Ngày 21-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người môn đệ đích thực
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:18 21/05/2008
CHÚA NHẬT 9 THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 7, 21-27

Trong cuộc hành trình theo Chúa Giêsu, những môn đệ được Chúa tuyển chọn luôn phải sống cái cốt lõi của Tin Mừng. Theo Chúa không có nghĩa là được đặc quyền, đặc lợi, được ăn trên ngồi trốc, nhưng theo người phải thực thi lời của Người, phải “ vác Thập Giá mỗi ngày mà theo Người “.

LẮNG NGHE LỜI CHÚA VÀ THỰC THI LỜI CỦA NGƯỜI:

Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay, đặc biệt bài Tin Mừng Mt 7, 21-27 cho chúng ta thấy người môn đệ của Chúa phải sống Tin Mừng biểu lộ qua cuộc sống, qua lời rao giảng của mình. Suốt những năm tháng theo Chúa, Người không ngừng nhắc bảo, giáo huấn, dậy dỗ các môn đệ phải sống bản chất, cốt lõi của Tin Mừng. Cái bản chất, cái cốt lõi của Tin Mừng không chỉ sống ngoài môi miệng, sống bề ngoài mà phải sống cái đích thực của đời sống con cái Chúa là yêu thương. Bài Tin Mừng ngày hôm nay cho chúng ta hiểu rõ điều ấy. Chúa Giêsu trình bầy dụ ngôn hai ngôi nhà:

Ngôi nhà xây trên đá thì vững chắc, bền bỉ, dù mưa to, gió lớn, bão táp vẫn không thể nào làm lay chuyển được. Đây là người môn đệ đích thực của Chúa bởi vì người môn đệ chân chính không chỉ kêu ngoài môi miệng: ” Lạy Chúa, lạy Chúa “ là đủ, là hoàn thành công việc của mình,nhưng người ấy phải thực hành lời của Chúa. Người môn đệ đã lắng nghe lời Chúa, đã tin vào Người, phải biết thực thi lời của Người trong cuộc sống vì thánh Giacôbê đã viết một câu rất chí lý: ” Đức tin không có việc làm là đức tin chết “. Người môn đệ thật của Chúa là người vừa biết lắng nghe lời Chúa cách chăm chú, vừa biết sống bác ái, yêu thương như Chúa.

Ngôi nhà xây trên cát là hình ảnh người nghe lời Chúa mà không đem ra thực hành trong đời sống, chỉ nói “Giêsu” ngoài miệng lưỡi mà không yêu như Chúa đã yêu. Cái trớ trêu của Tin Mừng là thế. Lời Chúa không chỉ đọc, không chỉ nghe cho vui tai, nhằm thỏa mãn sự tò mò của con người, nhưng phải được thực thi trong đời sống của mình. Cũng vậy, bác ái không chỉ dùng nói suông, mà phải thực hành bằng những việc làm cụ thể. Chúa Giêsu đã tới trần gian, đã sống trong lịch sử con người bằng chính Con – Người - Chúa Của- Mình. Người đã sống như mọi người ngọai trừ tội lỗi. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất Chúa làm gương cho con người, cho loài người. Chúa rao giàng Nước Trời, loan báo Thập Giá không chỉ là một mớ trừu tượng, một mớ những lý thuyết viển vông, khô cằn mà Người đã đi tới cùng tình yêu, đi tới cùng lời rao giảng của Người bằng cái chết trên Thập Giá.

NGƯỜI MÔN ĐỆ PHẢI ĐÁP TRẢ LẠI TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA:

Nói cho cùng không thể làm môn đệ của Chúa mà không sống và thực thi lời Chúa. Không thể rao giảng lời Chúa chỉ bằng những lời lẽ viển vông, xa lạ, máy móc. Không thể là con Chúa mà lại sống như một người máy không hồn. Không thể nói về Thập Giá mà lại không kê vai vác Thập Giá của mình mỗi ngày để theo Đức Kitô. Người môn đệ hay nói nôm na, người Kitô hữu không thể theo Chúa, sống niềm tin mà lại không dấn thân, không cố gắng mỗi ngày để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời. Trong đời sống, chúng ta đã học hỏi được biết bao gương sáng của những môn đệ Chúa, những người nói ít nhưng sống, thực thi bác ái triệt để. Đời thường chung quanh ta đã cho ta thấy những người chỉ hô hào suông ngoài môi miệng, nói nhiều nhưng thực hành ít, nói bác ái mà sống ngược lại, đó là những người giả hình, không sống niềm tin đích thực. Một Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã luôn sống thương yêu, thiệt thòi miễn sao Chúa được vinh hiển. Một Mẹ Têrêsa Calcutta đã sống tận Tin Mừng cùng như Chúa đã yêu đối với đồng loại. Một cha sở họ Ars đã sống bác ái trọn hảo đối với mọi người và còn biết bao nhiêu là gương sống và thực thi lời Chúa chúng ta không bao giờ có thể kể cho hết được. Cuộc đời đã dậy cho chúng ta nhiều bài học cụ thể: đời sẽ qua đi, chân lý và bác ái, lòng đạo đức, thánh thiện mới tồn tại. Người môn đệ của Chúa phải luôn đáp lại tình thương vô biên của Chúa.

Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết lắng nghe lời của Chúa và thực thi lời Chúa trong đời sống chúng con. Amen.
 
Bí tích Thánh Thể và việc bảo vệ Tin Mừng Sự Sống
Phaolô Phạm Xuân Khôi
10:51 21/05/2008
BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ VIỆC BẢO VỆ TIN MỪNG SỰ SỐNG

Bài Thuyết Trình của Đức Cố Hồng Y Alfonso López-Trujillo
Nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình
Trình bày tại Đại Hội Tông Đồ Tận Hiến Gia Đìn, Ngày 19 tháng 7, năm 1998


Các bạn thân mến,

Một lần nữa, tôi xin nhân dịp này cám ơn Hội Tông Đồ Tận Hiến Gia Đình, và đặc biệt là ông bà Jerry và Gwen Coniker, đã tổ chức Đại Hội này và đã mời tôi tham dự.

Chúng ta đã suy nghĩ về đặc quyền và nhiệm vụ của gia đình trong công tác truyền thụ Tin Mừng qua việc dạy Giáo Lý và cầu nguyện trong gia đình. Công tác đa dạng của các bạn cũng nhấn mạnh đến việc gia đình được mời gọi để truyền giáo trong xã hội thế nào. Các bạn cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các Giờ Thánh Đừng Sợ, về vai trò của Bí Tích Thánh Thể trong việc kết hợp và củng cố gia đình như một cộng đoàn truyền giáo, và vai trò của gia đình trong việc tôn trọng sự sống trong xã hội ra sao. Các bạn tìm cách đem niềm hy vọng đến cho gia đình khi gặp khó khăn trong ơn gọi truyền thụ Tin Mừng. Vậy chúng ta hãy bỏ một chút thì giờ suy nghĩ về những đề tài trên.

Gia Đình và Việc Bảo Vệ Sự Sống

Nhân loại ngày nay có vẻ dã man và bất nhân hơn bao giờ hết, bất kể những tiến bộ về kỹ thuật và khoa học.

Như các bạn đã biết, hiện nay mỗi năm có trên 50 triệu trẻ em vô tội bị thanh trừng bởi tội ác phá thai. Điều này chẳng khác gì mỗi năm toàn thể dân chúng nước Ý Đại Lợi bị tiêu diệt trong cuộc chiến tàn bạo và tồi tệ nhất.

Đó là cuộc chiến chống lại những người cô thế và vô tội, là những người cũng có quyền sống, là quyền căn bản mà không ai có thể từ chối được.

Năm nay chúng ta mừng kỷ niệm 50 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Từ giây phút thụ thai, “người được thụ thai” là một hình ảnh của Thiên Chúa và được mời gọi để thành con cái Thiên Chúa qua Bí Tích Thánh Tẩy.

Đức Thánh Cha [Gioan Phaolô II] đã dạy rằng có hai Tin Mừng không thể tách rời nhau được: Tin Mừng cho gia đình, là Tin Mừng cho mọi người, vợ chồng, con cái và xã hội! Và cũng có Tin Mừng Sự Sống: Sự sống con người là hồng ân của Thiên Chúa và chỉ thuộc quyền Thiên Chúa. Sự sống con người thiêng liêng. Con người không phải là một sự vật, không phải một dụng cụ mà một người có thể sử dụng, thao túng và vất đi. Không ai có quyền muốn làm gì thì làm với đời sống của một con người vô tội. Thông Điệp Evangelium Vitae của ĐTC Gioan Phaolô II là một thông điệp vĩ đại và lịch sử trong việc bảo vệ sự sống con người.

Hội Thánh bênh vực sự sống con người với tình yêu và lòng can đảm, cùng công bố hồng ân tuyệt vời này là hồng ân mà gia đình cũng phải công bố, rao truyền và bảo vệ. Thưa các phụ huynh, không có của cải nào quý giá hơn là con cái quý vị! Hội Thánh bênh vực sự sống của mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất, yếu đuối nhất và thiếu thốn nhất, các trẻ em chưa được sinh ra, các bệnh nhân, và sự sống của các bậc lão thành. Thời nay người ta bị cám dỗ khai trừ tất cả những người này vì coi họ là gánh nặng cho xã hội và cho chính gia đình.

Hội Thánh nhắc nhở chúng ta rằng là con người, họ đã được Đức Kitô cứu chuộc và Người cũng đã hiến mạng sống Người cho họ. Người đã yêu tôi và đã hiến mạng sống Người cho tôi! Người cũng làm thế cho các bệnh nhân, cho những người bị khinh rẻ. Điều gì là điều then chốt và là lý do của giá trị cao cả của con người? Điều then chốt là người ấy là một người được Thiên Chúa yêu thương… quá mức đến nỗi mà Chúa Giêsu phải cứu chuộc người ấy trên Thập Giá.

Không ai, không một quyền lực nào, không một quyền bính nhân loại nào, một quốc hội nào, một chính phủ nào, có thể dành cho mình quyền thế và quyền đối xử với một con người như sự vật và quyết định rằng người ấy không có quyền sống.

Thật là một gương mù không những chi cho các tín hữu mà còn cho tất cả mọi người khi nghe về những tội ác phạm đến những người nghèo đói và thiếu thốn nhất.

Một Cuộc Vận Động Vĩ Đại Vì Sự Sống

Việc bảo vệ sự sống, nền văn hóa sự sống, tìm được sự hỗ trợ lớn lao nhất từ các gia đình. Thể chế gia đình có một sứ vụ là bảo vệ sự sống, giáo dục nó và đưa nó đến sung mãn.

Các bạn đã biết rõ lời mời gọi mà Hội Thánh đưa ra cho chúng ta qua Thông Điệp Evangelium Vitae, là tham gia vào “một cuộc vận động vĩ đại vì sự sống.” Thông Điệp này đặc biệt mời gọi các gia đình trở thành phương tiện mà qua đó Nền Văn Hóa Sự Sống được phục hồi. Quả thật, Đức Thánh Cha đã vạch ra rằng một trong những ly do mà phá thai và giết chết êm dịu là những tội ác tầy trời khủng khiếp vì chúng xảy ra trong gia đình, là nơi che chở sự sống. Vì thế Ngài tiếp tục quả quyết rằng, “Trong số ‘những người vì sự sống và cho sự sống’, gia đình có một nhiệm vụ tiên quyết. Nhiệm vụ này phát sinh từ chính bản chất của gia đình là một cộng đồng sự sống và tình yêu… Như một Hội Thánh Tại Gia, gia đình được triệu tập để công bố, cử hành và phục vụ Tin Mừng Sự Sống” (EV, số 92).

Bí Tích Thánh Thể và việc Bảo Vệ Sự Sống

Bí Tích Thánh Thể dạy các gia đình và thúc đẩy họ bảo vệ sự sống. Chúng ta hãy nhìn đến một vài điểm trong lãnh vực này.

Bằng một cách đặc biệt, các bạn đang có mặt ở Đại Hội này biết rằng các gia đình được thêm sức mạnh trong ơn gọi này qua việc cùng nhau tôn sùng Thánh Thể. Việc tôn kính như thế kéo các phần tử lại gần nhau hơn trong mối giây bác ái là điều thiết yếu của những gia đình vững mạnh. Việc làm giờ thánh gia đình, được hội Tông Đồ này cổ võ, ghép gia đình vào sứ vụ hằng ngày của Hội Thánh để thăng tiến Tin Mừng Sự Sống.

Hội Thánh không thể tồn tại được nếu không có Bí Tích Thánh Thể. Gia đình Kitô hữu cũng thế. Sức bổ dưỡng của gia đình đến từ Mình và Máu Thánh Chúa. Sứ vụ làm Hội Thánh Tại Gia của gia đình cũng được tìm thấy trong Bí Tích Thánh Thể và dẫn nó trở lại cùng Bí Tích Thánh Thể, là nguồn mạch và tột đỉnh của tất cả đời sống và hoạt động của Hội Thánh.

Quyết tâm thăng tiến nền Văn Hóa Sự Sống của gia đình lãnh nhận hình thái và sức bổ dưỡng của nó từ Bí Tích Thánh Thể như là một Bí Tích của Đức Tin, của sự hiệp nhất, của đời sống, của việc phụng tự và của tình yêu.

Bí Tích Thánh Thể là một Bí Tích của Đức Tin. Chúng ta không thấy gì khác nơi Bánh Thánh trước khi và sau khi Truyền Phép. Bánh Thánh có cùng một hình dáng, mùi, vị, và cảm giác như một tấm bánh. Chỉ có một trong năm ngũ quan nhận ra sự thật. Như Thánh Thôma diễn tả trong ‘Adoro Te Devote’ rằng, “Người ta đều bị đánh lừa vì nhìn, đụng chạm, và nếm Người. Nghe và tin vào lời nói thì mới tin Người?” Tai nge Lời Người, “Đây là Mình Thầy; đây là Máu Thầy,” và Đức Tin dẫn đưa chúng ta vào phía sau bức màn che của sự vẻ bề ngoài.

Các Kitô hữu thường có cái nhìn vượt qua những vẻ bề ngoài. Em bé nằm trong máng cỏ không nhìn giống Thiên Chúa chút nào; hay con người bị treo trên Thập Giá cũng chẳng sao. Nhưng nhờ Đức Tin mà chúng ta biết con người ấy không phải chỉ là người. Sách Thánh Kinh không có hào quang tỏa ra giữa những sách khác, nhưng nhờ Đức Tin chúng ta biết rằng sách ấy là Lời đặc biệt của Thiên Chúa. Thánh Thể có vẻ như chỉ là bánh và rượu, nhưng nhờ Đức Tin chúng ta thưa “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!” khi chúng ta quỳ gối thờ lạy.

Cũng một động lực của Đức Tin giúp chúng ta thấy vượt qua vẻ bề ngoài của những mầu nhiệm này, cũng làm cho chúng ta thấy vượt qua vẻ bề ngoài của những người lân cận của mình. Chúng ta có thể nhìn đến những người chung quanh chúng ta, đến những người làm chúng ta khó chịu, hay những người xấu xí, hoặc những người nằm bất tỉnh trên giường bệnh, và có thể nói rằng, “Đức Kitô cũng ở đấy. Đó là anh em tôi, chị em tôi, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa!” Bằng cùng một động lực chúng ta cũng có thể nhìn vào một em bé trước khi được sinh ra và nói, “Đây cũng là anh em tôi, chị em tôi, có nhân phẩm ngang hàng như mọi người và đáng được bảo vệ như những người khác!” Có một số người sẽ nói rằng đứa trẻ trong bụng, đặc biệt là trong những giai đoạn đầu tiên, quá nhỏ để được bảo vệ bởi Hiến Pháp. Có phải Bánh Thánh quá nhỏ để có thể là Thiên Chúa, và vẻ bề ngoài quá khác Thiên Chúa để chúng ta thờ kính không? Một mảnh vụn nhỏ nhất của Bánh Thánh cũng hoàn toàn là một Đức Kitô. Đức Tin Thánh Thể là một thuốc giải độc mạnh cho quan niệm nguy hiểm là giá trị tùy thuộc vào kích thước, hoặc sưc mạnh, hay bất cứ đặc tính nào khác. Là gì chứ không phải có gì, mới là nguồn gốc của phẩm giá.

Hãy tưởng tượng tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới là những người đang rước Lễ hôm nay. Có phải mỗi người đang đón nhận một cái gì khác nhau không? Chẳng phải mỗi người đang đón nhận một và chỉ Đức Kitô duy nhất? Qua Bí Tích này, Đức Kitô là Chúa, Đấng ngự trị vinh hiển trên Thiên Đàng đang kéo tất cả mọi người lên với Chính Người. Chính Người là Đấng lôi kéo chúng ta lên với Người, rồi Người kéo chúng ta lại với nhau. Thánh Phaolô giải thích về điều này, “Chúng ta, tuy nhiều người, nhưng chỉ là một thân thể, vì chúng ta cùng chia sẻ một tấm bánh” (1 Cor 10:17). Khi chúng ta gọi nhau là “anh chị em,” chúng ta không chỉ dùng ẩn dụ để phản ảnh một cách mờ ảo sự liên kết giữa con cái cùng một cha mẹ. Sự hợp nhất chúng ta có trong Đức Kitô còn mạnh mẽ hơn sự hợp nhất giữa anh chị em ruột thịt, bởi vì chúng ta có cùng chung một máu: Máu Thánh của Đức Kitô! Kết quả của Thánh Thể là chúng ta trở nên một, và đều này đòi buộc chúng ta phải lo lắng cho nhau như chúng ta lo lắng cho bản thân mình.

Đây là sự hợp nhất của gia đình: chúng ta đã khám phá ra chúng ta là con cái Thiên Chúa. Chúng ta có thể kêu lên, “Abba,” có nghĩa là, “Cha ơi!” Chính Chúa Thánh Thần làm chứng cho tinh thần chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa (x. Rom 6:16). Tất cả đều là con cái.

Hãy tưởng tượng một người lên Rước Lễ, sau khi lãnh nhận Bánh Thánh, người ấy bẻ ra một mảnh trả lại cho vị linh mục. Điều này tượng trưng cho những gì xảy ra khi một người tẩy chay một người khác mà Đức Kitô đã cứu độ! Khi lãnh nhận Đức Kitô, chúng ta, dù thuận lợi hay không, dù muốn hay không, cũng lãnh nhận toàn thể Đức Kitô, trong tất cả các phần tử của Người, là anh chị em của chúng ta.

Như Thánh Gioan ghi nhận, Đức Kitô đã phải chết “để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi thành một.” Tội lỗi phân tán. Đức Kitô kết hợp. Chữ “diabolical (ma quỷ)” có nghĩa là “cắt ra từng mảnh.” Đức Kitô đến “để tiêu diệt công trình của ma quỷ” (1Ga 3:8). Bí Tích Thánh Thể xây dựng gia đình nhân loại trong Đức Kitô là Đấng mời gọi, “Hãy đến với Thầy, hãy nuôi các con bằng Máu Thầy, hãy trở thành Thân Thể Thầy.” Trong một động lực trái ngược, việc phá thai nói, “Cút đi! Chúng ta không có chỗ cho ngươi, chúng ta không có thì giờ cho ngươi, chúng ta không muốn ngươi, chúng ta không có trách nhiệm về ngươi. Hãy tránh đường cho chúng ta đi!” Việc phá thai tấn công sự hợp nhất của gia đình nhân loại bằng cách cắt ra từng mảnh mối liên hệ cơ bản nhất giữa hai người: người mẹ và đứa con. Bí Tích Thánh Thề, như là Bí Tích của Hợp Nhất, quay ngược động lực của phá thai lại.

Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích của Sự Sống. “Ta là Bánh Hằng Sống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (x. Ga 6:47-58). Hy tế Thánh Thể là chính hành động của Đức Kitô mà nhờ đó Người tiêu diệt sự chết và phục hồi sự sống cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta họp nhau lại để dự Hy lễ này chúng ta mừng việc sự sống chiến thắng sự chết, và như thế cũng chiến thắng phá thai. Phong trào phò sự sống không phải hoạt động cho chiến thắng mà hoạt động từ chiến thắng. Như Đức Thánh Cha đã nói ở Denver năm 1993, “Đừng sợ. Kết quả của cuộc chiến phò sự sống đã được định đoạt.” Công việc của chúng ta là áp dụng chiến thắng đã được thiết lập vào mọi phương diện của xã hội chúng ta. Cử hành Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của công việc ấy.

Bí Tích Thánh Thể là hành vi Thờ Phượng Thiên Chúa Tối Cao. Mỗi người cần học hai bài học là, “1. Có Thiên Chúa. 2. Không phải tôi.” Bí Tích Thánh Thể là một Hy lễ hoàn hảo, nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, và nhìn nhận rằng “Ngài có quyền được mọi tạo vật vâng phục” (Sách Lễ, Ca Nhập Lễ Ngày Thứ 3 Trong Tuần). Ngược lại, việc phá thai công bố rằng sự chọn lựa của người mẹ là tối cao. “Tự do chọn lựa” được coi là đủ để biện minh cho ngay cả việc cắt một em bé ra từng mảnh. Chọn lựa bị tách ra khỏi chân lý là thờ ngẫu tượng. Nó trái ngược với việc thờ phượng chân chính. Nó cho rằng tạo vật là Thiên Chúa. Tự do chân chính chỉ được tìm thấy trong việc tùng phục chân lý và Thánh Ý Thiên Chúa. Tự do thật không phải là khả năng muốn làm gì thì làm, mà là khả năng có thể làm điều phải.

Cuối cùng, Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu. Thánh Gioan giải thích, “Nhờ điều này mà chúng ta biết được tình yêu, là Chúa Giêsu Kitô đã thí mạng sống Người vì chúng ta” (1 Ga 3:16). Đức Kitô dạy, “Không có tình yêu nào lớn hơn là của người thí mạng sống mình cho bằng hữu” (Ga 15:13). Biểu tượng đúng nhất của tình yêu không phải là trái tim mà là Tượng Chịu Nạn.

Phá thai là điều hoàn toàn trái ngược với tình yêu. Tình yêu nói, “Tôi hy sinh chính mình vì lợi ích của người khác.” Phá thai nói, “Tôi hy sinh người khác vì ích lợi của tôi.” Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nhìn thấy ý nghĩa của tình yêu và lãnh nhận sức mạnh để sống tình yêu này. Hơn nữa, những kẻ cổ võ việc phá thai cũng dùng cùng một lời Chúa dùng để dạy chúng ta ý nghĩa của tình yêu: “Đây là mình tôi.” Bốn chữ bé nhỏ này được nói lên từ đầu kia của vũ trụ, với những kết quả hoàn toàn trái ngược. Đức Kitô thí mình Người để người khác được sống; những kẻ ủng hộ phá thai giữ chặt lấy thân xác mình để cho người khác phải chết. Đức Kitô phán, “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con; Đây là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con.” Đó là những lời của hy sinh; đó là những lời của tình yêu.

Năm 1994 tại Washington, Mẹ Têrêxa đã nói rằng chúng ta chống phá thai bằng cách dạy cho người mẹ tình yêu thực sự có nghĩa gì: “sẵn lòng cho đi đến lúc bị tổn thương… Như thế, người mẹ đang nghĩ về phá thai phải được giúp đỡ để yêu, nghĩa là biết cho đi đến khi chương trình hay thì giờ nhàn rỗi của người mẹ ấy bị tổn thương, để người mẹ ấy tôn trọng sự sống của con bà.”

Gustave Thibon đã nói rằng Thiên Chúa thật biến đổi sự bạo tàn thành đau khổ, trong khi đó Thiên Chúa giả biến đổi đau khổ thành bạo tàn. Người phụ nữ có ý phá thai sẽ biến đổi cái đau khổ của chị thành bạo tàn trừ khi chị ấy để cho tình yêu biến đổi chị, và làm cho chị bằng lòng hy sinh. Bí Tích Thánh Thể ban cho chúng ta cả bài học lẫn sức mạnh. Một người Mẹ phải nói, “Đây là mình mẹ, máu mẹ, sự sống mẹ, mẹ sẽ nộp cho con là con mẹ.”

Thường thì phụ nữ là nạn nhân của lương tâm xấu của xã hội.

Mọi người muốn chống phá thai cũng cần phải nói cùng những lời như trên. Chúng ta cần thực thi cùng một sự đại lượng mà chúng ta yêu cầu các người mẹ thực thi. Chúng ta phải bắt chước những mầu nhiệm mà chúng ta cử hành. “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” có thể áp dụng cho tất cả chúng ta theo nghĩa là chúng ta cùng chịu đau khổ cách yêu thương với Đức Kitô để cho người khác được sống. Chúng ta phải giống như cột thu lôi giữa cơn giông tố kinh hoàng của bạo tàn và hủy diệt này, và thưa, “Lạy Chúa, con sẵn lòng lãnh nhận một phần nào sự bạo tàn này và nhờ tình yêu mà biến đổi nó thành sự đau khổ riêng của con, để người khác được sống.”

Thật vậy, Bí Tích Thánh Thể ban lệnh tiến quân cho phong trào phò sự sống. Bí Tích này cũng ban cho nó nguồn năng lượng, đó là tình yêu. Quả thế, nếu phong trào phò sự sống không phải là một phong trào của tình yêu, thì nó không còn là gì cả. Nhưng nếu nó là phong trào của tình yêu, thì không có gì có thể chặn đứng được nó, vì “Tình yêu mạnh hơn sự chết, và có quyền năng hơn cà hỏa ngục” (Nhã Ca 8:6).

Kết Luận

Kính thưa anh chị em, các gia đình lành mạnh là hy vọng của thế giới, vì thế chúng ta phải xây dựng các gia đình lành mạnh ấy với một ý nghĩa hy vọng cao cả. Nhìn thấy những sự dữ trên thế gian không thể làm cớ cho chúng ta bỏ trốn thế gian, nhưng ngược lại làm cho chúng ta tích cực tìm cách đối thoại với nó về ơn cứu độ.

Như là một sự hỗ trợ cho niềm hy vọng ấy, tôi xin phép kết luận bằng cách mời anh chị em chú ý đến Đại Hội Thế Giới của Đức Thánh Cha với các Gia Đình ở Rôma, mà Ủy Ban Giáo Hoàng về Gia Đình sẽ bảo trợ trong Mùa Thu của Năm Thánh 2000. Cuộc gặp gỡ này được đánh dấu bằng một Hội Nghị Thần Học Mục Vụ, bằng một cuộc cử hành Lời Chúa và chúc tụng vui mừng cùng với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, và bằng Một Phụng Vụ Thánh Thể do Đức Thánh Cha cử hành, là một giây phút của ân sủng trọng đại có thể giúp chúng ta đào sâu sự hiểu biết, quyết tâm, và hiệp nhất giữa những người cùng hoạt động vì sự sống và gia đình. Hai lần gặp gỡ trước cũng vậy, lần thứ nhất được tổ chức ở Rôma trong Năm Quốc Tế về Gia Đình (1994), và lần thứ nhì được tổ chức năm ngoái ở Rio de Janeiro. Tôi nhiệt tâm hy vọng rằng nhiều người trong anh chị em, hợp cùng nhiều người khác trong Nước Hoa Kỳ, sẽ có thể tham gia cuộc hành hương Đức Tin đến Rôma trong năm 2000, để hợp nhau cầu nguyện cùng với các gia đình khác từ khắp nơi trên thế giới.

Nguyện xin Chúa chúc lành dồi dào cho anh chị em, gia đình anh chị em, và công việc rất trọng yếu mà anh chi em đang làm cho Nước của Người.
 
Bánh hằng sống bởi trời
Lm Giuse Đinh lập Liễm
11:00 21/05/2008
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ

BÁNH HẰNG SỐNG BỞI TRỜI

A. DẪN NHẬP.

Mặc dầu ngày thứ năm tuần thánh, Giáo hội đã kỷ niệm việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta, hôm nay Giáo hội tiếp tục cử hành lễ kính Mình Máu thánh Chúa Kitô để giáo dân có nhiều thì giờ suy niệm về phép Thánh Thể, thúc giục giáo dân thêm lòng yêu mến tôn sùng. Qua Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta được hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể này, đồng thời thúc giục chúng ta năng rước lễ để lãnh nhận Chúa Giêsu làm lương thực nuôi linh hồn chúng ta trên bước đường đi về Quê Trời.

Qua các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy Thánh Thể thực sự đã được loan báo từ trước bằng những hình ảnh. Manna mà Thiên Chúa ban cho dân Israel dùng trong sa mạc suốt bốn mươi năm chẳng phải là hình bóng phép Thánh Thể mà Đức Giêsu đã lập sao ? Thánh Phaolô cũng nhắc lại cho tín hữu Corintô tư tưởng trên: dân Israel đã được ăn manna, uống nước từ tảng đá… để nói lên rằng tòan dân Israel đã được thừa hưởng bao hồng ân của Thiên Chúa.

Lời Chúa trong đọan Tin mừng thánh Gioan là những lời Đức Giêsu diễn giảng về Bánh hằng sống, Bánh từ trời, Bánh ban sự sống thần linh. Bánh đó chính là Đức Giêsu Kitô. Thịt máu Ngài đã trở nên cơm bánh, trở thành lương thực, trở thành của ăn của uống giúp con người đi vào thế giới của Thiên Chúa kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Bánh này trổi vượt hơn Manna trong sa mạc mà tổ tiên dân Israel đều đã được ăn. Vì thế ai ăn bánh này sẽ được sống vĩnh cửu trong Vương quốc của Thiên Chúa.

Trung tâm đời sống Kitô hữu là Thánh Thể, mà Thánh Thể là một nhiệm tích tuyệt diệu làm cho Đức Kitô hiện diện thực sự với dân chúng trong mầu nhiệm Vượt qua. Trong bữa ăn sau hết, chính Ngài bị nộp, Ngài đã thiết lập hiến tế tạ ơn bằng Mình và Máu Ngài. Hiến tế của Tình yêu. Hiến tế của hiệp nhất, giây liên kết đức bác ái, bữa tiệc Vượt qua trong Đức Giêsu là của ăn. Xét theo phương diện này, hôm nay ngày lễ kính Mình Máu Chúa Kitô, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm nhiệm tích Thánh Thể là lương thực nuôi linh hồn vì Đức Giêsu đã nói với chúng ta: ”Ta là bánh hằng sống từ trời ban xuống”(Ga 6,51).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Đnl 8,2-3.14-16: Thiên Chúa đã cứu dân Israel ra khỏi ách nô lệ của Ai cập, dẫn dắt họ suốt 40 năm trường trong sa mạc để vào đất hứa. Kết thúc cuộc hành trình, trước khi tiến vào Đât Hứa, ông Maisen khuyên bảo dân đừng bao giờ quên những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho. Trong số những ơn lành Chúa đã ban, dân Chúa hãy nhớ lại việc Thiên Chúa đã nuôi sống họ bằng cách ban manna từ trời xuống và cũng làm cho nước từ tảng đá vọt ra để thỏa mãn cơn khát khao.

Nhưng đấy mới chỉ là thức ăn vật chất nuôi phần xác thôi, còn cần phải có một thức ăn thiêng liêng khác là Lời Chúa và Thánh Thể nuôi sống linh hồn loài người nữa.

+ Bài đọc 2: 1Cr 1o,16-17: Nhận thấy trong cộng đoàn tín hữu ở Côrintô có sự bất hoà, chia rẽ, thánh Phaolô khuyên nhủ họ hãy đoàn kết lại, hiệp nhất trong tình yêu thương. Ngài cho biết: Thánh Thể chính là mối dây tuyệt hảo của sự hiệp nhất. Khi chúng ta hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thì chúng ta cũng phải thể hiện sự hiệp thông ấy ra trong đời sống cộng đoàn bằng cách phải hiệp nhất với nhau. Cũng như chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều người cũng chỉ là một thân thể.

+ Bài Tin mừng: Ga 6,51-58: Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, không nghĩ đến ăn uống. Thấy họ đói, Chúa Giêsu đã nuôi sống họ bằng cách làm cho bánh hoá nhiều. Dân chúng được ăn no nê thừa thãi thứ bánh vật chất mà Ngài vừa làm phép lạ cho có nhiều. Bây giờ Chúa muốn đưa họ đến một thứ lương thực cao qúi hơn. Vì thế, Ngài loan báo cho họ một thứ bánh khác. Bánh đó chính là Mình Máu Ngài, Bánh hằng sống mang lại ơn cứu độ cho thế gian.

Chúa Giêsu đã khẳng định mặc dầu người ta không hiểu cũng như không muốn hiểu: ”Ta là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời, và bánh Ta sẽ ban tặng, chính là thịt Ta đây, để cho thế gian được sống... Ai ăn thịt và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Thánh Thể, nguồn sống thiêng liêng: Trong lời mở đầu của thông điệp về Bí tích Thánh Thể “ECCLESIA DE EUCHARISTIA”, Đức Thánh Cha Gioan-Phalô II đã xác tín “Giáo hội múc nguồn sự sống từ Bí tích Thánh Thể. Sự thật này không đơn thuần diễn tả một kinh nghiệm thường nhật của đức tin, nhưng tóm kết cốt lõi của mầu nhiệm Giáo hội. Trong niềm hân hoan, Giáo hội kinh nghiệm, dưới nhiều hình thức, sự thực hiện liên lỉ lời hứa “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20). Kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo hội bắt đầu cuộc hành trình đi về Quê Trời, bí tích thần thiêng tiếp tục ấn dấu trên ngày sống, bằng cách tuôn đổ trên họ niềm hy vọng tin tưởng”.

Công đồng Vatican II tuyên bố cách xác đáng rằng “Mọi Bí tích đều liên hệ và hướng về Thánh Thể. Vì phép Thánh Thể chứa mọi kho tàng thiêng liêng của Giáo hội, nghĩa là chính mình Chúa Kitô Phục sinh. Phép Thánh Thể là nguồn suối, là chóp đỉnh việc rao giảng Tin mừng” (P.O, số 5).

Thánh Thể đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống Giáo hội và giáo dân, nên Giáo hội lập ra lễ kính Thánh Thể để thúc giục giáo dân gia tăng lòng tôn sùng phép Thánh Thể. Lễ kính này đã manh nha ở thành phố Liège bên Bỉ với những ơn lạ của chị dòng Juliana về phép Thánh Thể từ năm 1208 cho mãi đến năm 1263 với phép lạ máu Chúa chảy loang thấm ướt khăn thánh ở làng Polsena bên Đức. Ngày 8.9.1264, Đức Thánh Cha Urbanô ban sắc lệnh Transiturus lập lễ kính Mình Máu thánh Chúa Kitô trên khắp hoàn cầu.

I. THÁNH THỂ, NGUỒN SỐNG CỦA KITÔ HỮU.

Con người có hồn có xác. Cả hai liên kết chặt chẽ với nhau. Muốn sống cần phải có ăn, không ăn thì chết. Nhưng hồn và xác lại có những của ăn khác nhau. Xác cần có của ăn vật chất, hồn lại có của ăn thiêng liêng là chính Mình Máu thánh Chúa Kitô như lời Ngài đã dạy.

1. Của ăn thể xác.

Người ta thường nói: ”Có thực mới vực được đạo” (Tục ngữ). Nói như thế có nghĩa là phải có của ăn phần xác nuôi sống đã, phải sống đã rồi mới có thể thực hiện việc đạo nghĩa được. Nhiều người nói quả quyết hơn: ”Dĩ thực vi tiên”: phải lấy cái ăn làm đầu. Câu tục ngữ trên cũng có nghĩa tương đương với câu ngạn ngữ La tinh: ”Manducare priusquam philosophare”: ăn đã rồi hãy nói triết lý, vì không có ăn thì lấy hơi đâu mà nói triết lý ?

Bất kỳ ai cũng phải ăn, không ăn nhiều thì ăn ít. Càng ăn nhiều thức ăn có độ dinh dưỡng cao thì người càng mập, béo, khỏe mạnh. Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng thì người sẽ gầy còm, ốm o. Trung bình mỗi người lớn một ngày phải được cung cấp 2.600 calories, nhưng trong thực tế, trừ một số nước tiên tiến mỗi ngày được cung cấp tới 3,130 calories, khiến con người họ to cao, bép mập; còn đa số dân chúng ở các nước kém mở mang chỉ được cung cấp dưới mức trung bình ấy. Một số nước mỗi người chỉ được cung cấp 1.700 calories mỗi ngày, và tệ hơn nữa, một số nước ở Phi châu chỉ được cung cấp 1.200 calories mỗi ngày. Theo tin tức của đài truyền hình cho biết: tính tứ năm 1975 đến nay, chiều cao của trẻ em Việt nam đã tăng thêm được vài centimét.

Trong kinh “Lạy Cha” chúng ta vẫn cầu xin Chúa cho chúng ta có của ăn hằng ngày: ”Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Lương thực đây phải hiểu là lương thực của phần xác và phần hồn. Nhưng dù sao chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta có của ăn của để, đừng để chúng ta thiếu thốn quá mà bỏ bề việc đạo.

Người Việt nam chúng ta rất thực tế, không ước ao được giầu sang phú qúi, của cải dư dật vì như thế có thể làm cho người ta dễ hư hỏng hoặc làm cho người ta thêm lo lắng đêm ngày:

Ăn cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy,
Ăn cơm với cáy thì ngáy o o.


Trong thực tế của đời sống hằng ngày, họ chỉ cần hai chữ “bình an”, họ chỉ ao ước được hưởng những hạnh phúc thông thường, như thế họ đã mãn nguyện:

Ăn được ngủ được là tiên,
Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo,
(Ca dao)

2. Của ăn phần hồn.

Nếu chúng ta nói: thân xác phải ăn thì mới sống được, chúng ta phải nói thế nào về phần hồn ? Dĩ nhiên, linh hồn cũng phải ăn thì mới sống được, nhưng của ăn nuôi sống linh hồn không phải là của ăn vật chất như cơm bánh hằng ngày ta ăn, mà là của ăn thiêng liêng. Nói khác đi, của ăn đó chính là Mình máu Chúa Kitô.

Trong sa mạc, dân Israel đã được ăn manna hằng ngày để nuôi thể xác. Chúa Giêsu cũng làm phép lạ cho bánh hoá nhiều để nuôi phần xác cho dân chúng khi đói. Ngoài bánh ấy ra, Chúa Giêsu còn hứa sẽ ban cho họ thứ bánh khác, không phải là thứ bánh họ đã ăn, bánh này ăn vào sẽ không bao giờ đói nữa: ”Ta là bánh hằng sống, ai đến cùng Ta không khi nào đói, ai tin kính Ta chẳng bao giờ khát “(Ga 6,35). Ngài hứa ban bánh hằng sống, dân chúng ước ao ăn bánh này cho khỏi đói khát nữa. Nhưng Chúa Giêsu còn muốn đưa họ lên cao hơn, Ngài muốn nói về một thứ bánh hằng sống chân thật, đó là chính Thịt Máu Ngài.

Mặc dầu Ngài nói như thế, người ta sẽ không tin, còn làm cớ vấp phạm cho nhiều người đến nỗi có nhiều người bỏ đi vì thấy nó chói tai quá, kể cả môn đệ cũng có một số bỏ đi. Tuy thế, Ngài cứ nói, nói một cách thẳng thừng: ”Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con người thì các ngươi chẳng được sống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,54-55).

Để bảo tồn sự sống, mọi sinh vật phải có thức ăn thích hợp với bản tính riêng. Linh hồn chúng ta đã được thần hóa, nên cũng cần có một thức ăn thích hợp với nếp sống mới đó. Thức ăn này phải là do việc thông hiệp vào thịt máu Chúa Giêsu ban cho: ”Ta là bánh hằng sống. Các ngươi hãy cầm lấy mà ăn vì này là mình Ta. Các ngươi hãy lãnh nhận mà uống, vì này là máu Ta. Ai ăn mình và uống máu Ta sẽ được sống. Vì mình Ta thực là của ăn, máu Ta thật là của uống”.

Ai lãnh nhận mình máu Chúa Kitô, người ấy được kết hợp với Chúa, được tan biến trong Chúa để cả hai nên một, để người ấy có thể nói như thánh Phaolô: ”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Trong khi rước lễ, chúng ta coi mình như đón nhận Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ngự vào lòng tôi. Chúng ta nói về sự hiệp lễ như là ôm ẵm Chúa. Nhưng hiệp lễ cũng có nghĩa là Chúa ôm ẵm chúng ta. Chúa Giêsu đón nhận chúng ta vào lòng Ngài cách đặc biệt. Không chỉ là Chúa Giêsu ngự trong chúng ta, mà chúng ta cũng ở trong Chúa Giêsu. Đó là ý nghĩa của điều Chúa nói với chúng ta trong Tin mừng hôm nay: ”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”. Chúng ta có thể nói như thánh Inhaxiô: ”Đây là nơi Chúa Giêsu bồng ẵm tôi”.

Thánh Cyrillô thành Alexandria so sánh sự hiệp nhất này với hai miếng sáp ong hoà lẫn với nhau. Thánh Têrêsa thành Lisieux đã diễn tả sự hiệp lễ lần đầu của ngài như là sự tan hòa với Chúa Kitô.

Chúng ta hãy suy nghĩ điều này và bắt đầu nhận htức rằng sự quan trọng không phải là tình yêu, lòng khao khát hay những lời cầu nguyện của chúng ta, mặc dầu tất cả cần phải có. Sự quan trọng nhất là tình yêu vô biên của Chúa Giêsu. Ngài ước mong ôm ẵm chúng ta, chia sẻ chính đời sống Ngài cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta ở lại trong Ngài như chúng ta muốn Ngài ở lại trong chúng ta (GM Arthur Tonne, Bài giảng Tin mừng CN năm A, tr 79).

Mỗi khi rước Chúa ngự vào lòng, chúng ta muốn được hoà tan trong Chúa, muốn được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, muốn được đổi mới con người của mình. Dĩ nhiên, sự đổi mới này chỉ có tính cách thiêng liêng, nghĩa là linh hồn chúng ta được đầy tràn ơn Chúa, được trở nên thánh thiện hơn, làm chiếu toả Chúa ra bằng cách sống hằng ngày, còn thân xác chúng ta thì không có gì thay đổi.

Truyện: Biến đổi trong Chúa.

Một người ngoại giáo hỏi người bạn Công giáo:
- Người Công giáo các bạn ăn Chúa Kitô phải không ?
- Vâng, người Công giáo trả lời.
Người kia hỏi tiếp:
- Vậy sao các bạn không trở nên như Chúa ?
Một lát sau, khi đi ngang qua trại heo, người Công giáo hỏi:
- Bạn có khi nào ăn thịt heo không ?
- Rất nhiều lần. Mà hỏi làm gì vậy ?
- Sao bạn chưa biến đổi thành heo ?
Đó là câu trả lời cứng cỏi nhưng kiến hiệu cho câu hỏi cứng cỏi. Trong thực tế, chúng ta được biến đdổi trong Chúa cách thiêng liêng nhờ sự rước lễ. (GM Arthur Tonne, Góp nhặt, tr 8-9)

II. THÁNH THỂ LÀ MỘT MẦU NHIỆM.

Trong Thánh lễ, ngay sau truyền phép Mình thánh, Linh mục đã nhắc nhở cho giáo dân: ”Đây là mầu nhiệm đức tin”. Hội thánh muốn nhắc nhở cho giáo dân: Thánh Thể là một mầu nhiệm, không trí khôn nào có thể suy thấu, chỉ dùng con mắt đức tin mà chấp nhận. Với con mắt xác thịt, không ai có thể trông thấy Chúa trong hình bánh hình rượu với cả mình và máu, nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu, nhưng không thấy không có nghĩa là không có. Như kinh nghiệm cho chúng ta thấy: ban ngày người mù đâu có thấy ánh sáng, nhưng không thấy ánh sáng thì không thể phủ nhận được sự hiện hữu của mặt trời. Mặt trời vẫn có đó.

Sau khi truyền phép Mình thánh, bánh và rượu đã trở nên mình máu Chúa Kitô. Cả con người của Chúa Giêsu ở trong đó: thịt và máu, nhân tính và thần tính. Chúa Giêsu đang hiện diện trong hình bánh hình rượu.

Chúng ta phải phân biệt hai sự hiện diện:
- Hiện diện tượng trưng (Presentia symbolica)
- Hiện diện thực sự (Presentia realis).

1. Hiện diện tượng trưng:

Là tin rằng Chúa Giêsu hiện diện trong hình bánh, coi như Ngài hiện diện trong đó, nhưng thực sự không có thịt máu Ngài trong đó. Như thế là chối bổ sự biến thể (transsubstantiatio) mà Giáo hội dạy: sau truyền phép thì bánh rượu chỉ còn hình dáng bề ngoài(species), còn bản thể (substantia) đã trở nên mình máu Chúa Kitô rồi. Đối với sự hiện diện tượng trưng này, mọi người dễ hiểu, dễ chấp nhận vì nó phù hợp với sự hiểu biết của lý trí con người, không cần dùng đến con mắt đức tin.

2. Hiện diện thực sự.

Đây là vấn đề gai góc. Hiện diện thực sự là có sự hiện diện thực của Chúa Giêsu với mình và máu, với nhân tính và thần tính của Người. Cả con người của Ngài hiện diện trong đó mặc dầu con mắt xác thịt chúng ta không thấy. Đây thực sự là mầu nhiệm đức tin.

Theo cuộc thăm dò ý kiến của Gallup tường trình cho biết, chỉ có 1/3 giáo dân Công giáo Hoa kỳ tin có sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, số khác chỉ tin Bí tích Thánh Thể là biểu tượng cho sự hiện diện thật của Chúa Kitô.

Phản ứng trước cuộc thăm dò này, các Giám mục Hoa kỳ đã nhắc lại một thông tư trong hội nghị hội đồng Giám mục Hoa kỳ vào tháng 6/2001 “Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể: Những câu hỏi và trả lời căn bản”. Trong bản văn này xác định lại một lần nữa trong Bí tích Thánh Thể “toàn thể con người Đức Kitô thật sự hiện hữu dưới hình thức bánh và rượu, thân xác, máu, linh hồn và thần linh”.

Truyện: Hiện diện thực sự.

Một linh mục và một mục sư Tin lành ở cùng một tỉnh thường nói chuyện với nhau nhiều về đạo. Thời gian trôi qua, mục sư bắt đầu tin những chân lý của đạo Công giáo dần dần. Ông tin hết mọi chân lý, trừ có một – chân lý Chúa ngự thật trong phép Thánh Thể. Chân lý duy nhất này ông không thể nào tin được. Ông vẫn nói: ”Nếu tôi có thể tin được rằng tôi rước lấy Chúa thực sự khi chịu lễ, thì chắc là tôi sẽ hạnh phúc nhất trên đời; nhưng xem chừng tôi không thể tin được”.

Ít lâu sau, vị mục sư đau nặng, Linh mục đến thăm ông, nhưng ông mê man bất tỉnh. Qùi gối bên giường, linh mục cầu xin Chúa ban cho mục sư tỉnh lại và lời cầu nguyện của ngài đã được Chúa nghe. Vị mục sư hấp hối đó mỉm cười và xin được phép ngồi lên, tựa lưng vào gối. Ông có thể tiếp tục nói, nhưng mắt ông nhìn chòng chọc vào cái gì ở chân giường. Ông chỉ tay, nhưng vị linh mục không trông thấy gì cả. Rồi người hấp hối cứ nhìn chòng chọc và bỗng nhiên mặt ông tươi lên như hoa. Ông vừa thở hổn hển vừa phều phào: ”Hiện diện thực sự – Nếu tôi được biết kịp thời thì chắc tôi đã giảng cho toàn thế giới chân lý này”. Nói rồi, ông nhắm mắt thở hơi cuối cùng. W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 161-162)

Chúng ta may mắn vì được Chúa ban đức tin ngay từ khi mới sinh. Những người khác thường phải chiến đấu lâu ngày lâu tháng mới tin được những điều chúng ta không phải khó lòng gì mà đã tin.

Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu. Dấu chỉ tuyệt diệu nhất của tình yêu Thiên Chúa là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta – nơi BÍ TÍCH THÁNH THỂ. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình để những ai tin vào Người thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời”(Ga 3,16). Thiên Chúa yêu chúng ta nên đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu Kitô; Chúa Giêsu Kitô yêu chúng ta nên đã “Chấp nhận thân phận tôi đòi”(Phl 2,7), đã chịu nạn, chịu chết và phục sinh vinh hiển để đem lại Sự sống cho chúng ta, Ngài còn “Ở lại cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20) nơi Bí tích Thánh Thể; tất cả chỉ vì yêu chúng ta.
 
Tin tưởng nơi Thiên Chúa quan phòng
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
13:12 21/05/2008
TIN TƯỞNG NƠI THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

Chị Margherita thuộc Phong Trào Chiêm Niệm Truyền Giáo sống theo tinh thần Linh Mục Chân Phúc Charles de Foucauld (1858-1916), Tiểu Đệ Đức Chúa GIÊSU.

Phong trào thành hình ngày 7-10-1951 tại Cuneo ở miền Piemonte (Tây Bắc Ý). Phong trào do Cha Andrea Gasparino - người Ý - đề xướng có mục đích chăm sóc các trẻ em nghèo, mồ côi, bụi đời quy tụ trong các làng thiếu niên. Theo tên gọi, phong trào đặt nền tảng trên sự cầu nguyện và dấn thân phục vụ giới trẻ. Phong trào đã thành lập nhiều huynh đoàn rải rác trên lục địa Phi châu và một số nước ở Á châu.

Sau đây là chứng từ về lòng tin tưởng nơi THIÊN CHÚA Quan Phòng, qua sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA. Chứng từ do Chị Margherita kể lại. Chị làm việc truyền giáo tại lục địa Phi Châu.

Từ ít lâu nay, lòng tôi chĩu nặng mối cảm thương. Ngày ngày tôi chứng kiến cảnh một gia đình gồm chồng mù, vợ tê bại, sống vất-vơ vất-vưởng không cửa không nhà. Tôi đau đớn lắm, nhưng không biết làm thế nào để giúp đỡ họ. Đào đâu cho ra tiền để xây cho họ một nơi trú ngụ, dù chỉ gồm bốn bức tường và một mái nhà??? Bỗng một ngày, tôi nảy ra ý định làm cuộc giao kèo với Đức Mẹ MARIA. Tôi thưa với Đức Mẹ:

- Lạy Mẹ yêu dấu của con, nếu nội trong 8 ngày, con nhận được món quà tặng, con sẽ lập tức xây một mái nhà cho gia đình khốn khổ này!

Một buổi chiều, tôi chuẩn bị đưa một thiếu nữ trong làng đến nhà thương. Vào chính lúc ấy, một Linh Mục dòng Tên đến thăm cứ điểm truyền giáo của chúng tôi. Ngài ân cần thăm hỏi về công việc tông đồ. Sau một hồi lắng nghe tôi kể chuyện, ngài rút ra một phong bì đưa tôi và nói:

- Một tập sinh dòng Tên người Hòa Lan gởi cho tôi số tiền này để giúp người nghèo. Tôi nghĩ rằng, những người nghèo hiện đang có mặt tại đây. Chị hãy cầm lấy và phân chia cho người nghèo tùy ý Chị!

Giơ hai tay cầm lấy phong bì, lòng tôi dâng lên niềm cảm tạ tha thiết. Trăm ngàn ý tưởng diễn ra trong đầu. Tuy nhiên, tôi không vội vàng mở ra ngay. Tôi đem phong bì đặt dưới bức tượng Đức Mẹ và tự hứa sẽ chỉ mở ra sau khi ở nhà thương về.

Suốt ngày hôm đó, tôi miên man với ý nghĩ:

- Đức Mẹ đã nhận ký giao kèo với mình rồi! Vậy bây giờ, mình phải làm gì? Phải làm gì đây?

Giữ lời hứa, tối hôm ấy, tôi cẩn thận mở phong bì ra xem. Trong phong bì, có đủ số tiền để xây một căn nhà nho nhỏ bằng gạch.

Tôi huy động ngay một số thanh niên thiếu nữ trong làng. Chúng tôi bắt tay vào công cuộc xây cất. Chúng tôi chọn một mảnh đất bỏ hoang và khởi công liền. Cùng hợp tác với chúng tôi có một tín hữu tin lành. Bác làm việc cho chúng tôi với một đồng lương tượng trưng.

Vài ngày sau, trong lúc tôi nói chuyện với một phụ nữ trong làng về những người sống lang thang không nhà không cửa, có một người đàn ông đứng cạnh đó theo dõi câu chuyện của chúng tôi. Khi hiểu rõ vấn đề, ông đề nghị dâng cúng ngay cho chúng tôi một xe cam-nhông gạch. Tôi vừa vui mừng vừa lúng túng, bởi lẽ, tôi không hề có dự án xây cất nhà cửa cho người nghèo! Nhưng, Chúa Quan Phòng đã giục lòng người giàu hảo tâm giúp đỡ, chúng tôi phải tiếp nhận tất cả của dâng cúng để mưu ích cho nhiều người.

Chúng tôi đo lại đất đai, tính toán tiền bạc, mướn thợ xây cất. Sau cùng, không phải một căn nhà mà là 5 căn nhà được thành hình cho người nghèo có chỗ trú ngụ.

Năm sau đó, 5 căn nhà trở thành 12 căn nhà. Cặp vợ chồng nghèo đầu tiên giờ trở thành khoảng 40 người nghèo gồm: các bà độc thân, các cụ già, các bà góa với con thơ, người phong cùi và người tàn tật. Đó là ngôi làng Bác Ái đầu tiên xuất hiện bên cạnh huynh đoàn của chúng tôi. Ngôi làng sinh sống hoàn toàn nhờ sự trợ giúp của những tấm lòng vàng và nhất là, nhờ sự yêu thương của THIÊN CHÚA Quan Phòng, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA.

Nơi cứ điểm truyền giáo có một phụ nữ Công Giáo đạo đức thường mang đến cho chúng tôi kẹo bánh để phân phát cho các trẻ em nghèo. Từ đó chúng tôi âu yếm tặng bà biệt hiệu ”Bà Bánh Kẹo”.

Mỗi lần đến huynh đoàn, bà chứng kiến cảnh trẻ em và người già, ngồi bệt dưới đất, dọc theo con đường dẫn đến huynh đoàn. Một hôm bà hỏi chúng tôi:

- Những người này họ ngồi đợi gì thế?

Chúng tôi trả lời:

- Đợi chúng tôi phân phát thực phẩm!

Và sự thật là như thế. Từ hai năm trước đó, chúng tôi thường xuyên nhận ”viện trợ Hoa Kỳ”. Viện trợ này giúp chúng tôi nuôi sống trẻ em, người già và những người nghèo khổ nhất. Bỗng một hôm, người phụ trách việc phân phát đồ cứu trợ báo tin cho biết là tổ chức ”Cứu trợ Hoa Kỳ” quyết định không gởi thực phẩm cho chúng tôi nữa.

Tin này đến với chúng tôi như ”cú sét”! Tìm đâu ra tiền để nuôi sống bao nhiêu mạng người? Viễn tượng đen tối này xé nát ruột gan chúng tôi. Nơi kho thực phẩm, chúng tôi chỉ còn vỏn vẹn hai bao thực phẩm. Trong những ngày tới đây, chúng tôi bị bó buộc phải đóng cửa, không tiếp nhận ai đến xin thức ăn nơi cứ điểm truyền giáo nữa! Những ngày đó, khi quì trong nhà thờ cầu nguyện hoặc viếng Mình Thánh Chúa, tâm trí tôi cứ bị chi phối bởi cảnh tượng đói khổ của người nghèo.

Chính trong thời gian ấy, người phụ nữ đạo đức ”Bà Bánh Kẹo” bất ngờ đến thăm cứ điểm truyền giáo. Bà cũng chứng kiến cảnh tượng quen thuộc: những đứa trẻ ốm o và những người già cả gầy còm ngồi bệt dưới đất và. . chờ đợi! Nhưng lần này, các khuôn mặt chờ đợi lộ vẽ buồn bã và âu lo hơn. Bà thắc mắc hỏi cho biết lý do. Chúng tôi trình bày thảm cảnh thiếu lương thực. Nghe xong, bà động lòng trắc ẩn và hứa sẽ vận động sự cứu trợ nơi các đồng nghiệp của bà.

Một thời gian ngắn sau đó, đồ cứu trợ đến thường xuyên với chúng tôi, như một phép lạ hóa bánh ra nhiều, khiến mỗi ngày chúng tôi có thể nuôi sống 250 người nghèo gồm trẻ em và người già cả.

... Đức Chúa GIÊSU cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên Trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con (Matthêu 14,19-21).

(”L'impossibile è possibile”, Edizione ”Città dei Ragazzi”, 1990, trang 165-166)
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:03 21/05/2008
ĐI QUA BÃI LẦY

N2T


Qua cơn mưa trời lại sáng, trên trời xuất hiện một cầu vồng, nhưng đường sá thì vẫn rất nhiều bùn lầy. Trên mặt đất, vũng nước có chỗ sâu chỗ cạn, chứng tỏ trận mưa vừa qua không phải là nhỏ. Có một người mù đang đi thật nhanh trong thời tiết này.

Ông ta rất vội vàng, muốn đi thật nhanh qua đoạn đường khó đi ấy, nhưng mắt nhìn không thấy, nên ông ta chỉ có cách là bước từng bước thử xem. Nhưng vì không cẩn thận nên ông ta đi vào trong vũng bùn nhão nhẹt, làm cho giày và quần nhơ bẩn. Trong lòng ông ta suy nghĩ, nếu có người đến giúp mình thì tốt biết mấy !

Lúc ấy, có một người bị què đang chống gậy đi tới, từng bước từng bước khó nhọc xê dịch đôi chân bước đi. Mặc dù ông ta có sức lực nhưng hiệu quả không lớn, ông ngừng lại chùi những giọt mồ hôi trên trán, không ngừng than vãn: “Đi như thế này thật chậm quá sức.”

Thính lực của người mù rất tốt,, anh ta nghe gần bên có tiếng người nói, bèn mở miệng nói: “Xin anh làm ơn giúp tôi đi quan đoạn đường khó này, được không ?”

Người què nghe được thì trả lời: “Thân tôi tự mình đã khó khăn, anh không biết đó thôi, tôi bị què chân.”

Người mù nói: “Như vậy thì làm sao mới được nhỉ, tôi không thấy gì cả.”

- Người què nói. “Hay là như thế này, tôi có ý kiến này, chúng ta có thể giúp đỡ nhau.”

- “Được lắm, anh có thể nói phải làm sao ?”

- “Anh có thể cõng tôi, và tôi có thể chỉ cho anh nên đi đường nào và không nên đi đường nào, anh thấy như thế nào ?”

- “Vậy thì chúng ta thử xem sao !”


Người mù ngồi xổm xuống để cho người què chân từ từ leo lên lưng. Bởi vì hai người phối hợp rất tốt, cho nên đi ra khỏi đoạn đường bùn lầy rất nhanh.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Khi gặp khó khăn thì chỉ có thể “lấy ưu điểm của người khác để bù khuyết điểm của mình” mà thôi, khi qua khỏi cửa ải khó khăn thì không còn là chuyện khó khăn nữa. Cộng đoàn, đoàn đội hợp tác đều như thế, nếu mọi người ai cũng lấy cái hay của mình bù cho cái dở của người khác, thì chuyện gì cũng có thể tiến hành thuận lợi, hợp tác thành công.

Khi các em đi học nhóm học tổ với nhau thì rất dễ dàng phát huy những năng khiếu của mình; nếu cùng học hành chung với nhau một khối, một tổ, thì chắc chắn mọi công việc, bài vở sẽ làm tốt hơn vì nếu người này suy nghĩ chưa ra thì có người khác, nếu người này làm không được thì có người khác đưa ra cách làm hay hơn.v.v... đó chính là “lấy ưu điểm của người khác để bù đắp khuyết điểm của mình” đó, kiểu bù đắp này rất có lợi cho mỗi người. Các em phải biết rằng: không ai là người giỏi giang đến mức thập toàn, cho nên cần phải cùng nhau học tập, cùng nhau trở thành những người bạn tốt của nhau trong nhóm học tập. Người mù và người què thành công là vì biết nương dựa vào cái ưu điểm của mỗi người.

Gia đình của chúng ta là một cộng đoàn nho nhỏ, có cha mẹ và các anh chị em, mỗi người đều có cái ưu điểm và khuyết điểm riêng của mình, cho nên cần phải giúp đỡ nhau, như câu tục ngữ có nói: “chị ngã em nâng”, nghĩa là luôn luôn giúp đỡ nhau và quan tâm đến nhau, nhất là đối với anh chị em trong gia đình.

Các em thực hành:

- Sẵn sàng giúp đỡ các em trong nhà giải thích bài tập khi các em cần đến.

- Sẵn sàng khiêm tốn giúp đỡ các bạn khi học nhóm học tổ, chứ không kiêu ngạo ngồi nhìn các bạn mà cười nhạo.

- Luôn nhờ mình vẫn là người chưa hoàn hảo, còn nhiều khuyết điểm, để tập tính khiêm tốn...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:04 21/05/2008
N2T


30. Thiên Chúa ban cho chúng ta ân điển là để chúng ta tự dùng, và cũng để chúng ta chia sẻ với tha nhân.

(Thánh Teresa of Lisieux)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội nghị về Truyền Thông của các Trường Đại học Công Giáo
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:02 21/05/2008
Vatican (VIS) - Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội sẽ tổ chức Hội nghị đầu tiên cho các khoa Truyền thông của các trường đại học Công Giáo từ ngày 22 đến 24 tháng Năm tại Đại học Giáo Hoàng Urban của Rôma.

Theo bản thông cáo, hội nghị này sẽ quy tụ các giáo sư về truyền thông của các trường đại học Công Giáo từ nhiều nước nhằm mục đích “củng cố và mở rộng mối quan hệ cộng tác” giữa Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội và các đại diện của các trường đại học Công Giáo, và “mang đến cho Hội đồng sự hiểu biết đầy đủ hơn về lĩnh vực hoạt động của các tổ chức này cũng như nhận thức sâu sắc hơn về những kỹ năng, tài năng và phẩm chất của những người làm việc trong lĩnh vực này”.

Thông cáo cũng cho biết thêm: “Diễn văn khai mạc hội nghị sẽ phác thảo sự biến đổi của thế giới truyền thông và những thách đố mà những người tận tâm với công cuộc giáo dục phải đối mặt về tương tai của người làm truyền thông chuyên nghiệp”.

Những phiên họp tiếp theo của hội nghị sẽ xoay quanh các chủ đề: “Nhận dạng và sứ mệnh của khoa truyền thông của các trường đại học Công Giáo trong các bối cảnh địa lý và giáo hội khác nhau”; “Giáo dục đạo đức của những người làm truyền thông”; “Chuẩn bị các chương trình nghiên cứu, làm thế nào để các chương trình nghiên cứu trong các khoa của trường đại học Công Giáo phản ánh sứ mệnh đặc trưng của các trường đại học đó?”
 
Lãnh Tụ Công Giáo Lebanon Xin Tổng Thống Bush Giúp Đỡ Các Láng Giềng
Bùi Hữu Thư
12:03 21/05/2008

Lãnh Tụ Công Giáo Lebanon Xin Tổng Thống Bush Giúp Đỡ Các Láng Giềng



Đức Hồng Y Sfeir tiếp tục du hành để tìm kiếm hòa bình cho Trung Đông

HOUSTON, Texas, 20 tháng 5, 2008
– Thượng Phụ giáo hội Maronite ở Antioch nói ngài sẽ xin Tổng Thống Bush giúp đỡ để cho Lebanon có chủ quyền và được độc lập.

Đức Hồng Y Nasrallah Pierre Sfeir nói như vậy ngày thứ hai vừa qua khi thăm viếng Nhà Thờ Đức Mẹ Cedars Maronite ở Texas, theo báo Houston Chronicle.

Đức Hồng Y Sfeir nói, "Chúng tôi cần được đảm bảo rằng các quốc gia láng giềng sẽ không tấn công, xâm chiếm, hay làm nguy hại đến chủ quyền của Lebanon. Tôi xin Tổng Thống Bush giúp đỡ để Lebanon có chủ quyền và độc lập và có được tình trạng tốt đẹp nhất với tất cả các nước láng giềng."

Vị thượng phụ sẽ được Thổng Thống Bush tiếp kiến ngày thứ năm 22/5/2008.

Đức Hồng Y Sfeir đang du hành qua nhiều quốc gia khởi sự từ ngày 4 tháng 5. Nơi ngài dừng chân đầu tiên là Nam Phi, và trong hành trình tại Mỹ ngài đã viếng thăm New York, Philadelphia, và Houston, Texas.

Ngày thứ năm ngài đã thuyết trình tại Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc, nơi ngài trình bầy các vấn đề khác nhau Lebanon phải đối phó. Ngài cũng được Tổng Thư Ký Ban Ki-moon tiếp kiến riêng.

Cuộc chiến tại Lebanon đã gia tăng ngày 7 tháng 5 khi chính phủ ngăn cấm nhóm Shiite Hezbollah sử dụng hệ thống truyền thanh. Trên 80 người đã bị thiệt mạng từ ngày đó. Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi hoà bình cho Lebanon sau khi cầu nguyện kinh Nữ Vương Thiên Đàng tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 11 tháng 5.

Tình hình phức tạp về chính trị và xã hội tại Lebanon đã có kết quả là tạo nên một khoảng trống rỗng về quyền hành tại quốc gia này. Kể từ tháng 11, 2007, các phái đối nghịch đã không thể ngồi lại với nhau để bầu lên một thổng thống.
 
ĐHY Kasper của Toà Thánh đến Nga gặp gỡ tín hữu Chính Thống
Đức Long
12:46 21/05/2008
VATICAN -- Ngày 21/5/08, ĐHY Kasper đại diện quan hệ ngoại giao giữa Giáo Hội Công Giáo và các niềm tin Kitô giáo khác, bắt đầu tông du Nga sáu ngày, nhất là sẽ gặp thượng phu Chính Thống Alexis II, theo thông cáo của Toà Thánh.

ĐHY Kasper sẽ trao cho vị lãnh tụ Giáo Hội Chính Thống Nga thông điệp và món quà của ĐGH Biển Đức XVI vì sự tăng tiến hiệp nhất Kitô hữu, thông cáo Hội Đồng Giáo Hoàng cho biết.

Vị Hồng Y chức sắc người Đức này cũng sẽ gặp gỡ cộng đồng người công giáo ở Moscou trong thánh lễ ngày thứ năm tại nhà thờ lớn thành phố.

ĐHY Kasper gặp Thượng phụ Alexis II năm 2004
Ngoài Moscou, ĐHY sẽ đến Smolénk ( miền tây), Kazan và Novgorod, nơi đây ngài sẽ tiếp cận một số di sản tôn giáo, văn hoá truyền thống Nga.

Nhất là ngài sẽ đến kính viếng bức tranh Đức Bà Kazan nổi tiếng, được ĐGH Gioan Phao II trả lại cho người chính thống năm 2004.

Theo nguồn tin của Toà Thánh, chuyến tông du của ĐHY Kasper muốn bảy tỏ sự quan tâm của Toà Thánh đối với Giáo Hội chíng thống Nga, trong những tháng gần đây được đánh dấu bằng những cuộc gặp gỡ với thượng phụ hiệp nhất Constantinople, là một vùng chính thống giáo khác.
 
Mục vụ chống các tổ chức tội phạm mafia nam Italia
Linh Tiến Khải
13:08 21/05/2008
Mục vụ chống các tổ chức tội phạm mafia nam Italia

Một số nhận định của Đức Cha Luciano Bux, Giám Mục Giáo Phận Oppido-Palmi về công tác mục vụ cho giới trẻ miền nam Italia, chống lại ảnh hưởng của các tổ chức tội phạm mafia

Trong các tháng qua tại Napoli và các tỉnh miền nam Italia đã xảy ra nhiều vụ thanh toán giữa các thành phần băng đảng tội phạm mafia, tranh giành ảnh hưởng, vùng đất làm ăn và buôn bán ma túy, khiến cho nhiều người chết. Các vụ thanh toán nhau hằng tuần khiến cho người ta có cảm tưởng quay trở lại tình trạng bạo lực bất ổn của các thập niên 1980 với hàng ngàn người bị sát hại.

Nhưng thực ra người trẻ con cái của các gia đình tổ chức tội phạm đang kêu cứu, vì họ muốn thoát ra khỏi cảnh hỏa ngục đó của bạo lực. Họ muốn thay đổi bầu khí gia đình và bầu khí xã hội. Giáo phận Oppido-Palmi đã phát động chiến dịch ”mục vụ tội phạm” nhằm đáp trả lại tiếng kêu cứu đó, trong nhiều trường hợp bằng cách giúp họ xa rời môi trường tội phạm để xây dựng một cuộc sống mới.

Linh Mục Pino Demasi, Cha Chính giáo phận và là người điều hợp trung tâm ”Tự do” cho vùng Piana di Gioia Tauro, cho biết các cộng đoàn địa phương nhỏ nên trẻ em con cái của các gia đình tội phạm cũng đến nhà thờ sinh hoạt. Và giới phụ huynh cũng thích gửi con em của họ đến trung tâm để sinh hoạt với các trẻ em và người trẻ khác. Dĩ nhiên khi người trẻ trao đổi đối thoại với nhau, cũng có thể có nguy cơ một vài em bị ảnh hưởng kiểu suy tư lý luận của chúng, nhưng ngược lại chúng cũng nhận được ảnh hưởng tốt, bắt đầu nghi ngờ, đặt vấn đề và sau cùng muốn thoát khỏi bầu khí tội phạm của gia đình.

Đa số các em còn trẻ và chưa liên lụy tới các sinh hoạt tội phạm của người lớn trong gia đình. Đối với các em thì việc can thiệp dễ dàng hơn. Nhưng trong các năm qua cũng đã xảy ra các trường hợp tế nhị và khó khăn hơn, vì các người trẻ đã lún sâu vào các hoạt đông băng đảng và tổ chức tội phạm mafia. Họ đến xin cha giúp họ đi xa hay di cư ra nước ngoài sinh sống. Giáo Hội sẵn sàng trợ giúp họ, nhưng phải rất thận trọng và điều tra cẩn thận để biết xem họ có thực lòng hay không, sau đó mới đưa họ đi xa. Cha Pino cho biết chương trình trợ giúp này đang đem lại các kết qủa rất tích cực trong giáo phận. Điều quan trọng đó là kể cả các tổ chức chặt chẽ như các tổ chức tội phạm mafia cũng bắt đầu nhượng bộ, chứ chúng không phải là các pháo đài kiên cố ngàn đời như họ và nhiều người vẫn thường tưởng nghĩ.

Để trợ giúp các người trẻ ở trong tình trạng này vào cuối năm 2004 giáo phận đã cộng tác với hiệp hội ”Tự Do” của linh mục Luigi Ciotti thành lập hợp tác xã ”Valle del Marro-Libera terra - Thung lũng Marro Vùng đất tự do”, với sự trợ giúp của Dự án Policoro của Hội Đồng Giám Mục Italia.

Tù đó đến nay có mười hai bạn trẻ canh tác trên thửa đất rộng 80 mẫu tây do chính quyền Italia tịch thu của các tổ chức tội phạm mafia vùng Piana, từ Piromalli cho tới Mammoliti. Sáng kiến này đã là một thành công rất lớn của giáo phận.

Các sản phẩm do hợp tác xã sản xuất được bán lên miền bắc Italia và sang cả bên Đức nữa. Cũng chính tại Gioia Tauro giáo phận đã xây ngôi nhà thờ đầu tiên trên đất tịch thu của các tổ chức tội phạm. Ngoài ra Caritas giáo phận, Học viện khoa học tôn giáo và các hiệp hội khác của giáo phận có văn phòng trong một tòa nhà do chính phủ tịch thu của các tổ chức tội phạm. Dĩ nhiên các sinh hoạt này của giáo phận khiến cho các tổ chức tội phạm rất căm tức. Cũng đã có một vài vụ khủng bố và các lời đe dọa, nhưng không ai tỏ ra sợ hãi và nhượng bộ các tổ chức này, đứng đầu là chính Đức Cha Luciano Bux, Giám mục giáo phận.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Luciano Bux, Giám Mục giáo phận Oppido-Palmi, vùng Calabria nam Italia, về công tác mục vụ của Giáo Hội trong nỗ lực giúp giới trẻ chống lại các mẫu sống tiêu cực trong xã hội nam Italia hiện nay.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Cha nhận định gì về tình trạng bạo lực lan tràn giữa các thành phần của nhiều băng đảng tội phạm mafia khác nhau, trong vùng Napoli gọi là ”n'drangata”?

Đáp: Các tổ chức tội phạm mafia đang thực hiện một loại ”mục vụ mafia” bằng cách đề nghị với người trẻ các mẫu văn hóa tiêu cực và hứa hẹn tìm công ăn việc làm cho họ. Loại mục vụ này được nghiên cứu rất kỹ lưỡng nhằm ảnh hưởng trên tâm lý của giới trẻ. Chẳng hạn trong vùng Gioia Tauro, phụ nữ thành phần của các gia đình tội phạm mafia, làm các đĩa nhạc CD hay đĩa hình DVD hát các bài hát chống lại các nhân viên công lực và phổ biến giữa trẻ em và thanh thiếu niên. Các em bé tiểu học chép lại chúng và nghe suốt ngày.

Liên quan tới công ăn việc làm. Họ điều tra lý lịch của người trẻ muốn được trợ giúp kỹ lưỡng y như cảnh sát vẫn làm. Và khi các tổ chức tội phạm mafia này thấy là có thể móc nối với một số người trẻ đang cần việc làm, họ mới đưa ra các đề nghị và hứa hẹn với các bạn trẻ, kể cả các người trẻ đã học thành tài và có bằng tiến sĩ. Thí dụ họ nói: Bạn đang cần công ăn việc làm phải không? Chúng tôi có công ăn việc làm và đang tìm các người đáng tin cậy, làm việc tại các nơi khác trong nước Italia hay ở cả nước ngoài nữa.

Hỏi: Giáo Hội Công Giáo đáp ứng nhu cầu cần được trợ giúp của người trẻ ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Đa số người lớn trong xã hội miền nam Italia đã không được giáo dục sống như những người tự do và có tinh thần trách nhiệm, vì thế họ ở trong hoàn cảnh bị điều kiện hóa vì sợ hãi và âu lo. Và họ cũng không có thói quen đối thoại, hay đưa ra các sáng kiến, trong khi bắt đầu với người trẻ thì dễ hơn.

Tôi có các linh mục chuyên làm việc mục vụ cho giới trẻ. Và tôi không thấy có phương thế nào khác, vì đây là một sự kiện văn hóa. Con người sống trong một xã hội như thế thường bị cô lập, vì thế cần phải quy tụ họ lại với nhau để họ có thể sống như những con người thật sự tự do, và không bị điều kiện hóa. Khi người trẻ đến và thấy kiểu sống này thì họ tin tưởng. Như thế trên bình diện mục vụ đó là vấn đề tâm thức lo sợ và các thói quen cổ xưa, thái độ chịu trận, cần phải giúp họ thắng vượt được chúng.

Hỏi: Trong các năm qua Đức Cha đã đề ra một lộ trình với các sáng kiến rất là cụ thể, như các sáng kiến liên quan tới việc sử dụng các tài sản mà chính quyền tịch thu từ các tổ chức tội phạm mafia. Người ta đã phản ứng ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Ban đầu đã có người, kể cả một vài linh mục, nói rằng phải cẩn thận, vì Giáo Hội sử dụng các tài sản mà các tổ chức tội phạm vẫn tiếp tục coi là gia sản riêng của họ. Nhưng tôi đã tiếp tục tiến hành các sáng kiến sử dụng các tài sản đó cho công tác mục vụ giới trẻ. Rồi Chúa cũng định liệu giúp một tay.

Hỏi: Đức Cha nói Chúa định liệu giúp Đức Cha trong việc này?

Đáp: Vâng, tôi nghĩ là như thế. Và cả trong nhiều trường hợp khác cũng thế. Chẳng hạn khi chúng tôi đã phải xây một nhà thờ mới cho giáo xứ Thánh Gia tại Palmi, chúng tôi đã tổ chức một cuộc thi đấu thầu, theo các luật lệ đấu thầu công cộng. Qúy vị không biết tôi đã chịu nhiều áp lực đến thế nào, để giao việc xây cất này cho một người bạn của một người bạn, theo thói quen của thế giới làm ăn tội phạm. Ngay cả sau khi đã có người trúng thầu, vẫn có người đến nói với tôi: Thưa Đức Cha, coi vậy chứ công việc cũng còn khó khăn. Nhưng mà nếu Đức Cha hủy bỏ chương trình đấu thầu này, thì xin Đức Cha cứ giao phó việc xây cất cho anh bạn của con. Và ban chiều trong hộp thư Đức Cha sẽ tìm thấy điều đúng đắn cho một Giám Mục. Nghĩa là họ tìm cách mua chuộc cả Giám Mục nữa đấy.

Hỏi: Xem ra trong các năm qua người dân tin tưởng nhiều hơn nơi Giáo Hội, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Vâng, các linh mục được dân chúng qúy mến và đánh giá cao, vì các vị là những người có thể tin cậy được và làm việc hết mình để phục vụ dân chúng.

Hỏi: Trong vùng này còn thiếu cái gì cho phép người dân thoát ra khỏi các hoàn cảnh sống bị điều kiện hóa kể trên thưa Đức Cha?

Đáp: Thiếu ý chí được tự do. Nơi giới trẻ thì chắc chắn là có ý chí tự do, nhưng nơi người lớn thì ít hơn. Người trẻ cương quyết nói: ”Hoặc là sống ở đây nhưng mà phải được tự do, còn nếu không thì ra đi sống nơi khác”. Họ muốn ra khỏi gia đình, nơi xảy ra xung khắc giữa các thế hệ. Không phải xung khắc tình cảm, nhưng là xung khắc liên quan tới quan niệm và hướng sống. Và họ nói: ”Thôi đủ rồi, không thể sống mãi với sự sợ hãi được nữa”.

Hỏi: Thế thì ai là người có thể giúp giới trẻ ra khỏi tình trạng đó?

Đáp: Người ta nói là ngoài Giáo Hội ra, thì không có ai có thể giúp người trẻ thoát khỏi cảnh sống tù ngục của sự sợ hãi đó. Và riêng cá nhân tôi, tôi cũng không trông thấy một lối nào khác... May ra có các cơ cấu nào đó, như các cơ cấu dân sự, hay học đường có thể giúp được họ tí nào chăng... Tôi cầu xin Chúa cho tôi gặp các tổ chức nhậy cảm đối với các vấn đề của giới trẻ. Nhưng khi không có lợi nhuận thì các tổ chức này cũng bất động, chịu trận và không có khả năng đưa ra các sáng kiến trợ giúp giới trẻ.

(Avvenire 1-5-2008)
 
Giáo phụ Romano il Melode, thần học gia, thi sĩ và nhạc sĩ
Linh Tiến Khải
13:10 21/05/2008
VATICAN - Sáng thứ tư 21-5-2008 vì trời Roma mưa lớn Đức Thánh Cha đã phải tiếp kiến tín hữu tại hai nơi: trước hết trong đền thờ thánh Phêrô, tiếp đến trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một giáo phụ ít được biết tới đó là giáo phụ Romano il Melode. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, trong loạt bài giáo lý về các Giáo Phụ của Giáo Hội, hôm nay tôi muốn đề cập tới một gương mặt ít được biết đến là Romano il Melode, chào đời khoảng năm 490 tại Emessa, ngày nay là Homs bên Siria. Là thần học gia, thi sĩ và nhạc sĩ, người thuộc hàng ngũ các thần học gia đã biến thần học thành thơ phú. Chẳng hạn như thánh Efrem người đồng hương sống 2 thế kỷ trước đó, hay thánh Ambrogio bên Tây Phương, mà các thánh thi do người sáng tác vẫn còn được dùng trong phụng vụ ngay nay và đánh động con tim chúng ta, hoặc một thần học gia, tư tưởng gia lớn như thánh Toma, người đã để lại cho chúng ta các bài thánh thi của lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa; hay thánh Gioan Thánh Giá và biết bao nhiêu vị khác nữa. Lòng tin là tình yêu và vì thế tạo thành thơ và làm ra nhạc. Lòng tin là niềm vui, do đó tạo ra vẻ đẹp.

Romano il Melode là một trong các vị đó, vừa là thần học gia vừa là thi sĩ vừa là nhạc sĩ. Sau khi học hiểu các yếu tố đầu tiên của nền văn hóa hy lạp và siriac tại quê sinh, Romano sang sống tại Berito, tức Beirut ngày nay, hoàn bị chương trình giáo dục cổ điển và các hiểu biết hùng biện.

Được phong làm Phó Tế vĩnh viễn (515) Romano rao giảng 3 năm tại đây, rồi đổi sang thành Constantinopoli vào cuối triều đại của hoàng đế Anastasio I (518), và sống trong tu viện gần nhà thờ Mẹ Thiên Chúa. Romano được Đức Mẹ hiện ra và ban cho đặc sủng thơ phú. Sáng hôm sau, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, ông bắt đầu ca hát từ tòa giảng: ”Hôm nay Đức Nữ Trinh sinh hạ Đấng Siêu Việt” (Sulla Nativita I. Proemio). Và thế là giáo phụ trở thành người thuyết giảng ca hát cho tới khi qua đời sau năm 555.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói giáo phụ Romano là một trong các tác giả các thánh thi đáng chú ý nhất. Thời đó bài giảng là cách dậy giáo lý duy nhất cho tín hữu, và giáo phụ Romano trở thành chứng nhân tâm tình tôn giáo của tín hữu thời đó và của kiểu dậy giáo lý độc đáo. Qua các sáng tác của người chúng ta có thể biết óc sáng tạo của hình thức dậy giáo lý này cũng như của tư tưởng thần học, mỹ thuật và nghệ thuật vẽ các ảnh thánh trên gỗ thời đó. Nơi giáo phụ giảng dậy là một đền thánh gần thành Constantinopoli. Giáo phụ lên tòa giảng ở giữa nhà thờ và thuyết giáo bằng cách dùng các hình ảnh trên tường hay các bức vẽ trưng bầy trên tòa giảng, và đối thoại với tín hữu. Các bài giảng của giáo phụ là các bài thánh thi có vần có điệu được hát lên, gọi là ”kontákia” là các cậy gậy nhỏ dùng để cuốn các văn bản phụng vụ hay các bản văn khác. Chúng ta còn giữ được 89 bài thánh thi, nhưng truyền thống cho biết có tới 1000 bài.

Mỗi thánh thi ”kontákion” bao gồm từ 18 đến 20 phiên khúc, với số vần bằng nhau, được cấu trúc theo mô thức của điệp khúc thứ nhất, có các dấu nhấn ở các câu và kết thúc bằng điệp khúc giống nhau để tạo thành sự thống nhất của toàn thánh thi. Ngoài ra chữ đầu của mỗi phiên khúc làm thành tên của tác giả thường có từ ”khiêm hạ” đi trước. Thánh thi kết thúc bằng một lời nguyện nhắc đến các biến cố cử hành. Sau khi kết thúc bài đọc Kinh Thánh, Romano cất bài hát dẫn nhập loan báo đề tài bài giảng và giải thích điệp khúc, mà cả cộng đoàn lập lại sau mỗi phiên khúc do giáo phụ hát lớn tiếng.

Đức Thánh Cha đã trưng dẫn vài thí dụ của kiểu giảng dậy giáo lý này của giáo phụ Romano il Melode. Điển hình và ý nghĩa là bài thánh thi cho Ngày Thứ Sáu Khổ Nạn: đó là cuộc đối thoại giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu trên đường thập giá. Đức maria nói: ”Con ơi, Con đi đâu vậy? Tại sao Con lại chu toàn đường đời Con mau như thế? Con ơi, có bao giờ Mẹ ngờ rằng phải trông thấy Con trong cảnh huống này, có bao giờ Mẹ tưởng được rằng người gian ác có thể tạo ra kinh hoàng như thế, tra tay bắt Con chống lại mọi công lý?” Chúa Giêsu đáp: ”Mẹ ơi, tại sao Mẹ lại khóc? (...) Con lại không phải khổ đau hay sao? Con lại không phải chết hay sao? Như thế làm sao Con có thể cứu rỗi Ađam được?” Con của Đức Maria yên ủi Mẹ mình, nhưng nhắc cho Mẹ nhớ tới vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ: ”Vì thế, Mẹ ơi, hãy thôi buồn đau: đừng rên siết thêm nữa, vì Mẹ được gọi là ”đấng đầy ơn phước” (Maria ai piedi della croce, 1-2; 4-5). Trong thánh thi về cuộc tế lễ Igiaác, bà Sara dành cho mình quyền quyết định về sự sống của Igiaác.

Giáo phụ Romano không sử dụng tiếng hy lạp bisantin trang trọng của triều đình, nhưng dùng một thứ hy lạp đơn sơ, gần gũi với ngôn ngữ của dân chúng. Người nói về Chúa Giêsu một cách sống động, riêng tư và gọi Ngài là ”suối nguồn không cháy và ánh sáng chống lại tối tăm” và nói: ”Con bừng nóng khi cầm Chúa trong tay như một ngọn đèn; thật ra, ai cầm một ngọn đèn giữa loài người thì được chiếu sáng mà không đốt cháy. Vì thế xin Chúa hãy soi sáng cho con, Chúa là Ngọn Đèn không thể dập tắt” (La Presentazione o Festa dell'incontro, 8).

Sức mạnh thuyết phục của các bài giảng của giáo phụ dựa trên sự trung thực của lời nói và cuộc sống. Trong một lời cầu giáo phụ xin với Chúa: ”Ôi Đấng Cứu Thế của con, xin cho lưỡi con sáng sủa, xin mở miệng con và sau khi làm tràn đầy nó, xin hãy đâm thấu trái tim con để cho hành động của con trung thực với lời con nói” (Missione degli Apostoli, 2).

Trong phần hai của bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã duyệt xét một số đề tài lời giảng dậy của giáo phụ Romano, ngài nói:

Một đề tài nòng cốt trong lời giảng dậy của người là sự thống nhất hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, sự thống nhất giữa việc sáng tạo và lịch sử cứu độ, sự thống nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước. Một đề tài quan trọng khác nữa là thánh thần học, nghĩa là giáo lý về Chúa Thánh Thần. Trong lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống giáo phụ nhấn mạnh sự tiếp nối giữa Chúa Kitô lên trời và các tông đồ, nghĩa là Giáo Hội, và ca ngợi hoạt động truyền giáo của các vị trên thế giới: ”với sức mạnh của Thiên Chúa các vị đã chinh phục con người; đã cầm thập giá Chúa như ngòi bút, đã dùng lời nói như lưới và bắt cá thế gian, đã có Ngôi Lời như móc câu nhọn, và thịt của Vua vũ trụ như mồi cho họ” (La Pentecoste, 2,18).

Còn có một đề tài chính khác là Kitô học. Giáo phụ không đi vào chi tiết các ý niệm khó của thần học được tranh luận nhiều và cũng xé rách sự hiệp nhất giữa các thần học gia cũng như tín hữu trong Giáo Hội. Người chỉ giảng một loại Kitô học đơn sơ nhưng nền tảng của các Công Đồng Chung lớn. Nhưng nhất là gần gũi với lòng đạo đức bình dân. ”Chúa Kitô là người nhưng cũng là Thiên Chúa, không phân chia làm hai nhưng là Một, Con của một Cha và Duy Nhất” (la Passione 19). Riêng đối với Đức Maria, vì nhớ ơn Mẹ đã ban cho đặc sủng thơ phú, giáo phụ nhắc tới Mẹ ở cuối mọi bài thánh thi và dâng kính Mẹ các bài thánh thi hay đẹp nhất trong các lễ Sinh Nhật, Truyền Tin, Chức là Mẹ Thiên Chúa, Eva Mới.

Sau cùng các giáo huấn luân lý của giáo phụ hướng tới ngày phán xét sau hết, là sự thật cuối cùng của đời người, khi chúng ta phải đứng trước Thẩm Phán công chính. Vì thế giáo phụ khuyến khích mọi người hoán cải sám hối và ăn chay. Một cách tích cực Kitô hữu phải sống bác ái và làm phúc bố thí.

Các thánh thi của giáo phụ tràn đầy nhân bản, sự hăng say của lòng tin và sự khiêm nhường sâu thẳm. Thi sĩ nhạc sĩ thần học gia này nhắc nhớ cho chúng ta biết kho tàng của nền văn hóa Kitô, nảy sinh từ lòng tin, từ con tim của người đã gặp gỡ Chúa Kitô Con Thiên Chúa. Từ tiếp xúc đó của con tim với Chân Lý là Tình Yêu nảy sinh ra nền văn hóa Kitô lớn lao. Và nếu lòng tin sống động, thì gia tài văn hóa cũng sẽ không chết, nhưng sống động và hiện diện.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
ĐGH cầu nguyện cho hội nghị về bom chùm
Phụng Nghi
14:00 21/05/2008
Dublin (CNA) – Đức Giáo hoàng Bênêđictô đã cầu nguyện cho Hội nghị Ngoại giao về Đạn dược Nổ chùm được thành công. Hội nghi này mở ở Ái nhĩ lan, hy vọng thương thảo được một hiệp ước cấm sử dụng những vũ khí giết người này.

Theo tường trình của Đài phát thanh Vatican, các tổ chức nhân đạo cho biết một hiệp ước cấm sử dụng là điều khẩn thiết bởi vì các vũ khí này gây ra “mối nguy hại không thể chấp nhận được đối với thường dân vô tội”. Khi một vũ khí nổ chùm được sử dụng, nó bắn tung ra hàng ngàn trái bom nhỏ, dàn trải trong một khu vực rộng lớn. Một số trái bom nhỏ này có thể không nổ ngay và có thể làm bị thương hoặc giết hại thường dân đi trở về khu vực đó.

Trong những năm vừa qua, loại vũ khí này được sử dụng tại Kosovo, Camphuchia, Afghanistan và Lebanon.

Bảy quốc gia nòng cốt, trong đó có Ái nhĩ lan và Tòa thánh, đã đóng một vai trò hàng đầu trong việc đem các cuộc thương thảo tới giai đoạn hiện nay. Hơn 100 quốc gia gửi đại diện tới tham gia hội nghị.

Những nước sản xuất và dự trữ bom chùm, trong đó có Hoa kỳ, Anh, Trung quốc, Nga và Israel, chống đối việc cấm sử dụng.

Cuối tuần qua, Đức Giáo hoàng có nói đến đề nghị cấm sử dụng loại vũ khí này. Ngài nói: “Điều cần thiết là phải hàn gắn các lỗi lầm trong quá khứ và tránh đừng để xảy ra trong tương lai. Tôi xin cầu nguyện cho các nạn nhân của bom chùm, cho gia đình họ, và cả cho các đại biểu của hội nghị, với lời cầu chúc đạt được thành công tốt đẹp."

Vào ngày chủ nhật, lúc đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh cha nói rằng hội nghị này là một “biến cố quan trọng.”

“Tôi hy vọng rằng, nhờ ở trách nhiệm của tất cả các tham dự viên, chúng ta có thể đạt được một hiệp ước quốc tế mạnh mẽ và hiệu quả; quả thật, cần phải sửa chữa các lỗi lầm trong quá khứ và tránh việc lặp lại trong tương lai."

Hội nghị Dublin theo dự tính sẽ kéo dài tới ngày 30 tháng 5. Nếu hội nghị đạt được một thỏa hiệp, sẽ tạo được hiệp ước giải trừ vũ khí quan trọng nhất kể từ thỏa hiệp đạt được 10 năm trước đây tại Ottawa cấm mìn bẫy trên đất.
 
Đức Tổng Giám Mục Denver Nhắn Nhủ Nhóm Công Giáo Ủng Hộ Obama
Anthony Lê
17:05 21/05/2008
Đức Tổng Giám Mục Denver Nhắn Nhủ Nhóm Công Giáo Ủng Hộ Obama

Vì Nếu Họ Dùng Danh Nghĩa Công Giáo mà Ủng Hộ Cho Obama Thì Họ Phải Cần Sẳn Sàng Để Diện Đối Với Những Trẻ Em Đã Bị Giết Chết Đi Vì Nạn Phá Thai Ở Đời Sau

DENVER, Colorado (Zenit.org).- Đức Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Denver gửi lời chúc may mắn đến cho một nhóm được gọi là "Những Người Công Giáo Ủng Hộ Cho Obama" (Roman Catholics for Obama) về việc nhóm này hy vọng rằng Ứng cử viên này sẽ thay đổi quan điểm của Ông ta về nạn phá thai, vì theo ĐTGM Denver đây mới đúng là điều mà họ phải cần đến.

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput trong tờ báo của TGP Denver, tờ Denver Catholic Register vào hôm thứ Hai vừa đã viết về "Những Suy Tư của Ngài đối với 'Nhóm Những Người Công Giáo Ủng Hộ cho Obama.'"

Ngài bắt đầu dòng suy nghĩ của mình bằng cách đề cập đến sự thay đổi trong thái độ của Ngài dành cho các chính trị gia ủng hộ phá thai.

Và Ngài viết như thế này:

"Bốn mươi năm trước vào tháng này Bobby Kennedy vẫn còn sống và đang ra tranh cử Tổng Thống dưới sự đề cử của Đảng Dân Chủ vào năm 1968, lúc đó tôi hãy còn là một chủng sinh tại Washington, D.C, và tôi cũng là một thỉnh nguyện viên rất tích cực cho chiến dịch vận động tranh cử của Ông ta [...vân vân.. .]. Sau khi RFK [đã bị ám sát], ý nghĩa của cuộc bầu cử 1968 dường như bị tan biến. Tôi mất đi sự hứng thú trong chánh trị.

Tôi đã không tham gia vào cuộc vận động tranh cử nào mãi cho đến sự xuất hiện của Jimmy Carter. Carter đã thu hút tôi bởi vì Ông trông có vẽ là một chính trị gia không có gì là đặc biệt cho lắm. Ông ăn nói bình thường, thật thà, là một người Kitô Giáo nghiêm túc và một người ở bên ngoài thế lực của Washington. Thế là tôi đã ủng hộ cho Ông ta trong suốt cuộc tranh cử năm 1976 khi đó tôi là một vị Linh Mục trẻ tuổi đang làm việc ở tiểu bang Pennsylvania. […] Carter mắc phải một sai lầm rất nghiêm trọng chống lại Ông ta [.......] Tôi biết là Carter có quan điểm sai lầm về vụ Roe chống lại Wade, và có quan điểm dễ dãi đối với chuyện phá thai.

Nhưng với tư cách là một vị Linh Mục, tôi có đủ lý do để minh chứng việc tôi đã làm việc cho Ông ấy vì Ông không đến nổi là người 'cực lực' 'phò chuyện phá thai' cho lắm. Đúng vậy, Ông đã giữ một quan điểm hết sức sai lầm về một vấn đề hết sức hệ trọng, thế nhưng tôi vẫn tin Ông ta đúng trong rất nhiều vấn đề khác có liên quan tới 'Công Giáo' so với đối thủ của Ông lúc đó. Bài toán đạo đức luân lý trông có vẽ dễ dàng. Tôi nghĩ chúng tôi có thể cứu chữa lấy vấn nạn phá thai sau khi Carter an toàn quay trở lại chức vụ trong nhiệm kỳ mới."

Những Nổ Lực Gây Sự Lúng Túng

Đức Tổng Giám Mục Chaput nhớ lại quan điểm chính trị của Ngài đã thay đổi như thế nào khi diện đối với vấn đề có liên quan đến sự phá thai hay nói cách khác sự giết hại một cách tàn nhẫn những trẻ thơ yếu ớt chưa được phép lọt lòng mẹ.

Ngài viết:

"Carter tái tranh cử những thất bại, thế nhưng thậm chí với người cực lực cổ võ cho việc bảo vệ sự sống như Cố Tổng Thống Ronald Reagan, sự giao tranh quyết liệt, tính không trung thực và thái độ không nhân nhượng của những người vận động hành lang cho chuyện phá thai đã gây ra rất nhiều sự lúng túng cho bất kỳ mọi nổ lực nào nhằm cố gắng bảo vệ sự sống kể từ thời gian đó trở đi. Vào những năm sau khi Carter thất cử, tôi đã bắt đầu chú ý và thấy rằng rất ít người, ngay cả những người tự coi họ là Công Giáo - những người vốn tự nhận là bản thân họ hoàn toàn chống đối lại chuyện phá thai - lại thật sự dám hành động ra điều gì đó để bảo vệ cho quan điểm phò sinh của họ cả. Họ chẳng có ý định hành động gì cả.

Đối với họ, sự chống đối cá nhân chỉ có bản thân họ biết mà thôi, còn mặc ai cứ làm gì thì làm, họ cứ dững dưng và thờ ơ, điều mà chúng ta thường thấy ngày nay. Thật sự mà nói, tôi không thể nêu ra nổi tên của bất kỳ một chính trị gia Công Giáo nào mà phò phá thai cả ra trước công luận, để nhằm cố gắng đẩy lùi đi chuyện phá thai hòng tìm cách bảo vệ mạng sống của những trẻ chưa được chào đời - thậm chí chỉ một tên tuổi mà thôi cũng không thể được nữa!

Một số người đề cập đến chuyện đó, và một số người rất có ý phò sinh, thế nhưng họ chẳng có hành động gì cả. Chỉ riêng ở Hoa Kỳ vào năm 2008 này, chuyện phá thai chính là hình thức có thể chấp nhận được của việc giết người. Và tình trạng đó sẽ cứ như thế mãi cho đến khi chính những cử tri Công Giáo phải buộc các đảng phái của họ và những viên chức được bầu ra phải hành động một cách khác thường để bảo vệ sự sống quý giá của con người."

Một Vấn Nạn Thời Nay

Đức Tổng Giám Mục Chaput giải thích rằng Ngài kể ra kinh nghiệm của Ngài là để nhóm "Những Người Công Giáo Ủng Hộ cho Obama" phải biết sáng suốt dùng chính những ngôn từ của ông ta để giải thích về quan điểm mà họ muốn ủng hộ cho ông này khi ông ta ra tranh cử Tổng Thống.

Nhóm này đã trích dẫn lại lời của Đức Tổng Giám Mục Chaput bằng cách nói rằng: "Liệu một người Công Giáo với lương tâm trong sáng có thể bầu cho một ứng viên phò phá thai không? Câu trả lời chính là: Không."

Thế nhưng, họ lại lý giải rằng phải vận động hành lang nhằm biến những ứng viên có quan điểm phò phá thai phải thay đổi quan điểm để hướng họ tới việc phò sinh - một việc mà theo Đức Tổng Giám Mục Chaput cho rằng: "Rất khó mà có thể xảy ra khi cứ mãi nhắm mắt làm ngơ và tin tưởng một cách ngu muội rằng họ sẽ thay đổi quan điểm của họ!"

Nói tóm lại, Ngài quy kết rằng: nếu tự nhận và xem mình chính là những người Công Giáo chân chính, có lương tâm và đạo đức trong sáng, cũng như hiểu rõ những giảng dạy quan trọng về đạo đức luân lý của Giáo Hội Công Giáo, thì những người Công Giáo đó phải biết đâu chính là vấn đề hệ trọng nhất đối với một ứng viên khi người đó vào phòng bỏ phiếu, và liệu Ông Obama này có xứng đáng để nhận được phiếu bầu của họ hay không.

Để xem toàn bộ bài viết của Đức Tổng Giám Mục Chaput, xin vào www.archden.org/images/ArchbishopCorner/NewspaperColumns/ab_chaput_webcolumn.pdf
 
Tòa Thánh quan tâm sâu sắc về cơn khủng hoảng Lúa Gạo
Vũ Văn An
23:31 21/05/2008
Tòa Thánh Và Khủng Hoảng Lúa Gạo

Tạp chí Công Giáo The Tablet của Anh, số ngày 19 tháng Năm vừa qua, thuật lại cảnh trớ trêu xẩy ra tại Châu Phi hồi tháng Tư, trong đó Tổng Thống John Kufuor của Ghana đãi tiệc trọng thể các vị khách qúy đang tham dự Hội Nghị Quốc Tế bốn năm họp một lần về Giao Thương Và Phát Triển (Unctad) do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại thủ đô nước ông.

Gạo & Lúa Mì Thế Giới

Trước đó, tại các lân bang của ông tức Senegal, Burkina Faso, Côte d’Ivoire và Cameroon cũng như tại Haiti và một số quốc gia Á Châu khác, đã xẩy ra những cuộc bạo động về việc tăng giá lúa gạo. Sau nhiều năm trì trệ và giảm năng xuất, giá ngũ cốc trên thế giới đã gia tăng đáng kể, tính đến tháng Ba vừa qua, giá gạo tăng 74 phần trăm, trong khi lúa mì tăng tới 130 phần trăm.

Thứ Ba vừa qua, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Ban Kimoon, tuyên bố sẽ thành lập một toán đặc nhiệm để xem sét cách trám lỗ hổng lên đến 380 triệu bảng Anh của Chương Trình Thực Phẩm Liên Hiệp Quốc trong năm nay. Ông Ban nói rằng thế giới hiện đang “đương đầu với nạn đói, thiếu dinh dưỡng và bất ổn xã hội trên một qui mô chưa từng thấy”.

Hiện tượng ấy có nhiều nguyên do. Nước đang cạn dần và hạn hán đã xẩy ra tại nhiều nơi, nhiều vụ mùa rất nghèo nàn, và nhu cầu gia tăng về thịt đòi người ta càng ngày càng dùng lúa hạt để chăn nuôi giống vật cho thịt. Trong khi ấy, việc gia tăng sản lượng lúa gạo nhờ dùng những thứ lai giống tốt nhưng những thứ này cần nhiều nước và thuốc trừ sâu nên phúc lợi gia tăng gần như bị phí tổn triệt tiêu hết. Hơn nữa, các loại sinh nhiên liệu (biofuels) hiện đang mỗi ngày một chiếm thêm đất đai dùng cho cầy bừa, nhất là tại Châu Phi. Tính chung lại, kho lẫm lúa gạo so với nhu cầu mỗi ngày một giảm đi.

Thành ra, 44 năm sau cuộc họp đầu tiên của Unctad tại Genève, xem ra chả có chi thay đổi. Cũng giống những năm tháng xa xăm ấy, khi độc lập vẫn còn là điều mới lạ tại Châu Phi, giá các nhu yếu phẩm vẫn đứng hàng đầu nghị trình giao thương đối với đại đa số các quốc gia trên thế giới.

Nói đến nhu yếu phẩm hay thực phẩm cách chung, điều này thực ra ám chỉ gạo hơn hết. Gạo nuôi sống gần nửa tổng số người trên hành tinh này, đặc biệt là Á Châu, lục địa đông dân nhất thế giới. Ở đấy, nó nằm ngay tâm điểm sự sống và tại nhiều nơi, nó được đặt lên hàng tôn kính. Tại Phi-luật-tân Công Giáo, mỗi tháng Năm, ngày hội mùa gặt được dâng kính Thánh Isidore Labrador, quan thầy các nông dân. Tại Bali, nữ thần sự sống và trù phú chính là Dewi Sri, mẹ thánh gạo, trong khi trên các cánh đồng Cao Miên, người nông phu dâng cháo gạo lên thần Yiey Tep, thần hoàng phù trợ.

Mà thật ra không phải chỉ có Á Châu mới biết trân trọng gạo. Nhiều loại gạo, tuy có sản lượng kém hơn, vẫn là thổ sản của nhiều vùng Châu Phi từ trước đến nay. Ở vùng nghèo nàn phía Bắc Ghana, gạo được các nông gia nhỏ trồng tỉa và được phụ nữ ở đấy sàng sẩy cho thị trường địa phương. Và tại các thành thị của Ghana nói chung, cả lúa mì lẫn lúa gạo càng ngày càng được người ta thích tiêu thụ hơn là các loại ngũ cốc khác như bắp, khoai lang và chuối lá vì các loại này khó nấu.

Áp Lực Lừa Bịp

Tương lai đối với họ quả là ảm đạm. Nội trong qúy đầu năm nay, giá gạo trên thế giới đã gia tăng tới 56%. Và việc gia tăng này hiện đang thu hút đầu tư của nhiều người: trong ba năm tính tới tháng Ba vừa rồi, vốn đầu tư vào thị trường lúa gạo gia tăng từ 46 tỷ lên 250 tỷ Mỹ Kim. Cái chiều hướng đầu tư này hiện đang góp phần vào áp lực lớn lao các chính phủ Á Phi đang gánh chịu. Thực vậy, suốt 20 năm qua, họ luôn bị áp lực phải vứt bỏ các rào cản giao thương, từng có đó để bảo vệ các nông dân của họ và ngăn cản việc nhập cảng thực phẩm. Theo các nước viện trợ, các nước đang mở mang nên chú tâm phát triển các hàng hóa để xuất cảng, còn lúa gạo, họ có thể mua trên thị trường quốc tế. Hai bên đều có lợi: chả cần phí tiền vào việc trợ giúp các nông gia thiếu hiệu năng hay vào nguồn thực phẩm cứ giữ mãi trong kho vô ích. Thị trường tự nó hữu hiệu hơn thế. Nếu một quốc gia xuất cảng đủ hàng hóa, nó luôn có khả năng nhập cảng thực phẩm cho nhân dân mình.

Cuộc đời, và cả nền kinh tế thế giới, đâu có đơn giản như vậy. Tất cả nằm trong tay các tên tài phiệt sẵn sàng múa rối với trò tín dụng, đầu tư di động, và đầu cơ. Giá gạo nội địa của Ghana chẳng hạn mắc hơn giá gạo của Mỹ và của Thái Lan. Do đó, Ghana chú tâm vào xuất cảng các khoáng sản và càng ngày càng lệ thuộc việc nhập cảng gạo từ hai nước trên. Có biết đâu rằng, giá gạo ở hai nước ấy (hiện đứng hàng đầu thế giới về xuất cảng gạo) sở dĩ rẻ hơn là do được chính phủ trợ giá (subsidy). Mặt khác, sự bất ổn về mức cung cầu cũng như của đầu cơ tài chánh khiến giá cả kia không có chi ổn định hết. Cả giá các hàng hóa khác cũng thế, một khi đã “hoàn cầu hóa”, thì ca-cao, bông sợi, đồng, và vàng nữa, đều là các hàng hóa xuất cảng của Ghana, cũng bị ảnh hưởng. Nông phẩm chính được Ghana xuất cảng là ca-cao. Nhưng trong các năm từ 1980 tới 2000, xuất cảng ca-cao trên thế giới tăng từ 1.1 triệu lên 2.5 triệu tấn. Nhưng vì cung nhiều hơn cầu, nên giá trị của nó giảm từ 2.8 tỷ xuống còn 2.5 tỷ mỹ kim.

Chỉ những nước nào giữ vững chính sách tự lực về lương thực mới thoát khỏi cơn khủng hoảng lương thực hiện nay. Đó là Ấn Độ và Trung Hoa. Cả hai nước đều gặp khủng hoảng về lương thực trong hai thập niên 1950 và 1960. Có lúc họ cũng đã đặt ưu tiên trong các sản phẩm khác không phải là lương thực. Nhưng trong các năm gần đây, họ cương quyết giữ vững chính sách tự cung tự cấp trong các thực phẩm căn bản. Ở nhiều nơi khác, tình trạng đang hết sức khẩn trương. Unctad được thành lập năm 1964 để giải quyết các tai hại do sự bất ổn trong thị trường xuất cảng hàng hóa đem lại cho các nước nghèo. Trong hai mươi năm, nó đã cố gắng nhiều trong phạm vi ấy, nhưng rồi việc can thiệp vào thị trường bị nhiều người chống đối và Unctad phải loay hoay với nhiều trách vụ khác. Cuộc họp hồi tháng Tư vừa qua tiếc thay lại là một cơ hội bỏ lỡ để cơ quan này tìm ra phương cách ổn định giá cả lúa gạo.

Những Phí Tổn Khác

Cơn khủng hoảng lúa gạo trên hiện làm Tòa Thánh quan tâm. Thứ Sáu vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sat viên thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng trước phiên họp thứ 16 của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội thuộc tổ chức trên. Theo ngài, cuộc khủng hoảng thực phẩm hoàn cầu không nên được đo lường bằng thiệt hại thị trường mà thôi, mà còn bằng cả các thiệt hại tâm trí và thiêng liêng đối với những ai không đủ khả năng chu cấp cho mình và cho gia đình mình.

Ngài kêu gọi phải đầu tư vào các chương trình canh nông dài hạn ở cả bình diện địa phương lẫn quốc tế, vừa quan tâm tới giá cả nông phẩm, vừa phải chú ý tới vấn đề phân phối và sản xuất lương thực trên thế giới, nhất là tại Châu Phi. Phải tiếp tục hỗ trợ các chương trình nhằm giúp nông dân sản xuất lương thực ở cấp địa phương và phải cố gắng hơn nữa để làm dịu các khía cạnh tiêu cực của các thực tại môi trường và tài chánh đang thay đổi.

Ngài đề nghị các chính sách canh nông phải lấy lý trí và thực tại làm đường đi ngõ hầu đạt được mức thăng bằng giữa nhu cầu sản xuất thực phẩm với nhu cầu làm người quản lý tốt đối với trái đất. Cần phải thận trọng trong việc giải quyết các nhu cầu căn bản của người ta và tránh việc thu gọn cuộc đối thoại vào các cực đoan tư lợi cũng như ý thức hệ kinh tế và môi trường.

Đức tổng giám mục cũng cho rằng dù cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay trực tiếp đe dọa việc phát triển, xã hội vẫn phải tiếp tục giải quyết các thách đố hết sức dai dẳng như thay đổi khí hậu, các chính sách trợ giá nông phẩm đầy tai hại, giao thương công bằng, xuống cấp môi trường và cải cách ruộng đất. Ngài nói thêm: “Với sự liên đới quốc tế sâu sắc và quan tâm nhiều hơn với những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội ta, ta có thể giải quyết được các thách đố tức khắc trong khi vẫn làm việc để đảm bảo rằng tiến bộ hôm nay sẽ trở thành đá tảng cho một ngày mai công bình và an toàn hơn”.
 
Top Stories
Vietnamese bishop: Being silent means complicity and a compromise with injustice
Catholic News Agency
08:45 21/05/2008
Vinh Long, May 21, 2008 / 03:23 am (CNA).- Bishop Thomas Nguyen Van Tan of the Diocese of Vinh Long has protested Vietnamese authorities’ plans to demolish a monastery and build a hotel on land confiscated from a religious order in 1977.

The bishop recounted in a strongly-worded May 18 letter what he called “a day of disaster” for the Diocese of Vinh Long. On September 7, 1977, he wrote, “the local authorities mobilized its armed force to blockade and raid Holy Cross College… St. Paul monastery, and the Major Seminary.” Authorities arrested all who were in charge of the institutions, including Bishop Nguyen Van Tan himself.

CNA was informed that last month, local authorities in the southern Vietnamese province of Vinh Long (about 85 miles southwest of Saigon) announced a project to build a new hotel on the land belonging to the Daughters of Charity of St. Vincent de Paul.

Though the sisters have staged protests at the site and priests have voiced their opposition to the office of the Fatherland Front, the government has not responded to their concerns.

Instead, Bishop Nguyen Van Tan writes, “the government has summoned residents in the town to meetings in which they vow to take strong actions against those who dare to prevent the construction.”

The bishop said the pending destruction of the monastery is a “great suffering” both for the entire diocese and also for the Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul, who have been in Vinh Long since 1871.

“We cannot consent with the decision imposed unjustly by those who have power in their hand, neither we can stay silent in the face of this outrage. Being silent means complicity and a compromise with injustice,” he wrote.

Bishop Nguyen Van Tan asked the faithful to “pray earnestly” for the diocese and the sisters. He asked that they sing three Hail Marys and the Peace Prayer of St. Francis of Assisi every day to bring about a resolution.
 
Vatican reports highest growth in Africa
Religion News Service
10:48 21/05/2008
VATICAN CITY — Africa is the Catholic Church's region of biggest growth, with rising numbers of faithful, clergy and religious orders, according to Vatican statistics. The church's growth in the Americas has largely stalled, meanwhile, and Europe's share of the world's largest church continues to decline.

Bishop Cornelius Korir of Eldorest, Kenya (Photos: Ben Curtis, AP)
The findings appeared in the May 18 issue of the official Vatican newspaper L'Osservatore Romano, in an article summarizing the new edition of the church's statistical yearbook, which features a survey of worldwide Catholicism in the period 2000-2006.

Though the world's proportion of baptized Catholics remained roughly the same over the seven-year period, amounting to 17.3% of the world's 1.1 billion people in 2006, its geographical distribution shifted markedly.

The most notable change was in Africa, whose share of the worldwide church rose from 12.4% to 14%. Even more dramatic was the increase in church personnel there. While the world total of Catholic priests barely increased, and the number of female religious actually fell, the church in Africa reported nearly a quarter more priests and almost one-sixth more nuns after seven years.

The Western Hemisphere held steady with about half of the world's Catholics and 30% of its priests. Asia's share of the world's Catholic population also remained unchanged at 10%, yet the continent produced an increasing share of the world's priests and nuns.

The church continued to shrink in its traditional heartland, Europe, whose portion of the world's Catholics fell from 26.8% to 25%, and where the number of priests declined by nearly 6%.

In an indication of future trends, fewer than one-fifth of all men preparing for the Catholic priesthood were studying at European seminaries at the end of 2006, the study showed, down from nearly a quarter in 2000,
 
Vietnamese Catholic Prolife Hero
Thuy Dung
17:43 21/05/2008
In Vietnam, the country with the highest rate of abortion in the world, where abortion is seen by the government as the major measure for birth control, more and more women seek quick abortion, the Church faces an uphill battle to fight against this anti-life mentality. Church officials acknowledge the fatigue suffered by many Catholic priests in their pro-life efforts. However, hope is never extinguished.

In the article “Good Morning, Vietnamese Hero”, The National Catholic Register (May 18-24, 2008 Issue) tells the story of a Vietnamese Catholic Prolife Hero who has saved more than 60 babies from abortions.

On July 13, 2004, Tong Phuoc Phuc, a 41-year-old Catholic building contractor in the coastal town of Nha Trang, took home a pregnant girl who was evicted by her parents and had no place to go. Like other unwed pregnant women, the girl went to a state-run hospital with an intention to get a quick and free abortion. She had seen it as the only “right choice” to save face for her parents. But, she met with Phuc who persuaded her to seek an alternative. Phuc even went further providing residence and financial support for her until she gave birth and once again was welcomed home by her parents.

It was not Phuc prolife act. Since 2002, doctors and nurses had seen him come to their hospitals regularly to collect aborted babies and bury them at a cemetery.

Soon after he saved the first baby, more and more pregnant women knocked at his doors to ask for help. Putting his trust in God’s hands, he opens wide his door for them, supports food and basic needs. With unwed mothers, he offers residence as the alternative of residing away from their locality for the later months of pregnancy in anonymity.

In Vietnam, a country without welfare benefits, if you can work, you have something to put in your mouth, and of course pay tax for the government. If you cannot work anymore, you beg on streets and stop paying tax for them. If you even cannot beg, you die. They do not care. So, people at his age must work hard trying to save money for future uncertainties. But he and his wife work hard and then spend most of their money to save babies. They put their trusts completely in God’s hands.

“This full-time service involves Phuc’s entire family and some volunteers from his parish. His older sister and his nieces help prepare food and infant formula for 34 babies while some parishioners sing soothing Vietnamese lullaby to calm crying kids. In the past 4 years, he has taken in 60 children, 26 of them have been taken home with their mothers. He takes care for the rest until their mothers can afford to take them,” the National Catholic Register reports.

Phuc does not consider to put any of the children up for adoption. “I want them to be reunited with their mothers”, Phuc explains.

Bishop Joseph Vo Duc Minh, coadjutor bishop of Nha Trang, warmly praises Phuc’s work: “It’s a great pro-life innovation. I have come to his house several times to encourage his work and to pray with him.”

But not all people appreciate his work as Bishop Joseph Vo. Phuc has faced many uphill challenges.

“Some people do not like his work. Some of them believe that premarital sex is evil that should be punished. They falsely accuse Phuc of condoning premarital sex. Others suspect his work as a means to seek conversions. So, there have been unending rumors against him” says the Register.

In respond to the rumors, “I do not reply them. Instead, I pray more intensive asking the Lord to give me strength and courage to be His faithful servant” says Phuc who attends daily 5 am Mass at Nha Trang cathedral.

Another challenge is that the easy availability of abortions, combined with many other factors, keeps building up temptations for the women living in the shelter to terminate their crisis pregnancies and return to the normal life.

“They need to experience God’s love through our warm assistance, soft words and delicate gestures” says Phuc when asked how he can keep the women staying in the shelter and not to silently leave for abortions.

In the living room of 904- square foot where people can hear the constant chorus of crying, coughing and cooing, Phuc built a beautiful altar adorned with a large crucifix, the Virgin Mary and a photo of the late Pope John Paul II. Opposite to the altar is a large table where the women gather for family-style meals, for exchanging stories of broken hearts and hard lives, and for sharing cooking tips.

“In this house, I experience true love”, says Nguyen Thi Ngoc Thao, a Buddhist mother of two who was thrown out by her husband when she refused to terminate her pregnancy.
 
Viet bishop denounces government seizure of Church property
Catholic World News
17:57 21/05/2008
May. 21, 2008 (CWNews.com) - A new dispute over ownership of Church property has arisen in Vietnam.

Bishop Thomas Nguyen Van Tan of the Vinh Long diocese, southwest of Ho Chi Minh City (formerly Saigon), has denounced the local government for planning to build a hotel on ground that was, the bishop says, illegally seized from the Daughters of Charity of St. Vincent de Paul in 1977. In a letter to the faithful of his diocese, Bishop Nguyen Van Tan recalls that he was among the Catholics arrested in September 1977 when the government forcibly took over the site, where a seminary and monastery had been located. Since that time the government has used the property for several different purposes.

This year officials announced plans for the construction of a hotel on the disputed grounds. Some Sisters of Vincent de Paul have staged protests at the site, and priests have joined their demonstrations. The bishop noted that the government had threatened "strong actions" against anyone who interfered with the hotel project. But he urged the faithful not to allow the construction project.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân linh mục đầu tiên của Tu hội Truyền Giáo thánh Vincent De Paul, Việt Nam
Maria Vũ Loan
10:45 21/05/2008
SAIGÒN - Sáng ngày 21/5/2008, Đức hồng y GB. Phạm Minh Mẫn đã truyền chức cho một phó tế là thầy Gioan Baotixita Đặng Kim Đoài, thuộc tu hội Truyền Giáo thánh Vincent De Paul, tại nguyện đường của tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Sài Gòn.

Từ tám giờ sáng, khuôn viên nhà nguyện đã có nhiều người qua lại, nhất là những người được phân công trong việc tổ chức. Đây là một thánh lễ trao tác vụ linh mục khá đặc biệt vì chỉ có một tân chức duy nhất đón nhận bí tích truyền chức thánh hôm nay.

Được biết, thầy GB. Đặng Kim Đoài sinh năm 1972, quê quán ở Ban Mê Thuột, dự tu từ năm 1992, là người đầu tiên của tu hội được bề trên chọn đi du học tại Mỹ, nên phải sắp xếp thời gian chịu chức sớm hơn so với một số thầy khác sẽ được thụ phong vào tháng tám năm nay.

Thánh lễ được bắt đầu bằng cuộc rước của đoàn đồng tế như ở nhiều nơi nhưng dường như bầu khí ở nơi đây trang nghiêm một cách khác thường. Trong phong thái bình an, vui tươi, bằng giọng nói chậm rãi trầm ấm, Đức hồng y nhắn nhủ với tân chức những ý rõ ràng:

“Linh mục là một thiên chức cao quí, một hồng ân Thiên Chúa ban. Trong đời sống thực tế, có nhiều sự việc làm cho người ta có cái nhìn về linh mục “không như lòng Chúa mong ước”, có người nhìn linh mục như là một công chức của một cơ chế Giáo Hội; rồi người ta mong cho linh mục sống, làm việc suy nghĩ, phục vụ như “lòng người ta mong ước!!”

Không thể như vậy! Từ ân sủng Chúa ban và lời cầu nguyện của nhiều người, linh mục được mời gọi để trở thành mục tử như Đức Giêsu. Muốn phác họa lại hình ảnh Chúa Giêsu là mục tử trong đời sống, linh mục phải biết gắn kết đời mình với những bí tích cử hành hằng ngày bằng tất cả con tim yêu mến, nhiệt thành.

Linh mục phải biết sống, thực hành những điều mình giảng dạy trong tình yêu thương chan hòa, nhất là đối với những người đau khổ và bất hạnh.

Khi lãnh nhận sứ vụ mới là cuộc đời bước sang giai đoạn mới, linh mục càng cần tiếp xúc với ơn Chúa, Lời Chúa phải thấm nhập vào con người của mình. Tất cả những chất liệu cần thiết ấy được soi sáng, hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.

Từ những ý tưởng trên, Đức Hồng y ao ước mọi người cầu nguyện cho tất cả các mục tử để mỗi người hoàn thành sứ vụ của mình, các linh mục biết vâng phục bề trên, sống có trách nhiệm...”

Sau lời nhắn nhủ tân chức, Đức Hồng y thực hiện nghi thức truyền chức trong tiếng ca trầm bổng của ca đoàn do quí thầy, quí sơ đảm trách:

“Từ đó, vâng từ đó! Chúa gọi con.
Một phút trao lời ước, giao muôn vạn thuở.
Từ đây, vâng từ đây! Chúa chọn con,
Ấn tín trao tay là lời hứa sắt son.”


Thánh lễ truyền chức vừa xong là bắt đầu những lời chúc mừng nồng nhiệt đến với tân linh mục, người người đứng xếp hàng lãnh phép lành đầu tay của tân linh mục. Tân linh mục GB. Đặng Kim Đoài đã chọn khẩu hiệu bằng câu Kính Thánh như sau: “Mọi âu lo,hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7)”.

Tiếp theo là thiệp mừng, hoa, bánh, tiệc mừng.

Khi được hỏi tâm trạng của cha mới ra sao nhất là khi được thụ phong một mình đặc biệt thì cha đã trả lời tâm tư như sau:

“Chúa đặt lên vai tôi cùng một lúc hai gánh đầy yêu thương: thứ nhất là từ nay sống đời linh mục đầy trọng trách; thứ hai là đi du học đến một đất nước chưa quen biết ai, là một người đầu tiên trong cộng đoàn đi sang Hoa Kỳ, lại phải đi một mình. Được chịu chức một mình cho nhà dòng và cả riêng mình nhưng đây là vì hướng tương lai của cộng đoàn dòng tu.

Thực sự, khi được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô tôi chỉ mong đời mình trở thành tấm bánh ngon cho người khác hưởng dùng, nhất là những người nghèo khổ. Dù là đi học nhưng tôi vẫn đồng hành cùng công việc truyền giáo của cộng đoàn”


Sau một chặng đường dày công khổ luyện, có phải hôm nay một thầy phó tế đã đi đến đích là đời linh mục? Có cần phải vun bón, tưới xới nữa hay không? Hay là bản thân sẽ cảm thấy bằng lòng, yên tâm vì chẳng có gì cao quí và an toàn cho bằng đời linh mục? Những lời nhắn nhủ trên của Đức Hồng y đã đủ để trả lời cho những câu hỏi này chưa?

Còn một thực tế nữa, ít ai nghĩ đến, người giáo dân Việt Nam rất quí mến, trân trọng các linh mục nên khi từ bậc “thầy” bước sang bậc “cha” sao mà khác biệt quá! Hình bóng của quí thầy lặng lẽ, âm thầm, cam go mà ít ai chú ý đến; có lẽ như thế lại tốt cho chặng đường cố gắng tu luyện của quí thầy hơn? Sự khác biệt của “thầy” và “cha” này chắc là để lại trong lòng mỗi vị tân chức một cảm nghĩ khác lạ trong lòng?

Hôm nay còn là một buổi sáng tốt đẹp, quá sự suy nghĩ, của một người mẹ già có người con út bước lên bàn thánh. Chắc là lòng bà vang lên nho nhỏ lời hát “Con hân hoan bướcc lên bàn thờ Chúa, Chúa làm hoan lạc tuổi xuân xanh con…”và khuôn mặt nhiều nếp nhăn của bà bỗng dưng rạng rỡ.
 
Lễ Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu cho các em thuộc Trường Giáo Lý Việt Ngữ La Vang ở Portland, Oregon
Phan Hoàng Phú Quý
11:07 21/05/2008
PORTLAND - Chúa Nhật 18-5-08 lúc 4 giờ chiều Trường GLVN La Vang đã tổ chức Lễ Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu cho các em lớp 4 gíáo lý tại Nhà Thờ Đức Mẹ La Vang, do Đức Ông Dennis O’ Donavan cha chính địa phận Portland chủ tế và Đức Ông James Phạm Văn Ninh chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ La Vang và quý linh mục phụ ta’ cùng đồng tế.

Có 108 em học sinh lớp 4 gíáo lý đã được quý sơ, quý thầy cô phụ trách giảng dạy trong suốt một năm qua, giờ đây các em có đủ trình độ hiểu biết về Mầu Nhiệm Nhập Thể của Đức Chúa Con, về Bữa Tiệc Ly, và Phép Mình Thánh Chúa. Hôm nay sự kết hợp kỳ lạ này sẽ diễn ra với các em.

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện và chúc mừng cho các em, xin cho các em biết ý thức giây phút quý mến này, và giữ mãi cho cuộc đời mình, xin cho các em từ nay không còn sống một mình, nhưng sống cho Chúa, với Chúa. Xin Chúa biến đổi và gội rửa những thiếu sót, lười biếng va tính hư nết xấu nơi các em, nhất là gìn giữ các em mãi trong trắng để xứng đáng là nơi Chúa ngự.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, tất cả các em đã xin lỗi quý phụ huynh, và tất cả mọi người vì những tội lỗi mà các em đã làm buồn lòng quý ông bà cha mẹ và mọi người, xin moi người tha thứ để các em được rước Chúa vào lòng cách xứng đáng hơn

Trong bài Tin Mừng: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời. Linh mục chủ tế khuyên nhủ các em luôn nhớ đến Chúa mỗi ngày và nhất là phải kết hiệp với Chúa KiTô qua bí tích Thánh Thể, để nhờ đó các em được sống gần Chúa hơn. Như lời Chúa phán ‘Ai ăn thịt và uống máu Ta thi ở trong Ta, và Ta sẽ sống với người ấy.’(Jn.6.56)

Các em cũng dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu thiết tha như sau:

Lạy Chúa trong tâm tình hân hoan và biết ơn của ngày chúng con được rước Chúa lần đầu, chúng con xin dâng lên Chúa những đóa hoa đơn sơ và ngọn nến sáng, tượng trưng cho những hy sinh việc lành và những lời cầu nguyện thiết tha của chúng con trong những ngày vừa qua để chuẩn bị Bí Tích Thánh Thể.

Lần đàu tiên con được lên rước Chúa.
Sau bao năm tháng mỏi mòn đợi mong.
Ôi phút giây lòng vui sướng chan hòa.
Tựa đàn nai khát đắm say dòng suôí trong.

Phút ân tình trời đất đã tương phùng.
Tạo vật hiệp nhất cùng với Chúa thiên cung.
Từ đây không còn là con sống nửa Chúa ơi.
Nhưng là do. Chúa sống trong con mà thôi.

Dại diện phụ huynh lớp 4 củng đã ngỏ lời cám ơn qúy Linh mục, qúy Sơ, quý Thầy cô, quý Huynh trưởng, đã tận tình dạy bảo và chuẩn bị chu đáo cho các em trong ngày trọng đại nầy.

Các em cũng đã hát lên bài ca Cầu Cho Cha Mẹ để tỏ lòng biết ơn công đức sinh thành và dưỡng nuôi:

Xin cãm tạ Cha, xin cám ơn Trời,
đã ban cho đời con có mẹ cha.
Công cha thì cao cao hơn là Núi Thái
Nghiã mẹ dạt dào như sóng trào Biển Đông.
Con không có mẹ ai dạy ngày qua.
Con không có cha tìm đâu mái nhà.
Xin cho cha, xin cho mẹ,
được trọn đời mạnh khỏe yên vui.
Con xin Chúa thiết tha ân tình,
tình người cha và trái tim mẹ hiền.
Cha me mồ hôi vất vả đêm ngày,
giúp con no đày manh áo hạt cơm.
Công cha dạy con đi trên đường mến Chúa.
Nghĩa Mẹ mời gọi con sống đời tình yêu.
Bao nhiêu gánh nặng ôi chẳng hề quên.
Nuôi con lớn lên, nào mong đáp đền.!


Buổi lễ kết thúc sau tiệc trà thân mật chia vui cùng các gia đình có con em xưng tội rước lễ lần đầu. Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời. Và Chúc mừng các em lớp 4 giáo lý.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hôn Nhân, Đức Tin và Tình Yêu (3)
Vũ Văn An
03:37 21/05/2008
Hôn Nhân, Đức Tin Và Tình Yêu (3)

CHƯƠNG HAI: THỰC TẠI XÃ HỘI

Dưới khía cạnh xã hội, ta không thấy một lịch sử chi tiết về hôn nhân và gia đình. Một cách tổng quát, ta có thể nói, trong ngàn năm đầu của Kitô giáo, người ta cố gắng đem các kiểu mẫu khác nhau trong việc mối lái, đính hôn và cưới xin vào một tổng hợp xem ra cho có vẻ có một thứ tự nào đó, khi Giáo Hội Công Giáo truyền đến những địa danh bên ngoài các ảnh hưởng nguyên thủy của mình. Xét trong căn bản, thì ước lệ lúc đó đòi cha mẹ và cộng đoàn đứng ra thu xếp việc lứa đôi cho con cái; con cái ít khi có cơ may phản đối sự sắp xếp đó. Trong một vài trường hợp, người chồng đền bù cho người cha và/ hoặc đề nghị cung cấp cho cô dâu các phương tiện vật chất. Gia đình cô dâu đáp lễ bằng cách tặng của hồi môn. Những sắp xếp tài chánh này không thể không có đối với những gia đình khá giả.

Có nhiều hình thức lễ nghi đính hôn khác nhau ở các xứ miền Âu Châu tuỳ theo phong tục địa phương. Và sau cùng thì người vợ tương lai sẽ rời nhà cha mẹ để di chuyển đến nơi cư ngụ của người chồng tương lai. Ðối với nàng, đây chỉ là một chuyển dịch đơn thuần từ một uy quyền nam giới này qua một uy quyền nam giới khác. Kể từ nay, nàng bắt đầu cuộc sống giúp đỡ chồng, quản lý nhà cửa, có con cái và trông nom chúng. Uy quyền của người chồng không bị thách thức, ngoại trừ trường hợp ông tỏ ra lệ thuộc và bất tài, khiến ngời vợ, dù trong các xã hội vốn trọng nam khinh nữ, phải dần dần đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Nói chung, xã hội dành ưu quyền cho người chồng trên vợ con.

Ở đầu kỷ nguyên Kitô giáo, nghi lễ hôn phối chỉ là việc cử hành của gia đình, được Giáo hội nhìn nhận. Dần dần, khi thế giá của Giáo Hội lan rộng và đạt tới đỉnh cao, hôn nhân cũng như việc cưới xin được đặt dưới thẩm quyền của Giáo hội, và trong năm trăm năm đầu của thiên niên kỷ thứ hai, nghi lễ hôn phối trở thành việc tôn giáo hoàn toàn, được Giáo hội tổ chức và chúc phúc.

Sau cùng, kể từ thời Công Ðồng Triđentinô, hôn nhân chỉ được coi là thành nhận khi được cử hành trong thánh đường với sự hiện diện của cha xứ và hai nhân chứng. Tuy nhiên, người ta chỉ nhấn mạnh đến chính lễ nghi hôn phối mà thôi.

GIA ÐÌNH HIỆN ÐẠI

Theo L. Stone (1) và E. Short (2), ta có thể tìm ra các vết tích đầu tiên của gia đình hiện đại từ thế kỷ 16 trở về sau. Lúc ấy, ba trong các mục tiêu của hôn nhân hiện đại chưa thấy hiện diện.

1550-1700

Các tiền đề luân lý của thời kỳ 1550-1700 khiến lối suy nghĩ hiện nay của ta phải được sắp xếp lại từ căn bản. Nghĩa là, muốn hiểu được hậu cảnh của hôn nhân và gia đình đầu thời hiện đại, cần phải loại bỏ ba ý thức hệ hiện tại. Stone miêu tả việc này như sau: "Dự tưởng thứ nhất là hiện tượng phân cực giữa hôn nhân vì lợi, hiểu như tiền bạc, địa vị hoặc quyền lực, và hôn nhân vì tình, hiểu như tình yêu, tình bạn hoặc lôi cuốn thể xác; và rằng hình thức hôn nhân thứ nhất đáng chê trách về phương diện luân lý. Trên thực tế, ở thế kỷ 16, không có sự phân cực như vậy, và nếu có, thì tình là thứ yếu so với lợi, vì tình yêu lãng mạn và việc hưởng hoan lạc bị công kích một cách kịch liệt coi như căn bản phù phiếm và phi lý của hôn nhân. Dự tưởng thứ hai của thời hiện đại cho rằng giao hợp thể xác mà không có liên hệ tình cảm là vô luân, nên hôn nhân vì lợi là một hình thức đĩ điếm. Dự tưởng thứ ba cho rằng sự tự lập bản thân, tức việc cá nhân theo đuổi hạnh phúc riêng, là tối thượng, một yêu sách được biện minh bởi lý thuyết cho rằng thực ra sự tìm kiếm ấy góp phần vào phúc lợi của xã hội nói chung. Ðối với khán giả thời Elizabeth, thảm kịch Romeo và Juliet, cũng như thảm kịch Othello, không hệ ở mối tình lãng mạn yểu số của họ, cho bằng ở cách thế họ tự hủy diệt mình bằng cách vi phạm các quy phạm của xã hội họ đang sống" (3).

Các quy phạm này có ý nói đến sự vâng phục của con cái và việc dựng vợ gả chồng phải là quyết định tập thể của gia đình và dòng tộc. Ở thời kỳ có những thay đổi lớn về tôn giáo, khi trật tự xã hội bị căng thẳng nghiêm trọng, gia đình đảm nhiệm một uy quyền gần như tuyệt đối. Khuynh hướng rõ rệt là phụ quyền với việc con cái tùng phục cha mẹ, vợ phục tùng chồng. Người cha thay thế vị linh mục bên trong gia đình mình và ông chờ mong các con vâng lời ông không thắc mắc; ý muốn của chúng phải bị bẻ cong bằng roi vọt; và cả người vợ nữa cũng được chờ mong vâng phục ông như thế, và nếu cần, vẫn bị sửa trị bằng vũ lực. Gia hộ được cai trị bởi người cha, hành sử như nhà lãnh đạo mục tử đối với gia đình.

1640-1800

Giai đoạn này chồng lên giai đoạn trước, nó cho thấy một vài đặc điểm của hôn nhân hiện đại đã bắt đầu xuất hiện. Như việc tìm kiếm hạnh phúc hoặc cá nhân chủ nghĩa về phương diện tình cảm. Trong thời kỳ này, thanh niên đã được quyền chọn người phối ngẫu tương lai, cha mẹ chỉ có quyền phủ quyết mà thôi. Stone đã tóm lược sự thay đổi này như sau: "Rõ ràng ở gốc của hai thay đổi trong quyền quyết định về hôn nhân và trong động lực (tình cảm) hướng dẫn quyết định này, ta thấy có sự thay đổi xâu sắc về ý thức: người ta chịu nhìn nhận nhu cầu tự lập bản thân và kính trọng việc cá nhân kiếm tìm hạnh phúc"(4).

Tình yêu lãng mạn bắt đầu trở thành một động lực đáng kính, đặc biệt đối với những người thuộc giai tầng kinh tế cao hơn. Tuy thế, mặc dù sự lựa chọn và việc kiếm tìm tình cảm có trở nên quen thuộc trong thời kỳ này, người vợ và các con vẫn bị lệ thuộc người chồng, người cha. Tuy nhiên sự vâng phục của họ không bị cưỡng bức nữa và, đặc biệt, các hình phạt có tính cách vũ lực giảm hẳn. Dù vậy, như Blackstone đã nhấn mạnh một cách khúc chiết: "Chồng và vợ đã trở nên một, nhưng cái một ấy chính là người chồng"

Sự kỳ thị chống lại phụ nữ vẫn còn mạnh. Người vợ không được mua bán vật gì mà sau đó vật ấy lại không thuộc quyền sở hữu của chồng. Tất cả mọi quyền lợi và tài sản cũng như tự do hành động đều nằm trong tay người chồng. Ngay cả sau khi chồng qua đời, người mẹ cũng không có quyền hành trên con cái, trừ khi di chúc của ông chỉ định bà làm người giám hộ. Trong bầu khí ấy, các tan vỡ hôn nhân vẫn không thiếu, và Stone bình luận rằng sự gia tăng các vụ ly thân trong thế kỷ 18, giống như sự gia tăng ly dị trong thế kỷ 20, cho thấy có sự gia tăng trong các hoài mong tình cảm (5).

Như thế, trong hạ bán thế kỷ 17 và trong trọn thế kỷ 18, sự nghiêm nhặt trong gia đạo đã được cải thiện, và việc cá nhân kiếm tìm hạnh phúc trong hôn nhân đã gia tăng.

1800-1914

Sự thường, người ta mong các thay đổi trong bầu không khí gia đình của thế kỷ 17 và 18 nói trên sẽ tiếp tục diễn biến không bị gián đoạn. Thực tế lại không như vậy. Người ta đã trở lại với phụ quyền, và uy quyền hiện có của người chồng được gia tăng. Một lần nữa, con cái lại chịu kỷ luật của cây roi và, ít nhất trong các nhóm kinh tế xã hội cao hơn, lại thấy xuất hiện cảnh ức chế nặng nề trong các hành vi tính dục.

Một thẩm quyền có uy tín về y khoa, Bác sĩ William Acton (6) chủ trương rằng đa số phụ nữ muốn không bị quấy rày vì các cảm quan tính dục. Bà Ellis khuyên họ vào năm 1845 như sau: "Hãy đau khổ và lặng thinh" (7).

Cũng như ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên hiện đại, những căng thẳng ngoài xã hội có khuynh hướng biến gia đình thành nơi an ổn và trật tự; do đó, ở ngưỡng cửa cách mạng kỹ nghệ với những thay đổi xã hội rõ rệt, gia đình, một lần nữa, lại trở thành pháo đài của trật tự phẩm trật cố thủ. Cách mạng kỹ nghệ đem lại một hậu quả đặc biệt đối với bộ mặt xã hội: người ta thấy các gia đình nghèo trong xã hội có khuynh hướng bị ly tán vì con cái, vợ chồng phải di chuyển tới những khu vực kỹ nghệ khác nhau. Ðối với người nghèo, sự sống trở nên khó khăn, tàn nhẫn, và mục tiêu của họ chỉ còn là sinh tồn. Ở các nhóm kinh tế cao hơn, người vợ có khuynh hướng bận bịu với con cái và gia đình trong một vai trò lệ thuộc vào chồng là người vẫn ở vị thế cao về xã hội và tâm lý.

1914 TRỞ VỀ SAU

Từ Thế chiến Thứ nhất, quả lắc đồng hồ lại một lần nữa bắt đầu chuyển động. Sự đóng góp không thể chối cãi của phụ nữ vào các cố gắng chiến tranh và việc mở rộng chân trời khi các nhóm xã hội kinh tế cao phải ra ngoài kiếm việc làm khiến, sau chiến tranh, người ta kêu gọi phải gia tăng vị thế cho phụ nữ, và cuộc đấu tranh giành quyền đầu phiếu là đòi hỏi nổi bật của phong trào phụ nữ liền ngay sau khi kết thúc chiến tranh.

Cùng lúc ấy, các phương tiện giáo dục dành cho phụ nữ bắt đầu gia tăng và liên hệ vợ chồng bắt đầu lấy lại được đặc tính tình cảm cá nhân hóa. Ðiều này chỉ thực sự xuất hiện trọn vẹn sau Thế chiến Hai, nhưng ngay từ lúc ấy trở đi, sự độc lập và tự quyết của phụ nữ trong việc lựa chọn người phối ngẫu cũng như nghề nghiệp đã trở nên rõ nét.

Trong các thập niên 60 và 70, sẽ còn nhiều đợt đấu tranh khác trong phong trào giải phóng phụ nữ. Một số sách có giá trị do phụ nữ viết cho thấy có sự gia tăng trong việc giải phóng họ về xã hội, tâm lý, kinh tế và luật lệ (8,9,10,11). Các đòi hỏi của họ dần dần được thỏa mãn nhờ bình đẳng hơn về cơ hội làm việc, nhờ chiếm được những chức vụ cao, và nhờ công bình hơn trong việc phân chia tài sản, nhất là khi hôn nhân tan vỡ. Việc sử dụng nhân công phụ nữ một cách phổ quát cũng còn có nghĩa là ngày nay, ít còn phụ nữ nào bị bó buộc về lý do kinh tế phải tiếp tục sống trong những cuộc hôn nhân đã trở thành không thể chịu đựng nổi.

Việc đi tìm công bằng trong việc làm đã được hỗ trợ rất nhiều nhờ việc phổ biến rộng rãi các phương tiện điều hòa sinh đẻ, giúp phụ nữ giảm thiểu được đáng kể số thời gian vốn sử dụng cho việc thai nghén và nuôi con. Sự công bằng này cũng đã được nới rộng qua lãnh vực các liên hệ bản thân trong đó càng ngày người ta càng tiến đến chỗ bình đẳng về giá trị.

Thêm vào việc giới hạn số con cũng như kiểm soát được thời gian chúng sinh ra, người ta đang mở chiến dịch rộng rãi đòi cho được phá thai dễ dàng hơn. Ðối với một số phụ nữ, mục tiêu của họ là làm chủ thân xác mình, với quyền kiểm soát diễn trình sinh sản của họ bằng thuốc ngừa thai và quyền kết liễu sự sống của đứa trẻ không được họ mong muốn bằng cách phá thai. Thứ tự do đó là ý muốn thân thiết của một số phụ nữ, nhưng không phải là của tất cả. Ða số phụ nữ, trong khi chấp nhận thuốc ngừa thai, đã từ khước phá thai, vì theo bản năng, họ thấy điều đó trực tiếp tấn công vào sự sống. Thêm vào ý nghĩ sâu kín đó, còn có các niềm tin tôn giáo mạnh mẽ chống cả ngừa thai lẫn phá thai. Trong khi những cấm kỵ về ngừa thai trở nên kém hiệu lực, thì việc chống đối phá thai vẫn còn mạnh mẽ nơi những Kitô hữu dấn thân.

Như thế, trong các xã hội đương thời, hoàn cảnh hiện nay là: vợ chồng chọn lựa nhau, dù có hay không có thỏa thuận của cha mẹ, họ có thể sống chung với nhau trước khi lấy nhau, rồi cưới nhau để thực hiện một liên hệ được nhấn mạnh trên tình đồng chí, với cuộc sống tính dục nhằm thỏa mãn cả hai, hạn chế số con trong một gia đình nhỏ hơn và việc ra đời của chúng được ấn định nhờ sử dụng các phương pháp hạn chế sinh đẻ.

Gia đình như vậy đã được kéo ra khỏi vòng thân bằng quyến thuộc để mặc lấy hình thức ta gọi là gia đình hạt nhân chủ yếu bao gồm cha mẹ và con cái. Liên hệ vợ chồng đã được chuyển dịch ra khỏi hình thức tổ phụ, trong đó, người chồng là đầu của gia hộ, người lãnh đạo tự nhiên mà mọi người phải vâng lời và kính trọng, người nắm quyền kiểm soát các nhu cầu kinh tế của gia đình và điều khiển việc đối ngọai của nó. Cũng thế, người vợ không còn chỉ có trách nhiệm duy nhất là chăm sóc con cái và nhà cửa, đồng thời nâng niu tình cảm cho mọi người nữa. Trái lại, ta thấy có sự công bình hơn trong trách nhiệm, các vai trò trong gia đình uyển chuyển hơn và nguyên tắc bổ sung được thừa nhận. Do đó, hôn nhân hiện đại với tính chất đồng hành đã giảm thiểu sự phân cách xã hội bắt người ta phải cung kính, giảm thiểu phẩm trật giữa vợ chồng, và giữa vợ chồng và con cái. Ðiều ấy hiển nhiên mang lại sự thân mật khiến người ta đem những tình cảm sâu đậm của nhân cách vào hôn nhân. Một nhiệm vụ của cuốn sách này là chú trọng đến bản chất mối liên hệ đồng hành và thân mật giữa vợ chồng, một liên hệ không còn bị chi phối bởi các vai trò và các chức phận cổ truyền nữa, nhưng được đánh dấu chủ yếu bằng sự thân mật có tính xã hội và tâm lý. Ðó là điều hiện đang xẩy ra cho các cuộc hôn nhân ngày nay, đem lại nhiều hậu quả lớn lao, những hậu quả này sẽ được bàn đến trong những chương kế tiếp.

KHÍA CẠNH DÂN SỐ HỌC

Ðể có thể lượng gía ý nghĩa của hôn nhân đồng hành, cần phải tìm hiểu xem cơ cấu của hôn nhân đã chịu ảnh hưởng như thế nào bởi các yếu tố dân số học như tuổi khi kết hôn, thời gian kéo dài của nó, việc thai nghén và con cái.

TUỔI LÚC KẾT HÔN

Trong thế kỷ 16, phụ nữ thường lấy chồng vào khoảng 20 tuổi. Tuổi ấy tăng lên 22 vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Nó tiếp tục tăng vào thế kỷ 19, và sang đầu thế kỷ 20, thì tuổi trung bình đi lấy chồng là 25, kéo dài đến tận Thế chiến Hai; sau đó, giảm đi; năm 1854, tuổi trung bình lấy chồng là 24, năm 1969 là 22.5 với sự gia tăng chút đỉnh lên đến 22.9 vào năm 1977.

Ðối với đàn ông, những con số trung bình ấy cao hơn. Tiếp tục cao trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, rồi từ từ giảm xuống sau Thế chiến Hai: năm 1951 là 26.7, nhưng năm 1969 là 24.53; trong thập niên qua, con số ấy tăng dần, lên đến 25.1 vào năm 1977.

THỜI GIAN KÉO DÀI CỦA HÔN NHÂN

Thời gian kéo dài của hôn nhân tuỳ thuộc ba biến tố sau đây: tuổi khi kết hôn, tuổi khi chết và tuổi khi hôn nhân bị tiêu hủy vì những lý do không phải là chết. Như thế, tuổi thọ là tiêu chuẩn quan trọng đối với thời gian kéo dài của hôn nhân. Trong thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, tuổi thọ của đàn ông tính từ lúc anh ta 30 tuổi vào khoảng từ 22 đến 26 năm. Thời gian kéo dài của hôn nhân cũng vì vậy tương đối ngắn và một bản nghiên cứu cho thấy thời gian kéo dài trung bình của những cuộc hôn nhân lần đầu trong các gia đình nghèo vào khoảng từ 17 đến 19 năm, gia tăng lên 22 năm vào cuối thế kỷ 19. Tử xuất của cả hai giới, đặc biệt của nữ giới trong khi đang mang thai cũng như trong thời gian sau khi sinh con, là nguyên nhân chính của việc kéo dài vắn vỏi ấy.

Ðến năm 1971, tuổi thọ trung bình tính từ lúc mới sinh là 68.6 đối với đàn ông, và 74.9 đối với phụ nữ, nhờ thế, thời gian kéo dài trung bình của một cuộc hôn nhân là vào khoảng 50 năm. Sự phối hợp giữa tuổi thọ và thời gian tương đối dài của hôn nhân là một trong những thách đố đối với sự bền vững trong hôn nhân.

CON CÁI

Tử xuất cao của người lớn cho thấy trẻ em trong thế kỷ 16, 17 và đầu 18 có thể đã mất một trong hai cha mẹ trước khi chúng tới tuổi trưởng thành. Tử xuất cao của người lớn cũng thường đi đôi với tử xuất cao của trẻ em. Cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, vào khoảng phân nửa trẻ em nông dân Pháp chết ở tuổi lên 10, và giữa khoảng một nửa đến hai phần ba chết ở tuổi 20. Tại London vào năm 1764, 49 phần trăm trẻ em chết lúc lên 2 và 60 phần trăm chết lúc lên 5. Mãi đến năm 1750, mức tử của trẻ em sơ sinh và trẻ thơ mới bắt đầu giảm dần (12).

Vào đầu thế kỷ 20, một bà mẹ thuộc giai cấp lao động thường mang thai 10 lần và thường dành 15 năm mang thai và chăm sóc con thơ cho đến khi đứa con lên 1 tuổi. Thời Ðệ Nhị Thế Chiến, thời gian đó vào khoảng 4 đến 5 năm.

Một trong những lý do của những thay đổi trên là do việc mang thai cũng như sự sống của trẻ sơ sinh nay đã an toàn nhiều. Tuy nhiên việc giảm tử xuất nơi trẻ sơ sinh (chết dưới 1 năm) và chết lúc mới sinh thì tương đối mới xảy ra đây. Vào năm 1911, toàn diện tử xuất của trẻ sơ sinh được tính là 129.4 trên 1,000 vụ sinh, trong khi vào năm 1977, tỷ lệ đó là 14 (13). Vào năm 1928, tử xuất các trẻ chết ngay lúc sinh (stillborns) được tính là 40.1 trên 1,000 vụ sinh, giảm xuống còn 9.3 vào năm 1977. Những tiến bộ lớn về chữa trị và phòng ngừa trong y khoa, đi đôi với điều hòa sinh đẻ cho phép phụ nữ có số con họ muốn, đã được mệnh danh là "sự nới rộng có tính cách mạng của tự do " (14).

Sự tự do ấy đã dẫn đến việc rút nhỏ khuôn khổ gia đình: trung bình mỗi gia đình có khoảng 2 đứa con. Các tài nguyên được giải thoát do đó đã được sử dụng đặc biệt bởi phụ nữ để họ có thể đi làm trở lại. Họ phải ngưng làm việc khi sinh con, nhưng khi con vừa lớn khôn đủ, họ từ từ quay lại sở làm, khiến con số phụ nữ làm việc toàn thời gian đạt đến 60% sau 20 năm kết hôn (15).

TÓM LƯỢC

Thực tại xã hội của hôn nhân hiện đại là tiểu gia đình gồm cha mẹ và con cái, với 3 giai đoạn của chu kỳ hôn nhân. Những năm đầu trước khi các con ra đời, thời gian các con ra đời và lớn lên, và thời gian sau khi các con đến tuổi thiếu niên và ra đời để cha mẹ trở lại với mối liên hệ tay đôi như trước - giai đoạn ba này có thể kéo dài đến 20 năm hoặc hơn. Trong suốt thời gian lấy nhau, vợ chồng nhiều khi đảm nhận những vai trò vốn được coi như truyền thống, nhưng họ cũng đạt được mức độ cao trong sự mềm dẻo tiếp nhận các vai trò khác nhau của vợ chồng, sống thân mật với nhau hơn về phương diện xã hội và tâm lý, chờ mong ở nhau biểu lộ tình cảm và thoả mãn tính dục nhiều hơn cũng như đem cái sâu sắc trong nhân cách can dự nhiều hơn vào mối liên hệ vợ chồng. Tất cả những yếu tố đó, đi đôi với khuôn khổ nhỏ hơn của gia đình cũng như tỷ lệ ly dị cao hơn, chính là những yếu tố của hôn nhân hiện đại.

Các đặc điểm xã hội dẫn đến việc tự chọn lựa người phối ngẫu, việc nhấn mạnh đến sự công bình trong liên hệ và sự hiện diện rõ rệt của tình thân mật đã có nhiều vang dội tâm lý, vì các vai trò cố định không còn che dấu được thế giới cảm quan và xúc cảm nữa. Chính hai thế giới này điều hành sự trao đổi giữa hai vợ chồng. Chương sau sẽ đề cập đến vấn đề này.

Tài Liệu Tham Khảo

1. Stone, L., The Family, Sex and Marriage in England 1500-1800. Weidenfield and Nicolson, 1971.

2. Shorter, E., The Making of the Modern Familỵ Collins, 1976.

3. Stone, p. 86

4. Ibid., p. 273

5. Ibid., p. 233

6. Acton, W., Functions and Disorders of the Reproductive System. London (4th Ed.), 1865.

7. Ellis, F., The Daughters of England. London, 1845.

8. de Beauvoir, S., The Second Sex. Penguin, 1972.

9. Greer, G., The Female Eunuch. MacGibbon and Kee, 1970

10. Millett, K., Sexual Politics. Rupert Hart-Davis, 1971

11. Tweedie, J., In the Name of Love. Jonathan Cape, 1979.

12. Stone, pp.68, 72.

13. Population Trends, no 15. Office of Population Censuses and Surveys, HMSO, 1979

14. Titmuss, R.M., Essays on the Welfare State. Allen and Unwin (2nd Edn.), 1963

15. Population Trends, No.2. Office of Population Censuses and Surveys, HMSO, 1975

 
Văn Hóa
Em be lang thang (thơ)
Buồn Tàn Thu
10:55 21/05/2008
 
Hy sinh không lùi bước (thơ)
Lê Dân Việt
13:22 21/05/2008
HY SINH KHÔNG LÙI BƯỚC

Ta cúi đầu, trước tổ tiên đất nước
Trước anh hùng, những chiến sĩ vô danh
Vì tổ tiên, tổ quốc đã bỏ mình
Nhẹ tình nhà, nặng tình quê dân tộc

Đã hiên ngang, dũng cảm sống kiên cường
Vì thù nhà, nợ nước nén đau thương
Đã hy sinh, cho nước đỡ tủi sầu
Nay cộng nô, nhục nhã dâng đất Tầu

Mất mát ấy, lấy gì mà hàn gắn
Giang sơn Nam! Vì ai mất từng mảnh?
Đất dân oan, đảng cướp dân trắng tay!
Đất tôn giáo, đảng chiếm hết chúng bay!

Cả một bày, cho bay thật đắng cay
Cả đạo đời, đau buồn và chán nản
Thân nam nhi, với sức lực bình sinh
Vì dân tộc, ta phải quyết liều mình

Phải đấu tranh, nối vòng tay siết chặt
Muôn người Việt, phải đứng lên cứu nước
Vì dân oan, vì đạo lý phía trước
Cứu giang sơn, vì chính nghĩa đấu tranh

Cho tự do, dân chủ, nắng thanh bình
Quyết đứng lên, tất cả vì tổ quốc
Cùng ngày giờ, cùng chung lòng tiến bước
Có đau thương, cũng can đảm hiên ngang

Cả dân Việt, cùng nghĩa khí trung can
Tâm oanh liệt, bước đi theo vận nước
Cùng hô hào, ta xông lên phía trước
Vì tổ quốc, đem xương máu đắp bồi

Ta sẽ làm, rạng rỡ lại giống nòi
Và muôn người, cùng đứng lên tiếp nối
Không nhu nhược, không khom lưng luồn cúi
Phải đứng lên, để cứu cả muôn dân

Có đau thương, vì dân không ngại ngần
Có hy sinh, ta thề không lùi bước.
 
Lời Cầu (thơ)
Thùy Linh
15:41 21/05/2008
LỜI CẦU

Lâu lắm rồi, con tự mình xa Chúa
Được gì đâu thêm héo úa tâm tư
Nỗi vô vọng cứ say sẩm nhậm nhừ
Còn xác thân, linh hồn trong chao đảo

Từng ngày qua trong chuỗi ngày thễu nảo
Bước nhọc nhằn, lê lết, rảo chiều buông
Lạnh hồn đơn từng giọt lệ trong hồn
Nghe thấm buốt tim mình trong tê tái

Lời trăng trở tháng ngày quên trở lại
Tiếng chuông chiều vọng mãi đến ngàn sau
Vang vãng sâu nơi đâu tiếng kinh cầu
Lệ như sương uốn mình trong đêm tối

Quỳ nơi đây nhưng trong lòng tự hỏi
Tự hối ư? Hay bối rối hoang mang?
Không phải con chỉ kể lể, than van
Nhưng thật sự chuỗi ngày này khó sống!!!

Nhìn con đi, xác thân không linh động
Mổi một ngày phải sống bởi vì đâu
Môi khô đi nhắc lại những lời cầu
Ngài hẳn nghe, nhưng lặng im, chẳng nói

Đến bao giờ Ngài trả lời con hỏi
Từng lời kinh sám hối lẩn van lơn
Ngài con đó thấy giọt lệ rơi, tuông
Sao Ngài nở ngoảnh đi không thương xót

Đừng trách con, lời khẫn cầu chưa ngớt
Và từng đêm lệ rơi ướt mi hoen
Giấc ngũ vùi tiếng đứt khoãng kinh đêm
Bao nhọc nhằn kết liên thành Chuỗi Sống

Hạt vui mừng là những gì rung động
Trái tim yêu trong cuộc sống gian nan
Hạt buồn thương, Ngài nhớ lúc trao ban
Hãy chia bớt cho riêng con phần nữa

Hãy cho con ách Ngài làm điễm tựa
Lúc muộn phiền tựa cuộc sống hôm nay
Buồn vui gì xin trao hết Ngài đây
Xin đỡ con khi xác thân buông rã

Tiếng chuông chiều nhiều lần nghe khe khẽ
Gỏ vào hồn xé nát cã tâm linh
Môi vang lên một lời nói tâm tình
Xin Ngài giử tấm linh hồn thoi thóp.
 
Nguồn gốc Rồng Tiên của Người Việt Nam
Nguyễn Văn Thành
21:36 21/05/2008
Những bài học “Làm Người” với anh chị em đồng bào:

Nguồn gốc Rồng Tiên của Người Việt Nam

Con thân thương, hỡi con cháu Lạc Hồng,
Làn da con màu vàng đồng lúa chín,
Mái tóc con nhắc lại những dòng sông:
Sông Hồng, Sông Hương, Cửu Long cuồn cuộn,
Mang phù sa nuôi sống những mầm non,
Chuyên chở nước tưới mát những cánh đồng.

Quên sao được: Bàn tay con huyền nhiệm,
Tay Bà Trưng, Bà Triệu cứu Non Sông,
Tay sáng tạo bao chiến công xán lạn,
Tay Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…
Tay oanh liệt của cháu chắt Vua Hùng,
Mang dòng máu Rồng Tiên trong huyết quản.

Con thân thương, hỡi con cháu Lạc Hồng,
Hãy đứng thẳng, cho lòng người cường tráng,
Giữa dòng đời, ôm mãi vững niềm tin,
Đường con đi, hy vọng ở đáy lòng.

Trong đêm tối, ánh mắt tràn ánh sáng,
Người phản bội, mở rộng lòng tha thứ,
Dù té ngã, vẫn bước trọn con đường,
Giờ truân chiên, nở nụ cười tỏa rạng.

Con trọng đại, vì con là tất cả:
Là mảnh đất mầu mỡ của Quê Hương,
Một khu vườn ươm lại giống Tình Thương,
Xây Non Sông, làm tươi đẹp khóm phường.
Con bồi đắp cho ngày mai, tuổi trẻ,
Trồng rừng xanh phủ hết đất tang thương,
Cưu mang Trời, chiếu rạng vùng tăm tối,
Hạt Tình Người gieo vãi khắp mười phương.

Nghe bài hát "Tên Em - Mẹ Từ Tâm (thơ Nguyễn văn Thành)

Mục đích của bài chia sẻ này là khai sáng một số vấn đề cụ thể như sau:

Xuyên qua những câu chuyện huyền sử về “nguồn gốc Rồng Tiên” của người Việt Nam, Tổ Tiên muốn nhắn lại cho chúng ta và con cháu sau này những điều gì quan trọng? Sứ điệp của các vị bao gồm những nội dung như thế nào ? Giá trị của các sứ điệp ấy, trong những điều kiện sinh sống của chúng ta ngày hôm nay, còn mang tính hiện thực và thời sự nữa hay không ? Hay đó chỉ là những chiếc áo đã lỗi thời, cũ kỹ, không còn thích hợp với con nguời có tinh thần khoa học, thuộc thời đại Nghìn Năm Thứ Ba ?

Để tháo mở một phần nào bao nhiêu vấn nạn ấy, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát hai loại trọng điểm sau đây:

Trong phần Một, với kỹ thuật “Sáu chiếc Mũ” của tác giả Ed. De Bono, chúng ta sẽ khám phá sáu tầng lớp ý nghĩa khác nhau của mỗi câu chuyện huyền sử.

Trong phần Hai, xuyên qua những thành quả được phát hiện, chúng ta sẽ ý thức được rằng: mỗi câu chuyện huyền sử có mục đích đáp ứng và thỏa mãn bốn nhu cầu làm người có mặt trong bản thân của chúng ta. Đồng thời, những kết quả ấy cũng làm nổi bật ba chiều kích trọng yếu có mặt trong bản sắc làm người của chúng ta.

Phần Một
Sáu tầng lớp ý nghĩa của Huyền sử


Để tránh những ngộ nhận và sai lầm, trong cách sử dụng từ ngữ, tôi xin đưa ra một số phân biệt quan trọng sau đây:

- Thứ nhất, Huyền sử không phải là lịch sử. Khi tôi chép lịch sử của một dân tộc hay xứ sở, tôi ghi lại những sự kiện và biến cố, một cách khách quan và xác thực được chừng nào hay chừng ấy. Những sự kiện và biến cố ấy được chính tôi chứng kiến, mục kích trực tiếp. Hay là tôi đã tham khảo và trích dẫn những tài liệu có giá trị, được các nhà chép sử khác công nhận. Tuy nhiên, với bao nhiêu nỗ lực có tính khoa học ấy, tôi còn phải thú nhận rằng: không bao giờ và không có chi là hoàn toàn khách quan một trăm phần trăm. Khi sao chép, ghi nhận một sự kiện, tôi đã làm công việc chọn lựa, chắt lọc, cân nhắc, nghĩa là tôi đã vận dụng bao nhiêu ý kiến và lập trường chủ quan của tôi. Sau khi ghi nhận những sự kiện, tôi còn phải “thuyên giải”, nghĩa là xếp đặt lại, tìm ra ý nghĩa và xác định phương hướng hành động. Riêng trong hoàn cảnh Việt Nam, công việc chép sử chỉ mới khai sinh ở dưới Triều Lý (1010-1225), được kiện toàn ở dưới Triều Trần (1225-1400), và tương đối hoàn chỉnh ở dưới triều Lê (1418-1527). Tuy nhiên, vì chiến tranh xảy ra liên miên, nhiều tài liệu lịch sử đã bị tiêu hủy, đốt cháy và thất lạc. Từ Triều Lý trở lên về trước, trong vòng gần bốn ngàn năm, lịch sử của đất nước tuyệt đối không được ghi chép thành văn bản. Thay vào đó, chúng ta có những lời truyền tụng, những di tích và những hiện vật như cung tên, khí giới, trống đồng, đồ gốm… Những phương tiện nầy cho phép các sử gia thiết lập một số điểm mốc quan trọng, khả dĩ đánh dấu những giai đoạn phát triển của dân tộc Việt Nam từ thời Hồng Bàng (2879-258 trước công nguyên) cho đến ngày hôm nay.

- Khác với lịch sử, như chúng ta vừa trình bày ý nghĩa, Huyền sử bao gồm nhiều câu chuyện vừa thực vừa mơ, “bàn về” nguồn gốc của Đất Nước và Dân tộc, do tổ tiên và cha ông chúng ta thừa kế từ đời trước và truyền lại cho các đời sau, qua bao nhiêu tầng lớp thế hệ nối đuôi nhau. Tác giả Trần Thế Pháp là người đầu tiên, vào cuối thế kỷ 14, dưới thời Trần Nghệ Tông làm Thượng Hoàng, đã lượm lặt, sưu tầm những câu chuyện ấy và chép lại thành văn bản, với tựa đề “Lĩnh Nam Chích Quái”. Tác phẩm nầy, gần 100 năm sau, vào cuối thế kỷ 15, chung quanh thời điểm là năm 1492, đã được tác giả Vũ Quỳnh sắp xếp lại, thay đổi thứ tự và lập thành một văn bản mới. Phải đợi đến năm 1973, chúng ta mới có được một tác phẩm bằng quốc ngữ, do “Tiếng Đông Phương” xuất bản tại Sài gòn và “Sống Mới” phát hành. Sách dày 665 trang, mang tựa đề là “Việt Nam Văn Học Toàn Thư, thần thoại, cổ tích”. Tác giả là Hoàng Trọng Miên đã sưu tầm, bổ túc bằng cách thêm vào nhiều câu chuyện của các dân tộc thiểu số.

- Thông thường, khi nói đến nguồn gốc “Rồng-Tiên” của người Việt Nam, rất nhiều tác giả chỉ đề cập đến câu chuyện « Lạc Long Quân thuộc giống Rồng kết hôn với Bà Âu Cơ thuộc giống Tiên ». Từ liên hệ vợ chồng nầy, một trăm đứa con được sinh ra cùng một lúc, trong cùng một bọc trứng. Cho nên bây giờ, chúng ta gọi nhau là ĐỒNG BÀO, có nghĩa là anh chị em cùng chia sẻ với nhau một bào thai”. Vì vô tình hay hữu ý, khi quá nhấn mạnh câu chuyện nầy, các tác giả ấy đã bỏ quên vai trò và ý nghĩa của nhiều câu chuyện khác không kém phần quan trọng, như:

o Ba công trình vĩ đại của Lạc Long Quân là diệt tan Ngư tinh, Mộc tinh và Hồ tinh,
o Thánh Gióng đi đánh giặc Ân, lúc lên ba tuổi,
o Bánh dày và bánh chưng của Lang Liệu,
o Cuộc tranh chấp sống mái giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh,
o Thần Kim Qui giúp Vua An Dương Vương xây dựng Thành Cổ Loa,
o Trọng Thủy lấy Mỵ Châu làm vợ và cướp mất chiếc nỏ thần bảo quốc đem về Tàu.

- Cũng vì lý do thiếu khả năng phân biệt một cách rõ ràng giữa lịch sử và huyền sử, nhiều cuộc trao đổi giữa chúng ta, chung quanh vấn đề Huyền sử, đã dễ dàng thoái hóa thành những vụ tranh chấp, xung đột, mang đầy tính chất bạo động và nhị nguyên như:

o Tôi đúng-kẻ khác sai,
o Tôi có lý-kẻ khác vô lý,
o Tôi hơn-kẻ khác thua,
o Tôi có óc khoa học-kẻ khác vô học.

Và khi tinh thần nhị nguyên đã khống chế tâm tư và cuộc đời, với những nhu cầu phân biệt trắng-đen rõ rệt, bạn-thù quang minh, chúng ta trở nên mù quáng. Vô minh tràn ngập mọi hang cùng ngõ hẻm của tâm hồn. Đôi mắt chúng ta không còn có đầy đủ ánh sáng, để nhận ra khuôn mặt thân thương của người anh chị em. Dòng máu luân chuyển trong cơ thể của họ, phải chăng cũng là dòng máu Rồng Tiên đang đập nhịp trong quả tim của chúng ta ?

Thế mà trong lịch sử của nước nhà, cứ mỗi lần một triều đại mới lên nắm chính quyền, lại xảy ra quang cảnh thanh trừng, đổ máu, thịt nát, xương rơi, nồi da xáo thịt. Đã một thời, Trần Thủ Độ, vị công thần khai nguyên Nhà Trần, đào hầm, gài bẫy, chôn sống nhiều con cháu của Nhà Lý. Vào cuối đời Trần, Hồ Quí Ly lại tìm cách tận diệt những viên chức trung tín với Nhà Trần. Nhà Nguyễn, sau khi đánh thắng Tây Sơn, đã đào mồ, quật mã, mạ lị hài cốt của tổ tiên họ. Vào những năm 1940, nhiều người cũng đã bị thủ tiêu, khi chưa có án lệnh rõ rệt...

Cho đến bao giờ, người Việt Nam, trong cũng như ngoài Nước, mới có khả năng lắng nghe sứ điệp của Tổ Tiên và Cha Ông ? Qua các câu chuyện huyền sử, phải chăng các vị hôm nay vẫn đang còn nhắn nhủ chúng ta rằng: hai người Việt Nam có thể khác nhau như Trời và Biển, như Rồng và Tiên. Vâng, chúng ta đang bộc lộ những sắc thái khác nhau, trên nhiều phương diện. Nhưng khác mà không khai trừ, loại thải nhau. Khác, mới có thể bổ túc, kiện toàn cho nhau, cùng nhau làm nên những kỳ công trọng đại cho quê hương và anh chị em đồng bào, giống như Lạc Long Quân đã làm, cách đây hơn bốn ngàn năm về trước.

Có người đòi hỏi những sự kiện cụ thể, khách quan trong các câu chuyện huyền sử ? Chúng ta chỉ cần can đảm nhìn mình, nhìn cuộc sống hai bên cạnh, chúng ta sẽ khám phá một cách dễ dàng: những hiện tượng xung đột giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh không phải là những câu chuyện hoang tưởng, bịa đặt. Nhưng đó là những hiện thực hoàn toàn khách quan, đang xảy ra hôm nay, ở đây và bây giờ, trước mắt chứng kiến của chúng ta. Ngay cả trong tâm hồn và cuộc đời của chúng ta.

Câu nói của Thần Kim Qui, trả lời cho Vua An Dương Vương: “Kẻ thù đang ngồi ở sau lưng Nhà Vua” còn mang rất nhiều tính thời sự, trong hoàn cảnh của Đất Nước, ngày hôm nay.

Nói tóm lại, con đường tư duy độc lộ chỉ dẫn đưa chúng ta đến một ngõ cụt: đó là tình trạng bạo động hận thù, kỳ thị chiến tranh, chết chóc và lầm than. Thay vào đó, tác giả Ed. De Bono đề nghị chúng ta học hỏi và tôi luyện một lối nhìn đa năng đa diện, mang tên là “kỹ thuật SÁU CHIẾC MŨ”. Mỗi lần nói về mình, về người khác, hay là cùng nhau khảo sát một vấn đề – chẳng hạn như tìm hiểu ý nghĩa của Nguồn gốc Rồng Tiên – chúng ta hãy lần lượt đội lên đầu sáu chiếc mũ Trắng, Đen, Vàng, Đỏ, Xanh da trời và Xanh lá cây.

Với chiếc mũ màu trắng, chúng ta làm công việc ghi nhận sự kiện cụ thể và khách quan, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chúng ta nghe làm sao, chúng ta nói lại y nguyên, không thêm không bớt. Chúng ta thấy gì, chúng ta trình bày lại, một cách trung thực, cơ hồ tấm gương soi phản ảnh tất cả những gì đang xảy ra ở đằng trước.

Với chiếc mũ màu đen, chúng ta rút ra một cách có ý thức những sự kiện, mà chúng ta đánh giá là tiêu cực, có những hạn chế rõ rệt. Tuy nhiên, chúng ta phải có can đảm nêu lên những lý do giải thích thể thức đánh giá của chúng ta. Sau đó, chúng ta lắng nghe và cho phép kẻ khác phát biểu, biện hộ, nêu lên những thắc mắc của mình.

Với chiếc mũ màu vàng mặt trời, chúng ta cố gắng phát hiện những khía cạnh tích cực, năng động… – nếu tìm, thế nào cũng có – trong bao nhiêu ý kiến mà chúng ta vừa phê bình và đánh giá.

Với chiếc mũ màu đỏ, chúng ta diễn tả những xúc động hoàn toàn chủ quan của mình, như buồn, lo, tức giận, sợ hãi. Vì đây là những phản ứng hoàn toàn chủ quan, chúng ta hãy dùng sứ điệp ngôi thứ nhất TÔI, để phát biểu và đảm nhận ý kiến của mình, một cách chân thành và sáng suốt. Không ném đá giấu tay. Không vơ đũa cả nắm. Không giận cá chém thớt. Chúng ta bộc lộ nhu cầu và nguyện vọng của mình. Đồng thời chúng ta cho phép kẻ khác từ chối, không thỏa mãn chúng ta, vì đó cũng là quyền lợi riêng tư của họ.

Với chiếc mũ màu xanh da trời, chúng ta đúc kết, rút ra ý nghĩa từ những sự kiện, mà chúng ta đã thu lượm, với bốn chiếc mũ trước đây. Giai đoạn nầy mang tên là THUYÊN GIẢI, bao gồm ba công việc khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Thứ nhất là tóm lược quá khứ, rút ra những kết luận, sau khi đề xuất và kiểm chứng một cách nghiêm chỉnh những giả thuyết hay là những hướng đi giả định. Công việc thứ hai là xác định những công việc cần thực hiện, trong hiện tại. Thứ ba là dự phóng, tiên liệu hay là chuẩn bị con đường cho tương lai.

Khi nhiều ý nghĩa được đề xuất cùng một lúc, chúng ta phải xếp đặt thành thứ tự ưu tiên. Và chương trình nào quan trọng nhất, phải được chúng ta giải quyết và thực hiện, truớc tất cả mọi dự phóng khác được đề xuất, nhưng hiện thời, đó chưa phải là những điều cấp thiết và khẩn trương.

Nói tóm lại, chiếc mũ xanh da trời kêu mời, thúc giục chúng ta đi lên, mở rộng tầm nhìn, đúng như câu thơ của Thi sĩ Trụ Vũ đã diễn tả:

“ Bởi vì mắt thấy trời xanh,
“ Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.
“ Bởi vì mắt thấy bể khơi,
“ Cho nên mắt cũng xa vời đại dương ”.


Sau cùng, với chiếc mũ màu xanh lá cây, chúng ta bắt tay vào việc, “làm nên mùa xuân” trong lòng đất nước, thực hiện những gì đã được đề xuất, thay vì chỉ hô hào, tuyên truyền láo khoét. Hơn ai hết, chính Nguyễn Trãi đã yêu cầu chúng ta, cách đây hơn năm thế kỷ:

“ Lấy Đại Nghĩa mà thắng hung tàn,
“ Lấy Chí Nhân mà thay cường bạo ”.


Nếu mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng có khả năng sử dụng sáu chiếc mũ, để nhìn lại, ngẫm lại nguồn gốc RỒNG TIÊN của mình và dạy lại cho con cái biết làm như chúng ta, tôi chăc chắn rằng: bản thân chúng ta ĐÃ và SẼ viết được những trang sử kỳ hùng cho quê hương và anh chị em đồng bào, giống như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hoàng hậu Ỷ Lan, cách đây hơn 10 thế kỷ.

Phần Hai
Bốn NHU CẦU sinh hoạt
và Ba chiều kích làm người của chúng ta


Dựa vào kỹ thuật « Sáu chiếc mũ » của Ed. de Bono, mỗi người có thể phát hiện trong những câu chuyện huyền sử, những hướng đi, những ý nghĩa độc đáo cho cuộc sống làm người. Điều cốt yếu cần ghi nhận trong cách làm nầy, là chúng ta tạo ra những cơ hội, để chia sẻ với người khác những khám phá riêng tư của mình. Và đồng thời, chúng ta lắng nghe kẻ khác một cách cẩn trọng – nhất là những ai thuộc giới trẻ – khuyến khích và kêu mời họ diễn tả ý kiến của mình, cho phép họ nói về bản thân, quê hương và anh chị em đồng bào, một cách chân thành và cởi mở. Trong lòng đất nước, mỗi người trong chúng ta – bất kể là ai, thuộc thành phần nào – đều là một Thánh Gióng, hay là một Phù Đổng Thiên vương. Trước ba tuổi, chúng ta chỉ là một đứa bé khuyết tật, không biết đi, không biết nói. Nhờ bà con họ hàng cho ăn, cho mặc, cho ngựa, cho gươm, Thánh Gióng ba tuổi trở thành một chiến sĩ 30 tuổi, có khả năng lên đường, dẹp tan giặc Ân, đem lại thanh bình cho quê hương và xứ sở. Sau cuộc chiến thắng, Thánh Gióng, 30 tuổi, đã trở thành một thần linh của Đất Nước có tầm cỡ 3.000 tuổi và có khả năng tự mình bay lên trời, trở về với Mẹ Âu Cơ. Câu chuyên về Thánh Gióng được trình bày như vậy không phải là hoàn toàn hoang tưởng và bịa đặt. Trái lại, qua cách nói đầy hình tượng ấy, Tổ Tiên muốn gây ý thức rằng: trong tâm hồn của mỗi người, có một Thánh Gióng nho nhỏ đang còn nằm ngủ, chờ đợi chúng ta đánh thức dậy, cho ăn, cho mặc – về mặt vật chất cũng như tinh thần – để có thể đứng dậy, lên đường, nghe theo tiếng gọi của quê hương.

Thay vì đồng hóa với Thánh Gióng, chúng ta có thể đội chiếc mũ ĐEN lên đầu, để thấy mình mang da thịt và tâm hồn của Mỵ Châu. Trong một phút giây điên dại và mất tỉnh thức, chúng ta đã tạo ra cơ hội, để cho ngoai bang phương Bắc đánh cắp chiếc nỏ thần bảo quốc mà Tổ Tiên đã trối trăng lại, từ bao nhiêu đời. Câu chuyện « Sơn Tinh và Thủy Tinh » cũng có một ý nghĩa tương tự: chính chúng ta đã tạo nên những tai ương hoạn nạn cho đất nước của chúng ta. Chúng ta làm « gà một nhà bôi mặt đá nhau ». Ngược lại, nếu Sơn và Thủy biết chấp nhận và nhìn nhận nhau, họ có dư thừa mọi tài năng, khả dĩ làm cho Nước Non vui hưởng thanh bình và Núi Sông trở nên thịnh vượng.

Trong khuôn khổ của phần nầy, thay vì trình bày quá nhiều chi tiết, tôi chỉ mạo muội khảo sát hai vấn đề thiết yếu được nêu ra trong câu chuyện huyền sử về nguồn gốc Rồng Tiên của người Việt Nam.

Thứ nhất, đâu là vấn đề muôn thuở, người Việt Nam phải đương đầu, nhận diện qua các thời đại khác nhau ?
Thứ hai, Tổ Tiên đề nghị cho chúng ta những phương hướng hóa giải như thế nào ?

Tất cả cốt lõi của vấn đề và phương cách giải quyết được thu tóm trong câu nói trao đổi giữa Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ như sau:
« Ta thuộc giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khác nhau, người thích ở cạn, người ưa ở nước, tính tình đôi bên khác nhau… không cùng ở chung với nhau một nơi lâu được. Bây giờ một nửa các con theo tôi về Thủy phủ, còn một nửa thì ở lại với mẹ. Tuy đôi bên, kẻ ở rừng, người ở biển, song đến khi có việc gì, thì tin cho nhau, không được bỏ nhau ».

***
Sứ điệp nầy chuyển tải ở bên trong rất nhiều hình tượng, cô động lại với nhau và chồng chéo lên nhau, thậm chí mang nhiều chi tiết mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, khi dùng kỹ thuật « Sáu chiếc mũ », để nghiên cứu, khảo sát và nghiền ngẫm sứ điệp ấy, chúng ta có thể khám phá ít nhất ba tầng lớp ý nghĩa sau đây:

Tầng thứ nhất, KHÁC BIỆT là nét đặc trưng nổi bật nhất của người Việt Nam. Hẳn thực, khi người Việt Nam có dịp chung sống với một người khác, điều đầu tiên được họ khẳng định một cách nhanh chóng và quyết liệt, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi, là: Tôi khác bạn, bạn khác tôi. Chính nhờ tư cách đặc biệt nầy, người Việt Nam đã có khả năng xua đuổi quân Hán, quân Tống, quân Nguyên, quân Minh và quân Thanh ra khỏi đất nước của mình. Thêm vào đó, sau một ngàn năm bị ngoại bang đô hộ, chúng ta vẫn duy trì tiếng nói, y phục, phong tục và văn hóa độc đáo của mình. Khi khẳng định nét khác biệt như vậy, người Việt Nam khẳng định chính bản sắc hay là chân tướng của mình.

Tầng thứ hai, chính nét KHÁC BIỆT ấy cũng là đầu dây mối nhợ phát sinh mọi xung đột và hận thù, chia rẽ và chiến tranh, trong lòng quê hương đất nước. Chính vì nét khác biệt ấy, đã bao nhiêu lần, chúng ta không chấp nhận ngồi lại với nhau. Thay vào đó, chúng ta đã tạo nên những con sông Gianh, những vĩ tuyến chia cắt, trong quả tim của chúng ta.

Tầng thứ ba, khi nào người Việt Nam thấy được nét KHÁC BIỆT ấy là một THÁCH ĐỐ kỳ hùng, một TÀI NGUYÊN phong phú và một CƠ MAY diệu vợi, họ có thể thực hiện những kỳ công trọng đại cho đất nước và anh chị em đồng bào. Lúc bấy giờ, họ sẽ trở nên như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi… có khả năng « biến không thành có, chuyển luân Rác nuôi sống những cánh đồng, giữa sa mạc làm tuôn chảy dòng sông, trong chết chóc vun trồng hạt mầm sống ». Nói khác đi, NHỜ khác biệt, chúng ta có thể bổ túc, kiện toàn cho nhau. Làm phong phú cho nhau. Sinh thành nhau. Chúng ta trở thành « NHẤT TÂM », theo lối nói của Nguyễn Trãi, nghĩa là mang trong mình một quả tim có khả năng tác động cơ hồ trăm quả tim. Và một trăm quả tim kết hợp nhau lại làm nên một quả tim duy nhất.

Để thu gặt những thành quả ấy, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải hội nhập một cách nhuần nhuyễn ba bài học trên đây, trong bốn sinh hoạt khác nhau của đời sống tâm lý:

- Sinh hoạt thứ nhất là Hành Động thực tiển: chấp nhận sự khác biệt giữa ta và người anh ch? em, là một thực thể tất yếu. Từ đó, chúng ta cho phép kẻ khác có quyền khác chúng ta, thay vì đàn áp, thanh trừng, loại thải… thậm chí kẻ khác đó đang là một trẻ em hay là con cái của chúng ta.

- Sinh hoạt thứ hai là phát huy một lối nhìn tích cực về người anh chị em đồng hương, đồng bào. Dù với bất cứ nét khác biệt nào, trong lãnh vực chính trị cũng như tôn giáo, họ có quyền được chúng ta lắng nghe, tìm hiểu và tôn trọng. Vì một lý do nào đó, họ có thể sai lầm, vi phạm những hành vi bán nước hại dân. Nhưng chúng ta không có quyền truất phế phẩm giá làm người của họ. Nói theo ngôn ngữ của tổ tiên và cha ông chúng ta, họ vẫn « mang dòng máu RỒNG TIÊN trong huyết quản ».

- Sinh hoạt thứ ba là tìm mọi cách sẵn có trong tầm tay, để hóa giải và chuyển biến những xúc động đau buồn và tiêu cực, đang thúc ép, cưỡng chế chúng ta dấn bước vào con đường bạo động, hận thù, chia rẽ và chiến tranh.

- Sinh hoạt thứ tư là học tập, tôi luyện những quan hệ hài hòa, lúc tiếp xúc và trao đổi. Chúng ta chọn lựa con đường giáo dục và đối thoại, thay vì thanh trừng, đe dọa, đàn áp, thủ tiêu và ám sát, khi có người không đồng ý với chúng ta. Con đường giáo dục và đối thoại nầy phải bắt đầu được sử dụng trong khuôn khổ gia đình, giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, mới có thể trở nên một phương thức hành động hữu hiệu trong địa hạt xã hội, chính trị và phục vụ đất nước. Nói tóm lại, trong lòng đất nước và quê hương, không có kẻ thắng người thua. Không có chủ ông và người nô lệ. Chúng ta là anh chị em. Khi hai người Việt Nam hợp tác với nhau, họ có khả năng làm nên Đại dương bao la và Bầu Trời cao cả.

Đó là bốn con đường thể hiện bản sắc « Làm con Rồng cháu Tiên » của chúng ta. Không làm và sống như vậy, chúng ta chỉ là con nộm đa ngôn, hay là con vẹt lặp lại lời nói của người khác, mà không biết mình đang nói gì, không ý thức mình là ai.

***
Xuyên qua tất cả những phân tích và nhận định trên đây, khi chúng ta nhắc lại hay nhớ lại nguồn gốc Rồng Tiên của chúng ta, chúng ta không chỉ làm công việc hồi tưởng một quá khứ xa xưa mà thôi. Chúng ta còn có bổn phận trở về với chính mình, bằng cách chuyển biến sứ điệp của Tổ Tiên thành hiện thực hay là thực tế « ở đây và bây giờ », trong chính con người xương máu của chúng ta.

Nói theo ngôn ngữ của tác giả E. Berne, chúng ta đang thể hiện ba chiều kích kết tạo nên bản sắc của con người chúng ta:

Thứ nhất là chiều dọc: Mỗi người trong chúng ta vừa là đứa con đang thừa kế từ Tổ Tiên một gia tài phong phú. Đó là một giang sơn gấm vóc chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Đồng thời, chúng ta cũng là người cha mẹ, có bổn phận trối trăng lại cho các thế hệ sau này, một quê hương toàn vẹn và một nền văn hóa đặt nền móng trên Tình Thương, Thứ Tha và Lòng Bao dung. Không nhớ kẻ trồng cây, lúc ăn quả, và không tiếp tục mở mang những vườn cây mới, liệu chúng ta còn là những người có tinh thần trách nhiệm không ?

Thứ hai là chiều ngang: Chúng ta tất cả đều là anh chị em cùng sinh ra từ một cha và một mẹ, là Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Cho nên “Đồng Hành và Chia sẻ” là con đường tất yếu, chúng ta cần xây đắp và can đảm dấn bước mỗi ngày, cùng với anh chị em đồng bào trên khắp mọi nẻo đường của quê hương.

Thứ ba là chiều sâu của nội tâm: Hai chất liệu kết tạo nên tâm hồn của người Việt Nam, theo truyền thống Rồng Tiên, là Trọng Đại, Cao Cả như Bầu Trời của Bà Âu Cơ, và Bao Dung, Cởi Mở, Đón Nhận mọi người trong lòng Đại Dương bao la giống như Lạc Long Quân. Hơn ai hết, chính Nguyễn Trãi đã nhận thức được chiều sâu nầy, trong lời dạy sau đây:

Mở rộng cửa NHÂN, mời khách đến,
Vun trồng cây ĐỨC, nuôi con ăn
”.

Trong tinh thần và ý nghĩa ấy, chúng ta hãy lắng nghe một cách cẩn trọng và đón nhận làm của mình những lời trăn trối sau đây của Tổ Tiên và Cha Ông chúng ta:

* Con hãy lấy Hạnh của Đất mà sống:

Ðất Bị người người khạc nhổ, nhưng vẫn kết sinh hoa lợi, cho người người ấm no.

* Con hãy lấy Hạnh của Nước mà sống:
Nước Chấp nhận mang vào mình vết nhơ của bao nhiêu bàn tay, để đem về tẩy luyện trong lòng Biển Mặn.

* Con hãy lấy Hạnh của Khí mà sống:
Khí Đi vào bên trong lòng mỗi người, để mang dưỡng sinh cho từng tế bào, từng hạt máu, không quên sót một ai.

* Con hãy lấy Hạnh của Trời mà sống:
Trời Ở trên cao thật cao.
Nhưng đồng thời, Trời ở dưới thấp thật thấp.
Không có Trời, Con không có chi hết.
Nhưng Trời cũng không có chi hết. Trống Không.

* Con hãy lấy Hạnh của Lửa mà sống:
Ai ấm áp cho bằng Lửa ?
Nhưng ai khinh thường Lửa, tự khắc người ấy rước họa vào mình.
Lửa không phải là Trời.
Nhưng Lửa thay thế Trời, khi Con ở trong đêm tối, và trải qua những ngày đông lạnh lẽo.

* Con hãy lấy Hạnh của Đêm mà sống:
Nhờ Đêm, một ngày mới bắt đầu trở lại, sau khi nhọc lụy được giấc mơ ủi an, ấp ủ và chuyển hóa. Nhờ Đêm, mắt Con mới thấy được rằng: Tên Con đã được viết sẵn, bằng ánh sao lấp lánh, giữa Đại Dương Ngân Hà của Vũ Trụ.

Nguyễn Văn Thành
Notre Dame de Fatima
CH-1694 ORSONNENS/Fr
Ngày 15-05-2008

Sách tham khảo:
1.- Ed. DE BONO – Six thinking hats – Penguin Books, London 1986.
2.- HOÀNG TRỌNG MIÊN – Việt Nam Văn Học toàn thư: Thần thoại và Cổ tích – Tiếng Đông Phương, Saigon 1973.
3.- NGUYỄN ĐĂNG TRÚC – Bách Nam là Thủy Tổ của Bách Việt – TT Nguyễn Trường Tộ, 1998.
4.- TRẦN TRỌNG KIM – Việt Nam sử lược – Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội 1999.
5.- MỘT NHÓM GÍAO SƯ – Việt Sử – Inst. De l’Asie du Sud-Est Paris, 1983, tome 1 và 2.
6.- NGUYỄN VĂN THÀNH – Phát Huy Nhân Lực – Tủ Sách Tình Người, Lausanne 1998.
7.- NGUYỄN VĂN THÀNH – Nguyễn Trãi – Định Hướng 2001.
8.- E. BERNE – Analyse transactionnelle et Psychothérapie – PB Payot, Paris 1971.
9.- NGUYỄN VĂN THÀNH – Sơn Tinh và Thủy Tinh: Hai con đường, MỘT Nước Non – Tình Người, Lausanne 2003.
10.- NGUYỄN Văn Thành - HUYỀN SỬ VIỆT NAM - Tủ Sách Tình Người 2008, Lausanne Suisse.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Quê
Josephhoa Phạm
00:30 21/05/2008

MẸ QUÊ



Ảnh của Josephhoa Phạm.

Bà bà mẹ quê! Đêm sớm không nề hà chi

Bà bà mẹ quê! Ngày tháng không ao ước gì

Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui.

(Trích Ca khúc Bà Mẹ Quê của Phạm Duy)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền