưa ra chiếc ghe. Rồi người ta nghe những tiếng khóc vọng lên từ xa, tiếng kêu đau khổ của giáo dân tiếc nuối những ngày hạnh phúc dưới bóng cha....(65)

3) Những thông lệ cần bỏ để chu toàn bổn phận.

Để chấm dứt, chúng tôi trích dẫn ở đây một đoạn thư của đức cha Marcou (Hành), giám mục phó giáo phận Phát Diệm, đã viết về 'tuần làm phúc' tại các họ đạo: "...Theo luật của giáo phận, và đức giám mục đã nhắc nhở nhiều lần, cha sở phải đi làm phúc trong mỗi họ đạo ít nhất hai lần một năm. Có nhiều cha sở thoái thác bỏ bê, vịn cớ giáo dân không đến đón. Sở dĩ họ không đến đón cha là vì họ cảm thấy mỗi lần cha sở hay cha phó đến làm phúc, quá tốn kém cho tiền quỹ của họ đạo. Lại nữa, các cha cho phép các chức việc lần lượt làm bữa ăn cho giáo sĩ, quen gọi là 'cơm lượt', khiến các họ đạo ganh đua nhau để phô trương, (đức giám mục đã nhiều lần cấm việc này); Nhiều trường hợp quí chức phung phí tiền bạc để 'mua danh', rồi mời người nọ người kia đến dự, làm suy sụp ngân quỹ của họ đạo. Tuần làm phúc không còn là "tuần làm phúc" nhưng là "tuần sinh tai họa" vì giáo dân phải đóng góp quá nhiều. Có nhiều nơi giáo dân rất nghèo, bởi thế một bữa cơm thanh đạm cũng là gánh nặng cho họ rồi. Vậy, nơi những họ đạo nghèo nàn, cha sở không được dùng quỹ của họ đạo chi phí việc ăn uống, hầu giảm bớt sự đóng góp cho giáo dân. Cha sở phải lo việc ăn uống một cách khác để giáo dân hưởng được tuần làm phúc mà không phải lo lắng. Tóm lại dù họ đạo không có tài khoản chung và không có giáo dân đủ khả năng 'làm cơm lượt' đi nữa, cha sở vẫn có bổn phận đến làm phúc cho họ đạo mỗi năm hai lần. Như thế ngài mới hoàn thành được trọng trách" (66).

III. Tang lễ.

1) Quí chức hiện diện và tận tình giúp đỡ.

Thường thì một người công giáo khi qua đời luôn có sự hiện diện của một quí chức của họ đạo. Liền sau khi bệnh nhân nhận Mình Thánh Chúa và chịu phép Xức Dầu, ông trùm họ hay một quí chức khác phải túc trực bên cạnh cùng gia đình bệnh nhân, với hai hay ba người hàng xóm. Ông trùm họ nhắc nhở bệnh nhân ăn năn tội, giữ vững đức tin, đức cậy và đức mến. Nếu người hấp hối trối trăn điều gì, hay muốn giảng hòa với ai, thì quí chức có mặt như một người chứng, phải tận lực chu toàn ý nguyện cuối cùng của người sắp ra đi (67). Trong lúc người bệnh hấp hối, không làm gì khác ngoài việc cầu nguyện và kêu tên Chúa Giêsu Đức Mẹ cùng thánh Giuse, nói êm nhẹ, vừa đủ để mọi nguời nghe, không làm xao động đến người bệnh ( 68 ).

2) Những điều nên giữ và những điều phải tránh.

Khi người bệnh qua đời, quí chức phải canh chừng để giữ mọi việc theo luật Giáo Hội, tránh những gì mê tín khi tổ chức tang lễ. Vì thế, ông trùm họ phải mở xem chương cuối của cuốn Tử Hầu để biết những gì phải làm và những gì mà Hội Thánh cấm làm trong tang lễ (69).

Tang lễ theo Giáo Hội gồm có việc di quan, lễ tang ở nhà thờ "praesente corpore", và đưa người quá cố ra nghĩa trang với lời cầu nguyện cuối cùng. Nếu không có vấn đề quan trọng, người ta không thể bỏ một phần nào trong những nghi lễ trên. Nếu không đưa người quá cố tới nghĩa trang, tất cả phải cầu nguyện ở nhà thờ (70).

Trong tang lễ, quí chức phải nhớ những điều luật quan trọng sau:
• Không để xác quá ba ngày chưa chôn; cũng không nên tổ chức ăn uống linh đình vì đó là một điều không hợp dưới mọi khía cạnh; cũng như không dùng nhạc khí, không đốt pháo (vì đó là biểu hiệu sự vui mừng). Nên ăn mặc đúng mực, giữ thinh lặng, không nên nói chuyện, ăn trầu hay hút thuốc. Chiếc hòm phải nhẹ, dễ khiêng. Người ta có thể trang hoàng tang lễ với màu đen hay trắng hoặc dùng cả hai màu trắng, đen.
• Khi di quan, không nên đánh trống, chỉ được phép dùng chiêng bằng đồng. Sau đó lúc đưa người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng, nên tránh làm ồn ào, nếu có chỉ là những lời cầu nguyện thì thầm cho người quá cố.
• Khi một người công giáo vừa qua đời, người ta phải túc trực để tỏ lòng kính trọng, con cái và gia đình phải tránh những tục lệ ngoại giáo và triệt để tôn theo phép đạo Công Giáo.
• Tất cả những người giữ một chức vị rong họ đạo phải xem chừng để mọi điều trên được tuân giữ. ( 71 )

3) Tang lễ của một người công giáo Việt Nam.

Chúng tôi xin đơn giản ghi lại tang lễ của một người công giáo Việt Nam như sau. Bình thường, người ta phân biệt có hai loại tang lễ ở Việt Nam: loại cho người thường chỉ nằm trên 'nhà táng đơn giản' (linh cữu) (simple catafalque) có bốn người khiêng; loại cho người khá giả hay giầu có, là 'nhà táng sang trọng' với một đoàn người đông đảo đi trước và đoàn người khác theo sau gia quyến. Nhưng tại các họ đạo Việt Nam không có sự phân biệt giữa những tang lễ, trừ một vài chi tiết, vì "những tang lễ của giáo dân đều tổ chức chung ở họ đạo" (72).

Bất cứ sự chôn cất nào, người ta đều thấy một quí chức cầm thánh giá dẫn đầu đám tang, hai quí chức cầm nến cao, tiếp theo là một quí chức đánh chiêng.(73). Rồi tới các hội đoàn trong giáo xứ, các trẻ em học trường nhà xứ, thanh thiếu niên, các bà mẹ gia đình v.v… tất cả giáo dân đi hàng đôi. Trong đám. Có vài người cầm cờ tang mầu đen viền trắng, nếu họ đạo có. Mọi người cùng đọc to kinh cầu hồn, tiếp theo là cha sở cùng các em giúp lễ. Rồi tới nhà táng hay linh cữu, phần chính yếu của đám tang. Liền theo đó là các nhóm: người trong gia đình, họ hàng, bạn bè, người thân quen. Những người này khóc 'trong thinh lặng' hay than vãn với tấm khăn tang trắng che miệng. Người khác đọc to kinh cầu hồn... Nhà táng, dù lớn hay nhỏ, không vào nhà thờ. Chỉ khiêng tay quan tài vào nhà thờ để cử hành tang lễ.

Sau nghi lễ, quan tài được đặt trở lại trên nhà táng và đi ra nghĩa trang (74) theo thứ tự như trước. Cũng cần thêm là: khi điều khiển những người khênh linh cữu, một quí chức đặc biệt được gọi "Người ra hiệu", điều khiển với dấu hiệu bằng hai chiếc trắc gỗ cứng, dài, kêu to, mà ông luôn cầm trong tay.

Ở nghĩa trang, người ta đặt kiệu trước mộ, cha sở đọc lời nguyện cuối cùng, nếu cha không có mặt, thầy giảng hay ông trùm họ sẽ thay thế. Rồi chiếc hòm được hạ từ từ xuống huyệt theo lệnh của quíchức 'ra hiệu'... Thân nhân của người quá cố đứng chung quanh huyệt... Lễ nghi chôn cất xong, gia quyến mời các quí chức, những người khênh linh cữu ăn miếng trầu và nhấm chén rượu đế trên một chiếc mâm.

4) Trường hợp ngoại lệ.

Tất cả những ghi nhận trên đây, cho ta thấy vai trò quan trọng của các quí chức đối với sự chôn cất khi có giáo dân qua đời. Người quí chức luôn có mặt trong từng chặng đời sống của mỗi người công giáo, từ khi rửa tội đến lúc trở về lòng đất... Nhưng theo cuốn Chỉ Nam của giáo phận Quy nhơn và giáo phận Huế: "Nếu một người công giáo, trong đời sống, không muốn theo những điều lệ của họ đạo, hay vì quyền lợi hoặc chểnh mảng, cẩu thả, từ lâu không rước lễ trong mùa Phục Sinh và tới lúc chết vẫn chưa hối cải, và có thể nói là họ không mắc tội công khai, thì họ vẫn được mai táng theo nghi thức của Giáo Hội, nhưng đám tang sẽ không được tổ chức long trọng, và các quí chức không phải quán xuyến việc chôn cất" (75).


Mục III: ĐỜI SỐNG GƯƠNG MẪU CỦA CÁC QUÝ CHỨC

I. Những văn kiện chính thức nhấn mạnh


Xuyên qua những gì chúng tôi đã trình bày, không ai có thể chối cãi được sự quan trọng trong chức vụ của quí chức ở họ đạo trong đời sống bí tích và đạo đức của giáo dân. Thật vậy, họ cộng tác tích cực vào thừa tác vụ của linh mục nhằm thánh hóa các linh hồn. Nhưng muốn trở thành cộng tác viên và chu toàn bổn phận tông đồ, các quí chức phải sống, phải cư xử thật sự là người công giáo (76), phải là người có tác phong đạo đức và nổi bật hơn người khác không vì uy quyền mà vì gương mẫu (77), là những người dịu dàng, có đức hạnh (78), những người: "probabillitate et justitia, pietate et doctrina exculti et probati" (79), những người sùng đạo, hăng hái, thông minh và khéo léo (80). Có thể nói, các quí chức phải là những người có tiếng là trong sạch để đáp ứng được mọi hoàn cảnh cần thiết (81).

II. Giải thích của đức cha Hồ Ngọc Cẩn.

Theo đức cha Jean Baptiste Hồ Ngọc Cẩn đây là những điều kiện cần thiết để các quí chức tham gia một cách tích cực vào tác vụ thánh hóa giáo dân:

1) Trung thành với bổn phận và làm gương tốt.

Các quí chức sẽ là những người trung thành với bổn phận và làm gương mẫu. Đó là những điều kiện không thể thiếu để làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Ngài viết: "So với ngoài đời, các ông tỉnh trưởng, những người quyền chức trong làng, thường dựa vào chức vị, tìm cách chiếm đoạt tiền tài, phô trương danh vọng và thụ hưởng thú vui..., thì trong Giáo Hội, các quí chức của họ đạo lại cố dùng công việc của mình để làm sáng danh Chúa và cứu rỗi linh hồn mọi người. Vì thế các quí chức phải được tuyển chọn theo phẩm cách, nghĩa là theo đời sống đạo gương mẫu. Để đạt tới mục đích trên một cách đích thực, họ phải sống đúng phẩm cách của mình hầu làm gương tốt cho tất cả giáo dân, trong đức tin và cách sống đạo, trong lời nói và việc làm, tóm lại, trong suốt cuộc đời, đời sống của họ phải tốt đẹp, từ phạm vi riêng tư tới phạm vi cộng đoàn và xã hội" (82).

2) Hiệp nhất và đoàn kết.

Các quí chức phải luôn hòa hợp, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như anh em. Đức cha viết: "Như chúng tôi đã nói, đối với giáo dân, các chức việc của giáo xứ phải làm gương trong tất cả mọi việc. Để làm được việc này, trước hết, họ phải hoà hợp với nhau, có an bình và tình thương đối với nhau. Điều này nổi bật trong giáo huấn của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã dặn dò các môn đệ phải sống hòa hảo và hiệp nhất, và Ngài đã cầu xin cho họ được hồng ân này (x. Mt 5,9; Mc 9,50; Ga 14,27; Lc 24,36). Ngoài ra, rất nhiều thí dụ chứng minh rằng mọi sự được xây nên nhờ sự hiệp nhất và ngược lại, mọi sự bị phá đổ bởi bất đồng và chia rẽ. Ngay cả những vụ việc nhỏ nhất cũng chỉ sẽ thành tựu nhờ sự hiệp nhất, còn ngược lại, những công trình lớn lao đến đâu đều sẽ bị hủy diệt bởi sự chia rẽ" (83).

3) Chú ý tới đời sống đạo của giáo dân.

Đức cha viết: "Là đại điện của các linh mục, quí chức phải giữ hai bổn phận: a) để ý đến giáo dân. b) hướng dẫn họ đi đường tốt. Để làm trọn bổn phận đầu tiên, họ giúp giáo dân tránh xa thói hư, tật xấu và tội lỗi, và ước muốn làm những điều tốt lành. Để làm trọn bổn phận thứ hai, quí chức luôn dùng lời và làm gương đưa họ vào con đường thánh thiện và công chính" (84).

4) Tận tâm trong việc thờ phụng Chúa.

Đức cha Hồ Ngọc Cẩn viết tiếp: "Quí chức ở các họ đạo không chỉ trông chừng những thói quen của giáo dân mà còn làm hết sức mình để họ thăng tiến trong việc thờ phụng Chúa. Vì thế, quí chức phải dùng lời nói và gương tốt luyện cho giáo dân cầu nguyện sáng, chiều, thánh hiến ngày chúa nhật và những ngày lễ bằng việc xưng tội và rước lễ (85).

5) Sống đời trung thực và công chính.

Chỗ khác đức cha viết: "Nơi những người ngoại đạo ở xứ ta, thường có nhiều bất công, điều này không thể xảy ra với người Kitô giáo. Các quí chức phải để ý tới sự công bình, không làm thiệt hại ai, bởi chính mình hay bởi người khác. Thường thì sự công bằng bị thương tổn khi có nợ nhau, khi người ta làm những giấy tờ giả, khi người ta buộc tội gian và người ta đau khổ vì những bất công. Vậy các chức việc ở giáo xứ phải tìm cách diệt trừ hoàn toàn những bất công như trên, trước hết bằng chính đời sống trung thực và công chính của mình (86).

6) Tránh mê tín và hành động thận trọng.

Đức cha còn dặn dò: "Hoàn cảnh của xứ sở chúng ta thường là giáo dân sống lẫn lộn với người không cùng đạo, đời sống thường ngày gây ra nhiều va chạm. Những giáo dân không dự vào những gì bất công và mê tín của người ngoại đạo. Họ luôn cẩn trọng và trung thực trong mọi hành động, trong mọi hoàn cảnh để không có điều gì làm tổn hại đến danh Chúa và lòng tin của người công giáo (87).

7) Loại bỏ tai tiếng và hoán cải những giáo dân kém cỏi.

Đức cha còn lưu ý: "Quí chức trong họ đạo đều phải củng cố sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn người giáo dân. Để đạt được nhiều kết quả, họ phải loại trừ những tai tiếng chung quanh họ. Họ kêu gọi những người cờ bạc, nghiền rượu, cho vay ăn lời, trộm cắp, hay gây gổ, dèm pha, sống sa đọa, phóng đãng, hoán cải. Tóm lại họ làm mọi cách để cảm hóa giáo dân và hoán đổi những người tội lỗi" (88).

8) Quí chức phải cẩn thủ lề luật.

Sau cùng đức cha nhấn mạnh: "Điều luật của mỗi họ đạo là những thể lệ mà các quí chức phải tuân theo. Mỗi họ đạo đều có một bản điều lệ được viết và được đức giám mục chấp thuận. Hằng năm quí chức phải đọc bản điều lệ cho mọi người biết và tuân theo, nhưng chính các quí chức và nhất là các trùm họ phải hiểu rõ hơn mọi người và cẩn thủ từng điểm một, hầu nêu gương sáng trong họ đạo" (89).

III. Những mẫu gương cụ thể.

Trong lịch sử và nhất là ở thời cấm đạo, Giáo Hội Việt Nam thật sự hãnh diện về một số giáo dân đông đảo, đã làm hết khả năng của họ để giúp đỡ các linh mục truyền giáo cho lương dân, nuôi dưỡng đức tin người đồng đạo, và tạo nên bầu khí hiệp nhất huynh đệ trong họ đạo. Tóm lại, họ luôn biểu lộ đức tin, lòng bác ái, dành đời sống cho họ đạo, nơi họ sinh sống như những người kỳ cựu nhất, như những bậc đàn anh của mọi người trong họ đạo... Và mọi người gọi họ bằng tên chung là "Những quí chức của họ đạo".

Ở chương một và hai, chúng tôi đã đan cử những mẫu gương nổi bật của các quí chức, đặc biệt, những quí chức tử đạo. Chúng tôi hân hạnh đưa ra ở đây một cách khái quát những hoạt động tông đồ hay là những gương mẫu trong đời sống kitô giáo của những người đã phải sống trốn tránh, sống âm thầm, nhưng đã tận tụy một cách đáng kính phục và đã nhiệt tình mở mang Giáo Hội và đem ơn cứu độ đến anh chị em mình.

1) Những quí chức đã hy sinh cuộc đời cho đức tin.

Theo danh sách các vị tử đạo từ năm 1664 đến 1668, tòa giám mục Cochinchine còn lưu lại, thì có chín vị là trùm họ: Pierre Ki, Étienne, Michel, Thomas, Benoit, Ignace, Pierre, Simon, Benoit (90). Trong số 117 vị tử đạo đã được Giáo Hội phong Hiển Thánh năm 1987, có các vị trùm họ như: Antoine Nguyễn Văn Nam, Joseph Nguyễn Huy Mỹ, Martin Thọ, Jean Baptiste Côn (91), Joseph Nguyễn Văn Lựu, Matthieu Nguyễn Văn Phượng, Michel Lê Văn Phụng (92), Dominique An Khâm và Joseph Tuấn (93).

2) Quí chức tận tâm với công việc của họ đạo.

Ông Joseph Nguyễn Văn Danh, trùm họ Chợ Đũi, giáo phận Sài Gòn, mất ngày 2 tháng 02 năm 1918. Ông đã không nề vất vả, khó nhọc, lo tất cả mọi việc cho họ đạo, cho nhà thờ. Suốt năm, trong nhiều tháng, ông đảm nhiệm hết mọi công việc. Ngay cả khi cất lại nhà thờ, ông đã gánh đất, chuyển gạch, xi măng. Dù rất nghèo, không bao giờ ông nhận tiền, dẫu là một hào, của
cộng đoàn. Trong họ đạo Chợ Đũi, mọi người đều biết và nhớ ơn ông (94).

3) Ba chức việc thăng tiến đời sống thiêng liêng của họ đạo.

Vào thập niên 1890, giáo dân ở họ đạo Cần Lộ, thuộc họ lẻ Cái Bè rất sùng đạo, cũng nhờ gương mẫu của ba chức việc: các ông Gương, Quới và Nhuận, cả ba ông đã qua đời. Họ đều bị hành hạ khi vua Tự Đức ra sắc lệnh cấm đạo (1870) và sau đó vẫn tiếp tục sống đời sống người kitô hữu hoàn hảo, làm gương cho mọi người, đáng là người đứng đầu trong họ đạo. Dù không có linh mục, các thầy giảng và các nữ tu, ba ông vẫn hăng hái và sống thánh thiện giữ cho giáo dân đoàn kết, sùng đạo, nâng đỡ nhau. Nhưng sau cái chết của ba ông, các quí chức thay thế thiếu đức hạnh nên giáo dân trở nên khô khan dần (96).

4) Quan tâm đến đời sống đạo đức và sự an toàn của giáo dân.

Suốt thời kỳ cấm đạo của vua Tự Đức, quí chức Tường không chỉ tiếp cha Lân ở nhà, mà còn chu toàn phần việc của mình một cách rất nhiệt tâm. Ban đêm ông đi thăm từng gia đình, để ý buổi đọc kinh chung, mà thường phải đọc nhỏ để tránh những người ngoại đạo nghe tiếng gây khó khăn, ông cũng tránh không cho người ngoại đạo ở trong họ đạo Bãi San, sự đồng cư của họ có thể tạo nguy cơ cho giáo dân. Ông Tường mất năm 1854 (97).

Để xác định rõ hơn những gì đã trình bày, chúng tôi trích dẫn dưới đây lời nhắn nhủ của cha Cadière, một cha sở đầy kinh nghiệm về đời sống mục vụ cũng như lòng đạo đức của các quí chức đối với các linh mục, với giáo dân và cả những người ngoại giáo. Cha viết: "Các ứng viên không được phạm lỗi nặng về luân lý và công lý, mà phải làm gương sáng: là thường lãnh nhận các bí tích, tam dự Thánh Lễ và cả những buổi cầu nguyện chung. Quí chức phải chu toàn bổn phận trong gia đình cũng như của người công dân, phải nhạy bén trong mọi việc, đó là đức tính đầu tiên của quí chức, và phải tỏ ra khôn ngoan và thành thạo giải quyết mọi công việc" (98). Tóm lại, lời khẳng định vắn gọn sau đây là quy luật cơ bản của quí chức: "Trong mọi việc, quí chức phải thật sự trở thành mẫu mực để cả họ đạo bắt chước" (99 ).

Những trang trình bày đơn giản của chúng tôi trong chương này nhằm mục đích nêu bật mọi cộng tác thực sự và tích cực của quí chức vào thừa tác vụ thánh hoá của linh mục. Nói khác, quí chức đã cộng tác thật nhiều vào mục vụ bí tích của linh mục giữa giáo dân, và vào nhiều phạm vi khác của đời sống đức tin trong họ đạo. Sự tham dự này được thực hiện không chỉ bằng những hoạt động tông đồ nhưng trước hết là bằng đời sống đức tin và lòng đạo đức của quí chức. Họ là những mẫu gương cho giáo dân. Đó là việc tham dự thật sự cần thiết vào thừa tác vụ của linh mục để được hữu hiệu trong cộng đồng Kitô hữu mới thiết lập. Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ xét tới sự tham dự của quí chức trong thừa tác vụ huấn giáo của linh mục giữa họ đạo.

-------------------------------

Chú thích

(1) DQN 115, DE 101
(2) CSML, Tựa
(3) Dans NHỮNG THƯ CHUNG ĐỨC CHA CHIÊU VÀ ĐỨC CA PHUỚC ĐÃ LÀM TỪ 1868 (Les lettres pastorales des Mgr Theurel et Puginier depuis 1868) tr.14; Cf. Synode de Faifo 1672 trong LAUNAY A, HISTOIRES DE LA MISSION DE COCHINCHINE, I tr.107; AD tit. IV ch.I s.11; PIC số 185-186, 191,194, 195; DCO. ch.II số.1-7 tr.13-15; DHN 294; DQN 147-148; DH 130-131.
(4) "In locis ubi multitudo fidelum erit, aliquis prudentia ac pietate insignior elegatur, qui in absentia sacerdotum aut catechistarum christianos juvare possit, tum adfundendas diebus festis preces, cumad promulgandas constitutiones nostras, possitque aegrotos fideles visitare opitulari, infantes sacro fontis baptismo initiare, necnon quoslibet moribundos baptizari cupientes...", trong LAUNAY A. Sd; ch. I tr. 107
(5) CSML 35-37
(6) Trong bản gốc không có những chi tiết này, đức cha Ngô Đình Thục đã lấy trong văn bản Công Đồng Indochine và cho thêm vào. Có thể xem trong PCI 183-184; DQN 145-148; DH 121-131; DHN 282-191
(7) DQN 148; DH 138
(8) Trong sd. Tr. 107; Cf. CSML 34, AD tit III, cap.I n. Ip.75 PCI 185.
(9) CSML 34. PCI 186
(10) Cf. DQN 147, DH 137; DHN 294
(11) DHN 294
(12) Cf. Thư chung của đức cha P.M. Gendreau, ngày 17-02-1899 về "bí tích Thêm Sức", trong TCĐPTĐN I tr. 294
(13) DQN 145; DH 145
(14) NKĐP (1919) s. 526 tr.167
(15) CSML. 42
(16) CSML. 41
(17) Organisation et Fonctionnement d'une Chrétienté Vietnamienne, (OFCV) trong Bull. MEP (1955) s.85 tr.964
( 8) DQN 195-196; DH 174; DHN 361-362
(19) CSML 41
(20) DH 148; DQN 168
(21) CSML 22
(22) Trong TCĐPTĐN; I. tr.15-176; Cf. Thư chung của đức cha. MARCOU, Carême 1908 et 1911, trong TCĐPT II. tr. 472-475
(23) "Tout membre de la confrérie du très Saint Sacrement, qui rencontre un prêtre en surplis portant le corps sacré à un malade, doit par amour pour notre Seigneur l'accompagner j'usqu'à la maison du malade; et chaque fois, on obtient une indulgence de 7 ans et 7 quarantaines". Thư chung của đức cha Marcou 1902 trong TCĐPT I tr.168
(24) X. CADIÈRE art OFCV trong Bull.MEP (1955) s. 85 tr.962-963
(25) CSML 46; DO ch.VIII s.1 tr.154-155; 'Pour les rites destinés à la célébration du mariage au Vietnam', Cf. ALFRED SCHREINER. LES INSTITUTION ANNAMITES,II tr.200-212; NGUYỄN-VĂN-PHONG LA SOCIÉTÉ VIETNAMMIENNE DE 1882 À 1902 tr. 69-70
(26) DQN 217; DH 189
(27) CSML 47; 48; 49.
(28) Theo điều 275 của Công Đồng Indochine (1934) "De matrimonio valide contrahendo, absente parocho vel Ordinario ad normam can. 1908, parochus vel Ordinarius censetur haberi vel adiri non posse non tantum quando physice abest, sed etiamquando materialiter praesens in loco, ob grave tamen incommodum celebration matrimonii assistere nequit requirens et excipiens contrahentium consensum". Cf. Resp. Communs pro. Cod. Interp. 25 julii 1931; AAS 23 (1931) tr.388
(29) CSML 50.
(30) CSML 51.
(31) PCI 255-262
(32) DQN 217; DH 189
(33) Chúng ta có trong tay một bản in lần thứ năm tại nhà in Tân-Định, Sài Gòn 1942. Hơn nữa, Công Nghị TonKin đầu tiên 1900 còn nói: "curatores christianitatum infirmos maxime morientes et juxta formam in libris "Lâm-mệnh" (Hấp hối), "Yên ủi kẻ liệt" etc in hora mortis consolentur et adjuvent" AD tit. III, ch.V s.VIII
(34) "Quoniam plerumque fideles in absentia sacerdotis moriuntur, ideo in omnibus christianitatibus constituere oportet aliquas personnes pias quae infirmos maxime morientes visitent" AD. tit. III, ch.V s.VIII
(35) DQN 209; DH 181
(36) DCO ch.VI s. 3 tr.120
(37) TH tr.11-12
(38) TH tr.13: AD tit.IV ch.I s.1/1: "Cum aliquis infirmatur in christianitate, sollicite curatores christianitatis llum invisent et si infirmitas est gravis, curabunt ut quantocius vocetur sacerdos, ut infirmus sacramentarite suscipere possit ". Cf. CSML 43
(39) TH. tr.14
(40) TH. tr.14; CSML 43
(41) TH. tr.15; CSML 44
(42) TH. tr.15
(43) Tỉ dụ trong Mission de Hue, cha Cadière đã viết: "Par semaine, il y a un ou deux notables de service, soit pour cette office soit pour d'autres fonctions. Un de ces deux notables préside toutes les réunions religieuses", OFCV trong Bull. MEP( 1955 ) s. 83 tr.725
(44) CSML 15
(45) DQN 115; DH 101; DHN 153
(46) Art. IV du Synode de Faifo, trong LAUNAY.A, HISTOIRE DE LA MISSION DE COCHINCHINE I; tr.107
(47) CSML 59
(48) AD tit. IV ch. III; s. 1/1 tr. III
(49) DQN 129; DH 112; DHN 245; CADIÈRE, OFCV trong Bull. MEP (1955) s. 83 tr.724-725
(50) Cf. LOUVET L. LA COCHINCHINE RELIGIEUSE, I tr.358-360; CADIÈRE, OFCV trong Bull. MEP (1955) s. 83 tr.725-726; MATTHIEU ĐỨC, HỘI THÁNH VIỆT NAM (L'ÉGLISE VIETNAMIENNE), trong NKĐP (1939) tr. 24-26
(51) DQN 129; DH 112
(52) Đức cha P.M. Gendreau nói rõ rằng: "Phải ngồi tách biệt, cấm hai giới nam và nữ ngồi chung trong một gian hay một bên trong nhà thờ", Thư chung ngày 7.09 1899, trong TCĐPTĐN II. tr.199; Cf. DH 222; DQN 250; DHN 245
(53) CSML 58; DH 103; DQN 117
(54) DQN 250; DH 222
(55) CSML 32, 33
(56) NKĐP (1922) s. 678 tr.130
(57) NGUYỄN HỒNG, LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM I. tr.101
(58) Cf. DHN 135; thư chung của đức cha Marcou, 1911, trong TCĐPT II. tr.399-341; VIGNAU A. LA VIE CHRÉTIENNE ANNAMITE, tong Miss. Cath. 77 (1945) tr.136-138
(59) Louvet L. sd. I tr.360
(60) "Pendant l'administration, matin et soir, on fera une instruction, de préférence sur les grandes vérités et sur les dispositions nécessaires à la réception des sacrements de pénitence, et d'Eucharistie" DQN 319; DH 280
(61) DHN 134; Cf. LOUVET L. sd. I. tr.360; TEYSEYRE E. UN MISSION ALBIGEOIS EN COCHINCHINE, MGR GALIBERT tr.164
(62) DHN 140; DH 138; DQN 155; AD tit.II. ch.I s. I tr.75: "....Tunc infantes recens nati etiam bona vletudine statim baptisentur a catechista vel alio qui ritum baptismi bene calleat, adhibito uno vel altero teste, si fieri potest, et postea prima occasione opportuna ad sacerdotem deferantur ut hic ceremonias baptismi suppleat "
(63) DHN 141; DQN 147; DH 130; AD tit. II ch.I s. II. tr.75: "Sacerdos semel saltem in anno, praecipue tempore administrationis, examinare debet praedictas personas (baptiseurs et baptiseuses) de baptismis in casu necessitatis collatis; obstetrices quoque examinet circa modum quobaptismum administrant
(64) DHN 141; Cf. Thư chung của đức cha P.M Gendreau le 19 Mars 1947 trong TCĐPTĐN II. tr.167-169
(65) LOUVET L. sd. I. tr.361
(66) Trong TCĐPT II. tr.339-341; Cf. TCĐPTĐN. II. tr.194-195; DHN 143
(67) CSML 44
(68) TH. p.117
(69) TH. tr.117-125.
(70) DQN 268; DH 240; DHN 188; AD tit. IV. ch..VII. s.2-4 tr.118-119.
(71) CSML.44; xem thêm trong AD. tit.IV s.1-5 tr.118-119; DH 241-242; DQN 269-270; DHN 189.
(72) DQN 129; DH 112.
(73) "Chiêng", nhiều nơi cũng gọi là "phèng phèng" hay "Kẻng".
(74) Bình thường mỗi họ đạo có một nghĩa trang riêng và được làm phép và giữ gìn sạch sẽ. Cf. AD. tit.IV ch.VII. s.II tr121; PCI 284-287; DH 236-238; DQN 264-268; DHN 191.
(75) DQN 267; DN 239
(76) CSML 7,5
(77) SC a.60 trong TEYSSEYRE sd. phụ chú tr.354.
(78) Thư chung của đức cha Marcou năm 1904, trong TCĐPT II, tr. 407
(79) PCI 365
(80) DQN 114, DH 100, DHN 150
(81) xem chú giải (78)
(82) SI 4 (1930) tr.121
(83) SI 4 (1930) tr.192
(84) SI 4 (1930) tr.140
(85) SI 5 (1931) tr.153
(86) SI 5 (1931) tr.17
(87) SI 5(1931) tr.255
(88) SI 5(1931) tr.148
(89) SI 7(1933) tr.121
(90) LAUNAY A. HISTOIRE DE LA MISSION DE LA COCHINCHINE, I tr.21
(91) Được phong Chân Phước bởi ĐGH Léon XIII, 1900
(92) Được phong Chân Phước bởi ĐGH Pie X, 1909
(93) Được phong Chân Phước bởi ĐGH Pie XII, 1951
(94) NKĐP (1918) s.474 tr.152
(95) NKĐP (1919) s. 557 tr.620
(96) NKĐP (1919) s. 560 tr.712
(97) NKĐP (1927) s.938) tr.201
(98) OFCV trong Bull.MEP (1955) s.79 tr. 31
(99) CSML 2


