Ngày 24-04-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mệnh lệnh yêu thương
Lm. Vinh Sơn
08:54 24/04/2016
Chúa Nhật V Phuc Sinh C: MỆNH LỆNH YÊU THƯƠNG

Cv 14, 21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13, 31-33a.34-35

Một buổi tối nọ, trước khi ngôi sao âm nhạc nổi tiếng của Broadway, Mary Martin lên sân khấu trình bầy vở nhạc kịch lừng danh South Pacific (vở nhạc kịch này đoạt giải hay nhất năm 1950). Người ta đưa cho Mary Martin một mảnh giấy của Oscar Hammerstein, tác giả của vở kịch này, hiện đang nằm trên giường bệnh, sắp chết. Không biết trong mảnh giấy viết gì, chỉ biết rằng sau buổi trình diễn hôm đó, nhiều khán giả ùn ùn chạy ra hậu trường, tràn ngập xúc động, nói rằng: “Mary, điều gì đã xẩy ra với cô tối nay vậy ? Chúng tôi chưa bao giờ thấy cô diễn xuất nhập tâm một cách tuyệt vời hơn như vậy cả”.

Vừa chớp mắt đôi mắt ướt đẵm, Mary đọc bức thư ngắn ngủi của Oscar Hammerstein, nội dung như sau :

“Mary mến, một cái chuông không phải là chuông cho đến khi cô rung nó. Một bản nhạc không phải là bản nhạc cho đến khi cô hát nó. Tình yêu trong trái tim của cô đừng để nó nằm yên tại đó. Tình yêu không phải là tình yêu cho đến khi cô cho đi”

Rồi Mary Martin nói: “Tối nay, tôi đã cho đi tình yêu của mình…” (Internet).

Người ta chỉ thật sự là mình khi biết trao cho nhau tình yêu thương, cho nên có câu: “Sự chia sẻ và tình yêu thương là điều quý giá nhất trên đời” (khuyết danh).

Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ: “Các con hãy yêu nhau như Thầy đã yêu…”. Người nhấn mạnh đây là “Điều Răn Mới”…, là một lệnh mệnh của Thầy trước khi ra đi về cùng Cha.

Về sự yêu thương, Kinh Thánh mạc khải cách tiệm tiến, Luật Cựu Ước dạy: “Yêu thương tha nhân như chính mình” (Lv 19,18). Ông Tôbít khuyên con là Tôbia: "Ðiều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả" (Tb 4,15), trở thành luật vàng (règle d’or) cho cách sống của dân Chúa. Ðức Giêsu đã lặp lại luật vàng này, đồng thời làm trọn nó, như làm trọn Lề Luật nói chung (x. Mt 5,17) khi thay lời khuyên không làm với hình thức tích cực (hãy làm). Ngài nói: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12; Lc 6,31).

Hơn nữa, Chúa Giêsu khi đến trần gian, Ngài dạy sống tình yêu và Ngài phát triển tiệm tiến, ban đầu xác định rõ sự tương đương giữa yêu người và yêu mình khi Ngài quả quyết: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39). Tình yêu được phát triển cao độ dựa vào chính tình yêu của Ngài đối với con người: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).

Mà tình yêu của Ðức Giêsu đối với ta lại là một tình yêu hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu, một tình yêu của Thiên Chúa (Ga 15,9.13). Chúa Giêsu dạy: “Yêu thương tha nhân như chính Chúa yêu thương chúng ta”. Yêu như Đức Giêsu: Ngài quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ của mình, một cử chỉ phục vụ như người tôi tớ phục vụ chủ (Ga 13,14). Tình yêu Chúa Giêsu đối với chúng ta là ân cần, tận tâm, vô vị lợi (x. Ga 13,13-16; 15,16-19; Rm 15,13). Đỉnh cao của tình yêu: Người đã hiến thân mình cho nhân loại đến cùng, nghĩa là cho đến chết (Ga 13,1; 15,12-14). Thật thế, Chúa đã yêu thương chúng ta đến độ Ngài sẵn sàng chết để chúng ta được sống, Thánh Gioan đã xác quyết: “Tình yêu cốt tủy ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau" (1Ga 4,10-11).

Theo lệnh truyền của Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Cho nên Thánh Gioan đã mời gọi: “Chính điều này mà Ta nhận ra được lòng yêu mến: Là Đấng ấy (Đức Kitô) đã thí mạng mình vì chúng ta, nên ta cũng phải thí mạng mình vì anh em (1 Ga 3,16).

Hơn nữa yêu thương nhau như Ngài yêu đó là dấu chỉ nên người môn đệ của Chúa Kitô: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35)

Sống trong yêu thương, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta cụ thể sinh hoa trái của Tình yêu: “Nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy sự chân thật…” (1 Cr 13,4-6)…

Lời Kinh của Giáo Hội cụ thể sự tha thiết theo lời dạy yêu thương của Thầy:

Ôi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt

Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi

Con mù loà, bên vệ đường hành khất

Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài

Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ

Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà

Họ khổ đau, họ kêu gào than thở

Ðừng để con cứ giả điếc làm ngơ

Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con

Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả

Trước cửa nhà có người nghèo đói lả

Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng . . .

(Thánh Thi Giờ Kinh Sách Thứ Năm Tuần II).

Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận mời gọi: “Đừng để tháng ngày làm quả tim già nua. Hãy yêu thương với một tình yêu mãnh liệt, mới mẻ, trong trắng hơn: Tình yêu Chúa đổ vào quả tim con” (Đường Hy Vọng, 178).

Với lòng yêu thương cho nhau, con người phục vụ nhau: khi cho đi cũng là lúc được nhận lại như Rainer Maria Rilke nói: “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”. Hạnh phúc đến từ lòng yêu thương và cũng từ sự yêu thương cho anh em đồng loại, cũng là dành cho chính mình, giải phóng cho chính mình khỏi mọi nỗi khắc khoải... Cho nên Sophocles nhận định: “Có một từ giải thoát chúng ta ra khỏi mọi nỗi đau khổ trong cuộc sống. Đó chính là từ: yêu thương”.

Chúng ta sống trên đời như Albert Camus tâm niệm: “Tôi chỉ biết một nghĩa vụ, đó là yêu thương”.

Cho nên, William Blake nói :”Chúng ta đã được đặt vào trần gian ngắn ngủi để học tỏa sáng tình thương”.

Thật thế, chúng ta sống như thầy Giêsu dạy: “Hãy yêu thương nhau...”

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn, 23/04/2016.
 
Suy niệm lễ kính thánh Marcô
Lm Anthony Trung Thành
09:16 24/04/2016
Suy Niệm LỄ KÍNH THÁNH MARCÔ

Ngày 25 tháng 04

Thánh Marcô còn gọi là Gio-an, là người Do Thái, con của bà goá tên là Maria. Gia đình thuộc loại khá giả thời bấy giờ. Có người giúp việc. Có Ngôi nhà lớn thường dùng làm nơi cầu nguyện và hội họp của các Tông đồ và các kitô hữu tiên khởi (x. Cv 12, 12-17). Theo một truyền thống cổ xưa, ngôi nhà này là nơi chính Chúa Giêsu dùng để lập Bí tích Thánh Thể.

Marcô là người bạn đồng hành với Thánh Phaolô trong công cuộc truyền giáo. Nhưng, trong hành trình truyền giáo từ Paphô vượt biển đến Pecghê miền Pamphylia, Marcô đã bỏ Phaolô và các bạn đồng hành mà về Giêrusalem (x. Cv 13,13). Ở Giêrusalem, Marcô vẫn tiếp tục phục vụ cộng đoàn. Ngài còn đi truyền giáo với Banaba tại đảo Sýp (x. Cv 15,39). Mặc dầu, Phaolô bất bình với Marcô khi ông bỏ Ngài và các bạn đồng hành để về Giêrusalem, nhưng chúng ta thấy Phaolô vẫn nói tốt về Marcô. Điều đó cho thấy, sự bất hoà xưa đã được hàn gắn và Marcô tiếp tục nhập đoàn với Phaolô. Trong thư Côlôxê, Thánh Phaolô đã giới thiệu Marcô với cộng đoàn rằng: “Anh Marcô, em họ ông Banaba, cũng gửi lời chào anh em; anh em đã nhận được những chỉ thị về anh ấy; nếu anh ấy đến với anh em, thì hãy tiếp đón anh ấy” (Cl 4, 10). Ngài còn xác nhận với Timôthê rằng, Marcô là một người có ích cho Ngài: “Anh hãy đem anh Marcô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi” (2Tm 4,11).

Marcô không những là người thông ngôn cho Phêrô (x. 1Pr 5,13), mà Phêrô còn coi Marcô như là người thân thiết, Ngài gọi Marcô là con (x. 1Pr 5,13). Nhờ làm trợ tá cho Phêrô mà Marcô có cơ hội để hoàn thành cuốn Tin mừng mang danh Ngài, Tin mừng theo Thánh Marcô. Cuốn Chronicon-Pascale cho rằng, Marcô đã làm giám mục ở Alexandrie và bị thiêu sống dưới thời Trajanô (năm 98 - 117). Còn theo Thánh Jerome, Marcô qua đời vào năm thứ tám của triều đại Nêrô (62-63).

Điểm qua một vài nét quan trọng trong cuộc đời của Thánh Marcô chúng ta thấy, chính Ngài đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 15,15).

Ngài đã thực hiện như thế nào? Ngài thực hiện bằng cách đi truyền giáo với Thánh Phaolô. Ngài đi truyền giáo với Banaba. Ngài đi theo và làm phụ tá cho Thánh Phêrô. Ngài làm giám mục phục vụ cộng đoàn Alexadre. Cuối cùng, Ngài đã viết và lưu truyền cho hậu thế cuốn Tin Mừng mang tên Ngài, Tin mừng theo Thánh Marcô.

Vì vậy, mỗi người chúng ta mừng lễ Thánh Marcô hôm nay, hãy noi gương bắt chước Ngài, bằng cách đóng góp phần mình cho việc loan báo Tin mừng. Bởi vì, loan báo Tin mừng là lệnh truyền của Chúa, là bổn phận của Giáo Hội và của mỗi người kitô hữu chúng ta. Nhưng bằng cách nào? Có nhiều cách, xin được gợi ý một vài cách sau đây:

Thứ nhất, đóng góp khả năng của mình để xây dựng Giáo xứ, cộng đoàn nơi mình sinh sống. Để loan báo Tin mừng, chính Thánh Marcô đã cộng tác với Phaolô, Banaba, Phêrô và các cộng sự viên khác. Mỗi người chúng ta, tuỳ khả năng và địa vị của mình để cộng tác với giáo xứ hay cộng đoàn nơi mình đang sống: Là ban hành giáo; là thầy cô giáo lý viên; là thành viên của các ban đoàn; là người giáo dân sẵn sàng chu toàn bổn phận Giáo Hội và cộng đoàn Giáo xứ trao phó…

Có thể giúp đỡ tinh thần và vật chất cho công cuộc truyền giáo: Giúp đỡ các nhà truyền giáo; các chủng viện, các dòng tu; giúp đỡ và nuôi dưỡng mầm ơn gọi trong giáo xứ…

Đó chính là những cách thức góp phần trong công cuộc loan báo Tin mừng trong thời đại ngày hôm nay.

Thứ hai, loan báo Tin mừng bằng các phương tiện hiện đại. Thánh Marcô đã dùng tài viết lách của mình để biên chép Tin mừng của Chúa Giêsu, để chính Tin mừng Cứu Độ được thông truyền cho muôn dân, muôn nước, cách riêng cho mọi Kitô hữu đang tìm đến cùng đích của cuộc sống. Trong thời đại công nghệ số đang phát triển, thông tin đang được cập nhật liên tục: Một sự kiện xảy ra đây đó trên thế giới, trong tích tắc là cả thế thế đều biết. Đó chính là nhờ các phương tiện hiện đại: Truyền thanh, truyền hình, internet, các trang mạng xã hội, báo chí...Tại sao chúng ta không bắt chước Thánh Marcô dùng các phương tiện truyền thông hiện đại này để phổ biến Lời Chúa, phổ biến giáo huấn của Giáo Hội, phổ biến những điều tốt đẹp của đạo chúng ta?

Ngoài ra, những người có khả năng giảng thuyết, hãy dùng cách thức đó để thu phục người khác. Những người có khả năng viết báo, viết sách, viết bài suy niệm... Hãy can đảm viết và phổ biến những gì mình biết và tin. Tóm lại, hãy cố gắng rao giảng Tin mừng khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Phải can đảm loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh. “Các Kitô hữu phải có can đảm tuyên xưng tin mừng về Chúa Giêsu, như các tông đồ đã làm chứng Chúa Phục Sinh, ngay cả khi phải đánh đổi mạng sống mình”. Đó là những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ sáu 22-04 vừa qua, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.

Thứ ba, hãy sống Tin mừng, làm sao để cuộc đời chúng ta trở thành cuốn Tin mừng. Trong một giờ dạy Giáo lý, cô giáo lý viên hỏi các em học sinh. Các em thường đọc cuốn Tin mừng của Thánh ký nào? Em thứ nhất trả lời: Thưa cô em đọc cuốn Tin mừng theo Thánh Gioan. Em thứ hai trả lời: Thưa cô, em đọc cuốn Tin mừng theo Thánh Mác-cô. Em thứ ba trả lời: Thưa cô, em đọc cuốn Tin mừng theo Thánh Luca. Em thứ tư trả lời: Thưa cô, em đọc Tin Mừng của mẹ em. Nghe em thứ tư trả lời, cả lớp cười rộ lên. Nhưng em thứ tư can đảm giải thích rằng: Những gì các Thánh ký viết, mẹ em đều thuộc lòng và hằng ngày đem ra thực hành trong đời sống. Em không cần phải đọc Tin mừng nữa, mà chỉ nhìn mẹ em sống thế nào thì em sống thế ấy.

Ước gì mỗi người chúng ta là cuốn Tin mừng sống động như mẹ của em bé thứ tư trong câu chuyện trên đây.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải loan báo Tin mừng. Xin giúp chúng con biết chu toàn bổn phận ấy bằng cách đóng góp khả năng của mình trong việc xây dựng giáo xứ, xây dựng cộng đoàn nơi chúng con đang sống. Đồng thời, biết phổ biến Tin mừng qua các phương tiện hiện đại. Nhất là năng đọc, suy gẫm và sống Tin mừng trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trận động đất kinh hoàng tại Ecuador làm sụp đổ tất cả nhưng tượng Đức Mẹ còn nguyên
Đặng Tự Do
22:52 24/04/2016
Mọi thứ xung quanh đều sụp đổ, nhưng chiếc hộp kính trong đó có tượng Đức Mẹ Ánh Sáng vẫn không hề hấn gì sau một trận động đất 7.8 độ xảy ra ở Ecuador vào ngày 16 tháng Tư.

Bức tượng được đặt tại trường Leonie Aviat trong khu vực hành chánh của quận Tarqui, Manta Canton, Ecuador, là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất.

Nữ Tu Patricia Esperanza, thành viên Dòng Tận Hiến Thánh Phanxicô Đệ Salê tại Guayaquil, nói với Catholic News Agency (CNA) rằng trường học này do cộng đoàn của Sơ điều hành đã bị biến thành đống đổ nát. Nhưng mặc dù toàn bộ nhà trường sụp đổ, chiếc hộp kính bao quanh Đức Trinh Nữ - là Đấng bảo trợ của Dòng – vẫn hoàn toàn không bị hề hấn gì.

Sơ nói là các nữ tu không thể không kinh ngạc.

Nữ Tu María del Carmen Gómez thuộc cộng đoàn tại Manta nói với CNA rằng hôm Thứ Tư 20 tháng Tư, khi các sơ bắt đầu dọn dẹp, thì họ phát hiện ra bức tượng.

Sơ nói: “Không chỉ Đức Trinh Nữ không bị gì, mà cả Chúa Giêsu trong nhà tạm cũng không sao”

“Mình Thánh Chúa được đặt trong một nguyện đường nhỏ ngay lối vào trường. Nhà nguyện bị cháy nhưng chúng tôi thấy nhà tạm còn nguyên vẹn cùng với một số đồ dùng phụng vụ khác được sử dụng cho việc cử hành Thánh Thể và một bức tượng Đức Mẹ Ánh Sáng nhỏ khác nữa”.

Hiện tượng này mang lại niềm hy vọng cho cộng đoàn Tarqui và niềm an ủi cho người dân Ecuador trên toàn quốc.

Dòng Tận Hiến Thánh Phanxicô Đệ Salê đã hoạt động tại trường này kể từ năm 1960 và đã có hơn 900 học sinh ghi danh theo học trong năm học này.

Trận động đất vào ngày 16 Tháng Tư – được chính quyền công bố là tồi tệ nhất tại Ecuador trong vòng 70 năm qua – đã làm 600 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
 
Đức Thánh Cha bất ngờ tham dự một sự kiện nhân ngày Trái Đất
Đặng Tự Do
23:36 24/04/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự một sự kiện tại làng Borghese ở Rôma tối Chúa Nhật 24 tháng Tư để đánh dấu Ngày Trái Đất.

Sáng kiến mang tên “Làng Trái đất. Sống cùng nhau trong thành phố. Rôma tại Mariapolis”, được tài trợ bởi Ngày Trái đất Italia, tổ chức Connect 4 Climate và phong trào Focolare của Rôma.

Theo phong trào Focolare, hay còn gọi là tổ ấm, “ý tưởng chính là tạo ra một ngôi làng tạm thời trong thành phố Rôma, với sự tham gia của nhiều sáng kiến hoạt động hàng ngày để biến thủ đô thành một nơi tốt hơn để sống, nơi mà mỗi công dân và các khách du lịch, bất kể tuổi tác, tầng lớp xã hội hay văn hóa, có thể trải nghiệm những đóng góp không thể thay thế của chính họ vào cuộc sống của thành phố”.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra thông điệp Laudato Si trong đó ngài kêu gọi mọi người “chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta”.

Sự kiện tại Rôma diễn ra chỉ vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo thế giới đã chính thức ký Hiệp định Paris về khí hậu, COP21.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nguyên Văn Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô (các số 165-177)
Vũ Văn An
01:59 24/04/2016
Chương Năm: Lòng yêu thương sinh hoa trái

165. Lòng yêu thương luôn đem lại sự sống. Lòng yêu thương phu thê “không chấm dứt với cặp vợ chồng... Khi hiến thân cho nhau, cặp vợ chồng không trao ban cho nhau mà thôi mà còn trao ban thực tại con cái nữa, vốn phản ảnh một cách sống động lòng yêu thương của họ, một dấu chỉ vĩnh viễn sự hợp nhất phu thê của họ và là một tổng hợp sinh động và bất khả phân tư cách làm cha làm mẹ của họ” (176).

Chào đón sự sống mới

166. Gia đình là khung cảnh trong đó sự sống mới không những được sinh ra mà còn được chào đón như một ơn phúc của Thiên Chúa. Mỗi sự sống mới “đều giúp chúng ta biết đánh giá chiều kích hoàn toàn nhưng không của lòng yêu thương, điều không lúc nào không làm chúng ta thán phục. Đó chính là vẻ đẹp của việc được thương yêu trước: con cái được yêu thương trước cả khi ra đời” (177). Ở đây, ta thấy có sự phản ảnh tính ưu vị (primacy) của tình yêu Thiên Chúa, Đấng luôn đưa ra sáng kiến, vì con cái “được yêu thương trước khi làm bất cứ điều gì để đáng được như thế” (178). Ấy thế nhưng, “từ những giây phút đầu tiên trong đời chúng, nhiều trẻ em đã không được chấp nhận, bị bỏ rơi và bị tước hết tuổi thơ và tương lai. Như để tự biện minh, có những người dám nói rằng đưa những đứa trẻ này vào đời là một sai lầm. Họ thực đáng xấu hổ!... Làm thế nào ta có thể long trọng tuyên bố về nhân quyền và quyền trẻ em nếu sau đó ta trừng phạt trẻ em vì các sai lầm của người lớn?” (179). Nếu một đứa trẻ ra đời trong những hoàn cảnh không mong muốn, thì cha mẹ và các thành viên khác của gia đình phải làm mọi sự có thể để nhận đứa trẻ này như một ơn phúc của Thiên Chúa và nhận trách nhiệm chấp nhận em với sự cởi mở và lòng âu yếm. Vì “khi nói tới các trẻ em sinh ra đời, không hy sinh nào của người lớn được coi là quá đắt hay quá lớn, nếu có nghĩa em không bao giờ phải cảm nhận mình là một sai lầm hay vô giá trị hoặc bị bỏ bê cho gió sương và sự ngạo mạn của con người” (180). Ơn phúc đứa con mới, được Thiên Chúa ủy thác cho một người cha và một người mẹ, bắt đầu với việc chấp nhận, tiếp diễn với việc che chở suốt đời và có niềm vui cuộc sống vĩnh cửu làm mục tiêu cuối cùng. Thanh thản chiêm niệm sự thành toàn tối hậu của mỗi con người nhân bản, các cha mẹ càng ý thức được ơn phúc qúy giá đã ủy thác cho họ. Vì Thiên Chúa cho phép các cha mẹ chọn tên để Người dùng gọi con họ vào cõi vĩnh hằng (181).

167. Các gia đình lớn là một niềm vui cho Giáo Hội. Họ nói lên tính sinh hoa trái của lòng yêu thương. Đồng thời, Thánh Gioan Phaolô II rất đúng khi giải thích rằng làm cha mẹ có trách nhiệm không có nghĩa “sinh đẻ vô giới hạn hay không ý thức những điều có liên hệ với việc dưỡng dục con cái, nhưng đúng hơn là giúp các cặp vợ chồng có khả năng sử dụng sự tự do bất khả xâm phạm của họ một cách khôn ngoan và có trách nhiệm, có tính đến các thực tại xã hội và dân số, cũng như hoàn cảnh riêng và các nguyện vọng chính đáng của họ” (182).

Lòng yêu thương và việc thai nghén

168. Thai nghén là một thời gian khó khăn nhưng kỳ diệu. Người mẹ hợp tác với Thiên Chúa để sản sinh phép lạ sự sống mới. Làm mẹ là hoa trái của “một tiềm năng sáng tạo đặc thù của thân xác phụ nữ, được điều hướng cho việc thụ thai và sinh hạ một con người nhân bản mới” (183). Mỗi người đàn bà đều được dự phần vào “mầu nhiệm sáng tạo được đổi mới với mỗi lần sinh hạ” (184). Thánh vịnh gia viết rằng: “Ngài dệt nên con trong lòng mẹ con” (Tv 139:13). Mọi đứa trẻ lớn lên trong lòng mẹ đều là một phần trong kế hoạch yêu thương đời đời của Chúa Cha: “trước khi tạo hình con trong dạ mẹ, Ta đã biết con, và trước khi con sinh ra, Ta đã thánh hiến con” (Grm 1:5). Mỗi đứa con đều có một chỗ đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa từ thuở đời đời; khi em được thụ thai, giấc mơ đời đời của Thiên Chúa thành sự thực. Ta hãy dừng lại để nghĩ tới giá trị lớn lao của bào thai từ lúc được thụ thai. Ta cần nhìn em bằng đôi mắt của Thiên Chúa, Đấng luôn nhìn quá bên kia các vẻ bề ngoài.

169.Người đàn bà mang thai có thể tham dự vào kế hoạch của Thiên Chúa bằng cách mơ tưởng tới đứa con của mình. “Suốt chín tháng, mọi người mẹ và người cha đều mơ tưởng tới đứa con của họ... Bạn không thể có một gia đình mà lại không có những giấc mơ. Gia đình nào đánh mất khả năng mơ, thì con cái họ không lớn lên, lòng yêu thương không lớn mạnh, sự sống quắt lại và chết” (185). Đối với một cặp vợ chồng Kitô hữu, phép rửa nhất thiết phải là một phần của giấc mơ này. Với lời cầu nguyện của họ, các cha mẹ sẽ chuẩn bị cho phép rửa, phó thác con thơ của mình cho Chúa Giêsu ngay cả trước khi em ra đời.

170. Ngày nay, các tiến bộ khoa học giúp ta biết trước mầu tóc của đứa con, căn bệnh có thể một ngày kia đứa con sẽ mắc phải, vì mọi đặc điểm của thân xác một con người đã được viết trong mã di truyền ngay ở giai đoạn bào thai. Ấy thế nhưng chỉ có Chúa Cha, Đấng Tạo Dựng, mới biết đứa con cách trọn vẹn; chỉ một mình Người biết bản sắc và giá trị sâu kín nhất của nó. Các bà mẹ đang mang thai cần cầu xin Thiên Chúa ban cho mình sự khôn ngoan để hiểu biết con cái mình một cách trọn vẹn và chấp nhận chúng trong con người thực của chúng. Một số cha mẹ cảm thấy đứa con của họ không đến đúng lúc tốt nhất. Họ nên cầu xin Chúa chữa lành và tăng sức để họ chấp nhận đứa con của họ một cách trọn vẹn và hết tâm trí. Điều quan trọng đối với đứa con là cảm nhận mình được ước muốn. Nó không phải là một đồ phụ tùng hay một giải pháp giải quyết một nhu cầu bản thân nào đó. Đứa con là một hữu thể nhân bản có giá trị vô song và không bao giờ có thể bị sử dụng cho một lợi ích riêng nào của người ta. Thành thử sự sống mới này có thuận lợi cho anh chị em hay không, nó có những đặc điểm làm anh chị em vui lòng hay không, hay nó có thuận theo các kế hoạch và hoài mong của anh chị em hay không, điều này ít quan trọng. Vì “con cái luôn là một ơn phúc. Mỗi đứa con đều độc đáo và không thể thay thế... Ta yêu con cái ta vì chúng là con cái ta, không phải vì chúng đẹp đẽ, hay trông giống hoặc suy nghĩ như ta, hay hiện thân các giấc mơ của ta. Ta yêu chúng vì chúng là con cái ta. Đứa con là đứa con” (186). Lòng yêu thương của cha mẹ là phương thế Chúa Cha dùng để biểu lộ lòng yêu thương của chính Người. Người mong chờ sự sinh hạ của mỗi đứa con, chấp nhận đứa con này một cách vô điều kiện và đón chào em một cách hoàn toàn tự do.

171. Với một lòng âu yếm lớn lao, tôi thúc giục mọi bà mẹ tương lai: hãy luôn hạnh phúc và đừng để bất cứ điều gì tước mất của các con niềm vui sướng nội tâm được làm mẹ. Đứa con của các con xứng đáng để các con được hạnh phúc. Đừng để các sợ sệt, lo lắng của các con, cũng như lời bình phẩm hay các câu hỏi của người khác làm giảm niềm vui của các con được làm phương thế để Thiên Chúa đem một sự sống mới vào thế gian. Hãy chuẩn bị để đứa con của các con ra đời, nhưng đừng bị ám ảnh, hãy cùng Đức Mẹ hát lên bài ca hân hoan: “Linh hồn con ca tụng sự cao cả của Chúa và thần trí con hớn hở trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ con, vì Người đã đoái nhìn phận hèn của tôi tớ Người” (Lc 1:46-48). Hãy cố gắng cảm nhận sự hứng khởi thanh thản này giữa mọi ưu tư của các con, và hãy xin Chúa gìn giữ niềm vui của các con, để các con có thể chuyền niềm vui này cho đứa con của các con.

Lòng yêu thương của người mẹ và người cha

172. “Con cái, vừa sinh ra, song song với việc nuôi dưỡng và săn sóc, đã bắt đầu nhận lãnh ơn phúc thiêng liêng để biết chắc chắn mình được yêu thương. Lòng yêu thương này được biểu lộ cho các em qua việc ban cho một tên riêng, một ngôn ngữ chung, những cái nhìn yêu thương và nét tươi thắm của nụ cười. Nhờ cách này, các em học biết được rằng vẻ đẹp trong các mối liên hệ nhân bản đụng tới linh hồn ta, mưu cầu tự do cho ta, chấp nhận sự dị biệt nơi người khác, thừa nhận và tôn trọng họ như người đồng đối thoại... Đó chính là lòng yêu thương, và nó chứa tia lửa yêu thương của Thiên Chúa!” (187). Mỗi đứa con đều có quyền nhận được lòng yêu thương của một người mẹ và một người cha; cả hai người đều cần thiết đối với sự phát triển toàn diện và hoà hợp của đứa con. Như các giám mục Úc Châu đã nhận xét, mỗi người phối ngẫu “góp phần một cách khác biệt vào việc dưỡng dục đứa con. Tôn trọng phẩm giá đứa con có nghĩa phải xác nhận nhu cầu của nó và quyên tự nhiên của nó được có một người mẹ và một người cha” (188). Chúng ta đang nói không những đến lòng yêu thương của người cha và người mẹ như những cá nhân, mà còn đến cả lòng yêu thương hỗ tương của họ nữa, được nhận rõ như nguồn sự sống của người ta và là nền tảng vững chắc của gia đình. Không có lòng yêu thương này, đứa con chỉ có thể trở thành một đồ chơi nguyên vẹn. Chồng và vợ, cha và mẹ, cả hai phải “hợp tác với lòng yêu thương của Thiên Chúa Hóa Công, và là các giải thích viên của Người, theo một nghĩa nào đó” (189). Họ biểu lộ với con cái gương mặt mẫu thân và phụ thân của Chúa. Cùng với nhau, họ dạy dỗ giá trị của tính hỗ tương, của sự tôn trọng các dị biệt và của khả năng cho và nhận. Nếu vì một lý do bất khả kháng, mà thiếu cha hoặc mẹ, thì điều quan trọng là phài bù trừ sự mất mát này, để đứa con phát triển cách lành mạnh cho tới lúc trưởng thành.

173. Ngày nay, cảm thức bị mồ côi, hiện đang ảnh hưởng tới nhiều trẻ em và thiếu niên, thực ra sâu xa hơn ta nghĩ. Hiện nay, chúng ta đã thừa nhận là hợp pháp và là điều thực sự đáng ước mong việc phụ nữ muốn được học hành, làm việc, phát triển các kỹ năng của họ và có các mục tiêu riêng. Đồng thời, ta cũng không thể không biết tới việc con cái cần sự hiện diện của người mẹ, nhất là trong các năm tháng đầu đời. Thực vậy, “người đàn bà đứng trước người đàn ông trong tư cách người mẹ, chủ thể sự sống nhân bản mới đã được thụ thai và đang phát triển trong họ, và từ họ, được sinh hạ vào thế gian” (190). Việc làm cho sự hiện diện mẫu thân với các phẩm chất nữ tính này ra suy yếu đang đặt ra một nguy cơ trầm trọng cho thế giới. Tôi chắc chắn qúy trọng phong trào nữ quyền, nhưng là một nữ quyền không đòi tính độc dạng hay bác bỏ chức phận làm mẹ. Vì sự cao cả của phụ nữ bao gồm mọi thứ quyền phát xuất từ nhân phẩm bất khả nhượng của họ nhưng cũng bao gồm nét thiên tài nữ tính của họ nữa, một nét thiên tài hết sức chủ yếu đối với xã hội. Các khả năng nữ tính chuyên biệt của họ, nhất là khả năng làm mẹ, cũng đem lại nhiều bổn phận, vì chức phận làm phụ nữ bao hàm một sứ mệnh đặc biệt trong thế giới, một sứ mệnh mà xã hội phải bảo vệ và duy trì ví lợi ích mọi người (191).

174. “Các bà mẹ là đối cực mạnh mẽ nhất chống lại việc lan tràn thứ chủ nghĩa duy cá nhân chỉ biết có mình... Chính họ chứng thực cho vẻ đẹp của sự sống” (192). Chắc chắn, “xã hội nào không có các bà mẹ đều sẽ bị phi nhân hóa, vì các bà mẹ luôn luôn là chứng nhân của lòng âu yếm, tận tụy và sức mạnh tinh thần, ngay trong các thời khắc tồi tệ nhất. Các bà mẹ thường thông truyền ý nghĩa sâu sắc nhất của việc thực hành tôn giáo trong các lời cầu nguyện và hành vi sùng kính đầu tiên mà con cái họ học được... Không có các bà mẹ, không những không có các tín hữu mới, mà chính đức tin cũng sẽ mất cái phần tốt đẹp là sự ấm áp đơn sơ và sâu sắc của nó... Hỡi các bà mẹ thân yêu: Xin cám ơn các bà! Xin cám ơn các bà về con người của các bà trong gia đình và về những gì các bà hiến tặng Giáo Hội và thế giới” (193).

175. Người mẹ nào chăm sóc đứa con của mình một cách âu yếm và cảm thương sẽ giúp nó lớn lên đầy tin tưởng và cảm nghiệm được rằng thế giới quả là nơi tốt đẹp và đầy chào đón. Điều này giúp đứa con lớn lên trong tự trọng và, ngược lại, khai triển được khả năng biết nhận ra các giới hạn của đời sống, biết cởi mở trước các thách đố của thế giới rộng lớn, và biết nhìn thấy việc phải chăm chỉ làm việc và hăng hái cố gắng. Người cha nào có được một căn tính nam giới rõ ràng và thanh thản, biết biểu lộ âu yếm và quan tâm đối với vợ, cũng là người cần thiết như người mẹ biết chăm nom. Có thể có một sự linh động nào đó trong các vai trò và trách nhiệm, tùy hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình. Nhưng sự hiện diện rõ ràng và được xác định đàng hoàng của cả hai nhân vật nam và nữ này tạo nên môi trường trường thích đáng nhất cho việc phát triển của đứa con.

176. Ta thường nghe nói rằng xã hội của ta là “một xã hội không có các người cha”. Trong nền văn hóa Tây Phương, người ta cho rằng gương mặt người cha đang vắng bóng, mất hút hay mất dạng một cách đầy biểu tượng. Chính đàn ông tính cũng đang bị nghi vấn. Kết quả là một sự mơ hồ có thể hiểu được. “Thoạt đầu, điều này được nhận thức như một cuộc giải thoát: giải thoát khỏi người cha như một bạo chúa, khỏi người cha như một đại diện của luật lệ áp đặt từ bên ngoài, khỏi người cha như một quan tòa phân xử hạnh phúc của con cái và như một trở lực đối với việc giải phóng và quyền tự lập của giới trẻ. Trong một số gia hộ, chủ nghĩa độc đoán có thời đã thống trị và đôi lúc còn áp chế nữa” (194). Ấy thế nhưng, “như thường xẩy ra, người ta từ cực đoan này bước sang cực đoan nọ. Ngày nay, vấn đề xem ra không còn phải là sự hiện diện độc đoán của người cha nữa cho bằng sự vắng mặt của họ, sự không có đó của họ. Các người cha thường tập chú vào chính họ hay công việc của họ, và đôi lúc, vào việc thành tựu bản thân của họ đến nỗi lãng quên cả gia đình. Họ để mặc trẻ thơ và người trẻ tự lo liệu lấy” (195). Sự hiện diện của người cha, và do đó, uy quyền của ông, cũng chịu tác động của lượng thời gian dành cho truyền thông và các phương tiện giải trí trên truyền thông. Ngày nay, uy quyền thường bị coi là đáng ngờ vực và người lớn thường bị đối xử cách hỗn xược. Chính người lớn cũng trở nên không chắc chắn và do đó, không cung cấp cho con cái họ các hướng dẫn chắc chắn và vững vàng. Việc lật ngược các vai trò của cha mẹ và con cái là điều không lành mạnh, vì nó ngăn cản diễn trình phát triển thích đáng mà con cái cần được cảm nhận, và nó tước mất của chúng lòng yêu thương và sự hướng dẫn cần thiết để trưởng thành” (196).

177. Thiên Chúa đặt người cha trong gia đình để nhờ các ơn phúc nam tính của mình, ông có thể “gần gũi vợ ông và chia sẻ mọi sự, cả vui lẫn buồn, hy vọng lẫn gian nan. Và để gần gũi con cái khi chúng lớn lên, khi chúng chơi đùa và khi chúng làm việc, khi chúng vô tư và khi chúng đau buồn, khi chúng liến thoắng và khi chúng im lặng, khi chúng dạn dĩ và khi chúng sợ sệt, khi chúng lầm lỡ và khi chúng trở về chính lộ. Để làm một người cha luôn có mặt. Khi nói ‘có mặt’ tôi không có ý nói ‘kiểm soát’. Những người cha quá kiểm soát sẽ làm lu mờ con cái mình, không để chúng phát triển” (197). Một số người cha cảm thấy mình vô dụng hay không cần thiết, nhưng sự thật vẫn là “con cái cần nhìn thấy một người cha chờ đợi chúng khi chúng về nhà với những vấn đề của chúng. Có thể chúng không muốn nhìn nhận việc này, không muốn biểu lộ nó ra, nhưng chúng cần nó” (198). Điều không tốt chút nào là con cái thiếu một người cha và phải lớn lên trước khi chúng sẵn sàng.

Kỳ sau: Tính sinh hoa trái mở rộng

____________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

(176) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio, (22 tháng 11, 1981), 14: AAS 74 (1982), 96.

(177) Bài Giáo Lý (11 tháng 2, 2015): L’Osservatore Romano, 12 tháng 2, 2015, p. 8.

(178) Ibid.

(179) Bài Giáo Lý (8 tháng 4, 2015): L’Osservatore Romano, 9 tháng 4, 2015, p. 8.

(180) Ibid.

(181) Cf. Gaudium et Spes, 51: " Mọi người đều phải ý thức rằng: đời sống nhân loại và bổn phận lưu truyền sự sống ấy không chỉ giới hạn ở đời này cũng như không thể hiểu và đo lường được ở đời này, nhưng luôn qui chiếu về định mệnh vĩnh cửu của con người"

(182) Thư gửi Tông Thư Ký Liên Hiệp Quốc về Dân Số và Phát Triển (18 tháng 3, 1994): Insegnamenti XVII/1 (1994), 750-751.

(183) Đức Gioan Phaolô II, Bài Giáo Lý (12 tháng 3, 1980), 3:

Insegnamenti III/1 (1980), 543.

(184) Ibid.

(185) Diễn Văn tại Cuộc Họp Mặt các Gia Đình ở Manila (16 tháng 1, 2015): AAS 107 (2015), 176.

(186) Diễn Văn (11 tháng 2, 2015): L’Osservatore Romano, 12 tháng 2, 2015, p. 8.

(187) Bài Giáo Lý (14 tháng 10, 2015): L’Osservatore Romano, 15 tháng 10, 2015, p. 8.

(188) Hội Đồng Giám Mục Úc Châu, Pastoral Letter Don’t Mess with Marriage (24 tháng 11, 2015), 13.

(189) Gaudium et Spes, 50.

(190) Đức Gioan Phaolô II, Bài Giáo Lý (12 tháng 3, 1980), 2:

Insegnamenti III/1 (1980), 542.

(191) Cf. id., Tông Thư Mulieris Dignitatem (15 tháng 8, 1988), 30-31: AAS 80 (1988), 1726-1729.

(192) Bài Giáo Lý (7 tháng 1, 2015): L’Osservatore Romano, 7-8 tháng 1, 2015, p. 8.

(193) Ibid.

(194) Bài Giáo Lý (28 tháng 1, 2015): L’Osservatore Romano, 29 tháng 1, 2015, p. 8.

(195) Ibid.

(196) Cf. Relatio Finalis 2015, 28.

(197) Bài Giáo Lý (4 tháng 2, 2015), L’Osservatore Romano, 5 tháng 2, 2015, p. 8.

(198) Ibid.
 
Nguyên Văn Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô (các số 178-198)
Vũ Văn An
00:02 24/04/2016
Chương năm: Lòng yêu thương sinh hoa trái (tiếp theo)

Tính sinh hoa trái mở rộng

178. Một số cặp vợ chồng không thể có con. Ta biết rằng đây là nguyên nhân gây đau khổ thực sự cho họ. Đồng thời, ta cũng biết rằng “hôn nhân không được thiết lập chỉ để sinh con cái... Ngay trong các trường hợp, bất chấp ước muốn nồng cháy của cặp vợ chồng, họ cũng không có con, thì hôn nhân vẫn giữ đưọc đặc điểm của nó như một cộng đoàn và hiệp thông sự sống trọn vẹn, và vẫn duy trì được giá trị và tính bất khả tiêu của nó” (199). Cũng thế, “chức phận làm mẹ không phải chỉ là một thực tại sinh học, nhưng được phát biểu nhiều cách khác nhau” (200).

179. Nhận con nuôi là cách rất quảng đại để trở thành cha mẹ. Tôi khuyến khích những người không thể có con hãy mở rộng tình yêu phu phụ của họ để bảo bọc những ai thiếu một hoàn cảnh gia đình thích đáng. Họ sẽ không ân hận vì đã quảng đại. Nhận một đứa trẻ làm con nuôi là một hành vi yêu thương, hiến tặng ơn phúc gia đình cho một người không có ơn phúc này. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là: luật pháp nên làm dễ dàng cho diễn trình nhận con nuôi, nhất là trong trường hợp đứa trẻ bị hắt hủi, để ngăn ngừa em bị phá thai hay bị bỏ rơi. Những người chấp nhận thách đố nhận con nuôi và chấp nhận một ai đó một cách vô điều kiện và nhưng không quả đã trở nên máng chuyển tình yêu của Thiên Chúa. Vì Người từng phán, “Ngay cả khi mẹ con quên con, ta cũng sẽ không quên con” (Is 49:15).

180. “Quyết định nhận con nuôi và chăm sóc nuôi dưỡng (foster) nói lên một thứ tính sinh hoa trái đặc thù trong kinh nghiệm hôn nhân, và không những trong trường hợp hiếm muộn mà thôi. Đối diện với các hoàn cảnh trong đó, đứa trẻ được ước muốn bằng bất cứ giá nào, như một quyền lợi được tự thể hiện chính mình, việc nhận con nuôi hay nhận nuôi dưỡng, nếu hiểu cho đúng, cũng biểu hiện một khía cạnh quan trọng của việc làm cha mẹ dưỡng dục con cái. Những việc này giúp người ta ý thức được rằng con cái, bất kể là con tự nhiên, con nuôi hay được nhận để nuôi dưỡng, tự quyền của chúng, đều là những nhân vị cần được chấp nhận, yêu thương và săn sóc, chứ không phải chỉ được đem vào đời này. Các quyền lợi tốt nhất của đứa trẻ luôn phải nằm bên dưới bất cứ quyết định nhận con nuôi hay nhận nuôi dưỡng nào” (201). Mặt khác, “việc buôn bán trẻ em giữa các quốc gia và lục địa cần phải được ngăn cản bằng hành động luật pháp và kiểm soát thích đáng của nhà nước” (202).

181. Ta cũng nên nhớ rằng sinh sản và nhận con nuôi không phải là những cách duy nhất để cảm nghiệm tính sinh hoa trái của lòng yêu thương. Ngay các gia đình lớn cũng được kêu gọi in dấu của họ lên xã hội, bằng cách tìm ra các cách phát biểu khác cho tính sinh hoa trái nhằm nối dài cách nào đó lòng yêu thương vốn nâng đỡ họ. Các gia đình Kitô hữu không bao giờ nên quên rằng “đức tin không tách chúng ta ra khỏi thế giới này, nhưng kéo chúng ta vào nó cách sâu xa hơn... Thực thế, mỗi người chúng ta có một vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị cho Nước Chúa ngự đến trong thế giới của chúng ta” (203). Các gia đình không nên coi mình như là nơi trú ẩn khỏi xã hội, nhưng thay vào đó, nên ra khỏi tổ ấm của mình trong một tinh thần liên đới với người khác. Nhờ cách này, họ trở thành một trung tâm để hội nhập người ta vào xã hội và là điểm tiếp xúc giữa các lãnh vực công và tư. Các cặp vợ chồng nên ý thức rõ ràng các nghĩa vụ xã hội của họ. Với ý thức này, lòng âu yếm của họ không giảm đi mà được tràn ngập ánh sáng mới. Như nhà thi sĩ từng ngâm nga:

“Tay em là mơn trớn của anh, sự hòa điệu đổ đầy năm tháng anh. Anh yêu em vì tay em làm việc cho công lý.
Anh yêu em, vì em là tình yêu của anh, bạn đồng hành và tất cả của anh, và trên phố phường, sát cánh bên nhau,
Ta không chỉ là hai”
(204).

182. Không gia đình nào có thể sinh hoa trái nếu họ tự coi họ như hoàn toàn khác biệt hoặc “được để riêng ra”. Để tránh nguy cơ này, ta nên nhớ rằng gia đình riêng của Chúa Giêsu, tràn đầy ơn thánh và khôn ngoan là thế, nhưng không tỏ ra là bất thường hay khác biệt với các gia đình khác. Đó là lý do tại sao người ta thấy khó thừa nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu: “Người này từ đâu mà có được mọi sự như thế này? Ông ta há không phải là tay thợ mộc, con trai bà Maria đó sao?” (Mc 6:2-3). “Người này há không phải là con trai bác thợ mộc đó sao?” (Mt 13:55). Các câu hỏi này chứng tỏ rõ ràng rằng gia đình của các ngài là một gia đình bình thường, gần gũi với các gia đình khác, một thành phần bình thường của cộng đồng. Chúa Giêsu không lớn lên trong một mối liên hệ chật hẹp và ngột ngạt với Đức Mẹ và Thánh Giuse, nhưng sẵn sàng hành động qua lại với gia đình rộng lớn hơn, tức các thân nhân của cha mẹ Người và các bằng hữu của họ. Điều này giải thích tại sao, trên đường từ Giêrusalem về nhà, Đức Mẹ và Thánh Giuse, cả một ngày trời, vẫn cứ tưởng đứa con Giêsu 12 tuổi của mình ở đâu đó trong đoàn hành hương, lắng nghe họ kể truyện và chia sẻ các lắng lo của họ: “các ngài đã đi một ngày đường, vẫn tưởng Người ở trong đoàn du hành” (Lc 2:44). Thế mà, một số gia đình Kitô hữu, hoặc vì ngôn ngữ sử dụng, cách họ hành động hay cư xử với ngưòi khác, hoặc vì cứ nhai đi nhai lại cùng hai hay ba vấn đề, nên kết cục bị coi là xa cách và không thực sự là một phần của cộng đồng. Ngay các thân nhân của họ cũng cảm thấy bị họ coi thường hay phê phán.

183. Cặp vợ chồng nào cảm nghiệm được sức mạnh của yêu thương đều biết rằng lòng yêu thương này được kêu gọi băng bó vết thương cho người bị hắt hủi, phát huy nền văn hóa gặp gỡ và đấu tranh cho công lý. Thiên Chúa vốn ban cho gia đình công việc “gia hóa” (domesticate) thế giới (205) và giúp mỗi người coi người đồng loại của mình như anh chị em. “Một cái nhìn chú tâm vào đời sống hàng ngày của những người đàn ông đàn bà ngày nay lập tức cho ta thấy nhu cầu cùng khắp phải thổi vào đó một tinh thần gia đình lành mạnh... Không những chỉ là việc tổ chức đời sống bình thường đang càng ngày càng bị chắn ngang bởi một nền hành chánh hòan toàn tách biệt khỏi các mối dây nối kết nhân bản nền tảng, mà cả các tập tục xã hội và chính trị cũng cho thấy nhiều dấu hiệu thoái hóa” (206). Về phần họ, các gia đình cởi mở và biết chăm sóc luôn tìm ra chỗ cho người nghèo và xây đắp các tình bằng hữu với những người kém may mắn hơn họ. Trong các cố gắng sống phù hợp với Tin Mừng, họ luôn nhớ lời Chúa Giêsu: “khi các con làm điều ấy cho một trong các anh em nhỏ bé nhất của Thầy này, là các con làm cho Thầy” (Mt 25:40). Đời sống của họ thực sự nói lên những gì tất cả chúng ta đều được đòi hỏi: “Khi tổ chức một bữa ăn hay một bữa tiệc, các con đừng mời bằng hữu hay anh chị em các con hoặc bà con của các con hay những người láng giềng giầu có, kẻo họ cũng mời lại các con để đáp lễ, và như thế các con đã được trả công rồi. Nhưng khi tổ chức một tiệc tùng, các con hãy mời người nghèo, người thương tật, người què, người mù, thì các con sẽ được chúc phúc” (Lc 14:12-14). Các con sẽ được chúc phúc! Đó là bí quyết đối với một gia đình hạnh phúc.

184. Qua các chứng tá cũng như lời nói của họ, các gia đình nói cho người khác về Chúa Giêsu. Họ thông truyền đức tin và kích thích lòng thèm khát Thiên Chúa cũng như phản ảnh vẻ đẹp của Tin Mừng và lối sống của nó. Các cuộc hôn nhân Kitô Giáo, do đó, lên men xã hội bằng chứng tá huynh đệ, quan tâm xã hội, mạnh mẽ lên tiếng cho người yếu thế, đức tin sáng ngời và niềm hy vọng tích cực của họ. Tính sinh hoa trái của họ mở rộng và trong rất nhiều phương cách, làm cho lòng yêu thương của Thiên Chúa hiện diện trong xã hội.

Biện phân nhiệm thể

185. Theo cùng đường hướng trên, ta nên thận trọng sử dụng một đoạn văn Thánh Kinh thường bị giải thích bên ngoài ngữ cảnh của nó hay theo một nghĩa chung chung (generic) với nguy cơ bỏ qua nghĩa tức khắc và trực tiếp của nó, vốn có đặc tính xã hội rõ rệt. Tôi muốn nói tới đoạn thư 1Côrintô 11:17-34, trong đó, Thánh Phaolô nói tới hoàn cảnh đáng xấu hổ trong cộng đồng. Các thành viên giầu có hơn có khuynh hướng kỳ thị các thành viên nghèo hơn, và việc này được đưa vào cả bữa ăn agape (đức ái) vốn song hành với việc cử hành Thánh Thể. Trong khi người giầu vui hưởng thức ăn thì người nghèo chỉ biết ngồi trông và ra về bụng đói: “Người thì đói meo kẻ thì say sưa. Anh em há không có nhà để no say hay sao? Hay anh em khinh miệt Giáo Hội của Chúa và nhục mạ những người tay trắng?” (các câu 21-22).

186. Phép Thánh Thể đòi chúng ta phải là các chi thể của một thân thể duy nhất là Giáo Hội. Những người tới gần Mình và Máu Chúa Kitô không được gây thương tích cho Thân Thể ấy bằng cách tạo ra các phân biệt và chia rẽ đầy tai tiếng giữa các chi thể của nó. Đây là điều có nghĩa “biện phân” thân thể Chúa, nhìn nhận nó bằng đức tin và đức ái cả trong dấu chỉ bí tích lẫn trong cộng đồng; những ai không làm thế là ăn uống án phạt dành cho họ (xem câu 29). Do đó, việc cử hành Thánh Thể trở thành một lời mời liên lỉ để mọi người “xét mình” (câu 38), mở cửa gia đình mình cho tình hiệp thông lớn lao hơn với những người kém may mắn, và bằng cách này, lãnh nhận bí tích tình yêu Thánh Thể làm cho chúng ta nên một thân thể. Ta đừng nên quên rằng “ ‘huyền nhiệm học’ của bí tích có đặc điểm xã hội” (207). Khi những người lãnh nhận nó không lưu tâm tới người nghèo và người đau khổ, hay đồng thuận với các hình thức chia rẽ, khinh miệt hay bất bình đẳng đa diện, là họ đã không lãnh nhận bí tích cách xứng đáng. Mặt khác, các gia đình nào có thiên hướng thích đáng và lãnh nhận Thánh Thể thường xuyên, sẽ tăng cường ước nguyện kết tình huynh đệ, ý thức xã hội và dấn thân cho những người thiếu thốn.

Đời sống trong gia đình rộng lớn hơn

187. Gia đình hạch nhân cần phải tương tác với gia đình rộng lớn hơn gồm cha mẹ, cô chú, anh chị em họ và ngay cả hàng xóm. Gia đình lớn hơn này có thể cónhững thành viên cần được giúp đỡ hay ít nữa là tình đồng hành và tình âu yếm, hoặc ủi an trong lúc đau khổ (208). Chủ nghĩa duy cá nhân đang rất thịnh hành ngày nay có thể dẫn tới việc tạo ra những cái tổ an toàn nho nhỏ, những nơi người khác bị coi như gây rối hay đe dọa. Tuy nhiên, sự cô lập như thế không thể đem lại bình an hay hạnh phúc lớn lao hơn; đúng hơn, nó túng quẫn hóa trái tim của một gia đình và làm cho cuộc sống của nó càng thêm chật hẹp.

Làm con trai con gái

188. Trước hết, ta hãy nghĩ tới cha mẹ ta. Chúa Giêsu nói với các Biệt Phái rằng bỏ rơi cha mẹ mình là đi ngược lại lề luật của Thiên Chúa (xem Mc 7:8-13). Ta nên nhớ rằng mỗi người chúng ta đều là con trai hay con gái. “Ngay khi đã nên người trưởng thành, hoặc người cao niên, ngay khi trở thành bậc cha mẹ, có địa vị trọng trách, dưới tất cả những điều này vẫn là căn tính của người con. Tất cả chúng ta đều là những con trai và con gái. Và điều này luôn đem chúng ta trở lại với sự thật này: chúng ta không tự mình ban sự sống cho chính mình mà là tiếp nhận nó. Ơn phúc vĩ đại sự sống là ơn phúc thứ nhất chúng ta lãnh nhận được” (209).

189. Do đó, “giới răn thứ tư đòi con cái... trọng kính cha mẹ mình (xem Xh 20:12). Giới răn này xuất hiện liền sau các giới răn nói về chính Thiên Chúa. Thực thế, nó quả nói tới một điều thánh thiêng, một điều thần thánh, một điều làm căn bản cho mọi thứ trọng kính nhân bản khác.Phát biểu của Thánh Kinh về giới răn thứ tư nói tiếp: ‘để năm tháng của ngươi dài lâu trên lãnh thổ mà Chúa, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ban cho ngươi’. Dây gắn bó đạo hạnh giữa các thế hệ là một bảo đảm cho tương lai, và là một bảo đảm cho xã hội thực sự nhân ái. Một xã hội với những đứa con không trọng kính cha mẹ là một xã hội không có danh dự... Đó là một xã hội chắc chắn sẽ đầy rẫy những người trẻ bất thân thiện và tham lam” (210).

190. Tuy nhiên, có mặt kia của đồng tiền. Như lời Thiên Chúa nói với ta, “người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình” (St 2:24). Điều này không luôn xẩy ra, và cuộc hôn nhân gặp trở ngại vì việc không thực hiện được sự hy sinh và lià bỏ cần thiết này. Không được bỏ rơi hay làm ngơ cha mẹ, nhưng hôn nhân tự nó đòi các ngài bị “lìa bỏ” để tổ ấm mới trở thành một lò sưởi thực sự, một nơi của an toàn, của hy vọng và của các dự kiến tương lai, và cặp vợ chồng có thể thực sự trở nên “một thân xác” (ibid.). Trong một số cuộc hôn nhân, một trong hai người phối ngẫu giữ kín các bí mật với người kia, để chỉ thổ lộ với cha mẹ mình mà thôi. Kết quả: ý kiến của cha mẹ trở nên quan trọng hơn các tâm tư và ý kiến của người phối ngẫu. Tình huống này không thể kéo dài được, và dù cần nhiều thì giờ, cả hai người phối ngẫu cũng phải hết sức cố gắng để lớn lên trong tin tưởng và đối thoại. Hôn nhân thách thức người chồng và người vợ tìm ra các cách mới để hiếu thảo với cha mẹ.

Người cao niên

191. “Đừng vứt bỏ con lúc tuổi già; đừng bỏ rơi con lúc con đã lực tàn sức yếu” (Tv 71:9). Đó là lời van xin của người cao niên, sợ bị quên lãng và từ bỏ. Như Thiên Chúa đã yêu cầu ta trở thành phương thế để Người nghe thấy tiếng than của người nghèo thế nào, Người cũng muốn ta nghe tiếng kêu của người cao niên như vậy (211). Điều này nói lên một thách đố cho các gia đình và cộng đồng, vì “Giáo Hội không thể và không muốn sống theo não trạng nôn nóng, nhất là não trạng dửng dưng và khinh miệt, đối với tuổi già. Ta phải đánh thức một lần nữa cảm thức biết ơn, biết đánh giá cao, biết hiếu khách một cách tập thể nhằm làm cho người cao niên cảm thấy như đang là thành phần sống động của cộng đồng. Các người cao niên của chúng ta đều là những người đàn ông đàn bà, những người cha người mẹ, đến trước chúng ta trên chính con đường ta đang đi, trong chính căn nhà ta đang ở, trong cuộc đấu tranh hàng ngày của ta để có được một cuộc sống đáng sống” (212). Thực thế, “Tôi sẽ yêu thương xiết bao một Giáo Hội biết thách thức nền văn hóa vứt bỏ bằng một niềm vui tràn trề của cái ôm mới giữa người trẻ và người già!” (213).

192.Thánh Gioan Phaolô II yêu cầu chúng ta lưu ý tới vai trò của người cao niên trong gia đình chúng ta, vì hiện có những nền văn hóa “nhất là tiếp theo cuộc phát triển kỹ nghệ và đô thị vô trật tự, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, đã gạt người cao niên qua một bên một cách không thể chấp nhận được” (214). Người cao niên giúp chúng ta biết đánh giá cao “sự liên tục của các thế hệ”, bằng “các đặc sủng xóa bỏ các hố phân cách” (215). Các ông bà rất hay là những người lo sao cho các giá trị quan trọng nhất được truyền lại cho con cháu, và “nhiều người có thể chứng thực rằng nhờ ông bà, họ lãnh nhận được việc khai tâm gia nhập đời sống Kitô hữu” (216). Lời lẽ của các ngài, lòng âu yếm của các ngài hoặc chỉ cần sự hiện diện của các ngài cũng đã giúp các cháu hiểu ra rằng lịch sử không bắt đầu với chúng, nay chúng chỉ là một phần của cuộc hành hương muôn thuở và chúng cần phải trọng kính tất cả những ai đã đến trước chúng. Những người cắt đứt mọi dây liên kết với quá khứ, chắc chắn sẽ thấy khó có thể xây dựng được các mối liên hệ bền vững và hiểu ra rằng thực tại lớn hơn chính họ. “Lưu tâm tới người cao niên sẽ tạo ra sự khác biệt xã hội. Một xã hội biểu lộ sự quan tâm tới người cao niên ư? Nó dành chỗ cho người cao niên ư? Một xã hội như thế sẽ thăng tiến nếu nó tôn trọng sự khôn ngoan của người cao niên” (217).

193. Thiếu ký ức lịch sử là một thiếu sót nghiêm trọng trong xã hội ta. Một não trạng chỉ biết nói: “lúc ấy là lúc ấy, bây giờ là bây giờ” cuối cùng sẽ là một não trạng ấu trĩ. Biết và phán đoán các biến cố quá khứ là con đường duy nhất để xây dựng một tương lai có ý nghĩa. Ký ức là điều cần thiết cho việc phát triển: “Hãy nhớ lại những ngày đầu” (Thư Do Thái 10:32). Lắng nghe người cao niên kể các câu truyện của các ngài là điều tốt đối với trẻ em và giới trẻ; nó làm họ cảm thấy được nối kết với lịch sử sống động của gia đình họ, khu xóm họ và đất nước họ. Gia đình nào thiếu tôn trọng và trân qúy ông bà của mình, những vị vốn là ký ức sống động của mình, thực sự đã sa sút rồi, trong khi gia đình nào biết tưởng nhớ đều sẽ có tương lai. “Xã hội nào không có chỗ dành cho người cao niên hoặc vứt bỏ họ vì họ gây ra vấn đề, thực sự đã mang một vi khuẩn chết người rồi” (218); “nó bị nát từ gốc” (219). Cảm nghiệm bị mồ côi hiện thời do sự bất liên tục của văn hóa, sự bứng gốc và mất hết các chắc chắn từng lên khuôn đời ta gây nên, đang thách thức ta biến gia đình thành nơi, ở đó, con cái có thể bén rễ sâu vào mảnh đất mầu mỡ của lịch sử tập thể.

Làm anh chị em

194. Với dòng thời gian, các mối liên hệ giữa anh chị em sẽ thâm hậu hơn, và “sợi dây huynh đệ được hình thành trong gia đình giữa con cái, nếu được củng cố bằng một bầu khí giáo dục cởi mở đối với người khác, là trường học vĩ đại của tự do và hòa bình. Trong gia đình, ta học cách sống như một. Có lẽ ta không luôn luôn nghĩ về điều này, nhưng chính gia đình đã du nhập tình huynh đệ vào thế giới. Từ cảm nghiệm tình huynh đệ ban đầu được nuôi dưỡng bằng âu yếm và giáo dục tại nhà này, phong thái huynh đệ sẽ sáng lên như một lời thề hứa đối với toàn bộ xã hội” (220)

195. Lớn lên với các anh chị em đem lại cho ta một cảm nghiệm tươi đẹp của việc chăm sóc và giúp đỡ lẫn nhau. Vì “tình huynh đệ trong các gia đình tỏa sáng cách đặc biệt khi ta thấy sự săn sóc, lòng kiên nhẫn, tình âu yếm bảo bọc đứa em trai hay em gái bé nhỏ yếu ớt, đau ốm hay khuyết tật” (221). Cần phải nhìn nhận điều này: “có được người anh em hay người chị em yêu thương bạn là một cảm nghiệm sâu sắc, qúy gía và độc đáo” (222). Trẻ em cần được kiên nhẫn dạy dỗ cách cư xử với nhau như anh chị em. Việc huấn luyện, đôi lúc, khá đòi hỏi này, quả là trường học thực sự của việc xã hội hóa. Ở một số quốc gia, nơi sự kiện chỉ có một đứa con đã thành ra khá thông thường, cảm nghiệm được làm anh em hay chị em càng ngày càng kém thông thường hơn. Khi chỉ có thể có một đứa con, thì ta phải tìm cách để bảo đảm đứa con này không lớn lên một mình hoặc bị cô lập.

Một trái tim lớn

196. Cộng với tiểu gia đình gồm vợ chồng và con cái, ta còn có gia đình rộng lớn hơn mà ta không thể bỏ qua. Thực vậy, “lòng yêu thương giữa chồng và vợ và, theo nghĩa phát sinh (derivative) và rộng lớn hơn, lòng yêu thương giữa các thành viên của cùng một gia đình, giữa cha mẹ và con cái, anh chị em và thân nhân và thành viên của gia hộ, được ban cho sự sống và nâng đỡ nhờ một năng động tính nội tâm không ngừng dẫn gia đình tới một hiệp thông mỗi ngày một sâu xa và nồng đượm hơn, một hiệp thông vốn là nền tảng và linh hồn của cộng đồng hôn nhân và gia đình” (223). Bằng hữu và các gia đình khác là thành phần của gia đình rộng lớn hơn này, cũng như của cộng đồng các gia đình biết nâng đỡ nhau trong các khó khăn, các cam kết xã hội và đức tin của họ.

197. Gia đình rộng lớn hơn này nên cung cấp yêu thương và nâng đỡ các bà mẹ thiếu niên, các trẻ em không cha mẹ, các bà mẹ đơn chiếc phải dưỡng dục con cái một mình, những người khuyết tật cần sự âu yếm và gần gũi đặc biệt, những người trẻ đang chiến đấu với nghiện ngập, những người không kết hôn, ly thân hay góa bụa ở một mình, và những vị cao niên và già yếu thiếu sự nâng đỡ của con cái. Gia đình này cũng nên bảo bọc “cả những người đánh đắm cuộc đời họ” (224). Gia đình rộng lớn hơn này có thể giúp bù trừ các thiếu sót của cha mẹ, khám phá và tường trình các hoàn cảnh có thể có trong đó, trẻ em bị bạo hành và thậm chí lạm dụng nữa, và cung cấp lòng yêu trương lành mạnh và cảnh ổn định gia đình trong các trường hợp cha mẹ tỏ ra bất lực về phương diện này.

198. Cuối cùng, ta không thể quên rằng gia đình lớn hơn này bao gồm luôn cha mẹ vợ, cha mẹ chồng và mọi thân nhân của hai người phối ngẫu. Một khía cạnh đặc biệt tế nhị của lòng yêu thương là học cách đừng coi các thân nhân này như những người cạnh tranh, đe dọa hay xâm lấn. Sự kết hợp vợ chồng đòi phải tôn trọng các truyền thống và phong tục của họ, phải cố gắng hiểu ngôn ngữ của họ và tự chế việc phê bình, săn sóc họ và qúy trọng họ trong khi vẫn phải duy trì sự tư riêng và độc lập hợp pháp của vợ chồng. Việc sẵn sàng làm thế cũng là một phát biểu thanh nhã của lòng yêu thương đối với người phối ngẫu của mình.

Kỳ sau: Chương Sáu: Một Số Viễn Ảnh Mục Vụ
__________________________________________________________________________________________________________
(199) Hiến Chế Mục Vụ Gaudium Et Spes, 50.
(200) Hội Nghị Toàn Thể các Giám Mục Châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean, Aparecida Document (29 tháng 6, 2007), No. 457.
(201) Relatio Finalis 2015, 65.
(202) Ibid.
(203) Diễn Văn tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình ở Manila, (16 Jtháng 1, 2015): AAS 107 (2015), 178.
(204) Mario Benedetti, “Te Quiero”, trong Poemas de otros, Buenos Aires 1993, 316.
(205) Cf. Bài Giáo Lý (16 tháng 9, 2015): L’Osservatore Romano, 17 tháng 9, 2015, p. 8.
(206) Bài Giáo Lý (7 tháng 10, 2015): L’Osservatore Romano, 9 tháng 10, 2015, p. 8.
(207) Đức Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25 tháng 12, 2005), 14: AAS 98 (2006), 228.
(208) Cf. Relatio Finalis 2015, 11.
(209) Bài Giáo Lý (18 tháng 3, 2015) : L’Osservatore Romano, 19 tháng 3, 2015, p. 2.
(210) Bài Giáo Lý (11 tháng 2, 2015): L’Osservatore Romano, 12 tháng 2, 2015, p. 8.
(211) Cf. Relatio Finalis 2015, 17-18.
(212) Bài Giáo Lý (4 tháng 3, 2015): L’Osservatore Romano, 5 thz1ng 3, 2015, p. 8.
(213) Bài Giáo Lý (11 tháng 3, 2015): L’Osservatore Romano, 12 tháng 3, 2015, p. 2.
(214) Tông Huấn Familiaris Consortio, 27 (22 tháng 11, 1981): AAS 74 (1982), 113.
(215) Id., Diễn Văn với Các Tham Dự Viên của "Luận Hội Quốc Tế Về Việc Về Già Tích Cực" (5 tháng 9, 1980), 5: Insegnamenti III/2 (1980), 539.
(216) Relatio Finalis 2015, 18.
(217) Bài Giáo Lý (4 tháng 3, 2015): L’Osservatore Romano, 5 tháng 3, 2015, p. 8.
(218) Ibid.
(219) Diễn Văn tại Cuộc Gặp Gỡ với Người Cao Niên (28 tháng 9, 2014): L’Osservatore Romano, 29-30 tháng 9, 2014, p. 7.
(220) Bài Giáo Lý (18 tháng 2, 2015): L’Osservatore Romano, 19 tháng 2, 2015, p. 8.
(221) Ibid.
(222) Ibid.
(223) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981), 18: AAS 74 (1982), 101.
(224) Bài Giáo Lý (7 tháng 10, 2015): L’Osservatore Romano, 8 tháng 10, 2015), p. 8.
 
Ba cách thức KHÔNG thể đem con cái bạn quay lại với Giáo Hội
J.B. Đặng Minh An dịch
03:22 24/04/2016

Nguyên bản tiếng Anh
3 WAYS NOT TO LEAD YOUR FALLEN-AWAY CHILD BACK TO THE CHURCH
Brandon Vogt


Ba cách thức KHÔNG thể đem con cái bạn quay lại với Giáo Hội
Bản dịch tiếng Việt của J.B. Đặng Minh An


Nếu con cái của bạn đã trôi dạt, rời xa Giáo Hội, bạn không cô đơn. Giáo Hội Công Giáo đang xuất huyết người trẻ. Một nửa số trẻ người Mỹ lớn lên trong các gia đình Công Giáo (đúng 50%) không còn nhận mình là người Công Giáo nữa. Khoảng tám trong mười người (79%) đánh mất đức tin của họ trước tuổi 23.

Một số thanh thiếu niên trôi dạt khi tìm kiếm bản sắc riêng của mình. Một số đã bị tổn thương bởi những người trong Giáo Hội. Những người khác trượt vào những lối sống xung đột với giáo huấn của Giáo Hội. Nhiều người vào đại học, kết thân với những người ngoài Kitô giáo hay những giáo sư hoài nghi, và dần dần mất đi niềm tin của mình. Một số bước vào thế giới, bắt đầu xây dựng một gia đình, bị cuốn trôi trong công việc, sở thích, và cuộc sống gia đình, và rồi mất niềm tin trong những tất bật này.

Có rất nhiều câu chuyện nhưng hầu hết đều có chung một hệ quả tương tự: những người trẻ tuổi rời xa khỏi Giáo Hội.

Tất nhiên, tất cả chúng ta đều cố gắng hết sức để lôi kéo họ trở lại. Nhưng sự tuyệt vọng đôi khi có thể dẫn chúng ta đến việc theo đuổi các mục tiêu đúng nhưng bằng các phương pháp sai. Vì vậy, nếu bạn muốn lôi kéo con bạn trở lại, chúng ta hãy nhìn kỹ vào ba chiến lược, mà bạn không nên sử dụng. Mỗi bước đi sai lầm sẽ chỉ tạo ra thêm một bức tường ngăn chặn con bạn trở về với Giáo Hội.

1. Buộc đi lễ.

“Chán quá! Ước gì tôi có thể làm cho nó bắt đầu đi lễ trở lại!” Maria phàn nàn với tôi, buồn phiền vì đứa con ở tuổi dậy thì. “Nó chẳng đoái hoài gì đến những gì tôi làm - cầu xin, nài nỉ, ra lệnh, khóc lóc – cũng chẳng làm sao lay động được nó. Một vài lần tôi đã có thể buộc nó phải đi lễ bằng cách đe dọa không trả tiền điện thoại di động của nó hoặc cắt không cho nó tiền tiêu xài nữa, nhưng nó chỉ đến ngồi trong nhà thờ mặt lạnh như tiền, cáu kỉnh ra vẻ không muốn đến đó.”

Đây là một mẹo rất quan trọng và có lẽ đáng ngạc nhiên: hãy ngừng buộc con em mình tham dự Thánh Lễ.

Điên à? Chắc chắn không điên đâu! Nếu bạn muốn con cái bạn có một tiến bộ lâu dài trong đức tin, hãy nhớ rằng tham dự Thánh Lễ phải là bước cuối cùng của bài toán đố, không phải là bước đầu tiên. Đó phải là điểm đến cuối cùng, là hoa quả và hệ quả của một mối quan hệ cá vị với Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ này.

Bạn phải đặt để những khối đá xây dựng đầu tiên khác ngõ hầu Thánh Lễ có thể mang lại những ơn ích cho linh hồn con bạn. Một linh mục gần đây nhận xét với tôi rằng: “Nếu ai đó đến dự Thánh Lễ, nhưng không muốn và không chuẩn bị trước, người ấy có nguy cơ lớn là bệnh hoạn về tâm linh. Nếu chương trình nghị sự của chúng ta chỉ đơn giản là làm cho mọi người đi lễ - nếu đó là tất cả những gì chúng ta cố gắng làm, mà không cần bất kỳ bước trung gian nào - thì tôi e rằng chúng ta có thể làm cho dân chúng bị bệnh nặng hơn, từ góc độ tâm linh”.

Ý tưởng đó có vẻ rắc rối đấy, nhưng nó bắt nguồn từ Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Ngài viết: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết.”

Thánh Phaolô đã ám chỉ đến những đau khổ thể lý người dân Côrintô đã phải chịu như là hậu quả của việc cử hành thánh lễ mà không có sự tôn kính thích hợp, và đặc biệt là không nhận ra sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Trong thời đại chúng ta, Thiên Chúa không mấy khi trừng phạt một người với bệnh tật hay tử vong chỉ vì ngủ gật trong Thánh Lễ hoặc đón nhận Bí Tích Thánh Thể không xứng đáng. Nhưng nếu chúng ta đến với Thánh Lễ mà không chuẩn bị trước, không tập trung, hoặc không muốn tham gia, thì chúng ta có thể bị ảnh hưởng tinh thần nghiêm trọng. Thay vì kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa, Thánh Lễ có thể tách ly mối quan hệ đó.

Tất nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ không có ý định này. Khi họ buộc con mình đi lễ, họ đang hành động theo ý nghĩ tốt và biết rằng 1) Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Lễ một cách đặc biệt, vì vậy 2) họ phải làm mọi thứ có thể được để con mình có mặt ở đó.

Tư tưởng nhấn mạnh đến việc tham dự thánh lễ đã được thúc đẩy bởi nền văn hóa Tin Lành đang bao quanh chúng ta, trong đó các buổi thờ phượng chung được xem như là một cửa ngõ để tham gia đầy đủ trong đời sống Kitô hữu. Nếu anh chị em Tin Lành của chúng ta muốn đưa một người bạn lạc xa Giáo Hội của họ trở lại, động thái đầu tiên của họ là đưa người ấy đến nhà thờ, mọi chuyện khác tính sau. Một khi người đó đã chịu đến nhà thờ, họ tin là người ấy sẽ tìm thấy sự đón tiếp nồng nhiệt, một thông điệp mạnh mẽ và liên quan tới mình, và một lời mời gọi tham gia vào một nhóm nhỏ. Nói cách khác, nếu con đường trở nên người môn đệ của Chúa là một cái phễu, thì Tin Lành đặt các buổi nhóm trong nhà thờ ở phía trên, ở đầu cái phễu, trong khi những người Công Giáo đặt Thánh Lễ ở phía dưới, ở phần cuối của cái phễu.

Vì vậy, lần sau khi bạn đang muốn quyết liệt bắt con em mình phải tham dự Thánh lễ, cho dù bạn biết trong lòng nó đang muốn kháng cự, thì hãy lùi lại một chút. Đừng bắt buộc nó, và đừng lặp đi lặp rằng bỏ Lễ là một tội trọng – đúng là như thế, nhưng cơ bản là có nói như thế cũng là vô ích ở giai đoạn này. Trước hết, hãy gieo những hạt giống khác.

2. Chỉ trích lối sống của nó.

Abraham Piper, người trôi dạt khỏi Giáo Hội khi còn là một thiếu niên, có lời khuyên tốt cho cha mẹ của những đứa trẻ đã chọn một quyết định đạo đức xấu: đó là “Bất chấp những hành vi của con mình nhằm thể hiện sự bất tín của nó, luôn luôn chúng ta phải chắc chắn rằng chúng ta chú ý đến căn bệnh trong tâm hồn của nó chứ không phải là các triệu chứng bên ngoài”.

Bắt đầu với những mệnh lệnh về đạo đức thường là không lay động được những người trẻ tuổi. Nếu điều đầu tiên con bạn nghe là “đừng làm điều đó” hoặc “thay đổi cuộc sống của mày đi” hay “cắt đứt ngay cái mối quan hệ đó đi cho tao” nó sẽ nhanh chóng đẩy bạn ra ngoài. Bạn có thể sẽ làm mất đi luôn cơ hội để hùng hồn thuyết phục nó trở lại với Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Điều này không có nghĩa là bạn chỉ nên quan sát cách yên lặng và thụ động khi con bạn đưa ra những quyết định sai lầm. Thay vào đó, nó có nghĩa là phương pháp tiếp cận đầu tiên của bạn nên được đánh dấu bởi sự dịu dàng và kiên nhẫn, chứ không phải là nóng giận chỉ trích nó.

Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên chỉ trích cách tiếp cận “mệnh lệnh đạo đức” như vậy. Trong cuộc phỏng vấn lớn đầu tiên của mình trong tư cách là giáo hoàng, ngài giải thích tại sao chiến lược tốt nhất là chúng ta nên giới thiệu ai đó về Chúa Giêsu Kitô trước khi nói đến các yêu cầu đạo đức bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ đó. Ngài nói: “Điều quan trọng nhất là việc công bố ngay từ đầu: Chúa Giêsu Kitô đã cứu rỗi bạn.. .. Tuyên bố trong một phong cách truyền giáo phải tập trung vào các yếu tố thiết yếu, về những điều cần thiết: đây cũng là những gì mê hoặc và thu hút hơn, những gì thiêu đốt con tim người ta, như đã xảy ra với các môn đệ trên đường Emmaus. Chúng ta phải tìm kiếm một sự cân bằng mới, nếu không, ngay cả công trình luân lý của Giáo Hội cũng sẽ sụp đổ như ngôi nhà làm bằng giấy, đánh mất sự tươi mới và hương thơm của Tin Mừng. Những đề xuất từ Tin Mừng phải đơn sơ, sâu sắc và rạng rỡ hơn. Chính từ đề xuất như thế, sẽ tuôn trào các hệ quả luân lý. Việc công bố tình yêu cứu độ của Thiên Chúa phải đi trước mệnh lệnh luân lý và tôn giáo. Hôm nay đôi khi dường như thứ tự ngược lại là phổ biến hơn.”

Hầu hết mọi người trẻ ngày nay tin vào một cái gì đó gọi là “moralistic therapeutic deism” (tức là thuyết cho rằng thế giới này có các thần minh nên con người phải ăn ngay ở lành), trong đó tập trung chủ yếu vào những điều được làm và những điều đức tin không cho phép làm (vì thế có hạn từ “moralistic”). Tuy nhiên, là một người cha, người mẹ, mục tiêu của bạn không chỉ đơn giản là cải thiện luân lý hoặc thay đổi hành vi. Mục tiêu của bạn phải là thu hút con em mình vào một mối quan hệ phát triển không ngừng với Chúa Giêsu trong Giáo Hội của Người. Một khi bạn làm điều đó, những thay đổi về đạo đức chắc chắn sẽ đi theo.

Nhưng chúng ta hãy thẳng thắn: điều này không dễ dầu gì. Nó đòi phải cắn lưỡi nhiều lần khi bạn cảm thấy sự thôi thúc phải quở trách con bạn khi biết rằng nó đang lìa xa Chúa. Tuy nhiên, như Bert Ghezzi khẳng định rỏ ràng, “Các vết sẹo sẽ có giá trị của nó!”

(Đôi khi, quở trách đạo đức là cần thiết để một đứa trẻ bắt đầu trở về với Giáo Hội. Những đứa con ngỗ nghịch đôi khi cần một ai đó kéo chúng ra khỏi những hoang mang về đạo đức của chúng và nói thẳng với chúng “Những quyết định này đang hủy hoại cuộc sống của con” hoặc “Con có thể đạt được nhiều hơn nữa nếu con chọn một con đường khác”. Nhưng thường thì sẽ tốt hơn nếu những sửa sai đó không phải là điều đầu tiên chúng nghe thấy và lý tưởng hơn khi nó đến từ một người bạn đáng tin cậy, người cố vấn, hoặc người khác quan trọng đối với nó. Mối quan hệ của bạn với trẻ bướng bỉnh thường là đã quá mong manh và cần được bảo vệ bằng mọi giá. Đừng mạo hiểm bắt đầu với một lời khiển trách dữ dội.)

3. La rầy liên tục

Nhiều bậc cha mẹ la rầy liên tục, thúc bách, và quấy rầy con cái của họ - thậm chí cả khi chúng đã trưởng thành - để buộc chúng đi nhà thờ thường xuyên hơn hoặc để thay đổi lối sống của chúng. Chiến lược này hầu như không bao giờ có tác dụng, và trong thực tế, nó thường có tác dụng ngược lại: nhiều người cố tránh xa Giáo Hội Công Giáo chỉ vì cha mẹ của họ liên tục quấy rầy họ.

Vì vậy, ngay bây giờ bạn hãy cố tránh đưa ra những câu hỏi như “Tại sao con làm như thế với cha mẹ?” Hoặc “Khi nào con hết lười biếng và đi nhà thờ trở lại?” Gần như không thể nào làm cho con cái cảm nhận được hoàn toàn nỗi đau của bạn, không thể nào làm cho chúng biết bạn tuyệt vọng đến mức nào để lôi kéo chúng trở lại với Giáo Hội. Vì vậy, không đáng để lãng phí năng lượng của bạn vào những lời cằn nhằn cố làm cho chúng có cảm giác tội lỗi.

Những tiếng thở dài thườn thượt, những lời than van thụ động dai dẳng kêu trời trách đất còn tệ hơn những lời cằn nhằn trách móc trực tiếp. Sarah, một phụ nữ trẻ đã lâu không đi lễ, nói với tôi: “Tôi không thể chịu đựng được khi mẹ tôi nói chuyện với tôi về nhà thờ nhưng tôi thậm chí còn ghét cay ghét đắng hơn nhiều khi mẹ tôi chỉ la một chút, rồi thở dài, hay chắc lưỡi. Mẹ tôi không ngớt lời khen em tôi đi dự Thánh Lễ và làm cho tôi có cảm giác rằng em tôi mới chính là một người con gái tốt.”

Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị, có lẽ là nhà truyền giáo hiệu quả nhất của thế kỷ 20, tổng kết một chiến lược khác tốt hơn. Ngài nói đơn giản như thế này “Giáo Hội đề nghị chứ không áp đặt gì cả.” Những bậc cha mẹ thành công trong việc lôi kéo con cái của họ trở lại với Giáo Hội không cằn nhằn hay ép buộc con cái họ về mặt tôn giáo. Thay vào đó họ mời gọi, nhẹ nhàng và trân trọng, thông qua trò chuyện ấm áp và tình yêu vô điều kiện. Đừng phàn nàn về những khuyết điểm của con quý vị; nhưng mời gọi chúng vươn tới một cái gì đó tốt hơn. Đề xuất, nhưng đừng áp đặt.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bạn Thời Niên Thiếu
Nguyễn Ngọc Liên
18:17 24/04/2016
BẠN THỜI NIÊN THIẾU
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
(Hình chụp tại Hạ Long xưa)

Bạn bè là nghiã trước sau
Tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai.
(Ca dao)