Ngày 29-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xây Nhà trên Đá
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
10:01 29/05/2008
CHÚA NHẬT 9 A XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ

Đêm nọ vị mục sư đi đóng cửa nhà thờ bỗng thấy một cậu bé nằm ngủ trên hàng ghế chót. Ông đến đánh thức cậu dậy, mời cậu ra để ông đóng cửa nhà thờ. Cậu bé nài nỉ ông thương cho ngủ đỡ một đêm, nhưng ông dứt khoát từ chối. Thấy cậu cố van xin quá, ông gọi điện đến hai trung tâm, nhưng cả hai nơi đều từ chối vì hết chỗ. Thế là cậu bé phải lủi thủi đi vào đêm tối, mà chẳng biết mình sẽ đi về đâu!...

Về đến phòng, vị mục sư bắt đầu đọc kinh tối và Kinh thánh như thường lệ. Hôm đó, ông đọc ngay dụ ngôn nói về người Samaritanô nhân hậu. Bỗng ông thấy cậu bé lúc nãy giống như người bị kẻ cướp, còn ông là một trong các tư tế bước qua một bên mà đi, không thương giúp người bị cướp…

Nhìn lại chính mình và tự vấn lương tâm, nhiều lúc chúng ta cũng đã hành động như vị mục sư trên đây. Chúng ta đã từng đọc và nghe Lời Chúa, nhưng hạt giống Lời Chúa không sinh hoa kết quả gì trong cuộc sống chúng ta.

Những ai nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì “giống như người dại xây nhà trên cát” (Lc 6,49). Cuộc đời này quá ngắn ngủi để chúng ta xây dựng khát vọng trường cửu của mình. Cần sáng suốt nhận định những gì chóng qua và những gì có giá trị vĩnh cửu. Phải lấy Lời Chúa làm khuôn vàng thước ngọc và nền tảng vững chắc cho cuộc sống như người xây nhà trên đá… (Theo “Sám hối và Canh Tân”).

1. “Ai nghe lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành…”:

Chúa Giêsu dùng công việc xây nhà để diễn tả giá trị đích thực đời sống đạo của người tín hữu. Sống đạo cũng giống như xây nhà. Có người xây nhà trên nền bằng cát không vững, có người xây nhà trên nền bằng đá tảng rất vững vàng.

Người môn đệ đích thực xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng Thiên Chúa, không chỉ lắng nghe những gì Chúa Giêsu đã giảng dạy mà còn thực thi những điều ấy trong đời sống của mình nữa. Có một số cách sống đạo, cần xét mình để xem đó có phải là xây nhà trên nền đá vững chắc hay không.

- Sống đạo bằng cách đọc kinh, dự lễ rất đầy đủ và chuyên cần. Có lẽ đa số người giáo dân theo cách này. Ngày Chúa nhật và những ngày lễ, nhà thờ đông người tham dự. Nhiều nơi xây thêm nhà thờ mới. Nhiều nhà thờ ngày càng trở nên chật hẹp, phải nới rộng thêm. Đây cũng là cách của những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã nói “Không phải những ai thưa ‘Lạy Chúa lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời”. Đọc kinh dự lễ rất nhiều mà rốt cuộc không được vào Nước Trời. Đó là xây nhà trên cát.

- Sống đạo bằng cách chọn Chúa là Đấng bảo vệ che chở cho đời mình. Người ta có kẻ thờ Quan Công, có người thờ thần tài, có người thờ Phật Bà Quan Âm. Nhưng tôi nhất quyết chọn Chúa vì tin rằng Ngài quyền phép hơn tất cả những thần thánh kia. Bởi thế, khi bắt đầu làm ăn, tôi cầu xin Chúa giúp; khi gặp trục trặc, tôi xin Ngài giải quyết; khi thành công, tôi dâng lễ vật tạ ơn Ngài; cho đến khi sắp chết, tôi xin Ngài rước tôi lên thiên đàng với Ngài. Thiên Chúa trở thành ô dù, là nhà tài trợ, là mạnh thường quân, là lá bùa hộ mệnh. Những người này có phần “khôn khéo” vì biết chọn theo Thiên Chúa mạnh thế hơn, nhưng xét cho cùng thì cách sống đạo của họ cũng không khác gì những người thờ các thần khác. Cũng là xây nhà trên cát.

- Có những người bệnh tật không đến nhà thờ được, hoặc ở nơi không có nhà thờ. Họ không dự lễ nhiều, nhưng họ luôn cố gắng thực hành những điều Chúa dạy trong Tin Mừng, họ quan tâm tìm hiểu ý Chúa và làm theo ý Chúa. Chúa Giêsu nói về họ: “Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá”.

Nhiều Kitô hữu nghĩ rằng khi họ đặt niềm tin vào Chúa thì giống như họ xây ngôi nhà của mình trên đá. Cuộc đời của họ sẽ an toàn. Nhưng rồi mọi chuyện không xảy ra như vậy. Họ gặp hết khó khăn này đến đau khổ khác. Họ thất vọng. Ngôi nhà của họ đã được xây trên “đá” đức tin, nhưng tại sao nó vẫn sụp đổ? Thực ra, những người đó đã hiểu sai, ít là ở hai điểm:

- Cái nền đá vững chắc mà Chúa nói không phải là tin suông mà là một đức tin thể hiện ra bằng việc làm. Chúa nói rất rõ ràng “Không phải những ai nói với Ta ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người nào thực hiện ý Cha Ta trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời”; “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá”.

Chúa không hề hứa là ngôi nhà trên đá đó sẽ không bị mưa tuôn, sóng vỗ. Điều Chúa hứa là cho dù ngôi nhà đó có bị bao nhiêu mưa tuôn và sóng vỗ đi nữa thì nó vẫn đứng vững. Nhờ đâu mà đứng vững? Nhờ sống thực hành Lời Chúa.

Một giáo dân thường biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống và làm biến đổi đời sống theo tinh thần Tin Mừng thì có giá trị hơn nhà thần học, nhà Thánh Kinh mà không sống Lời Chúa. Lời Chúa được trao ban cho mỗi người như căn nhà vững chắc trang hoàng lộng lẫy, con người có thể yên tâm nương mình trong đó. Dù căn nhà có đẹp đẽ lộng lẫy mấy đi nữa, nếu chỉ xây trên cát thì khi mưa lũ đến nó sẽ chẳng tránh khỏi sự sụp đổ. Thiên Chúa ban cho con người ngôi nhà Lời Chúa để che chở họ suốt cuộc đời lưu trú ở trần gian. Bổn phận của mỗi người là phải tạo nền móng cho căn nhà này. Xây dựng nền móng bằng cách thực hành Lời Ngài dạy, phải làm sao cho Lời Chúa đâm rễ sâu và thấm nhập trong đời sống hằng ngày.

Một đời sống đạo được kết hợp bằng những hiểu biết lý thuyết, được diễn tả bằng ngôn ngữ hoa mỹ, có thể đánh lừa được người khác, hoặc tự tạo cho bản thân một cảm giác an toàn giả tạo, nhưng nó sẽ rất nguy hiểm khi mưa lũ thử thách và bão táp bách hại kéo đến, thiệt hại tất sẽ nặng nề.

Sách Cách Ngôn viết: “Bão táp thổi qua, gian ác chẳng còn, nhưng người chính trực vững như nền vạn cổ” (Cn 10,25). Người chính trực là kẻ khôn ngoan đã xây nhà trên nền đá, mưa có đổ, nước có tràn, gió có thổi nhà vẫn không sập. Bởi thế, người khôn ngoan ở đây không có nghĩa là người hiểu biết, giỏi lý luận, có thể nói về Thiên Chúa một cách lưu loát. Nhưng người khôn ngoan phải là người luôn tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, họ đón nhận hạt giống từ kho tàng Kinh Thánh, từ bàn tiệc Phụng vụ Lời Chúa và đem cấy vào cuộc sống thực tế của chính họ cũng như của người anh em bên cạnh.

Lời Chúa vốn đã tốt đẹp bền vững, không cần con người phải chải chuốt tô điểm. Bổn phận của con người là phải liên kết Lời Chúa vào đời sống của mình. Chẳng một dịp nào mà con người có thể bỏ qua mà không áp dụng vào lời dạy của Chúa Giêsu. Chẳng một câu hỏi nào mà không đòi hỏi có giải đáp đã nằm sẵn trong lời dạy của Đức Kitô.

Một đời sống đạo lý tưởng phải là lời lặp lại câu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

2. “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu…”.

Đây là tiêu chuẩn cho người môn đệ xét mình. Muốn đạt tới hạnh phúc vĩnh viễn trong Nước Trời, không phải chỉ có một lòng tin lý thuyết mà đủ, cũng không phải chỉ nghĩ hay, nói giỏi, ngay cả cầu nguyện bằng những công thức đầy ý nghĩa mà cho rằng đã hoàn hảo. Nhưng nhất thiết phải thi hành ý muốn của Thiên Chúa, là sống theo những điều Chúa Giêsu đã dạy. Điều này nhắc bảo chúng ta:

- Sống đạo không chỉ bằng lời nói: đọc kinh nhiều, hoặc bằng ý nghĩ hay: suy tưởng sâu xa, nhưng còn bằng việc làm nữa, biết chăm lo thực hành thánh ý Chúa để thánh hoá đời sống mỗi ngày.

- Lòng đạo đức đích thực không phải do những hình thức đạo đức bên ngoài, nhưng do đời sống phù hợp với Tin Mừng của Chúa. - Muốn vào Nước Trời, cần phải nỗ lực và kiên trì sống tinh thần và giáo huấn của Chúa, chứ không được tự mãn vì những hình thức sống đạo bên ngoài.

- Học, đọc, suy niệm Lời Chúa chưa đủ, mà còn phải đem áp dụng vào đời sống những giáo huấn của Chúa nữa. Lạy Chúa, con đã được Chúa ban cho căn nhà Đức tin thật vững chắc và thật rực rỡ, đến nỗi con tưởng như thế là đủ cho con. Xin cho con luôn nhớ rằng, con còn có bổn phận xây nền móng cho căn nhà bằng cách thực hành Lời Chúa dạy, để dù có phải mưa sa nước lũ trong thử thách hoặc bão táp bách hại, ngôi nhà Đức Tin của con vẫn luôn được đứng vững trong Chúa. Amen.
 
Tự nhiên với siêu nhiên trong đời sống con người
LM Thái Nguyên
13:08 29/05/2008
TỰ NHIÊN VỚI SIÊU NHIÊN TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

Con người sống theo tính tự nhiên
thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa
” (1Cr 2,14)

Có những kẻ ham hố sự đời thì sống như thể con người chỉ là thân xác. Trái lại, người mong làm thánh thì chỉ chú tâm về mặt tinh thần. Hóa ra sự sống duy nhất bị phân chia làm hai mảnh, gây phân rẽ trong chính tâm trạng của con người. Vấn đề nhị nguyên không chỉ phát xuất ở phương Tây với Platon, mà ở phương Đông cũng có Zarathoustra, Upanisad và cả Phật giáo, đã ảnh hưởng không ít trên toàn bộ đời sống làm người cũng như trên đời sống Kitô hữu.

1. Những quan niệm về cơ cấu con người

Theo Platon, con người đích thực chính là linh hồn thiêng liêng đã có sẵn từ xa xưa trên thiên giới, ở đấy hồn ngất ngây chiêm ngưỡng những ý tưởng tinh ròng. Nhưng rồi ví một lý do nào đó, hồn phải chịu giam phạt trong thân xác. Khi tri thức sự vật, hồn chỉ hoài niệm ý tưởng đã có, nhưng chỉ mù mờ. Do đó, con đường đi lên là con đường giải thoát khỏi vật chất và giải phóng linh hồn khỏi tù ngục xác thân.

Ấn giáo hay Phật giáo cũng coi kiếp sống thể xác như những trạm dừng chân của tinh thần trong vòng luân hồi. Cứu cánh của đời là Diệt đời (nirvâna) hay Giải thoát (moksha). Tham sân si như cạm bẫy do xác, nên phải vượt khỏi thân xác, là ngục tù của tinh thần.

Tiếp nối trong thời cận đại, có những triết thuyết độc tôn như:

- Thuyết Duy Linh: chủ trương con người là tâm linh thuần túy, thân xác chỉ là dáng vẻ bề ngoài (Schopenhauer).

- Thuyết Duy vật: chủ trương con người là vật chất thuần túy. Những hành vi suy lý hay tư tưởng chỉ là những hiện tượng, hoặc được coi như kết quả tình cờ của một hệ thống thần kinh; hoặc được coi như sản phẩm của “vật chất” tiến hóa theo biện chứng pháp, nhờ có một bước nhảy vọt từ lượng sang phẩm (Karl Marx).

Ngoài ra có vài triết gia khác coi linh hồn và thân xác như hai bản thể của con người (Descartes, Malebranche, Leibniz)

2. Quan niệm Kitô giáo

Lập trường của Giáo hội khẳng định bản tính của con người là đơn nhất, vừa tâm linh, vừa xác thể. Công đồng Vat. II đã minh định: “Con người duy nhất với xác hồn” (GS 14). Rõ ràng là Giáo hội phủ nhận thuyết Nhị nguyên.

Kinh Thánh có dùng nhiều từ để chỉ về con người như: Sars (chair, xác thịt): “vì xác thịt anh em yếu đuối” (Rm 6, 19); Psychê (âme, hồn, hơi thở, sự sống): “Hồn tôi khao khát” (Tv 84, 3); Pneuma (esprit, thần khí, tâm linh): “Thần trí tôi mừng rỡ” (Lc 1, 14).

Những từ ngữ trên đều có ý nói con người cụ thể, con người toàn diện, chứ không tách biệt ra hai phần. Do đó, xác không phải là “nhà tù” của hồn, trái lại đều thuộc một bản tính con người duy nhất. Hơn nữa, tín điều về việc xác sống lại trong ngày sau hết sẽ vô nghĩa, nếu chỉ coi xác như một dụng cụ ngoại tại. Còn việc xác thịt đôi khi được Kinh Thánh coi như một ngăn trở cho đời sống hướng thượng, thì không có nghĩa là một yếu tố ngoại tại của con người. Thực ra Kinh Thánh có ý nói rằng: hoặc vì những lo lắng trong cuộc sống hằng ngày mà tâm linh bị chi phối (Kn 9, 15), hoặc vì con người cụ thể trong lịch sử cứu độ là kẻ tội lỗi có xu hướng tìm mình mà từ chối tiếng gọi của Thiên Chúa (x. Rm 7, 24; Ga 5, 17).

3. Thần học suy lý về bản tính con người

Để lý giải tính đơn nhất nơi con người, theo thánh Thomas d’Aquin, đó là một hữu thể gồm hai nguyên lý siêu hình: linh hồn thiêng liêng và chất thể đệ nhất. Linh hồn thiêng liêng là “mô thể” duy nhất nơi con người, là nguyên lý duy nhất cho hoạt động của lý trí, cảm giác, dinh dưỡng và thân xác. Còn “chất thể đệ nhất” (materia prima) là tiềm thể thuần túy, là nguyên lý giới hạn. Linh hồn điều khiển tất cả mọi sinh hoạt của thân xác, làm cho bản tính con người được hoàn hảo. Thực ra, quan niệm này dựa trên triết học Aristote cho rằng, “mọi loài đều giống như con số”, nghĩa là số 1, 2, 3 tiềm tàng trong số 4 thế nào, thì sinh hoạt của thân xác cũng hàm chứa trong linh hồn như vậy. Đây là giải thích thuộc thời Trung Cổ. Ngày nay có những giải thích mới mẻ hơn, tiêu biểu là giải thích của Cha Teillard de Chardin.

Bàn về vạn vật trong thế giới hiện tượng này, Cha Teillard de Chardin cho biết rằng, trong bất cứ vật gì chúng ta đều nhận thức được hai phương diện: nội tại và ngoại tại. “Nội tại” là chính sự hiện hữu, là tính cách đơn nhất, thường hằng và có ý nghĩa đặc biệt của nó. “Ngoại tại” là cái lệ thuộc vào thế giới bên ngoài, là cái bao hàm những biến thái di dịch trong không gian và thời gian. Nguyên lý làm cho con người hiện hữu, thường hằng, sinh động và ý thức, được gọi là “tâm linh”. Còn nguyên lý làm cho con người lệ thuộc không gian và thời gian được gọi là “thể chất”.

Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng, con người cụ thể là chính “thân thể con người” (Le corps humain). Đó là một chất thể được hình thành do một tâm linh, và chúng ta cũng có thể gọi con người là một tâm linh phô diễn và thể hiện qua một chất thể. Như thế, không phải con người “có” thân xác”, mà “là” thân xác, vì con người được “đăng ký” trong thời gian, có những liên hệ chặt chẽ với tha nhân và với vũ trụ. Dĩ nhiên, nhờ cao độ hướng nội của con người (vai trò của lý trí và ý chí) mà con người thực sự đã vượt lên trên cả yếu tố không gian và thời gian là hai yếu tố riêng của vật chất.

Cần ghi nhận rằng, “tâm linh” và “thể chất” của con người không phải là hai phương diện mâu thuẫn nhau như chủ trương của Nhị Nguyên thuyết. Gọi là “tâm linh” tất cả những gì mà tính hướng nội của chúng ta đạt tới mức độ có thể tự thể hiện bằng ý thức phản tỉnh. Còn “thể chất” là tính “ngoại tại” của phương diện hướng nội. Cả “tâm linh” và “thể chất” đều lệ thuộc nguyên nhân phổ quát là Thiên Chúa Sáng Tạo.

Quan niệm Kitô Giáo và quan niệm duy vật về con người khác nhau, không phải ở chỗ xác nhận có hay không có một linh hồn thiêng liêng. Thật ra cả hai bên đều công nhận là trong vũ trụ, nhất là nơi con người có một cái gì nội tại, có ý nghĩa, có lý trí, có nhân vị. Điểm khác biệt căn bản là những người theo thuyết duy vật khẳng định rằng thực thể của nền tảng vũ trụ và của con người chỉ là cái vẻ bên ngoài, là biến dịch, là ngẫu nhiên, là phức hợp, và không có yếu tố vĩnh cửu. Còn Kitô Giáo xác định rằng: cho dù là trong vũ trụ, nhất là nơi con người có vẻ bề ngoài, có biến dịch, có ngẫu nhiên và phức hợp, nhưng thực thể nền tảng của vũ trụ, và nhất là của con người là tính nội tại, có ý nghĩa, có lý trí, có nhân vị, thì tồn tại muôn đời. Do đó, đối với thuyết duy vật, quá trình nhân hóa nơi con người có tính cách hoàn nguyên, nghĩa là sự sống sẽ chết đi, tất cả sẽ trở về tro bụi ban đầu. Trái lại, đối với Kitô Giáo, quá trình nhân hóa tiến mãi theo chiều thuận, nghĩa là nhờ Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc, mỗi người sẽ trở thành vĩnh cửu.

4. Con người trong Đức Kitô

Vì “Ngôi Lời đã làm người và đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14), nên những gì là “thần linh nhất” (le plus divin) được tỏ bày qua những gì là “con người nhất” (le plus humain), và ngược lại, những gì là “rất người” đều mang tính cách linh thánh. Đi sâu vào kinh nghiệm về con người giúp ta đi sâu vào kinh nghiệm về Thiên Chúa. Mọi hành vi nhân linh đều có trọng lượng của nó, cảm được điều đó giúp ta nghiệm được chiều sâu thần linh.

Có thể nói rằng, tổng hợp Kitô Giáo về con người là hướng thượng, và hướng về tương lai vĩnh cửu: tương lai đó là “sự sống đời đời nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5, 21), Đấng đã tưới gội mọi vết nhơ trần tục bằng chính máu mình. Và nhờ Thánh Thần của Người là Đấng đang hoạt động trong mọi tâm hồn, để hướng đà tiến của nhân loại về nguồn sống vô biên là Thiên Chúa. Như vậy, sự sống siêu nhiên đang hoạt động trong chính sự sống tự nhiên của con người và cả nơi mọi loài khác trong vũ trụ. Bởi vậy mà thánh Phaolô nói rằng: muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày giải thoát, không còn bị lệ thuộc vào cảnh hư nát nữa, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang (x. Rm 8, 19-21).

Cứ bề ngoài mà xét, ta thấy cuộc sinh hoạt của một cá nhân chẳng có là bao: sinh, sống, rồi chết. Cuộc đời kết liễu như thế, chẳng ai lấy làm thỏa mãn. Nguyện vọng tự nhiên của con người là muốn tồn tại mãi. Nhưng cái gì tồn tại bên kia đời hiện thế? Hoặc là chính cá nhân tồn tại, hoặc là một thực tại khác biệt với cá nhân, như xã hội, chủng tộc, quốc gia, khoa học, tiến bộ? Lập trường của Giáo hội không gạt bỏ những quan niệm trên, nhưng khẳng định cá nhân tồn tại vĩnh cửu.

Con người cũng như vũ trụ đã được sáng tạo thật là tốt đẹp, nhưng còn chưa hoàn hảo. Với sự hỗ trợ của Thiên Chúa, con người còn phải nỗ lực để “thành người” để “nhân hóa” mình, tức là để chiếm lấy cái bản lĩnh, cái nhân cách, cái phẩm giá cao cả của mình: đó là nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, là cộng tác với Người mà hoạt động, bằng cách phát triển và tận dụng mọi khả năng để mưu cầu hạnh phúc trần thế và trường cửu cho mình cũng như cho tha nhân. Sứ mệnh tự nhiên nhưng cũng rất siêu nhiên này của mỗi người chỉ có thể thực hiện được cùng với Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.

Cái nghịch lý của thời đại chúng ta là chỉ quan tâm đến một phần nơi con người: quan tâm đến vật chất đổi thay nhưng lại quên lãng tinh thần vĩnh cửu; lo tổ chức cho con người một cuộc sống trần thế hoàn bị mà đánh mất sứ mạng siêu nhiên của chính con người. Ngay trong đời sống Giáo hội cũng vậy, có những khi quá lo hoàn bị cơ cấu mà đánh mất tính thiêng liêng của mình, nên người ngoài có khi chỉ còn thấy nơi Giáo hội một tổ chức trần thế hơn là một thực thể thần thiêng. Hiện trạng đó cho ta biết sống hòa hợp cả hai, biết lựa chọn và cân nhắc vấn đề theo bậc thang giá trị. Đừng như chim phượng hoàng quá say mồi, để rồi biến thành chú gà đi bươi móc rác rến hôi tanh, không còn khả năng bay về tổ ấm và vươn lên khoảng trời xanh cao đẹp vẫn dành cho mình.

5. Vai trò của thân xác trong tu tâm

Con người không làm gì mà không làm nơi và với thân xác. Thân xác và tinh thần hợp tạo nên cái mà ta gọi là Tâm hồn. Tây phương vốn coi tư tưởng là biểu phát của tinh thần, nhưng tư tưởng xuất hiện như một cái gì nghiêng về bề mặt và nó hướng về khách thể (object). Chỉ tâm tình mới nổi lên như cái “bên trong” hay chiều sâu, nhờ đó làm hiển hiện cái chính mình tôi. Bằng thân xác tôi gặp gỡ chính tâm hồn. Qua dáng người và giọng nói, tôi nhìn thấy và cảm nhận về người tôi yêu. Chính con người ấy vừa đẹp ở vẻ mặt, vừa thành thật ở đôi mắt. Ngoại diện và hình thái diễn đạt nội tâm và tình cảm ẩn chứa. Cái thu hút thật sự nơi con người ấy còn là một cái gì cao đẹp từ sâu thẳm, mà tôi có thể cảm nhận qua dung mạo bên ngoài. Vì thế, chẳng lạ gì mà thánh Gioan lại bảo: “Kẻ không yêu anh chị em mà nó thấy, thì chẳng thể yêu Thiên Chúa mà nó không thấy” (1Ga 4, 20). Đó là điều mà ta thấy rõ siêu nhiên đã thành hình trong tự nhiên.

Với hiền triết Trung Hoa, thân xác còn vươn xa hơn cả không gian khoáng-sinh-nhân nữa. Vì một cách nào đó, thân xác là một với thiên nhiên, nên khi hòa mình vào thiên nhiên, người ta còn bắt được đạo Trời in đậm nét trên thụ tạo, làm thành con đường Nhân đạo. Triết Đông còn cho rằng mệnh Trời biểu lộ ở ngay tính tự nhiên của con người, ngay trong thiên nhiên vạn vật, nhờ đó ta có thể đạt minh trí. Còn hơn thế nữa, trong Kitô giáo, với mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, thì thân xác không chỉ phản ảnh đạo Trời, nhưng còn mang Trời, thành chân dung của Trời: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14, 9). Thân xác huyền nhiệm ấy không dừng lại ở Đức Giêsu, mà lan rộng đến ai trở thành Thân mình nối dài của Ngài, nghĩa là được Kitô hóa để sống tâm tình và tính cách của Ngài. Từ nay, tính khả giác có khả năng thiêng liêng hóa và thần thánh hóa nơi dấu hiệu hữu hình, vì theo thánh Benađô, nhờ việc chiêm ngưỡng Đức Kitô, giác năng đã được thanh luyện để có thể nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi sự, nơi mọi người.

6. Giới tính

Ở đây, ta muốn nêu lên vấn đề giới tính vốn là cơ bản của thân xác, làm thành sự phản chiếu và tính nòng cốt của đôi bên nam nữ. Ai cũng hiểu rằng, muốn sống đạo sâu xa thì phải sống trọn vẹn con người mình. Do đó, ngay cả trong tu đức hay tu tâm, giới tính phải được đặc biệt lưu tâm.

- Nữ giới

Phụ nữ vốn nghiêng về tình cảm hơn là lý trí, nên tình cảm vừa là điểm yếu, vừa là điểm mạnh của họ. Ở điểm yếu, họ phải tập cho mình cách thoát ra khỏi sự kiềm chế của nó. Ở điểm mạnh, họ cần biết tận dụng sức đẩy của nó để vươn cao, tỏa sáng, vượt trên những chấp nhất nhỏ mọn và tình cảm thấp kém mà người ta vẫn gọi là “nhi nữ thường tình”. Muốn vậy, không có gì hữu hiệu bằng sự hy sinh, quên mình, để làm tan biến tính hẹp hòi, ích kỷ, vốn là nguyên nhân của sự giận hờn, ghen ghét. Nặng tình cảm thì dễ trở nên nhẹ dạ và nông nổi, kéo theo một loạt những hệ quả khác là dễ nghe, dễ theo, dễ bị ràng buộc và đồng hóa. Cái khó của nữ giới là thường suy tư theo tình cảm, mà không phân minh theo lý trí, nên dễ lạc hướng và sai lầm. Hành động của họ luôn nặng phần cảm tính nên cũng dễ chủ quan và độc đoán. Cảm nhận của họ thường lệ thuộc vào đối tượng nên cũng dễ vui dễ buồn. Nắm bắt vấn đề bằng trực giác nên cũng hên xui may rủi. Sống theo cảm ứng của bản năng, nên cũng dễ đánh mất tính siêu nhiên đã được định hướng ngay trong tự nhiên. Vì thế họ phải tập luyện cho mình có khả năng đưa tình cảm vào tầm kiểm soát của lý trí sáng suốt và ý chí luôn kiên định, đồng thời biết siêu nhiên hóa cái nhìn của mình để trải rộng tình thương một cách bao dung, chan hòa, luôn quân bình và hài hòa.

- Nam giới

Nam giới thường phát huy điểm mạnh của mình ở lý trí và ý chí. Đó là khả năng nhận biết và lập luận có tính khoa học để đánh giá thực tại một cách khách quan, đồng thời điều gì đã quyết thì không dễ thay đổi. Đây là điểm mạnh đồng thời cũng là điểm yếu, tùy theo cách vận dụng của mình để phát triển theo hướng nào. Tuy nhiên, một mình lý trí và ý chí dễ biến nam nhân thành cục sắt không có trái tim, hoặc một trái tim cứng cỏi, lạnh lùng và băng giá. Khi đó, tình cảm sẽ là hơi thở ấm áp cần thiết để biến một rôbô thành con người, một con người được dựng nên do tình yêu, để họ cũng biết tha thiết sống cho tình yêu. Nói tới yêu là nói tới tin. Tình yêu và niềm tin sẽ mở cõi lòng họ, cho họ thấy ý nghĩa và giá trị cuộc sống không nằm trong việc chinh phục, chế ngự hay chiếm đoạt, mà là sống quảng đại và bao dung. Điều này đòi họ phải vượt trên những tính toán quá hệ thống và lôgic, những phản ứng quá hình thức và máy móc, những hành động quá luật lệ và nguyên tắc. Sự rung động của con tim khiến họ biết động lòng trắc ẩn trước cuộc sống đầy những tình cảnh đáng thương, mà không bị chặn đứng bởi một khuôn khổ hay nguyên tắc nào của lý trí, ngay cả luật lệ chủng tộc hay tôn giáo. Đây là điều mà dụ ngôn người Samaritanô đã nói lên như một điển hình cho các bậc trượng phu (x. Lc 10, 29-37). Lòng nhân đạo tự nó đã mang mầm siêu nhiên, và khi được phát triển sâu rộng, đúng hướng, nó càng diễn đạt tính thần thiêng của con người.

7. Cuộc chiến Xác-Thần: giữa tự nhiên và siêu nhiên

Xác và Thần trong từ ngữ của Gioan và Phaolô là hai sức mạnh đối đầu trong con người. Xác thì ghì xuống, Thần thì hướng lên. Xác thịt ở đây hiểu theo nghĩa sinh hoạt của bản năng, mang nặng tính vị kỷ và hướng về khoái lạc. Nhưng cũng nơi con người tự nhiên ấy, có một yếu tố khác mà Phaolô gọi là Esô anthropos. Con người bên trong gồm lý trí và tinh thần, đáng lẽ phải nghiêng về luật Chúa (x. Rm 7, 22) để trở nên chính mình, nhưng bất lực trước sức mạnh nhục thể. Phải nhờ sự cứu chuộc của Đức Kitô để gia tăng sức mạnh tinh thần hầu nâng cao con người toàn diện (x. Rm 7, 25; 8, 2-6).

Chúa Thánh Thần hằng làm việc trong ta. Sự có mặt của Thánh Thần (Hieros pneuma) sinh ra nơi ta một tinh thần siêu nhiên để chiến đấu và chiến thắng. Sự chiến đấu giữa cái Tôi xác thịt và cái Tôi tinh thần nằm trong một cuộc chiến bao quát hơn giữa Bóng tối và Ánh sáng, giữa Satan và Chúa Kitô. Vấn đề không phải là diệt xác để giải phóng tinh thần, nhưng làm suy yếu sức mạnh của bóng tối là tham dục, là ích kỷ nơi ta, và làm cho sức mạnh tinh thần hưng thịnh lên mãi. Đó là một hướng sống đi lên để đạt tới tầm vóc viên mãn của con người. Thánh Phaolô cho thấy: “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an.”. (Rm 8,6). Vì thế, “Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.” (Rm 8,13). Như vậy, “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa.” (Rm 8,8).

Không thể thăng hoa đời sống mình nếu không chế ngự ham muốn. Đây là sức mạnh làm chủ bản thân đòi tu tập liên tục. Tuy nhiên, nếu kiềm chế quá sức chịu đựng của cái Tôi sẽ gây nên những hậu quả tai hại về tâm lý cũng như bước tiến thiêng liêng. Vì thế, giải trí và thư giản là cần thiết cho đời sống tu đức. Riêng đối với những ai thấy được ơn Chúa thúc đẩy mãnh liệt, sẵn sàng đi vào mọi cuộc phiêu lưu, thì nhắm mắt đưa chân, gác một bên những tính toán và khôn ngoan bình thường để sống triệt để cho Chúa. Nhưng đối với những ai không được thúc đẩy mãnh liệt như thế, thì hãy bước đi trong thận trọng và khiêm tốn.

Phương pháp tốt nhất không phải là cưỡng lại xung động (pulsion), nhưng lợi dụng sức của nó để chuyển hướng. Theo Jung thì năng lượng tâm sinh là một, dù xuôi hay ngược cũng thế, vấn đề là chuyển đổi đối tượng hướng tới. Năng lượng ấy hướng về xác thịt thì tinh thần yếu đi, nhưng nếu càng hướng đến tinh thần siêu nhiên thì ham muốn hạ đẳng càng giảm bớt. Vì thế, ta cần dồn năng lượng tâm sinh để phục vụ lý tưởng, bằng cách mở rộng lòng yêu thương và làm tăng triển những khả năng tinh thần. Một khi tinh thần trên đà chiến thắng, thì toàn thể con người thân-tâm đạt tới sự thống nhất, có khả năng siêu nhiên hóa mọi hoạt động, dễ dàng sống theo ý Chúa. Khi đã là một với chính mình thì cũng làm một với Chúa trong mọi sự. Đây là một ân ban, nhưng lại tùy thuộc nỗ lực vươn lên trong đời sống tinh thần. Kết quả là một thỏa mãn mới, nhẹ nhàng và sâu xa, trong sáng và bền vững, chứ không bứt xé và xáo động như một khoái cảm vật chất hay thể xác.

Kinh nghiệm chiến đấu thiêng liêng cho thấy lúc đầu quả là gay go, nhưng dần dần sự va chạm sẽ giảm đi, cường độ của những ham muốn mang tính bản năng yếu dần, không còn sức phản kháng nữa, để cho Thần trí lên ngôi hướng đến thiện toàn. Tuy mầm mống dục vọng vẫn còn chi phối, nhưng sức mạnh của nó đã được chuyển hóa, nhường bước cho một hấp dẫn thâm sâu của tính Thần thiêng nơi con người. Một hạnh phúc mới đã hình thành, mà xác thịt xưa kia chưa hề biết tới, nay đã chia sớt làm một với tinh thần. Tự nhiên và ân sủng đã phối kết để làm nên một cuộc sống duy nhất trong Chúa. Sự Thái hòa kết tụ từ bên trong sẽ tỏa ra sắc diện và phong thái, để rồi tác động đến bầu khí chung quanh mình. Xác-Thần đã hòa hiệp, trong ngoài đã hanh thông, và toàn thể con người như cây đèn tỏa sáng. Đó chính là hoạt động của Thánh Thần trong ta, âm thầm nhưng rất mạnh mẽ hữu hiệu, miễn ta đừng chống trả và phản kháng theo tính xác thịt của mình. Đến đây, ta mới hiểu ra kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

Tóm lại, con người siêu nhiên là con người được ân sủng biến cải trên chính nền tảng tự nhiên của nó. Con người tự nhiên là người với cả xác lẫn hồn. Trong mầu nhiệm Nhập thể, con người tự nhiên còn làm hiển lộ gương mặt bất phàm của Thiên Chúa. Và nơi nhân tính của mình, Đức Giêsu đã thông đạt cho ta tư cách con Thiên Chúa. Từ nay, cái khả giác thành “dấu hiệu hữu hiệu” hay huyền tích, để thực hiện trong ta cái siêu giác là “con người thiêng liêng”. Con người được tạo dựng cho Thiên Chúa, nên không thể qui về chính mình, không thể lấy mình làm mục đích để sống theo bản năng tự nhiên. Hơn nữa, trong thâm tâm mỗi người còn mang một khát vọng vô biên là chính Thiên Chúa, Đấng đang qui hướng toàn thể vũ trụ vạn vật và con người về chính Ngài, như một tiến trình vươn lên không ngừng. Ai tự làm ngưng đọng tiến trình này, kẻ đó phá vỡ kế hoạch thành toàn của Thiên Chúa về chính mình. Vì thế, sống là sống theo Thần Khí. Những ai sống theo Thần Khí thì không còn làm nô lệ cho tính tự nhiên theo xác thịt (1Cr 2,14), nhưng hòa quyện vào tinh thần siêu nhiên, hướng chiều theo ân sủng để kiện toàn chính mình.

Lạy Chúa, sâu nhiệm và cao cả thay những gì Chúa đã làm nên, đặc biệt trên chính đời sống con người, là chóp đỉnh của việc tạo dựng và cứu chuộc. Chúa muốn hoàn thành cách tốt nhất cuộc sống của chúng con trong tính cách của Chúa, nhưng nhiều khi chúng con cứ muốn lầm lì trong lối sống riêng của mình.

Cuộc sống Kitô hữu là một hành trình hiến thân, nhưng nhiều lúc con chỉ muốn tiến thân. Nhiều khi con chỉ muốn sống với những gì mình đang có và muốn có nhiều hơn trong cuộc trần này, mà quên sống với những gì mình là và phải là theo Thiên ý.

Ham chuộng với những gì quá tự nhiên, con đánh mất ý thức siêu nhiên. Chạy theo những gì dưới đất, con quên mất ái mộ những gì trên trời. Chỉ lo sống theo những nhu cầu của thể xác, con làm ngưng trệ những đòi hỏi bức thiết của đời sống tâm linh. Chỉ chú tâm vào những công trình và thành đạt, con trở nên bệ rạc trong chính trái tim mình.

Xin chỉnh đốn và điều hòa lại đời sống con. Xin cho con biết nhìn ngắm Đức Kitô mỗi ngày để tìm thấy sự vẹn toàn đích thực của đời sống con trong Chúa. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:09 29/05/2008
VUA LOÀI CHIM

N2T


Một buổi sáng của tháng năm, trời quang mây tạnh, một bầy chim ào ào từ trong rừng sâu và ngoài đồng ruộng bay ra. Nào là chim ưng, chim cú, chim sơn ca, chim quạ, chim khách.v.v...líu lo ồn ào tập họp nhau lại, chuẩn bị tiến hành một cuộc thi bay, ai bay cao nhất thì người ấy làm vua các loài chim.

Tín hiệu vừa phát ra, toàn bộ bầy chim hướng lên trời cao xanh mà bay, nhất thời giữa đồng ruộng bụi mịt mù, tiếng chim kêu ốn ào, giống như một đám mây đen bay qua.

Những con chim nhỏ rất nhanh bị bỏ lại phía sau, bay không nổi, chỉ có cách là bỏ cuộc thi. Những con chim lớn thì vẫn có thể kiên trì một trận, nhưng gió thổi đến thì chúng nó chỉ có thể rung động đôi cánh, chứ không thể nảo bay tiến tới được. Chỉ có con diều hâu là không giống như thế, nó bay được cao nhất, nhanh nhất, vững vàng nhất, thân thế nó mạnh mẽ, bay thẳng vào trong ráng mây. Lũ chim nhao nhao hét lớn: “Diều hâu mới là vua loài chim !”

Lúc ấy, đột nhiên có một âm thanh nói: “Ta mới là người bay được cao nhất,” một con chim nhỏ không tên tuổi lớn tiếng kêu lên.

Hóa ra là nó len én núp dưới chùm lông ức của con diều hâu, khi diều hâu bay vào trong mây thì nó mới chui ra, bay cao hơn cả diều hâu, vừa bay vừa nói: “Ta mới là vua loài chim.” Lũ chim nhao nhao nói: “Anh không tuân giữ luật chơi,” thế là chúng nó lập tức quyết định, ai có thể bay thật thấp thì kẻ ấy làm vua loài chim.

Nhưng con chim nhỏ ấy lại tìm một cái hang chuột và chui vào, lũ chim càng thêm phẩn nộ: “Chúng ta phải trừng phạt anh,” chúng nó quyết định nhốt con chim nhỏ trong hang, và sai chim cú làm người canh giữ.

Đến tối, lũ chim đã nghỉ ngơi, chỉ có chim cú đứng canh gác bên ngoài hang chuột, nhưng nó nhanh chóng mệt mỏi nên nhắm một con mắt mà nghỉ ngơi, dùng con mắt còn lại giữ cửa hang. Con chim nhỏ ấy thò đâu ra để nghe ngóng, ý đồ là bỏ chạy, nhưng chim cú vừa nhìn thấy thì lập tức xông lại, con chim nhỏ thụt đầu vào hang, một lúc sau, chim cú quá mệt nên nhắm cả hai con mắt mà ngủ, con chim nhỏ nhìn thấy cơ hội đã đến, lập tức lén lén bỏ chạy.

Từ đó về sau, chim cú không dám lộ diện vào ban ngày, bằng không thì các con chim khác sẽ truy đuổi nó, nhổ sạch lông trên mình nó, bởi vì nó không làm tròn trách nhiệm của mình. Và con chim nhỏ ấy cũng không dám khinh thường bay ra ngoài, nó chỉ có thể chui qua chui lại trong hàng rào, không ngừng kêu the thé: “Ta mới là vua loài chim,” cho nên các con chim khác gọi nó là “vua hàng rào.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Làm người khi làm việc gì thì đều phải dựa vào bản lãnh của mình để giành được sự ủng hộ của người khác, chỉ dựa vào kỷ xảo đầu cơ và ăn gian làm dối thì sẽ không có được sự đồng cảm và tôn trọng của mọi người. Ngoài ra, làm việc thì phải tận trung với chức vụ, không nên chểnh mảng với chức vụ và trách nhiệm mà phạm sai lầm lớn.

Trách nhiệm của các em là làm con trong gia đình, cho nên cần phải vâng lời va giúp đỡ cha mẹ; trách nhiệm của các em là một học sinh ở nhà trường, cho nên khi đến trường thì nên hòa đồng vui vẻ với các bạn, lên lớp thì chuyên chăm học hành; và trách nhiệm của các em cũng là một Ki-tô hữu, là con của Chúa, cho nên các em phải học hỏi Lời Chúa và thực hành lời của Chúa dạy: yêu thương tha nhân như chính mình...

Nếu chúng ta không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình, thì không ai đứng về phía chúng ta, nhưng nếu chúng ta làm tròn trách nhiệm, dù trách nhiệm đó có nhỏ xíu, thì vẫn là bày tỏ một tâm hồn trung tín và cầu tiến.

Các em thực hành:

- Làm bài tập thật tốt là chu toàn bổn phận.

- Khi làm việc thì chuyên tâm làm, không làm dở chừng.

- Noi gương Chúa Giê-su làm tròn bổn phận của Cha trên trời: đi lễ nhà thờ và thực hành những lời của Chúa Giê-su dạy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:10 29/05/2008
N2T


3. Hành vi là hướng cuối cùng của suy niệm, suy tư về giới luật của Thiên Chúa, thì nên theo giới luật của Thiên Chúa mà thực hiện, như thế việc làm của suy niệm mới là hoàn thành.

(Thánh Ambrosius)
 
Mẹ hiền dậy con tỏ lòng yêu mến Đức Maria
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
21:09 29/05/2008
MẸ HIỀN DẠY CON TỎ LÒNG YÊU MẾN ĐỨC MARIA

- Thưa Má con đi học. . Con yêu Má thật nhiều!

Vừa chào, cô Vica vừa hôn lên má bà Mẹ một cái ”chụt” thật lớn! Xong, cô chạy như bay xuống cầu thang, biến mất ra đường, nhanh chân đến trường.

Sáng nào cũng thế. Vica luôn luôn hôn chào Mẹ trước khi đi học. Nếu vì một bất cẩn hay ngăn trở nào đó, cô gái không hôn chào Mẹ, thì bằng mọi giá, Vica thường quay trở lại hôn Mẹ rồi mới an tâm đến trường. Về phía bà Sara, bao giờ bà cũng dặn với theo con gái:

- Vica, con đừng quên làm dấu Thánh Giá nhé!

Và Vica vừa chạy vừa đáp lại:

- Vâng, con sẽ nhớ!

Vica là thiếu nữ nhanh nhẹn duyên dáng. Cô gái thật nhu mì và đối xử nhã nhặn với mọi người. Cô thảo hiếu với Cha Mẹ và trìu mến đối với anh chị em trong gia đình. Chỉ có một ”điểm-đen” trong cuộc đời cô thiếu nữ. Đó là, Vica hoàn toàn dửng dưng đối với tôn giáo. Cô gái chỉ đi nhà thờ, chỉ xưng tội rước lễ vì vâng lời Mẹ nhắc nhở. Nhưng bên ngoài khung cảnh nhà thờ, Vica không muốn nghe ai nói với mình về lòng đạo đức, về việc đọc kinh cầu nguyện, kể cả việc lần hạt Mân Côi tỏ lòng kính mến Đức Mẹ MARIA!

Thấy con khô khan nguội lạnh, bà Sara vô cùng lo lắng. Bà không biết phải làm gì để gieo vào lòng con tâm tình đạo đức. Vica không bê trễ với bổn phận, cũng không xúc phạm 10 điều răn THIÊN CHÚA. Nhưng bấy nhiêu đó thôi, không đủ để sống đúng danh nghĩa tín hữu Công Giáo! Hơn ai hết, với tư cách người Mẹ Công Giáo, bà Sara ý thức rõ ràng rằng:

- Không có Tình Yêu Đức Chúa GIÊSU và Tình Thương Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA trong trái tim, thì khó lòng đương đầu với thế giới đảo điên ngày nay. Chỉ nguyên các giá trị nhân bản tốt với một tâm hồn tốt, không đủ để đối phó với các hiểm nguy và các lường gạt trong một xã hội gian dối!

Bà Sara thành khẩn tìm kiếm một phương thế kéo Vica - con gái cưng của bà - ra khỏi trạng huống đáng thương này.

Buổi sáng nọ, bà bỗng nảy ra một ý kiến. Khi Vica tiến lại gần hôn chào bà như thường lệ trước khi đi học, bà Sara đứng im, mặt lạnh như đồng. Bà phải tự chiến đấu dữ dằn lắm mới làm được như vậy. Thật ra, bà đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ tối hôm qua, khi bà bắt đầu kêu xin ơn Chúa trợ giúp. Bà biết rõ thái độ cứng rắn của bà làm ”tổn thương” tự ái Vica rất nhiều. Nhưng bà phải làm, vì lợi ích thiêng liêng lớn lao cho con gái bà. Bà Sara nói giọng đanh thép:

- Hãy đi đi, Má không thèm cái hôn của con!

Cô Vica vừa ”chưng-hửng” vừa đau đớn thưa:

- Ủa, con hôn chào Má mà!

Không rõ chính lúc này đây, ai là người đau khổ nhiều nhất: bà Sara hay cô Vica?

Thế nhưng, đây là thời điểm thuận tiện để bà Sara giáo dục cô gái lớn. Bà nhẹ nhàng giải thích:

- Mỗi lần Má nhắc con đọc kinh kính Đức Mẹ MARIA, thì trăm lần như một, con đều từ chối. Con lấy lý do Đức Mẹ biết rõ con yêu mến Đức Mẹ rồi, không cần 'lảm-nhảm' làm chi những lời nhàm chán! Rồi khi Má nhắc con hôn kính ảnh thánh, con liền 'ngoày-ngoạy' lắc đầu. Con không biết rằng, Đức Mẹ MARIA chính là Mẹ của Đức Chúa GIÊSU và cũng là Mẹ của con nữa sao?

Cô gái cứng miệng đứng im, lặng lẽ nghe Mẹ nói. Bà Sara tiếp tục bài giáo lý:

- Vica à, từ 22 năm qua, con không ngừng nói cho Má biết con thương Má nhiều! Vậy thì, cho đến giờ phút này đây - theo lý luận hùng hồn của con - hẳn Má phải biết rõ là con thương Má lắm! Vậy cần chi mà con cứ 'lải-nhải' hoài cái điệp khúc nhàm chán ấy? Theo Má, con khỏi cần hôn chào Má và nói con thương Má nữa! Bởi vì, Má đã biết rõ rồi mà! Thêm vào đó, hẳn con không quên rằng, Má không thích những chuyện không ”ăn-khớp” với nhau. Vậy thì hôm nay, Má muốn con dứt khoát một lần cho xong, hoặc con phải tỏ lòng ngoan thảo kính mến Đức Mẹ MARIA, hoặc con phải chấm dứt việc con bày tỏ con thương Má. Con có hiểu đúng ý Má không?

Vica hiểu thấm thía lời Mẹ dạy. Cô gái bật lên khóc nức nở. Lời Mẹ dạy đi kèm với lời cầu nguyện tha thiết trở thành ơn thánh lay động tấm lòng chai cứng nguội lạnh của Vica. Cô con gái ngã vào vòng tay hiền mẫu. Bà Sara vui mừng cảm động không kém. Bà kết thúc bài giáo lý:

- Đừng đợi đến sáng mai mới thưa với Đức Mẹ MARIA là con yêu mến Đức Mẹ. Con phải làm ngay bây giờ. Phải lập đi lập lại lòng con kính mến Đức Mẹ qua việc lần hạt Mân Côi. Con cũng nên hôn kính ảnh thánh Đức Mẹ MARIA và thưa với Đức Mẹ rằng: ”Lạy Mẹ dấu yêu, xin Mẹ thương trợ giúp con. Con yêu mến Mẹ nhiều. Con yêu mến Mẹ nhiều!”

... ”Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ, rồi các ngươi sẽ được sống, và như vậy, Đức Chúa, THIÊN CHÚA các đạo binh sẽ ở cùng các ngươi, như lời các ngươi nói. Hãy ghét điều dữ và chuộng điều lành, nơi cửa công, hãy thiết lập công lý; biết đâu, Đức Chúa, THIÊN CHÚA các đạo binh sẽ dủ lòng thương số còn sót của Giuse” (Sách Amos 5,14-15).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, n.11, 9-3-2003, trang 11)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đối thoại Liên Tôn: Cơ nguy hay Cơ may?
Vũ Văn An
03:53 29/05/2008
Đối Thoại Liên Tôn, Cơ Nguy hay Cơ May?

London, 28 Tháng Năm, 2008 (Zenit.org).- Sau đây là bài diễn văn của Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, đọc vào ngày Thứ Ba vừa qua tại Trường Heythrop thuộc Viện Đại Học London, tựa là “Đối Thoại Liên Tôn, Cơ Nguy hay Cơ May?”

Ta đang phát triển trong các xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo. Nói như thế chỉ là nói một điều hiển nhiên. Vì hiện không có một xã hội nào đồng nhất về tôn giáo cả. Tại Âu Châu, từ lớp mẫu giáo trở lên, trẻ em đã chen vai sát cánh với các bạn cùng lớp thuộc đủ nguồn gốc và thuộc các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Ta sẽ không ngạc nhiên chút nào về hiện tượng ấy nếu chịu nhớ lại điều Paul Tillich từng viết: “Tôn giáo là bản thể của văn hóa” (trong Thần Học Văn Hóa, nhà xuất bản Placet, 1978, tr.92). Lịch sử không hề biết các nền văn hóa vô tôn giáo!

Con Người Đã Đủ

Ấy thế mà, tại Âu Châu từ thế kỷ 18 trở đi, người ta lại bắt đầu xác tín rằng đức tin không thể đi đôi với lý trí được. Dù vốn là một tín hữu, Descartes vẫn cứ áp dụng phương pháp hoài nghi của ông vào cả các vấn đề đức tin nữa. Cái dòng tư duy ấy sẽ hạ sinh ra nền triết lý Đại Ánh Sáng: lý trí tự mình nắm được chân lý. Các tiêu chuẩn luân lý tự nhiên, lòng khoan dung, chủ nghĩa duy thần và đối với một số người, cả chủ nghĩa vô thần nữa, sẽ dẫn người ta tới niềm tin cho rằng một mình con người đã đủ rồi. Sau tiến bộ vượt bực của khoa học (Newton qua đời năm 1727), sau việc phát triển du lịch (và cả truyền giáo nữa) cùng các khủng hoảng xã hội không được giải quyết, xem ra nhiều người cho rằng Kitô giáo, với các tín điều và giáo huấn luân lý, đã không góp phần chi vào các tiến bộ trên.

Người ta cho rằng mọi người đều thuộc cùng một gia đình nhân loại và vì có lý trí, nên họ dễ dàng nhận ra có một tôn giáo tự nhiên ở trên đời, một thứ tôn giáo bất cần tín điều và cuồng tín. Cá nhân đã đủ cho chính họ. Chẳng cần chi phải cậy nhờ vào tôn giáo để giải thích nguồn gốc con người, cũng chả cần chi chờ mong cái hạnh phúc ở cõi bên kia trái đất. Thế là họ đặt con người vào tâm điểm thế giới và siêu nhiên thể được họ loại trừ. Trên bình diện ý niệm, cái nhìn về sự vật như thế tất nhiên sẽ dẫn tới Chủ Nghĩa Duy Khoa Học (những gì lý trí nhân bản không biện minh được thẩy đếu không hiện hữu) và trên bình diện hành động, sẽ dẫn tới Cách Mạng Pháp (tổ chức xã hội không cần Thiên Chúa), vươn tới đỉnh cao trong thế kỷ 20 dưới hai hình thức toàn trị (Chủ Nghĩa Mác-xít Lê-ni-nít và ý thức hệ Đức Quốc Xã).

Hiển nhiên là Giáo Hội thách thức cái nhìn ấy và chủ trương rằng loại bỏ tôn giáo ra khỏi lý trí là chặt chân chặt tay con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Thông Điệp Fides et Ratio của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II diễn tả điều ấy rất hay rằng: “Nguồn gốc mọi sự nằm nơi Thiên Chúa, trong Người, ta tìm thấy sự tròn đầy của mầu nhiệm, và trong sự tròn đầy ấy là vinh quang của Người; (mọi người chúng ta) đàn ông cũng như đàn bà đều có trách nhiệm phải dùng lý trí mà dò tìm chân lý, sự cao qúy của họ hệ ở chỗ ấy” (số 17).

Thiên Chúa Tái Xuất Hiện

Nhưng chính đấng Thiên Chúa mà ta xua đuổi trước đây ấy, nay đang tái xuất hiện trong các nói năng công cộng ngày nay. Các sạp báo đầy các sách vở và tập san nói tới các chủ đề tôn giáo, chủ nghĩa bí truyền (esotericism) và các tôn giáo mới. Có người, như Gilles Képel, nói tới “cuộc trả thù của Thiên Chúa”. Ngày nay, người không thể hiểu được thế giới mà lại không có tôn giáo. Và, đây quả là một nghịch lý vĩ đại trong hoàn cảnh hiện nay, sở dĩ như thế vì các tôn giáo bị người ta coi như một nguy cơ: cuồng tín, bảo thủ cực đoan và khủng bố nữa vốn từng và hiện vẫn còn được liên kết với một hình thức thoái hóa của Hồi Giáo. Dĩ nhiên, đại đa số tín hữu Hồi Giáo đang thực hành một tôn giáo chân thực, không ai hoài nghi chuyện đó. Nhưng trên thực tế, có người vẫn giết người vì các lý do tôn giáo (việc sát hại Tổng Giám Mục Can-đê của Mosul chẳng hạn). Tôi đọc được việc 123 Kitô hữu đã bị giết trong năm 2007 tại Iraq, Ấn Độ và Nigeria chỉ vì họ là Kitô hữu. Lý do là các tôn giáo có khả năng thực hiện những điều tốt nhất nhưng cũng không thiếu khả năng thực hiện những điều tồi tệ nhất: họ vừa phục vụ thánh thiện vừa phục vụ tha hóa. Họ giảng cả hòa bình lẫn chiến tranh. Ấy thế nhưng, luôn cần phải giải thích rằng không phải chính các tôn giáo gây chiến mà chỉ là các tín hữu của họ! Bởi thế mà một lần nữa, ta cần phải liên hợp đức tin với lý trí. Vì hành động ngược với lý trí, trên thực tế, là hành động ngược với Thiên Chúa, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng nói tại Viện Đại Học Regensburg ngày 12 tháng Chín năm 2006: “Lúc khởi thủy đã có Lời. […] Lời có nghĩa cả lý trí lẫn lời nói, một lý trí có tính sáng tạo và có khả năng tự thông đạt, trong tư cách lý trí. […] Một lý trí không nghe được thể thần thiêng và đẩy tôn giáo xuống hàng văn hóa phụ (subcultures) không bao giờ có khả năng bước vào cuộc đối thoại văn hóa”.

Như thế, ta đang hiện diện trong một thế giới trong đó, vì sự bất ổn vật chất và nhân bản của nó, vì các nguy cơ chiến tranh và các đe dọa của môi trường, vì sự thất bại của các hệ thống chính trị lớn trong thế kỷ vừa qua, con người của thế hệ này một lần nữa đang tự hỏi mình nhiều câu hỏi chủ yếu liên quan đến ý nghĩa của sống và chết, ý nghĩa của lịch sử và của các hậu quả do các khám phá kỳ diệu của khoa học kia đem lại. Người ta từng quên khuấy rằng con người là tạo vật duy nhất biết hỏi các câu hỏi và biết tự hỏi chính mình. Quả đáng lưu ý khi Nostra Aetate, tức Bản Tuyên Bố Của Công Đồng Vatican II về Các Tôn Giáo không phải là Kitô Giáo, đã nhấn mạnh đến khía cạnh trên trong phần dẫn nhập như sau: “Con người đang hướng về các tôn giáo khác nhau của mình để tìm ra giải đáp cho những điều khó hiểu chưa được giải quyết liên quan đến cuộc nhân sinh. Các vấn đề đang đè nặng lên trái tim con người hiện nay cũng y hệt như ngày qua. Con người là gì? Ý nghĩa và mục đích của đời người là chi?Tác phong nào đúng đắn, tác phong nào tội lỗi? Đau khổ do đâu mà có và nó nhằm mục đích chi? Hạnh phúc chân thực tìm đâu mà có?” (số 1).

Nostra Aetate

Thành ra, tất cả chúng ta đều buộc phải đối thoại. Nhưng đối thoại là gì? Đối thoại là đi tìm sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai cá nhân nhằm đạt được một giải thích chung cho các thỏa hiệp hay bất đồng của họ. Nó hàm nghĩa phải có một ngôn ngữ chung, phải trung thực trong lúc trình bầy quan điểm của mình và phải có ý muốn sẽ làm hết sức để hiểu quan điểm của người kia.

Áp dụng vào cuộc đối thoại liên tôn, các giả thiết bao hàm trên làm ta dễ hiểu hơn rằng trong bối cảnh tôn giáo, đối thoại không phải là vấn đề phải “tốt bụng” để làm vui lòng người khác! Cũng không phải là vấn đề thương lượng: Tôi đã tìm được giải pháp cho vấn đề rồi và mình nên chấm dứt ở đây. Trong cuộc đối thoại liên tôn, vấn đề là phải chấp nhận rủi ro, không chấp nhận từ bỏ các xác tín của tôi nhưng để mình bị chất vấn bởi các xác tín của người khác, chấp nhận xem sét các luận điểm khác với các luận điểm của tôi hay luận điểm của cộng đồng tôi. Mọi tôn giáo, theo cách thức riêng của mình, đều cố gắng giải đáp các điều bí ẩn trong thân phận làm người. Mỗi tôn giáo đều có bản sắc riêng nhưng bản sắc này giúp tôi có khả năng biết xem sét tôn giáo của người khác. Chính từ thái độ ấy mà có đối thoại. Bản sắc, khác biệt và đối thoại luôn cùng nhịp bước.

Đức tin Kitô giáo của tôi tuyên xưng rằng Chúa Giêsu, “ánh sáng thật nhằm soi dẫn mọi người đã bước vào trần gian” (Ga 1:9). Nghĩa là trong mỗi một con người, ai cũng có ánh sáng Chúa Kitô. Thành thử, tất cả những gì có tính tích cực trong các tôn giáo đều không thể không có bóng. Tất cả những gì tích cực đều dự phần vào Ánh Sáng vĩ đại đang rực rỡ chiếu trên mọi thứ ánh sáng kia. Như thế, người ta hiểu rõ hơn lời nói đầu của Nostra Aetate và tài liệu “Đối Thoại Và Tuyên Xưng”: Mọi điều chân thực và thánh thiện trong mỗi tôn giáo đều được nhìn nhận, củng cố và đem đến chỗ hoàn bị trong Chúa Kitô. Luận lý của Nhập Thể là thế này: Ngôi Lời mặc lấy, thanh tẩy và vinh quang bản tính con người! Nhưng nên thận trọng: ta không nói: mọi tôn giáo đều giá trị như nhau. Mà nói: Mọi người đi tìm Thiên Chúa đều có phẩm giá như nhau!

Hội Đồng Đối Thoại Liên Tôn

Mục đích của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, do Đức Phaolô VI thiết lập vào Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1964, là để áp dụng cái nhìn trên đây, vốn phát sinh từ Bản Tuyên Bố Nostra Aetate (bản tuyên bố ngắn nhất của Công Đồng Vatican II). Hội đồng này có ba mục tiêu:

* đẩy mạnh sự hiểu biết, kính trọng và hợp tác lẫn nhau giữa người Công Giáo và các tôn giáo ngoài Kitô Giáo;

* khuyến khích và phối hợp việc học hỏi các tôn giáo này;

* cổ vũ việc huấn luyện các nhân viên phục vụ cuộc đối thoại liên tôn.

Cần phải nhấn mạnh rằng người thủ diễn cuộc đối thoại liên tôn không phải là các chức sắc làm việc tại Hội Đồng này mà là các tín hữu giáo dân và các mục tử trong các Giáo Hội địa phương. Chúng tôi chỉ can thiệp để giúp họ ngõ hầu khuyến khích, một cách đúng đắn hợp học thuyết, các hiểu biết và hợp tác giữa các tín hữu được mời gọi đem người ta trở lại, tiến lại gần Thiên Chúa và vâng phục thánh ý Người. Loại đối thoại này, trong yếu tính, vốn là một sinh hoạt tôn giáo.

Hội Đồng chúng tôi được tổ chức như sau:

* một nhóm thành viên gồm các vị hồng y và giám mục từ một số quốc gia sẽ gặp nhau trong một Hội Nghị Khoáng Đại cứ hai/ba năm họp một lần;

* một nhóm tham vấn: khoảng 30 chuyên viên đại diện nhiều miền khác nhau;

* các viên chức của Hội Đồng.

Cùng với nhau, chúng tôi cố gắng bước theo con đường đã được Đức Bênêđíctô XVI vạch ra: “khảo sát mầu nhiệm của Thiên Chúa dưới ánh sáng các truyền thống tôn giáo và khôn ngoan của mỗi chúng ta để nhận ra các giá trị có thể soi sáng cho mọi người thuộc mọi dân tộc trên thế giới, bất kể họ thuộc nền văn hóa và tôn giáo nào… Mọi truyền thống tôn giáo riêng của chúng ta đều nhấn mạnh tới tính thánh thiêng của sự sống và phẩm giá của nhân vị… Cùng với mọi người thiện tâm, ta khát vọng hòa bình. Chính vì thế tôi xin nhấn mạnh một lần nữa: việc tìm tòi và đối thoại liên tôn và liên văn hóa không phải là điều muốn làm hay không tùy ý nhưng là một nhu cầu sinh tử đốivới thời đại ta” (Diễn Văn đọc trước các thành viên của Qũy Tìm Tòi và Đối Thoại Liên Tôn và Liên Văn Hóa, ngày 1 tháng Hai năm 2007).

Liên Hệ Với Hồi Giáo và Do Thái Giáo

Ta luôn luôn cần phải trở lại với Nostra Aetate nhất là các đoạn 2 và 3: “Giáo Hội Công Giáo không bác bỏ bất cứ điều gì chân thực và thánh thiện trong các tôn giáo này. Giáo hội rất kính trọng lối sống và cách hành xử, các giới luật và học thuyết, những thứ, tuy khác nhau nhiều cách so với giáo huấn riêng của mình, tuy nhiên thông thường vẫn phản ảnh một tia sự thật có thể soi dẫn mọi người. Ấy thế nhưng, Giáo Hội luôn tuyên xưng và có bổn phận buộc phải tuyên xưng một cách không sai lầm rằng Chúa Kitô ‘là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’ (Ga 1:6). Nơi Người, nghĩa là nơi Thiên Chúa giao hòa mọi sự với chính Người, con người tìm được sự viên mãn cho cuộc sống tôn giáo của mình” (số 2). Và ở đây ta cần phải nhắc đến các mối liên hệ đặc biệt từng liên kết các Kitô hữu với người Hồi Giáo là những người “thờ phượng Thiên Chúa, Đấng độc nhất, hàng sống và hằng hữu, nhân từ và toàn năng… tnừg lên tiếng với con người” (số 3), cũng như các dây liên kết hiện có với người Do Thái, mà từ họ, “Giáo Hội… đã tiếp nhận được mạc khải của Cựu Ước” và Chúa Kitô cũng như các Tông Đồ xét “theo xác thịt” vốn thuộc dòng dõi họ (xem số 4).

Nhờ thế, như Thông Điệp Redemptoris Missio (ngày 7 tháng Mười Hai năm 1990) đã nói, ta sẽ hiểu rõ hơn rằng cuộc đối thoại liên tôn “không bắt nguồn từ các quan tâm có tính chiến thuật hay tư lợi” mà “được đòi hỏi bởi một lòng kính trọng sâu xa đối với mọi điều được Chúa Thánh Thần, Đấng muốn thổi đâu tùy Người, đã đem vào lòng mỗi một con người nhân bản”. Như thế, “nhờ đối thoại, Giáo Hội tìm cách đào xới được ‘các hạt giống Lời Chúa’, một ‘tia sáng sự thật soi dẫn mọi người’, vốn có sẵn nơi các cá nhân và các truyền thống tôn giáo của nhân loại”. Thành thử ra, “các tôn giáo tạo thành một thách thức tích cực đối với Giáo Hội: các tôn giáo này kích thích Giáo Hội vừa khám phá ra vừa thừa nhận các dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, cũng như khảo sát cách sâu sắc hơn chính bản sắc của mình và làm chứng tá cho sự viên mãn của Mạc Khải mà Giáo Hội vốn tiếp nhận cho lợi ích của mọi người” (số 56).

Từ Khoan Dung Qua Gặp Gỡ, Đối Thoại

Người ta có thể nói rằng từ lúc kết thúc Công Đồng Vatican II đến nay, người Công Giáo đã chuyển dịch từ khoan dung qua gặp gỡ để bước vào đối thoại:

* đối thoại trong cuộc sống: liên hệ láng giềng tốt với người ngoài Kitô giáo để khuyến khích việc chia sẻ vui buồn;

* đối thoại trong công ăn việc làm: hợp tác nhằm phúc lợi chung cho hai bên, nhất là những người cô đơn, nghèo khó hay đau yếu;

* đối thoại trong các trao đổi thần học giúp các nhà chuyên môn hiểu sâu sắc hơn các gia tài tôn giáo của nhau;

* Đối thoại trong linh đạo giúp đem lại các phong phú trong đời sống cầu nguyện của cả đôi bên đem lại lợi ích cho mọi người;

Bởi thế, cuộc đối thoại liên tôn động viên được mọi người đang trên đường hướng về Thiên Chúa, về Đấng Tuyệt Đối.

Các tín hữu đang thực hành cuộc đối thoại này được nhiều người biết đến. Họ là vốn qúy của xã hội. Vì các công dân gắn bó với một tôn giáo bao giờ cũng chiếm đa số, nên có cả một ‘sự kiện tôn giáo” làm chủ yếu, đến độ niềm tin tôn giáo nào cũng được thực hành ngay trong lòng xã hội. Các tín hữu hiện diện và được nhận dạng nhờ số đông, bề dầy lịch sử truyền thống, sự hiện diện hữu hình trong các định chế và nghi thức của họ. Họ được đánh giá hay bị chống đối, nhưng họ không để ai nhửng nhưng. Tất cả những điều ấy giúp các nhà lãnh đạo của họ có thể giao tiếp với tín hữu của cộng đồng khác mà không đánh mất bản sắc của họ cũng như gặp gỡ nhau mà không kình chống nhau. Các thẩm quyền dân sự chỉ cần lưu ý đến sự kiện tôn giáo, canh chừng để người ta tôn trọng cách hữu hiệu quyền tự do lương tâm và tôn giáo, và chỉ can thiệp khi quyền tự do đó gây hại tới quyền tự do của những người không tin hay làm rối loạn trật tự và y tế công cộng.

Sự Đóng Góp Của Các Tôn Giáo

Nhưng một cách tích cực hơn, các nhà lãnh đạo xã hội luôn tỏ ra quan tâm đến việc khuyến khích đối thoại liên tôn và rút tỉa được từ các gia tài thiêng liêng và tinh thần của các tôn giáo các giá trị có thể góp phần vào sự hoà hợp tinh thần, vào các gặp gỡ văn hóa và vào việc củng cố ích chung. Hơn nữa, theo cách thế riêng, mọi tôn giáo đều thúc đẩy các tín hữu của mình hợp tác với tất cả những ai cố gắng:

* đảm bảo việc kính trọng nhân phẩm và các quyền căn bản của con người;

* khai triển một cảm thức huynh đệ và trợ giúp lẫn nhau;

* rút tỉa cảm hứng từ cách hành xử của các cộng đồng tín hữu là những người ít nhất mỗi tuần một lần tụ họp cùng với hàng triệu những con người hết sức khác nhau nhưng cùng chung một bối cảnh thờ phượng trong một hiệp thông thiêngliêng đích thực;

* giúp con người thời nay không trở thành nô lệ cho thời trang, cho tiêu thụ và cho lợi nhuận mà thôi.

Như thế, để trả lời dứt khoát cho câu hỏi “Đối thoại tôn giáo, cơ nguy hay cơ may?”, tôi xin trả lời là cả hai!

Nếu thế, chắc các bạn sẽ hỏi tôi: “Nhưng tại sao các tôn giáo lại làm người ta sợ?”

Tôi xin thưa rằng ta không nên sợ các tôn giáo: Các tôn giáo thường chỉ rao giảng tình huynh đệ! Ta chỉ nên sợ các tín hữu của họ mà thôi. Vì chính các tín hữu này đã hủ hóa tôn giáo bằng cách bắt nó phục vụ các toan tính xấu xa. Thí dụ chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo chẳng hạn, nó quả là một hình thức hủ hóa của tôn giáo, cũng như việc biện minh cho khủng bố nhân danh các giá trị tôn giáo vậy. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cần có can đảm để lên án và cắt bỏ các “ung nhọt” này đi.

Các Yếu Tố Tiêu Cực

Tuy nhiên, bất hạnh thay, nhiều yếu tố khác đã góp phần khích lệ người ta sợ các tôn giáo:

* sự kiện chúng ta hay dốt nát không biết rõ nội dung các tôn giáo khác;

* sự kiện chúng ta chưa gặp gỡ tín hữu các tôn giáo khác;

* sự dè dặt của chúng ta không chịu giáp mặt với tín hữu các tôn giáo khác chỉ vì lý do đơn giản là mình không hiểu rõ chính tôn giáo của mình!

* và rồi, lẽ dĩ nhiên, các hành động bạo lực hay khủng bố nhân danh tôn giáo.

Cộng vào đó còn có các khó khăn gặp phải lúc thực hành đức tin nơi các tín hữu thuộc một nhóm thiểu số trong các quốc gia mà tôn giáo của đa số được hưởng quy chế ưu đãi do lịch sử hay luật pháp đem lại.

Để chữa trị trạng huống trên, điều cần thiết là phải:

* có một bản sắc thiêng liêng rõ rệt: biết mình tin ai và tin gì;

* coi người khác không như địch thủ mà như người đi tìm kiếm Thiên Chúa;

* đồng ý đề cập đến những điều phân rẽ ta và các giá trị liên kết ta;

Hồi Giáo Và Kitô Giáo

Ta hãy lấy trường hợp Hồi Giáo. Điều phân rẽ ta quả không thể ngụy trang được:

* mối liên hệ với Thánh Kinh của mỗi bên: đối với người Hồi Giáo, Kinh Kô-răng là “Lời Siêu Nhiên Đọc” cho tiên tri chép lại, trong khi đối với Kitô hữu, Mạc Khải không phải là một cuốn sách, mà là một Ngôi Vị;

* Ngôi Vị Chúa Giêsu được người Hồi Giáo coi chỉ như một tiên tri ngoại hạng mà thôi;

* Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi khiến người Hồi Giáo bảo rằng ta theo thuyết đa thần.

Nhưng cũng có nhiều thực tại cho thấy chúng ta liên kết với nhau và đôi khi còn hợp tác với nhau trong việc phổ biến cùng một chính nghĩa:

* niềm tin vào tính duy nhất của Thiên Chúa, Đấng dựng nên sự sống và thế giới vật chất;

* đặc tính thánh thiêng của nhân vị, từng giúp làm dễ sự hợp tác giữa Tòa Thánh và các xứ Hồi Giáo với Tổ Chức Liên Hiệp Quốc để ngăn cản các nghị quyết có hại cho gia đình;

* canh chừng không để các biểu tượng được coi là thánh thiêng trở thành đối tượng chế riễu nơi công cộng.

Tôi cũng xin thưa rằng một số phạm vi sinh hoạt cụ thể trong đó các Kitô hữu và người Hồi Giáo từng hợp tác cách hữu hiệu nhằm ích chung là:

* Trước hết, nhờ chứng tá bằng đời sống cầu nguyện, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, ta nhắc nhớ cho mọi nguời thấy “con người không chỉ sống bằng cơm bánh mà thôi”. Trong thế giới của chúng ta ngày nay, điều bắt buộc là phải nhấn mạnh và chứng tỏ được sự cần thiết của cuộc sống nội tâm.

* Thứ hai, các Kitô hữu và người Hồi Giáo biết trung thành với các cam kết thiêng liêng của mình có thể giúp người ta hiểu tốt hơn rằng tự do tôn giáo không phải chỉ có nghĩa là có nhà thờ hay đền thờ riêng để sử dụng (điều này đương nhiên là phải có và tối thiểu phải có) nhưng còn là có khả năng để dự phần vào các đối thoại công cộng qua sinh hoạt văn hóa (trường học và đại học) và qua cả các trách nhiệm chính trị và xã hội nữa trong đó các tín hữu phải là những người mẫu mực.

* Cùng với nhau, Kitô hữu và người Hồi Giáo không được do dự trong việc bảo vệ tính cách thánh thiêng của sự sống con người và phẩm giá gia đình, như họ từng làm trong khuôn khổ các cuộc họp gần đây của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc.

* Họ không nên hạn chế việc kết hiệp các cố gắng chung nhằm chống lại nạn mù chữ và bệnh tật.

* Họ có trách nhiệm chung trong việc cung cấp việc huấn luyện đạo đức cho giới trẻ.

* Cuối cùng, họ phải là những người kiến tạo hòa bình và truyền dạy sư phạm hòa bình ngay trong gia đình, trong nhà thờ và đền thờ, trong trường học và trong đại học.

Trong “Thư Ngỏ” của 138 nhà lãnh đạo Hồi Giáo ngỏ cùng các nhà lãnh đạo Kitô giáo, người ta đã đúng lúc nhấn mạnh rằng Kitô hữu và tín hữu Hồi Giáo chiếm 55% tổng số dân số thế giới và do đó, nếu họ trung thành với tôn giáo riêng của họ, họ có thể làm được rất nhiều cho ích chung, cho hòa bình và hòa hợp trong xã hội mà họ là các thành viên.

Một bối cảnh như thế quả là thuận lợi cho việc giải quyết các “chủ đề” cổ xưa và đầy gai góc như: vấn đề nhân quyền; nguyên tắc tự do lương tâm và tôn giáo; tính cách có qua có lại liên quan đến nơi thờ phượng.

Một Gia Đình Duy Nhất

Sau cùng, điều phát sinh sợ hãi trước hết vì người ta thiếu hiểu biết người khác. Việc đầu tiên cần làm là ta phải trở nên quen thuộc lẫn nhau thì mới yêu thương nhau được! Đó lá thánh ý Thiên Chúa. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói tại Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng ta được kêu gọi làm việc chung với nhau để giúp xã hội mở lòng ra đón nhận cõi siêu việt, đem lại cho Đấng Toàn Năng chỗ đứng đúng đắn của Người…” (Gặp Mặt Ông Chủ Tịch Văn Phòng Tôn Giáo Vụ, Phòng Hội Họp tại Điện Diyanet, Ankara, 28 tháng Mười Một, năm 2006).

Cuối hết, cho phép tôi nói rằng các Kitô hữu và người Hồi Giáo là sứ giả của sứ điệp hai mặt sau đây:

1. Chỉ một mình Thiên Chúa đáng được tôn thờ. Cho nên mọi ngẫu tượng do con người tạo ra (giầu có, quyền lực, dáng bề ngoài, chủ nghĩa khóai lạc) chỉ tạo nên nguy cơ cho phẩm giá con người, vốn là tạo vật của Thiên Chúa.

2. Trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều chỉ thuộc một nòi giống, một gia đình duy nhất mà thôi. Tất cả mọi người đều được kêu gọi hưởng tự do và gặp gỡ Người sau khi chết.

Nếu tôi được phép nói như thế, thì các tín hữu quả là các nhà tiên tri của lòng hy vọng. Họ không tin mệnh số. Họ biết họ được Thiên Chúa ban tặng một trái tim và một trí khôn, nên, với sự giúp đỡ của Người, họ có thể thay đổi dòng lịch sử để quy hướng đời họ theo dự án của Đấng Hóa Công: nghĩa là làm cho nhân loại trở thành một gia đình đúng nghĩa trong đó mỗi người chúng ta đều là một thành viên. Dù sao, đối với Kitô hữu chúng ta, chúng ta luôn ghi nhớ lời khuyên của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma: “Như thế ta hãy theo đuổi điều dẫn tới hòa bình và xây dựng lẫn nhau” (14:19). Quả là một bản đồ chỉ đường tuyệt đẹp, phải không qúy bạn!

Nhưng nói thế rồi, ta phải khiêm cung một chút. Ta không giải thích Thiên Chúa! Ta phải dừng lại trước ngưỡng cửa mầu nhiệm, “Mầu nhiệm Thiên Chúa nơi con người bị nắm bắt chứ không nắm bắt, nơi họ thờ phượng chứ không lý luận, nơi họ bị chinh phục chứ không chinh phục” (Karl Rahner).
 
Ứng Cử Viên PTT tương lai của Obama là một người Công giáo ủng hộ phá thai?
Anthony Lê
09:41 29/05/2008
Ứng Cử Viên Phó Tổng Thống Tương Lai của Obama Là Một Người Công Giáo Cực Lực Ủng Hộ Việc Phá Thai?

Bà Kathleen Sebelius
TOPEKA, Kansas – Nữ Thống Đốc của tiểu bang Kansas là Bà Kathleen Sebelius đã lọt vào danh sách rút ngắn về việc có thể trở thành ứng cử viên Phó Tổng Thống chung với Thượng Nghị Sĩ Barack Obama trong cuộc chạy đua vào chức Tổng Thống sắp tới của Đảng Dân Chủ.

Bà Sebelius tự nhận mình là một người Công Giáo thế nhưng lại là người có quan điểm cực đoan nhất về những cam kết ủng hộ cho các nghị trình phá thai một cách điên loạn và tàn bạo.

Tên của Bà được liệt kê trong số 3 ứng viên sáng giá nhất cho chức vụ Phó Tổng Thống, một danh sách do nhóm vận động hành lang của Đảng Dân Chủ đưa cho hãng thông tấn AP (Associated Press) vào ngày hôm qua. Các nhà phân tích của Đảng Dân Chủ nhận thấy Bà Sebelius là một sự chọn lựa có giá trị nhất vì Bà có thể chia sẽ kinh nghiệm điều hành cấp cao trong tư cách là Thống Đốc tiểu bang cho Obama - người thiếu kinh nghiệm và bổng dưng được nổi lên tức thời - và thêm vào đó Bà này có thể mang về các cử tri nữ - những người đã thất vọng trước sự thất bại của Hillary Clinton.

Xét về sơ yếu lý lịch chánh trị của Bà Sebelius thì ai cũng biết Bà đã ban ra những chính sách cực đoan nhất để bảo vệ các nghị trình phá thai, và điều này hoàn toàn thích hợp với quan điểm và cách hành động của Obama - một người vốn đã từng có cuộc sống giang hồ, nghiện ngập, buôn bán ma túy, và lối sống đạo đức luân lý buôn thả - và với cặp đôi này người ta có thể nhớ lại dư âm của John Kerry trước kia.

ĐTGM Joseph F. Naumann, D.D.
Trong tư cách là Thống Đốc của tiểu bang Kansas, Bà liên tục phủ quyết các dự luật có liên quan đến việc bảo vệ sự sống, và cực lực mạnh mẽ ủng hộ cho George Tiller - một người chuyên thực hiện các vụ phá thai khét tiếng nhất ở Wichita, và tuy là Công Giáo, Bà đã ngang nhiên chống lại và mạnh mẽ kình địch với Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của Tổng Giáo Phận Kansas City.

Và chính Đức Tổng Giám Mục Naumann đã công khai tuyên bố chấm dứt việc cho Bà Rước Lễ, và cảnh cáo rằng Ngài sẽ rút phép thông công của Bà nếu như Bà không chịu thay đổi quan điểm phò phá thai của Bà.

Vì Kansas là tiểu bang gay cấn nhất cho các trận chiến có liên quan đến việc phá thai, nên điều này đã khiến cho Bà Sebelius trở thành "một cô gái biểu mẫu phò phá thai cho cả quốc gia," mà tiếng Anh gọi là "the national pro-choice poster girl.”

Nếu Obama chọn Bà Sebelius, thì chắc chắn đây là liên minh phò phá thai mạnh mẽ nhất đại diện cho Đảng Dân Chủ từ trước đến nay trong cuộc bầu cử Tổng Thống 2008 sắp tới.

Tuy nhiên vì hành động can trường của Đức Tổng Giám Mục Naumann nên khiến cho Bà này trở thành mối nguy hiểm đối với những người Công Giáo nào - những người mà cho đến nay vẫn chưa kịp sáng suốt và hãy còn khờ dại trong việc cực lực ủng hộ cho Obama. Chính việc cấm cho John Kerry lên Rước Lễ vào năm 2004 đã làm cho Kerry thất bại khi không lấy được số cử tri Công Giáo mà Ông tưởng sẽ "ngu muội" ủng hộ cho Ông.

T.B.:

Để xem thêm những hình ảnh về việc Bà Sibelius ủng hộ cho ông tổ chuyên phá thai George Tiller, mời Quý Vị vào trang Web sau:

http://operationrescue.org/photos/main.php?g2_navId=x5514f760

Để xem thêm bài viết của Đức Tổng Giám Mục Naumann về Bà Sibelius, xin mời Quý Vị vào đọc trang Web sau: http://www.theleaven.com/columnists/archbishop_naumann.htm
 
Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa tại Đền Đức Mẹ Xa Sơn
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:36 29/05/2008
Xa Sơn, Trung Quốc (AsiaNews) - Ít nhất đã có 2.500 người đã tham dự vào cuộc hành hương đến đền Đức Mẹ của Xa Sơn (Sheshan) nhân ngày Quốc tế Cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Do những ngăn trở do chính quyền địa phương đặt ra, chỉ có những người thuộc Giáo phận Thượng Hải mới được phép tham dự vào cuộc hành hương, mặc dù vậy, người Công Giáo thuộc giáo phận khác cũng có mặt không chỉ người thuộc Giáo Hội chính thức mà thuộc Giáo Hội thầm lặng cũng có mặt. Một tín hữu cho hay: “Với lòng sùng kính Đức Maria và để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, tất cả chúng tôi đã đến để họp nhau nơi đây”.

Cuộc hành hương đã trải qua một số giai đoạn. Vào sáng sớm, khoảng 8 giờ sáng đã có 7.000 tín hữu đặt chân lên đồi nơi đền Đức Mục tọa lạc. Họ đã leo lên đồi với tiếng chuông và âm thanh dàn nhạc của các chủng sinh. Với sự dẫn đầu của Đức Cha Phụ tá Joseph Xing Wenzhi của Thượng Hải, các linh mục, nữ tu, và các tín hữu đã dừng chân tại 3 trạm, đó là tượng đài Mẹ Thiên Chúa, tượng Thánh Giuse và tượng Thánh Tâm.

Tại mỗi trạm, Đức Giám Mục Xing nhấn mạnh đển giá trị của ngày này, trong đó “chúng ta khám phá ra rằnng Đức Maria bảo vệ Giáo Hội Trung Hoa như là ngài một lần nữa bảo vệ Con của ngài là Chúa Giêsu”. Đức Giám Mục cũng chúc lành cho một phiên bản tượng Đức Nữ Đồng Trinh của Xa Sơn do những người trẻ đặt bên trong đền. Trong suốt quá trình rước kiệu, các tín hữu đã hát và lần chuỗi Mân Côi.

Một tín hữu cho hay: “Cuộc hành hương này giống như là một biểu tượng của đời sống Giáo Hội Trung Hoa: Đức Mẹ Đồng Trinh, Đức Giám Mục, các Kitô hữu trong một hành trình rất nhiều ngõ khúc quanh co và những thời khắc tối tăm giữa những rừng cây và rừng tre.

Bên trong Vương Cung Thánh Đường chật cứng người, Cha Gao Chaopeng, một giảng viên của Chủng viện gần đó, có một bài giảng thuyết. Ngài chia sẻ mối quan tâm và tình yêu của Đức Thánh Cha cùng với tất cả các Kitô hữu trên thế giới đối với Giáo Hội Trung Hoa: “Chúng ta không đơn côi, nhưng có các thành viên của gia đình Giáo Hội hoàn vũ… Chúng ta dâng lên Đức Nữ trinh của Xa Sơn những nhọc nhằn của Giáo Hội Trung Hoa”. Ngài cũng mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn động đất ở Tứ Xuyên. Để kết thúc, các tín hữu cùng nhau đọc lời cầu nguyện do Đức Thánh Cha viết đã được giáo phận in ra.

Khoảng 10 giờ, Đức Giám Mục Xing cử hành Thánh Lễ cùng với sự hiện diện của Đức Giám Mục Jin Luxian. Có khoảng 100 linh mục đồng tế. Khi kết thúc Thánh Lễ, một lần nữa các tín hữu đọc kinh cầu nguyện của Đức Thánh Cha với Đức Mẹ Xa Sơn.

Một người Công Giáo thầm lặng cho biết: “Ngày 24/05/2008 mang một giá trị đặc biệt cho Giáo Hội Trung Quốc. Khi chúng ta cử hành Thánh lễ trọng thể Đức Mẹ Phù Hộ các Kitô hữu, chúng ta cũng canh tân sự hiệp thông của chúng ta với Giáo Hội Hòa vũ và canh tân lòng trung thành của chúng ta với Đức Thánh Cha”
 
Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn kêu gọi quyên góp giúp đỡ nạn nhân bão lụt và động đất
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:38 29/05/2008
Sài Gòn (UCAN) - Đức Hồng y Gioan Baotixita của Tổng Giáo Phận Sài gòn đã yêu cầu người Công Giáo trong Tổng Giáo phận giảm bớt chi tiêu để dành ra một số tiền quyên góp cho những người sống sót trong các thảm họa ở Myanmar và Trung Quốc.

Theo ước lượng của Liên Hiệp Quốc, cơn bão Nargis quét qua vịnh Bengal hôm 02 tháng Năm đã làm cho hơn 100.000 người thiệt mạng ở Đồng bằng sông Irrawaddy và thủ đô Yangon của Myanmar.

Còn trận động đất ở Tứ Xuyên đã ảnh hưởng đến 9 địa phương và 1 khu tự trị. Hôm 27/05, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đả công bố trận động đất làm thiệt mạng 67.183 người và làm bị thương 361.822 người và 20.790 người mất tích. Trận động đất cũng làm cho khoảng 11 triệu người mất nhà cửa.

Trong lá thư gửi cộng đoàn Dân Chúa của Tổng Giáo phận, Đức Hồng y viết: “Trong tình hiệp thông và liên đới huynh đệ với các nạn nhân của các cuộc thảm họa, tôi kêu gọi tất cả các linh mục, tu sĩ, giáo dân của 200 giáo xứ trong Tổng Giáo phận giảm bớt chi tiêu và quyên góp tiền bạc cho anh chị em chúng ta, những người đang phải sống trong cảnh đau buồn khôn xiết và thiếu thốn các thứ cần thiết căn bản để trở lại với cuộc sống bình thường.

