Ngày 13-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:06 13/04/2009
GAN DẠ VÀ HIỂU BIẾT

N2T


Có một người từ phương xa đến thăm thất vọng nói: “Tại sao tôi phải ở lại chỗ này, mà thu hoạch thì không được bất cứ kết quả gì ?”

- “Có thể ông thiếu dũng khí rung (lay) thân cây đó mà !” đại sư ôn hòa trả lời.

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có những người đi nghe giảng tĩnh tâm nhưng không thu hoạch gì cả, là bởi vì họ không dũng cảm đối diện với những lời nghe được trong bài giảng, mà lời trong bài giảng có khi họ đã nghe rồi nghe đến nhàm chán, có khi họ thấy chói tai, và có khi họ cảm thấy bài giảng như “chửi mắng” mình. Nếu họ có dũng khí thì nhất định thu hoạch rất nhiều kết quả trong những lần nghe giảng.

Can đảm gan dạ đối diện với hoàn cảnh thì chắc chắn sẽ thu hoạch được nhiều kết quả, bởi vì có rất nhiều người không dám đối diện với hoàn cảnh khi họ hiểu biết hoàn cảnh đó là sự thực, cho nên cuộc sống của họ không có thu hoạch được gì cho cuộc sống của mình: họ vẫn cứ than thân trách phận, vẫn cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh, vẫn cứ chối bỏ những lời góp ý chân thành của người khác.

Gan dạ không có nghĩa là dấn thân vào nơi nguy hiểm mà thôi, nhưng gan dạ cũng có nghĩa là can đảm đối diện với những lời nói, những việc làm không thuận lợi cho mình nhưng rất có ích cho mình.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:08 13/04/2009
N2T


138. Đừng bao giờ nói chúng ta thực hành tu đức quá lâu rồi, nhưng phải nghĩ hôm nay chúng ta mới bắt đầu.

(Thánh Antonius)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:10 13/04/2009
N2T


84. Không nên nhìn thế giới trong tấm kính, rất dễ dàng đánh mất chính mình.

 
Ánh sáng mang sự sống
LM Phêrô Hồng Phúc
04:02 13/04/2009
Hôm thứ hai tuần thánh ngày 06/04/2009, đã xảy ra một trận động đất tại Italia. Tin đầu tiên cho biết 50 người đã thiệt mạng. Chính phủ huy động mọi phương tiện để đến hiện trường giải cứu cho những người còn đang bị nạn dưới đống đổ nát. Những nạn nhân có cơ may sống sót đang lọt giữa những kẽ gạch đá hay bê-tông ở dưới lòng đất, xung quanh họ là cả một bóng đen của thần chết. Điều duy nhất họ có thể làm là cố sống để mong chờ sự giải cứu. Những tiếng động đào bới trên mặt đất như là niềm hy vọng. Khi một tia sáng mặt trời lọt tới thì đó không chỉ đơn thuần là ánh sáng chiếu soi, mà là ánh sáng mang sự sống. Chúng ta hãy tưởng tượng họ vui mừng đón nhận ánh sáng ấy như thế nào?

Đêm nay, chúng ta cũng vừa chứng kiến khi mà ánh sáng Phục Sinh chưa bùng lên thì bóng tối thần chết cũng bao phủ toàn thể trái đất. Điều duy nhất người Kitô hữu có thể làm là sống trong niềm hy vọng được giải thoát. Gọi là bóng tối thần chết vì con người sống trong môi trường của sự chết. Cho nên ngay đối với các Tông đồ thời đó: cái chết của Đức Giêsu như là quy luật của sự chết tất yếu phải đến và nó xoá đi tất cả mọi chương trình hoạch định của Thiên Chúa. Riêng đối với Maria Madalena, chị chỉ nghĩ tới nấm mộ đang niêm phong – một tảng đá rất to “Ai sẽ đẩy tảng đá cho mình đây” - chị nghĩ tới và Thầy chưa xức đủ thuốc thơm vì vội vã của ngày Sabat sắp tới mà không được làm thêm. Chị thấy trong môi trường của sự chết tràn đầy một bóng đêm của sự chết, cho nên chẳng thấy xác Thầy đâu, cho tới khi sứ thần nói: “Sao các bà lại tìm Người sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dạy rồi” (Lc 24, 5-6a). Tất cả những biểu hiện của sự chết còn đó, nhưng Chúa Giêsu không phải là biểu hiện của sự chết. Chính sự chết đã bị tiêu tan và Đức Giêsu Kitô là sự sống. Vì thế, sứ thần đã nói với các bà: “Tại sao các bà lại tìm Người sống ở giữa nơi kẻ chết?”

Vâng, đúng là sự sống là ánh sáng đã bừng lên từ ngọn nến Phục Sinh, ngọn nến tượng trưng ánh sáng Phục Sinh của chính Đức Giêsu Kitô. Ánh sáng này mang những tính chất siêu nhiên vĩnh cửu được Giáo hội khắc hoạ trên cây nến Phục Sinh:

* Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay;
* Là Alpha và Omega, nguyên thủy và cùng đích;
* Người làm chủ thời gian và muôn thế hệ.

Đây là những tính chất siêu nhiên trong ánh sáng bừng lên của ngày Phục Sinh đêm nay.

* Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay

Quả vậy, Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay vì vết tử thần còn in rõ nơi trái tim Chúa bị lưỡi đòng xuyên qua, vậy mà Đức Giêsu Kitô vẫn sống. Có ai mang một trái tim bị đâm thủng mà sống được không? Đức Giêsu Kitô đã sống ngay khi mang trên mình trái tim bị đâm thủng, đó là dấu chứng của cuộc chiến thắng tử thần. Ca tiếp liên khẳng định: “Tướng lãnh sự sống đã chết đi nhưng vẫn sống mà cai trị”. Phục Sinh là sự kiện diễn ra trong thời gian, diễn tả theo ngôn ngữ của con người. Nhưng ngôn ngữ của Đức Giêsu Kitô đã khẳng định: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Nhìn vào sự kiện Phục Sinh hôm nay, ta nhận thức rõ hơn sự sống lại và sự sống. Hay dễ hiểu hơn, ta xác tín niềm tin như Giáo Hội phân định: “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và mãi đến muôn đời.” (Dt 13,8)

* Là Alpha và Omega - Nguyên thuỷ và cùng đích mọi loài

Diogène nhà hiền triết Hy Lạp đã từng soi đèn giữa ban ngày đi trong thành phố Athènes nổi tiếng văn minh của thời cổ đại. Người ta hỏi: “Ông làm gì mà lại xách đèn giữa ban ngày như vậy?”. Ông nói: “Tôi đi tìm một người”. Người ta nghĩ: Ông là một người có vấn đề. Nhưng đúng, ông là người đặt vấn đề vì tìm đâu ra “ một con người” theo đúng nghĩa hoàn hảo của “một con người” vì thắp đèn giữa ban ngày đi trong thành phố cũng không thấy. Nếu Đức Giêsu Kitô không phải là mô phạm thì bài học của Diogène mãi vẫn còn cho thế giới biết rằng: không thể tìm được “người” đúng nghĩa hoàn hảo. Cho dù Thánh Kinh khẳng định “con người là hình ảnh của Thiên Chúa, làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (x.St 1,26). Nhưng cái chết xoá đi tất cả, khiến hình ảnh của Thiên Chúa bị con người chôn vùi dưới nấm mộ; danh hiệu là chủ cá biển, chim trời, mặt đất trở nên sáo ngữ vì sự chết san bằng vạn vật. May thay, tình trạng vũ trụ bị đắm chìm trong tội lệ vẫn mãi như lời thánh Phaolô diễn tả: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” (Rm 8,20-23).

Đức Giêsu Kitô là Alpha và Omega chính – nguyên thủy và cùng đích, chính là mô phạm cho con người, là hình ảnh của Thiên Chúa vĩnh cửu được Thiên Chúa thông quyền làm chủ vạn vật. Ngài đã sống lại để khẳng định tất cả những điều đó: “Người là trưởng tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8,29) để sự Phục Sinh chiến thắng thế gian, chiến thắng tử thần của Ngài cũng là sự Phục Sinh cho mỗi người chúng ta, vì cũng theo thánh Gioan: “Chúng ta sẽ nên giống như Người, vì người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2).

* Người làm chủ thời gian và muôn thế hệ

Chúng ta tiếp tục tìm đến với lời khẳng định của Giáo Hội: Người làm chủ thời gian và muôn thế hệ. Chính thánh Phaolô là người đã khẳng định: “Giờ đây Đức Kitô sống lại là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Chúa đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Chúa đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người” (1Cor 15, 20. 25-27a). Ngày lễ Phục Sinh hôm nay, là khẳng định cho chúng ta sự chiến thắng đó để Đức Giêsu Kitô thâu hồi vạn vật dưới chân của Ngài.

Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng được biến đổi như Ngài:

“Giữa vũng nước đục bùn lầy nọ, ở dưới những cành lá sen, có những con ấu trùng chúng đang tụ tập lại và bàn bạc, thắc mắc lấy làm khó hiểu: tại sao có bao nhiêu những con ấu trùng trong bọn chúng đã vượt lên được khỏi mặt nước trở lại để kể cho bọn chúng biết ở trên mặt nước có gì. Vì thế, chúng đồng ý với nhau rằng: từ nay, hễ có con ấu trùng nào lên ai trèo lên trên khỏi mặt nước thì sẽ cố gắng phải trở lại, kể lại cho những ai còn ở dưới biết trên mặt nước có gì.
Ít hôm sau, có một con ấu trùng được leo lên cây sen trên mặt nước. Nó định sẽ trở lại kể cho chúng bạn nghe những gì nó thấy, những gì xảy ra cho nó trên mặt nước. Nhưng vừa nhú đầu khỏi nước, nó đã thấy một bầu trời chan hòa ánh sáng; nó thấy những mầu sắc và không gian lồng lộng cao; mắt nó hoa lên vì những sự việc kỳ lạ xảy ra cho nó. Không mấy chốc, nó thấy có một cái gì đó không chỉ là lạ với cả một không gian tráng lệ với không khí ấm áp bên ngoài mà nó còn thấy một sự chuyển vận trong cơ thể, hình như là nó đang được thay hình đổi dạng, từ một con ấu trùng mềm nhũn trở nên con chuồn chuồn với đôi cánh rực rỡ. Kế đó nó bắt đầu giang đôi cánh bay...Nó bay lượn trên mặt nước, cả một bầu trời in hình dưới mặt nước. Từ trên mặt nước, nó nhìn xuống đáy hồ, nó thấy tất cả các bạn của nó ở dưới đó. Theo lời hứa, nó muốn trở lại báo cho các bạn biết. Thế nhưng, nó bông nghĩ ra rằng: “Bây giờ chắc chắn các bạn mình không thể nhận ra mình được nữa, cho dù mình có trở lại thì các bạn không còn nhận ra mình vì mình đã hoàn toàn được biến đổi, đã trở thành một tạo vật mới và không còn là con ấu trùng ở dưới nước nữa nhưng là một con chuồn chuồn bay lượn trên không trung.” (theo Minh họa Lời Chúa)

Vâng, đêm thánh Phục Sinh nhắc mỗi người chúng ta thân phận được biến đổi nên giống Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, khiến chúng ta không phải là ở trong một cuộc sống thân xác tăm tối nhưng lại được biến đổi để nên giống Đức Giêsu Kitô trong sự sống mới. Sự biến đồi hôm nay là sự canh tân trong tâm hồn để nhờ biến cố Phục Sinh mỗi người trở nên mới hơn, trong yêu thương, trong an bình, trong hạnh phúc giữa gia đình và cộng đoàn. Và ngày sau, trong viễn ảnh đời đời, xin cho chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô Phục Sinh trong sự sống vinh quang muôn đời.
 
Phục Sinh với Chúa
+TGM. Ngô Quang Kiệt
15:43 13/04/2009
PHỤC SINH VỚI CHÚA

Ga 20, 1-9

Sáng sớm ngày lễ Phục sinh có nhiều người đến viếng mộ Chúa. Cùng nhìn thấy những cảnh tượng như nhau, nhưng mỗi người có thái độ khác nhau. Các phụ nữ đạo đức thấy phiến đá lấp cửa mộ lăn ra một bên mà không thấy xác Chúa thì lo buồn. Tông đồ Gioan cũng không thấy xác Chúa nhưng thấy khăn liệm xếp đặt ngay ngắn bên trong mộ thì đã tin. Vì khăn liệm xếp ngay ngắn và phiến đá lăn ra một bên là dấu chỉ Chúa đã phục sinh. Tại sao thế?

Khăn liệm là xiềng xích trói buộc thân xác trong thế giới kẻ chết. Bị quấn trong khăn liệm đồng nghĩa với bị kết án mai một, tan rã. Một khi đã bị quấn trong khăn liệm chẳng người nào có thể nào thóat ra. Nhưng Chúa Giêsu đã sống lại. Khăn liệm được xếp lại ngay ngắn bên trong mộ vì Người sống không cần đến vải liệm. Tự tháo vải liệm, Người đã phá tung xiềng xích trói buộc Người trong cõi chết. Chúa có thể thóat khỏi xiềng xích trói buộc, vì thân xác phục sinh vinh hiển của Người không còn bị giới hạn trong một không gian nhất định. Những lần Chúa hiện ra cho thấy Người có thể đi qua những cánh cửa đóng kín. Có thể cùng lúc hiện diện ở nhiều nơi khác nhau.

Phiến đá lấp cửa mộ chôn vùi người chết trong quá khứ. Người nằm trong mộ trở thành người quá cố. Lịch sử người quá cố đóng khung trong quá khứ. Chúa Giêsu Phục Sinh đã phá tung nấm mồ muốn chôn vùi Người trong quá khứ. Nên khi thóat khỏi nấm mồ, Người không nhắc lại quá khứ. Người không oán trách giáo quyền và các vị thượng tế đã mưu sát Người. Người không công kích chính quyền Philatô đã kết án Người cách oan ức. Người không lên án Giuđa, người môn đệ phản bội. Người không trách mắng Phêrô, người thân tín đã chối Thầy. Trái lại mỗi lần hiện đến, Người đều chúc bình an.

Các phụ nữ than khóc khi không thấy xác Chúa. Vải liệm không còn trói buộc được Chúa trong cõi chết, nhưng vẫn trói buộc tâm hồn các bà. Các bà gắn bó với xác chết nên tâm hồn các bà tràn đầy thất vọng. Tảng đá lấp cửa mộ đã bật tung ra, nhưng có những tảng đá vô hình vẫn lấp kín tâm hồn các bà. Các bà hướng về quá khứ nên tâm hồn các bà ảm đạm một mầu chết chóc.

Tâm hồn chúng ta thường giống các phụ nữ này hơn là giống tông đồ Gioan. Ta vẫn để cho những tấm vải liệm quấn chặt khi ta để mình chìm đắm trong con người xác thịt đầy dục vọng, tham vọng, ghen ghét, oán thù. Bị trói chặt trong đó, đời sống ta sẽ tàn lụi, sẽ chết dần mòn.

Vẫn có những tảng đá giam hãm ta trong nấm mồ quá khứ. Ta gặm nhấm quá khứ. Ta nung nấu mối thù. Ta tiếc nuối tội lỗi. Bị giam hãm trong đó, ta chỉ có quá khứ mà không có tương lai. Ta chỉ còn thất vọng mà không còn hi vọng. Ta đồng hóa với cái chết vì chối từ sự sống.

Hôm nay Chúa Giêsu Phục Sinh mời gọi ta sống lại với Chúa. Chúa sống lại đã tháo bỏ tấm khăn liệm để thân xác phục sinh được tự do. Ta cũng hãy phá vỡ sự trói buộc của xác thịt và tội lỗi để không còn sống cho mình nhưng sống cho Chúa. Chúa đã lăn tảng đá quá khứ qua một bên để ban phúc bình an cho tương lai. Noi gương Chúa hãy khép lại quá khứ, thôi không kết án nhau nữa. Noi gương Chúa luôn chúc bình an ta hãy cùng nhau hòa giải. Hòa giải với Chúa. Hòa giải với cá nhân. Hòa giải với gia đình. Hòa giải với Giáo hội. Hòa giải với xã hội. Hòa giải đòi hỏi vượt lên trên quá khứ. Hòa giải đòi hỏi vượt lên trên chính mình. Xức dầu thơm vào xác chết có thể khiến ta an lòng. Nhưng gắn bó với xác chết, dù thơm ngát chỉ giam ta trong quá khứ chết chóc. Chấp nhận ngôi mộ trống không có xác Chúa có thể khiến ta có chút tiếc nuối, nhưng chính ngôi mộ trống mới mở ra tương lai. Mất một xác chết thì có gì đáng kể so với được đón nhận Đấng Phục Sinh. Vì Chúa Phục sinh đem lại cho ta sự sống, sự sống mới, sự sống dồi dào.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.

Tổng Giám Mục Hà Nội
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông Điệp Phục Sinh Urbi et Orbi (tiếng Việt)
J.B. Đặng Minh An dịch
00:16 13/04/2009
Anh chị em ở Rôma và trên toàn thế giới thân mến,

Từ thẳm sâu tâm hồn, tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Mùa Phục Sinh đầy ơn phúc với những lời sau mượn của Thánh Augustinô: “Resurrectio Domini, spes nostra – sự phục sinh của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta” (Sermo 261:1). Với những lời khẳng định này vị đại Giám Mục đã giải thích với các tín hữu rằng Chúa Giêsu đã sống lại để chúng ta, dù mang thân phận phải chết, cũng không thất vọng âu lo rằng chết là hết tất cả mọi thứ. Chúa Kitô sống lại để đem đến cho chúng ta niềm hy vọng (x. thượng dẫn).

Ngự Lâm Quân trước thánh lễ Phục Sinh
Đức Thánh Cha chào thăm anh chị em trước thánh lễ Phục Sinh
Đức Thánh Cha đọc thông điệp Urbi et Orbi
ĐTC nhớ đến các miền đất nơi các tín hữu vẫn bị bách hại
Thật vậy, một trong những câu hỏi gây ra khắc khoải nhất cho những người nam nữ là: điều gì sẽ diễn ra sau khi chết? Trước mầu nhiệm này, đại lễ hôm nay cho phép chúng ta đáp trả rằng sự chết không có tiếng nói chung cuộc, bởi vì cuối cùng Sự Sống mới là người chiến thắng. Niềm xác tín của chúng ta không dựa trên những lý luận đơn giản của nhân loại, nhưng là trên một sự kiện lịch sử của đức tin: Đức Giêsu Kitô, Đấng đã bị đóng đinh và mai táng, đã sống lại với thân xác vinh hiển. Đức Giêsu đã sống lại, để cho chúng ta là những kẻ tin vào Người, có thể có sự sống muôn đời. Lời loan báo này là trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Thánh Phaolô đã khẳng định mạnh mẽ: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi ra hư không, lòng tin của anh em cũng chỉ là hư không” (1Cr 15,14.19). Từ buổi hừng đông lễ Phục Sinh, một mùa Xuân mới của hy vọng đã ngập tràn trái đất; từ ngày ấy trở đi, cuộc phục sinh của chúng ta đã bắt đầu, bởi vì lễ Phục Sinh không chỉ đánh dấu một thời điểm của lịch sử mà là một khởi đầu cho một tình trạng mới. Đức Kitô đã sống lại không phải bởi vì hồi ức về Ngài vẫn còn sống động trong con tim các môn đệ, nhưng bởi vì chính Người đang sống trong chúng ta, và trong Người, chúng ta đã có thể hưởng được niềm vui của cuộc sống đời đời.

Thành ra, sự phục sinh không phải là một lý thuyết nhưng là một thực tại lịch sử được mặc khải bởi con người Giêsu Kitô thông qua sự “Vượt Qua” của Người, với “cuộc vượt qua” ấy Người đã mở ra một “thông lộ mới” giữa trời và đất (x Dt 10:20). Đó chẳng phải là một huyền thoại hay một ước mơ, cũng chẳng phải là một thị kiến hay một hoài bão, chẳng phải chuyện thần thoại, mà là một biến cố độc nhất vô nhị: Đức Giêsu Nazareth, con của bà Maria, Đấng đã được hạ xác xuống khỏi Thập Giá vào buổi hoàng hôn của ngày Thứ Sáu, và được an táng trong mồ, Đấng ấy đã vinh quang rời bỏ ngôi mộ. Thực vậy, vào buổi sáng của ngày thứ nhất trong tuần ngay sau ngày Sabát, ông Phêrô và ông Gioan đã phát giác ra ngôi mộ trống không. Bà Mađalêna và các phụ nữ khác đã gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh. Trên đường Emmaus, hai môn đệ cũng nhận ra Người vào lúc bẻ bánh. Chúa Phục Sinh cũng đã hiện ra với các Tông Đồ vào buổi tối trong nhà Tiệc Ly, và tiếp đó với nhiều môn đệ khác nữa tại Galilêa.

Việc công bố biến cố Phục Sinh của Chúa chiếu soi những vùng tối tăm trên thế giới mà chúng ta đang sống. Cách riêng tôi muốn nói về thuyết duy vật và thuyết hư vô, đến tầm nhìn không vươn lên cao hơn nổi những gì mà khoa học có thể kiểm chứng, và chán nản thu mình vào cảm giác vô vị được cho là thân phận của kiếp người. Thực ra, nếu đức Kitô đã không sống lại, thì đúng là “sự trống rỗng” sẽ thống trị. Nếu chúng ta loại bỏ Đức Kitô và sự phục sinh của Người, thì con người vô phương xoay xở và niềm tin nơi Người chỉ là ảo vọng. Tuy nhiên, hôm nay vang lên mạnh mẽ lời loan báo về sự phục sinh của Chúa, và đó là câu trả lời cho vấn nạn cứ lặp đi lặp lại của những kẻ hoài nghi như đã được sách Giảng viên ghi lại: “Thử hỏi trên đời này có điều gì nói được là mới lạ không? (Gv 1,10). Chúng tôi xin đáp: Có đấy: vào buổi sáng Phục Sinh, mọi sự đều đổi mới: “Mors et vita duelle conflixere mirando: dux vitae mortuus regnat vivus” - Sự chết và sự sống đã giao đấu với nhau trong cuộc giao tranh kỳ diệu: Chúa sự sống đã chết, nhưng nay Người đã sống lại khải hoàn. Đó là chuyện mới lạ. Một sự mới lạ làm thay đổi cuộc sống của ai đón nhận nó, như đã xảy ra trong trường hợp các thánh. Chẳng hạn, như cho thánh Phaolô.

Trong khung cảnh của năm thánh Phaolô, chúng ta đã có nhiều dịp suy niệm về kinh nghiệm của vị đại Tông Đồ này. Ông Saulô thành Taurô, kẻ quyết tâm bắt bớ các Kitô hữu, trên đường Đamát đã gặp gỡ Đức Kitô và đã bị Người “chinh phục”. Những gì tiếp theo thì ai trong chúng ta cũng đã biết. Nơi thánh Phaolô đã xảy ra điều mà về sau ông viết cho các tín hữu thành Corintô: “Hễ ai sống trong Chúa Kitô thì người ấy trở nên một thọ tạo mới; những chuyện cũ đã qua, này đây sinh ra những chuyện mới” (2Cr 5:17). Chúng ta hãy hướng về nhà đại truyền giáo này, người với lòng hăng say táo bạo và lòng nhiệt thành tông đồ đã mang Tin Mừng đến cho các dân tộc trên thế giới vào thời ấy. Hãy để lời rao giảng và gương sáng của ngài thôi thúc chúng ta đi tìm Chúa Giêsu. Hãy để những điều ấy khích lệ chúng ta tín thác vào Người, bởi vì cái cảm giác hư vô có khuynh hướng nhiễm độc nhân loại, đã bị đè bẹp bởi ánh sáng và niềm hy vọng tràn ra từ sự phục sinh của Người. Những lời của Thánh Vịnh đã được thực thi: “đêm tối không còn là đêm tối đối với ngươi nữa; đêm tối đã sáng rực như ban ngày” (Tv 139, 12). Hư vô không còn thống trị được mọi sự nhưng là sự hiện diện từ ái của Thiên Chúa. Sự thống trị của cái chết cũng bị đẩy lùi, bởi vì Lời của sự sống được hơi thở Thần Khí thúc đẩy, đã thấu đến cõi âm ti (câu 8).

Đức Thánh Cha chúc mừng Phục Sinh
Quả thực, sự chết không còn quyền hành trên nhân loại và thế giới nữa, nhưng vẫn còn nhiều, thậm chí rất nhiều dấu vết sự thống trị của nó trước đây. Dẫu cho qua biến cố Phục Sinh, Chúa Kitô đã hủy diệt gốc rễ của sự dữ, nhưng Người vẫn còn cần đến những trợ giúp của những con người nam nữ thuộc mọi thời đại và nơi chốn, những người giúp khẳng định chiến thắng của Người với những khí cụ của chính Người là công lý, chân lý, lòng thương xót, sự tha thứ và tình yêu. Đây là sứ điệp mà nhân chuyến tông du gần đây tại Camerun và Angola, tôi đã muốn mang đến cho toàn thể lục điạ Phi Châu, nơi tôi đã được chào đón với lòng nhiệt thành mãnh liệt và sự sẵn sàng lắng nghe. Châu Phi đã phải chịu đựng quá mức vì sự tàn bạo và những cuộc giao tranh bất tận, thường bị lãng quên, đã gây ra bao nhiêu là máu đổ và tàn phá xâu xé biết bao quốc gia, và làm tăng thêm con số nạn nhân của nạn đói, nghèo nàn và bệnh tật. Tôi sẽ lặp lại cách mạnh mẽ cùng một sứ điệp đó tại Thánh Địa, nơi tôi được hân hoan viếng thăm trong vài tuần nữa. Cuộc hoà giải, tuy khó nhưng không thể tránh được, bởi vì đó là tiền đề cho một tương lai của an ninh toàn cục và chung sống hoà bình, và nó chỉ có thể đạt được thông qua những nỗ lực được đổi mới, kiên trì và thành thực hầu dàn xếp cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine. Từ Thánh Địa, ý tưởng của tôi cũng vươn đến các nước lân cận, đến miền Trung Đông, và khắp thế giới. Thật là khẩn thiết hơn bao giờ để khám phá những cơ sở cho niềm hy vọng trong thời buổi khan hiếm lương thực toàn cầu, tài chính rối loạn, nghèo nàn lan tràn dưới hình thái cũ và mới, khí hậu đổi thay, tình trạng bạo động và sự tước đoạt bó buộc nhiều người phải rời bỏ quê hương để tìm một chỗ sống an toàn hơn, mối đe doạ hiển nhiên hơn bao giờ của chủ nghĩa khủng bố, và những nỗi lo sợ trước cảnh bấp bênh của ngày mai. Mong rằng đừng ai rút lui trong cuộc chiến an bình đã được phát động từ cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Như đã nói trước đây, Chúa Kitô đang tìm kiếm những con người giúp khẳng định chiến thắng của Người với những khí cụ của chính Người là công lý, chân lý, lòng thương xót, sự tha thứ và tình yêu.

Resurrectio Domini, spes nostra- Cuộc phục sinh của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta”. Hôm nay Giáo Hội hân hoan công bố điều đó. Giáo Hội loan báo niềm hy vọng giờ đây là chắc chắn và không thể đảo ngược vì Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu Kitô phục sinh từ cõi chết. Giáo Hội thông truyền niềm hy vọng đang ấp ủ trong tim và muốn chia sẻ với mọi người, ở khắp nơi, đặc biệt là tại những nơi mà các Kitô hữu đang chịu bách hại vì đức tin hoặc vì sự dấn thân của họ nhằm bảo vệ công lý và hoà bình. Giáo Hội gợi lên hy vọng có khả năng đem lại lòng can đảm làm điều thiện kể cả khi phải trả giá đắt. Hôm nay Giáo Hội ca tụng “ngày mà Thiên Chúa đã làm nên” và mời gọi hãy vui mừng. Hôm nay Giáo Hội nài xin Đức Maria, ngôi sao của Hy Vọng, để xin Mẹ dìu dắt nhân loại đến bến bờ an toàn của sự cứu rỗi là trái tim của Chúa Kitô, Hy lễ Vượt qua, Chiên Con đã “cứu chuộc thế gian”, Đấng Vô Tội “đã hoà giải chúng ta là những tội nhân với Chúa Cha”. Để chào mừng Người, là Vua vinh hiển, Đấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại, chúng ta hãy hân hoan hát lên lời ca Alleluia.

+ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI
 
Biến cố Notre Dame và vấn đề bản sắc Công Giáo
Vũ Văn An
02:31 13/04/2009
Biến cố Notre Dame và vấn đề bản sắc Công Giáo

Dù tới tận ngày 17 tháng Năm, Ông Obama mới tới Đại Học Notre Dame để đọc diễn văn và nhận bằng danh dự, nhưng việc mời ông ta đến đó mỗi ngày một lôi kéo nhiều thức giả hơn vào cuộc tranh luận gay gắt.

Thái độ của Hội Đồng Giám Mục Mỹ

Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Mỹ liên quan đến căn tính Công Giáo của các trường đại học đã được công bố từ năm 2004 trong đó có điều khoản không được cấp phát bất cứ danh dự hay dành bất cứ bục giảng nào cho những người công khai đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội. Vì vậy vụ Đại Học Notre Dame cho mời ông Obama, một người tích cực thi hành các chính sách công khai đi ngược lại giáo huấn kia, tới nói truyện và nhận lãnh văn bằng danh dự không cần phải có tiếng nói chính thức của Hội Đồng Giám Mục Mỹ nữa. Tuy thế, trong tư cách chủ tịch Hội Đồng này, ĐHY Francis George, TGM Chicago, vừa lên tiếng cho rằng quyết định của đại học Notre Dame đã khiến người Công Giáo hết sức bối rối. Tuần trước, tại một hội nghị bàn về các vấn đề đạo đức sinh học, dựa trên tài liệu năm 2008 của Vatican tựa là “Dignitas Personae” (Phẩm Giá Con Người), vị HY này nói thêm rằng: “Dù sao, điều rõ ràng là Đại Học Notre Dame, khi đưa ra lời mời trên, đã không hiểu làm người Công Giáo phải như thế nào, và đã không dự liệu được sự phản đối to tiếng tiếp theo sau lời mời ấy, ít nhất cũng theo mức độ như đã xẩy ra”.

ĐHY George cho rằng chắc chắn đại học này sẽ không rút lại lời mời trên, vì chức vụ tổng thống Hoa Kỳ xứng đáng được mọi người kính trọng, bất kể người đang nắm giữ nó là ai. Vả lại, theo ĐHY, lời yêu cầu rút lại việc mời trên chắc chắn cũng không được ai lắng nghe. Tuy nhiên, ngài cho hay: người ta có quyền tổ chức một hình thức phản đối nào đó đối với việc ấy. Trong khi ấy, chủ tịch đại học Notre Dame là linh mục Jenkins đã chính thức bác bỏ các yêu cầu như trên, vì cho rằng việc ngài mời ông Obama tới nói truyện không có nghĩa là ngài ủng hộ mọi chính sách của vị tổng thống phò phá thai này. Ngài mời tổng thống Hoa Kỳ, chứ không phải cá nhân ông Obama.

Đức HY George không phải là vị giáo chủ Mỹ duy nhất lên tiếng chỉ trích quyết định của ĐH Notre Dame. Đức TGM Timothy Dolan, người sắp sửa đảm nhiệm tổng giáo phận New York, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, cũng gọi quyết định ấy là “lỗi lầm lớn”. Còn ĐHY Daniel DiNardo, TGM Galveston-Houston và là chủ tịch sắp đến của ủy ban phò sự sống của Hội ĐGM Hoa Kỳ, thì tỏ bày sự “thất vọng sâu xa” và nói rằng quyết định ấy đòi người ta phải chỉ trích một cách tuy bác ái nhưng phải cương quyết.

Cũng nên nhớ: Đức Cha John D'Arcy, Giám Mục giáo phận Fort Wayne-South Bend, nơi toạ lạc của ĐH Notre Dame, đã chính thức tuyên bố không tham dự cuộc nói truyện của Obama tại đó, không phải vì khinh miệt chức vụ tổng thống, mà chỉ vì lương tâm mục tử của mình. Trong khi đó, Hội ĐHY Newman đã thu thập được hơn 215,000 chữ ký phản đối cuộc nói truyện này. Và một cuộc thăm dò trên tờ The Observer của sinh viên cho thấy 70% các cựu sinh viên của Trường (hiện lên tới 120,000 người) phản đối quyết định mời Obama tới nói truyện

Giọng nói khác

Cựu chủ tịch Hội ĐGM Hoa Kỳ lại không nghĩ như thế. Trong một bài trên tờ America của các cha Dòng Tên, ngày 30 tháng Ba vừa qua, tựa là “A Critical Moment”, Đức TGM John R. Quinn nhận định rằng không nên phản đối cuộc nói truyện và trao tặng văn bằng danh dự nói trên dù người nói truyện và lãnh nhận văn bằng danh dự ấy có tiếng là phò phá thai, đi ngược hẳn lại giáo huấn của Giáo Hội. Dựa vào lời của Thánh Augustinô được “Sách Chỉ Đạo Thừa Tác Vụ Giám Mục” trích dẫn, Đức TGM Quinn cho hay: nhiều hoàn cảnh ta không thể giải quyết bằng khắt khe hay ác nghiệt. Theo Đức Cha, vì phạm vi đưa ra quyết định của vị giám mục rất rộng, nên phạm vi sai lầm của ngài cũng rất lớn dù ngài có ý ngay lành đến đâu; điều này buộc ngài phải mở cửa đối thoại với người khác, luôn luôn sẵn sàng học hỏi, tìm kiếm và chấp nhận lời khuyên của họ.

Chắc nhiều người còn nhớ Đức Cha John R. Quinn hiện là Tổng Giám Mục về hưu của San Francisco, một giáo phận do ngài chăm sóc trong các năm 1977 tới 1995. Ngài cũng từng là chủ tịch cả Hội Đồng Toàn Quốc Các Giám Mục Hoa Kỳ (USNCCB) lẫn Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ (USCC) từ 1977 tới 1980. Lúc giữ hai chức vụ này, ngài hướng dẫn dư luận Công Giáo toàn quốc trong khá nhiều vấn đề hết sức đa dạng, từ tính hợp luân của vũ khí hạch nhân, nơi nương náu cho các người tị nạn Trung Mỹ, đến các cố gắng nhằm hủy bỏ phán quyết Roe vs Wade và tái lập việc bảo vệ của luật pháp đối với trẻ em chưa sinh ra…

Tiếng nói của ngài trong cuộc tranh luận hiện nay, vì thế, khá có đồng cân vì nó đụng đến chính vấn đề ấy: quyền sống của trẻ chưa sinh. Đức TGM Quinn, nhân cơ hội có tính quá độ này, đã đặt ra 3 câu hỏi, được ngài mô tả là khó nhá nhưng đâm rất sâu (penetrating), để mọi người cùng suy nghĩ trước khi “trận chiến trở thành nặng nề khó khăn hơn”.

1. Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu tổng thống bị buộc không xuất hiện tại Notre Dame, bất kể vì ông tự ý rút lui hay vì Trường này rút lại lời mời? Liệu có vì thế mà phong trào phò sự sống thăng tiến hơn tại Mỹ không? Nếu tổng thống bị buộc phải rút lui, liệu việc ấy có gia tăng sự hợp tác giữa Giáo hội Công Giáo và Chính Phủ hay không, hay nó sẽ tạo thêm căng thẳng và làm sâu thêm sự thù nghịch? Nếu tổng thống bị buộc phải rút lui, liệu có vì thế mà nạn phá thai ở Mỹ sẽ giảm thiểu đi hay không? Liệu việc ông rút lui vì bị áp lực như thế có dẫn nhiều người hơn vào phong trào ủng hộ sự sống hay không?

2. Nếu tổng thống bị buộc phải rút lui, việc ấy sẽ tác động ra sao tới hình ảnh về Giáo Hội? Liệu nó có tăng tiến sứ mệnh của Giáo Hội không? Liệu nó có tạo nên được một thái độ tích cực hơn đối với Giáo Hội Công Giáo hay không?

3. Nếu tổng thống bị buộc phải rút lui, sự kiện ấy sẽ được (bị) sử dụng ra sao? Liệu nó có bị sử dụng để liên kết Giáo Hội với các phần tử kỳ thị chủng tộc hay cực đoan tại xứ sở này hay không? Liệu việc trục xuất vị tổng thống Mỹ gốc Da Đen đầu tiên ra khỏi khuôn viên một trường đại học Công Giáo có bị coi là thiếu nhậy cảm một cách thô thiển đối với cái gia tài kỳ thị sắc tộc từng đè nặng lên nước Mỹ từ rất lâu nay hay không? Liệu nó có bị sử dụng để minh họa các giám mục như những người ủng hộ đảng phái chính trị này hơn đảng phái chính trị kia hay không? Liệu hành động ấy có bị coi là bằng chứng kết tội các giám mục Hoa Kỳ không chịu thành thực tìm kiếm đối thoại trong các vấn đề chính sách quan trọng, mà chỉ tìm kiếm sự nhu thuận của người khác hay không?

Đặt xối xả một tràng câu hỏi theo một hướng khá tiêu cực như thế cũng đủ cho thấy vị giám mục về hưu này bức xúc, bực dọc như thế nào trước các phản ứng gần đây của nhiều tín hữu và các chủ chăn Công Giáo đối với việc đại học Notre Dame mời ông Obama tới nói truyện và lãnh bằng danh dự.

Người ta sợ vì vậy các câu giải đáp của ngài không được khách quan bao nhiêu. Theo Đức Cha Quinn, các câu hỏi trên không phải là những câu hỏi có thể coi thường. Ngài viết: trong suốt hơn 200 năm lịch sử, các giám mục Mỹ chỉ đưa ra các phán quyết về chính sách chứ chưa bao giờ đưa ra các phán quyết về những con người hoạt động chính trị. Vì các ngài luôn nghĩ rằng chủ trương ấy mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn cho sứ mạng của Giáo Hội. Điều ấy không hẳn là cơ hội chủ nghĩa mà là đức khôn ngoan (prudence). Theo Đức Cha Quinn, các thánh đã dùng nhiều từ ngữ để gọi nhân đức khôn ngoan này: minh biện (discretion), biện biệt (discernment), khôn ngoan thực tiễn (practical wisdom). Thầy dạy vĩ đại nhất về đức khôn ngoan biện biệt là Thánh Inhã thành Loyola. Về điểm này, Thánh Inhã nhắc tới cơn cám dỗ của điều tốt. Không phải mọi điều xem ra tốt đều tốt cả. Cân nhắc, biện biệt và minh biện là điều không thể không có ngay cả trong những sự việc bề ngoài xem ra rất tốt. Luôn luôn có vấn đề kép trong chính mục tiêu và phương tiện đạt mục tiêu ấy. Cái này có thể tốt, nhưng cái kia rất có thể xấu.

Đức Cha bảo: người Công Giáo Mỹ rất biết ơn đối với chính sách tách biệt (separation) giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Nhưng sự tách biệt ấy không phải là sự tách biệt giữa Giáo Hội và xã hội. Nhà Nước đâu phải là xã hội. Trong khi ấy, Giáo Hội có một vai trò chính đáng trong xã hội và được quyền tự do tôn giáo do hiến pháp bảo đảm. Các vị giám mục, vì thế, có quyền và có nhiệm vụ phải lên tiếng trong các vấn đề luân lý liên hệ đến các chủ đề công cộng. Nhưng không vì vậy mà chúng ta quên rằng có nhiều giới hạn, do khôn ngoan, do luân lý và do chính trị, đối với vai trò của các giám mục trong các vấn đề công cộng.

Từ nhận định tổng quát rất đúng trên đây, Đức Cha Quinn cho rằng: “Ta phải hết sức nghiêm chỉnh cân nhắc các hậu quả nếu các giám mục Mỹ bị coi là tác nhân gây bối rối công cộng cho vị tổng thống tân cử bằng cách buộc ông phải rút lui không xuất hiện tại một đại học Công Giáo nổi tiếng. Các giám mục và tổng thống đều phục vụ cùng một đoàn ngũ công dân của cùng một quốc gia này. Ích lợi của cả Giáo Hội lẫn quốc gia sẽ được phục vụ, nếu hai bên biết làm việc với nhau một cách hợp tính công dân (civility), trung thực và thân ái vì ích chung, ngay cả lúc có những chia rẽ sâu sắc, như trong vấn đề phá thai chẳng hạn”.

Theo Đức Cha, phương thức “nắm đấm” (clenched fist) chắc chắn không tạo được bất cứ tiến bộ nào cho vấn đề trên cũng như nhiều vấn đề quan tâm chung khác. Ngài bảo: ông Obama đã chứng tỏ là người có thiện chí, thông minh, muốn lắng nghe và có khả năng biết nghiêm chỉnh cân nhắc quan điểm của người khác. Do đó, ngài khuyên các đồng nhiệm giám mục của mình phải đối thoại với ông ta như lời Thánh Augustinô đã được “Sách Chỉ Đạo Thừa Tác Vụ Giám Mục” trích dẫn trên đây.

Lạc đề

Bài viết của Đức Cha Quinn kết thúc ở đấy và liền được 58 độc giả góp ý. Đại đa số các độc giả này không đồng quan điểm với Đức Cha. Teresa Collett chẳng hạn cho rằng các luận điểm của Đức Cha làm người ta quên khuấy vấn đề chủ yếu liên quan tới lời mời của ĐH Notre Dame và việc ĐH này cấp bằng danh dự cho ông Obama. Vấn đề đó là: phải chăng Giáo Hội chủ trương bảo vệ mọi hữu thể nhân bản, dù đó chỉ là những con người nhỏ bé tí hon, hay là trân qúi việc “hợp tác” trong các vấn đề kém giá trị hơn so với sự sống của các anh chị em chưa sinh của chúng ta? Mà việc Đức Cha sử dụng từ ngữ “hợp tác” cũng rất đáng chú ý. Vì thành tích “hợp tác” với Giáo Hội của tân tổng thống trong việc bảo vệ mọi mạng sống nhân bản ai ai cũng rõ đã thảm hại như thế nào rồi. Khó có thể tưởng tượng ra một thành tích nào kém hợp tác hơn thế trong một thời gian ngắn ngủi kỷ lục vừa mới nhậm chức.

Collett cũng bác bỏ việc coi hành vi chống đối lời mời ông Obama tới nói truyện và nhận bằng danh dự là một hành vi kỳ thị sắc tộc. Theo Tom Farrelly, quan điểm này không đúng chút nào. Vì không thể dùng sắc tộc của Obama để miễn trừ ông khỏi mọi chỉ trích. Ông làm sai, thì dù ông là người da trắng hay người da đen, ông vẫn bị chỉ trích như thường. Mà ai cũng biết Obama là người cực đoan ủng hộ nạn phá thai vì bất cứ hoàn cảnh nào, cho nên coi việc ông tới Notre Dame như một “đối thoại” quả là đi ngược lại sự thật.

Còn John McCarthy thì nhận định rõ hơn, cho rằng Đức Cha Quinn đã không bàn tới vấn đề chủ yếu. Vấn đề ở đây là liệu hành động mời ông Obama tới nói truyện và nhận bằng danh dự tại ĐH Notre Dame là đúng hay sai, chứ đâu phải là vấn đề ĐH ấy có nên rút lại lời mời này hay không. Bernie Tracey đồng ý không nên rút lại lời mời, vì điều đó có hại hơn có lợi, tuy nhiên, cái thiếu sót của Đức Cha Quinn là không nhận định chút nào về sự khôn ngoan của ĐH Notre Dame khi đặt lời mời ông Obama.

Biện giải

Cha Joseph, Dòng Tên, một cựu sinh viên của Notre Dame, thì cho rằng thay vì minh biện, biện biệt, Đức Cha Quinn chỉ muốn biện giải, chỉ muốn lý giải (rationalizing). Giáo huấn của Giáo Hội không phải đem ra thị trường để mặc tình thao túng. Nó thế nào thì nó thế ấy, một là chấp nhận nó hai là bác bỏ nó. Nếu vị chủ tịch một đại học Công Giáo bác bỏ giáo huấn này, thì tốt nhất nên bỏ cái tước Công Giáo khỏi nhãn hiệu của Đại Học. Theo cha, ta nên “ngưng cái việc biện giải và xin lỗi về điều ta giảng dạy trong Giáo Hội Công Giáo. Ta cần các vị giám mục như Đức Cha Chaput, người không sợ nói đúng sự thật. Tại sao một vị giám mục lại sợ không dám nói sự thật của Giáo Hội”.

Dale Price thì tin là Obama rất thông minh nhưng nhận định của ông ta khi cho phép hủy hoại tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu chứng tỏ ông ta hết sức khinh miệt phía “đối thoại”. Một thứ khinh miệt hết sức hoa mỹ, nhưng vẫn là một khinh miệt. Ngoài cái tài hùng biện ấy ra, không điều gì trong thành tích của người đàn ông này chứng tỏ ông ta kính trọng người phò sự sống, hoàn toàn chỉ coi họ là các địch thủ cần loại bỏ và đẩy qua bên lề.

Vấn đề nguyên tắc

Đối với J Cole, vấn đề ở đây là vấn đề nguyên tắc. Và người ta chỉ trọng những người có nguyên tắc: ngoài đời cũng như trong Giáo Hội. Lịch sử đầy những con người như thế, Giáo Hội cũng đầy những anh hùng của nguyên tắc (các thánh), chứ không cần những con người ngả nghiêng trước công luận. Giáo hội vốn chủ trương và hiện vẫn tin rằng sự sống có tính thánh thiêng và sự sống ấy bắt đầu ở lúc thụ thai. Có còn gì để đối thoại về vấn đề ấy hay không? Một là chấp nhận giáo huấn ấy hai là bác bỏ nó. Trong đời sống Chúa Kitô và trong lịch sử Giáo Hội, công luận đã bao giờ thay đổi được nguyên tắc chưa? Đức Thánh Cha đã lên tiếng phê phán các chính trị gia Công Giáo phò phá thai. Vậy phải nói gì về các nguyên tắc của Giáo Hội khi một đại học Công Giáo cổ vũ cho một ai đó còn đi xa hơn những người bị Đức Thánh Cha phê phán? Còn về việc người ta nhìn Giáo Hội ra sao, thì “tòa án” công luận có bao giờ thân thiện với Giáo Hội đâu!

Dave Cullison gọi việc mời Obama đến nói truyện và nhận bằng danh dự là một “gương mù hết sức ngu xuẩn”, nhưng đã không được Đức Cha Quinn nhắc gì tới khía cạnh đó. Theo Laura, thái độ của ngài có tính chính trị hơn là linh đạo. Một thứ chính trị, theo Terry, đã thất bại. Theo ông, những người Công Giáo xã hội đã bỏ phiếu cho Obama và giúp ông ta thành công, nhưng ông ta đã cám ơn họ ra sao? Đã khởi đầu chính phủ ông ta bằng cách ban hành pháp lệnh tài trợ việc phá thai ở ngoại quốc, bãi bỏ các hạn chế hủy hoại tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu và bãi bỏ quyền tự do lương tâm. Maureen thì cho hay: Đại Học Notre Dame và giáo hội Công Giáo không mất gì khi chống đối Obama, trái lại họ được rất nhiều trong việc cho thế giới thấy họ thực sự tranh đấu cho một nguyên tắc: đó là quyền sống của mọi con người nhân bản.

Michael Talbot gọi luận điểm của Đức Cha Quinn là “chính xác về chính trị” (politically correct), một chủ trương chỉ nhằm làm loãng Lời Chúa, coi thường giáo huấn của Chúa Kitô. Thiên Chúa làm người có bao giờ trịnh trọng giới thiệu ‘địch thủ’ của Người và mời ‘địch thủ’ ấy chia sẻ bục giảng với Người trong tư cách ngang hàng hay không? Người cũng đã không chọn con đường chính xác về chính trị khi mọi người từ bỏ Người. Người bằng lòng chấp nhận chết vì tội lỗi ta.

Trong khi ấy, Jim, một người thuộc giáo hội Luthêrô, thì khôi hài cho rằng cách đặt vấn đề của Đức Cha Quinn hình như trái khoáy với khẩu hiệu hiện nay thường được gán cho đạo Công Giáo là “Cầu Nguyện, Góp Tiền, và Vâng Lời” (Pray, Pay, and Obey). Nhưng hình như chỉ vâng lời những gì tòa giám mục nói, chứ không hẳn vâng theo Thánh Kinh và Giáo Hội. Thánh Kinh và Giáo Hội dạy: phá thai là sai lầm, nhưng khi giáo huấn ấy du mình vào một hoàn cảnh khó xử, thì Đức Cha lại tìm cách “khôn ngoan” để rút chân ra! Giáo hội Luthêrô có chung rất nhiều điều với Đạo Công Giáo, nên ông mong người Công Giáo hãy vâng phục chính niềm tin của mình, dù có gặp khó khăn. Hãy đi con đường hẹp. Trước khi yêu cầu con chiên vâng phục, hãy cố gắng vâng phục trước đã.

Bà Winifred Fugowski, một giáo dân ở New York, thì nhắc nhở mọi người rằng: là người Công Giáo, ta không nên lo lắng về chính phủ, mà là lo phục vụ Chúa. Giáo Hội Công Giáo luôn bị bách hại, cả ở đất nước Hoa Kỳ này, thì có chi khác nhau nếu ta làm phật lòng chính phủ hiện nay.

Cấp bằng danh dự là một chuyện khác hẳn

Một số người cũng nhân dịp này tách biệt hai vấn đề mời tổng thống nói truyện nhân lễ tốt nghiệp và cấp phát văn bằng danh dự cho ông ta. Mary Fitzgerald chẳng hạn thì cho rằng Cha Jenkins đáng lẽ không nên mời ông Obama tới nói truyện tại Trường mình. Bà nhớ rằng các tiên tri trong Cựu Ước cũng như các thánh thời Tân Ước luôn luôn lên tiếng nhắc các nhà cầm quyền trong giáo hội và xã hội nhớ tới các giá trị luân lý thánh thiêng của Thiên Chúa. Chứ chưa có vị nào lên tiếng bênh vực những nhà cầm quyền ngỗ nghịch. Thái độ của họ đòi một cái giá khá cao cho bản thân họ. Nhưng họ vẫn làm. Chuyện đã rồi, bà chỉ còn biết đưa ra đề nghị: cứ để ông Obama nói truyện trong buổi lễ tốt nghiệp vì chức vụ tổng thống và công lao ông leo lên được chức vụ ấy xứng đáng để ông tiếp nhận danh dự này, nhưng việc cấp phát văn bằng danh dự thì không thích đáng chút nào trong hoàn cảnh hiện nay.

Bà Fitzgerald không khai triển thêm lý do tại sao. Điều này được Robert bổ túc. Ông này đồng ý với Đức Cha Quinn rằng không nên rút lại lời mời nói truyện vì điều ấy không đem lại lợi bằng hại. Tuy nhiên, ông không đồng ý với các luận điểm của Đức Cha. Ông cho rằng hoặc ta tin giáo huấn của Giáo Hội hoặc ta không tin, có thế thôi, mà đã tin thì phải cố kết với niềm tin ấy, phải tranh đấu cho niềm tin ấy. Ông chấp nhận việc ông Obama nói truyện tại Notre Dame, vì ông ta đã được mời rồi và xét trong căn bản, thì ĐH Notre Dame mời ‘ông tổng thống” tới nói truyện, chứ không hẳn mời cá nhân ông Obama. Tuy nhiên, việc cấp phát văn bằng tiến sĩ luật danh dự lại là một việc khác hẳn, nó nhằm vinh danh cá nhân, chứ không phải chức vụ. Và việc ấy hoàn toàn sai lầm, không nên xẩy ra.

Quay lưng

Nhiều người không ủng hộ việc hủy bỏ lời mời ông Obama tới ĐH Notre Dame. Michael Rangitsch cho việc hủy bỏ ấy là một ý niệm tệ hại, không đem lại hiệu quả tích cực nào. Thay vào đó, có lẽ hạ bệ linh mục chủ tịch ĐH Notre Dame sẽ thích đáng hơn. Rangitsch cho rằng điều nên xẩy ra là các diễn giả trước và sau Obama phải được lựa ra sao để có thể đại biểu cho quan điểm phò sự sống của Công Giáo, một quan điểm được mọi con người văn minh, biết quan tâm ủng hộ. Ông nghĩ: đúng lúc Obama lên tiếng, điều tốt nhất là mọi người quay lưng lại ông ta, hoặc bịt tai lại hoặc bỏ ra ngoài.

Peter Murphy tích cực hơn và có lẽ là người duy nhất ủng hộ quan điểm của Đức Cha Quinn. Theo ông, đây không phải là lúc dùng nắm đấm và la ó, nhưng là thời điểm đối thoại trí thức. Khán đài đã được dọn sẵn, xin mời tổng thống Obama và Đại Học Notre Dame bước vào cuộc tranh luận cởi mở và hữu hiệu. Cuộc đối thoại này nên bắt đầu bằng việc ĐH Notre Dame công bố chính sách của mình cho thấy những đường nét tổng quát của Giáo Hội Công Giáo về phá thai, nghiên cứu tế bào gốc phôi thai, an tử (euthanasia) và các vấn đề phò sự sống khác. Sau đó, trong lời giới thiệu Tổng Thống Obama lãnh nhận văn bằng tiến sĩ danh dự, vị chủ tịch của ĐH Notre Dame sẽ đề cập thẳng tới các vấn đề trên. Tùy theo cách thế ông Obama đáp ứng lời mời đối thoại cởi mở và trung thực trên, mà người ta sẽ xác định được tính sâu sắc hay nông cạn trong cam kết làm giảm con số phá thai như lời ông thường rêu rao. ĐH Notre Dame nhờ thế có dịp điều khiển cuộc tranh luận này. Mong sao ĐH Notre Dame tạo được cơ hội tốt đẹp ấy với một cái nhìn hoàn toàn Công Giáo, đầy biện biệt và ơn thánh Chúa!

Đối thoại

Rất có thể đây cũng là phương thức của Cha Hugh Cleary, bề trên cả các cha Dòng Thánh Giá, là Dòng sáng lập và hiện đang quản trị Đại Học Notre Dame. Trong một bức thư ngỏ gửi Tổng Thống Obama và được phổ biến trên tờ tuần san America của các cha Dòng Tên, ngài cho Obama hay ngài đã không tham dự cuộc tổng tuyển cử vừa qua và do đó không bầu ông ta làm tổng thống, chỉ vì quan điểm phò phá thai của ông ta, và ngài yêu cầu ông hãy “hãy nhờ cầu nguyện, vật lộn với lương tâm ngài mà suy nghĩ lại các quan điểm từng được phát biểu trước đây về các vấn đề thuộc sự sống ngày nay”, nhất là phá thai và nghiên cứu tế bào gốc phôi thai.

Nguyên văn bức thư trên như sau:

Kính thưa tổng thống

Trong tư cách Bề Trên Cả Hội Dòng Thánh Giá và là một cựu sinh viên của Đại Học Notre Dame, tôi xin trình bày với ngài một vài suy nghĩ bản thân của tôi về quyết định của Đại Học này mời ngài tới đọc diễn văn tốt nghiệp năm nay và vinh danh ngài với văn bằng Tiến Sĩ Luật.

Nghĩ đến sự hiện diện sắp tới của ngài tại Notre Dame, tôi nhớ lại cách ngài nắm lấy cơ hội lúc đang tranh cử tổng thống của mình để đề cập tới vấn đề kỳ thị chủng tộc trong nền văn hóa Mỹ của chúng ta. Ngài đã sử dụng dịp ấy làm giây phút để giảng dạy cả quốc gia.

Cũng thế, việc hiện diện của ngài tại Notre Dame cũng đem lại cho tất cả chúng ta, trong đó có ngài, một cơ hội để giảng dạy. Kính thưa tổng thống Obama, ngài thành thạo các vấn đề của thời đại ta một cách tuyệt vời. Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng các xác tín chính sách của ngài đã được đặt cơ sở trên nghiên cứu nghiêm chỉnh và mọi quyết định quan trọng của ngài đều được lương tâm của ngài hỗ trợ. Tôi tin chắc ngài cũng hiểu rõ như thế về xác tín của niềm tin Công Giáo, một xác tín cho rằng sự sống con người bắt đầu có từ lúc được thụ thai. Cho nên, qua lá thư ngỏ này, tôi muốn lợi dụng dịp ngài xuất hiện tại Notre Dame để yêu cầu ngài dùng cầu nguyện, vật lộn với lương tâm ngài mà suy nghĩ lại các chủ trương đã công bố về các vấn đề hiện hết sức sinh tử về sự sống, nhất là những vấn đề liên quan tới phá thai, nghiên cứu tế bào gốc phôi thai và chủ trương riêng của ngài về Đạo Luật Tự Do Chọn Lựa hiện vẫn còn tại Quốc Hội.

Lời yêu cầu này nghe ra có vẻ hỗn xược. Dù vậy, tôi không cố ý bất kính đối với ngài. Nhưng tại sao không nắm lấy giây phút này làm cơ hội để suy niệm về các chân lý thánh thiêng mà chúng ta vốn coi là hiển nhiên, như “mọi con người đều được tạo dựng bình đẳng nhau, tất cả đều được Thiên Chúa phú bẩm những quyền lợi bất khả nhượng, trong đó có quyền sống…”

Kính thưa tổng thống, trong các nhận định nhân buổi Cả Nước Ăn Sáng Cầu Nguyện vào ngày 5 tháng Hai vừa qua, ngài từng phát biểu một xác tín rất chủ yếu đối với đức tin của chúng ta, khi ngài nói rằng “Không hề có một Thiên Chúa nào lại bỏ qua việc lấy đi mạng sống nhân bản của một con người vô tội. Điều này, chúng tôi biết rõ”.

Điều này chúng tôi biết rõ, kính thưa tổng thống Obama, lời tuyên bố của ngài về việc vô ý lấy đi một mạng người vô tội quả đúng là niềm tin của chúng tôi. Chính kiểu nói rõ ràng và dễ hiểu phát xuất từ xác tín lương tâm của ngài ấy làm chúng tôi phấn chấn. Nhưng quả là buồn cho người Công Giáo chúng tôi, lời lẽ của ngài không diễn tả cái hiểu của chúng tôi.

Mạng sống nhân bản vô tội được tượng hình qua giao hợp tính dục vốn có nghĩa như một phát biểu thân mật nhất của tình yêu, ngoài việc hiến mạng sống mình vì người khác. Thảm hại thay, đôi lúc, sự sống ấy được tượng hình qua cái tàn bạo của hiếp dâm hay loạn luân. Cũng thế, đôi lúc sự sống ấy cũng được tượng hình một cách không có ý, chỉ để hưởng khoái cảm tính dục. Một em bé “không được ước muốn” đã ra đời dưới nhiều hình thức bị coi như hiện hữu không đúng lúc; một tạo vật mang khuyết tật hay dị hình; một phôi thai mang giới tính không đúng; một hài nhi hoang thai…

Càng thảm họa hơn nữa, vì trong văn hóa Hoa Kỳ, chúng ta đang có truyền thống cho phép xác định được các thông số cho sự sống nhân bản sao cho phù hợp với ý muốn vị kỷ của mình. Há chúng ta đã không biện minh cái truyền thống nô lệ của chúng ta bằng cách bác bỏ rằng người da đen gốc Phi Châu không hoàn toàn là người đó sao? Như tôi được biết, tổng thống Lincoln đã có một quan điểm ngược lại và đã đưa chúng ta vào một cuộc nội chiến với mục đích thống nhất hóa lương tâm của cả nước. Và ngày nay, chúng ta cũng đang bước vào một cuộc nội chiến lớn lao khác về việc đào luyện lương tâm. Bảo vệ sự sống con người là một bổn phận của toàn bộ nhân loại, chứ không riêng gì của người Công Giáo.

Thưa tổng thống Obama, tôi hối tiếc nhìn nhận rằng tôi đã không thể tham dự vòng bầu cử vừa qua. Tôi muốn bỏ phiếu cho ngài, nhưng tôi không thể làm được việc ấy vì chủ trương của ngài về phá thai. Thực tế, mỗi ngày tôi càng thấy mình khó có thể bầu cho bất cứ ứng cử viên của các đảng chính trị lớn nào. Bằng hữu bảo tôi dù sao cũng phải đi bầu, bầu cho cái xấu nhỏ hơn. Bất hạnh thay, cái xấu ngày nay xem ra quá lớn khiến lương tâm tôi chịu không thấu, bất kể đó là cái xấu liên quan tới phá thai, tới án tử, tới an tử, tới di trú, tới kinh tế, tới chổ ở cho người nghèo, tới việc kiểm soát súng ống, tới chăm sóc y tế cho người không có bảo hiểm, tới môi trường, tới chiến tranh dành dầu hỏa hay tới vũ khí giết người hàng loạt. Tôi yêu quê hương tôi và tôi rất muốn đầu phiếu. Tôi chỉ không biết phải đầu phiếu ra sao trong khi phải trung thực với lương tâm mình, một lương tâm vốn được xác tín của niềm tin đào luyện.

Khi còn là một thanh niên, tôi rất cảm kích trước lời lẽ đầy phấn chấn của mục sư tiến sĩ Martin Luther King Jr khi ông kêu gọi chúng ta đến trước cánh cửa chân lý vĩ đại và hãy mở toang cánh cửa ấy ra: “Hãy đứng lên vì điều đúng và điều ngay…Ta sẽ chết khi không chịu đứng lên vì điều đúng ấy. Ta sẽ chết khi không chịu đứng lên vì điều chân thật. Cho nên, ta hãy đứng lên ngay tại đây”.

Kính thưa tổng thống, có lẽ tại Đại Học Notre Dame, ngài sẽ đứng lên bảo vệ chân lý vĩ đại của sự sống, bước qua cánh cửa đó và đem theo cả chúng tôi, cả quốc gia này, đi với ngài. Nếu ngài làm thế, tôi chắc chắn sự vĩ đại của ngài sẽ được thể hiện.

Kính thưa tổng thống, xin ngài hãy tin chắc vào lời cầu nguyện của tôi cho ngài và cho gia đình đầy tốt lành và tươi vui của ngài. Gia đình ngài quả là một ơn phúc cho cả quốc gia. Xin ơn Chúa mở rộng tình yêu trong trái tim mọi người trong gia đình ngài hết ngày này qua ngày nọ.

Kính chào ngài,

Linh Mục Hugh W. Cleary, C.S.C.
 
Video Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ sáng Phục Sinh
Nguyễn Việt Nam
03:08 13/04/2009
Script: During his Easter Morning mass in St. Peters square, Pope Benedict called on us to open our spirit to Christ, who has died and is risen in order to renew us, in order to remove from our hearts the poison of sin and death, and to pour in the life-blood of the Holy Spirit: divine and eternal life.

The Pope said The Easter proclamation spreads throughout the world with the joyful song of the Alleluia. He told Christians to sing it with our lips, and let us sing it above all with our hearts and our lives, with a manner of life that is unleavened, that is to say, simple, humble, and fruitful in good works.

He said since Christ, as the true Lamb, sacrificed himself for us, we too, his disciples – thanks to him and through him – can and must be the “new dough”, the “unleavened bread”, liberated from every residual element of the old yeast of sin: no more evil and wickedness in our heart.
 
Bài giảng trong thánh lễ Sáng Phục Sinh của Đức Thánh Cha
J.B. Đặng Minh An dịch
05:34 13/04/2009
Thánh lễ Phục Sinh tại Vatican đã được cử hành tại thềm đền thờ thánh Phêrô vào lúc 10 giờ 15 sáng ngày Chúa Nhật 12/4 với khoảng 40 ngàn người hiện diện.

Phụng vụ mở đầu với nghi thức Chúa Kitô gặp gỡ thánh Phêrô và được diễn tả qua việc vị kế nhiệm thánh Phêrô hôn kính bức ảnh Chúa Kitô.

Các bài đọc sách thánh được công bố bằng tiếng Tây Ban Nha, Anh, Ý. Sau bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đọc bài giảng ngắn sau:

Anh chị em thân mến,

“Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua, đã bị hiến tế!” (1 Cor 5:7) Trong ngày hôm nay, những lời hùng hồn này của Thánh Phaolô lại vang lên, những lời chúng ta vừa nghe đó đã được trích từ thư Thứ Nhất của ngài gởi dân thành Côrintô. Đoạn văn này được viết mãi 20 năm sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng – như nhiều đoạn văn khác của thánh Phaolô – nó vẫn chứa đựng, trong một tổng hợp đầy ấn tượng, một nhận thức đầy đủ về tính mới mẻ của cuộc sống trong Chúa Kitô. Biểu tượng trung tâm của lịch sử ơn cứu độ - Chiên Vượt Qua - ở đây được đồng hóa với Chúa Giêsu, Đấng được gọi là “Chiên Vượt Qua của chúng ta”. Trong lễ Vượt Qua của người Do Thái, kỷ niệm biến cố được giải phóng khỏi ách nô lệ người Ai Cập, người ta sát tế một chiên con, mỗi con cho một gia đình, như được ghi trong luật Môsê. Trong cuộc thương khó và cái chết của mình, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra như Chiên Thiên Chúa, “bị sát tế” trên Thánh Giá, để xóa bỏ tội lỗi thế gian. Ngài bị giết chính vào giờ mà theo thông lệ những chiên con sẽ bị sát tế trong đền thờ Giêrusalem. Chính Người đã tiên liệu trong Buổi Tiệc Ly ý nghĩa sự hy sinh của Người khi thay thế chính mình – dưới hình dạng bánh và rượu – cho thức ăn theo nghi thức bữa ăn tối Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Vì thế, chúng ta thực sự có thể nói rằng Chúa Giêsu đã làm viên mãn truyền thống của Lễ Vượt Qua xưa, và chuyển hóa nó thành Lễ Vượt Qua của Người.

Dựa trên ý nghĩa mới này của lễ Vượt Qua, chúng ta có thể hiểu điều Thánh Phaolô dẫn giải về “men”. Vị Tông Đồ đã đề cập đến truyền thống người Do Thái, theo đó, vào dịp Lễ Vượt Qua, điều cần thiết là phải quét sạch khỏi nhà mọi mẫu vụn dù bé nhỏ của bánh có men. Một mặt, điều này nhắc nhớ nhưng gì đã xảy ra cho cha ông họ vào lúc trốn khỏi Ai Cập. Họ đã ra đi vội vã và chỉ đem theo với họ bánh không men. Mặt khác, “bánh không men” còn là biểu tượng của thanh tẩy: nghĩa là loại đi cái cũ để nhường chỗ cho cái mới. Giờ đây, theo như thánh Phaolô giải thích, truyền thống xưa cũng mặc lấy một ý nghĩa mới, xuất phát từ cuộc “Xuất Hành” mới là cuộc vượt qua của Chúa Giêsu từ cõi chết đến sự sống đời đời. Và vì Chúa Kitô, như Chiên thật, đã tự hiến mình vì chúng ta, cả chúng ta nữa, những tông đồ của Người- nhờ Người và qua Người – cũng có thể và phải trở thành “bột mới”, “bánh không men”, được giải thoát khỏi mọi các yếu tố cặn bã của men cũ của tội lỗi: không còn chút gì là xấu xa và độc ác trong con tim chúng ta.

“Chúng ta hãy cử hành lễ này … với bánh không men là lòng chân thành và sự thật”. Lời hô hào này của Thánh Phaolô, kết thúc bài đọc ngắn vừa được công bố, đang vang lên sâu sắc hơn trong bối cảnh của năm Thánh Phaolô.

Anh chị em thân mến,

Hãy đón nhận lời mời gọi của vị Tông Đồ; hãy mở lòng trí chúng ta ra cho Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại để canh tân chúng ta, để tẩy sạch khỏi tim ta chất độc của tội lỗi và sự chết, và để đổ trong ta dòng máu mang sức sống của Chúa Thánh Thần: là sự thánh thiện và cuộc sống đời đời. Trong bài ca tiếp liên của Lễ Phục Sinh, một bài ca như thể là lời đáp dành cho những lời của vị Tông Đồ, chúng ta đã hát lên “Scimus Christum surrexisse a mortuis vere” - chúng ta biết Chúa Kitô đã sống lại thật từ trong cõi chết. Vâng, thật thế! Đây là hạt nhân căn bản trong việc tuyên xưng đức tin của chúng ta; đây là tiếng hô vang chiến thắng hiệp nhất tất cả chúng ta hôm nay. Và nếu Chúa Giêsu đã phục sinh và do đó đang sống, ai có thể ngăn cách chúng ta khỏi Người đây? Ai lại có thể tước đi khỏi chúng ta tình yêu của Người, Đấng đã chiến thắng hận thù và sự chết?

Lời công bố Phục Sinh loan đi khắp toàn thể thế giới với bài hoan ca Alleluia. Chúng ta hãy hát lên trên đôi môi, và chúng ta hãy hát bài hát ấy trước hết với con tim và đời sống chúng ta, với cách sống “không men”, nghĩa là đơn giản, khiêm nhượng, và sinh hoa kết quả trong những việc thiện. “Surrexit Christus spes mea: precedet suos in Galileam” – Chúa Kitô niềm hy vọng của tôi đã phục sinh, và Người đi trước anh em lên Galilêa. Đấng Phục Sinh đi trước chúng ta và Người đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường thế giới. Người là hy vọng của chúng ta. Người là hòa bình đích thật của thế giới. Amen!
 
Đường Thánh giá đậm nét trầm tư Đông phương với nhãn quan châu Á
Phụng Nghi
21:44 13/04/2009
VATICAN CITY (CNS) - Bài suy niệm Đường Thánh giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm nay của Đức giáo hoàng rõ rệt có một nhãn quan Á đông, với những lời trưng dẫn lấy từ kinh sách của Ấn giáo, từ một thi hào Ấn độ và từ thánh Gandhi.

Nhưng đích điểm của suy tư đậm nét Đông phương này là cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô. Và theo ý nghĩa đó, nó phản ảnh quan điểm của Đức giáo hoàng Bênêđictô về mối liên hệ của đạo Kitô với thế giới ngoài Kitô giáo – cho rằng Tin Mừng rọi sáng và làm trọn vẹn niềm tin của các tôn giáo khác.

Bài suy niệm về 14 chặng đường Thương khó được đọc lên khi Đức giáo hoàng hướng dẫn đêm thắp nến đi Đường Thánh giá tại hý trường Colôsê ở Roma. Bài này do Tổng giám mục Thomas Menamparampil, người Ấn độ, thuộc giáo phận Guwahati viết.
Đường Thánh giá tại hý trường Colôsê


Đức giáo hoàng đã chọn người viết bài suy niệm là Tổng giám mục Menamparampi, 72 tuổi, thuộc Dòng thánh Don Bosco, sau khi nghe vị này đọc một bài thuyết trình rất ấn tượng tại Thượng Hội đồng các Giám mục về Lời Chúa tổ chức năm ngoái. Vị tổng giám mục này coi đó như là dấu chỉ mối quan tâm về Á châu của Đức giáo hoàng.

Ngài nói: “Đức thánh cha chú ý cao độ đến căn tính của châu Á, cái nôi của nền văn minh nhân loại. Hơn nữa, Đức giáo tông còn có một cái nhìn đầy tiên tri về Á châu, một đại lục ngài và triều đại giáo hoàng của ngài rất trân quý.

Nhiều nhà quan sát Vatican mau chóng cho rằng việc chọn lựa một người Ấn độ là có mục đích nhấn mạnh đến những vấn đề tự do tôn giáo sau các vụ bạo hành chống Kitô giáo tại nhiều khu vực ở nước Ấn.

Tổng giám mục Menamparampil đã đảm nhiệm một vai trò hàng đầu trong việc giải quyết mối xung đột giữa các nhóm sắc tộc đang tàn sát nhau ở vùng đông bắc Ấn độ, và bài suy niệm ngày thứ Sáu Tuần Thánh của ngài phản ảnh niềm xác tín rằng bạo lực không bao giờ là con đường giải quyết được các vấn đề.

Nhưng ngài đã không minh thị đề cập đến sự kỳ thị chống Kitô giáo. Mục đích của ngài ở đây không phải là kể ra những mối bất bình gây cho Thiên Chúa giáo, nhưng là trình bầy niềm hy vọng và lời giải đáp của tôn giáo này cho các vấn nạn toàn cầu.

Tổng giám mục Menamparampil là chủ tịch Ủy ban Phúc âm hóa của Liên Hội đồng các Giám mục Á châu, và đã nhiều lần lên tiếng về tính dễ tiếp thu Tin Mừng của người châu Á. Ngài đã lý giải rằng cách thức trình bầy sứ điệp Kitô giáo của giáo hội thường có khuynh hướng trí thức và học thuyết, nhưng sẽ có kết quả tốt đẹp nhất tại châu Á nếu đường lối đó mang tính cách cá nhân, dựa trên kinh nghiệm và thi vị hơn.

Ngài đi theo tiến độ đó trong bài suy niệm Đường Thánh giá, đặt trọng tâm vào đường lối Chúa Giêsu đương đầu với bạo lực và nghịch cảnh, và tìm ra những những so sánh tương đồng trong văn hóa Á châu.

Chẳng hạn, khi bị kết án tử hình trước Công nghị, phản ứng của Chúa Giêsu đối với sự bất công này là không “khích động mối giận dữ tập thể của công chúng để chống lại đối phương, làm như vậy là dẫn dắt họ vào một hình thức bất công khác lớn lao hơn.”

Trái lại, Chúa Giêsu kiên trì đối mặt với bạo lực bằng vẻ thanh thản và sức mạnh, và tìm cách gợi lên một sự thay đổi tấm lòng con người qua sức thuyết phục bất bạo động – một giảng huấn mà Gandhi đã đưa vào cuộc sống chính trị ở Ấn độ và đã đem lại “sự thành công đáng ngạc nhiên.”

Khi suy niệm về cách thức Simon người đất Cyrênê vác đỡ thập giá cho Chúa Giêsu, ngài trưng dẫn một câu chuyện thành công khác của Kitô giáo ở Ấn độ, đó là Chân phước Mẹ Têrêxa Calcutta.

Đức tổng giám mục nói: Simon cũng như hàng triệu người Kitô giáo xuất thân khiêm tốn nhưng gắn bó sâu xa vào Chúa Kitô – “không hào nháng, không tinh vi, nhưng là một đức tin sâu đậm” vào Đấng mà nơi Người chúng ta khám phá ra được “sự thánh thiêng trong những gì tầm thường và sự cao cả trong những gì coi là nhỏ bé.”

Đó là kế hoạch của Chúa Giêsu nhằm nâng cao những kẻ phận hèn và nâng đỡ những người nghèo khó, bị ruồng bỏ trong xã hội, và Chân phước Mẹ Têrêxa lấy đó làm ơn gọi của mình.

Ngài mượn một đoạn trong bài thơ của thi hào Ấn độ Rabindranath Tagore: “Hãy cho tôi đôi mắt biết nhận ra nhu cầu của người nghèo khó, và một trái tim biết trải rộng trong tình thương. Hãy cho tôi sức mạnh để làm cho tình yêu của tôi sinh hoa kết trái khi phục vụ.”

Tổng giám mục Menamparampil đã làm vang vọng lại một trong những đề tài ưa chuộng của Đức giáo hoàng Bênêđictô khi ngài nói về việc Chúa Giêsu bị nhạo báng xỉ vả trước lúc bị đóng đinh. Ngài nói rằng ngày nay Chúa Giêsu còn bị nhục mạ bằng những hình thức mới mẻ: khi đức tin bị tầm thưòng hóa, khi ý thức về sự thánh thiêng bị mòn rữa, và khi tình cảm tôn giáo được coi là một trong những “phần thừa thãi của việc đời xưa nay không còn được hoan nghênh nữa.”

Ngài nói rằng điều thách đố ngày nay là hãy luôn chú tâm vào sự “hiện diện lặng lẽ” của Chúa nơi các nhà tạm và các đền thánh, nơi tiếng cười trẻ thơ, nơi tế bào sống động li ti nhất, và nơi những giải thiên hà xa thẳm. Bài suy niệm của ngài phản ảnh tư tưởng cho rằng chính cuộc đời Chúa Giêsu là hiện thân các giá trị của nước Ấn, gồm cả ý thức về những gì thánh thiêng qua trầm tư, chiêm niệm.

“Xin đừng để chúng con tra gạn hoặc nhạo diễu những điều hệ trọng trong cuộc đời như một kẻ yếm thế. Xin đừng để cho chúng con trôi dạt vào miền sa mạc không có thần thánh. Xin làm cho chúng con nhận thấy Chúa trong cơn gió nhẹ, thấy Chúa nơi những góc phố, yêu mến Chúa nơi các trẻ thơ chưa ra đời.”

Tổng giám mục Menamparampil dường như cũng thoải mái không kém khi rút tỉa ra từ những truyền thống Kitô giáo Đông và Tây phương. Ngài minh hoạ cuộc “lữ hành thần bí” của đức tin con người được làm cho chuyển động do cái chết của Đức Kitô trên thập giá, với một câu trong thánh vịnh và một bài thánh ca Ái nhĩ lan từ thế kỷ thứ 8.

Ngài kết thúc bằng lời suy niệm về việc táng xác Chúa Giêsu trong mồ, mượn những nhận thức về sự phân biệt giữa thực tại và ảo ảnh theo tinh thần Tây phương.

“Những tấm thảm kịch làm ta suy tư. Một cơn sóng thần bảo ta rằng sự sống là quan trọng. Hiroshima và Nagasaki vẫn mãi là những nơi chốn hành hương. Khi thần chết đến gần, một thế giới khác cũng tới ngay bên cạnh. Thế là chúng ta bỏ rơi các ảo ảnh và nắm chặt lấy thực tại sâu xa hơn.”

Ngài trưng dẫn một lời kinh từ thánh điển của Ấn độ giáo, đó là kinh Upanishads (Áo nghĩa thư, hay Phệ đà): “Xin dẫn đưa con đi từ điều không thực đến điều có thực, từ bóng tối đến ánh sáng, từ cái chết đến cõi bất diệt.” Ngài nói rằng đó là con đường người Kitô giáo thuở sơ khai đã bước đi, những người được cuộc đời Chúa Giêsu linh hứng phải gìn giữ sứ điệp của Người cho đến những ngày tận cùng của trái đất.

Sứ điệp đó ngày nay vẫn còn là một thông điệp giản dị: “Nó nói rằng Đức Kitô là chân lý và vận mệnh sau cùng của chúng ta là được ở với Người.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh giới trẻ Giáo Xứ Thánh Marcô Inala trong Tuần Thánh 2009
Peter Khoa Phạm
11:48 13/04/2009

Xin mời xem một số hình ảnh sinh hoạt của giới trẻ giáo xứ Thánh Marcô Inala Úc Châu trong Tuần Thánh 2009.





Thánh Lễ Hòa Giải - 7 giờ tối Thứ Ba Tuần Thánh. Xem thêm hình





Chặng Đàng Thánh Giá - 9 giờ sáng Thứ Sáu Tuần Thánh. Xem thêm hình





Hình ảnh behind-the-scenes - sáng Thứ Sáu Tuần Thánh. Xem thêm hình





Hình ảnh các bạn trẻ giải lao sau Chặng Đàng Thánh Giá - Trưa Thứ Sáu Tuần Thánh. Xem thêm hình





Diễn lại Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu - 3 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Xem thêm hình

Hình ảnh lưu trữ của xứ đạo: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html

 
Hành hương Tàpao của hội Legio Mariae Comitium Phan Thiết
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
15:55 13/04/2009
Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao: Ngày hành hương dành cho Hội Legio Mariae Comitium Phan Thiết

Chúa đã Phục Sinh – Allêluia ! Niềm vui Phục Sinh chan hoà. Như mùa xuân sau đông tàn, Phục Sinh làm bừng lên sự sống mới của Đức Kitô. Lòng người reo vui bài ca sự sống của Đấng Phục Sinh.

Trong niềm hân hoan của ngày hội lớn, 3.000 hội viên Legio Mariae Comitium Phan thiết đã hành hương về bên Mẹ TàPao. Hàng ngàn khách hành hương cùng hoà chung niềm vui Phục Sinh, nô nức đến với Mẹ TàPao từ chiều và tối 12.4 để xưng tội và kinh hạt thành kính dâng Mẹ.

Những cơn mưa đầu mùa kèm theo gió mạnh đã làm tơi tả lễ đài xây tạm trên núi. Đường dốc trơn trượt dễ té ngã. Vì thế, Thánh Lễ được cử hành tại Nhà thờ Đồng Kho. Xe khách đậu kín hết mọi lối đi. Người dự lễ quá đông, chen chân trong sân và đứng tràn ra cả ngoài đường.

Đúng 8g30, đại diện Ban quản trị Comitium trong màu áo xanh trang nhã làm thành đoàn rước trang trọng. Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan cùng 30 linh mục đồng tế tiến lên cung thánh. Hàng ngàn hội viên Legio Mariae hoà vang bài ca nhập lễ hoan ca Phục Sinh.

Ông JB Ngô Đình Viễn, hội trưởng Comitium Giáo phận ngỏ lời chào mừng.

Tri ân và chào mừng Đức Giám Mục Giáo phận, cha linh giám Comitum Phan thiết, các cha linh giám các Curia, các cha đồng tế, quý vị đặc phái viên Hội đồng Senatus Việt nam, quý vị uỷ viên và hội viên Curia Xóm Mới Sài gòn và quý vị uỷ viên hội viên Legio các cấp trong giáo phận đã về hành hương Đức Mẹ TàPao.

Comitium Phan thiết có 6.500 hội viên, trong đó nghành hoạt động có 2.000 hội viên, nghành tán trợ có 3.000 hội viên, và nghành thiếu thời 1.500 hội viên. Comitium bao gồm 13 Curia, Hạt Đức tánh có 3 Curia, Hạt Hàm tân có 5 Curia, Hạt Phan thiết có 2 Curia, Hạt Hàm thuận nam có 2 Curia và Hạt Bắc tuy có 1 Curia.

Hôm nay ngày 13.4, ngày hành hương dành cho Hội Legio Giáo phận, các hội viên đã đến rất sớm, cùng lần hạt 50 kinh kính mừng, lắng nghe huấn từ của cha linh giám. Tham dự thánh lễ. Một hồng ân đặc biệt Thiên Chúa ban tặng qua Đức Trinh Nữ Maria.

Đức Cha Phaolô chủ tế và giảng lễ.

Hôm nay chúng ta hành hương về với Mẹ, Mẹ Chúa Phục Sinh vinh quang. Kinh truyền tin đọc hàng ngày được thay thế bằng kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng - Alleluia”.

Đức Mẹ trở nên Nữ Vương thiên đàng vì dưới chân thập giá Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo; vì Mẹ đã thông hiệp trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, mũi gươm đâm thâu qua trái tim Chúa và cũng đâm thâu qua lòng Mẹ.

Tình Mẹ cao quý tuyệt vời đó Chúa đã trao lại cho chúng ta, để Mẹ nâng đỡ ủi an chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế.

Cuộc hành hương hôm nay của Đạo Binh Đức Mẹ có một ý nghĩa đặc biệt. Đó là cùng Mẹ mừng Chúa Phục sinh.

Hôm qua chúng ta vừa mừng đại lễ Phục sinh. Tuần lễ Bát nhật Phục sinh, phụng vụ không ngừng giúp ta ôn lại những kỷ niệm mà các tông đồ, các môn đệ được sống, được gặp gỡ và xác tín về mầu nhiệm Phục sinh.

Mặc dầu khi ba lần loan báo cuộc khổ nạn, bao giờ Chúa cũng nói đến phục sinh của Ngài vào ngày thứ ba. Nhưng với cái chết của Chúa, họ không tưởng tượng được thì sự sống lại của Chúa họ cũng khó tin quá.

Vì thế biến cố Chúa sống lại đến với họ là việc bất ngờ. Chúa phải dùng 40 ngày gặp gỡ họ bằng nhiều cách để giúp họ tin chắc rằng Chúa vẫn đang sống.

Kinh nghiệm gặp Chúa Phục sinh bắt đầu từ các phụ nữ đi viếng xác Chúa. Họ thấy ngôi mộ Chúa không còn Chúa nữa, chỉ còn lại áo quan khăn liệm xếp gọn gàng và Thiên thần áo trắng báo cho họ biết Chúa đã sống lại.

Nhưng Chúa sống lại khác với cuộc sống trước đây của Ngài. Thể xác Ngài trở thành thể xác vinh quang, linh thiêng nhiệm mầu. Có khi Chúa lại xuất hiện giống như người bình thường, người đi đường, người làm vườn, người mua cá.

Có một điều chúng ta cần để ý là cuộc Phục sinh của Chúa làm cho chúng ta nhận ra được rằng: thập giá đối với Chúa là khổ đau nhục nhã, bây giờ đã trở thành thập giá vinh quang. Đây là hành động nhiệm mầu của Thiên Chúa. Nói cách khác, vinh quang Phục sinh được khởi đi từ những làn roi, những dòng máu, những lời xỉ vả lăng nhục.

Những cuộc khám nghiệm gần đây về tấm khăn liệm mà truyền thống coi là khăn liệm xác Chúa ở thành Turinô bên Ý. Người ta căn cứ vào các vết máu còn di tích lại trên tấm vải gai đó để suy ra những trận đòn khiếp khủng trên toàn thân Chúa. Không ai lại không khóc khi nghĩ về cuộc khổ nạn của Chúa. Chúa Giêsu là nạn nhân, bị hành hạ cực hình, bị đánh đập tàn nhẫn. Một nạn nhân có một không hai trong lịch sử loài người.

Nỗi đau đớn khiếp khủng xuất phát từ một tình thương. Khi còn sống Chúa đã tỏ quyền năng vô biên. Ngài chữa bệnh chỉ cần một lời nói đơn sơ, Ngài làm cho kẻ chết sống lại, Ngài hoá bánh ra nhiều, Ngài làm cho sóng yên biển lặng… Còn sức mạnh nào thắng được Ngài? Vậy mà khi người ta đến bắt Ngài, Ngài lại khoanh tay cho người ta muốn làm gì thì làm. Vì đó là giờ dâng hiến của Ngài, giờ rạng ngời của tình yêu.

Chủ trương sống của Chúa là tình yêu. Ngài rao giảng tình yêu và sẵn sàng chết vì tình yêu. Đó là tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu tha thứ. Cái chết của Chúa biến thành của lễ tình yêu. Ngài dâng lên Cha mạng sống mình làm của lễ tình yêu. Tình yêu đó thay thế cho tất cả, xoá tan tất cả tội lỗi của thế gian.

Thiên Chúa là tình yêu.

Thiên Chúa sống bằng tình yêu.

Thiên Chúa hiện hữu bằng tình yêu.

Chính tình yêu đó đem lại ơn tha thứ. Tình yêu đó đem lại sự sống đời đời cho chúng ta.

Và ta còn thấy, kề bên Thánh giá, Mẹ Maria cùng đứng đó. Mẹ chia sẻ tất cả mọi đau khổ và mọi nỗi niềm của người con yêu.

Mẹ cùng con dâng hiến. Mẹ cùng con nhận lưỡi đòng đâm thâu. Mẹ cùng con sống thánh ý Cha. Mẹ cùng con đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Mẹ đứng đó « như đạo binh xếp hàng vào trận » để chiến thắng tử thần. Có người mẹ trần gian nào can trường đến như vậy không?

Chúa biết sự khôn ngoan của Mẹ. Chúa biết tình yêu thương bao la của Mẹ. Chúa trối Mẹ lại cho Gioan, để Mẹ làm mẹ Giáo hội. Mẹ làm mẹ cho cả người tội lỗi. Mẹ làm mẹ cho bao kẻ gian truân trên đời này dù là giáo hay lương. Chính tại TàPao này có biết bao anh em lương dân đã được ơn Mẹ ban.

Và để thưởng công cho Mẹ đã đồng hành với Chúa bên thập giá, Thiên Chúa ban cho Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Thiên Chúa còn ban cho Mẹ chức Nữ Vương Thiên Đàng để Mẹ phân phát mọi ơn lành cho Giáo hội, cho nhân loại.

Mẹ Maria luôn mãi là mẹ nhân từ. Mẹ là nguồn cậy trông của chúng ta. Hôm nay mừng Chúa Phục sinh, Mẹ muốn nói với chúng ta một điều: Các con ơi, hãy biết yêu thương đi. Tình yêu biến sự chết thành sự sống. Tình yêu biến đau khổ thành hạnh phúc bình yên. Tình yêu biến cuộc sống gian truân thành chốn thiên đàng.

Nhìn đàn con Mẹ đến đây hành hương, điều làm cho Mẹ vui lòng nhất là thấy chúng ta sống được tinh thần yêu thương mà Chúa đã sống, và Mẹ đã sống đến độ anh hùng. Vì hôm nay Chúa Phục sinh đang đứng chờ ta nơi người đau khổ, kẻ cô đơn, người cùng cực và biết bao cảnh khổ trên đời. Mỗi khi chúng ta giúp đỡ họ, đó là lúc giúp đỡ chính Chúa Phục sinh. Đó là cách chúng ta sống tình yêu của Chúa. Khi đó, Chúa Phục sinh đến tận cõi lòng chúng ta để hoà lẫn với sự sống của chúng ta, bằng tình yêu của Ngài hoà lẫn với tình yêu chúng ta.

Nếu chúng ta thiếu tình yêu, thì Chúa không làm gì được cho chúng ta. Tôi xin nhắc lại: Chúa sống bằng tình yêu vì Chúa là tình yêu. « Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy ». Ai có tấm lòng yêu thương anh em là biến tấm lòng đó thành ngôi toà Chúa ngự. Ai có lòng thương xót, Chúa lại đong đầy lòng thương xót của Ngài cho họ.

Ngày sau hết Chúa trở lại trong vinh quang và đón nhận những ai có lòng thương xót vào vương quốc vinh quang Chúa Cha đã dọn sẵn cho họ từ ngày tạo dựng đất trời.

Nguyện xin Mẹ Maria dạy chúng ta, tập cho chúng ta sống tình yêu thương như Mẹ mỗi ngày. Amen.

Cuối thánh lễ, Đức cha Phaolô mời gọi mọi người thêm lời cầu nguyện cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chiều nay bắt đầu kỳ họp giữa kỳ tại trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu – Bà rịa Vũng Tàu. Đức Cha ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá.

Lần lượt từng đơn vị Curia lên núi kính viếng Đức Mẹ TàPao.
 
Quỹ từ thiện Têrêsa mang tình yêu phục sinh đến các cụ già neo đơn tại Huế
Trương Trí
16:25 13/04/2009
QUỸ TỪ THIỆN TÊRÊSA MANG TÌNH YÊU PHỤC SINH ĐẾN CHO NGƯỜI GIÀ NEO ĐƠN TẠI GIÁO PHẬN HUẾ

Trong niềm vui ơn cứu độ của Chúa Giêsu phục sinh, suốt trong Tuần thánh vừa qua, 34 giáo xứ với gần 3200 cụ già neo đơn, ốm đau đã được nhận trợ giúp của quỹ từ thiện Têrêsa. Đặc biệt trong dịp này, Phó tế Gioan Maria Têrêsa Vũ Thành An, Giám đốc Quỹ từ thiện Têrêsa nhân dịp về thăm quê hương đã có mặt tại một số cơ sở để thăm hỏi và trực tiếp tặng quà cho bà con.

Sáng thứ bảy ngày 11-4, tại giáo xứ Chính tòa Phủ Cam, 78 cụ ông, cụ bà trong niềm vui vô hạn được gặp gỡ và dự tiệc trà thân mật với thầy phó tế Giám đốc Quỹ từ thiện Têrêsa. Linh mục Antôn Dương Quỳnh quản xứ và ông Nguyễn Đình Lục chủ tịch HĐGX Chính tòa đã lần lượt phát biểu thay mặt bà con giáo dân cảm ơn Quỹ từ thiện gia đình Têrêsa đã từ nhiều năm qua luôn giúp đỡ đều đặn hàng tháng cho những cụ già neo đơn, khó khăn, vất vả trong giáo xứ. Đặc biệt, trong dịp này có ông bà Nguyễn Viết Thuần, là một trong những ân nhân cũng đã có nhiều đóng góp cho Quỹ từ thiện Têrêsa nay về ở tại giáo xứ cùng dự buổi tặng quà. Được biết Quỹ từ thiện Gia đình Têrêsa đã giúp cho bà con luơng giáo thuộc Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam từ gần 5 năm nay, mỗi tháng mỗi cụ được trợ giúp 45.000 đồng. Những năm đầu có 114 cụ được giúp, sau một thời gian có một số cụ qua đời, một số cụ tự xin rút lui để nhường cho người khác khó khăn hơn. Trước khi tặng quà, một số cụ đã đứng lên phát biểu tỏ lòng cảm ơn đến các vị ân nhân đã vì tình yêu thương đã luôn nhớ đến những người thiếu may mắn đang gặp phải những khó khăn vất vả tại quê hương. Trong lời phát biểu, linh mục quản xứ nhấn mạnh với bà con rằng: những vị ân nhân của chúng ta không phải là những người giàu có, các vị chỉ vì tình yêu của Chúa, các vị đã tiết kiệm để chia sẻ cho bà con.

Sáng sớm chủ nhật 12-4, sau khi tham dự lễ Vọng Phục sinh do Đức Tổng Giám mục chủ sự tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, Thầy Phó tế Vũ Thành An đã về dự lễ Chủ nhật Phục Sinh tại Giáo xứ Phước Tượng, cách tòa Tổng Giám mục 60 km. Là một giáo xứ nghèo nằm dưới chân đèo Phước Tượng. Sau thánh lễ, 58 cụ ông cụ bà neo đơn đã dự buổi điểm tâm sáng cùng linh mục quản xứ Gioan Kim Nguyễn Chí Hữu và thầy Phó tế đồng thời nhận quà trợ giúp của Quỹ từ thiện Gia đình Têrêsa. Một số cụ ông cụ bà đã đại diện cho bà con để phát biểu lời cảm ơn, vì hầu như ai cũng muốn phát biểu tỏ bày tấm lòng của mình khi từ hơn 2 năm nay được giúp đỡ nhưng không hề biết các vị ân nhân của mình là ai. Nay qua thầy Phó tế Vũ Thành An bà con muốn gửi gắm tất cả tấm lòng biết ơn chân thành đến các vị ân nhân và luôn nhớ đến các vị trong lời cầu nguyện hàng ngày, xin Chúa ban nhiều ơn lành cho các vị. Một cụ bà đại diện cho những bà con lương dân cũng bày tỏ tấm lòng biết ơn của mình và nói rằng mặc dù họ chưa nhận biết Chúa nhưng họ cũng đã thấy tình yêu thương bao la của Chúa qua các vị ân nhân.Trong dịp này thầy Phó tế Vũ Thành An cũng đã đến tận nhà những cụ ông cụ bà liệt giường hoặc mù lòa ở sát trong chân núi để thăm hỏi và động viên các cụ.

Rời Phước Tượng lúc 10 giờ 30, vượt qua đèo để đến với giáo xứ Nước Ngọt do linh mục Phaolo Nguyễn Trọng quản xứ, ngài là cựu quản xứ Chính tòa trong nhiều năm qua và đã có nhiều đóng góp cho giáo phận, là một linh mục năng nổ và hoạt động tích cực nên từ một giáo xứ nghèo nàn vùng quê nay đã có nhiều khởi sắc. Ngài đã có nhiều mối quan hệ đặc biệt với các hội từ thiện. Do đó, khi nghe tin có thầy Phó tế Vũ Thành An Giám đốc Quỹ từ thiện Têrêsa về thăm Nướt Ngọt thì các đoàn từ thiện là những người hâm mộ nhạc sĩ Vũ Thành An quy tụ về gặp gỡ gồm: nhóm Hướng Thiện gia đình Phật tử Huế, nhóm bác sĩ thiện nguyện của bệnh viện Trung ương Huế. Buổi tặng quà cũng là buổi giao lưu gặp mặt nên ngoài 110 cụ ông cụ bà neo đơn còn có đông đảo bà con hâm mộ nhạc sĩ tài hoa Vũ Thành An một thời nức tiếng đã đến dự. Do đó buổi tặng quà càng tăng thêm sự rộn ràng và hoan hỷ với những bài không tên của nhạc sĩ do các anh chị em hướng thiện và bác sĩ thiện nguyện diễn tả đầy cảm xúc và sâu lắng. Ông Nguyễn Minh Thiện chủ tịch UBMTTQ VN xã Lộc Thủy đại diện chính quyền địa phương đến dự và phát biểu cảm ơn các hội từ thiện trong đó có Quỹ từ thiện Gia đình Têrêsa đã nhiều năm giúp đỡ cho bà con trong địa phương. Đại diện của bà con nghèo cũng phát biểu bày tỏ lòng tri ân đối với các vị ân nhân đã đóng góp cho quỹ từ thiện để từ đó bà con được giúp đỡ, qua thầy Phó tế Vũ Thành An bà con xin gửi đến các vị ân nhân lòng biết ơn sâu xa và hứa luôn cầu nguyện cho các vị được hồn an xác mạnh. Với một tấm lòng đầy chân thành và chất phát của người dân nông thôn họ mang đến những món quà là những quả mướp, quả bí, trứng gà là những thành quả cây nhà lá vườn để biếu tặng.

Niềm vui nào rồi cũng qua đi, buổi gặp gỡ nào rồi cũng đến hồi tạm biệt, bà con xúc động và lưu luyến chia tay thầy Phó tế và mong muốn thầy mang đến các vị ân nhân lòng quý mến yêu thương của bà con nơi quê nhà.
 
Họp Đại Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney
Diệp Hải Dung
17:10 13/04/2009
Đại Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney và Tân Tòng Chiều thứ Hai 13/04/2009 các anh chị em trong Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly Sydney tham dự Đại Hội Đồng Mục Vụ thường niên.

Sau khi dâng lời Kinh Nguyện khai mạc Đại Hội, Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn chia sẻ với mọi người về đề tài Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể trong Thánh lễ. Cha nhấn mạnh về phụng vụ Lời Chúa rất quan trọng. Cha khuyến khích các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, Đoàn Thể hãy cố gắng phát huy Lời Chúa trong các Thánh lễ một cách trang trọng để truyền đạt cho mọi người.

Sau đó Thầy Đặng Đình Nên chia sẻ về hồng ân của Chúa ban cho Thầy sẽ được nhận lãnh chức Phó Tế vào thứ Sáu 17/04/2009 tại Giáo đoàn Mt. Pritchard. Thầy xin mọi người cầu nguyện cho Thầy được ơn bền đỗ trong chức phận sắp lãnh nhận tới đây.

Kế tiếp ông Giang Hoan Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên báo cáo những sinh hoạt trong năm vừa qua của Cộng Đồng và những dự án xây dựng phát triển Cộng Đồng trong tương lai như: Xây dựng 14 Chặng Đàng Thánh Giá, xây cất Lễ đài tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney. Ông cũng báo cáo Cộng Đồng cũng đã quyên góp gây quỹ trợ giúp cho: Động đất tại Pakistan, Giáo Xứ Thái Hà, Lũ lụt Hà Nội Việt Nam, Hỏa hoạn tại tiểu bang Victorira. Tổng cộng số tiền gây quỹ và đã chuyển đi $107,060.oo Úc kim.

Sau đó là phần chia sẻ và phát biểu đóng góp ý kiến của các thành viên Hội Đồng Mục Vụ. Mọi thắc mắc và những câu hỏi nêu nên đã được Ban Tuyên Úy giải đáp thỏa đáng. Ngoài ra Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết và Cha Dương Thanh Liêm cũng chia sẻ với Hội Đồng Mục Vụ về những khó khăn trong Giáo Xứ, Giáo đoàn, Hội Đoàn, Đoàn Thể.

Trước khi kết thúc Đại Hội Đồng Mục Vụ, Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời chúc mừng Phục Sinh đến mọi người và sau đó cùng ở lại dự tiệc liên hoan do Ban Tuyên Uy khoản đãi.

Ngày hôm qua Chúa Nhật Phục Sinh 12/04/2009 Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney đón nhận 40 anh chị em Tân Tòng chính thức gia nhập vào đoàn chiên của Chúa qua các Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Rước Mình Thánh Chúa tại các Giáo đoàn Cabramatta, Lakemba và Marrickville. Đặc biệt Giáo đoàn Marrickville tổ chức chầu kiệu mừng Chúa Phục Sinh rất long trọng. Diệp Hải Dung





 
Mái Ấm Don Bosco mừng lễ Chúa Phục Sinh
Hà Trần
19:55 13/04/2009
Ngày 12/4/2009, tại giáo xứ Xuy Xá (Mỹ Đức), cách Hà Nội khoảng 60 km về phía nam diễn ra buổi giao lưu gặp mặt người khuyết tật mừng lễ Phục Sinh. Buổi giao lưu qui tụ hơn 370 bạn khuyết tật đến từ các mái ấm Don Bosco: Gia đình Thánh Tâm, Xuy Xá, Nghị Lực Sống Linh Đàm, Vầng Trăng Khuyết, Vì Ngày Mai, Cổ Nhuế, Thạch Thất, Xuân La, Tư Đình, Đức Giang, Bát Tràng và các bạn sinh viên tình nguyện Bùi Chu. Người đứng ra tổ chức buổi giao lưu là Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ, GP Bùi Chu, các thầy dòng Don Bosco miền Bắc và Linh mục quản xứ Giuse Nguyễn Minh Hoàng.

Xem hình ảnh

Ban tổ chức cho biết mục đích và ý nghĩa của chương trình gặp mặt là hân hoan mừng kính Chúa Kitô đã sống lại hiển vinh. Đồng thời cũng là cơ hội để cho các bạn khuyết tật có giao lưu, gặp gỡ và chia sẽ những tâm tư, tình cảm với nhau.

Đây là dịp thuận tiện để các nhóm trong đại gia đình Don Bosco gặp gỡ, chia sẽ tâm tư tình cảm của mình. Lần lượt từng trưởng nhóm nói lên quá trình hình thành, phát triển của nhóm. Có điểm chung là nơi qui tụ những nhóm khuyết tật phát triển trên tinh thần công giáo được linh hướng bởi dòng Don Bosco, hoạt động của mỗi nhóm rất đa dạng, có nhóm dạy Công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giới thiệu việc làm như nhóm Nghị Lực Sống Linh Đàm; có nhóm sản xuất đồ gốm mỹ nghệ như nhóm Bát Tràng, có nhóm may, thêu. ..Phần giao lưu cũng sôi nổi với trò chơi rút thăm trúng thưởng, cuốn hút các bạn tham gia với các phần quà “nho nhỏ” đồng hồ, vải, bánh kẹo. Phần quà đặc biệt là một chiếc xe đạp Nhật được trao cho một em học sinh Xuy Xá.

Thánh lễ là một nội dung quan trọng của ngày gặp mặt. Thánh lễ Chúa Phục Sinh năm nay diễn ra với những điều rất đặc biệt: thánh lễ của anh chị em khuyết tật trong đó gần một nửa không phải công giáo và có rất nhiều Phật tử; một thánh lễ diễn ra nhiều bí tích như rửa tội, thêm sức, thánh thể, hôn phối. Có 9 anh chị em dự tòng gồm: Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Yến, Cao Thị Kỷ, Cao Thị Niên, Nguyễn Tuyết Minh, Trịnh Tuấn Sơn, Vũ Thị Thương, Nguyễn Công Anh, Hồ Thị Thương gia nhập Công giáo bằng nghi thức rửa tội và thêm sức. Người tham dự không khỏi cảm thấy xúc động khi chứng kiến lễ thành hôn của đôi bạn trẻ khuyết tật Phêrô Trịnh Tuấn Sơn và Têrêsa Nguyễn Thị Hương, hai bạn đều là đang sinh hoạt trong đại gia đình Don Bosco. Thời gian gặp gỡ qua những buổi sinh hoạt trong Mái ấm đã nối kết con tim đôi bạn, tạo nên mối cảm thông để đến với nhau trong cuộc sống. Tình yêu của các bạn thăng hoa với một thánh lễ đầy cảm động trước sự chứng kiến của đông đảo các bạn cùng cảnh trong Mái ấm Don Bosco.

Được biết, giao lưu gặp mặt các thành viên là một hoạt động được tiến hành thường xuyên vào các dịp lễ quan trọng của Mái ấm Don Bosco. Nó đem lại niềm vui lớn với anh chị em khuyết tật, giúp cho các bạn khuyết tật biết đến nhau nhiều hơn, có thêm ý chí và nghị lực vượt lên trong cuộc sống và nhất là giúp các bạn nhận ra có một Thiên Chúa, người Cha nhân lành vẫn theo dõi và nâng đỡ từng bước đi của người khuyết tật.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Báo và Blog
Trương Duy Nhất
08:08 13/04/2009
Tôi có ông bạn đồng nghiệp nói một câu khá… nổi tiếng: “Báo Nhân Dân là loại báo mà không có nhân dân nào đọc!” Anh ta nói câu này ngay tại trụ sở báo Nhân Dân, trong một cuộc tiếp xúc do ông Hữu Thọ chủ trì (lúc đó ông Hữu Thọ đang là Tổng Biên tập tờ Nhân Dân, đâu cỡ năm 1996 gì đó). Vì thế mà rất dễ hiểu khi không bao giờ thấy anh cầm tờ Nhân Dân trên tay, dù mỗi buổi sáng, cùng với cốc cà phê trước mặt anh luôn có không dưới dăm bảy tờ báo các loại.

Vậy mà hôm rồi gặp, anh bảo: Dạo này tớ đọc mỗi báo… Nhân Dân thôi. Tưởng anh nói kháy, hóa ra thật.

- Này nhé, bây giờ tờ nào cũng như nhau, chả có đ.. gì để đọc. Tờ nào cũng thành báo… Nhân Dân hết rồi. vậy thì mỗi sáng, tớ mua một tờ Nhân Dân đọc là đủ, lại… rẻ nhất.

Làm báo, nghe mà buồn nẫu ruột. Nhưng không cãi được !

Và có lẽ, do vậy mà dạo này thiên hạ chen nhau chạy sang đọc blog, đọc đến nghẽn mạng. Dân tình, rồi cả mấy quan VIP cũng vậy, cả ủy viên này, thường vụ nọ cũng thế.

Không biết sự “chuyển biến” này là dấu hiệu mừng hay lo? Chỉ biết rằng dạo này đi đâu, gặp ai cũng thấy vỗ vai: Tớ đọc chú thường xuyên đấy, đọc kỹ lắm đấy. Hỏi đọc báo à? Ai cũng trả lời rằng: Không phải, đọc blog! Thế có… chết không chứ!

Hôm qua, một bạn đọc là sinh viên lại vào comment thế này: Blogger Trương Duy Nhất hay ho, thú vị hơn... nhà báo Trương Duy Nhất!

Nói thế thì khác gì… mắng nhau!

Hôm rồi ra Hà Nội họp, lại thêm một VIP, VIP kinh hoàng luôn vỗ vai: Chú mày viết khá đấy, hay, giỏi giỏi! Ơ, anh đọc báo em kỹ thế à? Không, tớ đọc… blog chú đấy! Thế anh thấy em viết có… phản động tí nào không, nghe nói người ta hét toáng lên rằng “thèng Nhất nó viết… phản động”?

Chúng nó nói thế thôi, chứ đọc blog chú chúng khoái… bỏ mẹ! Tớ thích và thuộc câu này của chú: “Trong hội trường thì oang oang chụp mũ, phê phán, chỉ trích như... nã đạn rằng tác phẩm này, thằng nhà báo, nhà văn nhà thơ kia là... phản động. Thế nhưng về phòng, chính họ lại cặm cụi chép những thứ “phản động” ấy một cách nâng niu, trân trọng vào sổ tay và đêm đêm nhẩm đến thuộc lòng”.

Nói thật chú đừng giận nhé: Đọc báo chán bỏ mẹ! Dạo này bỗng dưng tớ ghiền đọc blog - Ông ôm riết tôi, và tôi tin rằng riêng điều đó thì ông rất thật.

Càng ngày càng thấy nhiều nhà báo… thò tay viết blog. Càng ngày càng thấy nhiều người chen nhau đọc blog đến nghẽn mạng. Đấy là dấu hiệu buồn hay vui?
 
Giáo Hội Tin Lành cấp báo: Công an đánh chết tín hữu tại Trà Vinh
Mục Sư Nguyễn Công Chính
13:54 13/04/2009
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Huệ Phục Sinh
Nguyễn Ngọc Danh
06:19 13/04/2009

HUỆ PHỤC SINH ( Calla Lily)



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Chúa đã sống lại thật như lời đã phán hứa

Alleluia

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Một Ngày Thật Đẹp
Diệp Hải Dung
06:22 13/04/2009

MỘT NGÀY THẬT ĐẸP



Ảnh của Diệp Hải Dung (Hình chụp tại Bringelly, Sydney)

Hôm nay bừng lên một ngày mới

Chúa Phục Sinh Cứu Rỗi muôn người..

(Thơ của Vọng Sinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền