Ngày 27-05-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Thánh Thần Là Tình Yêu Và Sự Sống
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
07:35 27/05/2012
CHÚA THÁNH THẦN LÀ TÌNH YÊU VÀ SỰ SỐNG

Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, chúng ta xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người chúng ta và biến đổi tâm hồn của mỗi người trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Biến cố này đã được xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần nhưng luôn luôn là mới, luôn luôn là hiện tại và luôn là sức sống của Giáo Hội. Sức sống này được lấy từ chính Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Thánh Thần là sự sống, là tình yêu nhiệm hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con. Hội Thánh được sống bằng chính sự sống Chúa Thánh Thần và nói một cách cụ thể hơn là sống bằng sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu khai sinh Hội Thánh ở trần gian, với một sứ mệnh duy nhất: “Các con hãy trở nên chứng nhân của Tin Mừng Nước Chúa”(Mc 24,48). Tin Mừng chú trọng tới việc tin nhận Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa nhập thể làm người và chính Ngài đã cứu độ trần gian bằng của lễ hiến tế trên Thập Giá. Sau của lễ Hiến Tế, Ngài đã sống lại và lên trời. Ngài sẽ tiếp tục trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết trong ngày quang lâm. Một Tin Mừng Nước Chúa được trải dài theo cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, nói một cách cụ thể, là được thâm nhập vào trong cuộc đời chúng ta với danh hiệu người Kitô hữu. Việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần năm xưa luôn luôn được tái hiện trong mọi thời đại. Hôm nay, khi Giáo Hội đón nhận ơn trọng đại này thì chúng ta thấy hai đặc tính rất nổi bật:

- Đặc tính thứ nhất: Quy tụ trong Giáo Hội;

- Đặc tính thứ hai: Tri thức được trao ban nơi Giáo Hội.

Phân tích đặc tính thứ nhất, chúng ta thấy rõ Thánh Thần quy tụ con cái khắp toàn cầu nên một trong Đức Giêsu Kitô, vì chính sứ mệnh được trao phó cho mỗi người để từng người trở nên chứng nhân của Tin Mừng Nước Chúa. Thánh Thần quy tụ con cái khắp nơi. “Đức Giê su đã thổi hơi trên các tông đồ và nói: Các con hãy lãnh nhận Thánh Thần”(x.Ga 20,22). Như vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi, được trao ban và được sống bằng sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống này luôn luôn là một sự hiệp nhất đi tới duy nhất. Vì thế, quy tụ ở đây còn có nghĩa là sự sống, phân chia là chết!. Thánh Thần quy tụ để chúng ta đi vào trong sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, nên mỗi người đều được tăng thêm sức sống mới, được canh tân, được biến đổi trong giây lát. Từ tạo vật, chúng ta được đưa vào trong sự sống của Đấng Tạo Thành; từ bùn đất, chúng ta được đưa vào sự sống của Con Thiên Chúa. Sự quy tụ này không phải là một cuộc họp mặt mà sự quy tụ này chính là “Máu chảy về tim” hay “Nước đổ về nguồn” để chúng ta tìm thấy giá trị của con người trong sự sống của Thiên Chúa. Ai cố tình đi ra ngoài Thiên Chúa, người đó như cành nho lìa cây, sẽ bị khô héo. Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống thì không còn ai là người bên ngoài và sống theo một ý riêng. Tất cả mọi người đều có thể hiểu những tiếng lạ. Ai cũng nói tiếng mẹ đẻ của mình nhưng lại cũng hiểu tiếng người khác. Đó là một sự thông truyền, giống như cơ thể của chúng ta. Tay có ngôn ngữ của bàn tay. Chân có ngôn ngữ của bàn chân. Ví như chúng ta gọi “Chân đi, miệng nói, tay làm” là ngôn ngữ riêng của mỗi chi thể, nhưng tất cả hiểu nhau để làm nên một thân thể. Hôm nay Thánh Thần Chúa làm cho cả trần gian vui mừng vì liên kết trong tình yêu và hội nhập trong các nền văn hoá.

Phân tích tới đặc tính thứ hai của Giáo Hội, khi Giáo Hội được phú cho những tri thức mà thế giới không có. Mọi người hiểu nhau vì được nâng cao giá trị đời sống tâm linh để mọi người làm chứng cho thế giới biết rằng không chỉ có vật chất, không chỉ có hưởng thụ và cũng không chỉ có một cuộc sống của thế giới mà người ta gọi là văn minh – tiện nghi – khoa học. Còn một thế giới tâm linh, thế giới đó đã làm cho tất cả mọi người hiểu nhau và tất cả mọi người sẽ phục vụ nhau. Thế giới đó là thế giới của Thánh Thần tình yêu hôm nay đã thực hiện. Một tri thức thiêng liêng được phú xuống cho con người, được trao ban cho thế giới, để tất cả mọi người không phân biệt mầu da và chủng tộc, không phân biệt ngôn ngữ, không phân biệt đẳng cấp. Tất cả nên một trong Chúa Kitô. Thật là lạ lùng! Không một trường nào, không một triết thuyết nào có thể vừa chủ trương lại vừa thực hiện được điều đó. Vì thế Thánh Thần đang làm nên một điều kỳ diệu trong một thế giới khoa học thông tin bùng nổ. Càng thông tin nhiều thì con người lại càng không hiểu nhau. Nhiều những thông tin khiến cho người ta nghi ngờ tính sự thật của nó và khoa học hiện đại đang làm cho thế giới sợ hãi vì chiến tranh nguyên tử. Còn tiếng nói của lương tâm, tiếng nói của tri thức nhân loại và tiếng nói của tình yêu thì hai nghìn năm, ba nghìn năm, cho đến tận thế vẫn luôn luôn vừa sâu thẳm, vừa cần thiết, vừa hiện hữu, lại vừa quy tụ. Tiếng nói của lương tâm, không có một quốc gia nào, không có một triết thuyết nào lại có thể có được. Bởi vậy, ngày hôm nay Hội Thánh nói lên cùng một thứ tiếng là TÌNH YÊU.

Hội Thánh khẳng định cho thế giới, rằng thế giới này được sống là nhờ Tình Yêu. Vì vậy, ngôn ngữ mà Thánh Thần đem đến cho thế giới là ngôn ngữ Tình Yêu và sự sống. Mới đầu nghe, chúng ta thấy tình yêu khác, sự sống khác. Nhưng trong Thánh Thần chúng ta hiểu rằng sự sống và tình yêu là một. Vì Thánh Thần là tình yêu, nhiệm xuất từ Chúa Cha yêu Chúa Con mà ra và chúng ta tuyên xưng Ngài là sự sống. Trong Thánh Thần, sự sống và tình yêu là một. Thánh Thần Chúa hôm nay được trao ban cho Giáo Hội, trao ban cho mỗi người Kitô hữu để chúng ta nên một và làm chứng nhân cho sự thật, làm chứng nhân cho Tin Mừng, cũng có nghĩa là sống trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi vậy, điều mà chúng ta đón nhận Thánh Thần không phải cho riêng ai, vì Thánh Thần quy tụ toàn thế giới của mọi thời đại và đồng thời ban phát tình yêu và sự sống. Có thể ví như trái đất hấp thụ năng lượng từ mặt trời, rồi lại tỏa ra để cho vạn vật trên trái đất này sống. Chúng ta cũng vậy, người Kitô hữu hấp thụ tình yêu và sự sống từ Thánh Thần không phải cho riêng mình, nhưng tỏa ra thành nhân chứng. Tỏa ra đến đâu? Chúa Giêsu trả lời rõ ràng: “Hãy đi khắp thế gian và loan báo Tin Mừng cho mọi loài tạo vật”(Mc 16,15).

Người Ki tô hữu hôm nay được mời gọi lãnh nhận Thánh Thần để trao ban cho thế giới, và đặc tính này chính là phát xuất từ tình yêu.

Tình yêu như một dòng sông

Nước vào lại chảy mới không đọng tù.

Rõ ràng, chúng ta lãnh nhận tình yêu, rồi chúng ta lại cho tình yêu đi. Một tình yêu luôn luôn đổi mới, một tình yêu luôn luôn trao ban, một tình yêu luôn luôn được cập nhật. Đó là sự sống. Bây giờ, chúng ta hiểu, sự sống và tình yêu quan trọng như thế cho nên, Chúa Giê su nói với các tông đồ: “Còn nhiều điều Thầy muốn nói với các con nhưng bây giờ các con chưa lĩnh hội được. Khi nào Thánh Thần – Đấng từ Cha Thầy mà đến – Người sẽ dạy cho các con biết tất cả sự thật”(Ga 16,12-13).

Sự thật hôm nay được biểu lộ ra và được công khai trước mặt tất cả mọi người, chúng ta khám phá ra sự thật đó chính là được sống trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giờ đây, khi đã nhận lãnh, khi đã lĩnh hội thì chúng ta trở nên những chứng nhân giữa thời đại chúng ta đang sống. Chúng ta ra đi để làm chứng cho sự thật. Chúng ta sống bằng sự sống của Chúa Kitô. Chúng ta phục vụ và hiến thân. Đó chính là một Hội Thánh được thiết lập, một Hội Thánh được sai đi và một thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô đang lớn lên mỗi ngày trong mỗi thời đại và sẽ tới ngày viên mãn trong Nước Trời.

Lạy Thánh Thần Tình Yêu,
Mỗi người chúng con trong những nỗ lực của mình,
khi cố gắng hoàn thiện bản thân, sống thánh thiện
là chúng con đang làm cho Hội Thánh lớn lên.
Vậy nên, điều mà chúng con lãnh nhận được
trong lễ hôm nay
là hãy làm cho thân mình mầu nhiệm của Chúa
lớn lên trong Thánh Thần
để với sức sống của Thánh Thần liên kết toàn thể Giáo Hội,
Hội Thánh hôm nay tiếp tục làm chứng nhân cho Tin Mừng,
vừa phong phú đa dạng lại vừa quy tụ duy nhất trong Đức Kitô.
Xin Thánh Thần Tình Yêu hãy đến
để tiếp tục thực hiện những điều kỳ diệu
trong môi trường xã hội hiện đại hóa của thời đại chúng con.
Xin biến đổi mỗi người chúng con nên chứng nhân của Nước Chúa
để chúng con ra đi làm tông đồ,
làm chứng nhân cho Chúa Kitô.
Làm chứng nhân cho một Tin Mừng
và nhờ Tin Mừng ấy mà tất cả mọi người sẽ được ơn cứu độ.
Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin Ngài hãy đến và canh tân bộ mặt thế giới.
Xin Ngài hãy đến để canh tân gia đình và cá nhân mỗi người chúng con. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:55 27/05/2012
LÝ TRIỆU TIÊN
N2T

Con trai của tướng công Lý Trường Sa là Triệu Tiên, chỉ thích giải trí vui vẻ với kỹ nữ.
Một hôm, Trường Sa viết trên bàn học của con trai mấy chữ:
- “Hôm nay ở hẽm liễu, ngày mai ở phố hoa, khoa trường đã gần, tú tài tú tài”.
Triệu Tiên về nhà thấy như thế, thì viết tiếp:
- “Hôm nay bão táp, ngày mai cuồng phong, sắp xếp âm dương, tướng công tướng công”.

Suy tư:
Con không lo học hành mà chỉ chơi bời, nguyên nhân phần lớn là do cha mẹ không quan tâm hoặc ít quan tâm đến con cái, vì cha mẹ bận lo kiếm tiền, kiếm địa vị, và có khi vì công việc riêng tư mà bỏ bê con cái, đến khi sực nhớ lại việc con cái học hành thì đã muộn, vì chúng nó đã đi vào vòng tội lỗi, đã sa lưới pháp luật, hoặc đã chơi bời lêu lỏng rồi.
Con ở phố hoa bởi vì cha mẹ mãi mê đếm tiền bạc, con ở hẽm liễu bởi vì cha mẹ bận đấu đá để được thăng chức thăng tước. Thế là cha mẹ và con cái huề vốn cả nhà, không ai nói gì nhau được, nhưng con cái thì mất tương lai mà cha mẹ thì suốt đời ân hận.
Con cái là món quà cao quý và đẹp nhất mà Thiên Chúa đã ban cho cha mẹ, hãy nâng niu và gìn giữ cho thật đẹp, để sau này dâng lại cho Thiên Chúa trong ngày phán xét.
Ai hiểu thì hiểu !
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://blog.yahoo.com/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:56 27/05/2012
N2T

7. Chỉ cần điều gì Thiên Chúa muốn thì tôi luôn bằng lòng, tôi muốn được ở trong tay của Ngài.

(Thánh John Berchmans)
 
Đọc sách: Nhưng, ai là người thân cận của tôi ? (tiếp theo)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:00 27/05/2012
7. KHÔNG KHIÊM TỐN, THÌ KHÔNG BIẾT
“NGƯỜI THÂN CẬN” CỦA MÌNH LÀ AI.


Trong cuộc sống đời thường đã chứng minh được điều đó, và ngay cả trong chính bản thân của mỗi người cũng đã nhiều lần bộc lộ ra được điều ấy. Đức Chúa Giê-su đã tự khiêm tự hạ trở nên một kẻ phàm nhân và nhận cái chết trên thập giá (Pl 2, 7-8) là để mỗi một người trong chúng ta nhận biết người thân cận của mình ngay trong chính cuộc sống của mình: người mà thường ngày tôi vẫn không thích, người mà trước đây mỗi khi gặp mặt là tôi muốn chửi cho mát lòng hả dạ.v.v… thì giờ đây, trong Đức Chúa Giê-su Ki-tô, họ đã trở nên “người thân cận” thân thiết của tôi. Đó chính là kết quả của lòng khiêm tốn chân thành mà chúng ta học được nơi hang đá Bê-lem, nơi cuộc chạy trốn qua Ai Cập của Thánh Gia Thất, nơi đường lên núi Sọ và nơi đỉnh cao cuối cùng là thập giá của Đức Chúa Ki-tô.

Chính Đức Chúa Ki-tô trong thân phận một trẻ sơ sinh nghèo nàn cùng cực ở hang đá Bê-lem, đã vui lòng chấp nhận nhân loại tội lỗi là người thân cận của mình, và sẵn sàng chia sẻ những nỗi vui buồn và khổ đau của kiếp người trong thế giới loài người, đó chính là một tình yêu và sự khiêm tốn của một vị Thiên Chúa làm người.

Chính Đức Chúa Ki-tô, trong thân phận một con người bị nạn vượt biên qua Ai Cập, sống giữa những người không hề biết đến Thiên Chúa là ai, và chính Ngài đã hoà nhập vào cuộc sống với họ, nhận họ là những người thân cận của mình, mà không tự cao tự đại nghĩ rằng mình là thân phận Thiên Chúa, không thèm chơi chung, không thèm nói chuyện với phường tà ma ngoại đạo, đây chính là mẫu gương khiêm tốn trong cuộc sống đời thường của chúng ta.

Và trên đường vác thập giá lên núi Sọ để chịu chết, giữa bao tiếng reo hò đắc thắng của dân chúng vô ơn bội nghĩa, giữa những tiếng chửi rủa man rợ hung dữ của quân lính, giữa những tiếng xầm xì tò mò của kẻ bàng quan, và giữa tiếng khóc than của những người đàn bà đạo đức thành Giê-ru-sa-lem.v.v…Đức Chúa Giê-su đã im lặng, khiêm tốn nhẫn nhục như con chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông (Is 53, 7) và Ngài không hề trách mắng, oán giận hay thù hằn họ, bởi vì họ là những “người thân cận” của Ngài. Chính vì những vô ơn bội nghĩa và những lời chế nhạo ấy của họ, mà Ngài đã chịu chết trên thập giá để họ được hiệp thông với Ngài và trở nên “người thân cận” của Ngài.

Và đức khiêm tốn của Chúa Chúa Giê-su được nổi bật tuyệt vời khi bị đóng đinh trên thập giá, và chính nơi đây, trên thập giá nầy, Ngài đã im lặng khi nghe tiếng chửi rủa cuối cùng của một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với” (Lc 23, 29). Chính sự nín lặng khiêm tốn nầy của Đức Chúa Giê-su, đã làm cho tên gian phi khác cũng bị treo trên thập giá, nhận ra kẻ bị đóng đinh kề bên mình là Đấng vô tội, là kẻ bị hàm oan, và là một đấng thánh thiện kỳ lạ, đã làm cho tâm hồn chai sạn vì tội lỗi của anh xao động, ăn năn hối hận, và anh đã chân thành nói với Đức Chúa Giê-su rằng: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” (Lc 23, 42), và trong gang tất của sự sống, chết, buồn, thương nầy, Đức Chúa Giê-su đã nhận anh ta làm “người thân cận” của mình khi nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 43).

Trong cuộc sống đời thường, chính sự kiêu ngạo và tính tự cao tự đại đã làm cho nhân loại chúng ta không thể xích lại gần nhau được, và như thế chúng ta khó mà nhận ra được những người chung quanh là “người thân cận” của mình. Vì kiêu ngạo, tôi nhìn thấy người hàng xóm sao mà cộc cằn thô lỗ thế, và tự cho mình là người có giáo dục mà không thèm trò chuyện hỏi han với họ, thế là tôi đã vì một thói kiêu ngạo hợm mình mà không nhận ra được những người mà mình khinh bỉ ấy chính là “người thân cận” và là hình ảnh của Đức Ki-tô, và cũng là chứng nhân để cáo tội tôi trước toà phán xét của Thiên Chúa.

Người khiêm tốn là người biết nhận ra những khả năng giới hạn của mình để cảm tạ Thiên Chúa, và nhận ra được những việc làm của Thiên Chúa nơi những người chung quanh, để vui mừng và hợp tác với họ, và nhất là để yêu thương và cảm thông với những yếu đuối của anh chị em. Không có khiêm tốn thì không thể nhận ra khuôn mặt thật của Đức Chúa Ki-tô nơi những người mà chúng ta tiếp xúc gặp gỡ nhưng đã không nhận ra được Ngài nơi họ, thì cũng sẽ không nhận ra “người thân cận” của mình trong cuộc sống đời thường của chúng ta. Người khiêm tốn là người mỗi ngày không ngừng tự vấn lương tâm của mình: “Tôi phạm quá nhiều tội mà Thiên Chúa vẫn không trách phạt, vẫn tha thứ và yêu thương tôi, vẫn gọi tôi là con của Ngài. Tôi phải yêu thương và tha thứ cho những người đã làm tổn thương tôi, vì họ là những người thân cận của tôi, trong Đức Chúa Ki-tô !”

“Những tài năng tôi có được chính là Thiên Chúa ban cho tôi để tôi cộng tác với anh chị em, xây dựng một xã hội, cộng đoàn, xứ đạo, cho tốt đẹp, và như thế tôi phải tôn trọng những khả năng và những giới hạn của người khác, như người khác đã tôn trọng tôi, vì họ là những “người thân cận” của tôi trong Đức Chúa Ki-tô”. Sẽ có lúc nào đó tôi phải khổ đau, phải bị khinh bỉ, sẽ bị bỏ rơi; sẽ có lúc nào đó tôi phải nghèo đói, phải bị nhục nhã.v.v…do đó, tôi phải đặt mình tôi vào trong hoàn cảnh của người anh chị em bất hạnh, để nhận ra mình nơi hoàn cảnh của họ, và như thế, tôi sẽ dễ dàng nhận ra họ là những “người thân cận” của tôi, trong Đức Chúa Ki-tô. Sẽ có lúc nào đó tôi sẽ phạm một tội trọng, và lương tâm tôi sẽ như thế nào? Vậy tôi sẽ không bao giờ nhìn những người tội lỗi bằng con mắt khinh bỉ xa lánh họ, vì chính tâm trạng của tôi khi phạm tội cũng sẽ như họ, trái lại tôi phải chân thành yêu thương, nâng đỡ và an ủi họ, vì chính họ là những “người thân cận” của tôi trong Đức Chúa Ki-tô”.

Đức Chúa Ki-tô đã từ trên cao đi xuống tận cùng của thấp hèn, cho nên không những không té ngã, mà Ngài còn trở nên mẫu gương khiêm tốn tuyệt vời của nhân loại; nhưng con người thì trái lại, bản chất là bùn đất thấp hèn, đã muốn vương cao tới trời, cho nên đã ngã ê chề và đã rước lấy tủi nhục cho mình. Cũng vậy, khi chúng ta từ chối tiếp đón anh chị em vì nhiều lý do như: tôi bận công việc nhà xứ, tôi bận họp, tôi bận công tác, tôi bận học hành, tôi bận chủ toạ buổi họp quan trọng của thanh niên.v.v…và còn rất nhiều lý do khác để chúng ta từ chối đón tiếp người thân cận nghèo nàn của chúng ta, thì chẳng khác gì chúng ta từ chối Đức Chúa Ki-tô, không phải vì bận việc lu bù mà không có thời gian vài phút trò chuyện với họ, nhưng là vì người thân cận nghèo khó ấy không đáng để cho chúng ta tiếp đón mà thôi.

Đó là thái độ kiêu căng của chúng ta, nghĩa là chúng ta chỉ biết nhìn lên chứ không chịu nhìn xuống, bởi vì cứ nhìn lên, cho nên trong cuộc sống đời thường của chúng ta chỉ thích tiếp đón những người có “máu mặt”, những người tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy (Gc 2, 2), và mọi ưu tiên trong giao tiếp của mình đều dành cho họ. Thánh Gia-cô-bê tông đồ đã nói: “Anh em hãy nghe đây, nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin… …Thế mà anh em, anh em lại khinh dễ người nghèo !” (Gc 2, 5-6), và chính thái độ đối xử thiên tư ấy đã tố cáo chúng ta có một tâm hồn kiêu căng. Một tâm hồn không biết xót thương anh em nghèo khó, cho dù chúng ta có viện dẫn hàng trăm ngàn lý do chính đáng, nhưng lý do quan trọng và chính đáng nhất để nhìn thấy, giúp đỡ và yêu thương họ mà chúng ta quên mất, đó là họ là hình ảnh của Đức Chúa Ki-tô, là “người thân cận” của chúng ta.

Người kiêu ngạo thì luôn cảm thấy mình bận nhiều công việc, luôn làm ra vẻ ta đây công việc hàng đống chồng chất, cho nên họ không có thời gian để nhìn thấy những người chung quanh là “người thân cận” của mình. Họ không muốn tiếp xúc với người thân cận, họ không muốn gặp mặt anh em đồng bạn, họ luôn từ chối những lời mời thân thiện của anh em nghèo khó, hoặc những người có thành kiến với mình, nhưng họ lại hân hoan tham gia những cuộc vui long trọng khác để củng cố địa vị mình, để được mọi ngưòi chú ý, để được người khác tôn vinh…v.v…

Người khiêm tốn thì dù cho bận việc tối tăm mặt mày đi chăng nữa thì cũng vẫn luôn an vui tự tại, họ biết kính trọng những ai đến gặp mình trò chuyện, họ không có thái độ trịch thượng khi đón tiếp mọi người, và đối với họ, thà trễ công việc một vài phút để được đón tiếp người anh em –người thân cận của mình- thì họ vẫn sẵn sàng, để người thân cận của mình được vui vẻ, dù đó là người ghét mình hoặc là người yêu thương mình, đối với ai họ cũng đều có thời gian tiếp đón trò chuyện cách thân mật, bởi vì họ luôn đặt mình vào trong hoàn cảnh của người đối diện để cảm thông, để an ủi và để nhìn thấy rõ con người yếu đuối của mình hơn qua người thân cận của mình, bởi vì dạ người khôn ở nơi tang tóc, lòng kẻ dại ở chốn vui chơi (Gv 7, 4). Lòng khiêm tốn của chúng ta sẽ như giọt nước mát làm cho người bất hạnh thoải mái, và khiến cho họ trở nên ngoan ngoãn trước thánh ý của Thiên Chúa, mà vui vẻ chấp nhận cuộc sống hiện tại và vươn lên.

Ai cũng có thể tự nhận mình là người khiêm tốn nhất trong mọi người, nhưng ít ai can đảm tự nhận mình là “người thân cận” của những người bất hạnh, những người mà xã hội đang bỏ rơi vì nghèo hèn, vì bệnh tật, vì những hành vi bất hảo...

Khiêm tốn không có nghĩa là từ chối lời khen ngợi của mọi người, cũng không phải là tránh chức vụ đã được người khác tín nhiệm bầu lên, khiêm tốn như thế chỉ làm rối loạn cộng đoàn, xa rời anh em, và vô tình đã trở thành một thói kiêu căng hợm hỉnh. Nhưng khiêm tốn đích thực, chính là mỗi một người trong chúng ta nhìn thấy rõ cái bản mặt thật của mình quá tồi tệ, đáng nguyền rủa và đáng xa lánh, không khác gì những anh em khác bị xã hội xa lánh, bị coi là đồ bỏ, là thứ cù bất cù bơ, có như thế, không những chúng ta nhìn thấy được rõ ràng “người thân cận” của mình không ai khác hơn là những anh em đau khổ nghèo đói, mà còn là những người giàu có hạnh phúc đang ở chung quanh chúng ta nữa.

Khiêm tốn thì tựa như rễ cây bám chặt vào trong đất để cho thân cây được đứng thẳng, chịu đựng được phong ba bão táp, cũng vậy, người khiêm tốn sẽ được Thiên Chúa chúc lành, và những việc làm của họ đối với người thân cận giống như những rễ cây bám chặt vào ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, do đó họ không còn phải sợ hãi vào ngày phán xét, và tất cả những ai đến với họ đều được đối xử như bạn bè thân thiết, như “người thân cận” của họ, bởi chính họ đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ –mặc dù họ không đáng nhận- ngay chính trong cuộc sống của mình.

Đối với người khiêm tốn, thì ai cũng là bạn hữu, là “người thân cận” của mình; còn đối với người không biết khiêm tốn, thì ngay cả bạn hữu của họ cũng đều lánh xa họ, đơn giản là họ không biết ai là “người thân cận” của mình.

(còn tiếp)

----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://blog.yahoo.com/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bổn Mạng Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney
Diệp Hải Dung
07:18 27/05/2012
Sáng thứ Bảy 26/05/2012 quý Quan Khách và Liên Nhóm Phong Trào Tôn Nữ Vương các Giáo Đoàn đã đến nhà thờ St.Therese Lakemba tham dự Lễ mừng kính Đức Mẹ Thăm Viếng là Quan Thầy Phong Trào Tôn Nữ Vương Tổng Giáo Phận Sydney.

Xem hình ảnh

Mọi người cùng tập trung trước đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ và dâng giờ đền tạ cầu nguyện cho Gia Đình, Cộng Đồng và Giáo Hội. Cha Linh Hưóng Phêrô Đặng Đình Nên xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ và cung nghinh kiệu Thánh tượng Đức Mẹ rước vào nhà thờ và an vị trên cung Thánh. Cha Linh Hướng Đặng Đình Nên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Phong Trào Tôn Nữ Vương đồng thời tất mọi người cùng xếp hàng tiến lên bàn thờ dâng lên Đức Mẹ một cành hoa để tạ ơn và tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ sau đó Cha cùng với Cha Gary Rawson Chính xứ Lakemba cùng hiệp dâng Thánh lễ .

Trong bài giảng Cha Đặng Đình Nên nói về bài Phúc Âm hôm nay của Thánh Luca tường thuật. Đức Mẹ đi thăm viếng Bà Elizabeth, Mẹ đã hy sinh và luôn vâng phục Thánh ý Chúa và Mẹ đã chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa qua bài cảm tạ Manificat “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa đấng cưu độ tôi phận nữ tỳ hẻn mọn…” Chúng ta hãy noi gương theo Mẹ và luôn vâng phục khiêm cung, đặc biệt là cầu nguyện cho gia đình trong nhóm mà khi chúng ta cùng đọc kinh dâng lên Mẹ. Sau khi chấm dứt bài giảng, Cha Linh hướng tuyên đọc danh sách Tân Ban Chấp Hành Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney Nhiệm Kỳ 2012 –2015 và các anh chị em Liên Nhóm Trưởng thuộc các Giáo Đoàn lên trước bàn thờ với nghi thức tuyên hứa dâng mình cho Đức Mẹ và dâng Lời Nguyện lên Thiên Chúa.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Anh Trần Ngọc Khiêm Ban Thường Vụ Cộng Đồng lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Phong Trào Tôn Nữ Vương Sydney. Kế tiếp ông Nguyễn Thành Tôn, Trưởng Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Quan Khách, Quý Ban Mục Vụ Các Giáo Đoàn và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Phong Trào. Sau cùng Ông ngỏ lời chân tình cám ơn tất cả mọi người đã ưu ái trợ giúp ông trong suốt 2 nhiệm kỳ vừa qua được mọi sự tiến triển tốt đẹp, ông cũng chúc mừng quý anh chị em Tân Ban Chấp hành mới nhiệm kỳ 2012 – 2015.

Sau đó Thánh lễ kết thúc và mọi người ở tham dự buổi tiệc liên hoan trong khuôn viên nhà thờ mừng kính Bổn Mạng Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney.

Tân Ban Chấp Hành Phong Trào Tôn Nữ Vương TGP Sydney nhiệm kỳ 2012 - 2015

Trưởng Ban: Mathêu Đặng Đình TớI
Phó Nội Vụ: Giuse Trần Văn Hòa
Phó Ngoại Vụ: Maria Madalena Nguyễn Thụy Mầu
Thư Ký: Agatha Nguyễn Thị Kim Nhẫn
Thủ Quỹ: Phanxicô Xavie Hoàng Thế Mỹ.
 
Ca Đoàn Việt Linh – CĐCG Nam Úc - Mừng Bổn Mạng
Jos. Vĩnh SA
08:03 27/05/2012
Hôm nay, Thánh Lễ lúc 9 giờ 30 sáng, Chúa Nhật ngày 27/5/2012. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ca đoàn Việt Linh thuộc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc đã long trọng tổ chức Thánh Lễ mừng kính Bổn Mạng của ca đoàn.

Chủ tế Thánh Lễ, linh mục GB. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm Cộng Đồng, cùng đồng tế có Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm và một linh mục khách cha Matthew Thụy từ giáo xứ Vũng Liêm, giáo phận Vĩnh Long sang Adelaide, Nam Úc thăm thân nhân.

Phần phụng vụ chính trong Thánh Lễ do các ca viên và các con cháu của ca viên trong ca đoàn phụ trách.

Sau Thánh Lễ, ca đoàn Việt Linh có tổ chức một bữa đại tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng, với phần văn nghệ “cây nhà lá vườn” do các ca viên của ca đoàn trình diễn và một vài đoàn thể bạn giúp vui.

Quan khách đến tham dự tiệc mừng có Đức ông Quản Nhiệm, Ban Tuyên Úy, Ban Mục Vụ và Hội Đồng Mục Vụ gồm những vị đại diện: Ban Chấp Hành các Họ Đạo, các Đoàn Thể trong Cộng Đồng, các ân nhân và gia đình của ca viên. Tiệc mừng kéo dài đến 3 giờ chiều mới chấm dứt.

XEM HÌNH NƠI ĐÂY

Được biết, ca đoàn Việt Linh là ca đoàn đầu tiên và là một trong bốn ca đoàn của Cộng Đồng, chuyên phụ trách phần phụng vụ thánh ca Thánh Lễ lúc 7 giờ tối mỗi Thứ Bảy và 9 giờ 30’ mỗi sáng Chúa Nhật. Ngoại trừ các thánh lễ thứ Bảy đầu tháng, ca đoàn nghỉ hát để có buổi sinh hoạt chung và chia sẻ Lời Chúa và Chúa Nhật đầu tháng do ca đoàn Thiếu Nhi phụ trách.

Mỗi tối thứ Bảy đầu tháng là dịp để các ca viên có những giờ phút gần gũi chia sẻ tâm tình và vui vẻ với nhau, địa điểm sinh hoạt được thay đổi hàng tháng đến từng tư gia của các ca viên hoặc tại Nhà Chung của Cộng Đồng.

Ca đoàn được thành lập ngay từ những năm đầu của Cộng Đồng Công Giáo và nhận Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là Bổn Mạng hàng năm với danh xưng Việt Linh từ năm 1982.

Ca đoàn tập hát hàng tuần vào các tối thứ Sáu và chiều thứ Bảy, để phụng vụ cho Thánh Lễ tối thứ Bảy và sáng Chúa Nhật

Hiện nay ca đoàn có tổng số ca viên khoảng trên dưới 40 người tham gia tập hát và phụng vụ thánh ca đều đặn.

Hàng năm trước ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày mừng bổn mạng. Ca đoàn có tổ chức ngày tĩnh tâm, sinh hoạt chung và bầu cử lại Tân Ban Chấp Hành của ca đoàn.

Ca Đoàn cũng thường xuyên tổ chức các cuộc du ngoạn, cắm trại chung, cùng với gia đình của các ca viên vào dịp nghỉ lễ lớn như: Giáng Sinh, Phục Sinh hay Mừng Tân Niên
 
Thánh lễ Tạ ơn của tân Linh mục tại giáo xứ Thanh Hải
Paul Nguyễn Văn Sự
16:38 27/05/2012
Lúc 9 giờ sáng ngày 25.5.2012 Tân linh mục Giuse Nguyễn anh Lâm đã dâng Thánh lễ đầu tiên tại giáo xứ mẹ Thanh Hải sau ngày nhận lãnh Thừa tác vụ Linh Mục (24.5.2012).

Xem hình ảnh

Đồng tế với Ngài có Tân Lm. Phêrô Trần Thiện Khuê, Cha Giuse Trần Đức Dậu (quản xứ Thanh Hải), Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh (Giám mục GP. Thanh Hóa, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam), Cha nghĩa phụ Giuse Nguyễn Đức Khẩn (quản xứ Hiệp Nghĩa) và 8 Linh mục trong ngoài Giáo phận cùng dâng Thánh lễ tạ ơn, họ hàng linh tông huyết tộc, bạn bè thân hữu của Tân linh mục và đông đảo giáo dân Giáo xứ Thanh hải đã đến hiệp dâng cầu nguyện cho Tân Linh Mục.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Cha Giacôbê Nguyễn Công Luận đã đi sâu vào chủ đề: “Linh mục là ai?” với cách trình bày dí dỏm, Ngài đặt ra nhiều câu hỏi và trả lời, tại sao người này có nhiều năng lực hơn, giỏi giang hơn lại không được làm Linh mục, trong khi người kia có vẻ không hơn gì nhiều người khác mà được chọn? Và Ngài kết luận: Thiên chức Linh mục là do Thiên Chúa truyển chọn như chính Chúa đã khẳng định: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga. 15,16) Tuy nhiên, là thân phận yếu đuối mỏng dòn Linh Mục cũng vẫn bị sai phạm vấp ngã cần được sự rộng lượng bao dung của giáo dân.

Trước lời nguyện kết lễ, Đức Cha Giuse thay lời các Cha đồng tế chúc mừng hai Tân Linh Mục cùng họ hàng Ngài cũng chia sẻ kinh nghiệm mục vụ và nhắn nhủ các Tân Linh mục trong cuộc đời Tận hiến.

Tân Linh Mục nói lời cám ơn đến Đức Cha, qúy Cha, qúy ân nhân thân nhân và những người đã cầu nguyện, giúp đỡ để Ngài có ngày tiến đến bàn Thánh.

Sau Phép lành đầu tiên của Tân Linh mục tại Giáo xứ mẹ, một buổi tiệc có sự góp vui của Đức Cha Giuse và mọi thành phần dân Chúa.

Nhiều người cho rằng, ngày lãnh nhận tác vụ Linh mục là sự thành đạt trong đời sống tu trì, nhưng thật sự đây mới chỉ là bước khởi đầu đầy gian nan và thử thách. Nguyện cho 17 Tân chức trong Giáo phận luôn dư đầy Thần khí Thánh Linh để công cuộc rao truyền Lời Chúa luôn đạt hiệu qủa cao.
 
Thánh lễ Tạ ơn của tân Linh mục tại giáo xứ Hiệp Đức
Thới Hoa
16:46 27/05/2012
Giáo Xứ Hiệp Đức – Giáo Phận Phan Thiết, 9h30 thứ sáu ngày 25.5.2012, Tân linh mục Tôma Nguyễn Văn Hiệp đã dâng Thánh lễ Tạ ơn tại giáo xứ quê hương. Cùng đồng tế với Tân Linh mục có Cha Tổng Đại Diện Giáo phận Phan Thiết GB. Hoàng Văn Khanh, Cha Hạt trưởng Hạt Hàm Thuận Nam và cũng là chính xứ Giáo xứ Hiệp Đức FX. Đinh Tiên Đường, Linh mục Nghĩa phụ Phêrô Phan Ngọc Cẩm và 16 linh mục thân quen, bạn bè trong và ngoài Giáo phận. Hiện diện trong Thánh lễ còn có 3 thầy phó tế thuộc Giáo phận Barịa, quí chủng sinh, quí tu sĩ nam nữ, quí thân nhân, ân nhân và đông đảo giáo dân Giáo xứ Hiệp Đức tham dự.

Xem hình ảnh

Trước khi bắt đầu Thánh lễ, một vị đại diện giáo dân Giáo xứ Hiệp Đức chúc mừng Tân Linh mục. Tân Linh mục bày tỏ tâm tình: “Hôm nay, con trở về với giáo xứ quê nhà. Nơi con được sinh ra và lớn lên, được đón nhận biết bao ân tình, được nuôi dưỡng chở che ấp ủ bởi tình yêu thương của bao người: của quí Cha, quí Thầy, quí Srs, gia đình, thầy cô, bè bạn và mọi người trong giáo xứ Hiệp Đức thân yêu …”. Trong bài giảng lễ, Cha Tổng Đại Diện trình bày về nguyên lý nền tảng và bản chất của thiên chức linh mục là bởi tình yêu Thiên Chúa được diễn tả qua công cuộc cứu độ của Đức Giêsu. Bởi thế, linh mục phải luôn là Alter Christus (một Kitô khác). Tức cuộc đời linh mục phải nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Sau lời nguyện kết lễ Tân Linh mục có lời cảm ơn đến quí quí Cha, quí Tu sĩ nam nữ, ân nhân, thân nhân, bạn bè thân hữu gần xa...đặc biệt với ông Cố,Tân linh mục đã ngẹn ngào khi nhắc đến nhưng khổ nhọc của người Bố thân yêu,và người mẹ hiền đã quá cố. Những giọt nước mắt không sao cầm được trên gò má của Cha tân chức và người bố thân yêu khi cha Tân linh mục trao cho bố đóa hoa tươi thắm...

Khi bắt đầu tiệc mừng sau Thánh lễ thì trời bỗng đổ mưa như nối dài tâm tình bài hát: “Hồng ân Chúa như mưa như mưa rơi xuống đời con miên man miên man …”. Bởi thế tiệc mừng vẫn dư tràn tiếng cười và niềm vui.

Mến chúc Tân Linh mục dư tràn Hồng ân Thiên Chúa và luôn trung thành với sứ vụ.
 
Thăm và chia sẻ với gia đình bị sét đánh tại Thủy Nguyên
Nguyễn Liên
20:59 27/05/2012
HẢI PHÒNG - Sáng ngày 21.05.2012 tại Thôn Pháp Cổ - Lại Xuân – Thủy Nguyên – Hải Phòng, máng đá của ông Bùi Văn Mây có mười hai người làm việc với sáu búa khoan ở khu vực dưới chân núi Trượt, một tia chớp kéo dài đánh trúng các dây kích điện tại mỏ khiến mìn nổ hàng loạt, đất đá sập xuống vùi lấp làm 6 người chết, 3 người bị thương. Tai nạn tiếp tục xảy ra với máng đá của ông Nguyễn Văn Tấn chỉ cách máng của ông Mây khoảng 500 m, sét cũng kích nổ mìn gây ra sạt lở đá làm 3 người chết và 1 người bị thương.

Xem hình ảnh

Ngay sau khi được tin, Cha Giuse Dương Hữu Tình thư ký Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã điện thoại cho Cha giám đốc Caritas giáo phận trao đổi về tình hình gia đình nạn nhân.

Mặc dù đang đi tham gia khóa tập huấn “ kỹ năng phát triển tổ chức” do Caritas Việt Nam tổ chức tại giáo phận Hưng Hóa, Cha giám đốc Caritas Hải Phòng Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện đã cử nhân viên cùng người tình nguyện đến thăm hỏi và chia sẻ với gia đình các nạn nhân.

Ngày 25.05.2012 sau khi đi tập huấn về Cha giám đốc Caritas Hải Phòng đã cùng với Cha xứ Phêrô Đoàn Văn Khải thuộc giáo xứ Đồng Giá (gần với địa bàn xảy ra tai nạn) đến thăm và chia buồn cùng với các gia đình nạn nhân, đồng thời hai Cha cũng chuyển lời thăm hỏi của Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, phó Chủ tịch Ủy ban Bác ái Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, cha Giuse Dương Hữu Tình, thư ký Hội đồng Giám mục và số tiền 50 triệu đồng của Ủy ban Bác ái Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tới gia đình các nạn nhân.

Dù các nạn nhân đều là người không công giáo, nhưng sự hiện diện của hai vị hai Cha và đại diện giáo dân khu vực Thủy Nguyên cùng với số tiền hỗ trợ gia đình các nạn nhân nói lên tình liên đới của người Công Giáo Việt Nam nói chung và giáo phận Hải Phòng nói riêng.

Cha Gioan Baotixita Chia sẻ, ngay sau khi nhận được tin tai nạn xảy ra với các nạn nhân, từ Đức Giám Mục cho đến mọi thành phần giáo dân trong giáo phận Hải Phòng đã hiệp ý cầu nguyện cho các nạn nhân cùng gia đình, với hy vọng người thân của các nạn nhân sớm ổn định lại cuộc sống.
 
Hội Thảo Giáo Dục về Gia Đình tại TGP Sydney
Diệp Hải Dung
21:01 27/05/2012
Sáng Chúa Nhật 27/05/2012 khá nhiều người trong Cộng Đồng đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly Sydney ghi danh tham dự ngày Hội Thảo Về Gia Đình do Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân TGP Sydney tổ chức với chủ đề “ Hướng Dẫn Con Vào Đời” do Linh Mục Giuse Đinh Thanh Bình SBD chuyên về Tâm Lý Giáo Dục Thanh Thiếu Niên hướng dẫn và thuyết giảng.

Xem hình ảnh

Sau ghi danh mọi người tập trung trong hội trường Chúa Chiên Lành của Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse, Cha Paul Văn Chi Linh Nguyền Chưong Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình TGP Sydney chào mừng tất cả mọi người đồng thời Cha giới thiệu Cha Giuse Đinh Thanh Bình từ tiểu bang Melbourne xa xôi đến Sydney để thuyết giảng hướng dẫn mọi người với chủ đề Hướng Dẫn Con Vào Đời và Cha long trọng tuyên bố khai mạc buổi hội thảo.

Cha Đinh Thanh Bình ngỏ lời cám ơn Cha Paul Văn Chi và Cha thuyết giảng về những đề tài căn bản thực tế trong đời sống gia đình giữa cha mẹ và con cái. Cha trình bày một cách thiết thực về những thanh thiếu niên sống bên Úc, hấp thụ nền giáo dục văn hóa của Tây Phương tại trường, về nhà hấp thụ nền giáo dục truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự trở ngại về cách dạy dỗ và hướng dẫn con cái như thế nào ? Cha đã nêu ra và giúp cho mọi người hiểu về căn nguyên. Lồng vào đó Cha còn kể những mẫu truyện rất vui rất dí dỏm tạo bầu khí thêm vui nhộn không nhàm chán.

Sau giờ cơm trưa, Cha cũng trả lời những thắc mắc của mọi người một cách thỏa đáng và sau đó Thánh lễ tạ ơn để kết thúc buổi hội thảo, và trong bài giảng Thánh lễ. Cha Bình nói về Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ là “ Các con Đừng Sợ, Bình An Của Thầy Ở Với Các Con” Chúng ta lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần để cuộc sống của chúng ta trở nên những người trưởng thành để biết cách giáo huấn các con của chúng ta, vậy chúng ta là một nhân chứng rao giảng Tin Mừng cho Thiên Chúa, nhưng chúng ta không có gấp, Chúa luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, có một Người chăm sóc bảo vệ chúng ta đó là Chúa Thánh Thần và đó là lời hứa của Chúa rất rõ rệt “Ta sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế…

Trước khi Thánh lễ kết thúc. Ông Vũ Tiến Xuân Chủ Nguyền Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn Cha Đinh Thanh Bình đã thương mến Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Sydney đến hướng dẫn và thuyết giảng những đề tài hữu ích giúp cho việc Giáo Dục Gia Đình và sau đó Thánh lễ kết thúc bế mạc ngày hội thảo.

 
Thánh Lễ đặt Viên Đá xây dựng nhà thờ Sông Pha
Lm. Anrê Lê Văn Hải
21:04 27/05/2012
Giáo xứ Sông Pha được thành lập năm 1963, là một giáo xứ thuộc diện vùng sâu vùng cao của hạt Ninh Sơn, miền Ninh Thuận, giáo phận Nha Trang, nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục, có chung đường biên giới với hạt Đơn Dương, giáo phận Đà Lạt. Sông Pha sắp bước vào tuổi 50, đã có một ngôi nhà thờ được xây dựng cách đây gần 40 năm, dưới thời cha chánh xứ tiên khởi Giuse Viot. Ngôi nhà thờ này đã được ĐHY Phanxicô, Người Tôi Tớ Chúa, lúc đó Ngài là giám mục giáo phận Nha Trang làm phép. Trải qua bao biến động của thời gian và khí hậu, ngôi nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng, vả lại, ngôi nhà thờ chỉ có diện tích sử dụng là 240m2 nay đã trở nên quá chật hẹp so với số giáo dân ngày càng tăng cao.

Xem hình ảnh

Được sự cho phép của Đức Giám mục giáo phận, giáo xứ đã tháo dỡ ngôi nhà thờ cũ để trùng tu và nới rộng diện tích lên 500m2…Thế nhưng theo sự giám định của sở xây dựng tỉnh Ninh Thuận và ý kiến của công ty Gia Cát, tư vấn thiết kế xây dựng, ngôi nhà thờ cũ không đủ yếu tố cơ bản về kết cấu kỷ thuật nên không thể sử dụng lại nền móng cũ để nâng cấp và nới rộng… Vì vậy mà giáo xứ Sông Pha phải xây dựng một ngôi nhà thờ mới với diện tích trọn gói là 700m2.

9 giờ 00’ ngày 26.5.2012 bầu trời vùng cao Sông Pha dịu mát lạ thường, như đồng cảm với ân nhân thập phương cũng như giáo dân Sông Pha đang đứng dưới bầu trời lồng lộng gió hiu hiu để cùng hiệp dâng thánh lễ ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY DỰNG NHÀ THỜ SÔNG PHA do Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục giáo phận chủ sự cùng với trên 20 linh mục đồng tế.

Thánh lễ Đặt viên đá hôm nay là sự kiện sâu đậm dấu ấn nhất sau 49 năm giáo xứ Sông Pha được thành hình.

Sâu đậm dấu ấn tình thương : vì Sông Pha cảm nghiệm được tỏ tường tình Chúa thương yêu qua sự hiện diện cụ thể của Đức cha, của quý cha, quý tu sĩ và lòng hào hiệp của quý ân nhân dù ở rất xa; từ hải ngoại , từ thành phố HCM, Biên Hòa, Lâm đồng, Đơn dương, Nha Trang…

Sâu đậm dấu ấn tình hiệp thông : vì Sông Pha nhỏ bé xa xôi mà lại có một thánh lễ đại triều trang trọng đủ mọi thành phần dân Chúa từ muôn phương về đây cùng sánh vai lên đền thánh Chúa để tạ ơn, đồng thời xin Ngài chúc phúc bình an cho công việc xây dựng hầu Sông Pha sớm có nơi an tâm vững chí , nơi tìm được sự bình an mà thế gian không ban tặng được, nhờ thế mà Sông Pha được vơi bớt nhọc nhằn, nhẹ gánh buồn tủi thân phận của một giáo xứ vùng sâu vùng xa.

Sâu đậm dấu ấn tinh thần hy sinh và lòng quảng đại của quý ân nhân hòa quyện với mồ hôi tình yêu và máu đức tin của tổ tiên đã thôi thúc nhiệt tình vì Nhà Chúa mà làm cho Sông Pha thêm hăng hái đóng góp công sức, thu gom cát đá, đào móng nông nền… nên Nhà thờ Sông Pha hằng mơ ước trong tâm tưởng sắp trở thành hiện thực…

Quả thật chúng con chẳng biết dùng ngôn từ nào hơn là xin được dâng lời CÁM ƠN CHÂN THÀNH… CÁM ƠN NHIỀU, NHIỀU… đến Đức cha, quý cha hạt trưởng, quý cha, quý cơ quan, quý đoàn thể từ thiện, quý chính quyền địa phương các cấp, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân trong và ngoài nước đã cho phép và hằng khích lệ, luôn tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt nhiệt tình hổ trợ cho chúng con về mọi mặt, từ bó rau, quả sú, trái cà mượt mà, gói mì thơm thảo, ký gạo dẽo tình, tiền của nặng nghĩa đủ sức nối kết hàng trăm tấn ximăng, sắt thép, cát, đá… đến với Sông Pha. Đồng thời biết bao công sức miệt mài và lòng hy sinh tận tụy mà quý ân nhân đã, đang và sẽ đồng hành trong công việc xây dựng Nhà Chúa với chúng con, dưới sức nắng nóng hừng hực của vùng cao, với cái rét khô hanh của vùng sâu này trong những ngày tháng sắp tới, nhờ thế mà nền móng nhà thờ đang hình thành, hứa hẹn cho chúng con một tương lai khởi sắc về mọi mặt, giúp chúng con cảm nghiệm được tình Chúa hằng bao la, tình người luôn mặn mà…!

Sự kiện Đặt Viên Đá trọng đại đầy ấn tượng hiếm có trong đời này đang diễn ra trong tháng 5, thánh hoa tôn vinh Mẹ Maria, bổn mạng giáo xứ Sông Pha, Mẹ Hồn xác Lên Trời, và cũng là thời điểm giáo xứ sắp bước đến tuổi 50 để chuẩn bị MỪNG KIM KHÁNH TRONG NĂM 2013.

Xin Quý Đức cha, quý cha và quý ân nhân cùng đồng hành đức tin với Sông Pha trong những ngày tháng sắp tới.
 
Giáo xứ Võ đất đón chào các tân Linh mục về dâng Thánh lễ Tạ ơn
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc
21:21 27/05/2012
Trong bầu khí ấm áp của một buổi chiều ngày Chúa nhật 27/5/2012, dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, cộng đoàn Giáo xứ Võ Đắt tưng bừng trong một ngày vui thật hiếm có khi các Tân linh mục:
Giuse Trương văn Hùng, Giacobe Tống Thành Luyến, Giuse Lê Văn Linh, Toma Nguyễn Văn Hiệp và Giuse Phạm Hoài Sâm đến dâng lễ tạ ơn tại Giáo xứ. Cùng hiệp dâng với các Ngài có cha Hạt trưởng Hạt Đức Tánh, cha phó Võ Đắt, cha Giuse Nguyễn Văn Soi, cha GB Trần Quốc Dũng, cha Phaolo Hoàng Đức Dũng, cha Giacobe Tạ Chúc, cha Phero Nguyễn Huy Hồng, và cha xứ Long Hà Giuse Phạm Xuân Mạo.

Phần đầu của thánh lễ, cha chánh xứ Võ Đắt long trọng giới thiệu quý cha với quý tu sỹ và cộng đoàn, năm cha mới như năm bông hoa rực rỡ trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Tiếp đến vị đại diện Giáo xứ có lời chúc mừng và tặng hoa cho các tân chức. Thật là ý nghĩa trong ngày Chúa Thánh Thần ngự xuống tràn ngập trong tâm hồn mọi người. Linh mục là quà tặng của Thiên Chúa và là người được xức dầu để trở nên khí cụ tình yêu và bình an của Chúa. Linh mục dẫu phận hèn nhỏ bé, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương và mời gọi các Ngài can đảm sống một cuộc đời làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời. Trong bài chia sẻ lời Chúa, cha Giuse Lê Văn Linh nói lên một vài tâm tình trong ngày vui trọng đại, chính Chúa chọn gọi, dù con người vô cùng bất xứng, Thiên Chúa luôn dùng những công cụ bất toàn để bộc lộ quyền năng vô cùng của Ngài.

Sau thánh lễ, Giáo xứ Võ Đắt dâng hoa, kiệu Mẹ, và Chầu Thánh Thể, để khép lại tháng hoa dâng kính Mẹ.

Chẳng những trọng thể trong Thánh lễ, Giáo xứ Võ Đắt còn nồng hậu phục vụ Quý cha mới, quý cha, quý tu sỹ nam nữ và đại diện cộng đoàn một bữa tối thật đầy đủ và vui tươi. Mong sao mãi mãi và đẹp thay những bước chân, dấn thân phục vụ của các cha mới luôn là những bài ca vang ngất trời xanh những tấu khúc Tin mừng của Nước Thiên Chúa.
 
Văn Hóa
Về Người
Jos. Tú Nạc, NMS
07:12 27/05/2012
Ngủ với Người, và tôi thức cùng Người,
Vẻ mỹ miều của Người nào ở đó,
Vòng tay tôi đan kín nỗi niềm Người,
Và xiết chặt sợ gió ngàn cuốn mất.
Ánh mắt Người như đắm đuối trên tôi,
Khi dáng Người vuột xa ngoài tầm mắt,
Bờ môi Người luôn ấp ủ môi tôi,
Vào buổi sáng, buổi trưa, và buổi tối.

Tôi nghĩ suy và tôi nói những gì,
Để giữ mãi tâm tư mình lặng lẽ,
Nhưng mãi Người trong ký ức tôi ghi,
Như tình yêu trong tâm trạng nhu mì.
Tôi giấu kín những con mắt trần gian,
Những suy tư những ngôn từ trái ngược,
Nhưng êm đưa từ những vạt gió ngàn,
Và thì thầm chuyện thần tiên về Mẹ.

Bên tai tôi gió đêm lời tình tự,
Mắt môi tôi tắm mát ánh trăng về,
Một điệp khúc im lìm e lạnh lẽo,
Tôi thấy từ tất cả chốn đê mê.
Cơn gió nhẹ thì thầm trong bụi lá,
Những giọt sương từ giã những cành cây,
Mọi khát khao, và níu kéo chia tay,
Chuyện thần tiên ôi mỹ miều của Mẹ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ao Nhà Nước Trong
Nguyễn Cao Nhã
22:28 27/05/2012
AO NHÀ NƯỚC TRONG
Ảnh của Nguyễn Cao Nhã
Cá vàng lội vũng nước trong
Đẹp duyên chồng vợ non sông giữ bền.
(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền