Ngày 13-05-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:24 13/05/2009
SÓI VÀ HỒN QUỶ

N2T


Ở nước Nga có một người dẫn vợ đi săn trong rừng sâu, mục đích là săn chó sói, nhưng khi chó sói xuất hiện thì anh ta bỏ chạy để vợ lại cho sói.

Ngày hôm sau, trên cửa nhà của anh ta treo một vòng hoa bày tỏ sự truy điệu của một cô gái. Chỉ là thời hạn còn dài lắm, bởi vì trong lòng anh ta sớm đã có người khác, sáu tháng sau hai người mới kết hôn.

Đêm tân hôn, âm hồn của vợ trước hiện ra, lớn tiếng với anh ta:

- “Cứu tôi với, cứu tôi với, cứu tôi với.”

Anh ta rất kinh ngạc, nhưng bà vợ mới thì không nghe không thấy gì cả.

Âm hồn của vợ trước đêm đêm trở về cầu cứu khiến anh ta nhịn không được, nên vào một đêm nọ, cầm súng ngắn đi tìm vợ trước, và quyết lần này đánh cho đến chết mới thôi.

Vợ chạy vào trong rừng anh ta đuổi theo, nhưng vì vội vàng nên ngã nhào, khẩu súng cũng rơi xuống đất, miệng nói lắp bắp khi nhanh khi chậm, bầy sói chạy tới vây quanh kết thúc mạng sống của anh ta.

Suy tư:

Dẫn vợ đi săn nhưng lại bỏ chạy khi chó sói xuất hiện để cho chó sói ăn thịt vợ mình, tức là anh ta đã có sẵn một âm mưu giết vợ để lấy vợ khác, bởi vì tình nghĩa vợ chồng thì không thể nào lại tàn nhẫn và hèn nhát như thế, mặc cho vợ chết còn mình thoát thân... Tình nghĩa vợ chồng là trăm năm, là bách niên giai lão, là cùng chia sẽ với nhau những vui buồn và hành phúc trong cuộc sống, chứ không phải tình nghĩa vợ chồng một hai ngày rồi đường ai nấy đi...

Chúa Giê-su là mục tử nhân lành, Ngài đã không bỏ mặc đàn chiên cho sói dữ (ma quỷ) đến ăn thịt, nhưng Ngài đã hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên, bởi vì Ngài yêu chiên hơn cả mạng sống của mình.

Chồng là mục tử của gia đình, cha mẹ là mục tử của con cái, cho nên bổn phận của mục tử là phải chăm lo cho đàn chiên, bổn phận vợ chồng là cùng nhau xây dựng một hạnh phúc trong gia đình, để từ đó xã hội được có bình an và phát triển.

Khi tình yêu không còn nữa thì con người ta sẽ trở thành lãnh cảm trước đau khổ của người khác, và hơn thế nữa, như một con thú dữ...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:25 13/05/2009
N2T


13. Chúa Giê-su là bậc thầy của thánh đức. Tôi học tập với Ngài, và hy vọng Ngài dạy tôi làm thế nào để nên thánh.

(Thánh Francis de Sales)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:30 13/05/2009
N2T


114. Nên nhớ: tất cả những thành tựu vĩ đại trong lịch sử, đều là do chiến thắng những việc mà xem ra –trên căn bản- là không thể làm được, nhưng lại làm được.

 
Niềm vui trọn vẹn
Phanxicô Xaviê
04:14 13/05/2009
Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và có lẽ cũng là cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề "Ánh sáng đô thị". Là câu chuyện tình của một gã lang thang và cô gái bán hoa.

Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua hoa của nàng. Cô gái bàn hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành đôi mắt mù lòa của nàng.

Nhưng chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát bắt giữ. Sau một thời gian cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa.. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng. Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Người con gái cười như nhạo báng.. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: "Cô đã thấy được rồi sao?"...Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc. Nàng từ từ nhặt cánh hoa và gắn lên áo chàng. Nàng thốt lên trong cảm xúc: "Anh đấy sao?". Thế là cả hai bên đã nhận ra và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa.

Cuộc gặp gỡ trong bất cứ một cuộc tình nào cũng là hình bóng cuộc gặp gỡ trong đức tin giữa chúng ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta là những con người có tự do. Do đó Thiên Chúa không nói với chúng ta bằng một ngôn ngữ nào khác hơn là tình yêu. Tình yêu không bao giờ là một cưỡng bách, nhưng là một mời gọi tự do.

Những người Do thái thời Chúa Giêsu đòi hỏi những dấu lạ, những bằng chứng hiển nhiên về sứ mệnh của Ngài: "Ông hãy làm cho chúng tôi một dấu lạ". Và dấu lạ lớn lao nhất Chúa Giêsu đã làm cho họ và cho chính chúng ta nhận biết Ngài là Đấng Cứu Thế: Đó là sự hy sinh quên mình cho đến chết và chết trên thập giá vì bạn hữu đúng như lời Ngài nói: "Không ai có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình".

Đoạn Tin mừng Ga 15, 9-17 nối tiếp liền với đoạn Tin mừng của tuần V sau Phục Sinh, vừa giải thích thêm về dụ ngôn cây nho và cành nho, vừa quảng diễn và chú trọng tới mối tương quan giữa các cành nho với nhau.

Trước khi rời các môn đệ để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu muốn để lại cho những ai theo Ngài di sản quý báu: một tình yêu, nhờ đó nâng họ lên hàng bạn hữu. Tình yêu phong phú giúp họ trở nên giàu có trong Đức Ái đến nỗi trao ban được cho nhiều người. Cảm nghiệm được tình thương của Chúa Cha đối với mình và mình đối với các môn đệ, Chúa Giêsu chia sẻ tâm tình "được yêu và yêu" cho các môn đệ, và đòi buộc các vị cũng phải sống như Ngài: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau.

Chúa Giêsu đã nhiều lần tuyên bố là Chúa Cha yêu thương Người và chính Chúa Cha cũng xác nhận điều đó (Mt 3, 17). Chúa Giêsu cũng yêu mến các môn đệ đi theo Ngài. Để có thể ở lại trong tình thương của Ngài, Chúa Giêsu tha thiết kêu gọi các ông đừng bao giờ từ chối tình thương của Chúa. Muốn vậy, các môn đệ phải tuân giữ các điều răn Chúa đã truyền dạy, vùa là cách thế giữ lấy tình thương, vừa là dấu chỉ các môn đệ còn ở lại trong tình thương của Chúa. Sự tuân giữ các giới răn của Chúa sẽ làm cho các ông được hân hoan, cũng như chính Chúa Giêsu đã kinh nghiệm được, vì vâng phục Thánh ý Thiên Chúa mà Ngài có được niềm vui trọn vẹn.

Ngày nay, với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người dường như không còn tin ở phép lạ nữa, tưởng mình có thể chế ngự và làm chủ vũ trụ, con người như muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Chúng ta có thể ngạc nhiên, tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ nhãn tiền cho những người biệt phái hay cho những kẻ vô thần ngày nay? Thiên Chúa có lối sư phạm của Ngài. Ngài đã không là Thiên Chúa của những điềm lạ cả thể, nhưng là một Thiên Chúa đã chọn lựa làm tôi tớ để chinh phục tình yêu và lòng tín nhiệm của con người. Thiên Chúa không những là một Thiên Chúa của quyền năng ở bên trên con người, nhưng còn là Thiên Chúa ở bên trong con người. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là dấu lạ lớn lao nhất, bởi vì đó là dấu chứng của một tình yêu.

Lời Chúa cho hơn hai ngàn năm trước cũng là Lời Chúa của ngày hôm nay trong hoàn cảnh này: nếu có sự buồn chán, thất vọng xâm chiếm con người, đó chẳng qua là vì họ còn thờ ơ với Lời Chúa trối lại cùng với kinh nghiệm mà Ngài có được: vì yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, mà Chúa Giêsu luôn hưởng được niềm vui trọn vẹn dù trong gian nan, dù phải biệt ly và chịu khổ nạn.

Yêu và được yêu là hạnh phúc. Chúa Giêsu muốn con người được hạnh phúc, Ngài thiết tha kêu mời mọi người hãy yêu thương tha nhân như chính Ngài đã yêu thương họ. Ngài muốn tất cả chúng ta là bạn của Ngài, và là bằng hữu của nhau. Thế giới sẽ an bình và hạnh phúc khi mọi người là bạn với nhau.

Nhận ra tình yêu của Ngài như cô gái bán hoa nhận ra giọng nói của chàng Charlot, đó là ơn gọi của người Kitô hữu. Một đức tin trưởng thành, luôn tín thác và nhận ra dấu chỉ của Chúa qua những biến cố tầm thường nhất trong cuộc sống, sẽ có được niềm vui trọn vẹn.
 
Chương trình cổ vũ lần Chuỗi Mân Côi toàn cầu
Lê Nghĩa
04:36 13/05/2009
15 LỜI HỨA ĐỨC MẸ MARIA
HỨA BAN CHO NHỮNG AI LẦN CHUỖI MÂN CÔI

(Mẹ đã hiện ra, trao cho Thánh Đominicô và Á Thánh Alan de la Roche)

1. Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng cách lần Chuỗi Mân Côi sẽ nhận được những ơn cao cả.

2. Mẹ hứa sẽ ban những ơn lớn lao và sự che chở đặc biệt cho những ai lần Chuỗi Mân Côi.

3. Kinh Mân Côi sẽ là vũ khí cực mạnh chống lại hỏa ngục, tiêu diệt thói xấu, giảm tẩy tội lỗi và chiến thắng ma quỷ.

4. Kinh Mân Côi sẽ khiến nhân đức và các việc lành
phát triển; sẽ đem lại nhiều lòng thương xót của Chúa xuống trên các linh hồn; sẽ rút lòng họ khỏi sự yêu mến thế tục và sự hư ảo của nó, và sẽ dẫn đưa họ đến ước ao những sự vĩnh cửu. Ôi, những linh hồn ấy sẽ được thánh hóa biết bao bởi những ý nghĩa này!

5. Linh hồn đến với Mẹ bằng cách lần Chuỗi Mân Côi sẽ không phải hư mất.

6. Những ai lần Chuỗi Mân Côi sốt sắng và áp dụng các Mầu Nhiệm Mân Côi vào đời sống mình sẽ không bao giờ bị rủi ro. Chúa sẽ không trừng phạt họ trong cơn thịnh nộ của Ngài; họ sẽ không phải chết bất tử; nếu đã sống công chính, họ sẽ được bền vững mãi trong ơn nghĩa của Chúa và trở nên xứng đáng được hưởng sự sống đời đời.

7. Những ai thực lòng tôn sùng Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được ơn chịu các phép Bí tích trước giờ chết.

8. Những ai trung thành lần Chuỗi Mân Côi, khi sống và nhất là trong giờ chết sẽ được Ánh Sáng Chúa soi dẫn với đầy dẫy ân huệ của Ngài.. Và khi lâm tử, họ sẽ được tham dự vào những công nghiệp của các Thánh trên Thiên Đàng.

9. Mẹ sẽ đưa ra khỏi Lửa luyện tội những ai đã trung thành lần Chuỗi Mân Côi.

10. Những con cái trung thành lần Chuỗi Mân Côi sẽ được thưởng vinh quanh cao cả trên Thiên Đàng.

11. Các con sẽ được hết những điều các con xin Mẹ nhờ sự lần Chuỗi Mân Côi.

12. Những ai truyền bá Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được Mẹ giúp đỡ khi cần thiết.

13. Mẹ đã xin cùng Con Chí Thánh Mẹ cho những ai truyền bá Phép Lần Chuỗi Mân Côi sẽ được nguyên cả Triều Đình Thiên Quốc cầu bầu cho khi sống và trong giờ lâm tử.

14. Những ai lần Chuỗi Mân Côi đều là con Mẹ và là anh em với Con Duy Nhất của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.

15. Tôn sùng Phép Lần Chuỗi Mân Côi của Mẹ là dấu chỉ chắc chắn sẽ được về Thiên Đàng.

Áo Đức Bà Carmelô - Đường về Thiên đàng

Đức Mẹ phán với Thánh Dominicô rằng: "Một ngày nào đó nhờ Chuỗi Mân Côi và Áo Đức Bà Carmelô, Mẹ sẽ cứu thế giới."

Vào ngày 16 tháng 07 năm 1251, tại Tây Ban Nha, Thánh Simon Stock là vị Thánh đã sáng lập ra Dòng Carmelô, để đáp lại sự sốt sắng cầu nguyện của Thánh nhân, Đức Mẹ Maria đã hiện ra cầm trong tay Bộ Áo Đức Bà Carmelô và phán rằng:

"Hãy nhận lấy Bộ Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ, bất cứ ai mặc Bộ Áo này khi chết sẽ không bị sa Hoả ngục. Bộ Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ sẽ là một dấu chỉ phần rỗi linh hồn, một sự bảo vệ trong lúc nguy hiểm và một lời hứa bình an". Đức mẹ cũng nói thêm rằng:

"Hãy mặc Áo Đức Bà Carmelô một cách sùng kính và kiên trì.. Đó là Áo của Mẹ. Mặc Áo Mẹ có nghĩa là các con liên tiếp nghĩ đến Mẹ, ngược lại Mẹ cũng sẽ luôn luôn nghĩ về các con và giúp đỡ các con chiếm được sự sống đời đời."

Lời hứa vĩ đại này đồng thời lại được xác nhận khi Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng đã hiện ra với Đức Cha Jean Dreze (sau này là Đức Giáo Hoàng XXII) và nói với Ngài rằng:

"Những ai mặc áo Đức Bà Carmelô sẽ được đưa ra khỏi Luyện ngục vào ngày Thứ Bảy Đầu Tháng sau khi chết."

Và rồi sau này chính Đức Giáo Hoàng Benedict XV cũng đã ban bố 500 ngày ân xá cho người nào mặc mỗi lần hôn kính Áo Đức Bà Carmelô.

Và 666 năm sau, vào ngày 13 tháng 10 năm 1917 tại Fatima, Bồ Đào Nha, khi Đức Mẹ Maria hiện ra với 3 trẻ nhỏ chăn cừu Lucia, Phanxicô và Giaxinta. Ngoài việc Đức Mẹ nhắn nhủ 3 trẻ nhỏ chăn cừu:

"Hãy siêng năng lần Chuỗi Mân Côi mỗi ngày, hãy cải thiện đời sống và hãy tôn sùng Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-Tội Mẹ...". Đức Mẹ Maria lại còn cầm trong tay Bộ Áo Đức Bà Carmelô mà sau này Lucia có nói lại rằng:

"Đức Mẹ Maria muốn tất cả mọi người mặc Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ và Đức Mẹ muốn Lòng Sùng Kính Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ được truyền bá."

Để chúng ta được hưởng đặt ân Đức Mẹ hứa ban sẽ giải thoát linh hồn chúng ta ra khỏi Luyện ngục vào ngày Thứ Bảy Đầu Tháng – ngày được dâng hiến cho Đức Mẹ, thì chúng ta:

1. Phải mặc Áo Đức Bà Carmelô.
2. Tuân giữ trong sạch theo điều kiện đời sống của mình..
3. Lần Chuỗi Mân Côi mỗi ngày.

Nghi Thức Làm Phép Và Mặc Áo Đức Bà Carmelô

Để hưởng nhiều ơn ích nhất về lòng sùng kính Áo Đức Bà Carmelô, người mặc Áo Đức Bà Carmelô phải được mặc vào bởi một vị Linh mục hay Giám mục thuộc dòng Carmelô, Dominicô hay Phanxicô. Bằng không thì bất cứ Linh mục hay Giám mục Công giáo nào khác cũng được.

Sau khi gia nhập mặc Áo Đức Bà Carmelô đúng theo nghi thức thì mỗi lần người mặc Áo Đức Bà Carmelô muốn thay đổi Bộ Áo Đức Bà Carmelô mới thì không cần phải làm phép Bộ Áo Đức Bà Carmelô nữa. Và sau khi gia nhập mặc Áo Đức Bà Carmelô thì phải mặc Áo Đức Bà Carmelô cho đến khi chết (có như thế thì lời hứa của Đức Mẹ mới thực hiện được):

"Ai mặc Áo Đức Bà Carmelô thì sẽ không bị sa hỏa ngục" (Đức Mẹ hứa với Thánh Simon Stock vào năm 1251).

Sau đây là cách mà Linh mục hay Giám mục cử hành nghi thức cho người muốn gia nhập mặc Áo Đức Bà Carmelô:

- Cha chủ sự: "Ôi lạy Chúa hãy tỏ cho chúng con biết lòng thương xót của Chúa."

- Giáo dân (hay người mặc áo), thưa: "Và xin ban cho con (chúng con) sự cứu rỗi của Chúa."

- Cha chủ sự: "Lạy Chúa, xin nhận lời con (chúng con) cầu xin."

- Giáo dân (hay người mặc áo), thưa: "Và hãy để tiếng kêu cầu của con (chúng con) bay lên tới Chúa."

- Cha chủ sự: "Chúa ở cùng anh chị em."

- Giáo dân (hay người mặc áo), thưa: "Và ở cùng Cha."

- Cha chủ sự: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, bởi quyền năng của Chúa, xin hãy thánh hóa Bộ (hay những Bộ) Áo Đức Bà Carmelô này, vì tình yêu Chúa và vì tình yêu Đức Mẹ Carmelô, những tôi tớ chúa sẽ mặc một cách sùng kính và nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, nguyện xin Chúa bảo vệ người mặc khỏi mọi chước ma quỷ cho tới khi chết trong ân sủng của Chúa. Nhờ Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống Hằng Trị đời đời chẳng cùng. Amen."

- Rồi Cha Chủ sự làm phép người sẽ mặc Áo Đức Bà Carmelô và dùng hai tay cầm bộ Áo Đức Bà Carmelô mặc vào cho người gia nhập trong khi đọc:

"Hãy lãnh nhận bộ Áo Đức Bà Carmelô đã được làm phép và hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh, nhờ bởi công nghiệp của Người, Áo Đức Bà Carmelô có thể mặc mà không vướng mắc tội lỗi và che chở con từ mọi sự dữ và đem con về hưởng phúc đời đời. Amen."

Sau khi mặc Áo Đức Bà Carmelô cho người gia nhập.

- Cha chủ sự tiếp tục lời nguyện:

"Cha, bởi quyền năng đã ban cho cha, thừa nhận con gia nhập và con được hưởng những ơn ích thiêng liêng nhờ lòng thương xót của Chúa Giêsu bởi Dòng Carmelô. Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. Nguyện xin Thiên Chúa Toàn Năng Đấng tạo thành trời đất ban phúc lành cho con. Đấng đã đoái thương gia nhập con vào Hội Đức Trinh Nữ Hồng Phúc của Núi Carmelô. Chúng con cầu xin Đức Mẹ Rất Thánh đạp nát đầu con rắn xưa để con có thể được vào hưởng phúc đời đời nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta."

- Giáo dân (hay người mặc áo), thưa: "Amen."

5 Thứ Bảy Đầu Tháng Liên Tiếp - Đường về Thiên đàng
(Hoặc giữ "5 Thứ Bảy Đầu Tháng Liên Tiếp Để Đền Tạ Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-Tội Mẹ Maria")

Khi Đức Mẹ Maria hiện ra với 3 trẻ nhỏ chăn cừu Lucia, Phanxicô và Giaxinta tại Fatima, Bồ ĐàoNha vào năm 1917, Đức Mẹ đã hứa sẽ hiện đến lần thứ 7. Đúng như lời Đức Mẹ đã hứa.

Vào một buổi chiều ngày thứ Năm, ngày 10 tháng 12 năm 1925, lúc bấy giờ Lucia đã trở thành nữ tu thuộc Dòng Dorothean tại Pontevedra, Tây Ban Nha. Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh lại hiện ra với sơ Lucia, sát bên cạnh Đức Mẹ có thêm Chúa Giêsu Hài Nhi. Có đám mây trời sáng rực đứng làm bệ chân cho Chúa Giêsu Hài Nhi đứng. Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh đặt tay lên vai sơ và chỉ cho sơ thấy một trái-tim bị gai nhọn vây quanh mà Đức Mẹ đang cầm trên tay khác. Bấy giờ Chúa Giêsu Hài Nhi nói với sơ rằng:

"Hãy thương cảm Trái-Tim Mẹ Rất Thánh của con đang bị gai nhọn vây quanh do những người vô ân tệ bạc đâm nát từng giây phút mà chẳng có ai làm việc đền tạ để tháo bớt đi!" Rồi Đức Mẹ nói:

"Hỡi con yêu dấu, hãy nhìn Trái-Tim Mẹ bị gai nhọn cuốn quanh mà những kẻ vô ân đâm nát từng giây phút bởi sự phạm thượng và vong ân. Ít là con, con hãy cố gắng an ủi Mẹ. Mẹ hứa sẽ phù giúp trong giờ sau hết với những ơn cần thiết cho phần rỗi linh hồn những ai trong 5 Thứ Bảy Đầu Tháng liên tiếp, xưng tội, rước lễ, đọc 50 chục Kinh Mân Côi và suy ngẫm 15 Mầu Nhiệm Mân Côi trong 15 phút -tất cả có ý đền tạ Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-Tội Mẹ."

Ngày 15 tháng 2 năm 1926, Chúa Giêsu Hai Nhi lại hiện ra với sơ Lucia liên quan đến 5 Thứ Bảy Đầu Tháng. Sơ Lucia hỏi Chúa Giêsu Hài Nhi về những khó khăn của một số người về việc xưng tội ngày Thứ Bảy Đầu Tháng và hỏi xưng tội trong vòng 8 ngày có được không? Chúa Giêsu trả lời:

- "Được chứ! Lâu hơn nữa cũng được miễn là khi đón nhận Cha, họ sống trong tình trạng ơn thánh và có ý đền tạ Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-Tội Mẹ Maria." Sơ Lucia hỏi Chúa Giêsu:

"Lạy Chúa Giêsu của con, thế còn những người quên ý chỉ đền tạ Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-Tội Mẹ Maria thì sao?" Chúa Giêsu trả lời:

- "Họ có thể nhắc lại như thế trong lần xưng tội tới, dùng ngay dịp nào gần nhất để xưng tội." Và Chúa Giêsu cũng có nói với sơ Lucia rằng:

"Quả thật, có nhiều linh hồn bắt đầu giữ 5 Thứ Bảy Đầu Tháng, nhưng có ít người hoàn thành, và những ai hoàn thành thì chỉ là để lảnh nhận những ơn hứa ban thôi. Họ sẽ làm vui lòng Cha hơn, nếu Họ sốt sắng giữ 5 Thứ Bảy Đầu Tháng liên tiếp với ý chỉ đền tạ Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-Tội của Mẹ Cha, hơn là họ thực hiện cả 15 lần một cách thờ ơ và lãnh đạm."

Giữ ngày Chúa nhật thay cho Thứ Bảy Đầu Tháng cũng được

Ngày 29 tháng 5 năm 1930, Cha giải tội của sơ Lucia là linh mục Goncalves viết thư hỏi Sơ Lucia rằng: "nếu có ai không thể giữ trọn các điều kiện trong ngày Thứ 7 Đầu Tháng, họ có thể làm trọn vào ngày Chúa nhật sau ngày Thứ Bảy Đầu Tháng cò được không?

Ngày 29 tháng 5 năm 1930 - Chúa Giêsu lại hiện ra với Sơ Lucia vào lúc gần 12 giờ đêm và trả lời với Sơ rằng:

"Nếu các linh mục của Cha nhận thấy, vì lý do chính đáng, cho phép người ta hoàn tất các điều kiện vào ngày Chúa nhật sau Thứ Bảy Đầu Tháng, thì Cha cũng chấp nhận thôi."
Và Chúa Giêsu cũng cho sơ Lucia biết lý do vì sao mà 5 Thứ Bảy Đầu Tháng Liên Tiếp để đền tạ Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-Tội Mẹ Maria cần thiết phải thi hành, là vì có 5 thứ tội xúc phạm, phạm thượng đến Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-tội Mẹ Maria như sau:

1. Tội phạm thượng chối ơn Vô-Nhiễm Nguyên-Tội của Đức Mẹ Maria.
2. Tội phạm thượng chối ơn Đồng Trinh của Đức Mẹ Maria.
3. Tội phạm thượng chối ơn Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ nhân loại.
4. Tội phạm thương dạy cho các trẻ nhỏ Thờ ơ, khinh thường và chê ghét Đức Mẹ Maria Vô-Nhiễm Nguyên-Tội.
5. Tội xúc phạm Đức Mẹ trực tiếp đến ảnh tượng của Đức Mẹ.

Sơ Lucia cũng nói rằng: “Đức Mẹ muốn Lòng Sùng Kính Đền Tạ 5 Thứ Bảy Đầu Tháng liên tiếp được truyền bá.”

Xin Anh chị em lưu ý:

1. Khi đi xưng tội, hãy nói cho Cha giải tội ở ngay Tòa giải tội biết trước khi xưng tội là anh chị em đang cố gắng giữ 5 Thứ Bảy Đầu Tháng liên tiếp, có ý đền tạ Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-Tội Mẹ Maria.

2. Khi giữ 5 Thứ Bảy Đầu Tháng liên tiếp, anh chị em hãy cố gắng sốt sắng thi hành cho xong – vì đây là một ân sủng lớn lao, một món quà vô giá mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho Anh chị em nhờ ân sủng và lòng thương xót bao la của Đức Mẹ Maria Rất Thánh Trinh Truyền.

Tại Sao Phải Lần Chuỗi Mân Côi Trước Khi Quá muộn?

