Ngày 18-05-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 19/05: Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
03:20 18/05/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn".

Đó là lời Chúa
 
Tuân giữ Lời Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
05:25 18/05/2022
TUÂN GIỮ LỜI CHÚA

CN 6 PS

Chúa Nhật tuần trước, Phúc âm kể về những lời tâm huyết của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phúc âm tuần này tiếp nối những lời tâm huyết ấy: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Chúa Giêsu đã hứa rằng, dù vắng mặt, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện giữa các môn đệ và ban bình an cho các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Sự hiện diện của người vắng mặt. Đó là cảm nghiệm mà chỉ có những người yêu nhau mới nhận ra mà thôi. Sau khi Phục sinh khải hoàn, Chúa Giêsu đã trở nên con người của mọi thời đại. Chúa hiện diện trong những ai yêu mến Ngài: “Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy”. Chúa hiện diện trong những ai thực hành và giữ lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Ngài hiện diện cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cùng đến thăm và ở lại trong những ai yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ lời Ngài: "Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ.... Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến... Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".

1. "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy"

Người Kitô hữu là người có Đức Kitô nhờ đi theo và yêu mến Ngài. Ai không yêu mến, không đi theo thì không có Ngài, nên không phải là Kitô hữu đích thực. Khi yêu mến Chúa ta sống trong Ngài: "Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em". Người ta chỉ sống trong nhau vì nhau cho nhau khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Kitô và được Đức Kitô sống trong ta khi ta yêu mến Ngài. Yêu mến là giữ lời Ngài "Nếu các con giữ lệnh truyền của Ta thì các con sẽ lưu lại trong lòng mến của Ta" (Ga 15,10).

Nhưng làm sao yêu mến Ngài được khi mà ta không hề thấy Ngài cách hữu hình, không nghe Ngài nói trực tiếp, không động chạm đến Ngài? Chúa cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy". Điều răn của Chúa là gì? Chúa xác định rõ ràng điều răn cốt yếu: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 12,34). Chúa cũng xác định luôn cả mức độ yêu: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Như vậy, câu nói "nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy" có nghĩa là "nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau". Ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này: "Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4,20).

2. “Anh em có lòng yêu thương nhau”

Những lời tâm huyết của Chúa Giêsu được thánh Gioan ghi chép lại trong hai chương 13 và 14, cuối cùng Chúa đúc kết trong một lời khuyên ân cần: "Nếu ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy". Lời trọng tâm của chương 13 và 14 là: "Chúng con hãy yêu thương nhau”. Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Chúa Giêsu. Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Chúa. Ai không có đặc trưng ấy thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ "hữu danh vô thực", giả hiệu mà thôi.

Thánh Gioan sau khi nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh đã nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Ngài, là sống sự sống của Ngài.Tình yêu đó là một tình yêu sáng suốt của lý trí, thể hiện nơi những việc làm cụ thể là yêu thương nhau.

Từ nay để gặp gỡ Chúa, để yêu mến Chúa, để sống với Chúa, cần phải có đức tin và tình yêu. Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Chúa Giêsu nói: "Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy,Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy.Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy.Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy".

Lần kia, có một thanh niên nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì thế, anh ta đến thăm viếng một tu sĩ nổi tiếng là thánh thiện. Anh hỏi vị tu sĩ: Thầy có tin tưởng vào Thiên Chúa không?.

Vị tu sĩ đáp: có chứ.

Người thanh niên hỏi: Dựa vào chứng cứ nào mà thầy tin được?

Vị tu sĩ đáp: Ta tin tưởng vào Thiên Chúa, bởi vì ta biết Người. Mỗi ngày, ta đều cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta.

Người thanh niên hỏi: nhưng làm thế nào điều đó có thể xảy ra được?

Vị tu sĩ đáp: Khi biết sống yêu thương, thì chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa, và nỗi nghi ngờ tan biến, giống như làn sương buổi sáng bị tan biến trước ánh nắng mặt trời vậy.

Người thanh niên suy nghĩ về câu nói này trong giây lát, rồi hỏi: Làm thế nào để con có thể đạt được niềm tin chắc chắn này?.

Vị tu sĩ đáp: Bằng cách hành động theo tình yêu. Con hãy cố gắng yêu thương những người đồng loại; yêu thương họ một cách tích cực và không ngừng. Trong khi con học hỏi được cách càng ngày càng yêu thương hơn, thì con sẽ càng ngày càng trở nên tin tưởng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, và sự bất tử của linh hồn. Ðiều này đã được thử nghiệm. Ðây là đường lối đúng đắn.

Những người yêu mến Chúa là những người biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép:"Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác.... Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng xẻ cơm cho họ". Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Ngài quả là người yêu mến Chúa thật và đã đáng Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời.

3. Đức Maria là mẫu gương yêu mến và tuân giữ Lời Chúa.

Một người phụ nữ nghe Chúa giảng dạy, bà nghe say mê. Với tính nhạy cảm của một người nữ, bà cảm nghiệm niềm hạnh phúc của người mẹ có một người con tuyệt vời như Chúa Giêsu. Giữa đám đông, bà bày tỏ niềm thán phục Chúa, bà tán dương Mẹ Maria là “người mẹ có phúc đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm”. Đáp lại lời tán dương ấy, Chúa nói đến hạnh phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa: “Bà ơi, đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Người phụ nữ kia đã tán dương Đức Mẹ là có phúc vì Mẹ có các vinh dự làm Mẹ của một người con tài ba kỳ diệu là Chúa Giêsu. Đây mới chỉ là vinh dự trần gian. Mẹ Maria còn có một hạnh phúc lớn lao hơn là “nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Khi biết lắng nghe, đón nhận và giữ lời Thiên Chúa thì thiên đàng đã ở trong người ấy, vinh phúc đời đời ở trong người ấy, Thiên Chúa ở trong người ấy. Đó là vinh phúc của Mẹ Maria. Bởi đó, Chúa nói với người phụ nữ kia, không chỉ dừng lại nơi lời khen Mẹ Maria có phúc vì đã có vinh dự cứu mang, nuôi dưỡng một người con tuyệt vời, mà cần hướng đến ý nghĩa cao cả hơn. Phúc thay cho ai biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc cao quý nhất của Đức Mẹ.

Vào ngày Thiên Thần Gabriel đến truyền tin, Đức Mẹ đã đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng. Mẹ cưu mang con Thiên Chúa. Mẹ suy nghĩ và trao đổi. Mẹ biết đây là thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ đáp trả lời “Xin Vâng”. Mẹ đã lắng nghe, Mẹ đã tin và chấp nhận dấn thân. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong lòng Mẹ. Chính Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa đang đến với nhân loại và trở nên Emmanuel.

Ngày kia, Chúa đang rao giảng, có người tin cho Chúa biết: “có Mẹ và anh em Thầy đang chờ gặp Thầy”. Chúa nói ngay với họ: “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi? Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa, người đó là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

Tại tiệc cưới Cana, Mẹ xin Chúa giúp đỡ gia đình tân hôn đang hết rượu. Với một lời đề nghị tế nhị: “Con ơi, họ hết rượu rồi”. Chúa đáp lại như một lời từ chối: “Thưa bà, việc đó liên can chi đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Mẹ tin nơi tình thương của Chúa. Chúa sẽ làm những gì tốt nhất, đẹp nhất cho con người. Vì thế, Mẹ dặn dò người giúp vịêc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Trong cuộc thương khó của Chúa, Mẹ đau đớn và luôn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Dưới chân thập giá, Mẹ hiệp thông trọn vẹn trong lễ tế hiến dâng với con…

Lạy Chúa, chúng con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là chúng con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin chochúng con xác tín rằng tình yêu của chúng con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp chúng con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.

Lạy Chúa, trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng con tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ. Chúng con nhìn lên Mẹ như vị thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu như Mẹ là mẫu gương cho chúng con
.Amen.
 
Công cụ quyền năng của Ân sủng
Lm. Minh Anh
05:39 18/05/2022

CÔNG CỤ QUYỀN NĂNG CỦA ÂN SỦNG
“Cành nào sinh hoa trái, thì Ngài cắt tỉa cho nó sinh hoa trái nhiều hơn!”.

Một nhà thần học nói, “Một khu vườn không được chăm sóc, cỏ dại sẽ sớm mọc um tùm; một trái tim không trau dồi chân lý, sẽ sớm trở thành ‘vùng hoang vu thần học’; một linh hồn không cắt tỉa những lầm lỗi, không bao giờ trở thành một ‘công cụ quyền năng của ân sủng’ Chúa!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến việc cắt tỉa. Giáo Hội sơ khai cần được cắt tỉa; các môn đệ Chúa Giêsu cần được cắt tỉa! Thiên Chúa muốn sử dụng chúng ta như những ‘công cụ quyền năng của ân sủng’ Ngài trên thế giới; thế nhưng, trừ phi mỗi người sẵn sàng để mình được cắt tỉa tâm linh theo thời gian, không ai có thể trở nên một công cụ sắc bén của Ngài!

Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ tiết lộ cho chúng ta ‘Công Đồng đầu tiên’ khi các tông đồ nhóm họp để giải quyết một vấn đề gai gốc, “Cắt bì hay không cắt bì”. Biến cố này được xem như một trong những cắt tỉa đầu tiên của Thánh Thần đối với Giáo Hội sơ khai! Nếu muốn trình bày sứ điệp một cách có ý nghĩa, Giáo Hội phải sẵn sàng thực hiện những điều chỉnh cần thiết trong các lĩnh vực. Chúng có thể có truyền thống lâu đời; nhưng về mặt ý nghĩa, cách nào đó, đã mai một theo thời gian. Sẽ luôn có sự căng thẳng giữa tư duy bảo thủ và tư duy tiến bộ; cả hai đều cần thiết và đây là dấu hiệu của một Giáo Hội sống động. Kết quả sẽ là hoa trái của sự hiệp nhất; đa dạng nhưng không phân chia! Được như thế, Giáo Hội mới là một ‘công cụ quyền năng của ân sủng’ vốn sẽ hữu hiệu để thích ứng với mọi thời dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cành nho cần được cắt tỉa, như là điều kiện để có một mùa nho tốt. Cũng thế, Chúa Thánh Thần sẽ cắt tỉa, loại bỏ những tệ nạn ra khỏi cuộc sống chúng ta; nhờ đó, hầu các nhân đức được nuôi dưỡng đúng cách. Việc cắt tỉa sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta biết tự hạ trước Thiên Chúa và tước bỏ niềm kiêu hãnh của mình. Cắt tỉa có thể gây thương tổn, nhưng nỗi đau ‘được’ gây nên bởi Thánh Thần, cần được xem như chìa khoá mở ra cánh cửa trưởng thành trong đời sống thiêng liêng. Bằng cách lớn lên trong khiêm tốn, chúng ta ngày càng phụ thuộc vào nguồn nuôi dưỡng thiên linh hơn là dựa vào bản thân, ý riêng và kế hoạch cá nhân.
Thiên Chúa khôn ngoan hơn chúng ta vô vàn; và nếu có thể liên lỉ hướng về Ngài như nguồn cội, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và chuẩn bị tốt hơn để Ngài có thể làm những điều vĩ đại thông qua mỗi người như một ‘công cụ quyền năng của ân sủng’ Ngài.

Anh Chị em,

“Cành nào sinh hoa trái, thì Ngài cắt tỉa cho nó sinh hoa trái nhiều hơn!”. Khi quả quyết điều này, Chúa Giêsu tiết lộ một sự thật; rằng, chúng ta đã liên kết với Ngài như cành liền cây; quan trọng hơn, thập giá và khổ đau như là một điều kiện không thể thiếu cho việc xây dựng Vương Quốc. Để sinh trái hơn, nhất định Thiên Chúa phải cắt tỉa! Ngài là Chủ Vườn đại tài; Ngài biết cành nào cần cắt tỉa và cắt tỉa lúc nào, vì “một linh hồn không cắt tỉa những lầm lỗi, không bao giờ trở thành một ‘công cụ quyền năng của ân sủng’ Chúa!”. Chúa Thánh Thần đang làm công việc cắt tỉa mỗi ngày nơi chúng ta, qua Lời Chúa, qua các Bí tích, qua những con người, và qua những biến cố vui buồn lớn nhỏ. Chớ gì chúng ta không kháng cự, nhưng tỉnh thức đủ, để đừng vì sự đau đớn này mà bỏ cuộc, nhưng trở nên mềm mỏng thật sự với Chúa Thánh Thần, hầu có thể trở nên một công cụ tốt, sinh ích cho thế giới, cho tha nhân. Bản thân Chúa Giêsu cũng phải chịu cắt tỉa; nhờ đó, Ngài mới trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho toàn thế giới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cắt tỉa luôn gây đau đớn; nhưng cần thiết! Xin cứ cắt tỉa con; nhờ đó, con sẽ không là một công cụ tồi, nhưng là một ‘công cụ quyền năng của ân sủng’ Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thực thi yêu thương để vượt qua khủng hoảng đức tin
Lm. Đan Vinh
05:44 18/05/2022

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH C
Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29
THỰC THI YÊU THƯƠNG ĐỂ VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Ga 14,23-29
(23) Đức Giê-su đáp : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (24) Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. (25) Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. (26) Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (27) Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (28) Anh em đã nghe Thầy bảo : “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. (29) Bây giờ, Thầy nói với anh em, trước khi sự việc xảy ra, để anh em tin khi sự việc ấy xảy ra”.

2. Ý CHÍNH :
Bài Tin mừng hôm nay trích trong bài từ biệt các Tông đồ của Đức Giê-su tại Nhà Tiệc Ly và gồm hai điểm chính như sau :
- CÁCH THỂ HIỆN LÒNG MẾN ĐỐI VỚI THẦY : Đức Giê-su đòi các Tông đồ phải chứng tỏ lòng yêu mến Người bằng cách tuân giữ Lời Người truyền dạy, nhờ đó họ sẽ được kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi và sẽ nhận được ơn Thánh Thần trợ giúp.
- ĐỨC GIÊ-SU HỨA BAN BÌNH AN VÀ NIỀM VUI : Đây là sự bình an thực sự và trong tâm hồn. Nhờ đó, các ông sẽ không còn bối rối sợ hãi khi gặp phải những cơn bách hại xảy ra. Vì Người hứa ở lại với các ông luôn mãi.

