Ngày 19-06-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sinh Nhật kỳ diệu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
02:01 19/06/2018
Lễ Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả

Giáo Hội thường mừng lễ các thánh vào ngày các ngài qua đời. Đó là ngày các ngài được về với Thiên Chúa, ngày sinh nhật trên thiên quốc. Đối với thánh Gioan Tẩy Giả, Giáo hội mừng kính cả ngày ngài sinh ra và cả ngày ngài tử đạo. Ngày qua đời mừng ở bậc lễ nhớ. Ngày sinh nhật với bậc lễ trọng.

Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật. Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu ( 25.12); Sinh nhật của Đức Maria ( 8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả ( 24.6).Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo hội có lý do để sắp đặt việc mừng Sinh nhật của Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.

Trong dịp hành hương Đất Thánh, chúng tôi đến thăm Nhà thờ kính Thánh Gioan Tẩy Giả tại Ein Kerem. Đây là Nhà thờ do dòng Phanxicô xây dựng trên địa điểm linh thánh, nơi thánh Gioan ra đời. Với sự chào đời của Gioan, ông bà Dacaria, Isave vui mừng hạnh phúc. Họ hàng bà con đến chung chia niềm vui. Đấng Tiền Hô chào đời chuẩn bị dọn đường cho Đấng Cứu Thế xuất hiện (Lc 1,57-66).

Mỗi người hôn kính nơi Gioan được sinh ra, phía dưới bàn thờ bên phải cung thánh. Sân trong Nhà thờ trưng bày những bảng ghi chép bằng nhiều ngôn ngữ lời tiên tri của ông Dacaria. Ông đã thốt ra lời tiên tri này vào ngày lễ cắt bì cho con trẻ và đặt tên cho con mình là Gioan (Lc 1,67-79); theo truyền thống Giáo hội, đây là lời kinh “Benedictus”.

Gioan được sinh ra kỳ diệu, ơn gọi huyền nhiệm và được trao sứ vụ cao trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

1 .Sinh nhật kỳ diệu

Thánh Luca đã nói tới ngày sinh với những dấu hiệu kỳ diệu của Gioan “Nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” ( Lc 1,14).

a. Dacaria bị câm :

Thân phụ của Gioan bị câm vì nghi ngờ lời Truyền tin của Sứ Thần đang khi ông đang dâng hương trong đền thờ theo phiên của mình (Lc 1,5- 23)

b. Khỏi Tội Nguyên tổ

Bà Isave có thai được 6 tháng, Đức Maria đã đến viếng thăm,vừa nghe lời Đức Maria chào thì thai nhi Gioan đã nhảy mừng trong dạ mẹ (Lc 1,41) và được đầy tràn Thánh Thần (Lc 1,15). Hồng ân này được Giáo hội hiểu là Gioan đã khỏi tội nguyên tổ, một ân huệ cao cả mà nhân loại không ai có được, ngoại trừ Đức Maria.

c. Son sẻ mà có con

Hai ông bà Dacaria và Isave là người công chính trước mặt Thiên Chúa, nhưng họ lại không con,vì Bà Isave là người hiếm hoi, cả hai đều đã cao niên (Lc 1,6- 7). Vậy mà Bà đã sinh con “Bà sinh hạ một con trai,nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy,láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (Lc 1,57-58). Trong Cưụ ước cũng có những bà mẹ sinh con kỳ diệu như vậy. Bà Sara mẹ Isaac (St 11,30;21,1-7). Bà Rebecca mẹ của Esau và Giacop (St 25,21- 26). Bà Rakhel mẹ của Giuse (St 29,21; 30,22- 24). Bà Anna mẹ của Samuel (1Sm 1,2- 20).

d. Tên Gioan và hết câm

Gioan sinh được 8 ngày, chịu cắt bì và đặt tên là Dacaria nhưng bà mẹ lên tiếng: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. Một tên gọi thật lạ lùng khiến mọi người kinh ngạc vì trong họ hàng của bà không có ai tên đó cả.Khi Dacaria viết tên Gioan trên tấm bảng, thì miệng lưỡi ông được mở ra,ông hết câm và nói lại được như trước kia (Lc 1,59- 65).

Mọi biến cố đều kỳ diệu từ khi cưu mang cho đến lúc sinh ra của Gioan, vì “Quả thật,có bàn tay Chúa phù hộ em” (Lc 1,66).

Sinh nhật Gioan kỳ diệu cũng đúng thôi vì Gioan sẽ lãnh nhận một ơn gọi kỳ diệu là làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

2 . Ơn Gọi huyền nhiệm

a Ngôn sứ Isaia loan báo

“Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy,mọi núi đồi phải bạt cho thấp,khúc quanh co phải uốn cho ngay,đường lồi lõm phải san cho phẳng.Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,3-5; Mc 1,3; Lc 3,4-6; Mt 3,3). Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.

b. Ngôn sứ Malakia tiên báo

“Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con,người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu” (Ml 3,1- 24; Mt 1,10; Lc 1,17;7,27). Lời Ngôn sứ Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.

c. Sứ Thần Truyền Tin xác nhận

Sứ Thần của Chúa hiện ra với Dacaria,đứng bên phải hương án,xác nhận với ông rằng, người con trai của ông sắp chào đời là Gioan Tẩy Giả “Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”(Lc 1,17).

e. Thân phụ Dacaria

Dưới tác động của Thánh Thần, Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng “Benedictus” về ơn gọi của người con trai mình: “Hài Nhi hỡi,con sẽ đi trước mặt Chúa,mở lối cho Người,bảo cho dân Chúa biết,Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên” ( Lc 1,76-77).

f. Gioan khẳng định

Trong một cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy tại Enon gần Salem thuộc miền Giuđê, chính Gioan đã xác nhận ơn gọi của mình : “Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói : tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài” (Ga 3,28).

Gioan sinh ra thật kỳ diệu, hai ông bà Dacaria quá đỗi vui mừng hạnh phúc. Bao ước mơ xưa nay thành hiện thực. Con trai sẽ là người nối dõi tông đường lo cho tuổi gìa của cha mẹ. Con trai sẽ là người nối nghiệp cha làm tư tế. Nhưng mọi dự tính như đều biến thành mây khói khi Gioan nghe theo tiếng gọi từ trời cao đi làm nhiệm vụ Ngôn sứ. Một nhiệm vụ rất nguy hiểm. Gioan vào hoang địa sống một mình với Thiên Chúa để chuẩn bị cho sứ vụ.

3. Sứ vụ cao trọng

Qua sinh nhật và ơn gọi huyền nhiệm của Gioan,Thiên Chúa đã đặt ngài làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.
Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương, bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than, Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân. Qua mọi thời, những Ngôn sứ chân chính luôn thao thức với vận mạng Dân tộc. Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy Hêrôđiađê là vợ của anh trai mình. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy, Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế, Gioan đã bị vua chém đầu từ trong ngục. Đụng chạm đến những hôn quân bạo chúa thì chỉ chuốc lấy họa vào thân. Thế nhưng, lương tâm ngay chính, Gioan đã khẳng khái nói lên những lời cần phải nói cho dù phải trả gía bằng chính mạng sống.

Sứ mạng Ngôn sứ thời nào cũng phải trả giá khi dám nói sự thật, khi dám đấu tranh cho công lý và dân chủ.Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù.Thế nhưng Đức Giêsu đã nói về ông: “Trong các con cái người nữ sinh ra,chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả” (Lc 7,28).

Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, mỗi người hãy nghĩ về ngày sinh nhật của mình. Đó là giây phút lịch sử đáng ghi nhớ nhất cuộc đời. Ngày ấy, cha mẹ, anh chị em hân hoan, bà con lối xóm đến chúc mừng. Ai cũng muốn nhìn con trẻ, mỉm cười muốn bồng ẵm và tự hỏi: trẻ này rồi sẽ nên như thế nào, ai cũng chúc phúc và đặt niềm hy vọng. Con trẻ được cha mẹ đặt tên. Ngày được Thanh tẩy, con trẻ có một tên Thánh. Chọn một vị Thánh làm bổn mạng cho con, cha mẹ xin vị Thánh Quan thầy cầu bàu che chở con và mong con noi gương bắt chước vị Thánh ấy trên đường nhân đức.

Thánh Gioan được sinh ra trong niềm vui của cha mẹ và mọi người. Ngài đã sống trọn vẹn ơn gọi của mình.Thánh nhân để lại một mẫu gương khiêm nhường, thánh thiện cho muôn đời. Mỗi người được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và sự quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi cuộc đời là một huyền nhiệm trong tình thương Thiên Chúa.Mỗi lần mừng sinh nhật của mình, mỗi người chúng ta nhớ đến bao nhiêu là hồng ân Thiên Chúa ban tặng để tạ ơn và sống xứng đáng hơn.

Ngày nay, nhiều gia đình có truyền thống kỷ niệm và mừng ngày sinh nhật của các thành viên trong gia đình. Đó là một việc làm thật ý nghĩa và nhiều niềm vui. Bởi lẽ, đã sinh ra trong đời, dù ở cảnh ngộ nào, ai cũng được Đấng Tạo Hóa ban tặng chức phận quý giá, đó là làm người. Qua mạc khải Kinh thánh và dưới ánh sáng đức tin, mỗi người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu. Mỗi người đều có một ơn gọi và được trao ban một sứ vụ. Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, mỗi người nhớ đến ngày mình được tái sinh làm con Thiên Chúa.Nhờ phép rửa, chúng ta đã trở thành ngôn sứ loan báo hồng ân cứu độ của Chúa.

Noi gương Thánh Gioan, chúng ta sẽ sống cao đẹp cuộc đời của mình như lời Thánh vịnh: "Phần con đây, con tin cậy vào tình thương Chúa, được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng. Con sẽ hát bài ca dâng Chúa,vì phúc lộc Ngài ban" (Tv 12).






 
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 12 thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:36 19/06/2018
Chúa Nhật XII THƯỜNG NIÊN. B
(Mc. 4: 35-40)
SÓNG BIỂN


Biển hồ sóng nước mênh mông,
Thuyền chài xa tắp, ngóng trông bến bờ.
Nửa đêm bão tố bất ngờ,
Gió gào sóng vỗ, đêm mờ hiểm nguy.
Môn đồ chèo chống phụ tùy,
Bồn chồn lo lắng, nghĩ suy trong lòng.
Sao Thầy ngủ mệt bên trong,
Vội vàng đánh thức, cầu mong khẩn nài.
Chúng con gặp phải thiên tai,
Cầu Thầy cứu giúp, miệt mài thâu đêm.
Chúa đe gió biển lặng êm,
Đôi lời dạy bảo, êm đềm khuyên răn
Đức tin yếu kém tận căn,
Sao mà sợ hãi, băn khoăn làm gì.
Tông đồ kinh hãi lo chi.
Gió im biển lặng, quyền uy Ngôi Lời.

Đối diện với sự đổi thay của thiên nhiên ai cũng phải run sợ. Thiên Chúa quan phòng sắp đặt sự lưu chuyển tuần hoàn trong vũ trụ. Có nhiều biến cố thiên nhiên xảy ra một cách kinh hoàng như động đất, núi lửa, sóng ngầm, bão tố và lũ lụt. Con người đành phải chấp nhận và luôn trong tư tế tỉnh thức để đề phòng. Phúc âm hôm nay diễn tả các tông đồ sợ hãi trước một cơn bão lớn dồn dập. Là những thợ đánh cá chuyên môn nơi sông hồ, nhưng các Tông đồ vẫn run sợ trước cuồng phong bão tố.

Các Tông đồ chèo chống không nổi với sóng gió, các ngài đành phải kêu nài đến Chúa: Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao? Chúa Giêsu còn ngủ. Chúa vẫn hiện diện đó nhưng Chúa chưa ra tay cứu giúp. Chúa muốn thử thách các ông và muốn các ông nhận biết quyền năng của Chúa. Sau lời van xin của các Tông đồ, Chúa đã đe gió và biển: Hãy im đi, hãy lặng đi. Các Tông đồ quá kinh hãi và run sợ trước sóng biển, nhưng các ông lại thán phục hơn nữa vì uy quyền của Chúa.

Hình ảnh sóng gió cuộc đời cũng tương tự như sóng biển. Ai cũng có những sóng gió trong cuộc sống. Còn trẻ thì có những khó khăn nho nhỏ trong việc kỷ luật học hành. Lớn hơn một chút có những khúc mắc yêu thương. Khi đến tuổi trưởng thành, chúng ta lại phẩi đối diện với sóng gió trong đời sống gia đình qua những sự mâu thuẫn, tranh cãi và hiểu lầm rồi lại phải đối đầu với những thất bại trong công ăn việc làm. Còn có những sóng gió trong bước đường đấu tranh danh vọng. Chúng ta nên giải quyết vấn đề thế nào? Đôi khi chúng ta chỉ cậy dựa vào sức riêng mình để giải quyết vấn đề. Chúng ta quên Chúa đang ở giữa chúng ta. Ngài sẵn sàng giúp đỡ nếu chúng ta lên tiếng nài van.

Kinh nghiệm cuộc đời cho chúng ta thấy có nhiều cách đối diện với sóng gió và khó khăn trong cuộc đời. Có những người miệt mài phấn đấu trong đau khổ để vượt qua khó khăn trong đời. Gian khổ trở thành gánh nặng cuộc đời. Có những người chấp nhận thân phận đau thương trong âm thầm. Có những người sống trong bình an và phó thác. Đây là những người sống có lý tưởng và mục đích, sự khó khăn không làm cho họ chán nản. Họ đi tìm hạnh phúc trong việc phục vụ tha nhân và mưu cầu ích chung cho mọi người. Tâm tình quảng đại đó đã giúp họ sống lạc quan và hạnh phúc.

Dù sóng gió, gian khổ hay vui sướng trong cuộc đời, chúng ta luôn có Chúa hiện diện ngay bên. Hãy chạy đến với Chúa vì Ngài là nơi chúng ta trú ẩn và là nơi chúng con nương thân. Chúa âu yếm nói với chúng ta rằng: Hỡi những ai gánh nặng và khó nhọc, hãy đến Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho.

THỨ HAI, TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
(Stk 12, 1-9; Mt 7, 1-5).
ĐOÁN XÉT


Phê bình chỉ trích không tên,
Quyền nào đoán xét, một bên bất đồng.
Con người thiển cận viển vông,
Xét nhìn bất cập, nào trông thấy gì.
Biết bao khía cạnh tinh vi,
Ai mà thấu tỏ, chi li từng phần.
Nhìn qua quan sát cận lân,
Truyện người xem thấy, cũng cần đắn đo.
Liếc xem cái rác thật to,
Anh em lỗi phạm, hãy lo phận mình.
Cái đà nổi cộm cột đình,
Chẳng nhìn chẳng thấy, mắt mình tối thui.
Giả hình giả điếc giả đui,
Xét mình trước đã, rồi khui lỗi người.
Xin đừng đoán xét người đời,
Tự mình đấm ngực, xin lời thứ tha.

THỨ BA, TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
(Stk 13, 2. 5-18; Mt 7, 6. 12-14).
CỬA HẸP


Vào qua cửa hẹp Nước Trời,
Đường vào sự sống, đời đời phúc vinh.
Ơn thiêng thánh hóa tâm linh.
Đừng quăng của thánh, chó khinh bọt bèo.
Ngọc trai đừng ném cho heo,
Dưới chân chà đạp, lại trèo phản công.
Điều gì con muốn hạnh thông,
Trước tiên thực hiện, lập công trước thời.
Điều mà lề luật kêu mời,
Hãy vô lối hẹp, cửa trời mở ra.
Thênh thang cửa rộng bao la,
Lối vào hư mất, lạc xa đường về.
Nhiều người ưa thích phủ phê,
Cuộc đời thoải mái, nhiều bề hỉ hoan.
Đường trần cửa hẹp lo toan,
Hy sinh bớt bỏ, thiện toàn xác thân.

THỨ TƯ, TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
(Stk 15, 1-12. 17-18; Mt 7, 15-20).
GIẢ


Chúa thương cảnh cáo môn đồ,
Coi chừng chứng giả, mơ hồ loan tin.
Tiên tri vờ giả van xin,
Riêng tư lợi ích, vì mình tìm danh.
Giả danh mặc lốt chiên lành,
Bên trong sói dữ, tan tành đàn chiên.
Hãy xem hoa qủa trước tiên,
Cây sinh trái tốt, tự nhiên chín vàng.
Bụi gai cây xấu vệ làng,
Chỉ sinh trái xấu, dễ dàng nhận ra.
Chúa thương ban phước cho ta,
Khả năng thiên phú, ngọc ngà sinh hoa.
Ai mà lười biếng bỏ qua,
Không sinh quả tốt, mù lòa chặt đi.
Thời gian nguồn vốn thực thi,
Trổ sinh nhân đức, khắc ghi sổ vàng.

THỨ NĂM, TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
(Stk 16, 1-12. 15-16; Mt 7, 21-29).
THỰC HÀNH


Nước Trời mở cửa đón mời,
Thực hành áp dụng, ý lời của Cha.
Không là môi miệng kêu la,
Lạy Cha, lạy Chúa, vào nhà ngay đâu.
Dù rằng trừ quỷ xua sầu,
Tiên tri phép lạ, mong cầu danh riêng.
Chúa rằng không biết ngụy chiên,
Làm điều gian ác, bạc tiền qủi ma.
Ai nghe lời Chúa thiết tha,
Xây nhà trên đá, mưa sa sợ gì.
Gió lùa bão thổi lo chi,
Giữ mình kiên vững, thực thi trong đời.
Người ngu trên cát cơ ngơi,
Mưa to gió thổi, đi đời phá tan.
Kinh ngạc giáo lý Chúa ban,
Quyền năng dậy dỗ, thiên nhan rạng ngời.

THỨ SÁU, TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
(Stk 17, 9-10. 15-22; Mt 8, 1-4).
PHONG CÙI


Người cùi chạy đến van xin,
Lạy Ngài, nếu muốn, thì xin chữa lành.
Động lòng thương xót lòng thành,
Giơ tay Chúa chạm, bình sanh xác hồn.
Quyền năng cao cả thiên tôn,
Phong cùi ghẻ lở, tiếng đồn gớm ghê.
Rời nhà ra chốn đồng quê,
Tự mình sinh sống, bên lề cùng đinh.
Bệnh tình ghê sợ hết mình,
Cắt tình đoạn tuyệt, cực hình khổ đau.
Tránh người gặp gỡ trước sau,
La to ô uế, hãy mau xa rời.
Thiên nhan Con Chúa rạng ngời,
Cầu mong cứu chữa, đổi đời canh tân.
Lễ dâng minh chứng con dân,
Xác thân chữa sạch, tinh thần sướng vui.

THỨ BẢY, TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
(Stk 18, 1-15; Mt 8, 5-17).
CỨU CHỮA


Bệnh nhân tê liệt tại nhà,
Một viên đội trưởng, đi ra gặp Thầy.
Xin Thầy cứu chữa hắn này,
Đớn đau bại liệt, chân tay rã rời.
Chúa rằng sẽ đến kịp thời,
Ngại ngùng đội trưởng, đáp lời cám ơn.
Lậy Thầy, không đáng phiền hơn,
Xin Thầy chỉ phán, sạch trơn bệnh tình.
Con đây không dám khoe mình,
Những người thuộc hạ, nghĩa tình giúp cho.
Lòng tin mạnh mẽ ai dò,
Chúa khen viên đội, phúc cho lòng thành.
Cứ về, thằng nhỏ đã lành,
Một lời Chúa phán, sáng danh muôn đời.
Chúa thương chữa hết mọi người,
Ai mà theo Chúa, rạng ngời tin yêu.
 
Lễ Vọng Sinh Nhật Thánh Gioan
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
20:31 19/06/2018
Nghĩ Về Ơn Gọi

Lễ Vọng Sinh Nhật Thánh Gioan

(Gr 1, 1.4-10; 1Pr 1, 8-12; Lc 1, 5-17)

Sinh ra sống ở trên đời, mỗi một người trong chúng ta đều có những ơn gọi và sứ mạng trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Hết thảy chúng ta đều được sáng tạo trong yêu thương với ơn gọi làm người giống hình ảnh Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, được chính Thiên Chúa gọi trong tình yêu và mong một ngày nào đó người ấy nghe được tiếng Chúa gọi và đáp lại với tình yêu. Đây là tiếng gọi từ muôn thủa, nói theo kiểu linh mục nhạc sĩ Duy Thiên là : “Từ khi chưa có đồi non, từ khi chưa có trời cao, chưa có vầng trăng với ngàn sao. Gọi con giữa muôn muôn người tìm con giữa nơi bùn nhơ” (Trích bài hát : Tình Chúa Cao Vời). Nghĩa là từ khi chưa có loài người sống trên mặt đất, chưa có đất trời, núi đồi, biển cả... Thiên Chúa đã yêu từng người, gọi và đặt từng người vào những nẻo đường khác nhau.

Ơn gọi của mỗi người

Thiên Chúa còn trao cho mỗi người một sứ mạng, dù là hèn mọn, bất tài, hay chống đối Chúa. Cụ thể như Abraham được gọi để trở thành tổ phụ của một dân tộc. Môsê, đứa trẻ dòng dõi Lêvi được gọi để trở thành người giải phóng dân tộc Do Thái. Samuel được gọi để trở thành ngôn sứ và thủ lãnh. David cậu bé chăn cừu được gọi để trở thành vua của một dân tộc. Giona được gọi để trở thành ngôn sứ trong sự chối từ và giận dỗi, đến Maria, người phụ nữ được chọn gọi để trở thành mẹ của Thiên Chúa.

Ơn gọi của Gioan

Giêrêmia trong bài đọc I Lễ Vọng Sinh Nhật thánh Gioan là một nhân chứng về ơn Chúa kêu gọi, cho dù ông từ chối trước ơn gọi Thiên định : “A, a, a, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu có biết ăn nói, vì con còn con nít” (Gr 1 ), nhưng Chúa quả quyết : “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc” (Gr 1 ).

Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa : “ Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3). Thánh vịnh trở lại với ý niệm này, tức là, Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.

Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ. Mắt Ngài thấy chúng ta : “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy ” (Tv 138,16). Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76). Tất cả những ơn gọi ấy làm nên một lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa tác động trong lịch sử con người.

“Này ông Dacaria, đừng sợ, vì ông đã được nghĩa với Chúa” (Lc 1,13). Đó là lời Sứ Thần nói với ông Dacaria. Ông đã được nghĩa với Chúa. Được nghĩa với Thiên Chúa là được Thiên Chúa yêu thương. Chúa yêu đến ngỡ ngàng, bản thân Giacaria là bằng chứng. Ngỡ ngàng vì không phải do ông không tin Thiên Chúa, nhưng bởi vì Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử cuộc đời và ơn gọi của Gioan nói riêng và của mỗi người chúng ta nói chung.

Huyền nhiệm ơn gọi của người Kitô hữu

Mỗi người chúng ta được tạo dựng một cách độc đáo, không ai giống ai, cả về thể xác, tâm hồn, tính tình và năng khiếu. Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm nghệ thuật độc đáo và độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Theo tư tưởng thần học về Nhiệm Cục Cứu Độ của Von Balthasar, thì cuộc hành trình ơn gọi của mỗi chúng ta như một kịch bản. Thiên Chúa Cha đã cài đặt môt chương trình. Chúa Thánh Thần là huấn luyện viên. Thiên Chúa Con là gương mẫu. Bản thân ta thực hiện chương trình, và cộng đoàn là những môi trường.

Cuộc sống con người tự nó đã là một huyền nhiệm, huyền nhiệm vì con người được tạo dựng trong ý định của Thiên Chúa: “chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1, 26-28). Như thế, nơi sâu thẳm thân phận con người đã có một huyền nhiệm và con người không tồn tại do chính ý định của mình.

Ơn gọi của Gioan Tẩy là kiểu mẫu điển hình cho ý định của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa đã rõ rệt trong lịch sử đời người. Mang danh hiệu là Tiền hô của Đấng Cứu Thế, Gioan có sứ mạng “đem nhiều con cái Ítrael trở về cùng Chúa” (Lc 1, 16). Cũng thế, loan báo Đấng Cứu Thế bằng lời, đặc biệt bằng lối sống, để đưa nhiều người về với Thiên Chúa là ơn gọi và sứ mạng của chúng ta trong thời đại hôm nay.

Gioan đã sống xứng danh người loan báo về Đấng Cứu Thế. Là Kitô hữu, chúng ta được Chúa tạo dựng và trao cho sứ mạng giúp nhiều người biết và tin vào Chúa. Chúng ta đã ý thức vai trò và sứ mạng của mình chưa? Sứ mạng ấy giúp chúng ta sống xứng danh Kitô hữu của mình. tiêc thay, trong thực tế, có nhiều Kitô hữu không sống xứng với danh hiệu ấy.

Để khám phá ra mục đích đời ta, ta phải qui chiếu về Lời Chúa. Qua miệng Phaolô, Chúa chỉ cho chúng ta thấy: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Chúa Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta”. (Ep 2,10)

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Gioan giúp chúng con quyết tâm sống sao cho xứng với ơn gọi là Kitô hữu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
20:32 19/06/2018
Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

(Is 49,1-6 ; Cv 12, 22-26 ; Lc 1, 57- 66,80)

Từ thế kỷ thứ IV, Giáo hội đã mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Đây là một lễ rất lâu đời xét về mặt thời gian. Nếu như câu hỏi mà những người đương thời để bụng suy nghĩ “con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? ” Thì ngày nay người ta vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như : Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ? Và lý do gì mà Giáo hội lại mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan cách trọng thể như thế ?

Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ?

Lý do lấy ngày 24 tháng 6 thay vì ngày 25 tháng 6 là vì theo cách tính ngày xưa, tức là theo calends( ngày mùng 1), ides(ngày 15) và nones(ngày thứ chín). Dĩ nhiên, những niên hiệu này có một giá trị phụng vụ và biểu trưng hơn là một giá trị lịch sử. Chúng ta không biết chính xác ngày và năm Chúa Giêsu sinh ra, nên khi nào Gioan sinh ra chúng ta cũng không hay.

Dựa vào trang Tin Mừng, thánh Luca cho biết, khi loan báo sự sinh hạ của Chúa Kitô cho Đức Maria, thiên thần cho ngài biết bà Isave chị họ của ngài đang có thai trong tháng thứ sáu. Cho nên, Gioan Tẩy Giả phải được sinh ra sáu tháng trước Chúa Giêsu và như vậy bảng niên đại được tôn trọng cho đến ngày nay.

Giáo hội mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan

Thánh Augustinô nói : “ Giáo hội có thói quen lấy ngày qua đời của các vị thánh để mừng kính, vì đó là ngày sinh nhật của các thánh trên Trời. Riêng thánh Gioan Baotixita được miễn trừ khỏi qui luật bình thường đó, vì ngài đã được thánh hiến ngày từ trong lòng mẹ trước khi sinh ra, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong lòng Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh khi thăm Bà Thánh Isave, từ đó Giáo hội tin rằng Gioan Tẩy Giả đã được thánh hoá trong dạ mẹ nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô. Đó là lý do Giáo hội cử hành lễ sinh nhật của ngài ”.

Hội Thánh coi sinh nhật của thánh Gio-an như một ngày thiêng thánh. Không có vị nào trong các bậc cha ông được chúng ta mừng sinh nhật trọng thể như thế. Chúng ta mừng sinh nhật thánh Gio-an và mừng sinh nhật Đức Ki-tô : đó là điều không thể bỏ qua.

Thánh Gio-an sinh ra bởi một cụ bà son sẻ, còn Đức Ki-tô sinh ra bởi một thiếu nữ đồng trinh. Vì không tin Gio-an sẽ chào đời, nên người cha đã hoá câm ; vì tin Đức Ki-tô sẽ chào đời, nên Đức Ma-ri-a đã thụ thai bởi lòng tin. Vậy Gio-an xuất hiện như ranh giới giữa hai giao ước, Cựu Ước và Tân Ước. Chính Chúa Giêsu chứng thực: Cho đến thời ông Gio-an thì có luật và các ngôn sứ. Vì là đại diện cho thời đại cũ, ông đã được sinh ra bởi hai ông bà già ; vì là đại diện cho thời đại mới, ông đã được gọi là ngôn sứ ngay từ trong lòng mẹ.

Ông Da-ca-ri-a bị câm, hay im lặng của ông Da-ca-ri-a có nghĩa gì nếu không phải là lời ngôn sứ tạm ngưng, và đóng lại cho tới khi Đức Ki-tô đến rao giảng ? Khi ông Gio-an đến thì lời ngôn sứ được mở ra và khi Đấng được tiên báo đến thì lời ngôn sứ trở nên rõ ràng. Lưỡi được mở vì tiếng ra đời. Khi ông Gio-an tiên báo về Chúa thì người ta hỏi ông rằng : Ông là ai ? Và ông trả lời : Tôi là tiếng, còn Chúa, ngay từ nguyên thuỷ đã là Lời. Ông Gio-an là tiếng trong thời gian, còn Đức Ki-tô, ngay từ khởi đầu, đã là Lời vĩnh cửu.

Lời mời gọi bảo vệ sự sống các thai nhi

Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ. Mắt Ngài thấy chúng ta : “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy ” (Tv 138,16).

Chúng ta có một ý niệm rất hẹp hòi và có tính pháp lý về con người, gây nhiều hoang mang trong sự bàn cãi về nạn phá thai. Xem ra một đứa bé chỉ được sở hữu phẩm giá con người khi nó được các thẩm quyền con người thừa nhận.

Khoa học nói với chúng ta rằng trong phôi thai, toàn diện hữu thể nhân bản đang thành hình, được phản chiếu trong mỗi chi tiết rất nhỏ; đàng khác, đức tin chúng ta thêm rằng, điều chúng ta có không phải là công trình vô danh của tạo vật, nhưng một công trình tình yêu của đấng Sáng tạo. Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76).

Vấn đề nghiêm trọng ngày nay là hàng triệu trẻ em chết vì phá thai mà không được rửa tội. Chúng ta phải nói gì về chúng? Chúng có được thánh hoá cách nào đó trong bụng mẹ chúng không? Chúng có được cứu rỗi không?

Câu trả lời không do dự: Chắc chắn chúng được cứu rỗi. Thiên Chúa có thể cứu rỗi bằng những phương tiện bất thường, khi con người, không do lỗi mình, không được lãnh bí tích rửa tội. Chúa làm như vậy đối với các thánh Anh Hài, những em bé đã chết không được rửa tội.

Giáo hội đã luôn luôn công nhận khả năng của một phép rửa tội bằng ý muốn và một phép rửa tội bằng máu, và nhiều em bé chắc chắn đã biết một phép rửa tội bằng máu, dầu thuộc về một bản tính khác.

Khi làm sáng tỏ vấn đề trên sẽ mang lại một sự thoải mái cho những kẻ tin, những kẻ mất bình thản trước số phận khủng khiếp của rất nhiều em bé trong thế giới ngày nay.

Xin Chúa cho tất cả những người cha và bà mẹ, như bà Isave và ông Giacaria, đang chờ đợi hay kinh nghiệm sự sinh con, có được niềm vui và hớn hở trong đứa con Chúa đã trao ban, và niềm vui sinh con, vì sự sống đã bừng lên nơi con cái. Xin cho mọi người tôn trọng các thai nhi ngay từ trong lòng mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Làm sao cho có đủ linh mục? Kinh nghiệm Giáo Phận Wichita Kansas.
Trần Mạnh Trác
16:39 19/06/2018
Giáo phận Wichita, Kansas, đang ‘được muà’ lớn. Năm ngoái giáo phận tryền chức cho 10 tân linh mục, năm nay cũng không thua, lại thêm 10 tân linh mục nữa!

Hằng chục năm qua, nhiều giáo phận ở Hoa Kỳ đã lâm vào tình trạng thiếu linh mục trầm trọng, nhiều nơi các cha xứ phải trở thành ‘phi hành gia’ mỗi Chuá Nhật, nghiã là đi dâng lễ nơi này vừa xong thì vội vàng ‘phóng xe’ qua nơi khác…Thật là bi đát!

Nhưng với giáo phận Wichita, nhờ một số chương trình tốt đẹp đã có từ lâu, ơn gọi không hề thiếu kể từ năm 1985. Kết quả là ngày nay không những không có giáo xứ nào thiếu linh mục cả, mà có nhiều giáo xứ lớn lại có tới 3 cha…

Những chương trình đó là gì? Theo văn phòng ơn gọi cuả giáo phận thì gồm 3 chương trình sau đây:

1- Hầu hết các giáo xứ đều thực hiện “perpetual adoration”, nghiã là mở cửa nhà chầu và có chương trình luân phiên chầu Thánh Thể 24/24 mỗi ngày.

Một tân linh mục, Cha J.D Betzen nói “Nhờ ở đó trong một khung cảnh tĩnh lặng, chỉ có Chuá và mình, mà tôi đã khám phá ra rằng cái dự tính mà tôi mong muốn cho đời mình thì không phù hợp với chương trình mà Chuá đã định cho tôi”

2- Các chủng sinh thực hiên chương trình “Tutus Tuus”, là một chương trình lập nhóm 2 hay 3 người giữa một chủng sinh với các sinh viên đại học để cùng nhau đi giúp các lớp giáo lý.

3- Giáo phận đưa vấn đề giáo dục thanh thiếu niên lên hàng đầu, đặc biệt cổ võ cho chương trình “Vừa cầu nguyện vừa làm việc lành”, việc lành đây có nghiã là các việc giúp đỡ vật chất, hay còn gọi là 7 mối thương xác.

"Chúng tôi đang đầy lòng biết ơn Thiên Chúa," lời Cha David Lies, chánh đại diện của giáo phận. "Chúng tôi hân hoan nhìn thấy giáo hội vẫn còn linh hoạt, sống động. Chúng tôi đã thấy nhiều người trẻ, có nhiều tài năng và nghề nghiệp cao, có thể đã lựa chọn cách sống khác, nhưng đã chọn một cuộc sống vì lợi ích của tha nhân."

Trở lại với vấn đề “thiếu ơn goị” ở Hoa Kỳ, vào năm 1970 thì số linh mục ở Mỹ là 59,000. Sang năm 2016, con số đó đã giảm chỉ còn có 37,000 mà thôi. (theo thồng kê cuả Center for Applied Research in the Apostolate.)

Cái trớ trêu là con số giáo dân ở Hoa kỳ đã tăng gấp rưỡi, từ 51 triệu vào năm 1950 đến 74.2 triệu năm 2016. Cũng trong năm này, có tới 3,499 giáo xứ đã không có linh mục nữa.

Ở Wichita nhờ ơn gọi ‘được muà’, cho nên ngoài việc bổ nhiệm cha phó 1, cha phó 2 cho những giáo xứ lớn, giáo phận còn có thể ‘cho mượn’ linh mục cho các giáo phận đang thiếu khác. Riêng năm ngoái, có 2 cha được giáo phận Dodge City mượn, một cha do Đại Chủng Viện Conception Abbey mượn, và một cha khác sang làm việc cho chương trình mục vụ nhà thương ở Tulsa, Oklahoma.
 
Giới trẻ phân hóa về vấn đề tính dục và giới tính.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:33 19/06/2018


‘Tài liệu tham khảo làm việc’ (instrument laboris) cũng là tài liệu chính đầu tiên của Tòa Thánh đã dùng thuật ngữ ‘LGBT’.(Lesbian, Gay, Bisexual and Trengender)

Tài liệu này được dùng cho “thượng hội đồng về giới trẻ” sắp tới nhằm đưa ra một trong những quan tâm chính về các vấn đề giới tính, vai trò của phụ nữ và điều mà Giáo Hội muốn lắng nghe đối với giới trẻ.

Tài liệu thêm rằng người trẻ đang sống trong một thời đại gia tăng bất ổn văn hóa và bị chia rẽ về giáo huấn của Giáo Hội qua những vấn đề như ngừa thai, đồng tính, phá thai và hôn nhân.

“Tài liệu tham khảo”, là một tài liệu được dùng trong Thượng Hội Đồng Giám Mục vào Tháng Mười này bao gồm những đóng góp của các hội nghị các giám mục và từ những người trẻ.

Đưa ra tài liệu này cho các nhà báo, ĐHY Lorenzo Baldisseri nói rằng mục đích của thượng hội đồng là giúp cho giới trẻ Công Giáo tìm ra “vẻ đẹp của cuộc sống, khởi đi từ quan hệ hạnh phúc với Thiên Chúa của giao ước và tình yêu” trong một thế giới mà nó thường cướp đi của họ “tình cảm, sự gắn bó và tương lai của cuộc sống.”

Ngài nói “Thượng hội đồng ưu tiên cho giới trẻ dành cho chúng ta cơ hội để tái khám phá niềm hy vọng của một cuộc sống tốt lành, giấc mơ của một cuộc tái sinh mục vụ, ước muốn cho cộng đồng và niềm đam mê cho giáo dục.”

Được chia làm ba phần, tài liệu tham khảo vạch ra nhu cầu của Giáo Hội để lắng nghe những người trẻ, để giúp hướng dẫn họ trong đức tin và biện phân ơn gọi của họ và để xác định những con đường mục vụ và truyền giáo để có thể cùng đồng hành với họ.

Tài liệu này cũng nói rằng trong khi Giáo Hội đề cao tầm quan trọng của thân xác, tình cảm và tính dục, thì nhiều người trẻ Công Giáo, nam cũng như nữ “ không theo những sự hướng dẫn về đạo đức tính dục của Giáo Hội.”

“Mặc dầu không có hội nghị giám mục nào đưa ra cách giải quyết hay chỉ dẫn, nhiều hội nghị tin rằng vấn đề tính dục cần được thảo luận rộng rãi cởi mở hơn và không xét đoán,”

Những người trẻ tham gia cuộc họp trước thượng hội đồng đã nói rằng những vấn đề như ngừa thai, phá thai, đồng tính, sống chung và hôn nhân là những vấn đế thường được tranh luận bởi những người trẻ cả Công Giáo và không Công Giáo.

Tài liệu tham khảo cũng đề cao nhu cầu để tái xác định lại giáo huấn của Giáo Hội về thân xác và tính dục vào một thời điểm mà sự tiến bộ y học sinh sản đã đẩy tới “ một sự tiếp cận mang tính kỹ thuật nhiều hơn vào cơ thể,” điển hình như việc cho trứng và đẻ mướn.

Tài liệu tham khảo nói rằng, thêm vào việc thực hành tình dục quá sớm, chung chạ trai gái, hình ảnh khiêu dâm kỹ thuật số, phô bày thân xác trên mạng và những nguy cơ du lịch tình dục làm lệch lạc vẻ đẹp và ý nghĩa sâu xa của đời sống tình cảm và tình dục.

Tài liệu nói rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội phải “nói bằng các thuật ngữ thực tế về những đề tài gây tranh cãi như những vấn đề đồng tính và giới tính mà những người trẻ đã tự do bàn thảo mà không có gì cấm kỵ.”

Cũng vậy, “những người trẻ LGBT, qua các đóng góp đa dạng nhận được qua ban thư ký của thượng hội đồng, muốn nhận được ân huệ từ sự gần gũi hơn và trải nghiệm sự chăm sóc hơn từ Giáo Hội,” trong khi một số những hội nghị giám mục đã đang yêu cầu xem những gì mà họ có thể khuyên cho người trẻ khi họ có quan hệ đồng tính, nhưng muốn gần gũi hơn với giáo hội.

Nói về việc dùng chữ viết tắt “LGBT” trong một tài liệu chính của giáo hội, ĐHY Baldisseri nói với các nhà báo rằng đó là thuật ngữ được dùng trong một trong các tài liệu được phát ra trong những cuộc hội nghị giám mục và “chúng tôi đã trích dẫn từ đó.”

ĐHY Baldisseri nói rằng “ Chúng tôi rộng mở. Chúng tôi không muốn thượng hội đồng bị đóng kín. Trong Giáo Hội, có nhiều lãnh vực, mọi người có tự do để bày tỏ quan điểm của mình, từ bên phải, bên trái, đứng giữa, từ phía bắc và phía nam …tất cả đều có thể. Đó là lý do chúng tôi muốn nghe tất cả mọi người với những quan điểm khác nhau.”

Tài liệu tham khảo cũng nói rằng những người trẻ Công Giáo mong có nhiều sáng kiến hơn cho phép đối thoại hơn nữa với các người trong thế giới không tin và thế tục để giúp họ phối hợp đức tin của họ trong cách đối xứ với những người khác.

Những người nam và nữ trẻ từ các vùng thế tục chính “ không yêu cầu bất cứ điều gì từ Giáo Hội” và “ chỉ bày tỏ xin để họ sống trong bình yên, bởi vì họ cảm thấy sự hiện diện của giáo hội như là một sự quấy rầy và ngay cả gây ra khó chịu.” Tài liệu nói rằng những cảm giác ấy không phải đến từ sự coi thường nhưng đúng hơn vì “những lý do nghiêm túc và tôn trọng.”

Trong số những lý do là những vụ bế bối về tình dục và kinh tế của Giáo Hội, còn có việc các linh mục không biết cách để sinh hoạt với người trẻ và cách mà giáo hội công bố tín lý và những giá trị đạo đức của mình cho xã hội hiện đại.

Những người nam và nữ trẻ cũng hy vọng giáo hội có thể giúp họ “ tìm ra một sự hiếu biết đơn giản và rõ ràng về ý nghĩa của ơn gọi,” mà thường được hiểu sai như là chỉ dành riêng cho đời sống linh mục và thánh hiến.

Trong khi Giáo Hội đã khẳng định rằng hôn nhân cũng là một ơn gọi, tài liệu này xác nhận sự cần thiết cho “ một sứ vụ ơn gọi giới trẻ có khả năng mang lại ý nghĩa cho tất cả những người trẻ.”

“Được kêu gọi trở nên thánh thiện và được sức dầu bởi Chúa Thánh Thần, người tín hữu học để nắm bắt tất cả những lựa chọn đang có trong một bối cảnh của ơn gọi, đặc biệt là những bậc của đời cuộc sống cũng như những khía cạnh khác của một ngành chuyên nghiệp.”

Tài liệu cũng nói rằng “Vì những lý do đó, một số hội nghị giám mục hy vọng rằng thượng hội đồng sẽ tìm ra những cách để giúp tất cả các tín hữu tái khám phá ra sự liên hệ giữa chuyên nghiệp và ơn gọi trong tất cả thành quả của nó… và trong cái nhìn theo đinh hướng chuyên nghành của những người trẻ với một viễn cảnh về ơn gọi.”


Source: Catholic Herald Young people divided on sexuality and gender, pre-synod document says
 
“Hãy Hiến Tặng Hết Mình”, văn kiện mới nhất của Tòa Thánh về thể thao, Chương Bốn: Các thách thức dưới ánh sáng Tin Mừng
Vũ Văn An
19:40 19/06/2018
Chương 4: Các thách thức dưới ánh sáng Tin Mừng

4.1 Một nền thể thao nhân bản và công chính

Chúng ta đã nói về các khía cạnh ý nghĩa của thể thao cũng như vị trí của nó trong việc tìm kiếm điều tốt và sự thật. Tuy nhiên giống bất cứ thực tại nhân bản nào khác, thể thao có thể quay mặt chống lại nhân phẩm và nhân quyền. Do đó Giáo Hội lên tiếng khi thấy nhân phẩm và hạnh phúc thực sự của con người bị đe dọa.

Cổ vũ các giá trị nhân bản trong thể thao

Sự phát triển hiện nay trong thể thao phải được đánh giá theo việc liệu chúng có khởi đi từ việc nhìn nhận phẩm giá con người và thể hiện sự tôn trọng thỏa đáng đối với người khác, đối với mọi tạo vật và môi trường hay không. Hơn nữa, Giáo Hội nhìn nhận tầm quan trọng của niềm vui được tham gia vào thể thao và sự trung thành cùng hiện hữu với nhau của người ta. Khi các quy tắc thể thao được đồng thuận ở bình diện quốc tế, thì các vận động viên từ các nền văn hóa, các quốc gia và tôn giáo khác nhau được hưởng trải nghiệm chung về việc thi đua công bằng và vui tươi, một điều có thể giúp cổ vũ sự đơn nhất của gia đình nhân loại.

Bằng cách tham gia vào thể thao, người ta có thể cảm nghiệm sự hiện hữu bằng thân xác của họ một cách đơn giản và tích cực. Bằng cách chơi trong một đội, các vận động viên nhận thấy các cảm nghiệm thỏa mãn nhất xảy ra khi người chơi có mối liên kết chặt chẽ với nhau và chơi đẹp với nhau.

Phê phán việc chỉ đường sai

Từ quan điểm này, một loạt các hiện tượng và phát triển phải được đánh giá một cách có phê phán. Điều này áp dụng vào thể thao hệt như vào các lãnh vực khác của cuộc sống trong xã hội. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn nhắc nhở chúng ta rằng những người tham gia chính trị, kinh tế, hay khoa học phải tự hỏi liệu các hành động của họ có phục vụ con người nhân bản và trật tự công chính hay không. Những người tham gia vào thể thao cũng phải đối đầu với câu hỏi này.



Phẩm tính có cường độ cao của các kinh nghiệm thể thao là cơ sở cho sức hấp dẫn của nó. Tuy nhiên, vì cường độ này, thể thao cũng có thể trôi dạt theo các chính sách và thực hành không phục vụ cho con người nhân bản. Điều này áp dụng vào các người tham gia cũng như khán giả và người ủng hộ. Sư quan trọng lớn lao của thể thao đối với nhiều người có thể làm nó thoái hóa, biến nó thành một phương tiện đạt các lợi ích khác, vì các mục đích chính trị và chứng tỏ uy quyền, vì mù quáng mưu cầu lợi ích tài chính hay tự quyết duy quốc gia. Bằng cách này, quyền tự lập của thể thao và thiện ích nội bộ của nó bị đe dọa. Các quyền lợi không còn là quyền lợi thể thao nữa, mà đúng hơn là các quyền lợi chính trị, kinh tế hoặc liên quan đến truyền thông, lúc đó, sẽ bắt đầu ra lệnh cho các động lực của thể thao và ngay cả các kinh nghiệm của chính các vận động viên. Thể thao luôn là thành phần của một xã hội phức tạp với nhiều bộ phận và tham gia vào sinh hoạt của xã hội này, ấy thế nhưng, mặt khác, phải cẩn thận đừng đặt quyền tự lập của nó vào thế nguy nan. Phát biểu trước một phái đoàn các đội bóng đá chuyên nghiệp Ý, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại những lần, lúc còn nhỏ tuổi, ngài vui vẻ tới sân vận động bóng đá cùng với gia đình ngài và điệu bộ mừng vui về những ngày này. Ngài nói với các cầu thủ và các nhà dìu dắt: “Tôi hy vọng rằng bóng đá và mọi môn thể thao phổ thông khác có thể lặp lại yếu tố mừng vui đó. Ngày nay bóng đá cũng hoạt động trong thế giới kinh doanh, tiếp thị, truyền hình, vv... Nhưng khía cạnh kinh tế không được trổi vượt hơn khía cạnh thể thao; [khi trổi vượt] nó có nguy cơ gây ô nhiễm mọi điều ở bình diện quốc tế, quốc gia và thậm chí cả địa phương nữa”[59].

Khi thể thao được thực hành với thái độ “thắng bằng mọi giá”, chính thể thao sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Chỉ tập chú hoàn toàn vào thành công thể thao, cho dù vì các lý do cá nhân, chính trị hay kinh tế, đều làm cho quyền lợi và phúc lợi của những người tham gia trở thành không đáng kể. Đối với thân thể của chính người ta, mong muốn lên cao hơn bằng bất cứ giá nào xác định ra tác phong và có hậu quả nghiêm trọng. Tiêu chuẩn mà theo đó, mọi thứ khác phải tùy thuộc không còn là phẩm giá của con người nữa, mà là hiệu năng của họ, và điều này có thể kéo theo nguy cơ cho sức khỏe của họ và của bạn đồng hành của họ. Phẩm giá và quyền lợi của người ta không bao giờ có thể bị tùy thuộc một cách võ đoán vào các quyền lợi khác. Các vận động viên cũng không thể trở thành một loại hàng hóa. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói với các thành viên của Ủy ban Thế Vận Châu Âu: “Khi các môn thể thao chỉ được xem xét bên trong các thông số kinh tế hoặc vì phải thắng bằng mọi giá, thì người ta có nguy cơ rút gọn các vận động viên đến chỉ còn là hàng hóa để tăng lợi nhuận. Cũng các vận động viên này đã gia nhập một hệ thống có nhiệm vụ xóa sạch họ, họ mất hết ý nghĩa thực sự nơi hoạt động của họ, mất cả niềm vui được chơi vốn thu hút họ lúc còn nhỏ và truyền cảm hứng để họ thực hiện nhiều hy sinh thực sự và trở thành các nhà vô địch”[60].

Các quyền tổng quát được sống có phẩm giá và tự do phải được bảo vệ trong các môn thể thao. Chúng đặc biệt áp dụng đối với người nghèo và người yếu, đặc biệt là các trẻ em; chúng có quyền được bảo vệ trong sự toàn vẹn thân thể của chúng. Các điển hình lạm dụng trẻ em, bất kể về thể xác, về tình dục hay xúc cảm của huấn luyện viên, người huấn luyện hay các người lớn khác là một sự nhục mạ trực tiếp đối với người trẻ vốn được tạo dựng giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa và do đó giống Thiên Chúa. Các định chế tài trợ cho các chương trình thể thao của giới trẻ, kể cả ở bình diện ưu tú, phải phát triển các chính sách với sự giúp đỡ của các chuyên gia nhằm đảm bảo sự an toàn của mọi trẻ em.

Các vận động viên cũng có quyền lập hội và cùng nhau đại diện cho lợi ích của họ. Không được ngăn cản họ tự do phát biểu trong tư cách công dân và theo lương tâm của họ. Họ phải được đối xử như những con người với mọi quyền lợi của họ. Bất cứ hình thức kỳ thị nào vì nguồn gốc xã hội hoặc quốc gia, giới tính, sắc tộc, chủng tộc, vóc dáng thể lý hoặc tôn giáo cũng không bao giờ được chấp nhận trong thể thao. Nhưng ngoài cả các biến cố thể trực tiếp, thể thao cũng chịu trách nhiệm đối với những gì xảy ra cho môi trường của nó. Nhiều người bị ảnh hưởng bởi việc chuẩn bị và thực hiện các biến cố thể thao lớn, và các quyền lợi và điều kiện sống hợp pháp của họ phải được tôn trọng.

4.2 Trách nhiệm chung đối với một nền thể thao tốt đẹp

Thể thao là một thực tại đa diện. Các nhà phê bình về thể thao không nên hoàn toàn nghi ngờ về điều này, cũng không nên đánh giá các khía cạnh tích cực của nó như là ngây ngô. Ngoài ra, chúng ta cần phân biệt các tác nhân và tổ chức nào trong thể thao có trách nhiệm cụ thể trong các tình huống đặc thù. Thực thế, không chỉ những người tham gia hoặc các vận động viên có trách nhiệm mà cả nhiều người khác, như gia đình, huấn luyện viên và các phụ tá, bác sĩ, người quản lý, khán giả và những người có liên hệ với thể thao trong các bộ phận khác, trong đó có các nhà khoa học thể thao, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh và các đại diện truyền thông.

Khán giả và những người ủng hộ tham gia các hoạt động thể thao trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thông có trách nhiệm chung trong các biến cố thể thao. Họ có thể biểu lộ lòng tôn trọng đối với các cầu thủ của cả hai bên thi đấu và nói lên sự phản đối của họ đối với tác phong phi thể thao. Chơi đẹp cũng phải có nơi các khán giả biết ủng hộ đội đối phương. Bất cứ loại miệt thị hoặc bạo lực nào đều bị lên án và những người chịu trách nhiệm về thể thao phải làm hết sức để phản công loại tác phong này. Có những mô hình có thể giải quyết bạo lực trong môi trường thể thao. Thí dụ, một số câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu và các nơi khác đào tạo các thiện nguyện viên làm việc với các người hâm mộ để phản công tác phong phi thể thao và cả bạo lực hâm mộ (fan violence) vốn trở thành một phần quá quen thuộc trong các trận bóng đá những năm gần đây. Trách nhiệm ở đây không thể lấy khỏi thể thao mà gán cho các tổ chức khác được.

Nhiều người tích cực thực hành thể thao trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, hoạt động thể thao không để môi trường này nguyên vẹn. Nó gây một tác động, trong một số trường hợp, khá lâu dài. Vì vậy, các vận động viên và người tài trợ các biến cố thể thao có trách nhiệm bổ sung, là nhiệm vụ đối sử với sáng thế một cách hết sức tôn trọng. Một lần nữa, trách nhiệm này thuộc rất nhiều người. Mọi người không những phải xem xét đâu là các thiệt hại sinh thái có thể liên hệ đến môn thể thao của họ. Nhưng những nhà tài trợ cho các biến cố thể thao lớn cũng phải cân nhắc xem họ có tìm ra một khuôn khổ có thể chịu đựng được lâu dài đối với môi trường hay không.

Hơn nữa, trong các môn thể thao, có liên quan tới động vật, phải lưu ý để bảo đảm rằng chúng được đối xử một cách thích đáng về luân lý chứ không phải chỉ như những đồ vật đơn thuần.



Giáo Hội nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi người trong thế giới thể thao và kêu gọi lương tâm mỗi người trong việc dấn thân vào việc cổ vũ một nền thể thao nhân đạo và công bằng bao nhiêu có thể. Tuy nhiên, sẽ không hợp tình hợp lý chút nào khi chỉ đặt gánh nặng trách nhiệm đối với một nền thể thao tốt đẹp lên các vận động viên cá thể. Chúng ta cũng phải lưu ý đến các cơ cấu xã hội gây ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và hành động. "Đó là toàn bộ các định chế và thực hành mà mọi người đã thấy hiện có hoặc họ tạo ra, trên bình diện quốc gia và quốc tế, và là các cơ cấu định hướng hoặc tổ chức đời sống kinh tế, xã hội và chính trị" (61). Các cơ cấu như thế có thể ảnh hưởng tới hành động một cách khó mà duy trì được lòng trung thành đối với các thiện ích và giá trị nội tại của thể thao. Tuy nhiên, những cơ cấu này không phải là định mệnh. “Chúng luôn tùy thuộc vào trách nhiệm của con người nhân bản, những người có thể thay đổi chúng, chứ không tùy thuộc một định mệnh thuyết về lịch sử.” [62] Vì vậy, chúng vẫn nằm trong phạm vi trách nhiệm của chúng ta. Tầm quan trọng xã hội của các tổ chức và định chế thể thao khác nhau ở bình diện khu vực, quốc gia và quốc tế là rất đáng kể và do đó cũng là trách nhiệm đạo đức của họ. Họ phải phục vụ các thiện ích nội tại của thể thao và lợi ích của con người nhân bản.

4.3 Bốn phát triển đầy thách thức chuyên biệt

Có bốn phát triển mà Giáo Hội coi là những thách thức đặc biệt nghiêm trọng đối với thể thao trong thời đại chúng ta mà văn kiện này tìm cách giải quyết. Có thể hiểu chúng như kết quả của một xu hướng không giới hạn nhằm đạt thành công và những lợi ích kinh tế và chính trị to lớn phát sinh từ các cuộc thi đấu thể thao. Các tác nhân khác nhau tham gia vào các biến cố thể thao – các vận động viên, các khán giả, giới truyền thông, các doanh nhân hay chính trị gia – càng nhấn mạnh đến việc trình diễn lớn lao hơn hay chiến thắng nhiều hơn bằng bất cứ giá nào, thì càng có nhiều áp lực quá đáng đối với các nhà thể thao và họ càng tìm cách nâng cao việc biểu diễn đáng ngờ vực về mặt luân lý.

Sự hạ giá thân xác

Trong khi việc tham gia thể thao có thể là một cách tích cực để cảm nghiệm việc mang thân xác của một con người, nó cũng có thể là một bối cảnh trong đó thân xác con người bị giản lược xuống hàng đồ vật hoặc chỉ còn được cảm nghiệm về mặt vật chất. Như một cầu thủ bóng đá người Mỹ đã bình luận sau khi sự nghiệp của anh kết thúc, “Một cách nghịch lý, tôi nhận ra việc mình bị cắt đứt và tách rời thân xác mình như thế nào. Tôi biết thân xác mình một cách thấu đáo hơn hầu hết người khác có thể biết, nhưng tôi đã sử dụng nó và nghĩ về nó như một cỗ máy, một đồ vật cần được dầu mỡ tốt, được nuôi dưỡng đầy đủ và được chăm sóc cẩn thận, để làm một công việc chuyên biệt”[63]. Khi những người trẻ được đào luyện về cơ thể theo cách này, họ có nguy cơ trở thành xa lạ với cảm tính của chính họ, điều này làm tổn hại khả năng thân mật của họ, một nhiệm vụ phát triển quan trọng đối với người trẻ [64]. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hiện diện của họ trong mối tương quan thể lý và xúc cảm, vốn là một trong những ơn ban và ơn thánh cho cuộc sống hôn nhân.

Cha mẹ, các huấn luyện viên và các xã hội thường tham dự vào việc tự động hóa các vận động viên để đảm bảo thành công và thỏa mãn các hy vọng đoạt huy chương, kỷ lục, học bổng, hợp đồng quảng cáo béo bở và giàu có. Có thể thấy các sai lầm của loại này trong các môn thể thao thi đấu cao của trẻ em. Càng ngày càng trở nên phổ biến việc người trẻ được đặt vào tay cha mẹ, các huấn luyện viên và quản trị viên chỉ biết quan tâm đến việc chuyên môn hóa một chiều một tài năng duy nhất nào đó. Tuy nhiên, vì thân xác người trẻ không có khả năng chịu đựng việc huấn luyện quanh năm trong một môn thể thao, nên việc chuyên môn hóa sớm sủa như vậy thường là dẫn đến thương tích quá mức. Trong trường hợp các môn thể dục dụng cụ ưu tú của phụ nữ, loại thân thể lý tưởng đã thay đổi trong nhiều năm qua để trở thành một thân thể mảnh mai, tiền kinh kỳ. Và điều này, trong một số bối cảnh, đã dẫn đến việc huấn luyện các cô gái rất trẻ trong một số giờ quá đáng mỗi ngày trong tuần. Trong những tình huống này, các cô gái thường xuyên lo lắng đến việc phải mảnh mai, điều sẽ dẫn đến các rối loạn ăn uống với phần trăm cao hơn nhiều so với dân số nói chung của trẻ nữ và phụ nữ. Thí dụ này cho thấy tầm quan trọng của vai trò cha mẹ các vận động viên trẻ trong mọi môn thể thao. Phụ huynh có trách nhiệm chỉ cho con cái thấy rằng chúng có thế nào, chúng được yêu thương thế ấy, chứ không phải vì các thành công, ngoại hình hay khả năng thể lý của chúng.



Các môn thể thao nào không tránh khỏi việc gây hại nghiêm trọng cho cơ thể con người thì không thể được biện minh về đạo đức. Trong những trường hợp gần đây, trong đó chúng ta biết rõ các hậu quả tác hại của một môn thể thao đặc thù đối với cơ thể, kể cả tổn hại đến não, điều quan trọng là mọi người thuộc mọi bộ phận của xã hội phải đưa ra các quyết định về các môn thể thao nào biết đặt phẩm giá con người nhân bản và phúc lợi của họ lên hàng đầu.

Dùng chất kích thích

Vấn đề dùng chất kích thích (doping) ảnh hưởng đến cái hiểu căn bản về thể thao. Và không may, hiện nay, nó được thực hành bởi các vận động viên cá nhân cũng như các đội và thậm chí cả các quốc gia. Dùng chất kích thích làm nảy sinh hàng loạt vấn đề luân lý khó khăn vì nó không tương ứng với các giá trị sức khỏe và việc chơi đẹp. Đây cũng là một thí dụ tốt cho thấy não trạng “thắng bằng mọi giá” làm hỏng các môn thể thao thế nào bằng cách dẫn đến việc vi phạm các quy tắc cấu thành ra nó. Trong diễn trình này, "khung chơi" bị bẻ gẫy và các thiện ích nội tại của các môn thể thao vốn tùy thuộc việc chấp nhận các quy tắc, bị mất đi. Trong những trường hợp như vậy, điều quan trọng hơn kỹ năng hoặc đào tạo thể thao của một người là năng lực của những người cố gắng tăng gia các khả năng của họ bằng mọi phương tiện có thể có và có thể tưởng tượng được. Cơ thể của vận động viên bị hạ giá để trở thành một đồ vật nhằm chứng tỏ hiệu năng của y khoa.

Trong một số môn thể thao sử dụng phương tiện cơ giới (đua xe đạp, đua xe gắn máy thể thao, Đua xe “Formula One”), việc chơi đẹp sẽ tệ đi do việc sử dụng gian lận cơ khí hoặc dùng chất kích thích. Việc gian lận này có thể được thực hiện cá thể bởi các vận động viên, nhưng cũng có thể bởi một nhóm lớn hơn, với sự giúp đỡ của phụ tá cơ khí và được thúc đẩy bởi các nhà tài trợ hoặc thậm chí bị thao túng trên một quy mô lớn hơn.

Để chống lại các nguy hiểm của việc dùng chất kích thích thể lý và cơ khí và để hỗ trợ việc chơi trong các cuộc thi đấu thể thao, chỉ kêu gọi tới đạo đức cá nhân của các vận động viên là điều không đủ. Vấn đề dùng chất kích thích không thể chỉ bị qui cho cá nhân chơi thể thao mà thôi, cho dù cá nhân đó có lỗi đến mức nào. Đây là một vấn đề rộng lớn hơn. Trách nhiệm của các tổ chức thể thao là tạo ra các quy tắc hữu hiệu và các điều kiện định chế căn bản để hỗ trợ và tưởng thưởng các cá nhân thể thao vì trách nhiệm của họ và giảm thiểu bất cứ sự khuyến khích dùng chất kích thích nào. Trong thế giới thể thao hoàn cầu hóa, cần có những nỗ lực quốc tế hữu hiệu và được phối hợp. Những người khác nào gây ảnh hưởng đáng kể trong thể thao ngày nay như các phương tiện truyền thông và các tác nhân tài chính và chính trị, cũng phải can dự vào.

Các khán giả cũng phải xem xét liệu các kỳ vọng và mong muốn ngày càng gia tăng của họ đối với các quá lạm ngoạn mục trong các biến cố thể thao có khiến cho các diễn viên thể thao phải sử dụng các chất kích thích thể lý hoặc cơ khí hay không.

Tham nhũng

Không kém việc dùng chất kích thích, tham nhũng có thể phá nát thể thao. Nó được sử dụng để tước hết ý nghĩa của việc thi đua thể thao nơi người chơi và khán giả, những người bị lừa bịp và gian dối. Tham nhũng không chỉ liên quan đến một sự kiện thể thao đơn nhất mà thôi vì nó có thể lan vào các chính sách thể thao. Bởi thế, có việc các quyết định liên quan đến thể thao được đưa ra bởi các tác nhân bên ngoài vì các quyền lợi tài chính hoặc chính trị. Điều cũng đáng trách không kém là các loại hối lộ liên quan đến việc cá độ thể thao. Nếu vô số những người thể thao và đam mê thể thao bị lừa dối chỉ để một ít người có thể làm giàu bản thân một cách trơ trẽn, thì điều này cũng sẽ đe dọa tính toàn vẹn của thể thao. Cũng như trong trường hợp dùng chất kích thích, các cá nhân liên hệ phải bị cảnh cáo về việc này cũng như các tổ chức thể thao phải có quy tắc minh bạch và hữu hiệu để ngăn chặn các giá trị của họ bị xói mòn. Thể thao không được là một nơi vô quyền, trong đó vắng bóng các tiêu chuẩn luân lý của việc chung sống một cách trung thành và nhân bản.

Khán giả

Khán giả trong các hoạt động thể thao và các trò chơi cùng nhau xem và hỗ trợ như một khối người hâm mộ. Cảm quan chung thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, chủng tộc, niềm tin tôn giáo này quả là một nguồn hân hoan và đẹp đẽ tuyệt vời. Người hâm mộ thuộc cùng một cộng đồng khi đội của họ thắng, nhưng cả trong lúc đối diện với thua và thất bại nữa. Họ đứng đàng sau các cầu thủ của họ và tôn trọng cả các cầu thủ lẫn người hâm mộ của đội kia và trọng tài trong một lối chơi đẹp hỗ tương. Đó là những giây phút, những biến cố và tác phong làm cho chúng ta nhận thức được niềm vui, sức mạnh và ý nghĩa của nền thể thao hài hòa. Tuy nhiên, vai trò của khán giả trong thể thao có thể mơ hồ. Trong một số trường hợp, khán giả khinh miệt các cầu thủ đối lập và những người ủng hộ họ hoặc các trọng tài. Hành vi này có thể biến thái thành bạo lực, hoặc bằng lời nói (bằng cách hát những bài hát kỳ thị) hoặc bằng thể lý. Các trận đánh đấm giữa những người hâm mộ cạnh tranh nhau xuất hiện và vi phạm lối chơi đẹp, là lối chơi vốn luôn phải thắng thế trong các biến cố thể thao. Việc đồng hóa quá đáng với một vận động viên hoặc một đội cũng có thể làm trầm trọng thêm sự căng thẳng vốn đã có giữa các nhóm văn hóa, quốc gia hoặc tôn giáo khác nhau. Đôi khi người hâm mộ có thể sử dụng một biến cố thể thao để truyền bá chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, hoặc ý thức hệ cực đoan. Các khán giả nào không tôn trọng các vận động viên cũng có lúc tấn công họ về thể lý hoặc liên tục nhục mạ hoặc bôi lọ họ. Sự thiếu tôn trọng như vậy đôi khi cũng xảy ra đối với các vận động viên thuộc đội của các khán giả giả này lúc đội chơi không khá. Các đội, các hiệp hội và liên đoàn, bất kể ở trường học, ở bình diện ưu tú hoặc trong các môn thể thao chuyên nghiệp, có trách nhiệm đảm bảo để tác phong của khán giả tôn trọng phẩm giá của tất cả những ai tham gia hoặc tham dự các biến cố thể thao.

Kỳ sau: Chương Năm: Giáo hội như người chủ đạo chính
 
Top Stories
Jubilee marking the canonisation of Vietnamese martyrs starts in Vietnam
J.B. An Dang
22:06 19/06/2018
Jubilee marking the canonisation of Vietnamese martyrs starts in Vietnam

The Jubilee on the occasion of 30th Year of the canonization of 117 martyrs has started in Vietnam on Tuesday, June 19, 2018.

Saint Pope John Paul II canonized the 117 Vietnamese martyrs on 19 June 1988 in St Peter's Square. The group included 96 Vietnamese, 11 Spanish and 10 French. They were decapitated, drawn, and quartered or burned alive or died in cages too small for them to either sit or stand. Up to that time, that was the single largest number of martyrs canonized at a single occasion, surpassing the 103 Korean martyrs beatified in Korea in 1984. This record was only broken when the Polish pope beatified 120 Chinese martyrs in 2000.

During their ad limina in March 2018, Vietnamese bishops asked The Supreme Tribunal of the Apostolic Signatura for the permission to hold a Jubilee to mark the 30th Year of the canonization of 117 martyrs”. Their request was approved.

In Tuesday’s early morning, Cardinal Peter Nguyễn Văn Nhơn, Archbishop of Hà Nội Archdiocese presided over the opening Mass with the presence of 20,000 Catholics from 10 dioceses of Hà Nội ecclesiastical province.

The opening ceremony took place in the Minor Basilica of Our Lady of the Immaculate Conception in Sở Kiện, Hà Nam Province. The Basilica was built 135 years ago in the hometown of two martyrs – Father Peter Trương Văn Thi and Brother Peter Trương Văn Dương.

In his homily, Bishop Cosma Hoàng Văn Đạt - Bishop of Bắc Ninh - highlighted the gratitude and the rejoice of the people of God in Vietnam and all over the world. Borrowing words of the Psalm 126:3 “The Lord has done great things for us, we are filled with joy”, he urged the congregation to give praise and thanks to the Lord.

The prelate helped the community look back at the heroic history of the Church in Vietnam. Nearly 500 years ago, the first cross in Vietnam was planted in Chàm, a small island off the coast of Quảng Nam. Since then, the seed of faith has planted, flourished, and borne abundant fruits in the ground of Vietnam. However, at the same time, the Church in Vietnam has suffered so many sorrows, trials, and fierce persecutions to this day.

Hours later, in the afternoon, at the Ba Giồng Pilgrimage Centre in Tiền Giang Province, thousands of Catholics in Sàigòn Archdiocese and ten dioceses in southern Vietnam celebrated the opening ceremony of the Jubilee. Tiền Giang is the hometown of thousands of 18th and 19th century martyrs.

In the evening, the Jubilee’s opening ceremony for the Archdiocese of Huế and the five dioceses in central Vietnam was celebrated at Our Lady of La Vang Pilgrimage Centre in Quảng Trị Province – where Our Lady appeared to console the faithful who had fled to the jungle to avoid waves of persecution 220 years ago.

At the beginning of the Mass, Father Anthony Dương Quỳnh, Huế's vicar general, recalled that “117 martyrs were sanctified among more than 100,000 martyrs through the periods of Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị and Tự Đức. That is not to mention about 300,000 people died during waves of persecution.” In particular, he mentioned that hundreds of Catholics were burnt alive to death at the church nearby Tri Bưu.

Anti-Christian persecution broke out almost immediately when the Gospel was proclaimed in Vietnam in the mid-16th century. However, it reached a peak under the Nguyễn Dynasty – Vietnam’s last ruling family. Their rule lasted a total of 143 years, beginning in 1802, when Emperor Gia Long ascended to the throne after defeating the Tây Sơn dynasty. During this period, more than 300,000 Vietnamese Catholics were killed.

A gradual lessening of persecution occurred when the French occupied the whole of the country by 1886. But waves of more terrible persecution occurred again during the communist era. So far, the Church in Vietnam has not yet been able to count the exact number of people killed, and the number of people imprisoned for their beliefs during the current communist era, not to mention the large number of Catholics discriminated and marginalised because of their faith.

Bitter opposition from Vietnam's Communist government against the canonization followed by its violent reaction is a typical image of what modern persecution looks like under communism.

Shortly after the Vatican announced the decision to canonize 117 Vietnamese martyrs, on October 12, 1987, the Vietnamese Government's Committee for Religious Affairs sent a communique to all provincial People's Committees and Religious Affairs Departments in the entire country that said:

“The Vatican's decision to declare 117 people to be martyrs was a deliberate and vicious political misrepresentation of Vietnamese revolutionary history, instigating fanaticism and martyrdom among Catholics in Vietnam. It was designed to cause division and to harm the national unity of our people, especially in the current period when the Party and State are striving to properly implement the policy of religion, strengthen the solidarity of the people over all challenges to successfully build socialism and firmly defend the socialist fatherland of Vietnam.”

The strong and violent reaction of the communists surprised many as none of the 117 Vietnamese martyrs were killed during the communist era, or somehow had something to deal with the communists.

On September 18, 1987, upon the order of the Prime Minister, the Government's Committee for Religious Affairs convened the Executive Committee of the Episcopal Conference to “highlight the seriousness of the Vatican’s canonization, sternly criticizing the wrongdoings of some bishops”. During multiple meetings being held late at night, the committee, led by Cardinal Trịnh Văn Căn, was forced to write a letter to Vatican to ask for the cancelation of the event.

Despite enormous threats, the bishops refused to do so. As scheduled, Saint Pope John Paul II canonized the 117 Vietnamese martyrs on 19 June 1988 in St Peter's Square. More than 20,000 pilgrims, including 8,000 Vietnamese living in other parts of Asia, Australia, Europe, and North America, gathered in St. Peter's Square for the outdoor Mass, which proceeded uninterrupted for more than three hours through thunder and a brief rain shower.

Nguyễn Quang Huy, Hanoi's official in charge of religious affairs, warned in March 1988 that the canonization “creates an obstacle to the Vietnamese desire to have friendly relations with the Vatican.”

In reply, the Roman Catholic pontiff appealed for an end to modern day religious repression in Vietnam. Vietnamese Catholics, he said, are loyal to their country as well as to their church.

“They feel themselves authentically Vietnamese, faithful to their land. They also want to continue to be true disciples of Christ,” the Pope said in his sermon.

Months before the event, several seminars were held throughout the country to distort and falsely accuse this canonization event.

The “Catholics and the Nation”, a magazine financed by the state and controlled by the Communist Party, was tasked to run a campaign to distort the history of the Church in Vietnam, falsely accusing Pope John Paul II.

Led by a priest, Fr. Trương Bá Cần, who repeatedly claimed himself a historian - a claim without any persuasive evidence, the magazine launched a series of writings by professional communist writers and even by priests in the “Committee for the Solidarity of Vietnamese Catholics”, to distort historical facts. They suggested that the to-be-declared martyrs were not killed because of their faith but due to their cooperation with the French invaders; and that the Polish Pope wanted to interfere in the political affairs of the country.

Catholics were threatened with imprisonment not to celebrate the event. State-run media outlets denounced many of the martyrs as imperialists who paved the way for France's conquest of Vietnam in 1884, and reported that the government requested Catholics not to celebrate the canonization because it fell on the same day that the South Vietnamese government, defeated by the north in 1975, used to celebrate Armed Forces Day. It also quoted Bishop Paul Huỳnh Đông Các of Qui Nhơn who said in a pastoral letter that “We will celebrate and solemnly hold canonization Masses on another Sunday that is approved by the administration”.

Just a few years later, after the collapse of the communism in Eastern Europe, despite any menaces, Catholics in Vietnam publicly celebrated the event with thanksgivings on June 19 each year.

Trương Bá Cần died on July 10, 2009. A few weeks earlier, a friend priest visited him right on the anniversary of the event. He asked Cần to repent for the damage done to the Catholic Church in Vietnam, especially in the canonization of 117 martyrs. “I received from him a drastic refusal,” said Fr. Oánh Nguyễn, who suggested that Cần “failed to believe in our Lord’s mercy”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Học Trò Cũ Mừng Kim Khánh Cha Giáo Phaolô Bùi Văn Phổ
Gioan Lê Quang Vinh
08:16 19/06/2018
Học Trò Cũ Mừng Kim Khánh Cha Giáo Phaolô Bùi Văn Phổ

Mừng Kim Khánh Linh mục là điều vô cùng quý giá. Mừng Kim Khánh Linh mục mà có con cái và hai trăm học trò gồm linh mục hay cựu chủng sinh vây quanh để chúc mừng trong ba ngày là điều đặc biệt có thể xem là duy nhất. Và càng quý giá đặc biệt hơn khi trong ba ngày mừng Kim Khánh Linh mục ấy có một học trò là Giám mục đến ở chung, mừng chung, và một học trò khác cũng là Giám mục từ cực Bắc Việt Nam gửi điện văn chúc mừng.

Kim Khánh Linh mục vô cùng long trọng và thấm đẫm tình yêu ấy là Kim Khánh Linh mục của Cha giáo Phaolô Bùi Văn Phổ, nguyên giáo sư các Tiểu Chủng Viện Qui Nhơn, Đà Nẵng và nguyên chánh xứ Nam Thái thuộc Tổng Giáo phận Sàigòn.

Xem Hình

Cha Phaolô sinh năm 1941 tại giáo xứ Lãnh Trì, Hà Nam, thuộc giáo phận Hà nội. Cha đã từng học tại Tiểu Chủng Viện Piô XII Hà nội rồi năm 1954 trong cuộc di cư vĩ đại, Cha vào Nam, tiếp tục học Tiểu Chủng Viện Piô XII tại Chợ Lớn. Năm 1960 Cha ra học Triết tại Đại Chủng Viện Qui Nhơn, sau đó vào học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích ở Thị Nghè, Sàigòn.

Cha đã từng làm Giám luật ở Tiểu Chủng viện Làng Sông Qui nhơn. Sau khi học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế, Cha chịu chức Linh mục năm 1968. Sau đó Cha được Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi bổ nhiệm làm Giáo sư và Giám luật Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Đà Nẵng. Năm 1974 Cha theo học Đại Học Văn Khoa Sàigòn. Sau biến cố 1975, Cha nhập Tổng giáo phận Sàigòn, được bổ nhiệm làm Phó xứ rồi Chánh xứ Nam Thái, Sàigòn.

Ngày 27/1/2018, Cha về hưu tại Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Chí Hòa của Tổng Giáo phận Sàigòn. Cùng với thời gian, Cha có yếu đi, nhưng vẫn một sức sống mãnh liệt, một phong thái trẻ trung và gương mặt rạng ngời. Năm chịu chức Linh mục, Cha chỉ mới là chàng trai 27 xuân xanh. Năm nay Cha đã về hưu. Thời gian trôi đi trong ân sủng nên thời gian quý báu vô cùng.

Tâm tình dạt dào của học trò cũ dâng lên Cha giáo kính yêu tràn đầy không kể hết. Tâm tình ấy có thể tóm gọn trong bản nhạc Những Ngày Xưa Thân ái của Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ mà hai học trò xuất sắc của Cha giáo Phaolô là Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long và Cha Bonaventura Mai Thái, Tổng Đại diện Giáo phận Đà nẵng song ca. “Những ngày xưa thân ái anh gửi lại cho ai? Gió mùa Xuân êm đưa rung hàng cau lưa thưa. Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ. Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ? Những ngày xưa thân ái anh gửi lại cho ai? Trăng mùa Thu lên cao khóm dừa xanh lao xao. Anh cùng tôi trốn ngủ ra ngồi trên lá đò. Trông bầy chim trắng hiện mơ một nàng tiên dịu hiền”.

Tâm tình ấy cũng tóm tắt trong điện thư mà một học trò xuất sắc của Cha giáo Phaolô là Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri gửi về từ xứ Lạng xa xôi. Tâm tình ấy còn được ghi lại trong đoản văn đặc biệt của anh Giuse Trần Quốc Công, bạn cùng lớp với Đức Cha Anphong ghi lại:

“Thỉnh thoảng trên bãi biển, ngư dân tìm thấy những cái chai nút kín, bên trong có lá thư, thông điệp ...1886 chương trình nghiên cứu dòng chảy biển của Đức thả xuông 1000 chai, có cái lênh đênh mãi 132 năm sau mới dạt vào Úc. Chiều 14 tháng 6, tôi cuộn tròn danh sách 219 anh chị em tham dự Hội Ngộ La Gi, cái bảng tên, thêm rất nhiều yêu thương, nụ cười rạng rỡ, dốc hết ra những hiểu lầm, cùng với lời cám ơn ban tổ chức ... tất cả bỏ vào chai, nút chặt, thả xuống biển La Gi. Trôi đi chai ơi, mang theo cả tâm tình Hội Ngộ phương Nam.

(…)

Trên xe giường nằm về Đà Nẵng, năm anh em lớp tôi, Hộ , Đức, Trung , Phái , Công nằm chụm đầu vào nhau tổng kết hội ngộ, trông như năm cánh sao biển. Với ai đó " Nha Trang ngày về, ... là con ốc , bơ vơ nằm trên cát". Còn ta, La Gi ngày về, chúng tôi là sao biển, giang tay rừng núi. Sao biển không co rút như loài ốc, mà vươn cánh ra xa, với tới anh em, nhất là những góc khuất quạnh hiu. Chuyện vui như bắp rang , nhiều chuyện cũ mới , riêng chung vì đến Cam Ranh là hai bạn xuống rồi.

(…)

Chủng viên bắt học nhiều quá. Bố Phổ , lúc dạy hè chúng tôi Pháp Văn ở Thanh Bình để chuẩn bị nhập học, thường ra bài tập để phân biệt một adj là épithète hay attribut. Hôm nay Bố về nhà hưu Chí Hòa, nghe sao như nhà tù. Tội nghiệp cho một địa danh, Chí Hòa. Nhà hưu là nhà tù không song sắt. Chúng con ở Đà Nẵng như một tính từ làm attribut (thuộc từ) vì cách trở chủ ngữ bởi động từ être. Mong các bạn trong Nam hãy là épithète (hình dung từ) đứng ngay sau danh từ làm chủ ngữ. Song sắt hay không song sắt chính là sự thăm hỏi lúc này lúc khác của chúng ta. Cho vui tuổi già. Nhờ cậy nhé” (Trích Tạp Ghi La Gi, Giuse Trần Quốc Công).

Mừng Kim Khánh Cha giáo Phaolô cũng là dịp họp mặt cựu chủng sinh Gioan, học trò cũ của Cha giáo. Trong “Thay Lời ngỏ” của Tin Thư Gioan, Đức Cha Anphong viết: “Thật phấn khởi khi biết lần họp mặt này con số anh em tham sự đạt kỷ lục từ trước đến nay. Điều đó nói lên tinh thần Gioan vẫn còn mạnh mẽ trong tâm khảm và trong cuộc sống chúng ta”.

Các cuộc họp mặt của anh em cựu chủng sinh Gioan được anh Giuse Nguyễn Hùng Cường khởi xướng lần đầu vào năm 1983 với vỏn vẹn 7 anh em. Đến lần họp mặt thứ 36 này thì đã đạt con số hơn 219, tính cả bạn đời của các anh em.

Lần này anh em họp mặt ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô có bài huấn từ về ký ức Kitô giáo. Ngài nói: “Ký ức Kitô giáo là muối của cuộc sống; nhìn về quá khứ để tiến bước”. Khi chúng ta gặp những Kitô hữu “bị mất ký ức”, ngay lập tức chúng ta nhận thấy họ đã đánh mất hương vị của cuộc sống Kitô giáo và họ trở thành những người tuân giữ các giới răn mà không có chiều kích huyền nhiệm, không gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Trong ba hoàn cảnh gặp Chúa Giêsu mà ĐTC nêu ra, chúng ta chú ý hoàn cảnh thứ 2: Cuộc gặp gỡ thứ hai với Chúa Giêsu xảy đến qua ký ức của ông bà tổ tiên, mà thư gửi các tín hữu Do thái nhắc đến: “các vị lãnh đạo của anh em, những người đã dạy đức tin cho anh em.” Chúng ta không nhận được đức tin qua bưu điện nhưng chính những con người đã trao chuyển đức tin cho chúng ta”.

Anh em họp mừng các Cha giáo chính là biết ơn những người đã truyền dạy đức tin cho anh em. Nguyện xin Chúa là Đấng đã qui tụ chúng con, ban cho chúng con biết gìn giữ ký ức Kitô giáo để “nhìn về quá khứ mà tiến bước” như Đức Thánh Cha khuyên dạy.

Bài: Gioan Vinh, ảnh: Gioan Maria Quốc Trân
 
Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót và Kỷ Niệm 30 Năm Tôn phong Các Thánh Tử vì Đạo VN tại Seattle.
Nguyễn An Quý
08:29 19/06/2018
Tukwila. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong Hiển Thánh cho 117 vị Tử vì Đạo tại Việt Nam. Hiệp với Giáo Hội Việt Nam trong niềm vui tạ ơn này, Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt long trọng cử hành Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót- kỷ niệm 30 năm tôn phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam với chủ đề: DÒNG MÁU TỬ ĐẠO - SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG vào ba ngày 15, 16 và 17 tháng 6 năm 2018.

Xem Hình

Trời Seattle thật đẹp khi bước vào những ngày chớm hè, bầu trời tươi mát với nhiệt độ trên dưới 70 độ F thật dễ chịu. Bước vào nhà thờ dọc theo hành lang, những tấm Bích Chương treo dọc hành lang mang tên 117 vị anh hùng tử đạo với vài nét tiểu sử ngắn gọn do các Giáo Đoàn, Hội Đoàn,các Ban Ngành trong Giáo xứ thực hiện khá công phu và đầy tính nghệ thuật. Xin ghi lại vài nét về ba ngày Đại Hội:

Thứ Sáu ngày 15 tháng 6 : Ngày khai mạc Đại Hội, khung cảnh của ngôi thánh đường trở nên nhộn nhịp, mới hơn 4 giờ, nhiều giáo dân đã có mặt, nhất là những vị đại diện của các nhóm phụ trách thủ vai các Thánh đã có mặt với trang phục đúng với tên Thánh Tử Đạo mà mỗi nhóm đảm nhận. Hôm nay quý cha trong trang phục màu đỏ theo phụng vụ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đúng 6 giờ, cha chánh xứ Đào Xuân Thành cử hành nghi thức khai mạc Đại Hội. Mở đầu đoàn trống điểm một bài trống ngợi khen Thiên Chúa, tiếng trống kết thúc là nghi thức xông hương trước hào quang Xương Thánh, nghi đoàn gồm mỗi đại diện của các Đoàn thể cầm bảng tên mỗi vị Thánh tiến vào cung thánh. Linh mục Đoàn gồm linh mục Đào Xuân Thành chủ sự, cùng đồng tế có linh mục giảng phòng Nguyễn Khắc Hy, linh mục Trần Hữu Lân, linh mục Hồ Sĩ Mậu, linh mục Trần Bảo Anh và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế Thánh Lễ. Mở đầu Thánh Lễ cha chánh xứ Đào Xuân Thành ngỏ lời chào mừng toàn thể Cộng đoàn dân Chúa hiện diện đồng thời ngài giới thiệu Linh Mục Đoàn và cám ơn cha Nguyễn Khắc Hy, cha Mậu, cha Trần Bảo Anh, cha Lân đã dâng thánh lễ tạ ơn mừng Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót và kỷ niệm 30 năm tôn phong các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam, ngài giới thiệu cha Nguyễn Khắc Hy là vị giảng phòng trong ba ngày Đại Hội, ngoài ra có Frère Phong giúp Thiếu Nhi đang đi cắm trại, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau (tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu).

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo phụng vụ lễ kính các Thánh Tử vì Đạo nước Việt Nam. Bài tin mừng Thánh Luca giới thiệu câu chuyện Chúa Giêsu nói với những ai muốn theo Ngài: "Khi ấy, Ðức Giê-su nói với mọi người rằng : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần."

Cha Nguyễn Khắc Hy phụ trách giảng lễ. Mở đầu bài giảng ngài nói: Các con hãy làm việc này để nhớ đến Ta" Hôm nay chúng ta cùng nhau tụ họp nơi đây để tưởng nhớ Các Thánh Tử vì Đạo tại Việt Nam , các ngài cũng là những con người mặc lấy thân xác mỏng dòn như chúng ta. Chúng ta cùng nhau mừng kính Đại hội Lòng Chúa Thương Xót và kỷ niệm 30 năm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Hiển Thánh cho 117 vị tử vì đạo tại Việt Nam không phải để chúng ta mừng lễ hội mà để chúng ta tưởng nhớ công đức của các ngài, để chúng ta tôn kính và học hỏi các ngài về gương sống đạo, lòng can đảm, sự trung thành và tuyên xưng đức tin. Việc làm của chúng ta hôm nay cũng để tỏ lòng hiếu thảo với các ngài, như những người con hiếu thảo với cha mẹ. Chúng ta cũng học hỏi nơi các ngài trong việc tuyên xưng đức tin...Bài tin mừng hôm nay Chúa nói: Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy,..Các Thánh Tử vì Đạo là những người mạnh mẽ tuyên xưng đức tin trước mặt quan quyền và không sợ chết. Chúng ta tưởng nhớ đến các ngài thì chúng ta cũng phải noi gương các ngài để tuyên xưng đức tin và nêu gương sống đạo cho con cháu của chúng ta..."

Trước khi kết thúc thánh lễ, một lần nữa cha chánh xứ cám ơn quý cha, quý sơ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa, trước khi dứt lời, ngài nói: Sau thánh lễ, cha Nguyễn Khắc Hy một giáo sư thần học sẽ thuyết giảng cho chúng ta, xin mơì quý ông bà anh chị em ở lại tham dự buổi thuyết giảng của cha Hy. Thánh lễ kết tghúc lúc 7 giờ 15 phút.

Bài đầu tiên của chủ đề: "Dòng Máu Tử Đạo- Suối nguồn yêu thương" là: "Đào Sâu nguồn gốc Công Giáo Việt Nam qua lăng kính của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam". Bài thuyết giảng, cha Hy đã điểm lại vài nét về lịch sử đạo Công Giáo xuất hiện tại Việt Nam cách đây hơn 400 năm. Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, Việt Nam đã bắt đầu giao thương với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và với Nhật Bản ở châu Á để trao đổi hàng hóa và vũ khí quân sự. Qua làn sóng này, đạo Công Giáo được bắt đầu truyền đạt tại Việt Nam khơỉ đầu là Hội Thừa Sai Ba Lê. Lịch sử Giáo Hội Việt nam ghi nhận Giáo Sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là vị có công lớn không những với Giáo Hội Việt Nam qua việc truyền đạo mà ngài đã có công sáng lập chữ Việt cho nên hôm nay chúng ta mới có ngôn ngữ Việt Nam một cách phong phú. Đông đảo giáo dân đã hiện diện trong giờ thuyết giảng của Cha Hy kéo dài đến hơn 9 giờ tối.

Thứ Bảy ngày 16 tháng 6: ngày thứ hai của Đại Hội được bắt đầu phần thuyết giảng từ lúc 11 giờ đến 12 giờ với đề tài:"Gặp Gỡ Đức Kitô qua lăng kính Các Thánh Tử vỉ Đạo Việt Nam" do LM Nguyễn Khắc Hy thuyết giảng. Suốt 1 tiếng đồng hồ, cha Hy đã phân tích và đào sâu về niềm tin mà Các Thánh đã sống với đời sống can đảm dưới thời mà các vua quan cấm đạo một cách nghiêm ngặt, ngài nhấn mạnh: các ngài nhờ gặp gỡ Đức Kitô trong niềm tin nên các ngài đã tuyên xứng đức tin và chịu tử vì đạo. Bài thuyết giảng kết thúc lúc 12 giờ, toàn thể cộng đoàn nghỉ dùng cơm trưa đến 1 giờ chiều.

Sau giờ nghỉ trưa, đông đảo giáo dân đã trở lại nhà thờ để tham dự các chương trình đi vào giờ nguyện gẩm như giờ chầu Lòng Chúa Thương Xót- Hôn Kính Xương Thánh, tham dự buổi chiếu phim kéo dài đến 2 giờ 30 .

Giờ thuyết giảng trở lại từ 2giờ 30pm đến 4 giờ với 2 đề tài:"Sống trọn vẹn Đức Tìn Công Giáo qua lăng kính của Các Thánh Tử vỉ Đạo Việt Nam" và đế tài : "Sống Đức Tin trong Lòng Đời qua lăng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam". Hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ, LM Hy đã đưa ra nhiều hình ảnh sống đạo và tuyên xưng đức tin của Các Thánh Tử vì Đạo tại Việt Nam với kết luận. Ngày xưa khi các nhà truyền giáo thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê, thuộc Dòng Đa Minh đã đến truyền giáo tại Việt Nam, thì nay không chỉ chúng ta cùng nhau mừng 30 năm để tưởng nhớ và học học gương sống đạo của các ngài, mà chúng ta còn có bổn phận phải sống đạo, phải tuyên xưng đức tin ngay tại điạ phương, đất nước mà chúng ta đang sống. Sau phần thuyết giảng là thơì gian nghỉ ngơi và ăn tối từ 4 giờ đến 5 giờ.

Giờ diễn nguyện: một buổi diễn nguyện thật sống động và tạo cho giáo dân sự sốt sắng cầu nguyện từ 5 giờ đến 6 giờ 20 chiều. Đúng 5 giờ, đông đảo giáo dân từ nhiều địa phương xa đến và trong giáo xứ đã tề tựu đông đủ, các ghế ngồi trong nhà thờ đều đầy kín, để tham dự buổi diễn nguyện. Đây là thời gian suy niệm khá sống động qua các hoạt cảnh diễn tả về đời sống đức tin của các vị Tử vì Đạo, các ngài đã sống một cách can trường và hiên ngang cam lòng chịu chết vì đạo Chúa.

Thánh lễ chiều thứ bảy được bắt đầu lúc 6 giờ 30. Hiện diện trong thánh lễ này có nhiều giáo dân thuộc các Cộng Đoàn địa phương từ Bellingham, Everett, đến tận Vancouver, Olympia, Tacoma, Auburn đến tham dự. Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg Phụ Tá Tổng Giáo Phận Seattle đến chủ sự Thánh Lễ. Đoàn đồng tế có linh mục chánh xứ Đào Xuân Thành, Linh mục Trần Hữu Lân, linh mục Trần Bảo Anh, linh mục Hậu và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ. Đúng 6 giờ 30 , vị MC của Ca Đoàn đọc lời dẫn lễ và mời cộng đoàn đứng hiệp dâng thánh lễ. Ca Đoàn hát bài ca nhập lễ , nghi đoàn cùng với đoàn đồng tế cung nghinh Thánh Giá tiến lên theo tiếng hát của Ca Đoàn.

Mở đầu thánh lễ, cha chánh xứ Đào Xuân Thành nói: Hôm nay giáo xứ chúng con hân hoan chào đón Đức Giám Mục Daniel đến với chúng con trong dịp đại lễ này, Đức Cha luôn ưu ái đến Giáo xứ chúng con, nên mỗi dịp đại lễ ngài thường nhận lời mời của chúng con ngay, chúng con cám ơn Đức Cha, giaó xứ chào đón và cám ơn sự hiện của Cha Lân, cha Hậu, cha Bảo Anh, thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu đã hiện diện dâng thánh lễ hôm nay, chào đón và cám ơn sự hiện diện của quý sơ, quý thầy, quý đại diện của các cộng đoàn bạn , quý Hội Đồng, Giáo Đoàn, Hội Đoàn, các Ban Ngành và toàn thể cộng đoàn giáo xứ, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau trong ngày trọng đại này( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Đức Giám Mục Daniel đáp từ với lời cám ơn và chúc mừng cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong ngày đại hội Lòng Chúa Thương Xót và kỷ niệm 30 mà Đức Gioan Phaolô II tôn phong Các Thánh Tử Đạo Việt và thánh lễ được bắt đầu với lời ăn năn sám hối do Đức Giám Mục chủ xướng.

Thánh lễ được tiếp tục qua phần phụng vụ Lời Chúa theo phụng vụ Chúa Nhật XI mùa Thường Niên. Tin mừng hôm nay Thánh Mác-cô giới thiệu câu chuyện Chúa Giêsu nói về nước Trời: Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa."

Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."

Đức Giám Mục Daniel phụ trách giảng lễ. Bài giảng khá phong phú và ngài đã dựa vào bài Tin Mừng để đưa hình ảnh hạt giống nhỏ nhất là hạt cải, nhưng khi nó mọc và lớn lên thì chim trời có thể đến núp bóng mát và ngài đã liên tưởng đến đơì sống đức tin của các ThánhTử vì Đạo Việt Nam, ngài nói: các ngài cũng là thân phận bé nhỏ như hạt cải, nhưng hạt giống đức tin của các ngài đã trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành là quý ông bà anh chị em hôm nay. Anh Chị Em phải sống để làm chứng ta đức tin tại nơi đây như các ngài xưa kia đã để lại cho quý anh chị em..."

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, cha chánh xứ một lần nữa ân cần cám ơn Đức Giám Mục, quý cha, quý sơ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện và đặc biệt chúc mừng quý Cha và tất cả các người cha trong ngày Hiền Phụ. Đức Giám Mục Daniel đã ban phép lành Toàn Xá cho toàn thể cộng đoàn hiện diện theo Sắc Lệnh Toàn xá của Tòa Thánh ban. Thánh lễ kết thúc lúc 8 giờ 20, mọi người ra về chuẩn bị cho ngày mai bế mạc Đại Hội.

Chúa Nhật ngày 17 tháng 6 ngày bế mạc Đại Hội. Ngày bế mạc Đại Hội được bắt đầu giờ thuyết giảng với đề tài: Loan Báo Tin Mừng qua Lăng kính Các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam từ 9:30 am đến 11:00am. Bài thuyết giảng kết thúc chủ đề: "Dòng Máu Tử Đạo- Suối Nguồn Yêu Thương", cha Hy đã trình bày khá phong phú với sự diễn đạt và nhắn nhủ: "ngày xưa chúng ta được đón nhận tin mừng từ các nhà truyền giáo, và các ThánhTử Vì Đạo đã là chứng tá của Tin Mừng qua việc Tử vì Đạo của các ngài, thì nay chúng ta là các thế hệ con cháu của các ngài, phải là những chứng tá đức tin tại nơi mà chúng ta đang sống và truyền đạt cho con cháu Đức Tin Việt Nam tại miền đất mà chúng ta đang sống. Sau bài thuyết giảng là phần ăn trưa với chương trình thánh ca hát cho nhau nghe tật phong phú.

Đúng 12 giờ 30 cuộc rước kiệu kết thúc ngày Đại Hội. Đoàn kiệu dài với xe kiệu tượng Lòng Chúa Thương Xót kèm hào quan Thánh Faustina và Bàn Kiệu hào quan Các Thánh. Đặc biệt có đoàn đoàn đại diện của các tổ chức đã cầm bảng Các Thánh trong trang phục theo từng mỗi vị Thánh đi theo đoàn rước. Đoàn kiệu di chuyển chung quanh nhà thờ dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày chớm hè nơi xứ Cao Nguyên Tình Xanh với phần suy niệm thật sốt sắng. Đoàn kiệu trở về nhà thờ lúc 1 giờ, phần diễn nguyện Các Thánh Tử Vì Đạo với những hoạt cảnh về gương anh hùng Tử vì đạo của Thánh Huy, thánh Tống Viết Bường, thánh Hồ Đình Hy là những vị quan lại dưới các triều đại Vua Chúa Việt Nam.

Đúng 2 giờ thánh lễ Bế Mạc Đại Hội: Trong thánh lễ này có sự hiện diện của nguyên Tổng Giám Mục Brunett, ngài luôn ưu ái đến cộng đồng Công Giáo Việt Nam và nhờ ngài mà nay người Công GiáoViệt Nam nơi đây mới có được một Giáo Xứ Thể Nhân. Hình ảnh ngài ngồi xe lăn dâng Thánh Lễ thật cảm động.

Thánh lễ bế mạc do cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, cùng đồng tế có cha Trần Hữu Lân, cha Nguyễn Khắc Hy, cha Hậu và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế Thánh Lễ có sự hiện diện của đức nguyên Tổng Giám Mục Brunett.

Mở đầu Thánh Lễ , cha chánh xứ chào mừng và cám ơn Đức Bruett, ngài nói: Đức Tổng Giám Mục luôn ưu ái và quan tâm đến giáo xứ chúng con, hôm nay dù sức khoẻ không được bình thường, nhưng Đức Cha vẫn đến với chúng con, chúng con chào đón Đức Tổng và cám ơn Đức Cha, xin cho một tràng pháo tay chào đón ngài(tiếng vỗ tay khá dài...). Cha chánh xứ chào mừng và cám ơn quý cha, quý sơ, quý cộng đoàn bạn từ Bellingham, Everett đến Vancouver, Olympia, Tacoma, Auburn, Cộng Đoàn Phêrô và toàn thể cộng đoàn dân Chúa, xin cho một tràng pháo tay chào đón nhau(tiếng vỗ tay vang dội).

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật XI mùa Thường Niên. Cha Nguyễn Khắc Hy chia sẻ Lời Chúa. Trong bài giảng , ngài nhấn mạnh: quý ông bà anh chị em cần nêu gương đức tin Công Giáo Việt Nam. Ngài bày tỏ niềm vui khi được biết nơi đây đang xây dựng ngôi Thánh Đường mới, ngài nói: Đây là ngôi nhà mẹ từ một cộng đoàn nhỏ bé từ thời cha Hậu, cha Phương, cha Tôn, cha Phượng giống như hạt cải bé nhỏ trong tin mừng và nay đã trở thành nơi cây to bóng mát, trở thành ngôi nhà mẹ sắp được xây dựng khang trang để mọi Giáo DânViệt Nam từ các địa phương có dịp tìm về đây nương tựa, như chim trời về núp dưới cây cải to lớn.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ Bế Mạc, cha chánh xứ một lần nữa cám ơn Đức Nguyên Tổng Giám Mục Brunet, cám ơn quý cha, quý sơ, quý cộng đoàn bạn các HộiĐồng, Giáo Đoàn, Hội Đoàn, các Ban Ngành và tất cả các nhóm phụ vụ cho việc tổ chức Đại Hội từ trang trí, sân khấu, âm thanh, văn nghệ, cắm hoa, diễn nguyện cùng tất cả những ai đã đóng góp ch ba ngày Đại Hội Lòn Chúa Thương Xót và kỷ niệm 30 Năm Tôn phong Các ThánhTử Đạo Việt Nam.

Sau lời cám ơn là chúc mừng quý cha, và các người cha hiện diện trong ngày Hiền Phụ và thánh lễ kết thúc sau Phép lành Ban ƠnToàn xá do Đức Brunet ban theo Sắc Lệnh của Toà Thánh. Mọi người ra về lúc 3 giờ 30 trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Khai mạc Năm Thánh tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Tổng Giáo phận Huế
Trương Trí
14:29 19/06/2018

Chương trình Khai mạc Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử đạo Việt Nam của Tổng Giáo phận Huế đã được chuẩn bị chu đáo từ rất lâu. Trước hết vì Giáo phận Huế là nơi đã lưu dấu biết bao vị Anh hùng Tử đạo, vùng đất Giáo phận Huế cũng là nơi thấm đẫm máu đào của các Ngài. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh phải gấp rút chuẩn bị cho lễ tấn phong và nhậm chức Giám mục Giáo phận Thanh Hóa của Tân Giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường vào ngày 27 tháng 6 này, nên Ngài đã ủy quyền cho Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh chủ sự Khai mạc Năm Thánh Các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Xem Hình

Chiều ngày 19 tháng 6, kỷ niệm tròn 30 năm ngày Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong Hiển Thánh cho 117 vị Tử đạo tại Việt Nam (19/6/1988 – 19/6/2018), Tổng Giáo phận Huế long trọng tổ chức Khai mạc Năm Thánh Các Thánh Tử đạo Việt Nam.

117 vị Thánh Tử đạo được phong hiển Thánh trong số hơn 100 ngàn vị tử đạo trải qua các thời kỳ Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Đó là chưa kể đến chừng 200 ngàn người chết trong các cuộc bách đạo và phân sáp thời Văn Thân, có những nơi bị thiêu chết hàng trăm người như tại nhà thờ Trí Bưu.

Từ 18 giờ, các linh mục, các Hội Dòng hiện diện trên Giáo phận Huế, các Hội đoàn, đại diện các Hội đồng Giáo xứ tập trung tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận để chuẩn bị cho cuộc Rước Kiệu trọng thể Xương Thánh các vị tử đạo tại Huế.

Đúng 19 giờ, Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh chính thức khai mạc Năm Thánh, Ngài chia sẻ: hơn 130 ngàn vị anh hung tử đạo tại Việt Nam trong vòng 3 thế kỷ. Cuộc đời của các Thánh tử đạo là một bài ca dâng lên Thiên Chúa, bài ca thắm đượm máu hồng. Các Ngài đã chiến thắng gian nan gông cùm, các Ngài đã vượt qua sợ hải không màng đến tính mạng nhằm tôn vinh Thiên Chúa mà các Ngài tôn thờ, các Ngài đã dung cả cuộc đời mình để ngợi khen Chúa. Cuộc đời của các Ngài thật đáng ca ngợi hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Đoàn Kiệu bắt đầu khởi hành từ Trung tâm Mục vụ Giáo phận tiến lên Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, mọi người đều cầm nến trên tay chiếu sáng lung linh suốt cả một quảng đường. Đi đầu đoàn kiệu là Di ảnh của hơn 100 ngàn vị Tử đạo do các Giáo lý viên Phủ Cam cung nghinh, tiếp theo là các ban nghành đoàn thể và đại diện các HĐGX, các Hội Dòng Nam Nữ hiện diện trên Giáo phận, các Đại Chủng sinh và Linh mục đoàn, cuối cùng là Kiệu Xương Thánh được đặt trong 5 hào quang.

Đoàn Kiệu dừng trước Tiền đường Nhà thờ, 5 linh mục đại diện cho Linh mục đoàn rước 5 Hào quang Thánh tích lên Bàn thờ, Cha Tổng Đại diện xông hương tỏ lòng cung kính. Các linh mục đại diện Linh mục đoàn, đại diện các Hội Dòng, đại diện các HĐGX lần lượt niệm hương trước Thánh tích các Thánh Tử đạo.

Các em thiếu nhi Phủ Cam biểu diễn điệu múa tôn vinh Các Thánh Tử đạo với nhiều tiết mục được chuẩn bị công phu.

Kết thúc buổi Tôn vinh Các Thánh Tử đạo, đoàn rước tiến vào Nhà thờ, những hào quang Thánh tích được các linh mục cung nghinh long trọng và đặt tước Bàn thờ để đi vào Thánh lễ trọng thể Khai mạc Năm Thánh. Di ảnh của 16 vị Thánh Tử đạo được đặt trang trọng trên Cung Thánh, hai bên là hai câu đối: “Máu các Thánh Tử đao Việt Nam - Hạt giống trổ sinh người có Đạo”.

Trong bài giảng lễ, cha Đa Minh Phan Hưng, Tổng Thư ký Hội đồng Mục vụ, Trưởng ban Tổ chức Năm Thánh chia sẻ:

Tối hôm nay, lần đầu tiên trong ánh nến lung linh huyền ảo và đầy thánh thiêng, cuộc rước kiệu trọng thể Các Thánh Tử đạo Việt Nam, trong đó có Xương Thánh của 16 vị đã tử đạo trên vùng Giáo phận Huế chúng ta. Chúng ta tạ ơn Chúa và cũng vui mừng hảnh diện vì nhờ vào cái chết của các Ngài mà đã mang lại nhiều hoa trái. Khai mạc Năm Thánh các Thánh Tử đạo Việt Nam gợi nhớ cho chúng ta cách đây đúng 30 năm, vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị Tử đạo Việt Nam lên hàng hiển Thánh. Chúng ta tự hào là con giòng cháu giống của các Thánh tử đạo, trong đó có một phụ nữ là Thánh Anê Lê Thị Thành là mẹ của 6 người con. Đây là con số tiêu biểu, tượng trưng cho hơn 130 ngàn người đã tử đạo tại Việt Nam trong vòng 300 năm. Đó là chưa kể đến hàng trăm ngàn người phải chết trong rừng sâu nước độc vì phải trốn tránh những cuộc bách đạo trải qua các triều đại, hàng trăm hàng ngàn người bị thiêu sống trong các nhà thờ, hàng vạn tín hữu bị giết dưới thời Văn Thân. Chỉ riêng tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích là pháp trường, nơi máu chảy đầu rơi của các Ngài. Tổng số vị tử đạo phải ước tính lên đến 300 ngàn, như vậy trong vòng 300 năm, bình quân mỗi năm phải có đến 1000 vị tử đạo. Đây là một tự hào của Giáo hội Việt Nam, cái chết của các Ngài là vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Các Ngài đã can đảm noi theo tình yêu của Chúa Giêsu, một tình yêu đến nỗi hiến cả mạng sống mình trên thập giá, Ngài đã phải chịu đau đớn về thể xác, bị nguyền rủa, bị nhục mạ. Vậy mà cuối cùng Ngài vẫn ngẫng cao đầu để xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm và chẳng biết, đó thật sự là đỉnh cao của tình yêu…

Trong phần tạ lễ, cộng đoàn đứng lên cùng nhau đọc Kinh Các Thánh Thánh Tử đạo Việt Nam. Sau đó, cha Đa Minh Phan Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Năm Thánh công bố Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tòa Thánh về việc ban Phép lành Tòa Thánh nhân dịp Năm Thánh các Thánh Tử đạo Việt Nam do Đức Hồng Y Chánh án Tòa Ân giải Tối cao MAURUS PIACENZA ban hành ngày 23 tháng 3 năm 2018 cho tất cả mọi người tham dự Thánh lễ Khai mạc và Bế mạc Năm Thánh.

Kết thúc Thánh lễ, các linh mục đại diện Linh mục đoàn rước hào quang Thánh tích đến Bàn thờ phía bên trái Nhà thờ và dâng hương.

Cha Tổng Đại diện mời quý Cha đại diện cùng long trọng ban Phép lành Tòa Thánh với ơn Toàn xá.

Trương Trí
 
Giáo Phận Đà Nẵng Khai Mạc Năm Thánh Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Toma Trương Văn Ân
14:40 19/06/2018

Hòa chung niềm vui với Giáo Hội Việt Nam Khai mạc Năm Thánh, Tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mừng 30 năm Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II Tuyên Phong Hiển Thánh 117 Vị Chân Phước Tử Đạo Việt Nam ( 19 / 6 / 1988 – 2018) . Lúc 17 giờ ngày 19 / 6 / 2018 , tại sân nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân- Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã Chủ tế Thánh lễ đồng tế trọng thể Khai mạc Năm Thánh với sự hiện diện các thành phần cộng đoàn dân Chúa Giáo phận .

Sau Kinh khai mạc, Đoàn kiệu Thánh tích của 04 Thánh Tử Đạo, từ Tòa giám mục lên lễ đài. Thánh tích này được lưu giữ tại nhà thờ Tam Tòa – Giáo phận Đà Nẵng : 01. Thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan - Linh mục ; 02. Thánh Mattheu Nguyễn Văn Phượng- Trùm Họ ; 03. Thánh An-tôn Nguyễn Hữu Quỳnh – Y Sỹ ; 04 . Thánh Toma Trần Văn Thiện – Chủng Sinh. Các Ngài Đại diện cho hơn một trăm ba mươi ngàn Anh hùng Tử Đạo tại Việt Nam, trong lịch sử suốt gần 300 năm bị bách hại . Lịch sử Giáo Hội Việt Nam ghi nhớ tất cả 53 Sắc chỉ chính thức do các chúa (hai dòng họ Trịnh, Nguyễn: trong Nam ngoài Bắc), do nhà Tây Sơn và do các vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức ban hành nhằm khai trừ và tiêu diệt đạo Thiên Chúa. (*)

Xem Hình

Khi đoàn kiệu lên Lễ đài , Cha Phao-lô Đoàn Quang Dân đọc Thư Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Đức Giám Mục Giáo phận và Đức Giám Mục long trọng tuyên bố khai mạc Năm Thánh tại Giáo phận Đà Nẵng, trong tiếng chiêng trống , tiếng đội trống kèn của đoàn rước và tiếng vổ tay vang dội của Cộng đoàn.

Đoàn ca hoạt vũ : “Bài Ca Ngàn Trùng” của Quý Nữ tu Dòng Thánh Phao-lô, diễn tả sống động đôi nét đời sống Đức tin các Anh hùng dám sống và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa và anh chị em; một số hình phạt tra tấn của Nhà Cầm quyền đương thời ; Vinh quang Nước Trời Thiên Chúa ban thưởng cho Các Ngài và nở sinh nhiều bông hạt là con cháu cộng đoàn Tín hữu Giáo Hội.

Trong bài giảng , Đức Cha mời gọi cộng đoàn mừng Năm Thánh do Tòa Ân Giải Tối Cao chấp thuận Thỉnh nguyện của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đức Cha nói: “Mỗi người cần nhìn lại lịch sử Truyền bá Đức tin đã để lại dấu son trong lịch sử và niềm tự hào của Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những chứng nhân anh dũng, dám sống mầu nhiệm chấp nhận chết để mang lại nhiều hoa trái. Từ 1638 đến 1886, lịch sử Giáo Hội thời kỳ này là cuộc bách hại kéo dài, Giáo Hội Việt Nam đã đóng góp cho gia sản Giáo Hội một sự nghiệp Đức tin to lớn trong hơn 130 ngàn Vị Tử Đạo , đã có 117 Vị được tuyên phong hiển Thánh vào ngày 19 / 6 / 1988. Các Ngài được suy tôn Hiển Thánh để cho toàn thể thế giới tôn kính và noi gương anh dũng của Các Ngài , đồng thời để cho những người Công Giáo Việt nam là con cháu biết nối gót cha ông dám sống trong mọi hoàn cảnh, vẩn luôn trung thành với Chúa và Giáo Hội với Đức tin bằng chính cuộc sống làm nhân chứng tình yêu của mình”.

Đức Cha nhắc nhở mỗi thành phần dân Chúa: “ Chúng ta được thừa hưởng một Đức tin phong phú , được chiêm ngưỡng Giáo Hội tốt đẹp như ngày nay. Đó là nhờ dòng máu Tử Đạo của các Thánh là cha ông chúng ta xưa. Chúng ta tưởng niệm mà ra công đáp đền cho xứng đáng phát huy gia sản mà cha ông đã để lại. chúng ta còn phải lắng nghe tiếng gọi tha thiết của Dòng máu tử đạo và khám phá những bài học cao quý để áp dụng trong đời sống của mình”. Đó là những Bài học : chu toàn bổn phận hằng ngày , giữ Đạo sốt sắng, lòng can đảm , trao cho Chúa tất cả hy sinh, thực hành bác ái với anh chị em xung quanh nơi mình đang sống và làm việc, vui vẻ đón nhận thực cảnh, tôn thờ Thiên Chúa sẵn lòng hy sinh tất cả vì Đức tin vào Thiên Chúa với niềm tin mãnh liệt.

Đức Cha đã nhắc lại lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II : “Hỡi các Ki-tô hữu Việt Nam, Chúng tôi có thể nói rằng máu Các Thánh Tử Đạo là cho anh chị em, là nguồn Ân sủng để tăng trưởng Đức tin. Nơi anh chị em, Đức tin của cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin này là nền tảng cho anh chị em , vừa trung thành với quê hương Việt Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Ki-tô”.

Sau lời nguyện hiệp lễ , Cha Bonaventura Mai Thái – Tổng Đại diện –Trưởng Ban Tổ chức Lễ Khai mạc Năm Thánh đã cám ơn Đức Cha đã khai mạc Năm Thánh và ban phép lành với Ơn Toàn Xá cho các Tín hữu tham dự trực tiếp và trực tuyến truyền thông với lòng sám hối và thực hành các việc lành. Cha đã cám ơn Quý Cha và Đoàn 30 người, Đại diện các Giáo xứ; cám ơn tất cả các Tín hữu hiện diện; cám ơn Cha Quản xứ và các ban ngành của Giáo xứ Chính Tòa; , Ca đoàn Gx Thanh Đức ; đội kèn tây Chính Tòa; Đoàn Dâng lễ Gx An Thượng; Đội Trống và đội kiệu Thánh tích Gx Tam Tòa; Ban Ân Thanh ánh sáng ; Ban Truyền Thông có nhiều nổ lực trong việc thông tin và hình ảnh trong khắp cả khu vực nhà thờ và Tòa giám mục , thông tin trực tuyến trên các Trang mạng đế Anh chị em ở xa có thể dể dàng hiệp thông trong Thánh lễ; cám ơn Chính Quyền và tất cả mỗi người đã cùng cộng tác cho Chương trình Thánh lễ khai mạc Năm Thánh được tốt đẹp.

Trong tâm tình cuối Thánh lễ , Đức Cha đại diện cộng đoàn các ơn Quý Nữ tu Dòng Thánh Phao-lô đã có nhiều hy sinh cố gắng tập ca hoạt vũ mở đầu rất có ý nghĩa.

Tiếp đó, Đức Cha Giuse và Cha Tổng Đại diện đã trao Biểu Tượng Năm Thánh cho Vị Đại diện các giáo xứ và các Dòng Tu đang cộng tác trong việc Mục vụ tại Giáo phận Đà Nẵng .

Sau khi Cộng đoàn đọc Kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Cha Tổng Đại diện đọc Sắc lệnh Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép Đức Giám Mục Ban phép lành với Ơn Toàn Xá cho các Tín hữu tham dự Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 19 / 6 / 2018 , Thánh lễ Bế mạc Năm Thánh 24 / 11 / 2018 tại Trung tâm Thánh mẫu Trà kiệu và Thánh lễ tại Đền Thánh An-rê Phú Yên ngày 26 / 7 / 2018, là nơi được chỉ định hành hương trong Năm Thánh tại Giáo phận Đà Nẵng.

Đức Giám Mục Ban Phép Lành và hiệu triệu cộng đoàn trong Nghi thức sai đi làm men , làm muối , làm nhân chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống xã hội hôm nay. Mỗi Tín hữu cầm nến sáng trên tay đồng thanh đáp : “ vì con muốn là men muốn là muối ướp cho mặn đời , vì con muốn liều thân đem Tin Mừng đi khắp nơi”.

Xin Chúa cho mỗi “ Tín Hữu Việt Nam được mời gọi chiêm ngắm và học hỏi gương nhân đức của Các Thánh Tử Đạo là những chứng nhân dám chết cho niềm tin, dám sống cho tình yêu và loan báo Tin Mừng trong môi trường xã hội hiện tại.” ( trích Thư Tâm tình Mục tử của Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân)

Toma Trương Văn Ân

(*)Trích tập sách Vụ Án Phong Thánh

của tác giả Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, xuất bản năm 1987, Hoa Kỳ)

tham khảo : http://vntaiwan.catholic.org.tw/ghvienam/tudaovn4.htm
 
Thư công bố Năm Thánh 2018 tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
HĐGMVN
20:20 19/06/2018
Theo lời đề nghị của các Đức cha trong phiên họp HĐGMVN ngày 9-3-2018, tại Rôma, ngày 16-3-2018, Ban Thường Vụ HĐGMVN đã có văn thư gửi Tòa Ân giải Tối Cao xin mở Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn vinh 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh và đã được chấp nhận.

Văn phòng Thư ký HĐGMVN vui mừng công bố cùng Cộng đoàn dân Chúa thuộc Giáo hội Việt Nam thư "Công bố Năm Thánh" của Hội đồng Giám mục.

Theo văn thư của Hội đồng Giám mục, Năm Thánh sẽ bắt đầu từ ngày 19-6-2018 đến ngày 24-11-2018. Trong Năm Thánh này, bên cạnh các Trung tâm hành hương được chỉ định bởi từng giáo phận, trong mỗi giáo tỉnh, Hội đồng giám mục ấn định một Trung tâm hành hương trong Năm Thánh: Vương cung thánh đường Sở Kiện (Giáo tỉnh Hà Nội); Trung tâm hành hương Thánh Mẫu La Vang (Giáo tỉnh Huế); Trung tâm hành hương Ba Giồng thuộc Giáo phận Mỹ Tho (Giáo tỉnh Sài Gòn).


Để đồng hành với anh chị em trong việc học hỏi này, Văn phòng Hội đồng giám mục sẽ phổ biến tập sách Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ghi lại vắn tắt gương sống đức tin và cuộc tử đạo của các thánh. Ước mong tập sách nhỏ này sẽ được mọi người nhiệt tình đón nhận.

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Giảng đài quay về hướng nào?
Nguyễn Trọng Đa
14:22 19/06/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con đang sống trong đan viện. Có một cửa lưới sắt ngăn cách chúng con trong nhà thờ và cung thánh. Chúng con có nhiều bạn bè và nhà hảo tâm thường xuyên tham dự Thánh Lễ hàng ngày của chúng con. Trong phần Phụng vụ Thánh Thể, chủ tế nhìn về hướng các nữ tu và quay lưng về phía các tín hữu. Câu hỏi của con là, liệu giảng đài trong cung thánh cũng hướng về phía các nữ đan sĩ chăng? Bởi vì chúng con là nữ đan sĩ kín, liệu giá đọc sách (giảng đài, lantern) của chúng con cũng phải hướng về bàn thờ/cung thánh nữa sao? Hiện nay giá đọc sách (giảng đài) của chúng con hướng về cửa cạnh bên, do đó con không nhìn thấy gì. Con sẽ rất cảm kích nếu cha có thể hướng dẫn con, để rồi con có thể thông báo cho bề trên của con về các sự thay đổi thích hợp. - M. A., Los Angeles, Hoa Kỳ.


Ðáp: Tình hình của một đan viện kín là một trường hợp khá đặc biệt, và ngay cả trong trường hợp này, cũng không có giải pháp rõ ràng vì nó phụ thuộc vào thiết kế của nhà nguyện.

Trước hết, chúng ta hãy đọc xem những gì Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói về giảng đài:

“309. Phẩm giá Lời Chúa đòi phải có một nơi thích hợp trong nhà thờ, để Lời Chúa được loan báo và giáo dân tự nhiên hướng về đó trong phần phụng vụ Lời Chúa.

“Nơi đó thường phải là một giảng đài cố định, chứ không phải chỉ là một cái giá sách di chuyển được. Phải tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ mà đặt giảng đài để giáo dân có thể dễ dàng nhìn thấy và nghe được thừa tác viên có chức thánh và các độc viên.

“Tại giảng đài sẽ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin Mừng Phục Sinh. Cũng tại đó có thể giảng và đọc các lời nguyện cho mọi người, tức là lời nguyện giáo dân. Phẩm giá của giảng đài đòi chỉ có thừa tác viên lời đi lên đó.

“Giảng đài mới nên được làm phép, trước khi được dùng vào phụng vụ, theo nghi thức mô tả trong sách Nghi Thức Rôma" (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Cùng với quy chế trên, chúng ta có thể nêu thêm các chỉ dẫn được cung cấp bởi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong tài liệu “Dựng xây từ các viên đá sống sộng, Built of Living Stones):

“61. Phần trung tâm của khu vực mà từ đó Lời Chúa được công bố trong phụng vụ là giảng đài. Thiết kế của giảng đài và vị trí nổi bật của nó phản ánh phẩm giá và tính quý phái của lời cứu độ, và thu hút sự chú ý của các người hiện diện cho việc công bố Lời Chúa. Chính tại giảng đài, cộng đồng Kitô hữu gặp được Thiên Chúa sống động trong lời của Ngài, và tự chuẩn bị bước vào phần Nghi thức Bẻ bánh, cũng như cho sứ vụ sống Lời Chúa sắp được công bố. Cần có một khu vực rộng lớn xung quanh giảng đài để cho phép một cuộc rước Sách Tin Mừng, với đầy đủ các thừa tác viên cầm nến và bình hương. Phần Giới Thiệu cho Sách Bài Đọc đề nghị rằng việc thiết kế bàn thờ và giảng đài mang một 'mối quan hệ hài hòa và gần gũi' lẫn nhau, để nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Lời Chúa và Thánh Thể. Bởi vì nhiều người chia sẻ trong thừa tác Lời Chúa, giảng đài nên dễ tiếp cận được với mọi người, kể cả các người có khuyết tật về thân thể.

“62. “Sự cung kính của chúng ta dành cho Lời Chúa được diễn tả không chỉ trong việc chăm chú lắng nghe và suy niệm Kinh Thánh, mà còn bằng cách chúng ta trao và cư xử đối với Sách Tin Mừng. Giảng đài có thể được thiết kế không chỉ cho việc đọc và giảng Lời Chúa, mà còn để trưng bày cuốn Sách Tin Mừng mở ra, hay một bản sao chép Sách Thánh trước hay sau cử hành Phụng vụ”.

Tôi nghĩ rằng có hai nguyên tắc làm sáng tỏ tình huống trong trường hợp cụ thể này.

Trước tiên, giảng đài nên được cố định cách lý tưởng. Điều này là bởi vì giảng đài là một vị trí trong cung thánh, chứ không chỉ là một thứ trang trí nội thất trong khu vực này.

Thứ hai, giảng đài nên được đặt "như thế nào để cho giáo dân có thể dễ dàng nhìn thấy và nghe được thừa tác viên có chức thánh và các độc viên",

Trong trường hợp được mô tả bởi bạn đọc này, dường như giảng đài được đặt ngang, có thể nói như vậy, theo một cách thế mà cả các nữ đan sĩ và bất kỳ khách dự lễ nào đều nhìn nghiêng độc viên. Tôi giả định rằng các micrô giải quyết vấn đề được nghe tốt.

Trong khi không phải là một tình hình lý tưởng, tôi tin rằng, trong trường hợp đặc biệt này, dường như có một giải pháp hợp lý để không ai có mặt đang lắng nghe độc viên, mà lại nhìn vào lưng của người này.

Điều này là quan trọng, bởi vì các bài đọc và bài giảng chủ yếu hướng tới mọi người có mặt ở đó.

Tuy nhiên, trong Kinh Nguyện Thánh Thể, vị trí của vị linh mục đối với giáo dân là ít quan trọng hơn, vì ngài đang trực tiếp thân thưa với Chúa Cham với tư cách là thừa tác viên của Chúa Kitô, hơn là đang nói chuyện với chính cộng đoàn.

Ngoài ra, có một số thí dụ lịch sử về các giảng đài, nơi mà độc viên phải hướng về phía một bên trong suốt thời gian phục vụ của mình. Thí dụ, Nhà thờ Thánh Lôrensô ở Rôma có hai giảng đài lịch sử, một là dành cho bài Thánh Thư và một dành cho bài Tin Mừng. Trong cả hai trường hợp, vị trí các độc viên được đặt về phía gian bên, và không đối mặt với cộng đoàn.

Cuối cùng, không phải tất cả các đan viện đều có thiết kế này và sự khó khăn này. Thí dụ, trong nhà nguyện của Tu viện Nhập thể ở Avila, nơi mà Thánh Têrêsa lần đầu tiên bước vào đời tu, cửa lưới sắt của nữ đan sĩ được đặt phía sau, để cho mọi người nhìn hướng về cung thánh trong Thánh Lễ. Trong các trường hợp khác, vị trí của các nữ đan sĩ là tiếp giáp ngay với cung thánh. (Zenit.org 19-6-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Bài giảng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Lễ Tuyên Phong Hiển Thánh 117 Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam
Đức ông Vinhsơn Trần Ngọc Thụ
15:43 19/06/2018
1. “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá” (1 Cr 1,23).

Bằng những lời này của Thánh Phaolô Tông đồ, hôm nay Hội Thánh Rôma xin chào Hội Thánh tại Việt Nam, dù xa xôi về địa lý, vẫn rất gần gũi với trái tim chúng tôi; đồng thời, xin chào toàn thể dân tộc Việt Nam, và với tất cả lòng quý mến, xin cầu chúc quý quốc được mọi sự tốt lành.

Tâm tưởng đầu tiên, thân tình và quý mến của tôi, xin dành cho người anh em thân yêu, Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng giám mục Hà Nội, cùng tất cả Giám mục đoàn của Hội Thánh Việt Nam mà trong lúc này, tôi cảm nhận các ngài đang quy tụ cách thiêng liêng chung quanh tôi. Cùng với các ngài, tôi chào các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân đang dấn thân trong hoạt động truyền giáo, tất cả các tín hữu Kitô tại Việt Nam, trong lúc này tôi cảm thấy gần gũi họ cách đặc biệt và sâu xa.

Tôi cũng muốn chào các anh em thân yêu trong hàng Giám mục đến cùng các nhóm tín hữu thuộc Tây Ban Nha, Pháp, Philippines, những xứ sở mà trong ba thế kỷ đã liên kết với việc truyền bá Tin Mừng tại Việt Nam. Họ đang ở đây để tưởng nhớ biết bao người anh em là những thừa sai xuất xứ từ quê hương mình.

Ngoài ra, tôi gửi lời chào đến các cha Đaminh thuộc tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi, được thành lập cách đây 400 năm, và đến Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris; trong số các giám mục và linh mục mà hôm nay chúng ta tôn kính như các vị tử đạo vì đức tin và rao giảng Tin Mừng, có nhiều người thuộc về hai gia đình tu trì trên.

2. Trong cộng đoàn lớn lao của Hội Thánh, cách đặc biệt tôi xin chào các anh chị em Việt Nam thân yêu đến từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Mỹ và châu Á, từ châu Úc và tất cả các quốc gia thuộc châu Âu. Tôi biết anh chị em vui mừng phấn khởi vì ước mong tôn vinh các vị tử đạo đồng hương, nhưng còn vì khi quây quần để tưởng nhớ các vị tử đạo, anh chị em cảm nhận nhu cầu xây dựng lại tình huynh đệ, tình bằng hữu, tình thân ái đang tràn ngập trong tâm hồn do bởi tất cả anh chị em đều có chung một quê hương. Trong khi sống lại ký ức về các ngài, anh chị em hướng về quê hương mình bằng tình yêu, sự nhung nhớ, và ước mong được sống một khoảnh khắc hiệp thông chứa chan hi vọng, trong lúc còn sống trong cảnh xa quê. Cùng với anh chị em, chúng tôi loan báo Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá, hôm nay chúng tôi muốn tạ ơn Thiên Chúa vì chứng từ đặc biệt mà các vị tử đạo trong Hội Thánh của anh chị em đã cống hiến, dù phần đông các ngài là con dân Việt Nam, hay là các vị thừa sai đến từ các quốc gia nơi đó niềm tin vào Đức Kitô đã được cắm rễ sâu.

Truyền thống của anh chị em nhắc chúng ta nhớ rằng lịch sử tử đạo của Hội Thánh Việt Nam từ khởi đầu đã rất phong phú và phức tạp. Từ năm 1533, nghĩa là từ lúc khởi đầu việc rao giảng Kitô giáo tại Đông Nam Á, trong suốt ba thế kỷ, Hội Thánh tại Việt Nam đã phải chịu những cuộc bách hại khác nhau, nối tiếp nhau, có đôi lúc ngưng nghỉ, như những gì đã xảy ra cho Hội Thánh phương Tây trong ba thế kỷ đầu tiên. Hàng ngàn Kitô hữu phải chịu chết vì Đạo, và rất đông là những người phải chết trên núi, trong rừng, nơi những miền đất độc hại họ bị lưu đày.

Làm sao kể lại cho hết? Cho dẫu chúng ta chỉ tự giới hạn trong số các vị được tuyên thánh hôm nay thôi, cũng không thể kể ra từng vị. Tất cả là 117 vị, trong đó có 8 giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân và trong số giáo dân, có một phụ nữ là Anê Lê Thị Thành, mẹ của sáu người con.

Chỉ cần nhắc đến một hoặc hai khuôn mặt là đủ, chẳng hạn cha Vinh Sơn Liêm, dòng Đaminh, chịu tử đạo năm 1773; ngài là vị tử đạo đầu tiên trong số 96 vị tử đạo người Việt Nam. Rồi tới một linh mục khác, cha Anrê Dũng Lạc, có cha mẹ là người ngoại đạo, rất nghèo; từ nhỏ đã được gửi cho một thầy giảng, trở thành linh mục năm 1823, là cha xứ và nhà truyền giáo ở nhiều nơi trong đất nước. Hơn một lần, ngài đã được thoát cảnh tù tội nhờ các tín hữu quảng đại đem tiền chuộc về, nhưng ngài ao ước được chết vì Đạo cách mãnh liệt. Ngài nói: “Ai chết vì đức tin sẽ được lên trời; ngược lại, chúng ta cứ phải trốn tránh liên tục, tiêu tốn tiền bạc để đút lót những kẻ bách hại! Sẽ tốt hơn nhiều nếu cứ để chúng tôi bị bắt và chết”. Được nâng đỡ nhờ lòng nhiệt thành lớn lao và nhờ ơn Chúa, ngài đã chịu trảm quyết tại Hà Nội ngày 21 tháng 12 năm 1839.

3. Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta những lời Đức Kitô Giêsu đã loan báo cho các môn đệ Người về những cuộc bách hại họ sẽ phải chịu: “Hãy coi chừng người đời vì họ sẽ đưa anh em ra công đường và đánh đập anh em trong các hội đường của họ; anh em sẽ bị điệu ra trước vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết” (Mt 10,17-18). Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ và môn đệ của Người ở mọi thời; Người đã nói rất thẳng thắn! Người không thu hút các ông bằng những lời hứa hẹn giả dối nhưng bằng chân lý trọn vẹn, vốn luôn là đặc trưng trong các lời của Người, Người đã chuẩn bị cho các ông trước những nguy hiểm: “Anh sẽ nộp em cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái đứng lên tố cáo cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 10,21-22).

4. Tuy nhiên, Thầy chí thánh đã không bỏ rơi các môn đệ và các tín hữu của Người trong những cơn bách hại nặng nề: “Khi người ta nộp anh em, đừng lo phải nói gì; vì không phải anh em nói nhưng Thần Khí của Cha anh em sẽ nói cho anh em” (Mt 10,19-20).

Thánh Thần, Thần chân lý, Ngài sẽ là sức mạnh thay cho sự yếu đuối của anh em. Anh em sẽ làm chứng bằng sức mạnh của Ngài. Chính sự kiện anh em phải làm chứng cho Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá, lại chẳng cần đến sự khôn ngoan và sức mạnh vượt trên sức mạnh loài người sao? Khi Thánh Tông đồ viết rằng thập giá “là sự ô nhục đối với người Do Thái và điên rồ đối với người Hi Lạp” (1Cr 1,23), lại chẳng phải là nói về Đức Kitô sao? Đã xảy ra như thế vào thời các Tông đồ. Cũng lặp lại như thế trong những thời kỳ khác nhau của lịch sử, ở những nơi chốn và thời điểm khác nhau. Cũng xảy ra như thế vào thời bách hại tôn giáo chống lại các Kitô hữu Việt Nam.

Do đó, cần phải có sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa để loan báo mầu nhiệm tình yêu này của Thiên Chúa, nghĩa là ơn cứu chuộc trần gian nhờ thập giá: mầu nhiệm vĩ đại nhất, đồng thời là điều không thể hiểu được về mặt nhân loại. “Bởi vì cái điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn sức mạnh loài người” (1Cr 1,25). Chính vì thế Thánh Tông đồ viết: “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá”: Đức Kitô mà cụ thể trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người, chính là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,23-24).

5. Như thế, trước mặt chúng ta hôm nay là các vị tử đạo Việt Nam, những thợ gặt của Thiên Chúa mà Thánh vịnh nói tới: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Họ ra đi trong than khóc, mang theo mình hạt giống; trở về trong hân hoan, mang theo gánh lúa vàng” (Tv 126,5-6).

Trong ánh sáng của những lời huyền nhiệm này, chúng ta hiểu được ý nghĩa đích thực của những chứng tá lịch sử nơi các vị tử đạo của Hội Thánh Việt Nam. Với nước mắt của các ngài, bao hạt giống Tin Mừng và ân sủng đã được gieo, từ đó trổ sinh thật phong phú ân huệ đức tin: “Hạt giống gieo vào lòng đất mà không chết đi thì chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, sẽ sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24).

Các vị tử đạo Việt Nam “đã gieo trong nước mắt”, trong thực tế các ngài đã khởi xướng một cuộc đối thoại sâu sắc và mang tính giải thoát với người dân và nền văn hóa của dân tộc họ, trước hết bằng cách loan báo chân lý và tính phổ quát của niềm tin vào Thiên Chúa, ngoài ra còn đề nghị một phẩm trật các giá trị và bổn phận phù hợp cách đặc biệt với nền văn hóa tôn giáo của tất cả thế giới Đông phương. Theo sự hướng dẫn của Sách Giáo lý đầu tiên bằng tiếng Việt, các ngài đã làm chứng cho sự kiện là phải tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi, là Đấng Thiên Chúa duy nhất đã dựng nên trời đất. Đối diện với những thái độ áp bức của nhà cầm quyền về việc thực hành đức tin, các ngài khẳng định sự tự do riêng của đức tin, (đồng thời) bằng sự can đảm khiêm nhu, các ngài bảo vệ lập trường rằng Đạo Kitô là chính nghĩa duy nhất mà các ngài không thể bỏ, bởi lẽ không thể không vâng lời Chúa là Đấng Tối cao. Ngoài ra, các ngài mạnh mẽ nói lên ý chí tôn trọng quyền bính trong nước, không đi ngược lại những gì là công chính và lương thiện; các ngài dạy phải tôn trọng và thờ kính Tổ tiên, theo cách thế của mỗi vùng miền, trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh. Cùng với các vị tử đạo của mình và qua chứng tá riêng, Hội Thánh Việt Nam có thể loan báo sự dấn thân và ý muốn của mình là không chối từ truyền thống văn hóa và những định chế hợp pháp trong xứ sở; trái lại, Hội Thánh đã tuyên bố và chứng tỏ rằng Hội Thánh muốn nhập thể trong truyền thống này, trung thành góp phần vào sự phát triển đích thực của đất nước.

Thế rồi, những xung đột và căng thẳng chính trị đã xuất hiện trong mối tương quan giữa các kitô hữu với nhà cầm quyền, với những quyền lợi của các tôn giáo khác, những lý do kinh tế và xã hội, sự hiểu lầm về tính siêu việt và phổ quát của đức tin, tất cả đã tạo nên thứ hỏa ngục trần gian, ở đó sự thanh khiết và sức mạnh của những chứng tá phi thường này được hiến dâng.

6. Nhưng chính từ đoàn rước đông đảo các vị tử đạo, từ những đau khổ của các ngài, từ nước mắt của các ngài, mà chúng ta có được “mùa lúa vàng của Chúa”. Là những bậc thầy của chúng ta, các ngài cho tôi cơ hội lớn lao để giới thiệu với toàn thể Hội Thánh sinh lực và sự vĩ đại của Hội Thánh Việt Nam: sức mạnh, sự kiên nhẫn, khả năng đối diện với mọi thứ khó khăn và loan báo Đức Kitô. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những điều mà Thánh Thần làm phát sinh cách dồi dào giữa chúng ta!

Một lần nữa, chúng ta có thể nói rằng: với anh chị em, các kitô hữu Việt Nam, máu các vị tử đạo là suối nguồn ân sủng để thăng tiến trong đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của cha ông chúng ta vẫn tiếp tục thông truyền đến các thế hệ mới. Đức tin này vẫn là nền tảng của sự kiên trì nơi tất cả những ai coi mình thực sự là người Việt Nam, trung thành với quê hương, đồng thời mong muốn tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô. Tất cả các kitô hữu đều biết rằng Tin Mừng kêu gọi phải tuân phục các thể chế loài người vì tình yêu đối với Thiên Chúa, làm điều thiện, cư xử như những người tự do, tôn trọng mọi người, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng nhà cầm quyền và các tổ chức công cộng (x. 1Pr 2,13-17). Do đó, việc tìm kiếm công ích của đất nước là một bổn phận chân thành đối với người công dân là kitô hữu, trong sự tự do loan báo chân lý của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với các mục tử và anh chị em trong đức tin, trong ước mong được sống hòa bình với những người khác để thành tâm xây dựng phúc lợi cho mọi người.

7. “Máu các Thánh Tử đạo là hạt giống sinh các Kitô hữu”. “Hạt giống sinh các Kitô hữu”. Ngoài hằng ngàn các tín hữu trong những thế kỷ qua đã bước theo cuộc khổ nạn của Đức Kitô, ngày nay còn có những người đang làm việc, nhiều khi là trong khắc khoải và hi sinh từ bỏ, với tham vọng duy nhất là có thể kiên trì làm việc trong vườn nho của Chúa, như những tôi tớ trung thành hiểu được phúc lành của Nước Thiên Chúa.

“Hạt giống sinh các Kitô hữu” còn là tất cả những ai ngày nay đang sống giữa dân của mình và vì chính nghĩa của Thiên Chúa, cố gắng hiểu ý nghĩa của Tin Mừng Đức Kitô và thập giá của Người, cùng với bổn phận làm việc và cầu nguyện cho Nước Cha trị đến trong mọi tâm hồn, nhất là trong xứ sở mà Chúa đã kêu gọi họ sống ở đó. Bổn phận này, hoạt động nội tâm liên lỉ và mạnh mẽ này đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng hi vọng tín thác nơi những người biết rằng sự quan phòng của Thiên Chúa hoạt động cùng với họ, để làm cho những nỗ lực cũng như những đau khổ của họ sinh hoa kết quả.

8. “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa” (Kn 3,1).

Sách Khôn Ngoan công bố chân lý huy hoàng này, tuôn đổ ngập tràn ánh sáng trên biến cố chúng ta cử hành hôm nay. Vâng, “Linh hồn người công chính ở trong tay Chúa và không hình khổ nào chạm tới được”. Xem ra những lời này không tương ứng với thực tế lịch sử: thật vậy, các vị tử đạo đã phải chịu cực hình, quá sức là đàng khác! Nhưng tác giả được linh ứng khai triển tư tưởng của mình rộng lớn hơn: “Những kẻ ngu muội nghĩ rằng các ngài đã chết rồi, coi sự ra đi của các ngài là điều vô phúc, việc các ngài rời bỏ chúng ta là sự tiêu diệt; thế nhưng các ngài ở trong bình an. Người đời cho rằng các ngài bị trừng phạt, nhưng niềm hi vọng nơi các ngài hướng đến sự bất tử” (Kn 3,2-4).

Các Thánh Tử đạo! Các Thánh Tử đạo Việt Nam! Các chứng nhân cho chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết! Các chứng nhân cho ơn gọi con người hướng đến sự bất tử!

Sách Khôn Ngoan tiếp tục: “Hãy chịu khổ đôi chút; hãy đón nhận ân huệ lớn lao, vì Thiên Chúa đã thử thách các ngươi và thấy các ngươi xứng đáng với Ngài. Ngài thử thách các ngươi như thử vàng trong lò lửa, và đón nhận các ngươi như của lễ toàn thiêu” (x. Kn 3,5-6).

Vâng. Như của lễ toàn thiêu, kết hợp với hy tế thập giá của Đức Kitô. Thật vậy, cách riêng với các ngài, thưa Các Vị Tử đạo Việt Nam, các ngài đã loan báo đến cùng Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá, là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng ta hướng về Đức Kitô, nhờ Người, chúng ta đạt đến ơn cứu độ của Thiên Chúa.

9. “Những ai trông cậy vào Người – vào Đức Kitô chịu đóng đinh Thập giá và Phục sinh – sẽ hiểu biết chân lý; những ai trung thành sẽ ở gần Người trong tình yêu, vì ân sủng và lòng thương xót được dành cho những ai Người tuyển chọn” (x. Kn 3,9).

Thưa Các Ngài là những vị được tử đạo! Thưa Các Ngài là những người được tuyển chọn!

Xin hãy nghe đến cùng điều mà Sách Khôn Ngoan nói về các ngài: “Trong ngày phán xét, họ sẽ rực sáng như những tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy” (Kn 3,7).

Như những tia lửa, như những ánh chớp của nguồn sáng chiếu soi rực rỡ… Xin hãy nghe đến cùng điều mà Sách Khôn Ngoan nói về các ngài: “Họ sẽ cai trị các dân tộc, hành quyền trên các dân và Chúa sẽ ngự trị trên họ đến muôn đời” (Kn 3,8).

Chúa Kitô chịu đóng đinh thập giá và phục sinh. Đấng đã đến trong thế gian, không phải để “xét xử thế gian, nhưng để nhờ Người mà thế gian được cứu độ” (Ga 3,17).

Đức Kitô ấy! Cũng như các ngài đã dự phần đau khổ và thập giá của Chúa, thì các ngài cũng dự phần vào ơn cứu độ thế giới mà Người đã thực hiện.

Nguyện cho mùa gặt của các ngài sẽ kéo dài trong hân hoan!

Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 19-06-1988

Dịch từ nguyên bản tiếng Ý: Đức ông Vinhsơn Trần Ngọc Thụ