Bản điều tra hôn phối của quý chức nộp lên cha sở

Trọng kính Cha đặng rõ

Quới chức chúng con ở tại họ Ngũ Hiệp, chứng chắc cho đôi trẻ nầy:

Bên nam Phêrô Nguyễn Văn Đoàn 19 tuổi.
Có chịu phép rửa tội rồi.
Cha là Phêrô Nguyễn Văn Soái đã qua đời
Mẹ là Matta Trần Thị Liên.

Bên nữ Nguyễn Thị Liên 17 tuổi
Gốc tích ở tại họ Cái Mơn, giờ về họ Ngũ Hiệp hơn một năm nay.
Cha là Đôminicô Nguyễn Văn Liễn
Mẹ là Anê Phan Thị Sanh.

Đôi này chưa có đôi bạn lần nào hết
Nên quới chức chúng con chứng thay mặt cho Cha sở con

Trọng kính Cha.

Ông trùm
Phêrô Trần Văn Liêm.

Biện sĩ
P. Trần Tử Ngân.






 
Văn Hóa
Thân con tội lỗi
Tuyết Mai
11:41 01/03/2011
Ôi lậy Chúa rất lắm khi!
Con cảm thấy chính mình chỉ vô dụng
Ươn lười làm biếng chẳng đụng
Chẳng làm mà chỉ giỏi dùng người thôi!

Cậy tiền, cậy quyền, làm lối
La mắng chửi rủa người tôi tớ mình
Biết tội nhưng vẫn mặc tình
Vì họ làm dưới quyền mình chỉ huy

Con vô dụng ngay cả khi
Lạm dụng có tiền con đi trác táng
Vào sòng đỏ đen cả tháng
Hút sách, rượu chè, tối sáng với em

Quắt quay, tửu sắc, say mèm
Chẳng hay trời đất chỉ thèm được vui
Thiên Đàng hạ giới thật vui!
Xác thân thỏa mãn, ai vui bằng mình?

Nhưng có phải chính vì mình?
Ăn chơi sa đọa dây tình gieo oan?
Bao nhiêu con gái đoan trang
Vì con nay phải sang ngang đổi đời?

Bao thai nhi không chào đời?
Làm sao con đếm cho thời đủ đây?
Tội lỗi của con chất đầy!
Dập đầu lậy Chúa xin tẩy xin tha?

Vì con đã để quỷ ma
Dẫn đường dẫn lối lạc xa Quê Nhà
Giờ con đứng trước ngã ba
Cho con Ánh Sáng chỉ ra con Đường

Như Phao Lô xưa trên đường
Bị Chúa hất ngựa xuống đường ngã đau
Chúa quên tội ông thật mau
Ông nên gương sáng của bao nhiêu người

Chấp tay khẩn nguyện Chúa Trời
Con nguyện từ bỏ đổi đời từ đây
Rời xa cuộc sống bủa vây
Trở về cùng Chúa con đây xin Ngài!

Dùng con khí cụ của Ngài
Trở nên hữu ích miệt mài chuyên chăm
Không quản vì Chúa quanh năm
Đem bao công sức lo chăm giúp người

Để con tạ lỗi cùng người
Để con mưu ích được Người thưởng ban
Để con đến bến Bình An
Cùng Chúa vinh hiển huy hoàng Đời Sau.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nghỉ Ngơi
Sông Thanh
09:21 01/03/2011
NGHỈ NGƠI

Ảnh của Sông Thanh

(Người trong hình là LM. Nhà văn Trần Cao Tường)

"Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn."

(Tv 62:2)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Con Mắt Nhìn Lên
Sông Thanh
22:18 01/03/2011
CON MẮT NHÌN LÊN

Ảnh của Sông Thanh

(Người trong hình là LM. Nhiếp Ảnh Gia Trần Cao Tường)


Con mắt nhìn lên trời cao xanh ngát.

Con mắt nhìn xuống biển rộng bao la.

Con mắt nhìn gần quên điều nhỏ nhặt.

Con mắt nhìn xa chợt thấy quê nhà.

(Thơ Nguyễn Khánh Hòa)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền