Ngày 14-04-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:06 14/04/2025

99. Con người ta vì thánh danh Thiên Chúa mà khẳng định đi con đường hẹp, từ bỏ suy nghĩ của thế tục, thì linh hồn của họ tất được sự tự do rất lớn.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:09 14/04/2025
15. KHÔNG CÓ NGƯỜI MÀI MỰC

Đứa con của nhà giàu đi thi, trước khi đi thi thì phụ thân thử tài con trai thì thấy thành tích rất tốt, thỏa mãn và cho rằng nhất định con mình sẽ thi đỗ, nào ngờ trên bảng vàng chẳng có tên của con trai mình.

Phụ thân giận dữ vội vàng đi tìm huyện quan hỏi cho ra lẽ, huyện quan lấy bài thi của con ông ta ra kiểm tra lại, thì thấy trên tập chỉ có một vệt mực nhạt nhạt, chứ không nhìn thấy bất cứ chữ gì.

Phụ thân trở về kêu con trai quỳ trước mặt mình, giận dữ chửi nó:

- “Tập bài thi của mày, mày viết chữ gì mà không ai nhìn thấy được?”

Con trai khóc nói:

- “Nơi trường thi không ai giúp con mài mực, cho nên con chỉ có cách là lấy bút chấm nước trên cái nghiêng mực để viết bài ạ !”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 15:

Có nhiều người cứ ỷ lại vào quyền phép của Thiên Chúa nên khoán trắng cho Ngài mọi việc, còn mình thì cứ đi chơi, làm ăn tà tà với chiêu bài “có Chúa lo liệu”, Thiên Chúa dứt khoát là không lo liệu cho những người như thế; lại có nhiều người Ki-tô hữu ỷ lại mình vào các cha sở, nên mỗi lần xin lễ bình an hay cầu hồn thì khoán trắng cho cha sở làm lễ cầu nguyện giùm, còn mình thì ngủ khò hoặc đi hát kara-okê với bạn bè…

Cho con cái đi học mà còn thuê thêm một người đi theo mài mực nữa thì cha mẹ đã làm hại con mình, bởi vì dù cho con cái học giỏi mà không biết mài mực để viết thì học giỏi cũng như không, bởi vì không biết mài mực thì mực đâu để viết mà thi.

Cũng vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa chỉ sinh hiệu khi con người biết cộng tác với Ngài, bởi vì Thiên Chúa “không cho con đi học rồi thuê thêm một người đi theo mài mực”, nhưng Ngài muốn con người dùng ơn sủng của Ngài ban cho để đạt đến ơn cứu độ, bằng cách cộng tác tích cực với Ngài trong cuộc sống đời thường của mình…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 15/04: Một người trong anh em sẽ nộp Thầy - Lm Giuse Lăng Kinh Luân CS
Giáo Hội Năm Châu
01:53 14/04/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, đang dùng bữa với các môn đệ, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. Ông Simôn Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi : “Thưa Thầy, ai vậy?” Đức Giê-su trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Simôn Ítcariốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y. Đức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi !” Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. Vì Giuđa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.

Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Dothái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.”

Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Đức Giêsu trả lời : “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” Ông Phêrô thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” Đức Giêsu đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”
 
Phản bội
Lm Minh Anh
15:14 14/04/2025
PHẢN BỘI
“Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối!”.

Luôn luôn là đêm khi chúng ta rời xa Đấng là “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật!” - Kinh Tin Kính.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh hồi kết đầy cảm xúc - cả yêu thương lẫn ‘phản bội’ - ngay tại phòng Tiệc Ly và sẽ kết thúc bằng cảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thứ Sáu Tuần Thánh; “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối!”.

Chính trong cuộc khổ nạn, khi lòng thương xót của Chúa Kitô sắp chế ngự nó, thì tội lỗi biểu lộ rõ ràng nhất ‘sự dữ dội’ và nhiều hình thức của nó: vô tín, xa lánh và chế giễu. Tuy nhiên, vào đúng giờ đen tối, giờ của hoàng tử thế gian này, sự hy sinh âm thầm của Chúa Kitô trở nên nguồn mạch mà ơn tha thứ tội lỗi của chúng ta sẽ tuôn đổ vô tận. Kẻ tội lỗi - ‘phản bội’ - là kẻ quay lưng lại với Chúa để xoay quanh những tạo vật mà lẽ ra chúng phải được quy chiếu về Ngài; “Tội lỗi là lòng yêu bản thân đến mức khinh miệt Thiên Chúa!” - Augustinô.

‘Phản bội!’ - một sự quanh co - kết quả của “sự kiêu ngạo khiến chúng ta muốn được giải thoát khỏi Thiên Chúa và bị bỏ lại một mình; nó khiến chúng ta nghĩ rằng, tôi không cần tình yêu vĩnh cửu của Ngài nhưng có thể làm chủ cuộc sống của chính mình!” - Bênêđictô XVI. Chúng ta có thể hiểu tại sao Chúa Giêsu cảm thấy rất “xao xuyến” tối hôm đó. Ngài xao xuyến vì Ngài bất lực! Dẫu đã thành công với con chiên lạc Giakêu, Matthêu, Mađalêna… nhưng Ngài lại thất bại với người môn đệ cận thân - Giuđa!

“Con chiên lạc hoàn hảo nhất trong Phúc Âm là Giuđa. Thật vậy, ông luôn có một chút cay đắng trong lòng, một chút chỉ trích người khác; ông luôn ở xa: một người không biết đến sự ngọt ngào của ân sủng khi sống với người khác. Vì không “thỏa mãn”, con chiên này đã “trốn thoát”. Giuđa “trốn thoát” vì ông là một tên trộm; những người khác “trốn thoát” vì bóng tối trong lòng họ khiến họ xa rời đàn chiên. Chúng ta - với nỗi đau - phải đối mặt với cuộc sống hai mặt tồn tại trong nhiều Kitô hữu - thậm chí - trong các Linh mục, Giám mục. Giuđa là một trong các Giám mục đầu tiên, một “chiên lạc” hoàn hảo. Tội nghiệp thay! Cả chúng ta, cũng có thể hiểu được con chiên lạc. Thật vậy, mỗi chúng ta luôn có một chút gì đó - dù ít hay không quá ít - của con chiên lạc!” - Phanxicô.

Anh Chị em,

“Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối!”. May mắn thay, bóng tối, tội lỗi - ‘phản bội’ - không phải là tiếng nói cuối cùng; lời cuối cùng là lòng thương xót của Thiên Chúa! Tuy nhiên, điều này có nghĩa là một “sự thay đổi” về phía chúng ta; một sự đảo ngược tình huống bao gồm việc tách khỏi các thụ tạo để gắn bó với Thiên Chúa và tìm lại tự do đích thực. Và để thay đổi, chúng ta không nên đợi đến khi phát ốm vì sự tự do giả tạo mà chúng ta đã sử dụng. “Chúng ta muốn quay về khi chúng ta chán ngán thế giới hoặc đúng hơn, khi thế giới chán ngán chúng ta!” - Louis Bourdaloue. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rõ hơn thế. Hãy quyết định ngay bây giờ. Tuần Thánh là thời gian thích hợp nhất.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mọi tên trộm ăn năn đều có chỗ của mình trên thiên đàng. Giúp con thôi bước đi trong bóng tối nhưng trổi dậy, bước ra trong ánh sáng Giêsu!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tột Đỉnh Của Tình Yêu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
15:17 14/04/2025
SUY NIỆM THÁNH LỄ TIỆC LY
(Ga 13, 1-15)
Tột Đỉnh Của Tình Yêu

Phụng vụ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập vào sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước Đêm Hấp Hối trong Vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự Hiện Diện Thực Sự của Người giữa chúng ta. Đây là Thánh lễ sau hết được cử hành trước Đêm Vọng Phục Sinh Thứ Bẩy Tuần Thánh. Vì là Lễ sau hết nên lúc hát Kinh Vinh Danh, các chuông nhà thờ reo lên, và sẽ chỉ reo lại vào đúng lúc hát Kinh Vinh Danh trong Đêm Vọng Phục Sinh. Sau Thánh lễ chiều nay, các khăn bàn thờ đều được lột sạch, các chân nến và thánh giá được cất đi, người ta không còn trưng hoa nữa để loan báo ngày đại tang của Giáo hội và cũng ngụ ý nói rằng, Giáo hội không cử hành lễ nào nữa cho đến ngày Chúa Kitô sống lại.

Hôm nay là dịp để kỷ niệm các sự kiện: Bí tích Thánh Thể được Chúa Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly. Đây cũng là thời gian Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Truyền chức Thánh và trao ban Giới luật Yêu thương.

Thánh Thể, Bí tích tình yêu

Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ, thì Người đã yêu họ đến cùng một cách kinh ngạc. Thật không có hành động nào khác để diễn tả yêu thương cho bằng tình yêu. Cũng như các môn đệ, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối đời của “kiếp người” lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta.

“Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta… Các con hãy cầm lấy mà uống, chén này là Tân ước trong Máu Ta” (1 Cr 11, 24-25). Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng nào. Ngài đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời đời.

Chức linh mục, dòng máu yêu thương

Thiên Chúa nhân lành, đã yêu thương loài người quá bội : “Trong lúc tình yêu xúc động nồng nàn không thể sánh ví được, Chúa đã lập ra chức vụ linh mục Công Giáo, khác nào một dòng máu yêu mến đã vọt lên bởi Trái Tim Cực Thánh Chúa” (Kinh Thày cả Thượng phẩm).

Thiên Chúa yên con người đến lỗi, lai láng vọt lên một dòng máu Linh mục. Suối ân tình trào tuông xuống thế gian, suốt ngàn năm thấm nhuần chảy vào cõi đời đời. Để Chúa xuống cho toàn dân khắp miền được phúc đón nhận ơn cứu chuộc Chúa Trời. (Lời của Phan Sang).

Đúng là để tiếp tục yêu thương và tha thứ, Chúa thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Sau khi thiết lập Bí tích Thánh Thể xong, Chúa Giêsu cũng lập luôn Bí tích Truyền Chức Thánh. Chúa nói với các Tông Đồ hiện diện : “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19;1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và tín nhiệm con người. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì yêu.

Giới luật yêu thương

Thánh Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16). Sự hiện hữu của con người là để được Thiên Chúa yêu thương: “Ta đã yêu người bằng mối tình muôn thuở nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,1) với một tình yêu chân thật, tận hiến và trao ban.là lòng thương xót vô biên của Chúa, là khối tình cuồng si không ai hiểu thấu.

Tình yêu có lý lẽ riêng của con tim mà lý trí không thể hiểu hết, nó có những nghịch lý vừa “kỳ diệu” vừa “dễ thương” và khả dĩ chấp nhận. Thánh Gioan phân tích: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới trở nên hoàn hảo” (1Ga 4,16).

Thánh Bênađô nói: “Mức độ của tình yêu là yêu không mức độ”. Vì “ai không yêu thì không biết Thiên Chúa ” (1 Ga 4,8) và “ai ở lại trong tình yêu thì cũng ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).

Sự sống muôn đời mà Thiên Chúa hứa ban đã được khởi sự ngay từ đời này đối với những ai nhận biết và yêu mến Thiên Chúa Cha cũng như Đấng mà Ngài đã sai đến thế gian này. Sự sống đời đời là được đi vào thế giới thần linh, được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là một trong lý do Chúa Giêsu thiết lập một sự liên kết thân mật giữa Bí tích Thánh Thể, Bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.

Thánh sử Gioan ghi lại : vào đêm cuối đời của Chúa Giêsu sống trên thế gian, Người đã rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 1-15). Rửa chân cho người khác chính là hành động thể hiện sự yêu thương. Rửa chân là người thực hành yêu thương, còn người được rửa chân là người được yêu thương. Ý muốn nói : Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị. Mỗi lần chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng nói “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).

Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Người kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Người, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ của Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem trong Chúa Nhật Lễ Lá
J.B. Đặng Minh An dịch
02:28 14/04/2025


Lúc 6h30 sáng Chúa Nhật 13 tháng Tư, tại nhà thờ Mộ Chúa tại Giêrusalem, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh tại Thánh Điạ Giêrusalem đã cử hành Lễ Lá với các linh mục dòng Phanxicô trong đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.

Anh chị em giáo dân và đoàn đồng tế đã đốt đèn cầy để đi rước lá từ bàn thờ Thánh Nữ Maria Mađalêna sang Mộ Chúa và đi vòng quanh nơi thánh này. Đoàn rước vừa đi vừa vẫy những nhành lá.

Chỉ có vài trăm người tham dự thánh lễ, phần lớn là các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân cư ngụ quanh khu vực.

Ngày 7 tháng 10, 2023, Hamas đã tấn công dữ dội vào các phần đất của Do Thái, dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài đến ngày nay.

Năm 2023 số người tham dự các nghi thức Tuần Thánh tại Giêrusalem rất khả quan. Sau cuộc tấn công của Hamas, số các tín hữu tham dự tuần thánh ở Giêrusalem tương tự như 2 năm 2022 và 2021 khi thế giới rơi vào một tình huống đặc biệt chưa từng có là đại dịch coronavirus. Năm nay, tình hình khá hơn một chút, một phần vì thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas; một phần khác là vì tuần thánh của Công Giáo và Chính Thống Giáo trùng nhau trong năm nay. Thông thường, lễ Phục sinh của Chính Thống Giáo diễn ra sau lễ Phục sinh của Công Giáo. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn trùng nhau như đã xảy ra vào những năm 2010, 2011, 2014 và 2017.

Theo truyền thống, ngay sau khi thánh lễ vừa chấm dứt, các tín hữu hành hương sẽ lũ lượt kéo lên Núi Ôliu để chuẩn bị cho cuộc rước truyền thống từ đây tiến về Giêrusalem bắt đầu lúc 2 giờ chiều. Cuộc rước này là để diễn lại việc Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Đoàn rước vừa đi vừa hô vang “Hôsana” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tạo nên một cảnh tượng rất hoành tráng và cảm động.

Từ núi Ôliu về đến Cổ Thành Giêrusalem, đoàn rước đi trong hơn một giờ đồng hồ. Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa và Đức Tổng Giám Mục Tito Yllana, người trước đây là Sứ Thần Tòa Thánh tại Úc, và được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel và Palestine năm 2021, đã đi sau cùng chung với đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.

Đến cửa thành Thánh Stêphanô, người Do Thái gọi là cửa Sư Tử, là một trong 7 cửa thành của Cổ Thành Giêrusalem, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa hướng dẫn mọi người vào cầu nguyện bên trong nhà thờ Thánh Anna.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thượng Phụ nói:



“Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng trời.” (Mt 21:9)

Anh chị em thân mến, xin Chúa ban bình an cho anh chị em!

Tôi chào tất cả anh chị em ở đây, các tín hữu của giáo phận chúng ta, và những người hành hương ít ỏi đã cố gắng hiện diện ở đây với chúng ta. Tôi cũng gửi lời chào đến những người không ở đây với chúng ta về mặt thể xác nhưng đang hiệp nhất với chúng ta trong lời cầu nguyện. Hôm nay, toàn thể giáo phận của chúng ta, Giáo hội Giêrusalem, hiệp nhất với chúng ta và cầu nguyện với chúng ta. Từ Gaza đến Nazareth; từ Bethlehem đến Jenin. Toàn bộ Jordan và Cyprus đang cầu nguyện với chúng ta, và trong tâm hồn hiệp nhất cùng chúng ta bước vào Thành Thánh, Giêrusalem. Và tôi đặc biệt chào anh chị em, những người Kitô hữu ở Giêrusalem, trong ngày này, ngày dành riêng cho anh chị em, ngày đặc biệt dành cho anh chị em, vì anh chị em là những người ở đây tại Giêrusalem, những người giữ cho ngọn lửa đức tin Kitô giáo luôn cháy sáng và giữ cho sự hiện diện của Chúa Kitô luôn cháy sáng giữa chúng ta.

Tôi không muốn nhắc lại những điều giống nhau lúc nào cũng như thế. Chúng ta biết rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn. Nhưng chúng ta không thể và không muốn dừng lại ở việc chỉ nói về thời kỳ khó khăn này. Hôm nay chúng ta phải nhớ đến một điều khác, điều quan trọng nhất. Chúng ta ở đây hôm nay, các Kitô hữu và những người hành hương địa phương, tất cả cùng nhau, để nói một cách mạnh mẽ rằng chúng ta không sợ hãi. Chúng ta là con cái của ánh sáng và sự phục sinh, của sự sống. Chúng ta hy vọng và tin tưởng vào tình yêu vượt qua mọi thứ.

Chúng ta sắp bước vào Tuần lễ Khổ nạn. Chúng ta sẽ cử hành tại cùng những nơi đã xảy ra những khoảnh khắc trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Và khi chúng ta cùng với Ngài, chúng ta cũng sẽ cùng với tất cả những người đang sống cuộc khổ nạn của họ ngày hôm nay, ở đây giữa chúng ta và trên thế giới.

Nhưng chúng ta cũng biết rằng Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu không phải là lời cuối cùng của Thiên Chúa trên thế giới. Đấng Phục Sinh là lời cuối cùng của Người, và chúng ta ở đây để nói và khẳng định lại điều đó một lần nữa. Chúng ta đã gặp Người. Và chúng ta ở đây để kêu lên, mạnh mẽ, tự tin, và với tất cả tình yêu mà chúng ta có thể, mà không ai có thể dập tắt được. Không ai có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giêsu. Và chúng ta muốn chứng kiến điều đó trước hết bằng sự hiệp nhất giữa chúng ta, yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau, tha thứ cho nhau.

Khi Người đi qua, đám đông trải áo choàng dưới chân Chúa Giêsu và chào đón Người bằng những cành ô liu và lá cọ ít ỏi mà họ có thể tìm thấy. Chúng ta cũng hãy đặt trước Đấng Messiah của chúng ta những gì ít ỏi mà chúng ta có, những lời cầu nguyện, tiếng khóc, nỗi khát khao Người và lời an ủi của Người. Và ở đây, hôm nay, bất chấp mọi thứ, tại cổng thành của Người và thành phố của chúng ta, một lần nữa chúng ta tuyên bố rằng chúng ta thực sự muốn chào đón Người là Vua và là Đấng Messiah của chúng ta, và theo Người trên con đường đến ngai vàng của Người, là cây thập tự. Thập tự giá ấy không phải là biểu tượng của cái chết, mà là của tình yêu.

Chúng ta không nên sợ những kẻ muốn chia rẽ, những kẻ muốn loại trừ hoặc những kẻ muốn chiếm hữu linh hồn của Thành Thánh này, vì mãi mãi Giêrusalem sẽ là ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc (Is 56:7), và không ai có thể chiếm hữu nó. Như tôi vẫn nhắc lại, chúng ta thuộc về thành phố này và không ai có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của chúng ta dành cho Thành Thánh, cũng như không ai có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô (Rm 8:35).

Những ai thuộc về Chúa Giêsu sẽ luôn tiếp tục nằm trong số những người xây dựng chứ không phải phá hủy, biết cách đáp lại lòng thù hận bằng tình yêu và sự hiệp nhất, và chống lại sự từ chối bằng sự chấp nhận.

Vì Giêrusalem là nơi Chúa Kitô chịu chết và sống lại, là nơi hòa giải, là nơi tình yêu cứu độ và vượt qua ranh giới của đau khổ và cái chết. Và đây là ơn gọi của chúng ta ngày hôm nay: hãy xây dựng, đoàn kết, phá vỡ rào cản, hy vọng chống lại thất vọng (x. Rm 4:18). Đây là và vẫn là sức mạnh của chúng ta và đây sẽ luôn là chứng tá của chúng ta, bất chấp nhiều hạn chế của chúng ta.

Vậy chúng ta đừng nản lòng. Đừng nản lòng. Đừng mất hy vọng. Và đừng sợ hãi nhưng hãy nhìn lên với sự tự tin và một lần nữa đổi mới cam kết chân thành và cụ thể của chúng ta đối với hòa bình và sự hiệp nhất, với sự tin tưởng vững chắc (x. Dt 3:14) vào quyền năng của tình yêu Chúa Kitô!

Chúc mọi người Tuần Thánh vui vẻ!


Source:Latin Patriarchate of Jerusalem
 
‘Giai đoạn mới’ của triều giáo hoàng Phanxicô đang dần hình thành
Vũ Văn An
14:35 14/04/2025

Đức ông Massimiliano Matteo Boiardi, bên trái, cầm micro cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài chúc mừng Chúa Nhật Lễ Lá và Tuần Thánh đến các tín hữu tham dự Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 13 tháng 4 năm 2025. (Nguồn


Elise Ann Allen của tạp chí Crux, ngày 14 tháng 4 năm 2025, cho hay: Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất viện cách đây ba tuần, các quan chức nói chung rằng một kỷ nguyên mới của triều giáo hoàng của ngài đang được mở ra, sau 38 ngày chiến đấu gian khổ với căn bệnh viêm phổi kép.

Trong hai tuần đầu tiên sau khi xuất viện từ Bệnh viện Gemelli ở Rome vào ngày 23 tháng 3, triều giáo hoàng của Đức Phanxicô sẽ như thế nào trong tương lai vẫn là một điều bí ẩn, vì ngài đã trở lại nơi ở của mình và dường như đang tuân thủ nghiêm ngặt thời gian nghỉ ngơi hai tháng theo chỉ định của bác sĩ.

Trong những tuần dưỡng bệnh, về lý thuyết, Đức Phanxicô được cho là phải tránh tụ tập đông người và tiếp xúc quá nhiều với môi trường có thể lây nhiễm nhiều vi khuẩn hơn.

Tuy nhiên, Chúa Nhật tuần trước, ngài đã bắt đầu một loạt các lần xuất hiện bất ngờ trước công chúng trong suốt tuần, bao gồm cả lần đầu tiên ngài ra khỏi Thành phố Vatican kể từ khi nhập viện, điều này đã cung cấp một bức tranh về "giai đoạn mới" của triều giáo hoàng này có thể trông như thế nào, ít nhất là trong ngắn hạn.

Mặc dù Vatican kiên quyết nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô vẫn tiếp tục tuân thủ thời gian nghỉ ngơi hai tháng của mình, nhưng vào Chúa Nhật tuần trước, ngày 6 tháng 4, ngài đã xuất hiện bất ngờ và không báo trước vào cuối Thánh lễ mừng Năm Thánh dành cho Người bệnh và Nhân viên Y tế tại Quảng trường Thánh Phê-rô.

Đây là lần đầu tiên ngài xuất hiện trước công chúng kể từ khi trở về nhà, và mặc dù bác sĩ yêu cầu ngài phải nghỉ ngơi nghiêm ngặt trong tám tuần, nhưng phải mất hai tuần ngài mới quyết định phớt lờ lời khuyên đó và đến quảng trường, nơi ngài bắt tay và dừng lại để nói chuyện với các cá nhân và nhóm người trước khi ban phước lành.

Sau đó, ngài đã có cuộc gặp riêng không báo trước với Vua Charles và Hoàng hậu Camilla vào thứ Tư, và vào thứ Năm, ngài đã trở thành tiêu điểm chú ý khi bất ngờ xuất hiện tại Vương cung thánh đường Thánh Peter mà không mặc trang phục giáo hoàng thường thấy, mặc một chiếc áo lót màu trắng với quần đen và một chiếc áo choàng để che chắn.

Vào dịp đó, Đức Phanxicô đã cầu nguyện trước lăng mộ của Thánh Giáo hoàng Piô X và cũng bắt tay và ban phước cho một số trẻ em khi ngài được đưa về dinh thự của mình.

Vào thứ Bảy, ngài đã mạo hiểm ra khỏi Thành phố Vatican và đến thăm Vương cung thánh đường La Mã yêu thích của mình, Nhà thờ Đức Bà Cả, nơi ngài cho biết mình muốn được chôn cất, dành thời gian cầu nguyện thầm lặng và tặng một bó hoa cho bức ảnh nổi tiếng Maria Salus Populi Romani, hay Đức Maria, Ơn Cứu giúp của Người dân Rôma.

Chúa Nhật tuần trước, ngày 13 tháng 4, ngài lại bất ngờ xuất hiện sau Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá, đánh dấu sự bắt đầu chính thức của Tuần Thánh, mặc dù vào thời điểm đó, kỳ vọng ngài có thể xuất hiện đã tăng lên.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xuất hiện, không báo trước, vào cuối Thánh lễ để giúp ban phước lành cuối cùng và chúc những người tham dự và tín hữu trên khắp thế giới một Chúa Nhật Lễ Lá và Tuần Thánh tốt lành, dừng lại để cầu nguyện tại lăng mộ của Đức Giáo Hoàng Piô X và Benedict XV bên trong Vương cung thánh đường trên đường trở về.

Những lần xuất hiện này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô không chỉ là dấu hiệu cho thấy quá trình điều trị của ngài đang có hiệu quả và ngài đang cảm thấy khỏe hơn khi quá trình hồi phục của ngài tiếp tục, mà còn có thể là dấu hiệu cho thấy những gì mong đợi trong tương lai gần.

Trong hai năm qua, Đức Phanxicô ngày càng dựa vào các Hồng Y để cử hành các nghi lễ chính của giáo hoàng tại bàn thờ, trong khi ngài chủ trì từ một chiếc ghế ở bên cạnh, do khó khăn khi đứng trong toàn bộ buổi lễ, và ngài cũng đã nhờ các trợ lý đọc các bài phát biểu đã chuẩn bị cho ngài khi ngài không thể đọc do khó thở hoặc căng thẳng về hô hấp.

Chỉ dựa trên tuần qua, có thể là hiện tại, bao gồm cả các nghi lễ Tuần Thánh sắp tới của ngài, Đức Giáo Hoàng có thể ủy quyền toàn bộ Thánh lễ cho các Hồng Y và chỉ xuất hiện vào cuối nghi lễ để ban phép lành và cho thấy ngài vẫn hiện diện.

Tuần trước có thể là bản xem trước về những gì mong đợi cho các nghi lễ Tuần Thánh tại Vatican, các kế hoạch vẫn chưa được công bố.

Khi các vị giáo hoàng già đi, các ngài thường chậm lại và phụ thuộc nhiều hơn vào những người cộng tác và trợ lý, ủy quyền các nhiệm vụ và bổn phận.

Ở tuổi 88, Đức Phanxicô mắc nhiều bệnh khác nhau và đã trải qua một số cuộc khủng hoảng sức khỏe trong những năm gần đây, bao gồm hai cuộc phẫu thuật lớn và hai lần nhập viện vì bệnh hô hấp, cũng như hai lần ngã do được cho là khó giữ thăng bằng.

Trong mỗi trường hợp, những cuộc khủng hoảng này làm dấy lên mối lo ngại về sức bền tổng thể và khả năng tiến hành công việc như thường lệ của ngài. Tuy nhiên, với mỗi trường hợp mới, cách thức "công việc như thường lệ" được thực hiện đã được thay đổi.

Nhìn xa hơn Tuần Thánh, cách xử lý các nghi lễ này có thể là một cái nhìn thoáng qua về một phiên bản sửa đổi khác “hoạt động như thường lệ” sau lần nhập viện mới nhất này, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô điều chỉnh trước sự yếu đuối và giới hạn về thể chất gia tăng.

Đức Phanxicô thường nói rằng bạn không cần chân để cai trị, mà cần đầu, và ngài đã chứng minh điều này trong tuần qua khi ngài tiếp tục làm việc, ký các văn bản và tiếp tục các cuộc họp thường kỳ với các quan chức, trong khi tìm ra cách mới để xử lý các cam kết của mình.

Theo nghĩa này, tuần qua cũng cho thấy rằng chức giáo hoàng không phải là về nhiệm vụ, mà là sự hiện diện.

Đám đông đã bùng nổ với tiếng reo hò đầy cảm xúc khi Đức Phanxicô xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên vào ngày 6 tháng 4, và khoảng 20,000 tín đồ đã tuôn đến Quảng trường Thánh Phê-rô để tham dự Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá vào ngày 13 tháng 4 với hy vọng được thấy ngài xuất hiện trở lại, dù chỉ trong vài phút, và được nghe giọng khàn khàn của ngài chúc họ một Tuần Thánh được ban phước.

Trong cả hai trường hợp, cũng như lần xuất hiện bình thường của ngài tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và chuyến đi đến Nhà thờ Đức Bà Cả, điều quan trọng không phải là ngài có cử hành toàn bộ Thánh lễ hay không, hay ngài mặc gì, mà chỉ đơn giản là ngài đã ở đó, rằng ngài đã hiện diện.

Đặc biệt là trong năm thánh, và đặc biệt là khi ngài phải đối đầu với những hạn chế mới và có khả năng gây nản lòng, thì tính ưu việt của sự hiện diện có thể là một khía cạnh mới quan trọng trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô trong kỷ nguyên mới này.

Tuần trước, Đức Giáo Hoàng đã không cử hành Thánh lễ công khai tại Quảng trường Thánh Phê-rô, ngài không lái xe vòng quanh trên xe giáo hoàng hay hôn vô số trẻ sơ sinh hay ban phước cho hàng dài người bệnh, nhưng ngài đã đến, ban phước lành và ngài chỉ đơn giản là có mặt - một sự hiện diện, không có khả năng làm nhiều hơn, đã nói to hơn và rõ ràng hơn bất cứ lời nói nào.
 
Tại sao lại là Chúa-Người?
Vũ Văn An
15:04 14/04/2025

Robert Royal, chủ bút The Catholic Thing, ngày 14 tháng 4 năm 2025, nhận định rằng: Hầu hết các Ki-tô hữu– mặc dù không phải tất cả, trong tình trạng suy thoái hiện nay của nền giáo dục ở mọi loại hình, bao gồm cả giáo dục tôn giáo – đều biết rằng các sự kiện mà chúng ta kỷ niệm trong tuần này đã có những tác động sâu rộng nhất trong mọi thứ đã xảy ra trong toàn bộ lịch sử loài người. Và xa hơn nữa, đến thế giới bên kia. Bất cứ ai, Ki-tô hữu hay không, khi nhìn lại quá khứ mà không có con mắt hoài nghi, đều phải thừa nhận rằng cuộc cách mạng Ki-tô giáo đã tác động đến hầu như mọi thứ. Và rằng đây cũng là một phước lành cũng như – không phải là một lời nguyền, mà là một trở ngại, trong thời gian gần đây để đánh giá cao sự thay đổi lớn lao mà Chúa-trở-thành-người đã mang đến cho thế giới.

Bởi vì khi mọi người cho rằng họ biết cốt truyện và kết quả của câu chuyện Ki-tô giáo, họ coi đó là điều hiển nhiên, như một thứ gì đó chỉ là bối cảnh hàng ngày. Họ tin rằng nó đã tồn tại mọi lúc và mọi nơi. Và bất cứ điều gì tốt đẹp trong đó đã được tích hợp vào cuộc sống con người và không cần sự chú ý đặc biệt nữa. Tom Holland, một "Ki-tô hữu về mặt văn hóa" và (có lẽ, mặc dù anh ta có vẻ đang dao động) không phải là một tín hữu, đã theo dõi toàn bộ quá trình này trong cuốn sách đáng chú ý của mình, Dominion: How the Christian Revolution Remade the World [Thống trị: Cuộc Cách mạng Ki-tô giáo Đã Làm lại Thế giới Ra sao]. Không có Chúa Kitô: không có sự thừa nhận về tự do hoặc phẩm giá của con người, không có sự vượt qua khỏi chính trị đơn thuần, không có sự lan truyền của thuyết độc thần Do Thái (cũng như tà giáo Ki-tô mà chúng ta gọi là Hồi giáo), không có sự chấm dứt chế độ nô lệ, không có sự tôn trọng đối với phụ nữ, vô tận.

Cuối cùng, Holland xác định rất nhiều thứ trong thế giới của chúng ta có nguồn gốc từ Ki-tô giáo đến nỗi bạn gần như muốn kéo anh ta lại và hỏi, "Khoan đã, bạn ơi, không phải có những thứ chúng ta coi trọng xuất phát từ bên ngoài truyền thống Ki-tô giáo sao?"

Vợ tôi và tôi đã xem (parva cum magnis comparare) một loạt phim hấp dẫn của BBC, “SS-GB,” dựa trên một tiểu thuyết của Len Deighton, tưởng tượng ra một kịch bản phản lịch sử: Điều gì sẽ xảy ra nếu Không quân Hoàng gia Anh thua trận không chiến ở Anh và Đức Quốc xã chiếm lấy Anh? Một cảnh sát thám tử thấy mình trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, phải chống lại tội phạm và đồng thời làm việc với SS Đức Quốc xã, với hy vọng rằng anh ta có thể học được những điều giúp làm suy yếu và cuối cùng là trục xuất những kẻ xâm lược.

Có vẻ hơi quá, nhưng nếu bạn nhìn khắp thế giới vào những điều xấu xa đang vây quanh chúng ta ở mọi phía - hoặc thậm chí nhìn vào trái tim và hành động của chính mình - thì rõ ràng là chúng ta đang bị một thế lực ngoài hành tinh nào đó chiếm giữ. Ma quỷ là cha đẻ của sự dối trá, nhưng khi hắn chỉ cho Chúa Giêsu các vương quốc trên thế giới và cám dỗ Người, “Ta sẽ cho ngươi toàn bộ quyền năng này và vinh quang của các vương quốc đó: vì quyền năng đó đã giao cho ta; và ta muốn cho ai tùy ý” (Lu-ca 4:6), thì điều đó có vẻ không hoàn toàn vô lý.

Khi lần đầu tiên tôi đọc Biên niên sử Narnia của C. S. Lewis cho các con tôi nghe, tôi đã hơi ngần ngại khi ông mô tả Aslan (một con sư tử tượng trưng cho Chúa Kitô) là "đã hạ cánh" và "đang di chuyển" cùng với những người theo ông. Giống như mọi thứ Lewis viết, đó là một hình ảnh sống động, nhưng có vẻ quá đơn giản đối với tôi. Bây giờ tôi nhận ra, tôi là một kẻ ngốc. Lewis - và Tolkien - đã trải qua cả hai cuộc chiến tranh thế giới và trận không chiến trên không ở Anh. Cả hai đều biết trong xương tủy của mình, và thể hiện một cách xuất sắc trong các cuốn sách của họ, một cảm giác về cuộc chiến tâm linh đang diễn ra trên thế giới của chúng ta - và sẽ ở bên chúng ta cho đến tận thế.

Salvator Mundi (Chúa Kitô với Quả địa cầu của Titian (Tiziano Vecellio), 1530 [Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna]


Cuộc chiến tâm linh đáng lẽ phải rõ ràng hơn với chúng ta bây giờ, chứ không phải ít hơn. Nhưng Kẻ Ác có những mánh khóe đen tối của hắn và đã rất thành công trong việc chuyển hướng sự chú ý của chúng ta khỏi chiến trường chính sang những chiến trường nhỏ hơn. Hầu hết mọi người nghĩ rằng cái ác của chúng ta chỉ là một loạt các cuộc đụng độ về chính trị, kinh tế, tình dục, quyền lực và các mục tiêu phù du khác.

Khi Thánh Anselm viết Cur Deus Homo? – “Tại sao Chúa trở thành con người?” – vào khoảng năm 1099, ngài, cùng với phần lớn thời Trung cổ, tò mò về một câu hỏi khác nhưng có liên quan. Theo quan điểm thần học, Nhập thể là một “mầu nhiệm”. Nhưng Đức tin và Lý trí, như Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta, là hai cánh nhờ đó tinh thần con người bay lên với Chúa. Lý trí không thể giải thích hoàn toàn những mầu nhiệm được tiết lộ – đó là lý do tại sao những chân lý như Chúa Ba Ngôi và Nhập thể phải được “mặc khải”. Nhưng lý trí có thể giúp cả những người tin và những người không tin tiếp cận chúng. Thánh Anselm nói: “Những người không tin thường đặt câu hỏi (chế giễu sự giản dị của Ki-tô giáo là mê đắm), và những người trung thành tự hỏi trong lòng mình, vì lý do gì, và vì sự cần thiết nào, Chúa đã trở thành con người, và bằng cái chết của Người, như chúng ta tin và tuyên xưng, đã ban sự sống cho thế giới.”

Câu trả lời của Thánh Anselm được gọi là “thuyết đền bù.” Tội lỗi chống lại Chúa trong Sự sa ngã lớn đến mức các lễ vật hiến tế động vật và nỗ lực của con người không thể trả hết món nợ vô hạn đã gây ra. Giống như bị kết án chung thân vì tội giết người – điều này không thực sự chuộc lại được tội hủy diệt một sinh vật được tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa.

Tuy nhiên, tại sao Chúa không tha thứ cho tất cả chúng ta, vì Người yêu chúng ta và mong muốn sự cứu rỗi của tội nhân? Câu trả lời ngắn gọn có vẻ là công lý và chân lý của Chúa phải được bảo tồn cùng với lòng thương xót của Người – điều mà những người ủng hộ Địa ngục trống rỗng coi nhẹ. Vì vậy, Chúa-Người phải cung cấp cả vật chất con người cần thiết để đền bù cùng với sự hiện diện thực sự của Chúa vượt qua những điểm yếu và hạn chế của chúng ta. Đó không phải là một lý thuyết hoàn toàn thỏa đáng về "sự đền bù", và các nhà thần học vẫn đang vật lộn với nó, nhưng nó làm sáng tỏ một số sự thật mà chúng ta có thể đã bỏ sót.

Và cũng cung cấp cho chúng ta một điểm khởi đầu cho thời đại của riêng mình. Rõ ràng là các cuộc chiến tranh và tin đồn về chiến tranh, sự rối loạn của chúng ta và thậm chí cả những nỗ lực của chúng ta để sửa chữa chúng – thường giống như Tháp Babel chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn – không thể được khắc phục chỉ bằng nỗ lực của chúng ta. Chúng ta không chỉ cần Tin Mừng từ nơi khác, mà còn cần sự hiện diện của một đồng minh mạnh mẽ, người sẽ tiếp tục làm, giữa sự chiếm đóng của nước ngoài, những gì không ai trong chúng ta có thể làm được. Tuần này, khi chúng ta tưởng nhớ Bữa Tiệc Ly, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Người, chúng ta sẽ khẳng định lại và trải nghiệm lại chính xác điều đó.
 
40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay - Thứ Ba Tuần Thánh Ngày 15-04
J.B. Đặng Minh An dịch
18:48 14/04/2025


Is 49:1-6

Tv 70(71):1-6, 15, 17

Ga 13:21-33, 36-38

“Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được?” Ga 13:37

Người ta nói rằng mọi người trong một khoảng khắc nào đó trong cuộc đời đều có thể có cái nhìn sâu sắc! Tôi nghĩ điều này đặc biệt đúng với Tin Mừng hôm nay! Thật dễ dàng cho chúng ta, những người biết câu chuyện sẽ đi về đâu, để lướt qua tất cả những khoảnh khắc khó hiểu và đặc biệt là những bình luận bí ẩn của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly. Chúng ta biết rằng Giuđa sắp phản bội Người đến chết. Và rằng Phêrô sẽ chối Người.

Đối với chúng ta, những người biết kết thúc câu chuyện, cũng dễ dàng cảm thấy mình hơn Thánh Phêrô điều đó một chút. Thánh Phêrô vẫn chưa biết hết điểm yếu của mình.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều cần Chúa Giêsu làm cho chúng ta những gì Ngài đã làm cho Thánh Phêrô.

Chúng ta, giống như Phêrô, chỉ có thể theo Chúa Giêsu đến nơi cuối cùng Người đã đến - lên thiên đàng, đến Nhà Cha - vì trước tiên Người đã đến với Thập giá. Điều trớ trêu là: Phêrô nghĩ rằng ông sẽ hy sinh mạng sống mình vì Chúa Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu mới là người hy sinh mạng sống mình vì Phêrô - và vì chúng ta.

Có lẽ chúng ta không phản bội Chúa Giêsu, hay chối bỏ Ngài, hay thậm chí bỏ chạy và rời xa Ngài như hầu hết các môn đệ khác, nhưng tất cả chúng ta đều cần ơn cứu rỗi và tha thứ của Ngài.

Nếu Thánh Phêrô không chối Chúa Giêsu thì sao? Nếu đêm đó, ông can đảm thừa nhận Chúa Giêsu thì sao? Tôi tự hỏi liệu ông có nắm bắt được hoàn toàn nhu cầu của mình về những gì Chúa Giêsu đã làm cho ông không?

Có điều gì đó mạnh mẽ khi có thể nắm bắt được căn tính của mình như một tội nhân được yêu thương và tha thứ. Biết rằng tôi được biết đến đầy đủ, thậm chí đến cả những thất bại tồi tệ nhất của tôi, và cũng được yêu thương đầy đủ, được tha thứ hoàn toàn. Thật là một ân sủng lớn lao! Thật tự do!

Cảm ơn Chúa Giêsu đã yêu thương con ngay cả trong sự yếu đuối của con và mặc dù con đã làm Chúa thất vọng. Cảm ơn Chúa đã hy sinh mạng sống vì con. Amen.
 
Văn kiện mới của Ủy Ban Thần học Quốc tế: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Rỗi, để Kỷ niệm 1,700 năm [325-2025] Công đồng Nicée, chương hai
Vũ Văn An
19:47 14/04/2025

Văn kiện mới của Ủy Ban Thần học Quốc tế: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Rỗi, để Kỷ niệm 1,700 năm [325-2025] Công đồng Nicée





Chương hai: Kinh Tin Kính Nicée trong đời sống của các tín hữu: “Chúng tôi tin như chúng tôi rửa tội; và chúng tôi cầu nguyện như chúng tôi tin"

Mở đầu: Đức tin được tuyên xưng trong đức tin được sống

48. Đức tin được tuyên xưng tại Nicée có nội dung tín điều phong phú, có ý nghĩa quyết định cho việc thiết lập tín lý Kitô giáo. Tuy nhiên, mục đích của học thuyết này vẫn là nuôi dưỡng và hướng dẫn cuộc sống của tín hữu. Theo nghĩa này, chúng ta có thể làm nổi bật kho tàng tâm linh đích thực của Công đồng Nicée và Kinh Tin Kính, một "nguồn nước hằng sống" mà Giáo hội được kêu gọi kín múc hôm nay và mãi mãi. Để bảo vệ quyền tiếp cận nguồn nước sống này, Thánh Anthony đã đồng ý rời khỏi ẩn thất của mình để đi làm chứng chống lại những người theo thuyết Arius ở Alexandrie[64]. Kho tàng này được tiết lộ trực tiếp theo cách đức tin Nicée được sinh ra từ lex orandi [luật cầu nguyện]và nuôi dưỡng nó[65]. Hơn nữa, các công đồng không bao giờ có ý định giới hạn các cuộc tranh luận của mình vào phạm vi suy lý về các tuyên bố đức tin. Ngược lại, những người tham gia các Thượng hội đồng này rất muốn thảo luận về toàn bộ đời sống Giáo hội, cách tốt nhất để đắm mình vào các chân lý đức tin hàng ngày và thực hành chúng, và ngược lại, điều chỉnh việc giảng dạy của họ về chính hành [orthopraxie] phụng vụ, bí tích và thậm chí là đạo đức[66]. Tóm lại, các giám mục đã mang theo mình một cách thiêng liêng các thành viên của thân thể Giáo hội đến các công đồng, những người mà họ chia sẻ đời sống đức tin và cầu nguyện, và cùng họ hát những lời ca ngợi và tôn vinh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa duy nhất. Vì vậy, để nắm bắt được tầm quan trọng tâm linh và thần học của tín điều Nicée, chúng ta cần tìm hiểu sự tiếp nhận tín điều này trong thực hành phụng vụ và bí tích, giáo lý và thuyết giảng, cầu nguyện và thánh ca của thế kỷ thứ 4.

1. Phép Rửa Tội và Đức Tin Ba Ngôi

49. Ngay cả trước khi học thuyết về Chúa Ba Ngôi được phát triển về mặt thần học, đức tin vào Chúa Ba Ngôi đã là nền tảng của đời sống Kitô hữu được cử hành trong phép rửa tội. Lời tuyên xưng đức tin khi chịu phép rửa tội được nêu trong công thức bí tích rửa tội không chỉ diễn tả một mầu nhiệm lý thuyết mà còn là đức tin sống động liên quan đến thực tại cứu rỗi do Thiên Chúa ban tặng, và do đó liên quan đến chính Thiên Chúa. Đức tin rửa tội mang lại “sự hiểu biết” về Thiên Chúa, đồng thời cũng là con đường đến với Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy, nhà biện giáo Athenagoras quả quyết: “Có […] những người […] chỉ để mình được hướng dẫn bởi lòng mong muốn biết Thiên Chúa thật và Lời của Người, biết sự hiệp nhất của Chúa Con với Chúa Cha là gì, sự hiệp thông của Chúa Cha với Chúa Con là gì, Chúa Thánh Thần là gì, sự hiệp nhất và sự phân biệt của ba ngôi vị làm cho bối rối như vậy, Chúa Thánh Thần, Chúa Con và Chúa Cha, là gì. [67] »

50. Đây là lý do tại sao công thức rửa tội, trong đó Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được đặt ngang hàng, tạo nên lập luận trung tâm chống lại Arius và các môn đệ của ông, hơn là việc viện đến lý luận thần học. Đây cũng là trường hợp của Thánh Ambroise[68] và Hilaire[69] cũng như với Thánh Basil xứ Césarée, Thánh Grégoire xứ Nysse hay Thánh Ephrem người Syria[70]. Tương tự như vậy, Thánh Athanase nhấn mạnh: Chúa Con không được nêu tên trong công thức rửa tội vì Chúa Cha không đủ, hay chỉ đơn giản là ngẫu nhiên, mà vì:

Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa và là Sự Khôn Ngoan của Người, và là sự rạng ngời (apaugasma) của Người, Người luôn ở cùng Chúa Cha. Vì lý do này, khi Chúa Cha ban ơn, Người chỉ có thể ban ơn qua Chúa Con, vì Chúa Con ở trong Chúa Cha như ánh sáng huy hoàng; […] Bất cứ ai Chúa Cha rửa tội, thì Chúa Con cũng rửa tội, và bất cứ ai Chúa Con rửa tội thì được thánh hiến trong Chúa Thánh Thần[71].

51. Tuy nhiên, đối với Thánh Athanase và các Giáo phụ Cappadocie, vấn đề không chỉ đơn thuần là tuyên bố công thức Ba Ngôi, mà phép rửa tội còn đòi hỏi đức tin vào thiên tính của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, việc dạy đức tin đúng đắn là cần thiết và là một phần của việc thực hành phép rửa đúng đắn. Thánh Athanase trích dẫn lời dạy trong Mt 28:19 làm cơ sở: "Hãy đi... giảng dạy... và làm phép rửa"[72]. Đây là lý do tại sao Thánh Athanase – giống như Thánh Basil và Thánh Grégoire thành Nysse[73] – phủ nhận bất cứ hiệu quả nào đối với phép rửa tội của Arius, bởi vì những người coi Chúa Con là một tạo vật không có quan niệm đúng đắn về Thiên Chúa Cha: người không công nhận Chúa Con cũng không hiểu Chúa Cha và không “sở hữu” Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha không bao giờ bắt đầu là Chúa Cha[74].

2. Kinh Tin Kính Nicée như một lời tuyên xưng đức tin

52. Tuyên bố đức tin Nicée không chỉ là việc phát biểu đức tin rửa tội mà còn có thể xuất phát trực tiếp từ Kinh Tin Kính rửa tội của Giáo hội Césarée ở Palestine (nếu chúng ta tin vào những gì Eusèbe nói[75]). Có ba phần bổ sung: "...nghĩa là, thuộc bản thể của Chúa Cha", "được sinh ra, mà không phải được tạo thành", và "đồng bản thể với Chúa Cha (homoousios)". Theo cách này, điều được xác lập một cách hết sức rõ ràng là Đấng "đã mặc lấy xác phàm vì loài người chúng ta... và chịu đau khổ" chính là Thiên Chúa, homoousion tō Patri [đồng bản thể với Chúa Cha]. Tuy nhiên, mặc dù “thuộc bản thể của Chúa Cha” (ek tēs ousias tou Patros), Người vẫn khác biệt với Chúa Cha vì Người là Con của Người. Nhờ Người, Đấng “đã trở nên người để cứu rỗi chúng ta”, chúng ta biết được ý nghĩa của câu nói Thiên Chúa Ba Ngôi “là tình yêu” (1 Ga 4:16). Những bổ sung này là cần thiết và đánh dấu tính độc đáo cụ thể và đóng góp quyết định của Công đồng Nicée, nhưng đồng thời cũng cần phải liên tục nhấn mạnh rằng Kinh Tin Kính như một Kinh Tin Kính của đức tin ban đầu bắt nguồn từ khuôn khổ phụng vụ, đây là môi trường sống động của nó và do đó là khuôn khổ mà nó mang đầy đủ ý nghĩa. Đây chắc chắn không phải là một bài trình bày lý thuyết mà là một hành động cử hành bí tích rửa tội, được làm phong phú thêm bởi phần còn lại của phụng vụ và làm sáng tỏ phần còn lại. Những người cùng thời với chúng ta đôi khi có thể có ấn tượng rằng kinh Tin Kính là một bài giảng rất lý thuyết vì họ không biết về nguồn gốc phụng vụ và phép rửa tội của nó.

53. Theo nghĩa này, đức tin Nicée vẫn và đang tiếp tục là một "symbolon" ("ekthesis", "pistis"), nghĩa là một lời tuyên xưng đức tin. Có thể phân biệt nó với một cách giải thích hoặc định nghĩa thần học kỹ thuật chính xác hơn nhằm bảo vệ đức tin ("oros", "definitio"), như được đề xuất bởi Công đồng Chalcédoine. Là một Kinh Tin Kính, Tuyên ngôn Nicée là một công thức và lời giải thích tích cực về đức tin Kinh thánh.[76] Nó không tuyên bố là một định nghĩa mới, mà đúng hơn là một sự gợi lại đức tin của các tông đồ: “Đức tin này, Chúa Kitô đã ban cho, các tông đồ đã công bố, các Giáo phụ của toàn thể Oikoumenē của chúng ta đã tụ họp tại Nicée đã truyền lại (paradosis).[77] »

54. Tương tự như vậy, chính vì địa vị của nó như một lời tuyên xưng đức tin và chính xác là đức tin tông truyền, chứ không phải là một định nghĩa hay giáo huấn, mà Kinh Tin Kính Nicée được coi là bằng chứng quyết định của sự chính thống trong giai đoạn tiếp theo (ít nhất là cho đến cuối thế kỷ thứ 5)[78]. Đây là lý do tại sao nó được sử dụng làm bản văn cơ bản trong các công đồng sau này. Vì vậy, Công đồng Éphèse và Chalcédoine tự nhận là người diễn giải Kinh Tin Kính Nicée: họ nhấn mạnh sự đồng thuận của họ với Nicée và phản đối những quan điểm bất đồng liên quan đến Nicée. Khi Bản Tuyên Xưng Đức Tin Nicée-Constantinople được đọc tại Công Đồng Chalcédoine, các giám mục tụ họp đã thốt lên: "Đây là đức tin của chúng ta. Chính trong điều này mà chúng ta đã được rửa tội, chính trong điều này mà chúng ta làm phép rửa tội! Đức Giáo Hoàng Leo tin điều này, Thánh Cyril tin điều này. [79] » Lưu ý rằng lời tuyên xưng đức tin có thể được diễn đạt ở dạng số ít - "Tôi tin" - nhưng thường ở dạng số nhiều: "chúng tôi tin"; Tương tự như vậy, Kinh Lạy Cha ở dạng số nhiều: "Lạy Cha chúng con..." Đức tin hoàn toàn cá nhân và đơn nhất của tôi cũng được ghi khắc hoàn toàn trong đức tin của Giáo hội, như một cộng đồng đức tin. Kinh Tin Kính Nicée và Kinh Tin Kính Nicée-Constantinople gốc Hy Lạp mở đầu bằng dạng số nhiều "chúng tôi tin", "để làm chứng rằng trong 'Chúng tôi' này, tất cả các Giáo hội đều hiệp thông, và tất cả các Kitô hữu đều tuyên xưng cùng một đức tin."[80]

55. Như chúng tôi đã đề cập trong chương trước, cho đến ngày nay, "Nicée" - "lời tuyên xưng đức tin của 318 giáo phụ Chính thống giáo[81]" - được coi là công đồng tuyệt vời nhất trong các Giáo hội Đông phương, nghĩa là không phải là "một công đồng trong số những công đồng khác", thậm chí không phải là "công đồng đầu tiên trong một loạt công đồng", mà là chuẩn mực của đức tin Kitô giáo đúng đắn. "318 Nghị phụ" được nhắc đến rõ ràng trong phụng vụ Giêrusalem. Hơn nữa, trong các Giáo hội Đông phương, không giống như các Giáo hội Tây phương, Nicée cũng được kỷ niệm riêng trong lịch phụng vụ. Cần lưu ý rằng các vấn đề kỷ luật được giải quyết tại Nicée có tầm quan trọng khác ngay từ đầu so với lời tuyên xưng đức tin. Trong khi đa số có thể đưa ra quyết định về các vấn đề kỷ luật, thì truyền thống tông đồ lại mang tính quyết định đối với các vấn đề đức tin: "Về ngày lễ Phục sinh, các Giáo phụ đã viết: 'Đã quyết định rồi.' Về đức tin, họ không viết: “Đã quyết định rồi,” mà là: “Giáo Hội Công Giáo tin như vậy!”[82]"

3. Đào sâu việc giảng thuyết và dạy giáo lý

56. Các Giáo phụ ở cả phương Đông và phương Tây không chỉ tranh luận bằng các chuyên luận thần học mà còn làm sáng tỏ đức tin Nicée trong các bài giảng gửi đến mọi người, nhằm bảo vệ các tín hữu khỏi những diễn giải sai lầm, thường được gọi bằng thuật ngữ "arien" - mặc dù "homoïens" ở phương Tây vào thời Thánh Augustine khác hẳn với "néo-ariens" ở phương Đông về lập luận của họ. Quan niệm thần học cho rằng Chúa Con không phải là "Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật", mà chỉ là tạo vật cao quý nhất của Chúa Cha và rằng Người không đồng vĩnh hằng với Chúa Cha, đã được các Giáo phụ công nhận là mối đe dọa dai dẳng và chống lại, thậm chí không cần đến những kẻ thù cụ thể. Lời mở đầu của Tin mừng Gioan đã cung cấp cơ hội để giải thích mối quan hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con, hoặc giữa "Thiên Chúa" và "Ngôi Lời" của Người, theo Tuyên ngôn Nicée.[83] Ví dụ, Chromace xứ Aquilée (được thụ phong giám mục năm 387/388, mất năm 407) đã truyền bá đức tin Nicée cho những người theo ngài mà không sử dụng thuật ngữ kỹ thuật[84]. Ngay cả các Giáo phụ, những người có thái độ hoài nghi có nguyên tắc đối với "các cuộc tranh luận thần học", cũng có lập trường rất rõ ràng chống lại "sự vô đạo của Arius" ("asebeia", "impietas"): những người Arius không hiểu "sự sinh ra vĩnh cửu của Chúa Con", cũng như "sự bình đẳng-vĩnh cửu ban đầu" của Chúa Cha và Chúa Con.[85] Họ thậm chí còn phạm sai lầm trong thuyết độc thần khi chấp nhận một vị thần cấp dưới thứ hai. Do đó, sự thờ phụng của họ là sai lệch và sai lầm.

57. Do đó, trong các bài giáo lý của mình, Thánh Gioan Kim Khẩu giải thích đức tin rửa tội đã được xây dựng hợp lệ tại Nicée[86], và phân biệt đức tin đúng đắn không chỉ với học thuyết homéene [đồng dạng (*)], mà còn với học thuyết sabellienne [phủ nhận sự khác biệt thật sự giữ Ba Ngôi]: Người Kitô hữu tin vào Thiên Chúa là "một bản thể, ba ngôi vị." Thánh Augustine lập luận tương tự trong hướng dẫn của ngài cho các ứng viên chịu phép rửa tội.[87] Oratio catechetica magna [cầu nguyện giáo lý vĩ đại] của Thánh Grégoire thành Nysse, trong đó phần lớn được dành riêng cho Ngôi Lời vĩnh cửu và nhập thể của Thiên Chúa, có thể được coi là kiệt tác của một giáo lý dành riêng cho những người có nhiệm vụ truyền đạt nó, cụ thể là các giám mục và giáo lý viên. Chủ đề không chỉ là mối quan hệ giữa Chúa Con-Ngôi Lời và Chúa Cha (chương 1.3.4), mà còn là ý nghĩa của sự nhập thể như một hành động cứu chuộc (chương 5). Thánh Grégoire muốn làm rõ rằng sinh và tử không phải là điều gì đó không xứng đáng với Chúa hay không tương thích với sự hoàn hảo của Người (chương 9 và 10), và giải thích sự nhập thể theo chủ đề tình yêu của Chúa dành cho con người. Nhưng trên hết, ngài nhấn mạnh vào sự thật rằng phép rửa tội của Kitô giáo được thực hiện trong "Ba Ngôi bất tạo", nghĩa là trong ba ngôi đồng vĩnh hằng. Chỉ bằng cách này, phép rửa tội mới ban sự sống vĩnh cửu và bất tử: “Vì bất cứ ai khuất phục một tạo vật thì vô tình đặt hy vọng cứu rỗi của mình vào tạo vật đó chứ không phải vào thần tính. [88] »

58. Trọng tâm của cuộc tranh luận thực sự là một câu hỏi hiện sinh hơn là một vấn đề lý thuyết: liệu phép rửa tội có liên quan đến "sự thiết lập trong tư cách con cái" (Basil), đến "sự khởi đầu của cuộc sống vĩnh cửu" (Grégoire thành Nysse), đến "sự cứu rỗi khỏi tội lỗi và sự chết" (Ambroise[89]) không? Điều này chỉ có thể xảy ra nếu Chúa Con (và Chúa Thánh Thần) là Thiên Chúa. Chỉ khi chính Thiên Chúa trở thành “một trong chúng ta” thì con người mới có khả năng thực sự tham gia vào đời sống của Chúa Ba Ngôi, nghĩa là được “thần hóa”.

4. Lời cầu nguyện với Chúa Con và những Vinh tụng ca

59. Đức tin Nicée đóng vai trò quy tắc cho lời cầu nguyện bản thân và phụng vụ[90] và những lời cầu nguyên sau được đánh dấu bởi Nicée. Mặc dù "lời cầu khẩn danh Chúa (Giêsu)" đã được chứng thực trong các trước tác Tân Ước[91] và trên hết, các bài thánh ca về Chúa Kitô[92] chứng minh cho việc dâng lời ngợi khen và tôn thờ, lời cầu nguyện với Chúa Con trở thành một nơi gây tranh cãi trong cuộc khủng hoảng Arius.

60. Tự nhận là tuân theo một số bản văn của Origène[93], những người theo thuyết Arius của thế kỷ thứ 4, nhưng cũng là những người theo Origène của thế kỷ thứ 5 và thứ 7, đặc biệt phản đối lời cầu nguyện phụng vụ với Chúa Con. Những người theo thuyết Arius quan tâm đến việc nhấn mạnh những đoạn Kinh thánh cho thấy chính Chúa Giêsu đang cầu nguyện, nhằm nhấn mạnh sự thấp kém của Người so với Chúa Cha. Kết hợp với quan điểm (của phái apollinariste), cũng phổ biến trong số những người theo Arius, theo đó Logos chiếm chỗ linh hồn của Chúa Giêsu, sự phục tùng của Ngôi Lời đối với Chúa Cha dường như đã được chứng minh. Vì thế, đối với họ, lời cầu nguyện hướng về Chúa Con là không phù hợp. Để ủng hộ quan điểm của họ, những người theo thuyết Arius đã lập luận bằng cách sử dụng công thức truyền thống của Vinh tụng ca, có tầm quan trọng lớn, đặc biệt là trong các nghi lễ phụng vụ phương Đông: "Vinh danh và tôn thờ Chúa Cha qua (dia / per) Chúa Con trong (en / in) Chúa Thánh Thần."[94] "Sự khác biệt trong các giới từ đã được viện dẫn như bằng chứng về sự khác biệt yếu tính giữa các ngôi vị. Những người theo thuyết Arius đã tìm cách sử dụng nghi lễ phụng vụ - được công nhận là một ví dụ về chứng tá cho đức tin của Giáo hội - để chứng minh những gì họ coi là hợp lý về mặt thần học.

61. Mặt khác, những người bảo vệ Nicée khẳng định rằng việc thực hành cầu nguyện phải tương ứng với đức tin, nhưng đức tin này lại tương ứng với phép rửa tội. Thế mà, công thức của phép rửa tội cho thấy sự bình đẳng về phẩm giá của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Điều đó có nghĩa là lời cầu nguyện – dù là bản thân hay phụng vụ – cũng có thể và phải được dâng lên Chúa Con. Mặc dù họ không bác bỏ công thức cổ xưa của Vinh tụng ca, nhưng vẫn bảo vệ ý nghĩa chính thống của nó[95], họ thích các công thức và giới từ khác: "tō Patri kai...kai [nhân danh Cha và...và]", "tō Patri, dia…sun", cũng được chứng thực trong truyền thống Kinh thánh và phụng vụ[96]. Thánh Basil do đó đã đề cập đến, trong số những điều khác, bài thánh ca rất cổ xưa "Phos hilăron" (có lẽ từ thế kỷ thứ 2), trong đó Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là đối tượng của một bài hát tôn thờ[97].

62. Nguyên tắc: “Chúng ta phải tin như chúng ta được rửa tội, và do đó phải thờ phượng như phép rửa tội cho phép!”[98] cũng áp dụng cho lời cầu nguyện bản thân. Việc cầu khẩn Chúa Giêsu – như đã được thực hiện trong các hình thức cầu nguyện với Chúa Giêsu, đặc biệt là trong các môi trường đan viện – được biện minh rõ ràng bằng việc cầu khẩn “homoousios tō Patri”. "Khi chúng ta nói 'Giêsu'", Chenouté, một giáo phụ Copt vào thế kỷ thứ 5 giải thích, "thì Chúa Ba Ngôi cũng được nhắc đến". Khi Chúa Con nhập thể được cầu khẩn, Người không được cầu khẩn riêng rẽ với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người nào không muốn cầu nguyện với Chúa Giêsu thì đi theo “sự vô đạo mới”; họ không hiểu gì về Chúa Ba Ngôi, cũng không hiểu gì về "Chúa Giêsu". [99] Cách một người cầu nguyện cho thấy họ tin vào điều gì.

63. Sự xác đáng trong lời cầu nguyện có ý nghĩa cứu rỗi. Thánh Grégoire thành Nysse là người đưa ra lời cảnh cáo đáng chú ý nhất ở đây: niềm hy vọng của người có đức tin không chỉ là đạo đức theo nghĩa hiện tại của thuật ngữ này, mà còn được phát biểu trong lời cầu nguyện. Niềm hy vọng hướng đến sự thần hóa do Thiên Chúa mang lại: nếu "niềm hy vọng lớn lao đầu tiên không còn hiện diện nơi những ai để mình bị dẫn vào sai lầm về giáo lý", điều này sẽ dẫn đến hậu quả là "không có lợi ích gì khi cư xử đúng đắn với sự trợ giúp của các điều răn". Và Thánh Grégoire tiếp tục:

Vì thế, chúng ta được rửa tội như chúng ta đã nhận được nó, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; chúng ta tin như chúng ta được rửa tội; thực ra, đức tin phải phù hợp với lời tuyên xưng; Chúng ta tôn vinh những gì chúng ta tin, vì không phải tự nhiên mà vinh quang lại chống lại đức tin. Nhưng những gì chúng ta tin tưởng, chúng ta cũng tôn vinh. Ngoài ra, vì đức tin là vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nên đức tin, vinh quang và phép rửa tội liên kết với nhau, vì thế, chúng ta không phân biệt vinh quang của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần[100].

64. Việc thêm Vinh tụng ca Ba Ngôi vào cuối mỗi thánh vịnh, mà thứ tự của nó được cho là của Đức Giáo Hoàng Damase (mất năm 384 Công nguyên), đã được hiểu theo đường hướng này. Cassiodore nhận xét rằng mọi tà thuyết đều trở nên vô nghĩa:

Ngoài tất cả các thánh vịnh và thánh ca, Giáo hội Mẹ còn thêm lời ngợi khen Chúa Ba Ngôi. Nó tỏ lòng tôn kính Đấng mà những lời này xuất phát, và do đó cắt đứt nền tảng cho các tà thuyết của Sabellius, Arius, Mani và những người khác[101].

Chính trường hợp thêm câu "sicut erat in principio...[như đã có trước vô cùng]", được hiểu như lời tuyên bố đức tin chống lại Arius một cách rõ ràng[102].

5. Thần học trong thánh ca

65. Cuối cùng, các bài thánh ca là nơi phát biểu đức tin Nicée, đức tin này có vị trí trong đời sống các tín hữu và được truyền đạt bởi Nicée. Vì vậy, nhiều bài thánh ca kết thúc bằng lời tôn vinh Chúa Ba Ngôi. Hơn nữa, cuộc đối đầu với tà giáo Arius đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thi ca Kitô giáo. Ở phương Đông, các bài thánh ca và bài hát được sáng tác đầu tiên[103], nhằm đáp lại các bài thơ tuyên truyền của các nhóm dị giáo. Đối với phương Tây, chúng ta thậm chí có thể nói rằng đóng góp thần học quan trọng nhất của họ vào thế kỷ thứ 4 là sáng tác thánh ca.

66. Bên cạnh Thánh Gioan Kim Khẩu, trên hết là Thánh Ephrem người Syria (306-373), trong thơ thần học của mình (sau này để lại dấu ấn trong toàn bộ nền văn học Syria cổ điển) và đặc biệt là trong các bài thánh ca De fide [về đức tin] và De nativitate [về giáng sinh], đã hát về mầu nhiệm Chúa Kitô: Chúa Kitô là Thiên Chúa, mặc dù bản chất con người của Người yếu đuối; Sự tự hủy của Chúa Kitô là một phép lạ vĩ đại chỉ vì chủ đề quán xuyến Người là Thiên Chúa và vẫn là Thiên Chúa trong sự tự hủy này[104]. Với lòng đạo đức sâu sắc, Thánh Ephrem mô tả các mối quan hệ nội tại trong Ba Ngôi: Chúa Con ở trong Chúa Cha “trước mọi thời đại”, Người “bình đẳng với Chúa Cha nhưng vẫn khác biệt với Người”. [105] Ngài dễ dàng sử dụng hình ảnh mặt trời, ánh sáng và sức nóng của nó, được liên kết trong sự hiệp nhất [106]. Ngài liên tục nhắc đến ba “danh xưng” mà tương ứng với chúng là thực tại thần linh và trong đó “phép rửa tội và sự công chính hóa của chúng ta bao gồm”. [107] Ngài thực hiện tất cả những điều này bằng cách giải thích rõ ràng bối cảnh của đức tin Nicée, vì ngài trích dẫn "công đồng vinh quang", nêu rõ sự tham chiếu đến Nicée[108]. Các nhà thơ-thần học Syria thế kỷ thứ 5 khác, chẳng hạn như Isaac thành Antioche và Mar Balai, đã sáng tác các bài giảng và thánh ca theo vần điệu dành cho chính Chúa Kitô, tôn vinh Người một cách rõ ràng bằng các thuộc tính thần thiêng: "Ngợi khen Người [Chúa Giêsu Kitô] và Cha của Người và vinh quang của Chúa Thánh Thần" - "Ngợi khen Người, Đấng Tối Cao, Đấng đã đến để cứu chuộc chúng ta, ngợi khen Người, Đấng Toàn năng, với cái gật đầu của Người mà thế giới được quyết định."[109] »

67. Thánh Hilaire đã học hát thánh ca trong thời gian lưu vong và giới thiệu nó vào xứ Gaul; Thánh Ambroise cũng thú nhận đã áp dụng "phong tục của phương Đông" trong cuộc xung đột gay gắt với những người theo thuyết Arius tại Milan vào năm 386-87. Chúa Con “luôn là Chúa Con, cũng như Chúa Cha luôn là Chúa Cha. Nếu không, làm sao Chúa Cha có thể mang danh này nếu Người không có Chúa Con?”, Thánh Hilaire nhấn mạnh trong bài thánh ca Ante saecula qui manens [Người có trước mọi thời đại], trong đó ngài triển khai “sự ra đời kép của Chúa Con, người được sinh ra từ Chúa Cha, cho Chúa Cha không biết đến sự ra đời, và được sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria, cho thế giới”.

68. Không giống như những bài thánh ca mang tính thần học cao của Thánh Hilaire, vốn khó có chỗ đứng trong phụng vụ, những bài thánh ca của thánh Ambroise nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp nơi và khích lệ đức tin một cách mạnh mẽ, theo đúng mục đích mà chính Thánh Ambroise đã đặt ra cho chúng. Bài thánh ca buổi sáng Splendor paternae gloriae [sự huy hoàng trong vinh quang Chúa Cha] của ngài có thể được coi là lời bình luận về Tuyên ngôn Nicée. Đặc biệt nổi bật là những khổ thơ cuối cùng của một số bài thánh ca, trong đó nhấn mạnh sự bình đẳng của Chúa Con với Chúa Cha: "Aequalis aeterno Patri...[bình đẳng với Chúa Cha trường cửu]", hoặc nói trực tiếp với Chúa Con: "Iesu, tibi sit gloria... cum Patre et almo Spiritu [Lạy Chúa Giêsu, vinh danh Chúa...cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần]" Trong một bài thánh ca rất ngắn, có lẽ được sáng tác bởi Thánh Ambroise, lời tuyên xưng về một Thiên Chúa trong ba ngôi vị gần như được đưa vào thơ như một cụm từ then chốt cho các tín hữu: "O lux beata trinitas, et principalis unitas...[Ôi ánh sáng đầy phúc, ba ngôi và sự hợp nhất chính yếu]".

69. Ngoài Thánh Ambroise, trên hết Prudentius (Aurelius Prudentius Clemens, 348-415/25) có những bài thánh ca rất quan trọng đối với Kitô học. Nhà thơ Tây Ban Nha đặc biệt chú ý đến thiên tính đích thực và nhân tính đích thực của Đấng Cứu Chuộc, mà trong chúng, sự sáng tạo mới của chúng ta được đặt nền móng:

Đức Kitô là hình ảnh của Chúa Cha, và chúng ta là hình ảnh của Đức Kitô;
Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa bởi lòng nhân từ của Chúa Cha,
Đấng Ki-tô sẽ đến giống như chúng ta sau các thời đại.

(Christus forma Patris, nos Christi forma et imago; Condimur in faciem Domini bonitate paterna Venturo không có stram faciem post saecula Christo)[110].

Kỳ tới: Chương Ba
 
Văn Hóa
Đọc Joseph Ratzinger, Nhà thần học của tính liên tục: Vatican II, hân hoan và phấn khởi
Vũ Văn An
15:25 14/04/2025

Đức Bênêđíctô suy tư về Vatican II: hân hoan và phấn khởi



Sau đây là một bài nói chuyện của Đức Bênêđíctô XVI với hàng giáo sĩ Rôma. Tuy lúc đó, ngài vẫn còn là đương kim giáo hoàng, nhưng chỉ vài tuần nữa, ngài sẽ từ nhiệm để trở lại cuộc sống của thần học gia Ratzinger, nhà thần học vĩ đại của tính liên tục. Chúng tôi từng đăng tải bài này trên VietCatholicNews ngày 09/04/2013:



Thứ năm, 14 tháng 2 vừa qua, nhân cuộc viếng thăm hàng giáo sĩ Rôma, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã ứng khẩu nhắc tới một số kỷ niệm của ngài đối với Công Đồng Vatican II.

Đối với hôm nay, vì tuổi già sức yếu, tôi đã không thể dọn được một bài nói chuyện dài như thường lệ; thay vào đó, tôi xin trình bày những gì hiện có trong đầu tức một số ý tưởng về Công Đồng Vatican II, theo cái nhìn của tôi. Tôi xin bắt đầu với câu truyện vui: năm 1959, tôi được cử nhiệm làm giáo sư tại Đại Học Bonn, nơi có các chủng sinh của Giáo Phận Cologne và nhiều giáo phận trong vùng tới học. Nhờ thế, tôi có dịp được tiếp xúc với Đức Hồng Y TGM Cologne, là Đức Hồng Y Frings. Năm 1961, nếu tôi nhớ không sai, Đức Hồng Y Siri của Genoa có tổ chức một loạt các buổi nói chuyện về Công Đồng do nhiều vị Hồng Y ở Âu Châu đảm trách, và ngài có mời Đức TGM Cologne trình bày đề tài Công Đồng và thế giới tư duy hiện đại.

Đức Hồng Y yêu cầu tôi, là giáo sư trẻ nhất, viết cho ngài một dự thảo. Ngài rất thích dự thảo ấy và đã đem trình bày với dân chúng tại Genoa y nguyên bản văn mà tôi đã viết cho ngài. Chẳng bao lâu sau, Đức Giáo Hoàng Gioan mời Đức Hồng Y tới gặp ngài. Đức Hồng Y lo lắng lắm sợ mình nói điều gì đó không đúng, một điều gì đó sai lạc, nên bị triệu tới để quở mắng, thậm chí dám bị tước cả chức Hồng Y lắm. Thực vậy, khi cha thư ký của ngài giúp ngài vận phẩm phục để vào triều yến, Đức Hồng Y bảo: “Có lẽ đây là lần chót tôi mặc phẩm phục này!”. Rồi ngài đi vào, Đức Giáo Hoàng Gioan ra gặp ngài, ôm lấy ngài rồi nói: “Cám ơn Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã nói những điều mà chính tôi vốn muốn nói từ lâu, nhưng không tìm ra lời”. Nhờ thế, Đức Hồng Y biết ngài đi đúng đường và đã mời tôi tháp tùng ngài tới Công Đồng, đầu tiên làm cố vấn riêng cho ngài; sau đó, ngay trong khóa đầu tiên, tôi nghĩ vào khoảng tháng Mười Một năm 1962, tôi cũng được cử làm chuyên viên chính thức của Công Đồng.

Thế là chúng tôi lên đường tới Công Đồng không những lòng tràn đầy niềm vui mà còn phấn khởi nữa. Ai cũng hết sức nóng lòng mong đợi. Chúng tôi hy vọng mọi sự sẽ được canh tân, ta sẽ có một Lễ Hiện Xuống mới, vì lúc đó, Giáo Hội vẫn còn khá vững vàng: con số tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật vẫn còn khá đông, ơn gọi làm linh mục và tu dòng chỉ hơi bắt đầu giảm sút, nhưng vẫn còn đủ. Tuy thế, người ta có cảm tưởng Giáo Hội không chịu tiến về phía trước, đang sa sút, dường như đã trở thành điều gì đó thuộc quá khứ chứ không phải là người loan báo tương lai. Và lúc đó, chúng tôi hy vọng rằng mối liên hệ này sẽ được đổi mới, chắc chắn nó sẽ thay đổi, Giáo Hội một lần nữa sẽ trở thành sức mạnh của tương lai cũng như sức mạnh của hiện tại. Chúng tôi cũng biết rằng mối liên hệ giữa Giáo Hội và thời hiện đại, ngay từ đầu, đã hơi gặp trục trặc, bắt đầu với sai lầm của Giáo Hội trong vụ Galileo Galilei. Chúng tôi mong sửa được buổi đầu sai lầm ấy và khám phá lại sự liên kết giữa Giáo Hội và những lực lượng tốt đẹp nhất của thế giới, ngõ hầu mở ra một tương lai thực sự cho nhân loại, một tiến bộ thực sự. Tóm lại, chúng tôi tràn trề hy vọng, tràn trề phấn khởi, những mong góp phần mình vào diễn trình đó. Tôi nhớ rằng người ta vốn nghĩ Công Đồng Rôma chỉ là một mô thức tiêu cực. Tôi không biết đúng hay sai nhưng người ta bảo rằng các văn kiện đã soạn sẵn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan được đọc lớn tiếng lên, rồi các thành viên của Công Đồng chỉ biết vỗ tay hoan hô, nghĩa là chấp thuận bằng cách vỗ tay. Công Đồng đại loại được tiến hành như thế. (Nhưng ngày nay) các giám mục cho hay: không, ta không nên hành động như vậy nữa. Chúng tôi là giám mục, chúng tôi là chủ thể của Công Đồng; chúng tôi không muốn đơn giản chấp thuận những gì đã được làm sẵn, chúng tôi muốn làm chủ thể, làm chủ đạo của Công Đồng. Bởi thế, cả Đức Hồng Y Frings, người có tiếng trung thành tuyệt đối với Đức Thánh Cha, trung thành một cách gần như từng ly từng tí nữa, cũng đã phát biểu rằng: ở đây, chúng tôi đóng vai trò khác hẳn. Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng tôi trở thành như các giáo phụ, trở thành Công Đồng Chung, một chủ thể canh tân Giáo Hội. Bởi thế, chúng tôi muốn đảm nhiệm vai trò mới mẻ này của chúng tôi.

Dịp đầu tiên thái độ trên được chứng tỏ là chính ngày thứ nhất. Chương trình dành cho ngày thứ nhất này là bầu các ủy ban. Các danh sách để bầu đã được soạn sẵn, và được coi là soạn một cách vô tư. Các danh sách này được đem ra bỏ phiếu. Nhưng ngay tức khắc, các nghị phụ tuyên bố: không, chúng tôi không muốn bỏ phiếu cho những danh sách đã dọn sẵn. Chúng tôi là chủ thể. Thành thử, phải hoãn việc bỏ phiếu này, vì các nghị phụ muốn trước hết được biết nhau cái đã, sau đó, mới tự mình soạn thảo các danh sách. Và đã xẩy ra đúng như thế. Đức Hồng Y Liénart của Lille và Đức Hồng Y Frings của Cologne công khai cho hay: không, không phải cách đó. Chúng tôi muốn soạn danh sách riêng của chúng tôi và bầu các ứng cử viên của chúng tôi. Đây không hẳn là hành vi cách mạng, mà chỉ là hành vi lương tâm, một hành vi chịu trách nhiệm về phía các nghị phụ của Công Đồng.

Và thế là khởi đầu giai đọan gay go, tích cực tìm hiểu các đối tác của mình, một điều không thể nào tình cờ xẩy ra được. Tại Collegio dell’Anima, nơi tôi cư ngụ, chúng tôi có nhiều khách tới thăm: Đức Hồng Y rất nổi tiếng, và chúng tôi được hân hạnh đón tiếp các vị Hồng Y khắp thế giới.Tôi nhớ rõ khổ người cao và gầy của Đức Cha Etchegaray, tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Pháp, và nhiều vị khác. Việc này diễn ra suốt thời kỳ Công Đồng: những cuộc họp bỏ túi với các đối tác thuộc nhiều quốc gia khác. Nhờ thế, tôi được làm quen với những nhân vật vĩ đại như các cha de Lubac, Daniélou, Congar, v.v… Chúng tôi cũng biết nhiều giám mục khác nhau; nhưng nhớ nhất là Đức Cha Elchinger của Strasbourg. Có thể nói đó đã là một cảm nghiệm về tính phổ quát và thực tại cụ thể của Giáo Hội, một thực tại không đơn giản chỉ tiếp nhận chỉ thị từ trên cao, nhưng cùng nhau triển nở và tiến về phía trước, luôn dưới sự hướng dẫn, dĩ nhiên, của vị kế nhiệm Thánh Phêrô.

Như tôi đã nói, mọi người tới đây với một hoài mong lớn lao; chưa bao giờ có được một công đồng với qui mô lớn lao như thế, nhưng không phải ai cũng biết mình phải làm gì. Có thể nói thế này: những vị được chuẩn bị hơn cả, tức những vị có những ý niệm rõ ràng hơn hết, là hàng giám mục Pháp, Đức, Bỉ và Hoà Lan, những vị tự nhận là “Liên Minh Sông Rhine”. Và trong giai đoạn đầu của Công Đồng, chính các vị này xác định ra con đường phải đi; sau đó, sinh hoạt nhanh chóng được mở rộng và mọi người mỗi ngày một góp phần nhiều hơn vào tính sáng tạo của Công Đồng. Các vị người Pháp và người Đức có một số quan tâm chung với nhau, dù khác nhau về tiểu tiết. Ý định đầu tiên, đơn giản và rõ ràng đơn giản là cải tổ phụng vụ, một việc đã bắt đầu từ thời Đức Piô XII, vị giáo hoàng từng cải tổ phụng vụ Tuần Thánh; ý định thứ hai là giáo hội học; ý định thứ ba là lời Chúa, tức mạc khải; và sau cùng là đại kết. Hơn các vị người Đức, các vị người Pháp cũng rất quan tâm tới việc thăm dò vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội và thế giới.

Ta hãy bắt đầu với chủ đề thứ nhất. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, Trung và Tây Âu đã được chứng kiến phong trào phụng vụ nhằm khám phá lại sự phong phú và sâu sắc của phụng vụ, mà tới lúc đó vẫn như thể bị khóa cứng trong cuốn sách lễ Rôma của linh mục, trong khi giáo dân cầu nguyện với sách kinh riêng của họ, được soạn thảo theo nhu cầu tình cảm của giáo dân, nhằm diễn dịch nội dung cao xa, ngôn ngữ cao vời của nền phụng vụ cổ điển thành những ngôn từ thiên nhiều về xúc cảm, gần gũi hơn với tâm hồn giáo dân. Nhưng dường như ta có đến hai nền phụng vụ song hành: linh mục với các cậu giúp lễ cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ, và giáo dân cầu nguyện trong Thánh Lễ theo sách kinh riêng của họ cùng một lúc, mà vẫn biết đại cương những gì đang diễn ra trên bàn thờ. Nhưng nay, ta khám phá lại vẻ đẹp, sự sâu sắc, sự phong phú về lịch sử, về nhân bản và tâm linh của Thánh Lễ và ai cũng hiểu rõ: không còn việc chỉ có người đại diện giáo dân, tức cậu giúp lễ, thưa “Et cum spiritu tuo" (và ở cùng tinh thần cha) v.v…, mà có cả một cuộc đối thoại giữa linh mục và giáo dân: quả thực, phụng vụ bàn thờ và phụng vụ giáo dân đã tạo thành một phụng vụ duy nhất, một tham dự tích cực, ngõ hầu mọi phong phú được đem tới cho giáo dân. Phụng vụ đã được tái khám phá và canh tân cách đó.

Nay nhìn lại, tôi thấy quả là một ý tưởng rất tốt khi ta khởi đầu với phụng vụ, bởi nhờ cách này, quyền tối thượng của Thiên Chúa đã được đặt ra, đó là tính tối thượng của thờ lạy. "Operi Dei nihil praeponatur" (không điều gì được đặt trước công việc của Chúa): câu trích từ Luật Của Thánh Bênêđíctô này (xem 43:3) như thế đã trở thành luật tối cao của Công Đồng. Nhiều người xưa nay chỉ trích rằng Công Đồng nói đến nhiều điều, nhưng không nói gì đến Thiên Chúa. (Chỉ trích thế là sai) vì quả Công Đồng có nói tới Thiên Chúa! Hơn nữa, đó là điều Công Đồng nói tới trước nhất, nói một cách đầy bản chất tới Thiên Chúa và dẫn đưa mọi người, dẫn đưa toàn thể dân thánh Chúa tới việc thờ lạy Người, trong việc cùng nhau cử hành phụng vụ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Hiểu như thế, vuợt lên trên các nhân tố thực tiễn vốn khuyên các nghị phụ tránh việc tức khắc khởi đầu với các chủ đề gây tranh cãi, ta có thể nói, thật là một ơn Chúa quan phòng khi Công Đồng khởi đầu với phụng vụ, Thiên Chúa, thờ lạy. Ở đây và vào lúc này, tôi không có ý định chi tiết hóa các cuộc thảo luận này, tuy nhiên, vượt qua các thành quả thực tiễn, thiển nghĩ cũng nên trở về với chính Công Đồng, với những tầng sâu và ý niệm cốt yếu của nó.

Theo tôi, có một số ý niệm cốt yếu sau đây: trước nhất là Mầu Nhiệm Vượt Qua, hiểu như tâm điểm của người Kitô hữu, và do đó, của đời sống Kitô hữu, của năm Kitô Giáo, của Mùa Kitô Giáo, được phát biểu trong Mùa Phục Sinh và trong các Chúa Nhật vốn kỷ niệm ngày Chúa sống lại. Năm này qua năm nọ, chúng ta luôn bắt đầu thì giờ của ta với Lễ Phục Sinh, tức cuộc gặp gỡ của ta với Chúa Sống Lại, và từ cuộc gặp gỡ với Chúa sống lại này, ta đi gặp gỡ thế giới. Hiểu như thế, quả là đáng ngại khi ở thời nay, Chúa Nhật đã bị biến thành ngày cuối tuần, dù thực sự nó là ngày thứ nhất, ngày khởi đầu. Ta phải nhớ kỹ điều này: nó là ngày khởi đầu, khởi đầu Sáng Thế và khởi đầu Tái Sáng Thế trong Giáo Hội, nó là ngày gặp gỡ Đấng Tạo Hóa và Chúa Kitô Sống Lại. Nội dung kép của Chúa Nhật là điều rất quan trọng: nó là ngày thứ nhất, nghĩa là lễ mừng Sáng Thế, ta đang đứng trên nền Sáng Thế, ta tin Thiên Chúa Tác Tạo; và nó là cuộc gặp gỡ với Đấng Sống Lại, Đấng đổi mới Sáng Thế; mục đích chân thực của Người là sáng tạo một thế giới biết đáp trả tình yêu Thiên Chúa.

Rồi tới các nguyên tắc: nguyên tắc dễ hiểu, thay vì bị khóa cứng trong thứ ngôn ngữ không ai biết, không ai còn nói nữa, và nguyên tắc tích cực tham dự. Không may, những nguyên tắc này cũng đã bị hiểu sai. Dễ hiểu không có nghĩa là tầm thường, vì các bản văn vĩ đại trong phụng vụ, dù được nói bằng tiếng mẹ đẻ của ta, cám ơn Chúa về việc này, vẫn chưa chắc là dễ hiểu: chúng đòi Kitô hữu phải không ngừng được huấn luyện mới lớn lên và bước vào được sâu hơn trong mầu nhiệm và nhờ thế hiểu thấu nó. Lời Chúa cũng thế, khi tôi nghĩ tới trình tự hàng ngày các bài đọc Cựu Ước, và các thư Thánh Phaolô cũng như các Tin Mừng: ai dám nói là mình hiểu ngay tức khắc, chỉ vì nhờ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình? Chỉ có việc huấn luyện tâm và trí liên tục mới có thể thực sự tạo được sự dễ hiểu và sự tham dự không phải như những sinh hoạt bề ngoài mà đúng hơn cả con người ta, cả hữu thể ta đi vào hiệp thông của Giáo Hội và nhờ thế đi vào hiệp thông với Chúa Kitô.

Bây giờ, xin nói tới chủ đề thứ hai: Giáo Hội. Ta biết rằng Công Đồng Vatican I bị gián đoạn vì cuộc Chiến Tranh Pháp Phổ, thành thử phần nào bị phiến diện, không hoàn toàn, vì tín điều về quyền tối thượng, tuy nhờ ơn Chúa, được xác định vào thời điểm lịch sử ấy của Giáo Hội, và rất cần thiết đối với thời kỳ tiếp theo, nhưng chỉ là một yếu tố đơn lẻ trong một giáo hội học rộng lớn hơn, vốn từng được xem sét và chuẩn bị. Bởi thế, ta mới chỉ nhận được một mảnh. Và có thể nói được rằng bao lâu nó vẫn còn là một mảnh, thì ta vẫn chỉ có được một cái nhìn phiến diện qua đó, Giáo Hội chỉ là tối thượng. Bởi thế, từ lâu, ý định vẫn là hoàn tất giáo hội học của Vatican I, vào một ngày sẽ được ấn định, để có được một giáo hội học hoàn tất. Ở đây, thì giờ cũng đã chín muồi, vì sau Thế Chiến I, cảm thức về Giáo Hội đã được tái sinh mới mẻ. Như Romano Guardini từng nói: “Giáo Hội đang bắt đầu tỉnh thức trong linh hồn người ta”. Một giám mục Thệ Phản thì nói tới “thời đại của Giáo Hội”. Trên hết, người ta tái khám phá ra ý niệm từng đã được Vatican I xem sét, tức ý niệm Nhiệm Thể Chúa Kitô. Người ta bắt đầu hiểu ra rằng Giáo Hội không phải chỉ là một tổ chức, một cái gì có cơ cấu, có luật pháp, có định chế; đúng là như thế đấy, nhưng thực sự nó là một sinh vật, một thực tại sống động đi vào linh hồn tôi, một cách mà chính tôi, với một linh hồn biết tin, tôi đúng là viên gạch xây nên Giáo Hội đúng nghĩa. Hiểu như hế, Đức Piô XII đã viết thông điệp Mystici Corporis Christi (Nhiệm Thể Chúa Kitô) như một bước tiến tới việc hoàn tất nền giáo hội học của Vatican I.

Tôi muốn nói rằng cuộc tranh luận thần học trong các thập niên 1930 và 1940, thậm chí cả trong thập niên 1920 nữa, đều được tiến hành dưới tiêu đề Nhiệm Thể. Đây là một khám phá đem lại nhiều niềm vui lớn lao vào thời đó, và trong ngữ cảnh này, ta thấy xuất hiện công thức sau: ta là Giáo Hội, Giáo Hội không phải là một cơ cấu; Kitô hữu chúng ta, cùng nhau tất cả, đều là cơ thể sống động của Giáo Hội. Và dĩ nhiên, điều này có nghĩa: chúng ta, cái “chúng tôi” đích thực của tín hữu, cùng với cái “tôi” của Chúa Kitô, chính là Giáo Hội; mỗi một người trong chúng ta, chứ không phải cái “chúng tôi” đặc thù nào, tạo thành nhóm đơn nhất tự mang tên là Giáo Hội. Cái “chúng tôi là Giáo Hội” này đòi tôi phải nhận lấy chỗ của mình trong cái “chúng tôi” vĩ đại của các tín hữu mọi thời mọi chốn. Bởi thế, ý niệm trước nhất là hoàn tất nền giáo hội học không những về phương diện thần học, mà cả về phương diện cơ cấu nữa, nghĩa là cần phải nói rằng: ngoài việc thừa kế Thánh Phêrô, và chức năng độc đáo của ngài, cần phải xác định rõ hơn nữa chức năng của các giám mục, của đoàn ngũ giám mục. Và để làm việc này, từ ngữ “tính hiệp đoàn” (collegiality) đã được chấp nhận, một từ ngữ vốn đã được tranh luận rất nhiều, đôi khi rất gay gắt, có thể nói như thế, và bằng những ngôn từ đôi khi rất cường điệu. Nhưng từ ngữ này, một từ ngữ hiện được coi là có công hiệu, dù vẫn có thể tìm ra một từ ngữ khác, muốn diễn tả sự kiện này: như một tập thể, các giám mục chính là những người tiếp nối nhóm Mười Hai, tức đoàn ngũ Tông Đồ. Ta từng nói: chỉ có một giám mục, tức Giám Mục Rôma, mới là người kế nhiệm của một Tông Đồ đặc thù, tức Thánh Phêrô. Tất cả các giám mục khác trở thành các vị kế nhiệm các tông đồ nhờ tham dự vào đoàn ngũ những người tiếp diễn đoàn ngũ của nhóm Mười Hai, và nhờ thế có được sự cần thiết nội tại, chức năng, các quyền lợi và nhiệm vụ của mình. Đối với nhiều người, điều này xem ra như một cuộc tranh quyền, và rất có thể có người nghĩ đến quyền lực của mình thật, nhưng xét trong bản chất, đây không phải là chuyện quyền lực, mà là tính bổ túc của những thành phần khác nhau và là sự hoàn tất đoàn ngũ Giáo Hội với các giám mục, các vị kế nhiệm các Tông Đồ, như là thành phần cấu tạo; và mỗi người trong các vị đều là thành phần cấu tạo của Giáo Hội bên trong đoàn ngũ vĩ đại này.

