Ngày 06-05-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thư Chị thánh Têrêxa viết cho người anh em linh mục (3)
Nôbertô Thái Văn Hiến dịch
15:37 06/05/2010
Thư Chị thánh Têrêxa viết cho người anh em linh mục (3)

Năm thánh linh mục đang dần dần kết thúc để đẩy các linh mục của Chúa vững bước hành trình trên nẻo đường hy vọng. Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả, cách riêng là anh em linh mục, 6 lá thư của Chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết cho Cha Roulland và 11 lá thư cho một thầy đại chủng sinh, người mà sau khi Chị Thánh qua đời mới được thụ phong linh mục: Cha Bellière.

Dưới đây xin giới thiệu thư thứ ba Chị Thánh gởi cha Rolland, do ông Nôbertô Thái Văn Hiến dịch.

Lm Trăng Thập Tự


Thư 201: Gửi Cha Roulland

G.M.G.T

Nhà Cát Minh Lisieux 01 tháng 11 năm 1896

Giêsu V

Người Anh Em kính mến,

Bức thư rất thú vị của Cha, nhờ sự bảo trợ của các Thánh, đã đến và mang theo cho con cả một niềm vui lớn. Xin cảm ơn Cha vì đã đối xử với con như người chị em đích thực; nhờ hồng ân của Giêsu con hy vọng sẽ tự làm cho mình trở nên xứng đáng với danh nghĩa vô cùng thân thiết ấy.

Con cũng cảm ơn Cha đã gửi cho chúng con cuốn “Tâm hồn một nhà truyền giáo ”, cuốn sách đã mang cho con nhiều điều hữu ích. Nó đã giúp con theo chân Cha suốt chuyến hành trình của Cha nơi xa xôi ấy. Cuộc đời Cha Nempon được tựa đề cuốn sách nói lên một cách hoàn hảo, đúng là qua đó mà tâm hồn một nhà truyền giáo, hay nói đúng hơn, tâm hồn của tất cả các tông đồ xứng danh đích thực được tỏ hiện.

Cha muốn chúng con (trong thư gửi về Marseille) cầu xin Chúa cất khỏi Cha thập giá được chỉ định làm giám đốc chủng viện và thậm chí phải quay về lại nước Pháp nữa. Con hiểu là, với Cha, viễn cảnh ấy không dễ chịu chút nào; với cả tấm lòng, con cầu xin Giêsu đoái thương cho Cha chu toàn công việc tông đồ cần mẫn như lòng Cha hằng mong ước. Tuy nhiên con cũng nói thêm với Cha: “Xin cho ý Chúa Nhân Lành được thực hiện”. (Mt 6,10) Chỉ có nơi đó mới tìm gặp được sự nghỉ ngơi, ngoài ý muốn nhân lành ấy ra thì chúng ta sẽ chẳng làm được điều gì, cho Giêsu cũng như cho các linh hồn.

Người Anh Em quí mến ơi, con không thể nói với Cha là con sung sướng đến thế nào khi nhìn thấy Cha hoàn toàn phó thác vào tay các bề trên của Cha, với con dường như đó là một thử thách chắc chắn để đến một ngày những ước ao của con sẽ được thực hiện, nghĩa là Cha sẽ trở nên một vị Thánh vĩ đại.

Xin phép Cha cho con được thố lộ với Cha một bí mật vừa được tỏ ra cho con qua trang giấy có ghi những ngày tháng đáng nhớ của cuộc đời Cha.

08.9.1890 ơn gọi trở thành nhà truyền giáo của Cha được cứu bởi Đức Maria, Nữ Vương các thánh tông đồ và các thánh tử đạo; cũng trong ngày ấy một nữ tu Cát Minh hèn mọn đã trở thành tân nương của Đức Vua Thiên Đàng. Trong khi nói lời vĩnh biệt thế gian, mục đích của nữ tu ấy là cứu các linh hồn, nhất là linh hồn của các tông đồ… Với Giêsu, Đức Phu Quân Thánh Thiêng của mình, nữ tu ấy đã đặc biệt cầu xin cho có được một tâm hồn tông đồ, không thể làm linh mục nên nữ tu ấy muốn thay vào chỗ của mình là một linh mục đã nhận lãnh các hồng ân của Chúa, có cùng những hoài bão, những ước ao ấy như mình…

Thưa người Anh Em kính mến, Cha đã biết nữ tu Cá-minh bất xứng đang dâng lời cầu nguyện ấy rồi. Cha có cùng một ý nghĩ như con không, đó là sự kết hiệp của chúng ta được kiên định vào ngày Cha lãnh nhận sứ vụ linh mục, ngày 08 tháng 9? … [1vo] Con tin là chỉ có trên Thiên Đàng, mới gặp được người tông đồ, người anh em mà con đã cầu xin với Giêsu, nhưng Đấng Cứu độ Chí Ái, trong khi hé mở đôi chút bức màn mầu nhiệm che kín những bí ẩn đời đời, đã đoái thương ban cho con ngay từ trong chốn lưu đày này niềm an ủi được quen biết với người anh em của tâm hồn con, được cùng làm việc với người anh em ấy vì phần rỗi của những kẻ bất trung đáng thương.

Ôi! lòng biết ơn của con thật vô cùng sâu xa khi nhìn vào những tinh tế của Giêsu!... Ngài đang dành sẵn cho chúng ta những gì, khi mà ngay từ dưới thế này, tình yêu của Ngài ban phát cho chúng ta những ngạc nhiên tuyệt vời đến thế?

Hơn bao giờ hết, con hiểu rằng những biến cố dù nhỏ nhất trong cuộc đời chúng ta cũng đều dẫn đến với Chúa, chính Ngài làm cho chúng ta ước ao và mãn nguyện … Khi Mẹ nhân lành đáng kính đề nghị con trở thành người phụ trợ cho Cha, thú thật với Cha, thưa người Anh Em kính mến, con đã ngập ngừng. Nhìn xem những nhân đức của các Nữ Thánh Cát Minh đang bao bọc quanh con, thì với con hình như là Mẹ đáng kính sẽ phục vụ những lợi ích thiêng liêng của Cha tốt hơn nếu chọn cho Cha một người chị em khác không phải là con, duy chỉ có ý tưởng cho rằng Giêsu không quan tâm đến những công việc bất toàn của con mà chỉ quan tâm đến ý chí ngay lành của con, đã khiến con chấp nhận niềm vinh hạnh được chia sẻ với công việc tông đồ của Cha. Con không hay biết gì cả mặc dù chính Chúa đã chọn con, Ngài vốn sử dụng những khí cụ yếu đuối nhất để làm nên những việc lạ lùng!... (1Cr 1,27) Con đâu biết là từ 6 năm nay con đã có một người anh em chuẩn bị trở thành Nhà Truyền Giáo; giờ thì người anh em ấy đích thực là Tông Đồ của Ngài rồi, Giêsu tỏ cho con biết sự bí nhiệm ấy chắc chắn là để làm gia tăng trong con niềm ước ao yêu mến Ngài và làm cho Ngài được yêu mến.

Cha có biết rằng, thưa người Anh Em quí mến, nếu Chúa tiếp tục chuẩn nhận lời cầu nguyện của con, thì Cha sẽ nhận được một hồng ân mà vì lòng khiêm tốn của mình Cha đã không thỉnh cầu không? Hồng ân khôn ví ấy chắc Cha cũng đoán ra, đó chính là phúc tử đạo …

Vâng, con hy vọng như vậy, sau những tháng năm ròng rã dạn dày với công việc tông đồ, khi đã trao cho Giêsu tình yêu đáp lại tình yêu, và sự sống báo đền sự sống, thì Cha cũng sẽ hiến dâng Ngài máu để đổi máu …

Khi viết đến đây, con chợt nghĩ là những dòng này sẽ đến tay Cha vào tháng Giêng, tháng mà người ta trao cho nhau những lời cầu chúc hạnh phúc. Con tin rằng những lời cầu chúc của người chị em hèn mọn này của Cha sẽ là duy nhất trong những lời cầu chúc kia… nói đúng ra, thế gian sẽ cho những lời cầu chúc như thế thật điên rồ, nhưng với chúng ta, thế gian không còn sống nữa và “cuộc hàn huyên của chúng ta đã là trên trời rồi ” (Ph. 3,20), ước ao duy nhất của chúng ta chính là làm cho mình trở nên giống như Thầy Đáng Tôn Thờ của chúng ta mà thế gian đã không muốn nhìn nhận bởi Ngài đã tự hạ mình, mặc lấy thân nô lệ. (Ga 1,10; Ph. 2,7) Ôi người Anh Em quí mến ơi! Cha thật hạnh phúc khi được bắt chước rất giống với gương mẫu Giêsu… Khi nghĩ đến việc Cha đã ăn mặc theo lối người Trung Hoa, tự nhiên con cũng nghĩ đến Đấng Cứu Độ đã mặc lấy nhân tính đáng thương của chúng ta và trở nên giống như một người giữa chúng ta để cứu chuộc các linh hồn và cho họ được sống đời đời (Ph. 2,7).

Có thể Cha sẽ thấy con rất trẻ con, nhưng bất luận thế nào, con cũng xin thú tội với Cha là đã ước ao đoán xem tóc Cha có bị cắt hết và thay vào đó là một chiếc đuôi sam dài theo kiểu người Hoa không. Chẳng phải là con háo hức gì về kiểu tóc đó đâu, nhưng tất cả chỉ vì một mái tóc nay đã trở nên vô ích. Hẳn [2r0] Cha sẽ vừa cười vừa hỏi là con sẽ làm gì với mớ tóc ấy phải không nào? Này nhé, đơn giản thôi, những sợi tóc ấy với con sẽ trở thành các di vật một khi Cha đã ở trên Thiên Đàng, với nhành lá tử đạo trong tay. Dĩ nhiên Cha sẽ cho là con bận tâm đến chuyện đó quá sớm, nhưng với con đó là cách duy nhất để đạt được mục đích của mình, bởi người chị em hèn mọn của Cha (điều này thì chỉ có một mình Giêsu công nhận ) chắc chắn sẽ bị người ta bỏ quên vào lúc phân phát các thánh tích của Cha. Con tin chắc là Cha sẽ cười con thôi, nhưng điều đó với con chẳng hề gì. Nếu Cha đồng ý trả công cho việc con làm Cha vui bằg “Những sợi tóc của một Thánh Tử Đạo tương lai”, thì như vậy cũng đã là thưởng công hậu hĩnh cho con rồi.

Ngày 25 tháng 12 con sẽ không quên gửi thiên thần của con đi đặt những ý định của con cạnh bánh lễ mà Cha sẽ thánh hiến. Con xin thay mặt Mẹ Đáng Kính của chúng con và cả con nữa để hết lòng cảm ơn Cha vì sẽ dâng thánh lễ vào buổi rạng đông; trong lúc Cha bước lên bàn Thánh, chúng con sẽ hát kinh Sách mừng Chúa Giáng Sinh ngay sau lễ nửa đêm.

Người Anh Em kính mến ơi, Cha đã không nhầm khi nói rằng chắc chắn những ý định của con sẽ là: “để cảm ơn Giêsu về ngày hồng ân trong tất cả mọi ngày”. Đó chẳng phải là ngày con nhận lãnh hồng ân ơn gọi sống đời thánh hiến đâu. Chúa chúng ta, khi muốn cái nhìn đầu tiên của con chỉ dành cho Ngài mà thôi, đã đoái xin trái tim con ngay từ thuở con còn nằm trong nôi kia, có thể nói như vậy đấy.

Quả đúng đêm Giáng Sinh 1886 là đêm quyết định đối với ơn gọi của con, song, nói chính xác hơn, thì phải gọi là: đêm hoán cải của con. Trong đêm được chúc phúc như có lời đã chép là đêm toả rạng những việc lạ lùng của Chúa, Giêsu làm hài nhi vì yêu con nên đã đoái thương cho con cởi bỏ hết những tã lót và những bất toàn của tuổi ấu nhi. Ngài đã biến đổi con cách nào đó đến nỗi con không còn nhận ra chính mình nữa. Không có sự biến đổi ấy hẳn là con vẫn còn phải ở lại giữa thế gian hằng bao năm nữa. Mẹ Thánh Têrêxa đã nói với các con cái của Mẹ: “Mẹ không muốn các con là những người nữ vô ích mà phải là ngang tầm với những người nam mạnh mẽ trong mọi sự ”. Mẹ Thánh Têrêxa hẳn là không muốn nhìn nhận con là con của Mẹ nếu Chúa đã không mặc cho con sức mạnh của Ngài, không trang bị cho con chính Ngài làm khí giới để chiến đấu.

Thưa người Anh Em kính mến, con hứa với Cha là sẽ đặc biệt ký thác vào tay Giêsu người thiếu nữ mà Cha đã nói với con là đang gặp khó khăn trong ơn gọi của mình, con chân thành cảm thông với nỗi khổ tâm của chị ấy, bởi kinh nghiệm mách cho con biết thật đau khổ biết bao khi không thể đáp trả được ngay tức khắc tiếng gọi của Chúa. Con cầu mong chị ấy không buộc phải đến Rô-ma như con… Hẳn là Cha không biết người chị em của Cha đã cả dám đến thưa chuyện với Đức Thánh Cha như thế nào đâu?... Tuy nhiên điều đó có thật, và giả như con không có sự bạo dạn ấy, hẳn là con vẫn đang còn ở giữa thế gian.

Giêsu đã nói “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” (Mt 11,12). Điều ấy cũng tương tự như con với vương quốc Cát Minh. Trước khi là nữ tù nhân của Giêsu, con đã phải thực hiện một chuyến đi xa mới đoạt được nhà tù mà con yêu thích hơn cả những đền đài trên thế gian, con chẳng hề ươc ao thực hiện một chuyến đi vì thú vui riêng nào cả, và khi người cha độc nhất vô nhị của con đề nghị dắt con đến Giêrusalem vì không muốn để muộn mất ngày con nhập Dòng [2vo] đến những hai ba tháng, con đã (dù bị hấp dẫn một cách tự nhiên đi tham quan những nơi thánh của cuộc đời Đấng Cứu Độ) không ngập ngừng chọn sự nghỉ ngơi dưới bóng của Đấng mà con hằng mơ tưởng (Dc 2,3). Con đã hiểu ra là quả thực chỉ một ngày được sống trong nhà Chúa thì giá trị gấp ngàn lần so với bất cứ nơi nào khác. (Tv. 83,11).

Có thể, thưa người Anh Em kính mến, Cha đang muốn biết đâu là trở ngại mà con gặp phải khi thực hiện ơn gọi của con; trở ngại ấy không là gì khác ngoài việc tuổi con còn quá nhỏ, Cha Bề Trên nhân lành của chúng con chính thức từ chối nhận con trước khi con đủ 21, khi nói rằng một đứa trẻ 15 tuổi thì làm gì có khả năng biết được mình dấn thân vào việc gì. Lối xử sự của ngài thật khôn ngoan và con không mảy may nghi ngờ khi cảm thấy ngài không thực hiện ý muốn của Chúa nhân lành đang muốn làm cho con chinh phục Cát Minh bằng mũi gươm, và biết đâu Giêsu cho phép ma quỉ ngăn trở một ơn gọi mà, theo con nghĩ, không hợp khẩu vị của tên xấu xa bị tước mất tình yêu như Me Thánh chúng con đã nói; may thay tất cả những xảo trá của nó quay lại làm cho nó phải xấu hổ, và chỉ làm cho chiến thắng của một con bé càng thêm huy hoàng hơn nữa mà thôi. Nếu định viết cho Cha hết những chi tiết về cuộc chiến đấu mà con phải chịu đựng, hẳn là con phải tốn khá nhiều thời gian, giấy mực; những chi tiết ấy mà được kể lại bằng một ngòi bút lưu loát thì, theo con nghĩ, sẽ rất thú vị với Cha, nhưng cách con viết chẳng thể mang lại những điều hấp dẫn cho một câu chuyện dài đến thế đâu, vậy kính mong Cha bỏ lỗi cho con vì có lẽ đã không làm cha hài lòng.

Thưa người Anh Em kính mến, Cha hứa với con là mỗi buổi sáng, khi bước lên bàn Thánh, sẽ đọc: “Lạy Thiên Chúa của con, xin hãy làm tình yêu của Ngài rực cháy trong lòng người chị em của con”, con hết lòng biết ơn Cha về việc ấy và sẵn lòng cam đoan với Cha là những điều kiện của Cha sẽ luôn được chấp thuận. Tất cả những gì con cầu xin nơi Giêsu cho con, thì con cũng xin cho Cha như vậy; khi tiến dâng tình yêu yếu ớt của mình cho Đấng Chí Ái, con cũng xin phép được dâng tình yêu của Cha cùng một thể. Như Giôsuê, Cha đang chiến đấu trên bãi chiến, còn con là Môsê nhỏ của Cha (Xh 17,8-13) và tâm hồn con không ngừng hướng lên Trời để xin cho được chiến thắng. Ôi người Anh Em yêu quí, Cha cứ việc than thở nếu Giêsu không tự tay đỡ nâng hai tay cho Môsê của Cha!... Nhưng với sự cứu giúp bằng lời cầu nguyện mọi ngày mà, vì con, Cha dâng lên Thiên Chúa Tù Nhân Tình Yêu, thì con hy vọng Cha sẽ chẳng khi nào phải than vãn, và rồi sau cõi đời này, nơi mà chúng ta đã cùng nhau gieo trong nước mắt (Tv. 125, 5-6), chúng ta sẽ gặp thấy nhau hân hoan tay ôm những bó lúa.

Con rất thích bài giảng ngắn mà Cha đã ngỏ với Mẹ nhân lành của chúng con để động viên Mẹ tiếp tục ở lại trên trần thế này; Bài giảng ấy tuy không dài nhưng, như Cha nói, rất hợp tình hợp lý, con thấy Cha chẳng khó khăn lắm trong việc thuyết phục những người nghe Cha giảng, và con hy vọng sẽ có một mùa gặt bội thu các linh hồn được chính tay Cha dâng lên Chúa – con thấy là sắp hết giấy rồi, và thế là con buộc phải tạm dừng những hí hoáy của mình lại thôi. Tuy nhiên con muốn nói với Cha là con sẽ trung thành mừng kính tất cả những ngày lễ kỷ niệm của Cha. Ngày 03 tháng 7 sẽ là ngày thân thiết với con cách đặc biệt bởi đó là ngày lần đầu tiên Cha được đón rước Giêsu và cũng chính trong ngày đó, con đã được lãnh nhận Giêsu từ tay Cha và tham dự thánh lễ đầu tiên do Cha cử hành tại nhà Cát Minh.

Người Anh Em kính mến, xin hãy ban phép lành cho người chị em bất xứng của Cha.

Têrêxa Hài Đồng Giêsu

Rel. carm.ind

[2votv] (Con xin ký thác vào những lời cầu nguyện của Cha một chủng sinh trẻ muốn trở thành nhà truyền giáo, ơn gọi của người ấy vừa bị lung lay bởi thời gian phải thi hành quân dịch. )
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:08 06/05/2010
THÂN GỖ TIM ĐÁ

N2T


Thời nhà Tấn, Hạ Thống ngụ tại đất Ngô chỉ thích nghiên cứu văn học chứ không thích làm quan, bạn của ông ta là Giả Sung vẫn cứ muốn tìm kiếm ông ta.

Một lần nọ, Hạ Thống gặp lúc có việc nên đến thăm Giả Sung, Giả Sung lợi dụng cơ hội ấy dẫn Hạ Thống đi coi quân đội uy hùng và xe ngựa đẹp đẽ của ông ta, rồi đắc ý nói:

- “Nếu ngài muốn ra làm quan thì tất cả thứ này đều là của ngài”.

Hạ Thống vẫn cứ không động tâm, Giả Sung lập tức kêu đến một cô ca nữ rất đẹp, hát ca khiêu vũ dịu dàng trước mặt Hạ Thống, trong lòng nghĩ rằng ngay cả anh hùng cũng không qua được ải mỹ nhân, thì Hạ Thống cũng không thể qua, nhưng không ngờ Hạ Thống vẫn cứ không động tâm, thế là Giả Sung thở dài nói:

- “Người đất Ngô này, thật quả là thân bằng gỗ, tim bằng đá”.

(Tấn thư, Hạ Thống truyện)

Suy tư:

Xông pha trận mạc coi cái chết tựa lông hồng thì được gọi là anh hùng; bắt cướp giúp người giữa đường cũng được gọi là anh hùng; vững vàng trước những cám dỗ cũng được gọi là anh hùng.v.v…

Tất cả mọi anh hùng đều có da thịt bọc xương nên cũng sợ đao kiếm súng đạn, cũng có một quả tim bằng thịt nên cũng biết đau đớn nhức nhối, nhưng chính vì lý tưởng bảo vệ tổ quốc mà họ không sợ chết, vì để bảo vệ một xã hội trong sạch mà họ bất chấp nguy hiểm trên đường phố, vì để bảo vệ ơn gọi của mình mà họ chống trả với những cám dỗ.

Không làm quan là không làm quan, dù cho được ban cho quân đội mạnh, có nhiều xe cộ, có nhiều mỹ nữ và tiền bạc, đó là tính cách anh hùng của Hạ Thống: kiên trì với lý tưởng của mình.

Mỗi một người Ki-tô hữu là anh hùng, bởi vì chính họ luôn chiến đấu với ba thù (tiền tài, danh vọng và xác thịt) trong cuộc sống của mình, để trở nên người Ki-tô hữu gương mẫu trong cuộc sống thong dong đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người.

Không ai là thân bằng gỗ tim bằng đá, nhưng chính lý tưởng và yêu thương làm cho họ trở nên anh hùng trong cuộc sống đời thường của mình.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Cộng đoàn: nơi học yêu thương
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:10 06/05/2010
CỘNG ĐOÀN: TRƯỜNG HỌC YÊU THƯƠNG

Học và hành luôn đi đôi với nhau, đó là chìa khoá cho sự thành công, có một số người trời phú cho sự thông minh học đâu thuộc đó, nhưng để sử dụng cái máy tính nhân chia số thập phân, thì chẳng biết bấm nút nào cho nó đúng! Cũng có người lái xe môtô, chạy xe hơi ào ào, đến khi xe không khởi động máy, thì chẳng biết đường nào mà rờ, đem tới thợ coi ra sao, té ra là đã khoá…xăng ! Anh ta chưa hiểu lý thuyết vận hành của xe cộ !

Có một vài giáo dân thuộc làu làu mười điều răn Đức Chúa Trời và sáu điều răn Hội thánh; khi dự thánh lễ cha chưa giảng thì đã hiểu nội dung của bài Phúc Âm. Nhưng trong cuộc sống đời thường thì họ sống y như là người chưa biết chút gì về Lời Chúa: chửi thề, phóng túng, rượu chè, cờ bạc.v.v…họ chưa thực hành Lời Chúa, và họ bị người ta cho là “đồ vô đạo”.

Không có môi trường nào để học và thực hành đức ái tốt cho bằng trong cộng đoàn, bởi vì cộng đoàn là nơi để chúng ta: học tập yêu thương, thực hành yêu thương và nuôi dưỡng yêu thương.

1. Học tập yêu thương:

Cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn dòng tu hay một cộng đoàn tu hội đời, là một gia đình mà các thành viên trong cộng đoàn “không liên hệ huyết thống” gì với nhau như gia đình của mỗi người, cho nên, khi gia nhập cộng đoàn là chúng ta tách mình ra khỏi tình cảm huyết nhục cha mẹ, anh em, chị em, để chúng ta sát nhập vào một gia đình mới, không phải cùng huyết thống, mà là liên hệ trong đức tin, chính là làm con cái của tổ phụ Abraham.

Ở trong cộng đoàn mới nầy, chúng ta phải học tập yêu thương những người mà trước đây mình không quen biết, thương yêu để nhẫn nhục vì tính kiêu ngạo, khó chịu của chị em, anh em; học tập yêu thương để yêu thương những khuôn mặt cay cú quạu vọ của người anh em, chị em…

Bởi vì không ai tin chúng ta khi chúng ta dạy người khác phải yêu thương, mà chính chúng ta chưa biết yêu thương người anh em, chị em trong cộng đoàn của mình.

2/ Thực hành yêu thương:

Linh mục Vincent Lebbe, người sáng lập bốn tu hội, cộng đoàn đã nói: “Thật yêu người tức là luôn luôn làm cho người ta trước, sau đó đến mình, khiến cho người ta tự mình được an ủi thật sự và ích lợi thật sự”.

Để trở thành một Ki-tô hữu chân chính, thì không những phải học yêu thương mà còn là phải thực hành yêu thương. Học tức là suy tư, biện luận, phản bác, có nghĩa là dùng lý trí để suy xét, nhưng học yêu thương thì không phản bác, không biện luận, không xét nét gì cả, mà chỉ có dùng trí khôn ngoan để tìm cách thi hành đức ái sao cho hoàn hảo nhất mà thôi.

Chúa Ki-tô chết trên thập giá vì yêu nhân loại tội lỗi, Ngài đã không phản bác, không biện luận, không xét nét, nhưng đã chọn cái chết khốc liệt nhất để yêu và cứu chuộc nhân loại. Cũng có nghĩa là Ngài đã làm cho nhân loại trước: được cứu chuộc; sau đó đến mình: hoàn tất công trình cứu chuộc bằng sự phục sinh vinh hiển. Ngài đã thực hành yêu thương.

Nơi lý tưởng nhất để thực hành yêu thương cũng chính là trong cộng đoàn của chúng ta.

3/ Nuôi dưỡng yêu thương:

Đi truyền giáo tức là đi đến nơi mà chúng ta chưa biết chưa quen, ở với một dân tộc mà phải mất nhiều năm chúng ta mới thích nghi được với đời sống của họ. Tóm lại là vô cùng khó khăn, nhưng khó khăn và cảm thấy bị bỏ rơi nhất chính là khi chúng ta bị nỗi đơn dày vò, chính vì vậy mà có rất nhiều anh em, chị em đã ra đi không trở lại.

Cộng đoàn chính là nơi nuôi dưỡng yêu thương, để khi chúng ta ra đi gặt hái trên cánh đồng truyền giáo, gặp những khó khăn, đau khổ, chúng ta lại được bồi dưỡng tinh thần, giải toả những khó khăn, tìm lại được giây phút yêu thương đầm ấm ngay trong chính cộng đoàn của mình. Vì hiểu được điều ấy, mà có một số dòng tu có một nội quy rất dễ thương: các thành viên sau ba năm phục vụ ở ngoài xã hội, thì trở về nhà dòng mẹ từ ba đến bốn tháng để nghỉ ngơi, bồi dưỡng tinh thần cũng như sức khoẻ…

Tổng thống Mỹ John F.kennedy nói: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho anh, nhưng hãy hỏi tôi đã làm gì cho tổ quốc”. Nếu chúng ta chưa tìm được nơi cộng đoàn sự yêu thương, thì nên tự hỏi mình: tôi đã làm gì cho cộng đoàn của tôi để đức Ái được phát triển?

Học tập yêu thương và thực hành yêu thương, chính là dấu hiệu của người môn đệ Chúa Ki-tô trong thế kỷ 21 nầy vậy !

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:12 06/05/2010
N2T


47. Để tôi không những ngắm nhìn Thánh Giá, đeo Thánh Giá, mà còn đem nó ẩn tàng trong tâm hồn tôi.

(Thánh nữ Bernadette)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 06/05/2010
N2T


438. Khi chúng ta chuẩn bị tốt cho một sự thay đổi, thì tự nhiên sẽ thu hút những sự giúp đỡ cần thiết.

 
Đức đồng trinh của Đức Mẹ và ý nghĩa của nó với thời đại ta
Vũ Văn An
01:02 06/05/2010
Trong một thế giới đầy rẫy dối trá, tham lam, bạo loạn và phóng túng, người có lòng trong sạch, trung thực, khiêm tốn quả là một sức mạnh lớn lao. Thế giới chúng ta đang cần sự trong sạch. Người Kitô hữu chúng ta có sứ mệnh mở tung tâm trí cho sự thật, trung thực trong mọi sự, để các đam mê của ta được Thánh Thần sự thật và tình yêu điều hướng. Về phương diện này, Đức Mẹ Đồng Trinh là mẫu mực của ta.

Trong Giáo Hội, một số chi thể được Chúa chọn để thực hành đức trong sạch trong bậc độc thân để phục vụ Nước Trời. Thiên Chúa ban cho họ sức mạnh để họ khước từ hôn nhân và hiến trọn tình yêu của họ cho Chúa Kitô cũng như hiến trọn cuộc sống họ cho Nước Trời giữa lòng thế gian. Tuy nhiên, mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống đức khiết trinh trong đức tin, trong tâm, trong trí và sống đức trong sạch phù hợp với bậc sống của mình. Điều này có nghĩa gì? Ơn gọi như thế có nghĩa gì trong thế giới của ta ngày nay? Nhìn lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng trọn đời Đồng Trinh, chúng ta hy vọng tìm được câu trả lời.

Khiết trinh trong đức tin

Thánh sử Luca kể cho ta nghe chuyện một phụ nữ kia, cảm kích vì lời Chúa Giêsu giảng, và say sưa vì các phép lạ Người làm, bỗng nghĩ tới mẹ của Người mà thốt lên: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11:27). Nàng ca tụng mẹ của Người đã sinh hạ một người con qúy như thế, đã dưỡng nuôi và dưỡng dục Người. Tuy nhiên, Chúa lại cho nàng hay đâu mới là sự vĩ đại chân thực của mẹ Người, khi Người đáp lại rằng: “Đúng hơn, phúc thay những ai nghe lời Thiên Chúa và vâng theo nó” (Lc 11:28). Chắc chắn việc Con Thiên Chúa tiếp nhận xác thịt trong lòng Đức Mẹ là một vinh dự lớn lao cho Đức Mẹ. Ấy thế nhưng sự vĩ đại chân thực của Đức Mẹ lại hệ ở việc ngài mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Thiên Chúa. Đức Maria là người đầu tiên được áp dụng mối phúc đó. Hơn bất cứ ai, Đức Mẹ lắng nghe lời Chúa, đem lời ấy sinh hoa kết trái trong cuộc sống của mình. Chính vì thế, Thánh Augustinô nói về Ngài rằng: “Đức Maria có phúc vì Ngài tin vào Chúa Kitô hơn là vì Ngài tượng thai Chúa Kitô trong xác thịt mình” (De virg. 3). Đức tin của Đức Mẹ “không bị pha tạp bởi bất cứ sự hoài nghi nào” (LG 63). Trong tâm hồn Ngài, không hề có một dè dặt tri thức, một sợ sệt, hay một điều kiện nội tâm nào đối với Thiên Chúa.

Tất cả chúng ta nên mở rộng lòng ra với Chúa như Đức Mẹ. Có đức khiết trinh trong đức tin là biết tiếp nhận một cách vô điều kiện sứ điệp của Phúc Âm như đã được Giáo Hội công bố và đem ra thực hành trong cuộc sống ta. Sẽ có những lúc ở trong đời, ta muốn thốt lên: “tôi không hiểu điều đó. Giáo Hội đòi hỏi quá đáng. Về việc ấy, tôi có ý nghĩ khác hẳn!”. Nhưng nếu trong những thời điểm như thế, ta biết để lương tâm ta rộng mở đón nhận sự thật, ta sẽ tới gần với Chúa hơn và tìm được an bình cho tâm hồn mình. Sự thật giải phóng ta và là bảo kê để ta được hạnh phúc đích thực. Ngày nay, nhiều người xem ra muốn nghĩ rằng bạn vẫn là người Công Giáo tốt, dù không chấp nhận một số tín điều về đức tin và luân lý. Họ cho rằng cái hiểu và lương tâm riêng của họ đã đủ để đưa ra các quyết định luân lý. Tuy nhiên, đức tin trinh khiết lúc nào cũng biết lắng nghe Thiên Chúa. Đức tin ấy đã biến thành niềm tín thác đầy yêu thương vào Thiên Chúa, vì biết rằng Người không thể lừa dối ta.

Sẽ luôn luôn có những sự thật của đức tin và những sự thật này không thể hòa hợp với tinh thần thời đại. Trong xã hội duy đa nguyên ngày nay, nhiều tín hữu thấy khó nhìn nhận việc Chúa Giêsu Kitô rất khác với các vị sáng lập ra các tôn giáo khác. Họ cũng khó chấp nhận việc đức tin của ta không phải chỉ là một trong nhiều con đường dẫn ta tới Thiên Chúa, mà là con đường chân thực duy nhất. Nhiều người khác tấn công giáo huấn của Giáo Hội, không coi thụ thai nhân tạo và thụ thai ngoài dạ mẹ là điều sai trái về phương diện luân lý, là điều không phù hợp với lệnh truyền yêu thương và sinh sản của Chúa và do đó là điều không được phép. Yêu Chúa là sẵn sàng chấp nhận một cách biết ơn giáo huấn của Giáo Hội trong toàn bộ tính không pha chế của nó. Đức tin khiết trinh là đức tin dám mạnh bạo nói với Thánh Phaolô rằng: “Chúng tôi không thể làm gì chống lại sự thật, nhưng chỉ hoạt động cho sự thật mà thôi” (2Cor 13:8).

Khiết trinh trong tâm tư

Cuộc đối thoại giữa tổng lãnh thiên thần Gabrien và Nữ Trinh Nadarét cho ta một thoáng nhìn về tâm tư Đức Mẹ. Ta nhận rõ, nơi Ngài, lý trí và đức tin đã cùng nhau hành động ra sao. Khi sứ thần Thiên Chúa đưa tin Ngài sẽ hạ sinh một con trai mà Ngài sẽ đặt tên cho là Giêsu (xem Lc 1:30-33), Ngài hỏi lại: “Việc đó xẩy ra thế nào được, vì tôi là trinh nữ?” (Lc 1:34). Câu hỏi của Ngài trước hết cho thấy Đức Maria không đơn thuần tiếp nhận sứ điệp của thiên thần một cách thụ động. Đức tin không thay thế suy tư của con người, nhưng thách thức nó, mở rộng phạm vi của nó, mở nó ra hướng về tâm trí và kế hoạch Thiên Chúa. Tín hữu Kitô Giáo sử dụng lý trí của mình để phục vụ công trình cứu rỗi. Khi Đức Maria nghe lời thiên thần, Ngài chạm trán với nỗi khó khăn xem ra mâu thuẫn trong ơn gọi hai mặt. Thẩm sâu trong tâm hồn, Ngài thấy mình được kêu gọi sống khiết trinh, nhưng thiên thần lại bảo Ngài sẽ sinh hạ một con trai. Tâm tư khiết trinh và đầy đức tin của Ngài hiện rõ trong phản ứng của Ngài. Ngài không bác bỏ lời truyền tin của tổng lãnh thiên thần, Ngài không nói thế, điều đó không thể nào, Ngài chỉ hỏi: “Việc đó xẩy ra thế nào được, vì tôi không có chồng?”. Chữ thế nào giúp ta thoáng nhìn ra tâm tư khiết trinh của Ngài. Ngài đã không phản ứng với chữ không vô tín, mà với lời thỉnh cầu của niềm tin: làm thế nào để mở cửa đón nhận công trình của Thiên Chúa nơi Ngài. Thiên thần giải quyết nỗi khó khăn của Ngài bằng cách cho Ngài hay: ngoài sự chờ mong của mọi người, Êlisabét đã thụ thai một con trẻ dù đã cao niên. Việc nhắc nhớ tới sự kiện Thiên Chúa có thể làm được điều con người không thể làm được này đã đủ đối với một thiếu nữ khiêm hạ của Nadarét. Ngài không dè dặt phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa và kế hoạch của Người dành cho nhân loại.

Suy nghĩ của Đức Maria rất đơn giản và sâu sắc. Tâm tư Ngài vừa không ngây thơ vừa không phức tạp. Ngài không bận bịu với việc suy nghĩ về chính mình, nhưng bản ngã Ngài hoàn toàn mở ra đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Ngài. Nơi Ngài, không hề có bóng dáng của sự tự phụ, tự cao tự đại, luôn chỉ biết tự phân tích mình đến độ thành tâm thần phân liệt (split personality), tâm tư rối loạn. Trái lại, trọn ơn gọi tuyệt diệu và hết sức vĩ đại làm Mẹ Thiên Chúa của Ngài cũng như sự hợp tác với tư cách nàng dâu và thân mẫu trong công trình Cứu Chuộc của Thiên Chúa của Ngài đều đặt căn bản trên lòng trung thành không tì vết và trinh khiết của trái tim thanh sạch và vô nhiễm của Ngài, trên thái độ suốt đời làm con cái Chúa một cách đơn sơ.

Ta học được từ Đức Mẹ cách lột mặt nạ “cha sự dối trá” (Ga 8:44). Ngài giúp ta tránh được những bào chữa, những kênh kiệu hay chân lý nửa vời đầy khập khiễng, không để kiêu căng hay ghen tị thống trị ta, không cho phéo suy nghĩ của ta trở thành ngựa hoang. Thánh Phaolô dạy ta “đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa, bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi đến chỗ vâng phục Đức Kitô” (2 Cor 10:4-5). Có những suy tư chân thực và tốt lành mở ra nhiều thế giới mới cho ta và luôn điều hướng ta về Thiên Chúa, vốn là sự thiện cao cả nhất của ta. Nhưng cũng có những suy tư nguy hiểm nhằm phá hoại đức tin và lòng trung thành của ta đối với Giáo Hội, hay tình yêu của ta với người bạn đời hay ơn gọi làm linh mục hay đời sống tận hiến. Như Thánh Phaolô từng sợ các suy tư của tín hữu Côrintô “dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Kitô” (2Cor 11:3).

Khiết trinh trong tâm tư đòi người ta phải khiêm hạ, không ngừng định hướng tâm tư họ vào Chúa và chân lý của Người. Người có tâm tư như thế luôn mở cửa đón nhận mọi linh hứng của chân lý đến đánh động họ. Họ trung thực và trong sạch trong ý định, trong lời nói và trong việc làm của mình. Nếu ta là những người như thế, ta sẽ nhận được sự khôn ngoan của Chúa và trông nhờ sự giúp đỡ và chúc phúc của Người

Khiết trinh trong tâm hồn

Từ ngày Evà và Adong phạm tội, trái tim con người đã bị phân chia. Tội lỗi phá tan sự hoà điệu nội tâm của ta, sự kết hợp giữa ta với Chúa, với chính mình và với người khác. Với Đức Maria, có khác, ngài không mắc tội nguyên tổ và tội bản thân. Trọn đời sống Ngài thuộc về Chúa. Khi Chúa gọi Ngài, Ngài vâng theo Chúa một cách vô điều kiện. Không một lúc nào trong đời Ngài, Ngài đã duyệt lại sự ưng thuận của mình, hay không sống trọn vẹn lời ưng thuận đó. Ngài giúp ta đạt được việc hoàn toàn trao phó đời mình trong trắng cho Thiên Chúa.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy ta: “Không nô lện nào làm tôi hai chủ; vì hoặc họ ghét chủ này và yêu chủ kia, hay tận tụy với chủ này và khinh ghét chủ kia. Các con không thể phục vụ cả Thiên Chúa lẫn của cải” (Lc 16:13). Như thế, Chúa cảnh giác ta đừng phạm bất cứ tội thờ ngẫu thần nào, tội thoả hiệp và bất lương nào. Thế giới cần những người đàn ông đàn bà chịu để ánh sáng Phúc Âm soi sáng và cai quản cuộc sống họ, chứ không cần những Kitô hữu chỉ có nửa trái tim. Thế giới ngày nay cần những chứng nhân chân thực và đáng tin tưởng. Ta sẽ bất lương, nếu ta chờ mong người khác sống một đời đạo hạnh, còn ta, ta lại không chịu cố gắng sống đạo hạnh; nếu ta chỉ trích lỗi lầm của người khác mà không liên tục cố gắng cải tiến chính tính khí của ta; nếu ta tố cáo người khác sai lầm nhưng lại bào chữa các tội lỗi của ta. Nếu cha mẹ cầu cho con cái được ơn có đức tin mạnh mẽ, thì họ đừng đặt cản trở trên đường đi của chúng, nếu Chúa kêu gọi chúng vào ơn gọi linh mục hay tu dòng. Để bảo toàn được sự khiết trinh trong tâm hồn, ta phải chiến đấu chống lại các thèm khát của xác thịt và ngũ quan. Ở đây, con mắt trong sáng và kỷ luật lành mạnh đối với các xúc cảm, tâm tình và trí tưởng tượng của ta sẽ giúp ích rất nhiều, cũng như việc khước từ bất cứ khoái cảm nào trong suy nghĩ khiến ta xa rời mệnh lệnh của Chúa (xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 2520). Điều cũng quan trọng là sự nết na (modesty) lành mạnh, là thứ luôn che chở thẩm cung con người và sự huyền nhiệm của họ. Nó khích lệ “sự kiên nhẫn và điều độ trong các liên hệ yêu thương” và mởi gọi ta chọn lựa lối ăn mặc đứng đắn, kín đáo và vừa phải (xem SGLCGHCG các số 2521-2522).

Khiết tring trong thân xác

Từ buổi đầu, Giáo Hội đã tuyên xưng rằng Đức Maria chịu thai Con Thiên Chúa trong lòng mình do quyền năng Chúa Thánh Thần, không có sự can dự của bất cứ người đàn ông nào. Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo cũng khẳng định rằng: “sự khiết trinh của Đức Maria chứng tỏ sáng kiến tuyệt đối của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể” (SGLCGHCG số 503) và rằng: “Chúa Giêsu là Adong mới, người khai mở sự tạo dựng mới” (SGLCGHCG số 504). Con Trai của Đức Maria Khiết Trinh xuất thân từ Thiên Chúa và tất cả những ai muốn trở nên anh chị em của Người, đều phải tái sinh từ trên cao. “Việc tham dự vào sự sống Thiên Chúa phát sinh ‘không phải do máu huyết cũng không phải do ý muốn của xác thịt cũng như do ý muốn của người đàn ông, mà là do Thiên Chúa’ (Ga 1:13)” (SGLCGH số 505).

Trong xã hội ngày nay, ta chạm trán với hiện tượng quá nhấn mạnh tới tính dục một cách thiếu lành mạnh. Sự thù nghịch mà người ta cho là thời xưa vốn có cần được vượt qua và sự khoái ngất của yêu đương, nhất là trong chiều kích tính dục, cần phải được thử nghiệm và hưởng thụ trọn vẹn. Nhưng nếu như thế, thì thân xác con người đâu có được kính trọng trong phẩm giá mà Thiên Chúa vốn muốn nó có.. Trong thông điệp Deus caritas est, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI viết rằng: “cách thế hiện đại nhằm triển dương thân xác quả là lừa đảo. Ái tình, được giảm lược thành làm tình, đã trở thành một món hàng, một ‘sự vật’ đơn thuần có thể mua và bán được, hay đúng hơn, chính con người cũng trở thành một món hàng. Khó mà nói đó là lời chấp nhận vĩ đại của con người đối với thân xác”. Như thế, con người nhân bản, vốn là cả thân xác lẫn linh hồn, chỉ có thể đạt được hạnh phúc và tình yêu chân thực, nếu họ sẵn sàng tiến theo “nẻo đường đi lên, từ bỏ, thanh tẩy và chữa lành”. Nhân đức dẫn ta đi vào nẻo đường ấy chính là đức trong sạch. Nhân đức này sẽ giúp ta không để cho các đam mê tính dục điều khiển ta, nhưng tích hợp được tính dục vào chính cuộc sống ta một cách trưởng thành, như một ơn phúc của Đấng Hóa Công vốn thuộc chính hữu thể đàn ông và đàn bà của ta. Điều này có nghĩa gì trong cuộc sống thực tiễn của ta?

Mọi người rửa tội đều được kêu gọi sống trong sạch. Điều này có nghĩa: vợ chồng phải kết hợp với nhau trong một tình yêu chân thực và giữ lòng chung thủy với nhau, cho đến chết. Họ được mời gọi hiến thân cho nhau “trong thánh thiện và danh dự, chứ không trong đam mê thèm muốn, như dân ngoại vốn không nhận biết Thiên Chúa” (1Tx 4:4). Trong phạm vi này, với một tinh thần làm cha mẹ có trách nhiệm, họ có thể sử dụng hay không sử dụng các phương pháp kiểm soát sinh sản tự nhiên để có con, nếu họ có đủ lý do nghiêm chỉnh bên trong các giới răn của Chúa. Tuy nhiên, họ phải khước từ một cách có ý thức việc sử dụng thuốc ngừa thai, như thông điệp “Sự Sống Con Người” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI từng đòi hỏi. Hành động như thế, họ sẽ thấy tình yêu đối với nhau của họ sẽ vững mạnh hơn và thành thực hơn. Các cặp vợ chồng này sẽ là một khích lệ lớn lao đối với người trẻ, người độc thân, bất luận là chưa lập gia đình hay ở góa, biết sống cuộc sống tiết dục của họ. Nhờ gương sáng và chứng tá của họ, có thể giúp các cặp đang chuẩn bị hôn nhân, nhờ ơn Chúa, tiếp tục duy trì được đức trong sạch cho tới ngày thành hôn.

Giới trẻ có thể tìm được trợ giúp trong các nhóm và các phong trào như Tình Yêu Chân Thực Biết Chờ Đợi (True Love Waits), là phong trào đang khuyến khích người trẻ biết phát triển một tình bạn ấm áp với Chúa Giêsu và cam kết sống khiết trinh trước hôn nhân. Tận hiến cho Đức Mẹ, một tập tục từng được duy trì hay mới được phục hưng tại một số nơi, cũng là một trợ giúp lớn lao cho người trẻ nào biết hân hoan sống trọn nhân đức khiết trinh của mình. Ngày nay, lúc truyển thông, nhà trường và cả nhà trẻ nữa đang tràn ngập những thông tin một chiều về tính dục, thì cha mẹ cần tỉnh táo trong việc đào luyện con cái mình bằng cách trợ giúp chúng đúng lúc.

Ngày nay, chứng tá của các Kitô hữu trong việc sống cuộc sống độc thân và khiết trinh được coi là cần thiết hơn bao giờ hết. Ở mỗi thời đại, “vì nước trời” (Mt 19:12), Chúa đều chọn những người đàn ông và đàn bà tự ý khước từ cuộc sống hôn nhân đầy tốt đẹp để dâng hiến trọn vẹn tình yêu của mình cho Chúa Kitô, cam kết chọn làm cha mẹ thiêng liêng vì lợi ích của anh chị em mình. Cuộc đời họ là một tặng phẩm Chúa dành cho Giáo Hội và là một dấu chỉ mạnh mẽ cho thế giới mà người ta không nên bỏ qua. Nếu các linh mục và tu sĩ sống ơn gọi của họ cách hân hoan, họ sẽ gây được ảnh hưởng lớn lao đối với người chung quanh và làm chứng được rằng trong Chúa Kitô, ta sẽ tìm được hạnh phúc đích thật và lâu bền.

Lớn lên trong Tình Yêu

Đức Mẹ khuyến khích ta trong bất cứ ơn gọi nào của ta. Mối phúc “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8) đã nên trọn trong Đức Nữ Trinh và là Mẹ Thiên Chúa. Trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, ta thấy có câu giải thích như sau: “‘Tâm hồn trong sạch’ chỉ những ai biết liệu cho trí tuệ và ý muốn của mình phù hợp với những đòi hỏi của sự thánh thiện của Thiên Chúa, nhất là trong ba lãnh vực: đức ái, đức trong sạch hay sự ngay thẳng về tính dục, lòng yêu mến sự thật và sự chính thống của đức tin. Có một sự nối kết giữa sự trong sạch của tâm hồn, sự trong sạch của thân xác và sự trong sạch của đức tin” (SGLCGHCG số 2518).

Đức Maria có thể và chắc chắn sẽ giúp ta cố gắng duy trì được sự trong sạch trong tâm hồn hay lấy lại được sự trong sạch ấy. Nhờ thế, ta sẽ có khả năng thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý ngõ hầu thấy được sự tốt lành của Người trên gương mặt Chúa Giêsu Kitô. Để thấy Chúa đời đời, ta cần có một tâm hồn trong sạch. Ngay bây giờ và ở đây, tâm hồn trong sạch đã giúp ta biết nhìn thế giới dưới ánh sáng của Chúa, biết nhận ra hình ảnh Đấng Tạo Dựng nơi người khác, và “biết nhìn thân xác con người, thân xác ta cũng như thân xác người lân cận, như là đền thờ của Chúa Thánh Thần, biểu hiệu cái đẹp thần thánh của Người” (SGLCGHCG số 2519).

Đức Maria muốn giúp biến ta thành những người biết yêu thương. Sự khiết trinh trong đức tin, trong tâm tư, trong tâm hồn và trong thân xác của Ngài mời gọi ta hoàn toàn phó thác cho tình yêu Thiên Chúa như Ngài đã làm, bằng cách luôn lớn lên trong tình yêu cho tới hơi thở cuối cùng của đời ta. Cuộc đời Đức Maria là hồng phúc của tình Chúa xót thương nhân loại. Ta hãy cầu xin Ngài làm cho linh hồn ta mãi mãi khát khao tình yêu Chúa. Trong thông điệp về Đức Ái Kitô Giáo, Đức Thánh Cha từng khuyên ta nên nhìn lên Đức Mẹ và cầu xin Ngài giúp ta: “Đức Maria đã thực sự trở nên Mẹ mọi tín hữu. Đàn ông và đàn bà mọi thời và mọi nơi đều chạy đến với lòng nhân hậu từ mẫu và đức trong sạch trinh khiết cũng như ơn phúc của Ngài, trong mọi nhu cầu, mọi khát vọng, mọi niềm vui và nỗi buồn, mọi giây phút lẻ loi và mọi cố gắng chung của họ. Họ luôn cảm nhận được ơn phúc từ nhân và tình yêu không ngừng mà Ngài luôn tuôn đổ ra từ thẳm sâu tâm hồn Ngài… Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, Mẹ đã ban cho thế giới ánh sáng chân thực, là Chúa Giêsu Con Mẹ, và là Con Thiên Chúa. Mẹ đã phó thác hoàn toàn cho tiếng gọi của Chúa và do đó đã trở thành dòng suối tốt lành chẩy ra từ nơi Người. Xin Mẹ cho chúng con thấy Chúa Giêsu. Xin Mẹ dẫn chúng con tới với Người. Xin Mẹ dạy chúng con nhận biết và yêu mến Người, để chúng con có khả năng yêu thương chân thật và trở thành tiểu suối nước trường sinh giữa một thế giới đang khát nước” (Thiên Chúa là Tình Yêu, số 42).

Special Fides News Service

25 Tháng Ba 2009
 
Thánh Thần và chúng tôi
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:58 06/05/2010
THÁNH THẦN VÀ CHÚNG TÔI

(Chúa Nhật VI PS C)

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Hạnh phúc thiên đàng là đây. Có Thiên Chúa ở cùng là điều mà Kitô hữu hằng khát khao. Trong Thánh lễ, điệp khúc: “Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng cha” được cất lên những bốn lần: trước nghi thức khởi đầu Thánh lễ, trước khi đọc Tin Mừng, trước Kinh Tiền Tụng và trước khi chúc lành kết lễ. Có thể khẳng định rằng việc tuân giữ lời Chúa Kitô chính là chìa khóa để có hạnh phúc đích thực. Nội hàm của lời mà Chúa Kitô muốn nói ở đây chính là “tin vào Thiên Chúa và tin vào Người”, đồng thời thực hành “giới răn mới” mà Người long trọng truyền dạy (x. Ga 13,34-35; 14,1).

Cần thú nhận rằng nhiều lúc chúng ta thật khó phân biệt ý lời của Chúa Kitô với ý lời của người phàm. Ngay thánh Phaolô tông đồ cũng đã từng thú nhận rằng “hiện nay chúng ta thấy lờ mờ như thấy qua tấm gương” (x. 1 Cr 13,12). Chính Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sẽ sai đến, cũng là Đấng mà Chúa Kitô sẽ ban tặng, sẽ giúp chúng ta hiểu đúng ý lời của Chúa Kitô để thực thi. “Thánh Thần và chúng tôi quyết định: Không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm” (Cv 15,28-29). Đây là lời công bố chính thức của Công đồng Giêrusalem, Công đồng đầu tiên của Hội Thánh thời các Tông đồ. Câu tuyên bố của các Tông đồ “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” một cách nào đó cho ta thấy trong quyết định ấy có phần của Thánh Thần và có phần của các ngài. Phần của Thánh Thần dĩ nhiên là chân lý tuyệt đối, còn phần của các tông đồ ít nhiều bị điều kiện hóa và khó tránh khỏi sự bất cập hoặc hạn chế mặt này, mặt kia. Vấn đề là chúng ta cần phân biệt đâu là phần của Thánh Thần và đâu là phần của các Tông đồ.

Tính bất cập, tương đối và bị điều kiện hóa của quyết định do phía các tông đồ có thể nói là đã lộ rõ khi các ngài dạy: “Kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết”. Chưa nói gì đến niềm tin còn bất cập về máu huyết của Do Thái giáo xưa, ở đây, chúng ta thấy các Tông đồ đã đưa ra một giải pháp mang tính thỏa hiệp, giải quyết tình thế. Để xây dựng sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu gốc lương dân và gốc Do Thái giáo, đặc biệt qua các bữa ăn, các Tông đồ đã truyền giữ tập tục kiêng cử về huyết cũng như thịt thú chết ngạt. Nhiều người dân Việt vốn thích món “tiết canh” chắc là phải bỏ mình lắm lắm! Còn về việc ăn thịt cúng thì chắc hẳn các Tông đồ không quên lời dạy của Thầy năm xưa: “Những gì bên ngoài vào trong con người thì không làm cho họ ra ô uế?” (x. Mc 7,14-23). Sau này chính Thánh Phaolô cũng đã từng minh định với tín hữu Côrintô rằng ăn thịt cúng hay không thì chẳng sao cả, miễn là đừng gây cớ vấp phạm cho những người đang còn non kém về lòng tin (x. 1 Cr 8,1-13).

Chúng ta cùng xem xét phần Thánh Thần chỉ dạy.

- Không đặt gánh nặng lên vai người anh em: Một trong những sứ mạng của Chúa Kitô khi đến thế gian là giải thoát con người khỏi vòng nô lệ thần dữ. Tiếp tục và hoàn thành sứ mạng của Chúa Kitô, Thánh Thần đã giải thoát chúng ta khỏi ách nặng nề của “chế độ lề luật”, khỏi “tinh thần nô lệ” mà việc bải bỏ luật cắt bì của Cựu Ước là một điển hình. Từ đây, người Kitô hữu được mời gọi đến với Thiên Chúa trong tư cách những người con. Nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa “Abba” - “Cha ơi” (x. Rm 8,14-17).

Nhiều người đã xem Công đồng Vaticanô II như là một Lễ Hiện Xuống mới. Sở dĩ có cái nhìn này vì người ta không chỉ thấy Giáo Hội đã để cho Thánh Thần thúc đẩy mình ra khỏi tháp ngà cố thủ, để đến với thế giới mà còn thấy Giáo Hội đã gỡ bỏ nhiều ách nặng nề bấy lâu nay đang đè trên vai, trên cổ mình, khiến đoàn dân Chúa khó có thể sống tinh thần nghĩa tử với Thiên Chúa và qua đó sống tinh thần huynh đệ với nhau. Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động cho đến ngày Chúa Kitô lại đến (x. Kh 22,17). Như thế, chắc hẳn vẫn còn đó nhiều gánh nặng đang kìm giữ chúng ta trong tinh thần nô lệ mà chúng ta cần phải gỡ bỏ cho nhau. Để được vậy, chúng ta, đoàn tín hữu, từ con chiên đến các mục tử, hãy tích cực mở rộng tâm hồn để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần, và dĩ nhiên, trên hết, trước hết cần phải biết nhạy bén với lời chỉ dạy của Thánh Thần qua các dấu chỉ thời đại.

- Tinh tuyền hóa niềm tin vào Thiên Chúa và lành mạnh hóa tương quan với nhau: Ẩn sâu dưới quyết định rằng phải kiêng ăn thịt đã cúng cho ngẫu tượng thì chúng ta nhận ra chân lý là “phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (x. Mt 4,10; Lc 4,8). Và qua lời truyền dạy rằng “tránh gian dâm” hay như một vài bản dịch khác là “không được kết hôn bất hợp luật”, thì chúng ta không chỉ thấy đó là một chỉ dẫn luân lý thuần túy trong đời hôn nhân, mà còn nhận ra một chân lý trong tương quan đồng loại, đó là tôn trọng quyền lợi của nhau trong sự hài hòa và trật tự khách quan. Cần phải tôn trọng, tuân giữ trật tự khách quan này ngay từ trong cái tế bào của xã hội, cái nền tảng của đời sống nhân loại đó là “hôn nhân – gia đình”.

Mạc khải đã nên trọn vẹn và hoàn hảo nơi cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Kitô. Một trong những sứ mạng của Chúa Thánh Thần là giúp chúng ta hiểu đúng lời mạc khải. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu lời Chúa Kitô đã long trọng tuyên bố năm xưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và sách các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy” ( Mt 22,37-40).

Đã là người ai cũng mong đạt được hạnh phúc. Nhiều người có niềm tin và Kitô hữu chúng ta lại còn khát khao hạnh phúc vĩnh cửu. Và điều kiện như tất yếu để có hạnh phúc vĩnh tồn đó là thực thi lời của Chúa Kitô. Để thực thi lời của Chúa Kitô thì cần phải hiểu đúng lời của Người. Thực tế vẫn có đó sự lẫn lộn giữa lời của người phàm và lời của Đức Kitô. Không gì hơn hãy khẩn xin Chúa Thánh Thần ngự đến. Thánh Thần đã được ban tặng. Vấn đề còn lại là xin cho chúng ta có thái độ thức tỉnh và khiêm nhu để đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột
 
Hiểu biết Thiên Chúa là để sống cuộc đời phục vụ
Jos. Tú Nạc, NMS
11:27 06/05/2010
Chúa Nhật Thứ 6, Mùa Phục Sinh – Năm C (Acts 15: 1-2, 2-29; Psalm 67; Revelation 21: 10-14, 22-23; John 14: 23-29)

Sự thay đổi không đến một cách dễ dàng, đặc biệt khi những ý tưởng và những truyền thống được ấp ủ và tôn trọng lâu đời bị thử thách. Và điều này thậm chí là một chứng cứ hiển nhiên hơn trong lĩnh vực tín ngưỡng như sự đấu tranh trong thời đại của chính chúng biểu lộ.

Người ta thích vẽ những hình ảnh tinh thần về Thiên Chúa và mô tả những dòng bằng màu cát, dán nhãn và tách biệt “tồn” và “vong”. Trong những trang của Sách Công vụ Tông đồ và trong một số thư của Thánh Phao-lô chúng ta có thể trộm nghe về những cuộc tranh luận vô cùng quyết liệt của Ki-tô giáo thế kỷ thứ nhất. Cuộc tranh luận này tập trung vào những gì người ta phải thực hiện để được hòa nhập với dân Thiên Chúa – những điều kiện gia nhập. Qua nhiều thế kỷ, dấu hiệu giao ước giữa Israel và Thiên Chúa là sự cắt bì và tuân thủ phong tục Torah – những luật lệ về chế độ ăn uống, tôn giáo và xã hội mà đã phục vụ như những dấu mốc ranh giới giữa Israel và dân ngoại.

Nhưng cuộc đời và những lời giáo huấn của Chúa Giê-su là để mang lại sự thay đổi sâu sắc trong tâm thức và thực hành tôn giáo. Những dấu mốc ranh giới quen thuộc được giảm dần vì những dân ngoại được chào đón bước vào những công đồng của những môn đệ Chúa Giê-su. Và điều này đã không đến một cách dễ dàng hoặc không có sự trả giá – biến động lớn, sức khả kháng và tìm kiếm linh hồn đã theo vào sự thức tỉnh của nó. Nhiều người đức tin tốt cảm thấy rằng họ phải đứng vững với những truyền thống và phong tục trong lúc người khác háo hức vứt bỏ mọi thứ từ quá khứ.

Những tranh đấu và tranh luận của thế kỷ thứ nhất phản ảnh thời đại của chính chúng ta với sự mất hướng tôn giáo và không thể khoan dung những oán thù. Nhiều nhà cải cách tự chỉ định tất cả những thay đổi công việc vượt quá thời gian áp đặt những tầm nhìn của họ với những người khác.

Những đấu tranh và tranh luận của thế kỷ thứ nhất phản ánh thời đại của chính chúng ta với sự mất phương hướng tôn giáo và không thể tha thứ hận thù. Nhiều nhà cải cách đã tự chỉ định tất cả những thay đổi vượt quá thời gian áp đặt những tầm nhìn của riêng họ về những người khác.

Không có những câu trả lời dể dàng hoặc trắng đen úp mở và chúng ta phải chống lại sự cám dỗ để đòi bằng được chúng. Thời đại của chúng ta kêu gọi sự nhận thức toàn cầu, thống nhất và bao gồm tất cả mọi người. Có lẽ chúng ta phải theo khóa học về sự hài hòa và vô cùng lành mạnh của Hội đồng thành phố Jerusalem trong Sách Tông đồ Công vụ 15: thực hiện nó đơn giản và đừng đặt những trở ngại và rào cản trong cách thức của người dân.

Tầm nhìn của Thánh Phao-lô về Tân Jerusalem là một mầu sắc mới lạ về biểu tượng tôn giáo và hình học hướng về những những hòn đá quí. Lạ làm sao – không đền thờ - nhưng ai cần điều đó? Thiên Chúa thì rất gần và tất cả đều tràn ngập mà bỏ qua nơi “Chúa ngự” chắc chắn là không thể và là vô ích vì không có cảm giác của sự xa cách hoặc chia cách. Ánh sáng, được hiểu theo nghĩa đạo đức và tinh thần cũng như vật chất, không đến từ mạch nguồn bên ngoài mà đến từ Thiên Chúa và Đức Ki-tô. Sẽ là một sai lầm để cố gắn chặt Tân Jerusalem với một thời gian và không gian cụ thể. Điều đó mô tả trạng thái ý thức tinh thần điều duy nhất mà Thiên Chúa mong muốn dành cho sự sống con người, và một trạng thái chúng ta hướng về cái mà chúng ta có thể phấn đấu thậm chí trong cuộc đời này. Thiên Chúa, ánh sáng, sâu thẳm bên trong chúng ta.

Tình yêu là một từ cất lên thật dễ dàng – và chúng ta rất thường dùng từ này – nhưng ý nghĩa của nó là gì? Tất cả các loài của sự vật không pahi3 hoàn toàn trong chúng đều có thể được ngưỡng mộ, tự chúng che đậy trong ngôn ngữ của tình yêu. Với những lời tuyện bố thông thường thiều can đảm về tình yêu dành cho Thiên Chúa được liên kết với bạo lực và cố chấp. Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng tình yêu là tình yêu khi tình yêu thực hiện – những ai yêu Người chân thành sẽ sống bởi lời giáo huấn của Người. Đây lhong6 khong phải là một số loại thủ đoạn để “bước vào thiên đàng”: Chúa Giê-su và Thiên Chúa Đức Chúa Cha đã tạo nơi trú ngụ của họ trong họ, nam hay nữ. Sự hiện diện này, dưới hình thức của Người Bào Chữa hoặc Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự bình an phi thường mà Chúa Giê-su ban cho các môn đệ của người. Nó loại bỏ những sợ hãi và xao xuyến của con tim do đó việc loại bỏ hầu hết cộin nguồn của bạo lực, bất công và tham lam ích kỷ.

Sự trú ngụ bên trong Thiên Chúa này sẽ là một người thầy và là người hướng dẫn bên trong. Tất cả những điều này đều có thể bởi Chúa Giê-su đã trở về bên Đức Chúa Cha – Người nhấn mạnh rằng nếu thực sự hiểu ý nghĩa của sự trở về này là những gì họ sẽ mừng vui thay vì đau buồn và bám vào người. Một vấn đề bấy lâu nay với mọi tôn giáo là có xu hướng sống trong những tín điều và những biểu tượng của sự dị biệt hơn là trong sự sống yêu thương đó lá Thiên chúa. Có nhiều người cảm thấy rằng chúng ta sẽ hoàn thiện hơn mà không cần đến tôn giáo vì bản thân tôn giáo không là vấn đề. Tôn giáo thiếu tình yêu vị tha.

Để hiểu biết và yêu thương Thiên Chúa thực sự là phải bỏ lại đằng sau bạo lực, hận thù và ích kỷ. Tình yêu chân chính được thể hiện trong hành động và trong một cuộc sống phục vụ và thân ái.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Tâm sự với Chúa luôn như hơi thở
Phó tế: Gioan B. Maria Định văn Nguyễn
11:32 06/05/2010
Chúa Giêsu nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa…; nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu.” (Ga 15, 15)

Con thật không xứng đáng, mà vì lòng Thầy quá thương con, nên Thầy đã gọi con là bạn để con dễ dàng đến gần. Con hết lòng cảm tạ, tình thương… bao la của Thầy.

1- Tuần qua, Thầy đã dùng con dạy giáo lý Rửa tội cho các cha mẹ và người đỡ đầu của 13 em nhỏ. Con Thật cảm động khi họ đến học thật đúng giờ, chật ních cả phòng.

2- Mỗi người nhận một cuốn Kinh thánh Tân Ước và tài liệu. Họ luân phiên đọc từng câu, đoạn thật chậm, rồi con giải thích cho họ hiểu, nghe Thầy nói trong Thánh Thần.

3- Là cha mẹ và người đỡ đầu, con Thấy tầm quan trọng của Lời Chúa nói về phép Rửa tội, và những điều Giáo hội dạy rất cần để sống ba chức vụ Tư tế, Ngôn sứ, Vương giả.

4- Con thấy giờ họ giờ học giáo lý Rửa tội thật bổ ích cho việc sống đạo. Vì trước đây con chỉ biết đi lễ đọc kinh; nhưng giờ con đã có biết làm gương và dạy bảo con cháu.

5- Con cảm ơn Thầy đã cho Giáo hội có những người nhiệt thành dạy con, hiểu và sống Bí tích Rửa tội qua Lời Chúa, cũng như các Bí tich khác để trở thành dân Thánh.

Con hối lỗi với Thầy vì đã thiếu sót đi học hỏi Lời Chúa.
 
Yêu Lời và Giữ Lời
Lm. Anmai, CSsR
20:08 06/05/2010
Chúa Nhật Thứ 6 Mùa Phục Sinh, Năm C

Cv 15, 1-2.22-29; Kh 21, 10-14.22.23; Ga 14, 23-29

Là con người, ai cũng vậy, khi người thân mình đi xa thì thường để lại cho những người còn ở lại những lời trối trăn, những lời căn dặn. Những lời ấy càng có ý nghĩa, càng sâu sắc hơn khi người đó chính là người thương của mình, người mà mình yêu quý nhất.

Trong tâm tình đó, hôm nay, chúng ta được nghe Thánh Gioan thuật lại tâm tình hay nói đúng hơn là những lời trối trăn của Chúa Giêsu. Nơi Thánh Gioan, phải nói là có một tình cảm hết sức tuyệt vời với Thầy. Thánh Gioan đã ghi lại toàn bộ “diễn từ biệt ly”. Diễn từ biệt ly gói ghém tâm tình của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Trong tâm tình ấy, Chúa muốn các môn đệ Chúa Giêsu phải sống yêu thương như thế nào đối với nhau (13,34) ? đối với Chúa Giêsu (14,15) ? Tại sao "yêu thương" được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại tới 4 lần (cc 15.21.23.24) ?

Các môn đệ phải sống yêu thương với nhau như Đức Giêsu đã yêu thương họ (13,34); họ phải yêu thương Chúa Giêsu bằng cách tuân giữ các giới răn của Ngài (14,15). Chúa Giêsu 4 lần nhắc tới yêu thương vì đây là điều răn quan trọng nhất và tiêu biểu nhất của Ngài.

Trong câu 31, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta thế nào ? Gương yêu thương của Chúa Giêsu: làm đúng như ý Chúa Cha.

Với kinh nghiệm hết sức thực tế trong lịch sử cứu độ, qua lịch sử cứu độ chúng ta thấy phảng phất hình ảnh của những con người không tuân hành thánh ý của Chúa Cha.

Khởi đầu Thánh Kinh, ta sẽ bắt gặp hình ảnh của người phụ nữ hết sức quen thuộc. Người nữ ấy có tên là Eva, bà là mẹ của chúng sinh. Mẹ của chúng sinh ấy nhưng bà có đủ ba đức tính để làm nên tội lỗi: thích ăn, nhẹ dạ và... tò mò. Trái Cấm ngon và kỳ diệu lắm! Đã là con người, ai chẳng muốn được ăn ngon? Và nếu như cái sự ăn đó sẽ đem đến cái vĩ hoàng tương tự như Thiên Chúa thì lại càng đáng để thử. Thích thử để biết cũng là một thuộc tính của cả loài người…

Vì muốn bằng Thiên Chúa nên Eva đã giơ tay hái trái cấm. Không chỉ mình mình ăn nhưng Evà còn “mời” chồng mình ăn nữa.

Kế tiếp, chắc chúng ta khó quên hình ảnh của một vị vua lừng danh đó là vua Đavít. Đavít: một kẻ phản bội, một kẻ dối trá, một người phạm tội ngoại tình, một tay giết người. Phạm tội ngoại tình với Bát Sêva. Đavít đã:

Giết Urigia chồng của Bát Sêva

Bất tuân lệnh Chúa khi thực hiện việc kiểm tra dân số

Không có thái độ cương quyết với các người con của mình

Cũng có người này người kia đến nhắc nhở nhưng Đavít đã bỏ ngoài tai những lời răn đe ấy. Vì bỏ ngoài tai lời của Thiên Chúa nên Đavít đã phạm tội.

Sang đến Tân Ước, chúng ta làm sao quên được hình ảnh của bà mẹ ông Giacôbê và Gioan. Đi theo Thầy, sống gần Thầy đấy nhưng mà lại xin chỗ nhất chỗ nhì.

Thánh Phêrô bi đát cũng chẳng kém. Khi Thầy báo trước con đường khổ nạn lên Giêrusalem thì lại cản Thầy. Kinh khủng hơn nữa là đã chối Thầy bây bẩy vì không nhớ lời Thầy dặn trong bàn tiệc. Thật sự ra cũng nhớ lời Thầy ấy nhưng mà yếu đuối, nhưng mà bị ngăn cản bởi con người mỏng dòn nên Phêrô đã chối Thầy.

Lược qua những hình ảnh, những con người hết sức thực tế trong cuộc sống, trong Thánh Kinh đã vì bất tuân, đã vì không nghe lời Chúa nên đã sa ngã, đã phạm tội.

Lời Chúa hết sức cần thiết cho cuộc đời mỗi người. Các thánh tông đồ tuy yếu đuối, tuy vấp ngã ấy nhưng sau khi có ơn Thánh của Chúa Phục Sinh cuộc đời của các tông đồ đã thay đổi. Các môn đệ đã mạnh dạn lên đường rao giảng Tin mừng. Không chỉ rao giảng một cách bình thường nhưng các ông rao giảng một cách mạnh mẽ: Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ. Các ông Phao-lô và ông Ba-na-ba chống đối và tranh luận khá gay go với họ.

Không dừng lại ở chuyện gay go mà các ông còn quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba và một vài người khác lên Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận trong dân. Sau đó các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi An-ti-ô-khi-a với ông Phao-lô và ông Ba-na-ba. Đó là ông Giu-đa, biệt danh là Ba-sa-ba, và ông Xi-la, những người có uy tín trong Hội Thánh. Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau:

“Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh."

Các tông đồ đã gửi đến cho họ những người cống hiến cuộc đời vì danh Chúa Giêsu. Những tông đồ này trước đây cũng nhát đảm nhưng chắc có lẽ nhớ lại lời của Thầy trong bàn Tiệc Ly chiều thứ Năm Thánh nên các ông can đảm để loan báo Tin mừng.

Lời của Thầy ắt hẳn vẫn còn văng vẳng bên tai của các tông đồ: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.

Đó là cách biểu lộ duy nhất mà Thiên Chúa đã quyết định thể hiện: người đến cư ngụ giữa những kẻ tiếp đón Người và tin tưởng nơi Người. Nói cách khác, Người chỉ được người ta nhận ra Người "hiện diện", nhờ những kẻ yêu mến Người... Tình yêu không cưỡng chế ai, không thúc ép ai.

Cảm nghiệm về một sự hiện diện thân mật nào đó của một người, tuy "vắng mặt" về thể lý, chúng ta cũng có thể nhận ra trong nhung tình yêu nhân loại ta, nếu chúng là chân thực: bất giác chúng ta sẽ nhận thấy đang khi nói, trong một cuộc đối thoại nội tâm, với người yêu, với bạn hữu, con cái, hôn phu, người chồng.

Đó là sự hiện diện của kẻ vắng mặt ! Đó là cảm nghiệm mà chỉ có kẻ yêu thương mới nhận ra.

Chúng ta vẫn thường phàn nàn về sự vắng mặt của Thiên Chúa, về thái độ im lặng của Người. Người tín hữu luôn đụng chạm với lời thách đố của kẻ vô thần: . .."Thiên Chúa của bạn ở đâu ?" (Tv 42,4). Nhưng ngày nay, câu chất vấn đó có chiều hướng đi tới một chối từ Giáo hội, phủ nhận nếp sống cộng đoàn của Giáo hội: người ta cảm phục Chúa Giêsu như một mô hình của nhân loại... người ta không chống đối Người điều gì.. . nhưng người ta gạt Người sang một bên, như thể không có Người. . . bằng cách khỏa lấp qua một lời tuyên bố quá dễ dãi: "Tôi tin nhưng không hành đạo". Do đó, rõ ràng là có một ranh giới thực sự giữa "người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu với mọi người khác, dù họ rất có cảm tình với nhân vật Giêsu Nadarét. Chúa Giêsu mạnh dạn quả quyết rằng, Người không chỉ là một kẻ chết, dù là tuyệt vời, của lịch sử xa xưa... cũng không chỉ là mẫu người đẹp mà sứ điệp có thể làm người ta phải suy nghĩ... Nhưng Người là một con người đang sống đang hoạt động, hôm nay vẫn còn hiển nhiên. Nhờ sự Phục sinh, Đức Giêsu Nadarét, con người lịch sử, đã bước vào thế giới xác định của Thiên Chúa: điều đó minh chúng. Người cũng trở nên kẻ đồng thời với mọi người.

Chúa Giêsu còn nói thêm: Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Chúa Giêsu quả quyết, từ giờ trở đi Người đang hiện diện nhờ những kẻ yêu mến Người, nhờ các tín hữu đích thực mà Người đang cư ngụ trong họ.

Khi Chúa Giêsu tuyên bố những lời đó, quả thực chỉ còn ít giờ nữa là Người sẽ phải chết. Người là Đền thờ mới, được dựng lại nội trong ba ngày (Ga 2,19-22), Đền thờ mà ở đó người Do Thái thường cảm thấy một sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu còn đi xa hơn. Người dám quả quyết rằng, kể từ' lúc Người ra đi, thì sự hiện diện không diễn tả thành lời này, chắc chắn bị che giấu, nhưng sẽ được bảo chứng nhờ các Kitô hữu.

Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy... Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

Giữa những người yêu thương nhau, cần có sự lắng nghe, đối thoại, nói năng, trao đổi. Trong tình yêu của chúng ta, không cố gì tệ hại hơn là "không biết lắng nghe", không chịu nói năng. Ở đây Chúa Giêsu mạc khải cho ta một trong những chìa khóa mở tới đời sống Kitô hữu đích thực: Suy niệm Lời Chúa, như một dấu chỉ của sự Hiện Diện. Đó là một sự kiện. Chúng ta không có sự hiện diện thể lý hữu hình của Chúa Giêsu, nhưng đối với kẻ yêu mến Người, thì thật là kỳ diệu, họ đã nhận được tư tưởng, lời nói của Người. Chúng ta cần ghi nhận, Chúa Giêsu không chỉ nói đến một lời được đón nhận trong tâm trí, mà là một lời ta phải tuân giữ một lời phải đưa ra thực hành, một lời nhờ luôn "sống động" sẽ giúp kẻ ban lời cũng thực sự hiện diện. Sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh, sống động. .. có thể được "nhận biết" cách cụ thể (điều đó hẳn là thế được !) trong đời sống của các môn đệ đích thực.

Cũng như Đức Giêsu Nadarét là nơi thể hiện sự hiện diện và lời của Chúa Cha ("Lời anh em nghe thấy không phải là của Thầy"), cũng vậy từ giờ trở đi, các Kitô hữu, Giáo hội chính là nơi đó. Thật là trách nhiệm lớn lao.

Nghe và giữ lời Chúa hay không là quyền tự do của mỗi kitô hữu.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Án Brazil phạt vạ Đại Công Ty Google vì khách hàng giấu tên vu cáo giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em.
Dominic David Trần
14:16 06/05/2010
SAO PAULO, Thủ Đô Brazil ngày 26 tháng Tư năm 2010 theo bản tin Thông Tấn Xã toàn cầu (CNA) một Tòa Thượng Thẩm tại thành phố Minas Gerais nước Brazil đã tuyên bố đồng thuận và chuẩn theo y án của Tòa Án Địa Phương Bên Dưới; " Truyền cho Đại Công Ty Google phải bồi thường thiệt hại bằng một số tiền tương đương với $8,500 dollars Mỹ cộng thêm với toàn bộ án phí có liên quan- cho một Linh Mục Brazil đã bị vu cáo oan là lạm dụng tình dục với trẻ em- bởi một khách hàng giấu tên sử dụng Google qua trang mạng giao tiếp xã hội Orkut của Google tại Brazil.

Vị Linh Mục bị tố cáo oan uổng này được bảo vệ danh tánh bằng các chữ; " J. R. " đã bị một khách hàng sử dụng Google giấu tên- tố cáo nặc danh là " một kẻ lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên- hay kẻ ấu dâm" và là "một tên trộm" trên một trang mạng giao tiếp xã hội ảo của thành phố Orkut do Đại Công Ty Google quản trị.

Vị Quan Tòa Alvimar de Avila của Tòa Dưới (tức Tòa Án Quản Hạt Địa Phương) đã tuyên án rằng; " Đại Công Ty Google phải chịu trách nhiệm pháp lý qua những những cáo buộc vu khống Linh Mục "J. R." bởi vì chính Công Ty Truyền Thông Liên Mạng khổng lồ này đã cho phép khách hàng ghi danh đăng ký sử dụng trang mạng giao tiếp Orkut mà không đòi buộc khách hàng phải cung cấp danh tính hay chứng từ cá nhân thực sự để cho

chính Đại Công Ty Truyền Thông Liên Mạng này có thể xác minh lý lịch cá nhân khách hàng là ai."

Ông Oscar Ramalho, Luật Sư biện hộ cho Linh Mục "J.R." đã tuyên bố sau khi nghe phán quyết của Tòa Thượng Thẩm; " Bởi vì Google không yêu cầu khách hàng hay người sử dụng phải tự khai báo và xác định danh tính thực sự, do đó Google phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý -bởi vì nếu không làm như vậy và không biết danh tính thực sự của khách hàng thì Công Ty Truyền thông Liên Mạng khổng lồ này đang góp phần vào tội phạm hình sự bằng nặc danh - những trọng án có tính chất ném đá giấu tay"

Đại Công Ty Google vẫn còn có thể kháng án lên tận Tòa Án Tối Cao Liên Bang Brazil, cho dù hiện nay Đại Công Ty chưa công bố cho biết ý định của họ sẽ làm gì. Đại Công Ty tuyên bố rằng; " Chính sách của Công Ty là cung ứng cho khách hàng hay người sử dụng một tài khoản hay trương mục ký danh sử dụng miễn phí-sau khi các khách hàng trả lời chấp thuận các điều kiện sử dụng sau khi đã ký danh sử dụng trên trang mạng."

Đại Công Ty Google còn tuyên bố thêm là sắp hạng sau China, Brazil là quốc gia nhiều đòi hỏi nhất -yêu cầu Google phải kiểm duyệt loại bỏ một số nội dung các trang mạng cũng như khai báo danh tính những cá nhân bị Chính phủ theo dõi."

(Đề nghị của Dominic David Trần: Sao Paolo, thủ phủ của cường quốc bóng đá Brazil tên tiếng Bồ Đào Nha này chắc chắn có nghĩa là Thánh Phao-Lô. Trong tinh thần của khoa Tân Hộ Giáo (New Apologetics) để "Bảo vệ Giáo Hội và Bênh vực Đức Giáo Hoàng" kính mong qúy vị hãy mạnh dạn sử dụng những quyền lợi hợp pháp và chính đáng để bảo vệ Đức Tin Công Giáo của qúy vị. Chính nhờ thực thi Tu Chính Án Hiến Pháp Thứ Nhật cuả Hoa Kỳ đúng đắn, những tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ nhất định sẽ buộc những Đại Công Ty truyền thông khổng lồ tại đây biết thực thi đạo đức báo chí truyền thông nghiêm túc và qua đó qúy đấng bậc và qúy vị sẽ góp phần đánh tan mọi âm mưu tấn công Giáo Hội và vu khống cáo gian Đức Thánh Cha như của Nữu Ước Thời Báo và đồng bọn đang làm như hiện nay.)
 
Gia hạn ghi danh tham dự Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh Các Linh Mục
Dominic David Trần
14:33 06/05/2010
ROMA; ngày 06 tháng Năm 2010, theo bản tin Thông Tấn Xã Công Giáo toàn cầu (Zenith.org), qúy Linh Mục Giáo Sĩ và những ai quan tâm tham dự Đại Lễ chính thức Bế mạc Năm Thánh Các Linh Mục sẽ còn thời gian đến ngày 17 tháng Năm này để ghi danh.

Thánh Bộ Giáo Sĩ đã loan báo trong một Thông cáo báo chí là kỳ hạn đăng ký ghi danh tham dự Đại Lễ Năm Thánh Linh Mục tại giáo đô Rôma từ ngày 9 đến 11 tháng Sáu tới đây sẽ được triển hạn thêm cho đến ngày 17 tháng Năm vì cho đến nay có vô số các đơn ghi đã và đang được ồ ạt gởi đến.

Đỉnh cao của ngày Bế Mạc Năm Thánh Linh Mục sẽ là Thánh Lễ Đại Trào do chính Đức Thánh Cha Benedicto XVI chủ tế vào ngày 11 tháng Sáu năm nay tức nhằm đúng Lễ Trọng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu KiTô. Thông cáo báo chí chung của Thánh Bộ Giáo Sĩ cũng cho biết ngoài các Linh Mục ra- bất cứ tín hữu Công Giáo nào muốn bày tỏ sự ủng hộ các Linh Mục Giáo Sĩ cũng được khuyến khích ghi danh tham dự và mời đến Rôma trong dịp này.
 
Tòa Án Brazil phạt vạ Công Ty Google vì khách hàng giấu tên vu cáo giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em
Dominic David Trần
14:39 06/05/2010
SAO PAULO, Thủ Đô Brazil ngày 26 tháng Tư năm 2010 theo bản tin Thông Tấn Xã toàn cầu (CNA) một Tòa Thượng Thẩm tại thành phố Minas Gerais nước Brazil đã tuyên bố đồng thuận và chuẩn theo y án của Tòa Án Địa Phương Bên Dưới; " Truyền cho Đại Công Ty Google phải bồi thường thiệt hại bằng một số tiền tương đương với $8,500 dollars Mỹ cộng thêm với toàn bộ án phí có liên quan- cho một Linh Mục Brazil đã bị vu cáo oan là lạm dụng tình dục với trẻ em- bởi một khách hàng giắu tên sử dụng Google qua trang mạng giao tiếp xã hội Orkut của Google tại Brazil.

Vị Linh Mục bị tố cáo oan uổng này được bảo vệ danh tánh bằng các chữ; " J. R. " đã bị một khách hàng sử dụng Google giấu tên- tố cáo nặc danh là " một kẻ lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên- hay kẻ ấu dâm" và là "một tên trộm" trên một trang mạng giao tiếp xã hội ảo của thành phố Orkut do Đại Công Ty Google quản trị.

Vị Quan Tòa Alvimar de Avila của Tòa Dưới (tức Tòa Án Quản Hạt Địa Phương) đã tuyên án rằng; " Đại Công Ty Google phải chịu trách nhiệm pháp lý qua những những cáo buộc vu khống Linh Mục "J. R." bởi vì chính Công Ty Truyền Thông Liên Mạng khổng lồ này đã cho phép khách hàng ghi danh đăng ký sử dụng trang

mạng giao tiếp Orkut mà không đòi buộc khách hàng phải cung cấp danh tính hay chứng từ cá nhân thực sự để cho

chính Đại Công Ty Truyền Thông Liên Mạng này có thể xác minh lý lịch cá nhân khách hàng là ai."

Ông Oscar Ramalho, Luật Sư biện hộ cho Linh Mục "J.R." đã tuyên bố sau khi nghe phán quyết của Tòa Thượng Thẩm; " Bởi vì Google không yêu cầu khách hàng hay người sử dụng phải tự khai báo và xác định danh tính thực sự, do đó Google phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý -bởi vì nếu không làm như vậy và không biết danh tính thực sự của khách hàng thì Công Ty Truyền thông Liên Mạng khổng lồ này đang góp phần vào tội phạm hình sự bằng nặc danh - những trọng án có tính chất ném đá giấu tay"

Đại Công Ty Google vẫn còn có thể kháng án lên tận Tòa Án Tối Cao Liên Bang Brazil, cho dù hiện nay Đại Công Ty

chưa công bố cho biết ý định của họ sẽ làm gì. Đại Công Ty tuyên bố rằng; " Chính sách của Công Ty là cung ứng cho

khách hàng hay người sử dụng một tài khoản hay trương mục ký danh sử dụng miễn phí-sau khi các khách hàng trả lời

chấp thuận các điều kiện sử dụng sau khi đã ký danh sử dụng trên trang mạng."

Đại Công Ty Google còn tuyên bố thêm là sắp hạng sau China, Brazil là quốc gia nhiều đòi hỏi nhất -yêu cầu Google

phải kiểm duyệt loại bỏ một số nội dung các trang mạng cũng như khai báo danh tính những cá nhân bị Chính phủ

theo dõi."

(Đề nghị của Dominic David Trần: Sao Paolo, thủ phủ của cường quốc bóng đá Brazil tên tiếng Bồ Đào Nha này chắc chắn

có nghĩa là Thánh Phao-Lô. Trong tinh thần của khoa Tân Hộ Giáo (New Apologetics) để "Bảo vệ Giáo Hội và Bênh vực Đức Giáo Hoàng" kính mong qúy vị hãy mạnh dạn sử dụng những quyền lợi hợp pháp và chính đáng để bảo vệ Đức Tin Công Giáo của qúy vị. Chính nhờ thực thi Tu Chính Án Hiến Pháp Thứ Nhật cuả Hoa Kỳ đúng đắn, những tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ nhất định sẽ buộc những Đại Công Ty truyền thông khổng lồ tại đây biết thực thi đạo đức báo chí truyền thông nghiêm túc và qua đó qúy đấng bậc và qúy vị sẽ góp phần đánh tan mọi âm mưu tấn công Giáo Hội và vu khống cáo gian Đức Thánh Cha như của Nữu Ước Thời Báo và đồng bọn đang làm như hiện nay.)
 
Đức Hồng Y Levada kêu gọi thành lập '' Tân Hộ Giáo Học.'' (New Apologetics)
Dominic David Trần
11:36 06/05/2010
Điện Vatican, ngày 06 tháng Năm 2010, theo tin Thông Tấn Xã toàn cầu (CWN) trong buổi nói chuyện được phát lại rộng rãi, Đức Hồng Y Levada, đương kim Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý-Đức Tin của Giáo Triều Rôma đã bày tỏ lòng tri ân và nhắc nhớ đến các công lao, tác phẩm của cố Đức Ông Ronald Knox, Đức Hồng Y Francis George, C.S. Lewis, Scott Hahn, và các tác giả khác đã tận tụy trong các công trình nghiên cứu về khoa Hộ Giáo Học (Apologetics).

Đức Hồng Y Levada kêu gọi thành lập một khoa Hộ Giáo Học mới để "đối đầu với Richard Dawkins và những người theo đuôi y trong cái tổ chức gọi là "Chủ nghĩa Vô thần kiểu mới". ("New" atheism)

"Bởi vì lý do này mà khoa Hộ Giáo Học rất đáng tin cậy, chúng ta phải đặt chú tâm lớn hơn nữa đến Mầu nhiệm và các nét tuyệt đẹp của Phụng Tự trong Giáo Hội Công Giáo, của viễn kiến về thế giới trong các Bí Tích đã dẫn đưa chúng ta đến sự nhận thức và trân qúy vẻ tuyệt đẹp của Sự Sáng tạo Thế giới như một sự tiên báo trước về Trời Mới và Đất Mới đã được mặc khải trong Lá thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông Đồ và trong Sách Khải Huyền,"

Được biết vào ngày 29 tháng Tư, tại Hội nghị quốc tế mang chủ đề " Một nền Tân Hộ Giáo cho Ngàn Năm Thứ Ba" họp tại Giáo Hoàng Học Viện Regina Apostolorum Roma kéo dài trong hai ngày trước đây, Đức Hồng Y Levada, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý-Đức Tin trong diễn văn tựa đề " Sự Cấp bách cần có một nền Tân Hộ Giáo cho Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ 21" ngài đã tuyên bố; " Như những môn đệ muốn theo gương Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa Tể Tối Cao của chúng ta.- chúng ta làm chứng nhân trong cuộc sống với tư cách là các tín hữu-chúng ta đã thể hiện Đức Tin của chúng ta trong thực tế bằng các hoạt động vì bác ái và công lý. Đó là chiều kích quan trọng đo lường lòng tin của chúng ta với tư cách là những người cùng tham dự đối thoại trong một thời kỳ mới của một nền Tân Hộ Giáo."

(Xin cảm ơn Đấng Đáng Kính Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phao-lồ đệ nhị, các học giả, Linh Mục Giám Đốc VietCatholic và đồng biên tập Vũ Văn An, trong những bài kèm theo Dominic David Trần cố gắng phụ vào công việc này bằng những bài mang đúng nội dung Khoa Tân Hộ Giáo với chủ đề Bảo vệ Giáo Hội và Bênh vực Đức Giáo Hoàng. Apologetics.)
 
Đức Giáo Hoàng giải thích: Hôn Nhân đúng là một công cụ cứu rỗi
Bùi Hữu Thư
12:25 06/05/2010
Nghị Hội Gia Đình tại Jönköping, Thụy Điển

Rôma, Thứ Tư 5 tháng 5, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Nhân dịp Nghị Hội Gia Đình tại Jönköping, Thụy Điển được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng 5, Đức Giáo Hoàng giải thích: “Hôn Nhân đúng là một công cụ cứu rỗi.”

Chủ đề của nghị hội là: “Tình Yêu và Đời Sống.” Nghị hội được tổ chức theo sáng kiến của uỷ ban Hôn Nhân và Gia Đình của giáo phận Stockholm với sự cộng tác của Hội Đồng Giám Mục Thụy Điển. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nghị hội này trong bài diễn văn ngày 25 tháng 3 với Hội Đồng Giám Mục Sacandinavie trong dịp họ về trình diện ad limina.

Đức Thánh Cha chào mừng các tham dự viên Nghị Hội vào cuối bài giảng bằng tiếng Anh của ngài sáng thứ tư hôm nay, tại quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã khẳng định “hôn nhân là một công cụ cứu rỗi, không chỉ riêng cho những cặp vợ chồng mà còn cho tất cả xã hội nữa.”

Và ngài giải thích hai chiều kích lợi ích cho gia đình và lợi ích cho xã hội: “Cũng như các mục đích đáng theo đuổi khác, [hôn nhân] đòi hỏi, và thách đố chúng ta, kêu gọi chúng ta sẵn sàng hy sinh tư lợi cho tiện ích chung của người khác. Hôn nhân đòi hỏi chấp nhận và tha thứ. Hôn nhân mời gọi chúng ta nuôi dưỡng và bảo vệ ân sủng của một đời sống mới. Những ai trong chúng ta có may mắn được sanh ra trong một gia đình bền vững đã khám phá được tại nơi đây một trường đời tiên quyết và nền tảng để dậy cho chúng ta sống một đời đạo đức và các đức tính của một công dân tốt.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “sứ điệp của quý vị cho thế giới thực là một sứ điệp vui mừng, vì ân sủng Thiên Chúa ban cho hôn nhân và gia đình cho phép chúng ta cảm nghiệm được một chút gì về tình yêu vô biên đã kết hiệp Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.”

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh là gia đình có thể làm cho chúng ta nếm thử một chút về tình yêu vĩnh cửu: “Những con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, đã được dựng nên cho tình yêu: thực vậy, tại trọng tâm của chúng ta, chúng ta ước muốn yêu mến và được yêu. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn những nhu cầu sâu xa nhất của chúng ta, tuy nhiên, qua tình yêu giữa vợ chồng, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, tình yêu giữa anh chị em, chúng ta được nếm thử tình yêu vô bờ đang chờ đợi chúng ta mai sau.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Tôi mời gọi qúy vị, trong nỗ lực cổ võ một sự thấu hiểu đứng đắn và biết trân qúy sự tốt lành vô giá hôn nhân và đời sống gia đình cống hiến cho xã hội. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.”

Trong số các tham dự viên của Hội Nghị, người ta thấy có Thượng Phụ thành Venise, là Đức Hồng Y Angelo Scola, đặc trách Trung Tâm Gia Đình tại Oslo, Bà Maria E. Fongen và Giám Mục Phụ Tá Birmingham, Đức Cha William Kenney.

Một nhóm khách hành hương Thụy Điển thuộc Giáo Phái Tin Mừng Luther và của Giáo Hội Thụy Điển tại Stockholm, khoảng năm chục người cũng hiện diện trong buổi triều kiến chung sáng nay.
 
Uy tín của Đức Thánh Cha đang dâng cao
Dominic David Trần
16:14 06/05/2010
Uy tín của Đức Thánh Cha đang dâng cao-các tín hữu thuần thành không nao núng bởi những tin tức về lạm dụng tính dục.

Hoa Kỳ, ngày 05 tháng Năm 2010 theo cuộc thăm dò chung mới đây của hãng Truyền hình CBS News và New York Times thực hiện (lại New York Times-sic) cho thấy

77% các tín hữu Công Giáo thường xuyên tham dự thánh lễ hàng tuần đã trả lời rằng " Tất cả những bản tường thuật truyền thông gần đây về cách xử lý của Tòa Thánh Vatican" đã chẳng có chút tác động nào với họ nào khi họ được hỏi là " Qúy vị nghĩ gì về Giáo Hội Công Giáo?"

Có thêm 12% các tín hữu Công giáo thuần thành đã trả lời thêm rằng họ có cảm nghĩ tích cực hơn trước đây khi nghĩ về Giáo Hội thông qua các kết qủa của Toà Thánh Catican đã xử lý các vụ lạm dụng tình dục.

Cuộc thăm dò ý kiến của 1079 người được thực hiện từ ngày 28 tháng Tư đến hết ngày 02 tháng Năm 2010 và mới được công bố vào ngày 04 tháng Năm 2010 với các kết qủa sau đây:

Các tường thuật truyền thông về lạm dụng tình dục:

88% các tín hữu Công giáo-- thuần thành và không siêng năng đạo nghĩa-- trả lời cho biết các tường thuật truyền thông về lạm dụng tình dục đã chẳng có chút tác động nào trong việc liên hệ giữa họ và các Linh Mục Giáo sĩ.

82% nói rằng điều đó chẳng có ảnh hưởng gì đến việc họ tham dự Thánh Lễ

79% nói rằng điều đó chẳng có ảnh hưởng gì đến việc họ quyên góp ủng hộ Giáo Hội; và

87% nói rằng điều đó chẳng có ảnh hưởng gì đến việc con cháu họ tham dự vào các hoạt động tại Giáo Xứ.

52% tất cả những người được hỏi đã tuyên bố rằng việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục của Tòa Thánh Vatican cũng không có chút tác dụng nào trong suy tư đã có của họ về Hội Thánh trong khi đó có 32% người trả lời là họ có cảm thấy tiêu cực hơn.

Cuộc thăm dò nghiên cứu này cũng tìm được rằng mức độ ủng hộ Đức Thánh Cha Benedicto giữa các tín hữu Công giáo đã tăng lên đến 43% (so với mức độ 27% trong kỳ khảo sát tháng Ba 2010) trong cùng lúc đó mức không ủng hộ Đức Thánh Cha

cũng thay đổi từ 11% trong tháng Ba lên đến 17% trong kỳ thăm dò này.

38% số người trả lời đã cho biết là không chắc chắn hay không nghe đủ nội dung câu hỏi để có thể đưa ra phán đoán.

Trong toàn bộ số người được hỏi cảm tưởng về Đức thánh Cha thì;

có 16% trả lời có quan điểm ủng hộ Đức Thánh Cha- 24% trả lời không ủng hộ- 59% trả lời không rõ hay nghe không rõ.

Các kết qủa khác trong cuộc thăm dò này cũng cho thấy:

*45% người trả lời là tín hữu thuần thành siêng năng và tổng số 13% toàn bộ người được hỏi, họ cũng trả lời rằng họ tin tưởng là Tòa thành Vatican đã xử lý tốt các vụ lạm dụng tình dục.

* 75% người trả lời là tín hữu thuần thành siêng năng và trong tổng số 50% toàn bộ người được hỏi, họ cũng trả lời rằng họ tin tưởng là Tòa Thánh Vatican đang cố gắng ngăn ngừa tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

* chỉ có 17% người trả lời là tín hữu thuần thành siêng năng và trong tổng số 33% toàn bộ người được hỏi, họ cũng trả lời rằng họ tin tưởng là Tòa Thánh Vatican đang dính líu đến việc bao che các vụ lạm dụng tình dục.

* 91% người trả lời là tín hữu thuần thành siêng năng và trong tổng số 54% người Mỹ có "một ít" hay " rất nhiều" tin tưởng vào khả năng của Tòa Thánh Vatican trong việc ngăn ngừa được các vụ lạm dụng tình dục trong tương lai do giáo sĩ sẽ gây ra.

* 28% người trả lời là tín hữu thuần thành siêng năng và trong tổng số 40% tất cả các tín hữu Công giáo được hỏi, đã trả lời rằng các vụ lạm dụng tình dục là nguyên nhân gây cho họ " nghi ngờ về quyền lực của Tòa Thánh Vatican."

* Đa số tức là 54% nguời tín hữu Công giáo tin tưởng rằng Tòa Thánh Vatican " xa cách người tín hữu Công giáo", trong lúc đó có 60% tuyên bố là các Cha Xứ, Linh Mục Quản nhiệm có " gắn bó " với giáo dân.

* Tuyệt đại đa số tức là 89% các tín hữu Công giáo thuần thành siêng năng và 72% người Mỹ tin tưởng rằng chuyện lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là chuyện thường xuyên xảy ra bên ngoài xã hội Hoa Kỳ mà Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ nằm trong xã hội đó

* 58% người trả lời là tín hữu Công giáo thuần thành siêng năng, và trong 30% tổng số toàn người Mỹ được hỏi đã trả lời rằng, " họ tin tưởng là các vụ lạm dụng tình dục đã được các phương tiện truyền thông đồn thổi lên qúa mức."

* 44% người trả lời là tín hữu Công giáo thuần thành siêng năng, và 73% tổng số toàn người Mỹ được hỏi đã trả lời rằng, " họ tin là những vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên do các giáo sĩ gây ra vẫn còn là vấn nạn hiện nay.

* Chỉ có 30% toàn bộ người tín hữu Công giáo đưọc hỏi đã nói rằng "hiện tượng đồng tính luyến ái là có góp phần vào tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên gây nên bởi một số Linh mục Giáo Sĩ."

* 31% người được hỏi tin rằng "Kỷ luật Buộc Giáo sĩ sống độc thân" là không phải là yếu tố tham dự vào tệ nạn lạm dụng tình dục.

*17% người đưọc hỏi tin là giáo huấn của Giáo Hội về việc không truyền chức cho giới nữ cũng là một yếu tố.

*58% các tín hữu Công giáo thường xuyên đi lễ nói rằng họ "sẽ đồng ý cho các Giáo sĩ lập gia đình " và một số nhỏ hơn 54% trả lời rằng họ "sẽ đồng ý cho nữ giới được thụ phong

* Hơn 50% người được hỏi đã trả lời là Giáo sĩ Linh Mục chỉ là Nam giới không phải là yếu tố trong các vụ lạm dụng tình dục này.

Họ cũng tuyên bố là xác xuất cho cuộc thăm dò của họ là +/_ 3%.

(Ghi chú: Dominic David Trần có thể suy luận được rằng theo Nguyên Lý Khoa Học Thống Kê & Xác Suất đã được chính các Giáo Sư Hoa-Kỳ dạy cho thì cái mẫu hay đối tượng do CBS New và New York Times lựa để hỏi thì thành phần trả lời ở 3 dữ kiện cuối cùng cho biết người đi hỏi và người trả lời thuộc về giáo phái nào rồi. Qúy đấng bậc và độc giả có thể rút ra kết luận ngay. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là siêng năng cầu nguyện, giữ vững Đức Tin và nghe kỹ đọc kỹ tất cả những gì mà New York Times, CBS News và đồng nghiệp trình bày.)
 
Một lãnh tụ cuộc nổi dậy của sinh viên Trung Quốc tại Thiên An Môn trở lại Kitô giáo
CV
21:47 06/05/2010
Một lãnh tụ trong cuộc nổi dậy của sinh viên Trung Quốc tại Thiên An Môn trở lại Kitô giáo

Boston [Asianews 4/5/2010] - Chai Ling, người phụ nữ duy nhứt trong ban lãnh đạo của cuộc nổi dậy tại Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989 đã xin trở lại Kitô giáo hồi tháng 12 năm 2009.

Trong chứng từ được cho công bố trên trang mạng của tổ chức "ChinaAid" [trợ giúp Trung Quốc], bà Chai Ling giải thích lý do tại sao bà xin trở lại Kitô giáo. Bà nói rằng vì không thể thay đổi Trung Quốc, vì đau khổ khi thấy quá nhiều bạo động tại Trung quốc không những trong lãnh vực nhân quyền và dân chủ, mà trước hết là nạn phá thai cưỡng bách vì chính sách một con đã khiến bà tìm đến với Kitô giáo. Theo bà, phá thai cưỡng bách tại Trung Quốc hiện nay là một cuộc tàn sát Thiên An Môn diễn ra mỗi ngày và giữa ban ngày.

Bà Chai Ling sinh ra dưới thời Cách Mạng Văn Hóa. Khi diễn ra cuộc nổi dậy của sinh viên tại Thiên an Môn, bà là một sinh viên 23 tuổi. Sau cuộc đàn áp, bà là một trong 21 người bị công an cộng sản Trung Quốc tầm nã. Nhờ sự giúp đỡ của một nhóm phật tử và các tổ chức tại Hongkong, bà đã trốn sang Pháp và sau đó xin tỵ nạn tại Hoa kỳ.

CV.
 
Top Stories
Da Nang: 59 Catholics arrested in a funeral
J.B. An Dang
17:20 06/05/2010
Parishioners face police in mass
In a pastoral letter sent to his flock, bishop of Da Nang condemns the brutal attack of police against Catholics in a funeral asking both the local government and parishioners to be self-retrained in order to avoid further violence.

Bishop Joseph Chau Ngoc Tri of Da Nang reported in a letter signed on May 6 that a funeral procession for a parishioner in Con Dau had met with violence by Vietnam police who tried to prevent the deceased to be buried in the parish cemetery.

On May 4, after the Requiem Mass, 500 Catholics in the parish of Con Dau faced the brutal attack of police when they tried to bury Maria Tan, 93, at the parish cemetery. 59 parishioners were arrested after the clash with police that lasted for about an hour. “Police are hunting more parishioners,” Bishop Joseph Chau warned.

The prelate protested with the local government asking for the immediate release of detainees.

Since early this year, the peaceful life of Con Dau residents have been turned upside down by a local governmental decision to clear out all homes in the parish of Con Dau, established 130 years ago, to make room for a tourist resort.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư ĐGM GP Đà Nẵng gửi Cộng Đồng Dân Chúa Giáo Phận
+GM Giuse Châu Ngọc Tri
14:27 06/05/2010
THƯ MỤC TỬ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG

Số 4/2010

Kính gửi Cộng Đồng Dân Chúa Giáo phận, cách riêng cùng Anh Chị Em Giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu.

Anh Chị Em thân mến!

Trong thời gian gần đây, chúng ta được nghe nhiều câu chuyện thương tâm diễn ra đó đây, những xô xát giữa dân chúng với lực lượng an ninh của chính quyền. Nước mắt và cả máu đã đổ ra ngay trong thời bình. Thật đau đớn, xót xa… Lần này, sự việc lại xảy ra ngay trên địa bàn Giáo phận Đà Nẵng của chúng ta, tại Giáo xứ Cồn Dầu, với hình ảnh làm đau lòng mọi người, trong cuộc cũng như ngoài cuộc. Lễ nghi an táng vốn rất thiêng liêng đối với người Việt Nam, thế mà quan tài của một bà cụ 93 tuổi trở thành đối tượng tranh chấp, xâu xé, hành hung, bắt bớ… Ai trong chúng ta cũng thổn thức và mủi lòng cho người chết cũng như cho người sống.

Trong 48 giờ qua, thông tin từ Giáo xứ Cồn Dầu chắc chắn đã lan rộng đến nhiều người bằng nhiều phương tiện khác nhau. Chúng tôi đã cố gắng phối kiểm thông tin khách quan từ nhiều phía, gặp gỡ chính quyền Thành phố, thăm viếng Giáo xứ Cồn Dầu, nhất là gia đình Cụ Bà Maria Tân mới qua đời, và với tâm tình mục tử, xin gửi đến Cộng Đoàn Dân Chúa Giáo phận, cách riêng cùng Anh Chị Em giáo dân Cồn Dầu và những người quan tâm bức thư này, như một thông tin và chia sẻ.

Tình hình tại Cồn Dầu vốn căng thẳng đặc biệt từ đầu năm đến nay, khi Thành phố quyết tâm thực hiện dự án Khu sinh thái Hòa Xuân, thuộc Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, bên kia bờ sông Hàn về hướng Nam, ngăn đôi thành phố. Chính quyền Thành phố thu hồi ruộng đất, di dời và qui hoạch lại dân cư của 5 thôn thuần nông trong phường để thực hiện dự án này. Nhưng dự án đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của đa số người dân thôn Cồn Dầu, một Giáo xứ công giáo gần như toàn tòng, không đồng thuận với chính sách giải tỏa đền bù, mà họ cho rằng làm đảo lộn cuộc sống vốn bình yên và chịu nhiều thiệt thòi mất mát. Cũng trong dự án này, chính quyền địa phương đã phát lệnh cấm không cho chôn xác tươi trong khu vực dự án, cấp đất nơi khác để di dời tất cả mọi nghĩa trang trong khu vực.

Câu chuyện thương tâm xảy ra trong dịp đám tang của Bà Maria Tân, 93 tuổi, là giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu. Bà Cụ qua đời vào sáng sớm ngày 01/5/2010 và đến sáng ngày 04/5/2010 thì được an táng. Từ bao đời nay, người giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu khi qua đời, đều được an táng tại nghĩa địa riêng của Giáo xứ, được chăm chút rất công phu kỹ lưỡng, cách nhà thờ xứ khoảng 1.000 mét, cũng nằm trong khu vực dự án này. Đa số giáo dân Cồn Dầu quyết tâm bảo vệ nghĩa địa, và động viên gia đình cứ chôn xác bà cụ tại đây. Theo lời kể của Cha Quản xứ Emmanuel Nguyễn Tấn Lục, khi thấy không khí bất ổn và có thể gây xô xát căng thẳng, Ngài đã nhiều lần đề nghị gia đình và mọi người chọn phương án khác và nơi khác để an táng bà cụ. Ngài đề nghị, sau Thánh Lễ an táng, có thể đưa bà ra nghĩa trang “viếng tiên tổ” rồi đưa đi chôn nơi khác, cũng hợp tình hợp lý và thuận đường.

Sáng Thứ Ba, Cha Quản xứ dâng Thánh Lễ an táng cho Bà Cụ lúc 5g00 sáng tại Nhà thờ Cồn Dầu, rồi đi tĩnh tâm tại Tòa Giám mục. Ngài tin tưởng rằng, chính gia đình sẽ quyết định chôn cất bà cụ cách nào bảo đảm nhất, vì không ai muốn nguời thân của mình gặp rắc rối trong khi an táng, nhất là việc đào huyệt tại nghĩa trang Giáo xứ cũng không thể thực hiện được vì sự ngăn trở bằng mọi cách của chính quyền. Ngài an tâm vắng nhà và tin rằng mọi việc sẽ ổn thỏa. Tòa Giám mục cũng được Ngài báo cáo như thế, nên an tâm tổ chức ngày tĩnh tâm cho các linh mục.

Nhưng sự việc sau đó đã không diễn ra như mọi người tin tưởng. Sau Thánh Lễ, khi trên 500 giáo dân đã cùng gia đình đưa quan tài bà cụ ra nghĩa trang, ca kinh và hàng lối trật tự theo đúng lễ nghi tôn giáo, đã gặp ngay sự ngăn cản hùng hậu của các lực lượng an ninh Thành phố chực sẵn, không cho đoàn người và quan tài tiếp cận khu nghĩa trang. Tòa Giám mục hay tin, nhưng cũng được biết thêm rằng mọi việc diễn ra trong trật tự, nên vẫn tin rằng sau khi “viếng tổ tiên” trong chốc lát, dân chúng sẽ giải tán và gia đình đưa quan tài bà cụ đi chôn nơi khác, hoặc hỏa thiêu tại lò thiêu mới của Thành phố như đã được đề nghị. Nhưng mãi đến trưa, Ông Trưởng Ban Tôn giáo và Ông Phó Chủ tịch Mặt Trận Thành phố có đến thông tin cho Tòa Giám mục về tình trạng án binh kéo dài, nắng nôi và mệt mỏi, không ai còn nhẫn nại được nữa, dù dân chúng phần đông đã giải tán, nhưng còn một số người vẫn vây lấy quan tài và quyết tâm chôn bà cụ tại đây. Tòa Giám mục đã đề nghị phía chính quyền dù thế nào cũng phải tiếp tục nhẫn nại với dân chúng và khuyến cáo không được dùng vũ lực với người dân, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhưng đến 13g30 chiều, mọi sự không còn kiểm soát được nữa, đôi bên “hỗn chiến”, khi lực lượng an ninh đặc nhiệm của Thành phố đã dùng vũ lực mạnh nhất để trấn áp dân chúng, chiếm lấy quan tài, đưa lên xe đem đi, và bố ráp đánh đập không nương tay tất cả những ai có mặt trong khu vực. Nhiều người bị giải lên xe chở đi. Số người bị bắt giữ lên tới 59 người. Vụ việc diễn ra chớp nhoáng chưa đầy một tiếng đồng hồ. Riêng gia đình bà cụ, đã tập trung đến khu hỏa thiêu ở xã Hòa Sơn, quận Hòa Vang, để làm các thủ tục hành chánh và nghi thức tôn giáo trước khi thiêu xác bà.

Ngay tối hôm ấy, Tòa Giám mục đã liên lạc điện thoại với Ông Chủ Tịch UBND Thành phố, phản đối chính quyền đã thiếu nhẫn nại và sử dụng bạo lực với dân chúng, và đề nghị trả những người dân bị bắt giữ về gia đình. Sáng hôm sau, chúng tôi đã gặp Ông Chủ Tịch HĐND kiêm Bí thư Thành phố trong khuôn khổ một buổi họp, cũng đã bày tỏ thái độ phản đối việc dùng bạo lực đối với người dân, và đề nghị trả những người bị bắt về gia đình của họ.

Buổi chiều, chúng tôi đã trực tiếp đến thăm Giáo xứ Cồn Dầu, lắng nghe ý kiến của Cha Quản xứ và một số người dân, viếng thăm gia đình bà cụ Maria Tân. Mọi người dường như đang run rấy, thổn thức, và cũng hối tiếc, nhất là gia đình, vì không nghe theo lời khuyên của Cha Quản xứ, đã để vụ việc quá đáng tiếc xảy ra. Họ cũng cho biết, những người bị bắt đang bị ngược đãi, xin Tòa Giám mục can thiệp cho họ về. Được biết, trong số những người bị bắt giữ, mới chỉ có một số ít trường hợp được trở về gia đình, và ngành an ninh đang tiếp tục lùng bắt thêm một số người mà qua phim ảnh, họ cho rằng đã có hành vi manh động “chống lại lực lượng an ninh đang thi hành nhiệm vụ”.

Sáng nay, Tòa Giám mục tiếp tục liên lạc với Chính quyền và đề nghị được đến thăm những người đang bị giam giữ. Chính quyền cho biết hầu hết đã về nhà trong đêm hôm qua, số còn lại đang làm việc, sẽ được trả về trong ngày hôm nay. Tin mới nhận được, số còn bị giam giữ là 20 người. Chúng tôi đang tiếp tục liên lạc để có thể thăm viếng họ khi được phép.

Chúng tôi đã đến kính viếng hài cốt, cầu kinh và thắp nhang cho Bà cụ Maria Tân. Nhìn hủ tro tàn bất động để trên bàn thờ cạnh di ảnh phúc hậu của bà, chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần phải có một sự thay đổi thật sâu rộng trong xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay, mới có thể cải thiện mối quan hệ giữa người với người, giữa người dân với chính quyền, giữa đạo và đời, tạo hướng đi vững chắc cho các thế hệ tương lai.

Qua biến cố này, cầu nguyện và suy gẫm nhiều, tôi xin gửi đến Cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng, cách riêng giáo dân Cồn Dầu và những người thành tâm thiện chí một đôi tâm tình.

1. Trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng xã hội, Anh Chị Em giáo dân đừng nghĩ rằng các mục tử không đứng về phía mình. Các Ngài có cách thế riêng do vị trí, ơn gọi, sứ vụ và đặc sủng của các Ngài. Người mục tử có lúc đi trước, có khi đi sau, thậm chí có những hoàn cảnh phải đi giữa đàn chiên, tùy sự an nguy của đàn chiên đến từ đâu. Hãy kính trọng và lắng nghe tiếng nói của các mục tử ! Hãy biết “tôn sư trọng đạo” đúng mức như bài học vỡ lòng của mọi người dân Việt.

2. Không được nhân danh tôn giáo để đấu tranh bạo động xảy ra dưới bất cứ hình thức nào, dù mục đích của cuộc đấu tranh là chính đáng. Đây không phải chỉ là những điều cấm kỵ đối với tôn giáo, mà còn là lời cảnh báo cho những ai mưu toan lạm dụng tôn giáo để giải quyết những tranh chấp hơn thua cho gia đình, phe nhóm hay đảng phái mình.

3. Riêng đối với người Công giáo, Chúa Giêsu là tấm gương sáng ngời và Tin Mừng của Ngài vẫn là đuốc sáng cho muôn thế hệ. Bất bạo động, nhập thế, ôn hòa, đối thoại là con đường cứu độ mà Chúa Giêsu đã chọn lựa và đã hoàn tất cách vinh quang. Chúa đã ra lệnh cho các tông đồ trước tình thế căng thẳng nhất tại Vườn Cây Dầu, khi người Do Thái xông vào bắt Ngài: “Hãy xỏ gươm vào vỏ. Ai dùng gươm, sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Khi bị cật vấn về mối tương quan giữa đạo và đời, Ngài đã dạy các môn đệ: “ Của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Chúng tôi mời gọi nhà cầm quyền Việt Nam hôm nay, hãy cùng chúng tôi chiêm nghiệm những lời này.

4. Sứ mệnh của Giáo Hội là truyền giáo. “Hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ Thầy” (Mt 28,19). Đây phải là tiêu chí hàng đầu mang tính quyết định cho mọi hành động của người Kitô hữu. Phải có lợi cho việc truyền giáo. Phải làm cho Tin Mừng Đức Kitô được rao giảng trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch. Phải trả lại cho Giáo Hội gương mặt trong sáng phản ảnh gương mặt Đức Kitô, người mục tử nhân lành. Hãy làm cho người khác, dẫu khi nhìn chúng ta trong những hoàn cảnh thảm thương nhất, vẫn phải thốt lên: “Đúng người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39b). Như thế, không phải chỉ là chuyện không bang giao hay bang giao sớm muộn giữa Nhà Nước Việt Nam với Tòa Thánh Vatican, nhưng là “Danh Cha Cả Sáng, Nước Cha Trị Đến”. Chưa ai thống kê, nhưng chắc chắn có hàng trăm đảng viên Cộng sản khắp nơi cho đến hôm nay, đã được rửa tội bằng nước hay bằng lửa trên chính quê hương này.

5. Và sau hết, “Hãy cầu nguyện luôn không ngừng” (1Tx 5,17). Đừng quên sức mạnh của lời cầu nguyện. Khi không cảm nhận được sức mạnh của lời cầu nguyện, chúng ta dễ dàng có khuynh hướng tìm sử dụng hoặc dựa vào những thế lực hay vũ lực, như những người không có niềm tin, không biết cầu nguyện. Lời cầu nguyện mà chúng ta không thể quên trong hoàn cảnh hôm nay, là khẩn thiết cầu xin “Chúa Thánh Thần hãy đến canh tân và đổi mới mặt đất này”.

Thưa Anh Chị Em,

Những tâm tình trên đây của chúng tôi để cùng Anh Chị Em hướng về phía trước, nhưng chúng ta không được phép dửng dưng với những thao thức và cả nỗi đau của Anh Chị Em Cồn Dầu trong những ngày này, nhất là những người bị bắt bớ, bị đánh đập, dù bất cứ vì lý do gì. Chúng ta yêu cầu chính quyền Thành phố trả tự do cho những người bị giam giữ vì liên quan đến biến cố. Tất cả chúng ta trong tình hiệp thông, cùng đồng cảm với những trăn trở của họ, đừng để nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm hồn và cuộc sống của họ, đừng để họ mất nhuệ khí tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ trong tương lai.

Chúng ta cũng yêu cầu chính quyền Thành phố phải quan tâm xem xét những nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những người nghèo, những người yếu đuối nhất trong xã hội. Giáo Hội luôn đồng hành với người nghèo, không phải chỉ qua một vài công tác nhân đạo từ thiện, nhưng là bảo vệ và tìm cách giúp cho đời sống của họ được thăng tiến.

Chúng ta có hối tiếc bao nhiêu thì biến cố cũng đã xảy ra. Chúng ta phải trả giá quá đắt. Nhưng đây cũng là bài học cho tất cả chúng ta và cả nhà cầm quyền, vì không có kẻ thắng người thua trong “cuộc chiến” này. Trong đại gia đình Dân tộc Việt Nam hôm nay, chỉ có cùng thua hay cùng thắng mà thôi. Chỉ có tình thương mới giải quyết được những bất đồng, và lòng nhân ái mới có thể lấp đầy những hố sâu chia rẽ.

Hướng về ngày Đại Hội Hành Hương kỷ niệm 125 năm Đức Mẹ Trà Kiệu vào cuối Tháng Hoa này, chúng ta cùng hiệp ý hiệp lòng cầu xin với Mẹ như lời kinh cầu Đức Bà chúng ta vẫn thường đọc: “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành – Xin Cầu Cho Chúng Con”.

Đà Nẵng, ngày 06 tháng 5 Năm Thánh 2010

+ Giuse Châu Ngọc Tri

Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng
 
Đức Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã tới Hà Nội
Lê Danh
14:48 06/05/2010
Đức Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã tới Hà Nội

Hà Nội, ngày 06/05/2010, Đức Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã tới Hà Nội trên chuyến bay từ Đà Lạt và đáp xuống phi trường Nội Bài lúc 17h40.Trong chuyến bay, có Đức Giám Mục Phụ Tá Lôrenxô Chu Văn Minh, Cha Quản Hạt Nam Định, Sơ Bề Trên Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, Sơ Bề Trên Địa Hạt Hà Nội Dòng Thánh Phaolô. Đây là phái đoàn đại diện Tổng Giáo Phận Hà Nội đã vào Đà Lạt hôm qua để chào Đức Tổng Giám Mục Phó Phêrô và đón ngài về với Tổng Giáo Phận Hà Nội

Tháp tùng ngài còn có phái đoàn đại diện cho Giáo phận Đà Lạt gồm có 11 linh mục: Cha Tổng Đại Diện, 4 Cha Quản Hạt, Cha Giám Đốc và Cha Giáo Đại Chủng Viện Minh Hòa, 3 Cha Văn Phòng, Cha Bề Trên Tu Hội Tận Hiến.Đón ngài tại sân bay Nội Bài có các Cha Quản Hạt, các Cha văn phòng, Cha Tổng Quản Lý và một số linh mục đoàn Tổng Giáo Phận Hà Nội.18h45 Đức Tổng Giám Mục Phó Phêrô về tới Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Đón ngài tại tiền sảnh của Tòa Tổng Giám Mục có Đức Tổng Giám Mục Giuse cùng đông đảo nam nữ tu sỹ, chủng sinh và anh chị em giáo dân.Toàn thể cộng đoàn đã theo các Đức Giám Mục vào nhà nguyện cùng cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa. Tại đây, Đức Tổng Giám Mục Giuse đã giới thiệu Đức TGM Phó với cộng đoàn hiện diện.

Đáp lại, Đức TGM Phó Phêrô đã ngỏ lời cảm ơn Đức TGM Giuse, Đức Giám Mục Phụ Tá Lôrenxô, linh mục đoàn cùng toàn thể cộng đoàn đã đón tiếp ngài cách trọng thể.20h15 toàn thể linh mục đoàn TGP Hà Nội, phái đoàn Giáo Phận Đà Lạt cùng các Đức Giám Mục đã có cuộc gặp gỡ tại nhà hội.

Trong hai ngày qua, linh mục đoàn TGP Hà Nội đã có cuộc tĩnh tâm tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội theo định kỳ. Đức Cha Vinh sơn Nguyễn Văn Bản, Giám Mục Giáo Phận Ban Mê Thuột, đã giảng phòng trong kỳ tĩnh tâm này.Theo chương trình, 10h00 ngày mai, ngày 07/05/2010, tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội có Thánh Lễ Tạ Ơn và chào đón Đức Tổng Giám Mục Phó Phêrô.
 
Nghị Định Bổ Nhiệm Đức Tổng Giám Mục Phó Hà Nội Của Bộ Rao Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc
VP TGM Hà Nội
15:06 06/05/2010
 
Nghi Thức Làm Phép Và Thánh Lễ Tạ Ơn Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Giáo Phận Xuân Lộc
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
15:14 06/05/2010
Nghi Thức Làm Phép Và Thánh Lễ Tạ Ơn Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Giáo Phận Xuân Lộc

Biên Hòa – Đồng Nai, sáng nay vào lúc 07h30 thứ tư ngày 05 tháng 05 năm 2010, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đến dâng Thánh Lễ Tạ Ơn và Nghi Thức Làm Phép Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Giáo Phận Xuân Lộc tại Giáo Xứ Gia Viên Hạt Tân Mai, cùng đồng tế còn có sự hiện diện của Đức Cha Phụ Tá Tôma Vũ Đình Hiệu, Đức Ông Vinh Sơn và khoảng 120 Linh Mục. Ngoài ra còn có sự tham dự Quý Tu Sĩ nam nữ, Quý khách, quý ân nhân và đông đảo bà con Giáo dân đến từ nhiều nơi trong và ngoài Giáo Phận.

Bài dẫn Lễ hôm nay, nói lên nỗi vui mừng và lòng tạ ơn Thiên Chúa của toàn thể Giáo Phận Xuân Lộc như sau:

Sáng hôm nay, đại diện cho toàn thể Giáo Phận chúng ta tề tựu về đây, hiệp cùng Đức Giám Mục Giáo Phận dâng lên Chúa lời tạ ơn trong ngày làm phép Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục.

Chúng ta tạ ơn Chúa vì một công trình nữa của Giáo Phận được hoàn thành. Tuy không là cơ sở cho các sinh hoạt mục vụ của Giáo Phận, nhưng nó vẫn là một công trình biểu chứng của sự hiệp nhất và hiệp thông của mọi thành phần trong Giáo Phận, vì được xây nên bởi bao công sức của từng người con Giáo Phận và của bao ân nhân gần xa. Nó là công trình của lòng tin và tình yêu. Lời tạ ơn của chúng ta vì vậy không chỉ dừng lại nơi thành quả bên ngoài, mà phải trải rộng đến ân phúc bên trong tuôn trào từ Thiên Chúa mạch nguồn tin yêu và hiệp nhất của chúng ta.

Mỗi công trình của Giáo Phận luôn là dấu ấn của niềm tin, tình yêu và hiệp nhất. Mỗi cơ hội họp nhau tạ ơn phải khơi lên nơi mỗi người quyết tâm mạnh mẽ xây dựng Giáo Phận thành nhiệm thể sống động hơn của Chúa Kitô. Nhiệm thể kết nên bởi những tế bào tràn đầy sức sống tin yêu và hy vọng do được nuôi dưỡng dồi dào từ dòng sông bí tích, nhất là từ nguồn mạch Thánh Thể. Một đời tạ ơn đến từ và hiệp cùng Hy tế Chúa Giêsu. Một lời tạ ơn đẹp nhất mà mỗi người có thể dâng lên cho bao ân phúc của riêng mình và của Cộng đoàn Giáo Phận.

Hôm nay, Đức Giám Mục sẽ làm phép Nhà Hưu Dưỡng Các Linh Mục. Nhà nguyện của Nhà Hưu từ nay sẽ có những Thánh Lễ được dâng lên cho dù đôi tay có thể không còn nâng nổi chén Thánh, môi miệng có khi không thể thốt lên thành lời, nhưng lòng hẳn vẫn ngàn lời tạ ơn. Tạ ơn vì sinh ra một đời để được sống đời đời. Tạ ơn vì hành trình lữ hành đang dần đến đích điểm. Tạ ơn vì hy vọng một mùa Xuân sẽ dọi sáng sau mùa Đông lạnh. Lời tạ ơn cho mình, cho bao người thân và cho cả Giáo Phận sẽ được mãi dâng lên. Hy tế tạ ơn kết tinh tình yêu của cả một đời dâng hiến phục vụ chắc chắn sẽ nên nguồn phúc nâng đỡ các Linh Mục đang trong cuộc chiến xây đắp sự thật và tình yêu cho Nước Chúa, nên nguồn sức thiêng nâng đỡ mọi con cái Giáo Phận trên hành trình tiến về nhà Cha. Chớ gì nơi đây tiếp tục thành nơi giao hòa đất trời và nên ngọn lửa nồng nàn tình yêu nuôi dưỡng mọi hoạt động mục vụ của Giáo Phận. Chớ gì nguyện ước của vị Chủ chăn Giáo Phận được hiện thực cách toàn vẹn: “Xây dựng Nhà Hưu Dưỡng Cho Các Linh Mục Giáo Phận vừa là bổn phận vừa là cách thức đền ơn đáp nghĩa của chúng ta. Các Linh Mục bằng trọn cuộc đời, đã phục vụ cho các tín hữu, nay đến tuổi cao, sức yếu, các Ngài cần có nơi hưu dưỡng. Đàng khác, khi biết có nơi an dưỡng ít nhất tương đối thuận tiện, các Linh Mục dễ dàng xả thân hết mình phục vụ cho lợi ích các linh hồn. Nhờ vậy, sinh hoạt mục vụ tại Giáo xứ luôn sinh động và tươi trẻ thích hợp với nhu cầu mục vụ ngày càng cao” (Thư chung ngày 09.04.2009 gửi Dân Chúa dịp Lễ Đặt viên đá xây dựng nhà hưu dưỡng Linh Mục Giáo Phận).

Trên Đĩa Thánh hôm nay, Cộng đoàn chúng ta cùng đặt vào tấm bánh của cả Giáo Phận, tấm bánh làm nên bởi từng hạt lúa là mỗi chúng ta, được nghiền nát bởi bao nước mắt và mồ hôi góp phần hôm qua và hôm nay xây dựng Giáo Hội và Giáo Phận. Tấm bánh được nướng trong lửa Tình yêu Thánh Thần để trở nên Bánh Thánh Giêsu chất chứa lời tạ ơn Cha và được bẻ ra trao tặng mọi người sự sống mới. Trong chén rượu hôm nay, Cộng đoàn chúng ta sẽ hòa vào chất nho ép từ bao khó nhọc của cuộc đời vì hạnh phúc gia đình và tha nhân, để hiệp nhất đời ta trong hy Lễ cứu độ của Đức Kitô dâng Cha, và khẩn xin Cha tuôn đổ phúc lành biến cuộc đời ta thành ngọn suối nhỏ mang niềm vui cứu độ làm đẹp Giáo Phận và chính cuộc đời ta.

Đúng 08h30 đoàn đồng tế khởi hành cuộc rước từ văn phòng đến trước cửa Nhà Nguyện, Đức Giám Mục Đaminh tiến đến cắt băng khánh thành và sau đó làm phép Nhà Hưu Dưỡng trong không khí hân hoan với tiếng vỗ tay của Cộng đoàn, hòa với tiếng nhạc hoàng tráng của ban kèn đồng, tiếng pháo hoa và những chùm bong bóng đủ màu sắc bay lên trìu mến giữa bầu trời Gia Viên thân thương như dấu hiệu tinvui được loan báo khắp nơi.

Trước phần Phụng Vụ Lời Chúa, Đức Giám Mục đã long trọng cử hành nghi thức làm Phép nước để rảy trên Dân Chúa làm dấu chỉ thống hối và nhắc lại Bí Tích Rửa Tội, đồng thời cũng rảy nước thanh tẩy trên các tường Nhà nguyện, Ảnh tượng, Nhà tạm, Thánh Giá, Giảng đài và Bàn thờ.

Trong bài giảng, Đức Cha Đaminh đã nói lên ngày hôm nay cả Giáo Phận chúng ta, Giáo Phận Xuân Lộc đang hướng về trung tâm Nhà Hưu Dưỡng và Nhà Nguyện, dù rằng đây không phải là trung tâm của Giáo Phận nhưng có thể nói rằng đây là một sự quan tâm rất đặc biệt của các Chủ chăn trong Giáo Phận, cũng như của toàn thể Giáo dân trong Giáo Phận đang hướng về, và đây là thành quả đã nói lên đuợc lòng trọng kính, yêu mến đối với các Vị Chủ chăn của mình, các Vị cống hiến cho dân Chúa trong Giáo Phận cả một đời của mình, không tiếc công tiếc sức, có thể nói được rằng niềm vui niềm hạnh phúc, sự sống của Giáo dân chính là niềm vui niềm hạnh phúc, sự sống của các Ngài. Hôm nay, các Ngài đã vắt kiệt sức để phục vụ Giáo dân và lúc này nói lên được lòng trọng kính, yêu mến và biết ơn của toàn thể Giáo Phận, Giám Mục những Vị có trách nhiệm cũng như của toàn dân, những Người đã được hưởng sự trợ giúp, nâng đỡ của các Chủ chăn của mình.

Sau lời nguyện chung, Đức Giám Mục làm phép Bàn thờ và nài xin Thiên Chúa đoái nhìn lễ vật Hội Thánh dâng trên bàn thờ này, và làm cho dân Chúa trở nên của lễ muôn đời dâng lên Chúa.

Sau lời nguyện hiệp Lễ, Cha Quản Hạt Tân Mai, trưởng ban tổ chức bày tỏ lòng biết ơn đối với Quý Đức Cha, Quý Cha,Quý Tu Sĩ nam nữ và Quý khách, đồng thời kính mời hai Đức Cha thương nhận lẵng hoa tươi thắm diễn tả lòng kính yêu của chúng con.

Cuối Thánh Lễ, Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Dì và Quý khách dùng bữa cơm thân tình chia sẻ niềm vui với Giáo Phận.

Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng giàu lòng nhân ái, ban muôn ơn lành cho Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý khách và Cộng đoàn dân Chúa trong Giáo Phận Xuân Lộc.
 
Chương trình tôn vinh Đức Mẹ Tàpao tối 12/05/2010
LM Giuse Nguyễn Hữu An
22:18 06/05/2010
CHƯƠNG TRÌNH TÔN VINH ĐỨC MẸ TÀPAO - TỐI 12.5.2010 CUNG NGHINH VÀ DIỄN NGUYỆN (ĐỒNG HÀNH VỀ BÊN MẸ)

Tháng năm về, một tháng trong năm với tên gọi thật thơ mộng, thật tươi vui: Tháng Hoa. Mỗi độ tháng Hoa về, các nhà thờ rộn rã mùa dâng hoa kính Đức Mẹ. Phụng vụ Mùa Hoa tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú Rước hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi tập quán mỗi đặc trưng văn hoá địa phương.

Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao tổ chức đêm cung nghinh và diễn nguyện để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria và bày tỏ lòng yêu mến thảo hiếu của đoàn con cái cùng về bên Mẹ.

1. CUNG NGHINH: 18g -19g

- Ổn định trật tự. Kiệu Đức Mẹ khởi hành từ Văn Phòng Trung Tâm Thánh Mẫu (Lối lên), tới Lễ Đài (Lối xuống).
- Nghi thức tôn vinh Đức Mẹ tại Lễ Đài.

2. DIỄN NGUYỆN: 19g-21g

- Giới thiệu và tuyên bố khai mạc
- Phần 1: Hướng về Năm Thánh 2010 (Tôn Vinh Thiên Chúa)
- Phần 2: Ngợi ca Mẹ Maria.
- Phần 3: Dâng về Mẹ
- Lời nguyện và phép lành Toàn Xá Năm Thánh.


TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO
Trân trọng kính báo.
Kính mời mọi người cùng tham dự đêm tôn vinh Mẹ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thử trả lời câu hỏi: ''Tại sao mục tử im lặng''
Gioan Lê Quang Vinh
15:22 06/05/2010
THỬ TRẢ LỜI CÂU HỎI: “TẠI SAO MỤC TỬ IM LẶNG?”

Khi giáo dân bị đánh đập, bị phân tán, nhiều mục tử im lặng. Khi một vị linh mục vì công lý mà bị kết án oan ức, nhiều mục tử khác im lặng. Khi một vị Tổng Giám Mục anh dũng và nhân hậu đứng bên cạnh dân Chúa và bị sỉ nhục, bị lên án, nhiều mục tử vẫn giữ im lặng. Và đỉnh cao nhất của sự im lặng ấy là khi Thánh Giá Chúa bị đập vỡ tan tành, nhiều vị mục tử cũng không nói gì. Không những im lặng, có ông còn viết đại khái lên tiếng cũng như không!

Giáo dân sững sờ. Các mục tử chân chính cũng sững sờ. Lý do sâu xa nhất làm người ta kinh hãi trước sự im lặng nặng nề của nhiều mục tử, ấy là sự im lặng đi ngược lại với giáo huấn của Đức Giêsu và ngược lại với chính bản tính của Ngôi Lời nhập thể.

Giáo Hội là nhiệm thể Chúa Kytô, chia sẻ sứ vụ ngôn sứ của Người, do đó Giáo Hội phải lên tiếng trước bất công, cho dù là bất công nhỏ nhặt nhất (mà thật ra đã là bất công thì luôn nghiệm trọng vì tự bản chất nó chống lại Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối công chính). Đức Hồng y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, Bộ Trưởng Ngoại giao Toà Thánh Vatican viết: “Suốt dòng lịch sử Giáo Hội và đặc biệt trong mấy thế kỷ gần đây, Giáo Hội – theo lời Đức Lêô XIII – đã không ngừng nói lên tiếng nói của mình về những câu hỏi liên quan đến cuộc sống trong xã hội” (Lời giới thiệu Học Thuyết Xã Hội Công Giáo).

Và Học Thuyết Xã Hội Công Giáo nhấn mạnh: “Giáo Hội nhớ lời thánh Phaolô nói với môn đệ Timôthê của mình: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” (số 2)

Trong sứ vụ lên tiếng ấy, “Học thuyết xã hội này cũng bao gồm cả nghĩa vụ phải tố cáo mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội. Nhờ biết tố cáo, học thuyết xã hội trở nên giống các thẩm phán và các nhà bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận và hay bị xâm phạm, nhất là các quyền lợi của người nghèo, người yếu kém.” (số 81)

Như vậy, nếu là mục tử của Hội Thánh Công Giáo Rôma, thì không được quyền từ chối lên tiếng và cũng không cần đặt vấn đề lên tiếng hay không. Nếu không tin vào Học Thuyết Xã Hội, người ta có quyền mở sách Tin Mừng, và chắc chắn họ sẽ gặp lời Đức Kytô:“Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”(Lc.19,40)

Bọn cường quyền và giả hình trong xã hội Do thái không muốn nghe lời ca tụng Đức Giêsu và họ xin Người bảo các môn đệ im tiếng, và Người trả lời như thế, để nhắc cho dân Người, nhất là các mục tử về sứ vụ làm chứng bằng lời, chứ không chỉ bằng đời sống. Và lời làm chứng còn phải là lời chứng cho công lý, sự thật, chứ không chỉ là lời giảng chung chung.

Thế nhưng, nỗi ưu tư và lo buồn đang bao trùm nhiều triệu người Công giáo Việt nam, cũng như phản ứng mạnh mẽ trước các sự kiện đau lòng đang lan ra nhanh chóng. Một trong những lý do là dân Chúa ngạc nhiên không hiểu sao nhiều vị mục tử vẫn giữ im lặng, sự im lặng làm nhiều giáo dân cảm thấy hoang mang, ngờ vực và thậm chí có người muốn bỏ đạo.

Các mục tử sẽ trách móc: Có gì đâu mà hoang mang? Có gì đâu mà phải bỏ đạo? Lòng đạo thế là không trưởng thành! Nhưng người con trưởng thành sao nổi khi bố mẹ thấy cướp vào nhà bắt con, cướp của mà bố mẹ thản nhiên mời cướp uống rượu!

Thế thì vấn đề đặt ra là tại sao mục tử im lặng? Các ngài là những người có học, được đào tạo kỹ nhiều năm ở trong nhà Chúa, luôn đọc kinh cầu nguyện, mỗi ngày nguyện ngắm để Lời Chúa ngấm vào mình. Và còn rao giảng Tin Mừng hàng ngày nữa. Vậy tại sao nhiều mục tử không làm theo lệnh Chúa truyền?

Câu trả lời đầu tiên là có lẽ các ngài quá đạo đức (?!). Vì quá đạo đức, các ngài không muốn có xung đột xã hội. Vì quá đạo đức, các ngài sợ kẻ xấu bị tổn thương. Cũng vì quá đạo đức, các ngài muốn được yên ổn trong giáo phận hay giáo xứ mình, để mình có thể làm việc mục vụ mà không gặp khó khăn gì. Và cũng vì lòng đạo quá sâu xa, các ngài nghĩ ai cũng tốt lành như mình. Do đó các ngài tin rằng dù họ giết dân, đánh dân đổ máu ra, họ vẫn là người yêu công lý hoà bình.

Lý do thứ hai có lẽ vì các mục tử đã có kinh nghiệm nào đó với những người làm hại Hội Thánh. Kinh nghiệm gì và kinh nghiệm ấy ảnh hưởng đến các ngài thế nào thì thật khó nói vì đó là những tương quan hết sức cá nhân và tế nhị. Và kinh nghiệm ấy bảo các ngài cứ im lặng để mọi chuyện trôi chảy, phải có nước chảy thì thuyền mới trôi!

Lý do thứ ba là điều mả dân Chúa nghi ngờ, và người viết cầu mong điều này không bao giờ là sự thật. Đó là danh lợi, đó là sự dụ dỗ ngọt ngào và sự yên ấm cho riêng mình. Dĩ nhiên các ngài là những con người, và nếu các ngài có lỡ sa ngã thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng các ngài còn là mục tử nữa kia mà.

Nhưng cũng còn một lý do nữa, khá ngược đời. Ấy là một số mục tử cho rằng “chuyện ấy đâu phải là chuyện tôn giáo”. Câu biện hộ này có hai cái chưa đúng. Phải hiểu rằng mục tử công minh phải chống lại bất công, đừng nghĩ rằng “người ta cướp của hàng xóm chứ có cướp của con cái tôi đâu?”. Thứ hai, hễ người ta xâm phạm đến giáo xứ, đến giáo dân… là chuyện tôn giáo, chứ chẳng lẽ phải động đến mục tử mới là xâm phạm đến tôn giáo? Lý do này thường dễ bị phản ứng nhất.

Những phân tích ấy có lẽ còn thiếu sót. Nhưng là người tín hữu, ai cũng mong cho các mục tử sống đúng Tin Mừng mà các ngài đã đọc, đã tin và đã rao giảng. Dân Chúa cần vâng lời các mục tử, nhưng lời mà dân Chúa vâng phải là Lời của Chúa, chứ không thể là lời của một thế lực nào nhờ mục tử nói thay.

Và hy vọng một ngày nào đó, một vị mục tử chân chính sẽ lớn tiếng giữa ngàn dân: “Chúng tôi lên tiếng để nói lời công lý”. Khi đó các ngài sẽ được dân Chúa kính yêu vâng phục, mà gương Đức Tổng Philipphê và Đức Tổng Giuse còn rõ rệt. Khi các ngài đứng hay ngồi hay ở vị thế khác bên quyền lực, các ngài sẽ phải đứng, ngồi… cô đơn. Và chắc chắn các thứ quyền lực chẳng bao giờ yêu các ngài thật sự.
 
Hãy Đứng Về Phía Người Đau Khổ !
Chủng sinh J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
21:53 06/05/2010
Hãy Đứng Về Phía Người Đau Khổ !

Bạn nghe chăng tiếng than người đau khổ ?
Đang réo gào giữa mù tối đêm đen
Những mảnh đời lam lũ bần hèn
Cần bạn đó, lời động viên an ủi

Bạn nghe chăng tiếng khóc người vô tội ?
Máu trào rơi mà công lý vời xa
Họ như thuyền lênh đênh tìm bến đợi
Nhìn Trời cao, hỏi “có thấu chăng là ?!...”

Bạn nghe chăng tiếng kêu vì man trá ?
Đang hoành hành che sự thật hiển minh
Sa-tan đó đang lộ diện nguyên hình
Đòi thống lĩnh những lòng thành chân chính

Ban nghe chăng tiếng rên trong đêm lạnh ?
Vì xót lòng mơ manh áo hạt cơm
Cầu xin bạn hãy động mủi lòng thương
Rộng tay ban dù chỉ là ít ỏi

Bạn nghe chăng tiếng sầu ai tức tưởi ?
Vì nhân tâm đã chạy trốn nơi đâu
Người với người sao nỡ quay mặt nhau
Nên thù địch chia nhịp cầu nhân nghĩa

Bạn nghe chăng tiếng kinh cầu ngấn lệ
Trong xót đau Thánh Giá phải nát tan
Mơ một ngày hồn dịu lắng bình an
Sống niềm tin không bạo tàn áp chế

Bạn nghe chăng tiếng trẻ thơ nài nỉ ?
Mong chúng ta hãy thắp sáng tình thương
Bằng dấn thân bằng thứ tha quảng đại
Cho đời vui thôi sợ hãi đau buồn

Bạn nghe chăng tiếng nhân loại van mong ?
Đừng khép lòng trước bất công gian dối
Hãy đứng về người khổ đau bạn hỡi,
Để cất lên tiếng nói của lòng nhân !

 
Giũ Bụi Trần 3
+GM Nguyễn Văn Sang
22:36 06/05/2010
GIŨ BỤI TRẦN AI SỐ 3

Trong lớp bụi phủ trên khuôn mặt của Giáo hội Công giáo Việt Nam nhất là tại thủ đô Hà Nội, có lớp bụi rất dày ảnh hưởng tới nhiều lãnh vực mà chúng ta cần giũ bỏ:

I. Sự kiện đạo Công giáo dính líu đến những cuộc xâm lăng như Pháp thế kỷ XVI- XVII, cuôc đấu tranh dành độc lập (1945-1954), cuộc chiến tranh thống nhất đất nước (1954-1975). Nhiều người nêu rõ vai trò của Công giáo ở đây một cách tiêu cực nghĩa là dửng dưng hay đứng ngoài cuộc, hoặc tích cực ủng hộ phe địch nhiều hơn là ta.

Trước những vấn đề này: đã có rất nhiều cuộc hội thảo và tranh luận của những giáo sư, nhà khoa học với khuynh hướng khác nhau, ở trong nước và ngoài nước, nhưng hình như chưa tìm được câu trả lời nào thích đáng. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này tôi xin đưa ra vài ý kiến thô thiển góp phần vào việc xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

A. Nói tới người công giáo không hẳn là nói tới Giáo hội Công giáo, hay đạo Công giáo nói chung, dính tới vấn đề nói trên. Người Công giáo cũng giống như các thành phần khác trong xã hội; có quan điểm riêng của mỗi người, trước những biến cố cùng với hàng triệu công dân nước Việt Nam. Vậy ngoại trừ trường hợp họa hiếm người Công giáo hoặc tổ chức thành cộng đoàn, gồm toàn những người Công giáo để tham gia vào các sự kiện nói trên thì thường cùng tham gia với rất đông những người của các tôn giáo khác, các thành phần khác, nhất là trong xã hôi phong kiến trước đây. Số người Công giáo lúc khai sinh ra giáo hội là một nhóm rất nhỏ, trong khi nhóm người mệnh danh là lương dân (gồm phật giáo, lão giáo, nho giáo…) chắc phải chiếm đa số. Thế nên, trong những cuộc đấu tranh (mà chúng ta quen gọi chung chung là nổi loạn chống đối cướp bóc…) thì số người Công giáo tham gia rất ít, nếu so sánh với thành phần khác trong xã hội lúc đó. Vậy kêu trách riêng, người Công giáo nổi loạn dính líu tới các sự kiện kể trên, là một điều oan ức, phả được minh oan. Cũng nên để ý đến một vài điều nổi bật khác:

a. Họ bị dồn vào con đường cùng: vì muốn bảo vệ cho xóm làng tín ngưỡng… trước những tấn công tinh thần, vật chất họ buộc phải đứng lên chống đối trong thời Minh Mạng- Tự Đức, Văn Thân bách hại hoặc liên kết với những người chống đối khác để bảo toàn mạng sống và hạnh phúc riêng tư của gia đình họ… cũng có người can tâm theo địch lúc đó, chỉ vì muốn được tự do giữ đạo, để tránh khỏi sự bách hại của vua quan lúc đó. Nói tóm lại: khi đánh gía những người như vậy, cần phải để ý tới tấm lòng ngay thẳng của họ khi tham gia các sự kiện nói trên, và chú ý tới trường hợp bất khả kháng của họ.

b. Nhưng dù sao theo khách quan mà nói, không tránh khỏi những cộng đoàn hay cá nhân đích thực tham gia các sự kiện không có lợi cho đất nước. Điều này, đã được các vị Công giáo chân thành hối hận và xin lỗi trong những trường hợp khác nhau. (ví dụ: giáo phận Thái Bình trong 3 năm thánh từ 2003 đến 2005, và đặc biệt nhân danh giáo hội Công giáo Việt Nam lời xin lỗi, được đưa ra trong ngày khai mạc năm thánh ở sở kiện đêm 23/ 11/2009). Chúng tôi rất tán thành những tư tưởng mới đây nhân ngày 30/04 của nhiều người, nhiều phía muốn coi đó là dịp xóa đi mọi hận thù, để hòa giải dân tộc… Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình một hôm ngồi nói chuyện với nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trước sân trường học có các em đang vui đùa giải trí, ngài nguyên thủ tướng đã nói với Đức cha rằng: “chúng ta xem các em bé đang chơi đùa trước mặt chúng ta, có phân biệt được đứa nào là con của người Công giáo, đứa nào là con của cán bộ cộng sản hay Phật giáo, Cao đài… có lẽ chúng ta là người lớn mới phân chia ngăn cách như vậy thôi”.

Trong vấn đề quan trọng kể trên như tôi đã nói, cần phải có những cuộc thảo luận nghiêm túc hơn, tôi chỉ xin góp phần nhỏ bé.

II. Một biến cố gây vấp phạm trong đồng bào lương dân mấy trăm năm nay đó là sự kiện “vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội” (27/06/1908) các chiến sĩ Việt Nam tìm dịp chống lại quân đội Pháp bằng những cách thức khác nhau từ những toan tính báo đông quân sự đánh chiếm Hà Nội, thì những người cầm đầu quyết định đầu độc quân lính Pháp vào đêm đó nhân lúc chúng mở tiệc chiêu đãi sĩ quan: “kế hoạch được vạch ra khá hoàn hảo có phối hợp giữa các lực lượng ở trong và ngoài quân đôi Pháp, ở Hà Nội và Yên thế. Lúc 7 giờ tối ngày 27 tháng 6 những người nấu ăn cho quân đội Pháp đã bỏ thuốc độc, được chế biến sẵn từ trước, vào thức ăn khiến cho 80 lính Pháp thuộc trung đoàn bộ binh 9 và 125 tên thuộc trung đoàn pháo binh số 4, trúng độc và ngất xủi. tuy vậy, do thuốc độc làm từ cà độc dược, khong đủ mạnh nên chúng không chết. Sau đó, một người lính Công giáo trong cơ binh pháo thủ số 9 đến xưng tội với cố đạo Ân ở nhà thờ Hà Nội, nên địch biết âm mưu, kế hoạch khởi nghĩa. Pháp lập tức cho các thầy thuốc cấp cứu số sĩ quan và binh lính bị ngô độc, mặt khác cho bắt ngay các hạ sĩ quan và binh kính người Việt, giam họ vào trong trại. Lệnh thiết quân luật được ban bố. trong khi đó, các toán nghĩa binh cũng như các lực lượng chuẩn bị của ta đã ém sẵn ở các vị trí vòng ngoài chờ mãi không thấy súng hiệu nổ, biết kế hoạch bị lộ nên vội rút lui. Hơn 200 lính pháp được cứu thoát, trật tư an ninh trong thành phố dần được lập lại. Vụ đầu độc gây tiếng vang lớn. Đây là sự kiện rất đáng chú ý trông phong trào giải phống dân tộc vào đầu thế kỉ XX. Nó là cuộc nổi dậy đầu tiên của binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Điều này chứng tỏ,binh lính là một lực lượng lơi hại trong cuộc đấu tranh chống đế quốc báo hiệu một giai đoạn phát triển mới của phong trào dân tộc. Ngày 28/06/1908, hội đông đề hình của Pháp đã cấp tốc xét sử vụ “ Hà thành đầu độc”. chúng đã xử chem. Đội Bình, Đội Cốc, Đội Nhân, treo đầu ở các cửa ô Hà Nội để uy hiếp tinh thần nhân dân ta. Cả ba người trước khi bị hành quyết rất hiên ngang bất khuất. Tiếp đó thực dân Pháp còn mở rộng điều tra, bắt bớ, khám xết sử tử thêm hàng chục người có liên quan” (trích “Từ điển trí thức lịch sử phổ thông thế kỷ XX”).

Việc đầu độc binh lính Pháp là một biến cố có thật trong lich sử nhưng có một chi tiết là bịa đặt, vì không có bằng chứng xác thực. Những tin tức đó chỉ xuất hiện trong một số tài liệu trước đây như cuốn “Từ điển” nói trên, song những sách vở sau này đều nói một cách khách quan hơn là do có sự phản bội trong hàng ngũ nghĩa quân ( xem: “hỏi đáp về lịch sử Hà Nội” trang 324 NXB Văn Hoá Thông Tin quý I năm 2010) Vụ việc đầu độc bị vỡ lở như cuốn “tự điển tri thức” nói trên cho rằng: “một người lính Công giáo trong công binh pháo thủ số 9 đến xưng tội với cố đạo Ân ở nhà thờ tại Hà Nội nên địch biết rõ âm mưu ám sát nên hạ lệnh cho bắt hạ sĩ quan và quân lính người Việt giam trong trại”. Việc này tôi xin có ý kiến như sau: Một người lính Công giáo đến tòa giải tội xưng tội với cố Ân và cố Ân đã báo cho nhà chức trách. Điều này không xảy ra được vì, theo phương diện lý thuyết những điều gì xưng trong tòa giải tội dù có thế nào đi chăng nữa cũng buộc cha giải tội phải giữ kín không được tiết lộ với ai, dù cho có bất cứ áp lực nào. Nếu lỗi phạm theo giáo luật sẽ bị vạ, rút phép thông công ngay lập tức. Trong lịch sử giáo hội không thấy trường hợp nào lỗi phạm, mà còn kể ra rất nhiều gương sáng của các cha, thà chết, tù tội, đánh đập vẫn trung thành với luật buộc đó. Còn về mặt thực tế nếu cố Ân lỗi phạm Ấn Tòa giải tội như vậy, cả quân đội Pháp hay biết, và các sĩ quan Việt Nam cũng thông tỏ, mà các vị cầm quyền trong giáo hội không hay biết chút gì, là điều hơi lạ, và các vị trách nhiệm trong giáo hội lúc đó phải xử lý công khai cố Ân như giáo luật cũng không thấy ai nói tới. Vậy trong tất cả các tài liệu của giáo hội Công giáo nói chung và giáo hội Việt Nam nói riêng không có tài liệu nào đề cập tới vấn đề này. Tôi cho rằng: đây là những điều không chính xác nhằm bôi nhọ giới Công giáo và cũng để cắt nghĩa sự thất bại trong âm mưu chống Pháp thời kỳ đó chăng?

Đọc “giũ bụi trần ai” trên khuôn mặt giáo hội Công giáo chắc sẽ còn phải được tiếp diễn, chúng tôi sẽ có những ý kiến tiếp theo.

Thái bình ngày 07/05/2010

Fx: Nguyễn Văn Sang

Nguyên giám muc Thái Bình

Đón coi “Giũ bụi trần ai số 4”
 
Văn Hóa
Bình an
Ngô xuân Tịnh
11:44 06/05/2010
Thầy để lại anh em yêu dấu

Khi đi vào khổ nạn, ý Cha

Bình an đích thực chan hòa

Anh em nhận lãnh chính là hồng ân

.

Bình an Thầy thế gian khác hẳn

Của thế gian biển lận dối gian

Vậy đừng xao xuyến băn khoăn

Cũng đừng sợ hãi bất an làm gì

.

Hết mọi khi lời Thầy tuân giữ

Cha và Thầy ở với anh em

Tình yêu gắn bó êm đềm

Bình an đích thực ngày đêm tràn đầy

.

Sẽ đến ngày Chúa Cha sai tới

Đấng bảo trợ ở với anh em

Người là Thần Khí dịu êm

Ủi an dạy dỗ anh em mọi điều

Dù thế gian trăm chiều gian trá

Dùng mưu chước triệt hạ anh em

Chẳng nên sợ hãi gì thêm

Thánh Thần sẽ dạy anh em làm gì

Đây thủ lảnh thế gian đang tới

Quyền hành nó chẳng với được Thầy

Nhưng điều xảy đến cho hay

Thầy hằng vâng phục Cha Thầy yêu thương

Nào dứng dậy, ta lên đường...
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chốn Bạt Ngàn
Lê Ngọc Minh
22:12 06/05/2010

CHỐN BẠT NGÀN



Ảnh của Lê Ngọc Minh

Bạn hiền muốn đến thăm ta,

Đừng bao giờ hỏi tên ta, khơi sầu

Chẳng còn ai biết ta đâu

Hỏi ta, hãy hỏi ngàn dâu bạt ngàn...

(Trích thơ của Hàn Sĩ Nguyên)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News