Ngày 01-05-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sáng Kiến
Lm Vũđình Tường
06:58 01/05/2013
Không phải tất cả các sáng kiến đều sáng cả đâu. Có những tư tưởng gọi là sáng nhưng bản chất của nó tối mò. Sáng kiến mang bản chất tối có thế nói đùa là độ sáng của nó lớn vừa đủ soi sáng cái kiến.

Tư tưởng mới phát sinh mỗi ngày. Có những thay đổi chỉ bùng lên một thời rồi chìm vào quên lãng, lại cũng có những thay đổi vững chắc biến đổi xã hội. Thay đổi phát sinh bởi hoàn cảnh mới đòi giải quyết vấn đề mới phát sinh mà truyền thống cũ không đáp ứng thoả đáng hay tệ hại hơn là truyền thống cấm đoán vì trái nghịch với truyền thống. Thay đổi ảnh hưởng mạnh đến xã hội, làm thay đổi lối suy nghĩ, cách đối xử, cách điều hành công việc. Lối ăn, cách uống từ nhà, ngoài ngõ đều ảnh hưởng bởi những sáng kiến. Những thay đổi này ảnh hưởng đến việc đề nghị xét lại cách thực hành và tinh thần sống đạo truyền thống. Khi những đề nghị thay đổi không được chấp thuận sẽ xảy ra tình trạng đơn giản là phê bình, lớn hơn là bất mãn và tệ hại là sinh bè, lập nhóm, tạo phe, gây phái. Điều này dẫn đến việc chia rẽ trong cộng đoàn dân Chúa. Nhóm hỗ trợ thay đổi tự nhận là cấp tiến phê bình chỉ trích nhóm bảo thủ. Họ tự nhận là tân tiến, thích ứng với thời cuộc và chỉ trích Giáo Hội là chậm tiến, bảo thủ, không theo kịp đổi thay của thời đại. Còn một nhóm nữa đứng giữa thầm lặng, không ủng hộ cấp iến, cũng không chê bảo thủ, truyền thống, sao cũng được và sẵn sàng chấp nhận thay đổi cho thích hợp với hoàn cảnh.

Sáng kiến dẫn đến thay đổi cần khuyến khích, cổ võ nếu sáng kiến đó bảo vệ sự sống, cổ võ tình yêu chân chính và tinh thần phục vụ vô vị lợi vì những điều này hợp với giáo huấn của Đức Kitô truyền dậy. Truyền thống dù cũ mấy cũng là truyền thống có giá trị và tốt đẹp khi truyền thống cổ võ bảo vệ sự linh thánh của con người và hợp với điều Đức Kitô truyền dậy về luật yêu thương và phục vụ. Sáng kiến, đề nghị xem ra sáng sủa, nghe hợp lí, thích ứng với hoàn cảnh cần phải cẩn trọng khi đón nhận vì đằng sau những lí thuyết xem ra hợp lí, ăn khách, thức thời nhưng không chừng có ẩn dấu mầm mống làm hại sự sống để mưu ích riêng cho thiểu số, phe đảng. Sáng kiến trên lí thuyết dựa vào sự sống, phục vụ để đòi thay đổi nhưng thực tế, trong thực hành, không trực tiếp bảo vệ sự sống, không chân thành cổ võ tình yêu chân chính và không thành tâm thiết tha phục vụ tha nhân vô vị lợi đều trái giáo huấn của Đức Kitô. Mọi đề nghị, tư tưởng cho là cao siêu hơn giáo huấn của Đức Kitô đều ngầm chứa tinh thần kiêu ngạo. Những gì thuộc về kiêu ngạo không thể đến từ Thiên Chúa yêu thương vì bản chất của yêu thương là khiêm nhường phục vụ.

Giáo huấn của Đức Kitô không bao giờ lỗi thời vì giáo huấn của Ngài vượt lên trên thời gian. Vì tư tưởng của Ngài đến từ Thiên Chúa hằng sống cộng với hướng dẫn của Thánh Thần Chúa nên giáo huấn của Ngài luôn mới với mọi thời đại, thích hợp với mọi truyền thống và hợp với mọi dân tộc. Nếu cần đổi thay cho thích hợp với giáo luật yêu thương thì đối tượng đổi thay là truyền thống, là phong tục, là tập quán địa phương cần thay đổi cho trong sáng hơn, thích hợp với luật yêu thương tha thứ và phục vụ.

Câu chuyện thầy giáo yêu cầu học sinh viết luận về giáo huấn của Đức Kitô liên quan đến bảo vệ đời sống, cổ võ yêu thương chân thành và phục vụ tha thiết. Trong đó có lời phê bình cho thấy không phải mọi thay đổi đều tốt; cũng như không phải mọi truyền thống đều dở.

Bài văn của em có nhiều tư tưởng hay và nhiều tư tưởng mới. Không may tư tưởng mới thì không hay và tư tưởng hay thì không mới.

Chúng ta cần thay đổi cho thích hợp với hoàn cảnh, với tiến bộ khoa học nhưng căn bản phải đặt trên giáo huấn của Đức Kitô về phương diện bảo vệ sự linh thánh của cuộc sống, yêu thương chân chính và chân thành phục vụ tha nhân vô vị lợi. Thay đổi trái nghịch giáo huấn của Đức Kitô là không yêu mến Ngài

Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy Gioan 14,23.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trận giao hữu Italia và Argentina để mừng ĐTC Phanxicô
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
10:22 01/05/2013
Đội tuyển bóng đá quốc gia Italia tới đây sẽ gặp Đội Tuyển quốc gia Argentina trong khuôn khổ trận đấu giao hữu để mừng Đức Thánh Cha Phanxicô. Tin này đã được tờ nhật báo La Nacion đăng tải.

Tưởng cũng nhắc lại khi còn là Tổng Giám Mục giáo phận Buenos Aires, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng là độc giả của nhật báo này. Câu chuyện của ngài với chủ sạp báo đã được mọi người biết đến khi ngài đích thân điện thoại từ Vatican để ngưng đặt báo.

Vẫn theo nguồn tin nhật báo La Nacion, ý tưởng về trận đấu giao hữu này là của Huấn Luyện Viên Đội Tuyển Bóng Đá Quốc Gia Italia, ông Cesare Prandelli, một tín hữu Công Giáo. Sau đó lời mời chính thức đã được thông báo vào ngày 2 tháng Tư 2013 vừa qua. Theo mong muốn của ông hai đội tuyển sẽ tới Vatican để tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha vào buổi sáng Thứ Tư ngày 14 tháng Tám 2013 và sau đó chính ngài sẽ đưa ra lời nhắn nhủ và sai đi cho các tuyển thủ đến với trận đấu này.

Số tiền thu được từ trận giao hữu này sẽ được dùng vào trong các mục đích từ thiện.

Được biết, mới đây câu lạc bộ San Lorenzo de Almagro mà lúc trước Đức Thánh Cha Phanxicô còn là cổ động viên cũng đã đến Vatican để dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ Tư 10/04/2013 vừa qua.

Ngay buổi tiếp kiến chung thứ Thư của tuần sau đó, 17/04/2013, một nhóm linh mục đã tặng Đức Thánh Cha chiếc áo cầu thủ cùng với chữ ký của Lionel Messi, người đang đầu quân cho câu lạc bộ Barcelona, Tây Ban Nha. Tuyển thủ quốc gia đã từng bốn lần đạt danh hiệu Quả Bóng vàng thế giới này cũng là người đồng hương Argentina với Đức Thánh Cha Phanxicô.
 
ĐTC đề cao mẫu gương lao động và chiêm ngắm của Thánh Gia
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
10:24 01/05/2013
VATICAN – 01/05/2013, Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha hôm nay trùng với ngày Quốc Tế Lao Động và lễ Thánh Giuse Thợ và được dời vào buổi chiều thay vì buổi sáng như thường lệ. Do là ngày nghỉ, nên khách hành hương tới tham dự đông hơn thường lệ rất nhiều. Khoảng 14 giờ, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện trên chiếc xe mui trần để chào mọi người. Xe đã phải dừng lại rất nhiều để Đức Thánh Cha hôn và chúc lành cho các trẻ nhỏ. Ngài cũng rời khỏi xe để tiếp cận một bà cụ già để chào, nói chuyện và chúc lành cho bà.

Mở đầu, Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá. Tiếp theo mọi người lắng nghe trích đoạn Lời Chúa của ngày lễ Thánh Giuse hôm nay. Đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêu kể về chuyến thăm quê hương của Chúa Giêsu. Ngài giảng dậy trong hội đường và mọi người sửng sốt về lời của Ngài. Họ bèn thắc mắc và tự hỏi rằng Ngài chẳng phải là con ông thợ mộc đó sao.

Tiếp đến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở đầu bài giáo lý hôm nay bằng cách nêu lý do của ngày lễ hôm nay, lễ Thánh Giuse lao động, và cũng là ngày đầu tiên của tháng hoa. Ngài mời gọi mọi người trở về gia đình Nazareth để chiêm ngắm gương lao động và cầu nguyện.

Để nêu bật ý nghĩa của lao động, Đức Thánh Cha cũng điểm qua trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế để mời gọi mọi người nhận ra ý nghĩa của lao động. Ngài đánh giá cao phẩm giá của lao động vì cho phép con người cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và gìn giữ tuyệt tác này. Qua đó, con người có được phẩm giá qua lao động, và nhờ thế đời sống gia đình được đảm bảo và đất nước thêm phát triển.

Đức Thánh Cha cũng quan tâm đến người trẻ thất nghiệp và tỏ quan ngại đối với những nạn nhân của sự khai thác hình thức nô lệ thời đại. Ngài cũng kêu gọi tình liên đới để mọi người có việc làm, nhờ thế sức khỏe được duy trì và phẩm gia được phát huy.

Từ tấm gương sáng lao động của Thánh Giuse, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người chu toàn nhiệm vụ thường nhật, sẵn sàng dấn thân và đừng ngại tương lai.

Chuyển sang ý thứ hai của bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự chiêm ngắm Chúa Giêsu của Đức Mẹ và Thánh Giuse tại gia đình Nazareth. Ngài đề cao giá trị của sự thinh lặng trong chiêm ngắm. Chính bằng chiêm ngắm mà Đức Maria và Thánh Giuse nghiệm thấy mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người qua sự lớn lên của con trẻ Giêsu. Chỉ có như vậy các ngài mới có thể « hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng ».

Đức Thánh Cha mời mọi người bước vào sự chiêm niệm để đối thoại với Chúa, bằng cách tự vấn xem việc cầu nguyện ở vị trí nào trong đời sống.

Trong tháng hoa, Đức Thánh Cha cổ võ lần chuỗi mân côi trong gia đình giữa các thành viên, giữa các bạn bè, trong cộng đoàn giáo xứ.

Phần cuối bài giáo lý, Đức Thánh Cha xin Đức Maria và Thánh Cả Giuse hướng dẫn mỗi người đi vào đời sống chiêm ngắm và dành cho Thiên Chúa một chỗ trong đời sống của mình.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi bài trừ nạn ”lao công nô lệ” và cầu nguyện nhiều hơn trong gia đình
Linh Tiến Khải
11:38 01/05/2013
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 1-5-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi bài trừ nạn ”lao công nô lệ” và cấu nguyện nhiều hơn trong gia đình, đặc biệt là lần hạt Mân Côi trong tháng Năm kính Đức Mẹ.

Dưới nắng ấm mùa xuân đã có hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ với vị cha chung. Càng ngày Đức Thánh Cha Phanxicô càng thu hút tín hữu và du khách hành hương. Ai cũng yêu thích các cử chỉ rất thân thiết và tràn đầy thương mến của ngài đối với mọi người, nhất là các trẻ em, người già và người tàn tật.

Xe díp chở ngài đi qua các lối đi giữa quảng trường để Đức Thánh Cha chào tín hữu. Mấy cận vệ của ngài đã rất vất vả vì các bà mẹ có con nhỏ đứng gần các lối đi ai cũng muốn đưa con cho Đức Giáo Hoàng hôn và vuốt ve chúc lành cho chúng. Có một bà cụ chắc là quen Đức Thánh Cha tại Buenos Aires đã gọi ngài khi xe đi qua, Đức Thánh Cha nhận ra bà và ngài xuống xe đến gần ôm hôn bà và nói chuyện với bà. Giới trẻ thì không ngừng vỗ tay reo hò và gọi tên ngài: ”Phanxicô, Phanxicô”. Phải mất 30 phút Đưc Thánh Cha mới lên tới khán đài trước thềm đền thờ thánh Phêrô. Tới nơi ngài còn bắt tay chào các Đức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh có nhiệm vụ giới thiệu các nhóm, tóm tắt bài huấn dụ, và địch lời Đức Thánh Cha chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Vì hôm qua là lễ thánh Giuse Thợ và cũng là Ngày quốc tế lao động, và là đầu tháng Kính Đức Mẹ, nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của công việc làm và thái độ sống các tín hữu phải có, noi gương Thánh Gia Nagiarét. Ngài khích lệ mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ và chiêm ngắm các mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha nói: Phúc Âm thánh Máthêu kể rằng trong một lần Chúa Giêsu trở về thăm quê hương mình là Nagiarét và nói trong hội đường, các người đồng hương kinh ngạc trước sự khôn ngoan của Người và hỏi nhau: ”Ông ấy không phải là con bác thợ mộc sao?” (Mt 13,55). Chúa Giêsu đã bước vào lịch sử của chúng ta, Người đến giữa chúng ta, sinh ra từ Đức Maria bởi công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng với sự hiện diện của thánh Giuse, là người cha hợp pháp, giữ gìn Chúa và dậy cho Chúa làm việc. Đức Thánh Cha giải thích biến cố này như sau:

Chúa Giêsu sinh ra và sống trong một gia đình, trong Thánh Gia, học từ thánh Giuse nghề thợ mộc, trong xưởng thợ Nagiarét, chia sẻ với thánh nhân sự dấn thân, sự mệt nhọc, hài lòng và cả các khó khăn thường ngày nữa. Điều này nhắc nhở cho chúng ta biết phẩm giá và sự quan trọng của công việc làm. Sách Sáng Thế kể rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nam và người nữ, giao phó cho họ nhiệm vụ sinh sôi nẩy nở tràn đầy trái đất, khắc phục nó và trông nom nó với công việc của mình (x. St 1,28); 2,15).

Tiếp đến Đức Thánh Cha định nghĩa công việc làm như sau:
Công việc làm là một phần của chương trình tình yêu của Thiên Chúa; chúng ta được mời gọi vun trồng và giữ gìn tất cả các thiện ích của thụ tạo, và như thế tham dự vào công trình tạo dựng! Công việc làm là một yếu tố nến tảng đối với phẩm giá của một người. Công việc, để dùng một hinh ảnh, ”xức dầu ” phẩm giá cho chúng ta, làm cho chúng ta được tràn đầy phẩm giá; khiến cho chúng ta giống Thiên Chúa, là Đấng đã làm việc và đang làm việc, là Đấng luôn hành động (x. Ga 5,17). Công việc làm trao ban cho chúng ta khả năng nuôi sống chính mình, gia đình mình, góp phần vào việc phát triển quốc gia mình. Ở đây tôi nghĩ tới các khó khăn mà thế giới lao công và doanh thương đang gặp phải trong nhiều quốc gia khác nhau. Tôi nghĩ tới tất cả những ai, không phải chỉ là người trẻ mà thôi, bị thất nghiệp, nhiều khi vì một quan niệm kinh tế xã hội tìm lợi lộc ích kỷ, ngoài các mô thức của công bằng xã hội.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi sau đây: Tôi muốn hướng tới tất cả mọi người lời mời gọi liên đới, và hướng tới các vi hữu trách của cuộc sống công cộng lời khích lệ làm mọi cố gắng để tái tạo công ăn việc làm. Điều này có nghĩa là lo lắng cho phẩm giá con người, nhất là tôi muốn nói rằng dừng mất niềm hy vọng. Cả thánh Giuse cũng đã gặp những lúc khó khăn, nhưng Người đã không bao giờ mất sự tin tưởng và đã biết vượt thắng chúng, trong xác tín rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Rồi tôi muốn đặc biệt kêu gọi người trẻ: các con hãy dấn thân trong bổn phận hăng ngày, trong việc học hành, trong công việc, trong các tương quan tình bạn, trong việc trợ giúp tha nhân. Tương lai của các con cũng tùy thuộc nơi việc biết sống các năm qúy báu này của cuộc đời. Đừng sợ hãi dấn thân, hy sinh, và đừng sợ hãi nhìn tương lai. Hãy duy trì niềm hy vọng: vì luôn luôn có một ánh sáng ở cuối chân trời.

Tôi muốn nói thêm một lời liên quan tới tình trạng công việc khiến tôi lo âu: tôi muốn nói tới điều mà chúng ta có thể định nghĩa là ”lao công nô lệ”, công việc biến con người thành nô lệ. Trên toàn thế giới có biết bao nhiêu người là nạn nhân của loại nộ lệ này, trong đó con người phục vụ công việc, trong khi chính công việc phải phục vụ con người để họ có phẩm giá. Tôi xin các anh chị em tín hữu và tất cả mọi người thiện chí một lựa chọn cương quyết chống lại việc buôn người, trong đó có ”nô lệ lao công”.

Tư tưởng thứ hai: đó là sự kiện trong sự thinh lặng của hoạt động hằng ngày thánh Giuse cùng với Mẹ Maria đã chỉ có một trọng tâm chú ý chung: Chúa Giêsu. Các ngài đồng hành và giữ gìn Con Thiên Chúa làm người lớn lên cho chúng ta với sự dấn thân và lòng hiền dịu, bằng cách suy tư về tất cả những gì xảy ra. Trong các Phúc Âm thánh Luca nhấn mạnh hai lần thái độ của Mẹ Maria và cũng là thái độ của thánh Giuse: ”Giữ gìn mọi sự ấy bằng cách suy niệm trong tim” (2,19.25). Đức Thánh Cha giải thích thêm thái độ này như sau:

Để lắng nghe Chúa, cần phải học biết chiêm ngắm Người, nhận biết sự hiện diện liên lỉ của Người trong cuộc sống chúng ta. Cần dừng lại đối thoại với Người, dành khoảng trống cho Người với lời cầu nguyện. Mỗi người trong chúng ta, cả các con là các bạn trẻ, đông đảo tại quảng trường này sáng nay, các con cũng phải tự hỏi: tôi đành cho Chúa khoảng trống nào đây? Tôi có dừng lại để đối thoại với Người không? Từ khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ chúng ta đã tập cho chúng ta thói quen bắt đầu và kết thúc ngày sống với một lời kinh, để giáo dục chúng ta cảm nhận được rằng tình bạn và tình yêu của Thiên Chúa đồng hành với chúng ta. Chúng ta hãy nhớ đến Chúa nhiều hơn trong ngày sống của chúng ta!

Trong tháng Năm này tôi muốn nhắc nhở sự quan trọng và vẻ đẹp của lời kinh Mân Côi thánh. Khi đọc các Kinh Kính Mừng, chúng ta được dẫn đưa tới chỗ suy ngắm các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, nghĩa là suy tư về các thời điểm chính trong cuộc đời của Người, để như cho Mẹ Maria và thánh Giuse, Người là trung tâm các tư tưởng, các chú ý và các hành động của chúng ta. Thật là đẹp đẽ, nếu và nhất là trong tháng Năm này, chúng ta đọc Kinh Mân Côi và vài kinh cho Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria trong gia đình, với bạn bè, trong giáo xứ. Cầu nguyện chung với nhau là lúc qúy báu để khiến cho cuộc sống gia đình của chúng ta và tình bạn được vững vàng hơn nữa! Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn trong gia đình và như là gia đình!

Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xin thánh Giuse và Đức Trinh Nữ Maria dậy cho chúng ta biết trung thành với các dấn thân thường ngày, sống đức tin trong hành động mỗi ngày, dành nhiều chổ hơn cho Chúa trong cuộc sống chúng ta, và dừng lại để chiêm ngắm gương mặt của Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hành hương, chẳng hạn như đoàn tín hữu của giáo phận Qwangiu Nam Hàn, các đoàn hành hương Argentina, Costa Rica, Perù và Mehicô. Với các tín hữu Ba Lan ngài nhắc cho họ biết rằng ngày hộm qua là kỷ niệm 2 năm Đức Gioan Phaolô II được phong Chân phước. Ngài cầu chúc cuộc sống của họ thấm đượm đức tin, đức mến và lòng can đảm tông đồ của Đức Gioan Phaolô II. Chào các bạn trẻ ngài mời gọi họ hãy say mê Chúa Kitô và hăng say trung thành bước theo Chúa. Đức Thánh Cha xin các anh chị em bệnh nhân dìm các khổ đau của họ trong mầu nhiệm tình yêu và Máu Thánh của Chúa Cứu Thế. Ngài khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới trung thành yêu nhau, và trở thành dấu chỉ hùng hồn tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo Hội.

Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 tại CĐCGVN - Nam Úc
Jos. Vĩnh
08:11 01/05/2013
Thánh lễ cầu bình an và thắp nến cầu nguyện cho nền công lý và hòa bình Việt Nam, nhân ngày 30 tháng 4

Adelaide. Biến cố tháng Tư đã để lại những dấu ấn không thể quên trong lòng những người con dân Việt, vết thương cũ lại một lần nữa bị cơn lốc tháng Tư làm đau nhức, 38 năm sống trong mỏi mòn chờ đợi, biết bao người đã nằm xuống mang theo nỗi hờn vong quốc, những mong mỏi được trở về ngủ yên trong lòng đất Mẹ đã không vượt qua định luật của đất trời, có đi xa mới thấu được tình người viễn xứ, càng thấm thía hơn, khi biết chẳng thể quay về.

Tháng Tư luôn là dịp để suy ngẫm và nhìn lại những biến cố lịch sử đau buồn trong quá khứ, mỗi người một tâm trạng, kẻ khóc vì nỗi đau mất mát, người cười bởi thế sự đảo điên.

Sự thật và Công lý luôn là nỗi khát khao mà những con người chân chính hướng đến. Đối với người Công giáo, điều đó lại càng cần thiết và sống động hơn. Khi những bất công, những áp bức đang lan tràn và ngày càng khủng khiếp, thì Công lý, Hòa bình như một mục đích để người con Chúa xả thân và sống thiện hảo hơn cho mình và cho quê hương, dân tộc.

Vào lúc 7 giờ tối thứ ba đúng ngày 30 tháng 4 năm nay. Cộng đồng công giáo Việt Nam tại tiểu bang Nam Úc đã tổ chức thánh lễ và buổi thắp nến cầu nguyện cho Sự thật, Công lý, cầu bình an cho Việt Nam và đặc biệt để truy điệu và tưởng niệm các anh hùng tử sĩ, quân dân cán chính, và các chiến sĩ đồng minh đã bỏ mình vì độc lập tự do, các chiến hữu, bạn bè đã gục ngã một cách bất khuất trong ngục tù cộng sản, những nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, những người đã hy sinh cho lý tưởng tự do, những đồng bào đã bỏ thây trên biển cả.

Buổi tưởng niệm và thánh lễ và thắp nến cầu bình an cho VN được mở đầu với nghi thức rước cờ vàng, lễ truy điệu và đặït vòng hoa trên bàn thờ tổ quốc. Nghi thức thật cảm động với sự chủ lễ của đức ông quản nhiệm Phaolô Nguyễn minh Tâm và sự hiện diện các anh em cựu quân nhân quân lực VNCH trong những bộ quân phục truyền thống hào hùng. Tiếng kèn thượng kỳ trổi lên trong một không gian trầm lắng như réo gọi mọi người quân dân cán chính hiện diện trong buổi lễ nhớ về một thời sát cánh bên nhau trong lý tưởng bảo vệ nền độc lập tự do cho tổ quốc. Tiếng kèn truy điệu lại càng khiến lòng người thêm u hoài thấm thía hơn khi hồi tưởng về qúa khứ 38 năm kể từ ngày quốc nạn biết bao người đã nằm xuống, biết bao người đã hy sinh vì lý tưởng tự do, và giờ đây còn biết bao người đang phải sống lầm than uất hận mỏn mỏi trong các trại tù khổ sai hay đã bỏ thây nơi rừng thiêng nước độc. Tiếng kèn mặc niệm đã làm nhiều người rơi lệ khi nghĩ đến chính những người thân của mình đã phải hy sinh trong biến cố 30 tháng tư 75 hay đã vĩnh viễn nằm xuống trên đường đi tìm tự do..

XEM HÌNH

Kết thúc nghi thức tưởng niệm, Đức ông quản nhiệm thay mặt cho cả cộng đoàn dân Chúa tại Nam Úc đặt vòng hoa lên bàn thờ tổ quốc trong dịp đặïc biệt này.

Thánh lễ cầu cho quốc thái dân an được cử hành, mọi người sốt sáng hiệp thông trong ý hướng cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình, cầu nguyện cho những anh em tại quốc nội đang xả thân vì lý tưởng tự do. Xin Chúa xoa dịu những nỗi đau, nỗi oan khiên mà họ phải gánh chịu, cũng là nỗi đau của chính chúng ta. Nỗi đau của những người muốn sống một cuộc đời hiên ngang và đáng sống. Cầu nguyện cho tự do tôn giáo được thể hiện, nhân quyền được tôn trọng và đất nước được toàn vẹn lãnh thổ.

Sau thánh lễ là chương trình thắp nến tưởng niệm.

Những ánh nến lung linh được thắp sáng lên trong đêm tối tượng trưng cho nhũng tấm lòng thành của cộng đoàn dân Chúa Nam Úc đang hiệp thông với hàng hàng ngàn, hàng vạn ánh nến đã được thắp sáng lên trong dịp quốc nạn này, từ trong nước đến hải ngoại, để hiệp thông cầu nguyện cho công lý hoà bình tại VN. Trong bầu khí linh thiêng của buổi cầu nguyện, những ánh nến đã thắp sáng niềm tin cho nhũng người con dân việt đang lưu lạc xứ người, ánh nến là ánh duốc soi đường cho cuộc đấu tranh mong sớm có ngày thánh tựu và cầu xin Chúa ban cho từng người dân có được sức mạnh, lòng can đảm và tình yêu quê hương đất nước chân thành để quyết liệt đứng lên góp phần cải tổ và dựng xây lại đất nước.

Thánh lễ và nghi thức tưởng niệm nhân ngày 30 tháng 4 năm 2013 tại Nam Úc đã kết thúc trong tâm tình đoàn kết, hiệp nhất và yêu thương của nhũng người con cái Chúa trong cùng một lý tưởng vì quóc gia, dân tộc.

Sau thánh lễ mọi người còn lưu lại tại khu cánh buồn với những ly cà phê nóng trong sương đêm lành lạnh, với những tâm sự, những kỷ niệm được chia sẻ nhớ về biến cố 30 tháng 4 năm xưa.

Đan huyền tường thuật

 
Giáo xứ Fatima, Phan Thiết, khai mạc Tháng Hoa
Thục Oanh
10:12 01/05/2013
Mỗi tháng hoa về, theo truyền thống tốt đẹp của Giáo xứ, hôm nay 30-4-2013 cộng đoàn Giáo xứ Mẹ Fatima hân hoan cùng cha chánh xứ Fx. Hồ Xuân Hùng long trọng cử hành thánh lễ tiến hoa năm sắc lên linh đài Đức Mẹ. Cha chánh xứ và Hội đồng mục vụ chọn 10 ca viên nữ và 30 em thiếu nhi Thánh Thể lập thành một đội dâng hoa cho buổi nghi thức này. Đây thực sự là một giá trị truyền giáo đặc sắc làm tăng thêm sự mừng, kính Mẹ trong lòng các tín hữu.

Xem hình ảnh

Mặc dù trời đã về chiều nhưng cái nắng hao người theo gió phả ra từ mặt đường làm cảnh vật nhìn từ xa như méo mó, biến dạng do khí nóng bốc lên. Chưa đến giờ lễ mà từ mọi ngã đường, các em nhỏ trên tay cầm sẵn các khóm hoa do chính mình hái được để dâng Mẹ với lòng thành kính thơm thảo, các em hôm nay đẹp như những thiên thần trong niềm vui được góp muôn cánh hoa đồng nội. Lòng yêu mến, tôn sùng Đức Mẹ của cộng đoàn như xua đi cái nắng oi bức chói chang của những ngày đầu hè. Trong niềm hiếu thảo đối với mẹ, đoàn con dâng lên Mẹ Maria muôn đóa thiêng thanh khiết từ những đóa hoa lòng.

Cuộc tôn vinh Đức Mẹ diễn tiến theo như chương trình: Dâng hương, dâng hoa, đọc kinh Mân Côi, suy niệm, vũ khúc tiến hoa dâng mẹ của các em thiếu nhi với những điệu vũ dâng hoa đẹp mắt, được luyện tập khá công phu và mang tính nghệ thuật trong từng động tác.

Toàn thể loài người đã tôn vinh Mẹ là mẹ hiền mẫu của mình để khi gặp phải những đau khổ vất vả đều chạy đến bên Mẹ và kêu lên “ Mẹ ơi!’’ để được an ủi, đỡ nâng nhất định sẽ được sự bình an đích thực.

Lời Thánh Ephrem “Đức mẹ là sự cậy trông cho những kẻ khốn cùng, là cửa biển vững vàng để cứu vớt những người đi biển gặp cơn giông tố không phải gian nan chìm đắm”.

Biết bao biến cố đang tung hoành : bạn bè bất tín, vợ chồng bất trung,con cái ngược đãi cha mẹ...và bao nhiêu điều dữ đang xảy ra trên thế giớ : Ly loạn do cấm cách, chia rẽ do hận thù, khổ đau vì bạo lực, tan tác vì chiến tranh...Thì Mẹ ! vẫn làn Mẹ tinh tuyền và thánh thiện luôn ban ơn phước hải hà, đồng hành cùng chúng con vượt qua được những sóng gió ba đào, những long đong chìm nổi giữa phận người. Tuy vậy, không ít lần con còn mãi mê trong kiếp sống thế tục đã sống bừa bãi, tôi lệ, thản nhiên vui hưởng, điều đó thật bất xứng với Mẹ đã làm Mẹ phải gánh thêm nỗi buồn đau thấm thía nhưng Mẹ vẫn không ngoảnh mặt bỏ con, như một ánh sao mai soi đường dẫn lối cho đoàn người lữ thứ giữa cuộc trần gian, Mẹ vẫn chữa lành các vết thương tội lỗi đang rúc rỉa linh hồn chúng con. Lòng từ mẫu của mẹ bao la ngút ngàn.

Màu hoa tươi tắn hôm nay là tình yêu chan chứa cho cuộc đời khô cằn nắng hạn và cũng là ước nguyện cho tương lai mà chúng con thành kính lên Mẹ.

Không ngôn từ nào có thể kể hết về mẹ, không ngòi viết nào có thể diễn tả hết về Mẹ bởi vì, Mẹ là đẹp nhất trong muôn ngàn thọ tạo phản ảnh vẻ uy nghi và huy hoàng của Thiên Chúa. Càng hiệp thông với Thiên Chúa thì Mẹ càng liên kết với tha nhân, Noi gương Mẹ để nói lời “xin vâng” với Chúa trong mọi khốn cùng với kiếp phù sinh. Tình yêu của Mẹ là cửa ngõ giúp chúng con bước đi đến cội nguồn ánh sáng và chân lý tình yêu theo đúng kế hoạch yêu thương cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Sân nhà thờ hôm nay như một vườn hoa nhiều màu sắc của hoa và nến tô điểm thêm vào vườn hoa chung của Giáo Hội.

Kết thúc buổi dâng hoa nhưng lại mở ra một tháng hoa với đủ sắc màu là lời của cha xứ hướng cộng đoàn đi vào tâm tình của tháng hoa kính đức mẹ. Trước những cánh hoa lòng, trước tôn nhan Mẹ hiền, chúng con cùng chung tiếng dâng lời cảm tạ và hướng về Mẹ chí thánh nhờ sự trợ giúp nhân hiền của Mẹ. Xin Mẹ thương củng cố đức tin cho xứ đạo Mẹ Fatima của chúng con thêm phát triển, xin Mẹ thương, giữ gìn các gia đình trong Giáo xứ đầy hạnh phúc và bình an.
 
Giáo xứ Thượng Lộc rước kiệu tôn vinh Mẹ Maria vào tháng hoa
Têrêxa Thượng Lộc
10:20 01/05/2013
Cứ mỗi mùa tháng hoa về, vào những ngày cuối tháng 4 hầu như tất cả các xứ đạo Công giáo Việt Nam đều tổ chức làm kiệu hoa để rước Đức Mẹ mỗi khi vào tháng hoa.

Xem hình ảnh

Hoà chung niềm vui cùng toàn thể Giáo hội đón tháng hoa về và như một trền thống, giáo dân giáo xứ Thượng Lộc luôn tổ chức làm kiệu hoa ở bốn giáo vùng trong giáo xứ, mỗi giáo vùng một kiệu hoa để rước mẹ vào tháng hoa.

Đúng 19h30 ngày 30/04/2013, tất cả các kiệu hoa của bốn giáo vùng bắt đầu di chuyển về điểm tập kết tại trục đường tránh Thành phố Vinh, nơi con đường dẫn vào trung tâm của Giáo xứ. Với giáo dân Thượng Lộc, tháng hoa năm nay thực sự đặc biệt và ý nghĩa hơn khi giáo xứ đã chính thức có cha xứ tiền khởi Phêrô Lưu Văn Thành trực tiếp coi sóc và chia sẻ cùng giáo dân trong đời sống tâm linh của tháng hoa và trong suốt hành trình mục tử của ngài.

TÌM HIỂU GỐC TÍCH THÁNG HOA ĐỨC MẸ

Là người Công giáo Việt Nam, nhất là những người đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ. Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời. Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài "Đây Tháng Hoa" của nhạc sĩ Duy Tân với điệu 2/4 nhịp nhàng:

"Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay toả ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhoà.

- Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

- Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời".

Nếu có ai tự hỏi: Tháng Hoa có từ đời nào? Do ai khởi xướng? thì câu trả lời cũng không khó khăn gì.

Gốc tích như thế này: Vào những thế kỷ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân. Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên. Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Có nơi người ta tổ chức các cuộc "Rước xanh". Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

- Đức Giáo hoàng Piô 12, trong Thông điệp "Đấng Trung gian Thiên Chúa", cho "việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ".

- Đức giáo hoàng Phaolô 6, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết: "Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để " bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương
Thiên đàng.

Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi
dào của Đức Mẹ" (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236)


Một câu truyện cũ đáng ta suy nghĩ: Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.

Cha Vianey là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người tặng là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo: - Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

- Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.

Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.(Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10).

Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn…chắc sẽ còn được Đức Mẹ
ban muôn ơn trọng hơn nữa? vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng lắm lắm.

Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: "Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng". Thánh Bênado diễn tả văn vẻ hơn:

"Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng. Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ".
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Rôma từ kinh đô đế quốc sang kinh đô Giáo Hội
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
10:01 01/05/2013
Giới hạn của quyền lực và vô hạn của Chúa Phục Sinh

Cũng như con người bị giới hạn bởi tuổi thọ, thì quyền lực cũng không thể vượt qua ngưỡng cửa của thời gian để vươn đến sự trường tồn bất tử. Nếu như kiếp nhân sinh có sinh có tử thì một thể chế có thịnh ắt có suy. Đó là quy luật thường hằng bất biến vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Cho dù kẻ tham quyền cố vị có tìm mọi cách để kéo dài thêm tầm ảnh hưởng của mình. Điều này minh nhiên đã được lịch sử chứng minh.

Trước sức mạnh của ý chí, quyền lực cũng phải tìm đến điểm dừng. Kẻ quyền thế có thể dùng mọi cách để chứng tỏ uy lực, nhưng không thể chiếm được tinh thần của dân chúng. Tầng lớp chức quyền có thể sử dụng bộ máy vũ lực để trấn áp nhưng không thể làm cho tất cả mọi người ra khiếp đảm. Họ có thể tước đi sinh mạng của kẻ khác nhưng không thể khuất phục được ý chí của lòng người. Họ có thể lắm bạc nhiều tiền nhưng không mua được tình cảm của người khác. Và còn rất nhiều những lợi thế khác của giới cầm quyền có trong tay nhưng cũng không thể kéo dài được tuổi thọ thể chế của mình.

Trong khi đó, Con Thiên Chúa tuy bị hạn chế bởi thân phận làm người, thì ngài vẫn mang bản tính Thiên Chúa đích thực. Cách hành xử của Đức Giêsu khác hẳn với người đời. Ngài giảng dậy dân chúng như người có uy quyền. Ngài yêu thương tất cả, ngay đối với những kẻ gây ra đau khổ và cái chết cho mình. Sức mạnh của tình yêu hoàn toàn xóa bỏ được thù hận và ghét ghen. Đó là khi còn sống, hành động của Ngài đã phát huy tác dụng. Đến khi Chúa Giêsu phục sinh, sức mạnh của ngài vượt ra hẳn không gian và thời gian. Sự chết không còn kìm chân Ngài được nữa. Ngài muốn đi đâu tùy ý, hiện ra với ai cũng được, rồi làm bất kể việc gì cũng xong…Đó chính là điểm khác biệt quyền lực trần thế và sức mạnh phục sinh, giữa một bên bị giới hạn và bên kia là vô giới hạn.

Rôma đế quốc trở thành kinh đô Giáo Hội

Nếu thời Chúa Giêsu, Ngài hành động theo như cách mong đợi của người dân là giải thoát dân tộc khỏi ách của đế quốc Rôma thì quả là một kỳ công. Người dân lúc đó chỉ nghỉ được như thế. Ngoài ra, họ không dám nghĩ rằng đạo của Đức Giêsu lại có thể chọn kinh thành của một đế quốc La Mã hùng cường làm kinh đô cho mình.

Người ta cũng không hiểu nổi, những môn đệ công khai chối bỏ Thầy mình và cao chạy xa bay để mặc Thầy mình gặp nạn, với lý do bảo toàn tính mạng trước quyền lực tối cao của đế quốc La Mã tại đất nước mình, thì ngay sau biến cố ấy, những người này lại dám mạo hiểm đặt chân đến chính kinh đô Rôma của đế quốc để rao giảng sứ điệp của một kẻ tử tội mà chính họ đã kết án và hành quyết. Người đời cũng không hiểu nổi, một kẻ hăng hái bách hại những Kitô hữu như Saolê lại trở thành Phaolô để đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

Đó chính là sức mạnh của Chúa Phục Sinh tác động trên những con người yếu đuối và tầm thường để họ trở nên những nhân chứng sống động và có thể vượt lên trên những nỗi sợ hãi và hạn chế của mình. Đó chính là cách thức mà Đức Kitô dùng để đặt nền tảng vững chắc cho Giáo Hội của mình. Đặc biệt là, nơi bóng dáng những con người tầm thường ấy đã chất chứa sức mạnh của Chúa Phục Sinh. Sức mạnh đó xuyên qua giới hạn sự chết nơi những con người này để biến họ thành những hạt giống chấp nhận thối đi để đem lại một mùa bội thu cho Giáo Hội. Hình ảnh này thấy rõ rệt nhất trên vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Rôma, tại đó chúng ta thấy tượng của Chúa Giêsu cầm trong tay cây thánh giá cùng với các môn đệ của mình. Mỗi người đều cầm nơi mình những khí giới mà chính bản thân đã chấp nhận tử đạo để uống cạn chén đắng mà Thầy mình đã uống, và để bước đi trên con đường thập giá mà Thầy mình đã đi qua. Cho dù các tín hữu bị bách hại khắp đó đây ở mọi thời đại, thì Giáo Hội của Đức Kitô vẫn tồn tại cho đến ngày Ngài quay trở lại trần gian vào thời cánh chung.

Thay lời kết

Thiên Chúa hằng hữu vượt lên trên dòng thời gian. Chính Ngài mới là chủ thể của lịch sử. Những kế hoạch của Ngài vượt lên trên cả tính toán của loài người. Những gì con người cho là không thể thì đều có thể đối với Ngài. Giáo Hội chính là của Chúa Kitô nên luôn luôn đứng vững trước hết mọi sức mạnh trần thế và quyền lực của tử thần cũng không làm gì nổi. Một tổ chức dưới con mắt người đời xem ra có vẻ tầm thường, trong đó cũng không tránh khỏi những con người cùng với tính toán trần tục của mình. Cho dù bị đánh phá ngay bên trong hay bên ngoài, Giáo Hội vẫn tồn tại vì Chúa muốn thế như Ngài đã từng khẳng định điều này với Phêrô : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi » (Mt 16, 18).
 
Văn Hóa
Muôn sắc hoa thơm
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
10:23 01/05/2013
Tháng Năm ngàn hoa khoe sắc thắm
Đất trời ngào ngạt đậm muôn hương
Tỏa bay đến tận Thiên Đường
Đoàn con dưới thế Mẹ thương chúc lành.

Xin dâng Mẹ đây ngành tuyệt mỹ
Một loài hoa đáng quý nhất trần
Món quà Thiên Chúa tặng ban
Cánh hoa hương sắc chẳng tàn phôi phai

Chính đời Mẹ công dầy chăm sóc
Bao vất vả khó nhọc miên man
Qua năm tháng với thời gian
Vâng theo thánh ý chứa chan nhiệm màu.

Hoa Mân Côi lời cầu sớm tối
Nên ánh sáng dẫn lối chỉ đường
Hoa thơm lan tỏa ngàn hương
Đan xen màu nhiệm Vui Thương với Mừng.

Chúng con dâng Mẹ nhành huệ trắng
Làn hương thơm trinh khiết nồng nàn
Suốt đời Thánh Cả tu thân
Giữ gìn gia thất bình an chói lòa.

Chúng con dâng Mẹ hoa nhân đức
Chứa đựng bao công sức hy sinh
Thánh nhân phục vụ quên mình
Trở nên khí cụ hòa bình dương gian

Xin Mẹ cầu Chúa ban ơn phúc
Trên chúng con từng phút từng giây
Mẹ thương đoàn chúng con đây
Những người lữ khách đợi ngày phúc vinh.
 
Hoa Lòng Dâng Mẹ
Đinh Văn Tiến Hùng
12:34 01/05/2013
Hoa Lòng Dâng Mẹ

*”Tháng 5 là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ Niềm tin và lòng kính mến mà người Công Giáo khắp nơi trên Thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng”
( Trích Thông Điệp Tháng 5 của Đấng Đáng Kính Cố Giáo Hoàng Phao-lô VI )



Vần thơ khiêm hạ tháng Hoa,
Con xin dâng kính trước tòa Nữ Vương,
Lời thơ tình ý yêu thương,
Thay lời kinh nguyện thêm hương hoa lòng.

Tháng Hoa đến rồi em biết không ?
Trời mây non nước nhuộm sắc hồng,
Chập chờn bướm lượn gieo nguồn sống,
Chim ca tung cánh giữa trời trong.

Tháng Hoa ngày ấy tuổi thơ ngây,
Mong ngóng xôn xao đón những ngày,
Bó hoa muôn sắc dâng lên Mẹ,
Ôi đẹp làm sao những phút giây !

Tháng Hoa thiếu nữ thật đoan trang,
Áo dài tha thướt nét dịu dàng,
Cất cao tiếng hát như mời gọi,
Dâng hoa kính Mẹ mắt mơ màng.

Tháng Hoa năm ấy còn chiến chinh,
Ngắt cánh hoa rừng tự nhủ mình,
Này đây hoa dại xin dâng Mẹ,
Con sẽ trở về hết đao binh.

Tháng Hoa các cụ nhẩm lời kinh,
Nhìn về dĩ vãng cuộc đời mình,
Thời gian mau quá trôi nhanh quá,
Đeo đuổi lợi danh bóng với hình.

Tháng Hoa đến rồi anh biết không ?
Cung kính dâng lên đóa hoa lòng,
Hoa đời sáng nở chiều tàn lụi,
Chỉ có hoa lòng mãi trắng trong.

Dòng đời trôi nổi bao tháng Hoa,
Tình Mẹ trong con vẫn đậm đà,
Xưa mái đầu xanh nay tuyết phủ,
Lòng con yêu Mẹ vẫn thiết tha.

Hương lòng dâng Mẹ tháng Hoa,
Cúi mình khiêm hạ trước tòa Nữ Vương,
Lời thơ tình ý yêu thương,
Thay cho kinh nguyện thêm hương hoa lòng.

Đinh văn Tiến Hùng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nỗi Buồn Của Chúa
Joseph Nguyễn Tro Bụi
21:21 01/05/2013
NỖI BUỒN CỦA CHÚA
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Một lần chịu chết vì con
Mà quen đàng tội, con còn lún sâu,
Chúa bưng mặt, nỗi âu sầu…
(Joseph Nguyễn Tro Bụi)