Có thể nói đó là hai thành phần nền tảng. Nhưng, trong khi đi tìm một quan niệm thần học đầy đủ cho giáo hội học, nhiều phê phán đã được phát biểu sau thập niên 1940, đúng hơn trong thập niên 1950, liên quan tới ý niệm Nhiệm Thể Chúa Kitô. Từ ngữ “nhiệm” bị cho là quá thiêng liêng, quá chuyên nhất (exclusive); do đó, ý niệm “dân Chúa” bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Công Đồng rất đúng khi tiếp nhận từ ngữ này, được các Nghị Phụ cho là nói lên được liên tục tính giữa Cựu và Tân Ước. Trong bản văn Tâu Ước, thuật ngữ Laos tou Theou (dân Chúa), một thuật ngữ tương ứng với các bản văn Cựu Ước, theo tôi, chỉ trừ có hai ngoại lệ, có nghĩa là dân xưa của Thiên Chúa, tức Dân Do Thái, vốn là Dân “riêng” của Thiên Chúa giữa mọi dân tộc trên mặt đất (goim). Những dân tộc khác, các dân ngoại chúng ta, tự mình, không phải là dân Chúa: ta trở nên con cái Ápraham và do đó là dân Chúa nhờ bước vào hiệp thông với Chúa Kitô, vốn là dòng dõi Ápraham. Nhờ bước vào hiệp thông với Người, nhờ là một với Người, ta cũng đã trở thành dân Chúa. Tóm lại, ý niệm dân Chúa bao hàm liên tục tính giữa hai Giao Ước, liên tục tính trong lịch sử của Thiên Chúa với thế giới, với loài người, nhưng cũng bao hàm yếu tố Kitô học nữa. Chỉ nhờ Kitô học, ta mới trở thành dân Chúa, và như thế hai ý niệm này được kết hợp với nhau. Công Đồng quyết định chi tiết hóa nền giáo hội học Ba Ngôi: Dân của Chúa Cha, Thân Thể Chúa Kitô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên, chỉ sau Công Đồng, một yếu tố khác mới xuất hiện, một yếu tố có thể tìm thấy trong chính Công Đồng, tuy có hơi bí ẩn, đó là yếu tố này: mối dây liên kết giữa dân Chúa và Thân Thể Chúa Kitô chính là sự hiệp thông với Chúa Kitô trong Hiệp Thông Thánh Thể. Chính ở đó, ta trở thành Thân Thể Chúa Kitô: mối tương quan giữa dân Chúa và Thân Thể Chúa Kitô tạo ra một thực tại mới: thực tại hiệp thông. Có thể nói: sau Công Đồng, người ta mới thấy rõ chính Công Đồng thực sự đã khám phá ra và chỉ cho thấy ý niệm này: hiệp thông chính là ý niệm trung tâm. Về phương diện ngữ học, có thể nói ý niệm này chưa được hoàn toàn khai triển tại Công Đồng, nhưng nhờ công trình của Công Đồng, ý niệm hiệp thông mỗi ngày mỗi trở thành biểu thức nói lên yếu tính của Giáo Hội, hiệp thông trong các chiều kích khác nhau của nó: hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng vốn là hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hiệp thông bí tích, và hiệp thông cụ thể trong hàng giám mục và trong đời sống Giáo Hội.

Nhưng cuộc tranh luận nóng bỏng hơn chính là vấn đề Mạc Khải. Vấn đề ở đây là mối liên hệ giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền, và các nhà chú giải là những người trước nhất muốn được tự do nhiều hơn; họ cảm thấy phần nào, có thể nói như thế, ở thế sút kém so với các nhà chú giải Thệ Phản, là những người lúc đó đang thực hiện được nhiều khám phá lớn lao, trong khi các nhà chú giải Công Giáo phần nào cảm thấy “bị khuyết tật” do nhu cầu phải suy phục Huấn Quyền. Bởi thế, một cuộc đấu tranh hết sức cụ thể đã nổ ra: các nhà chú giải hiện có được thứ tự do nào? Người ta phải đọc Thánh Kinh một cách thích đáng ra sao? Đâu là ý nghĩa của Thánh Truyền? Đây là một cuộc đấu tranh nhiều mặt mà tôi không thể đi vào chi tiết lúc này được, nhưng điều quan trọng hẳn là: Thánh Kinh là lời của Chúa và Giáo Hội ở dưới Thánh Kinh, Giáo Hội vâng theo lời Chúa và không đứng trên Thánh Kinh. Ấy thế nhưng cùng một lúc, Thánh Kinh chỉ là Thánh Kinh vì có Giáo Hội sống động, vốn là chủ thể sống động của nó; không có chủ thể sống động là Giáo Hội, Thánh Kinh chỉ là một bộ sách, mở ra cho nhiều giải thích khác nhau, thiếu hẳn sự rõ ràng tối hậu.

Như tôi đã nói, cuộc đấu tranh này khá cam go, và việc can thiệp của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tỏ ra có tính quyết định. Việc can thiệp này cho thấy tất cả nét tế nhị của một người cha, tính trách nhiệm của ngài đối với tiến triển của Công Đồng, mà còn cả lòng tôn kính lớn lao của ngài đối với Công Đồng nữa. Lúc ấy đang có ý niệm cho rằng Thánh Kinh là đầy đủ; mọi sự đều chứa trong đó; thành thử không cần đến Thánh Truyền, và Huấn Quyền chẳng có quyền nói chi. Đến độ đó, tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng đã chuyển tới Công Đồng mười bốn công thức về một câu cần được lồng vào bản văn Mạc Khải. Ngài dành cho chúng tôi, các nghị phụ, quyền tự do được chọn một trong mười bốn công thức ấy, nhưng ngài nhấn mạnh cần phải chọn một trong mười bốn công thức đó để hoàn tất bản văn. Tôi nhớ ít nhiều công thức "non omnis certitudo de veritatibus fidei potest sumi ex Sacra Scriptura", nghĩa là sự chắc chắn của Giáo Hội về đức tin của mình không chỉ phát sinh từ một cuốn sách riêng rẽ, nhưng cần đến chính Giáo Hội như là chủ thể được Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn. Chỉ lúc đó, Thánh Kinh mới nói với tất cả thế giá của mình. Câu này, mà chúng tôi trong Ủy Ban Tín Lý chọn trong số mười bốn công thức, theo tôi, có tính cách quyết định đối với việc chứng tỏ sự cần thiết tuyệt đối phải có Giáo Hội, và do đó, hiểu được ý nghĩa của Thánh Truyền, cơ phận sống động trong đó lời Chúa nhận được sức sống ngay từ buổi đầu và từ đó, nó tiếp nhận được ánh sáng mà trong đó nó được sinh ra. Qui điển Thánh Kinh vốn đã là một sự kiện của Giáo Hội: việc các trước tác này là Sách Thánh vốn là kết quả công trình soi sáng của Giáo Hội, người đã khám phá ra qui điển này trong chính mình; Giáo Hội khám phá ra nó, chứ Giáo Hội không tạo ra nó; và mãi mãi cũng như chỉ trong hiệp thông với Giáo Hội sống động này, người ta mới thực sự hiểu và đọc Thánh Kinh như là lời Chúa, như là lời hướng dẫn ta lúc sống và lúc chết.

Như tôi đã nói, đấy là một cuộc tranh luận cam go, nhưng nhờ Đức Giáo Hoàng, và, có thể nói được rằng, nhờ ánh sáng Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện với Công Đồng, một văn kiện đã được hoàn thành, được coi như một trong các văn kiện tinh tế nhất và đổi mới nhất của toàn bộ Công Đồng, và đến nay vẫn cần được học hỏi thâm sâu hơn nữa. Vì cả ngày nay nữa, khoa chú giải vẫn có khuynh hướng đọc Thánh Kinh ở bên ngoài Giáo Hội, bên ngoài đức tin, chỉ trong tinh thần tự gọi là theo phương pháp phê bình sử học, một phương pháp tuy quan trọng, nhưng không bao giờ tới độ có thể đem lại các giải pháp chắc chắn tối hậu. Chỉ khi nào ta tin rằng đây không phải là lời của con người mà là lời của Thiên Chúa, và chỉ khi nào có được chủ thể sống động mà Thiên Chúa từng nói và đang nói với kia, ta mới có thể giải thích Sách Thánh một cách thích đáng. Và ở đây, như tôi từng nói trong lời nói đầu cuốn sách của tôi về Chúa Giêsu (Phần Một), nhiều điều vẫn còn cần phải làm ngõ hầu đạt được một lối giải thích thực sự theo tinh thần của Công Đồng. Ở đây, việc áp dụng Công Đồng vẫn chưa hoàn tất, nhiều điều còn cần phải được làm.

Sau cùng là đại kết. Lúc này đây, tôi không muốn đi vào các vấn đề này, nhưng điều hiển nhiên là các Kitô hữu có thể tìm được sự hợp nhất, đặc biệt sau những “thống khổ” họ phải chịu trong thời Quốc Xã, hay ít nhất cũng có thể mưu tìm sự hợp nhất, ấy thế nhưng điều rõ ràng là chỉ một mình Thiên Chúa mới ban cho ta sự hợp nhất ấy mà thôi. Hiện chúng ta vẫn đi theo nẻo đường này. Có thể nói được rằng hiện nay, với những chủ đề trên, “Liên Minh Sông Rhine” đã hoàn tất được công trình của họ.

Phần thứ hai của Công Đồng có phạm vi rộng hơn. Vấn đề khẩn trương được đặt ra ở đây là thế giới ngày nay, hay thời hiện đại, và Giáo Hội. Cùng với vấn đề đó là vấn đề trách nhiệm xây dựng thế giới này, xã hội này, trách nhiệm đối với tương lai thế giới và niềm hy vọng cánh chung, trách nhiệm đạo đức của các Kitô hữu và ta phải tìm sự hướng dẫn ở đâu; rồi tới các vấn đề: tự do tôn giáo, tiến bộ, và mối liên hệ với các tôn giáo khác. Đến lúc này, mọi phía của Công Đồng đều đã thực sự bước vào cuộc thảo luận, chứ không riêng gì Mỹ, không riêng gì Hiệp Chúng Quốc, là nước hết sức quan tâm tới tự do tôn giáo. Trong khóa thứ ba, các nghị phụ Mỹ thưa với Đức Giáo Hoàng rằng: chúng con không thể về nước mà lại không mang theo tuyên ngôn về tự do tôn giáo được Công Đồng biểu quyết. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng hết sức cứng rắn và cương quyết, cả kiên nhẫn nữa, đã hoãn bản văn tới khóa thứ bốn, để các nghị phụ tìm hiểu cặn kẽ hơn và nhất trí đầy đủ hơn. Tôi muốn nói: không phải chỉ các vị người Mỹ mới mạnh dạn can thiệp vào diễn tiến của Công Đồng, mà cả các vị người Châu Mỹ La Tinh nữa là những vị thông hiểu cảnh nghèo đói cùng cực của dân chúng họ, ngay trên lục địa mang danh Công Giáo, và trách nhiệm của đức tin đối với hoàn cảnh của những người dân này. Cũng thế, Châu Phi và Châu Á thì nhận ra nhu cầu đối thoại liên tôn; đó là những nan đề mà xin thú thực, người Đức chúng tôi không nhìn thấy trước. Tôi không thể mô tả hết các nan đề này ở đây. Văn kiện vĩ đại Gaudium et Spes đã phân tích rất hay cánh chung học Kitô Giáo và tiến bộ của thế giới cũng như trách nhiệm đối với xã hội tương lai và trách nhiệm của Kitô hữu trước cõi đời đời. Bằng cách này, văn kiện cũng đã đổi mới nền đạo đức học Kitô Giáo, các nền móng của đạo đức học.

Nhưng, bất ngờ thay, song song với văn kiện vĩ đại trên, còn có một văn kiện khác đáp ứng một cách tổng hợp và cụ thể hơn đối với các thách đố của thời đại, đó là Tuyên Ngôn Nostra Aetate. Từ đầu, các bằng hữu Do Thái của chúng ta đã hiện diện (tại Công Đồng), và họ nói, chủ yếu với người Đức chúng ta, nhưng cả với nhiều người khác nữa, rằng sau các biến cố bi thảm của thời Quốc Xã, của thập niên Quốc Xã, Giáo Hội Công Giáo có trách nhiệm phải nói một điều gì đó về Cựu Ước, về Dân Do Thái. Họ bảo: dù rõ ràng Giáo Hội Công Giáo không có trách nhiệm trong vụ Diệt Chủng (Shoah), nhưng phần đông Kitô hữu đã phạm các tội ác này; chúng ta cần thâm hậu hóa và làm mới lại ý thức của Kitô hữu đối với việc này, cho dù biết rõ các tín hữu chân chính luôn đối kháng những chuyện đó. Như thế, mối liên hệ của chúng ta với thế giới của dân Chúa xưa rõ ràng cần trở thành đối tượng để ta suy nghĩ. Cũng dễ hiểu khi các nước Ả Rập, đúng hơn, các giám mục của các nước Ả Rập, không hài lòng với tình thế ấy: họ sợ ta vinh danh Nhà Nước Do Thái, một điều đương nhiên họ không muốn. Họ bảo: được, một tuyên bố thực sự có tính thần học về Dân Do Thái thì tốt, thậm chí cần thiết nữa, nhưng nếu quí vị đã nói về chuyện ấy, thì cũng phải nói về Hồi Giáo nữa chứ; như thế mới có sự quân bình; Hồi Giáo cũng là một thách thức lớn và Giáo Hội cần phải minh xác mối liên hệ của mình với nó. Vấn đề này, vào lúc ấy, quả tình không được chúng ta hiểu biết nhiều, chỉ hiểu biết chút chút, không nhiều. Ngày nay, ta biết điều ấy cần thiết biết bao.

Khi chúng ta bắt đầu bàn tới Hồi Giáo, thì người ta lại bảo với chúng ta là còn nhiều tôn giáo khác nữa: Cả một lục địa Á Châu cơ mà! Nào là Phật Giáo, nào là Ấn Giáo… Do đó, thay vì một tuyên ngôn như quan niệm lúc đầu, chỉ liên quan tới dân Chúa trong Cựu Ước, cả một văn kiện đã được soạn thảo nói tới cuộc đối thoại liên tôn, dự ứng được điều mà chỉ 30 năm sau thôi đã được chứng minh là rất thâm hậu và quan trọng. Ở đây, tôi không thể vào sâu chủ đề này, nhưng nếu đọc lại bản văn, ta sẽ thấy nó rất cô đọng và thực sự được soạn bởi những người rất quen thuộc với các thực tại này. Nó vắn tắt nói được những điều chủ yếu chỉ trong vòng một số chữ ít oi. Đồng thời, nó cũng đặt để được nền móng cho cuộc đối thoại, đối thoại trong khác biệt, trong đa dạng, trong niềm tin, về tính duy nhất của Chúa Kitô, Đấng độc nhất, và đối với một tín hữu, ta không thể nghĩ rằng các tôn giáo chỉ là các dị bản khác nhau của cùng một chủ đề. Không, chỉ có một thực tại Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã lên tiếng, và chỉ có một Thiên Chúa, một Thiên Chúa nhập thể, tức một lời của Thiên Chúa, nghĩa là lời thực sự của Thiên Chúa. Nhưng cảm nghiệm tôn giáo (thì có nhiều), với ít nhiều ánh sáng nhân bản từ sáng thế, và do đó, ta cần và có thể bước vào đối thoại, nhờ thế trở nên cởi mở đối với nhau và mở lòng mọi người chào đón sự bằng an của Thiên Chúa, sự bằng an của mọi con cái nam nữ của Người, sự bằng an của toàn thể gia đình nhân loại.

Như thế, hai văn kiện trên, tức văn kiện về tự do tôn giáo và Nostra Aetate, cùng với hiến chế Gaudium et Spes đã tạo thành một bộ ba rất quan trọng. Tầm quan trọng này mãi mấy thập niên sau mới được chứng tỏ, và hiện nay, chúng ta vẫn còn cố gắng để hiểu tốt hơn các thực tại liên kết qua lại với nhau trong tính duy nhất của mạc khải Thiên Chúa, trong tính duy nhất của một Thiên Chúa nhập thể nơi Chúa Kitô và tính đa nguyên của tôn giáo, ngõ hầu tìm kiếm hòa bình và cả trái tim của những ai sẵn sàng chào đón ánh sáng Chúa Thánh Thần, Đấng hằng soi sáng và dẫn đưa con người tới Chúa Kitô.

Tôi cũng muốn nhân dịp này nói thêm điểm thứ ba: bên cạnh Công Đồng của các Nghị Phụ, Công Đồng đúng nghĩa, còn có công đồng của truyền thông nữa. Nó gần như là một công đồng riêng, và thế giới đã nhận thức Công Đồng qua thứ công đồng sau, tức qua các phương tiện truyền thông. Do đó, thứ công đồng tới với dân chúng một cách có hiệu quả tức khắc chính là thứ công đồng của truyền thông, chứ không phải là Công Đồng của các Nghị Phụ. Và trong khi Công Đồng của các Nghị Phụ được tiến hành trong đức tin, một Công Đồng của đức tin đi tìm intellectus, tìm cách hiểu chính mình và tìm cách hiểu các dấu chỉ của Thiên Chúa vào lúc ấy, tìm cách đáp trả các thách đố của Thiên Chúa vào lúc ấy và tìm trong lời Thiên Chúa một lời cho ngày nay và cho ngày mai, vâng như tôi đã nói, trong khi toàn thể Công Đồng khởi động trong đức tin, trong tư cách fides quaerens intellectum ấy, thì thứ công đồng của các nhà báo, đương nhiên, không được tiến hành trong đức tin, mà là trong các phạm trù của truyền thông ngày nay, tức các phạm trù nằm bên ngoài đức tin, với một khoa giải thích khác hẳn. Đó là khoa giải thích chính trị: đối với giới truyền thông, Công Đồng là một cuộc đấu tranh chính trị, một cuộc tranh quyền giữa các khuynh hướng khác nhau trong Giáo Hội. Đương nhiên truyền thông về phe với những người xem ra có nhiều liên minh gần gũi với thế giới của họ. Quả có những người mưu tìm sự phân quyền trong Giáo Hội, quyền của giám mục, và rồi, qua biểu thức “dân Chúa”, quyền của giáo dân. Đối với họ, đây là vấn đề tối thượng quyền nhân dân (popular sovereignty) với ba khía cạnh: quyền Giáo Hoàng, sau đó chuyển giao qua quyền giám mục và quyền của mọi người. Dĩ nhiên, họ cho rằng đó là điều cần được chấp thuận, cần được công bố, cần được quí chuộng. Với phụng vụ cũng thế, người ta không hề quan tâm tới phụng vụ như hành vi đức tin, mà như một điều gì trong đó những điều dễ hiểu phải được đưa ra, một vấn đề gì đó thuộc sinh hoạt cộng đồng, một điều gì đó hoàn toàn phàm tục. Và ta biết rằng lúc đó đang có khuynh hướng, không hẳn là không có căn bản lịch sử, chủ trương rằng: thánh thiêng (sacrality) vốn là chuyện của ngoại giáo, cùng lắm chỉ là chuyện của Cựu Ước. Trong Tân Ước, điều đáng lưu ý là Chúa Kitô chết ở bên ngoài: đúng là ở bên ngoài cổng (đền thờ), trong thế giới phàm tục. Thành thử, phải hủy bỏ tính thánh thiêng đi và nhường chỗ cho tính phàm tục trong thờ phượng: một thờ phượng không còn là thờ phượng nữa, mà chỉ còn là hành vi cộng đồng, với sự tham dự của cộng đoàn: một tham dự hiểu như một sinh hoạt. Những diễn dịch này, những tầm thường hóa này đối với tư duy của Công Đồng rất hiểm độc trong diễn trình thi hành cuộc canh tân phụng vụ; chúng phát sinh từ một quan niệm nhìn Công Đồng tách rời khỏi chìa khóa riêng của nó là đức tin. Và điều đó cũng đúng đối với vấn đề Sách Thánh: Sách Thánh là một bộ sách, một bộ sách có tính lịch sử, phải được xem sét theo phương diện lịch sử và chỉ theo phương diện lịch sử mà thôi, v.v…

Ta biết rằng thứ công đồng của truyền thông này đã đến tai mọi người. Do đó, nó là một công đồng rất nổi bật, một công đồng nhiều “hiệu quả” hơn, và nó đã tạo ra không biết bao nhiêu tai họa, không biết bao nhiêu vấn đề, không biết bao nhiêu đau khổ mà kể: nhiều chủng viện bị đóng cửa, nhiều nhà tu trống vắng, một thứ phụng vụ tầm phào… trong khi Công Đồng đích thực thì lao đao trong việc tự xác định mình, tự hình thành vóc dáng mình; thứ công đồng ảo quả đã mạnh hơn Công Đồng thực. Tuy thế, sức mạnh thực sự của Công Đồng vẫn có đó và một cách từ từ nhưng chắc chắn, đang tự thiết dựng mình mỗi ngày một hơn và đã trở nên sức mạnh chân thực, cũng là cuộc canh tân chân thực, cuộc canh tân Giáo Hội đúng nghĩa. Đối với tôi, sau 50 năm, thứ công đồng ảo kia đang tan biến, mất dạng, và Công Đồng thực đang xuất hiện với tất cả sức mạnh thiêng liêng của nó. Và nhiệm vụ của chúng ta, nhất là trong Năm Đức Tin này, đặt căn bản trên Năm Đức Tin này, là cố gắng để Công Đồng thực, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, được thành toàn và Giáo Hội thực sự được canh tân. Ta hãy hy vọng rằng Chúa sẽ trợ giúp ta. Phần tôi, khi lui về cầu nguyện, tôi sẽ luôn ở với anh em và cùng nhau ta hãy tiến lên phía trước với Chúa trong niềm xác tín rằng Chúa sẽ chiến thắng. Xin cám ơn anh em.
 
Church Documents
BRK4KP-NewsUK15Apr2025
VietCatholic Media
03:29 14/04/2025
BRK4KP-NewsUK15Apr2025

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Kim Phượng cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Sau đây là các tin liên quan đến tình hình tại Ukraine

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Ukraine đang trải qua những giờ khắc thử thách và khó khăn. Và xin cầu nguyện cho linh hồn những người của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Merz ra hiệu Ukraine có thể sử dụng hỏa tiễn Taurus để nhắm vào Cầu Kerch ở Crimea

Friedrich Merz, thủ tướng tương lai của Đức, đã gợi ý vào ngày 13 tháng 4 rằng hỏa tiễn tầm xa Taurus, nếu được chuyển giao cho Ukraine, có thể được sử dụng để nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự chiến lược của Nga ở Crimea bị tạm chiếm, bao gồm cả Cầu Kerch.

Cầu Crimea hay còn được gọi là cầu Kerch dài 19 km, hay 12 dặm, được xây dựng sau khi Nga xâm lược Crimea bất hợp pháp vào năm 2014 và hoàn thành vào năm 2018, đóng vai trò là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga. Cây cầu đã bị Ukraine tấn công nhiều lần, bị hư hại nặng nề trong các cuộc không kích vào tháng 10 năm 2022 và tháng 7 năm 2023.

Trong một cuộc phỏng vấn với Caren Miosga của ARD, Merz nhấn mạnh đến nhu cầu hỗ trợ Ukraine chuyển từ thế bị động sang chủ động trên chiến trường, nói rằng Kyiv phải được trang bị để “định hình các sự kiện” và “đi trước tình hình”.

Merz cho biết: “Không thể để mọi thứ vẫn tiếp diễn như hiện tại. Chúng ta phải làm một điều gì đó, ví dụ như nếu tuyến đường bộ quan trọng nhất giữa Nga và Crimea bị phá hủy, hoặc nếu có chuyện gì đó xảy ra ở chính Crimea, nơi tập trung hầu hết các cơ sở hậu cần quân sự của Nga, thì đó sẽ là cơ hội để đưa quốc gia này trở lại vị thế chiến lược”.

Trong khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz đã nhiều lần ngăn chặn việc chuyển giao hỏa tiễn Taurus vì lo ngại về sự leo thang, Merz từ lâu đã chỉ trích lập trường đó.

Với việc Merz chuẩn bị nhậm chức sau chiến thắng bầu cử của đảng Dân chủ Kitô Giáo, quyết định cung cấp hỏa tiễn Taurus có thể sớm trở lại chương trình nghị sự chính trị. Vẫn chưa chắc chắn liệu các đối tác liên minh tương lai của ông từ đảng Dân chủ Xã hội có ủng hộ động thái này hay không.

Merz cũng làm rõ rằng ông không kêu gọi Đức tham gia trực tiếp vào cuộc chiến mà là cung cấp cho Ukraine khả năng chủ động.

Merz trước đây đã lên tiếng ủng hộ việc cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine, nhấn mạnh rằng bước đi như vậy phải được phối hợp với các đồng minh Âu Châu.

“Các đối tác Âu Châu của chúng ta đã cung cấp hỏa tiễn hành trình”, ông nhắc lại vào ngày 13 tháng 4, trích dẫn các nỗ lực của Anh, Pháp và Hoa Kỳ. “Nếu được phối hợp, thì Đức nên tham gia”.

Ukraine đã nhận được ATACMS do Hoa Kỳ cung cấp cũng như hỏa tiễn hành trình SCALP/Storm Shadow từ Pháp và Anh. Cả Washington và Luân Đôn đều cho phép Kyiv sử dụng các hệ thống này để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ bị Nga tạm chiếm, bao gồm cả Crimea.

Chính quyền Tổng thống Biden trước đây và Vương quốc Anh cũng đã cho phép tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa vào các mục tiêu quân sự trên đất Nga vào cuối năm 2024, cụ thể là ở các vùng biên giới Kursk và Bryansk của Nga. Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm Donald Trump đã chỉ trích động thái này.

Trong cuộc phỏng vấn, Merz lên án cuộc tấn công của Nga vào thành phố Sumy của Ukraine vào ngày 13 tháng 4, khiến ít nhất 34 thường dân thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, gọi đó là “một tội ác chiến tranh nghiêm trọng có chủ đích và cố ý”.

“Và tôi nói với tất cả những người ở Đức ngây thơ đang kêu gọi Putin đến bàn đàm phán – rằng đây chính là câu trả lời,” ông nói. “Đó là những gì Putin làm với những người nói chuyện với ông ấy về lệnh ngừng bắn.”

Merz cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa coi lời kêu gọi hòa bình là dấu hiệu của sự yếu kém.

“Rõ ràng là ông ấy hiểu thiện chí đàm phán của chúng ta không phải là lời đề nghị nghiêm chỉnh nhằm tạo điều kiện cho hòa bình mà là sự yếu đuối”, ông nói, ám chỉ đến chuyến thăm Mạc Tư Khoa của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban vào năm ngoái, sau đó vài ngày là cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào một bệnh viện nhi ở Kyiv. Lần này cũng vậy, sau chuyến thăm Putin của Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Trump, chỉ hơn một ngày sau lại xảy ra vụ thảm sát Sumy.

Sự cô lập ngoại giao của phương Tây đối với Putin sau khi cuộc chiến toàn diện nổ ra dường như đang dần được tháo gỡ khi Tổng thống Trump nối lại liên lạc ngoại giao trực tiếp với Mạc Tư Khoa trong nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn.

Những nỗ lực này phần lớn đã bị đình trệ vì Điện Cẩm Linh bác bỏ đề xuất của Washington và Kyiv về lệnh ngừng bắn toàn phần trong 30 ngày và tiếp tục các cuộc tấn công chết người vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine mặc dù đã có lệnh ngừng bắn một phần được thống nhất vào ngày 25 tháng 3.

[Kyiv Independent: Merz signals Ukraine could use Taurus missiles to target Crimea, Kerch Bridge]

2. Tổng thống Zelenskiy mời Tổng thống Trump đến Ukraine: Hãy đến xem 'Putin đã làm gì'

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã mời Ông Donald Trump đến thăm đất nước bị chiến tranh tàn phá của mình và chứng kiến sự tàn phá do Nga gây ra, sau vụ tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo hôm Chúa Nhật khiến ít nhất 34 người thiệt mạng tại Sumy.

Phát biểu với chương trình tin tức Mỹ “60 Minutes” vào tối Chúa Nhật, Tổng thống Zelenskiy được hỏi liệu ông có muốn mời tổng thống Mỹ đến Ukraine hay không và ông trả lời: “Rất vui lòng”.

Nhắn gởi trực tiếp với Tổng thống Trump, Tổng thống Zelenskiy nói: “Chúng tôi muốn ông đến. Hãy đến mà xem”.

“Bạn nghĩ bạn hiểu những gì đang diễn ra ở đây. Được thôi, chúng tôi tôn trọng lập trường của bạn… Nhưng, làm ơn, trước bất kỳ quyết định nào, bất kỳ hình thức đàm phán nào, hãy đến xem người dân, thường dân, chiến binh, bệnh viện, nhà thờ, trẻ em bị phá hủy hoặc tàn sát”, ông nói.

Lời kêu gọi của Tổng thống Zelenskiy được đưa ra vài giờ sau khi một cuộc tấn công của Nga vào thành phố Sumy, miền bắc Ukraine đã giết chết ít nhất 34 người và làm bị thương 117 người khác khi họ tụ tập để cử hành Chúa Nhật Lễ Lá. Cuộc tấn công, bị các đồng minh của Kyiv lên án, là một trong những vụ tấn công chết chóc nhất ở Ukraine trong năm nay.

“Hãy đến, nhìn xem, và sau đó hãy — hãy hành động với một kế hoạch về cách kết thúc chiến tranh,” Tổng thống Zelenskiy nói. “Bạn sẽ hiểu bạn đang thỏa thuận với ai. Bạn sẽ hiểu Putin đã làm gì.”

Tổng thống Zelenskiy cho biết chuyến thăm sẽ không được dàn dựng với “diễn viên”, đồng thời nói thêm rằng Tổng thống Trump có thể “đi chính xác đến nơi bạn muốn, ở bất kỳ thành phố nào” bị Mạc Tư Khoa pháo kích.

Điện Cẩm Linh đã bắn hai hỏa tiễn đạn đạo vào Sumy vào Chúa Nhật, giết chết hàng chục thường dân đang tụ tập trong một ngày lễ tôn giáo đông đảo khác thường hơn mọi năm.

Ngày nay, các tín hữu Chính thống giáo sử dụng lịch Giuliô để tính ngày lễ Phục sinh thay vì lịch Grêgôriô, được giới thiệu vào năm 1582 và được hầu hết thế giới sử dụng. Lịch Giuliô tính một năm dài hơn một chút và hiện chậm hơn 13 ngày so với lịch Grêgôriô, dẫn đến các ngày lễ Phục sinh khác nhau trong hầu hết các năm.

Thông thường, lễ Phục sinh của Chính Thống Giáo diễn ra sau lễ Phục sinh của Công Giáo. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn trùng nhau như đã xảy ra vào những năm 2010, 2011, 2014, 2017 và năm nay 2025.

Thành ra, khu vực trung tâm của thành phố Summy tấp nập anh chị em giáo dân cả Chính Thống Giáo và Công Giáo. Nga đã chọn đúng thời điểm khi một số người đang đến nhà thờ và một số người vừa ra khỏi nhà thờ sau khi tan lễ. Đó là thời điểm đông người nhất.

Sự việc xảy ra sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn khác của Nga vào thành phố Kryvyi Rih, miền trung Ukraine hồi đầu tháng này khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, trong đó có chín trẻ em.

Về phần mình, Tổng thống Trump gọi cuộc tấn công hôm Chúa Nhật là một tai nạn “khủng khiếp” mà không đưa ra bằng chứng để chứng minh cho tuyên bố của mình. “Tôi nghĩ nó thật khủng khiếp, và tôi được cho biết người Nga đã phạm sai lầm”, ông nói. “Nhưng tôi nghĩ đó là một điều khủng khiếp. Tôi nghĩ toàn bộ cuộc chiến là một điều khủng khiếp”.

Nga đã nhiều lần nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine trong suốt cuộc xâm lược toàn diện kéo dài ba năm. Đêm qua, một máy bay điều khiển từ xa của Nga đã tấn công một cơ sở y tế ở Odessa, làm ít nhất năm người bị thương.

Những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm đàm phán chấm dứt cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa phần lớn đã bị đình trệ, khi Điện Cẩm Linh liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn một phần kéo dài 30 ngày do Hoa Kỳ làm trung gian, hiện đã hết hạn.

Đặc phái viên Hoa Kỳ Steve Witkoff đã tới Nga vào tuần trước để có một cuộc gặp khác với Putin, người đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn hoàn toàn và yêu cầu một danh sách dài các nhượng bộ từ Ukraine để đổi lấy việc chấm dứt chiến tranh.

Vào thứ Bảy, Tổng thống Trump đã né tránh rằng các cuộc đàm phán Ukraine-Nga “có thể ổn”, nhưng nói thêm: “Sẽ có thời điểm mà bạn cần phải hoặc là hành động hoặc là dẹp bỏ nó đi”. Không rõ liệu ông đang ám chỉ đến Nga hay Ukraine.

[Politico: Zelenskyy invites Trump to Ukraine: Come see ‘what Putin did’]

3. Ông Donald Trump phản ứng trước vụ tấn công bằng hỏa tiễn chết người của Nga: 'Họ đã phạm sai lầm'

Tổng thống Trump cho biết cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào đông bắc Ukraine hôm Chúa Nhật khiến ít nhất 34 người thiệt mạng là một “sai lầm” của người Nga.

“Tôi nghĩ điều đó thật kinh khủng và tôi được cho biết họ đã phạm sai lầm, nhưng tôi nghĩ đó là một điều khủng khiếp”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên trên Không lực Một vào tối Chúa Nhật. “Tôi nghĩ toàn bộ cuộc chiến là một điều khủng khiếp”.

Chính quyền Ukraine cho biết Nga đã phóng hai hỏa tiễn đạn đạo vào thành phố Sumy của Ukraine khi người dân đang tham dự buổi lễ nhà thờ mừng Chúa Nhật Lễ Lá.

Cơ quan khẩn cấp nhà nước Ukraine cho biết vào cuối Chúa Nhật rằng 34 người, bao gồm hai trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích. Theo các quan chức, 117 người khác bị thương.

Các quan chức Ukraine trong nhiều tuần đã cảnh báo về khả năng Nga sắp tấn công vào khu vực Sumy và thành phố Kharkiv lân cận, khi Mạc Tư Khoa đẩy lùi sự kiểm soát cuối cùng của Ukraine đối với khu vực Kursk của Nga.

Khi được hỏi về ý nghĩa của cụm từ “sai lầm”, Tổng thống Trump đã nói với các phóng viên vào Chúa Nhật: “Họ đã phạm sai lầm. Tôi tin là vậy — hãy xem, bạn phải hỏi họ.” Ông không giải thích thêm.

Tổng thống Trump cũng gọi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine là “cuộc chiến của Tổng thống Biden”, nhắc lại tuyên bố của ông rằng Điện Cẩm Linh sẽ không phát động cuộc xâm lược toàn diện cách đây hơn ba năm nếu ông còn ở Tòa Bạch Ốc.

Cơ quan tình trạng khẩn cấp của Ukraine cho biết 51 tòa nhà và 34 xe hơi đã bị hư hại trong cuộc không kích của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết các tòa nhà bị ảnh hưởng bao gồm một trường đại học, một nhà thờ, năm tòa nhà chung cư, cửa hàng, quán cà phê và tòa án quận.

Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine, Kyrylo Budanov, cho biết Nga đã tấn công Sumy bằng hai hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M và KN-23. KN-23 là hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn của Bắc Hàn mà Nga đã nhiều lần sử dụng ở Ukraine.

Đây là cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo quy mô lớn thứ hai vào một thành phố lớn của Ukraine trong tháng này, sau khi Mạc Tư Khoa tấn công Kryvyi Rih vào ngày 4 tháng 4 khiến 20 người thiệt mạng.

Các cuộc không kích hôm Chúa Nhật đã bị các đồng minh của Ukraine lên án rộng rãi. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen mô tả cuộc tấn công là “man rợ” và “tàn ác”, và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết bà “vô cùng kinh hoàng”.

“ Ukraine đã ủng hộ các cuộc đàm phán ngừng bắn của Hoa Kỳ,” Frederiksen nói thêm. “Bây giờ thì rất rõ ràng là Nga muốn chiến tranh, không phải hòa bình.”

Tổng thống Trump đã đưa Tòa Bạch Ốc tiến tới gần hơn với Điện Cẩm Linh trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, Điện Cẩm Linh đã từ chối đề xuất của Hoa Kỳ — mà Ukraine đã đồng ý vào tháng trước — về lệnh ngừng bắn toàn bộ trong 30 ngày, và khiến sự đồng ý của họ đối với lệnh ngừng bắn một phần ở Hắc Hải phụ thuộc vào việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Các viên chức của Tổng thống Trump ngày càng thất vọng với tốc độ đàm phán ngừng bắn chậm chạp. “Nga phải hành động”, Tổng thống Trump nói trong một tuyên bố đăng trên trang Truth Social của ông vào thứ sáu.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News trước cuộc không kích vào Chúa Nhật, Tổng thống Zelenskiy cho biết Tổng thống Trump nên đến thăm Ukraine để “hiểu rõ những gì đang diễn ra ở đây” trước khi đàm phán các thỏa thuận với Nga.

“Hãy đến, nhìn xem, và sau đó chúng ta hãy hành động với một kế hoạch về cách kết thúc chiến tranh”, Tổng thống Zelenskiy nói. “Bạn sẽ hiểu bạn có thỏa thuận với ai. Bạn sẽ hiểu Putin đã làm gì”.

[Newsweek: Donald Trump Reacts To Deadly Russian Missile Strike: 'They Made A Mistake']
 
VietCatholic TV
Chúa Nhật Lễ Lá đẫm máu ở Ukraine: Putin công khai sỉ nhục TT Trump trước thế giới. NATO âu lo
VietCatholic Media
03:05 14/04/2025


1. Chúa Nhật Lễ Lá đẫm máu tại Ukraine vài giờ sau khi Tổng thống Trump hứa hẹn một tuần bình yên

Các quan chức cho biết hơn 30 người đã thiệt mạng và ít nhất 80 người khác bị thương trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào thành phố Sumy của Ukraine vào Chúa Nhật, đây là một trong những cuộc tấn công chết chóc nhất vào Ukraine trong năm nay.

Theo các quan chức Ukraine, lực lượng của Mạc Tư Khoa đã bắn hai hỏa tiễn đạn đạo vào trung tâm thành phố vào sáng Chúa Nhật khi mọi người tụ tập để cử hành Chúa Nhật Lễ Lá. Ít nhất 34 người đã thiệt mạng trong cuộc không kích, bao gồm hai trẻ em.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã lên án vụ tấn công trong bài đăng trên X và kêu gọi phản ứng quốc tế cứng rắn đối với Putin.

Nhà lãnh đạo Ukraine cáo buộc Nga phớt lờ đề xuất ngừng bắn của Hoa Kỳ và nói thêm rằng Mạc Tư Khoa “tin rằng họ có thể tiếp tục giết người mà không bị trừng phạt”.

Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về Ukraine, cho biết cuộc tấn công của Nga vào các mục tiêu dân sự “vượt qua mọi ranh giới của sự nghiêm chỉnh”.

“Là một cựu lãnh đạo quân sự, tôi hiểu việc tấn công và điều này là sai. Đó là lý do tại sao Tổng thống Trump đang nỗ lực chấm dứt cuộc chiến này”, Kellogg cho biết trong một bài đăng trên X.

Các nhà lãnh đạo Âu Châu đã vội vã bảo vệ Ukraine. Emmanuel Macron của Pháp đã nói trong một bài đăng trên X rằng “rõ ràng là chỉ có Nga mới chọn tiếp tục” cuộc chiến “chống lại mạng sống con người, luật pháp quốc tế và những lời đề nghị ngoại giao của Tổng thống Trump”.

Donald Tusk của Ba Lan cho biết: “Phiên bản ngừng bắn của Nga. Chúa Nhật Lễ Lá Đẫm Máu, Sumy Ukraine.”

Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết ông “kinh hoàng trước những cuộc tấn công khủng khiếp của Nga vào dân thường ở Sumy”.

“Tổng thống Zelenskiy đã thể hiện cam kết của mình đối với hòa bình. Putin hiện phải đồng ý ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức mà không có điều kiện,” Starmer cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Vụ tấn công xảy ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng

“Đây sẽ là một cuối tuần thú vị và tôi nghĩ chúng ta sẽ có một số tin khá tốt về một số cuộc xung đột,” Tổng thống Trump nói với các phóng viên trên Không lực Một.

Ông nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Ukraine “có thể sẽ diễn ra ổn thỏa”, nhưng nói thêm: “Có một thời điểm mà bạn chỉ có thể hoặc là chấp nhận hoặc là im lặng”. Chính quyền Hoa Kỳ đã đàm phán để chấm dứt chiến tranh của Nga ở Ukraine, nhưng các đồng minh của Kyiv đang lo ngại.

Trước đó, Tổng thống Trump đã thúc giục Putin “hành động” vì “quá nhiều người đang chết”. Đó là lời kêu gọi trong bài đăng trên mạng xã hội vào thứ Sáu, cùng ngày mà phái viên Tòa Bạch Ốc phụ trách Ukraine đã gặp gỡ các đối tác Nga tại St. Petersburg.

[Politico: Russian missile attack kills more than 30 in Sumy in northern Ukraine]

2. Tổng thư ký NATO lo ngại về vũ khí hạt nhân không gian của Nga

NATO lo ngại rằng Nga đang tìm cách điều động vũ khí hạt nhân trong không gian, một động thái có thể đe dọa hàng ngàn vệ tinh quay quanh Trái Đất, vốn rất quan trọng đối với quốc phòng cũng như cuộc sống hàng ngày của người dân, nhà lãnh đạo liên minh cho biết.

“ Chúng tôi biết về các báo cáo rằng Nga đang xem xét khả năng đưa vũ khí hạt nhân vào không gian,” Tổng thư ký NATO Mark Rutte nói với tờ báo Đức Welt am Sonntag trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Bảy.

“Việc phát triển vũ khí hạt nhân trong không gian là cách để Nga cải thiện năng lực của mình”, Rutte nói. “Điều này rất đáng lo ngại”, ông nhấn mạnh.

“Không gian cũng rất quan trọng đối với khả năng răn đe và phòng thủ của chúng ta — cũng quan trọng như đất liền, biển, không khí và không gian mạng,” Rutte nói với tờ báo. “Trong những năm gần đây, không gian ngày càng trở nên đông đúc, nguy hiểm và khó lường. Chúng ta biết rằng sự cạnh tranh trong không gian rất khốc liệt,” ông nói.

Nếu Mạc Tư Khoa điều động vũ khí hạt nhân trong không gian, họ có thể đe dọa hàng trăm vệ tinh, không chỉ những vệ tinh đang được Kyiv và các đồng minh sử dụng để bảo vệ Ukraine trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Với khoảng 7.000 vệ tinh hiện đang quay quanh hành tinh, “các hệ thống trên không gian ảnh hưởng trực tiếp đến cách sống của chúng ta”, Rutte, cựu thủ tướng Hòa Lan, cho biết. “Ví dụ, chúng bảo đảm rằng điện thoại di động, dịch vụ ngân hàng và dự báo thời tiết hoạt động”.

Một thỏa thuận quốc tế ngăn chặn chạy đua vũ trang ngoài không gian đã có hiệu lực vào năm 1967, với 114 bên ký kết — bao gồm cả Nga. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn loại trừ các hoạt động quân sự trong không gian và, những người chỉ trích cho rằng, có thể không giải quyết thỏa đáng các mối nguy hiểm phát sinh từ các hệ thống vệ tinh hiện đại.

Rutte cho biết: “Các đồng minh NATO đang thích nghi với những thách thức trong không gian, bao gồm việc chia sẻ thông tin tình báo và thành lập các trung tâm chỉ huy không gian quốc gia, đồng thời phát triển các vệ tinh nhỏ hơn, cơ động hơn và được bảo vệ tốt hơn”.

[Politico: NATO chief is worried about Russian space nukes]

3. Tình báo Ukraine tiết lộ các lữ đoàn Nga chịu trách nhiệm cho vụ tấn công Sumy

Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, đã công bố danh tính của các lữ đoàn quân sự Nga chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công chết người vào Sumy vào ngày 13 tháng 4.

Budanov đưa tin rằng lữ đoàn hỏa tiễn 112 và 448 của Nga đã tấn công thành phố Sumy bằng hai hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M.

“Một tội ác chiến tranh khác của Nga — cuộc tấn công đạn đạo vào Sumy, giết chết thường dân Ukraine. Nhiều người đang trên đường đến nhà thờ vào Chúa Nhật Lễ Lá, một số người đang trở về nhà,” Budanov cho biết.

Quân đội Nga đã phát động một cuộc tấn công vào thành phố Sumy vào sáng Chúa Nhật Lễ Lá, giết chết ít nhất 34 người và làm bị thương 117 người khác. Hai trẻ em đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.

Budanov cho biết các cuộc tấn công được phát động từ các tỉnh Voronezh và Kursk của Nga, cụ thể là từ các thị trấn Liski và Lezhenski.

Nhiều quan chức, bao gồm Chánh Văn phòng Tổng thống Andrii Yermak và Đại sứ Hoa Kỳ Bridget Brink, đã báo cáo rằng Nga đã sử dụng bom chùm trong cuộc tấn công vào Sumy.

Việc sử dụng bom chùm ở khu vực dân sự được coi là vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đã lên án cuộc tấn công của Nga, gọi đó là tội ác chiến tranh.

Budanov cũng bày tỏ lời chia buồn tới các nạn nhân trong cuộc tấn công của Nga và tuyên bố “sẽ bảo đảm rằng không một tên tội phạm chiến tranh nào - từ những kẻ ra lệnh cho đến những kẻ phóng hỏa tiễn - thoát khỏi sự trừng phạt”.

[Kyiv Independent: Ukraine's intelligence reveals Russian brigades responsible for Sumy attack]

4. Người Nga chuẩn bị tấn công vào tỉnh Kharkiv, quân đội Ukraine cảnh báo

Theo Nhóm lực lượng chiến lược hoạt động “Khortytsia” của Ukraine, lực lượng Nga đang tập hợp lại và chuẩn bị cho cuộc tấn công mới vào Tỉnh Kharkiv.

Trong một tuyên bố chính thức ngày 12 tháng 4, “Khortytsia” đưa tin rằng mặc dù quân đội Nga không thực hiện bất kỳ hành động tấn công nào theo hướng Kharkiv trong ngày qua, nhưng Nga đang tích cực bổ sung quân cho các đơn vị của mình và sẵn sàng tiếp tục các hoạt động tấn công trong khu vực.

Tại khu vực Kupiansk, quân đội Ukraine đã ngăn chặn các nỗ lực tấn công của Nga gần Kindrashivka, Kamianka và Zahryzove. Một cuộc tấn công cơ giới liên quan đến năm xe thiết giáp gần Lozova và Nova Kruhliakivka đã bị chặn lại.

Lực lượng Nga cũng đã phát động các cuộc tấn công vào khu vực Lyman trên biên giới của các tỉnh Luhansk và Donetsk, nhắm vào các khu vực xung quanh Novoyehorivka, Hrekivka, Olhivka, Ridkodub, Hlushchenkove, Novomykhailivka, Yampolivka, Torske và Nove. Tất cả các cuộc tiến công của Nga đều bị đẩy lùi. Các đơn vị Nga cũng không giành được đất ở khu rừng Serebryansky.

Theo hướng Kramatorsk và Toretsk ở Tỉnh Donetsk, các hoạt động tấn công với cường độ khác nhau đã diễn ra gần Predtechyne, Orikhovo-Vasylivka, Chasiv Yar, Druzhba, Dyliivka và Toretsk, mà không mất đi vị trí nào của quân Ukraine.

Lực lượng Nga tiếp tục nỗ lực chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraine theo hướng Pokrovsk, tấn công về phía Yelyzavetivka, Zvirove, Preobrazhenka, Kotliarivka, Oleksiivka, Pishchane, Udachne, Lysivka, Novosergiivka và Andriivka.

Theo Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi, tổn thất về nhân sự của Nga đã vượt quá 140.000 quân, hay 140.650, kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

[Kyiv Independent: Russians preparing for assault in Kharkiv Oblast, Ukrainian military warns]

5. Tổng thống Zelenskiy gọi Nga là ‘bọn cặn bã’ vì cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Chúa Nhật Lễ Lá

Theo chính quyền địa phương, ít nhất 34 người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo của Nga vào thành phố Sumy, đông bắc Ukraine vào Chúa Nhật, trong một vụ tấn công mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mô tả là “khủng khiếp”.

Vụ tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào Sumy là cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo quy mô lớn thứ hai vào một thành phố lớn của Ukraine trong tháng này, sau khi Mạc Tư Khoa nhắm vào thành phố Kryvyi Rih ở miền trung vào ngày 4 tháng 4.

Những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Mạc Tư Khoa đã bị đình trệ mặc dù có các cuộc đàm phán mới giữa các quan chức cao cấp của Mỹ và Nga.

Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng hỏa tiễn đạn đạo của Nga đã nhắm vào khu vực lân cận một nhà thờ trong thành phố vào Chúa Nhật Lễ Lá giữa hai thánh lễ khi một số người đang đến nhà thờ và một số người đang về nhà sau thánh lễ. Đó là thời điểm đông người nhất.

Tổng thống Zelenskiy cho biết “hàng chục thường dân” đã thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ tấn công, đồng thời cho biết thêm các nỗ lực cấp cứu đang được tiến hành.

“Vào ngày tươi sáng của Chúa Nhật Lễ Lá này, cộng đồng của chúng tôi đã phải gánh chịu một thảm kịch khủng khiếp”, Artem Kobzar, quyền thị trưởng Sumy, cho biết trong bài đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Cơ quan khẩn cấp nhà nước Ukraine cho biết tính đến 2 giờ chiều giờ địa phương, hay 7 giờ sáng giờ miền Đông, đã có 34 người thiệt mạng. Trong một tuyên bố sau đó, cơ quan này cho biết 99 người bao gồm 11 trẻ em đã bị thương.

Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine, Kyrylo Budanov, cho biết Nga đã tấn công Sumy bằng hai hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M và KN-23. KN-23 là hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn của Bắc Hàn mà Nga đã nhiều lần sử dụng ở Ukraine.

“Chỉ có những kẻ cặn bã bẩn thỉu mới có thể hành động như thế này - cướp đi mạng sống của những người dân thường”, Tổng thống Zelenskiy nói. “Tôi xin chia buồn với gia đình và những người thân yêu”.

Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Steve Witkoff - người nổi lên là nhà môi giới liên lạc chính với các quan chức Mạc Tư Khoa - đã gặp Putin tại St. Petersburg vào thứ sáu nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán chậm chạp về thỏa thuận ngừng bắn.

Bản thông báo của Điện Cẩm Linh về cuộc họp cho biết Putin và Witkoff đã thảo luận về “các khía cạnh của việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine”.

“Nga phải hành động”, Tổng thống Trump nói trong một tuyên bố đăng trên trang Truth Social của ông vào thứ sáu. Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karoline Leavitt trước đó đã nói rằng tổng thống “thất vọng” với Tổng thống Zelenskiy và Putin.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump đã cam kết chấm dứt chiến tranh chỉ trong vòng 24 giờ và nhiều lần tuyên bố Putin sẽ không phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine nếu ông là nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vào năm 2022. Mặc dù được nhiều người coi là thời hạn không thực tế để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng cảm giác cấp bách của Tổng thống Trump trong việc chấm dứt chiến tranh là rất rõ ràng.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang “nỗ lực thúc đẩy một cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh”.

Phát ngôn nhân nói thêm: “Cả Nga và Ukraine đều cần phải đưa ra những quyết định và thỏa hiệp khó khăn”.

Andriy Kovalenko, một quan chức trong hội đồng an ninh và quốc phòng quốc gia Ukraine, cho biết cuộc tấn công vào Sumy diễn ra sau khi Witkoff đến thăm Putin, lưu ý rằng một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo của Nga vào thành phố quê hương của Tổng thống Zelenskiy, Kryvyi Rih, diễn ra sau khi quan chức cao cấp của Điện Cẩm Linh Kirill Dmitriev đến thăm Washington.

Mười chín người đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo vào đầu tháng 4, trong đó có chín trẻ em, theo chính quyền Ukraine. Theo Liên Hiệp Quốc, đây là vụ tấn công gây tử vong cao nhất cho trẻ em kể từ tháng 2 năm 2022. Kyiv tuyên bố quốc tang.

Kovalenko cho biết: “Nga xây dựng mọi cái gọi là ngoại giao và hoạt động lừa đảo xung quanh các cuộc tấn công vào dân thường”.

“Các cuộc đàm phán chưa bao giờ dừng lại các hỏa tiễn đạn đạo và bom trên không,” Tổng thống Zelenskiy nói thêm vào Chúa Nhật. “Nếu không có áp lực đối với Nga, hòa bình là điều không thể.”

Nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu, Kaja Kallas, cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo vào Sumy là “một ví dụ kinh hoàng về việc Nga tăng cường các cuộc tấn công trong khi Ukraine đã chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện”.

[Newsweek: Zelensky Calls Russia 'Scum' for Palm Sunday Missile Strike]

6. Hoa Kỳ bày tỏ sự cảm thông với Ukraine sau vụ tấn công chết người ở Sumy — nhưng không đề cập đến áp lực lên Nga

Các quan chức Hoa Kỳ đã phản ứng với vụ tấn công chết người của Nga vào Chúa Nhật Lễ Lá tại Sumy bằng lời chia buồn tới Ukraine, nhưng không kêu gọi tăng cường áp lực lên Mạc Tư Khoa.

Nga đã tấn công vào thành phố Sumy ở đông bắc Ukraine bằng hỏa tiễn đạn đạo vào sáng ngày 13 tháng 4, khi nhiều thường dân tụ tập để cử hành Chúa Nhật Lễ Lá. Cuộc tấn công đã giết chết ít nhất 34 người và làm bị thương 117 người, bao gồm cả trẻ em.

Ngày nay, những người theo Chính thống giáo sử dụng lịch Giuliô để tính ngày lễ Phục sinh thay vì lịch Grêgôriô, được giới thiệu vào năm 1582 và được hầu hết thế giới sử dụng. Lịch Giuliô tính một năm dài hơn một chút và hiện chậm hơn 13 ngày so với lịch Grêgôriô, dẫn đến các ngày lễ Phục sinh khác nhau trong hầu hết các năm.

Thông thường, lễ Phục sinh của Chính Thống Giáo diễn ra sau lễ Phục sinh của Công Giáo. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn trùng nhau như đã xảy ra vào những năm 2010, 2011, 2014, 2017 và năm nay 2025.

Thành ra, khu vực trung tâm của thành phố Summy tấp nập anh chị em giáo dân. Nga đã chọn đúng thời điểm khi một số người đang đến nhà thờ và một số người vừa ra khỏi nhà thờ sau khi tan lễ. Đó là thời điểm đông người nhất.

“Hoa Kỳ xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các nạn nhân của cuộc tấn công hỏa tiễn kinh hoàng của Nga vào Sumy ngày hôm nay”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio viết trên X.

“Đây là lời nhắc nhở bi thảm về lý do tại sao Tổng thống Trump và chính quyền của ông lại dành nhiều thời gian và công sức để cố gắng chấm dứt cuộc chiến này và đạt được nền hòa bình lâu dài.”

Tuyên bố của Rubio lặp lại những phát biểu trước đó của Đặc phái viên Keith Kellogg, người cũng cho biết cuộc tấn công đã chứng minh tầm quan trọng của những nỗ lực hòa bình của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Kellogg đã đi xa hơn Rubio một bước khi lên án cuộc tấn công của Nga vào dân thường, nói rằng nó “vượt qua mọi ranh giới của sự nghiêm chỉnh”.

“Có rất nhiều thường dân chết và bị thương. Là một cựu lãnh đạo quân đội, tôi hiểu việc tấn công và điều này là sai trái”, ông nói.

Giống như Rubio, Kellogg không kêu gọi tăng cường áp lực hoặc trừng phạt Mạc Tư Khoa một cách rõ ràng.

Sự thiếu sót này đáng chú ý khi so sánh với phản ứng của các nhà lãnh đạo Âu Châu, những người lên án cuộc tấn công là tội ác chiến tranh và yêu cầu tăng cường gây áp lực buộc Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện.

“Nga cho thấy họ không tôn trọng luật pháp quốc tế hay luật nhân đạo”, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb nói.

“Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến này. Một lệnh ngừng bắn vô điều kiện phải bắt đầu ngay lập tức. Để thực hiện cam kết nghiêm chỉnh đối với các cuộc đàm phán, các lệnh trừng phạt đối với Nga cần phải được tăng cường hơn nữa.”

Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng cho biết ông “kinh hoàng trước các cuộc tấn công khủng khiếp của Nga” và kêu gọi Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn hoàn toàn.

“Tổng thống Zelenskiy đã thể hiện cam kết của mình đối với hòa bình. Putin hiện phải đồng ý ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức mà không có điều kiện,” ông nói.

Phản ứng của Âu Châu thừa nhận rộng rãi rằng Ukraine đã đồng ý chấp nhận đề xuất của Washington về lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày, trong khi Nga vẫn tiếp tục từ chối các điều khoản.

Một ngày trước vụ tấn công Sumy, Tổng thống Trump cho biết các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine “diễn ra tốt đẹp”. Bình luận của ông được đưa ra một ngày sau khi Đặc phái viên Steve Witkoff gặp Putin tại St. Petersburg vào ngày 11 tháng 4 để thảo luận về “các khía cạnh của giải pháp cho Ukraine”.

Trong khi Tổng thống Trump đã bày tỏ sự thất vọng trước sự trì hoãn của Điện Cẩm Linh, ông vẫn chưa thực hiện lời đe dọa áp đặt thuế quan và lệnh trừng phạt mới đối với Nga.

[Kyiv Independent: US offers sympathy to Ukraine after deadly Sumy attack — but no mention of pressure on Russia]

7. Ngoại trưởng Ukraine: Tư cách thành viên NATO của Kyiv không nên bị loại khỏi bàn đàm phán

Ngoại trưởng Andrii Sybiha phát biểu tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya ngày 12 tháng 4 rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine phải được đưa vào chương trình nghị sự quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hội nhập của Kyiv là điều cần thiết cho an ninh xuyên Đại Tây Dương lâu dài.

“Đây không chỉ là vấn đề của Ukraine,” Sybiha nói. “Đây là vấn đề an ninh xuyên Đại Tây Dương. Đây là vấn đề đóng góp của chúng tôi.”

Ông nhấn mạnh rằng Ukraine hiện đang điều động 110 lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu, mô tả chúng là “đóng góp thực tế, đúng đắn cho an ninh trong tương lai — và, nhân tiện, là đóng góp rẻ nhất”.

Sybiha cũng chỉ trích Nga vì vi phạm tất cả 10 nguyên tắc của Công ước Helsinki và nêu bật các vấn đề trong Liên Hiệp Quốc. “Năm nay, chúng ta kỷ niệm 80 năm Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Tại sao tôi lại đề cập đến điều này? Bởi vì điều quan trọng là luật pháp quốc tế phải là luật pháp, không chỉ là tuyên bố hay lời nói”, ông nói.

Ông nói thêm rằng hệ thống toàn cầu đã chứng minh là “rối loạn chức năng” và “bất công” sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. “Chúng ta cần các công cụ thực thi mới. Chúng ta cần cải cách. Chúng ta cần cải cách trong Liên Hiệp Quốc và, nhân tiện, trong luật nhân đạo — trong Công ước Geneva. Chúng ta phải cập nhật chúng, không chỉ cho Ukraine mà còn cho các quốc gia khác như Syria. Có một kinh nghiệm cay đắng như vậy, chúng tôi sẵn sàng đóng góp. “

Đề cập đến cuộc chiến đang diễn ra, Sybiha tái khẳng định mong muốn hòa bình của Ukraine nhưng cảnh báo về việc sử dụng sai thuật ngữ này. “Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc chiến này trong năm nay. Nhưng điều quan trọng là không được thao túng”, ông nói.

“Cách thức cuộc chiến này kết thúc sẽ quyết định cấu trúc an ninh tương lai của Âu Châu — nó phụ thuộc vào an ninh tương lai của mọi gia đình ở Âu Châu,” ông nói. “Đó là lý do tại sao việc đạt được một nền hòa bình rõ ràng và lâu dài là vô cùng quan trọng.”

Sybiha cũng lên án Nga vì leo thang các cuộc tấn công vào Ukraine mặc dù Kyiv đã cam kết ngừng bắn hoàn toàn.

“Hôm qua đánh dấu đúng một tháng kể từ khi Ukraine ủng hộ vô điều kiện lệnh ngừng bắn hoàn toàn”, ông nói. “Thay vì vậy, Nga chỉ leo thang khủng bố”, Sybiha nói

Theo Ngoại trưởng, lực lượng Nga đã phóng gần 70 hỏa tiễn, hơn 2.020 máy bay điều khiển từ xa Shahed và hơn 6.000 quả bom dẫn đường trên không trong tháng qua - phần lớn trong số đó nhắm vào các khu vực dân sự.

“Điều này cho thế giới thấy rõ ai thực sự muốn hòa bình và ai đang dấn thân vào chiến tranh”, ông nói.

[Kyiv Independent: Ukrainian FM: Kyiv's membership in NATO should not be off the table]

8. ‘Họ không sợ’ - Tổng thống Zelenskiy kêu gọi tăng cường áp lực quốc tế sau cuộc tấn công của Nga vào Sumy

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối ngày 13 tháng 4 rằng cộng đồng quốc tế phải tăng cường gây áp lực lên Nga sau vụ tấn công chết người vào Chúa Nhật Lễ Lá tại thành phố Sumy của Ukraine.

Nga đã tấn công Sumy bằng hỏa tiễn đạn đạo có gắn bom chùm vào sáng Chúa Nhật Lễ Lá, khiến ít nhất 34 người thiệt mạng và 117 người khác bị thương. Hai trẻ em đã thiệt mạng trong vụ tấn công.

Tổng thống Zelenskiy cảm ơn “nhiều nhà lãnh đạo thế giới, các nhà ngoại giao, và người dân thường” đã bày tỏ lời chia buồn với Ukraine và “lên án cuộc tấn công của Nga”. Đồng thời, ông nhận xét về việc thiếu “áp lực” đối với Nga, điều này đã cho phép nước này tiếp tục các cuộc tấn công vào Ukraine.

“Tôi muốn cảm ơn tất cả những ai nhớ rằng chiến tranh sẽ kết thúc khi tội ác chiến tranh không bị lãng quên – và khi kẻ xâm lược phải chịu đủ áp lực. Và đó chính xác là điều đang thiếu hiện nay”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Trong khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi tăng cường lệnh trừng phạt và gây áp lực lên Mạc Tư Khoa sau vụ tấn công hỏa tiễn, các quan chức Mỹ đã bỏ qua những yêu cầu như vậy trong phản ứng của họ, thay vào đó nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực hòa bình của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Cuộc tấn công xảy ra tại Sumy trong bối cảnh Washington đang nỗ lực dàn xếp lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Trong khi Kyiv đồng ý ngừng bắn toàn bộ trong 30 ngày một tháng trước, Mạc Tư Khoa đã từ chối và tiếp tục tấn công Ukraine.

“Thứ sáu này đánh dấu đúng một tháng kể từ khi Nga từ chối đề xuất của Hoa Kỳ về lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện. Họ không sợ hãi”, Tổng thống Zelenskiy nói.

“Đó là lý do tại sao họ tiếp tục phóng hỏa tiễn đạn đạo. Đó là lý do tại sao có gần một trăm máy bay điều khiển từ xa tấn công mỗi đêm – hầu hết là Shaheds – nhắm vào các thành phố bình thường của Ukraine. Chỉ có áp lực – chỉ có hành động quyết định – mới có thể thay đổi điều này.”

[Kyiv Independent: 'They are not afraid' — Zelensky calls for increased international pressure after Russian attack on Sumy]

9. Na Uy cam kết khoảng 940 triệu đô la để đào tạo và trang bị cho lữ đoàn Ukraine

Theo chính phủ Na Uy, Na Uy sẽ phân bổ 10 tỷ kroner Na Uy (khoảng 937 triệu đô la) vào năm 2025 để hỗ trợ trang bị và huấn luyện một lữ đoàn quân đội Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Tore O. Sandvik tuyên bố vào ngày 11 tháng 4 trong cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine.

Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Bắc Âu-Baltic nhằm hỗ trợ lực lượng trên bộ của Ukraine. Na Uy sẽ đóng vai trò chủ đạo trong thành phần đào tạo, phối hợp chặt chẽ với chính quyền Ukraine và các quốc gia đồng minh.

“Na Uy đoàn kết với Âu Châu để hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Ukraine, về mặt chính trị, kinh tế và quân sự,” Sandvik cho biết. “Đóng góp của chúng tôi bao gồm cả vật chất từ quốc phòng của chúng tôi và việc mua đạn dược và thiết bị từ ngành công nghiệp Ukraine và quốc tế. Không kém phần quan trọng, chúng tôi sẽ đóng góp bằng cách đào tạo.”

Thay vì thành lập một lữ đoàn hoàn toàn mới, sáng kiến này sẽ tập trung vào việc phát triển các đơn vị mô-đun — tức là các thành phần nhỏ hơn được thiết kế để tích hợp vào và tăng cường các lữ đoàn hiện có của Ukraine. Các lữ đoàn này thường bao gồm 3.000 đến 5.000 binh lính và sở hữu nhiều khả năng chiến đấu cho phép họ hoạt động độc lập.

Sandvik giải thích: “Dưới sự lãnh đạo của Na Uy, các nước Bắc Âu và Baltic hợp tác chặt chẽ với chính quyền Ukraine để bảo đảm rằng chương trình đào tạo và trang thiết bị đáp ứng tốt nhất có thể nhu cầu của Ukraine”.

Các sáng kiến trước đây về việc để những người ủng hộ phương Tây của Ukraine huấn luyện và trang bị cho các lữ đoàn mới đã gây ra rất nhiều tranh cãi.

Lữ đoàn 155 được dự định là một dự án chủ lực cho các lữ đoàn Ukraine được đào tạo và trang bị vũ khí với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố vào tháng 6 rằng Pháp sẽ cung cấp đào tạo và thiết bị quân sự như một phần của sáng kiến này.

Mặc dù Paris đã thực hiện đúng cam kết về đào tạo và cung cấp vũ khí, một cuộc điều tra do Yurii Butusov, tổng biên tập của hãng truyền thông Censor.net của Ukraine chỉ đạo, đã chỉ ra những vấn đề trong quá trình thành lập và quản lý lữ đoàn, được cho là đã dẫn đến 1.700 trường hợp binh lính bỏ trốn khỏi đơn vị trước khi nổ súng.

Trong hội nghị thượng đỉnh Brussels, Sandvik cũng đã có cuộc họp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov.

Theo Bloomberg, Na Uy cũng tham gia cùng Vương quốc Anh trong việc cam kết gói viện trợ quân sự chung trị giá 585 triệu đô la cho Ukraine. Vương quốc Anh sẽ đóng góp 350 triệu bảng Anh, hay 455 triệu đô la, trong khi Na Uy sẽ cung cấp 100 triệu bảng Anh, hay 130 triệu đô la, thông qua Quỹ quốc tế do Vương quốc Anh đứng đầu cho Ukraine. Gói đó bao gồm hỗ trợ sửa chữa các thiết bị đã được chuyển giao trước đó, hệ thống radar, mìn chống tăng và hàng trăm ngàn máy bay điều khiển từ xa.

Đầu tuần này, Oslo cũng đã cam kết tài trợ 454 triệu đô la để mua đạn pháo cho Ukraine.

[Kyiv Independent: Norway pledges around $940 million to train and equip Ukrainian brigade]

10. Tổng thống Zelenskiy áp đặt lệnh trừng phạt đối với 4 chính trị gia, doanh nhân thân Nga

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã ký sắc lệnh áp đặt lệnh trừng phạt đối với bốn chính trị gia và doanh nhân nổi tiếng vào hôm Chúa Nhật, 13 Tháng Tư.

Nghị định này có hiệu lực sau khi Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine đưa ra quyết định trước đó.

Danh sách này bao gồm Serhii Arbuzov, cựu giám đốc Ngân hàng Quốc gia Ukraine và cựu phó thủ tướng thứ nhất; Andriy Klyuyev, cựu giám đốc chính quyền tổng thống Viktor Yanukovych từng có ảnh hưởng lớn và bị Hoa Kỳ trừng phạt vào năm 2015; doanh nhân người Ukraine Viktor Polishchuk; và ông trùm Alyona Shevtsova.

Các biện pháp trừng phạt đóng băng tài sản và áp đặt thêm các hạn chế tài chính đối với bốn người.

Arbuzov, người được cho là đã trốn khỏi Ukraine sang Nga vào năm 2015 và đang bị Văn phòng Tổng công tố Ukraine truy nã, đã từng giữ chức thủ tướng tạm quyền vào năm 2014 trong bối cảnh các cuộc biểu tình đường phố đang diễn ra, được gọi là Cách mạng EuroMaidan.

Hoa Kỳ đã trừng phạt Klyuyev gần một thập niên trước vì vai trò của ông trong chính phủ của Tổng thống thân Nga bị lật đổ Yanukovych.

Các công tố viên Hoa Kỳ cho biết ông nằm trong số những người trả tiền cho nhà vận động hành lang và cố vấn chính trị người Mỹ Paul Manafort, người bị kết tội gian lận ngân hàng và khai thuế gian lận.

Người ta cũng tin rằng Klyuyev hiện đang sống ở Nga.

[Kyiv Independent: Zelensky imposes sanctions on 4 pro-Russian politicians, businessmen]

11. Tổng thống Trump miễn thuế quan có qua có lại cho điện thoại, và máy tính

Tổng thống Trump đã miễn trừ điện thoại thông minh, máy tính và nhiều thiết bị điện tử khác khỏi mức thuế quan tương hỗ toàn cầu sau một tuần thị trường biến động vì cuộc chiến thương mại toàn cầu của ông.

Một hướng dẫn do Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ công bố vào cuối ngày thứ Sáu đã miễn trừ các thiết bị điện tử tiêu dùng này — nhiều sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc — khỏi mức thuế quan tăng dần qua lại của Tổng thống Trump với Trung Quốc và mức thuế toàn cầu 10 phần trăm. Các máy móc được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn cũng sẽ được miễn.

Mặc dù các thiết bị điện tử này sẽ không phải chịu mức thuế quan tăng cao mà Tổng thống Trump áp dụng trong tuần này trong cuộc chiến qua lại với Trung Quốc, nhưng những mặt hàng này vẫn có thể bị đánh thuế đáng kể nếu được sản xuất tại đó.

Cố vấn cao cấp của Tòa Bạch Ốc Stephen Miller đã đăng trên X rằng những sản phẩm này vẫn “phải chịu mức thuế theo tuyên bố ban đầu đối với Trung Quốc là 20 phần trăm”, có thể ám chỉ đến lệnh riêng của Tổng thống Trump mà ông ban hành do cái mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng ma túy bất hợp pháp”.

Tổng thống Trump cũng đã ám chỉ rằng ông đang cân nhắc áp dụng thuế quan theo ngành đối với một số hàng hóa — bao gồm cả chất bán dẫn, vốn rất quan trọng đối với nhiều thiết bị điện tử.

Ngoại lệ vẫn có thể là một chiến thắng cho các công ty công nghệ như Apple đang phải đối mặt với khả năng tăng giá trong bối cảnh chi phí sản xuất sẽ tăng vọt theo kế hoạch thuế quan của Tổng thống Trump. Các trường hợp loại trừ diễn ra khi các công ty công nghệ khổng lồ của Thung lũng Silicon đã thân thiện với Tổng thống Trump, tìm cách thâm nhập vào chính quyền của ông.

Động thái giảm thuế đối với hàng điện tử là bước đi mới của chính quyền sau khi thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karoline Leavitt phát biểu đầu tuần này rằng các công ty lớn như Apple nên chuyển hoạt động sản xuất sang Hoa Kỳ — một quá trình có thể mất nhiều năm.

“Chúng tôi có đủ nhân lực, lực lượng lao động và nguồn lực để thực hiện điều đó,” Leavitt cho biết hôm thứ Ba.

Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Bảy, Leavitt nhấn mạnh lại mục tiêu của Tổng thống Trump là đưa hoạt động sản xuất đó về Hoa Kỳ, nhưng không giải thích lý do tại sao lệnh miễn thuế được ban hành vào thời điểm này.

“Tổng thống Trump đã nói rõ rằng nước Mỹ không thể dựa vào Trung Quốc để sản xuất các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn, chip, điện thoại thông minh và máy tính xách tay”, Leavitt cho biết. “Đó là lý do tại sao Tổng thống đã bảo đảm hàng ngàn tỷ đô la đầu tư của Hoa Kỳ từ các công ty công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm Apple, TSMC và Nvidia. Theo chỉ đạo của Tổng thống, các công ty này đang nỗ lực đưa hoạt động sản xuất của họ vào Hoa Kỳ càng sớm càng tốt “.

Nhưng tác động tiềm tàng đối với người tiêu dùng đã gây ra tranh cãi trực tuyến. Tổng giám đốc điều hành GameStop Ryan Cohen — một người ủng hộ nhiệt thành của Tổng thống Trump — đã chỉ trích thuế quan trực tuyến, nói rằng ông “không thể chờ đợi để có được chiếc iPhone trị giá 10.000 đô la sản xuất tại Hoa Kỳ của mình”.

Tuyên bố về cuộc chiến thương mại toàn cầu của Tổng thống Trump vào “Ngày giải phóng” của ông vào ngày 2 tháng 4 đã gây chấn động khắp thế giới. Một số quốc gia từ Trung Quốc đến Canada ngay lập tức đáp trả bằng thuế quan trả đũa, dẫn đến sự chỉ trích từ chính quyền khi Tổng thống Trump thúc đẩy các quốc gia “HÃY BÌNH TĨNH” và cho phép thuế quan có hiệu lực.

Thị trường chứng khoán lao dốc sau thông báo này, điều này cũng ảnh hưởng đến ngành công nghệ. Giá trị thị trường của Apple đã giảm 640 tỷ đô la trong tuần trước. Một số quốc gia đã nhanh chóng mở các cuộc đàm phán với chính quyền và có khả năng giảm bớt tác động của các mức thuế quan rộng khắp.

Sau đó vào thứ Tư, Tổng thống Trump đã đảo ngược quyết định và ban hành lệnh tạm dừng áp thuế trong 90 ngày đối với mọi quốc gia nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế cơ sở 10 phần trăm sẽ có hiệu lực trong thời gian tạm thời. Nhưng lệnh tạm dừng này không được gia hạn cho Trung Quốc, nước có mức thuế chỉ tăng sau một đợt trả đũa ăn miếng trả miếng trong tuần này.

Tổng thống Trump đã mở ra cánh cửa miễn trừ trên Không lực Một vào hôm thứ sáu khi ông nói với các phóng viên rằng có thể có những miễn trừ “vì những lý do hiển nhiên” trong khi nhắc lại mức cơ sở 10 phần trăm.

Trước đó, ông đã bình luận rằng một số lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn về thuế quan so với những lĩnh vực khác — và rằng ông sẵn sàng “linh hoạt”. Nếu chính quyền của ông áp dụng thuế quan theo ngành đối với công nghệ như chất bán dẫn, thì mức thuế này có thể sẽ thấp hơn mức thuế hiện tại đối với Trung Quốc.

“Một số công ty, không phải do lỗi của họ, tình cờ hoạt động trong một ngành bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi những điều này so với những ngành khác”, Tổng thống Trump phát biểu hôm thứ Tư. “Bạn phải có khả năng thể hiện một chút linh hoạt, và tôi có thể làm được điều đó”.

Những người theo đảng Dân chủ phản ứng với việc miễn thuế đối với hàng điện tử đang chỉ trích chính quyền vì dường như thay đổi thái độ về thuế quan. Một số người chỉ ra khoản quyên góp hàng triệu đô la mà CEO Apple Tim Cook đã tặng cho Tổng thống Trump nhân lễ nhậm chức của ông.

“Vì vậy, trong khi các gia đình lao động phải trả nhiều tiền hơn, Apple lại được đối xử đặc biệt”, Dân biểu Greg Casar nói.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy chỉ trích mạnh mẽ thuế quan là một phần của “chế độ thưởng cho các doanh nghiệp lớn như Apple có thể đóng góp rất lớn cho Tổng thống Trump”.

“Tôi đã nói với bạn rằng các công ty hoặc ngành công nghiệp sẽ quỳ gối trước Tổng thống Trump để yêu cầu cứu trợ và miễn trừ. Và tất nhiên Tổng thống Trump sẽ yêu cầu lòng trung thành để đổi lại,” Murphy viết trên X.

[Politico: Trump exempts phones, computers from his reciprocal tariffs]

12. Hoa Kỳ và Iran kết thúc vòng đàm phán gián tiếp đầu tiên tại Oman về các cuộc đàm phán chương trình hạt nhân

Iran và Hoa Kỳ đã có cuộc đàm phán gián tiếp tại Oman vào ngày 12 tháng 4. Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết như trên hôm Chúa Nhật, 13 Tháng Tư.

Đây là vòng đàm phán đầu tiên giữa Tehran và chính quyền Ông Donald Trump của Hoa Kỳ sau nhiều năm căng thẳng gia tăng.

Các cuộc đàm phán nhằm giải quyết chương trình hạt nhân đang phát triển của Iran, trong bối cảnh Hoa Kỳ đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu không đạt được thỏa thuận nào.

Các quan chức Iran mô tả các cuộc đàm phán là có hiệu quả, mặc dù chưa có bình luận chính thức nào từ phía Hoa Kỳ.

“Phía Mỹ đã cố gắng thể hiện thiện chí đạt được một thỏa thuận công bằng”, Araghchi cho biết.

Theo hãng thông tấn Tasnim của Iran, Araghchi cho biết cả hai bên đang tiến gần đến việc thiết lập khuôn khổ cho các cuộc đàm phán chính thức và đồng ý sẽ họp lại vào tuần tới, có thể là thứ Bảy tuần tới.

“Bầu không khí của phiên họp hôm nay cho thấy tính liên tục”, Araghchi bình luận.

Các cuộc đàm phán được Oman làm trung gian, với các phái đoàn trao đổi thông điệp trong các phòng riêng biệt thông qua Ngoại trưởng Oman - một thỏa thuận được Iran ưa chuộng, trái ngược với lời kêu gọi đàm phán trực tiếp của Hoa Kỳ.

Araghchi xác nhận rằng phái đoàn Hoa Kỳ và Iran đã có cuộc trao đổi ngắn gọn sau cuộc họp kéo dài hơn hai tiếng rưỡi.

Trước đây, Nga đã bày tỏ mong muốn làm trung gian cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran.

Nga và Iran đã thắt chặt quan hệ kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện. Đáng chú ý, Iran đã cung cấp cho Nga hàng ngàn máy bay điều khiển từ xa Shahed được sử dụng trong các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine, cũng như hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn.

[Kyiv Independent: US and Iran conclude first round of indirect talks in Oman over nuclear program negotiations]
 
Phóng sự đặc biệt: Lễ Lá tại Vatican. ĐTC xuất hiện vào phút chót, chào thăm các tín hữu
VietCatholic Media
05:41 14/04/2025

Sáng Chúa Nhật 13 tháng Tư Lễ Lá, khởi sự Tuần Thánh, là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ Công Giáo đã được cử hành tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngày Chúa Nhật Lễ Lá này cũng là ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 40 được cử hành ở cấp giáo phận.

Trước sự hiện diện của đông đảo các tín hữu, theo ước lượng sơ khởi lên đến 70.000 người, gấp đôi năm 2022 khi mới thoát khỏi đại dịch coronavirus, cuộc rước lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem đã diễn ra trọng thể, và được tiếp nối bằng thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa.

Các cành lá dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước lá do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng; còn các cây và cành ô liu trang trí bàn thờ và Quảng trường thánh Phêrô do miền Puglie nam Italia tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo và Bordighera và một số tổ chức khác ở miền Liguria trao tặng theo một truyền thống có từ thế kỷ 16. Các cành lá này được đoàn đồng tế, kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay.

Đức Hồng Y Leonardo Sandri đã cử hành thánh lễ thay cho Đức Thánh Cha vì ngài vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Đồng tế với Đức Hồng Y Leonardo Sandri và tham dự cuộc rước lá có 30 Hồng Y và 50 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của giáo phận Roma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Dưới đây là toàn văn bài giảng được Đức Thánh Cha chuẩn bị, và đã được Đức Hồng Y Leonardo Sandri đọc thay cho ngài.

“Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Lc 19:38). Đám đông đã chào đón Chúa Giêsu khi Người tiến vào Giêrusalem. Đấng Messia đã đi vào thành qua cổng thành thánh, mở toang để chào đón Đấng, mà vài ngày sau sẽ ra khỏi thành qua cùng cổng đó, lần này bị nguyền rủa và lên án, và phải vác thập giá.

Hôm nay, chúng ta cũng bước theo Chúa Giêsu, trước tiên là trong một cuộc rước lá và sau đó là trên con đường đau khổ và buồn phiền, khi chúng ta bước vào Tuần Thánh chuẩn bị tưởng niệm cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa.

Khi chúng ta nhìn vào khuôn mặt của những người lính và những giọt nước mắt của những người phụ nữ trong đám đông, sự chú ý của chúng ta hướng đến một người vô danh mà tên của người này đột nhiên xuất hiện trong Phúc âm: đó là Ông Simon xứ Kirênê. Ông là người bị những người lính bắt giữ, sau đó “đặt thập giá lên người ông và bắt ông vác theo sau Chúa Giêsu” (Lc 23:26). Vào lúc đó, ông đang từ ngoài đồng trở về. Ông tình cờ đi ngang qua khi ông bất ngờ thấy mình bị cuốn vào một vở kịch đã áp đảo ông, khi một khúc gỗ nặng được đặt trên vai ông.

Khi chúng ta đi trên con đường đến đồi Canvê, hãy cùng nhau suy ngẫm một chút về hành động của Simon, cố gắng nhìn vào trái tim ông và bước theo bước chân ông bên cạnh Chúa Giêsu.

Trước hết, hành động của Simon là mâu thuẫn. Một mặt, ông bị ép phải vác thập giá. Ông không giúp Chúa Giêsu vì tin tưởng, mà vì bị ép buộc. Mặt khác, sau đó ông trở nên đích thân tham gia vào cuộc khổ nạn của Chúa. Thập giá của Chúa Giêsu trở thành thập giá của Simon. Ông không phải là Simon, được gọi là Phêrô, người đã hứa sẽ theo Thầy mọi lúc. Simon đó đã biến mất vào đêm Chúa bị phản bội, ngay cả sau khi ông đã thốt lên: “Lạy Chúa, dầu có vào tù hay chết với Chúa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22:33). Người hiện đang theo Chúa Giêsu không phải là môn đệ đó, mà là người đàn ông xứ Kirênê này. Tuy nhiên, Chúa đã dạy rõ ràng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9:23). Simon người Galilê nói nhưng không hành động. Simon người Kirênê hành động nhưng không nói. Giữa ông và Chúa Giêsu, không có cuộc đối thoại; không một lời nào được nói ra. Giữa ông và Chúa Giêsu, chỉ có gỗ thập giá.

Nếu chúng ta muốn biết liệu Simon thành Kirênê có giúp đỡ hay ghét Chúa Giêsu, người mà giờ đây ông phải chia sẻ đau khổ, liệu ông có “vác” thập giá của Chúa hay chỉ đơn giản là kề vai đưa nó về phía trước, chúng ta phải nhìn vào trái tim của ông. Trong khi trái tim của Chúa luôn rộng mở, bị đâm thủng bởi nỗi đau cho thấy lòng thương xót của Người, thì trái tim con người vẫn khép kín. Chúng ta không biết điều gì đã xảy ra trong trái tim của Simon. Chúng ta hãy tưởng tượng mình ở vị trí của ông: chúng ta sẽ cảm thấy tức giận hay thương hại, trắc ẩn hay khó chịu? Khi chúng ta nghĩ đến những gì Simon đã làm cho Chúa Giêsu, chúng ta cũng nên nghĩ về những gì Chúa Giêsu đã làm cho Simon — những gì Người đã làm cho tôi, cho bạn, cho mỗi người chúng ta: Người đã cứu chuộc thế giới. Thập giá bằng gỗ mà Simon thành Kirênê đã vác là thập giá của Chúa Kitô, là Đấng đã mang lấy tội lỗi của toàn thể nhân loại. Người đã mang lấy chúng vì tình yêu thương chúng ta, trong sự vâng phục Chúa Cha (x. Lc 22:42); Người đã chịu đau khổ với chúng ta và vì chúng ta. Theo cách bất ngờ và đáng kinh ngạc này, Simon thành Kirênê trở thành một phần của lịch sử cứu độ, trong đó không ai là người xa lạ, không ai là ngoại kiều.

Chúng ta hãy bước theo dấu chân của Simon, vì ông dạy chúng ta rằng Chúa Giêsu đến để gặp gỡ mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Khi chúng ta thấy đám đông lớn những người đàn ông và phụ nữ mà lòng hận thù và bạo lực thúc đẩy phải bước đi trên con đường đến đồi Canvê, chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa đã biến con đường này thành nơi cứu chuộc, vì chính Người đã bước đi trên con đường đó, hiến mạng sống mình vì chúng ta. Có bao nhiêu Simon thành Kirênê trong thời đại của chúng ta, đang mang thập giá của Chúa Kitô trên vai! Chúng ta có thể nhận ra họ không? Chúng ta có thể nhìn thấy Chúa trên khuôn mặt của họ, bị hủy hoại bởi gánh nặng của chiến tranh và sự thiếu thốn không? Đối mặt với sự bất công khủng khiếp của cái ác, chúng ta không bao giờ mang thập giá của Chúa Kitô một cách vô ích; ngược lại, đó là cách hữu hình nhất để chúng ta chia sẻ tình yêu cứu chuộc của Người.

Cuộc thương khó của Chúa Giêsu trở thành lòng thương xót bất cứ khi nào chúng ta đưa tay ra với những người cảm thấy họ không thể tiếp tục, khi chúng ta nâng đỡ những người đã ngã xuống, khi chúng ta ôm lấy những người nản lòng.

Anh chị em thân mến, để trải nghiệm phép lạ lớn lao của lòng thương xót này, chúng ta hãy quyết định cách thức chúng ta phải mang thập giá của chính mình trong Tuần Thánh này: nếu không phải trên vai, thì trong trái tim chúng ta. Và không chỉ thập giá của chúng ta, mà còn là thập giá của những người đau khổ xung quanh chúng ta; thậm chí có thể là thập giá của một người vô danh nào đó mà tình cờ — nhưng có thực sự là tình cờ không? — đã đặt trên con đường của chúng ta. Chúng ta hãy chuẩn bị cho mầu nhiệm vượt qua của Chúa bằng cách là mỗi người chúng ta trở thành một Simon thành Kirênê đối với nhau.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tân Thủ tướng Đức: Giao ngay hỏa tiễn Taurus cho Kyiv, phá tan cây Cầu Crimea mới mong có hòa bình
VietCatholic Media
16:13 14/04/2025


1. Merz ra hiệu Ukraine có thể sử dụng hỏa tiễn Taurus để nhắm vào Cầu Kerch ở Crimea

Friedrich Merz, thủ tướng tương lai của Đức, đã gợi ý vào ngày 13 tháng 4 rằng hỏa tiễn tầm xa Taurus, nếu được chuyển giao cho Ukraine, có thể được sử dụng để nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự chiến lược của Nga ở Crimea bị tạm chiếm, bao gồm cả Cầu Kerch.

Cầu Crimea hay còn được gọi là cầu Kerch dài 19 km, hay 12 dặm, được xây dựng sau khi Nga xâm lược Crimea bất hợp pháp vào năm 2014 và hoàn thành vào năm 2018, đóng vai trò là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga. Cây cầu đã bị Ukraine tấn công nhiều lần, bị hư hại nặng nề trong các cuộc không kích vào tháng 10 năm 2022 và tháng 7 năm 2023.

Trong một cuộc phỏng vấn với Caren Miosga của ARD, Merz nhấn mạnh đến nhu cầu hỗ trợ Ukraine chuyển từ thế bị động sang chủ động trên chiến trường, nói rằng Kyiv phải được trang bị để “định hình các sự kiện” và “đi trước tình hình”.

Merz cho biết: “Không thể để mọi thứ vẫn tiếp diễn như hiện tại. Chúng ta phải làm một điều gì đó, ví dụ như nếu tuyến đường bộ quan trọng nhất giữa Nga và Crimea bị phá hủy, hoặc nếu có chuyện gì đó xảy ra ở chính Crimea, nơi tập trung hầu hết các cơ sở hậu cần quân sự của Nga, thì đó sẽ là cơ hội để đưa quốc gia này trở lại vị thế chiến lược”.

Trong khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz đã nhiều lần ngăn chặn việc chuyển giao hỏa tiễn Taurus vì lo ngại về sự leo thang, Merz từ lâu đã chỉ trích lập trường đó.

Với việc Merz chuẩn bị nhậm chức sau chiến thắng bầu cử của đảng Dân chủ Kitô Giáo, quyết định cung cấp hỏa tiễn Taurus có thể sớm trở lại chương trình nghị sự chính trị. Vẫn chưa chắc chắn liệu các đối tác liên minh tương lai của ông từ đảng Dân chủ Xã hội có ủng hộ động thái này hay không.

Merz cũng làm rõ rằng ông không kêu gọi Đức tham gia trực tiếp vào cuộc chiến mà là cung cấp cho Ukraine khả năng chủ động.

Merz trước đây đã lên tiếng ủng hộ việc cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine, nhấn mạnh rằng bước đi như vậy phải được phối hợp với các đồng minh Âu Châu.

“Các đối tác Âu Châu của chúng ta đã cung cấp hỏa tiễn hành trình”, ông nhắc lại vào ngày 13 tháng 4, trích dẫn các nỗ lực của Anh, Pháp và Hoa Kỳ. “Nếu được phối hợp, thì Đức nên tham gia”.

Ukraine đã nhận được ATACMS do Hoa Kỳ cung cấp cũng như hỏa tiễn hành trình SCALP/Storm Shadow từ Pháp và Anh. Cả Washington và Luân Đôn đều cho phép Kyiv sử dụng các hệ thống này để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ bị Nga tạm chiếm, bao gồm cả Crimea.

