Ngày 07-04-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời ĐHY Tổng giáo phận Saigòn nhân dịp kỉ niệm 10 về giáo phận
+ ĐHY JB Phạm Minh Mẫn
12:57 07/04/2008
Lời Chủ Chăn tháng 5 năm 2008

Kính gởi các thành viên trong gia đình giáo phận

Anh chị em rất thân mến,

1. Hôm đầu tháng 4. 2008 vừa qua, giáo phận có tổ chức Lễ Tạ Ơn và Lễ Hội kỷ niệm 10 năm tôi gia nhập gia đình giáo phận và chọn thành phố nầy làm quê hương. Dịp lễ nầy làm nẩy sinh trong tôi những suy nghĩ và tâm tình khó quên. Qua Lời Chủ Chăn tháng nầy, tôi muốn chia sẻ đôi điều tâm sự, hy vọng mở đường và khơi dậy cho sự đồng cảm trong gia đình thêm sâu rộng, cho mối giây hiệp thông huynh đệ thêm vững bền.

2. Trong đêm Lễ Hội 2.4.2008, một nhóm bạn trẻ, với lời ca tiếng hát, đã gọi nhớ lại bài thơ "Huyền nhiệm Ơn gọi" đã xuất hiện cách đây 10 năm:

" Khi cần một người cha cho dân mình, Chúa đã gọi một ông lão...
" Khi cần một lãnh tụ cho dân, Chúa đã gọi một bạn trẻ con út trong gia đình...
" Khi cần người làm nền móng xây dựng Giáo Hội, Chúa đã gọi một kẻ chối Chúa,
" Khi cần người truyền đạo, Chúa đã gọi một kẻ bắt đạo...
" Khi cần ai đó quy tụ dân, Chúa gọi ngươi...


Tiếng ca chấm dứt, ông bầu đêm Lễ Hội chất vấn tôi một câu:

- Mười năm về trước, Đức Hồng Y rất tâm đắc với bài thơ nầy. Nay, sau 10 năm, Đức Hồng Y cảm thấy thế nào?
- Tôi trả lời ngay rằng nay tôi nhận thấy từ "ngươi" trong câu "Chúa gọi ngươi" không còn chính xác. Phải đổi từ "ngươi" thành "một người mù". (Người mù, có thể mù từ bẩm sinh, hoặc mù do tai nạn, hoặc mù do đi trong đêm tối...)

3. Thời gian 10 năm trôi qua với nhiều biến chuyển trong đời sống gia đình giáo phận, mở mắt cho tôi thấy Thiên Chúa là Người Cha yêu thương từ bi bao dung vô biên, đang dẫn dắt và chăm sóc gia đình giáo phận chúng ta.

4. Nhiều năm về trước, trong một buổi sinh hoạt với anh chị em tu sĩ, tôi có đề cập đến những mẫu số chung (niềm tin, đời thánh hiến...) như nền tảng xây dựng đời sống hiệp thông huynh đệ trong các cộng đoàn gồm những thành phần đến từ ba miền đất nước. Sau buổi sinh hoạt, một bề trên đến nói với tôi rằng Đức Hồng Y quên một mẫu số chung quan trọng, đó là Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, người miền nào cũng có cái "kỳ" của mình. Góp ý nầy mở mắt cho tôi thấy mình cũng có cái"kỳ" của mình, đồng thời mở đường cho tôi đi tìm mặt bổ túc cho nhau của ba cái "kỳ" làm cho đời sống văn hoá của ba miền thêm phong phú.

5. Cách đây vài năm, 250 anh em linh mục trải qua một cuộc khám xét sức khoẻ. Kết quả xét nghiệm y khoa mở mắt cho tôi thấy cuộc sống liên tục bon chen và náo động, luôn ồn ào và ô nhiễm của một thành phố vừa đang phát triển theo hướng kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh gay gắt, vừa có mật độ dân số dày đặc như một chuồng gà công nghiệp, dễ làm phát sinh bệnh dịch gà công nghiệp mổ nhau liên tục. Chịu đựng cảnh sống đó lâu ngày dễ sinh bệnh tim mạch, huyết áp cao...Tình cảnh đó thúc đẩy tôi đi tìm phương thuốc phòng trị bệnh dịch cho mọi người trong gia đình giáo phận, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân.

6. Trong Năm Thánh Thể 2006, anh chị em giáo dân mở mắt tôi và chỉ cho thấy phương thuốc phòng trị dịch gà công nghiệp. Những giờ cầu nguyện trầm lắng thường ngày bên Chúa Giêsu Thánh Thể đem lại ơn bình an cho gia đình, mang năng lượng mới cho sự ổn định đời sống cộng đoàn. Các bạn trẻ chỉ cho tôi phương thuốc khác, là giúp nhau học hỏi Lời Chúa, tìm và tuân hành ý Chúa, sống bác ái huynh đệ tương thân tương trợ. Đó là những phương thuốc mà Thánh Phaolô đã sử dụng và đã truyền lại nhằm giúp cho mọi gia đình, mọi cộng đoàn vượt qua những bất đồng, bất hoà, bất ổn, những kỳ thị và cách biệt, đồng thời củng cố sự đồng cảm, tình hiệp thông liên đới và chia sẻ.

7. Mùa Xuân Mậu Tý vừa qua, cuộc thăm viếng một khu xóm dân cư mở mắt cho tôi nhận thấy đời sống đức tin và bác ái huynh đệ trong cộng đoàn không những mang tính phòng trị bệnh dịch xã hội, song còn là thần dược có sức đổi mới một khu xóm đầy các loại tệ nạn xã hội thành một cộng đoàn huynh đệ sống an lành trong yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

8. Những khám phá đó mở mắt cho tôi thấy Chúa đang đồng hành với tôi, với chúng ta, như đã đồng hành với hai môn đệ làng Êmau đang mang tâm trạng đau buồn và thất vọng trong đêm tối của lòng tin yêu và hy vọng. Chúa đồng hành, đồng thời gieo nhiều loại hạt giống ơn thánh, hạt giống ơn đức tin cậy mến, ơn gọi linh mục, tu sĩ... Thăm và cử hành lễ nơi các cộng đoàn giáo xứ, dòng tu, tôi thấy thánh đường nào, tu viện nào cũng đầy tràn những hạt giống Chúa gieo. Đó là tín hiệu cho chúng ta nhận ra Chúa yêu thương đồng hành như người chủ ruộng chuyên cần chăm sóc ruộng đồng của mình. Đồng thời cũng cho tôi nhận ra rằng: nhờ đời sống chuyên cần cầu nguyện làm nguồn nước tưới, nhờ đời sống bác ái huynh đệ, liên đới và chia sẻ, làm nguồn phân bón ruộng đồng, gia đình và cộng đoàn anh chị em trở nên một thửa đất màu mỡ, một cánh đồng phì nhiêu.

9. Mười năm đồng hành với anh chị em đem lại cho tôi trải nghiệm nầy: bóng tối của đêm đức tin, của cuộc thương khó, tan dần, và loé lên ánh bình minh của một ngày mới, ngày Chúa Phục Sinh. Trải nghiệm đó làm cho lòng trí tôi chan chứa niềm hân hoan. Hân hoan vì được sáng mắt, được nhìn ngắm đồng lúa xanh tươi bát ngát, được nhìn thấy khuôn mặt nhiều người rạng rỡ niềm vui và hy vọng khi được làm con Chúa, khi được làm thợ trên cánh đồng truyền giáo của quê hương, được tham gia sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng, cho sự sống của mọi người anh em...Đồng thời lòng tôi cũng tràn đầy tâm tình cảm mến tri ân đối với Thiên Chúa là người gieo giống và chăm sóc ruộng đồng, tâm tình biết ơn đối với tất cả anh chị em trong gia đình giáo phận đã dày công vun tưới cho ruộng đồng thêm màu mỡ, cho hạt giống ơn thánh phát triển xanh tươi, trong đó có hạt giống ơn gọi mục tử của tôi.

10. Và cuối cùng, tôi nhận ra vì quý trọng loài người, Thiên Chúa đã biến hồng ân Người ban thành trách nhiệm đặt trên đôi vai của người tin cậy vào Chúa. Trách nhiệm chăm sóc, đào tạo những mục tử như lòng Chúa mong ước, huấn luyện những tay thợ lành nghề cho vườn nho của Chúa, cho cánh đồng truyền giáo trên quê hương đất nước. Trách nhiệm thường xuyên vun tưới các hạt giống Chúa gieo, cảnh giác theo dõi tình hình sâu rầy bệnh dịch đang đe doạ tàn phá mùa màng để kịp thời có biện pháp phòng trị. Trách nhiệm cùng nhau chuyên cần cầu khẩn xin Chúa tiếp tục đồng hành và trợ giúp cho mọi gia đình và mọi cộng đoàn tín hữu vượt qua mọi gian lao và thử thách trong hành trình tiến đến vùng ánh sáng của ngày mới, của sự sống mới, sự sống dồi dào trong yêu thương và an bình.

11. Tôi ước mong mọi thành phần trong gia đình giáo phận luôn ý thức và nỗ lực cùng nhau chia sẻ trách nhiệm chung, hỗ trợ nhau hoàn thành sứ vụ Chúa giao, vì sự sống dồi dào của mọi người anh em trong cộng đồng dân tộc.

Lễ kính thánh Gioan Lasan, một nhà giáo dục Kitô giáo, 7. 4. 2008

+ Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:06 07/04/2008
NHÀ MỚI CỦA CON CHÓ ĐỐM NHỎ

N2T


Con chó đốm nhỏ muốn xây một căn nhà mới, các bạn đều đến giúp đỡ: con voi dùng cái mũi dài vận chuyển rất nhiều gỗ từ trong rừng về, con sơn dương nhỏ và hươu con thì cưa gỗ thành những tấm ván, các bạn nhỏ “tinh tang tinh tang” bắt đầu công việc, thời gian mới chỉ có mấy ngày mà một cái nhà xinh xinh đã làm xong.

Chó đốm nhỏ nhìn thấy các bạn mệt nhọc mồ hôi đẫm lưng thì rất cảm kích, nói: “Này các bạn, cảm ơn các bạn, đợi nhà cửa sạch sẽ rồi tôi nhất định sẽ mời các bạn đến chung vui.”

Con chó đốm nhỏ bố trí căn nhà mới rất đẹp, trên bức tường dán những tờ giấy màu xanh nhạt, cửa sổ thì có bức màn màu hồng, trên bức thảm lại phủ thêm một lớp vải hoa, nó say sưa nhìn lui nhìn tới.

Không lâu sau đó, bạn bè muốn đến tham quan căn nhà mới của chó đốm, nhưng nó nói: “Không được, mấy ngày nay vừa nổi gió vừa có mưa, các anh sẽ làm dơ bẩn nhà của tôi dấy”, mọi người nghe như thế thì cụt hứng bèn bỏ về.

Mấy ngày sau, trời rất đẹp mây xanh trong, các bạn nghĩ rằng nên đến nhà chó đốm làm khách, nhưng khi họ đến cổng nhà của chó đốm thì nó đem ra một thau nước, nói: “Mọi người rửa chân xong rồi mới được vào, bằng không thì tấm thảm nhà tôi dơ đấy”, con voi nhìn chân của mình, lại nhìn thau nước nhỏ, phủi tai bỏ về. Các bạn khác nhìn thấy con voi bỏ về thì cũng rời khỏi đó.

Từ đó về sau, không một ai đến nhà của con chó đốm nhỏ nữa, các bạn của nó mỗi ngày đều vui chơi rất vui vẻ, mà con chó đốm nhỏ lại chỉ có một ngôi nhà với nó, nó đau khổ khóc hu hu.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Đối xử với bạn bè thì nên có lòng chân thành, chỉ có bày ra tấm lòng chân thật thì mới có thể giành được sự quan tâm lo lắng và giúp đỡ của bạn bè.

Chó đốm nhỏ trong câu chuyện này đã không trân trọng những người bạn nhỏ đã giúp đỡ nó, đương nhiên nó phải mất đi rất nhiều bạn bè.

Các em thực hành:

- Coi Chúa Giê-su là bạn thân thiết nhất của mình.

- Yêu mến bạn bè như yêu bản thân mình.

- Quý trọng những giúp đỡ của bạn bè.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:07 07/04/2008
N2T


16. Hiệu quả kỳ diệu nhất của bí tích Thánh Thể chính là miễn cho linh hồn khỏi sa đọa, và giúp cho những người vì yếu đuối mà sa đọa đứng lên làm lại từ đầu.

(Thánh Ignatius of Loyola)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair: Hãy cứu tôn giáo khỏi tay những kẻ cực đoan
Phụng Nghi
12:11 07/04/2008
London (CWNews) – Trong diễn từ đọc tại nhà thờ chính tòa Westminter hôm 3 tháng 4 vừa qua, Cựu thủ tướng Anh Tony Blair kêu gọi hãy đánh giá đức tin tôn giáo cao hơn nữa.

Ông Blair đã gia nhập giáo hội Công giáo sau khi từ chức Thủ tướng nước Anh hồi năm ngoái, nói rằng: “chúng ta không lo hiểm họa nên mới lơ là sức mạnh của tôn giáo.”

“Đức tin tôn giáo, chính trong tự thân, là một điều tốt, và nên được dùng làm sức mạnh thúc đẩy tiến bộ.” Nhưng, theo ông, ảnh hưởng của lãnh đạo tôn giáo rất thường hay bị những kẻ quá khích dùng làm công cụ.

Ông cho biết: Mặc dầu những kẻ khủng bố Hồi giáo đã là những người nổi bật về chuyện lợi dụng đức tin, nhưng “hầu như mọi tôn giáo” đều bị hoen ố bởi chủ nghĩa cực đoan. Ông định nghĩa cực đoan là những kẻ coi đức tin của mình “là phương tiện loại trừ người khác khi người đó không chia sẻ cùng đức tin với mình.”

Ông nói tiếp rằng ngày nay, đức tin tôn giáo cần được che chở một mặt khỏi bị ảnh hưởng của những bọn cực đoan, và mặt khác, khỏi những kẻ thế tục võ trang chiến đấu, là những người muốn loại trừ mọi ảnh hưởng tôn giáo.

Nhìn lại cuộc đời ở chính trường của mình, ông cho biết đã trải qua “nhiều rắc rối” mỗi khi nói về niềm tin của mình. Thế nhưng, ông nhấn mạnh rằng đối với người có niềm tin tôn giáo rõ rệt, “điều không khó hiểu là đức tin sẽ ảnh hưởng tới đời sống chính trị của người đó.”

Ông nói với cử tọa trong thánh đường Westminter rằng mục tiêu của ông khi thành lập Cơ sở Đức tin (Faith Foundation) là muốn dùng sức mạnh của tôn giáo vào các dự án có lợi, đáng kể là công cuộc chống nghèo đói trên toàn thế giới.
 
Hai anh em nổi danh nhất nước Đức
Lm Nguyễn Hữu Thy
12:28 07/04/2008
Hai anh em nổi danh nhất nước Đức

Từ trên 80 năm nay cả hai anh em cùng sống sát cánh bên nhau; trong mọi vui buồn của cuộc sống họ đều có nhau bên cạnh, tận tình thương yêu, an ủi và nâng đỡ nhau: Georg và Joseph Ratzinger!

Hai anh em Georg và Joseph Ratzinger
Đức Ông Heinrich Wachter, 78 tuổi, thuộc Giáo phận Regensburg, người bạn thân của hai anh em Ratzinger từ nhiều thập niên nay, cho hay: «Tình anh em giữa Georg và Joseph Ratzinger rất quân bình, họ rất tôn trọng lẫn nhau, nhưng lại rất keo sơn gắn bó với nha, hơn cả hai anh em song sinh.» Đức Ông Wachter cũng kể rằng Đức Ông Georg Ratzinger, 84 tuổi, từng là nhạc trưởng rất nhiều năm của Ca Đoàn nhà thờ chính tòa Regensburg, đã tỏ vẻ buồn và tư lự khi vào năm 2005 hay tin em mình là Joseph được bầu làm Giáo Hoàng với tước hiệu Bênêđíctô XVI. Bởi vì, hai anh em luôn luôn cùng đồng tâm và đồng chí hướng với nhau, mong cho một ngày nào đó cả hai anh em lại cùng về sống bên nhau như thủa còn thơ. Nhưng nay dự định đó đã hoàn toàn bất thành, vì chức vụ và trọng trách của một vị Giáo Hoàng không còn cho phép.

Tuy nhiên, Đức Ông Heinrich Wachter cũng đã rất mừng cho hai anh em Ratzinger, vì tuy cả hai không thể cùng sống chung với nhau như đã dự định, nhưng «bây giờ tình trạng cũng không đến nỗi phải hoàn toàn xa nhau. Bởi vì nhờ chiếc điện thoại đặc biệt được thiết kế ngay trong phòng, nên Georg có thể liên lạc trực tiếp với Vatican trong bất cứ lúc nào.» Theo Đ.Ô.Wachter, hằng tuần hai anh em Ratzinger liên lạc điện thoại thường xuyên với nhau và cùng nhau trao đổi ý kiến về chủ đề nhạc cũng như các biến cố xảy ra tại Đức quốc và trong Giáo phận Regensburg.

Thật ra, khi cả hai còn trong tuổi thơ, không một ai ngờ rằng sau này một người trong họ sẽ trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng và người kia sẽ làm Giáo Hoàng, vì gia đình anh em họ chỉ là một gia đình hoàn toàn bình dân như bao gia đình bình dân khác.

Thật vậy, ông Joseph Ratzinger, thân phụ các ngài, là một cảnh binh nghiêm nghị và thẳng thắn. Còn bà Maria Ratzinger, thân mẫu của các ngài, từng học nghề gia chánh nấu bếp, là một người đầy lòng nhân hậu. Hai ông bà đã quen biết nhau qua tin tức đăng trên tờ báo «Đức Mẹ Altöttinger» của Trung tâm Hành hương Altöttinger/Nam Đức.

Trước hết, cặp vợ chồng trẻ Joseph và Maria Ratzinger sinh hạ vào năm 1921 đứa con gái đầu lòng Maria, người sau này đã làm nội trợ cho em trai mình là giáo sư Joseph Ratzinger trong nhiều năm. Vào năm 1924 Georg được cất tiếng chào đời tại Pleiskirchen, gần Altöttinger thuộc hạ Bayern. Sau đó, gia đình dời về sống tại Marktl bên bờ sông Inn. Và chính tại đây, vào năm 1927 đứa con thư ba của gia đình là Joseph được sinh hạ.

Hằng năm, trước Đại Lễ Giáng Sinh, cả ba chị em đều hăm hở trang hoàng hang đá một cách vui vẻ: Họ đưa nhau xuống bờ sông Salzach-Ufer để chọn những viên đá cuội ưng ý, sau đó cùng nhau lại vào rừng chặt cành thông và kiếm các thứ rêu. Cũng chính trong dịp Lễ Giáng Sinh, khi cả gia đình cùng quây quần bên hang đá ca mừng Chúa Hài Đồng, Georg đã tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về nhạc. Ngay khi còn học cấp III, Georg đã tự sáng tác được nhiều bài hát hay và cả ba chị em cùng biểu diễn như một tiểu hội nhạc: Joseph chơi Piano, Georg gảy đàn Violon và Maria chơi Harmonium. Năm 1991, Maria, người chị cả của ba anh em qua đời.

Năm 1937, gia đình Ratzinger lại bỏ Aschau bên bờ sông Inn để dọn về sống ở Hufschlag gần Traunstein là nơi Georg đã theo học từ hai năm tại trường trung học nội trú của Tổng Giáo phận. Năm 1939 thì đến lượt Joseph cũng theo chân anh vào học cùng trường. Mãi cho tới khi thế giới chiến II bùng nổ, cả hai anh em đều sống quấn quýt bên nhau. Nhưng trong chiến tranh, vì lý do mỗi người phải phục vụ một nơi, nên cả hai đành phải sống xa nhau. Vào năm 1946, sau khi chiến tranh chấm dứt cả hai anh em cùng gia nhập Đại Chủng Viện Freising. Trong đời sống chung ở Chủng Viện, vì thầy Georg có năng khiếu đặc biệt về nhạc nên anh em đặt cho bí danh là «Orgel-Ratz» (chuột dương cầm); còn thầy Joseph vì quá siêng đọc sách, đọc hết sách này lại đến sách kia, nên anh em đặt cho bí danh là «Bücher-Ratz» (chuột sách)(1).

Chức Linh Mục (29.6.1951): Tân LM Georg (trái) và tân LM Joseph (phải)
Do đó, người ta không còn lấy làm lạ khi vào ngày 29.6.1951 cả hai thầy Georg và Joseph Ratzinger cùng được lãnh nhận thánh chức Linh Mục do Đức Hồng Y Michael von Faulhaber phong ban tại nhà thờ chính tòa Freising. Vào ngày 8.7.1951, cả hai tân Linh Mục cùng dâng Thánh Lễ Mở Tay tại nhà thờ St. Oswald thuộc thành phố Traunstein. Sau đó, cả hai tân Linh Mục Georg và Josph Ratzinger đều được bổ nhiệm làm cha phó tại thủ phủ München và đồng thời theo học thêm các môn sở trường của mình: Cha Georg học phân khoa nhạc, còn cha Joseph tiếp tục học thần học và triết học.

Tiếp đến, anh em lại phải sống xa nhau. Cha Georg Ratzinger trở thành nhạc sĩ chuyên về thánh nhạc. Năm 1964, cha được bổ nhiệm điều khiển hội kèn và làm trưởng nhạc của ca đoàn của nhà thờ chánh tòa Regensburg. Đây là hai chức vụ vô cùng khó khăn và quan trọng vào bậc nhất của Giáo phận mà ngài đã nắm giữ cho đến năm 1991, và ngài đã thành công mộc cách hết sức tốt đẹp.

Trong khi đó, con đường đời của cha Joseph Ratzinger lại dẫn cha đi một hướng khác: Trước hết cha được bổ nhiệm làm giáo sư thần học tại đại học München, sau đó dạy tại đại học Bonn, Münster và Tübingen. Trong thời gian nhóm họp Công Đồng Vatican II, giáo sự Joseph Ratzinger được chọn làm cố vấn Công Đồng cho Đức Hồng Y Joseph Frings, Tổng Giám Mục Köln.

Nhưng vào năm 1969, giáo sư Joseph Ratzinger được bổ nhiệm làm giáo sư đại học Rengensburg, và nhờ thế ngài lại được sống bên anh mình. Giáo sư xây một căn nhà tại ngoại ô thành phố Pentling. Giáo sư cảm thấy rất sung sướng lại được sống gần bên anh mình tại thủ phủ Oberpfalz. Nhưng thời anh em được sống gần nhau kéo dài không lâu, bởi vì vào năm 1977 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đột nhiên bổ nhiệm giáo sư Josephr Ratzinger làm Tổng Giám Mục München và Freising. Còn hơn thế nữa, năm 1981 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Tổng trưởng Thánh Bộ Đức Tin tại giáo triều Roma. Bởi vậy, ĐHY Joseph Ratzinger chỉ có thể về thăm anh mình trong các dịp nghỉ hè mà thôi.

Theo lời kể của hai ông bà Therese và Rupert Hofbauer, một gia đình sống bên cạnh nhà anh em Ratzinger và từ 30 năm nay phụ trách việc trông coi vườn tược cho hai vị, thì trong những dịp nghỉ như thế «cả hai vị cùng đi dạo khắp khu vườn hoa và đặc biệt cả hai vị rất thích thú ngắm những bông hồng đủ màu sắc trong khu vườn». Và khi thuận tiện, cả hai vị đều trò chuyện vui vẻ với bà con sống bên cạnh nhà họ. Bà Therese Hofbauer còn cho hay: «Cả hai vị luôn luôn ân cần chia sẻ với mọi vất vả của cuộc sống chúng tôi.» Nhưng thật đáng tiếc là kể từ mùa xuân năm 2005, các cuộc thăm viếng đều đặn của ĐHY Joseph Ratzinger tại Regensburg vào các dịp nghỉ hè như thế đã không còn nữa, kể từ khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng.

Sau cùng, Đ.Ô. Wachter còn kể: «trong cuộc viếng thăm ngắn ngủi tiểu bang Bayern vào năm 2006, Joseph đã bất ngờ thăm lại ngôi nhà của ngài tại Pentlinge và thăm chỗ trọ của Georg ở đường Luzengasse/ Regensburg. Nhưng nay Georg thường xuyên bay sang Roma. Mỗi khi có mặt tại Vatican, Georg đều ngủ tại căn phòng ở lầu phía trên Đức Giáo Hoàng. Sáng sớm hai anh em cùng dâng Thánh Lễ và cùng đọc Sách Nguyện với nhau, nhưng vì mắt của Georg không còn nhìn thấy được rõ nữa, nên Joseph phải đọc to để anh mình cùng đọc theo. Vào ban trưa khi thời giờ cho phép, anh em cùng đi dạo trên sân thượng điện Vatican và thân mật tâm sự với nhau về mọi vấn đề.»

Quả thật, tình nghĩa ruột thịt vô cùng keo sơn thắm thiết và thánh thiện cao vời của hai anh em Georg và Joseph Ratzinger hoàn toàn vượt mức độ bình thường, hoàn toàn độc nhất vô nhị, không chỉ ở Đức quốc mà có lẽ còn cả trên thế giới nữa. Thật đúng như lời Kinh Thánh đã ca tụng:

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

anh em được sống vui vầy bên nhau,

như dầu quý đổ trên đầu

xuống râu xuống cổ áo chầu A-ha-ron,

như sương từ đỉnh Héc-mon

toả trên đồi núi Xi-on lan tràn,

nơi dây ơn huệ Chúa ban, chính là sự sống chứa chan muôn đời.


(Tv. 133)

__________________

(1) Ở Đức, người ta gọi những người ham mê đọc sách là «chuột sách» (Bücher-Ratz) hay «sâu sách» (Bücher-Wurm), chứ không gọi là «mọt sách» như người Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên, ở đây các bí danh mà các Thầy ĐCV đặt cho hai Thầy Georg va Joseph Ratzinger «Orgel-Ratz» và «Bücher-Ratz» còn chứa đựng một lối chơi chữ nữa: Trước hết, con chuột trong tiếng Đức là «Ratte», nhưng tiếng Đức bình dân lại gọi là «Ratz»; tiếp đến, chữ «Ratz» cũng có thể được hiểu là viết tắt chữ «Ratzinger», tên Họ của hai Thầy Georg và Joseph.

Sách tham khảo:

Anton Zuber: «Der Bruder des Papstes – Georg Ratzinger und die Regensburger Domspatzen. Herder Verlag.
 
Cuộc Rước hằng năm kính Đức Mẹ Núi Carmêlô tại Haifa, Do Thái
Lm. J.B. Nguyễn Minh Hoàn
14:59 07/04/2008
HAIFA - Hàng năm, cứ vào Chúa Nhật thứ ba trong mùa Phục Sinh, thì các tín hữu ở khắp nơi trong Thánh Ðịa, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, lại tuôn về núi Carmel ở Haifa để tham dự cuộc rước trọng thể kính Ðức Mẹ. Truyền thống này đã có từ khoảng thời nước Anh còn nắm quyền ở vùng Trung Ðông. Cuộc rước kính Ðức Mẹ núi Carmel là cuộc rước lớn thứ hai ở Thánh Ðịa, chỉ sau cuộc rước ngày Lễ Lá ở Giêrusalem.

Theo ước lượng trung bình thì cuộc rước truyền thống hàng năm này quy tụ khoảng trên dưới 20.000 người tham dự. Tượng Ðức Mẹ được đặt trên một chiếc xe hơi cổ, trang trí rất đẹp, và có các em bé ngồi chung quanh với đôi cánh như thiên thần. Cuộc rước bắt đầu từ nhà thờ giáo xứ thánh Giuse ở dưới chân núi. Chiếc xe không có máy, mà do mấy chục người thay nhau kéo lên Ðền Thờ Ðức Mẹ ở trên núi, nơi có hang ghi lại kỷ niệm của ngôn sứ Ếlia. Thực ra ngọn núi chỉ cao chừng 500 mét, nhưng phải đi đường vòng vèo nên kéo dài ra khoảng mấy cây số. Thật cảm động khi thấy hàng trăm thanh thiếu niên trong bộ đồng phục Hướng Ðạo với cờ và kèn trống dẫn đầu đoàn rước. Cảnh sát Israel cũng tham gia giữ trật tự trên đường phố. Hàng ngàn người cùng đi bộ, có nhiều người đi chân không, theo chân Ðức Thượng Phụ Giêrusalem, các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh. Mọi người đọc kinh, lần hạt, và ca hát vang cả một vùng của thành phố Haifa. Nhiều người dân địa phương cũng đứng bên lề đường, hoặc trên các ban-công, để xem cuộc rước trọng thể của người Công Giáo.

Khi tượng Ðức Mẹ lên đến Ðền Thờ trên núi Carmel thì các tín hữu tung những bó hoa tươi, hoặc các cành lá, và lại nhận lại những cánh hoa đã được chạm đến tượng Ðức Mẹ, đem về chưng trong nhà như để ghi nhớ diễm phúc được tham dự cuộc rước vừa long trọng, vừa cảm động. Vì tượng Ðức Mẹ khá lớn, lại được đặt trên xe chắc chắn, nên một số người còn cho những em bé được ngồi vào lòng Ðức Mẹ, bên cạnh Chúa Giêsu, để xin được chúc lành.

Suốt trong những ngày trước và sau cuộc rước kính Ðức Mẹ thì quý tu sĩ ở Ðền Thờ kính Ðức Mẹ núi Carmel rất bận rộn với công việc tổ chức, đón tiếp khác hành hương. Các nhà nguyện ở trong khu vực Ðền Thờ lúc nào cũng có các đoàn hành hương đến xin dâng lễ, hoặc các tín hữu đến cầu nguyện hay xin mặc áo Ðức Bà theo tinh thần của dòng Carmel.

Những ai muốn tham dự cuộc rước hàng năm này thì có thể liên hệ với trung tâm hành hương của dòng Carmel theo địa chỉ sau đây:

Carmelite Pilgrim Center
P.O. Box 9000
HAIFA 31090
ISRAEL
Tel: +972-4-833-2084
Fax: +972-4-833-1593
Email: stelama@netvision.net.il

Lm. J.B. Nguyễn Minh Hoàn (email: hoan@post.com)

 
Đức Thánh Cha tưởng nhớ các Kitô hữu “tử đạo” thế kỷ 21
Đức Long
17:51 07/04/2008
ROMA - Ngày thứ Hai (07/04/08), tại nhà thờ Roma, ĐGH Biển Đức XVI tưởng nhớ các Kitô hữu “tử đạo” đầu thế kỷ 21, theo Ngài họ là nạn nhân của “sự căm ghét”, mà sự căm ghét này đôi khi do người Kitô gây nên vì họ dấn thân cho tình huynh đệ, vì Đức Tin và vì “chọn lựa che chở cho người yếu thế”.

Cuối ngày Ngài đến cầu nguyện trước đài tưởng niệm các nhân chứng Đức Tin thế kỷ 20 trong nhà thờ Thánh Bartôlômê, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập công đoàn công giáo SanEgidio. Đây là ngôi nhà thờ được ĐGH Gioan Phaolô II trao cho cộng đoàn SanEgidio.

Sau khi tưởng nhớ các Kitô hữu đã ngã xuống vì bạo lực của chế độ độc tài cộng sản, phát xít và các tín hữu mọi châu lục, ĐGH nói ”thế kỷ 21 cũng bắt đầu bằng hiệu tử đạo”

Ngài nói: ” Khi người Kitô hữu thực sự là men, là ánh sáng, là muối cho đời thì họ cũng bị bách hại giống như Chúa Giêsu “.

“ Sống chung trong tình huynh đệ, yêu thương, Đức tin, và lựa chọn bảo vệ cho người bé mọn, nghèo đói là dấu chỉ của đời sống cộng đoàn Kitô hữu, nhưng đôi khi nó lại gây nên sự căm ghét bạo lực”.

Ngài còn nói thêm: ”Thật là có ích khi nhìn vào những chứng tá sáng ngời đã đi trước chúng ta”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm thứ Bảy (05/04/08), Đức Thánh Cha bày tỏ lòng đau xót sâu sắc đối với linh mục Chính Thông Irắc bi ám sát, và Ngài cầu nguyện cho “dân tộc Irắn tìm được con đường hoà bình để xây dựng một xã hội công bình và bao dung hơn”.
 
Đức Thánh Cha Nói: Chúa Kitô Chưa Bỏ Quên Các Tín Hữu
Bùi Hữu Thư
18:13 07/04/2008

Đức Thánh Cha Nói: Chúa Kitô Chưa Bỏ Quên Các Tín Hữu



Khuyến khích gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh

VATICAN CITY, 6 tháng 4, 2008 – Mặc dù các khó khăn trong đời có thể làm cho chúng ta cảm thấy như Chúa đã bỏ quên, một cuộc gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh có thể giúp cho phục hồi được đức tin.

Đức Thánh Cha nói như thế trong một bài chia sẻ Tin Mừng về sự gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmaus, trước khi ngài đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng với hàng ngàn người tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha bắt đầu như sau, "Câu chuyện kể lại việc hai môn đệ của Chúa Kitô, vào ngày sau ngày sa bát, là ngày thứ ba sau khi Chúa Giêsu qua đời. Họ buồn rầu, chán nản rời Giêrusalem để đi về một ngôi làng kế cận có tên là Emmaus."

Ngài tiếp: "Dọc đường, Chúa Giêsu Phục Sinh đến và đi bên họ nhưng họ không nhận biết Người. Thấy họ có vẻ buồn chán, Người giải thích qua Kinh Thánh là đấng được Xức Dầu phải chịu khổ nạn và chết để đi vào vinh quang.

"Sau khi vào một căn nhà cùng với họ, Người ngồi vào bàn, chúc tụng, bẻ bánh, và ngay lúc đó họ nhận ra Người, nhưng Người biến đi để cho họ ngạc nhiên trước miếng bánh được bẻ ra, là dấu chỉ của sự hiện diện của Người. Và tức thì họ trở lại Giêrusalem và nói cho các môn đệ khác biết điều đã xẩy ra."

Đức Thánh Cha nói rằng mặc dù địa điểm của biến cố này chưa bao giờ được xác định, "thật ra, Emmaus biểu tượng cho bất cứ nơi nào: Con đường đưa tới nơi đó là con đường của tất cả mọi người kitô. Dọc theo con đường của chúng ta, Chúa Giêsu Phục Sinh là bạn đồng hành của chúng ta, Người sưởi nóng tim chúng ta bằng hơi ấm của đức tin và niềm hy vọng và việc bẻ bánh của cuộc sống vĩnh cửu."

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói kinh nghiệm của các môn đệ cũng giống như kinh nghiệm của nhiều tín hữu ngày nay. Ngài giải thích là trong cuộc đối thọai với người đi đường lạ mặt, hai môn đệ đã nói: “Chúng tôi đã hy vọng.”

Đức Thánh Cha nói, "Động từ này ở thể qúa khứ nói lên tất cả mọi sự. Chúng ta tin, chúng ta bước theo, chúng ta hy vọng, nhưng bây giờ tất cả đã qua. Ngay cả Giêsu thành Nazareth, đã tỏ ra là một tiên tri nhiều quyền năng qua hành động và lới nói, đã thất bại, và chúng ta đều thất vọng. Thảm kịch của các môn đệ Emmaus phản ảnh tình trạng của nhiều kitô hữu thời nay. Dường như nhiềm hy vọng nơi đức tin đã thất bại. Chính đức tin đã gặp khủng hỏang vì những kinh nghiệm đau buồn khiến cho chúng ta cảm thấy như bị Chúa bỏ rơi. Nhưng con đường Emmaus này trên đó chúng ta đi có thể trở nên một phương cách để thánh hóa và làm cho đức tin nới Thiên Chúa của chúng ta trưởng thành."
 
Đức Thánh Cha cổ võ các Ông Bà trở về với Gia Đình
Nguyễn Kim Ngân
18:59 07/04/2008
Đức Thánh Cha cổ võ các Ông Bà trở về với Gia Đình

Tin Vaticăng, mùng 6 tháng 4, năm 2008 (Zenit.org): ĐTC Bênêđíchtô XVI đã cổ võ các ông bà (nội/ngọai) trở về đóng một vai trò tích cực trong gia đình. Ngài bảo rằng các ông bà chính là nguồn dự trữ qúy giá trong việc đối đầu với cơn khủng hoảng vế các giá trị gia đình.

ĐTC đã tuyên bố như thế vào thứ Bẩy vừa qua khi tiếp đón các thành viên đến Vaticăng tham dự khóa hội thảo từ ngày mùng 3 đến mùng 5 tháng 4, 2008, với chủ đề “Sự Hiện Diện và Chứng Tá của các Ông Bà trong Gia Đình.” Buổi hội thảo do Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình tổ chức muốn làm nổi bật vai trò của các Ông Bà trong việc nuôi dưỡng tình hợp nhất trong gia đình, cũng như làm trung gian nối kết hai vợ chồng với nhau và nối liền mối dây giữa cha mẹ và con cái.

Hội nghị đã đem ra ánh sáng chính vai trò và sự đóng góp tích cực của các Ông Bà trong các nền văn hóa và trong lòng các xã hội nơi mà gia đình liên tục bị đe dọa.

Trước tiên phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các Ông Bà trong việc giáo dục đức tin cũng như duy trì và bảo toàn nền văn hóa của một quốc gia.

Thay mặt các tham dự viên, Đức Hồng Y Ricarđô Vidal, Tổng Giám Mục Cebu, Phi Luật Tân, và là thành viên Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, đã trình bầy cho ĐTC biết rằng trong hội nghị “đã nẩy sinh ra những niềm tri ân đối với các vị làm Ông Bà, vốn là những người giầu tình cảm, tế nhị, có uy tín mà vẫn từ tâm, đã trìu mến trao truyền các giá trị tôn giáo và đạo đức lại cho con cháu.”

Khi đáp từ, ĐTC trước hết ngỏ lời cầu chúc cho ĐHY Anphongxô Lopez Trujillo, Chủ tịch Hội Đồng, đã không thể đến dự hội nghị và triều yết ĐTC được vì lý do sức khỏe, được mau bình phục.

Trở về với chủ đề của hội nghị, ĐTC nói rằng các Ông Bà chính là một “kho tàng mà chúng ta không thể cướp đoạt khỏi tay thế hệ đến sau.” Ngài giải thích rằng: “Chúng ta không thể xây đắp tương lai nếu quên khuấy đi một quá khứ phong phú với vô vàn các kinh nghiệm qúy báu và những quy điểm thiêng liêng và luân lý.”

ĐTC tiếp tục bằng lời mời gọi các Ông Bà “trở về để đóng vai trò tích cực giữa gia đình, trong Hội Thánh và ngoài xã hội…cũng như tiếp tục là chứng nhân cho tình hợp nhất, trở thành các giá trị xây dựng trên sự chung tình vốn có khả năng khơi lên lòng tin và niềm vui sống.”

Ngài nói: “Việc nẩy sinh các ‘mô thức gia đình mới’ và ‘chủ nghĩa duy tương đối đang bành trướng’ gây đe dọa cho các gia đình càng làm cho lời mời gọi này trở nên khẩn thiết hơn. Rủi thay, nền văn hóa sự chết có vẻ đang lấn chiếm và đe dọa cả các thế hệ lớn tuổi hơn. Càng ngày càng có nhiều người chấp nhận an tử (tức ‘chết sướng’) như là giải pháp cho các tình huống nan giải. Ngày nay, việc tiến hóa kinh tế và xã hội đang gây ra những biến đổi sâu xa trong nếp sống của các gia đình. Các vị cao niên, bao gồm các Ông Bà (nội/ngoại) đang mang nặng cảm xúc của một ‘bãi đậu xe’: các vị cảm thấy mình như là gánh nặng của gia đình nên đành sống lẻ loi một mình hay ẩn thân bên trong bức tường của viện dưỡng lão để rồi phải gánh chịu các hậu quả của việc chọn lựa này.”

ĐTC nói tiếp: “Bởi đó, tuổi già—với tất cả những vấn đề liên quan đến các tình huống mới của gia đình và xã hội trong bước phát triển mới—phải đuơc lựợng giá một cách cẩn trọng và luôn luôn phải đựợc nhìn trong ánh sáng sự thật về con người, gia đình và cộng đồng nhân loại…Chúng ta phải sát cánh để đánh bại mọi xu hướng ‘gạt ra ngoài lề,’ bởi lẽ, tất cả mọi người, chứ không phải chỉ các ông hay các bà, hay nói chung các vị cao niên, đều bị áp lực nặng nề bởi não trạng duy cá nhân. Nếu như thường nghe nói là các Ông Bà chính là nguồn dự trữ quý giá, thì cần phải có các lựa chọn kiên quyết để sử dụng đúng đắn nguồn dự trữ này.”

Khi lên tiếng kêu gọi các cộng đồng giáo xứ và giáo phận trong việc đáp ứng các nhu cầu của các vị cao niên, ĐTC nói: “Chúng ta luôn luôn phải phản ứng quyết liệt đối với những nỗ lực đang phi-nhân-hóa xã hội.”

ĐTC kết thúc bằng việc thông báo về Hội Nghị Thế Giới kỳ IV về Gia Đình sẽ nhóm họp từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng năm 2009 tại Mexico City. Ngài nói: “Tất cả mọi gia đình Kitô giáo trên thế giới đều hướng về đất nước này, vốn là quốc gia ‘luôn luôn trung thành’ với Giáo Hội, chính nơi đây sẽ mở ra các cánh cửa cho mọi gia đình trên thế giới.”

April 5, 2008

(Nhân kỷ niệm Ngọc Khánh Thành Hôn của song thân)
 
Hành trình chuyến tông du của Đức thánh cha tại Hoa kỳ
Phụng Nghi
22:34 07/04/2008
Thứ Ba, 15 tháng 4

  • Máy bay Đức thánh cha hạ cánh tại Andrews Air Force Base (Căn cứ Không lực Andrews), được Tổng thống George W. Bush và phu nhân chào đón. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo tại địa phương và vị sứ thần Tòa thánh.


Thứ Tư, 16 tháng 4

  • 10 giờ 30 sáng : Tổng thống Bush và đệ nhất phu nhân gặp gỡ Đức thánh cha tại sân cỏ phía nam toà Bạch ốc. Trong lịch sử đây là lần thứ hai một vị giáo hoàng tới thăm viếng tòa Bạch ốc. Sau nghi lễ chào mừng, sẽ có cuộc họp riêng giữa Đức thánh cha và Tổng thống, trong lúc đó các vị chức sắc hai bên cũng có cuộc họp.


  • 5 giờ 30 chiều : Nghi thức cầu nguyện và gặp riêng 350 vị giám mục Hoa kỳ tại Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception (Vương cung Thánh đường quốc gia dâng kính Mẹ Vô nhiễm). Trước nghi thức cầu nguyện, tổ chức trong hầm Đền Thánh, sẽ có cơ hội chụp hình ngoài trời cuộc công chúng tiếp đón Đức thánh cha tới thăm thánh đường quốc gia này.


Thứ Năm, 17 tháng 4

  • 10 giờ sáng : Đức thánh cha sẽ dâng thánh lễ tại khu tân tạo Nationals Park (Công viên Quốc gia) ở Washington. Công viên này chỉ dùng tổ chức các cuộc tranh tài bóng baseball. Đây sẽ là biến cố đầu tiên không liên quan gì đến môn bóng baseball tại công viên này, và sẽ được người Công giáo khắp nước dự trù tới tham dự.


  • 5 giờ chiều : Các vị lãnh đạo của hơn 200 trường đại học Công giáo tại Hoa kỳ và Trưởng khu học chính của 195 giáo phận Công giáo được mời nghe bài diễn từ của Đức thánh cha về sự quan trọng của nền giáo dục Công giáo, đọc tại khuôn viên trường The Catholic University of America. Đây là trường đại học duy nhất tại Hoa kỳ do các giám mục điều hành.


  • 6 giờ 30 : Các đại diện Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Do thái giáo và các tôn giáo khác cùng tập hợp và cầu nguyện chung với Đức thánh cha tại Pope John Paul II Cultural Center (Trung tâm Văn hóa Gioan Phaolô II), ngay sát cạnh Catholic University nói trên.


Thứ Sáu, 18 tháng 4

  • 10 giờ 45 sáng : Buổi sáng. sau khi bay đến New York, Đức thánh cha đọc diễn từ trước đại hội đồng Liên hiệp quốc


  • 6 giờ tối : Nghi thức cầu nguyện chung với các nhà lãnh đạo các cộng đồng Kitô giáo khác tại nhà thờ Thánh Giuse, ở Manhattan. Thánh đường này do những người Công giáo Đức xây dựng.


Thứ Bẩy, 19 tháng 4

  • 9 giờ 15 sáng : Thánh lễ dành cho các linh mục, phó tế và nam nữ tu sĩ tại St. Patrick’s Cathedral (Nhà thờ chính tòa Thánh Patrick) ở thành phố New York.


  • 4 giờ 30 chiều : Đức thánh cha sẽ gặp giới trẻ Công giáo, gồm cả 50 thanh thiếu niên tàn tật tại chủng viện Thánh Giuse ở Yonkers. Hàng ngàn người trẻ, kể cả các chủng sinh, sẽ tham dự một cuộc họp mặt để cầu nguyện và nghe Đức thánh cha nói.


Chủ Nhật 20 tháng 4

  • 9 giờ 30 sáng : Đức thánh cha sẽ thăm viếng khu đất trống (Ground Zero).nơi tòa tháp đôi World Trade Center (Trung tâm Thương mại Thế giới) bị phá hủy do biến cố 9/11.


  • 2 giờ 30 chiều : Thánh lễ tại Yankee Stadium (Sân vận động Yankee) để kết thúc cuộc viếng thăm lịch sử này. Trong thánh lễ cũng nhắc đến kỷ niệm 200 năm ngày thành lập Tổng giáo phận Baltimore, và ngày ra đời của 4 giáo phận khác – Boston, New York, Louisville và Philadelphia.


  • 8 giờ tối : Máy bay Shepherd One cất cánh từ phi trường John F. Kennedy, hướng về Rome, đưa vị giáo chủ rời nước Mỹ
.
 
Tuần Lễ Người Già
Vũ Văn An
22:37 07/04/2008
Tuần Lễ Người Già

Năm nay, Tiểu Bang New South Wales ở Úc mừng 50 năm kỷ niệm việc tổ chức Tuần Lễ Người Già từ ngày 6 đến hết ngày 13 tháng Tư, với hơn 700 chương trình kỷ niệm diễn ra khắp các địa điểm nông thôn và thành thị. Chính Phủ Tiểu Bang dành một ngân khoản gần 200 ngàn Úc Kim trợ giúp các cơ quan tư nhân tổ chức các buổi kỷ niệm này. Tại thủ phủ Tiểu Bang là Sydney sẽ có buổi hòa nhạc và lễ trao huy chương cho 60 vị cao niên và nhiều tổ chức của các vị cao niên cũng như các tổ chức phục vụ các vị này. Giáo phận Sydney, nhân dịp này, có tổ chức một thánh lễ tại Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary, vào Chúa Nhật tới, để gặp gỡ các vị cao niên trong Giáo Phận. Thánh Lễ sẽ do Đức Cha David Cremin chủ sự.

Người già thường có cảm giác càng ngày càng trở thành người vô hình hơn trong xã hội: không được ai nhìn thấy nữa, dù họ vẫn hiện diện ở đấy, và hiện diện ngày một đông hơn. Năm 1998, nhân năm Quốc Tế Người Già của Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban Công Lý Xã Hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Úc Châu đã cho công bố một Bản Tuyên Bố về Các Thách Đố Của Tuổi Già, nhấn mạnh đến sự đóng góp của lớp người này, không phải chỉ trong quá khứ mà ngay lúc này, trước mặt chúng ta, và mời gọi mọi người nhìn nhận sự hiện diện của họ và tiếp nhận ơn phúc từ sự hiện diện ấy của họ. Sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Bố


Thách Đố Của Tuổi Già: Tuyên Bố Của Ủy Ban Công Lý Xã Hội Thuộc Hội Đồng Giám Mục Úc Châu

NHẬP ĐỀ

"Tuổi già qủa thách thức. Đó là chương cuối cuốn sách đời tôi nên tôi muốn ráng viết nó thật tốt" (Một người già được phỏng vấn) Tuổi già là một hiện tượng tương đối mới trong lịch sử loài người. Đầu thế kỷ, tuổi thọ trung bình ở Úc là 45 cho đàn ông và 46 cho đàn bà. Ngày nay tuổi ấy là 75 cho đàn ông và 81 cho đàn bà. Sự gia tăng này một phần do các tiến bộ trong cố gắng chống lại tử xuất nơi trẻ sơ sinh, nhưng phần lớn hơn nhờ các cải thiện y tế giúp con người sống lâu hơn trước. Năm 1911, chỉ có 4% dân số trên 65 tuổi. Năm 1996, tỷ lệ ấy tăng gấp ba lên đến 12% và hy vọng đến năm 2011 sẽ lên đến 14%.

Khuynh hướng gia tăng này vẫn đang tiếp tục. Ngày nay, những người 65 tuổi hoặc già hơn có tuổi thọ 3 năm dài hơn những người cùng tuổi vào những năm 1960-1962 (Ruth Fincher & John Nieuwenhuysen, Australian Poverty Then and Now, Melbourne University Press, Melbourne 1998, tr.186). Điều ấy phải được coi như một thành công lớn trong cố gắng của con người tạo nên những năm sống mới chưa từng có cho mọi người trên thế giới. Một Hồ sơ Xanh do chính phủ NSW vừa công bố cho rằng: "một xã hội già là một xã hội thành công"

Một Vấn đề Xã hội ?

Tuy nhiên, xã hội nói chung không chia sẻ quan điểm ấy. Thái độ thường thấy nhất đối với tuổi già là thái độ tiêu cực, như đã được Anne Deveson phúc trình trong cuốn sách Đến Tuổi (Coming to Age) của cô: "Người ta coi người già như những người không sản xuất, lụ khụ, lệ thuộc người khác và hết khả năng học hỏi". Đàng khác, người già bị nhiều người coi như một vấn đề xã hội - nghĩa là tốn tiền để giải quyết mà không đem lại lợi lộc gì cho vốn đầu tư kia. Chính người già cũng biết các phán xét ấy và cảm thấy chúng một cách thấm thía.

"Nhiều phụ nữ (trong lớp học viết văn dành cho các bà lớn tuổi) đề cập đến diễn trình ngày một trở nên vô hình hơn; không còn thấy nơi hàng thịt hoặc hàng bánh; bị bỏ sót hoặc bị hét lớn hoặc nói thật chậm tại phòng mạch bác sĩ; bị người ta ngó sang chỗ khác ngoài hè phố..." "Một bác sĩ chuyên khoa trẻ bắt tôi chờ quá giờ hẹn cả tiếng đồng hồ, mà cái hẹn đã được làm cả hàng tháng trước chứ ít ỏi gì. Có thể ông ta muốn nhắn nhe rằng thì giờ chả có gì quan trọng đối với người già, trong khi thực ra chúng tôi thấy nó thật qúy giá, vì chúng tôi chỉ còn rất ít..." "Bất hạnh thay, sự mất tiếp xúc thường xuyên với người già này dẫn người trẻ đến não trạng "xa mặt cách lòng", và do đó, người già nhạt dần đến chỗ vô ý nghĩa trong đấu óc họ."

Khước Từ Tư Cách Người

Câu "xa mặt cách lòng" là câu nói được nhiều người già sử dụng khi được yêu cầu cho biết thái độ của xã hội nói chung đối với người già. Một số tác giả còn đi xa hơn bằng cách nói rằng thái độ tiêu cực này là do hiện tượng "tước bỏ nhân vị" (depersonalising) đối với người già mà ra: không còn coi người già như những nhân vị đầy đủ nữa. Alex Comfort chẳng hạn nhắc đến sự kiện khi đến tuổi 65, người ta không còn được coi là người nữa (unpeopled): họ được coi là hết khả năng thích hợp, lệ thuộc, hết trí khôn và thiếu nhân cách, hoặc được coi là những con người có thể hy sinh được (expendable). Tác giả Mỹ Betty Friedan, khi bình luận về khuynh hướng của các bác sĩ coi chứng trầm cảm (depression) nơi người già như một thứ "bệnh già" hơn là một điều kiện có thể chữa trị được, đã nói rằng việc khước từ tư cách người nơi người già đã dẫn đến quan điểm ấy.

Sự Đóng Góp Của Người Già Phần lớn những thái độ tiêu cực trên đây đối với người già đều không có căn cứ thực tế. Sự thực là phần đông người già ngày nay khỏe mạnh, có sản xuất, độc lập về tài chánh và cung hiến sự chăm sóc hơn là nhận sự chăm sóc. Nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng chỉ có 5% người Úc 65 tuổi hoặc hơn sống trong các viện dưỡng lão. Đại đa số vẫn sống ngay trong lòng xã hội bình thường. Ba phần tư trong số họ giúp các con chăm sóc trẻ thơ, và bốn phần mười trong số họ giúp thân nhân về tài chánh. Một số đáng kể, tuy không được biết đến, đã tham gia vào nhiều cơ sở cộng đồng, kể cả các cơ sở của giáo hội, trên căn bản thiện nguyện, và rất nhiều cơ sở phải thành thật thú nhận rằng họ không thể tồn tại nếu không có sự đóng góp này. Có thể mạnh mẽ quả quyết rằng nhiều ngành trong xã hội tùy thuộc vào người già hơn là ngược lại.

Tiềm Năng Thể Lý Và Tri Thức

Phải nhận sự thật này là người già thường bị suy giảm về thể lý và trí khôn lúc tuổi cao. Nhưng những cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy sự suy giảm này không nội tại ngay trong tuổi già. Một cách tổng quát nó do nhiều nhân tố khác chứ không do tuổi già. Trong một cuộc nghiên cứu tại Mỹ, người ta tổ chức một chương trình huấn luyện thể lực cho những cụ già yếu nhất trong một viện dưỡng lão, tuổi từ 87 đến 96. Trong vòng hai tháng, nhiều tiến bộ đáng kể đã được nhận ra: khả năng phối hợp và thăng bằng thấy khá hơn, hiệu lực của bắp thịt được cải thiện đến 300% và những cụ trước đây không thể bước đi một mình được thì nay đã có thể tự mình bước đi không cần có người giúp ngay cả trong đêm tối. Một cuộc nghiên cứu tại Úc bao gồm 80 người tuổi từ 63 đến 91 tình nguyện học tiếng Đức cho thấy, sau sáu tháng, họ đã đạt tới trình độ kỹ năng mà một học sinh tại trường phải cần đến năm năm mới thực hiện được.

Trên đây chỉ là hai thí dụ lấy từ nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau mà kết quả đã đi ngược lại với quan điểm chung xưa nay vốn cho rằng việc suy giảm thể lý và tri thức là việc không thể tránh được đối với tuổi già. Các nhân tố tạo ra sự suy giảm phần lớn lại chính là những huyền thoại từng khích lệ quan điểm cho rằng sự suy giảm trên là điều không thể tránh được. Người già rút lui khỏi các hoạt động thể lý vì tin, hoặc bị người ta cho hay, rằng họ không còn xí quách nữa. Các khả năng tri thức suy giảm vì chúng không được sử dụng thường xuyên như xưa nữa. Điều ấy khiến nhiều người nghĩ rằng tuổi già là thời kỳ có tiềm năng lớn, một tiềm năng không được thực hiện. Friedan đặt câu hỏi: phải chăng một chiều kích mới của nhân loại đang vươn lên với tuổi già? Liệu có chăng những phẩm tính, những giá trị, những năng khiếu đang xuất hiện nơi những người đang tiếp tục lớn lên và tiến phát quá tuổi 65, những phẩm tính vốn không thể được phát triển đầy đủ nơi tuổi trẻ?

Thách Đố của Tuổi Già

Quan điểm của chúng tôi là: Có, có những phẩm tính như thế. Mặt khác xin đề nghị rằng chúng ta, với tư cách một xã hội, có trách nhiệm phải làm sao cho việc phát triển các phẩm tính ấy xẩy ra, y như trách nhiệm phải đảm bảo cho các công dân trẻ có cơ hội trở nên tất cả những gì họ có thể trở nên được. Từ khước các cơ hội này cho bất cứ người dân nào cũng là một thất bại về công bằng xã hội. Tập tài liệu này có mục đích thách thức các độc giả cũng như thông tri cho họ, khuấy động họ cũng như khích lệ họ. Hy vọng rằng nó sẽ mở cửa tâm trí người trẻ để họ chia sẻ thì giờ với người già, tìm hiểu họ. Cũng hy vọng người già sẽ tìm thấy trong nó sự khẳng định rằng tuổi đời của họ là thời kỳ đầy tiềm năng và giá trị. Nó có thể khuyến khích họ hướng tới một thái độ cởi mở đối với tương lai, chào đón những năm tháng cuối đời và nhìn quá bên kia chúng với niềm tin và hy vọng.Trong một cuốn sách mới đây, Stephanie Dowrick đã viết: "Một tâm tư rộng rãi, phong phú, đầy tò mò, khoan dung, già dặn, mở cửa đón chào cả những gì vẫn còn cần được khám phá lẫn những gì đã được khám phá sẽ đem lại một thách thức kỳ diệu cho một thế giới vốn sợ hãi tuổi già và người già". Một tâm tư như thế không những là một thách thức đối với một thế giới vốn sợ hãi tuổi già, mà còn là một thách đố đối với rất nhiều những giá trị duy vật và duy ngã của thời đại chúng ta, với khuynh hướng trách cứ quá khứ và từ khước tương lai của chúng.

MỘT VÀI SUY TƯ THẦN HỌC VÀ THÁNH KINH

"Dồi dào kinh nghiệm là triều thiên người già." (Huấn ca 25:6). Một cái nhìn tích cực về tuổi già, tức cái nhìn coi người già có giá trị lớn lao không những vì những gì họ có thể làm, vì những đóng góp họ thực hiện, mà còn vì bản sắc họ trong tư cách là những cá nhân, là một cái nhìn được các suy tư thần học và thánh kinh về tuổi già củng cố. Ở bất cứ tuổi đời nào, ta cũng có thể dựa vào Thánh kinh để tìm ra phương thế làm cho kinh nghiệm của chúng ta có ý nghĩa. Đối với các tín hữu, Thánh kinh là lời mạc khải của Chúa, còn đối với mọi người chúng ta, nó là sự khôn ngoan tinh lọc của nhiều thế kỷ, một túi khôn đã được khai triển từ nhiều nỗi thống khổ của một dân tộc từng bị mạ lị nhất xưa nay trong lịch sử loài người. Ta có thể tìm thấy những chỉ dẫn hoặc nguyên tắc trong Thánh kinh giúp ta nhìn vào các kinh nghiệm của mình mà thấy ra cái khuôn thước chỉ cho ta thấy ta đang ở đâu trên hành trình đời sống, đề nghị cho ta hướng ta phải đi, và cho ta biết liệu ta có đi trệch đường rầy hay không. Có thể ví như người đi chơi trong rừng bỗng nhiên không chắc mình đang ở đâu và hướng mình đi có đúng hay không. Rồi được trực thăng bốc và từ trên cao thấy rõ phương hướng của mình, đích điểm mình định tới và cách thế đi đến đó.

Thái độ Thực tiễn

Tuy nhiên, Thánh kinh không nói rõ lắm khi chuyên biệt nhắm vào tuổi già. Một phần có thể vì tuổi đời thời Thánh kinh khá ngắn, người ta ít khi sống đến tuổi mà nay ta gọi là tuổi già. Tuy vậy vẫn có những đoạn đáng lưu tâm. Thứ nhất, khôn ngoan được coi như triều thiên của người già: "Kỳ diệu thay sự khôn ngoan nơi người già... Lớn lao thay tuổi già biết cố vấn, biết xét đoán!...Dồi dào kinh nghiệm là triều thiên người già." (Huấn Ca 25: 4-6). Nhưng cũng Sách trên nhìn nhận rằng khôn ngoan không tự động có nơi người già cả: "Nếu không tích lũy gì lúc thanh niên, làm sao ngươi có được gì lúc cao tuổi?" (Huấn ca 25:3). Nói cách khác, một thanh niên dại dột phần lớn sẽ lớn lên thành một ông già dại dột. Người ta nhìn nhận và chấp nhận rằng sự suy giảm và đau đớn thể lý là một phần của tuổi già, và Sách Giảng viên có đoạn nói về sự suy giảm này: "Lúc còn trẻ, hãy nhớ đến đấng hóa công, trước khi... những năm tháng tới lúc ngươi nói, "những năm tháng này chẳng làm tôi vui"... trước ngày trai tráng khòm lưng, khi...lên dốc cũng thấy hãi kinh và bước đi cũng thấy hãi hùng." (12: 1-8) Trẻ em đuợc khuyên dạy phải kính trọng người già: "Con ơi, hãy săn sóc cha con lúc tuổi già, sinh thời người, chớ làm người sầu tủi. Trí khôn người có suy giảm, con cũng nể vì, đừng nhục mạ người, thời con đương sung sức.." (Huấn Ca 3:12-13).

Những đoạn văn trên cho thấy một thái độ thực tiễn đối với tuổi già. Chúng nhìn nhận sự đa dạng nơi người già cũng như nơi người trẻ, công nhận rằng tuổi già là lúc sức mạnh suy giảm đem theo đau đớn thể lý lẫn xúc cảm. Thế nhưng, chúng kêu gọi xã hội kính trọng người già, bất kể sức khỏe họ ra sao; chúng nhìn nhận người già thường có khôn ngoan; chúng ca tụng sự chiếm hữu khôn ngoan như thành tích vinh quang nhất trên đời, một thành tích người trẻ không đạt được.

Tân Ước

Mở Tân Ước, ta còn thấy ít suy tư chuyên biệt về tuổi già hơn nữa. Nhưng có những đoạn văn hoặc những chủ đề có ý nghĩa cho ta những gợi ý về điều Tân Ước có thể đã nói nếu có một sách nào đó chuyên biệt bàn về tuổi già. Xin đơn cử ba đoạn dưới đây: Đoạn thứ nhất dựa trên biến cố được Phúc Âm Luca (2:25-38) thuật lại: Đức Mẹ dâng Con vào đền thờ. Trong đoạn này, hai người lớn tuổi là Simeon và Anna đều đã nhìn ra nơi Chúa Giêsu điều mà các nhà cầm quyền và hầu hết mọi người khác đều đã không nhìn ra, tức là Đấng Cứu Thế, ánh sáng muôn dân, đấng Thiên Sai. Sự hiện diện cũng như cái nhìn thấu suốt của hai người lớn tuổi này vào một thời điểm chủ yếu của lịch sử cứu độ làm ta nhớ lại biến cố trước đó cũng có liên can đến hai người cao niên. Sách Khởi Nguyên nhấn mạnh đến tuổi già của cả Abraham lẫn Sara khi họ sinh hạ con trai Isaac. Việc Isaac sinh ra cũng là một thời điểm chủ yếu trong lịch sử cứu độ. Nó đánh dấu bước đầu tiên trong việc Thiên Chúa thực thi lời hứa của mình, những lời hứa chỉ được thực hiện đầy đủ nơi con người của Chúa Giêsu. Cả hai đoạn văn đều cho thấy rõ sự khôn ngoan và niềm tin của những người lớn tuổi.

Thứ hai, trong các thư của Thánh Phaolô cũng như nhiều phần khác của Tân Ước, có sự nhấn mạnh đến sự kiện này là sự đau khổ của con người một cách nào đó được tiếp nhận vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu và do đó trở thành nguồn ban sự sống. Những đoạn văn sau đây diễn tả điều đó: "Chúng ta đau khổ với Ngài để chúng ta được vinh quang với Ngài" (Rom 8:17); "Chúng ta chịu khốn đốn nhiều bề, luôn mang trên mình sự chết của Chúa Giêsu để sự sống của Ngài cũng đuợc tỏ lộ trong thân xác chúng ta." (2 Cor 4:10). Điều quan trọng là đừng quá đơn giản trong cái nhìn về những đớn đau khôn cùng vốn là một phần trong cảm nghiệm sống của nhiều người. Tân Ước không vinh danh đau khổ, cũng không đưa ra những giải đáp dễ dãi cho vấn nạn tại sao người ta phải đau khổ, nhất là những người vô tội. Nhưng Tân Ước quả có nhắn nhủ rằng đau khổ, theo một cách thế nhiệm mầu nào đó, có thể đem theo nó sự gặp gỡ với Chúa, một cuộc gặp gỡ không thể thực hiện được bằng cách khác. Điều này có thể bao gồm sự đau khổ vốn đi theo tuổi già, hoặc qua bệnh tật, lẻ loi cô độc, tang chế hay thất vọng.

Mạnh và Yếu

Thứ ba, qua Chúa Giêsu và trong nhiều bản văn Tân Ước, ta thấy có sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yếu đuối và nghèo khổ: "Nếu các con không trở nên như trẻ thơ, các con sẽ không vào được Nước Trời" (Mt 18:3); "Thiên Chúa chọn điều thế gian cho là yếu đuối để hạ nhục kẻ mạnh" (1 Cor 1:28); "Chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh" (2 Cor 12:10); "Há Thiên Chúa đã không chọn kẻ nghèo trong thế gian để nhận sự giầu có của đức tin và để hưởng gia nghiệp nước trời đó ư?" (Thư Thánh Giacôbê 2, 5); "Đức Giêsu là viên đá bị thợ xây vứt bỏ đã trở nên viên đá góc tường" (Cv 4:11). Điều mà con người loại bỏ, Thiên Chúa đã chọn lấy làm của riêng. Ngài cố ý chọn kẻ nghèo và kẻ yếu làm dụng cụ cho Ngài. Người già thường thuộc loại này. Nhiều người trong số họ sống nghèo và yếu đuối, bị quên lãng bỏ sót và xử tệ. Họ thuộc số những người được Chúa Giêsu coi là có chỗ danh dự trong Nước Thiên Chúa. Đoạn văn diễn tả điều này một cách mạnh mẽ nhất chính là đoạn 25, câu 31-46 sách Phúc Âm Matthiêu nói đến cảnh phán xét. Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với những người thiếu thốn về phương diện thể lý và xã hội, những người bệnh tật hoặc cần có người thăm viếng, hay những người thiếu thốn thực phẩm hoặc áo quần, nghĩa là những kinh nghiệm chung đối với người già. Giáo huấn Thánh kinh này, trong những năm gần đây, đã được Giáo hội khai triển thành chủ đề "ưu tiên chọn người nghèo". Những ngưòi nghèo và yếu đuối phải ở hàng đầu trong chương trình của Giáo hội vì họ đã đuợc dành chỗ danh dự trong cuộc sống và công việc của Chúa Giêsu. Đôi khi ta bị cám dỗ muốn nói rằng: " Phải, đương nhiên, người nghèo, người nhỏ bé phải được chăm sóc" và chúng ta, nói chung, quả có chăm sóc họ chu đáo thật. Nhưng Chúa Giêsu không nói "kẻ chót hết phải được chăm sóc" mà là "kẻ chót hết sẽ lên trước hết". Chúa Giêsu đảo ngược lại các giá trị vốn đã thành ước lệ (của cả thời ta lẫn thời Ngài) bằng cách nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng kẻ nghèo ở ngay trung tâm xã hội chứ không ở bên lề.

Chia Sẻ Thần Tính Đức Kitô

Các đoạn văn trên là những trích yếu đặc thù từ các đoạn, các biến cố hoặc các chủ điểm Thánh kinh. Nhưng đàng sau những đoạn văn, những biến cố và những chủ điểm ấy, và được dùng như nền tảng cho chúng, có một sự kiện đơn giản và hiển nhiên là người già, bất kể tình trạng phúc lợi về thể lý hoặc tri thức của họ có ra sao, họ vẫn là những con người. Theo cái nhìn thần học, điều đó có nghĩa là cũng giống như mọi người, họ đã được tạo nên giống hình ảnh Chúa. Điểm này áp dụng cho bất kỳ ai, không riêng gì người già. Tất cả chúng ta đều đã được dựng nên giống hình ảnh Chúa, và giá trị cũng như phẩm giá của chúng ta phát sinh từ điều chúng ta là, chứ không phải đìều chúng ta có thể làm hay không có thể làm, hoặc điều chúng ta đã thực hiện hoặc chưa thực hiện được. Người già đáng được xã hội kính trọng vì trước hết họ là những con người, và trong tư cách ấy, họ phản chiếu cách này cách khác vẻ đẹp và tính sáng tạo cũng như sức mạnh và sự khôn ngoan của Chúa, Đấng mà họ đã được dựng nên giống hình ảnh. Thánh Thomas Aquinô, nhà thần học vĩ đại thời Trung cổ, nói rằng tạo vật nào cũng mạc khải cho ta một khía cạnh độc nhất vô nhị nào đó của đấng tối cao. Quên điều ấy bằng cách đặt người nào đó ra bên lề hoặc bất kể giá trị của họ trong tư cách là những con người là nhắm mắt không chịu nhìn ngắm một khía cạnh tự mạc khải của Thiên Chúa. Thêm vào đó, phải kể đến ý niệm về giá trị của từng mỗi con người cá thể, một giá trị phát xuất từ sự kiện họ được Đức Kitô cứu chuộc. Ý nghĩa của điều này đã được phát biểu một cách rõ rệt trong lời nguyện Thánh lễ: "Nhờ nước và rượu này, xin cho chúng con đến chia sẻ thần tính của Chúa Kitô, Đấng đã tự hạ mình xuống chia sẽ nhân tính của chúng con." Việc Nhập thể đem chúng ta đến chia sẻ sự sống Thiên Chúa, cũng như đã đem Thiên Chúa đến chia sẻ sự sống con người.

(Còn tiếp)
 
Giáo Hội Pháp Tiếp Nhận Các Tân Tòng Hồi Giáo
Bùi Hữu Thư
22:37 07/04/2008

Giáo Hội Pháp Tiếp Nhận Các Tân Tòng Hồi Giáo



Họ kể lại những khó khăn họ gặp phải hàng ngày

PARIS, 7 tháng 4, 2008 – Một tờ nhật báo Pháp cho biết có khoảng từ 150 đến 200 người Hồi Giáo theo đạo Công Giáo mỗi năm tại Pháp, nhiều người là con cái của những cặp hôn nhân giữa hai tôn giáo.

Theo số báo Le Monde ngày 2 tháng 4, đề tài này đã được thảo luận trong các năm trước. Nhưng bây giờ Giáo Hội khẳng định rằng quyền tự do tôn giáo và sự hoán đổi giữa hai tôn giáo là điều thiết yếu.

Đức Giám Mục Michel Dubost giáo phận Evry là một tham dự viên cương quyết trong việc đối thoại với Hồi Giáo. Có khoảng 12 người Hồi Giáo được rửa tội mỗi năm trong giáo phận của ngài. Năm nay một người phải được rửa tội kín.

Báo Le Monde cho hay tình trạng các người Công Giáo gốc Hồi thường rất khó khăn. Đa số bị những người chung quanh hiểu nhầm, nhiều người khác trách cứ họ là “đã chối bỏ nền văn hóa của họ.” Nhiều người phải dấu diếm sự trở lại đạo của họ ngay cả với người thân trong gia đình.

Vì thế, việc trở lại đạo đã được quảng bá sâu rộng cho quần chúng của anh Magdi Cristiano Allam, anh được Đức Thánh Cha Benedict XVI rửa tội ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, đã mang lại niềm vui cho những tân tòng người Pháp. Mohammed Christophe Bilek, người sáng lập Hội Đức Bà Kabylie, nói: ‘Tôi chúc lành cho Đức Thánh Cha, vì ngài đã đặt ngón tay của ngài vào chỗ vết thương đau nhức. Tất cả mọi người đều phải được rửa tội. Đây là chính là một nhân quyền.

Mặc dầu con số người Hồi giáo trở về theo đạo Thiên Chúa ngày càng gia tăng, con số này không nhiều hơn con số người đổi sang theo đạo Hồi. Vào tháng Tám năm 2006, nhật báo Pháp La Croix cho biết có 3.600 người Pháp theo đạo Hồi mỗi năm.
 
Top Stories
US Catholic Officials Prepare for Pope Benedict's Visit
Kent Klein
12:40 07/04/2008
WASHINGTON DC - The leader of the world's Roman Catholics, Pope Benedict XVI, will visit the United States April 15-20 for the first time since becoming pope in 2005. As VOA's Kent Klein reports, officials of the Catholic Church in America discussed their expectations for the visit on Sunday's television talk shows.

It's likely that one of the first things Americans will notice about Pope Benedict is that he is somewhat quieter than his charismatic predecessor, Pope John Paul II. The president of the Catholic University of America, Father David O'Connell, said on CNN's Late Edition he believes that's not necessarily a disadvantage.

"I hope that people, first and foremost, will get to know him a little bit," said Father O'Connell. "Unlike his predecessor, who had rock star status, this man, because of his intellect and scholarly reputation, he's a little more reserved, and there's a little more mystery. In fact, I think it's intentional on his part. When he became pope, he indicated that he wanted the attention to be focused on Jesus Christ, and not on the person of the pope."

In his five-day visit to Washington and New York, Benedict will meet with President Bush, speak at the United Nations, and celebrate Mass at two large baseball stadiums. The pontiff will also meet with representatives of other religions, and pay a brief visit to a Jewish synagogue.

The pope comes to America in the midst of a contentious presidential election campaign, but Father O'Connell says Benedict will strive to avoid politics, even though the Catholic Church encourages its members to vote for candidates who oppose abortion rights.

"There are going to be many things about our own country and its current situation, the good and the bad, that are very well known to this pope," he said. "I don't know what's going to be in the text of his speeches, but I would be very surprised if he touches on anything that could be co-opted."

Still, Cardinal Francis George, the Archbishop of Chicago and the president of the U.S. Conference of Catholic Bishops, said on the C-SPAN network's Newsmakers program he expects Pope Benedict to discuss his opposition to the U.S. military involvement in Iraq, both with President Bush and at the U.N.

"The opposition to our going into Iraq was clear," said Cardinal George. "The concern for how we get out is also very clear. The Holy See hopes that we will leave a pacified Iraq that is one where the Iraqi people themselves are able to control their future, hopefully by democratic means. And I think that goal is shared by our administration as well. The difficulty is how to reach that goal and what are the proper means to do that."

The Roman Catholic Church in the United States has some 67 million members, and the state of the Church in America will probably be addressed during Benedict's visit. The Church is still recovering from the scandal surrounding the sexual abuse of children by priests and other Church officials. It's estimated that the Church has paid out $1.5 billion in settlements to abuse victims. Cardinal George says he expects Pope Benedict to address the issue during his visit.

"It bothers him immensely that children have been abused by priests or bishops," he said. "This is a complete betrayal of our own office and of Jesus Christ, and of our Catholic people. He's very clear on that, and I imagine he'll express it forcefully."

Both Cardinal George and Father O'Connell say the focus of the papal visit will be a message of hope and celebration, including a commemoration of the 200th anniversary of the five oldest archdioceses in the United States.

(Source: Voice of America, April 6, 2008)
 
D.C. Archbishop: People need religious values to judge right, wrong
Cindy Wooden /Catholic News Service
12:42 07/04/2008
ROME (CNS) -- The moral values taught by the world's main religions form the only ethical code with enough depth to help people judge what is right and wrong in a modern, increasingly technological society, said Archbishop Donald W. Wuerl of Washington.

The archbishop, who will host Pope Benedict XVI in Washington April 15-17 and who will join him for an interreligious meeting, spoke April 4 at Rome's Pontifical University of St. Thomas Aquinas.

Inaugurating the university's Pope John Paul II lecture on interreligious understanding, Archbishop Wuerl called for greater dialogue to defend "the essential role of faith in public life and human affairs."

While religion often is seen as a source of conflict or is "abused and misused" for political purposes, for centuries it has been a key source guiding people to act righteously and promote the common good, he said.

"The past 30 years have seen a very sustained effort to marginalize religious faith in an effort to establish an ethical system that would be acceptable to a wider number of people," he said.

But more and more people are realizing that "purely secular philosophy cannot offer the answers; it cannot provide a foundation deep enough" to respond to questions about right and wrong in an increasingly technological world, Archbishop Wuerl said.

Without a reference to enduring moral values, which are both reasonable and confirmed by the constant teaching of the world's religions, "personal preference becomes normative," he said.

Christians, Muslims and Jews, he said, must enter into dialogue, identify "common threads" of moral and ethical teaching and encourage their members to hold fast to that teaching and ensure it is reflected in public policy.

The "common threads" will ensure that legitimate pluralism is protected while also promoting greater respect among peoples and a concerted commitment to the common good, he said.

"Ultimately for a truly lasting peace among peoples," Archbishop Wuerl said, "there must be a generally understood and deeply held common grounding for the complex structure of human relations at the level of national states and in the relationships among states."

"The understanding of what we have in common, as articulated in the various religious traditions that sustain the deepest held convictions of many, can provide substantial and fruitful ground for us in our efforts to build a world that better reflects a truly good and just society," he said.

Archbishop Wuerl said, "The voice of religion has to be a moderating voice that calls people to be the best they are capable of being," and while common values must be identified in dialogue with other religions, they must be taught "in parishes, synagogues and mosques."

(Source: Catholic News Service, April 7, 2008)
 
Iraqi Christians shaken anew by Orthodox priest's murder
Catholic World News
12:44 07/04/2008
BAGHDAD, Apr. 7, 2008 (CWNews.com) - Iraqi Christians joined in mourning after a Syrian Orthodox priest was murdered in Baghdad on April 5.

Father Yusef Adel was shot and killed by unidentified gunmen in the Iraqi capital. The killing occurred than 3weeks after the death after Chaldean Catholic Archbishop Faraj Raho was found dead, after having been kidnapped from outside his cathedral in Mosul.

Syrian Orthodox Bishop Matti Shaba Matoka presided at the funeral for Father Adel, with Chaldean Catholic Patriarch Emmanuel III Delly and the apostolic nuncio, Archbishop Francis Chulikatt, representing the city's Catholic leadership.

The AsiaNews service reported that the new killing caused "great fear" among Iraq's Christians, who have seen a drive by Islamic militants to drive the religious minority out of the country.

The campaign of violence and intimidation against Christians has taken an enormous toll. The number of Christians living in Iraq today is estimated at under 500,000-- roughly half what it was before the start of the war in 2003.

In a message of condolence to Syrian Orthodox leaders, Pope Benedict XVI (bio - news) promised his prayers, "that all people will follow the ways of peace in order to build a just and tolerant society in the beloved land of Iraq."

(Source: Catholic World News, April 7, 2008)
 
Hongkong: âgé de 76 ans, le cardinal Zen est désormais équipé d’un pacemaker
Eglises d’Asie
12:47 07/04/2008
Hongkong: âgé de 76 ans, le cardinal Zen est désormais équipé d’un pacemaker

Le 5 avril dernier, après avoir inauguré les célébrations organisées pour le 120ème anniversaire de la cathédrale de l’Immaculée Conception, cathédrale du diocèse de Hongkong, le cardinal Joseph Zen Ze-kiun a confirmé à la presse qu’un pacemaker lui avait été implanté lors de la Semaine Sainte. L’information avait été donnée le 30 mars par le quotidien hongkongais Appel Daily. Les médecins ayant diagnostiqué un rythme cardiaque trop lent et irrégulier, cette intervention a été décidée, et l’évêque de Hongkong, qui aura 77 ans le 13 janvier prochain, a déclaré qu’« il ne devrait désormais plus y avoir de problèmes ».

Le cardinal Zen a rappelé à cette occasion que, depuis son 74ème anniversaire, il demandait au pape à être déchargé de ses responsabilités à la tête du diocèse de Hongkong. Figure emblématique de la défense des libertés à Hongkong, très présent sur le dossier des relations entre l’Eglise de Chine et l’Eglise universelle, l’évêque de Hongkong est connu pour avoir un emploi du temps chargé. La presse locale rapporte que ses nuits ne comptent souvent pas plus de quatre heures de sommeil et lui-même reconnaît qu’il sait qu’il devrait prendre plus de repos. Le 30 janvier dernier (1), le pape a donné à Mgr Zen un évêque coadjuteur, en la personne de Mgr John Tong Hon, 68 ans, évêque auxiliaire de Hongkong; lors de la messe d’installation de Mgr Tong, le cardinal Zen disait sa joie d’avoir un successeur, la perspective de sa retraite approchant.

Dans la nuit du mardi 18 au mercredi 19 mars, le cardinal Zen a consacré de longues heures à traduire le texte de ses méditations pour le Chemin de croix. Rédigées en italien par Mgr Zen, elles devaient être traduites en chinois pour être lues à Hongkong, le jour même où elles étaient lues à Rome, au Colisée, où a traditionnellement lieu le Chemin de croix qui est télédiffusé dans une grande partie du monde (2). C’est après quelques exercices physiques le mercredi matin que le cardinal s’est rendu compte que son cœur ne battait pas normalement. Après examen, ses médecins ont décidé de l’implantation d’un pacemaker et le cardinal a ensuite pu présider normalement la messe chrismale, le jeudi 20 mars.

(1) Voir EDA 478

(2) Selon le quotidien italien La Repubblica, les méditations demandées en janvier dernier par le pape Benoît XVI au cardinal Zen pour le Chemin de croix de la Semaine Sainte ont subi quelques modifications. Le texte original de Mgr Zen, rédigé en italien, a subi des corrections; des phrases ou expressions ont été enlevées par la curie romaine. Ainsi, le cardinal avait écrit: « Durant des années, mon peuple a eu à connaître le martyre uniquement du fait qu’ils appartenaient à la religion chrétienne », et cette phrase ne se trouve pas dans la version finale, celle qui a été lue lors du Chemin de croix. « Pour finir, écrit le journaliste de La Repubblica, le cardinal chinois a reçu pour ‘conseil’ d’écrire des méditations (…) qui soient plus spirituelles, moins politiques, et ne contenant pas de références accusatrices spécifiques. »

(Source: Eglises d’Asie - Dépêche du 7 AVRIL 2008)
 
Hanoi Catholics continue protests at Redemptorist monastery defying the government’s ultimatum
J.B. An Dang
18:16 07/04/2008
After three months and one day holding daily peaceful protests the seizure of 14 acres of their land by the government, parishioners from Our Mother of Perpetual Help in Hanoi now face an ultimatum to cease their protests before noon April 7.

Police came to the site to enforce the ultimatum
Parishioners in their open defiance
A protestor argues with police
Thousands of Catholics gathered at the disputed land to pray in open defiance of the local government ultimatum to free the area and disperse demonstrations by 12 pm Monday. The Peoples Committee of Dong Da district released a statement, warning the protestors that they are engaged in "illegal activities" with their prayer campaigns at the disputed land. The statement also threatened “extreme action” if demonstrations and the sit-in – ongoing since January 6 – were not called off by 12pm Monday.

Signed on April 6, the ordinance 212/UBND-VP “ordered” Hanoi Redemptorists to remove the cross and all statues of the Virgin Mary out of the site along with camping tents erected by demonstrators who have camped out at the site for more than three months.

At the time of the ultimatum, hundreds of police came to the site hinting that a crackdown was likely. Redemptorists and their parishioners responded by gathering more and more people to pray at the site, asking the government to respect fairness and put justice into practice.

A protestor argued with a local official that the parishioners “have no other choice than praying peacefully on disputed lands to attract the attention of the government on injustices they have suffered” because “their petitions have gone unanswered."

“At the moment,” said Fr. Joseph Nguyen from the site a 6 pm Monday, “hundreds religious and lay people are praying. Large numbers of security police, in uniform and in plain-clothes, are on the site, surrounding the protesters and mingling in their ranks, taking photos and filming with video cameras. Despite all threatening acts from the government, more and more Catholics go to the site to pray, chant and sing. Some even sleep at the site to protect their cross and statues”.

According to the Redemptorists who run the parish, they originally purchased 15 acres of land in 1928. In 1954, the Communist government took control of northern Vietnam and jailed or deported most of Redemptorists. This left Fr. Joseph Vu Ngoc Bich to run the church by himself. Despite Fr. Vu’s persistent protests, local authorities gradually seized the parish’s land one section at a time. Consequently, the plot of land was reduced from 15 acres to its present-day size of little more than half an acre.

The government upped the ante at the beginning of 2008 by allowing construction on the Chiến Thắng sewing company to commence. The confiscated church property soon was surrounded by a fence and the presence of security officials.

Protestors have been gathering at the work site since January 7 to prevent any further construction by the state-run company.

In a message sent last January 7 to all the Redemptorists in the country, the provincial superior Fr. Joseph Cao Dinh Tri says the local government has illegally confiscated land belonging to their monastery at Thai Ha, Hanoi and is supporting a construction project there. The Redemptorists in Hanoi, Fr. Cao continues, "have responded by gathering people to pray at the construction site, asking the government to respect fairness and put justice into practice. I would earnestly implore all of you, the whole province of Vietnam, to be in solidarity with our brother Redemptorists in Hanoi, in order to pray for our common apostolate".
 
Vietnam: Catholics protest in defiance of government ultimatum
Independent Catholic News
19:08 07/04/2008
After three months and one day holding daily peaceful protests over the seizure of 14 acres of their land by the government, parishioners from Our Mother of Perpetual Help in Hanoi now face an ultimatum to cease their protests before noon April 7.

Thousands of Catholics gathered at the disputed land to pray in open defiance of the local government ultimatum to free the area and disperse demonstrations by 12 pm Monday. The Peoples Committee of Dong Da district released a statement, warning the protestors that they are engaged in "illegal activities" with their prayer campaigns at the disputed land. The statement also threatened "extreme action" if demonstrations and the sit-in - ongoing since January 6 - were not called off by 12pm Monday.

Signed on April 6, the ordinance 212/UBND-VP "ordered" Hanoi Redemptorists to remove the cross and all statues of the Virgin Mary out of the site along with camping tents erected by demonstrators who have camped out at the site for more than three months.

At the time of the ultimatum, hundreds of police came to the site hinting that a crackdown was likely. Redemptorists and their parishioners responded by gathering more and more people to pray at the site, asking the government to respect fairness and put justice into practice.

A protestor argued with a local official that the parishioners "have no other choice than praying peacefully on disputed lands to attract the attention of the government on injustices they have suffered" because "their petitions have gone unanswered."

"At the moment," said Fr Joseph Nguyen from the site at 6pm Monday: "hundreds religious and lay people are praying. Large numbers of security police, in uniform and in plain-clothes, are on the site, surrounding the protesters and mingling in their ranks, taking photos and filming with video cameras. Despite all threatening acts from the government, more and more Catholics go to the site to pray, chant and sing. Some even sleep at the site to protect their cross and statues".

According to the Redemptorists who run the parish, they originally purchased 15 acres of land in 1928. In 1954, the Communist government took control of northern Vietnam and jailed or deported most of Redemptorists. This left Fr Joseph Vu Ngoc Bich to run the church by himself. Despite Fr Vu's persistent protests, local authorities gradually seized the parish's land one section at a time. Consequently, the plot of land was reduced from 15 acres to its present-day size of little more than half an acre.

The government upped the ante at the beginning of 2008 by allowing construction on the Chien Thang sewing company to commence. The confiscated church property soon was surrounded by a fence and the presence of security officials.

Protestors have been gathering at the work site since January 7 to prevent any further construction by the state-run company.

In a message sent last January 7 to all the Redemptorists in the country, the provincial superior Fr. Joseph Cao Dinh Tri says the local government has illegally confiscated land belonging to their monastery at Thai Ha, Hanoi and is supporting a construction project there. The Redemptorists in Hanoi, Fr. Cao continues, "have responded by gathering people to pray at the construction site, asking the government to respect fairness and put justice into practice. I would earnestly implore all of you, the whole province of Vietnam, to be in solidarity with our brother Redemptorists in Hanoi, in order to pray for our common apostolate".

© Independent Catholic News 2008
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo đoàn Marrickville – Sydney Mừng Lễ Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
12:26 07/04/2008
SYDNEY - Chiều Chúa Nhật 6/04/2008 đông đủ giáo dân thuộc giáo đoàn Thánh Tử Đạo ĐaMinh Vũ Đình Tước, Marrickville - Sydney và các quan khách thuộc các giáo đoàn bạn đã đến nhà thờ St. Britgid Marickville tham dự thánh lễ mừng kính lễ quan thầy của giáo đoàn.

Đúng 4 giờ tất cả mọi người tập trung tại khuôn viên nhà thờ và Cha Nguyễn Văn Tuyết, Tuyên úy đặc trách giáo đoàn Marrickville, xông hương tượng Thánh Tử Đạo Đa Minh Vũ Đình Tước và sau đó là cuộc kiệu cung nghinh tượng Thánh Tử Đạo tiến vào nhà thờ. Cuộc kiệu rất trang nghiêm và long trọng gồm Thánh giá nến cao, và các hội đoàn đang sinh hoạt trong giáo đoàn: Thiếu Nhi Cung Thánh, Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội Legio Mariae, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Dòng Ba Đa Minh, quan khách, giáo dân và quý Cha.

Sau khi tượng Thánh tử đạo đã được an vị trên cung thánh là phần đọc tiểu sử của Thánh Đaminh Vũ Đình Tước. Phần tiểu sử đã làm nổi bật sự can trường và hiên ngang chấp nhận mọi hình phạt của quan quân triều đình để giữ vững đức tin. Với lòng kiên trung, ngài đã chấp nhận cái chết để nói cho những kẻ đang xét xử Ngài biết rằng sự khôn ngoan của Thập Giá thì trái ngược với sự khôn ngoan của thế gian. Đây cũng là bài học mà các thánh tử đạo muốn dành cho hậu thế. Sau khi chấm dứt phần tiểu sử, quý cha Nguyễn Văn Tuyết, cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, cha Mai Đào Hiền, cha Đinh Minh Tuyền, cha Tom Chính xứ và cha Gioan Kim, Bề trên Tỉnh dòng Pasonist tại Úc, New Zealand và Papua New Guinea cùng đồng tế dâng Thánh lễ tạ ơn. Đặc biệt trong thánh lễ các em Thiếu Nhi Thánh Thể với những vòng hoa trên đầu đã long trọng cung nghinh Phúc Âm từ cuối nhà thờ tiến lên cung thánh.

Trong bài giảng cha Tuyết đã dùng ý nghĩa của lòng kiên trì để liên kết thập giá với sự kiên trung của các thánh tử đạo trong mầu nhiệm Phục sinh. Cha nói “bài học của sự kiên trì mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong ngày Thứ Sáu tuần thánh là bài học đáng cho chúng ta ghi nhớ – Ba lần ngã xuống đất, nhưng Chúa vẫn đứng lên và đi thẳng đến điểm cuối cùng để hoàn tất mầu nhiệm Thánh giá. Bằng sự kiên trì này của Chúa, Người đã mở cửa nước trời. Bằng sự kiên trì của chúng ta, chúng ta cũng sẽ bước vào cửa đó.”

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Tom, chính xứ, lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng của giáo đoàn và Cha cũng hết lòng cảm ơn Cộng Đồng VN đã đóng góp về vật chất lẫn tinh thần rất nhiều cho Giáo Xứ. Ông Giang Văn Hoan, Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney, thay mặt cho Cộng Đồng lên ngỏ lời chúc mừng bổn mạng của giáo đoàn. Sau cùng ông Hứa Thanh Sâm,Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn, lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan khách, quý Hội đoàn đoàn thể đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính bổn mạng của giáo đoàn Marrickville và đặc biệt cám ơn ca đoàn Vô Nhiễm Marrickville đã hát rất hay tạo bầu khí sốt sắng trong thánh lễ. Sau khi kết thúc Thánh lễ, mọi người ở lại và qua bên hội trường của nhà thờ tham dự bữa tiệc thân mật. Cha tuyên uý trưởng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời chúc mừng bổn mạng giáo đoàn và làm phép của ăn. Sau đó mọi người thưởng lãm văn nghệ cây nhà lá vườn trình diễn với nhiều tiết mục rất hấp dẫn ngoài ra còn có xổ số may mắn lấy hên.
 
Nội Quy: Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành Năm Thánh 2010
+ĐHY JB Phạm Minh Mẫn
23:24 07/04/2008
Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành Năm Thánh 2010

NỘI QUY



Phần I. Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH

1. Ý nghĩa

Năm Thánh 2010 ghi dấu thời điểm kỷ niệm: (1) 350 năm thành lập hai giáo phận Tông Toà Đàng Ngoài và Đàng Trong (xem Sắc Chỉ Super Cathedram, 9.9.1659, của Đức Alexandre VII), (2) 50 năm thiết lập phẩm trật Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam với 3 giáo tỉnh Hà Nội - Huế - Saigon (xem Sắc Chỉ Venerabilium Nostrorum 24.11.1960). Thời gian c? hành Năm Thánh từ 24.11.2009 đến lễ Hiển Linh 2011, đi từ khởi điểm và chứng nhân đức tin đến toả sáng và chia sẻ niềm tin.

2. Mục đích

Việc cử hành Năm Thánh 2010 nhằm:

(1) Nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), 300 năm Tông Toà (1659-1960), đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010). Nhìn lại lịch sử nhằm mời gọi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cùng chung lòng tạ ơn Chúa đã thương ban cho Dân Người được hình thành, tồn tại và phát triển qua những thăng trầm của lịch sử, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Toà Thánh và các bậc tiền nhân đã góp phần tích cực vào việc loan Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội trên đất nước Việt Nam.

(2) Nhìn lại lịch sử cùng với những thẩm định về đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

(3) Đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III, nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công Đồng Vatican II 1965 đã phác hoạ như sau:

* Giáo Hội hiệp thông: đào sâu mối hiệp thông giữa cộng đoàn tín hữu với Thiên Chúa trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, củng cố sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong mỗi Giáo Hội địa phương, hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với nhau cũng như với Giáo Hội toàn cầu;

* Giáo Hội tham gia: mọi thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, đều có quyền và trách nhiệm tham dự vào mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội, mỗi thành phần theo đặc sủng của mình;

* Giáo Hội vì loài người: quyền bính và sứ vụ của Giáo Hội là quyền và trách nhiệm yêu thương và phục vụ cho sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

Phần II. CỬ HÀNH NĂM THÁNH 2010

3. Giai đoạn chuẩn bị


(1) Năm 2008: HĐGM.VN thống nhất và xin Toà Thánh cho mở Năm Thánh 2010. Đồng thời, HĐGM.VN phê chuẩn Ban Tổ Chức cử hành Năm Thánh, và hình thành những Tiểu Ban chuyên môn. Trong năm 2008, các Tiểu Ban cần soạn xong tài liệu học tập, hội thảo, tổ chức lễ hội, cầu nguyện, hành hương theo những chủ đề giúp cho cộng đồng Dân Chúa trong các giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, ĐCV, các đoàn thể giáo dân, các phong trào tông đồ, ý thức tạ ơn Chúa, và quyết tâm cùng nhau làm mới hình ảnh Giáo Hội tại Việt Nam.

(2) Chủ đề của Năm Thánh 2010 là: GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM:Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ

Chủ đề này được triển khai theo 3 chủ điểm lớn sau đây:

- Giáo Hội mầu nhiệm, với chức năng ngôn sứ và tư tế (mục vụ Thánh Kinh, Lời Chúa, giáo lý đức tin, Phụng tự, lòng đạo đức bình dân, kinh sách)

- Giáo Hội hiệp thông, với chức năng mục tử (mục vụ tổ chức và điều hành giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, các tổ chức mục vụ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, tạo tương quan liên đới, đối thoại, hợp tác, đối nội, đối ngoại).

- Giáo Hội sứ vu, với chức năng thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng và cho sự sống dồi dào của mọi người, đặc biệt người kém may mắn, bị bỏ rơi (mục vụ truyền giáo, văn hoá giáo dục, y tế, bác ái xã hội, phát triển, di dân).

(3) Năm 2009, các giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu, ĐCV, đoàn thể tông đồ giáo dân, tổ chức cho cộng đoàn Dân Chúa cử hành lễ hội, học tập, hội thảo, góp ý, đề xuất, cầu nguyện, hành hương vào một số dịp và theo 3 chủ đề đã nêu trên … Phát hành Kỷ Yếu 50 năm thiết lập phẩm trật Giáo Hội Công Giáo tại VN với 3 giáo tỉnh Hà Nội - Huế - Saigon, với phần nhìn lại các thời kỳ lịch sử truyền giáo, đặc biệt thời kỳ chánh toà…

4. Cử hành Năm Thánh 2010

(1) Cử hành Thánh lễ tạ ơn và xin ơn toàn xá vào dịp một số lễ do HĐGM.VN ấn định.[1] Có thể tiếp tục lễ hội, học hội, góp ý đề xuất, cầu nguyện, hành hương theo những chủ đề nói trên …

(2) Tổ chức Đại Hội Dân Chúa Việt Nam.

(3) Năm 2010 hoặc năm 2011, phát hành Kỷ Yếu Đại Hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010, trình bày những diễn tiến và kết quả của Đại hội, đồng thời đưa ra những định hướng mục vụ cụ thể nhằm xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, tham gia, và phục vụ sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

Phần III. ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM 2010

5. Tính chất và mục đích của Đại Hội


(1) Đại Hội Dân Chúa Việt Nam là cơ hội cho HĐGM kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa chung lòng chung sức với hàng Giáo phẩm xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội tham gia, và Giáo Hội vì loài người, nhằm tạo thuận lợi cho việc thi hành cách có hiệu quả hơn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

(2) Đại Hội Dân Chúa Việt Nam không những nhằm thể hiện sự hiệp thông trong Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, song còn nhằm cổ võ mọi thành phần trong Cộng đồng dân Chúa Việt Nam tại các châu lục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, tích cực tham gia thi hành sứ vụ của Giáo Hội vì sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

6. Giai đoạn chuẩn bị

(1) Công việc chuẩn bị Đại Hội, trước hết nhằm giúp cho HĐGM phát hiện những vấn đề cần được đưa ra bàn thảo trong Đại hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010. Đồng thời còn nhằm làm cho mọi thành phần Dân Chúa trong các Giáo Hội điạ phương cảm nhận rằng họ có liên hệ mật thiết với Đại Hội. Đạt được mục tiêu trên, công việc của Đại Hội sẽ mở đường cho sự hiệp thông đi vào đời sống Giáo Hội, nhờ đó mọi tín hữu được chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những gì HĐGM sẽ quyết định với tư cách là mục tử của Dân Chúa.

(2) Tham khảo ý kiến của mọi thành phần Dân Chúa. Công việc chuẩn bị còn nhằm giúp mọi tín hữu tham gia cách tích cực vào đời sống Giáo Hội. Các cộng đoàn tín hữu, giáo xứ, dòng tu, tu hội, Đại chủng viện, cùng tham gia Đại Hội bằng học hỏi theo những chủ đề nêu trên, đồng thời bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng, nhu cầu, và đề xuất những phương thế đảm nhận những thách đố mục vụ.

(3) Xác định những vấn đề cần bàn thảo trong Đại Hội

Dựa vào tư liệu do các Tiểu Ban chuyên môn soạn ra, Ban Thư ký tổ chức Đại Hội soạn thảo một bản Đề Cương với những câu hỏi, và gởi đến các tham dự viên Đại Hội, xin họ trả lời các câu hỏi trước tháng 6, 2009. Thu thập lại các câu trả lời, đúc kết thành một Bản Tư Liệu Làm Việc, gởi đến các tham dự viên trước tháng 12, 2009. Các bài phát biểu trong Đại Hội cần phải dựa vào Bản Tư Liệu Làm Việc đó, và gởi 1 bản đến Ban Thư Ký Đại Hội trước tháng 4, 2010.

7. Tham dự Đại Hội Dân Chúa Việt Nam

(1) Chủ toạ đoàn: gồm Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ban Tổ Chức cử hành Năm Thánh.
(2) Thành phần tham dự Đại Hội với quyền biểu quyết: Các Giám mục tại Việt Nam.
(3) Thành phần tham dự Đại Hội với quyền tư vấn:

- Các Tổng Đại diện và đại diện Giám Mục, các Giám đốc Đại Chủng viện
- Các dòng tu, tu hội đề cử 15 nam, 15 nữ đại diện cho hơn 90 dòng tu và tu hội đời có mặt tại Việt Nam.
- Mỗi giáo phận đề cử một linh mục, hai giáo dân, một nam, một nữ [2],
- Một số đại diện các cộng đoàn công giáo VN ở các Châu lục, mỗi Châu lục từ 5-10 người,
- HĐGM mời một số thượng khách như Tổng Giám mục và Giám mục VN ở Châu lục khác, và một số vị đã góp phần tích cực vào công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo hội tại Việt Nam [3]

(4) Các tham dự viên, - giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, (với tổng số lối 200) - “trợ giúp” HĐGM bằng cách đóng góp ý kiến hoặc biểu quyết những vấn đề mà HĐGM đề xuất. Việc biểu quyết đó mang tính tư vấn. Sau khi lắng nghe, các Giám mục có bổn phận thẩm định, phân định và quyết định. Cách thi hành tác vụ Giám mục bao hàm việc lắng nghe mọi thành phần Dân Chúa, và cổ võ họ cùng nhau tìm kiếm điều mà Chúa Thánh Thần đòi hỏi nơi gia đình Giáo Hội tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại.

8. Tiến trình của Đại hội

(1) Cử hành lễ khai mạc, lễ bế mạc

Có thể cử hành long trọng và được mở rộng tại một nơi mà nhiều ngàn tín hữu tham dự được.( x. Sách Nghi thức Giám mục, số 1169-1176; Tông huấn Mirificus Eventus, 7.12.1965)

(2) Tuyên tín

Trước khi bắt đầu góp ý, các tham dự viên tuyên tín theo Giáo Luật 833, nhằm khơi dậy ý thức đức tin và lòng yêu mến đối với di sản thiêng liêng của Giáo Hội.

(3) Những vấn đề cần bàn thảo

Cần ấn định trước qua bản Tư Liệu Làm Việc những vấn đề đưa ra cho các tham dự viên tự do góp ý trong Đại Hội. Các tham dự viên viên được tự do phát biểu về những vấn đề đã được đưa ra, trong thời hạn nội quy ấn định. Sau những buổi phát biểu, cần có bản tóm tắt về mỗi vấn đề, mỗi lãnh vực mục vụ, nhằm tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu và thảo luận kế tiếp.

(4) Cách thức tiến hành Đại Hội

- Mỗi bài phát biểu trong Đại Hội cần dựa vào nội dung Tư Liệu Làm Việc, và dài tối đa 5 phút. Không khéo dài thêm sau khi nghe tiếng chuông. Cần gởi cho Văn phòng Ban Thư ký Đại Hội 1 bản bài phát biểu ít là 4 tháng trước Đại Hội.

- Sau các buổi phát biểu, Ban Thư ký trình bày bản đức kết các ý kiến phát biểu. Sau đó là 3 buổi thảo luận nhóm, mỗi buổi thảo luận một lãnh vực mục vụ (Giáo Hội mầu nhiệm, Giáo Hội hiệp thông, Giáo hội sứ vụ…). Ban Thư ký lo liệu phân nhóm với trưởng phó nhóm, 2 thư ký, và chỉ định chỗ cho mỗi nhóm thảo luận. Mỗi nhóm tối đa là 20 người.

- Sau các buổi thảo luận nhóm, tại hội trường, các thư ký nhóm trình bày bản đúc kết ý kiến của nhóm. Sau đó tùy theo thời giờ, các tham dự viên có thể góp ý bổ sung.

(5) Phiếu kín

Các thành viên Đại Hội có thể được mời bày tỏ ý kiến qua phiếu kín. Cần giải thích cho Đại Hội ý nghĩa hành vi này là nhằm xác minh mức độ đồng ý với những đề xuất, và kết quả của việc bỏ phiếu không có tính quyết định, vì lẽ chức năng của Đại Hội là trợ giúp HĐGM, không thay thế HĐGM.

Nhiệm vụ của HĐGM là thẩm định mọi sự trước mặt Chúa trước khi quyết định. Thế nhưng HĐGM cần theo ý kiến đa số nếu xét thấy không có trở ngại trầm trọng. (Unitas in necessariis, Libertas in dubiis, Caritas in omnibus)

9. Soạn thảo và công bố văn kiện sau Đại hội

(1) Soạn thảo văn kiện sau Đại Hội

Với chỉ dẫn cần thiết, HĐGM giao cho Ban Thư ký Đại Hội và các Tiểu Ban Đại Hội soạn ra bản thảo văn kiện. Trong việc soạn thảo, cần tìm công thức chính xác, rõ ràng, nhằm làm cho văn kiện thành bản chỉ dẫn thực hiện chương trình mục vụ tương lai. Do đó cần tránh dừng lại ở những cách nói mang tính đại cương hoặc chỉ cổ võ.

(2) Công bố văn kiện

Văn kiện phải mang chữ ký của vị Chủ tịch và Tổng Thư ký HĐGM. Văn từ được dùng phải biểu tỏ chính HĐGM là tác giả.

(3) Chuyển đạt văn kiện

Những nơi cần chuyển đạt văn kiện sau Đại Hội:

- Các Giám mục Việt Nam
- Các tham dự viên Đại Hội
- Các đại diện các thành phần Dân Chúa Việt Nam

(4) Thể thức và thời điểm thi hành những quyết định của Đại Hội

Sau Đại Hội, HĐGM có nhiệm vụ xác định thể thức và thời điểm toàn thể GHCG tại Việt Nam thi hành những quyết định được ghi trong văn kiện sau Đại Hội.

Phần IV. PHÂN CÔNG VÀ PHÂN NHIỆM

10. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam


(1) Xin Toà thánh cho mở Năm thánh 2010

(2) Phê chuẩn: - Ban Tổ chức Năm thánh
- những tiểu ban chuyên môn
- Nội quy cử hành Năm Thánh 2010

(3) Phê chuẩn Chủ toạ đoàn Đại Hội Dân Chúa Việt Nam

(4) Triệu tập Đại Hội Dân Chúa Việt Nam.

(5) Ấn định địa điểm và thời gian tiến hành Đại Hội

(6) Ấn định Nội quy tổ chức và tiến hành Đại Hội, và các vấn đề cần được thảo luận.

(7) Tuyên bố ngày khai mạc Đại Hội, thời gian Đại Hội, triển hạn, bế mạc Đại Hội.

(8) Phê chuẩn và công bố văn kiện sau Đại hội.

11. Ban Tổ Chức Năm Thánh

Ban Tổ Chức Năm Thánh gồm có:
- Đoàn Chủ tịch:
- Chủ tịch: Đức Hồng Y Tổng Giám Mục TP HCM,
- Phó Chủ tịch: hai Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Hà Nội và Huế,
- Quý Đức Cha thành viên: Phêrô Trần Đình Tứ, Phaolô Bùi Văn Đọc, Giuse Vũ Duy Thống.
- Ban Thư Ký và Ban Tài Chánh (do đoàn Chủ tịch tổ chức Năm Thánh đề cử), có nhiệm vụ trợ giúp HĐGM trong những việc như sau:

(1) Tổ chức và điều hành các công việc trong suốt thời gian chuẩn bị và cử hành Năm Thánh, đặc biệt là công việc chuẩn bị và tiến hành Đại Hội Dân Chúa VN.

(2) Lên kế hoạch kinh phí, tìm nguồn tài trợ cho việc chuẩn bị cũng như cử hành Năm Thánh.

(3) Tham khảo ý kiến và xác định những vấn đề cần bàn thảo trong ĐH.

(4) Soạn thảo các văn kiện sau Đại Hội, trình cho HĐGM xét duyệt, thống nhất, phê chuẩn và ban hành trong Hội Nghị tháng 10 năm 2010, hoặc trong Hội Nghị tháng 3 năm 2011.

12. Ban Thư ký Năm Thánh

(1) Ban Thư ký Năm Thánh gồm:

- Thư ký thường trực: do đoàn Chủ tịch Ban Tổ chức Năm Thánh đề cử

- Các Thư ký của các tiểu ban: (1) tiểu ban nghiên cứu lịch sử, (2) tiểu ban soạn thảo tài liệu học hỏi và cử hành Năm Thánh, (3) tiểu ban chuẩn bị và thực hiện Đại Hội Dân Chúa VN.

(2) Nhiệm vụ của Thư ký thường trực

- Làm cầu nối giữa vị Chủ tịch Ban Tổ chức Năm Thánh và các tiểu ban chuyên môn,
- Phối hợp các tiểu ban chuyên môn theo định hướng chung.
- lo liên lạc thông tin, đề phòng những giải thích thiếu chính xác, thiếu trung thực

(3) Nhiệm vụ của Các thư ký tiểu ban: [4]

- Tiểu ban nghiên cứu lịch sử (gồm Tổng thư ký các UBGM về Văn hoá, Truyền thông, Thánh nhạc): nghiên cứu lịch sử GH VIỆT NAM qua ba thời kỳ bảo hộ, tông toà, nhất là chánh toà (1960-2010). Phát hành Kỷ yếu 50 năm thiết lập phẩm trật GH CG tại VN.

- Tiểu ban soạn thảo các tài liệu học hỏi và cử hành Năm Thánh: chia ra ba nhóm để biên soạn các tài liệu theo 3 chiều kích: mầu nhiệm (gồm tổng thư ký các UBGM về Giáo lý đức tin, Thánh Kinh, Phụng tự) – hiệp thông (UBGM về Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân, Giới trẻ, Gia đình) – sứ vụ (UBGM về Truyền giáo, Bác ái xã hội, Di dân).

- Tiểu ban chuẩn bị và thực hiện Đại hội Dân Chúa Việt Nam: soạn thảo Đề cương và Tài liệu làm việc cho Đại hội – soạn thảo Nội Quy cho Đại hội – làm Ban thư ký của Đại hội – soạn thảo văn kiện sau Đại hội.

13. Ban Tài Chánh

(1) Dự chi cho việc chuẩn bị và cử hành Năm Thánh, nhất là Đại Hội,
(2) Dự thu cho công việc nói trên,
(3) Chuẩn bị cơ sở và kinh phí cho Đại Hội.


Chú thích:
[1] Ví dụ, Lễ Khai mạc Năm thánh:
Lễ Các Thánh Tử đạo VIỆT NAM 24.11.2009,
Lễ Thánh Giuse 19.3,
Lê kính Thánh Phêrô và Phaolô: 29.6
Lễ tạ ơn kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo phận Tông Toà Đàng Ngoài và Đàng Trong: 9.9.2010,
Lễ thánh Têrêxa 1.10,
Lễ Các Thánh Tử đạo VIỆT NAM 24.11.2010,
Lễ Thánh Phanxicô Xavie 3.12,
Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội 8.12,
Lễ Bế mạc Năm Thánh: Lễ Hiển Linh 2011.
[2] Dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn lựa các linh mục và giáo dân tham dự Đại hội Dân Chúa? Thiết nghĩ nên quan tâm đến một vài khía cạnh: (1) những linh mục và giáo dân đang làm việc mục vụ, (2) những giáo dân và linh mục có uy tín và đạo đức, (3) về số giáo dân, nên lưu ý việc quân bình nam nữ trong số tham dự viên.
[3] Ví dụ, đại diện Bộ Truyền Giáo, đại diện Hội Thừa Sai hải ngoại Paris, đại diện Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Đaminh…
[4] Mỗi tiểu ban gồm có các tổng thư ký của một số UBGM. Các tổng thư ký này sẽ bầu ra một vị làm thư ký thường trực của tiểu ban chuyên môn.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tường trình từ Tu viện Thái Hà những diễn biến đang xẩy ra nơi đây
LM. Phêrô Nguyễn Văn Khải
11:50 07/04/2008
Hà Nội trưa ngày 07 tháng 04 năm 2008

Kính gửi: - Cha Bề trên Giám tỉnh DCCT Việt Nam,

- Cha Bề trên Tu viện DCCT Hà Nội

- Quý Cha Bề trên các cộng đoàn DCCT đang hiện diện ở Sài Gòn

Hôm nay, Thái Hà cầu nguyện đòi đất đã được 3 tháng 1 ngày. Cũng hôm nay, giờ này, hạn chót giáo xứ phải dỡ bỏ lều bạt theo công văn “tối hậu thư” của chính quyền phường Ô Chợ Dừa và quận Đống Đa.

Giáo dân Thái Hà cầu nguyện trưa ngày 7/4/2008
Con biết giờ này, Cha Bề trên Giám tỉnh, Cha Bề trên Tu viện DCCT Hà Nội và các đấng bề trên đang rất quan tâm đến diễn biến sự việc ở Thái Hà. Vì thế, con xin thưa với các ngài hiện tình ở Thái Hà mấy ngày qua như sau:

Hôm thứ tư, 02.04.2008, cán bộ quận và cán bộ phường, bên UBND và Công an đến Tu viện. Họ gặp cha Phó Bề trên và một số cha trong Tu viện. Họ yêu cầu dỡ bỏ lều và dẹp ảnh tượng thánh giá và Đức Mẹ trên phố Đức Bà.

Họ còn gửi văn thư số 212/UBND-VP, “yêu cầu ông Vũ Khởi Phụng-Linh mục Giáo xứ Thái Hà chấm dứt ngay các hoạt động nói trên, dỡ bỏ lều, quán bàn thờ để trả lại phần đất bị chiếm dụng, đưa ngay tượng Đức Mẹ, ảnh Đức Mẹ và các cây thánh giá về khuôn viên nhà thờ Thái Hà đồng thời có các biện pháp quản lý giáo dân không làm những việc vi phạm pháp luật”.

Trưa hôm qua, 06.04.2008, lúc 12 h, chính quyền phường Ô Chợ Dừa gửi văn bản số 106/TB/UB, nội dung yêu cầu trước 12 h ngày hôm nay 07.04.2008 dỡ bỏ lều trại. “ Nếu không tự dỡ bỏ sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. Chính quyền phường còn gửi 2 văn bản khác tương tự lúc 16 h chiều hôm qua 06.04.2008 và quãng 9 h sáng hôm nay 07.04.2008.

Sáng hôm nay ngày 07.04.2008, công an thành phố, công an quận và công an phường đều có mặt ở hiện trường. Trên nhà một người dân trong phố có mấy máy ghi hình chiếu vào Đền Thánh Giêrađô. Lúc 11 h 15 hôm nay, khi vừa đọc kinh trưa xong, con thầy ông Sơn và ông Quân, Công an TP Hà Nội, đứng ở sân nhà thờ. Trong nhà thờ giáo dân đang tụ họp cầu nguyện. Khu vực Đền Thánh Giêrađô cũng vậy.

Lúc gần 12 h, con ra hiện trường Phố Đức Bà thì thấy giáo dân và các công an, từ phường đến thành phố vẫn đang có mặt. Từng tốp giáo dân đang ăn bánh mì thay cơm. Một công an chuyên trách quay phim chụp hình. Ông Sơn lấy chuyện thư của Đức Hồng Y Bertone và chuyện Toà Khâm Sứ để làm tiền lệ yêu cầu giáo dân dẹp lều bạt và đưa ảnh tượng về. Mọi người xúm lại bác bỏ bằng những lý lẽ rất có cơ sở và bằng các bằng chứng thực tiễn thuyết phục.

Lúc này, khi đến thời hạn cuối cùng mà công văn của chính quyền phường đã xác định, con thấy giáo dân càng lúc càng đến đông hơn. Có cả giáo dân của các giáo xứ khác trong thành phố. Họ đứng trên phố cầu nguyện. Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh có hai xe đang có mặt trên đoạn phố gần đó. Một số người nói yêu cầu chuyện các phóng viên thực thi chức năng của báo chí là đến ghi hình đưa tin, nhưng các anh chị phóng viên không dám.

Vì trời nắng nóng cho nên giáo dân chở ghế ra kê ngồi dọc lề đường con phố mấy trăm mét. Cũng có một số nhóm đứng nói chuyện và đối đáp với các cán bộ và công an đang làm nhiệm vụ giám sát trên phố Đức Bà.

Giáo dân bình tĩnh và tự tin. Họ tiếp tục cầu nguyện như đã cầu nguyện từ hơn 3 tháng qua. Họ cố gắng không để cho người ta xúc phạm đến ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ. Còn chuyện dỡ lều, thì họ yêu cầu chính quyền thực thi pháp luật bằng cách dỡ bỏ các căn nhà xây dựng kiên cố đã lấn chiếm đất nhà thờ và lấn chiếm lòng lề đường đang tồn tại ngay đấy. Họ cũng khẳng định mình cầu nguyện và dựng ảnh tượng trong khuôn viên đất nhà thờ là hợp pháp. Nếu có phải đứng ngoài ngõ là vì không còn cách nào khác.

Con thấy khu vực sân Đền Giêrađô, có một nhóm giáo dân đang ngồi ở đấy cùng con hỏi giáo dân bảo họ chuẩn bị đánh trống để rước Chúa và Đức Mẹ cùng chính quyền trong trường hợp Chúa và Mẹ bị chính quyền cưỡng chế

Con xin hiệp thông với hai cha Bề trên trong lời cầu nguyện cho công lý và hoà bình. Xin Chúa và Mẹ Hằng Cứu Giúp ở cùng các ngài, ban cho các ngài sự khôn ngoan và lòng can đảm. Xin các ngài cũng cầu nguyện cho giáo dân và cho chúng con ở đây.

(Viết từ Tu viện DCCT Hà Nội)
 
Phố Đức Bà tại Tu viện và Giáo xứ Thái Hà sẽ không còn những ngày yên ả nữa...!
Hà Thạch
12:14 07/04/2008
THÁI HÀ - Sáng nay, ngày 7/4/2008, điện thoại từ khắp nơi gọi về cấp báo, dưới Thái Hà đang có chuyện.

Khoảng 8giờ, chúng tôi có mặt tại Thái Hà. Khuôn viên nhà thờ có nhiều người qua lại. Phía nguyện đường Giêrađô, chúng tôi thấy có một số giáo dân đang gắn tượng chuộc tội vào cây thánh giá sắt cao khoảng 5m. Cây thánh giá này được giáo xứ dựng tại sân nguyện đường Giêrađô từ khi việc cầu nguyện cho công lý diễn ra.

Ngoài hiện trường – khu phố đức bà, có khoảng hơn 100 giáo dân đang cầu nguyện. Chúng tôi thấy có anh Vũ Thanh Sơn, công an phòng PA 38, công an thành phố Hà Nội. Một số đông các chiến sĩ công an khác như anh Cường phòng An ninh quận Đống Đa, một người tên Quân… và một số đông khác đang đi lại tại khu vực. Trên tầng thượng căn nhà đối diện nguyện đường Giêrađô, sáng nay chính quyền gắn tại đó một Camera hướng về phía nguyện đường để chuyên theo dõi những người qua lại.

Theo một số giáo dân cho biết, việc cầu nguyện tại Thái Hà diễn ra tới ngày hôm qua (6/4/2008) là vừa đúng 4 tháng. Suốt 4 tháng vừa qua, việc cầu nguyện luôn diễn ra đúng giờ, mỗi ngày hai lượt: buổi sáng vào lúc 6 giờ và buổi chiều vào lúc 7 giờ; riêng ngày Chúa nhật, có 5 buổi cầu nguyện sau mỗi thánh lễ. Các buổi cầu nguyện đều diễn ra tôn nghiêm, trật tự, được bà con lương dân khu vực ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi. Ngay cả một số chiến sĩ an ninh thành phố, công an quận Đống Đa đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ và còn cho biết việc giáo dân Thái Hà cầu nguyện tại phố Đức Bà “không vi phạm pháp luật.” Các cán bộ an ninh còn nói: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc giáo dân đòi đất, bởi việc làm ấy góp phần làm cho đất nước được văn minh, tiếp tay vơí chính quyền trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, giúp xây dựng một nhà nước pháp quyền”.

Nhiều giáo dân khi được hỏi đã rất bức xúc. Họ cho biết mấy ngày qua, chính xác từ ngày cha Vũ Khởi Phụng, bề trên tu viện DCCT Hà Nội kiêm chánh xứ Thái Hà nhận chức, trong các cuộc gặp xã giao, chính quyền địa phương và quân Đống Đa đã có nhiều động thái gây áp lực lên ngài và giáo dân về việc cầu nguyện tại phố Đức Bà. Ngày 2/4/2008, UBND quận Đống Đa đã chính thức gửi công văn tới giáo xứ yêu cầu: “Ông Vũ Khởi Phụng – linh mục chánh xứ Thái Hà chấm dứt các hoạt động trên, cho dỡ bỏ các lều, quán, bàn thờ để trả lại phần đất bị chiếm dụng, đưa ngay ảnh tượng Đức Mẹ và các cây thánh giá về trong khuôn viên của Nhà Thờ Thái Hà…”.

Cũng người giáo dân này cho biết, trong ngày hôm qua (6/4/2008), giáo xứ liên tiếp nhận được hai công văn của UBND phường Ô Chợ Dừa, yêu cầu: “Bà con giáo dân tự dỡ bỏ hai lều bạt dựng trái phép kể trên… Thời hạn tự dỡ bỏ trước 12 giờ ngày 7/4/2008. Nếu không tự dỡ bỏ sẽ bị xử lý theo đúng qui định của pháp luật”. Các công văn này đã gây nên tâm trạng bức xúc nơi các giáo dân.

Nhiều người cho rằng, chính quyền đã không công bằng, đã bao che cho các hộ dân lấn chiếm. Chỉ tay về phía những căn nhà lấn chiếm, người này cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị giải toả những căn nhà trái phép này, nhưng chính quyền cứ cố tình làm ngơ. Những căn nhà này là của một số công an dựng tạm cho thuê. Chúng tôi chỉ dựng lều tạm. Thế mà chính quyền lại bắt chúng tôi dỡ bỏ. Họ nói chúng tôi vi phạm này kia, trong khi những ngôi nhà này chiếm gần hết con đường họ lại cố tình làm ngơ. Phải chăng chính quyền cố tình đàn áp tôn giáo. Chúng tôi chỉ mong chính quyền mau chóng giải quyết trao lại cho giáo xứ chúng tôi khu vực này để phục vụ công ích”.

Trước giờ Ngọ (thời hạn cuối cùng giáo xứ Thái Hà phải tự dỡ bỏ lều bạt), chúng tôi nhận thấy giáo dân các nơi kéo về rất đông. Người già có, trẻ em có. Rất nhiều thanh niên, khuôn mặt rạng rỡ dắt tay nhau tiến ra hiện trường. Chúng tôi hỏi các bạn không sợ sao? Các bạn vừa cười vừa bảo: “Cháu về đây để chứng kiến xem người ta xúc phạm danh thánh Chúa và Đức Mẹ như thế nào. Cháu chỉ sợ rằng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ giáng xuống, bởi Chúa bảo: “Giơ mũi nhọn thì khốn cho ngươi... Cơn thịnh nộ của Chúa mà giáng xuống gia đình họ ba bốn đời thì khổ và thật thương cho con cháu họ quá. Cháu về đây là để chứng kiến, nhưng cũng để cầu nguyện cho họ đừng có xúc phạm tới niềm tin thiêng thánh. Ở đời này, khuấy nước thì khuấy, chứ đừng chọc trời…

Sau giờ Ngọ, một số giáo dân mang bánh mì tới phân phát cho mọi người. Có khảng 200 giáo dân tại hiện trường. Họ ăn bánh mì, chuyện trò vui vẻ. Có hai linh mục cùng có mặt với giáo dân. Một vị đang đứng nói chuyện với các cán bộ an ninh. Một vị khác đang cùng cầu nguyện với giáo dân.

Lúc này, khoảng 2giờ chiều ngày 7/4/2008. Các giáo dân vẫn tiếp tục kéo đến. Tại phố Đức Bà, có khoảng 300 giáo dân đang cầu nguyện. Nhiều ghế nhựa đã được mang ra. Mọi người quây quần bên các ảnh Mẹ, cùng hát vang bài ca Hoà Bình.

Trời Hà Nội hôm nay nóng hơn mọi ngày. Cái nóng của thời tiết cộng với bầu khí nóng của việc “cầu nguyện cho công lý” làm cho phố Đức Bà nóng thêm.

Vậy là “Phố Đức Bà không còn êm ả…”

Thái Hà, chiều 7/4/2008
 
Thái Hà: Niềm Hy Vọng vẫn còn đây!
Bs Vũ Linh Huy
20:18 07/04/2008
Thái Hà: Niềm Hy Vọng cuả Giáo Hội, Quê Hương và Dân Tộc thân yêu!

Hy vọng cứ nuôi giữ từng ngày,
Vì lưả Thái Hà vẫn còn đây,
Vì mẹ vẫn thức đêm canh đất,
Vì em cầu nguyện rất thơ ngây!

Quê hương đã khốn cực lắm rồi,
Bạo quyền tham nhũng nhất trần đời,
Hút máu dân đen như điả đói,
Chà đạp nhân quyền đến tả tơi!

Thái Hà ngọn đuốc vẫn giơ cao,
Ai mất niềm tin hãy hướng vào,
Ai từng gục xuống mau vươn dậy,
Kết đoàn hô lớn những khát khao:

Quyết đòi Công Lý cho toàn dân!
Tự Do Tôn Giáo vẹn mọi phần!
Trả lại tương lai cho tuổi trẻ!
Cho người cùng khổ chốn nương thân!

Ta yêu Công Lý tự đáy lòng,
Làm sao chấp nhận được bất công?
Khi anh chị em còn khốn cực,
Sao ta đành đoạn chẳng đoái trông?

Thái Hà thề giữ mãi lưả thiêng,
Sợ gì gươm súng với xích xiềng!
Bất công còn đó, còn tranh đấu,
Quyết vì Công Lý nổi cồng chiêng!

Boston, ngày 7 tháng 4 năm 2008
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Bổ nhiệm Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ
LM Giuse Nguyễn Thanh Liêm
12:35 07/04/2008


Ngày 7 tháng 4, 2008

Thông Báo Bổ Nhiệm

Linh Mục Gioan Baotixita Nguyễn Đức Vượng, O.P.
Tân Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Linh Mục & Nam Tu Sĩ kiêm
Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ

Chiếu theo Nội Quy hiện hành cho phép, và xét theo nhu cầu nhân sự và sinh hoạt của Cộng Đồng Linh Mục & Nam Tu Sĩ và của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Linh Mục Chủ Tịch Liên Đoàn trân trọng thông báo với sự chấp thuận của đương sự, việc bổ nhiệm

Linh Mục Gioan Baotixita Nguyễn Đức Vượng, O.P., vào chức vụ Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Linh Mục & Nam Tu Sĩ. Trong chức vụ này, Cha cũng là Đệ Nhất Phó Chủ Tịch

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, hiệu lực bắt đầu từ ngày hôm nay.

Cha Nguyễn Đức Vượng thuộc dòng Đa Minh Việt Nam Hải Ngoại, sinh ngày 24 tháng 12, 1958 tại Sài Gòn. Thụ phong Linh Mục vào năm 2000, hiện là Chánh Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Arlington, Virginia. Cha đang phục vụ trong Ban Phục Vụ Lãnh Đạo Liên Đoàn với tư cách là Trưởng Ban Thánh Nhạc, và là Trưởng Ban Tổ Chức Hành Hương Mẹ La Vang 2008, tổ chức vào ngày 19-21 tháng 6, 2008 tại Thủ Đô Washington, Hoa Kỳ.

Trong trường hợp Chủ Tịch Liên Đoàn không có thể tiếp tục đảm đương nhiệm vụ vì bất cứ hoàn cảnh hay lý do nào khi chưa hết nhiệm kỳ, Cha Vượng cũng đồng ý sẽ tự động thay thế làm Chủ Tịch Cộng Đồng Linh Mục & Nam Tu Sĩ và Chủ Tịch Liên Đoàn cho đến hết nhiệm kỳ vào ngày 6 tháng 10, 2011 để tránh những xáo trộn trong sinh hoạt và tổ chức bầu cử. Sau đó các Ban Chấp Hành của Cộng Đồng Linh Mục, Phó Tế, Nam Nữ Tu Sĩ khấn trọn sẽ tổ chức bầu lại.

Xin Thánh Thần Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ La Vang, phù trợ cho Cha trong những ngày tháng sắp tới, để cùng với mọi thành viên của Liên Đoàn xây dựng một tập thể yêu thương, thánh thiện và hiệp nhất. Rất chân thành cám ơn sự dấn thân của Cha trong cương vị mới.

Kính báo,

LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
Chủ Tịch

Bản sao kính gởi:
- Toàn thể thành viên Ban Phục Vụ Liên Đoàn
- Linh Mục Nguyễn Đức Vượng, O.P.
- lưu làm hồ sơ.
 
Tin Đáng Chú Ý
Paris huỷ bỏ chặng cuối cuả Đuốc Olympic Bắc Kinh
Bs Vũ Linh Huy
15:09 07/04/2008
Quyết tâm đoàn kết cùng Nhân Dân Tây Tạng!
Tẩy chay rước Đuốc Thế Vận Bắc Kinh!


Lưả Thế Vận Hội, lưả linh thiêng
Soi tình huynh đệ khắp mọi miền.
Tàu Cộng bạo tàn dùng lưả ấy
Cốt để khoe khoang với tuyên truyền!

Nhân dân Tây Tạng thật khôn ngoan,
Thêm tình yêu nước rất nồng nàn,
Can đảm đứng lên đòi quyền sống,
Khiến cho Tàu Cộng bị bẽ bàng.

Trung cộng đàn áp rất dữ dằn,
Giết chóc tăng ni với nhân dân,
Nhưng người Tây Tạng không lùi bước,
"Châu chấu đá xe", chẳng ngại ngần!

Nhân dân thế giới nắm tay nhau,
Quyết cùng Tây Tạng vạch mưu sâu,
Cuả loài quỷ đỏ, quân cướp nước.
Quyết vì Tây Tạng nối nhịp cầu!

Trung cộng nuốt trửng Hoàng, Trường Sa,
Việt cộng vuốt nhục chẳng kêu ca,
Lại còn hớn hở đi rước đuốc,
Chẳng hề hổ thẹn với Ông Cha!

Người Việt hải ngoại hãy kết đoàn,
Tẩy chay rước đuốc, vạch mưu gian.
Nơi nào đuốc tới ta đả đảo,
Xua như xua dịch khỏi lan tràn!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Xuân Về Trên Sân Chùa
Nguyễn Anh Dzũng
00:18 07/04/2008

XUÂN VỀ TRÊN SÂN CHÙA



Ảnh của Nguyễn Anh Dzũng

Kinh nào chẳng cứu độ người

Cành nào chẳng đón xuân tươi nắng hồng

Vị là kinh sách chất chồng

Vắt tay biên giới Có, Không, chỗ nào..

(Trích thơ của Rỳokan gs. Lưu Văn Vịnh phóng ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền