Ngày 09-04-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Powerpoint Thứ Năm Tuần Thánh Năm A - Holy Thursday's Gospel Year A
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
02:37 09/04/2014
 
Hích cùi chõ
Lm Vũđình Tường
06:10 09/04/2014
Rước lá là cách tỏ bày niềm vui nội tâm ra bên ngoài. Người ta chú trọng đến nhân vật chính đang cưỡi lừa đi vào thành thánh Jêrusalem. Đoàn người đông đảo miệng ca hát, tay cầm cành lá phất phới, vui chân, cùng rảo bước. Đoàn người rước lá, bẻ cành lá bên đường làm cờ, mắt họ cùng hướng về nhân vật chính. Nhân vật chính là một thanh niên trạc ba mươi, ăn mặc bình dị, đôi mắt nhân từ hướng về đoàn rước. Số đông ngạc nhiên đứng hai bên đường cũng vui miệng hát theo bản nhạc miền quê, đơn sơ, vui nhộn. Họ nháo nhác ngó đoàn rước. Một số hích cùi chõ nhắc nhau người cưỡi lừa đang tiến gần họ. Người không được cao lắm nghểnh cổ ngóng trông, người khác đứng trên đầu ngón chân cố gắng cao hơn tí nữa để nhìn rõ người cưỡi lừa đang đến. Người nữa đứng trên mô đất, thân lay động trước gió cố giữ cho thăng bằng cùng hướng về phía người đang đến. Đám đông vây quanh nhóm mười hai tông đồ và người cưỡi lừa đó chính là Đức Jêsu, người mà thiên hạ đặt niềm tin, hy vọng Ngài sẽ là người lãnh đạo toàn dân.

Hích cùi chõ là cách ngầm ra hiệu cho nhau biết điều gì đó đang xảy ra hay sắp xảy ra. Điều này không chỉ xảy ra cho đám dân giả mà ngay cả trong đám lãnh đạo tôn giáo. Trước ngày lễ lá đã nhiều lần lạnh đạo tôn giáo họp nhau tìm cách bắt bẻ Đức Jêsu. Ngài hoạt bát quá, sắc bén quá, mọi lí luận bắt bẻ đưa ra đều bị bẻ gẫy, mọi cạm bẫy đều bị lật tẩy, mọi che đậy, dù khéo mấy cũng bị phơi ra ánh sáng. Biện pháp cuối cùng là giết chết. Giết bằng cách nào là việc họ đang đau đầu suy nghĩ. Mượn tay ngoại bang. Đúng thế, có lẽ đó là cách phủi tay tốt nhất, vừa được việc lại không mang tiếng. Lãnh đạo tôn giáo ngán sức mạnh đám đông ủng hộ Đức Jêsu. Tự aí, mặt mũi, danh dự không cho phép thật là sợ Đức Jêsu, hay ghen tị với Ngài. Đã có cách. Hãy nói với đám đông ngoại bang đang mượn cớ xâm chiếm lãnh thổ vì sợ thế lực Đức Jêsu. Nếu bị chiếm đóng sẽ mất hết, cả đất nước lẫn đền thờ. Nhà lãnh đạo tôn giáo Jêsu vu khống, kết án làm chính trị, núp bóng tôn giáo phá rối trị an. Lí do chính đáng để kết án Đức Jêsu mà không ai có thể phản đối. Thầy thượng phẩm Caipha tuyên bố cho mọi người thà để cho một người chết mà cứu được nhiều người thì có lợi hơn nhiều. Người ta hích cùi chõ nhau ngầm tán đồng. Í kiến táo bạo nhưng rất hay, thực hiện được. Một người hi sinh cho đám đông. Một cá nhân hi sinh cho đại đa số. Caipha đã đúng trên phương diện một Đức Jêsu chết đi sẽ cứu không phải nhiều người mà cứu toàn thể nhân loại. Một Đức Jêsu chết đi không phải chỉ cứu một dân tộc mà cứu toàn dân. Những ai nhìn nhận Đức Jêsu chết thay cho tội của họ đều nhận được sự sống từ sự Phục Sinh của Đức Kitô. Quyết định xong họ phải thực hiện thật nhanh, thật gọn để dù ai có tư tưởng chưa thuận cũng không đủ thời gian phản đối, hay lật ngược vấn đề.

Các tông đồ cũng hích cùi chõ nhau ngầm hỏi Đức Kitô ngụ í nói ai phản bội Ngài. Ngài nói một trong số kẻ đang có mặt trong bữa Tiệc Li sẽ phản bội Ngài. Tất cả đều chối không biết. Tất cả đều lên tiếng hứa trung thành ngay kẻ phản bội biết rõ chương trình hành động cũng mạnh dạn lên tiếng hứa trung thành. Khi nói dối giữa lãnh đạo tôn giáo cũng các tông đồ và cả chúng ta nữa đềi có điểm giống nhau. Nghĩ một đàng, nói một nẻo. Đường xiên xẹo, nẻo ngoắt nghéo, không diễn tả sự thật mà che đậy sự thật.

Lệnh tầm nã ban ra, quân lính bắt Đức Kitô, các nhà lãnh đạo họp khẩn ngay đêm đó đưa đến quyết định giết chết Đức Kitô và nội trong ngày hôm sau bản án được thi hành. Ai có í tưởng chống lại thì đã quá trễ. Đức Kitô đã bị đánh nhừ thử rồi, thân bị treo trên thập giá rồi. Cứu sao được nữa, chỉ còn chờ chết là mọi toan tính được như í.

Lần hích cùi chõ sau cùng là lần cả các tông đồ lẫn nhà lãnh đạo tôn giáo thực hiện khi nghe tin Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Cùng một dấu chỉ, hích cùi chõ, nhưng cảm xúc khác nhau, vui buồn khác nhau. Tông đồ Đức Kitô kẻ mừng vui ra mặt, kẻ do dự, bán tin, bán nghi. Lãnh đạo tôn giáo thì hích nhau ngầm nhắc bảo tìm biện pháp đi chứ, càng để lâu cảng bất lợi. Thế là họ đồng lòng phao tin, tuyên truyền ức Kitô không sống lại.

Chúng ta hãy xét mình xem mình cảm nghiệm thế nào trong biến cố tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Xét mình xứng tội
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
17:17 09/04/2014
XÉT MÌNH XƯNG TỘI.

Mùa Chay Thánh là mùa thanh luyện giúp chúng ta sống thánh thiện hơn. Biết rằng chúng ta đều là con người tội lỗi, yếu đuối và dễ sa ngã. Chúa Giêsu đến để kêu mời chúng ta trở về với Chúa. Lời Chúa nhắn nhủ: Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mt 9, 13).

Một vài điều chúng ta cần chuẩn bị để lãnh ơn tha tội:

1. Xét mình

Có nghĩa là xét xem trong thời gian từ lần xưng tôi trước cho đến bây giờ, mình đã phạm những tội gì trong các điều răn của Chúa và của Giáo Hội. Những tội chúng ta đã phạm trong tư tưởng, lời nói, việc làm và cả những điều thiếu xót. Chúng ta cũng có thể xét những tội mà chúng ta đã xúc phạm đến Chúa, đến tha nhân và với chính mình. Nhớ lại những tội chúng ta thường phạm ở đâu và nơi nào? Thí dụ: Ở nhà, nơi văn phòng làm việc, nơi buôn bán, ngoài đường phố, trong nhà thờ…

2. Xưng tội

Xưng tội là thú các tội mình đã xét mình. Khi xưng tội là cáo tội mình với Chúa qua trung gian cha giải tội. Xưng tội với thái độ khiêm nhường để nhận mình là kẻ có tội. Hãy xưng tội một cách chân thành và không giấu tội nào, nhất là tội trọng. Khi xưng tội nên xưng vắn tắt nhưng rõ ràng, để cha giải tội biết các tình tiết mà xét định là tội trọng hay tội nhẹ để khuyên bảo thích hợp và ra việc đền tội. Đừng đổ thừa trách nhiệm và xưng tội người khác.

3. Ăn năn tội

Ăn năn tội thật là nhận rằng mình đã xúc phạm đến Chúa và anh chị em. Chúng ta hối hận và quyết tâm sửa đổi. Chúng ta phải giục lòng ăn năn tội trước khi vào xưng tội. Chúa Giêsu phán rằng yêu nhiều sẽ được tha nhiều.

4. Đền tội

Sau khi khuyên bảo, cha giải tội ra việc đền tội. Việc đền tội có thể là đọc kinh hay làm một việc gì tốt để đền tội. Chúng ta biết rằng những kinh hay những việc làm không đền bù hết các tội được đâu. Mà là chính công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô trên thập giá mới tha thứ và đền tội thay. Chúng ta phải nhớ rằng các tội đã phạm về đức công bằng, chúng ta phải đền trả bằng cách nào đó cho cân xứng.

5. Dốc lòng chừa

Dốc lòng chừa là quyết tâm từ bỏ đường tà để sống tốt hơn. Chúng ta có thể hứa cố gắng sửa đổi và tránh xa dịp tội. Hứa thực hành các nhân đức tốt mỗi ngày một chút, chúng ta có thể tiến bước trên con đường trọn lành.

Đầu Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta: Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm. Mùa Chay sắp hết, chúng ta có cơ hội để hồi tâm xét mình và xưng thú tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đã cầu nguyện, ăn chay kiêng thịt và làm việc bác ái. Bước sau cùng là chúng ta hãy giải hòa với Chúa và anh chị em qua Bí Tích Hòa Giải.

Hãy xét mình:

Điều răn thứ nhất: Thờ phượng và kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự.
Con bỏ đọc kinh tối sáng ngày thường .
Con đã tin dị đoan (tin bói toán, chiêm bao, chiêu hồn)….

Điều răn thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ
Con kêu tên Chúa vô cớ.
Con đã không giữ điều đã khấn hứa vói Chúa….

Điều răn thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật
Con bỏ lễ Chúa Nhật (hoặc Lễ buộc) vì lười biếng...

Điều răn thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.
Con không vâng lời cha mẹ.
Con đã bất kính cha mẹ...

Điều răn thứ năm: Chớ giết người.
Con có nóng giận và ghét người khác.
Con có làm gương xấu, nói hành….

Điều răn thứ sáu và chín: Chớ làm sự dâm dục và chớ muốn vợ chồng người.
Con có những tư tưởng ô uế mà lấy làm vui thích .
Con có phạm tội tà dâm với người khác….

Điều răn thứ bảy và thứ mười: Chớ lấy của người và chớ tham của người.
Con có ăn cắp tiền của cha mẹ con.
Con có tham lam của người ta, tham của công…

Điều rưn thứ tám: Chớ làm chứng dối.
Con có nói dối . Con có làm chứng gian …Không nói có, có nói không..

Các điều răn của Giáo Hội:
Con đã không giữ chay (ngày Thứ Tư Lễ Tro, Thứ 6 Tuần Thánh)….

CÁCH XƯNG TỘI.

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.
Thưa cha, xin cha làm phép giải tội cho con.
Con xưng tội lần trước cách đây (1, 2, 3… năm, tháng hay tuần.)

Con đã . . . (mấy lần)
Con có. . . . (mấy lần)

Con thành thực ăn năn mọi tội lỗi, kể cả những tội con quên sót, xin cha thay mặt Chúa tha tội cho con.
Yên lặng nghe linh mục khuyên bảo và ra việc đền tội.

Linh mục nói: “Hãy đọc kinh ‘Ăn năn tội’ thì hối nhân đọc:
Lạy Chúa con, Chúa là Ðấng trọn tốt trọn lành vô cùng, Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời, chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

Cha giải tội sẽ đọc công thức tha tội: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót. Chúa đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa, mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Thưa: Amen.

Ông/bà/anh/chị/con.. đi bằng an.
Cám ơn cha.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo phận Charlotte bênh vực vị nữ tu dạy về đồng tính
Vũ văn An
05:15 09/04/2014
Theo tin LifeSiteNews ngày 7 tháng Tư, 2014, Đức Giám Mục giáo phận Charlotte lên tiếng bênh vực một nữ tu Đa Minh, người vừa trở thành tâm điểm một cuộc tranh cãi nẩy lửa từ cuối tháng Ba vừa qua vì đã đọc một bài diễn văn cổ vũ giáo huấn Công Giáo về tính dục trước các học sinh của Trung Học Công Giáo Charlotte.

Sau khi cuộc họp công cộng với các viên chức của giáo phận và của nhà trường trở nên náo loạn, trong đó, một số phụ huynh và học sinh chửi bới các nhà quản trị vì điều họ cho là những nhận xét “đầy hận thù” chống người đồng tính, chống ly dị và làm tình ngoài hôn nhân, một phát ngôn viên của giáo phận cho LifeSiteNews hay: nữ tu liên quan đến vụ này, Dì Jane Dominic Laurel, không làm gì sai cả và Dì sẽ được chào mời để nói truyện một lần nữa nếu Dì muốn.

Giám đốc truyền thông của giáo phận Charlotte, ông David Hains, nói với LifeSiteNews rằng “Trong bài nói của Dì, không có điều gì ngược với giáo huấn của Giáo Hội cả. Trong tương lai, Dì sẽ được chào đón để nói truyện tại giáo phận”.

Ông Hains cũng cho hay: nay mai, Đức Cha Peter Jugis sẽ có bình luận công khai thêm về vấn đề này.

Những người chỉ trích Dì Laurel khiếu nại về một đoạn trong bài nói của Dì đề cập tới các phát kiến khoa học liên quan tới nguyên nhân dẫn tới đồng tính luyến ái. Theo tờ Charlotte Observer, Dì bị tố cáo sử dụng “các giai thoại đáng hoài nghi, các dữ kiện lỗi thời và những tổng quát hóa quá rộng rãi để thóa mạ những người đồng tính nam nữ cũng như những người ly dị và cha mẹ đơn lẻ”.

Nhưng một trong các khoa học gia Công Giáo nói rằng gần đây ông đã được nghe cùng một bài diễn văn mà Dì Laurel vừa nói với các học sinh và theo ý kiến ông, không có điều gì trong bài diễn văn đó khiến một người Công Giáo đạo hạnh có thể chống đối.

Tiến sĩ Gerard Nadal nói với LifeSiteNews rằng “Tôi đã tham dự cùng một buổi trình bày như thế ở Long Island, NY, mấy tháng trước đây. Trong buổi trình bày ấy, Dì Laurel đưa ra các dữ kiện y khoa và khoa học từ các nguồn đáng tin cậy và được trình bày như là điển hình của các hậu quả đối với các tác phong đi ngược lại huấn quyền luân lý của Giáo Hội. Trong tư cách Tiến Sĩ y khoa và một người Công Giáo vốn được học tập sâu rộng về đức tin, tôi không thấy mâu thuẫn nào, đúng hơn chỉ là một trình bày thông suốt”.

Tuy nhiên, vì cuộc tranh cãi này, trong một thông cáo báo chí, Cao Đẳng Aquinas tuyên bố rằng Dì Laurel đã được yêu cầu ngưng mọi nhiệm vụ giảng dạy và diễn thuyết trong một thời gian vô hạn định.

Sau bài diễn văn của Dì tại trường vào tháng rồi, các học sinh của trường đã phát động một kiến nghị nội bộ yêu cầu tất cả những ai liên lụy tới việc sắp xếp buổi diễn thuyết phải lên tiếng xin lỗi. Kiến nghị này đã thu được hàng ngàn chữ ký. Một số phụ huynh còn khởi diễn một chiến dịch viết thư tới vị tuyên úy của trường, tới vị giám mục và tới cả Vatican nữa, để khiếu nại.

Tuần trước, các viên chức của giáo phận và của nhà trường đã tổ chức một cuộc mít tinh để thảo luận về vấn đề trên. Cuộc mít tinh này thu hút được gần 1,000 người, phần lớn là những người cảm thấy bị Dì Laurel xúc phạm.

Nhật báo của giáo phận Charlotte, the Catholic News-Herald, tường thuật rằng cuộc mít tinh khá gay gắt: có những người can đảm lên tiếng ủng hộ Dì Laurel hay Giáo Hội, liền bị la ó phản đối bởi đám đông giận dữ. Các nguồn cung cấp tin cho tờ báo gọi bầu khí ở đấy là “bất kính” và “đầy hận thù”.

Một phụ huynh nói với tuyên úy nhà trường, Cha Matthew Kauth, người đã sắp xếp để Dì Laurel tới đọc diễn văn, rằng: “Đây là niềm tín thác. Đây là lòng kính trọng. Đây là lòng tin tưởng. Tôi đã mất tin tưởng. Tôi đã không còn tín thác vào phán đoán của cha nữa và tôi không còn kính trọng cha nữa”.

Một phụ huynh khác nói rằng “Cha đã chia rẽ các phụ huynh, cha đã chia rẽ các học sinh, và chúng tôi hết còn kính trọng cha”.

Tờ The Catholic News-Herald tường thuật rằng các nhận xét giận dữ như trên đã được hoan hô vang dậy. Cha Kauth cho biết: Cha mời Dì Laurel tới trường vì cha cảm thấy học sinh tại Charlotte rất kém về giáo lý và đang chịu cảnh tăm tối về thiêng liêng, nhất là về vấn đề tính dục.

Cha nói trong cuộc mít tinh rằng: “Khi tôi tới đây, càng ngày tôi càng cảm nghiệm cao độ nỗi đau khổ xẩy ra cho các trẻ em và cảnh tối tăm các em cảm thấy trong nội tâm. Các em được hầu như mọi hình thức truyền thông dạy rằng các giáo huấn của Chúa Kitô trong Giáo Hội của Người đều là những rào cản, những phòng tra tấn thời trung cổ khiến chúng mất hạnh phúc. Khi các em ‘được thả lỏng’ tôi hẳn sẽ thấy nỗi thống khổ của các em”.

Cha giải thích rằng: “Bằng một trái tim của người cha, tôi muốn bảo vệ các em khỏi tai hại và khỏi các ý niệm sai lầm về tự do, để các em có thể sống trong tự do đích thực mà chỉ có đức trong sạch mới đem lại được: tự do để yêu như chúng ta đã được tạo nên để yêu. Đó là lý do Dì đã tới đây. Vào mùa thu qua, tôi đã nghe Dì diễn thuyết tại Nhà Thờ Thánh Patrick. Dù tôi đã từng diễn thuyết nhiều lần về chủ đề này, nhưng tôi thấy phương thức của Dì rất khác: một tiếng nói mới và một viễn tượng mới phát xuất từ một phụ nữ. Nên tôi quyết định mời Dì tới đây”.

Cha còn cho hay: “Dì và tôi cả hai đều ý thức rõ lời khuyên răn của Chúa trong Thánh Kinh về điều sẽ xẩy ra cho người dẫn dắt trẻ thơ tới chỗ lầm lạc và tôi đâu muốn bị đeo cối đá đẩy xuống sông. Ý hướng duy nhất là và vốn là soi sáng để dẫn dắt các em tới tự do. Tuy nhiên, che dấu giáo huấn cứu rỗi của Chúa Giêsu cũng là một phương tiện dẫn chúng tới lầm lạc bằng cách để các em mặc tình bị người khác dắt đi, và như qúy anh chị em, trong tư cách phụ huynh, đều thấy rõ, hiện có nhiều người muốn dắt con em của qúy anh chị em tới những nơi anh chị em không muốn chúng tới.

“Chuá Kitô là ánh sáng và trong Người, không hề có bóng tối. Ánh sáng của Người giải thoát để ta yêu thương như ta đã được tạo nên để yêu thương: trong phẩm giá và vẻ đẹp trọn vẹn được làm con cái nam nữ của Thiên Chúa. Ánh sáng của Người cũng vạch mặt và có thể gây đau. Nhưng cũng ánh sáng này sẽ tỏa rạng vẻ đẹp của điều ta đã được dựng nên để trở thành và có thể trở thành nếu ta biết tiếp nhận nó và trợ giúp nhau tiếp nhận nó trong tình yêu. Đó là lý do tại sao nó là Tin Mừng”.

Cha Kauth kết luận: “Bóng tối đã phủ trên chúng ta bằng mọi rối mù đi kèm. Chúa chúng ta có thể nói với cái bóng tối này như Người từng làm từ thuở ban đầu mà phán: hãy có ánh sáng”.

Tưởng cũng nên biết: Dì Jane Dominic Laurel thuộc Dòng Đa Minh Nashville, Tenn., là một diễn giả thường xuyên tại Giáo Phận Charlotte. Ngày 21 tháng Ba vừa qua, Dì nói truyện với toàn thể học sinh Trường Trung Học Công Giáo Charlotte về “Nam tính và nữ tính: dị biệt và hồng phúc” để giải thích giáo huấn Công Giáo về phái tính, theo Thần Học Thân Xác của Đức Gioan Phaolô II. Bài nói truyện dựa vào loạt Video Dì vốn soạn cho Cao Đẳng Aquinas tại Nashville, nơi Dì là giáo sư phụ tá. Dì có bằng tiến sĩ thần học từ Giáo Hoàng Đại Học Thánh Tôma tại Rôma.

Theo trang mạng www.newmanconnection.com nơi đăng tải các video của Dì Laurel, thì bài trình bày của Dì tập chú vào các dị biệt giới tính, vai trò của gia đình trong việc dưỡng dục các hồng phúc độc đáo của mỗi đứa trẻ, tầm quan trọng của tình bạn chân thực và của tình thân mật xúc cảm, và tác động của nền văn hóa và truyền thông đương đại trên các quan niệm của ta về tính dục.

Các viên chức nhà trường thì cho hay: Dì Laurel dành nửa giờ của buổi nói truyện kéo dài một giờ này để nói về đồng tính luyến ái, trong đó có việc cho rằng có mối liên hệ qua lại giữa việc suy giảm chức phận làm cha tại Hoa Kỳ với việc gia tăng đồng tính luyến ái.

Chính phần này đã gây ra phẫn nộ nơi một số học sinh và là nguyên cớ cho chiến dịch xin chữ ký phản đối Dì Laurel. Tuy nhiên, không thiếu người ủng hộ quan điểm chính thống của Dì. Một kiến nghị ngược lại có tên là “Hãy đứng lên bảo vệ đức tin Công Giáo”. Kiến nghị này nói: “Chúng tôi phẫn nộ khi thấy các chủ đề nói tới đang bị tranh luận trong một cộng đoàn nơi mà đức tin chung dạy ta điều gì mới thực sự là thánh thiện và bất cứ ai chống lại một nữ tu, người vốn hy sinh đời mình cho Chúa, là bác bỏ giáo huấn của Thiên Chúa”. Kiến nghị kết luận: “Mục đích của kiến nghị này là giúp các anh chị em bị hướng dẫn sai của chúng ta trong Chúa Kitô hiểu rõ hơn đức tin Công Giáo”.
 
Đức Thánh Cha tái kêu gọi hòa bình cho Siria
Lm. Trần Đức Anh OP
08:26 09/04/2014
VATICAN. ĐTC lên án vụ sát hại LM dòng Tên tại Siria và tái kêu gọi hòa bình cho nước này.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng 9-4-2014 dành cho hơn 60 ngàn tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Thứ hai vừa qua (7-4) tại thành phố Homs bên Siria, Cha Frans van der Lugt, một người anh em cùng dòng Tên với tôi người Hòa Lan, 75 tuổi, đã bị sát hại. Cha đến Siria cách đây gần 50 năm, và luôn làm điều thiện cho tất cả mọi người, một cách nhưng không và với lòng yêu thương, và vì thế, cha được các tín hữu Kitô và Hồi giáo thương mến và quí trọng”.

”Sự kiện cha bị sát hại tàn bạo khiến tôi rất đau buồn và làm cho tôi càng nghĩ đến bao nhiêu người đang chịu đau khổ và chết chóc tại đất nước đau thương ấy, từ quá lâu bị làm mồi cho một cuộc xung đột đẫm máu, tiếp tục gây ra chết chóc và tàn phá. Tôi cũng nghĩ đến nhiều người bị bắt cóc, Kitô hữu cũng như tín hữu Hồi giáo, người Siria và các nước khác, trong đó có các GM và LM. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để họ sớm được trở về với những người thân yêu, với gia đình và cộng đoàn của họ”.

”Tôi thành tâm mời tất cả anh chị em hãy hiệp ý cầu nguyện với tôi cho hòa bình tại Siria và trong vùng này, và tôi tái tha thiêt kêu gọi các vị hữu trách Siria và cộng đồng quốc tế: làm sao để võ khí im tiếng, chấm dứt bạo lực! Đừng chiến tranh nữa! Đừng tàn phá nữa! Hãy tôn trọng công pháp nhân đạo, và chăm sóc dân chúng đang cần được giúp đỡ về nhân đạo, và hãy đạt tới hòa bình bằng đối thoại và hòa giải” (SD 9-4-2014)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương: 9-4-2014
Lm. Trần Đức Anh OP
08:27 09/04/2014
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng 9-4-2014, ĐTC Phanxicô đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới về các ơn của Chúa Thánh Linh.

Trong số hàng trăm nhóm hiện diện, đông đảo nhất là các nhóm đến từ Italia, gồm các học sinh, các tín hữu từ các giáo xứ, và hiệp hội, đặc biệt có 300 sĩ quan và thủy quân Italia, 800 người thuộc hội đồng toàn quốc Italia các chuyên gia công nghệ, một đoàn hành hương 1 ngàn người nhân dịp kỷ niệm 400 năm sinh nhật của ĐGH Innocenzo XII. Từ nước ngoài có 50 người tham dự cuộc thi tuyển do Tòa Đại diện Đức Thượng phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem, 30 người thuộc Liên hiệp quốc tế Cộng đoàn ”Arche” (Con tàu Noe); từ nước Pháp có nhiều nhóm học sinh và tín hữu các giáo xứ. Từ nước Đức có gần 100 nhóm từ các giáo xứ và giáo phận khác nhau.

ĐTC đã tiến vào quảng trường lúc 9 giờ 45 trên để tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, ngài hôn các em bé do các nhân viên an ninh bế lên ngài, giơ tay cho các tín hữu bắt hoặc chạm đến. Gặp một người bạn quen, ngài yêu cầu xe dừng lại gọi người ấy lên xe để ngài chào thăm.

Khi ĐTC lên tới lễ đài, mọi người đã nghe các LM tại Tòa Thánh đọc bằng 5 thứ tiếng đoạn thư thứ I của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Corinto nói về sự khôn ngoan của Thiên Chúa, khác biệt với sự khôn ngoan của người trần, và trong bài huấn giáo tiếp đó, ĐTC đã trình bày về ơn khôn ngoan.

Bài huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về các ơn của Chúa Thánh Linh. Anh chị em biết Thánh Linh chính là linh hồn, là nhựa sống của Giáo Hội và của mỗi tín hữu Kitô: Ngài là Tình Yêu của Thiên Chúa làm cho tâm hồn chúng ta trở thành nơi ở của Ngài và hiệp thông với chúng ta. Chúa Thánh Linh luôn ở với chúng ta, luôn ở trong chúng ta, Ngài ở trong tâm hồn chúng ta.

”Chính Thánh Linh là ”hồng ân tuyệt hảo của Thiên Chúa” (Xc Ga 4,10), là món quà của Thiên Chúa và Chúa thông ban cho những ai đón nhận Ngài những hồng ân thiêng liêng khác nhau. Giáo Hội xác định 7 ơn, một con số biểu tượng, nói lên sự sung mãn, trọn hảo; đó là những ơn chúng ta học biết khi chuẩn bị chịu phép Thêm Sức và chúng ta cầu khẩn trong kinh nguyện cổ kính gọi là ”Ca tiếp liên về Chúa Thánh Linh”, đó là: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Thiên Chúa.

1. ”Vậy Ơn đầu tiên của Thánh Linh, theo danh sách này là ơn khôn ngoan. Nhưng đây không phải chỉ là sự khôn ngoan của con người, thành quả của kiến thức và kinh nghiệm. Trong Kinh Thánh có kể rằng khi Salomon được đăng quang làm vua Israel, Thiên Chúa đã hỏi ông xem ông muốn Ngài ban ân nào. Salomon không xin của cải, thành công, danh tiếng hoặc được sống lâu và hạnh phúc, nhưng ông xin được ”một tâm hồn ngoan ngoãn, biết phân biệt thiện ác” (1 V 3,9). Vì thế, ơn khôn ngoan chính là ơn có thể nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa, đó là nhìn thế giới, nhìn các hoàn cảnh, các các vấn đề, nhìn mọi sự với đôi mắt của Chúa. Đó là khôn ngoan. Đôi khi chúng ta nhìn sự việc theo sở thích của mình hoặc theo tình trạng tâm hồn của mình - yêu, ghét, ghen tương.. - đó không phải là nhìn đôi mắt của Thiên Chúa. Ơn khôn ngoan là ơn làm cho Chúa Thánh Linh ở trong chúng ta để chúng ta nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa.

2. Vì thế, ơn khôn ngoan không phải chỉ nảy sinh từ trí thông minh hoặc từ kiến thức mà chúng ta có thể có, nhưng từ cuộc sống thân mật với Thiên Chúa, như con cái đối với Cha. Và khi chúng ta có quan hệ như thế, Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta ơn khôn ngoan. Khi chúng ta hiệp thông với Chúa, Thánh Linh như thể biến đổi con tim chúng ta và làm cho chúng ta nhận thấy sức nóng và sự yêu thương đặc biệt của Ngài.

3. ”Chúa Thánh Linh làm cho mỗi Kitô hữu trở nên ”khôn ngoan”. Nhưng điều này không phải theo nghĩa là họ có câu trả lời cho mọi sự, biết mọi sự; người khôn ngoan theo nghĩa của Thiên Chúa không như vậy, nhưng có nghĩa là họ biết về Thiên Chúa, biết Chúa hành động như thế nào, biết khi nào một điều là của Thiên Chúa, điều gì là không, biết sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban cho tâm hồn chúng ta. Tâm hồn người khôn ngoan, theo nghĩa này, có hương vị của Thiên Chúa. Và điều quan trọng là cộng các cộng đoàn Kitô của chúng ta, có những tín hữu Kitô như thế! Tất cả những gì nơi họ đều nói về Thiên Chúa và trở thành một dấu chỉ đẹp đẽ và sinh động về sự hiện diện của Chúa và tình thương của Ngài. Và điều này chúng ta không thể tự ban cho mình, đó là một ơn Chúa ban cho những người ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh. Và chúng ta có Chúa Thánh Linh trong tâm hồn chúng ta, chúng ta có thể lắng nghe Ngài hoặc không nghe. Nếu chúng ta lắng nghe Thánh Linh, thì Ngài sẽ dạy chúng ta con đường khôn ngoan, ban cho chúng ta ơn khôn ngoan là nhìn với đôi mắt của Chúa, nghe với đôi tại của Chúa, yêu thương với con tim của Chúa, phán đoán mọi sự với phán đoán của Chúa. Đó là sự khôn ngoan mà Chúa Thánh Linh tặng cho chúng ta, và tất cả chúng ta đều có thể được, chỉ cần xin Thánh Linh ban ơn ấy. Nhưng anh chị em thử nghĩ xem: một bà mẹ ở nhà, với con cái, đứa thì làm điều này nhưng lại nghĩ điều khác, tội nghiệp bà mẹ chạy chỗ này sang chỗ khác, với những vấn đề của con cái. Và khi bà mẹ mệt, quở mắng con cái, đó có phải là khôn ngoan không? La mắng con cái có phải là khôn ngoan không? Không, trái lại, khi một bà mẹ ẵm con, và khiển trách dịu dàng và nói: ”Con không nên làm như thế” và kiên nhẫn giải thích cho con, đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa

”Đúng vậy, đó là điều mà Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta trong cuộc sống. Và rồi trong hôn nhân, ví dụ hai vợ chống cãi nhau, rồi không nhìn nhau nữa, hoặc có nhìn thì nhìn với khuôn mặt nhăn nhó, đó có phải là khôn ngoan của Thiên Chúa không? Không, trái lại, nếu họ nói: ”sóng gió qua rồi, chúng ta hãy làm hòa với nhau” và họ tiếp tục sống trong an bình, đó chính là sự khôn ngoan, là ơn khôn ngoan. Đó không phải là điều ta học, nhưng là một món quà của Chúa Thánh Linh. Vì thế, chúng ta phải xin Chúa ban Thánh Linh cho chúng ta và ban ơn khôn ngoan, ơn của Thiên Chúa dạy chúng ta nhìn với đôi mắt của Thiên Chúa, cảm thấy với con tim của Thiên Chúa, nói bằng những lời của Thiên Chúa. Và thế là với sự khôn ngoan này, chúng ta tiến bước, xây dựng gia đình, Giáo Hội và tất cả chúng ta được thánh hóa. Ngày hôm nay, chúng ta hãy xin ơn khôn ngoan, hãy xin ơn này với Mẹ Maria là tòa Đấng Khôn ngoan: xin Mẹ ban cho chúng ta ơn này.

Chào thăm

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt bài giáo lý bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan, cũng như dịch những lời chào thăm của ĐTC.

Trong phần chào thăm này, ĐTC đặc biệt nhắc đến các bạn trẻ đến từ Pháp, Bỉ và Luxembourg. Ngài nhắn nhủ họ đừng là những Kitô hữu nguội lạnh, nhưng làm sao để cuộc sống của mình ngày càng có hương vị Phúc Âm, hương thơn của Chúa Kitô, để thông truyền cho tha nhân sự dịu dàng và tình thương của Chúa.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC chào thăm những người đến từ Anh quốc, Thụy điển, Na uy, Phần Lan, Philippines, Zimbabwe, Australia và Hoa Kỳ. Ngài cầu khẩn Chúa ban các ơn Thánh Linh trên tất cả các tín hữu hiện diện và gia đình họ, để cử hành Tuần Thánh đang đến gần với nhiều thành quả.

Với các tín hữu nói tiếng Arập, ĐTC đặc biệt chào thăm những người đến từ Trung đông, nhất là Đức Cha Giacinto Marcuzzo, Đại diện Đức Thượng Phụ latinh đặc trách miền Israel, cùng với một số linh hoạt viên Kinh thánh tháp tùng.
Trước khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC đã lên án vụ sát hại LM dòng Tên Frans van der Lugt, 75 tuổi, tại Siria và tái kêu gọi hòa bình cho nước này.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC nhắc đến phái đoàn hải quân Italia và thân nhân các binh sĩ đang thi hành sứ vụ ở nước ngoài hiện diện tại buổi tiếp kiến. Ngài nói: Ước gì cuộc hành hương tại Tòa Thánh Phêrô giúp anh chị em vun trồng ơn khôn ngoan mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban.

Sau cùng, với các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới ĐTC nhắn nhủ rằng: “Chúng ta đang sống thời điểm ơn thánh là mùa chay, các bạn trẻ thân mến, các con đừng mệt mỏi trong việc cầu xin ơn tha thứ của Chúa trong phép giải tội! Hỡi các bệnh nhân, hãy liên kết những đau khổ của anh chị em với đau khổ thập giá của Chúa Kitô, và hỡi anh chị em tân hôn, hãy thi đua nhau trong sự tha thứ và giúp đỡ lẫn nhau.
 
Đức Thánh Cha bắt đầu chu kỳ giáo lý mới về các ơn của Chúa Thánh Thần
Bùi Hữu Thư
14:26 09/04/2014
Trong buổi triều kiến hôm nay ngài nói về Ơn Khôn Ngoan

VATICAN, ngày 9, tháng 4, 2014 (Zenit.org) – Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi sự một chu kỳ mới về giáo lý trong buổi triều kiến chung về các ơn của Chúa Thánh Thần. Trong buổi triều kiến chung sáng nay, ngài bàn về chủ đề theo truyền thống được xếp hạng là ơn thứ nhất của Chúa Thánh Thần, là ơn khôn ngoan.

Đức Thánh Cha bắt đầu bằng việc bàn về Thánh Thần, ngài nói Thánh Thần là “linh hồn, là huyết mạch của Giáo Hội và của tất cả mọi Ki-tô hữu. Thánh Thần là tình yêu của Thiên Chúa, Người lựa chọn tất cả mọi con tim của chúng ta là nhà tạm của Người, và bước vào sự hiệp thông với chúng ta. Thánh Thần luôn luôn ở với chúng ta, trong lòng chúng ta.”

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng bẩy ơn Chúa Thánh Thần theo truyền thống là: Khôn Ngoan, Hiểu biết, Biết Lo Liệu, Sức Mạnh, Thông Minh, Đạo Đức, và Kính Sợ Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha bảo các tín hữu không được “nhầm lẫn” khôn ngoan của loài người với khôn ngoan của Thiên Chúa. Khôn ngoan của Thiên Chúa, là ơn khôn ngoan mà vua Salômôn xin khác nhiều với khôn ngoan của con người.

Ngài giải thích: “Đây là khôn ngoan: là ân sủng có thể nhìn tất cả mọi sự với con mắt của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là nhìn thế giới, các vấn đề, các hoàn cảnh với con mắt của Thiên Chúa, thay vì những gì “như chúng ta muốn thấy.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng nguồn gốc của khôn ngoan là “sự liên hệ mật thiết với Thiên Chúa.” Mối tương quan mật thiết của chúng ta như những con cái của Cha trên Trời khiến cho chúng ta có được sự khôn ngoan.

Đức Thánh Cha giải thích là khi chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa, thì Thánh Thần “biến đổi con tim chúng ta.” Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta khôn ngoan hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp rằng một người khôn ngoan có thể phân biệt khi một điều gì tốt lành và khi nào xấu.

“Nếu chúng ta lắng nghe Thánh Thần, thì việc này chỉ cho chúng ta biết con đường của sự khôn ngoan, chúng ta được ban cho ơn khôn ngoàn để nhìn với con mắt Thiên Chúa, nghe với tai của Thiên Chúa, yêu thương bằng con tim của Thiên Chúa, phán đoán mọi sự bằng phán đoán của Thiên Chúa. Đây là những điều Thánh Thần ban cho chúng ta và chúng ta có thể có được những ơn này. Chúng ta chỉ cần cầu xin với Thánh Thần hàng ngày.”

Đức Thánh Cha đưa ra hai thí dụ để làm sáng tỏ thế nào là khôn ngoan và thế nào là không.
Trong thí dụ thứ nhất, ngài mô tả một người mẹ dậy cho con biết thể nào là biết cư xử tốt lành. Ngài hỏi: “Khi bà mẹ mệt mỏi và la hét con cái, thì có phải là khôn ngoan không? Nếu tôi hỏi các bạn như thế có phải là khôn ngoan không – thì các bạn trả lời ra sao? Không! Chỉ khi nào bà mẹ đưa con ra một chỗ vắng và nhẹ nhàng răn dậy.” Đức Thánh Cha Phanxicô nói: đây mới chính là khôn ngoan của Thiên Chúa.

Trong thí dụ thứ hai, Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả một cặp vợ chồng cãi nhau, họ không nhìn mặt nhau, và nếu có thì với sự tức giận. Đức Thánh Cha hỏi cử tọa như vậy có phải là khôn ngoan của Thiên Chúa không. Đức Thánh Cha trả lời: “Không!” Sau đó ngài nói rằng khôn ngoan là khi họ biết nói với nhau: “Hãy để cho sóng gió qua đi. Chúng ta hãy làm hòa!”

Đức Thánh Cha tiếp tục bằng việc mời gọi các tín hữu hãy cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần và ơn khôn ngoan cho họ, ngài nghi nhận đặc biệt rằng “ơn khôn ngoan này dậy cho chúng ta biết nhìn với con mắt Thiên Chúa, cảm xúc với trái tim Thiên Chúa, và nói với những lời của Thiên Chúa.” Ngài tiếp tục với câu này: “ với ơn khôn ngoan, chúng ta có thể tiến tới, xây dựng gia đình, Giáo Hội, và tất cả chúng ta có thể được thánh hóa.” Ngài nói: hôm nay chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, Ngai của Đức Khôn Ngoan, ban cho chúng ta ân sủng này.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô hướng dẫn các tín hữu đọc Kinh Lạy Cha.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Từ điển Việt Bồ La giúp hiểu rõ ý nghiã một số kinh đọc thường ngày
Sr.Minh Thùy
10:12 09/04/2014
TỪ ĐIỂN VIỆT – BỒ - LA
GIÚP HIỂU RÕ Ý NGHĨA
MỘT SỐ KINH ĐỌC THƯỜNG NGÀY
(tiếp theo - 3)

9. Kinh Ăn Năn Tội[1]

Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

- Trong kinh này chúng ta thấy từ “ăn năn”, từ “ăn năn” trong tiếng Việt hiện đại nghĩa là “cảm thấy đau xót, day dứt trong lòng về lỗi lầm của mình”; bên cạnh đó tiếng Việt thế kỉ XVII thời của Từ điển Việt - Bồ - La cũng có nghĩa cổ hay không kém. “Ăn năn” nghĩa đen theo Từ điển Việt – Bồ - La là “ăn thứ cỏ đắng”, nghĩa ẩn dụ “để chỉ sự thống hối”. Từ này có lịch sử như sau: ngày xưa muốn sửa dạy ai là dùng hình phạt, người có lỗi phải quỳ gối ăn thứ cỏ ‘năn’ đắng giống như súc vật. “Ăn năn tội” nghĩa là ‘vì tội mà phải ‘ăn cỏ năn để tỏ lòng thống hối’, theo dòng lịch sử nghĩa đen của việc bị phạt ăn cỏ, trở thành nghĩa chính của từ “ăn năn tội” là biểu lộ sự “thống hối tội lỗi của mình”, là bày tỏ thái độ và hành động thống hối.

- Trong kinh này chúng ta cũng gặp cụm từ “cả lòng”, từ “cả” trong Từ điển Việt – Bồ - La cũng có những nét nghĩa tương tự như trong Từ điển tiếng Việt hiện đại: cao nhất, lớn nhất, đứng đầu nhất, mức độ mạnh mẽ nhất, số lượng thành phần ở mức độ tối đa; tuy nhiên nó cũng có vài nét nghĩa cổ. Những cụm từ chúng ta thấy trong Từ điển Việt – Bồ - La như: thầy cả, chị cả, cả gan, cả giận, cả tiếng những từ này giống như trong tiếng Việt hiện đại. Tuy nhiên Từ điển Việt – Bồ - La còn có những cụm từ khác chúng ta hiện nay như:
đầy tớ cả................... (nghĩa là tông đồ),
cả nước – hồng cả .... (nghĩa là lụt hồng thủy, lụt cùng khắp),
ăn chay cả ................ (nghĩa là mùa chay bốn mươi ngày),
ơn cả ........................ (nghĩa là ơn huệ to lớn),
cả và thiên hạ ........... (nghĩa là tất cả thế giới, cả mọi người dưới bầu trời).

Cụm từ “cả lòng” được Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận “tội cả lòng” nghĩa là “tội cả dám”, dám phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa. Chúng ta cũng gặp cụm từ “cả sáng” trong Kinh Lạy Cha là kiểu kết hợp tương tự, kiểu kết hợp này ngày nay không còn nữa. Một điều thú vị là chúng ta tìm thấy trong Phép giảng tám ngày của Cha Đắc Lộ, 8 lần Cha dùng cụm từ “cả sáng” với nghĩa “vinh danh, tỏ rạng”; làm cho danh Cha “cả sáng” nghĩa là cho danh Cha được “tỏ rạng”, được “vinh danh”. Lần thứ 8 trong Phép giảng tám ngày ở câu cuối cùng xuất hiện cụm từ “cả sáng hơn” và được chú thích là ‘khẩu hiệu Dòng Tên’ nghĩa là vinh danh Chúa hơn.

- Trong kinh này còn cụm từ “dốc lòng chừa cải”: Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận “dốc lòng” nghĩa là “quyết tâm, quyết định”; “dốc lòng chừa” nghĩa là quyết tâm sửa mình; Từ điển Việt – Bồ - La ghi rất rõ: mục từ “chừa” nghĩa là “sửa mình một phần”, và mục từ tiếp theo “chừa cải” nghĩa là “sửa mình hoàn toàn”. “Dốc lòng chừa cải” nghĩa là “quyết tâm sửa mình hoàn toàn”. Thiết nghĩ lời kinh thật sâu sắc với những từ nghĩa cổ rất thích hợp để chúng ta nghiền ngẫm trong những ngày cuối của mùa chay thánh này.

10. Kinh Trông Cậy

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời con nguyện, trong cơn gian nan thiêú thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “hằng chữa”: theo Từ điển Việt – Bồ - La “hàng” nghĩa là “luôn luôn”, “chữa” nghĩa là “giải cứu khỏi bất cứ tai họa nào như bệnh hoạn hoặc sự nguy hiểm...” “Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ”, nghĩa là xin Mẹ luôn luôn giải cứu cho khỏi mọi sự dữ, khỏi bất cứ tai họa, bệnh nạn hoặc bất cứ nguy hiểm nào.

11. Kinh thờ Lạy

Lạy Chúa, con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa, con hết lòng thờ lạy và nhận thật Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài; Chúa đã dựng nên con cùng thật là Chúa con nữa, thì con xin dâng linh hồn và xác cùng mọi sự trong ngoài con ở trong tay Chúa. Amen

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “con là vật phàm hèn”, tác giả Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận câu nói: “tôi là kẻ hèn” với nghĩa “tôi không là gì hết” là một “lời khiêm tốn, thông dụng đối với người An-nam” (người Việt Nam) lúc bấy giờ. Các nhà truyền giáo đã ứng dụng câu nói thông dụng của người dân An-nam vào lời kinh đọc bằng cách thay thế đại từ “tôi” bằng đại từ “con” và từ “kẻ” bằng từ “vật”. Lời kinh “con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa” nghĩa là con không là gì hết, con không có gì hết, con là hư không trước mặt Chúa là một lời khiêm tốn, là câu nói cửa miệng của người An-nam. Khi chúng ta bắt đầu lời “Kinh Thờ Lạy” hoặc khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận thân phận của mình trước mặt Chúa: Lạy Chúa, con không là gì hết, con không có gì hết, con là hư không trước mặt Chúa, con hết lòng thờ lạy Chúa.

Trong kinh này chúng ta còn gặp cụm từ “Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài” ý tưởng này tác giả Từ điển Việt – Bồ - La nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong từ điển bằng các kiểu nói như: Chúa blời (Trời) là cội rễ muân (muôn) sự nghĩa là Chúa Trời là nguyên lý mọi vật; là đấng “vô thỉ vô chung”. Tác giả Từ điển giải thích thêm: “thiên thần” và “linh hồn” thì “hỡu (hữu) thỉ vô chung” nghĩa là “có nguyên lý mà chẳng có cùng tận”. Thiên Chúa thì “vô thỉ vô chung” là vĩnh cửu. Khi đọc lời kinh này chúng ta xác tín rằng, Chúa là Đấng hằng hữu, “Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài”, từ muôn đời đã có Ngài và mãi mãi ngàn đời vẫn có Ngài.

12. Kinh Phù Hộ

Chúng con thờ lạy ngợi khen Chúa là Đấng có phép tắc vô cùng, đã thương để chúng con đến sớm mai nay, thì xin Chúa xuống ơn phù hộ cho chúng con trót ngày hôm nay, khỏi sa phạm tội gì. Lại xin Chúa sửa sự lo, lời nói, việc làm chúng con hằng nên trọn lành theo ý Chúa; vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, là Đấng hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng . Amen

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “xuống ơn” đây là một nét nghĩa, một kiểu kết hợp ngữ pháp mà tiếng Việt hiện đại không có. Tiếng Việt hiện đại từ “xuống” có 4 nét nghĩa: 1.Di chuyển đến một chỗ, một vị trí thấp hơn hay được coi là thấp hơn; 2.Giảm số lượng, mức độ hay cấp bậc; 3.Truyền đến các cấp dưới (kết hợp hạn chế); 4.Từ biểu thị hướng di chuyển hoạt động.

Từ điển Việt – Bồ - La từ “xuống” cũng có các nét nghĩa như tiếng Việt hiện đại, và có thêm mục từ “xuống” tương ứng với mục từ “giáng” (từ nguyên Hán Việt) nghĩa là từ trên xuống (nghĩa đen), từ này giúp chúng ta hiểu cụm từ “xuống thế” nghĩa là “giáng thế” là đến thế gian với nghĩa bóng; từ này cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn từ “xuống thai” trong Kinh Tin Kính mà tiếng Việt hiện đại không diễn đạt hết ý nghĩa. Hơn 100 năm sau Từ điển Việt – Bồ - La, “Tự vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc có các mục từ “xuống ơn” với nghĩa “bề trên ban ơn”; “xuống phước” nghĩa là “ban ơn cho ai”; “xuống thế” nghĩa là “đến thế gian”; như vậy từ “xuống” còn có nghĩa là “ban” và “đến”. Thiết nghĩ với ý nghĩa này sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa một số kinh đọc có các cụm từ “xuống ơn”, “xuống thai”, “xuống thế”, “xuống phúc” cách rõ ràng hơn.

13. Dấu Thánh Giá[2]

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

- Dấu Thánh Giá chúng ta tuyên xưng hằng ngày, mỗi ngày, mọi nơi, mọi lúc thật ngắn gọn và đơn giản. Tuy nhiên khi cần phải giải thích thì không ít người trong chúng ta gặp khó khăn. Thật ra việc tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi có lẽ ai cũng hiểu, nhưng khi được hỏi về cụm từ “nhân danh” khởi đầu Dấu Thánh Giá thì có lẽ chúng ta lúng túng.

Từ điển Việt – Bồ - La có mục từ “nhin danh cha” nghĩa là nhân danh cha, tác giả ghi chú thêm [hồ nghi không biết có cùng một nghĩa với ‘in nomine patris’ ?] tác giả để nguyên gốc từ Latin để không làm sai đi ý Thần Học của từ ấy. Trong Từ điển Việt – Bồ - La còn có mục từ “danh” nghĩa là “tên”. Tuy nhiên nếu kết hợp với “Tự vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc thì chúng ta sẽ thấy cụm từ này sáng rõ hơn. Trong “Tự vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc rất nhiều mục từ là phương ngữ Đàng Trong, chúng ta có từ “nhơn” (phương ngữ Đàng Trong) tương ứng với từ “nhân” (ngôn ngữ toàn dân) nghĩa là vì, bởi vì; cụm từ “nhơn danh” (phương ngữ Đàng Trong) tương ứng với cụm từ “nhân danh” (ngôn ngữ toàn dân) nghĩa là “vì tên”. Từ “nhơn danh” cũng chính là từ “nhân danh” trong công thức Dấu Thánh Giá chúng ta đang tìm hiểu, nghĩa là vì tên, vì danh.

Chúng ta cũng nên biết thêm một điều, trong lịch sử tiếng Việt đó là từ Hán Việt và thuần Việt có phần thay thế phân bố với nhau rất hài hòa. Từ Hán Việt luôn biểu thị sắc thái nghĩa trang trọng, khái quát; từ thuần Việt luôn biểu thị nghĩa thông thường, cụ thể. Ví dụ như: người ta thường sử dụng từ Hán Việt quốc tế phụ nữ chứ không ai nói quốc tế đàn bà, người ta gởi thiệp báo lễ thành hôn chứ không ai gởi thiệp báo lễ đám cưới, người ta gọi giáo sư tiến sĩ A, chứ không nói thày dạy tiến sĩ A... Chính vì thế mà từ “nhân danh” (từ Hán Việt) tồn tại trong Dấu Thánh Giá với nghĩa trang trọng thay thế cho (từ thuần Việt) “vì tên”.

Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá là chúng ta “nhân danh” Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thói quen làm Dấu Thánh Giá trước bất kì công việc gì, ăn uống, ngủ nghỉ, học hành... ước gì chúng ta cũng ý thức tất cả các hoạt động ấy là “vì danh” Thiên Chúa Ba Ngôi, là “nhân danh” Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.



Sr.Minh Thùy (còn tiếp)


[1] Tất cả các kinh, được trích từ các trang web sau:
- http://www.conggiao.org/dao-cong-giao/tat-ca-cac-kinh/
- http://www.giaoxudenver.org/kinh/cackinh.htm
[2] Một số độc giả gởi đến lời thắc mắc và xin giải thích từ “nhân danh” trong “Dấu Thánh Giá”. Chúng tôi cũng dùng Từ điển Việt – Bồ - La để giúp quý vị hiểu rõ về ý nghĩa lời đọc.
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Đánh tan quân Tàu
Trà Lũ
10:04 09/04/2014
Lá thư Canada : ĐÁNH TAN QUÂN TÀU

Canada vừa trải qua một mùa đông dài. Chưa bao giờ nhiều tuyết đến thế. Chưa bao giờ lạnh đến thế. Chưa bao giờ nhiều băng đến thế. Sở khí tượng cho biết đây là một kỷ lục về lạnh trong 20 năm qua. Khi tôi viết những dòng này thì những mảng tuyết cuối cùng ngoài vườn đang bắt đầu tan.

Trời vừa bước vào xuân, Cụ Chánh tiên chỉ liền đánh trống họp làng. Dân làng hối hả đến họp ngay vì mấy tháng vừa qua chúng tôi như bị giam trong nhà, cả ngày phải ôm cái computer, cái TV và cái radio. Dân làng An Lạc của tôi chỉ còn biết liên lạc với nhau bằng điện thoại. Người mà xưa nay bình thản nhất là Cụ Chánh thế mà khi nghe tin miền Crimea trưng cầu dân ý rồi tuyên bố độc lập, rồi xin nhập vào Nga thì cụ la lên : Cứ đà này thì Tàu Cộng chúng nó cũng sẽ làm y như vậy với Việt Nam. Hiện giờ nghe nói VC đã cho dân Tàu sang thuê đất lập cơ sở làm ăn buôn bán ở rất nhiều nơi, rất đông, rất lớn. Quảng Trị, Bình Dương, Tây Ninh, Cà Mau… lúc nhúc Tàu. Rồi đây bọn chúng cũng bắt chước Crimea trưng cầu dân ý rồi đòi sát nhập vào đất Tàu, thì sao đây ? Các nhà đại quân tử trong làng tôi đều gật đầu đồng ý với Cụ Chánh. Ông ODP góp lời : Nhận thấy cái dã tâm của Nga trong việc giải quyết vấn đề Ukraine nên ngay đầu tháng Ba, ngày mồng 4, Thủ tướng Harper của Canada đã kêu gọi các nước trong khối G7 họp khẩn để đối phó với Nga. Trước đây là nhóm đại cường G8 trong đó có Nga, nay Canada loại Nga ra ngoài, G8 bây giờ thành thành G7. Chả biết nhóm G7 có ngăn được con cáo già Putin của KGB Xô Viết ngày xưa không. Nếu không ngăn được thì đây sẽ là một tiền lệ rất tốt mở đường cho Trung Cộng. Lời kêu cứu của một Giám Mục Công Giáo nghi lễ Latin ờ Crimea nghe thật xúc động : Xin Thế Giới Tự Do đừng phản đối lấy lệ rồi buông xuôi! Ông ODP nói tiếp : Tôi sợ cái việc buông xuôi lắm. Chứng cớ còn rành rành , VNCH của chúng ta là nạn nhân rõ ràng nhất của việc buông xuôi này. Các cụ còn nhớ chứ, hồi 1973, bao nhiêu nước tham dự Hội Nghị Geneve về việc đình chiến ở VN, tất cả cùng hứa sẽ trừng phạt ai vi phạm. Chữ ký chưa khô mực, VC với sự hỗ trợ tối đa của khối CS đã xăm chiếm VNCH vũ bão và tàn bạo, Thế Giới Tự Do, đứng đầu là Hoa Kỳ, Pháp, Anh đã im lặng rồi buông xuôi rồi ngoảnh mặt…

Ông tổng thống Putin đâu có ngán Ông Harper và khối G7. Putin bảo : các ông muốn trừng phạt Nga ư? Tôi cũng sẽ cho tịch thu và phong tỏa các ngân hàng và tài sản của các ông có ở Nga.

Thôi, đầu mùa xuân, đây là chuyện buồn, chúng ta nói vậy đủ rồi. Chúng ta hãy nói sang chuyện còn đang nóng hổi khác, chuyện máy bay Mã Lai MH 370 mất tích nha. Kỳ ha, cả thế giới chung sức tìm kiếm mà không ra. Anh John góp lời ngay : Không chừng đây sẽ là chuyện Tam Giác Tử Thần Bermuda tái diễn. Các cụ còn nhớ những chuyện kinh hoàng này năm xưa không? Phe các bà trong làng ai cũng ngơ ngác. Chuyện gì nghe lạ vậy ta. Xin Anh John nói rõ nghe coi.

Anh John cũng là một bồ chữ, không kém ông ODP bao nhiêu, nên anh John kể ngay : ‘Tam Giác Tử Thần’, tiếng Anh gọi là ‘The Bermuda Triangle’, hay ‘ The Devil’s Triangle’, chỉ một miền đại dương to lớn giữa Florida, Puerto Rico và Bermuda. Trong nhiều thế kỷ, rất nhiều con tàu và máy bay biến mất trong khu vực này. Nó bắt đầu được nói tới từ thời Christopher Columbus khi từ TâyBanNha ông cầm đầu một đoàn tàu đi tìm Mỹ Châu vào thập niên 1490. Khi đến khu vực này, cái địa bàn của ông bị đảo lộn, đoàn tàu đi lạc hơn ba ngày, thuỷ thủ đoàn đã làm loạn và đòi trở về Tây Ban Nha. Ông xém chết. Quân sử của Hoa Kỳ còn ghi ngày 5.12.1945, đoàn tàu phóng ngư lôi đến đây thì biến mất, và ngày 30 tháng Giêng 1948, hai chuyến bay thương mại Star Tiger và Star Ariel cũng biến mất, tất cả không để lại một dấu vết…

Nghe đến đây thì bồ chữ ODP xin bổ túc. Rằng chẳng riêng gì Tam Giác Tử Thần Bermuda mà anh John vừa nói mới có những vụ máy bay mất tích. Tôi vừa đọc một bài báo rất hay của ký giả Faith Karimi trên đài CNN nói về các chuyến bay mất tích khác. Có tới 9 vụ lận. Năm 2009, Air France mất tích chuyến AF 330 cất cánh từ Rio de Janerio đi Paris, chở 228 hành khách. Năm 2003, Angola mất tích chuyến bay Boeing 727 cất cánh từ thủ đô Luanda. Năm 1999, Egypt Air 990 mất tích chuyến bay 747 trên đường từ New York đến Cairo. Năm 1947, Anh Quốc mất tích chuyến bay Stardust bay từ Buenos Aires đi Chile…

Và chẳng riêng gì ngoài biển, trên đất liền ở Hoa Kỳ cũng có tam giác tử thần. Đó là The Michigan Triangle bao gồm giữa Michigan, Wisconsin và Hồ Michigan. Cũng nhiều tai nạn khó hiểu đã xãy ra.

Anh H.O. góp thêm ý vào chuyện chuyến bay định mệnh MH 370. Nguyên cái tên đã nói lên cái xui rồi, vì 370 cộng lại thành số 10 là số bù, xui rõ ràng. Hành khách gốc Tàu chiếm quá nửa. Báo Tàu kể lể : trong số này có nhà thư pháp nổi tiếng Trung quốc Liu Rusheng, ông này đã 6 lần thoát chết, thế mà lần này, bay vào chuyến này, cũng mất tích luôn. Chưa hết, lại còn nhà nhà đạo diễn nổi tiếng Cúc Khôn nữa… Tôi thấy các nước đều góp phần đi tìm cái máy bay xui xẻo, cho đến hôm nay đã ba tuần lễ mà chưa hề thấy. Tôi có thêm ý này là hiện giờ ở VN có rất nhiều ‘nhà ngoại cảm’, tức là những người tự cho là có thần lực liên hệ được với những người đã chết. Tại sao Mã Lai không đến mời các nhà ngoại cảm VN này, xin họ chỉ chỗ các hành khách mất tích. Hoặc các cụ VC, xưa nay xưng mình là đỉnh cao trí tuệ loài người, sao các cụ không mang các nhà ngoại cảm đi góp sức vào việc tìm kiếm. Hãy chứng minh mình là đỉnh cao đi chứ.

Bà cụ B.95 nghe đến đây thì lên tiếng : Thôi, đầu mùa xuân, ta không nói các chuyện buồn nữa. Hãy nói các chuyện vui. Anh John thần tượng của tôi đâu, xin anh kể các chuyện vui. Tháng vừa qua anh có tìm ra thêm những nét đẹp độc đáo của tiếng Việt Nam không?

Cụ B.95 đã gõ đúng tần số. Anh John khoe ngay : Tháng vừa qua tôi đã may mắn được đọc một cuốn sách hay vô cùng. Nó đáp ứng đúng nhu cầu của tôi, nhu cầu học hỏi thêm về tiếng Việt và văn hóa Việt. Đó là cuốn ‘ Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai’ do công ty báo Người Việt vừa ấn hành. Tác giả là một nhà văn hóa lớn : Nguyễn Hưng Quốc. Tôi gọi ông là một nhà văn hóa lớn vì qua cuốn này tôi thấy ông Quốc thật là thông thái và nhiều kinh nghiệm dạy tiếng Việt hết sức.

Ngoài những phương pháp dạy ngôn ngữ ra, tôi còn nhìn thấy nhiều cái đẹp vĩ đại của tiếng Việt mà trước đây tôi không hề thấy. Phải là người có đôi mắt tinh tường và bộ óc phân tích sâu sắc thì tác giả mới nhìn ra đượcc những điều này. Nhiều lắm, tôi xin kể đôi điều thôi nha.

Chẳng hạn khi nói về màu sắc, tiếng Anh có tới 11 tiếng cơ bản ; trắng, đen, đỏ, xanh lá cây, xanh da trời, vàng, nâu, tím, hồng, cam, và xám / white, black, red, green , blue, yellow, brown, purple, pink, orange, prey, trong khi tiếng Việt của mình chỉ có 7 tiếng là : xanh đỏ trắng tím vàng nâu và đen. Thế nhưng khi nói về sắc độ thì tiếng Việt có một lượng từ cực kỳ phong phú.

Ví dụ khi nói tới sắc độ của màu đỏ, tiếng Việt có : đỏ au, đỏ choé, đỏ chét, đỏ tươi, đỏ chói, đỏ gay, đỏ hoe, đỏ kè, đỏ khè, đỏ ké, đỏ ối, đỏ hỏn, đỏ lòm, đỏ rực, đỏ lừ, đỏ ngầu, đỏ nhừ, đỏ ối, đỏ rần, đỏ thắm, đỏ ửng…

Ví dụ nói về màu trắng, ta có : trắng bạch, trắng bệch, trắng bóc, trắng bốp, trắng dã, trắng hếu, trắng lốp, trắng muốt, trắng ngà, trắng ngần, trắng nhởn, trắng nõn, trắng nhợt, trắng nuột, trắng phau, trắng phếch, trắng phếu, trắng tinh, trắng toát, trắng trẻo, trắng trong, trắng xóa…

Chẳng hạn khi nói về tiếng cười, tiếng Việt có hàng trăm từ khác nhau để tả ý nghĩa của tiếng cười : cười bả lả, cười xả lả, cười buồn, cười cầu tài, cười chớt nhả, cười chua chát, cười cợt, cười dê, cười duyên, cười đểu, cười động cỡn, cười đú đởn, cười gằn, cười gượng, cười hợm hĩnh, cười khà, cười khảy, cười khinh khỉnh, cười lẳng, cười lấy lòng, cười mát, cười mỉa, cười mũi, cười ngạo, cười ngựa, cười mũi, cười nhạt, cười nịnh, cười ruồi, cười thầm, cười theo, cười tình, cười trừ, cười xã giao, cười xí xóa…

Đó là sơ sơ về ý nghĩa tiếng cười không chỉ sự sung sướng thật. Còn đây là tiếng cười đích thực, cười sung sướng, cười hạnh phúc : cười ha hả, cười hà hà, cười hi hi, cười hô hố, cười hắc hắc, cười ngặt nghẽo, cười quặn ruột, cười đau cả bụng, cười té ngửa, cười bò lê bò càng, cười chảy cả nước mắt nước mũi, cười đấm nhau thùm thụp, cười đập bàn đập ghế…

Chẳng hạn tiếng phủ định trong ngôn ngữ hằng ngày, ta nói : tôi không biết, tôi chẳng biết, tôi chả biết, tôi đâu biết, tôi biết gì! tôi nào biết, tôi cóc biết, tôi biết con khỉ, tôi đéo/đếch biết…

Nói đến đây rồi anh John cười hì hì : con cóc và con khỉ được dùng ở đây không phải để chỉ con vật mà để chỉ phủ định. Hay thiệt chứ.

Rồi anh John kết luận : Cuốn sách tôi đang nói đây dày những 500 trang, trên đây tôi mới chỉ nói tới mươi trang, cụ nào muốn đọc cho thấu đáo, nhất là những nhà giáo, những vị phụ trách dạy tiếng Việt, xin tìm đọc trọn vẹn. Xin hỏi báo Người Việt ở California. Rồi anh tuyên bố hết và nhìn ông ODP xin tiếp sức.

Xưa nay ông ODP là người chủ trương tiếng VN kỳ diệu nhất thế giới, ông là người khen hết lời nhà văn hóa Henry Frey tác giả cuốn sách ‘ L’Annamite, Mère des Langues’ Hachette 1892 (Tiếng An Nam đẻ ra các tiếng khác) . Ông ODP được anh John mời nói tiếp về lãnh vực này thì ông tỏ ra khoái chí lắm. Ông bảo tiếng VN kỳ diệu về nhiều mặt. Hôm nay ông xin nói về mặt chữ viết quốc ngữ. Ông bảo trên thế giới này không có tiếng nước nào mà có thể đặt những câu dài, những bài dài mà chữ đầu mỗi từ đều giống y như nhau. Ngày xưa tôi chỉ nghe nói tới những câu bắt đầu bằng chữ B , chẳng hạn :

Bà Ba Béo bán bánh bèo bên bờ bể, bướng ba bướng bỉnh bị bắt bỏ bót ba bốn bảy bận.

hoặc câu có các chữ bắt đầu bằng chữ R : Rầu rĩ râu ria ra rậm rạp, rờ râu râu rụng, rờ rốn rốn rung rinh.

Nay tôi vừa được người bạn chuyển cho một tài liệu của Ông Nguyễn Văn Luận. Ông Nguyễn Văn Luận trên Facebook cho biết ông có những bàì văn rất dài và kỳ diệu là các từ đều bắt đầu bằng một phụ âm giống nhau. Ông chứng minh bằng 5 bài:

- Bà Ba Bán Bún… 522 chữ B

- Chuyện Cậu Chính… 720 chữ C

- Hẹn Hò… 404 chữ H

- Tiểu Truyện Toàn Tê… 2216 chữ T

- Viết Văn…378 chữ V

Qủa là tuyệt vời. Làm gì có ngôn ngữ nào trên thế giới mà kỳ diệu đến như thế được. Đây là tôi mới chỉ nói về mặt chữ viết thôi nha. Về mặt cú pháp thì còn nhiểu điều hay thần sầu. Chẳng hạn xưa nay tôi hay trích dẫn một câu thí dụ điển hình của nhà ngữ pháp Lê Văn Lý, cựu viện trưởng Viện Đại học Đà lạt trước 1975. Đây là một linh mục Công Giáo. Ngài đậu tiến sĩ quốc gia ở Đại học Sorbonne năm 1947 với luận án nổi danh ‘ Le Parler Vietnamien’ ( Tiếng nói bình dân Việt nam ). Trong luận án này ngài bàn tới cấu trúc trong tiếng VN. Theo ngài. tiếng VN không có biến thái đực/cái, nhiều/ ít, quá khứ/hiện tại/tương lai…nhưng vị trí từ ngữ trong một câu làm nên ý nghĩa. Ngài chứng minh bằng một câu chỉ gồm 5 từ ngữ, ta có thể xếp đặt 5 chữ này lung tung và có tới trên 50 câu với 50 nghĩa khác nhau. Câu gốc : ‘ Sao không bảo nó tới?’. Từ cái gốc này, ta có nhiều câu, chẳng hạn:

- Không bảo nó tới sao?

- Bảo nó tới không sao

- Nó tới sao không bảo

- Tới nó bảo không sao

- Nó bảo không, sao tới?

- Tới, sao nó không bảo?

…………….

Luận án tiến sĩ của Lê Văn Lý được chấm đậu với hạng tối ưu và lời ca ngợi đặc biệt của ban giám khảo maxima cum laude. Sách viết bằng Pháp văn, đã được dịch ra tiếng VN. Vì chạy giặc CS nên tôi đánh mất tác phẩm và quên mất tên nhà xuất bản và năm phát hành, xin các cụ tha lỗi. Các cụ cứ hỏi các thư viện lớn chắc có sách này. Tác gỉả đã làm một cuộc cách mạng trong cái nhìn về ngôn ngữ. Ngài đã viết sách văn phạm tiếng Việt không theo lối Tây phương, nghĩa là không bắt đầu bằng mạo từ, rồi danh từ, rồi đại danh từ, rồi tĩnh từ, rồi động từ…

Cả làng đang mải mê nghe các chuyện văn chương sách vở thì Cụ Chánh rung chuông báo giờ ăn cơm. Chúng tôi hạnh phúc thế đấy các cụ ạ. Đến đây được gặp bạn hiền đã là một niềm hạnh phúc, đã được đãi nước trà hảo hạng, một niềm hạnh phúc thứ hai. Rồi được nghe các chuyện thời sự nóng bỏng thế giới, nào Nga bắt đầu xâm lăng xứ Ukraine, nào các chuyện máy bay mất tích. Rồi chuyện văn chương, chuyện hai tác phẩm lớn của Nguyễn Hưng Quốc và Lê Văn Lý. Rồi bây giờ được ngồi vào bàn ăn cơm VN. Tôi nói cơm VN vì bữa nay Cụ Chánh nấu toàn những món gốc nhà quê nhưng chúng tôi cho là ngon vô cùng. Các cụ đã đoán ra những món nhà quê trên bàn ăn của chúng tôi chưa? Thưa, đó là tôm kho, gà kho, dưa chua, rau muống luộc, canh rau đay. Đó là nồi cơm tám gạo Nàng Hương. Ôi chao, sao mà nó ngon thế. Viết đến đây tôi chợt nhớ tới một câu nói của nhà văn Doãn Quốc Sĩ. Hồi đó là thập niên 1970, tôi làm việc ở Singapore, nhà văn Doãn Quốc Sĩ đi dự hội nghị Văn Bút ghé thăm. Tôi đãi ông món rau muống xào tỏi. Ăn xong miếng thứ nhất ông nói: Ăn một miếng rau muống mà như ăn quê hương vào lòng !

Rồi đến phần tráng miệng, trái cây được mang ra. Cũng thường thôi, cam táo và chuối. Trong khi mọi người ăn các thứ này thì anh John phát biểu : Chúng ta thường ăn trái cây vào cuối bữa trong phần tráng miệng, nhưng theo các cuộc nghiên cứu mới đây thì các nhà khoa học khuyên chúng ta nên ăn trái cây lúc bụng trống, nghĩa là nên ăn trái cây trước bữa ăn, khi bụng rỗng. Có như vậy thì các chất bổ dưỡng và chữa bệnh của trái cây mới đi thẳng vào cơ thể. Bài báo còn nói : bệnh hói đầu, tóc bạc, mắt có quầng đen sẽ không xảy ra nếu ta ăn trái cây khi bụng trống. Chị Ba Biên Hòa cũng góp ý : Anh John và tôi ngày nào cũng ăn một trái táo vào buổi sáng nên răng của chúng tôi vẫn còn tốt, và ngày nào cũng ăn mấy trái cam nên ít khi bị cảm cúm. Riêng việc ăn trái cây khi bụng đói thì bây giờ tôi mới nghe. Để tôi nghiệm xem sao, tháng sau xin bá cáo với cả làng.

Đó, các cụ thấy chưa, chúng tôi đã có một bữa ăn rất bình dân nhưng rất đỗi quê hương vậy đó.

Nghe tôi nhắc đến tiếng ‘quê hương’ thì Cụ Chánh kể ngay : Tuần qua lão được xem mấy đoạn phim thời sự VN, trong có có cảnh em bé học sinh và cô giáo phải chui vào bao nhựa cho người ta vừa bơi vừa kéo qua suối để đến trường. Sao mà thê thảm thế này. Cũng chưa hết, một đọan phim khác cho thấy nhiều em học sinh phải bám chặt vào dây cáp để người ta kéo qua sông. Em nào nhìn xuống dòng nước mà sợ hãi rồi bỏ tay ra là rơi ngay xuống dòng nước cuồn cuộn, thay vì tới trường thì sẽ tới âm ty ngay. Sao mà cùng khốn thế này! Cuối phim thì chiếu những căn biệt thự đồ sộ của mấy ông cán bộ VC. Ai bảo chính quyền là đầy tớ của nhân dân là nói sai nha, sai lắm nha.

Bà cụ B.95 nghe nhắc tới VC thì kêu nhức đầu ngay. Cụ xin đổi đề tài. Liền có ngay. Anh John xin kể chuyện thời sự. Rằng tại thị trấn Toronto này sẽ có cuộc bầu lại thị trưởng vào tháng 10 sắp tới. Hiện nay đã có danh sách 5 ứng viên và các cuộc vận động đã bắt đầu. Ông thị trưởng hiện tại là Rob Ford cũng tái ứng cử. Ông này là một đề tài diễu cợt lớn cho báo chí lâu nay. Ông là một tay chơi loại playboy, ăn nhậu hút xách đủ thứ, nhưng mở miệng là ông nói toàn chuyện đạo đức. Báo chí phanh phui đời tư của ông ra thì ông cười xòa, vừa lấp liếm vừa xin lỗi. Ông được một ưu điểm là rất tếu, dám ăn nói và không sợ đối mặt với báo chí .

Ứng cử viên số 2, hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, đó là bà Olivia Chow, vợ của cố lãnh tụ đảng NDP Jack Layton. Bà là một di dân từ Hong Kong, đến Canada vào thập niên 1970. Bố mẹ của bà đều gốc nhà giáo, nhưng sang đến miền đất mới này, hai ông bà phải lao động chân tay, ông bố lái xe taxi, bà mẹ đi may vá. Ông bố xuống tinh thần phải vào nhà thuơng. Bà đã có lúc phải đi làm giúp mẹ. Bà chưa biết tương lai sẽ đi theo hướng nào thì chợt cao trào thuyền nhân VN bùng lên, bà đã tham gia vào công tác giúp đỡ các người tỵ nạn Việt Mên Lào ở đây, và công tác làm việc xã hội đã thu hút tâm trí bà. Bà là người rất thông minh. Bà đã bược bầu làm nghị viên thành phố, đã lấy chồng là một lãnh tụ nổi tiếng của đảng NDP, và đã đắc cử dân biểu liên bang. Nay bà từ bỏ chức dân biểu liên bang để ra tranh cử chức thị trưởng Toronto. Buổi ra mắt báo chí và cử tri ngày 13 tháng Ba vừa qua, bà thành công lớn. Tôi xem qua đài truyền hình mà phục bà Tàu gốc Hong Kong này quá. Đứng quanh bà không phải là người Tàu Hong Kong mà là mấy người vừa da trắng vừa da nâu vừa da đen vừa da vàng, vừa đàn ông vừa đàn bà, vừa người già vừa trẻ con, tức là bà có ý nói : Tôi là đại diện cho mọi lớp người trong xã hội Canada này. Bà đứng phát biểu, không cấm giấy. Ý thật hay và lời thật ngọt ngào. Bà cho biết bao nhiêu tiền hưu trí của chức dân biểu liên bang bà sẽ đem tặng một quỹ từ thiện, ngon lành chưa các cụ? Nói xong, khi mọi người vỗ tay râm ran thì bà cúi xuống ôm một em bé lên. Ai cũng nghĩ bà sẽ ôm một đứa bé da vàng tóc đen, nhưng không phải, bà đã ôm một em bé tóc vàng mắt xanh. Đáng nể bà này chưa, các cụ. Tên Canada của bà là Olivia Chow, nhưng tên Tàu đọc theo âm Hán Việt là Trâu Chí Huề. Mai này mà bà đắc cử thì chúng ta sẽ có một thị trưởng Toronto gốc Á Châu đầu tiên. Tôi sẽ trở lại chuyện bà Trâu Chí Huề này vào cuối năm nay.

Nghe anh John khen bà này nói tiếng Anh như gió thì anh H.O. phát biểu ngay : Điều này cũng dễ hiểu thôi, bà Chow gốc Hong Kong tức là dân đã biết tiếng Anh, sang Canada lại lấy chồng Canada nữa thì việc nói giỏi tiếng Anh là chuyện dĩ nhiên. Việc này giống y như Chị Ba Biên Hòa vợ của anh. Ngày xưa ở VN tuy chị là giáo sư anh văn nhưng chắc chắn vẫn có giọng Biên Hòa, từ ngày lấy anh thì cái giọng Canada nó mới ngấm vào người, ngấm vào cái lưỡi của chị. Cả làng nghe xong đều vỗ tay và cười bò. Mặt Chị Ba thì tự nhiên đỏ lên, trông đáng yêu qúa chừng.

Anh John xin tiếp phần tin thời sự : Nhân nói tới các người đẹp, việc này làm tôi nhớ tới ngày lễ Phụ Nữ Thế Giới đầu tháng Ba vừa qua. Lễ này nhắc ta tới biến cố quan trọng là thế giới loài người đã nâng cao phẩm giá của chị em phụ nữ. Ngày xưa đàn bà bị coi rẻ, chỉ có đàn ông là được trọng, ngay cụ Khổng Tử cũng đã bảo ‘nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô’. Đọc lịch sử thế giới ta thấy nước nào cũng coi khinh đàn bà, ông Do Thái và ông Hồi Giáo là chứng cớ rành rành. Nay thế giới đã nâng đàn bà lên ngang hàng với đàn ông. Việc này đã thành công. Theo bảng thống kê của LHQ thì ở Hoa Kỳ và Canada số phái nữ đậu bằng tiến sĩ cao hơn phái nam. Ngày nay rất nhiều quốc gia có tổng thống và thủ tướng là phụ nữ. Trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2008, số phụ nữ đi bầu là 70 triệu còn số đàn ông đi bầu là 60 triệu. Nói đến đây xong thì anh John ngừng lại và đặt câu hỏi với cả làng : Nếu thế giới này không có phụ nữ thì việc gì sẽ xảy ra?

Cả làng ồ lên một tiếng lớn, và phe các bà thì vỗ tay khen câu hỏi này hay qúa. Phe các ông thì ai cũng cười hà hà và trả lời là câu hỏi vô lý, chuyện đó không bao giờ xảy ra, loài vật với loài người bắt buộc phải có âm có dương. Và các nhà đại quân tử phái nam chúng tôi đã phát biểu linh tinh như sau :

- Theo sách Thánh Kinh thì đàn bà bởi đàn ông mà ra. Chúa đã lấy xương sườn

cụt của ông Adam mà tạo ra bà Eva và trao bà Eva cho ông Adam. Anh có thể thiếu rượu thiếu thuốc lá nhưng không thể thiếu đàn bà. Đàn ông tiếng là mạnh mẽ và cứng cỏi thế nhưng thiếu đàn bà là yếu xìu mà mềm nhũn ngay. Hoàng đế Napoléon xông pha giữa chiến trường Âu Châu mà vẫn phải bỏ thì giờ ra viết thư cho người tình. Tướng De Castries giữa chiến trường Điện Biên Phủ khói lửa mà vẫn cần phải có một nữ bí thư bên cạnh…

- Đàn bà là một nửa của đàn ông. Đàn bà là thiên thần hay qủy dữ của đàn ông?

Xin thưa, họ là cả hai. Chính đàn ông làm họ thành thiên thần, cũng chính đàn ông làm họ thành qủy dữ. Người Nhật có câu nói : Vắng đàn bà thì nhà hóa ra viện mồ côi. Rất nhiều hoàng đế ngày xưa đã đọ sức với đàn bà, và tất cả đều thua.

- Trong 36 kế hiểm của người Trung Hoa thì kế mỹ nhân là nguy hiểm nhất.

Đổng Trác hùng mạnh thế mà phải chết vì Điêu Thuyền. Từ Hải oai hùng như vậy mà cũng chết đứng vì Thúy Kiều. Phù Sai quyền lực thế mà phải chết vì Tây Thi…

Nghe đến đây thì Cụ Chánh lắc đầu rồi xin khép lại đề tài liền ông liền bà. Cụ bảo tôi đang học Kinh Thánh với Cha Paolo. Kinh Thánh chép rõ ràng đàn bà bởi đàn ông mà ra, là một nửa của đàn ông. Tiếng Anh nói rất hay về người đàn bà : ‘My beter half’.

Rồi cụ Chánh khéo léo chuyển đề tài : À, nhân nói tới Kinh Thánh, lão đọc rất nhiều các bài giảng của Chúa Giêsu. Lão thấy bài Thương Người, Cụ Nguyễn Trãi có những câu hay như thế này :

… Thương người cô qủa cô đơn

Thương người đói rách lầm than bên đường

Thấy ai đói rách thì thương

Rách thì cho mặc, đói thì cho ăn

Thương người như thể thương thân…

Lão thấy lời cụ Nguyễn Trãi sao giống y như lời Chúa giảng trong Thánh Kinh. Lão tự hỏi thời Cụ Nguyễn Trãi sách Thánh Kinh đã sang tới Việt Nam chưa, và nếu đã sang thì chắc Cụ đã đọc sách này.

Ngoài Thánh Kinh, cụ Chánh lâu nay hay đọc sử. Cụ thích nhất mấy lời đại thần Nguyễn Trãi viết về việc vua Lê Thái Tổ đánh tan quân Tàu, rồi tha mạng cho chúng, rồi cho chúng rút về Tàu. Bọn này về tới quê rồi mà trống ngực vẫn còn đập thình thình, mồ hôi sợ hãi vẫn còn toát ra. Bài Bình Ngô Đại Cáo chép rõ việc này. Tổ tiên ta ngày xưa đánh tan quân Tàu, giỏi thật chứ, phải không cơ?

TRÀ LŨ

LTS : Trà Lũ vừa xuất bản 2 tác phẩm mới : Đất Quê Hương 2 + 600 Chuyện Cười, và tái bản 3 cuốn ChuyệnCưòi cũ. Độc giả muốn mua những sách này xin liên lạc trực tiếp với tác giả : petertralu@gmail.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thì Thầm
Nguyễn Đức Cung
21:15 09/04/2014
THÌ THẦM
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Xuân về nắng-ấm-an-hòa
Đến hoa cũng phải thì thào bên nhau.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 03/04 - 09/04/2014 - Câu chuyện về Thánh Gioan Bosco
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:17 09/04/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1) Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta

Trong buổi sáng thứ Hai mùng 8 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về lòng thương xót của Thiên Chúa khi Chúa Giêsu tha thứ cho một người phụ nữ đã bị bắt vì tội ngoại tình, và bảo cô đừng phạm tội nữa.

Lòng thương xót của Thiên Chúa là một ánh sáng tuyệt vời của tình yêu và sự dịu dàng. Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, không cần một sắc lệnh nào, nhưng với tình yêu Ngài hàn gắn những vết thương gây ra bởi tội lỗi chúng ta. Sự tha thứ của Thiên Chúa chiến thắng tội lỗi, và lòng thương xót của Ngài mang lại hòa bình và tự do cho chúng ta.

Hôn nhân là một thực tại loài người nhưng đồng thời nó cũng là một biểu tượng của một mối quan hệ trung thành giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Khi hôn nhân hư hỏng do ngoại tình, nó làm hỏng mối quan hệ với Thiên Chúa.

Nhưng khi các thầy thông luật và người Pharisêu đem người phụ nữ bị bắt vì tội ngoại tình đến trước mặt Chúa và hỏi Ngài "Thầy dạy phải làm sao? " Họ đã làm như thế để thử Người, để họ có thể có cớ chống lại Người.

Nếu Chúa Giêsu nói: " Ừ, thì cứ ném đá đi", họ sẽ nói với người dân! “Hãy xem cách cư xử của vị thầy nhân lành và đầy lòng thương xót của các ngươi... chỉ cần nhìn vào những gì ông cư xử với người phụ nữ đang run cầm cập này là biết ngay." Nhưng nếu Chúa Giêsu nói: "Hãy tha thứ cho người phụ nữ tội nghiệp này! ' thì họ sẽ nói: 'Ông ta không giữ Lề Luật '"

Đức Thánh Cha nói rằng họ chẳng quan tâm gì đến người phụ nữ. "Họ không quan tâm đến tội ngoại tình, có lẽ trong số họ cũng có những kẻ đã từng ngoại tình. Tất cả mối quan tâm của họ là làm sao đưa Chúa Giêsu vào bẫy ".

Và vì thế Chúa Giêsu trả lời: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi". Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.

Như thế, ta cũng có thể tưởng tượng ra những người này cũng chẳng phải là những người đạo hạnh gì.

Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?" Người đàn bà đáp: "Thưa thầy, không có ai cả".

Người phụ nữ không nói rằng người ta cáo gian cho chị. Chị không nói: “Tôi không hề phạm tội ngoại tình”. Chị nhìn nhận tội lỗi của mình.

Ðức Giêsu nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!", đừng làm hỏng mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa và dân Người.

Chúa Giêsu tha thứ. Nhưng ở đây có cái gì đó vượt xa hơn sự thứ tha.

Chúa Giêsu tiến xa hơn lề luật. Ngài không nói: ' ngoại tình không phải là một tội lỗi!" Nhưng Ngài không lên án nó theo luật. Đây là mầu nhiệm của lòng thương xót. Đây là mầu nhiệm của lòng thương xót của Chúa Giêsu.

2) Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy ra khỏi “ngôi mộ” tội lỗi với các nết xấu kiêu ngạo, ích kỷ của mình.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Mùng 6 tháng Tư với khoảng 70 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong dịp này, ngài đã quảng diễn bài Phúc Âm thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cho ông Lazaro chết chôn 3 ngày được sống lại. Cuối buổi đọc kinh, ngài đã tặng sách Phúc Âm bỏ túi cho mọi người và khuyến khích họ mang theo người để thỉnh thoảng đọc một đoạn.

“Tin Mừng Chúa Nhật thứ 5 mùa Chay này thuật lại cho chúng ta cuộc sống lại của ông Lazaro. Đây là tột đỉnh các dấu lạ Chúa Giêsu làm: đó là một cử chỉ quá lớn, quá hiển nhiên là của Thiên Chúa, nên không thể nào được các đại tư tế dung thứ; sau khi hay biết sự kiện ấy, họ quyết định giết Chúa Giêsu (Xc Ga 11,53). Khi Chúa Giêsu đến nơi thì Lazaro đã chết 3 ngày rồi, và Ngài nói với hai bà chị của ông là Marta và Maria, những lời được ghi khắc mãi mãi trong ký ức của cộng đoàn Kitô: ”Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống; và ai sống mà tin Thầy, thì sẽ không phải chết đời đời” (Ga 11,25). Theo lời Chúa, chúng ta tin rằng sự sống của người tin Chúa Giêsu và tuân giữ giới răn của Người, sau khi chết sẽ được biến đổi thành một sự sống mới, sung mãn và bất tử. Như Chúa Giêsu đã sống lại với thân xác của Ngài, nhưng không trở lại đời sống trần thế, cả chúng ta cũng sẽ sống lại với thân xác của mình, thân xác sẽ được biến đổi trong thân thể vinh quang. Chúa đang đợi chúng ta nơi Chúa Cha, và sức mạnh của Chúa Thánh Linh, Đấng đã làm cho Ngài sống lại, cũng sẽ làm cho những người kết hiệp với Chúa được sống lại.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Đứng trước mộ đóng kín của người bạn, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: ‘Lazaro, hãy ra ngoài!’. Người chết bước ra, chân tay còn quấn băng, và mặt quấn khăn liệm (vv.43-44). Tiếng kêu truyền lệnh này được gửi đến mỗi người; đó là tiếng nói của Đấng là chủ tể sự sống và Ngài muốn tất cả được sự sống dồi dào (Ga 10,10). Chúa Kitô không cam chịu những ngôi mộ mà chúng ta kiến tạo bằng những chọn lựa sự ác và chết chóc mà chúng ta đưa ra. Chúa mời gọi chúng ta, hầu như ngài truyền cho chúng ta hãy ra khỏi mộ mà tội lỗi dìm sâu chúng ta trong đó. Chúa quyết liệt gọi chúng ta hãy ra khỏi tăm tối của nhà tù giam hãm chúng ta, ra khỏi sự hài lòng về một cuộc sống giả tạo, ích kỷ, tầm thường.

“Hãy ra ngoài!” Chúng ta hãy để cho mình được nắm bắt bằng những lời mà Chúa Giêsu lập lại với mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy để cho mình được giải thoát khỏi những băng cuộn của tính kiêu ngạo. Sự sống lại của chúng ta bắt đầu từ đây, nghĩa là khi chúng ta quyết định vâng lệnh Chúa Giêsu, đi tới nơi ánh sáng và sự sống; khi những mặt nạ rơi khỏi mặt chúng ta và chúng ta tìm lại được can đảm của khuôn mặt nguyên thủy, khuôn mặt được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa.

Cử chỉ của Chúa Giêsu làm cho Lazaro sống lại chúng ta chứng tỏ điều mà sức mạnh của ơn thánh Chúa có thể đi tới, điều mà cuộc hoán cải của chúng ta đi tới, đó là không có giới hạn cho lòng thương xót của Chúa được trao tặng cho hết mọi người! Chúa luôn sẵn sàng nâng bia mộ các tội lỗi chúng ta, những điều khiến chúng ta bị tách rời khỏi Chúa vốn là ánh sáng của những người sống.”

3) Đừng sợ cầu nguyện

Trong buổi sáng thứ Năm 3 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cầu nguyện. Ngài giải thích rằng thông thường cầu nguyện giống như nói chuyện với một người bạn: một cái gì đó mà tất cả mọi người không nên sợ hãi.

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ rằng

“Hãy mở rộng con tim của anh chị em ra cho việc cầu nguyện. Cầu nguyện bổ sức cho chúng ta, kiện cường chúng ta. Thật vậy, Môisê xuống núi đầy lòng nhiệt thành: ‘Tôi đã biết Chúa nhiều hơn.’ và với sức mạnh được trao qua lời cầu nguyện, ông đã lãnh đạo dân Israel tiến về Đất Hứa.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng lời cầu nguyện có sức mạnh thay đổi trái tim bởi vì nó giúp ta nhận biết Thiên Chúa nhiều hơn.

"Môisê đã thay đổi hẳn. Môisê đã từng nghĩ rằng Chúa sẽ hủy diệt đám dân này và ông thu thập trong ký ức mình lòng nhân hậu Chúa đối với dân Ngài, làm thế nào Ngài đã dẫn họ thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập và hướng dẫn họ với lời hứa của Ngài và với những lập luận này, ông cố gắng thuyết phục Thiên Chúa. Nhưng chính khi làm như thế, ông tái khám phá ký ức về dân mình, và lòng thương xót của Thiên Chúa. Môisê người từng sợ rằng Thiên Chúa sẽ tru diệt dân Người, cuối cùng đã xuống núi với một sự hào hứng rất lớn trong con tim: Ông biết Thiên Chúa thật giàu lòng thương xót. Ngài biết cách tha thứ. Ngài có thể thu hồi lại các quyết định của mình, Ngài là một người Cha".

"Cầu nguyện thay đổi con tim chúng ta. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải thân thưa với Chúa, chứ đừng tuôn ra những lời trống rỗng mà Chúa Giêsu đã từng cảnh cáo ‘dân ngoại cũng làm như thế’. Không, hãy nói chuyện với Ngài về thực tế: Lạy Chúa, con có vấn đề này, trong gia đình con, với mấy đứa con của con, với điều này, với điều nọ... Lạy Chúa, xin thực hiện những gì Chúa có thể làm, đừng bỏ con một mình trong tình cảnh như thế này: Đây là lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện này mất nhiều thời gian không?".

"Kinh Thánh nói rằng Môisê đã nói chuyện với Thiên Chúa mặt đối mặt, như một người bạn Cách cầu nguyện của chúng ta phải là: tự do, van lơn, có lập luận. Thậm chí tranh cãi với Chúa một chút cũng được: Chúa đã hứa với con điều này nhưng sao Chúa không làm điều đó... " giống như nói chuyện với một người bạn.

4) Các tiên tri luôn bị bách hại, đôi khi ngay cả bên trong Giáo Hội

Trong bài giảng sáng thứ Sáu mùng 4 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tại sao các tiên tri luôn luôn bị bách hại. Ngài đã nói về cách người Pharisêu đàn áp và khước từ Chúa Giêsu.

Khi chúng ta loan báo Tin Mừng, chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải bách hại. Đây là trọng tâm nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến bài đọc trong ngày thứ Sáu của tuần thứ Tư Mùa Chay. Ngài lưu ý rằng ngày nay có nhiều những vị tử đạo hơn cả trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội.

Suy tư trên toàn bộ lịch sử ơn cứu độ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xem xét những giai đoạn đàn áp khác nhau mà các tiên tri đã phải trải qua, như chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở những người Biệt Phái.

Ngài nói:

"Trong lịch sử cứu độ, dưới thời Israel, hay ngay cả trong lòng Giáo Hội, các tiên tri đã bị đàn áp. Các tiên tri đã bị đàn áp bởi vì họ dám nói: Các ngươi đã đi sai đường! Hãy quay trở lại với đường lối Chúa.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng thông điệp này là một trong những điều mà những kẻ đang cầm quyền phật ý và thấy chói tai.

"Tin Mừng hôm nay là rõ ràng, phải không nào? Chúa Giêsu đã không tiết lộ về những ngày cuối cùng, vì giờ Người vẫn chưa đến - nhưng Người biết cái kết cục mà Người sẽ phải trải qua sẽ như thế nào. Chúa Giêsu bị bách hại ngay từ đầu: Chúng ta hãy nhớ lại ngay từ buổi đầu rao giảng của mình, Ngài trở về quê hương của mình, đi vào hội đường và giảng dạy. Sau lời khen ngợi “Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!”, những giọng thì thầm bắt đầu gần như ngay lập tức: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Ðấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả”

Các tiên tri, tất cả đều bị bắt bớ hay bị hiểu lầm, bị từ chối – đó là một tình huống không ngừng được lặp lại cả sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Nó vẫn tiếp tục ngay cả trong Giáo Hội. Khi chúng ta đọc về cuộc sống của các thánh, bao nhiêu hiểu lầm đã xảy ra, bao nhiêu các thánh, bị đàn áp. .. vì họ là các tiên tri.

Nhiều nhà tư tưởng trong Giáo Hội cũng bị bách hại. Tôi nghĩ đến một người, sống không xa thời đại chúng ta bao nhiêu: một người thiện chí, một nhà tiên tri thực sự, mà trong các tác phẩm của mình đã trách cứ Giáo Hội lạc xa đường lối Chúa. Ông đã bị triệu tập khẩn cấp, sách của ông bị hạn chế phổ biến, chức vụ giảng dạy của ông bị đình chỉ - và do đó, cuộc sống của người này đã kết thúc - Thời gian đã trôi qua, và hôm nay người ấy được tôn phong Chân Phước. Làm sao lại ra nông nỗi là người ngày hôm qua là một kẻ dị giáo, ngày nay lại là một vị Chân Phước của Giáo Hội ? Đó là bởi vì ngày hôm qua, những người có quyền lực muốn bịt miệng ngài, vì họ không thích những gì ngài đã nói. Hôm nay Giáo Hội, những người, nhờ ơn Chúa biết ăn năn, đã nói: “không, người này rất tốt!”. Hơn nữa, ngài đang trong tiến trình phong thánh: ngài là một Chân Phước".

"Tất cả những người mà Chúa Thánh Thần đã chọn để nói sự thật cho dân Chúa đều bị bách hại và Chúa Giêsu chính là biểu tượng hùng hồn nhất. Chúa đã mang vào chính mình tất cả những bách hại của dân Ngài.

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng các Kitô hữu tiếp tục bị đàn áp ngay cả ngày hôm nay. "Tôi dám nói rằng có lẽ còn nhiều vị tử đạo trong thời đại hiện nay hơn cả trong những ngày đầu Kitô Giáo, bởi vì họ dám nói sự thật và công bố Chúa Giêsu Kitô cho một xã hội thế tục trong đó con người quá chuộng sự dễ dãi và tìm mọi cách lảng tránh các vấn đề"

"Ngày hôm nay, ở một số nơi trên thế giới có những bản án tử hình hoặc phạt tù đang được giáng xuống trên những ai có cuốn Kinh Thánh ở nhà, và trên những ai dám giảng dạy Giáo Lý. Một người Công Giáo từ một trong những quốc gia này nói với tôi rằng họ không thể cùng nhau cầu nguyện. Đó là điều bị cấm. Mọi người chỉ có thể cầu nguyện riêng một mình và trong vòng bí mật. Nhưng khi họ muốn cử hành Thánh Thể thì họ phải làm bộ tổ chức một bữa tiệc sinh nhật, họ giả vờ để ăn mừng ngày sinh nhật và có Thánh Lễ trước khi ăn tiệc. Khi thấy cảnh sát đến, họ giấu tất cả mọi thứ và tiếp tục với tiệc sinh nhật. Sau đó, khi nhà chức trách bỏ đi họ kết thúc thánh lễ. Họ phải làm như vậy vì họ bị cấm cầu nguyện cùng nhau ngay cả trong thời đại này. "

Lịch sử của những cuộc bách hại là con đường Chúa đã đi qua. Nó là con đường của những người theo Chúa đang tiếp tục tiến bước. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói rằng câu chuyện bi đát này mặc dù phải trải qua con đường Thánh Giá sẽ luôn kết thúc trong Phục Sinh. Đức Thánh Cha đã đề cập đến Cha Matteo Ricci, linh mục Dòng Tên, một nhà truyền giáo tại Trung Quốc như là một ví dụ.

Để kết luận Đức Thánh Cha, xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để đi trên con đường của Ngài ngay cả dù phải vác thập giá của bách hại.

5) Bẩy Ơn Chúa Thánh Thần

Trong buổi triều yết chung sáng Thứ Tư mùng 9 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu loạt bài mới về Bẩy Ơn Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt các bài giáo lý về những hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã là "ân sủng của Thiên Chúa", là sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa trong Giáo Hội và con trái tim của chúng ta. Dựa trên những lời tiên tri thiên sai của Isaiah, Giáo Hội có truyền thống phân biệt bảy ơn Chúa Thánh Thần là Ơn Khôn Ngoan, Ơn Hiểu Biết, Ơn Biết Lo Liệu, Ơn Sức Mạnh, Ơn Thông Minh, Ơn Ðạo Ðức và Ơn Biết Kính Sợ Thiên Chúa.

Ơn khôn ngoan là ơn đầu tiên trong số bảy ơn này. Đây là ân sủng siêu nhiên, là ánh sáng trong tâm hồn chúng ta, là ân sủng làm chúng ta có thể chiêm ngưỡng tất cả mọi thứ với ánh mắt của Thiên Chúa và một trái tim ngoan ngoãn tuân theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Ơn này phát sinh từ sự gần gũi với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và trong tình hiệp thông yêu thương, nó giúp chúng ta hân hoan nhận ra với lòng biết ơn kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sự. Do đó sự khôn ngoan Kitô giáo là hoa trái của "hương vị" siêu nhiên về Thiên Chúa, là một khả năng cảm nghiệm sự hiện diện, sự nhân lành và tình yêu của Thiên Chúa xung quanh chúng ta.Thế giới chúng ta cần sự khôn ngoan này biết là ngần nào! Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban ân sủng cho ta để khi vui mừng trong Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể là những người nam nữ thực sự của Thiên Chúa, mở lòng trí ra cho quyền năng của tình yêu cứu độ của Người.

6) Thánh Gioan Bôscô

Như chúng tôi đã đưa tin, sáng ngày 31 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên đang có mặt tại Rôma để dự tổng tu nghị dòng Salesien Don Bosco. Dịp này, Đức Thánh Cha đã mời gọi dòng đặc biệt noi gương thánh Gioan Bosco quan tâm đến việc tuyển chọn và đào tạo ơn gọi, cũng như tình trạng nhiều người trẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội, và tăng cường đời sống cộng đoàn huynh đệ.

Thánh Gioan Bosco là ai, thưa quý vị và anh chị em?

Thánh Gioan Bôscô sinh ngày 16 tháng Tám năm 1815 tại Turinô, nước Ý. Song thân của ngài là những nông dân nghèo khó. Khi Gioan lên 2 thì thân phụ qua đời. Thân mẫu Gioan phải cố gắng hết sức để nuôi cả gia đình. Vừa đến tuổi khôn lớn, Gioan Bôscô đã phải làm việc vất vả để giúp đỡ mẹ. Ngài là người thông minh và đầy tràn sức sống. Rồi Gioan bắt đầu nghĩ đến việc đi tu làm linh mục. Ngài không dám nói điều đó với mẹ vì biết gia đình không có khả năng chu cấp cho ngài theo học ở chủng viện. Hơn nữa, thân mẫu ngài lại đang cần có người phụ giúp việc nhà. Vì thế, Gioan đã nhẫn nại chờ đợi, cầu nguyện và hy vọng.

Cuối cùng, một linh mục thánh thiện là thánh Giuse Caphasô nhận thấy Gioan có ước mơ muốn làm linh mục. Ngài đã giúp Gioan Bôscô gia nhập chủng viện. Suốt quá trình học tập, Gioan đã phải vất vả làm việc. Ngài học đủ thứ nghề: thợ mộc, đánh giầy, nấu ăn, làm bánh, trồng trọt, chăn nuôi… Gioan cũng làm nhiều việc khác nữa. Những kinh nghiệm thực tế này sẽ rất giúp ích cho nhiều người sau này. Năm 1841, Gioan Bôscô trở thành linh mục. Với tư cách là một linh mục, cha Đôn Bôscô bắt đầu sứ vụ lớn lao của mình. Ngài tập họp các em trai sống vô gia cư lại với nhau và dạy nghề cho chúng. Bằng cách này, chúng sẽ không phải đi ăn trộm ăn cắp hoặc quậy phá gây rối trật tự nữa. Khoảng năm 1850, đã có một trăm tám mươi em trai sống tại căn nhà dành cho các trẻ em của Đôn Bôscô. Mẹ của Đôn Bôscô là người giữ nhà. Thoạt đầu, người ta không hiểu được điều Đôn Bôscô đang làm. Họ cho rằng bọn trẻ sẽ không thể nào trở nên tốt được. Nhưng Đôn Bôscô xác nhận là chúng có thể.

“Em có muốn làm bạn của Đôn Bôscô không?” thánh nhân thường hay hỏi như vậy mỗi khi có một cậu nhỏ lạ đến với ngài. “Em muốn chứ?” Bôscô vui vẻ hỏi như thế và sau cùng ngài kết luận: “Rồi em sẽ giúp tôi cứu lấy linh hồn của em.” Ngài muốn các cậu trai của ngài mỗi tối phải đọc ba kinh Kính Mừng để Đức Mẹ giúp các cậu giữ mình khỏi tội. Ngài cũng dặn dò khuyên nhủ bọn trẻ phải thường xuyên lãnh nhận các bí tích Hòa giải và Thánh Thể với lòng yêu mến. Một trong các cậu nhỏ của Đôn Bôscô là Đa Minh Saviô sau này đã làm thánh.

Thánh Đôn Bôscô thiết lập một dòng tu chuyên đào tạo các linh mục và tu huynh theo tinh thần của thánh Phanxicô Salêsiô. Họ được gọi là các tu sĩ thuộc tu hội Salêdiêng Đôn Bôscô. Một dòng nữ dành cho các chị em Salêdiêng cũng được thiết lập với sự giúp đỡ của thánh nữ Maria Mazarêlô.

Đôn Bôscô qua đời ngày 31 tháng Giêng năm 1888. Toàn thể dân thành Turinô đã xếp thành hàng dài trên các đường phố để tỏ lòng tôn kính, cảm phục, yêu mến và biết ơn ngài. Lễ an táng của Đôn Bôscô đã trở nên lời loan báo vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì đời sống kỳ diệu của con người này.

Một linh mục trẻ coi xứ đã nhiều lần gặp gỡ Đôn Bôscô. Về sau, vị linh mục trẻ ấy đã trở thành Đức Giáo Hoàng Piô XI. Chính ngài đã sung sướng phong thánh cho Đôn Bôscô năm 1934.

Lời nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương Thánh Gioan Bosco để làm chứng cho tình yêu Chúa bằng cách vươn tay ra giúp đỡ người khác một cách vui tươi quảng đại.