Ngày 06-04-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:46 06/04/2016
25. PHONG LÀM GIÁP CANH HẦU.
Lưu Bang Hán Cao tổ lúc còn nhỏ thường hay cùng với khách đến nhà chị dâu ăn uống, người khách thích ăn canh.
Chị dâu keo cú, mỗi lần như thế thì đều gõ nồi sắt để cố ý nói là canh đã ăn hết, nhưng thực ra là không muốn để chú nhỏ ăn, Lưu Bang dần dần hận ghét chị dâu.
Về sau Hán Cao tổ làm hoàng đế, cố ý phong cho cháu làm Giáp Canh hầu, có người hỏi Cao tổ tại sao như vậy, Cao tổ trả lời:
- “Đây là chỗ mà mẹ của nó làm rất giỏi.”
(Độc dị chí)

Suy tư 25:
Con người ta ở đời có rất nhiều cách trả thù.
Có người trả thù bằng cách xua quân đánh chiếm đất nước của kẻ địch; có người trả thù bằng cách thả gà vịt qua phá vườn rau nhà hàng xóm; có người trả thù bằng cách đem đồ dơ dáy bẩn thỉu quăng trong sân nhà hàng xóm cho bỏ ghét; có người trả thù tình địch bằng cách thuê tụi ma cô tạt acid vào kẻ thù.v.v...tất cả lối trả thù đó đều nguy hiểm và chồng chất thêm thù oán, đều là kiểu của người hạ đẳng, hạ lưu. Nhưng cách “trả thù” chị dâu của Hán Cao tổ Lưu Bang thì thật là độc đáo: phong cho cháu chức quan Giáp Canh hầu, một chức quan với một nhiệm vụ là...gỏ mõ, để “chơi khăm” bà chị dâu gỏ nồi sắt không cho khách mình ăn canh hồi còn nhỏ.
Nhưng dù là trả thù cách “êm ái” thì cũng vẫn là trả thù, nghĩa là trong lòng Lưu Bang vẫn còn căm thù chị dâu của mình.
Đức Chúa Giê-su không bao giờ dạy chúng ta trả thù, nhưng dạy chúng ta đừng chống cự người ác, ai vả má bên phải thì hãy giơ luôn má bên trái cho họ vả, Ngài chỉ dạy chúng ta yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ , đó mới đúng là tinh thần của Nước Trời, của Tin Mừng và của tình thương.
Có nhiều lúc trong cuộc sống, tôi cũng đã hậm hực thóa mạ và tìm cách trả thù người anh em, vì một nguyên nhân rất tầm thường là đụng chạm đến tự ái và quyền lợi của tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:48 06/04/2016

17. Linh hồn thuần khiết là đóa hoa hồng đẹp đẽ, Ba Ngôi từ trên trời hạ xuống ngửi hương thơm của nó.

(Thánh Joannes Maria Vianney)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Triều Yết Đức Thánh Cha 06/04/2016: Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta tình yêu cứu rỗi
VietCatholic Network
18:54 06/04/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lòng thương xót của Thiên Chúa được Đức Giêsu thực hiện trong cuộc đời dương thế, đặc biệt qua cái chết hiến tế của Ngài. Trên thập giá Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha tội lỗi của toàn thế giới và các tội lỗi ấy được xóa bỏ. Tình yêu của Chúa Bị Đóng Đanh không biết các chướng ngại và không bao giờ cạn kiệt. Lòng thương xót Chúa xoá bỏ các bần cùng của chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư mùng 6 tháng Tư. Trong hàng chục đoàn hành hương đến từ Hoa Kỳ cũng có nhóm 160 tín hữu Việt Nam đến từ nhiều thành phố khác nhau.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển đề tài giáo lý lòng thương xót Chúa trong Tân Uớc, sau khi đã trình bầy phần Cựu Ước. Đức Thánh Cha nói chính Chúa Giêsu đã thành toàn lòng thương xót ấy bằng cách thực hiện và luôn luôn thông truyền nó trong mọi lúc cuộc đời Ngài.

Đức Thánh Cha giải thích như sau

Khi gặp gỡ các đám đông, loan báo Tin Mừng, chữa lành người bệnh, tới gần các kẻ rốt hết, tha thứ cho người tội lỗi, Chúa Giêsu khiến cho tình yêu rộng mở cho mọi người trở thành hữu hình: không có ai bị loại trừ cả! Nó rộng mở cho mọi người, vô biên giới. Một tình yêu tinh tuyền, nhưng không, tuyệt đối. Một tình yêu đạt tột đỉnh trong Hiến Tế của Thập Giá. Phải, Tin Mừng thật sự là “Tin Mừng của Lòng Thương Xót”, bởi vì Chúa Giêsu là Lòng Thương Xót!

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: tất cả bốn Phúc Âm đều chứng thực rằng trươc khi bắt đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã muốn lãnh nhận phép rửa từ tay thánh Gioan Tẩy Giả (Mt 3,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; Ga 1,29-34). Biến cố này ghi dấu một hướng đi định đoạt cho tất cả sứ mệnh của Chúa Kitô. Thật thế, Ngài đã không được giới thiệu với thế giới trong ánh quang của đền thờ: Ngài đã có thể làm điều đó. Ngài đã không làm cho mình được loan báo bởi kèn trống: ngài đã có thể làm. Ngài cũng không đến trong y phục của một thẩm phán: Ngài đã có thể làm như thế. Trái lại, sau 30 năm sống ẩn dật tại Nagiarét, Chúa Giêsu đã đến sông Giordan cùng với biết bao nhiêu dân chúng và xếp hàng với các kẻ tội lỗi. Ngài đã không xấu hổ: Ngài ở đó với tất cả mọi người, với các người tội lỗi, để lãnh phép rửa. Như vậy cho tới khi bắt đầu sứ vụ của mình, đuợc thúc đẩy bởi tình liên đới và lòng cảm thương, Ngài đã tự tỏ lộ ra như Đấng Cứu Thế nhận lấy gánh nặng của các điều kiện con người. Như chính Ngài đã khẳng định trong hội đường Nagiarét bằng cách tự đồng hóa với lời tiên trị Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì thế tôi đã được xức dầu thánh hiến và Ngài đã sai tôi đi đem tin vui cho người nghèo khó, loan báo cho người tù sự giải thoát, cho người mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được tự do, và loan báo năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Tất cả những điều Chúa Giêsu đã làm sau khi rửa tội là việc thành toàn chương trình khởi đầu: đó là đem tới cho tất cả mọi người tình yêu thương của Thiên Chúa, tình yêu thương cứu rỗi. Chúa Giêsu đã không đem thù hận tới , ngài không đem tới sự sự thù nghịch: nhưng Ngài đã đem tới cho chúng ta tình yêu! Môt tình yêu lớn lao, một con tim rộng mở cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng ta. Một tình yêu cứu rỗi.

Ngài đã trở thành gần gũi với những người rốt hết, bằng cách thông truyền cho họ lòng thương xót là sự tha thứ, niềm vui và cuộc sống mới. Chúa Giêsu, Người Con do Chúa Cha gửi tới, thưc sự là khởi đầu thời thương xót đối với toàn nhân loại. Những người đã hiện diện trên bờ sông Giordano đã không hiểu ngay tầm quan trọng nơi cử chỉ của Ngài. Chính Gioan Tẩy Giả cũng kinh ngạc về quyết định của Chúa (x. Mt 3,14). Nhưng Thiên Chúa Cha thì không! Ngài khiến cho tiếng của mình được nghe từ trên trời: “Ngươi là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con” (Mc 1,11). Như vậy, Thiên Chúa Cha xác nhận con đường mà Chúa Con đã đi như Đấng Cứu Thế, trong khi Chúa Thánh Thần xuống trên Ngài như chim bồ câu. Như thế con tim của Chúa Giêssu đập cùng nhịp với con tim của Thiên Chúa Cha và của Chúa Thánh Thần, bằng cách tỏ cho tất cả mọi người thấy rằng ơn cứu rỗi là hoa trái lòng xót thương của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta có thể chiêm ngưỡng một cách rõ ràng hơn mầu nhiệm cao cả của tình yêu đó, bằng cách nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Trong Ngài là Đấng vô tội mà chết cho chúng ta là những kẻ có tội, Ngài khẩn nài Thiên Chúa Cha: “Lậy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Chính trên thập giá Chúa Giêsu giới thiệu lên lòng thương xót của Thiên Chúa Cha tội lỗi của thế giới: tội lỗi của tất cả mọi người, tội của tôi, tội của bạn, tội lỗi của các anh các chị. Và ở trên thập giá Ngài trình diện chúng với Thiên Chúa Cha. Và cùng với tội lỗi của thế giới tất cả mọi tội lỗi của chúng ta đều được xóa bỏ. Không ai bị loại ra ngoài lời cầu nguyện ấy của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là chúng ta không phải sợ hãi nhìn nhận mình và xưng thú mình là kẻ có tội. Có biết bao lần chúng ta nói: “Nhưng ông này là một kẻ tội lỗi, ông ta đã làm điều này, điều nọ.. “ và chúng ta phán đoán người khác. Còn bạn thì sao? Từng người trong chúng ta đáng lý ra phải tự hỏi: “Phải, người này là một kẻ tội lỗi” Còn tôi? Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng tất cả chúng ta được tha thứ: tất cả chúng ta có khả thể nhận lãnh ơn tha thứ này là lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế chúng ta không được sơ hãi nhận mình là kẻ có tội, xưng thú mình là người tội lỗi, bởi vì mọi tội đã được Con Thiên Chúa đem lên thập giá. Và khi chúng ta xưng thú điều đó với lòng sám hối và tín thác nơi Chúa, thì chúng ta chắc chắn được tha thứ. Bí tích Hòa giải thời sự hóa sức mạnh của sự tha thứ phát xuất từ Thập Giá, và canh tân trong cuộc sống chúng ta ơn thánh của lòng thương xót, mà Chúa Giêsu đã chinh phục cho chúng ta. Chúng ta không được sợ hãi các bần cùng của chúng ta, mỗi người đều có các bần cũng riêng của mình. Quyền năng tình yêu của Đấng bị đóng đanh không biết tới các chướng ngại và không cạn kiệt. Đó là lòng thương xót xóa bỏ các bần cùng của chúng ta.

Anh chị em rất thân mến, trong Năm Thánh này chúng ta hãy xin Thiên Chúa ơn được sống kinh nghiệm quyền năng của Tin Mừng: Tin Mừng của lòng thương xót biến đổi, làm cho chúng ta bước vào trong con tim của Thiên Chúa, khiến cho chúng ta có khả năng tha thứ và nhìn thế giới với sự tốt lành hơn. Nếu chúng ta tiếp nhận Tin Mừng của Đấng chịu đóng đanh phục sinh, thì toàn cuộc sống chúng ta được nhào nặn bởi sức mạnh tình yêu canh tân của Ngài.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp đến từ các nước Pháp, Bỉ, Canada và Togo bên Phi châu. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Anh như Anh quốc, Êcốt, Ailen, Đan Mạch, Hoà Lan, Na Uy, Kenya, Zimbabwe, Australia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Hoa Kỳ.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, trong đó có các nhóm đến từ các nước châu Mỹ Latinh. Đức Thánh Cha cầu chúc mọi ngưới có những ngày hành hương bổ ích, cảm nghiệm được tình yêu của Chúa, và được nhiều ơn lành của Chúa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài cũng chào các đoàn hành hương Slovenia và các nhóm nói tiếng A Rập..

Chào các nhóm Ba Lan Đức Thánh Cha chúc mừng các độc giả và thân hữu của tuần báo Niedziela hành hương Roma nhân dịp mừng 90 năm thành lập. Cả ngày nay nữa đây là một ơn lớn của Chúa Quan Phòng ban cho Ba Lan, vì tuần báo tiếp tục cho tin tức về Giáo Hoji và là một nâng đỡ cho đất nước trong những lúc khó khăn của lịch sử. Đức Thánh Cha cầu chúc tuần san tiếp tục sứ mệnh rao truyền Tin Mừng, củng cố đức tin của độc giả và sinh nhiều hoa trái trong đời sống. Ngài phó thác các thành công ây cho Chúa Giêsu Từ Nhân và Thánh Mẫu Nữ Vương Ba Lan trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

Sau cùng ngài chào các đoàn hành hương Ý đến từ nhiều giáo phận, giới trẻ, các người đau yếu và các đôi tân hôn, trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
GX. Vĩnh Hòa: Giáo họ Vinh Sơn mừng bổn mạng
Văn Minh
09:06 06/04/2016
GX. Vĩnh Hòa: Giáo họ Vinh Sơn mừng bổn mạng

“Thánh Vinh Sơn hay làm phép lạ, và ngài đã đưa hàng ngàn linh hồn trở về với Chúa, nhờ lời cầu nguyện liên lỉ không biết mệt mỏi của thánh nhân đã thúc đẩy và đưa họ trở về với Chúa”.

Xem Hình

Trên đây là nội dung chia sẻ của cha GioaKim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, trong Thánh lễ mừng kính Thánh Vinh Sơn – bổn mạng của giáo họ Vinh Sơn, được diễn ra lúc 17g30 thứ Ba ngày 05.04.2016, tại ngôi nhà thờ đá Vĩnh Hòa.

Thánh lễ mừng kính Thánh Vinh Sơn do cha xứ GioaKim Lê Hậu Hán – chủ tế. Hiệp dâng Thánh lễ, ngoài bà con giáo dân trong giáo họ Vinh Sơn, còn có đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ tham dự.

Trước Thánh lễ, lúc 17g00, đại diện quý chức trong Ban Chấp hành (BCH) giáo họ cùng bà con giáo dân có mặt tại nhà ông cố Phanxicô Xaviê Đoàn Văn Mỹ để cùng nhau nguyện kinh, cầu nguyện. Sau đó, vị đại diện BCH đọc tiểu sử Thánh Vinh Sơn và mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy gẫm về nhân đức của ngài, hướng cộng đoàn chuẩn bị tâm hồn hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng.

Sau giờ nguyện kinh, vào lúc 17g15, cha xứ cùng cộng đoàn long trọng kiệu tượng Thánh Vinh Sơn từ nhà ông cố Phanxicô Xaviê đi qua các con hẻm nhỏ tiến vào ngôi thánh đường hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã qua bài hát “Mừng thánh bổn mạng”. Đây là cuộc rước kiệu đầu tiên mừng bổn mạng của giáo họ Vinh Sơn có sự hiện diện của cha chánh xứ kể từ khi ngài về nhậm chánh xứ Vĩnh Hòa.

Chia sẻ Tin Mừng, cha GioaKim nhắc lại đôi nét về Thánh Vinh Sơn: Ngài sinh vào năm 1350 tại Tây Ban Nha, trong một gia đình danh giá. Tuy nhiên, ngài không đi theo con đường danh vọng ở đời mà đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa xin gia nhập vào dòng Đaminh. Trong một lần, khi ngài được bề trên cử đi ra ngoài mua thực phẩm để về nấu ăn cho các thầy trong nhà Dòng, trên đường đi ngang qua một công trình, nhìn thấy có anh thợ rơi từ trên lầu cao xuống đất, Thánh Vinh Sơn nhìn thấy và nói “hãy dừng lại”, và lập tức người thợ đó dừng lại và treo lơ lửng trên không. Sau đó, thánh nhân chợt nhớ ra mình vừa làm phép lạ, và ngài nói với người thợ anh cứ chờ ở đó để ngài còn phải về nhà Dòng xin phép cha bề trên của mình. Thật vậy, ngài đã làm nhiều phép lạ, và đưa bao con người lầm đường lạc lối trở về với Chúa. Bên cạnh đó, ngài luôn vâng phục ý của bề trên trong mọi hoàn cảnh, cùng với lòng khiêm tốn phục vụ mọi người. Ngài thốt lên rằng; nếu bạn muốn cứu các linh hồn, trước hết, bạn hãy cầu nguyện xin Thiên Chúa ban xuống cho bạn có tinh thần sống bác ái, yêu thương, và lòng vâng phục, biết cậy nhờ vào các thánh. Vì các ngài là những người được gần bên Chúa, được đẹp lòng Chúa, và phó thác tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta hãy noi gương, bắt chước tấm gương của thánh nhân, sống khiêm nhường trước mặt Chúa, chia sẻ bác ái cho những người đói khổ nơi xung quanh và môi trường sống của mình, để cùng nhau làm sáng Danh Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

Sau bài giảng, vị đại diện lên đọc lời nguyện tín hữu và các em thiếu nhi thay mặt dâng của lễ cùng cha chủ tế lên Thiên Chúa.

Sau phần hiệp lễ, vị đại diện BCH thay mặt giáo họ lên cảm ơn cha xứ, quý chức trong HĐMVGX, cùng cộng đoàn dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Nhân đây, vị đại diện cũng giới thiệu hai Tân chức vào Ban Chấp hành giáo họ Vinh Sơn; ông Đaminh Nguyễn Văn Phúc, và ông Antôn Vũ Văn Rạng. Đáp từ, cha xứ chúc mừng giáo họ nhân ngày lễ quan thầy bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Đồng thời, ngài chúc cho các gia đình trong giáo họ được nhiều Hồng ân của Thiên Chúa, lòng hăng say phục vụ giáo họ và cộng đoàn, để đưa giáo họ ngày một phát triển về mọi mặt.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g30. Sau Thánh lễ, cha xứ, đại diện quý chức trong giáo họ cùng nhau chụp chung tấm hình kỷ niệm.

Được biết, giáo họ Vinh Sơn hiện nay có 312 hộ gia đình Công Giáo, với 1250 nhân khẩu.
 
Đại lễ suy tôn Lòng Chúa thương xót lần 16 tại Long Beach California
Truyền Thông ĐMHCG
10:01 06/04/2016
Một ngày nắng rất đẹp của miền Nam California, trong một không khí rộn ràng phủ quanh tòa nhà Kim Tự Tháp Xanh của Đại học Long Beach, Đại Hội Suy Tôn Lòng Chúa Thương Xót kỳ thứ 16 đã được tổ chức long trọng tại The Walter Pyramid of CSU LB, thành phố Long Beach, Nam California từ 8:00 sáng đến 6:00 chiều ngày Chúa Nhật 3 tháng 4 năm 2016.

Hình ảnh

Đại Hội đã được mở đầu bằng lời cầu nguyện của Cha Antôn Nguyễn Quốc Dũng, Bề Trên Tu Viện Dòng Chúa Cứu thế Long Beach, Trưởng ban tổ chức Đại Hội, theo sau là phần Ca ngợi và Cầu nguyện do Nhạc đoàn Thương Xót đảm trách. Những lời ngợi khen Lòng Chúa Thương Xót đã được các ca viên cất lên ngay sau lời nguyện mở đầu.

Chương trình chính thức được tiếp nối bằng lời chào mừng đại hội và giới thiệu những phái đoàn tín hữu về từ những tiểu bang xa như Chicago, Maryland, Florida, Georgia, New York, Colorado, Arizona, Iowa, Minesota, New Mexico, Oregon, Washington State, Texas … và sau cùng là tín hữu đến từ mọi nơi của tiểu bang California. Cùng với lời giới thiệu là hồi trống chào mừng của Đoàn trống Thiên Ân với ý nghĩa vươn lên trong cánh tay nâng lên của Lòng Chúa Thương Xót. Và cùng hòa nhập trong tiếng trống chào mừng là nghi thức rước cờ hiệu, cung nghinh Thánh ảnh Lòng Chúa Thương Xót, Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Linh ảnh tình yêu và đặc biệt có xương thánh của Thánh nữ Faustina mà Cha Antôn Nguyễn Quốc Dũng đã sang tận Ba Lan để thỉnh về. Đoàn rước đã đi chung quanh hội trường, tiến đi như dấu chỉ của Lòng Chúa Thương Xót đến chúc lành cho từng người hiện diện trong Đại Hội hôm nay.

Chương trình được chính thức khai mạc bằng phần công bố Tin Mừng chủ đề bởi linh mục Đaminh Nguyễn Phi Long, CSsR, Giám phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại. Đây là Năm Thánh đặc biệt của Giáo Hội như Tông sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố: Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót được bắt đầu từ ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8 tháng 12 năm 2015 đến ngày Lễ Chúa Ki tô Vua 20 tháng 11 năm 2016. Với khẩu hiệu “Thương Xót Như Chúa Cha” và Đại Hội cũng mừng Năm Thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhân kỷ niệm 150 năm Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9 ủy nhiệm cho Dòng Chúa Cứu Thế. Tiếp theo Cha Giám Tỉnh đã tuyên bố khai mạc Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót kỳ thứ 16 trong niềm vui mừng và tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót của trên dưới 6.000 tín hữu hiện diện và hội trường đã không còn một ghế trống.

Chương trình được tiếp tục bằng khấn Lòng Chúa Thương Xót và phần giảng thuyết của Cha Phêrô Trần Thế Tuyên, hiện đang là Đại diện Giám Mục Giáo phận Saint Paul Canada và là cáo thỉnh viên án tuyên thánh tôi tớ Chúa, Cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp. Cha đã dẫn đưa cộng đoàn đến với chủ đề “Sức mạnh của Lòng Thương Xót nơi Lời Chúa, nơi những gương mẫu như Thánh Maximilian Kolbe, Thánh Gioan Phaolo II, Cha Phanxico Xavier Trương Bửu Diệp, Cố HY Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận. ..”. Phần giảng thuyết của Cha đã được đưa lên màn ảnh với những hình ảnh, dẫn chứng rất sống động để cộng đoàn dân Chúa có thể vừa nghe, vừa nhìn và nhận được Lời Chúa một cách rõ ràng. Ngoài phần giảng thuyết chính của Cha Tuyên, còn có phần giảng thuyết ngắn của Cha Giuse Tiến Lộc, từ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, với chủ đề “Đức Maria – Mẹ của Lòng Thương Xót”. Đặc biệt là sự hiện diện của Đức Cha Vicente Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Toronto, Canada. Đức Cha với khuôn mặt hiền từ, lúc nào cũng mỉm cười, giọng nói dịu dàng, cùng với chiều sâu đức tin trong cương vị chủ chăn, đã chan hòa trong phần tâm tình với Cha Tiến Lộc và cộng đoàn dân Chúa, qua đề mục “Sống đức tin trong Lòng Chúa Thương Xót”. Ngài cũng là chủ tế trong Thánh Lễ đại trào suy tôn Lòng Chúa Thương Xót. Thánh lễ với phần ca ngợi của ban mục vụ thánh nhạc và ca đoàn tổng hợp Tổng Giáo phận Los Angeles.

Ngoài những phần giảng thuyết về đức tin, khấn Lòng Chúa Thương Xót, Đại Hội còn có những phần ca ngợi, với sự góp mặt của các ca sĩ thiện nguyện như Thiên Tôn, Châu Ngọc Hà, Carol Kim, với những bài ca ngợi Thiên Chúa và Đức Mẹ như Ave Maria - Trăng Từ Bi, Về Với Ngài, Tình Chúa Xót Thương, Tình Ca Tri Ân, You Raise Me Up, và phần diễn nguyện Thương Xót Như Chúa Cha qua những màn kịch, màn vũ hùng hậu của một số anh chị em phục vụ Đại Hội, phần vũ ca ngợi với ca đoàn Seraphim, nhóm vũ Fountain Valley, phần dâng hoa với vũ đoàn Faustina, và có lẽ đặc biệt là những em bé thiếu nhi của ca đoàn Seraphim, với ánh nến trong tay, tiếng hát ngây thơ đã cất lên lời Kinh Hòa Bình, cầu cho quê hương Việt Nam qua lời dẫn nhập: Lạy Chúa Giê su, chúng con tín thác nơi Ngài. Quê hương Việt Nam khốn khó. Xin cho quê hương Việt Nam chúng con, có được nền hòa bình thật sự, quyền con người được thực thi, nhân phẩm được tôn trọng, các giá trị luân lý tốt đẹp được vươn cao, một đời sống tự do dân chủ và thanh bình thịnh vượng.

Trước khi thánh lễ kết thúc, Cha trưởng ban tổ chức đã thay mặt Nhà Dòng và Ban Tổ Chức cám ơn Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, cộng đoàn Dân Chúa đã đến với Đại Hội, đã đóng góp cho Đại Hội thành công tốt đẹp ngày hôm nay, từ những cơ sở truyền thông, tivi và radio đến những cơ sở thương mại, từ MC đến từng ca sĩ, các thiện nguyện viên trong mọi lứa tuổi đến từng phần vụ đã giúp cho Đại Hội thành công và xin Lòng Thương Xót Chúa luôn ở cùng mọi người.

Kết thúc thánh lễ là phần Chầu Mình Thánh, chữa lành và hôn xương thánh Faustina.

Trong những thời khắc của lòng tin, những ánh mắt khẩn cầu van xin nơi Lòng Chúa Thương Xót của mọi người, khi được tiến gần đến Thánh Thể Chúa Giêsu nhiệm màu, với một nụ hôn thành kính và lời xin được chữa lành hồn xác.

Thánh Thể Chúa trong mặt nhật đã chạm đến người tín hữu cuối cùng của Đại Hội. Đại Hội chính thức bế mạc vào lúc 6 giờ 15 phút, trong tiếng hát sau cùng của nhạc đoàn Thương Xót và những thiện nguyện viên bắt đầu công việc dọn dẹp, trả lại cho hội trường khung cảnh như một ngày trước đó. Xin hẹn gặp tại Đại Hội Suy Tôn Lòng Chúa Thương Xót kỳ thứ 17, ngày 23 tháng 4 năm 2017.
 
Đại Hội Lòng Thương Xót Chúa tại giáo xứ Việt Nam Seattle.
Nguyễn An Qúy
10:17 06/04/2016
Đại Hội Lòng Thương Xót Chúa Năm Thứ II tại giáo xứ Việt Nam Seattle.

Tukwila. Đại Hội Lòng Thương Xót Chúa được diễn ra tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle trong ba ngày vào thượng tuần tháng 4 từ ngày 01, 02 và tháng 4 năm 2016. Đây là năm thứ hai giáo xứ tổ chức mừng kính trọng thể ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa bằng những ngày Đại Hội để toàn thể cộng đoàn dân Chúa tập trung vào cao điểm sống và suy niệm Lòng Thương Xót Chúa.

Xem Hình

Cao nguyên tình xanh, trong những ngày Đại Hội lại có bầu tươi mát, dễ chịu với nhiệt độ ngoài trời trên dưới 70 độ, không còn cảnh mưa dầm như những tuần lễ cận kề vừa qua.Chương trình Đại Hội được ghi nhận như sau:

Thứ Sáu ngày 01 tháng 4: ngày khai mạc Đại Hội. Mới hơn 5 giờ chiều, khuôn viên giáo đường trở nên nhộn nhịp. Hôm nay dù ngày thường nhưng khá đông đảo giáo dân đến tham dự ngày khai mạc Đại Hội. Khai Mạc Đại Hội được bắt đầu bằng thánh lễ tạ ơn. Linh mục chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, cùng đồng tế có linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải Dòng Chúa Cứu Thế đến giảng phòng và quý linh mục trong giáo xứ gồm LM Nguyễn Sơn Miên, LM Trần Hữu Lân. Đúng 6 giờ, vị MC đọc lời dẫn lễ:" Kính thưa Cộng Đoàn, hôm nay giáo xứ long trọng cử hành thánh lễ tạ ơn khai mạc Đại Hội Lòng Thương Xót Chúa. Tin mừng hôm nay Thánh Gioan giới thiệu câu chuyện các Tông đồ đi đánh cá và suốt đêm chẳng có con nào. Bổng nhiên Chúa Giêsu hiện đến và bảo các ông hãy thả lưới bên hữu thuyền để bắt cá, Các môn đồ làm theo và đã bắt được nhiều cá. Mời cho Cộng Đoàn giáo xứ sốt sắng chiêm niệm Lòng Thương Xót Chúa qua những ngày Đại Hội mà giáo xứ bắt đầu khai mạc hôm nay. Lời dẫn lễ vừa dứt ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với linh mục đoàn đồng tế cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh. Mở đầu thánh lễ, cha chánh xứ chào mừng toàn thể Cộng Đoàn giáo xứ tham dự thánh lễ khai mạc và giới thiệu cha giảng phòng với giáo dân hiện: hôm nay giáo xứ hân hoan chào mừng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, ngài đã có những buổi thuyết giảng rất hay trong những ngày tĩnh tâm mùa chay vừa qua, nay ngài cũng hiện diện với giáo xứ trong những ngày Đại Hội này, giáo xứ hân hoan chào đón và cám ơn sự hiện diện của cha, xin cho một tràng pháo tay để chào đón ngài cũng như chào đón nhau trong ngày khai mạc Đại Hội.

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Tin mừng Thánh Gioan mô tả cảnh buồn sầu, thất vọng của các môn đồ sau khi Chúa chết. Ông Simon chán nản trở về nghề của mình: tôi đi đánh cá đây" các ông khác: tôi cũng đi. Linh mục Nguyễn Văn Khải phụ trách giảng lễ. Bài chia sẻ tin mừng khá phong phú, ngài phân tích sự thất vọng buồn chán của các môn đồ trong cảnh lo âu sợ sệt có khi đóng kín cửa với lối trình bày khá dí dỏm đã tạo cho cộng đoàn hiện diện bầu khi sinh động qua nhiều trận cười thích thú, ngài nói: Thưa cả nhà, các tông đồ rất hay, đi thả lưới suốt đêm mà chẳng có con cá nào, thế nhưng khi nghe Chúa bảo: hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được" Các ông liền thả ngay, không ai nghi ngờ gì cả, các ông vâng lời Chúa, vâng phục Chúa một cách tuyệt đối, chẳng có ai bàn cải gì cả. Phúc âm nói: các ông liền thả và không kéo nổi vì đầy cá lại toàn là cá lớn" Rồi Chúa Giêsu lại bảo: "Các con hãy lại ăn " các ông liền vào ngồi ăn ngay và không ai dám hỏi Chúa: " Ông là ai?" Hay không, các môn đồ đều nhận ra Chúa ngay và vâng lời Chúa, các tông đồ đã xông pha vào cuộc đời thả lưới bắt những mẻ cá lớn..." Thánh lễ khai mạc kết thúc lúc 7 giờ 10 phút. Mở đầu phần thuyết giảng cho những ngày Đại Đại Hội được bắt đầu từ 7:30 do linh mục Phaolô Nguyễn Ngọc Thảo Dòng Tên phụ trách với đề tài: “Hơi thở của Tình Yêu - trong Cựu Ước” (trong nhà thờ dành cho người lớn) và đề tài “Những tội phạm và tệ đoan xã hội làm ảnh hưởng đến đời sống của Thanh Thiếu Niên hiện nay tại Hoa Kỳ” (dành cho các thanh thiếu niên từ 16 tuổi trở lên tại Hội trường ) do Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San trình bày. Cả 2 nơi thuyết giảng đều đông đảo giáo dân hiện diện nhất là các bạn trẻ cùng tham dự khá đông. Sau phần thuyết giảng là chương trình Diễn nguyện và cầu nguyện do các bạn trẻ gồm các lớpThiếu Nhi Thánh Thể, Việt Ngữ, Giáo Lý, Giới Trẻ, Ca Đoàn phụ trách. Chương trình diễn nguyện khá phong phú đã thu hút đông đảo giáo dân hiện diện đến gần 11 giờ đêm.

Thứ Bảy ngày 02 tháng 4: Ngày thứ Hai của Đại Hội. Từ 9: 30 các Giáo Đoàn, Hội Đoàn đã tề tựu đọc kinh sáng một cách sốt sắng. Đúng 10 giờ, linh mục Nguyễn Văn Khải xuất hiện với sự chào mừng của giáo dân mộ mến ngài qua tràng pháo tay dài. Linh Mục Nguyễn Văn Khải trong bài chia sẻ số 2 của Đại Hội: Sống Lòng Thuơng Xót trong Năm Thánh" Trong nhà thờ các ghế ngồi đã đầy kín khi LM Nguyễn Văn Khải bắt đầu khai mạc buổi thuyết giảng vào ngày thứ hai của Đại Hội. Hơn một tiếng đồng hồ qua phần thuyết giảng của linh mục Nguyễn Văn Khải với lối trình bày giản dị của ngài khá hấp dẫn, nên hầu như ai cũng cảm thấy giờ của ngài qua mau quá. Tiếp đến là chương trình thánh ca và phần diễn nguyện qua những hoạt cảnh khá phong phú. Trong giờ ăn trưa trong nhà thò giáo dân tiếp tục hôn kính Xương Thánh Nữ Faustina.

Từ 1:15pm Bài chia sẻ của Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San thu hút khá đông đảo giáo dân tham dự với đề tài Thiếu sự kiểm soát và cảm thông của các bậc Phụ Huynh đối với Con Cái vì nhiều nguyên nhân” (trong Nhà Thờ). Sau phần thuyết giảng là buổi kinh nguyện của Tuần Cửu Nhật: Chuỗi Lòng Thương Xót Chúa. Bên cạnh đó là phần thuyết giảng tại Hội Trường qua bài chia sẻ số 4 của ngày Đại Hội với đề tài “Đồng hành giữa những thăng trầm - trong Tân Ước” do Lm Phaolô Nguyễn Ngọc Thảo trình bày (tại Phòng Họp).

Giây phút cảm động nhất là buổi đi Đàng Thánh Giá theo truyền thống Faustina, đông giáo dân tham dự một cách sốt sắng. Trong suốt ngày thứ Bảy, bên cạnh các sinh hoạt của người lớn thì tại Hội Trường dành riêng cho giới trẻ qua chương trình chia sẻ, cầu nguyện, Thánh ca và các sinh hoạt về Lòng Thương Xót Chúa do LM Phaolô Nguyễn Ngọc Thảo và Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San hướng dẫn. Chương trình ngày thứ bảy được tiếp nối với thánh lễ trọng thể lúc 6 giờ chiều theo phụng vụ Chúa Nhật II Phục Sinh. Linh mục Nguyễn Văn Khải phụ trách giảng lễ. Bài chia sẻ tin mừng ngài nhấn mạnh về dung mạo Lòng Thương Xót Chúa qua câu chuyện theo Tin mừng Chúa Nhật II Phục Sinh mà Thánh Gioan diễn tả khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã bày tỏ dung mạo của Lòng Thương Xót cho các Tông đồ: "Bình an cho các con", Chúa chẳng quở trách Tôma điều gì, Chúa biết Tôma đã nói gì khi chưa gặp Chúa nên Chúa đã nói vơí Tôma.: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Ngài nói tiếp: Thưa cả nhà, Ông Tôma rất hay, ông chẳng biện minh gì cả mà lập tức thưa với Chúa ngay: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"Hay không, Ông Tôma hay quá, sấp mình thờ lạy Chúa ngay, nên chúng ta cũng được cái diễm phúc: Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"Sau thánh lễ là Chương trình Diễn Nguyện và Thánh Ca Lòng Thương Xót Chúa với sự góp mặt của Ca Sĩ Mai Thiên Vân, các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, và Ca Đoàn. Buổi diễn nguyện kết thúc lúc 11 giờ đêm với đông đảo giáo dân tham dự.

Chúa Nhật ngày 3 tháng 4: Ngày Bế Mạc Đại Hội. Ban sáng các thánh lễ mừng Chúa Nhật II Phục Sinh như thường lệ. Từ 11 giờ chương trình ngày Bế Mạc Đại Hội bắt đầu với Bài Chia sẻ: “ Phục Sinh: Ánh Sáng Niềm Tin và Hy Vọng” do Lm Phaolô Nguyễn Ngọc Thảo Dòng Tên trình bày. Tiếp đến là Bài chia sẻ của LM Phêrô Nguyễn Văn Khải với đề tài: "Lòng Thương Xót Chúa trong đời sống hằng ngày". Phần trình bày khá cảm động khi ngài đề cập đến thực tế Lòng Thương Xót của từng giáo dân đối với tha nhân trước hết là trách nhiệm của từng người đối với giáo xứ trong công cuộc xây dựng ngôi thánh đuờng của chúng ta với lời dí dỏm. "Làm phúc nơi nao, ao nhà khô cạn" Buổi thuyết giảng của LM Nguyễn Văn Khải chấm dứt với sự luyến tiếc của toàn thể giáo dân, ngài từ giả giáo xứ lúc 1 giờ chiều trong ngày Bế Mạc để trở về Roma. Bên cạnh chương trình là phần trình bày tại Hội trường cho các bạn trẻ qua đề tài “Lòng Thương Xót Chúa ban cho Cha Mẹ và Con Cái hằng ngày, vô tình bị lãng quên” do Thầy Phó Tế Nguyễn Mạnh San. Sau buổi ăn trưa, giáo dân trở lại nhà thờ vào lúc 1:45 để Chầu Giờ Thánh Chuỗi Lòng Thương Xót Chúa một cách trọng thể có sự hiện diện của Đức Giám Mục phụ tá Eusebio Elizondo. Cảm động nhất là giây phút tận hiến của từng cá nhân và cộng đoàn giáo xứ với ánh nến lung linh trên tay từng giáo hữu qua lời tận hiến: Lạy Chúa, từ đây chúng con xin tận hiến trọn đời sống chúng con cho Chúa. Chúng con phó trọn trong tay Chúa quá khứ hiện tại và tương lai của chúng con. Lạy Chúa Giêsu từ nay chúng con xin Chúa đoái thuơng gìn giữ cộng đoàn giáo xứ chúng con. Xin giúp chúng con trở nên con cái đích thực của Chúa và Mẹ Maria nhân lành. Qua việc tôn kính ảnh tượng này, xin cho Lòng Thương Xót của Chúa chiến thắng mọi quyền lực tội lỗi trên thế giới, Xin cho những ai tôn sùng Lòng thương Xót Chúa không bao giờ phải hư mất.Xin cho Lòng thương Xót Chúa ban cho họ niềm vui khi còn sống, hy vọng lúc lâm chung và vinh quang nơi cõi sống đời đời.."

Cuộc rước Kiệu Lòng Thương Xót Chúa (có xương thánh Faustina) bắt đầu lúc 3 giờ chiều. Đông đảo giáo dân, gần 2 ngàn người tham dự cuộc Rước Kiệu gồm nhiều giáo hữu đến từ Canada, từ Oregon, từ Spokane từ Vancouver, từ Bellingham và các cộng Đoàn Điạ Phương chung quanh thành phố Seattle. Đoàn kiệu khá dài với đầy đủ các cờ hiệu của các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, những bộ đồng phục đủ màu sắc làm tăng thêm phần trang trọng của buổi rước kiệu. Sau hơn nửa giờ Đoàn kiệu trở về nhà thờ. Chương trình diễn nguyện do các bạn trẽ trình bày khá phong phú. Thánh lễ Đại Trào do Đức Giám Mục Eusebio chủ tế bắt đầu lúc 4:30. Đồng tế thánh lễ gồm LM chánh xứ Đào Xuân Thành, Lm phụ tá NGuyễn Sơn Miên và Trần Hữu Lân, linh mục giảng phòng Nguyễn Ngọc Thảo, Lm Nguyễn Đức giáo xứ Lộ Đức, Thầy phó tế Nguyễn Mạnh San, phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ. Mở đầu Thánh lễ cha chánh xứ chào mừng Đức Giám Mục, quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện.Ngài ân cần giới thiệu Đức Giám Mục và quý linh mục đồng tế với cộng đoàn hiện diện, tiếp đến ngài nói: chào mừng quý giáo hữu từ Canada, từ Vancouver, từ Spokane, từ Bellingham, từ Oregon, từ Olympia và các Cộng Đoàn Địa Phương đến với Đại Hội, chào mừng quý soeur, qúy tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Xin cho một tràng pháo tay cùng chào đón nhau trong niềm vui của những ngày Đại Hội Lòng Thương Xót Chúa.

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật II Phục Sinh. Trước khi đi vào phần chia sẻ trong bài giảng lễ, Đức Giám Mục Eusebio đã bày tỏ niềm vui mừng khi thấy cộng đoàn giáo xứ ngày càng lớn mạnh, nhất là duy trì và phát triển đức tin của người Công Giáo Việt Nam một cách tốtđẹp. Đề cập đến bài tin mừng ngài nhấn mạnh đến kinh Hãy nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhơn từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhơn vì sự tôi lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các nữ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến tôi là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa cứu thế, xin chớ bỏ lời tôi kêu xin, một dủ lòng thương mà nhậm lơì tôi cùng Amen. Ngài kết luận: hãy nương tựa vào Mẹ, Mẹ là Nữ Vương loài người, Mẹ của Lòng Thương Xót Chúa."

Thánh lễ kết thúc với lời cám ơn của vị Đại Diện giáo xứ ân cần gởi đến Đức Giám Mục Phụ tá, quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ. Ba bạn trẻ đại diện giáo xứ trao quà tặng cho Đức Giám Mục với tràng pháo tay dài. Cha chánh xứ tuyên bố Bế Mạc Đại Hội và Đọc Tông Chỉ của Toà Thánh ban ơn Toàn Xá cho những ai tham dự Đại Hội. Đức Giám Mục và quý cha đồng tế ban phép lành Bế Mạc Đại Hội. Cha chánh xứ ân cần mời cộng đoàn sang năm nhớ đến với Đại Hôi Lòng Thương Xót Chúa Năm Thứ III tại Seattle. Thánh lễ kết thúc lúc 5 giờ 30, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn, một số giáo dân từ xa đến tiếp tục hôn kính Xương Thánh Faustina.

Nguyễn An Quý
 
Đại Lễ Lòng Thương Xót tại Brunswick, Melbourne, Australia
Br. Đạt Phùng
16:05 06/04/2016
 
HIV : Dự tu Thừa Sai Đức Tin và Những điều trông thấy ...
Lm. Giuse Vũ Đức Phán, MF
18:09 06/04/2016
NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY…

Là những ứng sinh trẻ đang tìm hiểu đời sống tu trì trong ơn gọi Thừa Sai Đức Tin, các anh em Dự Tu Thánh Vinh Sơn Liêm, thuộc Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam rất cần những trải nghiệm thực tế bên cạnh những triết lý của môi trường bên trong khuôn viên nhà tu, và những trải nghiệm ấy đến thật đúng lúc trong chuyến đi thăm các bệnh nhân HIV tại bệnh viện Nhân Ái – Bù Gia Mập – Bình Phước trong dịp Chúa Nhật Phục Sinh vừa qua.

Xem Hình

Nằm trong định hướng chung của Tỉnh Dòng, Chúa Nhật mừng Chúa Phục Sinh, anh em khối Dự Tu Thánh Vinh Sơn Liêm đã cùng nhau thực hiện chuyến công tác xã hội tại bệnh viện Nhân Ái, nơi đang chăm sóc các bệnh nhân HIV của mảnh đất Sài Thành. Đồng hành với chuyến đi của anh em có cha Giám Tỉnh Micae Hoàng Đô Đốc, MF – Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam, cha Benzi, MF – nguyên Tổng Đại Diện và Giám Tập dòng Thừa Sai Đức Tin tại Rôma và cha phụ trách khối Dự Tu Giuse Vũ Đức Phán, MF, hai thầy đồng hành và một số thỉnh sinh Dòng Đaminh Bùi Chu. Tại nơi đây, anh em đã được thấy những điều cần thấy và nên thấy trong hành trình lý tưởng tu trì mà anh em đang khao khát tìm kiếm và dấn thân.

• Sự sống nảy sinh từ trong cõi chết

Hầu hết anh em đều chưa một lần trực tiếp tiếp xúc với các bệnh nhân HIV; vì thế, những ý niệm trước đó của anh em về họ xem ra khá hạn chế. Cứ tưởng rằng, với những ai đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ này, chắc sẽ rất bi quan. Không bi quan sao được khi họ đang mang trong mình án tử, một án tử đang đến rất gần mà họ chẳng thể cưỡng lại hay thoái lui. Nhưng thật bất ngờ, tuy buồn nhưng hầu hết họ đều khá lạc quan, một sự lạc quan được thể hiện rất rõ trên khuôn mặt và trong cách hành xử. Khi đoàn đến thăm và trao quà, hầu hết mọi người đều niềm nở chào hỏi chúng tôi, thậm chí có những bệnh nhân còn ôm đàn ghi ta hát tặng đoàn những bài hát vui nhộn và ý nghĩa về sự sống. Nhiều bệnh nhân vốn đã có một thời tung hoành ngang dọc, nhưng không thiếu những người mắc bệnh do sự trớ trêu của số phận. Nhiều người trong số họ chia sẻ rằng, khi đối diện với cái chết đang đến rất gần họ mới lại thấy những giá trị cao cả của sự sống. Họ nhớ về quá khứ, nhớ về những éo le của số phận, nhớ về cha mẹ, gia đình… và họ quyết tâm sống ý nghĩa những ngày còn lại của cuộc đời.

Đoàn chúng tôi cứ ngỡ đến đây để thăm viếng và mang hơi ấm Phục Sinh đến cho họ, bởi một số bệnh nhân nơi đây là người gốc Công Giáo. Nhưng thật lạ, ở chính nơi họ, chúng tôi lại càng thấy ý nghĩa và giá trị của sự sống. Phải chăng Đức Kitô sống lại đã mang tinh thần phục sinh đến cho họ, để khi diện đối diện với cái chết, họ lại được “phục sinh”?

• Hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ

Khuôn viên bệnh viện và các khu nhà ở của bệnh nhân khá ngăn nắp và sạch sẽ. Có được như thế là nhờ sự quan tâm của ban giám đốc, của các y bác sĩ và đặc biệt là nhờ dấu ấn của các nam nữ tu sĩ đang phục vụ nơi đây. Khi mới đến, chúng tôi nhìn các bệnh nhân với một ánh mắt nghi ngại xen lẫn sợ sệt nhưng sự nghi nan và sợ hãi sớm qua đi khi chúng tôi chứng kiến sự quan tâm chăm sóc mà các tu sĩ dành cho các bệnh nhân. Các thầy và các sơ đã chẳng ngại ngùng chạm đến các bệnh nhân, vệ sinh, tắm rửa, an ủi và vỗ về họ chẳng khác nào các bệnh nhân là những người thân yêu nhất của các ngài.

Có những bệnh nhân Công Giáo được ơn trở lại dưới bàn tay chăm sóc của các tu sĩ và nhiều bệnh nhân không phải gốc Công Giáo, nhưng ở đây một thời gian, họ lại trở thành con Chúa khi được các sơ và các thầy trao ban bí tích Thánh Tẩy. Chúng tôi thấy ánh lên niềm hạnh phúc nơi các bệnh nhân và cả niềm vui nơi các tu sĩ đang miệt mài phục vụ những người cần được phục vụ nhất ở nơi đây. Để có được niềm hạnh phúc ấy, các tu sĩ đã phải đánh đổi bằng nhiều hy sinh gian khổ. Cũng mang thân phận con người, họ cũng sợ hãi khi đối diện với những mầm mống của sự chết, nhưng họ vượt qua tất cả để dấn thân phục vụ với lòng khoan dung; phải chăng, với họ, “tình yêu mạnh hơn sự chết”?

• Vượt qua những ranh giới

Trong tác phẩm “Mùa Lạc”, nhà văn Nguyễn Khải đã khắc hoạ lên một triết lý nhân sinh: “Sự sống nảy sinh từ trong cõi chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, mà chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy…”. Triết lý ấy thật đúng ở nơi bệnh viện Nhân Ái này.

Nếu Đức Kitô Phục Sinh để cho nhân loại được sống thì sức sống mà Đức Kitô đang được tỏ lộ nơi các bệnh nhân tại đây. Có lẽ khi còn tung hoành ngoài xã hội, chẳng ai trong số họ hình dung ra những hệ quả mà họ đang phải gánh chịu khi đối mặt với “án tử hình” đang treo lơ lửng ngay trên đầu họ lúc này. Họ đã “chết” ngay khi họ đang sống và khi cái chết thực sự đang đến rất gần, họ lại tìm thấy sự sống. Nói cách khác, họ đã vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết để sống ý nghĩa những ngày còn lại của cuộc đời nhờ tình yêu của Đức Kitô Phục Sinh. Các tu sĩ đang miệt mài phục vụ nơi đây cũng đã vượt qua những ranh giới của sự yên ổn cá nhân để hoà mình vào tinh thần phục vụ và góp phần làm cho sự sống mà Đức Kitô Phục Sinh mang lại được nảy nở.

Chia tay ra về, mỗi Dự Tu chúng tôi đong đầy trong tim những nỗi niềm khó tả! Nếu lúc đi chúng tôi ồn ào náo nhiệt bao nhiêu thì khi về, chúng tôi lại trầm ngâm bấy nhiêu. Đọng lại nơi chúng tôi là sự cảm thương cho số phận các bệnh nhân nơi đây và hơn hết là sự cảm phục dành cho các nam nữ tu sĩ đang dấn thân phục vụ nơi này. Chúng tôi đã thấy được rất nhiều điều bổ ích trong chuyến đi ý nghĩa này.

Là những người trẻ đang tìm hiểu ơn gọi tu trì trong ơn gọi Thừa Sai Đức Tin, cũng như họ, chúng tôi cần phải vượt qua những ranh giới của cái tôi cá nhân để xác định cho bản thân những hướng đi cụ thể trong ơn gọi tu trì mà chúng tôi đang hướng tới. Vẫn còn đó ranh giới của những thói hư tật xấu, những ươn lười biếng nhác, những ham mê trần tục, những ích kỷ nhỏ nhen… đang mời gọi chúng tôi vượt qua để góp phần làm cho mầm mống phục sinh mà Đức Kitô khơi lên được toả rạng trước là trong cuộc sống của bản thân và sau là làm cho mầm sống ấy được toả lan mãi trong cuộc đời.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nỗi Buồn Tháng Tư
Mai Thanh Truyết
09:22 06/04/2016
Nỗi Buồn Tháng Tư

Không biết tự lúc nào sau ngày 30 tháng tư năm 1975, mỗi năm vào dịp nầy lòng tôi dường như chùng xuống. Trước khi về hưu vào năm 2012, công việc hàng ngày vẫn chu toàn 8 giờ để trả nợ áo cơm, một vài giờ cho dịch vụ tư vấn về môi trường của tôi, cũng như thì giờ cho các buổi phỏng vấn hay ngồi suy tư và viết bài hoặc đi đó đi đây…tôi đã cảm nhận được một nỗi niềm u uẩn nào đó trong tôi. Nhưng bây giờ, mặc dù đã giã từ nợ áo cơm, nhưng niềm u uẩn trên vẫn tiếp tục còn trong tôi ngày càng…dai dẳng hơn thêm.

Tại sao lại có hiện tượng như vậy trong tôi?

Có lẽ, vì tuổi đời ngày càng cao, và niềm hy vọng về một ngày mùa xuân nở hoa trên quê hương còn xa vời vợi…cho nên nỗi buồn của tôi càng thêm ray rứt và điểm thêm đôi nét tuyệt vọng trong tâm tư?

Bỏ qua những ngày tháng nghiệt ngã còn lại ở Việt Nam trước khi vượt biên sau 30/4/1975, phải thành thật mà nói, lúc đó tôi không có thì giờ để “buồn” như hôm nay, vì miếng cơm manh áo và mãi lo “tìm đường ra đi” (cứu nước?) cho một gánh nặng với 4 đứa con dại…

Bỏ qua những năm đầu tiên sống đời tị nạn, tôi cũng chưa thực sự quan tâm gì mấy cũng như không có thì giờ để buồn…như nỗi buồn hôm nay vì một đời sống tạm dung nơi xứ người.

Nhưng chỉ trong vòng 25 năm trở lại đây, khi gia đình tương đối ổn định và sau khi bắt đầu bước vào con đường tranh đấu cho Việt Nam qua ngã môi trường, tôi mới thực sự cảm thấy buồn. Và mỗi năm nỗi buồn đó càng se sắc hơn, ngậm ngùi hơn.

Buồn để mà buồn một mình!

Không thể nào nói tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn được. Mà tôi hiểu và hiểu rất rõ nỗi buồn thực sự của tôi vì hai lý do: – Đất Nước còn điêu linh, – và Bà con mình vẫn còn chìm đắm trong nỗi nhục nhằn làm công dân hạng hai cho một chế độ phản dân tộc chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam.

Nhìn lại những ngày bắt đầu từ giữa tháng tư năm 75, có thể nói cả thành phố Sài Gòn đang lên cơn sốt. Nào là chạy đôn chạy đáo thăm dò tình hình…mặc dù biết rằng miền Nam đang trong cơn hấp hối, nhưng cũng mong tìm và hy vọng một phép lạ. Nào là, đối với những người có chút tiền, lo chạy đi đổi tiền, làm…áp phe, hay do là tin tức tìm đường ra đi.

Tin tức đồn đãi nhiều khi trái ngược nhau, tin vui lẫn với tin buồn.

Nhưng nỗi buồn của tôi thực sự buồn khi rời trụ sở USAID ở đường Lê Văn Duyệt sau khi làm “thủ tục”…ra đi. Cầm tấm thẻ vô tri có hình của một “ông giáo trẻ” đầy nhiệt huyết, mà khi về lại Việt Nam năm 1973, nguyện sẽ làm một cái gì cho thanh niên Việt Nam. Tôi không thiết ăn cơm chiều hôm đó. Nếu tôi nhớ không lầm, đó là ngày thứ tư 09/4/1975.

Tới thứ hai tuần sau đó vào khoảng tuần lễ thứ hai của tháng tư, lên Đại học Cao Đài Tây Ninh, tôi lại được mấy anh chàng “CIA” trẻ đóng trên đài phát tuyến ở đỉnh Núi Bà cho tôi biết rằng ngày mai, họ sẽ rút về Mỹ và khuyên tôi nên rời bỏ quê hương qua một giọng Bắc rất rành rọt. Suốt các buổi lên lớp sau đó, tôi nói như người mất hồn, một tâm trạng mà chính giờ phút viết lên dòng chữ nầy, tôi lại thêm một lần “phiêu diêu” nữa.

Đi hay Ở?

Hai chữ nầy ám ảnh mãi nơi tôi trong suốt thời gian còn lại cho đến ngày 30/4 năm đó.

Hình ảnh Ba tôi lẩn quẩn trong đầu. Hình ảnh một ông giáo già đã về hưu từ lâu, căm cụi viết thư cho con mình đi du học mỗi buổi sáng thứ năm trong tuần, để rồi, sang sáng thứ bảy đem thư ra Bưu diện gữi đi cho kịp chuyến máy bay Air France bay về Pháp, để cho con mình nhận được thư đúng ngày thứ hai. Việc nầy xảy ra đúng như in, không hề sai sót suốt hơn hai năm trời sau khi tôi du học bên Pháp cho đến khi Ba tôi mất. Ba tôi mất ngày chủ nhựt và thứ hai sau đó tôi vẫn nhận được thư ba viết trước khi nhận được điện tín của anh tôi.

Còn Má tôi. Một người mẹ già gặp lại và sống với con chưa đầy hai năm…Mà cũng chính trong thời gian nầy, tôi luôn bận bịu với những “đam mê” cho cuộc sống, chuẩn bị cho con đường “công danh” của mình… thì làm sao tôi có thì giờ chăm sóc hay hỏi han đến mẹ già. Và mỗi khi nhìn lại mình, chính tôi cũng phải tự thú rằng mình cũng không có thì giờ để nghĩ đến mẹ mình nữa trong thời gian nầy. Tôi thật có lỗi với má tôi nhiều và nỗi ân hận vẫn còn ray rứt mãi trong tôi. Và giờ đây, khi viết những dòng chữ nầy, tôi chỉ còn biết mỗi đêm nhìn ảnh mẹ để sám hối.

Trở lại thời gian giữa tháng 4 năm xưa. Tâm trí tôi luôn bị ray rứt với tâm trang nửa Ở nửa Đi.

Đi không đành cũng vì mẹ già đơn côi.

Đi không đành cũng vì bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ níu kéo lại để làm một “cái gì” cho quê hương.

Và đi cũng không đành vì một suy nghĩ non dại (mà chắc cũng có nhiểu người suy nghĩ như tôi), đó là “Mình có thể đối thoại với người cộng sản, vì trước khi họ là cộng sản, họ cũng là người Việt Nam với đầy đủ dân tộc tính; vì vậy mình có thể hợp tác được”.

Khi đã biết sai lầm thì đã muộn, tôi phải trả cái giá gần 8 năm trong nhà tù lớn Việt Nam dưới chế độ nầy. Biết là sai lầm trong giai đoạn đó, nhưng tôi không bao giờ hối hận vì quyết định trên. Vì sao? Vì chính cái sai lầm oan nghiệt nầy đã làm cho tôi hiểu được người cộng sản Bắc Kỳ như thế nào…và chính điều sau nầy làm cho tôi dứt khoát hơn là chúng ta, những người con Việt hiền hòa không thể nào sống chung với những người luôn mang não trạng chuyên chính vô sản và không có tình người.

Cái sai lầm nầy cũng giống như cái sai lầm của người thầy giáo Tạ Ký khi đi học tập về cùng ngồi uống rượu với Gs Tôn Thất Trung Nghĩa và tôi tại Chợ Đuổi nằm tại góc đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp năm 1981 như sau:“Hai mươi năm mới biết chuyện xưa lầm. Thì tuổi trẻ đã biến thành uất hận!”

Chiều thứ hai 28/4, khi một tên phi công (tôi không muốn nhắc tới tên nầy lên đây, vì làm sao tôi quên được tên những kẻ phản bội quê hương) dội bom dinh Độc Lập, và từ đó lịnh giới nghiêm 24/24 được ban hành. Tôi liền chạy lên nhà một người bạn vong niên trên cư xá giáo chức ở đường Tự Đức.

Tôi đã chứng kiến được gì và đã học được gì?

Xin ghi lại vài dòng để chiêm nghiệm nỗi đau thương, nhục nhằn của những đứa con Việt trước cảnh quốc phá gia vong. Đó là:

- Hình ảnh một Trung tá TQLC chạy từ Đà Nẵng về nhà người anh cũng ở cùng cư xá, hình ảnh giọt nước mắt lưng tròng khi anh cổi chiếc áo trận và cắt từng nút áo cũng như hai bông mai bạc trên cầu vai. Anh nói với người anh qua giọt nước mắt và trong từng tiếng nấc “Anh xem như em đã chết ngày hôm nay”.

- Hình ảnh từng đoàn trực thăng Mỹ chiếu đèn sáng rọi vào mặt chúng tôi trên sân thượng của cư xá trong lúc tháo chạy và chở người đi ra hạm đội.

- Hình ảnh những người lính tôi không còn nhớ Dù hay Thủy Quân Lục Chiến tiếp tục chiến đấu ở cầu Phan Thanh Giản trên con đường đi ra Ngã tư Hàng Xanh. Tiếng súng bắt đầu ngay sau khi tướng Minh tuyên bố đầu hàng lúc 10 giờ 37 phút sáng 30/4. Và tiếng súng chỉ im lặng lúc xế trưa, có nghĩa là tất cả anh em binh sĩ đã chiến đấu cho đến quả lựu đạn cuối cùng.

Chuyện ĐI và Ở đã được tôi quyết định ở khúc quành định mệnh nầy, không khác chi khúc quành của nhân vật Thiệu “phải” rời bỏ khúc quành của con sông Đuống đầy kỷ niệm tuổi thơ với Yến, người bạn thời trẻ thơ mà sau nầy trở thành…người tình muôn thuở cho đến cuối đời, để di cư vào Nam tìm tự do. (trong quyển tiểu thuyết “Dòng sông định mệnh” của nhà văn Doãn Quốc Sĩ).

Qua ngày thứ năm 1/5, lệnh trên radio yêu cầu (bắt buộc thì đúng hơn) mọi công chức phải đến trình diện tại trụ sở làm việc của mình. Sáng đó, tại cư xá có mặt Ông Khoa trưởng, Ông Phó Khoa trưởng và một số giáo sư, tôi và một giảng nghiệm viên tình nguyện vào Trường Sư phạm xem tình hình.

Mọi sự có vẻ êm xuôi vì “họ” chưa có người vào tiếp quản, ngoài một số “cơ sở” địa phương thôi. Nhưng một hình ảnh khác làm bẽ bàng và làm đão lộn những suy nghĩ tốt đẹp trong tôi khi nhìn thấy một số đồng nghiệp của mình mới chỉ vừa cách đây một ngày, nay đã mang “băng đỏ cách mạng” từ cung cách hướng dẫn chỗ để xe, cho tới thái độ trong lúc nói chuyện. Đáng phỉ nhổ nhứt là những người nầy ngày nào thưa anh, xưng em với tôi, mà nay trở mặt dương dương tự đắc tự xưng tôi, tôi, anh, anh một cách trơ trẻn.

Có những chị giáo sư thước tha, dịu hiền trong khi lên lớp mà nay ngoài băng đỏ, thậm chí còn để lá cờ vàng ba sọc đỏ dưới chân bàn đạp ga xe nữa. Và hơn nữa, có giáo sư trong suốt thời gian chưa đầy hai năm ngắn ngũi của tôi, đã xem tôi như “thần tượng” mặc dù biết tôi đã lập gia đình rồi, thường xuyên đi ăn uống chung; thậm chí đã dám cùng tôi “nhậu thịt chó” nữa…Người đó bây giờ là một “công thần” của chế độ.

Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt I ngày 22/9/1975, đổi 1đ tiền “chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam” tức tiền “ngân hàng Việt Nam” lấy 500 đ tiền Việt Nam Cộng Hòa hay “tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam”. Người dân chỉ đổi được mỗi gia đình 100.000 đ mà thôi.

Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt II ngày 3/5/1978, đổi 1 đ “tiền thống nhứt XHCN” tức tiền “ngân hàng nhà nước” lấy 1 đ tiền “ngân hàng Việt Nam” và mỗi gia đình chỉ được đổi 100 đ mà thôi.

Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt III ngày 14/9/1985, đổi 1 đ tiền ngân hàng nhà nước cũ lấy 1đ tiền ngân hàng nhà nước mới (tiền thống nhứt Bắc Nam).

Làm sao tôi quên đượt lần đánh tư sản đợt I ngày 11/9/1975, cướp của và tịch thu nhà những người được cho là tư sản cùng bắt đi vùng kinh tế mới. Chiến địch nầy gọi là X1.

Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt II, tức chiến dịch X2, từ tháng 3/1978 tới cuối năm 1990 nhắm vào tư sản tiểu thương, những nhà tiểu thủ công nghệ, ước tính trên 14.000 gia đình tại Sài Gòn.

Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt III tức chiến dịch X3, song hành với chiến dịch X2 tại Sài Gòn nhằm mục đích trục xuất người củ ra khỏi nời ở và điền khuyết vào bằng gia đình cán bộ ngoài Bắc vào. Đây là một âm mưu thâm độc nhằm “Bắc kỳ hóa” thành phố Sài Gòn. Tính đến tháng 9/1989, ước tính có đến 950.000 người bị đuổi khỏi Sài Gòn, và có khoảng 150.000 gia đình cán bộ Bắc kỳ được điền khuyết vào.

Làm sao tôi quên được những đợt học tập cải tạo, đáng kể nhứt là đợt cuối cùng vào tháng 6/1975, kêu gọi công quân cán chính tập trung mang theo lương thực cho một tháng…để rồi tất cả bị lường gạt và phải chịu lao động khổ sai từ một hai năm cho đến hơn 17 năm đối với những cán bộ hành chánh và quân đội cao cấp của Việt Nam Cộng hòa….

Trên đây, xin diễn lại bức tranh vân cẩu chập chùng những ý nghĩ lộn xộn trong những ngày quốc phá gia vong. Xin chia xẻ cùng bà con.

Đây không phải là lời tự thú hay than thở, hay nói về mình.

Nơi đây tôi chỉ muốn nói lên vài điều suy nghĩ của một người con Việt mà thôi.

Đó là:

-Truyết, mầy đừng bao giờ mơ tưởng những người Việt cộng sản Bắc kỳ là người Việt Nam.

Và để thoát khỏi ý nghĩ tiêu cực trong những ngày đau thương của Đất và Nước, tôi tự điều hướng cho chính mình cần phải hành xử trong tương lai như:

- Đứng trước quá khứ, hãy ngả mũ. Đứng trước tương lai, hãy XẮN TAY ÁO (H.L.Mencken) và chúng ta phải tiếp tục giữ lửa Quê Hương trong lòng mãi mãi.

- Lời ca của cố nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang đã kéo tôi về với thực tại, bài “Không phải là lúc”, bắt đầu bằng “Không phải là lúc ta ngồi đặt vấn đề”, để rồi kết thúc bằng một quyết tâm dứt khoát “…Làm việc đi không lo khen chê, làm việc đi hãy say và mê, cứ bắt tay gan lỳ, chúng ta giải quyết. Mình chậm chân đi sau người ta, mà ngồi đây nghĩ lo viễn vông, thắc mắc ngại ngùng biết khi nào mới làm xong!”

Và cũng chính vì mang quyết tâm trên mà tôi vẫn “Không đặt vấn đề với anh em, nhưng chắc chắn đứa con Việt nầy dứt khoát đặt vấn đề những người đang tàn phá Ðất và Nước của Ông Cha để lại.

Tôi ”đặt vấn đề” với người Cộng sản Bắc Kỳ, kẻ thù ở phương Bắc đang tiếp tay đóng vai trò “thái thú biết nói tiếng Việt” cho Trung Cộng thực thi “Ðại Họa Mất Nước” để hoàn tất công cuộc Bắc thuộc lần thứ V.

Nhưng tôi cũng không quên dứt khoát đặt vấn đề với những kẻ cuối đời vẫn còn bon chen danh lợi, bất kể cố ý hay vô tình, bị rơi vào cái bẫy lợi danh của Cộng sản, cái bẫy của “cây gậy và củ cà rốt” với cây gậy đập trên đầu mà củ cà rốt vẫn không cho ăn, cái bẫy của Cộng sản muốn mượn tay người Quốc gia “bôi đen” người Quốc gia chống Cộng, cái bẫy “gây rối cộng đồng” do những tay ăn bã của cộng sản; những kẻ dễ đánh mất thân phận làm “người” của mình, bất kể đó là loại “người” gì; lắm khi đó là những con “ếch” muốn làm con “bò”, cho dầu “ếch” hay “bò”, “nhỏ” hay “lớn”, vẫn không phải là... “người”.

Xin ghi lại và góp phần vào những Ngày Buồn Tháng Tư của những người con đất Việt.

Mai Thanh Truyết

Nỗi buồn tháng tư năm 2016
 
Người mới đi đường cũ thì về đâu ?
Phạm Trần
16:26 06/04/2016
NGƯỜI MỚI ĐI ĐƯỜNG CŨ THÌ VỀ ĐÂU ?

Hai cơ quan Lập pháp và Hành pháp của Việt Nam đã có lãnh đạo mới, nhưng cơ chế và lề lối làm việc vẫn do Bộ Chính trị 19 người của đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền giật giây quyết định. Vì vậy Quốc hội và Nhà nước không còn của dân mà là quân cờ của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Bộ Chính trị là người nắm trọn quyền bính chứ không phải Chủ tịch Nước, mặc dù Điều 86 trong Hiến Pháp đã quy định:”Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.”

Chủ tịch nước cũng là người “Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân” “giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh” như viết trong Điều 88 Hiến Pháp, nhưng lại không có thực quyền.

Một số Đại biểu Quốc hội, tiêu biểu như ông Phùng Khắc Đăng (Sơn La) đã phản ảnh thực trạng này qua báo chí hôm 2/4/ (2016):“Nhìn lại nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại biểu Phùng Khắc Đăng cho biết ông băn khoăn nhiều về vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang, mới có danh nghĩa, chưa có thực quyền.”

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm nhìn nhận, so với các khoá Chủ tịch nước trước đây thì người tiền nhiệm của ông Trần Đại Quang (Trương Tấn Sang) có hai điểm nổi bật là gần dân và tư tưởng chống tham nhũng được chuyển tải tốt hơn. Nhưng vị Chủ tịch nước tiền nhiệm chưa đủ quyền và lực để giải quyết nhiều vấn đề.” (theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, 2/4/2016)

ÔNG KẸ NẮM QUYỀN

Sở dĩ Chủ tịch nước không đủ quyền vì chức vụ này chỉ có tiếng mà không có miếng. Mọi việc của nước và của dân đều phải được Tổng Bí thư đảng và Bộ Chính trị đồng ý.

Vì vậy, dù không được nhắc đến trong bất cừ văn kiện nào của Quốc gia, người giữ chức Tổng Bí thư đảng vẫn nắm trọn quyền cai trị toàn diện từ trong đảng sang Quốc hội và Nhà nước.

Sự tiếm quyền này đã được quy định trong Điều Lệ Đảng, được bổ sung và thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI năm 2011. Điều 4 trong Hiến pháp và Cương lĩnh“xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” cũng xác nhận quyền cai trị tự chế này.

Trước tiên, chẳng ai cho phép và chưa lần nào người dân bỏ phiếu trao đất nước cho đảng cai trị, kể từ khi thành lập đảng ngày 03/02/1930.

Vậy mà đảng đã tự viết trong Điều lệ sinh hoạt của mình rằng:”Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng.”

Điều lệ còn cho phép:”Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.”

Rõ ràng là đảng đã tự biên tự diễn, để một mình một chợ múa gậy vườn hoang, tự tung tự tác muốn làm trò gì thì làm.

Nhân dân đã bị gạt sang lề đường làm khách coi tuồng.

Cái đảng của 4.5 triệu đảng viên, thiểu số trong 90 triệu dân của Việt Nam này còn tự ý áp đặt chủ nghĩa ngoại lai Cộng sản Mac-Lênin vào đất nước rồi bắt toàn dân phải chấp nhận.

Họ tự ghi vào trong Điều lệ:”Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.

Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.”

Viết như thế là đánh lận con đen, lạm dụng nhân dân cho mục đích riêng của những người Cộng sản. Nguyện vọng của nhân dân Việt Nam bây giờ, ở Thế kỷ 21 là Tự do, Dân chủ, Công bằng và Bình đẳng, có toàn quyền làm chủ đất nước và quyền tự quyết định vận mệnh chính trị cho mình và cho con cháu mình.

Nếu đảng nghi ngờ nguyện vọng đích thực của dân là tuyên truyền hay âm mưu của cái gọi là “diễn biến hòa bình” hay của “các thế lực thù địch” chống phá đảng thì thử để cho Liên Hiệp Quốc tổ chức thăm dò ý dân có Quốc tế kiểm soát xem đảng thắng hay dân thắng ?

Nhân dân Việt Nam, sau hơn 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do đảng Cộng sản chủ động và làm tan hoang đất nước để chia rẽ dân tộc, chưa hề bao giờ đồng ý cho đảng đảng đem Chủ nghĩa phá sản Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh vào Việt Nam.

Đảng đã tự “rước voi về dầy mồ” dân tộc rồi còn cưỡng chế các thế hệ người Việt phải thờ cúng đống giẻ rách đã bị nhân loại vứt vào sọt rác và lên án, như đã minh thị tại Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Tại Đài này, 2 thông điệp "để tưởng nhớ hơn 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản" và “để lịch sử về sự tàn bạo của cộng sản sẽ được dạy cho các thế hệ tương lai” đã vang vọng cùng hàng trăm ngàn vong linh người Việt Nam đang vất vưởng nơi này.

Những người nắm quyền ở Việt Nam không do dân bầu mà do đảng chị định để bảo vệ quyền lợi phe nhóm là chính. Và vì đảng chi phối và kiểm soát mọi sinh hoạt của Quốc gia nên tam quyền phân lập gồm Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp chỉ có trên giấy mà thực tế thì không.

Bằng chứng đã ghi trong Khoản 3, Điều 2 Hiến pháp 2013:” Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”

Tuy nói “phân công” và “phối hợp” nhưng không được “độc lập” mà phải “thống nhất” trong tay đảng nên đảng có tiếng nói và quyền quyết định trong cả 3 ngành.

Bằng chứng đảng vừa là công tố vừa là quan tòa được coi là bình thường trong hệ thống tòa án ở Việt Nam. Đối với các vụ án xét xử những người bất đồng chính kiến thì các bản án đã được quyết định trước đã làm lu mờ vai trò bào chữa của các Luật sư.

AI LÃNH ĐẠO AI ?

Vì vậy, sự kiện Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội , Chủ tịch nước và Thủ tướng mới cũng không làm thay đổi sự tiếp nhận trong nhân dân. Mọi ngườ đã sống quen với lề lỗi cũ, việc cũ và chính sách cũ nên có thay ngựa giữa đường cũng không ai quan tâm.

Lãnh đạo chủ chốt mới đều là Ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của nhóm 19 người Khóa đảng XII. Họ được đặt dưới quyền điều khiển của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có nhiều quyền lực nhất Việt Nam trong 4 “lãnh đạo chủ chốt”.

Nhưng ai ở Việt Nam cũng biết ông Trọng là người cực kỳ bảo thủ, giáo điều và thân Trung Quốc, nước láng giềng không được lòng dân Việt Nam. Ông còn là người cầm đầu nhóm chống đổi mới chính trị để bảo vệ lâu dài quyền và lợi cho đảng.

Tuy nhiên, nhiều đảng viên, kể cả một số lãnh đạo đã “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” để cho phép mình không nghe và làm theo đảng nữa.

Ông Trọng lên án họ là thành phần suy thoái tư tưởng và mất đạo đức cách mạng. Oái oăm thay, họ lại là “một bộ phận không nhỏ” trong số 4.5 triệu đảng viên. Vì vậy ông đã ra lệnh cho Ban Tuyên giáo của đảng, Tổng cục Chính trị của Quân đội và Lực lượng Công an phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền và ngăn chặn tình trạng suy thoái tư tưởng nghiệm trọng đang lan nhanh trong cán bộ, đảng viên.

Tình trạng này được ông Trọng và nhiều lãnh đạo cao cấp nhìn nhận đang đe dọa sự sống còn của đảng. Nhưng đảng lại đổ lỗi cho “diễn biến hòa bình” và “các thế lực thù địch” là thủ phạm tạo ra tình trạng này để làm suy yếu đảng, trái với sự thật là đảng đã mất niềm tin trong đảng viên và nhân dân.

NGƯỜI MỚI-VIỆC CŨ

Vì vậy, dù tân Chủ tịch Quốc hội, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh ngày 12/04/1954 tại Bến Tre (miền Nam) là người có nhiều kinh nghiệm trong cả 3 lĩnh vực đảng, hành pháp và lập pháp, nhưng Bà cũng sẽ chẳng làm được gì khác hơn người tiền nhiệm Nguyễn Sinh Hùng.

Trước ông Hùng là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nhiệm kỳ 2006-2011), kế nhiệm ông Nguyễn Văn An (2002-2006), và trước ông An là Nông Đức Mạnh (Quốc hội IX) cũng chẳng làm nên cơm cháo gì.

Cơ chế này, dù có quyền lực cao nhất trên ghi trong Hiến pháp, cũng không vượt qua khỏi ngưỡng cửa Bộ Chính trị nên Quốc Hội đã bị lên án là bất lực hay bù nhìn. Bằng chứng như các Đại biểu không dám tranh luận về Hiệp định Biên giới Đất liền Việt-Trung (30/12/1999) và Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Hoa (25/12/2000). Nhân dân cũng đã chỉ trích Quốc Hội không dám ra Nghị quyết lên án Trung Quốc đánh chiếm Quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và xâm chiếm 7 đảo và bãi đá của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988.

Và cuối cùng, Quốc hội gỗ đá này cũng không dám thảo luận việc đảng và nhà nước đã tiêu phí hàng tỷ Dollars để phiêu lưu vào dự án tiếp tục thua lỗ Bauxite ở Tây Nguyên, do áp lực của Trung Quốc, dưới triều đại hai Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nộng Đức Mạnh.

Hơn thế nữa, hầu hết Đại biểu Quốc hội là đảng viên nên ai cũng phải làm theo lệnh của đa số trong Bộ Chính trị. Cơ chế này, dù ít người nhưng lại tự cho mình quyền sinh sát cả nước nên hóa ra, dù chỉ có 19 mạng, hay ít hơn như các khóa đảng trước, mà mọi quyết định của thiểu số vẫn có thể chi phối 90 triệu dân và 4.5 triệu đảng viên.

Vì vậy Quốc hội khóa XIV, sẽ bầu ngày 22/05/2016 tuy có 500 Đại biểu, nhưng không ai muốn đặt hy vọng nhiều vào họ vì tất cả đều do “đảng cử dân bầu” như 13 khóa trước đây.

Nhưng khi Quốc hội mới vẫn sinh hoạt như cũ, vẫn một mực cúi đầu nhận lệnh từ Bộ Chính trị thì bà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, sẽ làm được gì hơn người tiền nhiệm Nguyễn Sinh Hùng ?

Hơn nữa, Quốc hội mới sẽ vắng bóng nhiều người tự ứng cử có máu mặt và nổi tiếng trong xã hội nhưng không được lòng đảng. Số 162 người tự ứng cử trong tổng số 1.146 ứng cử viên đã lọt qua vòng hiệp thương thứ nhì đang bị loại dần tại các cuộc “đấu tố” của cái gọi là “hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú” hay “nơi làm việc”

Nạn nhân đợt đầu gồm có Nhà Thơ Bùi Mình Quốc, hai Luật sư trẻ Võ Đôn, Nguyễn Anh Tuấn, Ca sĩ Mai Khôi ( tên thật là Đỗ Nguyễn Mai Khôi), Ca sĩ Lâm Ngân Mai, và Kỹ sư Nguyễn Trang Nhung v.v…

Trường hợp tự ứng cử của Tiến sỹ tranh đấu nổi tiếng Nguyễn Quang A đang được người nước ngoài và giới Ngoại giao Quốc tế ở Hà Nội theo dõi.

Nhưng lấy kinh nghiệm tại các cuộc “đấu tố” để loại bỏ những người đảng không ưa thì không hy vọng gì Tiến sỹ Nguyễn Quang A sẽ được để cho ra tranh cử.

Bằng chứng là ông A đã tố cáo bị vu khống ngay tại nơi ông cư ngụ. Ông cho biết ngày 21/03/2016)” Tổ trưởng tổ dân phố số 13, Phường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội đã phát tán tập tài liệu nói xấu tôi cho các cử tri thuộc tổ dân phố số 13”.

Trong trường hợp Tiến sỹ Nguyễn Quang A được tranh cử thì cũng không chắc sẽ thắng vì kinh nghiệm thất bại cay đắng của Tiến sỹ Lê Kiên Thành, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII năm 2011 đã chứng minh như thế.

Là một kỹ sư hàng không ông Thành không những chỉ là con của một Công thần hàng đầu của đảng mà còn là doanh nhân có tiếng tại Sài Gòn với chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Thái Minh. Ông cũng là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ IX. Thế mà ông vẫn bị cho rớt đài vì ông đã nhiều lần lên tiếng phê bình phải trái với đường lối cai trị độc tài và chính sách kinh tế nửa mùa của đảng.

TRẦN ĐẠI QUANG ĐẾN NGUYỄN XUÂN PHÚC

Người thứ hai mới của nhà nước CSVN là Chủ tịch nước, Đại tướng Công an Trần Đại Quang, sinh ngày 12/10/1956 tại Ninh Bình (miền Bắc). Ông Quang, khác với người tiền nhiệm Trương Tấn Sang, là một chuyên viên ngành an ninh, chuyên sâu trong lĩnh vực tình báo và an ninh nội bộ là tiêu chuẩn hàng đầu để ảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn cho đảng.

Dù ông có học vị Giáo sư, Tiến sỹ luật nhưng chắc gì ông sẽ làm hay hơn những người tiền nhiệm chỉ biết “ngồi chơi xơi nước” như Trương Tấn Sang, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết và Lê Đức Anh ?

Có chăng là với ưu điểm của một người trẻ và am hiểu về an ninh và tình báo như Chủ tịch Nhà nước Nga, Vladimir Putin, tuy quyền hành không bằng, có thể ông đã được bố trí để thay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau này.

Chức vụ sau cùng trong chuỗi lãnh đạo mới là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sinh ngày 20/7/1954 tại xã Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Nam.

Tiểu sử phổ biến nói ông là “Ủy viên Trung ương Đảng 3 khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII.

Trước khi giữ chức Phó thủ tướng (từ tháng 7/2011), ông từng kinh qua nhiều vị trí như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó tổng thanh tra Chính phủ; Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.”

Như vậy sự sắp xếp theo vùng miền trong guồng máy cai trị cao nhất của Việt Nam như một truyền thống bất di dịch đã giải quyết xong cho trong ấm ngoài êm.

Nhưng khi bắt tay vào việc, liệu ông Nguyễn Xuân Phúc, người từng giữ chức Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống Tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, có chống nổi tham nhũng trong guồng máy nhà nước không ?

Nhiều Đại biểu Quốc hội khen nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm được nhiều việc, nhưng vẫn than phiên ông chưa cương quyết tối đa trong công tác diệt tham nhũng. Những Đại biểu nảy nói tham nhũng là tệ nạn nghiêm trọng nên cần phải động viên cả hệ thống lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cùng kiên quyết vào cuộc thì may ra mới giải quyết được.

Họ cũng ta thán ông Dũng để lại nợ công nhiều quá khiến mỗi người dân phải gánh nợ trên 1,000 Dollars.

Nhiều Đại biểu Quốc hội hy vọng ông Phúc sẽ làm khá hơn ông Dũng trong 2 lĩnh vực khó khăn này, nhưng có 2 Đại biểu đã tặng ông Phúc một số bài toán nan giải.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đơn vị Thành phố HCM) nói trước diễn đàn Quốc Hội ngày 1-4-2016 :”Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?" .

“Không phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy cũng biết!”

“Phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải được tự do dân chủ, an toàn, an ninh và công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, đạo đức tốt đẹp. Nhân dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển”

Người thứ hai là Đại biểu Lê Văn Lai, đơn vị Quảng Nam, cùng quê hương với Thủ tướng Phúc.

Ông nói:” Tôi rất ngạc nhiên khi mà trong tất cả báo cáo của Chính phủ, các cấp liên quan hữu quan đánh giá biển Đông của chúng ta là đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia. Trong khi đó người ta biến từ đảo ngầm thành đảo nổi, người ta xây sân bay, người ta kéo pháo hạm, người ta đưa máy bay tiêm kích, người ta o ép dân, cướp bóc, thậm chí là giết dân, người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm chủ quyền như vùng nhận dạng phòng không, như dùng các chuyến bay cắt ngang sân bay… Tôi cố gắng ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia, nói thật với các đại biểu tôi ép không nổi”

Vị Đại biểu nghỉ hưu sau khóa XIII nói tiếp với giọng tha thiết:”Không biết khi nào chúng ta đánh giá xâm phạm chủ quyền quốc gia là những hành vi nào, hệ lụy nào, hành động nào, trong khi đó trước đây người ta xâm phạm chúng ta với tần suất 20 năm một lần. Năm 1956 lấy Đông Hoàng Sa, 1974 lấy Tây Hoàng Sa, năm 1988 lấy đảo Gạc Ma, năm 2014 kéo giàn khoan vào biển Đông và sau đó tần số dài hơn, nhanh hơn, trong vòng cứ một vài năm lại có hành động xâm lấn. Nên chúng ta cứ ngồi đây đánh giá là chúng ta bảo đảm chủ quyền quốc gia, liệu điều đó đúng không?” . (báo Năng Lượng Mới –Petro Times)

Như vậy Liệu bà tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang và tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có giải được những bài toán này từ nay cho đến hết nhiệm kỳ (2016-2021) không ?

Hay các ông bà sẽ “theo gót những người đi trước” để ngồi đó chờ lệnh từ ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có tất cả mọi thứ quyền nhưng chưa bao giờ dám hành động khi chạm đến vấn đề “nhạy cảm với Bắc Kinh”. -/-

Phạm Trần

(04/016)
 
Tình đồng chí đến thế là cùng
Hà Minh Thảo
16:29 06/04/2016
TÌNH ĐỒNG CHÍ, ĐẾN THẾ LÀ CÙNG

Ngày 02.04.2016, Đại tướng công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Nước tại Quốc hội, sau khi được đại biểu cơ quan này chuẩn nhận với 483/494, tức 91,5% hiện diện, có 29 phiếu không đồng ý, chiếm 5,8%. Ông là ứng viên độc diễn được Đảng giới thiệu. Ông đọc lời tuyên thệ ‘tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’. Trước đó hai hôm, ngày 31.03.2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã đọc lời tuyên thệ này trước khi ngồi vào ghế Chủ tịch Quốc hội để yêu cầu các vị đồng viện miễn nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người mà bà tuyên dương ‘luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao’. Lạ thật, trong chế độ cộng sản Việt, được khen như vậy mà bị ‘cất chức’ trong khi chỉ còn hơn 3 tháng là đáo nhiệm như thường lệ. Do việc chuyển giao kỳ này không được êm thắm lắm, bị dư luận phản ứng cho là vi hiến. Thật sự, đó chỉ là hậu quả của cuộc đấu đá nội bộ và thanh toán giữa các đảng viên ‘chóp bu’.

I./ TRANH CHẤP NỘI BỘ ĐẢNG.

A. Loại trừ một đối thủ nặng ký.

1.) Tiên đoán lịch sử.

Ngày 14.07.2000, tại Washington D.C., đại diện hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương Mỹ-Việt (US-VN Bilateral Trade Agreement, BTA) sau nhiều vòng đàm phán. Ngày 13.02.2001, đêă chuẩn bị cho Quốc hội Hoa kỳ thông qua Thương ước, Ủy ban Hoa kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cơ quan có nhiệm vụ cố vấn Hành pháp và Lập pháp về tình trạng vi phạm Tự do Tôn giáo trên thế giới qua các bản báo cáo thường niên, đã mời nhiều tín hữu các tôn giáo đến góp ý bằng trả lời ba câu hỏi :
- Thực trạng các Tôn giáo tại Việt Nam vào đầu ngàn năm thứ Ba,
- Quốc hội Hoa kỳ có nên phê chuẩn Hiệp ước Thương mại song phương (BTA) với Việt Nam vào mùa xuân 2001 không? Việc nầy có ảnh hưởng thế nào đến Tự do Tôn giáo tại Việt Nam?
- Hoa kỳ làm thế nào để giúp Việt Nam được có Tự do Tôn giáo thật sự trước mắt và lâu dài?

Các thuyết trình viên đều trả lời câu 1 và 3, nhưng Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, đã đáp cả câu số 2 mang tính tiên tri như sau :

1. Việt-Nam cần Hiệp ước Thương mại song phương để phát triển kinh tế;
2. Khi còn sự cai trị độc đoán thì sự trợ giúp của các nước chỉ lợi cho thiểu số để áp bức đa số lâu dài thêm;
3. Kinh nghiệm cho thấy nhà nước Việt-Nam sẵn sàng ký kết các thỏa ước nhưng rồi không thi hành;
4. Ký kết các hiệp ước về Nhân quyền, chánh quyền Việt-Nam chỉ muốn lừa cộng đồng quốc tế;
5. Nếu các nước có thương Dân tộc bất hạnh chúng tôi thì hãy tìm cách gây sức ép để Dân Việt sớm có dân chủ thực sự.

Sau khi lưỡng viện Lập pháp biểu quyết chấp thuận BTA, ngày 17.10.2001, Tổng thống George W. Bush ký ban hành Hiệp định này. Sau đó, một lần nữa, Hoa kỳ đã bị Việt cộng gạt (hay biết bị gạt mà vẫn biểu quyết ‘thuận’ vì lợi ích cá nhân hay tập thể) bằng tin lời hứa về Nhân quyền để Dân Việt sớm có dân chủ thực sự hầu Việt Nam được thu nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO, World Trade Organization) từ ngày 11.01.2007.

2.) Thủ tướng 2 nhiệm kỳ trừ 2 tháng.

Nhậm chức Thủ tướng ngày 27.05.2006 và tái đắc cử ngày 25.07.2011, ông Nguyễn Tấn Dũng đã hưởng tất cả những thành quả từ Hiệp định Thương mại song phương Mỹ-Việt và, từ đó, các nhóm lợi ích được ra đời đúng như tiên đoán trên của Linh mục Nguyễn Văn Lý. Vì nói lên Sự Thật, Cha phải suốt đời ở tù và bị chụp mũ ‘làm chính trị’ bởi nhiều giáo sĩ tự cho ‘không làm chính trị’.

[Cách nay 10 năm, ngày 08.04.2006, Khối 8406 loan truyền ‘Tuyên ngôn Tư do Dân chủ cho Việt Nam 2006’ ký bởi 118 công dân Việt Nam, trong đó có Linh mục Nguyễn Văn Lý và 14 Linh mục khác : http://www.tdngonluan.com/. Xin chúc mừng và hiệp thông cầu nguyện.]
Trong khi đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ bước lên ngai Tổng Bí thư đảng cộng sản ngày 19.01.2011 và là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Nhận chức trong khi ông Dũng quá mạnh, ông Trọng bị ‘lép vế’, từ trước tới nay, Tổng Bí thư Đảng là ‘vua’ trong nước, nhưng, Thủ tướng Dũng lấn quyền ‘vua’ trong cũng như ngoài nước. Những vụ Vinashin lẫn Vinalines ‘sập tiệm’, tiền vào túi ai thì các đảng viên đều biết, nhưng không ai dám tố ra vì ‘đánh con chuột đừng để vỡ bình’ như Tổng Trọng từng tuyên bố, với ngụ ý chỉ diệt tham nhũng nhưng đừng làm bể Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần 6 ngày 01.10.2012, sau khi Bộ Chính trị Đảng vừa có phiên họp tuần qua để duyệt lại kết quả kiểm điểm, chỉnh đốn Đảng, nhằm trình lên Ban chấp hành Trung ương lần họp này. Biến cố được nhiều người lưu ý vì diễn ra trong bối cảnh đặc biệt sau đợt phê và tự phê vừa được triển khai trong toàn bộ hệ thống Đảng và những vụ bắt các nhân vật trong giới ngân hàng được cho là gần với Thủ tướng Dũng và nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (điển hình là Vinashin, Vinalines) hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chiến dịch chỉnh đốn Đảng do Tổng Bí thư Trọng phát động được xem như dấu chỉ cho một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ cấp cao nhất của Đảng. Nhân dịp này, 175 ủy viên Trung ương Đảng cũng bàn về cải cách doanh nghiệp nhà nước, sở hữu đất đai, tình hình kinh tế-xã hội, v.v... Ngày 17.10.2012, khi tiếp xúc cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói về quyết định không kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị, mà ông gọi là 'đồng chí X'. Do đó, từ đây, danh xưng ‘đồng chí X’ được dùng để chỉ Thủ tướng Dũng.

Từ năm 2015, nhiền tin đồn việc ông Nguyễn Tấn Dũng có nhiều triển vọng trở thành không những là Tổng Bí thư Đảng mà còn kiêm Chủ tịch nước như Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng vì không được Tàu ủng hộ, nên ngày 25.01.2016, Đại hội 12 đã đồng ý cho 29 ứng cử viên (23 chính thức và 6 dự khuyết) rút khỏi danh sách đề cử và đã được Đại hội đồng ý. Trong số đó có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, … Như vậy, chỉ còn một mình Nguyễn Phú Trọng tái cử chức Tổng Bí thư. Nói dối đến thế là cùng khi ông cho biết rất ngạc nhiên, không ngờ được tái cử ở tuổi 72, quá với tuổi qui định phải về hưu, nhưng là đảng viên, ông ‘đành phải chấp nhận sự phân công của Đảng’. Sau đó, để bác bỏ những chỉ trích về chế độ độc tài toàn trị của đảng Cộng sản, ông nói ‘chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách dân chủ hơn hẳn một số nước có phổ thông đầu phiếu, nhân danh dân chủ nhưng cá nhân quyết định cả và tự mãn Việt Nam ‘dân chủ đến thế là cùng’.

Chưa thỏa mãn sự trả thù đối với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nên khi Tổng thống Mỹ mời nguyên thủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, Associaton of Southeast Asian Nations) họp thượng đỉnh với Hoa kỳ các ngày 15 và 16.02.2016, tại Sunnylands, California, thoạt đầu, Tổng Trọng muốn cử Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là Trưởng đoàn. Nhưng, rất tiếc, ông này không xứng đáng để dự thượng đỉnh, nên Tổng thống Mỹ yêu cầu Việt Nam phải để ông Dũng làm Trưởng đoàn và ông Trọng phải nhượng bộ. Gặp Tổng thống Barack Obama, ông Dũng mời vị này sang thăm Việt Nam và chỉ thị ông Phạm Bình Minh phối hợp với Hành pháp Mỹ để chuẩn bị cuộc công du dự trù vào tháng 05/2016.

Do không muốn thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón Tổng thống Obama khi đến Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng ra lịnh cho Quốc hội trong phiên họp kỳ 11 ngày 21.03.2016 phải ấn định ngày để bãi nhiệm ông Dũng và đám ‘đảng cử dân bầu’ này phải vâng lời chọn chiều ngày 06.04.2016 để thực hiện việc chọn ứng cử viên vào chức này và, ngày 07.04.2016, sẽ tổ chức bầu mà chúng ta đã biết người sẽ được đắc cử là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bình thường, sau khi Đại hội Đảng bầu ‘Tứ Trụ’ thì Tổng Bí thư nhận ngay chức vụ. Ba vị khác chờ Quốc hội mới sẽ bầu vào ngày 22.05.2016, sau đó và sẽ họp phiên đầu vào tháng 7 để chuẩn nhận 3 chức vụ còn lại. Bất ngờ, lịnh miễn nhiệm được ban hành, đại biểu Quốc hội phải thi hành trước sự bất lực của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng.

3.) Việt Nam cộng sản không theo thể chế dân chủ.

Việc Nguyễn Phú Trọng tự mãn Việt Nam ‘dân chủ đến thế là cùng’ xác nhận lời ông Nguyễn Văn Thiệu ‘Đừng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm’. Sau khi được tái cử, lợi dụng điều 4 Hiến pháp, ông trở thành một Vua trong chế độ quân chủ. Từng tuyên bố Cương lĩnh Đảng có giá trị hơn Hiến pháp và Đảng là ông thì phải biết Hiến pháp chỉ để qua mặt quốc tế. Tuy thế, vẫn có những nhân vật (đại biểu Quốc hội, nhà báo… ) tranh luận về vi phạm Hiến pháp, bộ luật cơ bản, có hiệu lực cao nhứt.

Miễn nhiệm là gì ? Theo Quy định số 260-QĐ/TW ngày 02.10.2009 của Bộ Chính trị, do Trương Tấn Sang ký, điều 2 Giải thích từ ngữ. Vấn đề ‘miễn nhiệm’ cán bộ được định nghĩa nguyên văn như sau: ‘Miễn nhiệm’ là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tíùn nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên’. Như vậy, các ông Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng đã vi phạm những điều đã ghi trong Quy định này ?

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giới Thiệu Sách Mới “Đạo Đức Sinh Học Và Những Thách Đố Hiện Nay” Của Linh Mục Phêrô Trần Mạnh Hùng.
VietCatholic Network
23:49 06/04/2016
Các khía cạnh liên quan đến đạo đức sinh học, chẳng hạn, tế bào gốc, ngừa thai, phá thai, án tử hình, v.v. đang là đề tài của nhiều cuộc tranh luận. Người ta bàn cãi vì đây là những vấn đề hết sức phức tạp về khía cạnh khoa học và nhất là khía cạnh luân lý.

Những cuộc bàn cãi này tuy diễn tả được nỗ lực của nhiều người trong việc tìm kiếm sự thật, nhưng để lại trong lòng nhiều người những nghi vấn và tình trạng hoang mang. Cuốn sách “ĐẠO ĐỨC SINH HỌC VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ HIỆN NAY” của Linh mục Tiến sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng là một đóng góp hữu ích để soi sáng cho những vấn nạn đang được bàn cãi. Cuốn sách có 5 chương, bàn về : Cái chết của bộ não, Tế bào gốc, Ngừa thai, Phá thai, Chết êm dịu, Đời sống hôn nhân gia đình.

Qua 5 chương của cuốn sách, tác giả cung cấp rất nhiều thông tin về các khía cạnh khoa học và luân lý. Về các khía cạnh khoa học, tác giả trình bày những vấn đề chuyên môn cách đơn giản, giúp cho độc giả không có nhiều kiến thức chuyên môn cũng có thể hiểu được vấn đề. Về phương diện luân lý, tác giả cung cấp nhiều thông tin về ý kiến của nhiều nhà thần học thuộc các khuynh hướng khác nhau và cũng trình bày giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến vấn đề. Độc giả sẽ thấy tác giả không chỉ kê khai tư tưởng của các nhà thần học, mà còn có những nhận xét và suy tư về các tư tưởng thần học đã trình bày. Đây là phần đóng góp rất đáng trân trọng của tác giả.

Qua những ý kiến của các nhà thần học trong cuộc tranh luận về lựa chọn luân lý của các vấn đề, người ta thấy có những ý kiến không đồng thuận và có khi còn đối nghịch với Huấn quyền của Giáo Hội. Ngay giữa các nhà thần học, người ta cũng không tìm được sự đồng thuận về các lý do và hướng giải quyết cho các vấn đề. Tình trạng này không giúp ích cho đời sống Đức tin của đoàn Dân Chúa vì gây hoang mang và nghi nan. Người ta hỏi: “Toàn là những nhà thông thái cả, tại sao lại có những cái nhìn, những phán đoán khác nhau và trái nghịch nhau như vậy?”

Tình trạng khác biệt trong các ý kiến thần học có thể xảy ra vì tính cách giới hạn của lý trí con người. Những khám phá của ngành sinh học cống hiến những kiến thức mới, nhiều và ô tạp, còn ngành y học thì phát minh ra nhiều loại thuốc mới, nhiều phương pháp chữa trị mới, những thông tin về các thí nghiệm khoa học được công bố với nhịp độ chóng mặt, đến độ người ta không kịp tìm hiểu rõ ràng và phân định tính chất tốt, xấu của chúng. Đàng khác, sự sống và sức khỏe của con người luôn liên quan đến nhiều giá trị. Trong các giải quyết, người ta không thể thực hiện được tất cả mọi giá trị liên hệ, nhưng phải chọn lựa một số giá trị và hy sinh các giá trị khác. Vấn đề không chỉ là chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, nhưng là chọn lựa một trong hai hay nhiều giá trị (tốt). Sự lựa chọn tùy thuộc vào giá trị ưu tiên mỗi người đặt ra trong hệ thống suy tư của mình. Khi người ta có giá trị ưu tiên khác nhau thì dĩ nhiên các giải pháp được đề nghị cũng khác nhau.

Lý do thứ hai của tình trạng là nguồn gốc của tư tưởng. Suy tư của một người không phải là một sự kiện riêng rẽ, nhưng bị chi phối bởi nhiều yếu tố. David Bohm, trong cuốn sách “Thought as a System”, được Nhà xuất bản “Tri thức” dịch và xuất bản với tựa đề “Tư duy như một hệ thống” cho thấy suy tư của một người bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: ý tưởng, tình cảm, kinh nghiệm sống và những yếu tố chất chứa trong tiềm thức. Do đó, nhiều khi người ta cho là mình suy nghĩ cách khách quan, tức là nhận thức và phán đoán cách trung thực, nhưng trong thực tế, người ta lại hết sức chủ quan. Trong cả hai tác động nhận thức và phán đoán, người suy tư bị chi phối bởi những tình cảm thầm kín, tiên kiến, tham vọng, ước muốn, v.v. nhiều khi ẩn nấp trong tiềm thức. Chẳng hạn, trong lý luận của nhiều tư tưởng thần học, người ta có thể thấy ẩn tàng những ý tưởng coi việc hưởng thụ tính dục và tránh đau khổ như những giá trị ưu tiên, hầu như tuyệt đối, chi phối tất cả các giá trị khác liên quan đến sự sống và sức khỏe.

Về việc hưởng thụ tính dục, nhất là trong hôn nhân, người ta coi đây là giá trị ưu tiên vì là yếu tố quyết định để đời sống hôn nhân được hài hòa. Tư tưởng này không đứng vững trong bối cảnh văn hóa Việt Nam và trong kinh nghiệm sống Đức Tin của nhiều tín hữu. Câu chuyện “Thiếu phụ Nam Xương” và câu nói “Ở vậy thờ chồng nuôi con” v.v., được nhiều người thực hiện, diễn tả mẫu người sống động trong tâm thức dân gian và được mọi người cảm phục. Kinh nghiệm mục vụ cũng cho thấy rất nhiều tín hữu hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, cả khi nhiều năm không hưởng thụ thú vui dục tính vì chồng/vợ đau yếu. Rõ ràng là hưởng thụ thú vui dục tính là yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định cho hạnh phúc trong đời sống gia đình và ngay cả đời sống riêng tư. Có lần tôi hướng dẫn một nhóm trẻ người Italia, trong đó có một số bạn là vợ chồng, hành hương Fatima. Một anh có gia đình, khi bàn hỏi linh hướng, đã chia sẻ là trong những ngày ở Fatima, hai vợ chồng đã thỏa thuận không ăn ở với nhau như vợ chồng và anh cho biết: “Con cảm thấy người thanh tao hơn, nhậy cảm hơn với Elisabetta (tên người vợ), bớt hờn dỗi với nhau hơn”.

Đối với một kitô hữu, một số yếu tố quan trọng cần phải giữ như điểm tựa trong suy tư và lựa chọn luân lý cho cuộc sống. Yếu tố thứ nhất là bản tính con người bị ô nhiễm bởi tội nguyên tổ nên rất yếu đuối và các bản năng tự nhiên dễ dàng lệch lạc, không quân bình. Các giá trị luân lý cần phải được lựa chọn trong bối cảnh của thực tại này. Yếu tố thứ hai là ơn cứu độ của Chúa Kitô qua mầu nhiệm Thập giá. Các lựa chọn luân lý trong cuộc sống phải được nhìn trong ánh sáng của mầu nhiệm Thập giá và như vậy, mới thăng tiến con người. Chính vì lý do này mà thánh Phaolô đã tuyên bố: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cor 1,22-25).

Trong cuộc sống, mỗi kitô hữu là một chứng nhân của Chúa Kitô, với sứ mệnh “muối cho đời” và “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,12-13). Sứ mệnh này, mỗi kitô hữu thực hiện qua những lựa chọn trong cuộc sống hằng ngày. Như vậy, nhờ những lựa chọn luân lý trong viễn tượng ơn cứu độ của Chúa Kitô và sứ mệnh là chứng nhân của Chúa, mỗi kitô hữu sẽ vươn lên khỏi chính mình và trong khi chu toàn sứ mệnh trong những lựa chọn luân lý hằng ngày, người tín hữu của Chúa Kitô đúng là một anh hùng, mà theo sách Khải Huyền, họ là đoàn người đông đảo không thể đếm nổi: “Tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế... Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.” (Kh 7,9.10-17).

Chúng ta cầu mong là cuốn sách “Đạo Đức Sinh Học và những Thách Đố Hiện Nay” của Linh mục Tiến sĩ Trần mạnh Hùng sẽ khích lệ nhiều người trong việc tìm hiểu các giá trị đích thực của cuộc đời theo ánh sáng Tin Mừng và nhất là can đảm sống theo Tin Mừng để trở thành chứng nhân của Chúa trong những lựa chọn hằng ngày.

Ngày 10 tháng 9 năm 2015

+ Giuse Đinh Đức Đạo Giám mục Phó Giáo phận Xuân Lộc
Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công Giáo.


Điạ chỉ liên lạc để đặt mua sách:
Sr. Clara Nguyễn Thị Kim Soa
Nhà Sách Đức Bà,
01 Công Xã Paris,
Quận 1, Saigon
Mob: 0979 454 576
Email: clarakimsoa@gmail.com

 
Thông Báo
Phân ưu: LM Đaminh Mai ngọc Lợi, bào huynh của ĐC Mai Thanh Lương, qua đời tại Kontum
VietCatholic
16:03 06/04/2016
PHÂN ƯU:
Chúng tôi mới nhận được tin buồn

Linh mục ĐAMINH MAI NGỌC LỢI
đã an nghỉ trong Chúa vào lúc 7 giờ 15 sáng Thứ Tư, ngày 06 tháng 4 năm 2016, tại Giáo Xứ Đức Hưng.
Hưởng thọ 90 tuổi.

Cha Cố Đaminh Mai Ngọc Lợi (là anh của Đức Cha Mai thanh Lương)
Sinh ngày 01 tháng 11 năm 1926 tại Ninh Cường, Bùi Chu
Thụ phong linh mục ngày 23.9.1957, tại Sài Gòn
Cha Sở Giáo Xứ Đức Hưng (từ 1957 đến nay), thuộc xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gialai, Giáo Phận Kontum

Nghi Lễ Nhập Quan lúc 9giờ00 sáng Thứ Năm, ngày 07 tháng 4 năm 2016 tại Nhà Thờ Đức Hưng
Thánh Lễ An Táng vào lúc 9giờ00 sáng Thứ Ba, ngày 12 tháng 4 năm 2016 Tại Nhà Thờ Đức Hưng, xã Thăng Hưng,
huyện Chư Prông, tỉnh Gialai, thuộc hạt Chư Prông, Giáo Phận Kontum.

Ban Giám Đốc và toàn thể anh chị em thuộc mạng lưới VietCatholic
xin chân thành chia buồn với Đức Cha Mai Thanh Lương và gia quyến

Xin Thiên Chúa đầy lòng thương xót đón linh hồn cha cố Đaminh vào cõi trường sinh
và niềm hy vọng vào sự sống lại nơi Đức Kitô là sức mạnh của chúng ta.
Lm Giám đốc và toàn Ban VietCatholic thành kính phân ưu

 
Văn Hóa
Lý mười thương
Lê Đình Thông
08:56 06/04/2016
Lý Mười Thương
(Mt 5, 2-12)

Một thương nghèo khó kiếp người
Đời sau hưởng phước Nước Trời vô song
Hai thương nước mắt lưng tròng
Thánh thần là đấng thật lòng ủi an
Ba thương khiêm tốn ngập tràn
Gia tài đất hứa Thiên đàng phúc vinh
Bốn thương đói khát công bình
Tâm hồn no đủ hành trình âu ca
Năm thương lòng dạ xót xa
Giêsu lân tuất yêu ta thật lòng
Sáu thương cuộc sống trinh trong
Thiên nhan gặp gỡ tấc lòng vui tươi
Bảy thương chín bỏ làm mười
Bắt tay hòa giải có người có ta
Tám thương Thập giá hai vai
Sau này hưởng phước thiên thai cõi trời
Chín thương thương xót một đời
Thân con khốn khó chơi vơi một mình
Mười thương kiếp sống tội tình
Kitô là đấng lòng lành xót thương.

Giáo Xứ VN Paris, ngày 05/04/2016

Lê Đình Thông
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Con Đường Mùa Xuân
Vũ Đình Huyến, Lm
18:02 06/04/2016
CON ĐƯỜNG MÙA XUÂN
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)
Xuân tình nở thắm muôn nơi
Tràn muôn phước cả xuống đời nhân gian
Hương xuân phơi phới nồng nàn
Tỏa lên bát ngát trần hoàn nồng say
Tạ ơn Chúa cả đầu ngày
Ban cho trời đẹp hôm nay tuyệt vời.
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 31/03– 06/04/2016: Hãy làm hòa cùng Thiên Chúa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
09:58 06/04/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, trong nghi thức tôn vinh Thánh Giá, cha Raneiro Cantalamessa, là giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng đã trình bày trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma một bài giảng rất súc tích với những suy tư sâu xa về Thần Học.

Chúng tôi xin mạn phép dành chương trình hôm nay để giới thiệu toàn văn bài giảng của ngài.

Mở đầu bài giảng, ngài đã nhắc lại một đoạn trong thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gở các tín hữu thành Côrintô khích lệ các tín hữu làm hòa cùng Thiên Chúa.

Thiên Chúa.. qua Đức Kitô cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải… Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Vì Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ (2Cor 5: 18-6: 2)

Những lời này là từ thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Corinto. Lời mời gọi này của vị tông đồ không nói về sự hòa giải lịch sử giữa Thiên Chúa và loài người (như chúng ta vừa nghe, đã xảy ra “nhờ Đức Kitô” trên thập giá); cũng không phải là sự hòa giải bí tích diễn ra trong bí tích Rửa Tội hay trong bí tích Hòa Giải, nhưng là sự hòa giải hiện sinh và cá vị cần được thực hiện trong hiện tại. Lời mời này được gửi đến các tín hữu Kitô đã được rửa tội sinh sống tại thành Corinto và đã thuộc về Giáo Hội trong một thời gian; vì thế lời mời gọi ấy cũng nhắm đến chúng ta. Và thời điểm thuận tiện hiện nay đối với chúng ta là Năm Thánh Lòng Thương Xót mà chúng ta đang sống.

Theo cha Raneiro Cantalamessa, con người qua dòng lịch sử nhân loại đã có một hình ảnh rất méo mó về Thiên Chúa khiến cho họ xa lìa niềm tin tôn giáo. Ngài nói:

Nhưng đâu là ý nghĩa của sự hoà giải này với Thiên Chúa trong chiều kích hiện sinh và tâm lý của nó? Một trong những căn nguyên, và có lẽ là căn nguyên chính, dẫn con người ngày nay tới sự xa lìa niềm tin tôn giáo là hình ảnh méo mó của họ về Thiên Chúa. Đâu là “tiên kiến” về Thiên Chúa trong tiềm thức của phần đông con người? Để tìm ra điều đó, chúng ta chỉ cần đặt ra câu hỏi này: “Những ý tưởng nào, những từ ngữ nào, những cảm giác nào tự phát xuất hiện trong đầu bạn khi bạn đọc những lời này trong Kinh Lạy Cha, ‘Xin cho ý Cha thể hiện’”?

Người ta thường đọc kinh này đầu cúi xuống trong một sự thoái lui nội tâm, chuẩn bị chính mình cho điều tệ hại nhất. Người ta liên kết một cách vô thức ý muốn của Thiên Chúa với mọi thứ không thoải mái và đau đớn; và với điều có thể được xem như là một cái gì đó huỷ diệt sự tự do và phát triển cá nhân. Đó là một điều gì đó như thể Thiên Chúa là kẻ thù của mọi tiệc tùng, niềm vui, và thú vui – một Thiên Chúa tra xét hà khắc.

Những hình ảnh méo mó này về Thiên Chúa dẫn con người đến sự sợ hãi Ngài và ngay cả cái thái độ muốn nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Cha Raneiro Cantalamessa phân tích điều này như sau:

Thiên Chúa được xem như một Hữu Thể Tuyệt Đối, một Đấng Toàn Năng, Chủ tể của thời gian và lịch sử, nghĩa là, một thực thể tự khẳng định mình trên mọi cá nhân từ bên ngoài; không một chi tiết nào của đời sống con người thoát khỏi thực thể ấy. Sự vi phạm lề luật do Ngài thiết đặt sẽ dứt khoát tạo ra một hỗn loạn đòi hỏi một sự sửa chữa cân xứng mà con người phàm trần biết rằng họ không thể thực hiện nổi. Đây là căn nguyên của sự sợ hãi và đôi khi tiềm tàng một sự thù hận ngược lại với Thiên Chúa. Đó là một vết tích của ý tưởng dân ngoại về Thiên Chúa chưa bao giờ được xoá bỏ hoàn toàn, và có lẽ chẳng thể nào xoá bỏ được, khỏi tâm hồn con người. Bi kịch Hy Lạp dựa trên khái niệm này: Thiên Chúa là Đấng can thiệp [vào đời sống con người] bằng sự trừng phạt thần linh nhằm tái lập lại trật tự đã bị phá vỡ bởi sự dữ.

Ngay cả các Kitô hữu cũng không hiểu Lòng Thương Xót của Thiên Chúa một cách đúng đắn. Cha Raniro nhận xét rằng:

Tất nhiên trong Kitô Giáo lòng thương xót của Thiên Chúa chẳng bao giờ bị xem thường! Nhưng nhiệm vụ của lòng thương xót chỉ là nhằm giảm bớt một chút những sự nghiêm khắc cần thiết của công lý. Đó là một ngoại lệ, chứ không phải là một quy tắc. Năm Thánh Lòng Thương Xót là một cơ hội bằng vàng để khôi phục lại hình ảnh của Thiên Chúa theo Kinh Thánh theo đó Ngài là Đấng không chỉ có lòng thương xót mà còn là lòng thương xót.

Sự khẳng định mạnh mẽ này dựa trên sự thật là “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8, 16). Chỉ trong Ba Ngôi, Thiên Chúa mới là tình yêu mà không phải là lòng thương xót. Chúa Cha yêu thương Chúa Con không phải là một ân sủng hay một sự nhân nhượng, đó là một sự cần thiết; Chúa Cha cần phải yêu để hiện hữu như là Cha. Chúa Con yêu Chúa Cha không phải là một lòng thương xót hay một ân sủng; đó là một sự cần thiết ngay cả khi điều ấy xảy ra với sự tự do tột độ nhất; Chúa Con cần phải được yêu thương và yêu thương để là Con. Điều tương tự có thể được nói về Chúa Thánh Thần Đấng là tình yêu như một ngôi vị.

Chính khi Thiên Chúa tạo thành trời đất và con người tự do trong đó, thì tình yêu, về phía Thiên Chúa, thôi không là bản chất nữa nhưng trở nên ân sủng. Tình yêu này là một sự nhân nhượng tự nguyện; nó là sự quảng đại, ân sủng và thương xót. Tội lỗi của nhân loại không làm thay đổi bản chất của tình yêu này nhưng làm cho tình yêu này biến thành một bước nhảy vọt về chất: lòng thương xót như là một ân ban giờ đây trở thành lòng thương xót như là sự tha thứ. Tình yêu từ việc là một ơn huệ đơn giản trở thành một tình yêu chịu đau khổ vì Thiên Chúa đau khổ khi tình yêu của Ngài bị khước từ. “ĐỨC CHÚA đã phán: ‘Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta (Is 1:2). Hãy cứ hỏi những bậc cha mẹ là những người kinh qua sự khước từ của con cái họ liệu việc ấy có gây đau khổ hay không – hay nó là một trong những đau khổ dữ dội nhất trong cuộc đời.

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thường được hiểu sai là sự châm chước cho tội lỗi của nhân loại, sự lơ là công lý, hay thậm chí là một sự tháo thứ cách nào đó về mặt đạo đức. Có đúng như thế không? Cha Raneiro nói:

Thế còn công lý của Thiên Chúa thì sao? Liệu nó có bị lãng quên hay bị xem thường không? Thánh Phaolô trả lời câu hỏi này một lần và cho tất cả. Thánh Tông Đồ bắt đầu lời lý giải của Ngài trong Thư Gửi Tín Hữu Rôma với tin này: “Giờ đây sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện” (Rm 3:21). Chúng ta có thể hỏi, kiểu công chính này là gì? Đó có phải là kiểu công chính “unicuique suum”, ai làm người nấy chịu, và thưởng phạt phân minh theo như việc họ làm không? Dĩ nhiên sẽ đến một lúc nào đó kiểu công chính thánh này được thể hiện và trao cho con người điều mà họ xứng đáng. Thực ra, trước đó không lâu trong Thư Rôma vị tông đồ viết rằng Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm; những ai kiên trì làm việc thiện để mưu tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời; còn những ai ngạo mạn không vâng phục chân lý và chạy theo điều ác, thì Người sẽ nổi trận lôi đình, trút cơn thịnh nộ xuống đầu họ (2:6-8).

Nhưng, cha Raneiro khẳng định rằng Thiên Chúa bày tỏ sự công chính và công lý của Ngài bằng việc có lòng thương xót. Vị giảng thuyết phủ Giáo Hoàng phân tích như sau:

Nhưng Thánh Phaolô không nói về kiểu công lý này khi Ngài viết, “Giờ đây sự công chính của Thiên Chúa được thể hiện”. Kiểu công lý đầu tiên mà Ngài nói tới có liên hệ đến một biến cố tương lai, nhưng cái biến cố khác này đang diễn ra ngay “bây giờ”. Nếu không, thì lời tuyên bố của Thánh Phaolô sẽ là một khẳng định ngớ ngẩn trái ngược với các dữ kiện. Trên quan điểm về công lý phân minh, sẽ chẳng có thay đổi nào trong thế giới này với sự ngự đến của Đức Kitô. Jacques-Bénigne Bossuet nói rằng chúng ta tiếp tục thấy tội lỗi thường xuyên lên ngôi và người vô tội thì ở trên giàn giá. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng, mặc dù thất thường, đời này đôi lúc vẫn có một số kiểu công lý và một số trật tự nào đó, làm cho điều ngược lại xảy ra, và người vô tội được lên ngôi còn kẻ tội lỗi thì ở trên giàn giá.[1] Ý tưởng mới do đức Kitô mang đến không chứa đựng ý nghĩa xã hội và lịch sử này. Chúng ta hãy nghe vị tông đồ nói:

Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban cách nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính. (Rom 3:23-26)

Thiên Chúa bày tỏ sự công chính và công lý của Ngài bằng việc có lòng thương xót! Đây là một mạc khải lớn. Vị tông đồ nói Thiên Chúa “là công minh và công chính”, nghĩa là, Ngài công minh với chính mình khi Ngài công chính hoá nhân loại; Ngài thực ra là tình yêu và lòng xót thương, vì lý do ấy mà Ngài công minh đối với chính mình – vì Ngài thực sự cho thấy Ngài là ai – khi Ngài có lòng thương xót.

Nhưng chúng ta không thể hiểu gì về điều này nếu chúng ta không biết chính xác thành ngữ “sự công chính của Thiên Chúa” có nghĩa là gì. Có một mối nguy này, là người ta có thể nghe về sự công chính của Thiên Chúa mà không biết ý nghĩa của điều đó, cho nên, thay vì được khích lệ thì họ lại đâm ra sợ hãi. Thánh Augustinô đã giải thích ý nghĩa của thành ngữ này một cách rõ ràng nhiều thế kỷ trước: “‘Sự công chính của Thiên Chúa’ là điều mà qua đó chúng ta được trở nên công chính, cũng như ‘ơn cứu độ của Thiên Chúa’ [x. Tv 3:8] có nghĩa là ơn cứu độ mà qua đó Ngài cứu chúng ta”.[2] Nói cách khác, sự công chính của Thiên Chúa là điều mà qua đó Thiên Chúa làm cho những người tin vào Con của Ngài là Chúa Giêsu trở nên là những người mà Ngài có thể chấp nhận được. Không phải là thực thi công lý nhưng là làm cho người ta nên công chính.

Luther xứng đáng được tuyên dương vì mang sự thật này trở lại khi ý nghĩa của nó đã bị phôi pha qua nhiều thế kỷ, ít nhất là trong việc rao giảng Kitô Giáo, và đây là điều trên hết Kitô Giáo mắc nợ cuộc Cải Cách, sẽ được kỷ niệm 500 năm vào năm tới. Nhà cải cách sau này viết rằng khi ông khám phá ra điều này, “Tôi cảm thấy tôi hoàn toàn được tái sinh lần nữa và đã đi vào chính thiên đàng qua những cánh cửa mở”.[3] Nhưng cả Thánh Augustinô lẫn Luther đều đã không phải là những người đầu tiên giải thích khái niệm “sự công chính của Thiên Chúa” như thế; Kinh Thánh đã thực hiện điều đó từ lâu:

Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới (Titô 3:4-5).

Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! (x. Ep 2:4-5).

Do đó, nói rằng “sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện” thì giống như nói rằng sự tốt lành của Thiên Chúa, tình yêu của Ngài, lòng thương xót của Ngài, đã được tỏ lộ. Công lý của Thiên Chúa không những không mâu thuẫn với lòng thương xót của Ngài nhưng chứa đựng chính xác nơi lòng thương xót!

Điều gì đã xảy ra trên thập giá quan trọng đến nỗi giải thích được sự thay đổi triệt để trong số phận của nhân loại? Trong tập sách của Ngài về Giêsu thành Nagiarét, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 viết, “Điều vốn dĩ là sai, đó là thực tại về sự dữ, không thể chỉ đơn giản là lờ đi. Không thể để nó như thế được! Nó phải được giải quyết; nó phải được khắc phục. Chỉ như vậy mới có thể xem là lòng thương xót đích thực. Và sự kiện là Thiên Chúa giờ đây tự mình đương đầu với sự dữ bởi vì con người không thể đối phó nổi – chính điều đó cho thấy sự tốt lành ‘vô điều kiện’ của Thiên Chúa”.[4]

Thiên Chúa không hài lòng với việc đơn thuần tha thứ tội lỗi của con người; Ngài đã đi xa vô hạn hơn điều ấy: Ngài đã gánh lấy những tội lỗi này lên chính bản thân Ngài, Ngài tự mình gánh lấy những tội lệ đó. Thánh Phaolô nói Con Thiên Chúa “đã trở nên tội lỗi vì chúng ta”. Thật là một tuyên bố gây bàng hoàng! Ở thời Trung Cổ, một số người thấy thật khó để tin rằng Thiên Chúa lại đòi hỏi cái chết của Con Ngài để hoà giải thế giới với chính Ngài. Thánh Bênađô đã trả lời cho điều này khi nói, “Điều làm hài lòng Thiên Chúa không phải là cái chết của Đức Kitô mà là ý chí tự nguyện hy sinh của Đức Kitô”: “Non mors placuit sed voluntas sponte morientis.”[5] Do đó, không phải là sự chết, mà là tình yêu cứu chúng ta!

Tình yêu của Thiên Chúa chạm tới nhân loại ở điểm xa nhất lèo lái họ trong cuộc chạy trốn khỏi Ngài, là sự chết. Cái chết của Đức Kitô cần thiết để thể hiện cho mọi người thấy bằng chứng tối thượng về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. Đó là lý do vì sao mà cái chết của Ngài không có cả chút riêng tư nhất định nào nhưng xảy ra trong khung cảnh là giữa cái chết của hai tên trộm. Ngài muốn vẫn là một người bạn với các tội nhân cho đến tận cùng, vì thế mà Ngài chết giống như họ và cùng với họ.

Cha Raneiro nhận xét tiếp rằng:

Đã đến lúc chúng ta cần nhận thức rằng đối nghịch với lòng thương xót không phải là công lý nhưng là sự trả thù. Chúa Giêsu không đặt lòng thương xót đối kháng với công lý nhưng là đối kháng với luật trả thù trả oán: “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21:24). Trong khi tha thứ cho các tội nhân, Thiên Chúa không chối bỏ công lý nhưng Ngài chống lại sự trả thù; Ngài không muốn cái chết của tội nhân nhưng muốn người ấy hoán cải và được sống (x. Ed 18:23). Trên thập giá, Chúa Giêsu không xin Cha Ngài báo thù cho mình.

Lòng thù hận và sự tàn bạo của các cuộc tấn công khủng bố trong tuần này ở Brussels giúp chúng ta hiểu được quyền năng chí thánh trong những lời sau cùng này của Đức Kitô: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:24). Lòng thù hận của con người có đi xa đến đâu, thì tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn luôn có ở đó, và sẽ lớn lao hơn. Trong những hoàn cảnh như hiện tại, lời hô hào của Thánh Phaolô đang được nói với chúng ta: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12:21).

Chúng ta cần phải tái diễn giải và loại bỏ tính thần bí trong sự trả thù! Nó đã trở nên một chủ đề ma thuật thịnh hành có ảnh hưởng trên mọi sự và mọi người, bắt đầu từ trẻ em. Đa số các câu chuyện mà chúng ta thấy trên màn ảnh và trong các trò chơi điện tử là những câu chuyện về sự trả thù báo oán, đôi khi được coi như là một chiến thắng của một người hùng tốt lành. Một nửa, nếu không muốn nói là nhiều hơn, những đau khổ trong thế giới này (trừ những thiên tai và bệnh tật) xuất phát từ lòng khao khát trả thù, vì các tương quan cá nhân hay giữa các dân nước với nhau.

Theo cha Raneiro, chỉ có một điều có thể thực sự cứu thế giới, đó là lòng thương xót! Lòng thương xót cũng cứu cả các gia đình ngày nay. Ngài nói:

Người ta nói rằng “Vẻ đẹp sẽ cứu thế giới”.[6] Nhưng vẻ đẹp, như chúng ta biết rất rõ, cũng có thể dẫn đến tàn phá. Chỉ có một điều có thể thực sự cứu thế giới, đó là lòng thương xót! Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người và lòng thương xót của con người dành cho nhau. Đặc biệt, nó có thể cứu vãn điều quý giá nhất và mong manh nhất trong thế giới ngày nay là hôn nhân và gia đình.

Một điều gì đó tương tự đang xảy ra trong hôn nhân như đã xảy ra trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại mà thực ra Kinh Thánh đã mô tả qua hình ảnh tiệc cưới. Ngay từ khởi đầu, như tôi đã nói, có tình yêu, không có lòng thương xót. Lòng thương xót xuất hiện chỉ sau khi con người phạm tội. Trong hôn nhân cũng thế, ban đầu không có lòng thương xót mà chỉ có tình yêu. Người ta không cưới nhau vì lòng thương xót mà vì tình yêu. Nhưng rồi, sau nhiều năm tháng sống chung với nhau, các giới hạn của từng người phối ngẫu lộ ra, cùng với việc nảy sinh các vấn đề về sức khoẻ, tài chính, và con cái. Một thủ tục được khởi động cuốn sạch hết mọi niềm vui.

Điều có thể cứu một cuộc hôn nhân khỏi tuột dốc không còn chút hy vọng nào có thể quay trở lại là lòng thương xót, được hiểu theo nghĩa kinh thánh, đó là, không chỉ tha thứ cho nhau mà thôi, nhưng những người phối ngẫu cần hành động với “lòng thương cảm, tử tế, khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nại” (Cl 3:12). Lòng thương xót thêm bác ái vào tình ái, nó thêm vào tình ái một tình yêu trao ban chính bản thân cho nhau, và thêm vào lòng thương cảm cho tình yêu mà họ trân quý. Thiên Chúa “thương hại” con người (x. Tv 102:13). Do đó, lẽ nào một người chồng và một người vợ lại không biết tội nghiệp nhau? Và những người như chúng ta đang sống trong một cộng đồng, lẽ nào chúng ta lại không biết thương mến nhau thay vì kết án lẫn nhau?

Kết luận bài giảng trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma, cha Raineiro Cantalamessa nói:

Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Cha Trên Trời, nhờ công nghiệp của Con Cha trên thập giá Đấng “đã trở nên tội lỗi vì chúng con” (x. 2 Cr 5:21), xin gỡ bỏ mọi lòng ao ước trả thù báo oán khỏi tâm hồn của các cá nhân, gia đình, quốc gia, và làm cho chúng con biết yêu với lòng thương xót. Xin để cho ý định của Đức Thánh Cha trong việc công bố Năm Thương Xót này được đón nhận bằng một sự đáp trả cụ thể trong đời sống của chúng con, và xin cho mọi người cảm nghiệm được niềm vui được hoà giải với Cha trong thẳm sâu tâm hồn. Amen!
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 31/3 – 06/04/2016: Phục sinh tại Trung Đông
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:56 06/04/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha chủ sự buổi Canh Thức Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót

Quý vị và anh chị em vừa theo dõi một phần trong buổi canh thức kính Lòng Thương Xót Chúa.

Chiều thứ Bẩy mùng 02 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng dẫn một buổi cầu nguyện canh thức lòng thương xót Chúa với hàng chục ngàn người tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, trong đó ngài nói về nhiều khiá cạnh đa dạng của Lòng Thương Xót Chúa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày các suy tư của ngài về Lòng Thương Xót Chúa như một “đại dương bao la đến mức rất khó để mô tả tất cả một cách tổng thể”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng Kinh Thánh trình bày lòng thương xót Thiên Chúa như sự gần gũi với dân Ngài và trong những thể hiện dịu dàng, đặc biệt là trong sách tiên tri Hôsê.

Đi sâu vào những khía cạnh đa dạng của lòng thương xót Chúa, Đức Thánh Cha nói:

“Có biết bao những biểu hiện của Lòng Thương Xót Chúa! Lòng Thương Xót này đến với chúng ta như sự gần gũi và sự dịu dàng, như lòng từ bi và tình liên đới, sự an ủi và tha thứ. Chúng ta càng nhận được, chúng ta càng được mời gọi để chia sẻ với những người khác; chứ không thể giấu kín đi hoặc chỉ giữ lại cho mình. Lòng Thương Xót là một điều gì đó cháy bỏng trong lòng chúng ta, dẫn dắt chúng ta đến tình yêu thương tha nhân, và như thế nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô nơi những người rốt cùng, yếu thế, cô đơn, hoang mang và chiụ nhiều thiệt thòi.”

Buổi canh thức cầu nguyện này trùng hợp với kỷ niệm 11 năm ngày Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời hôm Chúa Nhật 2 tháng 4, 2005.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm đền thánh Lòng Thương Xót trong khuôn khổ Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28 diễn ra vào mùa hè này tại Krakow, Ba Lan.

2. Công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình

Tông Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm tổng kết các Thượng Hội Đồng về gia đình sẽ được công bố tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh lúc 11:30 sáng thứ Sáu ngày 08 Tháng Tư.

Tông Huấn này có tựa đề “Amoris Laetitia” (Niềm vui Yêu Thương).

Các văn bản của Tông Huấn bằng tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được chuyển cho các nhà báo có ghi danh với Tòa Thánh từ 08 giờ sáng theo giờ Roma ngày thứ Sáu 08 tháng 4. Tuy nhiên, các tài liệu này chỉ được công bố sau 12 giờ trưa ngày hôm đó.

Tông Huấn “Amoris Laetitia” sẽ được trình bày trong khuôn khổ một cuộc họp báo. Những vị trình bày tông huấn này gồm:

- Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới,

- Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận Vienna, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo

- Hai vợ chồng Giáo Sư Francesco Miano, giáo sư triết học luân lý tại Đại học Tor Vergata Roma và Giáo Sư Giuseppina De Simone in Miano, giáo sư triết tại Phân khoa Thần học Nam Italia ở Napoli.

Tông Huấn là kết luận của một quá trình thượng hội đồng hai năm thảo luận về cả vẻ đẹp và những thách thức của cuộc sống gia đình ngày nay.

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19 tháng 10 năm 2014 có chủ đề là “Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh Tân Phúc Âm Hoá”. Thượng Hội Đồng này quy tụ 253 tham dự viên trong đó có 181 nghị phụ có quyền bỏ phiếu.

Chủ đề của Thượng Hội Đồng thường lệ năm 2015 là “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và thế giới hiện đại”, diễn ra từ 4 đến 25 tháng 10 năm 2015 với 279 nghị phụ có quyền bỏ phiếu và 90 chuyên gia.

3. Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về Tông Đồ Lòng Thương Xót

Chiều 31 tháng 3, Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về lòng Thương Xót đã khai diễn tại Roma và kéo dài cho đến Chúa Nhật 3 tháng 4.

Đại hội tiến dành dưới sự phối hợp của Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận Vienna, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo, và Cha Patrice Chocholsko, Giám đốc Đền thánh Gioan Maria Vianney, ở Ars bên Pháp. Hai vị là Chủ tịch và Tổng thư ký các Hội nghị thế giới về tông đồ lòng thương xót.

Tham dự Đại Hội cũng có các đoàn đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới, kể cả những người Hồi giáo, đạo Sikh và Phật giáo.

Đại hội diễn ra tại Vương cung thánh đường thánh Andrea della Valle, cách Vatican 1 cây số, và có chủ đề là “Lòng thương xót và chính trị tại Âu Châu”, với chứng từ về hệ thống các “thị trấn lòng thương xót” trên thế giới. Đặc biệt có một chứng nhân nổi bật được trình bày là Vị Tôi Tớ Chúa Robert Schuman (1886-1963), nguyên là thủ tướng Pháp và là một trong những người đã khởi xướng Liên hiệp Âu Châu và Hội đồng Âu Châu. Cha Joseph Jos, phó thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho vị Tôi Tớ Chúa này, thuyết trình về đề tài “Robert Schuman và lòng thương xót chính trị tại Âu Châu”, một chủ đề rất thời sự hiện nay, giữa lúc Âu Châu đang phải giải quyết vấn đề di dân và tị nạn.

Đức Hồng Y Schoenborn nói rằng: “Nguy cơ hiện nay là mỗi nước co cụm vào những ranh giới của mình, và những hàng rào, những bức tường được tái lập. Âu Châu đang sống trong thời điểm khó khăn và Giáo Hội có thể góp phần giữa cho đại lục này được thống nhất. Tình bác ái có thể lướt thắng sợ hãi và những trào lưu mới quốc gia chủ nghĩa mà người ta tưởng là những điều đã thuộc về quá khứ”.

Trong Đại Hội cũng có một bài lectio divina, đọc và nguyện gẫm Lời Chúa, với chủ đề “Lòng thương xót”.

Các tham dự viên đã dự buổi canh thức cầu nguyện với Đức Thánh Cha lúc 6 giờ chiều thứ bẩy 2 tháng 4 tại Quảng trường Thánh Phêrô và thánh lễ ngài chủ sự lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật tới đây, 3 tháng 4, lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Trong số các nhóm tín hữu tham dự đặc biệt có 500 thành viên của Phong trào “Huynh đoàn Tông Đồ lòng Chúa Thương Xót”. Phong trào này được thành lập cách đây 20 năm do một thiếu niên 13 tuổi, nay là Linh mục Pasqualino di Dio, thuộc giáo phận Piadda Armerina. Các thành viên Phong trào này sống ơn gọi bí tích rửa tội, phục vụ Giáo Hội, làm chứng cho mọi người về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống qua thái độ tín thác đối với Thiên Chúa và từ bi đối với tha nhân.

Hiện nay tại Italia, phòng trào này khởi xướng và duy trì nhiều hoạt động từ thiện bác ái, trợ giúp người nghèo cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Các đại hội thế giới về lòng thương xót đã được khởi xướng sau khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 qua đời năm 2005, người đã thành lập lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa. Đại hội đầu tiên tiến hành tại Roma năm 2008, rồi tại Cracovia năm 2011, tiếp đến là Bogotà Colombia năm 2014. Đại hội lần tới đây sẽ tiến hành tại Manila Philippines vào tháng giêng năm tới, 2017.

4. An ninh cho khách hành hương ngày quốc tế giới trẻ tại Ba Lan

Ban tổ chức ngày quốc tế giới trẻ ở Hoa kỳ và Ba lan tiếp tục liên lạc với các quan chức ngoại giao và an ninh của các quốc gia này để bảo đảm rằng các khách hành hương sẽ được an toàn trong ngày hội giới trẻ vào cuối tháng 7 năm nay,

Paul Jarzembowski, điều phối viên và trợ lý giám đốc của phân ban giới trẻ và thanh niên của hội đồng Giám mục Hoa kỳ cho biết, an ninh dự kiến sẽ được thắt chặt ở Krakow, Ba lan, nơi sẽ diễn ra đại hội giới trẻ thế giới, vì chính quyền của cả hai quốc gia sẽ thực hiện những biện pháp để ngăn chặn những trường hợp có thể đe dọa các du khách.

Paul Jarzembowski nói với Catholic News Service, những thông tin hiện tại cho thấy là không có đe dọa cho việc tổ chức được ấn định vào ngày 26 đến 31 tháng 7 năm nay. Ông nói: “Gia đình của các khách hành hương có thể an tâm là chúng tôi thường xuyên liên lạc với Bộ ngoại giao, các ban tổ chức ở Krakow và tòa đại sứ Ba lan ở Hoa kỳ.” Ông cũng nói thêm là các khách hành hương, nếu họ cảnh giác, ý thức và cập nhật tình hình an ninh, có thể an tâm rằng Hoa kỳ và đặc biệt là Ba lan, đang làm mọi việc có thể để bảo đảm sự an toàn của các khách hành hương.”

5. Thông điệp Phục sinh của Đức Hồng Y Bechara Rai

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong dịp lễ Phục Sinh vừa qua, nhiều vị Thượng Phụ ở Trung Đông kêu gọi hòa bình và mời gọi các tín hữu hy vọng giữa những khó khăn.

Đức Hồng Y Bechara Rai, Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Maronite, có trụ sở ở Bkerké, gần Beirut, nhận định rằng thế giới, đặc biệt cộng đồng chính trị và nhà cầm quyền các dân nước, rất cần những chứng tá về sự phục sinh.

Trong sứ điệp Phục Sinh, Đức Hồng Y Rai tố giác rằng các cường quốc miền và quốc tế đang áp đặt những cuộc chiến tranh tàn phá ở Trung Đông, nhất là trên các lãnh thổ của người Palestine, Iraq và Syria. Các nước mạnh này “khơi lên khói lửa”, tài trợ và cung cấp các dụng cụ chiến tranh ở Trung Đông, và gửi võ khí cho những tên khủng bố và đánh thuê.. nhắm đến những mưu đồ chính trị, những quyền lợi kinh tế và các mục tiêu chiến lược”. Theo Đức Hồng Y Rai, Liban có thể bảo tồn căn tính của mình nếu giữ trung lập và có lập trường rõ ràng giữa các khối miền và quốc tế”.

6. Đức Hồng Y Georges Marie Martin Cottier, nguyên thần học gia Phủ Giáo Hoàng, qua đời

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn sâu sắc của Ngài trước sự qua đi của Đức Hồng Y Georges Marie Martin Cottier, nguyên thần học gia Phủ Giáo Hoàng.

Trong một điện văn gửi cho người em kế của Đức Hồng Y, Đức Giáo Hoàng nói Ngài chia sẻ nỗi buồn “đang tràn ngập nơi những người biết đến người tôi tớ nhiệt thành này của Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Với lòng biết ơn sâu sắc, tôi nhớ đến niềm tin mạnh mẽ của Ngài, sự dịu dàng phụ tử, những hoạt động về văn hoá và Giáo Hội mạnh mẽ của Ngài, đặc biệt là trong việc phục vụ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong tư cách là Thần Học Gia Phủ Giáo Hoàng”.

Đức Giáo Hoàng kết thúc điện văn với lời phó thác Đức Hồng Y cho lòng từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria và sự chuyển cầu của Thánh Đa Minh.

Đức Hồng Y Cottier, sẽ bước vào tuổi 94 vào ngày 25/04 này, nhưng ngài đã qua đời tại Bệnh Viện Agosto Gemelli vào đêm 31 tháng Ba. Đức Hồng Y đã phục vụ trong tư cách là thần học gia của Phủ Giáo Hoàng từ năm 1990 đến 2005 và là cố vấn của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hoá.

Sáng 1 tháng Tư, Đức Hồng Y Angelo Sonado đã cử hành Thánh Lễ an táng tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 8g30.

Chào đời ở vùng đô thị Carouge của Ginevra, Thuỵ Sĩ vào năm 1922, Georges Marie Martin Cottier gia nhập Dòng Đa Minh vào năm 1945. Sau khi học triết học và thần học tại Học Viện Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquino tại Rôma, cũng gọi là Đại Học Angelicum, ngài đã được thụ phong linh mục vào ngày 02/07/1951.

Vào năm 1959, Ngài đã bảo vệ luận án tiến sĩ tại Phân Khoa Nghệ Thuật Tự Do của Đại Học Ginevra về chủ đề “Chủ nghĩa Vô Thần của thanh niên Marx và những nguồn gốc Hegel của ông”. Vào năm 1962, Ngài trở thành giáo sư tại cùng một Đại Học cho đến khi nghỉ hưu năm 1987.

Bên cạnh đó, vị Hồng Y người Thuỵ Sĩ cũng đã dạy các khoá về triết học đương đại ở các Đại Học Fribourg, Montreal, và Padua, và Học Viện Công Giáo Paris cũng như Đại Học Công Giáo Thánh Tâm ở Milan.

Ngài tham dự Công Đồng Vatican II trong tư cách là “Chuyên Gia của Công Đồng” và là một “Cố Vấn Công Đồng” trong việc đối thoại với những người không có niềm tin tôn giáo, tham gia vào nhiều cuộc gặp gỡ ở Ljubljana, Budapest, Strasburg, và Mạc Tư Khoa.

Vào năm 1986, Ngài được bổ nhiệm là một thành viên của Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế, trở thành Thư Ký của uỷ ban này vào năm 1989. Tháng 10/2003, Ngài đã được tấn phong Tổng Giám Mục hiệu toà Tullia và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vinh thăng Hồng Y.

7. Thông điệp Phục sinh của Đức Thượng Phụ Foud Twal

Đức Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem, Fouad Twal, trong bài giảng lễ Phục Sinh tại Đền thờ Mộ Thánh, nhận xét rằng giống như các phụ nữ thấy ngôi mộ trống của Chúa Kitô, nhiều tín hữu Kitô cũng để cho mình bị xao xuyến, sợ hãi sự trống rỗng và vắng bóng, nhưng chúng ta đừng để cho sợ hãi đè bẹp. Đức Thượng Phụ gửi một sứ điệp hy vọng và cầu nguyện cho các bệnh nhân, người già và các tù nhân, các nạn nhân của sự dửng dưng và cô lập, và những người đang sống “ngày thứ sáu tuần thánh”, cũng như cho những người có thể sống niềm vui của lễ Phục Sinh, nhưng không thể loan báo Tin Mừng vì những chính sách nghiêm ngặt và nạn cuồng tín mù quáng”.

8. Thông điệp Phục sinh của Đức Thượng Phụ Gregorio Đệ Tam Laham

Đức Thượng Phụ Gregorio Đệ Tam Laham, Giáo Chủ Công Giáo Melkite ở Damascus thủ đô Syria, nhận xét rằng: “Ngày hôm nay, sau 5 năm bạo lực, chiến tranh, tàn phá và máu đổ, thế giới khám phá rằng con đường Damascus, Jerusalem và Palestine được nối với nhau, vì đó là những con đường đức tin, văn minh và gia sản.. Đứng trước những thảm trạng của dân chúng ở các nước Trung Đông chúng ta, đặc biệt tại Syria và Iraq, chúng ta đang tiến bước trên con đường Golgotha. Nhưng cũng như con đường thập giá dẫn đến phục sinh vinh hiển, chúng ta cầu nguyện để tiến qua con đường thập giá ở Syria, chúng ta có thể tiến đến niềm vui Phục Sinh”.

9. Quan sát viên Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong việc kiến tạo hòa bình

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York đã bày tỏ “sự kính trọng đặc biệt” đối với “những phụ nữ đã có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến cuộc sống của hàng triệu người và sự phát triển của các quốc gia thông qua những công việc vị tha và dài hạn của họ trong lãnh vực giáo dục, y tế và chăm sóc cho giới trẻ”.

Trong một tuyên bố tại cuộc họp mở rộng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh diễn ra hôm 28 tháng 3 năm 2016, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza đã trình bày đề tài “vai trò của phụ nữ trong phòng ngừa và giải quyết xung đột ở châu Phi”. Ngài nói rằng phụ nữ “thậm chí trong nhiều hoàn cảnh khó khăn nhất, vẫn nổi bật vì lòng dũng cảm, kiên định và sự cống hiến của họ”.

“Phụ nữ và trẻ em gái thường trở thành nạn nhân của hiếp dâm và các hình thức bạo lực trong các cuộc xung đột. Những nạn nhân này tìm được an ninh và sự cảm thông trong các tổ chức được điều hành bởi những người phụ nữ, thường là bởi các nữ tu.”

Nhà ngoại giao Vatican nhắc nhớ cử tọa với “lòng biết ơn và nỗi buồn” về sự hy sinh của bốn nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái là các chị Anselm từ Ấn Độ, chị Marguerite và chị Reginette từ Rwanda, và chị Judit từ Kenya, là “những người đã bị thảm sát bởi những thành phần cực đoan hèn nhát vào ngày 4 tháng 3 tại Aden, Yemen.”

“Họ cống hiến trọn đời mình cho phụ nữ nghèo và người già, hơn một chục người trong số này cũng đã bị giết chết cùng với họ, trong khi một số nguồn tin cho rằng những kẻ khủng bố đã bắt cóc linh mục Ấn Độ là cha Tom và đóng đinh Ngài vào Thứ Sáu Tuần Thánh.”

Đức Tổng Giám mục Auza ca ngợi nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và các chính phủ nhằm “nâng cao nhận thức và đi đến một sự thừa nhận đầy đủ hơn về vai trò quan trọng của phụ nữ” trong việc ngăn ngừa xung đột và xây dựng hoà bình.

Nhà ngoại giao của Vatican ghi nhận là phụ nữ có một “năng khiếu đặc biệt trong việc giáo dục con người trở nên cởi mở hơn và nhạy cảm trước những nhu cầu của những người xung quanh họ và xa hơn nữa” và rằng sự đóng góp của họ trong lĩnh vực này “là rất quan trọng trong việc giải quyết xung đột và thúc đẩy hòa giải sau xung đột.”

10. Vụ tấn công khủng bố tại Bỉ là một đòn chí mạng đánh vào người tị nạn

Hôm 31 tháng Ba, bộ trưởng ngoại giao Ba Lan cho biết chính phủ giữ vững cam kết của mình tiếp nhận 7,000 người tị nạn theo những “điều kiện nghiêm ngặt”. Trước đó, ngay sau vụ tấn công khủng bố tại Brussels giết chết hàng chục người, thủ tướng Ba Lan nói nước bà rút lại các thỏa thuận với Liên minh châu Âu.

Thông báo này được đưa trong bối cảnh nỗi thất vọng đang ngày càng tăng giữa các nhà hoạt động nhân quyền và người tị nạn bị mắc kẹt gần biên giới với Macedonia vì sau vụ khủng bố một số nước đã quyết định đóng cửa biên giới của họ và công bố các biện pháp mới để ngăn chặn dòng người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói.

Bộ trưởng Ngoại giao Witold Waszczykowski của Ba Lan đã nói với truyền hình Ba Lan rằng nước ông sẽ sẵn sàng để “xem xét lại các đơn xin” của người tị nạn. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nước ông sẽ chỉ chấp nhận những người có danh tính được xác nhận, những người được tìm thấy là không đe dọa an ninh và những người sẵn sàng muốn định cư lâu dài ở Ba Lan. Ông bày tỏ sự nghi ngờ khả năng có thể tìm được 7,000 người tị nạn như vậy. Tuy nhiên, ý kiến của ông gợi ý rằng chính phủ cánh hữu của Ba Lan sẽ giữ cho cánh cửa mở một chút cho những người tị nạn. Sau vụ tấn công tại Brussels, là thủ đô của cả Bỉ lẫn Liên Hiệp Âu Châu, Thủ tướng Beata Szydlo cho biết bà thấy “không có khả năng” chấp nhận bất kỳ người di cư nào.

Nước Áo cũng lên kế hoạch đặt ra nhiều giới hạn hơn nữa trên những người muốn nhập cư. Bộ trưởng Nội vụ Johanna Mikl-Leitner nói rằng theo quy định mới, Áo chỉ nhận đơn xin tị nạn của những người mà Áo bắt buộc phải nhận vào, ví dụ những người đang phải đối mặt với các mối đe dọa về an ninh ở các nước láng giềng với Áo mà người ấy quá cảnh.

Áo đã thiết lập một giới hạn chỉ nhận 37,500 đơn xin tị nạn trong năm nay, sau khi đã nhận gần 90,000 người trong năm 2015. Các quan chức nói cho đến cuối tháng Ba 14,000 người đã nộp đơn.

Bên cạnh đó một số nước dọc theo tuyến đường Balkan truyền thống sang phương Tây đã đóng cửa biên giới của họ. Chính phủ ở Hung Gia Lợi, chẳng hạn, đã dựng lên một hàng rào dây thép gai dọc theo biên giới với Serbia và Croatia và gửi hơn 6,000 binh sĩ đến biên giới.

Những diễn biến này đã gây thêm thất vọng cho hàng chục ngàn người tị nạn bị mắc kẹt ở Hy Lạp, gần biên giới Macedonia và trong các khu vực khác. Một người tị nạn từ Afghanistan nói với các phóng viên rằng dù sao ông cũng không từ bỏ ước mơ để bắt đầu một cuộc sống tốt hơn ở phương Tây. “Chúng tôi không mong muốn gì từ chính phủ Hy Lạp. Chính họ đang gặp khó khăn với nền kinh tế Hy Lạp hiện nay. Chúng tôi đang yêu cầu thế giới, các nước lớn, hãy mở cửa biên giới cho chúng tôi. Chúng tôi đến đây không phải vì tiền. Chúng tôi muốn tìm một nơi an toàn, và một vùng đất thanh bình trên hành tinh này.”

Ông là một trong số hàng trăm người tị nạn, đã cùng các nhà hoạt động nhân quyền và những sinh viên biểu tình trên đường phố Athens kêu gào “mở biên giới.” Hôm thứ Tư 30 tháng Ba, họ đã bày tỏ sự tức giận sau khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn bắt đầu trục xuất những người họ coi là những “người di cư bất hợp pháp” từ Hy Lạp.

11. 20,000 người Trung Quốc được rửa tội vào đêm Vọng Phục sinh

“Ước tính có khoảng 20.000 người đã được rửa tội vào đêm Phục Sinh” tại Trung Quốc, thông tấn xã Công Giáo AsiaNews của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cho biết như trên hôm 29 tháng Ba.

Bất chấp những chính sách bách hại dai dẳng của chế độ cộng sản Trung quốc, làn sóng gia nhập Giáo Hội Công Giáo vẫn diễn ra với một tốc độ đáng ngạc nhiên. AsiaNews cho biết riêng tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Bắc Kinh, 100 người lớn đã được rửa tội trong Lễ Vọng Phục Sinh. Trong khi đó, tại một giáo xứ nhỏ ở ngoại ô thành phố Thượng Hải, 27 tân tòng đã được đón nhận vào một cộng đồng nhỏ bé chỉ khoảng 100 người Công Giáo.

Hàng năm, việc rửa tội tập thể như thế cũng diễn ra vào dịp Giáng Sinh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và lễ Đức Mẹ Lên Trời, nâng tổng số người lớn được rửa tội lên tới 100,000 người mỗi năm.

Giáo Hội Tin Lành thậm chí còn tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Chế độ Bắc Kinh xem sự tăng trưởng nhanh chóng của Kitô giáo là một hiện tượng đáng báo động. Một số quan chức ước tính số Kitô hữu vào khoảng 100 triệu người, nhiều hơn so với 85 triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

12. Thông điệp Phục sinh của Đức Thượng Phụ Younan

Tại Beirut, thủ đô Liban, Đức Thượng Phụ Ignaxio Joseph III Younan, Giáo Chủ Công Giáo Siriac, nói rằng “Hòa bình ngày nay là điều mà các tín hữu Kitô chúng ta ở Trung Đông, đang thực sự cần và cố gắng đạt tới. Hòa bình là điều rất ý nghĩa ngày nay đối với Giáo Hội Siriac chúng ta và và những người đang bị bách hại trong bao thế kỷ, và đặc biệt trong thời gian gần đây vì những bàn tay man rợ trong thế kỷ 21, như những cuộc tấn công hồi năm 2010 và 2014”.

Đức Thượng Phụ Younan mời gọi các tín hữu “đừng bao giờ nghi ngờ quyền năng cứu độ của Chúa Phục Sinh và đừng bao giờ mất hy vọng, như các cha ông can đảm của chúng ta đã dạy qua bao thế kỷ”. Ngài kết luận rằng: “Mặc dù đủ loại cơ cực vì sự buộc lòng phải di cư, chạy tới Liban, Giordani hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta tiếp tục cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, cầu xin Chúa thương xót tất cả chúng ta, cầu nguyện để thế giới, đặc biệt để các nước Tây Phương có thể tin”.

13. Người Công Giáo Mosul đón Phục sinh trong âu lo khi theo dõi chiến dịch giải phóng Mosul

Hôm thứ Năm Tuần Thánh, chính quyền Iraq loan báo mở chiến dịch giải phóng Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, cũng là thủ phủ của người Công Giáo nước này.

Trong giai đoạn một, mục tiêu của quân Iraq là giải phóng các ngôi làng trong khu vực Nasr, cách Mosul 70km về phía Nam, để có thể vượt qua sông Tigris giải phóng Qayyara, là nơi có nhiều mỏ dầu và có một sân bay quân sự. Đây sẽ được coi là bàn đạp chiến lược để giải phóng Mosul.

Trong khi đó, tại thủ phủ Erbil, gần hai năm sau sự sụp đổ của Mosul vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS, hầu hết các tín hữu Công Giáo của thành phố này đã tổ chức lễ Phục sinh lưu vong lần thứ tại khu tự trị mà họ ẩn náu sau khi chạy khỏi Mosul. Chỉ có một số rất ít người Công Giáo Mosul có khả năng chạy sang các nước Tây Âu và Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám mục Youhanna Boutros Moshe, của tổng giáo phận Erbil cho biết hiện nay giáo phận của ngài có 60,000 tín hữu so với khoảng 30,000 tín hữu trước khi Mosul thất thủ. Hầu hết các giáo xứ đều phải tái tổ chức lại để có chỗ cho anh chị em tị nạn lưu trú.

Cha George Jahola, một linh mục Mosul tị nạn tại đây, nhận xét rằng các tín hữu ở Mosul có truyền thống giữ đạo rất nhiệm nhặt nhờ thế họ duy trì được “sự trung thành với truyền thống và đức tin được truyền từ đời này sang đời khác”

Cha cho biết thêm về hoàn cảnh cộng đoàn mình như sau:

“Chúng tôi đã bỏ nhà thờ, trường học của chúng tôi, các di sản văn hóa và nghệ thuật có niên đại hàng nhiều thế kỷ, các thư viện, các ảnh tượng thiêng liêng, kinh sách..Chúng tôi đã đi với hai bàn tay trắng. Ở đây, chúng tôi đang bắt đầu lại từ số không.”