Ngày 13-06-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 14/06: Yêu Thương là thế đó – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:33 13/06/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Đó là lời Chúa
 
Bàn năng dã tâm, bản năng thánh thiện
Lm. Minh Anh
03:13 13/06/2022

BẢN NĂNG DÃ TÂM, BẢN NĂNG THÁNH THIỆN
“Hãy nhượng vườn nho cho ta!”; “Đừng chống cự người ác!”.

David Seamands nói, “‘Bản năng thánh thiện’ trong mỗi người được Thiên Chúa thiết định cho các mục đích tinh thần mang tính xây dựng! Ai không thể cảm thấy bất bình trước điều ác, người ấy thiếu nhiệt tình với điều thiện. Bạn không có khả năng ghét điều sai, tôi e rằng, ‘bản năng dã tâm’ đã lấn lướt bạn! Và tôi nghi ngờ, bạn có thực sự yêu thích công bình hay không!”.

Kính thưa anh chị em,

Sẽ rất thú vị khi cả hai bài đọc hôm nay tiết lộ cho chúng ta cùng lúc hai bản năng mà David Seamands đề cập, ‘bản năng dã tâm, bản năng thánh thiện!’. Một, từ lòng tham bên trong; một, từ ân sủng trên xuống! “Hãy nhượng vườn nho cho ta!”; “Đừng chống cự người ác!”.

Những người có quyền lực có thể rất muốn chiếm đất đai không thuộc về họ, và điều đó thường gây bao hậu quả khôn lường. Cuộc chiến Ukraine lúc này là một ví dụ, và ‘bản năng dã tâm’ đó, một lần nữa, hiện nguyên hình trong bài đọc Các Vua; Acáp muốn vườn nho của Naboth! Thật dễ hiểu khi Naboth từ chối; vì lẽ, đây là mảnh đất đã gắn bó bao đời với gia đình ông. Cũng thế, Ukraine đang chiến đấu để bảo vệ giang sơn của tổ tiên, vì đó là bổn phận lịch sử đối với đất nước và con cháu họ. Giêzabel, hoàng hậu, ít cẩn trọng hơn; thủ đoạn của bà đã dẫn đến cái chết bất công của Naboth; và ngày nay, điều đó cũng đang lặp lại! Những kẻ quyền lực, bằng mọi giá, tìm cách bịt miệng hoặc dập tắt các đối thủ, đôi khi đó là một số rất đông những người nghèo, người trí thức, hoặc bất đồng chính kiến. Khi đất đai trở nên quan trọng hơn cuộc sống và mạng sống đồng loại, bất cứ điều ác nào cũng có thể xảy ra!

Giáo lý của Chúa Giêsu hoàn toàn đi ngược với ‘bản năng dã tâm’ đó! Ngài dạy, một sự dữ không thể được đáp trả bằng một sự dữ lớn hơn! Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” vốn từng được coi là tiến bộ của một thời, giờ đây không còn phù hợp. Ngài mời chúng ta đạt đến một cấp độ cao hơn của bác ái, yêu như Chúa yêu; Ngài đề nghị chiến thắng điều dữ bằng điều lành. Trong thực tế, có thể sẽ rất khó, đặc biệt là trong chiến tranh; tuy nhiên, nguyên tắc vượt qua cái ác bằng cái thiện vẫn luôn luôn là quy tắc vàng, đặc biệt khi con người bị cám dỗ để đáp lại cái ác bằng một điều ác lớn hơn. Tắt một lời, Chúa Giêsu muốn chúng ta trở về nguồn gốc của mình và cố đào tạo cho mình một ‘bản năng thánh thiện’ như con cái của Thiên Chúa!

Thánh Phaolô cũng dạy điều tương tự, “Đừng khuất phục điều ác, hãy lấy điều lành để thắng điều ác!”. Bản năng tồi tệ đó đã được phơi trần nơi con người Giêzabel, nó điều khiển bà; đang khi bản năng tốt nhất của con người có tên là ‘bản năng thánh thiện’, ‘bản năng thiêng liêng’, bản năng của Thánh Thần lại là con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Hãy nhìn lên thập giá! Ngài sống những gì Ngài nói! Ngài sống và chết để chiến thắng điều ác bằng điều thiện. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu muốn chúng ta sống. Và tuyệt vời thay! Đó chính là ‘sự mới mẻ triệt để’ của Tin Mừng, và cũng là ‘hoa trái mới mẻ’ của Thánh Thần!

Anh Chị em,

“Đừng chống cự người ác!”; hay “Đưa cả má bên kia!”, Chúa Giêsu không khuyến khích chúng ta sống nhu nhược vốn là điều tối kỵ và ‘không phải cách’ của vô số ‘anh hùng’ màn bạc và đời thường. Bản thân Ngài đã trải nghiệm điều này, Ngài đáp trả sự tấn công ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Không là nạn nhân, nhưng là ‘chủ nhân’; Ngài hoàn toàn tự chủ! Không chọn bạo lực; Ngài chọn ‘bất bạo động chủ động’, vốn hiệu quả hơn, phù hợp hơn với lý tưởng tôn trọng con người và phẩm giá của nó, những con người mà Ngài muốn cứu độ! Trên thập giá, Ngài thua, nhưng Ngài đã phục sinh oai hùng bằng sức mạnh Thánh Thần. Vì thế, là con cái Chúa, chúng ta không sống theo bản năng, nhưng sống bản lĩnh đượm chất Tin Mừng! Chúng ta có quá đủ bằng chứng trong thế giới về ‘sự phá sản’ của một chu kỳ bạo lực và chống lại bạo lực, vốn không bao giờ kết thúc. Bạo lực không hề mặc cả; và sự trả thù cũng không hề ngọt ngào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con một nội tâm kiên định, để con chiến thắng ‘bản năng dã tâm’; dạy con đào tạo cho mình một ‘bản năng thánh thiện’ bằng việc nên giống Chúa mỗi ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thánh Thể , Nguồn mạch lòng thương xót
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:43 13/06/2022

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊSU
THÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH LÒNG THƯƠNG XÓT
St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17

1- Tình mẹ như tình Chúa

Trong vụ động đất kinh hoàng ở Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011, có một câu chuyện hết sức xúc động được lan truyền khắp thế giới mạng về một phụ nữ trẻ đã hy sinh thân mình để che chở và bảo vệ đứa con nhỏ của cô. Câu chuyện này khiến nhiều người phải thán phục trước tình mẫu tử thiêng liêng và tinh thần dũng cảm của người Nhật.

Số là khi lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể của một phụ nữ trẻ qua khe tường nhà sụp đổ. Nhưng tư thế cô như một người đang quỳ gối cầu nguyện, và hai tay đỡ lấy một vật gì đó. Họ tìm cách dỡ bỏ đống đổ nát ra. Bỗng nhiên một người phát hiện một em bé 3 tháng tuổi còn sống, được bọc trong một chiếc chăn hoa dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ này đã hy sinh để cứu con mình khi ngôi nhà sập. Sau khi mở tấm chăn, bác sĩ nhìn thấy một điện thoại di động bên trong và có một tin nhắn: “Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con.” Tin nhắn này được loan truyền khắp nơi.

Từ câu chuyện này, tôi muốn chúng ta suy nghĩ về lòng thương xót Chúa nơi Bí tích Thánh Thể. Bởi vì có một điều gì đó tương tự trong chuyện này và câu chuyện về Thánh Thể: chính là tình yêu, là lòng thương xót, là sự hy sinh vì người mình yêu mà Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta như người mẹ đã làm cho con mình.

2- Thánh Thể, tột đỉnh của lòng thương xót

Trong Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Chúa Giêsu Kitô là dung mạo của lòng thương xót Chúa Cha. Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm của Đức tin Kitô giáo. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Ðức Giêsu thành Nadarét, và đạt đến đỉnh cao nơi Người. Chúa Cha, Đấng “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), sau khi đã mạc khải danh Người với Môsê như là “một Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6), đã không ngừng thể hiện, bằng nhiều cách khác nhau trong suốt lịch sử, bản tính Thiên Chúa của Người. Vào “thời viên mãn” (Gl 4,4), Chúa Cha đã sai Con Một mình xuống thế gian, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, để biểu lộ tình yêu của Người cho chúng ta một cách dứt khoát. Bất cứ ai nhìn thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Chúa Giêsu thành Nadarét, qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của Người đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa” (MV số 1).

Nhưng tột đỉnh của tình yêu và lòng thương xót chính là việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể và bước vào cuộc tử nạn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục: “Khi Người thiết lập bí tích Thánh Thể như một tưởng niệm đời đời về chính mình và hy lễ vượt qua của mình, Chúa Giêsu đã đặt một cách biểu tượng hành động tối cao này của Mạc khải trong ánh sáng lòng thương xót của Người. Cùng trong một bối cảnh của lòng thương xót như thế, Chúa Giêsu đã bước vào cuộc thương khó và cái chết của Người, với ý thức về mầu nhiệm cao cả của tình yêu mà Người sẽ thành toàn trên thập tự giá” (số 7).

Quả thế, Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của lòng thương xót Chúa. Tin Mừng thánh Gioan minh chứng điều đó: Chúa Giêsu yêu thương chúng ta nên Người muốn cho chúng ta được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Người muốn ở với chúng ta luôn mãi (x. Mt 18,20). Người yêu chúng ta đến cùng (x. Ga 13,1), đến nỗi hiến mạng sống vì chúng ta (x. Ga 15,13). Người muốn chúng ta nên một với Người bằng cách ban chính Thịt và Máu Người làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu quả quyết: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,53-54).

Vì thế, khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta đón nhận chính Thiên Chúa. Chúng ta được nuôi sống bằng chính sự sống của Người. Cũng như khi tiếp nhận thức ăn vào trong bụng, chúng ta tiêu hóa thức ăn thành dinh dưỡng nuôi sống mình. Cũng thế, khi rước Chúa Giêsu vào lòng, chúng ta được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa; chúng ta có sự sống của Thiên Chúa; chúng ta được nên một với Thiên Chúa. Điều này lý giải tại sao chúng ta chỉ rửa tội một lần, nhưng chúng ta cần phải đón nhận Bí tích Thánh Thể nhiều lần. Bởi lẽ, Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta lớn lên, tăng sức mạnh, làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu mỗi ngày. Như thế, sau khi rước lễ, chúng ta có thể dám nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20)” (Gl 2,20).

Khi nói về sự biến đổi nhờ Thánh Thể, Nicholas Cabasilas viết: “Chúa Kitô hiến mình trong chúng ta và tan biến mình với chúng ta, nhưng Người thay đổi và biến đổi chúng ta nên giống Người, như một giọt nước nhỏ được biến đổi bởi được đổ vào trong biển cả của dầu thơm.”
Với một cách diễn tả khác trong tập thơ về Thánh Thể tựa đề Khúc hát về Thiên Chúa Ẩn Dấu, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho rằng con người mới, đời sống mới này được thực hiện nhờ Chúa Kitô Thánh Thể. Người viết:
“Và này một phép lạ xuất hiện
Một sự biến đổi:
Này Ngài trở nên con,
Con là Thánh Thể Ngài.”

Trong Thánh Thể, không có gì trong đời ta mà không thuộc về Chúa Kitô, như Chân Phước Êlisabét Chúa Ba Ngôi viết trong một lá thư gửi cho mẹ ngài: “Tân nương thuộc về Tân Lang; Tân Lang của con đã cưới con; Người muốn con thêm cho Người một nhân tính. Chúa Giêsu cũng đang nói với chúng ta: Ta đói khát con, Ta muốn sống trong con, vì thế, Ta cần sống trong các tư tưởng của con, trong mọi tình cảm của con; Ta cần sống qua thân xác con, qua cơ thể con, qua ước vọng mỗi ngày con; Ta cần con nuôi dưỡng theo cách thức mà con được Ta nuôi dưỡng!”

3- Hồng ân cao cả gắn liền với trách nhiệm

Trước Thánh Thể, chúng ta phải thốt lên rằng: Ôi thật là kỳ diệu và thật là an ủi biết bao khi nghĩ rằng con người của chúng ta trở thành con người của Chúa Kitô! Nhưng ân huệ này cũng đòi hỏi trách nhiệm và sự cố gắng của mỗi người: Nếu cặp mắt tôi trở thành cặp mắt Chúa Kitô và miệng tôi trở thành miệng Chúa Kitô, thì không có lý do nào có thể cho phép đôi mắt tôi thỏa thuê với những hình ảnh dâm dật trên phương tiện truyền thông truyền hình; không có lý do nào cho phép miệng lưỡi tôi nói lời những lời gian dối, lừa lọc, chống lại anh chị em mình, hay tôi dùng thân xác tôi phục vụ như một phương tiện của tội lỗi. Như Thánh Phaolô chất vấn: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao?” (1 Cr 6,15).

Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta được mời gọi lên rước Chúa vào lòng. Nhưng khi lên rước Chúa, chúng ta phải ở trong tình trạng ân sủng, nghĩa là sạch tội trọng. Thánh Phaolô viết: “Vì thế, ai ăn bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng, thì xúc phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11,27-29).

Như vậy, bí tích Thánh Thể là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nơi Thánh Thể, nguồn mạch Lòng Thương Xót Chúa trào dâng cho loài người. Chúng ta được mời gọi năng đến tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể để kín múc nguồn ơn Thương Xót và để đáp lại tình Chúa đã dành cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự thật trong bí tích Thánh Thể. Con kính mến Chúa trên hết mọi sự, và khao khát được rước Chúa vào linh hồn con. Con muốn kết hợp với Chúa và xin Chúa đừng bao giờ để con lìa xa Chúa. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Danh Ngài là Thương xót
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:44 13/06/2022

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊSU
DANH NGÀI LÀ THƯƠNG XÓT
St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17

Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Tình yêu đó đã trở thành thương xót khi Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ loài người. Xuyên qua lịch sử, Thiên Chúa mạc khải Người là vị Thiên Chúa thương xót qua danh thánh Giavê, qua danh thánh Giêsu và qua Giáo Hội.

1- “Giavê,” vị Thiên Chúa thương xót

Cựu Ước đã nhiều lần ghi lại kinh nghiệm gặp gỡ với vị Thiên Chúa thương xót, đặc biệt là kinh nghiệm của Môsê gặp gỡ vị Thiên Chúa tại núi Sinai. Sách Xuất Hành kể lại cuộc đàm đạo giữa Môsê với Thiên Chúa mà ông chưa biết tên. Ông hỏi tên Người là gì và Thiên Chúa mạc khải cho ông biết tên Người là Giavê, Đấng Tự Hiện Hữu, là “Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Ápbraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp” (x. Xh 3,1-15).

Trong tiếng Do Thái, “Giavê” diễn tả vị Thiên Chúa sống động và hiện diện bên cạnh con người để giải phóng họ; đó là Thiên Chúa gần gũi và sẵn sàng đáp cứu con người gặp cảnh khó khăn. Khi Thiên Chúa mạc khải tên chính là lúc mạc khải bản tính Người. Đó là vị “Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).

Lịch sử cứu độ là lịch sử của lòng thương xót mà Thiên Chúa thể hiện đối với con người, hơn là lịch sử của một vị Thiên Chúa nghiêm khắc, thích phạt và hủy diệt loài người.

Vì Thiên Chúa thương xót nên Người luôn sẵn sàng tha thứ mọi sự xúc phạm và tội lỗi của loài người. Thánh Vịnh gia nói: “Người tha thứ cho tất cả tội lỗi của bạn, Người chữa lành mọi bệnh tật của bạn, Người cứu chuộc bạn khỏi hố sâu, Người trao vương niệm cho bạn với tình yêu kiên định và lòng thương xót” (Tv 103,3-4).

Như thế, trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình là Đấng giàu thương xót. Đó chính là dung mạo đích thực của Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta.

2- “Giêsu,” hiện thân lòng thương xót

Với mầu nhiệm nhập thể làm người, lòng thương xót của Thiên Chúa có một dung mạo cụ thể và rõ ràng qua dung mạo của Đức Kitô.
Bởi thế, bắt đầu Tông Chiếu Misericordiae Vultus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có những lời rất ý nghĩa: “Chúa Giêsu Kitô chính là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Mầu nhiệm Kitô giáo được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Lòng thương xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Ðức Giêsu thành Nadarét, và đạt đến đỉnh cao nơi Người. Chúa Cha, Đấng “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4)… đã sai Người Con duy nhất đến thế gian… để mạc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Người. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (Ga 14,9). Đức Giêsu Nadarét đã mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người (Misericordiae Vultus, số 1).

Trong suốt cuộc đời tại thế, Đức Giêsu xuất hiện như là sứ giả của lòng thương xót Chúa Cha: khi thấy đám đông dân chúng bơ vơ không người chăn dắt, Người chạnh lòng thương họ cách sâu xa (x. Mt 9,36); khi thấy những người đau yếu bệnh hoạn tật nguyền, bị quỷ ám, Người chữa lành cho họ (x. Mt 14,14 tt; Mc 5,19); khi thấy những người tội lỗi cần hoán cải, Người chủ động đến gặp gỡ và giúp họ trở về như trường hợp của Mátthêu của Giakêu hay của Mađalêna v.v...

Tuy nhiên, nghĩa cử thương xót ấy đạt tới viên mãn nơi biến cố Chết và Phục Sinh của Đức Kitô. Tại đây, Con Thiên Chúa đã tự hạ mình cho đến cùng, trở thành người Tôi Tớ đau khổ, chịu chết trên thập giá, đổ máu đào để cứu độ loài người. Nơi thập giá, Người Mạc khải lòng thương xót Thiên Chúa một cách tuyệt vời nhất: Thiên Chúa cùng chịu đau khổ với chúng ta. Thiên Chúa chịu chết thay cho chúng ta để chúng ta được sống dồi dào. Và sự phục sinh của Đức Kitô là chiến thắng của lòng thương xót Chúa trên tội lỗi và oán thù.

Như thế, Đức Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót Thiên Chúa. Người đến không để hủy diệt nhưng để cứu chữa, và tìm lại những gì đã mất.

3- Điều kiện để đón nhận lòng thương xót

Điều kiện 1: nhận biết mình có tội và cần đến lòng thương xót: để đón nhận ơn tha thứ và thương xót, chúng ta phải thực sự có lòng sám hối. Nhìn nhận mình có tội và xin Chúa tha thứ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên: “Phải mở lòng với lòng thương xót, mở tâm hồn và bản thân ra, để Chúa Giêsu đến với mình bằng cách đi xưng tội trong Đức tin.”

Tất cả chúng ta đều là tội nhân cần đến lòng thương xót Chúa, chúng hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13). Chỉ cần chúng ta hoán cải, Thiên Chúa sẽ sẵn sàng tha thứ cho chúng ta.

Điều kiện 2: Hoán cải và thay đổi đời sống: Thiên Chúa hay thương xót nhưng không vì thế mà chúng ta muốn làm gì thì làm, sống thế nào thì sống. Để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải sám hối và hoán cải đời sống mình.
Nếu thiếu hoán cải đời sống, chúng ta biến ân sủng quý giá của Thiên Chúa thành một thứ ân sủng “rẻ tiền.” Như Đức Hồng Y Kasper cảnh báo: “Sự nguy hiểm của những việc như thế là biến ơn thánh quí báu của Thiên Chúa, vốn phải mua bằng giá máu của Người trên thập giá, thành thứ ơn phúc rẻ tiền, biến ơn thánh thành món hàng bán rẻ ở tầng hầm.”

4- Nơi để đón nhận lòng thương xót

Nơi 1: Bí tích Hòa Giải là tòa của lòng thương xót. Chúng ta hãy đến đó và xưng tội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đi xưng tội một cách công khai dù ngài là giáo hoàng. Ngài làm gương cho chúng ta.

Nơi 2: Thánh Thể, nguồn mạch của lòng thương xót Chúa. Tại đây, Đức Giêsu trở thành lương thực cho chúng ta. Chúa ban sự sống thần linh cho chúng ta. Hãy đến tham dự Thánh Lễ hằng ngày và hằng tuần. Nơi đó, chúng ta sẽ gặp lòng thương xót Chúa.

5- Kitô hữu, tên của lòng thương xót

Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy có lòng thương xót như Chúa Cha” (Lc 6,36). Nếu tên của Chúa là thương xót thì tên của chúng ta cũng phải phản ánh lòng thương xót Chúa. Chúng ta được mời gọi hãy sống và thực thi lòng thương xót Chúa trong môi trường sống của mình. Noi gương Đức Giêsu, chúng ta thực thi lòng thương xót đối với tha nhân bằng thái độ tôn trọng, cảm thương, bao dung và chia sẻ đối với những người xung quanh. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Đến Cùng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:46 13/06/2022
Thứ Hai sau Chúa Nhật XI TN – 1 V 21,1-16; Mt 5,38-42

Để sống đạo yêu thương đến cùng, xin mạn bàn về các nguyên nhân gây ra cái chết đau thương đầy bất công của Naboth mà bài đọc thứ nhất trích Sách các Vua tường thuật. Theo mạch văn câu chuyện chúng ta nhân ra năm nguyên nhân sau đây:

Nguyên nhân đầu tiên đó là lòng tham vô đáy của vua Acáp. Đã là vua của một nước thì của cải không thể thiếu, thậm chí còn thừa mứa đủ bề. Thế mà Acáp vẫn cứ tham cái vườn nho của Naboth. “Hãy nhượng vườn nho cho Ta, để ta làm vườn rau, vì nó gần đền ta: bù lại, ta sẽ đổi cho ngươi vườn nho khác tương đương”. Sự tham lam đã khiến vua Acáp xem “rau”, một loại thực phẩm nhỏ của mình lớn hơn cả “nho” là một nguồn sống lớn của Naboth và gia đình.

Nguyên nhân thứ hai đó là quyền lực. Hoàng hậu Giêzabel đã sử dụng quyền lực của chồng, dĩ nhiên có cả quyền lực của bà để thực hiện gian kế cướp vườn nho mà hậu quả thật đáng ghê sợ đó là cái chết của Naboth. Chính miệng lưỡi của bà đã vạch trần sự thật này: “Quyền thế nhà vua cao cả biết bao, và nhà vua cai trị nước Israel khéo như thế nào! Thôi, dậy ăn uống đi, và cứ yên tâm. Thiếp sẽ tặng cho nhà vua vườn nho của Naboth người Giêrahel”. Khi sự tham lam được hỗ trợ bằng quyền lực thì hậu quả thật khó lường.

Nguyên nhân thứ ba đó là luật lệ. Luật lệ, cách riêng luật xã hội dân sự có ra chủ yếu là để ổn định các mối tương quan xã hội, gìn giữ sự công bằng, bảo vệ kẻ cô thân, yếu thế, tránh tình trạng “mạnh được, yếu thua”, “cá lớn nuốt cá bé”. Luật tôn giáo cũng có vai trò như thế và còn thêm vai trò giúp tín hữu sống niềm tin của mình cách hữu hiệu. Tuy nhiên, vì là sản phẩm do tay con người làm ra nên nhân luật có sự giới hạn và sự bất cập của nó. Thực tế cho thấy đã và đang có đó tình trạng không ít người lợi dụng luật lệ để phục vụ gian kế, để hợp pháp hóa hành vi bất chính của mình. Bà Giêzabel đã lợi dụng luật “lời chứng của hai người” để hãm hại Naboth.

Nguyên nhân thứ tư đó là “những người vô lại”. Thời nào cũng có một số ít người được xếp vào hàng “vô lại” làm công cụ cho những người có quyền chức thực hiện những điều xấu xa. Lịch sử cho thấy nhiều người có quyền cao, chức trọng nếu thiếu lương tri hoặc độc tài thì thường thích sử dụng hạng người này làm công cụ. Hoàng hậu Giêzabel đã dùng hai người vô lại mà Kinh Thánh gọi là “con cái ma quỷ”, là “hạng quỷ sứ” để thực hiện gian kế của mình. Hai người vô lại này đã đứng ra làm chứng gian rằng Naboth đã “nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua”.

Nguyên nhân thứ năm đó là sự thiếu hiểu biết và cuồng tín của đám đông dân chúng. Kinh Thánh tường thuật rằng khi nghe “hai tên vô lại” cáo gian thì dân chúng vì thiếu hiểu biết và cuồng tín đã kéo Naboth ra khỏi thành và ném đá ông cho đến chết. Vườn nho của Naboth đã về tay Acáp bằng giá máu của người vô tội.

Ma quỷ không hề biết nghỉ ngơi. Đã lôi kéo con người thì chúng lôi kéo đến cùng. Chính vì thế sự gian ác của con người thường khó có điểm dừng. Để chống lại chước mưu độc hiểm của thần dữ, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải đi đến cùng trong tình yêu. Bài Tin Mừng Giáo hội cho nghe trích đọc hôm nay tường thuật những lời huấn dụ của Chúa Giêsu về điều này. Dùng lối nói theo văn phong ngoa ngữ, nghĩa là nói quá đi để nhấn mạnh điều muốn nói, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy vượt qua đòi hỏi sự công bằng giao hoán kiểu “mắt đền mắt răng đền răng” hầu có thể sống yêu thương cách triệt đễ, đến cùng. “Ai vả má bên này thì đưa cả má bên kia. Ai muốn đoạt áo ngoài thì đưa cả áo bên trong…”. Chính tình yêu đến cùng, không có biên giới mới là vũ khí chiến đấu chiến thắng sự gian tà, độc ác của thần dữ và những người theo chúng.

Yêu thương không chỉ là quảng đại chia sẻ những gì mình có cho tha nhân, giới hạn trong việc thương xác 7 mối là cho kẻ đói ăn, cho lẻ khát uống…mà còn phải thương linh hồn 7 mối là răn bảo kẻ có tội, mở dạy kẻ mê muội…Trước mặt Thượng tế Caipha khi một người lính vả mặt mình thì Chúa Giêsu đã không đưa cả má bên kia nhưng Người lại thẳng thừng: “Nếu tôi nói sai thì hãy chỉ ra sai chỗ nào, còn nếu tôi nói đúng thì tại sao lại đánh tôi” (x.Ga 18,23). Chính khi nhận diện rõ và mạnh dạn tố cáo nhiều nguyên nhân hình thành tội ác là chúng ta đang sống đạo yêu thương, đang chiến đấu với thần dữ và những người theo nó.

Hãy biết cẩn trọng với các hình thái tham lam. Cần đề phòng sự tham lam khi nó có quyền lực hỗ trợ. Biết tôn trọng luật lệ nhưng không được thượng tôn và nô lệ lề luật vì ngày Sabbat tức là luật lệ có ra vì con người chứ không phải con người có ra vì ngày Sabbat (x.Mc 2,27). Thời nào cũng có những người tự xếp vào “hạng vô lại”. Hãy nhận diện và canh phòng những người này. Nếu chưa có thể giúp họ hoán cải thì tốt hơn hãy lánh xa, chớ làm dịp cho họ dấn sâu vào tội ác. Và xin chớ cuồng tín, mê lầm mà cứ tưởng rằng mình đạo đức. Hãy sống đức tin cách trưởng thành trong sự ý thức và tinh thần trách nhiệm.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:08 13/06/2022

24. Con tín nhiệm Thiên Chúa càng lớn thì càng lâu dài, tất cả những gì con cầu xin thì thực hiện càng nhiều.

(St. Albertus Magnus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:11 13/06/2022
7. KHÔNG BỆNH CHẾT TRƯỚC

Khí hậu thất thường, bệnh dịch hoành hành, bệnh truyền nhiễm đến sáu loại súc vật nuôi trong nhà là ngựa, trâu, dê, gà, chó và heo.

Lúc ấy, sinh hoạt của người ngoại quốc càng cẩn thận hơn bình thường, khi kiểm tra bệnh của heo thì thông báo cho đồ tể rằng:

- “Phàm có giết heo thì đều phải qua kiểm nghiệm của bác sĩ ngoại quốc; phàm là heo bệnh thì cấm giết.”

Thế là, tất cả heo không bệnh đều đem đến cho đồ tể giết trước, trước khi chết chúng nó lao nhao nói:

- “Không ngờ bọn súc sinh bị bệnh thì lại được thọ mệnh”.

Một con heo nọ thở dài nói:

- “Đây vốn là lẽ thường của thiên hạ mà, các anh không thấy các ôn quan trên thế giới sao? Bá tánh ngày ngày mong mỏi cho chúng nó chết, thế mà chúng nó vẫn sống nhăn răng đấy chứ”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 7:

Có một vài người Ki-tô hữu có tư tưởng “mới lạ” rằng: “Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta, không phạt chúng ta trong tình trạng chúng ta đang mắc tội”, thế là họ tha hồ ăn chơi phung phí ân sủng của Thiên Chúa ban cho, thế là họ say đắm triền miên trong tội lỗi...

Đức Đức Chúa Giê-su đã cảnh cáo những người Biệt Phái và các kinh sư rằng: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải thì cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13, 1-6), câu cảnh cáo này của Đức Chúa Giê-su là để trả lời cho những người Ki-tô hữu có tư tưởng “mới lạ” ở trên vậy.

Thiên Chúa không phạt ai cả, vì Ngài rất nhân từ và yêu thương, nhưng đến kỳ Chúa định thì chúng ta đều phải chết, mà ai biết lúc nào thì chúng ta chết !

Chúng ta lo liệu hồn, đừng quá ỷ lại vào lòng nhân từ của Thiên Chúa mà coi thường sự công bằng của Ngài, bởi vì người dữ cũng chết mà người lành cũng chết, nhưng tình trạng sau khi chết của người dữ mới thật là khủng khiếp.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican xác nhận bản dịch mới về lời cầu xá giải
Đặng Tự Do
05:06 13/06/2022


Bản dịch tiếng Anh mới của lời cầu nguyện xá tội sẽ được thực hiện bắt đầu từ năm 2023 tại Hoa Kỳ.

Trong Hội nghị Mùa xuân của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, vào năm 2021, trong số nhiều hành động được các giám mục chấp thuận có “bản dịch mới của lời cầu xá giải”.

Bản dịch nguyên bản tiếng Latinh này đã được Vatican xác nhận gần đây, trong đó có một ít thay đổi.

Lời cầu nguyện mới sẽ được dùng chính thức vào năm 2023.

Bản dịch mới
Thiên Chúa, Cha của lòng thương xót,
nhờ cái chết và sự sống lại của Con Ngài
đã hòa giải thế gian với chính mình
tuôn đổ Thánh Thần giữa chúng ta để tha thứ tội lỗi;
nhờ tác vụ của Hội Thánh, xin Thiên Chúa ban cho con sự tha thứ và bình an,
và cha tha thứ tội lỗi của con
nhân danh Cha, và Con,
và Thánh Thần.

Bản dịch trước

Thiên Chúa, Cha của lòng thương xót,
nhờ cái chết và sự sống lại của Con Ngài
đã hòa giải thế gian với chính mình
sai Thánh Thần đến giữa chúng ta để tha thứ tội lỗi;
nhờ tác vụ của Hội Thánh, xin Thiên Chúa cho con sự tha thứ và bình an,
và cha tha thứ tội lỗi của con
nhân danh Cha, và Con,
và Thánh Thần.

Như thế, sự thay đổi diễn ra ở hai phần. Thứ nhất, thay vì nói “and sent the Holy Spirit among us for the forgiveness of sins” nghĩa là, “và sai Thánh Thần đến giữa chúng ta để tha thứ tội lỗi”, cha giải tội sẽ nói “and poured out the Holy Spirit among us for the forgiveness of sins;” nghĩa là “và tuôn đổ Thánh Thần giữa chúng ta để tha thứ tội lỗi;”.

Thứ hai, cha giải tội sẽ nói: “through the ministry of the Church may God grant you pardon and peace”, nghĩa là “nhờ tác vụ của Hội Thánh, xin Thiên Chúa ban cho con sự tha thứ và bình an,” thay vì “through the ministry of the Church may God give you pardon and peace”, nghĩa là “nhờ tác vụ của Hội Thánh, xin Thiên Chúa cho con sự tha thứ và bình an”.

Sự thay đổi là rất nhỏ, và phần thiết yếu của lời cầu nguyện xá tội vẫn được giữ nguyên.

Tuy nhiên, USCCB sẽ yêu cầu các linh mục ở Hoa Kỳ phải ghi nhớ một lời cầu nguyện mới khi ban phép xá giải khi các ngài giải tội vào năm 2023.
Source:Aleteia
 
Đức Thánh Cha Phanxicô từ chức? lý do để tin là có và lý do để tin là không</b>
Đặng Tự Do
05:08 13/06/2022


Trong bài báo nhan đề “Will Pope Francis resign? Here are some reasons to believe it—and some to be skeptical”, nghĩa là “Liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có từ chức hay không? Dưới đây là một số lý do để tin vào điều đó — và một số lý do để hoài nghi” được công bố trên tờ American Magazine, một tạp chí của Dòng Tên tại Mỹ, hôm 8 tháng 6, nhà báo Mỹ Colleen Dulle trình bày cả hai mặt của cuộc tranh luận về việc liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sớm từ chức hay không.

Dulle giải thích rằng: Đối với những người tin rằng triều đại giáo hoàng có thể kết thúc, sức khỏe suy giảm của Đức Phanxicô, sau cuộc phẫu thuật ruột kết vào mùa hè năm ngoái, và ngày càng phải ngồi xe lăn, là một yếu tố quan trọng. Các sự kiện đã được lên kế hoạch khác, chẳng hạn như việc tấn phong các Hồng Y một công nghị tấn phong Hồng Y vào ngày 27 tháng 8, ngay sau đó là một cuộc họp bất thường của các Hồng Y trên thế giới, cũng đã đổ thêm dầu vào lửa. Hơn thế nữa, thông báo cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện một chuyến đi đến L'Aquila, nơi chôn cất Đức Giáo Hoàng Celestinô Đệ Ngũ, vị giáo hoàng đầu tiên tự nguyện từ chức, đã “thổi bùng ngọn lửa suy đoán.”

Tuy nhiên, Dulle hoài nghi rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể từ chức, và đưa ra những lý do phản bác luận điểm này. Cô giải thích rằng thời gian bất thường của Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường có thể là để tiết kiệm tiền, vì “đi du lịch đến Rôma vào trái mùa du lịch rẻ hơn.” Cô cũng trích dẫn chuyến thăm dự kiến của ngài tới Kazakhstan vào tháng 9, cùng với những chuyến đi được đồn đại khác cho năm 2023. Cuối cùng, cô đề cập đến “sự thật đơn giản là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI vẫn còn sống.”

Tuy nhiên, nhà báo thừa nhận rằng “chắc chắn có khả năng giáo hoàng đang đặt nền móng cho việc từ chức trong tương lai” và có thể đơn giản là hiện tại “ngài đang để mắt đến đường chân trời”.

Sau khi đắc cử vào năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi quyết định từ chức của Đức Bênêđíctô XVI. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, ngài nói rằng “Đức Bênêđíctô là người đầu tiên và có thể sẽ có những người khác. Chúng ta không biết.”

Nhưng Đức Phanxicô chưa bao giờ nói rõ ràng rằng cá nhân ngài có ý định từ chức. Xin nói lại thêm lần nữa cho rõ ràng: Đức Phanxicô chưa bao giờ nói rõ ràng rằng cá nhân ngài có ý định từ chức. Chưa bao giờ.

Phát biểu sau cuộc phẫu thuật ruột kết vào năm 2021, ngài lưu ý rằng “Bất cứ khi nào Đức Giáo Hoàng bị ốm thì thế nào cũng có những cơn gió nhẹ hoặc những cơn cuồng phong về Cơ Mật Viện.”

Đề cập đến tin đồn từ chức bắt nguồn từ chính quê hương Á Căn Đình của ngài, Đức Thánh Cha nói thêm: “Tôi không biết họ lấy đâu ra từ tuần trước rằng tôi sẽ từ chức! Không rõ từ lời nào mà họ như thế hiểu ở đất nước tôi? Đó là nơi mà tin đồn này xuất phát từ. Và họ nói rằng đó là một sự náo động, trong khi điều đó thậm chí không hề xuất hiện trong tâm trí tôi”.
Source:Aleteia
 
Đức Thánh Cha Phanxicô thảo luận về chiến tranh Ukraine với người đứng đầu Ủy ban Âu Châu
Đặng Tự Do
05:09 13/06/2022


Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thảo luận về cuộc chiến Ukraine với chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen.

Người đứng đầu cơ quan hành pháp của Liên minh Âu Châu, một liên minh kinh tế và chính trị của 27 quốc gia thành viên, cũng đã gặp gỡ vào ngày 10 tháng 6 với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh. Đức Tổng Giám Mục đã đến thăm Ukraine vào tháng 5.

Văn phòng báo chí Tòa thánh cho biết: “Trong các cuộc thảo luận thân mật được tổ chức tại Phủ Quốc vụ khanh, các bên đã tập trung vào mối quan hệ song phương tốt đẹp và cam kết chung làm việc để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, đặc biệt quan tâm đến các khía cạnh nhân đạo và hậu quả lương thực khi cuộc xung đột vẫn tiếp diễn. “

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nói thêm rằng hai bên cũng đã giải quyết các kết luận của Hội nghị về Tương lai của Âu Châu, một loạt các cuộc tranh luận “do người dân lãnh đạo” từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022 mà đỉnh điểm là một báo cáo về triển vọng của châu lục.

Các vị cũng phản ánh về “hậu quả đối với cấu trúc tương lai” của Liên Hiệp Âu Châu.

Tweet sau buổi tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng của mình, Ursula von der Leyen, người Đức theo Tin lành Lutheran, bà mẹ 7 người con, cho biết bà “thực sự vui mừng” được gặp lại Đức Giáo Hoàng, sau một buổi tiếp kiến riêng vào tháng 5 năm 2021.

Bà viết: “Chúng tôi sát cánh với những người đang chịu đựng sự tàn phá ở Ukraine. “Cuộc chiến này phải kết thúc, hòa bình cho Âu Châu phải được tái lập.”

Von der Leyen, người đã đến thăm thủ đô Kyiv của Ukraine vào tháng 4, đã phát biểu vào ngày 9 tháng 6 tại phiên khai mạc của một hội nghị do Học viện Khoa học Giáo hoàng tổ chức.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp giám đốc Yad Vashem
Đặng Tự Do
17:13 13/06/2022


Dani Dayan, giám đốc Đài tưởng niệm Thảm sát Yad Vashem ở Giêrusalem, đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào ngày 9 tháng 6 trong một buổi tiếp kiến riêng. Tờ The Times of Israel lưu ý rằng đó là một cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Yad Vashem và Đức Giáo Hoàng diễn ra ở Tòa Thánh, mặc dù các cuộc gặp gỡ giữa các vị Giáo Hoàng và Yad Vashem đã diễn ra tại Israel khi các ngài đến thăm nơi đây.

Tờ báo giải thích rằng cuộc họp tập trung vào “ký ức, giáo dục và tư liệu về Holocaust cũng như cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và phân biệt chủng tộc trên thế giới.”

Ba vị giáo hoàng - Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Gioan Phaolô II - đã đến thăm đài tưởng niệm, được mở cửa vào năm 1953 để tưởng nhớ tội ác diệt chủng xảy ra trong Thế chiến II.

Dani Dayan giải thích việc Đức Thánh Cha dành cho Yad Vashem cuộc tiếp kiến này là một dấu hiệu của sự quan tâm. Ông giải thích rằng ông đã trình bày cho Đức Giáo Hoàng các dịch vụ của tổ chức của mình và chuyển một thông điệp từ Tổng thống Isaac Herzog, mời Đức Phanxicô thăm lại Israel.

Haivị cũng thảo luận về việc khai trương kho lưu trữ của Vatican về triều đại Giáo hoàng của Đức Piô XII vào năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh được đánh dấu bằng việc nhà sử học David Kertzer xuất bản một cuốn sách gần đây.
Source:Aleteia
 
Bài bình luận của ĐHY Timothy Dolan trên tờ Wall Street Journal về tình hình xã hội Hoa Kỳ hiện nay
Đặng Tự Do
17:15 13/06/2022


Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, đã có một bài bình luận về tình hình xã hội Hoa Kỳ hiện nay trên tờ Wall Street Journal với nhan đề “Abortion, Guns and the ‘Throwaway Culture’”, nghĩa là “Phá thai, Súng và 'Văn hóa Vứt bỏ'“.

Giống như rất nhiều người khác, tôi rất đau lòng trước bạo lực súng đạn vô nghĩa đã cướp đi sinh mạng của những nạn nhân vô tội trong những tuần gần đây. Tổn thất là không thể đong đếm được. Người Mỹ thuộc tất cả các phe chính trị đang đau buồn và khẩn khoản cầu xin Chúa với câu hỏi khi nào đất nước thân yêu của chúng ta sẽ khôi phục lại sự tôn trọng đối với sự sống của con người.

Thật không may, hệ thống chính trị của chúng ta dường như đã bị phá vỡ, khi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ hoạt động trong các hầm chứa và thấy thu được nhiều lợi ích chính trị nơi những sự bất hòa hơn là nơi những đồng thuận. Kết quả là cả hai bên đều bác bỏ các chính sách củng cố cái mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là văn hóa sự sống và thay vào đó chấp nhận cái mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là văn hóa vứt bỏ, mở rộng đến cả con người.

Trong số những người theo Đảng Cộng hòa, chúng tôi thấy điều đó ở việc từ chối xem xét các đề xuất được phổ biến rất rộng rãi nhằm giúp tăng cường an toàn súng. Trong số những người theo Đảng Dân chủ, chúng ta thấy nó đang có xu hướng điên cuồng mở rộng việc phá thai, ngay cả ở những tiểu bang không thể mở rộng hơn nữa.

Hãy lấy tiểu bang của tôi, New York, làm ví dụ. Các nhà lập pháp ở Albany gần đây đã cố gắng thông qua một gói dự luật được thiết kế để tăng cường hoạt động phá thai. Những đề xuất này hầu như không hỗ trợ những phụ nữ mang thai đang sợ hãi và choáng ngợp, những người có thể tìm kiếm các biện pháp thay thế cho việc phá thai, nếu họ biết rằng tồn tại những biện pháp như thế. Chưa hết. Với việc Tòa án Tối cao đã sẵn sàng đưa ra một quyết định có thể cho phép các tiểu bang bảo vệ mạng sống con người bơ vơ trong bụng mẹ, các nhà lập pháp New York đã nhìn thấy một cơ hội chính trị. Họ đã đóng dấu để biến tiểu bang này thành một “thánh địa” phá thai. Họ đã thông qua các biện pháp để bảo vệ những người phá thai khỏi trách nhiệm pháp lý và khuyến khích phụ nữ từ các bang khác đến đây để chấm dứt cuộc sống của những đứa con của họ. Thống đốc Kathy Hochul đã đơn phương phân bổ hàng triệu đô la đóng thuế cho các cơ sở phá thai để chào đón phụ nữ từ các tiểu bang khác.

Chuyện gì tiếp theo? Liệu họ có thêm phòng khám phá thai vào sách hướng dẫn du lịch có tựa đề “I Love NY”, cùng với các nhà máy bia thủ công và các điểm đến nghỉ ngơi cuối tuần không? Có ai sẽ ngạc nhiên nếu họ làm như vậy không?

Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. Ngoài các luật mới khuyến khích phá thai, Cơ quan Lập pháp cũng thông qua một biện pháp được thiết kế để loại bỏ các lựa chọn phò sinh. Dự luật đó, hiện đang chờ thống đốc ký, sẽ yêu cầu ủy viên y tế tiểu bang “nghiên cứu” các trung tâm trợ giúp mang thai, là những nơi tồn tại để cung cấp cho phụ nữ mang thai đang gặp khủng hoảng một giải pháp thay thế thực sự cho việc phá thai. Mục đích của biện pháp này là nhằm đe dọa những tổ chức tuyệt vời này với lệnh đóng cửa.

Đây là sự bác bỏ hoàn toàn “sự lựa chọn” mà các đại diện được bầu nói rằng họ ủng hộ. Đâu là lựa chọn cho những bà mẹ mang thai trẻ, thường là người Mỹ gốc Phi hoặc Latinh, rất muốn giữ lại đứa con của mình nhưng lại gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà, dọn đồ ăn lên bàn và đổ đầy bình xăng? Tôn nghiêm của cô ấy là ở chỗ nào? Liệu câu trả lời duy nhất cho cô ấy có phải là tiêu diệt những đứa con của mình không? Và đâu là tôn nghiêm dành cho đứa trẻ bơ vơ trong bụng mẹ, đâu sẽ là nơi an toàn nhất cho chúng? Nó không thể là “cả hai và” chứ không phải là “một trong hai hoặc” khi nói về người mẹ và đứa con của cô ấy? Theo các đảng viên Dân chủ được bầu của bang chúng tôi, câu trả lời dường như là không.

Đảng Cộng hòa chia sẻ trách nhiệm chính trị. Vào cuối phiên họp lập pháp, các đảng viên Cộng hòa được bầu ở New York đã phản đối một loạt các luật an toàn súng mới quan trọng đã được thông qua, hứa hẹn sẽ tăng độ tuổi hợp pháp để mua súng trường bán tự động và củng cố luật cờ đỏ của bang. Anh em giám mục của tôi và tôi rất vui khi ủng hộ những sáng kiến quan trọng này, tất cả đều nhằm mục đích cứu sống, cũng như chúng tôi kiên quyết phản đối luật phá thai mới.

Làm thế nào sẽ có thể duy trì một nền văn hóa bất bạo động và an toàn khi một bên tiếp tục hoan nghênh và cổ vũ việc giết những đứa trẻ không có khả năng tự vệ trong bụng mẹ và bên kia thực tế coi thường vũ khí và bác bỏ ngay cả những quy định thông thường nhất về chúng?

Triển vọng trông có vẻ ảm đạm, nhưng tôi đang hy vọng. Tôi yêu cầu người dân New York thuộc mọi tín ngưỡng hãy cùng tôi cầu nguyện rằng các nhà lập pháp của chúng ta sẽ nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của họ trong việc tôn trọng và bảo vệ cuộc sống con người.
Source:Wall Street Jounal
 
Nhật ký trừ tà số 193: Ma quỷ phá phách tu viện kế bên Capitol
Đặng Tự Do
17:16 13/06/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #193: Satan Witnesses to the Power of Prayer to End Abortion”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 193: Satan làm chứng cho sức mạnh của lời cầu nguyện để chấm dứt phá thai”.

Vị linh mục trừ tà địa phương đã nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ Tu viện. Sáng hôm đó, các Sơ thức dậy và đi xuống nhà nguyện của mình. Các sơ thấy nhà tạm bằng gỗ của họ bị lộn ngược trên sàn, nhưng Thánh Thể vẫn còn nguyên trong Mặt Nhật đứng thẳng bên cạnh. Các nữ tu đã bị hoảng sợ.

Cửa vào Tu viện của các nữ tu đã được khóa an toàn vào đêm hôm trước và vẫn được khóa kiên cố vào buổi sáng. Hơn nữa, một số ít các nữ tu, tất cả đều có đức tin mạnh mẽ, đã không bị đánh thức bởi bất kỳ âm thanh nào trong suốt đêm. Nhà tạm đã được bắt chặt vào bàn và phần đế của nó giờ đã bị tách ra làm đôi. Việc tách phần đế của nhà tạm và lấy nó ra khỏi bàn không thể được thực hiện một cách lặng lẽ. Nó sẽ phải bị giật mạnh khỏi phần đế của nó và tạo ra âm thanh rằng lớn. Tóm lại, những gì đã xảy ra là không thể xảy ra một cách bình thường, như nhà trừ tà đã nhanh chóng phỏng đoán.

Nếu cuộc tấn công là của ma quỷ, như tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra điều đó, tại sao những con quỷ lại chọn tu viện? Các nữ tu sống cách Tòa nhà Quốc hội một đoạn ngắn và không xa một phòng khám phá thai. Các nữ tu là một sự hiện diện trầm lặng và có khuynh hướng ủng hộ cuộc sống rõ ràng, tham gia tích cực vào các sự kiện ủng hộ phò sinh tại địa phương. Trước nguy cơ lật ngược phán quyết Roe chống Wade, gần đây đã có một số người ủng hộ việc phá thai biểu tình trước Điện Capitol để phản đối. Những cuộc biểu tình như vậy có phải là khúc dạo đầu của ma quỷ không?

Việc Satan chọn cách quấy rối các nữ tu này một cách hiển nhiên như vậy cho chúng ta biết một số điều:

* Khả năng Roe vs. Wade bị lật ngược là một mối đe dọa rất lớn đối với vương quốc bóng tối của Satan. Một cách khác thường, nó đã đột phá ra khỏi chỗ ẩn nấp để đe dọa các nữ tu một cách rõ ràng. Nó chắc hẳn đang rất tuyệt vọng.

* Kẻ ác nhận ra sức mạnh của lời cầu nguyện và chứng tá của các nữ tu, và tin rằng điều cần thiết là phải ngăn chặn họ hoàn thành mục tiêu của mình. Có lẽ chính lời cầu nguyện như vậy, và những điều khác nữa, đang xoay chuyển tình thế.

* Trong khi Thiên Chúa cho phép Sa-tan phá nhà tạm của các nữ tu, thì Ngài không cho phép Sa-tan đụng chạm hoặc xúc phạm đến Bí tích Thánh Thể. Nó vẫn còn nguyên vẹn và đứng thẳng trong không gian. Chúa Giêsu là Chúa!

Đầu tiên, nhà trừ tà dọn dẹp nhà nguyện và ngôi nhà của họ, sử dụng những lời cầu nguyện giải cứu của Đức Giáo Hoàng Leo XIII được tìm thấy trong nghi lễ trừ tà. Rồi ngài nói với các nữ tu, “Đây chỉ là những trò hề của ma quỷ. Đừng để chúng làm các sơ sợ hãi. Đó là mục tiêu của Satan: nó khiến các sơ sợ hãi lùi bước. Thay vào đó, điều này gợi ý rằng bất cứ điều gì các sơ đang làm đều quan trọng về mặt tinh thần và các sơ phải làm nhiều hơn thế! Sự quấy rối của Satan là sự xác nhận đối với các sơ và tầm quan trọng của lời cầu nguyện của các sơ”.

Tất cả những gì Satan làm, phần lớn xảy ra là do sự mất tinh thần và thịnh nộ của hắn, đều là nhân chứng cho Sự thật và làm chứng cho sự hủy diệt của chính hắn. Để Nước Thiên Chúa đắc thắng, chỉ cần một số ít trái tim trung thành chuyên tâm cầu nguyện và hiệp nhất trong Chúa Thánh Thể.
Source:Catholic Exorcism
 
Các sự kiện lịch sử bị những người công kích Đức Piô XII làm ngơ
Vũ Văn An
22:36 13/06/2022

Từ ngày Giáo Hội Công Giáo chính thức mở văn khố liên quan đến triều Giáo Hoàng của Đức Piô XII, nhiều học giả đã cho phổ biến nhiều tài liệu để chứng tỏ quan điểm cố hữu của họ là ngài không hề lên tiếng phê phán Quốc Xã và chính sách tàn sát người Do Thái của chúng.



Dĩ nhiên các tài liệu họ trưng dẫn đều có thật. Chỉ có điều đó là những tài liệu trong số hàng triệu tài liệu mà họ không đọc hay có đọc mà cố tình làm ngơ vì nó không vào khuôn với những định kiến có sẵn của họ về vị Giáo Hoàng này. Và nếu xét rộng hơn thì sử gia không thể dựa vào một sự kiện, vào một thời gian và nơi chốn đặc thù nào đó để có thể đánh giá đúng một triều Giáo Hoàng dài đến gần 20 năm và đầy các biến động như triều Giáo Hoàng của Đức Piô XII.

Để rộng đường phân định, chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy một số sự kiện lịch sử liên quan tới vị giáo hoàng mà Giáo Hội Công Giáo đã nhìn nhận là Đấng Đáng Kính, nhưng bị những người phê phán ngài làm ngơ.

Thông điệp Giáng sinh 1942

Trước nhất là các thông điệp truyền thanh. Như bài Nhận định ý thức hệ một chiều của David Kertz đối với lập trường của Đức Piô XII trong Thế chiến II trên Vietcatholic ngày 11 tháng 6, 2022 đã viết: Đức Piô XII là vị Giáo Hoàng đầu tiên dùng đài phát thanh Vatican để truyền đi các thông điệp Giáng sinh của ngài. Thông điệp Giáng sinh 1942 đã lên án chính sách kỳ thị và sát hại dựa trên yếu tố tôn giáo và chủng tộc của Quốc Xã.

Tuy nhiên, trước đó, theo hãng thông tấn Jewish Telegraphic Agency (JTA) trên bản tin ngày 24 tháng Giêng năm 1940 (https://www.jta.org/archive/nazi-atrocities-in-poland-held-affront-to-mankind-in-vatican-broadcast), “Đài phát thanh Vatican hôm qua đã phát đi một bài tố cáo thẳng thừng các hành động tàn bạo và ngược đãi của người Đức ở Ba Lan bị Quốc xã chiếm đóng; đài này tuyên bố rằng chúng xúc phạm đến ‘lương tâm đạo đức của nhân loại’. Chương trình phát sóng đã trích dẫn ‘chứng từ đáng tin cậy của những người chứng kiến tận mắt các nỗi kinh hoàng và sự thái quá không thể bào chữa được gây ra cho những người không nơi nương tựa và vô gia cư, cũng như hòa bình và khiêm tốn như bất cứ người nào ở châu Âu’.

Đề cập đến việc áp bức ở Ba Lan do Nga chiếm đóng, chương trình phát sóng tiếp tục: ‘Thậm chí còn bạo lực và kiên quyết hơn là cuộc tấn công vào công lý và sự thích đáng sơ đẳng ở một phần của đất nước Ba Lan quy phục đã rơi vào tay chính quyền Đức. Phần giàu có nhất của Tây Ba Lan đang bị đánh cắp một cách thô lỗ từ người Ba Lan và chuyển giao cho người Đức khi các chủ sở hữu thực sự bị nhồi nhét trong những chuyến tàu hôi thối chở đến vùng Warsaw bị chiến tranh tàn phá….

Một hệ thống trục xuất và định vùng bên trong đang được tổ chức vào một trong những Mùa đông khắc nghiệt nhất của Châu Âu về các nguyên tắc và phương pháp chỉ có thể mô tả là tàn bạo. Và nạn đói nghiêm trọng khiến 70% dân số Ba Lan phải đương đầu khi lượng thực phẩm và phương tiện dự trữ của họ bị chuyển đến Đức để bổ sung kho lẫm ở đấy. Người Do Thái và người Ba Lan đang bị dồn vào những khu biệt lập riêng, bị giam kín một cách chặt chẽ và không thỏa đáng đối với sự sinh tồn kinh tế của hàng triệu người sống ở đó.... Người ta đã thêm vào trách nhiệm đáng sợ và lớn lao một sự lăng nhục nặng nề nữa đối với lương tâm đạo đức của nhân loại, một sỉ nhục khinh thường luật pháp của các quốc gia, một nhát gươm nữa mở toang trái tim vị cha chung của gia đình Kitô giáo, người vốn đau buồn với Ba Lan thân yêu của ngài và cầu xin một nền hòa bình thích đáng và công bằng từ ngai ân sủng. "

Rõ ràng nội dung cuộc phát tuyến trên do lệnh của Đức Piô XII. Giáng sinh 1942, chính ngài lên tiếng một cách chính thức bằng một thông điệp dài tới 24 trang. Theo từ điển mở Wikipedia, từ tháng 5 năm 1942, Quốc Xã bắt đầu chính sách Final Solution, hay Diệt Chủng, đối với người Do Thái. 7 tháng sau, Đức Piô XII đọc thông điệp Giáng Sinh của ngài.

Thông điệp dài tới 26 trang, hơn 5 ngàn chữ, phải 45 phút mới đọc xong. Phần lớn thông điệp nói tổng quát tới nhân quyền và xã hội dân sự. Sau khi tỏ lòng mong ước mọi người cương quyết đưa ra lời thề hứa long trọng sẽ không an nghỉ “cho tới lúc ở mọi dân tộc và ở mọi quốc gia trên trái đất, một liên minh rộng lớn sẽ được thành lập từ những nhóm người này, những người, có xu hướng muốn đưa xã hội trở lại với tâm điểm sức hút của nó tức luật Thiên Chúa, vốn có khát vọng phục vụ nhân vị và cuộc sống chung được Thiên Chúa ban phẩm giá của họ”, ngài rõ ràng chĩa mũi dùi vào Quốc Xã: “Nhân loại nợ lời thề hứa này với hàng trăm ngàn người, tuy không có lỗi gì, đôi khi chỉ vì quốc tịch hay sắc tộc, đã và đang bị qui cho cái chết hay từ từ hủy diệt”

Chỉ có bấy nhiêu dòng, và dù không đích danh nêu tên Quốc Xã hay người Do Thái, nhưng trong bối cảnh Diệt Chủng, không ai lại không hiểu lời đó nhằm lên án cuộc Diệt Chủng Do Thái của Quốc xã.

Nhận định về thông điệp trên, tờ New York Times hồi ấy (xin xem https://www.catholicleague.org/the-new-york-times-editorials-praising-pope-pius-xii/), nhận định rằng: “Hơn bao giờ hết, Lễ Giáng sinh này Đức Piô XII là tiếng nói đơn độc la lên giữa sự im lặng của một lục địa. Bục giảng từ đó ngài lên tiếng, hơn bao giờ hết, giống như Đá Tảng trên đó Giáo Hội đã được xây dựng, một hòn đảo tí hon bị đánh phá và bao vây bởi đại dương chiến tranh. Trong những hoàn cảnh ấy, đúng hơn, trong bất cứ hoàn cảnh nào, không ai mong đợi Đức Giáo Hoàng lên tiếng như một nhà lãnh đạo chính trị, hay như một nhà lãnh đạo chiến tranh, hay trong bất cứ vai trò nào khác hơn vai trò một vị giảng thuyết được sắp đặt đứng trên mọi trận tuyến, buộc phải giữ tính vô tư, như chính ngài cho biết, đối với mọi và sẵn lòng hợp tác vào bất cứ trật tự nào miễn là đem lại một nền hòa bình công chính.

Nhưng chính vì Đức Giáo Hoàng nói với và theo một nghĩa nào đó thay cho mọi dân tộc lâm chiến, nên lập trường rõ ràng của ngài đối với các vấn đề căn bản của cuộc xung đột có sức nặng và thẩm quyền lớn hơn. Khi một nhà lãnh đạo bị buộc phải vô tư với các quốc gia ở cả hai bên lên án là dị giáo hình thức nhà nước quốc gia mới, buộc mọi sự phải phục tùng mình: khi ngài tuyên bố rằng bất cứ ai muốn hòa bình phải bảo vệ chống 'các cuộc tấn công tùy tiện', cho 'sự an toàn hợp pháp của các cá nhân'; khi ngài lên án bạo lực chiếm đóng lãnh thổ, lưu đày và bắt bớ con người không vì lý do gì khác ngoài chủng tộc hoặc quan điểm chính trị; khi ngài nói rằng mọi người phải đấu tranh cho một nền hòa bình công bằng và thích đáng, một 'nền hòa bình hoàn toàn' - 'sự phán đoán vô tư' giống như một phán quyết tại một tòa án công lý cấp cao.

Đức Giáo Hoàng Piô phát biểu một cách say mê, như bất cứ nhà lãnh đạo nào ở phía chúng ta, mục tiêu của cuộc chiến là đấu tranh cho tự do khi ngài nói rằng những ai hướng tới việc xây dựng một thế giới mới phải đấu tranh cho việc tự do lựa chọn chính phủ và trật tự tôn giáo của họ. Họ phải bác bỏ việc nhà nước biến các cá nhân thành một bầy đàn mà nhà nước có thể vứt bỏ nếu họ trở thành hết sinh khí”.

Ấy thế mà cũng tờ New York Times này năm 2022 thay đổi hẳn tác phong. Trong ngày ra mắt cuốn sách mới xuất bản của Kerzt, Jason Horowitz của tờ này, ngày 27 tháng 5, 2022, gọi Tòa Thánh là “đại bản doanh xưa của Tòa Án Dị Giáo Rôma Thánh thiện”, là “một trong những định chế tăm tối nhất trần gian”, gọi Kertz là “người đao bới hữu hiệu nhất các tội lỗi giấu kín của Vatican”, “một học giả đày thận trọng” (xem https://www.nytimes.com/2022/05/27/world/europe/vatican-history-secrets-david-kertzer.html).

Harold Hilgard Tittmann, Jr., đại diện Tổng thống Roosevelt bên cạnh Tòa Thánh, tuy làm áp lực để Đức Piô XII nói mạnh hơn, nhưng đã đánh điện tín cho Bộ Ngoại Giáo Hoa Kỳ rằng “xét chung, thông điệp được coi như lời kết tội chủ nghĩa toàn trị. Mặt khác, việc nhắc đến cuộc bách hại và các cuộc trục xuất hàng loạt người Do Thái là điều không thể lầm lẫn được”.

Thông điệp có tiếng vang mạnh nơi Giáo Hội Hòa Lan. Đức cha Johannes de Jong, Tổng Giám Mục Utretch, coi thông điệp đó như dấu hiệu để người Công Giáo công khai đối đầu với Quốc Xã. Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Hoà Lan sau đó cho là đã “theo nẻo đường Đức Thánh Cha vạch ra”, nhưng thư mục vụ đi xa đến nỗi đã chỉ đích danh Quốc Xã và kết quả là sau đó, chiến dịch bách hại người Công Giáo và Do Thái Hòa Lan lên cao độ.

Đức Cha Konrad von Preysing của Berlin coi thông điệp đó nói tới người Do Thái, nhưng cho rằng chưa nói rõ đủ. Người Công Giáo Ba Lan cũng cho rằng Đức Giáo Hoàng nên chỉ đích danh kẻ gây kinh hoàng.

Tony Humeston (http://www.catholicmessenger.net/2010/12/popes-1942-christmas-message-offered-hope/) thuật lại phản ứng của xứ đạo ông ở Hoa Kỳ ngày Giáng sinh 1942: “Cha Heinen nói về cuộc chiến kinh hoàng và lòng can đảm của Đức Giáo Hoàng Piô XII. Ngài nói với chúng tôi thông điệp Giáng Sinh của Đức Giáo Hoàng là một lời tố cáo gay gắt việc Quốc Xã đối xử với người Do Thái, và Đức Giáo Hoàng đọc thông điệp đó trong lúc đang ở Rome bị bao vây bởi bọn Quốc Xã và Phátxít”. Humeston nhắc đến nội dung bài nhận định của tờ New York Times như trên.

Riêng với Đức thì sao, họ hiểu thông điệp của Đức Piô XII như thế nào? Giáo sĩ Do Thái David G. Dalin (https://www.catholiceducation.org/en/controversy/common-misconceptions/a-righteous-gentile-pope-pius-xii-and-the-jews.html) cũng như học giả và giáo sư luật Ronald Rychlak (https://www.eurasiareview.com/10042018-the-flaws-in-cnns-episode-on-pius-xii-oped/) đều quả quyết rằng theo một phúc trình của Văn phòng An ninh Cao cấp của Heinrich Himmler “Một cách chưa từng biết trước đây, Giáo Hoàng đã bác bỏ Trật tự Âu châu Mới của Quốc Xã... Đúng là Giáo Hoàng không nhắc đích danh những người Quốc Xã ở Đức, nhưng ngôn từ của ông ta là một cuộc tấn công dài chống lại mọi điều chúng ta đại diện cho... Ông ta nói Thiên Chúa coi mọi người và mọi chủng tộc đều đáng được xem xét như nhau. Ở đây, ông ta rõ ràng nói thay cho người Do Thái... Ông ta gần như tố cáo dân tộc Đức bất công đối với người Do Thái, và tự biến ông ta thành cái loa cho những tên tội phạm chiến tranh Do Thái”.

Giáo sĩ Do Thái Dalin viết thêm rằng trong bài giảng Lễ Phục sinh năm 1940, Đức Piô XII lên án việc Quốc Xã ném bom các công dân, người già và ốm đau, cùng các trẻ thơ vô tội. Ngày 11 tháng 5, 1940, ngài công khai kết án cuộc xâm lược Bỉ, Hòa Lan, và Lục Xâm Bảo. Tháng 6, 1942, ngài lớn tiếng chống lại việc trục xuất hàng loạt người Do Thái khỏi Pháp lúc đó do Đức chiếm đóng, đồng thời chỉ thị cho sứ thần Tòa Thánh ở Paris phản đối Thống chế Henri Pétain vì “vô nhân đạo giam giữ và trục xuất người Do Thái khỏi các vùng Nước Pháp bị chiếm đóng tới Silesia và nhiều phần của Nga”.

Tờ The London Times, ngày 1 tháng 10, 1942, minh nhiên ca ngợi ngài đã lên án Quốc Xã và công khai trợ giúp người Do Thái nạn nhân của khủng bố Do Thái. Tờ báo này viết: “Một nghiên cứu lời lẽ Đức Piô XII từng phát biểu từ ngày mới lên ngôi sẽ không chừa chỗ cho hoài nghi. Ngài lên án việc tôn tờ bạo lực và các biểu hiện cụ thể của nó trong việc dẹp bỏ các tự do quốc gia và trong việc bách hại chủng tộc Do Thái”.

Nói về những phát biểu chống Quốc Xã của Đức Piô XII, Kate Guilfoyle, trên tuần san The Catholic Weekly của tổng giáo phận Sydney (https://www.catholicweekly.com.au/pius-xii-the-pope-who-fought-hitler/) ngày 18 tháng 10 năm 2018, dựa vào nhà ngoại giao và sử học Do Thái Pinchas Lapide, đã liệt kê nhiều phát biểu như thế: trong số 44 bài diễn văn giữa năm 1917 và năm 1929, ít nhất 40 bài có nội dung chống Quốc Xã hoặc lên án các lý thuyết của Hitler. Tháng 3 năm 1935, Đức Hồng Y Pacelli viết một thư ngỏ cho Tổng Giám Mục Cologne, gọi những tên Quốc Xã là “các tiên tri giả với sự kiêu ngạo của Lucifer”. Ngày 28 tháng 4, 1935, tại Lộ Đức trong Tam nhật Thánh thể, trước 250,000 tới 350,000 khách hành hương, vị Giáo Hoàng tương lai Piô XII lên án những tên Quốc Xã ý thức hệ chỉ chuyên: “đạo văn một cách vụng về, mặc cho các sai lầm xưa bộ áo mới. Bất kể có phải chúng tập họp quanh lá cờ cách mạng xã hội, bất kể có phải chúng bị hướng dẫn bởi quan niệm sai lạc về thế giới và sự sống hay chúng bị ám ảnh bởi mê tín chủng tộc và tôn thờ dòng máu”. Ngày 13 tháng 7 năm 1937, tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris, trước hàng ngàn khách hành hương, ngài mô tả bọn Quốc Xã như “những lãnh tụ xấu xa của dân tộc cao thượng và hùng mạnh đó muốn dẫn dân tộc này ra sai lạc đi vào việc thờ ngẫu thần chủng tộc”.

Theo Lapide, ai cũng biết Đức Hồng Y Pacelli, tức Đức Piô XII trong tương lai, đứng đàng sau thông điệp Mit Brennender Sorge (“với nỗi lo âu cháy lòng”), minh nhiên lên án chủ nghĩa Quốc Xã của Đức Piô XI năm 1937. Thành thử một ngày sau khi thông điệp được công bố, tờ Voelkischer Beobachter cho đăng xã luận nói về “Thiên Chúa Do Thái và Các Đại diện của Người ở Rome” khẳng định rằng “Piô XI nửa người là Do Thái còn Hồng Y Pacelli trọn người là Do Thái”.

Chính vì thế, trước ngày bầu ngài làm Giáo Hoàng, tạp chí Quốc Xã Das Reich lặp lại câu nói trên, và sau khi ngài được bầu, tờ Berliner Morgenpost viết: “Việc bầu Hồng Y Pacelli không được hoan hô ở Đức, vì ngài luôn thù nghịch đối với Chủ Nghĩa Quốc Xã”. Và nên nhớ, họ là quốc gia duy nhất không cử đại diện tham dự lễ đăng quang của ngài.

Ngày 27 tháng 10 năm 1939, trong tư cách tân Giáo Hoàng, ngài ban hành thông điệp Summi Pontificatus. Những người chống đối ngài bác bỏ mọi nội dung công khai chống Quốc Xã. Nhưng bọn Quốc xã không nghĩ như thế. Khi không quân Anh và không quân Pháp thả 88,000 bản của thông điệp này xuống Đức, trùm Gestapo là Heinrich Himmler cho rằng thông điệp này “hoàn toàn nhằm chống lại Nước Đức”.

Guilfoyle cho rằng năm 1942, Đức Piô XII bị phê phán khi không ký vào bản Tuyên Ngôn của Đồng Minh năm ấy chống lại chính sách tàn bạo của Quốc Xã đối với người Do Thái. Ngài làm thế không hẳn vì muốn im lặng cho bằng ngài không đứng về bên chính trị và quân sự nào trong Thế chiến II. Nhưng tới Giáng sinh năm này, trong tư cách một nhà lãnh đạo tôn giáo, ngài đã lên tiếng qua thông điệp Giáng Sinh dài 45 phút của riêng ngài.

Ngày 27 tháng 6 năm 1943, Đài Phát thanh Vatican phát đi huấn lệnh của Đức Giáo Hoàng: “Ai phân biệt giữa người Do Thái và người khác là bất trung với Thiên Chúa và trái ngược với các giới răn của Thiên Chúa”. Bộ Tuyên truyền của Đức rải truyền đơn tấn công “vị Giáo Hoàng phò Do Thái hiện nay” mà hành động vốn gây “mất niềm tin nơi ngài của thế giới Công Giáo”.

Còn 1 kỳ
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Học viện Công Giáo Việt Nam: Lễ bế giảng năm học 2021-2022
Tiến Hương
08:31 13/06/2022
Học viện Công Giáo Việt Nam: Lễ bế giảng năm học 2021-2022

TGPSG - Vào lúc 8g45, tại cơ sở Học viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN), tọa lạc tại 25, Đường số 9, phường Bình Thọ, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh, nghi thức Bế giảng niên khóa 2021-2022 đã được long trọng cử hành. Các Nghi thức:

Xem Hình

Trao bằng Thạc sĩ Thần học cho các sinh viên (SV) Khóa Thạc sĩ Thần học đầu tiên (Khóa 1);

Trao bằng Cử nhân Thần học cho các SV năm Chuẩn bị của Chương trình Thạc sĩ Thần học khóa 3, 4 và 5;

Trao Chứng chỉ Triết học cho lớp Cử nhân Thần học khóa 1 của Học viện.

Thành phần tham dự gồm có:

Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh -TGM TGP Huế, Chủ tịch HĐGMVN, Chưởng ấn của HVCGVN

Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo -Viện trưởng của HVCGVN

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm -Giám mục (GM) GP Mỹ Tho, Tổng thư ký của HĐGMVN

Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên -GM GP Cần Thơ

Các cha giáo: Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, An tôn Nguyễn Cao Siêu, Giuse Ngô Ngọc Khanh. Bên cạnh đó còn có quý giáo sư, quý nam nữ tu sĩ, quý khách mời, các SV của Học viện; đặc biệt là các SV lãnh nhận các bằng cấp hôm nay.

PHẦN I: NGHI THỨC BẾ GIẢNG VÀ PHÁT BẰNG

1/ Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh phát biểu

Sau phút thánh hóa buổi lễ, Đức TGM Giuse phát biểu:

HVCGVN được phép hoạt động năm 2015, do HĐGMVN chủ trì, với chủ trương lớn nhất là thiết lập một học viện, có thể đào tạo mọi thành phần dân Chúa tham gia rao giảng Tin Mừng tại VN với những kỹ năng chuyên môn phù hợp với nhu cầu của đất nước, của Giáo Hội VN, các giáo phận và các cộng đoàn, dòng tu. Tuy cơ sở vật chất hiện nay còn thiếu thốn, nhưng được sự giúp đỡ của các ân nhân, HĐGMVN luôn hướng đến một tương lai có được một học viện xứng tầm mức hơn.

Với kết quả mà Học viện đã đào tạo: có được các SV tốt nghiệp Thạc sĩ Thần học đầu tiên và các Cử nhân Thần học; là bằng chứng cho thấy tất cả mọi người đã tận tâm, tận lực xây dựng HVCGVN, an tâm về tương lai với tràn đầy hy vọng. Rồi đây các học viên của HVCGVN sẽ có mặt trên các hiện trường GHVN. Trong đó, mặt trận trí thức do chính chúng ta đảm nhận nên cũng an tâm. Học viện này cũng nói lên lòng yêu mến của chúng ta đối với GHVN, nơi mà chúng ta có sứ mệnh rao giảng Tin Mừng giữa lòng dân tộc.

Thay lời cho HVCGVN, Đức TGM cảm ơn Đức Cha Viện trưởng cùng tất cả mọi người đã đóng góp giúp cho HVCGVN bằng mọi cách. Ngài cũng cầu chúc các học viên tìm thấy niềm vui, động lực và sự tự tin với các học vị, để đóng góp xây dựng cho Học viện thêm vững mạnh về cơ chế, chất lượng và nội dung đào tạo; chúc học viện mùa hè nhiều niềm vui với dấu ấn thiêng liêng.

2/ Phát biểu của Đức Cha Viện trưởng HVCGVN

Trong tâm tình tạ ơn Chúa, vì Học viện đã đạt được mục đích cho đến ngày hôm nay, Đức Cha Viện trưởng HVCGVN cảm ơn sự hiện diện và tình thương yêu của Đức TGM Giuse, quý Đức Cha, cùng tất cả mọi người. Trong niềm vui ngài nói: “Niềm vui của các SV là sự hãnh diện của các giáo sư đã dày công đào tạo SV. Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người”. Đức Cha cũng nhắc đến hai cuộc thi trong sách Tin Mừng rất ý nghĩa:

(1) Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “ Người ta nói Thầy là ai?”; “Còn chúng con, chúng con nói Thầy là ai?”. Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Anh thật có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điếu ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”

(2) Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, Ngài hỏi ông Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” để Chúa trao sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên của Chúa.

Qua đó, Đức Cha nhắc nhở các SV về những câu hỏi của Chúa và câu trả lời căn bản về cuộc sống và sứ vụ của người môn đệ theo Chúa. Đức Cha cầu mong cuộc hành trình của học viên sẽ tiếp tục trong niềm vui và sự xác tín vào tình yêu của Chúa để đem ơn phúc đến cho đoàn dân của Chúa.

Đức Cha cầu mong sau 5 năm chính thức hoạt động đào tạo các SV, trong niềm vui lớn lao, chúng ta tạ ơn Chúa và Mẹ Maria với thành quả hôm nay. Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người,.

3/ Nghi thức trao Bằng

Nghi thức phát chứng chỉ Triết học

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo đã trao chứng chỉ Triết học cho 32 SV lớp cử nhân Thần học Khóa 1

Nghi thức phát bằng cử nhân Thần học

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã trao bằng cử nhân Thần học cho 25 SV năm Chuẩn bị của Chương trình Thạc sĩ Thần học khóa 3, 4 và 5

Nghi thức phát bằng Thạc sĩ Thần học

Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã trao bằng Thạc sĩ Thần học cho 11 SV lớp Thạc sĩ Thần học Khóa 1.

Nhận xét: Sau 5 năm đào tạo, tổng cộng có 124 SV; trong đó có 69 SV khối Thần học, 55 SV khối Triết học. Các SV trên đa số là linh mục (Lm), tu sĩ, và có 6 giáo dân; có người trẻ tuổi và có cả người ở độ tuổi về hưu. Các SV đến từ 14 nhà Dòng và tu hội, thuộc trong số 17 giáo phận trong cả nước. Nét đặc biệt của các học viên là sống tinh thần hiệp hành như một gia đình, thao thức muốn đóng góp cho GHVN. Thành quả hôm nay xin dành cho HĐGMVN.

4/ Đại diện SV phát biểu tri ân

Linh mục GB. Nguyễn Văn Linh, SV lớp Thạc sĩ Thần học Khóa 1, đã đại diện các SV nói lên tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân quý Đức Cha, quý ban đào tạo cùng tất cả những người đã giúp cho việc học tập của các SV có được sự thuận lợi, tốt đẹp.

5/ Bế giảng

Đức Cha Viện trưởng đã tuyên bố bế giảng năm học 20212022 vào lúc 10g, đong đầy niềm hân hoan!

Mọi người không quên cảm ơn 2 tiết mục văn nghệ đặc sắc: hát “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, do các Lm lớp Thạc sĩ Thần học Khóa 5 trình bày và tiết mục múa “Tạ ơn Chúa”, được các sơ lớp Cử nhân Thần học Khóa 2, trình bày.

PHẦN II: THÁNH LỄ

Thánh lễ mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi, là mầu nhiệm tình yêu và là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Công Giáo, kết hợp với tâm tình tạ ơn Chúa đã ban cho HVCGVN năm học 2021-2022 gặt hái được những thành quả tốt đẹp được cử hành lúc 10g15, do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chủ sự. Đồng tế có quý Đức Cha và khoảng 50 Lm.

Trong bài giảng, Đức Cha Phêrô mở đầu bằng câu Lời Chúa: "Thiên Chúa là tình yêu và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy" (1 Ga 4:16). Đức Cha giảng giải: đây là lời tuyên xưng cốt lõi, nền tảng của Kitô giáo. Trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi tuyên xưng Thiên Chúa là Tình yêu: Tình yêu sáng tạo, Tình yêu cứu chuộc và Tình yêu thánh hóa.

Đức Cha cũng nhấn mạnh đến lễ bế giảng hôm nay mở ra cho một sự khởi đầu mới, khởi đầu của sứ vụ, vào đúng ngày lễ Chúa Ba Ngôi, để những công việc mình làm mang tính sáng tạo, mang tính cứu chuộc, mang tính thánh hóa. Để được như thế, chúng ta được mời gọi đắm mình mỗi ngày một sâu hơn vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi chí Thánh. Đó cũng là lời mà Đức Cha cầu mong ân ban từ Thiên Chúa cho cộng đoàn, cách riêng cho các SV của Học viện tốt nghiệp hôm nay.

Thánh lễ Bế giảng kết thúc lúc 11g15, các SV nhận Bằng thật rạng rỡ trong niềm vui, mà “Niềm vui của các SV là sự hãnh diện của các giáo sư đã dày công đào tạo SV.”

Tiến Hương (TGPSG)

Ảnh: Minh Phong & Kiều Anh & Quang Han
 
VietCatholic TV
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk: Tình hình Ukraine đang rất nghiêm trọng. Huấn đức của Đức Thánh Cha Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi
VietCatholic Media
02:41 13/06/2022

Chúa Nhật 12 tháng Sáu, Giáo Hội trên toàn thế giới mừng lễ Chúa Ba Ngôi.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay là Lễ Trọng Chúa Ba Ngôi, và trong bài Tin Mừng của ngày lễ, Chúa Giêsu trình bày hai Ngôi chí thánh khác là Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ngài nói về Thánh Linh như sau: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”. Và sau đó, khi đề cập đến Chúa Cha, Người nói: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16:14-15). Chúng ta nhận thấy rằng Chúa Thánh Thần nói, nhưng không nói về chính mình: Người loan báo Chúa Giêsu và mặc khải về Chúa Cha. Và chúng ta cũng nhận thấy rằng Chúa Cha, Đấng sở hữu mọi sự vì Ngài là nguyên ủy của mọi sự, ban cho Chúa Con mọi điều Người có: Ngài không giữ gì cho riêng mình và Ngài tự hiến trọn vẹn cho Chúa Con. Hay đúng hơn, Chúa Thánh Thần không nói về chính mình; Ngài nói về Chúa Giêsu, Ngài nói về những Ngôi khác. Và Chúa Cha không ban cho chính mình, Ngài ban cho Chúa Con. Đó là sự rộng lượng cởi mở, Ngôi này cởi mở với Ngôi kia.

Và bây giờ chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình, những gì chúng ta nói về và những gì chúng ta sở hữu. Khi chúng ta nói, chúng ta luôn muốn nói điều gì đó tốt về bản thân, và thường thì chúng ta chỉ nói về bản thân và những gì chúng ta làm. Quá thường như thế biết bao! “Tôi đã làm điều này và điều kia…”, “Tôi đã gặp vấn đề này…”. Chúng ta luôn nói như thế. Điều này thật khác với Chúa Thánh Thần, Đấng nói bằng cách loan báo cho các Ngôi khác, và Chúa Cha là Chúa Con! Và, chúng ta ghen tị biết bao với những gì chúng ta sở hữu. Thật khó biết bao khi chúng ta chia sẻ những gì chúng ta có với người khác, ngay cả những người thiếu thốn những nhu cầu cơ bản! Nói về điều đó thì dễ nhưng thực hành thì rất khó.

Đây là lý do tại sao việc cử hành Lễ Chúa Ba Ngôi không phải là một bài tập thần học, mà là một cuộc cách mạng trong lối sống của chúng ta. Thiên Chúa, trong đó mỗi Ngôi vị sống vì Ngôi kia trong một mối quan hệ liên tục, trong mối quan hệ liên tục, không phải cho chính mình, phải kích động chúng ta sống với người khác và cho người khác. Hãy cởi mở. Ngày nay, chúng ta có thể tự hỏi mình xem cuộc sống của chúng ta có phản ánh Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng hay không: tôi, người tuyên xưng đức tin nơi Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, liệu thực sự tôi có tin rằng tôi cần người khác để sống, tôi cần hiến thân cho những người khác, tôi cần phải phục vụ người khác không? Tôi khẳng định điều này bằng lời nói hay tôi khẳng định nó bằng cuộc sống của mình?

Anh chị em thân mến, đức tin phải được biểu lộ bằng cách này - bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Chúa, là tác giả của cuộc sống, được loan truyền không phải qua sách vở cho bằng qua chứng nhân của cuộc sống. Đấng, như thánh sử Gioan viết, “là tình yêu” (1 Ga 4:16), tự tỏ mình ra nhờ tình yêu. Hãy nghĩ về những người tốt, rộng lượng, hiền lành mà chúng ta đã gặp; nhớ lại cách suy nghĩ và hành động của họ, chúng ta có thể có một sự suy ngẫm nhỏ về Tình yêu của Chúa. Và nó có nghĩa là gì khi yêu? Không chỉ chúc họ tốt lành và đối xử tốt với họ, mà trước hết, tận gốc rễ là phải chào đón người khác, cởi mở với người khác, nhường chỗ cho người khác, nhường chỗ cho người khác. Đây là ý nghĩa tận gốc của tình yêu.

Để hiểu rõ hơn điều này, chúng ta hãy nghĩ đến danh thánh của các Ngôi Thiên Chúa, mà chúng ta phát âm mỗi khi làm Dấu Thánh Giá: mỗi danh thánh đều chứa đựng sự hiện diện của danh thánh khác. Chẳng hạn, Chúa Cha sẽ không như vậy nếu không có Chúa Con; cũng vậy, Con không thể được coi là một mình, nhưng luôn luôn là Con của Cha. Và đến lượt mình, Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Tóm lại, Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta rằng không bao giờ có thể có người này mà không có người kia. Chúng ta không phải là những hòn đảo, chúng ta ở trong thế giới để sống theo hình ảnh của Thiên Chúa: đó là cởi mở, cần người khác và cần người khác giúp đỡ. Và vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi cuối cùng này: trong cuộc sống hàng ngày, tôi có phải là phản ảnh của Chúa Ba Ngôi không? Dấu Thánh Giá mà tôi làm hàng ngày - Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần - Dấu Thánh Giá mà chúng ta làm hàng ngày, một cử chỉ vì lợi ích riêng của nó, hay nó gợi hứng cho cách nói, cách gặp gỡ, phản ứng, đánh giá, và tha thứ của tôi?

Xin Đức Mẹ, nữ tử của Chúa Cha, mẹ của Chúa Con và người phối ngẫu của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta đón nhận và làm chứng trong cuộc sống cho mầu nhiệm Tình yêu Thiên Chúa.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Sơ Paschalis Jahn và 9 chị em tử đạo của Dòng Nữ tu Thánh Elizabeth, bị giết vào cuối Thế chiến thứ hai trong bối cảnh thù địch với đức tin Kitô, đã được phong chân phước hôm qua tại Breslavia, Ba Lan. Mặc dù các chị nhận thức được những rủi ro mà họ đang phải đối mặt, nhưng ba nữ tu này vẫn ở bên cạnh những người già và bệnh tật mà họ chăm sóc. Xin cho tấm gương đức tin nơi Chúa Kitô của các chị giúp tất cả chúng ta, nhất là những Kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới, can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho các Chân phước mới!

Và bây giờ tôi muốn gửi vài lời tới người dân và chính quyền của Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Các bạn thân mến, vô cùng tiếc nuối, do chân gặp vấn đề nên tôi đã phải hoãn chuyến thăm các quốc gia của các bạn, dự định vào những ngày đầu tháng 7. Tôi thực sự cảm thấy rất buồn vì đã phải hoãn chuyến đi này, điều có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi xin lỗi vì điều này. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện rằng, với sự giúp đỡ của Chúa và sự chăm sóc y tế, tôi sẽ có thể ở bên bạn càng sớm càng tốt. Chúng ta hãy hy vọng!

Hôm nay là Ngày thế giới chống lại tình trạng lao động trẻ em. Tất cả chúng ta hãy làm việc để loại bỏ tai họa này, để không trẻ em nào bị tước đoạt các quyền cơ bản của mình và bị ép buộc phải lao động. Việc bóc lột trẻ em lao động là một thực trạng khủng khiếp ảnh hưởng đến tất cả chúng ta!

Ý nghĩ về người dân Ukraine, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, vẫn còn sống động trong trái tim tôi. Cầu xin thời gian trôi qua không làm nguôi ngoai nỗi buồn và mối quan tâm của chúng ta đối với dân chúng đau khổ ơn đó. Xin làm ơn, chúng ta đừng quá quen với hoàn cảnh bi đát này! Chúng ta hãy luôn ghi khắc hoàn cảnh của họ trong trái tim của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện và phấn đấu cho hòa bình.

Tôi xin chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều nước. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Tây Ban Nha và Ba Lan, Ban nhạc của San Giorgio di Castel Condino, mà tôi mong muốn được nghe vở kịch ở phần cuối, Quỹ Verona Minor Hier Jerusalem, các giáo lý viên từ Grottamare, các ứng viên ban Bí tích Thêm sức từ Castelfranco Veneto, và những người trung thành của Mestrino. Tôi cũng gửi lời chào đến nhóm AVIS từ Codogno và tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã hiến máu, một nghĩa cử đơn giản và cao cả của tình đoàn kết.

Tôi xin chào tất cả các bạn, đặc biệt các bạn trẻ của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chúc các bạn một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Putin đỏ mặt: Sợ hỏa tiễn Đan Mạch, hạm đội Nga bỏ chạy. Mỹ chuyển cho Ukraine máy bay Grey Eagle
VietCatholic Media
03:01 13/06/2022


1. Lo sợ bị đánh chìm, Hải Quân Nga gắn các hệ thống hỏa tiễn đất đối không trên tầu chiến

Nga đang cố gắng trang bị hệ thống phòng không một cách ứng biến trên các tàu chiến của mình vì lo ngại chúng có thể bị đánh chìm bởi hỏa tiễn Harpoon chết người của Anh.

Các báo cáo cho biết hạm đội của Putin ở Hắc Hải cũng đã bị buộc phải lùi lại cách bờ biển Ukraine 60 dặm trong một cuộc rút lui nhục nhã.

Hệ thống phòng không Tor 2 thường hoạt động trên bộ nhưng đang được sử dụng để phòng thủ trên biển. Hải quân Nga lo sợ bị đánh đắm sau khi Anh và Đan Mạch đưa hỏa tiễn chống hạm Harpoon tới Ukraine. Tuy nhiên, mỗi lần bắn, hệ thống phòng không Tor 2 tạo ra các xung động rất lớn. Đến nay, vẫn chưa rõ khi bắn như thế các xung động này có thể khiến các chiến hạm này chao đảo đến mức như thế nào. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng khả năng bắn liên tục có thể khiến con tầu lật úp.

Khoảng 20 tàu của Nga đang thực hiện lệnh phong tỏa ở Hắc Hải nhằm ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc để tống tiền phương Tây.

Hạm đội cũng tấn công các mục tiêu trên bộ và đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công vào bãi biển tại Odessa, trước khi bị đẩy lùi.

Việc đánh chìm soái hạm Mạc Tư Khoa bởi hai hỏa tiễn Neptune của Ukraine đã buộc Nga phải thay đổi chiến thuật.

Và giờ đây, các thủy thủ hoảng sợ đang cùng nhau tập hợp các hệ thống phòng thủ tạm thời sau khi Anh và Đan Mạch cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn chống hạm Harpoon.

Hệ thống hỏa tiễn Harpoon lướt sóng trên biển có thể đánh chìm một con tàu ở đường chân trời ở khoảng cách hơn 80 dặm.

Các hình ảnh được chia sẻ trực tuyến cho thấy một tàu hộ tống của Hải quân Nga ở Sevastopol được gắn một bệ phóng hỏa tiễn phòng không Tor 2 được xích vào boong trực thăng.

Ba tàu tuần tra hộ tống khác được cho là đã làm điều tương tự trong những tuần gần đây.

Các chuyên gia nhận định, các bệ phóng di động trên đất liền - được sử dụng để hạ trực thăng và máy bay không người lái - là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự hoảng loạn trong hạm đội Hắc Hải.

Người ta không biết chúng có hiệu quả như thế nào đối với các Harpoon bay là là trên mặt biển để trốn tránh các hỏa tiễn phòng không.

Cựu đại úy hải quân Ukraine Andrii Ryzhenko nói với The Sun: “Hệ thống Tor 2 khá tốt để chống lại máy bay không người lái và hỏa tiễn chống hạm, cũng như trực thăng và máy bay”

Ông nói thêm quyết định đặt bệ phóng Tor trên các tàu hộ tống là “một phản ứng đối với việc soái hạm Mạc Tư Khoa bị đánh chìm”.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết mối đe dọa từ hỏa tiễn cũng đã giúp đẩy hạm đội của Putin ra xa bờ biển khi họ cố gắng giữ quyền kiểm soát đối với bờ biển phía nam của Ukraine và các tuyến đường vận chuyển chính của Ukraine.

“Kết quả của các hành động của chúng tôi nhằm đánh bại lực lượng hải quân của đối phương, là nhóm tàu của Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị đẩy lùi khỏi bờ biển Ukraine ở khoảng cách hơn một trăm km hay 62 dặm.”

Các lực lượng của Điện Cẩm Linh đã chuyển sang sử dụng các khẩu đội hỏa tiễn bờ biển để cố gắng thực thi quyền kiểm soát khu vực này.

Các lực lượng bổ sung đã được điều động đến Đảo Rắn do Nga chiếm của Ukraine, là tiền đồn cách bờ biển Ukraine 30 km, để tăng cường khả năng phòng không.

Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài cho biết hải quân Ukraine đang thách thức sự thống trị và ngăn chặn các tàu Nga hoạt động gần bờ.

Ông nói: “Tổng hợp lại, những báo cáo của chúng tôi cho thấy áp lực hải quân và hỏa tiễn chống hạm của Ukraine - có thể bao gồm cả những hỏa tiễn do Anh và các quốc gia khác cung cấp - đã buộc nhóm Nga ở tây bắc Hắc Hải phải phụ thuộc nhiều hơn vào hệ thống phòng không trên đảo Rắn, và họ bị đẩy ra xa bờ biển Ukraine. “

Các tàu Nga tiếp tục chặn đường vận chuyển dân sự, đồng nghĩa với việc hàng triệu tấn ngũ cốc dự trữ không thể xuất khẩu.

Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 4 thế giới, và các chuyên gia cho rằng Putin đang bóp nghẹt nguồn cung để đẩy giá lên ở phương Tây.

Trong khi đó ở Phi Châu, nông dân đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm, làm dấy lên lo ngại về một nạn đói kinh hoàng.

Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng biến đổi khí hậu và chiến dịch phong tỏa Hắc Hải của Nga đã khiến 44 triệu người “đang dần tiến đến khả năng chết đói”.

Nga cũng bị cáo buộc ăn cướp nghìn tấn lúa mì của Ukraine và bán ra tại vùng Trung Đông.

Thống đốc bù nhìn của Putin ở Melitopol khoe khoang rằng các toa tàu chở đầy ngũ cốc đã đến Sevastopol ở Crimea. Từ đó, các con tàu đã vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp bằng đường biển sang Trung Đông – đặc biệt cho đồng minh của Putin là Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng khoe rằng Điện Cẩm Linh đang sử dụng các cảng Mariupol và Berdynask ở Biển Azov đã chiếm được để khởi động lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ lãnh thổ bị chiếm đóng.

“Việc khai thác cảng Mariupol đã hoàn thành. Nó đang hoạt động bình thường và đã nhận được những chuyến tàu chở hàng đầu tiên, “ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã chỉ trích Nga vì hành xử như những tên xã hội đen.

Trong một chuyến đi đến thủ đô Reykjavik của Iceland để thảo luận về việc tăng cường an ninh ở các quốc gia Bắc Cực, ông Wallace nói: “Chúng ta không nên ngạc nhiên rằng Nga đang ăn cắp ngũ cốc.”

“Họ đã ăn cắp mọi thứ từ máy giặt đến đồ trang sức, ngay cả quần áo lót của phụ nữ”.

2. Hoa Kỳ dự định trao bốn chiếc máy bay không người lái tiên tiến của Hoa Kỳ trang bị hỏa tiễn Hellfire cho Ukraine

Chính quyền Biden dự định trao 4 máy bay không người lái tiên tiến, có thể được trang bị hỏa tiễn Hellfire, cho Ukraine để phòng thủ chống lại quân xâm lược Nga, tờ New York Post cho biết như trên.

Bốn máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle có thời gian hoạt động và tầm hoạt động lâu hơn so với các hệ thống trên không nhỏ hơn mà quân đội Ukraine hiện đang sử dụng để tự vệ kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.

Quốc hội vẫn có thể ngăn chặn việc chuyển giao các máy bay không người lái tinh vi này. Tháng Ba vừa qua, Joe Biden đã hủy bỏ việc chuyển giao các chiến binh cho Ukraine, một động thái mà người Ukraine, tuy cảm kích sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, vẫn cho rằng đã dẫn đến con số thương vong cao.

Máy bay không người lái Grey Eagle có thể bay tới 30 giờ hoặc hơn mỗi lần và thu thập một lượng lớn dữ liệu cho mục đích tình báo.

Mỗi máy bay không người lái Grey Eagle cũng có thể được trang bị tới 8 hỏa tiễn Hellfire nặng 45kg – tức là gấp đôi trọng lượng của các hỏa tiễn được trang bị cho các máy bay không người lái mà Ukraine hiện đang sử dụng.

Nếu việc chuyển giao này được thực hiện, thì đây sẽ lần đầu tiên một hệ thống máy bay không người lái tiên tiến của Hoa Kỳ có khả năng tấn công sâu nhiều lần trên chiến trường chống lại Nga.

Chính quyền Biden dự định sẽ thông báo cho Quốc hội về vụ chuyển giao trong những ngày tới, với một thông báo công khai để theo dõi, một quan chức Mỹ cho biết.

Phát ngôn nhân của Ngũ Giác Đài cho biết “không có gì để thông báo” khi được hỏi về việc chuyển giao.

Chính quyền đã dành tiền từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine trị giá 40 tỷ USD vừa được thông qua để tài trợ cho việc chuyển giao và đào tạo tiếp cho các binh sĩ Ukraine vận hành các máy bay này.

Chuyên gia về máy bay không người lái Dan Gettinger nói với Reuters rằng việc huấn luyện binh sĩ cách vận hành máy bay không người lái Grey Eagle do General Atomics chế tạo thường mất hàng tháng trời. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết một khả năng được đề xuất gần đây là đào tạo các nhà bảo dưỡng và vận hành có kinh nghiệm người Ukraine trong một vài tuần.

Khi quá trình huấn luyện máy bay không người lái hoàn thành, Biden sau đó sẽ cần phải cho phép cung cấp máy bay không người lái được trang bị hỏa tiễn Hellfire.

Ông Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ gửi các hệ thống hỏa tiễn tiên tiến đến Ukraine - đảo ngược hướng đi so với một ngày trước đó khi ông nói rằng Mỹ sẽ không chuyển các hỏa tiễn tới quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

Các quyết định quá lâu, và thiếu quyết đoán của ông Joe Biden bị nhiều chính trị gia Hoa Kỳ chỉ trích là đã gây ra các tổn thất nhân mạng nghiêm trọng cho Ukraine. Cho đến nay, Ukraine đã mất khoảng 10,000 quân và trong những ngày này trung bình có đến 200 binh sĩ Ukraine tử trận mỗi ngày.

3. Người lính Anh đã ngã xuống ở Ukraine được tôn vinh là 'một anh hùng'

Gia đình của Jordan Gatley, người đã rời quân đội Anh vào tháng 3 trước khi đến Ukraine để giúp bảo vệ đất nước khỏi Nga, đã bày tỏ lòng kính trọng đối với người lính đã ngã xuống.

Người cha Dean Gatley, đến từ Derbyshire, tan nát tâm hồn trước hung tin, cho biết Jordan đã đến Ukraine sau khi “cân nhắc kỹ lưỡng” trước cuộc xâm lược của bạo chúa Nga Vladimir Putin.

Ông Dean đã chia sẻ một lời tri ân đầy xúc động từ gia đình trên Facebook để xác nhận tin tức thương tâm này.

Ông viết: “Tôi không nghĩ rằng có ngày nào đó, tôi sẽ sử dụng mạng xã hội theo cách này nhưng Sally, Adam và tôi muốn chia sẻ một số tin tức về gia đình với tất cả bạn bè của chúng tôi, nhưng có quá nhiều người để liên hệ”.

“Hôm 10 tháng 6, chúng tôi nhận được tin đau buồn rằng con trai chúng tôi, Jordan, đã bị bắn chết tại thành phố Severodonetsk, Ukraine.”

“Jordan rời Quân đội Anh vào tháng Ba năm nay để tiếp tục sự nghiệp của một người lính trong các lĩnh vực khác.”

“Cuộc chiến chống lại Âu Châu đã bắt đầu nên sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cháu đã đến Ukraine để giúp đỡ”.

4. Chính trị gia Nga tuyên bố án tử hình đối với những người Anh là quá đúng

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng nước này có lý khi đưa ra 3 bản án tử hình cho hai người Anh, và một người Marốc, và cho rằng họ đã phạm tội đáng bị trừng phạt.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi một tòa án ly khai thân Nga tuyên án tử hình đối với hai công dân Vương quốc Anh Aiden Aslin và Shaun Pinner, và một công dân Maroc, Brahim Saadoun, vào hôm thứ Năm.

Họ bị quân Nga bắt vào tháng Tư.

BBC News đưa tin rằng tòa án đã đưa ra các bản án ở cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk không được quốc tế công nhận.

5. Pháp tuyên bố chúng ta không được phép nhượng bộ Nga

Pháp sẽ không nhượng bộ Nga và muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Mạc Tư Khoa, một quan chức của Tổng thống Pháp nói với Al-Jazeera, khi Paris tìm cách xoa dịu những lo lắng về quan điểm của mình trong cuộc xung đột.

Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra tuyên bố này sau khi bị Ukraine chỉ trích vì cho rằng NATO không nên “làm nhục Nga”.

“Như tổng thống đã nói, chúng tôi muốn Ukraine chiến thắng. Chúng tôi muốn sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được khôi phục”, quan chức này khẳng định.

“Không có tinh thần nhượng bộ đối với Putin hoặc Nga trong những gì tổng thống nói. Khi tổng thống nói chuyện trực tiếp với Putin, đó không phải là thỏa hiệp, mà là trình bày cách chúng tôi nhìn nhận mọi thứ”.
 
Tạp chí Dòng Tên: Đức Thánh Cha từ chức vào cuối tháng Tám? Lý do để tin là có và lý do để tin là không
VietCatholic Media
05:03 13/06/2022


Bản dịch tiếng Anh mới của lời cầu nguyện xá tội sẽ được thực hiện bắt đầu từ năm 2023 tại Hoa Kỳ.

Trong Hội nghị Mùa xuân của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, vào năm 2021, trong số nhiều hành động được các giám mục chấp thuận có “bản dịch mới của lời cầu xá giải”.

Bản dịch nguyên bản tiếng Latinh này đã được Vatican xác nhận gần đây, trong đó có một ít thay đổi.

Lời cầu nguyện mới sẽ được dùng chính thức vào năm 2023.

Bản dịch mới
Thiên Chúa, Cha của lòng thương xót,
nhờ cái chết và sự sống lại của Con Ngài
đã hòa giải thế gian với chính mình
tuôn đổ Thánh Thần giữa chúng ta để tha thứ tội lỗi;
nhờ tác vụ của Hội Thánh, xin Thiên Chúa ban cho con sự tha thứ và bình an,
và cha tha thứ tội lỗi của con
nhân danh Cha, và Con,
và Thánh Thần.

Bản dịch trước

Thiên Chúa, Cha của lòng thương xót,
nhờ cái chết và sự sống lại của Con Ngài
đã hòa giải thế gian với chính mình
sai Thánh Thần đến giữa chúng ta để tha thứ tội lỗi;
nhờ tác vụ của Hội Thánh, xin Thiên Chúa cho con sự tha thứ và bình an,
và cha tha thứ tội lỗi của con
nhân danh Cha, và Con,
và Thánh Thần.

Như thế, sự thay đổi diễn ra ở hai phần. Thứ nhất, thay vì nói “and sent the Holy Spirit among us for the forgiveness of sins” nghĩa là, “và sai Thánh Thần đến giữa chúng ta để tha thứ tội lỗi”, cha giải tội sẽ nói “and poured out the Holy Spirit among us for the forgiveness of sins;” nghĩa là “và tuôn đổ Thánh Thần giữa chúng ta để tha thứ tội lỗi;”.

Thứ hai, cha giải tội sẽ nói: “through the ministry of the Church may God grant you pardon and peace”, nghĩa là “nhờ tác vụ của Hội Thánh, xin Thiên Chúa ban cho con sự tha thứ và bình an,” thay vì “through the ministry of the Church may God give you pardon and peace”, nghĩa là “nhờ tác vụ của Hội Thánh, xin Thiên Chúa cho con sự tha thứ và bình an”.

Sự thay đổi là rất nhỏ, và phần thiết yếu của lời cầu nguyện xá tội vẫn được giữ nguyên.

Tuy nhiên, USCCB sẽ yêu cầu các linh mục ở Hoa Kỳ phải ghi nhớ một lời cầu nguyện mới khi ban phép xá giải khi các ngài giải tội vào năm 2023.
Source:Aleteia

2. Đức Thánh Cha Phanxicô từ chức? lý do để tin là có và lý do để tin là không

Trong bài báo nhan đề “Will Pope Francis resign? Here are some reasons to believe it—and some to be skeptical”, nghĩa là “Liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có từ chức hay không? Dưới đây là một số lý do để tin vào điều đó — và một số lý do để hoài nghi” được công bố trên tờ American Magazine, một tạp chí của Dòng Tên tại Mỹ, hôm 8 tháng 6, nhà báo Mỹ Colleen Dulle trình bày cả hai mặt của cuộc tranh luận về việc liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sớm từ chức hay không.

Dulle giải thích rằng: Đối với những người tin rằng triều đại giáo hoàng có thể kết thúc, sức khỏe suy giảm của Đức Phanxicô, sau cuộc phẫu thuật ruột kết vào mùa hè năm ngoái, và ngày càng phải ngồi xe lăn, là một yếu tố quan trọng. Các sự kiện đã được lên kế hoạch khác, chẳng hạn như việc tấn phong các Hồng Y một công nghị tấn phong Hồng Y vào ngày 27 tháng 8, ngay sau đó là một cuộc họp bất thường của các Hồng Y trên thế giới, cũng đã đổ thêm dầu vào lửa. Hơn thế nữa, thông báo cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện một chuyến đi đến L'Aquila, nơi chôn cất Đức Giáo Hoàng Celestinô Đệ Ngũ, vị giáo hoàng đầu tiên tự nguyện từ chức, đã “thổi bùng ngọn lửa suy đoán.”

Tuy nhiên, Dulle hoài nghi rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể từ chức, và đưa ra những lý do phản bác luận điểm này. Cô giải thích rằng thời gian bất thường của Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường có thể là để tiết kiệm tiền, vì “đi du lịch đến Rôma vào trái mùa du lịch rẻ hơn.” Cô cũng trích dẫn chuyến thăm dự kiến của ngài tới Kazakhstan vào tháng 9, cùng với những chuyến đi được đồn đại khác cho năm 2023. Cuối cùng, cô đề cập đến “sự thật đơn giản là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI vẫn còn sống.”

Tuy nhiên, nhà báo thừa nhận rằng “chắc chắn có khả năng giáo hoàng đang đặt nền móng cho việc từ chức trong tương lai” và có thể đơn giản là hiện tại “ngài đang để mắt đến đường chân trời”.

Sau khi đắc cử vào năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi quyết định từ chức của Đức Bênêđíctô XVI. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, ngài nói rằng “Đức Bênêđíctô là người đầu tiên và có thể sẽ có những người khác. Chúng ta không biết.”

Nhưng Đức Phanxicô chưa bao giờ nói rõ ràng rằng cá nhân ngài có ý định từ chức. Xin nói lại thêm lần nữa cho rõ ràng: Đức Phanxicô chưa bao giờ nói rõ ràng rằng cá nhân ngài có ý định từ chức. Chưa bao giờ.

Phát biểu sau cuộc phẫu thuật ruột kết vào năm 2021, ngài lưu ý rằng “Bất cứ khi nào Đức Giáo Hoàng bị ốm thì thế nào cũng có những cơn gió nhẹ hoặc những cơn cuồng phong về Cơ Mật Viện.”

Đề cập đến tin đồn từ chức bắt nguồn từ chính quê hương Á Căn Đình của ngài, Đức Thánh Cha nói thêm: “Tôi không biết họ lấy đâu ra từ tuần trước rằng tôi sẽ từ chức! Không rõ từ lời nào mà họ như thế hiểu ở đất nước tôi? Đó là nơi mà tin đồn này xuất phát từ. Và họ nói rằng đó là một sự náo động, trong khi điều đó thậm chí không hề xuất hiện trong tâm trí tôi”.
Source:Aleteia

3. Đức Thánh Cha Phanxicô thảo luận về chiến tranh Ukraine với người đứng đầu Ủy ban Âu Châu

Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thảo luận về cuộc chiến Ukraine với chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen.

Người đứng đầu cơ quan hành pháp của Liên minh Âu Châu, một liên minh kinh tế và chính trị của 27 quốc gia thành viên, cũng đã gặp gỡ vào ngày 10 tháng 6 với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh. Đức Tổng Giám Mục đã đến thăm Ukraine vào tháng 5.

Văn phòng báo chí Tòa thánh cho biết: “Trong các cuộc thảo luận thân mật được tổ chức tại Phủ Quốc vụ khanh, các bên đã tập trung vào mối quan hệ song phương tốt đẹp và cam kết chung làm việc để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, đặc biệt quan tâm đến các khía cạnh nhân đạo và hậu quả lương thực khi cuộc xung đột vẫn tiếp diễn. “

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nói thêm rằng hai bên cũng đã giải quyết các kết luận của Hội nghị về Tương lai của Âu Châu, một loạt các cuộc tranh luận “do người dân lãnh đạo” từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022 mà đỉnh điểm là một báo cáo về triển vọng của châu lục.

Các vị cũng phản ánh về “hậu quả đối với cấu trúc tương lai” của Liên Hiệp Âu Châu.

Tweet sau buổi tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng của mình, Ursula von der Leyen, người Đức theo Tin lành Lutheran, bà mẹ 7 người con, cho biết bà “thực sự vui mừng” được gặp lại Đức Giáo Hoàng, sau một buổi tiếp kiến riêng vào tháng 5 năm 2021.

Bà viết: “Chúng tôi sát cánh với những người đang chịu đựng sự tàn phá ở Ukraine. “Cuộc chiến này phải kết thúc, hòa bình cho Âu Châu phải được tái lập.”

Von der Leyen, người đã đến thăm thủ đô Kyiv của Ukraine vào tháng 4, đã phát biểu vào ngày 9 tháng 6 tại phiên khai mạc của một hội nghị do Học viện Khoa học Giáo hoàng tổ chức.
Source:Catholic News Agency
 
Putin quá ác: Nướng hàng chục ngàn quân để giữ mạng. Bất kể hỏa lực 10 lần, Nga vẫn bại ở Sloviansk
VietCatholic Media
16:08 13/06/2022


1. Phụ nữ leo núi Nga treo cờ Ukraine trên đỉnh Everest

Một blogger và nhà leo núi người Nga đã thể hiện quan điểm chống lại sự xâm lược của Putin đối với Ukraine bằng cách phất cờ Ukraine khi cô ấy lên đến đỉnh núi Everest.

Bức ảnh của Ekaterina Lipka trên đỉnh Everest đã lan truyền nhanh chóng sau khi được cựu Đại sứ Ukraine tại Áo, Olexander Scherba, chia sẻ trên Twitter vào hôm Chúa Nhật.

Nhà leo núi cũng đăng một bức ảnh của cô ấy trên núi với tấm biển ghi “Trả tự do cho Navalny”, để ủng hộ Alexei Navalny, một nhà hoạt động chống tham nhũng và lãnh đạo phe đối lập ở Nga, đã bị kết án 9 năm tù vào tháng Ba năm ngoái.

2. Nga có thể mất 40.000 quân ở Ukraine vào tháng 6

Mục tiêu chiến thuật quan trọng của quân đội Nga ở miền đông Ukraine không thay đổi, và Nga sẽ cố gắng triển khai lực lượng dự bị ở Donbas, nhưng nước này có thể mất 40.000 quân vào tháng 6.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết điều này trong một bài phát biểu trên video vào Chúa Nhật, ngày 12 tháng 6.

“Quân đội Nga đang cố gắng triển khai lực lượng dự bị ở Donbas. Nhưng họ có thể có những nguồn dự trữ nào bây giờ? Có vẻ như họ sẽ cố gắng ném vào trận chiến những lính nghĩa vụ được huấn luyện kém và những người được tập hợp bằng cách huy động bí mật. Các tướng lĩnh Nga coi người của họ đơn giản là khẩu pháo mà họ cần để đạt được lợi thế về quân số - về nhân lực, về trang thiết bị quân sự. Và điều này chỉ có nghĩa một điều: Nga có thể vượt qua giới hạn của 40.000 quân đã mất vào tháng Sáu. Không có cuộc chiến nào trong nhiều thập kỷ qua mà họ mất mát nhiều như vậy,” Ông Zelenskiy nói.

Ông cũng nói thêm rằng mục tiêu chiến thuật quan trọng của Nga không thay đổi khi họ đang tập trung quân số ở Sievierodonetsk, nơi đang diễn ra các trận giao tranh rất ác liệt, cũng như bên ngoài Lysychansk, Bakhmut và Sloviansk.

3. Quân đội Ukraine đẩy lùi nỗ lực tấn công của Nga ở hướng Sloviansk

Lực lượng vũ trang Ukraine đã đẩy lùi thành công các hoạt động tấn công của Nga trên các hướng Dovhenke - Mazanivka và Dovhenke - Dolyna. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã cho biết như trên.

Trên hướng Donetsk, các nỗ lực chính của Nga tập trung vào hướng Siverodonetsk và Bakhmut. Quân Nga tiếp tục bắn vào các vị trí của Ukraine dọc theo giới tuyến.

Quân Nga không có hành động đáng kể nào trên hướng Lyman, trong khi vẫn tiếp tục bắn cầm chừng vào các đơn vị Ukraine và chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác.

Trên hướng Siverodonetsk, người Nga sử dụng pháo binh và máy bay ném bom, cố gắng đối phó với sự kháng cự của quân đội Ukraine và thiết lập toàn quyền kiểm soát thành phố, nơi chiến sự đang diễn ra rất dữ dội.

Ở hướng Bakhmut, quân chiếm đóng Nga đã tiến hành các chiến dịch tấn công để chiếm làng Vrubivka nhưng không thành công,.

Trước nỗ lực của Nga tiếp tục tấn công theo hướng Orikhove - Zolote, quân Ukraine đã phản công quyết liệt và các lực lượng Nga đã buộc phải rút lui sau các tổn thất nặng nề.

Theo hướng Slobozhansky, các lực lượng Nga đang cố gắng cải thiện tình hình chiến thuật, củng cố các tuyến phòng thủ gần Novy Burluk.

Họ bắn súng cối, pháo binh và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các khu định cư của Zamulivka, Bayrak, Husarivka và Ruski Tyshky.

Quân Nga cũng không thành công khi xông vào khu vực hướng tới các khu định cư của Starytsa và Rubizhne.

Trên các hướng Avdiyivka, Novopavlivske và Zaporizhia, quân Nga tung hỏa lực hạng nặng để kiềm chế các hành động của Ukraine và ngăn chặn sự tái tập hợp.

Tại khu vực Nam Buh, quân xâm lược Nga đang cố gắng bám trụ tại vị trí cũ của chúng, nã đạn vào các đơn vị Ukraine.

Các hệ thống pháo binh và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt của Nga đã tấn công các khu định cư của Osokorivka, Trudolyubivka, Shyroke, Dobryanka và Blahodatne.

Trong các hướng Volyn, Polissya và Siversky, không có thay đổi đáng kể nào được quan sát thấy.

Theo hướng Siversky, quân chiếm đóng của Nga tiếp tục pháo kích vào các vị trí và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine tại các khu định cư Khrinivka, vùng Chernihiv và Oleksandrivka, vùng Sumy.

Báo cáo kết luận: Lực lượng phòng thủ Ukraine tiếp tục gây tổn thất cho lực lượng chiếm đóng của Nga ở tất cả các khu vực có các hoạt động thù địch.

4. Lực lượng Nga phá hủy cây cầu ở Sievierodonetsk

Các lực lượng Nga đã phá hủy một cây cầu nối thành phố Sievierodonetsk sầm uất với thành phố song sinh Lysychansk, cắt đứt con đường di tản dân thường.

Serhiy Haidai, thống đốc tỉnh Luhansk, hôm Chúa Nhật cho biết quân đội Nga đã phá hủy một cây cầu bắc qua sông Siverskyi nối hai thành phố.

Ông nói thêm rằng cuộc pháo kích của Nga ở Lysychansk đã khiến một phụ nữ thiệt mạng và phá hủy bốn ngôi nhà và một trung tâm mua sắm.

Theo người đứng đầu chính quyền Sievierodonetsk, khoảng một phần ba thành phố vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Ukraine và khoảng hai phần ba nằm trong tay Nga.

5. Erdogan thông báo các cuộc đàm phán mới với Zelenskiy và Putin về xuất khẩu ngũ cốc

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công bố các cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc thảo luận về các bước thiết lập hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Erdogan cho biết điều này vào hôm Chúa Nhật, ngày 12 tháng 6

“Các bộ trưởng của tôi đã tổ chức các cuộc hội đàm. Chúng tôi sẽ trong quá trình gửi hàng hóa không chỉ cho chính mình mà còn cho các nước thứ ba để đưa ngành kinh doanh này phát triển theo một chiều hướng khác. Những cuộc nói chuyện đang diễn ra. Vào tuần tới, chúng tôi sẽ gặp cả Putin và Zelenskiy và thảo luận về những bước chúng tôi sẽ thực hiện “, Erdogan nói.

Theo ông, hiện nay thế giới đang lâm vào tình trạng kinh tế bế tắc, và việc không cung cấp các sản phẩm nông nghiệp là một vấn đề nghiêm trọng.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 8/6 sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov rằng Liên Hiệp Quốc đang đề xuất một cơ chế bốn bên để xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác từ các cảng của Ukraine. Liên Hiệp Quốc đề xuất thành lập một cơ chế bốn bên liên quan đến Liên Hiệp Quốc, Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu không thể rà phá bom mìn thì cần tạo hành lang an toàn.

6. Trung Quốc cảnh cáo Mỹ về ảo tưởng 'độc lập Đài Loan'

Hôm Chúa Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe, 魏凤和) đã công kích Mỹ về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nói Trung Quốc nhận thấy có “các mối đe dọa chống lại Trung Quốc”, đồng thời nói khái niệm độc lập của Đài Loan là một “ảo tưởng” trong một nhận xét tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Trong một bài phát biểu kéo dài hơn 30 phút, Ngụy Phượng Hòa đã chỉ trích Washington vì đã đưa ra “những cáo buộc bôi nhọ” chống lại Bắc Kinh. Mặc bộ quân phục Quân đội Giải phóng Nhân dân với ba ngôi sao trên vai, ông nói Mỹ phải ngừng cố gắng kiềm chế Trung Quốc và tránh can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Bài phát biểu được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chỉ trích Bắc Kinh về “hoạt động quân sự khiêu khích và gây bất ổn gần Đài Loan”, trong bài phát biểu của ông tại Shangri-La. Austin lưu ý rằng các máy bay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bay gần hòn đảo tự trị với “số lượng kỷ lục” trong những tháng gần đây, “gần như hàng ngày”.

Theo Ngũ Giác Đài, Austin và Hòa cũng đã tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên bên lề hội nghị, trong đó họ thảo luận về các cách để “quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và duy trì các đường dây liên lạc cởi mở”

Nhưng trong bài phát biểu của mình, Wei đã chống lại chính quan điểm cạnh tranh.

“Đối đầu sẽ không có lợi cho hai quốc gia của chúng ta hay các quốc gia khác,” ông nói tại sự kiện do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế của Vương quốc Anh tổ chức. Trung Quốc phản đối việc sử dụng cạnh tranh để xác định mối quan hệ song phương.”

Thượng tướng Hòa nói thêm, “Sẽ là một sai lầm lịch sử và chiến lược nếu khăng khăng coi Trung Quốc là một mối đe dọa và đối thủ hoặc thậm chí là kẻ thù”, và nhấn mạnh rằng Mỹ phải thực hiện các bước để cải thiện quan hệ.

Đúng như dự đoán, Hoà đã nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan, nơi mà Trung Quốc vẫn coi là một tỉnh ly khai. Ông gọi việc theo đuổi độc lập của Đài Loan là “ngõ cụt” và nói rằng Trung Quốc sẽ “kiên quyết đè bẹp” bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực hiện điều đó.

“Hãy để tôi nói rõ điều này - nếu ai đó dám ly khai Đài Loan khỏi Trung Quốc, chúng tôi sẽ không ngần ngại chiến đấu,” ông nhấn mạnh. “Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá và chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Đây là sự lựa chọn duy nhất của Trung Quốc”.

Ông cũng nói rằng Trung Quốc sẽ “chắc chắn thực hiện được việc thống nhất” với Đài Loan.

Hòa nói: “Đó là một xu hướng lịch sử mà không ai và không lực lượng nào có thể ngăn cản - thống nhất hòa bình là mong ước lớn nhất của người dân Trung Quốc”.

Trong một bài báo được che đậy kín đáo khác về Mỹ, Hòa nói rằng “một số quốc gia” đã vi phạm lời hứa của họ về “nguyên tắc một Trung Quốc” đối với Đài Loan, ủng hộ các lực lượng ly khai kích động giành độc lập. Hòa nói: “Việc thu hút sự ủng hộ từ nước ngoài sẽ không bao giờ hiệu quả và họ không bao giờ nên nghĩ về điều đó”.

Nguyên tắc của Bắc Kinh là chỉ có một nước Trung Hoa có chủ quyền và Đài Loan là một phần của quốc gia đó. Mặt khác, Mỹ duy trì một “chính sách một Trung Quốc” khác biệt, trong khi tiếp tục bán vũ khí cho Đài Bắc theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979.

Austin hôm thứ Bảy đã cẩn thận nhấn mạnh rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan không thay đổi và Hoa Kỳ không ủng hộ Đài Loan độc lập, mặc dù nhiều người Đài Loan thấy mình khác biệt với đại lục. Austin nói rằng Washington “kiên quyết ủng hộ nguyên tắc rằng các khác biệt xuyên eo biển phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.”

Austin cũng đã gọi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “vùng ưu tiên của các hoạt động” đối với Hoa Kỳ và nói rằng khu vực này là trung tâm của chiến lược lớn của Hoa Kỳ. Hòa một lần nữa phản ứng, nói rằng chiến lược của Hoa Kỳ là “một nỗ lực để xây dựng một nhóm nhỏ độc quyền.”

Ông nói: “ Đó là một chiến lược tạo ra xung đột và đối đầu để kiềm chế và bao vây những người khác. “Trung Quốc cho rằng một chiến lược chỉ có giá trị, nếu chiến lược đó thích ứng với xu hướng lịch sử và toàn cầu, đồng thời đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực và lợi ích chung của tất cả mọi người”.

“Sự phát triển của Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với những nước khác,” Hòa khẳng định và nhấn mạnh rằng “việc cố gắng ngăn chặn nó là điều không thể hoặc hợp lý”.

Sau bài phát biểu của mình, Hòa đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi. Đó là cuộc gặp đầu tiên giữa những người đứng đầu quốc phòng hai nước sau hai năm rưỡi.

Trong bài phát biểu khai mạc, Kishi nhấn mạnh rằng “Nhật Bản và Trung Quốc đang có nhiều mối quan ngại, bao gồm các vấn đề an ninh khác nhau,” liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Nam. Kishi bày tỏ ý định “trao đổi thẳng thắn quan điểm” về những mối quan tâm như vậy và “xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định” giữa các nước láng giềng.

Hòa nói với Kishi rằng ông muốn “tăng cường hợp tác song phương trong tương lai thông qua đối thoại và phát triển quan hệ dựa trên sự tin cậy và đồng thuận giữa hai chính phủ.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố rằng đất nước của ông sẽ tăng cường khả năng quốc phòng để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên. Điều này báo hiệu một sự tăng cường phòng thủ hơn nữa ở Đông Bắc Á, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Sáu cam kết sẽ “tăng cường cơ bản” hệ thống phòng thủ của Nhật Bản trong 5 năm tới.
 
Tu viện các nữ tu bên cạnh Quốc Hội Mỹ bị ma quỷ phá phách. Đức Hồng Y Dolan lên tiếng về tình trạng Hoa Kỳ
VietCatholic Media
17:12 13/06/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp giám đốc Yad Vashem

Dani Dayan, giám đốc Đài tưởng niệm Thảm sát Yad Vashem ở Giêrusalem, đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào ngày 9 tháng 6 trong một buổi tiếp kiến riêng. Tờ The Times of Israel lưu ý rằng đó là một cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Yad Vashem và Đức Giáo Hoàng diễn ra ở Tòa Thánh, mặc dù các cuộc gặp gỡ giữa các vị Giáo Hoàng và Yad Vashem đã diễn ra tại Israel khi các ngài đến thăm nơi đây.

Tờ báo giải thích rằng cuộc họp tập trung vào “ký ức, giáo dục và tư liệu về Holocaust cũng như cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và phân biệt chủng tộc trên thế giới.”

Ba vị giáo hoàng - Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Gioan Phaolô II - đã đến thăm đài tưởng niệm, được mở cửa vào năm 1953 để tưởng nhớ tội ác diệt chủng xảy ra trong Thế chiến II.

Dani Dayan giải thích việc Đức Thánh Cha dành cho Yad Vashem cuộc tiếp kiến này là một dấu hiệu của sự quan tâm. Ông giải thích rằng ông đã trình bày cho Đức Giáo Hoàng các dịch vụ của tổ chức của mình và chuyển một thông điệp từ Tổng thống Isaac Herzog, mời Đức Phanxicô thăm lại Israel.

Haivị cũng thảo luận về việc khai trương kho lưu trữ của Vatican về triều đại Giáo hoàng của Đức Piô XII vào năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh được đánh dấu bằng việc nhà sử học David Kertzer xuất bản một cuốn sách gần đây.


Source:Aleteia

2. Bài bình luận của Đức Hồng Y Timothy Dolan trên tờ Wall Street Journal về tình hình xã hội Hoa Kỳ hiện nay

Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, đã có một bài bình luận về tình hình xã hội Hoa Kỳ hiện nay trên tờ Wall Street Journal với nhan đề “Abortion, Guns and the ‘Throwaway Culture’”, nghĩa là “Phá thai, Súng và 'Văn hóa Vứt bỏ'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Giống như rất nhiều người khác, tôi rất đau lòng trước bạo lực súng đạn vô nghĩa đã cướp đi sinh mạng của những nạn nhân vô tội trong những tuần gần đây. Tổn thất là không thể đong đếm được. Người Mỹ thuộc tất cả các phe chính trị đang đau buồn và khẩn khoản cầu xin Chúa với câu hỏi khi nào đất nước thân yêu của chúng ta sẽ khôi phục lại sự tôn trọng đối với sự sống của con người.

Thật không may, hệ thống chính trị của chúng ta dường như đã bị phá vỡ, khi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ hoạt động trong các hầm chứa và thấy thu được nhiều lợi ích chính trị nơi những sự bất hòa hơn là nơi những đồng thuận. Kết quả là cả hai bên đều bác bỏ các chính sách củng cố cái mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là văn hóa sự sống và thay vào đó chấp nhận cái mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là văn hóa vứt bỏ, mở rộng đến cả con người.

Trong số những người theo Đảng Cộng hòa, chúng tôi thấy điều đó ở việc từ chối xem xét các đề xuất được phổ biến rất rộng rãi nhằm giúp tăng cường an toàn súng. Trong số những người theo Đảng Dân chủ, chúng ta thấy nó đang có xu hướng điên cuồng mở rộng việc phá thai, ngay cả ở những tiểu bang không thể mở rộng hơn nữa.

Hãy lấy tiểu bang của tôi, New York, làm ví dụ. Các nhà lập pháp ở Albany gần đây đã cố gắng thông qua một gói dự luật được thiết kế để tăng cường hoạt động phá thai. Những đề xuất này hầu như không hỗ trợ những phụ nữ mang thai đang sợ hãi và choáng ngợp, những người có thể tìm kiếm các biện pháp thay thế cho việc phá thai, nếu họ biết rằng tồn tại những biện pháp như thế. Chưa hết. Với việc Tòa án Tối cao đã sẵn sàng đưa ra một quyết định có thể cho phép các tiểu bang bảo vệ mạng sống con người bơ vơ trong bụng mẹ, các nhà lập pháp New York đã nhìn thấy một cơ hội chính trị. Họ đã đóng dấu để biến tiểu bang này thành một “thánh địa” phá thai. Họ đã thông qua các biện pháp để bảo vệ những người phá thai khỏi trách nhiệm pháp lý và khuyến khích phụ nữ từ các bang khác đến đây để chấm dứt cuộc sống của những đứa con của họ. Thống đốc Kathy Hochul đã đơn phương phân bổ hàng triệu đô la đóng thuế cho các cơ sở phá thai để chào đón phụ nữ từ các tiểu bang khác.

Chuyện gì tiếp theo? Liệu họ có thêm phòng khám phá thai vào sách hướng dẫn du lịch có tựa đề “I Love NY”, cùng với các nhà máy bia thủ công và các điểm đến nghỉ ngơi cuối tuần không? Có ai sẽ ngạc nhiên nếu họ làm như vậy không?

Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. Ngoài các luật mới khuyến khích phá thai, Cơ quan Lập pháp cũng thông qua một biện pháp được thiết kế để loại bỏ các lựa chọn phò sinh. Dự luật đó, hiện đang chờ thống đốc ký, sẽ yêu cầu ủy viên y tế tiểu bang “nghiên cứu” các trung tâm trợ giúp mang thai, là những nơi tồn tại để cung cấp cho phụ nữ mang thai đang gặp khủng hoảng một giải pháp thay thế thực sự cho việc phá thai. Mục đích của biện pháp này là nhằm đe dọa những tổ chức tuyệt vời này với lệnh đóng cửa.

Đây là sự bác bỏ hoàn toàn “sự lựa chọn” mà các đại diện được bầu nói rằng họ ủng hộ. Đâu là lựa chọn cho những bà mẹ mang thai trẻ, thường là người Mỹ gốc Phi hoặc Latinh, rất muốn giữ lại đứa con của mình nhưng lại gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà, dọn đồ ăn lên bàn và đổ đầy bình xăng? Tôn nghiêm của cô ấy là ở chỗ nào? Liệu câu trả lời duy nhất cho cô ấy có phải là tiêu diệt những đứa con của mình không? Và đâu là tôn nghiêm dành cho đứa trẻ bơ vơ trong bụng mẹ, đâu sẽ là nơi an toàn nhất cho chúng? Nó không thể là “cả hai và” chứ không phải là “một trong hai hoặc” khi nói về người mẹ và đứa con của cô ấy? Theo các đảng viên Dân chủ được bầu của bang chúng tôi, câu trả lời dường như là không.

Đảng Cộng hòa chia sẻ trách nhiệm chính trị. Vào cuối phiên họp lập pháp, các đảng viên Cộng hòa được bầu ở New York đã phản đối một loạt các luật an toàn súng mới quan trọng đã được thông qua, hứa hẹn sẽ tăng độ tuổi hợp pháp để mua súng trường bán tự động và củng cố luật cờ đỏ của bang. Anh em giám mục của tôi và tôi rất vui khi ủng hộ những sáng kiến quan trọng này, tất cả đều nhằm mục đích cứu sống, cũng như chúng tôi kiên quyết phản đối luật phá thai mới.

Làm thế nào sẽ có thể duy trì một nền văn hóa bất bạo động và an toàn khi một bên tiếp tục hoan nghênh và cổ vũ việc giết những đứa trẻ không có khả năng tự vệ trong bụng mẹ và bên kia thực tế coi thường vũ khí và bác bỏ ngay cả những quy định thông thường nhất về chúng?

Triển vọng trông có vẻ ảm đạm, nhưng tôi đang hy vọng. Tôi yêu cầu người dân New York thuộc mọi tín ngưỡng hãy cùng tôi cầu nguyện rằng các nhà lập pháp của chúng ta sẽ nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của họ trong việc tôn trọng và bảo vệ cuộc sống con người.
Source:Wall Street Jounal

3. Nhật ký trừ tà số 193: Satan làm chứng cho sức mạnh của lời cầu nguyện để chấm dứt phá thai

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #193: Satan Witnesses to the Power of Prayer to End Abortion”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 193: Satan làm chứng cho sức mạnh của lời cầu nguyện để chấm dứt phá thai”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vị linh mục trừ tà địa phương đã nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ Tu viện. Sáng hôm đó, các Sơ thức dậy và đi xuống nhà nguyện của mình. Các sơ thấy nhà tạm bằng gỗ của họ bị lộn ngược trên sàn, nhưng Thánh Thể vẫn còn nguyên trong Mặt Nhật đứng thẳng bên cạnh. Các nữ tu đã bị hoảng sợ.

Cửa vào Tu viện của các nữ tu đã được khóa an toàn vào đêm hôm trước và vẫn được khóa kiên cố vào buổi sáng. Hơn nữa, một số ít các nữ tu, tất cả đều có đức tin mạnh mẽ, đã không bị đánh thức bởi bất kỳ âm thanh nào trong suốt đêm. Nhà tạm đã được bắt chặt vào bàn và phần đế của nó giờ đã bị tách ra làm đôi. Việc tách phần đế của nhà tạm và lấy nó ra khỏi bàn không thể được thực hiện một cách lặng lẽ. Nó sẽ phải bị giật mạnh khỏi phần đế của nó và tạo ra âm thanh rằng lớn. Tóm lại, những gì đã xảy ra là không thể xảy ra một cách bình thường, như nhà trừ tà đã nhanh chóng phỏng đoán.

Nếu cuộc tấn công là của ma quỷ, như tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra điều đó, tại sao những con quỷ lại chọn tu viện? Các nữ tu sống cách Tòa nhà Quốc hội một đoạn ngắn và không xa một phòng khám phá thai. Các nữ tu là một sự hiện diện trầm lặng và có khuynh hướng ủng hộ cuộc sống rõ ràng, tham gia tích cực vào các sự kiện ủng hộ phò sinh tại địa phương. Trước nguy cơ lật ngược phán quyết Roe chống Wade, gần đây đã có một số người ủng hộ việc phá thai biểu tình trước Điện Capitol để phản đối. Những cuộc biểu tình như vậy có phải là khúc dạo đầu của ma quỷ không?

Việc Satan chọn cách quấy rối các nữ tu này một cách hiển nhiên như vậy cho chúng ta biết một số điều:

* Khả năng Roe vs. Wade bị lật ngược là một mối đe dọa rất lớn đối với vương quốc bóng tối của Satan. Một cách khác thường, nó đã đột phá ra khỏi chỗ ẩn nấp để đe dọa các nữ tu một cách rõ ràng. Nó chắc hẳn đang rất tuyệt vọng.

* Kẻ ác nhận ra sức mạnh của lời cầu nguyện và chứng tá của các nữ tu, và tin rằng điều cần thiết là phải ngăn chặn họ hoàn thành mục tiêu của mình. Có lẽ chính lời cầu nguyện như vậy, và những điều khác nữa, đang xoay chuyển tình thế.

* Trong khi Thiên Chúa cho phép Sa-tan phá nhà tạm của các nữ tu, thì Ngài không cho phép Sa-tan đụng chạm hoặc xúc phạm đến Bí tích Thánh Thể. Nó vẫn còn nguyên vẹn và đứng thẳng trong không gian. Chúa Giêsu là Chúa!

Đầu tiên, nhà trừ tà dọn dẹp nhà nguyện và ngôi nhà của họ, sử dụng những lời cầu nguyện giải cứu của Đức Giáo Hoàng Leo XIII được tìm thấy trong nghi lễ trừ tà. Rồi ngài nói với các nữ tu, “Đây chỉ là những trò hề của ma quỷ. Đừng để chúng làm các sơ sợ hãi. Đó là mục tiêu của Satan: nó khiến các sơ sợ hãi lùi bước. Thay vào đó, điều này gợi ý rằng bất cứ điều gì các sơ đang làm đều quan trọng về mặt tinh thần và các sơ phải làm nhiều hơn thế! Sự quấy rối của Satan là sự xác nhận đối với các sơ và tầm quan trọng của lời cầu nguyện của các sơ”.

Tất cả những gì Satan làm, phần lớn xảy ra là do sự mất tinh thần và thịnh nộ của hắn, đều là nhân chứng cho Sự thật và làm chứng cho sự hủy diệt của chính hắn. Để Nước Thiên Chúa đắc thắng, chỉ cần một số ít trái tim trung thành chuyên tâm cầu nguyện và hiệp nhất trong Chúa Thánh Thể.
Source:Catholic Exorcism