Ngày 08-04-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Điểm Tâm
Lm Vũđình Tường
05:36 08/04/2016
Bữa ăn sáng trở thành bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia về dinh dưỡng. Họ lí luận bữa ăn này cung cấp chất dinh dưỡng cần cho cơ thể sau một đêm dài không ăn uống. Nghiên cứu cho thấy các em học sinh ăn sáng đầy đủ học chăm chỉ hơn, vui nhộn hơn, tinh thần sảng khoái hơn và học tiến hơn. Các chuyên gia còn cho biết chất dinh dưỡng ăn vào trong ngày không thể bù đắp cho dinh dưỡng thiếu hụt buổi sáng.

Môn đệ Đức Kitô trốn sau cửa cài then một thời gian các ông tuy vẫn sợ, vẫn lo lắng, vẫn buồn sầu, các ông muốn làm một cái gì đó để ít nhất giảm bớt nỗi bận tâm rưng rức trong lòng được lúc nào hay lúc đó. Thả lưới là nghề của các ông nên các ông rủ nhau đi chài lưới hy vọng bớt sầu khổ. Sau một đêm trắng tay, mệt lả, cực nhọc nhưng tâm hồn thảnh thơi, các ông đang trên đường vào bờ, giặt lưới và hy vọng ngủ một giấc dài. Có tiếng từ bờ phát ra kêu gọi các ông thả lưới bên mạn thuyền. Động lực nào khiến các ông vâng lời thì không rõ nhưng các ông đã thả lưới. Lưới dính đầy cá, các ông nhận ra con người trên bờ kia chính là Đức Kitô. Thầy Kitô đã chuẩn bị bữa ăn sáng cho các ông. Củi lửa đã đốt sẵn, bỏ cá tươi mới bắt trên than hồng là có bữa điểm tâm ngon. Đức Kitô sau khi sống lại hiện ra lần này là lần thứ ba nhưng là lần thứ nhất Đức Kitô chuẩn bị bữa ăn sáng cho các môn đệ.

Sau bữa ăn sáng là một ngày mới. Sau bữa điểm tâm với Đức Kitô các môn đệ bắt đầu cuộc đời mới, công việc mới, công việc rao giảng Tin Mừng Phục Sinh. Từ đây các ông sống cuộc sống mới, từ chài lưới cá biển khơi các ông biến thành chài lưới biển đời, làm công việc mục vụ phục vụ mọi người trong muôn dân. Trước khi sai các ông đi rao giảng Đức Kitô hỏi người trưởng nhóm trong các ông là Phêrô xem các ông đã sẵn sàng chưa. Các ông sẵn sàng, tự nguyện làm công việc chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh với tất cả tấm lòng yêu mến. Đức Kitô hỏi Phêrô ba lần và cả ba lần Phêrô đại diện anh em xác tín các ông yêu mến Đức Kitô hết lòng. Mỗi lần như thế Đức Kitô trao cho một sứ mạng, một công việc. Hãy chăn dắt chiên con của ta, hãy chăn dắt chiên mẹ và lần thứ ba hãy chăn dắt cả đàn chiên.

Nhiệm vụ chính của môn đệ là chăn dắt đàn chiên, cả chiên nhỏ lẫn chiên lớn. Có sự phân biệt giữa chiên nhỏ và chiên lớn bởi khác biệt về thời gian. Công việc mục vụ của các tông đồ là chăn dắt, coi sóc, bảo vệ đàn chiên. Điều này có nghĩa là các ông chăn sót chiên từ lúc chúng vào đời cho đến cuối đời. Khi bắt mẻ lưới đầy cá Đức Kitô muốn cho các ông hiểu các ông cũng sẽ bắt được rất nhiều khi các ông trở thành chài lưới người ta trong sứ mạng tông đồ. Quả thế các ông đã thành công rực rỡ và đây chính là Giáo Hội trần thế của Đức Kitô.

Môn đệ không chăm sóc chiên bằng thực phẩm của riêng mình nhưng bằng thực phẩm, giáo huấn các ông nhận từ Đức Kitô. Các ông nuôi chiên bằng thực phẩm trường sinh Đức Kitô trao ban. Các ông làm chứng Đức Kitô Phục Sinh bởi chính các ông được Ngài sai đi, sau khi ăn sáng với Ngài. Các ông chăm sóc chiên bằng đường lối Đức Kitô chăm sóc các ông. Vác thập giá mình theo Đức Kitô như xưa Ngài vác trên đường lên núi Sọ. Yêu thương họ cùng tình yêu Đức Kitô yêu thương các ông là thí mạng sống mình vì đàn chiên. Tha thứ cho kẻ hành hạ mình như Đức Kitô xin Chúa Cha tha tội cho kẻ hành hạ thân xác Ngài.

Đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh mọi nơi mọi lúc, khi hoạn nạn đau khổ trong đời hay khi hạnh phúc an bình. Đừng bao giờ ngừng tin vào Đức Kitô Phục Sinh bởi Ngài là Đấng duy nhất có quyền ban sự sống trường sinh.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:42 08/04/2016
PHẢI VÂNG LỜI Thiên Chúa HƠN LÀ VÂNG LỜI NGƯỜI PHÀM

(Chúa Nhật III PS C)

Bị điệu ra giữa Thượng Hội Đồng, bị chất vấn rằng vì sao không chấp hành lệnh nghiêm cấm không được giảng dạy nhân danh Giêsu nữa, Phêrô và các Tông đồ đã khẳng khái trả lời: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cvtđ 5,32). Câu trả lời thật tuyệt vời. Hầu như tất cả những ai đã tin vào Thiên Chúa đều phải “tâm phục, khẩu phục” trước câu nói này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để phân biệt đâu là lời của Thiên Chúa và đâu là lời của người phàm? Kitô hữu chúng ta vốn nhìn nhận tiếng Chúa phán qua thiên nhiên vũ trụ, qua các biến cố lịch sử, qua tiếng lương tâm. Nhưng cần thú nhận rằng các phương thức phán dạy ấy của Thiên Chúa dường như không minh nhiên rõ ràng với nhiều người. Chúng ta vốn tin nhận Lời Chúa qua Thánh Kinh, đặc biệt qua lời của Con Một Thiên Chúa nhập thể, Giêsu Kitô. Tuy nhiên cũng không dễ phân biệt đâu là cách thế trình bày của tác giả nhân loại và đâu là ý lời Thiên Chúa muốn truyền. Ngay đến các tông đồ là những người trực tiếp tai nghe lời Đấng Cứu Thế mà vẫn còn nhiều điều các ngài chưa thể hiểu (x.Ga 16,12-13). Trong lịch sử đã không thiếu nhiều trường hợp lời của Thiên Chúa đã bị cắt xén hoặc bị đưa khỏi ngữ cảnh, để phục vụ cho ý, lời của phàm nhân. Ngoài ra còn cần phải kể đến nhiều lời giảng dạy của Đấng Cứu độ mà không được ghi chép trong Kinh Thánh (x.Ga 20,30-31;21,25). Đó là một trong những nội hàm mà Giáo Hội Công Giáo gọi là Thánh Truyền.

Căn cứ bài Tin Mừng thánh Gioan (Ga 21,1-19) mà Giáo Hội cho trích đọc trong Chúa Nhật III mùa Phục Sinh năm C, xin cùng nghe và có đôi suy nghĩ về những lời từ miệng của Đấng Phục Sinh. Xin được ghép những lời của Chúa Kitô trong lần tỏ mình ra trên biển hồ Tibêria thành bốn cặp lời hữu quan, mang tính biện chứng như sau:

1. “Này các anh, có gì ăn không?” – “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”.

Các anh có gì ăn không? Một lời cầu xin ư? Đúng vậy. Rất nhiều nhu cầu của tha nhân đang vọng vang bên tai chúng ta. Đó không chỉ là nhu cầu lương thực vật chất mà còn nhiều nhu cầu thiết yếu khác về tinh thần, tâm linh. Người ta không chỉ sống đúng nhân phẩm bằng cơm bánh mà còn bằng nhu cầu học hành, đi lại, nói năng, suy nghĩ, kết hội… Chắc hẳn thế nào các môn đệ cũng nhớ lại lời Thầy Chí Thánh trước đây: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Có người thầm thỉ, nói đúng hơn là than thở: “Chúa ơi, Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp, thế mà sao còn quá nhiều người đói khổ như ở Sômali, ở Haiti…còn quá nhiều người bị áp bức, chịu cảnh bất công nơi này nơi kia trên thế giới và ngay cả chung quanh con?” Chắc hẳn Chúa sẽ trả lời rằng: “Con ơi, Ta đã làm rồi đó. Ta đã dựng nên con. Đó là điều rất tốt đẹp” (x.St 1,31).

Chúng ta cũng đã từng phân trần: “Tài mọn, sức yếu như con làm sao kham nỗi? Hoàn cảnh thế sự lại quá khó khăn, Chúa biết đấy “một con én không làm nên mùa xuân”. Thế nhưng Chúa vẫn cứ gợi ý, ra lệnh hay mời gọi: “Cứ thả lưới!” Các ngư phủ lành nghề ngày xưa đã làm điều nghịch thường: thả lưới giữa ban ngày! Trước đây trên dưới ba năm Simon đã được một mẻ cá lạ lùng chất đầy hai thuyền nặng gần chìm và hôm nay ngài cùng với các bạn lại được một mẻ cá không kém: 153 con cá lớn, nghĩa là bắt gần hết cá dưới biển vì theo quan niệm thời bấy giờ thì dưới biển chỉ có 153 loại cá. Ngạn ngữ Tây: “Les paresseurs sont ceux qui toujours veulent faire quelque chose”(Những người lười biếng là những người luôn muốn làm một sự gì đó). Xin đừng mộng mơ! Xin chớ ngồi mà ước muốn suông hoặc chỉ biết chấp tay cầu nguyện! Hãy thả lưới dù trời đã sáng, nghĩa là cả lúc thế thời xem ra không thuận lợi.

2. “Anh em hãy đến mà ăn!” – “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

“Hãy đến mà ăn!” Lời mời gọi của Chúa Cứu Thế nhắc nhớ chúng ta rằng mọi người đều cần đến lương thực bởi trời. Mọi hiện hữu ở đời đều do bởi Thiên Chúa. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5). Đến với Chúa để kín múc nguồn sống, để nhận lấy năng lực yêu thương, phục vụ, trao ban. Đấng Cứu Độ không muốn chúng ta đến với Người với đôi bàn tay trắng. Dù có thể làm được mọi sự, nhưng Người cũng đã từng muốn cần đến năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ (x.Mt 14,17). Hằng ngày đến với Người qua bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta đã mang gì để dâng cho Người?

3. “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” – “Hãy chăn dắt chiên (chiên con và chiên mẹ) của Thầy!”

Vì yêu Chúa Kitô nên chúng ta sẵn sàng đảm nhận phần việc của Người. Nhờ yêu Chúa Kitô nên chúng ta mới có khả năng chăn dắt các chiên lớn bé của Người. Không ai dại dột giao trứng cho ác. Người ta chỉ ký thác người thân yêu cho kẻ đáng tin cậy. Và người đáng tin, đáng cậy nhất đó là người yêu mến mình hết sức, hết lòng. Biết chăn dắt đàn chiên với cả tấm lòng yêu mến thì mới xứng là mục tử. Không có tình yêu thì không thể chuyên chăm dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh và dòng suối mát. Không có tình yêu thì không thế can đảm chống trả sói dữ và liều mạng sống vì đàn chiên. Không có tình yêu thì chẳng thể quan tâm chăm sóc chiên gầy, chiên bệnh tật hoặc vất vả đi tìm con lạc và cả những chiên đang ở ngoài đàn.

4. “Anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” – “Hãy theo Thầy!”

Dưới đóa hoa hồng thường lấp ló những cành gai. Thập giá là hệ quả như tất yếu của tình yêu. Đường tình yêu là đường thập giá. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”(Lc 9,23). Vấn đề đặt ra là bạn, tôi, chúng ta muốn theo ai? Đã quyết đinh theo Chúa Kitô thì không có con đường nào khác, ngoài con đường Người đã đi. Xin đừng quá chăm chú đến khúc gỗ sần sù. Đường Chúa đi là đường yêu thương. Khi đã lao mình vào biển tình yêu, hết lòng vì người mình yêu, hết tình vì người yêu mình, thì những khúc gỗ sần sù kia dù có ê vai nhưng rồi sẽ trở thành ách êm ái, gánh nhẹ nhàng. (x.Mt 11,29-30)

Có ai yêu thương chúng ta như Đấng đã phó ban Người Con Một, vì hạnh phúc chúng ta? Có ai đầy quyền uy cao cả cho bằng Đấng đã dựng nên cả đất trời và đưa chúng ta từ chốn hư vô đến hiện hữu ở đời này? Vì thế, thái độ vừa chính đáng vừa khôn ngoan và phải đạo là: “Phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời người ta.”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Lòng mến, điều kiện để được ơn tha thứ và trao trach nhiệm
Lm. Đan Vinh
08:47 08/04/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH C

Cv 5,27b-32.40b-41 ; Kh 5,11-14 ; Ga 21,1-19

LÒNG MẾN, ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA THỨ VÀ TRAO TRÁCH NHIỆM

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 21,1-19

(1) Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này: (2) Ông Simon Phêrô, Ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. (3) Ông Simon Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền. Nhưng đêm hôm ấy họ không bắt được gì cả. (4) Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. (5) Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không”. (6) Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (7) Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó”. Vừa nghe nói “Chúa đó”, ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (8) Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần trăm thước. (9) Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. (10) Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”. (11) ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. (12) Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong đám môn đệ dám hỏi: “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. (13) Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông. Rồi cá, Người cũng làm như vậy. (14) Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết. (15) Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. (16) Người lại hỏi” “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không? “Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. (17) Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy. Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. (18) Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng, và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. (19) Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào, để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.

2. Ý CHÍNH: Đây là đoạn cuối của Tin mừng thứ tư, được chia làm 4 phân đoạn sau:

1- Các Tông đồ tập trung tại miền Galilê rủ nhau đi đánh cá và kết quả các ông không bắt được con cá nào! (C 1-3).

2- Chúa Phục Sinh xuất hiện chỉ cho các ông nơi thả lưới. Các ông vâng lời và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Nhờ đó các ông đã nhận ra Người (C 4-8).

3- Trong bữa ăn sáng đã được dọn sẵn, Chúa Phục Sinh đã truyền lấy thêm cá mới bắt được và đã cử hành Lễ Bẻ Bánh giống như đã từng làm trước đó (C 9-14).

4- Cuối cùng Chúa Phục Sinh đã sát hạch Phêrô về lòng yêu mến trước khi trao quyền mục tử cho ông. Người cũng tiên báo cái chết đau thương sẽ đến với ông lúc cuối đời (C 15-19).

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Biển hồ Tibêria: Tìn mừng Mátthêu cho biết khi hiện ra với Maria Mácđala và một bà khác tên là Maria, Chúa Giêsu đã yêu cầu các bà báo tin cho các môn đệ để họ đến Galilê gặp Người (Mt 28,1.10). + Ông Simon Phêrô...: Tin mừng kể ra số các môn đệ đang ở chung khi ấy là 7 ông: Simon Phêrô, Tôma, Nathanaen, hai anh em Giacôbê Gioan và hai môn đệ khác. Simon quyết định sẽ đi đánh cá và được các ông kia hưởng ứng.- Đêm hôm ấy họ không bắt được gì: Người ta thường đi đánh cá vào ban đêm. Nhưng hôm ấy các ông đã luống công vô ích!

- C 4-8: + Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!”: Gioan luôn phát hiện ra Chúa Giêsu trước các anh em nhờ lòng yêu mếnThầy. + Phêrô khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển: Phêrô tính vốn nóng nảy, nên khi nghe “Chúa đó!”, thì ông đã vội khoác áo vào và nhảy xuống biển bơi nhanh vào bờ để mau gặp Người.

- C 9-11: + Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên: Chúa Giêsu đã nêu gương phục vụ dọn sẵn bữa ăn sáng cho môn đệ. Các ông đã được Người mời ăn và tăng cường thêm bằng cá mới bắt được. + Simon Phêrô lên thuyền rồi kéo lưới vào bờ: Nếu Gioan là người suy tư chiêm niệm nên sớm nhận ra Chúa trước mọi người, thì Simon Phêrô lại là người mau mắn hành động để biểu lộ lòng yêu mến Thầy. Điều này cho thấy suy niệm và họat động cần luôn đi đôi với nhau trong việc xây dựng Hội thánh. + Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con: Theo thánh Hi-ê-rô-ni-mô thì các nhà vạn vật học thời xưa đã khám phá ra được 153 loại cá. Con số 153 ở đây tượng trưng mọi dân tộc, và tất cả đều được mời gọi gia nhập vào Hội thánh: “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển gom được mọi thứ cá” (x. Mt 13,47). + Lưới không bị rách: tượng trưng cho sự hiệp nhất trong Hội thánh.

- C 12-14: + “Anh em hãy đến mà ăn!”: Lời Chúa mời gọi các môn đệ đến ăn, giống như Người đã mời các ông dự tiệc Thánh thể (x. Mt 26,26). Bánh được trao cho môn đệ giống như Đức Giêsu đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,11). + “Con cá”: tiếng Hy-lạp gọi là IK-TUS. Đây là năm chữ đầu của một lời tuyên xưng đức tin: “Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” (Ièsous Kristos Théou Unios Sôter). Khi chia sẻ Cá, Chúa Giêsu ngụ ý sẽ chia sẻ Thánh Thể Người là “Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” cho các môn đệ. + Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ: theo Gioan thì lần thứ nhất Chúa Phục Sinh hiện ra vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần không có Tôma (x. Ga 20,19-23); Lần hai 8 ngày sau đó và có Tôma (x. Ga 20,26-31). Đây là lần thứ ba Người hiện với 7 môn đệ tại biển hồ Galilê.

- C 15-17: + “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”: Sau ba lần sát hạch về lòng mến, Đức Giêsu đã từng bước biến đổi Phêrô đang từ một người đánh cá trở thành một mục tử có quyền chăn chiên (x. Ga 10,11). Tuy nhiên đàn chiên kia vẫn thuộc về Người: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. + Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?: Phêrô đau lòng vì việc bị hỏi ba lần làm ông liên tưởng đến ba lần ông đã chối Thầy (x. Ga 13,38 ; 18,17.25-27). Đức Giêsu đã tế nhị khi không trực tiếp đề cập đến tội của Phêrô, mà chỉ yêu cầu ông xác định tình yêu dành cho Người. Mỗi lần Phêrô khẳng định lòng mến, lĐức Giêsu lại tha tội và trao thêm quyền: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy...”(C 5-17).

- C 18-19: + Lúc còn trẻ... Nhưng khi đã về già....: Tuổi trẻ có đặc tính là tự do hành động (“Đi đâu tùy ý”). Tuổi già có đặc điểm là gò bó thụ động (“Anh sẽ phải dang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho anh và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn: ). + Người nói như vậy có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào: Quả thật, lời tiên báo này đã được ứng nghiệm vào lúc cuối đời của Phêrô trong cơn bách hại đạo tại Rôma thời hoàng đế Nêrông. Phêrô đã phải chịu khổ hình thập giá nhưng lại xin treo đầu ngược xuống đât, vì ông cảm thấy mình không xứng đáng được chịu cùng hình khổ giống như Thầy.

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao các môn đệ lại cùng hiện diện tại Biển hồ Tibêria thuộc xứ Galilê vào thời điểm sau khi Chúa phục sinh ? 2) Có mấy môn đệ cùng đi đánh cá với Simon Phêrô ? 3) Do đâu mà Gioan luôn nhận ra Chúa Giêsu trước các anh em khác ? 4) Chúa Giêsu đã tiên báo thế nào về số phận cuối đời của Tông đồ Phêrô ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá”(Ga 21,6).

2. CÂU CHUYỆN:

1) THẦY ĐI ĐÂU?

Câu chuyện truyền kỳ về những ngày sau cùng của thánh Phêrô với cái chết đã được Chúa Giêsu tiên báo: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giương tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, để ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”. Câu chuyện truyền kỳ đã được dựng thành phim “Quo vadis” nghĩa là: “Thầy đi đâu?” như sau:

Bấy giờ tông đồ Phêrô đã đến Thủ đô của Đế quốc Rôma, giữa lúc hoàng đế Nêrông đang ra tay bách hại đạo Công Giáo. Một số tín hữu đã chịu chết vì đạo. Trước tình thế nguy hiểm, các tín hữu đã khuyên Phêrô hãy mau chạy trốn khỏi thành, để tiếp tục sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh.

Nhờ khéo cải trang và thoát được sự rà soát kỹ lưỡng của bọn lính canh cổng, Phêrô đã ra được bên ngoài. Nhưng rồi ông đã gặp Chúa Giêsu mặc áo trắng đang đi ngược vào trong thành, ông liền hỏi Người rằng: “Quo vadis?” nghĩa là “Thầy đi đâu?” Chúa Phục Sinh đã trả lời: “Thầy đi vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Nói xong Chúa biến mất. Phêrô hiểu được ý Chúa, nên ông lại quay trở lại vào thành Rôma. Ít ngày sau, ông đã bị quân Rôma bắt giam chung phòng với các tín hữu sắp chịu hành hình. Tai đây, ông đã an ủi động viên họ hãy can đảm và kiên trì trung thành tin vào Chúa Giêsu. Rồi ông đã bị tòa kết án tử hình. Đến ngày bị đưa ra vận động trường chịu hành hình, Phêrô đã được chứng kiến cảnh các tín hữu: kẻ thì bị quăng ra để làm mồi cho thú dữ cắn xé ăn thịt, kẻ thì bị cháy thành than trên dàn hoả thiêu. Khi đến lượt chịu đóng đinh trên thập giá, Phêrô đã đề nghị quân lính treo thập giá ngược để đầu ông quay xuống đất và chân giơ lên trời, vì ông nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh cùng một cách thức giống như Thầy Giêsu.

2) CÁI CHẾT ANH DŨNG CỦA Đức Cha ROMERO NƯỚC EL SANVADOR:

Trong số các Giám Mục nổi tiếng can đảm của Giáo Hội Châu Mỹ La tinh, phải kể đến Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, Tổng giám mục Giáo phận thủ đô San Sanvador. Ngày Đức Cha còn sống, Chúa Nhật nào nhà thờ chính tòa cũng chật ních tín hữu đến tham dự thánh lễ và nghe ngài giảng. Đức Cha thường cho giáo dân biết tin tức liên quan đến Giáo Hội, đến tình trạng trong nước và mạnh mẽ lên án tình trạng bạo lực, bất công và nghèo đói do chính quyền cũng như phe du kích gây ra cho dân chúng. Đức tổng giám mục Romero cũng dùng đài phát thanh để gây ý thức nơi dân chúng và thẳng thắn tố cáo các vụ vi phạm quyền con người do các lực lượng nói trên chủ mưu. Nhưng tiếng nói của Đức Cha không làm cho chính quyền quân đội El Sanvador cũng như lực lượng du kích hài lòng. Sau nhiều lần hăm dọa mà không có kết quả, những kẻ thù ghét Đức Cha đã quyết định giết ngài.

Sáng ngày 24/03/1980 họ đã sai người ám sát Đức tổng Giám mục Romero ngay trong nhà nguyện của bệnh việc thủ đô, nơi Đức tổng Giám mục hằng ngày vẫn đến dâng thánh lễ cho các nữ tu, nhân viên y tế và bệnh nhân. Kẻ sát nhân ngồi trà trộn trong số các tín hữu hiện diện. Không hiểu Đức Cha có linh cảm mình sắp sửa phải đổ máu ra như hiến tế mưu cầu hòa bình cho một dân tộc El Sanvador hay không, nhưng trong vài lời suy tư ngắn trong Phúc Âm, Đức Cha nói: "Như chủ chăn sẵn sàng hiến mình cho đoàn chiên, Ngài cũng sẵn sàng chết miễn là nước nhà được hòa bình tươi sáng, nhân dân El Sanvador được sống trong ấm no thịnh vượng". Đức Cha rời tòa giảng tiến lên bàn thờ, thì chính lúc đó kẻ sát nhân tiến lên rút súng bắn Ngài. Đức Tổng Giám mục Romero gục ngã trước bàn thờ máu lênh láng chảy và thánh lễ cuối cùng của vị chủ chăn hôm đó đã dang dở, nhưng đã thành Thánh lễ trọn vẹn. Vì vị chủ tế đã trở thành con chiên hiến tế y như Chúa Giêsu trên Thập giá ngày xưa.

Đức tổng Giám mục Romero đã chết vì đã trung thành với sứ mệnh chủ chăn của Ngài: "Thà vâng lời Thiên Chúa còn hơn vâng lời người ta".- (Trích đài phát thanh Veritas)

3) CẬU ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO CHÚA GIÊSU?

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp SÁC ĐỜ PHUCÔ (Charles de Foucauld) đang say sưa kể cho mọi người trong gia đình nghe về những chiến công hiển hách trong nhiều trận chiến cùng những cuộc thám hiểm của anh ở nước Ma-rốc xa xăm. Người chăm chú lắng nghe kể chuyện nhất lại là cô cháu gái chưa đầy 10 tuổi. Khi anh vừa kết thúc câu chuyện, thì bất ngờ cô bé đã hỏi như sau: “Thưa cậu, cháu rất hãnh diện khi thấy cậu làm được những việc lớn lao cho nước Pháp. Thế nhưng cháu thắc mắc điều này là: “Cậu đã làm đựơc gì cho Chúa Giêsu chưa?”

Câu hỏi ấy như một luồng điện khiến anh giật mình. Từ trước đến nay, chưa bao giờ anh gặp câu hỏi nào bắt phải suy nghĩ nhiều như thế. Phải, “Anh đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa?” Khi đối diện với Chúa, anh đã nhận ra rằng: từ trước đến nay anh đã phí phạm thì giờ ăn chơi xa xỉ, đã chạy theo bả vinh hoa phú quí vô ích. Giờ đây anh đã ý thức được sự nghèo hèn của mình. Sau đó vài ngày, anh xin nhập vào một dòng tu và xin bề trên cho đến ở miền Nadarét nước Ítraen quê hương Chúa Giêsu, để tận hiến trọn đời phụng sự Người.

Một ngày nọ, đang lúc cầu nguyện trong nhà, anh bỗng nghe thấy có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi giáo nhưng không biết tiếng nói đó phát ra từ đâu. Anh liên tưởng đến Lời Chúa Giêsu về thái độ phải có đối với những kẻ thù ghét mình, và quyết định sẽ đi làm bạn với người Hồi giáo. Anh dời đến sống ở giữa sa mạc Sahara bên Phi châu, nơi có nhiều người Hồi giáo nghèo khổ. Thế rồi “điều phải đến đã đến”: Vào đầu tháng 12 năm 1916 khi đang cầu nguyện trong nhà, anh đã bị một toán người Hồi giáo cực đoan kéo đến sát hại. Ngày nay các tiểu đệ và tiểu muội tiếp tục sống theo lý tưởng của anh là tự nguyện sống giữa người nghèo để lao động và chia sẻ nỗi khốn cùng của họ, và giúp họ thăng tiến để được ơn cứu độ.

3. THẢO LUẬN: 1) Những khó khăn mà Hội thánh, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng phải đương đầu hiện nay là gì? 2)Mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì cụ thể để cảm thông với những khó khăn của các chủ chăn, để có thể cộng tác với các ngài trong sứ vụ loan báo Tin Mừng và phục vụ đoàn chiên Hội thánh?

4. SUY NIỆM:

1) Mẻ cá lạ lùng là hình ảnh của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh:

Đoạn Tin Mừng CN hôm nay thuật lại câu chuyện đã xảy ra trên bờ hồ Tibêriade hay là Ghennêsarét thuộc xứ Galiêa, nơi các môn đệ Đức Giêsu đã từng hành nghề đánh cá trước khi theo làm môn đệ Người. Đây cũng là nơi mà Chúa Phục Sinh đã nhắn tin cho các môn đệ phải trở về Galilê để gặp Người. Trong lúc rảnh rỗi, các ông đã rủ nhau đánh bắt cá trong biển hồ. Nhưng sau một đêm vất vả cực nhọc vô ích, vào lúc tảng sáng, các ông đã gặp được Chúa Phục Sinh đứng trên bờ hồ mà các ông không nhận ra. Người đã hướng dẫn các ông đánh bắt cá và kết quả là một mẻ cá lạ lùng. Môn đệ Gioan đã nhận ra Thầy Giêsu trước hết. Còn Phêrô khi biết là Chúa Phục Sinh, liền khoác áo vào rồi nhảy xuống nước bơi vào bờ để gặp Thầy cho nhanh.

Về con số 153 con cá lớn theo các nhà chú giải Kinh Thánh là tượng trưng cho mọi loại cá thời bấy giờ. Như vậy, dưới ánh sáng của Lời Chúa, mẻ lưới lạ lùng của các tông đồ chính là hình ảnh sứ vụ loan Tin Mừng của Hội Thánh. Chính nhờ Thần Khí của Chúa Phục Sinh mà Hội Thánh sẽ chu toàn được sứ vụ loan báo Tin Mừng, đưa muôn dân tộc vào đoàn chiên của Chúa Giêsu.

2) Những khó khăn trên bước đường loan báo Tin Mừng:

Việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng không phải là điều dễ dàng: Bài đọc I trong sách Công vụ Tông đồ cho thấy các môn đệ của Chúa đã bị các đầu mục Do thái cấm rao giảng về danh Chúa Giêsu. Nhưng các ngài đã sẵn sàng chịu hình phạt để chu toàn sứ vụ này. Tông đồ Phaolô nhiều lần bị ném đá, bị đánh đòn, bị cùm trong ngục tù, bị đắm tàu, đói khát, mình trần… vì danh Chúa Giêsu. Cuối cùng hầu hết các tông đồ đều chịu chết để làm chứng cho Chúa.

Thực ra, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không dành riêng cho các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ… mà chung cho mọi tín hữu đã chịu phép rửa tội và Thêm Sức. Ở mọi nơi mọi lúc, người làm tông đồ rao giảng Tin Mừng đều có thể gặp phải những khó khăn bách hại … Nếu chỉ dựa vào sức riêng, chắc chắn chúng ta sẽ dễ thất bại và nản chí buông xuôi. Nhưng nếu biết cậy nhờ ơn Thánh Thần của Chúa Phục Sinh hướng dẫn trợ lực, chúng ta sẽ luôn hăng hay chu toàn sứ vụ này và đạt được nhiều thành quả to lớn. Bởi vì “không có gì mà Thiên Chúa không làm được”. Điều quan trọng là chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, suy niệm để tìm hiểu ý Chúa và quyết tâm thực hành với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, thì chắc chắn sẽ đạt được kết quả lạ lùng.

3) Tin yêu: điều kiện để được tha tội và được trao quyền chăn dắt đoàn chiên:

Sau bữa ăn thân mật trên bãi biển, Chúa Phục Sinh đã tâm sự riêng với ông Phêrô. Trước khi trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh, Chúa Phục Sinh đã đòi Phêrô tuyên xưng ba lần yêu mến như sau: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Qua đó Người đòi các mục tử phải có lòng mến Người hơn những người khác. Đồng thời qua việc tuyên xưng này, Người gián tiếp tha tội chối Thầy cho Phêrô.

Đáp lại câu hỏi của Chúa, ông Phêrô đã ba lần thưa như sau: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Trên cơ sở lòng mến này, Chúa Giêsu đã lần lượt trao ban quyền chăn dắt chiên con và chiên mẹ cho ông. Người cũng tiên báo sau này ông sẽ bị bắt bớ và giết hại để làm chứng cho Người.

4) Cảm thông và cộng tác với các mục tử trong Hội Thánh hôm nay:

Ngày nay, có biết bao các vị mục tử đang âm thầm chịu thiệt thòi đau khổ, để chu toàn sứ vụ loan báo Tin mừng. Các ngài đã can đảm trung thành với nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên, giống như các tông đồ xưa khi bị điệu ra Thượng Hội Đồng Do thái, đã trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29).

Ngày nay, các tín hữu chúng ta cần biết cảm thông với những khó khăn gian khổ của các vị mục tử đang phải chịu để năng cầu nguyện cho các ngài. Nhất là mỗi người chúng ta phải trở thành những cánh tay nối dài của các vị chủ chăn bằng cách quảng đại góp phần xây dựng cơ sở vật chất và sẵn sàng đảm nhận việc phục vụ cộng đoàn theo sự phân công của các ngài.

Để làm được điều này, chúng ta cần hăng hái gia nhập vào các hội đoàn Tông Đồ Giáo Dân để được bồi dưỡng đức tin qua các sinh hoạt học sống Lời Chúa hằng tuần, chu toàn các công tác tông đồ bác ái được cấp trên phân công. Ngoài ra, còn phải năng dự lễ và rước lễ để được kết hiệp với Chúa, hầu có thể chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng như các tông đồ khi xưa.

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊSU PHỤC SINH.

Lúc chúng con đi tìm Chúa trong nước mắt sầu thương, xin hãy âu yếm gọi tên chúng con, như Chúa đã gọi tên chị Maria Mácđala khi chị đang đứng khóc bên cạnh ngôi mồ trống.

Lúc chúng con chán nản muốn bỏ Chúa để trở về cuộc sống đời thường, xin hãy cùng đi với chúng con trên những nẻo đường dài, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ về làng Emmau.

Lúc chúng con đang đóng kín cửa lòng vì sợ hãi, xin Chúa hãy ngự đến chúc bình an, như Chúa đã hiện đến trấn an các tông đồ đang khiếp nhược sợ hãi.

Lúc chúng con đang cố chấp muốn làm theo ý riêng và ngày một xa cách anh em, xin hãy biến đổi lòng trí chúng con, như Chúa đã không bỏ mặc tông đồ Tôma cứng tin, nhưng đã giúp ông cảm nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh và tuyên xưng đức tin vào Chúa.

Lúc chúng con đã vất vả thâu đêm mà không đạt tới kết quả nào, xin hãy dùng Lời Chúa dẫn đường chỉ lối cho chúng con và bổ dưỡng chúng con bằng bữa tiệc Thánh như Chúa đã phục vụ các Tông đồ tại bờ hồ Galilê.

- LẠY CHÚA GIÊSU. Xin hãy tỏ cho chúng con thấy Chúa đang hiện diện trong Hội thánh và nơi tha nhân nhất là nơi những người nghèo hèn bệnh tật và bị bỏ rơi. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng: Chúa vẫn đang hiện diện, đang đến với chúng con mỗi ngày qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể; Chúa vẫn luôn đi bên và ở trong lòng chúng con, thổi hơi ban Thần Khí để tái tạo đức tin của chúng con, hầu giúp chúng con chu toàn được sứ vụ “được sai đi loan báo Tin mừng đến cho mọi người”.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:11 08/04/2016
27. HẢO LONG PHƠI SÁCH.
Ngày mồng bảy tháng bảy trời nóng nực, ánh nắng chói chan như lửa. Có một người tên là Hảo Long cởi áo bày ra cái bụng, nằm ngủ dưới ánh mặt trời.
Mọi người hỏi anh ta:
- “Anh đang làm gì đó ?”
Anh ta trả lời:
- “Tôi đang phơi sách ở trong bụng !”
(Hài cự lục)

Suy tư 27:
Cô bạn gái –không phải là giáo hữu- hỏi người yêu đang dự thánh lễ: “Anh đang làm gì đó ?” Anh chàng trả lời: “Anh đang dự tiệc cưới Con Chiên !” Câu trả lời này, dù cho cô bạn gái có chỉ số thông minh 100/100 cũng đành chịu, không thể nào hiểu được người yêu của mình đang nói gì !
“Phơi sách ở trong bụng” và “dự tiệc cưới Con Chiên” là hai cụm từ hoàn toàn xa lạ với người có đầu óc thực tiễn, họ nghe mà giống như nghe nói tiếng lạ. Không ai thấy sách của anh chàng Hảo Long, cô bạn gái cũng chẳng thấy rượu bia thịt cá ê hề của “tiệc cưới Con Chiên”, họa chăng chỉ có mấy người “ương ương dở dở” mới nói như thế !
Không ai hiểu chúng ta làm gì khi ngày nào cũng đến nhà thờ, cũng một ông linh mục đó, cũng mấy cái bánh nho nhỏ đó, cũng mấy kinh ngắn ngủn mà khô khan đó, thì đến nhà thờ có gì là ích lợi chứ, họ sẽ không bao giờ hiểu nếu chúng ta không giải thích; họ cũng sẽ không bao giờ hiểu được, khi mà chúng ta đến nhà thờ mỗi ngày mà chúng ta không thay đổi được tính tình cộc cằn thô lỗ của mình; họ càng không hiểu được khi chúng ta đi tham dự “tiệc cưới Con Chiên” mà cái mặt bí xị như đi đám ma...
Hãy nói cho họ biết rằng: đi tham dự “tiệc cưới Con Chiên” chính là đi dâng lễ tạ ơn, chúc tụng Thiên Chúa; hãy nói cho họ biết rằng, đi tham dự thánh lễ là thông phần vào tình yêu khổ nạn và phục sinh của Đức Chúa Giê-su, Đấng là nguồn mọi tình yêu của anh và của em, của cha mẹ và con cái, của bạn bè và tha nhân; hãy nói cho họ biết rằng, chỉ có một tình yêu chung thủy trọn vẹn và hóa giải được mọi hận thù, khi chúng ta cùng hiệp thông một tấm bánh -bí tích Thánh Thể– trong thánh lễ tạ ơn, đó chính là “tiệc cưới Con Chiên” vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:15 08/04/2016
Chúa Nhật 3 PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 21, 1-19
“Đức Chúa Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các môn đệ; rồi cá, Ngài cũng làm như vậy.”


Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã sống lại, đó là niềm tin của chúng ta và đó cũng là một thách đố cho nhân loại ngày xưa cũng như ngày hôm nay, Ngài đã sống lại và đang hiện diện với bạn và tôi trong thánh lễ này trên bàn thờ, khi chúng ta cùng nhau ăn Thịt và uống Máu của Ngài, và đó là dấu hiệu để chúng ta nhận ra chúng ta đều là anh chị em với nhau trong Ngài. Trong niềm xác tín ấy tôi xin chia sẻ với bạn hai điểm sau đây :

1. Bẻ bánh là tuyên xưng Đức Chúa Ki-tô đã sống lại.
Thánh lễ được lập lại mỗi giây mỗi phút trên khắp thế giới, nghĩa là nơi đâu có linh mục Công Giáo thì ở đó đều có thánh lễ, đó là một bằng chứng cho thấy Đức Chúa Giê-su đã sống lại cách sống động nhất, mà Giáo Hội luôn đề cao và mời gọi các tín hữu sốt sắng tham dự thánh lễ.

Nơi thánh lễ linh mục làm lại cử chỉ mà Đức Chúa Giê-su thường làm với các Tông Đồ đó là cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông ăn. Cử chỉ này Đức Chúa Giê-su đã làm trước khi chịu chết, và Ngài vẫn làm sau khi từ cõi chết sống lại, và sẽ được Giáo Hội của Ngài –Giáo Hội Công Giáo- tiếp tục làm (bẻ bánh) cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đó là hiến tế tạ ơn –thánh lễ-.

Đức Chúa Giê-su đã sống lại, và tấm bánh mà chúng ta ăn chính là Mình Thánh sống động của Ngài, vì sống động nên trở thành động lực thúc đẩy những ai ăn và uống Mình Máu Thánh ấy phải trở nên những công cụ sống động phục vụ tha nhân, theo ý muốn của Đấng đã từ cõi chết sống lại là yêu thương và phục vụ lẫn nhau, như Ngài đã rửa chân phục vụ các môn đệ của mình.

2. Phục vụ là tuyên xưng Đức Chúa Ki-tô đã sống lại.
Đức Chúa Giê-su đã sống lại, Ngài nướng bánh và cá để phục vụ bữa ăn cho các môn đệ sau một đêm đánh cá mệt mỏi, Ngài tuy là Thầy và là Chúa, nhưng Ngài đã phục vụ trong cung cách là người bạn chí thiết của các môn đệ: bình dị và đầy yêu thương.

Ở đời có nhiều cách phục vụ: người bán hàng phục vụ khách hàng là vì để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, họ phục vụ không phải vì yêu thương khách hàng nhưng là vì túi tiền của họ; bác sĩ khám bệnh chăm sóc bệnh nhân với cung cách là nghề bác sĩ; nhà giàu bố thí cho người nghèo khi có dịp lễ hay vận động làm việc từ thiện; các “cò mối” phục vụ khách hàng.v.v... đều là những người vì mình chứ không vì người.

Người Ki-tô hữu có nhiều cách để tuyên xưng Đức Chúa Giê-su sống lại, nhưng cách hữu hiệu nhất là vì tha nhân và vì anh em mà phục vụ như Đức Chúa Giê-su đã làm, bởi vì không một xác chết nào biết phục vụ, nhưng phải là người đang sống mới biết phục vụ người khác. Đức Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại, nghĩa là Ngài vẫn đang sống nên Ngài phục vụ trong chúng ta, và qua chúng ta mà mọi người nhận biết yêu mến và kính thờ Ngài...

Anh chị em thân mến,
Trong giáo xứ của tôi đang phát động chương trình mỗi ngày vào lúc ba giờ chiều tất cả cùng đọc “kinh Lòng Thương Xót” trong năm thánh “Lòng Thương Xót” ngoại lệ này của Giáo Hội, đây là một nổ lực lớn để cho mỗi người Ki-tô hữu và đặc biệt là mỗi người trong giáo xứ ý thức về sứ mạng tông đồ của mình.

Từ trong gia đình cha mẹ và con cái “truyền giáo” cho nhau, bằng cách phục vụ lẫn nhau như Đức Chúa Giê-su đã rửa chân phục vụ cho các tông đồ của mình.

Bẻ bánh và phục vụ là hai điều kiện tiên quyết để mọi người nhận ra Chúa Giê-su phục sinh, đang sống động trong công việc hàng ngày của bạn và tôi, do đó mà chúng ta cần có một tâm hồn biết đặt phục vụ lên trên mọi nguyên tắc, để ưu tiên phục vụ những người cần phục vụ, nhất là những người bất hạnh trong xã hội hôm nay.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:18 08/04/2016

19. Không áp chế tà niệm thì sinh ra khoái cảm, khoái cảm khiến cho đồng ý ngầm, đồng ý ngầm đi đến hành động, hành động trở thành thói quen, thói quen biến thành tự nhiên, và cuối cùng thì dẫn đến sự chết.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Pháp rút lại việc bổ nhiệm đại sứ cạnh Tòa Thánh gây nhiều tranh cãi
Đặng Tự Do
00:46 08/04/2016
Sau bế tắc ngoại giao kéo dài hơn một năm, chính phủ Pháp đã lùi bước trong việc bổ nhiệm một đại sứ cạnh Tòa Thánh.

Tháng Giêng năm 2015, Pháp bổ nhiệm Laurent Stefanini, một người được một số báo chí tại Pháp mô tả là người đồng tính làm đại sứ cạnh Tòa Thánh. Nhưng Vatican không chấp nhận việc đề cử Stefanina. Theo thông lệ ngoại giao, nước chủ nhà có quyền từ chối việc bổ nhiệm tân đại sứ mà không cần phải đưa ra lý do nào cho việc từ chối này. Báo chí tại Pháp nói Vatican có thể đã phản đối vì Stefanini là người đồng tính, mặc dù nhà ngoại giao Pháp này rất kín tiếng. Ông chưa từng minh định mình là người đồng tính hay hành động công khai như một người đồng tính.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp riêng Stefanini hồi tháng Tư năm ngoái. Cả Vatican và các quan chức Pháp không bình luận gì về cuộc họp.

Cuối cùng, sau nhiều tháng im lặng, Pháp đã cử Stefanini làm đặc sứ của quốc gia này tại UNESCO, và việc bổ nhiệm này đã được xác nhận. Chức vụ Đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh vẫn chính thức bị bỏ trống.
 
Thủ tướng Croatia xin Đức Thánh Cha tuyên thánh cho Đức Hồng Y Stepinac
Đặng Tự Do
00:25 08/04/2016
ĐHY Stepinac
Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ hôm 07 tháng Tư với Thủ tướng Croatia Tihomir Oreskovic

Một tuyên bố của Vatican đưa ra sau cuộc họp mô tả cuộc gặp gỡ là một “cuộc trò chuyện thân mật” liên quan đến những vấn đề của Giáo Hội và nhà nước Croatia, các vấn đề quốc tế và đặc biệt một cuộc trưng cầu dân ý gần đây ở Croatia về việc phát huy những nét truyền thống của hôn nhân. Tuyên bố cũng cho biết, các cuộc thảo luận đã tập trung vào án tuyên thánh cho Đức Hồng Y Alojzije Stepinac.

Đức Hồng Y Stepinac sinh ngày 8 tháng 5 năm 1898. Ngài được thụ phong linh mục năm 1930. Chỉ một năm sau, ngài được bổ nhiệm làm trưởng ban nghi lễ Phụng Vụ của tổng giáo phận Zagreb và thành lập Caritas của tổng giáo phận này. Năm 1934, ngài được tấn phong Giám Mục Phó tổng giáo phận Zagreb. Khi Đức Tổng Giám Mục Antun Bauer qua đời vào tháng 12 năm 1937, Đức Cha Stepinac lên kế vị ngài.

Ngày 6 tháng Tư năm 1941, Đức Quốc Xã xâm lược Nam Tư và tách Croatia thành một quốc gia độc lập như trước khi bị sát nhập vào Nam Tư hồi tháng 12 năm 1918. Là con dân của tổ quốc Croatia, Đức Cha Stepinac hoan nghênh bước tiến này. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngài không ngừng lên án tội ác của Đức Quốc Xã đối với người Do Thái và người Serb. Ngài được viện Yad Vashem của Do Thái vinh danh là người Công Chính Giữa Các Dân Nước vì đã tích cực giúp người Do Thái và những người khác trốn thoát khỏi tay Đức Quốc Xã. Năm 1943, ngay trước Vương Cung Thánh Đường Zagreb, ngài công khai lên án tội ác của chính quyền bù nhìn.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ Hai, cộng sản Nam Tư do Titô lãnh đạo lên nắm quyền và tái sát nhập Croatia vào liên bang Nam Tư như trước đây. Đức Cha Stepinac không ngừng lên án cộng sản trước diễn biến này và những hành vi tàn ác của cộng sản, đặc biệt là chiến dịch thủ tiêu các linh mục Công Giáo.

ĐHY Stepinac trước tòa án cộng sản
Đức Cha Stepinac bị cộng sản bắt ngày 18 tháng 9 năm 1946 và bị đưa ra tòa một tháng sau đó, cụ thể là vào ngày 30 tháng 9 năm 1946. Ngài bị cáo buộc tội phản quốc và trong âm mưu dành hậu thuẫn của người Chính Thống Giáo Serb, cộng sản cũng kết án ngài tội cưỡng bức cải đạo những người Chính Thống Giáo mà ngài cứu thoát trong thế chiến thứ hai. Ngài bị kết án 16 năm tù. Dưới áp lực quốc tế, sau 5 năm bị giam, ngài được về nhà nhưng bị quản thúc tại gia. Ngài được Đức Thánh Cha Piô thứ Mười Hai tấn phong Hồng Y vào năm 1952 nhưng không thể sang Rôma. Ngày 10 tháng Hai năm 1960, ngài qua đời trong tình trạng bị quản thúc.

Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước vào năm 1988.

Những lo ngại về sự chậm trễ trong án tuyên thánh cho Đức Hồng Y Stepinac đã phát sinh tại Croatia sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đồng ý thành lập một ủy ban chung của Công Giáo và Chính thống Serbia, để điều tra các khiếu nại về cáo buộc cho rằng ngài đã cưỡng bức cải đạo những người Chính Thống Giáo.
 
Đức Hồng Y Sarah: Không có sự tha thứ nếu không có lòng thống hối
Đặng Tự Do
00:45 08/04/2016
Trong một cuộc phỏng vấn mới, Đức Hồng Y Robert Sarah nhấn mạnh rằng “không có sự tha thứ nếu không có lòng thống hối ăn năn.”

Trong một cuộc trao đổi với một nhà báo Ba Lan, được đăng trên trang web Rorate Caeli, Đức Hồng Y Sarah nhận xét rằng khi Chúa Giêsu gặp người phụ nữ bị bắt vì phạm tội ngoại tình, Chúa nói với người đàn bà ấy rằng: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa” Đức Hồng Y nói thêm: “Chỉ khi chúng ta hiểu được điều này chúng ta mới có thể hoàn toàn tận hưởng thành quả mà Năm Thánh Lòng Thương Xót mang lại cho chúng ta.”

Đức Hồng Y Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, cũng đã nói trong cuộc phỏng vấn về sai lầm “nguy hiểm nhất” là suy nghĩ cho rằng chỉ cần “ao ước điều thiện” là đủ để bảo đảm ơn cứu rỗi.
 
Cảnh sát Ý lùng bắt bác sĩ Nhật là người tung tin điều trị khối u não cho Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
01:06 08/04/2016
Bức ảnh hốt bạc "triệu"
Một bác sĩ phẫu thuật người Nhật, là người đã trở nên “khét tiếng” hồi năm ngoái sau khi tung tin đồn nhảm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhờ ông ta điều trị một khối u não, giờ đây đang đối mặt với một vụ tai tiếng mới. Nhờ uy tín hão có được qua vụ tung tin đồn nhảm ông ta đã có thể kiếm tiền từ bệnh nhân đang nằm trong danh sách chờ đợi với hứa hẹn điều trị sớm cho họ.

Bác sĩ Takanori Fukushima, người Nhật Bản, đã là trung tâm của một cuộc điều tra tại một bệnh viện ở Salerno, Ý, nơi ông thỉnh thoảng sang tiến hành các cuộc giải phẩu. Hai bác sĩ và một y tá tại bệnh viện đã bị bắt vào ngày 05 tháng 4. Fukushima chưa bị bắt giữ ngay lập tức vì ông ta hiện đang sống ở Mỹ, nhưng cảnh sát báo cáo rằng họ có những bằng chứng “nghiêm trọng”, theo đó ông ta đã có những hành vi sai trái.

Năm ngoái, một tờ báo Ý tường trình rằng Fukushima đã bí mật đến Vatican để điều trị một khối u não cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau khi Vatican cương quyết phản bác tin này, dưới áp lực của các phương tiện truyền thông, Fukushima nói rằng ông đã gặp Đức Thánh Cha chỉ một lúc ngắn, trong một buổi triều yết chung, và chưa bao giờ khám hay điều trị gì cho Đức Thánh Cha.
 
2.7 triệu người phải bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo Boko Haram
Đặng Tự Do
01:14 08/04/2016
Cuộc tấn công của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã khiến cho 2.7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ trong lưu vực hồ Chad. Tổ chức “Bác sĩ không biên giới” đã cho biết như trên.

Tổ chức nhân đạo này ghi nhận rằng: “Một cuộc xung đột có nguồn gốc ở Nigeria đã mở rộng qua các biên giới tràn vào Cameroon, Chad và Niger, gây ra những cuộc di dời rộng lớn và bao nhiêu là đau khổ”.

“Các vụ đánh bom tự sát và các cuộc tấn công gây thương vong cho nhiều người xảy ra như cơm bữa khiến cho dân thường ở tất cả các nước này đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của bạo lực bừa bãi gây ra bởi các lực lượng vũ trang tham chiến từ tất cả các bên.”
 
Công bố Tông Huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Yêu Thương
Đặng Tự Do
05:53 08/04/2016
Hôm thứ Sáu 8 tháng Tư, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, là Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới; Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận Vienna, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo; và hai vợ chồng Giáo Sư Francesco Miano, giáo sư triết học luân lý tại Đại học Tor Vergata Roma và Giáo Sư Giuseppina De Simone in Miano, giáo sư triết tại Phân khoa Thần học Nam Italia ở Napoli đã chủ tọa một buổi họp báo để công bố Tông Huấn “Amoris Laetitia”, nghĩa là “Niềm Vui Yêu Thương”. Tông huấn tổng kết gần ba năm tham vấn với người Công Giáo ở các nước trên thế giới và 2 Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình.

Tông huấn “Amoris Laetitia” khẳng định giáo huấn của Giáo Hội theo đó các gia đình ổn định là những khối xây dựng một xã hội lành mạnh và là một nơi mà trẻ em học cách yêu thương, tôn trọng và tương tác với những người khác.

Đồng thời văn bản cũng cảnh báo chống lại việc lý tưởng hóa những thách đố mà cuộc sống gia đình phải đối diện, thúc giục người Công Giáo chăm sóc, chứ không phải lên án, tất cả những ai không sống theo các giáo huấn của Giáo Hội.

Cách riêng, tài liệu tập trung vào nhu cầu cần phải có sự phân định có tính cách mục vụ và phù hợp từng trường hợp cho các cá nhân, trong khi thừa nhận rằng “cả Thượng Hội Đồng, lẫn Tông huấn này đều không thể thiết lập các quy tắc tổng quát, phù hợp với giáo luật về bản chất và áp dụng được cho tất cả các trường hợp”.
 
Tòa Thánh công bố Tông Huấn Amor Laetitia
Lê Đình Thông
09:14 08/04/2016
SÁNG 08/04: TÒA THÁNH CÔNG BỐ

TÔNG HUẤN AMOR LAETITIA

(Tin Tổng Hợp) – 11 giờ 30 sáng 08/04/2016, tại Phòng Họp Báo Tòa Thánh, ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, ĐHY Christoph Schönborn, Tổng Giám Mục Vienna đã công bố Tông huấn Amor Laetitia (Tình Vui), với sự hiện diện của vợ chồng giáo sư đại học, ông Francesco Miano (Đại Học Roma III) và bà Giuseppina De Simone in Miano (ĐH Naples).

Đức Cha Antroine Hérouard, giám đốc Đại chủng viện Pháp tại Paris cho rằng tông huấn không thay đổi học thuyết Công Giáo về gia đình.

Theo ghi nhận của giới truyền thông, tông huấn dài 260 trang, gồm 325 mục, được công bố một năm rưỡi sau Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình là một sự việc chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký tông huấn vào ngày 19/03, lễ Thánh Cả Giuse. Tông huấn không đưa ra các quy định chung về việc đến những người ly hôn tái giá được rước lễ, nhưng nói đến việc châm chước đối với một số trường hợp. Ngài nói đến sự thuận lý của lòng thương xót mục vụ (logique de la miséricorde pastorale).

Phần II của tông huấn bàn đến thực tế và các thách đố của gia đình. ĐGH Phanxicô mời gọi các vị chủ chăn lưu ý đến từng trường hợp cụ thể. Xuất thân là một linh mục Dòng Tên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chú trọng đến việc phân định (discernement) trên cả hai bình diện mục vụ và cá nhân, nhằm giúp cho mọi người có cơ hội hội nhập. Về điểm này, ngài còn thể hiện quan điểm dòng Tên về sự khác biệt văn hóa, đưa đến hội nhập giữa các nền văn hóa khác biệt (inculturation), như trường hợp Việt Nam.

Ngoài các nhận định rút từ Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn đưa ra một số lập luận riêng, bắt đầu câu bằng chủ từ ‘‘tôi’’: ‘‘Tôi mời gọi các tín hữu và các vị chủ chăn’’ (§312), ‘‘Tôi tiếp nhận nhiều nhận định của các vị giám mục tham gia Thượng Hội Đồng’’ (§304) v.v.

Tông huấn về gia đình được công bố trong Năm Thánh Lòng Thương Xót thể hiện sự tuân giữ luật lệ trong tinh thần bao dung, giúp cho những tín hữu xa cách trở về với Hội Thánh.

Giáo Xứ Paris, ngày 08/04/2016

Lê Đình Thông
 
Amoris Laetitia đề cao giáo lý truyền thống nhưng kêu gọi tính linh hoạt trong việc áp dụng giáo huấn Công Giáo
Đặng Tự Do
23:16 08/04/2016
Tông Huấn Amoris Laetitia, nhằm tổng kết gần ba năm tham vấn với người Công Giáo ở các nước trên thế giới và hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, đề cao giáo lý truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, nhưng mời gọi tính linh hoạt trong việc áp dụng những giáo huấn Công Giáo.

Amoris Laetitia là một văn bản dài, trải dài trên 260 trang và xem xét hôn nhân và cuộc sống gia đình từ một loạt các quan điểm mục vụ. Hầu hết những người đọc Tông Huấn này muốn tìm ra ngay lập tức câu trả lời cho câu hỏi đã được đặt ra trong nhiều tháng qua: đó là liệu Đức Giáo Hoàng sẽ mở cửa cho người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ hay không. Các dòng tít lớn mâu thuẫn với nhau trong các báo cáo được tung ra trên truyền thông thế tục cho thấy câu trả lời cho câu hỏi đó không phải là hoàn toàn rõ ràng.

Trong thực tế, Đức Thánh Cha Phanxicô cố tình tránh một câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này, và cho rằng “không phải tất cả thảo luận về các vấn đề giáo lý, đạo đức, hay mục vụ cần phải được giải quyết bằng biện pháp can thiệp của huấn quyền.” Thay vào đó, ngài kêu gọi các mục tử hướng dẫn các cặp vợ chồng thông qua một sự phân định tình trạng của họ, giúp họ “phát triển trong đời sống ân sủng và bác ái, trong khi tiếp nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội đến cùng.” Trong một chú thích Đức Thánh Cha nói thêm: “trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự giúp đỡ của các bí tích”

Đức Thánh Cha viết tiếp rằng “Khi suy nghĩ rằng tất cả mọi thứ là đen hoặc trắng, đôi khi chúng ta đóng kín con đường của ân sủng và sự tăng trưởng, và ngăn cản con đường thánh hóa là điều tôn vinh Thiên Chúa”. Sau đó, ngài cho biết thêm: “Tôi thông cảm với những ai yêu thích một sự chăm sóc mục vụ nghiêm ngặt hơn trong đó không có chỗ cho sự nhầm lẫn. Nhưng tôi thật sự tin rằng Chúa Giêsu muốn một Giáo Hội chú tâm đến sự tốt lành mà Chúa Thánh Thần gieo giữa sự yếu đuối của con người.. .”

Amoris Laetitia không đưa ra nhiều chỉ dẫn cho các mục tử biết nên áp dụng hướng dẫn này như thế nào. Khi nhấn mạnh tính linh hoạt, Đức Thánh Cha viết: “tại mỗi nước hoặc miền có thể tìm kiếm những giải pháp hợp với văn hóa hơn, chú ý đến những truyền thống và những thách đố địa phương. Thực vậy, các nền văn hóa rất khác nhau và mỗi nguyên tắc chung (...) cần được hội nhập vào văn hóa địa phương, nếu muốn được tuân giữ và áp dụng”

Đặt trọng tâm nơi tình yêu hôn nhân

Khách quan mà nói, thảo luận của Đức Thánh Cha về việc cho người Công Giáo đã ly dị và tái hôn chỉ chiếm một phần nhỏ trong Tông Huấn Amoris Laetitia. Mặc dù nhấn mạnh tính linh hoạt mục vụ trong suốt Tông Huấn, Đức Thánh Cha không đi sâu vào việc tranh cãi này cho đến đoạn # 291.

Đức Thánh Cha Phanxicô minh định rằng trong đầu ngài, chủ đề quan trọng nhất của Tông Huấn này là sự thảo luận của ngài về vẻ đẹp của tình yêu hôn nhân, trong các “chương trọng tâm” của Tông Huấn này, là các chương 4 và 5 của 9. Trong một suy tư dài và sâu xa về lá thơ ca ngợi đức mến của Thánh Phaolô (“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,..” 1 Cor 13) Đức Thánh Cha đưa ra một linh đạo khôn ngoan và một lời khuyên thực tế mà ngài khuyến khích các linh mục đưa ra cho đàn chiên của các ngài. Ngài tiếp tục bằng cách giải thích làm thế nào các gia đình, dựa trên hôn nhân và được nuôi dưỡng bởi các bí tích, nên cung cấp cả hai thứ hỗ trợ, cả về vật chất lẫn tinh thần không chỉ cho các thành viên trong gia đình mà thôi, nhưng cho cả những người láng giềng và xã hội nói chung.

Để hỗ trợ các gia đình trong nỗ lực đó, Đức Thánh Cha kêu gọi một chương trình mục vụ mạnh mẽ và nhất quán về cuộc sống gia đình, bắt đầu với sự chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống hôn nhân bí tích - nhưng chắc chắn không chỉ giới hạn trong việc chuẩn bị ấy mà thôi. Giáo Hội nên giúp các cặp vợ chồng lớn lên trong tình yêu thương và sự thánh thiện sau đám cưới của họ, đặc biệt là trong những năm đầu của cuộc hôn nhân. Ngài kêu gọi các mục tử tích cực tìm kiếm sự giúp đỡ của các cặp vợ chồng lớn tuổi hơn trong việc giúp đỡ những người trẻ, trong nỗ lực để xây dựng “một phương pháp sư phạm của tình yêu.”

Khẳng định Giáo lý truyền thống

Ngay từ đầu Tông Huấn Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng ngài cảm thấy bắt buộc phải viết một văn bản dài trước “hoa trái phong phú của Thượng Hội Đồng trải dài trong hai năm,” nhằm giải quyết một loạt các chủ đề.

Đức Giáo Hoàng nhận xét: “Do đó, tôi không khuyên bạn nên đọc vội vã văn bản này”. Lời khuyên này của Đức Giáo Hoàng đã bị bỏ qua bởi hàng trăm những bình luận viên, là những người đã tung ra những lời bình phẩm cực đoan chỉ một giờ sau khi Tông Huấn được công bố.

Tài liệu của Đức Giáo Hoàng được viết rất thận trọng, với gần 400 chú thích; cùng với các thánh, các thần học gia, và các Nghị Phụ trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha cũng trích dẫn các nhà thơ, nhà văn, nhà tâm lý học, và cả các chính trị gia như Jorge Luis Borges, Octavio Paz, Erich Fromm, và Martin Luther King. Báo cáo chính thức được đưa ra bởi Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình tháng Mười năm ngoái đã phê bình rằng các giám mục hầu như bỏ qua Familiaris Consortio và “thần học thân xác” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Amoris Laetitia tham chiếu thường xuyên đến hai tài liệu này.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cao thông điệp Humanae Vitae của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khi viết trong tài liệu mới rằng mỗi hành động của tình yêu hôn nhân phải được hướng đến việc truyền sinh. Ngài nhấn mạnh “Do đó, không có hành động sinh dục của vợ chồng có thể từ chối ý nghĩa này, ngay cả đôi khi vì những nguyên nhân khác nhau, trong thực tế nó có thể không phải luôn luôn tạo ra một cuộc sống mới”.

Đương nhiên Đức Giáo Hoàng cũng cực lực lên án việc phá thai:

“Ở đây tôi cảm thấy thật khẩn thiết phải nói rằng nếu gia đình là cung thánh của sự sống, nơi cuộc sống được hình thành và được chăm sóc, thì thật là một mâu thuẫn khủng khiếp khi nó trở thành một nơi mà cuộc sống bị từ chối và bị phá hủy.”

Và trong khi khẳng định rằng người đồng tính không thể là đối tượng của bất sự kỳ thị nào, Đức Thánh Cha Phanxicô minh nhiên đề cao hôn nhân như là một sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, và hoạt động tình dục ngoài hôn nhân là vô đạo đức.

Đức Thánh Cha Phanxicô dạy rằng một sự hiểu biết đúng đắn về hôn nhân và tính dục con người là rất quan trọng để phục hồi sức khỏe cho xã hội đầy nhiễu nhương của chúng ta. Ngài nhận xét rằng trong thế giới phương Tây cách riêng, xã hội thế tục thường thể hiện thái độ thù địch đối với các lý tưởng Kitô giáo về hôn nhân, và ngài khẳng định rằng Giáo Hội phải nêu cao những lý tưởng đó thậm chí khi phải can đảm chống lại các áp lực công cộng này. Tuy nhiên, một lần nữa ngài nhấn mạnh sự cần thiết cho sự linh hoạt trong việc đưa ra các thông điệp Tin Mừng:

“Là Kitô hữu, chúng ta khó có thể ngừng ủng hộ hôn nhân chỉ đơn giản là để tránh việc chống lại những trào lưu đương đại, hoặc vì một mong muốn a dua theo thời trang hay một cảm giác bất lực khi đối mặt với những yếu đuối đạo đức nhân sinh. Chúng ta sẽ đánh mất đi khỏi thế giới này các giá trị mà chúng ta có thể và phải trao ban. Thật là vô nghĩa khi chỉ đơn giản là chỉ trích các tệ nạn ngày nay, như thể làm thế có thể thay đổi được mọi thứ. Cũng là vô dụng khi cố gắng áp đặt các quy định bởi một quyền bính cứng rắn. Những gì chúng ta cần là một nỗ lực trách nhiệm và quảng đại hơn để trình bày những lý do và những động lực cho việc xiển dương hôn nhân và gia đình, và qua đó giúp những người nam nữ ngày nay đáp lại ân sủng Thiên Chúa.”
 
Tóm lược tông huấn Amoris Laetita
Vũ Văn An
21:55 08/04/2016
Không phải là chuyện tình cờ khi Niềm Vui Yêu Thương (NVYT), tức tông huấn hậu thượng hội đồng về Tình Yêu Gia Đình, đã được ký vào ngày 19 tháng Ba, ngày lễ trọng kính Thánh Giuse. Tông huấn này tổng hợp các kết quả của hai Thượng Hội Đồng về gia đình do Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập trong các năm 2014 và 2015. Tông huấn rất hay trích dẫn các phúc trình sau cùng của hai thượng hội đồng này; các văn kiện và giáo huấn của các vị tiền nhiệm của ngài; và nhiều bài giáo lý của chính ngài về gia đình. Thêm vào đó, cũng như các văn kiện giáo huấn trước đây, Đức Giáo Hoàng cũng sử dụng các đóng góp của nhiều hội đồng giám mục khắp thế giới (Kenya, Úc, Á Căn Đình…) và trích dẫn nhiều nhân vật tiếng tăm như Martin Luther King và Erich Fromm. Ngài còn trích dẫn cả cuốn phim Babette’s Feast để minh họa ý niệm cho không (gratuity).

Dẫn Nhập (1-7)

Tông Huấn đáng lưu ý về bề dầy và chi tiết của nó. 325 đoạn của nó được phân chia thành 9 chương. Bẩy đoạn dẫn nhập đã trình bầy một cách đơn giản tính phức tạp của một chủ đề hiện đang rất cần được học hỏi thấu đáo. Các can thiệp của các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã tạo nên một “viên ngọc nhiều mặt” (NVYT 4), một đa diện qúy báu, mà ta phải duy trì giá trị của nó. Nhưng Đức Giáo Hoàng cảnh giác rằng “không phải mọi cuộc thảo luận về các vấn đề tín lý, luân lý hay mục vụ đều cần được giải quyết bằng các can thiệp của huấn quyền”. Thực vậy, đối với một số câu hỏi, “mỗi quốc gia hay miền… có thể tìm các giải pháp tốt hơn thích đáng với văn hóa của họ và mẫn cảm với các truyền thống và nhu cầu địa phương của họ. Vì ‘các nền văn hóa, thực ra, hết sức đa dạng và mọi nguyên tắc tổng quát… cần được hội nhập văn hóa, nếu chúng muốn được tôn trọng và áp dụng” (NVYT 3). Nguyên tắc hội nhập văn hóa này áp dụng vào việc phải phát biểu các vấn đề như thế nào và phải đề cập đến chúng ra sao và, ngoại trừ các vấn đề tín điều đã được huấn quyền Giáo Hội định tín rõ ràng, không một phương thức nào thuộc loại này có thể “được hoàn cầu hóa”. Trong diễn văn kết thúc thượng hội đồng năm 2015, Đức Giáo Hoàng nói rất rõ ràng rằng: “Điều xem ra bình thường đối với một giám mục ở một lục địa, có thể bị coi là bất thường và hầu như gây tai tiếng, hầu như!, đối với một giám mục ở một lục địa khác; điều được coi là vi phạm một quyền ở một xã hội lại là một qui luật hiển nhiên và bất khả vi phạm ở một xã hội khác; điều đối với một số người là tự do lương tâm thì đối với một số khác lại chỉ là hỗn độn đơn thuần”.

Đức Giáo Hoàng tuyên bố rõ ràng rằng trên hết, chúng ta cần phải tránh việc đặt kề nhau một cách vô dụng các đòi hỏi thay đổi và việc áp dụng tổng quát các qui luật trừu tượng. Ngài viết: “các cuộc tranh luận đang tiếp diễn trong truyền thông, trong một số ấn phẩm và cả giữa các thừa tác viên của Giáo Hội, diễn biến từ một ước muốn vô độ nhằm thay đổi toàn diện không cần suy nghĩ hay đặt cơ sở gì cả, tới một thái độ muốn giải quyết mọi sự bằng cách áp dụng các qui luật tổng quát hay rút ra các kết luận quá đáng từ những xem xét thần học đặc thù” (NVYT 2).

Chương Một: “Dưới ánh sáng Lời Chúa” (8-30).

Tiếp theo lời dẫn nhập nói trên, Đức Giáo Hoàng bắt đầu các suy nghĩ của ngài về Sách Thánh ở chương thứ nhất, một chương được diễn biến như một bài suy niệm về Thánh Vịnh 128 (vốn được đọc trong phụng vụ hôn phối của Do Thái cũng như trong phụng vụ hôn phối của Kitô Giáo). Thánh Kinh “đầy các gia đình, sinh nở, truyện yêu thương và khủng hoảng gia đình” (NVYT 8). Điều này thúc đẩy ta suy niệm về việc gia đình không phải là một lý tưởng trừu tượng như thế nào nhưng đúng hơn như một “chuyên nghề” (trade) thực tiễn (NVYT 16), một chuyên nghề được thi hành với tình âu yếm (NVYT 28), nhưng vốn cũng bị tội lỗi đối chất ngay từ thuở ban đầu, khi mối liên hệ yêu thương bị biến thành khống chế (xem NVYT 19). Do đó, Lời Thiên Chúa “không phải là một loạt các ý niệm trừu tượng mà đúng hơn là nguồn an ủi và đồng hành đối với mọi gia đình đang trải nghiệm khó khăn hay đau khổ. Vì nó chỉ cho họ mục tiêu cuộc hành trình của họ…” (NVYT 22).

Chương Hai: “Các trải nghiệm và thách đố của các gia đình” (31-57)

Xây dựng trên nền Thánh Kinh, trong chương hai, Đức Giáo Hoàng xem xét tình huống hiện nay của các gia đình. Dù “đặt cơ sở vững vàng trên tính thực tại” của các trải nghiệm gia đình (NVYT 6), Đức Giáo Hoàng cũng đã rút tỉa khá nhiều từ các bản tường trình sau cùng của hai thượng hội đồng. Các gia đình hiện đang đối mặt với nhiều thách đố, từ việc di dân tới việc ý thức hệ bác bỏ các dị biệt giữa các giới tính (“ý thức hệ phái tính” NVYT 56); từ nền văn hóa tạm bợ tới não trạng chống sinh nở và tác động của kỹ thuật sinh học đối với lãnh vực sinh đẻ; từ việc thiếu nhà ở và việc làm tới văn hóa khiêu dâm và lạm dụng vị thành niên; từ việc không lưu ý tới những người khuyết tật tới việc thiếu kính trọng người cao niên; từ việc dùng luật pháp tháo bỏ gia đình tới việc dùng bạo lực chống lại phụ nữ. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tới tính cụ thể, vốn là ý niệm then chốt trong Tông Huấn. Chính tính cụ thể, tính hiện thực và đời sống hàng ngày đã tạo thành sự dị biệt thực chất giữa “các lý thuyết” có thể chấp nhận được để giải thích thực tại và “các ý thức hệ” võ đoán.

Trưng dẫn Familiaris consortio, Đức Phanxicô quả quyết rằng “ta rất đúng khi tập chú vào các thực tại cụ thể, vì ‘lời kêu gọi và các đòi hỏi của Thần Khí vang vọng trong các biến cố của lịch sử’ và qua các biến cố này, ‘Giáo Hội cũng được dẫn tới một cái hiểu sâu sắc hơn về mầu nhiệm khôn lường của hôn nhân và gia đình” (NVYT 31). Ngược lại, nếu ta không chịu lắng nghe thực tại, ta không thể hiểu được các nhu cầu của hiện tại hay các chuyển động của Thần Khí. Đức Giáo Hoàng nhận định rằng chủ nghĩa duy cá nhân hung hăng khiến con người ngày nay khó có thể hiến thân một cách đại lượng cho người khác (xem NVYT 33). Đây là một bức tranh đáng lưu ý về tình huống hiện nay: “sợ cô đơn và ước muốn ổn định và trung thành hiện hữu song song với nỗi sợ mỗi ngày một lớn bị lừa vào một mối liên hệ rất có thể ngăn cản mình đạt được các mục tiêu bản thân” (NVYT 34).

Lòng khiêm tốn của tính hiện thực giúp ta tránh được việc trình bầy “một lý tưởng thần học quá trừu tượng và hầu như giả tạo về hôn nhân, quá xa vời so với các tình huống cụ thể và các khả thể thực tiễn của các gia đình chân thực” (NVYT 36). Chủ nghĩa duy lý tưởng không cho phép hôn nhân đươc hiểu đúng theo bản chất của nó, tức “ngả đường năng động để phát triển và hoàn thành bản thân”. Quả không hiện thực chút nào khi nghĩ rằng các gia đình có thể tự nâng đỡ chính mình “chỉ bằng việc nhấn mạnh tới các vấn đề tín lý, đạo đức sinh học và luân lý mà thôi, mà không khuyến khích người ta cởi mở đối với ơn thánh” (NVYT 37). Cho rằng một số phương thức “tự phê phán” không đủ đối với kinh nghiệm hôn nhân và gia đình, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh cần phải dành chỗ cho việc đào tạo lương tâm tín hữu: “chúng ta được kêu gọi đào luyện các lương tâm, chứ không thay thế chúng” (NVYT 37). Chúa Giêsu đề ra một lý tưởng đầy đòi hỏi nhưng “không bao giờ lại không tỏ lòng cảm thương và gần gũi đối với tính yếu đuối của các cá nhân như người đàn bà Samaria hay người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình” (NVYT 38).

Chương Ba: “Nhìn lên Chúa Giêsu: ơn gọi của gia đình” (58-88)

Chương thứ ba dành cho việc bàn tới một số yếu tố chủ yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Chương này quan trọng vì 30 đoạn của nó mô tả xúc tích ơn gọi của gia đình theo Tin Mừng và như Giáo Hội đã quả quyết xưa nay. Trước hết, nó nhấn mạnh tới các chủ đề bất khả tiêu, bản chất bí tích của hôn nhân, việc truyền sinh và giáo dục con cái. Gaudium et Spes của Vatican II, Humanae Vitae của Đức Phaolô VI, và Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolô II đã được trưng dẫn rất nhiều.

Chương này cung cấp một cái nhìn bao quát và đụng tới cả các “tình huống bất toàn” nữa. Thực thế, chúng ta có thể đọc thấy “ ‘việc biện phân sự hiện diện của các hạt giống Lời Chúa’ trong các nền văn hóa khác (xem Ad Gentes 11) cũng có thể áp dụng vào thực tại hôn nhân và gia đình. Song song với hôn nhân tự nhiên đích thực, các yếu tố tích cực quả có hiện hữu trong các hình thức hôn nhân tìm thấy nơi các truyền thống tôn giáo khác’, dù có lúc khá mù mờ” (NVYT 77). Suy tư này cũng bao gồm “các gia đình bị thương tổn”; về các gia đình này, Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Đồng năm 2015 để nói rằng “luôn cần phải nhớ nguyên tắc tổng quát này” ‘các mục tử phải biết rằng, vì chân lý, các ngài buộc phải thi hành việc biện phân các hoàn cảnh một cách thận trọng’ (Familiaris Consortio, 84). Mức độ trách nhiệm không như nhau trong mọi trường hợp và có thể có các nhân tố khiến khả năng đưa ra quyết định bị hạn chế. Do đó, dù quả quyết giáo huấn của Giáo Hội cách rõ ràng, các mục tử phải tránh các phán đoán không đếm xỉa gì tới tính phức tạp của các hoàn cảnh đa dạng, và các ngài phải lưu ý, nhất thiết phải lưu ý tới việc người ta trải nghiệm ra sao và chịu đựng thế nào các buồn phiền do hoàn cảnh của họ gây ra” (NVYT 79).

Chương Bốn: “Tình yêu trong hôn nhân” (89-164)

Chương bốn bàn về tình yêu trong hôn nhân, điều mà nó soi sáng bằng Bài Ca Tình Yêu của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 13:4-7. Tiết mở đầu này là một giải thích công phu, tập chú, nhiều linh hứng và thơ mộng đối với bản văn của Thánh Phaolô. Nó là một sưu tập gồm nhiều đoạn văn ngắn nhằm mô tả một cách thận trọng và đầy âu yếm tình yêu nhân bản bằng những hạn từ hoàn toàn cụ thể. Giá trị nội quan tâm lý của lời giải thích này quả là tuyệt vời. Những tầm nhìn tâm lý thấu suốt đã được đưa vào thế giới xúc cảm của vợ chồng, cả tích cực lẫn tiêu cực, và cả chiều kích gợi tình của tình yêu nữa. Đây quả là một đóng góp cực kỳ phong phú và có giá trị vào đời sống hôn nhân Kitô Giáo, chưa hề có trong các văn kiện giáo hoàng trước đây.

Tiết này vắn vỏi vượt ra ngoài việc bàn một cách rộng dài, sâu sắc tới kinh nghiệm hàng ngày của tình yêu hôn nhân, điều mà Đức Giáo Hoàng từ khước, không muốn phán đoán dựa vào các tiêu chuẩn lý tưởng: “không nên đặt lên hai con người hữu hạn gánh nặng khủng khiếp phải lặp lại một cách hoàn hảo sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, vì hôn nhân, trong tư cách dấu chỉ, bao hàm ‘một diễn trình năng động…, một diễn trình từ từ diễn tiến với việc hội nhập tiệm tiến các ân ban của Thiên Chúa” (NVYT 122). Mặt khác, Đức Giáo Hoàng mạnh mẽ nhấn mạnh sự kiện này: do chính bản chất của nó, tình yêu vợ chồng vốn xác định ra các người phối ngẫu trong một sự kết hợp hết sức bao trùm và lâu dài (NVYT 123), chính trong sự “pha trộn vui hưởng và đấu tranh, căng thẳng và thư thái, đau đớn và khuây khỏa, thỏa mãn và ham muốn, bực dọc và khoan khoái” ấy (NVYT 126), mà hôn nhân đã được lập thành.

Chương này kết thúc bằng một suy tư rất quan trọng về “việc biến đổi của tình yêu” vì “quãng đời dài hơn hiện nay có nghĩa: các mối liên hệ gần gũi và độc chiếm hẳn phải kéo dài tới 4, 5 hay ngay cả 6 thập niên; thành thử, quyết định lúc ban đầu hẳn phải luôn được làm mới trở lại” (NVYT 163). Khi vẻ bề ngoài biến đổi, sự lôi cuốn yêu thương tuy không giảm nhưng thay đổi khi thèm muốn tính dục, với thời gian, có thể biến đổi để chỉ còn là ước muốn được ở với nhau và tương trợ nhau: “Không hề có bảo đảm nào là chúng ta sẽ cảm nhận như nhau suốt đời. Ấy thế nhưng, nếu cặp vợ chồng nào có thể nghĩ ra được một dự án sống chung lâu dài, họ vẫn có thể yêu thương nhau và sống với nhau như một, vui hưởng sụ thân mật phong phú, cho tới lúc sự chết phân rẽ họ” (NVYT 163).



Chương Năm: “Tình yêu sinh hoa trái” (165-198)

Chương Năm hoàn toàn tập chú vào tính sinh hoa trái của tình yêu và sự sinh sản. Nó đề cập một cách thiêng liêng và tâm lý sâu sắc tới việc chào đón sự sống mới, tới thời gian chờ đợi thai nghén, tới tình yêu của người mẹ người cha. Nó cũng nói tới tính hoa trái mở rộng của việc nhận con nuôi, tới việc hoan nghinh sự đóng góp của các gia đình vào việc cổ vũ “nền văn hóa gặp gỡ”, và tới cuộc sống gia đình theo nghĩa rộng bao gồm cô chú, anh chị em họ, thân nhân của các thân nhân, bằng hữu. Amoris laetitia không tập chú vào điều vốn được gọi là “gia đình hạch nhân” vì nó rất coi trọng gia đình như một mạng lưới rộng lớn hơn gồm nhiều mối liên hệ. Linh đạo của bí tích hôn nhân có đặc điểm xã hội sâu sắc (xem NVYT 187). Và bên trong chiều kích xã hội này, Đức Giáo Hoàng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt của mối liên hệ giữa người trẻ và người cao niên, cũng như mối liên hệ giữa các anh chị em, coi nó như cơ sở huấn luyện cho việc liên hệ với người khác.

Chương Sáu: “Một số viễn ảnh mục vụ” (199-258)

Trong chương sáu, Đức Giáo Hoàng thảo luận một số viễn ảnh mục vụ nhằm tạo ra các gia đình vững chắc và sinh hoa trái theo kế hoạch của Thiên Chúa. Chương này sử dụng rộng dài các bản tường trình sau cùng của hai thượng hội đồng và các bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nó nhắc lại rằng các gia đình không những nên được phúc âm hóa, mà họ còn phải rao giảng phúc âm nữa. Đức Giáo Hoàng tỏ ý tiếc rằng “các thừa tác viên thụ phong thường hay thiếu sự huấn luyện cần thiết để đương đầu với các vấn đề phức tạp mà các gia đình hiện đang phải đối phó” (NVYT 202). Một mặt, việc huấn luyện các chủng sinh về tâm cảm (psycho-affective) cần được cải tiến, và các gia đình cần can dự nhiều hơn vào việc huấn luyện người cho thừa tác vụ (xem NVYT 203); và mặt khác, “kinh nghiệm giáo sĩ lập gia đình của truyền thống rộng lớn Đông Phương cũng có thể được rút tỉa” (NVYT 202).

Sau đó, Đức Giáo Hoàng nói tới việc chuẩn bị hôn nhân cho các cặp đính hôn; tới việc đồng hành với các cặp vợ chồng trong các năm đầu cuộc sống hôn nhân của họ, trong đó, có vấn đề làm cha mẹ có trách nhiệm; và ngài cũng nói tới một số hoàn cảnh và cuộc khủng hoảng phức tạp, vì biết rằng “mỗi cuộc khủng hoảng đều có một bài học để dạy chúng ta; chúng ta cần học cách biết lắng nghe về nó với lỗ tai của trái tim” (NVYT 232). Một số nguyên nhân của khủng hoảng đã được phân tích, trong số đó, có sự trễ nải trong việc trưởng thành về xúc cảm (xem NVYT 239).

Ngài còn nhắc thêm về việc đồng hành với những người bị bỏ rơi, ly thân hoặc ly dị. Tông Huấn nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc cải tổ mới đây đối với các thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Nó làm nổi bật sự đau khổ của con cái trong các hoàn cảnh tranh chấp và kết luận: “Ly dị là một sự ác và con số mỗi ngày một gia tăng các vụ ly dị là điều rất gây bối rối. Do đó, bổn phận mục vụ quan trọng nhất của chúng ta đối với các gia đình là củng cố tình yêu của họ, giúp hàn gắn các vết thương và làm việc để ngăn chặn việc lan tràn bi kịch này của thời ta” (NVYT 246). Sau đó, chương này nói tới các cuộc hôn nhân giữa một người Công Giáo và một Kitô hữu thuộc một hệ phái khác (hôn nhân hỗn hợp), và giữa một người Công Giáo và một người thuộc một tôn giáo khác (hôn nhân khác đạo). Liên quan tới các gia đình có thành viên là người có khuynh hung đồng tính luyến ái, Tông Huấn tái xác nhận sự cần thiết phải tôn trọng họ và kiềm chế bất cứ sự kỳ thị bất công nào cũng như mọi hình thức gây hấn hay bạo động nào. Phần cuối cùng, rất cảm kích về phương diện mục vụ của chương này, “khi sự chết làm chúng ta cảm thấy nọc độc của nó” là nói về chủ đề mất người thân yêu và đời sống mất chồng, mất vợ.

Chương Bẩy: “Hướng tới việc giáo dục con cái tốt hơn” (259-290)

Chương bẩy dành để nói đến việc giáo dục con cái: đào luyện chúng về đạo đức, học tập kỷ luật bao gồm trừng phạt, hiện thực kiên nhẫn, giáo dục giới tính, truyền thụ đức tin và, nói chung hơn, cuộc sống gia đình như một bối cảnh giáo dục. Sự khôn ngoan thực tiễn thấy nơi mỗi đoạn thật đáng lưu ý, trên hết là việc dành chú ý cho các bước nhỏ, tiệm tiến “ta có thể hiểu, chấp nhận và trân qúy được”(NVYT 271).

Có một đoạn đặc biệt gây chú ý và có tính nền tảng về sư phạm trong đó, Đức Phanxicô quả quyết một cách rõ ràng rằng “tuy nhiên, ám ảnh không phải là giáo dục. Ta không thể kiểm soát mọi hoàn cảnh mà đứa nhỏ có thể trải nghiệm… Nếu các cha mẹ bị ám ảnh với việc luôn phải biết con cái họ đang ở đâu và kiểm soát mọi chuyển động của chúng, họ đã chỉ tìm cách khống chế không gian mà thôi. Nhưng việc này không hề để giáo dục, củng cố và chuẩn bị con cái họ giúp chúng đương đầu với các thách đố. Điều quan trọng hơn cả là khả năng biết yêu thương giúp đỡ chúng lớn lên trong tự do, trưởng thành, kỷ luật nói chung và thực sự tự lập” (NVYT 260).

Tiết đáng lưu ý về giáo dục tính dục đã được đặt tựa đề rất hay là “Nói có với giáo dục tính dục”. Nhu cầu là ở đó, và chúng ta phải nêu câu hỏi: “liệu các định chế giáo dục của ta đã đảm nhiệm thách đố này chưa… trong một thời đại khi tính dục có khuynh hướng bị tầm thường hóa và làm cho ra nghèo nàn”. Nền giáo dục tốt đẹp cần được thi hành “bên trong khuôn khổ rộng lớn hơn của việc giáo dục tình yêu, của việc giáo dục tự hiến thân hỗ tương” (NVYT 280). Bản văn cảnh cáo rằng kiểu nói “làm tình an toàn” chuyên chở “một thái độ tiêu cực đối với cùng đích tính sinh sản tự nhiên của tính dục, như thể đứa trẻ có thể được sinh ra là một kẻ thù cần phải đề phòng chống lại. Kiểu suy nghĩ này cổ vũ lòng tự yêu mình thái quá và tính gây hấn thay vì sự chấp nhận” (NVYT 283).

Chương Tám: “Hướng dẫn, biện phân và hội nhập yếu đuối” (291-312)

Chương tám là lời mời gọi hướng tới lòng thương xót và biện phân mục vụ trong các hoàn cảnh không hoàn toàn phù hợp với những gì Chúa đã đề xuất. Đức Giáo Hoàng sử dụng ba động từ rất quan trọng: hướng dẫn, biện phân và hội nhập (integrating), tất cả đều có tính nền tảng để giải quyết các hoàn cảnh mỏng dòn, phức tạp, không hợp qui. Chương này có nhiều tiết nói về việc cần phải có sự tiệm tiến (gradualness) trong việc chăm sóc mục vụ; tầm quan trọng của biện phân; các qui luật và các hoàn cảnh giảm khinh trong việc biện phân mục vụ; và sau cùng, Đức Giáo Hoàng kêu gọi phải có “luận lý học thương xót mục vụ”.

Chương tám là chương hết sức mẫn cảm. Đọc nó, người ta phải nhớ rằng “trách vụ của Giáo Hội thường giống trách vụ một bệnh viện dã chiến” (NVYT 291). Ở đây, Đức Thánh Cha bám chặt các khám phá của hai thượng hội đồng về các vấn đề gây tranh cãi. Ngài tái khẳng định điều hôn nhân Kitô Giáo vốn là và nói thêm rằng “một số hình thức kết hợp mâu thuẫn triệt để với lý tưởng này, trong khi một số hình thức khác thể hiện nó ít nhất một phần hay tương tự”. Do đó, Giáo Hội “không coi thường các yếu tố xây dựng trong các hoàn cảnh chưa hoặc không còn phù hợp với giáo huấn của mình về hôn nhân nữa” (NVYT 292).

Về việc biện phân đối với các hoàn cảnh “không hợp qui”, Đức Giáo Hoàng nói rằng: “Cần phải ‘tránh các phán đoán không đếm xỉa tới tính phức tạp của các hoàn cảnh đa dạng’ và nhất thiết phải lưu ý tới việc người ta phải buồn phiền như thế nào vì hoàn cảnh của họ” (NVYT 296). Và ngài viết tiếp: “đây là vấn đề phải vươn tay ra với mọi người, phải giúp mỗi người tìm được cách riêng để tham dự vào cộng đồng Giáo Hội, và nhờ thế cảm nhận được sự vuốt ve của một lòng thương xót ‘không cần công trạng, vô điều kiện và nhưng không’” (NVYT 297). Và xa hơn: “những người ly dị đã bước vào một kết hợp mới, chẳng hạn, có thể rơi vào một loạt các hoàn cảnh khác nhau, mà ta không nên ngăn hộc hay nhét vào các loại xếp hạng quá cứng ngắc, không chừa chỗ trống cho việc biện phân bản thân và mục vụ thích đáng” (NVYT 298).

Theo đường hướng trên, dựa vào các nhận xét của nhiều nghị phụ thượng hội đồng, Đức Giáo Hoàng quả quyết rằng “người đã chịu phép rửa nào ly dị và tái hôn theo dân luật cần được hội nhập trọn vẹn hơn vào các cộng đồng Kitô hữu bằng nhiều cách có thể có, trong khi phải tránh bất cứ dịp gây gương mù gương xấu nào”. “Việc tham dự của họ có thể được biểu lộ qua nhiều phục vụ khác nhau trong Giáo Hội… Những người như thế không nên cảm thấy mình như là các chi thể bị tuyệt thông của Giáo Hội, nhưng thay vào đó phải như các chi thể sống động, có khả năng sống và lớn lên trong Giáo Hội… Sự hội nhập này cũng cần phải có trong việc săn sóc và dưỡng dục con cái họ theo Kitô Giáo” (NVYT 299).

Nói tổng quát hơn, Đức Giáo Hoàng đưa ra một câu tuyên bố cực kỳ quan trọng để ta hiểu chiều hướng và ý nghĩa của Tông Huấn: “Nếu chúng ta xem xét sự đa dạng mênh mông của các hoàn cảnh cụ thể…, điều có thể hiểu được là không ai chờ mong cả thượng hội đồng lẫn tông huấn này sẽ cung cấp một bộ qui luật tổng quát mới, hợp giáo luật từ trong bản chất và có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Điều cần đơn thuần là một khích lệ đổi mới để người ta đảm nhiệm việc biện phân bản thân và mục vụ một cách có trách nhiệm trong các trường hợp đặc thù, một sự biện phân biết nhìn nhận rằng, vì “mức độ trách nhiệm không như nhau trong mọi trường hợp’, các hậu quả hay hệ quả của một qui luật không cần luôn phải nhất thiết như nhau” (NVYT 300). Đức Giáo Hoàng khai triển một cách sâu sắc các nhu cầu và các đặc điểm của cuộc hành trình đồng hành và biện phân cần thiết đối với cuộc đối thoại có chiều sâu giữa tín hữu và các mục tử của họ.

Để đạt mục đích trên, Đức Thánh Cha nhắc ta nhớ lại suy tư của Giáo Hội về “các nhân tố và hoàn cảnh giảm khinh” liên quan tới việc qui trách nhiệm và giải trình hành động; và dựa vào Thánh Tôma Aquinô, ngài tập chú vào mối liên hệ giữa các qui luật và việc biện phân bằng cách quả quyết rằng “Quả thực các qui luật tổng quát đưa ra một sự thiện mà ta không bao giờ có thể coi thường hay bỏ qua, nhưng trong hình thức phát biểu của chúng, chúng không thể tuyệt đối dự liệu mọi hoàn cảnh đặc thù được. Đồng thời, cần phải nói rằng, chính vì lý do đó, điều vốn là thành phần của một biện phân thực tiễn trong các hoàn cảnh đặc thù không thể được nâng lên hàng một qui luật” (NVYT 304).

Tiết sau cùng của chương này bàn đến “luận lý học thương xót mục vụ”. Để tránh hiểu lầm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mạnh mẽ nhắc lại: “Bầy tỏ sự hiểu biết trước các hoàn cảnh ngoại lệ không bao giờ hàm nghĩa phải giảm độ ánh sáng của các lý tưởng trọn vẹn hơn hay đề xuất ít hơn điều Chúa Giêsu đề xuất cho con người nhân bản. Ngày nay, điều quan trọng hơn việc chăm sóc mục vụ đối với những hoàn cảnh thất bại là cố gắng mục vụ nhằm củng cố các cuộc hôn nhân và nhờ thế phòng ngừa việc chúng đổ vỡ” (NVYT 307).

Chiều hướng nói chung của chương này và của tinh thần mà Đức Phanxicô muốn dành cho công việc mục vụ của Giáo Hội đã được tóm tắt trong các lời kết như sau: “Tôi khuyến khích các tín hữu đang thấy mình rơi vào các hoàn cảnh phức tạp hãy tin tưởng nói chuyện với các mục tử của họ hay với các tín hữu giáo dân khác vốn có đời sống dấn thân cho Chúa. Có thể không phải lúc nào họ cũng tìm được nơi những người này một sự xác nhận đối với các ý nghĩ hay ước nguyện của mình, nhưng chắc chắn, họ sẽ nhận được chút ánh sáng nào đó giúp họ hiểu hoàn cảnh của mình tốt hơn và khám phá ra con đường phát triển bản thân. Tôi cũng khuyến khích các mục tử của Giáo Hội hãy lắng nghe họ một cách mẫn cảm và thanh thản, thành thực muốn hiểu cảnh ngộ và quan điểm của họ, ngõ hầu giúp họ sống cuộc sống tốt đẹp hơn và nhìn nhận chỗ đứng thích đáng của họ trong Giáo Hội” (NVYT 312).

Về “luận lý học thương xót mục vụ”, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Đôi lúc, chúng ta thấy khó dành chỗ cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trong hoạt động mục vụ của ta. Ta đặt không biết bao nhiêu điều kiện lên lòng thương xót đến nỗi làm nó rỗng hết mọi ý nghĩa cụ thể và ý nghĩa chân thực của nó. Đây là cách tệ hại nhất để làm loãng Tin Mừng” (NVYT 311).

Chương Chín: “Linh đạo hôn nhân và gia đình” (313-325)

Chương chín dành cho linh đạo hôn nhân và gia đình, một linh đạo “kết thành bởi hàng ngàn cử chỉ nhỏ mọn nhưng có thực chất” (NVYT 315). Đức Giáo Hoàng quả quyết một cách rõ ràng rằng “những ai có khát vọng linh đạo sâu sắc không nên cảm nhận rằng gia đình đánh giá thấp việc họ lớn lên trong sự sống Thần Khí, nhưng đúng hơn họ coi sự sống này như con đường Chúa muốn dùng để dẫn họ tới đỉnh cao của việc kết hợp huyền nhiệm” (NVYT 316). Mọi sự, “những lúc vui, thư giãn, cử hành, và ngay cả làm tình cũng có thể được cảm nghiệm như một tham dự vào cuộc sống trọn vẹn của phục sinh” (NVYT 317). Rồi ngài nói tới việc cầu nguyện dưới ánh sáng Phục Sinh, tới linh đạo của tình yêu độc chiếm và tự do trong thách đố và hoài mong được về già với nhau, luôn phản ảnh lòng chung thủy của Thiên Chúa (xem NVYT 319). Và sau cùng, là linh đạo chăm sóc, an ủi và khuyến khích: Đức Giáo Hoàng dạy rằng “mọi cuộc sống gia đình đều là một ‘việc chăn chiên’ trong thương xót. Mỗi người chúng ta, qua yêu thương và săn sóc, đều để lại dấu ấn lên đời người khác”(NVYT 322). “Ngắm nhìn người thân yêu của chúng ta bằng con mắt của Thiên Chúa và thấy Chúa Kitô trong họ chính là một kinh nghiệm thiêng liêng” sâu sắc (NVYT 323).

Trong đoạn cuối cùng, Đức Phanxicô khẳng định: “không gia đình nào rơi xuống từ trời đã hoàn toàn được hình thành ngay; các gia đình luôn cần được lớn lên và trưởng thành trong khả năng yêu thương… Tất cả chúng ta đều được kêu gọi tiếp tục cố gắng hướng tới một điều gì đó lớn hơn chính chúng ta và gia đình chúng ta, và mọi gia đình phải cảm nhận được sự thúc đẩy này. Chúng ta hãy thực hiện cuộc hành trình này như các gia đình, chúng ta hãy tiếp tục tiến bước với nhau. (…) Chớ gì ta đừng ngã lòng vì các giới hạn của mình hay ngừng việc tìm kiếm sự viên mãn của tình yêu và tình hiệp thông mà Thiên Chúa đang bầy tỏ trước mặt ta” (NVYT 325).

Tông Huấn kết thúc bằng lời cầu nguyện với Thánh Gia.

Tóm lại, Amoris Laetitia tìm cách khẳng định không phải “gia đình lý tưởng” mà là thực tại hết sức phong phú và phức tạp của đời sống gia đình. Nó cung cấp một cái nhìn cởi mở, tích cực sâu xa, được nuôi dưỡng không phải bằng các điều trừu tượng hay phóng chiếu lý tưởng, nhưng bằng sự quan tâm mục vụ đối với thực tại. Ngôn ngữ của Tông Huấn vì thế là ngôn ngữ của kinh nghiệm và hy vọng.
 
Top Stories
Summary of Amoris Laetitia: On Love in the Family
+Pope Francis
03:46 08/04/2016
It is not by chance that Amoris Laetitia (AL), “The Joy of Love”, the post-synodal Apostolic Exhortation “on Love in the Family”, was signed on 19 March, the Solemnity of Saint Joseph. It brings together the results of the two Synods on the family convoked by Pope Francis in 2014 and 2015. It often cites their Final Reports; documents and teachings of his Predecessors; and his own numerous catecheses on the family. In addition, as in previous magisterial documents, the Pope also makes use of the contributions of various Episcopal Conferences around the world (Kenya, Australia, Argentina...) and cites significant figures such as Martin Luther King and Erich Fromm. The Pope even quotes the film Babette’s Feast to illustrate the concept of gratuity.

Introduction (1-7)

The Apostolic Exhortation is striking for its breadth and detail. Its 325 paragraphs are distributed over nine chapters. The seven introductory paragraphs plainly set out the complexity of a topic in urgent need of thorough study. The interventions of the Synod Fathers make up [form] a “multifaceted gem” (AL 4), a precious polyhedron, whose value must be preserved. But the Pope cautions that “not all discussions of doctrinal, moral or pastoral issues need to be settled by interventions of the magisterium”. Indeed, for some questions, “each country or region … can seek solutions better suited to its culture and sensitive to its traditions and local needs. For ‘cultures are in fact quite diverse and every general principle … needs to be inculturated, if it is to be respected and applied’” (AL 3). This principle of inculturation applies to how problems are formulated and addressed and, apart from the dogmatic issues that have been well defined by the Church’s magisterium, none of this approach can be “globalized”. In his address at the end of the 2015 Synod, the Pope said very clearly: “What seems normal for a bishop on one continent, is considered strange and almost scandalous – almost! – for a bishop from another; what is considered a violation of a right in one society is an evident and inviolable rule in another; what for some is freedom of conscience is for others simply confusion.”

The Pope clearly states that we need above all to avoid a sterile juxtaposition between demands for change and the general application of abstract norms. He writes: “The debates carried on in the media, in certain publications and even among the Church’s ministers, range from an immoderate desire for total change without sufficient reflection or grounding, to an attitude that would solve everything by applying general rules or deriving undue conclusions from particular theological considerations” (AL 2).

Chapter One: “In the light of the Word” (8-30)

Following this introduction, the Pope begins his reflections with the Holy Scriptures in the first chapter, which unfolds as a meditation on Psalm 128 (which appears in the Jewish wedding liturgy as well as that of Christian marriages). The Bible “is full of families, births, love stories and family crises” (AL 8). This impels us to meditate on how the family is not an abstract ideal but rather like a practical “trade” (AL 16), which is carried out with tenderness (AL 28), but which has also been confronted with sin from the beginning, when the relationship of love turned into domination (cf. AL 19). Hence, the Word of God “is not a series of abstract ideas but rather a source of comfort and companionship for every family that experiences difficulties or suffering. For it shows them the goal of their journey...”
(AL 22).

Chapter two: “The experiences and challenges of families” (31-57)

Building on the biblical base, in the second chapter the Pope considers the current situation of families. While keeping “firmly grounded in [the] reality” of family experiences (AL 6), he also draws heavily on the final Reports of the two Synods. Families face many challenges, from migration to the ideological denial of differences between the sexes (“ideology of gender” AL 56); from the culture of the provisional to the antibirth mentality and the impact of biotechnology in the field of procreation; from the lack of housing and work to pornography and abuse of minors; from inattention to persons with disabilities, to lack of respect for the elderly; from the legal dismantling of the family, to violence against women. The Pope insists on concreteness, which is a key concept in the Exhortation. And it is concreteness, realism and daily life that make up the substantial difference between acceptable “theories” of interpretation of reality and arbitrary “ideologies”.

Citing Familiaris consortio, Francis states that “we do well to focus on concrete realities, since ‘the call and the demands of the Spirit resound in the events of history’, and through these ‘the Church can also be guided to a more profound understanding of the inexhaustible mystery of marriage and the family’” (AL 31). Conversely, if we fail to listen to reality, we cannot understand the needs of the present or the movements of the Spirit. The Pope notes that rampant individualism makes it difficult today for a person to give oneself generously to another (cf. AL 33). Here is an interesting picture of the situation: “The fear of loneliness and the desire for stability and fidelity exist side by side with a growing fear of entrapment in a relationship that could hamper the achievement of one’s personal goals” (AL 34).

The humility of realism helps us to avoid presenting “a far too abstract and almost artificial theological ideal of marriage, far removed from the concrete situations and practical possibilities of real families” (AL 36). Idealism does not allow marriage to be understood for what it is, that is, a “dynamic path to personal development and fulfilment”. It is unrealistic to think that families can sustain themselves “simply by stressing doctrinal, bioethical and moral issues, without encouraging openness to grace” (AL 37). Calling for a certain “self-criticism” of approaches that are inadequate for the experience of marriage and the family, the Pope stresses the need to make room for the formation of the conscience of the faithful: “We have been called to form consciences, not to replace them” (AL 37). Jesus proposed a demanding ideal but “never failed to show compassion and closeness to the frailty of individuals like the Samaritan woman or the woman caught in adultery” (AL 38).

Chapter three: “Looking to Jesus: The vocation of the family” (58-88)

The third chapter is dedicated to some essential elements of the Church’s teaching on marriage and the family. This chapter is important because its 30 paragraphs concisely depict the vocation of the family according to the Gospel and as affirmed by the Church over time. Above all, it stresses the themes of indissolubility, the sacramental nature of marriage, the transmission of life and the education of children. Gaudium et Spes of Vatican II, Humanae Vitae of Paul VI, and Familiaris Consortio of John Paul II are widely quoted.

The chapter provides a broad view and touches on “imperfect situations” as well. We can read, in fact: “‘Discernment of the presence of ‘seeds of the Word’ in other cultures (cf. Ad Gentes 11) can also apply to the reality of marriage and the family. In addition to true natural marriage, positive elements exist in the forms of marriage found in other religious traditions’, even if, at times, obscurely” (AL 77). The reflection also includes the “wounded families” about whom the Pope – quoting the Final Report of the 2015 Synod extensively – says that “it is always necessary to recall this general principle: ‘Pastors must know that, for the sake of truth, they are obliged to exercise careful discernment of situations’

(Familiaris Consortio, 84). The degree of responsibility is not equal in all cases and factors may exist which limit the ability to make a decision. Therefore, while clearly stating the Church’s teaching, pastors are to avoid judgements that do not take into account the complexity of various situations, and they are to be attentive, by necessity, to how people experience and endure distress because of their condition” (AL 79).

Chapter four: “Love in marriage” (89-164)

The fourth chapter treats love in marriage, which it illuminates with Saint Paul’s Hymn to Love in 1 Corinthians 13:4-7. This opening section is truly a painstaking, focused, inspired and poetic exegesis of the Pauline text. It is a collection of brief passages carefully and tenderly describing human love in absolutely concrete terms. The quality of psychological introspection that marks this exegesis is striking. The psychological insights enter into the emotional world of the spouses – positive and negative – and the erotic dimension of love. This is an extremely rich and valuable contribution to Christian married life, unprecedented in previous papal documents.

This section digresses briefly from the more extensive, perceptive treatment of the day-to-day experience of married love which the Pope refuses to judge against ideal standards: “There is no need to lay upon two limited persons the tremendous burden of having to reproduce perfectly the union existing between Christ and his Church, for marriage as a sign entails ‘a dynamic process…, one which advances gradually with the progressive integration of the gifts of God’” (AL 122). On the other hand, the Pope forcefully stresses the fact that conjugal love by its very nature defines the partners in a richly encompassing and lasting union (AL 123), precisely within that “mixture of enjoyment and struggles, tensions and repose, pain and relief, satisfactions and longings, annoyances and pleasures” (Al 126) which indeed make up a marriage.

The chapter concludes with a very important reflection on the “transformation of love” because “Longer life spans now mean that close and exclusive relationships must last for four, five or even six decades; consequently, the initial decision has to be frequently renewed” (AL 163). As physical appearance alters, the loving attraction does not lessen but changes as sexual desire can be transformed over time into the desire for togetherness and mutuality: “There is no guarantee that we will feel the same way all through life. Yet if a couple can come up with a shared and lasting life project, they can love one another and live as one until death do them part, enjoying an enriching intimacy” (AL 163).

Chapter five: “Love made fruitful” (165-198)

The fifth chapter is entirely focused on love’s fruitfulness and procreation. It speaks in a profoundly spiritual and psychological manner about welcoming new life, about the waiting period of pregnancy, about the love of a mother and a father. It also speaks of the expanded fruitfulness of adoption, of welcoming the contribution of families to promote a “culture of encounter”, and of family life in a broad sense which includes aunts and uncles, cousins, relatives of relatives, friends. Amoris laetitia does not focus on the so-called “nuclear” family” because it is very aware of the family as a wider network of many relationships. The spirituality of the sacrament of marriage has a deeply social character (cf. AL 187). And within this social dimension the Pope particularly emphasizes the specific role of the relationship between youth and the elderly, as well as the relationship between brothers and sisters as a training ground for relating with others.

Chapter six: “Some pastoral perspectives” (199-258)

In the sixth chapter the Pope treats various pastoral perspectives that are aimed at forming solid and fruitful families according to God’s plan. The chapter use the Final Reports of the two Synods and the catecheses of Pope Francis and Pope John Paul II extensively. It reiterates that families should not only be evangelized, they should also evangelize. The Pope regrets “that ordained ministers often lack the training needed to deal with the complex problems currently facing families” (AL 202). On the one hand, the psycho-affective formation of seminarians needs to be improved, and families need to be more involved in formation for ministry (cf. AL 203); and on the other hand, “the experience of the broad oriental tradition of a married clergy could also be drawn upon” (AL 202).

The Pope then deals with the preparation of the engaged for marriage; with the accompaniment of couples in the first years of married life, including the issue of responsible parenthood; and also with certain complex situations and crises, knowing that “each crisis has a lesson to teach us; we need to learn how to listen for it with the ear of the heart” (AL 232). Some causes of crisis are analysed, among them a delay in maturing affectively (cf. AL 239).

Mention is furthermore made of accompanying abandoned, separated or divorced persons. The Exhortation stresses the importance of the recent reform of the procedures for marriage annulment. It highlights the suffering of children in situations of conflict and concludes: “Divorce is an evil and the increasing number of divorces is very troubling. Hence, our most important pastoral task with regard to families is to strengthen their love, helping to heal wounds and working to prevent the spread of this drama of our times” (AL 246). It then touches on the situations of a marriage between a Catholic and a Christian of another denomination (mixed marriages), and between a Catholic and someone of another religion (disparity of cult). Regarding families with members with homosexual tendencies, it reaffirms the necessity to respect them and to refrain from any unjust discrimination and every form of aggression or violence. The last, pastorally poignant part of the chapter, “When death makes us feel its sting”, is on the theme of the loss of dear ones and of widowhood.

Chapter seven: “Towards a better education of children” (259-290)

The seventh chapter is dedicated to the education of children: their ethical formation, the learning of discipline which can include punishment, patient realism, sex education, passing on the faith and, more generally, family life as an educational context. The practical wisdom present in each paragraph is remarkable, above all the attention given to those gradual, small steps “that can be understood, accepted and appreciated” (AL 271).

There is a particularly interesting and pedagogically fundamental paragraph in which Francis clearly states that “obsession, however, is not education. We cannot control every situation that a child may experience… If parents are obsessed with always knowing where their children are and controlling all their movements, they will seek only to dominate space. But this is no way to educate, strengthen and prepare their children to face challenges. What is most important is the ability lovingly to help them grow in freedom, maturity, overall discipline and real autonomy” (AL 260).

The notable section on education in sexuality is very expressively entitled: “Yes to sex education”. The need is there, and we have to ask “if our educational institutions have taken up this challenge … in an age when sexuality tends to be trivialized and impoverished”. Sound education needs to be carried out “within the broader framework of an education for love, for mutual self-giving” (AL 280). The text warns that the expression ‘safe sex’ conveys “a negative attitude towards the natural procreative finality of sexuality, as if an eventual child were an enemy to be protected against. This way of thinking promotes narcissism and aggressivity in place of acceptance” (AL 283).

Chapter eight: “Guiding, discerning and integrating weakness” (291-312)

The eighth chapter is an invitation to mercy and pastoral discernment in situations that do not fully match what the Lord proposes. The Pope uses three very important verbs: guiding, discerning and integrating, which are fundamental in addressing fragile, complex or irregular situations. The chapter has sections on the need for gradualness in pastoral care; the importance of discernment; norms and mitigating circumstances in pastoral discernment; and finally what the Pope calls the “logic of pastoral mercy”.

Chapter eight is very sensitive. In reading it one must remember that “the Church’s task is often like that of a field hospital” (AL 291). Here the Holy Father grapples with the findings of the Synods on controversial issues. He reaffirms what Christian marriage is and adds that “some forms of union radically contradict this ideal, while others realize it in at least a partial and analogous way”. The Church therefore “does not disregard the constructive elements in those situations which do not yet or no longer correspond to her teaching on marriage” (AL 292).

As far as discernment with regard to “irregular” situations is concerned, the Pope states: “There is a need ‘to avoid judgements which do not take into account the complexity of various situations’ and to be attentive, by necessity, to how people experience distress because of their condition’” (AL 296). And he continues: “It is a matter of reaching out to everyone, of needing to help each person find his or her proper way of participating in the ecclesial community, and thus to experience being touched by an ‘unmerited, unconditional and gratuitous’ mercy” (AL 297). And further: “The divorced who have entered a new union, for example, can find themselves in a variety of situations, which should not be pigeonholed or fit into overly rigid classifications leaving no room for a suitable personal and pastoral discernment” (AL 298).

In this line, gathering the observations of many Synod Fathers, the Pope states that “the baptized who are divorced and civilly remarried need to be more fully integrated into Christian communities in the variety of ways possible, while avoiding any occasion of scandal”. “Their participation can be expressed in different ecclesial services… Such persons need to feel not as excommunicated members of the Church, but instead as living members, able to live and grow in the Church… This integration is also needed in the care and Christian upbringing of their children” (AL 299).

In a more general vein, the Pope makes an extremely important statement for understanding the orientation and meaning of the Exhortation: “If we consider the immense variety of concrete situations, … it is understandable that neither the Synod nor this Exhortation could be expected to provide a new set of general rules, canonical in nature and applicable to all cases. What is needed is simply a renewed encouragement to undertake a responsible personal and pastoral discernment of particular cases, one which would recognize that, since ‘the degree of responsibility is not equal in all
cases’, the consequences or effects of a rule need not necessarily always be the same” (AL 300). The Pope develops in depth the needs and characteristics of the journey of accompaniment and discernment necessary for profound dialogue between the faithful and their pastors.

For this purpose the Holy Father recalls the Church’s reflection on “mitigating factors and situations” regarding the attribution of responsibility and accountability for actions; and relying on St. Thomas Aquinas, he focuses on the relationship between rules and discernment by stating: “It is true that general rules set forth a good which can never be disregarded or neglected, but in their formulation they cannot provide absolutely for all particular situations. At the same time, it must be said that, precisely for that reason, what is part of a practical discernment in particular circumstances cannot be elevated to the level of a rule” (AL 304).

The last section of the chapter treats “The logic of pastoral mercy”. To avoid misunderstandings, Pope Francis strongly reiterates: “To show understanding in the face of exceptional situations never implies dimming the light of the fuller ideal, or proposing less than what Jesus offers to the human being. Today, more important than the pastoral care of failures is the pastoral effort to strengthen marriages and thus to prevent their breakdown” (AL 307).

The overall sense of the chapter and of the spirit that Pope Francis wishes to impart to the pastoral work of the Church is well summed up in the closing words: “I encourage the faithful who find themselves in complicated situations to speak confidently with their pastors or with other lay people whose lives are committed to the Lord. They may not always encounter in them a confirmation of their own ideas or desires, but they will surely receive some light to help them better understand their situation and discover a path to personal growth. I also encourage the Church’s pastors to listen to them with sensitivity and serenity, with a sincere desire to understand their plight and their point of view, in order to help them live better lives and to recognize their proper place in the Church.” (AL 312).

On the “logic of pastoral mercy”, Pope Francis emphasizes: “At times we find it hard to make room for God’s unconditional love in our pastoral activity. We put so many conditions on mercy that we empty it of its concrete meaning and real significance. That is the worst way of watering down the Gospel” (AL 311).

Chapter nine: “The spirituality of marriage and the family” (313-325)

The ninth chapter is devoted to marital and family spirituality, which “is made up of thousands of small but real gestures” (AL 315). The Pope clearly states that “those who have deep spiritual aspirations should not feel that the family detracts from their growth in the life of the Spirit, but rather see it as a path which the Lord is using to lead them to the heights of mystical union” (AL 316). Everything, “moments of joy, relaxation, celebration, and even sexuality can be experienced as a sharing in the full life of the resurrection” (AL 317). He then speaks of prayer in the light of Easter, of the spirituality of exclusive and free love in the challenge and the yearning to grow old together, reflecting God’s fidelity (cf. AL 319). And finally the spirituality of care, consolation and incentive: the Pope teaches that “all family life is a ‘shepherding’ in mercy. Each of us, by our love and care, leaves a mark on the life of others” (AL 322). It is a profound “spiritual experience to contemplate our loved ones with the eyes of God and to see Christ in them” (AL 323).

In the final paragraph the Pope affirms: “No family drops down from heaven perfectly formed; families need constantly to grow and mature in the ability to love … All of us are called to keep striving towards something greater than ourselves and our families, and every family must feel this constant impulse. Let us make this journey as families, let us keep walking together. (…) May we never lose heart because of our limitations, or ever stop seeking that fullness of love and communion which God holds out before us” (AL 325).

The Apostolic Exhortation concludes with a Prayer to the Holy Family.

* * *
As can readily be understood from a quick review of its contents, the Apostolic Exhortation Amoris laetitia seeks emphatically to affirm not the “ideal family” but the very rich and complex reality of family life. Its pages provide an openhearted look, profoundly positive, which is nourished not with abstractions or ideal projections, but with pastoral attention to reality. The text is a close reading of family life, with spiritual insights and practical wisdom useful for every human couple or persons who want to build a family. Above all, it is patently the result of attention to what people have lived over many years. The Exhortation Amoris laetitia: On Love in the Family indeed speaks the language of experience and of hope.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Một Chuyến Đi Thăm Giáo Họ Khánh Sơn
Lm Nguyễn Hữu An
08:58 08/04/2016
Một Chuyến Đi Thăm Giáo Họ Khánh Sơn

Ngày 6.4.2016, tôi đi với các Nữ tu MTG Nha Trang lên thăm cộng đoàn mới tại Xã Sơn Trung, Huyện Khánh Sơn, Tỉnh Khánh Hòa.

Xem Hình

Từ Quốc Lộ 1 đến Ba Ngòi – Cam Ranh, rẽ trái theo đường Tỉnh Lộ 9 đi thêm 40km lên đến Huyện Khánh Sơn. Đường đèo quanh co dài hơn 30 km như đèo Ngoạn mục. Dân cư thưa thớt, chỉ thấy núi thẳm rừng xanh, núi cao vực thẳm. Càng lên cao, gió lùa qua cửa thổi vào thêm lạnh buốt. Xe chạy chậm để ngắm cảnh đường đèo hoàng hôn. Hoang vu và bình an. Vắng lặng nhưng êm đềm qua những rừng cây, trải dài những vườn tược đưa mình lên cao trong gió lộng vi vu. Hoàng hôn nơi đại ngàn như lời kinh chiều dâng lên cao giữa khung trời bát ngát. Khung cảnh núi rừng nơi đây gần giống như vùng núi Đami thuộc Huyện Hàm Thuận Bắc Tỉnh Bình Thuận.

Khánh Sơn có 7 xã và 1 thị trấn, đây là huyện miền núi vùng cao, phía Bắc giáp huyện Khánh Vĩnh, Đông Bắc giáp Diên Khánh, Đông giáp huyện Cam Ranh, Nam và Tây giáp tỉnh Ninh Thuận.Tổng diện tích tự nhiên là 337km2, tổng dân số là 20.930 người. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm đến 94% tổng diện tích tự nhiên. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã có cuộc sống định canh định cư, đã có tập quán trồng cây lúa nước, chăm sóc và khai thác nhựa thông, trồng chè và cà phê theo lối thâm canh thành vùng chuyên canh lớn. Văn hoá truyền thống đầy bản sắc dân tộc được thể hiện qua bộ "Đàn Đá Khánh Sơn" và "Văn hoá Cồng Chiêng" đặc trưng của vùng cao nguyên miền Trung. Khánh Sơn từng là căn cứ địa với những mặt trận ác liệt như: "Thung lũng tử thần", căn cứ Tô Hạp, sân bay Tà Nía.

Giáo Họ Khánh Sơn (Tô Hạp) có khoảng 700 giáo dân, gồm người Kinh và người Dân tộc Rắclây.Cả huyện miền núi cao này chỉ có một Nhà thờ tạm bằng khung sắt tiền chế. Dòng MTG Nha Trang xây dựng cơ sở mới, góp phần vào sứ vụ truyền giáo. Cha Giuse Lê Văn Sỹ, Tổng Đại Diện Giáo Phận Nha Trang đến làm phép nhà mới, xin Chúa chúc lành cho các Nữ tu và cộng đoàn giáo dân nơi đây. Quý linh mục, quý nữ tu cùng giáo dân đến hiệp thông tạ ơn và chia vui. Quý chính quyền Xã và Huyện cũng đến chúc mừng.

Sau đó chúng tôi đến thăm Nhà thờ. Nơi thờ phượng thật đơn sơ giữa núi rừng hùng vĩ như hình ảnh Giáo Hội giữa lòng trần thế. Quý cha phụ trách cho biết đôi nét lịch sử.

Từ năm 2003, Đức Cố Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nho đã quan tâm đến Khánh sơn và cho mua một mãnh đất. Lúc ấy cha Giuse Lê Văn Sỹ, quản xứ Phú Nhơn (Đồng Lác) đã âm thầm lên thăm bà con giáo dân và thiết lập Giáo họ Khánh sơn.

Từ năm 2009, Đức Cha Giuse - Giám Mục Giáo Phận Nha Trang bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Văn Minh làm cha phó Giáo Xứ Phú Nhơn và phụ trách giáo họ Khánh Sơn. Mỗi tuần cha phó lên núi một ngày dâng thánh lễ vào sáng thứ bảy thay cho Chúa Nhật, giáo dân phải đứng giữa trời dự lễ.

Đến năm 2010, Giáo hạt Cam ranh đã quyên góp tài chánh để làm một khung sắt tiền chế, bên trên che bạt, giáo dân tham dự thánh lễ không còn sợ mưa sợ nắng nữa. Cha Quản xứ Phú phong Matthêu Hoàng Trường Sơn đảm nhận trách nhiệm chăm lo mục vụ cho bà con giáo dân.

Khoảng tháng 4 năm 2011, qua một cơn bão nhẹ nhưng Nhà thờ đã bị sập và ngay sau đó đã được cha xứ cho lợp tôn lại để bảo đảm an toàn cho đến nay.

Đến tháng 6 năm 2011, Đức Cha Giuse bổ nhiệm cha JB Hoàng Kim Tiến thuộc Dòng Vinh Sơn làm cha Phó xứ Phú phong để giúp cha xứ lo mục vụ giáo họ miền cao. Sau 2 năm đi về, nay cha Tiến trực tiếp ở với giáo dân chăm lo mục vụ bao gồm cả huyện Khánh Sơn, với chiều dài khoảng 40km.

Dân chúng sống với nương rẫy, ở với rừng núi. Khí hậu nơi đây tuyệt vời như Đà lạt. Mây mù phủ kín, đồi núi chập chùng, tiết trời se lạnh. Đất đai màu mỡ, vườn cây xanh ngát. Thật hoang sơ hấp hẫn những ai thích khám phá.

Thời nào cũng thế, dân đi trước mở đường đem theo đức tin, Giáo Hội đến sau quy tụ lại, thăng tiến đức tin, thiết lập giáo xứ. Mục tử sống giữa đàn chiên tản mác, hoà nhịp cùng người nghèo, cùng làm việc, cùng chia sẻ những khó khăn vất vả của họ. Cử hành Thánh lễ, ban các bí tích giúp giáo dân giữ đạo, sống đức tin. Khánh sơn là điểm truyền giáo còn nhiều khó khăn. Với tài năng và lòng nhiệt thành của cha xứ MatthêuTrường Sơn, với lòng tận tụy của cha phó JB Kim Tiến, một ngày không xa, Khánh Sơn sẽ là giáo xứ có ngôi Thánh đường mới và những sinh hoạt mục vụ phong phú góp phần vào sứ vụ truyền giáo vùng núi cao.

Cộng đoàn Nữ tu đã được thiết lập để sống với dân, ở giữa dân, đem Tin mừng yêu thương, gieo trồng niềm hy vọng. Phục vụ miền núi cao là chấp nhận thiếu thốn trăm bề.

Rời Khánh sơn, chúng tôi mang theo bao thao thức truyền giáo.Một chuyến đi thăm xa xôi đã để lại bao tâm tư trong lòng người sống đời tận hiến cho Chúa. Cầu nguyện cho nhau và cùng nâng đỡ nhau trên hành trình phục vụ.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Thông Báo
Tuyên úy đoàn Úc châu phân ưu với Đức Cha Mai Thanh Lương
Paul Chu Văn Chi
00:29 08/04/2016

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Tuyên Úy Đoàn Úc Châu nhận được tin buồn:
Linh mục ĐAMINH MAI NGỌC LỢI
Là Bào Huynh của Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương,
Vừa hoàn tất hành trình đức tin Công Giáo nơi dương thế, nay đã về nhà Cha trên trời lúc
7 giờ 15 sáng Thứ 4, ngày 6 tháng 4 năm 2016, tại Giáo Xứ Đức Hưng,
Hưởng Thọ 90 tuổi.

Tuyên Úy Đoàn và Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Úc Châu xin thành kính phân ưu cùng
Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương và Tang Quyến.
Nguyện xin Thiên Chúa sớm đưa linh hồn Cha Cố Đaminh Mai Ngọc Lợi về hưởng
hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Đàng.

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Úc Châu ngày 8.4.2016.
Ban Đại Diện Tuyên Úy Đoàn.
Chủ Tịch: Cha Paul Chu Văn Chi - Sydney.
Phó Chủ Tịch: Cha Peter Bùi Xuân Mỹ - Canberra.
Thư Ký: Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm - Adelaide.
Thủ Quỹ: Cha Phêrô Nguyễn Mộng Huỳnh – Perth.
Truyền Thông: Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB, Chủ nhiệm Nguyệt San Dân Chúa UC.
+Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long OFM.
Giám Mục Phụ Tá Melbourne, Cố Vấn Tuyên Úy Đoàn.
 
Văn Hóa
Amor Laetitia
Lê Đình Thông
09:37 08/04/2016
AMOR LAETITIA

08/04/2016 (11g30) : Tòa Thánh công bố tông huấn Amor Laetitia

Trong tông huấn ‘‘Tình Vui’’ chan chứa
Mỗi gia đình đất hứa trời ban
Giúp ta sống trọn ơn lành
Năm Lòng Thương Xót phúc ân miệt mài

Trong thánh điện ngoài hai chức thánh
Hai vợ chồng 1 đứng cạnh Hồng Y
Nói lên ý nghĩa sắc ghi
Tình vui xuân đến cũng vì lứa đôi

Ngoài nhận định đắn đo giám mục 2
Tông huấn ghi công đức thánh nhân 3
Nhiều bài huấn giáo ân cần
Đương kim giám mục Roma ngỏ lời 4

Năm Thương Xót rạng ngời ý nghĩa
Đức Thánh Cha thấm thía bao dung
Con chiên lạc lõng ngại ngùng
Con đường hội nhập đi cùng anh em

Tình chân thật êm đềm đôi lứa
Trong thánh ân chất chứa niềm vui
Gia đình mái ấm êm xuôi
Thuận buồm lướt sóng Tình Vui tháng ngày.

Giáo Xứ Paris, ngày 08/04/2016
Lê Đình Thông
---
1 Ông Francesco Miano, giáo sư Triết học Luân lý Đại Học Roma III và Bà Giuseppina de Simone in Miano, giáo sư Triết học Phân khoa Thần học Đại Học Naples.
2 10/2015 : 270 vị giám mục năm châu, trong sồ có Việt Nam, tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình.
3 Các bài huấn giáo của thánh Gioan-Phaolô II về Gia đình.
4 Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Thái Bình Dương
Dominic Đức Nguyễn
18:13 08/04/2016
BÊN THÁI BÌNH DƯƠNG

Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Anh với tôi còn sống bên bờ đại dương

Tôi với em còn thắm trong lòng niềm thương

Đất nước tôi còn gió độc lập Trường sơn

Còn lúa tràn đồng phương Nam..

(Trích ca khúc của Hoàng Trọng)