Ngày 22-04-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/04: Chúa sống lại là tin bởi trời loan xuống - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
03:35 22/04/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mar-cô,

Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài".

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:16 22/04/2022
Chương 53:

TRUYỀN GIÁO



“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo. (Mc 16, 15)

1. Bởi vì tôi tin nên tôi mới loan báo.

(Thánh Đa-minh)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:18 22/04/2022
57. RÂU TÓC VÀNG ĐỎ

Người nọ để râu dài màu vàng, thường khoe trước mặt vợ:

- “Người râu dài màu vàng không phải là người đàn ông yếu đuối, cuộc đời sẽ không bị người khác ức hiếp”.

Một hôm, ông ta bị người khác đánh bị thương, vợ liền dùng câu nói của ông ta để nhạo báng, ông ta nói:

- “Ai ngờ người ấy có bộ râu đỏ rực đỏ rực chứ?”

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 57:

Râu vàng râu đỏ hay râu trắng râu đen thì cũng bị người khác đánh nếu làm việc tầm bậy, mà xét cho cùng theo tướng học người nào có râu vàng thì thường là có tính hiếu sát, tức là tính dễ gây gỗ với người khác, cho nên dễ mang họa vào thân…

Có một vài người Ki-tô hữu thường khoe khoang trước mặt mọi người rằng mình là người học giáo lý rất nhiều, thường tham dự hết khóa Kinh Thánh này đến khóa Kinh Thánh nọ, cho nên khó mà lạc đạo được, khó mà mất đức tin được ! Nhưng rồi bỗng một hôm người ta thấy những người khoe giỏi giáo lý ấy vung tay chửi cha sở, thấy những người khoe thường tham dự các khóa Kinh Thánh ấy bỏ luôn cả thánh lễ ngày chủ nhật, và bắt đầu công khai chỉ trích các lễ nghi phụng vụ của Giáo Hội…

Đức tin vững mạnh không lệ thuộc vào việc học hiểu Kinh Thánh hay giáo lý, bởi vì có nhiều bậc thầy giỏi giáo lý, giỏi Kinh Thánh nhưng vẫn cứ không có đức tin, nhưng đức tin mạnh chính là sự khiêm tốn và tin tưởng phó thác vào ân sủng của Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường của mình.

Con người vốn yếu đuối, nhưng nhờ đức tin chân chính họ trở nên những siêu nhân trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong đau khổ và thử thách.

Râu vàng râu đỏ không quan trọng, quan trọng là thần thái của chúng ta có giống Đức Chúa Giê-su không mà thôi, tức là cuộc sống của chúng ta có làm cho người khác thấy Đức Chúa Giê-su trên con người của chúng ta không, đó mới là quan trọng…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Con mắt thứ ba
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
05:20 22/04/2022


Cách xử sự của Tô-ma cũng là cách xử sự thông thường của nhiều người. Người ta chỉ chấp nhận là có thật những gì mà người ta có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay. Còn những gì người ta không thấy, bị xem như là không có. Khi một số người được hỏi tại sao không tin Thiên Chúa, không tin có linh hồn, không tin có sự sống đời sau... họ trả lời thật đơn giản: "Có thấy đâu mà tin!"

Thế nhưng, có vô số điều chúng ta không thấy nhưng chúng ta vẫn phải nhận là chúng hiện hữu. Người ta không thể nhìn thấy tình mẫu tử nơi người mẹ, không nhìn thấy ý chí kiên cường nơi bậc anh hùng, không nhìn thấy trí khôn tuyệt vời của nhà khoa học, nhưng không ai dám phủ nhận rằng những thực tại nầy không có.

Với đôi mắt trần nầy, tầm nhìn của người ta rất hạn hẹp, như "ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung."
Với đôi mắt trần nầy, chúng ta chỉ nhận thấy một ít sự vật phù du mà thôi. Còn những điều quan trọng, những điều chính yếu thì không thể nhận thấy, đúng như nhận định của Saint-Exupéry: "Những thực tại thiết yếu thì mắt trần không thấy được” (L'essentiel est invisible pour les yeux).

Do đó, nhân loại cần đến những con mắt khác, những con mắt thứ ba để nhận thức những thực tại cao siêu. Con mắt nầy giúp người ta nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn thấy điều thiết yếu, nhìn thấy chân lý.

Con mắt thứ ba của các nhà vi trùng học là ống kính hiển vi, nhờ nó, các nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy cả những siêu vi.
Con mắt thứ ba của các nhà thiên văn là ống kính thiên văn, nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy được những ngôi sao cách mặt đất đến mười tỉ năm ánh sáng.
Con mắt thứ ba của các nhà quân sự là màn ảnh ra-đa, là vệ tinh quan sát... Chúng giúp các nhà quân sự phát hiện máy bay địch từ xa, nắm rõ địa hình cũng như các bí mật quân sự của đối phương nhằm đạt tới chiến thắng.

Đối với Đức Giê-su, con mắt thứ ba mà Ngài mong muốn các môn đệ Ngài phải có là Đức tin. Nhờ Đức tin, nhân loại có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhận ra Đức Giê-su là Đấng Cứu độ, nhận ra mình có hồn thiêng bất tử, biết mình có cuộc sống mai sau, có thiên đàng hoả ngục...

Tông đồ Tô-ma chưa có con mắt thứ ba. Anh chỉ tiếp cận với thế giới qua đôi mắt trần. Anh chủ trương chỉ những gì được xem thấy tận mắt, được sờ tận tay, mới là điều có thực. Chính vì thế, khi nghe các môn đệ bảo anh: "Nầy Tô-ma, Thầy đã sống lại và đã hiện ra với chúng tôi", Tô-ma cho là chuyện đùa.
Cho dù Tô-ma có thấy Chúa tận mắt đi nữa, chắc gì anh đã tin, vì biết đâu đó chỉ là bóng ma của Chúa Giê-su hiện về. Anh đòi phải kiểm chứng bằng cách xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa thì anh mới chịu.

Chúa Giê-su không hài lòng với quan điểm đó. Ngài nói: "Tô-ma, vì anh đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin." Như thế, phúc cho những ai không dùng đôi mắt trần, nhưng dùng con mắt thứ ba, con mắt Đức tin để nhận ra Chúa.

Lạy Chúa Giê-su,
Chúa luôn tuyên dương những ai có Đức tin vì đó là con mắt tối cần giúp thấy được những thực tại siêu hình và đạt tới ơn cứu độ;
Chúa luôn khiển trách các môn đệ khi các ông yếu lòng tin;
Chúa buồn phiền vì dân chúng thiếu lòng tin;
Chúa khiển trách Tô-ma là kẻ cứng lòng tin;
Xin khai mở cho chúng con con mắt thứ ba, con mắt Đức Tin, để nhận biết Thiên Chúa Cha là Cha yêu thương, nhận biết Chúa là Đấng cứu độ nhân loại và nhận biết Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá mọi người. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Những vết sẹo ...
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:40 22/04/2022

NHỮNG VẾT SẸO...
LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA -
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, CUỐI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Chắc không ai sống trong đời mà lại không có bất cứ một vết sẹo. Có thể là vết sẹo của một lần đùa giởn vô ý gây ra. Có thể là vết sẹo của một lần đứt tay, hay một vết trầy xướt trên thân thể. Cũng có thể là vết mỗ do bệnh tật lâu ngày đã liền da…

Tuy nhiên, có những vết sẹo được nhìn thấy bên ngoài, trên thân xác, nhưng cũng không ít những vết sẹo trong tâm hồn, trong trái tim, trong trí nhớ, trong cuộc đời… không bao giờ chủ nhân của nó quên được.

Mỗi vết sẹo dù trên thân xác, hoặc trĩu nặng trong tâm hồn đều gợi lại một câu chuyện, một sự tích, một lý do... Có khi là những kỷ niệm của niềm vui, nhưng cũng có khi là những đau đớn không thể nguôi ngoai…

I. VẾT SẸO - DẤU CỦA THÁNH GIÁ.

Hôm nay, Tin Mừng cho biết có đến hai lần Chúa hiện ra. Cả hai lần, thánh Gioan ghi nhận Chúa hiện ra có cùng một cách thế. Lần thứ nhất, ngay khi hiện ra,“Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người”.

Có gì trên tay và trên cạnh sườn mà Chúa cho xem? Nơi ấy, dấu thánh giá không bị phai nhòa. Trên đôi cánh tay, trên cạnh sườn còn nguyên dấu tích của những cây đinh, của lưỡi đòng đâm thấu qua. Chính những vết sẹo, cũng chính là dấu thánh giá còn mới nguyên trên thân thể Chúa.

Những vết sẹo, dấu chứng của thánh giá trở thành dấu chỉ của niềm tin nơi các tông đồ. Nhìn vào dấu của thánh giá trên thân thể của người đang hiện diện trước mặt mình, các tông đồ đã tin Thầy mình sống lại.

Nhưng lần ấy, khi Chúa hiện ra, thánh Tôma không có mặt. Thánh nhân nhất quyết không tin.

Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra, có mặt thánh Tôma. Lần này thái độ của Chúa mạnh hơn, dứt khoát hơn. Chúa không chỉ đưa tay và cạnh sườn cho xem, nhưng Chúa Giêsu Phục Sinh lên tiếng: “Tôma, hãy xỏ ngón tay của con vào lổ đinh trên tay Thầy đây, hãy thọc bàn tay của con vào cạnh sườn của Thầy. Con đừng cứng lòng tin nữa, mà hãy tin”.

Mới hôm nào dõng dạc tuyên bố: “Nếu tôi chưa xỏ ngón tay tôi vào lổ đinh của Chúa, nếu tôi chưa thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi không tin”. Tuyên bố mạnh mẽ là thế, kiên quyết là thế, dứt khoát là thế, nhưng bây giờ trước dấu thánh giá còn in sâu một cách hùng hồn trên thân thể của Đấng Phục Sinh, thánh Tôma đã phải cúi đầu tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.

Một lần nữa, qua thái độ của thánh Tôma, thánh Gioan cho thấy, chỉ sau khi xem những vết sẹo trên tay và cạnh sườn bị thương tích, các môn đệ mới tin, đó là Chúa của họ. Chỉ sau khi xem những vết sẹo trên tay và cạnh sườn bị thương tích, họ mới hết nghi ngờ, mới cảm thấy “vui mừng vì xem thấy Chúa”.

Vết sẹo hay dấu chứng của thập giá trở thành bằng chứng của lòng tin: CHÚA ĐÃ PHỤC SINH. Như vậy dấu của thánh giá là bảo đảm cho đức tin của các môn đệ. Dấu của thánh giá là bảo đảm cho đức tin của chúng ta.

Chúa Kitô đã phục sinh. Dù đã phục sinh, Chúa đã không tự xóa bỏ dấu vết đau khổ trên thân thể của mình. Sự phục sinh dù vinh hiển và khải hoàn đến đâu, vẫn không thể xóa nhòa bất cứ một dấu ấn nào của thánh giá.

Trái lại, dấu vết của đau khổ, của thánh giá vẫn còn trên thân thể sáng láng của Đấng Phục Sinh, lại làm cho các môn đệ dễ nhận ra đức tin, vững tin và được củng cố đức tin.

II. NHẬN RA ĐIỀU GÌ QUA CÁC SẸO ẤY?

Vết sẹo hay dấu chỉ thánh giá trên thân thể Đấng Phục Sinh cho ta nhận ra hai điều này:

1. Dấu ấn của tình yêu trước tội lỗi.

Dấu vết thập giá không chỉ là những kỷ niệm về một cái chết nhục nhã còn ghi lại trên thân thể Đấng Phục Sinh, mà là một nhắc nhở cho ta về khuôn mặt tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Chính vì tình yêu ấy, Thiên Chúa đã cúi mình thật sâu trong thân phận con người để ta được diễm phúc làm con Thiên Chúa.

Dấu vết kinh hoàng của thập giá trên thân thể Đấng Phục còn là nỗi đau trong tâm hồn nhân loại mỗi khi họ nhìn vào đó mà nhận ra sự khủng khiếp do tội lỗi của chính mình gây ra.

Mãi mãi dấu thánh giá vẫn không bao giờ mai một trong Hội Thánh nói riêng và trong nhân loại nói chung. Bất cứ nơi đâu, nếu nhìn thấy bóng dáng thánh giá, người ta vẫn nhận ra rằng, tình yêu của Thiên chúa là một tình yêu chung thủy, vẫn mãi mãi hiện diện giữa lòng đời, dẫu hết thời gian này đến thời gian khác, con người không ngừng bất trung và sai phạm.

2. Đau khổ trong đời người.

Mặt khác, Mỗi người đều có nỗi buồn: gia đình đang sum họp, bỗng dưng người vợ hay người chồng phản bội, rẽ sang hướng khác. Gia đình đang sung túc, bỗng dưng người thân ra đi vĩnh viễn, mà người thân đó có khi là cột trụ của đời sống, của kinh tế gia đình. Mất mát thật to, nỗi buồn càng lớn...

