Ngày 14-05-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Có con đường mang tên đường công chính
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
06:29 14/05/2019
Có con đường đưa vào tình yêu,
Có con đường mang nhiều hy vọng,
Có con đường đưa đến bến thương, bến nhớ,
Có con đường trao niềm vui sống,
Có con đường dẫn ta về khám phá lại hồn mình,
Có con đường tặng bình an hạnh phúc,
Có con đường mang đến gặp gỡ nghĩa ân,
Có con đường ban sức mạnh và nghị lực,
Có con đường đi lên bác ái, thứ tha và đón nhận,
Có con đường vang tiếng ầu ơ của bà, của mẹ,
Có con đường mà mồ hôi của ông, của cha đầy ngập,
Có con đường ru tuổi thơ mà ký ức mãi sống động,
Có con đường trao từ tâm, ân phúc, hiến dâng,
Có con đường tìm về ủi an, cảm thông, chia sớt,
Có con đường đưa ta về chân, thiện, mỹ,
Có con đường đưa ta về cội nguồn của yêu thương,
Có con đường đưa ta ra khỏi bản thân để yêu, để sống,
Có con đường dạy ta bớt bon chen, giành giật,
Có con đường dạy ta hãy thật thà chất phác...
Có thật nhiều những con đường tốt lành như thế,
Mỗi một người đều được mời gọi đặt chân trên chúng.
Mỗi một người đều được mời gọi,
Hãy tránh xa lối đi quanh co của tối tăm,
Của những ích kỷ, xe xua, xu nịnh, ganh tỵ, bới móc,
Những lối quanh co của hận thù, bạo lực, ngông cuồng,
Những hiềm khích, những gian trá, quỹ quyệt...
Để đi và sống với anh em,
Bằng nghĩa huynh đệ chân thành,
Để tiến đến đích thật
Là sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Hãy nhớ thật sâu, nhớ đinh ninh trọn kiếp sống rằng:
Mọi con đường tốt lành đều dẫn tới ơn công chính,
Và ai trang bị cho mình đức công chính,
Người đó đang phó mình cho Đấng Công Chính,
Người là chính Nguồn của mọi sự công chính.
NGƯỜI CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG CÔNG CHÍNH,
Người dẫn ta vào cõi công chính đời đời.
Hãy nhớ:
Thế gian có thật nhiều con đường,
Nhưng chỉ đi trên những con đường,
Mà chúng có thể dẫn ta tới,
ĐẤNG LÀ ĐƯỜNG CÔNG CHÍNH mà thôi.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:04 14/05/2019
20. Khi con đang căm giận than thở thì con vẫn con đang thuận theo dục tình, không khắc trị tình cảm lệch lạc và lòng đầy tư dục.(sách Gương Đức Chúa Giê-su )

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

--------------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:07 14/05/2019
12. ÔNG ĐẬU PHỤ

Có ông chủ nhà nọ rất ư là giàu có nhưng lại rất bủn xỉn keo kiệt, một ngày ba bữa đều luôn cho thầy dạy học ăn đậu phụ, ngay cả cuối năm mà cũng không đổi thức ăn.

Thời gian dạy học của thầy giáo đã hết, lúc sắp sửa ra đi thì viết một bài “Lâm Giang Tiên” lưu biệt để tặng:

“Gà béo vô số, dê béo lại càng vô số.

Kỉ hồi mắt no mà trong bụng đói,

mấy cái vụn nhạt này làm sao mà sống được ?

Sáng đậu phụ, trưa đậu phụ, tối cũng đậu phụ.

Sang năm nếu có mời thầy giáo,

Thì đến nơi am ni cơ mà mời !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 12:

Theo Khổng tử, địa vị của thầy giáo thì đứng sau vua và trước cha mẹ, có nghĩa là vai trò của ông thầy giáo rất quan trọng.

Nhưng thời nay có rất nhiều nhà giàu coi đồng tiền của mình bỏ ra lớn hơn tri thức và nhân cách của thầy giáo, cho nên họ đối xử với thầy giáo như là người đầy tớ dạy con của mình, họ coi thường thầy giáo vì thầy giáo phải đi kiếm tiền, còn họ thì bỏ tiền ra thuê thầy giáo.

Ngày xưa và trước đây có nhiều người thích học làm thầy giáo không phải vì tiền lương, nhưng là vì họ có một tâm hồn yêu mến và thiết tha với vận mệnh tương lai của giới trẻ; ngày nay rất ít người thích học làm thầy giáo vì cái nghề này đã bị chính xã hội coi thường, bị một vài phụ huynh có tiền của coi thường cho nên hậu quả nhãn tiền là: học trò đánh thầy cô giáo, phụ huynh chửi mắng và phỉ báng các thầy cô giáo trước mặt học trò.v.v...

Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ về vai trò giáo dục của thầy giáo, vì đối với họ, thầy giáo là những người thay mặt Chúa để dạy dỗ mở mang kiến thức, tri thức và nhân cách cho học trò, cho các con em của mình, do đó, dù không xếp thầy giáo sau vua hay trước cha mẹ, thì người Công Giáo vẫn luôn kính trọng và yêu mến các thầy giáo...

Muốn “mười năm trồng cây, một trăm năm trồng người”, thì ngay từ bây giờ, xã hội và các bậc phụ huynh phải yêu mến kính trọng các thầy cô giáo và dạy con cháu mình cũng phải làm như thế, bằng không thì các “ông đậu phụ” sẽ làm chết các thầy cô giáo, bởi vì “đậu phụ” thì không thể làm ra một thầy cô giáo...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 5C Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
12:57 14/05/2019
Chúa Nhật 5 PHỤC SINH. C
(Ga 13: 31-33a. 34-35)
ĐIỀU RĂN MỚI


Giới răn quan trọng trong đời,
Yêu thương gắn bó, như lời Thầy khuyên.
Vợ chồng trung tín song nguyền,
Thanh niên thiếu nữ, tơ duyên gọi mời.
Mẹ cha con cái sống đời,
Bạn bè thân hữu, cao vời tình thân.
Tình yêu nâng đỡ tinh thần,
Người thân kẻ lạ, cũng cần yêu thương.
Điều răn Chúa dậy mở đường,
Yêu nhau dấu chỉ, là trường học khôn.
Người trên kẻ dưới ôn tồn,
Yêu người yêu Chúa, kính tôn hết lòng.
Mến yêu thành thật tinh trong,
Thi hành luật dạy, theo dòng thời gian.
Cùng chung cuộc sống trần gian,
Người lành kẻ dữ, ơn ban bởi trời.
Tác sinh hình ảnh Chúa Trời,
Tương thân tương ái, gọi mời yêu nhau.
Chúa ban phúc lộc mai sau,
Tình yêu tha thứ, nỗi đau xóa nhòa.

Căn cứ điều này mà người ta nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con hãy yêu thương nhau. Chúa đã truyền lại cho chúng ta một gia sản qúi báu. Chúa lập Bí Tích Thánh Thể để cùng quy tụ chúng ta lại thành một cộng đồng yêu thương. Chúng ta gọi đây là Bí tích tình yêu.

Hãy yêu thương, đó là dấu chỉ và là đường vào đạo. Đạo của tình yêu. Để yêu thương con người một cách trọn vẹn, Chúa đã chia xẻ kiếp làm người với chúng ta. Chúa đã học biết yêu thương và vâng phục Đức Maria và thánh Giuse trong đời sống gia đình. Gia đình là chiếc nôi của tình yêu. Nếu chúng ta không thể yêu những người trong gia đình, làm sao chúng ta có thể nói chúng ta yêu những kẻ khác.

Thời đại văn minh tiến bộ khoa học, chúng ta có thể dùng mọi phương tiện kỹ thuật truyền thông để liên hệ với nhau. Chúng ta có thể dùng thơ từ, thiệp báo, phôn, điện thư, tín nhắn, facebook, facetime… để thông tin và thăm hỏi. Các phương tiện di chuyển cũng không thiếu, chúng ta có máy bay, tầu, xe lửa, xe hơi và các loại phương tiện khác để đi đến các địa chỉ. Xã hội con người rất xa mà gần, rất gần mà lại xa. Có nhiều những câu truyện tình trên mạng, chưa nhìn thấy nhau, chưa biết nhau, vẫn có thể cảm thông với nhau. Trong khi ngay những thành viên trong gia đình, nhìn thấy nhau hằng ngày lại cảm thấy chướng tai gai mắt. Thật lạ kỳ.

Chúa ban cho chúng ta giới luật yêu thương. Đây là tinh hoa của đạo Chúa và của đạo làm người. Ai cũng muốn mình được yêu và yêu. Nói đến yêu là nói đến trái tim. Trái tim chính là nguồn tiếp ứng máu huyết sự sống. Chúng ta không thể sống hạnh phúc, nếu không có tình yêu. Tình yêu được ghi dấu trong mỗi bước đường chúng ta đã trải qua. Có yêu chúng ta sẽ được đáp lại bằng tình yêu.

Khi chúng ta sờ vào vật gì, chúng ta để lại dấu vết trong không gian và thời gian và cả nơi lòng người. Khi chúng ta sờ vào đồ vật như nắm cửa, cuốn sách hay đồ dùng, chúng ta để lại dấu tay. Bất cứ nơi nào chúng ta đi qua, chúng ta cũng nên để lại dấu ấn của tình yêu nơi lòng người. Dấu ấn tình yêu sẽ không phai mờ.

Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương nhau như Chúa yêu chúng ta. Yêu là cho đi. Cho đi thời gian, cho đi khả năng, cho đi những cảm thông và tha thứ. Vì cho thì qúi hơn nhận. Hãy yêu và chúng ta sẽ được yêu. Lạy Chúa, Chúa đã yêu chúng con và Chúa đã cho đi tất cả. Xin cho chúng con biết yêu thương nhau như con cùng một Cha trên trời.

THỨ HAI, TUẦN 5 PHỤC SINH
(Ga 14, 21-26).
YÊU MẾN


Chúa truyền môn đệ lời này,
Giới răn cao trọng, yêu Thầy mến Cha.
Cha Thầy yêu mến chúng ta,
Tỏ mình mạc khải, mưa sa đong đầy.
Ai mà tuân giữ lời Thầy,
Chúng Ta sẽ đến, vui vầy sống chung.
Tình Cha nhân ái bao dung,
Nguồn ban sự sống, muôn trùng ân thiên.
Trao ban ân sủng siêu nhiên,
Nghe lời Chúa dậy, dịu hiền mến thương.
Cha Ta là Đấng dẫn đường,
Thánh Thần Phù Trợ, tựa nương sống đời.
Ơn Cha cao cả tuyệt vời,
Danh Thầy sai đến, dậy khơi mọi điều.
Thần Linh nhắc nhở thêm nhiều,
Khai tâm mở trí, cao siêu nhiệm mầu.

THỨ BA, TUẦN 5 PHỤC SINH
(Ga 14, 27-31a).
BÌNH AN


Bình an tâm trí rạng ngời,
Tâm hồn thanh thản, sống đời an vui.
Đừng lo xao xuyến bùi ngùi,
Cũng đừng sợ hãi, tới lui muộn phiền.
Thầy đi dọn chỗ cao thiên,
Ngày sau trở lại, cõi tiên dẫn về.
Kiên tâm trung tín lời thề,
Vui mừng đón nhận, chẳng nề gian truân.
Lời Thầy loan báo tự nguồn,
Tới khi xảy đến, thì luôn tín thành.
Nhiều điều kín nhiệm tốt lành,
Thần Linh sẽ tỏ, nhân danh lời Thầy
Thế gian thủ lãnh sa lầy,
Không gây quyền lực, vì Thầy bên Cha.
Thầy luôn yêu mến Chúa Cha,
Thực hành thánh ý, ngợi ca danh Người.

THỨ TƯ, TUẦN 5 PHỤC SINH
(Ga 15, 1-8).
CÂY NHO


Cây nho sai trái trong vườn,
Xanh um cành lá, bên sườn đồi cao.
Trái thơm chín mọng ngọt ngào,
Chúa Cha trồng cấy, biết bao ân tình.
Chăm nom vun tưới trổ sinh,
Ra công nuôi dưỡng, tận tình lắng lo.
Đây Thầy ví tựa cây nho,
Nhành nào kết hợp, sẽ cho trái vàng.
Nhiệm mầu thân thể cao sang,
Mỗi người chi thể, dễ dàng kết giao.
Là đầu nhiệm thể trên cao,
Chúa ban đặc sủng, dồi dào thánh ân.
Cành nào lìa khỏi tấm thân,
Sẽ mau khô héo, trụi trần cháy tiêu.
Danh Thầy vinh hiển cao siêu,
Hồn ai liên kết, ban nhiều ân thiêng.

THỨ NĂM, TUẦN 5 PHỤC SINH
(Ga 15, 9-11).
TÌNH YÊU


Tình yêu Thiên Chúa cao vời,
Trao ban chia sẻ, cho người trần gian.
Cha yêu nhân loại vô vàn,
Sai Con yêu dấu, mưa tràn ân tuôn.
Chúa Cha yêu mến Thầy luôn,
Yêu thương ban phát, hằng muôn ơn lành.
Các con tuân giữ thực hành,
Điều Thầy truyền dạy, tín thành thực thi.
Tình thương chan chứa từ bi,
Niềm vui trọn vẹn, khắc ghi trong hồn.
Chính Thầy vâng giữ kính tôn,
Danh Cha vinh hiển, thiên môn rạng ngời.
Vì yêu dâng hiến tuyệt vời,
Hy sinh cứu độ, cho người thế gian.
Ước mong vui hưởng thánh nhan,
Bên Cha từ ái, chứa chan phúc lành.

THỨ SÁU, TUẦN 5 PHỤC SINH
(Ga 15, 12-17).
HOA TRÁI


Như Thầy yêu mến các con,
Yêu thương thí mạng, ân tròn nghĩa cao.
Lệnh truyền Thầy muốn gởi trao,
Mến yêu gắn bó, kết giao tình người.
Hiến thân vì bạn cao vời,
Tâm tình cao quí, trên đời hiếm thay.
Chúa thương chịu khổ đắng cay,
Thí mình cứu độ, trả vay nợ đời.
Con người tội lỗi ngập trời,
Thầy thương cất nhắc, phận người tự do.
Trở nên bạn hữu thầy trò,
Chia phần gia nghiệp, dự kho Nước Trời.
Chính Thầy đã chọn vào đời,
Trổ sinh hoa trái, rạng ngời phúc vinh.
Yêu thương giới luật vô hình,
Thực hành đức ái, chữ tình trước tiên.

THỨ BẢY, TUẦN 5 PHỤC SINH
(Ga 15, 18-21).
BÁCH HẠI


Thế gian thù ghét các con,
Vì danh Chúa Cả, héo hon buồn sầu.
Các con đã biết từ đầu,
Ghét Thầy trước hết, ngõ hầu tẩy chay.
Những người tín hữu hôm nay,
Vai mang thánh giá, mỗi ngày theo Ta.
Chính Thầy đã chọn chúng ta,
Trở thành môn đệ, đi ra rao truyền.
Tin Mừng cứu độ tinh tuyền,
Sống đời trung tín, dủ khuyên mọi người.
Hãy cùng tuân giữ lời mời,
Thực thi ý Chúa, vào đời chứng nhân.
Cho dù bắt bớ hại thân,
Niềm tin kiên vững, tinh thần lạc quan.
Nguồn ơn thánh đức trao ban,
Thầy luôn hiện diện, thiên nhan sáng ngời.
 
Dấu chỉ môn đệ Đức Giêsu là thực hành yêu thương cụ thể
Lm Đan Vinh
22:29 14/05/2019
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH C
Cv 14,21b-27 ; Kh 21,1-5a ; Ga 13,31-33a.34-35

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 13,31-33a.34-35

(31) Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. (32) Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. (33a) Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy. Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. (34) Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (35) Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng hôm nay trích trong bài từ biệt của Đức Giê-su trong bữa tiệc ly vào chiều thứ Năm tuần thánh. Khi Giu-đa rời khỏi bàn tiệc lao mình vào bóng đêm thì Đức Giê-su tuyên bố “Giờ Người được tôn vinh” đã bắt đầu đúng theo thánh ý Chúa Cha. Sau đó Đức Giê-su ban cho các môn đệ điều răn mới là “Hãy yêu thương nhau như Thầy”. Tình yêu thương lẫn nhau chính là dấu chỉ để người ngoài phân biệt các ông chính là môn đệ của Đức Giê-su.

3. CHÚ THÍCH:

- C 31-32: + Khi Giu-đa đi rồi: Có lẽ Giu-đa ra khỏi phòng tiệc sau khi Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ và trước khi Người thiết lập bí tích Thánh Thể. Từ giờ phút này, Người bắt đầu cho biết về cái chết Người sắp trải qua và trăn trối những lời cuối cùng cho các môn đệ. + Giờ đây Con Người được tôn vinh: Cuộc thương khó chính thức bắt đầu, vì Giu-đa tiến hành công việc đi nộp Người. + Và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người: Thiên Chúa cũng được vinh hiển nhờ việc Đức Giê-su “vâng lời cho đến chết trên cây thập giá” (x. Pl 2,8). + Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình: Nếu Đức Giê-su làm cho Chúa Cha được vinh hiển nhờ cái chết của Người trên thập giá, thì Chúa Cha cũng sẽ ban cho Người được vinh hiển bằng cách cho Người sống lại vinh quang.
- C 33a.34-35: + Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy: Đức Giê-su giống như một người cha trăn trối những lời sau hết cho con cái trước khi chịu chết. + Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em: Điều răn này mới ở chỗ: thay vì lấy bản thân làm khuôn mẫu để yêu người khác như luật cũ dạy “Yêu đồng loại như chính thân mình” (x. Lv 19,18), Đức Giê-su lại đòi môn đệ phải yêu thương nhau theo khuôn mẫu tình yêu của Người dành cho họ, là hy sinh mạng sống mình vì họ. Thánh Gio-an viết: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết được tình yêu là gì: Đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta” (1 Ga 3,16). + Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy...: Tình yêu hy sinh như thế sẽ trở thành dấu chỉ đặc biệt để người đời nhận biết ai là môn đệ đích thực của Đức Giê-su.

4. CÂU HỎI:

1) Giu-đa có được Đức Giê-su rửa chân và có được tham dự bữa tiệc Thánh Thể không?
2) Tại sao sau khi Giu-đa vừa rời bàn tiệc, Đức Giê-su lại nói: “Giờ đây Con Người được tôn vinh” ?
3) So sánh với điều răn yêu người của Luật Mô-sê, thì điều răn các môn đệ hãy yêu thương nhau của Đức Giê-su mới ở điểm nào ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

2. CÂU CHUYỆN: THẾ NÀO LÀ MỘT TÌNH YÊU THỰC SỰ ?

1) YÊU THƯƠNG LÀ QUÊN MÌNH ĐỂ TÌM HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI YÊU:

Vào năm 1995, một trận động đất với cường độ mạnh đã xảy ra tại Thành phố Kô-bê Nhật Bản. khiến cho nhiều nhà cửa trong thành phố sụp đổ trở thành những đống gạch khổng lồ, gây thiệt hại rất lớn cho thành phố về người và của. Các đội cứu hộ ngày đêm làm việc khẩn trương để lôi ra từ những đống gạch đổ nát nhiều xác chết và người bị thương. Nhưng cũng chính từ tai họa này, người ta đã khám phá ra một câu chuyện rất cảm động về một tình yêu hy sinh quên mình như sau:

Đến ngày thứ hai của cuộc đào bới, thì từ dưới một ngôi nhà đổ nát, người ta đã đào lên được hai mẹ con vẫn còn sống thoi thóp. Đứa con nhỏ mới được vài tháng tuổi đang nằm ngủ yên trong lòng mẹ, đang khi mẹ của em lại bị hôn mê bất tỉnh. Sau khi tỉnh dậy, một nhà báo đã phỏng vấn bà mẹ trẻ ấy như sau: “Làm thế nào mà hai mẹ con chị có thể sống được đến hai ngày dưới đống gạch đổ nát kia ?”. Chị đáp: “Tuy bị vùi dưới tòa nhà, nhưng rất may chúng tôi đã không bị đè chết. Mấy tiếng đồng hồ sau thì con tôi khóc đòi ăn đang khi tôi chẳng còn giọt sữa nào. Tôi quờ quạng tìm xem có cái gì ăn cho đỡ đói không. Bất ngờ bàn tay tôi chạm vào một con dao sắc trong cái giỏ bên mình. Tôi cầm dao rạch một đường ở ngón cái cho chảy máu, rồi ấn chỗ bị cắt cho con bú máu thay vì sữa mẹ. Sau khi bú ngón tay tôi được mươi phút thì cháu nằm im ngủ. Nhưng rồi lại tiếp tục khóc vì đói. Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi cổ tay và cho cháu bú. Sau đó tôi ngất đi lúc nào không biết cho tới khi cả hai mẹ con được cứu sống”. Nhà báo tiếp tục hỏi: “Thế chị không nghĩ rằng khi làm như thế thì chị sẽ bị mất máu và sẽ bị chết hay sao?” Chị trả lời: “Lúc ấy, tôi không nghĩ đến mình, mà chỉ lo cho con tôi có cái gì bú để nó được sống!”.

2) TÌNH YÊU KHÔNG ÍCH KỶ NHƯNG LUÔN BIẾT NGHĨ ĐẾN NGƯỜI MÌNH YÊU:

Một ông lão đang đào đất gieo trồng mấy hột đào. Cháu trai của ông thấy vậy liền thắc mắc hỏi: “Ông ơi, tại sao ông lại phải vất vả trồng đào làm chi ? Liệu ông có sống được tới ngày cây đào ra trái hay không ?”. Bấy giờ ông lão liền âu yếm đặt tay lên vai đứa cháu, vừa cười vừa nói: “Này cháu, trái đào chúng ta ăn bây giờ chẳng phải là do người trước đã trồng đó sao ? Chúng ta ăn trái đào do người khác trồng, thì tại sao ta lại không trồng cho người đời sau được hưởng hả cháu ? Còn nếu ai cũng nghĩ rằng: chỉ khi nào được ăn thì mình mới trồng, thì liệu bây giờ chúng ta có được ăn những trái đào thơm ngon này không hả cháu ?”

3) YÊU THƯƠNG LÀ QUẢNG ĐẠI CHO ĐI HƠN NHẬN LÃNH:

Một sinh viên nghèo nọ theo học ngành mỹ thuật, ngày kia ghé thăm phòng vẽ của một danh họa Pháp. Bấy giờ trong phòng vẽ đang vắng lặng. Rồi cậu ta nhìn thấy một lão hành khất ngồi ở một góc tối để chờ làm người mẫu cho họa sĩ vẽ. Thấy bộ dạng tiều tụy đáng thương của người hành khất, cậu sinh viên liền động lòng trắc ẩn. Cậu ta mở bóp ra và tìm mãi mới thấy còn một quan tiền và sau đó cậu đã lấy ra tặng cho ông lão nghèo khổ kia. Khi họa sĩ đến làm việc, người hành khất mới hỏi xem cậu sinh viên có lòng quảng đại kia là ai. Trả lời người hành khất, họa sĩ nói : “Thưa đó là một sinh viên nghèo nhưng rất hiếu học”. Chiều hôm đó, cậu sinh viên đã nhận được một món quà gói kín, trên có đề tên người gửi là “Nam tước GIẮC ĐỜ RÓT-SIN” (Jacques De Rothschild). Mở gói quà ra, cậu thật vui mừng khi đếm được tới 10 ngàn quan, kèm theo một bức thư nội dung như sau: “Đây là số tiền lời do một quan tiền mà cậu đã bố thí cho người nghèo sáng hôm nay !”. Thì ra người hành khất ngồi chờ làm mẫu cho họa sĩ vẽ lại chính là một nam tước ham thích hội họa. Ông cũng là một người rất giàu có và tốt bụng.

4) TÌNH YÊU LÀ ĐIỀU KIỆN TÁI TẠO SỨC SỐNG MỚI CHO CỘNG ĐOÀN:

Một Tu viện trưởng đến thăm một vị ẩn sĩ khôn ngoan, để xin tư vấn về cách điều hành tu viện mà ông đảm trách. Ông cho biết: trước đây tu viện của ông là một trung tâm thu hút rất nhiều khách thập phương đến hành hương cầu nguyện. Nhà nguyện trong tu viện luôn vang tiếng ca hát cầu kinh. Số người đến gõ cửa xin vào tu đông đến nỗi không còn chỗ nhận thêm. Thế nhưng hiện nay tu viện lại rơi vào tình trạng vắng tanh vắng ngắt. Các tu sĩ chỉ còn lèo tèo mười lăm ông già. Ai nấy chỉ biết lo cho bản thân mà không biết nghĩ đến kẻ khác. Nói chung tình trạng tu viện hiện đang xuống cấp trầm trọng. Sau đó, Tu viện trưởng yêu cầu vị ẩn sĩ tư vấn để tìm ra nguyên nhân và phương thế khắc phục tình trạng trên. Sau khi nghe biết tình hình tu viện, vị ẩn sĩ đã góp ý với tu viện trưởng như sau: “Theo thiển ý tôi thì nguyên nhân chủ yếu của tình trạng xuống cấp bi đát kia chính là tội thiếu tình thương hay vô tình!” và giải thích thêm: “Đức Giê-su hiện đang cải trang thành một người trong tu viện, nhưng không ai trong tu viện nhận ra Người”.

Nhận được lời giải đáp, tu viện trưởng trở về tu viện, triệu tập các tu sĩ và cho biết Đức Giê-su hiện đang cải trang thành một người trong nhà. Ai trong cộng đoàn cũng có thể là Đức Giê-su ! Từ ngày đó, các tu sĩ đã đối xử với nhau như đối với Đức Giê-su: họ đã biết quan tâm phục vụ lẫn nhau, tôn trọng nhau và sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm khuyết điểm của nhau. Bầu khí cộng đoàn đã dần dần nồng ấm trở lại. Mọi người đều cảm thấy an vui. Ngày ngày họ chăm chỉ lao động ngòai đồng khiến năm ấy tu viện được mùa nho và lúa mì bội thu. Họ chia sẻ hoa lợi cho dân nghèo. Tấm gương đạo đức của họ ngày càng đồn xa khiến khách hành hương lại lục tục kéo đến nghe giảng dạy và xưng tội. Số tu sĩ ngày một gia tăng. Chính nhờ sống tình yêu thương mà tu viện đã hóa nên sinh động và ngày càng tốt đẹp hơn trước.

3. THẢO LUẬN:

1) Bạn thích câu chuyện nào nhất trong các câu chuyện trên và rút ra cho mình những bài học cụ thể nào về một tình yêu chân chính ?
2) Bạn hãy kể ra những bằng chứng nào cho thấy gia đình, xứ đạo hay hội đoàn của bạn đã sống được giới răn mới yêu thương của Đức Giê-su hôm nay ?

4. SUY NIỆM:

1) THẦY BAN CHO ANH EM MỘT ĐIỀU RĂN MỚI:

Có nhiều dấu hiệu để giúp người khác nhận ra một Ki-tô hữu như: đeo ảnh, làm dấu thánh giá, treo ảnh Chúa trong nhà... Nhưng dấu hiệu quan trọng nhất của môn đệ đích thực của Đức Giê-su chính là tình yêu thương nhau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới”. Yêu thương nhau cũng là một phương thế truyền giáo hữu hiệu như Lời Chúa phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Tiếc thay, hiện nay vẫn còn những bất đồng giữa những người cùng tôn thờ Thiên Chúa và cùng tin Đức Giê-su, nhưng chưa hiệp thông với nhau như Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo, Tin Lành... Thậm chí đã từng xảy ra những mối hận thù và giết hại lẫn nhau giữa những người cùng nhận mình là con của Thiên Chúa như hai cộng đồng Công Giáo và Tin Lành ở Bắc Ai-Len, hai bộ tộc Hutu và Tút-si ở nước Ru-ăng-đa. Biết đến bao giờ các tín hữu mới có thể cùng đọc chung một kinh Tin kính, mừng chung các đại lễ Giáng Sinh và Phục Sinh trong cùng một ngày, cùng cử hành một lễ nghi phụng vụ chung ? Thế giới hiện nay giống như một sa mạc khô khan cằn cỗi vì thiếu tình yêu. Ước chi các cộng đoàn Ki-tô sẽ trở thành những ốc đảo, có cỏ xanh tươi và nước suối trong lành, lôi kéo các con chiên lạc quay về sống trong đại gia đình có Thiên Chúa là Cha, có Đức Giê-su là Thầy và mọi người đều là anh em với nhau, như lời ước nguyện của Đức Giê-su: “Xin cho chúng nên một” (Ga 17,21).

2) HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY:

Đức Giê-su đòi các môn đệ phải yêu thương nhau “như Thầy đã yêu”. Đặc điểm tình yêu của Đức Giê-su như sau:

- Hy sinh mạng sống vì người yêu: Đức Giê-su đã chịu chết trên cây thập giá biểu lộ một tình yêu tột đỉnh đối với chúng ta, như Người đã nói: "Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).
- Nâng môn đệ đang là tôi tớ lên hàng bạn bè nghĩa thiết: "Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu của Thầy". Đức Giê-su là Thầy, là Chúa của các môn đệ, nhưng Người đã coi họ là bạn biểu lộ qua việc Người chia sẻ mọi điều mầu nhiệm của Chúa Cha cho các ông: "Tất cả những gì Thầy đã nghe được nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho anh em biết" (Ga 15,15).
- Khiêm nhường rửa chân phục vụ môn đệ (Ga 13,1.5), cảm thông giúp đỡ chữa lành cho những kẻ bệnh tật bất hạnh (x Mt 4,23) : chữa người mù được sáng mắt, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi như các người thu thuế và gái điếm cũng nhận được ơn thứ tha tội lỗi để sau này còn được hưởng hạnh phúc Nước trời với Người...
- “Yêu cho đến tột cùng” (x Ga 13,1), yêu đến nỗi sẵn sàng hiến thân chịu chết để đền tội thay cho loài người và thiết lập bí tích Thánh Thể để nên của ăn cho chúng ta được sống đời đời (1 Cr 11,23-25).

Tóm lai: Chúa dạy “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu” (Ga 13,34). Không phải là thứ tình yêu ích kỷ, tìm cách chiếm đoạt và lợi dụng người yêu (Êros), nhưng là thứ tình yêu quảng đại vị tha, sẵn sàng hiến thân cho người mình yêu được hạnh phúc (Agapê).

3) THỰC HÀNH YÊU THƯƠNG CỤ THỂ:

- Năng gặp nhau: Người môn đệ đích thực của Chúa Giê-su sẽ thể hiện tình yêu thương nhau qua việc năng họp mặt để lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và chia sẻ cơm bánh vật chất với nhau. Vào ngày Chúa Nhật, ngoài việc đi dự lễ nhà thờ, chúng ta cũng dành thời gian để gặp gỡ trao đổi và làm công tác bác ái chung với nhau.
- Yêu nhau là luôn làm tốt cho nhau như: giúp nhau vượt qua hoàn cảnh nghèo đói, bệnh tật; quảng đại chia sẻ cơm bánh và động viên tinh thần, giúp nhau gia tăng đức tin, hoà giải các tranh chấp bất đồng, giúp nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, có cuộc sống ổn định. Dấu hiệu rõ nhất của tình yêu là sẵn sàng hy sinh thì giờ, sức khoẻ, tiền bạc cho nhau… Hãy năng cầu xin ơn Thánh Thần giúp chúng ta nên môn đệ đích thực của Chúa Giê-su.

4) CHIA SẺ PHỤC VỤ LÀ DẤU HIỆU GIÚP NGƯỜI ĐỜI TIN YÊU CHÚA:

Hãy liên kết với nhau thành những Nhóm Nhỏ gọi là Gia Đình thiêng liêng nhằm giúp nhau sống giới răn mến Chúa yêu người của Chúa Giê-su.
Ngoài việc đi dự lễ Chúa Nhật hằng tuần, Gia Đình Nhóm Nhỏ còn cần họp mặt nhau luân phiên tại nhà các thành viên một hoặc hai lần mỗi tháng, để đọc kinh chung, cùng nhau hiệp sống Tin Mừng, sau đó báo cáo công tác đã làm trong thời gian qua và phân công tác mới. Các công tác bác ái như thăm viếng các người già cả neo đơn taị tư gia, bệnh viện hay nhà dưỡng lão, thăm bệnh nhân liệt giường lâu ngày, thăm các đôi vợ chồng đang bất hòa, thăm người lương có thiện cảm với đạo, phúng viếng đám ma người mới qua đời trong khu vực…
Thể hiện tình thương cụ thể đối với những người bất hạnh chính là ánh sáng, là phương thế hữu hiệu nhất để giới thiệu Chúa đến với mọi người, nhất là những người chưa biết Chúa. Nhờ đó họ sẽ dễ dàng tin yêu Chúa để được ơn cứu độ, như lời Chúa Giê-su phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin dạy chúng con biết yêu thương hợp tác với nhau để xây dựng Nước Chúa ngay từ trần gian hôm nay. Xin cho chúng con đi bước trước đến với tha nhân. biết nhìn thấy Chúa đang hiện thân giữa cộng đoàn, dễ dàng tha thứ các lỗi lầm cho nhau. Ước chi chúng con biết chủ động đi bước trước đến với tha nhân, mở tai để lắng nghe, mở lòng để yêu thương và mở tay để phục vụ những người đau khổ, bệnh tật, neo đơn… hầu góp phần xây dựng môi trường chúng con đang sống ngày càng an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn, sớm trở thành “Trời Mới Đất Mới” (Kh 21,1) theo thánh ý Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chưa từng có trong lịch sử: Hồng Y bất tuân dân sự, phá niêm phong, mở cầu dao điện cho một chung cư
Đặng Tự Do
19:10 14/05/2019
Trong một hành động ngoại thường chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội, hôm thứ Hai 13 tháng Năm, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Quan Phát Chẩn của Đức Giáo Hoàng, với kiến thức của một người thợ điện trước khi đi tu, đã tự mình, không cần nhờ ai, phá niêm phong của một hộp điện, kéo cầu dao lên cho cư dân của một chung cư ở Rôma có điện trở lại.

Hành động này của ngài đã bị bộ trưởng Nội Vụ Italia là ông Matteo Salvini chỉ trích dữ dội. Báo chí tại Ý chia làm hai phe, ủng hộ và chống đối hành động này của ngài.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y giải thích hành động bất tuân dân sự này là “một cử chỉ tuyệt vọng và nhân đạo” để giúp các gia đình đang phải vất vả với cuộc sống.

Sau khi đến đảo Lesbos để trao những món quà thể hiện tình liên đới của Đức Thánh Cha Phanxicô với những người di cư đang sống chen chúc trong các trại tị nạn trên đảo Hy Lạp này, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, đã được thông báo về tình trạng nghiêm trọng trong đó hơn 400 người, với rất đông trẻ em, trong một chung cư đông đúc ở Rôma, đã không có điện và nước nóng trong nhiều ngày. Những dịch vụ này đã bị đình chỉ bởi công ty cung cấp năng lượng vì những người dân trong chung cư chậm trễ thanh toán các hóa đơn hàng tháng. Tổng cộng số tiền thiếu lên đến khoảng €300,000, tức là khoảng 337,000 Mỹ Kim. Đức Hồng Y cảm thấy bị thúc bách phải thực hiện một cử chỉ nhân đạo và vì vậy ngài đã đến tận nơi, đích thân làm mọi việc cần thiết của một người thợ điện chuyên nghiệp để kích hoạt lại nguồn cung cấp điện cho tòa nhà. Khi thực hiện cử chỉ bất tuân dân sự này, ngài ý thức rõ những hậu quả có thể xảy ra, với niềm tin rằng cần phải làm như vậy vì lợi ích của những gia đình này.

“Tôi đã đích thân can thiệp,” Đức Hồng Y nói với thông tấn xã ANSA. Đó là một cử chỉ tuyệt vọng. Có hơn 400 người không có điện, các gia đình, những trẻ em, nguồn cung cấp nước nóng, tủ lạnh không thể vận hành được. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, Đức Hồng Y cho biết ngài đã biết từ lâu về những khó khăn lớn của những người sống trong tòa nhà đó. “Từ Vatican chúng tôi đã gửi xe cứu thương, bác sĩ, thực phẩm đến với họ. Chúng ta đang nói về cuộc sống của những con người,” ngài nói.

Trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Italia, người dân tại chung cư đã ca ngợi Đức Hồng Y là Robin Hood của họ.

Đức Hồng Y nhấn mạnh với tờ Corriere della Sera:

“Thật ngỡ ngàng là chúng ta đang ở đây, trung tâm của Rôma mà lại để mặc cho gần năm trăm con người phải tự mình vật lộn với cuộc sống. Họ là những gia đình không có nơi nào để đi, những người phải vật lộn để sinh tồn”.

Ngài chỉ ra rằng vấn đề đầu tiên không phải là tiền. Sau khi nhắc nhớ thêm lần nữa rằng có rất nhiều trẻ em sống trong tòa nhà đó, Đức Hồng Y nói rằng ngài cảm thấy phải tự hỏi mình những câu hỏi sau: “Tại sao tôi lại ở đây, vì lý do gì? Các gia đình trong tình cảnh tương tự sẽ ra sao?” Cuối cùng, Quan Phát Chẩn của Đức Giáo Hoàng nhắc lại rằng ngài sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm: “Nếu bị phạt, tôi sẽ trả tiền phạt”.

Đức Hồng Y Konrad Krajewski, người Ba Lan, sinh ngày 25 tháng 11 năm 1963, được thụ phong linh mục ngày 11 tháng Sáu 1988. Ngày 12 tháng Năm 1999, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Chưởng Nghi phụ trách các nghi lễ của Đức Giáo Hoàng. Ngày 3 tháng Tám 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Quan Phát Chẩn và tấn phong Tổng Giám Mục vào ngày 17 tháng Chín cùng năm. Đức Thánh Cha đã nâng ngài lên hàng Hồng Y vào ngày 28 tháng Sáu năm ngoái 2018.


Source:Vatican News
 
Chuyến Tông du thứ 30 – Rumani: Quốc gia cộng sản duy nhất có quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa
Đặng Tự Do
00:33 14/05/2019
Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Rumani từ 31 tháng 5 đến 2 tháng 6. Đây là chuyến tông du thứ 30 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 5 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, Rabat, Sofia và Skopje.

Rumani viết theo tiếng địa phương là România, tiếng Anh là Romania. Người Việt thường gọi là Rumani có lẽ gọi theo tiếng Pháp: Roumanie.

Trong thời chiến tranh Việt Nam, Rumani là một quốc gia khá độc đáo đối với chúng ta. Tuy nằm trong khối cộng sản Đông Âu, Rumani có quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Việt Nam Cộng Hòa. Thật vậy, ngày 26 tháng Sáu năm 1969, Chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước Rumani Nicolae Ceaușescu đã ký hiệp định thư thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước với tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu bất chấp những phản đối của Liên Sô và khối cộng sản. Tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa chỉ chính thức đóng cửa vào ngày 2 tháng Bẩy 1976[1], hơn một năm sau ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản. Trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, Rumani cũng đóng một vai trò quan trọng trong những sáng kiến nhằm vãn hồi hòa bình.

Địa dư và dân số

Rumani là một quốc gia tại đông nam Âu châu, với diện tích 238,391 km². Phần lớn diện tích của quốc gia này nằm trên vùng đồng bằng sông Danube. Rumani giáp với Ukraine và Moldova về phía bắc và đông bắc; giáp với Hung Gia Lợi về phía tây bắc; giáp với Serbia về phía tây nam; giáp với Bảo Gia Lợi về phía nam và giáp với Biển Đen về phía đông.

Theo thống kê vào tháng Bẩy 2018, dân số nước này là 21,457,000 người. Như thế, Rumani là quốc gia thành viên đông dân thứ bảy của Liên minh Âu châu và thứ mười một của Âu châu. 83.4% dân là người chính gốc Rumani. Kế đến là người gốc Hung Gia Lợi với 6.1% trong đó đa số là người Công Giáo.

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh vào năm 2017, 85.4% dân số Rumani theo Chính Thống Giáo, 7.35% theo Công Giáo và 4.4% theo Tin Lành. Khác với nhiều quốc gia trong vùng, người Hồi Giáo gần như không có bao nhiêu tại quốc gia này. Dân tộc Rumani được kể là một trong các dân tộc sùng đạo tại Âu Châu. Bất kể gần nửa thế kỷ sống dưới ách cộng sản vô thần, chỉ có 0.2% người Rumani tự nhận mình là người vô thần.

Thủ đô và thành phố lớn nhất của Rumani là Bucharest. Đó cũng là thành phố lớn thứ sáu trong Liên Hiệp Âu Châu và lớn thứ 10 nếu tính trên toàn lục địa Âu châu. Các khu đô thị lớn khác bao gồm Iași, Timișoara, Cluj-Napoca, Constanța, Craiova và Galați. [2]

Lịch sử cận đại

Lịch sử Rumani chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lịch sử, văn hóa La Mã cổ đại. Lãnh thổ Rumani ngày nay được hình thành do sự hợp nhất của nhiều tiểu quốc thời trung cổ, trong đó quan trọng nhất là Moldavia, Wallachia và Transilvania.

Vương quốc Rumani được thành lập và đã giành được độc lập từ tay Đế chế Ottoman, sau đó được cộng đồng quốc tế công nhận vào năm 1878. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Sô chiếm đóng Rumani. Gheorghe Gheorghiu-Dej, một lãnh đạo đảng Cộng sản bị cầm tù năm 1933, được giải thoát vào năm 1944 đã trở thành nhà lãnh đạo cộng sản đầu tiên của Rumani. Sau chiến thắng nhờ gian lận vào năm 1946, Gheorghiu-Dej buộc vua Mihai I phải thoái vị và rời khỏi đất nước, và tuyên bố Rumani là một nước cộng hòa nhân dân.

Rumani vẫn chịu sự chiếm đóng trực tiếp về quân sự và sự kiểm soát kinh tế ngặt nghèo của Liên Sô cho đến cuối thập niên 1950. Trong thời gian 14 năm chiếm đóng này, tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của Rumani đã bị đưa về Nga khiến quốc gia này rơi vào tình trạng nghèo đói và cạn kiệt tài nguyên.

Ba ngày sau cái chết của Gheorghiu-Dej vào tháng 3 năm 1965, Nicolae Ceaușescu lên nắm quyền và trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Rumani và cả ở thế giới phương Tây, vì chính sách đối ngoại độc lập, thách thức quyền lực của Liên Sô. Chính trong bối cảnh đó, ông đã thiết lập ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Hòa Liên Bang Đức, và tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Israel sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, cũng như thẳng thắn lên án Liên Sô và Khối Warsaw trong việc can thiệp quân sự vào Ba Lan, Tiệp Khắc, và Hung Gia Lợi.

Năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ tại Rumani và nước này quay trở lại con đường tư bản chủ nghĩa. Ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12, 1989, hai vợ chồng Nicolae Ceaușescu bị một toà án quân sự xử tử hình và lệnh hành quyết diễn ra ngay sau đó.

Rumani chính thức trở thành một thành viên của NATO vào năm 2004 và thành viên Liên minh Âu châu vào năm 2007.[2]

Kinh tế

Sau thời kỳ cộng sản, Rumani trở thành quốc gia gần như nghèo nhất Âu Châu và phải mượn nợ quốc tế để phục hồi đất nước.

Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi trong giai đoạn 2013-17, do xuất khẩu công nghiệp mạnh, thu hoạch nông nghiệp xuất sắc và gần đây hơn là các chính sách tài chính mở rộng trong năm 2016-2017. Xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế, dẫn đầu là thương mại với Liên Hiệp Âu Châu, chiếm khoảng 70% thương mại của Rumani.

Chính sách cắt giảm thuế và tăng lương bắt đầu vào năm 2017 đang mang lại những thành quả kinh tế phấn khởi tại Rumani. [3]

Chính trị

Rumani ngày nay là một nước cộng hòa đại nghị. Hiến pháp quy định quốc gia này được điều hành bởi một Tổng thống, một Quốc hội, một Toà án Hiến pháp và một hệ thống các tòa án bên dưới bao gồm Tòa án Tối cao.

Tổng thống là người đứng đầu nhà nước, do dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm, và không được giữ 2 nhiệm kỳ. Khác với nước láng giềng Bảo Gia Lợi mà Đức Thánh Cha vừa viếng thăm, thủ tướng, là người đứng đầu chính phủ, được chỉ định bởi tổng thống chứ không phải là bởi Quốc Hội.

Tổng thống Rumani, người sẽ đón tiếp Đức Thánh Cha, là ông Klaus Iohannis, đã giữ chức vụ này từ ngày 21 tháng 12 năm 2014. Thủ tướng hiện nay là bà Viorica Dăncilă, được tổng thống chỉ định vào ngày 29 tháng Giêng năm 2018.

Rumani có hai viện Quốc hội: Hạ viện và Thượng viện. [2]

Giáo Hội Công Giáo tại Rumani

Người Công Giáo theo nghi thức Latinh ở Rumani là thành viên của một sắc dân thiểu số Hung Gia Lợi. Họ không phải là những di dân. Tổ tiên họ vẫn ở đó từ trước nhưng các cuộc chiến tranh, bản đồ được vẽ lại, nên giờ đây họ thấy mình là người Rumani. Đó là một cộng đồng nhỏ được bao quanh bởi các Kitô hữu Chính thống ở một trong những xã hội sùng đạo tôn giáo nhất Châu Âu. Người Công Giáo sống chủ yếu trong các khu vực đồng bằng ở phía đông của khu vực Transylvania. Người ta có cảm giác rằng những khu vực này là những cái nôi hay một thành trì của Công Giáo. Có một truyền thuyết được phổ biến rộng rãi là Đức Trinh Nữ Maria đã xuất hiện trước một nhóm người Công Giáo đang bảo vệ khu vực này chống lại một đội quân Tin lành xâm lược. Một cuộc hành hương hàng năm đến địa điểm Đức Mẹ hiện ra này giúp củng cố ý thức rằng đây là một thành trì của Công Giáo ở Đông Nam Âu Châu.[4]

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, Rumani có 3 tổng giáo phận, 8 giáo phận, một giáo phận Công Giáo Đông phương, và một giáo hạt tòng nhân cho người Armenia.

Tổng số người Công Giáo là 1,453,000, được chăm sóc mục vụ bởi 2006 linh mục trong 1,892 giáo xứ. Bên cạnh đó, còn có 1,141 nữ tu. Giáo Hội sở hữu 15 bệnh viện, 34 viện dưỡng lão và các nhà chăm sóc cho người khuyết tật và một số lớn trường trung học và tiểu học. Giáo Hội cũng có cả một trường Đại Học. [4]

Rumani có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh. Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Miguel Maury Buendía, 63 tuổi, người Ý.

7 vị Giám Mục người Rumani sẽ được tuyên phong Chân Phước tử đạo

Trong buổi tiếp kiến dành cho Đức Hồng Y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, vào sáng thứ Ba 19 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y và truyền công bố các sắc lệnh công nhận 7 Giám Mục Rumani bị cộng sản giết hại là các vị tử đạo.

Các Đức Giám Mục Valeriu Traian Frentiu, Vasile Aftenie, Ioan Suciu, Tito Livio Chinezu, Ioan Balan, Alexandru Rusu và Iuliu Hossu đã được nhìn nhận là bị giết vì lòng thù hận đức tin trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 1970 dưới sự cai trị của Nicolae Ceaușescu.

Tất cả các ngài đã bị bắt và bị giam giữ trong các nhà tù và các trại tập trung lao động cho đến chết, thường là do bị cô lập, cảm lạnh, đói khát, bệnh tật hoặc lao động chân tay nặng nhọc. Hầu hết các vị khi còn sống không bao giờ bị xét xử hoặc bị kết án; và khi chết bị vùi chôn trong các ngôi mộ không để lại dấu vết, không được an táng theo nghi lễ tôn giáo.

Một năm trước khi qua đời, Đức Cha Iuliu Hossu được nâng lên hàng là Hồng Y “in pectore” – không công khai danh tính. Sau khi trải qua nhiều năm bị cô lập, ngài qua đời trong một bệnh viện ở Bucharest năm 1970. Lời cuối cùng của ngài là: “Cuộc đấu tranh của tôi đã kết thúc, cuộc đấu tranh của bạn xin vẫn tiếp tục”.

Ngoài việc bị giam cầm và cô lập, Đức Cha Vasile Aftenie còn bị tra tấn tại Bộ Nội vụ cộng sản Rumani đến mức chết vì vết thương vào ngày 10 tháng 5 năm 1950.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong thông báo đưa ra hôm 24 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết được cập nhật về chuyến viếng thăm 3 ngày của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại Rumani, từ 31 tháng 5 đến 2 tháng 6 năm 2019.

Đây là chuyến tông du thứ 30 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 5 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, Rabat, Sofia và Skopje.

Thứ Sáu 31 tháng Năm.

Lúc 8:10, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang phi trường quốc tế Henri Coandă-Otopeni của Bucarest.

Lúc 11:30, giờ địa phương, Đức Thánh Cha sẽ đến phi trường Henri Coandă-Otopeni. Tưởng cũng nên biết thêm là Bucarest đi trước Rôma một giờ.

Tại đây sẽ có nghi thức chào đón Đức Thánh Cha.

Sau các nghi thức chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ dùng xe hơi di chuyển đến dinh Cotroceni, là Phủ Tổng Thống Rumani nơi sẽ diễn ra các nghi thức đón tiếp chính thức tại tiền đình của dinh này vào lúc 12g05.

Tiếp theo đó là các cuộc hội kiến của ngài với Tổng thống Klaus Iohannis và sau đó với nữ thủ tướng Viorica Dăncilă.

Lúc 13 giờ, Ðức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn cũng tại Phủ Tổng Thống Cotroceni.

Lúc 15:45, Ðức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Rumani, và Thánh Hội Đồng của Giáo Hội này tại Tòa Thượng Phụ.

Sau diễn từ của Đức Thánh Cha là Kinh Lạy Cha vào lúc 17g tại nhà thờ chính tòa mới của Giáo Hội Chính Thống Rumani nằm kế bên Tòa Thượng Phụ.

Sau đó, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo tại Nhà thờ Chính Tòa Thánh Giuse của thủ đô Bucarest vào lúc 18g10.

Thứ Bẩy 1 tháng Sáu 6

Lúc 9g30 sáng thứ Bẩy, 1 tháng 6, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến phi trường Bacau.

Đến nơi lúc 10:10, Đức Thánh Cha sẽ dùng trực thăng để bay đến vận động trường Sumuleu-Ciuc, rồi từ đó di chuyển bằng xe hơi đến đền thánh Ðức Mẹ Sumuleu-Ciuc để cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo vào lúc 11g30.

Ban chiều, Ðức Thánh Cha dùng trực thăng bay đến thành phố Iasi và viếng thăm Nhà thờ chính tòa Ðức Maria Nữ Vương của giáo phận địa phương vào lúc 17g25.

Lúc 17:25, ngài sẽ gặp gỡ giới trẻ tại quảng trường trước Tòa Nhà Văn hóa tại Iasi.

Lúc 19g, Đức Thánh Cha đáp máy bay trở về thủ đô Bucarest.

Lúc 20g, Đức Thánh Cha sẽ đến phi trường Henri Coandă-Otopeni.

Chúa Nhật 2 tháng Sáu

Lúc 9h sáng Chúa Nhật 2 tháng 6, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến phi trường Sibiu. Sau 40 phút bay, ngài đến nơi. Từ đây, Đức Thánh Cha dùng trực thăng bay đến thành phố Blaj để chủ sự thánh lễ tuyên phong Chân Phước cho 7 Giám Mục Công Giáo Rumani tử đạo dưới thời cộng sản.

Lúc 13:25, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng trước khi có cuộc gặp gỡ với cộng đoàn người du mục Rom tại vận động trường thành phố Blaj vào lúc 15g45.

Sau cuộc gặp gỡ này, lúc 16g35, Đức Thánh Cha đáp trực thăng tới phi trường Sibiu. Tại đây sẽ diễn ra nghi thức từ biệt, trước khi Ðức Thánh Cha đáp máy bay trở về Rôma vào lúc 17:20. Dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ về đến Rôma vào lúc 18g45 tối Chúa Nhật 2 tháng Sáu.

[1] Foreign relations of Romania

[2] Romania - Wiki

[3] CIA FactBook

[4] Romania


Source:Holy See Press Office
 
Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn trước các vụ thảm sát người Công Giáo ở Burkina Faso
Đặng Tự Do
17:03 14/05/2019
Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết “Đức Thánh Cha đã đau buồn trước tin tức về cuộc tấn công vào một nhà thờ ở Dablo, Burkina Faso. Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân, cho gia đình của họ và cho toàn thể cộng đồng Kitô giáo nước này.”

Đó là cuộc tấn công hôm Chúa Nhật 12 tháng Năm trong đó Cha Siméon Yampa, linh mục chính xứ Dablo, ở tỉnh Sanmatenga, đã bị giết cùng với năm tín hữu khi ngài đang dâng lễ.

Trong bản tin đánh đi hôm thứ Ba 14 tháng Năm, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết lại có thêm một cuộc tấn công mới nhất nhắm vào người Công Giáo ở Burkina Faso làm 4 tín hữu bị thiệt mạng.

Vụ tấn công mới nhất diễn ra vào ngày thứ Hai 13 tháng Năm, khi bốn tín hữu mang bức tượng Đức Maria trở lại một nhà thờ sau khi tham gia rước kiệu Đức Mẹ nhân tháng Hoa. Họ đã bị giết ở làng Singa, thuộc thị trấn Zimtenga (cách Kongoussi 25 km), ở vùng trung tâm phía bắc của quốc gia. Tỉnh Sanmatenga, nơi diễn ra vụ tấn công hôm Chúa Nhật, cũng thuộc khu vực này.

Theo thông tin gửi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, các tín hữu Công Giáo của làng Singa, sau khi tham gia đám rước từ làng của họ tới làng Kayon, cách đó khoảng 10 km, đã bị chặn lại bởi những người có vũ trang. Những kẻ khủng bố để cho trẻ vị thành niên đi, nhưng chúng đã xử tử bốn người lớn và phá hủy bức tượng.

Hôm thứ Hai 13 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Séraphin François Rouamba, của tổng giáo phận Koupéla và là Chủ tịch Hội nghị Giám mục Giám mục Burkina Faso-Nigeria, đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình trong lễ tang các nạn nhân tại Dablo. Tang lễ có sự tham gia của người Công Giáo, Tin lành, Hồi giáo và đại diện của các tôn giáo bản địa.


Source:Fides
 
Kinh hoàng: Nhiều người tình nguyện để quỷ nhập, hội nghị trừ tà Vatican cảnh báo
Đặng Tự Do
22:15 14/05/2019
Khóa học và cũng là diễn đàn thường niên nhằm trao đổi về trừ tà, kéo dài trong một tuần tại Vatican, đã được bắt đầu vào năm 2004 dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Chương trình này nhằm cung cấp cho các linh mục một cơ hội để hiểu sâu hơn về trừ tà và sự hiện diện của cái ác trên thế giới. Khóa học ngày nay chủ yếu tập trung việc đào tạo chuyên sâu qua các nghiên cứu liên ngành, đã thu hút hàng trăm người tham gia mỗi năm.

Năm nay, khoảng 240 người, cả giáo dân và giáo sĩ, từ hơn 40 quốc gia trên khắp năm châu đã ghi danh trong cuộc hội thảo tại Đại học Giáo hoàng Regina Apostolorum, tức là Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, ở Rôma từ ngày 6 đến 11 tháng Năm.

Nét nổi bật trong năm nay là hội nghị trừ tà của Vatican lần đầu tiên được mở rộng cả cho các giáo hội khác như Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Lutheran, và Tin Lành.

Một trong những đề tài được quan tâm nhiều nhất là sự gia tăng của các nhóm Satan và các thế lực ma quỷ trên thế giới, đặc biệt là trong giới trẻ và trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Mục sư Enrich Junger của Giáo hội Anh giáo Bắc Mỹ nói rằng trong khi trừ tà luôn luôn là một vấn đề, thì “Chúng tôi kinh hoàng nhận ra ngày càng có nhiều người tự nguyện để cho quỷ nhập vào mình.”

Mục sư Junger quan sát thấy có sự gia tăng đáng kể của giới trẻ vào trò Ouija /u:y-dzi/, nghĩa là cầu cơ. Nguy hiểm hơn nữa là có những người tham gia vào thuật Shamanism, nghĩa là nhập hồn, trong đó người ta mời gọi ma quỷ nhập vào mình nhằm đạt được một thứ “quyền lực” siêu tự nhiên trong tình trạng bị quỷ nhập.

Giám mục Manuel Adolfo Acuna, một thành viên của Giáo hội Luther độc lập là một nhóm Lutheran độc lập với Liên đoàn Thế giới Lutheran cũng bày tỏ âu lo rằng thuật nhập hồn cũng phổ biến trong giáo hội của ông ở Nam Mỹ. “Không có sự phân biệt về giai tầng xã hội và lứa tuổi trong số những người tham gia vào thuật nhập hồn,” ông nói.

Giám mục Acuna cho biết thêm người nhỏ nhất đã được trừ tà sau khi tham gia vào thuật nhập hồn là một đứa bé 6 tuổi; trong khi người già nhất là 85 tuổi.

Các tham dự viên đồng ý với nhau rằng các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay đang góp phần trong việc làm trầm trọng thêm tình hình. Ngoài cầu cơ và nhập hồn, một hiện tượng tinh tế hơn ít ai để ý là việc xem các hình ảnh khiêu dâm trên Net. Đó là một cách mời gọi ma quỷ nhập vào người mình.

Cha Gabriele Amorth, linh mục trừ quỷ chính của giáo phận Rôma và Vatican, nay đã qua đời, từng nói:

“Ma quỷ là đứa tinh ranh, nó là một thứ quỷ thần. Nó không để lộ mình ra. Nó không bao giờ công cáo chính mình. Vì lòng thù hận đối với Thiên Chúa, quỷ sứ cám dỗ con người phạm tội. Nó muốn giành giật các linh hồn khỏi tay Chúa và đưa xuống hỏa ngục.”

Vào ngày cuối cùng của sự kiện, các thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác nhau đã thảo luận về việc trừ tà theo nghi thức riêng của họ, bao gồm các cộng đồng Chính thống, Tin Lành, Anh giáo và Lutheran.

Cha Francios Dermine, của Dòng Đa Minh, một linh mục của Tổng giáo phận Ancona-Osimo, là người đã trừ quỷ trong hơn 25 năm, cho biết công thức của Công Giáo về trừ tà bao gồm Kinh Cầu Các Thánh, đọc Kinh thánh, đọc Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê và cả những lời cầu nguyện xin ơn trợ giúp của Chúa và lời ra lệnh cho quỷ.

Cha Dionisyos Papavasileiou, cha sở nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Demetrios Megalomartire ở Bologna, vui mừng cho biết nghi thức Chính thống giáo để trừ tà giống hệt như của Công Giáo.

“Nhân danh Chúa Giêsu Kitô thành Nagiarét, ta truyền cho ngươi Satan, phải ra khỏi người đàn bà này ngay lập tức.”

Cha Dermine nhận xét rằng “Lẽ tự nhiên, nhà trừ quỷ phải đối diện nhiều hơn với quỷ. Hiển nhiên là càng gần tiền tuyến, ngài dễ bị tổn thương hơn trước lằn đạn của quân thù.”

“Vì chúng ta đang đối phó với Hoàng tử của Bóng tối, để có thể chiến đấu chống lại nó, chúng ta phải ở trong tình trạng có ân nghĩa với Chúa, càng nhiều càng tốt. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện, chúng ta không vào hang sư tử như chơi thể thao. Không ai làm thế cả.”

Cha Dermine là một khuôn mặt thường xuyên trong các hội nghị trừ tà của Vatican. Ngài nói:

“Tôi không phải là một chuyên gia bởi vì khoa trừ tà là một lãnh vực vô giới hạn. Anh không bao giờ ngừng học hỏi. Tôi chỉ ở hàng con số không mà thôi. Tôi học hỏi thêm mỗi khi trừ tà.”


Source:Crux
 
Ở Chile, giữa bão tố lạm dụng, tín hữu trung thành với đức tin hơn trước
Vũ Văn An
22:15 14/05/2019
Inés San Martín của tạp chí Crux vừa có cuộc đàm đạo với Đức Cha Celestino Aos Braco của Copiapo, người vừa được Đức Phanxicô cử làm giám quản tổng giáo phận Santiago, Chile, tạm thay thế hai vị cựu Tổng Giám Mục bị tai tiếng che đậy lạm dụng tình dục và đều đã rút lui khỏi mọi thừa tác vụ trong Giáo Hội đó là hai Đức Hồng Y Francisco Errázuriz và Ricardo Ezzati, chờ ngày Tòa Thánh cử nhiệm một tân Tổng Giám Mục tại đó. Ngài đến Rôma và đã yết kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 5 tháng 4 để phúc trình về tình hình của giáo hội Chile và các đau khổ mà các nạn nhân lạm dụng và người Công Giáo ở Chile chịu đựng tiếp theo việc phanh phui các vụ lạm dụng và che đậy.



Đức Cha Aos vốn là giám mục của Copiapó, 1 giáo phận “sleepy” (ngái ngủ) miền Bắc Chile chỉ mới 4 năm qua. Vậy mà giờ đây, Đức Thánh Cha đề cử ngài đảm nhiệm giám quản một giáo phận lớn nhất nước nhưng cũng là một giáo phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nước của đại nạn lạm dụng tình dục và che đậy. Martin gọi tổng giáo phận Santiago là “tâm bão của giáo hội địa phương”.

Điều ấy dễ hiểu vì Santiago là địa bàn hoạt động của hai linh mục ấu dâm khét tiếng: Fernando Karadima và Cristian Precht, cả hai đều bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ hồi năm ngoái.

Nhận định đầu tiên của Martin là “trong những ngày này, dù làm giám mục Công Giáo ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng đều là chuyện hiển nhiên không dễ dàng, nhưng ít có vị giáo phẩm nào từng bước vào biển lửa một cách như Đức Cha Celestino Aós Braco đã làm hồi tháng Ba ở Chile”.

Cách ấy, theo Martin, là “làm thế nào đặt Chúa Giêsu Kitô ở trung tâm”. Ngài bảo cũng như xây nhà, không ai bắt đầu bằng dựng mái mà là xây nền. Nền đây chính là cuộc gặp gỡ đích thân với Chúa Giêsu Kitô. Không có nó, không có gì có ý nghĩa cả.

Và điều ấy dường như đang mang lại một mùa hoa đức tin nở rộ: Các Thánh Lễ đông tín hữu hơn cả trước đây. Đức Cha kể lại “Người ta vẫn tham dự Thánh Lễ. Trong Tuần Thánh, tại nhiều nơi, chúng tôi không chỉ có số người tham dự như năm ngoái, mà còn đông hơn thế nữa. Tuần trước, tôi cử hành Thánh Lễ Quintana, vốn là một khu phố tầm thường, khá nhiều tranh chấp, nhưng các linh mục cho tôi hay số người tham dự đông hơn nhiều lắm. Thứ Sáu Tuần Thánh, tôi đến một khu phố khác trong thành phố và nhận thấy một điều y hệt lúc đi Đàng Thánh Giá: người ta quả hiện diện đông đảo ở đấy. Khi được hỏi, họ trả lời rằng họ không đến vì các linh mục mà đến vì Đức Mẹ và vì Chúa.

“Tôi đến từ Copiapó, nơi chúng tôi cử hành Lễ Candelaria (Lễ Nến), và nghĩ chắc ít có người tham dự. Nhưng không, số người đông hơn bao giờ hết. Chúng tôi có khoảng 15,000 người tham dự cuộc rước kiệu và hơn 60,000 người đứng xem. Xét về dân số Copiapó, đây là con số rất đáng kể.

“Có những người nói rằng họ không muốn là thành phần của Giáo Hội vì họ bảo chúng ta hết thẩy là ‘bọn ấu dâm, tội phạm’, và nhiều điều khác... Và có một số anh em, đau đớn thay, đã lìa bỏ [Giáo Hội]. Nhưng cũng có những người tiếp tục đến nhà thờ dù họ nhìn nhận rằng nó không còn là nhà thờ như trước đây nữa. Và cũng có những người, bất chấp mọi điều, vào Thứ Bẩy Tuần Thánh, vẫn tự hào đứng đó mà tuyên bố ‘tôi sắp trở thành Kitô hữu, nhận lãnh phép rửa, vì tôi tin Chúa Giêsu Kitô’”.

Đức Cha Aos không cho kết quả trên là do chiến lược của mình, mà thừa nhận đây là một mầu nhiệm. Ngài đề cập tới trường hợp điển hình: “Chúa Giêsu khốn khổ, người bị túm cổ, đánh đập và hủy diệt, không những thể lý mà cả tinh thần nữa. Người bị tố cáo là thống thuộc chính trị, là tên khủng bố, nhớp nhúa đi lại với gái điếm và những kẻ tội lỗi. Người bị tố cáo là liên minh với quỉ. Người bị đóng đinh, và chẳng còn ai cho lấy 1 tấm khăn. Nhưng bỗng nhiên, một phụ nữ nhận ra Người thực sự là Thiên Chúa. Và rồi nhiều người khác cũng nhận ra như thế”.

Về tai tiếng lạm dụng tình dục và che đậy, Đức Cha Aos có một tầm nhìn quân bình, một tầm nhìn không phiến diện như tầm nhìn của phần lớn các tín hữu nghiêng về phía nhận định của truyền thông thế tục. Ngài cho rằng “Giáo hội cũng là giáo hội của những anh em phạm các tội ác sai lầm, những tội ác chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng biện minh và là những tội ác đáng lẽ không bao giờ nên diễn ra. Nhưng họ vẫn là các chi thể của Giáo Hội”.

Và tuy không nhằm mở lại các vết thương đã thành thẹo, Đức Cha Aos vẫn nhắc lại “nỗi đau” của hàng giáo phẩm Chile khi, như một định chế, bị hiểu lầm là đã hủy diệt chứng cớ lạm dụng tình dục do nhận định của Đức Phanxicô hồi năm ngoái về “nền văn hóa che đậy”. Đức Cha cho rằng nhận định này dẫn đến cảm tưởng mọi giáo phẩm Chile đều phạm tội che đậy như nhau. Và điều này “gây đau đớn” và “không hợp tình hợp lý”.

Đức Cha Aos cho hay nhận định của Đức Phanxicô thực ra gói ghém trong một tài liệu được coi như bản văn suy niệm nhân dịp gặp gỡ toàn bộ các Giám Mục Chile, không có giá trị luật lệ. Tuy nhiên, nó chứa đựng “một số phát biểu mạnh mẽ gây khó chịu nơi các giám mục Chile chúng tôi và là những điều sau đó chính Đức Giáo Hoàng tìm cách giải thích.

“Tôi muốn nói, thí dụ, nền văn hóa che đậy, một điều như muốn nói tất cả chúng tôi âm mưu với nhau. Ngài nói đến một số điều khá khó nghe, như việc hủy bỏ chứng cớ, và điều này, ở Chile, tạo nên khá nhiều ầm ĩ với các công tố viên.

“Chúng tôi không biết liệu ngài có ý nói chứng cớ đã bị tiêu hủy ở Chile hay ở Rôma, nhưng quả thực, nếu ngài nói thế, thì hẳn đã có những vụ trong đó một số chứng cớ bị tiêu hủy, một việc vốn là tội ác. Vấn đề là, vì đã được tung ra, nên nhiều người cho là có ý nói rằng mọi Giám Mục đều phạm tội che đậy và sẵn lòng tiêu hủy chứng cớ.

“Điều ấy gây rất nhiều đau đớn và không hợp tình hợp lý. Có những người làm thế, và đièu ấy đáng ghê tởm, nhưng không phải ai cũng làm thế”.

Đối với lời chỉ trích một số Giám Mục bị Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức vẫn còn đồng tế trong Lễ Truyền Dầu, Đức Cha Aos trả lời rằng “Dù giả thiết ai đó phạm một tội trạng, nhưng độ nặng nhẹ không y hệt như nhau: chúng ta có nguyên tắc ‘tính cân xứng của hình phạt’ (proportionalty of penalty). Mặt khác, các vị đồng tế chưa bị chế tài, và do đó, các ngài có quyền đồng tế. Có lẽ một số Kitô hữu không nghĩ như thế, [nhưng] chính trong những ngày này của mùa Phục sinh người Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hòa giải với nhau và với người chung quanh”.

Tuy nhiên, theo Đức Cha Aos, nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đánh đồng mọi Giám Mục Chile trong việc che đậy có đúng có sai. Sai ở chỗ “khi tôi xin lỗi về tội ác ghê gớm là phá thai chẳng hạn, tôi đâu có phá thai hay tham dự việc phá thai, nhưng tôi liên đới với những người vi phạm và lên tiếng xin lỗi là vì vậy. Thành thử, Đức Giáo Hoàng có quyền, trong một điều vốn là một bài suy niệm không có giá trị luật lệ, làm chúng tôi ý thức được rằng tất cả chúng tôi đều chịu trách nhiệm về việc này”.

Qủa thế, theo Đức Cha Aos, trong vấn đề lạm dụng “người ta không thể nói: ‘tôi chỉ chịu trách nhiệm về những gì xẩy ra trong giáo phận tôi thôi, và chỉ thế thôi’... Không, ngài mời chúng tôi nói: ‘tôi chịu trách nhiệm đối với mọi sự ác này, tôi có thể góp một tay ra sao không?’ Đó là hướng Đức Giáo Hoàng muốn chúng tôi đi”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phóng sự hình ảnh Ngày Thánh Mẫu Banneux lần 10, 2019
Trần Mạnh Trác & Đào Sỹ
05:55 14/05/2019
Xem hình ảnh Rước Kiệu và Thánh Lễ

Xem hình ảnh Pic Nic, Đàng Thánh Giá và Chầu Thánh Thể

Trong buổi lễ đồng tế với trên 20 linh mục và 5000 giaó dân từ nhiều nước Âu Châu, Úc Châu và Mỹ Châu, linh mục chánh xứ cuả làng Banneux là Cha Léo Palm kể lại cảm tưởng đầu tiên khi nghe các cha Việt Nam đề nghị lấy ngày Chuá Nhật thứ 2 tháng 5 làm ngày Hành Hương cho các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại ở Âu Châu, ngài đã thốt lên:

“Thất bại, thất bại, chẳng nên đâu…” (Nói theo kiểu VN, chứ không phải là dịch nguyên văn, ‘it does not work’)

Ngài giải thích:’ Đây là ngày Hiền Mẫu cuả các nước Tây Phương, người ta về nhà thăm mẹ chứ không ai đi hành hương đâu!”

Câu trả lời cuả các cha Việt Nam là gì?

“Thưa Cha, người Việt Nam chúng tôi còn có một người mẹ tuyệt vời, đó là Mẹ Maria.”

Và như vậy, 10 năm qua, mỗi ngày mỗi đông thêm. Cuộc hành hương lần đầu có khoảng 500 người (theo lời các cụ bà kể lại) thì ngày hôm nay là trên 5000 người.

Ban tổ chức thuê 5000 ghế cho đại thánh đường, người ta ngồi chật và tràn ra hai ba vòng, phải đứng đằng sau.

10 năm, số người tăng lên mười lần, vậy thì 10 năm sau sẽ là bao nhiêu nhỉ? Ngôi làng nhỏ Banneux sẽ chẳng còn chỗ chứa đâu!

Nhưng chẳng cần phải đợi 10 năm, ngay bây giờ thì ngày Hiền Mẫu Chuá Nhật này, Banneux đã thuộc về Việt Nam rồi, toàn là người mình cả, đông đúc quá cho nên nếu mà lạc nhau thì đi tìm ‘trẻ lạc’ là vất vả lắm đấy!

Nhưng hình như ban tổ chức đã tiên liệu cẩn thận và rất kinh nghệm, chúng tôi không hề nghe xảy ra bất kỳ một ‘sự cố’ nào cả…phép lạ chăng?

Có lẽ theo lối lý luận cuả cha xứ Léo Palm thì phải là một phép màu từ Trời chứ không thì sao mà có nhiều giòng người từ khắp nơi tuôn đến đông như thế, trong số đó có những người đã phải bỏ ra nhiều ngày để tham gia như trường hợp cộng đoàn London, họ khởi hành từ 10 giờ đêm hôm trước mà đến 10g sáng hôm sau mới tới, vừa kịp giờ khai mạc.

Không rõ các nhà phân tích xã hội học sẽ giải thích thế nào về hiện tượng bùng lên cuả việc Hành Hương Banneux cuả người Việt Nam? Riêng tôi, tôi tìm ra một giải thích rất đơn sơ về cái lý luận cuả các Cha Việt Nam khi chọn thời diểm là Ngày Hiền Mẫu, nhờ một phương pháp lý luận rất vững vàng có tên là ‘Tam Đoạn Luận’ đấy:

-Thử hỏi có bà mẹ Việt Nam nào mà không có lòng kính mến Đức Mẹ không nhỉ?

-Thử hỏi có những đứa con Việt Nam nào mà không có hiếu với mẹ mình nhỉ?

-Vậy thì nếu mẹ mình mà đi thăm Đức Mẹ, thì cả con lẫn cháu (và chắt nữa không chừng) cũng cùng họp mặt ở Banneux là hợp lý đấy…

Banneux cảnh đẹp thoáng mát, lý tưởng cho một cuộc Pic Nic gia đình.

Thật là tài tình,tôi tự nghĩ, và xin ‘khẩu phục tâm phục’ cái ‘lý đoán’ cuả các Cha Việt Nam…tiếng Mỹ có câu này để mô tả cái thiên kiến cuả các ngài, đó là ‘a stroke of genius’, ‘một phương kế (đường gươm) diệu kỳ cuả những bậc thiên tài’…
 
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang tại Fresno California rước kiệu Kính Đức Mẹ
Magarita Nguyễn Phương Lan
08:12 14/05/2019
“Mẹ nhắn nhủ người đời: Hãy mau ăn năn đền bồi!

Hãy tôn sùng Mẫu Tâm! Hãy năng lần hạt Mân Côi!...”

Cùng hòa chung niềm vui của toàn thể Giáo Hội bước vào tháng năm, tháng hoa kính Đức Mẹ. Hôm nay Chúa Nhật ngày 12/5/2019 Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang tại Fresno California đã tổ chức buổi rước kiệu Kính Đức Mẹ một vòng quanh nhà thờ trong lời ca tiếng hát và lần chuỗi tôn vinh Mẹ, đễ Mẹ nâng đỡ, ủi an và gìn giữ Giáo Xứ trong bình an.

Xem Hình

Xin dâng lên Mẹ lời tri ân cảm tạ, dâng lên Mẹ mọi công lao vất vả và mọi vui buồn, sướng khổ của từng người trong Giáo Xứ chúng con. Xin cho Giáo Xứ chúng con luôn hướng về Mẹ, yêu mến Mẹ hơn nữa, để chúng con ở nơi Xứ Người này luôn biết canh tân và sám hối đời sống mỗi ngày một tốt hơn theo gương Mẹ.

Hôm nay cũng là ngày Lễ Hiền Mẫu(Mother’s Day), các em thiếu nhi đã nói lên lời tri ân cảm tạ ghi ơn đến các bà Mẹ hôm nay. Kế tiếp là những đóa hoa tươi kèm theo lời nói “I Love You Mom”, đến từng người Mẹ của mình. Và cuối cùng, cộng đoàn và các em thiếu nhi cũng không quên thắp một ngọn nến để tưởng nhớ đến những người Mẹ đã khuất của mình.

Magarita Nguyễn Phương Lan.
 
Hoàng Hôn Bên Những Ngôi Mộ “Không Bao Giờ Trống”
LM. Giuse Trương Đình Hiền
08:41 14/05/2019
Chút cảm nhận về Thánh lễ Tuần Bát Nhật Phục Sinh tại nghĩa trang Trà Kê

Bát Nhật Phục Sinh đã trôi qua hơn 3 tuần rồi. Thế mà dư âm vẫn còn đọng lại, cái dư âm “Phục Sinh lạ đời” nơi một vùng xứ núi: Họp mừng Chúa sống lại ngay tại nghĩa trang !

Vào buổi chiều 25.4, thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh, nếu ai đi dọc quốc lộ 19 C ngang qua địa bàn xã Sơn Hội, sẽ thấy bên đường phía đông bắc, cách nhà thờ giáo xứ Trà Kê không xa, trên một ngọn đồi nhỏ, một đám đông giáo dân đang tập trung trước lễ đài Thánh Giá với bức tượng PIETA cẩm thạch trắng, nổi bật trên nền trời hoàng hôn vừa chợt xuống !

Xem Hình

Thì ra, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Trà Kê, với linh mục chánh xứ Phanxicô Assisi Phạm Đình Triều, cùng với một số linh mục lân cận, đang chuẩn bị cử hành nghi thức Làm Phép nghĩa trang mới, thánh hoá bức tượng Pieta và họp dâng Thánh Lễ Thứ Năm Bát Nhật Phục Sinh cùng với tâm tình tạ ơn hồng ân 17 năm linh mục (2002 – 25.4 – 2019) của “5 anh em thuộc khoá 2 Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang (Anrê Đoàn Văn Điểm, Tôma Nguyễn Công Binh, Phêrô Nguyễn Xuân Hoà, Augustinô Nguyễn Văn Phú và cha sở Trà Kê, Phanxicô Phạm Đình Triều).

Không “lạ đời” sao được, “đang không” cha con dắt nhau lên nghĩa trang cử hành ngày hoan vui Phục Sinh, đồng ca allêluia bên những ngôi mộ, và đồng tế bên cạnh bức tượng Pieta mà dấu ấn Thập Giá vẫn còn rõ mồn một !

Nhưng, nến bình tâm mà suy niệm các trang Tin Mừng được công bố suốt những ngày nầy, Tuần Bát Nhật Phục Sinh, chúng ta chắc không quên, hình ảnh “Ngôi Mộ Trống” luôn ẩn hiện khi tỏ khi mờ qua những “chuyện kể của Bà Maria” và những phụ nữ khác cùng với các môn sinh của Đức Kitô trên con đường đến nghĩa trang vào buổi rạng đông “Ngày Thứ Nhất” !

Vâng, từ dấu chỉ của hoang vu sự chết, “Ngôi Mộ Trống” cùng với những dữ kiện Tin Mừng khác, đã góp phần làm nên “Chuyện Kể Phục Sinh”, “Tin Mừng Phục Sinh” dịu vời vĩ đại và là “chân lý số một” của lâu đài Đức tin Kitô giáo !

Vậy thì hôm nay, cộng đoàn giáo xứ Trà Kê cử hành một ngày Bát Nhật Phục Sinh tại nghĩa trang mới được tôn tạo, với lễ đài Thánh giá và bức tượng Pieta cẩm thạch trắng ngời đâu có gì “phản cảm”, trái lại, còn rất phù hợp với chiều kích đức tin sâu xa của huyền nhiệm “Khổ Nạn - Phục Sinh”, của diễn trình thần học Phaolô từ “cõi chết đến cõi sống” !

Đó là chưa kể, ngay tại vùng đất nầy, giáo xứ Trà Kê, vẫn còn lưu giữ một ký ức bi hùng của “chiến tích Cây Gia” trong thời bách hại Văn Thân (1885) mà ngôi mộ của của linh mục thừa sai Chatelet (1858 – 1885) đang còn đó để như một lời nhắc nhở cháu con: “Ai chấp nhận chịu chết với Đức Kitô, sẽ được phục sinh vinh hiển với Ngài” (X. Rm 6,8-11).

Và như thế, buổi hoàng hôn của ngày thứ năm Tuần Bát Nhật hôm ấy, đã sáng ngời niềm vui Phục Sinh bên những “ngôi mộ không bao giờ trống”, bời vì Đức Kitô Phục Sinh đã, đang và mãi mãi hiện diện đầy ắp ở đấy !

Hoàng Hôn Bên Những Ngôi Mộ “Không Bao Giờ Trống”

(Mùa Phục Sinh 2019)
 
!3 tháng 5 Giáo xứ Tân việt kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima
Vinh sơn Trần Văn Đẩu
08:53 14/05/2019
“ Sứ điệp Đức Mẹ hiện ra tại Fatima kêu gọi chúng ta noi gương Mẹ siêng năng lần hạt mân côi để đời sống chúng ta gần Chúa và Mẹ để qua đó Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta được ở với Người trong ngày sau hết “. Đó là lời chia sẻ của Cha Phó Giuse Đỗ đức Hạnh trong Thánh lễ kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần thứ 1 tại Fatima diễn ra lúc 11g30 thứ hai 13/5/2019 tại giáo xứ Tân việt. Thánh lễ đồng tế do cha chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ chủ tế, đồng tế với ngài là cha phó Giuse Đỗ đức Hạnh giảng lễ. Cùng với sự hiện diện của đông đảo cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ.

Trước Thánh lễ, cha phó Giuse cùng với cộng đoàn rước tượng Đức Mẹ trong nhà thờ và lần chuỗi mân côi thật sốt sáng.

Xem Hình

Qua bản văn Tin mừng, cha phó chia sẻ: Cộng đoàn giáo xứ chúng ta hôm nay đã đáp lại lời mời gọi của Đức Mẹ Maria năm xưa khi hiện ra tại Fatima. Mẹ kêu gọi ăn năn sám hối và siêng năng lần hạt mân côi, cộng đoàn đã sốt sáng lần hạt và rước kiệu Đức Mẹ, để tôn sùng Đức Mẹ và thể hiện tinh thần sám hối qua các mầu nhiệm mân côi. Lời nói xin vâng chính là kim chỉ nam của Mẹ trong suốt cuộc hành trình của Mẹ khi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa ở trần gian.

Mỗi người chúng ta hãy noi gương Mẹ, có Chúa nâng đỡ trước hết chúng ta hãy trung tín với Chúa trong mọi việc, can đảm dứt khoát vói mọi cám dỗ, năng tham dự thánh lễ và siêng năng lần hạt mân côi.

Ngài kết luận: Sứ điệp Đức Mẹ hiện ra tại Fatima kêu gọi chúng ta siêng năng lần hạt mân côi đễ đời sống chúng ta gần Chúa và Mẹ để qua đó Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta được sống với Chúa trong ngày sau hết.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau khi nhận phép lành cuối lễ, quý cha cùng cộng đoàn hướng về tượng Đức Mẹ Fatima cùng với ca đoàn cất cao tiếng hát: “ Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi, có Đức Mẹ Chúa Trời, hiện uy nghi sáng chói … Tiếng hát đơn sơ với ước nguyện xin dâng lên Mẹ với quyết tâm siêng năng lần hạt mân côi mỗi ngày để nhờ đó đức tin sẽ luôn được tiếp thêm nguồn sức mạnh của ân sủng qua lời bầu cử của Nữ Vương rất Thánh Mân côi.

VInh sơn Trần văn Đẩu
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tư thế đúng khi nghe Ca Tiếp Liên.
Nguyễn Trọng Đa
09:01 14/05/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Ca Tiếp Liên trong tuần Bát Nhật Phục Sinh là tùy chọn, nhưng chúng con chọn đọc trong cộng đoàn của chúng con. Chúng con muốn biết đâu là tư thế đúng và nghiêm chỉnh hơn khi nghe hay đọc Ca Tiếp Liên, vì không có gì rõ ràng được nêu trong chữ đỏ? Chúng con cho rằng chúng con có thể ngồi trong khi đọc to cùng với người đọc, vì chúng con chỉ đứng cho bài Tin Mừng, vốn diễn ra ngay sau đó. Nhưng bởi vì Ca Tiếp Liện nói về sự phục sinh của Chúa Kitô (một mầu nhiệm trung tâm của đức tin chúng ta), liệu có đúng là đứng hơn là ngồi trong khi đọc bài này với người đọc không? Con cũng quan tâm để biết tư thế thích hợp khi nghe hay đọc Ca Tiếp Liên của các ngày lễ khác, thí dụ, ngày 15-9, lễ Đức Mẹ Sầu Bi; lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi); và Chúa Nhật lễ Hiện Xuống. - G. B., Manila, Philippines.


Đáp: Mặc dù không có gì rõ ràng trong chữ đỏ, có một số dấu hiệu nhất định mà tôi tin là đủ rõ ràng.

Trước hết, có một sự thay đổi về thứ tự hát Ca Tiếp Liên như được chỉ ra trong Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM):

“64. Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống thì được tùy ý, và được hát trước A-lê-lu-ia” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Trong hình thức ngoại thường, Ca Tiếp Liên được hát sau Alleluia, ngoại trừ Ca Tiếp Liên Dies Irae của thánh lễ cầu hồn, mà trong đó Alleluia được bỏ qua. Điều này có lẽ là do Ca Tiếp Liên được phát triển như một dạng mở rộng của các nốt nhạc của Alleluia, mà các từ ngữ sau đó đã được thêm vào.

Theo các hướng dẫn chính cho hình thức ngoại thường, tư thế phổ biến trong khi hát Alleluia và Ca Tiếp Liên trong một Thánh lễ trọng là ngồi.

Bởi vì chữ đỏ của hình thức thông thường bắt buộc mọi người đứng lên khi hát Alleluia, nên sự việc rằng Ca Tiếp Liên hiện được đặt một cách có chủ ý trước Alleluia, sẽ chỉ ra rằng Ca Tiếp Liên cũng được hát trong khi mọi người ngồi.

Quả đúng rằng đứng là một tư thế tượng trưng cho sự tham gia của Kitô hữu vào cuộc Phục sinh. Cũng đúng là, trong Lễ Phục sinh, tư thế đứng thay cho tư thế quỳ khi hát Kinh Cầu Các Thánh trong các nghi thức mà nó được tiên liệu, chẳng hạn lễ truyền chức. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là quy định chung đã thay đổi. Trong thánh lễ, chúng ta đứng lên khi hát Alleluia để chào đón bài Tin mừng, và mặc dù Ca Tiếp Liên lễ Phục sinh là thơ ca siêu phàm, nhưng nó không phải là Lời Chúa.

Như bạn đọc của chúng ta đã đề cập, hiện có bốn Ca Tiếp Liên chính thức được sử dụng: Lễ Phục sinh, Lễ Hiện Xuống, Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, và lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Chỉ có lễ Phục sinh và lễ Hiện Xuống là bắt buộc hát Ca Tiếp Liên. Ca Tiếp Liên Dies Irae của thánh lễ cầu hồn không còn được tìm thấy ở hình thức thông thường. Đồng thời, tất cả các Ca Tiếp Liên có thể được sử dụng như những bài thánh ca phù hợp vào các ngày khác cũng như ngoài phụng vụ.

Ca Tiếp Liên khác với bài thánh ca chủ yếu trong việc thay đổi cấu trúc của câu thơ Latinh, và trong việc thay đổi giai điệu một chút trong mỗi câu, trong khi bài thánh ca là đồng nhất ở câu thơ và giai điệu. Nó cũng là thường để xen kẽ giữa hai ca đoàn người lớn và thiếu nhi để có hiệu quả cao hơn. Cả Ca Tiếp Liên Stabat Mater và Dies Irae ban đầu không được sáng tác như các Ca Tiếp Liên, và vì vậy không tôn trọng tập tục chung này.

Trước Công đồng Trentô, đã có rất nhiều Ca Tiếp Liên. Có khoảng 5.000 Ca Tiếp Liên được biết đến trong các bản thảo thời Trung Cổ với chất lượng đa dạng khác nhau, mặc dù số lượng thực sự được sử dụng trong phụng vụ là ít hơn nhiều. Cuộc Cải cách của Công đồng Trentô giữ lại bốn trong số các Ca Tiếp Liên nói trên, với Ca Tiếp Liên Stabat Mater được thêm vào sau đó. (Zenit.org 14-5-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/proper-posture-at-the-sequence/