Ngày 29-04-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:02 29/04/2012
KHÔNG THỂ HẸN TRƯỚC
N2T

Có người tính tình rất bủn xỉn, từ trước đến nay chưa hề đãi khách bao giờ.
Một hôm, đầy tớ bưng một rổ chén ra sông để rửa, có người hỏi:
- “Nhà mày hôm nay đãi khách à ?”
Đầy tớ trả lời:
- “Muốn nhà tôi đãi khách thì đợi chủ nhà tạ thế đã !”
Chủ nhân nghe được thì nổi giận mắng đầy tớ:
- “Ai cho phép mày thay tao hẹn ngày mời khách vậy hử ?”

Suy tư:
Ở đời có những người chưa bao giờ mời người khác một bữa ăn hay một ly nước, thì đúng là chuyện lạ, đúng là người keo kiết bủn xỉn, nhưng càng lạ hơn là có những người rất thích tiếp đãi khách đến nhà mình, nhưng chưa bao giờ họ mời một người nghèo làm khách nhà mình, đúng là họ càng bủn xỉn keo kiết hơn người khác rất nhiều…
Sống ở đời ai cũng biết câu “có qua có lại mới toại lòng nhau”, nhưng Đức Chúa Giê-su lại dạy chúng ta rằng, khi làm tiệc đãi khách thì hãy nên mời những người nghèo, những người bần cùng đói rách đến làm khách của mình, bởi vì họ không có gì để mời trả lại cho chúng ta (1) . Mà khi những người nghèo, người bần cùng đói rách không có gì để mời lại chúng ta, thì chính Thiên Chúa sẽ thay mặt họ để mời lại chúng ta, do đó mà khi được Thiên Chúa mời lại thì -quả thật- hạnh phúc gấp trăm ngàn lần vua chúa trần gian tiếp đãi chúng ta vậy.
“Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (2) .
Căn cứ vào câu nói này của Đức Chúa Giê-su, thì chính Ngài đã hẹn tiếp đãi chúng ta trên Nước thiên đàng, nếu chúng ta biết tiếp đãi mọi người…

(1) Lc 14, 12-14.
(2) Lc 14, 14b.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:03 29/04/2012
N2T

11. Chúng ta phải trông cậy vào Thiên Chúa, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể chúc phúc cho những hành vi của chúng ta.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)
 
Chủ chiên đích thực
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
07:05 29/04/2012
CHỦ CHIÊN ĐÍCH THỰC

Hình ảnh người mục tử với đàn chiên thật thân thuộc và gần gũi với người Do Thái. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam chúng ta cũng phải được diễn tả bằng nhiều cách so sánh. Ngày nay chúng ta đã thấy thân thuộc hơn khi hình ảnh của người Kitô hữu được gọi là đoàn chiên và các giám mục, linh mục được gọi là chủ chiên. Hình ảnh này được họa lại từ chính Đức Giêsu Kitô xưng mình là “Mục tử tốt lành”, vì “Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”(Ga 10,14). Vì vậy, để hiểu rõ Chúa chiên và đoàn chiên, người Việt Nam chúng ta nên nhìn thẳng vào giữa cộng đoàn dân Chúa – những người Kitô hữu hôm nay với các chủ chiên của mình.

Điều thứ nhất, Chúa Giêsu phân biệt giữa người chăn thuê và người chăn chiên đích thực. Người chăn thuê, vì lo giữ mạng sống của mình nên khi chó sói tấn công chiên thì bỏ chiên mà chạy trốn. Còn người chăn chiên đích thật thì coi chiên là chính mạng sống của mình. Do vậy, khi thấy chó sói đến, kể cả sư tử, cũng lăn xả vào chống trả để bảo vệ đàn chiên. Nhiều khi, thú dữ phải đi qua xác chủ chiên mới ăn thịt được đàn chiên. Và hình ảnh đó là một hình ảnh về tình yêu đích thực, tình yêu lớn nhất. Chúng ta nhìn vào các vị chủ chiên để chúng ta hiểu rằng, đối với các vị chủ chiên thì một tình yêu hiến tế là cả cuộc đời của các ngài hiến dâng, vì Chúa Kitô, vì nhân loại. Các ngài không sống cho mình, nhưng các ngài đã vì phần rỗi linh hồn của đàn chiên.

Thánh Phanxico Assisi quen gọi là Phanxico khó khăn đã diễn tả một cách sâu sắc và đầy tính triết lý trong lời kinh Hòa Bình, lời kinh được diễn tả một thái độ, một tư cách của người chủ chiên trong đoạn kinh:

“…Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người,
để con đem yêu thương vào nơi oán thù.
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục.
Đem an hòa vào nơi tranh chấp.
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan.
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng...
Lạy Chúa, xin hãy dạy con.
Tìm an ủi người hơn được người ủi an.
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết.
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu…”.


Đó là những tư cách của người chủ chiên. Những chủ chiên đích thực tìm hiểu biết người nơi chính đoàn chiên, và họ làm như vậy là bởi chính Chúa Kitô đã thực hiện trước. Họ chỉ là những người đi theo sát bước Chủ chiên đích thực dám hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Thế giới hôm nay càng cần có các vị giám mục, linh mục tốt. Bởi vì trong một thế giới duy vật chất, người ta muốn khước từ những gì là thiêng liêng thì sự hiện diện của các giám mục, linh mục chủ chiên là bằng chứng cho thế giới thấy Thiên Chúa đang hiện diện giữa thế giới vật chất của chúng ta.

Điều thứ hai, đoàn chiên hôm nay cần có chủ chiên để nói cho thế giới biết rằng, chúng ta phải sống trong tình yêu thương. Đoàn chiên hôm nay cần có chủ chiên để nói cho thế giới biết rằng, những người chăn chiên đích thực là những người biết bảo vệ cho đoàn chiên. Rồi từ đó, nhìn vào đoàn chiên, chúng ta cũng thấy mối tương quan giữa “Ta biết chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”.

Trong thế giới hiện nay, đàn chiên đã có nhiều những biểu hiện suy thoái, đó là nghe tiếng lạ. Tin Mừng hôm nay, Chúa cảnh báo “chiên không nghe tiếng lạ”. Nhưng thế giới hôm nay thì đàn chiên nghe theo tiếng lạ rất nhiều. Những tiếng lạ của vật chất, những tiếng lạ của tình dục, những tiếng lạ của phá thai, những tiếng lạ của hưởng thụ sống gấp, những tiếng lạ của những hận thù và oán ghét dẫn đến chiến tranh. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mối tương quan giữa chủ chiên và đoàn chiên hôm nay cần phải luôn luôn tái lập, phải luôn luôn ý thức lại. Đó là một mối tương quan hữu cơ: “Ta biết chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”. Không những là đàn chiên hiện tại, Chúa Giê su còn nói: “Ta còn nhiều chiên khác chưa thuộc đàn này. Cả những chiên đó cũng phải đưa về, để cuối cùng chỉ có một đàn chiên và một Đấng chăn chiên đích thực” (Ga 10,16). Chỉ có một chân lý, một tình yêu đích thực mà tất cả mọi người đều phải qui về đó!

Mối tương quan giữa chủ chiên và đàn chiên được đảm bảo bằng chân lý, đảm bảo bằng tình yêu đích thực thì chỉ có một. Thế giới hôm nay cũng chỉ có một, nếu người ta coi trọng chân lý, coi trọng tình yêu. Sự hiện diện của chủ chiên là tiếng nói quen thuộc đối với đàn chiên thì không bao giờ là tiếng lạ. Tiếng nói quen thuộc đó kêu gọi mọi người hãy yêu thương, hãy phục vụ, hãy quên mình, hãy quảng đại, hãy dấn thân. Nếu chúng ta nghe được tiếng của tình yêu Thiên Chúa, tiếng của Giáo Hội thì hôm nay gia đình của chúng ta đã hạnh phúc, xã hội của chúng ta đã bằng yên, không có khủng bố, không có hận thù chiến tranh, không có phá thai. Nhưng thế giới của chúng ta hôm nay đã có nhiều tiếng lạ xuất hiện khiến cho khoa học cũng phải lên án, triết học cũng phải lên án và hòa bình cũng phải lên án.

Một lần nữa, ngày lễ Chúa chiên lành hôm nay. Khi chúng ta nhìn vào Chúa Chiên Lành, chúng ta nhìn vào giáo phận của chúng ta với các tân chức linh mục vừa được phong. Nhìn lại mối tương quan giữa Chúa chiên và đoàn chiên, chúng ta thấy vang âm lại Lời Chúa. Lời Chúa vẫn luôn luôn là kim chỉ nam cho cả chủ chiên và đoàn chiên, rằng: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa là mục tử tốt lành.
Xin cho chúng con cũng là những đoàn chiên tốt lành
và là những đàn chiên thuộc về quyền của Chúa,
để cuối cùng chúng con chỉ nghe một tiếng
là tiếng của chân lý.
Chúng con chỉ sống trong một tiếng gọi,
là tiếng gọi của tình yêu.
Xin cho hôm nay,
chủ chiên biết đi sát những gì
mà người mục tử tốt lành duy nhất
là chính Chúa đã chỉ rõ những tư cách của người mục tử
cho các linh mục noi theo,
đồng thời đàn chiên cũng ý thức
đi theo tiếng của Chúa chiên
mà không nghe theo tiếng lạ
để sống trong yêu thương,
trong an bình và trong hạnh phúc.
Xin cho chúng con ở trong một đoàn chiên duy nhất
dưới quyền một Đấng chăn chiên duy nhất
là chính Chúa, Amen.


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hành hương: Tấm áo Chúa và Tám mối phúc thật
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
07:14 29/04/2012
Tấm áo Chúa và Tám mối phúc thật

Cách đây 500 năm (1512) lần đầu tiên tấm áo dài không đường khâu may của Chúa Giêsu hiện còn lữu giữ bảo quản ở nhà thờ chính tòa giáo phận Trier, được đem ra cho mọi người đến hành hương kính viếng chiêm ngưỡng.

Năm nay từ ngày 13.04. đến 13.05. 2012 Giáo phận Trier kỷ niệm biến cố hành hương lần thứ nhất cách đây 500 năm, mở cuộc hành hương cho mọi tín hữu Chúa Kitô đến hành hương kính viếng tấm áo thánh Chúa.

Không có sử sách nào ghi lại chính xác ngay từ lúc khởi đầu về lịch sử tấm áo Chúa ở thành Trier. Nhưng căn cứ vào tài liệu sử sách của Giáo phận Trier còn lưu lại từ thế kỷ thứ 12. sau Chúa Giáng sinh, tấm áo thánh này đã có nhà thờ chính tòa Trier trước đó từ lâu rồi.

Theo Phúc âm Thánh Gioan thuật lại (Ga 19,23-24 ), tấm áo dài không đường klhâu may của Chúa Giêsu đã được quân lính đem ra bốc thăm, sau khi họ đã đóng đinh Người trên thập gía. Không ai biết tấm áo đó lưu lạc đi về đâu. Nhưng theo tương truyền Bà Thánh Helena, mẹ của hoàng đế Constantino, người năm 313 đã công nhận đạo Công Giáo ở Roma và trên toàn đế quốc Roma, đã cho khai quật và tìm thấy ở Giêrusalem vào khoảng thế kỷ thứ tư sau Chúa Giáng sinh.

Sau dó Thánh nữ đã đem tấm áo thánh này về nhà thờ chính tòa giáo phận Trier lưu giữ như kỷ vật di tích thánh.

Nhưng mãi đến năm 1512 tấm áo thánh Chúa Giêsu mới lần đầu tiên đem ra công khai cho mọi người kính viếng chiếm ngắm. Và từ ngày đó, cách khoảngn không đều đặn , khi thì 25 năm, khi thì dài hơn , nhưng cũng có khi ngắn hơn, như lần hành hương sau cùng trước đây vào năm 1996.

Cùng với dòng người tín hữu Chúa Kitô cùng đến hành hương kính viếng áo thánh Chúa, ngày Chúa nhật 22.04.2012 Giáo đoàn liên giáo phận Köln Aachen với ba xe buýt lớn ( 150 người) và khoảng 150 người nữa đi xe hơi riêng hành hương đến Trier. Ngoài ra còn có hơn 100 người nữa đến từ München, Stuttgart, Saarland, Trier, Regensburg… cùng tham gia chung vào cuộc hành hương kính viếng áo thánh Chúa ngày hôm đó. Nên số người hành hương của phái đoàn Việt Nam lên tới hơn 400 người.

Nhưng điều quan trọng hơn, khi đến hành hương kính viếng áo thánh Chúa , là đến với Chúa Giêsu. Cúi mình chiêm ngắm hay qùy gối cung kính trước tấm áo Thánh Chúa đã mặc khi xưa, chúng ta muốn tìm đọc sứ điệp nhắn gửi qua tấm áo của Chúa Giêsu.

Đến kính viếng tấm áo thánh Chúa Giêsu, chúng ta nhớ đến bài giảng tám mối phúc thật của Chúa.

1.Chúa nói phúc: Thay ai có tâm hồn nghèo khó. Tấm áo Chúa mặc không có túi đựng nói lên sự nghèo khó lòng bác ái quảng đại cho đi.

2.Phúc thay ai hiền lành. Tấm áo Chúa mặc không có đường cắt dọc ngang là hình ảnh sự đơn sơ chân thật.

3.Phúc thay ai sầu khổ. Tấm áo Chúa mặc thẳng trơn không đường may là hình ảnh che chở khỏi sự nóng bức, bứt rứt đau khổ.

4. Phúc thay ai khao khát nên người công chính. Tấm áo Chúa mặc không mảy may đường nét thêu thùa hình ảnh nào trên áo, là hình ảnh sự ngay chính chất phác.

5. Phúc thay ai xót thương người. Tấm áo Chúa mặc là một tấm vải trơn liền khúc nói lên hình ảnh lòng trắc ẩn thương cảm.

6. Phúc thay có tâm hồn trong sạch. Tấm áo Chúa liền không đường khâu may, không là một kiểu cách trang phục thời trang đặc biệt cho một tầng lớp nào trong xã hội, là hình ảnh sự thanh sạch không kiểu cách mầu mè hào nhoáng che đậy.

7. Phúc thay ai xây dựng hòa bình. Tấm áo Chúa mặc theo phong tục tập quán bên xứ Trung Đông là xứ nóng, nơi Chúa sinh sống, người ta mặc áo vải mầu trắng. Đây là mầu nói lên ý nghĩa hòa binh, mầu sự bình an dịu mát.

8. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính. Tấm áo Chúa liền không đường khâu may làm bằng chất vải thô sơ vẽ lên hình ảnh chịu đựng sự nóng lạnh của thời tiết thiên nhiên.

Kỷ niệm chuyến hành hương kính viếng Áo Thánh Chúa, Trier ngày 22.04.2012

Nhóm hành hương đến từ München
Nhóm hành hương đến từ Stuttgart
Các nhóm hành hương đến từ Saarland, Trier, Regensburg..
Phai đòan hành hương liên giáo phận Köln - Aachen

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long


 
Thương xác bảy mối: Tổng Giáo phận Chicago chôn xác kẻ chết
Trần Mạnh Trác
14:17 29/04/2012
CHICAGO (Joyce Duriga, CNS) - 18 cỗ quan tài thô sơ được đặt nằm cạnh những phần mộ kề nhau tại nghĩa trang Công Giáo Núi Olivet và ông giám đốc nhà quàn với bộ áo đen tề chỉnh, với một cành hoa cẩm chướng mầu trắng trên tay, đứng nghiêm chỉnh chờ đợi.

Vài phút trước đó, những chiếc quan tài đã được cảnh sát hộ tống diễn hành từ nhà xác cuả quận Cook County đến. Cảnh mưa phùn lất phất rơi tạo thêm bầu không khí ảm đạm cho buổi lễ táng xác được Đức Hồng Y Francis E. George của Chicago chủ sự.

Sự việc bắt đầu vài tháng trước, khi văn phòng khám nghiệm tử thi cuả quận Cook County báo cáo có tới hơn 300 xác chết bị tồn đọng, và nhà xác không còn chỗ chứa thêm nữa . Theo tin tức được loan ra thì lý do có sự tồn đọng ấy là vì Tiểu Bang Illinois đã không trả lương cho các ông giám đốc tang lễ để lo việc chôn cất cho những người nghèo kể từ tháng 6 năm 2011.

Sau khi nghe được câu chuyện, nghĩa trang Công Giáo của Tổng Giáo Phận Chicago đã đề nghị cung cấp cho Quận 300 mộ phần để giải quyết sự tồn đọng. Và đây là lễ chôn cất đầu tiên trong chương trình đó.

Nghèo có nghĩa là người chết hoặc gia đình không có khả năng trả tiền chôn cất. Có một số trường hợp là những xác vô thừa nhận. Ngoài ra trong quận Cook County, thai nhi cũng được coi là hài cốt của một con người và phải được chôn cất. Những Quận khác thì coi thai nhi là chất thải y tế và xử lý chúng như một loại rác. Tuy nhiên phát ngôn viên cuả Quận là bà Mary Paleologos nói rằng bà tin rằng việc này sẽ có thay đổi trong tương lai gần và các xác thai nhi cũng sẽ bị xử lý như những chất thải y tế.

Hôm nay ngày 15 tháng 4, buổi lễ sẽ táng xác cho 13 người lớn và 120 thai nhi. Các thai nhi được chôn chung cứ 24 xác vào một quan tài và có 5 quan tài như vậy. Những xác nào được chọn mang chôn là tuỳ theo sự quyết định cuả văn phòng khám nghiệm tử thi.

Không có ai là thân nhân hiện diện trong buổi lễ cả.

Vào đầu buổi lễ, đức ông Pat Pollard, giám đốc Nghĩa trang Công Giáo của Tổng Giáo Phận Chicago, phát biểu: "Là công dân tốt của Cook County, chúng tôi cung cấp chỗ chôn tại nghĩa trang Olivet để hỗ trợ văn phòng khám nghiệm tử thi cuả Cook County" Đức ông nói tiếp "Nhân đức Công giáo đòi hỏi chúng tôi tôn kính mọi sự sống, sự đó được thực hiện ngày hôm nay qua việc chúng tôi sẽ chôn từ những trẻ em chưa sinh cho tới những người đã sống nhiều thập niên trên trái đất này."

Có mặt trong buổi lễ còn có linh mục Daniel Mallette và Mục sư Steve Jones, ông cảnh sát trưởng Tom Dart, và ông chủ tịch hội đồng quận Toni Preckwinkle.

Sau buổi lễ Đức Hồng Y George cho biết thêm là "Chúng tôi chôn người chết vì đó là một việc thể hiện nhân đức Thương Người. Đó là một sự việc đã khắc ghi trong Kinh Thánh. Đó là vì tất cả mọi người đã được dựng nên giống hình ảnh cuả Thiên Chúa," và Ngài nói thêm "Việc chúng tôi chôn cất những người đã trở về cùng Thiên Chúa chính là một cách chúng tôi tuyên xưng đức tin đó."

Các ngôi mộ sẽ không có ghi tên, ngoại trừ trường hợp có gia đình người chết trang trải tiền mua mộ bia.

Theo bà Paleologos, phát ngôn viên cuả quận, thì Nghĩa trang Công giáo cũng hiến tặng dịch vụ mai táng hôm nay trị giá khoảng $2.500 cho mỗi ngôi mộ, tổng cộng là $ 45.000. Còn các ông Giám đốc nhà quàn cũng hiến tặng dịch vụ cuả họ, trị giá khoảng $ 5.000.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trung Tâm Thiên Ân tròn 5 tuổi
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
07:23 29/04/2012
TRUNG TÂM THIÊN ÂN TRÒN 5 TUỔI
Trung Tâm Thiên Ân

Chúa Nhật 29/4/2012 trường Việt Ngữ Thiên Ân thuộc giáo xứ St Margaret Mary’s Brunswick đã mừng sinh nhật 5 năm tròn kể từ ngày khánh thành và hoạt động đến nay. Trung tâm Thiên Ân đã được xây dựng từ những bàn tay thiện nguyện và phụ huynh học sinh các vùng phụ cận miền Tây Bắc thành phố Melbourne. Kể từ ngày Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng được bổ nhiệm về làm chính xứ, cái hãng may đổ nát trên một khu đất nửa mẫu tây đã bị chôn vùi trong tịnh lặng hàng mấy chục năm qua, bỗng được hồi sinh biến thành một trung tâm giáo dục dành riêng cho người Việt Nam.
Bánh kỷ niệm
Quan khách và học sinh tham dự lễ hội kỷ niệm

Từ năm 2007 tới nay cuối tuần khuôn viên giáo xứ đặc biệt trung tâm Thiên Ân đã rộn rã tiếng cười vui của hàng trăm thanh thiếu niên Việt Nam từ lớp mẫu giáo tới lớp 10. Trung tâm đã thu hút nhiều thày cô và sinh viên Úc tới giúp kèm Toán và Anh văn cho các em học sinh trường Việt ngữ Thiên Ân.
Phỏng vấn một thày dậy kèm
Ngày Chúa nhật sau các giờ lớp Việt ngữ do xơ Marguerite Nguyện hiệu trưởng điều hành cùng các thày cô Úc Việt, các em được tiếp nối các sinh hoạt của Đoàn Thanh Thiếu Niên Salesian viết tắt là SYC (Salesian Youth Club) do xơ Thùy-Linh thành lập với sự giúp đỡ điều hành của nhiều anh chị huynh trưởng...
Hội phụ huynh học sinh

Hàng năm tới dịp kỷ niệm khánh thành, trường luôn luôn tổ chức kỷ niệm, mục đích giáo dục các em lòng biết ơn đối với những người đã góp công góp của, hình thành ngôi trường thân yêu này. Nét đặc trưng là Hội phụ huynh học sinh của trường thật sinh động, các phụ huynh luôn sẵn sàng đóng góp một tay để cho các dịp lễ được long trọng và đầy đủ đồ ăn thức uống cho ngày vui được trọn vẹn...
Trong số quan khách là phụ huynh học sinh còn có sự hiện diện củaq nhiều ân nhân năm xưa và xơ giám tỉnh của dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Sister Margaret Bentley, một số xơ thày... Sau những lời cám ơn chân thành của xơ hiệu trưởng và của cha xứ là một vài tiết mục bỏ túi do các em trường Thiên Ân hiện tại cũng như cựu múa hát...
Ban giáo chức Thiên Ân
 
Ngày Lễ cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu
Đức Nguyễn
09:03 29/04/2012
Bắc Ninh: Chúa nhật IV Phục Sinh – ngày 29 tháng 4 năm 2012, Ban ơn gọi cùng với Ủy ban tu sĩ giáo phận Bắc ninh đã long trọng tổ chức ngày giới thiệu ơn gọi với chủ đề “Đến mà xem” (Ga 1,39). Vào lúc 16h00 chiều cùng ngày, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho ơn linh mục và nam nữ tu sĩ tại quảng trường trung tâm mục vụ.