Đức Hồng y cũng yêu cầu giáo dân quyên góp tiền bạc trong giáo xứ hay cộng đoàn của họ vào hai ngày Chúa Nhật 18 và 25/05. Các lịnh mục đã đọc bức thư của ngày trong các Thánh lệ Chúa Nhật vừa qua tại các nhà thờ và các thùng quyên góp cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, vẫn chưa có số liệu về số tiền đã được quyên góp.

Đức Hồng y viết thêm: “Chúng ta hãy vui với người vui và hãy khóc khi người khác khóc”. Ngài thúc giục giáo dân quyên góp tùy khả năng củ họ để giúp những người sống sót. Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, ngài viết: “Khi chúng ta làm những việc như thế cho người khác, chúng ta đáp trả tình yêu ngập tràn của Thiên Chúa là Cha chúng ta”.

Đức Hồng y, người từng viếng thăm các vị lãnh đạo Giáo Hội ở Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng nói rằng tiền quyên góp được sẽ gởi cho người dân khó khăn qua Hội đồng Giám Mục Trung Quốc và Myanmar.

Vào buổi tối hôm 15/05 đã có khoảng 800 giáo dân đã tham dự buổi cầu nguyện thắp nến ở Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn. Trong suốt buổi cầu nguyện đặc biệt này, giáo dân đã xem các hình ảnh những cái chết và cảnh hoang tàn do cơn bão và động đất, cũng nhưng những hình ảnh nỗ lực cứu hộ và cứu trợ, tất cả những hình ảnh này được chiếu trên màn ảnh rộng trong nhà thờ.

Sau thánh lễ do 8 vị linh mục đồng tế, giáo dân cầm nến cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ và hát Kinh Hòa Bình dựa trên lời kinh nổi tiếng của Thánh Phanxicô Assisi.

Cha Giuse Lê Quang Uy, một người trong ban tổ chức cho hay: Chúng tôi muốn cầu nguyện cho các nạn nhân vì tất cả mọi người đều là con cái một Cha trên trời”. Ngài cũng nói rằng khi người dân trong nước chịu đau khổ do thảm họa, thì người dân của các nước khác, trong đó có Trung Quốc và Myanmar cũng đã cầu nguyện và gửi trợ giúp cho họ.

Một số giáo dân cho UCANews hay rằng họ cảm kích qua buổi cầu nguyện và lời kêu gọi quyên góp. Họ nói rằng họ cảm thấy cần phải “làm điều gì đó” để giúp đợ người gặp khó khăn.

Hôm 27/05, Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký của Ủy Ban Giám Mục về Bác Ái Xã Hội Hội đồng Giám Mục Việt Nam cho hay Ủy ban dự định gửi cứu trợ cho Trung Quốc và Myanmar mỗi nước 20.000 Mỹ Kim ngoài khoản quyên góp đáp lại lời kêu gọi của Đức Hồng y.
 
Đại hội Truyền thông Công giáo Quốc tế
Phụng Nghi
10:47 29/05/2008
Bài phỏng vấn Linh mục Thomas Rosica về Những Đường Lối Mới để Truyền Giảng Tin Mừng trong một Thế Giới đã được“Truyền Thông Hóa”.

Toronto (Zenit) – Giáo hội có một sứ vụ phải rao truyền, và ngày nay sự thách đố đối với công tác đó là thực hiện sứ vụ này trong một thế giới được “truyền thông hóa”, đó là phát biểu của một thành viên trong ban tổ chức đại hội truyền thông 2008.

Linh mục Thomas Rosica, người Ba tây, giám đốc Cơ sở Truyền thông Công giáo và Đài Truyền hình Muối và Ánh sáng, nói thêm rằng Giáo hội cần “có mặt ngay tại hiện trường, dùng các phương tiện truyền thông xã hội tân tiến để rao truyền Lời Chúa và sứ điệp của Giáo hội.”

Đại hội truyền thông Công giáo quốc tế kéo dài ba ngày được tổ chức tại Toronto từ 27 đến 30 tháng 5, do các cơ quan sau đây đứng ra tổ chức: Hiệp hội Báo chí Công giáo Bắc Mỹ, Học viện Công giáo về Nghệ thuật Truyền thông Chuyên nghiệp, và Hiệp hội các nhà Truyền thông Công giáo Canada.

Chủ đề của đại hội là “Lên Mái Nhà Mà Rao Giảng”.
Logo của Đại hội Truyền thông Công giáo


Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Zenit, Cha Rosica bình luận về tương lai ngành truyền thông Công giáo và mối tương quan của ngành này với báo chí thế tục.

Câu hỏi: Tại sao lấy chủ đề là “Lên Mái Nhà Mà Rao Giảng”?

Linh mục Rosica: Chúng tôi đã chọn làm chủ đề năm nay cho Đại hội Truyền thông Công giáo là “Lên Mái Nhà Mà Rao Giảng”. Đó là linh hứng từ Kinh Thánh – Matthêu 10:27 – và cũng từ tông thư “Phát triển Nhanh chóng” của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Thực tế là nay Giáo hội phải lên tiếng nói với một xã hội có kỹ thuật cao, được “truyền thông hóa”. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng Giáo hội phải có mặt trong “Areopagai” mới của thế giới – một thế giới đầy ứ với quá nhiều nền triết học, tư tưởng và hiện tượng tranh đua với nhau. Giáo hội phải có mặt ngay ở đó, tại hiện trường, dùng các phương tiện truyền thông xã hội tân tiến để rao truyền Lời Chúa và sứ điệp của Giáo hội.”

Câu hỏi: Cha muốn thấy những phát triển mới nào trong ngành báo chí Công giáo được nhấn mạnh trong đại hội này? Kết quả ra sao?

Linh mục Rosica: Đại hội truyền thông Công giáo năm 2008 tổ chức được là do sự cộng tác hiếm hoi của một số thành phần trong thế giới thông tin. Thực vậy, sự cộng tác đã là yếu tố sinh động trong ngành truyền thông Công giáo Toronto từ nhiều năm qua. Hai phương diện độc đáo của Đại hội Toronto là: làm sao nuôi dưỡng được sự cộng tác tốt đẹp giữa mọi thành phần truyền thông Công giáo, và quan niệm coi công tác của chúng tôi là một phần trong sứ vụ “Tân Phúc âm hóa”.

Thứ đến là mối quan tâm của chúng tôi về tương lai, đặc biệt là làm cách nào để đến được với thế hệ kế tiếp và lôi kéo được giới trẻ tham gia vào sứ vụ truyền thông. Tuần lễ này là một bài học mạnh mẽ cho các nhà báo Công giáo Bắc Mỹ trong việc xây đắp những nhịp cầu bên trong và bên ngoài Giáo hội trong lúc chúng tôi học hỏi cách tường thuật các tin tức, làm chứng cho chân lý và tuyên xưng thông điệp của chúng tôi từ trên các mái nhà.

Câu hỏi: Đức giáo hoàng nói trong thông điệp Ngày Truyền thông Thế giới tháng này “rằng tìm kiếm và trình bày chân lý về con người tạo ra ơn gọi truyền thông xã hội cao nhất.” Cái nhìn về vai trò của truyền thông như thế có đánh dấu sự khác biệt nòng cốt giữa các ký giả Công giáo và thế tục?

Linh mục Rosica: Các ký giả và nhà truyền thông Công giáo có nhiệm vụ và sứ mạng đặc biệt, không chỉ phục vụ Giáo hội mà còn dạy cho thế giới đi tìm chân lý và phục vụ chân lý.

Truyền thông thế tục thất bại khi chân lý, điều thiện hảo và phẩm giá của con người không nằm trong truyện họ tường thuật. Như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II – chính ngài là một chuyên gia và một bậc thầy về truyền thông – viết năm 2005, trong tông thư cuối cùng của ngài nhan đề “Sự Phát triển Nhanh chóng”:

“Công tác thông tin cả trong nội bộ cộng đồng Giáo hội lẫn giữa Giáo hội và thế giới, cần có sự cởi mở và một tiến trình mới hướng tới những vấn đề phải đối đầu liên quan đến thế giới truyền thông.

“Công tác thông tin này phải hướng về cuộc đối thoại xây dựng, nhằm thúc đẩy ý kiến chung, đã được thông truyền chính xác và biện biệt, trong phạm vi cộng đồng Kitô hữu.”

Các ký giả và nhà truyền thông tốt phải quan tâm về sự thật, điều tốt, vẻ đẹp và niềm hy vọng, ngay cả trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất.

Câu hỏi: Giới truyền thông Công giáo có thể làm gì để cho sứ điệp của Tin Mừng được nhiều người biết đến?

Linh mục Rosica: Tôi đã học được một số bài học mạnh mẽ khi phải đối phó với giới truyền thông trong suốt bao năm, nhất là qua các kinh nghiệm của Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Canada năm 2002, thời kỳ bệnh hoạn và cái chết của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, và công việc của tôi tại Đài Truyền hình Muối và Ánh Sáng, cũng như sự cộng tác của chúng tôi với giới truyền thông “thế tục”.

Phỉ báng giới truyền thông, ngăn chận và không trả lời những cú điện thoại dai dẳng của phóng viên này, nhà sản xuất kia, biên tập viên nọ, không phải là việc làm thoả đáng đối với các viên chức, nhà lãnh đạo và các thành viên Giáo hội. Đó là tính cách của thú vật. Nếu không có gì hết thì họ đâu gọi đó là tin tức hàng đầu.

Cũng chẳng phải là điều thỏa đáng đối với giới truyền thông “thế tục” nào không thèm đếm xỉa hoặc đặt ra ngoài lề các vấn đề của Giáo hội, của tôn giáo, coi đó là những vấn đề tầm thường không đáng suy tư nghiêm chỉnh. Chúng ta phải học hỏi lẫn nhau, và chúng ta có nhiều việc tốt phải cùng làm với nhau để phục vụ chân lý và chuẩn mực trong một thế giới càng ngày càng trở nên thiếu vắng giá trị, đức độ và ý nghĩa.

Nhiều lần trong Giáo hội, những chuyện chúng ta tường thuật chẳng thành chuyện vì thiếu các yếu tố cần thiết. Nói theo ngôn ngữ của Tin Mừng thì làm sao chúng ta, trên cõi đời này, chuyển được ánh sáng từ dưới thùng gỗ đem đặt lên kệ đèn để mọi người trong nhà có thể thấy được? Làm cách nào chúng ta học hỏi được sự khác biệt giữa tin cũ và tin mới thích đáng – một câu chuyện thật đáng đem tường thuật cho thế giới biết?

Trong nghị trình cuộc đại hội 2008 của chúng tôi cũng nêu cao chủ đề của điều được gọi là thái độ thù địch của giới truyền thông “thế tục” đối với tôn giáo và Giáo hội. Sự thù nghịch này có thực hay chỉ là tưởng tượng? Phải làm gì để bắc những nhịp cầu? Đại hội sẽ giúp các nhân viên truyền thông Giáo hội học cách tường trình tin tức cho thế giới một cách thuyết phục, rõ rệt và dũng cảm.
 
ĐHY Kasper của Toà Thánh kêu đối thoại với Chính Thống
Đức Long
13:19 29/05/2008
MOSCOW -- ngày 29 tháng 05/2008, ĐHY Walter Kasper đại diện quan hệ ngoại giao giữa Giáo Hội công giáo với các niềm tin kitô khác, hôm thứ năm tại Moscou kêu gọi “ theo đuổi đối thoại ”giữa công giáo và chính thống giáo để các Giáo Hội kitô cùng nói “ một tiếng nói duy nhất”.

ĐHY Kasper và thượng phụ Nga
Sau cuộc gặp với Thượng Phụ Moscou và các Thượng Phụ Nga, ĐHY Kasper tuyên bố: “ tôi hy vọng cuộc đối thoại này sẽ tiếp tục, vì nó rất quan trọng để thế giới thế tục hiểu các Giáo Hội có tiếng nói duy nhất”.

Tuy nhiên theo nguồn tin cơ quan Thượng Phụ, trong cuộc gặp này “không có cuộc thảo luận cụ thể nào được nêu ” cho cuộc gặp của ĐGH Biển Đức XVI và Thượng Phụ Nga.

Thượng Phụ II chỉ gợi lên “ khả năng theo nguyên tắc” của một cuộc gặp như vậy phải được chuẩn bị tốt, không chỉ là để quay truyền hình”, nguồn tin trên nhận định.

ĐHY Kasper có chuyến thăm Nga sáu ngày, bắt đầu từ ngày 21 tháng 05/08, và ngài trao thông điệp của ĐGH Beneđictô cho vị thủ lĩnhGiáo Hội chính thống.

Trong thông điệp,” ĐTC bày tỏ sự tôn trọng đối với Giáo Hội chính thống Nga, và ngài đánh giá những nổ lực của Thượng Phụ Alexis II cho việc phát triển quan hệ giữa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống” trích dẫn nguồn tin trên.

ĐHY Kasper cuối năm 2007 lấy làm vui mừng “ về việc phá băng căng thẳng” quan hệ Giáo Hội công giáo với chính thống Nga, bị căng thẳng từ lâu bởi những lời tố cáo dụ dỗ tín đồ của cơ quan Thượng Phụ Moscou đối với Toà Thánh.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Giám Mục Italia
LM. Trần Đức Anh, OP
15:41 29/05/2008
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ các GM Italia trong việc giáo dục và huấn luyện giới trẻ về đức tin và ngài tái kêu gọi chính quyền Italia tài trợ cho các trường Công Giáo.

Ngày bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29-5-2008, dành cho các GM thuộc 228 giáo phận tại Italia, vừa kết thúc đại hội thường niên tại Nội thành Vatican dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Angelo Bagnasco, TGM Genova.

ĐTC ghi nhận rằng trong xã hội và nền văn hóa ngày nay thường chịu ảnh hưởng của trào lưu duy tương đối đang lan tràn, nhiều khi đến mức độ gây hấn, dường như không còn những chắc chắn cơ bản, các giá trị và hy vọng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống nữa. Vì thế các bậc cha mẹ và giáo chức thường dễ bị cám dỗ từ bỏ nhiệm vụ của mình, và có nguy cơ không hiểu đâu là vai trò và sứ mạng của mình nữa. Trong bối cảnh đó, điều cấp thiết trong lãnh vực giáo dục là làm sao thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ. ĐTC nói: ”Ở đây chúng ta phải vượt thắng những chướng ngại do chủ thuyết duy tương đối và nền văn hóa gạt bỏ Thiên Chúa gây ra.. Chúng ta phải đề cao mạnh mẽ hơn khía cạnh truyền giáo dưới nhiều hình thức khác nhau trong các cuộc gặp gỡ và hiện diện nơi giới trẻ, trong các giáo xứ, các nơi sinh hoạt, các trường học, đặc biệt là các trường Công Giáo.

Về vấn đề này, ĐTC tái kêu gọi chính quyền Italia tài trợ các trường Công Giáo và nòi rằng: ”Trong một quốc gia dân chủ, vốn đề cao các sáng kiến tự do trong nhiều lãnh vực, loại bỏ sự nâng đỡ thích hợp cho sự dấn thân của các trường Công Giáo là điều dường như không thể biện minh được.”

Cho đến nay, Giáo Hội Công Giáo đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Italia tài trợ các trường Công Giáo, nhưng lời kêu gọi này thường bị các đảng tả phái chống đối.

ĐTC ghi nhận rằng Italia đang cần ra khỏi thời kỳ khỏ khăn và hiện nay đang có những dấu hiệu cho thấy một bầu không mới mẻ và tích cực và xây dựng hơn.. Ngài nói:

”Trong tư cách là GM, chúng ta không thể không đóng góp phần đặc thù của mình để Italia tiến vào một thời kỳ tiến bộ và hòa hợp.. Để được như vậy, trước tiên chúng ta phải thẳng thắn nói và làm chứng cho các cộng đồng Giáo Hội và giữa lòng dân tộc Italia rằng: cho dù có nhiều vấn đề phải đương đầu, nhưng vấn đề cơ bản của con người ngày nay vẫn là vấn đề Thiên Chúa. Không có vấn đề con người và xã hội nào có thể được giải quyết nếu đặt không Thiên Chúa trở lại trung tâm đời sống chúng ta. Chỉ khi nào có cuộc gặp gỡ bản thân với Thiên Chúa hằng sống, nguồn mạch hy vọng và biến đổi chúng ta từ bên trong và không làm cho chúng ta bị thất vọng (Rm 5,5), thì lúc đó mới có thể tìm lại một niềm tín thác mạnh mẽ và chắc chắn nơi cuộc sống và mang lại sức mạnh chắc chắn cho các dự án làm điều thiện của chúng ta”.

Sau cùng, giống như đã nói với các GM Hoa Kỳ trong cuộc viếng thăm hồi tháng 4-2008 vừa qua, ĐTC bênh vực quyền của các GM Italia được lên tiếng về những vấn đề của đời sống công cộng và chống lại xu hướng coi tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, như một sự kiện riêng tư. Ngài khuyến khích các vị dấn thân bênh vực sự sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, đồng thời nỗ lực bênh vực gia đình (SD 29-5-2008)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 9 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh
LM. Trần Đức Anh, OP
15:49 29/05/2008
VATICAN. Sáng 29-5-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 9 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh thuộc các nước Tanzania, Uganda, Liberia, Tchad, Bangladesh, Bạch Nga, Guinea, Sri Lanka và Nigeria. Nhân dịp này ngài kêu gọi chính phủ các nước thực thi công bằng.

Hiện nay có 175 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, nhưng có nhiều vị đại sứ không thường trú tại Roma vì kiêm nhiệm một sứ quán khác. Họ chỉ được ĐTC tiếp kiến chung khi đến trình quốc thư.

Trong diễn văn chào mừng các vị đại sứ mới, ĐTC đặc biệt nhắc đến nhu cầu cần thực thi công bằng trong đời sống quốc gia và quốc tế. Ngài nói: ”Biện pháp đầu tiên trong vấn đề chính trị là tìm kiếm công bằng, để phẩm giá và các quyền của mọi người người tôn trọng và để dân chúng của mỗi quốc gia có thể tham gia tài nguyên của đất nước.”

Cũng vậy trên bình diện quốc tế, ĐTC kêu gọi phân chia tài nguyên một cách tốt đẹp hơn, để các nước có các tài nguyên trong lòng đất được hưởng trước tiên. Ngài nhấn mạnh rằng: ”Các nước giàu không thể chiếm hữu cho mình những tất cả những gì từ lòng đất của các nước khác. Theo nghĩa vụ công bằng và liên đới, cộng đồng quốc tế phải cảnh giác về việc phân phối các tài nguyên, chú ý đến những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các nước nghèo đang cần. Ngoài ra, cũng cần phát triển tình huynh đệ để xây dựng những xã hội hài hòa, trong đó có sự đồng thuận và hòa bình để giải quyết các vấn đề xảy ra, bằng đối thoại và thương thuyết, chứ không phải bằng bạo lực, dưới bất kỳ hình thức nào, vì bạo lực chỉ gây thiệt hại cho những người yếu thế vào nghèo nhất”.

Ngoài diễn văn chung trên đây, ĐTC còn trao cho mỗi vị đại sứ một diễn văn riêng đề cập đến lập trường của Tòa Thánh về tình hình và các vấn đề nổi bật của quốc gia liên hệ, như nội chiến, sự lan tràn của bệnh HIV-Sida, nạn tội phạm, bắt cóc, giết người, cuộc chiến đấu chống nạn khủng bố, cổ võ hòa giải và tha thứ, tôn trọng tự do tôn giáo, v.v.

Trong số 9 vị tân đại sứ, có hai vị người Á châu. Trước hết là ông Tikiri Bandara Maduwegedera, người Sri Lanka. Trong sứ điệp trao cho vị này, ĐTC kêu gọi chính phủ và các lực lượng Hổ quân Tamil từ bỏ cái vòng bạo lực liên tục, chiến đấu chống nạn khủng bố, và mở lại các cuộc thương thuyết chân thành, thẳng thắn, vốn là con đường duy nhất chắc chắn để thực thi hòa giải và giải quyết các vấn đề cản trở sự sống chung hòa bình tại Sri Lanka. Sau cùng ĐTC cầu mong răng các vị lãnh đạo tại nước này chiến đấu chống lại tệ nạn tuyển mộ các trẻ em để thi hành các hoạt động khủng bố.

Vị đại sứ Á châu thứ hai là Dabapriya Bhattacharya thuộc Bangladesh. ĐTC kêu gọi nước này phát triển một nền văn hóa hòa bình và kiến tạo một nền dân chủ vững mạnh, chân chính, trong niềm tôn trọng phẩm giá và các quyền con người. Ngài cũng kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị Bangladesh mở đường cho một chính phủ vững, và cho sự sống chung hòa hợp, phát triển một hệ thống giáo dục vốn là nền tảng của các nền dân chủ”. (SD 29-5-2008)
 
Toà Thánh nói sẽ rút phép thông công đối với những ai truyền chức linh mục cho phụ nữ
Đức Long
16:32 29/05/2008
Vatican- Thứ năm ngày 29/05/08, Toà Thánh phổ biển một sắc lệnh đe dọa rút phép thông công ngay lập tức với những ai truyền chức linh mục cho giới nữ, biện pháp này cũng sẽ liên quan đến những phụ nữ được truyền chức linh mục.

Sắc lệnh của Bộ giáo lý đức tin, được phổ biến trên báo Toà Thánh, quan sát viên Roma cho biết rằng « sắc lệnh sẽ có ảnh hưởng đến việc truyền chức thánh cho phụ nữ, vì chị em nào dám lãnh nhận chức linh mục, sẽ có nguy cơ bị rút phép thông công ngay lập tức ».

Việc truyền chức linh mục cho phụ nữ thường là câu chuyện kinh niên. Năm 2002, bảy chị em phụ nữ công giáo, gồm phụ nữ nước Đức, Áo, Hoa Kỳ được truyền chức linh mục trong một cộng đoàn được thành lập năm 1975 tại Bunos Aires, do một cựu linh mục công giáo ở Romula Antonio Braschi.

Toà Thánh rút phép thông công họ chỉ vài tuần sau khi được truyền chức, và cho rằng họ đã phạm « một tội nghiêm trọng đối cơ cấu thiên tính của Giáo Hội ».

ĐGH Gioan Phalô II, vị tiền nhiệm ĐGH Beneđictô XVI, đã tái khẳng định năm 1994 lập trường của Giáo Hội công giáo, ngài giải thích rằng Giáo Hội không có quyền truyền chức linh lục cho phụ nữ.

Đối với Roma đây là một chủ đề tiếp tục sự chia rẽ với Giáo Hội Anh giáo. Giáo Hội Anh Giáo cho phép nữ giới được làm linh mục.
 
Top Stories
Vatican newspaper responds to U.S. journal on human dignity, science
Catholic News Service
21:30 29/05/2008
VATICAN -- Protecting human dignity is the only guiding principle that ensures progress in biomedical technology does not harm the weakest humans, the Vatican newspaper said.

Using human dignity as the guiding principle for determining what is medically and scientifically ethical is not simply a Catholic approach and it is not a ruse to stop scientific progress, said the front-page article in L'Osservatore Romano.

The newspaper's May 28 article, "In Defense of Human Dignity," was a response to an article dated May 28 in The New Republic, a U.S. journal, arguing that members of President George W. Bush's Council on Bioethics were using the concept of dignity, particularly in its Catholic understanding, to obstruct scientific progress and impose conservative Christian values on the nation.

The journal's article, "The Stupidity of Dignity, Conservative Bioethics' Latest, Most Dangerous Ploy," was written by Steven Pinker, a professor of psychology at Harvard University in Cambridge, Mass.

Pinker said the bioethics council's March report, "Human Dignity and Bioethics" -- a collection of essays by council members and invited contributors -- "should alarm anyone concerned with American biomedicine and its promise to improve human welfare."

The general idea of the essays, he said, "is that even if a new technology would improve life and health and decrease suffering and waste, it might have to be rejected, or even outlawed, if it affronted human dignity. Whatever that is."

Pinker said the president's council is packed with "conservative scholars" and "advocates of religious (particularly Catholic) principles in the public sphere," and that many of the articles in the report appeal directly to the Bible or Catholic teaching to support their defense of dignity as the ultimate ethical measure.

At the same time, he said, "almost every essayist concedes that the concept remains slippery and ambiguous."

Pinker said that is because "dignity is a phenomenon of human perception," a reaction of appreciation, care or concern "that causes one person to respect the rights and interests of another."

Respecting dignity, he said, "amounts to treating people in the way that they wish to be treated."

In that case, he said, the determining factor should be respect for the autonomy of an individual and respect for his or her health care choices.

Responding to Pinker, the Vatican newspaper said: "The elimination of the concept of dignity founded on human nature would mean the elimination of its universalistic perspective. On a rational level, human dignity is the only objective reference that bioethics can recognize to affirm that every human being, without distinction, has dignity."

Using autonomy as the guideline, the paper said, automatically eliminates protection for the unborn, who are not yet autonomous, and for the afflicted and the aged who have lost their autonomy.

"To affirm that all human beings intrinsically have dignity means to deny the pretext of extrinsically distinguishing between the 'worthy' and 'unworthy,'" it said.

The newspaper said it is true that placing the protection of human dignity as a primary value in the field of medical research could limit some freedom of research, but as in most spheres of life some limits must be placed on an individual's freedom in order to protect the freedom of others, particularly the weakest members of society.

The principle of dignity, it said, "does not halt progress, but orients it in the direction of justice, which can be based only on the equality of all human beings," including the unborn, the impaired and the aged.

(Source: Catholic News Service)
 
Pope: Government should support Catholic schools
Catholic World News
21:32 29/05/2008
Rome, May. 29, 2008 - In a May 29 talk to the Italian bishops' conference, Pope Benedict XVI (bio - news) argued that a democratic state should support Catholic schools.

Since the government invests resources in many different projects, the Holy Father reasoned, "there does not appear to be any justification for excluding adequate support for the work of Church institutions in the field of education." Public investment in Catholic schools, he said, "could not fail to produce beneficial effects" for secular society.

The Italian bishops are holding their 58th general assembly in Rome this week, with the meetings taking place in the Vatican Synod hall. The Pope spoke to the bishops about the main topics for this meeting: education and evangelization.

Italy today faces an "educational crisis," the Pope warned, raising a theme that he has mentioned frequently during his pontificate. The Pontiff has repeatedly spoken about the need to provide young people with adequate moral and cultural formation. From the Catholic perspective, he said, the educational crisis involves "the transmission of the faith to new generations."

Educators and pastors must battle with a culture of relativism, which "puts God within parentheses and discourages all true commitment," the Pope told the Italian hierarchy. To overcome that sort of opposition, he said, the Church needs to muster greater "evangelical energy" and to demonstrate the joy of faith.

The Pope said that he could see signs of a desire for change in Italian society-- signs of a new willingness to recognize the need for moral integrity and commitment. The Church has a special role to play in that societal recovery, he said, adding: "No other human and social problem can truly be solved if God does not return to the center of our lives."

While recognizing the autonomy of the secular political world, the Pope told the prelates that "it is important to resist all tendencies to consider religion, and in particular Christianity, as a purely private matter." He urged the bishops to continue their efforts to support marriage and family life, and to act as advocates the poor in Italy and around the world.

In other news, the Holy See has confirmed that on June 6, Pope Benedict will receive Italy’s Prime Minister Silvio Berlusconi in a private audience. The Pope and Berlusconi last met on November, 19, 2005 during a previous Berlusconi term as prime minister.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ trên miền đất voi
Lê Hữu Tuấn
10:19 29/05/2008

Giáo xứ trên miền đất voi



Ông Nguyễn Tuyên, 86 tuổi, một giáo dân kỳ cựu của giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm (Đức Linh – Bình Thuận) bảo vùng này cách đây trên dưới 40 năm voi nhiều vô kể. Bản thân ông chỉ nghiệp dư đi đánh bẫy cũng từng “thịt” hết bốn “ông Tượng”. Ngay cả bây giờ, thỉnh thoảng voi vẫn về trên những đồng rẫy gần nhà thờ, mé sát chân núi. Nhiều người gọi họ đạo nằm bên chân núi Gia Lào này là “miền đất voi”, chắc cũng không phải là cường điệu lắm !

*Khai rừng lập xứ

Năm 1960, trong chương trình lập những dinh điền mới của chính quyền thời bấy giờ, miền rừng Đức Linh đã được khai phá. Ngày ấy, theo lời của những bậc tiền bối còn sống đến nay, đây là khu rừng nguyên sinh chưa hề có dấu chân người, vì vậy nên thú rừng nhiều vô kể. Bà con đến đây lập nghiệp gồm đủ gốc gác Bắc – Trung – Nam. Những người có đạo quây quần lại thành xứ Chính Tâm với ba họ lẻ và giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm ngày nay lúc đó là họ Chính Tâm 3, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Quan Thầy, trải dài trên 4 cây số, có một ngôi nhà thờ bằng gỗ lợp tôn.

Tiếng là khai hoang lập dinh điền nhưng ruộng của vùng này, cho đến nay vẫn rất ít ỏi, chỉ đôi ba chỏm da beo xen kẽ trong đất núi. Bà con chủ yếu sống bằng việc phá rừng làm rẫy, tạo nên những nương khoai và bắp. Rảnh rỗi, đàn ông chọn việc đi đánh bẫy, phụ nữ thì hái lá chằm nón, chặt cây làm chổi. Nói chung là vất vả đắp đổi qua ngày, chỉ dồi dào một món duy nhất là...thịt rừng.

Nói về rừng, nếu dùng từ thời thượng thì sau gần 50 năm, người Đức Linh nói chung đã “cơ bản hoàn thành” việc biến một khu rừng nguyên sinh với đầy đủ muôn thú như trong truyện cổ tích và gỗ quý thành những nương rẫy và nhà cửa. Theo ông cụ Tuyên mà tôi kể ở đầu bài, cách đây 40 năm thôi, vùng này không thiếu một loài thú gì, từ hươu nai cho đến gấu cọp. Đặc biệt là voi, nhiều không kể xiết, sống bầy đàn và di chuyển tự nhiên trên những đồng cỏ và sông suối như thể heo mọi chạy rông thời nay. Ông Tuyên từng chứng kiến cảnh chết chùm của cả một đàn voi 11 con lớn và hai con bé khi cố gắng cứu một con khác bị ngã xuống dòng thác cách nhà thờ bây giờ vài cây số. Không đâu xa, cách đây vài năm thôi, đất Đức Linh vẫn còn sót lại một bầy “ông Tượng” năm bảy con qua về sông La Ngà, ghé thăm nhà dân miền này như cơm bữa. Sau đó thì cả bầy được bắn thuốc đưa lên Buôn Đôn, chỉ sót lại một con cực lớn ba chân thỉnh thoảng vẫn về “thăm chốn xưa” mà báo chí vẫn hay đưa tin. Đó cũng là lý do mà khu vực giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm được cho là miền đất voi.

Trở lại với quá trình khai rừng lập xứ. Tuy sống giữa rừng rú hoang vu với nhiều hiểm nguy nhưng lòng đạo của bà con lại rất mạnh mẽ. Với ngôi nhà thờ dựng tạm, hàng ngày, sau những giờ mệt mỏi vật lộn với rừng kiếm sống, họ lại hội về nhà thờ để kinh kệ, giáo lý. Tuy nhiên, cuộc sống của họ đã không hề yên ổn bởi chiến tranh luôn làm xáo trộn sinh hoạt và ám ảnh đời tha hương của họ. Năm 1965, nhà thờ bị tiêu hủy vì bom đạn, dân chúng sơ tán đi khắp nơi. Cuối năm 1972, chiến sự tạm ổn, bà con trở về lại. Mọi người cùng nhau làm nhà thờ mới bằng gỗ trên đỉnh đồi trong làng nhưng chẳng được bao lâu thì bom đạn lại về. Từ năm 1973-1975, tất cả các cơ sở đã bị bình địa, dân chúng lại tản mác nhiều phương.

Hòa bình lập lại, cuối năm 1975, bà con về lập lại làng, tiếp tục làm một nhà thờ tạm khác nhưng chỉ được 2 tháng thì bị buộc tháo dỡ. Từ đó, nơi đây không còn cơ sơ thờ tự, không có linh mục, giáo phải đi dự lễ tận nhà thờ Võ Đắc, nhà thờ Xuân Thành (Đồng Nai) cách xa 20-30 cây số. Từ năm 1992, giáo xứ Chính Tâm được lập lại, bà con giáo dân đã dự lê và sinh hoạt chung tại đó, họ Mẹ Vô Nhiễm thuộc giáo xứ Chính Tâm được khôi phục nhưng nhà thờ thì cũng vừa dựng xong phải tháo cất. Năm 1996, sau nhiều thăng trầm, giáo họ mới làm được một ngôi nhà thờ bằng cột gỗ, vách ván, mái tôn tận dụng, nền gạch tàu, diện tích 360m2. Nhà thờ đã sử dụng trên 10 năm nên xuống cấp nghiêm trọng, rất nhiều lần cố gắng dùng cây chống đỡ nhưng vẫn không an toàn. Các cha xứ Phaolô Lê Quang Luân, Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Giuse Nguyễn Văn Lừng lần lượt quản xứ Chính Tâm và chăm lo mục vụ giáo họ Vô Nhiễm. Cha Phó xứ Chính Tâm Giuse Nguyễn Hữu An phụ trách Giáo họ từ năm 2000. Từ năm 1997, họ có thêm nhà giáo lý rồi nhà xứ, nhà trẻ. Những hoạt động của họ đạo nhỏ bé này đang từng bước đi vào quy củ thì một tai họa lại xảy ra: Ngày 29.7.2005, nhà thờ đã bị cháy rụi do chập đường dây điện, ngọn lửa lấy đi từ mái tôn, bức vách đến nhà Tạm, chén Thánh, tượng ảnh, sách kinh... Những thành quả vật chất, dù không đáng giá nhiều nhưng là công sức đóng góp của những người nông dân chất phác nơi đây phút chốc biến thành tro bụi, cuốn theo trong gió núi và mưa ngàn. Lại tiếp tục dựng lại nhà thờ bằng cây bạch đàn, tre nứa, che bạt bên trên, xung quanh trống rỗng lộng gió như ngày mới về khai hoang. Mỗi ngày sớm tối lễ lạy kinh hạt, ai ai cũng xót xa, khao khát có ngôi nhà thờ mới.

Và, những ước mong của họ đã thành hiện thực khi ngày 4.10.2006, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Giáo phận Phan Thiết đã dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường mới. Ngày 10.12.2006, Đức cha lại công bố quyết định nâng giáo họ lên giáo xứ và bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Hữu An làm Chánh xứ tiên khởi giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm. Sau 16 tháng thi công, với công sức của bà con giáo dân, sự giúp đỡ của các cơ quan bác ái Công giáo, lòng quãng đại của quý ân nhân xa gần, giáo xứ non trẻ trên miền đất voi này đã hoàn thành một ngôi nhà thờ khá đẹp và khang trang, do Công ty xây dựng Hoan Thiện thiết kế và thi công. Ngày 31.05.2008, lễ Đức Mẹ Thăm viếng, Đức Giám Mục Phan thiết Phaolô Nguyễn Thanh Hoan sẽ đến dâng Thánh Lễ Cung Hiến Nhà thờ mới.

*Phát triển bền vững

Sở dĩ phải dông dài với chuỗi thăng trầm của một giáo xứ vùng xa này là vì muốn nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững của một giáo đoàn hợp lưu nhiều thành phần trong gần nửa thế kỷ qua.

Thật vậy, mặc dù cho đến nay, đây vẫn là một giáo xứ nghèo, rất nghèo của giáo phận Phan Thiết, với nghề chính của bà con là làm nông, cụ thể là trồng khoai mì và gần một nửa là gia đình nghèo, nhưng sự tương thân và lòng sốt mến sống đạo của cộng đoàn 1700 giáo dân này thì phải đáng ghi nhận.

Giáo xứ có những chương trình xã hội khá thiết thực, do giáo dân trực tiếp điều hành như chương trình luôn phiên nuôi bò đẻ (từ một số bò giống ban đầu, các gia đình nghèo sẽ nuôi cho đến khi có được 2 bò con làm vốn sẽ chuyển sang gia đình khác), chương trình kéo nước sạch về từng hộ, chương trình xây nhà tình thương. Trong xứ cũng có một quỹ học bổng đỡ đầu toàn phần cho 33 em và bán phần cho 40 em học hành tới Đại học, bất kể lương giáo. Các chương này do cha xứ khởi xướng, tìm nguồn tài trợ và các cộng tác viên là giáo dân trực tiếp điều phối, duy trì. Bà con cũng lập nên những nhóm thiện nguyện chuyên đi giúp bà con dân tộc trong vùng hay tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ kịp thời. Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm khẳng định: “Chúng tôi còn nghèo, nhưng tôi dám khẳng định là trong xứ không có hoàn cảnh nào bị bỏ rơi. Chúng tôi chia sẻ với nhau trong tinh thần “đồng tiền bà góa”, chúng tôi đến với nhau trong tình huynh đệ vì đã từng đồng kham cộng khổ với nhau từ nhiều chục năm rồi !”. Tính cộng đồng được xứ đạo này đưa lên hàng đầu nên tình liên đới luôn trải rộng, sự bình đẳng cũng vì thế được xác lập trong mọi sinh hoạt. Nhìn hình ảnh giáo dân nhiều lứa tuổi, đủ thành phần trong xứ ban chiều quây quần chơi bóng bàn, đá banh, bóng chuyền hay tập thể dục trong khuôn viên nhà thờ là có thể đoán biết sự hợp nhất của họ. Đây là một trong những yếu tố hình thành nên một cộng đồng phát triển bền vững.

Hôm chúng tôi ghé thăm xứ, nhằm ngay tháng hoa Đức Mẹ, có một hoạt động rất mộc mạc của trẻ con trong xứ làm tôi rất ấn tượng là vào trước mỗi giờ lễ hàng ngày, các em lại chia nhau luân phiên dâng hoa. Sau lễ, lại lần lượt đến từng nhà cũng dâng hoa kính Đức Mẹ. Đơn sơ thôi, đồng phục chưa đẹp lắm, các điệu múa chưa đều lắm, cũng không cầu kỳ tập luyện nhiều thời gian, nhưng rất thanh khiết và ấm cúng. Lòng sốt mến trong từng gia đình được hâm nóng qua hoạt động đơn giản này; sự đoàn kết trong xứ đạo cũng bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhất như thế. Ngày Khánh thành nhà thờ mới đã gần kề, Cha xứ và bà con giáo dân đang tất bật chuẩn bị, bầu khí hiệp nhất càng được thể hiện rõ nét hơn.*

Buổi chiều nắng trải vàng trên từng con đường nhỏ ngang dọc phía dưới triền núi Gia Lào, nhìn những đàn bò đang thong thả về chuồng, chợt cảm thấy bình yên lạ nơi vùng đất rừng xưa này. Ngày cũ sắp chiều và một đêm bình yên đang về với người dân nơi đây. Ngày mai họ lại lên nương, lại chung tay hiệp nhất, dù trong cái vất vả của nắng, của gió từ núi rừng ùa về.
 
Trong cuộc phỏng vấn một linh mục tại Việt Nam nói: Nên tin và giao việc cho giáo dân
Lê Phú Cam
10:28 29/05/2008
PHAN THIẾT: Nhằm tìm hiểu thêm về hiện tình Giáo hội tại Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc nói truyện với LM Giuse Nguyễn Hữu An, chánh xứ Mẹ Vô Nhiễm, thuộc giáo phận Phan Thiết, trong đó ngài nhấn mạnh đến khía cạnh là các linh mục ngày nay “Nên tin và giao việc cho giáo dân...” để giáo dân có thể đóng góp tích cực trong các sinh hoạt của xứ đạo. Nhận thấy những phát biểu và tâm tình riêng của Ngài có thể đem đến những khởi điểm đối thoại và một cách thế nhìn vấn đề "mới mẻ", nên chúng tôi đăng lên để rộng đường dư luận.

Lê Phủ Cam (Phóng Viên): Làm mục vụ ở một vùng quê nghèo nhưng tinh thần sống đạo lại rất cao, điều gì làm cha thao thức nhất ?

LM.NHA: Vì đây là một miền truyền giáo nên ưu tiên hàng đầu của tôi là phát triển giáo xứ thành một cộng đoàn Đức tin, sống chân thành, bác ái để làm chứng nhân. Tôi không thích sự cầu kỳ, câu nệ mà luôn gần gũi, sống cùng giáo dân như những người anh em. Tôi đã từng chứng kiến một giáo xứ nhà quê như xứ tôi có số giáo dân bỏ nhà thờ rất đông, tìm hiểu thì biết cha xứ do quá cứng nhắc với hình thức bề ngoài như buộc giáo dân nữ đi lễ phải mặc áo dài, nam thì bỏ áo vào quần..., trong khi đời sống của họ còn nhiều khó khăn, giờ giấc đến với Chúa cũng là tranh thủ khi rảnh, nên những nguyên tắc đó trở nên xơ cứng, gò bó..., vậy là họ xa dần nhà thờ. Tôi coi đây là kinh nghiệm trong khi làm mục vụ của mình.

LPC: Cha đã bắt đầu từ đâu để xây dựng tinh thần này ?

LM.NHA: Tôi xây dựng những hội đoàn, mở những lớp giáo lý, lập những nhóm bác ái chuyên đến với người nghèo để tìm hiểu đời sống của họ. Tôi cũng đi tìm những nguồn quỹ và làm những dự án phát triển đời sống của dân nghèo, sau đó giao lại cho giáo dân điều hành để họ có điều kiện đồng hành cùng anh em khó khăn. Ngay phía trước ngôi nhà thờ mới, tôi cũng làm hai bức phù điêu diễn tả một lời dạy trong Tin Mừng là “Mến Chúa yêu người”, vì bác ái, liên đới là mục tiêu hàng đầu của xứ Mẹ Vô Nhiễm. Xin mở ngoặc nói thêm là gần như mọi công việc ở giáo xứ, trừ việc cử hành các bí tích, tôi đều để giáo dân tự hoạch định và thực hiện, tôi chỉ góp ý và tham gia định hướng. Tôi thấy tin giáo dân, giao việc cho họ thì cha xứ sẽ có nhiều thời gian để quan tâm việc khác, mà giáo xứ lại ấm cúng, vui vì ai cũng thấy mình có sự đóng góp.

LPC: Thao thức là vậy, khi thực hiện cha gặp khó khăn gì ?

LM.NHA: Vì xứ Mẹ Vô Nhiễm là xứ mới nên mọi hoạt động phải tổ chức từ đầu, cần thời gian mới quen việc và suôn sẻ. Vấn đề tìm và huấn luyện nhân sự cũng là thách thức khi nhiều bà con phải dành thời gian mưu sinh, lại chưa tham gia những hoạt động cộng đồng nhiều.

LPC: Còn đâu là những lợi thế ?

LM.NHA: Lòng đạo đức lâu đời, sự nhiệt tình và nhất là môi trường lành mạnh (giáo xứ tôi rất ít tệ nạn xã hội)...là những lợi thế. Tôi ví dụ, trong công việc xây nhà thờ vừa rồi, mặc dù khả năng tiền của để đóng góp vào việc chung của giáo dân là có giới hạn nhưng sự cộng tác, chung tay của họ là rất cảm động. Với công trình này, tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh những cụ già ngồi chọn gạch, những chị nữ nấu nướng lo cho thợ, những anh thanh niên hì hục khuân vác, đào móng, và cả những cháu thiếu nhi hễ rảnh là sang nhà thờ quét dọn...Đây là bức tranh sinh động của một cộng đoàn hiệp nhất, cũng là bằng chứng nói lên ý thức trách nhiệm với chuyện chung của bà con trong xứ.

LPC: Xin cảm ơn cha !
 
Cầu nguyện cho chuyến đi của Phái đoàn Tòa Thánh
+ GM JB Bùi Tuần
13:52 29/05/2008
Cầu nguyện cho chuyến đi của Phái d0oàn Tòa Thánh

Một mẩu tin đang được truyền đi trong Giáo Hội Việt Nam. Mẩu tin nhỏ. Cách truyền đi nhẹ. Đó là: Phái đoàn Toà Thánh Vatican sắp sang Việt Nam.

Tin đó đang khơi dậy nhiều dự đoán và nhiều hy vọng. Có nghĩa là phái đoàn đang được chờ đợi với nhiều thiện cảm.

Phần tôi, tôi đón chờ phái đoàn với tâm tình cầu nguyện. Xin phép cho tôi được chia sẻ tâm tình cầu nguyện ấy. Điều tôi cầu nguyện nhiều nhất cho chuyến đi này của phái đoàn Toà Thánh là: Đem lại cho người Việt Nam nói chung và cho người công giáo Việt Nam nói riêng một hướng đi nội tâm đúng đắn.

Trên đất nước Việt Nam hiện nay, người ta thấy chằng chịt những hướng đi khác nhau, với những ý nghĩa khác nhau về cuộc đời, với những bậc thang khác nhau về các giá trị điều khiển lòng trí con người. Trước tình hình như vậy, rất nhiều người khao khát những nhắc nhở chân thành về một hướng đi nội tâm đúng đắn. Khao khát ấy thường đặt nơi những ai được Hội Thánh Chúa sai đi cách này cách khác. Hướng đi đó thế nào?

1/ Một hướng đi nội tâm sâu hơn những sinh hoạt tôn giáo thường thấy

Những sinh hoạt tôn giáo đang giữ một vai trò khá quan trọng hiện nay tại Việt Nam là: Đi lễ, hội họp, đóng góp, xây cất, đào tạo nhân sự, tổ chức hội đoàn, huấn luyện đại chúng, các việc từ thiện bác ái.

Những sinh hoạt đó có thực sự gây được một hướng đi nội tâm đúng đắn không? Thưa tuỳ đấy.

Xưa, Chúa Giêsu đã phán: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn Cha Thầy mà thôi" (Mt 7,21).

Biết được đâu là ý Chúa không phải dễ. Thực thi ý Chúa đã được biết càng không dễ dàng.

Xin đưa ra một ví dụ dễ thấy, đó là cử hành một thánh lễ, tham dự một thánh lễ, tổ chức một thánh lễ. Có trường hợp, sau thánh lễ, người ta cảm thấy gần lại Chúa. Có trường hợp sau thánh lễ, chỉ đọng lại sự mệt mỏi, bực mình và trống rỗng. Một phần lớn nguyên nhân là do có tinh thần cầu nguyện và tìm sáng danh Chúa thực sự, hay nặng về tinh thần thế tục, tìm lợi ích riêng tư. Vì thế, nếu chỉ căn cứ vào những sinh hoạt tôn giáo bề ngoài để tìm ra hướng đi nội tâm cho con người, thì sẽ dễ lầm.

2/ Một hướng đi nội tâm rộng hơn những thao thức cục bộ

Xưa, Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari: "Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem... Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này, giờ của những người thờ phượng đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế" (Ga 4,21-23).

Lời Chúa phán trên đây đã giúp Hội Thánh đón nhận rộng rãi những người thiện chí và có khả năng. Tuy nhiên, tinh thần cục bộ vẫn còn. Tại Việt Nam, tinh thần cục bộ còn được nhận thấy một cách khá rõ, ở sự nhiều người vẫn câu nệ vào nhãn hiệu và gốc gác. Kinh nghiệm cho thấy có những người tốt, lợi cho Nước Chúa đã bị loại trừ. Lý do vì không cùng gốc gác và nhãn hiệu như một số người cục bộ đòi hỏi.

Tinh thần cục bộ có thể ví như một chiếc gai lẩn trong áo người mặc. Gai nhỏ, nhưng đủ để gây nên những cơn đau và vết thương lâu dài.

Đã từ lâu rồi, tôi thấy, khi chọn nhân sự lãnh đạo, Toà Thánh thường quan tâm nhiều đến khả năng phân định của ứng viên. Với khả năng tự nhiên và với ơn Chúa, họ phân định được đâu là bóng tối, đâu là con đường từ bóng tối dẫn đến ánh sáng giải cứu cách tự nhiên và đâu là ánh sáng cứu độ siêu nhiên.

Những nhân sự như thế không bị bó buộc trong khuôn khổ cục bộ, mà phải cởi mở trong một cái nhìn rộng rãi, vừa mang tính cách trưởng thành tự nhiên, vừa được hướng dẫn bởi ơn Chúa Thánh Thần, dẫn về Đức Kitô.

3/ Một hướng đi nội tâm vượt qua những tự mãn nguy hiểm

Trong đời sống đạo thường xuất hiện nhiều thứ tự mãn. Tự mãn về trí thức, tự mãn về kinh nghiệm, tự mãn về thành công này nọ, tự mãn về tiền bạc, tự mãn về đạo đức. Người ta thích nghỉ ngơi trong cái tự mãn của mình. Cho dù tự mãn đó chỉ là ảo, chỉ là chủ quan hẹp hòi. Thế mới nguy cho sự nhận ra hướng đi nội tâm.

Một tình trạng đạo đức khá phổ thông được coi như dễ chấp nhận, nhưng thực sự lại là nguy hiểm, đó là tình trạng tầm thường. Tình trạng đó được nói đến trong sách Khải Huyền một cách rất nặng nề. Chúa phán: "Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. Ngươi nói: Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi. Nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng" (Kh 3,15-17).

Tôi thấy lời Chúa phán trên đây đang là thời sự của nhiều người, nhiều nơi tại Việt Nam. Thời sự đó coi như bình thường. Nhưng nó làm cho sự sống đạo dần dần trở thành máy móc, hình thức và cằn cỗi.

Một hướng đi nội tâm mở ra lý tưởng thánh thiện và truyền giáo đang được vạch ra bằng lý thuyết và nhất là bằng gương sáng. Nó cũng là một hy vọng, mà nhiều người thầm mong nơi Phái đoàn Toà Thánh.

Có lẽ ước vọng của tôi hơi nhiều, không hợp với mục đích thực tế của chuyến đi sắp tới của Phái đoàn Toà Thánh. Nhưng tôi vẫn đưa hy vọng đó vào tâm tình cầu nguyện. Biết đâu chuyến đi của Phái đoàn còn vượt quá những hy vọng trên đây của tôi.

Xin Chúa Thánh Thần cùng đi với Phái đoàn.
 
Tìm hiểu về Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt: Bối cảnh hình thành và Đường hướng Giáo dục
Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiêm
14:15 29/05/2008
Một Nghiên Cứu Về Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt

GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN
THÁNH PIÔ X ĐÀ LẠT, VIỆT NAM
(1957-1975)


Tác giả: Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiêm

MỤC LỤC:

PHẦN MỘT:
GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN Ở MIỀN NAM VIỆT NAM


Chương I
Bối Cảnh Lịch Sử Hình Thành Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt


1/. Tương Quan Lực Lượng Việt Minh và Pháp
2/. Thời Suy Tàn Của Chủ Nghĩa Thực Dân
3/. Chế Độ Cộng Sản Miền Bắc Việt Nam, Một Bản Sao Của Trung Hoa Đỏ

Chương II
Đường Hướng Giáo Dục Xây Dựng Giáo Hội


1. Cổ Vũ Một Nền Thần Học, Trong Giáo Dục Nhân Bản, Khai Phóng, Dân Tộc, Hữu Thần
2. Nền Giáo Dục Miền Nam Bổ Sung Thực Trạng ở Miền Bắc Việt Nam
3. Ý Thức Hệ Tôn Giáo
4. Hiệp Thông Với Giáo Hội Hoàn Vũ
Lá Thư Thông Báo Về Số Phận Đất Nước Và Giáo Hội Việt Nam (1966)
Tóm Tắt Lá Thư Đức Giáo Hoàng Phaolô VI Gửi Các Giàm Mục Việt Nam ngày 15/6/1966
Bản Dịch Tiếng Việt Nguyên Văn Lá Thư Nói Trên

Chương III
Đà Lạt: Môi Trường Tu Trì Trong Điều kiện Đa Năng


1. Cao nguyên Đà Lạt: Khi Hậu Thiên Nhiên Trong Lành Yên Tĩnh, Cảnh Trí Thoáng Đãng Duyên Dáng
2. Môi Trường Thuận Lơi Cho Nhiều Hoạt Động Mà Nhất Là Giáo Dục Và Tu Trì

Chương IV
Trường Hợp Dẫn Đến Ủy Nhiệm Dòng Tên


1/. Vài Hàng Lược Sử Dòng Tên ở Việt Nam (1615-1975)
1. Giai đoạn 1615 – 1773
2. Giai Đoạn 1957-1975
[Chú thích: Dù không thuộc phạm vi bài viết, người biên tập đề nghị chú thích thêm phần Lược sử Dòng Tên từ sau 30/4/1975 đến khi có Tỉnh Dòng Tên Việt Nam (2007)]:
3. Giai đoạn 1975-2007
2/. Những Đặc Điểm Của Dòng Tên Thể Hiện ở Việt Nam
3/. Mười Đặc Điểm Chung Nhất Của Dòng Tên Trên Thế Giới, do Hồng Y Averel Dulles Tổng Kết

PHẦN HAI
SINH HOẠT GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN


Chương V
Quá Trình Xây Dựng Và Hình Thành Cơ Sở Học Viện


Chương VI
Hệ Thống Cơ Cấu Điều Hành và Giảng Huấn


1. Tổ Chức Quản Trị
Biểu 1. Các Viện Trưởng Giáo Hoàng Học Viện
Biểu 2. Sơ Đồ Cơ Cấu Quản Trị Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt
2. Một Vài Chi Tiết Về Các Linh Mục Giáo Sư
Biểu 3.Các Linh Mục Giáo Sư Giáo Hoàng Học Viện
Thường Trú Hay Thỉnh Giảng
3. Công Trình Nghiên Cứu, Dịch Thuật, Truyền Thông Ngoại Khóa
Biểu 4. Các Linh mục Giáo Sư giảng dậy tại Giáo Hoàng Học Viện sau 30/4/1975

Chương VII
Tổ Chức Sinh Hoạt Chủng Sinh


1/ Hội Đồng Chủng Sinh
2/. Sinh Hoạt Thường Ngày Của Chủng Sinh
3/. Giáo Trình Học Vấn
a. Ban Dự Bị
b. Ban Triết Học
c.Ban Thần Học
Lễ Khánh Thành Phân Khoa Thần Học
Đề Biện Trọng Thể
Hoàn Chỉnh Thủ Tục Cho Phân Khoa Thần Học
Thư Viện Tham Khảo
Khóa Học Thuật Tôn Giáo

Chương VIII
Tổ Chức Huấn Luyện Tu Đức


1/. Chương Trình Sinh Hoạt Đạo Đức
GM Nguyễn Văn Thuận
GM Cassaigne
2/. Vai Trò Của Linh Mục Linh Hướng
3. Các Văn Kiện Căn Bản Về Đời Sống Linh Mục.
Linh mục Paul Deslierres

Chương IX
Các Sinh Hoạt Ngoại Khóa Khác


1/. Thực Tập Mục Vụ
2/. Đối Thoại Giao Lưu
3/. Những Mẩu Chuyện Đáng Nhớ
1. Cứu Trợ Nạn Nhân Chiến Cuộc Vùng Đà Lạt
2. Một Mùa Gặt Mục Vụ Truyền Giáo
3. Chuyến Thăm Viếng Bất Ngờ Của Tổng Thống Và Bà Nguyễn Văn Thiệu Tháng 12/1970.
4. Kim Khánh Linh Mục LACRETELLE
5. Cuộc Đi Tản Khỏi Thị Xã Đà Lạt Ngày 20/3/1975.

PHẦN BA
NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH VÀ THÀNH QUẢ ĐÀO TẠO


Chương X
Thành Quả Đào Tạo Từ Dữ Liệu Thống Kê


1. Thành Phần Giảng Huấn:
Tồng kết mười năm hoạt động của học viện
2. Thành Quả Đào Tạo Chủng Sinh Theo Số Liệu Thồng Kê:
Biểu 5. Tổng Kê Số Chủng Sinh Thụ Huấn
Biểu 6. Thống Kê Phân Tích Các Chủng Sinh Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đàlạt (1958-1976)
Biểu 7. Mười Cựu Chủng Sinh Được Tấn Phong Giám Mục
Biểu 8. Lịch Biểu Những Sự Kiện Chính

CHƯƠNG XI
Những Suy Nghĩ Chung Quanh Thành Quả Tinh Thần


1. Định Kiến Mặc Cảm
2. Giáo Dục Và Đào Tạo
3. Những Thành Quả Tinh Thần.

Một Số Tài Liệu Tham Khảo

1/ Tài liệu trực tiếp về lịch sử GHHV
2/ Một số tài liệu khác về nhiều vấn đề khác nhau
3/ Tài liệu hình ảnh

PHẦN PHỤ LỤC

PHỤLỤC I
Giáo Trình Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện

PHỤ LỤC II
Các (18) Danh Sách Chủng Sinh Theo Từng Niên Khóa (1956-1976)
Biểu 9. Thống Kê Tổng Hợp Các Chủng Sinh (1958-1976)
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đàlạt
Danh sách từ 1 -18: Sinh viên GHHV Niên Khóa 1958-59 – 1975-76
Lời cẩn báo


PHẦN MỘT:
GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN Ở MIỀN NAM VIỆT NAM


Chương I
Bối Cảnh Lịch Sử Hình Thành Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt


Từ lâu trong Giáo Hội Việt Nam đã từng có Giáo Hoàng Chủng Viện Thánh Albertô ở Nam Định. Trước kia thuộc Giáo Phận Miền Đông Bắc Việt, sau này khi Giáo phận được chia tách thêm, thì chủng viện này vẫn ở trong lãnh địa Nam Định giáo phận Bùi Chu, thuộc quyền quản nhiệm khi đó của các linh mục Dòng Đa Minh tỉnh Manila, Phi Luật Tân.

Nay tại Miền Nam, Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X được thành lập ở Đà Lạt, Vì thế học viện này chỉ có một lịch sử ngắn ngủi vỏn vẹn chưa đầy hai chục năm, theo số phận chết yểu của Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975), nhưng rất phong phú về nhiều phương diện. Ở đây ta chỉ nhấn mạnh về khía cạnh chính trị xã hội.

Cùng với làn sóng đỏ trào dâng, đúng như một dòng thác cách mạng, không có sức gì ngăn cản nổi, muốn lan tràn khắp địa cầu. Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã thắng như thế chẻ tre trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh nẩy lửa, vũ bão, nhưng đầy đau khổ chết chóc, tang thương cho biết bao sinh linh trong biển người ở lục địa Trung Hoa. Cuộc Cách Mạng Cộng Sản như muốn bứt phá tận gốc rễ phá toàn thể nền tảng cổ truyền của văn hóa ngàn đời.

1/. Tương Quan Lực Lượng Việt Minh và Pháp

Tại Việt Nam, phe thực dân Pháp đã phải ngậm cay, nuốt đắng, ôm hận thất bại trong một trận chiến do chính mình chủ động bố trí ở thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ miền núi Tây Bắc Bắc Việt.

1. Nhưng một bên, phe kháng chiến Việt Minh, với thế “chuyển bại thành thắng” trong tình hình quốc tế khi đó, đã ngốn hết những đợt tiếp trợ này đến đợt khác từ hậu phương, như vận động dân công, thồ xe, kéo pháo, chở đạn, chở gạo dưới máy bay của đối phương, lấy xác người bịt lỗ châu mai của đối phương, cùng với những viện quân và khí tài từ Trung Quốc, Liên Xô đổ đến ào ạt. Tất cả tập trung cho chiến trường Điện Biên Phủ để vây khổn, tập trung đánh nhanh, thắng nhanh, đánh mạnh, thắng mạnh, đánh vũ bão, tràn lan trên khắp các trận tuyến, bất ngờ, liên tục, không ngừng của Việt Minh và Bộ Đội Nhân Dân Trung quốc, và Liên Xô trong mặt trận đối ngoại, tình báo của khối Cộng Sản quốc tế trên thế giới.

2. Trong khi đó, phe Mỹ còn chần chừ trong việc trợ giúp cho lực lượng Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương, vì nhiều lý do, nhưng chính yếu là các nguyên nhân sau đây:

*Phe Mỹ cầm chừng Khối Cộng Sản Liên Xô và Trung Quốc có thể liều lĩnh can thiệp vào chiến trường Việt Nam. Và từ đó theo cách nhìn đó, thế trận domino tại Đông Nam Á khiến lực luợng Công Sản làn tràn trên khắp Đông Nam Á và các phần khác của thế giới ở Áchâu. Nơi nào có đau khổ nghèo nàn, nơi đó có Cộng sản hoạt động, vì dễ lừa ép dân ăn bánh vẽ cơm áo, nhà đất và tự do.

*Nhưng lý do trực tiếp là cạnh tranh quyền lợi thực dân giữa hai nước liên minh, bề ngoài có vẻ bền vững, là Pháp và Mỹ. Đối phương đã cố khai thác, thổi phồng, khoét sâu những mâu thuẫn này, để làm suy yếu thế liên kết cần thiết cổ truyền của hai nước.

Về căn bản, Pháp phần nào vẫn còn mạnh thế, dựa vào nền tảng tinh thần văn hóa Công Giáo phương Tây, còn văn hóa Mỹ coi trọng tự do cá nhân trong chọn lựa tín niệm tôn giáo, bộc lộ trong phong trào Cải Cách Tin Lành phóng khoáng đi đến Ly giáo trong thế giới Công giáo cổ truyền..

*Quyền lợi kinh tế và các quyền lợi liên hệ khác trong việc chiếm đóng Đông Dương là một khía cạnh trọng yếu khác, tăng cường mối xung khắc Pháp Mỹ tại Đông Dương. Thái độ lấp lửng không rõ ràng ấy trong quyết định chiến trường, và trong chính sách tổng quát, tác động mạnh mẽ lên tinh thần chiến đấu thiếu can đảm và thiếu nhuệ khí của toàn thế binh sĩ Liên Hiệp Pháp tham chiến.

2/. Thời Suy Tàn Của Chủ Nghĩa Thực Dân

Thực ra, đây cũng là thời kỳ suy đồi của chủ nghĩa thực dân trong lịch sử thế giới, nghĩa là đã đến khá trễ thời điểm các nước thực dân phương Tây, sau thế chiến thứ II, như Pháp, trao trả độc lập cho các lãnh thổ, hay xứ sở chậm tiến, từng bị nhiều nước phương Tây chiếm làm thuộc địa, mà Pháp vẫn còn nấn ná cố chấp bám lấy quyền lợi của mình, theo lối cũ để sinh sống.

Kết quả là sau khi bị thất bại ở chiến trường Điện Biên Phủ chỉ với giúp đỡ hạn chế của Mỹ ở Đông Dương, trong khi ngược lại quân kháng chiến Việt Minh được viện trợ ào ạt của khối Cộng Sán Xô Trung, Pháp đã phải ký kết Hiệp Định Genève ngày 20/7/1954, chia cắt Việt Nam, nhường cho Việt Minh một nửa nước phía Bắc, rút vào miền Nam, khi đó có xu hướng hỗn loạn với tình thế bất lợi vì sự hiện diện của Pháp chưa dứt khoát và nội bộ chia rẽ giữa các phe phái quốc gia, cùng lực lượng Cộng Sản nằm vùng hay trà trộn.

3/. Chế Độ Cộng Sản Miền Bắc Việt Nam, Một Bản Sao Của Trung Hoa Đỏ

Ngay sau Hiệp Định Gènève về Việt Nam, chia cắt đất nước làm hai miền Bắc Nam theo lằn ranh thực tế là sông Bến Hải (cầu Hiền Lương) ở khoảng vĩ tuyền 17. Miền Nam Việt Nam về sau được gọi là Việt Nam Cộng Hòa phải đối phó với nhiều khó khăn, tiếp theo việc Đảng Cộng Sản thắng thế tại Trung Hoa, và nhất là chính thức công bố thành lập chế độ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày 1/10/1950.

Chế độ mới trục xuất các giáo sĩ ngoại quốc khỏi Trung Hoa. Chính quyền miền Nam do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo khi đó, với sự thúc đẩy tích cực của Giám Mục Ngô Đình Thục kêu gọi các tín đồ Công Giáo, nhất là những người bị trục xuất khỏi Trung Hoa, góp phần xây dựng chế độ giáo dục tại miền Nam. Cuộc di cư của gần một triệu người Việt Nam, trong đó có gần 700.000 người Công giáo từ miền Bắc vào miến Nam, là một bài toán hóc búa. Việc chuyên chở và tái định cư một triệu người trên vùng đất mới nẩy sinh biết bao vấn đề trong một thời gian trước mắt. Nếu không có trợ giúp quốc tế do Hoa Kỳ đừng đầu, thì Miền Nam không thế chịu đựng nổi một tình trạng xã hội phức tạp và đa diện như cuộc di cư và tái định cư ở Việt Nam năm 1954-55 và sau đó.

Chương II
Đường Hướng Giáo Dục Xây Dựng Giáo Hội


1. Cổ Vũ Một Nền Thần Học, Trong Giáo Dục Nhân Bản, Khai Phóng, Dân Tộc, Hữu Thần

Cùng với những người có thiện chí trong cộng đồng dân tộc và quốc tế, Giáo Hội Việt Nam đã có định hướng xây dựng ngay một nền giáo dục nhằm chỉnh đốn hàng ngũ ở miền Nam, đào tạo nhân tài cho đất nước, trong đó có hàng giáo sĩ Công giáo, trên một nền tảng vững chắc “une sérieuse formation intellectuelle et spirituelle” [một đào tạo nghiêm chỉnh về trí thức và thiêng liêng].

Dường như song song với việc đào tạo các giáo sĩ trong hệ thống chủng tu viện tại Việt Nam, trong đó có Giáo Hoàng Học Viện, thì về phương diện giáo dục thế tục, một hệ thống giáo dục ở các cấp tiểu trung và cao đẳng, như Viện Đại Học Đà Lạt. Hai hệ thống giáo dục quyện chặt với nhau và bổ sung cho nhau, như bóng với hình, để đào tạo nhân sự tài đức cho Giáo Hội và đất nước trên cơ sở khai phóng, nhân bản, tự do.

Chính trong hoàn cảnh đất nước bị qua phân, lại phải đối phó với cuộc di cư và đe dọa của CSVN xâm lăng từ miền Bắc, miền Nam Việt Nam phải tính toán, đế có thế trong tương lai vừa chiến đấu để tồn tại, vừa xây dựng và phát triển. Vì thế, dù có người phủ nhận, lý tưởng giáo dục cho các linh mục phải mang nội dung hữu thần, đối phó với chủ nghĩa Cộng sản vô thần của toàn thể khối Liên Xô Trung Hoa.

Nền giáo dục đó bổ sung một cách nào đó tình hình thực tế có mầu sắc, không những chỉ chống tôn giáo, mà còn thù nghịch triệt tiêu tôn giáo. Thay vì mô tả một cách trừu tượng bằng lý thuyết, người ta có thể hình dung chế độ miền Bắc đối xử thực tế thế nào với Công giáo, qua mấy nét chấm phá dưới đây.

2. Nền Giáo Dục Miền Nam Bổ Sung Thực Trạng ở Miền Bắc Việt Nam

Người Công Giáo Việt Nam biết rất rõ tình hình ấy. Vì thế khi Cộng sản Việt Nam nắm quyền ở miền Bắc, không vì bất cứ lời tuyên tuyền đường mật, áp lực hay xuyên tạc nào khác, họ phải chạy đi Nam tìm tự do. Năm 1954, theo Hiệp Ðịnh Genève, trong số một triệu rưỡi giáo dân miền Bắc hồi ấy, hơn 700.000 người đã bỏ ruộng vườn, nhà cửa, mồ mả cha ông ra đi, cùng với mấy trăm ngàn người thuộc các thành phần ngoài công giáo, và không kể một số binh sĩ đi theo các đơn vị khác nhau. Trong thời hạn ấn định do Hiệp Định đình chiến Genève, chứng một triệu người miền Bắc đã đi vào Nam, bất chấp những toan tính ngăn cản và tuyên truyền của Cộng sản miền Bắc, trong khi có lẽ có chừng 100.000 du kích và cựu kháng chiến từ miền Nam ra Bắc qua một số địa điểm chỉ định ở miền Nam.

Báo Time xuất bản tại Mỹ ngày 2 tháng 8 năm 1954 cho biết tờ Osservatore Romano của Vatican tỏ ra vui mừng, vì cảnh đổ máu chém giết nhau tại Đông Dương đã chấm dứt, nhưng lo ngại cho số phận các tín hữu Công giáo phải sống dưới chế độ toàn trị của cộng sản. Nỗi lo ngại ấy hoàn toàn có cơ sở, không những qua bài học Trung Hoa được coi là quan thầy của Hà Nội, mà còn do chính kinh nghiệm thực tế ờ Việt Nam.

Tại những vùng Cộng Sản kiểm soát, họ đã đối xừ ác nghiệt với các tôn giáo, nhất là Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội miền Bắc đã phải trải qua những ngày đen tối. Tất cả các trường học, và hầu hết các tu viện đều bị nhà nước tịch thu. Một số các linh mục và chức sắc của xứ đạo bị bắt đi tù trong chính sách cải cách ruộng đất đẫm máu, với những cuộc đấu tố rùng rợn dã man (1955-1956), mà ngày nay thế giới thấy rõ ràng hơn bao giờ hết.

Như chiến dịch đấu tố địa chủ bắt đầu từ 1953, một chiến dịch mà Bernard Fall, cũng như nhiều tác giả và chứng nhân Việt Nam khác sau này, ước tính đã giết hại 50.000 người, và bỏ tù hơn 100.000 người, trong đó khá nhiều linh mục và giáo hữu Công Giáo Việt Nam đã bị hành hạ và trừ diệt dưới danh nghĩa này. Đối với Cộng Sản, hơn bất cứ tổ chức tôn giáo tín ngưỡng nào, Công Giáo là một thế lực thù địch cần phải ưu tiên tìm mọi cách loại trừ, hoặc ít nhất cũng đổi thành công cụ nhà nước.

Stephen Denney trong phần nói về Giáo Hội Việt Nam trong cuốn Catholicism and Politics in Communist Countries do Sabrina P.Ramet chủ biên, xuất bản năm 1990, cho hay trong giai đoạn này, để thi hành chính sách trên, ngay tức khắc họ tìm cách ly gián và giam giữ các giám mục và linh mục bị coi là “phản động”, nghĩa là hầu hết các vị còn ở lại miền Bắc, vì lý do này hay lý do khác.

Vị Khâm Sứ Tòa Thánh John Dooley bị cộng sản Hà Nội tìm cách tống xuất từ lâu mà chưa được. Sau Đại hội Thánh Mẫu tại Sài Gòn (tháng 2 năm 1959), ngài và Giám mục Trình Như Khuê bị công an thẩm vấn. Không hiểu vì sao, sau đó ngài ngã bệnh nặng phải trao toà khâm sứ cho linh mục O’Driscoll xử lý, để qua Nam Vang chữa bệnh, và Ngài không bao giờ được trở lại Hà Nội.

Giám mục Trịnh Như Khuê bị mời ra uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, làm việc sau khi tỏ ra “tiêu cực” với đại hội “Những Người Công Giáo Yêu Tổ Quốc, Yêu Hòa Bình” họp tại Hà Nội tháng 3 năm 1955.

Giám mục Hoàng Văn Đoàn, người có lần đã gửi thư chúc mừng buổi ra mắt của Ủy Ban Công Giáo Yêu Nước tại Hà Nội, nhưng khi qua Hồng Kông chữa bệnh, thì cũng không được trở lại giáo phận nữa, chỉ vì sau đó đã gửi một lá thư khác đính chính lá thư trên!

Giám mục Trần Hữu Đức bị lôi ra trước hội đồng nhân dân 17 xã, bắt phải ký nhận tội bỏ thuốc độc xuống giếng, giết hại dân lành, âm mưu ám sát cán bộ.
Giám mục Khuất Duy Tạo bị đem ra tòa, chỉ vì tội đã dám cấp bằng công nhận các tín hữu thành viên ban hành giáo.

Các giám mục ngoại quốc như Jacq Mỹ của Lạng Sơn, Mazé Kim của Hưng Hóa hay Coonan Hành của Thanh Hoá… cũng như các linh mục của Hội Thừa Sai Ba Lê và Dòng Chúa Cứu Thế Gia Nã Đại lần lượt bị trục xuất.

Giám mục già nua Hedde Minh của Lạng Sơn được lệnh phải ra đi, nhưng đã qua đời trước ngày lên đường. Trước đó, ngài viết cho người em: “Ngày tôi ra đi chưa đến, nhưng sắp đến. Tôi chỉ ước mong được gửi tấm thân già này ở Lạng Sơn, và chính giáo dân của tôi cũng muốn thế, nhưng tôi để mặc ý định của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Ngài đã lặp lại những lời của Chúa Kitô trên thập giá!

Rất nhiều linh mục bị phát vãng, thủ tiêu hay tù tội, kể cả hai linh mục Nguyễn Ngọc Oánh và Nguyễn Văn Thông từ Mỹ và Pháp về lại Hà Nội phục vụ. dù ngày 14/06/1955, Hồ Chí Minh ban hành “Sắc Lệnh Tôn Giáo” nhìn nhận tự do tôn giáo và tự do mở trường. Trường hợp điển hình là Linh Mục Nguyễn Văn Vinh, vì không chấp nhận treo hình Hồ Chí Minh trong các lớp của trường Dũng Lạc cũ thay cho cây thánh giá, và không chào cờ đỏ sao vàng ngày khai trường. Dù đang giảng dậy la tinh tại Trường Đại Học Y Khoa Hà Nội, ngài đã bị bắt giam tại Hỏa Lò Hà Nội và về sau bị đưa đi giam ở nhiều trại tù, và cuối cùng bị kiên giam đến chết rũ tù tại nhà tù Cổng Trời, khét tiếng tàn ác, vùng biên giới phía Bắc Việt Nam giáp ranh Trung Quốc. Nhiều người đã chứng kiến trường hợp người tù kiên cường này, khi ở trong tù ngài còn hát bài “Vết Tử Hùng”, ca tụng lòng can đảm của các vị tử đạo tiền nhân ở Việt Nam thời cấm đạo.

Stephen Denney trong tài liệu trên cũng cho hay, sau khi Ủy Ban Công Giáo Yêu Nước thành hình (1955), các giám mục và linh mục không còn được liên lạc thư từ gì với Vatican nữa. Thậm chí, không một giám mục nào được phép tham dự Công Đồng Chung Vatican II; thậm chí các tài liệu của Công Đồng này cũng không lọt được vào miền Bắc.

Phải đợi tới năm 1974, lúc cộng sản Hà Nội tuyệt vọng, đi tìm hậu thuẫn quốc tế, họ mới miễn cưỡng để Giám mục Trình Như Khuê qua Rôma, tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Nhưng vị Giám mục này vẫn không tin cộng sản Hà Nội, nên đã cử giám mục phó Trịnh Văn Căn đi thay thế.
Chính vị giám mục này đã trình bầy cho toàn thể Giáo Hội và thế giới biết tình thế bi đát của Giáo Hội miền Bắc như sau:

"300 linh mục, phần lớn già nua, coi sóc hơn 1 triệu giáo dân. Cũng nên nhớ sắc lệnh tôn giáo năm 1955 nhìn nhận quyền mở trường dạy học của các tôn giáo. Nhưng chữ ký của họ Hồ chưa khô mực, thì trường Dũng Lạc ở Hà Nội đã bị đóng cửa, rồi lần lượt các tiểu và đại chủng viện…

Có lẽ nên đọc lại thư Giám Mục Khuất Văn Tạo viết năm 1963: “các nhà xứ có nơi sửa chữa được nhà thờ, có nơi bỏ bớt nhà ở vì củ nát, chữa cũng không có người ở, vì cả địa phận còn lại, tính cả tôi, cũng chưa được một chục người có chức thánh, ba thầy với mấy cậu ở nhà chung, nhà xứ. Còn giáo hữu tối thứ bẩy như ở Hải Phòng có khi được vài chục người nhớn bé…”

Ngoại trừ Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng nữ tu Thánh Phaolô còn lại ở miền Bắc, các dòng khác đều rút lui vào miền Nam. Các giám mục và các linh mục còn lại phải sống khổ cực như thế, và một ngày một già yếu, trong khi các chủng viện đều bị đóng cửa và bị cấm hoạt động.

Trường hợp duy nhất lạ lùng là có một đại chủng sinh đang thụ huấn tại Đại Chủng Viện Xuân Bích ở Vĩnh Long, Miền Nam Việt Nam đã xin về Hà Nội, đó là Thầy Nguyễn Văn Sang gốc thuộc giáo phận Hà Nội. Sau này sau khi thụ phong, linh mục Sang đã được bố trí, với sự đồng ý của chính quyền Cộng Sản, làm giáo sư Chủng Viện Gioan Hà Nội, còn tồn tại một thời gian, cho đến khi nhà nuớc đòi kiểm soát nội dung giảng huấn của chủng viện này.

Chính đó là Giám Mục Nguyễn Văn Sang, thuộc giáo phận Thái Bình hiện nay. Vào thời gian đó, có người dám thầm nghĩ phải chăng Cộng Sản đã cài người như thầy Sang vào Nam, rồi xin bỏ Nam trở về Hà Nội, giữa thủ đô miền Bắc, để tuyên truyền và khuynh đảo hàng ngũ tu sĩ Công giáo miền Nam, hay người miền Bắc đã di cư vào miền Nam?

Nhiều Giám Mục vì nhu cầu đã phải phong chức "chui" cho một số tân linh mục. Tổng số linh mục cho các giáo phận Miền Bắc trong năm 1992 là 277 vị, gồm cả 30 linh mục được phong chức "chui". Còn về trình độ văn hóa đạo đời, ở miền Bắc, phần đông các linh mục hiện còn thi hành nhiệm vụ không có cơ hội để được học tại chủng viện.

Ðiều này có nghĩa là một chương trình đào tạo cấp tốc rất thiếu sót - nếu có thể gọi là một chương trình - để đáp ứng nhu cầu mục vụ của một linh mục, chưa nói đến đòi hỏi mục vụ của một giám mục. Mãi đến thập niên 1980, mới có một ít linh mục ở miền Bắc được tuyển chọn và được gởi qua Roma để thụ huấn thêm về Thần Học hoặc về Giáo Luật. Nhưng kết quả không trọn vẹn, vì các vị đi du học chưa đủ nền tảng giáo dục cơ bản vững chắc.

Ðể phân hóa Giáo Hội, nhà nước đã dựng lên nhóm "Công Giáo Yêu Nước Yêu Hòa Bình" (1955), giống như Hội Công Giáo Yêu Nước tại Trung Hoa, làm nòng cốt tạo nên Giáo Hội Công Giáo Tự Trị ở Trung Hoa. Nhóm này xuất bản tờ "Chính Nghĩa", sau đổi là tờ "Người Công Giáo Việt Nam" chủ yếu là để tuyên truyền cho người Công giáo, và để thông tin liên lạc và hoạt động trong hàng ngũ các cán bộ làm công tác tôn giáo trong khuôn khổ của đảng Cộng Sản.

3. Ý Thức Hệ Tôn Giáo

Khác biệt tôn giáo – cách riêng là Công giáo - với chủ nghĩa Cộng Sản không hẳn một cách tống quát như vẫn được nói là chủ nghĩa tam vô - vô gia đình, vô tổ quốc và vô tôn giáo -, nhưng điểm căn bản là chủ nghĩa vô thần, bất tín vào linh giới:

Không có niềm tin vào linh giới, vào cõi thần, vào cõi siêu nhiên, vào Thiên Chúa. Từ đó người Cộng sản suy diễn ra những hệ luận làm nên chủ nghĩa duy vật, vô tín vào cõi vô hình, mà sức con người không thế khẳng định được điều gì một cách rõ rệt, khác như lý trí con người trong phạm vi hữu hình. Không hiểu được không có nghĩa là không có, là vô lý, mà là huyền nhiệm đối với con người. Đó là côi vượt khả năng tự nhiên của lý trí con người.

Các hệ luận về tính nhân bản, xã hội con người, giá trị đạo đức trong mọi hành vi ý nghĩ của con người cũng từ đó mà ra. Một chủ nghĩa nhân bản vô thần là thiếu nền tảng, mất nguồn gốc, lạc hướng, vì con người hữu hình không thể hiện diện mà không kết hợp một cách nào đó với linh giới vô hình.

Các hệ luận về thế giới vật chất và tất cả những nhãn giới khác đều bị đảo lộn, và làm xáo trộn cuộc sống xã hội nhân bản trên thế giới. Do đó mà nhiều người đi đến kết luận chủ nghĩa cộng sản là vô gia đình và vô tổ quốc, vì tham vọng xây dựng một thế giới đại đồng, không nhất thiết lấy gia đình làm căn bản, mà cho tự do kết hôn, bất chấp đạo lý nhân bản.

Khác với chủ trương nhân bản vô thần, Giáo hội Công giáo xây dựng một nền thần học hữu linh hữu thần, dựa trên triết thuyết tổng hợp đông tây kim cổ và các khoa học do kinh nghiệm của cả tập thể nhân loại trong lịch sử đúc kết lại qua các môn học.

4. Hiệp Thông Với Giáo Hội Hoàn Vũ

Lá Thư Thông Báo Về Số Phận Đất Nước Và Giáo Hội Việt Nam (1966)

Phúc đáp thỉnh nguyện của Giáo Hội Miền Nam Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói đến nhiều điều về tình hình Việt Nam, trong đó có việc thành lập Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X tại Đà Lạt.

Có thể tóm tắt những điểm chính mà lá thư nói trên đề cập đến:

Tóm Tắt Lá Thư Đức Giáo Hoàng Phaolô VI Gửi Các Giàm Mục Việt Nam ngày 15/6/1966:

*Cuộc họp sắp diễn ra của Hội Đồng Giám Mục Miến Nam Việt Nam trong năm 1966.

*Cảm thông những băn khoăn lo lắng của các giám mụcViệt Nam về tình thế và những khó khăn của đất nước và giáo hội phải đối phó, phản ảnh qua lá thư mục vụ của TGM Sàigòn và Giám mục Đà Lạt.

*Giới thiệu đặc sứ Sergio Pignodeli thay mặt Đức Giáo Hoàng, đến tham dự Hội nghị trực tiếp nghe và tiếp nhận những yêu cầu cụ thể của Việt Nam từ chính các giám mục tham dự hội Nghị.

*Qua Khâm Sứ Angelo Palmas Thường Trú tại Việt Nam, Đức Giáo Hoàng thấu hiểu và khâm phục các Giám Mục Việt Nam thể hiện tinh thần can đảm làm việc tông đồ có kết quả.

*Việc thành lập Phân Khoa Thần Học trong Giáo Hoàng Họa Viện Thánh Piô X Đà Lạt, đào sâu và hoàn thiện nền triết học và thần học theo truyền thống văn hóa Việt Nam

*Thành quả tốt đẹp môt năm thành lập cơ quan Bác ái Công giáo Việt Nam.

*Khuyên các linh mục sống kết hợp với các giám mục trong mọi thừa tác vụ linh mục.

*Nguyện chúc và khuyên mọi người sống tinh thần hòa hợp hòa giải.

*Nhất là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lo chính niềm lo của Cộng đồng Công giáo Việt Nam, của Dân tộc, Đất nước và Giáo hội Việt Nam, cố gắng vận dụng mọi cơ hội cổ vũ cho hòa bình và thịnh vượng của VN, và xin gửi phép lành Tòa Thánh đến mọi người trong cộng đồng dân Chúa Việt Nam.

Vì tầm quan trọng của lá thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ta có thể ghi nhận toàn bộ bản dịch tiếng Việt lá thư từ nguyên văn tiếng Pháp, đề ngày 15/6/1966 tại Rôma, gửi các Giám Mục Việt Nam.

Bản Dịch Tiếng Việt Nguyên Văn Lá Thư Nói Trên

[Chư Huynh Đáng Kính,

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sắp hội họp từ đây đến đó không bao lâu nữa, sẽ qui tụ chư huynh lại. Cuộc họp ấy cho Ta chứng kiến lòng chư huynh nhiệt thành và tận tụy phục vụ cộng đoàn Công Giáo của đất nước. Chư Huynh Giám mục đáng kính, chư huynh hiến thân cho đất nước bằng tinh thần quảng đại và hy sinh gương mẫu. Đó chính là động lực khiến Ta được ủi an và đầy khâm phục.

Ta biết chư huynh đang xao xuyến trước thời cuộc hiện tại, và chư huynh lo lắng trước một tương lai đầy bất trắc. Nhiều vấn đề còn đè nặng hơn nữa lên việc củng cố và phát triển Giáo Hội trên đất nước chư huynh.

Ta biết rõ điều đó, và đã nhiều lần đoan chắc với chư huynh: Ta gần gũi chư huynh trong thử thách, và ước ao cảm thấu nhiều hơn những vất vả của chư huynh, và chia sẻ thân mật hơn các băn khoăn tông đồ của chư huynh. Chỉ như thế, Ta thiết nghĩ, Ta mới có thể đáp ứng lòng tận tụy sâu xa chư huynh bày tỏ với những đại diện yếu hèn của Chúa. Và các Tín điệp của Chư Huynh Tổng Giám Mục Sàigòn và Giám Mục Đà Lạt cho thấy điều đó. Ta không thể đọc mà lòng không xúc động sâu xa. Đó là một bằng chứng mới mẻ và đầy khẩu khí.

Muốn bày tỏ với chư huynh lòng yêu mến đặc biệt Ta thể hiện nơi mỗi người trong chư huynh, nơi các tín hữu được trao cho chư huynh chăm sóc, và nơi đất nước đang bị thử thách của chư huynh, Ta muốn ban tặng chư huynh một dấu hiệu hữu hình. Và Ta hy vọng dấu hiệu đó sẽ làm chư huynh vui lòng, như Ta hiện diện giữa chư huynh, khi họp Hội Đồng Giám Mục, qua việc cử nhiệm Vị Tôn Huynh đáng kính, Đức Sergio Pignedoli, Tổng Giám Mục hiệu tòa Iconium và Đặc Phái Viên Tông Tòa tại Canađa.

Ta đã trao cho ngài sứ mệnh mang đến anh em lời chào thân ái. Và ngài bầy tỏ cho chư huynh thấy, Ta mãn nguyện với nhiệt tình chư huynh bộc lộ, khi thực thi thánh chức. Ngài nhắc lại những điều Ta khuyến khích, ngõ hầu tiếp nhận, qua miệng chư huynh trình bày, các nhu cầu khẩn thiết nhất của các giáo phận của chư huynh. Ngài bàn luận với chư huynh những sáng kiến có vẻ thích hợp nhất, để chắc chắn đem ra thi hành các quyết định của Công Đồng.

Nhiều khó khăn và trở ngại đủ loại, đến từ mọi nơi, làm cho công cuộc tông đồ, trên đất nước này, còn khó khăn hơn nữa. Nhưng xứ sở này vẫn được Chúa độ lượng chúc lành, giàu có tài nguyên thiên nhiên, cũng như người dân đầy quảng đại. Dân chúng nước này bảo lưu một cảm thức thiêng liêng sống động, và biểu lộ điều đó qua các truyền thống, nghi lễ và tín ngưỡng, lấy gia đình làm trung tâm thể hiện những điều đó. Các khó khăn mà Ta nói đến, không ngăn cản, đà thúc đẩy chư huynh làm tông đồ, mà còn làm sống động cảm thức trách nhiệm mục tử cho các tâm hồn. Khó khăn đó cũng khiến chư huynh trở nên nhạy cảm hơn, tích cực hơn, đương đầu với những điều cần thiết, cấp bách hơn của thời cuộc hiện tại. Đối với chư huynh, hỡi chư huynh đáng kính, chính chính chư huynh đoán biết điều ấy, một lý do làm mãn nguyện sâu xa. Cũng như đó là tư tưởng tôn trọng và kính mến, chư huynh bền bỉ bày tỏ, đối với vị thay mặt Ta nơi chư huynh, Vị Tôn Huynh đáng lính, Đặc Sứ Tông Tòa, Đức Angelo Palmas, chư huynh đều biết rõ. Ngài có nhiều đức tính thông minh và trái tim, đức khôn ngoan và tâm hồn thanh thiết.

Ngài đã đến, nơi chư huynh, vì mục đích duy nhất là phục vụ Giáo Hội cùng với chư huynh. Và chư huynh trong lúc đến tiếp nhận những điều ngài gợi ý huynh đệ, đã cho thấy một tình cảnh ủi an là lập lại kiên quyết đời sống công giáo, một lý do vững chắc để hy vọng vào tương lai. Thực sự, nhiều sáng kiến chư huynh đã có, trong những năm cuối cùng này, không phải không mang lại hoa trái dồi dào, ngay cả trong nhiều phạm vi khác của Đất Nước.

Để khen ngơi chư huynh, Ta chỉ ra một vài điều trong đó. Việc thành lập Đại Chủng Viện, đặt dưới bảo trợ của Thánh Piô X, và Ta muốn trang trí bằng danh hiệu giáo hoàng, là một dấu chỉ chắc chắn về ý Ta muốn chắc chắn chuẩn bị luôn thích hợp bằng những định mệnh của “các người cộng tác khôn ngoan thuộc hàng giám mục, có ngài giúp đỡ và công cụ của ngài” (Hiến Chế Tông Tòa (Const. Ap.) “Lumen Gentium”, N. 28).

Việc thành lập một Phân Khoa Thần Học nơi Giáo Hoàng Học Viện “Thánh Piô X”, ở Đà Lạt, vào thời hậu Công đồng quyết định này, sẽ kích thích mọi người thiện chí hiến mình thức hiện khẩu hiệu Phaolô “veritatem facientes in charitate” [thi hành chân lý trong đức bác ái] (Eph. 4, 15); Đó sẽ là một điểm gặp gỡ, ngõ hầu tôn trọng, theo ánh sáng của Giáo Hội, di sản triết học và tôn giáo phong phú Quốc Gia; và chắc chắn điều đó sẽ đóng góp để là tập hợp, khi tìm kiếm công ích, các nhóm không thuần nhất, và cho đến nay vẫn bị chia rẽ.

Trong tổ chức “Caritas-Vietnam” [Bác Ái-Việt Nam] - đã rất hưng thịnh và có hiệu quả trong năm đầu đời - Ta muốn thấy chứng cớ về việc chư huynh mau mắn xoa dịu nhiều nỗi đau khổ biết bao, đem ủi an và cứu giúp đến những người đã chịu nhiều những hậu quả đáng buồn của tình hình hiện nay.

Ở đây chính hoàn toàn tự phát và quí mến Ta bảy tỏ tư tưởng tri ân và trân trọng đối với các vị linh mục, triều cũng như dòng, đáng quí.Ta rất quí trọng lòng nhiệt thành sốt sắng và tính từ bỏ phú thác của các ngài. Ta lấy tình hiền phụ, ước ao khuyên các ngài hãy lắng nghe những điều Công Đồng Vatican II đề nghi họ suy niệm, theo Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis [Hàng Linh Mục] về tác vụ và đời sống các linh mục. Chớ chi các ngài duy trì liên hệ chặt chẽ với các Giám mục của các ngài. Các ngài là đại diện cho các vị Giám mục đó tại các cộng đoàn địa phương; chớ gì các ngài cộng tác huynh đệ giữa các cộng đoàn, ngõ hầu làm tông đồ chân lý luôn luôn và khắp nơi. Trong khi theo đường lối hướng dẫn đó, Ta chắc chắn rằng các ngài sẽ có thể chu toàn các tác vụ khác nhau, trong các hoàn cảnh đặc biệt của xứ sở các ngài đòi hỏi hôm nay.

Đó là công lao giá trị của chư huynh, hỡi chư huynh đáng kính, và của những người cộng tác với chư huynh, nếu người Công giáo Việt Nam tiếp tục cống hiến – và cống hiến giữa biết bao thử thách và khó khăn - một gương mẫu kỳ diệu gắn bó với lòng tin của tổ tiên mình. Vì họ nhiệt thành và dễ tuân phục những chỉ thị của Hàng Giáo Phẩm, và phó thác không điều kiện cũng như tin tưởng vô hạn vào trợ lực của Thiên Chua, họ tự lo cho mình được quyền đặc biệt là toàn thể Giáo Hội quí trọng, yêu mến và giúp đỡ về thiêng liêng và vật chất. Ở nơi những người con yêu quý này, Ta cũng khâm phục tính cộng tác quảng đại vào tất cả mọi sáng kiến tông đồ xã hội, nhất là vào xoa dịu đau khổ những kẻ có số phận bị tác động vì khốn nạn và chết mòn mỏi vì đau khổ.

Ý thức về trách nhiệm của họ là thành viên của xã hội dân sự mình dự phần vào, họ tham gia tích cực vào đời sống quốc gia, và đóng góp vào tiến bộ xã hội cũng như củng cố các định chế. Và ở đây Ta ngỏ ý khuyến cáo họ sốt sắng để luôn dấn thân gắn bó, trong khi họ hành động, vào những qui chuẩn thận trọng sáng suốt và có kỷ luật chung, như tình thế hiện nay đòi hỏi.

Ta coi là thừa để nhắc lại Ta xem như của Ta những vấn đề của đất nước cao đẹp này, và Ta không ngừng khẩn khoản mời gọi mọi công dân, ngay cả những người nắm số phận của dân tộc trong tay họ, để làm việc nhằm mục đích các tâm hồn biết hòa hợp, và các khối óc hiểu biết nhau: Đấy chính là những nhân tố cần thiết, để trở lại làm việc đồng ruộng hoà bình và yên tĩnh, và để thi hành cái cách xã hội và chính trị mà mọi người ước mong biết bao.

Mối quan tâm của Ta đối với chư huynh và Tổ Quốc của chư huynh đã thúc đẩy Ta đảm nhận những cuộc vận động mới mẻ, nhằm làm cho ngày ấy mau tới. Trong ngày đó, người không còn nghe thấy tiếng kêu của vũ khí, các khối óc sẽ có thể đến lại gần nhau, và lợi dụng từng cợ hội, nếu mong manh thế nào đi nữa, ngõ hầu tiến tới một giải pháp công bằng và hòa bình của cuộc khủng hoảng.

Ta nghĩ rằng Ta có nghĩa vụ làm tác vụ Tông tòa, đó là tiếp tục nỗ lực này cho đến lúc, mà ở đó Chúa Kitô sống lại nguyện ước và cứu độ “Bình An Cho Các Ông”, trở thành hiện thực cho dân tộc Việt Nam yêu quí.

Chớ chi bình an ngự trị trong lòng mọi người; chớ chi tấm lòng biểu lộ những hành vi có lợi cho mọi thành viên của cộng đoàn; chớ chi các tấm lòng đếu đâm rễ sâu trong trật tự, tiến bộ xã hội và công lý. Muốn cho bình an tiến tới – và không nhằm đến lợi ích nhỏ mọn nhất của trần thế - Ta sẵn sàng hợp tác vô giới hạn, đồng thời nhắc nhở các nguyên tắc, nhất thiết phải làm chỗ dựa cho hoà bình, nếu hoà bình muốn được công chính và bền vững.

Chớ chi Đấng Tối Cao, đầy lòng nhân từ thương xót, tiếp nhận những lời khấn xin và ước nguyện mà Ta kết thành lời nguyện đầy khiêm tốn và tin tưởng.

Chớ chi Phép Lành Tông Tòa rất đặc biệt Ta chuẩn ban cho chư huynh, hỡi Chư Huynh Đáng Kính, cho Hàng Giáo Sĩ triều [giáo phận] và dòng, cho các nữ tu và cho các tín hữu. Họ tháp tùng chư huynh và nâng đỡ chư huynh trong công cuộc xây dựng chư huynh được kêu gọi thực hiện: xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và trở lại nền hòa bình mà mọi người nóng lòng chờ đợi, nhằm mục đích làm cho Tổ Quốc yêu quí của chư huynh được thịnh vượng.

Ban hành tại Rôma ngày 15/9/1966, vào lễ Đức Bà Đau Khổ, năm thứ tư triều đại Giáo Hoàng của Ta.

Giáo Hoàng Phaolô VI (PAULUS PP. VI)


(Còn tiếp)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo dục kitô giáo thăng tiến đời sống người công giáo và gia đình tín hữu Việt Nam
+ ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn
21:15 29/05/2008
Tổng Giáo Phận Saigòn: Lời Chủ Chăn tháng 7 năm 2008

(Đề tài hội thảo cho CGVN tại Washington, DC, tháng 6.2008, tại Missouri, tháng 8.2008)

Giáo dục kitô giáo thăng tiến đời sống người công giáo và gia đình tín hữu Việt Nam

1. Giáo dục kitô giáo là gì?

Giáo dục kitô giáo là nền giáo dục do chính Chúa Giêsu Kitô thiết lập nhằm mở đường cho mọi người trở thành công dân Nước Chúa là Nước Tình Thương, nơi đó người người sống dồi dào trong yêu thương, an bình, hạnh phúc vững bền bây giờ và mãi mãi. Khi đồng hành với các môn đệ cốt cán, ngay từ đầu Chúa Giêsu đã tỏ ra là Thầy dạy chân lý tròn đầy về Thiên Chúa và con người, là một nhà giáo dục chân chính và mẫu mực.

2. Định hướng giáo dục kitô giáo

Chúa Giêsu là hiện thân Tình Yêu của Cha trên trời. Khi dạy các môn đệ: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em" (Ga 15,12), Chúa Giêsu xác định phương hướng giáo dục kitô giáo là tạo khả năng và thuận lợi cho con người thể hiện "tình yêu thương" theo hình mẫu của Cha trên trời là Tình Yêu.

3. Những thể thức Chúa Giêsu thực hành giáo dục

Chúa Giêsu tiến hành công cuộc giáo dục các môn đệ theo ba thể thức như sau:

(1) thể thức giảng truyền Lời Chúa. Chúa Giêsu giảng truyền Lời Chúa như ánh sáng soi đường mở lối cho các môn đệ sống đạo làm người, và dẫn dắt họ tiến bước đi đến sự sống dồi dào trong yêu thương, an bình và hạnh phúc;

(2) thể thức nêu gương sống yêu thương và dạy yêu thương. Chúa Giêsu giáo dục bằng gương sống yêu thương và dạy yêu thương nhằm thuyết phục, khích lệ các môn đệ sống đạo yêu thương. "Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em", vì lẽ anh em là con một Cha, là anh em một nhà;

(3) thể thức "cầu nguyện". Chúa Giêsu cầu nguyện và dạy các môn đệ cầu nguyện. Chúa Giêsu cũng đã cầu nguyện xin Chúa Cha gởi Chúa Thánh Thần đến soi sáng, dẫn dắt, trợ lực, đổi mới các môn đệ (x. Ga 8,37-39; 17,12-17). Mục đích Chúa dạy họ cầu nguyện là giáo dục và tập luyện họ mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân cứu độ, nhất là các ơn Chúa Thánh Thần là nguồn lực yêu thương. Chúa Thánh Thần sẽ là tác nhân chính trong công cuộc giáo dục kitô giáo, vì lẽ Ngài là nguồn lực đổi mới lòng dạ và tâm trí con người, đổi mới con người và xã hội, trợ giúp mọi người hợp lực xây dựng nền văn minh tình thương. Con người cần mở ra đón nhận nguồn lực đó, cần theo sự soi sáng và dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, vì lẽ các ơn Chúa Thánh Thần tạo khả năng cho họ sống đạo yêu thương, sống đạo làm người trong trời đất, tiến hành giáo dục kitô giáo trong gia đình và xã hội. Nhịp cầu nối kết con người với Chúa Thánh Thần là đời sống cầu nguyện và học hỏi, tâm niệm, thực hành Lời Chúa dạy.

4. Chúa Giêsu dạy "Kinh Lạy Cha" như một thể thức và đường lối giáo dục con người

Khi dạy "Kinh Lạy Cha" (x.Mt 6,7-14), Chúa Giêsu dạy cách cầu nguyện mở lòng ra đón nhận mọi ơn lành Cha thương ban, cả các ơn Chúa Thánh Thần, và dạy cách đáp trả lại tình yêu thương vô biên của Cha. Nói cách khác, mục đích Chúa dạy "Kinh Lạy Cha" là giáo dục con người sống đạo làm con Chúa trong trời đất, và sống đạo làm người trong thiên hạ.

5. Diễn giải Lời Kinh Chúa dạy như một thể thức và đường lối giáo dục kitô giáo

. "Lạy Cha chúng con, Cha là Đấng ngự trên trời..." Lời kêu cầu cũng là lời tuyên xưng đức tin: Chúng con tin Cha là Chúa Cả trời đất, tin Cha đã tạo thành loài người theo hình ảnh của Cha là Tình Yêu, và tin mọi người trong thiên hạ là con một Cha, là anh em một nhà.

. Ba ý nguyện:

"Nguyện danh Cha cả sáng...":

Chúng con quyết tâm chu toàn bổn phận làm con hiếu thảo đối với Cha là làm cho danh Cha là Tình Yêu toả sáng trong mọi gia đình trong cõi nhân sinh.

"Nguyện Nước Cha trị đến...":

Nước Cha là Nước Tình Yêu vô biên vô tận. Đạo làm con và làm người trong trời đất, là cùng với Chúa Giêsu quy tụ muôn dân muôn nước vào trong Nước Tình Yêu của Cha trên trời. Quy tụ bằng cách bước theo Chúa Giêsu trên đường đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lặng nhục, đem thuận hoà vào nơi tranh chấp, đem hợp nhất vào nơi bất đồng và chia rẽ, đem ánh sáng chân lý vào chốn u ám gian dối, đem đạo lý vào chốn áp bức bất công... Đó cũng là góp phần xây dựng Nước Cha là Nước Tình Yêu tại thế trần.

"Nguyện ý Cha thể hiện dưới dất cũng như trên trời..."

Ý Cha trước hết và trên hết là người người mến tin Cha và yêu thương nhau trong cõi người ta cũng như trong cõi phúc trường sinh.

Mến tin Cha có nghĩa là trong mọi tình huống luôn tìm ý Cha và trung thành tuân hành ý Cha, vì lẽ Cha là khởi nguyên và là cùng đích của vũ trụ và loài người, vì Cha là Đấng giàu lòng xót thương và từ bi bao dung vô biên.

Yêu thương nhau có nghĩa là:

Là hiếu thảo với ông bà cha mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục,
Là chung thuỷ với nhau theo giao ước tình yêu,
Là từ bi bao dung đối với mọi người là anh em một nhà.

Trung thành, hiếu thảo, thuỷ chung, bao dung, bốn mối tình đó là bốn cột trụ xây dựng ngôi nhà gia đình nhân loại an bình và hạnh phúc, xây dựng nền văn minh tình thương cho xã hội loài người.

Ba lời cầu

Cầu xin có nghĩa là ý thức và quyết tâm khiêm tốn mở ra đón nhận những điều mình cần từ nơi Cha là nguồn mạch mọi ơn lành trên trời dưới đất.

"Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày...".

Kỳ thực Cha đã tạo thành vũ trụ và trao cho con người nhiệm vụ quản lý vì sự sống và phẩm giá của mọi người trong thiên hạ, của gia đình nhân loại. Cha cũng đã ban cho thế gian Lời của Cha, là Lời ban ánh sáng chân lý và khôn ngoan, Lời ban sức sống mới và sự hợp nhất trong gia đình và cộng đồng nhân loại. Lời của Cha đang hiện diện trong Sách Thánh cũng như trong bí tích Thánh Thể, trong đời sống Giáo Hội cũng như trong truyền thống văn hoá lành mạnh của các dân tộc.

Xin cho mọi người quản lý trong cõi người ta, không những quản lý với kiến thức khoa học, song còn quản lý với con tim, với đạo làm người, theo đường lối yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu Kitô.

" Xin Cha tha nợ cho chúng con..".

Xin Cha đối xử với chúng con theo lượng từ bi bao dung hãi hà, và thương ban cho chúng con đầy lòng từ bi bao dung, cho chúng con đối xử với nhau như Cha đối xử với chúng con. Đây là điều mà con người trong gia đình và xã hội thiếu nhất. Nhiều đau thương, đổ vỡ, mất mát trong gia đình và xã hội bắt nguồn từ sự vắng bóng lòng từ bi bao dung. Xin cho chúng con mở rộng tấm lòng đón nhận Đức Giêsu là hiện thân Tình Yêu của Cha, đón nhận Chúa Thánh Thần là nguồn lực yêu thương của Cha, đón nhận Lời của Cha là Lời yêu thương. Xin cho chúng con mở rộng tấm lòng để đón nhận và chia sẻ cho nhau, cho mọi người anh em, mọi hồng ân Cha ban.

"Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ..".

Lời cầu nầy gây ý thức và nhắc nhở mọi người: Tình hiệp thông với Chúa, tình liên đới huynh đệ tương thân tương trợ là sức mạnh giúp nhau, giúp cộng đồng nhân loại vượt qua tình trạng nghèo đói và bệnh dịch, xoá dần những tiêu cực và tệ nạn xã hội, khắc phục nguyên nhân gây tai nạn và hậu quả thiên tai xảy ra trên mọi đất nước trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay.

Amen: Ước mong Cha giàu lòng thương xót thương ban ơn trợ giúp cho người người và nhà nhà nỗ lực sống như vậy.

Thay lời kết: Vài câu hỏi gợi ý
Vài câu hỏi gợi ý cho mọi đoàn thể tông đồ, mọi giới công giáo, mọi nhóm công tác mục vu, hội thảo, trao đổi với nhau kinh nghiệm giáo dục trong gia đình, và hỗ trợ nhau tiến hành công cuộc giáo dục kitô giáo trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội.

  • (1) Theo sự hiểu biết của bạn, hiện trạng giáo dục kitô giáo trong các gia đình công giáo hôm nay như thế nào? Hiện trạng đó có những nét tích cực và tiêu cực nào? Và đặt ra những vấn đề gì?
  • (2) Có chừng bao nhiêu phần trăm gia đình công giáo VN, cộng đoàn giáo xứ VN hiện nay theo những thể thức và đường lối giáo dục của Chúa Giêsu? Có những hiệu quả và giới hạn nào? Có những thuận lợi và khó khăn nào? Nguyên nhân?
  • (3) Chúng ta có thể cùng nhau làm gì giúp cải tiến công cuộc giáo dục kitô giáo trong các gia đình công giáo ngày nay?
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người Việt Nam Công Giáo: Linh mục và Giáo dân đồng hành trong Giáo phận
Hà minh Thảo
13:57 29/05/2008
NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO 20
CHƯƠNG XI: LINH MỤC VÀ GIÁO DÂN ĐỒNG HÀNH TRONG GIÁO PHẬN (Tiếp theo)

Phần Thứ Ba.
TẠI ĐÂU, KHI NÀO, LÀM SAO, LINH MỤC VÀ GIÁO DÂN CÙNG CHUNG PHỤC VỤ GIÁO HỘI ?


Câu trả lời có hai mặt vì nếu việc tổ chức Giáo hội, phân chia cắt theo địa lý, nhưng có môt thực tế khác là sự ích lợi và cần thiết cho cuộc sống Cộng đồng Kitô hữu và cho việc Truyền giáo.

1- Linh mục và giáo dân trên một lãnh thổ

Sự cộng tác giữa linh mục và giáo dân được thực hiện qua ba cấp: Giáo phận, Giáo xứ và Giáo hạt. Ở đó, Giáo hội trước hết là Dân Chúa và những cộng đồng các tín hữu địa phương.

1.1 – Trong Giáo phận.

Những sự cộng tác ở cấp thứ nhất nầy đã được phát triển đáng kể trong nhiều năm qua tại Giáo phận. Linh mục và giáo dân, với Đức Giám mục và các cộng sự viên của Ngài, cùng nhau hoạt động bằng nhiều cách và trong những trường hợp khác nhau.

Giáo phận hay là ‘Giáo hội riêng biệt’, hoặc ‘Giáo hội địa phương’, như người ta đã nói ngay khi Giáo hội được thành lập, được hình thành bởi toàn thể Kitô hữu, hợỉp nhau và, cùng Đức Giám mục, lưu tâm đến toàn dân chúng. Trong đó, Giám mục và tín hữu cầu nguyện, phục vụ và là chứng nhân Đức Tin.

Nghị định về trách nhiệm mục vụ của các Giám mục (số 11) nói với chúng ta như sau « Giáo phận … là một phần Dân Chúa ủy nhiệm cho Giám mục, để với Hội đồng Linh mục, mục tử… ». Giáo luật giữ lại định nghĩa này (c.369). Hình thái lãnh thổ của Giáo hội khác với giới hạn đơn vị chánh trị như thị xã hay tỉnh. Văn kiện công đồng nói trên nhắc lại mỗi Giáo hội riêng biệt « Giáo hội Đức Kitô, thánh thiện, duy nhất và tông truyền thật sự hiện diện và sinh động ». Đức Giám mục được chỉ định bởi Đức Giáo Hoàng, kế vị thánh Phêrô, hành xử toàn quyền tông đồ, với điều kiện là hiệp thông và dưới quyền Đức Giáo Hoàng.

1.1.1 Trước hết, trong những cơ chế Giáo phận như Hội đồng mục vụ Giáo phận mà Giáo luật đề nghị hay Hội đồng kinh tế Giáo phận có tính cách bắt buộc. Ngoài ra, trong Giáo phận chúng ta còn có một cơ chế qui tụ các cơ quan Giáo phận và những Phiên họp bao gồm tất cả những người mang Bài Sai được ký bởi Đức Giám mục hay bởi Linh mục Tổng Đại diện, có thể là người có hưởng lương hay không.

1.1.2 Cũng có sự cộng tác ở cấp Giáo phận giữa Linh mục và Giáo dân trong việc thi hành sứ vụ và những chức vụ chung trong những lãnh vực rất đa dạng nơi 20 cơ quan, 7 ủy ban Giáo phận và khoảng 10 văn phòng Tuyên úy. Niên giám giáo phận đăng tải tất cả các cơ chế nầy và danh sách các thành viên hữu trách.

1.1.3 Sự cộng tác Giáo phận còn hiện hữu khi Linh mục và Giáo dân trong kinh nguyện và làm việc, đó đây, trong một viễn cảnh rõ rệt thuộc giáo phận, tức là khi họ muốn lưu tâm dếùn thực tế cấp nghĩa là Giáo phận. Sự quan tâm của mọi người trong Giáo phận đã được khuyến khích mạnh mẽ bởi Công đồng Vatican II, cách riêng trong Nghị định về Tông đồ vụ của giáo dân. « Tín hữu giáo dân tiến bộ không ngừng trong Giáo phận… họ luôn sẳn sàng, theo lời mời của mục tử, tham gia những sáng kiến của Giáo phận » (số 10).

Những sự cộng tác giữa Linh mục và Giáo dân ở cấp nầy thật đa dạng: sự mạch lạc của đời sống giáo sĩ, sinh động kể cả việc truyền giáo, mở rộng đến các Giáo phận khác trên cả thế giới, liên hệ với Sứ vụ tông đồ mà Đức Giám mục là người có trách nhiệm trước tiên nhưng những người khác phải cộng tác và cùng quan tâm về Sứ vụ đó.

1.2 – Trong các Giáo xứ.

Ở cấp này, sự suy nghĩ về việc hợp tác thường nhật giữa linh mục và giáo dân có phần phức tạp do sự đa dạng giữa các giáo xứ. Định chế xa xưa và đáng tôn kính bao gồm những thực tế thật tương phản, tùy theo giáo xứ ở thành thị, nông thôn hay ngoại ô, dân số, lịch sử, nguồn lợi tức v.v..

Bởi vậy, đâu là sự hợp tác, giữa linh mục và giáo dân, trong một giáo xứ hay khu vực nhiều giáo xứ trong cùng một giáo hạt. Ở đấy, có sự hiện hữu, trường hợp phổ biến trong các giáo xứ lớn, nhất là ở thành thị va, nếu nó mang lại sự toại nguyện, thì không lý do nào mà loại bỏ. Cơ cấu tiêu biểu làm phát sinh Nhóm Sinh hoạt Giáo xứ (Equipe d’Animation Paroissiale – EAP). Dưới thẩm quyền của Linh mục Quản xứ, nhóm nầy cổ võ sự sống đạo của Giáo hội địa phương. Nhóm nầy lưu tâm đến việc học Giáo lý của các trẻ em đã được Rửa tội, thăm viếng bệnh nhân, hướng dẫn suy niệm Phúc Aâm. Ngoài ra, Nhóm còn đảm nhiệm việc bảo quản nhà thờ, tiếp đón giáo dân, giúp các linh mục và phó tế chuẩn bị và cử hành các Bí tích, đặc biệt Thánh Lễ; làm phát triển Cộng đồng Dân Chúa; giúp mọi người xác tín trong việc Truyền Giáo và tuyên xưng Đức Tin. Họ cũng duy trì liên hệ với Hội đồng Thị xã là cơ quan quản lý các giáo đường và những cơ sở hành chánh địa phương.

Cũng như ở cấp Giáo phận, sự hợp tác giữa linh mục và giáo dân được thực hiện nơi Hội đồng kinh tế mà sự thành lập có tính cách bắt buộc.

Sự cộng tác nầy cần thiết trong tất cả các lãnh vực của đời sống Cộng đồng Giáo xứ, không vì số linh mục giảm bớt hiện nay, nhưng vì sự kiện đó phù hợp với bản tính sâu xa của Giáo hội.

Sự cộng tác đòi hỏi cả nơi giáo dân lẫn linh mục một nổ lực sáng tạo nhằm tỏ ra linh mục muốn quan tâm đến mọi tình huống làm nổi bật cộng đồng cho dù nó không muốn bộc lộ rõ rệt. Điều đó được thể hiện, thí dụ như trong nghi thức an táng. Linh mục sẽ tìm cách để bộc lộ sự ân cần, quan tâm của mục tữ qua một thư phân ưu đọc trong lúc an táng.

Ởũ đây, điểm cải hoán quan trọng nhất là tránh giới hạn các sự cộng tác nầy tại từng Giáo xứ lẻ loi! Giáo xứ nằm trong Giáo hạt và là một Giáo xứ của Giáo phận… chính Giáo xứ cũng chỉ là một Giáo hội đặc thù trong mọi Giáo xứ khác, trong thế giới bao la.
Giáo xứ

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong một văn kiện đã nhấn mạnh ơn gọi của Giáo xứ là biểu hiện sự gần gũi của Giáo hội.

« Giáo xứ như Giáo hội, tự mình sống giữa con cái nam nữ của mình ».

« Nếu Giáo xứ xen vào giữỉa những căn nhà của tha nhân, giáo xứ sống và tác động trong lòng xã hội loài người và liên đới thâm sâu với các ước vọng và những thảm kịch của nó… Giáo xứ phải là căn nhà mở rộng đón tiếp mọi người, hay như Đức Gioan XXIII thường nói là ‘giếng nước của thôn xóm’ để mọi người đến giải khát » (Ơn gọi và Sứ mệnh của người giáo dân, số 26 và 27).

Giáo phận Toulouse, khác với vài Giáo phận khác, vẫn giữ các giáo xứ nhỏ, trung bình và lớn, hiện thời dưới hình thức tập hợp giáo xứ, để bảo đãm tốt hơn sự hiện diện Giáo hội trong đời sống địa phương. Nhưng những giáo xứ được mời gọi để cộng tác trong Giáo hạt.

1.3. Trong các Giáo hạt.

Giáo hạt là tập hợp các giáo xứ mà Đức Giám mục cử một linh mục trông coi, có trách nhiệm ấn định bởi các điều luật tổng quát và riêng biệt củùa Giáo hội. Linh mục nầy được gọi là Quản hạt hay 'tổng linh mục'...

Trong Giáo phận Toulouse, hạt giữ một vai trò quan trọng và là một từng cấp, nơi đó tập hợp những sinh hoạt giáo hội khác nhau, đem lợi ích cho các giáo xứ trong hạt.

Từ 10 năm qua, do sự chọn lựa của Công nghị Giáo phận, hạt trở thành chổ làm việc và kinh nguyện chung cho linh mục và giáo dân, cùng là nơi gặp gỡ có tầm quan trọng đáng kể.

Điều nầy được cảm nhận một cách khác nhau tùy ở miền quê, như một thực tế hiển nhiên, và ở thị thành, nơi các giáo xứ đủ vững đề có sinh hoạt tự lập. Tuy nhiên, các Giáo hạt hiện hữu khắp Giáo phận và, ở mọi nơi, mỗi hạt giữ một vai trò của mình.

Tại đâu? Lúc nào? Bằng cái gì, chúng ta, linh mục và giáo dân cùng hoạt động chung trong mỗi Hạt? Đólà trường hợp hiển nhiên trong những cơ chế Giáo phận mà cơ quan chính là Hội đồng Mục vụ Giáo Hạt, gồm Quản hạt và các thành viên hữu trách. Nhiệm vụ chính (có tính cách khuyến khích) là tán trợ và phối hợp, góp phần vào việc bàn thảo và tìm kiến sư ỉhợp tác giữa các giáo xứ. Hạt đề nghị các ưu tiên trong việc tổ chức sinh hoạt chung cho các Giáo xứ và gia tăng niềm Tin.

Một đề xuất cho sự hợp tác giữa linh mục và giáo dân trong Hội đồng Mục vụ Giáo hạt đáng được lưu tâm.

1.3.1- Mọi diễn biến ghi nhận sự hiện hữu hằng ngày của những dân cư trong hạt. Thật vậy, không có gì xãy ra mà không có liên quan đến Giáo hội và là dịp để loan Tin Mừng. Thật hữu ích, ở đây, nhờ những ý kiến khác biệt giữa các thành viên Hội đồng.

1.3.2- Sự phối hợp tốt đẹp giữa các Cơ quan, Tuyên úy vụ, Phong trào trong hạt với ưu tư loan báo những thành quả cho các tín hữu cùng biết. Nhân viên các cơ quan Giáo phận ước mong sự gia tăng mối liên kết giữa các Giáo hạt: cho biết các nhu cầu, lưu ý đến các tài liệu và sinh hoạt được đề nghị, cải thiện các sự cộng tác...

1.3.3- Trung thành với các định hướng mục vụ Giáo phận: nhận những chỉ dẫn của Đức Giám mục và các cộng sự viên... cũng như các tài liệu từ Tòa Thánh cho Giáo hội hoàn vũ và, cuối cùng, theo dõi giới truyền thông đại chúng và có phản ứng trước các xuyên tạc của nó.

Các Cha Quản xứ, dĩ nhiên, không vì thế, mà mất quyền hay được miễn các bổn phận trong những lãnh vực mục vụ khác nhau của mỗi Cha dành cho Giáo xứ mình.

Hội đồng Mục vụ Giáo hạt cần có nội lệ qui định chính xác về thành phần và sự hoạt động của Hội đồng. Linh mục Quản hạt thường liên hệ với linh mục đại diện Giám mục (vicaire épiscopal) mà hạt tùy thuộc và tham gia các công tác của Hội đồng Mục vụ Giáo phận.

Các Giáo hạt

Giáo hạt là một cơ cấu thuộc Giáo hội ấn định bởi Giáo Luật. Giáo phận Toulouse đã giữ lại tất cả các giáo xứ, nên có sẵn một khả năng quan trọng để phối hợp công tác của toàn thể, và làm cho sự hiện diện của Giáo hội và hành động đầụy ý nghĩa, trong xã hội.

Giáo phận chúng ta được hợp thành bởi 29 hạt:
- 15 trong khu đô thị quanh Toulouse: 8 tại thành phố và 7 thuộc ngoại thành
- 14 ở nông thôn: 3 nằm miền Bắc, 2 ở Lauragais, 4 khu trung tâm và 5 thuộc Comminges.

2. Linh mục và giáo dân trong các Sứ mệnh và Nhiệm vụ vượt giới hạn lãnh thổ.

Để sống Đức Tin, chúng ta thường phải giữ những mục tiêu ấn định bởi giáo luật. Hai người muốn kết hôn không thể đến gặẻp linh mục hay phó tế, trong khi quên vị nầy thi hành quyền thừa tác nơi này. Chúng ta kết hôn như thể đã được Rửa tội, rồi nhận lãnh phép Thêm sức, nơi này hay nơi kia!

Sự tham chiếu vào vấn đề lãnh thổ là thuộc trật tự hành chánh, nhưng cũng là vấn đề tinh thần, hay chỉ đơn thuần là việc con người. Ngay cả khi một Kitô hữu di chuyển rất nhiều cũng cần phải có liên hệ với một cộng đồng công giáo.

Tuy nhiên, toàn thể sinh hoạt Giáo hội không thể đóng khung trong những giới hạn lãnh thổ dù là thuộc giáo xứ, hạt hay ngay cả một Giáo phận. Giáo hội phải tạo cho giáo dân những cơ hội sống Đức Tin không những trong nơi mình cư trú mà mà còn ở những nơi khác. Nhất là khi phải hiện diện nơi cầụn thiết, do việc tổ chức, phải vượt qua những biên giới địa dư. Ở đây cũng vậy, Nghị định Công đồng Vatican II về Tông đồ giáo dân "những giáo dân không bị hạn định sự hợp tác của họ trong giới hạn giáo xứ hay Giáo phận nhưng cần tận lực để mở rộng trên bình diện liên Giáo xứ, liên Giáo phận, quốc gia hay quốc tế..." (số 10).

Mục vụ, ngày hôm nay, phải quan tâm đến sự lưu động như đã thấy từ lâu nay nơi các môi trường xã hội, nghề nghiệp hay văn hóa trong đó mỗi người tiếp nhận dồi dào những sở thích cho từng cá nhân gia đình. Mục vụ, luôn mang hình thái lãnh thổ, phải thích nghi với chuyên môn lẫn 'những thế giới' mà chúng ta không ngừng nói tới như thế giới chánh trị, nhân đạo, giáo dục, thương vụ, sức khỏe, thể thao, v.v..

Đời sống Kitô giáo và sự thi hành trách nhiệm mục vụ phải lưu tâm đến những thế giới khác biệt nầy để chính mọi người, giữa linh mục và giáo dân, cần có những liên lạc và cộng tác chuyên môn tùy theo những loại dự án khác nhau: những phong trào giáo dục, tông đồ, bác ái, những định chế, những tổ chức Kitô giáo về tĩnh tâm, như chúng ta biết, ngày càng thêm nhiều và đa dạng.

Linh mục và giáo dân không cộng tác bằng những phương cách giống nhau trong cùng nhóm ACO, Tuyên úy vụ trong một trường công hay một học viện Công giáo.

3. Sự hòa hợp cần thiết giữa hai lãnh vực thi hành những cộng tác nầy: lãnh thổ và xã hội tính.

Linh mục và giáo dân, trên cùng một lãnh thổ, có những cam kết cần thiết vượt những giới hạn lãnh thổ đều cùng phụng sự một Thiên Chúa, trong một Giáo hội duy nhất. Chúng ta đề cao sự cao quý trọng cần phải có cho những liên hệ và sự cộng tác để Giáo hội được sinh động, với cùng lý lẽ về sự tiến hóa của thế giới ma, ngày nay được nhắc tới bằng từ ngữ ‘toàn cầu hóa’ ! Và chúng ta chú trọng đến sự mạch lạc cần thiết giữa hai lãnh vực thực hiện những liên hệ và sự hợp tác mà chúng ta vừa phân biệt.

Đời sống Kitô giáo lớn dần trong những cộng đồng không thể không thiếuu sự hiện hữu củụa các Cơ quan, Tuyên úy vụ, các Phong trào hay các cơ sở khác sinh động như hệ thống gân lá và những động lực trong những cộng đồng địa phương và đặc biệt là giúp đỡ các cộng đồng nầy giữ đơn vị truyền giáo của mình. Một cách hỗ tương, tất cả những tổ chức Kitô hữu tản mác vì mọi hoạt động khác nhau, không thể quên đi sự sống Giáo hội trong các cộng đồng địa phương.

Quan trọng trên hết, mầu nhiệm hiệp thông phải thể hiện sự hợp nhất trong Giáo hội. Xa rời khỏi mục tiêu cuối cùng là đức Bác Aùi, tất cả mọi sự kết hợp sự tận tâm và rộng lượng sẽ trở nên rỗng tuếch và vô ích. Sự phong phú tùy thuộc nhiều vào đức tính người cộỉng tác, linh mục hay giáo dân, tham gia vào sự liên hệ và sự cộng tác thuộc Giáo hội giáo sự mà chúng ta phải suy luận bây giờ.

Về điểm nầy, cũng phải nhớ lại những lãnh vực cộng tác trong các hoạt độâng tác thuộc Giáo hội, không chỉ là mặt nổi của sự liên đới mầu nhiệm nơi tất cả tín hữu trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Một đoàn đông đảo giáo dân hiệp sức vào đời sống Giáo hội trongỉ thinh lặng trong sự vô hiệu bề mặt, khởi đầu với các phần tử của những cộng đồng chiêm niệm. Chỉ Thiên Chúa biết công tác nào phải hoàn tất trong Giáo hội bởi các linh mục và giáo dân cho những người - đặc biệt là các bệnh nhân - không có cơ hội để hành động ngoài sự kết dâng đau khổ hằng ngày với Chúa Kitô.

(Còn tiếp)
 
Thông Báo
Cáo Phó: Nữ tu Anna Nguyễn Thị Kim Dung đã từ trần tại Gò Vấp
MTG Gò Vấp
13:00 29/05/2008

CÁO PHÓ


Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp
Trân trọng kính báo: Người chị em chúng con

Nữ tu Anna Nguyễn Thị Kim Dung


Sinh ngày 09 tháng 7 năm 1930 tại Gia Viễn, Ninh Bình
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 16giờ 15’ Thứ Năm ngày 29 tháng 5 năm 2008.
Tại Tu viện Nhà Mẹ, 578 Lê Đức Thọ, Phường 16, Quận Gò Vấp.
Hưởng thọ 78 tuổi - Khấn Dòng 58 năm.
Nghi thức tẩn liệm: 8giờ 00’ Sáng Thứ Sáu, ngày 30 tháng 5 năm 2008
Nghi thức di quan: 5giờ 45’ Sáng Thứ Bảy, ngày 31 tháng 5 năm 2008
Thánh lễ đồng tế An Táng sẽ được cử hành vào lúc:
6giờ 00’ Sáng Thứ Bảy, ngày 31 tháng 5 năm 2008
tại Nguyện Đường Nhà Mẹ Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp.
Sau đó sẽ được An táng tại nghĩa trang An Dưỡng Viện Phát Diệm, Phường15, Gò Vấp.
Chúng con kính xin Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Bề Trên,
Quý Chị Tổng Phụ Trách Dòng Mến Thánh Giá, Quý Tu Sĩ Nam Nữ và Quý Vị
thương cầu nguyện cho linh hồn Anna – người chị em của chúng con
sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Hội Dòng chúng con xin chân thành cảm tạ.

Tm. Hội Dòng
Nt. Anne Nguyễn Thị Thanh
Tổng Phụ Trách
* Kính mời Quý Cha đồng tế mang lễ phục tím.
 
Văn Hóa
Tại sao phải cầu nguyện với Đức Maria?
Anthony Lê
08:48 29/05/2008
Tại Sao Phải Cầu Nguyện với Đức Maria?

Đức Maria tại Tiệc Cưới ở Cana
Tính cho đến nay, đã có rất nhiều sách và các bài báo viết và đề cập rất nhiều đến tầm quan trọng của việc sùng kính Đức Mẹ và tầm quan trọng của Mẹ trong Thánh Kinh - tuy nhiên, ngoại trừ những người Công Giáo gốc Á Châu như Việt Nam, Phi Luật Tân, vân vân..., vẫn còn rất nhiều người bản xứ Hoa Kỳ hay những người bản xứ tại các quốc gia tự do khác mà chúng ta hiện đang sống, vẫn hay thường vặn hỏi chúng ta câu này: "Tại sao phải cầu nguyện với Đức Mẹ?" trong bất kỳ cuộc trò chuyện, hay giao tiếp nào chúng ta có với họ. Thì câu hỏi kiểu này đôi lúc cũng khiến cho chúng ta lúng túng không biết phải nên trả lời như thế nào cho thật đúng, và thật dễ hiểu để giúp người hỏi thay đổi quan điểm và cái nhìn của họ về Đức Mẹ.

Thú thật mà nói, riêng bản thân tôi - với nhiều năm viết bài cho VietCatholic và lần mới đây nhất có viết loạt bài (dài 8 kỳ) về việc "Tìm Hiểu về Thánh Kinh qua Các Chủ Đề Của Cuộc Sống," thế mà hôm kia trên đường về nhà sau khi dự buổi lễ tưởng niệm Ngày Chiến Sĩ Trận Vong 2008, tình cờ tôi gặp lại hai người bạn củ là Deanna Johnson và Steven Collins - thưở còn học Cao Học tại trường Webster University 8 năm về trước - sau cuộc trò chuyện rất dài về rất nhiều chủ đề, bất ngờ họ lại chuyển sang vấn đề tôn giáo và vặn hỏi tôi câu đó,... khiến tôi không kịp trở tay...

Cả Deanna và Steven đều là Công Giáo chính gốc, thế nhưng họ gần như đã bỏ đạo Công Giáo. Deanna sau khi học Cao Học, đã tìm được một công việc tại thị trường chứng khoáng New York và hiện đang làm Fund Manager (Giám Đốc của một Quỹ Đầu Tư) cho hãng Putnam Investment. Còn Steven thì làm việc cho một hãng luật nổi tiếng ở Washington, D.C. - một công ty luật tầm cở thế giới chuyên xử lý về các thương vụ có liên quan đến thương mại, và bản quyền thế giới.

Tình cờ gặp lại họ, điều quan tâm đầu tiên của tôi dành cho họ là muốn dọ hỏi xem sự thành công về mặt trường đời của họ có sóng bước ngang bằng với sự trưởng thành về mặt đức tin Công Giáo của họ hay không, vì xét cho cùng, cả ba chúng tôi vẫn thường rủ nhau đi xem Lễ vào mỗi tối Thứ Tư hằng tuần trước khi vào trường học, và Chủ Nhật thì cùng nhau đi tham dự Thánh Lễ lần lượt tại hầu hết các giáo xứ trong Giáo Phận Charleston, SC thưở nào.

Cả hai bạn này đều cho tôi biết rằng giờ đây họ đã không còn tin vào Đạo Công Giáo nữa, hay nói khác hơn, bất kỳ một tôn giáo nào, ngoài tôn giáo "tiền" (tức trường đời) của họ. Steven thì cho biết thỉnh thoảng Anh có đọc qua Thánh Kinh, để biết và hiểu đủ về Chúa Giêsu mà thôi. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất vẫn là điều mà hai người bạn học củ này nói rằng họ chưa thật sự hiểu ra cho được lý do tại sao mà những người Công Giáo cầu nguyện với Đức Mẹ, vì theo họ, trong Thánh Kinh, chẳng có đoạn nào là đề cập đến việc cầu nguyện với Đức Mẹ cả.

Trong khi lắng nghe hai bạn đó phân trần với nhau, nhiều ý tưởng bổng chớp lóe trong tâm trí của tôi: không biết là mình nên tìm cách nào để giải thích cho họ hiểu được đây, vì thiết nghĩ, đã là người Công Giáo thì chắc chắn họ phải được giảng dạy và học hiểu về tầm quan trọng qua vai trò của Đức Maria có trong Giáo Hội, trong Thánh Kinh, và tại sao điều quan trọng là chúng ta phải biết chạy đến và cầu nguyện cùng với Mẹ.

Vì cả hai bạn này giờ đây đều theo khuynh hướng thực dụng của dòng đời, nên tôi tìm cách sử dụng hình thức đối đáp logic và phải hết sức thực tế để giải thích cho họ, và cũng nhân vì Steven lúc nãy có đề cập tới việc Anh ta thỉnh thoảng cũng hay đọc Thánh Kinh, nên tôi mới hỏi như thế này:

"Steven, bạn nói bạn thỉnh thoảng đọc Thánh Kinh, thế để tôi thử cố giải thích cho bạn câu hỏi đó cũng bằng việc dùng qua những đoạn trong Thánh Kinh xem sao nhé.

Trong Sách Phúc Âm Luca, ở Chương 1 từ Câu 41-48 [lúc đó tôi không có nhớ rõ Chương & Câu - chỉ nhớ có Phúc Âm Luca mà thôi] về việc Đức Maria viếng thăm bà Elizabeth, có đoạn viết rằng:

'Bà Êlizabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: 'Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.' Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?'

Rồi sau đó, bạn hãy chú ý đến phần đầu trong câu trả lời của Đức Maria cho câu hỏi của Bà Elizabeth rằng: 'Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?' thì Đức Maria trả lời:

"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi." (My soul doth magnify the Lord: And my spirit hath rejoiced in God, my Saviour)."

Thế tôi muốn hai bạn hãy cùng nhau suy nghĩ về câu trả lời đó đi!"

Cả hai đều bối rối, ngạc nhiên, trợn mắt nhìn nhau, rồi lại nhìn đến tôi, có lẽ, cả hai đang phân vân tại sao tôi chỉ quan tâm đến phần này mà thôi, trong cả đoạn Thánh Kinh. Để hai bạn đó suy nghĩ trong giây lát... tôi mới liền hỏi tiếp:

"Thế chữ 'magnify' [tức phóng đại, khuếch đại hay mở rộng theo nghĩa tiếng Việt] có nghĩa là gì?"

Cả hai liền nhìn tôi với vẽ mỉa mai, thế nhưng trước khi cho họ mở miệng trả lời, tôi liền giải thích thêm cho họ như thế này:

"Khi các bạn phóng đại một vật thể lên, thì các bạn sẽ nhìn thấy được rất nhiều thứ khác có trong vật thể đó một cách rõ ràng hơn mà chúng ta ít khi thấy được nơi vật thể đó, đúng không?

Chẳng hạn như khi có ai đó nhìn vào một hột kim cương mà Deanna rất thích chẳng hạn, thì họ nhìn thấy những tia sáng óng ánh chiếu tỏa ra từ hạt kim cương đó, và thế là người đó sẽ ngạc nhiên trước vẻ đẹp của viên kim cương đó. Thế nhưng khi hạt kim cương đó được nhìn qua kính phóng đại, hay được phóng đại lên, thì chúng ta có thể nhìn thấy những gì mà chúng ta không thể thấy trước đây bên trong và bên ngoài của hạt kim cương đó đúng không? Hay nói khác đi, qua sự phóng đại, chúng ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng hơn tất cả mọi khía cạnh làm cho viên kim cương sáng lên một cách rất lóng lánh và diệu kỳ.

Thì cũng dựa vào phép suy luận tương tự như thế, chúng ta cùng tìm hiểu xem cách mà Đức Maria làm việc chúng ta nhé, vì khi chúng ta chạy đến cầu nguyện cùng Đức Maria, thì suy cho cùng, nếu xét về bản thân mình, thì Đức Maria chẳng giữ lại gì cho riêng bản thân của Mẹ cả. Thay vào đó, Mẹ sẽ làm khuếch đại / phóng đại / hay mở rộng ra rất nhiều khía cạnh khác nhau của Thiên Chúa cho chúng ta, để cho phép chúng ta cầu xin đến trái tim của Mẹ, để từ đó chúng ta có thể hiểu được một cách sâu sắc và tỏ tường hơn về chính đời sống của Người Con Chí Thánh của Mẹ."

Dĩ nhiên là trước kia khi đọc Thánh Kinh [tức phiên bản Anh Ngữ chánh gốc của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ], tôi chẳng tài nào hiểu được ý nghĩa của từ "magnify" trong bài ca tụng về Đức Maria cho lắm, thế nhưng cách lập luận như vậy là rất chính xác, vì suy cho cùng bản thân tôi không phải là Linh Mục hay một Thần Học Gia nên tôi không thể tìm ra cách giải thích nào cho thích hợp và dễ hiểu hơn cho hai người bạn "gần như vô thần" của tôi, qua một sự thật rất rõ ràng rằng: Thánh Nữ Elizabeth đã ca tụng Đức Maria và qua sự nhún nhường, Đức Maria đã nhanh chóng chuyển lời ca tụng đó sang cho chính Người Con Chí Thánh của Mẹ ngay lập tức, chứ Mẹ không hề muốn nhận lời ca tụng đó.

Hay nói theo cách trần tục, tội lỗi thì "Đức Maria không muốn phỏng tay trên những gì là không thuộc về mình!"

Nghe xong, Steven mới hỏi lại: "Thế làm sao mà bạn dám chắc về lời giải thích như thế?"

Chưa kịp trả lời câu hỏi này, thì Deanna liền bất ngờ "nhảy bổ" vào họng tôi và nói lớn một cách thiếu kiên nhẫn:

"Thế còn trong Phúc Âm của Gioan thì sao khi Chúa Giêsu biến nước thành rượu, và Ngài đã gọi Đức Maria là 'woman'? Thì điều đó chứng tỏ cho tôi thấy rằng: Đức Maria chỉ là một người phụ nữ bình thường thôi, cũng giống hệt như chúng ta - những người bình thường mà thôi."

Trả lời Deanna tôi liền nói:

"Deanna ạ, bạn không thể đọc Thánh Kinh theo cách hời hợt và thiển cận đến như vậy.

Tiệc Cưới ở Cana chính là một ví dụ rõ ràng, điển hình, và xứng đáng nhất để cho thấy cách mà Đức Maria giúp chuyển cầu cho chúng ta đến với Người Con của Mẹ như thế nào.

Trong phần đề cập đến Tiệc Cưới có trong Phúc Âm của Gioan, hai bạn có thể nhìn thấy một cách rất rõ ràng về việc Đức Maria quan tâm đến mối lo ngại của nàng dâu và chủ rể về việc họ đã hết rượu rồi, mà khách mời hãy còn đông và tiệc cưới vẫn chưa tàn.

Thế còn có ai có thể chú ý đến điều này nữa không, nếu như không ngoài Đức Maria duy nhất mà thôi?

Thì đây chính là một hình thức hết sức tiêu biểu cho thấy việc Đức Maria luôn ngó nhìn và trông nom cho chúng ta.

Quay lại với Người Con của mình, Đức Maria nói: 'Họ hết rượu rồi!', tức là Đức Maria đã và đang chuyển cầu mối quan tâm của nàng dâu, chú rể và gia đình trong tiệc cưới đến cho chính Người Con của Mẹ rồi.

Và Đức Giêsu đáp: 'Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.' (Woman, what is that to Me and to thee? [M]y hour is not yet come).

Thì có rất nhiều điểm để lý giải về câu trả lời này của Chúa Giêsu.

Trước hết, trong thời đại của Chúa Giêsu, theo thói quen khi gọi một người phụ nữ hay đàn bà, thì người ta vẫn thường dùng từ "woman" là để biểu hiện sự kính trọng hay sự tôn kính. Chẳng hạn, trong giây phút quan trọng nhất trong chính cuộc đời của Chúa Giêsu, khi Ngài đang chết dần chết mòn trên cây Thập Giá, Ngài cũng đã dùng đến từ "woman" để ám chỉ đến Mẹ Người,

'Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: 'Thưa Bà, đây là con của Bà.' Rồi Người nói với môn đệ: 'Đây là mẹ của anh.' Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.'' (Gioan 19:26).

Kế đến, việc Thiên Chúa dùng đến từ "woman" là để tất cả mọi người ("all men") có thể hiểu được rằng: Đức Maria chính là người đàn bà mà Thiên Chúa là Cha thường đề cập đến trong Sách Sáng Thế Ký: người đàn bà mà Thiên Chúa dựng nên để "gây mối thù giữa mi và người đàn bà" (Sáng Thế Ký 3:15).

Còn về câu trả lời của Chúa Giêsu cho Đức Maria: 'Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.' Điều đó có nghĩa là: giữa Thiên Chúa và Thân Mẫu của Người, luôn có một sự hiểu biết sâu sắc và độc nhất vô nhị với nhau về sứ mạng mà Người sẽ gánh vác lấy để cứu chuộc nhân loại.

Cũng qua sự chuyển cầu của Mẹ Người mà Thiên Chúa thực hiện phép lạ đầu tiên nơi công chúng là: phép lạ hóa nước thành rượu.

"Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." (Gioan 2:10).

Thì từ chính điều này mà chúng ta có thể nhận thấy rằng không chỉ Thiên Chúa chấp nhận tất cả những lời thỉnh cầu của Mẹ Người, mà Người còn mang lại điều / thứ tốt đẹp và hoàn hảo nhất để làm hài lòng Mẹ của Người."

Thánh Louis de Montford
Giải thích xong tới lúc này, thì tôi mới nhận thấy cả hai Steven và Deanna đều có vẽ buồn và dường như không mấy vui lòng cho lắm trước những câu giải thích và kết luận của tôi về tầm quan trọng của Đức Maria trong Thánh Kinh, và tại sao chúng ta phải cần chạy đến cầu nguyện cùng với Mẹ - không những trong Tháng 5 này mà còn nhiều năm tháng dài nữa.

Sau cùng rồi cả hai đều cười, và dường như tôi đã vô tình giúp hai bạn đó giải tỏa được thắc mắc của họ, vốn đã "ẩn chứa" từ bấy lâu nay, và có lẽ cũng vì chính thắc mắc đó, mà hai người bạn này đã xa lánh đi đức tin của mình, để theo tiếng gọi hấp dẫn của trần thế.

Chúng tôi chấm dứt buổi nói chuyện dài bên hông thư viện của Thành Phố Smyrna, GA.

Tôi đứng đó và nhìn theo bóng dáng họ ra đi mà lòng chất chứa một sự thanh thản lạ thường, một ý nghĩ chớp nhoáng liền chạy trong tâm trí tôi "Thật là một sự an ủi đến từ Thiên Chúa để giúp cho tôi có được sự sùng kính và biết chạy đến cùng Mẹ trong những lúc tôi vui lẫn mệt nhoài nơi phố chợ!"

Thánh Louis de Montfort, trong cuốn sách có nhan đề "Lòng Sùng Kính Thật Sự đến Cho Đức Maria" (True Devotion to Mary), Ngài có viết rằng:

"If God willed His Son to come into the world through Mary, it is only proper we go to Him through Mary."

(Nếu Thiên Chúa đã có ý định gởi Người Con của Ngài xuống trần gian thông qua Đức Maria, thì cách đúng đắn nhất để đến với Ngài là qua Đức Maria).

Nguyện cho những ngày còn lại của Tháng 5/2008 này và thêm những ngày sắp tới nữa trong tương lai sẽ là những ngày mà chúng ta biết gọi kêu tất cả những người bản xứ - bè bạn của chúng ta - để cùng đưa họ trở về với Chúa Giêsu thông qua Đức Maria mặc cho mãnh lực tội lỗi của cuộc sống có mạnh bạo lôi cuốn họ đến cở nào!
 
Nỗi niềm Cha Sở
Thiên Am Tử
10:34 29/05/2008

NỖI NIỀM CHA SỞ...



Kính tặng các cha sở nhân ngày Thánh Hóa Các Linh Mục (Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu)


Làm cha sở thật là. .. khổ sở
Nếu hòa đồng bị mang tiếng không nghiêm
Còn cương nghị bị chê là khó tính
Khi giảng dài bị cho là "tra tấn"
Lúc vắn gọn bị ca thán "qua loa"
Làm việc xông pha bị xếp loại "hộ khẩu ngoài đường"
Miệt mài chiêm niệm liền bị chê "lề mề tủ lạnh".
Cồn phốt, su-tan, bị chê là "bóng bảy"
Đơn giản sơ mi, bị xếp hạng "bố đời"
Không rượu không chè bị coi là "giữ kẽ"
Chút rượu chút bia, bị kết án "rượu chè"
Nếu nghỉ hè bị coi là lười biếng
Còn siêng làm bị mang tiếng bao sân
Chịu khó tiếp dân bị coi "lười cầu nguyện"
Còn ít tiếp dân bị mang tiếng "quan liêu"
Làm việc năng nổ bị xếp loại "kiêu"
Giáo xứ bề gì liền mang tiếng "yếu"
...

Làm cha sở xem ra khổ sở
Nhưng khổ vì sở là lẽ xưa nay
Vậy xin cha chớ quá loay hoay
Còn nhiệm sở nghĩa là còn khổ sở.

Còn nhiệm sở nghĩa là còn khổ sở
Vì những niềm đau nỗi khó muôn người
Đang mong chờ cha soi rọi tình trời
Cho reo vui tiếng cười cứu độ.

Còn nhiệm sở nghĩa là còn bóng tối
Cần nơi cha nguồn ánh sáng tâm linh
Soi chiếu đường ngay ánh sáng Tin Mừng
Cho rạng ngời ánh thiều quang chân lý.

Còn nhiệm sở, còn đó đây yếu đuối
Còn cô đơn, túng thiếu, khổ sầu
Đói khát bánh cơm, đói nguồn ơn thánh
Rất cần cha khơi suối thương yêu.

Còn nhiệm sở còn quanh đây lúa mới
Trĩu vàng mênh mông một cánh đồng hoang
Đâu thợ gặt, đâu người chăm tưới
Rất cần cha tay hái, tay liềm.
...

Làm cha sở dẫu mà khổ sở
Cũng là đường rạng rỡ hân hoan
Khổ vì yêu, khổ vì nhiệm sở
Cha sống đời trọn nghĩa "yêu thương".
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Quỳnh Hương
Nguyễn Ngọc Danh
16:41 29/05/2008

QUỲNH HƯƠNG



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Gởi em niệm khúc cuộc đời

Theo chân cô tịch hương trời quỳnh hương

Gởi em một đóa vô thường

Nở trong kinh nguyện giáo đường đêm nay.

Ngọc Danh

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền