Ngày 10-04-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 11/04: Yêu Mến mùi thơm loan tỏa - Lm. Giuse Trần Châu Đông.
Giáo Hội Năm Châu
01:29 10/04/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

Đó là lời Chúa
 
Sự khôn ngoan hòan hảo
Lm. Minh Anh
01:59 10/04/2022
SỰ KHÔN NGOAN HOÀN HẢO
“Ngài đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá!”.

Trong cuốn sách ghi lại cuộc sống của một số linh mục thời thế chiến thứ hai, Susan Howatch nhắc đi nhắc lại rằng, “Không có Chúa Nhật Phục Sinh nào mà không có Thứ Sáu Tuần Thánh. Là người Công Giáo, chúng ta biết hồi kết của câu chuyện, nên luôn có cám dỗ để che đậy thực tế nghiệt ngã của nó! Thế nhưng, đó là ‘sự khôn ngoan hoàn hảo’ của Thiên Chúa! Đau khổ và cái chết của Con Một Ngài, là một phần không thể thiếu trong tiến trình tặng ban ơn cứu độ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Bước vào Tuần Thánh, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Lá toát lên những cung bậc cảm xúc; bởi lẽ, Con Thiên Chúa vừa mới được đón tiếp như một vị vua, nhưng chỉ sau bốn ngày, lại bị đối xử như một đại tội phạm, chuốc lấy một án tử gớm ghiếc. Đó là một sự tương phản đáng kinh ngạc! Tại sao? Thưa đó là điều Chúa Cha muốn và là ‘sự khôn ngoan hoàn hảo’ của Ngài!

Đúng thế, Chúa Cha muốn! Từ góc độ trần thế, những gì sẽ sớm xảy ra sau đó chẳng có ý nghĩa gì. Ngài chuốc lấy khổ đau của Người Tôi Tớ, vốn được tiên báo hàng trăm năm trước, như bài đọc Isaia hôm nay cho biết, “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu”; Ngài như bị Chúa Cha bỏ rơi, Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Ôi Thiên Chúa! Sao Chúa đã bỏ con?”; và thánh Phaolô, qua thư Philipphê hôm nay, kết luận, “Ngài đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá!”. Thế nhưng, từ góc độ thần thánh, những gì Chúa Giêsu gánh chịu là khởi đầu của một hành động vinh quang nhất từng được biết đến! Bởi lẽ, thập giá là ngai ân sủng mới của Ngài, và vinh quang Ngài nhận được hôm nay khi vào thành thánh sẽ được thực hiện trọn vẹn khi Ngài chịu treo lên trên nó, để chiếm lấy Vương Quyền vĩnh cửu.

Trong ‘sự khôn ngoan hoàn hảo’ của Chúa Cha, đau khổ và cái chết này có một mục đích lớn hơn! Thiên Chúa đã chọn cách làm xáo trộn sự khôn ngoan của thế gian bằng việc sử dụng chính sự đau khổ và sự đóng đinh của Con Một Ngài. Ấy thế, tuyệt vời thay, nó đã trở nên phương tiện hoàn hảo cho sự thánh thiện của chúng ta! Hành động như thế, Thiên Chúa đã biến điều ác lớn nhất thành điều lành vĩ đại nhất. Giờ đây, bởi niềm tin vào hành động này, thánh giá được dựng lên ở trung tâm các nhà thờ và trong nhà của chúng ta, như một lời nhắc nhở thường xuyên rằng, ngay cả những điều xấu xa nhất cũng không thể vượt qua quyền năng, sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa! Vua Giêsu, quyền năng hơn chính cái chết; và Vua Giêsu, có chiến thắng cuối cùng cả khi tất cả dường như đã mất!

Một vị Vua, với lời nói, gương sống và cái chết trên thập giá đã cứu chúng ta khỏi cái chết bằng một ‘sự khôn ngoan hoàn hảo’ đáng kinh ngạc! Vị Vua này đã chỉ ra cho những ai đã hư mất một con đường, một hướng đi; chỉ ra cho những gì tồn tại mà vốn đã bị tàn phá bởi nghi ngờ, sợ hãi, có được một luồng sáng mới, một nguồn sống mới! Ngài sẽ mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa mới, thậm chí đôi khi, còn bị đặt vào những thử thách ngang qua những sai lầm, kể cả tội lỗi! Chỉ với một điều kiện, chúng ta đừng tuân theo logic của thế gian và ‘các vị vua’ của nó!

Anh Chị em,

Thánh Phaolô Thánh Giá nói, “Đừng bỏ qua một ngày mà không dành nửa giờ, hoặc ít nhất là một khắc, để suy gẫm về cuộc khổ nạn đau buồn của Đấng Cứu Rỗi của bạn. Hãy liên lỉ ghi nhớ những nỗi thống khổ của một tình yêu bị đóng đinh vì bạn!”. Hãy để Tuần Thánh mang đến cho chúng ta niềm hy vọng thiêng liêng! Vì vậy, chúng ta thường có thể bị cám dỗ về sự chán nản và thậm chí tệ hơn, bị cám dỗ về sự tuyệt vọng. Hãy nhớ, tất cả không phải là đã mất; không gì có thể cướp đi niềm vui của chúng ta trừ khi chúng ta để nó vuột mất! Không khó khăn nào, không thập giá nào khuất phục được chúng ta nếu chúng ta luôn kiên định trong Chúa Kitô, Đấng còn có tên là ‘Sự Khôn Ngoan Hoàn Hảo’. Hãy để Ngài biến đổi mọi đau khổ của cuộc sống chúng ta, bằng cách ôm lấy thập giá đời mình tháp vào thập giá vinh quang đời Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy Chúa hiện diện trong mọi sự, ngay cả trong những gì nghiệt ngã nhất của con. Cho con biết rằng, Chúa có ‘sự khôn ngoan hoàn hảo’ dành cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:37 10/04/2022

4. Một người đầy tràn tinh thần của các tông đồ thì cũng đủ để cảm hóa dạy dỗ một dân tộc.

(Thánh Jonh Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:42 10/04/2022
46. CHỒNG KÊU TRÀ

Khách đến một nhà của người quen, ông chồng luôn miệng la lớn:

- “Đem trà lại đây.”

Vợ nói:

- “Cuối năm không bán trà lá, nên không có nước trà”.

Chồng nói:

- “Nước đun sôi cũng được”.

Vợ trả lời:

- “Củi rơm không có một cọng, lấy gì đun sôi?”.

Chồng liền chửi:

- “Đồ dâm phụ chó, lẽ nào trong bao gối không có vài cọng rơm?”

Vợ chửi lại:

- “Đồ rùa thúi, đó là mấy cục đá làm gối, lẽ nào đốt được?”

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 46:

Vì sĩ diện mà đôi lúc làm cho con người ta mất đi cả…sĩ diện, và có lúc làm cho vợ chồng bất hòa vì cái sĩ diện của chồng (vợ).

Có những gia đình nghèo, nhưng cha mẹ luôn dạy con giấy rách phải giữ lấy lề, đó là cái sĩ diện đáng trân trọng, bởi vì nó dạy cho con người ta có một tâm hồn cao thượng và liêm khiết; có những người dù nghèo nhưng vẫn luôn đói cho sạch rách cho thơm, đó là cái sĩ diện của người quân tử, thà đói chứ không ăn cắp ăn trộm, không tham lam hối lộ…

Có một vài người Ki-tô hữu làm quan, vì sĩ diện cái chức quan nên không có “đám” nào mà không có mặt, nhưng họ lại làm mất sĩ diện mình là người Ki-tô hữu: họ không đi dự thánh lễ, họ không đọc kinh trước khi ăn cơm, họ không đi xưng tội rước lễ.v.v…bởi vì họ sợ mất sĩ diện với người đời, bởi vì họ sợ người khác chế nhạo mình là người Ki-tô hữu, nhưng người đời có thể che chở họ trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét không?

Cái sĩ diện chỉ che mắt được người đời mà thôi, chứ không che được mắt của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đáng Trách – Đáng Tiếc
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:55 10/04/2022
Đáng Trách – Đáng Tiếc

(Thứ Ba Tuần Thánh – Ga 13,21-33.36-38)

Đêm Tiệc Ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu cảm thấy xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21). Với kiểu nói “Thật, Thầy bảo thật…” thì người nói có ý nhấn mạnh điều muốn nói với người nghe. Khi nói về sự phản bội của môn đệ Giuđa thì Chúa Giêsu đã xao xuyến. Rất có thể Giuđa hiểu lầm rằng nếu mình trao nộp Thầy cho các Thượng Tế thì với quyền năng của Thầy, Thầy sẽ không hề hấn gì, vì mới đây dân chúng lấy đá ném Thầy mà Thầy vẫn yên hàn vô sự (x.Ga 8,59). Tuy nhiên dù với nhiều lý lẽ biện minh thì hành vi vì lợi ích nào đó của mình mà phản bội người đáng kính trọng, người hết lòng yêu mình thì không thể chấp nhận được. Sự đáng ghét của hành vi phản bội là ở động thái có chủ tâm, cố tình và được thực hiện với chương trình hành động cụ thể. Tin Mừng tường thuật rằng trước đó Giuđa đã đến gặp các Thượng Tế để bàn kế hoạch trao nộp Thầy với giá 30 đồng bạc (x.Mt 26,14-16).

Chúa Giêsu sau đó cũng tiên báo về sự phản bội của ông Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần”. Dẫu cho con số ba diễn tả sự chối Thầy của Phêrô như là “chối phăng”, “chối sạch sành sanh”, thế nhưng đây không thực là sự phản bội mà là sự bất trung. Sự bất trung quả là đáng trách nhưng nhiều khi cũng có thể là đáng tiếc hay đáng thương. Trường hợp bất trung của Phêrô có nét đáng tiếc khi ông quá tin vào khả năng của mình. “Sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” (Ga 13,37). Sự nhiệt thành của Phêrô thì có đó vì trong vườn cây dầu khi quân lính đến bắt Chúa Giêsu, chính ông là người đã rút gươm ra để chống trả (x.Ga 18,10). Tuy nhiên lửa nhiệt thành có thể thành leo lét thậm chí bị dập tắt khi khó khăn chồng chất và nghịch cảnh quá lớn ập đến. Phêrô đã rơi vào trường hợp này. Dù trước mặt một nữ đầy tớ, ông đã bộc lộ sự yếu hèn, nhát đảm của mình.

Sự hèn nhát của Phêrô là sự bất trung nhất thời vì yếu đuối. Hành vi này quả là đáng tiếc hơn là đáng trách. Sự bất trung đáng tiếc của Phêrô còn phảng phất nét đáng thương vì nó khởi đi từ tấm lòng của ông dành cho Thầy. Trong khi các bạn đồng môn đều trốn chạy thoát thân khi Thầy bị bắt thì một mình Phêrô lại lò dò quanh dinh vị Thượng Tế và tìm cách vào trong dinh để biết cho được cảnh tình Thầy đang phải chịu. Chính Chúa Giêsu sau khi phục sinh hiện ra trên bờ hồ Tibêria đã khẳng định cái tình của ông dành cho mình vượt trên các bạn (x.Ga 21,15-19). Sự nhiệt thành và tình yêu dù lớn và sâu đậm đến đâu cũng không thể loại bỏ hết sự mỏng dòn, yếu đuối của phận người vừa hữu hạn vừa mong manh và bất toàn. Tuy nhiên chúng là những nhân tố giúp chúng ta biết trở về và lại bắt đầu sau những lần sa ngã.

Hãy cẩn trọng với những hành vi phản bội trong tương quan giữa người với người và giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng thật là đáng trách vì những hành vi xấu xa này được thực hiện bằng sự chủ ý và có chương trình, kế hoạch lập sẵn. Hãy biết khoan dung với những hành vi bất trung, lỡ lầm của nhau vì “tinh thần thì hăng say mà xác thịt thì yếu hèn” (Mt 26,41). Thái độ sống biết cảm thông như cái nhìn của Chúa Giêsu với Phêrô sẽ là động lực giúp nhau biết ăn năn sám hối và can đảm chỗi dậy (x.Lc 22,61).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Tu Huynh Salesian và hai vị tử đạo thời Đức Quốc xã sắp được phong thánh
Thanh Quảng sdb
06:29 10/04/2022
Một Tu Huynh Salesian và hai vị tử đạo thời Đức Quốc xã sắp được phong thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y các sắc lệnh công nhận phép lạ của thầy sư huynh Salesian Don Bosco người Ý, và công nhận sự tử đạo của hai linh mục người Ý đã hy sinh trong thời Thế Chiến thứ hai, và các nhân đức anh hùng của năm Tôi Tớ mới, trong đó có hai giám mục truyền giáo và ba nữ giáo dân.

(Tin Vatican - Alessandro De Carolis)

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Thánh Bộ Phong thánh, và châu phê các sắc lệnh liên quan đến tiến trình tuyên thánh khác nhau cho thấy rất nhiều gương bác ái khôn lường và những gương anh hùng khi đối diện với bạo lực.

Sắc lệnh đầu tiên về Chân phước Artemide Zatti, một sư huynh Salesian người Ý, gốc Boretto ở Thung lũng Po, nơi ngài sinh vào năm 1880.

Gia đình thầy di cư đến Argentina khi Artemide 17 tuổi và định cư ở Bahia Blanca. Tại đó, cậu thanh niên này đã tiếp xúc với các tu sĩ Salêdiêng và gia nhập Tu Hội và được khấn dòng, nhưng thầy bị bệnh lao. Khi hồi phục, thầy đã chọn bậc sư huynh và dâng hiến cuộc sống cho các bệnh để chu toàn lời ước lệ mà thầy đã hứa với Đức Maria. Thầy đã phục vụ tại bệnh viện trong suốt quãng đời còn lại của mình tại Bệnh viện Viedma với tư cách là phó giám đốc, quản trị viên và y tá, và được các bệnh nhân và gia đình của các bệnh nhân quí mến… Thầy đã qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1951.

Phép lạ của Thầy Zatti

Thánh Giáo Hoàng John Paul II đã phong chân phước cho thầy Artemide Zatti vào năm 2002. Phép lạ được công nhận vào thứ Bảy (9/4/2022) để thầy được nâng lên hàng hiển thánh, xảy ra vào năm 2016 với việc chữa lành cho một người Phi ở Tanauan Batangas, ông này bị đột quỵ thiếu máu cục bộ nặng gần chết. Gia đình ông ta không có đủ phương tiện để trả bệnh phí cho ca phẫu thuật, nên đưa ông ta về nhà vào ngày 21/8.

Nhưng vào ngày 24 tháng 8, ông ta đột ngột rút ống thông vào mũi để chuyển đồ ăn vào dạ dày và oxy, và đòi ăn uống; sau đó, ông ta được sống một cuộc sống bình thường. Anh trai của ông, là một sư huynh Salêdiêng ở Rôma, người cũng bị nhập viện cùng ngày, đã cầu nguyện cùng Chân phước Artemide Zatti.

Sự tử đạo của hai linh mục

Hai Chân phước tử đạo là các linh mục Giuseppe Bernardi và Mario Ghibaudo đã dũng cảm, tuyên xưng đức tin trước sự căm thù tàn bạo của những kẻ xâm lược.

Sau hiệp định đình chiến năm 1943, thị trấn Boves, thuộc tỉnh Cuneo của Ý, nằm ở điểm giao thoa của các lực lượng Đức và các thế lực chống lại Đức Quốc Xã. Ngày 19 tháng 9, sau một cuộc đụng độ làm mỗi bên bị thiệt mạng một người và hai người bị bắt làm tù binh, Thiếu tá Đức Peiper đe dọa sẽ phá hủy thị trấn nếu hai người bị bắt của ông không được thả tư do, cùng với thi thể của một người bị chết.

Cha Giuseppe Bernardi và một người khác đã dàn xếp thành công cuộc trao đổi, nhưng lính Đức đã không giữ lời hứa. Sau đó, viên thiếu tá Đức ra lệnh tấn công và đưa linh mục cùng một người khác là Antonio Vassallo, lên một chiếc xe bọc thép và buộc họ phải chứng kiến các cuộc hành quyết và phóng hỏa tiêu hủy nhà cửa...

Trong cuộc xâm lăng này vào khoảng 16 giờ 30 chiều, cha chánh xứ là Mario Ghibaudo bị giết. Sau khi cứu các em gái của trung tâm trẻ mồ côi, Cha đã đến thăm một người đã bị trúng đạn của Đức để ban Bí tích xức dầu, nhưng cha bị bắn chết. Khoảng 6 giờ chiều, Linh mục Bernardi và người đàn ông khác bị bắt và bị điệu ra một sân để hành quyết và bị thiêu sống.

Sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng

Các sắc lệnh châu phê các nhân đức anh hùng của các vị sau đây được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn hôm thứ Bảy của năm Tôi tớ Chúa, được Giáo hội nâng lên bậc Đáng kính là:

1. Giám mục Martino Fulgenzio Elorza Legaristi người Tây Ban Nha, sinh năm 1899, một thành viên của Tu hội Thương khó Chúa Giêsu Kitô, làm việc truyền giáo tại Peru. Ngài thường đến thăm các giáo xứ địa phương, đi bằng ngựa và ca nô. Ngài xây dựng các nhà thờ và các thí điểm nơi các làng mạc xa xôi, Ngài cũng tham gia các Phiên họp đầu tiên của Công đồng Vatican II. Ngài mất ở Lima năm 1966.

2. Giám mục Francesco Costantino Mazzieri, một thành viên của Tu hội Ít-ra-en, gốc Abbadia di Osimo (1889), cũng là một nhà truyền giáo. Năm 1930, ngài cảm được lời mời gọi ra đi truyền giáo ở một nơi rất xa nước Ý, và được phái đến Zambia, tỉnh Ndola (Bắc Rhodesia), một thuộc địa của Anh cùng với 6 hội viên nữa. Trong 36 năm, Ngài đã không ngừng truyền bá Phúc Âm làm cho Giáo hội phát triển bất chấp những điều kiện khó khăn và thiếu thốn ngay cả nước nôi. Ngài đã sống ở những vùng nông thôn hẻo lánh như Santa Teresa (Ibenga-Zambia) và khiêm hạ làm việc một cách anh dũng để chăm sóc những người phong cùi. Ngài được mọi người yêu mến và ngài mất vào năm 1983, trong sự thánh thiện tốt lành.

Hai trong số ba người nữ khác được công nhận là Tôi tớ cũng cùng độ tuổi là:

- Cô Aurora Calvo Hernández-Agero, người Tây Ban Nha, sinh năm 1901, sống ở Béjar suốt đời. Xuất thân từ một gia đình đạo truyền thống, anh cô là một linh mục và cô ước muốn trở thành một cư sĩ Dòng Cát Minh, nhưng vì phải chăm sóc mẹ già nên cô phải sống ngoài đời, trở thành một giáo lý viên và thánh hóa đời sống mình, dâng hiến cho Đức Trinh Nữ Maria và đào sâu đời sống thiêng liêng. Cô chết vì bệnh viêm phổi vào năm 1933.

- Cô Rosalia Celak sinh năm 1901 tại Jachówka, Ba Lan. Năm 17 tuổi, cô tự khấn giữ mình đồng trinh, và năm 23 tuổi, cô chuyển về Krakow, làm giúp việc cho một bà lớn tuổi. Sau này ở Krakow, cô làm công việc cung cấp hàng phẫu thuật cho bệnh viện thánh Lazarô và hai tháng sau, cô cung cấp hàng cho khoa hoa liễu. Năm 1927, cô phục vụ Trung tâm người vô gia cư ở Krakow, nhưng vì sức khỏe không cho phép cô phục vụ ở đó nên năm sau, cô trở lại làm việc tại bệnh viện thánh Lazarô, cô được mọi người tin tưởng và kính trọng. Cuối đời, đức tin cô thật vững mạnh, cô kết hợp thần bí với Chúa Giêsu. Cô qua đời vào tuổi 43 tại Krakow vào năm 1944.

- Cô Maria Aristea Ceccarelli sinh năm 1883 tại Ancona, Ý, trong một gia đình bình dân. Mẹ cô không biết chữ, khép kín và rất nghiêm khắc, trong khi người cha cô thì lại bạo lực, cờ bạc và rượu chè, rất ác cảm với Aristea. Cô lớn lên trong một thế giới cô đơn, nghèo cả về tâm lý lẫn vật chất. Cô thường phải nhịn đói và chịu giá rét, từ khi còn nhỏ đã phải làm thợ may lúc mới 6 tuổi cho đến năm 11 tuổi, cô bắt đầu làm việc trong một nhà hàng. Cha mẹ cô ép buộc cô kết hôn với Igino Bernacchia, và cả hai đồng ý sống chung với mẹ chồng, nơi Aristea làm công việc nội trợ và làm trong tiệm bánh, tiệm thịt và cửa hàng tạp hóa của gia đình. Cha chồng và chồng của cô bạo hành và không may vào năm 1902, cô mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo và đau đớn dẫn đến việc phải cắt bỏ đi một con mắt phải. Aristea tìm thấy niềm an ủi khi không ngừng cầu nguyện. Vì công việc của chồng khiến họ phải chuyển về Rome, cô đã giao phó mình cho sự hướng dẫn tinh thần của hai cư sĩ dòng Camillian, sống sứ mệnh của mình trong các bệnh viện, đặc biệt tại Viện điều dưỡng Umberto I, lo cho những người bị lao, đặc biệt là trẻ em, và thăm hỏi các bệnh nhân tại nhà, an ủi và giúp đỡ họ về vật chất. Cô qua đời tại Rome vào đêm Giáng sinh năm 1971.
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha Chúa Nhật Lễ Lá 10/4/2022
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:41 10/04/2022

Sáng Chúa Nhật 10 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, khởi sự Tuần Thánh, là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ Công Giáo. Ngày Chúa Nhật Lễ Lá này cũng là ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 37 được cử hành ở cấp giáo phận.

Trước sự hiện diện của đông đảo các tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự cuộc rước lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa sau đó.

Các cành lá dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước lá do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng; còn các cây và cành ô liu trang trí bàn thờ và Quảng trường thánh Phêrô do miền Puglie nam Italia tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo và Bordighera và một số tổ chức khác ở miền Liguria trao tặng theo một truyền thống có từ thế kỷ 16. Các cành lá này được Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục, kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay.

Đồng tế với Đức Thánh Cha và tham dự cuộc rước lá có 30 Hồng Y và 50 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của giáo phận Roma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Trong bài giảng, sau bài Thương Khó, Đức Thánh Cha nói:

Trên đồi Canvê, hai lối suy nghĩ đã va chạm với nhau. Trong Phúc Âm, những lời của Chúa Giêsu bị đóng đinh trái ngược hẳn với những lời của những kẻ đã đóng đinh Người. Những kẻ chế nhạo Ngài tiếp tục nói: “Hãy tự cứu mình đi”. Các thủ lãnh trong dân nói: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” (Lc 23:35). Những người lính cũng nói như vậy: “Nếu ông là Vua dân Do Thái, hãy tự cứu mình” (câu 37). Cuối cùng, một trong những tên tội phạm, lặp lại lời của họ, khi nói với Chúa Giêsu: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”(câu 39). Hãy tự cứu lấy mình. Hãy chăm sóc bản thân. Hãy nghĩ về bản thân, đừng nghĩ đến người khác, hãy lo cho hạnh phúc của chính mình, thành công của chính mình, lợi ích của chính mình: tài sản của mình, quyền lực của mình, hình ảnh của mình. Hãy tự cứu lấy mình. Đây là điệp khúc liên tục của thế giới đã đóng đinh Chúa. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó.

Chống lại lối suy nghĩ tự cho mình là trung tâm này là cách suy nghĩ của Thiên Chúa. Câu thần chú “hãy tự cứu mình” va chạm với những lời của Đấng Cứu Rỗi đã hiến dâng chính mình. Những kẻ thù nghịch Ngài nói ba lần, Chúa Giêsu cũng nói ba lần trong bài Tin Mừng hôm nay (xem câu 34,43, và 46). Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không đòi hỏi bất cứ điều gì cho mình; thực thế, Ngài thậm chí không hề bênh vực hay biện minh cho mình. Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha và tỏ lòng thương xót với người trộm lành. Đặc biệt, một trong những lời nói của Ngài đã đánh dấu sự khác biệt đối với câu thần chú “hãy tự cứu lấy mình”. Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ” (câu 34).

Chúng ta hãy suy ngẫm về những lời của Chúa. Chúa Giêsu nói những lời ấy khi nào? Thưa: Vào một thời điểm rất cụ thể: trong khi Ngài bị đóng đinh, khi Ngài cảm thấy những chiếc đinh xuyên qua cổ tay và bàn chân của mình. Chúng ta hãy thử tưởng tượng nỗi đau tột cùng mà Ngài phải chịu. Vào lúc đó, giữa cơn đau đớn thể xác kinh hoàng nhất trong cuộc Khổ nạn, Chúa Kitô đã cầu xin sự tha thứ cho những người đã đâm xuyên qua Người. Những lúc như vậy, chúng ta sẽ hét lên và trút ra mọi giận dữ và đau khổ của mình. Nhưng Chúa Giêsu nói: Lạy Cha, xin tha thứ cho họ.

Không giống như các vị tử đạo khác mà Kinh thánh nói đến (xem 2 Mac 7: 18-19), Chúa Giêsu không nhân danh Thiên Chúa mà quở trách những kẻ hành hình hay đe dọa hình phạt cho họ; trái lại, Chúa Giêsu cầu nguyện cho những kẻ bất lương. Bị trói chặt vào sự sỉ nhục, thái độ tự hiến của Ngài trở thành thái độ của sự tha thứ.

Anh chị em thân mến, Chúa cũng làm điều tương tự với chúng ta. Khi chúng ta gây ra đau khổ cho Chúa bằng hành động của mình, Thiên Chúa đau khổ chỉ có một mong muốn duy nhất là tha thứ cho chúng ta. Để đánh giá cao điều này, chúng ta hãy nhìn vào Chúa bị đóng đinh. Chính từ những vết thương đau đớn của Người, từ những dòng máu gây ra bởi những chiếc đinh của tội lỗi chúng ta mà sự tha thứ tuôn ra. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập tự giá và nhận ra rằng những lời lớn hơn chưa từng được nói ra: Lạy Cha, xin hãy tha thứ cho họ. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập tự giá và nhận ra rằng chúng ta chưa bao giờ được nhìn bằng một ánh mắt dịu dàng và nhân ái hơn. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập tự giá và hiểu rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được một vòng tay yêu thương hơn thế. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đinh và nói: “Cảm tạ Chúa Giêsu: Chúa yêu con và luôn tha thứ cho con, ngay cả những lúc con cảm thấy khó yêu và khó tha thứ cho chính mình”.

Ở đó, khi đang bị đóng đinh trên cây thập tự giá, vào đỉnh điểm của nỗi đau, chính Chúa Giêsu đã tuân theo điều răn khắt khe nhất của Ngài: đó là yêu mến kẻ thù của mình. Chúng ta hãy nghĩ về một người nào đó, trong cuộc sống của chúng ta, đã làm chúng ta bị thương, bị xúc phạm hoặc làm chúng ta thất vọng; người đã khiến chúng ta tức giận, người không hiểu chúng ta hoặc người đã gây gương mù. Chúng ta thường dành biết bao thời gian nhìn lại những người đã từng gây đau khổ cho chúng ta! Chúng ta thường quay lại quá khứ và liếm những vết thương mà người khác, hay chính cuộc đời và lịch sử đã gây ra cho chúng ta. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng dừng ở lại đó, nhưng hãy phản ứng, phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự dữ và đau khổ. Hãy phản ứng lại những cái đinh trong cuộc sống của chúng ta bằng tình yêu, hãy phản ứng lại sự thù hận với vòng tay của sự tha thứ. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta đi theo Thầy hay chạy theo ý mình muốn đánh trả của mình? Đây là một câu hỏi mà chúng ta phải tự hỏi mình. Chúng ta có theo Thầy hay không?

Nếu chúng ta muốn kiểm tra xem chúng ta có thực sự thuộc về Chúa Kitô hay không, chúng ta hãy xem cách chúng ta cư xử với những người đã làm tổn thương chúng ta. Chúa yêu cầu chúng ta đáp lại không phải như chúng ta cảm thấy, hoặc như mọi người khác làm, nhưng theo cách Ngài hành động đối với chúng ta. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta thoát ra khỏi suy nghĩ rằng: “Tôi sẽ yêu bạn nếu bạn yêu tôi; Tôi sẽ là huynh đệ của bạn nếu bạn là huynh đệ của tôi; Nếu anh giúp tôi thì tôi sẽ giúp anh “. Đúng hơn, chúng ta phải bày tỏ lòng trắc ẩn và lòng thương xót đối với mọi người, vì Thiên Chúa nhìn thấy trong mỗi người con trai hay con gái của Ngài. Ngài không phân loại chúng ta thành tốt và xấu, bạn và thù. Chúng ta là những người làm điều này, và chúng ta làm cho Chúa đau khổ. Đối với Chúa, tất cả chúng ta đều là những đứa con thân yêu của Người, những đứa con mà Chúa mong muốn được ôm ấp và tha thứ. Cũng giống như trong dụ ngôn về tiệc cưới, khi cha của chú rể sai người hầu của mình ra đường và nói: “Mời tất cả mọi người: da trắng, da đen, tốt và xấu, tất cả mọi người, khỏe mạnh, bệnh tật, tất cả mọi người…” (x Mt 22: 9-10). Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người; mọi người đều có đặc quyền như nhau: đó là được yêu thương và tha thứ.

Lạy Cha, hãy tha thứ cho họ vì họ không biết những gì họ làm. Theo Phúc âm, Chúa Giêsu “lặp đi lặp lại” điều này (xem câu 34). Chúa Giêsu đã không nói điều đó một lần rồi thôi khi đang bị đóng đinh vào thập tự giá; thay vào đó, Ngài đã dành tất cả thời gian của mình trên thập tự giá với những lời này trên môi và trong trái tim mình. Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chúng ta cần hiểu điều này, không chỉ trong tâm trí, mà còn trong cả trái tim của chúng ta. Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chúng ta là những người cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ. Nhưng Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ. Ngài không quan tâm đến chúng ta trong một thời gian và sau đó đổi ý, như chúng ta vẫn thường bị cám dỗ hành động như thế. Chúa Giêsu - như Tin Mừng Luca dạy chúng ta - đã đến thế gian để mang lại ơn tha tội cho chúng ta (x. Lc 1:77). Cuối cùng, Người đã ban cho chúng ta một mệnh lệnh rõ ràng: đó là hãy nhân danh Người mà công bố ơn tha tội cho mọi người (x. Lc 24:47). Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi với việc rao truyền sự tha thứ của Thiên Chúa: chúng ta là những linh mục, hãy ban phát ơn tha thứ; tất cả các Kitô hữu, tiếp nhận ơn tha thứ và làm chứng cho ơn tha thứ. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa.

Lạy Cha, hãy tha thứ cho họ vì họ không biết những gì họ làm. Chúng ta hãy quan sát thêm một điều nữa. Chúa Giêsu không chỉ xin cho họ được tha thứ, mà còn đề cập đến lý do tại sao: vì họ không biết những gì họ làm. Làm sao lại có thể như thế được? Những kẻ đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá đã tính toán trước việc giết Chúa, tổ chức bắt giữ và xét xử Ngài, và bây giờ họ đang đứng trên đồi Canvê để chứng kiến cái chết của Ngài. Tuy nhiên, Đức Kitô biện minh cho những kẻ bạo lực đó bằng cách nói rằng họ không biết. Đó là cách Chúa Giêsu hành động đối với chúng ta: Ngài tự cho mình là người biện hộ cho chúng ta. Ngài không đặt mình chống lại chúng ta, nhưng hành động vì chúng ta và chống lại tội lỗi của chúng ta. Những lời của Người khiến chúng ta suy nghĩ: vì họ không biết. Đó là sự thiếu hiểu biết của trái tim, mà tất cả chúng ta đều có trong tư cách là những người tội lỗi.

Khi dùng đến bạo lực, chúng ta cho thấy rằng chúng ta không còn biết gì về Thiên Chúa, ai là Cha của chúng ta, hoặc thậm chí về những người khác, là anh chị em của chúng ta. Chúng ta không biết tại sao chúng ta lại có mặt trên thế giới này và thậm chí kết thúc bằng những hành động tàn ác vô nghĩa. Chúng ta thấy điều này trong cuộc chiến điên cuồng, nơi Chúa Kitô bị đóng đinh một lần nữa. Chúa Kitô một lần nữa bị đóng đinh trên Thánh giá trong những người mẹ than khóc về cái chết oan uổng của những người chồng và con trai. Chúa Giêsu bị đóng đinh trong những người tị nạn chạy trốn khỏi bom đạn với những đứa trẻ trên tay. Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây thập tự giá cho những người già bị bỏ lại một mình rồi chết trong cô đơn; Chúa Giêsu bị đóng đinh nơi những người trẻ tuổi bị tước đoạt một tương lai; trong những người lính được gửi đến để giết anh chị em của họ. Chúa Kitô đang bị đóng đinh ở đó, ngày hôm nay.

Lạy Cha, hãy tha thứ cho họ vì họ không biết những gì họ làm. Nhiều người đã nghe những lời đặc biệt này, nhưng chỉ có một người đáp lại những lời đó. Anh ta là một tội phạm, bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu. Chúng ta có thể hình dung rằng lòng thương xót của Chúa Kitô đã khơi dậy trong anh một niềm hy vọng cuối cùng và khiến anh nói những lời này: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con” (Lc 23,42). Như thể muốn nói: “Mọi người khác đã quên tôi, nhưng Chúa vẫn tiếp tục nghĩ về những người đã đóng đinh Chúa. Như thế, với Chúa, cũng còn một chỗ cho con”. Người trộm lành đã tin nhận Chúa khi cuộc đời của anh ta đang kết thúc, và theo cách này, cuộc sống của anh ta bắt đầu lại một lần nữa. Trong địa ngục của thế giới này, anh đã thấy thiên đường mở ra: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước thiên đàng” (câu 43). Đây là điều kỳ diệu về sự tha thứ của Thiên Chúa, điều đã biến lời thỉnh cầu cuối cùng của một người đàn ông bị kết án tử hình thành sự phong thánh đầu tiên trong lịch sử.

Thưa anh chị em, trong tuần này, chúng ta hãy tin chắc rằng Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi. Chúa Giêsu đã tha thứ cho tất cả mọi người. Ngài có thể bắc cầu mọi khoảng cách, và biến mọi tang tóc thành vũ điệu (xem Tv 30:12). Hãy xác tín rằng với Chúa Giêsu luôn có một chỗ cho tất cả mọi người. Điều đó với Chúa Kitô không bao giờ kết thúc. Điều đó với Chúa, không bao giờ là quá muộn. Với Chúa, chúng ta luôn có thể sống lại. Hãy can đảm! Chúng ta hãy hành trình hướng tới Lễ Phục sinh với sự tha thứ của Ngài. Vì Chúa Kitô không ngừng cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (xem Dt 7:25). Khi nhìn chằm chằm vào thế giới bạo lực và tan nát của chúng ta, Ngài không bao giờ mệt mỏi khi lặp lại: Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết những gì họ làm. Bây giờ chúng ta hãy làm như vậy, trong im lặng, trong trái tim của chúng ta, và lặp lại: Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết những gì họ làm.

Cuối buổi lễ, trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Trước khi kết thúc cử hành này, tôi muốn gửi lời chào đến tất cả anh chị em, đặc biệt là những người hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có rất nhiều người trẻ. Tôi cầu chúc một Tuần Thánh thánh thiện cho tất cả anh chị em hiện diện ở đây, và cả những người được kết nối thông qua các phương tiện truyền thông.

Tôi gần gũi những người dân thân yêu của Peru, những người đang trải qua thời điểm khó khăn của căng thẳng xã hội. Tôi đồng hành cùng anh chị em với lời cầu nguyện và tôi khuyến khích tất cả các bên tìm ra giải pháp hòa bình càng sớm càng tốt vì lợi ích của đất nước, đặc biệt là của những người nghèo nhất, hãy tôn trọng quyền của mọi người và của các tổ chức.

Trong giây lát, chúng ta sẽ hướng về Đức Mẹ với trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. Chính Thiên Thần của Chúa đã nói với Mẹ Maria trong Lễ Truyền Tin: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được”. Không có gì là không thể đối với Chúa. Chúa có thể ngăn chặn một cuộc chiến mà sự kết thúc của nó không có trong tầm mắt, một cuộc chiến hàng ngày đặt ra trước mắt chúng ta những cuộc tàn sát khủng khiếp và sự tàn ác dã man chống lại những thường dân không có khả năng tự vệ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều này.

Chúng ta đang ở trong những ngày trước Lễ Phục sinh. Chúng ta đang chuẩn bị để kỷ niệm chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô đối với tội lỗi và sự chết - trên tội lỗi và sự chết - không phải trên ai đó và chống lại người khác. Nhưng ngày nay, có một cuộc chiến. Bởi vì phải chăng có cái gì đó để giành được theo cách này, theo cách của thế giới? Đây là cách duy nhất để mất chứ không phải để giành được. Tại sao không cho phép Ngài chiến thắng? Chúa Kitô đã vác thập tự giá của Ngài để giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của sự dữ. Ngài chết để cuộc sống, tình yêu, hòa bình ngự trị.

Hãy bỏ vũ khí xuống! Hãy để cuộc đình chiến Phục sinh bắt đầu. Đừng cung cấp thêm vũ khí và tiếp tục chiến đấu - không! - một hiệp định đình chiến sẽ dẫn đến hòa bình, thông qua đàm phán thực sự thậm chí đòi hỏi phải hy sinh vì lợi ích của người dân. Thực tế, thắng lợi gì khi cắm cờ trên đống gạch vụn?

Không có gì là không thể đối với Chúa. Chúng ta giao phó điều này cho Ngài qua sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria.
Source:Holy See Press Office
 
Khủng bố đánh bom nhà thờ Saint-Etienne ở Toulouse. Cảnh sát truy lùng hung thủ
Đặng Tự Do
16:52 10/04/2022


Cảnh sát đang truy lùng một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, bị tình nghi đã gài một quả bom có kích cỡ một bưu kiện trong nhà thờ Saint-Etienne trong thánh lễ sáng thứ Sáu tuần này. Camera giám sát đặt gần tòa nhà đã có thể ghi lại hình ảnh của nghi phạm.

Tên khủng bố này bước vào ngôi thánh đường, ngay sau 8 giờ sáng, trong khi một thánh lễ đang diễn ra trước mặt khoảng ba mươi người. Hắn xông lên, đặt một quả bom trước bàn thờ rồi hét lên những từ gì đó mà các vị thừa tác viên giúp lễ không hiểu được, trước khi bỏ trốn. Một giáo dân cố gắng can thiệp, bắt hung thủ nhưng bị đẩy qua một bên, té xuống nhưng không bị thương.

Cảnh sát cho biết nghi phạm có vẻ là một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi. Anh ta đội mũ lưỡi trai, đeo khẩu trang chống Covid-19, m85c áo khoác sẫm màu và quần jean. Anh Aurélien Dreux, là người giáo dân đã cố bắt hung thủ nhưng không thành công, nhận xét với tờ La Dépêche du Midi rằng “Đầu tiên, tôi nghĩ anh ta đến để giao bưu kiện, nhưng đã sinh nghi khi anh ta xông lên bàn thờ”.

Các camera giám sát, đặt gần nhà thờ Saint-Étienne ở Toulouse, đã có thể xác định được nghi phạm, hiện vẫn đang tại đào.

Thánh lễ đã phải ngưng lại. Anh chị em đã được di tản khỏi nhà thờ. Ngôi thánh đường đã phải đóng cửa suốt buổi sáng cho đến khi công binh Pháp vô hiệu hóa thiết bị nổ này. Quả bom không phát nổ nên ngôi thánh đường không bị hư hại.
Source:ladepeche.fr
 
Lính Miến Điện xâm nhập nhà thờ Công Giáo, bắt giữ tổng giám mục
Đặng Tự Do
16:54 10/04/2022


Trong một thông điệp vừa được công bố, Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám Mục Yangoon và là chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã mạnh mẽ lên án hành vi của quân đội Miến Điện.

Hôm thứ Sáu, 8 tháng Tư, khoảng 40 binh sĩ Miến Điện đã chiếm một nhà thờ Công Giáo ở Mandalay trước nghi thức đi Đàng Thánh Giá Mùa Chay và bắt giữ một tổng giám mục cùng hàng chục tín hữu khác, bao gồm cả một phóng viên của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA.

Những người lính tiến vào Nhà thờ Thánh Tâm lúc 2:30 chiều ngày 8 tháng 4 theo giờ địa phương và từ chối cho phép những người thờ phượng ra về. Binh lính cũng chiếm các tòa nhà khác trong khu nhà.

Đức Tổng Giám Mục Marco Tin Win và các nhân viên của Tổng giáo phận Mandalay cũng bị dồn vào nhà thờ và buộc phải ngồi trên băng ghế cùng với các tín hữu khác.

Một phóng viên của CNA đã có mặt và bị giam giữ trong khoảng ba giờ, sau đó được phép ra khỏi nhà thờ. Những người khác bị giam giữ đã được thả vài giờ sau đó.

“Tôi rất sợ”, một giáo dân lớn tuổi của Nhà thờ Thánh Tâm, người không cho biết tên vì lý do an toàn, nói với CNA. “Quân đội luôn điên cuồng nhưng họ chưa bao giờ hành động như vậy trước đây. Chúng tôi chạy về nhà ngay khi được phép ra khỏi nhà thờ”.

“Những người lính liên tục yêu cầu được biết nơi cất giấu vàng, tiền và vũ khí. Tôi đã nói với họ là không có. Số tiền thu được là để cứu trợ các gia đình nghèo”.

Ngay sau khi những người lính tiến vào nhà thờ, cảnh báo đã được gửi đến toàn thể cộng đồng Công Giáo để tránh xa khu nhà.

Khi nghe tin về vụ đột nhập, Đức ông Dominic Jyo Du, tổng đại diện của tổng giáo phận, đã đối mặt với các binh lính và các sĩ quan của họ để hỏi về sự hiện diện của họ. Những người lính vội vã đưa ông vào nhà thờ giam giữ cùng với Đức Tổng Giám Mục.

Khoảng 30 binh sĩ đã dời băng ghế để ngủ lại thánh đường qua đêm. Họ vẫn ở bên trong nhà thờ vào sáng sớm thứ Bảy.

Tin tức về cuộc chiếm đóng vũ trang của nhà thờ đã không được đưa tin bởi các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát.

Nhà thờ Thánh Tâm nằm trong khu dân cư của tầng lớp lao động, phần lớn là người Tamil, nơi chưa chứng kiến sự phản kháng công khai đáng kể nào đối với cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, khi quân đội giải tán Quốc Hội và bắt giữ những người có liên hệ với chính phủ hợp pháp.

Thay vào đó, người dân trong khu phố thích lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình và tấn công ở xa nhà của họ. Điều này đã không ngăn quân đội thường xuyên xâm nhập nhà của các nhà lãnh đạo bị nghi ngờ và quấy rối những người không phải là người Miến Điện.

Người Tamil là Công Giáo hoặc Hồi giáo và bị quân đội và các chiến binh Phật giáo nghi ngờ. Ashin Wirathu, một nhà sư có những bài thuyết pháp sôi nổi tập trung vào những lời lẽ phân biệt chủng tộc chống lại người Hồi giáo và Kitô giáo, đã công khai kêu gọi tiêu diệt thiểu số Hồi giáo.

Một thiểu số giáo sĩ Phật giáo của quốc gia, có lẽ 10%, công khai ủng hộ quân đội và các cuộc tấn công của quân đội chống lại các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo.

Kể từ cuộc đảo chính tháng Hai năm ngoái, hơn 12,000 người đã bị bắt và ước tính khoảng 1,600 người thiệt mạng trong cuộc xung đột, trong đó có 50 trẻ em. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, chính quyền quân sự đã cố tình nhắm mục tiêu vào các nhà thờ, các tổ chức khác và dân thường. Vào tháng 3, máy bay đã tấn công một thị trấn ở phía đông đất nước, làm hư hại nặng mái nhà, trần và cửa sổ của một tu viện Công Giáo.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha mời các gia đình viết bài suy niệm Đàng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh
Đặng Tự Do
16:55 10/04/2022


Nhân dịp Năm Gia đình, Đức Thánh Cha đã uỷ thác cho các gia đình soạn các bài suy niệm và lời cầu nguyện Đàng Thánh Giá vào thứ Sáu Tuần Thánh năm nay.

Ngày 7 tháng Tư, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết: “Nhân dịp năm gia đình, trong đó Giáo hội kỷ niệm 5 năm tông huấn Amoris Laetitia - Niềm vui của Tình yêu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giao phó việc soạn thảo các bản văn suy niệm và cầu nguyện Đàng Thánh Giá vào thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Colosseo cho một số gia đình liên kết với các cộng đoàn và hiệp hội Công Giáo trong hoạt động và trợ giúp tình nguyện. Theo các chủ đề đã chọn, một số gia đình sẽ vác Thánh Giá giữa các chặng (của Đàng Thánh Giá).”

Amoris Laetitia là tông huấn hậu Thượng Hội đồng của Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình. Tông huấn được ban hành ngày 19/3/2016, hậu Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình được tổ chức tại Vatican vào năm 2014 và 2015.

Vào ngày 19 tháng 3 năm ngoái 2021, Giáo hội kỷ niệm 5 năm ban hành tông huấn Amoris Laetitia, về vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu trong gia đình. Vào ngày hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát động Năm Gia đình Amoris Laetitia; năm này sẽ kết thúc vào ngày 26/6 năm nay, với Đại hội các Gia đình lần thứ 10 được tổ chức tại Rôma.

Vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự cử hành phụng vụ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu tại đền thờ thánh Phêrô. Sau đó, lúc 9:15 tối, ngài sẽ chủ sự buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại Đấu trường Colosseo.

Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Có khoảng 20 ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này.

Truyền thống đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo đã được người Công Giáo Rôma thực hành trong nhiều thế kỷ bắt đầu từ thế kỷ 18 dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14, và được hồi sinh vào năm 1964 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Từ thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo cũng trở thành một sự kiện được truyền hình trên toàn thế giới.

Ban đầu, chính Đức Giáo Hoàng tự mình vác thập tự giá từ chặng này sang chặng khác, nhưng trong những năm cuối đời ngài, khi tuổi tác và bệnh tật hạn chế sức khoẻ của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã chủ sự buổi lễ từ một khán đài trên đồi Palatine. Chỉ vài ngày trước khi qua đời vào năm 2005, Đức Gioan Phaolô II đã theo dõi buổi đi đàng Thánh Giá từ nhà nguyện riêng của ngài trong khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin chủ sự toàn bộ buổi lễ.

Truyền thống viết các bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum khác với những bài nguyện ngắm như trong các kinh bổn thường đọc đã được bắt đầu với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1991. Văn bản các chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Colosseum phản ảnh cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo trước thực trạng văn hóa, xã hội và luân lý trong xã hội đương đại. Nó cũng nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên toàn thế giới, tình trạng bất công, những khổ đau của người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Nhiều bài suy niệm đã đi vào lịch sử như những áng văn chương tuyệt tác như bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum vào năm 2007 của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Sản Văn Hoá của Giáo Hội.

Trong hai năm qua, do đại dịch Covid-19, buổi ngắm Đàng Thánh Giá được cử hành tại quảng trường thánh Phêrô. Năm nay, tình hình lây nhiễm đang giảm bớt, Đàng Thánh Giá lại được cử hành tại đấu trường Colosseo.
Source:Vatican News
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thánh Phaolô Tân Sơn Nhì, Sàigòn: Mùa Chay Hiệp Hành
GX Thánh Phaolô
08:24 10/04/2022
Trong cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Hiệp Hành, Hội Thánh xác quyết sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng cách làm chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa Mục đích của tiến trình này là giúp Hội thánh làm chứng cho Tin Mừng cách hữu hiệu hơn, đặc biệt với những người sống ở vùng ngoại vi của thế giới chúng ta xét về mặt tâm linh, xã hội, kinh tế, chính trị, địa lý và hiện sinh. Và trong sứ điệp Mùa Chay năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Đừng quản ngại từ nan khi tích cực làm các việc bác ái đối với những người thân cận. Trong suốt Mùa Chay này, chúng ta hãy vui vẻ thực hành bố thí (x. 2 Cr 9, 7). Thiên Chúa là “Ðấng đã cung cấp giống cho kẻ gieo, và bánh nuôi mình cho họ” (2 Cr 9, 10), ban cho mỗi người chúng ta không chỉ có lương thực để ăn, mà còn để quảng đại làm điều tốt cho người khác”.

Xem Hình

Hiệp hành trong sứ mạng và đời sống Hội Thánh, Giáo xứ Thánh Phaolô Hạt Tân Sơn Nhì, Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã có sự hy sinh Mùa Chay để chia sẻ cho các Anh Chị Em Bệnh Nhân Phong và Anh Chị Em Dân Tộc nghèo ở Vùng Tây Nguyên từ ngày 21/3/2022 đến ngày 26/3/2022. Tham gia đoàn có Cha Phaolô Phạm Trung Dong – Chánh xứ Phaolô làm trưởng đoàn, Quý Cha Phó, Quý Chức, đại diện các Giáo Khu, Các Ban và Giáo dân.

Đoàn đã đến thăm và trao 1471 phần quà mỗi phần quà gồm có 10kg gạo, cá hộp, sữa đặc, 2 thùng mì gói, đường, bột canh, dầu ăn, nước tương, muối, bánh kẹo, ngũ cốc, mùng, mền… phong bì cho bệnh nhân phong là 300.000đ, người nghèo là 200.000đ; Cha xứ cũng trao đến Quý Cha, Quý Dì phụ trách một số tiền để giúp cho các nơi đó. Các phần quà này được mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài Giáo xứ, và cả Anh Chị Em tôn giáo bạn hy sinh đóng góp.

Sau Tết Nguyên Đán, Cha Chánh xứ, Quý Cha Phó, Hội Đồng Mục Vụ, Các đoàn thể đã khởi động chương trình Mùa Chay Hiệp Hành: mua gạo, mì gói, thực phẩm, đón nhận vải để may mền… đỉnh cao của chương trình khởi động là hai ngày quyên góp vào Chúa Nhật VII Thường niên và Thứ Tư Lễ Tro.

Sau thánh lễ 19g00 Chúa Nhật I Mùa Chay ngày 20/3/2022 rất đông Anh Chị Em đã cùng nhau xếp hàng hóa lên xe: 16 tấn và 8 tấn đến khoảng 22g00.

Thứ hai ngày 21/3: Bắt đầu chuyến đi, đoàn đã dâng Thánh Lễ lúc 4g30 sáng tại Nhà thờ Giáo xứ để dâng chuyến Mùa Chay Hiệp Hành xin Chúa thánh hóa, ban bình an cho chuyến đi cũng như cầu nguyện cho các Anh Chị Em bệnh nhân phong và người nghèo dân tộc cũng như mọi người đã đóng góp. Sau đó, cả đoàn tập trung tại đài thánh Cả Giuse, đặt chuyến Mùa Chay Hiệp Hành trong sự bảo trợ của ngài. Cha Chánh xứ nhắc nhở: “Mục đích của chuyến đi là chúng ta dành nhiều thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, đi trong vui vẻ…” và bắt đầu lên đường đi thăm Trại phong Di Linh 1 và 2. Đoàn đã được Anh Chị Em và Qúy Dì Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinhsơn đón tiếp trong sự ân cần. Tại đây đoàn trao 111 phần quà (trại 1: 51; trại 2: 60) và 100 phong bì cho các em học sinh sinh viên ở trại phong Di Linh 1. Sau khi thăm hỏi, trao các phần quà đoàn chia tay để tiếp tục trao 100 phần quà cho Anh Chị Em Dân Tộc nghèo Thôn Gân Reo, Huyện Đức Trọng qua Quý Dì Tu viện Mến Thánh Giá An Hòa; 80 phần quà qua Quý Dì Đan Viện Cát Minh Đà Lạt. 100 phần quà cho khu vực Đơn Dương qua Quý Dì Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt.

Thứ ba ngày 22/3: Đoàn đến thăm, trao 230 phần quà cho Anh Chị Em bệnh nhân Phong các làng Tel Jỗ, Nhã, Ia Hlong, Tel Ngõ, Thyr, Mai…- Giáo xứ Mỹ Thạch.

Thứ tư ngày 23/3: Đoàn đến thăm và trao 180 phần quà cho Anh Chị Em bệnh nhân phong ở Làng La xã Gào; Làng Tang xã Ia Chía; Làng Ta xã Ia O. Tại Làng La Xã Gào là nơi những bệnh nhân phong rất nặng, Bệnh nhân chia sẻ: “Chúng con cảm ơn Giáo xứ Phaolô nhiều lắm. Chúng con bị bệnh không có tay để làm việc kiếm tiền. Nhờ Giáo xứ chia sẻ tiền, chúng con có tiền để tiếp tục sống”. Kết thúc ngày đoàn gửi 50 Anh Chị Em bệnh nhân phong ở Làng Plei Ngo, Dak Doa vì tình hình dịch bệnh nên đoàn không thể đến thăm và trao quà trực tiếp được.

Thứ Năm ngày 24/3: Đoàn đến Giáo xứ Kon Thụp xã Kon Thụp để thăm, trao 98 phần cho Anh Chị Em bệnh nhân phong, 152 phần cho Anh Chị Em dân tộc nghèo. Tiếp tục hành trình đến làng Dông và làng Đồn xã Pờ Tó, đoàn trao 120 phần cho bệnh nhân phong và người nghèo.

Thứ sáu ngày 25/3: Ngày Lễ Truyền Tin Đoàn đến Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen, Giáo phận Kon Tum. Ở nơi đây, đoàn dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa và Đức Mẹ cùng Thánh Cả Giuse đã ban ơn cho đoàn có chuyến Mùa Chay Hiệp Hành bình an, thật ý nghĩa, cầu nguyện cho Anh Chị Em bệnh nhân phong và dân tộc nghèo cũng như cho Giáo xứ, tất cả mọi người đã góp công, góp của, góp sức cho chuyến đi.

Thứ bảy ngày 26/3: đoàn khởi hành từ Ban Mê Thuột về Giáo xứ Thánh Phaolô kết thúc chuyến Mùa Chay Hiệp Hành. Đoàn về tới Giáo xứ lúc 16g00.

Đoàn đã đón nhận được những tình cảm trong chuyến Mùa Chay Hiệp Hành này qua những lời cầu nguyện, những lời cảm ơn và thăm hỏi của Các Anh Chị Em bệnh nhân phong và Anh Chị Em dân tộc. Qua đó, các thành viên cảm nhận được rõ hơn tâm tình của Đức Thánh Cha: “Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để tìm gặp, chứ không phải để lảng tránh những người thiếu thốn; để tiếp cận, chứ không phớt lờ những người muốn được lắng nghe và cần một lời nói tử tế; để thăm viếng, chứ không bỏ rơi những người cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời mời gọi làm điều tốt lành với tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người nghèo hèn và yếu đuối, những người bị bỏ rơi và khinh miệt, những người bị kỳ thị và bị gạt ra bên lề xã hội” (x. Fratelli Tutti, số 193).

Giáo xứ Thánh Phaolô

Hạt Tân Sơn Nhì Sàigòn
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Chúa nhật Lễ Lá 2022
Văn Minh
08:57 10/04/2022
“Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy là chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nên một với Ngài nghĩa là chúng ta cùng chết với Đức Kitô, và được Phục sinh cùng với Ngài”.

Đó là lời chia sẻ của linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán – Chánh xứ Vĩnh Hòa – khi ngài chủ sự dâng thánh lễ Lá (Khai mạc Tuần Thánh) diễn ra lúc 5g00 sáng Chúa nhật ngày 10-4-2022 tại giáo xứ Vĩnh Hòa.

Xem Hình

Trước thánh lễ, Lm Chánh xứ Gioakim cùng cộng đoàn cử hành nghi thức làm phép Lá ngay trước tiền sảnh nhà thờ. Sau đó, Lm chủ tế, các em Ban Lễ sinh cùng cộng đoàn cầm cành lá trên tay tiến vào ngôi thánh đường trong niềm vui hân hoan.

Sau bài đọc 1 và 2: Lm Gioakim cùng hai vị đại diện đọc bài thương khó của Chúa Giêsu và mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy ngẫm.

Chia sẻ Tin Mừng, Lm Gioakim đã tóm tắt bài thương khó của Đức Kitô và diễn giảng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. “Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy là chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nên một với Ngài nghĩa là chúng ta cùng chết với Đức Kitô, và được Phục sinh cùng với Ngài”. Quả thật, chính vì tình yêu thương con người mà Chúa Giêsu đã từ bỏ trời cao hạ mình xuống thế, mang thân phận kiếp con người và trở nên đồng hình đồng dạng với con người và phục vụ con người cho đến chết trên cây thập tự.

Kết thúc bài giảng, Lm Gioakim nhắn nhủ: Qua bài thương khó hôm nay, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại xem bản thân mình có khi nào chúng ta lỗi phạm đến Chúa và làm buồn lòng anh em của mình không? Để trong Tuần Thánh này, mỗi người chúng ta hãy đổi mới cuộc đời để cùng nhau đón mừng Chúa Kitô Phục sinh.

Thánh lễ nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 6g, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an từ Lm chủ tế, ra về với cành lá trên tay và cùng nhau suy ngẫm về cuộc thương khó của Chúa Kitô.
 
Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh 2022 tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội
BBT TGP Hà Nội
09:32 10/04/2022
Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh 2022 tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội

Cùng với Giáo hội hoàn vũ tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Sáng Chúa nhật ngày 10/4/2022, tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên đã long trọng chủ sự nghi thức làm phép lá, kiệu lá và dâng Thánh lễ Lá khai mạc Tuần Thánh. Hiệp dâng trong Thánh lễ có sự hiện diện của cha xứ và cha phó giáo xứ Chính tòa cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa từ khắp các giáo xứ trong giáo hạt Chính tòa.

Xem Hình

Với Chúa Nhật Lễ Lá, giáo hội bắt đầu tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ, tuần lễ mẹ của các tuần lễ, gọi là Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, giáo hội cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế.

Trong khung cảnh ấy, trước khi bước vào Thánh lễ, Đức TGM Giuse, quý Cha và đông đảo cộng đoàn dân Chúa đã phác họa lại biến cố Vượt Qua với việc làm phép lá, rước lá chung quanh khuôn viên nhà thờ như dân thành Giêrusalem xưa nô nức tiếp đón Chúa vào thành, trên tay cầm cánh lá thiên tuế, vừa đi vừa không ngớt tung hô “Vạn tuế con vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.

Qua trình thuật Thương khó, Đức TGM đã giúp cộng đoàn hiểu ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, cái chết vì vâng phục Chúa Cha và yêu thương nhân loại. Suy tư về ý nghĩa ngày lễ Lá Đức TGM Giuse nhắn nhủ:“Theo truyền thống, chúng ta sẽ cầm những cành lá ấy về và để trong gia đình mình, để những cành lá ấy nhắc nhở chúng ta Đức Giêsu đã chịu chết để chuộc tội cho nhân loại. Cành lá này muốn nói với chúng ta về sự hay thay đổi của lòng dạ con người. Chính vì thế, Đức Giêsu một lòng tín trung với Chúa Cha. Chúng ta hãy học nơi bài học thương khó này như lời cầu nguyện rất dễ để chúng ta thực hành. Học nơi bài học thương khó sự khiêm nhường, niềm tín thác và sự trung thành ở nơi Thiên Chúa”.

Tuần Thánh đã chính thức được khai mở. Với lời mời gọi tha thiết của Mẹ Giáo hội “hãy thật lòng ăn năn sám hối quay trở về với Chúa” để hưởng trọn nguồn ơn phúc của Người. Hy vọng mỗi tín hữu Kitô nơi TGP Hà Nội thân thương, dám can đảm bước ra khỏi con người giới hạn của mình để sẵn sàng cho Đức Kitô Phục sinh ngự trị.

BBT
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Học hỏi Tin Mừng Luca10
Vũ Văn An
18:17 10/04/2022

Bài Tin Mừng Luca 7:36-50: Người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến Chúa nhiều

36Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. 37Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

39Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” 40Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” 41Đức Giêsu nó: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” 43Ông Simôn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.”

44Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simôn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” 48Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” 49Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” 50Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”.


(Trích theo bản Kinh Thánh trực tuyến của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)



Chú thích

Có người thuộc nhóm Pharisêu. Theo Josephus (Ant.18.1,2 §11), Pharisêu là một trong ba phái “triết học” của người Do Thái ở Palestine thời ông; đôi lúc, ông gọi họ là “giáo phái” (Ant. 13.5,9 §171). Họ bắt nguồn từ các nhà giải thích Tôra không phải là giáo sĩ thời hậu lưu đầy; nhưng hình như họ bắt đầu xuất hiện như một nhóm có tổ chức vào thời Macabê, có lẽ trước thời John Hyrcanus không lâu (Ant. 13.5,9 §171). Chữ Hy Lạp pharisaioi có lẽ là phiên âm chữ perisaye của tiếng Aram, có nghĩa là “biệt phái”, có thể do người khác dùng chỉ về họ vì họ khá khác với người ta. Nó có thể dùng để chỉ thái độ xa lánh, không muốn tiếp xúc với những người ít tuân giữ Tôra; muốn biết Luca đánh giá họ ra sao xin xem Cv 26:5. Họ cổ vũ một lối giải thích nghiêm nhặt Luật Môsê, nhấn mạnh không những việc giữ Tôra viết mà cả Tôra truyền khẩu nữa tức truyền thống được gán cho Môsê và các trưởng lão, tức các giải thích Tôra viết từ thời hậu lưu đầy. Những “lời của Cha Ông” (xem Mc 7:3) này nhằm trở thành “hàng rào cho Lề Luật”, giữ cho nó khỏi bị vi phạm. Chịu ảnh hưởng của ý niệm văn hóa Hy Lạp về giá trị paideia, những nhà giải thích này coi việc biết Tôra và các lệnh truyền và lệnh cấm của nó như là dấu chỉ và bảo đảm là người đạo đức. Trở thành một quốc gia thánh thiện, thánh thiêng và tận hiến cho Giavê là mục tiêu của mọi người Do Thái; nhưng đạt được điều này bằng giáo dục và hiểu biết Tôra là đặc điểm của Pharisêu. Tỉ mỉ tuân giữ ngày sabát và các ngày lễ, các qui luật về sạch sẽ nghi lễ, dâng cúng 10 phần trăm thu nhập, các luật về ăn uống là việc thực hành của họ... Ở đây, người Pharisêu không được nêu tên. Nhưng từ các câu 37 và 39, ta biết người này tên là Simôn.

Dùng bữa với mình. Xem Lc 11:37 và 14:1 để thấy những trường hợp khác Chúa Giêsu dùng bữa với người Pharisêu. Ở đây, Người được mô tả cư xử với họ như Người đã cư xử với những người thu thuế (19:5) và tội lỗi (7:34). Lý do mời không được nêu ra. Người Pharisêu này nghe về Chúa Giêsu cũng như người đàn bà tội lỗi thôi. Câu 39 cho thấy ông ta hồ nghi Chúa Giêsu là một ngôn sứ, nên việc ông mời Người có thể phát sinh từ ý muốn vinh danh Người. Vì trong câu 40, ông gọi Người là “thầy”.

Vào bàn ăn. Đúng ra là nằm (kateklithē) vào bàn ăn. Và do đó, cho thấy đây là một bữa tiệc thịnh soạn, vì ở Palestine, nằm vào bàn ăn chỉ được thực hành trong những dịp như thế. Có tác giả còn cho rằng đây là bữa tiệc ngày Sabát trong đó Chúa Giêsu được mời sau khi giảng tại hội đường. Tuy nhiên, không có chi tiết nào cho biết như vậy.

Bỗng một phụ nữ. Nàng cũng không được nêu tên giống như người phụ nữ ở Bêtania trong Mc 14:3 và Mt 26:7. Cả trong Máccô lẫn Mátthêu và Gioan, nàng không bị gọi là “tội lỗi” như ở đây. Trong Ga 12:3, nàng là Maria, em gái của Marta và Ladarô ở Bêtania. Trong các truyền thống Giáo Hội Tây Phương, ít nhất từ thời Đức Grêgôriô Cả, Maria thành Bêtania được coi là một với người phụ nữ ở Galilê, thậm chí với cả Maria Mađalêna, người “đã được giải thoát khỏi 7 qủy dữ” (8:2). Tuy nhiên, không có việc coi là một như thế trong Tân Ước. Truyền thống Giáo Hội Hy Lạp vẫn duy trì các vị có tên Maria này khác nhau.

Vốn là người tội lỗi. Luca mô tả nàng như vậy, và chính người Pharisêu cũng gọi nàng như thế (câu 39) và người ta làm cho Chúa Giêsu nhìn nhận nàng như vậy (câu 47). Không nói nàng mắc tội gì. Phần lớn các nhà chú giải cho rằng nàng là gái điếm trong thành. Điều này có thể đúng vì người Pharisêu có ám chỉ như vậy (câu 39b).

Lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Nguyên nhân của cái khóc không được nói rõ. Người ta vẫn cho rằng nàng khóc vì tội lỗi của mình. Cha Fitzmyer cho rằng cũng có thể nàng khóc vì vui mừng được tha thứ, một tâm tư nàng đã cảm nhận được. Dù sao, Cha cho rằng nước mắt làm nản bất cứ mưu toan giải thích lệch lạc nào về nguyên nhân tình dục.

Chị lấy tóc mình mà lau. Cử chỉ xoã tóc nơi công cộng này gây ngạc nhiên và khiến người Pharisêu bình luận. Nó không hẳn xác nhận tội lỗi nàng cho bằng tạo dịp để người ta bình phẩm nàng.

Rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Dấu chỉ sự tôn vinh dành cho người được nhìn nhận là tác nhân của Thiên Chúa. Nàng không chừa sự hậu hĩnh nào.

Một ngôn sứ. Dựa vào một số thủ bản, Cha Fitzmyer cho rằng rất có thể là “Đấng Ngôn Sứ” như Môsê (Đnl 18:15). Dù sao, suy nghĩ của người Pharisêu phản ảnh niềm tin chung: một ngôn sứ nên có khả năng tri nhận tư cách của người mình giao thiệp với.

Xin Thầy cứ nói. Simôn coi Chúa Giêsu như một trong những vị thầy đáng kính ở Palestine. Tước hiệu didaskalos (thầy), dùng chỉ Gioan Tẩy Giả ở 3:12, được dành cho Chúa Giêsu ở đây lần đầu tiên, nó có nghĩa mạnh hơn rabbi/rabbouni vì dành cho những vị thầy khả kính.

Năm trăm quan tiền. Tương đương với lương của 500 ngày lao động (xem Mt 20:2).

Ai mến chủ nợ hơn? J. Jeremias (Parables, 127) cho rằng động từ agapan ở đây không hẳn là “mến” cho bằng “cảm thấy một lòng biết ơn sâu xa nhất” vì cả tiếng Hípri lẫn tiếng Aram đều không có một chữ riêng để chỉ việc biết ơn.

Còn chị ấy từ lúc vào đây. Cha Fitzmyer dịch là “từ lúc tôi vào đây” vì cha cho là lối đọc đúng hơn của động từ eisēlthon (tôi vào), chứ không phải của eisēlthen (chị ấy vào). Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ giống như của Bản Phổ Thông: “chị ấy vào” được Cha Fitzmyer cho là hợp với bối cảnh hơn. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ cũng nghĩ như vậy khi chú giải để biện hộ cho lối dịch “chị ấy vào”: “Nhưng ở đây thì theo những bản cổ xưa chép một cách ăn khớp hơn với câu chuyện". Nhưng Cha Fitzmyer nhận định rằng điều ấy đáng hoài nghi.

Bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Cha Fitzmyer cũng dịch gần như thế “seeing that she has loved greatly” trái với nhiều bản dịch dịch là “tội chị nhiều, nhưng đã được tha, chị đã yêu nhiều”. Vì liên từ hoti ở đây không có nghĩa nguyên nhân () như thể muốn nói rằng tình yêu của người phụ nữ là lý do hay cơ sở của việc tha thứ. Điều này đi ngược lại ý hướng của dụ ngôn 2 con nợ. Đúng hơn hoti phải được hiểu theo nghĩa luận lý của nó. Như thế, câu này quả quyết không phải lý do để tha thứ mà đúng hơn tại sao tha thứ được biết là đã hiện hữu.

Còn ai được tha ít thì yêu mến ít. Câu này không những để kết luận dụ ngôn mà còn mở rộng lời tuyên bố của Chúa Giêsu. “Tình yêu” mô tả hiệu quả của sự tha thứ và “yêu mến ít” là đặc điểm của chủ nhà, cũng là người nợ ít. Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, ít tha thứ được tỏ cùng Simôn, không hẳn vì tác phong của ông ta, mà là vì thái độ nền tảng của ông ta.

Tội của chị đã được tha. Cha Fitzmyer thì dịch là “tội của chị được tha” theo nghĩa thì hiện tại. Câu này cố ý liên kết việc tha thứ với hoạt động của chính Chúa Giêsu. Câu 49 cho thấy phản ứng của các khách dự tiệc đối với Chúa Giêsu, họ hiểu lời của Chúa Giêsu theo nghĩa chính Chúa Giêsu tha tội cho người phụ nữ. Nên họ nghĩ: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”, với động từ ở thì hiện tại.

Lòng tin của chị. Cuối cùng, Luca cung cấp động lực khiến người phụ nữ trước hết tìm kiếm ơn tha thứ của Thiên Chúa cho nhiều tội lỗi của nàng. Lòng “tin” của nàng phải được hiểu như niềm tín thác vào Thiên Chúa bất chấp các tội lỗi quá khứ, niềm tín thác này phục hồi mối tương quan với Người, mối tương quan vốn không có hay thiếu trước đây. Nó cũng thúc đẩy nàng biểu lộ nhiều dấu chỉ lòng kính trọng và yêu mến đối với Người, Đấng mà nàng coi là tác nhân của Thiên Chúa (một ngôn sứ dưới mắt Simôn).

Chị hãy đi bình an. Công thức giải tán chung này (xem Lc 8:48; Cv 16:36) là mô phỏng công thức của Cựu Ước (1Sm 1:17; 20:42; 29:7).

Nhận định

Dụ ngôn hai con nợ không những mang theo sứ điệp của nó về mối tương quan giữa ơn tha thứ và lòng yêu mến (tức người tội lỗi hóa ra lại là người biểu lộ với Thiên Chúa lòng biết ơn lớn lao hơn người Pharisêu chính trực và ưa phê phán) nhưng cũng phúng dụ hóa trình thuật: lòng ăn năn vì tội lỗi của đời người phụ nữ làm nàng mở lòng mình ra với lòng Thương xót của Thiên Chúa hơn sự sẵn lòng hẹp hòi của chủ nhà chỉ muốn dành cho Người một bữa ăn. Tình yêu người phụ nữ biểu lộ với Chúa Giêsu bằng nước mắt, những nụ hôn, và nước hoa cho thấy xu hướng nền tảng của nàng đối với chính Thiên Chúa, tức là đức tin của nàng, một đức tin đem lại ơn cứu độ cho nàng, Chính vì thế Chúa Giêsu nói với nàng “hãy đi bình an”. Thành thử tình tiết này kết thúc với việc nhắc đến hai cách căn bản qua đó, Luca nhìn hiệu quả của biến cố Kitô, ơn cứu độ và bình an.

Tình tiết này là một trong những tình tiết vĩ đại trong Tin Mừng Luca vì nó mô tả Chúa Giêsu không chỉ bênh vực người phụ nữ tội lỗi chống lại các phê phán của người Pharisêu, mà còn nhấn mạnh một cách đặc biệt mối tương quan giữa ơn tha thứ tội lỗi và vị trí của lòng yêu mến và hiến mình trong trọn tiến trình này. Không ai đọc tình tiết này mà không thấy sức mạnh của hình ảnh văn học do Luca vẽ nên. Khi so sánh với các tình tiết trong Máccô và Gioan, ta thấy nó hơn hẳn.

Thánh Cyril thành Alexandria (c. 376 – 444), khi chú giải đoạn Tin Mừng này, chỉ lưu ý tới ơn tha thứ. Người viết:

“Hỡi tất cả mọi người, hãy vỗ tay và ngợi khen Thiên Chúa bằng tiếng cảm tạ.” Nhưng đâu là nguyên nhân để mừng vui? Vì lề luật mà Môsê rất khôn ngoan đã ban hành, là để khiển trách tội lỗi, và kết án các vi phạm, nhưng nó tuyệt đối không làm ai ra công chính. Vì chính Thánh Phaolô rất khôn ngoan đã viết, “bất cứ ai bác bỏ Luật Môsê phải bị kết án tử không thương tiếc căn cứ vào miệng của hai hoặc ba nhân chứng." Nhưng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, đã xóa bỏ sự nguyền rủa của lề luật, và chứng minh điều răn chuyên kết án là bất lực và vô hiệu, đã trở thành Thượng Tế đầy lòng thương xót của chúng ta, theo lời lẽ của Thánh Phaolô diễm phúc. Vì Người công chính hóa kẻ ác bằng đức tin, và giải thoát những kẻ bị giam cầm bởi tội lỗi của họ. Và Người đã công bố điều này cho chúng ta bởi một trong các vị ngôn sứ thánh thiện rằng, "Trong những ngày đó, và vào thời đó, Chúa phán: Họ tìm kiếm tội lỗi của Israel, nhưng sẽ không tìm thấy gì: Vì tội của Giuđa, ngươi sẽ không tìm thấy gì; vì ta sẽ thương xót những kẻ còn sót lại trong lãnh thổ, Chúa phán như thế." Nhưng kìa! Việc ứng nghiệm lời hứa cho chúng ta đã xuất hiện vào thời điểm Người Nhập Thể, như chúng ta được bảo đảm bởi nội dung của các Tin Mừng thánh thiêng. Vì Người đã được một người trong những người Pharisêu mời đến, và vì lòng nhân hậu và yêu thương đối với con người, và "muốn mọi người được cứu và nhận biết sự thật," Người đồng ý và ban ơn cho người đã mời Người. Và khi bước vào, Người nằm vào bàn; và ngay lập tức có người đàn bà bị ô uế bởi dâm ô xấu xa bước vào: giống như người mới thoát khỏi rượu chè và say xỉn, và ý thức được tội lỗi của mình, đã cầu xin Chúa Kitô tẩy rửa cô, và giải cứu cô khỏi mọi lỗi lầm, và giải thoát cô khỏi các tội lỗi trước đây của cô, như "không còn nhớ gì tới các tội lỗi nữa." Và cô đã làm điều này, rửa chân cho Người bằng nước mắt, xức dầu thơm, và lau chúng bằng tóc của mình. Như thế, một phụ nữ, trước đây đã dâm dục và phạm tội nhục dục, một tội lỗi khó rửa sạch, đã không bỏ lỡ con đường cứu rỗi; vì nàng đã trốn chạy để nương náu nơi Người là Đấng biết cứu độ, và có thể sống lại từ vực sâu của sự ô uế.

Rồi, cô đã không thất bại trong mục đích của mình. Nhưng thánh sử diễm phúc cho chúng ta hay người Pharisêu khờ dại đã phật lòng, và tự nói: "Nếu đây là một ngôn sứ, thì Người phải biết người phụ nữ chạm vào Người là ai và thuộc loại nào, nó là một kẻ tội lỗi." Người Pharisêu do đó đã tự phụ, và hoàn toàn không hiểu gì. Vì bổn phận của ông ta đúng ra là điều chỉnh cuộc sống của chính mình, và nghiêm túc trang điểm nó bằng mọi mưu cầu phẩm hạnh; và không được tuyên án người yếu đuối, và kết án người khác. Nhưng về ông ta, chúng ta khẳng định rằng được nuôi dưỡng trong các phong tục của lề luật, ông ta đã dành các ảnh hưởng quá rộng lớn cho các thể chế của nó, và đòi chính Đấng Lập Pháp phải tuân theo các điều răn của Môsê. Vì lề luật truyền cho người thánh thiện phải tránh xa những người ô uế, và Thiên Chúa cũng trách cứ những người có số phận làm người đứng đầu cộng đoàn Do Thái, vì đã không sẵn lòng về mặt này. Vì Người đã nói như vậy qua một trong các ngôn sứ thánh thiện: "Chúng không phân biệt giữa người thánh thiện và kẻ phàm tục." Nhưng Chúa Kitô đã sống lại cho chúng ta, không phải để bắt tình trạng của chúng ta phải lệ thuộc những lời nguyền rủa của lề luật, nhưng để cứu chuộc những người lệ thuộc tội lỗi bằng lòng thương xót vượt trội hơn lề luật. Vì lề luật đã được thiết lập "vì các vi phạm", như Kinh Thánh đã tuyên bố, "mọi miệng lưỡi có thể được ngăn chặn, và tất cả thế gian trở nên tội lỗi trước mặt Thiên Chúa, bởi không có xác thịt nào được công chính hóa nhờ việc làm của lề luật." Vì cho đến nay chưa có ai tiến bộ về đức hạnh, ý tôi muốn nói về các nhân đức thiêng liêng, đến có thể hoàn thành tất cả những gì đã được truyền lệnh, và hoàn thành một cách không thể kết lỗi. Nhưng ân sủng, nghĩa là được nên công chính nhờ Chúa Kitô, vì, thoát khỏi việc kết án của lề luật, nó giải thoát chúng ta bằng đức tin.

Do đó, người Pharisêu kiêu ngạo và khờ dại đó thậm chí không cho rằng Chúa Giêsu đã đạt đến tầm cỡ của một ngôn sứ: nhưng Người làm cho những giọt nước mắt của người phụ nữ trở thành cơ hội để dạy dỗ ông rõ ràng về mầu nhiệm. Vì Người đã dạy người Pharisêu và tất cả những người đang tụ họp ở đó, rằng Ngôi Lời là Thiên Chúa, "đến thế gian giống như chúng ta, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian được Người cứu rỗi." Người đến để Người có thể tha thứ cho những người mắc nợ dù nhiều hay ít, và tỏ lòng thương xót những kẻ mắc nợ dù nhỏ hay lớn, hầu cho không ai không được dự phần vào sự tốt lành của Người. Và như một lời cam kết và thí dụ rõ ràng về ân sủng của Người, Người đã giải thoát người phụ nữ không trong sạch đó khỏi nhiều tội lỗi của cô bằng cách nói, "Tội lỗi của ngươi đã được tha thứ cho ngươi." Quả thực một tuyên bố như thế xứng đáng với Thiên Chúa xiết bao! Nó là một chữ được kết nối với một thẩm quyền tối cao. Vì lề luật đã lên án những kẻ phạm tội, nên tôi xin hỏi, ai có thể tuyên bố những điều trên lề luật, nếu không phải là Đấng đã ra lệnh đó? Do đó, ngay lập tức Người vừa giải thoát người đàn bà, vừa làm cho người Pharisêu đó, và những người đang dùng bữa với ông ta, lưu ý đến những điều tuyệt vời hơn: vì họ học được rằng Ngôi Lời là Thiên Chúa, không phải là một trong các vị ngôn sứ, mà vượt xa tầm thước của loài người, mặc dù Người đã trở thành người. Và người ta có thể nói với người đã mời Người rằng: Hỡi người Pharisêu, ngươi đã được huấn luyện trong Kinh thánh; ngươi, dĩ nhiên ta giả dụ như thế, biết các mệnh lệnh do Môsê rất khôn ngoan đưa ra: ngươi đã xem xét lời nói của các vị ngôn sứ thánh thiện: Vậy đây là Đấng nào đang đi trên con đường trái với các mệnh lệnh thánh thiêng, đã giải thoát khỏi tội lỗi? Ai đã tuyên bố họ được tự do, những người đã dạn dĩ phá vỡ những điều đã được truyền lệnh? Do đó, nhờ chính các sự kiện, ngươi hãy thừa nhận Đấng cao hơn các ngôn sứ và lề luật: ngươi hãy nhớ rằng một trong những vị ngôn sứ thánh đã tuyên bố những điều này về Người vào thời xa xưa rằng, "Chúng sẽ ngạc nhiên trước Thiên Chúa của chúng ta, và sẽ sợ hãi Người. Ai là Thiên Chúa giống như Chúa, Tha thứ cho những sự vi phạm, và bỏ qua những tội ác của phần còn lại của cơ nghiệp Người, và cũng không giữ cơn giận của Người cho đến cùng, bởi vì Người có lòng thương xót?"

Do đó, những người cùng dùng bữa với người Pharisêu, đã ngạc nhiên và thắc mắc khi thấy Chúa Kitô Cứu thế của mọi người sở hữu quyền tối cao giống như Thiên Chúa, và sử dụng những cách diễn đạt vượt quá quyền của con người. Vì họ nói, "Đây là ai mà cũng tha cả tội?" Ngươi có muốn ta nói cho ngươi biết Người là ai không? Đấng vốn ở trong lòng Thiên Chúa Cha, và được sinh ra bởi Người do bản tính: bởi Người mà mọi vật được tạo thành: Đấng có quyền cai trị tối cao, và được mọi vật trên trời và dưới đất tôn thờ. Người đã nộp chính Người cho gia sản của chúng ta, và trở thành Thượng Tế của chúng ta, để Người có thể dâng chúng ta lên Thiên Chúa, tinh khiết và trong sạch, sau khi đã loại bỏ mùi hôi tanh của tội lỗi và sau khi đã tiếp nhận Người vào trong chúng ta như một hương thơm ngọt ngào. Vì, như thánh Phaolô rất khôn ngoan từng viết, "Chúng tôi là một hương vị ngọt ngào của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa." Đây là Đấng đã phán bằng giọng nói của ngôn sứ Ezechiel, "Và đối với ngươi Ta sẽ là Thiên Chúa, và ta sẽ cứu ngươi khỏi mọi sự ô uế của ngươi." Do đó, ngươi hãy thấy rằng thành quả thực tế đã xẩy ra đúng theo với những gì đã được các ngôn sứ thánh thiện đoan hứa trước đó. Ngươi hãy thừa nhận Người là Thiên Chúa – Đấng rất dịu dàng và yêu thương đối với loài người. Ngươi hãy nắm bắt con đường cứu rỗi: ngươi hãy trốn chạy khỏi lề luật lệ chỉ giết chóc: ngươi hãy chấp nhận đức tin, vốn vượt trên lề luật. Vì có lời chép rằng: “Điều được viết ra là điều sát hại,” ngay cả lề luật: “nhưng tinh thần ban sự sống,” kể cả sự thanh tẩy thiêng liêng vốn có trong Chúa Kitô. Satan đã trói dân cư của trái đất bằng sợi dây tội lỗi: Chúa Kitô đã cởi các sợi dây này; Người đã làm cho chúng ta được tự do, đã xóa bỏ sự bạo ngược của tội lỗi, đã xua đuổi kẻ tố cáo yếu đuối của chúng ta; và Kinh thánh được ứng nghiệm, rằng "mọi sự gian ác phải ngưng miệng;" "vì chính Thiên Chúa công chính hóa. ‘Ai dám kết án?’” Điều người viết Thánh vịnh thần thánh này cũng đã cầu xin có thể được nên trọn, khi ngỏ lời xin với Đức Kitô là Đấng Cứu Rỗi của tất cả mọi người. "Hãy để những kẻ tội lỗi bị diệt vong khỏi mặt đất; và những kẻ gian ác, để chúng không được tìm lại nữa." Vì quả thật, chúng ta không được nói về một kẻ mặc Chúa Thánh Thần mà lại nguyền rủa những kẻ yếu đuối và tội lỗi: - vì điều không phù hợp với các thánh là nguyền rủa bất cứ ai: - nhưng đúng hơn là người ấy cầu nguyện điều này với Thiên Chúa. Vì trước khi Đấng Cứu Rỗi đến, tất cả chúng ta đều ở trong tội lỗi: không ai thừa nhận Đấng, do bản tính và thực sự, vốn là Thiên Chúa. " Không có ai làm điều tốt, không có ai cả; nhưng tất cả họ đã cùng nhau quay sang một bên, và trở thành kẻ đáng trách." Nhưng vì Đấng là con một đã nộp chính Người để tự làm rỗng mình, trở nên xác phàm, và làm người, nên các kẻ có tội đã bị diệt vong, và không còn hiện hữu nữa. Vì các cư dân trên trái đất đã được công chính hóa nhờ đức tin, đã rửa sạch sự ô nhiễm của tội lỗi bằng phép rửa tội thánh thiện, đã được trở thành người chia sẻ Chúa Thánh Thần, đã thoát khỏi tay kẻ thù; và sau khi ra lệnh cho đoàn lũ ma qủy phải lìa khỏi, đã ở dưới ách của Chúa Kitô.

Do đó, các hồng ân của Chúa Kitô đã nâng con người lên một niềm hy vọng được mong đợi từ lâu, và tới một niềm vui thân thương nhất. Người phụ nữ mắc nhiều tội ô uế, và đáng bị qui lỗi cho hầu hết những việc làm ô nhục, đã được công chính hóa, thì chúng ta cũng có thể tin chắc rằng Chúa Kitô chắc chắn sẽ thương xót chúng ta, khi Người thấy chúng ta vội vã chạy đến với Người, và cố gắng thoát khỏi cạm bẫy của gian ác. Chúng ta cũng hãy đứng trước mặt Người: chúng ta hãy nhỏ nước mắt ăn năn: chúng ta hãy xức dầu thơm cho Người: vì những giọt nước mắt của người ăn năn là một hương vị ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa. Hãy nhớ đến Người, Đấng vốn nói: “Hỡi những kẻ say rượu, hãy tỉnh thức, hãy khóc lóc và gào thét tất cả những ai đang uống rượu đến say sưa.” Vì Satan làm say lòng người, và kích động tâm trí bởi những khoái lạc độc ác, dẫn dắt con người trở thành những anh hề của nhục dục. Nhưng trong khi còn có thời gian, chúng ta hãy tỉnh táo; và như Thánh Phaolô rất khôn ngoan từng nói: "Chúng ta đừng thường xuyên tham gia vào những cuộc vui chơi và say sưa, cũng đừng tham gia vào việc chơi bời dâm đãng; nhưng, đúng hơn, chúng ta hãy làm việc tốt; vì chúng ta không thuộc ban đêm, cũng không thuộc bóng tối, nhưng là con cái ánh sáng và ban ngày. Vì vậy, chúng ta hãy từ bỏ việc làm của bóng tối, và mặc lấy việc làm của ánh sáng." Đừng bối rối khi anh em suy gẫm về sự to lớn của những tội lỗi trước đây của anh em: nhưng đúng hơn, hãy biết rằng, ân sủng công chính hóa kẻ có tội và tha thứ cho kẻ ác còn lớn lao hơn.

Như thế, đức tin vào Chúa Kitô được coi là lời đoan hứa cho chúng ta những ân phước lớn lao này: vì nó là con đường dẫn đến sự sống: đưa chúng ta đến những dinh thự ở trên cao: nâng chúng ta lên hàng thừa kế của các thánh: làm chúng ta trở nên thành viên của vương quốc Chúa Kitô: nhờ Người và với Người mà Thiên Chúa Cha được ngợi khen và thống trị cùng với Chúa Thánh Thần, đời đời, Amen.
 
Văn Hóa
Ngài Có Thấy Tôi Không ?
Sơn Ca Linh
08:54 10/04/2022
Ngài Có Thấy Tôi Không?

(Chút cảm nhận về “Bi kịch Thương Khó”)

Giữa đô hội tưng bừng náo nhiệt,
Giữa rừng vạn tuế cùng trăm vạn lời tán dương:
“Vạn tuế Con Vua Đavit” vang động phố phường,
Ngài có thấy tôi không,
Trơ trẻn thập thò trong đoàn dân hôm đó?

Cũng mở miệng hô, cũng dơ cánh tay dấm dó,
Nhưng với Ngài, thú thiệt,
tôi chỉ là một khách bàng quan !
Theo Ngài về Salem, chủ yếu để tin rằng:
Giờ kết thúc của cú lừa: “Tin Mừng Nước Chúa” !

Ngài có thấy tôi không,
Giữa một đám môn sinh trong một đêm buồn héo úa,
Hoảng hốt xa Thầy mỗi đứa mỗi nơi…
Tôi là Phêrô với trái tim tan nát tơi bời,
Lẻo đẻo bước chân,
Khối nặng chối Thầy như muối xát, kim đâm nhức nhối !

Ngài có thấy tôi không,
Trước quảng trường dinh Philatô ồn ào, nông nổi,
Tôi to mồm kết án, tôi cuồng nhiệt dơ tay lên:
“Hãy tha tên cướp Baraba, còn tên Giêsu hãy đóng đinh…”,
Tôi mặt dạn mày dày “rửa tay”
để lương tâm an yên trước lời chất vấn “là gì sự thật?” !

Ngài có thấy tôi không,
Trong đám phụ nữ Salem ngập tràn nước mắt,
Sầu não theo Ngài trên con đường về núi Canvê !
Ông Simon,
Chứ không phải tôi, dù bắt buộc để phải vai kề,
Một đoạn ngắn thôi, cùng Ngài vác đỡ cây Thập giá !

Ngài có thấy tôi không,
Giữa những tên lính Rôma hung tàn xa lạ,
Những con tim máu lạnh qua những ngàn năm…
Những tay đao phủ sẵn sàng tắm máu anh em,
Để chia nhau,
Dù Ngài chỉ còn lại trên mình một manh áo trắng !

Ngài có thấy tôi không,
Bên cạnh những tên tử tù mạt hạng,
Bại hoại một đời, trời không dung đất không tha…
Tôi, một thứ con hoang đi khỏi mái nhà cha,
Tôi, một cặn bã,
Còn một chút hơi tàn, đợi chờ ơn cứu độ !

Giữa mạo phạm, mỉa mai, thịnh nộ…
Chiều Thứ Sáu nhầy nhụa, chắc Ngài chẳng thấy tôi,
Tôi là lính, là quan, là tư tế…
Hay một lũ dân đen mờ nhạt, nổi trôi,
Không ít thì nhiều,
Đã dự phần trong cuộc đóng đinh Ngài vào thập giá !

Rồi mãi đến hôm nay,
Ngài có thấy tôi không giữa rừng người xa lạ,
Những đoàn lũ ác nhân,
Mở lại vụ án, diễn lại bi kịch thập giá ngày xưa !
Những Hêrôđê, những Philatô, những Caipha…
Đòn vọt, thập giá, mão gai… bây giờ mang tên mới !

Tôi đang ở đâu đó,
Tử Cấm Thành, Điện Cẩm Linh, hay thủ đô Hà Nội…
Cứ an nhiên rửa tay,
Mặc cho bao trẻ em, người già, thiếu nữ, chàng trai,
Gồng mình dưới bom đạn hay chết chẳng toàn thây,
Và chẳng cần biết,
“Sự thật là gì”, câu chất vấn của hai ngàn năm trước !

Giữa đô hội người trên muôn nẻo đường xuôi ngược,
Vẫn chiều thứ Sáu, vẫn Canvê… Ngài có thấy tôi không?
Một ánh mắt, một lời thôi,
Làm ơn, một lời đoan hứa cuối cùng,
Dành cho tôi, tên trộm
Vâng, “đứa con hoang bại hoại”, “tên tử từ bên hữu” !

Làm sao dám ước mong,
Ngài thấy tôi
Trong dáng đứng xa xa bên những người phụ nữ,
Bên Tông Đồ Gioan hay bên Đức Mẹ Maria…
Nhưng, sau những đêm dài lạc lối, đi xa,
Tôi đã chợt nhận ra rằng,
Ngài đã thấy tôi tự muôn đời muôn thở !

Sơn Ca Linh (Lễ Lá 2022)
 
VietCatholic TV
Tĩnh tâm Mùa Chay 2022 cùng Giáo triều Rôma – Bài thứ Năm: Thầy đã làm gương cho anh em
VietCatholic Media
01:34 10/04/2022

Bên cạnh rất nhiều tai ương mà đại dịch Covid đang gây ra cho nhân loại, từ quan điểm của đức tin đã có ít nhất một tác động tích cực. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà sự thiếu vắng Bí tích Thánh Thể tạo ra; đại dịch đã giúp chúng ta không coi Bí Tích Thánh Thể là điều hiển nhiên.

Một số Giáo Hội địa phương và quốc gia đã quyết định dành năm hiện tại cho một bài giáo lý đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì mong muốn có một sự phục hưng về Bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Theo Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đó là một quyết định đúng lúc và là một tấm gương để noi theo, khi đề cập đến một số khía cạnh có lẽ ít được xem xét về Bí Tích Thánh Thể. Do đó, ngài dành những suy tư của Mùa Chay 2022 để trình bày về mầu nhiệm Thánh Thể để nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, không chỉ về mặt ý định mà thôi, nhưng là “thực sự” trong cái thế giới dường như có thể tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào.

Trong ba bài tĩnh tâm trước, Đức Hồng Y đã trình bày phần thứ nhất Phụng vụ Lời Chúa, phần thứ Hai là Phụng Vụ Thánh Thể, và phần thứ Ba là Hiệp Thông Thánh Thể, phần thứ Tư là “Sự Hiện Diện Đích Thực trong bí tích Thánh Thể”.

Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 8 tháng Tư, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đã có bài thuyết giảng thứ năm cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề của bài giảng này là “Thầy đã làm gương cho anh em”

Bài suy niệm của chúng ta hôm nay bắt đầu với một câu hỏi: Tại sao trong trình thuật Bữa Tiệc Ly, thánh Gioan không đề cập đến việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, mà lại nói về việc rửa chân? Và điều này xảy ra sau khi ngài đã dành cả một chương trong Phúc Âm của mình để đề cập đến việc Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ ăn thịt và uống máu Ngài!

Lý do sâu xa là trong tất cả những gì liên quan đến Lễ Phục sinh và Thánh Thể, Gioan muốn nhấn mạnh sự kiện hơn là bí tích, nghĩa là ý nghĩa hơn là dấu chỉ của nó. Đối với vị Thánh Sử, Lễ Vượt Qua mới không bắt đầu quá nhiều trong Nhà Tiệc Ly, khi nghi thức chúng ta tưởng nhớ được thiết lập (chúng ta biết rằng Bữa Tiệc Ly của Gioan không phải là “bữa tối Phục Sinh”); đúng hơn, Lễ Vượt Qua mới bắt đầu trên thập tự giá khi sự kiện chúng ta tưởng nhớ được ứng nghiệm. Chính lúc đó diễn ra sự chuyển hướng từ Lễ Vượt Qua cũ sang Lễ Vượt Qua mới. Trên thập tự giá “họ đã không đánh gãy chân Ngài”, để thực hiện những gì đã được đề cập về con chiên vượt qua trong Xuất Hành, “không một khúc xương nào sẽ bị gãy.” (Ga 19: 33-36; Xh 12:46).

Ý nghĩa của việc rửa chân

Điều quan trọng là phải hiểu ý nghĩa mà Gioan gắn với việc rửa chân. Tông Hiến gần đây Praedicate Evangelium đề cập đến việc rửa chân trong Lời mở đầu, như một biểu tượng của sự phục vụ phải đặc trưng cho mọi công việc của Giáo triều Rôma. Nó giúp chúng ta hiểu làm thế nào Thánh Thể có thể được chuyển vào cuộc sống và do đó chúng ta “noi gương trong cuộc sống những gì chúng ta cử hành trên bàn thờ”. Chúng ta đang đối mặt với một trong những tình tiết đó (một đoạn khác là đoạn Chúa Giêsu chịu lưỡi đòng đâm thâm qua), trong đó Thánh Sử nói rõ rằng có một mầu nhiệm bên dưới vượt ra ngoài sự thật ngẫu nhiên mà bản thân nó có vẻ không đáng kể.

Chúa Giêsu nói, “Thầy đã làm gương cho anh em”. Chúa Giêsu đã cho chúng ta một tấm gương về điều gì? Làm thế nào để rửa chân cho anh em mỗi khi chúng ta ngồi vào bàn ăn? Chắc chắn không chỉ có điều này! Câu trả lời có trong Tin Mừng: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10:44-45).

Trong Tin Mừng Luca, chính xác trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly, có một lời của Chúa Giêsu dường như đã được phát âm khi kết thúc việc rửa chân: “Giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:27). Theo Thánh Sử, Chúa Giêsu nói những lời này vì giữa các môn đệ đã nổ ra cuộc thảo luận về việc ai trong số họ có thể được coi là trọng nhất (x. Lc 22: 24). Có lẽ chính hoàn cảnh này đã thôi thúc Chúa Giêsu thực hiện việc rửa chân, như một kiểu dụ ngôn trong hành động. Trong khi các môn đệ đang bận rộn thảo luận sôi nổi với nhau, thì Ngài lặng lẽ đứng dậy khỏi bàn, tìm một chậu nước và một chiếc khăn, sau đó quay lại quỳ trước mặt Phêrô để rửa chân cho ông, dễ hiểu là Chúa Giêsu khiến ông Phêrô vô cùng bối rối: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13: 6).

Khi rửa chân, Chúa Giêsu muốn tóm tắt toàn bộ ý nghĩa của cuộc đời Ngài, để điều đó còn đọng lại trong trí nhớ của các môn đệ: “Việc Thầy làm bây giờ các anh không hiểu, nhưng sau các anh sẽ hiểu” ( Ga 13: 7). Cử chỉ đó cho chúng ta biết rằng toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu, từ đầu đến cuối, là rửa chân, tức là phục vụ nhân loại.

Trước khi nhập thể, đã có pre-existence, nghĩa là sự hiện hữu từ trước, sau khi nhập thể có pro-existence, nghĩa là sự hiện hữu có lợi cho người khác. Chúa Giêsu đã cho chúng ta ví dụ về một cuộc sống dành cho người khác, một cuộc sống trở nên “bánh bẻ ra cho thế gian”. Với những lời: “Anh em hãy làm như Thầy đã làm”, Chúa Giêsu thiết lập diakonía, tức là sự phục vụ, nâng nó lên thành luật cơ bản, hay đúng hơn, thành lối sống và kiểu mẫu của mọi mối quan hệ trong Giáo hội. Chúa Giêsu đang nói về việc rửa chân như thể cùng một cách khi Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể: “Hãy làm điều này để nhớ đến Thầy!”.

Một nhận xét cá nhân ngắn trước khi tiếp tục. Một Giáo phụ xa xưa, chân phước Isaác thành Ninivê, đã đưa ra lời khuyên này cho những ai bị buộc phải nói về những điều thiêng liêng mà họ chưa đạt được trong đời: “Hãy nói về điều đó như một người thuộc về hạng môn đệ chứ không phải người có quyền bính, sau khi hạ mình xuống và tự cho mình nhỏ bé hơn bất kỳ ai đang lắng nghe”. Thưa những người cha, những người anh chị em đáng kính, chính với tinh thần này mà tôi dám nói về việc phục vụ với quý vị, những người đang sống phục vụ từng ngày.

Tôi nhớ đến một nhận xét mà Đức Hồng Y Franjo Šeper, Tổng trưởng Bộ Đức tin, đã từng mỉm cười nói với chúng tôi là các thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế: “Các nhà thần học chưa viết xong điều gì mà các bạn đã ghi ngay tên và họ của mình trên đó. Chúng tôi ở Giáo triều phải làm mọi thứ một cách ẩn danh”. Điều này gần gũi hơn với bản chất của việc phụng vụ nêu trong Phúc Âm và đó là lý do để tôi ngưỡng mộ và biết ơn nhiều tôi tớ vô danh của Giáo hội đang làm việc trong Giáo triều Rôma, trong các Tòa Giám mục và các Tòa sứ thần.

Nhưng hãy trở lại chủ đề của chúng ta. Học thuyết về các đặc sủng hoàn toàn hướng đến việc phục vụ; sự phục vụ xuất hiện như linh hồn và mục đích của mọi đặc sủng. Thánh Phaolô khẳng định rằng mọi “sự biểu lộ cụ thể của Thần Khí” đều được ban cho “vì thiện ích chung” (x. 1Cr 12: 7) và các đặc sủng được ban cho “để làm cho anh em thích hợp thực hiện công việc phục vụ” (diakonía) ( Ep 4: 12). Cả tông đồ Phêrô, khi khích lệ lòng hiếu khách, cũng viết: “Mỗi người hãy sống theo ân sủng (chárisma) đã nhận được, để phục vụ (diakonía) người khác” (1 Pt 4: 10). Hai điều – ân sủng và thừa tác vụ, ân sủng và sự phục vụ - xem ra luôn kết nối mật thiết với nhau. Giáo hội có ân sủng để phục vụ!

Tinh thần phục vụ

Chúng ta phải kiểm tra chặt chẽ ý nghĩa của “sự phục vụ kẻo nó chỉ là một từ ngữ đơn thuần trong cuộc sống của chúng ta. Tự nó, phục vụ không phải là một nhân đức; chúng ta không tìm thấy từ diakonia, hay phục vụ trong danh sách các nhân đức hay trong các hoa trái của Chúa Thánh Thần, như Tân Ước định nghĩa về những điều này (Gl 5:22). Thực ra, từ phục vụ có được nhắc đến khi nói về phục vụ cho tội lỗi (xem Rm 6:16) hoặc cho các ngẫu tượng (x. 1Cr 6: 9) chắc chắn là những điều không tốt rồi. Phục vụ tự nó là trung lập: nó chỉ ra một cách sống hoặc một cách liên quan đến những người khác trong công việc của một người; phụ thuộc vào người khác. Nó thậm chí có thể là tiêu cực nếu được thực hiện dưới sự ràng buộc (chế độ nô lệ), hoặc đơn giản chỉ là vì tư lợi.

Sự phục vụ ngày nay được thảo luận nhiều: mọi thứ đều có sự phục vụ: một người bán hàng phục vụ khách hàng của mình; bất cứ ai làm việc được cho là đang phục vụ. Rõ ràng là Phúc Âm nói về một loại phục vụ rất khác, ngay cả khi nó không nhất thiết phải loại trừ hoặc loại bỏ sự phục vụ theo nghĩa thế gian. Sự khác biệt nằm ở lý do của sự phục vụ và ở thái độ bên trong mà nó được thực hiện.

Chúng ta hãy đọc một lần nữa tường thuật về việc rửa chân để xem Chúa Giêsu đã làm điều đó với tinh thần nào và điều gì đã thúc đẩy Ngài làm điều đó: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” ( Ga 13: 1). Phục vụ không phải là một nhân đức nhưng nó bắt nguồn từ nhân đức, đặc biệt là từ lòng bác ái; thực tế, nó là cách diễn đạt lớn nhất của điều răn mới. Sự phục vụ là biểu hiện của tình yêu vị tha, nghĩa là một tình yêu “không đòi hỏi quyền lợi của mình” (x. 1Cr 13: 5), mà dựa vào lợi ích của người khác; nó không bao gồm việc tìm kiếm cho bản thân mà là sự cho đi. Tất cả đều nói lên rằng, tham gia và bắt chước cách hành động của Thiên Chúa, Đấng, vì Ngài là “Thiện hảo, tất cả là Thiện hảo và là tuyệt đỉnh của Thiện hảo,” không thể không yêu thương và giúp đỡ chúng ta một cách nhưng không và vô vị lợi.

Đây là lý do tại sao không giống như thế gian, việc phục vụ được nêu trong Phúc Âm không được khuyến khích cho những người thấp kém, và người nghèo, nhưng cho những người có nhiều, những người quyền cao chức trọng, những người giàu có. Ai được cho nhiều, sẽ được đòi hỏi nhiều ở những nơi cần đến sự phục vụ (xem Lc 12:48). Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói rằng trong Hội Thánh của Ngài, người lãnh đạo phải trở thành người phục vụ (Lc 22:26) và là người trước tiên phải trở thành nô lệ của mọi người (Mc 10:44). Ceslas Spicq, Giáo sư về Tân Ước của tôi ở Fribourg, từng nói rằng việc rửa chân là “bí tích của thẩm quyền Kitô”.

Bên cạnh tính nhưng không, sự phục vụ là sự thể hiện một khía cạnh khác của tình yêu Thiên Chúa: đó là sự khiêm tốn. Những lời Chúa Giêsu nói, “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau,” có nghĩa là: anh em phải cung cấp cho nhau sự phục vụ của lòng bác ái khiêm nhường. Bác ái và khiêm nhường cùng nhau tạo nên sự phục vụ Phúc âm. Chúa Giêsu đã từng nói: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11:29). Chúa Giêsu đã làm gì để gọi mình là “khiêm nhường”? Phải chăng Ngài đã nghĩ thấp về mình hoặc nói một cách khiêm tốn về bản thân? Thưa, không. Ngài đã làm hoàn toàn ngược lại! Trong khi thực sự rửa chân, Ngài tự xưng mình là “Thầy và là Chúa” (xem Ga 13:13).

Như thế, Ngài đã làm gì để tự gọi mình là “khiêm tốn”? Ngài tự hạ mình xuống; Ngài từ trời xuống để phục vụ! Và từ lúc nhập thể, Ngài tiếp tục hạ mình quỳ xuống để rửa chân cho các môn đệ. Hẳn các thiên thần đã phải rùng mình biết bao khi thấy Con Thiên Chúa hạ mình đến như vậy, Đấng mà các thiên thần thậm chí không dám nhìn (x. 1Pr 1:12). Tạo hóa quỳ gối trước các sinh vật của mình! Thánh Bernard thường nói với chính mình: “Hỡi tro tàn kiêu hãnh, hãy đỏ mặt thẹn thùng. Chúa hạ mình xuống và ngươi tự tôn mình lên!”. Khi khiêm nhường được nhìn nhận như là hạ mình để phục vụ, thì nó thực sự là một cách thức vương giả để giống Chúa và noi gương Thánh Thể trong đời sống của chúng ta.

Sự phân định tinh thần

Kết quả của suy tư này phải là một sự can đảm kiểm tra cuộc sống của chúng ta (thói quen, quan điểm, lịch trình, việc phân phối và sử dụng thời gian của chúng ta) để xem nó có thực sự là một công việc phục vụ hay không và tình yêu cùng sự khiêm tốn có phải là một phần của nó hay không. Điều quan trọng cần biết là liệu chúng ta có đang phục vụ anh chị em của mình, hay thay vào đó, họ đang phục vụ mục đích của chúng ta. Chúng ta khiến người khác phục vụ mục đích của mình hoặc chúng ta lợi dụng họ, có thể ngay cả khi chúng ta đang làm hết sức mình cho họ, nếu chúng ta không quan tâm và theo một cách nào đó, đang tìm kiếm sự chấp thuận, tán thưởng hoặc sự hài lòng của việc có lương tâm trong sạch, hay được là ân nhân của họ. Về điểm này, các yêu cầu của Phúc Âm hết sức triệt để: “Đừng để tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6: 3). Tất cả những gì chúng ta làm “để được người khác chú ý” đều bị mất. “Chúa Kitô đã không làm hài lòng chính mình!” (Rm 15: 3): đây là quy tắc phục vụ.

Để có “sự phân định tinh thần” hoặc phân định ý định của chúng ta trong việc phục vụ, chúng ta nên biết những gì chúng ta sẵn sàng làm và những gì chúng ta cố gắng hết sức để trốn tránh. Chúng ta nên xem liệu trái tim của chúng ta có sẵn sàng từ bỏ một sự phục vụ cao quý, mang lại thế giá, nếu được yêu cầu, để thi hành một sự phục vụ khiêm tốn không được đánh giá cao hay không. Sự phục vụ chắc chắn nhất mà chúng ta có thể cung cấp là sự phục vụ được che giấu khỏi con mắt của tất cả mọi người, ngoại trừ Cha, Đấng nhìn thấu trái tim thầm kín của chúng ta. Chúa Giêsu đã nâng việc rửa chân, một trong những hành động khiêm tốn nhất vào thời của Ngài, thường được thực hiện bởi những người nô lệ, thành một biểu tượng phục vụ. Thánh Phaolô cảnh báo chúng ta: “Chớ kiêu căng, nhưng hãy kết giao với kẻ hèn mọn” (Rm 12:16).

Đối lập với tinh thần phục vụ là mong muốn độc đoán, thói quen thực thi ý chí, quan điểm và đường lối của chúng ta đối với người khác. Nói một cách dễ hiểu, là chủ nghĩa độc tài. Thông thường, một người theo chủ nghĩa chuyên chế thậm chí không nhận ra những đau khổ mà anh ta gây ra và gần như ngạc nhiên tại sao mức độ “quan tâm” và nỗ lực của anh ta lại bị đánh giá thấp. Anh ta thậm chí còn coi mình là nạn nhân. Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy giống như những “cừu non giữa bầy sói”, nhưng một người như thế giống như sói giữa bầy cừu non. Phần lớn những đau khổ mà các gia đình và cộng đồng thường phải gánh chịu là do sự hiện diện của một kẻ độc đoán và chuyên quyền, kẻ chà đạp lên người khác bằng những đôi giầy đinh, và với lý do “phục vụ” người khác, nhưng thực sự là lợi dụng họ.

“Kẻ độc tài đó” cũng có thể là chúng ta! Nếu có chút nghi ngờ về điều này, chúng ta nên chân thành hỏi ý kiến những người mà chúng ta đang sống cùng và cho họ cơ hội để bày tỏ bản thân một cách thẳng thắn. Nếu cách cư xử của chúng ta gây khó khăn cho cuộc sống của ai đó, chúng ta nên khiêm tốn chấp nhận thực tế và suy ngẫm về sự phục vụ của mình.

Một chuyện nữa là quá gắn bó với thói quen và sự thoải mái của chúng ta cũng đi ngược lại với tinh thần phục vụ - một tinh thần buông thả, như nó đã từng xảy ra. Không thể nghiêm túc phục vụ người khác nếu chúng ta chỉ có ý định làm hài lòng bản thân, thần tượng hóa mình từ thời gian nghỉ ngơi, thời gian rảnh rỗi, và lịch trình của chúng ta. Quy tắc phục vụ phải luôn giống nhau: “Chúa Kitô đã không làm hài lòng chính mình.”

Chúng ta đã thấy rằng phục vụ là đức tính tốt của những người phụ trách. Chúa Giêsu đã để lại điều đó như một kho báu cho các mục tử của Giáo hội Ngài. Chúng ta đã thấy rằng tất cả các đặc sủng được ban cho nhằm mục đích phục vụ, nhưng đặc biệt là đặc sủng của “các mục tử và thầy dạy” (x. Ep 4:11), đặc sủng của quyền bính. Giáo hội có “đặc sủng” để phục vụ và cũng có “thừa tác vụ” để phục vụ!

Sự phục vụ của Thánh Linh

Nếu đối với mọi Kitô hữu, phục vụ có nghĩa là “sống không còn cho riêng mình” (x. 2Cr 5:15), thì đối với các mục tử, phục vụ có nghĩa là: “không lo cho chính mình”: “Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao?” (Êdêkien 34: 2). Đối với con người, không có gì có vẻ tự nhiên và chính đáng hơn là bất kỳ ai là người thống lĩnh (dominus) thì phải “thống trị”, phải hành động như chúa tể. Nhưng đây không phải là con đường “cho các môn đệ của Chúa Giêsu; ai là đầu thì phải phục vụ. Thánh Phaolô viết: “Không phải là chúng tôi khống chế đức tin của anh em; trái lại, chúng tôi góp phần tạo niềm vui cho anh em” (2Cr 1:24).

Tông đồ Phêrô cũng khích lệ điều tương tự với các mục tử: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.” (xem 1 Pr 5: 3). Trong mục vụ, không dễ gì tránh được tâm lý coi mình là chủ tể của đức tin, vốn đã trở thành một phần của khái niệm quyền bính từ rất sớm. Trong một trong những tài liệu cổ xưa nhất về thẩm quyền giám mục (Syriac Didascalia), chúng ta thấy ý tưởng rằng một giám mục giống như một vị quân vương, trong đó Giáo hội không thể thực hiện bất cứ điều gì nếu không có sự đồng ý của ngài.

Trong những khía cạnh liên quan đến các mục tử và trong phạm vi họ là mục tử, thì điểm này thường là yếu tố quyết định trong việc hoán cải. Những lời Chúa Giêsu thốt ra sau khi rửa chân thật mạnh mẽ và đáng buồn biết bao: “Thầy là Chúa và là Thầy của anh em... !” “Đức Giêsu không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2: 6), nghĩa là Ngài không sợ làm ảnh hưởng đến phẩm giá Thiên Chúa của mình, nuôi dưỡng sự thiếu tôn trọng của mọi người bằng cách coi thường những đặc quyền và tỏ ra như một trong số chúng ta. Chúa Giêsu đã sống một cuộc sống đơn giản; sự đơn giản luôn là sự khởi đầu và là dấu hiệu của sự trở lại thực sự với phúc âm. Chúng ta phải bắt chước cách hành động của Thiên Chúa. Tertullian viết, không có gì miêu tả rõ hơn cách thức hành động của Thiên Chúa cho bằng sự tương phản giữa một bên là sự đơn sơ của những cách thức và phương tiện mà Ngài làm việc và một bên là sự huy hoàng của những kết quả tinh thần nhận được.

Thế giới cần một màn trình diễn tuyệt vời để hành động và gây ấn tượng, nhưng Chúa thì không. Có một thời, phẩm giá của các giám mục được nhìn thấy trong phù hiệu, tước hiệu, lâu đài, quân đội. Có thể nói, họ là hoàng tử-giám mục, và đôi khi còn hơn cả giám mục. Hôm nay có vẻ như là một thời điểm vàng để Giáo hội so sánh. Tôi biết một vị giám mục cách đây nhiều năm, người đã thấy tự nhiên khi trải qua vài giờ trong nhà của một người già, giúp họ mặc quần áo và ăn uống; ngài đã rửa chân cho họ theo đúng nghĩa đen. Cá nhân tôi đã nhận được những ví dụ thú vị về sự đơn giản trong cuộc sống của tôi từ các giám mục.

Tuy nhiên, điều cần thiết là duy trì một cảm thức liên quan đến tự do được nêu trong Phúc Âm về điểm này. Sự đơn giản đòi hỏi chúng ta không đặt mình lên trên người khác nhưng cũng không nên cố chấp luôn đặt mình dưới họ để bằng cách nào đó giữ khoảng cách, nhưng vấn đề là, trong những công việc của thói quen thông thường, chúng ta chấp nhận trở nên giống người khác. Manzoni đã đưa ra một nhận xét sắc bén khi ông nói rằng có những người có tất cả sự khiêm tốn cần thiết khi đặt mình dưới người khác nhưng không làm được như thế khi đặt mình ngang hàng với họ. Đôi khi, sự phục vụ tốt nhất không phải là phục vụ mà là chấp nhận được phục vụ, giống như Chúa Giêsu, Đấng vào đúng thời điểm, biết cách ngồi vào bàn và để người khác rửa chân (xem Lc 7:38) và là Đấng sẵn lòng chấp nhận những điều dành cho Ngài trong cuộc hành trình bởi những người phụ nữ rộng lượng và yêu thương (Lc 8: 2-3).

Khi quan tâm đến việc phục vụ mục vụ, hoặc các mục tử, chúng ta không được quên rằng việc phục vụ anh em, dù quan trọng và thánh thiện đến đâu, không phải là điều đầu tiên hay thiết yếu; sự phục vụ Thiên Chúa phải được đặt lên hàng đầu. Trước hết, Chúa Giêsu là “Tôi tớ của Thiên Chúa và sau đó là tôi tớ của nhân loại. Ngài thậm chí còn nhắc nhở cha mẹ mình về điều này khi Ngài nói: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49). Ngài không bao giờ ngần ngại đánh lừa đám đông tụ tập để nghe Ngài và được chữa lành bệnh tật khi Ngài bất ngờ rút vào đồng vắng để cầu nguyện (xem Lc 5:16).

Ngày nay, ngay cả sự phục vụ theo tinh thần Tin Mừng cũng đang bị đe dọa bởi nguy cơ thế tục hóa. Tất cả đều có thể dễ dàng được coi là đương nhiên rằng tất cả sự phục vụ cho nhân loại đều là sự phục vụ Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói đến một sự phục vụ Thần Khí (diakonia Pneumatos) (2Cr 3: 8), mà các thừa tác viên của Tân Ước được tiền định. Nơi các mục tử, tinh thần phục vụ phải được thể hiện trong việc phục vụ Thần Khí!

Những người, giống như các linh mục, được kêu gọi bởi ơn gọi phục vụ “thiêng liêng”, không phục vụ anh em của họ bằng cách làm mọi việc cho họ và sau đó bỏ qua điều duy nhất mà anh em mong đợi chính đáng nơi họ và là điều mà chỉ có họ mới có thể làm được. Có lời chép rằng một linh mục “được bổ nhiệm để thay mặt mọi người trong mối quan hệ với Thiên Chúa” (Dt 5: 1). Khi vấn đề này lần đầu tiên nảy sinh trong Hội Thánh, Thánh Phêrô đã giải quyết vấn đề đó như thế này: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải… chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6: 2-4).

Trên thực tế, có những mục tử đã lại quay sang phục vụ bàn ăn. Họ bận rộn với đủ thứ vấn đề, cho dù đó là vấn đề tiền bạc, quản lý hay thậm chí là nông nghiệp, xuất hiện trong cộng đồng của họ (ngay cả khi những điều này có thể dễ dàng được quản lý bởi người khác), và họ bỏ bê thừa tác vụ thực sự của mình, là điều không thể ủy thác cho ai. Thừa tác vụ Lời Chúa đòi hỏi nhiều giờ đọc, nghiên cứu và cầu nguyện.

Ngay sau khi giải thích cho các tông đồ về ý nghĩa của việc rửa chân, Chúa Giêsu đã nói với các ông: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13:17). Chúng ta cũng sẽ được chúc phúc, nếu chúng ta không hài lòng với việc chỉ biết những điều này mà thôi - cụ thể là chúng ta biết Bí tích Thánh Thể thúc đẩy chúng ta phục vụ và chia sẻ mà thôi thì chưa đủ, nhưng chúng ta sẽ được chúc phúc nếu chúng ta đưa những điều ấy vào thực hành, có thể bắt đầu từ hôm nay. Bí tích Thánh Thể không chỉ là một mầu nhiệm được thánh hiến, đón nhận và tôn thờ, mà còn là một mầu nhiệm cần được noi gương.

Tuy nhiên, trước khi kết luận, chúng ta phải nhớ lại một sự thật mà chúng ta đã nhấn mạnh trong mọi suy tư của mình về Bí tích Thánh Thể: đó là tác động của Chúa Thánh Thần! Hãy cẩn thận để đừng hạ giảm ân sủng thành nghĩa vụ! Chúng ta không chỉ nhận được mệnh lệnh phải rửa chân và phục vụ anh chị em của mình: chúng ta đã nhận được ân sủng để có thể làm như vậy. Thánh Phaolô nói: “Phục vụ là một đặc sủng và giống như mọi đặc sủng, đó là một biểu hiện đặc biệt của Thần Khí vì thiện ích chung”; Thánh Phêrô cho biết thêm: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác”. Ân sủng đi trước nghĩa vụ và làm cho nghĩa vụ đó có thể thực hiện được. Đây là “tin tốt lành” - Tin Mừng - theo đó Bí tích Thánh Thể là tưởng niệm an ủi hàng ngày.

Thưa Đức Thánh Cha, những người cha đáng kính, các anh chị em, cảm ơn quý vị đã kiên nhẫn lắng nghe, và xin gởi đến quý vị những lời chúc tốt đẹp nhất cho một Tuần Thánh thánh thiện và một Lễ Phục sinh Hạnh phúc!

1.Bernard of Clairvaux, Những lời ca ngợi Đức Trinh Nữ, I, 8.

2.Tertullian, Về Phép Rửa, 1.

3.A. Manzoni, The Betrothed, chương 38.
Source:Cantalamessa
 
Táo bạo: Thủ tướng Anh bất ngờ đến thăm Kiev. Thế giới ngưỡng mộ lòng can đảm và nhiệt thành của ông
VietCatholic Media
03:25 10/04/2022


Thủ tướng Anh Boris Johnson bất ngờ đến thăm Kiev

1. Hôm thứ Bẩy 9 tháng Tư, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bất ngờ đến Kiev. Văn phòng Thủ tướng cho biết hai nhà lãnh đạo đã 'thảo luận về sự hỗ trợ lâu dài của Anh đối với Ukraine' và Thủ tướng Johnson cũng nhân dịp này trao tặng cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy một gói viện trợ mới.

Người phát ngôn văn phòng Thủ tướng cho biết: “Thủ tướng đã tới Ukraine để gặp trực tiếp Tổng thống Zelenskiy, nhằm thể hiện tình đoàn kết với người dân Ukraine”.

“Họ sẽ thảo luận về sự hỗ trợ lâu dài của Vương quốc Anh đối với Ukraine và Thủ tướng sẽ đề ra một gói hỗ trợ tài chính và quân sự mới.”

Chuyến thăm của Johnson diễn ra một ngày sau khi ông tuyên bố hỗ trợ quân sự trị giá hơn 100 triệu bảng Anh cho các lực lượng Ukraine, bao gồm vũ khí chống tăng và phòng không và cái gọi là “máy bay không người lái tự sát”, bay qua chiến trường trước khi tấn công mục tiêu của họ.

Chuyến đi của Johnson tới Kiev gây kinh ngạc đối với nhiều người, dù trước đó Thủ tướng Anh cho biết ông “rất muốn” đến Ukraine.

Tình hình an ninh ở thủ đô đã ổn định trở lại sau khi lực lượng Nga rút khỏi các vị trí tiền phương của họ vào ngày 29 tháng 3. Họ từ bỏ các thị trấn Bucha và Hostomel ở phía tây bắc Kiev và rút về Belarus.

Kể từ đó các cuộc tấn công bằng pháo vào thành phố đã dừng lại. Các đội khẩn cấp đã quét dọn các đường cao tốc và lề đường để tìm chất nổ và kéo đi các xe bọc thép bị phá hủy của Nga.

Không thể di chuyển bằng đường hàng không, Johnson đã phải dùng xe hơi để đến Kiev, từ phía đông Ba Lan. Tuyến đường hơn 600km từ biên giới đi qua thành phố Lviv phía tây. Ở ngoại ô thủ đô Johnson đã chứng kiến những chiếc xe tăng Nga nổ tung bên đường, cũng như những tấm biển chào đón mỉa mai được vẽ bởi những người Ukraine nói rằng: “Nước Nga hãy tự giết mình đi”.

Johnson là một nhân vật nổi tiếng ở Kiev sau khi giao cho quân đội Ukraine những vũ khí chống tăng quan trọng, như hệ thống NLAW do Thụy Điển sản xuất. Zelenskiy đã nhiều lần ca ngợi sự ủng hộ trung thành của Vương quốc Anh.

Ngày càng có nhiều chính trị gia cao cấp đang thực hiện chuyến thăm Kiev này. Hôm thứ Sáu, chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, đã đến thăm cùng với phó của bà, Josep Borrell. Cả hai đều lên án vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào một ga xe lửa ở phía đông thành phố Kramatorsk.

Trước đó, Thủ tướng Johnson đã đến Kiev vào ngày 1 tháng 2 trước cuộc xâm lược và hội đàm với Zelenskiy tại Cung điện Mariinsky, dinh thự chính thức của tổng thống.

Ông cho biết lúc đó rằng Vương quốc Anh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga ngay khi “người lính Nga đầu tiên” sải bước vào lãnh thổ Ukraine. Ông cũng cảnh báo - một cách chính xác - rằng các lực lượng vũ trang của Nga là một “mối nguy hiểm rõ ràng và trước mắt”.

Tháng trước, có thông tin cho rằng Johnson muốn đến Kiev, nhưng các quan chức an ninh Vương quốc Anh tỏ ra lo lắng về viễn cảnh này.

Vào thời điểm đó, đồng chủ tịch Oliver Dowden của Tory tuyên bố rằng thủ tướng “tuyệt vọng muốn đến Ukraine” và có “mối liên hệ tình cảm thực sự” với người dân Ukraine. Các nguồn tin của Phố Downing vào thời điểm đó đã chỉ ra rằng một chuyến thăm khó có thể xảy ra.

Chuyến thăm diễn ra sau khi ông Zelenskiy kêu gọi các đồng minh của Ukraine cung cấp thêm viện trợ quân sự cho nước này và đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Nga, sau vụ tấn công hỏa tiễn ở Kramatorsk khiến ít nhất 52 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em. Bộ Quốc phòng Nga từ chối trách nhiệm về vụ này, ngay cả trước đó chính cơ quan thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đã cao rao vụ pháo kích như một chiến thắng quân sự vào một đoàn xe vận tải của Ukraine. Một giờ sau bản tin chiến thắng, Novosti đính chính và cho rằng đó là hỏa tiễn do Ukraine tự bắn vào chính mình.

Chuyến thăm của Johnson diễn ra khi Ủy ban Âu Châu cho biết họ sẽ cam kết 1 tỷ euro để hỗ trợ Ukraine và các quốc gia tiếp nhận người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh, bà Von der Leyen cho biết hôm thứ Bảy.

“Sáu trăm triệu trong số đó sẽ được chuyển đến Ukraine, cho chính quyền Ukraine và một phần cho Liên Hiệp Quốc,” bà Von der Leyen cho biết tại một sự kiện gây quỹ cho Ukraine ở Warsaw.

“Và 400 triệu euro sẽ dành cho các bang tiền tuyến đang làm một công việc xuất sắc như vậy và giúp đỡ những người tị nạn đang đến.”

Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ Ukraine xây dựng lại thành phố Kiev và Vùng Kiev sau khi chiến tranh kết thúc.

Tuyên bố liên quan đã được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra trong bài phát biểu video của ông.

“Hôm nay Thủ tướng Boris Johnson đã trả lời rất cụ thể các câu hỏi của tôi. Vâng, như mọi khi. Chúng tôi đã quyết định Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ những gì cho công cuộc tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Người dân Anh sẵn sàng nhận sự bảo trợ trong việc khôi phục Kiev và vùng Kiev”, Ông Zelensky nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson đã đi bộ xuống đường phố Kiev và đến thăm tượng đài 100 anh hùng của thành phố.

Sau khi thảo luận, lãnh đạo hai nước cùng với lực lượng bảo vệ đi bộ qua phố Bankova đến phố Khreshchatyk. Họ đến Maidan Nezalezhnosti, tức là Quảng trường Độc lập.

Trong khi họ đi dạo, một người phụ nữ đến và tặng họ những con gà trống bằng gốm.

Theo Văn phòng Tổng thống, một con gà trống bằng gốm tương tự, do nhà điêu khắc Prokip Bidasiuk làm, đang đứng trong tủ bếp, còn sót lại trong một khu chung cư bị quân đội Nga phá hủy ở Borodianka, Vùng Kiev. Bức ảnh về chiếc tủ và chú gà trống bằng gốm này đã trở nên phổ biến trên Internet như một biểu tượng cho sự ngoan cường của người dân Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nước phương Tây noi gương Vương quốc Anh và gia tăng sức ép lên Nga, bao gồm cả việc áp đặt lệnh cấm vận đối với năng lượng của Nga và tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.

“Chúng ta cần phải gây áp lực nhiều hơn nữa lên Liên bang Nga. Chúng ta cần gây áp lực thông qua việc hỗ trợ hiệu quả người dân Ukraine trong việc tự vệ trước Nga. Chúng ta cần gây áp lực thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. Tôi cảm ơn Vương quốc Anh đã tiếp tục các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ này và liên tục gia tăng các gói trừng phạt cũng như cung cấp hỗ trợ đắc lực cho Ukraine, tăng cường khả năng quốc phòng của chúng tôi. Các nền dân chủ phương Tây khác nên noi gương Vương quốc Anh. Đã đến lúc áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với năng lượng Nga và tăng cường cung cấp tất cả vũ khí cho chúng tôi”, ông Zelensky nói.

Ông cũng nói rằng ông và Johnson cho rằng cần tiếp tục củng cố liên minh phản chiến.

Zelensky cảm ơn Thủ tướng Johnson vì chuyến thăm của ông vào thời điểm “cực kỳ căng thẳng, nguy hiểm và khó khăn” đối với Ukraine.

Ông nói: “Người dân Ukraine đánh giá cao sự hỗ trợ của Vương quốc Anh trên con đường tiến tới hòa bình của chúng tôi.

Đáp lại, Thủ tướng Anh Johnson đã nói về việc cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hơn, mặc dù ông sử dụng từ “phòng thủ”, trong khi tổng thống Zelenskiy đã xin vũ khí hạng nặng hơn, bao gồm cả máy bay chiến đấu để cho phép nhiều phi công Ukraine bay lên bầu trời và bắn hạ máy bay Nga. Đây là điều mà các đồng minh phương Tây cuối cùng đã từ chối cung cấp.

Thủ tướng Boris Johnson nói rằng danh tiếng của Vladimir Putin và chính phủ Nga đã bị “ô nhiễm vĩnh viễn” bởi tội ác chiến tranh chống lại dân thường ở Ukraine.

“Những gì Putin đã làm ở những nơi như Bucha và Irpin là tội ác chiến tranh đã làm ô nhiễm vĩnh viễn danh tiếng của ông ta và uy tín của chính phủ Nga”, Thủ tướng Anh nói

Johnson nói về những tính toán sai lầm của Mạc Tư Khoa và dành nhiều lời khen ngợi người Ukraine.

Người Nga tin rằng Ukraine có thể bị nhấn chìm trong vài ngày và Kiev sẽ rơi vào tay quân đội của họ trong vài giờ. Họ đã quá sai lầm”.

Ông nói rằng người Ukraine đã “thể hiện sự dũng cảm của một con sư tử.”

Cuộc chiến Ukraine-Nga đã bước sang ngày thứ 45. Quân đội Nga đã pháo kích và phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng và dân sự, giết hại dã man người Ukraine.

2. 26 người Ukraine đã được thả ra khỏi nơi giam giữ của Nga hôm nay như một phần của cuộc trao đổi tù binh.

Iryna Vereshchuk, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine, cho biết như trên.

“Theo chỉ thị của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cuộc trao đổi tù nhân lần thứ ba đã diễn ra hôm nay. Mười hai nhân viên phục vụ của chúng tôi, bao gồm một nữ quân nhân, đang trở về nhà.”

Theo Vereshchuk, 14 dân thường, trong đó có 9 phụ nữ, cũng đã được thả.

Trước đó 86 quân nhân Ukraine đã được thả trong khuôn khổ cuộc hoán đổi tù nhân được tổ chức tại khu vực Zaporizhia vào ngày 1 tháng 4.

3. Tổn thất của Nga đến ngày 9 tháng Tư

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine ước tính Nga đã mất khoảng 19,100 binh sĩ tại Ukraine từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 9 tháng 4. Quân Nga cũng mất 705 xe tăng, 1,895 xe thiết giáp, 335 hệ thống pháo, 108 hệ thống hỏa tiễn phóng loạt, 55 hệ thống tác chiến phòng không, 151 máy bay, 136 trực thăng, 1,363 phương tiện cơ giới, bảy tàu chiến đấu, 76 tàu chở nhiên liệu, 112 máy bay không người lái, 25 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Trong ngày 9 tháng Tư, tại Khu vực Zaporizhzhia, gần chiến tuyến, các đơn vị Lực lượng vũ trang Ukraine và Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ đã tiêu diệt một xe tăng và một xe bọc thép của đối phương.

Đơn vị của Lữ đoàn Biệt động Zaporizhzhia thuộc Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ, phối hợp với một đơn vị khác của Lực lượng Vũ trang Ukraine, đã phá hủy một xe tăng T-72 và một xe thiết giáp MTO-80 của quân Nga đang chiếm đóng phía nam làng Malynivka.

Phía Ukraine nhận định lực lượng khủng bố Nga đang tập trung toàn lực đánh chiếm Mariupol và mở cuộc tấn công ở khu vực Izium. Ngoài ra, hai nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của đối phương đã được tái triển khai từ vùng Belgorod của Nga đến khu vực Shevchenkove trong vùng Kharkiv của Ukraine.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine nhấn mạnh rằng:

Liên bang Nga đang tiếp tục cuộc xâm lược vũ trang toàn diện chống lại nhà nước của chúng ta. Kẻ thù tiếp tục chuẩn bị để tăng cường các hoạt động tấn công ở miền đông Ukraine nhằm thiết lập toàn quyền kiểm soát các khu vực Donetsk và Luhansk. Quân xâm lược đang tập trung các nỗ lực chính của họ vào việc chiếm Mariupol và cuộc tấn công gần thị trấn Izium. Vẫn có khả năng cao kẻ thù sẽ kéo theo các nhóm phá hoại và trinh sát để thực hiện các hành vi phá hoại tại các cơ sở hạ tầng giao thôn.

Phía Ukraine đặc biệt quan ngại về việc Nga tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn vào các mục tiêu dân sự trên khắp Ukraine.

4. Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, đã kêu gọi những thủ phạm ở Bucha phải chịu trách nhiệm.

“Đây là điều chúng ta không thể quên,” Thủ tướng Scholz nói trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy do Reuters đưa tin. “Chúng ta không thể coi thường rằng đây là một tội ác. Đây là những tội ác chiến tranh mà chúng ta không chấp nhận… Những ai đã làm điều này phải chịu trách nhiệm”. Ông nói rằng Đức sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine.

Các quan chức Ukraine cho biết hàng trăm thường dân thiệt mạng đã được tìm thấy kể từ khi lực lượng Nga rút khỏi Bucha tuần trước. Phó thị trưởng Bucha nói rằng hơn 360 thường dân đã thiệt mạng và khoảng 260 đến 280 người được chôn cất bởi những cư dân khác trong một ngôi mộ tập thể.

Mạc Tư Khoa đã bác bỏ cáo buộc rằng lực lượng của họ đã giết thường dân ở Bucha trong khi chiếm đóng thị trấn, cho rằng đây là một “sự giả mạo quái đản” nhằm tấn công quân đội Nga. Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh cho thấy các thi thể trên đường phố Bucha có nghĩa là vụ thảm sát có thể được xác định chính xác vào thời điểm trước khi lực lượng Nga di tản khỏi thị trấn.
 
Chứng kiến sự bạo tàn của Nga, hầu hết người Ukraine muốn đất nước gia nhập Liên minh Âu Châu
VietCatholic Media
06:07 10/04/2022


1. Ý cầu nguyện tháng Tư của Đức Thánh Cha: Cầu nguyện cho các nhân viên y tế.

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý cầu nguyện tháng 4, cầu nguyện cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe và thúc đẩy chính phủ lưu tâm ưu tiên cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt cho mọi người.

“Đại dịch đã dậy cho chúng ta thấy sự dấn thân quảng đại của các nhân viên chăm sóc sức khỏe, tình nguyện viên, nhân viên hỗ trợ, linh mục và những tu sĩ nam nữ,” như Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong ý cầu nguyện tháng 4, được Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Thánh Cha công bố hôm thứ Ba 5 tháng Tư.

Đức Thánh Cha tha thiết xin cầu nguyện cho các nhân viên y tế trong tháng này, Đức Thánh Cha đề cập đến hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia khác nhau, đã được đưa vào thử nghiệm bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.

Sự căng thẳng đại dịch

Đức Thánh Cha lưu ý: Đại dịch Covid-19 đã “phơi bày một thực tế là không phải ai cũng được tiếp cận với một hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt.”

Theo bá cáo của tổ chức “Health at a Glance 2021” - một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - thì tình trạng chăm sóc sức khỏe không đầy đủ đã có tác động đến việc chăm sóc người bệnh, đặc biệt là việc thiếu nhân viên y tế, thiếu giường bệnh hoặc thiếu các thiết bị kỹ thuật.

Đức Thánh Cha cho hay: Tại các quốc gia nghèo, dân chúng “không thể tiếp cận các phương tiện điều trị cần thiết để chữa trị nhiều căn bệnh mà họ mắc phải, thường vì “do sự quản lý tài nguyên yếu kém và thiếu những dấn thân, cam kết của chính phủ.”

Do đó, Đức Thánh Cha kêu gọi chính phủ của tất cả các quốc gia trên thế giới “đừng quên rằng việc chăm sóc sức khỏe tốt, có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, phải là ưu tiên hàng đầu”.

Những hy sinh của các nhân viên y tế

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở việc chăm sóc sức khỏe “không phải là công việc của một tổ chức”, mà nó phụ thuộc vào “những người nam nữ cống hiến cuộc đời họ để chăm sóc sức khỏe cho người khác”.

2. Hầu hết người Ukraine muốn đất nước của họ là thành viên của Liên minh Âu Châu

Theo một cuộc thăm dò mới, một số lượng kỷ lục người Ukraine muốn Ukraine trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu bất chấp những đe dọa của người Nga.

Số người Ukraine muốn đất nước của họ gia nhập Liên minh Âu Châu đã tăng lên mức cao kỷ lục 91% vào cuối tháng 3 nhưng sự ủng hộ gia nhập Nato đã giảm, một cuộc thăm dò của cơ quan nghiên cứu cho biết như trên vào hôm thứ Ba.

Sự ủng hộ dành cho tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu dao động quanh mức 60% trong ba năm qua nhưng bắt đầu gia tăng sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, theo Rating, một trong những nhà thăm dò độc lập chính của Ukraine.

Cuộc xâm lược của Nga - cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào một quốc gia Âu Châu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai - đã thúc đẩy Ukraine nhanh chóng ghi danh trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu, và các nước Liên Hiệp Âu Châu đã thực hiện các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga và chào đón những người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh.
Source:The Guardian

3. Giám mục giáo phận Gizo lo ngại khi thấy Quần đảo Solomon ngả về phía Trung Quốc

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết các tài liệu rò rỉ gần đây cho thấy Quần đảo Solomon và Trung Quốc đang đàm phán về một thỏa thuận an ninh, một viễn cảnh đã khiến cả Australia và New Zealand phải báo động.

Đức Cha Luciano Capelli của giáo phận Gizo, một nhà truyền giáo Salêdiêng, nằm trong số những người lo ngại. Khi đề cập đến quyết định thủ tướng của Manasseh Sogavare, ngài nói, “Mọi người đã không được hỏi ý kiến,”

Đức Cha nói với AsiaNews: “Chưa rõ hàm ý của một thỏa thuận như vậy sẽ ra sao nhưng Quần đảo Solomon không cần các trò chơi chiến tranh”.

Khả năng Trung Quốc có thể xây dựng một căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon, căn cứ đầu tiên trong khu vực, đặc biệt đáng lo ngại.

Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Sogavare gọi những lời chỉ trích là “rất xúc phạm”, phủ nhận rằng đây là một phần của thỏa thuận.

Ông nói với quốc hội: “Hiệp ước An ninh là theo yêu cầu của Quần đảo Solomon và chúng tôi không bị áp lực... theo bất kỳ cách nào... Chúng tôi không có ý định tham gia vào bất kỳ cuộc tranh giành quyền lực địa chính trị nào,”.

“Để hướng tới nhu cầu an ninh của mình, chúng tôi cần phải đa dạng hóa... chúng tôi là một quốc gia có khả năng bảo vệ hạn chế và rõ ràng là chúng tôi sẽ liên tục cần hỗ trợ.”

Vào tháng 11 năm 2021, Honiara, thủ đô của đất nước, đã bị rung chuyển bởi các cuộc bạo động ở khu phố Tàu của thành phố, một biểu hiện của sự bất bình đối với Sogavare, người đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 2019 để tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Trật tự đã được khôi phục bởi lực lượng gìn giữ hòa bình do Australia dẫn đầu.

“Các sự kiện ở Chinatown không liên quan gì đến Trung Quốc; chúng được gây ra bởi những người chống lại chính phủ hiện tại”, Đức Cha Capelli giải thích. “Các cuộc bạo động đã được ngăn chặn bởi sự can thiệp của Úc.”

“Thay vào đó, toàn bộ câu hỏi về quan hệ với Trung Quốc nên được nhìn nhận liên quan đến cách thức Bắc Kinh đang di chuyển khắp Thái Bình Dương và xa hơn nữa, cả ở Phi Châu và Nam Mỹ”.

“Với tư cách là giám mục của Giáo hội ở Tỉnh miền Tây, tôi không thấy những mối đe dọa hay có kẻ thù bên ngoài nào đòi hỏi chúng ta phải dựa vào một siêu cường có khả năng thể hiện sức mạnh của mình. Chúng ta chỉ có một số vấn đề sắc tộc trong nước hoặc cướp bóc trong thành phố”.

“Người Úc đang làm rất tốt. Quần đảo Solomon không cần trò chơi chiến tranh hay các siêu cường thử bom của họ ở đây. Mọi người đã có đủ những gì đã xảy ra 70 năm trước”.
Source:Asia News
 
Tình báo quân sự Anh: Sau các thất bại nghiêm trọng, Nga thay chỉ huy quân sự chiến trường Ukraine
VietCatholic Media
16:46 10/04/2022


1. Tình báo quân sự Anh cho biết Nga thay đổi chỉ huy quân sự chiến trường Ukraine

Những nỗ lực của Nga nhằm thiết lập một hành lang trên bộ giữa Crimea và Donbas tiếp tục bị cản trở bởi sự kháng cự của Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật mới nhất.

Nga tiếp tục tấn công những thường dân của Ukraine, chẳng hạn như những người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn hôm thứ Sáu vào ga đường sắt Kramatorsk ở miền đông Ukraine.

Các hoạt động của Nga tiếp tục tập trung vào Donbas, Mariupol và Mykolaiv, được hỗ trợ bởi lực lượng hải quân Nga đang tiếp tục phóng hỏa tiễn hành trình vào Ukraine.

Hoạt động không quân của Nga dự kiến sẽ gia tăng ở phía nam và đông Ukraine để hỗ trợ hoạt động này.

Các nguồn tin tình báo cũng cho thấy Nga đã tổ chức lại bộ chỉ huy các hoạt động chiến đấu ở Ukraine, bổ nhiệm một tướng mới có nhiều kinh nghiệm trong các chiến dịch của Nga ở Syria.

Chỉ huy quân khu phía nam của Nga, Tướng Alexander Dvornikov, hiện dẫn đầu cuộc xâm lược Ukraine.

Alexander Dvornikov được tường trình có rất nhiều kinh nghiệm điều hành các chiến dịch của Nga ở Syria.

Cho đến nay, Nga đã phải vật lộn để đạt được các mục tiêu chiến tranh kể từ khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Trừ ra Kherson, Nga không chiếm được bất kỳ thành phố lớn nào khác của Ukraine.

Mạc Tư Khoa kể từ đó đã kiềm chế tham vọng tập trung vào lãnh thổ mà phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở Donbas tuyên bố, mặc dù các quan chức Ukraine đã cảnh báo mục tiêu lâu dài của Nga là chiếm toàn bộ đất nước.

Tình báo Anh nhận định rằng trừ khi Nga có thể thay đổi chiến thuật của mình, họ rất khó thành công ngay cả đối với những mục tiêu hạn chế mà họ đã tự đặt ra.

Trong phân tích mới nhất của mình, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ nói rằng các lực lượng Ukraine vẫn giữ được quyền kiểm soát các vị trí phòng thủ ở phía đông và tây nam Mariupol.

Các lực lượng Nga đang tiếp tục nỗ lực tái bố trí quân đội đã rút khỏi đông bắc Ukraine để hỗ trợ một cuộc tấn công ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, những đội quân như vậy “không có khả năng tạo ra một bước đột phá của Nga vì đang đối mặt với tinh thần chiến đấu kém cỏi”.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ đưa ra những luận điểm quan trọng sau:

Các lực lượng Ukraine tiếp tục cầm cự được trước các cuộc tấn công của Nga ở các khu vực phía tây nam và đông Mariupol, đặc biệt là ở cảng và nhà máy Luyện kim Azovstal.

Các lực lượng Ukraine tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công hàng ngày của Nga tại các cột mốc Donetsk và Luhansk.

Các lực lượng Nga tiếp tục các cuộc tấn công về phía nam Izyum về phía Slovyansk và Barvinkove nhưng không chiếm thêm lãnh thổ mới nào.

Các cuộc phản công của Ukraine có khả năng giành lại được thêm các lãnh thổ phía tây Kherson, đe dọa sự kiểm soát của Nga đối với thành phố.

Vụ hỏa tiễn Tochka-U của Nga tấn công một điểm di tản dân thường ở ga xe lửa Kramatorsk, miền đông Ukraine, khiến ít nhất 52 người thiệt mạng và khoảng một trăm người di tản bị thương cho thấy Nga đang tuyệt vọng hơn là có một sự thay đổi trong chiến thuật quân sự.

2. Zelenskiy cam kết giải pháp ngoại giao bất chấp cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông cam kết thúc đẩy hòa bình bất chấp các cuộc tấn công của Nga nhằm vào dân thường đã khiến cả thế giới sửng sốt và ông đã tiếp tục lời kêu gọi các nước gửi thêm vũ khí trước một cuộc chiến dự kiến gia tăng ở miền đông đất nước.

Khi Thủ tướng Boris Johnson gặp Zelenskiy vào thứ Bảy trong một chuyến thăm bất ngờ tới thủ đô Kiev của Ukraine, hãng tin AP đã có một cuộc phỏng vấn trực tiếp với Zelenskiy.

Zelenskiy đưa ra bình luận trong cuộc phỏng vấn với AP một ngày sau khi ít nhất 52 người thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào một ga xe lửa ở phía đông thành phố Kramatorsk, và có thêm những bằng chứng về những vụ giết hại dân thường được đưa ra ánh sáng sau khi quân đội Nga không chiếm được thủ đô Kiev.

“Không ai muốn thương lượng với một người hoặc những người đã tra tấn đất nước này. Tất cả đều có thể hiểu được. Và với tư cách là một người đàn ông, với tư cách là một người cha, tôi hiểu rất rõ điều này nhưng chúng tôi không muốn đánh mất các cơ hội, nếu chúng tôi có, cho một giải pháp ngoại giao,” Ông Zelenskiy nói.

Mặc bộ quần áo màu xám ô liu đã đánh dấu sự biến đổi của anh ta thành một nhà lãnh đạo thời chiến, anh ta trông có vẻ mệt mỏi nhưng vẫn hoạt bát bởi nỗ lực kiên trì. Ông nói chuyện với AP bên trong khu phức hợp văn phòng tổng thống, nơi các cửa sổ và hành lang được bảo vệ bởi các tháp bao cát và binh lính được trang bị vũ khí mạnh.

“Chúng ta phải chiến đấu, nhưng chiến đấu vì sự sống. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải ngăn chặn cuộc chiến này,” ông nói.

Zelenskiy cho biết ông tin tưởng người Ukraine sẽ chấp nhận hòa bình bất chấp những điều khủng khiếp mà họ đã chứng kiến trong cuộc chiến kéo dài hơn sáu tuần.

Mặc dù hy vọng về hòa bình, Zelenskiy thừa nhận rằng ông phải “thực tế” về triển vọng cho một giải pháp nhanh chóng vì các cuộc đàm phán cho đến nay chỉ giới hạn trong các cuộc đàm phán cấp thấp không có Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sau khi nói về hy vọng vẫn có thể tìm được giải pháp ngoại giao với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine, Zelenskiy chuyển sự chú ý sang câu hỏi về việc cung cấp vũ khí phương Tây cho quốc phòng Ukraine trước cuộc tấn công dữ dội từ Mạc Tư Khoa.

Zelensiy thể hiện cảm giác cam chịu và thất vọng khi được hỏi liệu nguồn cung cấp vũ khí và các thiết bị khác mà đất nước của ông nhận được từ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác có đủ để lật ngược tình thế chiến tranh hay không,.

“Vẫn chưa, tất nhiên là chưa đủ,” ông nói, chuyển sang tiếng Anh để nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng đã có sự hỗ trợ gia tăng từ Âu Châu và cho biết việc giao vũ khí của Mỹ đang được tăng tốc.

Chỉ trong tuần này, nước láng giềng Slovakia, một thành viên Liên minh Âu Châu, đã tài trợ hệ thống phòng không S-300 từ thời Liên Xô cho Ukraine để đáp lại lời kêu gọi của Zelenskiy nhằm giúp “đóng cửa bầu trời” đối với máy bay chiến đấu và hỏa tiễn của Nga.

Một số hỗ trợ đó đến từ các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Âu Châu.

3. Boris Johnson không phải là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất tổ chức các cuộc hội đàm tại Kiev ngày nay.

Thủ tướng Áo, Karl Nehammer, cũng đã gặp Volodymyr Zelenskiy trước đó sau chuyến thăm thành phố Bucha ở phía tây bắc của Kiev, nơi những ngôi mộ tập thể được phát hiện vào tuần trước.

Nehammer cho biết ông hy vọng sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với Nga cho dù ông bảo vệ sự phản đối của Áo cho đến nay về việc cắt đứt việc cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Nehammer, tổng thống Zelenskiy nói rằng bất chấp những hành động tàn bạo, ông “sẵn sàng đàm phán” với Nga và “tìm mọi cách để ngăn chặn cuộc chiến này”.

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Đáng buồn thay, song song với điều này chúng tôi thấy đang có sự chuẩn bị của Nga cho các trận chiến quan trọng, một số người nói rằng những trận chiến quyết định sắp xảy ra ở phía đông.”

Mỹ, Liên Hiệp Âu Châu và Anh đã phản ứng lại những hình ảnh tàn sát dân thường từ Bucha với nhiều biện pháp trừng phạt hơn, mặc dù cho đến nay Liên Hiệp Âu Châu chỉ cấm Nga sử dụng than đá chứ không phải dầu và khí đốt tự nhiên mà nước này phụ thuộc.

4. Liên Hiệp Âu Châu sẽ thảo luận về việc hỗ trợ điều tra tội ác chiến tranh ở Ukraine

Liên Hiệp Âu Châu sẽ thảo luận về sự hỗ trợ của họ đối với các cuộc điều tra tội phạm chiến tranh ở Ukraine trong các cuộc họp trong hai ngày tới với công tố viên trưởng Karim Khan của tòa án hình sự quốc tế, gọi tắt là ICC.

Ủy ban Âu Châu cho biết Khan sẽ gặp người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, vào ngày Chúa Nhật tại Luxembourg, trước khi gặp các bộ trưởng ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu vào thứ Hai.

Các cuộc họp nhấn mạnh sự ủng hộ của EU đối với các cuộc điều tra về tội ác ở Ukraine.

Sau khi phát hiện ra các xác chết ở thị trấn Bucha, gần Kiev, chính phủ Ukraine và một số nước láng giềng Liên Hiệp Âu Châu đã cáo buộc Nga về tội ác chiến tranh, nhưng Mạc Tư Khoa đã bác bỏ.

Các quan chức hàng đầu của EU đã chọn chờ đợi kết quả của cuộc điều tra tội ác chiến tranh do cơ quan công tố Ukraine tiến hành với sự giúp đỡ của ICC, Liên Hiệp Âu Châu, ủy viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc và OSCE.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, người đã đến thăm Bucha vào thứ Sáu với Borrell, cho biết như sau khi cô ấy rời Ukraine vào thứ Bảy:

“Nếu đây không phải là tội ác chiến tranh thì tội ác chiến tranh là cái gì?”

“Tuy nhiên, cần có một cuộc điều tra nghiêm ngặt để mọi cáo buộc tội ác chiến tranh trong tương lai sẽ được đưa ra trước tòa,” cô nói thêm.

5. 35 thành viên Nghị viện từ 11 quốc gia đã đến thành phố Kiev

Tổng cộng 35 thành viên Quốc hội từ 11 quốc gia đã đến thành phố Kiev để thể hiện sự ủng hộ và giúp đỡ Ukraine tồn tại trong cuộc chiến hình sự do Điện Cẩm Linh gây ra.

Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Ông Andrius Kubilius, Thành viên Nghị viện Âu Châu, Giám đốc Mạng lưới Đoàn Kết với Ukraine trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Verkhovna Rada Ruslan Stefanchuk tại Kiev vào ngày 9 tháng 4 năm 2022.

Theo Ông Kubilius, cuộc xâm lược của Nga chống lại Ukraine là tội ác và có thể được mô tả như một cuộc chiến của chủ nghĩa phát xít mới ở Điện Cẩm Linh, và người Ukraine hiện đang chiến đấu cho tự do của toàn thế giới.

Kubilius lưu ý rằng mạng lưới Mạng lưới Đoàn Kết với Ukraine sẽ tiếp tục làm việc trong việc chuyển giao tất cả các loại vũ khí cho Ukraine; thực hiện tất cả các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả lệnh cấm vận năng lượng đối với hoạt động buôn bán với quốc gia xâm lược; cung cấp hỗ trợ nhân đạo phù hợp cho Ukraine; Ukraine hội nhập Liên Hiệp Âu Châu càng nhanh càng tốt; Kế hoạch Marshall tới Ukraine và tòa án quốc tế về Putin và Lukashenko.

Theo ông Stefanchuk, các thành viên của Nghị viện Âu Châu cũng sẽ đến thăm các khu vực được giải phóng khỏi quân xâm lược Nga ở Vùng Kiev hôm nay.

6. Thế giới không thể rời mắt khỏi hành động bạo tàn mới nhất của Putin

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk nhận định rằng “Thế giới không thể rời mắt khỏi hành động tàn bạo mới nhất của Putin.”

Cô nói:

“Tôi không cần phải nhìn vào mắt Vladimir Putin để biết ông ấy không có linh hồn.

Tất cả những gì tôi phải làm là xem xét sự phẫn nộ mới nhất. Những thi thể vô hồn tại nhà ga xe lửa ở thành phố Kramatorsk, thuộc vùng Donbas, miền đông Ukraine, nơi xảy ra một vụ tấn công hỏa tiễn khác của Nga nhằm vào chính những người mà Putin cho rằng ông đã bắt đầu cuộc chiến này để “bảo vệ” những thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, và người già. Tất cả cố gắng chạy trốn khỏi cuộc giao tranh để đến nơi an toàn.

Cuộc tấn công hôm thứ Sáu là một trong những cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào những người đang di tản kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng Hai. Khoảng 4,000 người đã tập trung tại nhà ga xe lửa để chờ di tản.

Cuộc chiến này, cuộc chiến hoàn toàn không cần thiết này, đã tiết lộ điều mà bất kỳ người có tư duy nào cũng biết: Putin, kẻ độc tài giết người, là một kẻ gian ác, không thể kiềm chế thú tính. Hãy nhìn vào mắt ông ta và bạn sẽ biết điều đó. Hãy nhìn vào những người chết và bạn sẽ biết điều đó.

Phương Tây không thể rời mắt khỏi những hình ảnh của ga xe lửa Kramatorsk.

Lúc đầu, ít nhất 39 người chết. Sau đó 50. Rồi hơn 50. Ai biết con số đó sẽ là bao nhiêu vào cuối ngày. Hàng trăm người bị thương, một số người bị mất tứ chi, các phần thân thể nằm rải rác trên sân ga cùng với những chiếc vali và xe đẩy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa đã đúng khi nói: ‘Thiếu sức mạnh và lòng dũng cảm để chống lại chúng tôi trên chiến trường, họ đang tiêu diệt một cách thô bạo dân thường. Đây là một tội ác không có giới hạn. Và nếu nó không bị trừng phạt, nó sẽ không bao giờ dừng lại’”.

7. Bộ trưởng Y tế Ukraine cho biết lực lượng Nga phá hủy hơn 300 bệnh viện

Kể từ khi cuộc xâm lược vũ trang của Liên bang Nga chống lại Ukraine bắt đầu, những kẻ xâm lược đã làm hư hại 307 cơ sở y tế, trong đó có 21 cơ sở không thể sửa chữa được.

Bộ trưởng Bộ Y tế Viktor Liashko cho biết như trên trong một buổi phát sóng trên các kênh truyền hình Ukraine.

“Kể từ đầu cuộc chiến, quân xâm lược Nga đã làm hư hại 307 cơ sở y tế, bao gồm cả các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu. 21 bệnh viện đã bị phá hủy hoàn toàn, không thể sửa chữa được nữa, và những bệnh viện mới sẽ phải được xây dựng lại,” ông nói.

Liashko lưu ý rằng nhiều bệnh nhân từ các vùng Donetsk và Luhansk đã được di tản đến những nơi an toàn hơn.

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các bệnh viện dã chiến ở các khu vực phía Tây. Ở các khu vực có xung đột, các nhân viên y tế chỉ có thể sơ cứu cho người dân và sau đó họ được di tản.
 
Khủng bố đặt bom nhà thờ chính tòa Toulouse. Lính Miến xông vào nhà thờ bắt giữ Đức Tổng Giám Mục Mandalay
VietCatholic Media
16:52 10/04/2022


1. Khủng bố đánh bom nhà thờ Saint-Etienne ở Toulouse. Cảnh sát truy lùng hung thủ

Cảnh sát đang truy lùng một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, bị tình nghi đã gài một quả bom có kích cỡ một bưu kiện trong nhà thờ Saint-Etienne trong thánh lễ sáng thứ Sáu tuần này. Camera giám sát đặt gần tòa nhà đã có thể ghi lại hình ảnh của nghi phạm.

Tên khủng bố này bước vào ngôi thánh đường, ngay sau 8 giờ sáng, trong khi một thánh lễ đang diễn ra trước mặt khoảng ba mươi người. Hắn xông lên, đặt một quả bom trước bàn thờ rồi hét lên những từ gì đó mà các vị thừa tác viên giúp lễ không hiểu được, trước khi bỏ trốn. Một giáo dân cố gắng can thiệp, bắt hung thủ nhưng bị đẩy qua một bên, té xuống nhưng không bị thương.

Cảnh sát cho biết nghi phạm có vẻ là một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi. Anh ta đội mũ lưỡi trai, đeo khẩu trang chống Covid-19, m85c áo khoác sẫm màu và quần jean. Anh Aurélien Dreux, là người giáo dân đã cố bắt hung thủ nhưng không thành công, nhận xét với tờ La Dépêche du Midi rằng “Đầu tiên, tôi nghĩ anh ta đến để giao bưu kiện, nhưng đã sinh nghi khi anh ta xông lên bàn thờ”.

Các camera giám sát, đặt gần nhà thờ Saint-Étienne ở Toulouse, đã có thể xác định được nghi phạm, hiện vẫn đang tại đào.

Thánh lễ đã phải ngưng lại. Anh chị em đã được di tản khỏi nhà thờ. Ngôi thánh đường đã phải đóng cửa suốt buổi sáng cho đến khi công binh Pháp vô hiệu hóa thiết bị nổ này. Quả bom không phát nổ nên ngôi thánh đường không bị hư hại.
Source:ladepeche.fr

2. Lính Miến Điện xâm nhập nhà thờ Công Giáo, bắt giữ tổng giám mục

Trong một thông điệp vừa được công bố, Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám Mục Yangoon và là chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã mạnh mẽ lên án hành vi của quân đội Miến Điện.

Hôm thứ Sáu, 8 tháng Tư, khoảng 40 binh sĩ Miến Điện đã chiếm một nhà thờ Công Giáo ở Mandalay trước nghi thức đi Đàng Thánh Giá Mùa Chay và bắt giữ một tổng giám mục cùng hàng chục tín hữu khác, bao gồm cả một phóng viên của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA.

Những người lính tiến vào Nhà thờ Thánh Tâm lúc 2:30 chiều ngày 8 tháng 4 theo giờ địa phương và từ chối cho phép những người thờ phượng ra về. Binh lính cũng chiếm các tòa nhà khác trong khu nhà.

Đức Tổng Giám Mục Marco Tin Win và các nhân viên của Tổng giáo phận Mandalay cũng bị dồn vào nhà thờ và buộc phải ngồi trên băng ghế cùng với các tín hữu khác.

Một phóng viên của CNA đã có mặt và bị giam giữ trong khoảng ba giờ, sau đó được phép ra khỏi nhà thờ. Những người khác bị giam giữ đã được thả vài giờ sau đó.

“Tôi rất sợ”, một giáo dân lớn tuổi của Nhà thờ Thánh Tâm, người không cho biết tên vì lý do an toàn, nói với CNA. “Quân đội luôn điên cuồng nhưng họ chưa bao giờ hành động như vậy trước đây. Chúng tôi chạy về nhà ngay khi được phép ra khỏi nhà thờ”.

“Những người lính liên tục yêu cầu được biết nơi cất giấu vàng, tiền và vũ khí. Tôi đã nói với họ là không có. Số tiền thu được là để cứu trợ các gia đình nghèo”.

Ngay sau khi những người lính tiến vào nhà thờ, cảnh báo đã được gửi đến toàn thể cộng đồng Công Giáo để tránh xa khu nhà.

Khi nghe tin về vụ đột nhập, Đức ông Dominic Jyo Du, tổng đại diện của tổng giáo phận, đã đối mặt với các binh lính và các sĩ quan của họ để hỏi về sự hiện diện của họ. Những người lính vội vã đưa ông vào nhà thờ giam giữ cùng với Đức Tổng Giám Mục.

Khoảng 30 binh sĩ đã dời băng ghế để ngủ lại thánh đường qua đêm. Họ vẫn ở bên trong nhà thờ vào sáng sớm thứ Bảy.

Tin tức về cuộc chiếm đóng vũ trang của nhà thờ đã không được đưa tin bởi các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát.

Nhà thờ Thánh Tâm nằm trong khu dân cư của tầng lớp lao động, phần lớn là người Tamil, nơi chưa chứng kiến sự phản kháng công khai đáng kể nào đối với cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, khi quân đội giải tán Quốc Hội và bắt giữ những người có liên hệ với chính phủ hợp pháp.

Thay vào đó, người dân trong khu phố thích lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình và tấn công ở xa nhà của họ. Điều này đã không ngăn quân đội thường xuyên xâm nhập nhà của các nhà lãnh đạo bị nghi ngờ và quấy rối những người không phải là người Miến Điện.

Người Tamil là Công Giáo hoặc Hồi giáo và bị quân đội và các chiến binh Phật giáo nghi ngờ. Ashin Wirathu, một nhà sư có những bài thuyết pháp sôi nổi tập trung vào những lời lẽ phân biệt chủng tộc chống lại người Hồi giáo và Kitô giáo, đã công khai kêu gọi tiêu diệt thiểu số Hồi giáo.

Một thiểu số giáo sĩ Phật giáo của quốc gia, có lẽ 10%, công khai ủng hộ quân đội và các cuộc tấn công của quân đội chống lại các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo.

Kể từ cuộc đảo chính tháng Hai năm ngoái, hơn 12,000 người đã bị bắt và ước tính khoảng 1,600 người thiệt mạng trong cuộc xung đột, trong đó có 50 trẻ em. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, chính quyền quân sự đã cố tình nhắm mục tiêu vào các nhà thờ, các tổ chức khác và dân thường. Vào tháng 3, máy bay đã tấn công một thị trấn ở phía đông đất nước, làm hư hại nặng mái nhà, trần và cửa sổ của một tu viện Công Giáo.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha mời các gia đình viết bài suy niệm Đàng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh

Nhân dịp Năm Gia đình, Đức Thánh Cha đã uỷ thác cho các gia đình soạn các bài suy niệm và lời cầu nguyện Đàng Thánh Giá vào thứ Sáu Tuần Thánh năm nay.

Ngày 7 tháng Tư, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết: “Nhân dịp năm gia đình, trong đó Giáo hội kỷ niệm 5 năm tông huấn Amoris Laetitia - Niềm vui của Tình yêu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giao phó việc soạn thảo các bản văn suy niệm và cầu nguyện Đàng Thánh Giá vào thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Colosseo cho một số gia đình liên kết với các cộng đoàn và hiệp hội Công Giáo trong hoạt động và trợ giúp tình nguyện. Theo các chủ đề đã chọn, một số gia đình sẽ vác Thánh Giá giữa các chặng (của Đàng Thánh Giá).”

Amoris Laetitia là tông huấn hậu Thượng Hội đồng của Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình. Tông huấn được ban hành ngày 19/3/2016, hậu Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình được tổ chức tại Vatican vào năm 2014 và 2015.

Vào ngày 19 tháng 3 năm ngoái 2021, Giáo hội kỷ niệm 5 năm ban hành tông huấn Amoris Laetitia, về vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu trong gia đình. Vào ngày hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát động Năm Gia đình Amoris Laetitia; năm này sẽ kết thúc vào ngày 26/6 năm nay, với Đại hội các Gia đình lần thứ 10 được tổ chức tại Rôma.

Vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự cử hành phụng vụ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu tại đền thờ thánh Phêrô. Sau đó, lúc 9:15 tối, ngài sẽ chủ sự buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại Đấu trường Colosseo.

Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Có khoảng 20 ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này.

Truyền thống đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo đã được người Công Giáo Rôma thực hành trong nhiều thế kỷ bắt đầu từ thế kỷ 18 dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14, và được hồi sinh vào năm 1964 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Từ thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo cũng trở thành một sự kiện được truyền hình trên toàn thế giới.

Ban đầu, chính Đức Giáo Hoàng tự mình vác thập tự giá từ chặng này sang chặng khác, nhưng trong những năm cuối đời ngài, khi tuổi tác và bệnh tật hạn chế sức khoẻ của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã chủ sự buổi lễ từ một khán đài trên đồi Palatine. Chỉ vài ngày trước khi qua đời vào năm 2005, Đức Gioan Phaolô II đã theo dõi buổi đi đàng Thánh Giá từ nhà nguyện riêng của ngài trong khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin chủ sự toàn bộ buổi lễ.

Truyền thống viết các bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum khác với những bài nguyện ngắm như trong các kinh bổn thường đọc đã được bắt đầu với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1991. Văn bản các chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Colosseum phản ảnh cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo trước thực trạng văn hóa, xã hội và luân lý trong xã hội đương đại. Nó cũng nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên toàn thế giới, tình trạng bất công, những khổ đau của người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Nhiều bài suy niệm đã đi vào lịch sử như những áng văn chương tuyệt tác như bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum vào năm 2007 của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Sản Văn Hoá của Giáo Hội.

Trong hai năm qua, do đại dịch Covid-19, buổi ngắm Đàng Thánh Giá được cử hành tại quảng trường thánh Phêrô. Năm nay, tình hình lây nhiễm đang giảm bớt, Đàng Thánh Giá lại được cử hành tại đấu trường Colosseo.
Source:Vatican News
 
Thánh Ca
Lời Kinh Nguyện Trầm. Trình bày: Lệ Hằng - Nguyễn Thanh
Lệ Hằng - Nguyễn Thanh
23:56 10/04/2022