Năm 1917 tại Fatima, khi Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ nhỏ chăn cừu Lucia, Phanxicô và Jaxinta, Đức Mẹ đã tuyên xưng:

"Ta là Đức Mẹ Mân Côi. Mẹ đến để cảnh báo loài người phải cải thiện đời sống và xin Chúa thứ tha các tội lỗi của họ. Người ta không nên xúc phạm đến Thiên Chúa chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm quá nhiều rồi. Người ta phải lần Chuỗi Mân Côi và phải lần chuỗi mỗi ngày." Và Đức Mẹ cũng có nói thêm rằng:

"Hãy tôn sùng Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-Tội Mẹ và hãy hy sinh cầu cho các tội nhân, có nhiều linh hồn sa hỏa ngục vì không có ai hy sinh cầu cho họ. Nên mỗi khi các con làm 1 việc "hy sinh" (như lần Chuỗi Mân Côi, hay làm một việc lành hoặc xin Linh mục dâng Thánh lễ cho người đang sống hoặc đã qua đời...) thì các con hãy thân thưa với Chúa Giêsu rằng,

‘Lạy Chúa Giêsu, con xin dâng kính Chúa sự hy sinh... này vì lòng con yêu mến Chúa để xin cho kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại và để đền bù các lỗi nghịch xúc phạm đến Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-Tội Mẹ Maria.’"

Mùa Nào Thì Ngắm Vào Ngày Nào

Đức Giáo Hoàng Phaolô II đề xuất:

"Mùa Vui" thì ngắm vào Thứ Hai và Thứ Bảy. "Mùa Sáng" thì ngắm vào ngày Thứ Năm. "Mùa Thương" thì ngắm vào Thứ Ba và Thứ Sáu. "Mùa Mừng" thì ngắm vào Thứ Tư và Chúa Nhật. (Mừng Chúa Giáng Sinh, ngày Chúa Nhật thì ngắm "Mùa Vui", còn các ngày Chúa Nhật Mùa Chay thì ngắm "Mùa Thương").

Cách Lần Chuỗi Mân Côi - đặc biệt cho người chưa quen biết

1. Làm dấu Thánh Giá. "Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần." Amen. -- Rồi hôn Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô với tâm hồn kính mến. -- Rồi bắt đầu đọc 1 "Kinh Tin Kính".
2. Đọc 1 "Kinh Lạy Cha".
3. Đọc 3 "Kinh Kính Mừng". (Xin thêm Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. ..).
4. Đọc 1 "Kinh Sáng Danh". -- Rồi tự chọn "Mùa" Vui, Sáng, Thương hay Mừng mà ngắm.
5. Đọc 1 "Kinh Lạy Cha".
6. Đọc 10 "Kinh Kính Mừng". ( Khi đọc đến "Thánh Maria..." thì nên vừa đọc vừa suy ngẫm Mầu Nhiệm của ngắm ấy. Mầu Nhiệm vắn tắt các biến cố đã diễn ra trong cuộc đời Chúa Giêsu Kitô hay Đức Mẹ Maria khi còn ở trần gian).
7. Đọc 1 "Kinh Sáng Danh". -- Rồi đọc 1 Kinh nguyện mà Đức Mẹ đã dạy khi hiện ra tại Fatima, "Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn". -- Rồi Thứ Hai thì ngắm:. ..
8. Đọc 1 "Kinh Lạy Cha" (như nói trên...) cho đến khi lần chuỗi xong 1 chuỗi Kinh Mân Côi (50 Kinh Kính Mừng. ..). – Rồi lần chuỗi thêm 1 "Mùa" nữa, hay cả 3 hoặc 4 "Mùa" nữa tùy lòng mình. Khi xong thì đọc, "Kinh Lạy Nữ Vương". – Rồi đọc, cầu nguyện hay suy ngẫm thêm là tùy lòng mình. Và nhớ cảm tạ Chúa Giêsu Kitô, Đức Mẹ Maria hoặc các Thánh với, trong mọi sự.... - Rồi làm dấu Thánh Giá."Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần." Amen.

Khi đọc kinh, lần Chuỗi Mân Côi - xin lưu ý cố găng sốt sắng và đừng đọc nhanh qúa!

Các Ngắm Tắt Bốn Mùa Trong Chuỗi Mân Côi

Mùa Vui:

1. Năm Sự Vui, thứ nhất thì ngắm: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai – ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
2. Thứ hai thì ngắm: Đức bà đi viếng bà thánh Isave – ta hãy xin cho được lòng yêu người.
3. Thứ Ba thì ngắm: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá – ta hãy xin cho được lòng khó khăn.
4. Thứ Bốn thì ngắm: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh – ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.
5. Thứ Năm thì ngắm: Đức bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh – ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

Mùa Sáng:

1. Năm Sự Sáng, thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Gio-đan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con Thiên Chúa.
2. Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Ca-na. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.
3. Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận Phép Bí Tích Giải Tội.
4. Thứ Bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ ơn Đức Chúa Thánh Thần.
5. Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập Phép Bí Tích Thánh Thề. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự Thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa..

Mùa Thương:

1. Năm Sự Thương, thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu – ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
2. Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn – ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
3. Thứ Ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai – ta hãy xin cho được mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
4. Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác cây thánh giá – ta hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa.
5. Thứ Năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá – ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa.

Mùa Mừng:

1. Năm Sự Mừng, thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu sống lại – ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
2. Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lên trời – ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.
3. Thứ Ba thì ngắm: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống – ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.
4. Thứ Bốn thì ngắm: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời – ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
5. Thứ Năm thì ngắm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời – ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên Đàng.

Như Lời Đức Mẹ hứa ban... Bạn có thể truyền bá /phổ biến "loạt bài này" nhằm sinh ích lợi cho các linh hồn...
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc tông du Đất Thánh (9)
Vũ Văn An
01:46 13/05/2009
Hòa bình, hy vọng chung

“Chúng tôi mong đợi Đức Giáo Hoàng như con cái mong đợi người cha”, lời phát biểu của Eli Hajjar quả đã tóm lược được hết cảm thức mong chờ của Kitô hữu đối với chuyến tông du Đất Thánh của Đức Thánh Cha.

Ngài đã tới Do Thái vào ngày hôm nay, 11 tháng Năm, sau khi lưu lại Giođăng ba ngày và chỉ trở lại Rôma vào Thứ Sáu này. Theo chương trình, ngài sẽ đọc 29 bài diễn văn trong suốt cuộc hành trình này.

Hajjar, một sinh viên 21 tuổi của Đại Học Bêlem, người dạy giáo lý cho trẻ em và làm nhiều việc xã hội giúp đỡ người cao niên, mong rằng cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng sẽ diễn tiến thanh thản. Theo anh, “Ngày nay, Kitô hữu, và nhất là người Công Giáo rất hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ mang lại hòa bình cho cuộc sống của chúng tôi. Người Do Thái Giáo và người Hồi Giáo cũng hy vọng được biết con người vĩ đại vốn là người kế vị Thánh Phêrô này một cách tốt hơn”

Bêlem

Bêlem cũng đang đầy hy vọng chờ đợi Đức Giáo Hoàng. Vicenzo Bellomo, một giáo dân Ý thuộc phong trào Fidei Donum (Ơn Phúc Đức Tin), từng ở Trung Đông ba năm nay, và hiện làm việc với cơ quan trông coi Đất Thánh của dòng Phanxicô, tại vùng Bêlem, nhận xét rằng: “Cuộc thăm viếng Bêlem là một cuộc thăm viếng lãnh thổ hiện đang bị vây kín chung quanh. Muốn ra khỏi đây, bạn cần có giấy phép. Gần giống như đến thăm người tù vậy, mặc dù đây là một địa điểm hết sức đặc biệt”.

Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành một Thnáh Lễ tại đây vào hôm Thứ Tư. Bellomo cho hay: người ta đặt “niềm hy vọng tươi đẹp, đầy hứng khởi và tin tưởng sâu sắc vào vị Giáo Hoàng này. Họ hy vọng ngài sẽ có những lời nói lên sự thật về Gaza và về tình huống các Kitô hữu tại đây”.

Nadarét

Thánh lễ lớn sau cùng của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Đất Thánh lần này sẽ diễn ra tại Nadarét vào hôm Thứ Năm. Nhiều người đang mong chờ cho ngày ấy mau đến. Cha Renato Rosso, Dòng Cát Minh Không Giầy, đang tổ chức các chuyến xe buýt cho giáo dân thuộc giáo xứ Thánh Giuse, là giáo sứ theo nghi lễ Latinh duy nhất tại Haifa, trong đó có khoảng 100 thanh niên Công Giáo Tiến Hành. Cha bảo: “Đối với phần đông những người này, đây là lần đầu không những được thấy Đức Giáo Hoàng mà còn được tiếp xúc với anh chị em Kitô hữu từ khắp nơi trên thế giới”. Hòa bình cũng là niềm hy vọng chính của các Kitô hữu này: “Người Do Thái Giáo và người Hồi Giáo coi chuyến tông du này như dấu chỉ tái khẳng định ý chí hướng tới hòa bình và tìm ra giải pháp cho các vấn đề lớn lao của cộng đồng Palestine”.

Kêu gọi một quê hương an ổn cho mọi người

Ngày 11 tháng Năm, vừa từ Giođăng đặt chân tới phi trường quốc tế Tel Aviv của Do Thái, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh tới nhu cầu phải chấm dứt các tranh chấp tại Đất Thánh để tìm ra một giải pháp hòa bình và công chính đảm bảo một quê hương an ổn cho mọi người.

Trước sự hiện diện của Tổng Thống Simon Peres, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu, và nhiều chức trách dân sự và nhiều vị giám mục tại Đất Thánh, Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng ba tôn giáo độc thần vĩ đại là Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo có chung “một niềm tôn kính đặc biết” đối với Giêrusalem. Ngài hết sức hy vọng “mọi khách hành hương thăm các nơi thánh sẽ được thăm những nơi này một cách tự do, không bị một hạn chế nào, ngõ hầu có thể tham dự các nghi lễ tôn giáo và cổ vũ việc duy trì xứng đáng các nơi thờ phượng tại các địa điểm thánh thiêng ấy”.

Ngài buồn rầu nhận định rằng: “Dù tên Giêrusalem có nghĩa là thành phố hòa bình, nhưng suốt nhiều thập niên qua, điều hiển nhiên là hòa bình vẫn xa vời một cách thảm thương đối với cư dân của mảnh đất thánh thiêng này”.

Ngài bảo “Con mắt thế giới đang nhìn về phía các dân tộc của vùng này trong khi các dân tộc này đang cố gắng thực hiện cho bằng được một giải pháp công lý và bền vững cho các cuộc tranh chấp từng đem lại xiết bao đau thương… Niềm hy vọng của không biết bao nhiêu người đàn ông, đàn bà và trẻ em vào một tương lai an toàn và ổn định hơn tùy thuộc kết quả các cuộc thương thảo hòa bình giữa người Do Thái và người Palestine”.

Ngài nói tiếp: “Hiệp ý với người thiện chí ở khắp nơi, tôi khẩn khoản xin mọi người có trách nhiệm hãy thăm dò mọi ngả đường có thể để tìm ra một giải pháp công bình cho các khó khăn nổi bật hiện nay, ngõ hầu cả hai dân tộc được sống hòa bình trên mảnh đất quê hương riêng của họ, bên trong các biên giới an toàn và được quốc tế công nhận. Về phương diện này, tôi hy vọng và cầu xin để một bầu không khí tin cậy hơn không bao lâu nữa sẽ được tạo ra, giúp các bên có khả năng thực hiện được tiến bộ thực sự trên con đường hòa bình và ổn định”.

Về phần các cộng đồng Kitô Giáo tại Đất Thánh, Đức Thánh Cha thúc giục họ “Bằng chứng tá cầu nguyện của các con đối với Đấng từng rao giảng sự tha thứ và hòa giải, bằng việc dấn thân của các con trong việc duy trì tính thánh thiêng của sự sống nhân bản, các con có thể góp phần một cách đặc thù vào việc chấm dứt các mối thù địch từng giáng họa bao lâu nay trên mảnh đất này”.

Về phần Tổng Thống Peres, khi lên tiếng chào mừng Đức Thánh Cha, Ông gọi cuộc tông du này là một “sứ mệnh hòa bình”. Ông nói: “Chúng tôi từng thực hiện hòa bình với Ai Cập và Giođăng, và hiện chúng tôi đang có những cuộc thương thảo tạo hòa bình với người Palestine, và đã tiến tới một nền hòa bình tổng thể cho từng khu vực”. Ông cho rằng cuộc tông du của Đức Thánh Cha “đem tới một cái hiểu đầy phúc đức giữa các tôn giáo và gieo rắc hòa bình khắp mọi nơi”

Đối thoại liên tín ngưỡng, đường dẫn tới hòa bình

Trong bài diễn văn công khai lần thứ hai tại Do Thái, Đức GH Bênêđíctô XVI nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc đối thoại liên tôn trong việc mưu cầu hòa bình, khi được Tổng Thống Peres nghênh đón tại dinh tổng thống ở Giêrusalem vào ngày hôm nay, 11 tháng Năm.

Tại dinh này, Đức GH đã trồng tượng trưng một cây ở vườn của dinh trước mặt nhiều yếu nhân chính trị và tôn giáo. Sau đó, là cuộc trao đổi đầy cởi mở giữa nhà lãnh đạo Do Thái và Đức Thánh Cha. Sau đó, Đức Thánh Cha nói truyện với mọi người hiện diện. Theo ngài, hoà bình trước hết là hồng ân của Thiên Chúa, một hồng ân ta chỉ có thể nhận được khi ta chịu đi tìm Thiên Chúa “bằng trọn trái tim mình”. Ngài nhấn mạnh: “Đóng góp đặc thù của tôn giáo vào việc mưu cầu hòa bình chủ yếu hệ ở việc tìm kiếm Chúa hết lòng hết dạ và đầy hợp nhất… Chính sự hiện diện đầy năng động của Thiên Chúa đã lôi kéo các trái tim lại với nhau và bảo đảm sự hợp nhất”.

Theo Đức Giáo Hoàng, an ninh “phát sinh từ sự tin tưởng [lẫn nhau] và không phải chỉ là việc không có đe dọa nhưng còn là việc cảm nhận được sự thanh bình và tự tin. Trong kế sách của Thiên Chúa dành cho thế giới, an ninh, chính trực, công lý và hòa bình, là những điều không thể tách biệt được với nhau. Không một cá nhân, một gia đình, một cộng đồng hay một quốc gia nào được miễn chước khỏi nhiệm vụ phải sống trong công lý và làm việc cho hòa bình”.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cho mọi người hay: “tôi vốn nghe được tiếng kêu của những người đang sống tại mảnh đất này. Tiếng kêu này đòi công lý, hòa bình, và sự tôn trọng phẩm giá họ, đòi một nền an ninh bền vững, đòi một cuộc sống hàng ngày không phải sợ sệt vì bị đe dọa từ bên ngoài và những bạo lực vô nghĩa. Và tôi cũng biết rằng vô số đàn ông, đàn bà và người trẻ đang cố gắng làm việc cho hòa bình và tình liên đới qua nhiều chương trình văn hóa và qua nhiều sáng kiến nhằm nới rộng vòng tay cảm thương và thực tiễn; khiêm hạ đủ để tha thứ, những con người này đã can đảm nắm lấy giấc mơ vốn là quyền lợi của họ”.

Vị Giáo Hoàng người Đức tại đài kỷ niệm Diệt Chủng

Linh mục Caesar Atuire, quản trị viên đặc nhiệm của Opera Romana Pellegrinaggi, một định chế của Vatican nhằm phúc âm hóa bằng du lịch, người tháp tùng Đức Bênêđíctô XVI trong chuyến tông du lần này, nhận xét rằng việc đức Thánh Cha tới viếng đài kỷ niệm Diệt Chủng Yad Vashem tại Giêrusalem là một sứ điệp rất mạnh cho toàn thể Giáo Hội.

Cha cho rằng việc chọn Yad Vashem như là một trong các điểm đến thăm đầu tiên ở Do Thái là một động thái can đảm. Trong một bài diễn văn cảm động tập chú vào tầm quan trọng của một cái tên, Đức Thánh Cha nói tại đài tưởng niệm này như sau: “Nhìn các khuôn mặt phản chiếu trong hồ nước đang êm đềm tĩnh lặng tọa lạc trong khuôn viên đài tưởng niệm này, người ta không khỏi nhớ tới việc mỗi người trong số họ đều mang một cái tên. Tôi chỉ có thể tưởng tượng ra nỗi chờ mong đầy hân hoan của cha mẹ họ lúc các ngài lo lắng chờ đợi con cái mình sinh ra. Mình sẽ cho đứa con này cái tên nào đây? Nó sẽ ra sao ngày sau? Không ai có thể tưởng tượng được chuyện chúng lại bị kết tội phải chịu một số mạng đáng trách đến thế!”

Cha Atuire nghĩ rằng lời lẽ của Đức Thánh Cha không phải chỉ là những suy tư cá nhân của ngài mà là những lời của người đứng đầu Giáo Hội. “Giáo Hội Công Giáo bác bỏ tất cả những gì là bạo lực và tôi nghĩ rằng: vào thời điểm Đức Giáo Hoàng thăm viếng xứ sở này, quả là thích hợp để khẳng định rằng tất cả chúng ta đều có sứ mệnh được Đức Thánh Cha trình bày trong bài diễn văn của ngài, là làm việc để những thảm kịch này không xẩy ra nữa trong lịch sử nhân loại”.

Mặt khác, theo cha Atuire, “Đức Giáo Hoàng là người Đức, một quốc gia mà người tổ chức ra Nạn Diệt Chủng, tức nhóm Quốc Xã, vốn thuộc về”. Điều này càng làm tăng ‘trọng lượng’ cho sứ điệp của ngài cũng như cuộc hành hương của ngài tới Đất Thánh.

Lời lẽ của ngài càng hùng hồn hơn khi ngài cho biết: “chúng ta không muốn những việc này được lặp lại, và khi đã giáp mặt với tính hãi hùng của những gì xẩy ra, chúng ta cần phải học cách làm mọi sự có thể làm được để thế giới này trở thành một thế giới tốt hơn”.

Tôn giáo không thể là nguồn gây chia rẽ

Trong buổi gặp gỡ đại diện các tổ chức đối thoại liên tôn tại Đất Thánh vào hôm nay, 11 tháng Năm, Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng cần phải tôn trọng các dị biệt tôn giáo và cổ vũ những gì kết hợp chúng ta.

Cuộc gặp gỡ trên diễn ra tại hội trường Trung Tâm Viện Giáo Hoàng Đức Bà Giêrusalem do Đức GH Gioan Phaoloô II thiết lập, dành cho các chương trình tôn giáo, văn hóa, bác ái và giáo dục. Trước các đại diện Kitô Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Druze và Samaria, Đức Giáo Hoàng đọc một bài diễn văn bằng tiếng Anh và ghi nhận rằng: “một số người khiến chúng ta tin rằng các dị biệt của chúng ta tất yếu là nguyên nhân gây chia rẽ và do đó cùng lắm chỉ nên khoan dung”.

Ngài nói tiếp: “Một ít người còn chủ trương rằng tiếng nói của chúng ta cần bị giập tắt. Nhưng chúng ta biết rằng các dị biệt của chúng ta không bao giờ được trình bày sai lạc như là nguyên nhân tất yếu của va chạm hay căng thẳng giữa chúng ta cũng như trong xã hội nói chung”. “Đúng hơn, các dị biệt ấy phải đem lại cơ hội tốt đẹp để người của các tôn giáo khác nhau có thể sống với nhau trong sự tôn trọng, qúi mến và đánh giá lẫn nhau một cách sâu sắc, khích lệ lẫn nhau trong đường lối Thiên Chúa”.

Đức GH khuyến khích các người tham dự cuộc gặp gỡ “hãy can đảm tiến lên, tôn trọng mọi điều dị biệt chúng ta và cổ vũ mọi điều kết hợp chúng ta trong tư cách các tạo vật được chúc phúc bằng ý nguyện đem hòa bình lại cho các cộng đồng của chúng ta và cho toàn hế giới”.

Biến cố không hay

Sau bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng, Giáo Sĩ Hồi Giáo Taysir Tamimi, thẩm phán tối cao của Các Tòa Án Hồi Giáo tại Giêrusalem, đăng đàn diễn thuyết mặc dù ông không có trong chương trình chính thức, và phát động một cuốc tấn công bằng lời chống Do Thái bằng tiếng Ả Rập.

Trong khi ông đang nói, giữa sự ngỡ ngàng của mọi người, thì hai người theo Do Thái Giáo rời ghế ngồi của mình. Đức Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem là Tổng Giám Mục Fouad Twal, tiến lên để ngăn cản vị giáo sĩ Hồi Giáo trên. Đức Giáo Hoàng, vì không hiểu tiếng Ả Rập, nên không rõ điều vị giáo sĩ này phát biểu.

Sau biến cố này, Cha Federico Lombardi, giám đốc báo chí của Tòa Thánh, đã phân phối một bản tuyên bố cho rằng lời phát biểu của vị giáo sĩ Hồi Giáo kia “không được các nhà tổ chức cuộc gặp gỡ dự trù”. Cha cho hay: “Trong một cuộc gặp gỡ dành cho việc đối thoại, việc can thiệp như thế quả đã trực tiếp bác bỏ nội dung phải có của đối thoại. Chúng tôi hy vọng rằng một biến cố như thế sẽ không phá hoại được sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng nhằm cổ vũ hòa bình và cả đối thoại liên tôn, như ngài đã khẳng định rõ ràng nhiều lần trong chuyến hành hương lần này”. Cha hy vọng: biến cố trên sẽ không làm trở ngại cuộc đối thoại liên tôn tại Đất Thánh.

Nhận định trên Bản Tin CBS

Linh mục Thomas D. Williams, thuộc Đạo Binh Chúa Kitô (www.thomasdwilliams.com), một nhà thần học Mỹ sống tại Rôma, có cung cấp một bài bình luận về chuyến đi của Đức Giáo Hoàng tới Đất Thánh, trên bản tin CBS.

Theo Cha, trong những ngày qua, nhiều người chỉ lưu ý tới điều Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói hay viết khi một ngôn từ hay một hành động nào đó của ngài khiến người ta không hài lòng hay khiến giới truyền thống tò mò chú ý. Dĩ nhiên, thái độ ấy dẫn tới lối nhìn một chiều và đầy tiêu cực về đường lối của Đức Bênêđíctô trong ngôi vị Giáo Hoàng. Bởi thế, hầu như mọi người chỉ biết câu ngài trích dẫn năm 2006 trong bài diễn văn tại Regensburg, Đức Quốc, đã làm phật lòng người Hồi Giáo, và việc ngài tha vạ tuyệt thông cho bốn vị giám mục lạc giáo, mà một trong số họ đã bác bỏ Nạn Diệt Chủng, chứ ít ai chịu đọc các thông điệp của ngài về tình yêu và lòng hy vọng, hay nghe bài diễn văn của ngài về Thánh Phaolô và các giáo phụ đầu hết của Giáo Hội.

Cha Williams nói rằng: “Hôm qua, Đức Bênêđíctô cử hành Thánh Lễ ngoài trời tại Vận Động Trường Quốc Tế tại Amman. Tại nơi đó, một viên kim cương như thế lại đã không được giới truyền thông lưu ý. Tại một xứ sở đại đa số theo Hồi Giáo, Đức Bênêđíctô đã chọn để đưa ra một suy tư khá dài về phẩm giá người phụ nữ, bằng cách nhắc tới “đặc sủng tiên tri” của họ và đề cao họ là “người ấp ủ lòng yêu thương, thày dạy lòng nhân từ và là người kiến tạo hòa bình”. Theo ngài, nhờ làm chứng công khai cho việc tôn trọng phụ nữ, Giáo Hội tại Đất Thánh sẽ đóng góp đáng kể vào việc thăng tiến nền văn hóa có nhân tính thực sự và xây dựng được nền văn minh tình yêu.

Rồi vừa tới Do Thái vào sáng hôm nay, 11 tháng Năm, Đức GH không để mất thời gian, đã phá tan ngay dư vị hoài nghi cuối cùng đối với chủ trương của ngài về nạn Diệt Chủng. Thực thế, ngay tại phi trường Tel Aviv, ngài đã nói như sau: “Trong thời gian tôi lưu lại Do Thái, thật là đúng đắn và thích hợp khi được dịp vinh danh ký ức về sáu triệu nạn nhân Do Thái trong biến cố Diệt Chủng, và để cầu xin cho thế giới khỏi phải chứng kiến một lần nữa cái tội ác lớn lao cỡ ấy. Buồn thay, chủ nghĩa bài Do Thái vẫn tiếp tục ngoi cái đầu xấu xa lên ở nhiều nơi trên thế giới. Điều ấy hoàn toàn không thể chấp nhận được. Mọi cố gắng phải được đưa ra để đánh bại chủ nghĩa bài Do Thái ở bất cứ nơi nào nó hiện diện, và để cổ vũ lòng kính trọng và quí mến đối với thành viên mọi dân tộc, mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ và mọi quốc gia khắp mặt địa cầu”.

Cha Williams hy vọng rằng thiện chí hiển nhiên của Đức Giáo Hoàng trong mặt trận chống trả chủ nghĩa bài Do Thái sẽ nhận được thiện chí hỗ tương từ những người nghe ngài. Việc ngài sau đó tới thăm đài tưởng niệm Yad Vashem lại là một minh xác khác cho thấy cam kết của ngài đối với việc đẩy mạnh các mối liên hệ Do Thái và Kitô Giáo, cũng như một chủ trương thống nhất nhằm bảo vệ nhân quyền.

Sau hai biến cố trên, Cha Williams cho hay: ngài có nói truyện với một số người Do Thái ở ngoài phố, đại đa số hài lòng với chủ trương và đường lối của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô. Duy có một người cho cha hay: Đức Giáo Hoàng nên dùng từ “sát nhân” chứ không phải chỉ là “giết” để nói về trường hợp 6 triệu nạn nhân Diệt Chủng nói trên.

Theo cha Williams, cho đến nay, Đức Giáo Hoàng không những không tránh né vấn đề nào trong các sinh hoạt của ngài tại Đất Thánh; trái lại còn tích cực theo đuổi một con đường cao hơn, tức thách thức các thính giả của mình bước vào hòa bình, công lý, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.

Lời đầu tiên trên đất Do Thái là lên án chủ nghĩa bài Do Thái

Việc Thủ Tướng Benjamin Netanyahu cũng có mặt trong buổi nghênh đón Đức Giáo Hoàng tại phi trường Tel Aviv là một dấu chỉ có ý nghĩa cho thấy lòng kính trọng của ông đối với Đức Giáo Hoàng, vì việc nghênh đón này, theo truyền thống, chỉ cần có vị nguyên thủ quốc gia là Tổng Thống Simon Peres.

Đức Giáo Hoàng được hàng danh dự quân sự dàn chào trong khi quốc ca của Vatican và Do Thái được cử vang. Trong bài diễn văn bằng tiếng Anh, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tòa Thánh và quốc gia Do Thái có chung nhiều giá trị, mà trên hết là cam kết dành cho tôn giáo chỗ đứng đúng đắn trong đời sống xã hội”.

Ngài nói tiếp: “Việc sắp xếp đúng đắn các liên hệ xã hội giả thiết và đòi phải có sự tôn trọng tự do và phẩm giá của mọi hữu thể nhân bản, những người mà người Kitô Giáo, người Hồi Giáo và người Do Thái Giáo đều tin là đã được Thiên Chúa đầy yêu thương tác tạo nên và dự tính cho hưởng cuộc sống vĩnh cửu. Khi chiều kích tôn giáo của con người nhân bản bị bác khước hay bị đẩy ra bên lề, thì chính nền tảng để hiểu đúng đắn các nhân quyền bất khả nhượng sẽ bị đặt vào thế lâm nguy. Thảm họa thay, dân tộc Do Thái đã phải kinh qua các hậu quả khủng khiếp của các ý thức hệ vốn bác khước chính phẩm giá nền tảng của mọi con người nhân bản”.

Sau khi vinh danh 6 triệu nạn nhân Do Thái của nạn Diệt Chủng, Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Ước chi các lời sau đây của tiên tri Isaia nên trọn: nhiều dân tộc sẽ xuôi về núi thánh nhà Chúa, để Người dạy dỗ họ đường lối của Người, để họ đi trong đường lối của Người, đường lối hòa bình và công lý, đường lối dẫn tới hòa giải và hoà hợp”

Sứ mệnh hoà bình

Trong bài diễn văn nghênh đón Đức GH tại Phi Trường Tel Aviv, sau khi gọi chuyến đi của ngài là “sứ mệnh hòa bình”, Tổng Thống Do Thái, Simon Peres, đã nói như sau: “Tôi đánh giá cao các chủ trương và hành động của ngài trong việc hạ bệ mức độ bạo lực và hận thù trên thế giới. Tôi chắc chắn rằng điều ấy sẽ được tiếp tục trong cuộc đối thoại giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo trong tinh thần tiên tri. Tôi vinh danh các cố gắng của ngài trong việc nuôi sống người đói ăn và giải cơn khát của con người đối với niềm tin vào con người và vào Đấng Tạo Hóa của vũ trụ”.

Ông nói thêm: “Xứ sở chúng tôi nghèo tài nguyên, nhưng giầu đức tin. Xứ sở chúng tôi nửa là hoang địa, nhưng đã xây dựng được một nền thương mại phồn thịnh nhờ sức mạnh của vốn liếng nhân bản, và một xã hội biết tìm công lý cho mọi trẻ em sinh ra”. Ông thưa với Đức GH rằng: “Cuộc viếng thăm của ngài tại đây đem đến một hiểu biết đầy phúc đức giữa các tôn giáo và gieo rắc hòa bình khắp nơi nơi. Do Thái lịch sử và Do Thái canh tân thẩy đều cùng nhau chào mừng việc ngài tới đây như là để dọn con đường vĩ đại dẫn tới hòa bình từ thành phố này tới thành phố nọ”.

Tại Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Diệt Chủng

Từ phi trường Tel Aviv, Đức GH dùng trực thăng bay tới Giêrusalem, nơi ngài được thị trưởng Nir Barkat nghênh đón. Sau đó, ngài về tòa Đại Diện Tòa Thánh để dùng bữa trưa, rồi tới Yad Vashem, đài tưởng niệm các nạn nhân của Diệt Chủng, đốt lên ngọn lửa tưởng niệm và đặt vòng hoa vàng trắng tại đó.

Ngài vinh danh các nạn nhân, và cho hay: họ sẽ được tưởng nhớ bởi “mọi người nhất quyết không bao giờ cho phép một sự tàn bạo như thế làm ô nhục một lần nữa toàn bộ nhân loại”. Đức GH, sau đó, gặp gỡ một số người sống sót của nạn Diệt Chủng trong một buổi lễ long trọng có sự tham dự của Tổng Thống Peres và chủ tịch quốc hội Reuven Rivlin. Đức Giáo Hoàng phát biểu tại buổi lễ này rằng: “Ước chi nỗi thống khổ của họ không bao giờ bị bác khước, hạ giá hay lãng quên! Và ước chi mọi người thiện chí tỉnh táo trong việc nhổ tận gốc khỏi trái tim con người bất cứ điều gì có thể dẫn tới những thảm kịch như thế này”.

Giáo Hội chống lại sự thống trị của hận thù

Cũng tại Yad Vashem, Đức GH nói rằng “Họ (các nạn nhân) mất mạng sống, nhưng không bao giờ mất tên: tên tuổi họ được khắc ghi mãi mãi trong trái tim người thân yêu, các bạn đồng tù sống sót, và mọi người nhất quyết không bao giờ để cho một tàn bạo như thế này làm ô nhục nhân loại một lần nữa. Trên hết, tên tuổi họ đời đời được định vị trong trí nhớ Thiên Chúa Toàn Năng”.

Trong nghi lễ sau đó với các người sống sót nạn Diệt Chủng, Đức Giáo Hoàng nói rằng: Giáo Hội cảm thương sâu xa đối với các nạn nhân được tưởng nhớ tại đây. Và Giáo hội cũng xích lại thật gần tất cả những ai ngày nay đang chịu bách hại vì nòi giống, mầu da, điều kiện sống hay tôn giáo. Thống khổ của họ là thống khổ của Giáo Hội, và thống khổ của Giáo Hội là hy vọng công lý của họ. “Trong tư cách Giám Mục Rôma và là người kế nhiệm Tông Đồ Phêrô, giống các vị tiền nhiệm của mình, tôi xin tái khẳng định rằng Giáo Hội cam kết dấn thân vào việc cầu nguyện và không mệt mỏi làm việc để bảo đảm rằng hận thù sẽ không còn thống trị trong trái tim con người nữa. Vì Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Jacob vốn là Thiên Chúa của hòa bình”.
 
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI xem xét những điạ bàn chung với người Do Thái
Bùi Hữu Thư
02:40 13/05/2009

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI xem xét những địa bàn chung với người Do Thái



Ngài nói đến những ưu tư chung về chủ thuyết tương đối

JERUSALEM, ngày 12, tháng 5, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói, người Do Thái và Kitô hữu cùng chia sẻ một ưu tư chung về sự lan tràn của chủ thuyết tương đối về luân lý và “những tai hại đối với nhân phẩm con người.”

Đức Thánh Cha suy tư cùng các vị lãnh đạo Do Thái về những địa bàn chung của họ với Thiên Chúa giáo khi ngài tiếp xúc hôm nay với Đoàn thầy cả rabbi thượng cấp của Do Thái.

Đức Thánh Cha đến Do Thái ngày Thứ Hai trong chặng đường thứ hai của chuyến hành hương Đất Thánh dài một tuần lễ. Một trong những chặng đầu tiên là Bức Tường Kỷ Niệm Holocaust Yad Vashem.

Trong một bài diễn từ ngài lập lại nhiều lần tình thân hữu ngày càng gia tăng giữa Do Thái giáo và Giáo Hội. Ngài cũng tuyên bố: “Hôm nay tôi có cơ hội lập lại là Giáo Hội Công Giáo cam kết tuyệt đối tuân theo đường lối của Công Đồng Vatican II về một sự hòa giải chân chính và lâu bền giữa Kitô hữu và người Do Thái."

Xây dựng sự hiệp nhất

Đức Thánh Cha Benedict XVI đề cập đến cuộc đối thoại đang tiếp diễn giữa phái đoàn của Ủy Ban Tương Quan Tôn Giáo của Tòa Thánh với người Do Thái và Đoàn Rabbi thượng cấp của phái đoàn Do Thái, ngài cám ơn họ về công trình họ đã thực hiện.

Ngài nói đến các vần đề khác nhau hai tôn giáo đã có những điểm tương đồng: “Người Do Thái và Kitô hữu đều có ưu tư về việc bảo đảm làm sao cho có sự tôn kính đặc tính thánh thiêng của đời sống con người, đến trọng tâm của gia đình, đến một nền giáo dục tốt đẹp cho giới trẻ, và sự tự do tôn giáo và lương tâm trong sáng về một xã hội lành mạnh."

Và Đức Thánh Cha nói có triển vọng về ”Những ưu tư chung trước chủ thuyết tương đối về luân lý và những tai hại chủ thuyết này đang gây ra cho phẩm giá con người."

Một lần nữa kêu gọi việc sử dụng lý trí con người như một dụng cụ để xây dựng sự hiệp nhất, ngài tiếp: "Khi đối phó với những vấn đề luân lý khẩn cấp nhất ngày nay, hai cộng đồng của chúng ta được thách đố để mời gọi mọi người có thiện chí ở cấp độ luận lý, trong khi đó cũng đồng thời hướng về những nền tảng tôn giáo có thể duy trì tốt đẹp nhất các giá trị luân lý lâu bền."

Cầu xin Thiên Chúa

Bài diễn văn của Đức Thánh Cha với phái đoàn rabbi xẩy ra sau cuộc viếng thăm Bức Tường Than Khóc, bức tường dài 50-foot của tường thành trước đây chống đỡ cho sân chính của Đền Thờ tại Jerusalem.

Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã làm năm 2000, Đức Thánh Cha người Đức ngừng ở đây suy niệm trong một thời gian im lặng và đặt một mảnh giấy có viết lời nguyện của ngài vào trong kẻ hở của bức tường.

Trong lời cầu nguyện, ngài xin Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Jacob: "Gửi hòa bình đến cho Đất Thánh này, cho Miền Trung Đông, và trên toàn thể gia đình nhân loại."
 
Ngày thứ Hai trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Israel
Thúy Dung
18:21 13/05/2009
Hôm 12/5/2009, ngày thứ 2 trong cuộc viếng thăm tại Israel và Palestine, Đức Thánh Cha đã có 6 hoạt động nổi bật tại thành Jerusalem.

Trước hết ngài viếng thăm Đền Thờ Mái Vòm Đá Tảng của Hồi Giáo, thăm vị Đại Mufti Hồi giáo, sau đó ngài viếng thăm Bức Tường Phía Tây của Do Thái, tức là Bức tường Than Khóc, rồi gặp hai vị Đại Rabbi của Jerusalem và các Rabbi khác tại Trung tâm Hechal Shlomo ở Jerusalem.

Lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha gặp gỡ và đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa nơi Nhà Tiệc ly ở Jerusalem, rồi kính viếng Nhà thờ Chính Tòa Công Giáo. Ban chiều vào lúc 4 giờ rưỡi, ngài cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại thung lũng Josaphat ở Jerusalem.

Đức Thánh Cha đến Đền Thờ Mái Vòm Đá Tảng vào lúc 9 giờ sáng. Sau lời chào mừng của vị Đại Mufti Muhammad Hussein, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với mọi người rằng:

“Những người tuyên xưng danh Chúa đều được ủy thác nhiệm vụ cố gắng không biết mệt mỏi để sống ngay chính, đồng thời noi gương tha thứ của Chúa, vì công lý và từ bi đều nhắm tới sự sống chung hòa hợp và an bình của gia đình nhân loại”.

“Giáo Hội tin chắc rằng sự viên mãn lời Chúa hứa cho tổ phụ Abraham là một mục tiêu phổ quát, bao trùm tất cả mọi người, không phân biệt nguồn gốc và giai tầng xã hội của họ. Trong lúc người Hồi giáo và Kitô tiếp tục cuộc đối thoại trong niềm tôn trọng lẫn nhau, tôi cầu nguyện để họ khám phá thấy rằng đặc tính duy nhất của Thiên Chúa gắn liền với sự hiệp nhất của toàn thể gia đình nhân loại”.

Liền đó, Đức Thánh Cha tiến sang Bức Tường Phía Tây chỉ cách đó 1 cây số. Đây là một mảnh tường Đền thờ Jerusalem. Khi Vua Hêrôđê cho tu bổ lại Đền thờ, ông cho nới rộng khu vực bao quanh và trong dịp đó, ông cho xây thêm và tu bổ bức tường nâng đỡ đền thờ. Tường này cao 15 mét, và vẫn tồn tại trong các thời kỳ sau đó. Xét về phương diện tinh thần, Bức Tường Phía Tây này, cũng gọi là Bức Tường Than Khóc, chính là con tim của Do Thái giáo, vì nhiều lý do lịch sử và tôn giáo.

Đến khu vực Bức Tường Phía Tây, Đức Thánh Cha đã được vị Rabbi Trưởng và Chủ tịch Tổ chức quản trị nơi thánh này của Do Thái giáo đón tiếp và tháp tùng ngài đến cạnh bức tường. Tại đây, Rabbi trưởng đã đọc một thánh vịnh bằng tiếng Do Thái, trước khi Đức Thánh Cha đọc thánh vịnh bằng tiếng la tinh, rồi cầu nguyện trong thinh lặng. Ngài nhét một miếng giấy nhỏ vào khe tường trên đó có viết lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa những vui mừng, hy vọng, ước mong, những cơ cực, đau khổ của toàn dân Chúa trên thế giới.

“Lạy Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacob, xin lắng tiếng kêu của những người sầu khổ, sợ hãi và túng thiếu, xin Chúa ban an bình cho Thánh Địa, cho miền Trung Đông, trên toàn thể gia đình nhân loại, xin đánh động tâm hồn của tất cả những người kêu cầu danh Chúa, để họ khiêm tốn tiến bước trên con đường công lý và cảm thông.

Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha được kết thúc bằng một câu trong sách Ai Ca,

“Thiên Chúa từ nhân đối với những người mong đời Ngài, cho các linh hồn tìm kiếm Ngài” (Ai Ca 3,25).

Sau đó, Đức Thánh Cha đã lên xe tiến về Trung Tâm Hechal Shlomo, cách đó 4 cây số, cạnh Đại Hội đường Do Thái Jerusalem. Tòa nhà hùng vĩ này cũng là trụ sở của tòa Đại Rabbi Israel, gồm hai vị Đại Rabbi Sefardita và Ashkenazita của Israel cùng với Tối cao pháp viện tôn giáo của nước này.

Sau khi hội kiến riêng với hai vị Đại Rabbi, Đức Thánh Cha đã gặp chung tại phòng hội nhiều Rabbi khác. Trong dịp này, ngài nói:

“Ngày hôm nay, tôi có dịp lập lại rằng Giáo Hội Công Giáo quyết tâm một cách không lay chuyển trong việc theo đuổi con đường đã chọn từ Công đồng chung Vatican 2 để đạt tới sự hòa giải chân thành và lâu bền giữa các tín hữu Kitô và Do Thái. Như Tuyên ngôn Nostra Aetate đã nêu rõ, Giáo Hội tiếp tục đề cao gia sản tinh thần chung giữa các tín hữu Kitô và Do Thái, và mong ước có sự cảm thông sâu xa và tôn trọng hơn qua các nghiên cứu Kinh Thánh và Thần Học, cũng như các cuộc đối thoại huynh đệ.”

Những lời trên đây của Đức Thánh Cha là câu trả lời cho một số nhân vật và tổ chức Do Thái trong thời gian qua cho rằng ngài và Tòa Thánh đã rời bỏ hướng đi của Công đồng Vatican 2 trong quan hệ với Do Thái, chẳng hạn qua vụ giải vạ tuyệt thông cho GM Williamson thuộc phe Công Giáo thủ cựu Lefebvre hoặc qua toan tính muốn hòa giải nhóm này với Giáo Hội Công Giáo.

Giã từ tòa Đại Rabbi của Do Thái giáo Israel, Đức Thánh Cha đã đến Nhà Tiệc Ly chỉ cách đó 2 cây số để gặp gỡ và đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các vị Thượng Phụ, Giám Mục, nói chung là các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa, trong đó có cả Cha Bề trên và đông đảo các tu sĩ dòng Phanxicô tại đây.

Lên tiếng sau khi hát kinh Chúa Thánh Thần và lời chào mừng của cha Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, Đức Thánh Cha nhắc đến một vấn đề lớn của Công đồng Kitô tại Thánh Địa, đó là hiện tượng các tín hữu Kitô di cư ra nước ngoài:

“Anh em Giám Mục thân mến, anh em hãy tin cậy nơi sự ủng hộ và khuyến khích của tôi trong lúc anh em làm tất cả những gì có thể để giúp các anh chị em Kitô ở lại và phát triển tại đây, nơi phần đất của tổ tiên và trở thành những sứ giả, những người thăng tiến hòa bình. Tôi đánh giá cao nỗ lực của anh em trong việc giúp đỡ họ giữ được vai trò của mình trong xã hội, như những công dân trưởng thành và có tinh thần trách nhiệm. Qua việc giáo dục, chuẩn bị nghề nghiệp và các sáng kiến xã hội và kinh tế, điều kiện sống của họ được nâng đỡ và cải tiến. Về phần tôi, tôi lập lại lời kêu gọi các anh chị em trên thế giới hãy hỗ trợ và nhớ đến các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa và Trung Đông trong kinh nguyện.”

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho các vị Bản quyền, Đức Thánh Cha đã về tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem và kính viếng Nhà thờ Chính Tòa Thánh Danh Chúa Giêsu của Tòa Thượng Phụ ở bên cạnh, cùng với 300 tín hữu hiện diện trong đó có nhiều chủng sinh và nữ tu, kể cả các chị thuộc các dòng chiêm niệm.

Chiều 12-5-2009, vào lúc gần 4 giờ rưỡi chiều, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ đầu tiên tại Israel cho 6 ngàn tín hữu tụ tập tại thung lũng Josaphat, đối diện với Vương cung thánh đường Giệtsimani và Vườn Cây Dầu. Đồng tế trong thánh lễ có 30 Hồng Y và Giám Mục cùng với hàng trăm Linh mục.

Thánh lễ bằng tiếng La Tinh, xen lẫn các bài đọc và thánh ca bằng tiếng Arập và Do Thái.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói đến những khó khăn các tín hữu Kitô đang phải chịu tại Thánh Địa, nhưng ngài mời gọi họ tiếp tục sống ơn gọi Kitô ngay tại Thánh Địa này. Ngài nói:

“Đứng trước anh chị em ngày hôm nay, tôi muốn nhìn nhận những khó khăn, thất vọng, đau khổ mà qua nhiều người trong anh chị em phải chịu do các cuộc xung đột tại phần đất này... Tôi hy vọng sự hiện diện của tôi tại đây là một dấu chỉ chứng tỏ anh chị em không bị quên lãng”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Thật là đau buồn vì bên dưới các bức tường của thành Jerusalem này, chúng ta được thúc đẩy nhận ra sự kiện là thế giới chúng ta đang sống còn quá xa sự thể hiện viên mãn lời tiên tri và lời hứa về thành Jerusalem này dường nào..Tại đây, tôi muốn trực tiếp nói đến một thảm trạng, vốn là nguồn lo âu cho những ai yêu mến thành thánh và đất nước này, đó là sự di cư của quá nhiều các tín hữu Kitô trong những năm gần đây. Hôm nay, tôi muốn lập lại điều đã nói trong những dịp khác rằng: tại thánh địa này phải có chỗ cho mọi người! Tôi thúc giục chính quyền hãy tôn trọng, nâng đỡ và đề cao giá trị sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại đây. Tôi cũng muốn bảo đảm với anh chị em về tình liên đới, yêu thương và nâng đỡ của toàn thể Giáo Hội và của Tòa Thánh.”
 
Đức Thánh Cha thăm Palestine
Nguyễn Việt Nam
19:30 13/05/2009
Sáng thứ Tư 13/05, Đức Thánh Cha đã đến thăm khu vực Tây Ngạn sông Jordan để bắt đầu chuyến thăm viếng Palestine trong một ngày.

“Tòa Thánh ủng hộ quyền của dân tộc Palestine được có một lãnh thổ có chủ quyền trong vùng đất của cha ông các bạn, một đất nước an ninh và hòa bình, với những đường biên giới được quốc tế công nhận”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài diễn văn trước tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại dinh tổng thống ở Bethlehem.

Trước đó một ngày Đức Thượng Phụ Fouad Twal cũng nói lên cùng một ý tuởng như thế dù thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu tỏ ra rất không hài lòng.

Từ Jerusalem, xe của Đức Thánh Cha đã vượt qua các trạm kiểm soát dày đặc của quân Do Thái để tiến vào khu vực Tây Ngạn sông Jordan. Tưởng cũng nên biết thêm là phần lãnh thổ Palestine này hiện nay vẫn còn thuộc vùng chiếm đóng của Do Thái.

Hàng trăm cảnh sát Palestine đã được huy động để bảo vệ Đức Thánh Cha trên các con đường dẫn đến Bethlehem nơi hàng chục ngàn người chào đón Đức Thánh Cha với những biểu ngữ như “Đức Giáo Hoàng của chúng ta là hy vọng của chúng ta”.

Tại Bethlehem, Đức Thánh Cha được tận mắt chứng kiến bức tường cao đến 8m bao quanh khu vực này. Người dân Palestine hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha thu hút sự chú ý của thế giới đến tình cảnh bất công họ phải chịu. Bên cạnh bức tường ngay trước quảng trường Máng Cỏ, người Palestine dựng lên một rạp hát lộ thiên để thu hút sự chú ý của phái đoàn Tòa Thánh và các ký giả quốc tế.

Sau cuộc gặp gỡ với tổng thống Mahmoud Abbas, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại quảng trường Máng Cỏ nơi hơn 2000 năm trước Ngôi Hai đã xuống thế làm người.
 
Tin AFP: Giáo sĩ Hồi giáo không hối hận về hành vi trịch thượng đối với ĐGH
Phụng Nghi
19:55 13/05/2009
JERUSALEM (AP) - Một giáo sĩ Hồi giáo, người đã trưng dụng diễn đàn trong một phiên họp với Đức giáo hoàng Benedict để xỉ vả cách đối xử thô bạo của Israel đối với người Palestine, ngày hôm qua cho biết rằng ông cất lên tiếng nói vì ông là người đại diện Hồi giáo.

Các viên chức Tòa thánh Vatican đã chỉ trích bài diễn từ lâu 5 phút của Sheik Taysir Tamimi vào chiều ngày thứ Hai vừa qua tại một phiên họp có chủ đích dùng làm nơi gặp gỡ giữa các tôn giáo. Đây là hành vi gây tranh cãi về chính trị đầu tiên được thực hiện trước sự hiện diện của ĐGH Benedict trong cuộc hành hương kéo dài 5 ngày của ngài tại Thánh Địa.

Tamimi nói rằng những người tổ chức đã không phân bổ cho ông thời giờ để nói, mặc dầu ông ngồi ngay trên diễn đài, và ông chỉ chỉnh đốn một điều sai trái bằng việc bước lên diễn đàn để thưa chuyện với Đức giáo hoàng. Một vị giáo sĩ Do thái trong cuộc họp cũng không được dự trù để lên tiếng.

Tamimi nói với thông tấn xã AP: “Tôi muốn bày tỏ nỗi thống khổ của dân tộc tôi và trình bầy những thủ đoạn chiếm đóng chống lại dân tộc Palestine. Nếu tôi đại diện Hồi giáo tại một phiên họp đối thoại mà tôi lại không nói gì, thì tôi chỉ là chiếc bàn chiếc ghế hay sao?”

Tamimi là người đứng đầu tòa án Hồi giáo ở Jerusalem, đó là một chức vụ tôn giáo cao cấp; ông được người Palestine theo Hồi giáo công nhận như một lãnh tụ.

ĐGH Benedict đã nói rằng ngài tới đây trong cương vị “người hành hương cổ võ hòa bình”, và cuộc dừng chân nơi đây đã được sắp đặt cẩn thận từ trước. Nhưng ngài không thể tránh khỏi những chông gai cạm bẫy khi cả người Israel lẫn Palestine đều ồn ào la lối muốn trình bầy câu chuyện của họ. Tại Israel, những người chỉ trích nói rằng vị giáo hoàng sinh trưởng tại nước Đức này đã không bày tỏ niềm ân hận vì cuộc diệt chủng Do thái. Còn người Palestine lại muốn ngài nói về những nỗi khổ đau của họ dưới quyền thống trị về quân sự của Israel.

Tamimi đã chiếm diễn đàn ngay trước khi diễn giả cuối cùng buổi chiều hôm đó sắp bước lên. Nói bằng tiếng Ả rập, ông hoan nghênh vị giáo hoàng đã tới Jerusalem, “thủ đô vĩnh cửu về tinh thần, quốc gia và chính trị của Palestine.”

ĐGH Benedict – không nói được tiếng Ả rập – lúc đó đang ngồi trên một chiếc ghế bành màu trắng trên diễn đài, cùng với Thượng phụ Fouad Twal theo nghi lễ Latinh, Tamini và Giáo sĩ Shear-Yashuv Cohen (là giáo trưởng Do thái vùng Haifa). Đại diện các nhóm tôn giáo khác ngồi trong hàng ghế thính giả, một số vị có bận phẩm phục.

Tamimi, mặc chiếc áo mầu đen, đội mũ đỏ có vành trắng, phát biểu bằng tiếng Ả rập rằng người Hồi giáo và Kitô giáo cùng chịu khổ đau dưới sự chiếm đóng của Israel và đều mong mỏi có được một quốc gia Palestine.

Ông tố cáo Israel đã tịch thu đất đai của người Palestine để xây dựng những khu định cư cho người Do thái và ngăn cản các tín đồ không được đi tới những địa điểm linh thánh của họ. Ông nói các hàng rào cản để phân cách đã biến vùng Đông Ngạn thành “một nhà tù khổng lồ”.

Israel đã bắt đầu xây dựng hàng rào cản, đó là một phối hợp những bức tường bằng bê tông, hào sâu và dây kẽm gai, tiếp theo sau một loạt những vụ đánh bom tự sát ở Israel do người Palestine ở vùng Đông Ngạn thực hiện. Nhưng những người Palestine phản đối bởi vì đường đi của hàng rào cản lấn vào phần đất của vùng Đông Ngạn ở nhiều chỗ.

Israel nói rằng hàng rào cản chỉ để ngăn chận những tên khủng bố tấn công, những người Palestine lại cho rằng đó là hành động chiếm đoạt đất đai.

Tamimi cũng chỉ trích cuộc tấn công vào Dải Gaza mới đây của Israel, giết hại hơn 1000 người Palestine trong vòng ba tuần lễ.

Ông nói: “Thưa ngài giáo hoàng, tôi kêu gọi ngài nhân danh một Thượng Đế, hãy lên án những tội ác đó và làm áp lực lên chinh quyền Israel để họ ngưng sự xâm luợc chống lại dân tộc Palestine.”

Một người khác trong nhóm hội thảo đã cố gắng tới ba lần để ngắt lời Tamimi; bài diễn từ của ông này được một số người lẻ tẻ trong đám thính giả tán thưởng.

Cuối cùng, Tamimi bước tới bắt tay ĐGH Benedict..

Đức giáo hoàng không có phản ứng nào rõ rệt. Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh, nói rằng Đức giáo hoàng không hiểu Tamimi nói gì.

Cha Lombardi gọi hành động của ông này “trực tiếp là một điều tiêu cực trong cuộc đối thoại.”

Cha nói: “Chúng tôi hy vọng rằng vụ việc như thế sẽ không làm tổn hại đến sứ vụ của Đức thánh cha nhằm triển dương hòa bình và đối thoại giữa các tôn giáo, như ngài đã có nhiều dịp khẳng định rõ rệt trong cuộc hành hương này.”

Trong bài diễn văn, ĐGH Benedict nói rằng những sự bất đồng chẳng nên làm cho các tín đồ chia rẽ nhau, nhưng “cung ứng một cơ hội tốt đẹp cho những người thuộc các tôn giáo khác nhau sống chung trong niềm tương kính, quý trọng và nhận thức sâu xa, cùng khuyến khích nhau đi trên các bước đường của Chúa.”

Oded Weiner, tổng giám đốc của Phủ Tổng quyền giáo sĩ Do thái, nói rằng bài diễn từ của Tamimi chứng tỏ với Đức giáo hoàng rằng “sứ vụ mà ngài tự gánh vác để thăng tiến hòa giải và đối thoại trong vùng đất của chúng tôi thật là khó khăn như thế nào.”
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI là ngôi sao hy vọng tại Bê Lem
Bùi Hữu Thư
23:19 13/05/2009

Đức Thánh Cha Benedict XVI là ngôi sao hy vọng tại Bê Lem



Bê Lem, Lưu Vực Phía Tây (West Bank), ngày 13, tháng 5, 2009
(Zenit.org).- Đại diện giám đốc Cơ Quan Hành Hương của Tòa Thánh cho hay, cuộc viếng thăm Bê Lem của Đức Thánh Cha Benedict XVI hôm nay có một mục tiêu chính: trao ban niềm hy vọng cho những người dân phải chịu đựng bao nhiêu thử thách này.

Linh mục Caesar Atuire, thuộc tổ chức Opera Romana Pellegrinaggi, cơ quan của Vatican có sứ mệnh truyền giáo qua du lịch mục vụ và sứ vụ hành hương, nói với hãng thông tấn ZENIT về chuyến viếng thăm Bê Lem vào ngày thứ năm của cuộc hành hương Đất Thánh của Đức Thánh Cha.

Cha nói, thành phố nơi Chúa Giêsu sanh ra “đã sống qua một ngày giống như ngày Lễ Giáng Sinh.” Và đúng như vậy, trong thánh lễ, Đức Thánh Cha cử hành tại Công Trường Máng Cỏ, người ta có thể nghe thấy các bài thánh ca Noen.

Cha Atuire nói, "Thấy dân chúng ở đây, nghe tiếng hát của họ, hôm nay chúng ta ý thức được là Đức Thánh Cha đã đem đến cho miền đất này một điệp văn về niềm hân hoan, để khuyến khích dân chúng ở đây vì họ đã phải sống còn qua bao nhiêu cuộc tranh chấp.” Đức Thánh Cha đã nhắc lại điều Phúc Âm Thánh Luca viết, là Chúa Giêsu sẽ là một dấu hiệu của sự tương phản.

"Hôm nay cũng như thực tại về Bê Lem là một dấu hiệu của sự tương phản, nhưng không thể là một dấu hiệu tương phản không có hy vọng. Như thế, điều Đức Thánh Cha nói hôm nay là điệp văn của Chúa Giêsu, có thể là niềm hy vọng cho hòa bình và tương lai của những người dân này."

Hy vọng cho cả Gaza nữa

Cha Atuire, đang tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến đi dài một tuần lễ, cho hay cha đặc biệt xúc động bởi những lời Đức Thánh Cha Benedict XVI nói với các nạn nhân của cuộc chiến mới đây tại Gaza.

Cha giải thích, " Đức Thánh Cha nói lên sự tương trợ của ngài đối với tất cả những nạn nhân của cuộc chiến này và, vì thế, sau Thánh Lễ ngài đã dừng lại để tiếp một phái đoàn đến từ Gaza để tham dự Thánh Lễ.”

Cha cũng cho hay cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại trại tị nạn Aida cũng là một nghiã cử tương tự.

Cha ghi nhận, "Trại tị nạn là một nhắc nhớ về những đau thương dân chúng ở đây phải chịu đựng,” và tiếp rằng những người bị ép buộc phải sống trong các trại tị nạn này vì cuộc chiến giữa Do Thái và Palestin đang sống tại đây “không có hy vọng và không có đất đai."

Cha nói, "Thật vậy, một dân nước sống không có đất đai là một dân bị mất quyền thừa tự. Khi đến thăm họ, Đức Thánh Cha ban cho họ một điệp văn của niềm hy vọng."

Cha Atuire giải thích, “Niềm hy vọng này ám chỉ việc thừa nhận dân quyền của người Palestin, trong đó có quyền có đất đai làm quê hương.” Đức Thánh Benedict XVI đã khẳng định điều này với Tổng Thống Palestin Mahmoud Abbas.

Cha Father Atuire kết luận, "Người dân Palestin có thể đạt được quyền thống trị này, vì cần thiết để hoàn thành các dự án phát triển, công lý và hòa bình cho toàn thể mọi dân nước trong lãnh thổ này."
 
Đức Thánh Cha kêu gọi dẹp bỏ mọi bức tường phân cách
Linh Tiến Khải - Trần Đức Anh
23:53 13/05/2009
Đức Thánh Cha kêu gọi dẹp bỏ mọi bức tường phân cách, thắng vượt thù hận bạo lực và dấn thân xây dựng hai quốc gia để người Israel và Palestine sống chung trong hòa bình và an ninh.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong ngày thứ 3 viếng thăm Thánh Địa. Hôm thứ tư 13-5-2009 Đức Thánh Cha đã có bốn sinh hoạt chính là thánh lễ ngài cử hành cho các tín hữu tại quảng trường Giáng Sinh lúc 10 giờ sáng. Vào ban chiều Đức Thánh Cha đã viếng thăm Hang Đá Giáng Sinh Bếtlehem và nhà thương Caritas Nhi đồng, trại tị nạn Aida và thăm xã giao tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Lúc 8.45 sáng Đức Thánh Cha đã lên xe rời Giêrusalem để đến Bếtlehem, cách đó 10 cây số. Xe chở Đức Thánh Cha vượt biên giới giữa Israel và vùng đất của người Palestine. Đất của người Palestine bao gồm hai vùng cách nhau 30 cây số là Cisgiordani, giáp giới với Israel và Giordania, và Gaza giáp giới với Israel và Ai Cập. Vùng đất này đã được Liên Hiệp Quốc thừa nhận, theo sau Hiệp định Oslo ký kết ngày 28 tháng 8 năm 1993 giữa chính quyền Israel và Tổ chức Giải Phóng Palestine, qua trung gian của chính quyền Na Uy. Chính phủ Palestine đặt trụ sở tại Ramallah trong vùng Cisgiordani, do ông Mahmoud Abbas làm Tổng thống. Ông Abbas đã mãn nhiệm ngày 15 tháng giêng năm 2008, nhưng được lưu nhiệm thêm một năm.

Bếtlehem cách Giêrusalem 10 cây số là thành phố có 35.000 dân. Tên gọi do thái ”Beit Lekhem” có nghĩa là ”Nhà của Bánh”, còn tên gọi tiếng A Rập ”Beit Lahm” có nghĩa là ”Nhà của Thịt”. Bếtlehem nằm trên con lộ dẫn vào sa mạc Negheb ở trên độ cao 765 mét. Sản phẩm chính của vùng Bếtlêhem phát xuất từ nông nghiêp, chăn nuôi, và thủ công nghệ, trong đó có các kỷ vật và ảnh tượng bằng gỗ cây ô liu. Địa danh Bếtlhem được nhắc tới lần đầu tiên trong chương 35 sách Sáng Thế, kể lại biến cố bà Rakhel qua đời và được chôn cất tại đây (ST 35,19). Kinh Thánh gọi nơi này là ”Bếtlehem của Giuđa”, vì là đất thuộc chi tộc Giuđa. Vua Đavít đã sinh ra và được ngôn sứ Samuel xức dầu thánh hiến làm vua tại đây. Biến cố Chúa Giêsu giáng sinh đã khiến cho Bếtlehem có tầm quan trọng quốc tế và lôi cuốn tín hữu hành hương. Năm 135 hoàng đế Adirano du nhập việc tôn thờ thần Adone với chủ ý xóa bỏ các dấu vết kitô tại Bếtlehem, nhưng năm 330 hoàng đế Constantino trả Bếtlehem lại cho kitô hữu. Từ đó Bếtlehem cũng trở thành một trung tâm viện tu. Năm 384 thánh Girolamo đã đến sống tại đây và dịch Kinh Thánh Do thái ra tiếng Latinh. Sau cuộc đánh chiếm của người A rập năm 638, Califo Omar thi hành chính sách khoan nhượng tôn giáo. Nhưng năm 1099 khi nghe tin các đạo binh Thập Tự đến gần người, Hồi đã phá hủy thành phố. Năm 1110 vị vua Giêrusalem đầu tiên là Baudoin đã được thánh hiến tại Betlehem.

Năm 1187 thành phố bị người Hồi chiếm đóng, rồi rơi vào tay của đế quốc Ottoman và tàn lụi. Vào năm 1600 Bếtlehem chỉ là một làng nhỏ. Đầu thế kỷ XIX đa số dân là tín hữu kitô. Năm 1831 vua Ai Cập là Mohammad Ali đánh chiếm Bếtlehem và đuổi các người Hồi liên minh với đế quốc Ottoman rồi đốt khu phố của họ. Sau đó Bếtlehem thuộc quyền nhà Hashemita của Giordania cho tới năm 1967, khi Bếtlehem và vùng Cisgiordania bị quân đội Israel chiếm đóng. Sau hiệp định Oslo từ năm 1995 Bếtlehem thuộc vùng đất của người Palestine. Chủ tịch Yasser Arafat đã xây dinh tổng thống tại Bếlehem, và thành phố đã trở thành trung tâm của các cuộc lễ trong Năm Thánh 2000, với việc khánh thành viên bảo tàng trưng bầy 230 máng cỏ đẹp và nổi tiếng nhất thế giới, do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

Lễ nghi tiếp đón Đức Thánh Cha đã diễn ra tại quảng trường trước dinh tổng thống Palestine. Đức Thánh Cha và tổng thống Abbas đã duyệt hàng chào danh dự. Sau khi ban quân nhạc cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Palestine và giới thiệu phái đoàn hai bên, tổng thống Mahmoud Abbas đã chào mừng Đức Thánh Cha.

Tổng thống sinh tại Safad năm 1935, trong cuộc chiến năm 1948 ông cùng gia đình lánh nạn sang Siria. Ông Alias Abu Mazen đã theo học tại các đại học Damasco, Cairo và lấy tiến sĩ tại đại học Patrice Mulumba bên Matscơva. Từ năm 2004 ông là Chủ tịch tổ chức Giải Phóng Palestine sau khi Chủ tịch Arafat qua đời. Từ năm 2005 ông là tổng thống chính quyền Palestine với nhiệm kỳ 4 năm, được kéo dài thêm một năm nữa. Tổng thống có vợ và 3 con.

Đáp lời tổng thống, Đức Thánh Cha thân ái gửi lời chào tới toàn dân Palestine và bầy tỏ lòng trắc ẩn của ngài đối với những khổ đau họ phải gánh chịu, đặc biệt trong chiến cuộc mới đây tại vùng Gaza. Ngài khích lệ họ can đảm hy vọng và dấn thân hoạt động để đạt tới một giải pháp công bằng là hai quốc gia sống cạnh nhau trong hòa bình và an ninh dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và các quyền của mọi người. Đức Thánh Cha cũng cầu mong tình hình an ninh được cải tiến để người dân có thể tự do di chuyển. Ngài cũng hy vọng với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế việc tái thiết được tiến hành nhanh chóng và cho phép người trẻ đóng góp tài năng và lòng hăng say của họ cho việc xây dựng xã hội. Đức Thánh Cha đã đặc biệt hướng tới người trẻ và khuyến khích họ đừng nhượng bộ chước cám dỗ của bạo lực, nhưng biết xây dựng một tương lai tích cực. Ngài nói:

”Tôi biết các bạn đã đau khổ và tiếp tục đau khổ chừng nào vì các giao dộng đã gây tang thương cho vùng đất này từ bao thập niên qua. Tôi hướng lòng tới tất cả mọi gia đình đã mất nhà cửa. Chiều này tôi sẽ đi thăm trại tị nạn Aida để bầy tỏ tình liên đới của tôi đối với dân tộc đã mất mát qúa nhiều như thế. Với những bạn đang than khóc vì mất gia đình và các người thân trong các thù nghịch, đặc biệt trong cuộc xung đột mới đây tại Gaza, tôi bảo đảm với các bạn sự cảm thương sâu xa và lời cầu nguyện hàng ngày của tôi. Thật thế tôi đem tất cả các bạn vào trong lời cầu hàng ngày của tôi, và tôi tha thiết khẩn nài Chúa ban hòa bình, một nền hòa bình công chính và lâu bền cho các vùng đất của người Palestine và toàn vùng này... Các bạn đừng để cho các mất mát sự sống và các tàn phá, mà các bạn đã chứng kiến, khơi dậy các cay đắng hay thù hận trong lòng. Hãy can đảm chống lại mọi cám dỗ sử dụng bạo lực hay khủng bố phá hoại. Trái lại, hãy làm sao để cho tất cả những gì các bạn kinh nghiệm, canh tân sự quyết tâm xây dựng hòa bình. Hãy làm sao để nó làm cho các bạn tràn đầy ước mong sâu thẳm cống hiến phần đóng góp lâu dài cho tương lai của đất Palestina, để nó có thể có một chỗ đứng đúng đắn trong bối cảnh thế giới”.

Đức Thánh Cha cũng bầy tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với tương lai chính trị trong vùng và nói với tổng thống Abu Mazen như sau:

”Kính thưa tổng thống, Tòa Thánh chia sẻ ước mong của Tổng thống và của dân tộc Tổng thống là có được một quê hương Palestine tối thượng trên đất của tổ tiên, an ninh và hòa bình với các dân tộc chung quanh trong các biên giới được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Cả khi trong hiện tại mục tiêu đó xem ra xa vời chưa được hiện thực, tôi xin khích lệ tổng thống và dân tộc của tổng thống duy trì sống động ngọn lửa hy vọng, hy vọng có thể tìm ra một con đường gặp gỡ giữa các khát vọng hợp pháp của người Israel cũng như của người Palestine, khát vọng hòa bình và ổn định. Như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã nói: ”không thể có hòa bình mà không có công lý, không thể có công lý mà không có sự tha thứ”, tôi van nài tất cả mọi phía liên lụy trong cuộc xung khắc cổ xưa này bỏ qua một bên mọi hận thù và đối kháng còn đang cản ngăn cản đường hòa giải, để đi tới với tất cả mọi người với lòng quảng đại, cảm thương và không kỳ thị”.

Lễ nghi chào đón kết thúc, Đức Thánh Cha đi đến quảng trờng Máng Cỏ nằm cách đó 2,5 cây số để chủ sự thánh lễ cho tín hữu. Đây cũng là quảng trường chính của thành phố Bếtlehem. Chung quanh có Tòa Thị Sảnh, một đền thờ Hồi giáo và Trung Tâm Hòa Bình. Từ quảng trường này có đường các Mục Đồng dẫn ra nơi thiên thần đã hiện ra báo tin Chúa Cứu Thế giáng sinh, trong làng Beit Shahur, Đường Hang Đá Sữa là đền thánh kính nơi Đức Mẹ dừng lại cho Chúa Hài Nhi bú khi trốn sang Ai Cập, đường Phaolô VI kỷ niệm chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI ngày 6 tháng giêng năm 1964.

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh và A Rập có sự tham dự của tổng thống và chính quyền Palestine, cũng như các giới chức xã hội và tôn giáo khác, cùng hàng chục ngàn tín hữu. Đức Thượng Phụ Latinh Fouad Twal đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã cảm tạ Chúa đã cho ngài đến Bếtlehem để tôn kính nơi Chúa Kitô giáng sinh và gặp gỡ các anh chị em trong lòng tin trên đất Palestina. Đức Thánh Cha đặc biệt hướng tới các anh chị em đến từ vùng Gaza, và xin họ chuyển tới mọi người lời chào của Ngài, nỗi buồn thương và sự chia sẻ của ngài đối với các mất mát và khổ đau họ phải chịu, cũng như tình liên đới và lời cầu nguyện của ngài cho công tác tái thiết vùng này.

Quảng diễn các bài đọc và duyệt lại những gì Kinh Thánh nói về Bếlehem Đức Thánh Cha khẳng định rằng ”Trong chương trình của Thiên Chúa, Bếtlehem tuy ”nhỏ nhất trong các làng mạc của Giuda” (Mk 5,2), nhưng đã trở thành một nơi của vinh quang bất tử: nơi, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã chọn trở thành người để chấm dứt vương quốc của tội lỗi và cái chết, và đem đến cho thế giới già nua mệt mỏi, bị áp bức bởi tuyệt vọng, sự sống mới tràn đầy. Đối với các người nam nữ khắp mọi nơi, Bếtlehem được gắn liền với sứ điệp tươi vui của tái sinh và canh tân, của ánh sáng và tự do. Nhưng lời hứa tuyệt diệu đó xem ra xa vời và chưa được hiện thực. Vương quốc hòa bình an ninh công bằng và toàn vẹn, mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, xem ra xa xôi qúa!... Nhưng tại Bếlehem này, cho dù giữa mọi thứ mâu thuẫn, các viên đá vẫn tiếp tục kêu lên ”tin vui” cứu độ mà hơn mọi thành thị khác thành phố này được mời gọi loan báo cho thế giới. Và tin mừng Bếtlehem mời gọi chúng ta trở thành các chứng nhân sự chiến thắng của tình yêu của Thiên Chúa trên thù ghét, ích kỷ, sợ hãi và oán hờn, khiến cho các tương quan của con người bị què quặt đi và tạo ra chia rẽ tại những nơi mà anh em đáng lý ra phải sống hiệp nhất, tạo ra tàn phá nơi đáng lý ra con người phải xây dựng, tạo ra thất vọng nơi đáng lý ra hy vọng phải nở hoa.

Lấy lại lời các thiên thần nói với mục đồng xưa kia Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người như sau:

”Đừng sợ hãi! Đó là sứ điệp mà người Kế Vị Thánh Phêrô ước mong để lại cho anh chị em hôm nay, vang vọng lại sứ điệp của các thiên thần và của Đức Gioan Phaolô II kính yêu đã để lại cho anh chị em trong Năm Thánh kỷ niệm 2000 năm Chúa Kitô sinh ra. Xin anh chị em hãy tin nơi lời cầu nguyện và tình liên đới của các anh chị em khác trong Giáo Hội hoàn vũ, và làm việc với các sáng kiến cụ thể để củng cố sự hiện diện của anh chị em và cống hiến các khả thể mới cho những người bị cám dỗ bỏ ra đi. Hãy là cây cầu của sự đối thoại và cộng tác xây dựng nền văn hóa hòa bình thay thế cho tình trạng sợ hãi, hiếu chiến và bị tước đoạt. Hãy xây dựng các Giáo Hội địa phương, khiến cho chúng trở thành các nơi thực hành đối thoại, sự khoan nhượng và hy vọng, cũng như tình liên đới và lòng bác ái cụ thể.

Nhưng trên hết và trước hết, anh chị em hãy là các chứng nhân của quyền năng sự sống, sự sống mới mà Chúa Kitô phục sinh trao ban, sự sống có thể soi sáng và biến đổi cả bóng tối và các tình trạng tuyệt vọng của con người. Đất nước của anh chị em không chỉ cần có cơ cấu kinh tế mới và các cơ sở thiêng liêng hạ tầng mới mà thôi, nhưng quan trọng nhất là khả năng thu hút năng lực của các người thiện chí phục vụ giáo dục, phát triển và thăng tiến thiện ích chung. Anh chị em có khả thể xây dựng nền văn minh hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, và bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái anh chị em. Nhiệm vụ cao qúy này đang chờ đợi anh chị em. Đừng sợ”.

Vương cung thánh đường Bếtlehem cổ kính trơ gan cùng tuế nguyệt và các ngọn gió của lịch sử cũng như sức nặng của thời gian là bằng chứng cho chúng ta thấy chiến thắng của lòng tin trên thế giới. Ai viếng thăm nhà thờ cũng đều nhận thấy cửa vào ngày càng hẹp hơn. Hôm nay chúng ta hãy dấn thân làm sao để cho cánh cửa dẫn vào mầu nhiệm Thiên Chúa ở giữa loài người, đền thờ sự hiệp nhất của chúng ta với Người và thế giới của hòa bình và niềm vui vĩnh cửu, ngày càng rộng mở để tiếp đón mọi con tim nhân loại, để canh tân và biến đổi nó.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, A Rập và Do thái. Ca đoàn cũng đã hát mấy bài thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng quốc tế. Đức Thánh Cha đã cho một số tín hữu hữu rước lễ.

Thánh lễ đã kết thúc lúc 12 giờ trưa. Sau khi chào từ biệt các tín hữu Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đến Tu viện Nhà Mới của các cha dòng Phanxicô nằm cách đó 100 mét để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt vào ban chiều. Nhà Mới là trung tâm đón tiếp khách hành hương đươc xây năm 1908, được nới rộng vào năm 1986 và hoàn toàn độc lạp với tu viện. Trung tâm này có thể đón tiếp 129 du khách hành hương. Trong tu viện bên cạnh có 38 tu sĩ Phanxicô sinh sống.

Vào lúc 15,15 Đức Thánh Cha đã đến kính viếng Hang Đá nơi Chúa Giêsu đã sinh ra cách đây hơn 2000 năm. Đức Thánh Cha xuống thăm Hang Đá từ lối vào bên trong của nhà thờ kính thánh nữ Catarina. Hang đá Giáng Sinh hình chữ nhật, dài 12 mét rộng 3 mét cao 3 mét, được lát bằng các miếng thạch ma do tổng thống Pháp Mac Mahon tặng năm 1874 để chống hỏa hoạn. Bên dưới Bàn thờ Giáng Sinh, thuộc tín hữu chính thống, có lát cẩm thạch với hình ngôi sao bằng bạc ghi dấu nơi Chúa Giêsu sinh ra với hàng chữ la tinh ”Hic de Vergine Maria Jesus Christus natus est - Nơi đây Đức Giêsu Kitô đã sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria”. Bên phải là Hang Đá Ba Vua với bàn thờ của các cha Phanxicô, nơi các linh mục công giáo có thể cử hành thánh lễ.

Bên trên Hang Đá Giáng Sinh là Vương cung thánh đường Giáng Sinh. Nhà thờ đầu tiên do hoàng đế Constantino xây năm 326. Năm 450 nhà thờ được hoàng đế Giustiniano trang hoàng với nền khảm đá mầu. Vào năm 614 các đạo binh Ba Tư đã không đốt phá đền thờ, vì họ trông thấy hình Ba Vua tạc ở mặt tiền nhà thờ mang phẩm phục Ba Tư. Trong các năm đầu tiên sau khi chiếm đóng Bếtlêhem, người Hồi rất tôn trọng nơi này và các lễ nghi phụng tự kitô. Califo Omar đến cầu nguyện ở nơi thánh dâng kính Đức Miriam mẹ của ngôn sứ Issa. Issa là tên của Đức Giêsu trong Kinh Coran Hồi giáo.

Vào thời Thập Tự quân, vương cung thánh đường được trang hoàng lộng lẫy vì sự cộng tác của các vua Giêrusalem với hoàng đế Bisantin Constantnopoli. Đó là thời kỳ có các tương quan rất tốt đẹp giữa hai Giáo Hội Latinh và Chính thống hy lạp. Năm 1187 vương quốc La tinh sụp đổ, vua Hồi giáo Saladino tôn trọng Vương cung thánh đường và cho phép mở cửa lại vài năm sau đó, nhưng với điều kiện phải nộp thuế. Năm 1347 các tu sĩ Phanxicô thay thế các kinh sĩ Agostino trông coi Vương cung thánh đường và Hang Đá Giáng sinh.

Bắt đầu từ thế kỷ thứ XVI các tương quan giữa các tín hữu chính thống hy lạp và các tu sĩ Phanxicô cũng bị ảnh hưởng bởi liên hệ có khi căng thẳng có khi thân hữu giữa Sultan Ottoman và các Cộng Hòa miền biển của Italia. Hồi thế kỷ XIX một sắc lệnh của chính quyền Ottoman xác định quyền của ba Giáo Hội Latinh, Chính Thống Hy Lạp và Chính Thống Armeni trên Hang Đá Giáng Sinh và Vương Cung Thánh Đường Giáng Sinh, mỗi Giáo Hội một phần.

Sau khi viếng thăm và cầu nguyện tại Hang Đá Giáng Sinh Đức Thánh Cha đã đến thăm Nhà thương Nhi đồng Caritas, cách đó 2 cây số. Nhà thương này được thành lập năm 1978 và được Hiệp hội Thụy sĩ ”Cứu giúp trẻ em Bếtlehem” tài trợ.

Nhưng nguồn gốc của nó bắt đầu hồi năm 1952, khi linh mục Ernst Schnydrig đến hành hương và tham dự thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh. Cha gặp một người A Rập đang chôn cất đứa con nhỏ trong vùng đồng lầy. Cha kể lại cho mấy người bạn nghe và họ cùng nhau thực hiện giấc mộng là thành lập một nhà thương trợ giúp trẻ em. Cha thuê hai phòng trọ, rồi đi tìm được 14 các trẻ em đau yếu trong các làng chung quanh. Cha đem chúng về và trả lương cho một bác sĩ săn sóc các em. Nhà thương nhi đồng Bếtlehem nảy sinh từ đó. Cha Schnydrig đã qua đời tại Freiburg, mười mấy ngày trước lễ khánh thành nhà thương. Hằng năm có 4.000 trẻ em được săn sóc và 30.000 em được khám bệnh tại nhà thương này. Nhân sự gồm 20 bác sĩ, 6 nữ tu Phan Sinh Padova và 200 cộng sự viên.

Đức Thánh Cha đã được Đức Cha Robert Zollitsch, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức và Đức Cha Kurt Koch, Giám Mục giáo phận Basel, cũng như ông Chủ tịch HIệp Hội ”Trợ giúp trẻ em, ông Chủ tịch Hội đồng quản trị và Mẹ bề trên cộng đoàn tiếp đón. Đức Thánh Cha đã thăm khu vực của trẻ sơ sinh và nhà nguyện.

Phát biểu trong dịp này Đức Thánh Cha ca ngợi công tác phục vụ vô cùng qúy báu mà nhà thương nhi đồng dành cho các trẻ em Bếlehem và toàn đất Palestina trong hơn 50 năm qua. Nó là một ốc đảo an bình và yêu thương đối với các người đễ bị thương tích nhất là các trẻ em, và là một đèn pha hy vọng cho thấy tình yêu thương chiến thắng thù hận và hòa bình chiến thắng bạo lực. Đức Thánh Cha khích lệ các bác sĩ, y tá và nhân viên trong công tác bác ái này và ngài nói ngài nhớ đến họ trong lời cầu mỗi ngày. Ngài cũng an ủi các trẻ em, gia đình các em và cầu mong hòa bình mau trở lại trên vùng đất này.

Rời nhà thương Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đến thăm trại tị nạn Aida cách đó 2 cây số. Đây là 1 trong số 8 trại tị nạn tiếp đón 1, 3 triệu người Palestine trong hai đợt chính là chiến tranh năm 1948 và sau trận chiến 6 ngày với Israel năm 1967. Trong các vùng đất của người Palestine có từ 3 tới 4 triệu người tị nạn. Thống kê Văn phòng tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc cho biết trong năm 2008 có 4,6 triệu người tị nạn: Giordania có 1,5 triệu trong đó có 329 ngàn người sống trong 10 trại; nửa triệu sống trong 19 trại vùng Cisgiordani, 1 triệu sống trong 8 trại dải Gaza, 409 ngàn sống trong 12 trại bên Libăng, và 120 ngàn sống trong 9 trại bên Siria.

Ngoài ra tưởng cũng nên biết là Hội Giáo Hoàng Truyền giáo cho Palestina đã được thành lập hồi năm 1949 và có trụ sở chính tại New York và các văn phòng ở Roma, Giêrusalem, Amman và Beirut. Trại tị nạn Aida hiện có 5.000 người trong đó có 14 gia đình kitô. Tổng thống Abu Mazen đã tháp tùng Đức Thánh Cha.

Ngỏ lời với dân chúng trong trại tại nạn, Đức Thánh Cha chia sẻ nỗi đau khổ của họ cũng như của toàn dân Palestine, cũng như hỗ trợ mong ước của họ được sống trong một quốc gia an bình. Ngài cũng ca ngợi hoạt động của các tổ chức cứu trợ, các dòng tu, đồng thời kêu gọi cả hai phía, Israel và Palestine, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, can đảm phá vỡ cái vòng bạo lực và tình trạng hiện nay. Đức Thánh Cha nói:

”Nhân dân tại trại tị nạn này, tại các lãnh thổ này và toàn miền này mong mỏi hòa bình dường nào! Trong những ngày này, ước muốn hòa bình ấy càng trở nên nồng nhiệt hơn trong khi anh chị em nhớ lại những biến cố hồi tháng 5 năm 1948, và những năm tháng trong cuộc xung đột cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, tiếp theo các biến cố ấy. Giờ đây anh chị em đang sống trong tình trạng bấp bênh và khó khăn, với những cơ may hạn hẹp trong việc tìm công ăn việc làm. Thật là dễ hiểu khi anh chị em thường cảm thấy bất mãn, thất vọng. Khát vọng hợp pháp của anh chị em mong được một tổ quốc trường tồn, một quốc gia Palestine độc lập, cho đến nay vẫn chưa được toại nguyện. Trái lại, anh chị em cảm thấy bị kẹt, - như nhiều người tại miền này và trên thế giới, - trong một cái vòng bạo lực, tấn công và phản công, báo thù và tàn phá liên tục. Toàn thế giới nồng nhiệt mong ước cái vòng lẫn quẩn ấy bị phá vỡ, mong cho hòa bình chấm dứt sự thù nghịch vạn niên. Bức tường cao bao quanh chúng ta trong lúc chúng ta tụ họp nhau tại đây chiều hôm nay, chắc chắn nhắc nhở về tình trạng bế tắc trong quan hệ giữa người Israel và Palestine.

Trong thế giới ngày nay các biên giới dường như ngày càng mở rộng cho thương mại, du lịch, sự di chuyển của dân chúng, những trao đổi văn hóa, thật là một điều bi thảm khi thấy những bức tường còn được dựng lên. Chúng ta mong ước dường nào được thấy những thành quả của công tình khó khăn xây dựng hòa bình! Chúng ta cầu nguyện sốt sắng dường nào để sớm chấm dứt những xung đột và thù nghịch gây ra việc dựng lên bức tường này!”

Đức Thánh Cha nhận định rằng: ”Từ cả hai bên bức tường đều cần có lòng can đảm lớn lao để vượt thắng sợ hãi và nghi kỵ, nếu muốn chống lại nhu cầu báo thù vì những mất mát và thương tổn. Cần có lòng đại đảm để tìm kiếm sự hòa giải sau bao năm xung đột võ trang. Nhưng lịch sử dạy cho chúng ta rằng hòa bình chỉ đến, khi những phe xung đột sẵn sàng đi xa hơn những trách móc và cùng nhau làm việc cho những mục tiêu chung, mỗi người thực tâm để ý đến những lo âu và sợ hãi của phía bên kia, và cố gắng kiến tạo một bầu không khí tin tưởng. Cần có thiện chí để đề ra những sáng kiến có tinh thần sáng tạo và táo bạo để hòa giải. Nếu mỗi bên ưu tiên nhấn mạnh những nhượng bộ mà phe kia phải làm, thì kết quả sẽ là một ngõ cụt.

Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha cũng đề cao tầm quan trọng của việc cứu trợ nhân đạo trong trại tị nạn, nhưng ngài khẳng định thêm rằng giải pháp dài hạn cho cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel chỉ có thể là giải pháp chính trị. Không ai nghĩ rằng người Palestine và Israel tự mình có thể đạt tới giải pháp đó, vì thế sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là điều tối quan trọng, do đó - ngài nói: ”Tôi tái kêu gọi tất cả các phe liên hệ hãy dùng ảnh hưởng của mình để giúp đạt tới một giải pháp chính đáng và lâu bền, tôn trọng những yêu cầu hợp pháp của mọi phía, và phù hợp với công pháp quốc tế. Nhưng mọi nỗ lực ngoại giao của quốc tế chỉ đạt thành qủa, nếu người Palestine và Israel quyết chí phá vỡ cái vòng gây hấn, tấn công... Tôi tái kêu gọi tất cả anh chị em hãy dấn thân sâu xa trong việc vun trồng hòa bình và bất bạo lực, theo gương thánh Phanxicô và những vĩ nhân khác trong việc xây dựng hòa bình.

Rời trại tị nạn Aida Đức Thánh Cha đã trở về Bếtlehem và thăm xã giao tổng thống Mahmoud Abbas cũng như một số quan chức của các cộng đoàn Palestine vùng Gaza và Cisgiordani. Sau khi hội kiến với tổng thống hai bên đã trao đổi qùa tặng.

Ngỏ lời trong lễ nghi từ biệt diễn ra trong sân của dinh tổng thống, Đức Thánh Cha đã cám ơn tổng thống, chính quyền và nhân dân Palestine về tình hiếu khách và sự tiếp đón nồng nhiệt dành cho ngài. Các sinh hoạt của chuyến viếng thăm đã cho Đức Thánh Cha dịp nghe biết các điều kiện sống của người dân trong vùng Cisgiordani và Gaza. Ngài cũng đã trông thấy bức tường được xây lên trên đất của người Palestine phân cách các gia đình, bọc trại tị nạn và che khuất nhiều phần của thành Bếtlehem. Đức Thánh Cha nói: ”Cả khi các bức tường có được xây lên một cách dễ dàng, thi chúng ta tất cả đều biết rằng chúng sẽ không tồn tại vĩnh cửu. Chúng có thể bị đập bỏ. Nhưng trước hết cần phải lấy đi các bức tường mà chúng ta xây lên chung quanh con tim chúng ta đã, phải lấy đi các hàng rào mà chúng ta dựng lên chống lại tha nhân. Vì thế trong lúc từ biệt này tôi muốn lập lại lời kêu gọi cởi mở và quảng đại tâm trí, chấm dứt sự bất khoan nhượng và loại trừ. Cho dù cuộc xung đột xem ra không có lối thoát và sâu đậm, cũng luôn luôn có các lý do để hy vọng rằng có thể giải quyết được nó, và các nỗ lực kiên trì của những người hoạt động cho hòa bình và hòa giãi sẽ đem lại hoa trái. Đức Thánh Cha cầu mong cho điều đó mau được thực hiện để nhân dân Palestine có thể vui hưởng hòa bình và an ninh. Đức Thánh Cha hứa sẽ dùng mọi dịp thuận tiện để khích lệ các cuộc thương thảo giúp tìm ra một giải pháp tôn trọng các khát vọng của cả hai bên Israel cũng như Palestine.

Kết thúc lễ nghi từ biệt Đức Thánh Cha đã trở về Tòa Khâm Sứ Giêrusalem chấm dứt ngày thứ 3 viếng thăm Thánh Địa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đồng Công giáo người Việt Nam tại Singapore và Malaysia
Đoàn Xuân Lộc
01:22 13/05/2009
SINGAPORE - Cùng với việc có nhiều sinh viên và công nhân Việt Nam sang du học hay lao động tại Singapore và Malaysia trong những năm gần đây, các nhóm Công giáo Việt Nam đã và đang được hình thành tại những nước này.

Công nhân Công giáo VN ở bang Johor tham dự Lễ Phục Sinh
Ở Singapore, một cộng đoàn, mang tên Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang Singapore, khoảng 100 người đã được hình thành. Bước đầu, cộng đoàn này chủ yếu là sinh viên, nhưng dần dần cũng có một số người đang sống tại Singapore hay từ Việt Nam, hoặc từ Úc, Đức sang làm việc tại đây gia nhập cộng đoàn.

Trong khi ở Singapore chỉ có một cộng đoàn, ở Malaysia có đến hàng chục nhóm Công giáo đã và đang được hình thành.

Riêng tại bang Johor, giáp biên giới Singapore, đã có đến 10 nhóm đã được thành lập và mỗi nhóm quy tụ từ 50 đến 100 người.

Trong số các bang của Malaysia nhận công nhân Việt Nam, Johor là bang có nhiều công nhân Việt Nam nhất. Ước tính có đến hơn 20 ngàn công nhân Việt Nam đang làm việc tại bang này.

Vì các nhóm này đang trong giai đoạn sơ khai nên không có các cơ sở và cũng chưa được tổ chức một cách quy cũ và thường xuyên.

Ở Singapore, sau một thời gian phải đi mượn các nhà thờ khác nhau để tổ chức các thánh lễ giờ cộng đoàn này đã được một nhà hưu dưỡng (thuộc các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành) tại Marymount cho mượn nhà nguyện và các cơ sở của họ để dâng lễ và các sinh hoạt khác.

Vào Chúa nhật thứ hai và thứ tư trong tháng, cộng đoàn có thánh lễ bằng tiếng Việt và các sinh hoạt khác tại đây.

Trong khi đó ở Malaysia, theo Cha Trần Văn Đợt, thuộc dòng Tên, người Úc, và hiện làm tuyên úy cho công nhân Việt Nam tại Malaysia, các giáo xứ Malaysia (chủ yếu gốc Hoa và Ấn độ) cho các nhóm người Việt mượn nhà thờ và các cơ sở để dâng lễ và sinh hoạt.

Cha Đợt là linh mục đầu tiên được chính thức cử làm tuyên úy cho công nhân Việt Nam tại Malaysia. Trước đây, thỉng thoảng cũng có một số linh mục tới Malaysia dâng lễ nhưng chỉ ở lại trong một thời gian ngắn rồi đi.

Nhu cầu tâm linh

Tác giả (ngoài cùng, bên trái) cùng nhóm Công giáo ở Singapore
Cũng giống như bao nhóm hay cộng đoàn Công giáo Việt Nam khác ở hải ngoại, các nhóm này được hình thành xuất phát từ nhu cầu tâm linh.

Anh Cao Hà Thắng, người Úc, hiện đang làm nghiên cứu và giảng dạy (research fellow) tại Đại học kỹ thuật Nanyang Technological University (NTU) và là một trong những thành viên trụ cột của cộng đoàn Công giáo người Việt tại Singapore, khi đến Úc cách đây ba năm, anh đã tìm đến một nhà thờ Công giáo để đi lễ.

Và tại đó anh và một số sinh viên Việt Nam khác được gặp một linh mục người Việt, Cha Gioan Nguyễn Văn Đích, thuộc Hội thừa sai Paris và đã sống ở Singapore trong 20 năm. Được sự hướng dẫn của Cha Đích, nhóm Công giáo từ đó được hình thành.

Ban đầu nhóm sinh viên này chỉ gặp nhau để sinh hoạt, chia sẻ với nhau sau các thánh lễ bằng tiếng Anh. Dần dần họ tổ chức các thánh lễ bằng tiếng Việt.

Bạn Bùi Quang Khôi, sinh viên năm thứ ba tại NTU cho biết: "Khi sang Singapore cách đây ba năm, tất cả mọi thứ đều xa lạ với em. Do đó, khi biết được cộng đoàn Công giáo Việt Nam và đến dự lễ bằng tiếng Việt, em cảm thấy mình được nâng đỡ nhiều, cảm thấy gần gũi với gia đình, người thân hơn".

Tương tự như vậy, những người công nhân Công giáo khi đến Malaysia cũng tìm đến với các nhà thờ Công giáo để tham dự lễ Chúa nhật hay các dịp lễ lớn.

Nhưng khác hẳn với những sinh viên ở Singapore, khi mới đến Malaysia các công nhân này tham dự các thánh lễ bằng tiếng Malaysia, Trung Quốc hay Ấn Độ và chẳng hiểu gì.

Thấy được hoàn cảnh đó, hơn nữa vì số lượng công nhân Công giáo tương đối đông, nên có một số linh mục từ các nước khác như Úc đã tìm cách ghé qua cử hành thánh lễ cho họ.

Và vì nhu cầu càng ngày càng lớn, Đức Cha Paul Tan, phụ trách Ủy ban Di dân của Hội Đồng Giám mục Malaysia đã chính thức mời cha Đợt sang làm tuyên úy cho công nhân Việt Nam tại Malaysia.

Theo cha Đợt, khi phải đương đầu với biết bao khó khăn (công việc nặng nhọc, lương quá thấp, thiếu an ninh), lại phải sống trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, và không biết tiếng, những thánh lễ hay những buổi chia sẽ, những cuộc gặp là những món ăn hay chỗ dựa tinh thần cho họ.

Chị Hoàng Thị Sỹ, đã có gia đình và ba đứa con ở Nghệ An và đã sang Malaysia ba năm nhưng chưa một lần về thăm nhà nói: "Nhớ nhà, nhớ con vô cùng nhưng chẳng biết làm sao. Chỉ có những thánh lễ bằng tiếng Việt, hay những cuộc gặp gỡ, chia sẻ với nhau như thế này thì mới khuây khỏa được phần nào".

Nâng đỡ lẫn nhau

Những sinh viên hay công nhân này tìm đến với nhau không chỉ vì nhu cầu tâm linh mà còn để nâng đỡ, chia sẻ với nhau khi sống xa nhà.

Do đó, tại Singapore cũng như Malaysia, mỗi lúc có thánh lễ cũng là dịp họ gặp gỡ, sinh hoạt, vui chơi, ăn cơm chung với nhau.

Cha Đích cho biết: "Vì xa nhà xa người thân, những dịp lễ cũng là dịp để mọi người gặp nhau, nâng đỡ nhau bằng cách này hay cách khác".

Ở Malaysia, ngoài các thánh lễ và các sinh hoạt khác nhau sau và trước thánh lễ, các công nhân không có điều kiện và hơn nữa cũng vì vấn đề an ninh, họ không dám đi chơi một nơi nào khác.

Theo anh Trần Trương Quốc Bảo, thợ điện và cơ khí làm việc ở Malaysia từ bốn năm này và cũng là một trong những thành viên trụ cột của một nhóm Công giáo tại bang Juhor, đã có nhiều vụ cướp dật hãm hiếp xảy ra với công nhân Việt Nam trong thời gian gần đây.

Vì vậy, ngoài công việc ở xưởng, nhà máy của mình và các thánh lễ, hay sinh hoạt tại các nhóm, công nhân ít đi đâu.

Trong khi đó, vì có điều kiện hơn nữa ở Singapore rất an toàn, các thành viên của Cộng đoàn Việt Nam tại Singapore hay tổ chức những cuộc đi chơi.

Các thành viên của cộng đoàn cũng thường tổ chức những chuyến đi Malaysia để thăm hỏi, động viên các công nhân Công giáo bên đó.
 
UB Tự do tôn giáo Quốc tế Mỹ đến Việt Nam
BBC
15:45 13/05/2009
UB Tự do tôn giáo Quốc tế Mỹ đến Việt Nam

Đoàn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ do ông Michael Cromartie, Phó chủ tịch Ủy ban cầm đầu hiện đang thăm Việt Nam.

Tại Hà Nội đoàn đã gặp phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Đoàn cũng gặp đại diện Ban Tôn giáo chính phủ.

Đoàn đã gặp một số nhà bất đồng chính kiến hàng đầu, trong đó ông Nguyễn Khắc Toàn, nhà báo đại diện cho khối 8406, và một số người khác.

Tại thành phố Hồ Chí Minh tin cho hay đoàn dự định sẽ gặp hai hoặc ba nhà bất đồng chính kiến.

Đoàn cũng ngỏ ý xin vào nhà tù Ba Sao, Nam Hà, để gặp linh mục đang bị giam cầm là Nguyễn Văn Lý.

Cạnh đó đoàn cũng muốn tiếp xúc với luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện đang thọ án 5 năm tù khi tòa án Hà Nội kết ông tội "tuyên truyền chống phá nhà nước" ngày 11/5/2007.

Đây là chuyến thăm Việt Nam hàng năm của đoàn. Kết quả chuyến đi tìm hiểu thực tế sẽ được đưa vào tường trình của Ủy ban, một trong các tài liệu mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dựa vào để đưa ra nhận định thường niên về tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Trong buổi tiếp đoàn tại Hà Nội, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm được báo trong nước trích lời nói như sau: "Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực đảm bảo đời ống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân,"

"Việt Nam coi đây là mục tiêu quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế xã hội."

Sách nhiễu

Từ Hà Nội nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Khắc Toàn nói ông nhận được lời mời chính thức tới gặp trưởng đoàn, Michael Cromartie, Phó Chủ tịch Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ tại khách sạn Metropole.

"Một khi tôi nhận được lời mời tới gặp phái đoàn, công an Hà Nội gây rất nhiều khó khăn như tăng cường lực lượng đến bao vây quanh nhà, đặt chốt canh gác, gửi giấy mời giấy triệu tập liên tục để buộc tôi đi thẩm vấn tại Sở Công an Hà Nội."

Ông Nguyễn Khắc Toàn nói ông tìm cách thông tin đầy đủ cho tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội qua nhân viên phụ trách buổi gặp, Christian Marshall, về các khó khăn này. Ông nói đến thông điệp của phía Mỹ đưa ra là họ sẽ can thiệp để không ai gây khó dễ cho buổi gặp.

"Nhưng tôi vẫn nhận được giấy mời thẩm vấn của Sở Công an Hà Nội trùng với giờ và ngày gặp phái đoàn, tức 1h30 chiều, ngày 12/5,"

"Buổi chiều thứ Ba tôi đã đến khách sạn Metropole một tiếng đồng rưỡi trước buổi gặp để tránh sự bao vây và ngăn cản của công an," ông Nguyễn Khắc Toàn nói.

"Tôi đã trao đổi với đoàn về tình hình tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam trong một tiếng đồng hồ."
 
Bước đi trong thần khí
+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
16:53 13/05/2009
Bước đi trong Thần Khí (Galata 5,16)

Bài giảng của Đức cha Nguyễn văn Khảm ngày lễ phong chức giám mục cho Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản tại Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột ngày 12.5.2009

Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi
công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố năm hồng ân của Chúa
.”

Chúa Giêsu đã dõng dạc đọc những lời này trong hội đường Nagiarét và sau đó, Người công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-21).

Thế nhưng tôi tự hỏi, có thực sự là lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm? Có thực sự là mọi người mù được sáng mắt? Dĩ nhiên không thể phủ nhận rằng Chúa Giêsu đã chữa lành một vài người mù như Phúc Âm kể lại, nhưng chẳng nhẽ trên cả đất nước Israel lúc ấy, chỉ có vài người mù đó thôi sao? Còn cả trăm cả ngàn người mù khác nữa, liệu họ có được sáng mắt không? Mà nếu chưa được thì sao có thể gọi là ứng nghiệm?

Thế rồi, có thực sự là mọi kẻ giam cầm đều được tha và mọi kẻ bị áp bức đều được trả lại tự do? Ngay cả Gioan Tẩy giả, người thân của Chúa Giêsu, lúc ấy đang ngồi tù, cũng đã phải sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-3). Nghe trong câu hỏi có nỗi nghi ngờ, nghi ngờ vì đợi mãi vẫn không được tha, nghi ngờ vì chờ hoài vẫn không thấy tự do! Đã thế, liệu có thể nói là lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm không?

Đi xa hơn nữa đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, khi chính Người bị bắt, bị giam cầm, bị áp bức… liệu chính Người có khả năng thoát khỏi xiềng xích ngục tù, khỏi bàn tay áp bức chăng? Các sách Tin Mừng kể lại rằng Chúa Giêsu đã bị đánh đập dã man, bị vác khổ giá và cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá. Đến chính bản thân Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi ngục tù thì lấy đâu ra tự do để ban tặng cho các tù nhân? Đến chính Chúa Giêsu cũng bị áp bức thì lấy đâu ra sức mạnh để giải thoát những người bị áp bức?

Nêu lên những vấn nạn như thế không nhằm khước từ lời khẳng định của Chúa Giêsu, “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh chị em vừa nghe”, nhưng là để đọc lại những lời này trong một ánh sáng mới.

Mù loà không chỉ đơn thuần là khuyết tật thể lý nhưng có thể còn là khuyết tật tri thức, tâm lý và tâm linh. Có những khi ta nhìn một sự kiện, một biến cố mà không rõ ngọn nguồn sự việc vì thiếu hiểu biết, nghĩa là mù loà về mặt tri thức. Có những khi ta mở mắt thật to để nhìn mà vẫn không thấy được cái tốt của người khác chỉ vì ta cố chấp, đó là một thứ mù loà về tâm lý. Và nhiều khi ta nhìn rõ thế giới vật chất này nhưng lại không thấy mối tương quan giữa thế giới này và Đấng tạo dựng nên nó, tức là một thứ khuyết tật tâm linh, cho nên mới có lời cầu nguyện: “Xin mở cho con đôi mắt, để thấy tình yêu Chúa khắp nơi”.

Cũng thế, có nhiều thứ ngục tù. Có những thứ ngục tù không giam hãm nổi tự do của con người, và ngược lại, có những thứ tự do biến con người thành tù nhân. Những nhà tù với hàng rào kẽm gai vây bọc chỉ có thể giam hãm thân xác con người chứ không thể giam hãm tự do hiểu như một giá trị tinh thần, không thể giam hãm suy tư và cảm xúc, tắt một lời, đời sống tinh thần của con người. Ngược lại, có những hành động được gọi là tự do nhưng thực ra chỉ là cái vỏ bên ngoài che đậy tình trạng nô lệ sâu xa bên trong, nô lệ những đam mê và ham muốn trần tục, nô lệ những tính toán quyền lực và phe nhóm…

Hiểu về sự mù loà và ngục tù như thế, mỗi người – kể cả giám mục và linh mục – bỗng khám phá ra mình cũng có những lúc sống trong tình trạng mù loà và mất tự do. Và cũng hiểu rõ hơn lời Kinh Thánh ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu như thế nào. Chúa Kitô và chỉ có Chúa Kitô là ánh sáng để trong ánh sáng đó, ta có thể nhìn thấy chân tướng của sự vật và của đời người. Ánh sáng đó là ánh sáng chân lý và chỉ khi sống trong chân lý, ta mới có tự do đích thực. Kinh nghiệm lịch sử nói với ta rằng có những người bị giam giữ trong nhà tù với hàng rào kẽm gai vây bọc, và chỉ mong được tự do. Nhưng khi đã được tự do rồi thì chính họ lại dựng lên những nhà tù khác để giam giữ đồng loại của mình và để bảo vệ cái gọi là tự do của mình. Ấy là vì họ mới chỉ được giải thoát khỏi thứ nhà tù vật chất mà chưa được giải thoát khỏi ngục tù của những đam mê và ham muốn quyền lực, của hận thù và ích kỷ. Nelson Mandela đã hiểu ra được điều đó nên khi bước chân ra khỏi nhà tù đã giam giữ ông suốt 30 năm, ông tự nhủ: nếu tôi còn giữ lòng hận thù với những tên cai ngục, thì tôi vẫn còn bị giam giữ, chưa trở thành người tự do thực sự. Và chính điều đó khiến cho mọi người kính nể ông.

Chúa Kitô đến không phải để giải thoát con người khỏi những ngục tù bằng hàng rào kẽm gai nhưng giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ và tha hoá sâu xa nhất, và chúng ta cần đến ơn giải thoát đó. Chúng ta cần đến ơn giải thoát đó ngay giữa lòng một thế giới tưởng chừng rất đỗi tự do. Chúng ta cần đến ánh sáng đó ngay giữa một thời đại phát triển tri thức khoa học đến mức cao nhất. Và giám mục cũng như linh mục là những người được trao cho trách nhiệm loan báo ơn giải thoát đó, trách nhiệm tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, sứ mạng “loan báo Tin Mừng cho người nghèo, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị giam cầm được tha, trả tự do cho người bị áp bức”.

Thế nhưng chính ở đây lại xuất hiện một nghịch lý: xét như là con người, bản thân giám mục và linh mục cũng có thể ở trong tình trạng mù loà và bị giam giữ trong những ngục thất vô hình. Vậy làm sao có thể làm cho người khác sáng mắt khi chính mình đang ở trong tình trạng mù loà? Làm sao loan báo tự do khi chính mình đang bị giam trong ngục thất? Henri Nowen đã có lý khi gọi các thừa tác viên trong Giáo Hội là wounded healer, nghĩa là những người có sứ mạng chữa lành cho người khác nhưng chính mình lại đang mang thương tích. Tuy nhiên, chính nghịch lý này thúc đẩy các giám mục và linh mục thi hành sứ vụ trong khiêm tốn và cậy trông vào quyền năng của Thánh Thần. Khiêm tốn vì nhận biết rằng tự thân mình không phải là ánh sáng và chân lý, nhưng chỉ đón nhận ánh sáng và chân lý từ một Đấng khác. Cậy trông vì xác tín rằng mình không thể chu toàn sứ vụ với sức riêng mình nhưng chỉ có thể chu toàn nhờ quyền năng của Thánh Thần. Chính vì thế, nghi thức chính yếu trong việc phong chức giám mục là việc đặt tay và lời nguyện phong chức. Đặt tay chính là cử chỉ nói lên việc thông ban Thánh Thần, cùng với lời cầu nguyện xin Chúa ban Thánh Thần thủ lãnh xuống trên vị tân giám mục.

Hơn ai hết, Đức Tân Giám mục xác tín điều đó, cho nên đã chọn khẩu hiệu cho đời giám mục của mình là “Bước đi trong Thần Khí” (Spiritu ambulate) (Galata 5,16), đồng thời ngài giải thích “bước theo Thần Khí” là “sống trong sự tự do mà Đức Kitô đem lại chứ không quá lệ thuộc vào cách suy nghĩ của người đời… là sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí chứ không theo quan điểm của xác thịt”. Chỉ khi giám mục bước đi trong Thần Khí và hoạt động trong quyền năng của Thánh Thần thì ngài mới có thể chu toàn sứ vụ giám mục hết sức cao cả nhưng cũng rất nặng nề đã được trao phó.

Quyền năng của Thánh Thần chính là quyền năng của tình yêu, là sức mạnh thúc đẩy vị giám mục bước theo Chúa Giêsu Mục Tử, hiến thân trọn vẹn cho đoàn chiên đã được trao phó cho mình. Đây cũng là tâm tình của Đức Tân Giám mục. Nhớ lại khi vừa nghe tin Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản làm giám mục giáo phận Ban Mê Thuột, trang web của HĐGMVN đã lập tức phỏng vấn ngài, và khi được hỏi “Lời đầu tiên Đức Cha muốn gửi đến cộng đồng Dân Chúa Ban Mê Thuột là gì?”, ngài đã trả lời, “Tôi muốn nói với cộng đồng Dân Chúa Ban Mê Thuột rằng tôi thuộc trọn về giáo phận và từ hôm nay, giáo phận Ban Mê Thuột, từng cộng đoàn, từng người Kitô hữu trong giáo phận là chính cuộc sống của tôi.” “Kể từ hôm nay, tôi thuộc trọn về giáo phận.” Nghe thật “mùi mẫn”! Cứ như là chú rể đang nói với cô dâu, “Kể từ nay, anh thuộc trọn về em”!

Mà đúng như thế, lát nữa đây, sau lời nguyện phong chức, vị chủ sự sẽ xỏ nhẫn vào tay của đức tân giám mục cùng với lời nhắn nhủ, “Hãy nhận chiếc nhẫn này như ấn tín đức tin… hãy gìn giữ hiền thê của Chúa là Hội Thánh được vẹn toàn.” Nhẫn cưới đấy! Theo một nghĩa nào đó, lễ phong chức hôm nay chính là lễ cưới, cử hành cuộc hôn nhân thánh thiêng giữa Đức tân giám mục Vinh sơn Nguyễn Văn Bản và Giáo Hội tại Ban Mê Thuột. Thế thì theo truyền thống văn hoá Việt Nam, xin cầu chúc cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc.
 
Hành Hương ngày 13 Tháng Hoa Kính Đức Mẹ tại Sydney
Diệp Hải Dung
17:01 13/05/2009
SYDNEY - Sáng thứ Tư 13/05/2009 rất đông Giáo dân đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney hành hương kính viếng Đức Mẹ ngày 13 nhân dịp Thánh Hoa cầu nguyện cho các người Mẹ còn sống và các người Mẹ đã qua đời.

Xem hình ảnh

Mọi người đều tập trung chung quang tượng đài Đức Mẹ và Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn điều hợp giờ đền tạ dâng mình lên Đức Mẹ, đặc biệt nguyện xin Đức Mẹ gìn giữ ban ơn cho các bà mẹ và cầu bầu cùng Thiên Chúa cho các bà mẹ đã qua đời được về hưởng nhan Thánh Chúa.

Sau đó là kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Fatima về Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse cuộc kiệu rất trang nghiêm mọi người sốt sắng vừa rước kiệu vừa dâng lên Đức Mẹ chuỗi kinh Mùa Mừng. Khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ về đến tượng đài Thánh Giuse mọi người cùng dâng lên Đức Mẹ cánh Hoa tươi để mừng kính và Thánh tượng Đức Mẹ tiến vào an vị trong hội trường Trung Tâm.

Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn thay mặt Ban Tuyên úy và Cộng Đồng ngỏ lời chào mừng Đức Giám Mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên Giáo phận Vinh VN đã đến Trung Tâm chủ tế dâng Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ nhân ngày 13 Tháng Hoa. Đức Giám Mục cũng ngỏ lời chào mừng quý Cha và tất cả mọi người trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney và kế tiếp đó Đức Giám Mục và quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Quỳnh cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng ĐGM đã nói về thiên ý của Đức Mẹ, ngoài 3 mệnh lệnh Fatima ra, Đức Mẹ còn muốn chúng ta thực thi 5 điều: Cầu Nguyện. Ăn Chay Hãm Mình. Đọc Lời Chúa. Bác Ái Khiêm Nhường và Đi Lễ Rước Lễ. Đặc biệt là rước Thánh Thể Chúa Giêsu chính là nguồn sống vĩnh cữu. Sau đó là nghi thức Xức Dầu Thánh cho quý vị cao niên già yếu bệnh tật, xin ơn Chúa chữa lành phần hồn cũng như phần xác.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Giang Hoan Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn Đức Giám Mục đã ưu ái đến thăm viếng Cộng Đồng và Chủ tế dâng Thánh lễ nhân ngày hành hương và đại diện Hội Đồng Mục Vụ Sydney lên tặng Hoa và quà cho Đức Giám Mục. Cha Tuyên úy Trưởng cũng báo một tin vui, mừng Birthday 60 của Cha Paul Văn Chi. Đức Giám Mục và mọi người cùng vỗ tay chúc mừng Sinh Nhật 60 của Cha Paul Văn Chi. Thánh lễ kết thúc vào lúc 1pm.
 
Đời sống huynh đệ của người tận hiến
GS Trần Văn Cảnh
18:20 13/05/2009

Đời sống huynh đệ của người tận hiến



(Chứng từ ơn gọi, bài 6)

Paris, chủ nhật 10.05.2009, tại Giáo xứ Việt Nam Paris, cha Hổng Kim Linh, Hội Xuân Bích, làm mục vụ tại giáo xứ Pháp Notre Dame ở Boulogne, cựu chủ tịch Hội Tu sĩ Việt Nam tại Pháp trong nhiều nhiệm kỳ 1976-1980, 1999-2003, chia sẻ về đề tài: « Đời sống huynh đệ của người tận hiến (1) ». Mời bạn đọc nghe qua bài chia sẻ của cha Linh, rồi cùng ngài đi thăm Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp và Hội Linh Mục Xuân Bích Việt Nam

1. Đời sống huynh đệ của người tận hiến

Chia sẻ về « Đời sống huynh đệ của người tận hiến » với cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris, cha Hồng Kim Linh đã giới thiệu 2 ý tưởng chính, xoay quanh hai vấn đề: tận hiến là gì ? Làm sao người tu sĩ tận hiến việt nam sống ở Pháp có thể thực hiện cụ thể cái tương quan đức Mến huynh đệ với nhau ?

a. Tận hiến là gì ?

Dựa vào Tin Mừng chủ nhật thứ V phục sinh năm B hôm nay, 10.05.2009, tin mừng thánh Gioan, 15, 1-8, cha Linh đề nghị với cộng đoàn tìm hiểu ý nghĩa của tân hiến.

Tân hiến là cho đi hoàn toàn để làm tiến lễ dâng lên Thiên Chúa và cùng cộng tác kết hiệp với Ngài như cành với cây. Tận hiến là nhận sự sống của Chúa Giêsu và qua hy lễ Thánh Thể, tiến lên trên đường thánh hóa, mỗi ngày mỗi gần Chúa hơn. Tận hiến là làm công việc dâng mình cho Chúa và hợp tác với Ngài đem phần cứu rỗi đến cho anh em nhân loại. « Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy. Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy» (Gioan, 15, 1-9).

Tận hiến là thánh hiến trong sự thật, thánh hiến bằng chân lý, để, như Chúa Giêsu, làm công việc mà Chúa Cha đã trao phó là tôn thờ Chúa trong chân lý, để được thánh hiến trong sự thật. « Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con » (Gioan, 17, 15-21).

Những lời Tin Mừng trên soi sáng cho chúng ta về ý nghĩa của tận hiến, về các tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa Con và các môn đệ của Người tức là mỗi người tận hiến; và về tình yêu, đức Mến huynh đệ phải có giữa họ.

b. Làm sao người tu sĩ tận hiến việt nam sống ở Pháp có thể thực hiện cụ thể cái tương quan Đức Mến huynh đệ với nhau ?

Làm sao sống cụ thể đời sống thánh hiến, đời sống sự thật, trong tương quan đức Mến huynh đệ ? Phải suy nghĩ và sống như Chúa Giêsu đã sống với các môn đệ. Cụ thể hơn, chúng ta hãy đi vào thực tế của người tu sĩ tận hiến sống trên cánh đồng truyền giáo tại Pháp. Chúng ta thấy gì ? Chúng ta thấy rằng các tu sĩ tận hiến việt nam, từ lúc đầu, vào năm 1945, đã liên kết với nhau trong « Hội Liên Tu sĩ Việt Nam Tại Pháp » mà mục tiêu căn bản là « nhằm qui tụ và liên kết toàn thể các linh mục tu sĩ nam nữ Việt Nam tại Pháp trong tinh thần tương thân tương trợ ».

Người tu sĩ tận hiến việt nam sống tại Pháp có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Người thì phục vụ trong tuyên úy đoàn cho các cộng đoàn việt nam; Người thì phục vụ trong các giáo xứ, chủng viện Pháp: cha sở, cha phó, giáo sư; Người lại hoạt động tự do ngoài cơ chế giáo quyền: y tế, xã hội, nghiên cứu…Người khác là nam nữ sinh viên, tu học hay tu nghiệp trong các đại học, chủng viện, dòng tu.

Nhưng tất cả, họ đều có chung những nhu cầu và khó khăn tương tự. Nhu cầu trước hết mà người tu sĩ việt nam cảm nghiệm là « Nhu cầu gặp người Việt và nói tiếng Việt ». Các tu sĩ việt nam tại Pháp hôm nay là ai ? Họ là người việt nam, sống xa quê hương, đến Pháp vào tuổi đã khôn lớn, có một nền văn hoá và cách sống việt nam thấm nhập trong con tim, thớ thịt. Họ là các tu sĩ việt nam sống trong môi trường xã hội pháp là một xã hội trọng cá nhân. Cả ngày họ chỉ giao thiệp, sinh sống với người pháp, luôn luôn nói tiếng pháp. Có những lúc họ cảm thấy nhu cầu cần gặp lại đồng hương, nói chuyện với nhau bằng tiếng việt. Có những vị, cảm thấy nhu cầu bức bách, đã lái xe đến thăm các đồng hương rải rác đâu đó trong vùng để gặp nhau và nói chuyện với nhau bằng tiếng việt cho thỏa thuê.

Là một cha sở việt nam coi xứ đạo pháp, đôi khi trách nhiệm đến 7, 8 địa điểm mục vụ. Mỗi ngày sống cô đơn, lủi thủi một mình, tự túc mọi điều. Mỗi thứ bảy, chủ nhật, phải tự lái xe đi xa, làm một vòng, vất vả đến từng họ đạo. Tự mở cửa nhà thờ, lau bụi, sắp đặt đồ lễ, giật chuông, làm lễ, gặp bổn đạo. Cô đơn trong đời sống, cô đơn trong mục vụ, người linh mục rất vui mừng mỗi khi được một linh mục việt nam khác đến thăm. Đó là nhu cầu gặp các linh mục, tu sĩ việt nam khác.

Thỉnh thoảng người tu sĩ việt nam ghi tên đi hành hương chung với các đồng hương khác. Được gặp lại người việt nam, giáo hữu việt nam, được đọc kinh, làm lễ việt nam, được nói tiếng việt nam, kể chuyện việt nam, được ăn chung các món việt nam, người tu sĩ thỏa thuê với tình Việt Nam.

Có những tu sĩ dòng, sống trong cộng đoàn pháp, nhưng thiếu khả năng tiếng pháp, không biết diễn tả đầy đủ tư tưởng, cảm tình của mìng. Đôi khi họ bị hiểu lầm. Biết thế, nhưng không làm sao giải quyết được. May thay, có các tu sĩ và linh mục việt nam khác, họa hoằn đến thăm, giúp nói chuyện thông cảm với bề trên và cộng đoàn liên hệ, gỡ rối được nhiều hiểu lầm. Một trong những hiểu lầm là thói quen việt nam không dám nói rõ chữ « Không », làm người pháp khó hiểu, coi là « ỡm ờ », không biết mình muốn nói gì, « Có » hay « Không » ! Đó là nhu cầu tương trợ truyền thông

Người giáo dân pháp vẫn kính trọng linh mục, tu sĩ; nhưng hình thức kính trọng khác với cách của việt nam. Họ nghe cha giảng tiếng pháp khó hiểu quá, có quá nhiều « accent ». Người linh mục việt nam bị lưu ý như vậy, vị nào mà chẳng tủi thân ? Nếu có được những bạn linh mục khác, thông thạo tiếng pháp hơn, quen nói có giọng pháp hơn, uốn lưỡi cho một ít, thì thật là quí hóa. Hoặc nếu gặp được một người bạn kinh nghiệm, bày cho cách nói, cách giảng, giúp ý ghi âm, rồi nghe lại, tự thấy được cái yếu của mình, cái sai của mình, thì thật là một đại phúc ! Đó là sự tương trợ chân tình, cải tiến !

Đã từng bản thân sống những hoàn cảnh khó khăn, bản thân cảm nghiệm những nhu cầu tương thân tương trợ, nhiều linh mục và tu sĩ việt nam tại Pháp rất chân thành và tận tình muốn đưa ra những hành động cụ thể để giúp các anh em khác. Đó là một trong nhiều lý do đã đưa đến sự thành lập « Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam Tại Pháp », mà mục tiêu là giúp nhau sống bác ái huynh đệ, và đặc biệt nhấn mạnh đến sự gặp gỡ, thông tin. Gặp nhau chung tất cả ít là một năm một lần trong đại hội tu sĩ toàn quốc. Mỗi vùng, gặp nhau trung bình hai tháng một lần. Thông tin cho nhau, liên lạc với nhau, qua báo chí, tài liệu nghiên cứu, học hỏi,…

Việt kiều chúng ta sống tại Pháp, cũng như những ngoại kiều khác, hay nói đến chữ « hội nhập ». Chúng ta cần hội nhập về kinh tế. Chứ còn về tôn giáo, về đời sống đạo, mà nếu mình cũng hội nhập theo người Pháp, thì có lẽ mình đi xuống đấy. Xin các bậc cha mẹ việt nam cứ cố giữ lấy cái tinh thần công giáo việt nam, vui mừng dâng con mình cho Chúa. Xin cho những người tận hiến việt nam luôn biết cụ thể hành động có huynh đệ trong đức Mến. Xin cho họ hiểu nhau, giúp nhau, dìu nhau sống trọn đời tận hiến. Xin cho các giáo dân việt nam vẫn giữ được « tình việt nam » với nhau, giúp các thanh niên biết rộng lượng thánh hiến đời mình cho Chúa. Xin cộng đoàn cùng cầu nguyện cho nhau, và đặc biệt cho những người tận hiến để họ « ở trong thế gian, mà không thuộc về thế gian », « để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến ». Amen

2. Hội Liên tu sĩ việt nam tại Pháp (2)

Được thành lập từ năm 1945 dưới danh hiệu là « Việt Nam Du Học Giáo Sĩ Ðoàn » với 17 linh mục thành viên, Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam Tại Pháp (LTS) đã góp rất nhiều vào việc thành hình và phát triển tổ chức các sinh hoạt của người Công Giáo Việt Nam tại Pháp. 17 linh mục thành viên đầu tiên của LTS là các vị sau đây: Trần văn Thiện*, Nguyễn ngọc Quang*, Bửu Dưỡng, Nguyễn hữu Tiến, Nguyễn văn Hiền*, Lê văn LỶ, Cao văn Luận, Nguyễn văn Khiết, Trịnh quốc Bồng, Phạm văn Nhân (Hànội), Nguyễn thế Vinh (Hànội), Nguyễn huy Mai*, Nguyễn văn Lập, Trần văn Triệu, Lê văn Ấn*, Đinh văn Hưởng, Hoàng văn Đoàn.* (các vị có * sau làm Giám Mục).

Năm bản nội qui đã được viết để lo việc tổ chức. Chung quy, điểm nổi bật của lịch sữ LTSVNTP cũng như tinh thần của 5 bản Nội Qui đều nhằm đến mối liên lạc tương thân tương ái và huynh đệ giữa tất cả những anh em linh mục tu sĩ nam nữ VN đang sống tại Pháp, hầu giúp nhau sống và thể hiện ơn gọi làm chứng tá cho Tin Mừng trong môi trường xã hội Pháp. Tất cả những phương thế: hội họp, tĩnh tâm, trại hè, thư từ liên lạc, báo chí v.v…đều nhằm mục đích tương thân tương ái ấy. Chính vì thế, tất cả những anh em linh mục tu sĩ nam nữ tại Pháp đều mặc nhiên đuợc mời làm thành phần của Ái Hữu LTS. Không có một thể thức nào khác. Cũng không có một điều khoản luật lệ hay một trói buộc nào. Tất cả chỉ dựa trên một sự kiện duy nhất: sống xa quê hương, và hướng về một ý chí duy nhất: liên kết huynh đệ.

Cha Phanxicô Xaviê Hồng Kim Linh đã nhiều lần được bầu lo việc cho LTS; Hai nhiệm kỳ 1976-1980 và hai nhiệm kỳ 1999-2003. Sau đây là chương trình sinh hoạt của hai nhiệm ky 1999-2003 của cha Linh, chủ tịch LTSVNP, do chính cha viết trong “ lá thơ ngỏ của người được bầu Truởng nhiệm LTS thuở ấy: ”(Trích LL số1 bộ mới ra 3.9.99).

“…Người viết những dòng nầy là người đã bị/được trao cho trách vụ “trưởng nhiệm” để điều động anh chị em trong nhiệm vụ Liên Lạc truyền thống, một việc không thể thực hiện nếu khơng có sự hợp tác của mỗi người. Vì tín nhiệm nên anh chị em ủy thác cho tôi, thì cũng vì tin vào sự cộng tác của anh chị em nên tôi khứng nhận. Chúng ta được giao kết bằng chữ “tín” nên công việc sẽ “thành”….

“ Bầu đi bầu lại cũng là truyền thống LTS… Một phần tư thế kỷ trôi qua (1974-1980), nay tái nhậm trách vụ trưởng nhiệm, tôi nhận thấy công việc Liên lạc 1999 có phần thay đổi: vì thực trạng của hội, với số lượng có phần tăng. Chúng ta cần suy nghĩ để làm sao thực hiện cho tốt dẹp việc liên lạc với nhau…tái cấu trúc để có những Liên lạc trưởng các vùng, các miền hoạt động tích cực ngõ hầu LTS tại Paris các Tỉnh cũng có những cuộc hội họp gặp gỡ đồng nhịp thường xuyên hơn…Trong hiện tình LTS có thể được phân chia làm 4 khối:

1) Khối phục vụ trong tuyên úy đoàn cho các cộng đoàn VN: 51 thành viên

2) Khối phục vụ trong các giáo xứ, chủng viện Pháp: cha sở, cha phó, giáo sư.

3) Khối hoạt động tự do ngoài cơ chế giáo quyền: y tế, xã hội, nghiên cứu…

4) Khối nam nữ sinh viên, tu học, tu nghiệp trong các đại học, chủng viện, dòng tu.

Sau đây là bảng phân nhiệm của tổ chức Liên tu sĩ VN tại Pháp (LTS) với danh gọi Pháp ngữ là ”Union des prêtres, Religieux/ses, Séminaristes vietnamiens en France”( UPRRSVNF)

Ban điều hành: Fx Hồng Kim Linh Trưởng Nhiệm, phụ trách tổng quát

Lm Jos Nguyễn văn Ziên, Phó TN, kiêm đặc trách liên lạc với khối mục vụ giáo xứ Pháp.

Nt. Véronique Lê thị Lệ Mai, thơ ký, kiêm đặc trách liên lạc khối tự do ngoài xã hội.

Nt.Anne Lucie Nguyễn thị Kim Nga, thủ qũy đặc trách nghiên cứu việc tổ chức Trại hè.

Ban ca nhạc phụngvụ: LmNguyễn văn Bản; Nt Pascale lài; Nt Maria Võ thịHiền, LmJos.Vũ thái Hoà; Lm Jos Mai Tính.

Ban văn nghệ, hoạt náo: Nt A.L Kim Nga; sh Trần công Lao; Lm Huỳnh Phước Lâm.

Ban Liên Lạc báo chí: Lm Jos Trần anh Dũng; Thấy PT IgnacNguyễn vănThạch; NtGratia Cỗ thị Loan; Nt Thân Thị Kim Liên và BCH, Phụ trách thông tin liên lạc ấn loát.

Ban Kỷ yếu: Fx Hồng Kim Linh, Jos Mai Ðức vinh, Jos Trần Anh Dũng, P Huỳnh ngọc tiên, Fx Trần Thanh Giản, V. Lệ Mai.

Ban nghiên cứu học hỏi: Lm Pierre Nguyễn chí Thiết; Nt Lệ Mai; Lm Jos Châu ngọc Tri; Lm P Trần Thanh lộc; Fx Hồng kim Linh; Gratia Cỗ thị Loan; Lm Nguyễn Tiến Lãng.

Ban Cố vấn: Các lão thành: Các cha P. Huỳnh ngọc Tiên; Fx Trần thanh Giản, Sh Pierrre Trần văn Nghiêm, Sh Herman Nguyễn văn Lãng; Nt Anne Lê văn Ðức.

Ban Liên Lạc Trưởng các vùng, miền: Lm P Nguyễn Chí Linh (sinh viên vùng Paris), Lm P. Nguyễn văn Chính (sinh viên Toulouse), Lm Antoine Nguyễn văn Nên và Nt Trương thị Nhàn (miền Bắc); Lm Jos Vũ thái Hoà (miền tây) Lm Jos Lâm thái Sơn và Nt Th.Monique Nguyễn thị Hảo (miền Metz, Nancy, Strasbourg) Lm Giuse Trần Ðịnh và Lm Augustin Phạm đức Phúc (Bordeaux) Lm Jos Ðào quang Toản( miền Nam. Lm Clément Nguyễn văn Thể, Sh Trần công Lao (miền Ðông nam); Lm Clément Nguyễn văn Thể kiêm liên lạc với giáo quyền (mục vụ ngoại kiều).

Hai ý lực làm chỉ nam cho việc liên lạc huynh đệ được Trưởng Nhiệm đề ra:

• Thăm viếng nhau qua việc cố tạo cơ hội gặp gỡ liên lạc, sống mầu nhiệm Ðức bà thạm viếng (Lc 1,39-56)

• Thương nhau cụ thể bằng việc cho nhau thời giờ: đến với nhau với tâm nguyện: Chúa ở giũa vì cĩ 2,3 người họp nhau nhân Danh Ngài(Mt 18,20)

Tờ Liên lạc: Tăng lên 16 trang để đáp ứng nhu cầu thơng tin liên lạc.Ra 6 số một năm.Gởi bưu điện cho 325 địa chỉ, trừ một số phát tay cho anh em vùng Paris.Chi phí tem cị tăng vọt..

Nội dung gồm các tiết mục: Mở đầu- lời đi ý về: trích thơ anh chị em-tin tức trong ngồi:tuyên úy đồn-văn phịng phối kết Roma- mở vịng tay lớn: thăm viếng các nơi. Tin sinh hoạt cácLTS Âu châu-Tin vui buồn trong gia đình Họ Liên:Tang chế, tiến chức, khấn dịng-Tin Ðại Hội LTSmiền Trung nam- Chuẩn bị các Ðại Hội trong và ngồi nước. Lịch trình hội họp LTS Paris và phụ cận.(trích LL số 2 (1999), số 6(2000)

Và một tổng kết sơ lược đã được cha Linh ghi lại ngày 29.01.2006, trong bài « Lịch sử Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp 1945-2005 » như sau:

Sĩ số LTS tăng, nhờ số Lm TS du học. Hội họp định kỳ 2 tháng một lần: số người tham dự trên dưới 30; tăng hay giảm là tuỳ vào sự hiệp lực mời gọi của Lm Ðại diện sinh viên. Trong nhiệm kỳ cha Châu ngọc Tri, danh sách LTS vừa có địa chỉ và hình ảnh của các sinh viên linh mục để giúp gặp nhau dể nhận diện. Với LLT miền Trung nam, cha Thể đều đặn báo cáo về sĩ số cùng đề tài học hỏi mỗi kỳ họp tại nhà các Chi đồi Fourvière: mỗi lần có chừng 20 người tham dự...

Trong thời gian 4 năm 1999-2003, đặc biệt có nhiều Ðại Hội được mở ra: tại Venise 1999 (USU), tại Roma 2000 (Năm ThánhJMJ), 2001 (chuẩn bị tổ chức Hội Niềm Tin, tại Lộ đức 2002 (Hội Niềm Tin cấp Âu châu), tại Roma 2003 (Hội Niềm tin cấp thế giới), LTS tích cực tham gia, cũng như hiện diện hiệp thông với Giáo Hội VN trong những đại lễ: nhận chức Hồng Y của TGM Fx Nguyễn văn Thuận và TGM JB Phạm Minh Mẫn…Với nhiều cuộc gặp gỡ cấp quốc tế không thể thiếu vắng khiến LTS đành phải đình chỉ Ðại Hội LTS thời gian nầy. Trại Hè cũng vì lý do nội ngoại không tổ chức được.

Bù lại chương trình mở vòng tay lớn đi thăm viếng anh chị em vẫn được thực hiện: thăm anh chi em miền Bắc đôi lần, miền Ðông, miền Trung 5,6 lần, miền tây, 4,5 lần. Và một lần Ðông tây nam Bắc xuyên suốt trong chuyến đi dài 14 ngày với cả phái đoàn gồm chánh phó TN, Cố vấn, 3 NT: chuyến đi đáng ghi nhớ dừng chân 10 tụ điểm có đông đảo anh chị em, cũng như vài chổ lẻ loi. Nhờ vậy anh chị em được nối kết gần gũi hơn. Ðó là cảm tưởng chung của anh chị thăm viếng và đón tiếp.

Ban nghiên cứu học hỏi: thực hiện đưọc vài lần với vài đề tài ich lợi; người trưởng ban xuất du và đương nhiên là từ nhiệm, và các thành viên tham dự thiếu vắng thưa dần vì khó tìm một thời điểm thích hợp cho nhiều người.

Rút tỉa kinh nghiệm hoạt động thời nầy, người TN có bày tỏ sự cần thiết phải cải tổ cơ cấu để bớt gánh nặng cho người TN: rút bớt hội họp để dồn lại vài lần trong năm, giống như LTS Roma Hội 1, 2 lần. Tờ LL cũng không ra nhiều, tốn tem có thiếu hụt ngân qũy!.

3. « Hội Xuân Bích VN (3)»

a. Tên gọi và nguồn gốc.

Từ « SULPICE » được phiên âm thành « XUÂN BÍCH », khởi hứng từ một câu thơ nho « Xuân thảo bích sắc » (cỏ mùa xuân màu xanh).

Các linh mục Xuân Bích Pháp đến Hà Nội năm 1929, và tử 01.9.1933 phụ trách Đại chủng viện Xuân Bích tại Liễu Giai (Hà Nội). Năm 1954, Xuân Bích Hà Nội dời vào miền Nam, tạm trú tại Vĩnh Long, Thị Nghè (Sài Gòn), rồi ra Huế năm 1962. Trong thời gian 1962-1975, các linh mục Xuân Bích đảm trách Đại chủng viện Huế. Từ 1975-1994, Đại chủng viện bị đóng cửa, các linh mục Xuân Bích tản mát đi phục vụ tại nhiều Giáo phận khác nhau. Ngày 21.9.1994, Đại chủng viện Huế được tái hoạt động và trao lại cho các linh mục Xuân Bích đào tạo chủng sinh thuộc 3 giáo phận Huế, Đà nẵng, Kontum, và một số tu sĩ thuộc Đan viện Biển Đức Thiên An và dòng Thánh Tâm Huế theo học tại đây.

Hình cha Olier ở Lâu đài Versailles và Trianon - © RMN/Gérard Blot (photo: culture.fr)

Vị sáng lập của Hội là cha Jean-Jacques Olier (1608-1657). Ngài xác tín rằng không thể canh tân Giáo Hội và đẩy mạnh việc rao giảng Tin Mừng, nếu không đào tạo được những linh mục thánh thiện và nhiệt thành. Vì thế, được sự cộng tác của một số linh mục đồng chí hướng, cuối năm 1641, ngài đã thành lập được một chủng viện tại Vaugirard, và đầu năm 1642, chuyển về Thủ đô, trên lãnh thổ của giáo xứ Saint-Sulpice mà ngài là cha sở. Từ đây, chủng viện sẽ mang tên là Séminaire de Saint-Sulpice (Chủng viện Xuân Bích), và Hội Linh mục Xuân Bích (thường viết tắt bằng tiếng Pháp là pss (prêtre de Saint-Sulpice)) được thành lập.

b. Bản chất và mục đích của Hội.

Hội Linh mục Xuân Bích là một hiệp hội linh mục giáo phận, có đời sống chung, nhưng không có lời khấn như bất cứ một dòng tu nào. Giáo luật xếp Hội vào nhóm « Hội đời sống tông đồ » (Société de vie apostolique). Khi nhập Hội, các linh mục Xuân Bích vẫn giữ nguyên nhập tịch của mình tại Giáo phận gốc và vẫn là linh mục giáo phận chứ không phải tu sĩ dòng. Họ vẫn là người nhập tịch Giáo phận theo giáo luật, và khi nào họ rời Hội, thì đương nhiên trở về Giáo phận.

Trong Hội, họ sống chung với nhau dựa vào tình bác ái linh mục, quyết tâm của mỗi người là « sống hết mình cho Thiên Chúa » (vivere summe Deo) và phục vụ hàng giáo sĩ giáo phận, đặc biệt trong khâu đào tạo, dâng hiến cuộc đời cho việc dào tạo các linh mục tương lai.

Lúc ban đầu, mục đích của Hội nhằm huấn luyện chủng sinh. Nhưng ngày nay, dưới ánh sáng công đồng Vatican II, Hội còn cộng tác với các Giám Mục trong việc thường huấn cho các linh mục, và sẵn sàng giúp công tác mục vụ và truyền giáo (vd. hiện nay ở Việt Nam, Hội đang phụ trách giáo xứ Nhân Hòa tại thành phố Hồ Chí Minh và giáo xứ Kim Long tại Huế).

c. Linh đạo của Hội.

Chịu ảnh hưởng của Trường phái tu đức Pháp, linh đạo Xuân Bích tập trung vào sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và sống hết mình cho Thiên Chúa. Châm ngồn của Hội là:

Vivere summe Deo in Christo Jesu

Sống hết mình cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô

d. Nguyện vọng của Hội.

Mong ước của Hội cũng như của cha sáng lập là « canh tân Hội Thánh bằng cách đào tạo được nhiều linh mục có tinh thần Giáo Hội, để sau đó ra đi phụng sự Chúa, đến bất cứ nơi nào Chúa gọi họ » (Tự Thuật của cha J.J. Olier 3, 83).

e. Đường lối sư phạm của Hội.

Xuân Bích có đường hướng sư phạm riêng là biến chủng viện thành một cộng đoàn giáo dục có tính cách gia đình, ưu tiên cho việc đào tạo thiêng liêng, lấy việc linh hướng làm phương thế quan trọng để giúp chủng sinh nhận ra ơn gọi và tự do đáp lại. Mọi nỗ lực đều dồn vào cuộc sống bác ái và tín nhiệm giữa chủng sinh và ban Giám đốc. Các cha giáo đều là cha linh hướng (trừ cha Giám Đốc), và các chủng sinh được tự do chọn cha linh hướng.

Hội Xuân Bích làm việc theo tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm (collégialité et coresponsabilité), mọi việc quan trọng trong sinh hoạt của chủng viện thường được bàn bạc chung trong hội đồng (họp ít là 2 tuần một lần), lấy biểu quyết và thực hiện chung.

f. Tiếp nhận ứng viên.

Hai điều kiện ban đầu: Hội chỉ tiếp nhận các linh mục giáo phận (hoặc ít là Phó tế) và ứng viên cần được Giám Mục bản quyền của mình cho phép.

g. Liên lạc:

Linh mục Giám đốc Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán

Đại Chủng Viện Huế

30 Kim Long

Thành Phố Huế, Việt Nam

Đt: (054) 529.511

Email: dcvhuexb@gmail.com

Paris, ngày 11 tháng 05 năm 2009

Trần Văn Cảnh

Chú thích

(1). Trong năm 2009, « Năm Ơn gọi », với chủ đề “ Tất cả cho ơn gọi “, dưới tiêu đề “Năm của Linh mục », văn phòng về ơn gọi của Tổng Giáo phận Paris muốn mỗi họ đạo thể hiện một sinh hoạt nào đó nhằm 4 mục đích: 1-Gây ý thức về ơn gọi nơi các em nhỏ; 2-Cổ võ ơn gọi nơi giới trẻ; 3- Giúp các phụ huynh nhận ra bổn phận hướng dẫn con cái về việc lựa chọn ơn gọi; 4- Liên kết mọi người trong lời cầu nguyện cho ơn gọi.

GXVN Paris đã đưa ra một chương trình 10 điểm, trong đó điểm thứ 3 qui định: « Thứ bảy và chủ nhật II mỗi tháng sẽ mời một linh mục, thầy sáu, tu sĩ hay giáo dân giảng lễ và cho chứng từ về ơn gọi ».

Năm bài chứng từ đã được chia sẻ:

Bài 1, đã được cha Nguyễn Bình chia sẻ vào chủ nhật 14.12.08 về vấn đề «Làm sao biết Chúa gọi mình» ?

Bài 2, đã được cha Phan Tấn Khánh chia sẻ vào chủ nhật 11.01.2009 về đề tài « Tự do trong đời sống tận hiến ».

Bài 3, đã được chị Maria Vũ Thị Minh chia sẻ vào chủ nhật 08.02.2009 về đề tài « Đời sống siêu nhiên của người tận hiến ».

Bài 4, đã được thầy Nguyễn Quốc Tuấn, Dòng Tên, chia sẻ vào chủ nhật 15.03.2009 về đề tài: « Vấn đề tiền bạc trong đời sống tận hiến ».

Bài 5 đã được chị Marie Đào Kim Phượng, giáo dân tận hiến « Nữ Trợ tá tông đổ », chia sẻ vàochủ nhật 19.04.2009 về đề tài: « Đời sống độc thân trong ơn gọi tận hiến ».

(2). Lm Fx Hồng Kim Linh và Lm Jos Mai Đức Vinh, Lịch sử Liên tu sĩ Việt Nam tại Pháp, 1945-2005.

(3). Xin xem thêm mạng http://xuanbichvietnam.wordpress.com/
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lương tâm và bồi bút
Lê Sáng
17:12 13/05/2009
Xin bắt đầu bằng một tác nghiệp báo chí thành công đến mức được nhận giải thưởng Pulitzer: Bức hình của Kevin Carter đoạt giải Pulitzer năm 1994. Theo chú giải của Kevin Carter thì bức hình thuộc loại ảnh tài liệu phản ánh hiện thực, mô tả một bé gái sắp chết vì đói, cố bò về phía trại cứu đói của Liên Hiệp Quốc cách chỗ em chỉ vài trăm thước. Đi sau em là một con chim kên kên chuyên ăn xác như để chờ đợi em bé chết thì ăn thịt theo bản năng nó vẫn làm.



Tấm hình làm rúng động cả thế giới, và nhờ đó nạn đói ở Châu Phi được thế giới chú tâm hơn, một chiến dịch cứu đói Châu Phi được mở ra, có hàng triệu người được cứu. Nhưng sau đó người ta không thể quên đi cô bé trong bức hình. Người ta hỏi Kevin Carter về số phận của bé gái sau đó ra sao? Kevin Carter không trả lời được vì sau khi chụp bức hình anh thì cũng đi ngay…

Người ta tìm cách truy tìm thông tin về số phận của cô bé sau khi tấm hình được chụp, nhưng vô ích, em chỉ là một trong vô số thân phận các em bé bị bỏ rơi trong nạn đói, mà cha mẹ, người thân của em đã chết trước…

Nhưng chẳng nhẽ Kevin Carter lại vô tâm đến thế? Sao không nỡ đưa cô bé đến trại cứu trợ cách đó có vài trăm thước? Sao không đuổi con chim kên kên đó đi? Dẫu cho em chết nhưng để mặc con chim kên kên ăn thịt thì thật là nhẫn tâm, loài vật (Loài voi chẳng hạn) còn bảo vệ xác đồng loại sau khi chết, không cho các loài thú ăn thịt đến cắn xé phương chi con người ? Và người ta lên án Kevin Carter.

Có một bài báo đã viết về Carter: “The man adjusting his lens to take just the right frame of her suffering, might just as well be a predator, another vulture on the scene.” . Dịch nghĩa: “Kẻ chỉ chú tâm chụp ảnh, nhưng lại vô cảm trước thảm cảnh của cô bé da đen, thì cũng chỉ là một con vật ăn thịt, một con kên kên thứ hai trong bối cảnh tàn bạo ấy mà thôi” . Kevin Carter đọc được bài báo này, anh đã tự sát.

Một tấm hình của Kevin Carter mà hàng triệu người được cứu khỏi chết đói. Nhưng hành động tác nghiệp báo chí một cách máy móc, cố sao cho làm được nhiều thao tác, lấy được nhiều tin… Đã làm một sinh linh bé nhỏ biến mất không thể tìm lại được nữa. Chắc khi phát hiện ra sai lầm, Kevin Carter cũng cố gắng tìm kiếm khắc phục… Nhưng vô vọng. Mặc dù cứu được hàng triệu người khỏi nạn đói đe doạ tính mạng, nhưng dù chỉ vô tình mà bỏ mặc một sinh linh bé bỏng trong nguy hiểm rình rập mà Kevin Carter đã tự sát. Anh là người có lương tâm, anh nhận ra sai lầm của mình, và rất đau đớn khi sai lầm đó không thể khắc phục được hậu quả… Dẫu là tự sát, nhưng người công chính vẫn muốn thắp một ngọn nến mà cầu nguyện cho anh – Cho lương tâm của nhân loại.

Tin tức, thông tin, báo chí, truyền hình, có một sức mạnh ghê gớm, nó là thứ vũ khí không thuốc nổ nếu nó rơi vào tay kẻ bất nhân. Chính vì thế mà chủ nghĩa cộng sản đã triệt để lợi dụng cho mục đích tuyên truyền bẩn thỉu, đánh lận con đen, cưỡng bức tư tưởng nô dịch tư duy. Đổi trắng thay đen, đảo điên chân lý. Chủ nghĩa cộng sản cùng cỗ máy tuyên truyền chiến tranh tư tưởng của nó là thế nào ngày nay không một người trí thức một người có lương tâm nào còn mơ hồ nữa. Nó đã tự phơi bày tính chất bất nhân với biết bao nhiêu tội ác đã ghi vào lịch sử.

Có thể nói cộng sản còn tồn tại được ở đâu là vì ở đó cỗ máy tuyên truyền đổi trắng thay đen của nó vẫn còn hoạt động. Nếu tranh luận sòng phẳng, chẳng bao giờ cộng sản có thể biện minh được cho cái học thuyết lộn phộc tư duy đảo ngược chân lý của nó, lại càng không thể biện minh được cho hành vi, những gì nó đã làm đang làm trong xã hội văn minh ngày nay. Đương nhiên để cho cỗ máy này hoạt động được, cộng sản phải xây dựng một đội ngũ bồi bút, phải bịt miệng tiếng nói phản đối, phải đánh lén, đâm sau lưng những người lên tiếng phản đối nó.

Hãy xem những việc làm của đám bồi bút cộng sản, mà chúng vẫn rêu rao là nhà báo, là phóng viên, có lương tâm người cầm bút xã hội chủ nghĩa trong vụ việc giáo xứ Thái Hà:

Trưa ngày 04.9.2008, một nhóm làm phim của Đài Truyền Hình Hà Nội đến trước cửa nhà thờ Thái Hà để làm một màn phỏng vấn bằng cách thuê một ông lão ăn mày đóng vai giáo dân lên án tu sĩ, giáo dân Thái Hà trong việc đòi lại công lý cho toàn xã hội. Năm tên phóng viên bồi bút kẻ thì mặt mày đen đúa, kẻ thì mặt còn lông sữa trông thư sinh nhưng hành vi khuất tất cho nên bộ mặt thất thần… Sau khi bị giáo dân Thái Hà bắt quả tang, những tên bồi bút với lương tâm nhà báo xã hội chủ nghĩa này chưa thu máy, mà còn hướng ông kính quay hình giáo dân với thái độ lời nói đe doạ… (http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=58121)



Bị lộ mặt kẻ gian, ngụy tạo tin tức, bịa đặt lời nói của nhiều người vì mục đích tuyên truyền lừu bịp đổi trắng thay đen. Đám bồi bút cộng sản không hề xấu hổ, mà chúng vẫn ngựa quen đường cũ tiếp tục làm giả tin, phịa tin, chúng phịa ngay cả những lời nói của những “đồng chí” với chúng. Ngày 28.4.2009, báo Hà Nội Mới lại cho đăng tải những lời phỏng vấn của “luật sư” của chủ tịch MTTQ … (http://hanoimoi.com.vn/vn/12/205447/).

Đương nhiên những kẻ này đều là đảng viên cộng sản. Có điều nực cười là đám bồi bút cộng sản này đang cầm quyền mà cũng sợ, nên không tiết lộ danh tánh thậm chú không dám tiết lộ bút danh, mà đưa ra hỗn danh “nhóm phóng viên nội chính” . Với một bài phỏng vấn, ai cũng biết nó phải có câu hỏi câu trả lời rõ ràng. Nhưng nhóm phóng viên nội chính này viết vo thành một câu, và không quên gán danh những kẻ là “luật sư” là “chủ tịch” … vào mớ văn viết vo đó.

Khi vị “luật sư” này bị truy hỏi về những lời lẽ phát ngôn buộc tội người khác một cách trái pháp luật ngay cả với luật pháp phi lý của cộng sản, ông ta cũng thẳng thừng bác bỏ và qui kết báo HNM đã đăng sai lời ông ta nói. (http://www.giaoxuthaiha.org/Web/ContentDetail.aspx?distid=2350)

Nhưng ông ta không phản ứng gì về việc đăng sai này mà lại hướng người ta đến toà báo mà hỏi tại sao. Thật đúng là một phường bồi: Bồi bút - Bồi luật - với đạo đức cộng sản chủ nghĩa.

Một nhà báo với một tác nghiệp, đã đánh động lương tâm nhân loại, giúp hàng triệu người thoát chết đói. Cũng trong tác nghiệp ấy, anh vô tình mà bỏ qua một hoàn cảnh của một sinh linh bé nhỏ đang cô đơn thoi thóp không thể kháng cự với sự đe doạ của “thế giới hoang dại” Châu Phi. Sinh linh ấy vĩnh viễn không tìm lại được. Hàng triệu sinh mạng được cứu kia, không làm anh tha thứ cho mình đã bỏ rơi một sinh linh trong tuyệt vọng. Đó là lương tâm nhân loại – Lương tâm nhà báo.

Còn đám phóng viên, nhà báo bồi bút cộng sản thì sao? Lương tâm người cầm bút xã hội chủ nghĩa là cái gì? Lương tâm người chiến sĩ cộng sản trên mặt trận thông tin là gì? Đã có kẻ nào bị lương tâm cắn rứt mà phải tự sát chưa? Nên Có thể kết luận: Cái cộng sản gọi là đạo đức cách mạng, là lương tâm cộng sản chủ nghĩa – Thì nhân loại gọi là vô lương tâm.
 
Tin Đáng Chú Ý
Độc giả góp ý: Chúc mừng cô Prejean, hoa hậu California!
Bảo Đăng
03:10 13/05/2009
NEW YORK – Ông Donald Trump chủ nhân Miss USA Pagean hôm nay tuyên bố Hoa hậu California Carrie Prejean vẫn giữ được vương miện.

Hoa hậu California và là Á hậu Miss USA năm nay 21 tuổi, bị tố cáo là có chụp hình khỏa thân, chỉ có mặc quần lót khi còn là thiếu nữ, nhưng cô nói hình chụp đó chỉ là tình cờ do một người bạn chụp trước đây chứ không có ý muốn quảng cáo hay với mục đích nào khác. Ông Donald Trump xem hình và cho rằng không có gì, những tấm hình đó là "fine".

Xin góp ý: Chúng ta quen nhìn sức mạnh bằng thể lý và thường không quen nhìn sức mạnh của tâm linh.

Một trái bom nguyên tử tàn phá và giết chết hàng chục ngàn người trong khoảnh khắc tại Hiroshima, Nhật Bản. Nhưng một lời nói, một hành động của một cá nhân nhỏ bé có thể làm chuyển động lòng người. Thí dụ điển hình là trào lưu phản chiến tại Hoa Kỳ trong những năm 1970 có tác hại lên không chỉ 85 triệu người dân Việt Nam hiện nay mà cả hàng triệu người dân Cambodia và Laos và chủ nghĩa CS có cơ hội bành trướng chỉ vì các tin tức về chiến tranh Việt Nam bị các hãng truyền thông "thân cộng" khai thác như trường hợp của nữ tài tử Jane Fonda (hình ảnh cô ngồi trên súng cao xạ phòng không của VC được truyền đi khắp thế giới đem lại thất lợi cho việc chiến đấu chống xâm lược của CS quốc tế qua hình thức chiến tranh giải phóng. Dư luận Hoa Kỳ lúc bấy giờ sôi động lên!)

Bài diễn văn "I Have A Dream" của Ông Luther King làm bộ mặt của nước Mỹ hơn đối với người da den nói riêng và các sắc dân thiểu số khác trong nước nói chung. Kết quả là 40 năm sau khi Ông bị ám sát một vị TT da đen đắc cử làm thế giới ngạc nhiên.

Cuốn Thánh Kinh của Thiên Chúa Giáo chỉ là những lời nói và cuộc sống của Đức Giêsu đã biến đổi bộ mặt thế giới hơn bất cứ sức mạnh nào mà con người đã có, đang có, và sẽ có.

Vì thế lời nói của cô, "a marriage should be between a man and a woman - hôn nhân phải là giữa một người nam và một người nữ." trước ống kính của truyền thông toàn cầu trong một chương trình "beauty peagent" mà đa số người trẻ trên toàn thế giới ưa chuộng mặc cho áp lực của Ban Tổ Chứa và phong trào đồng tình luyến ái đòi hỏi hôn nhân đồng tính và quyền xin con nuôi và thừa kế như một gia đình dâng cao. Cô vẫn giữ lập trường, và chấp nhận có thể bị BTC tước mất ngôi vương hậu của cô.

Chúng ta xác định chúng ta không kỳ thị nhưng luôn tôn trọng cá nhân, luôn tôn trọng nhớm hay tập thể nhưng ngược lại những người đồng tình luyến ái cũng phải tôn trọng người khác, nhóm khác, và tập thể khác.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đọ Sức
Vũ Thanh
06:17 13/05/2009

ĐỌ SỨC



Ảnh của Vũ Thanh

Bạn anh hùng, tớ cũng anh hùng

Đôi ta quanh quẩn vẫn sống chung

Sao nay lại trổ tài giác đấu?

Hay là đọ sức để mài gươm:

sừng!

(Lê Trị)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Decretals - Denunciation
Nguyễn Trọng Đa
01:13 13/05/2009
Decretals
Giáo lệnh tập, bộ giáo lệnh. Một thư mang các quyết định của cấp trên về vấn đề kỷ luật, hoặc là thư trả lời của Đức Giáo hòang được yêu cầu cho ý kiến về một vấn đề kỷ luật. Từ ngữ cũng dành cho một bộ giáo tập, chẳng hạn Liber Sextus Decretalium, do Đức Giáo hòang Boniface VIII (1235-1303) sưu tập. (Từ nguyên Latinh decretale, sắc lệnh.)
Decretals, False
Gíao lệnh giả. Một sưu tập các thư Giáo hòang và luật công đồng được Isodore Mercator ở Gaul xuất bản khỏang năm 850. Phần đầu có 60 thư được cho là của các Giáo hòang đầu tiên (trong đó 58 thư là giả); phần thư hai có các luật của nhiều công đồng; phần thứ ba là thư của các Giáo chủ Roma (trong đó 30 thư là giả) David Blondel (1590-1655), và các anh em Ballerini, trong thế kỷ 18, đã chứng minh các thư ấy là giả sau khi chúng được tin là thật trong nhiều thế kỷ. Mục đích của việc làm các thư giả này là nhằm gia tăng quyền bính và sự độc lập của các giám mục chống lại quan chức dân sự. Giáo lệnh giả này dường như không quan tâm làm tăng quyền uy của các Giáo hòang, vốn đã được thiết lập thật tốt trước thế kỷ thứ chín rồi.
Dedication
Cung hiến, hiến dâng. Là sự để riêng ra cho việc sử dụng thánh. Đây có thể là người, địa điểm, đồ vật, được rút một phần hoặc toàn bộ khỏi mục đích tự nhiên hoặc thế tục, để dành ít hay nhiều cho việc thờ phượng hoặc phục vụ Chúa.
Deduction
Suy diễn, diễn dịch. Một diễn tiến lý luận đi từ tiền đề phổ quát đến một kết luận ít phổ quát hơn (hoặc có lúc cũng là phổ quát nữa); là lý luận đi từ cái chung đến cái riêng, từ lý thuyết đến thực hành, từ luật đến việc áp dụng luật cho một trường hợp riêng tư hoặc một cá nhân. (Từ nguyên Latinh deductio, giảm xuống, phái sinh.)
De Episcoporum Muneribus
Tông thư De Episcoporum Muneribus. Là tông thư của Đức Giáo hòang Phaolô VI đặt ra một lọat qui định cho các giám mục trong việc thực thi quyền miễn chuẩn của các ngài. Có hai khỏan quan trọng, đó là thứ nhất nhắc lại rằng Bộ Giáo luật vẫn có tính ràng buộc, trừ khi Tòa thánh nói rõ ràng là xóa bỏ một vài hướng dẫn Giáo luật, và thứ hai là quyền miễn chuẩn chỉ áp dụng cho các luật nhận thức hoặc luật cấm, chứ không áp dụng cho các qui định, vốn thiết lập luật Giáo hội. Chủ đề chính của tài liệu này là nói ra các quyền miễn chuẩn dành cho Đức Giáo hòang (Ngày 16-6-1966).
Def
Def, defunctus—qua đời, quá cố, tử, chết, người qua đời.
De Facto
De Facto, cứ sự, cứ thực, trên thực tế. Cứ thực tế và trên thực tế mà xét, dù một điều gì đó là hoặc không là đạo đức hoặc hợp luật. Trái nghĩa là de jure (cứ luật, theo luật pháp).
Defect
Thiếu sót, khuyết điểm. Là thiếu một điều gì nên có. Áp dụng đặc biệt cho sự cư xử của con ngườ, khi người ta thất bại trong sự làm một điều đáng làm (chẳng hạn im lặng khi cần nói), hoặc thiếu sự hoàn thiện đáng chờ mong (như một công nhân không hoàn thành công việc hàng ngày của mình), hoặc bỏ bê trách nhiệm cần phải có, hoặc không chu toàn lời hứa đã nói cách một cách nghiêm chỉnh.
Defendant
Người bị kiện, bị cáo. Trong luật Giáo hội, đó là người bị kiện trong một vụ án ở tòa án Giáo hội. Người bị kiện phải đích thân tham dự phiên tòa khi được triệu tập hoặc nhờ người thụ ủy tham dự. Trong các vụ án hình sự họ phải có luật sư biện hộ. Người bị kiện có quyền kháng án, từ tòa dưới lên tòa trên, chống lại một phán quyết bất lợi cho mình.
Defender Of The Faith
Người bảo vệ đức tin. Danh hiệu được Đức Giáo hoàng Leo X trao tặng cho Vua Henry VIII vào năm 1521, vì cuốn sách Assertio Septem Sacramentorum (Bênh vực bảy phép Bí tích) của Nhà Vua nước Anh. Cuốn sách này bênh vực cho bảy phép Bí tích và Thánh lễ chống lại Martin Luther. Các Vua và Nữ hoàng Anh vẫn còn giữ danh hiệu này trên xe ngựa của họ và là một trong các danh hiệu chính thức của họ.
Defensor Vinculi
Defensor Vinculi, Bảo hệ viên. Bảo hệ viên là một thành viên của tòa án hôn phối Giáo hội, có nhiệm vụ bảo vệ tính hợp pháp của một hôn nhân đang tranh cãi, cho đến khi có đủ bằng chứng cho thấy rằng hôn nhân này là vô hiệu. Nếu bảo hệ viên không đồng ý với phán quyết của tòa án này, ông phải kháng nghị lên tòa trên.
De Fide
De Fide, thuộc đức tin, tín khoản. Từ ngữ này được dùng để xác định các tín lý của Giáo hội là chân thật và không thể sai lầm. Cuối cùng tính xác thực không sai lầm phái sinh từ mặc khải của Chúa, nhưng trước đó phải từ sự việc rằng các tín lý ấy được định tín long trọng bởi huấn quyền của Giáo hội, hoặc được dạy bởi huấn quyền phổ quát thông thường của Giáo hội, để có tính ràng buộc đối với lương tâm của mọi tín hữu.
Defilement
Sự ô uế. Trong sự sử dụng từ ngữ này của Kinh thánh và Giáo hội, nó có nghĩa làm cho ô uế bằng cách tiếp xúc với vật không sạch, như ăn các thức ăn cấm, hoặc làm dơ tình vợ chồng bằng ngoại tình. Ý nghĩa quan trọng nhất của sự ô uế là có vết dơ của tội lỗi.
Definition
Định nghĩa. Là sự công bố hoặc tuyên bố ý nghĩa của một từ ngữ hoặc giải thích yếu tính của từ ngữ ấy là gì. Một định nghĩa thật sự nhận dạng bản chất của cái được định nghĩa, một định nghĩa mô tả nêu ra tính chất đặc thù của từ ngữ, một định nghĩa nguyên nhân cho biết một vật xuất hiện như thế nào, và một định nghĩa danh nghĩa hoặc ngôn từ chỉ giải thích ý nghĩa của một chữ hoặc nguồn gốc từ nguyên của nó. (Từ nguyên Latinh definitio, hạn chế; xác định.)
Definition, Accidental
Định nghĩa tùy thể. Định nghĩa này cho thấy một vật là gì bằng cách nêu ra các tính chất đặc thù ngoại tại hoặc có thể thay đổi của vật ấy.
Definition, Causal
Định nghĩa nguyên nhân. Định nghĩa này cho thấy một vật là gì bằng cách xác định nguyên nhân hoặc nguyên lý của nó, ví dụ nguyên động lực hay nguyên nhân tác thành, mục đích hay nguyên nhân mục đích, kiểu mẫu hay nguyên nhân mô phạm, hoặc sự phối hợp các nguyên nhân này.
Definition, Doctrinal
Định tín, minh định tín lý. Việc tuyên bố giáo lý đức tin hoặc luân lý, hoặc lên án một sai lầm, được thực hiện cách long trọng bởi giáo quyền tối cao. Trong Giáo hội Công giáo, chính Đức Giáo hoàng hay các công đồng chung kết hợp với Đức Giáo hoàng tuyên bố các định tín.
Definition Essential
Định nghĩa bản tính. Là định nghĩa cho thấy yếu tính của bản chất hoặc một vật là gì, hoặc trong trường hợp các vật cụ thể, vật ấy gồm có những chất gì trong đó.
Definition, Initial
Định nghĩa sơ khởi. Là sự mô tả sơ bộ một điều được nêu ra, được thực hiện hoặc được thừa nhận khi mở đầu cuộc tranh luận hoặc cuộc đối thoại, với mục đích là xác định hay khám phá các vấn đề có liên quan.
Definition, Nominal
Định nghĩa chính danh. Là sự giải thích ý nghĩa một từ ngữ hoặc nguồn gốc hay từ nguyên của nó. Đồng nghĩa với nó là verbal definition (định nghĩa theo chữ).
Definition, Real
Định nghĩa thực sự. Là sự giải thích một điều được biểu diễn bằng một khái niệm hay một từ ngữ; là lời tuyên bố về bản chất của một vật gì đó.
Definition, Theological
Định nghĩa thần học. Là sự giải thích một hay nhiều từ ngữ, được dùng trong chứng minh một luận đề hoặc một mệnh đề trong thần học tín lý. Đây là yêu cầu cơ bản trong việc dạy các học thuyết thánh.
Definitive (Diffinitive) Presence
Sự hiện diện dứt khoát. Là cách thức tinh thần hiện diện trong không gian, nhờ đó nó hoạt động tích cực trong toàn không gian của một vật thể chiếm, và không bị giới hạn bởi các “điểm” hay các phần của vật thể ấy, không lan ra ngoài không gian, không bị đo bởi kích cở và hình dáng của không gian bị chiếm. Đây là sự hiện diện của một tinh thần trong toàn không gian của một vật thể, trên đó nó hoạt động và chiếm trọn vẹn trong mỗi phần của không gian ấy.
Degenerate
Người suy đồi, người thóai hóa, người đồi bại. Là một người có tính cách luân lý xấu tệ đến nỗi người ấy ít có triển vọng hối cải. Sự suy đồi này hàm chứa tội lỗi và tự buông chiều trong một thời gian dài, và một sự hư hỏng của tính tình vốn cho thấy sự dửng dưng tích cực, nếu không nói là thù nghịch với luật luân lý. Tuy nhiên, người suy đồi không là một tên tội phạm theo dáng bề ngoài, và có thể là một con người đáng kính trọng trong xã hội nữa là khác. Yếu tính của sự suy đồi là sự hư hỏng nội tại của ý chí. (Từ nguyên Latinh degenerare, giảm khỏi chất lượng của dòng tộc: de-, tách ra + genus, sắc tộc.)
Degradation
Giáng chức, truất quyền, thoái hóa. Là hình phạt mà một giáo sĩ bị giảm xuống tình trạng giáo dân thường; là một sự tước đoạt, một sự hạ nhục. Hậu quả là có thể là sự hạ bệ và tước áo tu sĩ. Việc phạt này là thường xuyên trừ phi bề trên tha phạt sau khi người ấy chu toàn các điều kiện ăn năn sám hối. Việc truất quyền này chỉ có thể được áp đặt vì các điều bị luật gán là tội ác, hoặc nếu người ấy tiếp tục gây vấp phạm sau khi bị giáng chức. Việc truất quyền là thực sự nếu có đi kèm với văn thư của Tòa thánh, hoặc là bằng lời nói khi một bề trên có quyền tuyên bố hình phạt cho người ấy.
Deicide
Tội giết Chúa, người giết Chúa. Nghĩa đen là sự giết (cidium) Chúa (Deus), và áp dụng cho những người chịu trách nhiệm về việc đóng đinh Chúa Kitô vào thánh giá. Điều này quy chiếu đặc biệt cho các luật sĩ Do Thái và người Pharisêu ở Palestine thời thế kỷ thứ nhất, và thêm Judas, Pilate, Annas và Caiphas, và các tên lính Roma tham gia vụ đóng đinh. Tuy nhiên, Công đồng chung Vatican IIT nói rằng “không thể quy trách một cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Chúa bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho người Do Thái thời nay" (Tuyên ngôn Nostra Aetate, 4). Từ ngữ có thể được phép sử dụng, bởi vì mặc dầu Chúa chắc chắn không chết, những người đã giết Chúa Kitô (là Thiên Chúa) mặc nhiên nhắm ý định sát hại chống lại bản tính Thiên Chúa. (Từ nguyên Latinh deicida: deus, thần, Chúa + cidium, giết chết.)
Dei Gratia
Dei Gratia, Nhờ ơn Chúa. Từ ngữ được dùng đế gán cho bất cứ điều gì một người có hoặc làm nhờ việc Chúa quan phòng.
Deism
Hữu thần thuyết, tự nhiên thần giáo. Thuyết chấp nhận sự hiện hữu của Chúa dựa trên nền tảng lý tính thuần túy, nhưng từ chối (với Blount hay Tindal) hoặc nghi ngờ (với Hume) hoặc từ bỏ như không thể tin được (với Voltaire và Rousseau) Kitô giáo như là một tôn giáo siêu nhiên. Như thế Mặc khải, các phép lạ, ân sủng, và các mầu nhiệm là không được chấp nhận bởi điều được gọi là “con người có lý trí”. Tuy nhiên hữu thần thuyết khác với chủ nghĩa duy lý, vì hữu thần thuyết nhấn mạnh việc chấp nhận một Thiên Chúa ngôi vị và tin vào điều gọi là tôn giáo tự nhiên, nhưng không nhìn nhận một trật tự siêu nhiên. (Từ nguyên Latinh Deus, Chúa.)
Deity
Thần tính, thiên tính, Thượng Đế. Là Chúa, được quan niệm trong từ ngữ thần học như là thần tính hoặc bản tính Thiên Chúa. Thần tính diễn tả Chúa như thế nào, thường là một Hữu thể vô biên có yếu tính là sự hằng hữu. Như thế thần tính xác định Chúa Ba Ngôi như là một Chúa. (Từ nguyên Latinh deitas, thiên tính.)
Dei Verbum
Hiến chế Tín lý Dei Verbum (Lời Chúa). Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa của Công đồng chung Vatican II. Năm chương bàn về chính Mặc khải; sự lưu truyền Mặc khải của Thiên Chúa qua đức tin của các tín hữu và sự bảo tồn đức tin của Giáo hội; Kinh Thánh là lời linh ứng của Chúa cần được giải thích dưới sự hướng dẫn của Giáo hội; Cựu ước được hoàn thành trong Tân Ước và chiếu ánh sáng cho Tân Ước như là sự hoàn tất việc Chúa tự tỏ lộ, và tầm quan trọng của Kinh thánh trong đời sống Giáo hội. Suốt cả hiến chế là trình bày sự phát triển của giáo lý, có nghĩa là Giáo hội luôn đào sâu và hiểu sâu những gì Chúa đã nói một lần xưa kia cho cả nhân loại. (Ngày 18-11-1965).
De Jure
De Jure, Cứ luật, theo luật pháp. Xét là đúng khi cứ tuân theo luật, luật con người hay luật Chúa, luật tự nhiên hay thực chứng, pháp lý; như thế là đúng trên bình diện nguyên tắc, trái nghĩa với de facto (cứ sự, cứ thực, trên thực tế.)
Delectation Victrix
Hỉ hoan chiến thắng. Trong thuyết Jansen, là học thuyết cho rằng khi một con người đã được tiền định phải đối mặt với một chọn lựa luân lý, ơn Chúa luôn bảo đảm rằng điều gì Chúa muốn cho người ấy làm sẽ được thực hiện bởi lý lẽ của sự thu hút áp đảo. Mặc nhiên trong thuyết này là khái niệm ân sủng không thể cưỡng lại được. Những ai được tiền định cứu rỗi thì không thể tránh làm điều Chúa làm cho họ, bởi vì họ thiếu sự tự do nội tại hoặc để chống lại hoặc để hợp tác với điều vẫn được gọi là ơn Chúa.
Delegation
Ủy quyền, ủy nhiệm. Là quyền tài phán trong vấn đề thiêng liêng mà một người nhận từ một người khác, khi người này có quyền tài phán thông thường theo chức vụ của mình. Người được ủy quyền hành động nhân danh người ủy quyền. Trước khi hành động, người được ủy quyền phải chờ cho đến khi quyền hành động được trao ban một cách chính thức. Thẩm quyền tùy chức là tất cả những gì cần có để ủy quyền, trừ phi quyền này bị thu hồi vĩnh viễn. Người ủy quyền không có quyền tái ủy quyền, trừ khi: 1. quyền này được nói rõ ràng trong văn bản ủy quyền cho mình; hoặc 2. người này có quyền phổ quát trong một số vấn đề, hoặc trong một lọai vấn đề đặc biệt (ví dụ mọi vụ hôn phối). Nếu không thể có quyền tái ủy quyền, người này nên xin một số người khác giúp đỡ mình trong các chi tiết của công việc mình làm.
Deliberate
Cân nhắc, suy nghĩ chín chắn, chủ tâm, cố tình. Trong thần học luân lý, là điều được làm sau khi đã suy nghĩ về các động cơ cho hành động, hoặc sau khi xem xét và hỏi ý hiến người khác. Đối nghịch lai là điều gì làm hấp tấp, thiếu suy nghĩ hoặc bốc đồng. (Từ nguyên Latinh deliberare, tham khảo, xem xét.)
Delilah
Delilah, Đa-li-la. Là tình nhân của Samson (Sam-sôn); cô bị người Philistines (Phi-li-tinh) mua chuộc để phản bội Samson. Sức mạnh của chàng là phi thường đến nỗi họ biết là không thể khuất phục được chàng, trừ phi họ biết được bí quyết sức mạnh của chàng. Sau nhiều cố gắng thất bại, Delilah tán tỉnh chàng và chàng cho biết rằng sức mạnh của chàng nằm trong bộ tóc của mình. “Nếu anh bị cạo đầu thì anh sẽ mất sức ngay, trở nên yếu nhược và như mọi người khác" (Tl 16:4-21). Dalilah liền đưa tin này cho người Philistines, nên họ đã cắt tóc Samson khi chàng đang ngủ và sẵn sàng khống chế chàng (Tl 16:17).
Deluge
Đại hồng thủy. Là trình thuật trong Kinh thánh về việc Chúa trừng phạt lòai người bằng các trận mưa không ngớt, đến nỗi hồng thủy đã tiêu diệt tất cả trừ những người đi theo ông Noah (Nô-ê) lên chiếc tàu (St 6-9). Tuy nhiên hồng thủy không cần phải bao phủ tòan bộ trái đất chúng ta. (Từ nguyên Latinh diluvium, lụt, tẩy sạch.)
Delusion
Ảo tưởng, ảo ảnh, ảo giác, chứng hoang tưởng. Một niềm tin sai lầm rằng một người suy nghĩ là đúng bất chấp mọi bằng chứng hợp lý nói ngược lại. Ảo tưởng là một niềm tin sai lầm; nó là cố chấp, dai dẳng, và là một nguyên tắc có hệ thống cho mọi hành động của người có ảo tưởng. Đã hơn một lần người Do Thái được cảnh báo là không bị quyến rũ bởi các ảo tưởng của các ngôn sứ giả (Gr 23:26).
Demerit
Sự lầm lỗi, điều lầm lỗi, điều đáng phạt. Là một hành vi cố ý làm xúc phạm một người và do đó đáng bị bồi hòan hoặc bị phạt. Với quy chiếu về Chúa, điều lầm lỗi là hiệu quả của tội và gồm có sự mất tình nghĩa với Chúa và mất quyền hưởng nước trời do tội trọng, và làm suy yếu đời dống siêu nhiên do tội nhẹ.
Demiurge
Hóa công, con tạo, tiểu thần. Nguyên thủy là thợ thủ công làm việc cho mọi người, được triết gia Plato (427-347 trước Công nguyên) dùng để chỉ Hóa Công. Hóa Công trở thành một từ ngữ chung trong Ngộ đạo thuyết và các hệ thống lạc giáo khác. Hóa công là vị tạo dựng thế giới, là hiện thân của thần dữ đã gây ra việc đóng đnh Chúa Kitô, là khác biệt với Chúa Tối cao và sinh xuất từ Chúa. Một số nhà Ngộ đạo thuyết đồng hóa Hóa công với Chúa Giavê của Cựu Ước, từ quyền năng của Ngài con người được Chúa Kitô cứu độ trong Tân Ước. (Từ nguyên Hi Lạp d_mos, người + ergon, công việc: d_miourgos, thợ thủ công.)
Democracy
Dân chủ. Như được định nghĩa trong học thuyết xã hội Công giáo, dân chủ là một hình thức chính quyền dân sự, vốn không những là vì dân và của dân, mà còn là bởi dân. Mọi xã hội chính trị, theo luật tự nhiên, là cần phải vì dân, bời vì mục đích của nó là công ích. Nó cũng cần phải là của dân, bởi vì nó phát sinh từ sự đồng thuận của dân và sự cho phép của dân. Nhưng nó có thể không cần là bởi dân, trừ phi người công dân ước muốn như thế. Trong nền dân chủ, các nhà lãnh đạo được mọi người dân bầu chọn với quyền bình đẳng, và có sự tự do cá nhân rất lớn gắn kết với công ích. Dân chủ bị hạn chế hoặc không bị hạn chế tùy thuộc vào liệu mọi công dân hoặc chỉ có một phần người dân có quyền bình đẳng cho các bổn phận công cộng hay không. Dân chủ cũng có thể là gián tiếp hay trực tiếp. Trong dân chủ trực tiếp, toàn bộ người dân có quyền đầy đủ và thực thi trực tiếp mọi công tác chính quyền, vốn chỉ có thể được trong một cộng đồng xã hội nhỏ. Dân chủ gián tiếp, hay dân chủ đại diện, là dân chủ trong đó người dân được quản lý thông qua các đại biểu hợp pháp mà họ bầu lên. (Từ nguyên Hi Lạp d_mos, người dân + kratia, cai trị: d_mokratia, chính quyền của dân, dân quản lý.)
Demon
Quỷ, ác thần, người hung ác. Nguyên gốc có nghĩa là một thần thiêng ở giữa các thần linh và con người. Trong Tân Ước, quỷ là một thần dữ, có thể dịch ra là “sự dữ, ác thần”. Như thế từ ngữ này có nghĩa là ác thần vô hình, mà từ ngữ demon thời tiền Kitô giáo chưa hàm chứa nghĩa ấy. (Từ nguyên Latinh daemon, thần ác; từ ngữ Hi Lạp daim_n, thần, thần thiêng.)
Demonic Anger
Sự tức giận của quỷ. Là sự tức giận đối với Chúa, và sự tức giận này là nền tảng cho phạm thượng. Nó được gọi là “của quỷ”, bởi vì nó diễn tả cách thức ma quỷ được cho là phản ứng với công lý của Chúa, vì Chúa đã kết án ma quỷ bị trừng phạt đời đời.
Demonology
Quỷ học. Là khoa học hay học thuyết về ma quỷ. Ngay trong thời cổ xưa, nơi người Do Thái hay ngòai truyền thống Do Thái, người ta đã tin vào ma quỷ. Sự quan tâm thời nay vào ma quỷ là phản ứng tự nhiên một phần nào của người dân trong các xã hội, trong đó nhiều thế hệ chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa hoài nghi đã bỏ lơ hoặc nhạo báng sự hiện hữu của các ác thần, vì các ác thần này đã được Chúa cho phép “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé" (I Pr 5:8).
Demonstration, A Posteriori
Chứng minh hậu thiên. Là lý luận hợp lệ đi từ các tiền đề, vốn đã được biết rõ hơn kết luận. Tuy nhiên các tiền đề này là kết quả xuất hiện sau, trong hiện hữu và trong thời gian, so với nguyên nhân trong kết luận, chẳng hạn các chứng minh Chúa hiện hữu.
Demonstration, A Priori
Chứng minh tiên thiên. Là lý luận hợp lệ đi từ các tiền đề hiển nhiên. Do đó lý luận khởi đi từ một điều đã có sẵn trong tự nhiên hay trong thời gian, so với điều nói trong kết luận, ví dụ từ nguyên nhân đến kết quả, từ bản tính một vật đến các đặc tính của vật đó.
Demythology
Giải trừ huyền thoại tính. Là thuyết cho rằng toàn bộ ngôn từ và tinh thần của Tân Ước là huyền thoại trong tính chất, các thánh sử cho rằng các phép lạ xảy ra và thế giới chịu ảnh hưởng các thế lực siêu nhiên. Do đó, theo thuyết trên, để phát hiện các sự kiện thật sự trong cuộc đời Chúa Kitô và giáo huấn của Chúa, cần phải tước bỏ Tân Ước, nhất là bốn sách Tin mừng, khỏi lớp bọc huyền thoại này. (Từ nguyên Latinh de-, lật ngược + từ ngữ Hi Lạp mythologein, huyền thọai.)
Denial Of Faith
Chối bỏ đức tin, phủ nhận đức tin. Là bất cứ ngôn từ, dấu hiệu hay hành động nào mà qua đó một người Công giáo chối bỏ những gì Giáo hội dạy mọi tín hữu phải tin. Sự chối bỏ đức tin là trực tiếp khi điều đã nói hoặc đã làm tự bản chất chứa sự chối bỏ đức tin chân thật. Sự chối bỏ đức tin là gián tiếp khi việc chối bỏ được hàm chứa trong các hoàn cảnh nào đó. Mọi sự chối bỏ đức tin một cách cố ý là tội trọng.
De Nihilo Nihil
De Nihilo Nihil, hư vô từ hư vô, không có gì bắt nguồn từ hư vô. Một cụm từ trong triết học nêu ra nguyên lý nhân qủa. Mọi hậu quả phải có nguyên nhân, bởi vì không có nguyên nhân thì không có vật thể hữu hạn nào có thể hiện hữu được.
Denomination
Giáo phái, danh xưng. Là nhóm hợp pháp các tín hữu, nhất là nơi anh em Tin lành. Có nhiều giáo phái khác nhau hiện diện trong cùng một truyền thống Tin lành, chẳng hạn Tin lành Luther. Họ không nhất thiết là khác hẳn nhau, mặc dầu nói chung là có khác nhau, trong đức tin, phụng tự và hình thức quản lý giáo đoàn.
Denunciation
Hành động tố cáo. Là sự tiết lộ một tội ác cho giáo quyền. Các giáo sĩ và tu sĩ nào tham gia các hội cấm đều cần được người khác tố cáo với Tòa Thánh. Một cha giải tội gạ gẫm người khác trong tòa giải tội cần phải bị tố cáo với Giám mục sở tại hoặc Toà thánh. Sự tố cáo không thật đối với cha giải tội là một tội trọng, và tội này thường được dành cho Tòa thánh giải theo truyền thống.