3. CHÚ THÍCH :
- C 23-24 : +Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy : Đức Giê-su đòi các môn đệ phải chứng tỏ lòng yêu mến Người bằng hành động cụ thể chứ không bằng lời nói hay tình cảm suông. Hành động chứng tỏ lòng yêu mến là tuân giữ giới răn Người truyền. +Cha Thầy và Thầy : Ám chỉ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha yêu Chúa Con và tình yêu giữa Cha Con nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần.
- C 25-26: +Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy : Đức Giê-su loan báo sẽ xin Chúa Cha sai Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đến với các Tông đồ để Người ở lại với các ông luôn mãi (x. Ga 14,16). +Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em : Sứ mệnh của Thánh Thần là dạy các môn đệ mọi điều Đức Giê-su đã nói, mà các ông chưa hiểu hết ý nghĩa (x. Ga 13,7).
- C 27-29 : +Thầy để lại bình an cho anh em : Người Do thái thường chào nhau bằng lời chúc “Bình an”. Sự bình an này đồng nghĩa với không có chiến tranh... Còn sự bình an của Chúa Giê-su ban ở đây thuộc lãnh vực đức tin siêu nhiên, nghĩa là được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết và được thừa hưởng ơn cứu độ. +Bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy : Xét về bản tính Thiên Chúa thì Đức Giê-su ngang bằng Chúa Cha. Nhưng xét về sứ mệnh Thiên Sai, thì Đức Giê-su - “Ngôi Lời đã hóa nên người phàm” (Ga 1,14) nên không thể cao trọng bằng Thiên Chúa là Đấng đã sai Người (x Ga 14,28b). Thánh Phao-lô đã nói về điều này như sau : “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu...” (Pl 2,6-11).

4. CÂU HỎI :
1) Đức Giê-su đòi môn đệ làm gì để chứng tỏ lòng yêu mến Người?
2) Ai yêu mến Người thì sẽ được Thiên Chúa ban thưởng ra sao?
3) Đức Giê-su hứa ban Chúa Thánh Thần đến để làm gì?
4) Sự bình an do Đức Giê-su hứa ban khác với lời chào chúc bình an của người Do thái như thế nào?
5) Tại sao Đức Giê-su lại nói : ”Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” đang khi giáo lý dạy ba Ngôi Thiên Chúa bằng nhau và không Ngôi nào lớn hơn !

II. SỐNG LỜI CHÚA :

1. LỜI CHÚA : “Thầy đi thì ích lợi cho anh em” (Ga 16,7).

2. CÂU CHUYỆN :

1) MẸ YÊU CON NHƯNG HẠN CHẾ GẶP MẶT ĐỂ CON NÊN TRƯỞNG THÀNH :
ME-RI-ƠN OÉT (Marion West) là một bé gái 4 tuổi. Ngày nào bé cũng vui mừng nhảy nhót khi thấy mẹ từ chỗ làm tới đón về nhà ăn trưa. Vì bận phải đi làm gần nhà nên từ sáng sớm, mẹ cô bé đã nhờ người hàng xóm tốt bụng trông chừng. Rồi đến trưa bà tranh thủ rời chỗ làm để đi đón con, và hai mẹ con hối hả về nhà ăn trưa và vui đùa bên nhau. Rồi đến một giờ chiều, bà lại từ giã bé tiếp tục đi làm. Bấy giờ bé ME-RI-ƠN thường tỏ vẻ buồn tủi. Em ngồi im lặng hàng giờ đồng hồ. Rồi sau đó nghe theo chuyên gia tâm lý tư vấn, mẹ bé đã thôi không về nhà vào mỗi buổi trưa để đón bé nữa. Trưa hôm ấy, bé ME-RI-ƠN buồn bã không thiết gì ăn uống. Em cứ thắc mắc tại sao mẹ lại không về nhà ăn trưa và chơi đùa với em như mọi ngày? Nhưng rồi lâu ngày bé cũng quen đi và có thái độ vui vẻ như trước.
Nhiều năm sau đó, ME-RI-ƠN mới được mẹ kể cho biết: Khi ấy hàng ngày bà vẫn trở về nhà, nhưng không ghé đón em. Bà thường ngồi bên cửa sổ nhà bếp để vừa ăn trưa vừa nhìn con vui chơi với chúng bạn ở nhà hàng xóm. Bà ao ước được chạy lại ôm ấp con cho thỏa lòng. Nhưng vì muốn con trưởng thành, bà đành nén lại để con quen dần với sự vắng mặt của mẹ hầu phát triển tâm lý bình thường như bao trẻ khác. Giờ đây khi đã khôn lớn, ME-RI-ƠN mới hiểu lý do tại sao mẹ cô lại làm như thế, và cô lại càng biết ơn mẹ nhiều hơn.

2) PHẤN ĐẤU VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG VỀ ĐỨC TIN :
Một nhà chuyên môn sưu tầm các loài bướm ngày kia đã nhìn thấy một chiếc kén của loài bướm lạ trong khu vườn phía sau nhà. Ông ta liền ngắt cành cây có chiếc kén kia mang vào nhà. Ít ngày sau, ông ta thấy bên trong chiếc kén có sự nhúc nhích, nhưng con bướm vẫn chưa thể phá được chiếc kén để bò ra ngoài. Ngày thứ hai và thứ ba, ông ta cũng ghi nhận được sự kiện tương tự và không thấy có sự tiến bộ nào. Thế là ông quyết định dùng mũi dao lam rạch một đường trên chiếc kén giúp chú bướm bò ra. Tuy nhiên, ông rất thất vọng vì chú bướm sau đó chỉ sống được một lúc rồi lăn ra chết. Về sau, một nhà sinh vật học đã giải thích cho ông hiểu: Thiên nhiên đã sắp xếp cho con bướm phải đấu tranh thoát khỏi chiếc kén bao bọc nó, vì chính nhờ đó mà chú bướm mới có thể phát triển toàn diện để sinh tồn khi ra ngoài kén.
Nhà sưu tầm bướm tưởng rằng dùng lưỡi dao rạch chiếc kén sẽ giúp cho chú bướm dễ dàng thoát ra hơn. Nhưng ông không biết rằng: khi làm như thế là ông đã vô tình huỷ diệt khả năng sinh tồn của chú bướm con.

3) CHỈ THỰC SỰ HẠNH PHÚC KHI ĐƯỢC TỰ DO :
Một ngày nọ trời đang mưa tuyết, một cậu bé thấy một chú chim non nhỏ bé đang đứng co ro run rẩy trên cành ngay dưới tổ chim. Xót thương chim bị lạnh, cậu liền mang nó vào trong nhà đặt gần lò sưởi và chim dần hồi tỉnh. Sau đó, cậu bé đã dùng một chiếc lồng cũ trong nhà để nhốt chim lại. Cậu đã cung cấp cho chim nhiều thức ăn, nước uống và cả hơi ấm nữa.
Chim nhỏ lớn nhanh và tập bay trong lồng. Rồi một buổi sáng nọ nó lên tiếng hót líu lo. Cậu bé rất vui khi được chăm sóc cho con chim. Nhưng sau đó ít hôm, cậu thấy con chim liên tục bay và đập cánh vào thành lồng. Cậu liền hỏi ông nội lý do thì được ông trả lời : “Vì nó cảm thấy không hạnh phúc và muốn bay ra khỏi lồng”. Cậu tiếp tục hỏi : “Vậy nó không có mọi thứ cần dùng trong cái lồng rồi hay sao?”. Ông đáp : “Tuy có mọi thứ, nhưng nó lại thiếu điều cốt yếu là được tự do bay nhảy như những con chim khác”.
Cậu bé liền nói : “Nhưng làm sao cháu có thể yên tâm để nó bay đi khi nó có thể gặp nhiều nguy hiểm và có thể bị chết vì lạnh”. Ông nói : “Đó là một sự thách thức mà con chim sẽ phải trải qua để trưởng thành”. Cậu bé nói như khóc : “Nhưng cháu lại rất thương nó đến nỗi cháu sẽ không thể sống nếu không nhìn thấy nó”. Ông đáp : “Nếu cháu thực sự thương nó, thì cháu phải để cho nó tự do rời khỏi lồng”. Cậu bé im lặng nhìn con chim đang tiếp tục bay va chạm vào thành lồng như muốn nói : “Trả tự do cho tôi ! Trả tự do cho tôi !”. Không thể chịu nổi nữa, cậu đã mở cửa lồng và chim liền bay đi. Cậu nhìn dõi theo nó một lúc lâu. Rồi sau đó, cậu nghe thấy có tiếng chim hót trên một cành cây gần đó. Tiếng hót nghe vui tươi hơn lúc chim ở trong lồng và cậu bé cũng cảm thấy lòng an vui không còn buồn nữa.

4) THẾ NÀO LÀ SỰ BÌNH AN ĐÍCH THỰC :
Một ngày nọ, nhà vua nói với hai họa sĩ tài ba của triều đình như sau : “Hôm nay hai khanh hãy về vẽ tranh theo cùng đề tài là “Bình An đích thực” để trẫm và các quan trong triều chấm điểm”. Một tuần sau hai họa sĩ quay trở lại với bức tranh của mình.
Hoạ sĩ thứ nhất giới thiệu bức tranh vẽ một phong cảnh thơ mộng với những ngọn đồi đều đặn liền kề bên nhau và một mặt hồ không chút gợn sóng. Toàn bộ phong cảnh nói lên sự bình an tĩnh lặng. Tuy nhiên, sau khi ngắm nhìn bức tranh, nhà vua lại phán : “Bức tranh của khanh tuy đẹp và diễn tả đúng theo chủ đề bình an, nhưng khi ngắm bức tranh của khanh, trẫm có cảm giác bị buồn ngủ”. Kế đó, hoạ sĩ thứ hai trình bày tác phẩn của mình. Bức tranh vẽ một cái thác chảy nước ầm ầm với những bọt nước trắng phau bên dưới. Lối vẽ hiện thực làm cho người ta như nghe thấy có tiếng gầm của thác nước khi đổ xuống chạm vào các tảng đá bên dưới cách hàng trăm thước. Khi vừa thấy bức tranh nhà vua liền nói : “Bức tranh của khanh không phù hợp với đề tài bình an”. Hoạ sĩ liền yêu cầu nhà vua xem kỹ. Sau đó nhà vua đã nhận ra một chi tiết mà trước đó không để ý : Ở giữa các tảng đá bên dưới thác nước, có một bụi cây trong đó có một cái tổ chim. Trong tổ một con chim mẹ đang nằm ấp trứng, đôi mắt lim dim. Nó đang chờ cho các chim con từ trong trứng nở ra. Một hình ảnh diễn tả sự bình an hoàn hảo ! Nhà vua rất thích thú khi phát hiện ra điều này và nói : “Trẫm rất thích bức tranh của khanh, vì nó đã chuyển tải một thông điệp quan trọng về sự bình an đích thực. Đó là người ta vẫn có thể có sự bình an nội tâm dù đang sống giữa cảnh đời ồn ào xáo trộn !”.
Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su cũng đã nói với các tông đồ : “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

5) SẴN SÀNG HY SINH CHỊU CHẾT ĐỂ NHƯỜNG PHAO CỨU NGƯỜI :
Vào tháng 4 năm 2014, vụ tai nạn chìm phà Sewol, Hàn Quốc làm chấn động không chỉ đất nước xứ Kim Chi mà cả thế giới. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có những con người sống mãi với thời gian.
JUNG CHAWOONG, nam sinh 17 tuổi tạo nên một câu chuyện cảm động đầy nước mắt khi đóng vai anh hùng, xả thân cứu bạn bè trong tai nạn chìm phà. Theo lời kể của những người thoát nạn, vào lúc nguy ngập phà sắp chìm, Jung Chawoong đã hy sinh đưa áo phao của mình đang mặc cho một người bạn đang bị chìm, thậm chí anh còn lao xuống nước để cứu giúp những người khác nữa và cuối cùng anh đã bị chết chìm vì quá mất sức. Tại nạn chìm phà xảy ra hôm 17/4, đúng vào ngày sinh nhật của Jung Chawoong. Hành động hi sinh của chàng trai trẻ đã được lan truyền trên cộng đồng mạng Hàn Quốc. Mọi người đều vô cùng tiếc thương và cảm phục hành động nhường áo phao chấp nhận chịu chết để cứu người khác khỏi chết.

3. THẢO LUẬN :
Khi gặp cơn khủng hoảng về đức tin (chán ngại cầu nguyện, lười biếng làm việc đạo đức bác ái...), bạn cần làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng ấy?

4. SUY NIỆM :
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay ghi lại lời Chúa Giê-su tâm sự với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly trước khi Người lìa bỏ các ông đi chịu khổ nạn. Tin Mừng gồm mấy điểm chính như sau :

1) Đức Giê-su hứa ban Thánh Thần :
Khi nghe Đức Giê-su cho biết Người sắp từ giã các môn đệ để đi chịu khổ nạn rồi sẽ được Chúa Cha tôn vinh (x Mc 10,33-34), các môn đệ nghe vậy cảm thấy buồn phiền. Đức Giê-su đã an ủi khích lệ các ông bằng cách cho họ biết việc Người ra đi là để dọn chỗ trước, rồi sau đó Thầy trò lại sẽ được đòan tụ với nhau, nên bây giờ các ông hãy vui mừng khi thấy Người được Chúa Cha tôn vinh. Các ông cũng sẽ không bị mồ côi vì Chúa Cha sẽ cử Chúa Thánh Thần đến an ủi và trợ giúp để các ông có thể chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời. Quả thật sau khi Chúa Giê-su thăng thiên, vào lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống ban ơn thánh hóa để giúp các ông chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng như Người đã hứa : “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26). Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng và giúp các môn đệ chu tòan sứ vụ làm chứng nhân của Người (x Ga 15,26-27).

2) Ích lợi của việc Đức Giê-su ra đi :
Sau khi hoàn tất công việc được Chúa Cha trao phó, Đức Giê-su đã bàn giao sứ vụ cứu độ trần gian cho một Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần. Dù rất yêu thương các môn đệ và luôn muốn ở với các ông, nhưng Đức Giê-su vẫn phải ra đi, vì điều đó sẽ mang lại lợi ích cho các ông: nó vừa giúp các ông trưởng thành về đức tin hơn, lại vừa giúp các ông mở lòng đón nhận được ơn Chúa Thánh Thần để có thể chu tòan được ba sứ vụ:
- Một là được sai đi (x Ga 20,22-23).
- Hai là loan báo Tin Mừng và dạy người ta tuân giữ các giới răn (x Mt 28,19-20).
- Ba là làm chứng về tình thương của Người “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

3) Phải làm gì để giữ vững đức tin khi gặp cơn gian nan thử thách? :
Có những lúc chúng ta liên tiếp bị thất bại nhiều mặt như người đời thường nói : “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí’, và dễ bị chán nản và muốn buông xuôi, thể hiện qua việc bỏ không cầu nguyện hằng ngày, không còn thích đi chầu Chúa Thánh Thể... Có những lúc đức tin của chúng ta trở nên yếu đuối, không còn hứng thú tham dự các sinh hoạt như hội họp học sống Tin Mừng, làm công tác thăm viếng, quét dọn vệ sinh nhà Chúa, tập hát... Có những lúc chúng ta có cảm tưởng bị Thiên Chúa bỏ rơi, giống như Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn đã thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con. Sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34).
Thực ra Chúa vẫn luôn yêu thương và không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng Ngài biết đã đến lúc bắt đầu một giai đoạn mới để chúng ta được trưởng thành hơn. Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng giá trị của sự cầu nguyện không hệ tại ở việc cảm thấy sốt sắng hay không. Chính khi tâm hồn như bị chai cứng, lại là lúc đòi phải cầu nguyện nhiều hơn, và lời cầu nguyện khi ấy sẽ nên tuyệt hảo. Vì bấy giờ chúng ta làm các việc đạo đức không dựa trên cảm giác thường tình, nhưng dựa trên đức tin được Chúa chúc phúc như Chúa Phục Sinh đã nói với ông Tô-ma : “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

4) Áp dụng thực hành :
Đã đến lúc chúng ta phải hiểu rằng đức tin không chỉ là một cảm giác nhưng là sự quảng đại dâng hiến, một sự cậy trông phó thác tuyệt đối vào Chúa quan phòng, như lời thưa “xin vâng ý Chúa Cha” của Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu : “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Thiên Chúa muốn chúng ta phải đấu tranh với các gian khổ gặp phải để nhờ đó sẽ được lớn lên về đức tin. Trong những giờ phút đen tối ấy, chúng ta hãy ý thức rằng : Chúa Giê-su luôn ở bên và ở trong chúng ta. Người vẫn tiếp tục đổ ơn Thánh Thần của Người để nâng đỡ tinh thần của chúng ta, giúp đức tin của chúng ta ngày một vững mạnh hầu chu toàn được sứ vụ “làm chứng cho Người đến tận cùng trái đất”.
Tóm lại: Đức tin chân chính là một tâm tình dâng hiến, một thái độ phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng, một lời thưa “xin vâng” theo ý Chúa Cha như Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a (x. Mt 26,39; Lc 1,38). Do đó khi rước lễ, mà không cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong lòng, thì hãy nhớ lời bài hát chầu Thánh Thể : “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”.

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cho tới nay hầu như chúng con mới chỉ yêu thương tha nhân bằng lời nói hơn là việc làm. Xin Chúa hãy đổ Thần Khí để canh tân lòng trí chúng con. Xin cho chúng con ý thức lòng mến Chúa phải thể hiện bằng việc yêu người cụ thể như : năng nghĩ đến người khác, quên mình hy sinh phục vụ tha nhân, sẵn sàng quảng đại giúp đỡ người nghèo đói có cơm ăn áo mặc, bệnh nhân có tiền thuốc thang chữa trị… Nhờ đó, những người đau khổ sẽ tìm được sự cảm thông an ủi, kẻ đang lạc xa Chúa sẽ có điều kiện quay về nẻo chính đường ngay.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Nhân loại đang rất cần Bình An Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:59 18/05/2022
Nhân loại đang rất cần Bình An Giêsu

Suy niệm Chúa nhật VI Phục Sinh Năm– C

( Ga 14, 23-29 )

Lời chào chúc Bình an

Người Do thái mỗi khi gặp thường chào chúc nhau “shalom” có nghĩa là bình an hay hòa bình. Văn hóa Việt Nam “bình an” cũng có nghĩa là “hòa bình”. Tuy nhiên, “bình an” thường được sử dụng để diễn tả tình trạng nội tâm cá nhân, còn “hòa bình” diễn tả tương quan giữa người với người, quốc gia với quốc gia và quốc tế với nhau.

Đã làm người, ai cũng muốn được bình an. Sống cần bình an, chết cũng cần bình an. Vì thế mà trên bia mộ của người Kitô hữu, chúng ta thường bắt gặp ba ký tự (R.I.P) viết tắt của (Requiescat in Pace) trong tiếng La tinh có nghĩa là “hãy nghỉ ngơi bình an”. Dưới cái nhìn mặc khải Kitô Giáo, bình an là trạng thái của người dồi dào ân sủng Chúa và bình an đáng mong đợi nhất là ơn cứu độ vĩnh cửu Chúa ban.

Đức Kitô là Hoàng Tử Bình An

Khoảng 700 năm trước Chúa Giêsu ra đời, tiên tri Isaia đã loan báo Người là Hoàng Tử Bình An, Người đến để thiết lập hòa bình giữa con người với Thiên Chúa, với vũ trụ vạn vật và giữa con người với nhau (Is 9,5). Lúc đó, người ta sẽ "đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến" (Is 2,4). Giữa cảnh tha hương, lưu đày, Thiên Chúa nói với Dân Người: "Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an" (Ed 37,26).

Khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem, các thiên thần ca hát rằng "vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" (Lc 2,14). Như thế, “Bình an” đã xuất hiện tỏ tường trong ngày Chúa giáng sinh.

Khi đến “giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13,1), với trọn tình Thầy trò, Người đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết, cụ thể như truyền cho các môn đệ một Điều Răn Mới (x. Ga 15,12). Tiếp theo, Người mạc khải cho các ông về Chúa Thánh Thần (x.Ga 14,26). Đồng thời hứa ban bình an cho các ông. “Bình an” là quà tặng cao quý của Thầy để lại cho các học trò trước lúc ra đi. Đó cũng là “Bình an” sau khi sống lại Chúa Giêsu sẽ tặng cho các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ hãi. “Bình an” là điều các ông đang cần đến hơn bao giờ hết.

Chúa Giêsu chính là Bình An đích thực. Có bình an của Chúa Giêsu đồng nghĩa với có chính Chúa, “Bình An Giêsu”. Có được Bình An Giêsu người ta sẽ cảm nhận được tâm hồn thanh thản, thể xác lạnh manh, nghĩa là bình an cả xác hồn. Bình an này hướng các môn đệ về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ.

Bình an của Đức Kitô khác với bình an thế gian ban tặng

Câu hỏi được đặt ra: Tại sao là 'bình an' mà không phải là giàu sang, tài giỏi, sức khỏe hay điều gì khác? Thưa, vì nếu con người có tất cả những thứ đó mà không có bình an thì coi như chẳng có gì.

Với nghĩa nặng tình sâu trong tình thầy trò đầy thương mến, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy" (Ga 14,1). Người cũng nói với họ: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi" (Ga 14,27). Người ban cho họ bình an, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. Tại sao bình an của Chúa Giêsu thế gian không thể ban tặng? Thưa, vì Chúa Giêsu chính là Bình An; là nguồn bình an, Người ban cho các các môn đệ chính bình an của Người, bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an vượt xa sự hiểu của con người.

Lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà bị mắc bệnh : "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh" (Mc 5,34). Bà được khỏi bệnh cả thể xác lẫn tâm hồn, bình an tuyệt đối. Bình an cũng là điều Chúa truyền cho các môn đệ khi đi rao giảng Tin Mừng, Người căn dặn : "Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy" (Mt 10,12). Trên đường đi Giêrusalem, tới gần chỗ dốc xuống núi Ôliu, những người theo Đức Giêsu tung hô: "Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời" (Lc 19,38). Chúa Giêsu là Bình an trên trời và dưới đất.

"Bình an cho anh em!" (Lc 24,36) là lời đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi sống lại và hiện ra với các môn ngày thứ nhất trong tuần. Có Bình an Giêsu, con người các ông hoàn toàn đổi mới, ngờ vực trở nên vững tin, nhút nhát nên người can đảm, sống cửu đóng then cài, nay đi rao giảng Thiên Chúa Chúa Giêsu chết bị chôn trong mồ đã sống lại hiển vinh, mà chính các ông làm chứng, không sợ chết.

Thánh Phaolô khẳng định : “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Về căn bản, bình an của Chúa Giêsu là bình an bên trong, bình an nội tâm, bình an mà không mãnh lực nào có thể cướp mất được, kể cả cái chết. Sở dĩ Chúa Giêsu có thể 'cam lòng chịu chết' để cứu độ nhân loại vì chính Người là Bình An.

Lời Chúa Giêsu an ủi các môn đệ :“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Tại sao tin vào Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu Kitô lại giúp các môn đệ khỏi xao xuyến, khỏi bất an? Thưa, bởi vì Chúa Giêsu là Hoàng Tử Bình An của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Người đem bình an cho nhân thế. Ai thiết lập tương quan mật thiết, liên vị với Người, sẽ vượt qua muôn hình thức sợ hãi gieo rắc bởi thế lực bóng đêm, ma quỷ, thế gian, xác thịt.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, thầy ban bình an của thầy cho các con…”. Thế giới hiện nay đang khao khát bình an của Chúa. Xin đoái thương ban cho chúng con ơn hiệp nhất và bình an theo ý Chúa muốn, để ngay ở đời này chúng con đã được nếm hưởng hạnh phúc bất diệt Chúa giành cho chúng con nhờ sự chết và phục sinh của Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:51 18/05/2022

14. Những ai lần chuỗi Mân Côi đều là con Mẹ và là anh em với Con Duy Nhất của Mẹ là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:56 18/05/2022
82. BIẾN THÀNH DU CÔN

Một người họ Mộ “冢”và một người họ Bốc “卜”kết làm anh em khác họ.

Anh nói với em:

- “Họ của anh rất là đặc biệt, em coi chữ “mộ冢” như chữ “mông蒙” không có đầu, giống như quan viên lấy mũ xuống vậy. Bây giờ anh thương lượng với em chút xíu, đem cái phẩy nơi eo của chữ “bốc卜” của em dời lên trên đầu chữ “mộ冢” của anh, để anh xuất đầu thì thành “nhà家” không phải là việc tốt hay sao?”

Người em nói:

- “Em cho anh mượn chút xíu để anh thành “nhà家” thì đương nhiên có thể được, nhưng khi anh thành “nhà家” thì em biến thành du côn (1) rồi”.

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 82:

Ở đời, có những người chỉ biết mình mà không biết người nên, vô tình họ bị mang tiếng là ích kỷ; chỉ thấy mình cần mà không nhìn thấy cái thiếu của người khác, nên họ bị người ta gọi là tham lam.

Có một vài người Ki-tô hữu cũng muốn cho mình tốt đẹp toàn diện, nên thích phê bình nói xấu người khác, thích lấy cái tiếng tăm của người khác làm của mình, thích lấy cái “điểm” của người khác trang điểm cho thành tích của mình để được tiếng khen, những người này họ muốn chữ “Ki-tô hữu” mà mình đang mang trên mình không có chữ “ki” ở đầu, hoặc không có chữ “tô” ở giữa...

Nếu chữ “Ki-tô hữu” mà không có chữ “ki” hoặc chữ “tô” thì ý nghĩa sao nhỉ? Ha ha ha...

Hãy làm người Ki-tô hữu thật trọn vẹn, đừng thêm bớt “râu ria” gì cả. Trọn vẹn tức là thực hiện thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình vậy. Amen

(1) Chữ “bốc卜” bỏ dấu phẩy ở giữa thì còn một gạch đứng (I) đọc là “gùn”, đồng âm với chữ “gùn棍: côn, gậy” nghĩa là du côn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Nhưng còn là Giáo Hội
Lm. Minh Anh
20:53 18/05/2022

NHƯNG CÒN LÀ GIÁO HỘI
“Nếu các con giữ các điều răn của Thầy, các con sẽ ở lại trong tình thương của Thầy!”.

William Barclay nói, “Chúa Kitô là đầu; Giáo Hội là thân thể. Đầu phải có một thân! Đúng nghĩa đen, để làm công việc của Chúa Kitô, Giáo Hội là đôi tay; để lên đường rao truyền Chúa Kitô, Giáo Hội là đôi chân; để công bố Lời Ngài, Giáo Hội là tiếng nói. Yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Giáo Hội; chống đối Chúa Kitô, thì không chỉ chống đối Ngài, ‘nhưng còn là Giáo Hội’ của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Nếu các con giữ các điều răn của Thầy, các con sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”, thì Ngài không chỉ nói đến các giới răn, cũng không chỉ nói đến Ngài; ‘nhưng còn là Giáo Hội’ của Ngài!

Như Evà được hình thành từ cạnh sườn Ađam, thì Giáo Hội được hình thành từ cạnh sườn Chúa Kitô. Chúa Kitô và Giáo Hội là một! Giáo Hội là một thực thể kéo dài của Chúa Kitô. Chúng ta không thể nói, “Lạy Chúa, vâng! Và Giáo Hội, không!”. Bởi lẽ, Chúa Kitô và Giáo Hội không thể tách rời nhau như đầu và thân. Chính nhờ Giáo Hội này mà tôi đã nhận được bao ân tứ đức tin; Giáo Hội là Mẹ đã cho tôi chào đời trong đức tin bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Vì thế, mỗi người hãy thưa lên cách mạnh mẽ, “Tôi không chỉ muốn ở lại trong Chúa Kitô, ‘nhưng còn là Giáo Hội’. Tôi tha thiết muốn ở lại trong Giáo Hội của Ngài!”.

Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay tường thuật một nan đề của các tông đồ, “Cắt bì hay không cắt bì!”. Những con người đầu tiên này không phải là một tổ chức nhân loại thuần tuý, ‘nhưng còn là Giáo Hội’; vì thế, Chúa Thánh Thần đã can thiệp, giúp họ tìm ra giải pháp tối ưu! Một mặt, Giáo Hội phải cẩn thận tránh những thực hành không là trọng tâm của đức tin; mặt khác, sẵn sàng điều chỉnh những gì không thiết yếu. Nguyên tắc vàng ‘khoan dung’ được tuân thủ bởi cả người bảo thủ, lẫn người tiến bộ. Nhờ đó, Tin Mừng tiếp tục toả lan như lời Thánh Vịnh đáp ca tiên báo, “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm!”.

Từ buổi sơ khai đó, các tông đồ đã tiếp tục công việc của Chúa Kitô; qua các ngài, Chúa Kitô đã xây nên Toà Nhà Thiên Chúa giữa lòng thế giới; và hơn hai ngàn năm qua, luôn có các đấng kế vị. Vì thế, Chúa Kitô muốn chúng ta yêu thương các Giám mục, Linh mục; đặc biệt, Đức Thánh Cha, đại diện Ngài. Chúng ta cần biết thêm những giáo huấn ngài dạy, khó khăn ngài gặp… để hiệp thông, cầu nguyện cho ngài. Ngày nay, với internet, điều này thật dễ! Chỉ cần chút quan tâm, chút thời gian, chúng ta có thể tiếp cận ngài; có thể biết công việc khó khăn của các mục tử; và biết cả sự kiên trì của họ. Chính nhờ các ngài, Thánh Thể và các Bí Tích hiện diện khắp nơi. Vậy, hãy cám ơn Đức Thánh Cha, các Giám mục, Linh mục; cám ơn Giáo Phận, Giáo Xứ. Hãy hỗ trợ Giáo Xứ với niềm vui, lời cầu nguyện, thời gian và hy sinh vật chất cụ thể!

Anh Chị em,

“Yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Giáo Hội!”. Đức Phanxicô nói, “Chúng ta không trở thành Kitô hữu trong phòng thí nghiệm; Giáo Hội sinh chúng ta như bà mẹ sinh con! Tại giếng Rửa Tội của đền thờ Gioan Latêranô, nhà thờ chính toà của Đức Giáo Hoàng, có một bản khắc tiếng Latin với đại ý, ‘Nơi đây, sinh ra một dân tộc thuộc dòng dõi Thiên Chúa, bởi Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho nước này được phong phú. Mẹ Giáo Hội sinh con cái mình trong sóng nước này!’. Đẹp không? Chúng ta không thuộc về Giáo Hội như thuộc về một hiệp hội, đảng phái, hay bất cứ tổ chức nào; nhưng chúng ta thuộc về Giáo Hội như nối kết sinh tử với mẹ chúng ta, Giáo Hội là Mẹ các Kitô hữu!”. Mọi bà mẹ đều thiếu sót như mỗi người thiếu sót. Khi ai nói tới các thiếu sót của mẹ mình, chúng ta che lại, chúng ta yêu chúng, thế thôi... Giáo Hội cũng thiếu sót. Tôi có yêu Giáo Hội như yêu mẹ tôi không? Tôi có giúp Mẹ Giáo Hội nên xinh đẹp, đích thực hơn không?”. Vì thế, tôi càng thánh thiện, khuôn mặt Mẹ tôi càng xinh đẹp; tôi càng bất xứng, khuôn mặt Mẹ tôi càng khó nhìn! Mẹ Giáo Hội của tôi sáng láng hay lấm lem là tuỳ ở tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con ngày càng yêu mến sự thánh thiện, vì bản thân con, không chỉ là con, ‘nhưng còn là Giáo Hội’. Phải! Con là Giáo Hội, và Giáo Hội, là Mẹ của con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
WYD Lisbon 2023 công bố 13 vị thánh bảo trợ cho những người trẻ tham dự WYD
Thanh Quảng sdb
17:36 18/05/2022
WYD Lisbon 2023 công bố 13 vị thánh bảo trợ cho những người trẻ tham dự WYD

Văn phòng báo chí Ngày Giới trẻ Thế giới công bố 13 vị thánh bảo trợ của ĐHGTTG Lisbon như những mẫu gương cho người trẻ sẽ tụ về thủ đô của Bồ Đào Nha vào những ngày 1-6 tháng 8 năm 2023.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Trong quá trình chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới năm tới ở Lisbon, mười ba vị thánh được chọn làm những tấm gương về sự thánh thiện cho những người trẻ trên khắp thế giới.

Đức Hồng Y Manuel Clemente, Thượng Phụ của Lisbon, cho biết những vị bảo trợ này “đã chứng tỏ sức sống với Chúa Kitô tràn đầy và nêu gương cho tuổi trẻ mọi thời đại”.

Trong một thông cáo báo chí được công bố hôm thứ Ba, Đức Hồng Y cho hay những đóng góp của mỗi vị trong cuộc sống của những người trẻ.

“Người bảo trợ xuất sắc nhất cho Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo là Đức Trinh nữ Maria, người nữ trẻ đã chấp nhận làm mẹ của Con Thiên Chúa nhập thể”

Cảm hứng cho những người trẻ, những cuộc sống thánh thiện

Đức Hồng Y Clemente cũng chia sẻ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã khởi xướng và làm cho ĐHGTTG trở nên sống động, “mang lại sự hợp nhất và khích lệ qui tụ triệu triệu thanh thiếu niên từ khắp năm châu”.

Ngài nói thêm rằng tất cả 13 vị thánh đều “tận tụy phục vụ cho giới trẻ”, đặc biệt là Thánh Gioan Bosco và Thánh Vincentê.

Đức Hồng Y Thượng Phụ cũng nhấn mạnh đến mẫu gương của 7 vị thánh của vùng đất Lisbon: Thánh Antôn, một tu sĩ dòng Phanxicô thế kỷ 13; Thánh Bartholomew Tử đạo, một tín hữu dòng Đa Minh thế kỷ 16 của Công đồng Trent; Thánh Gioan de Brito, một nhà truyền giáo và tử đạo của Dòng Tên ở thế kỷ 17; Chân phước Joana Bồ Đào Nha, con gái của một vị vua ở thế kỷ 15, người đã từ bỏ mọi thứ để trở thành một nữ tu dòng Đa Minh; Chân phước João Fernandes, một vị tử đạo dòng Tên của thế kỷ 16; và Chân phước Maria Clara del Niño Jesus, một phụ nữ quý tộc thế kỷ 19, người đã trở thành mẹ của những người nghèo ở Lisbon.

Đức Hồng Y Clemente cũng nhắc tới bốn Chân phước trẻ tuổi đã chết trong thế kỷ qua: Chân phước Pier Giorgio Frassati, một người Ý đã khích lệ người khác bằng “sự năng động, vui vẻ và bác ái của mình”; Chân phước Marcel Callo, một thanh niên người Pháp chết trong trại lao động cưỡng bức của Đức; Chân phước Chiara Badano, một thiếu niên Ý qua đời vì căn bệnh ung thư xương rất đau đớn; và Chân phước Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý, người đã truyền bá lời Chúa qua internet trong thời sơ khai và sau đó đã chết vì bệnh bạch cầu.

Giới thiệu Ngày Giới trẻ Thế giới

Mỗi giáo phận trên khắp thế giới cũng đã chọn những vị thánh bảo trợ để giúp những người trẻ của họ hành hương tới WYD Lisbon 2023.

Sự kiện quốc tế này sẽ diễn ra vào các ngày 1-6 tháng 8, và nhiều khả năng Đức Giáo Hoàng sẽ tham dự cùng với “hàng trăm ngàn thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới”.

WYD đầu tiên diễn ra vào năm 1986 tại Rome, và sau đó được tổ chức tại Buenos Aires (1987), Santiago de Compostela (1989), Czestochowa (1991), Denver (1993), Manila (1995), Paris (1997), Rome ( 2000), Toronto (2002), Cologne (2005), Sydney (2008), Madrid (2011), Rio de Janeiro (2013), Krakow (2016) và Panama (2019).
 
Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Tuổi già, các thử thách kiểu ông Gióp
Vũ Văn An
19:49 18/05/2022


Theo tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ 4, ngày 18 tháng 5 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về tuổi già. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Đoạn Kinh thánh chúng ta vừa nghe kết thúc Sách Gióp, một tác phẩm văn học cổ điển phổ quát. Trong hành trình giáo lý, chúng ta gặp ông Gióp khi ông đã là một ông già. Chúng ta gặp ông như nhân chứng cho một đức tin không chấp nhận một “bức tranh biếm họa” về Thiên Chúa, nhưng phản đối lớn tiếng khi đối diện với sự dữ cho đến khi Thiên Chúa đáp lời và mạc khải khuôn mặt của Người. Và cuối cùng, Thiên Chúa đáp lời một cách đáng ngạc nhiên như mọi khi-Người bày tỏ cho ông Gióp sự vinh quang của Người mà không đè bẹp ông, hoặc đúng hơn, với sự dịu dàng tối cao, một cách dịu dàng, như Thiên Chúa vẫn luôn làm như thế. Các trang của cuốn sách này cần được đọc kỹ, không thành kiến, không khuôn thước định sẵn, để hiểu được sức mạnh của tiếng than của Gióp. Sẽ rất tốt cho chúng ta khi đặt mình vào trường học của ông để vượt qua cơn cám dỗ duy luân lý do sự bực tức và cay đắng của nỗi đau mất tất cả gây ra.

Trong đoạn kết của cuốn sách - chúng ta nhớ câu chuyện, phải không? Ông Gióp mất tất cả mọi sự ở trong đời, mất của cải, mất gia đình, mất con trai và thậm chí mất cả sức khỏe, và thế là ông ở đây, bị dịch hạch, trong cuộc đối thoại với ba người bạn, rồi một người thứ tư, họ đến thăm chào ông: đó là câu chuyện - và hôm nay, trong đoạn này, đoạn kết của cuốn sách, khi Thiên Chúa cuối cùng lên tiếng (và cuộc đối thoại giữa Ông Gióp và các bạn của ông giống như nẻo đường dẫn đến khoảnh khắc trong đó Thiên Chúa cất lên tiếng nói của Người), Ông Gióp được ca ngợi vì ông hiểu mầu nhiệm dịu dàng của Thiên Chúa ẩn sau sự im lặng của Người. Thiên Chúa quở trách các người bạn của ông Gióp, những người cho rằng họ biết mọi sự, biết về Thiên Chúa và về sự đau khổ, và khi đến để an ủi ông Gióp, kết cục họ lại phán xét ông bằng những khuôn mẫu định kiến của họ. Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi tính đạo đức giả hình và tự phụ này! Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi tính đạo đức dạy đời này và tính đạo đức của các giới luật vốn đem lại cho chúng ta một sự cao ngạo nào đó, và dẫn anh chị em đến chủ nghĩa biệt phái và đạo đức giả.

Đây là cách Chúa tự phát biểu chính mình Người với họ. Chúa phán như vậy: “Cơn thịnh nộ của ta bừng bừng chống lại các ngươi […] vì các ngươi đã không nói điều đúng về ta, như tôi tớ Gióp của ta đã nói”, Chúa phán với các bạn của Gióp như thế. “Tôi tớ của ta, Gióp sẽ cầu nguyện cho các ngươi, vì ta sẽ nhận lời cầu xin của nó là không giao dịch với các ngươi theo sự điên rồ của các ngươi; vì các ngươi chẳng nói điều gì đúng về ta, như Gióp tôi tớ ta đã nói ”(42: 7-8). Lời tuyên bố của Thiên Chúa khiến chúng ta ngạc nhiên bởi vì chúng ta đã đọc những trang rực lửa với sự phản đối của Gióp khiến chúng ta mất tinh thần. Tuy nhiên, Chúa nói Gióp đã nói tốt, ngay cả khi ông tức giận, và thậm chí giận Thiên Chúa, nhưng ông nói tốt vì ông không chấp nhận việc nói rằng Thiên Chúa là “Kẻ bách hại”. Thiên Chúa là một điều khác thế. Và đó là điều gì? Ông Gióp đang tìm kiếm điều đó. Và như một phần thưởng, Thiên Chúa trả lại cho Gióp gấp đôi số tài sản của ông, sau khi yêu cầu ông cầu nguyện cho những người bạn xấu xa này của mình.

Bước ngoặt trong cuộc trò chuyện về đức tin xảy ra ngay ở cao điểm của ông Gióp, khi ông nói, “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ” (19: 25-27). Đoạn văn này thực sự rất đẹp. Nó khiến tôi liên tưởng đến phần cuối của bài thánh nhạc tuyệt vời đó của Handel, Đấng Mêxia, sau bài hát Hallelujah có tính cử hành, giọng nữ cao chậm rãi hát đoạn này: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi đang sống”, một cách yên bình. Và vì vậy, sau kinh nghiệm đau đớn và vui sướng này của Gióp, tiếng nói của Chúa là một điều hoàn toàn khác. “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi đang sống” - đó thực sự là một điều tuyệt đẹp. Chúng ta có thể giải thích nó như thế này: “Chúa ơi, con biết Chúa không phải là Kẻ bách hại. Thiên Chúa của con sẽ đến và thực thi công lý cho con”. Đó là đức tin đơn sơ vào sự sống lại của Thiên Chúa, đức tin đơn sơ vào Chúa Giêsu Kitô, đức tin đơn sơ rằng Chúa luôn chờ đợi chúng ta và sẽ đến.

Câu chuyện dụ ngôn trong Sách Gióp đại diện một cách mẫu mực điều thực sự xảy ra trong cuộc sống - đó là những thử thách thực sự nặng nề giáng xuống một người, một gia đình, một dân tộc, những thử thách không cân xứng so với sự thấp hèn và yếu đuối của con người. Trong cuộc sống thường xảy ra chuyện “khi trời mưa, nó mưa như thác”, như câu người ta thường nói. Và một số người bị tràn ngập bởi việc tích lũy sự ác dường như thực sự quá đáng và bất công. Nó là như thế với nhiều người.

Chúng ta thẩy đều biết những người như thế. Chúng ta có ấn tượng bởi tiếng khóc than của họ, nhưng chúng ta cũng ngưỡng mộ trước sự vững chắc của niềm tin và tình yêu trong im lặng của họ. Tôi nghĩ đến cha mẹ của những đứa trẻ khuyết tật nặng nề, anh chị em có bao giờ nghĩ đến cha mẹ của những đứa trẻ khuyết tật nặng nề chưa? Toàn bộ cuộc đời của họ.… Tôi cũng nghĩ đến những người đang sống với bệnh tật vĩnh viễn, hoặc những người hỗ trợ một thành viên trong gia đình của họ…. Những tình huống này thường trở nên gia trọng hơn do sự khan hiếm các nguồn lực kinh tế. Tại một số thời điểm nhất định trong lịch sử, việc chồng chất các gánh nặng cho ta ấn tượng này: chúng được dành cho từng nhóm. Đây là những gì đã xảy ra trong những năm này với đại dịch Covid-19, và hiện đang xảy ra với cuộc chiến ở Ukraine.

Chúng ta có thể biện minh cho những “thái quá” này bằng trí hiểu cao hơn về tự nhiên và lịch sử không? Liệu chúng ta có thể chúc lành cho chúng về mặt tôn giáo, coi chúng như những giải đáp chính đáng đối với tội lỗi của các nạn nhân, như thể chúng đáng được như vậy không? Không, chúng ta không thể. Các nạn nhân có quyền phản đối mầu nhiệm sự ác, một quyền mà Thiên Chúa ban cho mọi người, mà sau cùng, chính Người đã truyền cảm hứng cho. Đôi khi tôi gặp những người đến gần tôi và nói: “Nhưng thưa Cha, con đã phản đối Thiên Chúa vì con có vấn đề này và vấn đề nọ….” Nhưng bạn biết đấy, bạn à, phản đối là một cách cầu nguyện khi nó được thực hiện như vậy. Khi trẻ em, khi người trẻ phản đối cha mẹ, đó là cách kéo chú ý của họ và yêu cầu họ chăm sóc mình. Nếu anh chị em có một vết thương trong lòng, một vài nỗi đau, và anh chị em muốn phản đối, hãy phản đối ngay cả với Thiên Chúa. Thiên Chúa sẵn sàng lắng nghe anh chị em. Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa không sợ lời cầu nguyện phản kháng của chúng ta, không! Thiên Chúa hiểu. Nhưng hãy tự do, hãy tự do trong lời cầu nguyện của anh chị em. Đừng giam cầm lời cầu nguyện của anh chị em trong những khuôn mẫu đã định trước! Không! Lời cầu nguyện phải như thế này: một cách tự phát, giống như của một đứa trẻ nói với cha mình, em nói ra mọi điều từ miệng em bởi vì em biết cha em hiểu em. Đoạn đầu tiên của bộ phim, “sự im lặng” của Thiên Chúa, đã diễn tả điều này. Thiên Chúa không né tránh cuộc đối đầu, nhưng ngay từ đầu, Người đã cho phép ông Gióp trút hết sự phản đối của mình ra, và Thiên Chúa lắng nghe. Đôi khi, chúng ta cần học hỏi lòng tôn trọng và sự dịu dàng này của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa không thích cuốn bách khoa đó - hãy tạm gọi như vậy – của những lời giải thích, những suy nghĩ mà bạn bè của ông Gióp đã đưa ra. Đây là những điều phát ra từ đầu lưỡi của họ và đều không đúng - kiểu lòng đạo giải thích mọi sự, nhưng trái tim thì mãi lạnh lùng. Thiên Chúa không thích điều này. Người thích sự phản đối và sự im lặng của ông Gióp hơn.

Lời tuyên xưng đức tin của ông Gióp - xuất phát chính từ lời kêu cầu không ngừng của ông lên Thiên Chúa, lên công lý tối cao - cuối cùng kết thúc bằng một kinh nghiệm gần như huyền nhiệm khiến ông phải thốt lên: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (42: 5). Có bao nhiêu người, bao nhiêu người trong chúng ta sau một trải nghiệm hơi tồi tệ, hơi đen tối một chút, đã tiến một bước và biết Chúa nhiều hơn trước! Và chúng ta có thể nói như ông Gióp: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến Ngài vì con đã gặp Ngài”. Chứng từ này đặc biệt đáng tin cậy nếu nó được phát xuất trong tuổi già, trong tình trạng ngày càng yếu ớt và mất mát. Những người già đã chứng kiến rất nhiều trải nghiệm này trong cuộc sống! Và họ cũng đã thấy sự bất nhất trong các lời hứa hẹn của con người. Các luật sư, nhà khoa học, thậm chí cả những người của tôn giáo, những người nhầm lẫn kẻ bách hại với nạn nhân, nói xa nói gần rằng họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về những đau khổ của chính họ. Họ đã lầm!

Những người cao niên nào tìm thấy nẻo đường của chứng từ này, những người nào biến sự phẫn uất vì mất mát của họ thành sự kiên trì chờ đợi các hứa hẹn của Thiên Chúa - có sự thay đổi từ sự phẫn uất vì mất mát sang sự kiên trì tìm kiếm lời hứa của Thiên Chúa - những người cao niên này là một pháo đài không thể thay thế để cộng đồng chống trả các thái quá của sự ác. Tín hữu nào chịu hướng mắt về phía Cây Thánh Giá đã học hỏi được chính điều đó. Ước gì chúng ta cũng học được điều này từ nhiều ông bà, những người giống như Đức Maria, hiệp lời cầu nguyện đôi khi tan nát cõi lòng của họ, với lời cầu nguyện của Con Thiên Chúa, Đấng đã phó mình cho Chúa Cha trên thập giá. Chúng ta hãy nhìn những người già, chúng ta hãy quan sát những người đàn ông và đàn bà cao niên, những người lớn tuổi. Chúng ta hãy nhìn họ một cách yêu thương. Chúng ta hãy xem các kinh nghiệm bản thân của họ. Họ đã chịu đựng rất nhiều trong cuộc sống, họ đã học được rất nhiều trong cuộc sống, họ đã trải qua rất nhiều, nhưng cuối cùng họ có được sự bình yên này, một sự bình yên, tôi phải nói rằng, gần như huyền nhiệm, tức là sự bình yên từ một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đến mức họ có thể nói, " Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến". Những người cao niên này giống như sự bình yên của Con Thiên Chúa trên thập giá hoàn toàn phó mình cho Chúa Cha.
 
VietCatholic TV
Lạnh tóc gáy: Nga đưa đầu đạn hạt nhân tới biên giới Phần Lan. EU đánh đúng yếu điểm, Putin la làng
VietCatholic Media
03:24 18/05/2022


1. Nga chuyển hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân tới biên giới Phần Lan

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết Phần Lan và Thụy Điển sẽ nộp đơn gia nhập NATO vào ngày thứ Tư. Bà cho biết như trên trong cuộc họp báo chung vào hôm thứ Ba với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, tại Stockholm.

Phản ứng trước diễn biến này, Nga đã 'triển khai hỏa tiễn hạt nhân' tới biên giới với Phần Lan. Phóng viên Reuters tại Nga cho biết, Nga đã chuyển các hỏa tiễn có khả năng bắn đầu đạn hạt nhân đến gần biên giới của họ với Phần Lan, trong bối cảnh Nga tung ra các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

Trong một video của Reuters, một đoàn xe quân sự gồm hơn chục chiếc di chuyển trên đường cao tốc, trong đó có 7 chiếc được cho là mang hỏa tiễn Iskander.

Đoạn video này xuất hiện chỉ vài ngày, sau khi một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo NATO rằng, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn siêu thanh nếu Phần Lan gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói rằng việc tham gia sẽ chấm dứt “tình trạng phi hạt nhân hóa ở vùng Baltic”. Dmitry Medvedev từng là tổng thống Nga từ năm 2008 đến 2012 và Thủ tướng Nga từ 2012 đến 2020.

Các hỏa tiễn này đã được đưa đến Vyborg, một thành phố của Nga ở biên giới Phần Lan, ngay sau khi Phần Lan và Thụy Điển nói rằng họ sẽ gia nhập NATO.

Các quan chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ trước đó nói với Newsweek rằng hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn được cho là đã được Nga sử dụng rộng rãi trong chiến trường Syria.

Một sĩ quan cao cấp của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ làm việc về vũ khí hạt nhân nói với Newsweek rằng cộng đồng tình báo coi Iskander là mối đe dọa nghiêm trọng nhất.

Trước diễn biến này, Tổng thư ký NATO, tướng Jens Stoltenberg cho biết ông sẽ gặp các đại sứ Phần Lan và Thụy Điển vào hôm thứ Tư.

Các nhà lãnh đạo sau đó sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào hôm thứ Năm.

2. Công tác di tản quân phòng thủ Ukraine khỏi nhà máy Azovstal

Hội đồng thành phố Mariupol đã chia sẻ một đoạn video, mô tả cuộc di tản của những người bảo vệ Ukraine khỏi nhà máy Azovstal có trụ sở tại Mariupol vào ngày 16/5.

Đoạn video cho thấy quân phòng thủ Ukraine rời khu vực nhà máy thép Azovstal mà không có vũ khí. Sau khi bị quân đội Nga kiểm tra, họ lên xe buýt màu trắng. Các chiến binh Ukraine bị thương nặng được đưa lên xe buýt trên cáng. Trong xe buýt, quân y đang băng bó cho những người cần.

Xin nhắc lại rằng, theo Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar, hơn 50 lính phòng thủ Ukraine bị thương nặng đã được di tản khỏi nhà máy Azovstal có trụ sở tại Mariupol đến cơ sở y tế ở Novoazovsk vào ngày 16 tháng 5. Ngoài ra, hơn 200 người đã được đưa đi thông qua một hành lang nhân đạo đến Olenivka.

Để đưa họ về nhà, thủ tục hoán đổi tù nhân sẽ được thực hiện. Đối với những người bảo vệ Ukraine còn lại trong nhà máy Azovstal, các nỗ lực chung cũng đang được tiến hành để giải cứu họ.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk, cho biết Ukraine đang tiến hành các giai đoạn tiếp theo của hoạt động nhân đạo tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol.

“Các hoạt động nhân đạo đang diễn ra. Để cứu tính mạng của họ, 52 thành viên Ukraine bị thương nặng đã được di tản. Sau khi tình trạng sức khỏe của họ ổn định, chúng tôi sẽ đổi họ lấy tù binh Nga”, Iryna Vereshchuk, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine, cho biết như trên.

Cô trấn an người Ukraine rằng: “Chúng tôi đang tiến hành các giai đoạn tiếp theo của hoạt động nhân đạo. Theo thánh ý Chúa, mọi thứ sẽ ổn thôi”.

3. Tổng thống Zelenskiy nói về Azovstal “nhiệm vụ di tản vẫn tiếp tục”

Nhiệm vụ di tản tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol vẫn tiếp tục, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Ba.

“Quá trình đàm phán với Nga vẫn tiếp tục về việc di tản các anh hùng của chúng ta khỏi Azovstal. Nhiệm vụ di tản tiếp tục. Nó được giám sát bởi các sĩ quan quân đội và tình báo của chúng ta. Các nhà hòa giải quốc tế mạnh mẽ nhất đều tham gia,” Ông Zelenskiy nói.

Quân đội Ukraine cho rằng, các lực lượng của họ đã hoàn thành “nhiệm vụ chiến đấu” tại nhà máy thép rộng lớn, nơi đóng quân cuối cùng trong nhiều tuần tại một thành phố bị quân đội Nga bao vây, pháo kích và ném bom trong nhiều tuần.

Tổng thống Ukraine cũng cho biết, ông đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Ba về “Hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine, và sự hợp tác của chúng tôi trên bình diện Liên Hiệp Âu Châu”.

“Tôi đã thông báo cho anh ấy về tình hình hiện tại trên chiến trường, và khả năng phát triển của tình huống hiện nay. Tôi đã có một cuộc trò chuyện dài, và sâu sắc với Tổng thống Pháp Macron. Chúng tôi đã thảo luận về gói trừng phạt thứ sáu đang được chuẩn bị ở Liên Hiệp Âu Châu, quá trình đàm phán với Nga, và việc di tản các anh hùng của chúng ta khỏi Azovstal.”

4. Hàng chục nghìn người Ukraine bị giam giữ trong các trại của Nga - Zelenskiy

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có một bài diễn văn trực tuyến hôm thứ Ba tại lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes lần thứ 75. Ông nói về mối liên hệ giữa điện ảnh với thực tế và vai trò của điện ảnh trong chế độ độc tài của Adolf Hitler.

Đề cập đến bộ phim vào năm 1940 của Charlie Chaplin, người Việt thường gọi là Sạc Lô, có tựa “Nhà độc tài vĩ đại”, Zelenskiy nói, “bộ phim không tiêu diệt được nhà độc tài thực sự vào thời điểm đó, nhưng nhờ điện ảnh, và nhờ bộ phim này, rạp chiếu phim không còn im lặng, về mọi mặt. Điện ảnh đã lên tiếng, và đó là tiếng nói của chiến thắng tự do trong tương lai.”

Ông Zelenskiy nhấn mạnh rằng “một lần nữa, giống như trong quá khứ, ngày nay có một nhà độc tài” và “một lần nữa, lại có chiến tranh vì tự do,” và “một lần nữa, giống như trong quá khứ, điện ảnh không nên im lặng.”

“Tôi tin rằng nhà độc tài sẽ thua,” Zelenskiy nói. “Chúng tôi sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Niềm tự hào cho Ukraine.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng cho biết rằng, hàng chục nghìn người Ukraine đang bị giam giữ trong các trại trên lãnh thổ Nga, được tạo ra theo mô hình của Đức Quốc xã.

“Hơn 500.000 người Ukraine đã bị bắt cóc bằng vũ lực đưa sang Nga, và hàng chục nghìn người ở lại các trại của Nga được tạo ra theo mô hình trại của Đức Quốc xã. Không ai biết có bao nhiêu người sẽ sống sót ở đó, nhưng mọi người đều biết ai là người phải chịu trách nhiệm cho điều đó”, Zelenskiy nói.

Ông lưu ý rằng hàng tuần những ngôi mộ tập thể của những người bị giết, và bị tra tấn được tìm thấy trên các vùng lãnh thổ của Ukraine mà trước đó đã bị quân đội Nga chiếm giữ hoặc tiếp tục bị chiếm đóng. Zelenskiy nói với những người tham gia lễ hội rằng 229 trẻ em đã thiệt mạng ở Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24 tháng Hai.

Bài phát biểu mới nhất của Tổng thống trong chuyến công du thế giới ngoại giao ảo nhằm thu hút sự chú ý của toàn cầu về hoàn cảnh của Ukraine trong cuộc xâm lược.

Vào tháng 4, tổng thống Zelenskiy đã xuất hiện tại Lễ trao giải Grammy hàng năm lần thứ 64 với bài phát biểu đầu tiên: “Cuộc chiến. Còn gì đối lập hơn âm nhạc “.

5. Quân phòng thủ Ukraine đẩy lùi 12 cuộc tấn công của kẻ thù trong khu vực JFO

Quân đội Ukraine đã đẩy lùi 12 cuộc tấn công của kẻ thù trong khu vực diễn ra Chiến dịch Liên hợp, gọi tắt là JFO, vào ngày 17 tháng 5, và các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục tại bốn địa điểm khác.

Tính đến 21h ngày 17/5, Lực lượng liên quân Ukraine tiếp tục tiến hành hoạt động phòng thủ ở khu vực Donetsk và Luhansk.

“Các quân nhân nam nữ phòng thủ Ukraine từ Lực lượng Liên quân đã đẩy lùi 12 cuộc tấn công của kẻ thù trong ngày hôm nay. Giao tranh tiếp tục ở bốn địa điểm khác.”

Trên toàn tuyến giao tranh, quân Nga sử dụng máy bay chiến đấu, nhiều bệ phóng hỏa tiễn, pháo cỡ lớn, xe tăng, súng cối các loại, tiến hành pháo kích, và ném bom vào các cơ sở hạ tầng dân sự và các khu dân cư yên bình.

Quân đội Nga đã pháo kích vào 45 khu định cư ở vùng Donetsk và Luhansk, phá hủy và làm hư hại 36 ngôi nhà, 6 xí nghiệp công nghiệp và trang trại, một siêu thị, một trường thể thao, một ký túc xá và một hiệu thuốc. Hậu quả của các cuộc tấn công này là 8 dân thường thiệt mạng và 4 người bị thương, trong đó có một trẻ em 8 tuổi.

Trong 24 giờ qua, Lực lượng liên quân Ukraine đã phá hủy 3 xe tăng, 3 hệ thống pháo, bao gồm một bệ phóng nhiều hỏa tiễn, 6 xe chiến đấu bọc thép và 7 xe cơ giới (bao gồm một xe tải chở đạn).

Các đơn vị phòng không Ukraine đã bắn hạ 9 máy bay không người lái Orlan-10 và một máy bay không người lái chiến thuật-hoạt động ZALA ở các vùng Donetsk và Luhansk.

Theo Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine, tại miền Đông Ukraine, các lực lượng Nga đang nỗ lực tiến công dọc theo toàn tuyến giao tranh, với sự yểm trợ của các máy bay chiến đấu Su-35 trong khu vực Donetsk.

Tại miền nam Ukraine, quân Nga co cụm tại các thị trấn đã chiếm được. Tuy vậy, quân Ukraine đã tung ra các cuộc tấn công. 30 quân Nga được báo cáo đã thiệt mạng và kho nhiên liệu bị cháy sáng rực suốt đêm gần Chornobaivka

Ngoài ra, các cuộc không kích của Ukraine đã phá hủy một hệ thống hỏa tiễn phòng không Strela-10, một xe tăng chiến đấu T-72 và một số xe thiết giáp.

6. Tin tình báo Vương Quốc Anh

Trong bản tin cập nhật mới nhất, Cục Tình Báo Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Tại khu vực Chernihiv phía bắc Kyiv, ước tính có khoảng 3.500 tòa nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại trong cuộc tiến quân của Nga về phía thủ đô Ukraine, mà nay đã bị hủy bỏ. 80% thiệt hại đã được gây ra cho các tòa nhà dân cư.

Quy mô của thiệt hại này cho thấy sự sẵn sàng của Nga trong việc sử dụng trọng pháo nhắm vào các khu vực có người sinh sống, mà không quan tâm đến sự phân biệt hoặc sự tương xứng trong hành động của mình. Nga có thể đã phụ thuộc ngày càng nhiều vào các cuộc ném bom bừa bãi do khả năng đánh giá mục tiêu hạn chế và không sẵn sàng mạo hiểm bay các máy bay chiến đấu một cách thường xuyên bên ngoài chiến tuyến của mình.

Trong những tuần tới, Nga có khả năng sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào các cuộc tấn công bằng trọng pháo hàng loạt khi nước này cố gắng lấy lại động lực cho cuộc tiến công ở Donbas.

7. Nga la hoảng trước các đòn trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu

Trong cuộc họp báo thường kỳ của mình, Dmitry Peskov, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh cho rằng việc các nước G7 và Liên Hiệp Âu Châu chiếm đoạt các tài sản của Nga và bỏ túi hay trao cho Ukraine đều là những hành vi “ăn cắp trắng trợn”.

Peskov đưa ra nhận xét trên sau khi Bộ trưởng Tài chính Đức, Christian Lindner, cho biết ông hoan nghênh ý tưởng thu giữ tài sản nhà nước của Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Lindner cho biết thêm, đề xuất này đã được thảo luận rộng rãi giữa G7 và Liên Hiệp Âu Châu và mọi người đều tán thành.

Peskov cho biết chưa ai nói với Nga về một sáng kiến như vậy, mà theo ông là “bất hợp pháp, trắng trợn và tất nhiên cần phải có phản ứng thích hợp… Trên thực tế, nó sẽ là hành vi ăn cắp trắng trợn”.

Người phát ngôn Điện Cẩm Linh cũng nói với các phóng viên rằng Nga đã chiến thắng tại Mariupol, và các chiến binh Ukraine đầu hàng tại nhà máy thép Azovstal bị bao vây ở thành phố cảng Mariupol sẽ được đối xử “phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”.

Phản ứng trước luận điệu của Peskov, Mykhailo Podoliak, cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, nhận định Peskov cần biết định nghĩa của từ 'chiến thắng' với cái giá 30.000 người Nga đã vĩnh viễn ra đi kèm theo các biện pháp trừng phạt toàn diện, sự khinh miệt quốc tế và sự cô lập của Liên bang Nga. Những điều đó sẽ chỉ ngày càng gia tăng.
 
Tiến Trình Công Nghị tại Đức tiếp tục là vấn đề cho Giáo Hội. Nghĩa địa xe tăng Nga tại Ukraine.
VietCatholic Media
05:18 18/05/2022


1. Nghĩa địa xe tăng Nga này đang trở thành một điểm thu hút khách du lịch mới

Trên con đường từ Kyiv đến Bucha, một đoạn đất cháy xém nằm giữa rừng cây đã trở thành điểm thu hút du khách trong những tuần gần đây.

Nó được gọi là nghĩa địa xe tăng của Nga.

Khoảng hơn chục xe tăng và xe bọc thép bị nổ tung nằm rải rác xung quanh. Rỉ sét và biến dạng kỳ cục, chúng thu hút sự chú ý của nhiều người đi qua.

Chúng đã ngồi đó kể từ khi quân đội Ukraine giải phóng được khu vực này sau khi bị Nga chiếm đóng trong vài tuần vào tháng Ba.

Với những luồng tin xấu dường như liên tục đến từ các vùng phía đông và nam của Ukraine, nhiều người đã đến nơi này để tận mắt chứng kiến một chiến thắng trông như thế nào. Một số dừng lại một chút để xem xét thiệt hại và chụp nhanh một hoặc hai bức ảnh. Nhưng nhiều người ở lại đây một thời gian dài.

Họ cẩn thận kiểm tra đống đổ nát bị cháy, xem xét bên trong các phương tiện. Một người đàn ông đang mỉm cười tự chụp ảnh trước một chiếc xe bị cháy với chữ V vẫn còn nhìn thấy trên đó.

Liza Maramon và bạn trai của cô đã ghé qua nghĩa địa xe tăng trên đường đến thăm mẹ của Maramon sống trong khu vực. Cô ấy gần đây đã trở về nhà sau khi được di tản vào đầu tháng Ba.

“Cô ấy đã trải qua 5 ngày ngồi dưới tầng hầm, không điện, không có bất cứ thứ gì, điều đó rất kinh khủng,” cô nhân viên bác ái 26 tuổi nói. Mẹ cô rời đi khi xe tăng Nga bắt đầu tiến vào thị trấn. Hai ngày sau khi họ chạy trốn, người Nga đã kiểm soát thị trấn.

Gần đó, một vài đứa trẻ vui vẻ trèo lên một chiếc xe tăng gỉ sét của Nga như thể đó là món đồ ở sân chơi.

Bản thân Maramon đã chụp một số bức ảnh về những chiếc xe bị phá hủy và dự định chia sẻ chúng với bạn bè và đăng chúng lên mạng xã hội.

“Tôi không thể giải thích được cảm giác của mình. Mọi người nên nhớ điều này. Chúng ta cần cho mọi người, cả thế giới thấy. Nó không bình thường,” cô nói.
Source:CNN

2. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức khẳng định 'sự cần thiết phải thay đổi giáo huấn của Giáo hội'

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức bày tỏ tin tưởng rằng giáo huấn của Giáo hội cần được phát triển hơn nữa. Ông đưa ra lập trường trên để đáp lại những chỉ trích về đường lối thượng hội đồng ở Đức.

Tuyên bố được đưa ra liên quan đến diễn biến mới nhất trong cuộc luận chiến giữa Giám mục Georg Bätzing của Limburg và Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver.

“Giáo hội của chúng ta cần thay đổi để trung thành thực hiện sứ mệnh của mình và đưa Tin Mừng quý giá của Chúa Giêsu Kitô đến với con người trong thời đại của chúng ta. Và nhu cầu thay đổi khẩn cấp này cũng bao gồm nhu cầu phát triển hơn nữa giáo huấn của Giáo hội. Đó là niềm xác tín của tôi”, Bätzing đã viết trong một bức thư ngày 5 tháng 5 cho Đức Tổng Giám Mục Aquila.

Tiến Trình Công Nghị Đức đã bỏ phiếu ủng hộ các văn kiện kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, và thay đổi giáo huấn Công Giáo về các hành vi đồng tính luyến ái.

“Tiến Trình Công Nghị” của Đức là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ. Khi các giám mục Đức khởi động tiến trình này, ban đầu họ nói rằng các bàn thảo của họ sẽ có giá trị “ràng buộc” đối với Giáo hội ở Đức, dẫn đến sự can thiệp của Vatican nhằm bác bỏ những tuyên bố như vậy.

Vào tháng 5 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Aquila đã viết rằng văn bản đầu tiên của Tiến Trình Công Nghị đưa ra những đề xuất “không thể chấp nhận được” về những thay đổi đối với giáo huấn của Giáo hội. Đức Tổng Giám Mục là một trong những người soạn thảo một bức thư ngỏ ngày 11 tháng 4 cảnh báo Tiến Trình Công Nghị Đức có thể dẫn đến ly giáo, hiện đã được hơn 100 giám mục ký tên, sáu trong số đó là các Hồng Y. Và vào ngày 2 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục đã viết thư cho Giám mục Bätzing nhắc lại rằng Tiến Trình Công Nghị là một thách thức, và thậm chí là một lời phủ nhận kho tàng đức tin.

Trong phản hồi ngày 5 tháng 5, Giám mục Limburg khẳng định rằng Tiến Trình Công Nghị là một phản ứng thích hợp đối với tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Vấn đề nhiều người nêu lên là tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Nhưng tại sao để giải quyết tội lỗi lạm dụng tính dục cần phải cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo? Tại sao phải chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái, tái định nghĩa lại hôn nhân? Hay tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu.

Tất cả các đề xuất của Hồng Y Marx, và Giám Mục Georg Bätzing như chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn và ai có thể dám nói rằng tình trạng lạm dụng tính dục của các mục sư Tin lành ít hơn của hàng giáo sĩ Công Giáo.

Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Müller tái phê bình Tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, tái phê bình Tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức do Hội đồng Giám mục và Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức đề xướng, nhắm cải tổ Giáo hội sau những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong những thập niên trước đây: cải tổ trong bốn lãnh vực cũng là bốn diễn đàn của công nghị, là quyền bính trong Giáo hội, luân lý tính dục, chức linh mục và vai trò của phụ nữ. Khóa họp chót của Con đường này đã tiến hành tại Limburg, hồi đầu tháng Hai năm nay.

Trong bài giảng thánh lễ ngày 07 tháng Năm vừa qua, để truyền chức cho bảy phó tế và một linh mục thuộc Tu hội “Chúa Chiên Lành”, ở Courtalain bên Pháp, Đức Hồng Y Müller phê bình Tiến trình Công nghị Đức vì chối bỏ bí tích truyền chức thánh: đa số các tham dự viên của Công nghị xác tín rằng các đại biểu giáo dân và giám mục có thể thay đổi đạo lý của các tông đồ, khi bỏ phiếu theo đa số. Đức Hồng Y nói: “Đối với những người theo thuyết ngộ giáo duy tương đối, các tín điều của Giáo hội có thể thay đổi, vì là những đối tượng tùy thuộc thời đại và chỉ là một cảm giác tôn giáo mơ hồ”.

Mặt khác, trong thư ngày 05 tháng Năm mới đây, để trả lời cho những phê bình của Đức Cha Samuel Aquila, Tổng giám mục giáo phận Denver, Hoa Kỳ, Đức Cha Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, bày tỏ xác tín rằng cần phải “phát triển giáo huấn của Giáo hội”. Đức Cha viết: “Giáo hội chúng ta cần thay đổi để trung thành thi hành sứ mạng của mình và mang Tin mừng quí giá của Chúa Giêsu Kitô cho các dân tộc thời nay. Nhu cầu cấp thiết phải thay đổi ấy cũng bao gồm nhu cầu phải phát triển tiếp giáo huấn của Giáo hội. Đó là xác tín của tôi”.

Đức Tổng Giám Mục Aquila thuộc vào nhóm các giám mục soạn thư phê bình Tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức và thư này cho đến nay đã được hơn 100 giám mục quốc tế, ký tên ủng hộ.
 
Bộ trưởng Đức nói: Nga ăn cắp ngũ cốc từ Ukraine là một hình thức chiến tranh đáng kinh tởm
VietCatholic Media
17:25 18/05/2022


1. Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân làm dấy lên những phê bình đối với chính sách “Ostpolitik” Tòa Thánh

Tòa Thánh đã bị chỉ trích vì chính sách “Ostpolitik” kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô. Chính sách này được thể hiện cụ thể bởi Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, một tín đồ của Hồng Y Casaroli. Sự hợp tác này của Vatican với Trung Quốc Cộng sản - hoạt động trên cơ sở tương tự như những gì đã được thông qua trong những năm gần đây với Việt Nam – bị Đức Hồng Y Quân cho là làm suy yếu sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với các đối thủ của Bắc Kinh, đặc biệt là Đài Loan và Hương Cảng, và cả đối với những người thuộc “Giáo hội thầm lặng”, một Giáo Hội tử đạo và có tính lịch sử của Giáo Hội Công Giáo chống lại Giáo hội yêu nước, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Việc ký kết vào năm 2018 các thỏa thuận mục vụ - với các điều khoản vẫn còn bí mật cho đến ngày nay - giữa đại đế Tập Cận Bình và Tòa Thánh về việc bổ nhiệm các giám mục đã kích động sự giận dữ của vị giám mục cấp cao Hương Cảng, người từng lên án sự hợp tác này là “phản bội” và “thỏa hiệp.” Ngài liên tục công kích Đức Hồng Y Parolin trên báo chí, thậm chí cáo buộc Hồng Y Parolin là “nói dối không chớp mắt”. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Quân đã cố gắng không thành công trong việc trình bày lý lẽ của mình với Đức Giáo Hoàng.
Source:Aleteia

2. Tòa Thượng phụ Công Giáo Jerusalem yêu cầu điều tra về vị một nữ ký giả bị giết

Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Jerusalem kêu gọi điều tra vụ nữ ký giả Sheeren Abu Aqleh, người Palestine, thuộc đài truyền hình Al Jazeera của Arập, bị bắn vào đầu trong khi tường thuật cuộc tấn công của quân đội Israel tại trại tị nạn Jénine, hôm 11 tháng Năm vừa qua.

Tòa Thượng phụ kêu gọi làm sáng tỏ hoàn cảnh vụ sát nhân này và đưa thủ phạm ra trước công lý.

Hôm 12 tháng Năm vừa qua, hàng chục ngàn người tại thành Ramallah, Maqataa, phủ Tổng thống Palestine, đã tưởng niệm nữ ký giả bị sát hại, bắt đầu từ Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine. Vụ sát hại này đã làm cho nhiều người Palestine phẫn nộ.

Nữ ký giả Shereen mặc áo giáp chống đạn có in chữ Press, Báo chí, và một mũ an toàn. Bà sinh tại Jerusalem năm 1971 và là một tín hữu Kitô. Bà là một trong những ký giả nổi tiếng của đài Al Jazeera, nổi tiếng nhất trong thế giới Arập. Đài này cũng như chính phủ Palestine và các nước Arập đã tố cáo với Liên Hiệp Quốc rằng Israel đã sát hại ký giả Shereen. Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố rằng: “Chúng tôi coi chính quyền Israel chiếm đóng phải chịu trách nhiệm về cái chết của nữ ký giả”.

Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ sự ngỡ ngàng vì cái chết của bà Sheeren và yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập.

Về phần Tòa Thượng phụ Công Giáo, trong thông cáo công bố hôm 12 tháng Năm vừa qua, đã bày tỏ ngỡ ngàng trước cái chết của nữ ký giả và yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra sâu rộng và khẩn cấp về vụ sát nhân này, đồng thời đưa những kẻ hữu trách ra trước công lý. Thảm kịch trắng trợn này nhắc nhở cho con người rằng cần tìm ra một giải pháp đúng cho cuộc xung đột Palestine, cuộc xung đột này từ chối đi vào quên lãng, mặc dù đã trải qua 74 năm rồi”.

Thông cáo của Tòa Thượng phụ cũng nói rằng: “Chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn bà Sheeren được an nghỉ. Bà đã nêu gương về nghĩa vụ và là tiếng nói mạnh mẽ cho dân tộc của bà, và chúng tôi cầu xin Chúa ban cho em trai cũng như những người thân của bà ơn an ủi trong đức tin. Chúng tôi cầu nguyện để dân tộc Palestine tìm được con đường dẫn đến tự do và hòa bình”.

3. Nga ăn cắp ngũ cốc từ Ukraine là “một hình thức chiến tranh đặc biệt đáng ghê tởm”, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức nói

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức Cem Özdemir hôm thứ Sáu cáo buộc Nga trộm cắp từ nông dân Ukraine, nói rằng đây là “một hình thức chiến tranh đặc biệt đáng ghê tởm mà Nga đang dẫn đầu, trong đó họ đang ăn cắp, cướp bóc, lấy ngũ cốc từ miền đông Ukraine”.

Phát biểu tại thành phố Stuttgart, miền tây nam nước Đức, nơi các bộ trưởng nông nghiệp của G7 đã cùng gặp gỡ với những người đồng cấp Ukraine để thảo luận về cách đối phó với một cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế đang rình rập do Nga xâm lược Ukraine, ông Özdemir cho biết đó là “sử dụng nạn đói là một thành phần đặc biệt ghê tởm trong cuộc chiến mà Putin đã dùng đến.”

“Tất cả mọi người, tất cả mọi người, sẽ phải trả giá cho cuộc chiến này trên toàn thế giới, ngay cả khi họ sống ở những lục địa khác,” Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi cho biết tại hội nghị.

Ông nói: “Mọi người sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm, và họ phải biết rằng họ sẽ phải trả nhiều hơn mỗi ngày.”

Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, các ngoại trưởng của G7, cùng với những người đồng cấp Ukraine và Moldova, sẽ thảo luận về cách thức chấm dứt việc phong tỏa ngũ cốc Ukraine để có thể xuất khẩu ra thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Ukraine nằm trong số năm nước xuất khẩu hàng đầu toàn cầu đối với nhiều loại nông sản chính, bao gồm ngô, lúa mì và lúa mạch. Ukraine cũng là nhà xuất khẩu hàng đầu của cả dầu và bột hướng dương.

CNN hồi đầu tháng đã phát hiện một tàu buôn Nga chở đầy ngũ cốc bị đánh cắp ở Ukraine đã rời khỏi ít nhất một cảng Địa Trung Hải và hiện đang ở cảng Latakia của Syria. Nó chở theo gần 30.000 tấn lúa mì của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Ukraine ước tính rằng ít nhất 400.000 tấn ngũ cốc đã bị đánh cắp và đưa ra khỏi Ukraine kể từ khi Nga xâm lược.
Source:CNN

 
Phản ứng của Giáo Hội và TQ đối với vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân
VietCatholic Media
17:27 18/05/2022


1. Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và phản hồi chính thức của Giáo hội

Tuyên bố của Tòa Thánh, được đưa ra vài giờ sau khi thông báo về việc bắt giữ Hồng Y Quân, cho biết Tòa Thánh đang theo dõi vụ việc “rất chặt chẽ” nhưng không bình luận gì thêm. Giáo phận Hương Cảng, do Giám mục Dòng Tên 62 tuổi Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ), đứng đầu kể từ tháng 12 năm 2020, đã mất hơn 20 giờ để đưa ra một tuyên bố chính thức, là một dấu hiệu cho thấy tính chất tế nhị của vụ việc. Giáo phận cho biết họ “vô cùng lo ngại” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý “sự việc” theo cách “tôn trọng luật pháp” và duy trì tự do tôn giáo “theo Luật Cơ bản”.

Khung pháp lý của Đặc khu hành chính Hương Cảng so với “Đại lục”, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là trung tâm của cuộc đấu tranh quyền lực căng thẳng giữa những người ủng hộ cho dân chủ và ngoại lệ Hương Cảng, bao gồm cả Đức Hồng Y Quân, và những người mà kể từ năm 2014 đã chủ trương gắn bó dần dần với đại lục.

Một bước quan trọng trong cuộc đối đầu này là việc nhà cầm quyền Hương Cảng thông qua luật an ninh quốc gia vào ngày 30 tháng 6 năm 2020. Đạo luật này, do Bắc Kinh áp đặt, đã mở ra cánh cửa cho một cuộc đàn áp các phong trào ủng hộ dân chủ, một xu hướng từ đó đến nay. Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân chỉ là vụ bắt giữ mới nhất trong một danh sách dài các vụ bỏ tù, trong đó nổi tiếng nhất là vụ bắt giữ Ông Jimmy Lai, chủ của tờ báo chống Bắc Kinh Apple Daily (bị chính quyền đóng cửa vào năm 2021) và là người hỗ trợ tài chính lớn cho giáo phận Hương Cảng và Đức Hồng Y Quân.

Trong trường hợp bắt giữ này, cũng như nhiều lần trong những năm gần đây, một số nhà hoạt động Hương Cảng đã chỉ ra sự rụt rè rõ ràng của Giáo Hội Công Giáo khi đối phó với Bắc Kinh về vấn đề Hương Cảng. Cần lưu ý một sự thật oái oăm là người đứng đầu chính quyền Hương Cảng hiện nay, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, 林鄭月娥) và người kế nhiệm bà ta là ông Lý Gia Siêu (John Lee, 李家超), người được bầu vào ngày 8 tháng 5 mà không có ứng viên đối thủ, đều là người Công Giáo.
Source:Aleteia

2. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Chúng tôi có quyền bắt tất cả những ai vi phạm luật

Một ngày sau khi Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân bị bắt và được tại ngoại hầu tra, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Trung Quốc sẵn sàng bắt bất cứ ai vi phạm luật lệ do họ đặt ra.

Phoenix TV hỏi phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian- 赵丽坚): Lực lượng Cảnh sát Hương Cảng gần đây đã bắt giữ một số người bị tình nghi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia thông đồng với các thế lực bên ngoài. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Hồng Y đã nghỉ hưu của giáo phận Hương Cảng, nằm trong số những người bị bắt. Cả Vatican và Tòa Bạch Ốc đều bày tỏ quan ngại. Phía Trung Quốc có bình luận gì không?

Kiên nói: Chúng tôi đã nhận thấy các báo cáo liên quan. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Hương Cảng là một xã hội có pháp quyền, nơi không có tổ chức hay cá nhân nào đứng trên pháp luật và mọi hành vi vi phạm sẽ bị truy tố và trừng phạt theo quy định của pháp luật. Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào bôi nhọ pháp quyền ở Hương Cảng và can thiệp vào công việc của họ.
Source:Chinese Foreign Ministry

3. Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị quốc tế về thần học luân lý

Sáng hôm 13 tháng Năm năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị quốc tế về thần học luân lý, do Đại học Giáo hoàng Gregoriana và Giáo hoàng Học viện Gioan Phaolô II ở Roma, tổ chức trong khuôn khổ năm kỷ niệm Tông huấn “Amoris laetitia”, Niềm vui yêu thương, về gia đình. Ngài kêu gọi để ý đến thực trạng ngày nay trong việc giảng dạy luân lý.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Hôn nhân và gia đình có thể là một “kairos”, thời điểm thuận tiện, cho thần học luân lý, để xét lại những phạm trù (categorie) diễn giải kinh nghiệm luân lý dưới ánh sáng những gì xảy ra trong môi trường gia đình. Giữa thần học và hoạt động mục vụ cần tái thiết định một cái vòng tuần hoàn. Đường lối thực hành mục vụ không thể rút từ những nguyên tắc thần học trừu tượng, cũng như suy tư thần học không thể giới hạn vào việc lập lại những đường lối thực hành. Bao nhiêu lần hôn nhân được trình bày “như một gánh nặng cần phải chịu đựng suốt đời”, thay vì như “một con đường sinh động để tăng trưởng và viên mãn” (Amoris laetitia 37). Không phải vì thế mà luân lý Tin mừng từ khước không công bố hồng ân của Thiên Chúa, từ đó phát sinh nghĩa vụ và sự tận tụy. Thần học có một chức năng phê bình, hiểu biết về đức tin, nhưng suy tư thần học phải đi từ kinh nghiệm sinh động và từ cảm thức đức tin của các tín hữu, sensus fidei fidelium. Chỉ như thế sự hiểu biết của thần học về đức tin mới phục vụ thực sự cho Giáo hội. Chính vì thế việc thực hành sự phân định trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, mở ra không gian cho “lương tâm của các tín hữu, là những người bao nhiêu lần hết sức đáp ứng Tin mừng, giữa những giới hạn của mình và có thể thi hành sự phân định bản thân đứng trước những tình trạng, trong đó mọi khuôn khổ không còn nữa” (A.L 37).

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Luân lý Tin mừng xa lạ với sự duy luân lý biến việc tuân giữ theo chữ các qui luật thành một bảo đảm cho sự công chính của mình trước mặt Thiên Chúa, và cũng xa lạ đối với chủ nghĩa duy tâm, nhân danh một điều tốt đẹp lý tưởng, nó làm nản lòng và xa rời điều tốt đẹp có thể có”. (A.L. 308, EG 44)

4. Đức Giáo Hoàng đến thăm Canada vào tháng 7 để xin lỗi các trường dân cư

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Canada từ ngày 24 đến 30 tháng 7, Vatican cho biết như trên vào hôm thứ Sáu. Trong chuyến đi này, Đức Thánh Cha dự kiến sẽ đích thân xin lỗi về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc điều hành các trường dân cư nơi có nhiều trẻ em bản địa bị lạm dụng.

Một tuyên bố của Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm các thành phố Edmonton, Quebec và Iqaluit.

Ông George Arcand cho biết trong một tuyên bố rằng ông nhận thấy tác động của chuyến thăm này sẽ rất lớn đối với các cựu học sinh của các trường nội trú dành cho người bản địa Canada.

“Tôi hy vọng chúng ta đang trên con đường chữa lành và sự thật được chứng thực với chuyến thăm lịch sử này,”

Mục đích của các trường học, hoạt động từ năm 1831 đến năm 1996, là để hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada. Trong khoảng thời gian đó, khoảng 150.000 trẻ em đã bị bắt khỏi nhà của họ, và, theo Ủy ban Sự thật và Hòa giải, nhiều trẻ em bị lạm dụng và suy dinh dưỡng trong điều mà họ cáo buộc là “tội ác diệt chủng văn hóa”.

Các hệ phái Kitô, chủ yếu là Giáo Hội Công Giáo, thay mặt chính phủ điều hành các trường học.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết lời xin lỗi trực tiếp là “quan trọng - và cần thiết”, đồng thời nói thêm rằng chuyến đi của Đức Giáo Hoàng sẽ không thể thực hiện được “nếu không có sự dũng cảm và quyết tâm của những cựu học sinh, các nhà lãnh đạo bản địa và thanh niên đã chia sẻ câu chuyện của họ.”

Nhưng RoseAnne Archibald, Chánh văn phòng Đại hội đồng các quốc gia thứ nhất, cho biết trong một tuyên bố, bà “vô cùng thất vọng” về hành trình của Đức Giáo Hoàng, trong đó không bao gồm một lãnh thổ của First Nation nơi tìm thấy hài cốt nghi ngờ của trẻ em bản địa tại một các trường nội trú dành cho người bản địa.

Bà sẽ không chào đón Đức Giáo Hoàng khi ngài đến, một tuyên bố gửi qua email cho biết.

Các phái đoàn của một số quốc gia bản địa đã đến thăm Đức Giáo Hoàng vào tháng trước và chấp nhận lời xin lỗi của ngài sau đó về vai trò của Giáo hội đối với các các trường nội trú dành cho người bản địa.

Đức Giáo Hoàng đang phải sử dụng xe lăn vì cơn đau bùng phát ở đầu gối. Ngài đã hoãn chuyến đi đến Li Băng đã được lên lịch vào tháng tới để có thể được điều trị.

Ngài vẫn dự kiến đến Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo vào đầu tháng Bảy.
Source:Reuters
 
Zelenskiy: Nga sắp hết hỏa tiễn. Du kích Ukraine đánh trúng đoàn tầu tiếp tế. Nga tìm cách ngưng bắn
VietCatholic Media
17:29 18/05/2022


1. Tổn thất quá nặng Nga đang thương thảo ngưng bắn

Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak tiết lộ bị tổn thất quá nặng Nga đang thương thảo ngưng bắn, nhưng với điều kiện giữ nguyên hiện trạng, là điều Ukraine không đồng ý. Ông Podolyak nói:

“Tôi không thấy làm thế nào có thể thiết lập một chế độ ngừng bắn mà không cần quân đội Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine. Thật vô nghĩa. Điều này có nghĩa là họ sẽ ở trong đường phân giới mà họ đang có bây giờ. Điều đó là không thể. Đây là những đường lối mới của Nga, và điều này là không thể chấp nhận được đối với Ukraine, và Tổng thống Ukraine đã nói về điều này nhiều lần. Chúng ta cần phải đẩy họ ra xa, không chỉ đến lãnh thổ mà họ bắt đầu cái mà họ gọi là ‘cuộc hành quân đặc biệt’ mà còn xa hơn nữa. Và đây là vấn đề mang tính nguyên tắc đối với Ukraine hiện nay”.

Theo ông, kịch bản 'bức màn sắt' là điều duy nhất Ukraine và Âu Châu nên làm theo.

“Nước Nga sẽ phải ở rất xa, rất xa nền văn minh nhân loại. Không phải về mặt địa lý, nhưng ít nhất, đằng sau một số biên giới,” Podolyak lưu ý.

Về vấn đề này, ông Podolyak nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng áp lực trừng phạt đối với Nga.

2. Quân đội Ukraine đã bắn hạ máy bay tiêm kích-ném bom Su-34 của Nga gần Kupiansk, Khu vực Kharkiv.

Trong báo cáo tối ngày 18 tháng 5, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lữ đoàn Dù biệt lập số 95 trú đóng tại Kupiansk đã phá hủy máy bay tiêm kích ném bom Su-34 của Nga.

Trong ngày, Quân đội Ukraine đã đẩy lùi bảy cuộc tấn công của quân Nga ở miền đông Ukraine trong ngày qua, loại khỏi vòng chiến 220 quân Nga, 2 xe tăng, 2 xe chiến đấu bộ binh và 1 máy bay không người lái.

Trong khi đó, các chiến binh du kích Ukraine đã chặn một đoàn tàu bọc thép của Nga ở Melitopol bằng cách cho nổ một quả bom trên đường ray.

“Một thiết bị nổ được trồng trên đường ray đã phát nổ dưới gầm toa tàu. Kết quả là đường ray và các thiết bị bị hư hỏng. Đoàn tàu gồm mười toa, đã phát nổ chưa rõ thiệt hại. Theo báo cáo sơ khởi, hai đường ray xe lửa đã bị hư hại, và đoàn tàu bọc thép đã bị dừng lại.”

3. Các chỉ huy quân trú phòng Ukraine tại nhà máy Azovstal vẫn còn bên trong

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết các cuộc đàm phán liên quan đến quân trú phòng Ukraine tại nhà máy Azovstal vẫn còn đang diễn ra. Cô Iryna không cho biết những ai còn bên trong nhà máy. Tuy nhiên, lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, Denis Pushilin, nói rằng các chỉ huy Ukraine bên trong nhà máy Azovstal ở Mariupol không nằm trong số những người đã ra trình diện.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết khoảng 960 lính bảo vệ Azovstal đã ra trình diện. Một số người đã được đưa đến bệnh viện nhưng hầu hết được đưa lên xe buýt đến trung tâm giam giữ ở Olenivka.

Phía Ukraine chưa đưa ra thông tin cập nhật về số người đã rời khỏi Azovstal hoặc về tình trạng các cuộc đàm phán để trao đổi tù nhân Nga.

Quân đội Ukraine thông báo vào cuối ngày thứ Hai rằng các lực lượng của họ đã hoàn thành “nhiệm vụ chiến đấu” của họ tại nhà máy luyện thép Azovstal rộng lớn, nơi đóng quân cuối cùng trong nhiều tuần ở một thành phố bị quân đội Nga pháo kích và ném bom liên tục.

4. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhận định Nga bắt đầu cạn kiệt hỏa tiễn

Trong bài phát biểu hàng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết việc Nga tiết lộ bắt đầu sử dụng các hệ thống vũ khí laser “cho thấy sự thất bại hoàn toàn của cuộc xâm lược”. Ông Zelenskiy nói:

Hôm nay, một trong những đại diện của nhà nước Nga nói rằng những người chiếm đóng được cho là đã bắt đầu sử dụng các hệ thống vũ khí laser ở Ukraine để tiết kiệm hỏa tiễn”

Thứ nhất, đáng chú ý là họ cần tiết kiệm hỏa tiễn và phần nào giải thích điều đó. Có nghĩa là, hơn 2.000 hỏa tiễn do quân đội Nga bắn vào Ukraine là phần chính trong kho hỏa tiễn của họ. Tức là chỉ còn lại rất ít.

Thứ hai, mọi người đều đã thấy Nga có chiến tranh. Những lính nghĩa vụ thiếu kinh nghiệm, mà nước này ném vào trận chiến như bia đỡ đạn. Những kẻ xâm lược lần đầu tiên nhìn thấy các thiết bị bình thường ở nước ngoài. Áo giáp cũ của Liên Xô không có lớp bảo vệ hiện đại. Bom phốt pho bị cấm được dùng để đốt trường học và những ngôi nhà bình thường.

Và hỏa tiễn, phần lớn được quân đội Nga chi cho việc phá hủy các cơ sở hạ tầng hoàn toàn dân sự mà không có bất kỳ kết quả quân sự chiến lược nào. Hôm nay họ đã bắn hỏa tiễn theo cách như vậy vào Mykolaiv và Dnipro.

Trong tuyên truyền của Đức Quốc xã có một thuật ngữ gọi là “wunderwaffe”. Vũ khí kỳ diệu. Càng rõ ràng rằng họ không có cơ hội trong chiến tranh, thì càng có nhiều tuyên truyền về vũ khí kỳ diệu, là thứ có sức mạnh đến mức tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến.

Và ở đây chúng ta thấy rằng trong tháng thứ ba của một cuộc chiến toàn diện, Nga đang cố gắng tìm ra “wunderwaffe” của mình được cao rao là tia laze. Tất cả điều này rõ ràng chỉ ra sự thất bại hoàn toàn của cuộc xâm lược.

Vào năm 2018, Vladimir Putin đã công bố một loạt vũ khí mới bao gồm hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa mới, máy bay không người lái hạt nhân dưới nước, vũ khí siêu thanh và vũ khí laser mới.

Người ta biết rất ít về các chi tiết cụ thể của vũ khí laser mới. Putin đề cập đến một cái tên là Peresvet, được đặt theo tên của một tu sĩ chiến binh Chính thống giáo thời Trung cổ Alexander Peresvet, người đã bỏ mạng trong trận chiến sinh tử.

Yury Borisov, Phó thủ tướng phụ trách phát triển quân sự, nói trong một hội nghị ở Mạc Tư Khoa rằng Peresvet đã được triển khai rộng rãi và nó có thể làm mù các vệ tinh ở độ cao 1.500 km so với Trái đất.

5. Nga trục xuất 34 nhà ngoại giao Pháp và 27 nhà ngoại giao Tây Ban Nha để trả đũa

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, cho biết 34 nhà ngoại giao Pháp là những người “không được chào đón” ở nước này để đáp lại quyết định trục xuất 41 nhà ngoại giao Nga vào tháng 4 của Pháp.

Đại sứ Pháp tại Mạc Tư Khoa, Pierre Levy, đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga vào hôm thứ Tư, và “sự phản đối mạnh mẽ đã được bày tỏ liên quan đến quyết định khiêu khích và phi lý” của chính quyền Pháp tuyên bố 41 nhà ngoại giao Nga tại Pháp là những người “không được chào đón”

Maria Zakharova cho biết: “Cần nhấn mạnh rằng hành động này gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ Nga-Pháp và quan hệ hợp tác song phương mang tính xây dựng”.

Maria Zakharova nói thêm: “Đáp lại, 34 nhà ngoại giao Pháp đã được tuyên bố là không được hoan nghênh. Họ được lệnh rời khỏi lãnh thổ Nga trong vòng hai tuần kể từ ngày gửi công hàm liên quan cho Đại sứ.”

Pháp đã đưa ra một tuyên bố và cho biết họ “lên án mạnh mẽ” động thái này.

“Công việc của các nhà ngoại giao này và các nhân viên đại sứ quán của chúng tôi ở Nga, những người mà Pháp ca ngợi sự dũng cảm và chuyên nghiệp tuyệt vời, hoàn toàn nằm trong khuôn khổ của Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao và lãnh sự. Quyết định của nhà chức trách Nga không có cơ sở chính đáng. Chúng tôi lên án điều đó”.

Tương tự, Nga cũng trục xuất 27 nhà ngoại giao Tây Ban Nha tại Nga để đáp trả quyết định của Tây Ban Nha trục xuất 27 nhà ngoại giao Nga vào tháng 4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.

Bộ Ngoại giao Nga đã trục xuất nhân viên của nhiều đại sứ quán trong các động thái trả đũa tương tự. Một số quốc gia gần đây nhất đã nhận được phản hồi tương tự từ Mạc Tư Khoa bao gồm Phần Lan, Đức, Bulgaria, Ba Lan, Đan Mạch và Na Uy cùng những quốc gia khác.

6. Tòa Bạch Ốc nhận định: Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vào một “thời điểm quan trọng trong an ninh Âu Châu”

Theo Jake, cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Tổng thống Mỹ Biden, lãnh đạo các nước sẽ được chào đón về động thái này khi họ đến thăm Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ Năm.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc: “Đây là một sự kiện lịch sử, một thời điểm quan trọng trong an ninh Âu Châu. “Hai quốc gia có truyền thống trung lập lâu đời sẽ tham gia liên minh phòng thủ mạnh nhất thế giới, và họ sẽ mang theo những năng lực mạnh mẽ và bề dày thành tích đã được chứng minh với tư cách là đối tác an ninh”.

Hôm thứ Tư, ông Biden nói: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ ổn thôi,” khi được các phóng viên hỏi rằng ông sẽ thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển tham gia NATO như thế nào.

“Các nhà lãnh đạo của Phần Lan và Thụy Điển sẽ đến gặp tôi vào thứ Năm. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ ổn thôi,” Biden nói.

Khi các phóng viên hỏi liệu tổng thống Biden có thể thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ hay không, Biden nói: “Tôi sẽ không đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ ổn thôi.”

Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc cho biết họ “tự tin” rằng đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được chấp thuận, bất chấp những phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo điều lệ của NATO, tất cả 30 thành viên NATO phải nhất trí chấp thuận đơn xin vào NATO của một quốc gia ứng viên.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần này cho biết ông sẽ không chấp thuận việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO nếu họ không đoái hoài đến các quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ, và các phái đoàn từ các quốc gia này không nên bận tâm đến Thổ Nhĩ Kỳ để cố gắng thuyết phục ông ta chấp thuận cho họ gia nhập NATO.

Tuy nhiên, cả Thụy Điển và Phần Lan đều cố gắng đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ về các mối quan tâm của nước này. Các quan chức hàng đầu của Mỹ, và NATO tin tưởng rằng việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ không có vấn đề gì.

“Chúng tôi tin tưởng rằng vào cuối ngày hôm nay, Phần Lan và Thụy Điển sẽ có một quá trình gia nhập hiệu quả, và có thể giải quyết các mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Sullivan nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc.

Sullivan cho biết ông đã nói chuyện với phía Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư và rằng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng sẽ gặp ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tại New York và rằng, chính quyền Hoa Kỳ cảm thấy “rất tốt” về tiến trình này.

“Điều tuyệt vời về thế giới tự do, về liên minh phương Tây, về NATO là chúng ta đã có một tập hợp đặc biệt các quốc gia đều có những ý kiến, tất cả đều có những quan điểm và tất cả đều có những lợi ích riêng, nhưng họ cũng biết làm thế nào và khi nào nên cùng nhau giải quyết bất kỳ sự khác biệt nào. Và tôi hy vọng những khác biệt này sẽ được giải quyết. Tôi hy vọng rằng NATO sẽ có cùng một tiếng nói ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển vào cuối ngày hôm nay.”

7. NATO cho rằng Ukraine có thể chiếm lại được Crimea và vùng Donbas

Một quan chức quân sự NATO am hiểu về tình báo nói với CNN hôm thứ Tư rằng liên minh NATO không mong đợi những thắng lợi đáng kể cho cả hai bên trên chiến trường ở Ukraine trong những tuần tới.

“Tôi nghĩ rằng tình hình sẽ bế tắc trong một thời gian,” quan chức này nói.

Theo quan chức này, cuộc thảo luận hiện tại của NATO là động lực đã thay đổi đáng kể, theo chiều hướng có lợi cho Ukraine và cuộc tranh luận trong khối NATO hiện đang xoay quanh việc liệu Kyiv có thể chiếm lại được Crimea và các vùng lãnh thổ Donbas do Nga và phe ly khai do Nga hậu thuẫn chiếm giữ vào năm 2014 hay không.

“Tôi nghĩ rằng họ có thể chiếm lại Crimea và Donbas” quan chức này nói. “Không phải bây giờ, không sớm như thế, nhưng nếu họ có thể tiếp tục cuộc chiến thì chắc chắn họ sẽ tái chiếm được, tôi nghĩ vậy.”