Ngày 15-04-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 2 Phục Sinh 16/4 Lòng Chúa Thương Xót dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:01 15/04/2023


BÀI ĐỌC 1 Cv 2:42-47

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

Thời bấy giờ, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.

Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.

Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.

Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.47 Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Pr 1:3-9

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.

Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.

Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Ga 20:29

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Này anh Tô-ma, vì đã thấy Thầy, nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin. Alleluia.

TIN MỪNG Ga 20:19-31

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”

Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”

Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”

Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”

Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”

Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Đó là Lời Chúa.
 
Sứ Điệp Từ Vết Sẹo
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:51 15/04/2023
Sứ Điệp Từ “Vết Sẹo”

(Chúa Nhật 2 PS năm A – CN kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa)

Trước khi nói về một Đức Kitô Phục sinh mà Thánh Tông Đồ Tôma tuyên xưng “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”, sau khi chạm đến “vết sẹo khổ nạn” từ tay và cạnh sườn của Chúa Giêsu, thì chúng ta hãy nghe chính Thánh Tông Đồ Gioan đã “làm chứng” về “vết sẹo cạnh sườn” nầy: một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra (Ga 19,34). Trong ngôn ngữ thần học của Thánh sử Gioan, Máu chính là Thánh Thể và Nước chính là Thánh Tẩy, cả hai chảy ra từ Trái tim, những dấu chỉ “đặc trưng và trọn vẹn” nhất của “tình thương cứu độ” Thiên Chúa dành cho con người. Và để những dấu chỉ nầy mang “dáng đứng” thánh thiêng và nhiệm mầu hơn, sau nầy (đêm Chúa Nhật 22/02/1931), trong một mạc khải tư, Chúa Giêsu đã tỏ mình cho thánh nữ Faustina trong một trang phục màu trắng với những tia sáng đỏ và xanh nhạt phát ra từ trái tim của Người cùng với lời căn dặn: “Hãy vẽ một bức hình theo mẫu mà con nhìn thấy, với hàng chữ: ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa’…”.

Trong đức tin tông truyền của Hội Thánh, Đức Kitô mang trang phục màu trắng với hai luồng sáng đỏ và xanh phát ra từ trái tim trong thị kiến của thánh nữ Faustina vào thế kỷ 20, cũng chính là Đức Kitô với trái tim bị đâm thâu qua cạnh sườn để tuôn trào máu và nước vào chiều thứ sáu trước lễ Vượt Qua của năm 33 thế kỷ thứ nhất. Và chắc chắn, đó chính là Đức Kitô mà trên thân xác phục sinh còn hằn sâu “vết sẹo khổ nạn” để thuyết phục và củng cố niềm tin cho tông đồ Tôma !

Như vậy, sứ điệp Phụng vụ của Chúa Nhật thứ 2 Phục sinh nầy rõ ràng muốn chuyển tải đến cộng đoàn chúng ta ba ý nghĩa đặc biệt nầy:

- Trước hết, Đức Kitô Phục Sinh – Đối tượng cốt yếu của niềm tin nơi người Kitô hữu, không là một hình hài ảo ảnh, một nhân vật huyền thoại hoang đường, một thần thánh vô hình trừu tượng…, mà là một “Ngôi Vị” mang hình hài của một “Con Người” đầy “vết sẹo”. Và như thế, lời thách thức hôm nào của tông đồ Tôma lại là một “chìa khoá” để mở ra một chiều kích đức tin đầy tính nhân văn và hiện thực.

Thật vậy, ngay từ thuở ban đầu, Kitô giáo được xây dựng và hình thành bằng những “chuyện kể” của các chứng nhân về một “Con Người đã mang trên mình vết sẹo thập giá và đã chỗi dậy khỏi ngôi mộ trống”. Vâng, đó là những “chuyện kể” của người thiếu phụ Maria Mađalêna, của các bà đạo đức, của Phêrô và Gioan, của hai môn đệ trên đường Emmau, của 7 anh ngư phủ trên biển hồ Tiberiat, của nhóm 11 tông đồ trong đó có Tôma… Và chính Đấng “mang đầy vết sẹo thập giá” đó đã hiện diện để ấn chứng như một con người sống thực chứ không là bóng ma: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. (Lc 24,39-40).

Người Kitô hữu không “tin vơ thờ quấy”, không buông mình cho một “thần tượng giá trá, huyển hoặc”, nhưng sẵn sáng liều đến cả mạng sống vì một Đấng Phục Sinh đang có mặt và đang được “Thần Linh của ngài chạm đến”. Bởi vì, chỉ có “Bàn tay quyền năng của Đấng Phục sinh chạm tới” mới làm nên phép lạ kỳ diệu và đầy thuyết phục của “Tin Mừng Phục Sinh”, của “Tín điều Phục Sinh”, của “giáo lý Phục Sinh” cho nhân loại hôm qua cũng như hôm nay !

- Thứ đến, cộng đoàn Kitô hữu đích thực, cộng đoàn Giáo Hội của chính Đức Kitô phục sinh, phải là một cộng đoàn đang “làm chứng về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh” bằng đời sống “trung thành với giáo lý tông truyền”, “đồng tâm nhất trí trong tình huynh đệ”, “cầu nguyện và cử hành phụng vụ Thánh Thể”…, như những lời mô tả đơn sơ của sách Công vụ Tông đồ (Bđ 1): “Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện… Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung… Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng…”.

Nếu diễn tả theo ngôn ngữ thần học hiện nay, thì đó là: một cộng đoàn Hội Thánh mang tính “hiệp hành” (Synodality) đang gắn kết cùng nhau trên cuộc lữ hành đức tin tiến về quê Trời; một cộng đoàn qui tụ với nhau trong bí tích Thánh Thể để “chạm đến thương tích của Đấng Phục sinh đang hiện diện” và trở thành những đôi tay nối dài của Ngài để xoa dịu những vết thương đau giữa cuộc đời; một cộng đoàn sống mầu nhiệm thánh tẩy bằng thái độ dấn thân lên đường để hoàn toàn phó thác vận mệnh cho “lòng xót thương của Thiên Chúa”...

Một cộng đoàn Hội Thánh nào không phản ảnh hay phản lại những giá trị trên, những đặc tính nền tảng trên sẽ không bao giờ có Đức Kitô phục sinh hiện diện. Cũng vậy, khi nào mỗi người Kitô hữu chúng ta lìa xa Hội Thánh, tách rời cộng đoàn để “xé lẽ ăn riêng” sẽ rơi vào nguy cơ “cứng lòng, vô tín như Tôma”, nguy cơ làm xơ cứng cũ mòn lời chứng về sự Phục sinh và sẽ không thuyết phục được con người hôm nay tin vào việc Chúa sống lại…

- Và cuối cùng, chúng ta đừng quên, Đức Kitô không hề che giấu những “vết sẹo thương khó” trên thân thể phục sinh của Ngài; đó chính là dấu chỉ sống động cụ thể của “lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa” như cảm nhận của chính Thánh Phêrô, một nhân chứng cụ thể của bi hùng kịch “Tử nạn-Phục sinh”, đã diễn tả cách thâm thuý qua thư thứ nhất của ngài vừa được công bố qua Bài đọc 2 hôm nay: “Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời.”.

Vâng, vì yêu thương nhân loại, Chúa Cha sẵn sàng “ghi sâu những vết sẹo thương khó trên thân mình của Người Con Một” (Như câu chuyện người mẹ vì hết lòng muốn cứu đứa con trai khỏi nanh vuốt cá sấu đã nắm chặt và hằn sâu những vết thương vì nắm chặt cánh tay con...). Là những người được thanh tẩy từ nước và được nuôi dưỡng từ máu từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, chúng ta, đặc biệt, các anh chị em mới gia nhập Kitô giáo vào đêm vọng Phục sinh mà Chúa Nhật Áo trắng nầy là dành riêng cho họ, luôn được gọi mời sống một cuộc đời “đáp trả tình yêu” như Á Thánh Anrê Phú Yên”, một cuộc “đời phục vụ yêu thương” như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, một cuộc đời “sẵn sàng hy sinh vì bạn hữu” như linh mục thánh Maximilien Kolbe…

Ngày nay, trên “Thân Mình Hội Thánh” cũng như trong nhân loại khắp nơi trên thế giới, đặc biệt, tại đất nước Ukraina mà bom đạn chiến tranh đang gieo rắc đau thương mỗi ngày, còn có biết bao nhiêu phận người mang hình ảnh của “Đức Kitô loang lổ vết sẹo” của đói nghèo, bị áp bức, bệnh tật, tù đày, nạn nhân chiến cuộc… đang cần được “chạm đến” với bàn tay của “Lòng Thương Xót”. Vì thế, mỗi người Kitô hữu hôm nay luôn phải là những “tông đồ Tôma” biết hồi tâm trở về “ở lại với anh em trong mái nhà Hội Thánh và hong lại niềm tin từ vết sẹo của Đấng Phục Sinh, “vết sẹo của Lòng Thương Xót” để rồi ra đi loan báo và làm chứng cho lòng thương xót bằng đôi tay phục vụ yêu thương, bằng tấm lòng khoan dung tha thứ. Amen.

LM. Trương Đình Hiền



 
Chạnh thương
Lm. Minh Anh
14:28 15/04/2023

CHẠNH THƯƠNG
“Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhân Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, bạn và tôi cùng quan chiêm trái tim Chúa Giêsu, trái tim người Thầy; thoáng nhìn trái tim Tôma, trái tim học trò… hầu có thể hiểu được đôi chút lòng Chúa, đôi chút lòng ta! Và nhất là, bắt chước Ngài, chúng ta biết ‘chạnh thương’ anh chị em mình.

Trái tim Giêsu, một trái tim bằng thịt chan chứa yêu thương mà Tin Mừng không ngừng lặp đi lặp lại đã bao lần ‘chạnh thương’ những con người cùng khốn. Thấy dân chúng tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn, “Ngài chạnh thương”; thấy người ta khiêng đi chôn con trai duy nhất của một bà goá, “Ngài chạnh thương”; thấy những người phong cùi tiến đến từ xa, “Ngài chạnh thương”; thấy hai người mù đang dò dẫm lại gần, “Ngài chạnh thương”... và chắc hẳn các tông đồ, kể cả Tôma, cũng đã ít nhiều trải nghiệm cái ‘chạnh thương’ đó nơi Thầy mình. Cũng trái tim đó, bởi đã ‘chạnh thương’ đến cùng nên bị đâm thâu, để giọt máu và giọt nước cuối cùng rỉ ra mà có lẽ Tôma đã chứng kiến xa xa hay ít nữa nghe thuật lại chiều ngày Thứ Sáu u buồn.

Trái tim Tôma, một trái tim ngờ vực. Thầy mất, không ai biết lý do, “Đi Đi Mô” rời cộng đoàn. Phải chăng trái tim Tôma đang tan nát vì những thương tích dù không thấy nhưng là những thương tích có thật và đau thật. Một trái tim khủng hoảng đến tội nghiệp, “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Thầy, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, không thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy thì tôi không tin”. Thật là mỉa mai, thật là chua xót cho môn sinh tuyệt vọng; thật là vô ích, thật là thất đoạt cho người Thầy luống công! Sự ngã lòng của Tôma xúc phạm đến Thầy đâu kém việc bán hay chối Thầy của hai bạn đồng môn. Có khi còn tệ hơn! Bởi lẽ, Giuđa và Phêrô tránh né liên luỵ đến một người sắp từ giã cõi sống, đang khi Tôma lại chối nhận một Đấng trở về từ cõi chết.

Vì thế, cũng bởi ‘chạnh thương’, tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra một lần nữa và trái tim đã yêu dấu loài người quá bội đó đã biết lựa lời khôn khéo trách yêu Tôma. Thay vì mắng mỏ, Ngài dỗ dành; thay vì phỉ báng, Ngài chiều chuộng; thay vì chì chiết, Ngài vỗ về, “Hãy đặt ngón tay con vào đây, hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”. Lạ thay, Tin Mừng không nói đến việc Tôma có sấn tới thọc tay vào lỗ đinh, đặt tay vào cạnh sườn Thầy mà trong đó cũng có một trái tim hay không; nhưng chúng ta có thể đoan chắc, một lần nữa, trái tim Thầy đã ‘chạnh thương’ chạm đến trái tim tan nát của trò. Tim đụng tim, lòng chạm lòng! Nhờ đó, tâm hồn người môn đệ hân hoan, bình an và thay vì cất lên “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Magnificat”, thì cách nào đó, Tôma đã hát Kinh Tin Kính “Credo, Tôi tin!”. Bởi lẽ, trước tiên là phải tin, sau đó mới có thể ca khen Đấng mình tuyên xưng!

Anh Chị em,

“Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”. Tôma đã tin! Nhờ đâu? Chúa Phục Sinh đã lấy tim chữa lành tim, lòng cảm mến lòng; tim Thầy chữa lành tim trò, lòng Thầy khoả lấp lòng môn đệ. Nhờ Thầy ‘chạnh thương’ mà từ đây, lòng người môn đệ đổi mới: xác tín thay cho ngờ vực; yêu mến thay cho hững hờ; chứng tá, thay cho trốn chạy; và bình an thay cho bất an! Phần chúng ta, phải chăng nhiều lúc, lòng chúng ta cũng đang “đi đi mô” khi chúng ta quỵ ngã vì yếu đuối, bất an vì ngờ vực, hững hờ vì thiếu lòng mến, trốn chạy vì sợ hãi? Hãy đến, xin Chúa Phục Sinh chữa lành như đã chữa lành Tôma, để đến lượt mình, bạn và tôi “trở nên những ốc đảo yêu thương của lòng thương xót Chúa giữa một đại dương lạnh lùng, trong một thế giới vắng bóng tình yêu!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì tim con luôn ‘chạnh thương’, hầu người ta có thể nói, ‘Trong tâm hồn người nầy có một trái tim; đồng thời, có một “Ai đó” đang sống và thổi hơi yêu thương cho nó!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Phục Sinh, Sống đóng kín hay mở ra?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
17:31 15/04/2023

Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ Lời Chúa: PHỤC SINH, SỐNG ĐÓNG KÍN HAY MỞ RA?


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài sẽ đến Mông Cổ và các chuyến tông du trong những ngày tới.
Thanh Quảng sdb
16:59 15/04/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài sẽ đến Mông Cổ và các chuyến tông du trong những ngày tới.

(CNA - Courtney Mares)

Rome ngày 15 tháng 4 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết hôm thứ Sáu (14/4/2023) rằng ngài có dự định tông du Mông Cổ, một quốc gia có dân cư thưa thớt nhất thế giới.

Trong những lời phát biểu tự phát với các nhân viên của hãng hàng không Ý, nơi cung cấp máy bay cho các chuyến tông du quốc tế của ngài, Đức Thánh Cha nói ngài sẽ đến Mông Cổ sau các chuyến đi Hungary và Pháp trong những tháng tới.

“Hai tuần nữa, nếu Chúa muốn, tôi sẽ lên đường cho chuyến tông du hành hương thứ 41 của tôi, đến thăm Hungary; và sau đó là chuyến tông du Marseille, rồi Mông Cổ” ĐTC Phanxicô nói trong buổi tiếp kiến tại Vatican với Công ty hàng không ITA vào ngày 14 tháng Tư.

Nếu chuyến tông du đến Mông Cổ được thực hiện thì Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm quốc gia châu Á có chung đường biên giới dài 2.880 dặm với Trung Quốc, và là đối tác kinh tế quan trọng nhất của nước này.

Mông Cổ có khoảng 1.300 người Công Giáo trong một đất nước có dân số hơn 3 triệu dân.

Cuộc truyền giáo đầu tiên đến Mông Cổ là vào năm 1922 và được giao cho Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Nhưng dưới chính quyền cộng sản, việc truyền bá tôn giáo ngay sau đó đã bị đàn áp cho đến năm 1992. Vị linh mục bản xứ đầu tiên của Mông Cổ được tấn phong vào năm 2016.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một người Ý, là nhà truyền giáo ở Mông Cổ gần 20 năm làm Hồng Y trẻ nhất thế giới. Đức Hồng Y Giorgio Marengo, 48 tuổi, là tổng trưởng tông tòa của Giáo phận Ulaanbaatar, Mông Cổ, trông coi cả nước.

Diện tích của Mông cổ lớn gần bằng Alaska, mà dân số là năm người trên một dặm thước vuông. Khoảng 30% dân số là du mục hoặc bán du mục. Phía bắc giáp với Nga và Trung Quốc ở phía nam, Mông Cổ cũng là quốc gia không giáp biển lớn thứ hai trên thế giới, có sa mạc Gobi rộng lớn chiếm 1/3 lãnh thổ.

Lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô nói về khả năng đến Mông Cổ vào tháng Hai trong cuộc họp báo trên chuyến bay về từ Nam Sudan. ĐTC nói với các phóng viên vào thời điểm đó rằng “có khả năng Ngài sẽ từ Marseille sẽ đến Mông Cổ.”

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ nhân viên của ITA Airways tại Vatican vào ngày 14 tháng 4 năm 2023. Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm những quốc gia nào vào năm 2023?

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ viếng thăm Budapest, Hungary, vào cuối tháng Tư này, từ ngày 28 đến 30 tháng Tư trong chuyến viếng thăm thứ hai của ngài đến quốc gia Trung Âu này trong vòng ba năm qua.

Đức Thánh Cha cũng dự kiến sẽ đến Bồ Đào Nha vào Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 tại Lisbon diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8.

Giáo phận Marseille của Pháp đã thông báo trong tuần này rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ ngày 23 tháng 9 như một phần của cuộc họp của các giám mục Địa Trung Hải tại thành phố cảng ở miền nam nước Pháp.

Do những lời bình luận gần đây của Đức Thánh Cha, người ta mong đợi rằng một chuyến tông du khả dĩ của Đức Thánh Cha đến Mông Cổ sẽ khởi hành từ Marseille.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói ngài hy vọng sẽ đến Ấn Độ vào năm tới để đáp lại lời mời của Thủ tướng Narendra Modi.
 
Vatican công bố ngày và chủ đề cho Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao niên năm 2023
Thanh Quảng sdb
17:13 15/04/2023
Vatican công bố ngày và chủ đề cho Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao niên năm 2023

(CNA – Grogan)

Rome ngày 13 tháng 4 năm 2023 Tòa thánh đã công bố ngày và chủ đề Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao niên hàng năm lần thứ ba.

Sự kiện này sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng 7 nhằm ngày Chúa nhật trước lễ Thánh Anna và Joachim, ông bà nội của Chúa Giêsu. Chủ đề của ngày này do Đức Thánh Cha chọn, là “Lòng nhân từ của Người trải dài muôn thuở” (Lc 1:50).

Theo Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, chủ đề này được liên kết với chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giới 2023, chủ đề này cũng xuất phát từ chương đầu của Tin Mừng Luca: “Mẹ Maria chỗi dậy và vội vã ra đi” (Lc 1 :39).

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự một Thánh lễ đặc biệt tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để đánh dấu ngày của ông bà và Ngài kêu gọi các giáo xứ, giáo phận, hiệp hội và cộng đồng trên khắp thế giới cử hành ngày này “trong bối cảnh mục vụ của chính họ”.

Vị giáo hoàng năm nay 86 tuổi, là người cổ súy phẩm giá của tuổi già và thường nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông bà trong việc truyền bá đức tin Công Giáo. Ngài thành lập Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao niên năm 2021. Chủ đề của năm ngoái lấy từ Ca vịnh 92:15: “Dù tuổi già, họ vẫn sinh hoa kết quả”.
 
Dorothy Day từ không thích đến say mê Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Vu Van An
20:26 15/04/2023

Theo Theresa Civantos Barber của tạp chí Aleteia, ban đầu, Dorothy Day không thể chịu nổi "Con đường nhỏ", nhưng theo thời gian, bà dần yêu thích nó và thấy nó thực sự hết sức quan trọng.



Barber cho rằng Tôi tớ Chúa Dorothy Day đang có một khoảnh khắc văn hóa thực sự, vì ngay cả những ấn phẩm thế tục như The New Yorker The New York Times cũng đang viết về cuộc đời hấp dẫn của bà.

Trong khi đó, công việc tốt đẹp mà bà bắt đầu với Phong trào Công nhân Công Giáo tiếp tục phát triển và giúp đỡ vô số người trong các nhà Công nhân Công Giáo trên khắp thế giới.

Day viết rất nhiều trong suốt cuộc đời của bà, bao gồm một số cuốn sách, và bà đã thành lập tờ báo Catholic Worker [Công nhân Công Giáo]. Trong số những cuốn sách của bà có cuốn Tiểu sử của Thánh Têrêsa thành Lisieux.

Khi đọc cuốn sách, bạn dám nghĩ, Day là một người hâm mộ cuồng nhiệt Thánh Têrêsa, và thực sự là như vậy. Nhưng nó đã không bắt đầu theo cách đó. Thực thế, hoàn toàn ngược lại mới đúng!

Day đã chia sẻ một câu chuyện vui trong lời nói đầu về việc bà không thích các tác phẩm của Thánh Têrêsa chút nào khi lần đầu tiên nhìn thấy chúng. Cha giải tội của bà khuyên bà nên đọc Truyện Một Linh Hồn nổi tiếng của Thánh Têrêsa ngay sau khi bà trở lại.

Day nhớ lại:

“Một ngày nọ, Cha Zachary nói với tôi: “Đây là một cuốn sách sẽ giúp ích cho con”… Cuốn sách mà ngài đưa cho tôi lúc ấy là Bông hoa nhỏ Màu trắng, Truyện một Linh hồn, một cuốn sách đóng tạm có bìa màu nâu nhạt và hình ảnh không mấy hấp dẫn của một nữ tu trẻ với khuôn mặt dịu dàng nhạt nhẽo, tay cầm cây thánh giá và một bó hoa hồng khổng lồ … Ngài còn rất trẻ và văn viết của ngài đối với tôi giống như của một nữ sinh. Tôi không tìm kiếm bất cứ điều gì đơn giản như vậy và cảm thấy hơi bực bội với Cha Zachary. Tôi nghĩ, đàn ông và các linh mục cũng rất xúc phạm phụ nữ, khi đưa ra những gì họ cảm thấy phù hợp với trí thông minh của mình; nói cách khác, những điều ngoan đạo không đáng đọc”.

Ai cũng thấy lạ khi độc mô tả đó. Chúa ơi, Day đã không dè dặt chút nào trong cách dùng chữ! Truyện Một Linh Hồn được coi là một tác phẩm kinh điển linh đạo được yêu thích, nhưng ban đầu quả Day không nhìn nhận nó cách đó. Bà viết tiếp:



“Tôi vâng lời đọc Truyện một Linh hồn và xấu hổ phải thú nhận rằng tôi thấy nó không màu sắc, đơn điệu, thực tế là quá nhỏ nhoi khó lôi cuốn sự chú ý của tôi. Vị thánh này là loại thánh nào mà lại cảm thấy mình đang thực hành đức ái anh hùng chỉ bằng các ăn những gì được bày ra trước mặt mình, uống thuốc, chịu nóng lạnh, kiềm chế, chịu đựng xã hội của những linh hồn tầm thường, tuân theo chế độ nghiêm khắc của tu viện nữ Cát Minh mà ngài đã gia nhập ở tuổi mười lăm?”

Day từng đọc về các vị thánh “sõng xoài trên giá, bị lửa thiêu, chết đói trong sa mạc, v.v.”. Trong khi đó, đây là Thánh Têrêsa viết về việc “hành xác” trong một vụ bị tạt nước dơ từ một nữ tu đang giặt quần áo bên cạnh ngài!

Đối với Day, sự tương phản dường như nực cười. Bà viết “Joan d’Arc lãnh đạo một đội quân phù hợp hơn với khái niệm của tôi về một vị thánh”.

Bà mơ về những hành động hy sinh anh dũng to lớn và thay đổi thế giới trên một quy mô rộng lớn và gây ấn tượng. Vào thời điểm đó, “con đường nhỏ” của Thánh Têrêsa có vẻ ngớ ngẩn và trẻ con.

Bà tiến tới việc yêu mến Thánh Têrêsa ra sao?

Vậy điều gì đã thay đổi? Theo thời gian, khi Day tiếp tục công việc phục vụ người nghèo hàng ngày, bà bắt đầu nhận ra “con đường nhỏ” của Thánh Têrêsa thực sự quan trọng ra sao.

Những khoảnh khắc nhỏ bé của tình yêu và sự hy sinh hàng ngày này là nơi mà sự thay đổi lớn nhất trên thế giới thực sự đã xảy ra.

Hầu hết chúng ta sẽ không lãnh đạo một đội quân tham chiến, nhưng chúng ta sẽ đối diện với vô số tình huống khi chúng ta có thể phản ứng tức giận hoặc giữ mồm giữ miệng. Mỗi ngày, chúng ta có vô số cơ hội để lựa chọn nóng nảy hay tốt bụng. Tất cả những hành động yêu thương nho nhỏ này cộng lại thành một điều mạnh mẽ hơn những gì chúng ta có thể thấy trên trái đất.

Việc nhận ra sức mạnh của “con đường nhỏ” này đã thay đổi toàn bộ quan điểm của Day. Bà thực sự yêu mến linh đạo và các tác phẩm của Thánh Têrêsa, đến nỗi bà đã viết một cuốn sách để giới thiệu với nhiều độc giả hơn.

Day giải thích lý do tại sao bà viết một cuốn tiểu sử khác về Thánh Têrêsa:

“Tôi đã viết để vượt qua cảm giác vô ích nơi người Công Giáo, đàn ông, đàn bà và thanh niên, kết hôn và độc thân, những người cảm thấy vô vọng và vô dụng, kém hơn cát bụi, không hữu hiệu, lãng phí, bất lực. Một mặt Thánh Têrêsa là 'hạt cát nhỏ bé' và mặt khác 'tên của ngài đã được ghi trên thiên đàng'; ngài được Cha trên trời yêu quý, ngài là nàng dâu của Chúa Kitô, ngài chỉ kém các thiên thần một chút. Và tất cả chúng ta cũng vậy”.

Vào thời điểm mà cái ác trên thế giới dường như đang ngốn ngấu và làm ngột ngạt, thì có rất nhiều điều để học hỏi từ con đường nhỏ bé của Thánh Têrêsa.

Day viết, “Trong những ngày sợ hãi và run sợ trước những gì con người đã gây ra trên trái đất bằng sự hủy diệt và thù hận, Thánh Têrêsa là vị thánh mà chúng ta cần.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Giáo Xứ Saint Paul West Sunshine Melbourne Thành lập Hội Các Bà Mẹ Công Giáo.
Trần Văn Minh
16:48 15/04/2023
Melbourne, vào lúc 9 giờ sáng Thứ Bảy Ngày 15/4/2023. Tại Nhà Thờ Giáo Xứ Saint Paul vùng West Sunshine. Cộng đoàn Người Việt tại giáo xứ đã tổ chức lễ thành lập Hội Các Bà Mẹ Công Giáo.
Thánh lễ tuyên hứa đã do Linh mục Ngô Văn Lăng, CMF chủ sự nhận lời tuyên hứa và chủ trì các nghi thức cùng với chị trưởng Các Bà Mẹ Công Giáo Đinh Thị Ngoan.
Xem hình
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lý lẽ Bênh vực Chúa Kitô, Phần I, Chương Một
Vu Van An
23:44 15/04/2023


PHẦN I: KHẢO SÁT HỒ SƠ



Chương Một: BẰNG CHỨNG TẬN MẮT



Có thể tin các tiểu sử của Chúa Giêsu không?

Khi tôi gặp Leo Carter, người hay e thẹn và ăn nói nhỏ nhẹ, ông ta là một người 70 tuổi kỳ cựu sống tại khu sống động nhất của Chicago. Lời khai của ông đã bỏ tù 3 tên sát nhân. Và ông ta vẫn mang viên đạn cỡ.33 trong đầu, một nhắc nhớ rùng rợn câu truyện ly kỳ khiếp đảm khi ông mục kích Elijah Baptist hạ sát người bán tạp hóa địa phương.

Leo và một người bạn, Leslie Scott, đang chơi môn bóng rổ khi họ thấy Elijah, rồi tên du đãng 16 tuổi với 30 vụ bị bắt trên hồ sơ bắt giữ của cảnh sát, bắn hạ Sam Blue ở bên ngoài cửa hàng tạp hóa.

Leo biết người bán tạp hóa từ thời thơ ấu. Leo giải thích với tôi bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, “khi chúng tôi không còn chút thực phẩm nào, ông ấy đã cho chúng tôi một mớ. Nên khi tôi tới bệnh viện thì người ta bảo tôi ông ta đã chết, nên tôi biết tôi phải khai điều tôi nhìn thấy”.

Lời khai của nhân chứng tận mắt có giá trị mạnh mẽ. Một trong những giây phút cảm kích nhất trong một phiên xử là khi một nhân chứng mô tả tội ác một cách chi tiết, tội ác mà chính họ được thấy rồi tin tưởng chỉ vào bị cáo như kẻ phạm tội. Elijah Baptist biết rằng cách duy nhất tránh được nhà tù là làm cách nào đó ngăn cản được Leo Carter và Leslie Scott làm điều đó.

Do đó, Elijah và hai người bạn nối khố làm cuộc săn lùng. Chẳng bao lâu, họ lùng được Leo và Leslie, đang dạo phố với người anh của Leo tên Henry, và họ dí súng bắt cả 3 vào khu chứa đồ tối đen gần đó. Người anh họ của Elijah nói với Leo, “tôi thích anh nhưng tôi phải làm việc này”. Nói rồi, hắn ấn khẩu súng vào sống mũi Leo và bóp cò.

Súng nổ; viên đạn chạy hơi xiên, làm mù mắt phải của Leo và nằm lại trong đầu ông ta. Khi ông ngã xuống đất, một phát súng nữa đã phát hỏa, viên đạn này trúng chỗ chỉ cách xương sống 2 “inches”.

Khi Leo, nằm ngửa, giả vờ chết, ông thấy em ông đang thổn thức và bạn ông bị xử tử không thương tiếc cận kề. Khi Elijah và đồng bọn bỏ chạy, Leo bò vào nơi an toàn.

Một cách nào đó, lạ lùng thay Leo đã sống sót. Viên đạn vẫn để yên trong đầu ông vì rất nguy hiểm nếu lấy ra, bất chấp những cơn đau xé đầu mà thuốc thang cũng không thể làm giảm bớt, ông là nhân chứng duy nhất chống Elijah Baptist tại phiên xử tên này vì đã giết người bán tạp hóa Sam Blue. Các bồi thẩm viên tin Leo, và Elijah bị kết án 80 năm tù.

Một lần nữa, Leo lại là nhân chứng tận mắt duy nhất làm chứng chống lại Elijah và hai đồng bọn trong vụ sát hại em ông và bạn ông. Và một lần nữa lời của ông đủ tốt để dẫn ba tên này vào tù mãn đời.

Leo Carter là một trong các anh hùng của tôi. Ông bảo đảm để công lý được phục vụ, mặc dù phải trả một cái giá khổng lồ vì nó. Khi tôi nghĩ tới nhân chứng tận mắt, thậm chí cho tới nay, hơn 20 năm sau, khuôn mặt ông vẫn còn hiện rõ trong tâm trí tôi (1).



Lời chứng từ một thời xa xưa

Đúng, lời chứng của chứng nhân tận mắt rất có tính thuyết phục. Khi một nhân chứng tận mắt có đủ cơ hội để chứng kiến một tội ác, khi không có thiên kiến hay động lực che đậy, khi nhân chứng tận mắt nói thật và hợp tình hợp lý, thì hành vi tuyệt đỉnh vạch mặt một bị cáo tại tòa án đủ để đưa anh ta vào tù hoặc tệ hơn thế.

Và lời chứng của nhân chứng tận mắt cũng chủ yếu trong các vấn đề điều tra có tính lịch sử, cả vấn đề liệu Chúa Giêsu Kitô có phải là Con duy nhất của Thiên Chúa hay không.

Nhưng chúng ta có được loại trình thuật nào của nhân chứng tận mắt? Chúng ta có được chứng ngôn của bất cứ ai đích thân tương tác với Chúa Giêsu không, từng lắng nghe các giáo huấn của Người, thấy các phép lạ Người làm, tận mắt thấy cái chết của Người, và có lẽ còn được gặp Người sau biến cố người ta cho là phục sinh? Chúng ta có được bất cứ ghi chép nào từ “các nhà báo” của thế kỷ thứ nhất không, những người từng phỏng vấn các chứng nhân tận mắt, hỏi những câu hỏi hắc búa và trung thành ghi chép lại những gì họ thận trọng kết luận là chân thật? Điều quan trọng không kém là các trình thuật này đứng vững ra sao trước sự lục lọi của những kẻ hoài nghi?

Tôi biết rằng cũng như chứng ngôn của Leo Carter đã xác nhận việc kết án ba tên sát nhân dã man, các trình thuật của nhân chứng tận mắt từ các mù mịt của thời xa xưa cũng có thể giúp giải quyết vấn đề tâm linh quan trọng hơn hết. Để có được những câu trả lời vững chắc, tôi đã sắp xếp để phỏng vấn học giả nổi tiếng khắp nước, người từng viết cuốn sách về chủ đề này: Tiến sĩ Craig Blomberg, tác giả cuốn The Historical Reliability of Gospels [Tính đáng tin cậy của các Tin Mừng].

Tôi biết Blomberg rất thông minh; thực vậy, ngay ngoại hình của ông cũng đã nói lên điều đó. Cao (sáu bộ hai), gầy và lêu khêu, với mái tóc ngắn, mầu nâu gợn sóng chải một cách phi nghi lễ về phía trước, bộ râu sởn sơ, cặp kính dầy không vành, trông ông giống típ người từng đại diện học sinh đọc bài diễn văn từ biệt ở trung học (ông quả là học sinh này), một Học giả Thành tích Quốc gia (ông quả là học giả này), và đậu tiến sĩ tối ưu từ một chủng viện danh tiếng (Ông quả là người này, từ Trường Thần Học Ba Ngôi Tin Lành).

Nhưng tôi muốn một ai đó không những chỉ thông minh và học thức. Tôi tìm một chuyên gia không che đậy các sắc thái hoặc vô tình bác bỏ các thách thức trong hồ sơ của Kitô giáo. Tôi muốn một ai đó liêm chính, ai đó từng vật lộn với những chỉ trích đức tin mạnh mẽ nhất và ăn nói một cách có thế giá nhưng không có thứ tuyên bố chung chung nhằm che đậy hơn là xử lý với các vấn đề có phê phán.

Tôi được người ta cho hay Blomberg chính là người tôi tìm kiếm, thế là tôi bay tới Denver, thắc mắc không rõ ông có đáp ứng hoài mong của tôi hay không. Quả tình, tôi có một vài hoài nghi, nhất là khi việc nghiên cứu của tôi phát hiện một sự kiện khá đáng lo ngại là Blomberg vẫn luôn hy vọng đội anh hùng thời thơ ấu của ông, đội Chicago Cubs, sẽ thắng World Series trong sinh thời của ông.

Thành thật mà nói, điều trên đủ khiến tôi hơi chút hoài nghi về khả năng biện phân của ông này.

Cuộc Phỏng vấn Thứ nhất: Craig L. Blomberg, Ph.D.

Craig Blomberg được nhiều người coi như một trong các thế giá hàng đầu của cả nước về các cuốn tiểu sử về Chúa Giêsu, mà người ta vốn gọi là bốn sách Tin Mừng. Ông đậu tiến sĩ về Tân Ước tại Đại Học Aberdeen ở Tô Cách Lan, sau đó, phục vụ trong tư cách chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Tyldale House của Đại Học Cambridge, nơi ông là thành phần của một nhóm ưu tú các học giả quốc tế từng cho ra đời một loạt các công trình được ca ngợi về Chúa Giêsu. Trong chừng chục năm gần đây, ông là giáo sư Tân Ước tại Chủng viện Denver được nhiều người trọng kính.

Các sách của Blomberg bao gồm Jesus and the Gospels [Chúa Giêsu cà Các Tin Mừng]; Interpreting the Parables [Giải thích Các Dụ ngôn]; How Wide the Divide? (Sự chia rẽ sâu rộng chừng nào]; và các chú giải Tin Mừng Mátthêu và thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Ông cũng giúp hiệu đính sáu cuốn Gospel Perspectives [Viễn tượng Tin Mừng], bàn thấu đáo tới các phép lạ của Chúa Giêsu, và ông đồng tác giả cuốn Introductio to Biblical Interpretation [Dẫn nhậo vào Việc Giải thích Kinh thánh]. Ông đóng góp nhiều chương về tính lịch sử của các Tin Mừng cho cuốn Reasonable Faith (Đức tin Hợp lý) và cuốn Jesus under Fire [Chúa Giêsu dưới Lửa] được giải thưởng. Ông là hội viên của Hội Nghiên cứu Tân Ước, Hội Văn chương Kinh thánh, và Viện Nghiên cứu Kinh thánh.

Như lòng tôi mong đợi, văn phòng của ông có rất nhiều bộ sách bác học xếp trên giá sách (ông còn đeo chiếc càvạt lóng lánh với các hình vẽ sách vở).

Tuy nhiên, tôi mau chóng nhận thấy các bức tường quanh văn phòng của ông trưng bầy các tranh vẽ của các con gái ông hơn là các bộ sách bụi bặm của các sử gia ngày xưa. Các mô tả tùy thích và đầy mầu sắc của các em về những con lạc đà không bướu (llamas), những căn nhà, và hoa lá không phải hờ hững được gắn lên tường không nghĩ ngợi; chúng hiển nhiên được coi như những giải thưởng, công phu bện tết, đóng khung cẩn thận, và đích thân ký tên bởi Elizabeth và Rachel. Rõ ràng, tôi tự nghĩ, người đàn ông này có cả trái tim lẫn khối óc.

Blomberg nói với sự chính xác của một nhà toán học (đúng, ông có dạy cả toán học nữa, ở đầu đời sự nghiệp của ông), cẩn thận đong đo từng chữ, tránh bỏ qua dù một sắc thái nhỏ nhưng cần cho bằng chứng. Đó chính là điều tôi mong chờ.

Khi ông đã yên vị trong chiếc ghế lưng cao, tay cầm ly càphê, tôi cũng nhâm nhi chút càphê để đánh tan cái lạnh của Colorado. Vì tôi cảm thấy Blomberg là loại người đi thẳng vào vấn đề, nên tôi quyết định bắt đầu cuộc phỏng vấn của tôi bằng cách đi vào cốt lõi của vấn đề.

Các nhân chứng tận mắt đối với lịch sử

Tôi nói hơi chút thách thức trong giọng nói, “cho tôi hay điều này, có thế nào một người thông minh, suy nghĩ có phê phán mà vẫn tin rằng bốn sách Tin Mừng được viết bởi những người có tên gán cho chúng?"

Blomberg để ly cà phê xuống cạnh chiếc bàn làm việc của ông rồi nhìn thẳng vào tôi, ông nói một cách đầy xác tín, “câu trả lời là có”.

Ông ngồi trở lại và tiếp tục nói, “điều quan trọng là thừa nhận rằng nói đúng ra, các sách Tin Mừng đều vô danh. Nhưng chứng từ như nhau của Giáo Hội sơ khai là: Mátthêu cũng gọi là Lêvi, người thu thuế và một trong Nhóm Mười Hai, là tác giả Tin Mừng thứ nhất trong bộ Tân Ước; Gioan Máccô, bạn đồng hành của Phêrô, là tác giả của Tin Mừng ta gọi là Tin Mừng Máccô; và Luca, được biết dưới danh hiệu “y sĩ qúy yêu” của Phaolô viết cả Tin Mừng Luca lẫn Công vụ Các Tông đồ.

Tôi hỏi, “niềm tin cho rằng họ là các tác giả nhất thống đến đâu?

Ông trả lời, “hiện không có người nào tranh chức tác giả của ba Tin Mừng đó. Rõ ràng, vấn đề không bị tranh cãi”.

Cho dù là thế, tôi muốn thử nghiệm vấn đề xa hơn, tôi nói, “xin lỗi về tính hoài nghi của tôi, nhưng có thế nào có ai đó có động cơ muốn nói láo bằng cách cho rằng những vị này viết các sách Tin Mừng nhưng kỳ thực họ không viết không?”

Blomberg lắc đầu. “Có lẽ không. Hãy nhớ, những vị này là những nhân vật không đáng kể” ông nói thế, với nụ cười nở trên khuôn mặt. “Máccô và Luca thậm chí không ở trong số mười hai môn đệ. Mátthêu chỉ là một cựu thuế viên bị người ta ghét bỏ, có lẽ ông là người có tiếng xấu hơn hết sau Giuđa Ítcariốt, tên phản bội Chúa Giêsu.

“Hãy tương phản điều ấy với những gì sẽ diễn ra khi các Tin Mừng ngụy thư đầy óc tưởng tượng được viết ra sau đó. Người ta chọn tên của những người có tiếng và gương mẫu làm tác giả hư cấu cho chúng, Philíp, Phêrô, Maria, Giacôbê. Những cái tên này có nhiều sức nặng hơn các tên Mátthêu, Máccô và Luca. Do đó, để trả lời co câu hỏi của ông, không có lý do gì gán tư cách tác giả cho ba con người ít được kính trọng hơn này nếu chính họ không phải là tác giả.

Điều ấy nghe hợp luận lý, nhưng rõ ràng ông ta đã bỏ qua một trong những vị viết Tin Mừng. Tôi hỏi, “còn Gioan thì sao? Ngài cực kỳ nổi bật. Thực vậy, ngài không phải chỉ là một trong mười hai môn đệ mà còn là một trong ba môn đệ thân thiết của Chúa Giêsu, cùng với Giacôbê và Phêrô”.

Blomberg gật đầu, “Đúng, ngài là một ngoại lệ. Và thật đáng lưu ý, Tin Mừng Gioan là Tin Mừng duy nhất hiện có nghi ngờ về tác giả của nó”.

“Chính xác thì điều gì đang bị tranh cãi?”

Blomberg trả lời, “Tên của tác giả thì không có gì hoài nghi cả, chắc chắn là Gioan. Câu hỏi là đó có phải là tông đồ Gioan hay một Gioan khác”.

“Ông thấy đấy, chứng từ của một nhà văn Kitô giáo tên là Papias, có niên hiệu 125 CN, nhắc đến tông đồ Gioan và vị trưởng lão Gioan, và từ bối cảnh này, không rõ ngài nói về một người từ hai viễn cảnh hay về hai người khác nhau. Nhưng chỉ trừ ngoại lệ này, phần lớn chứng từ tiên khởi đều nhất trí cho rằng tông đồ Gioan, con ông Dêbêđê, là người viết Tin Mừng cùng tên.

“Và”, tôi nói trong một cố gắng khiến ông nói thêm, “ông tin chắc là chính ngài đã viết?”

Ông trả lời, “Vâng, tôi tin đa số đáng kể các tư liệu là của vị tông đồ. Tuy nhiên, nếu ông đọc Tin Mừng này cách kỹ càng, ông có thể thấy một số chi tiết cho thấy các câu kết luận có thể do một người hiệu đính hoàn tất. Bản thân tôi không có vấn đề để tin rằng một ai đó có liên hệ gần gũi với Gioan đã hành động trong vai trò đó, đã tạo hình cho các câu cuối cùng và tạo ra tính thống nhất văn phong cho toàn bộ văn kiện”.

Ông nhấn mạnh, “nhưng dù gì, Tin Mừng rõ ràng dựa trên các tư liệu mắt thấy tai nghe, như ba Tin Mừng kia”.

Đào sâu các điểm chuyên biệt

Cho đến lúc này, dù tôi đánh giá cao các nhận định của Blomberg, nhưng tôi vẫn chưa nhúc nhích. Vấn đề ai viết các sách Tin Mừng cực kỳ quan trọng, và tôi muốn các chi tiết chuyên biệt, các tên, ngày tháng, trích dẫn. Tôi uống cạn ly cà phê, để chiếc ly xuống bàn. Cây viết sẵn sàng, tôi chuẩn bị vào sâu hơn.

Tôi nói, “Chúng ta hãy trở lại với Mátthêu, Máccô và Luca. Ông có bằng chứng chuyên biệt nào cho thấy họ là tác giả các sách Tin Mừng?”

Blomberg ngiêng người về phía trước. “Một lần nữa, chứng từ xưa nhất và có lẽ có ý nghĩa nhất phát xuất từ Papias, người vào năm 125 CN đã chuyên biệt quả quyết rằng Máccô đã cẩn thận và chính xác ghi chép các nhận xét mắt thấy tai nghe của Phêrô. Thật vậy, ngài nói rằng Máccô ‘không mắc sai lầm nào’ và không lồng vào ‘bất cứ tuyên bố sai lạc nào’. Và Papias nói rằng Mátthêu đã giữ nguyên vẹn các giáo huấn của Chúa Giêsu.

“Rồi Irênê, viết vào khoảng năm 180 CN, xác nhận tư cách tác giả như truyền thống truyền tụng. Thật vậy, đây - ” ông vừa nói vừa vươn tay lấy một quyển sách. Ông lần giở cuốn và đọc các lời của Irênê:

“Mátthêu công bố Tin Mừng riêng của mình nơi người Do Thái bằng ngôn ngữ của họ, khi Phêrô và Phaolô đang rao giảng Tin Mừng tại Rôma và thành lập Giáo Hội ở đó. Sau khi họ ra đi, Máccô, đệ tử và thông dịch viên của Phêrô, chính ngài cũng trao lại cho chúng ta bằng cách viết ra bản chất lời rao giảng của Phêrô. Luca, môn đệ của Phaolô, đã viết xuống trong một cuốn sách Tin Mừng do thầy mình rao giảng. Rồi Gioan, môn đệ của Chúa, người từng tựa vào ngực Chúa, chính ngài cũng cho ra Tin Mừng của riêng mình trong khi đang sống tại Êphêsô bên Châu Á” (2).

Tôi nhìn các ghi chép của tôi, rồi nói, “Được lắm, cho tôi rõ điều này. Nếu chúng ta tin chắc rằng các sách Tin Mừng đã được viết bởi các môn đệ Mátthêu và Gioan, bởi Máccô, bạn đồng hành của môn đệ Phêrô, và bởi Luca, sử gia, bạn đồng hành của Phaolô, và là một loại ký giả của thế kỷ thứ nhất, chúng ta có thể vững bụng mà cho rằng các biến cố họ ghi lại được căn cứ vào chứng từ tận mắt trực tiếp hoặc gián tiếp.

Trong khi tôi nói, Blomberg sàng lọc trong đầu lời lẽ của tôi. Khi tôi kết thúc, ông gật đầu, nói quả quyết “Chính xác như thế".

Các tiểu sử xưa và nay

Vẫn còn một số khía cạnh rắc rối của các sách Tin Mừng tôi cần hiểu rõ. Cách riêng, tôi muốn hiểu rõ hơn loại thể văn chúng sử dụng.

Tôi nói, “khi tới một tiệm sách và xem phần tiểu sử, tôi không thấy cùng một lối viết như tôi thấy trong các Tin Mừng. Ở thời này, khi một ai đó viết một cuốn tiểu sử, họ hoàn toàn đào sâu cuộc đời của nhân vật. Nhưng hãy nhìn vào Tin Mừng Máccô đi, tác giả này không nói chi đến việc sinh ra đời của Chúa Giêsu hay bất cứ điều gì thuộc thời thơ ấu và đầu đời trưởng thành của Người. Thay vào đó, ngài tập chú vào thời kỳ 3 năm và dùng nửa Tin Mừng của mình vào các biến cố dẫn tới và lên tới đỉnh cao là tuần lễ cuối cùng của Chúa Giêsu. Ông giải thích việc này ra sao?”

Blomberg giơ cao mấy ngón tay. Ông trả lời, “có hai lý do. Một là văn chương và lý do kia là thần học.

“Lý do văn chương là thế này: xét trong căn bản, đây là cách người ta viết tiểu sử trong thế giới cổ xưa. Người ta không có cảm thức, như chúng ta ngày nay, rằng điều quan trọng là phài dành tỷ lệ bằng nhau cho mọi thời kỳ trong đời một cá nhân hay điều cần thiết là phải thuật câu truyện theo đúng thứ tự thời gian hoặc thậm chí phải trích dẫn người ta từng chữ từng lời bao lâu người ta muốn duy trì điều người ta nói. Người Hy Lạp và Do Thái cổ xưa thậm chí đến dấu ngoặc kép cũng không có.

“Mục đích duy nhất mà vì đó họ nghĩ lịch sử đáng được ghi lại chính là vì có một số bài học nào đó cần học hỏi từ nhân vật được mô tả. Do đó, người viết tiểu sử muốn dừng lâu lại ở những phần trong đó đời sống của nhân vật này có tính nêu gương, sáng chói, có thể giúp ích cho người khác, có thể mang lại ý nghĩa cho một thời kỳ lịch sử”.

Tôi hỏi, “Và đó là lý do thần học?”

“Nó phát sinh từ điểm tôi vừa nêu. Các Kitô hữu tin rằng bất kể cuộc đời và giáo huấn cũng như các phép lạ của Chúa Giêsu có kỳ diệu đến đâu, chúng cũng sẽ vô nghĩa nếu sự kiện lịch sử không phải là Chúa Giêsu đã chết và đã chỗi dậy từ cõi chết và việc này cung cấp việc xá tội, hay ơn tha thứ mọi tội lỗi của nhân loại.

“Do đó, Máccô, cách riêng, trong tư cách người viết Tin Mừng có lẽ sớm nhất, đã dành gần phân nửa trình thuật của mình cho các biến cố dẫn tới và bao gồm khoảng thời gian một tuần lễ và lên tới đỉnh cao là cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô".

Ông kết luận, “Vì ý nghĩa của cuộc Đóng Đinh, điều này tạo nên ý nghĩa hoàn hảo trong văn chương cổ thời”.

Mầu nhiệm nguồn Q

Ngoài 4 sách Tin Mừng ra, các học giả thường nói tới điều họ gọi là Q, chữ viết tắt của tiếng Đức Quelle có nghĩa là “nguồn” (3). Vì các tương tự về ngôn ngữ và nội dung, truyền thống vẫn cho rằng Mátthêu và Luca rút tỉa từ tin mừng trước đó của Máccô để viết Tin Mừng của riêng họ. Thêm vào đó, các học giả còn nói rằng Mátthêu và Luca cũng kết hợp một số tư liệu từ một nguồn bí ẩn Q, các tư liệu không có trong Máccô.

Tôi hỏi Blomberg, “Q chính xác là gì?”

Ông trả lời trong khi ngả lưng thoải mái tựa vào ghế ngồi, “Nó chỉ là một giả thuyết. Chỉ trừ một số ngoại lệ, phần lớn là các câu nói và giáo huấn của Chúa Giêsu có lúc có lẽ đã tạo nên một văn kiện độc lập, riêng rẽ.

“Ông thấy đấy, thể văn chung là thu thập các lời nói của các bậc thầy đáng kính, cùng loại như chúng ta ngày thu thập âm nhạc hàng đầu của một ca sĩ và đặt chúng thành một album ‘hạng nhất’. Q rất có thể là một điều giống như thế. Ít nhất đây cũng là một lý thuyết”.

Nếu Q có trước Mátthêu và Luca, nó có thể tạo nên tài liệu sơ khai về Chúa Giêsu. Tôi nghĩ, có lẽ nó có thể rõi một ánh sáng mới mẻ nào đó về điều Chúa Giêsu thực sự là.

Tôi nói, “cho phép tôi hỏi điều này: nếu ông lấy một mình tư liệu của Q, thì ông sẽ nhận được loại hình ảnh nào về Chúa Giêsu?”

Blomberg vuốt râu và nhìn lên trần nhà một lúc như đắn đo câu hỏi. Ông trả lời một cách chậm rãi, như thể cẩn thận chọn từng chữ, “À, ông nên nhớ rằng Q chỉ là một sưu tập các lời nói và do đó nó không có tư liệu trình thuật để cung ứng cho ta một bức tranh đầy đủ hơn về Chúa Giêsu.

“Dù thế, ông cũng vẫn thấy Chúa Giêsu đưa ra một số nét rất mạnh về chính Người, thí dụ, Người hiện thân cho đức khôn ngoan và Người là Đấng duy nhất mà qua Người Thiên Chúa sẽ phán xử toàn thể nhân loại bất chấp họ tuyên xưng hay bác bỏ Người. Một cuốn sách bác học gần đây đã lập luận rằng nếu dựa riêng vào các lời nói trong Q, người ta vẫn có thể đạt tới cùng một bức tranh về Chúa Giêsu, về một nhân vật tự khẳng định về mình một cách bạo dạn như ông thấy trong các sách Tin Mừng một cách chung”.

Tôi muốn đẩy xa hơn nữa về điểm này. Tôi thăm dò, “Có thể coi Người như một người làm phép lạ hay không?”

Ông trả lời, “Một lần nữa, ông nên nhớ ông khó có thể có được nhiều câu truyện phép lạ đúng nghĩa, vì những câu truyện này thường chỉ tìm thấy trong phần trình thuật, trong khi Q chủ yếu là bản liệt kê các lời nói”.

Ông dừng lại, với tay tới bàn giấy, lấy cuốn kinh thánh bọc da, và lần giở các trang sách đã rất cũ.

“Nhưng, chẳng hạn, Luca 7:18:23 và Mátthêu 11:2-6 nói rằng Gioan Tây Giả sai các sứ giả tới hỏi có phải Chúa Giêsu thực sự là Đấng Kitô, Đấng Mêxia họ hằng trông đợi hay không. Chúa Giêsu đại ý trả lời rằng, ‘hãy nói để ông xem xét các phép lạ của tôi. Hãy nói cho ông những điều các ông thấy: người mù được thấy, người điếc được nghe, người què đi được, người nghèo được nghe tin mừng truyền giảng cho họ’.

“Thành thử trong Q”, ông kết luận, “rõ ràng đã có ý thức về thừa tác vụ phép lạ của Chúa Giêsu”.

Blomberg nhắc đến Mátthêu làm tôi nhớ một vấn đề khác liên quan tới các sách Tin Mừng đã được mang lại với nhau ra sao. Tôi hỏi, “Tại sao Mátthêu, được coi là một nhân chứng tận mắt về Chúa Giêsu, lại đi kết hợp một phần Tin Mừng được Máccô, người mà mọi người đều nhất trí không phải là nhân chứng tận mắt? Nếu Tin Mừng của Mátthêu được một nhân chứng tận mắt viết, ông hẳn nghĩ ngài phải dựa vào các quan sát của riêng mình mới đúng chứ”.

Blomberg mỉm cười, nói, “Chỉ có nghĩa nếu Máccô quả dựa trình thuật của mình trên ký ức chứng nhân tận mắt của Phêrô. Như ông đã từng nói, Phêrô vốn thuộc vòng thân mật của Chúa Giêsu và được đặc ân thấy và nghe những điều các môn đệ không được thấy và nghe. Thành thử vẫn có nghĩa khi Mátthêu, dù là một nhân chứng tận mắt, dựa vào cách nhìn của Phêrô đối với các biến cố được truyền tải qua Máccô”.

Đúng, tôi tự nghĩ, điều ấy phần nào có nghĩa. Thật vậy, một loại suy bắt đầu xuất hiện trong tâm trí tôi từ những năm tháng còn là một ký giả báo chí. Tôi còn nhớ tôi là một thành phần của đám ký giả săn lùng tổ phụ chính trị lừng danh, cố Thị trưởng Richard J. Daley, để hỏi dồn ông một số câu hỏi về một vụ sì căng đan đang âm ỉ lúc đó trong sở cảnh sát. Ông đưa ra một số nhận xét trước khi thoát thân trong chiếc limousine của ông.

Dù tôi là một nhân chứng tận mắt đối với điều đã xẩy ra, tôi vẫn lập tức đi tới một phóng viên truyền thanh, người gần gũi với Thị trưởng Daley hơn, và yêu cầu ông ta cho quay lại khúc băng về lời nói của Daley. Nhờ cách này, tôi có được sự bảo đảm là đã ghi lại chính xác điều ông nói.

Tôi trầm ngâm, đó rõ ràng là điều Mátthêu đã làm với Máccô, mặc dù Mátthêu có ký ức riêng như một môn đệ, việc ngài tìm sự chính xác đã thúc đầy ngài dựa vào một số tư liệu trực tiếp phát xuất từ Phêrô vốn thuộc vòng thân mật của Chúa Giêsu.

Quan điểm độc đáo của Gioan

Cảm thấy thỏa mãn với những câu trả lời ban đầu của Blomberg liên quan tới ba Tin Mừng đầu tiên, gọi là các Tin Mừng nhất lãm, nghĩa là “có thể xem cùng một lúc, vì những phác họa và tương quan qua lại giống nhau (4), tôi quay qua Tin Mừng Gioan. Bất cứ ai từng đọc cả bốn sách Tin Mừng đều lập tức nhận ra điều này: có những dị biệt rõ rệt giữa các Tin Mừng nhất lãm với Tin Mừng Gioan, và tôi muốn biết liệu điều này có nghĩa là có những mâu thuẫn không tài nào hòa giải được giữa chúng với nhau hay không?

Tôi hỏi Blomberg, “Ông có thể minh giải các dị biệt giữa các Tin Mừng nhất lãm và Tin Mừng Gioan không?”

Ông nhíu lông mày, rồi hô lên, “Một câu hỏi vĩ đại. Tôi hy vọng viết cả một cuốn sách về chủ đề này”.

Sau khi làm ông an tâm là tôi chỉ muốn biết những điểm chủ yếu của vấn đề mà thôi, chứ không hẳn một cuộc thảo luận thấu đáo, ông ngồi vào ghế trở lại.

Ông bắt đầu, “Vâng, quả thực Gioan khác nhiều hơn là giống với các Tin Mừng nhất lãm. Chỉ một nhúm các cây truyện chính xuất hiện trong ba Tin Mừng khác ấy tái xuất hiện trong Tin Mừng Gioan, mặc dù điều này thay đổi đáng kể khi tới tuần lễ cuối cùng của Chúa Giêsu. Từ thời điểm đó trở đi, các song hành gần nhau hơn nhiều.

“Dường như cũng có sự khác biệt nhiều về văn phong. Trong Gioan, Chúa Giêsu dùng nhiều từ vựng khác, Người lên tiếng trong những bài giảng dài, và dường như có một nền Kitô học cao hơn, nghĩa là, có những tuyên bố trực diện và hiển nhiên hơn quả quyết Chúa Giêsu là một với Chúa Cha; là chính Thiên Chúa; là Đường, Sự Thật và là Sự Sống; là Sự Sống Lại và là Sự Sống”.

Tôi hỏi, “điều gì giải thích cho các khác nhau này?”

“Trong nhiều năm, có giả định cho rằng Gioan đã biết mọi điều Mátthêu, Máccô và Luca viết, và thấy không cần phải nhắc lại, nên ngài cố ý muốn bổ túc các ngài. Gần đây hơn, có giả định cho rằng Gioan phần lớn độc lập đối với ba Tin Mừng kia, điều này giải thích không những các chọn lựa tư liệu khác mà cả các quan điểm khác về Chúa Giêsu”.

Tuyên bố mạnh bạo nhất của Chúa Giêsu về chính Người

Tôi nhận định, “Có một số khác biệt thần học đối với Gioan”.

“Chắc chắn thế, nhưng liệu chúng có đáng được gọi là các mâu thuẫn hay không? Tôi nghĩ câu trả lời là không, và đây là lý do tại sao: vì hầu hết các chủ đề chính hay khác biệt trong Gioan, ông có thể tìm thấy song hành trong Mátthêu, Máccô, và Luca, cho dù chúng không nhiều”.

Đó là một khẳng định mạnh bạo. Tôi quyết định nhanh chóng thử nghiệm nó bằng cách nêu lên vấn đề có lẽ có ý nghĩa hơn cả liên quan tới các khác biệt giữa các Tin Mừng nhất lãm và Tin Mừng Gioan.

Tôi nói, “Gioan đưa ra các tuyên bố rất minh nhiên Chúa Giêsu là Thiên Chúa, điều được một số người qui cho sự kiện ngài viết sau những vị kia và bắt đầu thêm thắt sự việc. Ông có thấy chủ đề thiên tính này ở các Tin Mừng nhất lãm không?”

Ông nói, “có, tôi có thể. Một cách mặc nhiên hơn nhưng ông thấy có ở đó. Ông hãy nghĩ tới việc Chúa Giêsu đi trên nước, tìm thấy trong Mt 14:22-33 và Mc 6:45-52. Phần lớn các bản dịch tiếng Anh giấu tiếng Hylạp bằng cách trích dẫn Chúa Giêsu nói ‘Fear not, it is I’ (đừng sợ, thầy đây). Thực sự, bản tiếng Hylạp nói nguyên văn như sau, ‘fear not, I am’ [đừng sợ, ta là Đấng hằng hữu). Hai chữ cuối cùng (I am) y hệt như hai chữ Chúa Giêsu nói trong Ga 8:58 khi Người nhận cho mình thánh danh Thiên Chúa ‘I Am’ [Ta là Đấng Hằng hữu], thánh danh được Thiên Chúa mạc khải cho Môsê giữa bụi gai bốc lửa trong Xh3:14. Như thế, Chúa Giêsu tự mạc khải như Đấng có cùng một quyền năng thần linh trên thiên nhiên như Giavê, Thiên Chúa của Cựu Ước”.

Tôi gật đầu, nói, “Đó là một điển hình, ông còn có những điển hình khác nữa không?”

Blomberg nói, “Có, tôi có thể tiếp tục theo hướng này. Thí dụ, danh hiệu chung nhất của Chúa Giêsu dành cho chính Người trong ba Tin Mừng đầu tiên là ‘Con Người’, và...”

Tôi giơ tay cản ông, tôi nói, “khoan đã”. Tôi lục trong chiếc cặp giấy của mình một cuốn sách và lật tới chỗ có đoạn trích tôi mong đợi. Tôi đọc, “Karen Armstrong, một cựu nữ tu, tác giả cuốn sách bán chạy nhất A History of God [một lịch sử về Thiên Chúa], nói rằng dường như hạn từ ‘Con Người’ chỉ nhấn mạnh tới sự yếu đuối và tính tử vong của thân phận con người’, nên khi dùng nó, Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh rằng Người là một hữu thể nhân bản yếu đuối, một hữu thể một ngày nào đó sẽ chịu đau khổ và chết chóc’ (5). Nếu đúng thế, thì đâu có gì là nói về thần tính”.

Nét mặt Blomberg trở nên chua cay, ông quả quyết nói, “Trời, trái với niềm tin bình dân, ‘Con Người’ chủ yếu không có ý nói tới nhân tính của Chúa Giêsu. Thay vào đó, nó có ý trực tiếp nhắc tới Đanien 7:13-14”.

Nói rồi, ông mở Cựu Ước và đọc những lời sau của tiên tri Đanien: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong”.

Blomberg gấp cuốn Kinh Thánh lại, ông tiếp tục nói, “thành thử ông hãy xem điều Chúa Giêsu làm khi áp dụng hạn từ ‘Con Người’ vào chính Người. Đây là một người tiếp cận Thiên Chúa trong ngai trên trời của Người và được trao cho thẩm quyền và quyền cai trị vũ trụ. Điều này làm cho ‘Con Người’ thành một tước hiệu tôn vinh cao cả, chứ không phải để chỉ nhân tính đơn thuần”.

Sau này, tôi sẽ gặp một nhận định của một học giả khác, người mà tôi sẽ phỏng vấn cho cuốn sách này, William Lane Craig, người cũng đã đưa ra một nhận định tương tự.

“‘Con Người’ thường được coi là để chỉ nhân tính của Chúa Giêsu, giống như biểu thức ‘Con Thiên Chúa’ để chỉ thiên tính của Người. Thật ra, điều ngược lại mới đúng. Con Người là nhân vật thần linh trong sách Cựu Ước Đanien, Đấng sẽ đến vào ngày tận thế để phán xử nhân loại và cai trị đến muôn đời. Như thế, cho rằng mình là Con Người có nghĩa là cho rằng mình là Thiên Chúa” (6).

Blomberg tiếp tục, “Ngoài ra, trong các Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giêsu còn cho rằng Người có quyền tha thứ tội lỗi, và đây là điều chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Chúa Giêsu chấp nhận lời cầu nguyện và việc thờ lạy. Chúa Giêsu từng nói, ‘bất cứ ai nhìn nhận ta, ta sẽ nhìn nhận họ trước mặt Cha ta ở trên trời’. Phán xét cuối cùng dựa vào phản ứng của người ta với ai? Với hữu thể chỉ là phàm nhân này? Không, vì như thế sẽ là một yêu sách quá cao ngạo. Phán xét cuối cùng dựa trên phản ứng của người ta với Chúa Giêsu như là Thiên Chúa.

“Như ông thấy, có đủ loại tư liệu trong các Tin Mừng nhất lãm nói về thiên tính của Chúa Kitô, và rồi những tư liệu này trở nên minh nhiên hơn trong Tin Mừng Gioan”.

Nghị trình thần học của các sách Tin Mừng

Khi viết Tin Mừng cuối cùng, Gioan có lợi điểm nghiền ngẫm các vấn đề thần học trong một thời gian lâu hơn. Nên tôi hỏi Blomberg, “Há sự kiện Gioan viết với nhiều xu hướng thần học hơn không có nghĩa là tư liệu lịch sử của ngài có thể bị tì vết và do đó không đáng tin cậy hay sao?”

Blomberg nhấn mạnh, “tôi không tin Gioan có tính thần học hơn. Ngài chỉ có một số nhấn mạnh thần học khác mà thôi. Mátthêu, Máccô và Luca mỗi vị đều có các góc cạnh thần học khác biệt được họ muốn nhấn mạnh: Luca, nhà thần học về người nghèo và về các quan tâm xã hội; Mátthêu, nhà thần học cố gắng hiểu mối tương quan giữa Kitô giáo và Do Thái giáo; Máccô, người trình bầy Chúa Giêsu như người đầy tớ đau khổ. Ông có thể lên dánh sách dài cho các nền thần học học khác biệt của Mátthêu, Máccô và Luca.

Tôi cắt ngang vì tôi sợ Blomberg bỏ lỡ điểm bao quát hơn của tôi. Tôi hỏi, “được, nhưng há các động cơ thần học này không tạo hoài nghi đối với khả năng và sự sẵn lòng của họ trong việc tường trình chính xác những điều xẩy ra sao? Há các nghị trình thần học của họ không có khả thể thúc đẩy họ tô mầu và vặn vẹo lịch sử họ tường trình hay sao?”

Ông nhìn nhận, “Điều ấy chắc chắn có nghĩa cũng như đối với bất cứ tài liệu ý thức hệ nào, chúng ta phải coi đó là một khả thể. Có những người có sẵn búa rìu để làm méo mó lịch sử nhằm phục vụ các mục tiêu ý thức hệ của họ, nhưng bất hạnh thay người ta lại kết luận là việc này luôn xẩy ra, điều này không đúng.

“Trong thế giới cổ xưa, ý tưởng viết một lịch sử vô tư, khách quan chỉ để ghi lại các biến cố theo thời gian, chứ không nhằm mục đích ý thức hệ, là điều chưa hề nghe thấy. Không ai viết lịch sử nếu không có một lý do gì để học hỏi từ đó”.

Tôi mỉm cười, gợi ý, “Theo tôi, ông muốn nói rằng điều đó khiến mọi sự trở thành đáng hoài nghi”.

Ông trả lời, “đúng, quả đúng ở một bình diện. Nhưng nếu ta có thể tái dựng lịch sử một cách tương đối chính xác từ tất cả các nguồn cổ thời, thì ta nên làm điều đó từ các sách Tin Mừng, cho dù chúng cũng có tính ý thức hệ”.

Blomberg suy nghĩ một lúc, lục lọi trong đầu để tìm ra một loại suy thích đáng nhằm trình bầy rõ quan điểm của mình. Cuối cùng, ông nói, “Đây là một song hành hiện đại, từ kinh nghiệm của cộng đồng Do Thái có thể soi sáng điều tôi muốn nói.

“Một số người, thường là vì các mục đích bài Do Thái, bác bỏ hay làm giảm giá các kinh hoàng của nạn Diệt Chủng. Nhưng các học giả Do Thái đã tạo ra các viện bảo tàng, viết các cuốn sách, duy trì các nghệ phẩm, lên tài liệu các chứng ngôn của nhân chứng tận mắt liên quan tới Nạn Diệt Chủng.

“Nay, họ có một mục đích rất ý thức hệ, tức là, để bảo đảm rằng việc tàn bạo như thế không bao giờ xẩy ra nữa, nhưng họ cũng hết sức trung thành và khách quan trong việc tường trình sự thật lịch sử.

“Cũng thế, Kitô giáo đã được đặt căn bản trên một số tuyên bố lịch sử cho rằng Thiên Chúa đã độc đáo bước vào không gian và thời gian trong con người Chúa Giêsu thành Nadarét, nên chính ý thức hệ được các Kitô hữu cố gắng cổ vũ đòi hỏi công trình lịch sử càng thận trọng bao nhiều càng tốt”.

Ông để cho loại suy của mình chìm xuống. Quay lại nhìn tôi trực diện hơn, ông hỏi, “Ông có thấy quan điểm của tôi không?”

Tôi gật đầu cho thấy tôi thấy.

Tin nóng từ lịch sử

Nói rằng các sách Tin Mừng bắt nguồn từ chứng từ trực tiếp hay gián tiếp tai nghe mắt thấy là một chuyện; mà cho rằng thông tin này được duy trì một cách đáng tin cậy cho tới khi cuối cùng được viết xuống vào nhiều năm sau lại là một chuyện khác.Tôi biết điều này là một điểm tranh cãi lớn, và tôi muốn thách thức Blomberg về vấn đề một cách hết sức thẳng thắn bao nhiêu có thể.

Một lần nữa, tôi lại dựa vào cuốn sách nổi tiếng của Armstrong, A History of God, tôi nói “Ông hãy lắng nghe một điều khác do bà viết”:

“Chúng ta biết rất ít về Chúa Giêsu. Trình thuật đầy đủ thứ nhất về cuộc đời của Người là Tin Mừng của Thánh Máccô, chỉ được viết vào khoảng năm 70, khoảng 40 năm sau cái chết của Người. Đền lúc đó, các sự kiện lịch sử đã bị chồng chất thêm các yếu tố huyền sử nhằm nói lên ý nghĩa Chúa Giêsu từng gặt hái được cho các người theo chân Người. Chính ý nghĩa này được Thánh Máccô chuyển tải hơn là bức chân dung đáng tin cậy” (7).

Ném cuốn sách vào chiếc cặp giấy mở sẵn, tôi quay qua Blomberg và tiếp tục, “Một số học giả nói rằng các sách Tin Mừng viết sau các biến cố rất xa đến nỗi dã sử đã khai triển và làm méo mó điều cuối cùng được viết xuống, biến Chúa Giêsu từ một nhà giáo đầy khôn ngoan thành Con Thiên Chúa đầy huyền thoại. Có phải đó là một giả thuyết hợp lý hay có bằng chứng là các sách Tin Mừng đã được ghi chép sớm hơn, trước khi dã sử hoàn toàn làm thoái hóa điều cuối cùng đã được ghi lại?”

Đôi mắt Blomberg nheo lại và giọng ông mang một âm sắc cứng rắn hơn, ông nói, “Ở đây có hai vấn đề riêng biệt, và điều quan trọng là giữ cho chúng riêng biệt. Tôi quả nghĩ rằng đã có đủ bằng chứng tốt cho thấy các sách Tin Mừng được viết trước đó. Nhưng dù không có bằng chứng tốt đi nữa, lập luận của Armstrong vẫn không đi đến đâu”.

Tôi hỏi, “tại sao không?”

“Việc xác định ngày giờ hợp tiêu chuẩn bác học, ngay trong các giới cấp tiến, là Máccô ở thập niên 70, Mátthêu và Luca ở thập niên 80, còn Gioan ở thập niên 90. Nhưng xin ông lắng nghe, những niên biểu ấy vẫn còn trong sinh thời của một số nhân chứng tận mắt thấy cuộc đời Chúa Giêsu, gồm cả các nhân chứng thù địch vẫn có thể sửa sai nếu ác giáo huấn sai lạc về Chúa Giêsu được loan truyền.

“Thành thử, các niên hiệu muộn màng của các sách Tin Mừng này thực sự không muộn màng chi cả. Thật vậy, chúng ta có thể làm một sự so sánh khá có tính cách giáo huấn.

“Hai cuốn tiểu sử sớm nhất về Alexander đại đế được Arrian và Plutarch viết 400 năm sau cái chết của Alexander vào năm 323 TCN, nhưng các nhà chép sử về ông đều coi chúng đáng tin cậy cách chung. Đúng, các huyền thoại về Alexander quả có được khai triển với thời gian, nhưng chỉ trong các thế kỷ sau hai nhà văn này.

Nói cách khác, năm trăm năm đầu tiên đã giữ cho lịch sử của Alexander khá nguyên vẹn; tự liệu dã sử bắt đầu xuất hiện trong năm trăm năm kế tiếp. Thành thử, liệu các sách Tin Mừng có được chép 60 năm hay 30 năm sau cái chết của Chúa Giêsu, thì so sánh ra, thời gian ấy quả không đáng kể. Gần như không thành vấn đề.

Tôi có thể thấy điều Blomberg nói. Đồng thời, tôi cũng có một vài dè dặt đối với nó. Đối với tôi, điều xem ra hiển nhiên một cách như bản năng là khoảng cách giữa biến cố và lúc nó được viết xuống càng ngắn, thì các trước tác này càng ít có cơ hội trở thành nạn nhân của dã sử hay ký ức sai chạy.

Tôi nói, “Tôi xin tạm chấp nhận quan điểm của ông lúc này, nhưng ta hãy trở lại với vấn đề xác định niên biểu của các sách Tin Mừng. Ông cho rằng ông tin chúng đã được viết trước các niên biểu ông vừa nhắc”.

Ông nói, “đúng, trước đó. Và chúng ta có thể hỗ trợ điều này bằng cách đọc sách Công vụ Tông đồ, được Luca viết. Công vụ rõ ràng chưa được hoàn tất, Phaolô là nhân vật chính của sách, và lúc đó đang bị giam tại Rôma. Với cuốn sách dừng lại đột ngột. Điều gì xẩy ra cho Phaolô? Chúng ta không tìm thấy gì từ Công vụ, có lẽ vì sách được viết trước khi Phaolô bị xử tử

Blomberg càng nói càng trở nên lo lắng hơn “Điều này có nghĩa Công vụ không thể có niên biểu muộn hơn năm 62 CN. Một khi đã xác định như thế, chúng ta có thể từ đó quay trở lại. Vì Công vụ là phần thứ hai của công trình hai phần, chúng ta biết phần đầu, Tin Mừng Luca, hẳn phải được viết sớm hơn thế. Và vì Luca kết hợp một phần Tin Mừng Máccô, thì điều này có nghĩa là Máccô còn sớm hơn nữa.

“Nếu ông trừ hao có lẽ một năm cho mỗi niên biểu này, thì kết cục ông sẽ có Máccô viết không trễ hơn năm 60 CN, rất có thể trong thập niên 50. Nếu Chúa Giêsu bị hành quyết năm 30 CN hay 33 CN, chúng ta có thể nói tới khoảng cách tối đa 30 năm hay gần như thế”.

Ông ngồi vào ghế với một vẻ chiến thắng, nói, “Về phương diện lịch sử mà nói, nhất là so sánh với Alexander Đại Đế, nó giống như những bản tin nhanh!”

Quả thực, điều ấy rất gây ấn tượng, có thể lấp khoảng trống giữa các biến cố trong đời sống Chúa Giêsu và việc viết ra các sách Tin Mừng đến nỗi, theo tiêu chuẩn sử học, không còn đáng lưu ý nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn đẩy vấn đề xa hơn. Mục tiêu của tôi là vặn lại đồng hồ càng về xa càng hay để có thể có được các thông tin sớm nhất về Chúa Giêsu.

Trở về lúc khởi đầu

Tôi đứng lên và tha thẩn tới gần tủ sách. Quay về phía Blomberg, tôi nói, “Ta hãy xem xem liệu có thể trở lại sớm hơn nữa hay không. Chúng ta có thể trở lại sớm bao nhiêu để định niên biểu cho những niềm tin căn bản vào việc xá tội của Chúa Giêsu, việc Người phục sinh, và mối liên kết độc đáo của Người với Thiên Chúa?”

Ông bắt đầu, “Điều quan trọng là phải nhớ rằng các sách Tân Ước không theo thứ tự thời gian. Các sách Tin Mừng đã được viết sau hầu hết các thư của Phaolô, là người mà thừa tác vụ viết có lẽ đã bắt đầu từ cuối thập niên 40. Phần lớn các thư chính của ngài xuất hiện trong thập niên 50. Muốn tìm các thông tin sớm nhất, ta phải đọc các thư của Phaolô và hỏi, ‘Có dấu hiệu nào cho thấy cả những nguồn sớm nhất đã được sử dụng để viết chúng không?’”.

Tôi gợi ý, “và ta tìm thấy gì?”



“Ta tìm thấy Phaolô đã kết hợp một số niềm tin, một số tuyên xưng đức tin, hay thánh ca từ Giáo Hội Kitô giáo sớm nhất. Những điều này phát xuất từ hừng đông Giáo Hội ngay sau biến cố Phục Sinh.

“Các niềm tin nổi tiếng nhất bao gồm đoạn 2:6-11 thư Philiphê, nói về việc Chúa Giêsu có bản tính Thiên Chúa, và đoạn 1:15-20 thư Côlôssê, mô tả Người như ‘hình ảnh Thiên Chúa vô hình’, Đấng tạo dựng mọi sự và qua Người mọi sự được hòa giải với Thiên Chúa ‘bằng cách tạo hòa bình bằng máu của Người, trên thập giá’.

“Những điều trên chắc chắn có ý nghĩa trong việc giải thích những điều các Kitô hữu tiên khởi đã xác tín về Chúa Giêsu. Nhưng có lẽ niềm tin quan trọng nhất liên quan đến Chúa Giêsu lịch sử là chương 15 thư Côrintô thứ nhất, trong đó Phaolô dùng các hạn từ kỹ thuật để chỉ cho thấy ngài đã đi theo truyền thống truyền khẩu này dưới hình thức tương đối đã được xác định”.

Blomberg tìm được đoạn trên trong cuốn Kinh thánh của ông và đọc to cho tôi nghe:

“Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ”(8).

Blomberg nói, “và đây là trọng điểm. Nếu việc Đóng Đinh diễn ra sớm vào năm 30 CN, thì việc trở lại của Phaolô vào khoảng năm 32 CN. Ngay lập tức, Phaolô được đưa vào Đamát nơi ngài gặp Kitô hữu tên Anania và một vài môn đệ khác. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của ngài với các tông đồ ở Giêrusalem có thể vào năm 35 CN. Tại một thời điểm nào trong số này, Phaolô được học biết niềm tin này, một niềm tin vốn đã được lên công thức và được sử dụng trong Giáo Hội sơ khai.

“Nay, ở đây, ông có các chi tiết chủ chốt về cái chết của Chúa Giêsu vì tội lỗi chúng ta, thêm một danh sách chi tiết những kẻ được Người hiện ra dưới hình thức đã sống lại, tất cả đều có niên biểu từ hai đến năm năm sau chính các biến cố!

“Đó không phải là truyện huyền thoại sau này từ 40 năm hay nhiều hơn, như Armstrong gợi ý. Có đủ lý lẽ bênh vực việc quả quyết rằng niềm tin Kitô giáo vào sự phục sinh, dù chưa được viết xuống, có thể được định niên biểu trong vòng hai năm sau chính biến cố.

Ông nói, giọng nâng cao một chút để nhấn mạnh, “Điều đó có ý nghĩa to lớn. Nay ông không còn so sánh 30 tới 60 năm với năm trăm năm vốn có thể chấp nhận được cách chung đối với các dữ kiện khác, ông chỉ phải nói có hai năm thôi!”.

Tôi không thể bác bỏ tầm quan trọng của bằng chứng ấy. Chắc chắn nó làm cụt hứng lời tố cáo cho rằng Phục sinh, vốn được các Kitô hữu trưng dẫn như minh chứng tối hậu cho thiên tính của Chúa Giêsu, chỉ là một ý niệm huyền thoại phát triển trong những thời kỳ lâu dài khi các dã sử làm thoái hóa các trình thuật mắt thấy tai nghe về cuộc đời của Chúa Kitô. Điều này tác dụng một cách thân thiết và đích thân tới tôi, một người hoài nghi, nó vốn là một trong các luận bác lớn nhất của tôi đối với Kitô giáo.

Tôi tựa lưng vào kệ sách. Chúng tôi đã bàn luận tới nhiều tư liệu, và quả quyết tuyệt đỉnh của Blomberg xem ra là chỗ rất tốt để tạm dừng lại.

Tạm nghỉ

Lúc này trời đã về chiều. Chúng tôi đã nói khá lâu không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, tôi không muốn kết thúc cuộc đàm thoại của chúng tôi mà không thử nghiệm các trình thuật tai nghe mắt thấy y như các luật sư và nhà báo quen làm. Tôi cần biết chúng có đứng vững trước một khảo sát như thế hay không, hay chúng tỏ ra tốt nhất là đáng ngờ vực mà tệ nhất là mất tin tưởng.

Việc tạo cơ sở đã được đặt định, tôi mời Blomberg đứng dậy và duỗi chân duỗi tay cho thoải mái trước khi ngồi lại để tiếp tục cuộc thảo luận của chúng tôi.

Các nguồn tài liệu khác về chủ đề này

Barnett, Paul, Is the New Testament History? [Tân Ước có phải là lịch sử hay không] Ann Arbor, Mich.: Vine, 1986.
Barnett, Paul, Jesus and the Logic of History [Chúa Giêsu và Luận lý Lịch sử]. Grand Rapids. Eerdmans, 1997.
Blomberg, Craig, The Historical Reliability of the Gospels (Tính Đáng tin cậy của Các Tin Mừng]. Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1987.
Bruce, F.F., The New Testament Documents: Are They Reliable? [Các Tài liệu Tân Ước: Chúng có Đáng Tin cậy hay không]Grand Rapids: Eerdmans, 1960.
France, R.T. The Evidence for Jesus [Chứng cớ Bênh vực Chúa Giêsu]. Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1986.

Ghi Chú

(1) Lee Strobel, “Youth’s Testimony Convicts Killers, but Death stays near” [Chứng từ Tuổi trẻ Kết tội Những kẻ Sát nhân, nhưng Caí Chết vẫn ở gần], Chicago Tribune (October 25,1976)

(2) Irenaeus, Adversus haereses [chống các dị giáo]3.3.4.

(3) Arthur G. Patzia, The Making of the New Testament [việc tạo ra Tân Ước] Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 19950, 164.

(4) Ibid. 49.

(5) Karen Armstrong, A History of God [Một lịch sử về Thiên Chúa], (New York: Ballantine/Epiphany, 1993), 82.

(6) William Lane Craig, The Son Rises: Historical Evidence for the Resurrection of Jesus Christ [Chúa Con Sống Lại: Chứng cớ Lịch sử cho việc Sống lại của Chúa Giêsu Kitô] (Chicago: Moody Press, 1981), 140

(7) Armstrong, A History of God [Một lịch sử về Thiên Chúa], 79.

(8) 1Cr 15:3-7.
 
VietCatholic TV
Putin tê tái: 80% Lực lượng đặc biệt tử trận. Hạm đội báo động. Hoa Kỳ chính thức buộc tội Teixeira
VietCatholic Media
03:14 15/04/2023


1. Washington Post: Các lực lượng đặc biệt của Nga bị tổn thất đến 80% quân số trong chiến tranh ở Ukraine.

Các lực lượng đặc biệt Spetsnaz của Nga đã bị rút ruột bởi cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine, tờ Washington Post đưa tin hôm thứ Sáu, trích dẫn nhiều tài liệu tình báo mật của Mỹ bị rò rỉ trực tuyến.

Washington Post báo cáo rằng các tài liệu - thu được thông qua nền tảng truyền thông xã hội Discord - tham khảo các thông tin tình báo chặn, đánh giá rằng Lữ đoàn Spetsnaz 346 đã mất gần như toàn bộ đơn vị, “chỉ còn 125 binh sĩ sống sót trong số 900 người được triển khai đến Ukraine”.

Các quan chức Mỹ tin rằng số lượng thương vong lớn mà Nga phải chịu sẽ có tác động mạnh mẽ ở Ukraine và bất kỳ nơi nào khác mà lực lượng của họ đang hoạt động. Và các quan chức Mỹ tin rằng các lực lượng được đào tạo bài bản sẽ cần tới một thập kỷ để tái tạo lại sức mạnh mà họ có trước cuộc xâm lược của Putin vào cuối tháng Hai năm 2022.

Washington Post cũng công bố hình ảnh vệ tinh từ các tài liệu bị rò rỉ cho thấy sự cạn kiệt các phương tiện chiến đấu của Lữ đoàn Spetsnaz Biệt kích số 22 ở tây nam nước Nga. Các hình ảnh cho thấy sự tương phản của nó từ tháng 11 năm 2021 đến tháng 11 năm 2022; là ngày mà lực lượng này được đưa trở về từ Ukraine vì không còn khả năng chiến đấu hiệu quả.

Theo các quan chức Ukraine, các lực lượng đặc biệt của Nga hiện đang được triển khai ở phía đông thành phố Bakhmut, nơi đang diễn ra cuộc giao tranh ác liệt và nặng nề nhất.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết hôm thứ Năm rằng “mặc dù thực tế là đối phương đã tập trung các đơn vị chuyên nghiệp nhất của chúng ở Bakhmut, bao gồm chiến binh Wagner, các đơn vị Dù và lực lượng đặc biệt, nhưng người Nga không thể đạt được mục tiêu của họ ở đó.”

Các lực lượng đặc biệt của Nga đã được triển khai kém trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược, đặc biệt là xung quanh Kyiv, và chịu tổn thất nặng nề. Trong những ngày đầu của cuộc chiến, Matthew Chance của CNN đã tường thuật trực tiếp Lực lượng Nhảy dù Nga giao tranh với lực lượng Ukraine tại Sân bay Antonov ở Hostomel, ngoại ô Kyiv, trước khi họ bị đánh bại nặng nề và phải rút lui vào đầu Tháng Tư.

CNN trước đây đã đưa tin cuộc xâm lược của Nga cũng được đánh dấu bằng số lượng thương vong quá lớn trong số các sĩ quan cấp cao của Nga.

Trong những tháng đầu năm nay, CNN cũng đưa tin lực lượng Nga đã bị tấn công nặng nề như thế nào tại thị trấn Vuhledar đang có tranh chấp gay gắt ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine, nơi Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 155 bị tiêu diệt gần hết. Ít nhất 130 xe tăng và xe thiết giáp của Nga đã bị phá hủy chỉ trong vài ngày, theo các video do quân đội Ukraine công bố và được CNN và các chuyên gia quân sự xác minh.

2. Nga đặt Hạm đội Thái Bình Dương trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ Ukraine tái chiếm bán đảo Crimea

Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết “Nga đã đặt hạm đội hải quân Thái Bình Dương trong tình trạng báo động cao như một phần của cuộc tập trận tại chỗ nhằm đánh giá và cải thiện tình trạng sẵn sàng chiến đấu”.

“Vào lúc 09:00, giờ Vladivostok, hôm nay, Hạm đội Thái Bình Dương đã được tập hợp đầy đủ theo lệnh báo động và bắt đầu được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức độ cao nhất”, Shoigu cho biết như trên tại một hội nghị lãnh đạo Bộ Quốc phòng

“Là một phần của sự kiện, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ đẩy lùi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay, thực hành tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm, hoàn thành các cuộc tập trận bắn ngư lôi và pháo binh và phóng hỏa tiễn để đánh bại các nhóm tấn công tàu chiến và các hoạt động trên bộ của một đối phương giả định”

Diễn biến này xảy ra sau hàng loạt các vụ tấn công được cho là của quân Ukraine nhắm vào bán đảo Crimea.

Hôm 7 Tháng Tư, lần đầu tiên Nga cáo buộc Ukraine phóng hỏa tiễn vào bán đảo Crimea. Những lần trước họ nói là do máy bay không người lái hay những chiếc thuyền không người lái.

Tối 20 tháng Ba, hàng trăm hỏa tiễn hành trình Kalibr đang trong quá trình vận chuyển bằng đường sắt đã bị phá hủy. Các vụ nổ đã làm rung chuyển thị trấn Dzhankoy nằm ở phía bắc bán đảo Crimea bị quân Nga tạm chiếm. Sức công phá kinh hoàng đến mức cửa kính của nhiều tòa nhà trong thị trấn ở khá xa cũng vỡ vụn, và người dân mô tả cảm nghiệm của họ như một trận động đất kéo dài. Chiếc xe lửa nổ tung. Các binh sĩ Nga áp tải có lẽ đã chết hết khi chiếc xe lửa phát nổ. Các khả năng tiếp cứu bị đình trệ vì các hỏa tiễn này không nổ cùng một lúc, cái này kích hoạt cái kia. Khói bốc lên dày đặc và cao như một nhà lầu ít nhất 5 tầng.

Sáng thứ Năm, các tàu chiến từ Hạm đội Thái Bình Dương đã tiến hành các cuộc tập trận chống tàu ngầm ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này.

3. Hoa Kỳ đã chính thức buộc tội người đàn ông bị tình nghi làm rò rỉ tài liệu mật. Đây là những gì chúng ta biết

Nghi phạm trong vụ rò rỉ các tài liệu tình báo mật của Hoa Kỳ được đăng trên mạng xã hội đã chính thức bị buộc tội hôm thứ Sáu trong lần xuất hiện đầu tiên tại tòa án liên bang ở Boston.

FBI đã bắt giữ Jack Teixeira, một thành viên 21 tuổi của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts, hôm thứ Năm tại North Dighton, Massachusetts.

Anh ta phải đối mặt với hai cáo buộc:

Lưu giữ, và loan truyền trái phép thông tin quốc phòng

Lấy đi trái phép thông tin mật và tài liệu quốc phòng

Theo các tài liệu tòa án, một bản khai có tuyên thệ tiết lộ những chi tiết mới về trường hợp của Teixeira, bao gồm việc các nhà điều tra nghi ngờ anh ta tiết lộ thông tin vào đầu tháng 12 năm 2022. Một thành viên trong nhóm trò chuyện trực tuyến của anh ta nói với FBI rằng Teixeira sợ sao chép tài liệu tại nơi làm việc nên anh ta đã mang chúng về nhà để chụp ảnh.

Bản khai có tuyên thệ cũng tiết lộ tuyên bố của một cơ quan chính phủ Hoa Kỳ rằng Teixeira đã sử dụng máy tính của chính phủ của mình để tìm kiếm từ “rò rỉ” trong báo cáo tình báo mật và rằng anh ta đã sử dụng địa chỉ nhà thật của mình để ghi danh nền tảng truyền thông xã hội nơi anh ta bị cáo buộc đã chia sẻ các tài liệu mật.

Tại sao nó lại quan trọng đối với cuộc chiến ở Ukraine: Các tài liệu bao gồm nhiều thông tin tuyệt mật, bao gồm cả việc nghe lén các đồng minh và đối thủ chủ chốt cũng như những đánh giá thẳng thắn về tình trạng của cuộc chiến ở Ukraine.

Theo đánh giá sơ bộ của toà án, trường hợp Jack Teixeira rất nghiêm trọng. Rò rỉ trong trường hợp này là một thách đố đối với một quốc gia. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, hoặc vào thời điểm đặc biệt nghiêm trọng, chẳng hạn như trong chiến tranh, rò rỉ có thể giúp ích cho đối phương, làm mất tinh thần đồng minh, làm suy yếu tinh thần và ít nhất là có khả năng thay đổi cán cân quân sự và gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người; nếu chưa muốn nói đến khả năng thay đổi diễn trình lịch sử.

Vụ rò rỉ các tài liệu tình báo tuyệt mật của Mỹ về các kế hoạch hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga chắc chắn là nghiêm trọng, cả về nội dung và bối cảnh. Ở Ukraine, NATO đang ở giữa cuộc xung đột nghiêm trọng nhất trong một thế hệ. Mức độ nghiêm trọng vốn có của các vụ rò rỉ được tăng cường bởi các yếu tố khác, bao gồm các chi tiết và số lượng chúng chứa, phạm vi phân phối trực tuyến của bí mật, bao gồm cả cho đối phương, khoảng thời gian chúng có thể truy cập được và khả năng tài liệu trở thành một phần của một chiến dịch thông tin sai lệch.

Trường hợp này có các tính năng đặc biệt giúp phân biệt nó với các rò rỉ nổi tiếng trong thời gian trước đó. Chưa có gợi ý nào cho thấy vụ rò rỉ là công việc của các điệp viên nước ngoài. Chúng cũng không có vẻ là công việc của một người tố giác đang tìm cách vạch trần một vụ bê bối, như đã xảy ra trong vụ Hồ sơ Ngũ Giác Đài, hay trong vụ Edward Snowden tiết lộ các chương trình giám sát của Hoa Kỳ. Không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy người rò rỉ tin rằng, như đã xảy ra trong WikiLeaks, rằng tài liệu nên được đưa vào phạm vi công cộng dựa trên quyền tự do thông tin hoặc các cơ sở khác.

Thay vào đó, bằng chứng chỉ ra một hướng đáng lo ngại và đương đại hơn. Thông tin rò rỉ được thực hiện trên mạng xã hội Discord bởi một nam quan chức trẻ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts. Trong lịch sử hoạt động gián điệp, cũng như các vụ xả súng hàng loạt gần đây, đã có những ví dụ về những thanh niên tương đối ẩn danh gây ra các vụ việc lớn một phần để nâng cao lòng tự ái của họ. Jack Teixeira, người đã bị bắt và bị buộc tội ở Boston tuần này, 21 tuổi và quan tâm đến súng, trò chơi và những chủ đề phân biệt chủng tộc. Người ta cho rằng anh ta đã công bố các tài liệu Ngũ Giác Đài của mình để thể hiện tầm quan trọng của bản thân và gây ấn tượng với những người khác trong nhóm trò chuyện trò chơi trực tuyến mà anh ấy là nhân vật hàng đầu.

Hai câu hỏi lớn về chính sách công ngay lập tức nảy sinh. Một là làm cách nào mà một binh nhất như Teixeira lại có thể có được những tài liệu như vậy. Một phần của câu trả lời là khối lượng vật liệu không thể quản lý được do chính phủ Hoa Kỳ nắm giữ. Trong nhiều thập kỷ, đã có những cáo buộc rằng các cơ quan tình báo quá cồng kềnh, chậm chạp và phức tạp nên không thể làm rõ, kể cả với chính họ, về những gì phải giữ bí mật và ai có thể tiếp cận thông tin đó. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm cho quá trình này trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, như các sự kiện từ WikiLeaks cho đến những rò rỉ của Ngũ Giác Đài cho thấy, các hệ thống của chính phủ càng ngày càng tỏ ra không phù hợp.

Vấn đề còn lại là mức độ thiệt hại. Khía cạnh quan trọng nhất theo quan điểm của Âu Châu là những nghi ngờ được ghi nhận về khả năng tự vệ của Ukraine trước sức mạnh không quân của Nga. Thông tin đó không bao giờ nên được nhìn thấy ở nơi công cộng theo cách này. Nó có thể gợi ý rằng lượng vũ khí dự trữ thấp của Ukraine có nghĩa là cuộc tấn công mùa xuân dự kiến của họ sẽ khó thực hiện, khiến Kyiv rất dễ bị Nga phản công. Điều này có thể có nghĩa là một cuộc tấn công ít quyết đoán hơn và thay vào đó là một cuộc xung đột kéo dài với cường độ thấp hơn. Nếu đó là kết quả, thì những rò rỉ này cũng đã có tác động thay đổi tiến trình lịch sử.

4. Thủ tướng Ukraine nói Kyiv và Washington vẫn thống nhất bất chấp vụ rò rỉ

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hôm thứ Sáu từ chối cho biết liệu ông có thảo luận về vụ rò rỉ hàng loạt tài liệu mật trong cuộc gặp với các quan chức Mỹ ở Washington tuần này hay không – nhưng nhấn mạnh rằng hai nước thống nhất.

Shmyhal cũng không trả lời câu hỏi của CNN liệu có quan chức Mỹ nào xin lỗi về vụ rò rỉ tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine hay không.

“Chúng tôi đã thảo luận nhiều câu hỏi, thách thức và vấn đề rất quan trọng với tất cả các quan chức mà chúng tôi có cuộc gặp trong ba ngày này,” ông nói trong một cuộc họp báo tại Đại sứ quán Ukraine ở Washington.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, Shmyhal nói rằng họ đã thảo luận về “nhiều vấn đề chiến lược rất quan trọng”.

“Chúng tôi rất đoàn kết và tuyệt đối đoàn kết với người Mỹ và các đối tác quốc tế khác để chuẩn bị cho cuộc phản công của chúng tôi và chúng tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thắng cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ giải phóng các lãnh thổ của chúng tôi,” ông nói.

Ông giải thích thêm rằng Ukraine và Mỹ thống nhất về các vấn đề như huấn luyện binh lính, cung cấp đạn dược và vũ khí, bao gồm cả hỏa tiễn tầm xa.

Shmyhal gợi ý rằng vụ rò rỉ tài liệu có liên quan đến Nga, nhưng nói, “Tôi chắc chắn rằng cuộc điều tra sẽ chứng minh tất cả các kết luận.”

Một số tài liệu bị rò rỉ đã tiết lộ những điểm yếu chính trong vũ khí, phòng không, quy mô tiểu đoàn và sự sẵn sàng của Ukraine tại một thời điểm quan trọng trong cuộc chiến ngay khi Mỹ và Ukraine bắt đầu phát triển mối quan hệ tin cậy lẫn nhau hơn về chia sẻ thông tin tình báo.

Một tài liệu tiết lộ rằng Hoa Kỳ đã theo dõi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, một nguồn tin thân cận với Zelenskiy cho biết, nhưng các quan chức Ukraine vô cùng thất vọng về vụ rò rỉ.

5. Văn phòng của người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cho biết ông “không ngạc nhiên khi mọi người đang theo dõi ông” sau các báo cáo rò rỉ thông tin tình báo của Hoa Kỳ

Văn phòng của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết ông “không ngạc nhiên” khi bị theo dõi, sau khi những báo cáo của tình báo Mỹ bị rò rỉ.

Bình luận của ông được đưa ra sau một báo cáo của BBC hôm thứ Năm về vụ rò rỉ thông tin tình báo của Mỹ cáo buộc Guterres quá mềm mỏng với Nga. Theo đài truyền hình, các tài liệu bị rò rỉ cũng nêu chi tiết các cuộc trò chuyện riêng tư liên quan đến Guterres và nhân viên của ông.

“Tổng thư ký đã làm công việc này và trước công chúng trong một thời gian dài. Ông ấy không ngạc nhiên trước việc mọi người đang theo dõi ông ấy và nghe lén các cuộc trò chuyện riêng tư của ông ấy,” văn phòng của Guterres cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm.

“Điều đáng ngạc nhiên là hành vi sai trái hoặc thiếu năng lực đã cho phép những cuộc trò chuyện riêng tư như vậy bị bóp méo và trở nên công khai”.

Sau đó vào thứ Năm, phát ngôn nhân của Guterres, Stéphane Dujarric đã trả lời, nói rằng “tổng thư ký không mềm mỏng với bất kỳ quốc gia nào.”

Báo cáo của BBC là tiết lộ mới nhất trong vụ rò rỉ trực tuyến các tài liệu mật của chính phủ Mỹ. Nó bao gồm chi tiết về cuộc trò chuyện riêng giữa Guterres và cấp phó của ông ta là Amina Mohammed.

Nó cũng làm sáng tỏ cách Washington nhìn nhận cách giải quyết của Guterres đối với thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Nó cho thấy các quan chức Mỹ tin rằng Guterres muốn duy trì thỏa thuận đến mức ông đã có những nhượng bộ hào phóng với Nga vào tháng Hai.

“Guterres nhấn mạnh những nỗ lực của ông ấy nhằm cải thiện khả năng xuất khẩu của Nga,” tài liệu bị rò rỉ cho biết, “ngay cả khi điều đó liên quan đến các thực thể hoặc cá nhân Nga bị trừng phạt.”

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trả lời hôm thứ Năm, nói rằng các tài liệu đang được đánh giá về tính xác thực và “chúng ta không thể xác nhận hoặc bình luận về bất kỳ thông tin cụ thể nào trong đó.”

6. Người đàn ông bị nghi ngờ liên quan đến vụ đánh bom quán cà phê ở St. Petersburg bị quản thúc tại gia

Theo một tuyên bố của tòa án và truyền thông nhà nước Nga, một tòa án Nga đã quản thúc tại gia một người đàn ông bị tình nghi liên quan đến vụ đánh bom ở St. Petersburg giết chết blogger quân đội Nga Vladlen Tatarsky.

Tòa án quận Leninsky của St. Petersburg cho biết họ đã “chấp nhận đơn khởi kiện của cuộc điều tra và công bố quyết định quản thúc tại gia như một biện pháp hạn chế đối với Dmitry Kasintsev, người bị cáo buộc phạm tội theo Điều 205.6 của Bộ luật Hình sự Liên Bang Nga.” Tội danh được liệt kê trong điều khoản của Bộ luật Hình sự được tham chiếu là “không tố giác tội phạm.”

“Các thủ tục tố tụng tại tòa án được tổ chức đằng sau những cánh cửa đóng kín. Điều tra viên đã đệ trình một bản kiến nghị có những căn cứ cùng với các tài liệu hỗ trợ về vấn đề này,” theo tuyên bố của tòa án đưa ra hôm thứ Năm.

Tuyên bố không cung cấp thêm chi tiết.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hôm thứ Năm đưa tin rằng Kasintsev bị cáo buộc đã “giấu” Daria Trepova trong căn hộ của mình sau vụ nổ ở một quán cà phê trên bờ kè Universitetskaya ở St. Petersburg, trích dẫn các báo cáo của giới truyền thông.

Tưởng cũng nên nhắc lại là chính quyền Nga đã bắt giữ Trepova, một người biểu tình phản chiến 26 tuổi, vào ngày 3 tháng 4, cho rằng cô có liên quan đến vụ nổ giết chết một blogger quân sự nổi tiếng. Chồng của Trepova, Dmitry Rylov, hiện đang ở bên ngoài nước Nga, đã nói với một tờ báo độc lập của Nga rằng ông tin rằng cô đã bị gài bẫy.

Trước đó, Kasintsev từng tham gia vụ án với tư cách nhân chứng, theo TASS.

7. Điện Cẩm Linh cáo buộc gián điệp Ukraine dàn dựng vụ đánh bom Tatarsky

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kremlin Accuses Ukrainian Spies of Orchestrating Tatarsky Bombing”, nghĩa là “Điện Cẩm Linh cáo buộc gián điệp Ukraine dàn dựng vụ đánh bom Tatarsky”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, hôm thứ Năm đã cáo buộc các điệp viên Ukraine dàn dựng vụ đánh bom giết chết blogger quân sự nổi tiếng người Nga Vladlen Tatarsky tại một sự kiện ủng hộ chiến tranh ở trung tâm St. Petersburg hồi đầu tháng này.

FSB nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Tass rằng vụ nổ tại một quán cà phê ở St. Petersburg vào ngày 2 tháng 4 được tổ chức bởi tình báo Ukraine và các đặc vụ của họ, bao gồm cả các nhà hoạt động đối lập Nga “trốn ở nước ngoài”.

Tatarsky, tên thật là Maxim Fomin, đã thiệt mạng khi một quả bom phát nổ trong một sự kiện ủng hộ chiến tranh tại một quán cà phê bên bờ sông Neva ở trung tâm St. Theo Bộ Y tế Nga, vụ nổ làm ít nhất 42 người khác bị thương.

Sinh ra ở miền đông Ukraine, Tatarsky là một trong những blogger có ảnh hưởng nhất ở Nga, đã thu hút được hơn 560.000 người theo dõi trên Telegram trước khi bị giết.

Một ngày sau vụ nổ, cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ và buộc tội một phụ nữ tên là Daria Trepova vì đã thực hiện vụ tấn công. Các nhà chức trách cho biết người phụ nữ 26 tuổi này là người ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập đang bị bỏ tù Alexei Navalny.

FSB hôm thứ Năm cũng cáo buộc Yuriy Denisov, quốc tịch Ukraine, có liên quan đến vụ đánh bom quán cà phê ở St. Petersburg.

Phát ngôn nhân FSB nói “Chúng tôi đã xác định được rằng Daria Trepova đã lên kế hoạch sát hại Fomin cùng với một thành viên của nhóm khủng bố lật đổ Ukraine, Yuriy Denisov, quốc tịch Ukraine, sinh năm 1987”

“Sử dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh và một người trung gian, anh ta đã giao thiết bị nổ cho cô ấy ở Mạc Tư Khoa, thiết bị này được ngụy trang trông giống như một bức tượng bán thân của phóng viên chiến trường và làm bằng thạch cao”

FSB, chịu trách nhiệm về an ninh nội địa và chống khủng bố ở nước này, cho biết Denisov được tình báo Ukraine hướng dẫn đến thủ đô Kyiv của Ukraine vào tháng 2 qua lãnh thổ Latvia, “nơi anh ta thu thập thông tin về lối sống và những nơi mà Tatarsky đã đến thăm”.

“Vì mục đích này, anh ấy đã mua một chiếc xe hơi và thuê một căn hộ gần nơi ở của mình”

Theo FSB, vào ngày 3 tháng 4, một ngày sau vụ đánh bom tại quán cà phê ở St. Petersburg, Denisov rời Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua ngả Armenia

“Thủ tục đưa anh ta vào danh sách truy nã quốc tế đã được bắt đầu. Cuộc điều tra về vụ tấn công khủng bố vẫn tiếp tục. Tất cả những người tổ chức và đồng phạm của họ sẽ phải chịu trách nhiệm theo luật pháp Liên bang Nga.”

Trepova hiện đang bị giam giữ tại một trung tâm giam giữ trước khi xét xử ở Mạc Tư Khoa.

Tuần trước, cái gọi là Quân đội Cộng hòa Quốc gia, gọi tắt là NRA, đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom và giết chết “kẻ hiếu chiến và tuyên truyền chiến tranh nổi tiếng”. Tổ chức này cũng tuyên bố đã chủ mưu vụ đánh bom xe giết chết Darya Dugina vào năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên nghi ngờ sự tồn tại của NRA.

8. Báo cáo cho thấy bom tàu lượn của Nga gây ra tai họa phòng không mới cho Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Glider Bombs Spark New Air Defence Woes for Ukraine—Reports”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy bom tàu lượn của Nga gây ra tai họa phòng không mới cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Truyền thông Ukraine và Nga đưa tin Ukraine đang phải đối mặt với các loại bom dẫn đường của Nga mà không có khả năng chống lại các cuộc tấn công như thế một cách hiệu quả.

Phát ngôn nhân lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ignat đã mô tả bom dẫn đường, hoặc bom lượn, tiếng Anh gọi là “glider bombs”, là “mối đe dọa mới”, đồng thời cho biết thêm rằng chúng được lực lượng Nga sử dụng gần như hàng ngày. Ignat cho biết vào tháng trước, có tới 20 quả bom dẫn đường được phóng đi khắp chiến tuyến mỗi ngày và chúng đã gây ra “tác động rõ rệt” ở các khu vực bao gồm khu vực tranh chấp Donetsk.

“Đây là một mối đe dọa đối với chúng ta và chúng ta phải khẩn trương đáp trả nó,” Ignat nói với truyền hình Ukraine.

Phát ngôn nhân cho biết các quả bom được thả bằng máy bay chiến đấu Su-34 và Su-35 của Nga ngoài tầm với của các hệ thống phòng không của Kyiv. Ignat cho biết, để đẩy các máy bay phản lực này ra khỏi tầm bắn, Ukraine sẽ cần nâng cấp khả năng phòng không, chẳng hạn như hệ thống hỏa tiễn đất đối không Patriot.

Ignat nói với truyền thông Ukraine: “Chưa có gì để chặn được những quả bom phóng từ máy bay.”

Mỹ đã hứa cung cấp khả năng này cho Ukraine, cam kết đẩy nhanh thời gian cần thiết để đưa Patriot vào hoạt động ở Ukraine.

Tháng trước, Ukraine cho biết Nga đã sử dụng các loại đạn cải tiến như KAB-500 ở Ukraine, bao gồm cả khu vực Sumy. Truyền thông trong nước trước đó đã đưa tin rằng Nga đã sử dụng loại bom dẫn đường nặng đến 1.500 kg mới được phát triển, được công bố vào năm 2019. Hãng tin quân sự Ukraine, Defense Express, cho biết loại bom UPAB-1500B có tầm bắn lên tới 25 dặm, đã được sử dụng vào đầu năm nay ở vùng Chernihiv phía bắc Ukraine.

Theo truyền thông Nga, đầu đạn của quả bom nặng hơn 1.000 kg và quả bom sử dụng dẫn đường quán tính và vệ tinh để tiếp cận mục tiêu. Một tờ báo của Nga đưa tin rằng UPAB-1500B có thể được trang bị trên nhiều máy bay quân sự của Nga, bao gồm cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đa năng.

Biên tập viên của Defense Express, Oleh Katkov, nói với The New Voice of Ukraine rằng bom lượn “có thể đánh trúng các vật thể được bảo vệ cao”, đã trở thành một loại “đạn dược khá nguy hiểm”. Ông nói: “Tiêu diệt các tàu sân bay” là “lựa chọn duy nhất”, đồng thời nói thêm: “Bạn không nên chiến đấu bằng vũ khí, mà bằng các máy bay để hạ gục các máy bay ném bom”.

Ukraine cũng đã nhận được bom dẫn đường trong các gói viện trợ từ Mỹ, bao gồm JDAM (Đạn tấn công trực tiếp chung) và JDAM-ER tầm xa. Vào tháng 3, Tướng James Hecker, chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ tại Âu Châu và Phi Châu, đã xác nhận rằng các lực lượng của Ukraine đã sử dụng một số lượng hạn chế “bom thông minh” JDAM-ER. Chúng đã được công bố trong gói viện trợ quân sự vào tháng 12 năm 2022.

Các bộ JDAM tạo ra các loại đạn “thông minh” được dẫn đường chính xác từ các quả bom được phóng từ nhiều loại máy bay. Chuyên gia công nghệ quân sự David Hambling trước đây đã nói với Newsweek rằng các JDAM-ER “có khả năng phản ứng cao” đối với việc gây nhiễu “trên diện rộng” ở Ukraine.

Tuy nhiên, các tài liệu Ngũ Giác Đài bị rò rỉ dường như cho thấy các JDAM đã phần nào bị ảnh hưởng bởi các kỹ thuật gây nhiễu của Nga.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.
 
Tu sĩ dòng Claret bị trục xuất khỏi Nicaragua. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tang thương ở Ukraine
VietCatholic Media
05:28 15/04/2023
1. Nữ tu thừa sai tại Tunisi: Nhiều thuyền nhân thiệt mạng khi tìm đường vào Âu châu

Nữ tu Maria Rohner, Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, thừa sai tại Tunisi ở Bắc Phi, cho biết trong thời gian gần đây, cộng đoàn Công Giáo địa phương ngày nào cũng nghe tin về những thuyền nhân bị thiệt mạng khi tìm đường vượt biên vào Âu châu.

Nữ tu Maria Rohner, người Thụy Sĩ Đức, năm nay 76 tuổi, hoạt động từ 40 năm nay tại Phi châu và hiện phụ trách việc mục vụ cho các nữ sinh từ Phi châu đen trong giáo xứ Công Giáo ở thủ đô Tunis. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tổ chức bác ái “Giới trẻ một thế giới” (Jugend Eine Welt), truyền đi ngày 10 tháng Tư vừa rồi, chị cho biết từ tháng hai năm nay, những người di dân bất hợp pháp không còn được dung thứ tại Tunisi, khiến nhiều người phải tìm đường sang Âu châu và “nhiều người không bao giờ tới đích. Chưa bao giờ chúng ta nghe nói có nhiều người chết như vậy”.

Trong ba tuần gần đây, không có ngày nào mà giáo xứ Công Giáo ở Tunis không có tin về một người trong những người quen biết trong xứ đạo bị thiệt mạng khi vượt biên. Trong số những người chết gần đây có 6 sinh viên, nhiều phụ nữ nội trợ, cha mẹ với hai đứa con, một đôi vợ chồng mới cưới; một cặp vợ chồng khác, chồng thì chết đuối, vợ được cứu thoát. “Trong nhà thờ nhiều chỗ trống, các căn hộ của họ im bặt, cửa tiệm nhỏ của họ đóng cửa”.

Nữ tu Rohrer cho biết tình trạng đặc biệt bi thảm tại thành phố Sfax là cửa ngõ quan trọng nhất để các thuyền tị nạn khởi hành tiến về đảo Lampedusa, ở miền cực nam Ý, nhưng vùng biển này bị coi là rất nguy hiểm. Một con thuyền có tối đa 35 chỗ đã bị đắm, trong đó người ta thấy có 42 người chết đuối và được đưa vào bờ, hôm Chúa nhật Lễ Lá vừa qua. Tuần trước đó, có 70 người chết đuối. Nữ tu cho biết các giới hữu trách đã xin các tổ chức quốc tế cho xe tải chở đồ đông lạnh để giữ các thi hài ấy, giống như thời đại dịch”.

Phần lớn các tử thi trôi dạt vào bờ biển Tunisi là những người Phi châu da đen, chính quyền địa phương coi là tín hữu Kitô, và chở tới giáo xứ để an táng trong những nấm mộ tập thể, mặc dù họ không có giấy tờ nào trong người.

Tại Ý, báo chí cho biết từ Chúa nhật Phục sinh đến Thứ Hai Phục sinh vừa qua, đã có 1.000 thuyền nhân từ Tunisi đến đảo Lampedusa. Theo cơ quan tuần duyên của Tunisi, từ đầu năm nay có khoảng hơn 14.000 người, đi trên 500 chiếc thuyền, đã bị ngăn cản trong toan tính vượt biên vào Âu châu, phần lớn trong số họ là những người đến từ Phi châu, nam sa mạc Sahara. Con số này tăng quá gấp năm lần so với cùng thời kỳ trong năm ngoái.

Mặc dù nguy hiểm, nhưng từ đầu năm đến nay đã có hơn 28.000 người di dân và tị nạn đi thuyền tới Ý, so với 6.832 người đến nước này cùng khoảng thời gian như thế trong năm ngoái, 2022.

2. Tu sĩ dòng truyền giáo Claret bị trục xuất khỏi Nicaragua

Nhà truyền giáo Dòng Claret là Cha Donaciano Alarcón Valdés đã bị trục xuất khỏi Nicaragua mà không được thông báo trước.

Nhà độc tài Daniel Ortega trong chính sách kiên quyết, liên tục bịt miệng những tiếng nói bất đồng ở Nicaragua đã nhắm trực tiếp vào Giáo Hội Công Giáo một cách có hệ thống trong ít nhất 5 năm qua. Trong số các mệnh lệnh gần đây nhất của ông ta có lệnh cấm tuyệt đối các cuộc rước kiệu Công cộng theo truyền thống tại tất cả các giáo xứ trong Tuần Thánh, và trục xuất đột ngột và mạnh mẽ một tu sĩ truyền giáo Claret người Panama.

Đêm thứ Hai, ngày 3 tháng 4, nhà độc tài Ortega bất ngờ trục xuất nhà truyền giáo dòng Claret, là Cha Donaciano Alarcón Valdés. Xuất thân từ Colón, Panama, cha sở 49 tuổi của Giáo xứ María Auxiliadora ở San José de Cusmapa buộc phải rời Nicaragua và tìm nơi ẩn náu ở Honduras.

Vị linh mục phải rời Nicaragua mà không có bất kỳ vật dụng cá nhân nào. Chế độ của Ortega tuyên bố Cha Alarcón đã tổ chức các đám rước trong Tuần Thánh (do đó bất chấp lệnh cấm của chính phủ) và nói về chính trị trong các bài giảng của mình.

“Tôi không quan tâm đến chính trị, nhưng nếu Tin Mừng nói về công lý, thì tôi phải nói về công lý,” Cha. Alarcón nói với Radio Hogar.

Theo truyền thông Công Giáo Panama, Cha Alarcón có sức khỏe tốt và đang ở một nơi an toàn ở San Pedro Sula, Honduras. Khi đến đó, trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Panama, ngài giải thích rằng ngài không tổ chức bất kỳ đám rước nào hoặc sử dụng các bài giảng của mình để thảo luận về chính trị.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Hogar của Panama, Cha Alarcón giải thích rằng ngài không được phép lấy tài liệu cá nhân hoặc một số đồ dùng cá nhân mà ngài có trong giáo xứ. Theo báo chí địa phương, cảnh sát đã tịch thu máy tính cá nhân và điện thoại di động của ngài trước khi đưa ngài ra biên giới.

“Họ nói với tôi rằng tôi đã bị đuổi ra khỏi đất nước và tôi không thể quay lại được nữa […] Tôi không biết phải làm gì. Tôi đã khóc. Một số giáo dân đã giúp tôi tìm một chiếc điện thoại để tôi có thể liên lạc”

Trước Thánh Lễ Truyền Dầu, Cha. Alarcón bị quản thúc trong một thời gian ngắn. Cảnh sát cảnh báo ngài rằng “nếu ngài tiếp tục làm những gì ngài đang làm, ngài có thể bị bỏ tù hoặc bị trục xuất khỏi Nicaragua”.


Source:Aleteia

3. Vào năm 2023, 63 cộng đồng của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã gia nhập Chính Thống Giáo Ukraine

214 cộng đồng tôn giáo đã gia nhập Nhà thờ Chính thống Ukraine từ khi bắt đầu chiến tranh toàn diện cho đến cuối năm 2022. Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, 63 tổ chức tôn giáo Ukraine đã chuyển từ Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa sang OCU.

Tổng cộng, hiện có 8.505 nhà thờ ở Ukraine trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Trong các miền đất của Ukraine bị tạm chiếm, số lượng các nhà thờ của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa không thay đổi kể từ cuối năm 2022 là các khu vực Donetsk, với 683 cơ sở tôn giáo, Khmelnytskyi, 613 và Vinnytsia, 563. Cá biệt, có các trường hợp số nhà thờ Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã tăng lên như tại thành phố Melitopol và trong vùng Kherson nơi nhiều nhà thờ thuộc OCU bị bắt buộc gia nhập UOC.

Khuynh hướng chung có thể dễ thấy là UOC sẽ tan rã vì sự liên kết quá chặt chẽ với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Không chỉ tại Ukraine, ở các nước khác như Lithuania chẳng hạn, người ta lo ngại sự len lỏi của tình báo Nga và ý thức hệ “Russkiy Mir” hay “Thế giới Nga”, trong đó không coi các quốc gia này là các nước có chủ quyền nhưng chỉ là một tỉnh hay cùng lắm là một tiểu bang trong Liên Bang Nga.

Tưởng cũng nên nhắc lại là thế giới Chính Thống Giáo không có Giáo Hoàng, nhưng có 9 vị Thượng Phụ tại các Tòa Thượng Phụ Constantinople, Alexandria, Antiôkia, Giêrusalem, Mạc Tư Khoa, Georgia, Serbia, Rumani, và Bảo Gia Lợi hay Bulgary. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô được xem là vị đứng đầu, danh dự chứ không có quyền tài phán trên các vị khác.

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa được thiết lập vào năm 1589 nhưng đến năm 1721 đã bị Peter Đại Đế bãi bỏ. Trong nhiều thế kỷ tòa này không tồn tại trong thế giới Chính Thống Giáo. Ngày 28 tháng 10, 1917, trong bối cảnh của cuộc cách mạng của cộng sản, tòa này được tái lập và được cộng sản dùng như một công cụ của chế độ, như một thứ Chính Thống Giáo Yêu Nước. Nói cách khác yếu tố truyền giảng Tin Mừng thì nhạt nhoà, mầu sắc chính trị thì đậm nét. Dưới thời Putin, khi nồng nhiệt ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cũng vẫn là một công cụ chính trị của chế độ hơn là một tổ chức tôn giáo thực sự.


Source:RISU

4. Thứ Sáu Tuần Thánh: 8 người thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở thành phố phía đông Sloviansk

Chính quyền Ukraine đã cập nhật số người chết trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở thành phố phía đông Sloviansk, với người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Donetsk cho biết 8 người đã thiệt mạng và 21 người bị thương.

Ông Pavlo Kyrylenko nói với đài truyền hình quốc gia Ukraine rằng ít nhất 7 địa điểm đã bị hỏa tiễn đất đối không S-300 tấn công ngay trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh Chính Thống Giáo.

“Chúng tôi xác nhận rằng 7 hỏa tiễn S-300 đã được phóng vào các tòa nhà chung cư,” ông nói.

Kyrylenko nói: “Một em bé đã được kéo ra khỏi đống đổ nát ngay trước mắt tôi khi cậu ấy vẫn còn sống. Thật không may, cháu ấy đã chết trong xe cứu thương trên đường đến bệnh viện.”

Vadym Liakh, người đứng đầu chính quyền quân sự thành phố Sloviansk, cho biết: “Cuộc tấn công hôm nay vào Sloviansk là một trong những cuộc tấn công lớn nhất kể từ đầu năm nay. Có một số cuộc tấn công ở các quận khác nhau của thành phố.”

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, các hỏa tiễn đã tấn công các khu dân cư và “các tòa nhà dân sự bình thường”.

“Mọi người đang ở dưới đống đổ nát. Mọi thứ đã được thực hiện để cứu họ, mọi thứ đã được thực hiện để cứu những người bị thương,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình.

Tổng thống nói trên Telegram chính thức của mình rằng vụ tấn công chỉ là một ví dụ khác về sự tàn bạo của Nga trong cuộc xâm lược.

“Nhà nước tà ác một lần nữa thể hiện bản chất của nó. Chúng giết người giữa thanh thiên bạch nhật. Hủy hoại, hủy diệt tất cả sự sống. Sẽ có trách nhiệm giải trình công bằng cho mọi biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta sẽ không để lại một dấu vết nào của Nga trên đất của chúng ta. Và chúng ta cũng sẽ không cho phép bất kỳ đối phương nào không bị trừng phạt.”

Các hoạt động cấp cứu tại các khu vực bị tấn công vẫn đang tiếp diễn.

Kyrylenko cho biết những sự việc này không phải là hiếm, đồng thời kêu gọi dân thường di tản đến các vùng của đất nước cách xa chiến tuyến hơn.

“Việc di tản được cung cấp; địa điểm cho vị trí tạm thời được cung cấp,” ông nói thêm.

Theo Kyrylenko, Kramatorsk cũng bị trúng hỏa tiễn S-300, còn Kostianynivka bị pháo của hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt tấn công.
 
Khôi hài: Putin hết xe tăng, nuốt nhục hủy bỏ diễn binh. Giấc mơ Hắc Hải của Putin tan ra mây khói
VietCatholic Media
15:14 15/04/2023


1. Putin bị chế giễu vì quyết định hủy bỏ 'đáng xấu hổ' cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Mocked for 'Embarrassing' Cancellation of Victory Day Parade”, nghĩa là “Putin bị chế giễu vì việc hủy bỏ 'đáng xấu hổ' cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang bị chế nhạo sau khi cuộc duyệt binh quốc gia dự kiến diễn ra vào tháng tới bị hủy bỏ do những tổn thất quân sự được báo cáo trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Lễ kỷ niệm hàng năm, ban đầu dự định diễn ra vào ngày 9 tháng 5, là truyền thống điển hình của Nga để đánh dấu vai trò của Liên Xô trong việc đánh bại Đức Quốc xã trong Thế chiến II - được biết đến ở Nga là Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Các sự kiện được lan truyền trên toàn quốc, với sự kiện lớn nhất diễn ra tại Quảng trường Đỏ của Mạc Tư Khoa và bao gồm một cuộc diễn hành của quân đội kèm theo việc phô diễn khí tài quân sự của Nga.

Các sự kiện đã bị hủy bỏ vì cái gọi là lý do an ninh ở Kursk và Belgorod, nằm gần biên giới Ukraine. Kênh Telegram của Nga ASTRA đưa tin rằng Vyacheslav Gladkov, thống đốc của khu vực Belgorod, nói rằng cuộc duyệt binh “cũng sẽ không được tổ chức để không khiêu khích đối phương với một số lượng lớn phương tiện và binh lính”.

Peter Dickinson của Hội đồng Đại Tây Dương viết hôm thứ Năm: “Tầm quan trọng của Ngày Chiến thắng đối với bản sắc dân tộc ở nước Nga của Putin và mối liên hệ chặt chẽ của ngày lễ này với cuộc chiến ở Ukraine khiến việc hủy bỏ cuộc duyệt binh năm nay trở nên đặc biệt đáng xấu hổ. Các lễ kỷ niệm công khai khác có thể bị hoãn hoặc hủy bỏ mà không gây ồn ào gì, nhưng việc không đánh dấu Ngày Chiến thắng chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng khó che giấu ngay cả trong môi trường thông tin được kiểm soát chặt chẽ của Nga.”

Các cuộc duyệt binh ở Crimea, một bán đảo bị Nga sáp nhập vào năm 2014 cũng đã bị hủy bỏ sau khi lực lượng quân sự Ukraine tuyên bố sẽ tái chiếm.

“Chính quyền Cộng hòa Crimea và thành phố anh hùng Sevastopol đã đưa ra quyết định chung không tổ chức các cuộc biểu tình lễ hội vào ngày 1 tháng 5, cuộc diễn hành của 'Trung đoàn bất tử' và cuộc diễn hành quân sự vào ngày 9 tháng 5,” người đứng đầu Crimea do Nga bổ nhiệm, Sergey Aksenov, cho biết như trên, và nhấn mạnh rằng “Quyết định này là vì lý do an ninh.”

Ngày 1 tháng 5 là Ngày quốc tế lao độnh ở Nga và cũng sẽ không bao gồm bất kỳ cuộc tuần hành nào với chủ đề yêu nước.

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết quyết định của các quan chức Nga vượt quá vấn đề an ninh và là một cách để tránh những lời chỉ trích có thể xảy ra đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của nước này, vì số lượng thương vong cao, theo số liệu do Lực lượng Vũ trang Ukraine công bố.

“Việc tôn vinh những người đã khuất của các thế hệ trước có thể dễ dàng biến thành việc phơi bày phạm vi của những mất mát gần đây mà Điện Cẩm Linh cố gắng che đậy,” một bản cập nhật tình báo của Bộ hôm thứ Năm cho biết.

Bất kể lý do thực sự của việc hủy bỏ, nó đã dẫn đến nhiều lời chỉ trích hơn của một số người về vị thế quân sự hiện tại của Nga.

Mark Hertling, cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở Âu Châu, viết trên Twitter: “Không có gì phủ nhận bạn không phải là một nhà chiến lược vĩ đại cho bằng việc không có đủ binh lính và thiết bị để tổ chức một cuộc duyệt binh hàng năm”.

Trung tá quân đội đã nghỉ hưu Alexander Vindman viết trên Twitter: “Có thể năm ngoái là cuộc Diễn hành Chiến thắng Mạc Tư Khoa cuối cùng mà chúng ta có thể thấy trong vài năm tới. Nói cho cùng, chính Putin là người khởi xướng việc kỷ niệm tưng bừng Ngày Chiến thắng hàng năm thay vì các ngày kỷ niệm lớn khác.”

Người dùng Twitter Randy Bryce, người có hồ sơ cho thấy anh ta là một cựu quân nhân, đã viết trên Twitter: “Thật thương cảm cho một người không có đủ xe tăng cho một cuộc duyệt binh vì chúng đang bị nổ tung ở một quốc gia mà anh ta xâm lược.”

Tạp chí Business Ukraine, một tạp chí độc lập ra hàng quý về các vấn đề thời sự của Ukraine, đã tweet rằng “Sa hoàng đang khỏa thân”.

“Vladimir Putin dự kiến sẽ đánh bại Ukraine chỉ trong ba ngày,” tạp chí này viết. “14 tháng sau, giờ đây anh ấy buộc phải hủy bỏ các cuộc diễn hành Ngày Chiến thắng yêu thích của mình tại một chuỗi các thành phố của Nga vì lo sợ các cuộc tấn công của Ukraine.”

Mikhail Troitskiy, giáo sư tại Đại học Wisconsin-Madison, nói với Newsweek qua email hôm thứ Sáu rằng việc tập hợp đủ số lượng lớn thiết bị để trưng bày không phải là vấn đề đối với Nga so với khả năng mở ra các cuộc tấn công tiềm tàng của Ukraine nhằm vào binh sĩ và thiết bị — bao gồm máy bay không người lái, hỏa tiễn tầm ngắn và pháo binh mà Kyiv đã sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Troitskiy nói: “Quyết định của Điện Cẩm Linh về cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Mạc Tư Khoa sẽ hấp dẫn và đáng nói hơn nhiều. Việc phá vỡ truyền thống tạo nên bản sắc của Nga và hủy bỏ cuộc duyệt binh ở Mạc Tư Khoa sẽ đòi hỏi một lý do nghiêm túc. Nếu không có sự leo thang lớn trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine vào tháng 5, thì một cuộc tấn công chính xác nhưng mạnh mẽ đầy bất ngờ của Kyiv nhằm vào một cuộc duyệt binh ở Mạc Tư Khoa là điều khó xảy ra”.

Ông nói thêm, lập luận của Nga có thể thay đổi nếu Ukraine tiến hành một cuộc phản công lớn nào đó trước ngày 9 tháng 5. Ông nói rằng một kịch bản như vậy có thể khiến Putin tuyên bố nối lại nỗ lực huy động quân sự của Nga hoặc đưa ra thiết quân luật nếu tình hình chiến trường trở nên bất khả kháng.

Troitskiy cho biết: “Việc hủy bỏ các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Mạc Tư Khoa có thể xảy ra nếu đến ngày 9 tháng 5, thiết quân luật đã có hiệu lực và công dân Nga đang bị vây bắt hàng loạt và gửi đi chiến đấu chống lại Ukraine”. “Trong trường hợp đó, Điện Cẩm Linh có thể tuyên bố 'hoãn' cuộc duyệt binh ngày 9 tháng 5 cho đến khi chiến thắng trong 'cuộc chiến mới' của Nga - cuộc chiến chống lại Ukraine.”

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh qua email để bình luận.

2. Giấc mơ Hắc Hải của Putin tan vỡ như thế nào

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How Putin's Black Sea Dreams Fell Apart”, nghĩa là “Giấc mơ Hắc Hải của Putin tan vỡ như thế nào”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Vào dịp kỷ niệm một năm ngày chiến hạm Moskva của Nga bị đắm ở Hắc Hải, các chuyên gia nói với Newsweek rằng chiến lược hải quân của Nga trong khu vực đã thất bại.

Hỏa tiễn chống hạm của Ukraine, cộng với việc sử dụng máy bay và thuyền không người lái, đã đẩy lực lượng Nga ra khỏi bờ biển của Ukraine.

Khu vực Hắc Hải do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát và có quyền tiếp cận trực tiếp của NATO, điều này ngăn cả Ukraine và Nga thiết lập quyền kiểm soát.

Khi soái hạm của hạm đội Hắc Hải, tàu Moskva, chạm tới độ sâu của đáy biển vào giữa tháng 4 năm 2022, Nga khẳng định Ukraine không liên quan gì đến vụ chìm tàu tuần dương hỏa tiễn dẫn đường 510 người.

Truyền thông nhà nước Nga đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau về vụ đánh chìm chiếc soái hạm nổi tiếng—nhưng không lời giải thích nào trong số đó bao gồm một cuộc tấn công có chủ ý của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết một “đám cháy” sau đó là một “vụ nổ đạn dược” đã gây ra “thiệt hại nghiêm trọng” cho tàu tuần dương, khiến thủy thủ đoàn phải di tản. Theo truyền thông nhà nước, các vụ nổ đạn dược đã dừng lại, con tàu vẫn nổi và được đưa vào cảng.

Cuối cùng, con tàu sau đó bị chìm sau khi mất “sự ổn định do thân tàu bị hư hại” trong một “cơn bão lớn”, theo báo cáo của Bộ Quốc Phòng Nga. Nhưng đây không phải là phiên bản của các sự kiện được trình bày bởi Ukraine, hoặc những người ủng hộ phương Tây của nước này.

“Các hỏa tiễn Neptune bảo vệ Hắc Hải đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng cho tàu Nga,” lực lượng Hải Quân Ukraine, có trụ sở tại thành phố cảng Odesa, Hắc Hải, viết vào ngày 13 tháng 4 năm 2022. Ngày hôm sau, John Kirby, thư ký báo chí của Ngũ Giác Đài, cho rằng một hỏa tiễn của Ukraine có thể đứng sau vụ chìm tàu, nói rằng Hoa Kỳ “không ở vị trí để bác bỏ” các tuyên bố của Ukraine.

Tuy nhiên, trong vòng vài ngày, Ngũ Giác Đài đã xem xét lại câu chuyện của Kyiv, cho rằng con tàu dường như đã bị hỏa tiễn Ukraine đánh chìm. Cựu Đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh Chris Parry nói với BBC rằng đoạn phim dường như cho thấy tàu Moskva đang chìm khiến “không nghi ngờ gì nữa, nó đã bị trúng một hoặc hai hỏa tiễn”.

Các chuyên gia cho rằng vụ chìm tàu đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với Nga, cả về mặt quân sự và tâm lý. Mạc Tư Khoa cho biết vào tháng 4 năm ngoái rằng hầu hết thủy thủ đoàn của Moskva đã được di tản nhưng một quân nhân đã thiệt mạng và 27 người khác được tuyên bố là mất tích. Ukraine cho biết vụ việc đã giết chết khoảng 250 thủy thủ.

Phó Đô đốc đã nghỉ hưu Robert Murrett, phó giám đốc Viện Chính sách và Luật An ninh của Đại học Syracuse, nói với Newsweek rằng viễn cảnh mất đi soái hạm của cả một hạm đội chắc chắn đã thu hút sự chú ý. Chuyên gia quân sự David Stone nhận định, đó chắc chắn là một “tổn thất tuyên truyền lớn” đối với Tổng thống Vladimir Putin.

Sự thay đổi cách thức sử dụng hạm đội Hắc Hải của Nga trong tương lai là rất đáng kể.

Murrett cho biết thêm, điều đó chứng tỏ rằng mọi tàu Nga tiếp cận vùng biển duyên hải của Ukraine đều đang bị đe dọa. Do đó, Nga nói chung đã thận trọng hơn với các tàu của mình kể từ sau vụ chìm tàu.

Mark Grove, giảng viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Hàng hải của Đại học Lincoln tại Đại học Hải quân Hoàng gia Britannia Dartmouth, Vương quốc Anh cho biết: “Nó có tác động rất lớn đến việc người Nga cảm thấy có thể triển khai ở đó như thế nào, đặc biệt là các tàu chiến nổi trên mặt nước của họ”.

3. Ukraine sẽ “thử nghiệm và sử dụng” bất kỳ loại vũ khí không bị cấm nào để chiếm lại Crimea, người đứng đầu hội đồng an ninh nói

Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết trong hôm thứ Sáu rằng Kyiv sẽ “thử nghiệm và sử dụng” bất kỳ loại vũ khí không bị cấm nào để chiếm lại Crimea.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần nói kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga rằng Ukraine có kế hoạch chiếm lại Crimea.

Crimea tuyên bố sáp nhập vào Nga vào năm 2014. Sau cuộc nổi dậy buộc Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych phải từ chức, quân đội Nga đã tràn vào bán đảo Crimea.

4. 8 người thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở thành phố phía đông Sloviansk

Chính quyền Ukraine đã cập nhật số người chết trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở thành phố phía đông Sloviansk, với người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Donetsk cho biết 8 người đã thiệt mạng và 21 người bị thương.

Ông Pavlo Kyrylenko nói với đài truyền hình quốc gia Ukraine rằng ít nhất 7 địa điểm đã bị hỏa tiễn đất đối không S-300 tấn công ngay trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh Chính Thống Giáo.

“Chúng tôi xác nhận rằng 7 hỏa tiễn S-300 đã được phóng vào các tòa nhà chung cư,” ông nói.

Kyrylenko nói: “Một em bé đã được kéo ra khỏi đống đổ nát ngay trước mắt tôi khi cậu ấy vẫn còn sống. Thật không may, cháu ấy đã chết trong xe cứu thương trên đường đến bệnh viện.”

Vadym Liakh, người đứng đầu chính quyền quân sự thành phố Sloviansk, cho biết: “Cuộc tấn công hôm nay vào Sloviansk là một trong những cuộc tấn công lớn nhất kể từ đầu năm nay. Có một số cuộc tấn công ở các quận khác nhau của thành phố.”

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, các hỏa tiễn đã tấn công các khu dân cư và “các tòa nhà dân sự bình thường”.

“Mọi người đang ở dưới đống đổ nát. Mọi thứ đã được thực hiện để cứu họ, mọi thứ đã được thực hiện để cứu những người bị thương,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình.

Tổng thống nói trên Telegram chính thức của mình rằng vụ tấn công chỉ là một ví dụ khác về sự tàn bạo của Nga trong cuộc xâm lược.

“Nhà nước tà ác một lần nữa thể hiện bản chất của nó. Chúng giết người giữa thanh thiên bạch nhật. Hủy hoại, hủy diệt tất cả sự sống. Sẽ có trách nhiệm giải trình công bằng cho mọi biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta sẽ không để lại một dấu vết nào của Nga trên đất của chúng ta. Và chúng ta cũng sẽ không cho phép bất kỳ đối phương nào không bị trừng phạt.”

Các hoạt động cấp cứu tại các khu vực bị tấn công vẫn đang tiếp diễn.

Kyrylenko cho biết những sự việc này không phải là hiếm, đồng thời kêu gọi dân thường di tản đến các vùng của đất nước cách xa chiến tuyến hơn.

“Việc di tản được cung cấp; địa điểm cho vị trí tạm thời được cung cấp,” ông nói thêm.

Theo Kyrylenko, Kramatorsk cũng bị trúng hỏa tiễn S-300, còn Kostianynivka bị pháo của hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt tấn công.

5. Quân Ukraine kết thúc khóa huấn luyện về pháo binh do Đan Mạch tài trợ, với thiết bị dự kiến sẽ sớm đến Ukraine

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen nói với các phóng viên báo chí hôm thứ Sáu rằng quân Ukraine đã hoàn tất khóa huấn luyện về hệ thống pháo CAESAR do Đan Mạch tài trợ và thiết bị này dự kiến sẽ đến Ukraine “trong vài tuần tới”.

“Việc đào tạo và huấn luyện về hệ thống CAESAR hiện đã hoàn tất và người Ukraine đã sẵn sàng đưa hệ thống này vào sử dụng”

Đan Mạch đã tuyên bố sẽ tặng tất cả 19 hệ thống pháo CAESAR do Pháp sản xuất cho Ukraine vào đầu năm nay.

“Đây là một hệ thống pháo mới được phát triển vẫn đang được triển khai trong phòng thủ của Đan Mạch. Hệ thống pháo dự kiến sẽ được chuyển đến Ukraine trong vài tuần tới,” ông nói.

6. Bộ Ngoại Giao Na Uy cho biết các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất đang làm việc cho các cơ quan tình báo Nga

Hơn một chục nhà ngoại giao Nga bị Na Uy trục xuất hôm thứ Năm đang làm việc cho các cơ quan tình báo Nga bao gồm Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Nga, gọi tắt là GRU, Cơ quan Tình báo Nước ngoài, gọi tắt là SVR, hoặc Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB – Bộ Ngoại Giao Na Uy cho biết hôm thứ Sáu.

Inger Haugland, trưởng phòng phản gián của Cơ quan An ninh Cảnh sát Na Uy, cho biết trong một cuộc họp báo ở Oslo: “Chúng ta chắc chắn rằng những cá nhân này là những người mà chúng ta gọi là sĩ quan tình báo dưới vỏ bọc ngoại giao.

Haugland cho biết rủi ro do tình báo Nga ở Na Uy gây ra đã giảm bớt sau quyết định này, nhưng không có khả năng Nga sẽ ngừng các hoạt động gián điệp ở nước này.

“Điều quan trọng là phải nói rằng các cơ quan tình báo Nga sẽ tiếp tục hoạt động ở Na Uy. Na Uy rất quan trọng đối với Nga và các cơ quan tình báo sẽ tiếp tục có nhiệm vụ ở Na Uy,” bà nói.

Theo Bộ Ngoại giao Na Uy, động thái này nhằm đối phó với mối đe dọa tình báo ngày càng tăng từ Mạc Tư Khoa và “tình hình an ninh ngày càng xấu đi” ở Âu Châu.

Họ cho biết họ đã theo dõi 15 nhân viên đại sứ quán và phát hiện họ “tham gia vào các hoạt động không phù hợp với địa vị ngoại giao của họ”. Bộ Ngoại Giao cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã bị tuyên bố là những người không được hoan nghênh, bị tước quyền miễn trừ ngoại giao và phải rời khỏi đất nước “trong thời gian ngắn”.

7. Thủ tướng Anh nói: Thủ phạm chặt đầu binh sĩ Ukraine phải đối mặt với hậu quả

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak cho biết trong một cuộc gọi điện thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu rằng những thủ phạm chặt đầu một binh sĩ Ukraine được nhìn thấy trong một video được phát hành trên phương tiện truyền thông xã hội vào đầu tuần này phải chịu trách nhiệm trước công lý về hành vi tàn bạo của họ.

“Thảo luận về vụ chặt đầu ghê tởm một binh sĩ Ukraine được đăng trên mạng xã hội trong những ngày gần đây, Thủ tướng cho biết đoạn video thật kinh khủng và những người chịu trách nhiệm phải bị đưa ra trước công lý,” Downing Street cho biết trong một tuyên bố.

Sunak cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine, bao gồm trao đổi thông tin giữa NATO và Kyiv. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý giữ liên lạc.

Zelenskiy đã tweet sau cuộc điện đàm, nói rằng các nhà lãnh đạo đã nói về vụ hành quyết cũng như tình hình ở tiền tuyến và hỗ trợ quốc phòng.

8. Truyền thông nhà nước: Đại sứ quán Phần Lan tại Mạc Tư Khoa cảnh báo Bộ Ngoại giao Nga sau khi nhận được thư có chất bột trắng

Đại sứ quán Phần Lan tại Mạc Tư Khoa đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Nga sau khi họ nhận được ba lá thư vào thứ Năm, một lá thư được phát hiện khi mở ra có chứa bột trắng, hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm thứ Sáu.

Một tuyên bố của đại sứ quán mà RIA có được cho biết “ba lá thư đã được gửi tới Đại sứ quán Phần Lan tại Liên bang Nga, khi mở bức thư đầu tiên, người ta tìm thấy một loại bột”.

Các bức thư đã được trao cho đại diện của Nga và đại sứ quán Phần Lan đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố cho biết thêm.

Mối quan hệ giữa Helsinki và Mạc Tư Khoa đang căng thẳng sau khi Phần Lan gia nhập NATO gần đây.

CNN đã liên hệ với đại sứ quán Phần Lan tại Mạc Tư Khoa để biết thêm chi tiết.
 
Bất kể chiến tranh kinh hoàng, hiện tượng Lửa Thánh lạ lùng bên ngôi mộ Chúa ở Giêrusalem vừa xảy ra
VietCatholic Media
17:03 15/04/2023


1. Phóng sự đặc biệt: Hiện tượng Lửa Thánh lạ lùng tại Giêrusalem

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trưa ngày thứ Bẩy 15 tháng Tư, tức là ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh của Chính Thống Giáo và của cả các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, thế giới Chính Thống Giáo đã dán mắt vào các màn hình TV và computer để hồi hộp theo dõi hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem.

Những lo âu liên quan đến đại dịch coronavirus tuy đã có phần giảm bớt, nhưng lại có những âu lo về sự mở rộng và leo thang chiến tranh tại Ukraine. Điều này phản ảnh rất rõ rệt trong số những người tham dự.

Được đi lại trên chính con đường thương khó Chúa đã đi qua là một kinh nghiệm sâu sắc thay đổi cuộc đời biết bao người hành hương đến Giêrusalem. Cho nên, các tín hữu Chính Thống Giáo Nga có lòng mộ đạo đã cố gắng đến Giêrusalem trong thời gian này. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm 13 tháng Tư, ông Haim Katz, bộ trưởng Du Lịch Israel cho biết con số tín hữu Chính Thống Giáo Nga đến Thánh Địa trong năm nay chưa tới 10% con số năm 2019 là thời gian ngay trước đại dịch coronavirus. Trước hết, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đã gây ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người Nga. Nhiều người, có thể vẫn còn khả năng nhưng không biết tương lai ra sao nên cũng không thể đi.

Thứ hai, một trở ngại khó vượt qua hơn nữa là máy bay Nga không được phép bay qua các không phận của Liên Hiệp Âu Châu. Thành ra, giá vé máy bay đến Giêrusalem tăng vọt như hỏa tiễn.

Thứ ba, nam giới trong độ tuổi nhập ngũ không được ra nước ngoài. Hôm thứ Ba, Quốc hội Nga, hay còn gọi là Duma Quốc gia, đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi dự luật cho phép gửi giấy gọi nhập ngũ điện tử bên cạnh các lá thư truyền thống. Theo dự luật này, giấy triệu tập nhập ngũ điện tử sẽ được coi như giấy triệu tập. Hiện tại, các tài liệu nhập ngũ ở Nga phải được giao tận tay bởi văn phòng nhập ngũ của quân đội địa phương hoặc thông qua người sử dụng lao động. Một người sẽ được coi là đã được thông báo ngay cả khi họ chưa xem giấy triệu tập hoặc email. Trong bối cảnh đó, nhà cầm quyền Nga đã thắt chặt các hạn chế ra nước ngoài đối với các thanh niên trong độ tuổi có thể bị gọi nhập ngũ.

Bên cạnh những trở ngại của người Nga, người Palestine ở dải Gaza cũng không được phép đến Giêrusalem để tham dự Tuần Thánh Chính Thống Giáo.

Bộ trưởng Haim Katz cho biết dù có ít người Nga tham dự, và không có các tín hữu từ dải Gaza, con số các tín hữu đến Giêrusalem năm nay vẫn đông hơn năm ngoái. Khung cảnh rất khác so với thời đại dịch coronavirus, Nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem đã mở cửa cho công chúng vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh Chính Thống Giáo để cho phép các tín hữu tham dự nghi thức đón lửa thánh tại địa điểm Chúa Giêsu đã bị đóng đinh và đã phục sinh. Bầu không khí cử mừng tràn ngập khu vực này khi hàng loạt tín hữu đi qua cánh cửa gỗ khổng lồ của nhà thờ.

Năm 2000 là một lễ Phục sinh vắng lặng, không có bao nhiêu người được tham dự trong bối cảnh nhà thờ Thánh Mộ cửa đóng then cài. Năm 2021 và 2022, tình hình tốt hơn nhiều, cánh cửa rộng mở khiến các tín hữu cảm thấy hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo và Giáo Hội Armenia Tông Truyền gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection - nằm phía bên trong bức tường than khóc trong khu vực cổ thành Giêrusalem, kế cận với đồi Golgotha. Theo truyền thống, nhà thờ đã được xây dựng trên khu mộ Chúa Giêsu đã được táng xác.

Trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đây được xem là nơi thánh thiêng bậc nhất của Kitô Giáo. Thế nhưng đến thế kỷ thứ hai, hoàng đế Hadrianus đã cố ý cho đổ đất lấp hết những dấu tích của Kitô giáo, rồi xây đền thờ nữ thần Aphrodite, là một thứ nữ thần sắc đẹp như kiểu thần Vệ Nữ.

Sau khi đón nhận đức tin Công Giáo, năm 325, Đại Đế Constantine đã truyền phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite và cho đào bới khu vực này để tìm lại các dấu tích thánh thiêng của Kitô Giáo. Mẹ nhà vua là nữ hoàng Helena đã hiện diện từ năm 326 tại địa điểm này để đích thân giám sát các cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ mới.

Theo thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.

Truyền thống Chính Thống Giáo tin rằng hiện tượng Lửa Thánh là một phép lạ xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh theo lịch Chính Thống Giáo. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem được tin tưởng là nhận được lửa từ trời xuống bên trong ngôi mộ Chúa.

Lúc 10 giờ sáng ngày thứ Bẩy 15 tháng Tư, theo truyền thống, cảnh sát Do Thái đã vào trong Edicule, là ngôi đền nhỏ bên trong đền thờ Thánh Mộ, bao bọc khu hầm mộ Chúa, lục soát để bảo đảm rằng bên trong không hề có vật dụng gì có thể tạo ra lửa.

Đúng 11 giờ, thanh tra cảnh sát Do Thái niêm phong Edicule.

Nghi thức bắt đầu lúc 12 giờ trưa với kinh cầu Các Thánh. Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp và các Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp đến trước Edicule. Ngài cởi bỏ phẩm phục bên ngoài và chịu sự khám xét của cảnh sát Do Thái để chứng minh rằng ngài không hề mang theo bất cứ vật dụng nào có thể tạo ra lửa. Sau đó, chỉ một mình ngài được vào trong Edicule, hai tay cầm hai bó nến.

Đức Thượng Phụ qùy cầu nguyện trước tấm đá cẩm thạch bao bọc chiếc giường bằng đá nơi thi thể Chúa được an táng. Các tín hữu Chính Thống Giáo hiệp thông qua các phương tiện truyền thông hồi hộp theo dõi, lo sợ hiện tượng này không xảy ra trong năm nay.

Sử sách ghi lại năm 1101, là năm hiện tượng này không xảy ra, và đó là năm đại dịch kinh hoàng.

Một lúc sau, ánh lửa bắt đầu phát ra từ bên trong ngôi mộ của Chúa Kitô. Các tín hữu Chính Thống Giáo trên toàn thế giới thở phào nhẹ nhõm, chứa chan hy vọng đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, cùng với chiến tranh sẽ sớm chấm dứt.

Đức Thượng Phụ tiến ra với hai bó nến được thắp sáng. Hai người phải kè hai bên ngài để dìu ngài đi. Có lẽ sức nặng tâm lý đã khiến ngài bước đi không nổi.

Đền thờ Thánh Mộ đã được thắp sáng với những ánh nến huy hoàng.

Những người hành hương và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo cho biết trong 33 phút đầu tiên lửa này không hề làm phỏng họ nếu họ giơ tay trên ngọn lửa.

Theo truyền thống Lửa Thánh sau đó được rước đến Bethlehem, nơi Chúa xuống thế làm người.

Trong những năm trước, chính quyền Do Thái đã dàn xếp các chuyến máy bay đặc biệt để đưa lửa thánh đến các quốc gia Chính Thống Giáo như Nga, Ukraine, Hy Lạp, Rumani. Các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo và cả các nhà lãnh đạo dân sự ra tận sân bay đón nhận. Năm nay, do ảnh hưởng của chiến sự, lửa thánh đã không được đưa đến Ukraine.

2. Israel hủy bỏ giấy phép ra khỏi Gaza nhân lễ Phục sinh Chính thống

Nhà cầm quyền Israel đã hủy bỏ giấy phép ra khỏi miền Gaza đã cấp cho các tín hữu Kitô, nhân dịp lễ Phục sinh Chính thống giáo vào cuối tuần này.

Hãng tin Asia News truyền đi ngày 12 tháng Tư vừa qua cho biết, trang mạng giáo xứ Chính thống thánh Porphyrios ở Gaza đưa tin này và nói rằng hiện thời không có giải thích chính thức nào từ phía chính quyền Israel về biện pháp này. Bộ dân sự vụ của Palestine thông báo tin này cho cộng đoàn Chính thống địa phương.

Trong thời gian qua, ít nhất 700 tín hữu Kitô ở miền Gaza đã được phép của Israel đến Giêrusalem vào dịp lễ này. Số giấy phép tương tự cũng đã được cấp cho các tín hữu Kitô vào dịp lễ Giáng Sinh năm vừa qua.

Theo một số nguồn tin địa phương, trong số những lý do là vì có những căng thẳng gần đây tại Gaza, Liban và Syria, vùng biên giới với Israel, với những vụ phóng hỏa tiễn, chạm súng, và những vụ oanh kích của không quân Israel.

Biện pháp hủy bỏ này được coi là một “cú đánh” mới đối với tự do tôn giáo của các tín hữu Kitô ở Gaza và Thánh địa, vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực vì những căng thẳng và những cuộc tấn công trong thời gian gần đây chống các dinh thự biểu tượng và nơi thờ phượng.

Miền Gaza có khoảng hai triệu dân cư, hầu hết là người Hồi giáo, ở dưới sự kiểm soát của lực lượng Hamas, bị Israel coi là một tổ chức khủng bố. Cách đây 10 năm, có khoảng 3.000 tín hữu Kitô tại đây, nhưng nay chỉ còn lại khoảng 1.000 người, đa số thuộc Chính thống giáo. Một phần nhỏ giáo xứ Thánh Gia, là họ đạo Công Giáo duy nhất tại đây. Hàng năm vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục sinh, các Kitô hữu phải làm đơn với nhà cầm quyền Israel để có thể tới Giêrusalem hay Bethlehem hầu tham dự các buổi lễ hoặc viếng thăm thân nhân bạn hữu.

3. Hơn 50 linh mục bị thiệt mạng vì bạo lực tại Mễ Tây Cơ

Từ năm 2016 đến nay, có hơn 50 linh mục tại Mễ Tây Cơ bị các băng đảng ma túy giết chết hoặc vì đã phê bình họ, hoặc bị kẹt giữa các vụ đụng độ giữa các băng đảng với nhau.

Vì thế, có người đã đặt câu hỏi: Phải chăng tại Mễ Tây Cơ, chọn con đường ơn gọi linh mục là quyết định có rất nhiều rủi ro tại nước này, hoặc tại nơi khác?

Ký giả Will Grant, phóng viên của đài BBB, Anh quốc tại Mễ Tây Cơ, đã đăng một bài hôm mùng 08 tháng Tư vừa qua, về nạn giết hại giáo sĩ tại nước này. Ông kể lại trường hợp cha Miguel Pantaleon, 28 tuổi, sau khi cử hành thánh lễ mở tay, trong một nhà thờ đông chật người ở thành phố Rincón del Carmen, miền tây Mễ Tây Cơ, vùng này được gọi là “Tierra Caliente”, Đất Nóng, có nhiều linh mục bị giết và là nơi liên tục xảy ra những cuộc đụng độ giữa hai băng đảng ma túy: “Tân thế hệ Jalisco” và “Gia Đình Michoacana”. Cảnh sát địa phương ít khi chống lại các tội ác này và chỉ ra tay hành động đối với những vụ đặc biệt quan trọng.

Cha Pantaleon kể: “Đối với tôi, làm linh mục tại Vùng Đất Nóng này có nghĩa là yêu thương. Dân chúng sống tại đây bị thương tổn rất nhiều, họ đau khổ, và nếu chúng ta đáp lại tiếng gọi của Chúa, chúng ta trở thành dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa đối với họ. Tôi biết một ngày kia, tôi sẽ phải đương đầu, diện đối diện, với những kẻ phạm pháp ấy. Nhưng thay vì đụng độ, điều quan trọng hơn là chứng tỏ “khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa cũng yêu thương họ”.

Cha Pantaleon cũng kể lại đời sống ở chủng viện thuộc khu ngoại ô thành phố Ciudad Altamirano. Mỗi ngày, 18 chủng sinh tham dự thánh lễ ban sáng tại nhà nguyện chủng viện. Để tới nhà nguyện, các thầy phải đi qua nghĩa trang các linh mục bị sát hại, và để ý thức rằng có những rủi ro nguy hiểm họ có thể gặp phải.

Có một bia mộ mang tên cha Habacuca Hernandez Benitez, sinh ngày 16 tháng Giêng năm 1970, bị giết ngày 13 tháng Sáu năm 2009, lúc mới 39 tuổi. Dân chúng ở đây coi cha là vị tử đạo. Trong năm đó, một cuộc “chiến tranh” dữ dội xảy ra giữa các băng đảng và còn kéo dài đến nay. Cho đến bấy giờ, các băng đảng hành động kín đáo. Cha Hernandez đang đi xe đến dự một cuộc gặp gỡ giới trẻ cùng với hai chủng sinh. Đến một chỗ, xe bị những người võ trang bao vây, họ buộc mỗi người phải ra khỏi xe và bắn chết họ mà không nói một lời nào.

Dịp lễ Giáng Sinh năm 2014, anh họ của cha Hernandez là cha Gregorio, cũng chịu chung số phận. Một nhóm thuộc băng đảng ma túy đột nhập vào phòng của cha ở chủng viện, lấy khăn bịt miệng và mũi cha làm cha nghẹt thở. Có lẽ những kẻ tấn công muốn cha nộp tiền chuộc mạng, nhưng họ tính sai và thi hài của cha sau đó được tìm thấy trong một bụi cây gần chủng viện.

Cha Pantaleon nhận định rằng: “Dường như những biến cố như thế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người trẻ và ngăn cản họ chọn cuộc sống nguy hiểm này. Nhưng sự việc xảy ra trái ngược: những linh mục bị giết trở thành nguồn cảm hứng, không phải chỉ cho người trẻ mà thôi. Một thanh niên là anh Antonio Ábelez 19 tuổi, giải thích rằng: “Đó là những dấu hiệu rõ ràng dễ hiểu đối với chúng ta. Cái chết có vẻ là “bất công” của linh mục kích thích chúng ta can đảm hơn”.

Giám đốc Đại chủng viện ở Rincón del Carmen, cha Antonio Reinoso, nhấn mạnh rằng: “trong chương trình huấn luyện của chúng ta, điều quan trọng là phát triển nhân đức thận trọng khôn ngoan nơi các linh mục mới. Điểm nhấn là, trong tư cách là linh mục, họ phải rao giảng Tin mừng và đặc biệt tránh phê bình trên tòa giảng những người lãnh đạo. Những tổ chức tội phạm có hàng ngàn cái đầu. Các linh mục của chúng ta không thể giải quyết vấn đề này nhưng dựa trên đức tin, họ có thể chống lại tội phạm ấy”.