Ngày 16-06-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sức mạnh của Nước Trời
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
01:58 16/06/2012
CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN B
+++

A. DẪN NHẬP

Đức Giêsu đi rao giảng Tin mừng về Nước Trời. Đây là một đề tài rất khó hiểu vì nó quá trừu tượng. Ngài phải vận dụng mọi sự vật chung quanh, mọi hình ảnh cụ thể để nói lên cho thính giả biết về những đặc tính của Nước Trời.
Vì thế, Đức Giêsu phải dùng nhiều dụ ngôn, để mỗi dụ ngôn nói lên một đặc tính của Nước Trời. Dĩ nhiên, dụ ngôn không làm cho người ta hiểu chính xác và thấu đáo về Nước Trời, nhưng cũng đem lại cho người nghe một vài ý niệm, để từ đó, dưới sự trợ giúp của ơn Chúa và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người ta sẽ có một quan niệm chính xác về Nước Trời.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ đưa ra hai dụ ngôn về người gieo giống và hạt cải để nói lên sức mạnh nội tại của Nước Trời, nghĩa là hạt giống Lời Chúa được gieo vãi, cứ âm thầm mọc lên và phát triển không ngừng. Hội thánh của Chúa từ một khởi đầu nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng vẫn phát triển trong gian nan thử thách và một ngày kia Hội thánh sẽ lan tràn khắp nơi, đến với mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ. Và sau cùng, Hội thánh sẽ trở nên thành toàn viên mãn trên thiên quốc.

Tuy Nước Trời có sức mạnh nội tại tự phát triển không ngừng, nhưng chúng ta là những thành viên, có nhiệm vụ góp phần làm cho Nước Trời phát triển lớn mạnh trong khả năng hạn hẹp của chúng ta. Phần việc của chúng ta thì chúng ta cứ làm, còn phần của Thiên Chúa thì Ngài sẽ làm theo sự khôn ngoan của Ngài. Chúng ta hãy tin chắc rằng Nước Trời sẽ thành toàn trong ngày sau hết và chúng ta sẽ được vào đó để hưởng vinh quang mà Chúa dành cho chúng ta. Nhưng trong khi chờ đợi đến ngày đó, theo lời thánh Phaolô trong bài đọc 2, chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Ed 17,22-24

Đây là một dụ ngôn lạc quan mà tiên tri Ezéchiel nói với dân Israel đang bị lưu đầy bên Babylon để họ nuôi niềm hy vọng lớn lao.

Từ cây bị đốn ngã là Israel, chính Thiên Chúa sẽ ngắt một nhánh con trên ngọn và đem trồng nơi đất tốt để từ nhánh mới đó sẽ lại xuất hiện một cây hương bá sum suê, nghĩa là Thiên Chúa sẽ cho họ được hồi hương và đất nước họ sẽ được thịnh vượng.

Thực tế là Thiên Chúa sẽ tái thực hiện kế hoạch của Ngài, nhưng trong sự khiêm tốn và hèn mọn của một “số sót nhỏ bé”.

+ Bài đọc 2 : 2Cr 5,6-10

Người Kitô hữu sống ở thế gian ví như bị lưu đầy “xa Chúa” (2Cr 5,6). Khi nói như thế, có lẽ thánh Phaolô nghĩ đến những người Do thái nơi tha hương, sống xa Đền thờ Giêrusalem. Quả thật, người Kitô hữu cũng ở trong hoàn cảnh tương tự với đền thờ mới là Đức Kitô vinh quang.
Tuy sống ở trần gian như bị lưu đầy xa Chúa, người Kitô hữu vẫn một lòng trông cậy sẽ thoát cảnh lưu đầy đó mà về với Chúa.

Trong khi chờ đợi đến ngày đó, chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, để khi đến ngày đó, chúng ta sẽ được Thiên Chúa xét xử và thưởng công.

+ Bài Tin mừng : Mc 4,26-34

Đức Giêsu dùng hai dụ ngôn để nói về sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa theo hai đặc tính :

- Dụ ngôn thứ nhất : Đức Giêsu ví Nước Thiên Chúa như hạt giống gieo vào lòng đất, hạt giống cứ âm thầm mọc lên thành cây, không cần biết người gieo thức hay ngủ, đêm hay ngày. Điều đó nói lên sức phát triển nội tại của Nước Thiên Chúa.

- Dụ ngôn thứ hai : Đức Giêsu ví Nước Thiên Chúa như hạt cải rất nhỏ gieo xuống đất. Hạt cải dần dà lớn lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể đến núp dưới bóng của nó. Điều đó nói lên sức bành trướng rất mạnh của Nước Thiên Chúa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Sức mạnh của Nước Trời

I. NÓI VỀ DỤ NGÔN

Đức Giêsu đi rao giảng về Nước Thiên Chúa cho mọi người, cách riêng cho người Do thái. Nước Thiên Chúa tức là Nước Trời như Ngài đã rao giảng :”Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15)… Đức Giêsu có ý phân biệt Nước Thiên Chúa mà Ngài sẽ thiết lập, tức là Hội thánh của Ngài, với nước trần gian theo kiểu người Do thái vẫn hằng mong ước, là được giải thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma.

Đức Giêsu không dùng kiểu nói của các nhà hiền triết hay các nhà thần học với kiểu nói trừu tượng để nói về Nước Trời nhưng dùng những hình ảnh tự nhiên, quen thuộc và một kiểu nói bình dân để nói lên các đặc tính của Nước Trời. Hay nói cách khác, Ngài hay dùng dụ ngôn mà giảng dạy.

J. Hervieux giải thích :”Dụ ngôn là một câu chuyện rút ra từ thiên nhiên hay trong đời sống thường nhật. Nhờ hình thức rất đơn giản và tính cách lạ thường, dụ ngôn dễ làm cho người nghe chú ý và khiến họ phải suy nghĩ đến điều mà dụ ngôn có ý nhắm tới thông qua những hình ảnh (L’Evangile de Marc, Centurion, tr 65).

Các dụ ngôn không cho chúng ta thấy toàn cảnh, nhưng dù sao cũng cho chúng ta một số khái niệm về Nước Thiên Chúa. Trong chương 4 của Phúc âm thánh Marcô, chúng ta thấy có 3 dụ ngôn khác nhau về Nước Chúa. Nhìn vào lần lượt từng dụ ngôn một, chúng ta có 3 hình ảnh khác nhau về Nước Thiên Chúa. Điều lý thú là cả ba đều nói về hình ảnh hạt giống. Hôm nay chúng ta chỉ nói tới hai dụ ngôn thôi.

II. HAI DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI

Hôm nay Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn về người gieo giống và hạt cải để nói lên hai đặc tính của Nước Trời, đó là Nước Trời hay Hội thánh của Chúa cứ âm thầm tăng triển và từ một cộng đoàn nhỏ bé sẽ trở nên một cộng đoàn lớn mạnh.
1. Dụ ngôn người gieo hạt giống

Đức Giêsu dùng lối so sánh rất tự nhiên mà các thính giả của Ngài đều biết rõ. “Gieo hạt giống” đó là cử chỉ rất quen thuộc, đến nỗi ta có nguy cơ không còn nhận ra mầu nhiệm của nó nữa. Người ta đã gọi dụ ngôn này là “hạt giống tự mọc lên” vì mọi sự diễn tiến đúng như vậy.

Theo Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa như người kia gieo hạt giống xuống đất… hạt giống tự nó đâm mầm và mọc lên thế nào, nào ai biết ? Thì Nước Trời cũng giống như vậy. Hạt giống Lời Chúa được rao giảng bên ngoài, sức tác động của Chúa hoạt động bên trong, thế là Phúc âm sẽ sinh hoa kết quả. Nhưng Chúa thấy trước, lời của Ngài, sứ vụ của Ngài sẽ gây kết quả từ từ, không gấp gáp, không gây chấn động. Vậy phải nhẫn nại, hãy đợi chờ, như người nông phu đợi chờ hạt giống nảy mầm và sinh hoa kết quả.

Vì vậy, người tông đồ không được sốt ruột khi thấy công việc rao giảng Tin mừng không đi đến đâu. Hạt giống đâu có thể lớn vượt thời gian được, nó phải lớn lên từng bước theo trật tự tự nhiên của vạn vật. Do đó, Lời Chúa cũng phải theo một trật tự như thế.

Chúng ta cần hiểu rằng Nước Thiên Chúa âm thầm lớn mạnh, tuần tự nhi tiến, dưới sự thúc đẩy của Chúa. Nhưng sự tiến triển cũng đòi hỏi sự góp phần tích cực của chúng ta.

Đừng ngã lòng khi không thấy kết quả trước mắt. Sự lỗi lầm lớn của các tông đồ là dựa trên tài cán, nghị lực của ta hơn là vào sức mạnh của Chúa. Nhưng hãy cố gắng hết sức ta, thi hành phận bé nhỏ của ta vì yêu mến. Và kết quả sẽ đến vào lúc thật bất ngờ nhất.

Truyện : Giải đáp ba thắc mắc
Một hôm, cha Petitjean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ đều là người bên lương nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi :
- Anh em có thắc mắc gì không ?
Một người đưa tay đặt câu hỏi :
- Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không ? Câu hỏi thứ nhất, các ông có tin Đức Mẹ Đồng trinh không ?
- Có.
Câu hỏi thứ hai : các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không ?
- Có.
Câu hỏi thứ ba : Là Linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không ?
- Có.
- Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công giáo cả.
Cha Petitjean bàng hoàng như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm cổ nhau. Nhà truyền giáo hỏi :
- Bấy lâu nay, có ai giảng dạy cho các anh không ?
- Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi ! Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ : Sau này có ai đến giảng đạo hãy cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội thánh sai đến.
Giáo hội Nhật bản đã tái sinh.
2. Dụ ngôn hạt cải

Đức Giêsu sánh ví Nước Thiên Chúa như hạt cải. Dụ ngôn này cho thấy vẻ tương phản rõ rệt giữa một bên là sự nhỏ bé, vô nghĩa lúc ban đầu, và bên kia là kết quả cuối cùng lại phong phú không ngờ. Thật chẳng tương xứng chút nào ! “Hạ cải… là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất, nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ”.

Cây cải ở xứ Palestine khác với cây cải ở xứ ta. Ở xứ Palestine hạt cải mọc lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn.

Ông Thompson trong cuốn “Xứ thánh và Kinh thánh” đã viết :”Tôi đã thấy cây này trong cánh đồng phì nhiêu ở Akka, nó cao bằng con ngựa và người cưỡi ngựa. Với sự giúp đỡ của người hướng dẫn, tôi đã nhổ được một cây cao hơn 4 mét”.

Ví dụ này của Đức Giêsu không thổi phồng sự thật chút nào. Người ta vẫn thấy những loại cải hay cây cải to như vậy có bầy chim bu quanh, vì chim thích những hạt cải đen nên chúng đậu trên cây để ăn. Vì thế Đức Giêsu mới nói rằng Nước Ngài giống như hạt cải lớn lên thành cây.
Ý nghĩa của ví dụ này rất rõ ràng. Nước Thiên Chúa bắt đầu từ những bước khởi điểm hết sứ nhỏ bé, nhưng không biết khi nào nó kết thúc.

Ngỏ lời với đám thính giả đang đánh giá sứ vụ của mình theo những tiêu chuẩn phàm trần, và với những ai đang thất vọng khi thấy vẻ khiêm tốn lúc ban đầu của mình. Đức Giêsu báo trước cho họ biết rằng, dù thế nào, họ cũng vẫn là những người được chứng kiến công cuộc khai trương Nước Thiên Chúa. Nơi bản thân Đức Giêsu, dù bằng cách kín đáo thế nào chăng nữa, thì Nước Thiên Chúa cũng đã xuất hiện rồi. Một ngày nào đó, nhân loại sẽ phải ngỡ ngàng chứng kiến sức mạnh vô địch và vẻ phong phú lạ lùng của Nước ấy. Cái gì mắt người được nhìn thấy hiện nay không cho ai đoán trước được nó sẽ như thế nào ở giai đoạn chót của mức phát triển.

Tường thuật lại cho các độc giả của mình những lời này của Đức Giêsu, Marcô muốn trấn an họ rằng hoạt động của Đức Giêsu khi còn tại thế dù khiêm nhường, nhỏ bé, và cộng đoàn các môn đệ của Ngài là Giáo hội, dù có yếu đuối thế nào, thì tất cả đều đang tham gia vào thành tựu vẻ vang của một công trình tràn đầy sức sống và khi tới giai đoạn chót của mức phát triển, phải đạt được chiều kích toàn cầu (Theo J. Hervieux).

Bước khởi đầu của Nước Thiên Chúa khiêm tốn như vậy đấy, nhưng sự bắt đầu là rất quan trọng. Có nhiều việc lớn phải bắt đầu bằng những việc nhỏ, ví dụ : muốn xây một tòa nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch; muốn viết một cuốn sách thì phải bắt đầu bằng từng trang, thậm chí từng chữ; muốn làm một chuyến viễn du phải bắt đầu bằng từng bước; muốn xây một tình bạn thì phải bắt đầu bằng những cuộc gặp gỡ đổi trao.

Truyện : Hạt giống cây tre Tầu
Nhà tâm lý học Weldon cho rằng hạt giống kỳ lạ nhất thế giới là hạt giống cây tre Trung quốc. Hạt giống nằm yên dưới lòng đất đến 5 năm, rồi mới nhú chồi non lên mặt đất. Suốt thời gian 5 năm này, người ta phải vất vả chăm sóc nó, nào là tưới nước, nào là bón phân, mà không hề nhìn thấy hệ thống rễ phức tạp đang bố trí trong lòng đất.

Cuối cùng, một sự sống đã vươn lên đầy kinh ngạc : Chỉ trong 6 tuần đầu, cây tre đã mọc cao lên gần 3 mét.

Hạt giống Nước Trời cũng không khác chi hạt giống cây tre Trung quốc. “Hạt bé nhất” lại cho cây lớn nhất. Nước Trời khởi đầu là Chúa Giêsu và một nhóm nhỏ môn đệ dân chài. Sau 20 thế kỷ, Kitô giáo đã lan tràn khắp nơi, đến với mọi dân tộc.

Có thể nói Đức Giêsu đã gieo hạt giống Hội thánh vào giữa lòng thế giới. Sau đó Ngài biến mất khỏi dòng lịch sử, để hạt giống Hội thánh “âm thầm lớn lên” với bao gian nan và thử thách, yếu đuối và bất lực. Dường như Ngài dửng dưng trước bao khó khăn của Hội thánh. Dường như Ngài không biết đến bao tội ác đang lan tràn khắp thế giới. Dường như Ngài không quan tâm đến nỗ lực sống thánh của dân Ngài.

Nhưng với lòng tin yêu phó thác, chúng ta xác tín rằng : bên kia dòng thời gian, nơi cuộc sống vĩnh hằng, Thiên Chúa đang chờ đợi, nhìn xem và điều khiển cho hạt giống Nước Trời lớn lên và tăng trưởng sung mãn vào một mùa bội thu trong ngày Cánh chung sẽ tới.

III. NHIỆM VỤ CỦA CHÚNG TA

Đức Giêsu đã thành lập Hội thánh qua 2000 năm rồi, Hội thánh vẫn trường tồn nhưng chưa hoàn chỉnh. Chúa còn cần đến sự đóng góp của chúng ta, tuy nhỏ bé, nhưng cần thiết. Người ta thường nói :”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, việc của chúng ta thì chúng ta cứ làm, còn kết quả là do Chúa định.

Truyện : Thế giới chưa hoàn chỉnh
Có một phiên bản của câu chuyện sáng thế như sau : Khi Thiên Chúa dựng nên thế giới, Ngài dựng nên từ từ. Ngài tạo ra cây cối, cỏ hoa, sinh vật, chim cá… Khi Ngài làm ra những vật ấy, các thiên thần liền hỏi :”Thưa Chúa, vậy thế giới đã xong chưa” ? Thiên Chúa đáp lại với một từ “chưa” đơn giản.

Sau cùng Thiên Chúa đã tạo ra con người và nói với họ :”Ta mệt rồi. Ta muốn các con hoàn thành thế giới. Nếu các con đồng ý làm thế, Ta sẽ cộng tác với các con”. Họ đồng ý. Sau đó, bất cứ lúc nào các thiên thần hỏi Thiên Chúa thế giới đã hoàn thành chưa, câu trả lời vẫn là :”Ta không biết. Các ngươi phải hỏi những người cộng tác của ta”.

Có những điều mà chúng ta có thể làm và phải làm, Thiên Chúa sẽ không làm điều đó thay chúng ta. Không phải vì Ngài không thể làm chỉ vì muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Chúng ta phải gieo hạt giống, đó là phần việc của chúng ta. Nhưng khi làm điều ấy, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta không thể làm mọi việc. Chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên. Đó là phần việc của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa làm phần việc của Ngài. Không một chủ nông trại hoặc người làm vườn nào sẽ nói với bạn điều ấy.

Chúng ta có nhiệm vụ truyền bá Nước Thiên Chúa cho người ta trong hoàn cảnh thuận tiện cũng như không thuận tiện, cho những người muốn nghe cũng như cho những người không muốn nghe. Phần chúng ta cứ việc gieo Lời Chúa và để cho Lời Chúa âm thầm mọc lên.

Bên Phương Tây, có những người thẳng thừng chống lại Thiên Chúa, họ bảo rằng :”Thiên Chúa đã chết rồi” (Nietzsch), nhưng Thiên Chúa vẫn còn, Ngài là Đấng ẩn danh (Deus Absconditus), Ngài vẫn nói, nói một cách khiêm tốn và dịu hiền để ai có tai, có thiện tâm thì nghe rất thấm thía. Kẻ ác tâm, dã tâm, vô tâm chẳng bao giờ nghe được tiếng Ngài. Mà chỉ thấy chói tai.

Người Đông Phương xưa, tuy không gần Ngài bằng xương, bằng thịt, nhưng cũng nhìn thấy :”Thiên hành kiện” – Trời hành động kiên cường không ngừng, mà chẳng nói gì “Thiên hà ngôn tai” – Trời không nói bằng miệng, nhưng nói bằng nhiều cách : nói bằng tác tạo trời đất muôn vật, nói trong lương tâm con người :”Thiên mệnh chi vị tính”, nói bằng ban phép tắc cho muôn vật :”Duy thiên sinh dân, hữu vật, hữu tắc”. Vì thế, con người phải biết luôn luôn tìm ý Ngài để tuân theo. Không biết tìm ý Trời thì không đáng là quân tử, không xứng đáng làm con Trời :”Bất tri thiên mệnh, vô dĩ vi quân tử”.

Để kết thúc, chúng ta hãy trở lại bài đọc 2, thánh Phaolô cho biết cuộc sống ở trần gian này được coi như cuộc lưu đầy “xa Chúa” (2Cr 5,6). Nhưng chúng ta tin chắc rằng một ngày kia chúng ta sẽ rời bỏ chốn lưu đầy này mà về với Chúa.

Tuy nhiên, trong khi còn sống ở trần gian này chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, góp phần làm cho hạt giống Lời Chúa được phát triển mạnh mẽ, được sinh hoa kết quả dồi dào, đợi chờ một mùa bội thu trong thời viên mãn là ngày Cánh chung.


 
Phát huy nội lực của Thánh Thể trong đời sống
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
09:37 16/06/2012
Chúng ta vừa mới tìm hiểu về gương sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể của các Thánh Tử đạo Việt Nam và về các nguyên nhân khiến tín hữu chúng ta chưa phát huy được nội lực của Bí tích Thánh Thể (BTTT) là không ăn, không tiêu, không hoá. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là: làm sao phát huy được nội lực của BTTT trong đời sống thường ngày nơi người tín hữu Công giáo Việt Nam (THCGVN). Chúng ta cùng suy nghĩ về 2 điểm sau:

- Hiện trạng của THCGVN với BTTT
- Những đề nghị để phát huy nội lực của BTTT

1. Hiện trạng của tín hữu Công giáo Việt Nam với BTTT

1.1. Sự thật qua các số liệu về BTTT

Nếu theo dõi báo cáo của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Việt Nam, về BTTT nơi tín hữu Việt Nam với Toà Thánh Rôma, chúng ta sẽ nhận ra những nét đặc biệt của Giáo hội Việt Nam: đó là số người dự thánh lễ và rước lễ ngày Chủ Nhật rất đông, tỷ lệ lên tới trên 80% dân số Công giáo. Đây là tín hiệu đáng mừng nếu ta so sánh với tỷ lệ khoảng 10% dân số Công giáo của nhiều nước của châu Âu dự lễ ngày Chủ Nhật. Số các xứ đạo chầu Thánh Thể càng ngày càng tăng. Số các em Rước Lễ Lần Đầu năm 2009 là 117.441, năm 2010 là 102.956 em trên tổng số khoảng 6 triệu tín hữu của 90 triệu dân. Trước khi được Rước Lễ Lần Đầu, các em phải học giáo lý về BTTT.

Chúng ta có thể biết thêm thái độ của tín hữu giáo phận Xuân Lộc về BTTT, giáo phận có số tín hữu đông nhất Việt Nam: 887.232 người trên dân số 2.386.774 người qua báo cáo tổng kết năm 2011 của giáo phận: số người rước lễ trong năm là 45%, trong mùa Phục Sinh là 87%, đi dự lễ ngày thường 27% trong số đó có 86% rước lễ. Giáo phận có 237 giáo xứ thì 187 giáo xứ chầu Thánh Thể mỗi tuần, 59 giáo xứ chầu cả ngày, 18 giáo xứ chầu cả ngày lẫn đêm.

Nhà thờ ở Việt Nam hầu như luôn đầy người dự lễ và rước lễ ngày Chủ nhật, nhưng số người dự lễ ngày thường trung bình chỉ khoảng từ 15% đến 25% và hầu như là các người cao tuổi, đa số họ đều lên rước lễ. Các bạn trẻ và trẻ em thường vắng bóng trong thánh lễ ngày thường vì bận đi làm hay đi học. Các giờ chầu Thánh Thể chung cho cả xứ đạo thường có rất đông người tham dự nhưng việc chầu Thánh Thể riêng tư thường chỉ có người cao tuổi tham dự, ít khi thấy các bạn trẻ có mặt.

1.2. Nhận định

Chúng ta có thể thấy rằng ở Việt Nam, số người rước Thánh Thể như của ăn thiêng liêng rất đông nhưng vấn đề đặt ra là tại sao Giáo hội Việt Nam không phát triển như lòng ta mong ước? Tại sao tỷ lệ dân số Công giáo 7% giữ nguyên từ 127 năm nay và có chiều hướng giảm so với thời kỳ của các Thánh Tử Đạo 1645-1885. Nếu so sánh với Giáo hội Hàn Quốc tiến từ 1% dân số vào năm 1949 đến hơn 10% dân số cả nước vào năn 2009, ta mới thấy mình phải tìm ra nguyên nhân của sự thật đau lòng này.

Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là người tín hữu Việt Nam vẫn còn rước lễ như một “bí tích”, nghĩa là chỉ theo hình thức bên ngoài, chứ chưa cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong đời sống thường ngày. Rời thánh lễ là họ quên ngay Chúa Giêsu Thánh Thể và hành động như một người bình thường trong đời sống xã hội. Như thế họ có ăn mà không tiêu hoá được Thánh Thể.

Nhiều tín hữu sau khi rước lễ vẫn tiếp tục ăn thêm nhiều của ăn tinh thần độc hại qua những câu chuyện “ngôi lê đôi mách”, những phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet… Trong số 24 triệu người Việt truy cập internet mỗi ngày, có đến 6 triệu người xem phim ảnh đồi truỵ, 10 triệu người chơi trò chơi trực tuyến bỏ cả công ăn việc làm, thử hỏi có bao nhiêu người Công giáo trong số đó? Những thứ đồ ăn xấu xa đó khiến Mình Máu Chúa không thể phát huy nội lực trong đời sống tín hữu.

Nhiều tín hữu rước lễ nhưng không có các hoạt động nội thân để làm tiêu tan Thánh Thể thành sức sống, tình yêu, ân sủng, quyền năng như cơm canh rau thịt được các cơ quan như răng miệng, dạ dày, ruột non, ruột già, gan mật, lá lách… biến thành chất đường, chất béo, chất đạm, chất khoáng, vitamin, chất điện giải… Họ nghĩ rằng chỉ cần nhận Thánh Thể vào mình chứ không cần cầu nguyện, xét mình, xưng tội, lần hạt, tĩnh tâm, đọc sách thiêng liêng… Họ chẳng cần dọn mình trước hay cám ơn sau khi rước lễ. Họ vội vàng ra về và quên ngay vị Chúa cao cả đang sống trong mình.

Họ thiếu hành động ngoại giới vì nghĩ rằng Thánh Thể chỉ dành cho sự sống của họ chứ không nghĩ đến người khác, đến Thân Thể Nhiệm mầu là Giáo Hội, đến nhân loại và cả vũ trụ qua bánh và rượu tượng trưng. Họ không chuyển hoá tình yêu, quyền năng, ân phúc do BTTT mang lại thành các hoạt động cụ thể như loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm việc bác ái xã hội và xây dựng sự hợp nhất của Kitô hữu nên dần dần xa rời BTTT vì thấy chẳng ích lợi gì cho mình khi rước Chúa giống như tình trạng chung của tín hữu toàn cầu.

2. Những đề nghị để phát huy nội lực của BTTT

2.1. Nhận thức đầy đủ

Việc phát huy nội lực của BTTT là 1 tiến trình dài để biến đổi con người bệnh tật, yếu đuối thiêng liêng thành người khoẻ mạnh, đầy sinh lực của Thánh Thần giống như vực dậy 1 người suy nhược, kiệt sức thành khoẻ mạnh hay thành vận động viên thể thao. Tiến trình gồm nhiều giai đoạn đi từ nhận thức đầy đủ đến việc thay đổi thái độ hành vi rồi tích cực tập luyện để thành thói quen thay vì ngồi yên trông đợi phép mầu biến đổi từ BTTT.

Tiến trình này luôn khởi đầu với sự nhận thức đầy đủ về “BTTT là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo”, nhận thức mình cần phải ăn, phải tiêu, phải chuyển hoá Thánh Thể như thế nào trong đời sống thường ngày. Muốn tạo nên nhận thức này, mọi thành phần tín hữu phải học hỏi kỹ lưỡng về BTTT, đưa nội dung nhận thức này vào trong các bài giảng lễ, giờ chầu Thánh Thể thay vì ngồi ca hát hay chỉ yên lặng như hiện nay đến nỗi phải mượn cách cầu nguyện của cộng đồng Taizé! Nên biên soạn các sách hướng dẫn các buổi cầu nguyện trước Thánh Thể với nội dung phong phú để nhiều người hiểu biết về lịch sử, việc cử hành Phụng vụ Thánh Thể, hy tế bí tích, bàn tiệc Vượt Qua, những hiệu quả của việc rước lễ… (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1322-1419).

2.2. Thay đổi thái độ, hành vi

Một khi nhận thức đầy đủ, tín hữu Công giáo dần dần sẽ thay đổi thái độ và hành vi của mình để phát huy nội lực của bí tích này. Trong đời sống hiện nay nặng về thực dụng, hưởng thụ, nhiều bậc phụ huynh và bạn trẻ tính toán rằng chính mình và con cái phải làm việc, học hành vất vả, nên thay vì tốn 1 giờ để dự lễ hay chầu Thánh Thể, họ dành để ngủ thêm cho lại sức, nghỉ ngơi giải trí cho tinh thần thư giãn. Họ không biết rằng BTTT vừa là nguồn hồi phục sức lực nhanh chóng nhất, vừa là nơi an nghỉ tốt nhất cho tinh thần thanh thản.

Trong kinh nghiệm đời sống, tôi biết có những người làm việc, học hành mỗi ngày từ 12-14 giờ mà không mệt mỏi. Họ vừa dạy học, chữa bệnh, xua trừ ma quỷ, vừa hoạt động bác ái xã hội nhân danh Chúa Giêsu mà vẫn khoẻ mạnh, dồi dào sinh lực. Hỏi ra mới biết họ chỉ có một bí quyết chung: ngoài thánh lễ và rước lễ hằng ngày, mỗi khi đi ngang qua nhà thờ hay nhà nguyện, họ luôn ghé vào hoặc cúi chào và rước lễ thiêng liêng. Từ đó tôi đã thay đổi thái độ của mình đối với BTTT.

2.3. Tập thành thói quen

Cuối cùng muốn cho BTTT phát huy trọn vẹn nội lực, người tín hữu cần biến những hành vi đối với BTTT thành thói quen trong đời sống. Nhiều người chúng ta biết thí nghiệm “phản xạ có điều kiện của nhà bác học Pavlov”: với con chó, đĩa thịt và tiếng chuông. Người ta tập cho con chó có phản xạ tiết ra dịch vị trong dạ dày bằng cách đánh đều tiếng chuông và bớt lần việc đưa ra đĩa thịt. Cuối cùng chỉ cần nghe tiếng chuông là con chó tiết dịch vị. Con chó đã tập thành một thói quen. Người ta ứng dụng định luật tâm lý này cho con người.

Người tín hữu cũng có thể tập những thói quen đối với BTTT: đọc lời nguyện tắt trước mỗi hành động để xin Chúa Giêsu Thánh Thể chúc phúc, tập đi dự lễ, rước lễ, chầu Thánh Thể đều đặn vài ngày trong tuần, tập dành ngày thứ Năm để làm một việc bác ái… Nhất là đối với những ai tham gia Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, chúng ta có thể tập hoạt động chung với nhau để hình thành thói quen này.

Lời kết

Hôm nay, suy nghĩ về việc phát huy nội lực của BTTT trong đời sống người THCGVN, chúng ta thấy mình có thể đóng góp rất nhiều cho Giáo Hội và thế giới bằng việc nhận thức tầm quan trọng của BTTT trong đời sống để thay đổi cuộc đời. Chúa Giêsu Thánh Thể rất yêu thương chúng ta, chắc chắn Người rất muốn biến đổi ta nên hiện thân của Người.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa hãy thực hiện nơi chúng con chương trình cứu độ của Chúa. Amen.
 
Nguồn Mạch Lòng Thương Xót
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
20:19 16/06/2012
NGUỒN MẠCH LÒNG THƯƠNG XÓT

Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mạch của Lòng Thương Xót. Tại sao chúng ta biết được điều đó? Biết qua Lời Chúa giảng dạy, biết qua việc Chúa làm, và biết qua chương trình cứu độ mà Chúa thực hiện. Việc biết qua Lời Chúa giảng dạy, bởi vì Lời giảng dạy của Chúa là Lời Hằng Sống, Lời Tin Mừng đến cho người nghèo, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, phóng thích cho những tù nhân và công bố năm tháng hồng ân của Thiên Chúa. (x.Is 61,1-2)

Theo Ngôn sứ Isaia nói trên thì sứ mệnh của Chúa là một nhà giải phóng, là một người thi ân cứu độ. Vì Chúa gần gũi với người nghèo, và đặc biệt là những người bé mọn, như trong lời Chúa Giê su cầu nguyện: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã giấu những người khôn ngoan thông thái và tỏ cho những người đơn sơ, bé mọn”(Mt 11,25). Lời giảng dạy của Chúa Giê su không phải là lệnh truyền, nhưng luôn luôn là những Lời mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”( Mt 11 28-30).

Qua những lời giảng dạy của Đức Giêsu, chúng ta nhận ra Lời Hằng Sống của Chúa là lời thi ân giáng phúc, là Lời đem lại cho chúng ta sự sống mới. Chúa mời gọi mọi người đến với Chúa, trong khi chính Chúa thì lại đón nhận tất cả, những gì là bị xét đoán, bị kết án và bị sỉ nhục. Nhưng Lời của Chúa đem lại cho chúng ta sức sống và sức sống ấy được truyền thụ từ trái tim yêu thương của Chúa Giêsu, đồng thời chúng ta nhận ra Thánh Tâm yêu dấu của Chúa Giêsu qua những việc Chúa làm.

Các thánh sử đã cô đọng một ngày làm việc của Chúa từ sáng sớm Người đã đi cầu nguyện, rồi Người chọn các tông đồ, sau đó người ta đem đến cho Người đủ mọi thứ bệnh và Người đã chữa cho họ lành và Người giảng dạy họ nhiều điều (x.Lc 6, 12-17). Như vậy, một ngày làm việc của Chúa là ngày của phục vụ, là ngày của trao ban, là ngày của cứu độ. Cho nên người ta đem đến với Chúa đủ mọi thứ bệnh nhân, Chúa không kỳ thị, Chúa không xa cách, Chúa không thiên tư tây vị ai. Lòng thương xót của Chúa được thể hiện trong những gì mà Chúa đã làm: băng bó những vết thương lòng, yêu thương và giúp đỡ cho tất cả những người nghèo khó. Việc làm của Chúa Giêsu xuất phát từ tình yêu thương. Vì vậy, Chúa luôn luôn kêu gọi mọi người, nhất là các tông đồ “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Một cụ thể hóa tính mô phạm mà Chúa Giêsu thực hiện trong tình yêu thương. Do đó, mọi người đến với Chúa Giêsu, họ cảm thấy một sức hút, ví như đi vào trong sa mạc quên cả ăn. Họ vây quanh Chúa Giêsu đến nỗi Chúa không còn có thời giờ để ăn uống, nghỉ ngơi. Và có lần Chúa còn phải lên thuyền, đẩy xa bờ một chút, vì trên bờ đã đầy chật người… Chúng ta hình dung Chúa Giê su đi đến đâu là tình yêu tuôn trào đến đó. Bao nhiêu bệnh hoạn tật nguyền được Chúa thương cứu chữa; người nghèo được nghe loan báo Tin Mừng và Chúa bênh vực những người yếu thế. Chúng ta còn thấy Chúa cho em bé 12 tuổi chết sống lại; cho cậu con trai bà góa thành Naim chết sống lại; cho Lazaro chết bốn ngày còn ra khỏi mồ sống lại, nhưng Chúa đã không tự cứu mình, khi bị đánh, khi bị kết án, và khi bị đóng đinh trên Thập Giá.

Việc làm của Chúa Giêsu đã diễn tả cho chúng ta những nét cao cả nhất, vì “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến mạng mình vì người mình yêu” (Ga 15,13). Chúa Giê su đã dạy và đã thực hành như thế. Cuối cùng chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa được biểu lộ qua việc hoàn tất chương trình cứu độ của Ngài trên cây Thập Giá, Ngài nói: “Khi nào Ta bị treo lên cao khỏi đất, các ngươi sẽ biết Ta hằng hữu” (Ga 8,28).

Và cũng ở trên cây Thập Giá, Chúa đã xin Chúa Cha tha cho họ “vì chúng lầm không biết”. Ở trên cây Thập Giá, Chúa Giêsu đã chối Gioan cho Đức Mẹ là hình ảnh của Hội Thánh ngày nay được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ. Trên cây Thập Giá, Chúa Giêsu tuyên bố: “Mọi sự đã hoàn tất”( Ga 19,30). Như vậy, chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa được biểu hiện một cách cụ thể nơi của lễ diễn ra là trên Thập Giá. Chúa Giêsu còn làm nghĩa cử cuối cùng là hứa thiên đàng cho người trộm có lòng hoán cải, đó là: “Thật hôm nay Ta cho ngươi ở nơi vui vẻ cùng Ta. Với những việc làm trên, chúng ta nhận ra Chúa Giê su Kitô đã lấy máu và nước để rửa sạch tội lỗi chúng ta. Nói như Kinh Tiền tụng của ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Từ cạnh sườn đâm thâu qua, Người đã làm phát sinh các bí tích”. Các bí tích là những kho tàng ân sủng để Chúa trao ban xuống cho chúng ta:

- Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được sạch tội, chúng ta được tham gia làm con cái của Thiên Chúa chứ không phải là nô lệ cho ma quỉ;

- Nhờ bí tích Thêm Sức, chúng ta được lớn lên trong Thánh Thần;

- Nhờ bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, linh hồn chúng ta được của ăn nuôi dưỡng là Thần Lương, là mỹ vị, là bánh của các Thiên Thần, đó chính là Mình và Máu Chúa Kitô;

- Nhờ bí tích Giải tội, Chúa tha thứ, trả lại cho chúng ta ơn an bình và hạnh phúc;

- Nhờ bí tích Xức dầu thánh, Chúa an ủi cho những người sắp lìa cõi đời này.

Những người Kitô hữu, họ được Mình Thánh Chúa như của ăn đàng, họ được dầu thánh Chúa xoa dịu vết thương và nhất là họ được ơn tha tội để được phúc đời đời trong nước Chúa. Còn hai bí tích, mỗi người chỉ được lĩnh một trong hai: Hôn phối thì thôi Chức thánh và Chức thánh thì tách biệt ra khỏi Hôn nhân gia đình. Cả hai bí tích này đều nhằm phục vụ cho cộng đồng nhân loại, để từ đó, chúng ta thấy ân sủng và tình thương của Chúa xuống cho toàn thể thế giới, toàn thể Giáo Hội. Những ân sủng của Bí tích đó để chúng ta được lớn lên, mạnh sức trong tình yêu của Chúa. Do đó, từ cạnh sườn đâm thâu qua, Máu và Nước chảy ra, từ đó phát sinh các bí tích của Hội Thánh. Chúng ta thấy không còn một hình ảnh nào đẹp hơn, và không còn một cách diễn tả nào vừa thực tế, vừa xúc động lại vừa tràn đầy thánh thiện như Chúa Giêsu đã thực hiện khi hoàn tất chương trình mầu nhiệm của Ngài trên Thập Giá.

Một lần nữa chúng ta khẳng định rằng, nhờ lời nói, nhờ việc làm, khi hoàn tất chương trình của Chúa, Thánh Tâm Chúa Giêsu đã thể hiện lòng thương xót từ muôn đời và cho chúng ta thấy rõ lòng thương xót đó. Nếu hôm nay tai chúng ta không nghe được sứ điệp của yêu thương qua Lời Hằng Sống của Chúa. Nếu mắt chúng ta không nhận ra những việc làm mà Chúa Giêsu vẫn đang thực hiện giữa thế giới hiện đại của chúng ta bằng những ơn lạ lùng, bằng sự can thiệp trong những tâm hồn có một đức tin trưởng thành, cảm nhận được Lòng Thương Xót của Chúa. Và nếu chúng ta cũng không đứng dưới chân Thập Giá, thì chúng ta cũng không thể đón nhận ơn cứu độ, vì trước hết là các tông đồ đã bỏ trốn hết từ vườn Gietsimani đến các bà đạo đức đứng ở xa xa mà nhìn và không dám đến gần. Để đón nhận chương trình cứu độ. Để đón nhận những dòng máu chảy ra, từ đó phát sinh ra bí tích của Hội Thánh, thì như Gioan, như Đức Mẹ là phải đi qua chặng đường Thập Giá. Có đi qua Thập Giá thì mới đứng ở dưới chân Thập Giá được, và chiêm ngắm Thánh Tâm mở rộng của Chúa Giêsu.

Hôm nay, qua hành trình Thập Giá, người ta đến với Thánh Tâm và đứng ở dưới Thánh Tâm để chiêm ngưỡng mầu nhiệm tình yêu, để khám phá ra một sức mạnh vô song của Thiên Chúa và để hưởng ơn cứu độ. Như Gioan đã nhận Mẹ Maria về nhà mình và Đức Mẹ cũng đã nhận Gioan làm con mình thì dưới chân Thập Giá, và trong giây phút mầu nhiệm cứu độ được hoàn tất ấy, chúng ta thấy Thiên Chúa đã thực hiện trong âm thầm là những hình ảnh của Giáo Hội thật tuyệt vời, được sự nâng đỡ của Đức Trinh Nữ Maria và được hưởng Lòng Thương Xót vô biên của Chúa trong mầu nhiệm cứu độ mà Chúa thực hiện trên Thập Giá – một Hy tế cuối cùng. Vậy chúng ta cũng hãy đi qua nẻo đường Thập Giá để gần Thập Giá, đứng vững ở đây, để chiêm ngưỡng, để đón nhận và để hiệp thông.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con hiệp thông trong Trái Tim Chúa,
vì chúng con vẫn đọc Kinh Cầu dâng mình cho Trái Tim Chúa
mà chúng con không ý thức thực hành.
Đó là: “Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa”.
Trở nên giống Trái Tim Chúa vì yêu thương.
Trở nên giống Trái Tim Chúa để trao ban.
Trở nên giống Trái Tim Chúa để phục vụ và cho đi.
Trở nên giống Trái Tim Chúa để được nên một
trong sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi
tràn đầy tình yêu là Cha và Con và Thánh Thần. Amen.


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Thánh Tâm: Tình Yêu được cắt nghĩa
LM. Giuse Trương Đình Hiền
21:18 16/06/2012
Thánh Tâm : Tình Yêu được cắt nghĩa

(Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu 2012)

Trong biến cố động đất tại Tứ Xuyên Trung Quốc, có một câu chuyện cảm động đã làm rơi nước mắt bao người trên thế giới...

Người ta kể rằng : Đoàn cứu hộ thấy có một người phụ nữ, hai tay chắp qua vai và trong tư thế quỳ cuối mình như đang khẩn nguyện, và cô đã chết. Trong khi những người trong đoàn đi qua các gian phòng khác để tiếp tục tìm kiếm, thì có một người đã phát hiện phía dưới thân mình người phụ nữ có một em bé, và bé đang ngủ. Thì ra, em được người mẹ lấy thân mình che chắn...Lục tìm trong tấm chăn đắp của bé, người ta đã tìm thấy một chiếc điện thoại di động... Và đẹp thay, những dòng tin nhắn là những lời di chúc của mẹ dành cho con : “Nếu con có thể sống sót, thì con hãy nhớ rằng mẹ vẫn luôn yêu thương con”.

Chúng ta cũng đừng quên, trong trận động đất năm năm ở Armênia, người ta cũng tìm thấy một em bé sống sót nhờ bú được dòng máu chảy ra từ ngón tay của mẹ tự nguyện cắt ra để “lấy máu mình nuôi con sống sót”.

Ôi, tình mẹ thương con bao la như biển Thái bình là như thế. Và cũng từ cái mối tình sâu đậm thiết tha đó, mà chúng ta đã được nghe chính Thiên Chúa đã từng ví von mối tình của mình dành cho dân Ít-ra-en qua miệng của ngôn sứ I-sa-ia :

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15)

Hay như những lời tâm sự thiết tha mà trích đoạn sách sứ ngôn Hô-sê vừa công bố : “Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ nâng lên áp vào má ; Ta cúi xuống mà đút cho nó ăn….Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi ! Hỡi ÍT-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành….Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi…vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm…”.

Sở dĩ tình yêu là một huyền nhiệm sâu thẳm và cốt yêu của kiếp nhân sinh, vì tình yêu bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, là chính bản tính của Thiên Chúa, theo như chính Thiên Chúa đã mặc khải qua ngôn ngữ của thánh Gioan : Thiên Chúa là Tình Yêu.

Và phải chăng, toàn bộ cuốn Kinh Thánh là một “bức thư tình dài thăm thẳm” để Thiên Chúa “cắt nghĩa mối tình của Ngài dành cho nhân loại, một sự cắt nghĩa “bằng Lời” thôi chưa đủ, mà Ngài đã cắt nghĩa cách cụ thể và rõ nét qua chính cuộc Nhập Thể-Tử Nạn-phục Sinh của chính Người Con Một”.

Vâng, chính Đức Giêsu-Kitô, khi chấp nhận vâng phục thánh ý Chúa Cha “nầy con xin đến”, đã tự hiến tặng chính cuộc sống mình thành quà tặng tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, một quà tặng được thực hiện bằng chính cái chết trên thập giá, bằng trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu để dốc hết nước và máu làm nên sự sống cứu độ cho con người, như Tin Mừng hôm nay chúng ta vừa được nghe công bố.

Quả thật, Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là sự “cắt nghĩa” rõ nét và chân xác mối tình của Thiên Chúa dành cho con người và là chuẩn mực để con người hiểu và sống trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ “Tình Yêu”.

Mà đúng là như thế. Điều gì cao quý, tặng phẩm nào giá trị mà không phải “trả giá đắt”. Không phải chỉ Lời Chúa mới đề cập đến chuyện “quà tặng của trái tim”, mà lịch sử của cả nhân loại từ cổ chí kim, đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực, tượng đài, vần thơ, khúc nhạc, bức tranh… để diễn tả thứ “tặng phẩm” tuyệt diệu nầy.

- Một Rômêo-Juliette của Shakespeare đã làm rơi lệ bao nhiêu thế hệ con người ;

- Một “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen McCulough đã khiến bao trái tim thổn thức;

- Nhà văn Oscar Wide đã diễn tả “quà tặng tình yêu” với câu chuyện ngắn “Con chim họa mi và cây hoa hồng” cũng thật dễ thương và sâu lắng….

Thế nhưng, hình như với cuộc sống xô bồ, vội vã mang tính công nghiệp của thời đại hôm nay, cái huyền diệu, cái đẹp, cái nên thơ , cái sâu lắng mượt mà của “câu chuyện trái tim” hình như đã trở thành họa hiếm.

Tình yêu không còn được “nạm bạc, dát vàng” đặt trên bệ thờ mà đã bị ném xuống bùn đen không hề thương tiếc. Cho nên người ta đã không ngần ngại hát lên : “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc…”

Vâng, người ta không mong đợi, người ta không hề hối tiếc vì quả thật người ta không hiểu được giá trị đích thật của tình yêu và cũng không có tình yêu chân thật, không biết yêu đúng nghĩa.

Đứng trước một trào lưu, một tâm thức “hạ giá tình yêu” như thế, quả thật, Phụng Vụ Lễ Thánh Tâm, với hình tượng cụ thể : một trái tim bốc lửa với vòng gai quấn quanh mà Đức Kitô giới thiệu như quà tặng tuyệt đối của mình, quả thật, đã như một sứ điệp cần thiết cho thế giới và cho tất cả mỗi người chúng ta hôm nay, nhất là cho những người mang danh Kitô hữu.

Chúng ta, những người Kitô hữu, những môn sinh của bậc thầy về tình yêu, của Thiên Chúa tình yêu, chúng ta phải trung thành với chính lời dạy bảo :

“Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy : các con hãy yêu thương nhau”. (Ga 13,35)

Thánh Gioan cũng đã từng nhắc bảo chúng ta : “Thiên Chúa là tình yêu. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa và không thuộc về Thiên Chúa”. (1 Ga 4,8-9)

Lời dạy đó, chân lý đó đã được thực thi và làm chứng qua 2000 năm hành trinh để yêu thương và phục vụ của Dân Chúa. Thật vậy, trong kho tàng lịch sử của Giáo Hội, đã có bao nhiêu chứng nhân và chứng từ đẹp tuyệt vời về tình yêu. Tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu hiến trọn cho cho con người. Phải chăng tất cả các vị thánh đều sống “đạt” ý nghĩa của hai từ tình yêu bởi vì như chính dụ ngôn của ngày phán xét : Thiên Chúa sẽ phán xử chúng ta về tình yêu.

Thật tâm đắc và ý nghĩa lời trăn trối của mục sư Luther King, người đã chết vì tình yêu dành cho những người da màu :

“Tôi rất hãnh diện nếu ngày tôi qua đời ai đó kể lại rằng Martin Luther King là người đã cố gắng sống vì yêu thương. Ngày đó tôi mong muốn các bạn sẽ có thể nói rằng tôi đã cố gắng sống cho công lý, rằng tôi đã đồng hành với những ai thực thi công lý, rằng tôi đã dấn thân để đem lại cơm bánh cho những người đói khổ, rằng tôi đã luôn luôn cho kẻ rách rưới ăn mặc. Tôi mong rằng ngày đó các bạn sẽ nói tôi đã xả thân để thăm viếng những người tù tội và yêu thương phục vụ mọi người… Còn tất cả những thứ khác, như giải Nobel hoà bình 1964 không có gì quan trọng…”

Và cũng đẹp làm sao trái tim yêu thương của người giáo lý viên tân tòng trẻ tuổi mang tên Anrê Phú Yên, một con người đã dấn thân bước đi trên con đường tình yêu của thầy Giêsu chí thánh khi thanh thản tiến ra pháp trường để : “Lây tình yêu đáp trả tình yêu, đem mạng sống báo đền mạng sống”.

Và hôm nay, để cũng có được trái tim như thế, để sống được trọn vẹn vì tình yêu như thế, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau :

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con theo hình ảnh Chúa. Chúa đã phú bẩm cho chúng con một trái tim để yêu thương. Xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống trong yêu thương và phục vụ, nhất là yêu thương và phục vụ những người nghèo khổ chung quanh chúng con. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Hội Thánh Thể Dublin: ĐHY Marc Ouellet đại diện ĐTC xin các nạn nhân bị lạm dụng tình dục tha thứ
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
17:19 16/06/2012
DUBLIN, (Zenit.org) – Trong một buổi hành hương sám hối ở ĐềnThánh Thánh Patrick, Đức Hồng Y Marc Ouellet đã thay mặt Đức Thánh Cha và Giáo Hội để xin các nạn nhân bị một số giáo sĩ lạm dụng tình dục tại Ai Len cũng như trên toàn thế giới tha thứ.

Ở buổi hành hương hai ngày 12 và 13 tháng Sáu tại đảo Lough Derg, nằm ở phía Bắc Ai Len, trong khuôn khổ Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50, Đức Hồng Y Marc Ouellet, đại diện của Đức Thánh Cha cho kỳ Đại Hội này, đã gặp một nhóm các nạn nhân bị một số thành phần giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Nhóm nạn nhân gồm cả nam và nữ, đến từ các miền khác nhau của Ai Len. Cuộc gặp gỡ kéo dài trong hai giờ đồng hồ. Trong suốt thờigian đó, từng nạn nhân nói về cảm nghiệm cá nhân của mình, về những hậu quả để lại trong cuộc sống.

Sau buổi gặp gỡ, Đức Hồng Y đã cử hành thánh lễ tại vương cung thánh đường Saint-Patrick, với sự tham dự của hàng trăm người Ai Len và khách hành hương quốc tế.

«ĐứcThánh Cha Bênêđictô XVI đã yêu cầu tôi, với tư cách là đại diện của Ngài tại Kỳ Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, đến Lough Derg để xin sự tha thứ của Thiên Chúa đối với trường hợp lạm dụng tình dục vị thành niên gây ra bởi một số giáo sĩ, không những tại Ai Len mà còn ở các nơi khác trong Giáo Hội», vị chủ tế ngỏ lời trong bài giảng.

«Tôi đến đây, ngài nói tiếp, với thành ý xin sự tha thứ của Thiên Chúa và các nạn nhân, đối với trọng tội lạm dụng tình dục vị thành niên của một số thành phần giáo sĩ».

«Bi kịch lạm dục tình dục trẻ em phạm tội bởi các Kitô hữu, nhất là khi thành phần giáo sĩ mắc phạm, là một nguồn xấu hổ lớn và là xì căng đan khủng khiếp», Đức Hồng Y khẳng định.

Vị Tổng Trưởng Bộ Giám Mục cũng đã nhấn mạnh rằng Giáo Hội ý thức được «sự đau đớn» và «thất vọng» trong mộtsố hình thức lạm dụng «nơi hàng ngàn nạn nhân phải chịu đựng», vả lại, ngài nói thêm, «sự trả lời nơi một vài vị chức sắc của Giáo Hội đối với những tội ác này thường không thích đáng và không hiệu quả để ngăn chặn tội ác, bất chấp cả những chỉ dẫn minh bạch trong giáo luật».

«Nhân danh Giáo Hội, Đức Hồng Y tuyên bố, tôi xin các nạn nhân tha thứ, cách riêng một số trường hợp tôi đã gặp nơi đây ở Lough Derg».

Vị Giám Chức cũng đã nói lại với các nạn nhân điều màĐức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết trong thư gửi người công giáo Ai Len: «Rất dễ hiểu khi thấy anh chị em khó tha thứ hay hòa giải với Giáo Hội. Nhân danh Giáo Hội, tôi bày tỏ cách rộng rãi với anh chị em sự tủi hổ và hối hận mà tất cả chúng ta cảm nhận. Cùng lúc, tôi đề nghị anh chị em đừng đánh mấtniềm hy vọng. Chính trong sự hiệp thông trong Giáo Hội mà chúng ta gặp gỡ con người Đức Giêsu Kitô, chính Người là nạn nhân của bất công và tội lỗi».

Cuối cùng, Vị Hồng Y người Canađa đã tái khẳng định «sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo cho một môi trường không nguy hiểm» đối với trẻ em, đồng thời bảo đảm lời cầu nguyện của Giáo Hội «cho một nền văn hóa mới của sự tôn trọng, liêm khiết, và tình yêu theo gương Đức Kitô giữa chúng ta và lan tỏa ra trong xã hội».

Ngài cũng thổ lộ rằng mình rất cảm kích khi gặp các nạn nhân bị lạm dụng tình dục và sẽ trình bày lại cho Đức Thánh Cha BênêđictôXVI khi trở về Roma.

Vị Đại Diện Đức Thánh Cha và phái đoàn, cùng với Đức Cha Charles Brown, Sứ Thần Tòa Thánh tại Ai Len, và Đức Cha Liam MacDaid, Giám mục giáo phận Clogher, đã nghỉ đêm 12 và 13 tháng Sáu trên đảo để ăn chay và tham dự các buổi cử hành sám hối với các khách hành hương, theo truyền thống của thánh Patrick.
 
Khi lợi nhuận khống chế chính trị
Linh Tiến Khải
06:45 16/06/2012
Từ nhiều tháng qua Liên Hiệp Quốc đã cố gắng rất nhiều trong nỗ lực giải quyết tình trạng chiến tranh gây ra biết bao nhiêu chết chóc tàn phá và khổ đau cho người dân Siria. Từ khi làm gió dân chủ của ”Mùa Xuân A Rập” thổi tới đất nước Siria cách đây 14 tháng, cứ vào mỗi ngày thứ sáu, sau giờ cầu nguyện dân chúng lại ồ ạt xuống đường biểu tình đòi tự do dân chủ và yêu cầu tổng thống Bashar Al-Assad từ chức.

Để trả lời cho các đòi hỏi rất chính đáng của người dân tổng thống Al-Assad đã chỉ ”tìm cách câu giờ”, lần lữa đưa ra các lời hứa cải tổ suông, rồi sau đó đã ra lệnh cho quân đội bắn vào các đoàn người biểu tình, bỏ bom các thành phố làng mạc nổi dậy, dùng xe tăng thiết giáp và vũ khí nặng trấn áp người dân. Điển hình là thành phố Homs, nơi khai mào các cuộc xuống đường biểu tỉnh đòi tự do dân chủ. Trong mấy tháng trời liên tiếp thành phố bị bao vây, dội bom, bị bắn phá tan hoang và hiện nay giống như một thành phố chết. Không có ngày nào là không có vài chục người dân bị quân đội sát hại. Tổng cộng đến nay đã có trên 13.000 người bị thiệt mạng. Vụ tàn sát dã man nhất xảy ra đêm 25 rạng ngày 26-5-2012 tại Hula làm cho 116 người chết, trong só có 34 phụ nữ và 49 trẻ em. Quân đội Siria đã vào từng nhà và bắn hết mọi người.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp khẩn cấp và đồng thanh ra tuyên ngôn lên án chính quyền của tổng thống Al Assad đã sử dụng các vũ khí nặng sát hại các thường dân, vi phạm luật lệ quốc tế và thỏa hiệp ngưng bắn. Lần đầu tiên nước Nga cũng đã ký vào tuyên ngôn sau khi tranh luận với 14 nước thành viên khác là phải lên án cả lực lượng nổi dậy nữa.

Tình hình căng thẳng đến độ đã có 9 nước trục xuất các đại sứ của Siria, triệu hồi đại sứ của mình và ra lệnh đóng cửa tòa đại sứ tại Damasco, vì lý do an ninh.

Chương trình 6 điểm do ông Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đề ra tuy được cả hai phe ký nhận, nhưng xem ra không có hiệu qủa, vì bị cả hai bên vi phạm.

Trước cảnh bạo lực gia tăng, cộng đoàn quốc tế, đặc hiệt là Hoa Kỳ và các nước Âu châu ra các nghị quyết cấm vận đối với Siria, nhưng Nga và Trunq Quốc tiếp tục ủng hộ chính quyền của tổng thống Bashar Al-Assad và luôn luôn dùng quyền phủ quyết của mình.

Ngày 27 tháng 4 năm 2011 Nga và Trung Quốc ngăn chặn Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra thông cáo lên án cuộc đàn áp của chính quyền Siria. Ngày 13 tháng 5 Nga cảnh cáo chống lại một tình hình tương tự như tại Libia. Ngày 4-10 Nga và Trung Quốc lại ngăn chặn nghị quyết lên án Siria đàn áp thường dân. Ngày 17 tháng 11 Nga tố cáo lực lượng đối lập đưa Siria vào cảnh nội chiến. Sang tới năm 2012 ngày mùng 8 tháng giêng một nhóm tầu chiến của Nga cập bến Tartus, là căn cứ chiến lược quân sự của Nga tại Siria. Ngày mùng 4 tháng 2 Nga và Trung Quốc lại phủ quyết một nghị quyết khác lên án chính quyền Siria đàn áp thường dân. Ba ngày sau ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hội kiến với tổng thống Al-Assad, và ngày 21 tháng 2 người ta được biết các buôn bán song phương đã gia tăng 51% trong năm 2011 tới 1,97 tỷ mỹ kim, hầu hết là vũ khí. Ngày mùng 4 tháng 4 ngoại trưởng Lavrov tuyên nbố rằng tuy có được ”võ trang tới răng” lực lượng đối lập cũng sẽ không làm gì được tổng thống Assad. Ngày 26 tháng 4 Nga tố cáo lực lượng đối lập dùng ”chiến thuật du kích”. Ngày 27 tháng 5 Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án chính quyền Damassco tàn sát thường dân tại Hula dùng xe tăng và trọng pháo bắn phá khu phố đông dân cư. Nga đòi phải lên án cả các lực lượng nổi loạn. Ngày 30 tháng 5 Nga cho rằng mọi sáng kiến của Liên Hiệp Quốc là điều qúa sớm và lến án việc trục xuất các đại sứ của Siria. Hôm sau đó Điệm Cremli định nghĩa lập trường của mình đối với cuộc khủng hoảng tại Siria và ”có luận lý và quân bình”.

Được Nga, Trung Quốc và Cuba ủng hộ, tổng thống Al-Assad tiếp tục ra lệnh cho quân đội tàn sát thường dân. Ngày mùng 6 tháng 6 lại có thêm 100 thường dân khác bị tàn sát tai Hama. Đây lại là một ”cái tát” khác vào mặt Liên Hiệp Quốc, là tổ chức ngày càng tỏ ra bất lực không giải quyết được các tranh chấp tại nhiều vùng trên thế giới.

Lý do là vì các nước thành viên, đặc biệt là các cường quốc, đều nhất quyết bảo vệ các lợi nhuận của mình. Trừ Nhật Bản ra, các nước trong khối G8 đều bán ít nhiều khí giới cho Siria và các quốc gia vùng Trung Đông.

Như đã biết, các liên hệ mật thiết giữa Siria và Nga đã có ngay từ thời kỳ Liên Bang Xô Viết. Và Siria là quốc gia ”khách hàng trung thành” tiêu thụ vũ khí và đạn dược của Nga. Việc ủng hộ tổng tống Al Assad là cách thế tổng thống Vladimir Putin đối đầu với Hoa Kỳ và Âu châu. Nga không muốn để xảy ra một Libia thứ hai với mục đích ngăn chặn các nước Tây Âu lật đổ các chính quyền không vừa lòng họ, trong đó có vài chính quyền A Rập vùng Trung Đông, bao gồm cả Iran. Trong khi Trung Quốc thì có các tương quan đổi chác nguyên liệu và hàng hóa với Siria và các nước A rập có đầu hỏa.

Như vậy, nói cho cùng bàn cờ thế giới xoay quanh các lợi nhuận của các cường quốc hơn là vì tương lai tự do dân chủ của người dân các nước nhược tiểu nghèo và chậm tiến. Thế mới biết khi lợi nhuận thống trị tâm trí, cung cách suy tư hành xử của con người và khống chế chính trị, thì hòa bình dân chủ là xa xỉ phẩm, và bàn cờ ở bất cứ đâu trên thế giới này cũng theo cùng một luận lý lợi nhuận duy nhất ấy mà thôi!
 
Bài Giáo Lý của ĐTC: Chiêm Niệm và Sức Mạnh của Cầu Nguyện
Phaolô Phạm Xuân Khôi
06:56 16/06/2012
“Chỉ có lòng tin tưởng vào sự tốt lành của Thiên Chúa,… mới là điều đảm bảo rằng chúng ta không làm việc một cách vô ích”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 37 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư ngày 13 tháng 6 năm 2012 tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay ĐTC tiếp tục bàn về việc cầu nguyện trong các Thư của Thánh Phaolô.

* * *


Anh chị em thân mến,

Cuộc gặp gỡ hàng ngày với Chúa và việc thường xuyên lui tới với các bí tích có thể mở trí khôn và tâm hồn chúng ta ra cho sự hiện diện, những lời nói và hành động của Chúa. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, nhưng, để sử dụng một hình ảnh, nó cũng là một ốc đảo của bình an mà chúng ta có thể rút ra nước để nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình và biến đổi cuộc đời mình. Thiên Chúa kéo chúng ta về phía Ngài, làm cho cho chúng ta trèo lên ngọn núi thánh thiện, bằng cách cung cấp cho chúng ta ánh sáng và ơn an ủi dọc đường để chúng ta có thể đến gần Ngài hơn.

Đây là kinh nghiệm cá nhân mà Thánh Phaolô đề cập đến trong Chương 12 của Thư Thứ Hai gửi Tín Hữu Côrinthô, là điều tôi muốn chú trọng đến hôm nay. Để đương đầu với những người đã thách thức tính hợp pháp của việc làm Tông Đồ của mình, ngài đã không liệt kê nhiều cộng đoàn mà ngài đã thành lập, hay những cây số mà ngài đã hành trình; ngài không tự giới hạn vào việc nhắc đến những khó khăn và chống đối mà ngài đã gặp phải vì công bố Tin Mừng; nhưng nại vào mối liên hệ của mình với Chúa, một mối liên hệ luôn nhiệt nồng được đánh dấu bằng những giây phút xuất thần và chiêm niệm sâu xa (x. 2 Cor 12:1). Vì vậy ngài không khoe khoang về những gì ngài đã làm, về sức riêng của ngài, về những hoạt động và thành công của ngài; nhưng ngài chỉ khoe khoang về những gì Thiên Chúa đã làm trong ngài và qua ngài.

Thực ra, bằng một cách rất thận trọng, ngài nhắc đến giây phút mà ngài đặc biệt kinh nghiệm được đưa lên tận thiên đàng của Thiên Chúa. Ngài nhắc lại rằng mười bốn năm trước khi gửi thư này, ngài “đã được đem lên tầng trời thứ ba” như thế nào (c. 2). Với ngôn từ và cách thế của một người kể lại một điều không thể tường thuật nổi, Thánh Phaolô nói về biến cố này bằng ngôi thứ ba; ngài xác nhận rằng một người đã được lên “vườn” của Thiên Chúa, vào thiên đàng. Chiêm niệm của ngài thật sâu xa và mãnh liệt đến nỗi Thánh Tông Đồ thậm chí không còn nhớ được nội dung của mặc khải nhận được, nhưng đã nhớ thời gian và hoàn cảnh mà trong đó Chúa chiếm hữu ngài một cách quá hoàn toàn, Chúa đã thu hút ngài, như Chúa đã làm cho ngài trên đường đi Đamascô lúc ngài trở lại (x. Pl 3:12).

Thánh Phaolô tiếp tục nói rằng để khỏi quá tự hào về những mặc khải cao siêu mà ngài đã nhận được, ngài mang một “cái dằm trong thân xác” (2 Cor 12:7), một nỗi đau khổ, và ngài tha thiết cầu xin Đấng Phục Sinh giải thoát ngài khỏi sứ thần của Sự Dữ ấy, là cái dằm đau đớn trong thân xác này. Ngài nói rằng ba lần ngài cầu nguyện tha thiết với Chúa để xin Người cất sự thử thách này đi. Chính trong tình trạng này, trong chiêm niệm sâu xa về Thiên Chúa, ngài “đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại” (câu 4), rằng ngài đã nhận được câu trả lời cho lời cầu xin của ngài. Đức Kitô Phục Sinh nói với ngài một lời rõ ràng và đảm bảo: “Ơn của Thầy đủ cho con rồi, vì quyền năng của Thầy được nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (câu 9).

Nhận xét của Thánh Phaolô về những lời này có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng nó cho thấy rằng ngài hiểu làm một Tông Đồ của Tin Mừng thực sự có nghĩa gì. Thực ra, ngài kêu lên: “Cho nên tôi rất hân hoan hãnh diện về những yếu đuối của tôi, để quyền năng của Ðức Kitô được ở trong tôi. Vì thế tôi chấp nhận sự yếu đuối, nhục nhã, khổ cực, ngược đãi, khốn cùng vì Ðức Kitô. Bởi khi tôi yếu đuối là lúc tôi mạnh mẽ” (câu 9b-10); nghĩa là ngài không tự hào về hoạt động của mình, về nhưng hành động của Đức Kitô, là hành động trong chính sự yếu đuối của ngài.

Chúng ta hãy ngừng lại một giây lát để suy nghĩ về biến cố này, là điều xảy ra trong những năm mà Thánh Phaolô đã sống trong thinh lặng và chiêm niệm, trước khi bắt đầu cuộc hành trình Phương Tây để rao giảng Đức Kitô, vì thái độ khiêm nhường sâu xa và lòng tin tưởng này trước sự tỏ mình ra của Thiên Chúa cũng là nền tảng cho lời cầu nguyện và cuộc đời của chúng ta, cho mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với sự yếu đuối của chúng ta.

Trước hết, yếu điểm mà Thánh Phaolô nói đến là gì? “Cái giằm” trong thịt của ngài là gì? Chúng ta không biết và ngài cũng không nói, nhưng thái độ của ngài làm cho chúng ta hiểu rằng mọi khó khăn chúng ta gặp trong việc đi theo Đức Kitô và làm chứng cho Tin Mừng của Người đều có thể được khắc phục bằng cách mở lòng ra trong niềm tin tường vào hành động của Chúa. Thánh Phaolô cũng ý thức được mình là một “đầy tớ vô dụng” (Lc 17:10) - không phải là người đã làm những điều tuyệt vời, nhưng là một “bình bằng đất” của Chúa (2 Cor 4:7), trong đó Thiên Chúa chứa sự giàu sang và sức mạnh ân sủng của Ngài. Trong lúc cầu nguyện chiêm niệm mãnh liệt này, Thánh Phaolô hiểu rõ ràng làm sao để đương đầu với và sống mọi biến cố, đặc biệt là đau khổ, khó khăn và bách hại: khi ngài cảm nghiệm được sự yếu đuối của mình, thì quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ, là quyền năng không bao giờ từ bỏ chúng ta, hoặc bỏ mặc chúng ta, nhưng trở thành sự nâng đỡ và sức mạnh của chúng ta.

Chắc chắn điều Thánh Phaolô có thể thích hơn là được giải thoát khỏi “cái gai” này, khỏi nỗi đau khổ này, nhưng Chúa nói: “Không, điều này cần cho con. Con sẽ có đủ ân sủng để chống lại và làm những gì phải làm”. Điều này cũng đúng cho chúng ta. Chúa không cứu chúng ta khỏi sự dữ, nhưng Người giúp chúng ta trưởng thành trong đau khổ, khó khăn và bách hại. Do đó, đức tin cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta ở lại trong Thiên Chúa, “dù con người bên ngoài của chúng ta có bị tan biến đi, thì con người bên trong của chúng ta sẽ mỗi ngày một canh tân” (xem c. 16). Thánh Tông Đồ truyền thông với các tín hữu Côrinthô và cũng với chúng ta rằng “Vì một chút khó khăn tạm bợ này sẽ đem lại cho chúng ta một vinh quang vô tận và khôn sánh” (c. 17). Trong thực tế, nói theo kiểu loài người, trọng lượng của những khó khăn không phải là nhẹ, nó nặng quá sức, nhưng so với tình yêu của Thiên Chúa, sự cao quý được Thiên Chúa yêu thương, thì nó có vẻ nhẹ khi biết rằng trọng lượng của vinh quang sẽ khôn lường.

Như vậy, khi sự kết hợp của chúng ta với Chúa phát triển và việc cầu nguyện của chúng ta trở nên sâu sắc hơn, chúng ta cũng tập trung vào điều thiết yếu, và chúng ta hiểu rằng không phải nhờ sức mạnh của những tài nguyên, đức hạnh, hay khả năng của mình, mà Nước Thiên Chúa đến; nhưng chính Thiên Chúa là Đấng thực hiện những việc kỳ lạ qua sự yếu đuối của chúng ta, qua sự bất xứng với nhiệm vụ của chúng ta. Do đó, chúng ta phải khiêm tốn không chỉ cậy ở mình, nhưng làm việc, với sự giúp đỡ của Chúa, trong vườn nho của Người, phó thác cho Người như “những bình sành” dễ bể.

Thánh Phaolô đề cập đến hai mặc khải cụ thể là điều đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của ngài. Mặc khải thứ nhất mà chúng ta biết là câu hỏi sửng sốt trên đường đi Đamascô: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bách hại Ta?” (Cv 9:4), một câu hỏi đã đưa ngài đến việc khám phá ra và tìm thấy Đức Kitô hằng sống và hiện diện, và hiểu được ơn gọi làm Tông Đồ của Tin Mừng của ngài. Mặc khải thứ nhì là những lời mà Chúa đã nói với ngài trong kinh nghiệm cầu nguyện chiêm niệm mà chúng ta đang suy niệm: “Ơn của Thầy đủ cho con rồi, vì quyền năng của Thầy được nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Chỉ có đức tin, lòng tin tưởng vào sự tốt lành của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, là điều đảm bảo rằng chúng ta không phải làm việc một cách vô ích. Vì vậy, ân sủng của Thiên Chúa là sức mạnh đồng hành với Thánh Phaolô trong những nỗ lực vĩ đại để truyền bá Tin Mừng, và trái tim ngài đã nhập vào trái tim của Đức Kitô, do đó làm cho ngài có thể dẫn người khác đến cùng Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta.

Như thế, trong cầu nguyện chúng ta mở linh hồn ra với Chúa để Người đến cư ngụ trong sự yếu đuối của chúng ta, biến nó thành có hiệu lực đối với Tin Mừng. Và từ Hy Lạp mà Thánh Phaolô dùng để diễn tả sự hiện diện này của Chúa trong nhân tính yếu đuối của ngài là episkenoo, chúng ta có thể dịch là “cắm lều của mình.” Chúa tiếp tục cắm lều của Người trong chúng ta, giữa chúng ta: Đó là Mầu nhiệm Nhập Thể. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa đến cư ngụ trong nhân tính của chúng ta, muốn sống trong chúng ta, cắm lều của Người trong chúng ta, để chiếu sáng và biến đổi cuộc đời chúng ta và thế giới.

Việc mê say chiêm niệm về Thiên Chúa mà Thánh Phaolô đã cảm nghiệm, nhắc lại kinh nghiệm của các môn đệ trên núi Tabor, khi thấy Chúa Giêsu biến hành và chói lòa ánh sáng, Thánh Phêrô thưa Người: “Thưa Thầy, chúng ta ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin dựng ba lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Môsê, và một cái cho ông Êlia” (Mc 9:5). Thánh Marcô nói thêm rằng “Vì ông không biết ông nói gì, bởi các ông rất sợ hãi” (c. 6). Việc chiêm ngưỡng Chúa vừa hấp dẫn đồng thời vừa đáng sợ: hấp dẫn bởi vì Người lôi cuốn chúng ta đến với Người và làm cho trái tim của chúng ta vui thích hướng về thiên đàng, nâng nó lên chỗ cao là nơi chúng ta cảm nghiệm sự bình an và vẻ đẹp của tình yêu Người; đáng sợ vì nó lột trần sự yếu đuối của nhân tính chúng ta, sự thiếu đầy đủ của chúng ta, cuộc đấu tranh để chinh phục sự dữ là điều đe dọa cuộc sống chúng ta, là cái dằm mà chúng ta mang trong thân xác mình. Trong cầu nguyện, trong việc chiêm niệm về Chúa hàng ngày, chúng ta nhận được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa và cảm thấy sự thật từ những lời của Thánh Phaolô gửi các Kitô hữu ở Rôma, khi ngài viết: “Vì tôi tin chắc rằng, dù sự chết hay sự sống, thiên sứ hay ma quỷ, dù những sự việc trong hiện tại hay trong tương lai, dù quyền lực, dù trời cao hay vực thẳm, cho dù bất cứ gì khác trong các loài thụ tạo, cũng không có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 8:38-39).

Trong một thế giới mà ở đó chúng ta có nguy cơ chỉ ỷ vào hiệu quả và sức mạnh của các phương tiện loài người, trong thế giới này, chúng ta được mời gọi tái khám phá và làm chứng cho quyền năng của Thiên Chúa, là Đấng thông truyền chính Ngài trong cầu nguyện, mà nhờ đó chúng ta lớn lên mỗi ngày trong việc làm cho đời sống của mình phù hợp với đời sống của Đức Kitô, như Thánh Phaolô quả quyết, là Đấng “đã chịu đóng đinh trong sự yếu đuối, nhưng đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Và vì chúng ta cũng yếu đuối trong Người, nhưng đối với anh em, chúng ta sẽ sống với Người nhờ quyền năng của Thiên Chúa.” (2 Cor 13:4).

Các bạn thân mến, trong thế kỷ trước, Albert Schweitzer, một nhà thần học Tin Lành và người thắng giải Nobel về Hòa bình, đã nói: “Thánh Phaolô là một nhà thần bí và không là gì khác hơn một nhà thần bí”; nghĩa là ngài là một người thực sự được hứng khởi quá sức bởi tình yêu của Đức Kitô và quá kết hợp với Người, đến nỗi có thể nói rằng Đức Kitô sống trong tôi. Sự thần bí của Thánh Phaolô không chỉ dựa trên những biến cố phi thường mà ngài đã trải qua, mà còn dựa trên mối liên hệ hằng ngày và nồng nàn với Chúa, Đấng luôn luôn nâng đỡ ngài bằng ân sủng của Người. Sự thần bí đã không làm cho ngài xa lìa thực tại, trái lại đã cho ngài sức mạnh để sống mỗi ngày với Đức Kitô và xây dựng Hội Thánh cho đến tận cùng thế giới của thời ấy. Sự kết hợp với Thiên Chúa không làm cho chúng ta xa lìa thế gian; nhưng sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để thực sự ở lại trong thế gian, để làm tất cả những gì cần phải làm trên thế gian. Như thế, ngay cả trong đời sống cầu nguyện của mình, chúng ta có thể có những giây phút đặc biệt sốt sắng, trong đó chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Chúa sống động hơn, nhưng điều quan trọng là kiên trì và trung thành trong mối liên hệ với Thiên Chúa, đặc biệt là trong những tình trạng khô khan, khó khăn, đau khổ và vắng mặt rõ ràng của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta được tình yêu của Đức Kitô nắm chặt, chúng ta sẽ có thể đương đầu với mọi nghịch cảnh, như Thánh Phaolô, xác tín rằng chúng ta có thể làm tất cả mọi sự trong Người là Đấng ban sức mạnh cho chúng ta (x. Pl 4:13). Vì vậy, khi càng giành nhiều chỗ cho cầu nguyện, chúng ta càng thấy cuộc đời mình được biến đổi và được linh hoạt bởi sức mạnh cụ thể của tình yêu Thiên Chúa. Đó là những gì đã xảy ra cho Mẹ Chân Phước Têrêsa thành Calcutta chẳng hạn. Mẹ là người đã khám phá ra, trong chiêm niệm về Chúa Giêsu và chính trong những giai đoạn khô khan dài, lý do chủ yếu và sức mạnh không tể tin nổi để nhận ra Người trong những người nghèo đói và bị bỏ rơi, bất chấp thân hình yếu đuối của mẹ. Việc chiêm niệm về Đức Kitô trong đời sống mình, như tôi đã nói, không làm cho chúng ta xa lìa thực tại, nhưng làm cho chúng ta dính lứu nhiều hơn với những vấn đề của con người, vì Chúa, trong việc kéo chúng ta đến với Người trong cầu nguyện, cho phép chúng ta hiện diện và gần gũi mỗi người anh em của mình trong tình yêu của Người. Cảm ơn anh chị em.
 
Hai bổ nhiệm mới dành cho Giáo Hội Pháp
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
15:21 16/06/2012
ROMA, (Zenit.org) – Vào đúng ngày lễ Thánh Tâm ChúaGiêsu, hôm qua, Thứ Sáu, ngày 15 tháng Sáu 2012, Tòa Thánh công bố 2 bổ nhiệmmới của Đức Thánh Cha cho giáo hội Pháp : Đức cha Pascal Roland làm giámmục giáo phận Belley-Ars, và Đức cha Jean-Yves Riocreux làm giám mục giáo phận Basse-Terre tại đảo Guadeloupe.

Đức cha Pascal Roland sinh ngày 14 tháng 1 năm 1951,chịu chức linh mục ngày 16 tháng Sáu năm 1979, tấn phong giám mục ngày 02 thángBa năm 2003. Cho đến thời điểm hiện nay, ngài là giám mục giáo phận Moulins từnăm 2003, và là thành viên của Hội Đồng Giám Mục Pháp về Ủy Ban Tu sĩ. Khi cònlà linh mục, đức cha Roland từng là linh mục đặc trách của giáo phận về ơn gọivà đào tạo chủng sinh từ năm 1986 đến năm 1994, linh mục Tuyên Úy Dự Tòng chongười trưởng thành từ năm 1995 cho đến năm 2003. Và từ năm 2000 đến năm 2003 làgiáo sư đại chủng viện Saint-Sulpiced’Issy-les-Moulineaux phụ trách giảng dậy môn Kitô học.

Đức cha Pascal Roland kế vị đức cha Guy Bagnard, nguyêngiám mục Belley Ars (1987-2012), người đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chấpnhận đơn từ chức để nghỉ hưu theo giáo luật. Lễ nhậm chức của Tân Giám mục giáophận Belley Ars sẽ được cử hành vào Chúa Nhật ngày 9 tháng Chín năm 2012. Tronglúc này, Đức Cha Guy Bagnard được bổ nhiệm làm giám mục giám quản giáo phậnBelley Ars.

Một bổ nhiệm khác dành cho đức cha Jean-Yves Riocreux,làm tân giám mục giáo phận Basse-Terre tại đảo Guadeloupe, mà giáo phận này đangđược điều hành bởi đức cha Jean Hamot, Giám mục giám quản từ năm 2008.Cho đến thời điểm hiện nay, đức cha Jean-Yves Riocreux là giám mục giáo phậnPontoise thuộc giáo tỉnh Paris từ năm 2003. Ngài sinh ngày 24 tháng Hai năm1946, thụ phong linh mục ngày 22 tháng Sáu năm 1974, được tấn phong giám mụcngày 29 tháng Sáu năm 2003. Thời còn là chủng sinh, đức cha Jean-Yves Riocreuxtừng tu học trong giai đoạn thần học tại đại chủng viện Saint Mary’sSeminary và theo học tại đại học University de Baltimore, Hoa Kỳ. Sau khi chịu chức linh mục, ngài cóthời gian làm Tuyên úy sinh viên tại Học Viện Công Giáo Paris từ năm 1987 đếnnăm 1992, Tuyên Ủy cho người Châu Úc tại Paris từ năm 1992 đến năm 2003, Quảnđốc nhà thờ Đức Bà Paris từ năm 2001 đến năm 2003.

Đức Cha Jean-Yves Riocreux sẽ dâng thánh lễ để chiatay với cộng đoàn Dân Chúa giáo phận Pontoise vào Chúa Nhật ngày 9 tháng Chín2012, và sẽ nhận giáo phận mới Basse-Terre vào cuối tháng Chín 2012.
 
Đại hội Thánh Thể mang Giới Trẻ đến trái tim của Giáo hội
Đồng Nhân
17:29 16/06/2012
DUBLIN - "Chúng tôi là một nhóm những người trẻ, những người mong muốn mang lại cho những người trẻ khác đến trái tim của Giáo Hội," ông James Mahon, nhà lãnh đạo quốc ga Giới Trẻ 2000, một nhóm thanh niên tham gia các Đại hội Thánh Thể quốc tế. "Chúng tôi làm điều này thông qua ba trụ cột của chúng tôi: 1, là lòng sùng kính Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. 2, là lòng sùng kính Mẹ Maria. và 3 là sự cống hiến cho Huấn Quyền của Giáo Hội Công Giáo."

Ông cho biết Đại hội này rất tốt cho đất nước của mình: "Tôi tin rằng Đại hội này không chỉ tốt cho Dublin, đó là tốt cho Ireland. . . . Tôi tin rằng như một ngọn hải đăng thực sự mang hy vọng cho những người trẻ tuổi ở Ireland, và cho người dân nói chung. "

Ông Mahon cho biết những thành quả của Đại hội Thánh Thể sẽ tiếp tục: "Lạy Chúa, con thực sự cảm thấy, Chúa đã đổ phước lành của mình trên Ireland, trên Giáo hội Ireland trong tuần này."








 
Một linh mục được bổ nhiệm làm quản hạt bản quyền tòng nhân trước khi chịu chức
Bùi Hữu Thư
19:21 16/06/2012
VATICAN (CNS) -- Một giờ trước Thánh Lễ truyền chức linh mục, cha Harry Entwistle, 71 tuổi được Đức Thánh Cha Benedict XVI bổ nhiệm làm quản hạt bản quyền tòng nhân (Ordinariate) đầu tiên của giáo hạt Đức Mẹ Sao Nam Tào (Our Lady of the Southern Cross), một giáo phận trước đây của Anh Giáo tại Úc.

Cha Entwistle, chịu chức linh mục Anh Giáo tại Anh năm 1964, di cư sang Úc năm 1988, gia nhập Cộng Đồng Anh Giáo Truyền Thống (Traditional Anglican Communion) năm 2006 và sau đó được phong chức Giám Mục Miền Tây Úc. Cộng Đồng Anh Giáo Truyền Thống là một nhóm người Anh Giáo đã tách rời khỏi Cộng Đồng Anh Giáo dưới sự hướng dẫn của Tổng Giám Mục Canterbury.

Vatican tuyên bố việc bổ nhiệm quản hạt này ngày 15 tháng 6, đúng một giờ trước Thánh Lễ truyền chức tại Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary ở Perth. Cha Entwistle đã có vợ và hai người con đã trưởng thành.

Cũng vào ngày 15 tháng 6, như đã được thông báo trước đây, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin chính thức thiết lập lãnh hạt bản quyền tòng nhân Đức Mẹ Sao Nam Tào.

Năm 2009, Đức Thánh Cha Benedict ban hành Tông Hiến "Anglicanorum coetibus," trù liệu cho việc thiết lập các lãnh hạt bản quyền tòng nhân cho các người Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo, trong khi được phép duy trì một vài truyền thống, linh đạo và kinh nguyện Anh Giáo. Lãnh hạt bản quyền tòng nhân đầu tiên là lãnh hạt Đức Mẹ Walsingham, được thành lập năm 2011. Lãnh hạt tòng nhân Tông Tòa Thánh Phêrô (The personal ordinariate of the Chair of St. Peter), dành cho các cựu tín hữu Anh Giáo tại Hoa Kỳ được thành lập vào tháng Giêng vừa qua.
 
Người Thiên Chúa giáo, trụ cột của xã hội công dân Trung Quốc
Thụy My / RFI
21:31 16/06/2012
Người Thiên Chúa giáo, trụ cột của xã hội công dân Trung Quốc

Luật sư Trần Quang Thành (trái) gặp gỡ đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Gary Locke (phải) ngày 02/05/2012, nhờ có sự giúp đỡ của các nhà hoạt động Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc.

Theo thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh, thì tuy chỉ chiếm có 5% dân số, nhưng cộng đồng Thiên Chúa giáo lại là những nhân tố rất tích cực trong việc hình thành xã hội công dân Trung Quốc. Trong một xã hội thiếu phương hướng, thiếu vắng những giá trị tinh thần, Thiên Chúa giáo đã thu hút được nhiều tín đồ cũng như trí thức, và được sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Bài báo nhắc lại câu nói của Karl Marx, cho rằng tôn giáo là « thuốc phiện của nhân dân ». Nhưng triết gia người Đức còn viết thêm là : « Tôn giáo là tiếng thở dài của con người bị áp bức, linh hồn của một thế giới không tim, thần linh của những điều kiện xã hội ở nơi mà thần linh bị loại trừ ». Tư duy này được người Thiên Chúa giáo Trung Quốc lĩnh hội đúng từng câu từng chữ.

Ngày nay tại Trung Quốc, làm một người Thiên Chúa giáo không chỉ là vấn đề đức tin, mà ngày càng đòi hỏi phải dấn thân. Họ đang đứng ở tuyến đầu của xã hội công dân, đấu tranh cho một Nhà nước pháp quyền và tôn trọng con người.

Cụ thể là trong vụ luật sư khiếm thị Trần Quang Thành đào thoát, làm rung chuyển quan hệ Mỹ-Trung. Câu chuyện càng thêm kịch tính khi ông Trần Quang Thành từ giường bệnh ở Bắc Kinh gọi điện thoại trực tiếp đến Quốc hội Mỹ. Ở Washington, một người cầm điện thoại di động dịch trực tiếp trước micro cho các dân biểu Mỹ. Đó là ông Bob Fu, một người Trung Quốc đến Mỹ định cư vào thập niên 90. Ông là người Thiên Chúa giáo, và tổ chức ChinaAid của ông đặt tại Texas, từ lâu vẫn hỗ trợ cho các « giáo hội ngầm » ở Trung Quốc.

« Trần Quang Thành không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo, nhưng chúng tôi cầu nguyện cho tất cả những ai đi tìm sự thật ». Mục sư Trương Minh Tuyển ở Hà Nam đã nói với tờ Wall Street Journal như thế. Mục tiêu đấu tranh của vị luật sư khiếm thị là chống cưỡng bức phá thai, đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng Thiên Chúa giáo, đặc biệt là ở Mỹ.

Để đào thoát khỏi ngôi làng ở Sơn Đông nơi ông bị quản thúc, Trần Quang Thành đã được cả một hệ thống các nhà hoạt động Thiên Chúa giáo hỗ trợ. Cô Hà Bội Dung ở Nam Kinh, biệt danh là Ngọc Trai, đã can đảm lái xe đến bìa làng đón vị luật sư mù và đưa ông đến tận Bắc Kinh, cũng là tín đồ Thiên Chúa. Bản thân ông Trần Quang Thành cũng tin rằng Thượng đế đã giúp ông vượt được bằng ấy bức tường và chướng ngại vật, cho dù mù lòa. Ông nói : « Tôi không theo tôn giáo nào cả, nhưng tôi là tin năng lực siêu nhiên hiện hữu ».

Cách đây bốn ngày, cũng chính các tổ chức Thiên Chúa giáo tại Hồng Kông đã dẫn đầu một cuộc biểu tình khổng lồ để đòi công lý cho cái chết đáng ngờ của nhà ly khai Lý Vượng Dương. Bị tống giam suốt 21 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, ông được thả ra năm ngoái ở tuổi 62, gần như mù và điếc, và tuần rồi ông đã chết trong một phòng khách sạn ở Hồ Nam. Chính quyền địa phương nói là ông tự tử, còn những người thân thì thấy ông ở trạng thái treo cổ nhưng rất kỳ lạ là đôi chân lại chạm đất.

Đảng Cộng sản Trung Quốc:Thực dụng hơn là lý tưởng

Le Figaro cho biết tại Trung Quốc, năm tôn giáo được chính thức công nhận đều được điều hành bởi một tổ chức cấp quốc gia, do các cán bộ cao cấp của đảng lãnh đạo để kiểm soát. Là một tôn giáo « ngoại nhập », Thiên Chúa giáo đặc biệt nằm trong tầm ngắm của các lãnh đạo cộng sản. Cựu giáo sư luật Vương Di, nay là mục sư ở Thành Đô, từng được ông George Bush tiếp tại Nhà Trắng năm 2006 đã nhận định : « Từ một thế kỷ qua, Trung Quốc cố gắng trở thành một quốc gia hùng mạnh và hợp nhất, và yêu cầu này vượt lên trên các quyền cá nhân. Từ năm 1949, chế độ cộng sản lại càng chú trọng hơn ». Trong khi đó Thiên Chúa giáo lại rao giảng cho hạnh phúc của các cá thể.

Cộng đồng Thiên Chúa giáo hiện chiếm ít nhất 5% dân số Trung Quốc. Con số chính thức là 5,7 triệu người, nhưng người ta ước tính ít nhất 12 triệu người Trung Quốc theo đạo Công giáo ; còn Tin Lành theo thống kê chính thức có 16 triệu tín hữu, nhưng thực tế vào khoảng 35 đến 40 triệu người. Một điều chắc chắn là số người theo Tin Lành tăng nhanh hơn Công giáo.

Nhà nghiên cứu Anthony Lam ở Hồng Kông giải thích : « Cách tổ chức của Tin Lành theo nhiều nhóm nhỏ từ 30 đến 40 người rất phù hợp với xã hội Trung Quốc hiện nay. Và họ rất năng động, tích cực tham gia vào đời sống hàng ngày tại làng quê cũng như khu phố ». Tại chỗ, cộng đồng Thiên Chúa giáo cũng đáp ứng được những mong đợi của người dân, trong khi các cán bộ cộng sản lại xa dần nhân dân.

Người Thiên Chúa giáo liệu sẽ là những người nổi dậy hay không ? Giáo sư Dương Phượng Cương nhận xét, sau thảm kịch Thiên An Môn, nhiều nhà hoạt động và trí thức đã tìm đến với đức tin Thiên Chúa giáo. « Họ nhận ra rằng Đảng không mang lại những gì mà họ tìm kiếm, và Thiên Chúa giáo là một lựa chọn cho nhiều thanh niên ». Bản thân vị giáo sư này sau khi đến Mỹ cũng đã theo đạo : « Sau biến cố Thiên An Môn, tôi rất bơ vơ về mặt tinh thần, đó là một giai đoạn đầy đau khổ (…) và tôi nhận ra rằng Thiên Chúa giáo mang lại nhiều ý nghĩa hơn ».

Kỷ niệm 23 năm vụ thảm sát Thiên An Môn vừa trôi qua, nhưng sự trống vắng về tinh thần vẫn đè nặng lên người dân Trung Quốc. Mục sư Trần Kiếm Quang ở Hồng Kông giải thích : « Ngày nay, Đảng mang tính thực dụng hơn là lý tưởng. Đảng đem lại cho người dân khả năng làm giàu, nhưng không mang lại được ý nghĩa hay giá trị nào. Còn xã hội thì đã thay đổi rất nhiều. Từ hình mẫu công bằng theo kiểu cộng sản, giờ đã trở thành một xã hội phức tạp, nhiều tầng lớp, rất bất bình đẳng và không có một giá trị xã hội rõ ràng nào giúp cho người ta trong ứng xử ». Và như vậy đức tin sẽ giúp những người mất phương hướng vượt qua những bất định trong tương lai.

Tuy vậy, theo một nhà nghiên cứu thì « Người Thiên Chúa giáo không quan tâm nhiều đến chính trị, nhưng khi các quyền cá nhân của họ bị vi phạm, thì họ sẽ đấu tranh ». Họ cũng là những người đi đầu trong xã hội công dân : một số lớn các luật sư tranh đấu là người Thiên Chúa giáo. Mục sư Vương Di phân tích : « Đó không phải là phong trào chính trị, mà mang tính dân sự. Từ sau Thiên An Môn, xã hội không có khuynh hướng nào rõ rệt, nhiều nhà trí thức chỉ nêu chung chung về dân chủ và nhân quyền. Còn Thiên Chúa giáo thì đi vào thực tiễn, khi trong những cộng đồng nhỏ người ta được quyền tự do ngôn luận, hội họp, xuất bản, cho dù chỉ trong nội bộ ». Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ về tinh thần và tài chính của mạng lưới mạnh mẽ trên thế giới.

Mục sư Vương Di tin rằng người Thiên Chúa giáo cho thấy một hình mẫu độc lập và sẽ có ảnh hưởng rất lớn lên xã hội Trung Quốc tương lai. Những cộng đồng từ chối sự lãnh đạo của nhà nước có thể bị tiếp tục đàn áp, nhưng họ không sợ hãi.

 
Top Stories
Bishop Savio Hon: episcopal ordinations with no papal mandate reveal Party’s lack of ideals and internal fighting
Bernardo Cervellera
10:39 16/06/2012
The Vatican secretary of Propaganda Fide prays a new illicit episcopal ordination in Harbin will not take place. This gesture "hurts the pope," but also Chinese Catholics, especially the newly baptized. "Inconsistency" between liberalism preached by the government and the actions of the Patriotic Association, that wants to create "a new Protestant church", independent of the pope. The Gospel in China "highly relevant" to overcoming the materialism and pragmatism of power and money.

Vatican City (AsiaNews) - The news of a new episcopal ordination without papal mandate in Harbin reveals the "incoherence" between the government's liberal claims and the actions of the Patriotic Association. This inconsistency is a sign of the internal struggle between the liberal wing of the party and the other that wants to maintain a complete hold on power as in recent decades. This is how Msgr. Savio Hon Taifai reads the situation in the Church and Chinese society on the eve of Heilongjiang's illegitimate episcopal ordination, that neither the community nor the candidate want. The secretary of the Vatican Congregation for the Evangelization of Peoples prays that this gesture which "hurts the Church and the Pope" will not take place, and joins in the prayers and fasting of the faithful themselves in Harbin. He hopes that the candidate remains faithful to the Pope, refusing to be ordained.

For Msgr. Hon, the Chinese Communist Party, devoid of social ideals, has become a patchwork of "interest groups" who are fighting among themselves. It is therefore important to establish common rules for mutual respect. Religions can offer values ​that are more than simple materialism to the Chinese society as well as moral education. Here is the full interview with AsiaNews.

In recent days, AsiaNews published the news that Harbin (Heilongjiang) is preparing an episcopal ordination without papal mandate. The candidate is 48 year old Fr. Joseph Yue Fusheng. But apparently this event is desired only by the government, neither the Church nor the candidate want it. What is your reaction?

For now, the ordination is only a possibility. However, should an unlawful episcopal ordination take place, it would be very, very serious. It hurts the whole Church and especially the Church in China. It hurts even the Holy Father for this gesture usurps the apostolic power of the Pope. This power was granted to Peter and his successors by the Lord himself. The appointment of bishops touches the heart of the Church. Such a thing should never happen.

My first reaction is to pray that this does not happen. Indeed, I have heard that the Harbin faithful are praying and even fasting that this ordination without the pontifical mandate does not take place. The appointment of bishops by the pope is a guarantee for the unity of the Church.

Coming to the candidate, Fr. Yue, we can say that for the past 10 years the government and a part of the official community have been pushing him toward taking on this " bishops career ". But I think he does not want to become a bishop without the mandate of the Holy Father if he wanted to be one, he could have been one already for some time. I trust that this brother cares for the Church and fidelity to the Lord. In the episcopal ministry this fidelity is essential. I pray for him, that he decides to remain loyal to his decision of allegiance to the pope, without causing confusion and division in the community.

Over the past two years there have been three illicit episcopal ordinations in Chengde, Leshan and Shantou. What fruits or consequences have these caused?

There are several problems. The first is that these ordinations create confusion and division among the Christian people of China, between the official and underground communities. Especially among the newly baptized, there are those who do not understand and are left stunned. Unfortunately, this confusion happens even among underground communities. Many of them have always given a shining witness of fidelity to the Church. But some have difficulty forgiving these situations, perhaps because of human frailty or some other reason, and go to the other extreme, which is not compatible with Gospel values.

An illegitimate ordination hurts the hopes of dialogue between the Chinese government and the Chinese Church. And yet the Holy See is left speechless: China today, so modern and tolerant in many respects, however, remains behind on the development of the Catholic Church. Beijing can not understand that the appointment of bishops is a prerogative of Catholics and not the State. If you must give freedom to the Church in China, you must also give freedom to the Pope to choose candidates for the episcopate. All these gestures have obscured the hope of relations between the Holy See and China. Before there were glimmers of hope, now we see only darkness.

Religious freedom and the freedom to choose bishops would be an asset to Chinese society....

Of course. Everyone admires China's development caused by the economic reforms: it says that 300 million Chinese have managed to achieve a decent standard of living, overcoming a stage of underdevelopment. But this material development, over a short space of time, has also created many social problems. The famous saying of Deng Xiaoping, "It doesn't matter whether the cat is black or white, just that it catches mice," creates problems for society because it implies that "the end justifies the means." But this criterion can be ruthless toward others. Even Confucius says: "Do not do unto others what you would not want done to you". This means that sometimes the end cannot be justified by the means! Instead, the pragmatism of the "white or black cat," leads to moral and environmental pollution. This is why China today is in need of a long process of education to instill respect for others. If there is no education for the individual, family, society, then all that matters is power and money.

In this where the Church and religions could make a contribution to Chinese society?

Of course. Religions in China still have a strong role in driving great change in the country. And the gospel is still very relevant and urgent for China.

With the illicit ordinations we are witnessing a strange mingling: the bishops in communion with the Pope obliged to attend unlawful ordinations; ordinations approved of by the Holy See attended by - even if not invited - illegitimate bishops. According to some observers this seems to be a real political plan to destroy the criteria of truth and orthodoxy in the Church, and undermine bonds with the Pope ...

The Patriotic Association has a very clear agenda on how to have more precise control of the Church. This mingling of bishops, to confuse the difference between legitimate and illegitimate, obedient and excommunicated, is part of this strategy. But I wonder: what is real aim of the Patriotic Association in bringing forward this project of building an "independent" church, yet another edition of Protestantism?

This seems to be the intention of government that instead increasingly emphasizes the importance of a more liberal society. And then, if Catholics choose their bishops through the pope, you have to leave space for Catholics to live as Catholics.

It means that there is inconsistency between the liberal claims of government and the actions of the Patriotic Association?

Yes. This inconsistency is a sign of power struggle that is taking place within the Party. Now the party is no longer supported by an ideology and a social project; socialism or Marxism no longer exist. What then is the purpose of controlling the Church? The power: those who exercised power before want to keep it. The party is now made up of interest groups that fight for their own interests and fight among themselves.

I honestly do not know how much longer they can maintain a system of this type. If we talk about interests or interest groups, sooner or later, they should make the rules for them to coexist peacefully, respect each other.

The so-called party of "princes" (Taizitang, "Crown-Prince's Party") is based on this determined defense of the sons of the Party's great power brokers. But there must be rules. Especially now that the central government's orders are not reaching the periphery. We are no longer under Mao Zedong. Now Beijing can say one thing and in some provinces do anything. For this reason we need to share the responsibilities and powers, by establishing some rules and values.

(Source: http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=25039&size=A)
 
IEC: Bringing youth to the heart of the Church
Vatican Radio
17:22 16/06/2012
“We’re a group of young people who aspire to bring other young people to the heart of the Church,” said James Mahon, national leader of Youth 2000, one of many youth groups participating in the International Eucharistic Congress. “We do this through our three pillars: Number one is devotion to Jesus in the Eucharist. Number two is devotion to Mary. And three is devotion to the Magisterium of the Catholic Church.”

He said the Congress has been good for his country: “I believe that this Congress is not just good for Dublin, it’s good for Ireland. . . . I believe that its such a real beacon of hope for young people in Ireland, and for people in general.”

Mahon said the fruits of the Eucharistic Congress will continue: “The Lord, I really feel, has poured his blessing on Ireland, on the Irish Church this week.”
 
IEC 2012: Congress moves toward climactic conclusion
Vatican Radio
17:23 16/06/2012
As Papal Legate to the 50th International Eucharistic Congress, Cardinal Marc Ouellet travelled west to Ireland’s National Marian Shrine of Knock to preach to 5000 pilgrims at Mass for the Feast of the Immaculate Heart of Mary, in Dublin 2,000 volunteers slowly began to dismantle the ‘Eucharistic village’ in the Royal Dublin Society.

Now pilgrims are preparing to make one last journey across the river Liffey that divides the Irish capital, to the iconic Croke Park stadium for the Statio orbis, or closing Mass.

Organisers have confirmed that 75 thousand people have booked to attend the Sunday afternoon liturgy, only 10% of whom are foreign pilgrims. This proof, if any was needed, that the Congress is heading toward a climatic finish. And the question on everybody’s lips is what message will Pope Benedict XVI have for the people of Ireland, for the church local and universal gathered here, around the Eucharist, when his video message is beamed to participants on giant screens at the end of Mass.

But before leaving the RDS grounds Saturday evening, the people naturally drifted one last time towards the picnic tables that are dotted on the green lawns around the arena, and where all week long in between liturgies, workshops, concerts and moments of prayer and adoration, they sat down for the most Irish of traditions: a cup of tea and a chat.

There is no doubt in my mind that these simple wooden tables and benches were as vital to the success of this Congress as the myriad of events painstakingly organized by the Dublin Church. The conversation taking place around them would often be in three or more languages, and on many occasions I have seen deaf pilgrims animatedly communicating with others with the help of special volunteers trained in sign language. They facilitated encounter and communion, which was the purpose of the entire endeavour.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành Hương Mẹ La Vang 2012 tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, Virginia
Bùi Hữu Thư
06:52 16/06/2012
Arlington, VA, ngày 15/6/2012: Hành Hương Mẹ La Vang 2012 tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, Virginia đã diễn ra tưng bừng với sự chúc lành của Thiên Chúa và Mẹ La Vang. Dưới bầu trời nắng đẹp, có gió hè hiu hiu thổi, cuộc hành hương đã được khởi sự bằng việc rước kiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ La Vang chung quanh bãi đậu xe của giáo xứ. Đoàn trống thiếu nhi đã đưa và rước đoàn kiệu ngay tại cổng chính của thánh đường được trang hoàng với một biểu ngữ "Mừng Kính Thánh Tâm Chúa" và hai câu đối nói lên tình yêu của Thiên Chúa.

Ông cố Trần Quang Phục trong bộ áo dài khăn đống mầu đỏ đã dẫn đầu đoàn kiệu với trống khẩu, rồi đến Thánh Giá Nến Cao, Đoàn Hiệp Sĩ 9655 trong đồng phục Napoléon, các Lễ Sinh, Kiệu Thánh Tâm Chúa do Đoàn Liên Minh Thánh Tâm khiêng, Quý Đức Ông, quý cha và quý sơ, Hội Đồng Mục Vụ, Hội Đồng Tài Chánh, Thừa Tác Viên Mình Thánh Chúa, Kiệu Mẹ La Vang do các Bà Mẹ Công Giáo khiêng, theo sau là các hội đoàn và toàn thể giáo dân.

Khi đoàn rước trở vào nhà thờ, chương trình diễn nguyện được bắt đầu khi ông Bùi Hữu Thư, Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ giới thiệu với cộng đoàn Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Australia. Chương trình diễn nguyện có sự đóng góp của Liên Ca Đoàn Giáo Xứ với khoảng 70 ca viên và dàn nhạc trẻ của NS Phạm Dương Hãn, với 53 nhạc công. Bài "Vinh Danh Anh Hùng Tử Đạo" do NS Văn Duy Tùng sáng tác và điều khiển. Kế đến là bài "Tôi Yêu Giáo Xứ Tôi" do NS Linh Mục, Chánh Xứ Nguyễn Đức Vượng sáng tác và điều khiển.

Sau khi Liên Ca Đoàn, dàn nhạc rời lên gác đàn, ban phụng vụ đã bầy bàn thờ để dâng Thánh Lễ. Cha xứ Vượng lúc đầu lễ đã giới thiệu quý cha đồng tế: Đức Cha Long, Đức Ông Trịnh Minh Trí (Chủ Tịch Liên Đoàn), Cha Đinh Công Huỳnh (Chủ Tịch Miền Trung Đông), Cha Ngô Đình Chính (Phó Chủ Tịch Liên Đoàn), Cha Peter Võ Sơn (Tổng Thư Ký Liên Đoàn), Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Thanh Bình (Dòng Ngôi Lời), Cha Victor Đinh Toàn, Cha Phó của giáo xứ Nguyễn Minh Tuấn, Cha Nguyễn Văn Thư (North Carolina), Cha Phạm Quang Thúy (Virginia Beach), Cha Thái Quốc Bảo, và quý sơ.

Cha Đinh Công Huỳnh đã giảng một bài dài về sự hy sinh của các vị tử đạo của thời đại chúng ta, đặc biệt là Linh Mục Nhạc Sĩ Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh (1912-1971) đã chết rục xương sau khi bị kết án 12 năm tù tại trại lao Cổng Trời ở Lạng Sơn gần biên giới Trung Hoa, vì ngài can trường thi hành các bí tích và mục vụ cho các anh em trong lao tù. Kế đến là Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền với hai mươi bốn năm sống tại đất Huế hết 13 năm lận đận vì đòi quyền Tự Do Tôn Giáo cho Giáo Hội Việt Nam cũng như các Tôn giáo khác. Cuộc tranh đấu đứt ngang bởi cái chết đầy ẩn khuất mà mọi người đều thắc mắc nhất là giáo dân Huế. Cuối cùng, cha Huỳnh đã nhắc đến Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận với 13 năm tù cải tạo là những gương sáng cho các tín hữu đã can trường sống và chết đức tin.

Trong phần lời nguyện giáo dân, 5 vị đại diện cho các cộng đoàn hiện diện đã được mời lên cung thánh để dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin tha thiết.

Sau Thánh Lễ ông Bùi Hữu Thư đã cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ La Vang về một ngày đẹp trời, cám ơn Đức Cha Long, quý Đức Ông, quý cha, quý sơ và cộng đoàn đặc biệt là các vị đã đến từ các nơi xa xôi: California, Oregon, Texas, Lousianna, North Carolina, Virginia Beach, Philadelphia, Harrisburg, New York... Người đến từ nơi xa nhất cách Hoa Kỳ nửa vòng trái đất, và bên kia bán cầu là Đức Cha Long. Ông cũng cám ơn tất cả các ban ngành đoàn thể đã đóng góp cho cuộc rước kiệu và Thánh Lễ nhân dịp Hành Hương Mẹ La Vang, Kỷ niệm 33 năm thành lập giáo xứ, và 2 năm khánh thành nhà thờ mới. Ông đặc biệt nhắc đến các em thiếu nhi trong đoàn trống, các lễ sinh và các vũ sinh tung hoa do sơ Ánh Dương Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt hướng dẫn. Ông đã cám ơn Liên Ca Đoàn và Dàn Nhạc Trẻ đã trình diễn xuất sắc trong phần Diễn Nguyện. Ông cũng mời quý Đức Cha, Đức Ông, quý cha, quý sơ sau Thánh Lễ ra nhà hàng Harvest Moon. Cuối cùng ông và một em thiếu nhi đã tặng quà và một bó hoa cho Đức Cha.

Bữa tiệc tại Nhà Hàng Harvest được khởi sự hơi trễ, tuy nhiên các quan khách đã được hưởng một đêm vui nhộn và ấm cúng với chương trình văn nghệ do các ca viên của các ca đoàn Mẹ Việt Nam, Cộng Đoàn DC và Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đặc biệt là có sự giúp vui của cha Thái Quốc Bảo trong màn Tân Cổ Giao Duyên với 6 câu vọng cổ. Sau khi hai ca đoàn của hai giáo xứ trình bầy hai bản hợp ca ca sĩ Nguyệt Anh với bài Anh ơi, Hànội Phố, Văn Duy Tùng (VA), QuânTừ, Mai Hoa (MD), Thúy (DC), và cuối cùng là NS Linh mục Nguyễn Đức Vượng với bài Tình Cha để tặng cho các người cha hiền nhân ngày Father's Day. Nhân dịp này Đức Ông Trịnh Minh Trí đã tri ân các vị có công trong việc xây dựng Liên Đoàn. Các Bằng Tri Ân đã được trao cho Cha Nguyễn Đức Vượng, cựu Phó Chủ Tịch Liên Đoàn, Trưỏng Ban Thánh Nhạc và Trưởng Ban Hành Hương, TS Nguyễn Duy An, trưởng ban Website Liên Đoàn, TS Bùi Hữu Thư, Chủ Tịch Giáo Dân Miền Trung Đông và Phó Ban Hành Hương, cũng như các vị vắng mặt khác như ông Đặng Văn Kiếm thư ký của văn phòng Chủ Tịch Liên Đoàn, Thầy Phó Tế Nguyễn Hòa Phú, Tổng Thư Ký Liên Đoàn. Đức Cha Long đã đi đến từng bàn thăm hỏi và chụp hình lưu niệm với các quan khách.

Đễ góp cho quỹ Liên Đoàn, các nhà hảo tâm đã ban tặng các số tiền từ 100 đến 1.000 đồng trong các phong bì để sẵn trên bàn tiệc. Ngoài ra còn có việc xổ số Raffle cho ông bà Hoàng Mai chủ tịch HĐMV giáo xứ Mẹ Việt Nam thực hiện với hai giải trúng 200 và 250 Mỹ Kim. Cha xứ đóng vai nhà đấu thầu đã khéo léo kêu gọi đấu giá 7 bức tranh và một phù điêu các Thánh Tử Đạo. Các bức tranh do nhiếp ảnh gia Nguyễn Năng Thoả chụp và nhà hảo tâm Vũ Văn Ngọ đóng khung tuyệt đẹp. Các tranh và phù điêu đã được bán với giá tiền từ 400 đến 1.200 Mỹ Kim. Các bức tranh và phù điêu đã được chính Đức Cha Long làm phép sau bữa ăn. Các nhà mua tranh đã được lên sân khấu chụp hình với Đức Cha. Bữa tiệc đã chấm dứt lúc 11 giờ 30 tối sau một ngày mệt mỏi nhưng tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ Maria và tình người.

Kính mởi quý độc giả xem slideshow do ông Nguyễn Duy An thực hiện: https://picasaweb.google.com/ldcgvn.us/HanhHuong2012Thusau#slideshow/>
 
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Bí tích Thánh Thể
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
09:39 16/06/2012
Hôm nay, ngày Thánh Thể lần thứ III-2012 của Đan viện Thiên Tâm ở thành phố Kerens, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, chúng ta long trọng mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các bậc tổ tiên anh hùng đã đóng góp nhiều công sức và hy sinh mạng sống để xây dựng tốt đẹp Giáo Hội và dân tộc Việt Nam. Tất cả sự nghiệp đó đều bắt nguồn từ Bí tích Thánh thể (BTTT) vì “BTTT là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo” như Công đồng Vaticanô II đã dạy trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 11 (Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), số 1324). Vì thế, chúng tôi xin mời anh chị em suy nghĩ đề tài: Làm sao phát huy được nội lực của BTTT trong đời sống chúng ta như các thánh Tử Đạo Việt Nam.

Chúng ta sẽ tìm hiểu 2 điểm sau đây:

- Các Thánh Tử đạo đã phát huy nội lực của BTTT như thế nào?
- Tại sao tín hữu Công giáo Việt Nam chúng ta chưa phát huy được nội lực của bí tích này?

1. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO ĐÃ PHÁT HUY NỘI LỰC CỦA BTTT

1.1. Hoàn cảnh của các TTĐ và tín hữu Công giáo thời trước

Từ thời kỳ khai đạo chính thức bắt đầu vào năm 1615-1665 với các cha thừa sai dòng Tên đến truyền giảng ở 2 miền Nam Bắc cho đến khi vua Gia Long thống nhất đất nước, lập ra triều Nguyễn vào năm 1802, dân tộc Việt Nam chúng ta sống hết sức nghèo khổ, lạc hậu do cuộc chiến tranh tương tàn của 2 chúa Trịnh Nguyễn. Thật vậy từ vài ngàn năm trước, nước ta theo chế độ quân chủ chuyên chế, trọng nam khinh nữ, hôn nhân đa thê, không biết gì đến khoa học, lấy chữ Nho hay chữ Hán của người Trung quốc là chữ chính thức. Khi người Công giáo giới thiệu các giá trị mới về dân chủ, vua không phải là Thiên Tử, là con Trời mà có toàn quyền sinh sát trong tay vì mọi người đều là anh em trong đại gia đình thiên Chúa, nam nữ được coi trọng như nhau, hôn nhân chỉ 1 vợ 1 chồng, phổ biến cho nhau chữ Việt thay cho chữ Hán, chữ Nôm, truyền bá khoa học kỹ thuật do các thừa sai Tây phương chỉ dạy để sống mạnh khoẻ, an vui, hạnh phúc thì họ đã bị chính quyền gồm các nhà Nho phản đối kịch liệt. Các cuộc bách hại bắt nguồn từ đó.

Trong khoảng 20 năm dưới triều Vua Gia Long, do ảnh hưởng của Giám mục Bá Đa Lộc đã dạy dỗ Hoàng tử Cảnh, người Công giáo được tự do giữ đạo. Nhưng khi vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820, cuộc bách hại đạo diễn ra khốc liệt cho đến năm 1883 khi Vua triều Nguyễn buộc phải ký hoà ước với người Pháp cho phép dân chúng được tự do giữ đạo. Cuộc giết hại người Công giáo do phong trào Văn Thân còn khủng khiếp hơn vì các nhà Nho đổ tội cho người Công giáo theo người Tây Phương làm hại đất nước. Với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, nghĩa là “Diệt cho hết người Tây, giết người theo đạo tà”, các nhà Nho xúi giục dân chúng đốt phá, cướp bóc các làng Công giáo, giết hại hay bắt người Công giáo làm nô lệ. Ngoài Á Thánh Anrê Phú Yên và 117 vị Thánh Tử Đạo được tuyên phong, người ta ước tính có khoảng 130.000 người đã chết vì danh Đức Giêsu Kitô trong thời kỳ từ năm 1615-1885.

Chỉ từ khi các nhà Nho lãnh đạo các phong trào ái quốc Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Lương Văn Can… kêu gọi hãy nhận ra những giá trị tích cực của Công giáo và hãy sống tốt đẹp như người Công giáo thì cuộc bách hại mới thật sự chấm dứt.

Trong thời gian đó, Giáo hội Việt Nam chưa được phép công khai xây dựng nhà thờ, nhà xứ, trường học, chưa được công khai cử hành thánh lễ, số linh mục tu sĩ rất ít, giáo dân cùng lắm vài tháng hay cả năm mới được xưng tội, rước lễ 1 lần, thì chúng ta hỏi sức mạnh nào đã giúp các tín hữu, nhất là các vị tử đạo thời đó sống những giá trị Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô?

1.2. Nội lực của BTTT

Chúng ta có thể trả lời rằng tất cả sức mạnh diệu kỳ của các vị anh hùng ấy đều múc từ BTTT vì BTTT là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo. “Tất cả các bí tích khác cũng như mọi thừa tác vụ trong Hội Thánh và các hoạt động tông đồ đều gắn với BTTT và quy hướng về bí tích đó. Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta” (CĐ Vat. II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 5; GLHTCG, số 1324).

Dù chưa có những tài liệu giáo lý dồi dào về BTTT như chúng ta ngày nay, nhưng các tín hữu thời đó đã xác tín rằng: “BTTT là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Hội thánh vì trong bí tích này Đức Giêsu Kitô liên kết tất cả các chi thể của Người vào hy tế chúc tụng và tạ ơn, được dâng lên Chúa Cha trên thập giá 1 lần cho mãi mãi. Qua hy tế này, Người tuôn đổ các ân sủng cứu độ trên Thân thể mầu nhiệm của Người là Hội Thánh” (GLHTCG, số 1407). Tổ tiên ta nhớ thuộc lòng những lời Chúa Giêsu: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,51.56).

Có rất nhiều gương sống của các Thánh Tử Đạo Việt Nam về lòng tôn kính BTTT, mà thời gian không cho phép chúng ta kể hết. Sau đây chỉ là vài thí dụ điển hình. Ngày 30-11-1835, trước khi hành hình cha Marchand Du, tại toà Tam Pháp, ngài bị quan án hỏi:

- Khi làm yến tiệc trong nhà thờ, bay làm sự gì quái gở lắm phải không?
- Không, chẳng có gì quái gở - cha trả lời.
- Vậy tại sao có thứ bánh dùng làm bùa mê, thuốc lú để phát cho những đứa đã xưng tội mà chúng mê đạo đến thế!

Rất nhiều linh mục bị bắt ngay sau khi dâng thánh lễ như cha Gioan Đạt. Cha trốn trên rừng nhưng khi thấy tình hình lắng dịu, cha thường lẻn về các giáo xứ để ban các bí tích. Cha bị bắt khi vừa dâng lễ xong tại tư gia. Cha Jean Louis Hương cũng vậy. Còn thánh Mathhew Alonso Liciniana Đậu bị quân lính vây bắt lúc đang dâng lễ ngày 29-11-1743. Các ngài ý thức rất rõ: BTTT là trọng tâm đời sống. Chính việc cử hành thánh lễ của các ngài trở thành những gương mẫu, thành bài giảng sống động về BTTT cho giáo dân. Thánh nữ Đê cũng nhắc nhở con gái là cô Nụ: “Các con phải sáng tối đọc kinh dâng lễ, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá đến cùng”.

2. TẠI SAO TÍN HỮU CÔNG GIÁO VIỆT NAM CHƯA PHÁT HUY ĐƯỢC NỘI LỰC CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ?

Nếu các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã tìm được nguồn sống sung mãn, nguồn sức mạnh vô địch, nguồn ân sủng vô tận nơi BTTT thì tại sao những tín hữu chúng ta ngày nay lại không khai thác được nguồn nội lực đó, dù chúng ta có nhiều điều kiện để hiểu biết BTTT và rước lễ thường xuyên cũng như không bị bách hại?

Câu trả lời đòi hỏi phải nghiên cứu để tìm ra những nguyên nhân cụ thể thuộc về từng người. Nhưng chúng ta có thể phân loại thành 3 nguyên nhân chính sau đây khi so sánh Thánh Thể là lương thực thiêng liêng với đồ ăn, thức uống là lương thực tự nhiên mà hằng ngày ta đưa vào thân thể. 3 nguyên nhân đó là: không ăn, không tiêu, không hoá.

2.1. Trước hết là những người không ăn

Nhiều tín hữu ngày nay rất quan tâm đến việc ăn uống cho thể xác họ được khoẻ mạnh nhưng lại quên linh hồn mình cũng cần lương thực linh thiêng là Mình Máu Thánh Chúa, là Lời Chúa để sống cho đúng là 1 con người toàn diện và phát triển đời sống Kitô hữu. Họ bỏ lễ ngày Chúa Nhật, bỏ rước lễ nên linh hồn họ suy nhược, kiệt sức đến nỗi không còn khả năng chống lại các cơn cám dỗ của ma quỷ và những tham vọng, dục vọng của chính mình.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên có những tín hữu sống trong những hoàn cảnh bị bách hại, tù tội, không thể dự lễ hay rước lễ, nhưng họ vẫn nối kết với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng việc rước lễ thiêng liêng và vẫn phát huy được những năng lực kỳ diệu của bí tích này.

2.2. Tiếp theo là những người ăn mà không tiêu

Nhiều tín hữu rước lễ hằng tuần, có khi hằng ngày, nhưng hình như Thánh Thể giống như một thứ lương thực chưa tiêu tan được trong họ để biến họ thành một với Chúa Giêsu và thông hiệp với Chúa Ba Ngôi.

Ai cũng biết rằng để tiêu hoá được lương thực nhiều bộ phận cơ thể phải làm việc tích cực: răng miệng nhai nuốt, dạ dày co bóp, nhào trộn với dịch vị, ruột non hấp thu các chất đường (carbonat hydrat), protein (chất đạm), lipit (chất mỡ), vitamin, điện giải, ruột già hấp thu nước, chất điện giải rồi thải chất cặn bã ra ngoài. Việc tiêu hoá lương thực thiêng liêng cũng thế. Chúa mời gọi chúng ta cộng tác để làm nên chất liệu Thánh Thể là bánh và rượu, tượng trưng cho mọi hoạt động, khổ đau, hy sinh của con người. Rồi nhờ lời truyền phép, Chúa Giêsu biến tất cả nên Mình Máu Người. Ai không biết dâng những chất liệu ấy, họ không làm nên Thánh Thể cho mình. Hơn nữa, những hoạt động trong đời sống đạo đức như cầu nguyện, xét mình, xưng tội, lần hạt, đọc sách thiêng liêng… giống như các hoạt động nội thân của cơ thể để tiêu hoá được lương thực thiêng liêng. Thiếu chúng, người tín hữu khó lòng tiêu hoá được Thánh Thể trong mình.

Nhiều tín hữu tuy rước lễ thường xuyên, nhưng họ cũng ăn uống thêm nhiều loại lương thực tinh thần độc hại khác khiến Mình Máu Chúa không phát huy được nội lực. Họ đưa vào tâm trí mình những tư tưởng tiêu cực, những hình ảnh đồi truỵ, ma quái, bạo lực qua các phim ảnh, sách báo, truyện trò, giống như người vừa ăn đồ bổ trộn lẫn với đồ thiu thối, vừa uống thuốc bổ pha lẫn thuốc độc, khiến Thánh Thể không thể tiêu tan được.

2.3 Cuối cùng là những người có ăn, có tiêu nhưng không chuyển hoá được Thánh Thể

Đây có lẽ là tình trạng chung của tín hữu Công giáo toàn cầu. Chúng ta biết đồ ăn sau khi được tiêu hoá thành chất đường, chất đạm, chất mỡ… cần phải được chuyển hoá nơi các cơ quan vận động thì mới thật sự ích lợi cho cơ thể. Các cơ bắp cần chất đường để vận động, chạy nhảy, đi đứng; các mô dự trữ cần chất béo; bộ não cần chất đạm để suy nghĩ, tưởng tượng, sáng tạo… Nếu không chuyển hoá thành hoạt động thì càng ăn uống nhiều, cơ thể càng dư chất mỡ, chất đường và dẫn đến bệnh tật.

Nhiều tín hữu hầu như chưa chuyển hoá hay chuyển hoá được rất ít tình yêu, quyền năng và sức mạnh của Chúa Giêsu Thánh Thể trong đời sống thường ngày. Giáo lý Hội Thánh Công giáo nhắc đến 5 hiệu quả của việc rước lễ. Đó là:

- Tăng trưởng sự hiệp thông với Chúa Giêsu từ đó chúng ta có thể chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, loan báo Tin Mừng cứu độ như Người (số 1391-1392).
- Ngăn ngừa chúng ta khỏi tội lỗi để tâm hồn chúng ta thật trong sáng đón nhận những kiến thức, mạc khải của Chúa (số 1393).
- Xoá bỏ các tội nhẹ để tăng cường tình yêu và gìn giữ chúng ta khỏi tội trọng để phát huy những ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong việc phục vụ Dân Chúa (1394-1395).
- Đòi buộc chúng ta dấn thân để phục vụ người nghèo như Chúa Giêsu trong hoạt động bác ái xã hội (số 1397).
- Hoạt động cho sự hợp nhất các Kitô hữu (số 1398).

Hôm nay, sau khi tìm hiểu về gương sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãy quyết tâm trở lại với BTTT như nguồn sinh lực cho mọi hoạt động của mình. Trong những giờ chầu Thánh Thể, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu cho chúng ta tìm ra những nguyên nhân nào đang ngăn trở chúng ta phát huy nội lực của bí tích này.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tôn thờ và yêu mến Chúa! Amen.
 
Văn Hóa
Chuyện phiếm đọc trong tuần
Trần Ngọc Mười Hai
06:58 16/06/2012
Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 11 thường niên năm B 17.06.2012

“Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ tiên!”
“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, tuổi mười ba?
“Em ước mơ em là, em được là tiên nữ.
Ban phép tiên cho hoa biết nói cả tiếng người
Ban phép tiên cho người chắp cánh bay giữa trời.”
(Phạm Duy – Tuổi Mộng Mơ)
(CV 2: 17)
Y như rằng, tuổi mộng mơ của “nghệ sĩ già” nhà ta chỉ gồm những mơ và mộng, thành tiên nữ dù tuổi nhỏ. Nếu bạn và tôi còn tuổi một ba hay ba một thì mơ gì? Chẳng biết trường hợp của bạn mơ với mộng ra sao, chứ với tôi ở vào tuổi ấy, chỉ biết mỗi tinh nghịch, hoặc vẫn cứ nghịch như tinh, hoặc thành tinh rồi vẫn cứ nghịch, chứ đâu nào đã mơ, những chuyện lờ vờ, hoặc nghịch ngạo chuyện mộng mơ của người khác, lác đác những mơ và mộng, thế này đây:

“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười ba, tuổi mười bốn?
Em ước mơ mang hồn, em mang hồn thi sĩ
Theo gió mưa em đi, hát xây mộng cho người
Trên cánh thơ tuyệt vời, hát yên vui cõi đời.
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ hoa!
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ hoa! “
(Phạm Duy – bđd)

Đúng y chang. Chẳng biết bạn ra sao, chứ bầy tôi đây chỉ thích mỗi “giấc mơ hoa”, chứ nào mấy thích “giấc mơ tiên” hay mơ “tiền” gì đâu cho phí sức! Không tin ư? Thì, mời bạn cứ thử hát câu tựa đề của bài phiếm rất hôm nay, sẽ thấy người hát kết thúc ở chữ “tiền” chứ nào mấy chứ “tiên”! Và thấy đó, tác giả xuống câu thành chữ “tiền” chứ nào phải chữ “tiên” hay “Phật” gì cho cam. Thôi thì, để xác chứng nay mời bạn và mời tôi ta nghe câu hát tiếp, sẽ đỡ hơn:

“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười lăm, tuổi mười sáu?
Em ước mơ không nhiều, xin một điều yêu dấu
Không ước mơ xa xôi, ước mơ được nên người
Cô gái yêu nước Việt bước chân theo giống nòi.
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ ngoan!
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ ngoan!”
(Phạm Duy – bđd)

Mơ gì thì mơ. Khi đã mơ như cô gái nước Việt rồi, thì giấc mơ nào mà chả là giấc mơ hoa những ngoan cường, ngoan ngoãn, rất khôn ngoan? Về giấc mơ ngoan hay giấc “khôn ngoan”, là nói giống hệt nhiều người. Cả, người trong Đạo/ngoài làng, như một số nhân vật nổi tiếng, vẫn mơ như sau:

“Quả vậy, ta dù có giáp mặt với khó khăn của hôm nay và mai ngày, tôi vẫn mơ. Giấc mơ của tôi cắm rễ sâu nơi giấc mơ của mọi người Mỹ.

Tôi mơ ngày nào đó đất nước tôi sẽ trỗi dậy mà sống đúng ý nghĩa của điều mình từng coi như niềm tin để nói rằng: ”Chúng ta nắm vững chân lý này để xác chứng rằng tất cả mọi người được tạo dựng ngang bằng, đồng đều.”

Tôi mơ ngày nào đó ngay trên đồi mầu đỏ ở Georgia này, các con của những người trước đây là nô lệ và con của những người trước đây là người chủ sở hữu các nô lệ có thể ngồi chung một bàn mà tỏ bày tình huynh đệ.

Tôi mơ ngày nào đó ngay tiểu bang Mississipi này lâu nay từng bị ngột ngạt vì lực hấp của bất công, từng chảy mồ hôi vì sức nóng của chèn ép sẽ biến thành ốc đảo có công lý và tự do.

Tôi mơ ngày nào đó cả bốn đứa con tôi được sống tại một đất nước ở đó chúng không còn xét đoán vì mầu da nhưng qua phẩm chất của cá tính.

Tôi vẫn mơ điều ấy, hôm nay!

Tôi mơ ngày nào đó thủ phủ Alabama nơi từng có những kẻ chuyên kỳ thị, có quan toàn quyền từng cương quyết “can thiệp” để “tẩy trừ” mọi bất công – mơ ngày nào đó ở đây các bé em trai cùng bé gái có da mầu sẽ cùng nắm tay các em bé da trắng và trở thành anh chị em.

Tôi vẫn cứ mơ điều ấy, hôm nay!

Tôi mơ rằng một ngày nào đó mọi thung lũng được nâng cao và mọi núi đồi bị san bằng xuống thấp, nơi sần sùi được san phẳng, đường cong queo sẽ thẳng tắp và “vinh quang Chúa được tỏ hiện và mọi xác phàm sẽ nhìn lại nhau, mà gần nhau.”

Đó là hy vọng. Là niềm tin tôi đem về miền Nam đây. Bằng vào niềm tin này, ta sẽ đập tan núi đồi tuyệt vọng bằng đá tảng của hy vọng. Với niềm tin, ta biến đổi mọi cãi vã/bất đồng ở nước ta để nó trở thành bản giao hưởng tuyệt tác có tình huynh đệ. Nhờ vào niềm tin, ta sẽ cùng nhau tiến bước, nguyện cầu, cùng đấu tranh, vào tù, rồi vùng dậy cho tự do và tin chắc rằng một ngày nào đó, ta sẽ có tự do, cũng rất gần.” (x. Martin Luther King Jr. “I Have A Dream”, tìm trên Google)

Thế đó là giấc mơ, ở chính trường. Của một người. Người nổi tiếng nhất nước Mỹ, được coi như thánh nhân. Anh hùng tầm cỡ Mahatma Gandhi. Thế đó là giấc mộng của nhà thơ. Của, người cùng Đạo nhưng khác phái. Khác, rất nhiều điều, nhiều sự. Khác, cả giấc mơ của người bình thường ở dân gian, âm thầm chốn huyện thành, chẳng ai biết. Chẳng ai mơ cùng mộng.
“Giấc mơ hoa” hay “mộng ngoan cường”, là giấc mơ của tuổi mười tư/mười tám, rày vẫn hát:

“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười tư, tuổi mười lăm?
Em ước mơ em đẹp như trăng rằm tươi tắn
Thoa phấn son em mang chiếc áo dài khăn hồng
Em sẽ thi đua cùng với hoa khôi khắp vùng.
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ xinh!
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ xinh!”
(Phạm Duy – bđd)

Thế đó, vẫn là giấc mơ của nghệ sĩ, người đời. Ở nhà Đạo, lại cũng có những giấc mợ trở thành hiện thực trong đó thánh Phêrô trụ cột Hội thánh, đã trích lời tiên tri Joel hầu tuyên bố:

“Sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, Thiên Chúa phán:
Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên mọi xác phàm.
Và con trai, con gái các ngươi sẽ tuyên sấm,
Thanh niên của các ngươi sẽ thấy thị kiến,
kẻ già lão trong các ngươi sẽ chiêm điềm mộng.”
(Cv 2: 17)

“Chiêm điềm mộng” , để thấy được ân sủng Thần Khí Chúa vẫn lấp đầy. Ân sủng ấy, vẫn tràn đầy nơi mọi người, một khi người người biết thực thi điều Thiên Chúa truyền dạy, ở Kinh Sách. Chúa truyền và dạy mọi người hãy biến giấc mơ thương yêu thành hiện thực cách ngoan cường, chứ đừng mơ suông. Bởi, dù có mơ hay không, Thần Khí Chúa cũng đà đổ xuống với mọi con trai con gái những xác phàm, trong những ngày rất sau hết.
Ngày sau hết hay buổi khởi đầu, bao giờ con người cũng có giấc mộng và giấc mơ. Mơ hay mộng cả ban ngày. Mơ hay mộng vẫn là những ao ước của người đời, sống ở đời hay trong Đạo, dù đạo hạnh lành thánh, cả triết nhân. Nhà Đạo khi trước, hay hôm nay đều vẫn có các vị vẫn cứ mơ và vẫn ước. Mơ và ước suốt đời mình, như đấng bậc nọ ở trời Tây nước Mỹ, rất như sau:

“Sáng hôm ấy, vừa thức dậy, tôi bèn bước vội xuống phòng ăn làm một ly cà phê nóng để sưởi ấm cõi lòng, rồi lim dim đôi mắt để suy nghĩ về bài chia sẻ sắp tới rồi bất chợt thiếp đi từ lúc nào mà không biết. Trong khoảnh khắc ấy, tôi đi dần vào giấc mơ có cảnh êm đềm của thủ đô Bagdad ở I-rắc không còn tiếng bom tự sát nổ banh xác người trẻ nữa. Rồi lại mơ về cảnh trí có những đứa trẻ tung tăng thả diều lộng gió bốc lên cao, lên cao mãi.

Thề rồi, trong giấc mơ ban ngày ngắn ngủi, tôi lại thấy cảnh người Mỹ ở siêu thị tự dưng ngừng lại không còn mua sắm nữa,cặp mắt lại cứ dán vào màn hình ra như muốn giã biệt người lính vừa chết trận xác còn nằm trong quan tài buồn đưa về nước.

Trong giấc mơ này, tôi nghe như có tiếng nói của các lãnh tụ trẻ tuổi đang tái tạo danh dự và phẩm cách cho đất nước đáng yêu của tôi, để đất nước này không còn chứng kiến cảnh dầu sôi lửa bỏng cùng bạo lực diễn ra ở khắp nơi nhưng đã thấy hoà bình ló dạng ở muôn chốn.

Trong giấc mơ ấy, tôi lại thấy mấy nhà giảng thuyết trên truyền hình quyết định nghỉ hưu sớm để quay về với giáo hội ở địa phương vì nhận ra rằng chia sẻ Lời Chúa cho cái máy vô tri vô giác lấy tiền từ người dưng khách lạ đang ngồi nghe không đòi hỏi của Đức Chúa. Lâu nay Chúa chỉ muốn nhà giàu đến nhà thờ mà ngồi cạnh người nghèo kẻ hèn nhưng cả hai vẫn vui vẻ sẻ san Lời Kinh nhiều ý nghĩa. Mơ đến đó, trong tôi chợt nảy ra ý nghĩ: nếu đây là loại hình của thánh Hội những người theo chân Chúa, thì tôi đây rất muốn theo.

Trong cơn mơ này, tôi lại thấy tường rào/cửa ngõ lâu nay được dựng lên để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp nay bị sập, gần nơi đó lại có vị giảng thuyết đang hăng say tuyên bố: Không gì nói lên sự thất bại chua cay của loài người cho bằng dựng lên bức tường rào ngăn chặn người nhập cư rồi gán cho họ danh xưng ngạo mạn là “người hành tinh lạ” hoặc “nhập cư bất hợp pháp” hay sao đó.

Trong giấc mơ ấy, tôi lại thấy chẳng ai buộc lòng phải chọn lựa hoặc khoa học hoặc niềm tin tôn giáo, như thể đầu óc và tâm can con người không thể đi đôi chung sống; rồi trong đó, người phụ nữ nay có chỗ đứng rất thích hợp cả trong phục vụ người khác cũng như được người khác phục vụ mình. Tranh giành vai vế về giới tính không còn là vấn đề bận tâm của Hội thánh nữa. Mơ tới đó, bỗng dưng trong tôi nảy ra ý định: giả như Hội thánh trở thành những người con đi theo Chúa, tôi sẽ vui lòng chấp nhận.

Trong cơn mơ, tôi lại thấy các giáo hội đang dẫn dắt mọi người có quyết tâm bảo vệ môi trường, đang tiết kiệm năng lượng, tái chế mọi phế phẩm, rao truyền cái lợi của ngành nuôi trồng rất hữu cơ, biết chăm sóc bồn cỏ và thiết lập sân vườn cho cộng đồng. Tôi mơ có được các lớp ngày Chúa nhật đều miễn phí và mở rộng nhiều hội thảo trong đó người lớn tuổi có thể bàn cãi bất cứ vấn đề gì và chẳng ai còn sợ đưa ra tư tưởng và ý kiến mới đưa ra hoặc đường hướng mới để giữ Đạo phù hợp với thế giới hôm nay, nữa.

Trong giấc mơ nhẹ, tôi thấy rằng từ nay người đồng tính luyến ái sẽ được coi như tạo vật chính đáng chứ không phải là thất bại của thiên nhiên. Và do nhận thức bất toàn về bí nhiệm của giới tính, Hội thánh nay đã biết tiếp đón hết mọi người và hành xử đúng chức năng Chúa tạo dựng, bởi dưới chân thập giá, sàn đất vẫn bằng phẳng để mọi người đứng đó rất ngang bằng, không ai cao cũng chẳng ai thấp. Mơ đến đó, trong tôi bỗng chợt tỉnh bằng suy nghĩ: Giả như đây là Hội thánh trong đó có các người theo chân Chúa, tôi cũng muốn Hội thánh như thế…” (x. Robin R. Meyers, A Preacher’s dream: Faith as following Jesus, Saving Jesus from the Church, HarperOne 2009 tr. 228-230)
Đức thày trong Đạo mà lại mơ về một thánh Hội như thế, kể cũng lạ. Lạ lùng như thể, trong Hội thánh chưa từng thấy có hiện tượng mơ màng đến thế cả. Bởi mơ hay màng vẫn chỉ là trạng huống không thật, hoặc chưa diễn tiến. Đằng này, mơ hay thật, thì thành viên nơi thánh hội đều đã nghe và đã biết ý định của Chúa qua Lời Vàng trong Kinh Sách. Bởi thế nên, cách thức của con người thời đại, là cứ sống thực, như mơ. Như chưa bao giờ thấy như vậy.
Xác chứng điều này, cũng nên có được một cảm nghiệm qua lời kể của ai đó, trong câu truyện nhè nhẹ về một chính trị gia khá nổi tiếng ở Nam Mỹ cũng từng có ước mơ. Ước và mơ không cho riêng mình, mà là nhiều người cả người già lẫn trẻ bé thơ, cũng có mơ. Mơ, được no ấm cho mình và gia đình. Mơ, mọi người có cơ hội để phát triển khả năng, tài cáng để giúp người, như bên dưới:

“Chú bé Lula ,sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại 1 gia đình nông dân ở Ba-Tây (Brazil). Vì nhà nghèo ,nên từ lúc mới 4 tuổi ,thằng nhỏ đã phải đi bán đâu-phụng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và thiếu ăn. Sau khi được lên tiểu học, lúc đó đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với 2 người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đâu đường, hôm nào không có khách, thì kể như nhịn đói.
Năm 12 tuổi, vào buổi xế chiều, có người khách lạ là chủ tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố, 3 đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhìn vào 3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng, ông nói: Đứa nào cần tiền nhất , thì ta cho nó đánh giầy và sẽ trả công những 2 đồng.
Công đánh 1 đôi giầy chỉ 20 xu, 2 đồng đúng là món tiền lớn. Cả ba cặp mắt nhỏ sáng rực hẳn lên. Đứa này nói: từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu hôm nay cháu không kiếm được đồng nào, có lẽ cháu sẽ chết đói mất thôi! Đứa khác nói: "Nhà cháu hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, tối nay cháu phải mua thức ăn cho cả nhà, nếu không kiếm được đồng nào, chắc chắn tối nay cháu sẽ bị ăn đòn…“
Bé Lula nhìn 2 đồng bạc nằm trên trong tay ông chủ tiệm giặt ủi và xấy nhuộm, suy nghĩ một lúc, xong rồi nói: “Nếu cháu được ông cho 2 đồng bạc này, cháu sẽ chia cho 2 đứa bạn của cháu mỗi đứa 1 đồng còn cháu thì xin miễn lần này!” Câu nói của Lula làm chủ tiệm giặt suy nghĩ cũng thấy lạ. Hai đứa bé kia cũng rất đỗi ngạc nhiên. Cậu bé Lula thấy tình hình im lặng đến dễ sợ, bèn nói thêm: “Mấy đứa này là bạn thân nhất của cháu; nên cháu biết là tụi nó đã nhịn đói hết ngày trời rồi, phần cháu thì trưa nay cũng có ăn ít hột đậu phụng, nên mới có sức đánh giầy cho khách. Thôi! Ông cứ để cháu đánh giày cho ông đi, chắc chắn là ông sẽ hài lòng thôi, cháu bảo đảm như thế.”
Nghe vậy, người chủ tiệm giặt thấy cảm động trước câu nói của chú bé Lula, bèn chấp nhận cho nó đánh giày mình, Đánh xong, ông trả cho nó 2 đồng và công nhận là nó đánh giày cũng bài bản lắm. Lula giữ đúng lời hứa, trao ngay cho hai đứa bạn mỗi đứa một đồng, dù không đánh.
Vài ngày sau, ông chủ tiệm giặt ủi lại tìm đến thằng nhỏ Lula hôm trước, nhận nó làm việc tại cửa tiệm của ông mỗi khi tan học để học nghề, ông còn bao cả bữa cơm tối nữa. Lương tiền học nghề tuy rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn nhiều.Lula nay đã hiểu: chính vì mình quyết định ra tay giúp đỡ những kẻ còn khốn đốn hơn mình, nên mới đem đến cho mình cơ hội thay đổi cuộc đời, như giấc mộng.
Từ đó trở về sau, mỗi khi có điều kiện, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình. Về sau, Lula quyết định không học lên, mà chỉ làm thợ trong nhà máy sản xuất để rồi hễ có cơ hội là bênh vực cho quyền lợi của giới thợ. Từ đó, cậu còn tham gia công-đoàn mãi đến năm 45 tuổi Lula cũng đã thành lập đảng Lao-Công.
Năm 2002 , Lula lại đã tham gia ứng cử tổng-thống nước Brazil với khẩu hiệu : Ba bữa cơm no cho mọi người trong nước. Và năm ấy, công nhân Lula đã đắc cử làm Tổng Thống xứ Brazil. Đến năm 2006, ông lại đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa, những bốn năm.
Trong 8 năm tại chức, Tổng thống Lula nhà ta đã thực hiện đúng lời hứa, là: 93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Thực hiện đúng tâm niệm của mình: luôn tìm cách giúp mọi người đạt giấc mơ ở đời! Và nước Brazil dưới sự lãnh đạo của Ông Lula không còn là "khủng long to đùng chỉ biết nhai cỏ" nhưng đã trở nên "Mãnh hổ xứ Mỹ Châu". Và cũng chính ông đã thành công trong việc xây dựng nền kinh tế vững mạnh đứng thứ 10 thế giới. Cũng từ đó, Luiz Inácio Lula da Silva, tên thật của vị tổng thống Brazil suốt nhiệm kỳ 2002-2010, đã nằm sâu trong đầu của người dân xứ Brazil. Chính ông là người biến giấc mơ “ăn no mặc ấm” của người dân thành hiện thực, rất để đời.”

Truyện kể ở trên, là chuyện thật không hư cấu. Cũng rất thật như giấc mộng và ước mơ của nhiều người ở trong Đạo cũng như ngoài đời. Giấc mơ, mà nhiều lúc cũng không to lớn hoặc cao siêu mầu nhiệm gì. Nhưng, giấc mơ ấy có thành hiện thực hay không, đó mới là vấn đề.
Phải chi, giấc mơ của người đi Đạo và giữ Đạo của Chúa chỉ giản đơn/chân chất như của bé em tuổi mười hai, mười ba hay là mười bốn đi nữa, thì chắc chắn bạn và tôi, ta sẽ luôn vui mà ca hát. Hát những lời lẽ rất đơn điệu của nghệ sĩ họ Phạm tiếng là già nhưng tâm hồn lại rất trẻ như sau:

“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, tuổi mười ba?
“Em ước mơ em là, em được là tiên nữ.
Ban phép tiên cho hoa biết nói cả tiếng người
Ban phép tiên cho người chắp cánh bay giữa trời.”
(Phạm Duy – bđd)

Mơ gì thì mơ, bạn và tôi cứ mơ và ước, rất bình thường, ở đời. Để rồi thánh Hội của ta cũng sẽ biến ước mơ ấy thành hiện thực, tức thành “tiên nữ” nói được tiếng người. Tiếng của yêu thương, nhường nhịn như của bé Lula xứ Brazil hay của nhà hoạt động cho chính nghĩa, rất Martin Luther King của mình. Và, của người. Ở khắp nơi.

Trần Ngọc Mười Hai
Cũng đã từng mơ và ước
những ước vọng của đời thường.
Rất ở đây. Bây giờ.


Suy niệm Lời Ngài Chúa Nhật thứ 11 Thường Niên Năm B 17.6.2012
“Hôm nay có phải mùa Thu,
Mấy năm xưa đã phiêu du trở về.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Mc 4: 26-34
Nơi nhà thơ hôm nay, chính là mùa Thu. Mùa, của những phiêu du trở về, từ mấy năm xưa. Với nhà Đạo, nay mùa thường niên phụng vụ. Mùa, của những suy tư, nguyện cầu có Lời Chúa dẫn dắt.
Suy tư nguyện cầu, với trình thuật thánh Mác-cô ghi, có dụ ngôn Chúa kể để người người đi dần vào chốn tâm tư đầm ấm, vẫn lắng đọng. Nguyện cầy suy tư, về người gieo giống nơi đất ruộng ở tình huống tinh mơ mù tối như các nhà chú giải thấy có khoảng cách còn bỏ ngỏ ở dụ ngôn.
Về trình thuật, các nhà chú giải đều suy nghĩ theo cách khác biệt. Crossan gọi dụ ngôn đây là “tình huống không phù hợp, thiếu dứt khoát”. Trong khi đó, bình luận gia Dermode lại thấy câu cuối của trình thuật “chẳng có gì rõ rệt”. Stephen Moore lấy làm thích thú cũng hơi lạ về câu “có hạt rơi xuống vực thẳm không sinh lợi”. Nói chung thì, dụ ngôn thánh Mác-cô ghi, chỉ nói cách gián tiếp, không rõ rệt về lập trường của Chúa. Dụ ngôn hôm nay, không đưa ra điều gì độc đáo, rõ rệt, mà chỉ đảo ngược suy tư, tưởng đoán của người nghe, thôi.
Dụ ngôn đây, là truyện kể không khúc chiết cũng không mạch lạc, có khi còn tinh ranh nghịch ngợm, tức: không hứa hẹn điều gì và cũng chẳng chuyển tải lập trường nào vững vàng chắc nịch hết. Dụ ngôn, chỉ độc đáo ở văn phong thể loại qua đó thánh Mác-cô muốn chứng tỏ, rằng: Chúa đã trỗi dậy từ chốn mông lung, mù tối. Ngài đã biến đổi tình trạng tăm tối của người đời để mặc khải một sự thật, là: các suy tư của ta đều giới hạn.
Có điều lạ, là: khi Chúa bị cáo giác là đầu óc Ngài không lành sạch và chừng như Ngài cũng bị quỷ ám, thì Ngài đáp trả bằng truyện kể dụ ngôn. Cũng thế, khi ta giáp mặt với cách biệt mở ngỏ ở dụ ngôn, và giả như ta có khả năng giải quyết mọi cách biệt như thế trong cuộc sống không ý nghĩa, thì ta đâu phải là người không lành sạch. Và, khi ta vượt qua cảnh đời nô lệ rất không minh bạch để đến với rõ ràng, đúng đắn, thì ta không còn bị quỷ tha ma bắt, nhưng lại có quyền uy tuyệt đối bằng những lời tuyên bố trọn hảo. Và từ đó, ta có thể thư giãn ngồi cười và kể những câu truyện mỉa mai, châm biếm mà Tom Wright vẫn bảo mọi người đi Đạo chúng ta đều mắc phải hội chứng thiếu tính châm biếm, mỉa mai, khôi hài.
Người tỉnh táo hơn, sẽ đọc ra được dấu vết tư tưởng của ngôn sứ Isaya ở dụ ngôn truyện kể do thánh Máccô ghi. Sách Ysaya đoạn 55, câu 10-11 viết: lời của Chúa giống như làn nước ban hạt giống cho người gieo và như bánh trái cho người được ăn. Nhưng, các đoạn này không ‘điều giải’ đuợc sắc thái khác thường/dị biệt ở dụ ngôn. Ngoài ra, các cụm-từ chính dù không rút từ Kinh Sách của người Do thái, nhưng lại đầy đủ ý nghĩa tóm gọn trong câu chính “Người Con Dấu Yêu” gieo vãi/nảy nở ở nhiều chỗ trong Tin Mừng thánh nhân ghi. Chừng như thánh Máccô muốn người đọc quay về với cảnh trí có thanh tẩy để bắt đầu truyện kể về Tin vui ngài công bố.
Thần Khí đến với Chúa khiến Ngài trở nên Con Một của Chúa Cha. Và, động thái này gây ảnh hưởng lên tính “Người” của Ngài, khiến tính chất ấy yếu dần đi để Ngài trở thành “con người” đích thực để rồi biến đổi tính mỏng dòn của người thành động thái mở ra với Chúa. Người đọc dụ ngôn, có thể diễn rộng tư tưởng ấy. Cũng có thể, diễn rộng cung cách giảng giải tiêu biểu của Chúa. Chính vì thế, Chúa đã nói lên những điều chưa hoàn tất để thêm vào. Và, đó là nét đặc thù của dụ ngôn, hôm nay.
Chính trong phần kể truyện thánh Mác-cô sử dụng, các dụ ngôn được tháp nhập vào trong đó. Chừng như đó chính là đặc trưng của chính dụ ngôn. Nên, khi thánh Máccô viết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa là ngài viết qua tư cách làm con của loài người không tự bảo vệ chính mình trước uy lực dẫn Ngài đi đến hệ quả là, nỗi chết. Có thể tất cả sự việc được nghiên cứu và suy nghĩ thật cặn kẽ để biến thành dụ ngôn, rất ý nghĩa.
Quanh dụ ngôn người gieo giống ở Tin Mừng Mác-cô đoạn 4 câu 14-20, có hai đoạn văn qua đó tác giả sử dụng phương pháp diễn giải, đặc biệt ở đoạn 4 câu 10-13 và câu 20-25, tác giả tập trung nhấn mạnh đến sự kiện mù tối/hiểm hóc, qua cung cách sử dụng ngôn ngữ của dụ ngôn. Hiểm hóc/mù tối ban ra để chỉ một ít người được chọn là người có tai để nghe, chứ không được mặc khải, cả với mình.
Khi nói về hạt giống tăng trưởng, thánh Mác-cô nhấn mạnh chữ “hạt giống lớn lên”, ngài muốn nói: ngay cả những người gieo giống cũng không biết hạt ấy tăng trưởng cách nào. Cũng vậy, có nhiều điều người nghe vào thời ây không thể hiểu, tựa như sự chết và sự sống mới. Điều đó, khởi sự từ chức năng “Con Thiên Chúa” tiếp theo sau là phần tự sự nói theo nghĩa chữ, tức sự thành tựu đem con người đến nơi nào chẳng ai biết được. Và, ở dụ ngôn, điều này thách thức con người đạt đến thành tựu bằng chính ngôn ngữ của mình. Theo chân Chúa, người người đi vào chốn mù tối vượt quá mọi dẫn giải. Chính vì thế, con người nên sẵn sàng với tình huống ấy, tức: cuối cùng ra, dụ ngôn chỉ là ngôi mộ, luôn trống vắng.
Có điều khiến ta thấy rõ, là: thánh Máccô đưa mọi người vào với thứ gì đó hơn cả dụ ngôn. Dù, thánh nhân dạy ta suy tư theo cung cách của dụ ngôn. Tựa hồ phụng vụ Hội thánh cũng dẫn ta về với suy tư giống như thế, về cộng đoàn do Chúa thiết lập. Suy tư, là bởi: ở đây nữa, luôn có sự mù mịt tối nghĩa. Bởi, tất cả đều tiến triển theo cung cách của dụ ngôn, thôi.
Con dân Đạo Chúa là tập thể khá bất thường. Có người gọi họ là gia đình không dựa trên quan hệ họ hàng. Người khác lại bảo: họ là nhóm người đã được biến đổi bên trong Do thái dựa trên ý tưởng về “đầy tớ Chúa” như ngôn sứ Ysaya từng nói. Ý tưởng này, không đối chọi với ý niệm về “người ngoại cuộc” sống ngoài nhóm hội của các thánh. Với Ysaya, đây chỉ là chuyện nhỏ về người đầy tớ tái tạo bộ tộc của Do thái mà không cần trở thành ánh sáng muôn dân nước. Chúc lành của Thiên Chúa là sự lành thánh ban cho dân Do thái, nhưng điều đó cũng có nghĩa là: ơn lành được ban cho toàn thế giới qua dân Do thái. Cũng đúng cả hai và ngược lại. Đó chính là sự mù tối, thiếu nghĩa. Đó, cũng là dụ ngôn, cũng rất thật.
Có người hỏi: vậy thì, với Đức Giêsu, gia đình là gì? Khi sống đời trưởng thành, Chúa có gia đình không? Phải chăng ta muốn đây là việc thăng tiến các gia đình; và bằng vào việc này, ta lại thăng tiến cả lịch sử đứng sau con người? Phải chăng đó cũng là cách Chúa muốn ta gắn bó với nhau nhưng không dứt khoát, cũng chẳng rõ ràng? Cung cách ấy, có thể thực hiện được không? Có tốt đẹp lắm không? Vẫn nên tư duy một lần nữa về sự khác biệt giữa ta và người sống chung quanh mình?
Thật ra, suy tư về sự khác biệt giữa những người sống với nhau và cạnh nhau, có nghĩa là ta phải sống đích thực mà thi hành ý định của Đấng Khác với mình. Đấng ấy đang hiện diện ở chốn thiên cung? Cũng thế, có nên suy tư về tính cách “chính trị” của động thái ủng hộ hoặc chống đối không? Có nên phân tách kỹ ý nghĩa của tả phái với hữu khuynh không? Phải chăng các tương phản như thế vẫn được thăng hoa theo cung cách rất rộng? Phải chăng có yếu tố nào lúc đầu khá rõ rệt để ta có thể định nghĩa được chính mình nếu ý định rất đoan quyết của Đấng Khác với ta, đang ở chốn thiên cung, vẫn chỉ là một và chỉ có tính quyết định, không? Nếu thế thì, đó là tính chất rất dụ ngôn!
Cuối cùng thì, quan điểm chính ở đây, là: sự khác biệt giữa tính hiệp thông và cộng đồng. Hội thánh Chúa đáng ra phải mang ý nghĩa của thể thức khá lạ kỳ về cộng đồng xã hội luôn tuôn chảy từ thể thức kỳ lạ của hiệp thông tâm linh, huyền nhiệm. Bởi, hầu hết các vết thương lòng ở thánh hội, đều đến từ sự diễn giải quá đáng về chiều kích bí nhiệm hoặc mang tính rất xã hội, thôi.
Cuối cùng thì, công cuộc dựng xây thánh hội sẽ mang ý nghĩa chữa lành vết thương ấy. Giả như Đức Chúa sử dụng dụ ngôn xây dựng hội thánh tựa như khi Ngài đặt tên cho ông Simôn thánh Phêrô rất đá tảng ở Tin Mừng thánh Mátthêu, thì Hội thánh sẽ luôn có đó để được xây dựng thêm một lần nữa. Và, cũng được chữa lành thêm một lần nữa. Và khi ấy, Chúa lại sẽ khuyên nhủ thánh Simôn Phêrô hãy cứ tiếp tục mà dựng xây/chữa lành cho hội thánh của Ngài, mãi như thế.
Cuối cùng ra, tất cả dụ ngôn về người gieo giống là dụ ngôn về một dựng xây cộng đồng thánh hội cũng rất mới, trên đá tảng mang nhiều chấm hỏi, cả dấu chấm.
Trong cảm nghiệm ý nghĩa của dựng xây, cũng nên ngâm tiếp lời thơ còn bỏ đó vẫn chưa xong:

“Hôm nay có phải là Thu?
Mấy năm xưa đã phiêu du trở về.
Cảm vì em bước chân đi,
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.”
(Đinh Hùng – Bài Hát Mùa Thu)

Chắc chắn, bài hát của nhà thơ sẽ không như ca lời của dụ ngôn Chúa dạy. Bởi, mùa Thu có phiêu du vẫn là mùa của những dẫn dụ ta nên về với Chúa mà dựng xây thánh hội vẫn cứ “lưu ly phớt buồn”.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh -
Mai Tá phỏng dịch
 
Lời Ru Của Cha
Phạm Trung
18:36 16/06/2012
Mừng ngày lễ Hiền Phụ. Xin gửi nhạc phẩm "Lời Ru Của Cha" của Phạm Trung, Thơ Lê Minh Dung - Ca Sĩ Ngọc Mai.

 
Vinh danh Bố
Jos. Tú Nạc, NMS
20:05 16/06/2012
Trải qua bao năm tháng
Khi ta bước về già,
Ta nhớ về bố ta
Bố can trường dũng cảm.

Trong mảnh vườn bé nhỏ,
Với cuốc cầm trong tay,
Bố lắng nghe ta nói,
Giờ ta thấy bố đây.

Bố cho lời khuyên bảo
Để mỗi ngày ta hiểu,
Bố luôn luôn ở đó
Giúp đỡ ta một tay.

Thiên Chúa tạo người bố
Mạnh mẽ và kiên cường,
Vì Người biết đời ta
Nhiều gian nan sóng gió.

Nên Người cho ta bố
dạy bảo ta tỏ bày,
Dẫn dắt ta cuộc sống,
Trên đường chính nẻo ngay.

Nên Ngày Vinh danh Bố
Ta hãy dành thời giờ
Nói lời “Cảm ơn bố.
Hân hạnh bố của con.”

Bố ơi, con yêu bố

Bố ơi, con yêu bố
Ví bố là tất cả
Con sẽ ôm hôn bố
Vì bố cũng yêu con.

Bố nuôi con, cần con
Chỉ bố cách bày trò,
Mỉm cười, con yêu bố
Vào ngày Bố của con.