Hay con đường tương lai, sự thành công đang ở trước mặt, bỗng dưng một biến cố đau thương xảy đến, làm mất hết tất cả. Hay hy vọng đang ngời ngời sáng phía trước, bỗng dưng mất mát người thân yêu nhất đời mình…

Những lúc bi đát đến cùng cực, chúng ta hãy nhìn về phía Chúa Giêsu, để thấy thánh giá là điều hiển nhiên của cuộc đời mỗi người. Đó là cây thánh giá mà ta phải vác đi theo tiếng gọi của Chúa: “Ai theo Ta hãy bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”.

Chúng ta may mắn vì được tôn thờ một Thiên Chúa đã từng biết đến đau khổ, và hôm nay, sau khi phục sinh, Chúa của chúng ta vẫn còn mang trên thân thể những lỗ gai nhọn đâm vào đầu, những lỗ đinh xuyên thủng bàn tay, bàn chân, và dấu của cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thấu.

Nói cách khác, chúng ta có một Thiên Chúa biết đến đau khổ là gì, chết là gì, để trong nỗi đau và trong nỗi chết chóc thường ngày của ta, Chúa gần gũi với ta, Chúa chia sớt cùng ta, Chúa thấu hiểu từng thách thức mà đời ta luôn đối diện và không ngừng trải qua...

Vì thế, ta tin, trong cuộc đời của mình, không ai là đơn lẻ, không ai là mồ côi. Chúa vẫn đang đồng hành khi ta ấp ủ Chúa trong mọi buồn vui của bản thân. Thánh giá Chúa vẫn không ngừng soi rọi để cứu độ thập giá đời ta.
 
Giữ cho lửa nồng nàn
Lm. Minh Anh
22:49 22/04/2022

GIỮ CHO LỬA NỒNG NÀN
“Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.

Trong cuốn “Leadership”, “Thuật Lãnh Đạo”, Vance Havner viết, “Hãy để cuộc sống của bạn toả sáng; không phải với ánh chớp loé sáng mà là với ngọn lửa nồng nàn! Thiên Chúa thích các ngôi sao hơn sao chổi; Ngài thích ngọn nến ‘giữ cho lửa nồng nàn’ hơn là một pháo sáng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thiên Chúa thích ngọn nến ‘giữ cho lửa nồng nàn’ hơn là một pháo sáng!”. Tin Mừng hôm nay tóm tắt ngắn gọn về các sự kiện chung quanh sự Phục Sinh của Chúa Giêsu; và ngay đến “phần kết thúc dài hơn” của mình, Marcô tiếp tục gay gắt về sự cứng lòng của các tông đồ, “Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng”. Tất nhiên, không chỉ về các tông đồ mà Marcô viết như thế, nhưng còn về cả chúng ta, những người cần giữ cho lửa Phục Sinh nồng nàn trong tim!

Dù được chọn, được chứng kiến bao phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng các tông đồ vẫn không tin Ngài đã sống lại, hoặc tin nửa vời! Maria Mađalêna là một nhân chứng rất đáng tin, hai môn đệ Emmaus hầu chắc đã nói sự thật, nhưng các ông vẫn không tin. Thật không lạ, ngay với cả chúng ta! David G Bonagura, Jr. nhận xét, “Trong thời đại ngày nay, việc dạy giáo lý kém hoặc nó không còn tồn tại, một nền văn hoá thế tục khắc nghiệt, sự thù địch của công chúng đối với Công Giáo, tổn thương hoặc mất mát, tai tiếng do tội lỗi của các tín hữu, hoặc tội lỗi của chính chúng ta… tất cả chúng có thể làm lu mờ trí tuệ của chúng ta, khiến chúng ta mất đức tin. Đức tin được ban như một quà tặng, một ngọn lửa trong tim, nhưng mỗi người cần phải trau dồi nó trong cuộc sống; chúng ta cần ‘giữ cho lửa nồng nàn’ trong tim mình mỗi ngày!”.

Cuộc đấu tranh của các tông đồ là cuộc đấu tranh của các ngọn lửa trong những trái tim cứng. Các ngài muốn tin, nhưng không để mình tự do đón nhận sự Phục Sinh cho đến khi có bằng chứng; đang khi mọi bằng chứng họ cần đều có sẵn trong họ! Chúa Giêsu thường xuyên mời gọi chúng ta hãy có đức tin, tin vào Ngài và chấp nhận những gì thuộc về đức tin. Quà tặng đức tin chỉ như ngọn lửa nhỏ mà chúng ta thường bất cẩn chường ra trước gió; và chính sự bất cẩn này khiến lửa niềm tin bị dập tắt trước khi kịp bùng lên. Mục tiêu của việc theo Chúa là để lửa ấy rực cháy như Chúa muốn. Và nó có thể! Bạn hoàn toàn có thể để lửa đó rực cháy đến mức không gì có thể dập tắt. Điều quan trọng chúng ta đừng quên là, Chúa Giêsu tiếp tục đi về phía chúng ta cho đến khi chúng ta mở mắt! Bài đọc thứ nhất hôm nay là một bằng chứng. Các tông đồ, từ những người từ chối tin, nay, công bố sự Phục Sinh của Chúa Giêsu với lòng tin tưởng và can đảm tuyệt vời, “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra!”.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa thích ngọn nến ‘giữ cho lửa nồng nàn’ hơn là một pháo sáng!”. Cách thức gìn giữ ánh nến bên trong này liên quan đến cách thức chúng ta chăm sóc tia lửa vốn đã có ở đó. Phải chăm chút, nâng niu sự khởi đầu của đức tin một cách cẩn thận; phải bảo vệ và nuôi dưỡng nó để nó phát triển. Để tránh sự bất cẩn, chúng ta cần có một đời sống cầu nguyện! Cầu nguyện là chìa khoá để Chúa lớn lên bên trong; Ngài ở đó, chuyện vãn với chúng ta, kêu gọi chúng ta tin. Mỗi khi nghi ngờ, cứng lòng, là lúc chúng ta vô tình chường ngọn lửa nhỏ bé ấy ra trước gió; mỗi khi tập trung cao độ vào ngọn lửa bằng việc cầu nguyện, chúng ta cho phép nó phát triển và tồn tại. Cầu nguyện, lắng nghe, và tin yêu là lối dẫn đến đức tin mà Chúa Phục Sinh muốn ban. Và nếu món quà đức tin ấy được gieo sâu và lớn lên bên trong một trái tim mềm mỏng, chúng ta sẽ nhanh chóng và dễ dàng tin rằng, Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống trong Lời Ngài, trong các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể, mà không cần phải tận mắt nhìn thấy Ngài. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con ‘giữ cho lửa nồng nàn’ để có thể rực cháy và cháy hết mình. Xin lửa yêu mến làm mềm trái tim con, biến đổi con, giải thoát con khỏi bất kỳ sự chai lì nào!”, Amen.

( Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hướng dẫn thực hành để nhận được Ơn Toàn Xá vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót
Đặng Tự Do
03:43 22/04/2022


Chúng ta hãy nhớ cám ơn Thánh Gioan Phaolô Hai, và Thánh Maria Faustina Kowalska, vào ngày Chúa Nhật 24 tháng Tư sắp tới đây, vì khi Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót lại đến, các tín hữu lại có cơ hội nương náu trong sâu thẳm lòng thương xót của Chúa Kitô khi nhận được Ơn Toàn Xá hoặc Ơn Tiểu Xá

Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót là gì?

Thưa: Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót là Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh mỗi năm. Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót lần đầu tiên được công bố trong một bài giảng vào tháng Tư năm 2000 do Đức Gioan Phaolô II đưa ra trong Thánh lễ kỷ niệm việc phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska.

Thánh Faustina là một nữ tu người Ba Lan, là người đã nhận được những thông điệp tiên tri từ Chúa Kitô. Những thông điệp này bao gồm những mạc khải về lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa - và nghĩa vụ của sơ ấy là phải truyền bá thông điệp đến thế giới, như được ghi lại trong nhật ký của sơ, có nhan đề “Lòng Thương Xót Chúa trong tâm hồn tôi.”

Đức cố giáo hoàng đã nói trong bài giảng của mình rằng “ánh sáng của lòng Chúa thương xót, mà Chúa mong muốn trở lại thế giới qua đặc sủng của Sơ Faustina, sẽ soi đường cho những người nam nữ của thiên niên kỷ thứ ba.”

Trong một sắc lệnh vào tháng 6 năm hai ngàn không trăm lẻ hai, Đức Gioan Phaolô II đã ban Ơn Toàn Xá và Ơn Tiểu Xá cho những tín hữu tuân giữ một số thực hành sùng mộ vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót mỗi năm. Ngài đưa ra sắc lệnh này để truyền cảm hứng cho các tín hữu trong việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót.

Ơn Toàn Xá là gì?

Thưa: Ơn Toàn Xá là ân sủng do Giáo hội ban cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria và tất cả các thánh để xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra. Ơn Toàn Xá làm sạch tâm hồn như thể một người vừa được rửa tội.

Làm sao nhận được Ơn Toàn Xá vào Chúa Nhật 24 tháng Tư tới đây?

Các điều kiện luật định để được Ơn Toàn Xá là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Tuy nhiên, theo sắc lệnh được Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao và Đức Ông Krzydztof Nykiel, Nhiếp chính, ký ngày 19 tháng 3, 2020, trong thời kỳ dịch bệnh việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha có thể làm sau, ngay khi có thể.

Sắc lệnh ban Ơn Toàn Xá trong Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, được công bố vào năm hai ngàn không trăm lẻ hai, cũng dạy rằng chúng ta phải đến nhà thờ vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót “với tinh thần hoàn toàn từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi” và tham gia vào các buổi cầu nguyện được tổ chức để tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót.

Các tín hữu có thể viếng Thánh Thể được trưng bày hoặc trong nhà tạm, và đọc kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, và một lời cầu nguyện thành kính với Chúa Kitô được đưa ra trong Nghị định là “Lạy Chúa Giêsu nhân từ, con tin cậy nơi Chúa!”

Nếu vì ngăn trở chính đáng, tôi không thể đến nhà thờ thì sao?

Thưa: Những người bị bệnh, hoặc những ai không thể đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật 24 tháng Tư tới đây, vì các lý do bất khả kháng, chẳng hạn nhà thờ bị đóng cửa vì đại dịch, vẫn có thể nhận được Ơn Toàn Xá; miễn là đọc một kinh Lạy Cha, một Kinh Tin Kính trước ảnh Chúa Giêsu; sau đó đọc “Lạy Chúa Giêsu nhân từ, con tin cậy nơi Chúa.”

Đối với những tín hữu không thể hoàn thành những nghĩa vụ đó, chẳng hạn như những ai đang phải chăm sóc các bệnh nhân trong bệnh viện, các binh sĩ đang phải chiến đấu ở tiền tuyến; họ vẫn có thể nhận được một Ơn Toàn Xá; nếu “với ý định thiêng liêng”, người ấy hiệp nhất với tất cả các tín hữu, dâng lời cầu nguyện và những đau khổ của họ cho Chúa Kitô, thì họ có thể nhận được Ơn Toàn Xá. Họ cũng phải có ý định đi xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha càng sớm càng tốt.

Ơn Tiểu Xá trong dịp này

Sắc lệnh ban Ơn Toàn Xá trong Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, được công bố vào năm hai ngàn không trăm lẻ hai, cũng quy định ban Ơn Tiểu Xá cho những ai vào ngày Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót cầu nguyện rằng “Lạy Chúa Giêsu nhân từ, con tin cậy nơi Chúa!”
Source:Catholic News Agency
 
Thị trưởng Ukraine bị người Nga bắt giữ, đánh đập, tra khảo nói với Đức Thánh Cha về những gian truân của mình
Đặng Tự Do
06:32 22/04/2022


Một thị trưởng Ukraine đã mô tả hàng giờ bị thẩm vấn “khó khăn” khi bị lực lượng Nga giam giữ trong gần một tuần vào tháng trước và nói rằng ông đã kêu gọi Đức Giáo Hoàng giúp đỡ để ngăn chặn một cuộc chiến đã tàn phá thành phố của ông ở miền nam Ukraine.

“Đó là sáu ngày nguy hiểm bởi vì con hiểu rằng đối với người Nga, mạng sống của con và những người dân thường không có giá trị gì cả”, Ivan Fedorov, thị trưởng của thành phố Melitopol, hiện thuộc quyền kiểm soát của Nga, cho biết như trên tại Rôma hôm Chúa Nhật, một tháng sau khi anh được trả tự do.

Ukraine cho biết Fedorov đã bị bắt cóc vào ngày 11 tháng 3 sau khi lực lượng Nga chiếm giữ Melitopol, nằm ở phía tây thành phố Mariupol bị bao vây ở khu vực phía nam mà Nga đang tìm cách kiểm soát. Kyiv thông báo trả tự do cho Fedorov trong một cuộc trao đổi tù nhân vào ngày 16 tháng Ba.

Nga, nước gọi các hành động của mình ở Ukraine là một “cuộc hành quân đặc biệt”, đã không đưa ra bình luận nào về việc giam giữ thị trưởng hoặc việc hoán đổi tù nhân mà Ukraine báo cáo.

Anh Fedorov đã được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào hôm thứ Bảy trước khi tham dự các nghi lễ trước Lễ Phục sinh, cho biết anh đã yêu cầu Vatican can thiệp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để bảo đảm các hành lang nhân đạo cho Mariupol, nơi đã phải đối mặt với các cuộc bắn phá tàn khốc.
Source:Reuters
 
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm linh mục Montana làm giám mục phó của giáo phận Great Falls-Billings
Đặng Tự Do
06:33 22/04/2022

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một linh mục của Helena, Montana, là Cha Jeffrey Fleming, làm giám mục phó của giáo phận khác trong cùng tiểu bang, là giáo phận Great Falls-Billings.

Cha Fleming, 56 tuổi, là Chưởng ấn và là người điều hành công việc tại Tòa Giám Mục Helena thuộc Tây Montana từ năm 2020. Ngài đã là linh mục của giáo phận trong gần 30 năm.

Với tư cách là giám mục phó, Đức Cha Fleming sẽ phục vụ cùng với giám mục hiện tại của Great Falls-Billings, là Đức Cha Michael Warfel, và sẽ tự động kế nhiệm ngài khi ngài từ chức.

Đức Cha Warfel, 73 tuổi, đã lãnh đạo giáo phận miền đông Montana kể từ tháng Giêng năm 2008.

Giáo phận Great Falls-Billings có diện tích hơn 93.000 dặm vuông, hai phần ba phía đông của Montana. Giáo phận có 50 giáo xứ và phục vụ 31.813 giáo dân. Tổng dân số của giáo phận là 427.358 người.

Đức tân Giám Mục Phó sinh ở Billings, Montana vào năm 1966. Ngài theo học giáo dục tôn giáo và thần học tại Cao đẳng Carroll ở Helena và hoàn thành chương trình linh mục tại Chủng viện Mount Angel ở Oregon, nơi ngài cũng nhận bằng thạc sĩ thần học.

Ngài có bằng cử nhân về giáo luật từ Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, DC

Trong gần 30 năm làm linh mục, Cha Fleming đã là cha sở và cha xứ tại nhiều giáo xứ khác nhau trong Giáo phận Helena. Ngài cũng là hiệu trưởng Carroll College.

Ngoài nhiệm vụ chưởng ấn giáo phận, kể từ tháng 3, Cha Fleming còn đảm nhận vai trò Cha Sở của Cộng đồng Công Giáo St. Mary ở Helena.
Source:Catholic News Agency
 
Quyết định quá đúng: Đức Giáo Hoàng hủy bỏ cuộc gặp gỡ vào tháng 6 với Kirill
Đặng Tự Do
17:14 22/04/2022
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã từ bỏ kế hoạch gặp gỡ vào tháng 6 với Thượng phụ Kirill của Chính thống giáo Nga, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thượng Phụ Kirill đã nồng nhiệt ủng hộ cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine với nhiều sáng kiến đáng kinh ngạc.

Đức Phanxicô, người đã nhiều lần ngầm chỉ trích Nga và Putin về cuộc chiến, nói với tờ La Nacion của Á Căn Đình trong một cuộc phỏng vấn rằng ngài lấy làm tiếc vì kế hoạch phải bị “đình chỉ” vì các nhà ngoại giao Vatican khuyên rằng một cuộc gặp như vậy “có thể gây ra nhiều ngộ nhận tại thời điểm này".

Tại Mạc Tư Khoa, hãng thông tấn RIA dẫn lời Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Thánh Công Đồng Chính thống Nga, cho biết cuộc họp đã bị hoãn lại vì “các sự kiện trong hai tháng qua” sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị.

Reuters đưa tin vào ngày 11 tháng 4 rằng Vatican đang xem xét kéo dài chuyến đi của Giáo hoàng đến Li Băng trong hai ngày 12, và 13 tháng 6 để thêm một ngày nữa cho Đức Giáo Hoàng có thể gặp Kirill vào ngày 14 tháng 6 tại Giêrusalem

Kirill, 75 tuổi, đã công khai chúc lành cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine kể từ khi nó bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Quan điểm của ông đã chia rẽ Giáo hội Chính thống giáo trên toàn thế giới và gây ra một cuộc nổi loạn nội bộ mà các nhà thần học và học giả cho là chưa từng có.

Đức Thánh Cha Phanxicô, 85 tuổi, đã sử dụng các thuật ngữ như gây hấn và xâm lược phi lý trong các bình luận công khai của ngài về cuộc chiến, và than thở về những hành động tàn bạo đối với dân thường.

Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn tại sao ngài chưa bao giờ nêu đích canh Nga hay Putin trong những lời chỉ trích của mình, Đức Phanxicô nói: “Một giáo hoàng không bao giờ nêu tên một nguyên thủ quốc gia, càng không nêu đích danh một quốc gia là điều còn cao hơn nguyên thủ của nó”.

Putin, một thành viên của Giáo Hội Chính thống Nga, đã mô tả các hành động của Mạc Tư Khoa là một "cuộc hành quân đặc biệt" ở Ukraine nhằm mục đích phi quân sự hóa và "phi Quốc Xã hóa" đất nước này. Mạc Tư Khoa đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường

Đức Phanxicô đã bác bỏ thuật ngữ của Nga một cách cụ thể, gọi đó là một cuộc chiến gây ra “những dòng sông máu”.

Một nguồn tin của Vatican quen thuộc với kế hoạch cho trạm dừng chân Giêrusalem cho biết hôm thứ Sáu rằng kế hoạch đã được triển khai đến giai đoạn chót, thậm chí địa điểm cho cuộc gặp với Kirill đã được chọn.

Cuộc gặp gỡ này, nếu xảy ra, là cuộc gặp gỡ thứ hai của Đức Thánh Cha và Thượng Phụ Kirill. Cuộc gặp gỡ đầu tiên đã diễn ra tại Cuba vào năm 2016, là lần đầu tiên giữa một giáo hoàng và một nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống giáo Nga kể từ khi xảy ra cuộc đại ly giáo chia Kitô Giáo thành các nhánh Đông phương và Tây phương vào năm 1054.

Đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đang xem xét một chuyến đi đến Kyiv. Ngài nói với các phóng viên trên chuyến bay đến Malta vào ngày 2 tháng 4 rằng nó đã "ở trên bàn". Ngài đã được mời bởi các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo Ukraine.

Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Á Căn Đình tại sao ngài vẫn chưa thực hiện chuyến đi, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi không thể làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho các mục tiêu cao hơn, đó là chấm dứt chiến tranh, đình chiến hoặc ít nhất là một hành lang nhân đạo. Đức Giáo Hoàng đến Kyiv sẽ có ích gì nếu chiến tranh tiếp tục vào ngày hôm sau?”
Source:Reuters
 
Niềm vui Giờ Kinh Phụng Vụ, theo Đức Hồng Y James Francis Stafford
Vũ Văn An
22:46 22/04/2022

Tạp chí mạng The Pillar ngày 22 tháng 4, 2022 vừa cho đăng một bài phỏng vấn Đức Hồng Y James Francis Stafford với tựa đề “Getting back to joy” đề cập tới niềm vui của các Giờ Kinh Phụng Vụ.



Đức Hồng Y James Francis Stafford được thụ phong linh mục năm 1957. Kể từ đó, ngài đã lãnh đạo một trong những sự nghiệp đa dạng nhất của bất cứ người Mỹ nào trong Giáo Hội Công Giáo.

Phục vụ đầu tiên với tư cách là một linh mục phụ tá tại một giáo xứ ở quê hương Baltimore, sau đó ngài được gửi đến Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, DC, nơi ngài được đào tạo như một nhân viên xã hội. Khi học xong, ngài trở lại Baltimore, làm trợ lý giám đốc thứ nhất rồi giám đốc Tổ chức bác ái Công Giáo Tổng giáo phận và cuối cùng là Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận.

Năm 1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong ngài làm Giám mục Memphis, và sau đó là Tổng Giám mục Denver vào năm 1986, trước khi bổ nhiệm ngài làm tổng trưởng Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân tại Roma mười năm sau đó.

Năm 2003, Đức Hồng Y Stafford trở thành người đứng đầu Tòa Ân Giải, bộ phận pháp lý của Vatican chuyên xử lý các vi phạm của tòa giải tội, và việc tha tội nghiêm trọng được dành cho Tòa Thánh. Ngài đã nghỉ hưu khỏi sinh hoạt giáo triều vào năm 2009.

Năm nay 89 tuổi, vị Hồng Y dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện - cầu nguyện chung bất cứ khi nào có thể. Ngài sắp sửa có một bài giảng thuyết về Các Giờ Kinh Phụng Vụ và đời sống giáo xứ, tại Chủng viện St John Vianney ở Denver - nơi mà ngài đã giúp thành lập.

Dịp lễ Phục sinh vừa qua, ngài đã dành cho tạp chí The Pillar một cuộc phỏng vấn về việc đối thoại với Thiên Chúa qua cầu nguyện, và về ý nghĩa của việc Giáo hội trở thành “một ca khúc ngợi khen”.

Theo ngài, muốn dấn thân vào lối cầu nguyện chung của Giáo Hội tức hình thức Các Giờ Kinh Phụng vụ, cần phải có một trí tưởng tượng lớn lao. Thành thử, thách thức hiện nay của Giáo hội là phục hồi trí tưởng tượng của người Công Giáo.

Ngài nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể làm được điều này nếu chúng ta có tình yêu thương chân thật đối với Chúa Kitô và hiểu được lời mời gọi của Người và sẵn sàng đồng nhất với sự sống của Chúa Kitô, Đấng cũng từng hiểu nhu cầu phải cầu nguyện. Đức Hồng Y muốn nói, Người là Đấng đã nói với chúng ta nhiều lần phải cầu nguyện không ngừng. Người đã làm điều đó. Người đã cầu nguyện không ngừng.

Chúng ta sử dụng các chữ “sursum corda” - nâng cao tâm hồn lên. Chúng ta đã nâng chúng lên Chúa, nhưng việc nâng lên này là điều mà chúng ta phải lặp lại suốt ngày nếu chúng ta chịu bước theo Chúa Giêsu Kitô. Và khi bạn đã yêu mến Chúa Giêsu Kitô thì theo Người trong đời sống cầu nguyện là điều không có gì khó khăn.

Đức Hồng Y muốn nói, khi bạn nghĩ về một người cha giao nộp con trai mình và đứa con trai vâng lời người cha đó để chúng ta có sự sống, thì chính Chúa Kitô ban cho chúng ta khuôn mẫu sống, Hãy Nâng Tầm Hồn Lên, để cầu nguyện không ngừng với cha của bạn trên thiên đàng.

Vì vậy, điều chủ chốt là sự hoán cải của cá nhân Kitô hữu, kể cả linh mục cá thể, người có khả năng nói về việc Chúa Giêsu Kitô đã nâng cao trái tim của Người một cách sâu sắc đến thế nào.

Phụng vụ Các Giờ Kinh, trong yếu tính, là thi ca, 150 bài thơ, và trong thi ca là việc tập trung những đỉnh cao và chiều sâu của cuộc đời con người. Và nó không chỉ đơn giản là thi ca, mà nó còn là hình thức cao nhất của thi ca. Thi ca nói với chúng ta, không những về Thiên Chúa, mà Thiên Chúa đang nói với chúng ta - Thiên Chúa đã ban cho chúng ta bàn phím này để mở toang các cảm xúc của con người trong lời cầu nguyện, chẳng hạn như nói rằng “người chăn dắt tôi là Chúa” hoặc “bạn đồng hành duy nhất của tôi là bóng tối”. Và chúng ta nói điều đó với Thiên Chúa, chúng ta nói điều đó với cha chúng ta, và Chúa Kitô trải nghiệm điều này trên thập giá.

Vì vậy, thi ca mà Giáo Hội đang cung cấp trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ đụng đến mọi người, mọi con người nhân bản, cảm nghiệm một cách sâu xa qua Chúa Kitô, nói với chúng ta rằng “Bạn không đơn độc”.

Đức Hồng Y cho rằng toàn bộ cuộc đời ngài từ năm 13 tuổi đã được thống trị bởi một người, và đó là con người của Chúa Giêsu Kitô.

Ngài 13 tuổi vào năm 1944, khi lần đầu tiên ngài cảm nhận được tính bạo lực của thế kỷ 20 với vụ đánh bom Dresden.

Ở lớp bảy và lớp tám, ngài mới được học về chiến tranh chính nghĩa, và chiến tranh có thể được biện minh như thế nào. Ngài thấy nó rất khó. Đây là cuộc chiến bắt đầu [đối với nước Mỹ] vào năm 1941. Lúc đó ngài mới 9 tuổi, vì vậy chiến tranh đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đời ngài, như ngài vẫn nghĩ nó ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người khác. Bạo lực của thế kỷ 20 có tính cách đào tạo đối với mọi người.

Và khi ngài nghe nói rằng chúng ta, người Anh và người Mỹ, đã thả bom xuống Dresden, và giết chết phụ nữ và trẻ em - những đứa trẻ, ở độ tuổi của ngài - ngài hiểu rằng đó là “dân tôi”, họ là những người Mỹ đại diện cho chúng ta, và ngài không thể hiểu điều đó đã được thực hiện như thế nào. Ngài thực sự rung động bởi kinh nghiệm đó và ngài không nghĩ rằng mình có thể giải quyết được nó cho đến khi tìm thấy mầu nhiệm của Chúa Kitô và thập giá và sự phục sinh của Người.

Nhưng điều trên có ăn uống gì với các Giờ Kinh Phụng Vụ? Đức Hồng Y cho hay: Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện điều đó trong các sách Tin Mừng và ngài cố gắng bắt chước Chúa Giêsu, không thành công lắm, nhưng ngài đã cố gắng bắt chước Chúa Giêsu Kitô trong mọi khía cạnh của cuộc sống của mình. Người cầu nguyện vào những thời điểm khác nhau trong ngày với Cha của Người, và trong các sách Tin Mừng, người ta nói rằng Người đã đến đền thờ để cầu nguyện vào nhiều thời điểm khác nhau. Và, tất nhiên, Người đã cầu nguyện sau Bữa Tiệc Ly trong vườn ngay trước khi bị bắt.

Vì vậy, ngài cảm thấy rằng con người đáng kinh ngạc này là người duy nhất cứu ngài khỏi cảm giác mất mát mà ngài cảm thấy gần như không thể cứu vãn ở tuổi 13: Tin ai, và làm thế nào để sống trong thế giới đầy bạo lực này?

Vì vậy, Giờ Kinh Phụng vụ là một cách bắt chước Chúa Kitô và Người là người duy nhất mà ngài coi là kiểu mẫu về ý nghĩa của việc trở thành con của Thiên Chúa, người con yêu dấu của Thiên Chúa.

Trên thực tế, Đức Hồng Y đã mua một cuốn sách có tên là “Sách Thánh vịnh của tôi”. Ngài mua nó ở trường trung học và nó được chia thành nhiều giờ, nhưng không có bài đọc, không có thánh ca, v.v. - chỉ là Thánh vịnh, nhưng chúng được chia thành giờ. Tất cả 150 Thánh vịnh đều có ở đó, ngài vẫn còn giữ được cuốn sách. Nó chỉ là một cuốn sách nhỏ, nhưng đó là nơi ngài học cách cầu nguyện hàng giờ.

Thế là, ngài cầu nguyện suốt cả ngày như Giáo hội đã làm, đó là cầu nguyện sáng, cầu nguyện chiều, cầu nguyện trước bữa ăn và sau bữa ăn. Khi đi học, ngài cầu nguyện trước khi đến lớp. Ngài thường xuyên đến nhà nguyện để cầu nguyện, như nhiều học sinh khác đã làm.

Vì vậy, ngài rất ý thức lời Chúa Kitô thúc giục chúng ta cầu nguyện không ngừng. Và ngài thấy mình tận hưởng điều đó một cách rất, rất sâu sắc.

Và rồi khi ngài vào chủng viện, vào năm thứ ba đại học, đó là lần đầu tiên ngài được trải nghiệm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chung.

Tại đó, ngài được tham dự Kinh chiều mỗi Chúa nhật và đó là một buổi phụng vụ rất đẹp, đầy đủ, và nó được thực hiện theo cách đối xướng (antiphonally), trong một nhà nguyện chủng viện rất cổ, lâu đời nhất ở Hoa Kỳ, ở Baltimore, là nơi đối xướng về mặt địa lý, trong kiến trúc của nó: khắp nơi các ghế quay mặt vào nhau.

Nhờ vậy, một bên hát các Thánh Vịnh, trong điệu ngợi khen, sám hối, cầu xin, buồn bã và hân hoan, và sau đó bên kia đáp lại. Đó là một cách mới và tuyệt vời để biết Thiên Chúa qua anh em mình và sự chân thành của họ trong cầu nguyện, và ca hát, vì nó được thực hiện dưới dạng đối xướng, bằng tiếng Latinh, với bài thánh ca Gregorian, vốn là một cách tuyệt vời để nói chuyện với Thiên Chúa một cách tôn trọng và đẹp đẽ vô cùng.



Các cha Xuân Bích ở Baltimore có một cảm thức sâu sắc về việc đến với Thiên Chúa qua phụng vụ và một phụng vụ đẹp đẽ, và ngài đã tiếp nhận tất cả những thứ đó. Và những người anh em của ngài cũng vậy.

Đức Hồng Y cho hay, những người ở cùng chủng viện với ngài đều là những người gây ảnh hưởng rất lớn. Nhiều người trong số họ đã ở trong chủng viện sáu năm trước khi ngài tới, và ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi gương sáng của họ.

Đức Hồng Y bác bỏ ý kiến cho rằng Giáo Hội chỉ muốn hàng giáo sĩ đọc các giờ kinh phụng vụ.

Ngài nói: “Không, tôi không bao giờ nghĩ trong thời của tôi, Giáo hội lại cảm thấy như vậy. Tôi nghĩ rằng Giáo hội lúc đó nhận ra loại khủng hoảng đối đầu với nền văn hóa phương Tây, và thế giới, trong thế kỷ 20; một thế kỷ mà Giáo Hội đã đưa ra phản ứng tích cực đối với bạo lực có tổ chức trong các cuộc chiến tranh đó”.

Ý ngài muốn nói ngài vào chủng viện thời chiến tranh Triều Tiên. Từ năm 1946 đến năm 1950, ngài hằng hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc; trải nghiệm Dresden sẽ không được lặp lại. Nhưng ngày 25 tháng 6 năm 1950, ngài nghĩ "ôi, chuyện này lại xảy ra một lần nữa."

Bởi thế, ngài nghĩ các cuộc chiến tranh của thế kỷ 20 đã đóng một phần rất lớn trong việc hình thành tâm lý và trí tưởng tượng hiện đại. Và ngài nghĩ có rất nhiều nỗi tuyệt vọng trong trái tim hiện đại về cách chúng ta sẽ vượt qua điều này ra sao.

Và câu trả lời của ngài đối với điều đó là: Chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới có thể làm được điều đó!

Ngài muốn nói, thực sự là Chúa Kitô, chứ không phải ai khác. Nếu không thì ngài đã không vào chủng viện. Ngài từng quá dấn thân vào thế giới trần tục diễm phúc đó, một thế giới bỗng nhiên mất đi vẻ huy hoàng ở Hàn Quốc, nơi mà ngài chỉ coi là sự lặp lại của những năm 1939 và 1941.

Vì vậy, Giáo hội đã đáp ứng, Giáo Hội hiểu điều gì đang diễn ra trong lòng con người, có một cảm thức hư vô ở ngoài kia. Và sau đó, cái hư vô trong chúng ta còn bị cộng hưởng bởi bạo lực mà chúng ta đang gây phá cho nhau.

Một số người bạn thân nhất của ngài đã bị giết ở Hàn Quốc, và những cái chết đó đóng một vai trò rất thực tế trong cuộc sống của ngài vì nó chỉ làm ngài cảm thấy gia tăng nghi vấn.

"Tôi có nên đưa các con tôi vào một thế giới như thế này không?" Ý ngài là, ngài đã hỏi điều đó theo nghĩa đen. Đó là điều ở trong tâm trí ngài.

Ngài muốn kết hôn, ngài muốn có một gia đình, nhưng ngài chỉ xem đây là một làn sóng lớn đang hàng ngày vỡ òa trong thế kỷ 20.

Vì vậy, dù sao đi nữa, ngài nghĩ rằng Giáo hội đã hiểu điều đó. Và Giáo Hội hiểu việc thiếu niềm vui vì điều này. Có hy vọng, nhưng nếu không có niềm vui, ta không thể duy trì niềm hy vọng. Và chính niềm vui được Giáo hội tìm kiếm: Chúng ta phải mời gọi con người ra sao, làm thế nào để Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở lại với niềm vui được gọi Người là Cha và gọi Chúa Giêsu là con của Người - người con yêu dấu của Người.

Chẳng hạn, vào năm 1971, Giáo hội đã nói rằng câu trả lời là Canticum laudis [tông hiến ban hành hình thức sửa đổi Sách Nguyện], việc canh tân các Giờ kinh Phụng vụ, ca khúc ngợi khen: đó là điều Giáo hội vốn là.

Giáo hội nói điều này với chúng ta để trả lời cho câu hỏi “Tại sao? Tại sao việc ca ngợi Thiên Chúa cho phép tất cả những điều này xảy ra?”

Giáo hội nói những bài thánh ca này, 150 bài hát trong số đó, có chỗ cho tất cả những nỗi buồn và niềm vui của trái tim con người, sự sám hối và những giọt nước mắt, và tiếng vỗ tay và quỳ xuống trước mặt Thiên Chúa trong niềm vui tôn thờ. Nó khai thác mọi cảm xúc trong trái tim con người, và nó đã làm điều này cho ngài.

Khi nghe những bài thánh ca trong nhà nguyện của chủng viện năm 1950 hay 51, ngài nghe thấy niềm vui đó từ anh em ngài, và ngài nghe thấy tiếng sám hối trong những giọt nước mắt đó, và tất cả dâng lên Thiên Chúa, Đấng hiểu chúng.

Vì vậy, Đức Hồng Y nghĩ rằng Giáo hội tìm cách đưa niềm vui vào tâm hồn chúng ta một lần nữa. Giáo hội đổi mới trong chúng ta một phương thức cầu nguyện để phát biểu tất cả những điều đó. Và dĩ nhiên, không chỉ qua phụng vụ các giờ kinh, mà còn qua phụng vụ lớn khác, đặc biệt là việc tái khám phá phụng vụ Thánh Thể.

Ngài cho rằng Đức Phaolô VI chắc chắn đã nói, và tất cả những người theo sau ngài, rằng chúng ta phải khám phá lại niềm vui.

Được hỏi điều gì nổi bật trong sự nghiệp đa dạng với nhiều chức vụ quan trọng tại giáo phận và giáo triều, Đức Hồng Y Stafford cho rằng ở Tòa Ân Giải, ngài thấy rất nhiều, rất nhiều bóng tối, những con người kinh qua mọi thứ tội lỗi đặc biệt dành riêng cho Tòa - những tội lỗi đáng sợ, nhưng cũng đáng sợ trong sự cô lập và sự cô đơn của họ và mặc cảm tội lỗi đến mức không thể được tha thứ.

Họ đã mất hy vọng vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, vì vậy mặc cảm tội lỗi là gánh nặng rất lớn đối với những người đến với tòa ân giải, nhưng đó là sự thật đối với tất cả chúng ta, điều này ảnh hưởng đến mỗi chúng ta. Người ta trở nên rất ý thức về điều đó ở Rôma.

Trở lại với việc thiếu vắng niềm vui trong Giáo hội, điều này thực sự làm ngài kinh ngạc.

Khi ngài đọc về người trong Giáo hội, thường là về các hội đồng giáo xứ, v.v. Đều nói về các cơ cấu trong Giáo hội, các linh mục cũng về các cơ cấu linh mục trong Giáo hội. Đó không phải là vấn đề, nhưng đó dường như là nơi chúng ta đang mắc kẹt.

Cách tốt nhất mà chúng ta có thể biết được niềm vui là biết về Chúa Cha.



Và cách tốt nhất để biết về Cha, lạy Cha, là thông qua Con của Cha. Vì Con của Cha là hình ảnh chính xác của Cha. Và khi ngài cầu nguyện cách đó, ngài tìm thấy niềm vui lớn.

Quay trở lại cuộc trò chuyện ban đầu, đây là lời cầu nguyện mà chúng ta nên đọc trong sách nguyện, đó là cách nó bắt đầu mỗi ngày, với Thánh vịnh 95: chúng ta hãy đến hát mừng Chúa, reo hò vui sướng với núi đá, núi đá cứu vớt chúng ta.

Từ lâu, ngài vốn cảm thấy các Giờ Kinh Phụng Vụ chính là một cách tuyệt vời để biết niềm vui được ở với Thiên Chúa. Và ngài nghĩ rằng đó là điều mà Giáo Hội đang thiếu nhất ngày nay, niềm vui – chứ không phải các cơ cấu, hay cải cách và tất cả những công việc làm ăn đó, mà là một đời sống cầu nguyện sâu sắc đột nhiên xuất hiện và nó ở đó và đó là một hồng ân tuyệt vời, không tốn bất cứ một chút mồ hôi nào.

Được hỏi điều gì đang thiếu trong sinh hoạt giáo xứ, Đức Hồng Y Stafford cho hay khía cạnh Ba ngôi trong cầu nguyện của Giáo Hội là điều rất quan trọng, nhưng ngài không thấy nó ở đâu cả. Và ngài tự hỏi điều này nghĩa là gì, tại sao Thánh Augustinô lại viết tới 5 cuốn sách về các Thánh Vịnh?

Ngài nghĩ rằng khía cạnh Ba Ngôi của sự cầu nguyện trong Giáo Hội là rất, rất quan trọng, và ngài không thấy nó ở đâu cả.

Thánh Augustinô cũng đã dành gần cả đời ngài để viết “De Trinitate” (Thiên Chúa Ba Ngôi) từ năm chịu chức linh mục tới hai năm trước khi ngài qua đời. Nên có thể nói, suốt cuộc đời mục vụ trong tư cách Giám Mục của ngài, Thánh Augustinô đã cố kết với Thánh vịnh, nhưng trên hết là cầu nguyện Thánh vịnh qua Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói cách khác, với Thánh Augustinô, nền tảng của tất cả đời sống mục vụ là mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh.

Ngày nay chúng ta định nghĩa Giáo Hội thế nào”? Chúng ta định nghĩa một giáo xứ làm sao? Thông thường khi chúng ta nhìn vào các giáo xứ, họ phục vụ người ta, họ có một thừa tác vụ phục vụ. Khi Đức Hồng Y đến thăm các giáo xứ với tư cách là giám mục giáo phận, ngài nói “hãy mang theo bản tuyên bố mục vụ hoặc sứ mệnh mục vụ của anh chị em”. Và họ có tất cả, thường là hội đồng giáo xứ, cùng với cha xứ, tất cả đều làm cho việc đó.

Nhưng một cách không thay đổi, tất cả đều nhấn mạnh đến việc giáo xứ là dấu chỉ của Chúa Kitô, người tôi tớ. Và điều đó là hợp pháp. Và với hậu cảnh một nhân viên xã hội, Đức Hồng Y khẳng định điều đó. Nhưng nếu ngài đi kinh lý hôm nay, chắc chắn ngài sẽ hỏi giáo xứ có là canticum laudis, ca khúc ngợi khen Cha, nhiệm thể của Chúa Kitô không? Vì đó mới là điều giáo xứ là.

Ngài nghĩ rằng Công đồng Vatican II đã không nói đầy đủ về giáo xứ. Rất nhiều người nói “Không, không, đó mới chỉ là chuyện bắt đầu,” nhưng không, Công đồng nhấn mạnh rất nhiều, hết trang này sang trang nọ, tới giáo phận và Giáo hội hoàn vũ, nhưng chỉ nói vài dòng về giáo xứ.

Vì vậy, ngài nghĩ giáo xứ là người nghèo trong Giáo hội, nhưng đó mới là nơi mọi sự trở nên thách thức thực sự và có ý nghĩa trong mỗi cuộc đời Công Giáo, đó là Kitô giáo.

Và ngài nghĩ điều quan trọng là giáo xứ phải biết rằng họ - mỗi giáo xứ là - thân thể của Chúa Kitô. Họ được hiệp nhất với đầu của họ để muôn đời ngợi khen Cha.

Chúng ta là một phần của hồng phúc Chúa Cha ban cho Chúa Con. Chúng ta là tình yêu giữa Cha và Con. Giáo xứ là thế, và có niềm vui vô bờ bến trong điều đó, nhưng được thực hiện với tư cách là thân thể Chúa Kitô - chúng ta là một với đầu của chúng ta trong việc dâng lên niềm vui vĩnh cửu trong sự tạ ơn Chúa Cha, nhờ Chúa Thánh Thần.

Vì vậy, ngài nghĩ, lấy lại điều đó sẽ là chìa khóa để mở tung mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho giáo xứ.

Có một niềm vui to lớn ngay cả khi ngài cầu nguyện trong nhà thờ một mình, nhưng khi chúng ta cầu nguyện với tất cả anh em của mình, chúng ta là thân thể Chúa Kitô, dâng lời ngợi khen đời đời lên Cha về những gì Người đã ban cho chúng ta trong Chúa Kitô, và trong cuộc sống của chúng ta, và mọi gia đình của chúng ta và mọi điều.

Ngài nghĩ chìa khóa đổi mới mọi sự là: phục hồi nền tảng Ba Ngôi.

Đó là một cách nghĩ hoàn toàn khác về giáo xứ. Không phải với tư cách là một nhóm người, hay một lãnh thổ, hay một phương thức phân phối mục vụ hoặc bí tích - dĩ nhiên nó cũng bắt nguồn từ tất cả những điều đó - mà là tiếng nói của cầu nguyện.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh chiếc chìa khóa
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:28 22/04/2022
Hình ảnh chiếc chìa khóa

Chiếc chìa khóa giữ vai trò quan trọng trong đời sống con người. Với chiếc chìa khóa ổ khóa cánh cửa nhà, cửa xe, cửa cổng thành… được khóa kín chặt lại. Và như thế lối ngõ ra vào bị chặn ngăn lại.

Cũng với chiếc chìa khóa những ổ khóa cánh cửa được mở ra. Và như thế lối ra vào không còn bị ngăn chặn giữa bên ngoài và bên trong cánh cửa.

Thánh đường, nơi tôn nghiêm dành cho việc phụng vụ lễ nghi cầu nguyện thờ kính Thiên Chúa, cũng có những cửa ra vào với ổ khoa. Vì thế cũng cần có chìa khóa để mở ra. Và khi cửa đóng lại cũng cần chìa khóa vặn khóa ổ khóa lại.

Vậy đâu là hình ảnh chiếc chìa khóa trong đời sống niềm tin đạo giáo vô hình tận sâu trong tâm hồn con người?

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo mừng kỷ niệm lễ Chúa Giêsu Kitô phục sinh sống lại từ cõi chết, và vào chúa nhật một tuần sau đó, xưa nay có tên là lễ Chúa nhật áo trắng, và sau này có thêm tên nữa là Chúa nhật lòng Chúa thương xót. Như thế hai tên gọi ngày lễ mừng Chúa nhật này đều nói về trái tim, hình ảnh tình yêu thương.

Lòng yêu thương của Chúa Giêsu Kitô đã mở ra cánh cửa tình yêu cho con người, như chính Ngài ngày xưa lúc đi rao giảng nước Thiên Chúa ở trần gian đã nói “Thầy là cửa”. Qua cửa này có con đường dẫn đưa đến với Thiên Chúa trên trời cao.

Ngày thứ Sáu Tuần thánh cánh cửa với sự chết của Chúa Giêsu Kitô bị đóng lại, con đường thông thương như bị ngăn lại.

Ngày Chúa phục sinh, sống lại từ cõi kẻ chết, cánh cửa được khai mở ra lại. Tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô là chiếc chìa khóa đã mở cánh cửa do sự chết đóng lại, con đường sự sống phần linh hồn đến với Thiên Chúa được khai thông mở ra cho con người.

Hình ảnh cửa mở ra, như phúc âm ngày Chúa Giêsu phục sinh viết thuật lại: tảng đá ngăn che nấm mồ của Chúa được lăn ra một bên, mở lối cho Chúa sống lại đi ra khỏi nấm mồ, và cho các Môn đệ đi vào trong mồ nhìn ngắm làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại không còn nằm trong nấm mồ nữa.

Chúa Giêsu Kitô đã sống lại. Nhưng vì sợ người Do Thái, nên các môn đệ và những người tin theo yêu mến Ngài, đã đóng khóa kín cửa nhà lại không cho ai ra vào. Dẫu vậy, Chúa Giêsu Kitô phục sinh đã đi vào hiện ra với họ. Chính Chúa Giêsu Kitô là chìa khóa mở cửa đi vào : Ngài mở tung cánh cửa cho sự sống tràn vào xóa tan sự lo âu hoài nghi sợ hãi. Và cánh cửa đó không còn có thể đóng khóa lại được nữa, như Thánh Gioan viết thuật lại

"Ðừng sợ, Ta là Ðấng trước hết và là Ðấng sau cùng, Ta là Ðấng hằng sống; Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời. Ta giữ chìa khoá sự chết và địa ngục. “ ( Sách Khải Huyền 1, 18).

Trong đời sống con người luôn cần đến chìa khóa đúc bằng kim loại nhôm hay sắt thép, hay tấm thẻ có gắn chip để khóa và mở cửa.Nhưng con người còn cần hơn nữa chìa khóa vô hình. Đó là chiếc chìa khóa thiêng liêng tinh thần, chìa khóa đức tin, chìa khóa tình yêu thương.

Với chiếc khóa này Thiên Chúa đã mở cửa đến với con người qua Chúa Giêsu Kitô phục sinh.

Với chiếc khóa này con người mở cánh cửa tâm hồn mình đến với Thiên Chúa, nguồn sự sống và tình yêu thương cho tâm hồn mình.

Và với chiếc chìa khóa tinh thần tình yêu thương con người mở cánh cửa lòng đến với nhau thể hiện tình yêu thương bái ái, xây dựng hòa bình.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
TT Biden bác bỏ tuyên bố chiến thắng của Putin ở Mariupol, giúp thêm 800 triệu. Nga sa lầy ở Donbas
VietCatholic Media
03:45 22/04/2022


1. Dù tấn công rất thận trọng, quân Nga vẫn thiệt hại nặng ở miền Đông Ukraine

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong ngày thứ Năm 21 tháng Tư, các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu diệt hơn 200 lính Nga, 5 xe tăng, một máy bay và các phương tiện quân sự khác ở miền đông Ukraine.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine ghi nhận rút kinh nghiệm trong cuộc chiến ở miền Bắc Ukraine, quân Nga đã tỏ ra rất thận trọng trong các cuộc tấn công gần đây.

“Lực lượng phòng thủ Ukraine tiếp tục kìm chân quân xâm lược trong khu vực kiểm soát của Cụm tác chiến phía Đông. Ngày 21 tháng 4 năm 2022, quân đội phát xít Nga mở ba đợt tấn công. Các hệ thống pháo binh của chúng tôi đã bắn vào các nhóm quân và phương tiện của địch. Kết quả là quân đội Ukraine đã tiêu diệt hơn 200 quân địch, 5 xe tăng, 2 xe chiến đấu bộ binh, 1 thiết giáp, 1 hệ thống pháo binh, 1 máy bay, 9 xe cơ giới và 3 máy bay không người lái.”

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhắc lại rằng, trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 21 tháng 4 năm 2022, tổng thiệt hại trong chiến đấu của Nga tại Ukraine lên tới khoảng 21.000 quân.

2. Lực lượng vũ trang Ukraine bắn rơi hai trực thăng Mi-8 của Nga

Trong vùng Kharkiv, lực lượng phòng thủ Ukraine đã bắn rơi hai trực thăng Mi-8 của đối phương vào hôm thứ Năm 21 tháng Tư.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết:

“Hai máy bay trực thăng Mi-8 của Nga bị bắn rơi”

Mi-8 là một máy bay trực thăng đa năng do Nhà máy Trực thăng Mil Moscow sản xuất vào đầu những năm 1960. Nó là máy bay trực thăng hai động cơ lớn nhất trên thế giới, được sử dụng rộng rãi để thực hiện nhiều nhiệm vụ dân sự và chiến đấu.

Đầu ngày hôm nay, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Không quân phía Đông phối hợp với Lực lượng Tác chiến Liên hợp đã bắn rơi hai máy bay địch ở khu vực Kharkiv.

Theo dữ liệu sơ bộ, một số các máy bay chiến đấu Su-34 và Su-35 của Nga đã bị tiêu diệt. Tại khu vực Zaporizhzhia, đơn vị phòng không của Vệ binh Quốc gia đã bắn hạ một trực thăng Alligator của Nga.

3. Tình báo Mỹ: Nga phải bổ sung 4 Tiểu đoàn Chiến thuật ở Ukraine trong 24 giờ qua

Các lực lượng Nga đã bổ sung 17 Tiểu đoàn Chiến thuật ở Ukraine trong tuần qua trước khi mở cuộc tổng công kích đợt hai. Tuy nhiên, chỉ trong 24 giờ qua, họ đã tung thêm vào chiến trường Ukraine 4 Tiểu đoàn Chiến thuật nữa. Có thể có nhiều lý do giải thích cho việc bổ sung này, trong đó, không thể loại trừ các tổn thất về nhân lực trong 3 ngày đầu của cuộc tổng công kích đợt hai.

Nhìn chung, Mỹ đánh giá rằng hiện có 82 Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga bên trong Ukraine.

Trong số bốn Tiểu đoàn Chiến thuật được thêm vào trong 24 giờ qua, ba trong số đó đã “đi vào phía đông” vào khu vực Donbas.

4. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho rằng: Tuyên bố của Putin về việc 'giải phóng' Mariupol là thông tin sai lệch

Các quan chức Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và xem đó là “thông tin sai lệch” khi ông ta cho rằng lực lượng Nga đã “giải phóng” thành phố cảng Mariupol

Tại một cuộc họp báo chiều thứ Năm, Ned Price, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết:

“Chúng tôi hiểu rằng các lực lượng của Ukraine tiếp tục giữ vững vị trí của họ, và chúng tôi có mọi lý do để tin rằng vở tuồng mà Tổng thống Putin, và bộ trưởng quốc phòng của ông ta, trình diễn với truyền thông, mà chúng ta đã thấy trong những giờ gần đây chỉ là loại thông tin sai lệch, rút ra từ các tuồng tích cũ kỹ của họ”.

“Putin đã đưa ra tuyên bố này, bất chấp lời thừa nhận của Bộ trưởng Quốc phòng, rằng quân đội Nga vẫn còn đang chiến đấu với hàng nghìn quân Ukraine,đang ẩn náu trong các nhà máy thép Azovstal.”

Theo Yuriy Ryzhenkov, giám đốc điều hành của Metinvest Holding sở hữu các nhà máy thép, tình hình đã “gần đến mức thảm họa”.

“Khi chiến tranh bắt đầu, chúng tôi đã dự trữ khá nhiều lương thực và nước uống trong các hầm trú bom và các cơ sở vật chất tại nhà máy để trong một thời gian, thường dân có thể sử dụng và về cơ bản sống sót nhờ vào đó,” ông nói.

“Thật không may, tất cả mọi thứ có xu hướng cạn kiệt, đặc biệt là thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Tôi nghĩ rằng bây giờ nó gần với một thảm họa ở đó.”

5. Biden nói rằng “có vấn đề” trong việc Nga tuyên bố đã kiểm soát được Mariupol

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm thứ Năm 21 tháng Tư rằng “có vấn đề” trong tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc Nga đã kiểm soát được thành phố Mariupol

“Vấn đề là liệu ông ta có thực sự kiểm soát được Mariupol hay không. Chưa có bằng chứng cho thấy Mariupol đã hoàn toàn thất thủ.”

Ông Biden cũng kêu gọi Putin cho phép viện trợ nhân đạo vào Ukraine để những người bị mắc kẹt bên trong nhà máy thép có thể ra ngoài.

“Đó là điều mà bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào cũng phải làm trong mọi hoàn cảnh,” tổng thống Biden nói thêm.

Hôm thứ Năm, Putin đã loại bỏ kế hoạch tấn công nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, nói rằng kế hoạch đó là không khả thi, sau khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo về con số thương vong của Nga và xin thêm thời gian để cố chiếm cho được thành phố Mariupol.

Putin nói rằng những người quyết định đầu hàng nên được đối xử phù hợp với các công ước quốc tế. Dù nói thế, nhưng Putin đã ra lệnh không kích và pháo kích tới tấp vào nhà máy và phong tỏa địa điểm này “để một con ruồi cũng không thể lọt qua.”

Các lực lượng Ukraine đang tiếp tục phớt lờ lời kêu gọi đầu hàng của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết các lực lượng của nước này không có đủ vũ khí “hạng nặng” để đánh bại quân đội Nga ở Mariupol và hàng nghìn dân thường vẫn bị mắc kẹt bên trong.

6. Ngoại trưởng Annalena Baerbock nói Đức sẽ ngừng nhập khẩu dầu của Nga “vào cuối năm nay”

Đức sẽ ngừng việc nhập khẩu dầu của Nga “vào cuối năm nay”, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết như trên hôm thứ Tư.

Baerbock nói: “Đức sẽ loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng của Nga. Nhập khẩu dầu “sẽ giảm một nửa vào mùa hè” và loại bỏ hoàn toàn và vào cuối năm.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Riga với các Bộ trưởng Ngoại giao Baltic, Baerbock nhắc lại rằng nhập khẩu than sẽ bị loại bỏ dần vào cuối mùa hè. Bà nói thêm, nhập khẩu khí đốt sẽ bị loại bỏ trong một khoảng thời gian dài hơn.

Người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức nói với CNN rằng Đức muốn giành độc lập khỏi việc nhập khẩu năng lượng của Nga theo từng bộ phận và từng bước, dự kiến sẽ độc lập khỏi dầu của Nga vào cuối năm nay.

Đầu tháng này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông tin rằng Đức sẽ có thể chấm dứt nhập khẩu trong năm nay nhưng nói thêm rằng nước này sẽ mất nhiều thời gian hơn để chấm dứt các lệ thuộc vào Nga.

Theo dự báo kinh tế chung của 5 viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức, trong trường hợp nguồn cung khí đốt của Nga bị gián đoạn ngay lập tức, tổng sản lượng kinh tế Đức trị giá 220 tỷ euro sẽ gặp rủi ro trong cả năm 2022 và 2023. Con số này tương đương hơn 6,5% tổng sản lượng kinh tế hàng năm của Đức.

7. Các quan chức cho biết Mỹ đã được thông báo trước vụ thử hỏa tiễn của Nga và theo dõi nó chặt chẽ.

Theo hai quan chức Mỹ, Hoa Kỳ đã biết thông qua các thỏa thuận thông báo quốc tế rằng Nga đang lên kế hoạch cho vụ thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa trước vụ phóng hôm thứ Tư.

Các quan chức cho biết Mỹ đã biết về thời điểm phóng và theo dõi hỏa tiễn mà không có sự lo ngại nào.

Cả Nga và Mỹ - theo một thỏa thuận quốc tế hiện có – đều thông báo cho các quốc gia khác về các cuộc thử nghiệm để tránh bất kỳ tình huống bất trắc nào.

Các nguồn tin cho biết, Mỹ đánh giá hỏa tiễn này vẫn chưa hoạt động trong kho vũ khí của Nga.

Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, cho biết “Việc thử nghiệm như vậy là thường xuyên và không có gì ngạc nhiên”.

Kirby cho biết Hoa Kỳ “không coi vụ thử là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của mình”.

Kirby nói: “Chúng tôi vẫn tập trung vào hành động gây hấn bất hợp pháp và vô cớ của Nga đối với Ukraine.”

Trước đó: Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã tiến hành vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Sarmat.

Hỏa tiễn được bắn từ bệ phóng silo lúc 3:12 chiều theo giờ Mạc Tư Khoa tại Sân bay vũ trụ thử nghiệm nhà nước Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, miền bắc nước Nga về phía bãi thử Kura trên bán đảo Kamchatka ở vùng viễn đông của Nga.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng nói rằng nó đã hạ cánh xuống “khu vực được chỉ định ở Kamchatka.”

8. Nga bác bỏ đề xuất đình chiến trong lễ Phục sinh

Volodymyr Zelenskiy cho biết ông vẫn hy vọng có những ngày bình an ngay cả sau khi Mạc Tư Khoa bác bỏ đề xuất đình chiến vào cuối tuần này trong thời gian nghỉ Lễ Phục sinh của Chính thống giáo.

Nga đã từ chối một yêu cầu đình chiến được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra hôm 10 tháng Tư. Họ cũng đã từ chối một yêu cầu tương tự vào đầu tuần này sau khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, kêu gọi đình chiến trong Tuần Thánh cho đến hết Chúa Nhật Phục sinh để cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo và hành lang an toàn cho dân thường đang cố gắng chạy trốn khỏi khu vực chiến sự. Ông nói: “Thời gian bốn ngày dẫn đến Lễ Phục sinh nên là thời điểm để đoàn kết xung quanh việc cứu sống và thúc đẩy hơn nữa đối thoại để chấm dứt đau khổ ở Ukraine”.

Dmitry Polyanskiy, Phó đại sứ của Nga tại Liên Hiệp Quốc, cho biết yêu cầu này không “chân thành” và sẽ cho các chiến binh Ukraine thêm thời gian để tái tổ chức.
 
Tin Vui: Giáo Hội có thêm 2 Chân Phước. Thị trưởng Ukraine bị Nga bắt, kể lại cho Đức Giáo Hoàng những khổ đau
VietCatholic Media
06:31 22/04/2022


1. Thị trưởng Ukraine bị người Nga bắt giữ, đánh đập, tra khảo nói với Đức Thánh Cha về những gian truân của mình

Một thị trưởng Ukraine đã mô tả hàng giờ bị thẩm vấn “khó khăn” khi bị lực lượng Nga giam giữ trong gần một tuần vào tháng trước và nói rằng ông đã kêu gọi Đức Giáo Hoàng giúp đỡ để ngăn chặn một cuộc chiến đã tàn phá thành phố của ông ở miền nam Ukraine.

“Đó là sáu ngày nguy hiểm bởi vì con hiểu rằng đối với người Nga, mạng sống của con và những người dân thường không có giá trị gì cả”, Ivan Fedorov, thị trưởng của thành phố Melitopol, hiện thuộc quyền kiểm soát của Nga, cho biết như trên tại Rôma hôm Chúa Nhật, một tháng sau khi anh được trả tự do.

Ukraine cho biết Fedorov đã bị bắt cóc vào ngày 11 tháng 3 sau khi lực lượng Nga chiếm giữ Melitopol, nằm ở phía tây thành phố Mariupol bị bao vây ở khu vực phía nam mà Nga đang tìm cách kiểm soát. Kyiv thông báo trả tự do cho Fedorov trong một cuộc trao đổi tù nhân vào ngày 16 tháng Ba.

Nga, nước gọi các hành động của mình ở Ukraine là một “cuộc hành quân đặc biệt”, đã không đưa ra bình luận nào về việc giam giữ thị trưởng hoặc việc hoán đổi tù nhân mà Ukraine báo cáo.

Anh Fedorov đã được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào hôm thứ Bảy trước khi tham dự các nghi lễ trước Lễ Phục sinh, cho biết anh đã yêu cầu Vatican can thiệp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để bảo đảm các hành lang nhân đạo cho Mariupol, nơi đã phải đối mặt với các cuộc bắn phá tàn khốc.
Source:Reuters

2. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm linh mục Montana làm giám mục phó của giáo phận Great Falls-Billings

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một linh mục của Helena, Montana, là Cha Jeffrey Fleming, làm giám mục phó của giáo phận khác trong cùng tiểu bang, là giáo phận Great Falls-Billings.

Cha Fleming, 56 tuổi, là Chưởng ấn và là người điều hành công việc tại Tòa Giám Mục Helena thuộc Tây Montana từ năm 2020. Ngài đã là linh mục của giáo phận trong gần 30 năm.

Với tư cách là giám mục phó, Đức Cha Fleming sẽ phục vụ cùng với giám mục hiện tại của Great Falls-Billings, là Đức Cha Michael Warfel, và sẽ tự động kế nhiệm ngài khi ngài từ chức.

Đức Cha Warfel, 73 tuổi, đã lãnh đạo giáo phận miền đông Montana kể từ tháng Giêng năm 2008.

Giáo phận Great Falls-Billings có diện tích hơn 93.000 dặm vuông, hai phần ba phía đông của Montana. Giáo phận có 50 giáo xứ và phục vụ 31.813 giáo dân. Tổng dân số của giáo phận là 427.358 người.

Đức tân Giám Mục Phó sinh ở Billings, Montana vào năm 1966. Ngài theo học giáo dục tôn giáo và thần học tại Cao đẳng Carroll ở Helena và hoàn thành chương trình linh mục tại Chủng viện Mount Angel ở Oregon, nơi ngài cũng nhận bằng thạc sĩ thần học.

Ngài có bằng cử nhân về giáo luật từ Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, DC

Trong gần 30 năm làm linh mục, Cha Fleming đã là cha sở và cha xứ tại nhiều giáo xứ khác nhau trong Giáo phận Helena. Ngài cũng là hiệu trưởng Carroll College.

Ngoài nhiệm vụ chưởng ấn giáo phận, kể từ tháng 3, Cha Fleming còn đảm nhận vai trò Cha Sở của Cộng đồng Công Giáo St. Mary ở Helena.
Source:Catholic News Agency

3. Giáo Hội Công Giáo tại Ý sắp có thêm hai chân phước linh mục tử đạo trong thời kỳ Đức quốc xã chiếm nước này.

Đó là cha Mario Ghibaudo và cha Giuseppe Bernardi bị quân Đức giết ngày 19 tháng Chín năm 1943 tại làng Boves, tỉnh Cuneo thuộc miền Piemonte, tây bắc Ý.

Cha Ghibaudo sinh năm 1920 tại Borgo San Dalmazzo và cha Bernardi sinh tại Caraglio năm 1897. Hai vị dấn thân bảo vệ cộng đoàn Boves chống lại cuộc trả thù của quân Đức quốc xã. Cha sở Bernardi tìm cách làm trung gian giữa quân kháng chiến Ý về việc trả tự do cho hai con tin người Đức bị dân quân kháng chiến của Ý bắt trong một cuộc đụng độ. Đại tá Joachim Peiper của Đức trong miền đó đe dọa sẽ tàn phá bình địa làng Boves nếu không phục hồi được hai binh sĩ bị bắt và lấy lại xác một lính Đức bị ám sát.

Còn cha phó Ghibaudo thì dấn thân giúp những người già và những người khác trong làng chạy trốn thoát.

Hai binh sĩ Đức bị bắt được trả tự do, nhưng viên Đại tá Đức không giữ lời hứa. Ông ta bắt cha Bernardi phải chứng kiến cảnh đốt 350 căn nhà ở làng Boves và cuộc tàn sát 23 người dân. Sau đó chính cha cũng bị giết chết. Cả cha Ghibaudo cũng bị giết tại đây, sau khi đã cứu được các trẻ nữ trong viện cô nhi và một số người khác trong làng.

Án phong chân phước cho hai linh mục được khởi sự hồi năm 2013. Sáng ngày 09 tháng Tư vừa qua, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã công bố sắc lệnh nhìn nhận hai linh mục Ghibaudo và Bernardi đã bị giết vì sự oán ghét đức tin. Dân làng Boves đã đánh chuông hân hoan chào mừng tin trên đây.

Với sắc lệnh này, hai linh mục sẽ được phong chân phước và không cần phải có thêm phép lạ, như trường hợp với vị hiển tu, vì tử đạo được coi là phép lạ lớn nhất.
 
Tổng thống Zelenskiy tiết lộ tình trạng trong nhà máy thép Mariupol. Ngày đen tối của Không Quân Nga
VietCatholic Media
16:03 22/04/2022


1. Quân đội Ukraine bắn rơi 3 máy bay và 3 máy bay trực thăng của Nga

Trong ngày thứ Năm 21 tháng Tư, các đơn vị phòng không của Lực lượng Phòng không Ukraine đã tiêu diệt 15 mục tiêu trên không của đối phương.

“Ngày 21 tháng 4 là một ngày thành công đối với các đơn vị phòng không Ukraine, khi họ tiêu diệt 15 mục tiêu trên không của đối phương, trong đó có 9 máy bay không người lái Orlan-10. Các đơn vị hỏa tiễn phòng không của Lực lượng trên bộ đã bắn rơi 6 máy bay không người lái Orlan-10. Hai máy bay không người lái Orlan-10 đã bị Lực lượng phòng không tấn công bằng hệ thống phòng không cơ động và một chiếc nữa bị bắn rơi bởi các đơn vị hỏa tiễn phòng không của Không quân.”

Trong khi đó, tại chiến trường Izium, các đơn vị hỏa tiễn phòng không của Bộ Tư lệnh Phòng không miền Đông đã tiêu diệt hai máy bay Nga. Theo dữ liệu sơ bộ, chúng bao gồm một chiếc Su-34 và một chiếc Su-35.

Binh chủng Nhảy Dù cũng bắn rơi một máy bay Su-25 và trực thăng Mi-8 của Nga. Một trực thăng Mi-8 cũng bị Thủy Quân Lục Chiến Ukraine tiêu diệt.

Ngoài ra, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine cũng đưa tin về việc bắn hạ trực thăng Ka-52 'Alligator' của Nga.

2. Tổng thống Zelenskiy: Hơn 400 binh sĩ Ukraine bị thương đang bị bao vây ở Mariupol

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tuyên bố rằng Ukraine xem xét hai cách khả thi để giải tỏa thành phố Mariupol - quân sự và ngoại giao.

“Có thể mở khóa thành phố Mariupol bằng nhiều cách. Có một con đường quân sự, chúng tôi cần phải chuẩn bị cho nó, và chúng tôi đang chuẩn bị để trở nên hùng mạnh. Và ở đây chúng tôi cần sự giúp đỡ của các đối tác. Rất khó để chúng tôi có thể tự mình làm điều này, chúng tôi cần có vũ khí thích hợp.” Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết như trên tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen

Theo Tổng thống, cách thứ hai - ngoại giao và nhân đạo - có thể được thực hiện rất nhanh chóng.

“Chúng tôi đã đưa ra một số lựa chọn, thậm chí không trực tiếp mà thông qua trung gian, dưới hình thức trao đổi, ít nhất là bắt đầu với 'người bị thương cho người bị thương'. Có hơn 400 người bị thương trong tòa thành này. Đây chỉ là về phía các quân nhân. Ngoài ra còn có những thường dân bị thương”

Ông cũng lưu ý rằng Ukraine sẵn sàng đổi quân lấy quân.

Zelenskiy cũng mong đợi sẽ đưa được thi thể của những người chết từ Mariupol về với gia đình của họ.

Tổng thống lưu ý rằng đã có một nỗ lực để làm điều đó thông qua các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nó vẫn chưa được thực hiện.

“Chúng tôi đã cung cấp tất cả các lựa chọn cho người Nga”.

Mariupol trải qua một trong những thảm họa nhân đạo lớn nhất do sự xâm lược của Nga. Những kẻ xâm lược ném bom những cư dân không có vũ khí và chặn việc cung cấp viện trợ nhân đạo.

Các thành viên của Trung đoàn Azov, lữ đoàn súng trường cơ giới và Thủy quân lục chiến tiếp tục bảo vệ Mariupol.

Tại Mariupol, quân đội Nga tiếp tục cố gắng loại bỏ quân đội và dân thường ở lại lãnh thổ của nhà máy Azovstal. Pháo kích và ném bom vẫn tiếp tục ngay bây giờ.

“Tình trạng của Mariupol ngay bây giờ là ném bom và pháo kích vào khuôn viên của nhà máy Azovstal. Những điều đó đang diễn ra ngay bây giờ... Tôi chắc chắn rằng những kẻ chiếm đóng sẽ không dừng lại cho đến khi những người bên trong Azovstal bị tiêu diệt hoàn toàn. Cả những người bảo vệ và dân thường của chúng tôi.”

Ông tin rằng chỉ có sự can thiệp từ bên ngoài và bảo đảm an ninh từ các đối tác nước ngoài mới thực sự cứu được Mariupol và những người bảo vệ họ.

Giao tranh đang diễn ra trong khu vực kho tàu điện, nằm cách lãnh thổ Azovstal một khoảng cách đáng kể. Điều này chứng tỏ tuyên bố của Nga về quyền kiểm soát hoàn toàn đối với thành phố là vô căn cứ.

Như đã báo cáo, có khoảng 1.000 dân thường và quân nhân Ukraine trên lãnh thổ của nhà máy Azovstal ở Mariupol, trong đó có khoảng 500 người bị thương. Chính quyền Ukraine yêu cầu người Nga phải cung cấp một hành lang nhân đạo khẩn cấp từ nhà máy.

3. Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh giải thích lý do tại sao Putin ra lệnh ngừng tấn công toàn diện vào nhà máy Azovstal

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy bỏ kế hoạch cho quân đội Nga tấn công nhà máy Azovstal vì nguy cơ thương vong quá cao.

Tuyên bố của Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh, Ben Wallace, cho biết: “Sau 51 ngày tấn công vào Mariupol, người Nga nhận thức rõ rệt rằng một cuộc tấn công toàn diện của Nga vào nhà máy sẽ gây ra thương vong đáng kể cho Nga, làm giảm hiệu quả chiến đấu tổng thể của họ”.

Bộ Trưởng Ben Wallace đưa ra lập trường trên và nói thêm rằng Putin cũng có thể quyết định chuyển một phần binh lính của mình ở Mariupol đến các khu vực khác ở miền đông Ukraine, nơi quân số cũng đang tiêu hao đáng kể khi đối diện với các thành phần ưu tú nhất của quân đội Ukraine, những người đã có 8 năm kinh nghiệm chiến đấu trong vùng Donbas.

“Bất chấp Nga đã thay đổi tiêu điểm trong cuộc chiến, họ vẫn phải chịu những tổn thất như trước đó trong cuộc xung đột. Để cố gắng tái tạo lại lực lượng đã cạn kiệt của mình, họ đã phải tính đến việc chuyển các thiết bị không thể hoạt động trở lại Nga để sửa chữa”

Trong cuộc họp hôm thứ Năm 21 tháng Tư, Putin gọi đề xuất tấn công nhà máy thép Azovstal ở Mariupol là không khả thi và ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hủy bỏ việc này, đồng thời yêu cầu ông ta phải phong tỏa khu vực này.

Chỉ huy Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 36, Thiếu tá Serhiy Volyna, người đang bảo vệ thành phố Mariupol bị bao vây, đã yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới đưa các chiến binh và dân thường của Mariupol đến lãnh thổ của một quốc gia thứ ba. Ông cho biết hơn 500 quân bị thương. Ngoài ra, có hàng trăm thường dân tại nhà máy Azovstal. Đồng thời, Phó chỉ huy Trung đoàn Azov, Đại úy Sviatoslav Palamar, nói rằng những người bảo vệ Mariupol coi đề xuất của Nga buộc họ hạ vũ khí và đầu hàng là không thể chấp nhận được.

4. Lên đến 9.000 thi thể của dân thường bị giết có thể được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể được phát hiện gần Mariupol

Khoảng 3.000 đến 9.000 thường dân bị Nga giết hại có thể đã được chôn vùi trong một ngôi mộ tập thể được phát hiện ở làng Manhush, ngay bên ngoài Mariupol.

Điều này đã được Hội đồng thành phố Mariupol báo cáo trên Telegram. Thị trưởng Vadym Boychenko nói:

“Tại làng Manhush, những kẻ chiếm đóng có thể chôn cất từ 3.000 đến 9.000 cư dân Mariupol. Điều này đã được giả định bằng cách so sánh các bức ảnh vệ tinh với khu chôn cất ở Bucha, nơi 70 thi thể được tìm thấy. Hình ảnh Maxar được thực hiện vào ngày 9 tháng 4 cho thấy khu vực chôn cất hàng loạt ở Manhush lớn hơn 20 lần. Những người chiếm đóng đã đào những đường hào mới, lấp đầy xác người mỗi ngày trong suốt tháng Tư. Các nguồn tin của chúng tôi nói rằng trong những ngôi mộ như vậy, các thi thể được xếp thành nhiều lớp”

Thị trưởng Vadym Boychenko đã so sánh tội ác mà lực lượng Nga gây ra với các vụ giết người ở Babyn Yar trong Thế chiến 2.

“Tội ác chiến tranh lớn nhất của thế kỷ 21 đã được thực hiện ở Mariupol. Đây là Babyn Yar mới. Vào thời đó, Hitler đã giết người Do Thái, Roma và Slav. Và bây giờ Putin đang tiêu diệt người Ukraine. Hắn đã giết hàng chục ngàn thường dân ở Mariupol. Và điều này đòi hỏi sự phản ứng mạnh mẽ từ toàn bộ thế giới văn minh. Cần phải ngăn chặn nạn diệt chủng bằng bất cứ giá nào,” ông Boychenko nói.

Hội đồng thành phố nhấn mạnh rằng vào giữa tháng 3, các dịch vụ thành phố đã chôn cất khoảng 5.000 người ở nhiều khu vực khác nhau của Mariupol và các vùng ngoại ô của thành phố.

Theo ước tính, tổng số thường dân bị quân đội Nga giết hại ở Mariupol lên tới 22.000 người.

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, ở Mariupol, những kẻ xâm lược đã đào một số ngôi mộ tập thể ở các khu vực khác nhau của thành phố, nơi chúng vứt xác người hàng loạt trong các túi nhựa.

Cuộc xâm lược của Nga đã gây ra một trong những thảm họa nhân đạo lớn nhất ở Mariupol. Những kẻ xâm lược đang bắn phá những cư dân không có vũ khí và ngăn chặn viện trợ nhân đạo.

Theo Cục tình báo của Bộ Nội vụ, gọi tắt là SBU, 13 nhà hỏa táng di động của Nga đã được triển khai trong thành phố để đưa thi thể ra khỏi các đường phố. Những kẻ xâm lược cũng đang cố gắng xác định và giết tất cả các nhân chứng cho hành động tàn bạo của chúng.

Khoảng 120.000 dân thường vẫn ở Mariupol bị phong tỏa, trong khi một phần nhỏ của thành phố vẫn đang được lực lượng Ukraine bảo vệ.

5. Anh huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng xe thiết giáp của Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson tiết lộ rằng, hàng chục binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện ở Anh, để học cách sử dụng 120 xe thiết giáp của Anh trước khi cùng những chiếc xe tăng này trở lại chiến đấu trong cuộc chiến chống Nga.

Thủ tướng cho biết, các lực lượng Anh cũng đang huấn luyện cho các binh sĩ Ukraine ở Ba Lan về cách sử dụng hỏa tiễn phòng không.

“Tôi có thể nói rằng chúng tôi hiện đang đào tạo cho người Ukraine ở Ba Lan cách sử dụng phòng không, và cụ thể hơn, họ đã ở Anh để học cách sử dụng xe thiết giáp,” Johnson nói.

Anh đã đồng ý gửi ít nhất 120 xe thiết giáp, 80 trong số đó là xe cơ động được bảo vệ, bao gồm các loại Mastiff, Husky và Wolfhound, mà quân đội Anh cho biết được thiết kế để sử dụng trong “các vai trò chiến đấu, hỗ trợ chiến đấu và phục vụ chiến đấu”

40 phương tiện khác dùng để trinh sát, bao gồm xe Spartan, có thể chở 4 binh sĩ, xe cứu thương Samaritan, xe chỉ huy bọc thép Sultan và xe thiết giáp Samson.

Các nguồn tin quốc phòng cho biết việc huấn luyện sẽ mất vài tuần, phần lớn là để người Ukraine có thể làm quen với các hệ thống điều khiển điện tử trên xe.

Lực lượng Anh ở Ba Lan được tường trình đang huấn luyện quân đội Ukraine cách sử dụng hệ thống hỏa tiễn phòng không Starstreak và các phương tiện Stormer để phóng vũ khí.

Chúng tôi kết hợp với các đồng minh của mình đang chuyển sang cung cấp các loại thiết bị mới mà có lẽ người Ukraine sẽ không có kinh nghiệm trước đây, vì vậy hợp lý là họ được đào tạo cần thiết để sử dụng nó một cách tốt nhất”.

6. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy: Trong 57 ngày chiến tranh, Quân đội Ukraine đã giải phóng hàng nghìn khu định cư.

Kể từ khi phát động cuộc xâm lược toàn diện, Quân đội Ukraine đã giải phóng hơn một nghìn khu định cư khỏi những kẻ xâm lược Nga, nhưng số lượng những khu vẫn đang bị chiếm đóng vẫn còn rất nhiều.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tuyên bố như trên trong một bài phát biểu trước Quốc hội Bồ Đào Nha, được phát trên kênh truyền hình quốc gia

“Trong 57 ngày của cuộc chiến toàn diện, chúng tôi đã giải phóng khoảng một nghìn khu định cư trên khắp Ukraine, bị quân xâm lược Nga chiếm giữ, nhưng số lượng các thành phố và cộng đồng bị chiếm đóng vẫn còn nhiều”

Ông nhấn mạnh rằng quân đội Nga không ngừng pháo kích và bắn phá các thành phố của Ukraine, phá hủy các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự, làm nổ tung kho lương thực, trường học, bệnh viện, nhà thờ và các trường đại học.

Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và các nền dân chủ khác đã áp đặt và tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

7. Ba cuộc tấn công hỏa tiễn tấn công cơ sở hạ tầng đường sắt ở khu vực Dnipropetrovsk

Những kẻ xâm lược Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng đường sắt của Ukraine ở khu vực Dnipropetrovsk, tung ra ba cuộc tấn công hỏa tiễn có chủ ý.

Giám đốc Cơ quan Quản lý Nhà nước Khu vực Dnipropetrovsk Valentyn Reznichenko cho biết các hỏa tiễn này đã gây ra những thiệt hại nặng về cơ sở vật chất.

“Chúng tôi đã bị ba cuộc tấn công hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng đường sắt ở quận Novomoskovsk. Không có thương vong nào được báo cáo”.

Theo Reznichenko, tuyến đường sắt và mạng lưới dây xích đã hoàn toàn tan vỡ. Hiện vẫn chưa rõ liệu có thể khôi phục giao thông trong khu vực bị ảnh hưởng hay không.

Hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của quân Nga đã được ghi nhận tại Zaporizhia vào thứ Năm.

Khi mới bắt đầu cuộc xâm lược, Nga chỉ tấn công vào các khu dân cư, ít khi tấn công vào các cơ sở hạ tầng giao thông. Hôm 25 tháng Ba, tại một cuộc họp báo ở Brussels sau phiên họp chung của các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết:

“Tôi tin rằng Putin đang sử dụng người tị nạn như một công cụ, như một vũ khí. Gửi càng nhiều càng tốt. Họ đã không phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông; mà họ chỉ phá hủy các thành phố để khiến dân thường khiếp sợ và khiến họ chạy trốn” sang các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu. Qua đó, Putin khiến Liên Hiệp Âu Châu phải gánh chịu chi phí trong việc giúp đỡ người tị nạn Ukraine.

Các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng đường sắt của Ukraine trong thời gian gần đây cho thấy Nga đã đổi chiến thuật. Sau khi xua đuổi 7,7 triệu người Ukraine chạy ra nước ngoài, giờ đây họ tấn công các cơ sở hạ tầng đường sắt của Ukraine để chặn đường tiếp tế cho các đơn vị quân đội Ukraine ở phía Đông, cũng như đường viện trợ từ các nước khác.

Nga đã phong tỏa Hắc Hải, khả năng tiếp tế cho Ukraine bằng đường thủy không còn nữa. Nếu khả năng tiếp tế cho Ukraine bằng đường bộ cho Ukraine cũng mất luôn thì hầu chắc cuộc chiến tại Ukraine sẽ lan rộng khi NATO và Hoa Kỳ không còn lựa chọn nào khác là viện trợ cho Ukraine bằng đường hàng không.
 
Đức Cha Pabillo: Putin làm được ở Ukraine, thì Tập cũng làm được ở Phi Luật Tân và các nước khác
VietCatholic Media
16:12 22/04/2022


1. Giám mục Phi Luật Tân cảnh báo: Những gì người Nga làm tại Ukraine, người Trung Quốc cũng có thể làm tại Phi Luật Tân

Vị Giám Quản Tông Tòa của Taytay và cựu Giám Mục Phụ Tá của Manila, được những người bị áp bức yêu quý, đã nói chuyện với AsiaNews về tình hình đất nước của ngài trước cuộc bầu cử ngày 9 tháng 5. Nhân quyền ngày càng bị chà đạp và bị coi là một gánh nặng. Các vụ hành quyết phi pháp luật kêu đòi công lý. Phát biểu về cuộc chiến ở Âu Châu, ngài nói: “Những gì người Nga đang làm ở Ukraine, Trung Quốc có thể làm với chúng tôi.”

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đã hỏi Đức Cha Broderick Pabillo:

Thưa Đức Cha, người dân Phi Luật Tân nhìn nhận như thế nào về cuộc chiến ở Ukraine và sự đau khổ của rất nhiều người trong cuộc chiến biểu hiện cho chủ nghĩa quân phiệt và độc tài, coi thường quyền và cuộc sống?

Đức Cha Broderick Pabillo trả lời:

Những gì người Nga đang làm ở Ukraine, Trung Quốc có thể làm với chúng tôi. Nếu chúng ta để người Nga tự do hành động mà không bị trừng phạt, người Trung Quốc sẽ cảm thấy được khuyến khích để làm điều tương tự với chúng tôi hoặc với Đài Loan. Vì vậy, người Phi Luật Tân chúng tôi quyết liệt lên án hành động xâm lược của Nga. Thật không may, cũng giống như Putin kiểm soát tư duy của người Nga thông qua việc khống chế các phương tiện thông tin đại chúng, thì Tập Cận Bình ở Trung Quốc cũng đang làm như vậy.

Tất cả người dân Phi Luật Tân cũng đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hậu quả kinh tế của việc giá cả hàng hóa tăng cao do chiến tranh gây ra.
Source:Asia News

2. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên 80.000 thanh thiếu niên cầu xin Đức Mẹ ơn can đảm làm theo thánh ý Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi 80.000 thanh thiếu niên tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ Hai hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria để tìm can đảm nói lời xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa.

“Xin Đức Mẹ, là thiếu nữ gần bằng tuổi con khi nhận được sứ điệp của thiên thần và mang thai, xin Mẹ dạy con nói, 'xin vâng,' và đừng sợ hãi. Hãy can đảm và đi ra ngoài,” Đức Giáo Hoàng nói với các thiếu niên trong chuyến hành hương vào ngày 18 tháng 4.

Từ chiếc popemobile, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón đám đông thanh niên từ 12-17 tuổi đến từ khắp nước Ý để hành hương vào tối thứ Hai Phục sinh.

Cuộc hành hương của giới trẻ được tổ chức bởi hội đồng giám mục Ý trong một nỗ lực nhằm tiếp cận những người trẻ có trình độ học vấn và cuộc sống của họ bị ảnh hưởng trong suốt hai năm bị cô lập do đại dịch COVID-19.

Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các thiếu niên đừng ngại tìm đến người khác để được giúp đỡ khi cảm thấy chán nản hoặc lo lắng. Ngài nhấn mạnh rằng “các cuộc khủng hoảng phải được đưa ra ánh sáng để vượt qua chúng”.

Đức Thánh Cha nói: “Cuộc sống đôi khi đưa chúng ta vào thử thách, khiến chúng ta trải nghiệm những điểm yếu của mình, khiến chúng ta cảm thấy mình thô thiển, bất lực, cô đơn.”

“Đã bao nhiêu lần trong thời kỳ đại dịch này, chúng con cảm thấy đơn độc, xa bạn bè của mình? Đã bao nhiêu lần chúng con sợ hãi?”.

Ngài nhấn mạnh rằng mọi người không nên sợ hãi khi thừa nhận nỗi sợ của mình.

“Nỗi sợ hãi cần được nói ra, nỗi sợ hãi cần được bày tỏ để có thể loại bỏ chúng. Hãy nhớ điều này: nỗi sợ hãi phải được nói ra. Nói với ai? Với bố, với mẹ, với bạn bè, với người có thể giúp đỡ các con.”

“Và khi những nỗi sợ hãi, vốn ở trong bóng tối, được đưa ra ánh sáng, thì sự thật bùng phát.”

Trong cuộc gặp gỡ các bạn trẻ, một cô gái tên Sofia đã nói về việc cô ấy đã trải qua sự cô đơn như thế nào trong vụ khóa cửa COVID-19 và cách một người bạn mới giúp cô tìm lại hy vọng.

Một cô gái khác, Alice, chia sẻ nỗi đau khổ của cô ấy do cái chết của bà cô và cách cô ấy hiểu được nỗi đau khổ cứu chuộc.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắn nhủ các bạn trẻ hãy nhớ đến những người anh chị em của họ, những người đang đau khổ vì chiến tranh ở Ukraine.

“Chúa Giêsu đã chiến thắng bóng tối của sự chết. Tiếc thay, những đám mây che mờ thời gian của chúng ta vẫn dày đặc. Ngoài đại dịch, Âu Châu đang trải qua một cuộc chiến tranh khủng khiếp trong khi những bất công và bạo lực hủy diệt nhân loại và hành tinh vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi trên Trái đất”

“Thường thì chính những bạn bè của các con phải trả giá cao nhất: không chỉ sự tồn tại của họ bị tổn hại và không an toàn, mà cả những ước mơ về tương lai của họ cũng bị chà đạp. Vì vậy, rất nhiều anh chị em vẫn đang chờ đợi ánh sáng của lễ Phục sinh”.

Đức Giáo Hoàng nói rằng cũng giống như những đứa trẻ gọi mẹ trong lúc khó khăn, thì những người Công Giáo cũng cầu xin sự chuyển cầu của “mẹ của chúng ta, Đức Maria,” cùng lứa tuổi khi Mẹ “chấp nhận ơn gọi phi thường của mình là làm mẹ của Chúa.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chúc phúc cho các bạn trẻ và nói: “Xin Chúa Giêsu Phục sinh là sức mạnh của cuộc đời các con: hãy ra đi trong bình an và hạnh phúc!”
Source:Catholic News Agency

3. Niềm tin bền vững giữa những người bản địa ở Canada

Vào tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đến Canada để xin lỗi một lần nữa người dân bản địa của đất nước, sau lời xin lỗi ban đầu ở Rôma vào tháng trước. Hãng truyền thông La Presse của Canada lưu ý rằng khi ở đó, Đức Giáo Hoàng có thể gặp gỡ với nhiều thành viên của các cộng đồng tín ngưỡng bản địa.

Bất chấp nhiều bất bình vẫn tồn tại giữa các dân tộc này đối với các cơ sở Công Giáo Canada - đặc biệt là liên quan đến các trường dân cư trước đây - nhiều người trong số họ vẫn theo Công Giáo. Một thành viên của cộng đồng Métis ở Ontario giải thích rằng sự gắn bó lâu dài này có liên quan đến sự tôn trọng đối với người lớn tuổi, là một yếu tố trung tâm trong tất cả các xã hội bản địa. Các ông bà người bản địa thường theo Công Giáo và, ngoài những truyền thống hàng thế kỷ của các Quốc gia thứ nhất của Canada, họ còn truyền lại đức tin của mình vào Chúa Kitô.

Tưởng cũng nên nhắc lại, từ các tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Canada, gọi tắt là CCCB, đây là những điều người Công Giáo nên biết:

Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.

Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.

Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.

Thứ tư: Những ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.
Source:La Presse