Ngày 27-04-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 28/04: Chú Rể & Phụ Rể - Hai người bạn đồng hành –Lm. Phêrô Hoàng Kim Huy, SDB
Giáo Hội Năm Châu
03:20 27/04/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

“Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.”

Đó là lời Chúa
 
Câu trả lời cho tất cả
Lm. Minh Anh
04:16 27/04/2022

CÂU TRẢ LỜI CHO TẤT CẢ
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”.

Nhà văn Charles Swindoll tâm sự, “Tôi cáu gắt, nghẹn ngào trong giờ ăn, bực bội về mọi chuyện... Không lâu sau, mọi thứ phản ánh phong cách sống vội vàng của tôi. Cho đến một buổi tối, Colleen, con gái út của tôi mở miệng, “Ba ơi, con muốn nói với ba một điều, và con sẽ nói rất nhanh”. Nhận ra sự thất vọng của con gái, tôi nói, “Con yêu, con không cần nói nhanh, cứ từ từ nói đi!”. Và tôi không bao giờ quên câu trả lời, “Vậy thì ba hãy từ từ lắng nghe!”. Đó là ‘câu trả lời cho tất cả’, một câu trả lời đã thay đổi toàn bộ cách sống của tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay tiết lộ, Chúa Giêsu cũng là ‘câu trả lời cho tất cả!’. Thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh dồn dập khiến nhiều người đặt câu hỏi, “Làm sao Thiên Chúa, nếu là tốt lành, lại để chúng xảy ra như vậy?”. Câu trả lời là, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Nghĩa là sao? Hãy nhìn vào Chúa Giêsu! Trong Ngài, chúng ta hướng tới một sự đổi mới của mọi sự!

Cái ác đang tác oai tác quái, nó đang hoành hành trên thế giới và ngay trong lòng người. Các nước giàu cũng như nghèo đang dựa vào sức mạnh của vũ khí, của sự chết, để đe doạ lẫn nhau. Nhưng sức mạnh ấy, cách nào đó, đang bị phá vỡ! Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là cú đánh quyết định vào sợi xích trói buộc thế giới; thế nhưng, với quyền năng Thiên Chúa, nó trở nên nguồn sống vĩnh cửu cho nhân loại, đây là lý do chúng ta đang vui mừng cử hành mùa Phục Sinh. Sự sống lại của Ngài là ‘câu trả lời cho tất cả’. Nhờ quyền năng Phục Sinh của Ngài, chúng ta đang trên hành trình hướng tới sự thất bại cuối cùng của đau khổ và sự chết.

Tội ác thể chất do thiên tai, nhân tai, là khôn lường; nhưng tội lỗi là cái còn tệ hơn. Tội lỗi là sự dữ lớn nhất! Nó tiệm tiến gặm nhấm tâm hồn con người. Tin Mừng hôm nay nói đến những linh hồn chọn điều ác cách ý thức, “Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng”. Trớ trêu thay! Những ai đưa ra lựa chọn này, lại theo đuổi một số hình thức tự hoàn thiện bản thân; và thay vì thoả mãn, họ gặp phải sự trống rỗng của một cuộc sống nặng nề khi tự lên án chính mình; họ sống trong bóng tối, đối lập với ánh sáng. Còn “Ai sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng”; đó là những người tin vào Con Một Thiên Chúa, Đấng triệt tiêu tội lỗi, chiến thắng nó và đại thắng cả hậu quả của nó là sự chết. Hãy cậy trông vào Ngài, nguồn hy vọng vĩnh cửu; Ngài là ‘câu trả lời cho tất cả’, như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Kẻ nghèo hèn kêu xin và Chúa đã nhận lời”.

Như thiên thần Chúa đã dẫn các tông đồ ra khỏi ngục tối mà bài đọc thứ nhất hôm nay kể lại, Chúa Kitô cũng dẫn chúng ta đến với ánh sáng. Thân thể Ngài bị huỷ hoại do dã tâm của loài người, nhưng Ngài đã phục sinh, sống sự sống mới; đồng thời, hướng chúng ta về một hướng mới, tràn ngập ánh sáng và niềm vui. Ở đó, giam cầm và kể cả cái chết sẽ không còn; nước mắt sẽ được lau khô. Sự dữ do thiên tai và xấu xa luân lý có thể thử thách đức tin chúng ta, nhưng chúng là tiếng thở hổn hển cuối cùng của một kẻ thù bị đánh bại. Can đảm lên! Hướng về ánh sáng, nơi Chúa Kitô là Vua và là Chúa của mọi người; Ngài là ‘câu trả lời cho tất cả!’.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”, đó là câu trả lời cho mọi vấn nạn. Sự quái gở của cái ác đã bứng Con Thiên Chúa khỏi mặt đất và treo Ngài lên; nhưng Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, cho Ngài nên nguồn ơn cứu độ. Hãy nhìn vào Đấng bị treo lên; trong Ngài, lòng thương xót của Thiên Chúa đang hướng tới một sự đổi mới của mọi sự! Vì thế, mỗi khi bế tắc, không tìm đâu ra lối thoát… hãy chạy đến với Đấng Chúa Cha đã sai đến! Ngài, dẫu là Con, đã trải qua bao nhục nhằn, kể cả cái chết, thì hẳn không gì nơi con người mà lại xa lạ với Ngài. Ngài là ‘câu trả lời cho tất cả!’. Vấn đề là hãy giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng ngàn đời yêu thương, Đấng đang hướng chúng ta tới một sự đổi mới của mọi sự trong Con Một Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con bước đi trong ánh sáng của Chúa; trục xuất khỏi tâm hồn con mọi bóng tối của tội lỗi và nghi ngờ. Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!”, Amen

(Tgp. Huế)
 
Mến Thầy hơn anh em - điều kiện để được trao quyền chăn chiên
Lm. Đan Vinh
06:38 27/04/2022

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH C
Cv 5,27b-32.40b-41; Kh 5,11-14; Ga 21,1-19
MẾN THẦY HƠN ANH EM - ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC TRAO QUYỀN CHĂN CHIÊN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Ga 21,1-19

(1) Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này : (2) Ông Si-mon Phê-rô, Ông Tô-ma gọi là Điđymô, ông Na-thanaen người Cana miền Ga-li-lê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. (3) Ông Si-mon Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền. Nhưng đêm hôm ấy họ không bắt được gì cả. (4) Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. (5) Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời : “Thưa không”. (6) Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (7) Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó”. Vừa nghe nói “Chúa đó”, ông Si-mon Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (8) Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần trăm thước. (9) Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. (10) Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !”. (11) ông Si-mon Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. (12) Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong đám môn đệ dám hỏi : “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. (13) Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông. Rồi cá, Người cũng làm như vậy. (14) Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết. (15) Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô : “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. (16) Người lại hỏi : ” “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? “Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. (17) Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy. Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. (18) Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng, và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. (19) Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào, để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy”.

2. Ý CHÍNH: Đây là đoạn cuối của Tin mừng thứ tư, gồm 4 phân đoạn :

1- Các Tông đồ tập trung tại miền Ga-li-lê rủ nhau đi đánh cá và kết quả các ông không bắt được con cá nào ! (C 1-3).
2- Chúa Phục Sinh xuất hiện chỉ cho các ông nơi thả lưới. Các ông vâng lời và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Nhờ đó các ông đã nhận ra Người (C 4-8).
3- Trong bữa ăn sáng đã được dọn sẵn, Chúa Phục Sinh đã truyền lấy thêm cá mới bắt được và đã cử hành Lễ Bẻ Bánh giống như đã từng làm trước đó (C 9-14).
4- Cuối cùng Chúa Phục Sinh đã sát hạch Phê-rô về lòng yêu mến trước khi trao quyền mục vụ chăn dắt đoàn chiên cho ông. Người cũng tiên báo về cái chết đau thương của ông lúc cuối đời (C 15-19).

3. CHÚ THÍCH :

- C 1-3 : + Biển hồ Ti-bê-ri-a : Tìn mừng Mátthêu cho biết khi hiện ra với Ma-ri-a Mácđala và một bà khác tên là Ma-ri-a, Chúa Giê-su đã yêu cầu các bà báo tin cho các môn đệ để họ đến Ga-li-lê gặp Người (Mt 28,1.10). + Ông Si-mon Phê-rô... : Tin mừng kể ra số các môn đệ đang ở chung khi ấy là 7 ông : Si-mon Phê-rô, Tô-ma, Na-tha-na-en, hai anh em Gia-cô-bê Gio-an và hai môn đệ khác. Si-mon quyết định sẽ đi đánh cá và được các ông kia hưởng ứng.- Đêm hôm ấy họ không bắt được gì : Người ta thường đi đánh cá vào ban đêm. Nhưng hôm ấy các ông đã luống công vô ích !
- C 4-8 : + Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó !” : Gio-an luôn phát hiện ra Chúa Giê-su trước các anh em nhờ lòng yêu mếnThầy. + Phê-rô khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển : Phê-rô tính vốn nóng nảy, nên khi nghe “Chúa đó !”, thì ông đã vội khoác áo vào và nhảy xuống biển bơi nhanh vào bờ để mau gặp Người.
- C 9-11 : + Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên : Chúa Giê-su đã nêu gương phục vụ dọn sẵn bữa ăn sáng cho môn đệ. Các ông đã được Người mời ăn và tăng cường thêm bằng cá mới bắt được. + Si-mon Phê-rô lên thuyền rồi kéo lưới vào bờ : Nếu Gio-an là người suy tư chiêm niệm nên sớm nhận ra Chúa trước mọi người, thì Si-mon Phê-rô lại là người mau mắn hành động để biểu lộ lòng yêu mến Thầy. Điều này cho thấy suy niệm và họat động cần luôn đi đôi với nhau trong việc xây dựng Hội thánh. + Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con : Theo thánh Hi-ê-rô-ni-mô thì các nhà vạn vật học thời xưa đã khám phá ra được 153 loại cá. Con số 153 ở đây tượng trưng mọi dân tộc, và tất cả đều được mời gọi gia nhập vào Hội thánh : “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển gom được mọi thứ cá” (x. Mt 13,47). + Lưới không bị rách : tượng trưng cho sự hiệp nhất trong Hội thánh.
- C 12-14 : + “Anh em hãy đến mà ăn !” : Lời Chúa mời gọi các môn đệ đến ăn, giống như Người đã mời các ông dự tiệc Thánh thể (x. Mt 26,26). Bánh được trao cho môn đệ giống như Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,11). + “Con cá” : tiếng Hy-lạp gọi là IK-TUS. Đây là năm chữ đầu của một lời tuyên xưng đức tin : “Giê-su Ki-tô Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” (IÈSOUS KRISTOS THÉOU UNIOS SÔTER). Khi chia sẻ Cá, Chúa Giê-su ngụ ý sẽ chia sẻ Thánh Thể Người là “Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” cho các môn đệ. + Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ : theo Gio-an thì lần thứ nhất Chúa Phục Sinh hiện ra vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần không có Tô-ma (x. Ga 20,19-23); Lần hai 8 ngày sau đó và có Tô-ma (x. Ga 20,26-31). Đây là lần thứ ba Người hiện với 7 môn đệ tại biển hồ Ga-li-lê.
- C 15-17 : + “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” : Sau ba lần sát hạch về lòng mến, Đức Giê-su đã từng bước biến đổi Phê-rô đang từ một người đánh cá trở thành một mục tử có quyền chăn chiên (x. Ga 10,11). Tuy nhiên đàn chiên kia vẫn thuộc về Người : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. + Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : “Anh có yêu mến Thầy không? : Phê-rô đau lòng vì việc bị hỏi ba lần làm ông liên tưởng đến ba lần ông đã chối Thầy (x. Ga 13,38; 18,17.25-27). Đức Giê-su đã tế nhị khi không trực tiếp đề cập đến tội của Phê-rô, mà chỉ yêu cầu ông xác định tình yêu dành cho Người. Mỗi lần Phê-rô khẳng định lòng mến, Đức Giê-su lại tha tội và trao thêm quyền : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy...” (c 5-17).
- C 18-19 : + Lúc còn trẻ... Nhưng khi đã về già.... : Tuổi trẻ có đặc tính là tự do hành động (“Đi đâu tùy ý”). Tuổi già có đặc điểm là gò bó thụ động (“Anh sẽ phải dang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho anh và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn: ). + Người nói như vậy có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào : Quả thật, lời tiên báo này đã được ứng nghiệm vào lúc cuối đời của Phê-rô trong cơn bách hại đạo tại Rôma thời hoàng đế Nêrông. Phê-rô đã phải chịu khổ hình thập giá nhưng lại xin treo đầu ngược xuống đât, vì ông cảm thấy mình không xứng đáng được chịu cùng hình khổ giống như Thầy.

4. CÂU HỎI :

1) Tại sao các môn đệ lại cùng hiện diện tại Biển hồ Ti-bê-ri-a thuộc xứ Ga-li-lê vào thời điểm sau khi Chúa phục sinh?
2) Có mấy môn đệ cùng đi đánh cá với Si-mon Phê-rô?
3) Do đâu mà Gio-an luôn nhận ra Chúa Giê-su trước các anh em khác?
4) Chúa Giê-su đã tiên báo thế nào về số phận cuối đời của Tông đồ Phê-rô?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21,6).

2. CÂU CHUYỆN :

1) THẦY ĐI ĐÂU?

Câu chuyện truyền kỳ về những ngày sau cùng của thánh Phê-rô với cái chết đã được Chúa Giê-su tiên báo : “Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giương tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, để ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”. Câu chuyện truyền kỳ đã được dựng thành phim “Quo vadis” nghĩa là: “Thầy đi đâu?” như sau :

Bấy giờ tông đồ Phê-rô đã đến Thủ đô của Đế quốc Rôma, giữa lúc hoàng đế Nêrông đang ra tay bách hại đạo Công Giáo. Một số tín hữu đã chịu chết vì đạo. Trước tình thế nguy hiểm, các tín hữu đã khuyên Phê-rô hãy mau chạy trốn khỏi thành, để tiếp tục sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh.
Nhờ khéo cải trang và thoát được sự rà soát kỹ lưỡng của bọn lính canh cổng, Phê-rô đã ra được bên ngoài. Nhưng rồi ông đã gặp Chúa Giê-su mặc áo trắng đang đi ngược vào trong thành, ông liền hỏi Người rằng : “Quo vadis?” nghĩa là “Thầy đi đâu?” Chúa Phục Sinh đã trả lời : “Thầy đi vào thành Rô-ma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Nói xong Chúa biến mất. Phê-rô hiểu được ý Chúa, nên ông lại quay trở lại vào thành Rô-ma. Ít ngày sau, ông đã bị quân Rô-ma bắt giam chung phòng với các tín hữu sắp chịu hành hình. Tai đây, ông đã an ủi động viên họ hãy can đảm và kiên trì trung thành tin vào Chúa Giê-su. Rồi ông đã bị tòa kết án tử hình. Đến ngày bị đưa ra vận động trường chịu hành hình, Phê-rô đã được chứng kiến cảnh các tín hữu : kẻ thì bị quăng ra để làm mồi cho thú dữ cắn xé ăn thịt, kẻ thì bị cháy thành than trên dàn hoả thiêu. Khi đến lượt chịu đóng đinh trên thập giá, Phê-rô đã đề nghị quân lính treo thập giá ngược để đầu ông quay xuống đất và chân giơ lên trời, vì ông nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh cùng một cách thức giống như Thầy Giê-su.

2) CẬU ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO CHÚA GIÊ-SU?

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp SÁC ĐỜ PHU-CÔ (Charles de Foucauld) đang say sưa kể cho mọi người trong gia đình nghe về những chiến công hiển hách trong nhiều trận chiến cùng những cuộc thám hiểm của anh ở nước Ma-rốc xa xăm. Người chăm chú lắng nghe kể chuyện nhất lại là cô cháu gái chưa đầy 10 tuổi. Khi anh vừa kết thúc câu chuyện, thì bất ngờ cô bé đã hỏi như sau : “Thưa cậu, cháu rất hãnh diện khi thấy cậu làm được những việc lớn lao cho nước Pháp. Nhưng cháu thắc mắc điều này là : “Cậu đã làm đựơc gì cho Chúa Giê-su chưa?”
Câu hỏi ấy như một luồng điện khiến anh giật mình. Từ trước đến nay, chưa bao giờ anh gặp câu hỏi nào bắt phải suy nghĩ nhiều như thế. Phải, “Anh đã làm được gì cho Chúa Giê-su chưa?” Khi đối diện với Chúa, anh đã nhận ra rằng : từ trước đến nay anh đã phí phạm thì giờ ăn chơi xa xỉ, đã chạy theo bả vinh hoa phú quí vô ích. Giờ đây anh đã ý thức được sự nghèo hèn của mình. Sau đó vài ngày, anh xin nhập vào một dòng tu và xin bề trên cho đến ở miền Na-da-rét nước Ít-ra-en quê hương Chúa Giê-su, để tận hiến trọn đời phụng sự Người.
Một ngày nọ, đang lúc cầu nguyện trong nhà, anh bỗng nghe thấy có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi giáo nhưng không biết tiếng nói đó phát ra từ đâu. Anh liên tưởng đến Lời Chúa Giê-su về thái độ phải có đối với những kẻ thù ghét mình, và quyết định sẽ đi làm bạn với người Hồi giáo. Anh dời đến sống ở giữa sa mạc Sa-ha-ra bên Phi châu, nơi có nhiều người Hồi giáo nghèo khổ. Thế rồi “điều phải đến đã đến”: Vào đầu tháng 12 năm 1916 khi đang cầu nguyện trong nhà, anh đã bị một toán người Hồi giáo cực đoan kéo đến sát hại. Ngày nay các tiểu đệ và tiểu muội tiếp tục sống theo lý tưởng của anh là tự nguyện sống giữa người nghèo để lao động và chia sẻ nỗi khốn cùng của họ, và giúp họ thăng tiến để được ơn cứu độ.

3) CÁI CHẾT ANH DŨNG CỦA ĐỨC CHA ROMERO NƯỚC EL SAN-VA-DOR :

Trong số các Giám Mục nổi tiếng can đảm của Giáo Hội Châu Mỹ La tinh, phải kể đến Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, Tổng giám mục Giáo phận thủ đô San Sanvador. Ngày Đức Cha còn sống, Chúa nhật nào nhà thờ chính tòa cũng chật ních tín hữu đến tham dự thánh lễ và nghe ngài giảng. Đức Cha thường cho giáo dân biết tin tức liên quan đến Giáo Hội, đến tình trạng trong nước và mạnh mẽ lên án tình trạng bạo lực, bất công và nghèo đói do chính quyền cũng như phe du kích gây ra cho dân chúng. Đức Tổng Giám Mục Romero cũng dùng đài phát thanh để gây ý thức nơi dân chúng và thẳng thắn tố cáo các vụ vi phạm quyền con người do các lực lượng nói trên chủ mưu. Nhưng tiếng nói của Đức cha không làm cho chính quyền quân đội El Sanvador cũng như lực lượng du kích hài lòng. Sau nhiều lần hăm dọa mà không có kết quả, những kẻ thù ghét Đức Cha đã quyết định giết ngài.
Sáng ngày 24/03/1980 họ đã sai người ám sát Đức Tổng Giám Mục Romero ngay trong nhà nguyện của bệnh việc thủ đô, nơi Đức Tổng Giám Mục hằng ngày vẫn đến dâng thánh lễ cho các nữ tu, nhân viên y tế và bệnh nhân. Kẻ sát nhân ngồi trà trộn trong số các tín hữu hiện diện. Không hiểu Đức cha có linh cảm mình sắp sửa phải đổ máu ra như hiến tế mưu cầu hòa bình cho một dân tộc El Sanvador hay không, nhưng trong vài lời suy tư ngắn trong Phúc Âm, Đức cha nói : "Như chủ chăn sẵn sàng hiến mình cho đoàn chiên, Ngài cũng sẵn sàng chết miễn là nước nhà được hòa bình tươi sáng, nhân dân El Sanvador được sống trong ấm no thịnh vượng". Đức Cha rời tòa giảng tiến lên bàn thờ, thì chính lúc đó kẻ sát nhân tiến lên rút súng bắn Ngài. Đức Tổng Giám Mục Romero gục ngã trước bàn thờ máu lênh láng chảy và thánh lễ cuối cùng của vị chủ chăn hôm đó đã dang dở, nhưng đã thành Thánh lễ trọn vẹn. Vì vị chủ tế đã trở thành con chiên hiến tế y như Chúa Giê-su trên Thập giá ngày xưa.
Đức Tổng Giám Mục Ro-me-rô đã chết vì đã trung thành với sứ mệnh chủ chăn của Ngài : "Thà vâng lời Thiên Chúa còn hơn vâng lời người ta".- (Trích đài phát thanh Ve-ri-tas).

3. THẢO LUẬN :

1) Những khó khăn mà Hội thánh, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng phải đương đầu hiện nay là gì?
2) Mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì cụ thể để cảm thông với những khó khăn của các chủ chăn, để có thể cộng tác với các ngài trong sứ vụ loan báo Tin Mừng và phục vụ đoàn chiên Hội thánh?

4. SUY NIỆM :

1) Mẻ cá lạ lùng là hình ảnh của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh :

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại câu chuyện đã xảy ra trên bờ hồ Ti-bê-ri-ade hay là Ghen-nê-sa-rét thuộc xứ Ga-li-lê, nơi các môn đệ Đức Giê-su đã từng hành nghề đánh cá trước khi theo làm môn đệ Người. Đây cũng là nơi mà Chúa Phục Sinh đã nhắn tin cho các môn đệ phải trở về Ga-li-lê để gặp Người. Trong lúc rảnh rỗi, các ông đã rủ nhau đánh bắt cá trong biển hồ. Nhưng sau một đêm vất vả cực nhọc vô ích, vào lúc tảng sáng, các ông đã gặp được Chúa Phục Sinh đứng trên bờ hồ mà các ông không nhận ra. Người đã hướng dẫn các ông đánh bắt cá và kết quả là một mẻ cá lạ lùng. Môn đệ Gio-an đã nhận ra Thầy Giê-su trước hết. Còn Phê-rô khi biết là Chúa Phục Sinh, liền khoác áo vào rồi nhảy xuống nước bơi vào bờ để gặp Thầy cho nhanh.
Về con số 153 con cá lớn theo các nhà chú giải Kinh Thánh là tượng trưng cho mọi loại cá thời bấy giờ.

2) Những khó khăn trên bước đường loan báo Tin Mừng:

Việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng không phải là điều dễ dàng : Bài đọc I trong sách Công vụ Tông đồ cho thấy các môn đệ của Chúa đã bị các đầu mục Do thái cấm rao giảng về danh Chúa Giê-su. Nhưng các ngài đã sẵn sàng chịu hình phạt để chu toàn sứ vụ này. Tông đồ Phao-lô nhiều lần bị ném đá, bị đánh đòn, bị cùm trong ngục tù, bị đắm tàu, đói khát, mình trần… vì danh Chúa Giê-su. Cuối cùng hầu hết các tông đồ đều chịu chết để làm chứng cho Chúa.
Thực ra, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không dành riêng cho các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ… mà chung cho mọi tín hữu đã chịu phép rửa tội và Thêm Sức. Ở mọi nơi mọi lúc, người làm tông đồ rao giảng Tin Mừng đều có thể gặp phải những khó khăn bách hại … Nếu chỉ dựa vào sức riêng, chắc chắn chúng ta sẽ dễ thất bại và nản chí buông xuôi. Nhưng nếu biết cậy nhờ ơn Thánh Thần hướng dẫn trợ lực, chúng ta sẽ luôn hăng hay chu toàn sứ vụ này và đạt được nhiều thành quả to lớn. Điều quan trọng là chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, suy niệm để tìm hiểu ý Chúa và quyết tâm thực hành với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, thì sẽ đạt kết quả.

3) Tin yêu là điều kiện để được ơn tha tội và được trao quyền chăn chiên :

Sau bữa ăn thân mật trên bãi biển, Chúa Phục Sinh đã tâm sự riêng với ông Phê-rô. Trước khi trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh, Chúa Phục Sinh đã đòi Phê-rô tuyên xưng ba lần yêu mến như sau : “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Qua đó Người đòi các mục tử phải có lòng mến Người hơn những người khác. Đồng thời qua việc tuyên xưng này, Người gián tiếp tha tội đã chối Thầy cho Phê-rô.
Đáp lại câu hỏi của Chúa, ông Phê-rô đã ba lần thưa như sau : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Trên cơ sở lòng mến này, Chúa Giê-su đã lần lượt trao ban quyền chăn dắt chiên con và chiên mẹ cho ông.

4) Cảm thông và cộng tác với các mục tử trong Hội Thánh hôm nay :

Ngày nay, có biết bao các vị mục tử đang âm thầm chịu thiệt thòi đau khổ, để chu toàn sứ vụ loan báo Tin mừng. Các ngài đã can đảm trung thành với nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên, giống như các tông đồ xưa khi bị điệu ra Thượng Hội Đồng Do thái, đã trả lời rằng : “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29).
Ngày nay, các tín hữu chúng ta cần biết cảm thông với những khó khăn gian khổ của các vị mục tử đang phải chịu để năng cầu nguyện cho các ngài. Nhất là mỗi người chúng ta phải trở thành những cánh tay nối dài của các vị chủ chăn bằng cách quảng đại góp phần xây dựng cơ sở vật chất và sẵn sàng đảm nhận việc phục vụ cộng đoàn theo sự phân công của các ngài.
Để làm được điều này, chúng ta cần hăng hái gia nhập vào các hội đoàn Tông Đồ Giáo Dân để được bồi dưỡng đức tin qua các sinh hoạt học sống Lời Chúa hằng tuần, chu toàn các công tác tông đồ bác ái được cấp trên phân công. Ngoài ra, còn phải năng dự lễ và rước lễ để được kết hiệp với Chúa, hầu chu toàn sứ vụ.

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH.
Lúc chúng con đi tìm Chúa trong nước mắt sầu thương, xin hãy âu yếm gọi tên chúng con, như Chúa đã gọi tên chị Ma-ri-a Mác-đa-la khi chị đứng khóc bên cạnh ngôi mồ trống.
Lúc chúng con chán nản muốn bỏ Chúa để trở về cuộc sống đời thường, xin hãy cùng đi với chúng con trên những nẻo đường dài, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ về làng Em-mau.
Lúc chúng con đang đóng kín cửa lòng vì sợ hãi, xin Chúa hãy ngự đến chúc bình an, như Chúa đã hiện đến trấn an các tông đồ đang khiếp nhược sợ hãi.
Lúc chúng con đang cố chấp muốn làm theo ý riêng và ngày một xa cách anh em, xin hãy biến đổi lòng trí chúng con, như Chúa đã không bỏ mặc Tô-ma cứng tin, nhưng đã giúp ông cảm nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh và tuyên xưng đức tin.
Lúc chúng con đã vất vả thâu đêm mà không đạt tới kết quả nào, xin hãy dùng Lời Chúa dẫn đường chỉ lối cho chúng con và bổ dưỡng chúng con bằng bữa tiệc Thánh như Chúa đã phục vụ các Tông đồ tại bờ hồ Ga-li-lê.- AMEN.
 
Tình thầy trò Phêrô - Giêsu và Gioan
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:53 27/04/2022
Tình thầy trò Phêrô - Giêsu và Gioan

Suy Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh - C

(Ga 20, 1-19)

Vào lúc bình minh ló rạng. Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và hỏi : "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển (Ga 21, 5- 7). Hỏi : Đâu là cái để Gioan với biệt hiệu là “người môn đệ Chúa yêu” nhận ra Thầy mình, và điều gì đã khiến Phêrô khoác áo vào và nhảy ngay xuống biển? Thưa : Tình yêu.

Tình thầy trò

Tình thầy trò Phêrô - Giêsu và Gioan thật đậm đà thắm thiết. Tình yêu giúp người môn đệ được yêu mến là người đầu tiên nhận ra chính Chúa (x. Ga 21,7). Vì yêu mà Gioan được ngồi cạnh Thầy trong bữa Tiệc Ly và tựa đầu vào ngực Chúa và hỏi thay cho Phêrô (x. Ga 13, 23). Nhờ yêu mà Gioan cùng với Thầy đi vào nhà Caipha bằng cổng chính như những mục tử, chứ không như Phêrô phải ở ngoài chờ Gioan ra dẫn vào.

Từ yêu đi đến hành động. Phêrô chỉ được chọn làm thủ lãnh và chăm sóc đàn chiên Chúa sau khi công bố yêu mến Thầy đến ba lần (Ga 21,15-17). Chúa chọn Phêrô với trọn tình yêu. Phêrô đáp lại cách trung thành, dù phải mất mạng (Ga 21,18). Dẫu biết rằng, đàn chiên thuộc về Thầy Giêsu chứ không thuộc về trò Phêrô.

Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy rõ được tình Thầy trò Giêsu. Gioan là người duy nhất trong các tông đồ ra đi trong tuổi già. Ngài cũng là môn đệ được Chúa Giêsu trao phó nghĩa vụ làm con thay thế Thầy đón Mẹ Thầy về nhà chăm sóc.

Phêrô đã tiếp nối công việc Thầy trao, chèo lái con thuyền Giáo Hội từ buổi sơ khai, rao truyền giáo huấn của Thầy cho những người chưa biết, bảo vệ chân lý về Ơn Cứu Độ mà Thầy đã trao ban. Ông hạnh phúc được lãnh nhận phúc tử đạo giống như cái chết của Thầy. Con thuyền Giáo Hội do Phêrô cầm lái vượt qua biết bao sống cả ba đào, và cho đến hôm nay vẫn vững chắc lướt qua sóng gió trần gian.

Mẻ cá tình yêu

"Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bời biển" (Ga 21,4). Biển là gì nếu không phải là biểu tượng của thế gian đang bị xô đẩy bởi những con sóng dữ dội và vòng xoáy của ba thù, và bờ tượng trưng cho sự sống đời đời đó sao? Các môn đệ đã vất vả, cực nhọc suốt đêm trên biển để đánh bắt cá, đương đầu với những con sóng của cuộc sống hay chết, nhưng Đấng Cứu Chuộc chúng ta, sau khi sống lại, Người đứng trên bờ. Theo thánh Grêgôriô Cả (540-604), Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh giải thích thì : Chúa Giêsu đứng trên bờ, vì sau khi sống lại, Người đã vượt qua các điều kiện của một xác thịt mong manh hay hư nát, Người đứng trên bờ để nói cho các môn đệ về mầu nhiệm phục sinh, rằng : "Thầy không hiện ra với anh em trên mặt biển nữa" (x. Mt 14,25), bởi vì Thầy không còn ở với anh em trong lúc biển gầm bão tố nữa. Chúa ở trên bờ để kéo các ông lên bờ và biến các ông từ nay trở thành những kẻ lưới người ở trên bờ, chứ không lưới cá ở dưới nước nữa. (Trích Homélies sur l'Évangile, n°24).

Trở lại với mẻ cá lạ của các môn đệ làm theo lệnh truyền của Chúa Phục Sinh, vào buổi bình minh của ngày mới, Chúa hiện ra với các môn đệ lần thứ ba. Nếu như Tin Mừng không nói rõ, chúng ta không thể tưởng tượng được rằng chính Chúa sẽ chuẩn bị một cái gì đó cho chính mình cũng như các môn đệ, những ngư dân mệt mỏi suốt đêm nay cần đồ ăn sáng.

Chúa Giêsu Phục Sinh đã cách mạng hóa cuộc sống của họ và biến đổi lịch sử nhân loại ở mọi nơi mọi thời. Các Tông Đồ thấy rằng họ đã thất bại, họ đã không đạt được tầm mức mà Đấng Mê-sia mong đợi. Trong lưới của Phêrô và các môn đệ, người ta nhận ra sự kiệt sức, gần như đầu hàng, chẳng những không hướng về Thiên Chúa, mà còn đối diện với sự nghèo nàn của chính họ. Phêrô nói : "Tôi đi đánh cá đây"(Ga 21,3), ngay lập tức những người khác cũng đi theo, dường như muốn nói: "Bây giờ họ không có gì khác để làm".

Quả thật, con người của các Tông Đồ lúc này : Sau "khổ đau" của Thập Giá, họ đã trở về gia đình, với cộng việc thường nhật, có người đi đánh cá, nghĩa là họ trở về lại con người và làm những công việc trước lúc chưa gặp Chúa Giêsu. Điều này chứng tỏ bầu khí phân tán và rối loạn trong nhóm (x. Mc 14, 27, và Mt 26, 31). Đó là khó khăn cho các môn đệ để hiểu những gì đã xảy ra, khi mà tất cả dường như đến hồi kết, thì trên đường Emmaus, Chúa Giêsu đã đến với các môn đệ dưới dạng khách đồng hành. Giờ đây, Chúa gặp gỡ họ lúc họ đang ở biển, là nơi mà tâm trí họ nặng trĩu vì những thử thách gian truân của cuộc đời; Người gặp họ vào rạng sáng ngày hôm sau khi họ vất vả cực nhọc vô dụng suốt đêm. Lưới họ không có gì, cách nào đó, điều này cho thấy cảm nghiệm của họ với Chúa Giêsu, họ biết Chúa đang ở bên họ, và Chúa hứa với họ nhiều điều. Tuy nhiên, họ thấy mình bây giờ với mẻ lưới trống rỗng.

Các tông đồ thấy mỏi mệt, nhưng xúc động trước tình yêu của Thầy, họ thả lưới ở "phía bên kia" thuyền. Câu hỏi được đặt ra : Tại sao lại bên kia? Bên kia là bên của tình yêu Thiên Chúa. Tấm lưới của Phêrô đã được thả xuống từ một phần của tình yêu Chúa. Tình yêu ấy rất cần thiết trong thế giới hôm nay.

Hiệp nhất trong tình yêu

Phúc âm thánh Gioan có hai cảnh bên lửa than hồng. Một lần bên lò sưởi, Phêrô chối Thầy ba lần (Ga 18). Lần hai cũng bên lửa than, ông bày tỏ tình yêu với Thầy mình ba lần. Tình yêu đã tẩy xóa tội của ông và nối kết ông trở lại với Đức Giêsu.

Bữa ăn mà Chúa Giêsu dọn cho các môn đệ là bữa ăn hiệp nhất trong tình yêu (x. Ga 21,9-13) tiên trưng cho phép Thánh Thể. Lưới không rách là dấu chỉ sự hiệp nhất mà 153 con cá do các môn đệ mang bắt được tượng trưng cho cả thế giới lúc bầy giờ là 153 nước đến với Chúa Giêsu.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:20 27/04/2022

6. Tôi giảng đạo không phải để nguời ta nhận biết tôi, nhưng là nói về Đức Chúa Giê-su để người ta nhận biết Chúa của chúng ta.

(Thánh Hieronimus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:23 27/04/2022
62. NGƯỜI MỐI CỨU NGHÈO

Có một người cả ngày lo buồn vì nghèo, có người đến an ủi ông ta, nói:

- “Chuyện này chỉ cần cầu cứu với người mai mối là xong”.

Người ấy hỏi:

- “Người mai mối làm sao cứu được nghèo khổ?”

Trả lời:

- “Dù ông nghèo cở nào chăng nữa, cứ để mặc cái miệng của người mai mối nói, thì liền giàu to !”

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 62:

Có một vài người Ki-tô hữu lòng đạo không sâu xa, hiểu giáo lý không nhiều và cuộc sống thì bê bối, đã nói với nhau rằng: “Dù tội của chúng ta có nhiều cách mấy cũng đừng lo, chỉ cần đi xưng tội là hết ngay…”

Bí tích Hòa Giải không phải là một “bà mối” hể lên tiếng làm mai mối là nên vợ chồng, nhưng bí tích Hòa Giải chính là nơi bày tỏ tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với loài người, tha thứ có điều kiện: tội nhân phải hết lòng thống hối ăn năn các tội mình phạm và quyết tâm sửa đổi cuộc sống.

Ai lạm dụng bí tích Hòa Giải để sống phung phí ơn thánh, sống không giống con cái của Thiên Chúa, thì chính bí tích Hòa Giải sẽ trở thành án phạt cho họ.

Hãy coi chừng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Quà tặng vô ngần vô hạn
Lm. Minh Anh
22:14 27/04/2022

QUÀ TẶNG VÔ NGẦN VÔ HẠN
“Đấng được Thiên Chúa sai đi, nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Ngài vô ngần vô hạn”.

Sir Frances Drake có một lời cầu nguyện thật lạ thường, “Lạy Chúa, xin cứ quấy rầy con, thúc giục con dám táo bạo hơn, lao ra những vùng biển rộng lớn hơn, nơi bão tố thể hiện quyền làm chủ của Chúa; nơi mất đất liền, con sẽ lần dò những vì sao. Xin đẩy lùi chân trời hy vọng của con ở người đời; giục giã con hướng tới một tương lai chỉ biết cậy trông vào một mình Chúa, với sức mạnh, sự khôn ngoan và tình yêu, những ‘quà tặng vô ngần vô hạn’ của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cũng nói đến Thần Khí, ‘quà tặng vô ngần vô hạn’ mà Chúa Phục Sinh trao trao cho những ai thuộc về Ngài! Thật tuyệt vời, các tông đồ đầy Thánh Thần, hào hùng nói Lời của Thiên Chúa; bởi lẽ, Đấng sai họ đi cũng là “Đấng được Thiên Chúa sai đi, nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Ngài vô ngần vô hạn”.

Trình thuật Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy quyền năng vô song của Chúa Thánh Thần nơi các tông đồ! Trước Thượng Hội Đồng, Phêrô và các bạn bị tra vấn về việc đã rao giảng một Đức Kitô tử nạn và phục sinh; các ngài lên tiếng, “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta!”. Đó là những lời chỉ có thể phát xuất từ những con người đầy Thần Khí và tuyệt đối tin tưởng vào Ngài; Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời”.

Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng được Thần Khí xức dầu và sai đi không dè sẻn khi phân chia món quà Thánh Thần cho bất cứ ai! Ngài tặng trao Thánh Thần một cách vô ngần vô hạn. Nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần, Ngài đã nâng toàn bộ cuộc đời chúng ta lên một bình diện khác, bình diện ân sủng. Sự hào phóng của Chúa Giêsu, trước hết, thể hiện trong Bí tích Thánh Thể. Mỗi khi chúng ta tiếp nhận Mình Máu Chúa, Ngài để lại trong tâm hồn chúng ta một sự đổi mới; đồng thời, giúp chúng ta đào sâu sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Trong sự hiệp thông, chúng ta chuẩn bị thể xác và linh hồn hưởng nếm sự bất tử của mầu nhiệm Phục Sinh. Tất nhiên, một quà tặng như thế luôn chờ đợi một sự đáp trả. Trước sự rộng lượng của Chúa Phục Sinh, Đấng ban ‘quà tặng vô ngần vô hạn’, nào ai có thể keo kiệt trong việc hồi đáp!

Tặng phẩm của Chúa Giêsu là món quà hiệp nhất trong Thánh Thần, “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Để có thể hiệp nhất, Chúa Thánh Thần tuyệt đối không thể thiếu. Quà tặng Thánh Thần cung cấp thuốc giải độc cho mọi khuynh hướng chia rẽ giữa chúng ta. Chúa Thánh Thần chống lại sự kiêu ngạo, ích kỷ bằng cách nhắc nhở chúng ta về sự khiêm nhường của Chúa Kitô; Ngài sẽ thúc đẩy chúng ta sống bác ái, ban sức mạnh để chúng ta cho đi “Giêsu”, ‘quà tặng vô ngần vô hạn’ đã lãnh nhận, mà không cần tính toán.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa ban Thần Khí cho Ngài vô ngần vô hạn”. Bởi phép Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đi vào trần gian, cuộc đời Ngài luôn hoạt động trong Thánh Thần; để rồi khi trút hơi thở, Ngài “trao Thần Khí” cho nhân loại. Nhờ Thánh Thần, các tông đồ can đảm nói và làm chứng bằng cả mạng sống mình. Trong Thánh Thần, Giáo Hội hơn hai ngàn năm đủ can đảm, không ngừng lao ra vùng biển rộng lớn, bất chấp bão tố; cũng bởi Thánh Thần ấy, chúng ta được tái sinh, sống đời sống mới trong ân sủng phục sinh. Chúa Thánh Thần là tình yêu, sức mạnh, và là món quà tuyệt hảo của Đấng Phục Sinh, Đấng không tính toán; trái lại, ban Thánh Thần cho chúng ta cách hào hiệp. Và tất nhiên, Ngài cũng đang chờ đợi sự đáp trả ngoan nguỳ của chúng ta trước Thánh Thần, hầu mỗi người có thể hoàn tất những gì mà Ngài còn dang dở; đó là trở nên những chứng tá sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thế giới loại trừ Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con vô vàn ân sủng Thánh Thần, nhiều hơn con đáng được; xin cho con biết tặng trao ‘quà tặng vô ngần vô hạn’ “Giêsu” một cách vô hạn vô ngần!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Phục vụ như người mẹ gia đình
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
22:58 27/04/2022


Thánh Gioan tông đồ giới thiệu cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu và qua các sách Tin mừng, Chúa Giê-su mặc khải cho biết Thiên Chúa là Cha yêu thương. Ngài dạy chúng ta gọi Thiên Chúa Cha bằng tiếng “Áp-ba” rất thân thương, đó là tiếng bập bẹ của đứa con thơ gọi cha mình.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là Thiên Chúa không chỉ yêu thương chúng ta bằng tấm lòng bao la của một người cha mà còn bằng trái tim dịu hiền của một người mẹ nữa. Chính Thiên Chúa đã hé mở cho chúng ta thấy tình từ mẫu của Ngài qua miệng ngôn sứ I-sa-i-a:

“Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,13).

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng bao giờ quên ngươi” (Is 49,15).

Trích đoạn Tin mừng của thánh Gioan hôm nay phác họa rõ nét hơn mối tình từ mẫu được biểu lộ qua tấm lòng của Chúa Giê-su.

Khi biết các môn đệ phải thức thâu đêm chài lưới giữa biển khơi, vừa phải chịu đói lạnh, vừa mệt nhoài, Chúa Giê-su như người mẹ hiền, dấn bước đến với đàn con để chia sẻ sự nhọc nhằn vất vả của họ, ngay lúc trời hừng sáng.

Ngài đến sớm như vậy vì không muốn để cho các môn đệ phải chịu đói lạnh lâu hơn. Như người mẹ hiền, Chúa Giê-su mang đến cho họ sự chăm sóc giúp đỡ ngay khi họ đang cần.

Biết rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, Ngài dạy họ thả lưới đúng nơi để bắt được nhiều cá.

Đối với người đi biển vừa mới lên bờ còn đang đói và lạnh thì không gì sung sướng bằng được thưởng thức những miếng bánh, những con cá nướng còn nóng hổi và thơm ngon. Chính vì thế, Chúa Giê-su còn mang theo cả than để nướng bánh và cá.

Rồi Ngài ngồi trên bãi biển như người mẹ gia đình, nhóm lửa lên, đem cá và bánh nướng trên than hồng cho sẵn, để khi các môn đệ vừa bước lên bờ là có ngay bữa ăn còn nóng hổi.

Sau đó, Chúa Giê-su gọi các môn đệ mang thêm cá mới bắt được, để Ngài tiếp tục phục vụ như người mẹ gia đình, tiếp tục nướng những con cá còn tươi, trao cho từng đứa con đang đói. Thật đầm ấm như người mẹ hiền giữa đàn con ngoan, dạt dào tình từ mẫu.

Sự chăm sóc ân cần mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ hôm xưa, nay cũng được dành cho chúng ta. Hôm nay, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục chăm sóc và dọn bữa hằng ngày cho chúng ta.

Nơi bàn tiệc thánh, Chúa Giê-su đem Lời hằng sống của Thiên Chúa ban tặng chúng ta. Nhờ Lương thực tuyệt vời nầy, tâm hồn chúng ta được dưỡng nuôi và được dồi dào sức sống. Cũng nơi bàn tiệc yêu thương nầy, Chúa Giê-su phục sinh trao chính thân mình Ngài làm bánh nuôi dưỡng chúng ta, để chúng ta được hiệp thông nên một với Ngài, và qua đó, Ngài thông ban sự sống thần linh của Ngài cho chúng ta.

Hôm nay, Thiên Chúa còn tiếp tục nhờ Mẹ Maria để trao ban tình từ mẫu của Ngài cho chúng ta. Như mặt trăng đón nhận ánh sáng mặt trời rồi phản chiếu xuống mặt đất làm cho trái đất được chiếu sáng, thì Mẹ Maria cũng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và trao lại cho chúng ta. Qua Mẹ Maria, Thiên Chúa yêu thương ấp ủ chúng ta bằng một tình mẹ rất dịu dàng, dìu dắt chúng ta như đứa con thơ bé, vượt qua biển đời sóng gió về bến an bình.

Lạy Thiên Chúa từ nhân,

Chúa yêu thương chúng con bằng tình cha bao la lẫn tình mẹ dịu dàng. Xin cho chúng con biết đền đáp lại mối tình cao cả ấy với tất cả tấm lòng hiếu thảo của một người con ngoan. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phi Luật Tân có nhiều người được rửa tội nhất trên toàn thế giới
Đặng Tự Do
16:03 27/04/2022


Đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Phi Luật Tân vui mừng được biết rằng quốc gia này có số lượng người Công Giáo được rửa tội nhiều nhất vào năm 2020.

Theo Đức Tổng Giám Mục Charles John Brown, Sứ thần Tòa Thánh tại Phi Luật Tân, đức tin Kitô giáo tiếp tục định hình sự hình thành tinh thần của các tín hữu trong năm thế kỷ qua.

“Tôi vui mừng chia sẻ rằng Phi Luật Tân có số lượng người rửa tội vào năm 2020 cao nhất so với các nơi khác trên thế giới. Một minh chứng sống động của đức tin trong 500 năm Công Giáo trên mảnh đất này,” Đức Tổng Giám Mục Brown nói với Radio Veritas.

Theo dữ liệu do Sứ thần Tòa thánh thu thập từ Niên giám Thống kê của Giáo hội năm 2020, tức là ấn bản gần đây nhất, Phi Luật Tân đã ghi nhận 1.603.283 người được rửa tội. Đức Tổng Giám Mục Brown đã chia sẻ dữ liệu nói trên khi Giáo Hội Công Giáo tổ chức lễ Phục sinh vào ngày Chúa Nhật 17 tháng 4 năm 2022 vừa qua.

Đức Sứ thần Tòa Thánh cho biết đây là một may mắn lớn cho những người Phi Luật Tân, là những người nỗ lực chia sẻ và bày tỏ niềm tin vào các cộng đồng mà họ thuộc về bất chấp những thách thức khác nhau mà họ gặp phải trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19.

Sau Phi Luật Tân là Mễ Tây Cơ với 1.537.710; Brazil với 1.126.152 trong khi toàn Âu Châu với gần 50 quốc gia có 1.533.666 trường hợp rửa tội.

Trong thông điệp của mình tại lễ kỷ niệm 500 năm Kitô Giáo đến với Phi Luật Tân, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn người Phi Luật Tân đã trở thành 'những người truyền bá đức tin' ở nhiều nơi trên thế giới thông qua các công nhân Phi Luật Tân ở nước ngoài.

Đức Thánh Cha đã gia hạn Ơn Toàn Xá ở Phi Luật Tân cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, để mừng 500 năm đức tin Kitô.
Source:rcam.org
 
Công nghệ mới cho thấy Tấm vải liệm Turin đã 2.000 năm tuổi
Đặng Tự Do
16:04 27/04/2022


Phân tích tia X mới được cho là chính xác hơn và ít phá hủy hơn so với xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ.

Vào năm 1988, khi xác định niên đại Tấm vải liệm Turin bằng carbon phóng xạ, người ta cho rằng khăn liệm này có nguồn gốc chỉ mới cách đây khoảng 700 năm. Nói cách khác, người ta phủ nhận Tấm vải liệm Turin không phải là tấm vải liệm xác Chúa Giêsu khi tháo đinh từ thánh giá xuống.

Mặc dù nghiên cứu cho rằng tấm vải liệm không phải là xác thực, nhưng nó đã không làm mất đi niềm tin của hàng ngàn người hành hương đến Turin để tôn kính thánh tích. Giờ đây, một công nghệ xác định niên đại mới đã khẳng định tấm vải liệm này có vào thời kỳ của Chúa Kitô.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi Tiến sĩ Liberato de Caro thuộc Viện Tinh thể học của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia của Ý, ở Bari. Tiến sĩ de Caro đã sử dụng một phương pháp được gọi là “Tán xạ tia X góc rộng”, hay WAXS, phương pháp này đo độ lão hóa tự nhiên của xenluloza hạt lanh và chuyển đổi nó theo thời gian kể từ khi sản xuất.

Quy trình này có một số đặc điểm chính khiến nó trở nên đáng tin cậy hơn so với xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ, đặc biệt là nó hoàn toàn không phá hủy mẫu. Hơn nữa, kích thước của mẫu cần thiết cho WAXS nhỏ hơn nhiều, chỉ cần một phần vải với chiều rộng là 0,5mm và chiều dài 1mm là đủ.

Trong báo cáo của mình, được công bố trên trang web của Sở Khoa học Hóa học và Công nghệ Vật liệu của Ý, de Caro đã chỉ ra một vài sai sót trong việc xác định niên đại bằng phân tích Carbon-14. Ông lưu ý rằng các mẫu dệt có thể dễ dàng bị nhiễm các chất có thể làm sai lệch kết quả của nó. Ông đã viết:

“Nấm mốc và vi khuẩn, khu trú trong các sợi dệt, và bụi bẩn hoặc khoáng chất chứa cacbon, chẳng hạn như đá vôi, bám vào chúng, trong các khoảng trống giữa các sợi mà ở cấp độ vi mô chiếm khoảng 50% thể tích, có thể rất khó để loại bỏ hoàn toàn trong giai đoạn làm sạch mẫu, có thể làm sai lệch niên đại”.

De Caro lưu ý rằng vải thậm chí có thể trở nên được làm giầu bằng các mẫu Carbon-14 mới. Tại thời điểm này, sẽ trở nên khó xác định rằng liệu niên đại carbon được đo trên vải ban đầu, hay trên một lớp carbon được tích tụ theo thời gian.

De Caro giải thích rằng phương pháp WAXS đã được sử dụng trên nhiều mẫu vải dệt lịch sử được ghi nhận là có tuổi từ năm 3000 trước Chúa Giáng Sinh đến năm 2000 sau Chúa Giáng Sinh. Ông đã đặt Tấm vải liệm của Turin đối với những mẫu này và thấy rằng nó phù hợp nhất với một mảnh vải được cho là đến từ cuộc bao vây Masada, Israel, vào năm 55 đến năm 74 sau Chúa Giáng Sinh.
Source:Aleteia
 
Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô, tuổi già liên minh các thế hệ
Vũ Văn An
17:57 27/04/2022

Theo Vatican News, buổi tiếp kiến chung của Đức Phanxicô đã diễn ra sáng thứ tư, ngày 27 tháng 4 năm 2022, tại Quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Trong buối tiếp kiến này, Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về tuổi già nhấn mạnh đến vai trò trung gian các thế hệ của bà Naomi trong Sách Rút. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng và chào mừng anh chị em!

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục suy gẫm về các vị cao niên, về ông bà, về tuổi già – hạn từ có vẻ xấu xí nhưng không, người cao niên rất tuyệt, các ngài rất đẹp đẽ! Và hôm nay chúng ta sẽ để mình được gợi hứng từ cuốn sách tuyệt vời là sách Rút, một viên ngọc quý của Kinh thánh. Dụ ngôn Rút làm sáng tỏ vẻ đẹp của các mối dây nối kết gia đình: phát sinh từ mối quan hệ của một cặp vợ chồng, nhưng vượt ra khỏi mối quan hệ này. Các mối dây nối kết yêu thương có khả năng bền chặt như nhau, trong đó sự hoàn hảo của khối đa diện các tình âu yếm nền tảng vốn tạo nên ngữ pháp tình yêu gia đình được tỏa sáng. Ngữ pháp này mang lại nhựa sống và khôn ngoan có tính sinh sản cho toàn bộ các mối quan hệ vốn xây dựng nên cộng đồng. Cùng với Diễm Ca, Sách Rút giống như tấm kia trong tập sách gấp đôi nói về tình yêu phu thê. Cũng quan trọng, cũng thiết yếu như thế, nó thực sự tôn vinh sức mạnh và chất thơ hẳn có trong các mối dây nối kết thế hệ, họ hàng, sự hiến thân và lòng trung thành liên quan đến toàn bộ chòm nhóm gia đình. Và điều đó, trong những tình huống gây ấn tượng sâu sắc của cuộc sống vợ chồng, thậm chí còn trở nên có khả năng mang lại một sức mạnh không thể tưởng tượng được của tình yêu, có thể khơi lại hy vọng và tương lai.

Chúng ta biết rằng những lời sáo rỗng về các mối dây nối kết họ hàng do hôn nhân tạo ra, đặc biệt là mối dây nối kết mẹ chồng nàng dâu, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, phản bác quan điểm này. Nhưng, chính vì lý do này, lời Thiên Chúa trở nên quý giá. Niềm cảm hứng của đức tin có thể mở ra một chân trời chứng tá chống lại những định kiến thường có nhất, một chân trời quý giá cho toàn thể cộng đồng nhân loại. Tôi mời anh chị em khám phá lại sách Rút! Đặc biệt là trong việc suy niệm về tình yêu và trong việc dạy giáo lý về gia đình.

Cuốn sách ngắn này cũng chứa đựng những lời dạy có giá trị về sự liên minh của các thế hệ: trong đó tuổi trẻ bộc lộ mình có khả năng khôi phục nhiệt huyết cho tuổi trưởng thành - điều này rất chủ yếu: khi tuổi trẻ phục hồi nhiệt huyết cho người cao niên - và trong đó tuổi già khám phá ra mình có khả năng khơi lại tương lai cho tuổi trẻ bị thương tích. Ở phần đầu, bà Naomi lớn tuổi, mặc dù cảm động trước tình âu yếm của các con dâu, góa bụa bởi hai con trai, nhưng lại bi quan về số phận của họ trong một sắc dân không phải sắc dân của mình. Do đó, bà trìu mến khuyến khích các phụ nữ trẻ trở về gia đình của họ để làm lại cuộc đời, vì những góa phụ này còn trẻ. Bà nói, "Mẹ không thể làm gì cho các con". Đây rõ ràng là một hành động của tình yêu: người phụ nữ lớn tuổi, không chồng và không có con trai, nhất quyết yêu cầu các con dâu bỏ rơi bà. Tuy nhiên, đó cũng là một kiểu cam chịu: không thể có tương lai cho những góa phụ ngoại quốc, nếu không có sự che chở của người chồng. Rút biết điều này nhưng đã từ chối lời đề nghị đầy đại lượng này - cô không muốn về nhà. Mối quan hệ thiết lập giữa mẹ chồng và con dâu đã được Thiên Chúa chúc phúc: Naomi không thể yêu cầu bị bỏ rơi. Thoạt đầu, Naomi tỏ ra cam chịu hơn là vui vẻ về lời đề nghị này: có lẽ bà nghĩ rằng mối nối kết kỳ lạ này sẽ làm trầm trọng thêm rủi ro cho cả hai người. Trong một số trường hợp, cần phải chống lại xu hướng bi quan của người cao niên bằng áp lực tình cảm của người trẻ.

Thật vậy, Naomi, cảm động trước sự hiến thân của Rút, sẽ vượt qua tính bi quan và thậm chí chủ động, mở ra một tương lai mới cho Rút. Bà hướng dẫn và khuyến khích Rút, góa phụ của con trai bà, giành lấy một người chồng mới ở Israel. Bôát, ứng viên, chứng tỏ sự cao thượng của mình, bằng cách bảo vệ Rút chống những người làm việc của ông. Thật không may, đây là một rủi ro vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Cuộc hôn nhân mới của Rút được cử hành và thế giới lại được bình yên trở lại. Những người phụ nữ Israel nói với Naômi rằng Rút, một người ngoại quốc, có giá trị “hơn bảy người con trai” và cuộc hôn nhân sẽ là một “chúc phúc của Chúa”. Naomi, người đầy cay đắng và thậm chí chính bà nói rằng tên của bà là cay đắng, ở tuổi già, đã biết đến niềm vui được dự phần vào việc sinh ra thế hệ mới. Anh chị em hãy nhìn xem có biết bao nhiêu “phép lạ” đi kèm với sự hoán cải của người phụ nữ lớn tuổi này! Bà hoán cải bước vào cam kết làm mình sẵn sàng, với tình yêu thương, phục vụ tương lai của một thế hệ bị tổn thương bởi mất mát và có nguy cơ bị bỏ rơi. Các điểm cần tái tạo là những điểm mà, trên cơ sở xác suất do các định kiến thông thường vẽ ra, hẳn tạo nên những gãy đổ không thể cứu chữa. Thay vào đó, đức tin và tình yêu thương giúp họ vượt qua: bà mẹ chồng vượt qua sự ghen tương cho con trai riêng của mình, bằng cách yêu thương mối dây nối kết mới của Rút; các phụ nữ Israel vượt qua sự ngờ vực của họ đối với người nước ngoài (và nếu các phụ nữ này làm được điều đó, thì mọi người cũng làm được); tính dễ bị tổn thương của cô gái đơn độc, đối đầu với quyền lực nam giới, được hòa giải bằng một mối dây nối kết yêu thương và tôn trọng.

Và tất cả những điều này là nhờ người trẻ Rút cương quyết giữ vững lòng trung thành của mình đối với mối dây nối kết lúc đó đang bị phơi bày cho định kiến sắc tộc và tôn giáo. Và tôi xin quay lại những gì tôi đã nói lúc đầu -ngày nay mẹ chồng là một nhân vật thần thoại: Tôi không muốn nói chúng ta nghĩ về bà mẹ chồng như quỷ dữ nhưng bà luôn bị coi là một nhân vật khó ưa. Nhưng mẹ chồng là mẹ của chồng chị em, bà là mẹ của vợ anh em. Hôm nay chúng ta hãy nghĩ về tâm tư khá phổ biến này rằng mẹ chồng mẹ vợ càng xa càng tốt. Không! Bà là một bà mẹ, bà đã lớn tuổi. Một trong những điều đẹp nhất của những người bà là nhìn thấy những đứa cháu - khi con cái của họ có những đứa con của mình, họ sống lại. Anh chị em hãy xem xét kỹ mối quan hệ của anh chị em với mẹ chồng hoặc mẹ vợ: đôi khi họ hơi đặc biệt, nhưng họ đã là mẹ của vợ chồng anh chị em, họ đã cho anh chị em tất cả. Ít ra chúng ta cũng nên làm cho họ hạnh phúc, để họ vui vẻ bước vào tuổi già. Và nếu họ có một số lỗi lầm, chúng ta nên giúp họ sửa chữa nó. Và với các bà, thưa các bà mẹ chồng mẹ vợ, tôi xin thưa: các bà hãy cẩn thận với miệng lưỡi của mình, vì lạm dụng nó là một trong những tội lỗi nặng nhất của các bà mẹ chồng mẹ vợ. Các bà hãy hãy cẩn thận.

Và Rút, trong cuốn sách này, chấp nhận mẹ chồng của mình và làm cho bà ấy sống lại, và Naomi lớn tuổi đã chủ động mở lại tương lai cho Rút, thay vì hạn chế bản thân để được hưởng sự hỗ trợ của nàng. Nếu người trẻ mở lòng biết ơn đối với những gì họ đã nhận được và người cao niên chủ động bắt đầu lại tương lai cho họ, thì không có gì có thể ngăn cản được sự nở rộ của các phước lành của Thiên Chúa giữa các dân tộc! Anh chị em đừng quên, người trẻ có thể nói chuyện với ông bà của họ, mong sao người trẻ nói chuyện với người già, mong sao người già nói chuyện với người trẻ. Cây cầu này phải được xây dựng lại một cách vững chắc - ở đó có cả một thủy triều cứu rỗi, hạnh phúc. Cầu xin Chúa giúp chúng ta biết làm điều này, để lớn lên trong sự hòa thuận của các gia đình, sự hòa thuận mang tính xây dựng từ người già nhất đến người trẻ nhất, một cây cầu đẹp đẽ mà chúng ta phải bảo vệ và gìn giữ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tĩnh huấn Liên Dòng Nữ Tu VN tại Hoa Kỳ
Thái Phạm
16:15 27/04/2022
 
VietCatholic TV
Đòn trí mạng cho Putin: Kho đạn Nga ở Belgorod nổ tung. London ủng hộ Ukraine đánh chặn từ đất Nga
VietCatholic Media
03:21 27/04/2022


1. Kho đạn Nga tại Belgorod bị nổ tung. Anh quốc ủng hộ cảm tử quân Ukraine đánh chặn trên đất Nga

Theo Reuters, các quan chức địa phương cho biết một loạt vụ nổ đã được nghe thấy ở thành phố Belgorod của Nga gần biên giới Ukraine trong khi một kho đạn dược cũng được báo cáo là đang bốc cháy.

Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết một kho đạn trong tỉnh đã bốc cháy vào đầu giờ ngày thứ Tư. Ông ta thức giấc khi nghe “một âm thanh lớn như một vụ nổ” vào khoảng 3:35 sáng thứ Tư theo giờ địa phương, tức là 8:35 sáng thứ Tư theo giờ Việt Nam.

Ông nói thêm: “Cho đến nay, chưa một đơn vị trực thuộc nào của thành phố và khu vực tìm ra nguyên nhân của âm thanh này”.

Các vụ nổ được cho là phát ra từ gần làng Staraya Nelidovka, nằm bên trong lãnh thổ Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 40 km.

“Theo thông tin sơ bộ, một kho đạn đang bốc cháy. Không có phá hủy các công trình dân cư, nhà ở. Không có thương vong trong dân thường,”Gladkov nói.

Tỉnh Belgorod giáp với các khu vực Luhansk, Sumy và Kharkiv của Ukraine, tất cả đều là những địa phương đã chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hai tháng trước. Kho đạn này bị nổ tung ảnh hưởng mạnh đến cuộc chiến tại Ukraine.

Cho đến nay, Ukraine rất dè dặt không bao giờ xác nhận các vụ cháy, nổ bên trong lãnh thổ Nga là do mình gây ra.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Anh là James Heappey nói rằng việc Kyiv tấn công vào các mục tiêu ở Nga để ngăn chặn các cuộc tấn công là 'hoàn toàn hợp pháp'. Ông cũng nói rằng “không thành vấn đề” nếu Ukraine sử dụng vũ khí do Anh viện trợ trong các cuộc tấn công phủ đầu như thế.

Mạc Tư Khoa đã bày tỏ phản ứng tức giận đối với Thứ trưởng James Heappey và nói rằng nếu Anh cứ tiếp tục xúi giục, và giúp đỡ Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga thì ngay lập tức sẽ có một “phản ứng tương xứng”.

Đáp lại những răn đe này, Ông Heappey nói với Times Radio: “Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và đang sống hòa bình trong biên giới chủ quyền của mình và sau rồi một quốc gia khác quyết định vi phạm những biên giới đó và đưa 130.000 quân vào đất nước của họ”.

“Điều đó đã bắt đầu một cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga, và trong chiến tranh, Ukraine cần phải tấn công vào sâu trong đất đối phương để phá hủy các tuyến hậu cần, các nguồn cung cấp nhiên liệu, các kho đạn của họ, và đó là một phần của chiến tranh.”

Ông nói thêm rằng việc Ukraine nhắm mục tiêu vào sâu trong đất của Nga là hoàn toàn hợp pháp để làm gián đoạn hệ thống hậu cần mà nếu chúng không bị gián đoạn sẽ trực tiếp dẫn đến tử vong và tàn sát trên đất Ukraine.

2. Tòa Bạch Ốc cho biết Mỹ có thể sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Trong cuộc họp báo vào hôm thứ Hai 25 tháng Tư, Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, Jen Psaki, cho biết Hoa Kỳ sẽ đưa ra một danh sách mới trong đó có thêm rất nhiều các nhân vật người Nga bị áp đặt lệnh trừng phạt.

Một báo cáo gần đây của Wall Street Journal đã cho rằng Hoa Kỳ đã không dám trừng phạt vợ bé của Putin, là Alina Kabaeva, có 3 đứa con với Putin để tránh chọc giận Tổng thống Nga.

Khi được hỏi về điều này, Jen Psaki trả lời: “Không ai được an toàn trước các lệnh trừng phạt của chúng tôi.”

Quốc hội Ukraine đã tăng cường kêu gọi phương Tây theo đuổi các hành động chống lại bà Kabaeva vì họ tin rằng người đàn bà 38 tuổi này được Putin giao cho nhiệm vụ gìn giữ các tài sản của ông ta trong các trương mục ở nước ngoài.

Nhà lãnh đạo đối lập người Nga, đang bị bỏ tù, là ông Alexei Navalny, đã gọi Putin là tên hoang dâm vô độ, săn lùng gái đẹp, và sử dụng những người đàn bà đó để che giấu tài sản cá nhân cướp được của người Nga.

Bà Kabaeva, 38 tuổi, cựu vận động viên thể dục nhịp điệu vô địch Olympic, nổi tiếng trong môn thể thao này nhờ sự dẻo dai cực độ, và cũng khét tiếng vì một vụ tai tiếng quốc tế khi sử dụng chất kích thích khi thi đấu

3. Thụy Điển và Phần Lan đồng loạt nộp đơn xin vào NATO

Các phương tiện truyền thông Bắc Âu đưa tin, Thụy Điển và Phần Lan đã đồng ý nộp đơn gia nhập liên minh Nato do Mỹ dẫn đầu.

Nhật báo Phần Lan Iltalehti hôm thứ Hai cho biết Stockholm đã “đề nghị hai nước bày tỏ sự sẵn sàng tham gia” vào cùng ngày và rằng Helsinki đã đồng ý “miễn là chính phủ Thụy Điển đưa ra quyết định của mình”.

Tờ Expressen của Thụy Điển trích dẫn các nguồn tin chính phủ xác nhận báo cáo này. Thủ tướng của hai nước trong tháng này cho biết họ đang cân nhắc câu hỏi, cho rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thay đổi “toàn bộ bối cảnh an ninh” và “tư duy định hình đáng kể” của Âu Châu trong khu vực Bắc Âu.

Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, sau đó nói rằng đất nước của cô, có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, sẽ quyết định có nộp đơn gia nhập liên minh hay không “khá nhanh, trong vài tuần chứ không phải vài tháng”, bất chấp nguy cơ gây phẫn nộ Matxcova.

Thủ tướng Thụy Điển, Magdalena Andersson, cho biết Thụy Điển phải “chuẩn bị cho mọi hành động từ Nga” và “mọi thứ đã thay đổi” khi Mạc Tư Khoa tấn công Ukraine. Nga đã nhiều lần cảnh báo cả hai nước nhằm chống lại động thái này.

Điện Cẩm Linh cho biết họ sẽ buộc phải “khôi phục cân bằng quân sự” bằng cách tăng cường phòng thủ ở Baltic, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân, nếu hai nước quyết định từ bỏ chính sách không liên kết quân sự kéo dài hàng thập kỷ qua, bằng cách gia nhập NATO.

4. Ba tàu chiến của NATO đã được đưa ngay đến cảng Turku ở phía tây nam Phần Lan

Lực lượng phòng vệ Phần Lan cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai 25 tháng Tư rằng, tàu phá thủy lôi Latvia LVNS Virsaitis và tàu phá thủy lôi Estonia ENS Sakala và Khu Trục Hạm Schiedam của Hà Lan sẽ tập trận chung với hai tầu từ hạm đội ven biển của Phần Lan.

Tuyên bố cho biết: “Cuộc tập trận kéo dài hai ngày sẽ chuẩn bị cho các tàu Phần Lan tham gia lực lượng ứng phó của NATO và tập trung vào các biện pháp đối phó với mìn và làm việc trong khuôn khổ đa quốc gia”.

Diễn biến này xảy ra sau khi Helsinki nộp đơn gia nhập liên minh quân sự trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với nước láng giềng Nga.

5. Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã trục xuất 40 nhân viên ngoại giao Đức

Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã trục xuất 40 nhân viên ngoại giao Đức trong một động thái trả đũa sau khi Berlin trục xuất một số nhà ngoại giao Nga.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã đưa ra quyết định sau khi Đức tuyên bố “một số lượng đáng kể” các quan chức tại Đại sứ quán Nga ở Berlin là những người “không mong muốn” vào ngày 4 tháng 4.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Annalena Baerbock, cho biết việc trục xuất các nhà ngoại giao Đức khỏi Nga là “không chính đáng”.

Cô nói: “Bất chấp hoàn cảnh ngày càng bất lợi, các đồng nghiệp của chúng tôi đã làm việc tại Nga với sự cởi mở, quan tâm trung thực và cam kết tuyệt vời. Do đó, Nga đang tự gây tổn hại cho chính mình.”

Ngược lại, các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất ở Berlin “không dành một ngày để phục vụ ngoại giao”, bà nói:

“Công việc của họ đe dọa tất cả những ai tìm kiếm nơi trú ẩn với chúng tôi - chúng tôi không thể chịu đựng được điều này nữa.”

Hôm 12 tháng Tư, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, cho biết 40 nhân viên đại sứ quán Nga phải ra đi. Các nguồn tin tình báo cho biết các nhà ngoại giao này được coi là mối đe dọa trực tiếp đối với những người Ukraine sống ở Đức.

Việc trục xuất ban đầu được mô tả là một phản ứng tức giận đối với vụ sát hại thường dân ở thị trấn Bucha, phía bắc Kiev, mà chính phủ Đức đã coi là tội ác chiến tranh. Các quan chức Ukraine cho biết thi thể của 410 dân thường đã được vớt từ các thị trấn ở khu vực Kiev khi quân đội Nga rút đi. Tuy nhiên, sau đó chính phủ Đức nói thẳng thắn rằng quyết định trục xuất đã được đưa ra vì các viên chức Nga này làm gián điệp trên đất Đức.

Baerbock nói: “Chính phủ hôm nay đã quyết định tuyên bố trục xuất một số lượng đáng kể những người có quan hệ với đại sứ quán Nga, những người đang làm việc ở Đức hàng ngày chống lại quyền tự do của chúng ta, chống lại sự gắn kết của xã hội chúng ta.”

Trước thông báo của bà, Andreas Michaelis, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, đã triệu tập Đại sứ Nga, Sergei Nechaev, để thông báo với ông ta rằng những người được nêu tên có 5 ngày để thu dọn tài sản và rời khỏi Đức.

Các nguồn tin tình báo Đức đã thông báo với truyền thông Đức rằng những người sắp bị trục xuất bao gồm những người “gây ra mối đe dọa cụ thể” cho các nhà hoạt động Ukraine có trụ sở tại Đức, cũng như khoảng 307,000 người tị nạn Ukraine đã đến kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Các nguồn tin tình báo cho biết họ tin rằng có khoảng 2,000 người bị tình nghi là gián điệp Nga đang hoạt động ở Đức.

6. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine sau khi thắng cử

Theo Reuters, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí trong một cuộc điện đàm hôm nay phải “nhanh chóng” có các cuộc thảo luận chi tiết hơn về một số vấn đề toàn cầu, đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, Jen Psaki, nói: “Tổng thống Biden bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Macron về các ưu tiên chung toàn cầu của chúng tôi”.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã chúc mừng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử và đánh bại nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử hôm Chúa Nhật.

Chiến thắng của Macron đã khiến các đồng minh nhẹ nhõm vì họ mừng rằng, giữa lúc cuộc chiến ở Ukraine đang hết sức căng thẳng, sức mạnh vũ trang hạt nhân sẽ không đột ngột chuyển hướng khỏi các nỗ lực của Liên minh Âu Châu và NATO nhằm trừng phạt và kiềm chế chủ nghĩa bành trướng quân sự của Nga.

Nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 5 năm đối với vị tổng thống mới 44 tuổi đã giúp Pháp và Âu Châu thoát khỏi cơn địa chấn gây ra bởi nhà dân túy Le Pen.

Tuy nhiên, Le Pen đã ghi nhận số phiếu cao nhất của cô ta, và sau kết quả, Macron đã cam kết thống nhất đất nước vốn đang “chứa đựng quá nhiều nghi ngờ, quá nhiều chia rẽ”.

Phản ứng trước kết quả cuộc bầu cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói:

“Pháp là đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi và là đối tác quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Tôi mong muốn chúng ta tiếp tục hợp tác chặt chẽ - bao gồm hỗ trợ Ukraine, bảo vệ nền dân chủ và chống biến đổi khí hậu.”

7. Ukraine cáo buộc Nga dàn dựng vụ tấn công một tòa nhà chính phủ ở vùng ly khai Transnistria của Moldova

Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là SBU, bác bỏ cáo buộc của các phương tiện truyền thông Nga cho rằng quân Ukraine dính líu vào vụ bắn lựu đạn vào một tòa nhà chính phủ ở vùng ly khai Transnistria của Moldova.

Các phương tiện truyền thông Nga loan tin hôm thứ Hai một tòa nhà chính phủ ở khu vực ly khai Transnistria của Moldova đã bị tấn công bằng súng phóng lựu.

Theo các quan chức Transnistria, một tòa nhà thuộc Bộ an ninh nhà nước đã bị tấn công ở thủ đô Tiraspol của khu vực vào tối thứ Hai, không có báo cáo ngay lập tức về thương tích.

Một số hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy khói bốc ra từ các cửa sổ vỡ toang của tòa nhà chính phủ.

Nếu được xác nhận là có liên quan đến chiến tranh, đây sẽ là cuộc xung đột đầu tiên lan sang một quốc gia Âu Châu khác.

SBU nói rằng trong các ngày trước đó tòa nhà này đã được di tản. Họ cho rằng chính quân Transnistria gây ra vụ này để có cớ cho một sự can thiệp trực tiếp từ Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Sáu, tướng Nga Rustam Minnekayev cho biết mục tiêu của cuộc tấn công mới của Nga là giành quyền kiểm soát miền nam Ukraine và tiếp cận Transnistria nằm ở biên giới phía nam Ukraine.

Trong khi các chuyên gia quân sự cho rằng không có khả năng lực lượng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công vào biên giới với Moldova vào lúc này, tuy nhiên, các tuyên bố này đã làm dấy lên lo ngại ở Moldova về ý định của Nga đối với quốc gia Đông Âu nhỏ bé nghèo khó này.

Transnistria, là một quốc gia ly khai không được quốc tế công nhận, là một phần của Moldova. Transnistria chủ yếu nằm ở phần lớn dải đất hẹp giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine. Thủ đô và thành phố lớn nhất của nó là Tiraspol. Transnistria chỉ được công nhận bởi ba quốc gia ly khai khác là Abkhazia, Artsakh và Nam Ossetia.

Đám con cháu người Nga ở Transnistria đã nổi lên chống lại chính quyền Moldova vào tháng 3 năm 1992 và kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn vào tháng 7 năm đó. 1.500 quân Nga vẫn đang đồn trú trong vùng này là mối đe dọa cho Moldova.
 
Mariupol là thảm họa nhân đạo lớn nhất thế kỷ. Câu chuyện thương tâm của một cô gái ở Bucha
VietCatholic Media
05:04 27/04/2022


1. Đức Thánh Cha chia buồn về sự qua đi của Đức Hồng Y Javier Lozano

Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn về việc Đức Hồng Y Javier Lozano, người Mêhicô, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Mục vụ các nhân viên y tế, mới qua đời hôm 20 tháng Tư vừa qua, hưởng thọ 89 tuổi.

Trong điện văn gửi đến Đức Cha Javier Navarro Rodriguez, Giám mục Zamora, là giáo phận nguyên quán của Đức Hồng Y Lozano, Đức Thánh Cha viết: “Khi hay tin qua đời của Đức Hồng Y Javier Lozano Barragán, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Mục vụ các nhân viên y tế, tôi gửi lời chia buồn đến Đức Cha, hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân giáo phận Zamora và thân nhân của Đức Hồng Y quá cố, cũng như Giáo hội tại Mêhicô và Tổng giáo phận Zacatecas, nơi Đức cố Hồng Y đã phục vụ như mục tử.

Đồng thời tôi nhớ lại gương xả thân của Đức Cố Hồng Y, là người bạn của tôi từ năm 1980 và những năm Đức Hồng Y trung thành hiến thân phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội hoàn vũ, và tôi dâng lời khẩn nguyện ơn an nghỉ đời đời cho linh hồn Đức Cố Hồng Y. Xin Chúa Giêsu ban triều thiên vinh hiển vĩnh cửu cho Người. Và như dấu chỉ niềm hy vọng Kitô nơi Chúa Phục Sinh, tôi ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người hiện diện tại lễ an táng Đức Cố Hồng Y.

2. Thủ tướng Ukraine: Mariupol là “thảm họa nhân đạo lớn nhất” thế kỷ

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal gọi tình hình ở Mariupol là “thảm họa nhân đạo lớn nhất” kể từ khi Nga xâm lược - và có lẽ là thảm họa tồi tệ nhất thế kỷ, khi thành phố cảng phía đông nam này phải đối mặt với các đợt bắn phá liên tục từ lực lượng Nga.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington hôm thứ Sáu, Thủ tướng Shmyhal cho biết hàng nghìn người đã chết ở Mariupol, đồng thời nói thêm: “Chúng ta sẽ chứng kiến những hành động tàn bạo khủng khiếp khi nó được giải phóng khỏi người Nga”.

Ông cho biết quân đội Nga đang “phá hủy hoàn toàn mọi thứ”, bao gồm cả các hầm trú ẩn nơi thường dân đang ở.

Ước tính có khoảng 120.000 người vẫn bị mắc kẹt ở Mariupol kể từ khi thành phố bị lực lượng Nga bao vây vào ngày 1 tháng 3, theo các quan chức Ukraine. Các quan chức Ukraine tuyên bố rằng hơn 20.000 người trong thành phố đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.

Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Shmyhal cho biết dân thường bao gồm cả phụ nữ và trẻ em đang ẩn náu tại nhà máy thép Azovstal, pháo đài cuối cùng của quân trú phòng Ukraine bên trong thành phố. Ông cho biết quân đội Nga vẫn đang bao vây khu vực này, và Ukraine đang trao đổi với các đối tác để đàm phán về một hành lang di tản.

Ông cũng kêu gọi đại sứ từ tất cả các quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, quay trở lại đại sứ quán của họ ở Kyiv.


Source:CNN

3. Các nhóm nhân quyền cáo buộc quân đội Nga đang sử dụng hành vi cưỡng hiếp làm “công cụ chiến tranh” ở Ukraine

Khi quân đội Nga xâm lược Ukraine và bắt đầu tấn công vào vùng ngoại ô Kyiv, Andrii Dereko đã cầu xin cô con gái với người vợ trước, năm nay 22 tuổi của mình, là Karina Yershova hãy rời khỏi vùng ngoại ô nơi cô sống.

Nhưng Yershova khăng khăng rằng cô muốn ở lại Bucha và nói với anh: “Ba đừng nói những điều vô nghĩa, mọi thứ sẽ ổn thôi - sẽ không có chiến tranh”.

Với những hình xăm và mái tóc dài màu nâu, Yershova nổi bật trong đám đông, cha cô cho biết thêm rằng mặc dù phải sống với bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng cô có một tinh thần độc lập mãnh liệt: “Chính con tôi đã quyết định cách sống của mình”.

Yershova làm việc tại một nhà hàng sushi ở Bucha và hy vọng sẽ kiếm được bằng đại học trong tương lai.

Khi binh lính Nga bao vây Bucha vào đầu tháng 3, Yershova trốn trong một căn hộ với hai người bạn khác. Vào một trong những lần cuối cùng Dereko và vợ anh, Olena, nghe tin từ Yershova, cô nói với họ rằng cô đã rời chỗ núp để đi mua đồ ăn từ một siêu thị gần đó.

Ông nói: “Chúng tôi không nghĩ rằng người Nga có thể khốn nạn đến mức bắn vào thường dân vô tội. Tất cả chúng tôi đều hy vọng rằng ít nhất họ sẽ không tấn công phụ nữ và trẻ em - nhưng điều ngược lại đã xảy ra.”

Khi nhiều tuần trôi qua mà không có một lời nào từ Yershova, gia đình trở nên tuyệt vọng. Mẹ cô đã để lại lời nhắn trên Facebook cầu xin bất cứ ai biết chuyện gì đã xảy ra với cô hãy liên lạc với bà.

Bà được bạn bè cho biết rằng người ta vừa tìm được xác một người phụ nữ đã chết với những hình xăm tương tự như của Yershova - trong đó có một bông hồng trên cổ tay - đã được đăng trên một nhóm Telegram do một thám tử ở Bucha thành lập. Thám tử này đang cố gắng xác định hàng trăm thi thể được tìm thấy trong thị trấn sau khi quân đội Nga rút khỏi khu vực này hai tuần trước.

Dereko nói rằng những hình ảnh đó là con gái riêng của ông. Cảnh sát nói với gia đình rằng cô đã bị giết bởi lính Nga.

Cảnh sát cho biết cô đã bị cưỡng hiếp trước khi bị giết.

Các quan chức Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã lạm dụng tình dục phụ nữ, và trẻ em kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, sử dụng cưỡng hiếp và các tội phạm tình dục khác làm vũ khí chiến tranh.

Các nhóm nhân quyền và các nhà tâm lý học Ukraine cho biết họ đã làm việc liên tục để giải quyết ngày càng nhiều các vụ lạm dụng tình dục được cho là liên quan đến binh sĩ Nga.

Nhiều phụ nữ sống sót cho biết họ đã bị hãm hiếp nhiều lần bởi quân xâm lược Nga chỉ đáng tuổi con của họ. Một người phụ nữ nói: “Nhóm lính Nga chỉ bằng tuổi con của tôi xông vào nhà tôi và hỏi chồng tôi ‘Phụ nữ dành cho chúng tôi ở đâu?’ Họ bắn chết chồng bà khi ông tỏ ý kháng cự. Sau đó, chúng thay nhau hãm hiếp bà trong nhiều ngày.”

https://edition.cnn.com/europe/live-news/russia-ukraine-war-news-04-22-22/index.html
 
Ukraine pháo trúng sở chỉ huy Nga. Moscow báo động khẩn sau vụ nổ 3 thành phố. Ba Lan bắt gián điệp
VietCatholic Media
15:11 27/04/2022


1. Các vụ nổ được báo cáo ở 3 khu vực của Nga giáp Ukraine

Các nhà chức trách địa phương, và các phương tiện truyền thông nhà nước Nga, đã đưa tin về các vụ nổ vào sáng sớm thứ Tư, tại ba khu vực của Nga giáp với Ukraine.

Thứ nhất là vụ cháy kho đạn ở Belgorod: Vụ nổ đã xảy ra sau vụ cháy kho đạn ở làng Staraya Nelidovka, cách biên giới Ukraine khoảng 16 km về phía bắc, thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết trên Telegram hôm thứ Tư. Ông nói thêm rằng “không có thương vong trong số dân thường.”

Thứ hai là các vụ nổ ở Kursk: Tại khu vực Kursk, người dân “nghe thấy tiếng nổ”, vào khoảng 2:45 sáng theo giờ địa phương. Thống đốc, Roman Starovoyt, cho biết các chi tiết xung quanh các vụ nổ vẫn đang “được làm rõ”, nhưng nói rằng, không có thương vong hoặc thiệt hại nhân mạng.

Theo Starovoyt, Các vụ nổ ở Kursk xảy ra chỉ hai ngày, sau khi hai máy bay không người lái của Ukraine bị các đội phòng không Nga bắn hạ ở làng Borovskoye trong khu vực.

Thứ ba là tiếng nổ lúc bình minh ở Voronezh: Hai tiếng nổ lớn đã được người dân ở khu phố Shilovo của thành phố Voronezh của Nga nghe thấy lúc 4:40 sáng, theo hãng truyền thông nhà nước Nga TASS, dẫn nguồn từ nhà chức trách.

“Một đội phòng vệ dân sự và ứng phó khẩn cấp và một đội của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, hiện đang ở nơi xảy ra vụ việc. Một quan chức của Ủy ban điều tra sắp đến”, một quan chức dân phòng và khẩn cấp của quận nói với TASS.

Voronezh nằm cách biên giới Ukraine khoảng 320 km và là một trung tâm giao thông và quân sự chính.

Các quan chức Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới, vào các kho nhiên liệu và cơ sở quân sự. Những tuyên bố này đã bị các cơ quan chính phủ Ukraine bác bỏ, cho là nhằm khơi dậy “tình cảm chống Ukraine”.

CNN không thể xác nhận độc lập rằng không có thiệt hại nào đối với các tòa nhà dân cư hoặc không có thương vong dân sự sau vụ nổ hôm thứ Tư.

2. Vùng Belgorod của Nga nâng mức độ cảnh báo khủng bố lên cao nhất sau vụ nổ kho đạn

Khu vực Belgorod, sát biên giới với Ukraine, đang mở rộng tình trạng an ninh ở mức độ cao nhất cho đến ngày 10 tháng 5, theo một thông báo được công bố trên trang web của chính quyền địa phương.

Tình trạng an ninh màu vàng - đã được áp dụng kể từ ngày 10 tháng 4 - là mức cảnh báo cao thứ hai, vì theo các nhà chức trách Nga, đã có thông tin đầy đủ cho thấy khả năng thực sự của một hành động khủng bố từ phía Ukraine.

Chính quyền khu vực đang yêu cầu công dân trong khu vực không tham gia các cuộc tụ tập đông người và phải mang theo giấy tờ tùy thân khi ra ngoài. Lệnh cấm đốt pháo cũng được ban bố.

Việc nâng cấp mức độ cảnh báo đã xảy ra sau khi một đám cháy bùng phát hôm thứ Tư tại một kho đạn ở làng Staraya Nelidovka, cách thành phố Belgorod khoảng 10 dặm về phía nam. Không rõ ngọn lửa đó bắt đầu như thế nào, nhưng một số cơ sở quân sự trong khu vực đã bốc cháy hoặc phát nổ kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.

Nga cáo buộc Ukraine phải chịu trách nhiệm về một số vụ cháy và nổ trong ngày thứ Tư và trong quá khứ tại các cơ sở quân sự của Nga.

3. Lực lượng vũ trang Ukraine tấn công các vị trí của Nga trên đảo Zmiiny, đánh vào sở chỉ huy

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết, Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công vào các vị trí của đối phương trên đảo Zmiiny, đánh trúng một sở chỉ huy, và phá hủy hệ thống hỏa tiễn đất đối không Strela-10.

“Trong ngày 27 tháng Tư, quân đội của chúng ta vẫn tiếp tục chiến đấu trên biên giới đã tái chiếm được. Kẻ thù cố gắng tiến về vùng Mykolayiv, gần các làng Tavriyske, và Nova Zoria, nhưng không thành công, bị tổn thất đáng kể và phải rút lui.”

“Trong vùng tác chiến Biển Đen, lực lượng của Ukraine đã gây thiệt hại cho các vị trí của quân Nga trên đảo Zmiiny. Một đài chỉ huy bị bắn trúng, và hệ thống tên lửa đất đối không Strela-10 bị phá hủy. Tổn thất của quân Nga đang được làm rõ”

“Trong khi đó, hạm đội đối phương đã được định dạng lại và nhỏ hơn”.

“Tổn thất của quân Nga trong ngày qua tổng cộng là 16 quân nhân, 1 xe tăng và 4 xe, trong đó có 2 xe thiết giáp.”

Theo ghi nhận, ba tên lửa hành trình đã được bắn vào khu vực Odessa hôm thứ Ba, đánh trúng cây cầu bắc qua Cửa sông Dniester. Không có thương vong được báo cáo. Giao thông bị hạn chế một phần. Công việc trùng tu đang được tiến hành.

4. Ba Lan bắt gián điệp Nga và Belarus

Chính phủ Ba Lan đã đưa ra một tuyên bố, theo đó, họ đã bắt giữ “một công dân của Liên bang Nga, và một công dân của Belarus tham gia vào các hoạt động gián điệp ở Ba Lan” và một tòa án đã “ra lệnh tạm giam họ trong ba tháng”.

Tuyên bố nói:

Những người đàn ông bị bắt giữ vào ngày 21 và 22 tháng 4, đã bị nghi ngờ hoạt động gián điệp cho cơ quan mật vụ Nga. Tài liệu do cơ quan phản gián quân đội, gọi tắt là SKW, thu thập, chỉ ra rằng một người Nga, và một người Belarus, hoạt động cho tình báo Nga chống lại Ba Lan, đã thực hiện việc do thám các hoạt động của Lực lượng vũ trang Ba Lan, bao gồm cả sự hiện diện của quân đội ở khu vực biên giới Ba Lan và Belarus.

5. Tổng thống Zelensky: Nga đang cố gắng gây mất ổn định khu vực thông qua việc chiếm đóng khu vực ly khai ở Moldova

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đang cố gắng gây bất ổn khu vực thông qua hoạt động quân sự tại khu vực ly khai Transnistria của Moldova.

“Đây chỉ là một trong những bước đi của liên bang Nga. Điều này đang xảy ra để gây mất ổn định khu vực và đe dọa Moldova”, Zelensky nói khi được một nhà báo hỏi trong cuộc họp báo chung ở Kyiv với Tổng giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử thế giới Rafael Mariano Grossi.

Ông nói: “Điều này nhằm cảnh cáo Moldova không được ủng hộ Ukraine.”

Trong những ngày gần đây, Ukraine đã cáo buộc quân đội Nga bắn tên lửa, và tiến hành các hoạt động ở Transnistria.

Khi được hỏi về số lượng quân Nga hiện diện tại Transnistria, tổng thống Zelensky cho biết các lực lượng vũ trang Ukraine đang “chuẩn bị sẵn sàng và không sợ hãi” để đối phó với một mặt trận mới trong cuộc xâm lược quân sự.

“Liên quan đến một số quân nhân Nga thường xuyên hiện diện trên lãnh thổ Transnistria bị chiếm đóng tạm thời - điều này đã xảy ra trong nhiều, nhiều năm. Chúng tôi biết họ đang trong tình trạng báo động, chỉ chờ lệnh, “ tổng thống Zelensky nói.

6. Đức đã đồng ý gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Đây là lý do tại sao điều đó lại quan trọng

Bộ Quốc phòng Đức thông báo hôm thứ Ba đã đồng ý giao xe tăng phòng không cho Ukraine. Đây là một động thái nhấn mạnh sự thay đổi lớn trong chính sách của nước này, trong việc cung cấp trợ giúp quân sự cho Ukraine.

Cam kết chuyển giao hệ thống phòng không Gepard đã được Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht công bố, trong cuộc họp của các quan chức quốc phòng quốc tế tại căn cứ Không quân Hoa Kỳ Ramstein ở Đức.

“Chúng tôi đã quyết định ngày hôm qua rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine với các hệ thống phòng không... đó chính là những gì Ukraine cần hiện nay để bảo đảm không phận từ mặt đất,” Lambrecht nói trong cuộc họp.

Đây là lần đầu tiên Đức đồng ý cung cấp loại vũ khí hạng nặng này cho Ukraine để chống lại cuộc xâm lược của Nga. Các hệ thống Gepard đã bị loại bỏ dần ở Đức vào năm 2010.

Ban đầu, Đức phản đối các lời kêu gọi cung cấp vũ khí cho Kyiv, chỉ đồng ý cung cấp trợ giúp nhân đạo và thiết bị y tế. Cách tiếp cận đó phù hợp với chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Đức là không cung cấp vũ khí sát thương cho các vùng có chiến sự.

Chỉ vài tháng trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine, chính phủ mới của Đức khi đó đã đồng ý đưa chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí vào thỏa thuận liên minh của mình.

Nhưng đối mặt với áp lực từ các đồng minh và công chúng Đức, chính phủ buộc phải thay đổi các quy tắc. Vào cuối tháng 2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ bắt đầu chuyển giao một số vũ khí cho Ukraine, mặc dù tại thời điểm đó, ông khăng khăng gọi chúng là “phòng thủ”.

Ông cũng tuyên bố Đức sẽ bắt đầu bơm thêm tiền vào các lực lượng vũ trang của mình.

Khoản đầu tư đầu tiên như vậy đã được xác nhận công khai vào tháng trước khi Đức tuyên bố sẽ mua 35 máy bay chiến đấu F-35A do Mỹ sản xuất.

7. Video máy bay không người lái mới cho thấy các phương tiện quân sự và lực lượng của Nga trên đường phố Bucha rải rác các thi thể dân sự

Bất chấp việc Nga liên tục phủ nhận trách nhiệm cho bất kỳ cuộc tàn sát nào ở Bucha, một vùng ngoại ô bên ngoài Kyiv, các phương tiện quân sự và lực lượng của Nga đã được nhìn thấy trên đường phố Bucha gần các thi thể dân sự, video máy bay không người lái mới được cung cấp cho CNN đã cho thấy điều đó.

CNN đã xác định vị trí địa lý và xác nhận tính xác thực của video, được quay bởi một máy bay không người lái vào ngày 12 và 13 tháng 3. CNN không nêu tên cá nhân quay video vì lo ngại về sự an toàn của họ.

Một phương tiện quân sự của Nga được nhìn thấy đang đậu tại một ngã tư trong đoạn video từ ngày 13 tháng 3. CNN đã xác định được ba vật thể trong video - ngay phía dưới đường từ chiếc xe quân sự - chính là những thi thể được nhìn thấy trong video từ ngày 1 tháng 4 và vệ tinh hình ảnh do Maxar Technologies chụp ngày 18/3.

Video bổ sung từ máy bay không người lái từ ngày 13 tháng 3 cho thấy một phương tiện quân sự khác của Nga đang di chuyển xa hơn trên đường phố, theo hướng của các thi thể.

Trong đoạn video ngày 12 tháng 3, một số binh sĩ Nga được nhìn thấy xung quanh một chiếc xe quân sự đậu bên ngoài một ngôi nhà, chỉ cách các thi thể trên đường phố vài mét. Không rõ họ đang làm gì ở ngôi nhà.

CNN đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi ngay lập tức.

Các quan chức Nga – bao gồm người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin Dmitry Peskov và Ngoại trưởng Sergey Lavrov - đã nhiều lần tuyên bố rằng các video và hình ảnh vệ tinh cho thấy các thi thể ở Bucha là giả.

Đoạn video bằng máy bay không người lái này là bằng chứng đầu tiên xuất hiện từ Bucha cho thấy các phương tiện và quân đội Nga hoạt động trên đường phố, nơi các thi thể được lực lượng Ukraine tìm thấy khi họ tái chiếm thị trấn vào ngày 1 tháng 4.

Những hình ảnh xuất hiện từ Bucha sau khi lực lượng Nga rút lui đã thu hút sự phẫn nộ lớn từ cộng đồng quốc tế. Nó cũng khiến một số nhà lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, gọi những hành động tàn bạo diễn ra ở Bucha là tội ác chiến tranh.

8. Bộ năng lượng Bulgaria cho biết Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria bắt đầu từ thứ Tư

Trong một tuyên bố được đưa ra vào hôm thứ Tư, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Bulgaria Alexander Nikolov cho biết, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom đã nói với công ty khí đốt nhà nước Bulgargaz của Bulgaria rằng họ đã ngừng cung cấp khí đốt bắt đầu từ thứ Tư, Bộ năng lượng Bulgaria cho biết trong một tuyên bố.

Bulgaria hiện là quốc gia thứ hai, sau Ba Lan, phải đối mặt với lệnh cấm vận khí đốt của Nga bắt đầu từ thứ Tư sau khi họ từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Bộ năng lượng nói rằng thủ tục thanh toán mới do Nga đề xuất không tương thích với hợp đồng hiện có cho đến cuối năm nay và gây ra “rủi ro đáng kể” cho Bulgaria.

Bộ năng lượng cho biết phía Bulgaria đã “hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ của mình và đã thực hiện tất cả các khoản thanh toán được yêu cầu theo hợp đồng này một cách kịp thời, cẩn trọng và phù hợp với các quy định song phương.”

Các cơ quan chính phủ Bulgaria đã thực hiện các bước để thực hiện các thỏa thuận thay thế cho việc cung cấp khí đốt tự nhiên và giải quyết tình hình.

Bộ cho biết thêm: “Hiện tại, không có biện pháp hạn chế nào được áp dụng đối với việc tiêu thụ khí đốt ở Bulgaria.
 
Tin Vui: Công nghệ mới xác minh tính chân thực của tấm vải liệm thành Turin. Mồ tập thể ở Mariupol
VietCatholic Media
16:00 27/04/2022


1. Những ngôi mộ tập thể ở Mariupol

Maxar Technologies, công ty thu thập và công bố các hình ảnh vệ tinh về Ukraine, cho biết họ đã phát hiện ra một nghĩa trang tập thể thứ hai ở Mariupol. Công ty cho biết có vẻ như nghĩa trang đã được mở rộng trong tháng trước và bao gồm các rãnh dài có thể trở thành các khu mộ mới.

Hôm thứ Năm, Maxar cho biết họ đã phát hiện ra khu mộ đầu tiên, với 200 ngôi mộ mới xuất hiện vào tháng Ba và tháng Tư. Theo NBC News, ngôi mộ tập thể có thể chứa tới 9.000 thi thể.

Hội đồng thành phố Mariupol ước tính có khoảng 3.000 đến 9.000 thường dân bị Nga giết hại có thể đã được chôn vùi trong một ngôi mộ tập thể được phát hiện đầu tiên ở làng Manhush, ngay bên ngoài Mariupol.

“Tại làng Manhush, những kẻ chiếm đóng có thể chôn cất từ 3.000 đến 9.000 cư dân Mariupol. Điều này đã được giả định bằng cách so sánh các bức ảnh vệ tinh với khu chôn cất ở Bucha, nơi 70 thi thể được tìm thấy. Hình ảnh Maxar được thực hiện vào ngày 9 tháng 4 cho thấy khu vực chôn cất hàng loạt ở Manhush lớn hơn 20 lần. Những người chiếm đóng đã đào những đường hào mới, lấp đầy xác người mỗi ngày trong suốt tháng Tư. Các nguồn tin của chúng tôi nói rằng trong những ngôi mộ như vậy, các thi thể được xếp thành nhiều lớp”

Thị trưởng Vadym Boychenko đã so sánh tội ác mà lực lượng Nga gây ra với các vụ giết người ở Babyn Yar trong Thế chiến 2.

“Tội ác chiến tranh lớn nhất của thế kỷ 21 đã được thực hiện ở Mariupol. Đây là Babyn Yar mới. Vào thời đó, Hitler đã giết người Do Thái, Roma và Slav. Và bây giờ Putin đang tiêu diệt người Ukraine. Hắn đã giết hàng chục ngàn thường dân ở Mariupol. Và điều này đòi hỏi sự phản ứng mạnh mẽ từ toàn bộ thế giới văn minh. Cần phải ngăn chặn nạn diệt chủng bằng bất cứ giá nào,” ông Boychenko nói.

Hội đồng thành phố nhấn mạnh rằng vào giữa tháng 3, các dịch vụ thành phố đã chôn cất khoảng 5.000 người ở nhiều khu vực khác nhau của Mariupol và các vùng ngoại ô của thành phố.

Theo ước tính, tổng số thường dân bị quân đội Nga giết hại ở Mariupol lên tới 22.000 người.

https://www.theguardian.com/world/live/2022/apr/22/russia-ukraine-war-satellite-images-appear-to-show-mass-graves-near-mariupol-zelenskiy-says-ukraine-needs-7bn-a-month-in-aid-live

2. Phi Luật Tân có nhiều người được rửa tội nhất trên toàn thế giới

Đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Phi Luật Tân vui mừng được biết rằng quốc gia này có số lượng người Công Giáo được rửa tội nhiều nhất vào năm 2020.

Theo Đức Tổng Giám Mục Charles John Brown, Sứ thần Tòa Thánh tại Phi Luật Tân, đức tin Kitô giáo tiếp tục định hình sự hình thành tinh thần của các tín hữu trong năm thế kỷ qua.

“Tôi vui mừng chia sẻ rằng Phi Luật Tân có số lượng người rửa tội vào năm 2020 cao nhất so với các nơi khác trên thế giới. Một minh chứng sống động của đức tin trong 500 năm Công Giáo trên mảnh đất này,” Đức Tổng Giám Mục Brown nói với Radio Veritas.

Theo dữ liệu do Sứ thần Tòa thánh thu thập từ Niên giám Thống kê của Giáo hội năm 2020, tức là ấn bản gần đây nhất, Phi Luật Tân đã ghi nhận 1.603.283 người được rửa tội. Đức Tổng Giám Mục Brown đã chia sẻ dữ liệu nói trên khi Giáo Hội Công Giáo tổ chức lễ Phục sinh vào ngày Chúa Nhật 17 tháng 4 năm 2022 vừa qua.

Đức Sứ thần Tòa Thánh cho biết đây là một may mắn lớn cho những người Phi Luật Tân, là những người nỗ lực chia sẻ và bày tỏ niềm tin vào các cộng đồng mà họ thuộc về bất chấp những thách thức khác nhau mà họ gặp phải trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19.

Sau Phi Luật Tân là Mễ Tây Cơ với 1.537.710; Brazil với 1.126.152 trong khi toàn Âu Châu với gần 50 quốc gia có 1.533.666 trường hợp rửa tội.

Trong thông điệp của mình tại lễ kỷ niệm 500 năm Kitô Giáo đến với Phi Luật Tân, Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn người Phi Luật Tân đã trở thành 'những người truyền bá đức tin' ở nhiều nơi trên thế giới thông qua các công nhân Phi Luật Tân ở nước ngoài.

Đức Thánh Cha đã gia hạn Ơn Toàn Xá ở Phi Luật Tân cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, để mừng 500 năm đức tin Kitô.


Source:rcam.org

3. Công nghệ mới cho thấy Tấm vải liệm Turin đã 2.000 năm tuổi

Phân tích tia X mới được cho là chính xác hơn và ít phá hủy hơn so với xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ.

Vào năm 1988, khi xác định niên đại Tấm vải liệm Turin bằng carbon phóng xạ, người ta cho rằng khăn liệm này có nguồn gốc chỉ mới cách đây khoảng 700 năm. Nói cách khác, người ta phủ nhận Tấm vải liệm Turin không phải là tấm vải liệm xác Chúa Giêsu khi tháo đinh từ thánh giá xuống.

Mặc dù nghiên cứu cho rằng tấm vải liệm không phải là xác thực, nhưng nó đã không làm mất đi niềm tin của hàng ngàn người hành hương đến Turin để tôn kính thánh tích. Giờ đây, một công nghệ xác định niên đại mới đã khẳng định tấm vải liệm này có vào thời kỳ của Chúa Kitô.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi Tiến sĩ Liberato de Caro thuộc Viện Tinh thể học của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia của Ý, ở Bari. Tiến sĩ de Caro đã sử dụng một phương pháp được gọi là “Tán xạ tia X góc rộng”, hay WAXS, phương pháp này đo độ lão hóa tự nhiên của xenluloza hạt lanh và chuyển đổi nó theo thời gian kể từ khi sản xuất.

Quy trình này có một số đặc điểm chính khiến nó trở nên đáng tin cậy hơn so với xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ, đặc biệt là nó hoàn toàn không phá hủy mẫu. Hơn nữa, kích thước của mẫu cần thiết cho WAXS nhỏ hơn nhiều, chỉ cần một phần vải với chiều rộng là 0,5mm và chiều dài 1mm là đủ.

Trong báo cáo của mình, được công bố trên trang web của Sở Khoa học Hóa học và Công nghệ Vật liệu của Ý, de Caro đã chỉ ra một vài sai sót trong việc xác định niên đại bằng phân tích Carbon-14. Ông lưu ý rằng các mẫu dệt có thể dễ dàng bị nhiễm các chất có thể làm sai lệch kết quả của nó. Ông đã viết:

“Nấm mốc và vi khuẩn, khu trú trong các sợi dệt, và bụi bẩn hoặc khoáng chất chứa cacbon, chẳng hạn như đá vôi, bám vào chúng, trong các khoảng trống giữa các sợi mà ở cấp độ vi mô chiếm khoảng 50% thể tích, có thể rất khó để loại bỏ hoàn toàn trong giai đoạn làm sạch mẫu, có thể làm sai lệch niên đại”.

De Caro lưu ý rằng vải thậm chí có thể trở nên được làm giầu bằng các mẫu Carbon-14 mới. Tại thời điểm này, sẽ trở nên khó xác định rằng liệu niên đại carbon được đo trên vải ban đầu, hay trên một lớp carbon được tích tụ theo thời gian.

De Caro giải thích rằng phương pháp WAXS đã được sử dụng trên nhiều mẫu vải dệt lịch sử được ghi nhận là có tuổi từ năm 3000 trước Chúa Giáng Sinh đến năm 2000 sau Chúa Giáng Sinh. Ông đã đặt Tấm vải liệm của Turin đối với những mẫu này và thấy rằng nó phù hợp nhất với một mảnh vải được cho là đến từ cuộc bao vây Masada, Israel, vào năm 55 đến năm 74 sau Chúa Giáng Sinh.
Source:Aleteia

4. Tòa thượng phụ Chính Thống Giáo Giêrusalem phản ứng giận dữ trước những hạn chế của cảnh sát đối với các cử hành Lễ Phục sinh

Tòa Thượng phụ Chính thống giáo tại Giêrusalem chúc mừng các giáo đoàn và tất cả người dân của Thánh Địa ở hai bên bờ sông Jordan nhân dịp Lễ Phục sinh và Thứ Bảy Lửa Thánh, đồng thời chúng tôi khẳng định cam kết mạnh mẽ và mới mẻ của chúng tôi đối với quyền kỷ niệm các ngày lễ của chúng ta cùng với cộng đồng, gia đình của chúng ta và cùng nhau tham gia các buổi cầu nguyện tại các nhà thờ của chúng ta ở Thành cổ Giêrusalem, bao gồm quyền cơ bản của tất cả các cộng đồng của chúng ta được vào Nhà thờ Mộ Thánh và vùng phụ cận trong các lễ hội Phục sinh bao gồm cả Thứ Bảy Lửa Thánh.

Các cộng đồng của chúng ta đã và đang thực hiện quyền thiêng liêng này một cách tự do trong suốt các thời đại và các nhà cai trị khác nhau, bất kể hoàn cảnh mà Thành Thánh đã trải qua trong lịch sử.

Trong nhiều năm, việc tham gia các buổi cầu nguyện và thậm chí quyền vào các nhà thờ ở Thành Cổ, đặc biệt là trong các ngày lễ Phục sinh, đã trở nên rất khó khăn đối với các Kitô Hữu chúng ta và người dân của chúng ta nói chung, do cảnh sát đơn phương thực thi các hạn chế và bạo lực đối với những tín đồ khăng khăng thực hiện quyền thờ phượng thiêng liêng tự nhiên của họ.

Trước đây, chúng tôi đã hợp tác với các cơ quan và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác nhau để đưa vụ việc của chúng ta lên cấp quốc tế, cũng như tư pháp trong nước, đồng thời chúng tôi cũng phối hợp với chính cảnh sát, với mục đích ngăn cảnh sát tiếp tục các hành vi không thể chấp nhận được của họ, nhưng rất tiếc là những lời hứa tuyệt vời và những gì thực sự diễn ra trên thực tế là rất xa với những lời hứa đó.

Thay vì đảo ngược các hoạt động không thể chấp nhận được vào Thứ Bảy Lễ Phục Sinh và Lửa Thánh, cảnh sát gần đây đã thông báo cho Tòa Thượng Phụ về các biện pháp đơn phương mới, được bổ sung thêm nhằm gia tăng các hạn chế đối với Thứ Bảy Lửa Thánh, dẫn đến việc cảnh sát sẽ chỉ cho phép một nghìn người vào Nhà thờ Mộ Thánh vào ngày trọng đại này, mặc dù theo thông lệ, hàng nghìn người thờ phượng vào nhà thờ để cử hành vào ngày đó.

Hơn nữa, cảnh sát nói rằng họ sẽ chỉ cho phép năm trăm người vào Thành Cổ và đến các sân của Tòa Thượng Phụ và mái nhà nhìn ra Nhà thờ Mộ Thánh. Tòa Thượng Phụ tin rằng không có lời biện minh nào cho những hạn chế bất công bổ sung này và khẳng định sự bác bỏ rõ ràng, quyết liệt và hoàn toàn của mình đối với tất cả các hạn chế.

Tòa Thượng Phụ đã chán ngấy những hạn chế của cảnh sát đối với quyền tự do thờ phượng và những phương pháp không thể chấp nhận được đối với quyền của những các tín hữu Kitô thực hành các nghi lễ và tiếp cận các thánh địa của họ trong Thành cổ Giêrusalem.

Vì thế, Tòa Thượng Phụ chính thống Giêrusalem đã quyết định rằng, bằng quyền năng của Chúa, cảnh sát không thể làm tổn hại đến quyền cung cấp các dịch vụ tâm linh trong tất cả các nhà thờ và quảng trường. Tòa Thượng Phụ cũng thông báo rằng các buổi cầu nguyện sẽ được tổ chức như thường lệ bởi Tòa Thượng Phụ và các linh mục của tòa này, và hy vọng rằng các tín hữu có thể tham gia.

Quan điểm này của Đức Thượng Phụ bắt nguồn từ cơ sở thần quyền, di sản và lịch sử. Cảnh sát phải ngừng áp đặt các hạn chế và bạo lực mà, thật không may, đã trở thành một phần trong các nghi lễ thiêng liêng của chúng ta.

Chúng tôi cũng kêu gọi các giáo đoàn của chúng ta duy trì di sản lịch sử của chúng ta thông qua việc tham gia vào các nghi lễ và cử hành Lễ Phục sinh và Thứ Bảy Lửa Thánh năm nay tại Nhà thờ Mộ Thánh và vùng phụ cận.
Source:Orthodox Times