Chính quyền Tổng thống Biden trước đây và Vương quốc Anh cũng đã cho phép tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa vào các mục tiêu quân sự trên đất Nga vào cuối năm 2024, cụ thể là ở các vùng biên giới Kursk và Bryansk của Nga. Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm Donald Trump đã chỉ trích động thái này.

Trong cuộc phỏng vấn, Merz lên án cuộc tấn công của Nga vào thành phố Sumy của Ukraine vào ngày 13 tháng 4, khiến ít nhất 34 thường dân thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, gọi đó là “một tội ác chiến tranh nghiêm trọng có chủ đích và cố ý”.

“Và tôi nói với tất cả những người ở Đức ngây thơ đang kêu gọi Putin đến bàn đàm phán – rằng đây chính là câu trả lời,” ông nói. “Đó là những gì Putin làm với những người nói chuyện với ông ấy về lệnh ngừng bắn.”

Merz cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa coi lời kêu gọi hòa bình là dấu hiệu của sự yếu kém.

“Rõ ràng là ông ấy hiểu thiện chí đàm phán của chúng ta không phải là lời đề nghị nghiêm chỉnh nhằm tạo điều kiện cho hòa bình mà là sự yếu đuối”, ông nói, ám chỉ đến chuyến thăm Mạc Tư Khoa của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban vào năm ngoái, sau đó vài ngày là cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào một bệnh viện nhi ở Kyiv. Lần này cũng vậy, sau chuyến thăm Putin của Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Trump, chỉ hơn một ngày sau lại xảy ra vụ thảm sát Sumy.

Sự cô lập ngoại giao của phương Tây đối với Putin sau khi cuộc chiến toàn diện nổ ra dường như đang dần được tháo gỡ khi Tổng thống Trump nối lại liên lạc ngoại giao trực tiếp với Mạc Tư Khoa trong nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn.

Những nỗ lực này phần lớn đã bị đình trệ vì Điện Cẩm Linh bác bỏ đề xuất của Washington và Kyiv về lệnh ngừng bắn toàn phần trong 30 ngày và tiếp tục các cuộc tấn công chết người vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine mặc dù đã có lệnh ngừng bắn một phần được thống nhất vào ngày 25 tháng 3.

[Kyiv Independent: Merz signals Ukraine could use Taurus missiles to target Crimea, Kerch Bridge]

2. Nga chia sẻ thông tin cập nhật về cuộc gặp Tổng thống Trump-Putin

Điện Cẩm Linh cho biết vào hôm Thứ Hai, 14 Tháng Tư, rằng cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Putin sẽ diễn ra “vào thời điểm thích hợp”.

Tổng thống Trump đã đưa Tòa Bạch Ốc tiến tới gần hơn với Điện Cẩm Linh, trong bối cảnh hầu hết các đồng minh của Hoa Kỳ và nhiều nhà lập pháp trong nước lo ngại.

Trong khi nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đã ám chỉ rằng ông tin Putin và các quan chức cao cấp của nhà độc tài Nga có thể đang “chần chừ” về thỏa thuận ngừng bắn mà Tổng thống Trump đã cam kết làm trung gian, ông vẫn liên tục tâng bốc nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh và thiết lập một giọng điệu hoàn toàn khác biệt trong các cuộc đàm phán với Mạc Tư Khoa và sau đó là Kyiv.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo “sẽ diễn ra vào thời điểm thích hợp”, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó.

“Các tổng thống đã bày tỏ ý chí chính trị rằng điều đó phải diễn ra, bao gồm cả việc thực hiện công khai”, Peskov cho biết trong bài phát biểu được truyền thông nhà nước Nga đưa tin.

Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Trump, Steve Witkoff—người đã nổi lên như là nhà môi giới liên lạc chính với các quan chức Mạc Tư Khoa—đã gặp Putin tại St. Petersburg vào thứ sáu trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán chậm chạp về một thỏa thuận ngừng bắn. Witkoff đã đến thăm Nga hai lần kể từ Tháng Giêng và đã nhận xét vào tháng trước: “Tôi không coi Putin là một kẻ xấu.”

Bản thông báo của Điện Cẩm Linh về cuộc họp hôm thứ Sáu cho biết Putin và Witkoff đã thảo luận về “các khía cạnh của việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine”. Truyền thông nhà nước Nga đưa tin cuộc họp kéo dài khoảng bốn tiếng rưỡi.

Điện Cẩm Linh đã bác bỏ đề xuất của Hoa Kỳ - mà Ukraine đã đồng ý vào tháng trước - về lệnh ngừng bắn trong 30 ngày và đưa ra sự đồng ý về lệnh ngừng bắn một phần ở Hắc Hải tùy thuộc vào việc nới lỏng lệnh trừng phạt.

“Nga phải hành động”, Tổng thống Trump nói trong một tuyên bố được đăng trên trang Truth Social của ông vào thứ sáu. Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karoline Leavitt trước đó đã nói rằng tổng thống “thất vọng” với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Putin.

Trợ lý của Điện Cẩm Linh và giám đốc quỹ đầu tư quốc gia của nước này, Kirill Dmitriev, đã tới Washington để đàm phán vào đầu tháng này.

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin Peskov cho biết mối quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Washington đang phát triển dưới thời Tổng thống Trump, nhưng tổn hại trong quan hệ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn còn đó.

Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Biden đã lên án gay gắt cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022 và là quốc gia quan trọng nhất đối với nguồn cung cấp viện trợ quân sự của Kyiv. Việc liên lạc giữa nhiều bên ủng hộ Ukraine và Nga đã bị cắt đứt trong phần lớn cuộc chiến hiện tại.

Chi tiết về một thỏa thuận ngừng bắn có thể đáp ứng được cả yêu cầu của Nga và Ukraine vẫn còn chưa rõ ràng.

Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Trump về Nga và Ukraine, hôm thứ Sáu cho biết ông không đề xuất phân chia Ukraine khi trả lời phỏng vấn tờ báo Anh The Times được công bố vào đầu ngày hôm đó.

“Tôi đang nói về lực lượng phục hồi sau ngừng bắn để ủng hộ chủ quyền của Ukraine”, Kellogg cho biết trong một bài đăng trên X. “Trong các cuộc thảo luận về phân vùng, tôi đã tham chiếu đến các khu vực hoặc vùng chịu trách nhiệm của lực lượng đồng minh (không có quân đội Hoa Kỳ)”, Kellogg nói thêm.

Tờ Times đưa tin Kellogg đã đề xuất một “lực lượng trấn an” do quân đội Anh và Pháp chỉ huy ở phía tây sông Dnipro, cùng với lực lượng Ukraine và một khu phi quân sự giữa các lực lượng NATO này và quân đội Nga ở phía đông.

Anh và Pháp đang dẫn đầu “liên minh của những người tự nguyện”, một nhóm các quốc gia ủng hộ Ukraine đang cân nhắc cách cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine trong trường hợp ngừng bắn. Nhưng phần lớn chiến lược này phụ thuộc vào “sự bảo vệ của Hoa Kỳ”, mà Washington vẫn miễn cưỡng đưa ra.

“Mục tiêu của chúng tôi là trấn an, hỗ trợ và bảo vệ Ukraine để bảo đảm rằng bất kỳ giải pháp hòa bình nào cũng có thể chống lại nguy cơ xâm lược của Nga trong tương lai”, Luân Đôn và Paris cho biết trong một tuyên bố chung vào thứ sáu.

[Newsweek: Russia Shares Update on Trump-Putin Meeting]

3. Đại sứ Hoa Kỳ cho biết Nga đã sử dụng bom chùm trong cuộc tấn công chết người vào Sumy

Đại sứ Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm tại Ukraine Bridget Brink cho biết vào ngày 13 tháng 4 rằng Nga đã sử dụng bom chùm trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào thành phố Sumy của Ukraine vào ngày Lễ Lá.

Nga đã tấn công thành phố đông bắc bằng hỏa tiễn đạn đạo vào sáng Chúa Nhật Lễ Lá, giết chết ít nhất 34 người, trong đó có hai trẻ em. Cuộc tấn công làm bị thương ít nhất 117 người khác, trong đó có 15 trẻ em.

Brink đã tham gia vào nhóm các quan chức quốc tế lên tiếng sau vụ tấn công. Trong một bài đăng trên X, Brink cho biết các báo cáo chỉ ra rằng Nga đã sử dụng bom chùm trong cuộc tấn công vào Sumy.

Bà nói: “Các báo cáo cho thấy, giống như ở Kryvyi Rih, bom chùm đã được sử dụng, làm gia tăng sự tàn phá và gây hại cho dân thường”.

Nga đã tấn công bằng hỏa tiễn vào thành phố Kryvyi Rih vào ngày 4 tháng 4, khiến 20 người thiệt mạng và 75 người bị thương. Trong số những người thương vong có cả trẻ em.

Đạn chùm phân tán hàng trăm “bom bi” nhỏ hơn trong một khu vực rộng lớn khi va chạm. Nga đã nhiều lần sử dụng đạn chùm trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của mình, đặc biệt là ở các khu vực dân sự đông dân.

Brink, người gần đây đã tuyên bố từ chức đại sứ mà bà đã đảm nhiệm từ lâu, cũng bày tỏ sự cảm thông của mình.

Brink viết: “Chúng tôi cầu nguyện cho người dân Sumy”.

Sự ra đi của Brink được cho là có liên quan đến những bất đồng với đường lối chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đối với Ukraine và Nga.

Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Ukraine Keith Kellogg cũng lên án cuộc tấn công của Nga vào Sumy, nói rằng việc nhắm vào dân thường “vượt qua mọi ranh giới của sự đàng hoàng”. Cuộc tấn công đã bị các nhà lãnh đạo Âu Châu lên án rộng rãi, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer.

[Kyiv Independent: Russia used cluster munitions in deadly attack on Sumy, US ambassador says]

4. Musk gọi việc cắt giảm nhân sự của NASA do Tổng thống Trump sắp thực hiện là ‘đáng lo ngại’

Elon Musk cho biết các báo cáo về đề xuất ngân sách của Tổng thống Trump sẽ cắt giảm mạnh nguồn tài trợ khoa học của NASA là “đáng lo ngại”, đây là động thái bất đồng mới nhất giữa tổng thống và cố vấn thân cận của ông.

Bình luận của Musk đánh dấu sự chia rẽ công khai lớn thứ hai của ông với Tổng thống Trump trong những lĩnh vực tác động đến công ty của doanh nhân này, trong bối cảnh có thông tin cho rằng Musk sẽ sớm từ chức khỏi Bộ Hiệu quả Chính phủ.

Tỷ phú này dường như cũng đi ngược lại quan điểm của đảng về thuế quan - liên tục nhắm vào Peter Navarro, một trong những gương mặt đại diện cho chương trình nghị sự thương mại của Tổng thống Trump - khi chính quyền áp đặt thuế quan rộng rãi đối với các đối tác thương mại toàn cầu, gây ra sự biến động lớn trên thị trường và khiến Tesla của Musk thiệt hại hàng tỷ đô la.

Đòn chỉ trích mới nhất của Musk đối với các chính sách của chính quyền xuất hiện khi các báo cáo về việc cắt giảm tài trợ cho NASA xuất hiện vào thứ sáu. SpaceX của Musk là một trong những nhà thầu lớn nhất của cơ quan này.

Giám đốc của SpaceX đã trả lời một báo cáo từ hãng tin công nghệ Ars Technica rằng dự thảo đề xuất ngân sách của Văn phòng Quản lý và Ngân sách dành cho NASA sẽ cắt giảm khoảng 20 phần trăm tổng ngân sách của cơ quan này và 50 phần trăm nguồn tài trợ cho cơ quan khoa học, đồng thời gọi tin tức này là “đáng lo ngại”.

“Tôi rất ủng hộ khoa học, nhưng thật không may là không thể tham gia vào các cuộc thảo luận về ngân sách của NASA vì SpaceX là nhà thầu chính của NASA,” ông nói thêm.

POLITICO chưa xác nhận độc lập các con số ngân sách của OMB. Một phát ngôn viên của NASA nói với POLITICO rằng cơ quan này đã xem bản thông báo ngân sách năm 2026 của chính quyền và đã “bắt đầu quá trình thảo luận”, nhưng từ chối bình luận thêm về các chi tiết ngân sách hoặc phát biểu của Musk.

Tổng thống Trump đã tuyên thệ sẽ cắt giảm quy mô của chính phủ liên bang, chọn Musk làm người dẫn đầu trong nỗ lực xóa bỏ “lãng phí, gian lận và lạm dụng”. DOGE của Musk đã thực hiện chỉ thị của mình, cắt giảm mạnh nguồn tài trợ và nhân sự trên khắp các cơ quan liên bang.

Trong khi Musk có thể bị loại khỏi các cuộc thảo luận về ngân sách của cơ quan, ông có mối quan hệ lâu dài với người được Tổng thống Trump chọn làm quản trị viên NASA, Jared Isaacman, người có công ty giải quyết thanh toán Shift4 đã đầu tư vào SpaceX của Musk. Nhưng Isaacman đã tìm cách tách mình khỏi CEO của SpaceX trong phiên điều trần phê chuẩn của Thượng viện tuần này, từ chối xác nhận trực tiếp liệu Musk có trong phòng để phỏng vấn xin việc đầu tiên với tổng thống hay không.

Tòa Bạch Ốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về câu chuyện này, nhưng thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karoline Leavitt hôm thứ Ba đã gạt bỏ những lời chỉ trích trước đó của Musk đối với Navarro, người mà ông gọi là “kẻ ngốc” và gọi là “Peter Retarrdo”, và nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: “Con trai thì vẫn là con trai, và chúng ta sẽ để họ tiếp tục đấu khẩu công khai”.

Tổng thống Trump cũng tiếp tục khen ngợi công việc của Musk với DOGE, nói với ông tại cuộc họp Nội các hôm thứ Năm: “Những người của ông thật tuyệt vời. Hy vọng họ sẽ ở lại lâu dài, chúng tôi muốn giữ càng nhiều người càng tốt.”

Chính quyền cũng đã có động thái cắt giảm đáng kể nguồn tài trợ nghiên cứu ở những nơi khác, bao gồm hủy bỏ nguồn tài trợ cho Chương trình Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu Hoa Kỳ, nơi đưa ra Đánh giá Khí hậu Quốc gia theo yêu cầu của Quốc hội.

Đề xuất cắt giảm tài trợ cho NASA có khả năng sẽ vấp phải sự phản đối từ Quốc hội, nơi có nhiệm vụ hoàn thiện ngân sách trước khi chuyển cho tổng thống ký thành luật.

Một số nhà lập pháp đã lên tiếng phản đối các báo cáo về đề xuất cắt giảm. Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen hôm thứ sáu đã chỉ trích việc cắt giảm của NASA là “thiển cận” và “nguy hiểm” và tuyên bố sẽ đấu tranh chống lại chúng.

“Đây là một đề xuất ngân sách hoàn toàn không nghiêm chỉnh. Với vai trò của tôi tại Tiểu ban CJS về Khoản phân bổ, tôi sẽ đấu tranh quyết liệt chống lại những khoản cắt giảm này và bảo vệ công việc quan trọng đang được thực hiện tại NASA Goddard,” Van Hollen cho biết.

[Politico: Musk calls Trump’s looming NASA cuts ‘troubling’]

5. ‘Sẽ đến lúc bạn phải hoặc là hành động hoặc là dẹp bỏ đi’ - Tổng thống Trump nói về các cuộc đàm phán Nga-Ukraine

Tổng thống Trump cho biết vào ngày 12 tháng 4 rằng các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine đang “diễn ra tốt đẹp”, nhưng nhấn mạnh rằng một giải pháp phải sớm được đưa ra.

Phát biểu với các phóng viên trên Không lực Một, Tổng thống Trump nói thêm rằng “có một thời điểm mà bạn phải hoặc là hành động hoặc là dẹp bỏ đi. Chúng ta hãy xem điều gì xảy ra, nhưng tôi nghĩ mọi việc sẽ ổn”.

Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra sau cuộc họp cao cấp tại Nga, nơi đặc phái viên của ông Steve Witkoff đã gặp Putin vào ngày 11 tháng 4. Chuyến thăm là một phần trong những nỗ lực đang diễn ra của chính quyền Tổng thống Trump nhằm làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa hai nước.

“Tôi nghĩ rằng các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga có thể sẽ diễn ra tốt đẹp. Và bạn sẽ sớm biết được điều đó”, Tổng thống Trump nói.

Trả lời câu hỏi về cuộc tấn công kinh hoàng của Nga vào Kryvyi Rih, quê hương của Tổng thống Zelenskiy, Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng rằng sau cuộc gặp gỡ giữa Steve Witkoff và Putin vào ngày 11 tháng 4, Ukraine sẽ có một cuối tuần bình yên.

Đáp lại niềm hy vọng của Tổng thống Trump, chỉ vài giờ sau đó, Nga đã phóng hai hỏa tiễn đạn đạo có gắn bom chùm, tấn công khu vực trung tâm thành phố Sumy giết chết ít nhất 34 người và làm bị thương 117 người khác. Đó là cuộc tấn công đẫm máu nhất vào khu vực này, và xảy ra trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá khi đông đảo anh chị em giáo dân tụ họp tại các nhà thờ.

Tưởng cũng nên biết thêm: Ngày nay, những người theo Chính thống giáo sử dụng lịch Giuliô để tính ngày lễ Phục sinh thay vì lịch Grêgôriô, được giới thiệu vào năm 1582 và được hầu hết thế giới sử dụng. Lịch Giuliô tính một năm dài hơn một chút và hiện chậm hơn 13 ngày so với lịch Grêgôriô, dẫn đến các ngày lễ Phục sinh khác nhau trong hầu hết các năm.

Thông thường, lễ Phục sinh của Chính Thống Giáo diễn ra sau lễ Phục sinh của Công Giáo. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn trùng nhau như đã xảy ra vào những năm 2010, 2011, 2014, 2017 và năm nay 2025.

Thành ra, khu vực trung tâm của thành phố Summy, nơi tập trung các nhà thờ Chính Thống Giáo và Công Giáo, tấp nập anh chị em giáo dân. Nga đã chọn đúng thời điểm khi một số người đang đến nhà thờ và một số người vừa ra khỏi nhà thờ sau khi tan lễ. Đó là thời điểm đông người nhất.

Một tháng trước, Ukraine đã đồng ý ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày trong các cuộc đàm phán do Hoa Kỳ làm trung gian tại Jeddah. Trong khi đó, Nga không chỉ từ chối ngừng bắn hoàn toàn mà còn tiếp tục tấn công các thành phố của Ukraine và liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn một phần được thiết lập vào giữa tháng 3.

Một số nhà phê bình cho rằng Mạc Tư Khoa đang trì hoãn và không thực sự quan tâm đến việc dừng giao tranh, đặc biệt là khi họ vẫn tiếp tục tiến quân trên chiến trường. Điện Cẩm Linh chưa công khai cam kết thực hiện các điều khoản mà Ukraine đã đồng ý.

Trong khi Tổng thống Trump đôi khi chỉ trích Tổng thống Zelenskiy và giới lãnh đạo Ukraine, gần đây ông cũng bày tỏ sự thất vọng với Nga.

Trong bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 11 tháng 4, Tổng thống Trump nói rằng Nga “phải hành động”.

“ Quá nhiều người chết, hàng ngàn người mỗi tuần, trong một cuộc chiến khủng khiếp và vô nghĩa – Một cuộc chiến không bao giờ nên xảy ra, và sẽ không xảy ra, nếu tôi là Tổng thống!!!”

Vào ngày 10 tháng 4, Tổng thống Trump đã gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia và các lệnh trừng phạt liên quan đối với chính phủ Nga thêm một năm, theo một tài liệu từ Công báo Liên bang Hoa Kỳ.

[Kyiv Independent: 'There’s a point at which you have to either put up or shut up' — Trump says on Russia-Ukraine talks]

6. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức cuộc họp an ninh Hắc Hải với Nga và Ukraine

Các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin vào ngày 13 tháng 4 rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức một cuộc họp an ninh Hắc Hải với các đại diện của Nga và Ukraine vào ngày 15-16 tháng 4.

Cuộc họp tại Ankara sẽ diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Hoa Kỳ công bố thỏa thuận giữa Nga và Ukraine vào ngày 25 tháng 3 nhằm “loại bỏ việc sử dụng vũ lực” ở Hắc Hải.

Các quan chức Nga và Ukraine dự kiến sẽ gặp nhau tại trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara vào ngày 15-16 tháng 4, các hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ CNN Turk và TGRT đưa tin, trích dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc họp sẽ tập trung vào việc duy trì hòa bình ở Hắc Hải sau khi có lệnh ngừng bắn.

Đại diện quân sự từ các quốc gia khác cũng dự kiến sẽ tham dự, mặc dù thông tin chi tiết về những người tham gia cụ thể vẫn chưa được tiết lộ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã định vị mình là một bên trung gian tiềm năng trong cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine bằng cách duy trì quan hệ ngoại giao và kinh tế với cả hai quốc gia. Tận dụng vị thế chiến lược và ảnh hưởng của mình tại khu vực Hắc Hải, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và xuất khẩu ngũ cốc, đồng thời bày tỏ mong muốn tham gia giám sát lệnh ngừng bắn.

Cùng với Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải, cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho đến khi Nga rút khỏi sáng kiến này vào năm 2023.

Trong khi Kyiv ngay lập tức đồng ý chấp nhận đề xuất của Hoa Kỳ về lệnh ngừng bắn 30 ngày mà không có điều kiện vào ngày 11 tháng 3, Nga đã từ chối các điều khoản. Sau các cuộc đàm phán bổ sung với Hoa Kỳ, Nga đã đồng ý trên danh nghĩa một lệnh ngừng bắn một phần ở Hắc Hải và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Kyiv đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm lệnh ngừng bắn về cơ sở hạ tầng năng lượng.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu vào ngày 6 tháng 4 rằng Điện Cẩm Linh sẽ không chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện vì Nga muốn tiếp tục tấn công bằng hỏa tiễn từ Hắc Hải.

Trong bối cảnh lệnh ngừng bắn được gọi như vậy, Nga vẫn tiếp tục tấn công các thành phố của Ukraine và giết hại thường dân.

[Kyiv Independent: Turkey to hold Black Sea security meeting with Russia and Ukraine]

7. Vụ nổ làm rung chuyển nhà máy nhiệt điện ở Nga

Bộ Dịch vụ Khẩn cấp địa phương đưa tin vào ngày 13 tháng 4, một vụ nổ đã xảy ra tại một nhà máy nhiệt điện ở thành phố Orenburg của Nga.

Hậu quả là một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một trạm biến áp vào buổi sáng, khiến nhiều người dân địa phương mất điện. Không có thương vong và đám cháy hiện đã được dập tắt.

Phải cần đến lực lượng 20 người mới dập tắt được đám cháy, bao phủ diện tích 10 mét vuông. Cơ quan điều phối hoạt động thống nhất của Nga đổ lỗi cho vụ cháy là do “chập điện” tại trạm biến áp, truyền thông Nga đưa tin.

Orenburg nằm gần biên giới với Kazakhstan, cách Kyiv khoảng 1.700 km và cách Mạc Tư Khoa 1.200 km. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã phá hủy máy bay điều khiển từ xa của Ukraine ở các tỉnh Rostov và Belgorod trong đêm nhưng không báo cáo về bất kỳ máy bay điều khiển từ xa nào ở tỉnh Orenburg.

Một trạm xăng thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng khổng lồ Lukoil của Nga nằm gần nhà máy, theo như hãng truyền thông độc lập ASTRA của Nga đưa tin. Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine thường xuyên nhắm vào các tài sản dầu khí của Nga nhằm phá hoại cỗ máy chiến tranh của Mạc Tư Khoa, vốn phụ thuộc vào lợi nhuận từ ngành năng lượng.

Một cuộc tấn công của Ukraine vào ngày 19 tháng 3 đã gây ra một vụ hỏa hoạn lớn tại một nhà máy lọc dầu ở Krasnodar Krai và kéo dài gần một tuần.

Kyiv chưa bình luận về vụ nổ ở Orenburg.

Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bay sâu vào lãnh thổ Nga, với các cuộc tấn công được báo cáo là cách Nga 1.500 km, bao gồm cả ở Tỉnh Orenburg. Vào tháng 5 năm 2024, một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công một radar cảnh báo sớm Voronezh M tại thành phố Orsky ở Tỉnh Orenburg.

Tháng 10 năm ngoái, cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR đã nhận trách nhiệm về vụ hỏa hoạn làm hư hại một máy bay vận tải quân sự Tu-134 của Nga tại một phi trường quân sự ở Tỉnh Orenburg.

Tháng trước, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã công bố một máy bay điều khiển từ xa tầm xa có khả năng bay xa 3.000 km.

[Kyiv Independent: Explosion rocks thermal plant in Russia]



8. Tổng thống Trump gia hạn lệnh trừng phạt của Tổng thống Biden đối với Nga

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp gia hạn thêm một năm lệnh trừng phạt đối với Nga, ban đầu được cựu Tổng thống Joe Biden áp đặt vào tháng 4 năm 2021 vì các hoạt động nước ngoài có hại của Nga.

“Các hoạt động có hại cụ thể của Chính phủ Liên bang Nga tiếp tục gây ra mối đe dọa bất thường và đặc biệt đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Hoa Kỳ. Vì lý do này, tình trạng khẩn cấp quốc gia phải tiếp tục có hiệu lực sau ngày 15 tháng 4 năm 2025”, tài liệu nêu rõ.

Bản gia hạn trích dẫn các hành động liên tục của Nga như can thiệp vào các thể chế dân chủ, tấn công mạng, đàn áp những người bất đồng chính kiến và nhà báo, vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm cả các mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ.

Trong những ngày gần đây, tổng thống Hoa Kỳ đã tiếp tục thúc đẩy lệnh ngừng bắn. Axios đưa tin vào ngày 11 tháng 4, trích dẫn một nguồn tin không được tiết lộ, rằng Tổng thống Trump có thể áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga nếu lệnh ngừng bắn với Ukraine không đạt được vào cuối tháng 4.

Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt lớn nào đối với Nga. Đồng thời, Tòa Bạch Ốc trước đó đã tạm dừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào tháng 3, gây áp lực buộc Kyiv đồng ý thỏa thuận về tài nguyên khoáng sản.

Các đại diện Hoa Kỳ gần đây cũng đã nhiều lần gặp gỡ các đối tác Nga để thảo luận về việc nối lại hợp tác kinh tế và ngoại giao giữa hai nước sau khi quan hệ bị cắt đứt trong những năm gần đây.

[Kyiv Independent: Trump extends Biden's sanctions executive order against Russia]

9. Thủ tướng tương lai của Đức ủng hộ con đường gia nhập NATO, Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine — nhưng chỉ sau khi chiến tranh kết thúc

Thủ tướng Đức sắp nhậm chức, Friedrich Merz, cho biết Ukraine không nên gia nhập NATO hoặc Liên minh Âu Châu trong khi vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với Handelsblatt được công bố vào ngày 12 tháng 4, Merz nhấn mạnh rằng tình trạng chiến tranh của Ukraine khiến việc gia nhập là không thể ở giai đoạn này.

“Ukraine là một quốc gia Âu Châu rất lớn, nhưng đó là một quốc gia Âu Châu đang có chiến tranh,” Merz nói. “Một quốc gia đang có chiến tranh không thể trở thành thành viên của NATO hoặc Liên minh Âu Châu.”

Ông tái khẳng định rằng tương lai của Ukraine nằm trong cả hai liên minh nhưng nhấn mạnh rằng trước tiên phải chấm dứt tình trạng chiến tranh. “Lời hứa gia nhập Liên minh Âu Châu vẫn có giá trị, cũng như viễn cảnh gia nhập NATO”, Merz nói. “Nhưng để cả hai điều này xảy ra, trước tiên phải chấm dứt chiến tranh”.

Merz đưa ra phát biểu của mình ngay sau khi công bố chương trình được ông gọi là “kế hoạch mạnh mẽ” để đưa nước Đức tiến lên, trình bày tầm nhìn của ông về một chính phủ liên minh mới vào ngày 9 tháng 4. Đức đã trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine sau Hoa Kỳ, trở thành nước ủng hộ hàng đầu của Kyiv tại lục địa Âu Châu.

Khối Liên minh Dân chủ Kitô giáo, gọi tắt là CDU/Liên minh Xã hội Kitô giáo, gọi tắt là CSU, do Merz lãnh đạo, đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử Bundestag vào tháng 2. Đảng Dân chủ Xã hội, gọi tắt là SPD đứng thứ ba và sẽ là đối tác liên minh trong chính phủ mới.

CDU/CSU và SPD cùng nhau nắm giữ đa số trong quốc hội, cho phép họ thành lập chính phủ mà không cần sự tham gia của các đảng khác. Đảng Xanh, đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) và phe cánh tả sẽ vẫn ở phe đối lập.

Nội các mới dự kiến sẽ duy trì sự ủng hộ dành cho Ukraine và tăng chi tiêu quốc phòng, với các ưu tiên chính sách tiếp theo sẽ được nêu trong thỏa thuận liên minh.

Vào ngày 14 tháng 3, liên minh quốc hội Đức đã đồng ý phân bổ 3 tỷ euro (khoảng 3,2 tỷ đô la) viện trợ quân sự mới cho Ukraine.

Kế hoạch đầy tham vọng của Merz nhằm tăng chi tiêu quốc phòng của Đức là một phần trong sự thay đổi lớn hơn trong chiến lược an ninh của Âu Châu. Châu lục này đang tái vũ trang và đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump có những thay đổi đột ngột.

[Kyiv Independent: Germany's chancellor-in-waiting backs Ukraine’s NATO, EU path — but only after war ends]

10. ‘Mọi thứ đều đen tối’ — Nga tấn công trung tâm thành phố Sumy đông người vào Chúa Nhật Lễ Lá, giết chết hàng chục người

Vỏ xe buýt màu đỏ bị cháy nằm ở trung tâm Sumy sau khi Nga phóng hai hỏa tiễn đạn đạo vào thành phố này vào ngày 13 tháng 4 — không một hành khách nào sống sót, Anna Shpurik, một nhà báo tại hãng truyền thông địa phương Cukr nói với tờ Kyiv Independent sau vụ tấn công.

Họ chỉ là một số trong số 34 người thiệt mạng trong vụ tấn công, bao gồm hai trẻ em. Ít nhất 117 người bị thương, chính quyền địa phương đưa tin.

Thành phố này, nằm ở phía đông bắc Ukraine, cách biên giới Nga chỉ hơn 30 km, đã hứng chịu các cuộc tấn công liên tục từ Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện. Cuộc tấn công mới nhất này xảy ra vào Chúa Nhật Lễ Lá, mà nhiều người ở Ukraine đang thực hiện, và là một trong những cuộc tấn công chết chóc nhất ở Sumy. Cuộc tấn công đã gây ra sự phẫn nộ trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngừng bắn và hòa bình.

Chỉ một vài giờ trước cuộc tấn công, Tổng thống Trump, người đã cố gắng dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình, cho biết các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đang “diễn ra tốt đẹp”. Ông nói với các phóng viên báo chí trên chiến chuyên cơ Không Lực Một rằng Ukraine sẽ có một cuối tuần tốt đẹp. Đặc phái viên của ông, Steve Witkoff, đã gặp Putin tại St. Petersburg vào ngày 11 tháng 4 để thảo luận về “các khía cạnh của giải pháp cho Ukraine”.

Để đáp lại vụ tấn công, các nhà lãnh đạo Âu Châu, bao gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Giorgia Maloni và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã đặt câu hỏi về cam kết của Nga đối với các cuộc đàm phán hòa bình.

“Những cuộc tấn công của Nga như vậy chứng tỏ thiện chí hòa bình của Nga. Thay vào đó, chúng ta thấy rằng Nga vẫn tiếp tục cuộc chiến xâm lược chống lại Ukraine một cách không ngừng nghỉ”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi gây thêm áp lực lên Nga sau cuộc tấn công, nói rằng “các cuộc đàm phán chưa bao giờ ngăn chặn được hỏa tiễn đạn đạo và bom trên không”.

Cuộc tấn công nhắm vào các tòa nhà dân sự trong thành phố, với thiệt hại nặng nề nhất xảy ra tại Trung tâm Hội nghị của Đại học Sumy cũng như các tòa nhà khác của trường đại học, khiến chúng sụp đổ, Shpurik cho biết. Ông nhấn mạnh rằng đó là nơi có các trạm xe buýt đưa đón người dân đến các nhà thờ Chính Thống Giáo và Công Giáo lân cận.

Nga cũng đã chọn đúng thời điểm khi một số người đang đến nhà thờ và một số người vừa ra khỏi nhà thờ sau khi tan lễ. Đó là thời điểm đông người nhất.

Tòa nhà Trung tâm Hội nghị của trường đại học có thư viện và không gian sự kiện dành cho sinh viên và cộng đồng.

Các tòa nhà dân cư, một nhà thờ, cửa hàng và doanh nghiệp cũng bị thiệt hại, bao gồm cả văn phòng của Cukr. Cuộc tấn công đã thổi bay tám cửa sổ và làm vỡ cửa tại văn phòng của họ. Nhà lãnh đạo dịch vụ báo chí của chính quyền địa phương Sumy nói với tờ Kyiv Independent rằng tổng cộng 48 tòa nhà đã bị hư hại trong cuộc tấn công, bao gồm 28 tòa nhà dân cư.

Trung tâm thành phố chật kín người mua cành liễu cho Lễ Lá và xe hơi xếp hàng dài khi người dân địa phương tận hưởng buổi sáng Chúa Nhật. Khi Shpurik đến trung tâm, “mọi thứ đều đen kịt” và rải rác những chiếc xe và tòa nhà bị cháy đen. Mọi người quá sốc đến nỗi không nói được lời nào, Shpurik nhớ lại.

Trong một tòa nhà dân cư gần đó, một bé gái đã bị đè bẹp dưới một đống tủ trước khi được giải thoát. Các nhân viên tại một quán cà phê gần đó đã lao vào hành động và sơ cứu cho các nạn nhân, Shpurik cho biết.

“Mọi người đều lo sợ rằng các cuộc không kích có thể xảy ra lần nữa. Mọi người đều sợ phải tìm hiểu tin tức về người thân của mình. Một số người vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra với bạn bè hoặc người quen của họ và đang tìm kiếm họ”, Shpurik nói.

Hỏa tiễn đạn đạo thứ hai là loại gây chết người nhiều nhất, Trưởng phòng Quản lý Quân sự Thành phố Sumy Serhiy Kryvosheyenko cho biết của mình. Nó được gắn đầy mảnh vỡ và phát nổ giữa không trung để “gây thiệt hại tối đa cho những người trên phố”, ông nói.

Các dịch vụ khẩn cấp đã đến trong vòng vài phút để dập tắt đám cháy và giúp đỡ các nạn nhân, trong khi các nhà điều tra và nhóm pháp y thu thập bằng chứng về vụ tấn công, Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước Ukraine đưa tin. Các nhà tâm lý học cũng có mặt tại hiện trường để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng.

Tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR đã theo dõi địa điểm phóng đến thị trấn Liski ở Voronezh và Lezhenki ở Kursk, cách Sumy khoảng 330 km và 180 km. Các hỏa tiễn là Iskander-M/KN-23, do lữ đoàn hỏa tiễn 112 và 448 bắn, HUR đưa tin.

Tỉnh Sumy, cùng với tỉnh Kharkiv lân cận, là mục tiêu của cuộc tấn công mùa xuân mới của Nga, Tổng thống Zelenskiy cho biết vào ngày 9 tháng 4. Mặc dù Ukraine đã đồng ý ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày sau các cuộc đàm phán do Hoa Kỳ làm trung gian tại Jeddah vào ngày 11 tháng 3, nhưng Mạc Tư Khoa vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ làm theo.

Thay vào đó, Nga đã tăng cường các hoạt động tấn công và tập hợp lực lượng cho cuộc tấn công mùa xuân, ngay sau khi chiếm lại phần lớn Kursk. Ukraine đã cố gắng giữ khu vực của Nga để phá vỡ các kế hoạch tấn công vào Sumy giáp ranh.

Các quan chức và chuyên gia Ukraine tin rằng cuộc tấn công mùa xuân là nỗ lực của Mạc Tư Khoa nhằm tăng cường vị thế của mình trong các cuộc đàm phán tiềm năng.

Vào ngày 31 tháng 3, Putin cũng đã ra lệnh thực hiện chiến dịch nghĩa vụ quân sự lớn nhất của Nga trong vòng 14 năm. Chiến dịch nghĩa vụ quân sự mùa xuân, diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6, sẽ huy động 160.000 thanh niên từ 18 đến 30 tuổi vào quân đội, mặc dù những người nhập ngũ thường không được điều động để chiến đấu.

Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết Nga đã tăng lực lượng tại Ukraine gấp năm lần kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện. Ông ước tính có 623.000 quân Nga được điều động tại Ukraine và cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa có khả năng huy động 5 triệu quân được huấn luyện.

“ Mỗi tháng, họ tăng thêm 8.000-9.000; một năm là 120.000-130.000”, ông nói.

[Kyiv Independent: 'Everything was black' — Russia strikes downtown Sumy filled with people on Palm Sunday, killing dozens]
 
Phụng Vụ cảm động: Lễ Lá bên ngôi Mộ Chúa tại Thành Thánh Giêrusalem
VietCatholic Media
17:48 14/04/2025

Lúc 6h30 sáng Chúa Nhật 13 tháng Tư, tại nhà thờ Mộ Chúa tại Giêrusalem, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh tại Thánh Điạ Giêrusalem đã cử hành Lễ Lá với các linh mục dòng Phanxicô trong đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.

Anh chị em giáo dân và đoàn đồng tế đã đốt đèn cầy để đi rước lá từ bàn thờ Thánh Nữ Maria Mađalêna sang Mộ Chúa và đi vòng quanh nơi thánh này. Đoàn rước vừa đi vừa vẫy những nhành lá.

Chỉ có vài trăm người tham dự thánh lễ, phần lớn là các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân cư ngụ quanh khu vực.

Ngày 7 tháng 10, 2023, Hamas đã tấn công dữ dội vào các phần đất của Do Thái, dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài đến ngày nay.

Năm 2023 số người tham dự các nghi thức Tuần Thánh tại Giêrusalem rất khả quan. Sau cuộc tấn công của Hamas, số các tín hữu tham dự tuần thánh ở Giêrusalem tương tự như 2 năm 2022 và 2021 khi thế giới rơi vào một tình huống đặc biệt chưa từng có là đại dịch coronavirus. Năm nay, tình hình khá hơn một chút, một phần vì thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas; một phần khác là vì tuần thánh của Công Giáo và Chính Thống Giáo trùng nhau trong năm nay. Thông thường, lễ Phục sinh của Chính Thống Giáo diễn ra sau lễ Phục sinh của Công Giáo. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn trùng nhau như đã xảy ra vào những năm 2010, 2011, 2014 và 2017.

Theo truyền thống, ngay sau khi thánh lễ vừa chấm dứt, các tín hữu hành hương sẽ lũ lượt kéo lên Núi Ôliu để chuẩn bị cho cuộc rước truyền thống từ đây tiến về Giêrusalem bắt đầu lúc 2 giờ chiều. Cuộc rước này là để diễn lại việc Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Đoàn rước vừa đi vừa hô vang “Hôsana” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tạo nên một cảnh tượng rất hoành tráng và cảm động.

Từ núi Ôliu về đến Cổ Thành Giêrusalem, đoàn rước đi trong hơn một giờ đồng hồ. Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa và Đức Tổng Giám Mục Tito Yllana, người trước đây là Sứ Thần Tòa Thánh tại Úc, và được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel và Palestine năm 2021, đã đi sau cùng chung với đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.

Đến cửa thành Thánh Stêphanô, người Do Thái gọi là cửa Sư Tử, là một trong 7 cửa thành của Cổ Thành Giêrusalem, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa hướng dẫn mọi người vào cầu nguyện bên trong nhà thờ Thánh Anna.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thượng Phụ nói:



“Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng trời.” (Mt 21:9)

Anh chị em thân mến, xin Chúa ban bình an cho anh chị em!

Tôi chào tất cả anh chị em ở đây, các tín hữu của giáo phận chúng ta, và những người hành hương ít ỏi đã cố gắng hiện diện ở đây với chúng ta. Tôi cũng gửi lời chào đến những người không ở đây với chúng ta về mặt thể xác nhưng đang hiệp nhất với chúng ta trong lời cầu nguyện. Hôm nay, toàn thể giáo phận của chúng ta, Giáo hội Giêrusalem, hiệp nhất với chúng ta và cầu nguyện với chúng ta. Từ Gaza đến Nazareth; từ Bethlehem đến Jenin. Toàn bộ Jordan và Cyprus đang cầu nguyện với chúng ta, và trong tâm hồn hiệp nhất cùng chúng ta bước vào Thành Thánh, Giêrusalem. Và tôi đặc biệt chào anh chị em, những người Kitô hữu ở Giêrusalem, trong ngày này, ngày dành riêng cho anh chị em, ngày đặc biệt dành cho anh chị em, vì anh chị em là những người ở đây tại Giêrusalem, những người giữ cho ngọn lửa đức tin Kitô giáo luôn cháy sáng và giữ cho sự hiện diện của Chúa Kitô luôn cháy sáng giữa chúng ta.

Tôi không muốn nhắc lại những điều giống nhau lúc nào cũng như thế. Chúng ta biết rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn. Nhưng chúng ta không thể và không muốn dừng lại ở việc chỉ nói về thời kỳ khó khăn này. Hôm nay chúng ta phải nhớ đến một điều khác, điều quan trọng nhất. Chúng ta ở đây hôm nay, các Kitô hữu và những người hành hương địa phương, tất cả cùng nhau, để nói một cách mạnh mẽ rằng chúng ta không sợ hãi. Chúng ta là con cái của ánh sáng và sự phục sinh, của sự sống. Chúng ta hy vọng và tin tưởng vào tình yêu vượt qua mọi thứ.

Chúng ta sắp bước vào Tuần lễ Khổ nạn. Chúng ta sẽ cử hành tại cùng những nơi đã xảy ra những khoảnh khắc trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Và khi chúng ta cùng với Ngài, chúng ta cũng sẽ cùng với tất cả những người đang sống cuộc khổ nạn của họ ngày hôm nay, ở đây giữa chúng ta và trên thế giới.

Nhưng chúng ta cũng biết rằng Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu không phải là lời cuối cùng của Thiên Chúa trên thế giới. Đấng Phục Sinh là lời cuối cùng của Người, và chúng ta ở đây để nói và khẳng định lại điều đó một lần nữa. Chúng ta đã gặp Người. Và chúng ta ở đây để kêu lên, mạnh mẽ, tự tin, và với tất cả tình yêu mà chúng ta có thể, mà không ai có thể dập tắt được. Không ai có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giêsu. Và chúng ta muốn chứng kiến điều đó trước hết bằng sự hiệp nhất giữa chúng ta, yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau, tha thứ cho nhau.

Khi Người đi qua, đám đông trải áo choàng dưới chân Chúa Giêsu và chào đón Người bằng những cành ô liu và lá cọ ít ỏi mà họ có thể tìm thấy. Chúng ta cũng hãy đặt trước Đấng Messiah của chúng ta những gì ít ỏi mà chúng ta có, những lời cầu nguyện, tiếng khóc, nỗi khát khao Người và lời an ủi của Người. Và ở đây, hôm nay, bất chấp mọi thứ, tại cổng thành của Người và thành phố của chúng ta, một lần nữa chúng ta tuyên bố rằng chúng ta thực sự muốn chào đón Người là Vua và là Đấng Messiah của chúng ta, và theo Người trên con đường đến ngai vàng của Người, là cây thập tự. Thập tự giá ấy không phải là biểu tượng của cái chết, mà là của tình yêu.

Chúng ta không nên sợ những kẻ muốn chia rẽ, những kẻ muốn loại trừ hoặc những kẻ muốn chiếm hữu linh hồn của Thành Thánh này, vì mãi mãi Giêrusalem sẽ là ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc (Is 56:7), và không ai có thể chiếm hữu nó. Như tôi vẫn nhắc lại, chúng ta thuộc về thành phố này và không ai có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của chúng ta dành cho Thành Thánh, cũng như không ai có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô (Rm 8:35).

Những ai thuộc về Chúa Giêsu sẽ luôn tiếp tục nằm trong số những người xây dựng chứ không phải phá hủy, biết cách đáp lại lòng thù hận bằng tình yêu và sự hiệp nhất, và chống lại sự từ chối bằng sự chấp nhận.

Vì Giêrusalem là nơi Chúa Kitô chịu chết và sống lại, là nơi hòa giải, là nơi tình yêu cứu độ và vượt qua ranh giới của đau khổ và cái chết. Và đây là ơn gọi của chúng ta ngày hôm nay: hãy xây dựng, đoàn kết, phá vỡ rào cản, hy vọng chống lại thất vọng (x. Rm 4:18). Đây là và vẫn là sức mạnh của chúng ta và đây sẽ luôn là chứng tá của chúng ta, bất chấp nhiều hạn chế của chúng ta.

Vậy chúng ta đừng nản lòng. Đừng nản lòng. Đừng mất hy vọng. Và đừng sợ hãi nhưng hãy nhìn lên với sự tự tin và một lần nữa đổi mới cam kết chân thành và cụ thể của chúng ta đối với hòa bình và sự hiệp nhất, với sự tin tưởng vững chắc (x. Dt 3:14) vào quyền năng của tình yêu Chúa Kitô!

Chúc mọi người Tuần Thánh vui vẻ!


Source:Latin Patriarchate of Jerusalem
 
Tin Vui: Pháp đạt kỷ lục về số lượng người lớn được rửa tội, đặc biệt là sự gia tăng trong giới trẻ
VietCatholic Media
18:46 14/04/2025


1. Các giám mục phản đối luật đánh bạc được đề xuất của Thái Lan

Các giám mục Công Giáo ở Thái Lan đã liên minh với các đảng đối lập để yêu cầu chính phủ hủy bỏ dự luật nhằm hợp pháp hóa cờ bạc, được cho là để thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch.

Nội các Thái Lan đã thông qua dự thảo sửa đổi của Đạo luật Kinh doanh Giải trí Tích hợp vào tháng 3, dự kiến sẽ tranh luận và bỏ phiếu vào ngày 9 tháng 4.

Tuy nhiên, các báo cáo cho biết chính phủ hiện đã hoãn lại do sự chỉ trích dữ dội từ các đảng đối lập và các nhà lãnh đạo tôn giáo ở quốc gia đa số theo đạo Phật, nơi cờ bạc bị cấm từ năm 1935.

Các giám mục Thái Lan phản đối dự luật này, tuyên bố rằng việc hợp pháp hóa cờ bạc có thể dẫn đến sự suy thoái đạo đức nghiêm trọng trong xã hội.

Trong một tuyên bố vào ngày 3 tháng 4, Hội đồng Giám mục Công Giáo Thái Lan, gọi tắt là CBCT cho biết các giám mục phản đối dự luật này vì Giáo hội có sứ mệnh “trở thành người thầy đạo đức cho nhân loại”.

Chủ tịch hội nghị, Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Vira Arpondratana của Bangkok, cho biết trong tuyên bố rằng Giáo Hội Công Giáo có trách nhiệm “công bố các nguyên tắc đạo đức và trật tự xã hội ở mọi thời đại và mọi nơi”.

Ngài cảnh báo việc hợp pháp hóa cờ bạc và sòng bạc có thể gây ra các tệ nạn xã hội như nghiện cờ bạc, các vấn đề về tài chính và nợ nần, tội phạm, rửa tiền, buôn người và lừa đảo, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên.

Các giám mục lưu ý rằng các hoạt động kinh tế và đạo đức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, và sự phát triển kinh tế không được bỏ qua đạo đức và “sự phát triển toàn diện của con người”.

“Do đó, chúng tôi kêu gọi chính phủ tập trung vào phát triển kinh tế bền vững và cân bằng phù hợp với sự phát triển đạo đức và chuẩn mực của người dân”, tuyên bố thúc giục.

Các giám mục muốn chính phủ thực hiện nhiệm vụ của mình bằng cách “bảo vệ người dân bằng cách ban hành luật pháp công bằng, phù hợp với phẩm giá của con người và dựa trên lý trí chính đáng”, tuyên bố cho biết thêm.

Mặc dù là bất hợp pháp, các hoạt động cờ bạc và xổ số, bao gồm cả cá cược bóng đá, vẫn tiếp diễn ở các thành phố của Thái Lan như một phần của hoạt động ngầm với số tiền trao đổi lớn.

Một khi được hợp pháp hóa, cờ bạc và chơi game sẽ được phép hoạt động trên quy mô lớn, tương tự như các quốc gia như Campuchia, Lào, Miến Điện, Singapore và Phi Luật Tân, cho phép chính phủ kiếm tiền thông qua phí cấp phép và một phần phí vé vào cửa.

Jatuporn Prompan, cựu nhà lập pháp và là lãnh đạo của nhóm ủng hộ dân chủ, Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài, cho biết đạo luật này đặt ra nhiều thách thức cho đất nước.

“Những người yêu nước phải đứng lên và đoàn kết để đấu tranh chống lại việc hợp pháp hóa sòng bạc và cờ bạc trực tuyến, vì điều này sẽ hủy hoại đất nước chúng ta và làm suy yếu người dân”, Prompan nói, Bangkok Post đưa tin ngày 9 tháng 3.

Ngài cũng kêu gọi mọi người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau tham gia cuộc biểu tình trước tòa nhà quốc hội vào ngày 9 tháng 4 để lên tiếng phản đối đạo luật này.


Source:UCANews

2. 40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay - Thứ Ba Tuần Thánh Ngày 15-04

Is 49:1-6

Tv 70(71):1-6, 15, 17

Ga 13:21-33, 36-38

“Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được?” Ga 13:37

Người ta nói rằng mọi người trong một khoảng khắc nào đó trong cuộc đời đều có thể có cái nhìn sâu sắc! Tôi nghĩ điều này đặc biệt đúng với Tin Mừng hôm nay! Thật dễ dàng cho chúng ta, những người biết câu chuyện sẽ đi về đâu, để lướt qua tất cả những khoảnh khắc khó hiểu và đặc biệt là những bình luận bí ẩn của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly. Chúng ta biết rằng Giuđa sắp phản bội Người đến chết. Và rằng Phêrô sẽ chối Người.

Đối với chúng ta, những người biết kết thúc câu chuyện, cũng dễ dàng cảm thấy mình hơn Thánh Phêrô điều đó một chút. Thánh Phêrô vẫn chưa biết hết điểm yếu của mình.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều cần Chúa Giêsu làm cho chúng ta những gì Ngài đã làm cho Thánh Phêrô.

Chúng ta, giống như Phêrô, chỉ có thể theo Chúa Giêsu đến nơi cuối cùng Người đã đến - lên thiên đàng, đến Nhà Cha - vì trước tiên Người đã đến với Thập giá. Điều trớ trêu là: Phêrô nghĩ rằng ông sẽ hy sinh mạng sống mình vì Chúa Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu mới là người hy sinh mạng sống mình vì Phêrô - và vì chúng ta.

Có lẽ chúng ta không phản bội Chúa Giêsu, hay chối bỏ Ngài, hay thậm chí bỏ chạy và rời xa Ngài như hầu hết các môn đệ khác, nhưng tất cả chúng ta đều cần ơn cứu rỗi và tha thứ của Ngài.

Nếu Thánh Phêrô không chối Chúa Giêsu thì sao? Nếu đêm đó, ông can đảm thừa nhận Chúa Giêsu thì sao? Tôi tự hỏi liệu ông có nắm bắt được hoàn toàn nhu cầu của mình về những gì Chúa Giêsu đã làm cho ông không?

Có điều gì đó mạnh mẽ khi có thể nắm bắt được căn tính của mình như một tội nhân được yêu thương và tha thứ. Biết rằng tôi được biết đến đầy đủ, thậm chí đến cả những thất bại tồi tệ nhất của tôi, và cũng được yêu thương đầy đủ, được tha thứ hoàn toàn. Thật là một ân sủng lớn lao! Thật tự do!

Cảm ơn Chúa Giêsu đã yêu thương con ngay cả trong sự yếu đuối của con và mặc dù con đã làm Chúa thất vọng. Cảm ơn Chúa đã hy sinh mạng sống vì con. Amen.

3. Kỷ lục về số lượng người lớn được rửa tội ở Pháp cho thấy sự gia tăng trong giới trẻ

Theo dữ liệu do Hội đồng Giám mục Pháp công bố, Giáo Hội Công Giáo Pháp sẽ chào đón hơn 10.384 người trưởng thành dự tòng vào lễ Phục sinh năm nay, tăng 45% so với số liệu năm 2024.

Báo cáo của Pháp tiết lộ con số cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu cách đây hơn hai mươi năm. Đáng chú ý hơn nữa là sự thay đổi về mặt nhân khẩu học — những người trẻ tuổi hiện chiếm phần lớn nhất trong số những người cải đạo.

“Thách thức lớn mà chúng ta đang đối mặt hiện nay là đào tạo môn đệ”, Đức Tổng Giám Mục Olivier de Germany của Lyon đã viết trong bài đánh giá về những phát hiện của mình.

“Chúng ta không chỉ nên tưởng tượng ra một số thủ tục sau khi rửa tội, mà toàn thể cộng đồng giáo xứ của chúng ta phải nhận thức được sứ mệnh chung của mình.”

Nhóm tuổi 18-25, bao gồm sinh viên và chuyên gia trẻ, hiện chiếm 42% số dự tòng trưởng thành, vượt qua nhóm nhân khẩu học 26-40 vốn thống trị thống kê cải đạo trong lịch sử. Sự thức tỉnh tâm linh do giới trẻ thúc đẩy này đại diện cho sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh truyền giáo của Giáo hội.

Ngoài ra, lễ rửa tội ở tuổi vị thành niên đã tăng vọt, với hơn 7.400 thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi chuẩn bị nhận bí tích. Các giáo phận trên khắp nước Pháp báo cáo số lượng dự tòng vị thành niên tăng 33% so với năm ngoái.

Hội đồng Giám mục Pháp cố tình kết nối dữ liệu năm nay với Năm Thánh dành cho Giới trẻ tại Rôma, mô tả sự kiện này là “nơi gặp gỡ của những người dự tòng trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới”.

Xu hướng này phản ánh những diễn biến tương tự được thấy ở những nơi khác tại Âu Châu. National Catholic Register gần đây đã báo cáo về số lượng người tham dự chưa từng có tại các Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro trên khắp nước Pháp trong năm nay, với các nhà thờ chứng kiến cảnh giáo dân chật kín chỗ và dòng người trẻ đổ về.

“Chúng tôi đã phá vỡ kỷ lục về số người tham dự”, Cha Benoist de Sinety, linh mục chánh xứ của Nhà thờ St. Eubert ở Lille, nói với tờ báo Công Giáo hàng tuần Famille Chrétienne. “Gần một ngàn tín hữu đã tụ họp tại Nhà thờ Saint-Maurice vào buổi tối — nhiều người trong số họ là những người trẻ tuổi lần đầu tiên tham dự”.

Một cuộc điều tra sẽ được CNA công bố vào thứ Hai tuần tới, ngày 14 tháng 4, khám phá xu hướng tương tự ở Vương quốc Anh.

Sự hồi sinh của Âu Châu diễn ra khi những số liệu mới cho thấy sự suy giảm trong 20 năm về bản sắc Kitô giáo dường như đang “ổn định” tại Hoa Kỳ.

Dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 62% người lớn ở Hoa Kỳ tự nhận mình là người theo Kitô giáo, một con số vẫn “tương đối ổn định” kể từ năm 2019.

Phụ nữ vẫn đông hơn nam giới trong số những người dự tòng, chiếm 63% số người tìm kiếm phép rửa tội. Cuộc khảo sát cũng ghi nhận xu hướng đô thị ngày càng tăng, đảo ngược sự gia tăng của hai năm trước về số người cải đạo ở nông thôn.

Đặc biệt đáng chú ý là quỹ đạo mười năm: Pháp đã chứng kiến số người lớn được rửa tội tăng gấp đôi kể từ năm 2015, khi chỉ có 3.900 người lớn được làm phép bí tích, so với 10.391 người của năm nay - tăng 160% trong thập niên này.

Báo cáo toàn diện này cũng xem xét bối cảnh tôn giáo của những người dự tòng, lưu ý rằng trong khi hầu hết đến từ các gia đình theo Kitô giáo, thì ngày càng có nhiều người tuyên bố rằng họ không có truyền thống tôn giáo hoặc đến từ những gia đình không theo Kitô giáo.

Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy khoảng 17% dự tòng người lớn ở Pháp đã từng có những trải nghiệm tâm linh ngoài Kitô giáo, bao gồm Phật giáo, thuyết bí truyền hoặc thuyết vật linh.

“Chúng ta đừng vội nghĩ rằng tất cả những điều này đã xảy ra mà không có chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục de Germay kết luận trong bài suy niệm của mình. “Những lá thư từ các dự tòng cho thấy rõ sự đa dạng về những cách mà Chúa đã đi qua.”


Source:Catholic News Agency

4. Bốn mươi vị lãnh đạo tôn giáo thỉnh cầu Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ can thiệp cho các trẻ em Ukraine

Bốn mươi vị lãnh đạo tôn giáo đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ, Ông Donald Trump và Ngoại trưởng Marco Rubio, thỉnh cầu giúp hồi hương gần hai mươi ngàn trẻ em Ukraine bị bắt đưa sang Nga và tới các vùng Ukraine, do Nga kiểm soát.

Trong thư các vị lãnh đạo tôn giáo viết: “Trong khi Mỹ đang tiến hành các cuộc thương thuyết để ngưng chiến và đạt tới hiệp định hòa bình giữa Nga và Ukraine, một trong các điều kiện chính do Ukraine đề ra là hồi hương an toàn các trẻ em bị bắt cóc. Không có hiệp định hòa bình nào có thể đạt được cho đến khi các trẻ em Ukraine được trở về nhà an toàn”.

Trong số các nhân vật tôn giáo ký tên vào lá thư thỉnh nguyện trên đây, có Mục sư Walter Kim, Chủ tịch Hiệp hội toàn quốc các tín hữu Tin lành Mỹ, Mục sư Brent Leatherwood, Chủ tịch Ủy ban luân lý đạo đức và tự do tôn giáo của Các Giáo hội Tin lành Baptist miền nam, cha Jason Charron, thuộc Giáo phận Công Giáo Ukraine Đông phương thánh Josaphat ở Parma, Bang Ohio.

Theo chính quyền Ukraine, có tổng cộng 19.546 trẻ em Ukraine bị bắt đưa đang Nga để “cải tạo” và đặt trong các gia đình Nga nhận con nuôi. Trích dẫn tổ chức bác ái Save Ukraine, Hãy cứu Ukraine, thư của bốn mươi vị lãnh đạo tôn giáo ở Mỹ nhắc đến “1.256 trẻ em Ukraine đã được hồi hương, tức là gần 6% con số hơn mười chín ngàn trẻ em Ukraine còn bị Nga phát lưu kể từ năm 2022”.

Theo bà Maria Lvova-Belova, Ủy viên của chính phủ Nga về vấn đề các trẻ em, con số các trẻ em Ukraine đang được Nga “gìn giữ” cao hơn nhiều: hơn 700.000 em được đưa sang Nga, từ khi bắt đầu chiến tranh Nga - Ukraine hồi tháng Hai năm 2022.

Bà Lvova-Belova cùng với nhà độc tài Vladimir Putin bị tòa án hình sự quốc tế ra lệnh bắt giam, hồi tháng Ba năm 2023 vì những tội ác chiến tranh và lưu đày bất hợp pháp, đưa các trẻ em Ukraine sang Nga.

Thư ngày 03 tháng Tư vừa qua của bốn mươi vị lãnh đạo tôn giáo nhận xét rằng sự cưỡng bách các trẻ em Ukraine sang Nga là điều “nhất loạt”, “có hệ thống”: các trẻ em chịu số phận này tuổi từ 4 đến 17... Các em bị cải tạo về chính trị, huấn luyện quân sự và bị đồng hóa vào xã hội Nga.

Trong thư, bốn mươi vị lãnh đạo tôn giáo cũng mô tả việc phát lưu các trẻ em Ukraine sang Nga “không những là một thảm trạng, hay là hậu quả bất hạnh của chiến tranh, nhưng còn là một hành vi bất công cố tình và có hệ thống”. Theo Hiệp ước Genève, các trẻ em được bảo vệ trong thời chiến, chống những cuộc phát lưu cá nhân hoặc tập thể, từ các lãnh thổ bị tạm chiếm tới lãnh thổ của quốc gia xâm lăng, như công pháp quốc tế nghiêm cấm.

Về phía Tòa Thánh, từ đầu chiến tranh đã có nhiều nỗ lực ngoại giao nhắm vận động hồi hương các trẻ em Ukraine bị đưa sang Nga. Cụ thể là qua hoạt động trung gian của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Đặc phái viên của Đức Thánh Cha trong lãnh vực này.