Ngày 28-05-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:24 28/05/2019
22. Không nên làm một vị thánh hèn kém. (Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:30 28/05/2019
25. CHỮ NGƯỜI LÀM ĐUÔI

Có ba người cùng ăn cơm, trong đó có một người đề nghị yêu cầu lấy chữ “tương” làm đầu, chữ “người” làm đuôi, và đọc trước:

- “Người quen biết khắp thiên hạ, hiểu được tâm có mấy người ?”

Người thứ hai nói:

- “Gặp nhau không ăn bụng đói trở về, miệng động đào hoa cũng cười người”.

Người thứ ba nói:

- “Tương Dương có Lý hồ tử (子)”.

Người ra đề nghị chất vấn người thứ ba:

- “Tôi yêu cầu lấy chữ “người” làm đuôi chứ không phải chữ “con”, câu của anh không phù hợp rồi”.

Người ấy phản bác nói:

- “Lý Hồ Tử không phải là người sao ?

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 25:

Con người được Thiên Chúa cho làm chủ vũ trụ bởi vì con người có trí khôn, đó chính là món quà quý báu mà Thiên Chúa đã ban cho loài người để họ có đũ khả năng cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ và phát triển vũ trụ này...

Thiên Chúa đã làm cho con người trở nên vĩ đại giữa vạn vật khi Con Một của Ngài trở thành kẻ hèn mạt nhất giữa loài người, đó là kế hoạch mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa.

Nhưng có người khi được mời đứng sau người khác thì tức tối giận dữ bởi vì họ luôn muốn đứng trước người khác, có người chửi toáng lên khi được sắp xếp vào đội của người nhỏ tuổi hơn mình vì cho mình là người có tài cán và năng lực hơn...

Con người ta vì vướng vào tội nguyên tổ nên lúc nào cũng cho mình là hơn người khác và muốn đứng trước người khác ngay cả trong lúc đùa giỡn, thế thì tại sao chúng ta không dùng hiệu quả ân sủng của Đức Chúa Giê-su để sống khiêm tốn với tha nhân chứ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

----------------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 7C sau Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:07 28/05/2019
Chúa Nhật 7 PHỤC SINH. C
(Ga 17: 20-26)
HIỆP NHẤT


Cầu xin hiệp nhất tinh thần,
Mọi người nên một, thế nhân đồng lòng.
Cha ban vinh hiển vô song,
Niềm tin duy nhất, tinh trong sáng ngời.
Cha Con hiện hữu đời đời,
Thế gian nhận biết, Ngôi Lời Cha ban.
Yêu thương dâng hiến vẹn toàn,
Mở đường hiến thánh, khôn ngoan diệu kỳ.
Lạy Cha công chính từ bi,
Hiến trao Con Một, cũng vì tình yêu.
Nhiệm mầu tình Chúa cao siêu,
Ban ơn cứu rỗi, huyền siêu diệu vời.
Thánh Linh cao sáng rạng ngời,
Tỏ bày mạc khải, cho người trần gian.
Vì yêu Chúa chịu gian nan,
Trái tim đâm thấu, tràn lan phúc lành.
Mến yêu nối kết đồng hành,
Nước Cha trị đến, rạng danh Chúa Trời.
Tình yêu Thiên Chúa cao vời,
Ba Ngôi hiệp nhất, muôn đời ngợi khen.

Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện để mọi người nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện để chúng ta nên một trong niềm tin. Chúa biết rằng có muôn vàn khác biệt giữa con người. Mỗi quốc gia dân tộc có ngôn ngữ, văn hóa và đặc tính riêng. Chính vì sự khác biệt đó mà Chúa cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

Chúa Giêsu là đầu nhiệm thể của Giáo Hội. Mọi người liên kết với nhau làm nên một thân thể. Các chi thể có khác nhau như đầu, mình, chân tay, các cơ quan và các bộ phận đều có chức vụ khác nhau nhưng cùng chung trong một thân thể. Tất cả các chi thể cùng chung nhau trong một nguồn sống. Cũng thế trong Giáo Hội Chúa Kitô, các tín hữu không phân biệt giai cấp, chủng tộc và mầu da. Tất cả chúng ta kết thành một Giáo Hội duy nhất và tông truyền.

Chúng ta cùng chia xẻ một tấm bánh và uống chung một chén rượu. Như một tấm bánh kết thành bởi muôn ngàn hạt lúa miến, ngàn vạn trái nho ép nên một chén rượu. Để nên một, chúng ta cần biết bao hy sinh và từ bỏ. Chấp nhận hòa lẫn với nhau nên một. Làm thành một Giáo hội, một Giáo phận, một Giáo xứ và một cộng đoàn. Chúng ta có niềm tin chung trong cùng một Chúa Thánh Thần, một Phép Rửa, một niềm tin và một niềm hy vọng.

Ước mong được hiệp nhất đó là yếu tố quan trọng. Mỗi thành viên phải chu toàn nhiệm vụ của mình lo cho công ích chung. Chúng ta cần nâng đỡ và bổ túc cho nhau trong đời sống đạo. Truyện kể: Ba anh lính tiền chiến đang đối diện với quân thù, ai cũng run sợ. Trong thâm tâm, ai cũng muốn đào thoát và bỏ trốn, nhưng khi nhìn thấy bạn mình còn giữ chốt, họ cố gắng lưu lại. Người này là sức mạnh của người kia. Cả ba đã phấn đấu tới cùng và đạt chiến công.

Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha: Con muốn rằng, Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con. Chúa muốn chúng ta cùng ở với Ngài, đây là niềm hạnh phúc tuyệt vời. Chúa không để chúng ta mồ côi. Chúng ta không phải chiến đấu một mình mà có Chúa hằng trợ giúp. Chúng ta có Chúa, có Giáo hội và có anh chị em chung quanh cùng tiến bước. Cùng nắm tay nhau bước tới, xông pha ra đi làm nhân chứng cho tình yêu Chúa. Có Chúa Giêsu dẫn đầu, chúng ta còn sợ chi.

THỨ HAI, TUẦN 7 PHỤC SINH
(Ga 16, 29-33).
CAN ĐẢM


Bây giờ Thầy nói rõ ràng,
Không dùng ẩn dụ, mở đàng thâm sâu,
Chúng con hiểu biết từ đầu,
Lời Thầy thấu hiểu, nhiệm mầu dụ ngôn.
Phụng thờ Thiên Chúa kính tôn,
Từ Cha xuất phát, tinh khôn mọi điều.
Này giờ đã đến sớm chiều,
Các con tản mác, ngã liều chốn đây.
Tông đồ bỏ mặc mình Thầy ,
Một mình đối diện, cả bầy kẻ gian.
Chúa Cha hiện diện thương ban,
Ủi an nâng đỡ, gian nan sá gì.
Bao nhiêu đau khổ đọa trì,
Các con can đảm, khắc ghi lời Thầy,
Ơn trên phụ giúp đong đầy,
Chính Thầy đã thắng, dựng xây Nước Trời.

THỨ BA, TUẦN 7 PHỤC SINH
(Ga 17, 1-11a).
VINH HIỂN


Giê-su ngước mắt lên trời,
Nguyện cầu cùng Chúa, đôi lời ngợi ca.
Xin làm vinh hiển Con Cha,
Giờ này đã đến, đây là phúc ân.
Con ban sự sống gian trần,
Mọi người nhận biết, triều thần quang vinh.
Thiên Chúa chân thật vô hình,
Đấng Cha sai đến, quang minh rạng ngời.
Chu toàn công việc trần đời,
Chính Cha trao phó, Ngôi Lời độ nhân.
Chúa Con mời gọi canh tân,
Nhiệt thành tuân giữ, xả thân cứu đời.
Chúng con lãnh nhận ơn trời,
Đi làm nhân chứng, ra khơi vẫy vùng.
Nhân danh Thiên Chúa cửu trùng,
Kính tôn vinh hiển, vô cùng cao sang.

THỨ TƯ, TUẦN 7 PHỤC SINH
(Ga 17, 11b-19).
ĐOÀN KẾT


Nguyện cầu cùng Chúa chí nhân,
Lạy Cha hằng hữu, triều thần thánh nhan.
Xin Cha gìn giữ thương ban,
Chúng con nên một, kết đoàn yêu thương.
Chính Thầy nơi chỗ tựa nương,
Dìu đưa dẫn dắt, bước đường tin yêu.
Thầy về cõi sống huyền siêu,
Chúng con mong ước, thiên triều trời cao.
Nay còn dưới thế truyền rao,
Những điều Thầy dậy, biết bao nhiệm mầu.
Ra làm nhân chứng từ đầu,
Thế gian ghen ghét, khổ sầu bủa vây.
Xua trừ bắt bớ thù gây,
Người đời bách hại, vì Thầy chính danh.
Van xin cầu khấn ơn lành,
Xin Cha thánh hóa, chân thành kính tôn.

THỨ NĂM, TUẦN 7 PHỤC SINH
(Ga 17, 20-26).
NÊN MỘT


Hết lòng cầu nguyện thâu đêm,
Tâm tình kết hợp, êm đềm bên Cha.
Cầu cho tất cả chúng ta,
Kết tình nên một, ngợi ca Chúa Trời.
Con ban vinh hiển cao vời,
Từ Cha chia sẻ, Ngôi Lời dấu yêu.
Chúng Ta là một huyền siêu,
Cha Con hợp nhất, thiên triều quang vinh.
Chúa Con yêu mến trọn tình,
Như Cha thương mến, hết mình vì Con.
Một lòng tôn kính sắt son,
Yêu thương trung tín, vuông tròn chữ tâm.
Chúng con theo Chúa âm thầm,
Hồn thiêng chiêm ngưỡng, quang lâm rạng ngời,
Lạy Cha công chính cao vời,
Danh Cha cả sáng, muôn đời ngợi khen.

THỨ SÁU, TUẦN 7 PHỤC SINH
(Ga 21, 15-19).
YÊU MẾN


Si-mon con mến Thầy không?
Thưa Thầy, con mến, chưa thông trả lời.
Ba lần câu hỏi gọi mời,
Phê-rô bối rối, dậy khơi trong lòng.
Thưa rằng yêu mến tinh trong,
Thầy trao chăm sóc, trong vòng đàn chiên,
Chiên con chiên mẹ gắn liền,
Chăm nom săn sóc, mọi miền Thầy trao.
Chu toàn sứ mệnh truyền rao,
Đứng đầu Hội Thánh, gian lao khôn lường.
Đáp tình gắn bó yêu thương,
Vai mang thánh giá, theo đường Chúa đi.
Dù cho gian khó ngại chi,
Thập hình chịu chết, cũng vì tình yêu.
Nhiệm mầu tình Chúa cao siêu,
Vòng hoa vinh thắng, thiên triều ánh quang.

THỨ BẢY, TUẦN 7 PHỤC SINH
(Ga 21, 20-25).
CHỨNG NHÂN


Gio-an môn đệ theo sau,
Phê-rô quay lại, nhìn nhau tò mò.
Tâm hồn bối rối lắng lo,
Thưa Thầy ai sẽ so đo nộp Thầy.
Tông đồ môn đệ quanh đây,
Mỗi người một hướng, dựng xây Nước Trời.
Gio-an theo Chúa trọn đời,
Tuổi già thánh đức, rạng ngời tín trung.
Cả đời nhân chứng oai hùng,
Tin Mừng rao giảng, khắp vùng nhân gian.
Khắc ghi lời Chúa trao ban,
Rao truyền chân lý, tràn lan mọi miền.
Yêu thương vững chí trung kiên,
Thưởng công vinh phúc, triều thiên Nước Trời.
Tình yêu Thiên Chúa cao vời,
Tuôn tràn ân sủng, cho người dấu yêu.
 
Quê Hương Chúng Ta Là Quê Trời
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
18:03 28/05/2019
Lễ Chúa Giêsu lên Trời

(Lc 24, 46 - 53)

Hôm nay mừng Chúa lên Trời, vâng, toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh diễn tả và nội dung gồm tóm trong những lời sau : "Chúa Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, Người căn dặn các Tông đồ xong... ". Và sau đó " Người lên Trời " (x. Cvtđ 1, 1- 11).

"Đã đến giờ Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha". Lời này được lặp đi lặp lại mỗi đoạn Tin Mừng trước lễ Chúa về Trời. Theo sự quan phòng trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, Chúa Giêsu từ giã Đức Maria, Mẹ Người, các môn đệ và nhất là tâm sự với các nhiều điều trước khi về Trời.

Xem và nghe bài giảng

Chúa về Trời, làm cho các Tông đồ nhớ lại "nhiệm vụ" đã được giao phó: "Các con là nhân chứng về những sự việc ấy" (Lc 24,48). Nhiệm vụ được ủy thác từ đây, đến lượt mình các Tông đồ phải thi hành cách trung thành. Lời Chúa nói với các ông : "Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần (...). và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy …cho đến tận cùng trái đất"(Cv 1,8). Lời ấy vẫn còn rất thời sự và thật cấp bách, tiếp tục vang lên cách mạnh mẽ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Ðây là lệnh truyền chứ không phải là lựa chọn. Hết thảy mọi người, mọi cộng đoàn, mọi dòng tu đều phải ra đi để làm chứng cho Chúa.

Chúa về Trời, Vinh quang Ba Ngôi được hiển hiện

Biến Cố Chúa Lên Trời là một thể hiện Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; một sự thể hiện chỉ cho chúng ta biết cùng đích cho cuộc hành trình của cá nhân và vũ trụ. Mặc dù thể xác con người sẽ trở về bụi đất, nhưng trọn cả "chủ thể được cứu chuộc" bước theo Chúa Kitô mà về cùng Chúa Cha.

Trong lời chào từ biệt của Chúa Kitô Phục Sinh với các tông đồ, chúng ta nhận ra trước hết chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa Cha, Ðấng đã loan báo trong Kinh Thánh về cái chết và sống lại của Chúa Con, nguồn mạch của sự tha thứ và giải thoát. Và cũng trong những lời mà Chúa Kitô Phục Sinh nói ra, chúng ta nhận thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nguồn sức mạnh và là chứng tá cho các Tông đồ. Như thế, trọn cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều hiện diện trong chính giây phút Giáo hội được khai sinh.

Chúa về Trời, niệm hy vọng của chúng ta

Sau khi đã thân hành xuống thế, đi vào lịch sử của con người, bước vào trong bóng sự chết, Chúa Giêsu đã phục sinh và trở về trong vinh quang mà từ thuở đời đời Người đã có với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hầu đưa nhân loại đã được cứu chuộc về với Chúa.

Nay Chúa Giêsu lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa đến muốn đời. Theo lời thánh Lêo Cả, Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở trên đó, "vinh quang của Đầu" đã trở thành "niềm hy vọng cho thân xác" (x.Bài giảng lễ Thăng Thiên). Chúa Giêsu đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng, " Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc" (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7, 25). Từ trên cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

Nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, chúng ta có hy vọng đạt tới sự công chính và sống thánh thiện nơi Người. Giáo hội có thể gặp phải những khó khăn, việc loan báo Tin Mừng có thể bị thất bại, nhưng vì Chúa Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa, Giáo hội sẽ không bao giờ bị đánh bại. Sức mạnh của Chúa Kitô vinh hiển, Con yêu dấu của Chúa Cha hằng gìn giữ chúng ta, giúp chúng ta tận tụy và trung thành với Nước Thiên Chúa một cách quảng đại. Sự kiện lên Trời của Chúa Giêsu ảnh hưởng cụ thể đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì mầu nhiệm này, toàn thể Giáo hội có ơn gọi đợi chờ trong niềm hân hoan hy vọng ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến.

Chúa Giêsu vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, hiển vinh về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời.

Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, chúng con xin Mẹ bảo vệ và gìn giữ chúng con là con cái Mẹ. Xin Mẹ dạy chúng con biết sống và thực hành lời Chúa truyền dạy, để một ngày kia chúng con cũng được về Trời với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh vui hưởng tôn nhan Chúa Ba Ngôi đến muôn thủa muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sau 5 năm vác thánh giá, với chiến thắng của Ấn Giáo cực đoan, Kitô hữu vác thánh giá tiếp 5 năm nữa
Đặng Tự Do
16:41 28/05/2019
Ngày 16 tháng Năm 2014, lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (BJP) lên làm thủ tướng. Từ đó cho đến nay, các Kitô hữu lãnh đủ các hình thức bách hại.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Các con số thống kê tiêu biểu cho thấy có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016.

Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.

Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.

Trước cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ 17, kéo dài từ 11 tháng Tư cho đến 23 tháng Năm vừa qua (có nước nào bầu cử dài kinh khủng như thế không?), các Kitô hữu đã mừng thầm vì sau 5 năm vác thánh giá mệt mỏi, chắc đã đến lúc chấm dứt một triều đại kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Chẳng may, vô cùng chẳng may, khi số phiếu bầu được đếm xong, ngày 23 tháng 5, các Kitô hữu tại Ấn, nói như cha John Dayal, nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ và nhà hoạt động nhân quyền, “tái mặt” nhận ra rằng Đảng BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước. Trong Quốc Hội gồm 542 ghế, BJP giành được 303 ghế. Đảng liên minh với nó là đảng Lok Sabha giành được 46 ghế khác. Với 349 ghế trong một Quốc Hội 542 ghế như thế, BJP dễ dàng thông qua bất cứ dự luật nào nhằm Ấn Giáo hoá quốc gia này.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.


Source:National Catholic Register

 
Hồi Giáo cực đoan thảm sát thêm 4 người Công Giáo trong thánh lễ Chúa Nhật tại Burkina Faso
Đặng Tự Do
17:08 28/05/2019
Bốn người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào một nhà thờ Công Giáo ở phía bắc Burkina Faso, vào hôm Chúa Nhật 26 tháng 5, tại Toulfé, một ngôi làng cách Titao, thủ phủ của tỉnh Loroum phía bắc khoảng hai mươi km.

Trong một tuyên bố gởi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức Cha Justin Kientega, Giám Mục giáo phận Ouahigouya cho biết:

“Cộng đồng Kitô giáo của Toulfé đã là mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố khi họ tập trung cầu nguyện trong thánh lễ vào sáng Chúa Nhật. Cuộc tấn công làm bốn tín hữu bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương”.

Đức Cha Justin cho biết 8 tên khủng bố vũ trang mạnh đã đến làng vào khoảng chín giờ sáng, trên bốn chiếc xe máy. Họ vào nhà thờ nơi cộng đồng Công Giáo vừa tụ tập để tham dự thánh lễ. Ba người chết ngay lập tức, trong khi một người khác chết vì vết thương trên đường đưa đến bệnh viện.

Đây là vụ tấn công khủng bố thứ ba trong tháng Năm này. Trước đó, trong một cuộc tấn công hôm Chúa Nhật 12 tháng Năm, Cha Siméon Yampa, linh mục chính xứ Dablo, ở tỉnh Sanmatenga, đã bị giết cùng với năm tín hữu khi ngài đang dâng lễ.

Trong bản tin đánh đi hôm thứ Ba 14 tháng Năm, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết lại có thêm một cuộc tấn công mới nhất nhắm vào người Công Giáo ở Burkina Faso làm 4 tín hữu bị thiệt mạng.

Vụ tấn công thứ hai diễn ra vào ngày thứ Hai 13 tháng Năm, khi bốn tín hữu mang bức tượng Đức Maria trở lại một nhà thờ sau khi tham gia rước kiệu Đức Mẹ nhân tháng Hoa. Họ đã bị giết ở làng Singa, thuộc thị trấn Zimtenga (cách Kongoussi 25 km), ở vùng trung tâm phía bắc của quốc gia. Tỉnh Sanmatenga, nơi diễn ra vụ tấn công hôm Chúa Nhật, cũng thuộc khu vực này.

Theo thông tin gửi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, các tín hữu Công Giáo của làng Singa, sau khi tham gia đám rước từ làng của họ tới làng Kayon, cách đó khoảng 10 km, đã bị chặn lại bởi những người có vũ trang. Những kẻ khủng bố để cho trẻ vị thành niên đi, nhưng chúng đã xử tử bốn người lớn và phá hủy bức tượng.

Hôm thứ Hai 13 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Séraphin François Rouamba, của tổng giáo phận Koupéla và là Chủ tịch Hội nghị Giám mục Giám mục Burkina Faso-Nigeria, đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình trong lễ tang các nạn nhân tại Dablo. Tang lễ có sự tham gia của người Công Giáo, Tin lành, Hồi giáo và đại diện của các tôn giáo bản địa.


Source:Fides
 
Vatican triển lãm nghệ thuật tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh
Đặng Tự Do
17:58 28/05/2019
Hôm thứ Ba 28 tháng Năm, Viện Bảo tàng Vatican đã mở một cuộc triển lãm tại Viện Bảo tàng Bắc Kinh với chủ đề “Vẻ đẹp hiệp nhất chúng ta”. Các tác phẩm tham gia cuộc triển lãm này được tuyển chọn bởi Cha Nicola Mapelli, gián đốc phân bộ Anima Mundi của Viện Bảo tàng Vatican và ông Vương Nguyệt Cung(Wang Yuegong, 王月宫) Giám đốc phân bộ Đời sống Cung đình và Nghi lễ Hoàng gia của Viện Bảo tàng Bắc Kinh. Cuộc triển lãm diễn ra bên trong Bảo tàng Cung điện của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, mở cửa cho công chúng từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 14 tháng 7 năm 2019.

Với sáng kiến này, lần đầu tiên các phẩm vật trong Bảo tàng viện của Đức Giáo Hoàng được triển lãm ở Trung Quốc với sự phối hợp của tổ chức văn hóa quan trọng nhất ở nước này. Những người lạc quan cho rằng sự hợp tác có thể tiêu biểu cho một cử chỉ cụ thể trong nỗ lực hiểu biết lẫn nhau. Những người không lạc quan lắm thì cho đây chỉ là một “động tác giả” của phía Trung Quốc trong khi tiếp tục bách hại cộng đoàn Công Giáo địa phương.

Triển lãm trình bày các phẩm vật văn hóa trong bộ sưu tập nghệ thuật Trung Quốc từ phân bộ Anima Mundi của Viện Bảo tàng Vatican, bao gồm 76 tác phẩm nghệ thuật có tính cách thế tục, Phật giáo và Công Giáo.

Đặc biệt quan trọng, là một nhóm đáng kể các tác phẩm của các nghệ nhân Trung Quốc trình bày cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo và các truyền thống nghệ thuật của Trung Quốc.

Hai kiệt tác nguyên bản sẽ được trưng bày: bức tranh sơn dầu “Nghỉ ngơi trên chuyến bay đến Ai Cập” (1570 - 1573) của Barocci và “Ông Adong và bà Evà trong Vườn địa đàng” (cuối thế kỷ 18) của Peter Wenzel.

Triển lãm cũng sẽ bao gồm các tác phẩm được chọn bởi Viện Bảo tàng Bắc Kinh như các bức họa của nghệ nhân Công Giáo Ngô Liệu (Wu Li, 吴历 1632- 1718) và Giuseppe Castiglione, một tu sĩ dòng Tên từ Milan được biết đến ở Trung Quốc là Lang Thế Ninh (Lang Shining, 郎世宁,1688 - 1766).


Source:Zenit
 
Dự luật về giải tội ở California thông qua thượng viện tiểu bang.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:25 28/05/2019


Dự luật SB 360 bây giờ đến phiên hạ viện tiểu bang.

Aleteia News: Dù rằng có nhiều chống đối vì dự luật này phương hại đến tự do tôn giáo, đòi buộc các linh mục Công Giáo vi phạm ấn tấn giải tội, nó vẫn được thượng viện tiểu bang CA thông qua vào ngày Thứ Sáu với đa số phiếu 30-2. Dự luật này bắt buộc các linh mục phải báo cáo những thông tin về các vụ lạm dụng trẻ em mà các ngài biết được khi nghe được nơi tòa giải tội. Dự luật này sẽ được bỏ phiếu tại hạ viện.

Tổng Giám Mục giáo phận Los Angles là Đức cha José H. Gomez đã phát biểu rằng “Tôi rất thất vọng với việc bỏ phiếu hôm nay của thượng viện đối với dự luật SB 360. Tôi tiếp tục tin rằng chúng ta có thể tăng cường luật bắt buộc báo cáo để bảo vệ an toàn cho trẻ em trong lúc đồng thời duy trì sự tôn trọng tính thánh thiêng của phép giải tội.”

Các linh mục đã bắt buộc báo cáo những vụ lạm dụng tình dục nếu các ngài biết được, trừ khi việc biết được ấy qua xưng thú nơi tòa giải tội. Nghị sĩ tiểu bang là Jerry Hill đã muốn loại bỏ điều miễn trừ đó. Dự luật mà ông nghị này đưa ra đã được sửa đổi, nó chỉ đòi các linh mục phải báo cáo nếu các ngài biết được hay nghi ngờ về vụ lạm dụng tình dục khi giải tội cho một linh mục hay đồng nghiệp. Dự luật không đòi buộc các linh mục phải báo cáo về vụ lạm dụng tình dục khi nghe lời thú tội của bất cứ hối nhân nào.

Trong một tuyên bố, Ông Bill Donohue, chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo về Các Quyền Tôn Giáo và Công Dân ở New York đã nói rằng dù có sửa đổi, nhưng như thế “ vẫn không thể chấp nhận được khi chính quyền xen vào một bí tích thánh thiêng của Giáo Hội Công Giáo” và gọi SB 360 là “một cuộc tấn công trực diện vào tự do tôn giáo.”

“Chúng ta cùng đứng chung với Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angele trong việc kêu gọi chính quyền CA hãy tăng cường việc bắt buộc đòi hỏi báo cáo trong khi vẫn tôn trọng sự thánh thiêng của phép giải tội.”

Ông Donohue cho rằng rồi thì cái luật này sẽ không bắt buộc được ai. “Chẳng có vị linh mục nào lại tôn trọng cái luật này và vi phạm sự thánh thiêng của phép giải tội. Hơn nữa, người Công Giáo không đòi buộc phải tôn trọng những luật vô đạo đức và đây là một ví dụ rõ ràng về cái luật như thế.”

Theo giáo huấn Công Giáo thì phép giải tội là bất khả xâm phạm bởi vì đây là một cuộc đối thoại giữa hối nhân và Thiên Chúa. Theo luật Giáo Hội, một linh mục sẽ tự động bị rút phép thông công nếu vị này tiết lộ nội dung của một cuộc xưng tội.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã từng nói rằng “Chúng ta hiểu rằng trong phép giải tội, linh mục đang hoạt động trong chính con người của Đức Kitô, và vì thế, hối nhân nói với và nghe từ chính Thiên Chúa. Do vậy, dứt khoát là không thể có gì ngăn cản một người tội lỗi tìm đến với nguồn ân sủng này.”


Source: aleteia.org California confession bill passes state senate
 
Hoặc là tòa tuyên bố ĐHY Pell vô tội, hoặc là ngài sẽ chấp nhận bản án bất công không xin giảm án. Lịch sử sẽ phán xét.
Đặng Tự Do
18:43 28/05/2019
Hôm 13 tháng Ba, trong một quyết định thể hiện rõ lòng thù hận đối với Đức Hồng Y George Pell, tòa án tại Melbourne đã quyết định truyền hình trực tiếp buổi đọc phán quyết kết tội Đức Hồng Y như một hình thức lăng mạ công khai ngài.

Đức Hồng Y bị kêu án “sáu năm tù vì lạm dụng 2 bé trai trong thập niên 1990”. Trong đó, hết 3 năm 8 tháng không được nạp đơn xin ân xá.

Đức Hồng Y đã ngay lập tức kháng cáo. Đơn kháng án của ngài sẽ được xét xử vào ngày 5 và 6 tháng Sáu tới đây bởi 3 vị thẩm phán.

Nhóm pháp lý của Đức Hồng Y Pell xông đã đệ trình ba căn cứ để kháng cáo.

Trước hết, phiên tòa xét xử đầu tiên vào mùa thu năm ngoái đã kết thúc với một bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu 10-2, trong đó 10 người quyết định rằng Đức Hồng Y vô tội và chỉ có 2 người quyết liệt cho rằng Đức Hồng Y là có tội (đại diện bồi thẩm đoàn đã khóc khi báo cáo về sự bế tắc không làm sao thuyết phục được sự đồng thuận của 2 người kia). Phiên tòa thứ hai, thật đáng kinh ngạc, đã kết thúc với bản án 12-0 để kết tội ngài: mặc dù cáo buộc của nguyên cáo chẳng được bất kỳ ai ủng hộ trước tòa. Có đến 20 người tuyên thệ trước tòa rằng cáo buộc chống lại Đức Hồng Y là không thể nào xảy ra và chính bà mẹ của người được cho là nạn nhân thứ hai tuyên thệ rằng con bà đã nói với bà trước khi chết rằng anh ta chưa bao giờ bị bất cứ ai lạm dụng tính dục; và bất chấp thực tế là cảnh sát đã không có bất cứ chứng minh nào thu được từ hiện trường được cho là nơi tội phạm đã xảy ra. Như thế, kết luận của nhóm bồi thẩm đoàn thứ hai là vượt quá sự nghi ngờ hợp lý. Nếu 3 vị thẩm phán trong phiên kháng cáo này đồng ý với quan điểm này, Đức Hồng Y sẽ được phóng thích ngay tức khắc.

Thứ hai, các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y đã chỉ ra mười điểm vô lý trong cáo buộc của nguyên cáo, là những điều không thể nào xảy ra trong một không gian được kiểm soát cẩn thận của nhà thờ chính tòa St. Patrick của Melbourne. Tuy nhiên, tòa không cho chiếu trước bồi thẩm đoàn một video do các luật sư trình lên tòa cho thấy không thể nào xảy ra vụ tấn công lạm dụng tính dục như đã mô tả.

Thứ ba, các luật sư chỉ ra rằng có quá nhiều “bất quy tắc cơ bản” trong phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell, chẳng hạn như ngài đã không được nói một lời nào trước bồi thẩm đoàn.

Nếu ba vị thẩm phán không đồng ý với quan điểm thứ nhất, nhưng đồng ý với quan điểm thứ hai hay thứ ba, ngài có thể phải chịu xét xử trong một phiên tòa mới.

Nếu thẩm phán không chấp nhận điểm nào trong kháng cáo của mình, Đức Hồng Y Pell sẽ không xin giảm án. Hoặc là tòa tuyên bố Đức Hồng Y George Pell vô tội, hoặc là ngài sẽ chấp nhận bản án bất công không xin giảm án. Lịch sử sẽ phán xét. Các luật sư của ngài đã nói với truyền thông Úc như vậy.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi thông điệp Video cho nhân dân Lỗ Ma Ni trước khi viếng thăm họ ngày 31 tháng Năm
Vũ Văn An
19:24 28/05/2019
"Tôi tới Lỗ Ma Ni, một đất nước tươi đẹp và hiếu khách, như một khách hành hương và là một người bạn...”



Theo tin Zenit, ngày 28 tháng Năm, 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi thông điệp Video cho nhân dân Lỗ Ma Ni, trước khi viếng thăm nước này trong các ngày 31/5 tới 2/6, 2019, theo lời mời của các thẩm quyền cao cấp nhất của quốc gia.

Sau đây là thông điệp của Đức Phanxicô:

Anh chị em Lỗ Ma Ni thân mến!

Nay chỉ còn ít ngày nữa trước khi cuộc hành trình sẽ đưa tôi đến giữa anh chị em. Nghĩ tới điều này mang lại cho tôi niềm vui và vào lúc này, tôi muốn gửi tới tất cả anh chị em lời chào thân ái nhất của tôi.

Tôi đến Lỗ Ma Ni, một đất nước tươi đẹp và hiếu khách, như một khách hành hương và là một người anh em, và tôi cảm ơn Tổng thống và các thẩm quyền khác của Quốc gia đã mời tôi và hợp tác đầy đủ. Tôi sẽ có niềm vui được gặp Thượng phụ và Công đồng thường trực của Giáo hội Chính thống Lỗ Ma Ni, cũng như các Mục tử và tín hữu Công Giáo.

Các dây ràng buộc đức tin vốn liên kết chúng ta đã có từ thời các Tông đồ, đặc biệt là dây liên kết vốn kết hợp 2 thánh Phêrô và André, những vị, theo Truyền thống, đã mang đức tin đến vùng đất của anh chị em. Là anh em ruột, các vị cũng là anh em trong việc đổ máu ra vì Chúa. Và đã có rất nhiều vị tử đạo nơi anh chị em, cả trong thời gian gần đây, như bảy Giám mục Công Giáo Hy Lạp mà tôi sẽ được hân hoan công bố là các Chân phúc. Điều mà vì thế họ đã phải chịu đau khổ, đã cống hiến đời sống của họ, là một gia tài quá quý giá không thể bị lãng quên. Và đó là một gia tài chung; nó kêu gọi chúng ta đừng tách mình xa cách người anh em từng chia sẻ gia tài này.

Tôi đến giữa anh chị em để chúng ta cùng đi với nhau. Chúng ta cùng nhau bước đi khi chúng ta học cách bảo vệ cội nguồn và gia đình, khi chúng ta chăm sóc tương lai con em chúng ta và người anh em bên cạnh chúng ta, khi chúng ta vượt qua sợ hãi và nghi ngờ, khi chúng ta để những rào cản ngăn cách chúng ta với những người khác sập xuống.

Tôi biết rằng nhiều người đang cao độ chuẩn bị cho chuyến thăm của tôi, và tôi cảm ơn anh chị em tận đáy lòng tôi. Tôi bảo đảm với anh chị em sự gần gũi của tôi trong lời cầu nguyện và gửi tới anh chị em phúc lành của tôi. Và tôi xin anh chị em vui lòng cầu nguyện cho tôi. Hẹn sớm gặp lại!
 
Kẻ thảm sát thiếu nữ Việt Nam và 9 thiếu nữ khác bị tử hình bất kể thỉnh cầu của các Giám Mục Florida
Đặng Tự Do
21:14 28/05/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Một trong những vấn đề gây tranh luận trong tuần qua là việc Thống đốc Florida bác bỏ thỉnh cầu của các Giám Mục xin tha mạng cho Bobby Joe Long.

Các giám mục Công Giáo Florida đã kêu gọi thống đốc tiểu bang tha mạng cho Bobby Joe Long, một kẻ giết người hàng loạt dự kiến bị xử tử vào thứ Năm 23 tháng Năm.

Trong lá thư đề ngày 20 tháng Năm gởi Thống đốc Ron DeSantis, các Giám Mục viết:

“Mặc dù Long gây hại nhiều cho xã hội, nhưng chúng tôi thiết tưởng việc giam cầm ông ta đã là đủ để bảo đảm các hành vi hung hăng của ông ta không còn có thể tái diễn. Việc lấy đi mạng sống của ông ta có lẽ là không cần thiết.”

“Cuộc sống con người là một ân sủng từ Thiên Chúa, và do đó chúng ta có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ nó từ giây phút thụ thai đầu tiên cho đến cái chết tự nhiên”.

Các giám mục nhấn mạnh rằng “Giáo Hội công nhận quyền và nghĩa vụ của các cơ quan công quyền để áp đặt các hình phạt tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội phạm, không loại trừ việc sử dụng án tử hình trong các trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.”

Tuy nhiên, trường hợp trong đó “việc tử hình phạm nhân là tuyệt đối cần thiết là rất hiếm, nếu không muốn nói là không có trên thực tế”.

Các Giám mục kết luận bằng cách nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô:

“Hôm nay hình phạt tử hình là không thể chấp nhận ... tất cả các Kitô hữu và mọi người thiện chí có trách nhiệm không chỉ là đấu tranh cho việc bãi bỏ hình phạt tử hình, mà còn phải cố gắng cải thiện điều kiện sống trong các nhà tù, trong sự tôn trọng phẩm giá con người của các tù nhân.”

Tuy nhiên, dù nói cách gì đi nữa, yêu cầu của các ngài đã không được chấp nhận.

Nhà chức trách cho biết tù nhân Bobby Joe Long được tuyên bố là đã chết vào lúc 6:55 sáng thứ Năm sau khi bị tiêm thuốc độc tại nhà tù bang Florida,.

Long từ chối không nói lời cuối cùng, chỉ đơn giản nhắm mắt khi thủ tục bắt đầu, các nhân chứng nói.

Bobby Joe Long là một kẻ giết người hàng loạt đã gieo kinh hoàng tại Florida trong vòng tám tháng trời vào năm 1984. Nạn nhân đầu tiên của hắn là cô Nguyễn Thị Long, một cô gái Việt Nam tị nạn bị y bắt cóc, hãm hiếp và giết chết vào tháng Tư 1984 khi cô mới 19 tuổi. Tổng cộng hắn đã cướp đi sinh mạng của 10 phụ nữ.

Lisa Noland, thanh tra cảnh sát và cũng là nạn nhân duy nhất sống sót của Long là người đã chứng kiến cuộc hành quyết vào hôm thứ Năm.

Cuộc đời của Lisa Noland rất bi thảm. Cô sinh năm 1967, cha mẹ ly dị, cô bị bỏ rơi phải về sống với bà ngoại. Năm 1984, lúc 17 tuổi, cô bị người bạn trai của bà ngoại hiếp dâm nên quẫn trí muốn tự tử. Cô đã viết một lá thư tuyệt mệnh và dự định tự tử vào ngày 3 tháng 11, 1984. Tuy nhiên, đêm 2 tháng 11, cô vẫn đi làm để có thể gặp gỡ bạn bè lần chót. Lúc 2 giờ sáng hôm đó, trên đường đạp xe từ chỗ làm về nhà, cô bị tên Bobby bắt cóc.

Vì đã chán sống nên cô có được bình tĩnh để khéo léo thu phục lòng tin của tên sát thủ liên hoàn và định vị chính xác nơi mình bị giam giữ, dù bị bịt mắt. Sáng ngày 4 tháng 11, y trả tự do cho cô. Cô đã giúp cảnh sát bắt giữ tên sát thủ.

Lisa Noland đã gia nhập hàng ngũ cảnh sát. Hiện nay cô là một sĩ quan cảnh sát, phó ty cảnh sát Hillsborough, là đơn vị cô đã hướng dẫn bắt giữ tên Booby.


Source:News 9
 
Dự Luật SB-360 Của California – Vi Phạm Quyền Tự Do Tôn Giáo
Phạm Mạnh Tuấn
22:25 28/05/2019
San Jose 28/5/2019.- Trong Thánh lễ Chúa Nhật vừa qua (26 tháng 5, 2019) tại nhà thờ Saint Maria Goretti. cha phó Lương Đạt đã báo một tin buồn khiến cả cộng đoàn giáo dân sửng sốt: Thượng viện tiểu bang California vừa thông qua một đạo luật buộc các linh mục phải thông báo với chính quyền những điều nghe được trong tòa giải tội, nếu điều đó liên quan đến việc xâm phạm tình dục trẻ em. Tờ báo địa phương San Jose Mercury News cùng ngày cũng cho đăng trên trang nhất tựa đề “Tiểu Bang California có nên buộc các linh mục phải khai báo lời xưng tội lạm dụng tình dục trẻ em” (Should California force priests to report child-molestation confessions?). Tờ SJMN cũng cho biết Thượng viện tiểu bang CA hôm thứ Sáu (24 tháng 5, 2019) đã thông qua dự luật SB 360 buộc các linh mục phải làm việc này (với đa số đáng ngại 30-4). Đây quả thực là một sự vi phạm thô bạo của tiểu bang CA vào những quyền tự do căn bản của con người, Những quyền đã được minh định trong hiến pháp Hoa Kỳ: Quyền tự do tôn giáo và quyền tự do ngôn luận.

Được biết thượng nghị sĩ tiểu bang - ông Jerry Hill thuộc đảng Dân chủ của San Mateo – khi đề nghị đạo luật này đã đưa ra 2 lập luận chính:

1)Ngay cả bác sĩ, thầy giáo, cán bộ xã hội, …khi biết có trẻ em bị ngược đãi sẽ phải báo cáo với chính quyền.

Nhưng đây là hai chuyện hoàn toàn khác biệt, khi một bác sĩ biết một đứa trẻ bị ngược đãi thường đứa trẻ đó không tự ý nói ra, hay có khi không biết mình đang bị ngược đãi mà khai. Còn một linh mục khi xưng tội của mình là một người lớn, tự ý nói ra. Một khác biệt quan trọng khác là văn phòng bác sĩ hay trường học, ngay cả tại gia đình là một môi trường xã hội, sinh hoạt thường ngày, những nơi đó không mang tính tôn giáo, các bác sĩ hay thầy giáo trong trường hợp này không bị ràng buộc bởi lời thềnhư trong tòa giải tội của một linh mục.

Cha giáo Pius Pietrzyk, cũng là một luật sư dân sự đang dậy tại đại chủng viện St. Patrick's Seminary & Universitycho rằng việc so sánh của ông Hill rất khập khễnh. Trong khi những bác sĩ, luật sư, cán bộ xã hội, … là những người cần được chính quyền tiểu bang cấp giấy hành nghề, họ có thể bị buộc tuân theo những đòi hỏi của chính quyền, còn các linh mụckhông là một nhân viên của tiểu bang, không cần bằng hành nghề của tiểu bang, thế tại sao lại đòi hỏi họ phải tuân theo những điều vô lý như vậy. Hơn nữa quyền bảo mật của một linh mục trong tòa giảng đối với người đến xưng tội cũng giồng quyền của một luật sư đối với thân chủ của mình (attorney – client privilege), cần phải được luật pháp tôn trọng.

Đối với tín lý Công Giáo, việc xưng tội và giải tội là một trong bảy bí tích thiêng liêng và căn bản. Việc bảo mật những lời xưng tội (the seal of confession)được coi là tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Điều này khuyến khích việc tự do thú nhận, chân thành sám hối và tìm kiếm sự hòa giải với Thiên Chúa.

Đức cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Los Angeles, tuyên bố “Chúng ta đang phải đối đầu với với một sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tự do tôn giáo” (We are dealing here with an egregious violation of the principle of religious liberty.)Thực vậy, nếu so sánh với trường hợp một bác sĩ, chắc chắn chính quyền không bao giờ ra luật buộc một bác sĩ phải khai ra bệnh tật của bệnh nhân, vì như vậy là bắt họ vi phạm lời thề bảo mật “Hippocrate” (to preserve a patient’s privacy) của họ.

2) Ông Jerry Hill cũng cho rằng viện dẫn Tu Chính Án Thứ Nhất (First Amendment) về quyền tự do tôn giáo để bảo vệ sự bảo mật trong tòa giải tội là sai, tiểu bang California từng ra luật cấm đoán chế độ đa thê, tuy chế độ này được một vài giáo phái áp dụng. Ông ta nói thêm: “Chẳng có quyền tự do nào của chúng ta là tuyệt đối!” (None of our freedoms is absolute).

Việc so sánh này của ông Hill cũng lại không chính xác, chế độ đa thê đã bị luật pháp liên bang Mỹ loại khỏi vòng pháp luật qua nhiều phán quyết của Tối Cao Pháp Viện (www.americanbar.org/groups), nó cũng đi ngược lại quyền bình đẳng ghi trong Tu Chính Án XIV. Chế độ này cũng bị những cơ quan quốc tế như “UN Human Rights Committee” và “The UN Committee on the Elimination of Discrimination against Women (CEDAW)” lên án, hoàn toàn khác hẳn với quyền được giữ im lặng trong tòa giải tội của Công Giáo.

Qua việc dự luật SB-360 được thông qua tại thương viện tiển bang California, chúng ta thấy hai điều:

1) Người Công Giáo tại tiểu bang California đông nhưng cũng quá … thờ ơ

Với hơn 10 triệu, người Công Giáo tại California chiếm gần 1/3 dân số nhưng nói chung không mấy quan tâm đến những vấn đề của giáo hội, tuy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đức tin của mình. Trước ngày dự luật SB-360 được mang ra biểu quyết tại thương viện tiểu bang CA, Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez (tổng giáo phận Los Angeles) lên tiếng kêu gọi giáo dân: “Hãy tiếp tục cầu nguyện và làm cho tiếng nói của bạn được lắng nghe về vấn đề này, điều này rất quan trọng đối với đức tin và tự do tôn giáo của chúng ta” (Continue to pray and make your voices heard on this issue, which is so vital to our faith and religious freedom.) Nhưng cuối cùng chỉ vỏn vẹn có khoảng 1,300 người vào website đã thiết lập sẵn (https://cqrcengage.com/ cacatholic/app/write-a-letter?3&engagementId=498306) để lên tiếng với nghị sĩ của mình!

Đối với những đoàn thể, tổ chức hay ngành nghề khác – Thí dụ như trong lãnh vực bảo hiểm – trước khi một dự luật nào được mang ra trước quốc hội tiểu bang, dự luật đó được các hãng bảo hiểm nghiên cứu và phân tích rất kỹ, sau đó được gởi tới từng agent, broker, và nhân viên bảo hiểm yêu cầu lên tiếng với vị đại diện cử tri khu vực mình. Kết quả chúng ta thấy rất hiếm có đạo luật nào bất lợi cho các hãng bảo hiểm được thông qua. Ngay cả những ứng cử viên phụ trách về bảo hiểm tiểu bang (insurance commissioner) cũng được “rà soát” rất cẩn thận.

Còn đa số người Công Giáo chúng ta, rất hăng say trong các công tác tông đồ và từ thiện nhưng việc người ta đang muốn biến tòa giải tội thành một đồn công an, một trụ sở điều tra, thậm chí thành một cơ quan gián điệp của FBI. Họ (những người chống Công Giáo) đang muốn đánh phá nền móng đức tin, Giáo hội thân yêu, vậy mà chúng ta lại làm ngơ!

2) Chúng ta chưa biết tận dụng sức mạnh của mạng lưới xã hội.

Cách đây khoảng 7, 8 năm trong một buổi tiếp tân tại tư gia, Đức Giám Mục địa phận Patrick J. McGrath đã thông báo sẽ thiết lập một mạng lưới xã hội cho đia phận, nhờ vào đó giáo dân sẽ biết những gì giáo phận đang quan tâm, sẽ có tiếng nói chung để hỗ trợ địa phận nếu cần. Chúng tôi sau đó lên địa phận thảo luận về vấn đề này một buổi. Nhưng đến nay thực tình chúng tôi không biết mạng lưới này đã hoàn chỉnh chưa. Thưc ra những vấn đề như dự luật SB-360 (báo chí mới thêm đuôi: Confession law) nếu được phổ biến rộng rãi thì lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez sẽ có ít nhất 130,000 người hưởng ứng (thay vì chỉ có 1,300 người.)

Tuy như cha phó nói trong bài giảng, các linh mục thà chấp nhận vào tù chứ không bao giờ chấp nhận một đạo luật vô lý, phản giáo lý Công Giáo như vậy. Dù sao chúng ta cũng cần đồng loạt lên tiếng để dự luật này không thể thành luật. Bây giờ vẫn chưa muộn, dự luật SB-360 “confession law” sau khi thông qua tại Thương viện tiểu bang sẽ phải mang ra biểu quyết tại Hạ viện TB (Assembly). Đây là lúc hơn bao giờ hết, người Công Giáo chúng ta cần bày tỏ quan điểm với những vị Dân biểu đại diện khu vực mình ở. Hội nghị Công Giáo Tiểu bang California (the California Catholic Conference), đã thiết lập một website dưới đây, chúng ta chỉ cần vào điền tên tuổi, địa chỉ, email, số phôn rồi gửi đi là xong:

https://cqrcengage.com/cacatholic/app/write-a-letter?0&engagementId=498306

Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo thân yêu của chúng ta luôn đứng vững trước mọi bách hại.

Trân trọng,

Phạm Mạnh Tuấn, SJ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Nghi thức chúc bình an là một tùy chọn, chứ không bắt buộc.
Nguyễn Trọng Đa
08:58 28/05/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con biết tầm quan trọng của nghi thức chúc bình an trong Thánh Lễ, nhưng liệu nó được làm hoặc được thực hiện trong mọi Thánh Lễ không? - F. O., Ado Ekiti, Nigeria.


Đáp: Một số người nói rằng sự thật hiển nhiên là rằng không có gì bền vững bằng một giải pháp tạm thời, và không có gì quá bắt buộc cho bằng một tùy chọn.

Trong thực tế, nghi thức chúc bình an luôn là một tùy chọn và không bao giờ bắt buộc trong bất cứ Thánh Lễ nào. Quy Chế Tỏng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói:

“Nghi thức chúc bình an

“82. Tiếp theo là nghi thức chúc bình an: Hội Thánh cầu bình an và hiệp nhất cho chính mình, cho toàn thể gia đình nhân loại, và các tín hữu tỏ bày sự hiệp thông cộng đoàn và lòng thương mến nhau, trước khi rước Thánh Thể.

“Các Hội Ðồng Giám Mục sẽ tùy theo tinh thần và phong tục của mỗi dân tộc mà ấn định cách thức chúc bình an. Mỗi người chỉ nên tỏ dấu trao bình an cách chừng mực cho những người gần mình.

“154. Rồi vị tư tế dang tay đọc rõ tiếng kinh "Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã nói...". Xong kinh này, ngài dang tay, rồi chắp tay, hướng về giáo dân, chúc bình an: "Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em". Giáo dân thưa: "Và ở cùng Cha". Sau đó, vị tư tế sẽ tuỳ nghi thêm: "Anh (chị) em hãy chúc bình an cho nhau".

“Vị tư tế có thể chúc bình an cho các người giúp lễ, nhưng ngài phải luôn luôn ở trên cung thánh, để khỏi làm xáo trộn cuộc cử hành. Nếu có lý do chính đáng, ngài cũng có thể trao bình an cho vài giáo dân, nhưng vẫn ở trên cung thánh. Mọi người trao cho nhau bình an, sự hiệp thông và tình bác ái theo cách Hội Ðồng Giám Mục quy định. Khi trao bình an, có thể nói: "Bình an của Chúa hằng ở cùng anh", và được đáp lại là "A-men".

“181. Sau khi vị tư tế đọc kinh cầu bình an và câu "Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em", và giáo dân đã thưa "Và ở cùng Cha", thầy phó tế tùy nghi chắp tay, hướng về giáo dân mời trao bình an: "Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau". Thầy nhận bình an của vị tư tế, và có thể chúc bình an cho những người giúp lễ gần mình.

“239. Sau lời mời của phó tế, hay của một vị đồng tế, nếu không có phó tế: "Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau", mọi người trao cho nhau bình an. Chủ tế trao bình an cho những vị đồng tế gần nhất, trước khi trao cho thầy phó tế. (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)

Cũng vậy Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ) năm 2004 nói trong số 71 như sau:

“Phải duy trì thông lệ của Nghi Lễ Rôma là chúc bình an trước khi Rước Lễ một chút, như được dự liệu trong Nghi thức Thánh Lễ. Quả nhiên, theo truyền thống của Nghi Lễ Rôma, thông lệ này không bao hàm ý nghĩa hoà giải, cũng không có ý nghĩa xoá tội, nhưng đúng hơn nó có mục đích biệu lộ sự bình an, sự hiệp thông và lòng bác ái, trước khi lãnh nhận Thánh Thể. Trái lại, hành động sám hối ở đầu Thánh Lễ, nhất là khi nó được thực hiện theo công thức thứ nhất, có đặc tính diễn tả sự hoà giải này giữa các anh chị em” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)

Do đó, theo các số 154 và 181, nghi thức chúc bình an được thực hiện “tùy nghi” (if appropriate). Quyết định xem nó là “tùy nghi” hay không là do vị chủ tế, trong các tình huống mục vụ cụ thể của buổi lễ.

Các lý do cho việc thực hiện hoặc bỏ qua nghi thức này có thể là rất khác nhau, và gần như không thể đưa ra một quy tắc cố định. Nhiều linh mục dành nghi thức này cho ngày lễ Chúa Nhật và lễ trọng.

Một linh mục, mà tôi quen biết, luôn bỏ qua nghi thức này trong các dịp Thánh lễ Rước lễ vỡ lòng, vì ngài thấy rằng nó có thể ảnh hưởng xấu đến sự chú ý và chuẩn bị tinh thần của trẻ em, do nó là rất gần với thời điểm Rrước lễ lần đầu của các em. Các linh mục khác tránh được cạm bẫy này bằng cách chuẩn bị cẩn thận và làm ngắn gọn nghi thức, với sự di chuyển tối thiểu của các người đứng cạnh nhau.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi xem nghi thức ngắn gọn này chỉ là một trở ngại và thách thức tiềm năng. Khi được thực hiện tốt, nghi thức có thể rất hiệu quả về mặt tinh thần, vì chúng ta chia sẻ sự bình an đến từ Chúa Kitô trên bàn thờ, mà chúng ta sẽ sớm tiếp nhận như là sự bình an của chúng ta.

Như được nêu ra trong số 82, các cử chỉ của tín hữu đã được thiết lập bởi Hội Đồng Giám Mục và, trong khi tôn trọng phong tục địa phương, nên tránh sự hồ hởi và háo hức thái quá, và “mỗi người chỉ nên tỏ dấu trao bình an cách chừng mực cho những người gần mình.”

Cũng thế, nói về mục vụ, tốt nhất là nên có sự ổn định trong việc sử dụng hoặc bỏ qua nghi thức. Nếu một linh mục thỉnh thoảng hoặc bất thường bỏ qua nghi thức, có lẽ ngài sẽ thấy rằng các tín hữu bắt đầu bắt tay theo thói quen. Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn.

Nghi thức chúc bình an hoặc dấu chỉ bình an là một phần của tập tục của Hội Thánh ngay từ thuở đầu, có lẽ được cảm hứng bởi lời mời gọi của Thánh Phaolô cho tín hữu Côrintô: "Anh em hãy chào nhau bằng nụ hôn thánh thiện" (I Cr 16:20). Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người nên làm hòa với một anh em, trước khi đưa lễ vật tới bàn thờ. Hôn chào bình an cũng là một lời đáp rõ ràng cho lời khuyên của Chúa Kitô về sự hòa giải huynh đệ và hòa bình, để thanh tẩy của lễ mỗi người.

Nghi thức đã được đề cập trong các nguồn cổ xưa như các "Tông Hiến" (Apostolic Constitutions) và các bài giảng của Thánh Augustinô. Có lẽ nghi thức đã ở vị trí hiện tại của nó trong Nghi Lễ Rôma từ thời Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả (590-604).

Ban đầu, nghi thức chúc bình an được xem là một sự chuẩn bị quan trọng, và thậm chí bắt buộc nữa, cho những ai sắp Rước Lễ, nhưng sau đó được mở rộng cho tất cả mọi người. Sau năm 1000, việc chúc bình an dần dần trở thành một nghi thức chính thức hơn nhiều, và sau đó là chỉ dành cho hàng giáo sĩ mà thôi, ngoại trừ một số dịp đặc biệt.

Như vậy, dấu chúc bình an, như được miêu tả trong sách lễ hiện nay, đã khôi phục lại nghi thức theo hình thức mà nó đã có trong thời trung cổ, và theo đó tất cả mọi người chúc bình an cho người bên cạnh. Vào thời điểm đó, cử chỉ chúc bình an là dấu hiệu của sự tôn trọng hơn là tình cảm thương mến. Do đó, cử chỉ được thông qua ngày nay nên là những gì mà tập tục địa phương xem như là cử chỉ tôn trọng.

Chúng tôi đã bàn đến một câu hỏi liên quan gần vào ngày 30-1-2018, vốn có thể bổ sung cho câu trả lời hôm nay.

Chúng tôi xin kết thúc với bài giáo lý của Giáo hoàng Phanxicô về phần này của Thánh lễ trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 14-3-2018:

“Thật vậy, những gì chúng ta cầu xin trong ‘Kinh Lạy Cha’ được mở rộng bằng lời nguyện của linh mục, nhân danh tất cả, cầu xin: 'Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an.” Rồi ngài tiếp nhận một loại dấu ấn trong Nghi thức chúc bình an: điều đầu tiên ngài xin nơi Chúa Kitô là món quà bình an (x. Ga 14,27) - do đó khác với hòa bình trần gian – vốn có thể giúp Hội Thánh tăng trưởng trong sự hiệp nhất và trong hòa bình, theo ý Chúa; sau đó, với cử chỉ cụ thể được trao đổi giữa chúng ta với nhau, chúng ta bày tỏ ‘sự hiệp thông cộng đoàn và lòng thương mến nhau, trước khi rước Thánh Thể.’ (x. GIRM, 82). Trong nghi lễ Rôma, nghi thức chúc bình an, được đặt ra từ thời cổ đại trước khi Rước lễ, được hướng đến việc Rước Lễ. Theo lời khuyên của Thánh Phaolô, không thể giao tiếp với một Tấm Bánh làm cho chúng ta trở nên một Thân thể trong Chúa Kitô, mà không nhận ra rằng chúng ta được hòa giải bởi tình yêu huynh đệ (x. 1 Cr 10: 16-17; 11:29). Sự bình an của Chúa Kitô không thể bén rễ trong một tâm hồn không có khả năng cảm nghiệm tình huynh đệ, và khôi phục nó sau khi nó bị tổn thương. Sự bình an được Chúa ban cho: Ngài ban cho chúng ta ân sủng để tha thứ cho các người đã xúc phạm chúng ta.” (Zenit.org 28-5-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/sign-of-peace-an-option/
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lẻ Bạn Bên Trời Paris/Lonely Bird
Robert Helfman
21:55 28/05/2019
LẺ BẠN BÊN TRỜI PARIS/LONELY BIRD
Ảnh của Robert Helfman

Paris vương mắc mây buồn
Cánh chim lẻ bạn bồn chồn ngẩn ngơ
(bt)
 
VietCatholic TV
Thật xúc động: Thầy Michała Łosa chịu chức linh mục trên giường bệnh
Giáo Hội Năm Châu
16:00 28/05/2019
Hội dòng Con cái của Lòng Thương Xót Chúa ở Ba Lan (Congregation of the Sons of Divine Providence in Poland) xin tất cả cầu nguyện cho cha Michael Los, một bệnh nhân cancer mới được đặt tay truyền chức trong một bệnh viện.

Hơn một tháng trước, thầy Michael được chẩn đoán mắc phải một chứng bệnh ung thư cấp tính. Thầy vừa hoàn tất chương trình học Thần học và được tốt nghiệp Đại Chủng viện Thánh Luigi Orione, Thầy mong ước được chịu chức Linh mục và mơ ước được cử hành Thánh lễ dù chỉ một lần trong đời linh mục.

Được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, vào ngày 24 tháng 5 năm 2019, tại khoa ung thư Warsaw, Đức cha Marek Solarchot, giám mục giáo phận Warsaw-Praga, đã phong chức phó tế và linh mục cho thầy Michael Los… Sau thánh lễ truyền chức ngay trong phòng bệnh nhân, một thánh lễ truyền chức Linh mục mà ứng sinh nằm trên giường bệnh và Đức Giám Mục cùng các linh mục đồng tế và một vài người giáo dân tham dự đã diễn ra thật sốt sắng và cảm động. Sau khi được thụ phong, Đức cha cùng quí cha và những người tham dự lần lượt tới quì gối bên giường bệnh nhân để được tân linh mục ban phép lành…

Thầy Michael nhập Tu hội Con cái của Lòng Thương Xót Chúa tại Ba Lan vào năm 2016, Tu hội còn được gọi là Orionines, một Hội dòng phát huy tình yêu thương nhiệm mầu của Chúa, sống thân tình mật thiết với Chúa Kitô và tinh thần của Ngài. Người tu sĩ được mời gọi sống chứng tá cho vẻ đẹp tươi sáng của đời tận hiến, và sống chứng tá là một ‘người tôi tớ của Chúa Kitô cho người nghèo, nêu gương cho giới trẻ’. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Đời tận hiến này phát sinh ra sự sống linh thiêng và truyền cảm hứng làm phát sinh ra nhiều ơn gọi mới.

Tân Linh mục Michael Los đã và đang gây nhiều xúc động cho hàng ngàn ngàn người qua cuộc sống chứng nhân đức tin mãnh liệt của ngài, thực sự sống theo sự chỉ dẫn và ước mơ của Đức Thánh Cha.

Tân linh mục đã dâng lễ mở tay và cầu xin thánh Peregrine, quan thầy của bệnh nhân ung bướu cầu bầu cho những người đang mắc chúng bệnh hiểm nghèo này. Nguyện cầu thánh Peregrine cầu bầu cùng Chúa thể hiện những phép lạ cho những ai thành tâm kêu cầu Ngài.

Tân linh mục xin dâng những đau đớn của thân xác đang bị căn bệnh hủy hoại hiệp với của lễ hiến dâng của Chúa Kitô để cầu xin Chúa và Đức Maria ban cho ngài được sức mạnh chịu đựng hầu vượt qua được mọi khó khăn bệnh tật.


Source:Patheos