Xem hình ảnh
Trong Thánh Lễ, Đức Cha Giáo phận đã chia sẻ với các ban trẻ về ý nghĩa Ngày Lễ Chúa Chiên Lành. Ngài rất mong trong tương lai không xa giáo phận sẽ có thêm nhiều thợ gặt lành nghề để tiếp tục làm việc trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn của giáo phận.

Theo truyền thống, hàng năm, Giáo Hội chọn Chúa Nhật IV Phục Sinh – Chúa Nhật Chúa Chiên Lành để cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Năm nay, ngày cầu nguyện cho ơn Thiên triệu của giáo phận Bắc Ninh được tổ chức tại Tòa Giám Mục. Cha Đaminh Nguyễn Văn Bích cho biết, có trên 800 bạn trẻ đăng ký tham gia ngày Lễ ý nghĩa này.

Sau phần khởi động lôi cuốn và trẻ trung, Cha Giuse Nguyễn Đức Hiểu đã lên khai mạc chương trình. Tiếp đó, sơ Emmanuel Nguyễn Thị Hiên giới thiệu tổng quát về Giáo Hội hoàn vũ, Giáo hội Việt Nam, giáo phận Bắc Ninh, Dòng Tu và Tu Hội.

Cũng trong buổi sáng, hơn 800 tham dự viên được ban tổ chức sắp xếp thành 20 nhóm nhỏ để cùng nhau chia sẻ xung quanh chủ để: “Đến mà xem”(Ga 1,39). Mỗi nhóm đều do các thầy, các sơ, các chú hướng dẫn. Trong giờ chia sẻ này, các bạn trẻ đạt ra rất nhiều những câu hỏi, những tình huống về ơn gọi, đặc biệt là những suy tư, trăn trở của các bạn đang loay hoay ở giữa ngã ba đường.

Buổi sáng của ngày Lễ kết thúc bằng phần giới thiệu ơn gọi sống đời dâng hiến của Dòng Phaolô, Nhà Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất và Dòng Chúa Cứu Thế. Xen giữa phần giới thiệu là các tiết mục văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn nhằm quảng bá ơn gọi một cách hữu hiệu nhất.

Tiếp theo chương trình buổi sáng, vào buổi chiều các bạn trẻ đã được lắng nghe lời chia sẻ và giới thiệu của đại diện các dòng: Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Đaminh, Dòng Đồng Công và Dòng Don Bosco. Qua phần chia sẻ và giới thiệu của các Dòng Tu và Tu Hội, các bạn trẻ đã được tiếp cận và hình dung ra đời sống thánh hiến và từ đó có thể đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất theo Thánh ý Chúa.

Kế đó, vào cuối buổi chiều Quý linh mục giáo phận , Quý Cha Dòng đang hiện diện trong giáo phận, cùng quý sơ các Dòng Tu và Tu Hội trong giáo phận đã giải đáp trực tiếp thắc mắc của các bạn trẻ. Buổi giao lưu diễn ra trong tâm tình thân mến và ấm áp, quý Cha, quý Sơ cũng đã cởi lòng để chia sẻ về đời sống thánh hiến của chính mình để động viên các bạn trẻ luôn sẵn sàng đáp trả tiếng gọi ra đi phục vụ Chúa và giáo hội. Những tràng pháo tay của các bạn trẻ như lời tri ân những thợ gặt của Chúa không ngừng miệt mài làm việc trên cánh đồng giáo hội.

Ngày lễ cầu nguyện cho ơn Thiên triệu của Giáo phận khép lại bằng Thánh Lễ Chúa Nhật Chúa Chiên Lành do Đức cha giáo phận chủ tế. Hy vọng, sau ngày Lễ ý nghĩa này sẽ có nhiều bạn trẻ sẵn lòng dâng đời sống của mình cho Chúa qua đời sống tu trì để làm cho giáo hội nói chung và giáo phận Bắc Ninh nói riêng tiếp tục triển nở và trổ sinh hoa trái.
 
Trong số 9 tân Linh mục được ĐTC phong chức hôm nay có 1 phó tế Việt Nam
Lm Trần Đức Anh OP
09:24 29/04/2012
VATICAN - Trong số 9 phó tế được ĐTC Biển Đức 16 truyền chức sáng chúa nhật 29-4-2012 tại Đền thờ Thánh Phêrô, đặc biệt lần đầu tiên có một Phó tế Việt Nam.

Đó là thầy Giuse Vũ Văn Hiếu, sinh trưởng tại Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu, từ 6 năm nay cư ngụ tại Chủng viện Capranica nhất ở Roma và theo học thần học tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana. Đây là lần đầu tiên từ hàng chục năm nay mới có một phó tế người Việt được ĐTC truyền chức LM và là người Việt đầu tiên được ĐTC Biển Đức 16 tấn phong.

Thánh lễ bắt đầu lúc quá 9 giờ sáng chúa nhật thứ tư Phục Sinh, cũng là Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 49 với chủ đề ”Ơn gọi, hồng ân tình thương của Thiên Chúa”.

Trong số 8 Phó tế còn lại nhập tịch giáo phận Roma, có 3 thầy học tại Đại chủng viện Roma, 1 thầy tại Học viện Caprania, và 4 thầy học tại Học viện giáo phận 'Mẹ Đấng Cứu Chuộc' (Redemptoris Mater) thuộc Con đường Tân Dự Tòng. Trong 4 thầy này có 2 thầy Italia và 1 thầy Colombia, 1 thầy người Côte d'Ivoire bên Phi châu.

Trong số các tiến chức người Italia, có thầy Piero Gallo 42 tuổi, đã từng làm pháp quan rồi làm luật sư cho chính phủ trong 8 năm trời, trước khi cảm thấy ơn đi tu nhờ những bài giáo lý về 10 giới răn. Đặc biệt thầy phó tế Alfredo Tedesco thuộc giáo xứ Đức Mẹ Chuộc kẻ làm tôi ở Roma, tốt nghiệp hóa học, từng có người yêu, nhưng đã theo tiếng Chúa gọi. Hiện diện tại buổi lễ truyền chức này có người yêu cũ ấy của thầy và người chồng tương lai của cô.

Trong số các Phó tế xuất thân từ Học Viện Mẹ Đấng Cứu chuộc, có thầy Marco Santerelli, 30 tuổi, cựu phi công máy bay riêng, đã cảm thấy tiếng Chúa gọi trong dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Toronto, Canada năm 2002, qua những lời Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 mời gọi người trẻ hãy theo Chúa Giêsu và đừng sợ hãi gì.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Giám quản Agostino Vallini, 7 GM Phụ tá của giáo phận Roma, các cha giám đốc Đại chủng viện, linh hướng, và các cha sở liên hệ của các tiến chức và hàng chục linh mục khác. Phần thánh ca, ngoài Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn có 180 ca viên thuộc ca đoàn Roma và các chủng sinh.

Nghi thức truyền chức bắt đầu sau bài Phúc Âm. Thầy Phó Tế được ủy nhiệm lần lượt điểm danh 9 tiến chức và ĐHY Giám quản xin ĐTC truyền chức linh mục cho các thầy.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Sau nghi thức giới thiệu, ĐTC đã diễn giảng các bài đọc của Chúa nhật Chúa Chiên lành, đặc biệt là bài Phúc Âm theo thánh Gioan với câu của Chúa Giêsu ”Thầy là mục tử nhân lành.. Mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11), từ đó ĐTC nhấn mạnh chiều kích hy tế trong cuộc đời linh mục, noi gương Chúa Kitô. Ngài nói:

”Năm nay đoạn Phúc Âm là đoạn nòng cốt trong chương 10 của thánh Gioan và bắt đầu với lời khẳng định của Chúa Giêsu: ”Thầy là mục tử nhân lành”, và ngay sau đó là đặc tính cơ bản thứ nhất: ”Người mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Ở đây chúng ta được dẫn ngay vào trung tâm, tột đỉnh mạc khải của Thiên Chúa như người chăn dắt dân Ngài; trung tâm và tột đỉnh ấy là Chúa Giêsu, chính Chúa Giêsu đã chết trên thập giá và ra khỏi mồ vào ngày thứ ba, Chúa sống lại với trọn nhân tính của Ngài, và qua cách thức đó, Ngài cũng đưa chúng ta, mỗi người chúng ta, vào trong tiến trình của Ngài từ cái chết đến sự sống. Biến cố ấy - là cuộc Vượt qua của Chúa Ktiô - trong đó có thể hiện trọn vẹn và chung kết hoạt động chăn dắt của Thiên Chúa, là một biến cố hy tế: vì thế Vị Mục Tử Nhân Lành và Vị Thượng Tế đồng qui trong con người của Chúa Giêsu Đấng đã hiến mình vì chúng ta”.

ĐTC cũng nhắc đến bài đọc thứ I và đáp ca trích từ thánh vịnh 118 nói về Chúa Giêsu là viên đá bị thợ xây loại bỏ nhưng đã trở thành viên đá góc. Chúa đã trải qua kinh nghiệm bị các thủ lãnh của dân loại bỏ nhưng được Thiên Chúa phục hồi và đặt làm nền tảng của Đền thờ mới, của một dân tộc mới, chúc tụng Chúa với những hoa trái của sự công chính (Xc Mt 21,,42-43).

Từ những nhận xét đó, ĐTC trở lại bài Phúc Âm để khai triển thêm ý tưởng người mục tử nhân lành hiến mạng vì đoàn chiên. Ngài nói: ”Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đặc tính thiết yếu này của người mục tử chân thực là chính Ngài: đặc tính 'hiến mạng sống'. Chúa lập lại điều đó 3 lần và sau cùng Ngài kết luận: ”Chính vì thế, Cha yêu mến Thầy: vì Thầy hiến mạng sống, rồi Thầy lấy lại. Không ai tước đoạt mạng sống của Thầy: chính thầy hiến mạng sống. Thầy có quyền cho đi sự sống và có quyền lấy lại sự sống. Đó là mệnh lệnh mà Thầy đã nhận từ Cha Thầy” (Ga 10,17-18). Hiển nhiên đó là đặc tính của người mục tử như Chúa Giêsu đích thân giải thích, theo ý Chúa Cha Đấng đã sai Ngài. Hình ảnh vị vua-mục tử chủ yếu bao gồm nghĩa vụ cai quản Dân Chúa, giữ cho dân được đoàn kết và hướng dẫn họ, tất cả chức năng của vị vua như thế được thể hiện hoàn toàn nơi Chúa Giêsu Kitô qua chiều kích hy tế, qua sự dâng hiến mạng sống. Tóm một lời, đó là trong mầu nhiệm Thánh Giá, nghĩa là trong cử chỉ tột cùng khiêm tốn và yêu thương dâng hiến. Viện phụ Teodoro Studita nói: ”Nhờ thập giá, chúng ta, là những con chiên của Chúa Ktiô, được tập họp thành một đoàn chiên duy nhất và chúng ta được hướng về nơi vĩnh cửu” (Discorso sull'adorazione della croce: PG 99,699).”

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nhắc đến các công thức trong nghi thức truyền chức cũng phản ánh ý tưởng chức linh mục hy tế của Chúa Giêsu. Ngài nói:

”Trong viễn tượng ấy, các công thức của nghi thức truyền chức linh mục chúng ta đang cử hành cũng có chiều hướng như vậy. Chẳng hạn, trong 3 câu hỏi liên quan đến những cam kết của tiến chức, câu cuối cùng có tính chất tột đỉnh và tổng hợp, nói rằng: ”Các con có muốn được luôn luôn kết hiệp chặt chẽ với Chúa Kitô Linh mục thượng phẩm, Đấng đã tự hiến cho Chúa Cha như lễ vật tinh tuyền vì chúng ta, thánh hiến các con cho Thiên Chúa cùng với Ngài để cứu độ nhân loại hay không?”. Thực vậy, linh mục là người được tháp nhập một cách đặc biệt vào mầu nhiệm hy tế của Chúa Kitô, qua sự kết hiệp bản thân với Chúa, để kéo dài sứ mạng cứu độ của Ngài. Sự kết hiệp này diễn ra nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, ngày càng phải trở nên chẽ hơn, nhờ sự quảng đại đáp lại của chính linh mục. Vì thế, hỡi các Tiến chức quí mến, lát nữa đây các con sẽ trả lời câu hỏi này và nói: “Thưa có, với sự phù trợ của Chúa, con muốn”. Sau đó trong các nghi thức bổ túc, lúc xức dầu thánh, vị chủ tế nói: ”Xin Chúa Giêsu Kitô, mà Chúa Cha đã thánh hiến trong Thánh Linh vá quyền năng, giữ gìn con để thánh hóa dân Chúa và để dâng lễ hy sinh”. Và rồi, khi trao bánh và rượu, ngài nói: ”Con hãy nhận lễ vật của dân thánh để dâng hy tế thánh thể. Hãy ý thức điều con sẽ làm, bắt chước điều con cử hành, làm cho cuộc sống của con phù hợp với mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô”. Ngài mạnh mẽ nêu bật điều này là: đối với linh mục, cử hành Thánh Lễ mỗi ngày không có nghĩa là thực hiện một chức năng nghi thức, nhưng là chu toàn một sứ mạng bao gồm trọn vẹn cuộc sống của linh mục một cách sâu xa, trong niềm hiệp thông với Chúa Kitô phục sinh, Đấng tiếp tục thực hiện Hy tế cứu chuộc trong Giáo Hội của Ngài”.

ĐTC nhận xét rằng ”Chiều kích Thánh Thể - Hy tế ấy là điều không thể tách rời khỏi chiều kích mục vụ và họp thành một nòng cốt chân lý và sức mạnh cứu độ, và hiệu năng của mọi hoạt động đều tùy thuộc nòng cốt ấy. Dĩ nhiên, chúng ta không nói về hiệu năng trên bình diện tâm lý và xã hội mà thôi, nhưng cả về sự phong phú sinh tử của sự hiện diện Thiên Chúa trên bình nhân bản sâu xa. Việc rao giảng, các hoạt động, những cử chỉ khác nhau mà Giáo Hội thi hành qua nhiều sáng kiến của mình, sẽ mất đi sự phong phú cứu độ nếu thiếu việc cử hành Hy tế của Chúa Kitô. Việc cử hành này được ủy thác cho các linh mục được truyền chức. Thực vậy, linh mục được kêu gọi sống nơi bản thân mình điều mà Chúa Giêsu đã đích thân cảm nghiệm trước tiên, nghĩa là dấn thân trọn vẹn cho việc rao giảng và chữa lành con người khỏi mọi tật bệnh thể xác và tinh thần, rồi sau cùng, tóm gọn tất cả trong cử chỉ tột cùng là ”hiến mạng sống” vì con người, cử chỉ này được diễn tả theo thể thức bí tích trong Thánh Thể, là lễ tưởng niệm đời đời cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu. Chỉ qua ”cánh cửa” Hy tế vượt qua ấy, con người nam nữ thuộc mọi thời đại và mọi nơi mới có thể bước vào sự sống đời đời; chỉ qua ”con đường thánh” ấy, họ mới có thể thực hiện một cuộc xuất hành, dẫn họ vào ”đất hứa” của tự do chân thực, đến ”đồng cỏ xanh tươi” của an vui vô tận (Xc Ga 10,7.9; Tv 77,14.20-21; Tv 23,2).

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các Tiến chức thân mến, ước gì Lời này của Chúa soi sáng trọn cuộc sống của các con. Và khi gánh nặng của thập giá trở nên nặng nề hơn, các con hãy biết rằng đó là giờ quí giá nhất đối với các con và những người được ủy thác cho các con: với lòng tin yêu, khi lập lại lời ”thưa có, với ơn phù trợ của Chúa, con muốn”, các con cộng tác với Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm và Mục Tử nhân lành, vào việc chăn dắt các chiên của Chúa, có khi là con chiên duy nhất bị lạc, nhưng trên trời sẽ rất vui mừng vì con chiên lạc ấy! Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Phần rỗi của dân Roma, luôn canh chừng trên mỗi người các con và trên hành trình của các con”. Nghi thức truyền chức

Sau bài giảng, lễ nghi truyền chức LM được tiếp tục. 9 tiến chức lần lượt tuyên hứa trước ĐTC và cộng đoàn, cam kết chu toàn các nghĩa vụ, thi hành thừa tác vụ linh mục trọn đời như những cộng tác viên trung thành của giám mục, để phục vụ dân Chúa, chu toàn sứ vụ Lời Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng và giảng dạy đức tin Công Giáo, sốt sắng cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo truyền thống của Giáo Hội, đặc biệt là Thánh Lễ và bí tích hòa giải, siêng năng cầu nguyện. Sau cùng, mỗi thầy tiến lên, quì gối trước mặt ĐTC và tuyên hứa tôn trọng và vâng lời Ngài và các Đấng kế vị.

Sau khi cầu xin ơn phù trợ của các thánh, các tiến chức đã được ĐTC đặt tay trên đầu, và một số LM khác cũng làm như vậy, trước khi ngài đọc lời nguyện phong chức.

Buổi lễ được tiếp tục với nghi thức mặc phẩm phục linh mục, xức dầu thánh trên đôi bàn tay, trao đĩa thánh và chén thánh, trước khi trao ban bình an.

Sau thánh lễ truyền chức, lúc giữa trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới trời nắng. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC dâng lời cảm tạ Chúa vì 9 tân linh mục của giáo phận Roma như một hồng ân, dấu chỉ tình yêu trung tín và quan phòng của Chúa đối với Giáo Hội. Ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các linh mục mới, cũng như cầu nguyện để tất cả các bạn trẻ quan tâm đến tiếng Chúa trong nội tâm và từ bỏ mọi sự để phụng sự Chúa.

ĐTC nhận xét rằng những người trẻ mà ngài truyền chức LM hôm nay không khác những người trẻ khác, nhưng họ được vẻ đẹp của tình yêu Chúa đánh động sâu xa và không thể không đáp lại với tất cả cuộc sống. Họ đã gặp tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, trong Tin Mừng, Thánh Thể và cộng đoàn Giáo Hội. ĐTC nói chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi cộng đoàn địa phương trở thành một vườn được tưới gội trong đó những mầm ơn gọi mà Chúa rộng ban có thể nảy mầm và trưởng thành. Đặc biệt các gia đình hãy trở thành môi trường đầu triên trong đó con người thở hít tình yêu của Thiên Chúa, mang lại sức mạnh nội tâm giữa những khó khăn và thử thách của cuộc sống.

Sau kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC đã ban phép lành cho mọi người, trước khi chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài cũng nhắc đến 2 lễ phong chân phước hôm qua: thứ nhất là giáo sư Giuseppe Toniolo người Roma, có 7 người con và người hăng say phục vụ tình hiệp thông của Giáo Hội; Ông được tôn phong trong buổi lễ sáng hôm qua tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ở Roma. Tiếp đến là LM Pierre Adrien Toulorge, thuộc dòng Prémontré, tử đạo trong cuộc cách mạng Pháp, chứng nhân rạng ngời của chân lý, được tôn phong chiều hôm 29-4-2012 tại Coutances bên Pháp.
 
GM Vincent Nguyễn văn Long nhân ngày 30/4: Hãy liên kết thành sức mạnh để phá tan xiềng xích của sự bạo tàn, dối trá và gian ác là chế độ cộng sản
Gm Phụ tá Melbourne
09:47 29/04/2012
MELBOURNE - Vào lúc 5 giờ chiều nay (giờ Úc Châu), tại tại nhà thờ giáo xứ St Margaret Mary, Meelbourne, Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long, đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho đất nước, quê hương và những ai đã bỏ mình vì tự do.

Trong bài giảng lễ, ngài kêu gọi mọi người dân Việt khắp nơi trên thế giới: “Hãy liên kết thành sức mạnh để phá tan xiềng xích của sự bạo tàn, dối trá và gian ác là chế độ cộng sản. Hãy cùng nhau khai thông dòng sông lịch sử để nó được chảy và làm tươi mát phì nhiêu cho đất Việt thân yêu”.

Sau đây là bài chia sẻ của Đức Cha nguyễn văn Long:

Kính thưa toàn thể qúy ông bà anh chị em,

Một lần nữa, ngày 30 tháng 4, ngày ghi sâu trong ký ức của toàn dân Việt Nam như một ngày Quốc Nạn lại trở về với chúng ta, nhất là những người Việt tỵ nạn cộng sản ở khắp nơi trên thế giới. Có nhiều người nói rằng chúng ta không nên nhìn về qúa khứ nữa, chúng ta không nên tưởng niệm ngày quốc nạn hay quốc hận nữa mà hãy hướng về tương lai. Có không ít người còn nói rằng: “Việt Nam bây giờ đã đổi mới, chính thể Cộng Sản đã thay đổi với thời đại, đâu còn gì để chúng ta phải ôn lại dĩ vãng xa xưa, hãy bắt tay vào việc xây dựng tương lại của đất nước trong tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc”.

Nhưng làm sao chúng ta có thể tiến về tương lai nếu chúng ta không biết nhận ra những bài học của lịch sử? Có “ôn cố mới biết tri tân”. Tôi thiển nghĩ rằng, không ai thiết tha với vận mệnh của dân tộc Việt Nam có thể làm ngơ trước những bài học của lịch sử. Nếu lịch sử là một dòng sông thì những bế tắc trong chiều dài của nó phải được đả thông cặn kẽ. Lúc đó dòng sông mới được chảy đều và làm tươi mát phì nhiêu cho đất Việt thân yêu; lúc đó chúng ta mới mong có tương lai tươi sáng.

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu một khúc ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam cận đại. Nó cũng đánh dấu một bế tắc dẫn đến một sự băng hoại toàn bộ cho cả đất nước và dân tộc Việt Nam. Khi bao nhiêu bom đạn của cuộc chiến ý thức hệ đã gây chết chóc thương tích và tàn phá trên những người dân vô tội; khi bao nhiêu những chiến sĩ bỏ mình nơi chiến trận, phơi thây không một nấm mồ hay chết dần mòn tức tưởi trong các trại cải tạo; khi những phương phế binh bị ruồng bỏ trong một xã hội vô nhân bản; khi cả triệu người phải bỏ nước ra đi, làm nạn nhân trên biển cả trong bao tủi nhục đắng cay; khi cả khối dân Việt tại quốc nội phải sống trong một xã hội hoàn toàn băng hoại, bị cai trị bởi một chính thể đã bị đào thải trong thế giới tiến bộ; khi những người dân lưu vong tại hải ngoại chưa có cơ hội đóng góp vào tiến trình canh tân đất nước. Đây chẳng phải là những mệnh đề của người nhìn dưới lăng kính của kẻ chiến bại hay một nhóm người còn mang đầu óc hận thù chia rẽ. Nhưng đây là những bế tắc của lịch sử mà chỉ khi được khai thông mới mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc.

Kính thưa toàn thể qúy vị và nhất là các bạn trẻ,

Hôm nay chúng ta cùng “ôn cố tri tân” trong niềm tin vào tiến trình tất yếu của lịch sử. Lịch sử sẽ đào thải những gì không còn thích hợp. Dù có ngoan cố cưỡng lại, không ai có thể ngăn cản thế lực của lịch sử, cũng như không chính thể nào có thể làm ngược lòng dân mà tồn tại. Hôm nay chúng ta tưởng nhớ đến những nạn nhân trước và sau 30 tháng 4 năm 1975. Chúng ta cùng ôn lại những bài học của lịch sử. Nhưng trên hết, chúng ta hãy góp một bàn tay khai thông những bế tắc hầu cùng với toàn thể dân tộc mở ra một kỷ nguyên mới cho quê hương Việt Nam.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta sự an ủi và niềm tin vào một tương lai tươi sáng, một bình minh mà bóng tối của tà thần sẽ không chế ngự được. Thánh Phêrô đã dùng lời Thánh Vịnh để nói với dân chúng về Đức Kitô rằng “Phiến đá mà người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường”. “Người thợ xây” trong bối cảnh này chính là những con người tượng trưng cho thế lực của bóng tối và tội lỗi. “Người thợ xây” đây là Giuda, là quân dữ, là những kỳ mục, là Philatô, là Cêsarê và đồng thời là tất cả những ai đứng về phía của sự dữ. Họ đã loại bỏ Đức Kitô, tức là loại bỏ ánh sáng và sự sống, công lý và sự thật cùng tất cả những giá trị nhân bản và siêu nhiên. Nhưng Đức Kitô là phiến đá bị họ loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường. Ngài đã chiến thắng trên tà thần và tội lỗi. Chiến thắng của Ngài vượt không gian và thời gian, để rồi những ai đứng về phía công lý và sự thật đều được thông phần vào chiến thắng của Ngài. Qủa thế, dù cho thế lực của sự dữ lấn án sự lành, dù cho những kẻ cường bạo giết hại những bậc chí nhân, nhưng chúng ta có thể tin chắc vào sự viên mãn của công lý và sự thật trong Chúa Giêsu Kitô, viên đá tảng của niềm tin và niềm hy vọng chúng ta.

Trong bối cảnh của đất nước chúng ta hôm nay, “người thợ xây” là ai nếu không phải là chế độ phi nhân vong bản; “người thợ xây” là ai nếu không phải là những công cụ đàn áp cưỡng chiếm đất đai của người dân vô tội như công an, cảnh sát cơ động và côn đồ. Và “phiến đá bị họ loại bỏ” là ai nếu không phải là những người đấu tranh cho công lý và sự thật, là người giáo dân Thái Hà với lá cây vạn tuế, là Đồng Chiêm với một cây thánh giá, là Cồn Dầu với một nghĩa trang thiêng liêng, là anh Việt Khang với một bài ca ái quốc,hay là dân oan với chỉ những tiếng kêu than vô vọng. Như Thiên Chúa đã thực hiện qua sự khổ nhục, sự chết và sự sống lại của Đức Kitô, Ngài cũng sẽ thực hiện nơi những ai đứng về phía của công lý và sự thật. Chúng ta hãy vững tin và liên đới với nhau trong cùng một lý tưởng, một giấc mơ, một mục đích là ngày khải hoàn của chân thiện mỹ trên quê hương mến yêu.

“Ta là mục tử nhân lành. Ta hiến mạng sống vì chiên ta”. Lời Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay nói lên một chân lý bất hủ là chỉ có tình yêu hiến thân cho người khác mới là lẽ sống của người tín hữu. Sứ mạng của Đức Kitô cũng chính là hiến thân để sự sống viên mãn được thể hiện nơi con người. Hôm nay, một cách đặc biệt, chúng ta tưởng nhớ đến những người con của tổ quốc đã vì nước vong thân. Họ đã chẳng màng danh vọng, vinh quang, phú qúy hay trường thọ. Họ hy sinh chính mạng sống ngay trong tuổi thanh xuân để quê hương có ngày tươi sáng. Chúng ta nghiêng mình kính cẩn trước những gương anh linh của tổ quốc. Chúng ta hãy cùng nhau hướng về mục đích mà chính họ đã làm những viên gạch lót đường: đó là sự sống viên mãn cho tha nhân, sự phục hưng cho dân tộc và sự trường tồn của cơ đồ tổ quốc.

Kính thưa qúy ông bà anh chị em,

Ngày 30 tháng 4 không chỉ là một ngày quốc hận hay quốc nạn. Nó là ngày mà chúng ta, nhất là những thế hệ trẻ phải “ôn cố tri tân”. Nó là ngày chúng ta cùng động viên tranh đấu cho một tương lai Việt Nam tươi sáng hơn. Trong tinh thần Phục Sinh, người tín hữu chúng ta nhìn vào biến cố lịch sử đó như là đoạn đường chúng ta phải đi để tiến vào tương lai vinh thắng. Chúng ta phải can trường bước theo con đường mà các anh hùng hào kiệt đã đi trước chúng ta, vững tin vào sự viên mãn của công lý và sự thật trong Chúa Giêsu Kitô, viên đá tảng của niềm tin và niềm hy vọng chúng ta. Hãy liên kết thành sức mạnh để phá tan xiềng xích của sự bạo tàn, dối trá và gian ác là chế độ cộng sản. Hãy cùng nhau khai thông dòng sông lịch sử để nó được chảy và làm tươi mát phì nhiêu cho đất Việt thân yêu. Xin Thiên Chúa chúc lành và kiện toàn cho mọi hy sinh và nỗ lực của chúng ta, người con dân của tổ quốc trong và ngoài nước đang khát khao và tranh đấu cho công lý. Hãy vững tin tiến về bình minh mới, ngày mùa gặt mới của quê hương, vì “người đi gieo trong đau thương sẽ về giữa vui cười”.

+ Gm. Vincent Nguyễn Văn Long
 
Gương tốt Ngô Đình Lệ Quyên
Hà minh Thảo
16:45 29/04/2012
GƯƠNG TỐT NGÔ ĐÌNH LỆ QUYÊN

Khoảng 8 giờ 30 ngày 16.04.2012, tại cây số thứ 12 trên đường Pontina, gần Mostacciano, cửa vào Thủ đô nước Ý, bà Ngô Đình Lệ Quyên đã tử nạn khi té xe gắn máy, do mặt đường trơn trợt sau những cơn mưa trong những ngày qua, và bị gia chạm vào xe buýt chở 23 trẻ mồ côi và những nhân viên xã hội đến trường học. Lúc đó, bà đang trên đường đến văn phòng làm việc Caritas Rôma.

I. NHỮNG PHÂN ƯU THƯƠNG TIẾC.

a. Từ Caritas.

Lúc 17 giờ 02 cùng ngày, Caritas.org loan bản tin với tựa đề : « Caritas tôn vinh nhà vô địch phụ trách người di cư ở Rôma thiệt mạng trong tai nạn giao thông ». Trong đó, bè bạn và đồng nghiệp
Caritas Rôma của vị đặc trách phần vụ di cư, bà Ngô Đình Lệ Quyên, vô cùng xúc động trước thảm trạng đã khiến bà qua đời. Đức ông Enrico Feroci, Giám đốc cơ quan bác ái này viết: « Lệ Quyên là một gương mẫu cho tất cả chúng tôi. Trong bao nhiêu năm trời, bà hăng say chu toàn công việc bênh vực những người nghèo khổ và rốt cùng, với tất cả niềm tin. Hoạt động của bà đối với chúng tôi là một động lực giúp phát triển về mặt nhân bản và chuyên nghiệp. Bà biết liên kết những năng khiếu cá nhân, kinh nghiệm của một người tị nạn, với niềm tin sâu xa nơi Thiên Chúa, và lòng tôn trọng con người. Với những lời khuyên giúp và làm việc không biết mệt, bà nhắc nhở chúng tôi rằng hoạt động của chúng tôi là đem lại niềm vui cho người nghèo và những người kém may mắn. Trong lúc đau buồn này, chúng tôi muốn gần gũi với gia đình bà và cộng đoàn giáo xứ thánh Gregorio Barbarigo, nơi bà Lệ Quyên vẫn siêng năng tham dự Thánh Lễ Chúa nhật ».

Với những đức tính đó, bà Lệ Quyên giữ một vai trò quan trọng đã ảnh hưởng đến các chính sách của Caritas về nhập cư ở các cấp độ từ Rôma tới quốc tế. Do đó, nhân viên thiện nguyện Caritas nhiều nơi trên thế giới đều biết và nhớ đến sự cống hiến bà dành cho người nghèo và đau khổ. Bà Martina Liebsch, Giám đốc Caritas quốc tế về Chính sách và vận động, đã làm việc chặt chẽ với bà Lệ Quyên, nói : « Chúng tôi tưởng nhớ và cầu nguyện cùng gia đình, bạn thân bà và với các nhân viên Caritas Rôma. Bà Lệ Quyên tự mình là một người tị nạn nên, với kinh nghiệm bản thân, bà luôn hoàn thành trách nhiệm với tình yêu tha nhân và dù công việc với người di dân có gặp khó khăn, bà vẫn tận lòng giúp đỡ. Bà đã được thúc đẩy bởi đức tin mạnh mẽ, sự can đảm và luôn thuyết phục giới chức thẩm quyền bằng nói sự thật và đúng luật. Bà thật là một ân nhân tận tâm với người di cư ở Rôma. Sự vắng mặt của bà sẽ được cảm nhận sâu sắc bởi chúng tôi và những người này. Bà đã đóng góp ý kiến và che chở cho họ trong rất nhiều năm. »

« Caritas Europa tỏ lòng tôn kính với cựu chủ tịch ủy ban di cư. Chúng tôi sẽ nhớ bà ấy như một chuyên gia đặc biệt, không chỉ là một người có thẩm quyền, mà còn rất vui vẻ để mọi người khác thích làm việc chung », ông Peter Verhaeghe, phụ tá Giám đốc điều hành Caritas Europa, đã nói như vậy.

b. Từ Giáo quyền.

Ngày 18.04.2012, Đức Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Tổng Giáo phận Rôma, đã công bố Thông điệp của Ngài. Trong đó, Đức Hồng y viết : « Sáng nay, tôi đã dâng Thánh Lễ để tưởng nhớ bà Ngô Đình Lệ Quyên và cầu nguyện Thiên Chúa cho linh hồn Lucia được hưởng Bình an và niềm Vui vĩnh cửu…

Tôi bày tỏ với gia đình Ngô Đình sự cảm thông sâu sắc về nỗi đau buồn lớn của họ và mời tín hữu giáo phận cầu nguyện cho người chị em chúng ta đã sống quảng đại cho Tin Mừng.

Giáo hội Rôma tạ ơn Thiên Chúa đã ban tặng món quà là người nữ khiêm tốn này. Bà đã thực hiện lời Chúa Giêsu dạy ‘Tôi là một khách lạ, và bạn đã tiếp đón tôi’ (Mt 25:35). Trong cuộc sống, qua các dịch vụ hàng ngày, bà lắng nghe và an ủi cho những người bị buộc phải rời bỏ quê hương của họ.

Hoạt động của bà là niềm khích lệ cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu tiếp tục chào đón người nhập cư và giúp đỡ họ hội nhập thực sự sẽ cho phép thành phố chúng ta hiển thị ngày càng nhiều hơn khuôn mặt nhân ái mà Đấng Quan phòng đã giao phó cho Caritas Rôma.

Sau cùng, thay mặt Caritas, tôi cảm ơn các tổ chức và tất cả những người, trong hoàn cảnh đau đớn của Giáo hội chúng tôi, đã bày tỏ lời chia buồn. »

c. Từ Chính quyền địa phương.

- Ngay khi hay tin bà Lệ Quyên qua đời, ông Gianni Alemanno, Đô trưởng thành phố Rôma, đã gửi thư đến Đức ông Enrico Feroci, Giám đốc Caritas Rôma, để chia buồn cùng các cộng tác viên Caritas và nhắc đến bao nhiêu lần bà Lệ Quyên đã đối thoại với chính ông và các viên chức thủ đô để bênh vực quyền lợi của những người di dân.

- « Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc về cái chết bất ngờ của Ngô Đình Lệ Quyên, một người phụ nữ rất chuyên nghiệp trong công việc trưởng bộ phận giúp di dân thuộc Caritas, đã hỗ trợ những người đang gặp khó khăn trong xã hội. »

d. Từ Chính phủ.

Ngày 17.04.2012, Tổng trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế và Hội nhập, ông Andrea Riccardi, gửi Thông điệp chia buồn đến Caritas Rôma : « Tôi đặc biệt xúc động trước sự qua đời của người phụ nữ dũng cảm và mạnh mẽ Ngô Đình Lệ Quyên. Bản thân là một người tị nạn trước đó, bà đã làm việc với niềm đam mê để phục vụ, với phương tiện tối thiểu, cho những người bị thiệt thòi bên lề xã hội để họ chịu làm việc hàng ngày và xứng đáng được chấp thuận để hội nhập. »

Phó thị trưởng Rome, ông Sveva Belviso, phát biểu : « Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc về cái chết bất ngờ của Ngô Đình Lệ Quyên, một người phụ nữ rất chuyên nghiệp trong công việc trưởng bộ phận giúp người di dân tại Caritas, hỗ trợ nhiệt tình những người khó khăn trong xã hội. »

e. Từ giới tư nhân.

Các chức sắc tôn giáo và nhiều hiệp hội, cơ quan thiện nguyện như ‘Justice, Peace and Integrithy of Creation (JPIC), Missionnaires de Saint Charles Scalabrini, … đã gởi lời chia buồn và tỏ lòng thương tiếc bà Ngô Đình Lệ Quyên đến Caritas Rôma và gia đình .

Đặc biệt, báo ‘la Republica’, phái trung tả, ngày 20.04.2012 đã có bài viết về bà Lệ Quyên. Tai nạn đã cướp mất sự sống của bà đang làm xúc động nhiều người thuộc cộng đồng và các định chế vì bà thực sự là một Danh Nhân của sự liên đới (solidarietà), một phụ nữ ‘cương nghị và dũng cảm, luôn luôn phục vụ những người khác. Khi còn sống, ‘thiên thần của người tị nạn’, mà ít ai quan tâm và biết là thuộc về một gia đình quyền thế tại Việt Nam hay có mẹ là ‘Madame (bà) Nhu’.

Caritas không nói nhiều về thân thế cá nhân Lệ Quyên, người ta chỉ biết bà thuộc một gia đình hữu và được chăm sóc bởi một Đức Hồng y (người viết thêm : P.X. Nguyễn văn Thuận). Nay, bà qua đời, báo chí chỉ biết nhiều hơn khi tìm kiếm trên Internet mới biết chụp gần Lệ Thủy, chị của Lệ Quyên, là một bà có khuôn mặt dễ thương và rất nữ tính, trang điểm nhẹ và thiếu tinh tế trong cách ăn mặc nơi trang bìa hai tuần báo Mỹ ‘Time’ và ‘Life’. Người ta khám phá đó là Trần Lệ Xuân, tức ‘Madame Nhu’, đệ nhất phu nhân đầu tiên miền Nam Việt Nam, từ 1955 đến 1963 vì Tổng thống Diệm sống đời độc thân.

II. THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP.

Bà Ngô Đình Lệ Quyên sinh ngày 26.07.1959 tại Sàigòn, Hòn ngọc Viễn đông, Thủ đô Việt Nam Cộng hoà. Bà là con gái út, trong một gia đình yêu nước có bốn con, của ông bà Ngô Đình Nhu. Ông là Cố vấn Tổng thống Ngô Đình Diệm và bà là Dân biểu Quốc hội. Chính phủ Mỹ đã gây dựng và chi trả việc thuê mướn tay sai để tạo cuộc đảo chính ngày 01.11.1963 và thảm sát hai anh em ông Diệm và Nhu ngày 02.11.1963. Hai ngày sau, Lệ Quyên cùng hai anh Trác và Quỳnh phải rời Quê hương, đến Cộng hòa Ý để tị nạn. Mẹ và chị Thủy cũng rời Hoa kỳ để đến sum hợp tại Rôma, với quy chế tị nạn.

Tốt nghiệp Đại học Rôma với văn bằng Tiến sĩ Luật, chuyên về Công pháp,
Lệ Quyên ghi danh hành nghề tại Luật sư đoàn Rôma. Phân khoa Luật ngỏ lời mời bà nhận chức Giáo sư, nhưng vì bà vẫn muốn giữ quy chế tị nạn với quốc tịch Việt Nam, nên bà không thể là Giáo sư mà thường chỉ được mời để thuyết giảng.

Bà Lệ Quyên kết hôn với một người Ý và hạ sinh một con trai tên Ngô Đình Sơn, tức mang họ mẹ. Bà Nhu rất hãnh diện khi nhắc đến tên cháu ngoại Ngô Đình Sơn, niềm tự hào dòng họ, sự giữ gốc rễ dân tộc, chứa chan tình yêu nước.

Từ tháng 12.1992 đến tháng 11.1996, Lệ Quyên phụ trách Trung tâm lắng nghe người di dân và tị nạn tại Caritas Rôma, cơ quan quan sát lớn nhất về nhập cư, có cấu trúc hoàn bị nhất, một hoạt động tình nguyện tại Ý, với hơn 200.000 hồ sơ người ngoại quốc, khởi đầu từ năm 1981, đến từ khoảng 150 quốc gia.

Từ tháng 12.1996, bà đảm trách sự phối hợp và giám sát các dịch vụ và lập dự án cho công dân ngoại quốc di dân, tị nạn và các nạn nhân bị buôn bán gồm việc lắng nghe, can thiệp, thông tin và tiếp nhận các gia đình cùng chăm sóc trẻ em không cha mẹ đi kèm.

Tháng 07.2000 đến 12.2007, bà đảm nhận thêm trách nhiệm phối hợp ‘Dự án quốc gia Caritas Ý về người tị nạn’ để hoạt động tại 46 Caritas Giáo phận. Từ tháng 06.2009, bà còn là thành viên Ủy ban Di cư Caritas Europa, sau đó, kiêm nhiệm Chủ tịch và đã chủ trì phần tiếng Ý của Hiệp hội nghiên cứu các vấn đề toàn cầu về người tị nạn, một tổ chức phi chính phủ quốc tế có tư cách tư vấn cho Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Âu châu.

Bà Lệ Quyên không làm đơn nhập tịch, nhưng vì thành tích hoạt động xuất sắc phục vụ Cộng hòa Ý, năm 2008, theo đề nghị của Tổng trưởng Bộ Nội vụ, Tổng thống Federica Cifelli đã ban hành nghị định ban cấp Quốc tịch Ý cho bà với lý do « có những phục vụ đặc sắc cho nước Ý ». Lệ Quyên là người nữ đầu tiên hưởng đặc cách này.

Lệ Quyên đã có vài lời nói đáng lưu ý như:

- « Chúng tôi cố gắng hỗ trợ những người không thể tự lo cho chính mình. Mặc dù chúng tôi muốn giúp những người dễ bị tổn thương, nhưng chúng tôi không muốn tạo ra một sự phụ thuộc hay ỷ lại. Ai cũng phải có một ý thức trách nhiệm và tự lập ».

- « Phụ nữ đi sống và làm việc tại các gia đình có thể gặp nguy cơ bạo lực tình dục. Nhưng họ cũng có thể tạo ra những hành vi và thái độ nào đó bởi vì họ sợ mất việc làm ».

III.- LỄ TIỂN ĐƯA NGƯỜI QUÁ CỐ.

Thánh Lễ An táng Bà Ngô Đình Lệ Quyên và cầu nguyện cho Linh hồn Lucia được tổ chức tại Nhà thờ Giáo xứ St Gregory Barbarigo lúc 11 giờ ngày 21.04.2012, do Đức cha Guerino Di Tora, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Rôma, cựu Giám đốc Caritas Rôma, chủ tọa.

Mở đầu phụng vụ, Đức ông Enrico Feroci, Giám đốc cơ quan thiện này, nói : « Sau giờ làm việc, chúng ta xa cách thế giới người di dân, tị nạn. Nhưng điều đó không thể đối với Lệ Quyên vì chị cũng thực sự là một người tị nạn khi đến Ý từ năm 1963, lúc vừa hơn bốn tuổi. Kinh nghiệm bản thân và sự chuyên nghiệp của người đứng đầu phần vụ người nhập cư của Caritas là điểm quan trọng để mọi người nhớ đến chị. »

Trong phần thuyết giảng, Đức Giám mục chủ tế mở lời bằng đọc một lời chứng của người quá cố, gởi đến các nhân viên Caritas đang thụ huấn, về một ngoại kiều đến gặp chị nhằm tìm biết mình có đủ điều kiện để xin tị nạn không, chị khuyên luôn luôn, dù trong những lúc tối tăm, hãy nhìn vào sao đêm hướng dẫn như là sự che chở duy nhất để đứng thẳng lưng. Ý nghĩ này cho thấy ‘tính nghiêm trọng’ (serietà) nơi bà Lệ Quyên được hiểu không phải là sự khắc khổ cùng cực nhưng phù hợp với đức tin của bà, một người có kinh nghiệm về sự đau khổ.

Bà còn là một người đã hấp thụ nền văn hóa tuyệt vời, kết hợp những tài năng được biểu hiện qua những công việc hàng ngày để đáp ứng các nhu cầu của người nhập cư hoạn nạn, trong mối quan hệ thẳng thắn với họ và cởi mở với các đồng nghiệp.

‘Nỗi buồn vô tận’ như lời Đức cha nói khi nhớ lại những việc đã cùng làm với người qua đời trong mười bốn năm khi Ngài là Giám đốc Caritas Rôma. Bà Lệ Quyên đã chỉ cho chúng ta sự nhập cư với đặc tính mới và khác nhau, không phải là một vấn đề xã hội, nhưng là một vấn đề con người, có khả năng mang lại những giá trị gia tăng cho các xã hội tiếp nhận nó.

Thánh Lễ cho một ‘nhân viên di cư’ được sự tham dự đông đảo của những di dân đã liên lạc với Caritas Rôma trong hai mươi năm qua. ‘Người phụ nữ mạnh mẽ và nhiệt tình chiến đấu cho một nguyên do cao quý: bảo vệ nhân quyền’ đã có biết bao bài thuyết trình về di dân, tị nạn, buôn người và bảo vệ nhân phẩm phụ nữ còn vang dội tại các cơ sở Caritas từng giáo phận nước Ý và lan cả ra nước ngoài. Các tham dự viên lên tiếng cám ơn những kinh nghiệm mà bà Lệ Quyên loan truyền để họ suy nghĩ và khai triển. Họ nói : « Chúng tôi cảm thấy may mắn có vinh dự đã được gặp Lệ Quyên. »

III. ÐÔI ƯỚC NGUYỆN.

a. Bà Lệ Quyên đã được Chúa gọi ra khỏi thế gian hôm sau Chúa nhật Chúa Thương Xót. Bà thật xứng đáng hưởng lòng Thương Xót đó để Linh hồn Lucia được đón nhận vào Thiên Đàng vì bà đã Kính Chúa Yêu Người khi sống ở trần gian.

b. Cuộc sống bà Lệ Quyên chấm dứt vào tháng tư ‘đen’ như Việt Nam Cộng hòa đã biến đi cách đây 37 năm. Ngày nay, Việt Nam đã thụt lùi so với các quốc gia láng giềng khác. Kể sao cho hết những bị đi tù chỉ vì bênh vực người khác như bà Lệ Quyên mà người đó còn là đồng bào sống trên Quê hương như chị Đỗ thị Minh Hạnh, sinh ngày 13.03.1985, cùng hai anh Đoàn huy Chương và Nguyễn Hoàng quốc Hùng đang thụ án vì trợ lực công nhân công ty giày Mỹ Phong tại Trà vinh đình công phản đối chủ ăn chận tiền lương và tiền thưởng tết vào tháng 1/2010 cho đến thành công. Chị Minh Hạnh từng nói : « Làm sao để cho mọi người hiểu rằng, trước hết là phải bảo vệ danh dự dân tộc… họ đánh đập công nhân, lấy giầy ném vào mặt công nhân, làm sao con có thể chịu đựng được,… sao Nhà nước không bảo vệ công nhân mà lại đi bảo vệ chủ??? để cho họ có quyền chà đạp, bắt giam cầm những người công nhân đó… Không thể chấp nhận để người Trung quốc xúc phạm đến danh dự của mình. »

Gần đây, Linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình, Tổng Giáo phận Hà Nội đã mua và sửa lại cho các em mồ côi và khuyết tật ở. Ngày 14.04.2012, ngôi nhà này đã bị đập phá tan từ 7 giờ bởi khoảng 200 công an, cảnh sát cơ động và dân phòng và Cha Bình đến nói chuyện với họ, thì họ dùng gậy đánh đập Cha đến ngất xỉu và phải chở đi nhà thương cấp cứu. Ngày 19.04.2012, Cha Bình viết Bản tường trình và cho biết : «Hiện tình trạng sức khỏe của tôi suy yếu nghiêm trọng. »

Hỡi những người cộng sản đã vui mừng nhảy múa và hò hét ‘đánh Mỹ ngã ngụy nhào’ ngày 30.04.1975 và những ai liên kết với nhà cầm quyền độc đảng để làm giàu, được quyền cao, chức trọng nghĩ về những trường hợp vô tội này ?
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chuyện Việt Nam: Lòng heo thối hay lương tâm người... thối?
Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm
10:07 29/04/2012
Chuyện Việt Nam: Lòng heo thối hay lương tâm người... thối?

Gần đây báo chí đăng tải dồn dập những tin tức về vi phạm an toàn thực phẩm thật khủng khiếp, nếu chỉ “nghe nói” có lẽ nhiều người sẽ không tin. Chắc hẳn ít nơi nào lòng tham lam và ích kỷ của con người lên tới mức đó.

Nào là thịt thối, lòng heo thối liên tiếp bị phát hiện ; nào là nhà hàng đãi khách tiệc cưới với thịt thối, khiến thực khách bỏ ra về ; nào là thịt thối vừa được cơ quan chức năng phát hiện và đem chôn thì ngay sau đó, chính lái xe bị bắt quả tang chở thịt thối đã quay lại “giải cứu” (chữ của báo chí) và đưa về nơi tiêu thụ ở Bình Dương (có địa chỉ hẳn hòi với tên của chủ cơ sở chế biến…) ; rồi khi khám xét cơ sở đã nhận 2,2 tấn thịt thối được “giải cứu” này, công an phát hiện những 7,4 thịt thối ! Nhà báo Tuổi Trẻ (số ra ngày 16.4.2012), sau nhiều đêm theo dõi, còn biết rõ “đường đi” của một “đợt” lòng heo thối từ các tỉnh miền Bắc vào Nam vào tháng 3, tập kết ở khu vực cầu vượt Sóng Thần, sau đó được chở bằng xe máy đến cở sở chế biến để phù phép thành những món “tươi ngon” cho các quán nhậu trong thành phố. Một người nhận hàng có tiếng là T. ,biệt danh là “T. dồi trường”, có nhà hàng ở đường Nguyễn Quý Yên, Quận Tân Bình.

Đọc những tin tức như thế ai mà khỏi ghê tởm, rùng mình và ngao ngán! Chúng ta tự hỏi những con người tham gia tích cực vào chuyện này, từ người cung cấp thịt thối, đến những cơ sở tàng trử và chế biến, họ có khi nào bắc tay lên trán mà nhận ra hành động quá ư sai trái của mình không ? có bao giờ nghĩ tới tai hoạ đe doạ sức khoẻ và mạng sống mà lòng tham mù quáng của họ gây ra cho người tiêu dùng không? Báo chí cho biết: thịt ôi thiu, phải ngâm trong hoá chất khoảng 1 giờ, còn thịt thối phải ngâm đến 5 tiếng! Hoá chất sẽ tẩy hết mùi hôi và dơ bẩn, làm cho thịt nên tươi rói.

Đây lại thêm một dấu hiệu –không, một bằng chứng- cho sự xuống cấp đạo đức trầm trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Cái xấu thì ở đâu và thời nào cũng có. Nhưng thông thường nó được cầm giữ lại hay hạn chế bớt bởi một nền giáo dục tốt, luật pháp nghiêm minh và bầu khí luân lý lành mạnh chung. Còn ở ta, cái xấu hầu như tự do tung hoành vì những “bờ đê” chắn sóng vô hình đó quá yếu kém!

Giáo dục:

Sau bao lần cải cách, vẫn còn quá nhiều tiêu cực, vẫn thường bị chi phối bởi đồng tiền, lợi nhuận ; chủ trương “ba không” của ông cựu Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân hồi nào, đã chỉ có tác dụng tích cực một thời gian ngắn như ngọn lửa rơm bùng lên rồi xẹp xuống ngay,vì cơ cấu và con người không hề thay đổi. Sau bao thời nhấn mạnh thiên lệch vào giáo dục chính trị, nay đã chú ý vào giáo dục đạo đức, nhưng trong thực tế giáo dục này nơi nhà trường vẫn bị coi nhẹ, và phải nhìn nhận nó khó hơn hẳn so với giáo dục chính trị.

Luật pháp:

Sự hiểu biết luật pháp và tuân thủ luật pháp không thấy tiến triển rõ rệt ; tham nhũng đe doạ nặng nề tính công minh của luật pháp, “đồng bạc đâm toạc tờ giấy”, kẻ làm điều xấu, khi bị phát hiện, thường “yên tâm” : “việc gì cũng có cách xoay xở, miễn là có tiền!” Ở nước ta, lại còn thêm cơ cấu không phân biệt giữa lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính quyền) và tư pháp (Toà án, Thẩm phán) càng khó tạo ra lòng tin tưởng vào luật pháp nơi người dân … Dân không rành luật pháp đã đành mà nguy hiểm hơn, nhiều cán bộ cấp huyện, xã cũng mù mờ, đưa tới những quyết định sai luật, có hại cho nhân dân; vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng, chỉ là chuyện nhỏ! Về chuyện thịt thối, có đến ba bộ quản lý, cho nên không ai chịu trách nhiệm rõ ràng, mà xử phạt thì nhẹ hều, nên những kẻ vô lương tâm cứ chịu phạt để tiếp tục làm điều xấu “hốt tiền”! Người ta chỉ sợ luật pháp, không sợ lương tâm. Mà nếu không còn lương tâm thì luật pháp không bao giờ đầy đủ và mạnh mẽ để chi phối hành vi của con người, họ luôn có cách luồn lách hay đối phó.

Bầu khí đạo đức chung trong xã hội:

Xuống dốc rõ rệt.Ta hay nói tới ô nhiễm môi trường sinh thái, điều này dễ thấy, ít ai nhắc tới ô nhiễm môi trường tinh thần cũng đang trở nên rất trầm trọng. Thành phố xanh sạch đẹp hơn. Nhà cửa, đường phố, công viên, các tiện nghi công cộng hiện đại hơn … Nhưng con người có “tốt” hơn không, nghĩa là được tăng thêm “tính người” và “tình người” không? Nhìn đám đông chen lấn tranh dành mua vé xe, vé tàu hay vé vào dự một đại nhạc hội (như buổi biểu diễn của nhóm nhạc sĩ Hàn Quốc mới đây), hoặc nhìn đoàn người ta đi xe máy tranh nhau từng chút khoảng hở nhỏ trên đường thành phố mỗi buổi sáng đi làm hay mỗi buổi chiều tan sở … thì thấy rõ tính ích kỷ của đám đông, chỉ nghĩ tới chút lợi cho mình, không màng tới kẻ khác hay chí ít là có chút tôn trọng luật lệ đi đường. Chúng ta đang văn minh hiện đại lên, nhưng đó là về vật chất, còn về tinh thần thì rõ ràng vật chất càng tăng tinh thần càng sa sút. Vụ thịt thối, lòng thối chẳng phải là một bằng chứng hiển nhiên nữa về sự tụt dốc đó sao?

Bởi thế tôi mới nghĩ: có thịt thối đem ra thị trường bán vô tư vì có những lương tâm đã bị thối! Chưa biết cái thối nào khó chịu hơn và đáng lo hơn?

29.4.2012

Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Các tân Linh mục gốc Việt Nam được thụ phong tại Hoa Kỳ năm 2012
Đ.Ô. Giuse Trịnh Minh Trí
09:25 29/04/2012
LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ
TÂN LINH MỤC 2012

Các tân Linh mục được thụ phong ngày 21 tháng 04 năm 2012
1. Lm Gioan Nguyễn Vũ Việt, Giáo Phận Saint Petersburg , Florida
2. Lm Giuse Nguyễn Thanh Trùng Dương, Giáo Phận Venice , Florida
(Được thụ phong tại West Palm Beach , Florida )

Tân Linh mục sẻ được thụ phong ngày 12 tháng 05 năm 2012
1. Phó Tế Augustinô Nguyễn Minh Tân, Giáo Phận Bridgeport, Connecticut
(Sẻ được thụ phong tại Nhà Thờ Chính Tòa Saint Agustine, Bridgport)

Các tân Linh mục sẻ được thụ phong ngày 02 tháng 06 năm 2012
* Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ:
1. Phó Tế Patriciô Maria Trần Thế Mạc, C.M.C.
2. Phó Tế Patriciô Maria Nguyễn Ngọc Quang, C.M.C.
3. Phó Tế Anphongsô Maria VũToàn Tri, C.M.C.
4. Phó Tế Tôma Maria Vũ Đình Lưu, C.M.C.
5. Phó Tế Bêđa Maria Nguyễn Tâm Năng, C.M.C.
(5 Thầy sẻ Chịu Chức Linh Mục bởi Đức Cha James V. Johnston, Giám Mục Giáo Phận Springfield - Cape Girardeau ).

Các Tân linh mục sẻ được thụ phong ngày 09 tháng 06 năm 2012
1. Phó Tế Giuse Trương Ngữ, Giáo Phận Orange , California .
2. Phó Tế Giuse Nguyễn Hùng, Tổng Giáo Phận Portland , Oregon .

Quý tân chức năm 2012 chưa có tên trong danh sách này, xin vui lòng gởi về địa chỉ ldcgvnhk@yahoo.com
để Cồng Đồng Dân Chúa Hoa Kỳ hiệp thông cầu nguyện và chúc mừng.

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kỳ
 
Thông Báo
Phân Ưu: LM Timôthêô Maria Mai Vĩnh Lộc qua đời tại Dòng Đồng Công Missouri
Đ.Ô. Giuse Trịnh Minh Trí
13:44 29/04/2012

PHÂN ƯU
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
vừa nhận được tin:
Linh mục Timôthêô Maria Mai Vĩnh Lộc
Sinh ngày 24 tháng 12 năm 1935 tại Nam Định, Việt Nam
Khấn Lần Đầu trong Dòng Đồng Công ngày 25 tháng 03 năm 1956
Khấn Trọn Đời: ngày 25 tháng 03 năm 1960
Chịu chức Linh Mục ngày 28 tháng 05 năm 1977
được Chúa gọi về lúc 9:00 giờ sáng Thứ Bảy
ngày 28 tháng 04 năm 2012 tại Carthage, Missouri.
Hưởng thọ 77 tuổi.

Vài nét về cuộc đời Cha Timôthêô Maria Mai Vĩnh Lộc
Sinh: ngày 24 tháng 12 năm 1935 tại Nam Định, VIỆT NAM
Khấn Lần Đầu trong Dòng Đồng Công: ngày 25 tháng 03 năm 1956
Khấn Trọn Đời: ngày 25 tháng 03 năm 1960
Chịu chức Linh Mục: 28 tháng 05 năm 1977

Hoạt Động Tông Đồ:
1977-1978: Phó xứ Giáo xứ Saint Mary, Joplin, Missouri
1978-1982: Phó xứ Giáo xứ Immaculate Conception, Springfield, Missouri
1984-1994: Chánh xứ Giáo xứ Thánh Gioan Vianney, Mountain View, Missouri
1994-2002: Chánh xứ Giáo xứ Thánh Anna, Carthage, Missouri
2004-2005: Chánh xứ Giáo xứ Saint Mary, Lamar, Missouri
2006-2008: Chánh xứ Giáo xứ Sacred Heart, Conway, Missouri

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ VÀ THĂM VIẾNG
Thứ Ba ngày 01 tháng 05 năm 2012
8:30 p.m. Giờ canh thức và cầu nguyện tại Nhà Nguyện của Tỉnh Dòng

Thứ Tư ngày 02 tháng 05 năm 2012
Lúc 10:30 sáng - Thánh Lễ An Táng
Di Quan và An Táng tại Nghĩa Trang Resurrection, Springfield, MO

Xin quý Cha dâng Lễ, và mọi thành phần dân Chúa
trong Liên Đoàn cầu nguyện cho linh hồn Cha Cố Timôthêô Maria.

Thành kính phân ưu với tang quyến, Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
Xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn Cha Cố Timôthêô Maria Mai Vĩnh Lộc
vào chốn bình an và hạnh phúc muôn đời.

Thành kính,
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
 
Văn Hóa
Mục Tử Tốt Lành
Tuyết Mai
13:47 29/04/2012
Sao được gọi là mục tử tốt lành? Đây có phải là những gì mà giáo dân mong mỏi để có được vị mục tử tốt lành, để dẫn dắt và yêu thương đàn chiên của mình, đi vào Cửa Chính Lộ. Công việc của vị mục tử tốt lành xem chừng như không có giờ được ngơi nghỉ cho chính mình, nếu chúng ta không hiểu được trách nhiệm và bổn phận của người mục tử tốt lành ra sao, thiết tưởng chúng ta cũng nên đón đọc những chuyện hạnh của các thánh mà biết và hiểu được vị mục tử tốt lành đã như thế nào!?.

Công việc của họ hằng ngày; sự giao tiếp với những con chiên đau yếu, bệnh hoạn, có hoàn cảnh khó khăn, v.v…, và dành giờ cầu nguyện mật thiết với Thiên Chúa như thế nào. Khi giao tiếp với vị mục tử tốt lành, chúng ta như có thần giao cách cảm hay sự bén nhậy của giác quan thứ sáu, giúp chúng ta nhận định được ngay vị mục tử này có Ơn Chúa chứ không phải là người chăn chiên được thuê mướn.

Vị mục tử tốt lành sống chung với đàn chiên, là khi cả đàn chiên đều công nhận được vị mục tử này thương yêu tất cả chiên bằng nhau, không thiên vị chiên béo với chiên gầy, chiên đẹp với chiên xấu, chiên trẻ với chiên già, chiên mạnh khỏe với chiên ốm đau, và nhất là giữ khoảng cách với những con chiên luôn tìm kiếm tới chỉ để được vuốt ve, làm mất thời giờ và làm tổn thương đến danh dự của vị mục tử hiếm có. Nhất là vị mục tử tốt lành có trọng trách chăm sóc cho tất cả chiên trong đàn chứ không phải chỉ riêng có một.

Thật rõ khổ cho vị mục tử tốt lành ấy, khi phải va chạm và hằng ngày phải đối đầu với đàn chiên, vì thỉnh thoảng có những con chiên quá hư hỏng. Vì chiên hư hỏng này đã làm người mục tử tốt lành bỏ cả đàn để đi tìm kiếm con chiên hư hỏng trở về. Người mục tử nếu không có Ơn Chúa tiếp sức, giúp cho những khí cụ cần thiết để chống trả ba thù, và thú dữ, thì khi người mục tử ấy có trở về cùng với con chiên hư hỏng ấy, thì mục tử ấy cũng phải đối diện với những bất trắc to lớn trước mặt là phải giáp mặt với Chủ (Chúa) của mình. Vì đã cố tình bỏ đàn chiên ở lại không người chăn dắt? Thú dữ thừa cơ hội vào bắt chiên mất đi vài con. Trộm cũng có thời giờ để trộm cắp chúng?. Điển hình là trong quá khứ có vài mục tử đã không biết vô tình hay cố ý, đã làm gương mù gương xấu cho giáo dân, làm chiên bỏ hẳn đàn của mình, đi biệt tích luôn không muốn trở về sống với đàn nữa, và nhất là muốn sống gần với mục tử ấy!.

Đó là điển hình của chỉ vài vị mục tử mà chúng ta nhận xét thấy! Đúng hay sai chẳng phải việc của chiên xét đoán vị mục tử của mình. Nhưng thật sự giáo dân hiện ở khắp mọi nơi, đều rất cần đến những vị mục tử tốt lành, để chăn dắt họ. Đem họ trở về đàn sống có luật có lệ vì họ đang là những con chiên không có đàn. Mong mỏi của giáo dân xem chừng lại rất khó khăn, vì thời buổi ngày nay tìm không đâu cho ra mục tử. Những người có chí hướng, có lòng, ngay cả đang thắc mắc đang đứng ngã ba đường, ngại ngùng trước sự lựa chọn của mình, có chắc đó là Ơn Gọi hay không??.

Vì trở thành Mục Tử đơn thuần, thời gian không phải là ít để học tập, không muốn sau này vì chọn lầm đường quay trở ra lại chẳng còn thời giờ học được một ngành nghề nào khác để nuôi thân và nuôi gia đình. Thực tế cho chúng ta thấy rất nhiều những người lúc đầu tưởng rằng mình được ơn gọi, nhưng sau thời gian thử thách, chịu không nổi phải trở ra mà thôi!.

Còn những ai có ơn gọi thật sự thì sự khao khát để muốn được trở thành Mục Tử luôn nung nấu trong lòng của họ. Tự động họ sẽ tìm đến nơi để xin học trở thành Mục Tử, ngay cả không ngần ngừ và chần chừ để từ giã gia đình, từ bỏ những thói quen tật xấu, từ bỏ của cải đời này mà đi tìm cho mình hạnh phúc thăng hoa hơn, thiện hảo hơn, và có tính cách dài lâu hơn.

Vì họ được hiểu rằng từng con người đều có được sự sắp xếp của Thiên Chúa toàn năng. Người đã gọi thì Người đã có chuẩn bị cho chính mình và cho gia đình. Người gọi thì xin đừng ai ngoái cổ lại. Những người được Chúa gọi luôn có sự thúc đẩy và rất tích cực như những tông đồ tiên khởi của Chúa Giêsu thuở trước. Khi Người gọi ai thì người đó chỉ biết bỏ tất cả mà đi theo Ngài. Không một chút lưỡng lự, đắn đo, hay mặc cả. Đó là Ơn Gọi thật sự. Còn những ai còn có sự đắn đo tư lự thì tự mình phải xem xét lại vì khi đã chọn Chúa chúng ta phải tự đặt mình sống trong những khuôn mẫu rất khe khắt mà rất khó giữ lòng.

Thật phải nếu chẳng phải Ơn Chúa thì Mục Tử chẳng khác nào là một cái nghề trong những ngàn nghề khác trong cuộc đời. Sung sướng chi khi chúng ta chọn lầm nghề hay học không đúng nghề rồi phải đau khổ với cái nghề mình đang làm?. Một cái nghề mà tiền bạc chẳng được bao nhiêu mà trách nhiệm thì quá nhiều? Có phải khi yêu nghề chúng ta mới yêu công yêu việc và yêu tất cả những ai tiếp cận với mình?. Còn không thì cái nghề ấy sẽ làm cho chúng ta ra điên và mọi người chung quanh cũng bị điên theo. Nhìn cuộc đời của các vị Tông Đồ tiên khởi, chúng ta thấy cuộc đời của các ngài chung sống với Chúa Giêsu ra sao?. Họ rắp tâm nghe theo Ngài giảng dậy và sống một cuộc đời rất yên hàn bên Ngài; chẳng một lo toan, chẳng một sợ sệt, hay phiền muộn, vì có Chúa Giêsu bên cạnh là các Ngài cảm thấy an toàn và bình an lắm rồi!. Có phải khi tông đồ sống sát bên với Chúa thì họ chỉ thấy Thiên Đàng và những sự sáng láng của Nước Trời. Nơi mà Chúa Giêsu hứa với các ngài sẽ được đến ở ngày sau hết.

Hiểu được chức vụ của Mục Tử, chúng ta giáo dân thương yêu các ngài vô cùng và không ngừng cầu nguyện cho các ngài, sống trọn lời thề hứa khi các ngài khấn trọn đời làm tông đồ cho Chúa. Có được một Mục Tử để trao phó cho một đàn chiên trông coi thời nay không phải dễ, vì chiên thì quá nhiều chạy lăng xăng không người chăn dắt?. Mà thú dữ thì càng ngày càng nhiều vô số kể.

Lậy Chúa Giêsu là vị Mục Tử rất nhân hiền! Xin ban cho thế giới chúng con những vị mục tử tốt lành và nhân hiền giống Chúa. Để chiên chúng con không còn lo lắng ngày đêm là bị chúng thú dữ len lỏi vào cánh đồng mà ăn thịt chúng con. Là những đe dọa, những mưu chước của quỷ ma, những thử thách cuộc đời mà chúng con là những con chiên ngu dại, sao có thể thắng được những mồi ngon mà chúng sói giăng bẫy để chúng con sa vào nanh vuốt của chúng. Mục Tử tốt lành sẽ giúp chúng con được hồn an xác mạnh, củng cố niềm tin cho chúng con; vì Mục Tử là con người có lòng nhân luôn hướng dẫn chúng con đi trên con Đường Công Chính, để tất cả sẽ lần lượt đến được Cửa Chuồng Chiên Nước Trời. Sống trong an bình và hạnh phúc vĩnh cửu bên Ba Ngôi Thiên Chúa và Mẹ Maria muôn đời. Amen.
 
Nhạc phẩm ''Linh Mục Một Huyền Nhiệm''
Phạm Trung
17:48 29/04/2012

Xin giới thiệu Nhạc phẩm "Linh Mục Một Huyền Nhiệm" của Phạm Trung, Thơ: Xuân Ly Băng. Trình bày: Hợp Ca.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chung Một Bóng Cờ
Nguyễn Đức Cung
19:05 29/04/2012
CHUNG MỘT BÓNG CỜ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Tháng Tư :
Ghi ơn và tưởng nhớ những chiến sĩ Việt/Mỹ đã chiến đấu cho tự do.

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền