Ngày 25-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ở cùng
Lm. Minh Anh
15:58 25/05/2024
Ở CÙNG
“Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Một buổi tối, Franklin D. Roosevelt và người bạn thân của ông - cố vấn Bernard Baruch - nói chuyện đến khuya tại Toà Bạch Ốc. Cuối cùng, Tổng thống đề nghị họ ra Vườn Hồng ngắm sao trước khi đi ngủ. Họ ra ngoài, lặng lẽ nhìn lên bầu trời nhiều phút, ngắm nhìn một tinh vân với hàng ngàn ngôi sao lấp lánh. Sau đó, Tổng thống nói: “Được rồi, tôi nghĩ bây giờ chúng ta cảm thấy ‘đủ nhỏ’ để vào nhà và đi ngủ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Các bài đọc Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng, con người không chỉ cần ‘đủ nhỏ’ để thấy Thiên Chúa hiện hữu, nhưng còn cần ‘đủ lớn’ để nhận biết Ngài là một Thiên Chúa ‘ở cùng’, gần gũi, yêu thương, đồng hành và quan tâm đến câu chuyện đời sống cá nhân của từng người trong chúng ta.

Thánh nữ Catarina Siêna nói, “Con đã nếm và nhìn bằng ánh sáng trí tuệ trong ánh sáng của Chúa, vực thẳm của Chúa, Ba Ngôi vĩnh cửu và vẻ đẹp của mọi tạo vật, vì khi nhìn vào Chúa, con thấy mình là hình ảnh của Chúa. Chúa ở cùng con, con ở cùng Chúa!”. Đúng thế, Ngài là “Thiên Chúa ở trên trời” nhưng cũng là Thiên Chúa “ở dưới đất” - bài đọc một. Vì vậy, tin Ngài không phải là tin vào một thực thể xa xôi, thờ ơ nào đó. Không! Trái lại, trong tình yêu, Ngài là Chúa Cha dựng nên vũ trụ; là Chúa Con sinh ra trong một dân tộc, trở nên xác phàm ‘ở cùng’ chúng ta, đã chết và sống lại vì chúng ta; và là Thánh Thần, với tư cách Đấng Bảo Trợ, biến đổi và dẫn dắt mọi sự đến viên mãn. Ba Ngôi trong một bản thể - Thiên Chúa - duy nhất là vậy!

Phaolô và Gioan, những con người đã trực tiếp trải nghiệm vẻ phong phú của sự gần gũi này. Đó là một Thiên Chúa Tình Yêu; là ‘Cha của chúng ta’ - những đứa trẻ phó mình trong tay của người đã cho nó sự sống với lòng tin tưởng tuyệt đối. Ngài đang hoạt động trong chúng ta - Phaolô nhắc lại - Chúa Thánh Thần bảo đảm rằng, Chúa Kitô không bị giản lược thành một nhân vật của quá khứ, nhưng Ngài ‘ở cùng’, đương thời với chúng ta, và chúng ta cảm thấy niềm vui được làm những con trai con gái yêu thương của Thiên Chúa, được gọi Ngài là Cha - Abba, Cha ơi - bài đọc hai.

Ba Ngôi Chí Thánh không phải là sản phẩm của lý trí con người mà là khuôn mặt của một Thiên Chúa muốn tỏ mình ra, không phải từ ngai vàng, mà là bước đi với nhân loại. Chính Chúa Giêsu, Đấng mạc khải Chúa Cha cũng là Đấng đã hứa ban Thánh Thần, Đấng dạy dỗ chúng ta mọi điều chúng ta chưa biết; và từ bên trong hướng dẫn chúng ta, ban cho chúng ta những ý tưởng tuyệt vời và những nguồn cảm hứng tốt.

Anh Chị em,

“Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Lễ Chúa Ba Ngôi dẫn chúng ta đến chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa - Đấng còn có tên là Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng. Từ đó, chúng ta “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”, giúp mọi tạo vật chào đón Ngài, phản chiếu tia sáng vẻ đẹp, sự tốt lành và chân lý của Ngài. Vì thế, Kitô hữu không bao giờ là người cô độc; chúng ta thuộc về gia đình Ngài. “Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con cảm thấy luôn ‘đủ nhỏ’ để hằng phụ thuộc vào Chúa; đồng thời, ‘đủ lớn’ để phản ánh xuất sắc vinh quang Chúa cho anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:04 25/05/2024

18. Suy niệm đến sự chết là phương pháp tốt nhất để tìm thấy ánh sáng trước mặt Thiên Chúa.

(Thánh nữ Catherine of Siena)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:09 25/05/2024
65. QUAN TÂM CÁI ÁO TRƯỚC

Trời mưa, Vu công mượn áo của người khác để ra khỏi nhà, vì không cẩn thận nên bị té ngã, cánh tay bị thương và áo cũng bị dơ bẩn.

Người đi theo đỡ ông ta dậy, giúp ông ta nắn bóp cánh tay, Vu công ngăn lại nói:

- “Mau đi xách nước đến rửa áo, cánh tay bị té không nhằm nhò gì.”

Tùy tùng nói:

- “Thân té không chịu lo lại lo áo dơ, như thế là thế nào?”

Vu công nói:

- “Cánh tay là của ta, cái áo là ta mượn, bị hư thì phải lo mà đền”.

(Nhã Ngược)

Suy tư 65:

Giữ gìn và tôn trọng của cải của người khác là điều cần thiết phải làm, nhưng Vu công vì sợ bị đền mà không lo đến mạng sống của mình thì là người coi trọng của cải hơn mạng sống mình, chứ không phải là tôn trọng tài sản của người khác...

Chứ “tín” và chữ “sợ” thì không giống nhau: người giữ chữ tín là người biết trọng danh dự của mình và của người khác, là người biết giữ gìn tài sản của mình cũng như của tha nhân, cho nên người giữ chữ tín là người biết lo cho mình mà vẫn cứ bồi thường thiệt hại cho người bị hại; người sợ sệt là người sợ người khác báo oán mình, sợ người khác hiểu lầm mình mà có những lúc coi thường tính mạng của mình cách vô lý...

Cái áo mưa là vật không đáng giá nhưng sức khỏe của mình là vật vô giá, lo chữa trị cho mình trước và bồi thường cho người khác sau cũng chẳng sao cả, không lỗi đức công bình và cũng không làm mất uy tín của mình, trái lại sẽ được coi là người có trí. Nếu lo cho mình mà không bồi thường thiệt hại cho người ta, thì đó mới chính là người không có uy tín và lỗi đức công bình.

Người khôn ngoan là người biết quan tâm mình trước (tu thân), là người xử sự có lý và có tình, là người không sợ mất uy tín nhưng chỉ sợ làm tổn thương đến tha nhân mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Biden: người Công Giáo ở Quán cà phê hay Điều gì đó còn nguy hiểm hơn nhiều?
Vũ Văn An
23:25 25/05/2024

David Carlin, trên The Catholic Thing, ngày 24 tháng 5, 2024, đã đưa ra một trường hợp mạnh mẽ không những về Tổng thống Biden mà còn về tất cả những người Công Giáo như ông, những người đã hợp lý hóa các tà giáo của họ ngoài việc chỉ là “những người Công Giáo ở quán cà phê”. Sử dụng một cụm từ cũ, họ đã chấp nhận một Tin Mừng khác. Và tự hào về điều đó. Điều gì sau đó cần được thực hiện? Nói sự thật, một cách chân thật.



Theo ông, Joe Biden ngoài việc nắm giữ danh hiệu cao quý là Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ còn nắm giữ một số chức danh không trang trọng và không chính thức. Ví dụ:

*Người đứng đầu Đảng Dân chủ.
* Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.
* Tổng thống Công Giáo thứ hai của Hoa Kỳ.
* Lãnh đạo của thế giới tự do.
* Cha của Hunter Biden.
* “Quán Cà phê Công Giáo” – danh hiệu này vừa được Đức Hồng Y Tổng Giám mục Washington D.C., Wilton Gregory phong tặng cho ông.
* Nhà đấu tranh hàng đầu của Mỹ về quyền phá thai.
* Nhà đấu tranh hàng đầu của Mỹ về quyền của người đồng tính.
* Nhà đấu tranh hàng đầu của Mỹ về quyền của người chuyển giới.

John F. Kennedy, Tổng thống Công Giáo đầu tiên, không phải là hình mẫu của đức hạnh Công Giáo, ít nhất là về Điều răn thứ sáu. Nhưng Kennedy đã cô gắng trong việc che giấu tội lỗi tình dục của mình với tất cả mọi người, ngoại trừ bạn bè và báo chí hợp tác. Ông đã không phát tuyến chúng. Chúng tôi (công chúng) đã không biết về chúng cho đến sau khi ông qua đời. Điều quan trọng hơn nữa là theo quan điểm của Công Giáo, Kennedy, không giống như ông Biden, đã không đưa ra những câu tuyên bố công khai cho rằng một số tội lỗi là tốt về mặt đạo đức. Chẳng hạn, ông đã không hét lên từ mái nhà rằng gian dâm là tốt và ngoại tình thậm chí còn tốt hơn.

Nhưng những điều như thế chính là điều Tổng thống Biden đang làm. Khi đụng tới tôn giáo, Biden không phải là người tự trình bầy mình trước công chúng như một người lớn lên theo Công Giáo nhưng từ lâu đã vượt qua tính trẻ con đó và hiện có quan điểm chống Công Giáo về thế giới và đạo đức. Khác xa việc đó. Ông ta tự trình bầy mình như một người Công Giáo chân chính. “Khi bạn nhìn thấy tôi, bạn sẽ thấy một người Công Giáo, một người Công Giáo chân chính, thực sự.”

Và vì vậy khi ông nói với cả nước, bao gồm cả phần lớn người Công Giáo trong nước, rằng việc phá thai, đồng tính luyến ái và chuyển giới là được phép về mặt đạo đức và xứng đáng được pháp luật bảo vệ, thực tế là ông đang nói: “Tôi có thể đảm bảo với bạn từ quan điểm của một Công Giáo chân chính rằng phá thai, đồng tính luyến ái và chuyển giới là những điều được phép về mặt đạo đức. Và không chỉ được phép về mặt đạo đức mà còn xứng đáng được pháp luật bảo vệ.”

Khó có thể trách một người không thành thạo về thần học khi tự nhủ: “Nếu Biden, một người Công Giáo tốt, sau một đời theo đạo Công Giáo, hiểu các giáo huấn của tôn giáo mình, nói điều này, há chẳng gần như chắc chắn rằng ông ấy đúng hay sao? Và nếu thỉnh thoảng một vị giám mục đập vào cổ tay ông ta vì đã nói những điều như vậy, thì há sự yếu đuối của cái đập đó không phải là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy vị giám mục không thực sự bất đồng với ông ta hay sao?”

Năm 1984, Dân biểu Geraldine Ferraro, một người Công Giáo ở New York, đang tranh cử Phó Tổng thống trên cương lĩnh của Đảng Dân chủ ủng hộ quyền phá thai. Đức Hồng Y John O’Connor của New York đã khá thẳng thắn tố cáo bà về điều đó. Mario Cuomo, giống như Ferraro, cũng là một đảng viên Đảng Dân chủ Công Giáo, và lúc đó là thống đốc New York, đã vội vàng bênh vực, đưa ra một bài phát biểu nổi tiếng lúc bấy giờ tại Đại học Notre Dame, lập luận rằng việc một chính trị gia Công Giáo có quyền “phản đối về phương diện bản thân” nhưng nên khoan dung ở nơi công cộng.

Điều đó nghe có vẻ giống như lời biện hộ của Biden đối với việc phá thai, đồng tính luyến ái và chuyển giới. Nhưng không phải vậy. Giống như Dan Quayle (theo Lloyd Bentsen) không phải là Jack Kennedy, thì Joe Biden cũng không phải là Mario Cuomo. Cuomo là một người có trí tuệ khá tinh tế - mặc dù ở Notre Dame, theo ý kiến của tôi, ông ấy đã sử dụng tài năng của mình để tạo ra một sự bảo vệ không phải phức tạp mà là một cách ngụy biện cho việc phá thai.

Cuomo không đưa ra lời biện hộ về mặt đạo đức cho việc phá thai, mà chỉ đưa ra lời biện hộ về mặt pháp lý. Ông lập luận rằng theo quan điểm của ông, quan điểm của người Công Giáo, việc phá thai là sai trái về mặt đạo đức, sai lầm rất nghiêm trọng. Nhưng ở một quốc gia đa nguyên tôn giáo như Hoa Kỳ, người Công Giáo chúng ta, thành viên của một tôn giáo thiểu số, không có quyền áp đặt niềm tin đạo đức của mình lên xã hội. Chúng ta có thể cố gắng thuyết phục những người không Công Giáo đồng ý với chúng ta về việc phá thai, thực ra chúng ta nên cố gắng thuyết phục họ; nhưng nếu họ không đồng ý, chúng ta sẽ phải chấp nhận điều đó. Và nếu chúng ta là quan chức chính phủ, chúng ta sẽ phải ủng hộ và thực hiện mong muốn của đa số.

Bây giờ nếu Tổng thống Biden có năng khiếu trí tuệ như Mario Cuomo, ông ấy có thể đưa ra lập luận tương tự. Ông ấy có thể nói: “Là một người Công Giáo, tôi hoàn toàn đồng ý với những lời dạy của Giáo hội rằng phá thai là một tội lỗi lớn, và hành vi đồng tính luyến ái là một tội lỗi lớn, và chuyển giới không những là tội lỗi mà còn phi lý. Nhưng với tư cách là một công dân của một nước cộng hòa dân chủ đa nguyên về tôn giáo và triết học, và đặc biệt là với tư cách là một quan chức dân cử ở một nước cộng hòa như vậy, nghĩa vụ của tôi là phải tôn trọng ý chí của đa số. Tôi cầu nguyện hàng ngày để những đồng bào không theo đạo Công Giáo của tôi một ngày nào đó sẽ nhìn thấy ánh sáng mà những người Công Giáo chúng ta nhìn thấy. Nhưng cho đến ngày đó, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ những ban hành pháp lý có thể xúc phạm đến người Công Giáo chúng tôi.”

Nhưng Joe Biden, không phải Mario Cuomo, đã không làm được điều này. Ông không phân biệt giữa quyền hợp pháp được phá thai, đồng tính luyến ái, chuyển giới và quyền đạo đức; thay vào đó ông ấy đã đưa ra một sự chứng thực rõ ràng và đơn giản cho cả ba. Trên thực tế, ông đã nói: “Tôi không đồng ý với Giáo hội của tôi về những vấn đề này. Cùng với hầu hết những người theo chủ nghĩa nhân bản vô thần, tôi đúng về những câu hỏi này còn Giáo hội của tôi thì sai.”

Về mặt vật chất mà nói, Biden là một kẻ dị giáo, công khai và kiên trì bác bỏ một số học thuyết đạo đức của Giáo hội. Tuy nhiên, có thể lập luận rằng, nói một cách chính thức, ông ta không phải là kẻ dị giáo vì ông ta có thể không biết gì về những lời dạy của Giáo hội về những vấn đề này, và ông ta không muốn bất đồng với Giáo hội.

Nhưng làm thế nào lại có ai, chứ đừng nói đến một người Công Giáo trọn đời, có thể không biết gì về những điều như vậy? Có lẽ theo cách này. Biden khá gay gắt thốt ra những lời thách thức học thuyết đạo đức Công Giáo – vì ông ta hầu như không nhận được sự phản đối nào từ chính các thẩm quyền Công Giáo. Không có gì từ Vatican, rất ít từ các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Và vì thế ông ta kết luận: “Im lặng đồng nghĩa với việc đồng ý. Tôi phải làm điều đúng đắn. Giáo hội phải thay đổi quan điểm về phá thai, đồng tính luyến ái và chuyển giới.”

Joe Biden còn nguy hiểm hơn nhiều so với một người Công Giáo ở quán cà-phê.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mẹ Việt Nam qua nhạc dân tộc
Phạm Bá Nha
15:52 25/05/2024
MẸ VIỆT NAM QUA NHẠC DÂN TỘC

Lòng mẹ VN dù đi xa đâu vẫn nhớ không quên vì mẹ giữ lại bao kỷ niệm, nhỏ lớn vui buồn. Biết hỏi ai? Xin các nhạc sỹ trả lời.
Ca dao VN cho hay “à, bỏ quên” vì mới biết “yêu nhau” đây

Nhạc sư Phạm Duy diễn tả mẹ VN “vất vả trăm chiều” “đầy nước mắt ” cần kiệm “chắt chiu”
-… Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu
Bà bà mẹ quê, gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê, chợ sớm chưa thấy về
Chờ nụ cười son và đồng quà ngon
Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa..
Bà bà mẹ quê, chân bước ra đời rồi xa
Bà bà mẹ quê, từ lúc khói hương xóa nhòa
Nhìn về miền quê, mà giọt lệ sa.
(Mẹ Quê)

Giọt mưa trên lá, nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá
Giọt mưa trên lá, nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh, chồng về
Giọt mưa trên lá, tiếng khóc oa oa
Đứa bé chào đời cho ta nụ cười
Giọt mưa trên lá, tiếng nói bao la
Tóc trắng đậm đà êm ái, ru tình gìa.
(Giọt Mưa Trên Lá)

Nhạc sỹ Y Vân trong manh áo sau cơn mưa. Tình mẹ trong áo đẫm mồ hôi của bao đêm trường!
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào
Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền nghọt ngào
Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu
Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu
Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ
Nắng mưa sớm chiều vui cùng trẻ thơ
(Lòng Mẹ)

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
Gia tài của mẹ một rừng xương khô
Gia tài của mẹ một núi đầy mồ
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da…
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lỡ bước đường xa..
(Gia Tài Của Mẹ)

Thiền sư Nhất Hạnh buồn khi “áo còn, mà mẹ đâu?” Nay, khoác áo cho cả hai, còn hay mất mẹ, cho ấm lòng lúc cô đơn lạnh lùng.
Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng sướng vui hơn
Rủi mai này mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Như một mình không lớn khôn
Như bầu trời không ánh sao đêm
(Bông Hồng Cài Áo)

Đọc chung Tv “Tạ Ơn Chúa”

Thiên Chúa là Dấng Thánh :
Hãy suy tôn Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta, hướng về núi thánh mà phủ phục.
Chúa là Vua hiển trị : chư dân phải rụng rời;
gười ngự trên các thần hộ giá : địa cầu phải chuyển rung.
Ở Xion, Chúa quả là vĩ đại, Người trổi vượt trên tất cả mọi dân.
Chư dân hãy xưng tụng danh Ngài, danh vĩ đại khả tôn khả uý, danh thánh thiện dường bao !
Ngài là vua uy dũng yêu chuộng công bình, chính Ngài ấn định đường ngay lẽ phải;
trong nhà Giacóp, Ngài thực hiện điều chính trực công minh.

Hãy suy tôn Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta,phủ phục trước bệ rồng, bởi Người là Đấng Thánh.
Mô-sê cùng Aharon trong hàng tư tế Chúa,cũng như Samuel trong số người cầu khẩn Thánh Danh Các ngài cầu khẩn Chúa, Chúa thương đáp lại.
Từ cột mây, Chúa phán dạy các ngài, các ngài đã tuân hành thánh ý, và chiếu chỉ Người ban.
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã thương đáp lại,
Chúa là Thiên Chúa khoan dung khi xử với các ngài, nhưng trừng phạt khi các ngài lầm lỗi.
Hãy suy tôn Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta, hướng về núi thánh mà phủ phục,
vì Đức Chúa, Thiên Chúa ta thờ, quả thật là Đấng Thánh. (Tv 98)
Chính Chúa là Thượng Đế, còn ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

Hãy tung hô Chúa hỡi toàn thể địa cầu,
Phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.

Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế, chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,
ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi,
tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người.
Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín. (Tv 99)

Kết luận

Ngày 7.4.24, ĐGH Phanxico đưa ra ý nguyện cho tháng 4.2024 là cầu cho nữ giới. Có tên là ‘Vai Trò Nữ Giới” (For the role of women). ĐGH nhấn mạnh những bước mà xã hội cần thực hiện. Đồng thời, mời gọi Kitô hữu tham gia cầu nguyện về giá trị và phẩm giá họ trong mọi nền văn hóa. Lý thuyết thì Nam Nữ bình đẳng, nhưng thực tế khác hẳn (Vatican news 7. 4. 24).
 
Lễ Chúa Ba Ngôi
Đinh văn Tiến Hùng
16:08 25/05/2024
*** Lễ Chúa Ba Ngôi ***

( Lễ trọng 26/5/24 )

-“ Ai thấy Tình Yêu là thấy Chúa Ba Ngôi.”

(Lời Thánh Augustinô)

-.Mỗi lần ta làm dấu Thánh Giá là tuyên xưng Chúa Ba Ngôi.

ALLELUIA: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! - Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa Đấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.

Thánh Thi BA NGÔI THIÊN CHÚA

-Ngày của Chúa, lạy Ngôi Hai Thánh Tử,

Diệu kỳ thay, chính Chúa đã làm nên,

Ðể muôn loài trong hoàn vũ ngợi khen

Và hoan hỉ mừng Mặt Trời công chính.



Lạy Thánh Phụ của Chúa Con chí thánh,

Xin Thánh Thần Ngài phù trợ chúng con,

Ơn tái sinh lớn mãi trong tâm hồn

Hầu chiến thắng bao mê lầm tội lỗi.

Chúa Kitô, suối trào lân ái,

Kính dâng Ngài cùng với Chúa Cha

Hiệp cùng Thiên Chúa Ngôi Ba

muôn phúc cả vinh Ngàn hoa đời đời.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em. Anh em hãy chào nhau bằng cái hôn thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gởi lời chào anh em.

Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em. Amen.




Tin mừng: Mt 28, 16-20

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước.

Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi.

Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy.

Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.

Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.


+ Lịch sử và ý nghĩa



Lễ Chúa Ba Ngôi dựa trên học thuyết Ba Ngôi đã được các bản tín điều Nicaea (năm 325) và Athanasius (khoảng năm 500) khẳng định là giáo lý chính thức của Hội thánh. Theo đó, Thiên Chúa là duy nhất, Thiên Chúa hiện hữu trong ba ngôi vị là Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng bình đẳng, có cùng một bản thể, quyền năng, hành động và ý chí như nhau, đồng tồn tại vĩnh cửu.

Đại Lễ Chúa Ba Ngôi đã có từ hồi thế kỷ X, nhưng tùy theo mỗi địa phương mà được mừng kính vào các thời điểm khác nhau. Cho đến 1334, Đức Thánh Cha Gioan XXII đã thiết lập Đại Lễ này cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo và truyền cử hành vào chung một ngày. Tuy nhiên, thời gian cử hành chung cũng đã từng bị thay đổi nhiều lần sau đó. Từ thế kỷ XVIII cho tới nay thì Đại Lễ được ấn định cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.



Giáo Hội Công Giáo cử hành Đại Lễ Kính Chúa Ba Ngôi với bậc Lễ Trọng. Trong khi đó, Giáo hội Tin Lành cử hành Đại Lễ này.

+Sự kiện về Chúa Ba Ngôi :

-Thánh Gioan Matha sáng lập Dòng Chúa Ba Ngôi.

-Dòng Đức Bà Chúa Ba Ngôi.

-Thánh Elizabesth Tông Đồ Chúa Ba Ngôi.

-Họa phẩm I-Côn nổi tiếng của Andrei Rublew

+ Ba Ngôi Thiên Chúa trong 7 Phép Bí Tích :

1-Bí Tích Rửa Tội.

Bí Tích Rửa Tội là Nhiệm Tích Thánh đầu tiên trong 7 Bí Tích Chúa đã lập ra để thanh tảy tâm hồn ta khỏi tội Tổ tông và tội riêng ta phạm, để ban cho ta một đời sống mới đầy ân sủng và trở nên con cái Chúa. Vì thế khi lãnh nhận Phép Rửa Tội là tâm hồn ta đã trở nên đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong thời Giáo Hội sơ khai, chỉ Rửa Tội cho các tân tòng khi mới gia nhập Giáo Hội, nhưng sau này buộc cha mẹ phải cho con trẻ chịu Phép Rửa lúc mới sinh.

Bình thường các Linh Mục và Phó Tế được ban Bí Tích Rửa Tội, nhưng khi khẩn cấp mọi người đều có quyền và có bổn phận làm Phép Rửa theo đúng nghi thức Giáo Hội truyền dạy.

Người khôn lớn muốn nhận Bí Tích Rửa Tội phải: Học Giáo lý tin vào Chúa Kitô- Cải thiện đời sống- và tham dự các nghi lễ gia nhập đạo Công Giáo.

Khi lập Phép Rửa Tội Chúa đã dạy các môn đệ rằng:

“ Ta đã được mọi uy quyền trên trời dưới đất. Các con hãy đi thu nạp môn đệ trên khắp các dân tộc, rửa tội cho họ: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu rỗi, còn ai không tin sẽ bị luận tội. (Mc. 16: 15- 16)

2-Bí Tích Thêm Sức.

Những thế kỷ đầu Giáo Hội, Bí Tích Thêm Sức thường được cử hành ngay sau khi lãnh nhận Phép Rửa Tội. Nhưng sau này thường đợi đến lúc đứa trẻ khôn lớn, hiểu biết hơn về giáo lý mới cho chịu Phép Thêm Sức.

Thường chỉ các Giám mục được quyền ban Thêm Sức, nhưng các Linh Mục được Giám Mục uỷ quyền cũng được cử hành Thêm Sức. Nhưng sách Giáo lý Công Giáo cũng qui định: trong trường hợp bệnh nhân hay người gặp tai nạn nguy đến tính mạng thì bất cứ Linh Mục nào cũng có thể ban Phép Thêm Sức.

Bí Tích Thêm Sức kiện toàn và bổ túc Phép Rửa Tội, tăng Đức Tin mạnh mẽ trong Chúa Ba Ngôi, để can đảm chống lại tội lỗi và ma qủi cám dỗ, cùng cộng tác với Giáo Hội thánh hoá trần thế.

Người lãnh nhận Thêm Sức phải: Học Giáo lý- Sạch tội trọng cùng ước ao lãnh nhận Bí Tích này.

3-Bí Tích Thánh Thể.

Theo Tin Mừng Thánh Gioan, chính Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể: ‘Bánh bởi trời’ chính là Ngài và ai ăn sẽ được sống đời đời: “Thật Ta bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì được sống muôn đời và Ta sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết, vì Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống (Yn. 6: 53- 55).

Cũng theo Phúc Âm Thánh Luca và Mác-cô: đêm trước khi chịu chết Chúa dùng Bữa Tiệc Ly cùng các Tông Đồ, Ngài đã lập phép Thánh Thể.. Nguời cầm bánh sau khi đọc lời chúc tụng, bẻ ra trao cho các ông mà rằng: “ Các con hãy nhận lấy mà ăn. Này là Mình Ta sắp phải hiến dâng vì các con. Đoạn lại cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn Cha, trao cho các Tông Đồ mà phán: các con hãy cùng uống chén rượu này, đó là Máu Ta, Máu của giao ước mới sẽ đổ ra vì các con và muôn ngươi để đền tội thay cho họ. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta ! “ (Mc. 14: 17- 25 và Lc. 22: 14- 20)

Nhờ Bí Tích Thánh Thể người Tín Hữu được tham dự vào hy lễ của Chúa cùng Cộng đoàn và Giáo Hội- Bí Tích Thánh Thể làm của nuôi linh hồn, tăng sức mạnh để ta chống lại mọi tội lỗi-

Sau cùng nhờ Bí Tích Thánh Thể ban cho ta diễm phúc trường sinh cùng với Thiên Chúa Ba Ngôi.



4-Bí Tích Hòa Giải.

Buổi chiều ngày Chúa Sống Lại, Ngài hiện ra với các môn đệ và phán: “ Bình an cho các con! Như Cha Ta đã sai Ta thế nào, Ta cũng sai các con như vậy. Nói đoạn Ngài thở hơi trên các ông và dạy: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì kẻ đó được tha; các con cầm giữ ai thì kẻ ấy bị cầm giữ.” (Yn. 20: 19- 23)

Các Bí Tích Rửa Tội- Thêm Sức- Thánh Thể là ngưỡng cửa đầu tiên đưa ta bước vào đời sống trần thế, thì các Bí Tích Hoà Giải- Xức Dầu- Thánh Thể là hành trang gíúp ta mạnh bước tiến về Quê Trời.

Để được lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải cho thành, ta phải làm 5 việc:1 là xét mình cho kỹ- 2 là lo buồn thống hối- 3 là quyết chí sửa mình- 4 là xưng hết mọi tội- 5 là làm việc đền tội.

Khi lãnh Bí Tích Hoà Giải, Chúa ban cho ta những ân sủng:Tăng sức mạnh tâm hồn- Hoà giải cùng Thiên Chúa và Giáo Hội- Được tha hết tội trọng và hình phạt đời đời- Bình an tâm hồn.

Sau khi tội nhân có lòng can đảm thống hối xưng hết các tội, lúc đó Linh Mục giơ tay ban phép lành tha tội rằng: “ Ta tha tội cho con! Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

5-Bí Tích Xức Dầu.

‘ Ai trong anh em đau yếu phải lo mời Linh Mục đến, để các Ngài nhân danh Chúa Kitô và cầu nguyện cho bệnh nhân. Kinh nguyện Đức Tin sẽ cứu người ấy, Chúa sẽ nâng đỡ và tha thứ tội họ đã phạm. (Giacôbê 5: 13- 15)

Mọi người khi già yếu bệnh hoạn hay bị tai nạn nguy đến tính mạng đều có thể lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu và có thể chịu phép này nhiều lần trong những trường hợp nguy hiểm khác nhau.

Chỉ các Giám Mục và Linh Mục được ban Phép Xức Dầu. Người chịu Xức Dầu phải sạch tội trọng, nếu không thể xưng tội được ( như á khẩu, hôn mê bất tỉnh) phải có lòng ăn năn thống hối.

Người lãnh Phép Xức Dầu nhận được nhiều ân sủng: Được tha hết mọi tội- Cùng thông hiệp với khổ nạn Chúa để sinh ích cho mình và Giáo hội- Được an ủi bình an trong tâm hồn- Tăng sức mạnh can đảm chịu đau khổ, chống lại ma qủi cám dỗ, bền vững cùng Chúa trong những giờ phút cuối đời.

Trong nghi thức Xức Dầu, Linh Mục dâng lời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi:

- Lạy Chúa Cha Toàn Năng! Chúc tụng Chúa là Đấng đã sai Con Chúa xuống trần gian vì chúng con và phần rỗi chúng con.

- Lạy Chúa Con là Con Một Thiên Chúa! Chúc tụng Chúa là Đấng đã muốn chữa lành mọi tật nguyền của chúng con, khi Chúa xuống trần với bản tính loài người chúng con.

- Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi! Chúc tụng Chúa là Đấng luôn dùng thần lực của Chúa mà làm cho những yếu đuối chúng con nên vững mạnh.



6-Bí Tích Hôn Phối.

“ Vì thế người ta sẽ từ bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình và cả 2 sẽ thành 1 xương 1 thịt. Như vậy họ sẽ không còn là 2, nhưng chỉ là 1 xương 1 thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không đựợc phân ly” (Mt. 19: 5- 6)

Từ vườn Địa Đàng, Chúa đã ban Phép Hôn Phối đầu tiên cho Adam và Eva. Đây cũng là hình ảnh phối hợp đầy ân sủng giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.

Muốn lãnh Bí Tích Hôn Phối cả 2 nam nữ phải: Đã chịu Phép Rửa Tội- Sạch tội trọng- Cùng Công Giáo (1 trong 2 người theo đạo khác cần trở lại Công Giáo).

Sau khi lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, Chúa ban cho đội tân hôn những ơn: Yêu thương nhau như Chúa yêu thương Giáo Hội- Nên thánh theo đấng bậc mình- Bất khả phân ly ( trung thành 1 vợ 1 chồng).

Nhưng kèm theo những bổn phận buộc tuân giữ: Yêu thương ( nhường nhịn, tha thứ, nâng đỡ nhau)- Sinh sản ( Con cái là hoa trái Tình yêu Chúa ban)- Giáo dục ( Dạy dỗ con cái nên người hữu dụng đẹp lòng Chúa)

Trong nghi Lễ Hôn Phối, khi đôi tân hôn trao nhau Chiếc Nhẫn Tình Yêu, đã long trọng tuyên xưng chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa:

- Teresa…..Xin em nhận chiếc nhẫn này để làm chứng tình yêu và lòng trung thành của anh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

- Gioan…..Xin anh nhận chiếc nhẫn này để làm chứng tình yêu và lòng trung thành của em.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

7-Bí Tích Truyền Chức Thánh.

Tích Thánh Thể cũng chính là lúc Chúa Truyền Chức Linh Mục cho các Tông Đồ. “ Lúa chin đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt, sai thợ ra gặt lúa về”

(Mt.9: 36- 37)

“ Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc. 22: 19)

Chúa Giêsu là Linh Mục Thượng Tế, Chúa kêu gọi một số người đặc biệt, hiến thân cho Chúa để phụng sự Chúa và tha nhân. Ngay khi Chúa lập Bí Và sau này các Tông Đồ lại thông ban chức Linh Mục cho những người khác được tuyển chọn.

Vì thế muốn theo đuổi đời sống tu trì để trở thành Linh Mục phải có ý tưởng ngay lành ( không phải bi quan chán đời hay tìm danh vọng cho cá nhân và gia đình )- Có đầy đủ sức khoẻ, có lòng đạo hạnh và trình độ học vấn cần thiết.

Sau một thời gian tu luyện thử thách, sẽ được tuyển chọn trở thành Linh Mục nếu hội đủ những tiêu chuẩn cần thiết theo giáo luật qui định. Sự tuyển chọn rất khó khăn đúng như lời Chúa phán: “ Kẻ được gọi thì nhiều, nhưng được chọn thì ít “

Chỉ các Giám Mục kế vị các Tông Đồ mới được Truyền Chức Linh Mục.

Khi nhận lãnh chức Linh Mục, các Tân Chức phải tuyên hứa trước Giám Mục chủ phong đại diện Chúa và Giáo Hội sẽ giữ nghiêm nhặt 3 điều: Sống Khó nghèo- Vâng lời và Khiết tịnh

Nhiệm vụ Linh Mục cao trọng, nên Chúa ban cho các ơn cần thiết để chu toàn sứ mệnh: Dâng Thánh Lễ- Rao giảng Lời Chúa- Ban các Bí Tích cùng Chăn dắt Đoàn Chiên dưới hộ phù dìu dắt của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong nghi thức Truyền Chức Linh Mục, sau cùng Giám Mục chủ phong đặt tay lần cuối trên đầu các Tân Linh Mục mà đọc:

“ Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần! Các con tha tội cho ai thì họ được tha, cầm giữ ai thì họ bị cầm giữ. “

+ Suy niệm:

Thiên Chúa là tình yêu. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau, hiệp nhất trong một Thiên Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm của tình yêu và đã được Ðức Giêsu mạc khải. Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện trong chương trình cứu độ:

Chúa Cha ban sáng kiến - Chúa Con thực hiện - và Chúa Thánh thần chuyển thông ơn cứu độ.

Ðón nhận được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ sống với tất cả tâm tình người con thảo hiếu. Lòng tin và yêu mến ấy phải thể hiện bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp với Ðức Giêsu và trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

+ Cầu nguyện:

Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con tin Chúa toàn năng và đầy tình yêu thương. Khi suy ngắm mầu nhiệm, chúng con càng cảm nghiệm hơn về tình yêu Chúa dành cho loài người chúng con. Xin cho chúng con luôn trung thành tin yêu phụng thờ Chúa. Xin cho gia đình, giáo xứ chúng con cũng biết sống yêu thương hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa. Chính lúc chúng con sống yêu thương là chúng con sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Amen.

-Hàng ngày chúng ta đọc KINH TIN KÍNH để tuyên xưng và vững tin Ba Ngôi Thiên Chúa đã được truyền giải trong bản kinh:

Kinh Tin Kính

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Chúa GiêSu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh; chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần; tôi tin có hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công; tôi tin phép tha tội; tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy, Amen.

+.Câu truyện suy gẫm về Chúa Ba Ngôi

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện về Thánh Augustinô ngày kia gặp một cậu bé đang cố sức lấy một chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang. Thánh nhân đã chê cười cậu bé. Nhưng cậu đã đáp lại: việc tôi làm không đáng chê cười bằng việc Ngài muốn dùng trí khôn loài người để tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Sau một đời ăn chơi trụy lạc và chạy theo tà thuyết, Augustinô đã tìm về với Kitô giáo. Ngài được xem là điển hình của một sự khao khát và tìm kiếm không ngừng. Điều đó được thể hiện qua một giai thoại như sau: Augustinô thuộc khuynh hướng của những người cho rằng với kiến thức và nỗ lực tìm kiếm, con người có thể múc cạn chân lý về Thiên Chúa.



Một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí nhiệm về Thiên Chúa, tình cờ ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Nó dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò múc nước biển đổ vào đó. Nhưng dã tràng xe cát Biển Đông, nó cứ đổ nước vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của đứa bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện.

Ngài hỏi nó đang làm gì, đứa bé trả lời không chút do dự:

- Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương.

Thánh nhân lắc đầu bảo nó: Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.



Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói:

-Múc cả đại dương đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn suy về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

Và Thánh Nhân đã giật mình tỉnh ngộ.

+ Viết đến đây tôi lại nhớ đến lớp học Giáo lý nơi họ đạo khi xưa.

Mỗi ngày Chúa Nhật, các thày từ Đại chủng viện đến dạy Giáo lý tại các họ đạo quanh vùng.

Theo anh kéo chuông cho biết khi trông thấy bóng thày xuất hiện trên hương lộ, hồi chuông vang lên để học sinh vô lớp đón thày và chuẩn bị học.

Thày bước vào tươi cười cho chúng tôi ngồi xuống

Sau đó ôn lại những bài cũ về Đức Mẹ và Các Thánh dễ hiểu nên còn nhớ.

Thày tỏ vẻ hài lòng nói: “ Các em rất tốt ! Hôm nay chúng ta học bài mới về Chúa Ba Ngôi “

Rồi thày hỏi các em có biết gì về Chúa Ba Ngôi không?

Cả lớp im lặng vì không có ai biết, một anh lớn nhất bạo dạn đứng lên thưa:

-Xin thày cho chúng con ví dụ để dễ hiểu.

-Đươc tôi sẽ cho các em 2 thí dụ.

Rồi thày vẽ trên bảng 1 hinh tam giác và hỏi:

-Các em thấy hinh này mấy cạnh? - Dạ, thưa 3 cạnh.

-Có mấy góc? - Thưa 3 góc.

-Vậy có phải là 3 hình tam giác không? – Thưa không, chỉ có 1.

-Cũng thế Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa thôi.

Thày vẽ hình thứ hai và hỏi: Đây là hình gì? – Ấm nước đang đun sôi.

-Trước khi đun nước lỏng hay đặc? – Thưa lỏng.

– Đang khi đun nước sôi thấy gì? –Hơi bốc lên.

- Nếu lạnh quá thì sao? – Đông đặc lại.

-Vậy nước có thể ở 3 trạng thái: Lỏng- Bốc hơi- Đặc.

Như thế 3 thể Lỏng- Hơi- Đặc, còn gọi là nước không? – Thưa vẫn là nước.

Vậy Ba Ngôi cũng là một Thiên Chúa thôi.



Tại các quốc gia Âu châu, khí hậu rất lạnh về mùa đông học sinh đến trường có thể băng qua sông đông đá trên bánh xe trượt tuyết. Nơi làng ta đây chắc các em chưa bao giờ thấy nước đông đặc vì nước ta không quá lạnh, nên chỉ các thành phố lớn mới có nhà máy làm nước đá.

Thấy các em hiểu được phần nào về Chúa Ba Ngôi, thày rất hài lòng.

Thày kết thúc buổi học giáo lý:

-Chúc tất cả các em luôn vui tươi khỏe mạnh và chăm học như hôm nay !

Đó là kỷ niệm đẹp nơi làng quê xưa tôi còn ghi nhớ trong lớp Giáo lý.

Đinh văn Tiến Hùng – Tổng hợp
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Chương Sáu: Ba Thời đại Nghiên cứu Kinh Thánh, Dei Verbum
Vũ Văn An
14:46 25/05/2024

Dei Verbum

Tất cả những điều này và nhiều điều khác đang diễn ra khi các Nghị phụ của Công đồng Vatican II bắt đầu các cuộc thảo luận dẫn đến Dei Verbum, Hiến chế Tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa. Lược đồ đầu tiên, hoặc bản thảo sơ bộ, được trình bày cho các ngài dựa trên cách tiếp cận Kinh viện cũ hơn, cách tiếp cận này đã nhanh chóng bị các Giáo phụ loại bỏ, các ngài tìm kiếm một điều mang tính mục vụ và hiện đại hơn. Ngay từ đầu bài bình luận nổi tiếng của mình về tài liệu đó, Joseph Ratzinger đã nhận xét gay gắt rằng lời nói đầu “hầu như không che giấu được những điểm phi luận lý... để lộ sự hồ đồ mà từ đó nó [tài liệu] đã xuất hiện.” (40) Vì ngài là một trong nhóm chuyên gia đã giúp khai triển bản văn mới, nên quan điểm của ngài có sức nặng đáng kể, mặc dù lúc đó ngài còn là một học giả tương đối trẻ. Ngài tiếp tục giải thích rằng mặc dù dòng mở đầu nhấn mạnh đúng vào chính Lời Chúa, nhưng lời nói đầu, phản ảnh bản văn, rơi vào tình trạng không mạch lạc theo hai cách chính.



Thứ nhất, nó trích thư thứ nhất của thánh Gioan: “Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, sự sống ấy vẫn ở nơi Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1 Ga 1:2-3). Ratzinger nói rằng điều này hoàn toàn tốt, nhưng ngài phản đối, cho rằng nó đặt một đoạn văn tuyên bố bản thể của đức tin Kitô giáo [nghĩa là chính Chúa Giêsu] ở đầu một tài liệu nhằm giải thích các phạm trù thần học mà nhờ đó đức tin ngày nay được tiếp cận — trong căn bản vốn là mặc khải, truyền thống và linh hứng. Đối với Ratzinger trẻ tuổi, thái độ mơ hồ của toàn thể Công đồng đối với chân lý tín điều một mặt, và mặt khác, các mối quan tâm mục vụ, rõ ràng vẫn chưa được giải quyết ở đây.

Ngài nói, một nguồn có tiềm năng gây nhầm lẫn khác là một cụm từ sau đó trong lời nói đầu: “Do đó, theo bước chân của Công đồng Trent và của Công đồng Vatican I” (Propterea, Conciliorum Tridentini et Vaticani I inhaerens vestigiis.. .). Điều này rõ ràng được đưa vào để xoa dịu nỗi sợ hãi của phe bảo thủ — cũng như để khẳng định điều luôn xảy ra trong đạo Công Giáo, luôn cho rằng sự phát triển là sự kết hợp giữa điều mới trong sự liên tục với điều cũ. Nhưng đối với một số người, nó tạo ấn tượng cho rằng chính Dei Verbum chỉ đơn thuần lặp lại những lập trường trước đó, điều này hoàn toàn không đúng, như sẽ sớm xuất hiện (và điều này nằm trong hiến chế “tín điều” của một công đồng phổ quát). Ratzinger trích lời nhà thần học Thệ phản vĩ đại Karl Barth, người bị bệnh tật ngăn cản không thể có mặt với tư cách quan sát viên tại Công đồng, người đã nói rằng cụm từ có thể được dịch tốt hơn: “tiến tới từ bước chân của những công đồng đó”. Ratzinger minh nhiên nhìn thấy ở đây một điều giống với “sự phát triển tín lý” của Newman, một phát triển vẫn trung thành với mặc khải nguyên thủy nhưng dành chỗ cho một truyền thống năng động bao gồm “một sự chiếm hữu không ngừng đổi mới” đức tin sống động.

Việc chiếm hữu tổng thể mà Vatican II thực hiện, chứ không chỉ trong Dei Verbum, là một sự chuyển dịch từ một cách tiếp cận trừu tượng, trí thức hơn đối với đức tin, vốn nhấn mạnh – theo đường lối Kinh viện – vào các định nghĩa, sang một cách tiếp cận nhân vị hơn liên quan đến mối quan hệ của toàn bộ con người đối với Thiên Chúa: “Thay vì quan điểm pháp lý xem mặc khải phần lớn là việc ban hành các sắc lệnh thần thiêng, chúng ta có quan điểm bí tích, coi luật pháp và ân sủng, lời nói và việc làm, thông điệp và dấu hiệu, con người và lời phát biểu của người đó bên trong sự thống nhất toàn diện duy nhất của mầu nhiệm.” (41) Thực vậy, trong bản văn Latinh, Công đồng Vatican II đã mượn công thức của Công đồng Vatican I về sự mặc khải thần linh: “aeterna voluntatis suae decreta humano generi revelare” [mặc khải các sắc lệnh đời đời của Thánh ý Người cho nhân loại], nhưng đã thay đổi sự nhấn mạnh vào “aeterna voluntatis suae decreta” thành “sacramentum voluntatis suae” (bí tích của Thánh ý Người). Tất nhiên, quan điểm về mầu nhiệm tình yêu giữa Thiên Chúa và dân của Người đối lập với một Thiên Chúa chỉ là một nhà lập pháp vĩnh cửu chính là điều mà nhiều người đánh giá cao nhất về Công đồng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh khi việc quá nhấn mạnh vào các sắc lệnh bị bãi bỏ đến mức đôi khi dường như không còn gì là nội dung trong sự mặc khải hiểu theo đức tin và luân lý truyền thống ngoại trừ mối quan hệ bản thân với Thiên Chúa.

Đây là một sự cân bằng tinh tế cần duy trì. Dĩ nhiên, có những chân lý cố định về đức tin và luân lý, đồng thời, một diễn trình lịch sử trong đó mỗi thế hệ lại một lần nữa tham gia vào vở kịch cứu độ. Trong một vở kịch, sự vật không được xác định trước và có thể diễn ra theo cách này hay cách khác dựa trên các lựa chọn được đưa ra. Trong khi nhiều người ca ngợi sự khẳng định của Công đồng về tầm quan trọng của lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa bất chấp sự Sa ngã, thì Ratzinger—chỉ hai năm sau khi Công đồng kết thúc—đã lớn tiếng tự hỏi “phải chăng Công đồng đã không bắt đầu từ một quan điểm quá lạc quan trong giải trình về mặc khải và lịch sử cứu độ, không lưu ý tới sự kiện này là ơn cứu rỗi thần thiêng, trong yếu tính, xẩy đến như một sự công chính hóa cho tội nhân. Chính ở đây Lề Luật và Tin Mừng cần phải được tích nhập, vì chính Kinh Thánh chứng thực “mầu nhiệm cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”, (42) mà bản văn công đồng phần lớn bỏ qua và do đó dẫn đến việc chỉ trung thành một phần với Kinh Thánh.

Tuy nhiên, có một lợi ích to lớn phát sinh từ sự kiện là Kinh thánh đã được các Nghị phụ Công đồng trình bày chủ yếu không phải là thông tin và quy tắc, mà là sự thống nhất và “biến đổi”. Nhờ sự mặc khải, chúng ta biết được chúng ta là ai—con người có giá trị vô hạn, vượt xa sự nghi ngờ của chủ nghĩa nhân bản thế tục—bởi vì con người tập trung vào Chúa Kitô, Đấng kết hợp Thiên Chúa và con người. Tất nhiên, điều đó đã tiềm ẩn trong các công thức trí thức cũ, nhưng giờ đây chúng được trình bày một cách hấp dẫn như một phần của tổng thể lớn hơn của đời sống bản thân trong Thiên Chúa. Lao động trí thức và thẩm quyền cần thiết của Rôma đã phục vụ cho sự mặc khải đang diễn ra đó; mặc khải không còn được coi là một loại cơ sở duy nhất cho một số đề xuất và thực hành của Giáo hội.

Tất cả những điều này cũng có tác động đến ý tưởng về truyền thống. Trong quá khứ, đã có một sự phân biệt khá rõ ràng giữa Kinh thánh, những điều được viết ra, và truyền thống, những điều bất thành văn, một phần của Giáo hội đích thực do Chúa Kitô khởi đầu (điều này đôi khi được gọi là quan điểm từng phần [partim-partim], một phần là điều này và một phần là điều kia). Không ai có thể thực sự nghi ngờ việc cả hai cùng hiện hữu. Nhiều thói quen và thái độ được coi là đương nhiên là một phần trong hoạt động bình thường của mọi nhóm người, từ gia đình đến quốc gia. Nhìn từ bên ngoài, không ai có thể giải thích dứt khoát tại sao lại như vậy, chẳng hạn như các gia đình ăn một số loại thực phẩm hoặc làm một số việc nhất định vào những ngày lễ nhất định ngoài việc nại chung tới sự mong chờ của các thành viên trong gia đình các thực hành trong quá khứ, những điều có lẽ không bao giờ được giải thích rõ ràng. Và những giả định không được nói ra đó cũng giúp giải thích những điều mà mọi người trong những gia đình như vậy nói, đồng thời giúp hiểu được những điều có vẻ khó hiểu hoặc không chắc chắn.

Nhưng mối quan hệ giữa Kinh thánh và truyền thống đòi hỏi phải làm rõ một số điều tại Công đồng. Không chỉ đơn giản là một số phần của truyền thống là bất thành văn mà bản thân truyền thống đó phát triển khi mọi người thích nghi, sống và do đó hiểu sâu sắc hơn và đầy đủ hơn ý nghĩa của truyền thống. Tất nhiên, đối với một số người Thệ phản, đây chỉ là một việc làm ra sai lạc của Giáo hội nguyên thủy, bị coi là đơn sơ. Mọi bên có thể đồng ý rằng Giáo hội luôn cần được cải cách (Ecclesia semper reformanda), nhưng các nghiên cứu phê bình lịch sử hiện đại đã làm phức tạp mối quan hệ giữa Kinh thánh và truyền thống. Chẳng hạn, người Công Giáo gặp khó khăn trong việc duy trì sự bảo đảm của Kinh thánh đối với các tín điều như Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, vốn chỉ có thể được phát triển từ những gợi ý trong Kinh thánh được khuếch đại bởi kinh nghiệm sống của Giáo hội. Nhưng những người Thệ phản cũng gặp phải những thách thức đối với tầm nhìn về một khởi đầu đơn giản bởi vì các nghiên cứu phê bình lịch sử đã cho thấy rõ ràng rằng chính Kinh thánh là một loại truyền thống, một truyền thống quan trọng và có thẩm quyền, chắc chắn, nhưng chính nó là kết quả của các phát triển đang diễn ra trong Giáo Hội trước khi bất cứ từ ngữ nào được viết ra. Và, như Ratzinger sau này sẽ nói, đó là một giả định—và có lẽ là một giả định sai lầm nghiêm trọng trong phương thức phê bình-lịch sử—khi nghĩ rằng sự xuất hiện của biểu thức tôn giáo vĩ đại nhất trong lịch sử loài người có tính đơn giản và chỉ những gì đến sau mới có tính phức tạp. Thánh Phaolô, một trong những tác giả đầu tiên của Tân Ước, khó đơn giản hơn Thánh Clementê thành Rôma, và các Thư Mục vụ phong phú và phức tạp hơn nhiều so với Didache. (43)

Những cân nhắc mới này đã nêu lên một số vấn đề chưa bao giờ được giải quyết hoàn toàn tại Công đồng. Phần lớn người ta đã nói về truyền thống (số nhiều) tại Trent nhưng nói về truyền thống (số ít) tại Vatican II. Ngay cả những người Thệ phản cũng đã rút lui một số khỏi lập luận sola Scriptura bởi vì các Giáo Hội hoạt động cần nhiều hơn những gì được nêu rõ ràng trong Tân Ước đúng nghĩa, ngay cả trong một vấn đề quan trọng như thờ phượng, vốn phát xuất từ quá khứ. Thậm chí còn có một bảo đảm kinh thánh cho quan điểm đó. “Vậy, hỡi anh em, hãy đứng vững và giữ lấy các truyền thống [paradoseis] mà chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hoặc bằng thư từ” (2 Tx 2:15) cũng như phần kết của Tin Mừng Gioan, để lại một cánh cửa rộng mở: “Còn có nhiều điều khác mà Chúa Giêsu đã làm; nếu mỗi điều cần được viết ra, thì tôi tưởng rằng thế gian không chứa nổi những cuốn sách được viết ra” (Ga 21:25).

Đồng thời, phải có cách phê phán các truyền thống để có thể cải cách. Cách duy nhất để trung thành với toàn bộ mặc khải là xem nó như bao gồm cả Kinh Thánh lẫn truyền thống trong mối liên hệ hỗ tương. Vì đây là mối liên hệ sống động tham dự vào toàn bộ hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, nên khó có thể gán cho nó một hình thức chính xác nào khác hơn là nói rằng cả hai phải hoạt động trong đời sống của Giáo hội. Một số độc giả cấp tiến của những cuộc thảo luận này đã cố gắng làm cho nó xuất hiện như thể những định nghĩa không được hoan nghênh về đức tin và luân lý, thậm chí cả những định nghĩa được chứng thực trong chính Kinh thánh, có thể bị làm ngơ nhờ sự thông minh diễn giải hoặc viện dẫn đến các bản văn khác, chẳng hạn như các Tin Mừng Ngộ đạo, (44) vốn bị loại trừ khỏi qui điển Tân ước—bởi các thẩm quyền Giáo hội. Đây là một vấn đề sẽ dai dẳng lâu.

Tuy nhiên, bản văn cuối cùng của Dei Verbum khá ngắn gọn, chỉ có 26 đoạn. Nhưng là một trong những văn kiện phong phú nhất do Công đồng đưa ra. Ngoài những điểm đã đề cập trước đây, nó nhấn mạnh rằng mặc khải bao gồm cả việc làm lẫn lời nói (DV 2) và, với sự cân bằng mà sau này không phải lúc nào cũng được tuân giữ, “qua sự mặc khải thần thiêng, Thiên Chúa đã chọn bày tỏ và thông truyền chính Người và các quyết định vĩnh cửu của thánh ý Người liên quan đến sự cứu rỗi loài người” (DV 6, phần nhấn mạnh được thêm vào). Không những chỉ yếu tố bản vị hiện đại hơn được khẳng định ở đây, mà cả mối quan tâm cũ hơn đối với các sắc lệnh chính thức nữa, mặc dù điều đó, trong yếu tính, mang sắc thái của cùng một phẩm chất được sử dụng trong linh hứng nói chung: đó là vì mục đích cứu rỗi.

Hơn nữa, nó thừa nhận việc truyền bá các sự thật Tin Mừng của các tông đồ và những người khác như bao gồm lời nói, gương sáng và các định chế: “Sự ủy nhiệm cũng được thực hiện bởi các Tông đồ và những người phụ tá của các ngài những người, dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần, đã ghi chép sứ điệp cứu độ ra giấy trằng mực đen” (DV 7). Tất nhiên, theo hiến chế, cần có các giám mục để bảo đảm cho giáo huấn được trung thành, nhưng ở đây, người ta dễ dàng khám phá ra việc khẳng định về một diễn trình soạn thảo trước đó bao gồm cả khả thể nghiên cứu phê bình lịch sử và vai trò dành cho truyền thống. Truyền thống, như được trình bày ở đây, có tính động, chứ không tĩnh. Theo thời gian, các tín hữu sẽ biết về nó đầy đủ hơn, và thực tại cụ thể đó đã dẫn đến việc hình thành ra quy điển (DV 8). Nhưng không giống như một số công thức trong quá khứ, theo quan điểm này, Kinh Thánh và truyền thống “một cách nào đó hợp nhất thành một thể thống nhất và hướng về cùng một mục đích” (DV 9). Huấn quyền cũng có một vai trò: “Chức vụ giảng dạy không ở trên lời Chúa, nhưng phục vụ lời Chúa” (DV 10).

Chúng ta đã thấy cách Hiến chế nói về tính bất khả ngộ (DV 11) trong những điều đó “vì mục đích cứu rỗi” và về những sắc thái khả hữu có thể dẫn đến. Trong số các yếu tố cần thiết để giải thích đúng đắn, cùng chương này đã liệt kê việc hiểu được lời nói nhân bản của người viết, việc chú ý đến các hình thức và cách diễn đạt văn chương, hoàn cảnh, thời gian và nền văn hóa, cách nói và cách kể chuyện trong thời kỳ đó, và các quy ước của con người vào thời điểm đó (DV 12). Tất cả những yếu tố này mở ra cơ hội cho phê bình lịch sử, hình thức, biên tập, phản ứng của người đọc và phê bình tường thuật, trong số những cách tiếp cận khác. Nhưng không giống như các cách tiếp cận thuần túy học thuật thường bỏ qua nhiều điều luôn luôn cần thiết trong việc đọc Kinh Thánh, các Nghị Phụ Công Đồng thêm vào ba tiêu chuẩn để sử dụng các phương pháp như vậy nhằm bảo đảm kết quả tổng thể phù hợp với ý định chung của tất cả các tác giả Kinh Thánh:

1. Tư cách tác giả thần thiêng phải được ghi nhận;
2. nội dung và sự thống nhất của tổng thể cũng phải được xem xét;
3. và điều này nhất thiết liên quan đến truyền thống Giáo hội và analogia fidei (loại suy đức tin). (45)

Tất cả những điều này giúp hiểu được điều mà Thánh Giêrônimô đã từng gọi là Lời Chúa trong lời của con người.

Hiến chế khẳng định ngắn gọn tầm quan trọng của Cựu Ước như khúc dạo đầu cho Tân ước nhưng cả giá trị của nó trong chính nó. Về Tân Ước, nó nhìn nhận (DV 19) rằng các tác giả đã chọn lọc, tổng hợp và giải thích có lưu ý đến tình thế của các Giáo Hội, trong khi vẫn bảo tồn sự thật của các nhân chứng tận mắt, vốn là một sự nhìn nhận ngầm khác về những gì có thể tốt trong các nghiên cứu lịch sử. Nhưng nó tiếp tục giải thích rằng những nghiên cứu này phải được sử dụng trong đời sống của Giáo hội bởi vì “giống như chính tôn giáo Kitô, mọi lời rao giảng của Giáo hội phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và điều chỉnh” (DV 21). “Phải tạo điều kiện tiếp cận Sách Thánh một cách dễ dàng đối với mọi Kitô hữu” (DV 22), có nghĩa là đảm nhận việc dịch thuật, có lẽ cả với sự cộng tác của “các anh em ly khai”. Ở bình diện trí thức, “việc nghiên cứu các trang thánh thiêng có thể nói là linh hồn của thần học thánh” (DV 24).

Các Nghị phụ kết luận rằng tất cả những điều này có tầm quan trọng sống còn nhất, bởi vì, như Thánh Giêrônimô đã nói, “Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Kitô” (DV 25). Và cũng như việc Rước Lễ thường xuyên nâng cao đời sống trong Thiên Chúa, thì “chúng ta có thể hy vọng có được một kích thích mới cho đời sống của Thần Khí từ việc ngày càng tôn kính lời Chúa, là lời ‘trường tồn’” (DV 26).

Ghi Chú

1 Nó đã được tái bản nhiều lần, trong số đó: trong Walter Hooper, ed., Christian Reflections [các suy tư Ki-tô giáo] (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1994), 152-66; và với tên “Hạt dương xỉ và những con voi”, trong bộ sưu tập có tên đó, ed. Walter Hooper (London: Fount, 1998).

2 Lewis, “Modern Theology” [Thần học hiện đại], trong Christian Reflections [Suy tư Kitô giáo], 154.

3 Cùng nguồn, 162.

4 Ernst Käsemann, New Testament Questions of Today [Những câu hỏi trong Tân Ước ngày nay], bản dịch. W.J. Montague và Wilfred F. Bunge (Philadelphia: Fortress Press, 1969), 29.

5 Johannes Quasten, Patrology [giáo phụ học] (Westminster, Md.: Newman Press, 1950—1986), 4 tập; Frank Sadowski, The Church Fathers on the Bible: Selected Readings [Các Giáo phụ về Kinh thánh: Các bài đọc chọn lọc] (New York: Alba House, 1987); Manlio Simonetti, Biblical Interpretation in the Early Church: An Historical Introduction to Patristic Exegesis [Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội sơ khai: Giới thiệu lịch sử về phương pháp chú giải giáo phụ], bản dich của John A. Hughes (Edinburgh: T. & T. Clark, 1994).

6 Xem Henri de Lubac, S.J., Medieval Exegesis: The Four Senses of Scripture [Khoa chú giải Trung cổ: Bốn Ý nghĩa của Kinh thánh], bản dịch của Mark Sebanc (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1998-2009); nguyên bản tiếng Pháp, 1959—1964); cũng như Beryl Smalley, The Study of the Bible in the Middle Ages [Nghiên cứu Kinh thánh thời Trung Cổ], tái bản lần thứ 2. (Oxford: Blackwell, 1952).

7 Joseph Ratzinger, “Biblical Interpretation in Conflict: On the Foundations and the Itinerary of Exegesis Today” [Giải thích Kinh thánh trong xung đột: Về nền tảng và hành trình của việc giải thích Kinh thánh ngày nay], trong José Granados, Carlos Granados, và Luis Sânchez-Navarro, eds., Opening Up the Scriptures: Joseph Ratzinger and the Foundations of Biblical Interpretation [Mở ra Kinh thánh: Joseph Ratzinger và Nền tảng của việc giải thích Kinh thánh] (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 2008), 6. Bài tiểu luận của Ratzinger quay trở lại một hội nghị ở New York được tổ chức vào năm 1988.

8 Bản thân Giáo hội sơ khai không phải là không biết về những khác biệt rõ ràng này. Vì vậy, vào thế kỷ thứ hai, những kẻ dị giáo như Marcion chỉ muốn giữ lại một phiên bản Luca đã được thay đổi; Tatian, một sinh viên chính thống hơn của Justin Martyr, đã tạo ra Diatessaron, một sự kết hợp bốn Phúc âm lại với nhau thành một tường thuật duy nhất nhằm dung hòa những khác biệt rõ ràng mà ông cho là phù hợp; và hơn hai thế kỷ sau, Thánh Augustinô cảm thấy vẫn cần phải thực hiện một nỗ lực tương tự trong cuốn De Consensu Evangelistarum (Về sự hòa hợp của các tin mừng gia) của ngài. Tất nhiên, những người chống đối Ki-tô giáo thời xưa cho rằng những khác biệt này cho thấy Tin mừng là không đáng tin cậy.

9 Trích đoạn của Jefferson từ các Tin Mừng: “The Philosophy of Jesus” [Triết học của Chúa Giêsu] và “The Life and Morals of Jesus”[Cuộc đời và đạo đức của Chúa Giêsu] (Princeton: Nhà xuất bản Đại học Princeton, 1983), 352.

10 George Tyrrell, Christian at the Cross-Roads [Các Ki-tô hữu ở ngã ba đường](London: Longmans, Green, 1909), 44. Kỷ luật Công Giáo chống lại chủ nghĩa hiện đại vào thời điểm đó khắc nghiệt đến nỗi Tyrrell bị từ chối chôn cất theo Ki-tô giáo và Henri Brémond, một người bạn, bị khiển trách chỉ vì làm dấu thánh giá trên mộ.

11 Joseph Ratzinger, sau này là Đức Bênêđíctô XVI, một học giả sắc sảo ngay từ khi còn trẻ, người đã giúp phát triển Dei Verbum tại Vatican II, đã nhiều lần nhận xét rằng sẽ phải mất ít nhất một thế hệ khác để thực hiện nhiệm vụ này. Cf. Ratzinger, “Biblical Interpretation in Conflict” [Giải thích Kinh thánh trong xung đột], 8—trong số những cách diễn đạt khác.

12 Để có bản tường thuật hay và dễ đọc về lịch sử cuộc tìm kiếm, xem Charlotte Allen, The Human Christ: The Search for the Historical Jesus [Chúa Giêsu Nhân bản: Cuộc Tìm kiếm Chúa Giêsu Lịch sử] (New York: Free Press, 1998).

13 Đây là phần chính của bố cục, nhưng ngay cả điều này cũng đơn giản hóa phần nào bởi vì, như chúng ta biết từ sách Cuộn Biển Chết và những khám phá khảo cổ khác, hình thức “cuối cùng” của bản văn có thể vẫn khá linh hoạt trong một thời gian dài, và nó chỉ như thế khi một số nhà chức trách, người Do Thái hay Ki-tô giáo, thiết lập một quy chuẩn dứt khoát để chúng ta biết những cuốn sách nào được đưa vào Kinh thánh và hình thức nào của những cuốn sách đó, mặc dù điều này còn phải chịu nhiều khó khăn và tranh cãi liên quan đến các bản thảo và cách đọc khác nhau.

14 Được trích dẫn trong Nicholas Boyle, Sacred and Secular Scriptures: A Catholic Approach to Culture [Các Sách Thánh thiêng và Trần tục: một cách Tiếp cận Văn hóa của Công Giáo] (Notre Dame, Ind.: University of Notre Dame Press, 2005), 19. Phân tích của tôi về bối cảnh nước Đức đối với học thuật Kinh Thánh hiện đại mang nợ đối với phân tích của Boyle với những khác biệt và bổ sung.

15 Xem Rudolf Bultmann, “Is Exegesis without Presuppositions Possible?”, trong Existence and Faith: Shorter Writings of Rudolf Bultmann, [Có thể thực hiện được việc chú giải không có tiền giả định không?, trong Sự tồn tại và đức tin: Những bài viết ngắn hơn của Rudolf Bultmann], bản dịch của Schubert M. Ogden (New York: Meridian Books, 1960), 289-96.

16 “Vì lời Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ của loài người, đã được thực hiện giống như lời nói của loài người, cũng như Lời của Chúa Cha hằng hữu, khi Người mặc lấy thân xác yếu đuối của con người, thì đã được tạo nên giống loài người về mọi mặt”: Công đồng Vatican II, Dei Verbum, 13.

17 Trích dẫn trong Boyle, Sacred and Secular Scripture, 43.

18 Cụm từ này là của Carl Braaten, từ phần giới thiệu của ông về cuốn The So-Called Historical Jesus and the Historic Biblical Christ [Điều gọi là Chúa Giêsu lịch sử và Chúa Kitô lịch sử trong Kinh thánh của Martin Kähler], bản dịch của Carl E. Braaten (Philadelphia: Fortress Press, 1964), 26.

19 Xem John Ratté, Three Modernists: Alfred Loisy, George Tyrrell, William L. Sullivan [Ba nhà duy hiện đại: Alfred Loisy, George Tyrrell, William L. Sullivan] (New York: Sheed & Ward, 1967).

20 Bối cảnh đầy đủ trong nhận xét của Loisy về sự xuất hiện của Giáo hội có tính soi sáng: “Chúa Giêsu đã báo trước về vương quốc, và chính Giáo hội đã đến; Giáo hội đến, mở rộng hình thức Tin Mừng, một hình thức không thể bảo tồn nguyên trạng, ngay khi Cuộc Khổ Nạn khép lại sứ vụ của Chúa Giêsu. Không có thể chế nào trên trái đất hoặc trong lịch sử mà địa vị và giá trị của nó có thể không bị nghi ngờ nếu nguyên tắc được thiết lập là không có gì có thể tồn tại ngoại trừ ở dạng ban đầu của nó. Nguyên tắc như vậy đi ngược lại quy luật cuộc sống, đó là sự vận động và nỗ lực không ngừng để thích ứng với những điều kiện luôn mới mẻ và không ngừng thay đổi”: Alfred Loisy, The Gospel and the Church [Tin mừng và Giáo hội], bản dịch của Christopher Home (New York: Scribner, 1909), 166. Tất nhiên, Newman nói rằng sự thay đổi đó là một trong những bằng chứng của sự sống, nhưng ý tưởng “phát triển” của ngài có nghĩa là sự thay đổi trong tính liên tục hữu cơ. Giáo hội của Loisy gần như được phát minh từ vải nguyên tấm kể từ Cuộc Khổ nạn “đóng lại” thừa tác vụ của Chúa Kitô.

21 Robert Bruce Robinson, Roman Catholic Exegesis since Divino Afflante Spiritu: Hermeneutical Implications [Khoa chú giải Công Giáo Rô-ma kể từ Divino Afflante Spiritu: Những hàm ý thông diễn] (Atlanta: Scholars Press, 1988), 12-17.

22 London: Longmans, Green, 1907.

23 London: Longmans, Green, 1909.

24 Fergus Kerr, Twentieth-Century Catholic Theologians [Các nhà thần học Công Giáo thế kỷ XX] (Oxford: Blackwell, 2007), 7.

25 Xem Marvin O’Connell, Critics on Trial: An Introduction to the Catholic Modernist Crisis [Các phê bình bị xét xử: Giới thiệu về cuộc khủng hoảng duy hiện đại Công Giáo] (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 1994).

26 Bernard Montagnes, The Story of Father Marie-Joseph Lagrange: Founder of Modern Catholic Bible Study [Câu chuyện của Cha Marie-Joseph Lagrange: Người sáng lập Nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo Hiện đại],bản dịch của Benedict Viviano (New York: Nhà xuất bản Paulist, 2006). Nguyên bản tiếng Pháp (Paris: Editions du Cerf, 1995).

27 Cuộc thảo luận ở đây thuộc về Robinson, Roman Catholic Exegesis [Khoa chú giải Công Giáo Rô-ma], 19-27.

28 M.-J. Lagrange, La méthode historique [phương pháp lịch sử] (Paris: Librairie Victor Lecoffre, 1904), 105.

29 Trong thư mục tập thứ hai của bộ Jesus of Nazareth [Chúa Giêsu thành Na-da-rét] (San Francisco: Ignatius Press, 2011), 296, Đức Bênêđíctô XVI ca ngợi nghiên cứu lịch sử cẩn thận gồm bốn tập của học giả Công Giáo Mỹ John P. Meier, A Marginal Jew: Rethinking the Historical Jesus [Một người Do Thái Bên lề: Suy nghĩ lại Chúa Giêsu lịch sử] ( New York: Doubleday, 1991-2009): “trong nhiều khía cạnh, một mô hình chú giải phê bình-lịch sử, trong đó ý nghĩa và giới hạn [nhấn mạnh thêm] của phương pháp này nổi lên rõ ràng”. Về cơ bản, công việc của Meier cố gắng thiết lập những điều về Chúa Giêsu mà người Công Giáo, người Tin lành, người Do Thái và thậm chí cả những người không theo đạo có thể chấp nhận như được hỗ trợ bởi học thuật lịch sử tốt nhất gần đây. Rõ ràng, một cách tiếp cận như vậy, dù rất hữu ích, nhưng bằng những lựa chọn phương pháp riêng của nó, đã loại bỏ phần lớn những gì khiến Chúa Giêsu trở nên quan trọng đối với các thời đại sau này.

30 Heinrich Denzinger, Compendium of Creeds, Definitions, and Declarations on Matters of Faith and Morals [Bản tóm tắt các Tín điều, Định nghĩa và Tuyên bố về Các vấn đề Đức tin và Đạo đức], biên tập: Peter Hünermann, người dịch tiếng Anh, biên tập. Robert Fastiggi và Anne Englund Nash, tái bản lần thứ 43. (San Francisco: Ignatius Press, 2012), số 3006, tr. 602.

31 Một số học giả tranh cãi về “Truyền thuyết Vàng” về sự tự do hóa của Rô-ma, thay vào đó lập luận rằng không có sự thay đổi nào trong giáo huấn trước Công đồng Vatican II. Xem Brian W. Harrison, O.S., “On Rewriting the Bible: Catholic Biblical Studies in the ‘60s” [Về việc viết lại Kinh thánh: Nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo trong thập niên 60], Christian Order, tháng 3 năm 2002, truy cập trực tuyến tại www.christianorder.com/features/features_2002 /features_mar02.html.

32 Một bản tường thuật rõ ràng về những phát triển này có thể được tìm thấy trong Terence J. Keegan, O.P., Interpreting the Bible: A Popular Discussion to Biblical Hermeneutics [Giải thích Kinh thánh: Một cuộc tranh luận phỏ thông về khoa giải thích Kinh thánh] (New York: Paulist Press, 1985).

33 Quả thực, cách tiếp cận của Raymond Brown đã trải qua một số thay đổi. Vào giữa những năm 1950, ngài viết luận án tiến sĩ về sensus plenior, một cách diễn đạt đề cập đến “ý nghĩa đầy đủ hơn” của Kinh thánh do Thiên Chúa dự định nhưng không nhất thiết phải do các tác giả Kinh thánh. Mặc dù ngài luôn là một linh mục và học giả phục vụ Giáo hội, nhưng một số cuốn sách trước đây của ngài đã gây ra nhiều tranh cãi. Chẳng hạn, The Birth of the Messiah: A Commentary on the Infancy Narratives in the Gospels of Matthew and Luke [Sự ra đời của Đấng Mê-xi-a: Bình luận về những câu chuyện thời thơ ấu trong các Tin mừng Mát-thêu và Lu-ca (Garden City, N.Y.: Doubleday, 1977), đối với một số người Công Giáo được đào tạo theo kiểu cũ, dường như đặt câu hỏi liệu Sự ra đời đồng trinh có thể được chứng minh bằng lịch sử hay không. Một số học giả có thể trả lời rằng điều đó có thể không được chứng minh về mặt lịch sử mà vẫn đúng. Cha Brown đã tuyên bố nhiều lần rằng ngài nghĩ rằng có nhiều bằng chứng chỉ ra, nhưng không thể chứng minh việc ra đời đồng trinh. Nhưng những lời bác bỏ như vậy được nhiều người coi là làm suy yếu nguyên lý then chốt của đức tin Công Giáo có từ những niềm tin cổ xưa (“được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria”). Tuy nhiên, tác phẩm sau này, The Death of the Messiah: From Gethsemane to the Grave, A Commentary on the Passion Narratives in the Four Gospels [Cái chết của Đấng Mê-xi-a: Từ Vườn Diệt-si-ma-ni đến Ngôi mộ, Bình luận về Những câu chuyện Khổ nạn trong Bốn Tin Mừng] của Cha Brown (New York: Doubleday, 1994), hầu như được mọi người coi là một hình mẫu của sự nghiêm khắc phê bình lịch sử kết hợp với giáo huấn lâu đời của Giáo hội về Cuộc Khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô.

34 Phong trào chính thống cực đoan là một phản ứng vào đầu thế kỷ XX, chủ yếu ở Mỹ và Anh, chống lại Ki-tô giáo cấp tiến. Các nhà lãnh đạo của nhiều giáo phái bảo thủ khác nhau đã đồng ý chấp nhận một danh sách ngắn gọn về “những nguyên tắc cơ bản” như thiết yếu cho một Ki-tô giáo chung. Xem George M. Marsden, Fundamentalism and American Culture [Phong trào chính thống cực đoan và nền Văn hóa Hoa kỳ] (New York: Oxford University Press, 1980), để có cái nhìn tổng quan.

35 Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI phải đối diện trực tiếp với khó khăn đặc biệt này trong tập thứ hai của bộ Jesus of Nazareth [Chúa Giêsu thành Na-da-rét] và sau khi xem xét tài liệu học thuật, ngài đã bằng lòng để nó không được giải quyết.

36 Ignace de la Potterie, S.J., “La verité de la Sainte Écriture et l’Histoire du salut d’après la Constitution dogmatique Dei verbum” [chân lý của Kinh thánh và Lịch sử Cứu độ sau Hiến chế Tín lý Dei Verbum], Nouvelle Revue Théologique 88 (1966): 149-69.

37 Thánh Augustino, Against Felix the Manichee [Chống lại Felix Ma-ni-kê-ô], cuốn 1, chương. 10.

38 Được trích dẫn trong James C. Swindal và Harry J. Gensler, eds., The Sheed and Ward Anthology of Catholic Philosophy [hợp tuyển Triết học Công Giáo] (Lanham, Md.: Rowman và Littlefield, 2005), 243.

39 Xem R. F. Collins, “Augustine of Hippo, Precursor of Modern Biblical Scholarship” [Thánh Augustinô thành Hippo, Tiền thân của Nền Học giả Kinh thánh Hiện đại], Louvain Studies 12 (1987): 131-51.

40 Joseph Ratzinger, “Dogmatic Constitution on Divine Revelation: Origin and Background” [Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa: Nguồn gốc và Bối cảnh], trong H. Vorgrimler, ed., Commentary on the Documents of Vatican II [Chú giải các Văn kiện của Vatican II] (New York: Herder and Herder, 1969), 3:167.

41 Như trên, 3:171.

42 Như trên, 173-74.

43 Ratzinger, “Biblical Interpretation in Conflict” [Giải thích Kinh thánh trong xung đột], 13.

44 Điều gọi là Tin mừng Ngộ đạo là nhiều văn bản cổ khác nhau, hầu hết được phát hiện vào năm 1945 tại Nag Hammadi ở Ai Cập, mặc dù những văn bản khác được đưa ra ánh sáng sớm hơn và muộn hơn. chúng trình bày một loại Ki-tô giáo kết hợp với những giáo lý bí truyền dường như thường khiến một Giáo hội có thẩm quyền trở nên không cần thiết. Tất nhiên, những người ủng hộ những Ki-tô giáo “thay thế” hoặc “đã mất” này rút ra bài học từ chúng về thẩm quyền hiện tại của Giáo hội cũng như những lời giảng dạy về đức tin và đạo đức, mà họ cho rằng đang thu hẹp sự đa dạng phong phú về tín ngưỡng trong thế giới cổ thời. Cuốn The Gnostic Gospels [ Các Tin mừng Ngộ đạo] của Elaine Pagels (New York: Random House, 1979) đã có ảnh hưởng lớn, cũng như cuốn Lost Christianities [Các Ki-tô giáo đã mất] của Bart D. Ehrman gần đây (New York: Oxford University Press, 2003).

45 Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo năm 1997 (tái bản lần thứ 2) giải thích thêm về ba nguyên tắc này trong các đoạn 112-14.
 
VietCatholic TV
Tướng quân dại dột của Nga bị sa thải. Mất hơn nửa triệu quân, Putin ngỏ ý muốn đình chiến
VietCatholic Media
15:17 25/05/2024


1. Nga sa thải vị tướng tập hợp quân trước cuộc tấn công chết người của HIMARS

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Fires General Who Lined Up Troops Ahead of Deadly HIMARS Strike”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các kênh Telegram ủng hộ chiến tranh của Nga, một vị tướng quân đội Nga bị cáo buộc gây ra cuộc tấn công HIMARS nhằm vào quân đội Nga ở Ukraine bị tạm chiếm năm ngoái đã bị cách chức.

Trung tướng Sukhrab Akhmedov đã bị cách chức tư lệnh Quân đoàn vũ trang tổng hợp số 20 của Nga, theo báo cáo từ các miblogger nổi tiếng của Nga. Đơn vị này hiện đang tham gia vào cuộc tấn công khốc liệt của Nga nhằm vào thành phố Lyman phía đông trên mặt trận Donetsk.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết “những tuyên bố về việc cách chức ông này rất đáng chú ý vì đây sẽ là lần đầu tiên cách chức một sĩ quan tích cực chỉ huy các lực lượng Nga ở Ukraine” sau đợt thanh trừng gần đây.

ISW lưu ý rằng Akhmedov đã tham gia vào nhiều thất bại trên chiến trường kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, bao gồm cả việc Quân Đoàn Tổng Hợp thứ 20 gần đây không thể đạt được tiến bộ đáng kể trên trục Kharkiv-Luhansk trong cuộc tấn công đang diễn ra của Nga.

Người chỉ huy này cũng là trung tâm trong vụ HIMARS—Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao M142 của Ukraine—tấn công lực lượng Nga tại thành phố Kreminna, Luhansk của Ukraine bị tạm chiếm vào tháng 6 năm 2023.

Cuộc tấn công được cho là đã giết chết hoặc làm bị thương hàng trăm binh sĩ Nga, những người đã tập hợp để nghe Akhmedov phát biểu. “Trong suốt hai giờ, mọi người đứng thành đám đông ở một chỗ và chờ chỉ huy sư đoàn đọc bài phát biểu đầy động lực của mình,” miliblogger nổi tiếng Rybar viết vào thời điểm đó.

Một miblogger nổi tiếng khác—đăng bài trên kênh Two Majors—nói về vụ việc: “Bạn không thể đứng xếp hàng suốt hai giờ ở một nơi! Các người đang làm gì vậy, thưa chỉ huy, các người chỉ huy!...Chúng ta đang có chiến tranh với sự ngu ngốc và cẩu thả của chính mình, được bao phủ bởi những báo cáo khoa trương từ phía trên.”

Trước đó, Akhmedov chịu trách nhiệm về điều mà ISW mô tả là “các cuộc tấn công tiêu hao của Nga gần Vuhledar, tỉnh Donetsk vào mùa đông 2022–2023 khi ông chỉ huy Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155”.

Sau đó, với tư cách là cấp phó của Đại tướng Rustam Muradov, Akhmedov đã lại bị khiển trách.

“Một lần nữa chúng ta lại bị Tướng Muradov và anh rể, đồng hương Akhmedov của ông ta ném vào một cuộc chiến khó hiểu, để Muradov kiếm tiền thưởng để khiến ông ta trông đẹp hơn trong mắt Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov “, những người thuộc Lữ đoàn 155 thuộc Thủy quân lục chiến Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã viết trong một bức thư gửi Thống đốc Primorsky Krai.

Muradov bị loại khỏi quyền chỉ huy ngay sau cuộc tấn công Vuhledar thất bại. ISW đánh giá rằng Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là Sergei Shoigu đã ra lệnh cho Muradov chiếm Vuhledar “bằng bất cứ giá nào” để giảm bớt những chỉ trích ngày càng gia tăng về hành vi của quân đội Nga ở Ukraine.

2. Chiến tranh Ukraine mới nhất: Bộ Tổng tham mưu nói quân Nga dừng ở khu vực Kharkiv, Ukraine phản công

Lực lượng Ukraine đã chặn quân Nga ở khu vực Kharkiv và đang tiến hành phản công, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 25 Tháng Năm.

“Hiện tại, lực lượng Nga đã dừng lại, tình hình đã được kiểm soát, chúng tôi đang tiến hành các cuộc phản công”, ông nói.

Nga phát động một cuộc tấn công mới vào ngày 10 tháng 5 ở phía bắc tỉnh Kharkiv. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm 16 Tháng Năm rằng lực lượng Mạc Tư Khoa đã cố gắng tiến xa tới 10 km vào khu vực nhưng đã bị chặn lại bởi tuyến phòng thủ đầu tiên.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov mô tả tình hình trên chiến trường là “khó khăn” và cho biết binh sĩ Ukraine tiếp tục trấn giữ phòng tuyến ở phía đông và phía nam đất nước. Ông nói, các tỉnh Kharkiv và Donetsk là những khu vực xảy ra giao tranh ác liệt nhất.

“Đối với khu vực Kharkiv, đối phương đang tiến hành các hoạt động tấn công nhằm tạo vùng đệm”, ông nói và cho biết thêm rằng “tình hình đang được kiểm soát”.

Ông cho biết quân đội Nga đang tiến về phía đông Kharkiv, dự định vượt qua thị trấn Kupiansk nhưng vẫn chưa thành công.

“Giao tranh ác liệt đang diễn ra gần như dọc theo toàn bộ chiến tuyến. Lực lượng tự vệ đang gây tổn thất nặng nề cho quân xâm lược; Pháo binh, hệ thống điều khiển từ xa và hàng không của chúng tôi đang tích cực hoạt động”, ông nói thêm.

Ngày 23 Tháng Năm, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết quân đội Nga “hoàn toàn sa lầy” trong các trận chiến trên đường phố nhằm giành thị trấn Vovchansk ở tỉnh Kharkiv và triển khai lực lượng dự bị từ các khu vực khác nhau.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết, cuộc tấn công của Nga ở tỉnh Kharkiv vào giữa tháng 5 có thể là đợt đầu tiên trong một số đợt tấn công và các lực lượng Nga có thể tấn công vào thủ đô khu vực Kharkiv.

Cuộc tấn công mới nhất của Nga vào Kharkiv đang làm căng tuyến phòng thủ của Ukraine

3. Báo cáo cho thấy Putin sẵn sàng 'đóng băng' chiến tranh Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ready to 'Freeze' Ukraine War: Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo, Putin sẵn sàng “đóng băng” cuộc chiến ở Ukraine trên các tuyến đầu hiện tại.

Sự phát triển này đã được Reuters đưa tin hôm thứ Sáu, trích dẫn bốn nguồn tin giấu tên của Nga quen thuộc với vấn đề này.

“Putin có thể chiến đấu bao lâu cũng được, nhưng Putin cũng sẵn sàng ngừng bắn để đóng băng chiến tranh”, một nguồn tin cao cấp của Nga từng làm việc với Putin nói với cơ quan truyền thông này.

Newsweek không thể chứng thực một cách độc lập báo cáo này và đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Triển vọng đàm phán hòa bình giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa đã được nêu ra nhiều lần nhưng không thành công, kể từ khi nhà lãnh đạo Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022.

Reuters cho biết họ đã nói chuyện với 5 nguồn tin từng làm việc với Tổng thống Nga ở cấp cao. Nguồn thứ năm không bình luận về việc tạm dừng chiến tranh ở Ukraine trên tiền tuyến hiện tại.

Hai trong số các nguồn tin cho biết Putin tin rằng ông có thể rao bán những lợi ích hiện tại của Nga ở Ukraine như một chiến thắng của Nga đối với người dân.

Ba trong số các nguồn tin của tờ báo cho biết Putin muốn tránh tuyên bố huy động toàn quốc, điều này có thể là cần thiết nếu ông hy vọng chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn hơn của Ukraine.

Một nguồn tin cho biết, sự nổi tiếng của Putin đã giảm mạnh sau khi ông tuyên bố “huy động một phần” dân số vào mùa thu năm 2022.

Neil Melvin, giám đốc Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh Anh, Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, gọi tắt là RUSI, trước đây đã nói với Newsweek rằng thông điệp tuyên truyền của Putin có nghĩa là ông “tiếp tục đi trên dây về vấn đề huy động”.

Ông nói thêm: “Việc huy động quần chúng, vốn ngày càng trở nên cấp bách do lực lượng Nga ở Ukraine đang bị tiêu hao, sẽ phá vỡ hợp đồng này và khiến các gia đình trên khắp nước Nga phải trả giá cho cuộc chiến”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với Reuters rằng Nga sẵn sàng đàm phán và Putin không muốn “chiến tranh vĩnh cửu”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại giao Ukraine để yêu cầu bình luận qua email.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton nói với Newsweek vào tháng 3 rằng ông tin rằng Putin có thể đang để mắt đến lệnh ngừng bắn với Ukraine sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

“Những gì ông ấy có thể làm là đợi đến tháng 11 và xem ai thắng cuộc bầu cử. Và nếu đó là Donald Trump—vì tôi nghĩ Putin sẽ tin rằng ông ấy sẽ nhận được một thỏa thuận tốt hơn từ cựu Tổng thống Trump—khi đó ông ấy có thể nói, 'Tại sao chúng ta không kêu gọi ngừng bắn dọc theo các chiến tuyến hiện có và đàm phán từ đó'“ Bolton, cựu đại sứ Liên Hiệp Quốc, từng giữ chức cố vấn an ninh từ năm 2018 đến 2019 trong chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, cho biết.

Các nguồn tin của Reuters cho biết Putin sẵn sàng tiếp tục chiến đấu nếu Ukraine và Kyiv không đáp lại lời kêu gọi của ông về một lệnh ngừng bắn được đàm phán nhằm công nhận tiền tuyến hiện tại trên chiến trường.

Điện Cẩm Linh trước đây đã chỉ định một số điều kiện không thể thương lượng đối với Nga, bao gồm cả việc Ukraine phải chấp nhận việc sáp nhập bốn khu vực của mình vào tháng 9 năm 2022—Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia—sau các cuộc trưng cầu dân ý do Putin kêu gọi bị Điện Cẩm Linh coi là bất hợp pháp. cộng đồng quốc tế.

Ukraine đã tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải vô hiệu hóa việc sáp nhập lãnh thổ của họ vào tháng 9 năm 2022 và Bán đảo Crimea, mà Putin đã sáp nhập vào năm 2014, một lần nữa phải được coi là một phần của Ukraine.

4. Nga thừa nhận IS đứng sau vụ tấn công khủng bố Crocus Hall, nhưng vẫn cố đổ lỗi cho Ukraine

Nga lần đầu tiên tuyên bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố chết người vào Tòa thị chính Crocus ở Mạc Tư Khoa, nhưng vẫn tuyên bố Ukraine đóng vai trò hỗ trợ những kẻ tấn công, truyền thông Nga đưa tin hôm 24 Tháng Năm.

Tối 22 Tháng Ba, một số tay súng đã nổ súng tại Tòa thị chính Crocus ở Krasnogorsk, ngoại ô Mạc Tư Khoa, khiến ít nhất 145 người thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương.

Trong các bình luận được hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đưa tin, Alexander Bortnikov, nhà lãnh đạo Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), cho biết việc chuẩn bị, tài trợ, tấn công và rút lui của những người liên quan được “điều phối qua internet bởi các thành viên của tỉnh Khorasan”. (IS-K)”, một nhánh của IS hoạt động ở Afghanistan và Pakistan.

“Cuộc điều tra đang diễn ra, nhưng có thể an toàn khi nói rằng tình báo quân đội Ukraine có liên quan trực tiếp đến vụ tấn công này”, ông cáo buộc tại cuộc họp của Hội đồng nhà lãnh đạo các cơ quan an ninh và dịch vụ đặc biệt của các quốc gia thành viên CIS ở Bishkek, Kyrgyzstan..

Ông nói thêm: “Sau khi hoàn thành cuộc tấn công, những kẻ khủng bố đã nhận được chỉ thị rõ ràng để tiến về biên giới Ukraine, nơi từ phía bên kia một 'cửa sổ' đã được chuẩn bị sẵn cho chúng,” ông nói thêm mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về sự liên quan của Kyiv.

Ukraine đã dứt khoát phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với vụ tấn công và Tòa Bạch Ốc cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Kyiv đứng đằng sau vụ tấn công.

Trong những ngày sau vụ tấn công, chính quyền Nga đã bắt giữ khoảng chục người đàn ông. Hơn một nửa số nghi phạm bị bắt giữ là người Tajikistan, 4 người trong số đó bị cáo buộc đích thân thực hiện vụ tấn công.

Họ xuất hiện tại tòa với những dấu hiệu rõ ràng về sự lạm dụng dưới bàn tay của chính quyền Nga.

Bất chấp IS nhận trách nhiệm, Putin cùng với các quan chức hàng đầu khác của Nga vẫn tìm cách đổ lỗi cho Ukraine mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Putin hôm 25 Tháng Ba cho biết “những kẻ Hồi giáo cực đoan” đứng đằng sau vụ tấn công nhưng không đề cập cụ thể đến IS, cho rằng chúng có liên quan đến Ukraine nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Ngày 31 Tháng Ba, Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi bắt giữ và dẫn độ nhà lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), Thiếu Tướng Vasyl Maliuk.

Hơn 50% người Nga tin rằng lãnh đạo Ukraine chịu trách nhiệm về vụ nổ súng tại phòng hòa nhạc Crocus City Hall bên ngoài Mạc Tư Khoa, tờ Financial Times đưa tin hôm 30 Tháng Ba, trích dẫn một cuộc khảo sát của OpenMinds, một nhà thăm dò trực tuyến của Anh-Ukraine.

Khoảng 27% số người được hỏi đổ lỗi cho Nhà nước Hồi giáo (ISIS), trong khi 6% khác chỉ vào cái gọi là “phương Tây tập thể”, cụ thể là Mỹ, Anh và NATO.

Chính phủ Mỹ đã cảnh báo Nga rằng địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc Crocus City Hall ở ngoại ô Mạc Tư Khoa là mục tiêu khủng bố tiềm tàng hơn hai tuần trước vụ tấn công, tờ Washington Post đưa tin hôm 2 Tháng Tư.

Dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên, tờ Washington Post cho biết, Mỹ đã xác định cụ thể Tòa thị chính Crocus là mục tiêu khả dĩ của IS trong cuộc họp báo của họ tới Mạc Tư Khoa. Tiết lộ này đặt ra câu hỏi về tuyên bố của Điện Cẩm Linh rằng các cảnh báo của Mỹ quá “chung chung” để ngăn chặn một cuộc tấn công.

Putin đã công khai bác bỏ những cảnh báo của phương Tây về các cuộc tấn công khủng bố tiềm tàng là “sự tống tiền hoàn toàn” và cố gắng “gây bất ổn cho xã hội của chúng ta” vài ngày trước vụ xả súng hàng loạt.

5. Zelenskiy: Lực lượng Ukraine giành lại quyền kiểm soát gần biên giới nhà nước ở tỉnh Kharkiv

Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát khu vực biên giới Nga-Ukraine ở tỉnh Kharkiv, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối ngày 24 Tháng Năm.

Zelenskiy đến thăm Kharkiv cùng ngày, nơi một trong những nhà in lớn nhất Ukraine đã bị phá hủy một ngày trước đó trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga khiến 7 người thiệt mạng.

Trong chuyến thăm, Zelenskiy đã gặp quân đội Ukraine và nghe báo cáo từ chính quyền địa phương và đại diện các cơ quan đặc biệt.

Zelenskiy nói rằng lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát khu vực mà quân đội Nga “đã tiến vào trước đó”.

Tổng thống cảm ơn các đơn vị tham gia nhiệm vụ chiến đấu trên địa bàn.

Zelenskiy cho biết thêm ông đã thảo luận về các nhiệm vụ tiếp theo ở tiền tuyến, xem xét thông tin từ tình báo quân sự Ukraine.

Nga phát động cuộc tấn công mới vào ngày 10 tháng 5 ở phía bắc tỉnh Kharkiv, tập trung nỗ lực vào hướng Lyptsi và Vovchansk, các khu định cư cách biên giới Nga-Ukraine vài km về phía nam.

Lực lượng của Mạc Tư Khoa đã tiến xa tới 10 km vào khu vực nhưng bị chặn lại bởi tuyến phòng thủ đầu tiên.

Quân đội Nga đã bắt đầu triển khai quân dự bị từ các khu vực khác nhau của tiền tuyến nhưng không hỗ trợ các hoạt động tấn công tích cực trong khu vực, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết hôm 23 Tháng Năm.

6. Estonia cung cấp 650.000 euro viện trợ nhân đạo cho Ukraine

Bộ Ngoại giao Estonia sẽ phân bổ hơn 650.000 euro viện trợ nhân đạo cho Ukraine, chủ yếu để hỗ trợ hệ thống giáo dục ở các khu vực tiền tuyến và hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Một phần viện trợ sẽ được phân phối thông qua tổ chức phi lợi nhuận Eesti Pagulasabi của Estonia, nơi tập trung vào việc cải thiện điều kiện sống ở các khu vực dễ bị tổn thương và hỗ trợ người tị nạn Ukraine ở Georgia.

Ngoài ra, tổ chức phi lợi nhuận Mondo sẽ sử dụng một phần quỹ để tổ chức trại hè và hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho trẻ em ở Zaporizhzhia.

Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna nhấn mạnh cam kết của Estonia hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh các cuộc tấn công đang diễn ra của Nga, gây thương vong và di dời dân thường đáng kể.

“Các cuộc tấn công hàng ngày, bao gồm cả ở Kharkiv trong những tuần gần đây, đã dẫn đến cái chết của dân thường, sự phá hủy các tòa nhà và buộc hàng ngàn người dễ bị tổn thương phải di dời khỏi nhà của họ. Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ họ bằng mọi cách có thể”, cô nói.

Estonia là một trong những nước ủng hộ trung thành nhất của Kyiv kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, cung cấp hỗ trợ nhân đạo, phát triển và quân sự. Vào tháng Giêng, Estonia đã phân bổ 14 triệu euro (15,2 triệu Mỹ Kim) viện trợ phát triển cho Ukraine để giải ngân hàng năm.

Đóng góp quốc phòng của Estonia cho Ukraine đã lên tới khoảng 500 triệu euro (550 triệu Mỹ Kim) kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện, chiếm khoảng 1,4% GDP của đất nước.

7. Đồng minh NATO của Putin đưa ra lời chỉ trích gay gắt về quân đội Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin's NATO Ally Delivers Sharp Critique of Russian Military”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán đã cảnh báo đồng minh của ông, Putin, về cơ hội đánh bại Kyiv trong cuộc chiến chống Ukraine.

Kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, mà Hung Gia Lợi là thành viên, đã đứng về phía Ukraine và tố cáo “cuộc chiến xâm lược tàn bạo và bất hợp pháp” của Nga. Điều này đã đặt Orbán vào tình thế khó khăn vì Hung Gia Lợi vẫn duy trì quan hệ với Nga.

Trao đổi với các phóng viên báo chí hôm thứ Sáu, Orbán thừa nhận rằng đồng minh của ông có thể đang vượt quá tầm kiểm soát của mình khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra. Orbán nói: “Nếu người Nga đủ mạnh để đánh bại người Ukraine trong một đòn thì họ đã bị đánh bại, nhưng đó không phải là những gì chúng ta đang thấy”.

Nga đã thất bại trong việc chiếm thủ đô của Ukraine sau khi cuộc xâm lược bắt đầu. Quân đội Kyiv đã chiến đấu tốt một cách đáng ngạc nhiên trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và trong khi họ phải vật lộn suốt nhiều tháng khi kho vũ khí ngày càng cạn kiệt, niềm hy vọng mới đã nhen nhóm với việc Quốc hội thông qua khoản viện trợ trị giá khoảng 61 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine vào tháng trước.

Tuy nhiên, vẫn sẽ mất một thời gian để kho vũ khí của Ukraine được bổ sung. Trong khi đó, Nga đã tăng cường tấn công ở phía đông bắc Ukraine.

Hôm thứ Năm, một cuộc tấn công hỏa tiễn vào Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã giết chết ít nhất 7 thường dân và làm bị thương ít nhất 20 người nữa, theo các quan chức Ukraine. Bộ Quốc phòng Ukraine hôm thứ Sáu cho biết lực lượng Nga đã mất 1.240 quân nhân, 42 hệ thống pháo binh, 27 xe chiến đấu bọc thép và 13 xe tăng trong ngày qua.

Một câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra kể từ khi chiến tranh bắt đầu là liệu Putin, nếu thành công ở Ukraine, có tấn công các quốc gia có chủ quyền khác, có thể là các nước NATO hay không.

“Sức mạnh của NATO không thể so sánh với Ukraine. Gấp trăm, có thể gấp ngàn lần, vì vậy tôi không nghĩ là hợp lý khi cho rằng Nga, quốc gia thậm chí không thể đối phó với Ukraine, sẽ bất ngờ đến và tóm cả thế giới phương Tây”, Orbán nói hôm thứ Sáu.

Nếu Putin cố gắng xâm chiếm một quốc gia NATO, ông ta sẽ mạo hiểm gây chiến với tất cả 32 quốc gia thành viên, bao gồm cả Hung Gia Lợi, như một phần của Điều 5 của hiệp ước. Tuy nhiên, vào tháng 12/2023, Putin cho biết Mạc Tư Khoa “không quan tâm” đến việc chống lại NATO.

8. Kyiv cho biết Nga mất 42 hệ thống pháo binh, 27 xe tăng APV và 13 xe tăng trong một ngày

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Loses 42 Artillery Systems, 27 APVs and 13 Tanks in a Day: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 25 Tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết lực lượng Nga đã mất 42 hệ thống pháo binh, 27 xe thiết giáp và 13 xe tăng trong ngày qua.

Ông cũng cho biết Nga đã mất gần 500.000 nhân sự kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, cùng với 7.635 xe tăng, 14.775 xe xe thiết giáp chuyển quân, 356 máy bay và 12.902 hệ thống pháo binh.

Đi kèm với đồ họa thông tin về tổn thất trong chiến đấu là câu trích dẫn của tổng thống thứ ba của Mỹ, Thomas Jefferson: “Biển tự do náo nhiệt không bao giờ không có sóng”.

Những số liệu mới nhất được đưa ra khi Nga tăng cường tấn công ở phía đông bắc Ukraine.

Theo báo New York Times ngày 14 Tháng Năm, Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, cho biết tình hình trong khu vực đang “ở bên bờ vực” và đang chuyển “đến mức nguy kịch” mỗi giờ. Tuy nhiên, hôm Thứ Sáu, 24 Tháng Năm, các báo cáo cho thấy quân Nga đã thảm bại tại phía Bắc Kharkiv.

Nhà lãnh đạo khu vực này cho biết khoảng 11.000 người đã được di tản khỏi các khu vực ở khu vực Kharkiv hôm thứ Năm.

Hôm thứ Năm, một cuộc tấn công hỏa tiễn vào Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã giết chết ít nhất 7 người và 20 người bị thương, theo các quan chức Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói trên X rằng cuộc tấn công nhằm vào một cơ sở in sách. Ông nhấn mạnh việc thiếu hệ thống phòng không của đất nước là lý do khiến cuộc tấn công của Nga thành công và nhắc lại lời cầu xin sự hỗ trợ quốc tế.

Trong một cuộc phỏng vấn đầu tuần này với Reuters, Zelenksy cho biết đất nước của ông cần 120-130 máy bay phản lực để đối đầu thành công với sức mạnh không quân của Nga.

Trong khi đó, truyền thông Nga lại tung ra tin đồn về một loại vũ khí có khả năng chống lại F-16. Hôm thứ Năm, Mạc Tư Khoa cho biết Ukraine đã mất hơn 600 máy bay kể từ tháng 2 năm 2022, cũng như 9.771 pháo dã chiến và súng cối. Newsweek không thể xác minh độc lập những số liệu đó.

Thứ năm cũng chứng kiến giao tranh ở nơi khác. Tại Crimea, có thông tin cho rằng một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine đã phá hủy hàng loạt hệ thống phòng không của Nga ở bán đảo do Nga sáp nhập. Ukraine chưa đưa ra phản hồi chính thức.

Nhiều nhà phân tích và chuyên gia đã lưu ý rằng những nỗ lực đổi mới của Nga ở Kharkiv, nơi Ukraine dường như đã đạt được những tiến bộ, có thể tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến.

Trong chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv hồi đầu tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết viện trợ quân sự đang được tiến hành và sẽ tạo ra “sự khác biệt thực sự”. Khoản viện trợ quân sự được đề cập là một phần của gói trị giá 61 tỷ Mỹ Kim đã được Quốc hội phê duyệt vào tháng 4.

9. Putin đang tìm kiếm lệnh ngừng bắn để củng cố lợi ích ở Ukraine, Reuters đưa tin

Putin để ngỏ khả năng ngừng bắn công nhận các chiến tuyến hiện tại trên chiến trường nhưng sẽ tiếp tục chiến đấu nếu Ukraine và các đồng minh không đồng ý, Reuters đưa tin hôm 24 Tháng Năm, dẫn các nguồn tin giấu tên của Nga.

“Putin có thể chiến đấu bao lâu cũng được, nhưng Putin cũng sẵn sàng ngừng bắn – để đóng băng chiến tranh”, một nguồn tin cao cấp của Nga từng làm việc với Putin nói với hãng tin này với điều kiện giấu tên.

Ngoại trừ các cuộc đàm phán không thành công vào đầu mùa xuân năm 2022, chưa có cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp nào giữa Ukraine và Nga.

Kyiv đã tuyên bố dứt khoát rằng việc Nga rút quân hoàn toàn là cần thiết để bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể diễn ra, đó là một điều kiện chính trong những điểm trong công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine, được Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vạch ra lần đầu tiên vào mùa thu năm 2022.

Reuters đã nói chuyện với 5 nguồn tin của Nga, 3 trong số đó cho biết Putin đã bày tỏ sự thất vọng với các cố vấn về điều mà ông coi là sự can thiệp của phương Tây trong nỗ lực đưa Kyiv và Mạc Tư Khoa đến bàn đàm phán.

Các nguồn tin cũng cho biết Putin biết rằng bất kỳ thành công lớn nào trên chiến trường sẽ đòi hỏi một làn sóng huy động mới ở Nga, là điều mà ông hy vọng tránh được vì lo ngại tình trạng bất ổn trong nước.

Khi được hỏi về thông tin này, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với Reuters rằng Nga sẵn sàng đối thoại và không muốn “chiến tranh vĩnh cửu”.

Các quan chức Ukraine gần đây cho biết nước này “hiểu rõ ràng” rằng cuộc chiến toàn diện của Nga sẽ kết thúc bằng đàm phán, nhưng lệnh ngừng bắn công nhận các yêu sách của Nga đối với lãnh thổ hiện do họ kiểm soát không thể được Kyiv đồng ý.

Thay vào đó, Ukraine tiếp tục thúc đẩy kế hoạch hòa bình của mình và một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu sẽ được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng tới sẽ tập trung vào công thức hòa bình của Zelenskiy.

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Oleksandr Lytvynenko ngày 20 Tháng Năm cho biết: “Đây là con đường ngoại giao thực sự có mọi cơ hội đóng góp cho một nền hòa bình công bằng”.

“Nhưng chúng ta không cần một hiệp định đình chiến kéo dài hai năm; chúng ta cần một nền hòa bình bền vững trong nhiều thập niên, điều này sẽ tạo điều kiện cho Ukraine phát triển. Và đây là vấn đề bảo đảm an ninh.”

Các báo cáo tương tự cho rằng Putin đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình đã xuất hiện trước đó. Bloomberg đã viết vào Tháng Giêng rằng, theo các nguồn tin thân cận với Điện Cẩm Linh, nhà lãnh đạo Nga đã gửi tín hiệu tới phương Tây cho thấy sẵn sàng thỏa hiệp để Ukraine gia nhập NATO để đổi lấy việc giữ các lãnh thổ của Ukraine.

Putin đã không đưa ra dấu hiệu nào về sự nhượng bộ như vậy trước công chúng.

10. Thứ trưởng Kyiv nhận định: Cuộc đàm phán ngừng bắn ở Ukraine là nỗ lực của Putin để có 'thời gian nghỉ ngơi':

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Ceasefire Talk Is Putin's Bid for 'Respite': Kyiv Deputy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhà lập pháp cao cấp của Ukraine cho biết, ý định của Putin nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn dọc theo chiến tuyến hiện tại ở Ukraine là một nỗ lực để “nghỉ ngơi” trước những thương vong và chi phí của cuộc chiến kéo dài hai năm.

Reuters - trích dẫn nhiều nguồn ẩn danh am hiểu các cuộc thảo luận cao cấp của Điện Cẩm Linh - hôm thứ Sáu đưa tin rằng Tổng thống Nga thất vọng với việc Kyiv từ chối đàm phán một thỏa thuận hòa bình theo đó Mạc Tư Khoa sẽ sở hữu nhiều vùng lãnh thổ của Ukraine và việc phương Tây tiếp tục ủng hộ quan điểm của Ukraine.

“Putin có thể chiến đấu bao lâu cũng được, nhưng Putin cũng sẵn sàng ngừng bắn - để đóng băng chiến tranh”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov nói với hãng tin này rằng tổng thống đã nhiều lần nêu ra triển vọng đàm phán và không muốn “chiến tranh vĩnh cửu”.

Merezhko, một thành viên quốc hội Ukraine và là chủ tịch ủy ban đối ngoại của cơ quan, nói với Newsweek rằng đề xuất được báo cáo của Putin sẽ nhận được rất ít sự ủng hộ ở Kyiv.

Merezhko cho biết: Nhà lãnh đạo Nga, “cần thời gian nghỉ ngơi trong vài năm để hiện đại hóa quân đội và tiếp tục gây hấn với Ukraine và phương Tây”.

Merezhko nói thêm: “Putin nhận thấy Ukraine đang bắt đầu nhận viện trợ quân sự nghiêm chỉnh từ Mỹ và Nga sẽ chịu nhiều tổn thất hơn”. “Có vẻ như Putin sợ rằng một cuộc chiến kéo dài sẽ gây ra nhiều bất mãn hơn với chính sách của ông trong giới tinh hoa Nga và trong quân đội”.

Merezhko nói, bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào cũng vô ích trong khi Điện Cẩm Linh vẫn tuyên bố chủ quyền đối với 4 khu vực Ukraine bị tạm chiếm một phần – Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson – và tiếp tục xâm lược Crimea.

Ông nói: “Putin đã tự đưa mình vào ngõ cụt khi đưa một số tỉnh của Ukraine vào hiến pháp Nga”. “Điều đó có nghĩa là dù sớm hay muộn thì hắn cũng sẽ tiếp tục cuộc chiến.”

Putin đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn, mặc dù chỉ khi Ukraine chấp nhận “thực tế lãnh thổ mới” về việc Nga xâm lược khoảng 20% đất nước do lực lượng Mạc Tư Khoa nắm giữ, những khu vực đã bị tàn phá sau hơn hai năm giao tranh..

Điện Cẩm Linh cũng chưa bao giờ từ bỏ các mục tiêu mơ hồ là “phi phát xít hóa” và phi quân sự hóa Ukraine, đồng thời ngăn chặn tham vọng gia nhập NATO của nước này; những yêu cầu được hiểu là sự khuất phục của nước láng giềng phía Tây.

Pavel Luzin, một nhà phân tích quân sự Nga và là học giả thỉnh giảng tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, nói với Newsweek hồi đầu tháng này về lực lượng Mạc Tư Khoa: “Họ cần nghỉ ngơi, nhưng họ sẽ không kết thúc chiến tranh. Hôm nay, họ muốn có ít nhất Donetsk và Luhansk. Vấn đề là Điện Cẩm Linh tuyên bố khu vực Kherson và Zaporizhzhia cũng là lãnh thổ của Nga”.

Trong khi đó, Kyiv vẫn công khai cam kết giải phóng hoàn toàn lãnh thổ của mình theo đường biên giới được quốc tế công nhận năm 1991, bao gồm Bán đảo Crimea và các khu vực phía đông Ukraine bị phe ly khai do Mạc Tư Khoa chỉ đạo chiếm giữ vào năm 2014.

Chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy muốn Nga trả tiền bồi thường và các nhà lãnh đạo của nước này phải đối mặt với các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh. Họ cũng muốn việc Ukraine gia nhập NATO và Liên minh Âu Châu phải được các đối tác nước ngoài thừa nhận và bảo đảm như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai.
 
Ngỡ ngàng: Các trường Công Giáo Toronto cấm treo cờ ủng hộ sự sống. Đức Thánh Cha sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ
VietCatholic Media
18:41 25/05/2024


1. Ngỡ ngàng: Các trường Công Giáo Toronto cho phép treo cờ tự hào, cấm treo cờ ủng hộ sự sống

Có một số ý tưởng rất cơ bản đối với giáo huấn Công Giáo đến nỗi người Công Giáo phải chấp nhận chúng mà không thể thắc mắc. Phản đối việc phá thai và phản đối an tử là hai giáo lý cốt lõi không cần bàn cãi.

Những niềm tin ủng hộ sự sống này cung cấp chìa khóa để hiểu rõ hơn về những gì Giáo hội đại diện. Nếu Giáo hội không phục vụ cho sự sống thì Giáo Hội không phục vụ được gì nhiều.

Tuy nhiên, một tình tiết gần đây ở Toronto cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi chủ nghĩa thế tục lây nhiễm vào thần học, và trong quá trình đó đã xé nát nền tảng của tất cả những gì người Công Giáo coi là thiêng liêng. Nó cũng cho thấy rằng những người phụ trách giảng dạy thế hệ thanh niên Công Giáo Toronto mới cần phải xem lại Giáo lý hoặc tìm một công việc khác.

Những gì đã xảy ra đặt ra câu hỏi rằng những trường này thực sự là Công Giáo như thế nào.

Tháng trước, các ủy viên của Hội đồng Trường học Công Giáo Toronto, đã bỏ phiếu bác bỏ đề xuất treo cờ ủng hộ sự sống trên các trường học của mình. Tuy nhiên, hội đồng cho phép treo cờ tự hào đồng tính trên các trường học của mình vào tháng 6, được gọi là Tháng Tự hào.

Tiến sĩ Teresa Pierre là chủ tịch của Parent as First Educators, một nhóm hoạt động ở cấp quốc gia ở Canada ủng hộ quyền của phụ huynh chống lại ý thức hệ tự do thế tục của chính phủ và hội đồng nhà trường. Cô cho biết: “Các ủy viên tại Hội đồng Khu học chánh Công Giáo Toronto một lần nữa đã chà đạp quyền của phụ huynh trong việc cho con cái họ được giáo dục theo giáo lý Công Giáo khi họ bỏ phiếu với tỷ lệ 8-2 chống lại đề xuất treo cờ ủng hộ sự sống tại các trường học”.

“Vì sự thiêng liêng của mạng sống con người là tiêu chuẩn hàng đầu của tư tưởng đạo đức Công Giáo, nên bạn có thể nghĩ rằng đây là điều hiển nhiên. Vâng, bạn sẽ là sai lầm.”

Quyết định treo cờ Tự hào được đưa ra vào năm 2021 trong cuộc bỏ phiếu 8-2, trước sự phản đối của Đức Hồng Y Thomas Collins, lúc đó là tổng giám mục Toronto.

Pierre nói thêm: “Mọi thứ thực sự trở nên hỗn loạn khi hội đồng trường Công Giáo tạo kẽ hở cho các nhà hoạt động LGBTQ+ nhưng từ chối đưa ra sự tôn trọng tương tự đối với những lời dạy thực tế của Giáo hội”.

Ủy viên Markus de Domenico nói với tờ báo Toronto Star rằng ông phản đối việc treo cờ ủng hộ sự sống vì nó liên kết với Campaign Life Coalition, một nhóm ủng hộ sự sống và ủng hộ Cuộc Tuần hành Quốc gia vì Sự sống được tổ chức tại Ottawa hàng năm.

De Domenico nói rằng liên minh “thực sự làm tôi lo lắng vì họ rất chống các cuộc tuần hành Tự Hào Đồng Tính, chống nhân quyền.”

Liên minh không phải là một nhóm thù hận hay phản đối nhân quyền - đúng hơn, nó ủng hộ giáo huấn của Giáo hội.

Lá cờ ủng hộ sự sống gần như giống thiết kế dành cho trẻ thơ, không gây nguy hiểm. Trên nền trắng có hai đường ngang, một màu xanh và một màu hồng - bởi vì “Chúa đã tạo ra họ có nam và nữ” (Sáng thế ký 1:27). Ở giữa là hai bàn chân em bé, cũng có màu hồng và xanh, bên trong một quả cầu màu trắng. Bàn chân đang được bảo vệ bởi một bàn tay ở trên và dưới quả cầu.

Trong một bài báo trên tờ Catholic Register (Toronto), thành viên hội đồng quản trị Michael Del Grande đã giải thích lý do tại sao việc bỏ phiếu chống lại việc treo cờ ủng hộ sự sống là một sự xúc phạm đối với những gì Giáo hội đại diện:

Del Grande đã chia sẻ những gì Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và tuyên bố Dignitas Infinita gần đây do Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican công bố về tính thiêng liêng của sự sống và phá thai. Dignitas Infinita cảnh báo rằng “ngày nay, trong lương tâm của nhiều người, nhận thức về sức hấp dẫn của nó ngày càng trở nên mờ nhạt”. Việc chấp nhận việc phá thai trong tâm trí bình dân, trong hành vi và ngay cả trong chính luật pháp là một dấu hiệu rõ ràng về một cuộc khủng hoảng cực kỳ nguy hiểm về ý thức đạo đức, ngày càng trở nên không có khả năng phân biệt giữa thiện và ác, ngay cả khi quyền cơ bản là quyền sống đang bị đe dọa.”

Del Grande cho biết ông “không thể nghĩ ra lý do chính đáng nào khiến đề xuất này không được đồng thanh thông qua”. Chúng tôi là một hội đồng ủng hộ sự sống và tôi hy vọng bạn sẽ bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của tôi để hội đồng thực hiện phần việc của mình là bảo vệ mạnh mẽ nhóm bị thiệt thòi và nạn nhân nhất ở đất nước này, cụ thể là những đứa trẻ bị giết trong bụng mẹ với tốc độ 100.000 mỗi năm.'

Tất nhiên, đây không chỉ là về một lá cờ - mà còn là về những quan điểm được giảng dạy trong các trường Công Giáo. Ví dụ, trong nhiều năm, nhiều giáo viên trong hội đồng trường Công Giáo đã diễn hành trong cuộc diễn hành đồng tính hàng năm.

Tất cả những điều đó dường như làm tăng thêm mối lo ngại thực sự về những gì các thế hệ người Công Giáo tương lai sẽ tin và tán thành. Một phỏng đoán hợp lý là nó sẽ không liên quan gì đến Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.


Source:National Catholic Register

2. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Hồng Y Tagle làm Đặc sứ trong Đại hội Thánh Thể Quốc gia

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, đồng Bộ Trưởng Bộ Truyền giáo, làm đặc sứ của ngài tại Đại hội Thánh Thể Quốc gia tại Hoa Kỳ, sẽ được tổ chức tại Indianapolis từ ngày 17 đến 21 tháng 7 năm 2024. Thông báo được Phòng Báo Chí Tòa Thánh đưa ra hôm thứ Bảy.

Đức Hồng Y Tagle sẽ cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Toàn quốc lần thứ 10.

Gọi việc bổ nhiệm này là “một món quà cho Đại hội Thánh Thể”, Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, nói rằng “lòng nhiệt thành sâu sắc của Đức Hồng Y Tagle đối với sứ mệnh tông đồ bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể chắc chắn sẽ có tác động truyền cảm hứng cho mọi người tham dự Đại hội,” theo thông cáo báo chí của USCCB. Đức Tổng Giám Mục Broglio cũng chỉ ra rằng Đức Hồng Y Tagle biết rõ về Hoa Kỳ khi ngài lấy bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ vào năm 1991.

Đây sẽ là Đại hội Thánh Thể Quốc gia đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ và là một sự kiện then chốt trong ba năm Phục hưng Thánh Thể Quốc gia, dẫn đến năm cuối cùng của Cuộc Phục hưng: “Năm Sai phái Truyền giáo”.

“ Đại hội sẽ làm chứng công khai về bản sắc cốt lõi của Giáo hội bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể, và chúng tôi cầu nguyện rằng điều đó sẽ truyền cảm hứng cho một ý thức mới về sứ mệnh khi chúng ta sống các hồng ân hiệp nhất và bác ái”, Đức Tổng Giám Mục Broglio nói trong tuyên bố của USCCB. “Cầu mong nó là chất xúc tác cho việc tiếp tục đào sâu niềm tin của chúng ta vào Sự Hiện Diện Thực Sự.”

Cuối tuần này đánh dấu sự khởi đầu của các Cuộc Hành hương Thánh Thể Quốc gia, bao gồm bốn tuyến đường khác nhau bắt đầu từ hai phía đối diện của đất nước và gặp nhau tại Indianapolis để tham dự đại hội vào tháng Bảy. Tổng cộng, bốn tuyến đường hành hương sẽ đi qua 6.500 dặm, qua 27 tiểu bang và 65 giáo phận, trong khi rước Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.


Source:National Catholic Register

3. Đức Thượng phụ Bácthôlômêô cho hay Đức Thánh Cha sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Đức Thượng phụ Bácthôlômêô, Thượng phụ Giáo chủ Chính thống Constantinople, với Tòa ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào năm tới, nhân dịp kỷ niệm 1.700 năm Công đồng chung đầu tiên của Giáo hội, nhóm tại Nicea năm 325.

Đức Thượng phụ Bácthôlômêô là vị đứng đầu trong các Thượng phụ Chính thống trên thế giới và Nicea ngày nay là thành phố Iznik của Thổ Nhĩ Kỳ. Công đồng này do Hoàng đế Constantino triệu tập. Vị hoàng đế này được một số Giáo hội Đông phương, Công Giáo và Giáo hội Chính thống Đông phương, tôn kính như vị thánh.

Tờ “Chính thống thời báo” (Orthodox Times), số ra ngày 17 tháng Năm vừa rồi, đưa tin: Đức Thượng phụ cho biết như trên, hôm 16 tháng Năm vừa qua, trong cuộc gặp gỡ một nhóm ký giả và nói rằng một Ủy ban đang được thành lập để tổ chức chuyến viếng thăm này. Đức Thánh Cha muốn tham dự lễ kỷ niệm quan trọng này.

Công đồng chung Nicea được các Giáo hội công nhận, như: Công Giáo, Chính thống Đông phương, Chính thống Byzantine. Trong Công đồng này, các giám mục lên án lạc giáo Ario. Nhóm này cho rằng Chúa Con do Chúa Cha tạo thành. Linh mục Ario không chấp nhận rằng Chúa Con có cùng đặc tính đời đời như Chúa Cha.

Kinh Tin kính, hay bản tuyên xưng đức tin, chúng ta vẫn đọc trong thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng, xuất phát từ Công đồng chung Nicea và Constantinople: Chúa Giêsu được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Cha Cha. Chúa Con hằng hữu với Chúa Cha.