Ngày 07-04-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 08/04: Ơn Đức Tin và Sống Đạo - Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
03:05 07/04/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.

Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

Đó là lời Chúa
 
Thập giá và Vinh quang
Lm. Thái Nguyên
05:53 07/04/2022



THẬP GIÁ VÀ VINH QUANG
Chúa Nhật Lễ Lá, năm C : Lc 19, 28-40

Suy niệm

Khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, các môn đệ đã công khai bày tỏ lòng tin tưởng và trung thành. Các ông lấy áo choàng phủ trên lưng lừa và đặt Ngài lên, còn dân chúng trải áo xuống đường đón rước Ngài đi qua. Cả đoàn môn đệ đều hô vang chúc tụng Ngài. Họ bạo dạn tôn vinh Thầy trước mặt những người biệt phái đang quyết liệt chống đối. Trước tình hình đó, những đối thủ xem ra tức tối, đòi Ngài quở trách các môn đệ, nhưng Ngài trả lời: "Họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên". Khi nói thế, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thái độ của con người trước chân lý, nghĩa là không thể câm nín trước sự thật, trước những điều cao cả mà người ta cảm nhận từ chính trái tim mình.

Chúa Giêsu thường không muốn ồn ào, nhưng ở đây Ngài đã tán thành việc làm của các môn đệ, vì biến cố này biểu trưng một ý nghĩa sâu xa về sứ mạng của Ngài, và cũng đã ứng nghiệm lời ngôn sứ Giacaria: “Nào thiếu nữ Xion…, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa...” (Dcr 9, 9). Các môn đệ có hiểu được ý nghĩa việc họ làm không? Hay chỉ là một cảm xúc bốc đồng, một phản ứng theo đám đông, mang tính cao trào trong phút chốc, nhưng sự chân thành của họ lại phù hợp với dự định của Thiên Chúa.

Chúng ta dễ làm chứng cho Chúa Giêsu trong cộng đoàn xứ đạo, vì nơi đây chẳng ai chống báng mình. Nhưng ít dám làm chứng cho Ngài nơi một môi trường khác biệt, và có khi còn thù nghịch với đạo giáo của mình. Trong hoàn cảnh khó khăn và bấp bênh mà đức tin vẫn được tỏ bày, mới nói lên một sức sống mạnh mẽ của Chúa ở trong ta. Có nhiều trường hợp chúng ta không được im lặng mà phải nói lên: nói lên để bênh vực một người đang bị đối xử bất công, nói lên để khích lệ một người đang âm thầm đóng góp cho xã hội, nói lên sự thật để đầy lùi những lời dối trá… Là ánh sáng cho trần gian, ta phải làm chứng cho Chúa giữa chợ đời, vì: “Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ Ta sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Ta trên trời”.

Ađam đã đi tìm vinh quang bằng cách muốn được “ngang hàng với Thiên Chúa”. Nhiều người cũng đã tìm vinh quang bằng cách khẳng định về bản thân mình. Đức Giêsu không quy về mình, Ngài quy mọi sự về Thiên Chúa, nên Ngài sẵn sàng tự hạ, chọn con đường thấp nhất là đường thập giá. Đó là con đường mà chẳng ai muốn chọn, vì là đường đau thương và tủi nhục, nhưng Ngài đã chọn vì là cách tỏ bày tình yêu sâu thẳm nhất của Thiên Chúa đối với con người. Vì thế, Ngài không đến với quyền lực và binh mã hùng hậu để giương oai thống trị, nhưng Ngài đến trong cô đơn âm thầm để sống thân phận con người và hiến mạng vì con người, để làm giá chuộc cho nhiều người. Đó mới là con đường đưa đến vinh quang thật, không phải thứ vinh quang giả tạo được bao phủ bởi thanh thế hay lớp áo hào nhoáng bên ngoài.

Bước vào Tuần Thánh, chúng ta lại được nghe Bài Thương khó. Chúng ta thấy sự hèn nhát của các môn đệ; thấy lòng dạ xấu xa của những nhà lãnh đạo Do Thái; thấy sự tàn bạo của binh lính… Mọi tình tiết trong sự thương khó của Chúa Giêsu đều liên hệ với mỗi người chúng ta trong cuộc sống. Cần nhìn lại đời sống mình qua từng nhân vật trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Trong thinh lặng, chúng ta bước theo chân Ngài trong từng nỗi khổ nhục mà Ngài phải chịu vì lòng dạ bạc ác của con người chúng ta. Chúng ta vẫn còn hành hạ Ngài khi chúng ta tiếp tục đối xử bất công với nhau, khi chưa dám sống cho nhau, khi chưa dám nói lên tiếng nói của sự thật.

Nhìn bên ngoài, coi như Chúa Giêsu đã thất bại, nhưng sự thật lại là một chiến thắng: chiến thắng của sự thiện trên sự ác, của tình yêu trên hận thù, của ánh sáng trên bóng tối, của sự sống trên sự chết. Trong cuộc thương khó, lòng Ngài chẳng có bức bách nào khác ngoài tình yêu: yêu Cha và yêu con người. Chính tình yêu Con Thiên Chúa làm cho đau khổ có một ý nghĩa nhiệm mầu và có một giá trị cứu chuộc. Vinh quang chính là tình yêu được tỏa sáng trong toàn thể đời sống của một con người. Đó cũng là dự định của Thiên Chúa trên cuộc đời của mỗi người chúng ta hôm nay và mãi mãi.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Ngày nay người ta bày ra mọi thứ vui chơi,
tránh khơi lên những buồn sầu thống khổ,
để đau thương không còn chỗ trong đời.
Nhưng chẳng ai thoát khỏi những khổ đau,
bởi thân phận con người là như thế,
và cuộc sống nhân trần như bến mê,
phải tìm đường ngay nẻo chính để đi về.
Nhưng khổ đau là một điều sâu nhiệm,
và phúc cho ai nếu đã từng trải nghiệm,
để nhìn khổ đau như một điều cần thiết,
chứ không như sự dữ phải loại trừ.
Đau khổ có thể làm con giác ngộ,
khám phá ra con người và Thiên Chúa,
một con người mỏng manh và yếu đuối,
và Thiên Chúa là nguồn suối của tình yêu.
Chúa đã cứu chuộc bằng đau khổ,
cho con thấy sức mạnh của tình yêu,
có thể gánh chịu muôn vàn nỗi,
để đánh đổi cho đời sự sống đẹp tươi.
Xin cho con đừng loại trừ đau khổ,
không tránh né để tìm chỗ yên thân,
nhưng giúp con luôn sẵn sàng tiếp nhận,
để đời con được thông phần với Chúa.
Như cây kia sau nắng hạ mưa dầm,
sau ngày tháng âm thầm trong hoang dại,
cũng tới lúc cành đâm bông kết trái,
cho con người mùa gặt hái bội thu.
Xin cho cây đời con cũng thế,
chẳng sợ gì khi mưa gió tràn về,
vì tin Chúa vẫn yêu con nhiều vô kể,
để con vui đón lấy mọi đau thương,
dám vượt trên những lối sống tầm thường,
về tới bến thiên đường con mong ước. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:40 07/04/2022
Chương 51:

LINH MỤC



“Con là thượng tế đời đời, theo phẩm hàm Men-ki-sê-đê”


((Dt 5, 6)

1. Đời sống của linh mục là phúc âm của mọi người.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:43 07/04/2022
43. SIÊU ĐỘ VONG HỒN CỦA CHỒNG

Một hòa thượng làm đàn tràng siêu độ cho người chết, nhưng phải có tiền thù lao là ba nén bạc, như thế mới có thể đưa vong linh đi đến miền cực lạc.

Có một phụ nữ vì để siêu độ cho vong hồn của chồng, nhưng đưa không đủ số bạc, thế là hòa thượng chỉ tụng một nửa kinh rồi cáo từ.

Người phụ nữ không vui nên đưa thêm bạc, bấy giờ hòa thương mới nở mặt cười tươi, đọc kinh bổ sung đưa vong linh đến miền tây phương cực lạc.

Người phụ nữ lớn tiếng chửi:

- “Chồng yêu của tôi ạ, chỉ vì mấy phân lượng bạc, mà để cho ông phải chạy qua đông rồi lại chạy qua tây, thật là khổ cho ông quá !”

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 43:

Có một vài người Ki-tô hữu nghèo một năm cũng không xin cho cha mẹ qua đời được một lễ cầu hồn, vì không đủ tiền theo quy định, mà cha sở thì dứt khoát không làm lễ khi không đủ tiền. Lại có một vài nơi hể giáo dân muốn xin lễ mà không đủ bỗng lễ cầu hồn hay bình an, thì bỏ vào cái thùng ở dưới nhà thờ, cuối tuần cha sở mở ra và dâng lễ chung cho họ.

Được lên thiên đàng không phải do xin lễ tiền nhiều hay tiền ít, cũng không phải do công lao làm lễ của linh mục, nhưng là do bởi tình yêu của Thiên Chúa qua sự chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su và sự hy sinh hãm mình cầu nguyện của người xin lễ.

Khi cha sở dạy dỗ cho giáo dân biết thánh lễ là vô giá, không một giá trị vật chất tiền bạc nào trên thế gian có thể mua được, thì ngài cũng nên lấy đức khôn ngoan và tình thương để đối xử với những giáo dân nghèo của mình, để họ cũng được hưởng phúc như những giáo dân khác.

Đó chính là của lễ mà cha sở góp vào với của lễ thánh thiện trên bàn thờ của Đức Chúa Giê-su, để linh hồn của người qua đời được lên thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Bài Thương Khó!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:41 07/04/2022
Bài Thương Khó!

Là Kitô hữu Công Giáo, vào tuần Thánh thì một trong những chuyện xem ra khá vất vả cho những người có trách nhiệm phục vụ các Lễ nghi Phụng vụ và cả bà con tín hữu tham dự đó là “hát và nghe bài Thương Khó”. Những người hát thì vất vả cở nào còn tuỳ khả năng ca hát của họ, còn người nghe thì hầu như phải chịu đựng khá nhiều, nhất là khi nghe các “ca viên không chuyên” ê a, chưa kể đến các yếu tố âm thanh, thời tiết…

Chắc hẳn anh chị em bà con lương dân, khác đạo sẽ thấy lạ tai với cụm từ thương khó, một cụm từ không phổ thông. Lần giở các trang tự điển tiếng Việt, tôi không tìm thấy cụm từ ấy. Thế nhưng, hầu như Kitô hữu Công Giáo nào khi nghe đến cuộc thương khó, cũng hiểu ngay đó là cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Cụm từ “cuộc thương khó” được dịch bởi từ La ngữ “Passio”, mà nguyên nghĩa là chịu đau khổ. Anh ngữ và Pháp ngữ đều dịch là “Passion”, cũng một nội hàm. Không hiểu vì sao khởi đi từ nghĩa gốc là “chịu đau khổ” thì từ Passion theo thời gian, có lẽ bắt đầu từ thế kỷ XII, lại có thêm nghĩa là dục vọng, một dục vọng mãnh liệt vượt mức bình thường, thành sự đam mê, thành “yêu say đắm”. Có mối tương quan gì chăng giữa các nghĩa của từ ngữ này bản thân không được rõ nhưng cũng xin mạo muội chia sẻ đôi tâm tình về cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta, nhân sự gợi ý của hai ngữ nghĩa ấy. Chúa Giêsu chịu khổ nạn vì con người đam mê, yêu say đắm. Và vì đam mê, yêu say đắm con người nên Chúa Giêsu chịu khổ nạn.

1.Chúa Giêsu chịu khổ nạn vì con người đam mê, yêu say đắm. Vấn đề là ở đối tượng của sự đam mê hay yêu say đắm. Con người đã theo chước cám dỗ mà hướng chiều sự say mê vào chính bản thân mình. Biết sự lành sự dữ là một ước muốn chính đáng và hợp lý với loài có trí khôn. Tuy nhiên khi lấy bản thân mình, lấy lợi ích của mình để làm thước đo lành dữ thì quả là một sai lầm to lớn. Vì say đắm chính mình nên con người đã đặt danh dự, chức phận, lợi ích của mình lên hàng trên hết. Những gì có lợi cho tôi, làm cho tôi vinh dự, giúp tôi thăng tiến quyền chức đã trở thành điều lành theo quan điểm của tôi. Và như thế sự lành dữ không còn mang tính khách quan, nghĩa là do Thiên Chúa đặt định.

Các nhà Kitô học cũng như các chuyên gia Thần học Thánh Kinh đã phân tích các nguyên nhân phía nhân loại gây ra cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Trong các nguyên nhân ấy cần phải kể đến tham vọng quyền bính của nhóm Mười Hai mà đặc biệt là của tông đồ Giuđa. Sự thường, đi liền sau quyền bính chính là lợi lộc. Ngoài ra chúng ta cũng cần kể đến tham vọng quyền bính của những người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Tổng trấn Philatô đã biết rõ: “chỉ vì ganh tị mà họ nộp Người” (Mt 27,18).

Một sự say đắm “quy ngã”, nghĩa là hướng về bản thân mình rất dễ dẫn đến những điều tồi tệ cho tha nhân và cho cả bản thân. Quá yêu mình thì người ta sẽ dễ coi thường tha nhân. Quá xem trọng lợi ích của mình thì người ta cũng dễ bị cám dỗ tìm cách hạn chế hay xâm phạm lợi ích của kẻ khác. Để bảo vệ quyền chức của mình người ta cũng dễ sẵn sàng hạ bệ kẻ khác bằng mọi cách thế, kể cả thủ đoạn.

2. Vì yêu say đắm con người nên Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn. Vừa đặt câu hỏi lại vừa trả lời, tác giả Thánh Vịnh cho ta hay: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,4-7). Ngoài câu trả lời: vì “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4, 8), thì chúng ta không thể trả lời cách đầy đủ cho câu hỏi tại sao Thiên Chúa yêu con người đến thế, nhưng chúng ta lại biết rõ “cái thế này”: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chúng ta còn thấy sự đắm say này qua việc Con Thiên Chúa làm người đã tự nhận làm con của loài người (Son of Man – Fils de l’ Homme). Đó là Đấng mà xưa ngôn sứ Đaniel qua thị kiến đã thấy “ngự giá mây trời mà đến” (Đn 7,13).

Sự đắm say của của Chúa Giêsu mang tính “hướng tha” nghĩa là hướng về người khác. Là Người Con Một, Người luôn hướng về Chúa Cha bằng sự hiệp thông, mến yêu, vâng phục. Vào trần gian, làm “con của loài người”, ý định của Người là “không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Tình yêu thì không có biên giới. Đã yêu thì không chấp nhận sự nửa vời. Và có thể nói say đắm là điểm tới của yêu thương. Đã đắm say thì có sự khổ nạn. Vấn đề đặt ra là hướng của sự đắm say là bản thân hay tha nhân. Khi ta say đắm bản thân thì ta sẽ gây đau khổ cho kẻ khác và ta lại huỷ hoại chính bản thân mình. Ngược lại khi ta đắm say tha nhân thì ta sẽ đón nhận khổ đau để tha nhân được cứu sống, được hạnh phúc và chính ta cũng sẽ được sống, triển nở và sống dồi dào.

Người ta thường gọi các thánh là những người “điên”. Có lẽ chữ “điên” hơi mang dáng vẻ hàm hồ và dễ bị ngộ nhận. Thiết nghĩ nên gọi các Ngài là những vị yêu Chúa, yêu tha nhân cách say đắm. Như thế ngoài những vị đã được Hội Thánh tuyên phong thì đã và đang có đó nhiều vị thánh không tên, những người đang yêu đồng loại cách đắm say. Họ đang dõi bước theo chân Chúa Giêsu, Đấng đã từng phán “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Với những vị đó, theo cách nói của thánh Âugustinnô, thì “bài thương khó” dù rằng khó và rất khó nhưng vẫn dễ thương, vì đã được thương rồi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tác phẩm của sự thánh thiện
Lm. Minh Anh
22:47 07/04/2022

TÁC PHẨM CỦA SỰ THÁNH THIỆN
“Nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó!”.

Trong Xuất Hành, từ chương 25-30, Chúa chỉ thị cho Môisen cách thức thiết kế Nhà Tạm, Hòm Bia, bàn thờ, phẩm phục và các thứ khác. Môisen phải tìm các nghệ nhân; họ lấy vàng, bạc, vải và những đá quý chói lọi để thiết kế cầu kỳ nhất có thể. Mục đích của Chúa đối với các công việc này gợi lên mục đích chung cho mọi công trình, mọi tác phẩm: “tôn vinh vẻ huy hoàng của Thiên Chúa và biểu lộ vinh quang Ngài”. Chúng phải là những ‘tác phẩm của sự thánh thiện!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘tác phẩm của sự thánh thiện!’. Đó còn là những chứng từ không bằng lời nói, nhưng bằng việc làm. Với lời nói, người ta có thể tranh luận; với việc làm thì không! Mỗi việc tốt lành của một chứng nhân, là một ‘tác phẩm của sự thánh thiện!’.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ một điều hết sức quan yếu, đức tin không chỉ đặt nền tảng trên những gì Thiên Chúa đã hứa, nhưng còn trên những gì Thiên Chúa đã làm! Chúa Giêsu chỉ ra các công việc của Chúa Cha như là nền tảng đức tin nơi Ngài với tư cách là Con, “Nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó!”. Công việc vĩ đại nhất trong những công trình của Cha là phục sinh Chúa Con từ cõi chết mà chúng ta sắp tưởng niệm. Lời nói không có sức mạnh bằng việc làm! Lời nói có thể thuyết phục lý trí, nhưng việc làm sẽ dịch chuyển ý chí của lý trí đến hành động, đến quyết định. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thực hiện các công trình của Chúa Cha, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải Tội, cũng như trong các Bí tích khác… đó cũng là những ‘tác phẩm của sự thánh thiện!’.

Thế giới cần lời chứng về một đời sống thánh! Chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng và sức mạnh của những lời chứng cá nhân trong một thế giới ngập tràn thông tin thuộc mọi kiểu kích thích. Biết bao từ ngữ, hình ảnh, và khẩu hiệu! Tuy nhiên, trong bối cảnh hỗn tạp này, chỉ các ‘tác phẩm của sự thánh thiện’ thực sự, mới có thể nói tiếng nói mạnh mẽ nhất, vang vọng nhất! Về điểm này, thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã có một câu nói bất hủ, “Con người đương đại cần lời chứng hơn lý lẽ!”. Với cá nhân mỗi người, các việc chúng ta làm có phù hợp với lời chúng ta nói không? Công việc của chúng ta có nói lên điều chúng ta tuyên xưng? Hay “Tất cả chỉ là từ ngữ mà không có lấy một ‘tác phẩm của sự thánh thiện?’”.

Kết thúc Tin Mừng hôm nay, Gioan viết, “Và có nhiều kẻ tin Ngài”. Dẫu gặp bao chống đối, lời nói và việc làm của Chúa Giêsu vẫn có một khả năng đặc biệt để thâm nhập trái tim con người; sự chống đối khủng khiếp và thậm chí thâm độc, không thể khiến người khác không tin vào Ngài. Mầu nhiệm này được lặp đi lặp lại trong đời sống Hội Thánh; nơi nào có sự chống đối lớn nhất đối với Tin Mừng, nơi đó luôn có những cuộc hoán cải lớn nhất! Sự thật này bảo vệ chúng ta khỏi nản lòng trong nỗ lực truyền giáo của mình. Vậy, hãy để ánh sáng bạn toả sáng trên thế giới để họ có thể tin, hãy để ‘tác phẩm của sự thánh thiện’ nơi bạn nói tiếng nói của chúng! Giêrêmia, trong bài đọc hôm nay, đã trải nghiệm niềm vui của một chứng tá thánh thiện, “Hãy ngợi khen Chúa, vì Ngài đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo!”; Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Lúc ngặt nghèo, tôi kêu cầu Chúa; Ngài đã nghe tiếng tôi!”.

Anh Chị em,

“Nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó!”. Từ hư vô, Thiên Chúa tạo dựng con người cách lạ lùng; nhưng Ngài cứu chuộc nó, còn lạ lùng hơn nữa. Hãy chiêm ngắm thật lâu con người Giêsu trên thập giá, trầm mình sâu lắng bên Thánh Thể để nghiệm thấy việc Thiên Chúa làm, hầu con tim chúng ta có thể dịch chuyển mà vững tin nơi Ngài. Nếu các việc làm của Chúa Giêsu tiết lộ danh tính Ngài là Con Thiên Chúa, thì trên thập giá, Ngài tiết lộ danh tính Ngài là Con Thiên Chúa một cách trọn vẹn nhất! Nhờ ‘kiệt tác’ chết và phục sinh của Ngài, chúng ta được tái sinh, không chỉ để trở nên một tạo vật mới, nhưng trở nên một ‘tác phẩm của sự thánh thiện’. Chớ gì, bạn và tôi, chúng ta toả sáng sự thánh thiện này qua những việc làm xem ra tầm thường nhưng thật sự rất phi thường nơi trần thế này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con cách kiến tạo một ‘tác phẩm của sự thánh thiện’ mà không bắt đầu từ đâu khác, cho bằng bắt đầu từ việc hoán cải chính bản thân con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thánh Giá - Tình Yêu
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
22:50 07/04/2022
THÁNH GIÁ - TÌNH YÊU
TUẦN THÁNH 2022

Theo thánh Gioan, cái chết của Chúa Kitô, trước hết là sự tôn vinh chính Chúa Kitô, tôn vinh tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu hiến dâng mạng sống, một tình yêu chết thay cho người mình yêu, một tình yêu tự hiến thành tấm bánh nuôi sống người mình yêu, một tình yêu tự nguyện trở thành lễ tế hiến dâng Thiên Chúa…

Cái chết ấy lại càng thể hiện, và tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu tràn trề, một tình yêu mạnh mẽ, một tình yêu thôi thúc “đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Còn thánh Phaolô lại nhận ra chính cái chết của Chúa Kitô là sức mạnh giải thoát con người: Chính nhờ Chúa Kitô tử nạn và phục sinh mà “ơn tha tội được loan báo cho anh em; và trong khi anh em không thể được giải thoát khỏi tội lỗi mà trở nên công chính nhờ giữ luật Môsê, thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính” (Cv 13, 39).

Trong thư gởi tín hữu thành Philipphê, thánh Phaolô còn nói rõ hơn sự được tôn vinh của Chúa Kitô: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” (Pl 2, 10-11).

Như vậy, cùng xác tín với hai tông đồ Gioan và Phaolô, chúng ta khẳng định, chỉ nơi Thánh Giá, Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu tuyệt đỉnh của mình.

Đó là tình yêu không cùng của Thiên Chúa Cha hiến dâng Con Một. Đó là tình yêu quyết hy sinh của Thiên Chúa Con để hiến dâng chính mình. Đó là tình yêu tràn đầy sức mạnh của Thiên Chúa Ngôi Ba làm biểu lộ đến vô cùng, khắc sâu đến vô cùng lòng đại lượng của Đấng Chí Thánh là Tình Yêu.

Đấng chịu đóng đinh là Đấng được tôn vinh. Thánh Giá, phương tiện treo thân Đấng chịu đóng đinh, ngàn đời xứng danh Thánh Giá Cứu Độ.

Vì thế, không có bất cứ nơi nào, không có bất cứ lối đường nào, ngoài Thánh Giá, mà chính Thiên Chúa, chính tình yêu của Thiên Chúa được tôn vinh. Bởi chỉ nơi Thánh Giá, nơi Đấng chịu đóng đinh, tình yêu tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, khuôn mặt rạng ngời lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn, mạnh mẽ, vững bền.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).

Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu. Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, minh chứng, Ngài yêu thế gian hơn yêu chính mình. Cái chết ấy còn chứng tỏ, tình yêu Thiên Chúa dành cho ta là thứ tình ở dạng thức cao nhất: Yêu đến tận cùng. Yêu đến tự hiến trọn vẹn. Yêu chấp nhận hiến tế. Yêu chấp nhận hy sinh chỉ vì thiện ích của kẻ khác.

Thánh Giá in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau phục sinh, những thương tích khổ nạn, dấu vết đớn đau của Thánh Giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa.

Thánh Giá băng qua lịch sử, xuyên qua thời gian. Nó còn tiếp tục trải dài và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta.

Ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Sự yêu mến và tôn thờ ấy, dẫn ta đến việc tự nguyện đón nhận thánh giá của đời mình, hợp làm một cùng Thánh Giá Chúa, bước theo Chúa, sống như Chúa suốt hành trình dương thế.

Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú như che mờ bóng Thánh Giá. Con người lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Chúa, tuôn trào tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người.

Bởi thế, suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô. Đó cũng là dịp giúp ta ý thức, tình yêu và sự sống ấy đang đồng hành với mình, với cuộc đời của từng con người. Nhờ ý thức, ta không dám trôi theo những cám dỗ của thế gian, không dám đánh mất mình trong cho những “trái cấm” thế tục…
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng thống Zelenskiy: Nga muốn biến Ukraine thành nô lệ thầm lặng
Đặng Tự Do
16:49 07/04/2022


Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenksiy, đã có bài phát biểu trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tại New York. Dưới đây là một số thông tin tóm tắt từ bài diễn văn của ông:

Trước hết, Ông Zelenksiy cáo buộc Nga “ủng hộ sự thù hận ở cấp độ nhà nước” và xuất khẩu nó sang các nước khác “thông qua hệ thống tuyên truyền và tham nhũng chính trị của họ”.

Họ đã kích động một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể dẫn đến nạn đói ở Phi Châu, Á Châu và các nước khác. Chắc chắn, và trên quy mô lớn, người Nga đã mưu tìm hỗn loạn chính trị ở nhiều quốc gia và phá hủy an ninh nội địa của nhiều nước.

Mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên quan tâm đến việc Liên Hiệp Quốc sẽ lựa chọn hành động như thế nào để đáp lại các hành động của Nga ở Ukraine.

Ông nói, giới lãnh đạo của Nga lặp lại các hành động của “những người thực dân trong thời cổ đại”, bắt đầu bằng việc cướp bóc thực phẩm và những “đôi bông tai bằng vàng của các phụ nữ bị giựt ra dính đầy máu”.

Họ cần sự giàu có của chúng tôi, con người của chúng tôi.

Nga đã bắt cóc hàng trăm nghìn công dân của chúng tôi về đất nước của họ. Họ đã bắt cóc hơn 2,000 trẻ em. Không chỉ bắt cóc những đứa trẻ đó, họ vẫn đang tiếp tục làm như vậy. Nga muốn biến Ukraine thành những nô lệ thầm lặng.

Quân đội Nga đang công khai cướp phá các thành phố và làng mạc mà họ đã chiếm được. Họ đang ăn cắp mọi thứ, bắt đầu từ thức ăn và những đông bông tai.
Source:The Guardian
 
Dòng Malta huy động 69,000 tình nguyện viên để giúp đỡ người Ukraine
Đặng Tự Do
16:50 07/04/2022


Cuộc xâm lược của quân đội Nga bước sang tuần thứ năm, 12 triệu người ở Ukraine đang rơi vào tình trạng rất mong manh. 3,8 triệu người đã chạy trốn khỏi cuộc chiến sang một quốc gia láng giềng và 4 triệu người khác đang lên kế hoạch tham gia cùng họ. Đối mặt với thách thức nhân đạo chưa từng có, Dòng Malta đang thực hiện nhiều hành động trên thực địa ở Ukraine. Những trợ giúp này bao gồm việc phân phát các bữa ăn tại sáu trung tâm tiếp tân ở Lviv, nơi một trung tâm y tế tập trung đã được thành lập; chỗ ở cho những người tị nạn đến Lviv và Ivano-Frankivsk; hỗ trợ tâm lý; và việc chuyển giao y tế cho những người tị nạn bị thương hoặc bị bệnh đến biên giới.

Cho đến nay, Dòng Malta đã cung cấp cho 275,000 người Ukraine dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ hậu cần hoặc phân phối lương thực tại các biên giới của đất nước. Ngoài ra, 47 xe tải chở đầy thiết bị y tế, thực phẩm, thuốc men và bộ dụng cụ sinh tồn đã được thuê. Các đoàn xe bổ sung đang được chuẩn bị. 69,000 tình nguyện viên sống ở Đông Âu cam kết hỗ trợ nỗ lực nhân đạo.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ Âu Châu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.
Source:Aleteia
 
De dọa hạt nhân của Putin - Vũ Văn An
Vũ Văn An
17:39 07/04/2022

Allison Graham của tạp chí Foreign Affairs ngày 5 tháng 4 năm 2022 có bài sau đây về lời đe dọa hạt nhân của Putin tại Ukraine: (https://www.foreignaffairs.com/articles/ukraine/2022-04-05/putins-doomsday-threat?):



Khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bị đình trệ và các lực lượng của họ đã xoay trục sang chiến trường ở phía đông, cuộc chiến đang bước vào một giai đoạn mới, đen tối và nguy hiểm hơn. Mariupol giúp ta thấy trước tương lai đó. Vladimir Putin, người đã ném bom thành phố Grozny của Nga thành đống đổ nát để “giải phóng” nó, và người đã cùng nhà độc tài Syria Bashar al-Assad san bằng Aleppo, chắc chắn không có chút dè dặt đạo đức nào về việc hủy diệt hàng loạt. Hơn nữa, cuộc chiến ở Ukraine hiện nay rõ ràng là cuộc chiến của Putin và nhà lãnh đạo Nga biết rằng ông không thể thua - mà không khiến chế độ và thậm chí cả tính mạng của mình lâm cảnh nguy hiểm. Vì vậy, khi cuộc giao tranh tiếp tục, nếu ông ta buộc phải lựa chọn giữa việc rút lui ô nhục và leo thang mức độ bạo lực, chúng ta nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Ở cực điểm, điều này có thể bao gồm cả vũ khí hạt nhân.

Với nhiều bằng chứng cho thấy các lực lượng Nga đã tham gia vào những vụ giết hại dân thường vô tội một cách kinh hoàng, Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc can thiệp theo những cách có nguy cơ mở rộng chiến tranh. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã huy động một liên minh hoàn cầu hiện đang áp đặt lên Nga danh mục các biện pháp trừng phạt đau đớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. Ông đã triệt tiêu hữu hiệu Putin và những người ủng hộ ông ta, khiến họ trở thành những kẻ đáng khinh nhất ở phần lớn thế giới phương Tây. Cùng với các đồng minh NATO, Hoa Kỳ cũng đang cung cấp một lượng lớn vũ khí cho người Ukraine, những người đang dũng cảm đấu tranh cho tự do của họ. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ, với tư cách là công dân của quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất, đang tự hỏi chính quyền Biden có thể làm gì hơn nữa. Hiện tại, một nhóm các chuyên gia và chính trị gia đã kêu gọi Biden áp đặt vùng cấm bay trên các khu vực của Ukraine hoặc chuyển máy bay MiG-29 của Ba Lan cho Kyiv.

Tuy nhiên, điều mà những yêu cầu này không tính đến là bài học trung tâm của Chiến tranh Lạnh: nếu các lực lượng quân sự của các siêu cường hạt nhân nên tham gia vào một cuộc chiến tranh nóng trong đó mỗi bên đang giết chóc hoặc cân nhắc nghiêm túc các lựa chọn có thể giết chết hàng trăm hoặc hàng nghìn khác, việc leo thang từ đó đến thảm họa hoàn cầu cuối cùng của chiến tranh hạt nhân có thể ngắn một cách đáng ngạc nhiên. Trường hợp vốn thành sách giáo khoa là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Khi một máy bay do thám của Mỹ bắt gặp Liên Xô đang cố gắng lén đưa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào Cuba, Tổng thống John F. Kennedy đã quyết định ngay rằng việc ấy không thể duy trì được. Ông đã đối đầu với Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev trong điều mà Ngoại trưởng Dean Rusk gọi là cuộc đối đầu "nhãn cầu với nhãn cầu", một cuộc đối đầu bắt đầu bằng một cuộc phong tỏa hải quân đối với Cuba và kết thúc bằng một tối hậu thư đe dọa các cuộc không kích vào các địa điểm tên lửa. Các nhà sử học đồng ý rằng đây là thời điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử được ghi lại. Trong một khoảnh khắc yên tĩnh gần cuối 13 ngày đó, Kennedy đã tâm sự riêng với em trai Bobby rằng ông tin cơ hội cho một cuộc đối đầu kết thúc trong chiến tranh hạt nhân là “một trong ba”. Không có điều gì các nhà sử học đã phát hiện trong nhiều thập niên kể từ đó đã làm bất cứ điều gì để kéo dài những tỷ lệ chênh lệch đó. Nếu cuộc chiến đó xảy ra, nó có thể dẫn đến cái chết của 100 triệu người Mỹ và thậm chí nhiều hơn nữa người Nga.

Bài học kinh nghiệm trong cuộc khủng hoảng đó đã thông tri cho nền công nghệ hạt nhân trong nhiều thập niên kể từ đó. Sau 60 năm không có một cuộc đối đầu tương tự, viễn ảnh chiến tranh hạt nhân đã trở nên gần như không thể quan niệm được đối với nhiều nhà quan sát. May mắn thay, Biden và các thành viên chủ chốt trong chính quyền của ông biết rõ hơn. Khi họ đang xây dựng chiến lược để đối đầu với thách thức của Putin, họ biết rằng chiến lược an ninh quốc gia của Nga bao gồm việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một số trường hợp nào đó ngay cả lúc phía bên kia không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng chúng. Họ đã xem xét các cuộc tập trận quân sự của Nga, trong đó các lực lượng Nga thực hành điều mà học thuyết của họ gọi là "leo thang để xuống thang", một học thuyết dự kiến sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để chống lại mối đe dọa thông thường quy mô lớn đối với Nga và các đồng minh của nó.

Do đó, trong khi hầu hết các nhà quan sát đều bác bỏ lời đe dọa đen tối của Putin về “những hậu quả mà bạn chưa từng trải qua trong lịch sử” và việc ông đưa lực lượng hạt nhân Nga vào tình trạng “sẵn sàng chiến đấu đặc biệt” chỉ như một việc khua xúng ống, thì nhóm của Ông Biden chắc chắn đã không nghĩ như thế. Thí dụ, nếu ông Putin nhận thấy quân đội của mình thất bại khủng khiếp trên chiến trường qui ước, thì không thể loại trừ khả năng ông ta có thể cố gắng buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đầu hàng bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật - một loại bom có năng suất thấp hơn nhưng vẫn gây hậu quả tàn khốc —Trên một trong những thành phố nhỏ hơn của Ukraine. Và nếu Hoa Kỳ trả đũa tương xứng, chúng ta có thể thấy trận đá gà hạt nhân còn nguy hiểm hơn cuộc đối đầu với Cuba.

Các đối đầu có thể biến thành hạt nhân ra sao

Các động lực vào năm 1962 làm thế nào có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân? Các nhà phân tích về cuộc khủng hoảng này đã nhận diện hơn một chục nẻo đường có thể dẫn đến việc thiêu hủy các thành phố của Mỹ. Một trong những nẻo nhanh nhất bắt đầu với một sự kiện mà Kennedy thậm chí không biết vào thời điểm đó. Vấn đề cốt lõi đối với Kennedy và các cộng sự của ông là ngăn cản Liên Xô lắp đặt các tên lửa hạt nhân tầm trung tại Cuba có thể tấn công lục địa Hoa Kỳ. Tuy nhiên, họ không biết rằng Liên Xô đã bố trí hơn 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật trên đảo. Hơn nữa, 40,000 quân Liên Xô được triển khai ở đó có cả khả năng kỹ thuật lẫn quyền sử dụng những vũ khí đó nếu họ bị tấn công.

Thí dụ, hãy tưởng tượng vào ngày thứ mười hai của cuộc khủng hoảng định mệnh đó, Khrushchev đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị cuối cùng và sau hết của Kennedy để giải quyết nó. Kennedy đã đề xuất một thỏa thuận trong đó Hoa Kỳ sẽ cam kết không bao giờ xâm lược Cuba nếu Liên Xô rút tên lửa của họ, điều mà ông còn kèm theo một tối hậu thư riêng đe dọa sẽ tấn công Cuba trong vòng 24-48 giờ nếu Khrushchev từ chối. Dự đoán phản ứng tiêu cực, Kennedy đã cho phép thực hiện một chiến dịch ném bom để phá hủy tất cả các tên lửa trên đảo; điều này cũng sẽ được tiếp theo một cách trực tiếp bằng một cuộc xâm lược để đảm bảo rằng bất cứ vũ khí nào bị bỏ sót trong các cuộc tấn công đều bị loại bỏ. Nhưng khi quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên hòn đảo và giao tranh với quân đội Liên Xô, các chỉ huy Hoa Kỳ có thể đã tìm được các mục tiêu cho các vũ khí hạt nhân chiến thuật mà họ không hề biết đến. Những vũ khí này cũng rất có thể đánh chìm các tàu Mỹ đã vận chuyển họ đến hòn đảo, và thậm chí có thể đánh các cảng ở Florida mà từ đó đoàn quân Mỹ đã phát xuất.

Tại thời điểm đó, Khrushchev có thể ra lệnh cho các hỏa tiễn 20 ICBM của Liên Xô có khả năng mang đầu đạn tới đất liền Hoa Kỳ phải tiếp nhiên liệu chuẩn bị phóng. Lúc đó, Kennedy phải đối đầu với một tình thế tiến thoái lưỡng nan đáng nguyền rủa. Ông có thể ra lệnh tấn công phủ đầu vào kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô - một cuộc tấn công có khả năng khiến Liên Xô vẫn còn đủ vũ khí còn lại để giết hàng chục triệu người Mỹ - hoặc ông có thể chọn không tấn công, vì biết rằng ông sẽ làm cho Hoa Kỳ dễ bị tấn công bởi kho vũ khí đầy đủ của Liên Xô, một cuộc tấn công có thể gây ra cái chết của hơn 100 triệu người Mỹ.

May mắn thay, cuộc chiến khủng khiếp của Nga chống lại Ukraine có trở nên nghiêm trọng đến đâu, nguy cơ nó kết thúc bằng bom hạt nhân phá hủy các thành phố của Mỹ không bằng một phần ba của Tổng thống Kennedy. Thật vậy, theo đánh giá tốt nhất của tôi, nó nhỏ hơn một phần 100 — và có lẽ gần hơn một phần 1,000. Có hai lý do chính khiến cuộc xâm lược của Putin không trở thành cái hậu của cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962. Thứ nhất, Putin đã hết sức thận trọng để không đe dọa các lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ, bao gồm cả việc tránh vượt qua các ranh giới đỏ như một cuộc xâm nhập hoặc tấn công vào lãnh thổ của bất cứ quốc gia NATO nào; và thứ hai, vì ngay từ đầu, Biden đã kiên quyết không cho phép những gì xảy ra ở Ukraine kích hoạt một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn.

Giới hạn phủ đầu

Phản ứng của Biden trước thách thức của Putin đã chứng tỏ sự rõ ràng chiến lược về lợi ích quốc gia của Mỹ. Ông hiểu các rủi ro thực sự mà các động lực ở Ukraine, nếu xử lý sai, có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Ông cũng biết rằng Hoa Kỳ không có lợi ích quan trọng nào ở Ukraine, một quốc gia không phải là thành viên của NATO và do đó, không có Điều khoản 5 đảm bảo nào của Washington để bảo vệ một cuộc tấn công chống lại nước này như thể đó là một cuộc tấn công vào Hoa Kỳ. Do đó, để Biden đâm đầu vào cuộc chiến với Nga về vấn đề Ukraine có thể là sai lầm tồi tệ nhất - và thực sự, có khả năng là sai lầm cuối cùng - trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Trong một nỗ lực kiên quyết để ngăn chặn điều đó, khi quân đội Nga bao vây Ukraine, Biden đã nói rõ rằng việc đưa quân đội Mỹ đến chiến đấu ở Ukraine là “một điều không có trong nghị trình”. Trong một cuộc họp báo ngày 8 tháng 12, ông tuyên bố, "Ý tưởng cho rằng Hoa Kỳ sẽ đơn phương sử dụng vũ lực để đối đầu với Nga [để ngăn nước này] xâm lược Ukraine không có trong quân bài ngay bây giờ." Kể từ đó, nhóm Biden đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm đó. Cho dù tội ác của Putin có dã tâm đến đâu, việc gửi quân đội Mỹ đến bảo vệ người Ukraine sẽ đồng nghĩa với chiến tranh với Nga. Cuộc chiến đó có thể leo thang đến một trận Armageddon hạt nhân, trong đó không chỉ người Ukraine mà cả các đối tác của họ ở châu Âu, Nga và Mỹ sẽ là nạn nhân. Tóm lại, như Biden đã nói: Hoa Kỳ “sẽ không chiến đấu trong cuộc chiến tranh thế giới thứ ba ở Ukraine.”

Năm 2008, không ai trong ban an ninh của Bush chuẩn bị tham chiến với Nga để bảo vệ Georgia.

Các nhà phê bình Biden trong Quốc hội hiện cho rằng sự thận trọng của ông đã dẫn đến cuộc xâm lược của Putin. Theo Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton, “Sự xoa dịu nhu nhược của Biden đã kích động Putin”. Cotton và các đồng minh của ông khẳng định, nếu Hoa Kỳ có một tổng thống mạnh mẽ như George W. Bush, cuộc xâm lược sẽ không bao giờ xảy ra. Các tuyên bố giả dụ phản sự kiện (Counterfactuals) rất phức tạp. Nhưng trong trường hợp này, áp dụng một chút lịch sử sẽ đi một chặng đường dài.

Hãy xem xét cuộc xâm lược Georgia của Putin vào năm 2008. Bush là tổng thống, và những phát triển ở Georgia nhìn chung tương tự như ở Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga. Vào thời điểm đó, những nỗ lực của Georgia nhằm đối đầu với phe ly khai do Nga hậu thuẫn bị Putin coi là mối đe dọa không thể chấp nhận được. Sau hội nghị thượng đỉnh NATO năm đó, trong đó, Chính quyền Bush đã cố gắng đưa Georgia và Ukraine gia nhập NATO nhưng không thành công, một Tổng thống dạn dĩ của Georgia, Mikheil Saakashvili, đã thẳng tay đàn áp tỉnh ly khai Nam Ossetia. Khi Putin phản ứng bằng cách ra lệnh cho quân đội Nga xâm lược Georgia, ông chắc chắn không nghi ngờ gì về sự sẵn sàng của Bush trong việc gửi quân đội Mỹ tham chiến. Dù sao, ông ta từng chứng kiến Bush điều động 130,000 quân xâm lược Iraq vào năm 2003 và hàng chục nghìn người nữa đến Afghanistan. Thay vì răn đe Putin, bằng chứng cho thấy sự tỏ ra dũng cảm của Bush chủ yếu chỉ để khuyến khích sự liều lĩnh của Saakashvili, một điều, ngược lại, đã tạo cớ cho cuộc xâm lược của Putin.

Khi những kẻ xâm lược Nga tiếp cận thủ đô của Georgia, chính quyền Bush phải đối mặt với một sự lựa chọn khác. Có thể dự đoán, một số thành viên của chính quyền, đặc biệt là các phụ tá trong văn phòng của Phó Tổng thống Dick Cheney, đã kêu gọi gửi quân đội Hoa Kỳ để ngăn chặn việc Nga chiếm Georgia. Tại cuộc họp đặc biệt của Hội đồng An ninh Quốc gia do tổng thống chủ trì, cố vấn an ninh quốc gia của ông, Stephen Hadley, đã trực tiếp nêu ra câu hỏi: "Chúng ta có chuẩn bị chiến tranh với Nga vì Georgia không?" Lúc đó, tổng thống yêu cầu mỗi người tham gia cuộc họp đưa ra câu trả lời của riêng họ. Như Hadley đã nói sau đó, “Tôi muốn mọi người đưa lá bài của họ về một phản ứng quân sự có thể xảy ra” - biết rằng nếu không thì sau này một số người trong số họ có thể tuyên bố rằng họ đã chuẩn bị chiến đấu cho Georgia nhưng ý kiến của họ đã bị loại bỏ. Khi họ đi quanh bàn, không ai, kể cả Cheney, Ngoại trưởng Condoleezza Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Bob Gates, sẵn sàng bỏ phiếu đồng ý. Hoa Kỳ đã không đến giúp Georgia, và chiến tranh kết thúc trong vòng hai tuần.

Một tiền lệ đối với nhiều tổng thống

Về mặt giáo dục, những lựa chọn của chính quyền Biden và Bush nhất quán với những lựa chọn của mọi chính quyền khác của Hoa Kỳ đã từng đối đầu với tình huống khó xử tương tự. Khi Liên Xô phong tỏa đường cao tốc đến Berlin vào năm 1948, Tổng thống Harry Truman đã từ chối đề xuất của các chỉ huy quân sự của mình để các lực lượng Hoa Kỳ chiến đấu theo cách của họ. Tổng thống Dwight Eisenhower đã quyết định không gửi quân đội Hoa Kỳ đến bảo vệ cuộc nổi dậy của Hungary năm 1956 — một quyết định được Tổng thống Lyndon Johnson lặp lại ở Tiệp Khắc vào Mùa xuân Praha năm 1968. Kennedy từ chối tấn công quân đội Liên Xô đang xây dựng Bức tường Berlin. Và khi, vào năm 1983, Liên Xô bắn rơi một máy bay thương mại đi lầm vào không phận Liên Xô - một cuộc tấn công giết chết 52 người Mỹ, bao gồm cả một thành viên đương nhiệm của Quốc hội - Tổng thống Ronald Reagan cũng từ chối leo thang. Trong mọi trường hợp, người có trách nhiệm tối cao không sẵn sàng mạo hiểm sự tồn vong của quốc gia vì bất cứ điều gì kém hơn lợi ích sống còn của quốc gia.

Giống như những người tiền nhiệm của họ, Biden, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và những người khác trong chính quyền không chỉ đọc những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba mà còn tham gia vào các trò chơi chiến tranh giả tưởng được thiết kế để giúp họ trải nghiệm một cách gián tiếp sự nguy hiểm hạt nhân. Họ đã đóng vai những người ngồi quanh bàn với Kennedy, tranh luận về những lựa chọn mà họ biết có thể kích động một cuộc tấn công hạt nhân, một cuộc tấn công có thể giết chết gia đình của họ. Họ đã xem xét SIOP, hay Kế hoạch Hoạt động Tích hợp Đơn nhất [Single Integrated Operational Plan] — tức kế hoạch tổng quát của Hoa Kỳ cho một cuộc chiến tranh hạt nhân, được đưa ra lần đầu tiên vào đầu những năm 1960, nhằm cung cấp một danh sách các thủ tục phát động và các lựa chọn mục tiêu cho kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ, khi cần thiết. Biden và các cố vấn cấp cao của ông đã suy nghĩ về sự kiện mặc dù các lực lượng hạt nhân chiến lược của Hoa Kỳ có thể xóa Nga khỏi bản đồ, nhưng khi kết thúc bất cứ cuộc đối đầu nào như vậy, Hoa Kỳ cũng sẽ biến mất. Do đó, họ hiểu được chân lý sâu sắc được Ronald Reagan ghi nhận trong lời nhận xét ngắn nổi tiếng của ông: "Một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể nào thắng được và không bao giờ nên chiến đấu".

Trong nhiều thập niên, chính quyền Hoa Kỳ luôn tránh leo thang quân sự với Nga.

Hai mệnh đề của Reagan rất dễ đọc, nhưng khó để tích hợp vào tư duy chiến lược. Mặc dù Hoa Kỳ có quân đội hùng mạnh nhất thế giới, với các lực lượng hạt nhân có thể biến Nga thành nghĩa địa, điểm đầu tiên của Reagan nhắc chúng ta rằng vào cuối cuộc chiến đó, Nga cũng sẽ tiêu diệt hoàn toàn Hoa Kỳ. Không ai có thể gọi đó là chiến thắng. Tình trạng này - được các nhà chiến lược thời Chiến tranh Lạnh mô tả là MAD (mutually assured destruction = sự hủy diệt chắc chắn lẫn nhau) - đã khiến cuộc chiến toàn diện giữa những kẻ thù có kho vũ khí hạt nhân trở thành điên dại. Thực vậy, kỹ thuật đã khiến Mỹ và Nga trở thành cặp song sinh dính liền nhau không thể tách biệt. Mặc dù một trong hai có thể giết người kia, nhưng không thể làm như vậy mà không đồng thời tự sát.

Nửa sau lời cảnh báo của Reagan thậm chí còn khó nuốt hơn: rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân “không bao giờ nên được tiến hành”. Bất kể nước Nga ngày nay của Putin xấu xa và nguy hiểm đến đâu, Hoa Kỳ phải tìm cách đánh bại nước này mà không gây chiến. Trong Chiến tranh Lạnh, tránh chiến tranh với Liên Xô đồng nghĩa với việc chấp nhận các giới hạn đối với các sáng kiến của Hoa Kỳ nhằm chống lại Liên Xô mà nếu không sẽ hoàn toàn không thể chấp nhận được. Những điều này bao gồm việc sống càng xa càng tốt với việc Liên Xô chiếm đóng các quốc gia bị giam cầm ở Đông Âu, ngay cả khi Hoa Kỳ đã làm những gì có thể để làm suy yếu sự ủng hộ đối với các chế độ Cộng sản đó, và đạt được những thỏa hiệp trong đó cả hai quốc gia đồng ý không triển khai một số hệ thống vũ khí — thí dụ, lực lượng hạt nhân tầm trung — có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai hoặc tai nạn có thể dẫn đến chiến tranh.

Đặc biệt trong bầu không khí nóng bỏng của Washington hiện nay, có thể hữu ích khi nhớ lại rằng lúc Reagan ký Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung, nhà báo George Will của tờ Washington Post đã cáo buộc ông “khi đẩy nhanh việc giải trừ quân bị tinh thần — thì việc giải trừ vũ khí thực sự sẽ theo sau”. Nhà trí thức bảo thủ hàng đầu thời đó, William Buckley, đã gọi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung của Reagan là một “hiệp ước tự sát”. Đối với các lời chỉ trích đó, Reagan viết, “Một số người ủng hộ bảo thủ triệt để của tôi đã phản đối rằng khi đàm phán với người Nga, tôi đã âm mưu đánh đổi an ninh tương lai của đất nước chúng ta. Tôi bảo đảm với họ rằng chúng ta sẽ không ký bất cứ thỏa thuận nào khiến chúng ta gặp bất lợi, nhưng vẫn nhận được rất nhiều tấn công từ phía họ - tôi tin nhiều người trong số họ nghĩ rằng chúng tôi phải chuẩn bị chiến tranh hạt nhân vì đó là điều ‘không thể tránh khỏi’".

Chiến tranh bằng các phương tiện khác

Trong số nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, một bài học có thể tỏ ra đặc biệt quan trọng đối với chính quyền Biden trong những tuần tới — đặc biệt nếu Putin thấy mình bị đẩy vào một góc. Như Kennedy đã nói trong bài phát biểu quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của mình, chỉ vài tháng sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, “Trên hết, trong khi bảo vệ lợi ích sống còn của chúng ta, các cường quốc hạt nhân phải ngăn chặn những cuộc đối đầu khiến đối thủ phải lựa chọn rút lui nhục nhã hoặc chiến tranh hạt nhân". Nếu đó là hai lựa chọn duy nhất mà Putin phải chọn, không có gì bảo đảm ông ta sẽ chọn lựa giải pháp đầu. Mặc dù Biden đã cẩn thận tránh ép buộc Putin đến điểm đó, nhưng các sự kiện hiện đang diễn tiến hướng tới điều nhà lãnh đạo Nga có thể coi như một ngã rẽ như vậy. Nếu các sự kiện của cuộc chiến trên đất khiến ông ta không còn lựa chọn nào khác ngoài thất bại trong cuộc chiến này hoặc khiến người dân Ukraine và thế giới bàng hoàng bằng một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật, thì sẽ thật ngu ngốc khi đánh cuộc với lựa chọn thứ hai của ông ta.

Để ngăn chặn điều này, Biden và nhóm của ông nên xem lại những gì Kennedy đã làm khi ông ấy thấy các sự kiện đang đi nhanh tới ngõ cụt. Bất chấp thành công của cuộc phong tỏa hải quân của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn Liên Xô đưa thêm tên lửa tới Cuba, nó đã không làm gì để ngăn họ sẵn sàng phóng tên lửa chống lại Hoa Kỳ. Do đó, vào ngày thứ Bảy cuối cùng của cuộc khủng hoảng, các cố vấn của Kennedy nói với ông rằng ông chỉ có hai lựa chọn: tấn công hoặc chấp nhận một căn cứ tên lửa của Liên Xô ở Cuba như một sự đã rồi. Kennedy đã bác bỏ cả hai. Thay vào đó, ông đưa ra một giải pháp thay thế đầy tưởng tượng bao gồm ba thành phần: một thỏa thuận công khai trong đó Hoa Kỳ cam kết không xâm lược Cuba nếu Liên Xô rút tên lửa, một tối hậu thư đe dọa tấn công Cuba trong vòng 24 đến 48 giờ tới trừ khi Khrushchev chấp nhận lời đề nghị đó, đồng thời hứa hẹn sẽ rút tên lửa của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng sáu tháng sau khi cuộc khủng hoảng được giải quyết.

Trong các cuộc đàm phán và ngoại giao đa cấp phức tạp, điều sẽ được yêu cầu để tạo ra một con đường vòng tương tự cho Putin ở Ukraine, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ sẽ cần nhiều trí tưởng tượng hơn Kennedy và các cố vấn của ông đã làm vào năm 1962. Nhưng khi Biden và nhóm của ông với tới thử thách này, họ có thể tìm được cảm hứng trong giờ phút đẹp nhất nhất của John Fitzgerald Kennedy.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tụy Hiền và Vạn Thắng Đưa Chúa và Đức Mẹ vào miền Hòa Bình
BTTGx. Tụy Hiền
15:27 07/04/2022
Phát xuất từ nhu cầu của ông bà anh chị em miền Hòa Bình thuộc Tgp. Hà Nội, Các cha đang làm mục vụ nơi đây cho biết: có những gia đình chưa có bàn thờ, có gia đình có nhưng tượng Chúa, Đức Mẹ hay Các Thánh nhỏ, cũ hay sứt mẻ... làm giảm bớt sự sốt sáng tôn nghiêm cũng như cầu nguyện cùng Chúa, Đức Mẹ hay Các Thánh.

Xem Hình

Sáng kiến lập bàn thờ gia đình cho giáo dân là do Cha Phaolô Nguyễn Hữu Hiệp chính xứ Mường Cắt, ngài nói: muốn đem Chúa đến với người ta, trước tiên phải lập cho họ bàn thờ có tượng thánh giá đã. Các cha đều muốn lập bàn thờ nơi các gia đình, chỉnh trang lại bàn thờ nơi một số nhà, mà nhu cầu trước mắt là phải có thánh giá Chúa và có thêm tượng nữa thì tốt. Cha Giuse Nguyễn Minh Chí, Đồi Cả - Ba Rường nói: nơi đây có đến 200 gia đình chưa có bàn thờ.

Giáo xứ Tụy Hiền và Vạn Thắng đã giành phần ăn chay ngày thứ Tư Lễ Tro, cùng với lòng hảo tâm của anh chị Xuân Uyên và hội đoàn đã có được 400 thánh giá kích thước 50 phân và 300 tượng Đức Mẹ Fatima cao 40 phân.

Thứ Tư, ngày 06 tháng 4 năm 2022, đại diện hai giáo xứ và hội đoàn đã đưa thánh giá và tượng Đức Mẹ vào các xứ Vụ Bản, Mường Cắt, Mường Riệc, Đồi Cả, Bình Tân, Gò Mu và Đồng Gianh. Có nơi các cha ra lấy về và qua các cha xứ được làm phép sau đó chuyển tới các gia đình.

Thật ý nghĩa và trùng hợp vì phong trào Đạo Binh Đức Mẹ do Sơ Madeleine Phạm Thị Huệ, Nữ tu Dòng Thánh Phaolô cùng với các cộng sự viên đang bắt đầu làm việc nơi vùng truyền giáo này. Trong khi trò chuyện, sơ cho biết: có thánh giá và có Đức Mẹ là chúng con có việc làm rồi. Một số bà con đại diện đến nhận thánh giá và tượng Đức Mẹ rất phấn khởi mừng vui. Các thành viên trong đoàn đã có được một ngày ý nghĩa trong đời. Ai nấy đều cảm nhận được ơn gọi kitô hữu của mình là mang Chúa đến cho tha nhân.

Nguyện xin Chúa ban cho các cha, các sơ và bao người đang hy sinh vất vả làm việc trên đồng lúa của Chúa được muôn muôn sự lành nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Nữ Vương truyền giáo. Các ơn các cha đã tiếp đoàn rất chu đáo.

BTTGx. Tụy Hiền
 
Tĩnh tâm Mùa Chay tại giáo xứ Đức Mẹ La Vang San Jose
Thái Phạm
15:39 07/04/2022
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Những Người Mẹ
Phó tế Phạm Bá Nha
15:36 07/04/2022
Những Người Mẹ

Bình thường, mỗi người có một bà mẹ : mẹ đẻ hay mẹ ruột. Tuy nhiên theo hoàn cảnh, môi trường, đưa đẩy, nhiều người có tới ba bốn người mẹ khác nữa. Khi lập gia đình có mẹ chồng (vợ). Đôi khi, hoàn cảnh dun dủi, chúng ta lại có mẹ kế, mẹ nuôi hay mẹ đỡ đầu. Tất cả đều là mẹ. Theo tục lệ, tùy địa phương, người ta có thể gọi người sinh ra mình bằng những tên như : Bu, Mợ, Vú, Má, U…Đa số, nhiều người vẫn thích dùng chữ mẹ. Tiếng mẹ thấy hay hơn, thân tình quyến luyến, yêu thương lẫn tình nghĩa.

Mẹ đẻ hay mẹ ruột, người có công đầu. Phải dùng tới hai chữ đẻ và ruột mới diễn tả hết được liên hệ xương thịt máu mủ giữa hai mẹ con. Những ngày tháng cưu mang con trong bụng, đồ ăn thức uống, máu huyết chuyển từ ruột đến bào thai, nuôi con. Dạ con và ruột là hai bộ phận sát cạnh trong bụng mẹ. Từ một giọt máu lớn dần thành bào thai và thành người. Người con chào đời trong tiếng rên la đau đớn nhất trong đời người mẹ. Có ai tả hết và nói hết được cái đau lúc đẻ của người đàn bà?

Nặng nề chín tháng cưu mang

Mặt thì võ vàng xanh sao

Nằm trong như cắt như bào

Bởi chưng khí huyết đúc vào thân con (c.13-16)

(Hiếu Tự Ca, Cụ Sáu Trần Lục)

Nói công cha như núi, nghĩa mẹ nhiều lần hơn như biển. Nước biển lai láng mênh mông chảy cuồn cuộn đêm ngày không thôi, đổ tràn về mọi ngả ngóc nghách làm tươi mát nuôi sống cây cỏ vạn vật. Người mẹ cũng thế, không quản ngại dãi dầu, mưa nắng, gió sương chỉ vì con. Lo cho con theo từng tuổi lớn khôn, qua năm tháng. Từ khi con biết bò, đi chập chững, biết chạy nhảy, cắp sách đến trường, đến ngày khôn lớn, dựng vợ gả chồng, vẫn chưa hết lo.

Một bà mẹ tên Lucia Trần Thị Ngượi có hai em Maria Trần Thị Khen và Maria Trần Thị Mừng. Tên thật đẹp và mang ý nghĩa cầu kinh như bố mẹ thường cầu kinh sớm chiều. Ông bà có thói quen lui tới nhà thờ, dù giá lạnh gió rét mỗi ngày. Hầu như không bao giờ thấy ai gọi tên thật của bà, mà chỉ trong giấy tờ. Con cái trong nhà luôn gọi bà là mẹ, thân mật và được đáp lại ngay. Tuổi bà phải nhiều hơn trong căn cước và trên bia mộ. Vì dù ngay con bà, chưa bao giờ nhìn thấy khai sinh của mẹ. Gia đình bà bao lần chạy loạn, thoát thân, giấy tờ mất hết, xao lục vào đâu? Bố chỉ mang theo mớ “văn tự mua ruộng bằng chữ nho”. Lần nhà cháy, 1989, tết Mậu Thân, cũng ra tro bụi. Nhìn nét mặt, đôi mắt, hàm răng, cái lưng, bước chân đi, lời nói cử chỉ không thể nói bà ngoài 80 mươi. Tuổi thật bà phải hơn. Ngàn lần cảm mến và tri ân tình mẹ, cao qúi bà dành cho con như bà.

Mẹ kế luôn là mẹ hay gọi cái tên xa lạ là dì ghẻ, bị thị phi, xưa người đời hay chế nhạo. Vì trong nhà có hai dòng con của hai bà mẹ. Một người vắn số, một người đến sau. Miệng đời bạc bẽo bất công. Con mình đẻ bị gọi bằng “mợ”. Lạt lẽo, không tình cảm. Đó chỉ là danh từ xã hội mỉa mai người đến sau. Dần dần, hiểu ra, mẹ con yêu thương mặn mà, thắm thiết. Không như miệng đời, cho là “không bao giờ” :

Bao giờ bánh đúc có xương

Bấy giờ dì ghẻ mới thương con chồng

Nói thế có phần qúa đáng. Tình các bà mẹ kế trong gia đình vẫn sáng ngời và được đề cao. Bà thương yêu hết các con. Cả con anh lẫn con chúng ta. Tình thương của bà phải tự chủ lắm, phá bao nhiêu hàng rào cản ngăn. Con nào cũng là con. Không ai biết, con trước con sau. Con cái hỗn hợp, thương hết, không phân biệt “con mày con tao”, chua chát đắn đo tính toán, hơn thiệt. Ngay trong mâm cơm, đứa ngồi trên, dưới.

Thực tế, có một nàng gái tơ nọ chưa đầy 30 tuổi, đem thân gửi phận và sống với bố giòng lớn gần 20. Vợ mất hãy còn trẻ để lại con trai khôn ngoan. Bỗng cậu ra đi vĩnh viễn, không hẹn. Tưởng là khó sống với cảnh mới, dì ghẻ con chồng. Nhưng hiểu biết và tình thương rộng lượng, nàng chinh phục người con chồng. Hôm nay, nàng vui sống với 7 người con và đàn cháu bên Texas, Hoa Kỳ. Tất cả đều gọi nàng bằng mẹ. Coi như không biết mẹ mình muộn màng đến sau. Tình mẹ như nàng thật trân trọng và cao cả đáng qúi phục.

Mẹ chồng cũng như mẹ mình. Vợ của con mình cũng là con. Vì yêu con mình, người con gái đem tình thương vâng phục kính trọng bố mẹ chồng. Tự nhiên không phải là dễ. Hiểu như vậy, mẹ chồng rất mực yêu thương con dâu không khác con đẻ. Mang nặng đẻ đau con trai cũng như con dâu. Thương con trai nên mến con dâu. Ruồng rẫy con dâu là ghét bỏ con mình. Lỡ lòng nào cư xử như vậy. Ngày nay, không còn cảnh mẹ chồng nàng dâu. Quan niệm đó xưa rồi. Con gái con dâu đều thương như nhau. Không còn hiện tượng ‘Con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về’. Cảnh mẹ chồng nàng dâu bây giờ không còn nữa. Trong gia đình VN thời nay khó phân biệt con nào là con nào là con dâu hay con gái. Tất cả đều là con. Thấy con dâu gặp khó khăn, bận bịu việc nhà việc cửa, mẹ chồng sẵn sàng phụ một tay ngay. Đi chợ búa, nấu cơm nước, đưa đón cháu đi học, không kể công. Vì con ăn cũng như mình ăn, mất đâu mà sợ. Con cháu trong nhà, đâu phải hàng xóm. Thực tế cho biết, nhiều bà mẹ chồng thương con dâu hơn con đẻ nữa là khác. Nhất là trong những thời kỳ thain nghén, đau yếu. Mẹ chồng như cái dù che. Dù ‘bà cô bên chồng’ có làm trời làm đất, chị dâu vẫn là con trong nhà. Được con dâu như dưới đây, mẹ chồng nào mà không rút ruột thương mến.

Anh đã có vợ con chưa

Mà sao ăn nói gió đưa ngọt ngào?

Mẹ già anh ở nơi nao

Để em tìm vào hầu hạ thay anh

Nhớ lại, thời vàng son, nhiều năm về trước, có người vợ không cuối tuần nào mà không đòi chồng về thăm nội. Về bên nội là vui thích nhất. Yêu chồng là yêu thương bên mẹ chồng. Mẹ chồng dành cho con dâu nơi nghỉ mát riêng, đu đưa võng ngủ trưa dưới bóng dừa, bên thềm, cạnh dòng sông hiền hòa chảy trôi, ngủ trưa dậy có nước dừa tươi uống mát. Chiều còn đèo gạo, thịt, dừa xim về bên nhà. Lòng bố mẹ chồng đối với con dâu chan chứa bao tình, đến thế là cùng. Hôm nay, bố mẹ chồng và cả con dâu không còn nữa. Còn lại chành dể bơ vơ, ngậm ngùi, luyến tiếc, nhớ thương. Ngày nào cũng nguyện cầu với 3 người đã ra đi. Chắc chắn ông bà hài lòng vì hiếm có nàng dâu thảo hiền và trung thành như thế.

Mẹ vợ hay mẹ đẻ là một. Gặp chàng dể qúy, mẹ chồng cưng con dể như con trai. Theo tâm lý,

con trai hay chểnh mảng coi thường bổn phận với bố mẹ. Nhận thấy thiếu xót đó, nên con dể sẵn sàng mọi việc giúp để giúp đỡ trong nhà mẹ vợ. Không sợ mang tiếng ‘con gà vạnh quẹn cối say’. Hay ‘trai ở nhà vợ như chó ở gầm chạn’, chàng dể vẫn làm để yêu thương bà nhạc. Đáp lại, mẹ vợ không nề hà cho con dể và cháu ngoại. ‘Cháu nội làm tội bà ngoại’. Tình thương mẹ vợ không chuyển thẳng vào chàng dể mà qua các cháu. Bà ngoại càng bận tâm tới các cháu ngoại bao nhiêu là bà càng thương chàng dể bấy nhiêu. Con hơi nóng đầu xổ mũi, xứt móng tay móng chân là chạy qua ngoại. Có ngoại là nhà cửa đâu vào đấy. Con cái khỏe mạnh đàng hoàng. Cần gì đâu đem con gửi ngoại là xong ngay, yên trí.

Trước khi lấy vợ, một người lưỡng lự không ít. Biết cư xử thế nào khi bước chân vào nhà mẹ vợ. Thế mà khi chung chăn chung gối với con gái bà mọi sự dễ dàng ngòai sự mong đợi. Nhờ bà mẹ vợ quảng đại, bao dung, rộng lượng. Những lúc tai biến tưởng như không vượt qua, nhờ bà nâng đỡ ủi an cả tinh thần lẫn vật chất. Lần kia, chàng dể nghe lén hai mẹ con thỏ thẻ tâm sự : Tao thương chồng mày qúa đi. Nó sao dễ thương qúa, con à’. Gia đình hạnh phúc đầm ấm, con cái nên người đều nhờ bà. Rất tiếc ngày nay bà không còn để đền ơn xứng đáng. Chỉ biết hết tình với con gái bà, cho bà ấm no hạnh phúc muôn đời.

Mẹ nuôi như mẹ ruột. Trong trường hợp hiếm muộn hay ít con. Nhiều gia đình nhận trẻ em mồ côi về sinh sống. Thoạt nhìn, thấy hành động này không thuần túy nhân đạo. Mà phải công nhận có tình mẹ cha con cái thực sự. Mặc dầu không mang nặng đẻ đau. Người mẹ nuôi cũng dồn hết tình yêu vào đứa bé. Thường các bà mẹ nhận nuôi con còn nhỏ tuổi. Càng nhỏ vấn đề nuôi nấng càng khó nhọc phức tạp và thấy tình mẹ không thua con mình sinh. Thay tên đổi họ chỉ là thủ tục xã hội đòi hỏi. Thay đổi tình yêu mới quan trọng và giá trị lâu dài. Con đẻ có đau là lệ thường. Đây không đẻ mà đau mới quí và đáng tôn trọng. Những gia đình đã có con, nhận thêm con nuôi mới thấy tình yêu của người mẹ không phân biệt đối xử. Con nuôi hay con đẻ là một. Nhất là những đứa con khác màu da càng khó cho bà mẹ. Tình các bà mẹ nuôi không biên giới. Con tim các bà mở rộng, cánh tay các bà với thật xa, đem tình thương cho trẻ em non dại.

Mẹ Bề Trên trong tu viện thay đổi theo nhiệm kỳ. Ngắn hạn, nhận trách nhiệm tinh thần các nữ tu hội viên trong Dòng. Thật cảm động khi lớp trẻ nữ tu tuyên xưng ba lời khấn và Luật Dòng, qùi trước mặt Mẹ Bề Trên (nay gọi là Chị Tổng). Sau đó mới tới Đức Cha chủ lễ trao Thánh Giá, nhẫn và Qui Luật Dòng. Từ nay, Mẹ Bề trên thay mặt Chúa nơi trần gian. Người ngồi và qùi đều khiêm nhường như nhau. Mẹ Bề Trên hết nhiệm kỳ, đi. Chị Dòng còn đấy, vẫn vâng phục tới chết. Ý nghĩa cao cả thâm sâu đời tu luyện là chỗ đó.

Mẹ đỡ đầu là mẹ tinh thần. Mẫu người đáng mến mà chỉ Công Giáo mới có là mẹ đỡ đầu. Người đỡ đầu khi chịu phép Rửa Tội, Thêm Sức hay Hôn Phối là người thay thế hay bên cạnh cùng tuyên xưng đức tin với Chúa và Giáo Hội và cam kết sống trung thành với Tin Mừng. Từ đó, mẹ đỡ đầu luôn bên con bên cạnh bằng lời cầu nguyện và gương sáng. Hai người như bóng với hình. Qua đức tính và tình yêu nảy nở. Tình yêu trong sạch và sáng rực như nến cháy. Sinh con ra bằng tinh thần, lối sinh cao đẹp và ý nghĩa. Ngòai bổn phận tinh thần, mẹ đỡ đầu còn quan tâm đến cả vật chất nữa của đứa con này. Những lần xum họp gia đình, gia đình người mẹ đỡ đầu luôn dành chỗ xứng đáng cho con đỡ đầu. Tình anh chị em ở đây không mảy may khác với tình ruột thịt, có khi còn hơn.

Xa quê hương nhiều năm, người thân kẻ thích không có. Nỗi buồn hưu quạnh làm sao giải tỏa cho vơi bớt. Có mẹ đỡ đầu bên cạnh, qua lại thăm hỏi, an ủi biết bao. Người tỵ nạn VN hải ngoại thường hay có những người mẹ bảo trợ ngoại quốc rất tận tình, yêu thương.

Người mẹ VN với bất cứ khuôn mặt nào cũng hiền từ, nhân hậu và vị tha. Đối với các bà yêu là cho, không lấy lại hay trả ơn. Hiền từ ngay cả khi con ruồng rẫy. Nhân hậu để tha thứ bỏ đi tất cả lỗi lầm. Vị tha bao che cho tất cả, miễn sao con cháu hạnh phúc nên người.

Hỡi thương các mẹ Việt Nam

Tri ơn sinh dưỡng ngàn năm ghi lòng

Trung thành hiếu nghĩa sắt son

Luôn hằng xứng danh con thảo hiền

Có vợ có chồng và có con mới thấy rõ được tình mẹ sâu đậm. May mắn cho những ai còn mẹ. Vì mẹ là nguồn hạnh phúc, an vui bóng mát trong đời. Sớm đền ơn kẻo muộn. Vợ chồng sớm tối nhủ nhau.

Mình về ta chẳng cho về

Ta nắm lấy áo ta đề câu thơ

Câu thơ ba chữ rành rành

Chữ trung chữ hiếu chữ tình là ba

Chữ trung thì để phần ba

Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình.

Paris. Nhâm Dần 2022
 
VietCatholic TV
Ngày đen tối cho Nga. Lời chứng của em bé ở Bucha. Mỹ, EU tịch biên các con Putin không còn một cắc
VietCatholic Media
03:16 07/04/2022


1. Các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi 9 cuộc tấn công của Nga ở miền đông Ukraine trong ngày thứ Tư 6 tháng Tư.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi thành công 9 cuộc tấn công của quân xâm lược Nga trong khu vực diễn miền đông Ukraine trong 24 giờ qua.

Các binh sĩ Ukraine hôm nay đã phá hủy 6 xe tăng Nga, 5 xe bọc thép, 6 xe và 4 hệ thống pháo của đối phương.

Các đơn vị phòng không đã bắn rơi hai máy bay Nga, một tên lửa hành trình và một máy bay không người lái ở miền đông Ukraine.

Theo tổng kết của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine 18,600 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong các chiến dịch ở Ukraine từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 6 tháng 4. Nga cũng mất 684 xe tăng, 1,861 xe thiết giáp, 332 hệ thống pháo, 107 bệ phóng tên lửa, 55 hệ thống phòng không và các thiết bị khác.
Source:UKRInform

2. Lời chứng của em bé ở Bucha

Vào khoảng 11 giờ ngày 17 tháng 3, Yuriy Nechyporenko và cha của em, Ruslan, đang đạp xe đến tòa nhà hành chính của Bucha, nơi hàng viện trợ đang được phân phát. Điện, khí đốt và nước đã bị cắt và nguồn cung cấp thiết yếu trong thị trấn, một trong những nơi đầu tiên bị quân Nga chiếm đóng khi họ tiến vào thủ đô Kiev của Ukraine.

Yuriy và cha của em hy vọng sẽ nhận được ít thuốc và thức ăn. Yuriy cho biết một người lính Nga đã chặn em và cha anh ta trên đường Tarasivska St. Họ ngay lập tức giơ tay.

Nói chuyện với BBC qua điện thoại cùng với mẹ của mình, Alla, cậu bé 14 tuổi đã kể lại những gì đã xảy ra tiếp theo. “Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi không mang theo bất kỳ vũ khí nào và chúng tôi không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào,” em nói.

“Sau đó, cha tôi quay đầu về phía tôi, và đó là lúc cha tôi bị bắn… Cha tôi bị bắn hai phát vào ngực, ngay vị trí tim. Sau đó cha tôi ngã xuống”.

Tại thời điểm đó, cậu thiếu niên cho biết, người lính đã bắn cậu vào tay trái và cậu cũng bị ngã. Cậu nói, khi đang nằm trên mặt đất, cậu lại bị bắn, lần này là vào cánh tay.

“Tôi đang nằm sấp, tôi không thể nhìn thấy bất cứ điều gì đang xảy ra xung quanh mình,” Yuriy nói. Người lính, bắn một lần nữa, nhắm vào đầu anh ta. “Nhưng viên đạn xuyên qua mũ trùm đầu của tôi.”

Yuriy cho biết người lính đã bắn một lần nữa, lần này vào đầu của cha em. Nhưng ông Ruslan đã chết. “Tôi đã hết sức hoảng loạn, nằm đó với cánh tay bị thương bên dưới. Tôi thấy tay mình đang chảy máu “

Chỉ một lúc sau, khi người lính đi sau xe tăng, Yuriy mới đứng dậy và bỏ chạy.

Ở Bucha, thi thể những người chết nằm la liệt trên đường phố, nhiều người đầy những vết thương. Một số đã bị bắn xuyên qua đầu, như thể bị hành quyết. Những người khác bị trói tay hoặc chân sau lưng. Một số rõ ràng đã bị xe tăng cán qua.

Nhiều người trong số các thi thể được nhìn thấy dọc theo một đoạn đường Yablonska St, chỉ cách con phố nơi Ruslan bị giết chỉ 2km.

Bà Alla, mẹ của Yuriy nói với BBC rằng bà đã đến gặp chồng như thế nào sau khi con bà trở về nhà và kể cho bà nghe những gì đã xảy ra. Bà ấy nghĩ rằng Yuriy có thể đã lầm lẫn, và Ruslan đang bị thương, cần được giúp đỡ y tế.

“Con trai tôi cầu xin tôi đừng đi,” Alla nói. “Cháu nói rằng họ cũng sẽ giết tôi.”

Bà cho biết, khi cố gắng đi bộ xuống phố, hàng xóm đã ngăn bà lại. “Họ bảo tôi đừng đi xa hơn, nói rằng người Nga đang giết tất cả mọi người trong các vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát.”

Sáng hôm sau, Alla nhờ mẹ cô đến giúp. Họ đeo khăn quàng cổ trắng đến địa điểm xảy ra vụ nổ súng. Mẹ cô đã nói chuyện với những người lính Nga và họ đã vượt qua được. Cuối cùng họ đã thu thập được thi thể của Ruslan, và mang về nhà.

Một bức ảnh về thi thể bị che một phần, do Alla chụp và chia sẻ với BBC, đã xác nhận lời khai của Yuriy. Nó cho thấy một vết thương do đạn bắn ở phía bên phải của ngực, gần tim.

Ruslan, một luật sư, 49 tuổi khi bị giết. Anh ấy “hoạt động tích cực trong cộng đồng,” Alla nói. “Anh ấy không thể chỉ ngồi trong hầm trú ẩn và chờ đợi. Vì vậy, anh ấy đang tình nguyện và giúp đỡ mọi người “.

Họ đã chôn cất ông trong khu vườn của ngôi nhà của gia đình.

Yuriy nói rằng người lính đã giết cha anh rõ ràng là người Nga. Em nói, quân phục của ông có màu xanh đậm, đặc trưng của quân đội Nga. “Tôi thấy rằng trên chiếc áo khoác dạ của ông ta có viết 'Russia' bằng tiếng Nga,”


Source:BBC

3. Mỹ tấn công Nga bằng lệnh trừng phạt 'tội ác chiến tranh', Âu Châu đồng tình làm theo

Hoa Kỳ đã tung ra một làn sóng trừng phạt tài chính mới đối với Nga mà Tổng thống Joe Biden nói rằng sẽ gây ra một hình phạt lâu dài đối với nền kinh tế nước này.

Vương quốc Anh nhanh chóng làm theo, và Liên minh Âu Châu càng làm Nga thêm đau đớn vào chiều thứ Tư khi các đồng minh thúc đẩy một chiến dịch leo thang nhằm siết chặt các đinh vít kinh tế đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì “tội ác chiến tranh” ở Ukraine.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã nhắm vào gia đình Putin, hai cô con gái lớn của ông bên cạnh việc phong tỏa hai ngân hàng chủ chốt của Nga.

Ông Biden nói “Nga đã thất bại trong cuộc chiến ban đầu” sau khi các lực lượng của nước này phải rút lui khỏi thủ đô Kiev của Ukraine. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng “cuộc chiến này còn lâu mới kết thúc”.

“Cuộc chiến này có thể tiếp diễn trong một thời gian dài, nhưng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine và người dân Ukraine trong cuộc chiến giành tự do”.

Ông nói: “Chúng ta sẽ kìm hãm khả năng phát triển của Nga trong nhiều năm tới”.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất nhấn mạnh nỗi đau tài chính mà Nga phải đối mặt. Các bằng chứng cho thấy quân đội Nga giết hại dân thường Ukraine đã dẫn đến các hình phạt khắc nghiệt hơn bao giờ hết của Mỹ và các đồng minh phương Tây nhằm làm xói mòn khả năng chiến đấu của Putin.

Dù các vòng trừng phạt gia tăng chưa buộc được Putin phải rút quân khỏi Ukraine, chúng đã đẩy Nga vào hoàn cảnh kinh tế ngày càng tuyệt vọng khi các lực lượng Ukraine chống chọi lại các đòn tấn công của Putin.

Chìa khóa cho hiệu quả của các lệnh trừng phạt là sự thống nhất giữa Mỹ và các quốc gia Âu Châu. Và những hành động tàn bạo được tiết lộ ở Ukraine đã tăng cường sức ép buộc Đức và các nước khác phải tiến xa hơn và cùng với Mỹ và Lithuania ngăn chặn mọi hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga.

Vào thứ Tư, Vương quốc Anh đã đóng băng tài sản đối với các ngân hàng lớn, lệnh cấm đầu tư của Anh vào Nga và cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào than và dầu của Nga vào cuối năm nay.

Liên minh Âu Châu cũng được tường trình sẽ sớm thực hiện các bước bổ sung, bao gồm lệnh cấm đầu tư mới vào Nga và cấm vận than, sau khi các bằng chứng gần đây về hành động tàn bạo xuất hiện sau khi lực lượng Nga rút lui khỏi thị trấn Bucha.

Mỹ đã hành động chống lại hai ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank và Alfa Bank, cấm tài sản đi qua hệ thống tài chính của Mỹ và cấm người Mỹ kinh doanh với hai tổ chức đó.

Ngoài các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cô con gái trưởng thành của ông Putin là Mariya Putina và Katerina Tikhonova, Mỹ còn nhắm vào Thủ tướng Mikhail Mishustin; phu nhân và các con của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov; và các thành viên của Hội đồng an ninh Nga, bao gồm cả Dmitry Medvedev, một cựu tổng thống và thủ tướng của Nga.

Các hình phạt đã cắt tất cả các thành viên gia đình thân cận của ông Putin khỏi hệ thống tài chính của Hoa Kỳ và đóng băng bất kỳ tài sản nào mà họ nắm giữ ở Hoa Kỳ.

Ông Biden dự kiến sẽ ký một sắc lệnh cấm người Mỹ đầu tư mới vào Nga cho dù họ sống ở đâu.

Theo Tòa Bạch Ốc, Bộ Tài chính Mỹ đang chuẩn bị thêm các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp nhà nước của Nga.

Anh đã công bố việc đóng băng tài sản nhắm vào Sberbank và Ngân hàng Tín dụng Mạc Tư Khoa, đồng thời chỉ định 8 nhà tài phiệt Nga mà nước này nói rằng họ đã được Putin “sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế thời chiến của mình”.

“Cùng với các đồng minh của mình, chúng tôi đang cho giới tinh hoa Nga thấy rằng họ không thể rửa tay trước những hành động tàn bạo đã gây ra theo lệnh của Putin”, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói.

Anh đã công bố kế hoạch loại bỏ dần dầu của Nga, chiếm 8% nguồn cung của Anh.

Nga là nhà cung cấp than nhập khẩu hàng đầu cho Anh, mặc dù nhu cầu của Anh đối với loại nhiên liệu gây ô nhiễm đã giảm mạnh trong thập kỷ qua.

Anh vẫn chưa chấm dứt nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, chiếm 4% nguồn cung của nước này, chỉ nói rằng sẽ làm như vậy “càng sớm càng tốt.

Các video và hình ảnh thi thể trên đường phố Bucha sau khi bị quân Nga chiếm lại đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong các đồng minh phương Tây, những người đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới như một biện pháp đáp trả.

Đề xuất cấm nhập khẩu than của Ủy ban Âu Châu sẽ là lệnh trừng phạt đầu tiên của Liên Hiệp Âu Châu nhắm vào ngành năng lượng béo bở của Nga sau cuộc chiến ở Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết năng lượng là chìa khóa cho kho bạc chiến tranh của Putin. Và bởi vì chiến tranh đã đẩy giá cả lên cao hơn, Nga đã được hưởng lợi từ việc có thể bán khí đốt tự nhiên và dầu của mình cho phần còn lại của thế giới.

“1 tỷ euro là số tiền chúng ta phải trả cho Putin mỗi ngày cho năng lượng mà ông ta cung cấp cho chúng ta kể từ đầu cuộc chiến. Chúng ta đã phải trao cho ông ta 35 tỷ Euros hay 50.9 tỷ Mỹ Kim,” Ông Josep Borrell nói.

“Hãy so sánh con số đó với 1 tỷ mà chúng tôi đã cung cấp vũ khí và trợ giúp nhân đạo cho Ukraine.”

Sau khi một số quốc gia Âu Châu tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Ủy ban Âu Châu đã đề xuất gói trừng phạt thứ năm bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than có thể được thông qua sau khi được các đại sứ của 27 quốc gia biểu quyết.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết lệnh cấm than trị giá 4 tỷ euro tức là 5.8 tỷ Mỹ Kim mỗi năm và Liên Hiệp Âu Châu đã bắt đầu thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm cả nhập khẩu dầu.

Bà không đề cập đến khí đốt tự nhiên, với sự đồng thuận của 27 quốc gia EU về việc nhắm mục tiêu nhiên liệu được sử dụng để tạo ra điện và sưởi ấm cho những ngôi nhà khó bảo đảm trong bối cảnh phản đối từ các thành viên phụ thuộc vào khí đốt của Nga như Đức, nền kinh tế lớn nhất khối.
Source:Nine News

4. Truyền thông Nga cho biết 60 lính dù Pskov từ chối đến Ukraine

Tờ Pskovskaya Guberniya của Nga đưa tin trên kênh Telegram như sau.

“Theo các nguồn tin của chúng tôi, 60 quân nhân trong lữ đoàn dù Pskov đã từ chối tham chiến trên lãnh thổ Ukraine. Sau những ngày đầu tiên của cuộc chiến, trước hết họ được đưa đến lãnh thổ của Cộng hòa Belarus, và sau đó vì từ chối chiến đấu tại Ukraine nên họ đã được đưa trở về căn cứ của mình ở Pskov. Hầu hết trong số họ đã bị cách chức, nhưng một số thậm chí đang bị đe dọa về các vụ án hình sự.”

Báo chí đưa tin trước đó cho biết có một số trường hợp cả các sĩ quan của lực lượng an ninh Nga đã từ chối tham chiến ở Ukraine. Cụ thể, các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Kuban và các binh sĩ lực lượng đặc biệt từ Khakassia đã từ chối thực hiện mệnh lệnh của họ.


Source:UKRInform

5. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết quân Nga ngăn cản mọi nỗ lực nhân đạo tại Mariupol

Những kẻ xâm lược đã ngăn cản mọi nỗ lực của chính quyền Ukraine và các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Hội Hồng Thập Tự, để tiếp cứu nhân đạo cho Mariupol.

“Hàng ngày chúng tôi cố gắng đưa các phẩm vật cứu trợ vào thành phố Mariupol, nhưng lực lượng xâm lược và hàng lãnh đạo của chúng ở Nga đã chặn mọi nỗ lực của chúng tôi và những nỗ lực của các tổ chức quốc tế. Phái đoàn của Ủy ban Hồng Thập Tự Quốc tế đã có tất cả sự chấp thuận cần thiết từ Nga và Ukraine để đến Mariupol và di tản người dân. Tuy nhiên, họ không chỉ bị từ chối nhập cảnh mà còn bị bắt giữ bởi cái gọi là nhóm 'DPR' và bị giam giữ sau song sắt gần một ngày”, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết trong một báo cáo sáng thứ Năm 7 tháng Tư.

Cô nói thêm rằng các nhà chức trách sẽ tiếp tục cố gắng đến Mariupol.

Vereshchuk lưu ý rằng công việc cũng đang được tiến hành để tổ chức các hành lang nhân đạo tới các cộng đồng bị phong tỏa khác nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo và di tản người dân.

11 hành lang nhân đạo đã được lên kế hoạch cho ngày 6 tháng 4 và 4,892 người đã được di tản.

Vereshchuk: Invaders thwart all attempts to get to Mariupol

https://www.ukrinform.net/rubric-ato/3450717-vereshchuk-invaders-thwart-all-attempts-to-get-to-mariupol.html

6. Blinken: Không thể xảy ra trên Ukraine không thắng nổi cuộc chiến này

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết ông không nhìn thấy khả năng nào trong đó Ukraine sẽ thất bại trong việc bảo tồn chủ quyền và độc lập của Ukraine.

Ông cho biết điều này trong một cuộc phỏng vấn với NBC, đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm thứ Tư.

“Thành công là gì, chiến thắng là gì? Đó là giữ chủ quyền và độc lập của đất nước họ. Và không có khả năng nào mà theo thời gian điều đó sẽ không xảy ra”, ông Blinken đã đưa ra lập trường trên khi bình luận về việc liệu Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến do Nga bắt đầu hay không.

Đồng thời, ông lưu ý rằng nó có thể mất thời gian.

Blinken nói: “Nhưng điều có sức mạnh rất lớn ở đây là người Ukraine đã nói rất rõ rằng họ sẽ không khuất phục trước ý chí của Vladimir Putin”.

Ông nhấn mạnh rằng các ý định của Điện Cẩm Linh ở Ukraine đã là một bước lùi chiến lược, nếu không muốn nói là thất bại. Ông nói, mục tiêu mà Putin đặt ra là xóa bỏ chủ quyền và độc lập của Ukraine.

“Putin coi Ukraine là một quốc gia không xứng đáng được độc lập, cần phải bị gộp lại để thành một nước Nga vĩ đại hơn. Điều đó sẽ không xảy ra, không chỉ là việc rút lui khỏi Kiev mà còn thực tế là cho dù ông ta muốn chơi như thế nào thì người Ukraine cũng sẽ không cúi đầu tuân theo chế độ độc tài của Nga”, Blinken nói.

Ông Blinken đang có chuyến thăm tới Brussels trong hai ngày 6 và 7 tháng 4, nơi ông đang tham gia một cuộc họp cấp bộ trưởng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Blinken: There is no scenario by which Ukraine will not win

https://www.ukrinform.net/rubric-ato/3450675-blinken-there-is-no-scenario-by-which-ukraine-will-not-win.html

7. Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố Đức phải giúp người Ukraine trong cuộc chiến chống lại hệ thống của Putin

Hệ thống của Putin phải bị phá vỡ trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, và Đức phải làm mọi thứ có thể để giúp điều đó xảy ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết điều này trong cuộc tranh luận tại Bundestag

“Trên đường phố Bucha, chúng ta không chỉ nhìn thấy xác của những người bị giết, mà còn thấy tất cả sự tàn bạo của hệ thống của Putin. Một hệ thống coi mọi phương tiện đều là tốt miễn là chúng thúc đẩy lợi ích của mình, phục tùng mọi thứ cho ý tưởng cường quốc dân tộc chủ nghĩa, không có bất kỳ hạn chế và dè dặt, chà đạp lên luật pháp và nhân loại. Do đó, hệ thống này không thể giành chiến thắng. Những người hành động như Putin không quan tâm đến việc các thi thể nằm trên đường phố Bucha hay trên đường phố Tbilisi, Vilnius hay Berlin. Do đó, Đức phải giúp đỡ người Ukraine nhiều nhất có thể trong cuộc chiến chống lại hệ thống của Putin”, Bộ trưởng Lambrecht nói.

Bà nhấn mạnh rằng cuộc chiến tranh xâm lược này tự bản thân nó là một tội ác, nhưng những gì thế giới thấy ở Bucha đã vượt ra ngoài mọi giới hạn. Về vấn đề này, vị Bộ trưởng Đức lưu ý rằng sẽ là sai lầm nếu giản lược mọi thứ vào Putin. Bà nhấn mạnh rằng: “Đó không chỉ là tội ác của ông ta, mà còn là tội ác của mọi kẻ chỉ huy đã ra lệnh, mọi người lính đã thực hiện những mệnh lệnh này hoặc cho phép chúng được thực hiện. Tất cả đều đáng trách. Tội phạm nào cũng phải được điều tra và tuyệt đối phải trừng trị mọi thủ phạm”

Hạ viện Đức đã tham gia vào cuộc tranh luận về tình hình ở Bucha. Tất cả đều đồng thanh lên án hành động của quân đội Nga. Đồng thời, nhiều dân biểu chỉ trích Chính phủ Đức chậm ra quyết định về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.


Source:UKRInform
 
ĐGH lên án vụ tội ác chiến tranh ở thành phố Bucha. Tiếng khóc của dân lành thấu đến trời cao
VietCatholic Media
05:06 07/04/2022


1. Đức Giáo Hoàng lên án vụ tội ác chiến tranh ở thành phố Bucha.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án “vụ thảm sát Bucha” và giương cao một lá cờ Ukraine được gửi đến ngài từ thị trấn nơi các thi thể bị trói, bị bắn ở cự ly gần, một ngôi mộ tập thể và các dấu hiệu hành quyết khác được tìm thấy.

“Tin tức gần đây về cuộc chiến ở Ukraine, thay vì mang lại an ủi và hy vọng, lại mang đến những hành động tàn bạo mới, chẳng hạn như vụ thảm sát ở Bucha,” ngài nói vào cuối buổi tiếp kiến hàng tuần của mình tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican hôm thứ Tư.

“Sự tàn ác ngày càng khủng khiếp, ngay cả đối với những dân thường, phụ nữ và trẻ em vô phương tự vệ. Họ là những nạn nhân mà dòng máu vô tội kêu thấu đến trời cao và van xin: 'Hãy dừng ngay cuộc chiến này lại! Hãy làm câm nín vũ khí! Hãy ngừng gieo rắc cái chết và sự hủy diệt',” ngài nói.

Điện Cẩm Linh hôm thứ Ba cho biết các cáo buộc của phương Tây rằng lực lượng Nga phạm tội ác chiến tranh bằng cách hành quyết dân thường ở Bucha là một “sự giả mạo ma quái” nhằm bôi nhọ quân đội Nga.

“Hôm qua, chính xác từ Bucha, họ đã mang cho tôi lá cờ này,” Đức Giáo Hoàng nói, mở nó ra và giơ nó lên cho hàng nghìn khán giả, họ đã vỡ òa trong tiếng vỗ tay. Lá cờ trông tối tăm, ố vàng và có chữ viết trên đó.

“Nó đến từ chiến tranh, chính xác là từ thành phố tử đạo Bucha đó” ngài nói, trước khi yêu cầu một nhóm trẻ em tị nạn chiến tranh đến từ Ukraine hôm thứ Ba tiến lên khán đài, đứng bên cạnh ngài.

“Những đứa trẻ này đã phải chạy trốn để đến một vùng đất an toàn. Đây là thành quả của chiến tranh. Chúng ta đừng quên họ và đừng quên người dân Ukraine,” ngài nói, trước khi tặng mỗi đứa trẻ một món quà là một quả trứng Phục sinh bằng sô cô la.

2. Vài nét về thành phố Bucha

Bucha (tiếng Ukraine là Буча) là một thành phố ở vùng Kiev của Ukraine. Một đồng nghiệp người Ukraine giải thích với chúng tôi từ Bucha trong tiếng Ukraine có nghĩa là “tử đạo”.

Về mặt hành chính, nó được coi là một thành phố có ý nghĩa quan trọng đối với vùng Kiev. Dân số của thành phố là 36,971 người theo số liệu vào tháng 7, 2021. Ngày Bucha được tổ chức tại thành phố vào ngày 13 tháng 9.

Quá trình hình thành Bucha cũng tương tự như việc hình thành nên thành phố Irpin hiện đại. Cụ thể là khi Ukraine xây dựng tuyến đường sắt Kiev – Kovel vào năm 1898, một khu định cư đã được xây dựng để làm nơi ở cho các công nhân. Sau đó, hình thành một khu định cư sầm uất và Bucha trở thành một trạm dừng của tuyến đường sắt này. Gần trạm dừng xe lửa Bucha có một ngôi làng nhỏ tên là Yablunka, nơi từng có một nhà máy gạch.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trước khi Kiev được giải phóng khỏi quân đội Đức Quốc xã vào tháng 12 năm 1943, Bucha là nơi đặt trụ sở của Quân đoàn Ukraine số 1 do tướng Vatutin chỉ huy.

Sau thế chiến thứ hai, có một nhà máy sản xuất thủy tinh ở Bucha. Được xây dựng vào năm 1946, nó đã bị đóng cửa vào năm 2016. Hình ảnh lịch sử của Bucha là một ga đường sắt có từ thế kỷ 19 nằm ở rìa phía nam của thành phố.

Bucha được cấp trạng thái thành phố vào ngày 9 tháng 2 năm 2006, trước đó, Bucha là một thị trấn thuộc thành phố Irpin. Có một sân vận động ở Bucha tên là Sân vận động Yuvileiny, nơi một số trận đấu đã được tổ chức vào tháng 10 năm 2016 cho vòng loại Giải vô địch U19 Âu Châu 2017 của UEFA.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, giao tranh ác liệt đã diễn ra ở Bucha như một phần của cuộc tấn công Kiev, dẫn đến tổn thất nghiêm trọng của Nga. Thành phố đã bị quân Nga chiếm vào ngày 12 tháng 3. Thị trưởng Anatoliy Fedoruk tuyên bố lực lượng Ukraine tái chiếm Bucha vào ngày 31 tháng 3 năm 2022.

Vụ thảm sát Bucha

Vào ngày 2 tháng 4 năm 2022, các bản tin và video xuất hiện cho thấy xác người nằm la liệt trên đường phố, tay bị trói giật ra sau và họ bị bắn đằng sau ót. Ít nhất 410 thi thể đã được tìm thấy. Nhiều người bị xô xuống hố chôn tập thể. Nhiều phụ nữ chết trần truồng chứng tỏ họ đã bị hiếp dâm trước khi bị giết chết.

3. Những người sống sót ở Bucha kể lại nỗi kinh hoàng 'tê dại' khi họ tiến ra từ chỗ núp

Một người đàn ông vẫn còn đang run rẩy vì chấn thương sau tất cả những điều này.

Khi Mykola Pavlyuk đứng bên ngoài căn nhà của anh ở Bucha, nước mắt ứa ra từ đôi mắt, chảy trên khuôn mặt đầy những vết bẩn của anh. Anh ấy hết sức muốn chia sẻ câu chuyện của mình nhưng run rẩy vì những tổn thương gây ra vì những chuyện đã xảy ra.

Pavlyuk, 53 tuổi, là một trong những cư dân sống sót của thị trấn Ukraine bị bao vây, phía tây bắc Kiev, nơi những bằng chứng ghê rợn về những vụ giết người và tra tấn đã được đưa ra ánh sáng sau khi lực lượng Nga rút lui. Anh ta nói với ABC News rằng khi quân đội Nga đến căn nhà của anh ta, họ đã giết tất cả những người đàn ông dưới 50 tuổi, bao gồm cả hai người bạn của Pavlyuk.

Pavlyuk cho biết người Nga cho anh 20 phút để chôn cất họ. Anh ta chỉ cho ABC News xem những ngôi mộ sơ sài mà anh ta vội vàng đào ở sân sau, mỗi ngôi mộ được đánh dấu bằng một tấm ván gỗ và trên đầu là một cây thánh giá. Anh muốn mang đến cho những người quá cố chút phẩm giá mà anh có thể.

“Những ngôi mộ quá nông cạn,” Pavlyuk nói. “Tôi chỉ muốn bảo vệ họ khỏi lũ chó.”

Pavlyuk và những người dân khác đã nói chuyện với ABC News trong những ngày sau khi lực lượng Nga rời Bucha, để lại dấu vết rõ ràng về cái chết, sự tàn phá, khủng bố và đau thương đã gây chấn động cộng đồng quốc tế. Hàng trăm người được cho là đã thiệt mạng trong cuộc chiếm đóng. Khi ABC News đến hôm thứ Ba, các thi thể vẫn nằm trên đường phố. Các nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi một cuộc điều tra xem liệu tội ác chiến tranh, bao gồm cả tội diệt chủng, có được thực hiện hay không.

Theo Pavlyuk, khi quân đội Nga đến Bucha vào cuối tháng 2, họ yêu cầu mọi người cung cấp tài liệu và buộc những người đàn ông cởi trần để lộ bất kỳ hình xăm nào. Họ ngay lập tức bắn và giết bất cứ ai mà họ cho là mối đe dọa, mà không cần hỏi bất kỳ câu hỏi nào.

Thị trưởng của ngôi làng Motyzhyn gần đó, Olga Sukhenko, và gia đình cô dường như cũng gặp phải số phận tương tự. ABC News chứng kiến thi thể không còn sống của họ trong một khu vực nhiều cây cối.

Một người dân Bucha khác, nói với ABC News rằng chồng cô cũng bị buộc phải cởi bỏ quần áo của mình để xem anh ta có bất kỳ hình xăm nào hay không.

Lính Nga tiếp quản tòa nhà chung cư của Pavlyuk, biến nhà của các gia đình Ukraine thành khu tập thể thời chiến cho những kẻ côn đồ say xỉn, hung bạo. Những căn phòng mà Pavlyuk cho ABC News xem đầy ắp chăn màn và đồ ăn cũ.

Pavlyuk cho biết anh và vợ đã sống dưới tầng hầm hơn tháng với ít thức ăn và nước uống, chỉ dám ra tới ngoài sân để nấu nướng trên bếp bên ngoài.

Anh ấy nói với ABC News rằng họ phải đối mặt với nỗi sợ hãi thường trực về một vụ giết người tùy tiện hoặc một hành động bạo lực ngẫu nhiên, như khi một người bạn bị giết bởi một quả lựu đạn mà anh ấy nói là bị một người lính say rượu ném như một trò đùa. Các bộ phận cơ thể của người bạn nằm bên ngoài mặt đất trong nhiều ngày cho đến khi Pavlyuk được phép thu thập, cho vào túi và chôn trong một ngôi mộ bên cạnh hai người bạn khác của mình.

Nhiều thi thể được vứt trong một ngôi mộ tập thể bên ngoài một nhà thờ. Người dân đã chôn một số người chết trên đường phố trong khi thị trấn bị Nga chiếm đóng. Hầm chứa đầy thi thể trong những chiếc túi ni lông đen nằm đè lên những nạn nhân khác, họ được quấn trong tấm khăn trải giường hoặc không có gì cả. Người dân địa phương nói với ABC News rằng có thể có tới 90 người được chôn cất bên ngoài nhà thờ Thánh Anrê.

Các lực lượng Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine vào ngày 24 tháng 2, chiếm lãnh thổ và ném bom toàn bộ các thành phố. Khi cuộc chiến tiếp diễn, Nga phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ từ Ukraine, những người đã tìm cách chiếm lại một số lãnh thổ trong những ngày gần đây khi lực lượng Nga rút lui.

Theo Tổng công tố viên Ukraine Iryna Venedyktova, ít nhất 410 dân thường đã được tìm thấy đã chết ở Bucha và các thị trấn mới được tái chiếm gần đây khác gần thủ đô Ukraine, nơi đang có một cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh của lực lượng Nga. Hình ảnh đồ họa xuất hiện từ Bucha cho thấy những người không có vũ khí trong trang phục dân sự dường như đã bị hành quyết với tay hoặc chân của họ bị trói lại, làm dấy lên sự phẫn nộ từ Hoa Kỳ cũng như một số quốc gia và tổ chức khác.

Nga đã phủ nhận trách nhiệm, gọi những hình ảnh này là “giả” và nói rằng tất cả các đơn vị của họ đã rút hoàn toàn khỏi Bucha vào khoảng ngày 30 tháng 3. Một phân tích của ABC News về video và hình ảnh vệ tinh xác nhận một số thi thể được nhìn thấy nằm trên đường phố Bucha đã ở đó sớm nhất, vào ngày 19 tháng 3, khi thị trấn vẫn còn bị quân Nga chiếm đóng, trái ngược với tuyên bố của Nga rằng cảnh tượng này được “dàn dựng” sau khi quân đội của họ rời đi.

Khi ở Bucha, ABC News đã gặp một nhóm Giám sát Nhân quyền đang thu thập bằng chứng về tội ác chiến tranh.

“Những gì chúng tôi đã thấy cho đến nay và những gì chúng tôi nghe được từ cư dân - những gì chúng tôi ghi lại được - thực sự kinh khủng, bao gồm cả báo cáo rằng lực lượng Nga đã kéo người dân ra khỏi nhà của họ, thẩm vấn họ trong thời gian ngắn và sau đó hành quyết họ. Richard Weir, một nhà nghiên cứu trong bộ phận Khủng hoảng và Xung đột tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.

Một nhóm từ Ủy ban Hồng Thập Tự Quốc tế, gọi tắt là ICRC, cũng đã có mặt tại Bucha, để đánh giá nhu cầu và cung cấp viện trợ nhân đạo.

Người phát ngôn của ICRC, Alyona Synenko, nói với ABC News: “Tình hình nhân đạo rất nghiêm trọng. “Chúng tôi đã chứng kiến những người cực kỳ dễ bị tổn thương - người già, người bị hạn chế đi lại, người bị bệnh, những người ở một mình trong căn hộ không có hệ thống sưởi, không điện, không nước sinh hoạt, đang cần các nhu cầu y tế.”

Cư dân Bucha Tatyana Chernysh và chồng cô nói với ABC News rằng họ sống sót được nhờ “thánh ý Chúa” trong khi rất nhiều người hàng xóm của họ không được may mắn như vậy.

“Bất cứ lúc nào, những kẻ xâm lược cũng có thể vào nhà của chúng tôi và gây ra cho chúng tôi bất cứ điều gì họ muốn,” chồng của Chernysh cho biết. “Thật là kinh hoàng. Nó quá tệ.”

Hai vợ chồng đã không rời khỏi nhà của họ trong khi quân đội Nga chiếm đóng thị trấn. Họ nói “những người tốt” đã mang thức ăn và thuốc cho họ. Mặc dù các binh sĩ Nga cắm trại cách xa nhà của họ, Chernysh và chồng cô cho biết họ đã nghe thấy tiếng súng và những viên đạn lạc đó đã bắn thủng ngôi nhà của họ.

Kể từ khi các lực lượng Nga rút lui và gần đây nhận được viện trợ, Chernysh và chồng của cô cuối cùng đã ra khỏi nơi ẩn náu để xem những gì còn lại của thị trấn bị tàn phá của họ. Họ nhớ lại đã nhìn thấy những thi thể nằm ngổn ngang trên đường phố và vỉa hè.

“Rõ ràng ý định của họ là phá hủy Ukraine, phá hủy người dân của chúng tôi, phá hủy nền kinh tế của chúng tôi, phá hủy nền văn hóa của chúng tôi,” chồng của Chernysh nói về quân đội Nga. “Họ tuyên bố họ đến để giải phóng. Chỉ là những lời dối trá. Chúng là những kẻ khủng bố”.

Sau khi sống sót sau nỗi kinh hoàng đến “tê dại” đó, gia đình cho biết họ “cảm thấy an toàn” và có ý định ở lại Bucha, mặc dù thiếu điện, nước sinh hoạt và hệ thống liên lạc đáng tin cậy.

“Đó là nơi chúng tôi sống. Chúng tôi không muốn nhường ngôi nhà của mình cho những kẻ xâm lược,” chồng của Chernysh nói. “Đó là thị trấn của chúng tôi. Đó là nhà của chúng tôi. Chúng tôi sẽ ở lại.”

Mặc dù ông thừa nhận rằng họ có thể suy nghĩ kỹ nếu lực lượng Nga quay trở lại.

“Hy vọng rằng họ sẽ không quay lại,” anh ấy nói thêm, “nhưng với họ thì bạn không bao giờ có thể biết được.”

4. Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Trong chiến tranh tại Ukraine hiện nay, chúng ta chứng kiến sự bất lực của các tổ chức quốc tế

Sáng thứ Tư, mùng 06 tháng Tư năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 6,000 tín hữu hành hương, ngồi đầy Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.

Đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đoạn đoạn sách Tông đồ Công vụ thuật lại sự tích thánh Phaolô và các bạn đồng hành bị đắm tàu và trôi dạt vào đảo Malta và được dân chúng tại đây đón tiếp, giúp đỡ (Cv 28:1-2):

“Sau khi được cứu thoát, chúng tôi được biết rằng đảo nào tên là Malta. Những người dân tại đây đã đối xử chúng tôi với lòng nhân đạo hiếm có; tất cả chúng tôi tụ tập quanh đống lửa, mà họ đã đốt lên vì mưa xảy đến và trời lạnh.”

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh Cha tạm gác lại loạt bài giáo lý về tuổi già để thuật lại chuyến tông du ngài mới thực hiện hồi cuối tuần qua tại Malta.

Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ Bảy và Chúa Nhật tuần trước, tôi đã du hành tới Malta: một cuộc Tông du đã được lên kế hoạch từ khá lâu. Nó đã bị hoãn lại hai năm trước do Covid và những điều này. Ít người biết Malta, cho dù đây là một hòn đảo nằm giữa Địa Trung Hải. Nó đã đón nhận Tin Mừng từ rất sớm. Tại sao? Bởi vì Thánh Tông đồ Phaolô bị đắm tàu gần bờ biển và đã tự cứu mình một cách kỳ diệu cùng với tất cả những người trên tàu với ngài - hơn hai trăm bảy mươi người. Sách Tông đồ Công vụ kể lại rằng người Malta đã chào đón tất cả các ngài, và sử dụng cụm từ này: “với lòng tốt khác thường” (28: 2). Tôi đã chọn chính cụm từ này - với lòng tốt khác thường - làm khẩu hiệu cho cuộc Hành trình của tôi vì chúng chỉ ra con đường phải đi theo, không những để đối diện với hiện tượng di dân, mà nói chung, để thế giới có thể trở nên huynh đệ hơn, đáng sống hơn và có thể được cứu khỏi một "cuộc đắm tàu" đang đe dọa tất cả chúng ta. Vì tất cả chúng ta - như chúng ta đã học – đang trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta. Nhìn từ đường chân trời đó, Malta là một địa điểm chủ yếu.

Hơn hết, về mặt địa lý, do vị trí của nó ở trung tâm Biển giữa Châu Âu và Châu Phi, nó cũng tắm gội cho cả Châu Á. Malta là một loại “bông hồng trước gió”, nơi các dân tộc và các nền văn hóa gặp gỡ nhau. Đó là một nơi hoàn hảo để quan sát khu vực Địa Trung Hải từ góc nhìn 360 độ. Ngày nay chúng ta thường nghe nói về "địa chính trị". Nhưng thật không may, luận lý học thống trị lại là chiến lược của các quốc gia hùng mạnh nhất để khẳng định lợi ích của chính họ, mở rộng khu vực ảnh hưởng kinh tế, hoặc ảnh hưởng ý thức hệ, và / hoặc ảnh hưởng quân sự. Chúng ta đang thấy điều này với chiến tranh. Trong sơ đồ này, Malta đại diện cho quyền lợi và sức mạnh của các quốc gia “nhỏ”, nhỏ nhưng giàu lịch sử và văn minh, những điều sẽ dẫn đến một luận lý học khác - đó là tôn trọng và tự do – luận lý học của sự tôn trọng và cũng là luận lý học của sự tự do, của việc cùng tồn tại các khác biệt, chống lại việc thực dân hóa của những kẻ mạnh nhất. Chúng ta đang thấy điều này ngay lúc này. Và không những chỉ từ một phía: thậm chí từ những phía khác… Sau Thế chiến II, nỗ lực đã được thực hiện để đặt nền móng cho một kỷ nguyên hòa bình mới. Nhưng, thật không may - chúng ta không bao giờ học được gì, phải không? - câu chuyện cũ về sự cạnh tranh giữa các cường quốc lại tiếp tục. Và, trong cuộc chiến hiện nay ở Ukraine, chúng ta đang chứng kiến sự bất lực của các cơ quan Liên hiệp quốc.

Khía cạnh thứ hai: Malta là một địa điểm trọng yếu liên quan đến hiện tượng di dân. Tại trung tâm chào đón Gioan XXIII, tôi đã gặp rất nhiều người di cư đổ bộ lên đảo sau những chuyến đi khủng khiếp. Chúng ta không bao giờ được mệt mỏi khi lắng nghe những chứng từ của họ bởi vì chỉ có cách này, chúng ta mới có thể thoát khỏi một tầm nhìn méo mó thường được loan truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và khuôn mặt, câu chuyện, vết thương, ước mơ và hy vọng của những di dân này mới có thể được phát hiện. Mỗi di dân đều độc đáo. Họ không phải là một con số mà là một con người. Mỗi người đều độc đáo y như mỗi người chúng ta. Mỗi di dân có phẩm giá, có cội nguồn, có văn hóa. Mỗi người trong số họ đều là người mang một sự phong phú vô cùng lớn lao hơn những rắc rối họ mang tới. Và chúng ta đừng quên rằng Châu Âu được tạo ra từ những cuộc di dân.

Chắc chắn, việc chào đón họ phải được tổ chức - điều này đúng - và được giám sát; và trước hết, nó phải được lên kế hoạch với nhau, ở bình diện quốc tế. Không thể giản lược hiện tượng di dân thành một cuộc khủng hoảng; nó là một dấu chỉ thời đại của chúng ta. Nó nên được đọc và giải thích như vậy. Nó có thể trở thành một dấu chỉ xung đột, hay đúng hơn một dấu chỉ hòa bình. Nó phụ thuộc vào cách chúng ta tiếp nhận nó; nó phụ thuộc vào chúng ta. Những người đã trao phó sự sống cho Trung tâm Gioan XXIII ở Malta đã thực hiện một cuộc lựa chọn Kitô giáo. Đây là lý do tại sao nó được gọi là “Phòng thí nghiệm hòa bình”: phòng thí nghiệm của hòa bình. Nhưng tôi muốn nói rằng toàn bộ Malta là một phòng thí nghiệm cho hòa bình! Toàn bộ quốc gia xuyên qua các thái độ, các thái độ của chính nó, là một phòng thí nghiệm cho hòa bình. Và nó có thể thể hiện điều này, tức sứ mệnh của nó, nếu nó biết rút tỉa nhựa sống của tình huynh đệ, lòng trắc ẩn và sự đoàn kết từ cội nguồn của nó. Dân tộc Malta đã tiếp nhận những giá trị này, cùng với Tin Mừng. Và, nhờ Tin Mừng, họ sẽ có thể giữ cho chúng sinh động.

Vì lý do này, với tư cách là Giám mục Rôma, tôi đã đi để củng cố dân tộc đó trong đức tin và hiệp thông. Thực vậy - khía cạnh thứ ba - Malta cũng là nơi chủ chốt do khía cạnh truyền giảng tin mừng. Từ Malta và từ Gozo, hai giáo phận của đất nước, nhiều linh mục và tu sĩ, nhưng cả giáo dân nữa, đã ra đi mang chứng tá Kitô giáo của họ tới khắp thế giới. Như thể Thánh Phaolô đi qua đó để lại sứ mệnh của mình trong DNA của người Malta! Vì lý do này, chuyến thăm của tôi trên hết là một hành động biết ơn - biết ơn đối với Thiên Chúa và những người thánh thiện, trung thành từ Malta và Gozo.

Tuy nhiên, làn gió của chủ nghĩa thế tục, của một nền văn hóa giả tạo hoàn cầu hóa dựa trên chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa tân tư bản và chủ nghĩa tương đối, cũng thổi đến đó. Do đó, đã đến lúc phải có một cuộc Phúc âm hóa mới ở đó nữa. Giống các vị tiền nhiệm của tôi, chuyến thăm mà tôi thực hiện tại Hang đá Thánh Phaolô giống như rút ra từ suối nguồn để Tin Mừng có thể tràn qua Malta với sự tươi mát từ nguồn gốc của nó và làm sống lại di sản vĩ đại của lòng đạo bình dân. Điều này được tượng trưng ở Đền thờ Đức Mẹ Quốc gia Ta ’Pinu trên đảo Gozo, nơi chúng tôi đã cử hành một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt. Ở đó, tôi nghe thấy trái tim của người Malta đập. Họ có một sự tin tưởng bao la vào Mẹ Thánh của họ. Mẹ Maria luôn đưa chúng ta trở lại những điều cốt yếu, với Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Và điều này cho chúng ta, trở lại với tình yêu thương xót của Người. Mẹ Maria giúp chúng ta làm sống lại ngọn lửa đức tin bằng cách lấy ngọn lửa của Chúa Thánh Thần để lôi cuốn thế hệ này sang thế hệ khác đến với việc vui mừng loan báo Tin Mừng, vì niềm vui của Giáo Hội là được loan báo Tin Mừng! Chúng ta đừng quên điều này, đừng quên câu nói này của Thánh Phaolô VI: ơn gọi của Giáo Hội là truyền giảng tin mừng. Niềm vui của Giáo hội là truyền giảng tin mừng. Chúng ta đừng quên điều này nữa: đó là định nghĩa đẹp nhất về Giáo Hội.

Tôi lấy cơ hội này để nói lại lòng biết ơn của tôi đối với Tổng thống Cộng hòa Malta, rất lịch thiệp và đầy tình anh em: cảm ơn ông và gia đình ông; với Thủ tướng Chính phủ và các Cơ quan dân sự khác, những người đã tiếp đón tôi với sự ân cần xiết bao; cũng như các Giám mục và tất cả các thành viên của cộng đồng giáo hội, các tình nguyện viên và tất cả những người đã đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện. Tôi không muốn bỏ qua việc đề cập đến Trung tâm Gioan XXIII chào đón những người di cư: và vị tu sĩ dòng Phanxicô ở đó [Cha Dionisio Mintoff], người đã duy trì để nó sống động ở tuổi 91, và tiếp tục làm việc như vậy với các cộng tác viên của giáo phận. Đó là một mẫu gương về lòng nhiệt thành tông đồ và tình yêu đối với người di cư, điều rất cần ngày nay. Qua chuyến thăm này, chúng ta gieo hạt, nhưng chính Chúa làm nó lớn lên. Cầu mong lòng nhân từ vô hạn của Người ban cho hoa trái dồi dào là hòa bình và mọi điều tốt lành cho những người Malta thân yêu! Cảm ơn dân tộc Malta về cuộc chào đón đầy tình người, đầy tình Kitô giáo như vậy. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.
 
Cảm tử Mariupol nổ tung kho đạn Nga. Tình báo SBU bắt được hồ sơ các sĩ quan Nga dính líu vụ Bucha
VietCatholic Media
16:34 07/04/2022


1. Cảm tử quân của Trung đoàn Azov phá hủy kho đạn của Nga

Trong bản tin tình báo mới nhất, tình báo Anh cho biết:

Các cuộc giao tranh ác liệt và các cuộc không kích của Nga đã tiếp tục diễn ra trong thành phố Mariupol bị bao vây.

Tình hình nhân đạo trong thành phố đang trở nên tồi tệ. Hầu hết trong số 160,000 cư dân còn lại không có ánh sáng, thông tin liên lạc, thuốc men, nhiệt hoặc nước. Các lực lượng Nga đã ngăn cản việc tiếp cận nhân đạo, có khả năng nhằm gây áp lực buộc quân phòng thủ phải đầu hàng.

Trong khi đó, UKRInform cho biết biệt đội cảm tử của Trung đoàn Azov đã phá hủy được một kho đạn và gây thương vong cho nhiều binh lính bộ binh của Liên bang Nga trong ngày 6 tháng Tư.

Báo cáo viết: “Trong ngày qua, các chiến binh của Trung đoàn Azov đã làm hư hại hai xe tăng của đối phương, phá hủy một kho đạn dược và nhiều binh lính bộ binh”.

Trong khi đó, quân Nga đã leo thang tội ác chiến tranh khi thả bom phốt pho trắng xuống Mariupol.

Cho đến nay những trận chiến khốc liệt vẫn đang hoành hành ở thành phố Mariupol. Quân xâm lược Nga đã chiếm được một nửa thành phố, nhưng quân đội Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu. Khoảng 130,000 cư dân địa phương còn lại bị mắc kẹt ở Mariupol, trong khi Nga đang ngăn chặn việc cung cấp viện trợ nhân đạo.

Nhân đây, Túy Vân xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài nét về thành phố này.

Mariupol nằm ở phía nam của Vùng Donetsk, trên bờ biển Azov và ở cửa sông Kalmius. Nó nằm trong một khu vực của Vùng đất thấp Azov, là phần mở rộng của Vùng đất thấp Biển Đen của Ukraine. Về phía đông của Mariupol là Thảo nguyên Khomutov, cũng là một phần của Vùng đất thấp Azov, nằm trên biên giới với Nga.

Thành phố chiếm diện tích 166 km2. Để so sánh, diện tích thành phố Sàigòn là 2,061 km2. Thành phố Mariupol còn nhỏ hơn cả huyện Bình Chánh.

Sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Mariupol trở thành mục tiêu chiến lược cho các lực lượng Nga và thân Nga. Từ ngày 25 tháng 2, thành phố đã bị bao vây. Vào ngày 13 tháng 3, Hội Hồng Thập Tự cảnh báo rằng cuộc bao vây đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Một tháng sau khi xảy ra xung đột, các nhà chức trách Ukraine cho biết khoảng 90% các tòa nhà ở Mariupol đã bị hư hại hoặc phá hủy. Một nhân viên cứu trợ của Hội Hồng Thập Tự đã mô tả điều kiện ở đó là “ngày tận thế”, với những lo ngại về tình hình nhân đạo gây ra bởi thiệt hại nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận vệ sinh và tình trạng thiếu lương thực. Vào ngày 19 tháng 3 năm 2022, một sĩ quan cảnh sát Ukraine ở Mariupol đã quay một đoạn video trong đó anh ta nói: “Trẻ em, người già đang chết. Thành phố bị phá hủy và nó đang bị xóa sổ khỏi mặt đất”. Lực lượng Nga ở Mariupol đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh. Thành phố đã được trao tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng của Ukraine vào ngày 13 tháng 3 năm 2022.

Đến ngày 18 tháng 3, Mariupol bị bao vây hoàn toàn và giao tranh đã tiến đến trung tâm thành phố, cản trở nỗ lực di tản dân thường. Vào ngày 20 tháng 3, một trường nghệ thuật trong thành phố, nơi trú ẩn của khoảng 400 người, đã bị phá hủy bởi một vụ đánh bom của Nga. Nhà hát kịch, nơi có hơn 900 người đang ẩn náu vì bị pháo kích vào thời điểm đó cũng bị đánh bom, khoảng 300 người đã chết tại đây. Cùng ngày, khi các lực lượng Nga tiếp tục bao vây thành phố, quân Nga đã đòi quân Ukraine phải đầu hàng hoàn toàn, nhưng một số quan chức chính phủ Ukraine đã từ chối.

Lý do từ chối cũng dễ hiểu quân Nga đã chết rất nhiều trong cuộc chiến tại đây. Các quân nhân Ukraine tin rằng nếu đầu hàng, họ sẽ bị giết chết. Tiếp tục chiến đấu may ra còn có con đường sống.

Vào ngày 24 tháng 3, các lực lượng Nga tiến vào trung tâm Mariupol như một phần của giai đoạn thứ hai của cuộc xâm lược. Chính quyền thành phố cáo buộc người Nga đang cố gắng làm mất tinh thần cư dân bằng cách công khai hô hào tuyên bố chiến thắng của Nga, bao gồm cả tuyên bố rằng Odesa đã bị chiếm.

Vào ngày 27 tháng 3, Phó thủ tướng Ukraine, Olha Stefanishyna, tuyên bố rằng “Cư dân của Mariupol không được tiếp cận với nước, bất kỳ nguồn cung cấp thực phẩm, bất kỳ thứ gì. Hơn 90% toàn bộ thị trấn bị phá hủy”.

Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 29 tháng 3, ông Putin tuyên bố rằng việc bắn phá Mariupol sẽ chỉ kết thúc khi quân đội Ukraine đầu hàng hoàn toàn.
Source:UKRInform

2. Ukraine săn lùng tên đồ tể thành Bucha

Một chỉ huy của Nga đã được mệnh danh là “Tên đồ tể thành Bucha” sau khi giám sát vụ hãm hiếp và giết hại những người Ukraine vô tội.

Cục an ninh quốc gia Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết họ đã tìm ra được danh sách bao gồm ngày tháng năm sinh, số quân và địa chỉ ở Nga của các binh lính và sĩ quan Nga trong trung đoàn súng trường cơ giới số 64 của Nga, là đơn vị đã chiếm Bucha trong vòng một tháng và gây ra vụ thảm sát làm rúng động lương tâm thế giới.

Trung tá Azatbek Omurbekov đã bị chỉ đích danh là tên chỉ huy đã ra lệnh cho các hành vi “hoàn toàn vô nhân đạo” của quân đội khi chiếm đóng thành phố.

Omurbekov là chỉ huy của Lữ đoàn súng trường cơ giới số 64, là đơn vị của quân Nga đã để lại dấu vết chết chóc và tàn phá sau khi rút lui khỏi thành phố trước sức tấn công của quân Ukraine.

Thị trấn ở ngoại ô thủ đô giờ đây ngổn ngang những ngôi mộ tập thể và những xác chết thối rữa trên đường phố khi những người sống sót phải chịu đựng những tổn thương không thể kể xiết.

“Tên đồ tể thành Bucha”, Omurbekov, được tường trình là khoảng 40 tuổi, đã bị cáo buộc chỉ đạo những vụ hãm hiếp và tàn sát khủng khiếp hàng trăm người Ukraine.

InformNapalm, một sáng kiến tình nguyện của người Ukraine giám sát các hoạt động của quân đội Nga và các dịch vụ đặc biệt, đã phát hiện ra anh ta là một chiến binh dày dạn kinh nghiệm và là chỉ huy của đơn vị 51460.

Đơn vị của Omurbekov có trụ sở tại một thị trấn bên ngoài Khabarovsk ở Viễn Đông Nga.

Omurbekov đã được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Dmitry Bulgakov, trao huy chương vì sự phục vụ xuất sắc vào năm 2014.

Luật pháp quốc tế quy định một chỉ huy quân sự phải chịu trách nhiệm về bất kỳ tội ác chiến tranh nào do quân của mình gây ra.

Cục an ninh quốc gia Ukraine cho biết: “Chẳng bao lâu nữa tất cả những kẻ giết người, hiếp dâm và cướp bóc này sẽ được nêu danh tính, từng tên một.”

Những bức ảnh thu nhỏ từ thành phố cho thấy thi thể của thường dân nằm rải rác trên đường và trong những ngôi mộ nông cạn - nhiều người bị trói tay và có dấu hiệu bị tra tấn.

Một số người trong số họ, từ những vết thương mà họ phải chịu, cho thấy đã bị bắn từ cự ly gần.

Những xác chết bị cắt xẻo nghiêm trọng có vẻ là đàn ông nằm rải rác trên sàn của trại trẻ em khi các nhân viên cứu hộ mang những nạn nhân vô tội ra ngoài trong những chiếc túi đựng thi thể.

Một linh mục địa phương cho biết những con chó đã được nhìn thấy ăn xác chết thối rữa trong một cảnh như hỏa ngục sau khi những tên đồ tể Nga thực hiện những hành vi dã man.

Cha Andriy Holovin, linh mục của Nhà thờ Thánh Anrê cho biết, ngài đã chôn cất họ trong một hố ngay trước cửa nhà thờ: “Chúng tôi đưa mọi người đến đây từ các đường phố vì những con chó đang ăn xác của họ.”

Có những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em được tìm thấy bị còng tay với một viên đạn ở đầu và ngực - thi thể của họ nằm rải rác trên đường phố và đôi khi bị vứt xuống cống rãnh.

Các xác chết của phụ nữ và trẻ em cũng cho thấy họ đã bị hãm hiếp và sau đó bị sát hại.

Các quan chức Ukraine cho biết ít nhất 410 thi thể đã được tìm thấy khu vực. Nhiều người lo ngại con số còn cao hơn trong những ngày tới.

3. Vài nét về thành phố Bucha

Biến cố Bucha đang gây kinh hoàng rất lớn cho thế giới vì tội ác quá sức man rợ của người Nga. Nhân đây Túy Vân xin trình bày với quý vị và anh chị em vài nét về thành phố này.

Bucha (tiếng Ukraine là Буча) là một thành phố ở vùng Kiev của Ukraine. Một đồng nghiệp người Ukraine giải thích với chúng tôi từ Bucha trong tiếng Ukraine có nghĩa là “tử đạo”. Thật không may, danh xưng này đã ứng nghiệm với những gì vừa diễn ra.

Về mặt hành chính, nó được coi là một thành phố có ý nghĩa quan trọng đối với vùng Kiev. Dân số của thành phố là 36,971 người theo số liệu vào tháng 7, 2021. Ngày Bucha được tổ chức tại thành phố vào ngày 13 tháng 9.

Quá trình hình thành Bucha cũng tương tự như việc hình thành nên thành phố Irpin hiện đại. Cụ thể là khi Ukraine xây dựng tuyến đường sắt Kiev – Kovel vào năm 1898, một khu định cư đã được xây dựng để làm nơi ở cho các công nhân. Sau đó, hình thành một khu định cư sầm uất và Bucha trở thành một trạm dừng của tuyến đường sắt này. Gần trạm dừng xe lửa Bucha có một ngôi làng nhỏ tên là Yablunka, nơi từng có một nhà máy gạch.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trước khi Kiev được giải phóng khỏi quân đội Đức Quốc xã vào tháng 12 năm 1943, Bucha là nơi đặt trụ sở của Quân đoàn Ukraine số 1 do tướng Vatutin chỉ huy.

Sau thế chiến thứ hai, có một nhà máy sản xuất thủy tinh ở Bucha. Được xây dựng vào năm 1946, nó đã bị đóng cửa vào năm 2016. Hình ảnh lịch sử của Bucha là một ga đường sắt có từ thế kỷ 19 nằm ở rìa phía nam của thành phố.

Bucha được cấp trạng thái thành phố vào ngày 9 tháng 2 năm 2006, trước đó, Bucha là một thị trấn thuộc thành phố Irpin. Có một sân vận động ở Bucha tên là Sân vận động Yuvileiny, nơi một số trận đấu đã được tổ chức vào tháng 10 năm 2016 cho vòng loại Giải vô địch U19 Âu Châu 2017 của UEFA.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, giao tranh ác liệt đã diễn ra ở Bucha như một phần của cuộc tấn công Kiev, dẫn đến tổn thất nghiêm trọng của Nga. Thành phố đã bị quân Nga chiếm vào ngày 12 tháng 3. Thị trưởng Anatoliy Fedoruk tuyên bố lực lượng Ukraine tái chiếm Bucha vào ngày 31 tháng 3 năm 2022.

Vụ thảm sát Bucha

Vào ngày 2 tháng 4 năm 2022, các bản tin và video xuất hiện cho thấy xác người nằm la liệt trên đường phố, tay bị trói giật ra sau và họ bị bắn đằng sau ót. Ít nhất 410 thi thể đã được tìm thấy. Nhiều người bị xô xuống hố chôn tập thể. Nhiều phụ nữ chết trần truồng chứng tỏ họ đã bị hiếp dâm trước khi bị giết chết.

4. Khoảng 50 người chết cháy sau vụ đánh bom bệnh viện Mariupol của Nga

Hậu quả của cuộc không kích của Nga vào bệnh viện Mariupol hôm thứ Tư đã khiến gần 50 người bị mắc kẹt trong tòa nhà và bị chết cháy. Nhìn chung, 5,000 người đã chết ở Mariupol trong một tháng Nga vây hãm thành phố.

Thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko cho biết điều này tại một cuộc họp ảo được tổ chức thông qua liên kết video.

“Ước tính sơ bộ, 5,000 người, trong đó có 210 trẻ em, đã thiệt mạng ở Mariupol trong một tháng bị bao vây. Lực lượng khủng bố Nga đã thả nhiều quả bom hạng nặng vào một bệnh viện nhi khoa và phá hủy một trong những tòa nhà của bệnh viện số 1 của thành phố. Gần 50 người đã bị chết cháy. Họ ném bom Nhà hát kịch, nơi có hơn 900 người đang ẩn náu vì bị pháo kích vào thời điểm đó. Đây chỉ là một vài ví dụ về sự cố ý phá hủy dân thường của Mariupol”, thị trưởng Boichenko nói.

Theo ông, lực lượng Nga đã phá hủy 90% cơ sở hạ tầng của thành phố, trong đó 40% là không thể sửa chữa.

Hội đồng thành phố đã thành lập một ủy ban ghi lại các vụ phá hủy tài sản công và tư, và hơn 300 trường hợp đã được báo cáo cho đến nay.

Khoảng 130,000 dân thường vẫn bị mắc kẹt ở Mariupol nơi đang bị quân xâm lược Nga bao vây.
Source:UKRInform

5. Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhận định: Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đang bước vào giai đoạn quan trọng

Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đang bước vào giai đoạn quan trọng và các đồng minh NATO đã sẵn sàng cung cấp cho Kiev mọi sự trợ giúp cần thiết để chống lại các cuộc tấn công của quân xâm lược.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết như trên trước cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao NATO diễn ra trong hai ngày 6 và 7 tháng Tư.

“Chúng ta hiện đang ở trong một giai đoạn quan trọng của cuộc chiến. Chúng ta thấy rằng Nga đang di chuyển các lực lượng ra khỏi miền bắc để tiếp viện, tiếp tế cho họ, tái trang bị và sau đó di chuyển họ vào phía đông, nơi một cuộc tấn công lớn sắp xảy ra. Mục đích của Putin là cố gắng kiểm soát toàn bộ Donbas và thiết lập một cây cầu trên bộ tới Crimea. Chúng ta không thấy có dấu hiệu nào cho thấy Putin đã thay đổi tham vọng kiểm soát toàn bộ Ukraine và cũng để viết lại trật tự quốc tế,” ông nói.

Tướng Stoltenberg lưu ý rằng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba sẽ tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng NATO, và đây sẽ là cơ hội tốt để có được thông tin về tình hình và nhu cầu của các lực lượng vũ trang Ukraine.

“Chúng ta sẽ có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Kuleba từ Ukraine, và tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta có cơ hội này để tham gia trực tiếp với ông ấy. Để thảo luận với ông ấy, để lắng nghe, để nghe Bộ trưởng Kuleba và cũng để thảo luận về con đường phía trước cùng nhau. Chúng ta cũng sẽ có sự tham gia của các đối tác khác, Bộ trưởng Ngoại giao Georgia, Phần Lan, Thụy Điển, Liên minh Âu Châu và các đối tác của chúng ta từ Á Châu Thái Bình Dương, Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. Và đây đều là những đối tác được đánh giá cao,” ông nói.

Theo Tổng thư ký NATO, các Bộ trưởng Ngoại giao sẽ thảo luận về Khái niệm chiến lược mới của NATO nhằm giải quyết thực tế an ninh mới, bao gồm hậu quả an ninh của các hành động gây hấn của Nga, sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, hậu quả an ninh của một Trung Quốc mạnh hơn nhiều. và những thách thức mà Nga và Trung Quốc đang cùng nhau đặt ra đối với các quy tắc dựa trên trật tự quốc tế và các giá trị dân chủ của chúng ta.

Stoltenberg nhấn mạnh rằng các vụ giết hại hàng loạt dân thường ở Bucha và các thành phố khác của Ukraine, do quân xâm lược Nga chiếm đóng, đã tiết lộ bản chất thực sự của cuộc chiến của Putin.

“Tất cả chúng ta đều đã thấy những hành động tàn bạo đã xảy ra ở Bucha và những nơi khác ở Ukraine. Điều này cho thấy bản chất thực sự của cuộc chiến của Putin, và việc nhắm mục tiêu và giết hại dân thường là một tội ác chiến tranh và do đó, các đồng minh NATO đang hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm xác lập tất cả các sự thật, điều tra và bảo đảm rằng thủ phạm phải bị trừng phạt.”
Source:UKRInform
 
TT Zelenskiy: Putin muốn biến Ukraine thành nô lệ thầm lặng. Bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô
VietCatholic Media
16:48 07/04/2022


1. Tổng thống Zelenskiy: Nga muốn biến Ukraine thành 'nô lệ thầm lặng'

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenksiy, đã có bài phát biểu trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tại New York. Dưới đây là một số thông tin tóm tắt từ bài diễn văn của ông:

Trước hết, Ông Zelenksiy cáo buộc Nga “ủng hộ sự thù hận ở cấp độ nhà nước” và xuất khẩu nó sang các nước khác “thông qua hệ thống tuyên truyền và tham nhũng chính trị của họ”.

Họ đã kích động một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể dẫn đến nạn đói ở Phi Châu, Á Châu và các nước khác. Chắc chắn, và trên quy mô lớn, người Nga đã mưu tìm hỗn loạn chính trị ở nhiều quốc gia và phá hủy an ninh nội địa của nhiều nước.

Mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên quan tâm đến việc Liên Hiệp Quốc sẽ lựa chọn hành động như thế nào để đáp lại các hành động của Nga ở Ukraine.

Ông nói, giới lãnh đạo của Nga lặp lại các hành động của “những người thực dân trong thời cổ đại”, bắt đầu bằng việc cướp bóc thực phẩm và những “đôi bông tai bằng vàng của các phụ nữ bị giựt ra dính đầy máu”.

Họ cần sự giàu có của chúng tôi, con người của chúng tôi.

Nga đã bắt cóc hàng trăm nghìn công dân của chúng tôi về đất nước của họ. Họ đã bắt cóc hơn 2,000 trẻ em. Không chỉ bắt cóc những đứa trẻ đó, họ vẫn đang tiếp tục làm như vậy. Nga muốn biến Ukraine thành những nô lệ thầm lặng.

Quân đội Nga đang công khai cướp phá các thành phố và làng mạc mà họ đã chiếm được. Họ đang ăn cắp mọi thứ, bắt đầu từ thức ăn và những đông bông tai.


Source:The Guardian

2. Dòng Malta huy động 69,000 tình nguyện viên để giúp đỡ người Ukraine

Cuộc xâm lược của quân đội Nga bước sang tuần thứ năm, 12 triệu người ở Ukraine đang rơi vào tình trạng rất mong manh. 3,8 triệu người đã chạy trốn khỏi cuộc chiến sang một quốc gia láng giềng và 4 triệu người khác đang lên kế hoạch tham gia cùng họ. Đối mặt với thách thức nhân đạo chưa từng có, Dòng Malta đang thực hiện nhiều hành động trên thực địa ở Ukraine. Những trợ giúp này bao gồm việc phân phát các bữa ăn tại sáu trung tâm tiếp tân ở Lviv, nơi một trung tâm y tế tập trung đã được thành lập; chỗ ở cho những người tị nạn đến Lviv và Ivano-Frankivsk; hỗ trợ tâm lý; và việc chuyển giao y tế cho những người tị nạn bị thương hoặc bị bệnh đến biên giới.

Cho đến nay, Dòng Malta đã cung cấp cho 275,000 người Ukraine dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ hậu cần hoặc phân phối lương thực tại các biên giới của đất nước. Ngoài ra, 47 xe tải chở đầy thiết bị y tế, thực phẩm, thuốc men và bộ dụng cụ sinh tồn đã được thuê. Các đoàn xe bổ sung đang được chuẩn bị. 69,000 tình nguyện viên sống ở Đông Âu cam kết hỗ trợ nỗ lực nhân đạo.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ Âu Châu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.
Source:Aleteia

3. Cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên chuyến bay từ Malta trở lại Vatican

Hãng tin CNA vừa cho phổ biến toàn văn cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên chuyến bay từ Malta trở lại Vatican ngày 3 tháng 4, 2020. Cuộc phỏng vấn này bị giới hạn thời gian vì thời gian bay từ Malta trở lại Vatican không lâu. Chúng tôi xin chuyển dịch các câu hỏi chính:

Andrea Rossitto, Đài truyền hình Malta nói Cảm ơn Đức Thánh Cha đã có mặt tại Malta. Câu hỏi của con là về sự ngạc nhiên sáng nay, trong nhà nguyện nơi Thánh George Preca được chôn cất: động lực nào khiến Đức Thánh Cha tạo ra bất ngờ này cho người Malta. Đức Thánh Cha sẽ nhớ gì về chuyến thăm Malta này? Rồi, sức khỏe của Đức Thánh Cha. Nó đang diễn tiến ra sao? Chúng con thấy rằng chuyến đi rất căng thẳng này đã diễn ra tốt đẹp. Cảm ơn Đức Thánh Cha nhiều.

Đáp lại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết: Sức khỏe của tôi hơi thay đổi, tôi có vấn đề về đầu gối khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Cũng hơi khó chịu nhưng cũng đỡ hơn, ít ra thì tôi cũng đi lại được, một tuần trước tôi còn không đi lại được. Mọi sự xem ra chậm chạp vào mùa đông này... ở độ tuổi của tôi, bạn không biết trận đấu sẽ kết thúc như thế nào. Chúng ta hãy hy vọng nó diễn ra tốt đẹp.

Về Malta, tôi rất vui với chuyến thăm. Tôi đã nhìn thấy thực tế của Malta, sự nhiệt tình tuyệt vời của người dân cả ở Gozo lẫn ở Malta. Một sự nhiệt tình tuyệt vời trên đường phố. Tôi đã rất ngạc nhiên. [Chuyến đi] hơi ngắn. Tôi đã thấy vấn đề, một trong những vấn đề đối với các bạn. Vấn đề người di cư rất nghiêm trọng, bởi vì Hy Lạp, Síp, Malta, Tây Ban Nha, Ý là những quốc gia gần châu Phi và Trung Đông nhất, những người di cư đến đây luôn được chào đón. Vấn đề là mỗi chính phủ nên nói rõ thông thường họ có thể tiếp nhận bao nhiêu người di cư để sống xứng đáng, điều này đòi hỏi phải thông cảm với các quốc gia Âu Châu, và ít chính phủ sẵn sàng chấp nhận người di cư. Chúng ta đừng quên rằng Âu Châu được tạo ra bởi những người di cư, nhưng ít nhất đừng để trọn gánh nặng cho các quốc gia láng giềng này. Điều quan trọng là không để các quốc gia này một mình.

Hôm nay tôi đã có mặt tại trung tâm tiếp nhận người di cư. Những điều tôi nghe thấy ở đó, chúng thật khủng khiếp, sự đau khổ của những người đến đó, và sau đó là các trại di cư, có những trại di cư trên bờ biển Libya, “Con đường Thập giá” của những người này dường như đầy tính tội phạm. Tôi đã nghe các chứng từ đầy đau khổ. Đây là một vấn đề đụng đến tất cả chúng ta. Cách mà Âu Châu đang dành chỗ, một cách hào phóng, cho người Ukraine, mở cửa cho người Ukraine, họ cũng nên làm cho cả những người đến từ Địa Trung Hải. Đây là một điểm khiến tôi rất xúc động lúc kết thúc chuyến viếng thăm. Tôi đã cảm nhận được nỗi đau khổ của họ, nỗi đau khổ ít nhiều tôi đã nói với các bạn trong cuốn sách nhỏ xuất bản, “Hermanito,” bằng tiếng Tây Ban Nha, “em trai tôi”, nỗi đau khổ của những người này. Một người lên tiếng hôm nay phải trả gấp bốn lần. Tôi yêu cầu các bạn suy nghĩ về điều này.

Jordi Barcelò của Đài phát thanh Nacional de España đặt câu hỏi: Chào Đức Thánh Cha buổi tối. Con sẽ đọc câu hỏi vì tiếng Ý của con vẫn chưa tốt lắm. Trên chuyến bay đưa chúng ta đến Malta, Đức Thánh Cha đã nói rằng một chuyến thăm Kyiv đã được dự kiến. Và một lần nữa ở Malta, Đức Thánh Cha đã nhiều lần nhắc đến sự gần gũi của Đức Thánh Cha với người dân Ukraine. Vào ngày thứ Sáu tại Rome, tổng thống Ba Lan đã để ngỏ cho chuyến thăm biên giới Ba Lan. Hôm nay, chúng ta bị xúc động rất nhiều bởi những hình ảnh đến từ Bucha, một thị trấn gần Kyiv, được quân đội Nga bỏ đi, nơi người Ukraine tìm thấy hàng chục tử thi vứt trên mặt đất, một số nắm tay nhau, như thể họ bị hành quyết. Có vẻ như ngày nay, sự hiện diện của Đức Thánh Cha trong khu vực đó luôn cần thiết hơn. Đức Thánh Cha có nghĩ rằng một chuyến đi như thế là khả thi và đâu là những điều kiện cần có để Đức Thánh Cha đến đó? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

Đức Phanxicô trả lời: Cảm ơn bạn đã cho tôi biết tin tức này từ hôm nay mà tôi không biết. Chiến tranh luôn là một sự tàn ác, một điều phi nhân tính đi ngược lại tinh thần nhân bản - tôi không nói Kitô giáo, mà là nhân bản. Đó là tinh thần của Cain được cho là đã đi đến đó. Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm được, và Tòa Thánh, đặc biệt là phần ngoại giao - Đức Hồng Y Parolin, Đức Tổng Giám Mục Gallagher - đang làm mọi sự, mọi sự. Bạn không thể công bố mọi điều các ngài đang làm, vì thận trọng, vượt ra ngoài bí mật, nhưng chúng tôi đang ở giới hạn cuối cùng của công việc. Một chuyến đi là một trong những khả thể. Có thể có hai chuyến thăm: một chuyến như tổng thống Ba Lan yêu cầu, cử Hồng Y Krajewski đến thăm những người Ukraine được tiếp nhận ở Ba Lan. Ngài đã đi hai lần để mang theo hai chiếc xe cấp cứu, và ngài vẫn đang ở đó với họ, nhưng ngài sẽ làm điều đó một lần nữa, ngài sẵn sàng làm điều đó. Chuyến đi khác mà có người hỏi tôi, nhiều hơn một người, tôi nói thật lòng, liệu tôi có dự định đến đó hay không, thì tôi xin nói rằng việc luôn sẵn sàng có đó, không có, “không”, trước tiên, tôi sẵn sàng...Và tôi nghĩ gì về một chuyến đi... câu hỏi diễn ra như thế này: chúng tôi nghe nói rằng các bạn đang nghĩ về một chuyến thăm Ukraine? Và tôi nói: Nó đang nằm ở trên bàn. Đó là một trong những đề xuất đã được đưa ra, nhưng tôi không biết liệu nó có thể thực hiện được hay không, liệu có đáng để làm hay không và nếu làm nó có là điều tốt nhất, hoặc nó có hữu ích hay không và tôi nên làm nó. Tất cả vẫn còn lơ lửng trong không khí, phải không? Rồi, từ lâu, người ta vốn nghĩ đến một cuộc gặp gỡ với Thượng phụ Kirill. Điều này đang được sắp xếp, Trung Đông đang được coi là [địa điểm]. Đây là những điều hiện đang được dự kiến.

Gerry O’Connell của Tạp chí America hỏi Đức Phanxicô: Thưa Đức Thánh Cha, trong suốt chuyến đi này, Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói tới chiến tranh [ở Ukraine]. Câu hỏi nhiều người có là, kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Đức Thánh Cha đã nói chuyện với Tổng thống Putin và nếu không, Đức Thánh Cha sẽ nói gì với ông ấy hôm nay?

Đức Phanxicô nói: Những điều tôi đã nói với chính quyền của mỗi bên đều được công khai. Không có điều gì tôi đã nói là bí mật đối với tôi. Khi tôi nói chuyện với Thượng phụ Kirill, sau đó ngài đã tuyên bố đúng những gì chúng tôi đã nói với nhau. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Nga hồi cuối năm, khi ông ấy gọi điện chúc mừng sinh nhật tôi. Chúng tôi đã nói. Tôi đã nói chuyện với tổng thống Ukraine hai lần. Sau đó, vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, tôi nghĩ rằng tôi nên đến đại sứ quán Nga tại Tòa thánh để nói chuyện với đại sứ, người đại diện cho người dân, đặt câu hỏi và chia sẻ cảm xúc của tôi về tình hình. Đây là những thông tin liên lạc chính thức mà tôi có. Với Nga, tôi đã làm điều đó thông qua đại sứ. Tôi cũng đã nói chuyện với tổng giám mục chính của Kyiv, Đức Cha Shevchuck. Cứ đều đặn hai hoặc ba ngày, tôi nói chuyện với một người trong số các bạn, Elisabetta Piqué, nhà báo tại Vatican của tờ La Nación, hiện đang ở Odesa, nhưng đã ở Lviv khi chúng tôi nói chuyện. Cô ấy cho tôi biết mọi điều đang diễn biến như thế nào. Tôi cũng đã nói chuyện thường xuyên với bề trên của chủng viện. Nhưng như tôi đã nói, tôi cũng đang liên lạc với một trong số các bạn. Nói đến đây, tôi muốn gửi lời chia buồn cùng các bạn vì những người đồng nghiệp của các bạn đã ngã xuống. Dù họ đứng về phía nào, điều đó không quan trọng. Nhưng công việc của các bạn là công việc vì lợi ích chung. Và những [nhà báo] này đã phục vụ lợi ích chung, phục vụ thông tin. Chúng ta đừng quên họ. Họ rất dũng cảm và tôi cầu nguyện cho họ xin Chúa ban thưởng công việc họ làm. Đó là những thông tin liên lạc mà chúng tôi đã có cho đến nay.

O’Connell hỏi thêm: Nhưng thông điệp của Đức Thánh Cha dành cho Putin là gì nếu Đức Thánh Cha có khả thể nói chuyện với ông ấy?

Đức Phanxicô trả lời: Những thông điệp mà tôi đã gửi cho tất cả các cơ quan chức năng là những thông điệp mà tôi đã công khai. Tôi không nói nước đôi. Tôi luôn nói những điều như nhau. Tôi nghĩ trong câu hỏi của bạn cũng có sự nghi ngờ về những cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Mọi cuộc chiến tranh đều bắt nguồn từ sự bất công, luôn luôn như vậy. Bởi vì đó là phương pháp của chiến tranh, không có chiến thuật hòa bình. Thí dụ, đầu tư mua vũ khí. Họ nói: nhưng chúng tôi cần phải tự vệ. Đó là chiến lược của chiến tranh. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, mọi người đều thở phào, “không bao giờ có chiến tranh nữa” chỉ có hòa bình. Một làn sóng hoạt động vì hòa bình đã bắt đầu, ngay cả với thiện chí không trao vũ khí, vũ khí nguyên tử trong thời điểm đó, vì hòa bình, sau Hiroshima và Nagasaki. Có thiện chí lớn. 70 năm sau, chúng ta đã quên tất cả những điều này. Chiến lược mà chiến tranh áp đặt là như vậy. Thời đó, có rất nhiều hy vọng vào công việc của Liên Hợp Quốc. Nhưng chiến thuật chiến tranh đã tự áp đặt trở lại. Chúng ta không thể nghĩ ra một chiến lược khác, chúng ta không quen nghĩ đến chiến lược hòa bình. Có những người vĩ đại như Gandhi và những người khác mà tôi đề cập ở cuối thông điệp Fratelli tutti, những người đã chiến đấu cho chiến lược hòa bình. Nhưng chúng ta là loài người ngoan cố. Chúng ta yêu những cuộc chiến tranh, với tinh thần Cain. Không phải ngẫu nhiên, ở phần đầu của Kinh thánh có vấn đề này: tinh thần “Cain” giết người thay vì tinh thần hòa bình. “Thưa cha, tôi không thể”.

Tôi sẽ nói với bạn một điều có tính tư riêng: Vào năm 2014, khi ở nghĩa trang quân đội tại Redipuglia, nhìn thấy tên của những cậu bé [đã chết] đó, tôi đã khóc. Thực sự tôi đã khóc vì cay đắng. Sau đó, một hoặc hai năm sau, vào Ngày lễ các linh hồn, tôi đã đến cử hành Thánh lễ ở Anzio và tôi thấy tên của những [binh lính] trẻ đã ngã xuống ở đó. Tất cả những người đàn ông trẻ tuổi, và tôi cũng đã khóc ở đó. Thật thế. Khóc trên những ngôi mộ là cần thiết.

Có một điều mà tôi tôn trọng, bởi vì nó là một vấn đề chính trị. Khi có một lễ kỷ niệm về việc đổ bộ lên Normandy, những người đứng đầu chính phủ cùng nhau tụ họp để tưởng nhớ nó. Nhưng tôi không nhớ có ai đã nói về 30,000 thanh niên ngã xuống trên bãi biển. Tuổi trẻ không đáng kể. Điều này khiến tôi suy nghĩ. Tôi đau buồn. Chúng ta không học được gì. Xin Chúa thương xót chúng ta, tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều có lỗi.