Ngày 10-03-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:28 10/03/2019
55. VÕ QUAN TUẦN ĐÊM

Võ quan đi tuần trong đêm gặp một người trở về nhà muộn và nói mình là thư sinh, võ quan nói:

- “Đã là người đọc sách thì ta hạch xem sao ?”

Thư sinh nói

- “Mời ngài ra đề ạ.”

Viên võ quan suy nghĩ rất lâu mà cũng không nghĩ ra đề nào cả, bèn quát lên nói:

- “Thật là phúc cho mày, may mà tao nghĩ không ra đề nào cả.”

(Tiếu phủ)

Suy tư 55:

Nếu ông quan này văn võ song toàn thì anh học trò đi về nhà muộn ban đêm ấy chắc chắn sẽ vào trong khám của huyện ngủ một đêm, nhưng may phước ông võ quan tuần đêm này chữ nghĩa không rành.

Ông võ quan không rành chữ nghĩa là vì ông chỉ chú trọng đến võ nghệ, đó là chuyện bình thường, nhưng không rành chữ nghĩa mà lại đòi ra đề thơ văn cho học sinh thì đúng là chuyện bất bình thường...

Ở đời có nhiều chuyện bất bình thường khiến người khác nhìn không thuận mắt, như thầy giáo chửi tục trước mặt học trò, cha mẹ đánh bài ăn bạc trước mặt con cái, các bậc tu hành uống rượu như hủ chìm trước mặt giáo dân, cảnh sát giao thông kiếm cớ bắt phạt người chạy xe để ăn tiền.v.v...

Những cái bất bình thường này đều là những đề tài nan giải cho những người có tâm hồn thiện lương trong xã hội, nhất là những người có niềm tin tôn giáo.

Hãy làm những chuyện rất bình thường nhưng rất thuận mắt mọi người, đó là quảng đại với tha nhân, tha thứ và thân thiện với người ghét mình, hòa nhã và hòa đồng với người bất đồng ý kiến, giúp đỡ người cô đơn, an ủi người bất hạnh, giúp đỡ người khác hơn là hạch sách bắt nạt.v.v...Đó chính là những điều mà Đức Chúa Giê-su đã thực hành và đã dạy chúng ta khi Ngài còn ở thế gian, và vẫn tiếp tục dạy qua Giáo Hội Công Giáo do chính Ngài sáng lập đang hiện diện giữa thế gian này.

Khiêm tốn thấy mình khiếm khuyết là đem lại hạnh phúc cho tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:34 10/03/2019

104. Trong cộng đoàn, cái quan trọng nhất là đoàn kết nhất trí và bình an, phải nhận biết nhau, thân ái, đó là nguồn gốc của hòa bình, là liên hệ của toàn đức hạnh, là liên hợp tâm hồn của mọi người.

(Thánh Vincentius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những sự thật chung quanh bản án bất công chống lại Đức Hồng Y Philippe Barbarin
Đặng Tự Do
06:46 10/03/2019
Thông tín viên Jeanne Smits của Life Site News có bài tường trình từ Paris nhan đề “Is French cardinal convicted of sex-abuse cover up latest victim of anti-Catholic witch hunt?” (“Có phải vị Hồng Y người Pháp bị kết án bao che lạm dụng tính dục là một nạn nhân mới của trào lưu bài Công Giáo như săn lùng phù thủy không?”).

Nguyên bản tiếng Anh có thể đọc tại đây. Độc giả có thể tìm thấy dưới đây bản dịch sang Việt ngữ toàn văn bài tường trình này. Tuy nhiên, trước hết, xin được giới thiệu vài nét về Đức Hồng Y Barbarin.

Vài nét về Đức Hồng Y Philippe Barbarin

Đức Hồng Y Philippe Barbarin sinh ngày 17 tháng 10 năm 1950 tại Rabat, Marốc, lúc đó còn là một thuộc địa của Pháp. Đức Hồng Y là con thứ năm trong một gia đình 11 người con.

Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1977 tại giáo phận Créteil.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục Moulins, miền trung nước Pháp năm 1998. 4 năm sau đó, vị Giáo Hoàng Ba Lan lại bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục Lyon vào tháng 7 năm 2002 ở tuổi 51. Ngài được vinh thăng Hồng Y một năm sau đó, vào năm 2003.

Đức Hồng Y Philippe Barbarin được mô tả là một người hết mình vì sứ vụ. Ngài bị một cơn đau tim khi đang trên chuyến bay từ Lyon đến Ngày Giới trẻ Thế giới 2013 ở Brazil và cần phải nhập viện ở Cayenne; và ngay sau đó lại bị thêm lần nữa tại Martinique, nơi ngài đã trải qua một cuộc phẫu thuật ba vòng. Nhưng điều này chỉ có thể làm ngài chậm lại trong một một thời gian ngắn.

Đức Hồng Y Barbarin là một người hâm mộ cuồng nhiệt anh hùng truyện tranh người Bỉ, Tintin, và là một vận động viên chạy đường dài.

Ngài nổi bật với những sáng kiến mục vụ, và sự quan tâm sâu sắc đến sự hiện diện của các tín hữu Kitô Trung Đông xuất phát từ kinh nghiệm bốn năm làm linh mục Fidei Donum ở Madagascar (1994-1998) [linh mục Fidei Donum là linh mục truyền giáo hải ngoại vẫn thuộc về giáo phận gốc của mình. Fidei Donum – Hồng ân đức tin – là thông điệp của Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố ngày 21/4/1957 khích lệ các Giám Mục gởi các linh mục đi truyền giáo ở hải ngoại]. Vào năm 2014, khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được Mosul, Iraq, ngài đã không ngần ngại đi thăm và sống với các Kitô hữu tị nạn tại Erbil.

Vào ngày 9 tháng 7 năm 2017, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã đến Mosul để tuyên bố chiến thắng bọn khủng bố Hồi Giáo IS và tuyên bố Mosul hoàn toàn giải phóng. Chỉ hai tuần sau đó, Đức Hồng Y Barbarin đã là giáo sĩ cao cấp nhất từ hải ngoại đến thăm các ngôi thánh đường bị tàn phá tại Mosul để đánh giá mức độ thiệt hại và nhu cầu tái thiết.

Theo tờ La Croix, Đức Hồng Y là người có lòng tôn sùng Thánh Thể cách đặc biệt. Ngài thường đưa ra các quyết định quan trọng sau khi cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể.

Có phải vị Hồng Y người Pháp bị kết án bao che lạm dụng tính dục là một nạn nhân mới của trào lưu bài Công Giáo như săn lùng phù thủy không?

Thông tín viên Jeanne Smits tường trình từ Paris

Đức Hồng Y Philippe Barbarin, tổng giám mục Lyon và Giáo chủ Công Giáo xứ Gauls, đã phải nhận bản án sáu tháng tù treo vì không báo cáo trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2015 các hành vi “đối xử tệ bạc, tước đoạt hoặc lạm dụng tình dục” đối với trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi, mặc dù các tội ác bị cáo buộc này diễn ra vào năm 1991, nghĩa là từ 21 năm trước khi ngài trở thành tổng giám mục Lyon. Tòa án hình sự của Lyon đồng loạt tha bổng cho tất cả 5 cộng tác viên hoặc cựu cộng tác viên của ngài, về bất kỳ hành vi sai trái nào trong vụ án. Chỉ có một mình Đức Hồng Y là gặp rắc rối. Các luật sư bào chữa tuyên bố rằng họ sẽ kháng cáo, và chính Đức Hồng Y tiếp tục tuyên bố mình vô tội.

Tribunal correctionnel de Lyon – Tòa tiểu hình thành phố Lyon - (ở Pháp, tội phạm nghiêm trọng được xét xử bởi Cour d'assises, Tòa lưu động) đã ra phán quyết rằng: “Mặc dù các chức năng của bị cáo cho phép bị cáo truy cập vào mọi thông tin và bị cáo có khả năng phân tích chúng và trình báo một cách hữu ích, Philippe Barbarin quyết định trong lương tâm là giữ thể diện cho thể chế mà mình thuộc về, chứ không thông báo với cơ quan tư pháp.”

Phản ứng của Đức Hồng Y Barbarin

Khi nhận được phán quyết của tòa án, Đức Hồng Y Barbarin tuyên bố quyết định sẽ nộp đơn từ chức của ngài lên Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Tôi ghi nhận quyết định của tòa án. Bất kể số phận cá nhân của tôi, tôi nhắc lại lòng thương cảm của tôi đối với các nạn nhân và gia đình của họ. Tôi đã quyết định triều yết Đức Thánh Cha để xin từ chức. Ngài sẽ gặp tôi trong một vài ngày tới. Cám ơn,” Đức Hồng Y nói.

Tin tức này được đưa ra hai tuần sau khi Hồng Y George Pell của Úc bị kết án lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Các nhà phê bình đã tố cáo tiến trình truy tố và kết án Đức Hồng Y Pell như là một cuộc săn phù thủy chống Công Giáo do giới truyền thông và cảnh sát xúi giục. Cả Đức Hồng Y Pell và Đức Hồng Y Barbarin đều khẳng định sự vô tội của mình và sẽ kháng cáo bản án.

Đức Hồng Y Barbarin đã nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha vào năm 2016, vài tháng sau khi trường hợp của cha Bernard Preynat, một linh mục của giáo phận Lyon bị buộc tội lạm dụng tình dục 9 cậu bé hơn 25 năm trước được đưa ra công luận. Vào thời điểm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối đơn từ chức của ngài, và nói rằng “đó là điều vô nghĩa” và cấu thành một sự “thiếu thận trọng” trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Croix, là tờ báo không chính thức của Hội Đồng Giám Mục Pháp. “Chúng ta sẽ xem lại việc này sau khi phiên tòa kết thúc. Nhưng bây giờ, làm như thế có nghĩa là thừa nhận mình có tội,” ngài giải thích.

“Theo những thông tin mà tôi đã được cung cấp, tôi tin rằng Đức Hồng Y Barbarin ở Lyon đã thực hiện các biện pháp cần thiết và ngài có thể kiểm soát được tình hình. Ngài là một người can đảm, sáng tạo và hăng say với sứ vụ. Bây giờ chúng ta phải chờ kết quả của vụ kiện tại tòa án dân sự”, Đức Thánh Cha nói thêm.

Tiến trình tố tụng

Dù Đức Hồng Y Barbarin đã bị kết án tù treo, các thủ tục tư pháp chắc chắn chưa kết thúc. Điều đáng chú ý trong trường hợp này là công tố viện đã bác bỏ vụ án chống lại ngài sau cuộc điều tra đầu tiên vào năm 2016. Họ nói rằng không có lý do gì để có thể tin rằng Đức Hồng Y Barbarin đã cản trở tư pháp và vào năm 2014, khi Đức Hồng Y được thông báo về các tội ác do linh mục Preynat gây ra vào năm 1991, thời hạn hồi tố đã trôi qua từ rất lâu.

Thời hạn hồi tố ba năm đã được sửa đổi vào năm 2016; nhưng về nguyên tắc, một khoản luật hình sự nghiêm trọng hơn không thể được sử dụng một cách hồi tố theo hệ thống tư pháp của Pháp.

Thất bại trong việc yêu cầu công tố viện kết án Đức Hồng Y Barbarin, chín người “tự xưng là các nạn nhân của cha Preynat” đã tìm cách truy tố Đức Hồng Y theo trình tự khởi tố tư (citation directe). Cụm từ “tự xưng là các nạn nhân của cha Preynat” không có ý bỉ báng vì về mặt luật học khi tòa chưa tuyên án chung thẩm không thể mặc nhiên coi linh mục Preynat là người có tội và chín nguyên cáo là những người thực sự đã bị lạm dụng tính dục, linh mục Preynat đến nay vẫn chưa bị xét xử vì những tội ác bị cáo buộc đã gây ra trước năm 1991. Luật của Pháp cho phép các cá nhân và tổ chức có thể khởi tố theo trình tự khởi tố tư trong các trường hợp vi phạm không nghiêm trọng. Khi một vụ khởi tố tư diễn ra, công tố viên không tham gia vào bất kỳ cuộc điều tra nào, bên nguyên cáo phải đưa ra các bằng chứng hay các yếu tố nào đó khả dĩ biện minh được cho hành động của họ.

Trong phiên điều trần hồi tháng Giêng, tình huống này đã được xác nhận bởi thực tế là công tố viên không yêu cầu một án phạt tiền hay phạt tù đối với Đức Hồng Y. Họ khẳng định rằng họ muốn giữ sự khách quan. “Công tố viện không phản đối nguyên đơn dân sự, cũng không mặc nhiên ủng hộ bị cáo”, công tố viên Charlotte Trabut nói.

Theo quy định, công tố viện ở Pháp được giao trách nhiệm bảo vệ trật tự công cộng và lợi ích của xã hội. Sự thận trọng của cơ quan này trong vụ kiện Đức Hồng Y Barbarin đã được nhiều người diễn giải rằng không thể buộc ngài phải chịu trách nhiệm về các hành vi đã diễn ra từ lâu trước khi ngài lãnh trách nhiệm coi sóc giáo phận Lyon vào năm 2002, hơn nữa cho đến năm 2015 chưa có ai từng nộp đơn khiếu nại chống lại linh mục Preynat.

Những người “tự xưng là các nạn nhân của cha Preynat” giải thích dài dòng rằng họ gặp khó khăn khi muốn nói về những kinh nghiệm họ đã phải chịu, ngay cả trong gia đình họ. Tất cả diễn ra khi họ còn là những thiếu niên hướng đạo sinh trong một giáo xứ của tổng giáo phận Lyon. Cha Preynat là tuyên úy hướng đạo sinh vào thời điểm đó. Lúc đó, có những nghi ngờ về vị linh mục này vào thời điểm đó và vào năm 1991, Đức Hồng Y Albert Decourtray của tổng giáo phận Lyon đã đình chỉ cha Preynat trong sáu tháng, trước khi quyết định đưa linh mục này đến một khu vực khác. Cha Preynat sau đó đã được tiếp tục chuyển đến các giáo xứ khác, bởi vì không có khiếu nại nào đã được đệ trình chống lại đương sự kể từ năm 1991.

Một bản án bất công

Năm 2016, Đức Hồng Y Barbarin nói với tờ La Croix rằng ngài đã nghe phong phanh về tội lạm dụng của linh mục Preynat vào khoảng năm 2007-2008. Ngài nói: “Tôi đã có cuộc gặp gỡ với ông và hỏi liệu có xảy ra vấn đề gì hay không kể từ năm 1991 đến nay,” cha Preynat đã thề hoàn toàn không có gì, trong khi sẵn sàng thừa nhận ngay sự lạm dụng mà ông đã phạm phải trước đó. Đức Hồng Y Barbarin cho biết lúc đó ngài đã kiểm tra kỹ lưỡng có ai khiếu nại không và thực tế là không có ai khiếu nại cả.

Đến năm 2014, những lời tố cáo mới nổi lên và cảnh sát mới tung ra các cuộc điều tra nhưng đến nay vẫn không có ai đưa ra được bằng chứng cụ thể nào.

Năm 2016, Đức Hồng Y Barbarin đã nói với La Croix rằng nếu các thủ tục tố tụng dân sự hiện tại chống lại linh mục Preynat không dẫn đến một sự lên án nào, ngài sẽ tự mình mở một cuộc điều tra giáo luật bằng cách xin Rôma cho gia hạn thời gian hồi tố.

Với tất cả những hành động và ý chí của Đức Hồng Y nhằm làm sáng tỏ vụ việc này, có thể nào nói ngài muốn che đậy cho linh mục Preynat hay không? Dù đúng hay sai, cả hai vị tiền nhiệm của Đức Hồng Y Barbarin đều quyết định để cho cha Preynat tiếp tục làm mục vụ, các ngài nghĩ rằng vị linh mục này sẽ không tái phạm, và thực tế là không có khiếu nại nào, dù là dân sự hay trước Giáo hội. Để cho cha Preynat tiếp tục làm mục vụ có phải là một quyết định thận trọng hay không là một việc có thể bàn cãi nhưng ở một mức độ nào đó, khi bắt một mình Đức Hồng Y Barbarin phải chịu trách nhiệm, thì theo một nghĩa nào đó, Đức Hồng Y là một vật tế thần.

Lời buộc tội chính thức đầu tiên xảy ra vào tháng 7 năm 2014 khi Alexandrealeighot-Hezez báo cho tổng giáo phận Lyon biết về trường hợp bị lạm dụng tính dục của mình, khi biết rằng cha Preynat vẫn còn sống, và đang hoạt động mục vụ tại một giáo xứ địa phương, với trách nhiệm dạy giáo lý cho các học sinh.

Ngay lập tức Đức Hồng Y Barbarin viết thư cho Tòa Thánh để báo cáo về lời cáo buộc này. Sau khi nhận được câu trả lời của Tòa Thánh, Đức Hồng Y đã đình chỉ thừa tác vụ linh mục của cha Preynat vào tháng 9 năm 2015, mặc dù vụ việc đã diễn ra 24 năm trước. Câu trả lời bao gồm một khuyến nghị của Bộ Giáo Lý Đức Tin nên “tránh tai tiếng công khai” chẳng hạn như một vụ án dân sự chống linh mục Preynat.

Sau đó, chín người khác cũng ra mặt chỉ chứng cha Preynat và thành lập một hiệp hội lấy tên là “La Parole libérée” nhằm truy tố Đức Hồng Y Barbarin, bất chấp thực tế do chính họ công nhận trong một tuyên bố trực tuyến vào sáng thứ Năm 7 tháng Ba, ngay sau phán quyết của tòa án về 6 tháng tù treo dành cho Đức Hồng Y Barbarin, rằng chín người khiếu nại này nhất trí thừa nhận rằng những lời buộc tội của họ đã được tổng giáo phận Lyon và chính Đức Hồng Y đón nhận một cách nghiêm chỉnh với lòng thương cảm, và đã được chấp nhận mà không có lời chất vấn nào đối với những gì họ cáo buộc. Bên cạnh đó, Alexandrealeighot-Hezez, là người khiếu nại ban đầu, cảm thấy mục tiêu của nhóm “La Parole libérée” không phù hợp với anh, nên rút lại khiếu nại của mình. Tất cả điều anh muốn là tổng giáo phận thận trọng với cha Preynat, chứ không phải là việc truy tố Đức Hồng Y Barbarin.

Francois Devaux, một trong số chín người “tự xưng là nạn nhân của cha Preynat” và là Chủ tịch Hiệp hội, đã gọi phán quyết của tòa án tiểu hình Lyon là bước đầu tiên hướng tới việc “phá vỡ một hệ thống.” Ông kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ buộc hồi tục những kẻ phạm tội mà còn phải buộc hồi tục tất cả những người bị buộc tội về việc che đậy cho các tội ác này. Ông ta nói: “Đó là mới thật sự là không khoan nhượng.”

Những tấn kích vào Giáo Hội

Kể từ khi tin tức về phán quyết của Đức Hồng Y được công khai vào sáng thứ Năm, báo chí thế tục Pháp đã tấn công tới tấp Giáo hội. Trong bối cảnh chống Công Giáo và tam điểm sâu sắc của Cộng hòa Pháp, các cáo buộc lạm dụng tình dục đối với một số ít linh mục phạm tội, và sự phẫn nộ chính đáng các vụ che đậy thực sự đã xảy ra, đã được dùng như một khí cụ để bôi nhọ các giáo sĩ và Giáo Hội Công Giáo.

Điều này dẫn đến sự lên án một chiều chống lại Giáo Hội vì lạm dụng tính dục xảy ra tương tự tại các trường công lập không được dư luận chú ý, và các giáo viên vi phạm thường chỉ đơn giản là bị điều đi một cơ sở giáo dục khác khi nội vụ bị đổ bể. Chuyện này chắc chắn không biện minh được tội lỗi lạm dụng tính dục trong Giáo Hội nhưng cách thức truyền thông hành xử đối với các lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên là hoàn toàn một chiều tại Pháp.

Một vấn đề khác là sự can thiệp của công lý thế tục bên trong Giáo hội trong trường hợp Đức Hồng Y Barbarin, đó là việc đả phá nhắm vào ấn tín của bí tích hòa giải. Hơn thế nữa, về mặt kỹ thuật cha Preynat phải được coi là vô tội cho đến khi được xét xử, nhưng thực tế nhà nước, cùng với áp lực truyền thông nặng nề, đang ra lệnh hoặc cố gắng áp đặt các biện pháp giáo luật vượt quá phạm vi công lý của con người.

Jean-Félix Luciani, một trong những luật sư của Đức Hồng Y Barbarin, nói sau khi phán quyết của tòa án được đưa ra là bản án này không thuyết phục. Ông nói thêm: “Thật khó để tòa án chống lại áp lực của các phim tài liệu, và một bộ phim hư cấu. Tất cả những điều này đặt ra những câu hỏi thực sự về sự tôn trọng xứng đáng công lý.”

Vài tuần qua ở Pháp đã có rất nhiều áp lực bài hàng giáo sĩ. Đầu tiên, là cuốn sách của Frédéric Martel có tựa đề “In the Closet of Vatican”, được phát hành vào ngày 20 tháng 2, trong đó mô tả hàng giáo phẩm của Giáo Hội như những kẻ đạo đức giả, những kẻ lạm dụng hoặc che đậy lạm dụng. Hai tuần trước phiên tòa, một bộ phim hư cấu về cha Preynat được chiếu trên tất cả các rạp hát tại Pháp để gây công phẫn dư luận. Cuốn phim có tựa đề “Grâce à Dieu” (“Cám ơn Chúa”) [Trong cuộc họp báo tại Lộ Đức vào tháng Tư 2016, khi được hỏi về cáo buộc liên quan đến cha Preynat, Đức Hồng Y Barbarin nói: “Hầu hết các cáo buộc đều đã hết thời hạn hồi tố.” Rồi theo thói quen, ngài buộc miệng nói: “Grâce à Dieu” (“Cám ơn Chúa”), trước khi giật nẩy mình biết mình nói hớ rồi.] Cuốn phim rõ ràng chà đạp một nguyên tắc quan trọng của luật pháp là nguyên tắc giả định bị cáo là vô tội cho đến khi bị kết án. Chiều thứ Ba 5 tháng Ba, buổi chiều trước Thứ Tư Lễ Tro, một bộ phim tài liệu khác được chiếu trên đài truyền hình nhà nước dựa vào các tin đồn để đưa ra các cáo buộc Giáo Hội bao che cho các linh mục lạm dụng tính dục các nữ tu.

Đức Hồng Y Barbarin luôn bác bỏ chưa bao giờ có ý muốn che giấu tội lỗi lạm dụng “khủng khiếp”. Ngài cũng chưa bao giờ phủ nhận là những tội lỗi ấy không hề xảy ra. Trách nhiệm cá nhân của Đức Hồng Y, ngay cả như phán quyết của tòa án cũng chỉ là án treo. Tất cả điều này cho thấy các cuộc tấn công kết hợp chống lại Giáo hội là một cuộc tấn công có chủ ý và phối hợp. Đức Hồng Y Barbarin đã can đảm chiến đấu với “hôn nhân” đồng giới và hiện diện cả trong những buổi cầu nguyện công khai chống phá thai cùng với một nhóm nhỏ SOS Tout-petits do bác sĩ phò sinh anh hùng Xavier Dor lãnh đạo.

Vụ án này thật là một nghịch lý. Truyền thông chính mạch và các chương trình giảng dạy chính thức không ngừng phân phối những tuyên truyền về văn hóa sự chết, ý thức hệ giới tính và tự do tình dục - và một tòa án hình sự của Pháp thậm chí còn tha bổng cho một kẻ hiếp dâm là người di dân vài tháng trước với lý do là nền văn hóa Bangladesh của anh ta đã cản trở anh ta nhận ra rằng nạn nhân mới 15 tuổi của hắn ta có đồng ý hay không. Chính sách không khoan dung không dành cho tất cả.


Source:Life Site News
 
Thông báo của Hội Đồng Giám Mục Pháp liên quan đến ĐHY Philippe Barbarin
Anthony Nguyễn
07:55 10/03/2019
Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ toàn văn thông báo của Hội Đồng Giám Mục Pháp. Bản tiếng Pháp có thể xem tại đây.

Hội Đồng Giám Mục Pháp ghi nhận phán quyết của tòa án vào ngày hôm nay đối với Đức Hồng Y Barbarin vì tội không tố cáo. Hội Đồng Giám Mục Pháp không bình luận về phán quyết này. Hội Đồng Giám Mục Pháp nhắc lại rằng, như mọi công dân Pháp, Đức Hồng Y Barbarin có quyền sử dụng những phương thức kháng cáo khả thi đối với ngài. Đó là điều ngài đã thực hiện và chúng tôi chờ đợi kết quả của tiến trình mới này.

Về quyết định của ngài nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này tùy thuộc hoàn toàn lương tâm cá nhân của ngài. Điều đó cũng không gợi lên một lời bình luận nào từ phía Hội Đồng Giám Mục Pháp. Điều này tùy thuộc Đức Thánh Cha quyết định cho Đức Hồng Y theo cách mà Đức Thánh Cha cảm thấy thích hợp.

Hội Đồng Giám Mục Pháp tái khẳng định quyết tâm chống mọi sự tấn công tình dục các trẻ vị thành niên bởi các giáo sĩ.

Đức Cha Georges Pontier, tổng giám mục Marseille và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, đã có dịp cam kết với Đức Hồng Y Barbarin về lời cầu nguyện của ngài dành cho Đức Hồng Y và cho giáo phận Lyon.


Source:La Conférence des évêques de France
 
Toàn văn Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 56 của Đức Thánh Cha Phanxicô
J.B. Đặng Minh An dịch
17:56 10/03/2019
Hôm 8 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 56 sẽ được cử hành vào Chúa Nhật thứ Tư Phục Sinh, 12 tháng Năm tới đây. Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi đã được thiết định bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khi Công Đồng Vatican II đang diễn ra và được cử hành lần đầu tiên vào năm 1963. Năm nay là lần thứ 56. Chủ đề của Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi năm nay là "Can đảm dám liều lĩnh vì lời hứa của Thiên Chúa". Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.

Anh chị em thân mến,

Sau kinh nghiệm sống động và sinh nhiều hoa trái của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên vào tháng 10 năm ngoái, gần đây chúng ta đã cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ Ba Mươi Bốn tại Thành phố Panama. Hai sự kiện lớn này cho phép Giáo Hội chú ý đến tiếng nói của Chúa Thánh Thần và cuộc sống của những người nam nữ trẻ, những thắc mắc và những mối quan tâm của họ, những vấn đề và hy vọng của họ.

Dựa trên những gì tôi đã chia sẻ với những người trẻ ở Panama, tôi muốn suy tư trong Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi này về cách thế mà lời mời gọi của Chúa khiến chúng ta trở thành những người mang một lời hứa, và đồng thời, yêu cầu chúng ta can đảm để mạo hiểm với Ngài và cho Ngài. Tôi sẽ thực hiện điều này bằng cách suy tư ngắn gọn với anh chị em về hai khía cạnh này – đó là lời hứa và rủi ro - như đã xuất hiện trong trình thuật Tin Mừng khi Chúa gọi các môn đệ đầu tiên đi theo Ngài bên bờ biển Galilê (Mc 1: 16-20).

Hai cặp anh em - Simon và Andrê, Giacôbê và Gioan - đang thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày của họ như các ngư dân. Trong công việc với những đòi hỏi khắt khe này, họ đã học được các quy luật tự nhiên, nhưng đôi khi trước những cuồng phong bất lợi và những con sóng đập mạnh vào thuyền của họ, họ phải bất chấp các quy luật này. Có ngày, việc đánh bắt thật đáng với công lao họ bỏ ra, nhưng cũng có những ngày, toàn bộ công việc vất vả ban đêm chẳng đáng vào đâu, và họ phải quay trở lại bờ, mệt mỏi và thất vọng.

Cuộc đời thường là như thế. Mỗi chúng ta cố gắng thực hiện những mong muốn sâu sắc nhất của mình; chúng ta tham gia vào các hoạt động mà chúng ta hy vọng sẽ có kết quả phong phú, và chúng ta ra khơi tiến vào một vùng “biển” những triển vọng với hy vọng rằng sẽ chèo chống đúng hướng, một hướng đi sẽ thỏa mãn cơn khát hạnh phúc của chúng ta. Đôi khi chúng ta tận hưởng một thu hoạch phong phú, nhưng có khi chúng ta cần can đảm để giữ cho chiếc thuyền của mình không bị lật tung vì sóng đánh, và cũng có lúc chúng ta thất vọng khi kéo lên một chiếc lưới trống không.

Như mọi lời mời gọi khác, Tin Mừng cũng đề cập đến một cuộc gặp gỡ. Chúa Giêsu đi ngang qua, nhìn thấy những ngư dân đó và đi đến chỗ họ... Điều tương tự xảy ra khi chúng ta gặp người mà chúng ta muốn kết hôn, hoặc khi chúng ta lần đầu tiên cảm thấy sự hấp dẫn của cuộc sống thánh hiến: chúng ta ngạc nhiên bởi một cuộc gặp gỡ, và tại thời điểm đó, chúng ta thoáng thấy lời hứa về một niềm vui có khả năng mang lại sự viên mãn cho cuộc sống của chúng ta. Ngày hôm đó, bên bờ biển Galilê, Chúa Giêsu đã đến gần những ngư dân này, phá vỡ “sự tê liệt của thói quen” (Bài giảng Ngày Đời Sống Thánh Hiến, 2 tháng Hai năm 2018). Và Ngài ngay lập tức đưa ra cho họ một lời hứa: “tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1, 17).

Lời mời gọi của Chúa không phải là một sự xen vào tự do của chúng ta; nó không phải là một “chiếc lồng” hay một gánh nặng trên chúng ta. Trái lại, đó là một sáng kiến yêu thương, qua đó, Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta và mời gọi chúng ta trở thành một phần của một công trình vĩ đại. Ngài mở ra trước mắt chúng ta chân trời của một vùng biển rộng lớn hơn và một mẻ cá dồi dào.

Thật vậy, Thiên Chúa mong muốn rằng cuộc sống của chúng ta không trở nên tầm thường và có thể dự đoán được, không bị giam hãm bởi thói quen hàng ngày hay thụ động trước những quyết định có thể mang lại ý nghĩa. Chúa không muốn chúng ta sống ngày này sang ngày khác, nghĩ rằng không có gì đáng để chiến đấu; và dần dần đánh mất ước muốn cất bước trên những con đường mới và đầy hào hứng. Nếu đôi khi Ngài khiến chúng ta trải nghiệm một mẻ lưới kỳ diệu, thì đó là vì Ngài muốn chúng ta khám phá ra rằng mỗi người chúng ta được mời gọi - theo nhiều cách khác nhau - đến với một điều gì đó cao cả, và cuộc sống của chúng ta không nên sa vào mạng lưới của một sự buồn chán làm chai mòn con tim. Mỗi ơn gọi là một lời hiệu triệu đừng đứng trên bờ, ôm lưới trong tay, nhưng hãy đi theo Chúa Giêsu trên con đường mà Người đã vạch ra cho chúng ta, vì hạnh phúc của chúng ta và vì lợi ích của những người xung quanh chúng ta.

Chấp nhận lời hứa này đương nhiên đòi hỏi lòng can đảm dám mạo hiểm đưa ra một quyết định. Các môn đệ đầu tiên, được Chúa Giêsu mời gọi trở thành một phần của một điều gì đó lớn lao hơn, “ngay lập tức bỏ lưới của họ và đi theo Ngài” (Mc 1, 18). Đáp lại lời kêu gọi của Chúa liên quan đến việc liều mình và đối mặt với một thách đố lớn. Điều đó có nghĩa là sẵn sàng bỏ lại đằng sau bất cứ điều gì níu kéo chúng ta dính chặt với con thuyền nhỏ của mình, và ngăn cản chúng ta đưa ra một lựa chọn dứt khoát. Chúng ta được kêu gọi phải táo bạo và quyết đoán khi tìm kiếm kế hoạch của Chúa cho cuộc sống của chúng ta. Nhìn ra “đại dương” bao la của ơn gọi, chúng ta không thể cứ mãi hài lòng với việc vá lưới trên thuyền, là điều khiến ta an tâm, nhưng thay vào đó phải tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa.

Tôi nghĩ chủ yếu đến lời mời gọi sống đời Kitô hữu mà tất cả chúng ta đã nhận lãnh trong Bí tích Rửa tội. Lời mời ấy dạy chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta không phải là một tình cờ may mắn nhưng là một ân sủng: đó là được làm những đứa con yêu dấu của Chúa, được tập hợp trong đại gia đình của Giáo Hội. Chính trong cộng đồng giáo hội, đời sống Kitô hữu được sinh ra và phát triển, đặc biệt là qua phụng vụ. Phụng vụ giới thiệu Lời Chúa với chúng ta cùng với ân sủng của các bí tích. Từ thuở còn thơ, chúng ta được dạy nghệ thuật cầu nguyện và chia sẻ tình huynh đệ. Cuối cùng, Giáo Hội là mẹ của chúng ta vì Mẹ đưa chúng ta đến với cuộc sống mới và dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô. Vì vậy, chúng ta phải yêu mến Hội Thánh, ngay cả khi chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của Giáo Hội bị tàn phá bởi sự yếu đuối và tội lỗi của con người, và chúng ta phải giúp Giáo Hội trở nên xinh đẹp và rạng rỡ hơn, để Hội Thánh có thể làm chứng cho tình yêu của Chúa trong thế giới này.

Vì thế, đời sống Kitô hữu tìm thấy sự thể hiện trong những quyết định vừa đưa ra một hướng đi chính xác cho hành trình cá nhân của chúng ta, vừa góp phần vào sự phát triển của Nước Chúa trong thế giới này. Tôi nghĩ đến quyết định kết hôn trong Chúa Kitô và thành lập một gia đình, cũng như tất cả những ơn gọi khác liên quan đến công việc và đời sống nghề nghiệp, đi kèm với những dấn thân cho bác ái và tình liên đới, với trách nhiệm xã hội và chính trị, v.v. Những ơn gọi này khiến chúng ta trở thành những người mang theo một lời hứa về lòng nhân lành, tình yêu và công lý, không chỉ cho bản thân chúng ta mà còn cho các xã hội và các nền văn hóa của chúng ta. Những ơn gọi ấy đòi hỏi phải có các Kitô hữu can đảm và các nhân chứng đích thực của Nước Chúa.

Trong cuộc gặp gỡ với Chúa, một số người có thể cảm thấy sự thu hút của ơn gọi sống đời sống thánh hiến hoặc đến với chức linh mục. Đó là một khám phá có thể kích thích chúng ta, và đồng thời có thể làm chúng ta sợ hãi, vì chúng ta cảm thấy được kêu gọi trở thành “những người chài lưới người” trong con thuyền của Giáo Hội bằng cách trao ban hoàn toàn chính mình trong dấn thân phục vụ Tin Mừng và anh chị em của chúng ta. Một quyết định như thế đi kèm với sự mạo hiểm bỏ lại mọi thứ phía sau để theo Chúa, cống hiến hết mình cho Ngài và chia sẻ công việc với Ngài. Nhiều loại kháng cự nội tâm có thể cản trở việc đưa ra quyết định này, đặc biệt là trong các bối cảnh bị thế tục hóa cao độ, ở những nơi dường như không còn có chỗ dành cho Thiên Chúa và Tin Mừng. Đó là những nơi dễ phát triển sự chán nản, và dễ rơi vào tình trạng “mệt mỏi hy vọng” (Bài giảng trong thánh lễ với các linh mục, những người sống đời thánh hiến và các phong trào giáo dân tại Panama, ngày 26 tháng 1 năm 2019).

Nhưng mà, không có niềm vui nào lớn hơn là mạo hiểm mạng sống cho Chúa! Tôi muốn nói điều này đặc biệt với các bạn, những người trẻ. Đừng điếc lác trước tiếng gọi của Chúa. Nếu Người gọi anh chị em đi theo con đường này, đừng rút mái chèo của anh chị em lên thuyền nhưng hãy tin vào Ngài. Đừng khuất phục trước nỗi sợ hãi, là điều làm tê liệt chúng ta trước những đỉnh cao vĩ đại mà Chúa đang chỉ ra cho chúng ta. Hãy luôn nhớ rằng với những người bỏ lại lưới và thuyền của họ phía sau, và theo Ngài, Chúa hứa ban niềm vui về một cuộc sống mới có thể lấp đầy trái tim của chúng ta và làm sinh động cuộc hành trình của chúng ta.

Các bạn thân mến,

Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra ơn gọi của chúng ta và điều khiển cuộc sống của chúng ta đi đúng hướng. Vì lý do này, cần phải có một cam kết đổi mới về phía toàn thể Giáo Hội – các linh mục, tu sĩ, nhân viên mục vụ và các nhà giáo dục - để cung cấp đặc biệt cho những người trẻ cơ hội lắng nghe và phân định. Cần có một chương trình mục vụ giới trẻ và một sự cổ vũ ơn gọi có thể mở ra con đường khám phá kế hoạch của Thiên Chúa, trên hết là qua cầu nguyện, chiêm niệm Lời Chúa, chầu Thánh Thể và sự đồng hành về tâm linh.

Như đã được làm rõ nhiều lần trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama, chúng ta nên luôn luôn chạy đến cùng Đức Maria. Trong câu chuyện của người thiếu nữ trẻ này, chúng ta cũng thấy ơn gọi vừa là một lời hứa, vừa là một sự mạo hiểm. Sứ mạng của Mẹ không hề dễ dàng, nhưng Mẹ đã không để cho nỗi sợ thắng thế. Tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ là lời đáp trả của người sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng liều mất mọi thứ Mẹ có, mà không có một bảo đảm nào khác hơn là sự xác tín rằng Mẹ là là người mang một lời hứa. Tôi hỏi mỗi người trong các bạn: Bạn có thấy mình là người mang một lời hứa không? Đâu là lời hứa tôi mang trong lòng để tiến bước? Sứ mạng của Mẹ chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không có lý do gì để nói ‘không’ trước những thách thức đặt ra trước mắt. Tất nhiên mọi thứ sẽ trở nên phức tạp, nhưng không giống như khi sự hèn nhát làm chúng ta tê liệt vì mọi thứ chưa rõ ràng hoặc chưa chắc chắn (Bài giảng trong đêm Canh Thức tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama, ngày 26 tháng 1 năm 2019).

Trong Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi này, chúng ta hãy hiệp trong lời cầu nguyện và cầu xin Chúa giúp chúng ta khám phá kế hoạch tình yêu của Người cho cuộc sống của chúng ta, và cho chúng ta can đảm bước đi trên con đường mà ngay từ đầu Người đã chọn cho mỗi chúng ta

Từ Vatican, ngày 31 tháng Giêng năm 2019
Lễ kính thánh Gioan Bosco

+Đức Thánh Cha Phanxicô

Công bố ngày 8 tháng Ba, 2019


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Nền văn hóa miệt thị
Vũ Văn An
18:32 10/03/2019


Cha sở giáo xứ của tôi, trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật vừa rồi, nhân nói về vụ Đức Hồng Y Pell bị 1 phần công luận đối xử bất công, có nhận định một tình huống éo le của xã hội hiện đại: rất khoan dung mà cũng rất bất khoan dung. Khoan dung với bạn hay những người cùng phe hoặc được mình bênh vực, nhưng bất khoan dung với thù hay những người mình bất đồng về bất cứ phương diện nào.

Nhận định của cha sở tôi tình cờ trùng hợp với nhận định của Arthur C. Brooks, một học giả về chính sách công và là chủ tịch của The American Enterprise Institute, một thứ thinktank (cơ quan nghiên cứu) về chính sách công. Ông có học vị tiến sĩ và là một giáo sư về chính sách công trong 20 năm qua.

Trong một bài báo đăng trên New York Times ngày 2 tháng Ba, 2019, tựa là “Our Culture of Contempt”, Giáo Sư Brooks cho rằng các dị biệt chính trị đang xé nát Hoa Kỳ, nhận chìm các ý nghĩ to lớn, viễn mơ về chính sách của ông. Các nhà khoa học chính trị nhận ra rằng “quốc gia của chúng ta đang phân cực hơn bao giờ hết kể từ thời Nội Chiến. Một trong sáu người Mỹ ngưng nói chuyện với một thành viên trong gia đình hay một bạn bè thân thiết chỉ vì cuộc bầu cử 2016. Hàng triệu người tổ chức cuộc sống xã hội và việc đọc tin tức của họ dọc theo đường ý thức hệ để tránh những người có các quan điểm trái ngược lại”.

Và ông hỏi: Đâu là vấn đề? Theo ông, bài báo năm 2014 trong Proceedings of National Academy of Sciences (Biên Bản Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia) về “motive attribution asymmetry” (bất cân xứng trong việc gán động cơ), tức giả thuyết cho rằng ý thức hệ của bạn dựa trên tình yêu, trong khi ý thức hệ của địch thủ bạn dựa trên hận thù, có thể cho ta một câu trả lời. “Các nhà nghiên cứu thấy rằng một người Cộng Hòa và một người Dân Chủ trung bình ngày nay đang mắc một mức độ bất cân xứng trong việc gán động cơ có thể so sánh với cùng việc này nơi người Palestine và người Do Thái. Mỗi bên nghĩ mình được thúc đẩy bởi lòng nhân, trong khi bên kia là tên ác và được lên động cơ bởi hận thù, và do đó là kẻ thù mình không thể thương lượng hay thỏa hiệp.

Brooks nhận định rằng: “Người ta thường bảo các vấn đề của chúng ta ở Hoa Kỳ ngày nay là bất lịch thiệp (uncivility) hay bất khoan dung. Điều này không đúng. Bất cân xứng trong việc gán động cơ dẫn tới một điều còn tệ hơn thế: miệt thị (contempt), một thứ nung nấu giận dữ và bất tín đầy tai họa. Và không chỉ miệt thị ý nghĩ của người khác mà là chính người khác. Nói theo triết gia Arthur Schopenhauer, khinh miệt là ‘niềm xác tín nguyên tuyền rằng người khác hoàn toàn vô giá trị’”.

Theo ông, “rất dễ nhận diện các nguồn gốc của việc bất cân xứng trong việc gán động cơ: các chính khách gây chia rẽ, những cái đầu la hét trên truyền hình, những nhà bỉnh bút [columnists] đầy hận thù, những nhà tranh đấu đầy giận dữ tại các khuôn viên đại học và gần như mọi thứ trên các cỗ máy miệt thị của các phương tiện truyền thông xã hội. Cái thứ ‘mặc cảm lăng nhục có tính kỹ nghệ [outrage industrial complex]’ này hoạt động bằng cách chỉ phục vụ cho một bên của ý thức hệ, tạo nên một loại nghiện ngập bằng nuôi dưỡng ý muốn tin rằng ta hoàn toàn đúng, còn phía bên kia hoàn toàn gồm những tên ba que xỏ lá và đần độn. Nó ve vuốt các thiên kiến của ta trong khi quả quyết nhiều giả thuyết tồi tệ nhất về những kẻ bất đồng ý kiến với ta.
“Miệt thị biến thỏa hiệp và tiến bộ chính trị thành bất khả. Nó cũng làm ta bất hạnh như một dân tộc. Theo Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, cảm quan bị bác bỏ, thường được cảm nhận sau khi bị đối xử cách miệt thị, làm gia tăng sự lo âu xao xuyến, trầm cảm và buồn rầu. Nó cũng phá hoại người miệt thị bằng cách kích thích hai kích thích tố cortisoladrenaline. Trong cả hai phương diện công cộng và bản thân, miệt thị đều gây cho ta các thiệt hại trầm trọng.

“Trong khi ta ghiền miệt thị, thì đồng thời, ta lại ghét nó, y hệt người ghiền ma túy ghét ma túy đã hủy hoại đời họ. Trong một nghiên cứu quan trọng (Hidden Tribes: A Study of America’s Polarized Landscape) về các thái độ chính trị, cơ sở bất vụ lợi More in Common thấy rằng năm 2018, 93 phần trăm người Mỹ nói họ mệt mỏi thấy chúng ta, như một dân tộc, đang hết sức chia rẽ. Các nhóm đa số chính nói riêng rằng họ tin tầm quan trọng của thỏa hiệp, bác bỏ chủ nghĩa tuyệt đối của những cánh cực đoan trong cả hai đảng, và không bị thúc đẩy bởi lòng trung thành phe phái”.

Ông Brooks đặt câu hỏi thứ hai: “Như thế, mỗi người chúng ta có thể làm gì để giúp cho sự việc trở nên tốt hơn?” Và ông trả lời “Bạn dám bị cám dỗ mà cho cho rằng chúng ta cần tìm cách bớt bất đồng đi, nhưng điều này không đúng. Bất đồng là điều tốt vì cạnh tranh là điều tốt. Cạnh tranh đứng phía sau dân chủ trong chính trị và đứng phía sau thị trường trong kinh tế; chính nó, dĩ nhiên với việc thượng tôn pháp luật và luân lý, mang lại sự ưu tú. Y hệt như trong chính trị và kinh tế, ta cần một thứ 'cạnh tranh ý tưởng' lành mạnh, nghĩa là bất đồng. Bất đồng giúp ta canh tân, cải thiện và tìm thấy chân lý”.

Do đó, Ông Brooks đề nghị một số điểm:

“Điều ta cần không phải là bớt bất đồng mà là bất đồng tốt hơn. Và điều này sẽ bắt đầu khi bạn quay lưng khỏi những anh chàng sơn đông mãi võ thứ ma túy văn hoa bóng bẩy: những người quyền thế ở phía bạn đang hưởng lợi nhờ nền văn hóa miệt thị. Dù rất thoả mãn được nghe kẻ thù của bạn là những tên hết thuốc chữa, ngu đần và biến thái, bạn hãy nhớ rằng: khi bạn thấy mình ghét một điều gì đó, một ai đó đang làm tiền hay đang thắng cử hay đang trở nên tăm tiếng và quyền thế hơn. Trừ khi một lãnh tụ thực sự dạy bạn một điều bạn không biết hay mở rộng thế giới quan và luân lý quan của bạn, bạn đang bị lợi dụng đó.

“Sau đó, mỗi người chúng ta có thể cam kết sẽ không bao giờ đối xử với người khác một cách miệt thị, dù mình tin là họ đáng bị như thế. Điều này nghe như có vẻ nại đến lòng cao thượng, nhưng thực ra chỉ là chuyện nại đến chính lợi ích của bạn mà thôi. Miệt thị làm cho việc thuyết phục thành bất khả: dù thế nào, thì không ai bị ghét lại có thể đồng ý với bạn, thành thử phát biểu miệt thị báo hiệu một là tự khoan dung với mình một cách nhỏ mọn hai là một nhân đức rẻ tiền, cả hai đều không giúp ta nhận được người đi theo”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ giỗ Cha Trương Bửu Diệp Tại Melbourne
Trần Văn Minh
03:17 10/03/2019
Melbourne, Vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy Ngày 9/3/2019. Tại Nhà thờ Our Lady vùng Maidstone, Melbourne. Thánh lễ đồng tế giỗ Cha Trương Bửu Diệp nhân 73 năm ngày mất của cha, do Hội Bác Ái Cha Trương Bửu Diệp tổ chức thật trọng thể và được rất đông người có cả những người Úc trong Tiểu Bang về hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cha Trương Bửu Diệp sớm được Giáo Hội công nhận trong tiến trình phong thánh.

Xem hình

Ban tổ chức các vị nữ mặc áo dài vàng, quý vị nam mang cà vạt vàng có in logo của hội. Đặc biệt, hai vị trong đoàn Thánh Giá nến cao đã mặc quốc phục mầu xanh hoa văn vàng rất đẹp. Như mọi lần, tấm băng rôn chào mừng ngày giỗ được treo trước tiền đình ngôi thánh đường dể cho mọi người qua lại đều thấy.

Bàn di ảnh Cha Trương Bửu Diệp làm bằng gỗ với hoa đèn được đặt bên cạnh tòa giảng với lư hương và cặp đèn cao. Ca đoàn Nữ Vương của Cộng đoàn Việt Nam thuộc giáo xứ phụ trách phần thánh ca giúp buổi lễ thêm sốt sắng và long trọng hơn. Số người về dâng lễ rất đông ngồi chật hết các hàng ghế, và đứng trong các lối đi.

Như đã tường trình, vì số người về dâng lễ có những người trẻ và cả người Úc nên trong phần giới thiệu cũng dùng song ngữ Việt Anh để giới thiệu. Rước đoàn đồng tế, từ Thánh giá nến cao cho đến các thừa tác viên đọc sách, đều mặc đồng phục rước quý cha lên bàn thờ.

Thánh lễ do Linh mục Trần Ngọc Tân chủ tế cùng quý Cha Sơn, Hiếu, Hương, cha khách người Úc và Phó tế Bổn đồng tế. Trong bài chia sẻ, Linh mục chủ tế đã nói về tiểu sử của Cha Trương Bửu Diệp, một người được Chúa cho khả năng ban phát, chia sẻ các ơn mà ai đến với cha cũng được ban cho. Cha nổi tiếng đến nỗi hình cha tại Việt Nam được gắn trên xe đò, trên ghe thuyền bất kể chủ các phương tiện trên là lương hay giáo. Cha Tân đùa “nếu như ai đó có máy bay, chắc họ cũng treo hình cha trong cabin máy bay.”

Thánh lễ kết thúc, sau khi bà Hội Trưởng Đỗ Thị Nhơn lên cám ơn quý cha và toàn thể mọi người đã về dâng lễ để cầu cho Cha Trương Bửu Diệp sớm được tuyên chân phước. Sau phép lành cuối lễ, mọi người lên nhận quà là ảnh Chúa hay Đức Mẹ kèm ảnh Cha Trương Bửu Diệp ở mặt sau. Mọi người cũng được mời qua hội trường để dùng bữa ăn do hội khoản đãi, kèm với một chương trình văn nghệ đặc sắc.
 
Bổn Mạng Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney
Diệp Hải Dung
09:47 10/03/2019
Sáng Chúa Nhật 10/03/2019 các em Thiếu Nhi Cung Thánh thuộc các Giáo Đoàn Cabramatta, Fairfiled, Georges Hall, Lakemba, Marrickville, Miller, Mt.Pritchard và Marrickville đã đến nhà thờ St. Luke Revsby Sydney tham dự Lễ kính Thánh Dominic Savio là Quan Thầy của Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney.

Trước khi dâng Thánh lễ. Cha Paul Văn Chi ngỏ lời chúc mừng bổn mạng các em và Cha giới thiệu hôm nay có qúy Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Trần Văn Trợ và Cha Nguyễn Thái Hoạch đến cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng.

Xem Hình

Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi có hỏi trắc nghiệm mấy em về Thánh Dominico Savio. Ngày mừng Bổn Mạng, ngày Thánh Savio rước Lễ lần đầu năm nào và Ngài chết năm mấy…các em trả lời rất chính xác và Cha Chi cũng nói về những tâm niệm của Thánh Dominico Savio. “Thứ Nhất tôi thường xưng tội và rước Lễ thường xuyên, Thứ Hai tôi ước mơ thánh hóa ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trọng, Thứ Ba bạn của tôi là Chúa Giêsu và Mẹ Maria, Thứ Tư thà chết chứ không phạm tội….”

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng các em Thiếu Nhi Cung Thánh, Cha chúc các em luôn noi gương theo Thánh Domicic Savio để phục vụ bàn Thánh Chúa. Ông Phạm Ngọc Huynh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Revesby cũng lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng các em Thiếu Nhi Cung Thánh và kế tiếp em Theresa Vũ đại diện Thiếu Nhi Cung Thánh ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ mừng Bổn Mạng của các em hôm nay. Đặc biệt cám ơn quý Ban Mục Vụ Giáo đoàn Revesby và quý ân nhân đã trợ giúp cho các em Thiếu Nhi Cung Thánh có cơ hội mừng kính Lễ Quan Thầy.

Thánh lễ kết thúc, mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc liên hoan mừng bổn mạng trong hội trường nhà thờ.

Diệp Hải Dung
 
Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo dâng Thánh lễ cầu nguyện cho bệnh nhân, mừng Bổn Mạng Ban Caritas, BAXH Xuân Lộc.
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
10:13 10/03/2019
Sáng 9/3/2019, khoảng chừng 2500 ông bà, anh chị em gồm các bệnh nhân, và các thành viên phục vụ trong Ban Caritas Bác ái Xã hội Giáo Phận Xuân Lộc đã tập trung về Giáo xứ Lai Ổn để tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho bệnh nhân và mừng Bổn Mạng Ban Caritas Giáo phận.

Với sự cho phép của Đức Cha Chánh Giáo phận, đây là lần đầu tiênCha Giuse Nguyễn Văn Uy, Đặc trách Ban Caritas, Bác Ái Xã hội Giáo phận đã gộp hai sự kiện trong một để tổ chức ngày đặc biệt này với sự cộng tác của quý Cha Phó Đặc trách, và mọi người trong Ban Caritas Giáo phận.

Xem Hình

Sự đông đảo người tham dự trong ngày hôm nay không chỉ là do hai sự kiện trong một, nhưng còn là cho thấy sự mong mỏi muốn được Đức Cha Giáo phận, hiện thân của Chúa Giêsu, đặt tay chữa lành trên những nỗi đau bịnh họ đang gánh chịu. Vì thế, từ bệnh nhân là những người già yếu, neo đơn, hay người bị bại liệt, bị các bệnh nan y, bị khiếm thị, hay những bé bị bại não, thiểu năng… đã cố gắng lê bước, cố gắng chịu những sự mệt mỏi để được người thân, hay các thành viên Caritas trợ giúp đến dự Thánh Lễ đặc biệt này. Do đó, những hình ảnh của sự biểu thị niềm tin, phó thác, cũng như các nghĩa cử của yêu thương, phục vụ bệnh nhân đã tràn ngập khắp những góc cạnh của không gian nơi đây, tỏa sáng tình yêu thương khơi nguồn từ Thiên Chúa. Không chỉ có bệnh nhân, mà các thành viên Caritas cũng thật háo hức mong được lãnh nhận sự chúc lành của Đức Cha trên sứ vụ họ đang phục vụ.

Chính vì sự khao khát đó của mọi người mà thời gian của chương trình gặp gỡ, huấn dụ của Đức Cha Giuse vào lúc 9g45 đã không thể diễn ra đúng như dự kiến,cho dẫu Đức Cha đã đến từ lúc 9g30. Con đường nhỏ đón Đức Cha từ sân vào Nhà Thờ cứ hẹp dần, bước chân Đức Cha lại chậm dần, có khi không thể bước đi vì biết bao cánh tay đưa ra, hay những cái đầu của nhiều người mãi cúi xuống chờ đợi phúc lành…khiến cánh tay Đức Cha cứ mãi vươn xa hơn, chúc lành nhiều hơn, mà vẫn không thể ôm ấp hết nổi bao khổ đau con cái Ngài đang chịu.

10g00: Trước khi huấn dụ cho các bệnh nhân và ban phục vụ Caritas, Đức Cha Giuse đã quỳ gối, lặng thinh rất lâu trước Chúa để cầu nguyện cho mọi người trong sự hiệp thông của cộng đoàn.

Trước khi chia sẻ, Đức Cha đã bộc lộ “Mỗi lần nhìn thấy những người đau yếu và những thân nhân săn sóc phục vụ người thân của mình đang bịnh tật, lòng cha rất xúc động.” Đức Cha bày tỏ sự đồng cảm, cùng gánh lấy khổ đau của con cái mình“Khi nhìn thấy những khuôn mặt đau khổ của anh chị em đau bịnh hay của người thân bệnh nhân, cha cảm thấy đau khổ của anh chị em như là chính đau khổ của cha.” Tuy nhiên, Đức Cha không dừng lại ở khía cạnh của đau khổ, nhưng hướng mọi người tới tâm tình tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa, bởi trong chính đau khổ đang chịu, những người bệnh trở thành tâm điểm của yêu thương, được người thân, quý cha, tu sĩ nam nữ, và những thiện nguyện Caritas chăm sóc.

Trở nên những vị thánh Gioan Thiên Chúa mới trong Giáo phận.

“Tôi ao ước được nhìn thấy trong Giáo phận, ban BAXH Caritas Giáo phận, cả những người phục vụ chăm sóc bệnh nhân, chính các bệnh nhân, và gia đình các bệnh nhân...Tôi ao ước được nhìn thấy những vị thánh Gioan Thiên Chúa mới ở trong Giáo phận này.” Đó là những lời mời gọi rất đặc biệt, thật ấn tượngkhi Đức Cha Giuse thay đổi cung giọng nhằm chuyển tải ý quan trọng, thu hút mọi người.

Để giúp mọi người, ngay cả những thiếu nhi hay người già, cũng có thể trở nên một vị thánh Gioan Thiên Chúa mới trong chính gia đình, giáo phận, Đức Cha Giuse nhắc rằng, “ hãy nhìn thấy những bệnh nhân là chính Chúa Giêsu, bởi chính Chúa đã đồng hóa Ngài với những người đau khổ” (x. Mt 25,35-36), “dù ngay cả khi những bệnh nhân, trong cơn đau, họ tỏ ra những sự khó chịu, …nhưng xin mọi người hãy nhớ họ- những người đau bịnh- đang là hiện thân của Chúa Kitô”.

Một tâm hồn biết chạnh lòng thương

“Hãy có tâm hồn chạnh lòng thương”, là điểm tiếp theo trong huấn đức của Đức Cha Giuse dành cho mọi người. Đức Cha nói rằng, các phép lạ Chúa Giêsu thực hiện cho dân đều bắt nguồn từ sự “chạnh lòng thương”, một cụm từ được tìm thấy rất nhiều nơi bốn Tin Mừng. Vì thế, ”xin các linh mục, tu sĩ, những người chăm sóc bệnh nhân…xin hãy có được tâm tình “chạnh lòng thương”…để cảm nhận sâu sắc hơn nỗi đau của người bệnh, có tâm tình chạnh lòng thương như Chúa”.

Một cộng đoàn thánh.

Từ những cá nhân trở nên thánh, Đức Cha mở rộng đến một cộng đoàn thánh trong lời mời gọi của Ngài “Xin hãy trở thành một CỘNG ĐOÀN THÁNH”. “Hãy là cộng đoàn các thánh đem tình yêu của Chúa đến cho những bệnh nhân, người đau yếu”. Để có thể trở nên một cộng đoàn thánh, Đức Cha Giuse gợi ý hai điều.“Hãy tin tưởng vào tình thương của Chúa, tin rằng mọi sự đều có thể thành hiện thực; tin vào tình yêu và sức mạnh của Chúa khi Ngài trao sứ mạngcho chúng ta, cả với người đau bịnh và phục vụ.” Vì sức mạnh của Chúa giúp chúng ta đón nhận đau khổ trong an bình, và nhờ đó, “những người đau bịnh, những người trong ban BAXH Caritas là cộng đoàn các thánh”. Yếu tố thứ hai giúp trở thành cộng đoàn thánh là, “Biến những đau khổ thành lời cầu nguyện”, cầu nguyện cho người thân, mọi người, Giáo Hôi, quê hương. Nếu như Đức Maria dưới chân thập giá, chấp nhận tất cả để đóng góp vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, thì Mẹ cũng đang đồng hành, cùng đau khổ với những ai đang đau khổ. Vì thế, Đức Cha Giuse mong mọi người hãy vững tin họ đang có Chúa và Mẹ Maria cùng gánh lấy nỗi khổ của mình, và như vậy, đau khổ của mọi người sẽ nhẹ nhàng và êm dịu hơn.

Kết thúc bài huấn dụ, Đức Cha Giuse cầu xin Đức Mẹ Maria luôn kề bên, đứng cạnh bên mọi người trong chính nỗi đau khổ họ đang chịu, để Giáo phận sẽ có được một cộng đoàn thánh gồm những người đau bịnh và những người phục vụ bệnh nhân.

11g00, Đức Cha Giuse đã chủ tế Thánh lễ cùng với quý Cha để cầu nguyện cho các bệnh nhân và Lễ mừng Thánh Gioan Thiên Chúa, bổn mạng Ban Caritas, BAXH Giáo phận Xuân Lộc.

Dù ngoài trời, nhiệt độ thời tiết nắng nóng ngày càng tăng dần,nhưng các bệnh nhân và hầu hết các thành viên Caritas ngồi ngoài trời tham dự Thánh Lễ vẫn tỏ ra trang nghiêm và sốt sắng.

Trong bài giảng Thánh Lễ, từ các bài đọc, Đức Cha Giuse đã đề cập đến các ý tưởng “niềm vuivà việc làm cho Chúa được vinh danh“ cũng nhưđưa các suy tư này vào trong cộng đoàn nơi đây, một cộng đoàn “mang dấu ấn đau khổcủa các bệnh tật”. Làm sao chúng ta có thể vui khi đang đau khổ? Làm sao chúng ta có thể làm cho Chúa được vinh danh trong chính đau khổ của mình? Vẫn là mẫu gương của Thánh Gioan Thiên Chúa, Đức Cha Giuse diễn giải rằng, ngay trong hoàn cảnh đau khổ của người bệnh và của chính thánh nhân, Thánh Gioan Thiên Chúa vẫn có thể đem niềm vui đến cho người khác và làm cho Chúa được vinh quang. Để có thể vui trong đau khổ, Đức Cha Giuse khuyên mọi người hãy tạo cho mình một tương quan gần gũi với Thiên Chúa trong cầu nguyện, dâng lên Chúa những đau khổ của mình trong sự tín thác vào tình yêu Thiên Chúa. Và như thế, Thiên Chúa sẽ được vinh quang, được mọi người biết đến,nhờ vào con tim mở ra với người khác ngay cả khi chúng ta đau bịnh, mệt mỏi, hay bực bội, khó chịu vì chúng ta đã cố gắng bình tâm, nhẫn nhịn, tha thứ để diễn đạt tình yêu với người khác. Chính khi đó,Thiên Chúa sẽ biến những đau khổ của chúng ta thành niềm vui, và kết quả của niềm vui đó là chúng ta sẽ ra đi nói với người khác vềtình thương, lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời mình và trong thế giới hôm nay.

Trước khi Đức Cha Giuse ban phép lành cuối lễ, Cha Đặc Trách Giuse đã thay mặt các bệnh nhân, quý ông bà anh chị em trong Ban Caritas Giáo phận dâng lên Đức Cha Giuse lời tri ân vì tất cả tình thương Đức Cha đã dành cho mọi người, nhất là những bệnh nhân trong toàn Giáo phận

Sau khi đã trao ban phép lành, Đức Cha Giuse cùng Cha Đặc Trách và quý Cha trao rất nhiều phần quà đến các bệnh nhân. Những phần quà bao gồm: thẻ bảo hiểm y tế cho những người nhiễm H, xe lắc, xe lăn cho những người đau yếu cần phương tiện đi lại, sinh sống, và hơn 1000 phần quà cho tất cả các bệnh nhân.

Thánh Lễ cầu nguyện, chúc lành cho các bệnh nhân, cũng nhưmừng bổn mạng Ban BAXH của Giáo phận đã kết thúc trong lời tạ ơn Thiên Chúa vì những điều vĩ đại Ngài đã làm cho Giáo phận, cho mọi bệnh nhân và cho những người đang nhiệt thành phục vụ bệnh nhân trong sứ mạng của họ.

Không chỉ được lãnh nhận lương thực tinh thần từ Thánh Lễ và nơi Đức Cha Giáo phận, nhưng mọi người tham dự cũng còn được chia sẻ bữa ăn huynh đệ trong hân hoan và yêu thươngdo Cha Đặc Trách Giuse, quý Cha phó Đặc trách, các ân nhân, và mọi người phục vụ chuẩn bị.

Tin và hình ảnh: Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Văn Hóa
Chuyện định cư ở nước ngoài
Đỗ Duy Ngọc
10:10 10/03/2019
Trong tháng này, tui tiễn ba gia đình cùa ba người bạn đi định cư ở nước ngoài. Họ đều là những người thành đạt, giàu có ở Việt Nam. Rất thành đạt và tài sản tính đơn vị hàng triệu đô la.

Một bạn là doanh nhân, hai vợ chồng có tài sản khá lớn, nhiều bất động sản trên những khu phố vàng của Sài Gòn. Họ có ba đứa con đang tuổi lớn và đã có hai đứa đang học ở Mỹ. Gia đình anh đi diện EB5 định cư ở Mỹ.

Người thứ hai là một bác sĩ, anh là người thầy thuốc giỏi, từng tu nghiệp nhiều nước trên thế giới, tự hào đã nội trú nhiều bệnh viện lớn ở nước ngoài. Ở Việt Nam anh là bác sĩ có thu nhập khá cao, có biệt thự ở quận 2, có công việc ổn định. Vợ cũng là dược sĩ, có một pharmacie rất đông khách ngay trung tâm Sài Gòn. Anh chị chỉ có một đứa con gái, đang chuẩn bị vào đại học. Gia đình anh đi theo diện người chị vợ bảo lãnh đi Mỹ, hổ sơ chờ đã mười ba năm, từ lúc sự nghiêp anh chị chưa có bao nhiêu.

Người thứ ba là anh bạn học chung trường đại học, năm nay vừa đúng bảy mươi tuổi, đã đến tuổi già. Anh này cũng có một đời sống sung túc ở Việt Nam, hồi còn tuổi làm việc, anh là một quan chức ngân hàng, vốn là nghề của anh trước 1975. Hồi đó, sinh viên ngành ngân hàng, tài chánh ở Đại học Vạn Hạnh tốt nghiệp Cử nhân vào năm 1971-1972 đều được nhận vào các ngân hàng với chức vụ cao, một số làm ngay giám đốc các chi nhánh. Anh nằm trong số người được giao làm giám đốc. Sau 75, anh tiếp tục cho đến lúc nghỉ hưu. Nghề nghiệp thế nên cũng có thể gọi anh là giàu, có của ăn của để, có hai thằng con trai, đứa nào cũng thành đạt, một thằng có chức vụ trong ngành ngân hàng của Việt Nam, đưa kia làm chuyên viên tiền tệ ở nhà băng của Anh quốc. Nói tóm lại là thuộc giới thượng lưu ở xứ này. Bây giờ anh lại đi định cư ở Pháp theo diện bảo lãnh của người em.

Ba trường hợp nêu trên chứng minh họ đi định cư không phải vì sinh kế. Trước đây, ngoài lý do chính trị, đa phần ra đi vì đời sống ở Việt Nam thời đấy khổ quá, cả nước đói nghèo, họ đành dứt áo ra đi mong có tương lai sáng sủa, sung túc hơn. Còn bây giờ, như ba người bạn tui đó, họ ở Việt Nam rõ ràng là quá sung sướng về vật chất, họ chẳng thiếu thứ gì. Gia đình sinh hoạt như quý tộc, con cái sống như những hoàng tử và công chúa. Hàng năm họ đi du lịch khắp nơi, ở những khách sạn sang trọng, ăn những thức ăn với giá ngất trời. Nhưng họ vẫn ra đi.

Hỏi chuyện với họ, họ biết ra đi là sẽ gặp không biết bao khó khăn đang chờ trước mắt. Để làm lại một cuộc đời mới trên xứ sở xa lạ không phải là điều dễ dàng. Họ không ảo tưởng về nơi họ sẽ đến, vì họ đã từng du lịch qua đấy nhiều lần. Biết rất tường tận cuộc sống ở đó với những trở ngại khó lường.

Anh bạn bác sĩ bảo rằng anh rất yêu nghề y, nhưng khi định cư, muốn tiếp tục làm nghề, anh phải đi học lại, cũng đã gần qua tuổi năm mươi, ngổi học cũng không phải là điều dễ dàng. Và để sống, anh phải chọn một công việc nào đấy không như ý của mình.

Anh bạn doanh nhân dù có nhiều tiền nhưng để hợp thức hoá số tiền lớn đó cho hợp pháp cũng là điều khó khăn. Cho đến bây giờ, ngày đi đã đến, anh vẫn chưa hình dung con đường phía trước sẽ như thế nào?

Còn anh bạn đồng môn của tui, đã bảy mươi, sẽ chẳng có công việc gì dành cho anh nữa. Tui giỡn với anh thôi thì qua đó chiều chiều đi dạo sông Seine, hay lên đồi Montmartre ngắm mây bay hay ngồi trong khung cửa nhìn đám bồ câu bay lượn, chờ cuối đời nằm trơ trọi ở nghĩa trang xa lạ hay là trở thành một nhúm tro cốt nằm trong ngôi chùa hoặc thả bay trong gió. Anh cười buồn, một nụ cười chấp nhận.

Ai cũng buồn khi sắp rời bỏ quê hương. Ai cũng thấy đọan đường còn lại cũng lắm gian nan. Nhưng ai cũng bảo phải đi. Sức chịu đựng đã lên đến đỉnh rồi. Bởi cuộc sống không chỉ là tiện nghi,là vật chất để thụ hưởng. Mà cuộc sống còn cần phải có không khí để thở, tự do để sống, thoải mái để sinh hoạt. Sống chứ không phải để tồn tại. Sống là phải biết tương lai và tự mình định được tương lai cuộc đời mình. Những người bạn tui cho rằng ở lại là chấp nhận những bất công, những điều chướng tai gai mắt mà bất lực chẳng làm chi được. Xã hội tàn nhẫn quá, con người tàn ác quá. Ở lại là chấp nhận bị đầu độc, không chỉ bị đánh thuốc độc ở thực phẩm, ở hơi thở mà còn bị đánh độc cả tư duy. Chưa kể đất nước này, dân tộc này có còn tồn tại được không trước biết bao âm mưu thâm độc của kẻ thù và sự hà hơi tiếp sức của một bộ phận có quyền lực. Anh bạn già hỏi tui với ánh mắt buồn rầu: Cho thuê đất 99 năm thì nước Việt còn gì? Bạn trả lời tôi đi.

Anh bạn bác sĩ thì bảo không thể cho các con của mình lớn lên với một tâm hồn bệnh hoạn, một nhân cách méo mó và một cách sống giả tạo, dối lừa. Anh hỏi tui: Bây giờ ở Việt Nam, có gì là không láo? Láo tất. Do vậy tôi phải đi để tôi, gia đình tôi, con cháu tôi được sống và nghĩ suy bằng sự thật không dối lừa. Chúng tôi chọn ra đi như một cách phản kháng. Phản kháng trong im lặng. Và đành bỏ lại những thứ mà chúng tôi sẽ không bao giờ làm lại được ở xứ người.

Anh bạn doanh nhân thì bảo rằng, biết con đường trước mặt, sau lưng đầy cứt, thì tại sao không chọn con đường sạch mà đi.

Ở đây, tui chỉ đề cập đến chuyện ba người bạn của tui, tui không muốn nói đến những cán bộ, những người đã từng là quan chức của chế độ, có người từng là tổng biên tập một tờ báo lớn, những người một thời là những người đã từng tham gia hoạt động đấu tranh ở các đô thị miền Nam, họ hiện đang ở đầy xứ Mỹ, tiểu bang nào cũng có. Họ trốn chạy cái gì? Tui đã từng hỏi thế và họ cũng cười buồn. Bỏ qua những tên ăn cắp công quỹ mà trốn chạy. Những người khác đều ôm trong lòng một nỗi thất vọng không nói được.

Mà thôi, mỗi người có một cách để chọn lựa cuộc sống cho mình. Tôi chọn ở lại, các anh chọn ra đi. Đó cũng là chút tự do mỗi người có được chọn cho mình. Ngày xưa chỉ cần rời làng, đã mang tiếng ly hương, xa quê là nỗi đau. Bây giờ, người ta ồ ạt tìm mọi cách bỏ nước mà đi, có nỗi đau nào hơn cho một dân tộc, nhưng phải chấp nhận thôi. Tất cả các loài hoa đều vươn về phía ánh sâng, có hoa nào chịu chết rũ héo hon trong bóng tối đâu. Và ở trong bóng tối, có ai lại không nguyền rủa bóng tối.

Chúc những người bạn của tôi bình an và có cuộc sống mới như ước mơ ở xứ người.
 
VietCatholic TV
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi 2019
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:54 10/03/2019
Hôm 8 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 56 sẽ được cử hành vào Chúa Nhật thứ Tư Phục Sinh, 12 tháng Năm tới đây. Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi đã được thiết định bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khi Công Đồng Vatican II đang diễn ra và được cử hành lần đầu tiên vào năm 1963. Năm nay là lần thứ 56. Chủ đề của Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi năm nay là "Can đảm dám liều lĩnh vì lời hứa của Thiên Chúa". Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.

Anh chị em thân mến,

Sau kinh nghiệm sống động và sinh nhiều hoa trái của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên vào tháng 10 năm ngoái, gần đây chúng ta đã cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ Ba Mươi Bốn tại Thành phố Panama. Hai sự kiện lớn này cho phép Giáo Hội chú ý đến tiếng nói của Chúa Thánh Thần và cuộc sống của những người nam nữ trẻ, những thắc mắc và những mối quan tâm của họ, những vấn đề và hy vọng của họ.

Dựa trên những gì tôi đã chia sẻ với những người trẻ ở Panama, tôi muốn suy tư trong Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi này về cách thế mà lời mời gọi của Chúa khiến chúng ta trở thành những người mang một lời hứa, và đồng thời, yêu cầu chúng ta can đảm để mạo hiểm với Ngài và cho Ngài. Tôi sẽ thực hiện điều này bằng cách suy tư ngắn gọn với anh chị em về hai khía cạnh này – đó là lời hứa và rủi ro - như đã xuất hiện trong trình thuật Tin Mừng khi Chúa gọi các môn đệ đầu tiên đi theo Ngài bên bờ biển Galilê (Mc 1: 16-20).

Hai cặp anh em - Simon và Andrê, Giacôbê và Gioan - đang thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày của họ như các ngư dân. Trong công việc với những đòi hỏi khắt khe này, họ đã học được các quy luật tự nhiên, nhưng đôi khi trước những cuồng phong bất lợi và những con sóng đập mạnh vào thuyền của họ, họ phải bất chấp các quy luật này. Có ngày, việc đánh bắt thật đáng với công lao họ bỏ ra, nhưng cũng có những ngày, toàn bộ công việc vất vả ban đêm chẳng đáng vào đâu, và họ phải quay trở lại bờ, mệt mỏi và thất vọng.

Cuộc đời thường là như thế. Mỗi chúng ta cố gắng thực hiện những mong muốn sâu sắc nhất của mình; chúng ta tham gia vào các hoạt động mà chúng ta hy vọng sẽ có kết quả phong phú, và chúng ta ra khơi tiến vào một vùng “biển” những triển vọng với hy vọng rằng sẽ chèo chống đúng hướng, một hướng đi sẽ thỏa mãn cơn khát hạnh phúc của chúng ta. Đôi khi chúng ta tận hưởng một thu hoạch phong phú, nhưng có khi chúng ta cần can đảm để giữ cho chiếc thuyền của mình không bị lật tung vì sóng đánh, và cũng có lúc chúng ta thất vọng khi kéo lên một chiếc lưới trống không.

Như mọi lời mời gọi khác, Tin Mừng cũng đề cập đến một cuộc gặp gỡ. Chúa Giêsu đi ngang qua, nhìn thấy những ngư dân đó và đi đến chỗ họ... Điều tương tự xảy ra khi chúng ta gặp người mà chúng ta muốn kết hôn, hoặc khi chúng ta lần đầu tiên cảm thấy sự hấp dẫn của cuộc sống thánh hiến: chúng ta ngạc nhiên bởi một cuộc gặp gỡ, và tại thời điểm đó, chúng ta thoáng thấy lời hứa về một niềm vui có khả năng mang lại sự viên mãn cho cuộc sống của chúng ta. Ngày hôm đó, bên bờ biển Galilê, Chúa Giêsu đã đến gần những ngư dân này, phá vỡ “sự tê liệt của thói quen” (Bài giảng Ngày Đời Sống Thánh Hiến, 2 tháng Hai năm 2018). Và Ngài ngay lập tức đưa ra cho họ một lời hứa: “tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1, 17).

Lời mời gọi của Chúa không phải là một sự xen vào tự do của chúng ta; nó không phải là một “chiếc lồng” hay một gánh nặng trên chúng ta. Trái lại, đó là một sáng kiến yêu thương, qua đó, Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta và mời gọi chúng ta trở thành một phần của một công trình vĩ đại. Ngài mở ra trước mắt chúng ta chân trời của một vùng biển rộng lớn hơn và một mẻ cá dồi dào.

Thật vậy, Thiên Chúa mong muốn rằng cuộc sống của chúng ta không trở nên tầm thường và có thể dự đoán được, không bị giam hãm bởi thói quen hàng ngày hay thụ động trước những quyết định có thể mang lại ý nghĩa. Chúa không muốn chúng ta sống ngày này sang ngày khác, nghĩ rằng không có gì đáng để chiến đấu; và dần dần đánh mất ước muốn cất bước trên những con đường mới và đầy hào hứng. Nếu đôi khi Ngài khiến chúng ta trải nghiệm một mẻ lưới kỳ diệu, thì đó là vì Ngài muốn chúng ta khám phá ra rằng mỗi người chúng ta được mời gọi - theo nhiều cách khác nhau - đến với một điều gì đó cao cả, và cuộc sống của chúng ta không nên sa vào mạng lưới của một sự buồn chán làm chai mòn con tim. Mỗi ơn gọi là một lời hiệu triệu đừng đứng trên bờ, ôm lưới trong tay, nhưng hãy đi theo Chúa Giêsu trên con đường mà Người đã vạch ra cho chúng ta, vì hạnh phúc của chúng ta và vì lợi ích của những người xung quanh chúng ta.

Chấp nhận lời hứa này đương nhiên đòi hỏi lòng can đảm dám mạo hiểm đưa ra một quyết định. Các môn đệ đầu tiên, được Chúa Giêsu mời gọi trở thành một phần của một điều gì đó lớn lao hơn, “ngay lập tức bỏ lưới của họ và đi theo Ngài” (Mc 1, 18). Đáp lại lời kêu gọi của Chúa liên quan đến việc liều mình và đối mặt với một thách đố lớn. Điều đó có nghĩa là sẵn sàng bỏ lại đằng sau bất cứ điều gì níu kéo chúng ta dính chặt với con thuyền nhỏ của mình, và ngăn cản chúng ta đưa ra một lựa chọn dứt khoát. Chúng ta được kêu gọi phải táo bạo và quyết đoán khi tìm kiếm kế hoạch của Chúa cho cuộc sống của chúng ta. Nhìn ra “đại dương” bao la của ơn gọi, chúng ta không thể cứ mãi hài lòng với việc vá lưới trên thuyền, là điều khiến ta an tâm, nhưng thay vào đó phải tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa.

Tôi nghĩ chủ yếu đến lời mời gọi sống đời Kitô hữu mà tất cả chúng ta đã nhận lãnh trong Bí tích Rửa tội. Lời mời ấy dạy chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta không phải là một tình cờ may mắn nhưng là một ân sủng: đó là được làm những đứa con yêu dấu của Chúa, được tập hợp trong đại gia đình của Giáo Hội. Chính trong cộng đồng giáo hội, đời sống Kitô hữu được sinh ra và phát triển, đặc biệt là qua phụng vụ. Phụng vụ giới thiệu Lời Chúa với chúng ta cùng với ân sủng của các bí tích. Từ thuở còn thơ, chúng ta được dạy nghệ thuật cầu nguyện và chia sẻ tình huynh đệ. Cuối cùng, Giáo Hội là mẹ của chúng ta vì Mẹ đưa chúng ta đến với cuộc sống mới và dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô. Vì vậy, chúng ta phải yêu mến Hội Thánh, ngay cả khi chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của Giáo Hội bị tàn phá bởi sự yếu đuối và tội lỗi của con người, và chúng ta phải giúp Giáo Hội trở nên xinh đẹp và rạng rỡ hơn, để Hội Thánh có thể làm chứng cho tình yêu của Chúa trong thế giới này.

Vì thế, đời sống Kitô hữu tìm thấy sự thể hiện trong những quyết định vừa đưa ra một hướng đi chính xác cho hành trình cá nhân của chúng ta, vừa góp phần vào sự phát triển của Nước Chúa trong thế giới này. Tôi nghĩ đến quyết định kết hôn trong Chúa Kitô và thành lập một gia đình, cũng như tất cả những ơn gọi khác liên quan đến công việc và đời sống nghề nghiệp, đi kèm với những dấn thân cho bác ái và tình liên đới, với trách nhiệm xã hội và chính trị, v.v. Những ơn gọi này khiến chúng ta trở thành những người mang theo một lời hứa về lòng nhân lành, tình yêu và công lý, không chỉ cho bản thân chúng ta mà còn cho các xã hội và các nền văn hóa của chúng ta. Những ơn gọi ấy đòi hỏi phải có các Kitô hữu can đảm và các nhân chứng đích thực của Nước Chúa.

Trong cuộc gặp gỡ với Chúa, một số người có thể cảm thấy sự thu hút của ơn gọi sống đời sống thánh hiến hoặc đến với chức linh mục. Đó là một khám phá có thể kích thích chúng ta, và đồng thời có thể làm chúng ta sợ hãi, vì chúng ta cảm thấy được kêu gọi trở thành “những người chài lưới người” trong con thuyền của Giáo Hội bằng cách trao ban hoàn toàn chính mình trong dấn thân phục vụ Tin Mừng và anh chị em của chúng ta. Một quyết định như thế đi kèm với sự mạo hiểm bỏ lại mọi thứ phía sau để theo Chúa, cống hiến hết mình cho Ngài và chia sẻ công việc với Ngài. Nhiều loại kháng cự nội tâm có thể cản trở việc đưa ra quyết định này, đặc biệt là trong các bối cảnh bị thế tục hóa cao độ, ở những nơi dường như không còn có chỗ dành cho Thiên Chúa và Tin Mừng. Đó là những nơi dễ phát triển sự chán nản, và dễ rơi vào tình trạng “mệt mỏi hy vọng” (Bài giảng trong thánh lễ với các linh mục, những người sống đời thánh hiến và các phong trào giáo dân tại Panama, ngày 26 tháng 1 năm 2019).

Nhưng mà, không có niềm vui nào lớn hơn là mạo hiểm mạng sống cho Chúa! Tôi muốn nói điều này đặc biệt với các bạn, những người trẻ. Đừng điếc lác trước tiếng gọi của Chúa. Nếu Người gọi anh chị em đi theo con đường này, đừng rút mái chèo của anh chị em lên thuyền nhưng hãy tin vào Ngài. Đừng khuất phục trước nỗi sợ hãi, là điều làm tê liệt chúng ta trước những đỉnh cao vĩ đại mà Chúa đang chỉ ra cho chúng ta. Hãy luôn nhớ rằng với những người bỏ lại lưới và thuyền của họ phía sau, và theo Ngài, Chúa hứa ban niềm vui về một cuộc sống mới có thể lấp đầy trái tim của chúng ta và làm sinh động cuộc hành trình của chúng ta.

Các bạn thân mến,

Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra ơn gọi của chúng ta và điều khiển cuộc sống của chúng ta đi đúng hướng. Vì lý do này, cần phải có một cam kết đổi mới về phía toàn thể Giáo Hội – các linh mục, tu sĩ, nhân viên mục vụ và các nhà giáo dục - để cung cấp đặc biệt cho những người trẻ cơ hội lắng nghe và phân định. Cần có một chương trình mục vụ giới trẻ và một sự cổ vũ ơn gọi có thể mở ra con đường khám phá kế hoạch của Thiên Chúa, trên hết là qua cầu nguyện, chiêm niệm Lời Chúa, chầu Thánh Thể và sự đồng hành về tâm linh.

Như đã được làm rõ nhiều lần trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama, chúng ta nên luôn luôn chạy đến cùng Đức Maria. Trong câu chuyện của người thiếu nữ trẻ này, chúng ta cũng thấy ơn gọi vừa là một lời hứa, vừa là một sự mạo hiểm. Sứ mạng của Mẹ không hề dễ dàng, nhưng Mẹ đã không để cho nỗi sợ thắng thế. Tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ là lời đáp trả của người sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng liều mất mọi thứ Mẹ có, mà không có một bảo đảm nào khác hơn là sự xác tín rằng Mẹ là là người mang một lời hứa. Tôi hỏi mỗi người trong các bạn: Bạn có thấy mình là người mang một lời hứa không? Đâu là lời hứa tôi mang trong lòng để tiến bước? Sứ mạng của Mẹ chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không có lý do gì để nói ‘không’ trước những thách thức đặt ra trước mắt. Tất nhiên mọi thứ sẽ trở nên phức tạp, nhưng không giống như khi sự hèn nhát làm chúng ta tê liệt vì mọi thứ chưa rõ ràng hoặc chưa chắc chắn (Bài giảng trong đêm Canh Thức tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama, ngày 26 tháng 1 năm 2019).

Trong Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi này, chúng ta hãy hiệp trong lời cầu nguyện và cầu xin Chúa giúp chúng ta khám phá kế hoạch tình yêu của Người cho cuộc sống của chúng ta, và cho chúng ta can đảm bước đi trên con đường mà ngay từ đầu Người đã chọn cho mỗi chúng ta

Từ Vatican, ngày 31 tháng Giêng năm 2019
Lễ kính thánh Gioan Bosco

+Đức Thánh Cha Phanxicô

Công bố ngày 8 tháng Ba, 2019


Source:Libreria Editrice Vaticana