Ngày 20-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
CN 12A Suy nghĩ về Chúa Quan Phòng
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:29 20/06/2020
Đề tài “sợ” nổi rõ trong suốt bài Tin Mừng hôm nay. Sách các bài giảng thường khai thác đề tài này khá kỹ : “Sợ gì và không sợ gì”; “sợ ai và cóc sợ ai” v.v…

Tôi sẽ không theo hướng phân tích nỗi sợ, mà chọn 1 câu nhỏ Chúa nói, hai con chim sẻ không phải chỉ đáng 1 hào sao? để khai thác đề tài về Chúa Quan Phòng : đẩy sợ ra ngoài bằng cách tin vào Chúa Quan Phòng.

Chắc các chị dòng Chúa Quan Phòng gần đây (157 Hai Bà Trưng, Saigon) nói về CQP là danh hiệu và cùng đích của Dòng họ, hẳn là hay ho hơn chúng ta. Nhưng nào mời được mấy chị, mà mời được, họ cũng không dám nói trong thánh lễ, vì luật phụng vụ không cho họ giảng. Thôi cứ để tôi nói.

Kính thưa anh chị em,

Nhiều người giáo dân, nhất là miền quê, nghèo đôi chút, chứ không phải cường hào ác bá, có một thái độ rất đặc biệt, đáng khen: gặp chuyện vui hay chuyện buồn, họ cũng đều nói "Đó là ý Chúa"; thành công hay thất bại, họ cũng nói "đó là ý Chúa"; trước mọi khó khăn, nguy hiểm, họ nói "Để Chúa lo.” Phải chăng thái độ đó là quá ngây thơ: đành rằng có Chúa đó, nhưng bản thân mình cũng phải xoay xở chứ! "Hãy tự giúp mình trước, rồi Chúa sẽ giúp thêm" !

Nhưng suy cho cùng, thái độ tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng có những cơ sở rất vững vàng:

- Người phó thác vào Chúa quan phòng tin rằng Chúa luôn hiện diện bên cạnh con người trong mọi tình huống. Tin như thế là rất đúng, vì Thánh Kinh hằng lặp đi lặp lại biết bao lần chân lý ấy: "Ta hằng ở với con", "Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế, ” "Chúa ở cùng anh chị em".

- Người phó thác vào Chúa cũng tin rằng Chúa có kế hoạch của Ngài và không điều gì xảy ra ngoài kế hoạch của Thiên Chúa. Tin như thế cũng rất đúng: "Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi". (bài Tin Mừng hôm nay)

- Người phó thác vào Chúa còn xác tín rằng Thiên Chúa là Cha và mình là con. Một người Cha toàn năng và hết sức yêu thương con như Thiên Chúa thì chắc chắn biết cách an bài cho con cái mình những điều tốt nhất: "Cha chúng con trên trời thừa biết chúng con cần gì"

Tình huống chứng minh Chúa quan phòng

Ta thử xem hai chàng Mehu và Giakin, ta sẽ bắt chước chàng nào.

Mê-hu và Gia-kin, hai người Do Thái, cùng nhau lên đường tới một phương xa. Họ dùng một con lừa để chở hành lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ. Mê-hu là một tín hữu rất đạo đức, có lòng tin vào Chúa quan phòng. Nhưng Gia-kin lại là người rất cứng lòng tin. Vừa lên đường được ít phút, Gia-kin cứng tin đã cảnh cáo Mê-hu:

- Rồi đây anh sẽ thấy anh có còn tin Chúa, tin đến độ nào.

Khi mặt trời gần lặn, hai người đến một ngôi làng nhỏ. Họ gõ cửa hết nhà này sang nhà khác nhưng không ai cho họ trú ngụ qua đêm. Họ đành phải tìm đến một ven rừng. Bấy giờ Gia-kin mới thốt lên:

- Như thế này thì liệu Chúa của anh có tốt không?

Vốn luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng Mê-hu bình tĩnh đáp:

- Ðây là chỗ tốt nhất mà Chúa đã dành cho chúng ta để qua đêm nay.

Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới gốc một cây lớn. Họ cột chú lừa vào một thân cây bên cạnh. Chưa kịp đốt đuốc lên thì họ nghe một tiếng động mạnh từ xa vang tới. Thì ra, chỉ chớp mắt, một con sư tử đã bổ tới cắn xé chú lừa và lôi đi. Hai người vội leo lên cây để tránh nạn.

Vừa tức giận vừa mỉa mai, Gia-kin hỏi bạn:

- Nào, Chúa của anh còn tốt nữa không?

Mê-hu bình thản trả lời:

- Nếu con sư tử không gặp con lừa trước thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi. Vì Chúa là đấng tốt lành.

Vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu thất thanh. Hai người trèo lên cao hơn. Dưới ánh đuốc họ nhận ra con gà đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng (beo). Gia-kin chưa kịp thốt ra lời cay đắng nào thì Mê-hu đã xác định:

- Tiếng kêu của con gà đã một lần nữa giúp chúng ta thoát nguy hiểm. Cảm tạ Chúa là đấng tốt lành.

Liền lúc ấy một cơn gió mạnh làm tắt phụt ngọn đuốc. Thế là hai người chìm trong tối tăm rùng rợn. Gia-kin bực bội nói:

- Xem chừng Chúa của anh làm việc phụ trội (overtime) trong đêm nay.

Lần này thì Mê-hu chỉ biết lặng thinh.

Sáng hôm sau, hai người vào làng mua thức ăn, mới hay đêm hôm ấy một bọn cướp đã tấn công làng và vơ vét hết tài sản của dân. Lúc ấy Mê-hu mới giải thích cho Gia-kin:

- Giả như đêm qua chúng ta có nơi trú ngụ trong làng hẳn là đã không thoát khỏi tay bọn cướp. Và nếu gió không thổi thắt ngọn đuốc thì hẳn bọn cướp đã thấy chúng ta. Bạn tin chưa? Trong tất cả mọi sự Thiên Chúa là đấng tốt lành.

Bệnh tật cũng minh chứng CQP

Ngay cả khi bản thân mình mang bệnh tật, cũng là một minh chứng Chúa Quan Phòng.

Năm 1953, nhiều nhật báo ở Mỹ đăng tin: ngày 14.1.1953, tại Kansas, bác sĩ loan tin cho LM Julius Bussi đang nằm điều trị tại nhà thương rằng: “Cha sẽ phải chết dần chết mòn vì bệnh ung thư”.

Là một người luôn có tinh thần siêu nhiên, hết lòng tin tưởng vào Chúa quan phòng, Ngài mỉm cười đáp: “Đó là đặc ân, đó là thánh ý Chúa muốn. Nhờ bệnh ung thư, tôi có đủ thời gian để dọn mình chết lành hơn là bị các bệnh hoạn (tai biến, đột quị) tai nạn khác bất ngờ xảy đến, không chuẩn bị kịp”.

Thiên nhiên minh chứng CQP

Một hôm có chàng thanh niên vào rừng đốn củi. Đến trưa nhọc mệt, anh nằm nghỉ dưới gốc cây đa cổ thụ, nhìn lên thấy cành lá rườm rà, song quả đa nhỏ xíu?

“Tôi mà là ông trời, tôi cho nó mang trái lớn như trái bí và lá to như lá chuối; như thế mới cân xứng. Đang khi thân bí yếu ớt mà phải mang trái lớn, cây chuối không cứng rắn mà phải mang lá to như tấm phản. Quả Đức Chúa Trời thiếu khôn ngoan. Hay là không có Đức Chúa Trời, mọi vật do ngẫu nhiên mà có.”

Miên man nghĩ như vậy anh thiếp ngủ lúc nào không hay. Đang giấc ngủ say, một cơn gió lớn thổi mạnh làm rớt xuống giữa sống mũi anh quả đa (trái sung). Anh giật mình thức giấc, vừa suýt soa vừa nghĩ: “May quá, phải trái đa lớn như trái bí thì kể như bữa nay ta tận số rồi.

Thế ra Đức Chúa Trời khôn thật. Ngài xếp đặt cả rồi đấy chứ ! hèn chi người ta nói: trái dừa rớt bao giờ cũng tránh người, sầu riêng rơi thường rụng trong đêm”

Tình huống minh chứng CQP, thiên nhiên minh chứng CQP và cả khi bệnh tật cũng minh chứng CQP. Vậy kết luận, hãy tin CQP ắt sẽ không sợ chi, chẳng sợ ai.

Tóm lại, hãy tin Chúa Quan Phòng (*)

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

_____________________________________________

(*) Ta hãy lắng nghe một lá thư viết hơn 1 thế kỉ rồi, của một người, sau này làm chức vị cực cao trong GH, nhưng lại được cả thế giới yêu mến, và mới được phong thánh :

Đại chủng viện Roma 16.1.1901

Trọng kính thăm ba má, bác Hai, cậu và anh chị.

Khi thư này đến nhà, chắc cả nhà đang sốt sắng dự Tuần Đại phúc mở tại họ đạo, và con mong rằng tất cả đã sốt sắng lo việc phần hồn, xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu.

Con không cầu cho gia đình được giàu sang, chỉ xin cho mọi người trở nên Kitô hữu tốt, sống nghèo khó, bình an phó thác trong tay Chúa quan phòng.

Con lấy làm vinh dự sống trong cảnh nghèo của gia đình mình, không bánh mì, chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến thịt, có chăng là đôi ba dịp trong năm. Lễ Giáng sinh thì được thẻo bánh, mà tự làm. Tuy nhiên dù gần 20 đứa lớn bé đang chờ chực bát cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, má vẫn mời họ ngồi vào bàn chia bữa ăn chúng con cho họ.

Xin ba má tha cho những kẻ đã và đang làm hại gia đình mình. Biết đâu trước mặt Chúa họ tốt hơn mình.

Chúa muốn con làm linh mục không vì giầu sang. Nếu thế thì thật là khốn nạn. Con sẽ làm linh mục để phục vụ người nghèo...

Con Angelo

Đó là bức thư thầy Angelo Roncalli (sau là giáo hoàng Gioan XXIII) gửi thăm Ba Má.
 
Vì Bố Tôi Là Hoa Tiêu Vĩ Đại
Lm Giuse Trương Đình Hiền
08:31 20/06/2020
Chúa Nhật 12 TN A 2020

Đã đi qua cuộc đời mà ai đó bảo rằng “ta chưa bao giờ phải sợ” thì chắc thuộc “công dân Suối Nổ” hoặc “Trảng Bom”! Thật vậy, chúng ta có thể đồng ý với nhận xét của Marrianne Williamson: “Chúng ta được sinh ra trong tình yêu thương. Sợ hải là điều mà chúng ta học được qua cuộc sống”.

Và qua kinh nghiệm cuộc sống, người ta có thể liệt kê hàng trăm thứ sợ: sợ đau, sợ chết, sợ già, sợ mất của, sợ bồ đá, sợ phản bội, sợ ăn trộm, sợ người ta chê, sợ thi rớt, sợ phỏng vấn trượt…; hay như cái sợ “thật dễ thương” của lứa tuổi học trò:

Tôi sợ ngày mai tôi sẽ lớn

Tuổi học trò cắp sách còn đâu

Áo trắng nhường cho những chiếc áo màu

Nỗi buồn sẽ đong đầy trên khóe mắt

(…)

Tôi sẽ hết bên mẹ hiền phụng phịu

Nũng nịu đòi xin mẹ được rong chơi

Ngày mai ơi! xin đừng đến với tôi

Vì tôi sợ ngày mai tôi sẽ lớn…

Cho nên, nếu hỏi rằng: ai là người ít sợ nhất hay không biết sợ, có lẽ chúng ta đều đồng ý với câu trả lời: TRẺ EM. Và đây là câu chuyện minh hoạ cho “đáp án” trên:

Người ta kể rằng, trên một con tàu xuyên đại dương, tất cả mọi hành khách đều nhốn nháo hoang mang lo sợ khi tàu phải đối diện với một cơn bão lớn. Trong khi đó, tại phòng lái của viên thuyền trưởng, có một em bé vẫn bình thản, vui chơi, như không cảm thấy sự gì xảy ra. Có người thấy vậy mới buột miệng hỏi em:

- Sao đang đứng trước phong ba bảo táp như thế mà cháu vẫn bình tâm vô sự?

Em bé tươi tỉnh trả lời:

- Bố tôi đang lái tàu mà, tôi có gì mà phải sợ !

Thì ra em bé không hoang mang lo sợ không phải vì chính mình hay vì những bảo đảm chung quanh, mà giản đơn, chỉ vì một điểm tựa duy nhất: “BỐ TÔI ĐANG LÁI TÀU”.

Trên “chuyến tàu đời” hôm nay, chúng ta cũng đang phải đối diện từng ngày với những phong ba bão táp của cuộc sống, những đe dọa trăm chiều, những áp lực nặng nề bủa vây giăng mắc trên mọi nẻo đời thường… Cuộc đời của Vị Ngôn Sứ được trích đọc hôm nay, sứ ngôn Giêrêmia, là phản ảnh rõ nét những xuyến xao, lo sợ như thế, khi Ngài phải đối diện với bao nỗi oái ăm, nguy khốn tràn ngập cuộc đời làm chứng cho chân lý.

Tuy nhiên, điều cuối cùng mà sứ điệp Lời Chúa muốn gióng lên cho dân Ít-ra-en xưa, hay muốn chuyển tải đến muôn người trên thế giới, đến chúng ta hôm nay, qua miệng của Sứ ngôn Giêrêmia lại chính là: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng…Hãy ca ngợi Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo” (BĐ 1). Và đây cũng chính là điều mà Đức Kitô, Đấng được tiên báo qua sứ điệp và hình ảnh của sứ ngôn Giêrêmia, đã cô đọng thành một mệnh lệnh dứt khoát với hai từ “đừng sợ” qua trình thuật của Tin Mừng Matthêô mà cộng đoàn chúng ta vừa nghe công bố: “Các con đừng sợ những người đó… Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn… Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần…”. (Mt 10, 26-33).

Như vậy, sống giữa đời thường và sống đức tin, không có nghĩa là tìm kiếm cuộc sống an bình thư thái, không có những gian nguy thử thách để lắng lo đối diện, những bão táp phong ba để lo sợ và chiến đấu...; nhưng là biết bình tâm để chiến đấu và chiến thắng sợ hải, biết khôn ngoan và can đảm để vượt qua thử thách gian nan.

Nếu điểm tựa đã giúp cho ngôn sứ Giêrêmia vững vàng trong sứ vụ là “Vị Thiên Chúa, như Trang Dũng Sĩ uy hùng”, thì điểm tựa, sức mạnh để Đức Kitô bảo đảm cho các môn sinh của Ngài “đừng sợ” lại chính là một “Thiên Chúa Cha quyền năng và nhân ái chăm sóc từng con chim sẻ, đếm từng sợi tóc trên đầu”. Và nếu trở lại với câu chuyện của “em bé con ông thuyền trưởng”, thì chúng ta có thể nói được rằng: con người sẽ không còn hoang mang lo sợ bất cứ điều gì khi sống tâm tình tin yêu phó thác của một em thơ đối với Thiên Chúa là “Người Bố đang lái tàu”. Phải chăng, cũng vì lẽ đó mà Chúa Giêsu đã từng dạy bảo chúng ta “Hãy đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn của một trẻ em” (Lc 18, 17).

Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu lầm: thái độ “Đừng Sợ” ở đây không là “giải pháp tạm thời” để lẫn tránh thực tại, để chạy trốn hiểm nguy. Không, đó luôn phải là một chọn lựa anh hùng và đầy can đảm, mà điểm đến cuối cùng chính là “đừng sợ” hy sinh mạng sống. Điều nầy, chúng ta sẽ nhận thấy rõ nét nơi các Chứng Nhân anh hùng Tử Đạo qua suốt các chặng đường lịch sử của Hội Thánh; trong đó, phải kể đến chứng từ “đừng sợ” của các Thánh Tử Đạo Việt Nam: dù gông cùm trăn trói, dù đói khát nhục hình, dù phải bị thiêu, thắt cổ, đâm chém, xẻo từng miếng thịt…các Ngài vẫn mỉm cười trung trinh với Chúa Kitô, với đức tin Công Giáo.

Hơn lúc nào hết, giữa một thế giới đầy hoang mang lo sợ của dịch bệnh, chiến tranh, suy đồi luân lý, hận thù sắc tộc, chia rẽ tôn giáo, ý thức hệ… vài trò ngôn sứ của Hội Thánh, của người Kitô hữu cần thiết biết bao. Vâng, Giáo Hội đang cần những “ngôn sứ” dám đánh cuộc đời mình cho sứ vụ. Ngày xưa, sau khi nhận lãnh sức mạnh Chúa Thánh Thần, các tông Đồ đã mạnh mẽ ra đi loan báo Tin Mừng. Cho dù bị bắt bớ, đánh đập, bị điệu đến trước tòa án để bị cấm loan báo Tin Mừng, cấm nói về Chúa Kitô, các Ngài vẫn can đảm thực hành sứ vụ, cho đến chứng tá cuối cùng là cái chết Tử đạo. Các Ngài đã thực hiện đúng những gì Chúa Kitô đã dạy: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm thì hãy nói ra giữa ban ngày, điều anh em nghe rỉ tai thì hãy lên mái nhà rao giảng”. Quả thật, nếu các ngài sợ hãi, chùn bước, thối lui, thì làm gì có chúng ta hôm nay, làm gì có Giáo Hội, làm gì thế giới biết được Tin Mừng cứu độ, biết Chúa yêu thương con người đến độ chết trên thập giá, biết được niềm hy vọng phục sinh…

Và con đường Ngôn Sứ vẫn nối tiếp dài dài qua muôn thế hệ...

Khi mới lên làm Tổng Giám Mục giáo phận San Salvador, Đức Cha Oscar Romero vẫn còn theo lập trường bảo thủ. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi nhìn thấy những bất công xã hội, ngài đã thay đổi. Mỗi ngày Chúa nhật, ngài giảng ở nhà thờ chánh tòa tố cáo những tội ác đã di diễn ra mà đa số là do các viên chức chính phủ. Các bài giảng của ngài như một luồng điện mạnh chạm đến toàn xã hội. Khi ngài nói, hầu như mọi người đều ngưng việc để lắng nghe. Ngài bị đặt vào tình trạng bị đe đọa thường xuyên. Một vài bạn bè thân thích của ngài đã bị giết chết. Nhưng ngài vẫn không im tiếng, cũng không lánh đi nơi khác an toàn hơn. Ngài nói: “một mục tử chân chính khi thấy nguy hiểm không thể bỏ đoàn chiên để cứu lấy mạng sống mình. Tôi sẽ ở lại với dân tôi". Và ngài đã bị chết dưới lằn đạn tháng ba năm 1980 đúng lúc dâng Thánh Lễ…

Không phải ai cũng được gọi mời để can đảm loan báo chân lý theo kiểu của Thánh Giám Mục Oscar Romero. Tuy nhiên, ai cũng có thể là chứng nhân của Tin Mừng “Đừng Sợ” qua những chiến thắng cái tôi giữa đời thường, trong gia đình; chiến thắng những cơn nóng giận, những lời xúc phạm, những hèn nhát và lười biếng, những ích kỷ nhỏ nhen….Vâng, chính sự thiếu can đảm thực hành những “chi tiết nhỏ” của Tin Mừng đã khiến ơn gọi Ngôn Sứ của nhiều Kitô hữu phai nhạt dần để trở thành những “viên muốn, hạt men bị ném ra bên đường cuộc sống” (Mt 5, 13).

Người ta bảo: “Khi mang trái tim chuột thì thứ gì cũng sợ”. Trái tim chúng ta đã được dựng nên giống ảnh hình Thiên Chúa, được Thánh Thần tác động và thanh tẩy để thành một trái tim biết yêu thương, trung tín, một trái tim được nuôi dưỡng bởi Máu thịt Con Đức Chúa Trời, một trái tim của một dòng tộc mang danh là “Dòng tộc Tư Tế, Vương Đế”, của một Dân Thánh, lẽ nào chúng ta khiếp nhược để giam mình trong những nỗi lo sợ vụn vặt của loài chuột. Chúng ta hãy xác tín vào lời của Đức Kitô: “Can đảm lên, đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian”. Hay như lời của Đức Cố giáo hoàng G.P. II: “Đừng sợ ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô…”. Đi làm Ngôn Sứ phải mang trái tim như thế; trái tim thanh thản của một đứa trẻ thơ đang vững tin rằng Cha trên trời là Hoa Tiêu Vĩ Đại!

Trương Đình Hiền
 
Sức mạnh của niềm tin vào Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
21:27 20/06/2020

Chúa Nhật XII Thường Niên
Gr 20, 10-13; Rm 5, 12-15; Mt 10, 26-33

Chủ đề chính của Chúa Nhật này như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài đọc Lời Chúa đó là: “Sức mạnh của sự phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta chiến thắng trước những khó khăn và thử thách của cuộc sống.” Chúng ta sẽ tập trung suy nghĩ chủ đề này và rút ra những bài học áp dụng cho cuộc sống hằng ngày.

1- Sức mạnh nơi Chúa

Bài đọc I tường thuật sự kiện tiên tri Giêrêmia khi thi hành sứ vụ của mình, ông phải đối diện với những kẻ chống đối và chế nhạo ông. Họ tố cáo, làm nhục và làm cho ông vấp ngã. Trong hoàn cảnh thử thách và khó khăn như thế, ai có thể đứng về phía ông? Ai có thể là chỗ cho vị tiên tri nương tựa? Giêrêmia một lòng xác tín rằng: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng.Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên” (Gr 20, 11). Chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa mang lại cho ông sự vững vàng, kiên nhẫn trước những khó khăn. Cuối cùng Thiên Chúa thấu suốt tâm can ông và bảo vệ ông. Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ. Vâng, chỉ có sức mạnh của niềm tin vào Thiên Chúa giúp chúng ta vững vàng và chiến thắng những thử thách gian truân.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nói về nguồn gốc của tội lỗi và ân sủng, đồng thời ngài cũng quả quyết rằng ân sủng của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự dữ. Quả thế, do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết và thế là sự chết đã truyền tới mọi người. Đây là tội nguyên tổ do tổ tông chúng ta là Ađam và Evà phạm, đã truyền lại cho con cháu là mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, tội lỗi không phải là quyền lực cuối cùng, là sức mạnh lớn nhất. Nhờ Đức Giêsu chịu chết và sống lại, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ơn cứu độ. Ân sủng của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Một cách rất lạc quan, thánh Phaolô cho rằng: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20).

2- Sứ vụ và thách đố

Trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 10, 26-33), sau khi đã gọi và gửi các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu dạy họ và chuẩn bị cho họ đối diện với những khó khăn và bách hại mà họ sẽ phải trải qua. Đi truyền giáo không giống như đi du lịch. Theo đạo không giống như đi dạo. Nên Chúa Giêsu báo trước: “Anh em sẽ phải chịu bách hại.” Vì thế, Chúa khích lệ họ: “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết… Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 26-28). Họ có thể giết chết thân xác nhưng không thể giết chết linh hồn: Đừng sợ điều đó. Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu không bảo đảm sự thành công của họ, cũng không bảo vệ họ khỏi những sai lầm và đau khổ. Họ phải đối diện với những khả năng đó. Đó là sự thật. Cũng như Chúa Giêsu đã bị bách hại và đau khổ khi thi hành sứ vụ, mỗi người môn đệ được mời gọi rập khuôn đời mình theo Chúa Kitô, Đấng đã chịu bách hại bởi con người, bị bỏ rơi và chết trên thập giá vì trung thành với sứ vụ của mình.

Khó khăn và bách hại là một phần của sứ vụ truyền giáo. Chúng ta cũng được mời gọi tìm thấy trong đó cơ hội để chứng thực tính chân thực của đức tin chúng ta và tương quan với Chúa Giêsu. Bách hại và khó khăn có thể trở thành cơ hội để làm chứng cho Chúa. Ở giữa những thử thách đó, chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa Cha gìn giữ chở che chúng ta. Vì những lý do này mà Chúa Giêsu nói: “Các con đừng sợ!” Chỉ những ai biết tin tưởng vào Chúa, kiên trì bền bỉ, họ sẽ tìm được sức mạnh của ân sủng để chiến thắng mọi khó khăn và kẻ thù.

3- Anh em đừng sợ

Ngày hôm nay, các cuộc bách hại chống lại các Kitô hữu vẫn tiếp tục xảy ra trong xã hội chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em đang bị bách hại để nhờ sức mạnh của ân sủng, họ tiếp tục làm chứng cho đức tin với sự can đảm và trung tín của mình vào Chúa. Những gương sáng của họ cũng nhắc nhở chúng ta sứ vụ làm chứng cho Chúa Kitô trong mỗi hoàn cảnh, cả khi thuận lợi cũng như khi không thuận lợi. Chúng ta đừng bao giờ quên lời Chúa dặn: “Đừng sợ!” Nghĩa là: Đừng sợ phải sống thánh thiện. Đừng sợ phải làm chứng cho Chúa. Đừng sợ khó khăn và thử thách. Đừng sợ kẻ thù. Bởi vì Chúa nói rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Chúa Giêsu không để chúng ta một mình, bởi vì chúng ta rất quý giá đối với Người. Đó là lý do tại sao Người không để chúng ta một mình. Mỗi người chúng ta là độc nhất và quý giá trong cặp mắt của Chúa Giêsu và Người đồng hành với mỗi người. Như thế, trước những khó khăn và thử thách của cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Người sẽ ban sức mạnh cho chúng ta. Người sẽ ban ân sủng cho chúng ta. Người sẽ đồng hành với chúng ta để giúp chúng ta vượt thắng mọi nỗi khó khăn và sợ hãi đó. Bởi vì đức tin và ân sủng của Thiên Chúa mang lại cho chúng ta sức mạnh phi thường để chiến thắng mọi khó khăn thử thách.

Nguyện xin Đức Maria, mẫu gương của sự khiêm nhường và gắn bó can đảm với Lời Chúa giúp chúng ta biết tin tưởng vào Chúa trong mọi lúc, nhất là những lúc gặp thử thách, biết can đảm mà không sợ hãi để làm chứng cho Chúa. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có thể chuyển đổi thánh đường Hagia Sophia thành nhà thờ Hồi giáo.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:26 20/06/2020
Hiệp hội Thánh Anrê Tông đồ, thuộc Tòa Thượng phụ Giáo chủ Đại kết, bầy tỏ nỗi buồn khi nghe tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể chuyển đổi thánh đường Hagia Sophia thành một nhà thờ Hồi giáo. Hagia Sofia ở thành phố Istanbul được cả thế giới gọi là Đại Thánh đường của Chúa Kitô. Vương cung thánh đường Santa Sofia do hoàng đế Giustinianô xãy tại thành phố Constantinopoli (Istanbul hiện nay) và được thánh hiến ngày 24.12.562. Đây là vương cung thánh đường lớn nhất thế giới trong gần 1000 năm. Hagia Sophia là trụ sở của Tòa Thượng phụ Đại kết, là trung tâm Giáo hội Chính thống, và là thánh đường tráng lệ nhất thế giới. Sau khi người Hồi giáo chinh phục thành phố Constantinople vào năm 1453, thánh đường đã được chuyển đổi thành một nhà thờ Hồi giáo bởi Sultan Mehmet II, và trở thành một bảo tàng vào năm 1935.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố trong vài năm nay họ có ý định chuyển đổi thành nhà thờ Hồi giáo. Vào ngày 21 tháng 5 năm 2014, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ - USCIRF đã gọi dự luật “theo hướng sai lầm” đã được đưa ra tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Thổ Nhĩ Kỳ để thay đổi tình trạng của Hagia Sophia thành một nhà thờ Hồi giáo. USCIRF kêu gọi Erdogan “công khai từ bỏ dự luật và khẳng định rằng tình trạng hiện tại của Hagia Sophia sẽ được duy trì.”

Mặc dù tình trạng của bảo tàng sau đó không thay đổi, nhưng lời kêu gọi cầu nguyện Hồi giáo lần đầu tiên sau 85 năm đã được tiến hành ở đó vào ngày 1 tháng 7 năm 2016 và Hagia Sophi được trao cho một giáo sĩ thường trú. Đây là một sự vi phạm tình trạng trung lập chính thức của dinh thự. Lãnh đạo Hiệp hội Thánh Anrê Tông đồ đã đến Washington vào thứ ba ngày 12 tháng 7 năm 2016 để phản đối sự phát triển này và tìm kiếm sự chỉ trích chính thức về động thái này từ chính phủ Hoa Kỳ. Một lần nữa, tình trạng của Hagia Sophia không được thay đổi, nhưng vấn đề này vẫn chưa xong. Vào ngày 24 tháng 3 năm 2019, Erdogan đã được hỏi trong một cuộc phỏng vấn liệu Hagia Sophia sẽ được chuyển đổi thành nhà thờ Hồi giáo hay không. Ông trả lời: “Đây không phải là không thể. Chúng tôi thậm chí có thể đổi tên thành Nhà thờ Hồi giáo Ayasofya.”

Hiệp hội Thánh Anrê Tông đồ khẩn cấp yêu cầu Liên Hợp Quốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Ủy ban Tự do Tôn giáo hành động để ngăn chặn điều này, vì tầm quan trọng của Hagia Sophia đối với các Kitô hữu và ảnh hưởng xấu sẽ xảy ra đối nhóm Kitô giáo thiểu số Kitô giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyển đổi thánh đường Hagia Sophia thành một nhà thờ Hồi giáo sẽ làm suy yếu thêm vị thế của các Kitô hữu của quốc gia đó, khiến cho tình hình của họ trở nên bấp bênh hơn. Thay vào đó, chúng tôi yêu cầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định cam kết của mình đối với tự do tôn giáo và loại bỏ tất cả các kế hoạch thay đổi vị thế của Hagia Sophia.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

(Nguồn www.archons.org)
 
Kinh Cầu Đức Bà Loretô: Ba lời kêu cầu mới được thêm vào Kinh Cầu Đức Bà
LM Stêphanô Bùi Thượng Lưu
13:37 20/06/2020
Kinh Cầu Đức Bà Loretô: Ba lời kêu cầu mới được thêm vào Kinh Cầu Đức Bà
Đức Thánh Cha đã quyết đinh một trong các kêu cầu mới cầu cho người di cư


Theo tôn ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ba lời kêu cầu mới sẽ được thêm vào trong Kinh Cầu Đức Bà Loretô, để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria: “Đức Mẹ hay thương xót, Đức Mẹ là lẽ cậy trông, và Đức Bà nâng đỡ dân di cư“(1).

Trong một văn thư gửi tới các vị chủ tịch của các Hội Đồng Giám mục được chính thức công bố vào ngày 20 tháng 6 năm 2020, Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, đã ghi nhận rằng cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria là „ con đường ưu việt và chắc chắn để gặp gỡ Chúa Kitô“.

Thư Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích
Từ Vatican, ngày 20 tháng 6 năm 2020
Lễ kính Trái tim vô nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria

Trọng Kính Quý Đức Cha,

Trong cuộc hành hương về Thành thánh Giêrusalem trên trời, để được tận hưởng sự hiệp thông vĩnh viễn với Chúa Kitô, Hiền Thê và Cứu Chúa của mình, Giáo hội suốt dọc theo con đường của lịch sử hằng tín thác vào Mẹ là Đấng luôn tin vào Lời Chúa. Chúng ta học biết từ Tin Mừng rằng ngay từ đầu các môn đệ của Chúa Giêsu thực sự đã học để ca khen "Mẹ được chúc phúc giữa các người phụ nữ" và tin tưởng phó thác vào sự can thiệp của Mẹ. Chúng ta không thể đếm hết được các danh hiệu và lời kêu cầu do lòng đạo đức Kitô giáo, trong nhiều thế kỷ, đã dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria, là con đường ưu việt và chắc chắn để gặp gỡ Chúa Kitô. Ngay cả ngày nay, khi đang bị lao đao thử thách bởi biết bao điều nghi hoặc và sai lầm, con cái thảo hiếu càng chạy đến với Mẹ, với đầy lòng yêu mến cậy trông, đấy là điểm đặc biệt thân thương đối với Dân Chúa.

Để diễn đạt tâm tình ấy, Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi đón nhận những mong muốn đã được bày tỏ, đã quyết định ghi thêm vào danh sách Kinh Cầu của Đức Trinh Nữ Maria Vinh Hiển, được gọi là "Kinh Cầu Đức Bà Loretô", ba lời lời kêu cầu sau đây: “Đức Mẹ hay thương xót, Đức Mẹ là lẽ cậy trông, và Đức Bà nâng đỡ dân di cư“: "Mater misericordiae", "Mater spericordia" "Solacium Migrantium". Lời kêu cầu đầu tiên sẽ được thêm vào sau "Đức Mẹ Chúa Kitô ", lời kêu cầu thứ hai thêm vào sau "Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa", lời kêu cầu thứ ba thêm vào sau "Đức Bà bầu chữa kẻ có tội".

Trân trọng vui mừng được kính báo quyết đinh này tới Quý Đức Cha để được thông tri và áp dụng, và cũng nhân cơ hội này xin bày tỏ với Đức Cha tất cả lòng quý mến kính trọng của tôi.

Thành kính trong Chúa
Đức Hồng Y Robert Sarah
Tổng trưởng
Đức TGM Arthur Roche
Tổng Thư Ký


Sau đây là Kinh Cầu Đức Bà

Xin Chúa thương xót chúng con.
- Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
- Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con.
- Xin Chúa thương xót chúng con.
Chúa Kitô nghe cho chúng con.
- Chúa Kitô nhận lời chúng con.
Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.
- Thương Xót Chúng Con.
Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.
- Thương Xót Chúng Con.
Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.
- Thương Xót Chúng Con.
Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.
- Thương Xót Chúng Con.

Rất Thánh Đức Bà Maria.
- Cầu cho Chúng Con.
Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời.
Rất Thánh Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh.
Đức Mẹ Chúa Kitô.
Đức Mẹ hay thương xót (1)
Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa.
Đức Mẹ lẽ cậy trông (1)
Đức Mẹ cực thanh cực tịnh.
Đức Mẹ cực tinh cực sạch.
Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng.
Đức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ.
Đức Mẹ rất đáng yêu mến.
Đức Mẹ cực mầu cực nhiệm.
Đức Mẹ chỉ bảo đành lành.
Đức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa.
Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế.
Đức Nữ cực khôn cực ngoan.
Đức Nữ rất đáng kính chuộng.
Đức Nữ rất đáng ngợi khen.
Đức Nữ có tài có phép.
Đức Nữ có lòng khoan nhân.
Đức Nữ trung tín thật thà.
Đức Bà là gương nhân đức.
Đức Bà là tòa đấng khôn ngoan.
Đức Bà làm cho chúng con vui mừng.
Đức Bà là Đấng trọng thiêng.
Đức Bà là Đấng đáng tôn trọng.
Đức Bà là Đấng sốt mến lạ lùng.
Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy.
Đức Bà như lầu đài Đavid vậy.
Đức Bà như tháp ngà báu vậy.
Đức Bà như đền vàng vậy.
Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy.
Đức Bà là cửa Thiên Đàng.
Đức Bà như sao mai sáng vậy.
Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn.
Đức Bà bào chữa kẻ có tội.
Đức Bà nâng đỡ dân di cư (1)
Đức Bà yên ủi kẻ âu lo.
Đức Bà phù hộ các giáo hữu.
Nữ Vương các Thánh Thiên Thần.
Nữ Vương các Thánh Tổ Tông.
Nữ Vương các Thánh Tiên Tri.
Nữ Vương các Thánh Tông Đồ.
Nữ Vương các Thánh Tử Vì Đạo.
Nữ Vương các Thánh Hiển Tu.
Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh.
Nữ Vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ.
Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông.
Nữ Vương hồn xác lên trời.
Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi.
Nữ Vương ban sự Bình An.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
- Chúa tha tội chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
- Chúa nhậm lời chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
- Chúa thương xót chúng con.
Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
- Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

LỜI NGUYỆN: Chúng con lạy ơn Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, chúng con trông cậy Đức Bà là Chúa bầu chúng con. Xin cho chúng con biết lòng Đức Mẹ yêu dấu con mọn này còn ở dưới thế cách xa mặt Mẹ. Đức Chúa Giêsu xưa xuống thế gian, chẳng bỏ loài kẻ có tội, lại liều mình chịu nạn chịu chết vì hết cả và loài người ta. Đức Mẹ cũng một lòng theo con như vậy. Mẹ ôi, khoan thay, nhân thay, chớ trở mặt đi mà chẳng nhìn chúng con. Xin Đức Mẹ thương xem dạy dỗ yên ủi chúng con. Con cậy Mẹ có phép tắc nhiều trên hết Thiên Thần cùng trên hết các Thánh. Chúng con còn ở dưới thế nầy như kẻ đi biển cả vậy. Đức Mẹ là như ngôi sao chính ngự ở trời bên Bắc vậy. Xin Đức Mẹ dẫn đàng cho chúng con được theo, kẻo phải xiêu chìm sa hỏa ngục vô cùng. Chúng con trông Đức Mẹ cho chúng con ngày sau được vào cửa Thiên Đàng xem thấy mặt Đức Chúa Giêsu cùng mặt Đức Mẹ, được chịu muôn muôn sự phúc gồm hết mọi sự tốt lành chẳng hay hết chẳng hay cùng. Amen.

(1) (Tạm dịch đang khi chờ đợi bản dịch chính thức được ủy ban phụng vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chuẩn y)
(Nguồn: https://fr.zenit.org/articles/litanies-de-lorette-trois-nouvelles-invocations-a-la-vierge-marie/)


Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu

 
Nại đến đức tin Công Giáo, tử tù thoát chết vào giờ thứ 25
Đặng Tự Do
16:45 20/06/2020

Tòa Án Tối Cao đã hoãn việc xử tử một người đàn ông ở Texas vì Bộ Cải Huấn tiểu bang từ chối không cho phép một linh mục Công Giáo tháp tùng với anh ta trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

“Tòa án Quận Hạt phải nhanh chóng xác định, dựa trên bằng chứng nào, và dựa trên các vấn đề an ninh nghiêm trọng như thế nào mà tù nhân đối mặt với án tử hình không được có một cố vấn tâm linh có mặt ngay trong khi thi hành án, ” tuyên bố của Tòa Án Tối Cao cho biết như trên vào ngày 16 tháng Sáu, chỉ một giờ trước khi tử tù bị chích thuốc độc chết.

Ruben Gutierrez, bị dự trù tử hình vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Ba 16 tháng 6 tại nhà tù Cameron, Texas. Phán quyết của Tòa Án Tối Cao được đưa ra vào lúc 4g 15 chiều, tức là chỉ còn 45 phút nữa là thi hành án.

Ruben Gutierrez sinh ngày 10 tháng 6 năm 1977. Vào ngày 5 tháng 9 năm 1998, tại Brownsville, Texas, y và hai đồng phạm đã vào văn phòng của bà Escolastica Harrison, một phụ nữ gốc Tây Ban Nha 85 tuổi với ý định cướp tiền của bà được giữ trong một két sắt. Nạn nhân bị đánh liên tiếp và đâm nhiều nhát vào đầu, khiến bà tử vong. Đối tượng và đồng phạm đã trốn khỏi nơi cư trú với ít nhất là 56, 000 Mỹ Kim. Ngày 14 tháng 5, 1999 cả ba tên bị bắt và bị giam giữ tại Trung Tâm Cải Huấn Cameron, Texas.

Tháng 11, năm ngoái, tử tù Patrick Murphy, 58 tuổi, biết rõ nhà tù này không hề có tuyên uý Phật Giáo nên đến gần ngày hành quyết anh ta xưng mình là Phật tử và yêu cầu được một vị tuyên uý Phật Giáo đồng hành trong ngày hành quyết. Patrick Murphy cho rằng sau khi bị tử hình, anh ta chỉ có thể đến được cõi Niết Bàn nếu như anh ta có thể cùng tụng kinh với một tu sĩ Phật Giáo. Luật sư anh ta tranh biện rằng hệ thống Tư Pháp Hoa Kỳ chỉ có thể lấy mạng của anh ta ở đời này chứ không thể đánh mất cả hy vọng của anh ta vào đời sau. Tòa Án Tối Cao đã ra phán quyết hoãn thi hành án vào ngày 7 tháng 11, 2019.

Trung Tâm Cải Huấn Cameron đã tìm được một tuyên uý Phật Giáo cho anh ta và dời ngày tử hình đến 5 ngày sau, tức là ngày 12 tháng 11, 2019. Gần đến ngày, Murphy lại khiếu nại vị tuyên uý Phật Giáo tụng kinh bằng tiếng Việt và tiếng Phạn, anh ta không hiểu, Tòa Án Tối Cao lại ra phán quyết hoãn thi hành án lần thứ hai. Đến giờ này Murphy vẫn chưa bị tử hình. Murphy được xem là một tên tội phạm nguy hiểm trong nhóm Texas Seven đã giết chết cả cảnh sát trong một vụ cướp.

Sau những rắc rối liên quan đến Murphy, Bộ Cải Huấn tiểu bang ra lệnh không cho phép tuyên uý của bất cứ tôn giáo nào tháp tùng với các tù nhân trong buồng tử hình.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Texas là một trong nhiều tổ chức đã phản đối quyết định này của Bộ Cải Huấn. Giáo lý Giáo Hội Công Giáo phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình, và tuyên bố rằng những người sắp chết nên được chăm sóc tâm linh.

“Từ chối yêu cầu của một tù nhân có một tuyên úy tháp tùng vào giờ chết của mình thể hiện sự từ chối nghiêm trọng về khả năng tha thứ trong khi nhà nước thực hiện bạo lực trong một vụ hành quyết, ” tuyên bố của Hội đồng Giám mục Texas nói.

“Điều này tấn công nhân phẩm của con người thông qua việc loại bỏ một cách trắng trợn một công việc thương xót, như một hành động cuối cùng, có thể giúp đỡ và an ủi một kẻ phạm tội, là người có thể đang tìm kiếm sự tha thứ của Chúa”

“Từ chối sự hướng dẫn và đồng hành về tâm linh đối với một tù nhân đang đối mặt với việc hành quyết là tàn nhẫn và vô nhân đạo. Đó là một quay lưng với các khía cạnh đạo đức và tôn giáo liên quan đến phẩm giá con người, là điều được bảo vệ rõ ràng bởi Tu Chính Án thứ nhất của Hiến pháp, ” Đức Cha Daniel Flores là Giám mục của Brownsville nói.


Source:Catholic News Agency
 
Cảnh sát kêu gọi dân chúng cung cấp các thông tin liên quan đến vụ đánh cắp nhà tạm của một giáo xứ Công Giáo
Đặng Tự Do
16:45 20/06/2020

Cảnh sát đang kêu gọi công chúng giúp đỡ và một giáo xứ đang cầu nguyện sau khi một nhà tạm chứa Mình Thánh Chúa bị đánh cắp từ một nhà thờ ở Boone, Bắc Carolina vào ngày 16 tháng Sáu.

“Chúng tôi kêu gọi những lời cầu nguyện và sự trả lại một cách an toàn Mình Thánh Chúa sau khi nhà tạm bị đánh cắp khỏi nhà thờ vào tối thứ Ba, ” một lời kêu gọi được đăng trên trang web của Nhà thờ Công Giáo Thánh Elizabeth của Hill Country, thuộc Giáo Phận Charlotte cho biết như trên.

Giáo xứ cho biết vụ trộm đã xảy ra vào một lúc nào đó sau 9 giờ tối thứ ba, và tên trộm đã vào nhà thờ qua một cửa sổ.

Cảnh sát cho biết ngoài nhà tạm ra không có gì bị đánh cắp hoặc hư hỏng. Theo điều tra sơ khởi vụ trộm xảy ra có lẽ không phải vì lòng thù hận đức tin nhưng vì tình trạng khó khăn kinh tế gây ra bởi đại dịch coronavirus.

Cha Brendan Buckler, là cha sở nhà thờ kêu gọi anh chị em giáo dân:

“Hãy cầu nguyện và phạt tạ cho việc mạo phạm bí tích Thánh Thể và nhà thờ”.

Ngài cũng lên tiếng kêu gọi kẻ trộm:

“Chúng tôi cầu nguyện để trái tim của bạn có thể xúc cảm và vui lòng trả lại nhà tạm cho chúng tôi, nhưng đặc biệt nhất là các Mình Thánh Chúa bên trong”.

Giáo xứ đã tổ chức Giờ Thánh phạt tạ vào tối thứ Năm.

Thánh lễ tại nhà thờ vào thứ Tư và thứ Năm đã bị hủy bỏ. Trang web của giáo xứ nói rằng những lời cầu nguyện phạt tạ phải được thực hiện trước khi Thánh lễ có thể tiếp tục tại nhà thờ.

Nhà tạm được mô tả là cao khoảng 60cm và rộng khoảng 30cm, và được làm bằng đồng. Nhà tạm chứa một bình đựng Mình Thánh Chúa, trong đó có Bí tích Thánh Thể.

Cảnh sát đang yêu cầu bất cứ ai sống gần nhà thờ kiểm tra bất kỳ các camera giám sát với hy vọng có thể đã bắt được tên trộm.

Không có nhà thờ khác trong khu vực đã trải qua các vụ trộm hoặc phá hoại trong thời gian gần đây.

Đây là lần thứ hai trong những tháng gần đây, nhà thờ Thánh Elizabeth đã trở thành tiêu đề trên báo chí.

Vào tháng Tư, một người lân cận đã báo cáo với sở y tế địa phương rằng linh mục tại giáo xứ Elizabeth đã cử hành Thánh lễ vào Chúa Nhật Phục Sinh với hơn 10 người, vi phạm các tiêu chuẩn y tế công cộng.

Tuy nhiên, giáo xứ cho biết Thánh lễ Phục sinh được cử hành một cách riêng tư, và phù hợp với cả quy tắc giáo phận và các quy định về sức khỏe.


Source:Catholic News Agency
 
Hội thảo trực tuyến về bảo vệ trẻ em: Nền Thần học về Tuổi thơ, Xử sự với Trẻ em như Chúa Giêsu đã Xử sự
Vũ Văn An
19:42 20/06/2020

Nữ tu Nuala Kenny trình bầy phần đầu tiên trong 4 phần của cuộc hội thảo trực tuyến về việc bảo vệ an toàn cho trẻ em và các người dễ bị thương tổn do Liên hiệp Quốc tế Các Bề trên Cả tổ chức; bà đặt căn bản của việc bảo vệ an toàn trẻ em nơi chính tác phong của Chúa Giêsu đối với trẻ em.



Covid-19 đã buộc mọi người hiểu việc dễ bị thương tổn có nghĩa ra sao. Nữ tu Nuala Kenny đã khởi đầu bài trình bầy của bà như thế. Tựa đề đầy đủ bài trình bầy của bà là “Việc bảo vệ an toàn cho các Trẻ em, giới trẻ và các người trưởng thành dễ bị thương tổn và nhu cầu phải có một nền thần học nhất quán về tuổi thơ”. Gần 800 người khắp thế giới đã tham dự cuộc hội thảo trực tuyến này. Nhiều người khác xem ấn bản trực tuyến trên các trang mạng của Liên hiệp Quốc tế Các Bề trên Cả và Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Các Vị Thành Niên.

Muốn cho bất cứ việc bảo vệ an toàn nào được hữu hiệu, Nữ tu Nuala cho hay “cần một nền văn hóa về bảo vệ an toàn”, nếu không “các chính sách và giao thức đều không hữu hiệu”. Bà nói tiếp, trẻ em tại nhiều nơi trên thế giới chìm đắm trong một nền văn hóa vốn góp phần gây hại cho chúng. Chúng trở thành đối tượng của lạm dụng, văn hóa khiêu dâm trẻ em, nạn lao động trẻ em, buôn người, buộc phải đi lính v.v... Chính nền văn hóa bên trong Giáo Hội cũng đã “liên tiếp thất bại trong việc bàn đến các niềm tin và thực hành” vốn cổ vũ việc lạm dụng và bác bỏ, và việc đáp ứng nhất quán, bất thích hợp của giới lãnh đạo trong nhiều thế kỷ.

Dễ bị thương tổn và các vấn đề có tính hệ thống

Nữ tu Nuala nhận định rằng “Bất cứ mối liên hệ nào trong đó bất cứ người nào được tín nhiệm đều “có thể bị mất mát và lạm dụng”. Tuổi thơ là giai đoạn trong đó, con người nhân bản học cách biết bảo vệ tính dễ bị thương tổn của mình. Những ai bị lạm dụng lúc còn thơ, do đó, đặc biệt tan nát cõi lòng. Nữ tu Nuala giải thích “để một đứa trẻ bị lạm dụng, cần có một số điều kiện sẵn có. Các điều kiện này tạo cơ sở để người ta lạm dụng một đứa trẻ, tạo cơ sở trong đó các cơ chế bảo vệ trẻ em thông thường bị vượt qua". Nữ tu cho rằng: Khi một linh mục là người lạm dụng, thì “tai hại gấp đôi” đã diễn ra. Có người còn nói đó là việc “sát hại linh hồn”.

Hoán cải trong gia đình

Theo Nữ tu Nuala, việc hoán cải cần diễn ra là một diễn trình trong đó các thực hành lâu đời nào không phản ảnh gương sáng của Chúa Giêsu thì cần được nhận diện và biến đổi. Việc này bắt đầu từ gia đình, vốn là nơi hàng đầu để dưỡng dục và che chở trẻ em. Bất cứ nền thần học về tuổi thơ nào, do đó, cũng cần loại bỏ các khía cạnh gây hại tới “các giáo hội tại gia” của chúng ta, như: con cái là mục đích của hôn nhân, có con mới chứng tỏ nghị lực nam tính, con trai đáng quí hơn con gái, đức tin là chuyện nhiệm ý...

Hoán cải trong Giáo Hội

Trong Nhiệm thể Chúa Kitô, việc hoán cải này có nghĩa: chúng ta hiểu điều hợp nhất chúng ta hơn điều phân chia người ta thành những phạm trù hay tư thế chuyên biệt. Nó cũng đòi “cuộc đối thoại có ý nghĩa”. Bà cho hay “chúng ta được kêu gọi lớn tiếng chống lại bất công” nhất là khi người dễ bị thương tổn bị nhắm tấn công. Không lớn tiếng như thế là cho phép việc lạm dụng tiếp tục diễn ra. Các ý tưởng về luân lý tính cần được hoán cải từ việc nói về hành vi tội lỗi vốn dễ dàng được tha thứ trong toà giải tội qua việc hiểu cái tác hại mà các hành vi tội lỗi ấy gây ra cho người khác. Sau cùng, Nữ tu Nuala minh họa ý tưởng đương thịnh coi hoạt động phò sinh chỉ nhắm tác phong tính dục và phá thai. Theo bà, ý niệm phò sinh cần mở rộng để bao hàm việc che chở bất cứ ai, nhất là người dễ bị thương tổn, chống lại bất cứ loại tai hại nào.

Xử sự với trẻ em như Chúa Giêsu đã xử sự với chúng

Nữ tu Nuala tin rằng việc hoán cải cần có để cung cấp một nền văn hóa thân thiện với trẻ em là việc hoán cải khiến chúng ta bén rễ sâu “vào chính Chúa Giêsu và việc săn sóc và đụng chạm của Người đối với trẻ em”. Nữ tu Nuala nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu quan tâm đến trẻ em. Người chữa lành cả bé trai lẫn bé gái và trách mắng các môn đệ khi các ngài ngăn cản các em lại gần Người. Nữ tu cũng nhắc mọi người nhớ rằng chính một trẻ em đã cung cấp các ổ bánh và con cá để Chúa Giêsu nhân thừa và nuôi ăn đám đông (xem Ga 6:9). Chúa Giêsu cũng đã biểu lộ “sự giận dữ chính đáng” và những lời nói nghiêm khắc đối với những người gây hại cho trẻ em (xem Mt 18:5-8).

Kết luận, Nữ tu Nuala nói rằng “Trong Giáo Hội của Chúa Giêsu, chúng ta phải cung cấp điều Chúa Giêsu cung cấp cho các trẻ em của Người”.

Kỳ tới: Cha Zollner: Bảo vệ an toàn cho trẻ em trên mạng
 
Đau lòng: Bức tượng của Thánh Junipero Serra bị giật sập tại công viên San Francisco
Đặng Tự Do
20:48 20/06/2020


Một bức tượng của Thánh Junipero Serra, một nhà truyền giáo Công Giáo, đã bị giật sập tại công viên San Francisco hôm thứ Sáu 19 tháng 6, cùng với các bức tượng của Francis Scott Key và Ulysses S. Grant.

Các bức tượng đã bị phá hủy vào tối thứ Sáu tại Công viên Golden Gate, bởi một nhóm khoảng 100 người trong cuộc biểu tình vào ngày Juneteen. Juneteen là chữ viết tắt bởi June, nghĩa là tháng Sáu, và nineteen nghĩa là 19 kỷ niệm ngày 19 tháng Sáu, 1865 khi tướng Liên Minh Gordon Granger công bố tại Galveston, Texas sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ.

Cảnh sát đã được lệnh rút lui bỏ mặc khu vực như trong một thành phố vô chính phủ. Tại sao cảnh sát rút lui khi cuộc biểu tình chỉ có 100 người là câu hỏi đối với nhiều người. Có thể là để tránh xung đột với người biểu tình. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ đây là một quyết định chính trị nhằm đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Trump về tình trạng rối loạn trong cả nước theo sau cái chết của anh George Floyd.

Trên khắp đất nước, những người biểu tình và những kẻ bạo loạn trong tuần này đã kéo xuống những bức tượng của các nhân vật lịch sử. Trong khi một số cuộc biểu tình đã phá bỏ các tượng đài của các nhân vật Liên minh, như là một phần trong lời kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, các bức tượng khác cũng đã bị phá hủy từ các địa điểm quan yếu, bao gồm cả một bức tượng của George Washington.

Francis Scott Key, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1779 và qua đời ngày 11 tháng Giêng năm 1843. là một luật sư, tác giả và nhà thơ sinh quán ở Frederick, Maryland. Ông rất nổi tiếng vì đã viết lời cho bài quốc ca Mỹ “The Star-Spangled Banner.”

Ulysses S. Grant, sinh ngày 27 tháng 4 năm 1822 và qua đời ngày 23 tháng 7 năm 1885 là một quân nhân và chính trị gia người Mỹ, từng là tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ từ 1869 đến 1877. Trước khi làm tổng thống, Grant đã lãnh đạo Quân đội Liên minh là Tổng chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Grant đã thúc giục phê chuẩn Tu Chính Án thứ 15, bảo đảm cho người Mỹ gốc Phi quyền bầu cử, và vào năm 1870 đã tạo ra Bộ Tư pháp liên bang để truy tố Ku Klux Klan.

Việc giật sập tượng của các danh nhân này cho thấy những kẻ phá hoại chỉ là một bọn ngu dốt về lịch sử, hành động mù quáng.

Thánh Junipero Serra, người Tây Ban Nha, là một linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn sinh ngày 24 tháng 11, 1714 và qua đời ngày 28 tháng Tám, 1784.

Trong thế kỷ thứ mười tám, Thánh Junipero Serra đã thành lập chín miền truyền giáo đầu tiên trong khu vực mà sau này trở thành California, nhiều miền truyền giáo đó ngày nay là trung tâm của các thành phố lớn ở California. Đó là 9 miền truyền giáo đầu tiên trong số 21 miền truyền giáo từ San Diego đến San Jose.

Thánh Junipero Serra đã giúp cải đạo hàng ngàn người dân California bản địa sang Kitô giáo và dạy họ các công nghệ nông nghiệp mới. Bức tượng trong Công viên Golden Gate được đặt lần đầu tiên vào năm 1907 và được chế tác bởi nhà điêu khắc nổi tiếng người Mỹ Douglas Tilden.

Những kẻ chống báng đức tin Công Giáo coi Thánh Junipero Serra là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân châu Âu và vu cáo các nhà truyền giáo tại California tham gia vào lao động cưỡng bức người Mỹ bản địa, đôi khi tuyên bố chính bản thân Thánh Junipero Serra cũng đã từng ngược đãi người bản địa.

Nhưng những người bảo vệ Thánh Junipero Serra, nói rằng Thánh Junipero Serra thực sự là một người ủng hộ người bản địa và là một nhà vô địch về nhân quyền. Họ ghi nhận nhiều người bản địa mà ngài đã giúp đỡ trong suốt cuộc đời và sự đau buồn của họ khi ngài qua đời.

Các nhà viết tiểu sử lưu ý rằng Thánh Junipero Serra thường xuyên can thiệp cho người bản địa khi họ phải đối mặt với sự khủng bố từ chính quyền Tây Ban Nha. Trong một trường hợp, vị linh mục đã can thiệp để cứu mạng sống của một số thổ dân California đã tấn công một tiền đồn Tây Ban Nha.

Trong một lá thư kêu gọi đối xử công bằng với người bản địa, Thánh Junipero Serra đã viết rằng, nếu người bản địa giết tôi... thì họ nên được tha thứ.

Năm 2015, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles cho biết rằng Thánh Junipero Serra có tình yêu sâu sắc với người bản địa là những người ngài đã đến để truyền giáo.

“Trong những lời kêu gọi của ngài, thánh nhân đề cập đến một số điều thực sự đáng chú ý về phẩm giá con người, quyền con người và lòng thương xót của Thiên Chúa, ” Đức Tổng Giám Mục nói.

Năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói thêm rằng Thánh Junipero Serra là một nhà sáng lập người Mỹ bị bỏ quên.

“Tưởng nhớ công ơn Thánh Junípero và những nhà truyền giáo đầu tiên thay đổi cách chúng ta nhớ về câu chuyện đất nước mình. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng sự khởi đầu của nước Mỹ không phải là một diễn biến chính trị. Sự khởi đầu của nước Mỹ là về mặt tinh thần, ” ngài nói trong bài giảng năm 2017.

Năm 2018, chính quyền thành phố San Francisco, đã loại bỏ một bức tượng của vị thánh khỏi một vị trí nổi bật bên ngoài Tòa thị chính. Một bức tượng của vị thánh vẫn được trưng bày ở Quốc hội Hoa Kỳ.


Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng
Vinh sơn Trần văn Đẩu
08:33 20/06/2020
“ Yêu mến Thánh Tâm Chúa chính là học theo trái tim yêu thương của Chúa, trái tim chấp nhận hy sinh hiến mạng sống vì người mình yêu…”

Đó là lời chia sẻ của Lm chủ tế trong Thánh lễ kính Thánh Tâm Chúa Giesu, bổn mạng, kỷ niệm 55 năm thành lập Gia đình phạt tạ Thánh Tâm giáo xứ Tân Việt diễn ra lúc 17g30 ngày thứ sáu 19/06/2020.

Xem Hình

Thánh lễ do Lm phó Giuse Đỗ Đức Hạnh chủ sự cùng với sự hiện diện của đông đảo cộng đoàn Dân Chúa.

17g00 cung nghinh tượng Thánh Tâm Chúa chung quanh nhà thờ thật sốt sáng, và tiến vào Cung Thánh bắt đầu Thánh lễ tạ ơn mừng bổn mạng.

Đầu lễ, Lm chủ tế nhắn nhủ: Hôm nay cùng với toàn thể giáo hội, chúng ta long trọng cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giesu, bổn mạng, kỷ niệm 55 năm thành lập Gia đình PTTT, vả hôm nay cũng là ngày xin ơn thánh hóa các linh mục. Xin cho các linh mục dám sống, chết cho tình yêu của Chúa cho tha nhân và đàn chiên hầu trở thành mục tử như long Chúa mong ước.

Chia sẻ Tin mừng, Lm chủ tế nói: Hôm nay giáo hội mừng kính Thánh Tâm Chúa Giesu, Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy dến với ngài và Chúa hiểu rõ chúng ta hơn chính chúng ta hiểu mình. Ngài muốn cất nhẹ gánh lo cho chúng ta, để chúng ta được thanh thản. Đến với Chúa đễ Chúa thánh hóa, biến đổi mọi người chúng ta trở nên tốt lành và thánh thiện.

Yêu mến Thánh Tâm Chúa chính là học hỏi theo trái tim yêu thương của Chúa, trái tim chấp nhận hy sinh, trái tim bao dung quảng đại, sẵn sang tha thứ mọi lỗi lầm thiếu sót của người khác.

Ngài kết luận Ước mong trong tháng Thánh Tâm này, chúng ta biết nhìn mọi người bằng ánh mắt yêu thương, biết yêu thương người khác bằng trái tim của Chúa và luôn biết chia sẻ với những người chung quang.

Sau bài giảng là nghi thức tuyên hứa Tân ban chấp hành nhiệm kỳ 2020- 2024 và trao uy nhiệm thư.

Thánh lệ tiếp tục với Lời nguyện Tín hữu và dâng của lễ.

Mừng kính Thánh Tâm Chúa Giesu, xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu xâu xa, tình yêu nhưng không của Chúa, biết quảng đại chia sẻ tình yêu thương của Chúa dến mọi người.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng ngày 19.06.2020
Văn Minh
08:42 20/06/2020
“Anh em hãy đến với tôi, và học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, đã chia sẻ như thế cho các em thiếu nhi và cộng đoàn, khi ngài chủ sự dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu - bổn mạng của Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) và ca đoàn Thánh Tâm giáo xứ Vĩnh Hòa - diễn ra lúc 17g30 thứ Sáu, ngày 19.6.2020.

Xem Hình

Đến hiệp dâng Thánh lễ, ngoài các thành viên trong GĐPTTTCG và ca đoàn Thánh Tâm, còn có các vị ân nhân, cùng đông đảo các em thiếu nhi và giáo dân trong giáo xứ.

Trước Thánh lễ, các thành viên GĐPTTTCG và cộng đoàn cung nghinh tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu chung quanh thánh đường hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã qua bài hát “Mừng thánh bổn mạng”.

Đầu lễ, cha xứ mời gọi cộng đoàn chiêm ngắm Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm thâu từ trên Thập giá, để chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Tình yêu. Đồng thời, ngài mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho Hội GĐPTTTCG và ca đoàn Thánh Tâm thêm lòng hăng say phục vụ giáo xứ trong sứ vụ của mình.

Trong bài giảng lễ, Lm Gioakim chia sẻ về ba chữ: Thánh Tâm khác với ác tâm, mà để có được Thánh Tâm thì mình phải có nhân tâm. Quả thật, khi chúng ta kính nhớ tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, là chúng ta nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Trái Tim được biểu lộ ra bên ngoài để nói lên Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Khi Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá, một tên lính lấy ngọn giáo đâm vào Trái Tim của Ngài, tức thì Máu và Nước chảy ra, những giọt máu cuối cùng đó đã minh chứng cho tình yêu của Ngài dành cho nhân loại chúng ta, tình yêu chỉ biết cho đi mà không mong ngày đền đáp. Thật vậy, không có tình yêu nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15, 13).

Quả thật, Thiên Chúa luôn tha thiết mời gọi: “Anh em hãy đến với tôi, và học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”.

Kết luận, cha Gioakim nhắn nhủ: “Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay, ước mong mỗi người chúng ta hãy noi gương Thánh Tâm Chúa Giêsu sống chan hòa, yêu thương và bao dung với mọi người, để trở thành tấm gương sáng trong gia đình và môi trường sống của mình”.

Sau bài giảng, Lm Gioakim chủ sự nghi thức tuyên hứa cho sáu đoàn viên và Ban Chấp hành Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu xứ đoàn Vĩnh Hòa nhiệm kì 2020-2024.

Thánh lễ tiếp nối với lời nguyện tín hữu, tiến dâng của lễ và phụng vụ Thánh Thể.

Sau chịu lễ, cộng đoàn sốt sắng đọc kinh cầu cho các linh mục.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Luca Trịnh Văn Minh, Đoàn trưởng, thay mặt lên ngỏ lời cảm ơn Lm Gioakim, các vị trong HĐMV, đại diện các đoàn thể, cùng cộng đoàn Dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ hôm nay. Nhân dịp này, ông Đoàn trưởng cũng giới thiệu đôi nét về hoạt của xứ đoàn lên Lm linh hướng và cộng đoàn.

Gia đình PTTTCG xứ đoàn Vĩnh Hòa hiện có trên 46 đoàn viên, thường xuyên họp định kì vào tối thứ Sáu đầu tháng lúc 18g15, đọc kinh đền tạ luân phiên tại các gia đình đoàn viên sau Thánh lễ chiều thứ Sáu, đi 14 chặng đàng thánh giá trong các ngày thứ Sáu lúc 17g, liến kết với giáo hạt chia sẻ bác ái cho những người có hoàn cảnh khó khăn vào Mùa Chay, Tết Trung thu… thăm và tặng quà cho các đoàn viên đau yếu trong xứ đoàn, đi phúng viếng và đọc kinh cầu nguyện cho đoàn viên qua đời…

Đáp lời, Lm chánh xứ thay mặt cộng đoàn chúc mừng hội GĐPTTTCG và ca đoàn Thánh Tâm được tràn đầy hồng ân của Chúa, và luôn là tấm gương sáng trong gia đình và trong đoàn thể của mình.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g50. Sau đó, các thành viên trong GĐPTTTCG chụp chung tấm hình lưu niệm với Lm chánh xứ trước khi ra về.
 
Thánh Lễ Chúa Nhật XII Thường Niên - Năm A - 2020
Ban Thông Tin-CĐCGVNNU
10:58 20/06/2020



Trong mùa đại dịch COVID-19, theo yêu cầu của giáo dân và dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Quản Nhiệm Cộng Đồng, Ban Thông Tin Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam- Nam Úc thực hiện các Thánh Lễ Trực Tuyến hằng tuần. Muốn xem Thánh Lễ Trực Tuyến Xin nhấn vào: https://www.youtube.com/watch? v=ZjVYlshjXxI&t=183s
Sau đây là bài Suy Niệm cho Thánh Lễ Chúa Nhật 12 Thường Niên Năm A của Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh-Tâm, Quản Nhiệm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam- Nam Úc

“Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắn bảo các môn đệ là những điều quan trọng. Trước hết, Chúa nói với các môn đệ rằng dưới ánh mặt trời, không có gì là bí mật cả. Những mưu mô, thủ đoạn của những người làm hại đến các môn đệ trước sau gì cũng sẽ phơi bày ra trước mặt thiên hạ; và những người làm việc ác sẽ phải chịu hậu quả do việc mình làm.
Ngược lại, cùng một lý lẽ ấy, những gì các môn đệ học biết từ Chúa Giêsu, thì họ cần phải rao giảng công khai. Họ phải làm chứng nhân cho Chúa trước mặt người đời. Vì vậy, người tín hữu không thể lý luận rằng đạo tại tâm, rồi cứ thế bỏ bê nhà thờ, kinh nguyện, là những điều cần thiết để diễn tả đức tin của mình và dẫn đưa mình đến việc thực hành giáo huấn của Chúa trong đời sống hằng ngày. Người tín hữu luôn có bổn phận rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa Kitô.
Chúa Giêsu Kitô cũng động viên tinh thần các môn đệ khi chọ biết rằng Thiên Chúa toàn năng, nên mọi sự đều ở trong tay Ngài, mọi sự đều diễn tiến theo sự quan phòng của Ngài. Dù hai con chim sẻ không đáng giá bao nhiêu, nhưng Thiên Chúa vẫn bảo vệ che chở chúng nó trong tay Ngài. Nếu Ngài không muốn, thì chim sẻ đang bay trên trời chưa phải rơi xuống đất. Các môn đệ cũng vậy, họ luôn ở trong sự quan phòng của Chúa. Họ không cần phải sợ hãi, vì Chúa luôn che chở họ. Có thể các môn đệ gặp phải gian nan, nhưng về đường dài họ sẽ được phần thưởng Chúa ban xứng với đời sống chứng nhân của họ.
Chúa còn nói mạnh mẽ hơn, đó là nếu các môn đệ sợ hãi, thì nên sợ Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa có thể loại trừ người ta cả xác lẫn hồn. Còn người đời chỉ hại được thân xác mà thôi. Họ không có khả năng hại đến phần hồn. Kinh nghiệm loài người cũng cho chúng ta thấy rằng người ta không dễ gì tiêu diệt tinh thần người khác. Người ta có thể giam nhốt thân xác nhau, cướp đoạt tài sản của nhau, nhưng không ai có thể khống chế hay tước đoạt sự suy nghĩ của người khác.
Rốt cuộc sự chọn lựa nằm trong tay mỗi người. Lệnh truyền làm chứng nhân đến từ Chúa Giêsu Kitô, nhưng tuân theo hay không tuân theo, thực hành hay bỏ rơi, đều thuộc vào quyết định của mỗi người. Quyết định của cá nhân sẽ dẫn tới những kết cuộc khác nhau. Mỗi người sẽ phải chấp nhận kết quả phát sinh từ sự chọn lựa của mình. Kết quả đó được Chúa tuyên bố rõ ràng: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 10: 32-33). Điều này cho thấy, đến ngày tận thế, con đường lên Thiên Đàng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa hay lối về hỏa ngục lìa xa Chúa muôn đời, đều là kết quả của việc chọn lựa làm chứng nhân hay từ chối Chúa trong đời sống hằng ngày.
Xin cho mỗi người trong chúng ta biết gắn bó với Chúa và đặt niềm phó thác vào Ngài. Xin cho chúng ta can đảm làm chứng nhân cho Chúa Giêsu Kitô bằng lời nói và hành động của mình.”
(Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh-Tâm 21/6/2020)

Ban Thông Tin - Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam- Nam Úc
 
Văn Hóa
Mừng Ngày Từ Phụ 21/6/20 : Nhớ Thương Cha
Đinh Văn Tiến Hùng
12:10 20/06/2020

- Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi.
Ai thảo kính cha mình sẽ được sống lâu dài.
( Kinh Thánh Huấn Ca.3 : 6 )
-Không phải máu thịt mà là trái tim khiến chúng ta là cha và con.
( Fredrich Schiller )
-Không chiếc gối nào êm đềm bằng bờ vai cứng cáp của người cha.
( Richard Evan )
-Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
( Thích Thiện Nghĩa )
-Tôi không thể nghĩ ra nhu cầu nào mãnh liệt trong thời thơ ấu, như mong muốn có sự bảo vệ của người cha.
( Sigmund Feard )
-Khi cha cho con cả hai đều cười.
Khi con biếu cha cả hai đều khóc.
( William Shakespeare )
-Chỉ khi nào bạn lớn lên rời khỏi cha đến với gia đình của riêng bạn, chỉ lúc đó bạn mới hiểu được sự vĩ đại của cha và thực tâm biết ơn.
( Magaret Truman )
-Trở thành người cha thì dễ,
Nhưng làm bổn phận người cha mới khó.
( Diderot )
-Người cha tốt không phải là người cho con nhiều của cải nhất.
( Vô Danh )
* Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Dù cho sông cạn đá mòn,
Lời Ca dao ấy vẫn còn trong tôi,
Điệu ru từ lúc nằm nôi,
Lời ca dịu ngọt đầu đời gọi cha.
Tình thương trải rộng bao la,
Cơn mưa nắng hạ chan hoà đời con.
Thân gầy lặn lội hao mòn,
m thầm chịu đựng không than nửa lời,
Đắng cay vẫn nở nụ cười,
Nhìn đàn con dại vui tươi thoả lòng,
Đêm ngày chỉ những cầu mong,
Cho con khôn lớn thành công nên người.
Con xin ghi nhớ những lời,
Cha thường dạy bảo suốt thời ấu thơ.
Giờ đây cha đã xa rời,
Nhớ thương Từ Phụ lòng thời xót xa,
Ôi ơn dưỡng dục bao la,
Tình cha trìu mến chan hòa đời con.

(*)Ngày của cha, đầu tiên do sáng kiến của bà Grace Golden Clayton ghi ơn cha bà đã mất trong thảm họa Monongah Mining ở tây Virginia ngày 5/12/1907, nhưng ý kiến của bà bị lu mờ dần vì chưa được chính thức công nhận.
Nhưng 2 năm sau 1909, cô Sonora Dodd khi nghe thuyết trình về người mẹ, cô nghĩ ngay đến phải có 1 ngày để vinh danh người cha. Lý do thúc đẩy cô phát động mạnh việc này vì mẹ của cô đã sớm qua đời. Cha cô ông Wlliam Jackson Smart đã một mình vất vả nuôi 6 chị em cô khôn lớn.
Sau đó, năm 1966, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson đã chính thức chọn ngày Chúa nhật thứ 3 tháng 6 là ngày vinh danh cha- Father’s Day- trên toàn quốc và TT Richard Nixon ký luật công nhận là ngày lễ chính thức quốc gia năm 1972.
Trong cuộc đời mỗi chúng ta thường nghĩ đến mẹ nhiều hơn vì luôn gần gũi với ta hơn, nên sao lãng sự hy sinh cao cả và vai trò quan trọng trong gia đình của cha.
Ngày Từ Phụ (Father’s Day) là dịp để ta ghi nhớ công ơn nếu người đã khuất và săn sóc hiếu thảo khi cha còn sống.

*Phụ dẫn :
Nhiều truyện tân cổ Đông Tây đã nêu cao nhiều gương sáng chói đối với cha mẹ.
Trong chương trình giáo dục trước năm 1975 dưới chính thể VNCH các môn học được chọn lọc rất kỹ nhất là 2 môn Công Dân Giáo Dục và Việt văn.( Hiện nay tà quyền CSVN đã bãi bỏ môn Công Dân Giáo Dục, nên biến lớp trẻ thành bọn vô giáo dục. Môn Văn chỉ để lừa bịp che dấu tội ác của bác đảng- Còn những truyện như Nhị thập Tứ Hiếu thì tìm đâu ra 1 trong 24 gương hiếu dưới chế độ CS khi đầu óc tuổi trẻ đã bị đầu độc làm băng hoại với chủ thuyết tam vô )
Những năm đầu Trung học tôi được học những trích đoạn trong các thi phẩm như : Lục Vân Tiên, Gia Huấn Ca, Bích Câu Kỳ Ngộ, Lục Súc Tranh Công…Tôi nhớ truyện Nhị Thập Tứ Hiếu (24 gương hiếu) của Lý văn Phức đề cao những gương hiếu thường thấy trạm vẽ trong các đền chùa VN-
Xin trưng dẫn phần mở đầu truyện ‘Nhị Thập Tứ Hiếu’ tác giả đã khuyên nhủ rằng :
-Người tai mắt đứng trong trời đất- Ai mà không cha mẹ sinh thành- Gương treo đất nghĩa trời kinh- Ở sao cho xứng chút tình làm con- Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết- Thì sinh ra trăm nết đều nên- Chẳng xem thuở trước thánh hiền- Thảo hai mươi bốn thơm nghìn muôn thu.

Cho đến nay tôi vẫn nhớ truyện nêu cao một gương hiếu rất cảm động- Truyện kể Mẫn Tử Khiêm học trò Khổng Phu Tử sinh vào thời Xuân Thu, mẹ mất sớm cha lấy vợ kế, bà dì ghẻ rất ác độc nhưng cậu vẫn một lòng hiếu thảo. Mùa đông hai con riêng dì ghẻ được mặc áo bông ấm áp, còn Mẫn Tử chỉ được mặc áo đệm hoa lau, nhưng không bao giờ phàn nàn. Một hôm mùa đông rét buốt kéo xe cho cha, tay run xe bị lật. Cha ông thấy thế biết rằng người vợ kế đã xử với cậu ác nghiệt nên có ý định đuổi bà đi. Nhưng cậu quì xuống xin cha tha cho bà và nói rằng: nếu bà còn ở lại thì chỉ có riêng mình bị rét lạnh, còn nếu bà đi rồi thì cả ba anh em đều đói rét. Cha ông nghe vậy nên không đuổi người vợ kế đi. Còn bà kế mẫu rất cảm động và trở thành hiền mẫu.

-Thày Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa,
Xót nhà huyên quạnh quẽ từ lâu,
Thờ cha sớm viếng khuya hầu,
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn.
Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo,
Hai em thì áo kép dầy bông,
Chẳng thương chút phận long đong,
Hoa lau hồ để lạnh lung một thân.
Khi cha dạo theo chân xe đẩy,
Rét căm căm nên xảy rời tay,
Cha nhìn ngẫm nghĩ mới hay,
Nghiến răng rắp cắt đứt giây xướng tùy.
Gạt nước mắt chân quì miệng gửi :
Lạy cha xin xét lại nguồn cơn,
Mẹ còn chịu một thân đơn,
Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba.
Cha cúi xuống càng sa giọt tủi,
Mẹ nghe rồi cũng đổi lòng xưa,
Cho hay hiếu cảm nên từ,
Thấm lâu như đá không trừ lọ ai?

( Trích đoạn trên là 1 trong 24 gương hiếu trong Nhị Thập Tứ Hiếu của Lý văn Phức- Ông sinh năm 1785 tại Vĩnh Thuận, Hà Nội, đậu cử nhân 1819, làm quan dưới 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông mất năm 1840 hưởng thọ 64 tuổi và được truy phong Lễ Bộ Thị Lang…)

*Xin Chúc mừng những ai còn cha sống với mình để cùng chung vui sẻ buồn !
Hãy yêu thương và săn sóc cha ! Hãy là tấm gương cho con cháu sau này sẽ cư sử với chính mình !

Mừng ngày ghi nhớ ơn cha,
Công ơn nuôi dưỡng cho ta nên người,
Đừng làm nghịch tử ai ơi !
Hãy là hiếu tử cho đời đẹp tươi !

Happy Father’s Day !!!

Đinh văn Tiến Hùng
 
„ Một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn .
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
12:12 20/06/2020
Cơn bệnh đại dịch do vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ sự sống con người trầm trọng từ những ngày tháng qua. Vì thế có luật buộc giới hạn các sinh hoạt đời sống xã hội trên toàn thế giới phải sống giữ khoảng cách xa nhau từ 1, 5 mét tới hai mét, đeo khẩu trang bịt mũi và miệng, nhất là ở những nơi công cộng.

Nay đã có luật nới lỏng về những biện pháp giới hạn ngăn ngừa bệnh đại dịch Corona Nhưng qui luật giữ khoảng cách xa nhau giữa con người vẫn không thay đổi.

Sự xa nhau do giữ khoảng cách giữa nhau nảy sinh sự nhớ nhung nhau, nhất là giữa người thân thuộc với nhau. Và sự ngăn cách xa nhau lâu ngày xa nhau cũng làm nảy sinh cảm giác chút tình tự xa lạ với nhau.

Đời sống con người cần sự gần gũi sát cạnh ôm hôn nhau, như cha mẹ với con cái, vợ chồng với nhau, ông bà với con cháu, anh chị em bạn bè với nhau. Vì đó là nhu cầu đời sống tinh thần tình tự của con người. Tạo Hóa đã dựng nên như thế.

Trong đời sống hiện tại cũng không có luật trừ cho việc giới hạn trong thánh đường, trong hội đường vào những ngày tháng giới hạn vừa qua. Bây giờ sau những ngày tháng giới hạn, thánh đường được mở cửa cho người tín hữu đến cầu nguyện chung, cùng dâng lễ tế phụng thờ Thiên Chúa. Nhưng mọi người tín hữu đến thánh đường cũng vẫn phải giữ khoảng cách đứng ngồi xa nhau từ 1, 5 mét tới hai mét.

Việc giữ khỏang cách giữ gìn sức khoẻ cho nhau, rất cần thiết. Nhưng lại làm cho nhu cầu tinh thần tình tự bị chặn đứng lại, rồi có khi dần trở thành xa lạ như sợ nhau muốn tránh né nhau, nhất là với người cao niên, với người người có mầm bẹnh kinh niên…

Kohelet, con vua David, đã có cảm nghiệm qúy báu về tình tự đời sống này: „ Một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn." ( Sách Giảng viên 3, 5).

Nếp sống đức tin tôn giáo cần sự gần gũi đụng chạm. Nhà danh họa thế giới Michael Angelo đã vẽ trên trần nhà nguyện Sixtine bên Vatican bức tranh thời danh rất sống động từ thế kỷ 17. diễn tả Thiên Chúa Cha đã dùng ngón tay chỉ đụng chạm tạo dựng nên Ông Adong, theo như Kinh thánh thuật lại. ( St 1, 27).

Với Ngôn sứ trẻ tuổi Jeremia „9 Rồi ĐỨC CHÚA giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: "Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. ( Jeremia 1, 9).

Trên đường rao giảng nước tình yêu Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã luôn gần gũi đặt tay ban chúc lành, đụng chạm chữa cho những người bị bệnh được khỏi bệnh lành mạnh trở lại, khi họ tìm đến sự gần gũi được đụng chạm vào Ngài.

Các em bé trẻ nhỏ vừa mở mắt chào đời và trong suốt dọc đời sống luôn cần đến sự sát gần vòng tay yêu thương của cha mẹ. Vì thế Chúa Giêsu khi đi rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa gặp các em nhỏ, Ngài ôm hôn chúng, luôn đặt tay tình thân ái chúc lành cho chúng.

Bàn tay tình thương yêu của cha mẹ, của vợ chồng, của người thân thuộc là bàn tay chúc lành cầu xin ân đức từ Trời cao xuống mang đến niềm vui, sức khoẻ sự an ủi vỗ về củng cố tinh thần cho nhau.

Để tránh cùng ngăn ngừa vi trùng bệnh dịch Corona lây lan, mọi người trong lúc này phải sống giữ khoảng cách xa nhau, theo như qui luật y tế vệ sinh qui định. Điều này dẫu vậy không là nguyên cớ cho đời sống đạo giáo tinh thần đức tin bị sao lãng xa cách. Trái lại, nhu cầu tìm đến sự nâng đỡ an ủi tinh thần có phần chiều hướng mạnh thêm lên.

Trong đời sống con người có nhu cầu ôm hôn gần gũi nhau. Hoàn cảnh lúc này con người phải sống giữ khoảng cách xa nhau, nhưng tâm hồn trái tim không xa nhau. Và như thế chúng ta cảm nhận ra sự gần gũi của Thiên Chúa với con người.

Bàn tay ân đức tình yêu Thiên Chúa không xa cách tâm hồn luôn hằng bao bọc đời sống con người hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Nếu Trên Môi Còn Bập Bẹ Hai Tiếng Ba Ơi
Sơn Ca Linh
21:23 20/06/2020
Từ người cha dưới đất tới “Người Cha trên trời”

Mở mắt chào đời, tiếng bập bẹ đầu tiên,
“ABBA, PAPA”,
một chút thân thương, một chút ngọt ngào huyền diệu…

Ẵm con vào đời, vòng tay cha chưa bao giờ nặng trĩu,
Dẫu gió sương, dẫu bạc tóc dài đường.
Sữa của mẹ, hơi ấm của cha, cùng tiếng gọi thân thương,
Con lớn lên, vào đời
cùng tiếng gọi “ABBA-BA ƠI” ngọt ngào thuở ấy…

Tiếng “BA ƠI” giữa những đêm hãi hùng lửa dậy,
Ba trở về mang yên bình như thuẫn đỡ, khiên che.
Những cơn đau, quằn quạy, nóng sốt giữa trưa hè,
Là biển, là đồng,
Ba đem cho con cơn gió nồm mát dịu.

Gánh đời con, gánh gia đình,
Chưa bao giờ nghe ba than vai mình nặng trĩu,
Con lớn rồi, nhưng có bao giờ ba muốn ra riêng.
Vì ba muốn ngọn lửa hồng, hơi ấm thiêng liêng,
Còn cháy mãi trong con,
Nơi mà tiếng “ABBA” đầu đời con khẽ gọi.

Xuôi ngược dòng đời, truân chuyên ngàn nỗi,
Con vẫn gọi thầm “BA ƠI” dầu chỉ trong mơ.
Dẫu âm dương cách trở và biết đến bao giờ,
Con vẫn tin, trên thiên đường ba vẫn nghe thật rõ.

Nên trong đời, vẫn còn tiếng gọi thân thương đó,
Còn trên môi, bập bẹ hai tiếng “ABBA- BA ƠI”.
Dẫu nghìn trùng, trời đất có xa xôi,
“BA” vẫn thương, vẫn gần…
Vẫn lắng nghe và hằng ngày ban ơn cứu giúp.

Sơn Ca Linh (Father’s Day 2020)
 
Father’s Day – Viết cho những người Cha dịp tôn vinh Ngày Hiền Phụ
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
21:40 20/06/2020
Father’s Day – Viết cho những người Cha dịp tôn vinh Ngày Hiền Phụ

Chúa Nhật 21.6.2020 năm nay, theo niên lịch phụng vụ là ngày lễ kính thánh Louis Gonzaga, một tu sĩ trẻ Dòng Tên qua đời tại Roma khi vừa mới tròn 23 cái xuân xanh do hăng say chăm sóc các bệnh nhân trong cơn đại dịch bùng phát tại Roma giống như cơn đại dịch Vũ Hán vừa mới xảy ra. Vị thánh trẻ này đã được Đức Pio XI đặt làm bổn mạng của giới trẻ Công Giáo dịp phong thánh cho ngài. Là người Công Giáo nghĩa là người biết kính mến Thiên Chúa là Cha, biết hiếu thảo với những bậc sinh thành, Xxn mạo muội viết đôi lời cho những người cha thân yêu trong ngày Hiền Phụ trong Chúa Nhật tuần thứ ba của tháng 6.

Từ thời Trung Cổ, các quốc gia Công Giáo ở u châu đã có một ngày đặc biệt để nhớ đến những người cha, và họ đã chọn ngày lễ thánh Giuse 19.3 là ngày tôn vinh công đức sinh thành của các bậc hiền phụ. Không ai tốt lành và thánh thiện như cha Thánh Giuse dù ngài không có công sinh, nhưng có công dưỡng dục Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người là Chúa Giêsu- và chính Chúa Giêsu cũng gọi thánh Giuse cách trìu mến là Abba – Cha yêu.

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, một phụ nữ có tên là Sonora Smart Dodd đã vận động toàn dân Hoa Kỳ chọn một ngày để tưởng nhớ về những người cha của họ vì cô đã cảm nhận được tình thương cao vời vời của chính người cha thân yêu của cô đã giành cho cô; và quốc hội Hoa Kỳ cuối cùng đã chính thức chọn Chúa Nhật tuần thứ ba của tháng 6 là một ngày đặc biệt để tôn vinh những người cha như họ đã từng tôn vinh những người mẹ vào Chúa nhật tuần thứ hai của tháng 5. Từ đó, các quốc gia khác cũng chọn ra những ngày khác nhau để nhớ về đấng sinh thành ra mình. Trong những năm gần đây, người Việt chúng ta khi bắt đầu hội nhập thế giới cũng đã tôn vinh người thân sinh của mình mà người khác tôn giáo gọi là ngày Chủ nhật tuần ba của tháng 6 thay vì gọi là Chúa Nhật như cách gọi của người Công Giáo dù ý nghĩa cũng không khác nhau.

Người nói tiếng Anh gọi người sinh ra mình là ‘Dad’, hay thân mật hơn là ‘Daddy’ trong gia đình, và thường gọi các linh mục Công Giáo là ‘Father’. Người nói tiếng Tây Ban Nha gọi người sinh thành ra mình trong gia đình là ‘Papá’ hay ‘Papi’ và gọi các linh mục là ‘Padre’ hay thân mật hơn gọi là ‘Padrecito’ là người cha tinh thần trong giáo hội. Còn người Việt Nam chúng ta có nhiều từ để gọi người sinh thành ra mình, nào là: Bố, Ba, Cha, Tía, Thầy, Cậu… và gọi các linh mục Công Giáo là Cha, Cụ, Ông Cố, (người Bình Định, người miền Tây), Thầy Cả… và vì thế ngày lễ của cha cũng là ngày lễ nhớ ơn các linh mục, những người cha tinh thần.

Nói về người cha, tục ngữ ca dao Việt Nam tuy đề cập không nhiều như nói về người mẹ, nhiều câu nói bất hủ cũng nói lên công ơn trời bể của những cột trụ trong gia đình như: Công cha như núi thái sơn…, Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha…, Cha là chỗ dựa mẹ là gối êm…, Ơn cha bóng núi âm thầm…, Ơn cha núi chất trời Tây…, Mây trời lồng lộng khó phủ kín công cha…, Ơn cha như núi như non, hy sinh tất cả cho con nên người… Người cha không bao giờ có sự ghen tỵ với công ơn người mẹ và luôn âm thầm làm những gì mình phải làm để gánh vác gia đình và giang sơn đất nước. Gương điển hình ấy là thánh Cả Giuse, bổn mạng của những người cha, luôn âm thầm lo lắng cho mái ấm Nazareth trước những bắt bớ, khó khăn rình rập của tuổi thơ Giêsu mà ngài không hề có một tiếng kêu than, trách móc. Có những người cha gà trống nuôi con trong thời buổi hiện tại đã quên bản thân mình để lo cho con cái, nhưng đáp lại tấm lòng cao quí ấy là sự hỗn xược, xấc láo và coi thường những đấng bậc sinh thành. Có những người Công Giáo mà tôi từng biết đến đã khinh thường ra mặt nguồn gốc cha mẹ mình khi mình đang đứng ở địa vị cao, và trong số ấy cũng có cả một số bậc tu trì nữa.

Tôi cũng có một người cha đã về với Chúa cách đây hơn một năm, và dịp cuối tháng 3 vừa rồi lẽ ra tôi cử hành lễ giỗ đầu cho ông trong chuyến hồi hương nhưng do lệnh cách ly đại dịch Covid nên chúng tôi chỉ âm thầm dâng lễ cầu nguyện cho ông. Dẫu biết rằng trong mắt nhiều người ba tôi không là người hoàn hảo, trong lòng tôi ông ấy là người tôi luôn kính trọng và quí mến dù chưa bao giờ tôi nói ra. Còn nhớ sau những tháng ngày ‘học tập cải tạo’ vì là quân nhân của chế độ cũ, gia đình chúng tôi bị đẩy về vùng kinh tế mới và luôn phải sống trong sự kiểm soát khắc khe của chính quyền địa phương. Ba tôi vẫn luôn là trụ cột trong một gia đình lớn gồm 9 người con và không người con nào đến bây giờ quá hư hỏng, bê tha giữa một xã hội vàng thau lẫn lộn. Ngày tôi bước theo Chúa để vào Dòng tu, ba tôi vẫn luôn ủng hộ tôi trong mọi nẻo đường của đứa con nhỏ nhất dù đôi lúc cha con chúng tôi cũng có vài điểm bất đồng với nhau.

Mừng Ngày Hiền Phụ để tôn vinh những người cha hôm nay, tôi muốn thắp lên một nén nhang để tưởng nhớ công ơn của ba tôi vì nhờ ông mà nay tôi cũng trở thành một linh mục, một người cha tinh thần trong Giáo Hội Công Giáo. Tôi không có nhiều điều để kể về công ơn của ba tôi ngoại trừ điều duy nhất tôi dám nói là nhờ ông mà có tôi. Ba ơi, con biết còn rất nhiều điều giữa ba và con chưa nói hết với nhau trước khi ba qua đời vì con còn mắc nợ ba một lời hứa trước khi con chuyển nơi phục vụ từ Paraguay về Hòa Lan. Nay con đã về quê hương do ý Chúa sắp đặt để có dịp hàng năm về thăm mộ ba mỗi đợt giỗ, kỵ và thắp lên mộ ba những nén hương lòng mong linh hồn ba siêu thoát về hưởng tôn nhan Chúa. Cũng mong những ai còn cha mẹ luôn trân quí và đền đáp công ơn sinh thành của các bậc sinh thành vì đó cũng là giới răn và lệnh truyền của Chúa là hãy thảo kính cha mẹ. Xin chúc mừng những người cha thể lý cũng như tinh thần trong Ngày Hiền Phụ hôm nay.

Tin Mừng Chúa Nhật XII Thường niên hôm nay Chúa Giêsu một lần nữa cũng nhắn nhủ các môn đệ hãy vững tâm đừng sợ trước những bắt bớ, sĩ nhục khi loan báo Tin Mừng vì đã có Cha ở trên trời luôn lo lắng và đồng hành với chúng ta. Người cha luôn là điểm tựa cho con cái vươn lên. Xin cho tất cả những ai mang trọng trách là ‘cha’ biết chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình để con cái luôn nể phục và yêu thương. Xin những người con luôn tỏ lòng yêu kính cha mẹ mình dù đôi lúc cha mẹ già hơi khó tính và làm cho con cái khá bức bội khi họ trái gió, trở trời vì tuổi tác nhưng phận làm con luôn biết chu toàn vì như lời Kinh Thánh nói phàm ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình thì như tìm thấy kho tàng. Feliz día del padre. Happy Father’s Day. Chúc mừng Ngày Hiền Phụ.

Ngày Hiền Phụ- Sài Gòn 21 tháng 06 năm 2020,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phút Giây Thân Gần Cha Con
Nguyễn Đức Cung
22:00 20/06/2020
PHÚT GIÂY THÂN GẦN CHA CON
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Mừng Ngày của Cha
Happy Fathers Day



 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: Covid 19 và vấn đề phân biệt chủng tộc
Giáo Hội Năm Châu
01:27 20/06/2020


1. Covid-19 và vấn đề phân biệt chủng tộc

Đại hội của Hội đồng Giám mục Ailen kết thúc sau những buổi thảo luận và nhận định về hậu quả của cơn đại dịch Covid-19 và vấn đề phân biệt chủng tộc.

Vì đại dịch, nên các Giám mục không thể họp nhau tại một địa điểm, nhưng qua trực tuyến video, các ngài có thể trao đổi cùng nhau về nhiều vấn đề.

Trước cuộc họp trực tuyến này, các Giám mục đã cầu nguyện cho những nạn nhân của cơn dịch COVID-19. Các ngài nhìn nhận những nỗi đau khôn xiết của những ai mất người thân, cũng như cầu nguyện cho những dau khổ xảy ra trước những hạn chế đã làm xáo trộn cuộc sống nhất là trong các dịp kỷ niệm cũng như tang chế mà không được tham dự."

Các Giám mục cũng bày tỏ lòng cảm kích dành cho các tín hữu trước những lời cầu nguyện, hy sinh và kiên trì của họ trong các hạn chế vì sức khỏe cộng đồng mà phải giãn cách từ tháng 3, các Giám mục cũng ý thức rằng đây là thời gian có nhiều âu lo trước công ăn việc làm, nạn thất nghiệp!

Tóm lại các Giám mục nhìn nhận trong thời gian cách ly vừa qua đặt để mọi người, đặc biệt các linh mục vào hoàn cảnh thách đố, đầy khó khăn. Việc sử dụng kỹ thuật số vào công việc truyền giáo và phụng vụ trực tuyến đã giúp nhiều linh mục tiếp tục loan truyền Tin Mừng trong giai đoạn đen tối này.

Nhưng, các Giám mục cũng ý thức việc thực hành đức tin của người tín hữu cũng như cộng đoàn đã gặp nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra.

Tài liệu mẫu

Trong cuộc họp, các Giám mục đã đề xuất một Tài liệu mẫu để hỗ trợ các giáo xứ chuẩn bị cho một giai đoạn nới lỏng lệnh cách ly trong việc cử hành phụng vụ mà cần tuân thủ các luật y tế về an toàn như lưu giữ danh sách, kiểm tra tập trung những người tham dự, giữ giãn cách và các quy định y tế.

Một chủ đề quan trọng khác được thảo luận trong cuộc họp mùa hè này là việc phân biệt chủng tộc, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang bộc phá và diễn ra trên toàn thế giới. Các Giám mục lưu ý rằng sự phân biệt chủng tộc không chỉ là một hiện tượng đang bộc phá ở Hoa kỳ mà nó còn là một vấn nạn khắp mọi nước!

Các Giám mục nhìn nhận rằng việc phân biệt chủng tộc có nhiều hình thức, thầm lặng lẫn công khai, và chúng ta ở Ailen cần tự vấn lương tâm chính mình. Xã hội Ailen, bao gồm nhiều Giáo hội, trong đó có Giáo Hội Công Giáo của chúng ta, được hưởng nhiều nguồn lợi từ những nỗ lực đóng góp của nhiều người, từ nhiều nguồn gốc chủng tộc khác nhau, tất cả góp cho cuộc sống của chúng ta được phong phú và đa dạng.

Trong cuộc họp, các Giám mục Ailen cũng hân hoan đón nhận thông báo của Đức Thánh Cha Phanxicô là vào tháng 3 năm 2022 Thượng hội đồng các Giám mục lần thứ XVI sẽ được nhóm họp và đề tài cho Thượng hội đồng đó là “Một Giáo hội: hiệp thông, tham gia và truyền giáo”.

Thông điệp của Đức Thánh Cha về Ngày thế giới hướng về người nghèo: Cầu nguyện không thể tách rời khỏi tình liên đới với người nghèo.

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp về Ngày Thế giới hướng về người nghèo lần thứ tư, sẽ được mừng vào ngày 15 tháng 11. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy quan tâm đến người nghèo, đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 này, chống lại sự vô cảm thờ ơ…

Chủ đề của Ngày thế giới hướng về người nghèo lần thứ 4 là “Hãy giang tay ra nâng đỡ người nghèo”, được rút ra từ sách Sirach. Thông điệp được phát tán ra vào thứ bảy 13/6/2020, trong khi Ngày thế giới hướng về người nghèo thực sự sẽ được tổ chức vào ngày 15 tháng 11 năm 2020.

Rút ra từ văn bản, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng tác giả trình bày lời của mình liên quan đến nhiều tình huống cụ thể trong cuộc sống, một tình huống trong đó là nghèo đói. Tác giả nhấn mạnh rằng ngay cả khi gặp khó khăn, chúng ta vẫn phải tiếp tục tín thác vào Chúa.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng từ những tư tưởng này, chúng ta nài xin Chúa và liên đới với người nghèo và đau khổ là hai chủ đề luôn gắn liền với nhau không thể tách rời!

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng thời gian cầu nguyện không bao giờ chấp chướng cho chúng ta bỏ bê người cận nhân của chúng ta.

Món quà của lòng quảng đại

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Lòng quảng đại hỗ trợ những người yếu đuối, an ủi những người đau khổ, chia sẻ với người cô đơn và phục hồi phẩm giá cho những người bị lãng quên là điều kiện cho một cuộc sống hoàn hảo hơn của đời người!

Sức mạnh của ân sủng Chúa không thể bị giam hãm bởi thói ích kỷ luôn đặt bản thân mình lên hàng đầu.

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha thừa nhận rằng, việc quy hướng về người nghèo là cần thiết hơn bao giờ hết, nếu chúng ta muốn có một định hướng đúng đắn cho cuộc sống cá nhân và cuộc sống của xã hội.

Thông điệp Ngày Thế giới hướng về người nghèo của Đức Thánh Cha rơi vào đúng thời điểm cơn đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều đau khổ cho nhân loại! Chúng ta không thể bình chân như vại trước những khổ đau của gia đình nhân loại quanh ta!

Covid-19 và những người tốt lành bên ta…

Đức Thánh Cha đã dành ra một phần đáng kể của thông điệp để nói về đại dịch Covid-19, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người hãy nhìn vào những bàn tay tốt lành của những con người đang dấn thân nâng đỡ các nạn nhân như: bác sĩ và y tá. ĐTC cũng ca ngợi những đôi bàn tay của các quản trị viên, dược sĩ, linh mục, tình nguyện viên và những người dấn thân một cách âm thầm cả ngày lẫn đêm mà không cần ai biết tới.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, giờ đây là thời điểm tốt để phục hồi niềm xác tín rằng chúng ta cần phải có nhau, rằng chúng ta phải có trách nhiệm với nhau và với ngôi nhà chung của chúng ta!

2. Chàng trai đam mê máy tính Carlo Acutis sẽ được phong Chân phước

Rome, Italy, ngày 13 tháng 6 năm 2020, Đầy tớ Chúa Carlo Acutis, một thiếu niên, một lập trình viên máy tính người Ý đã chết năm 2006, sẽ được phong chân phước vào ngày 10 tháng 10 tại Assisi, nước Ý.

Đức Tổng Giám Mục Domenico Sorrentino của TGP Assisi cho hay trong một công bố đề ngày ngày 13 tháng Sáu: Chúng tôi đã chờ đợi ngày này từ lâu rồi và cám ơn Chúa ngày đó đã được ấn định.

Việc phong chân phước cho Carlo Acutis sẽ diễn ra tại Assisi lúc 4 giờ chiều ngày 10 tháng 10, tại Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô. Nghi lễ sẽm được Đức Hồng Y Angelo Becciu, chủ tịch bộ phong thánh chủ sự.

Xác của anh Carlo Acutis hiện được chôn tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Assisi.

Carlo Acutis, người đã chết vì bệnh bạch cầu khi vừa tròn 15 tuổi, cậu đã dâng sự đau khổ của mình để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và cho Giáo hội.

Carlo được sinh ra ở London vào ngày 3 tháng 5 năm 1991, cha mẹ là người Ý và gia đình đã hồi hương về lại Milan. Cậu là một đứa trẻ ngoan đạo, đi tham dự thánh lễ hàng ngày, thường xuyên lần chuỗi Mân côi và đi xưng tội hàng tuần.

Vào tháng 5 năm 2019, mẹ của Carlo Acutis, là bà Antonia Salzano, nói với CNA rằng: Chúa Giêsu là trọng tâm ngày sống của cậu. Bà nói các linh mục và tu sĩ thường nói với bà là Thiên Chúa sẽ có một kế hoạch đặc biệt cho con trai bà.

Carlo thực sự mang Chúa Giêsu trong tim và sống rất đơn sơ vô tội. Lúc bạn thực sự có một trái tim trong sạch, bạn sẽ dễ dàng cảm hóa và đụng chạm đến trái tim của tha nhân…

Ngày phong chân phước cho Carlo được công bố trong tuần mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, là Bí tích mà Carlo Acutis đã hết lòng sùng mộ các phép lạ về Thánh Thể Chúa.

Đức Tổng Giám Mục Sorrentino nói: Thật kỳ diệu khi tin này công bố vào đúng lúc chúng ta chuẩn bị mừng lễ Mình Máu Chúa. Cậu Carlo có một tình yêu trổi vượt dành cho Bí tích Thánh Thể, đó là xa lộ đưa cậu về thiên đàng.

Phép lạ mở đường cho việc phong chân phước cho Carlo Acutis là việc chữa lành cho một em bé Brazil bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp, đó là suy tủy vào năm 2013. Hội đồng Y khoa của Giáo Hội lo việc phong thánh đã nhìn nhận đây là một điều lạ không thể cắt nghĩa được vào tháng 11 năm 2019, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn phép lạ này vào tháng Hai năm nay.

Carlo Acutis có biệt tài về máy tính. Trong Tông huấn “Christus vivit” Chúa Kitô Hằng sống, được công bố sau Thượng hội đồng Giám mục năm 2018 về giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Carlo Acutis như một mẫu gương của sự thánh thiện trong thời đại kỹ thuật số.

Theo Đức Tổng Giám Mục Sorrentino cho hay trong những tháng gần đây vì sự cô lập và giãn cách, chúng ta kinh nghiệm về internet có một chỗ tối cần thiết và rất tích cực! Một công nghệ truyền thông mà Carlo có năng khiếu rất đặc biệt trong lãnh vực này.

Carlo Acutis có năng khiếu đặc biệt về máy tính, Anh đã gây dựng một trang web thu góp tất cả các phép lạ Thánh Thể. Trang web này nói về các Phép lạ Thánh Thể trên toàn Thế giới, và anh đã tổ chức một triển lãm quốc tế trình bày những sự kiện này.

Carlo Acutis chết vì bệnh bạch cầu ở Monza, gần Milan, ngày 12 tháng 10 năm 2006.

Cậu Carlo cũng cho hay cùng đích của chúng ta là sự vĩnh cữu, chứ không phải là hữu hạn. Vĩnh cửu là quê hương của chúng ta. Chúng ta luôn chờ mong được về Thiên đàng, và Carlo cho Bí tích Thánh Thể là xa lộ dẫn ta tới thiên đường…

3. Các Giám mục Úc Châu kêu gọi tham khảo thêm về bản báo cáo về quản trị tạm thời.

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge đã đưa ra một tuyên bố liên quan đến bản báo cáo tạm thời về việc quản trị Giáo hội Úc Châu và Ngài kêu gọi cần phải được tham khảo thêm trước khi phiên bản cuối cùng được phát hành.

Bản báo cáo mang tên “Ánh sáng từ Thánh giá phương Nam: Kêu gọi một sự quản trị đồng trách nhiệm trong Giáo Hội Công Giáo ở Úc. Các Giám mục ủy nhiệm bản báo cáo dài 208 trang cho 14 người, bao gồm giáo dân, giáo sĩ, và các chuyên gia quốc tế để nghiên cứu.

Bản báo cáo đưa ra 86 đề nghị thay đổi cách quản trị Giáo hội ở Úc. Các chuyên gia tập trung vào các vấn đề như hỗ tương, quản trị, đồng trách nhiệm, đối thoại, biện phân và lãnh đạo, cũng như đưa ra những gợi ý cụ thể tăng gia sự đóng góp của người giáo dân ở các cấp giáo xứ cũng như giáo phận.

Điều khoản tham chiếu không được thực hiện

Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 12 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge cho biết các điều khoản tham chiếu được quy định và đánh giá việc quản trị vẫn chưa được thực hiện.

ĐTGM Coleridge cho hay những điều khoản đó đã được nêu trong một bức thư mà ngài viết vào tháng 3 năm 2019 cho nhóm nghiên cứu, nhưng chưa được học hỏi đầy đủ!

Đức Tổng Giám Mục Coleridge, hy vọng bản báo cáo cuối cùng phải được hoàn thiện, sau khi có những góp ý của Hội Đồng Giám mục và của Công đồng Toàn Úc Châu trước khi nó được xuất bản.

Hội đồng Giám mục sẽ giữ bản quyền và quyết định thời điểm xuất bản.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho hay các Giám mục không thể tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước ngày 1 tháng Sáu được.

Các Giám mục Úc học hỏi bản báo cáo về cách quản trị Giáo hội Úc trong tương lai. Nhưng Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho biết các Giám mục rất hài lòng về bản Báo cáo sơ khởi này; và các ngài yêu cầu cần thêm thời gian để sửa đổi và làm rõ một số điểm.

Khi bản báo cáo được trình bày trong cuộc họp toàn thể Công đồng vào những ngày 7-14 tháng 5, các Giám mục đã không có thời giờ để đọc và suy tư về bản báo cáo, hầu có thể bổ túc hoặc làm sáng tỏ một số điểm…

Vì vậy, các ngài đề nghị để đến cuộc họp ngày 17 tháng 7 sẽ góp ý, sẽ sửa đổi hầu đảm bảo bản báo cáo về quản trị sẽ được hoàn chỉnh.

Phiên bản cuối cùng sẽ được xuất bản vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Sau đó các tín hữu có thể liên hệ với Giám mục địa phương để nói lên ý nghĩ và ý kiến đóng góp của mình.

Các Giám mục sẽ tổng kết lại bản báo cáo trong phiên họp Công đồng Toàn thể vào tháng 11 tới.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho biết Chúa Thánh Thần sẽ là tiếng nói cuối cùng khi Ngài soi dẫn cho Công đồng Toàn thể các Giám mục bàn về việc quản trị như là một thành phần không thể tách rời khỏi cuộc hành trình của Giáo hội Úc trong Hội đồng Toàn thể, sẽ diễn ra vào cuối năm 2021 và giữa năm 2022.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge kết luận: Công đồng Toàn thể sẽ nhận định các phản ứng trong Giáo hội và rút ra những kết luận cho bản báo cáo cuối cùng. Đức Tổng xác tín đó sẽ là công việc của Chúa Thánh Thần, chính Chúa Thánh Thần sẽ có và sẽ là tiếng nói cuối cùng.
 
Ấn Độ sục sôi khí thế chống Trung Quốc, tẩy chay hàng Tầu, làm đám ma cho Tập Cận Bình
Giáo Hội Năm Châu
01:33 20/06/2020

Các cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đang tiếp tục trên khắp Ấn Độ. Nhiều cửa hàng dán thông báo từ nay không bán hàng Trung Quốc. Ảnh của Tập Cận Bình bị dẫm đạp và nhiều đám tang giả đưa tiễn Tập Cận Bình về bên kia thế giới đã diễn ra trên khắp Ấn Độ. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tổ chức một cuộc họp khoáng đại đảng Ấn Giáo cực đoan BJP ở New Delhi vào hôm thứ Sáu để nhận định tình hình.

Đó là những diễn biến mới nhất theo sau một cuộc giao tranh giữa quân đội hai bên mà Ấn Độ cho rằng để ngăn chặn âm mưu bành trướng của Bắc Kinh nhân thế giới đang phải chú tâm đối phó với đại dịch coronavirus kinh hoàng.

Trong một diễn biến mới nhất, một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết Trung Quốc đã trả lại 10 binh sĩ bị bắt trong cuộc đụng độ biên giới hồi đầu tuần này đã giết chết hàng chục binh sĩ Ấn Độ và làm bị thương hàng chục người khác.

Quân đội Ấn Độ không bình luận về việc Trung Quốc trả lại các tù binh, thay vào đó họ đề cập đến một tuyên bố của chính phủ cho biết tất cả các binh sĩ của họ phải được an toàn trở về. Theo chính phủ, 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng và một con số còn lớn hơn đã bị thương vào đêm thứ Hai trong trận đánh xáp lá cà tàn khốc với quân đội Trung Quốc tại Thung lũng Galwan. Thương vong của quân đội Ấn được xem là nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Ấn Độ cho biết phía Trung Quốc cũng bị thương vong, nhưng chính phủ Trung Quốc không tiết lộ bất kỳ con số nào. Hai bên đều cố gắng buộc tội đối phương về lý do dẫn đến vụ việc này. Cả hai bên đều nói rằng không có nổ súng. Nhưng không bên nào đưa ra các chi tiết công khai tại sao không có nổ súng mà có thể gây ra một số lượng thương vong lớn như vậy.

Việc trao trả các tù binh Ấn Độ xảy ra sau khi Ấn Độ tung ra những hình ảnh vệ tinh cho thấy trong những ngày trước khi xảy ra bạo lực, Trung Quốc đã mang theo những loại máy móc, cắt một đường mòn vào sườn núi của dãy núi Hi mã lạp sơn và thậm chí có thể gây ra các thiệt hại nặng cho một con sông. Các bức ảnh được chụp bởi Planet Labs và thu được bởi Reuters cho thấy dấu hiệu cảnh quan của thung lũng thay đổi sâu sắc với các con đường được mở rộng, đất đá di chuyển và quân Trung Quốc đang thực hiện các chuyến vượt sông. Các hình ảnh chụp được hôm thứ ba, một ngày sau vụ bạo lực, cho thấy sự gia tăng mạnh các hoạt động của Trung Quốc so với một tuần trước đó.

Những người nghiên cứu chiến lược đều biết rõ rằng mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là bành trướng lãnh thổ cả trên đất liền lẫn trên biển, đặc biệt là Biển Đông. Tại vùng biển này, Trung Quốc từng bước đẩy Hoa Kỳ ra ngoài, và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng quân sự của Hoa Kỳ trong vùng biển quan trọng này. Chính sách để thực hiện mục tiêu đó có tính cách uyển chuyển và thời cơ. Mỗi khi có cơ hội Trung Quốc lại lấn thêm môt bước nhỏ quan trọng nhưng không đủ sốc để gây ra chiến tranh, nhằm tạo ra những “sự đã rồi” trong việc thực hiện mục tiêu tối hậu.
 
Giáo dân lo buồn vì nhà tạm bị đánh cắp. Tử tù nại đến đức tin Công Giáo thoát chết vào giờ thứ 25
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:43 20/06/2020

1. Nại đến đức tin Công Giáo, tử tù thoát chết vào giờ thứ 25

Tòa Án Tối Cao đã hoãn việc xử tử một người đàn ông ở Texas vì Bộ Cải Huấn tiểu bang từ chối không cho phép một linh mục Công Giáo tháp tùng với anh ta trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

“Tòa án Quận Hạt phải nhanh chóng xác định, dựa trên bằng chứng nào, và dựa trên các vấn đề an ninh nghiêm trọng như thế nào mà tù nhân đối mặt với án tử hình không được có một cố vấn tâm linh có mặt ngay trong khi thi hành án, ” tuyên bố của Tòa Án Tối Cao cho biết như trên vào ngày 16 tháng Sáu, chỉ một giờ trước khi tử tù bị chích thuốc độc chết.

Ruben Gutierrez, bị dự trù tử hình vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Ba 16 tháng 6 tại nhà tù Cameron, Texas. Phán quyết của Tòa Án Tối Cao được đưa ra vào lúc 4g 15 chiều, tức là chỉ còn 45 phút nữa là thi hành án.

Ruben Gutierrez sinh ngày 10 tháng 6 năm 1977. Vào ngày 5 tháng 9 năm 1998, tại Brownsville, Texas, y và hai đồng phạm đã vào văn phòng của bà Escolastica Harrison, một phụ nữ gốc Tây Ban Nha 85 tuổi với ý định cướp tiền của bà được giữ trong một két sắt. Nạn nhân bị đánh liên tiếp và đâm nhiều nhát vào đầu, khiến bà tử vong. Đối tượng và đồng phạm đã trốn khỏi nơi cư trú với ít nhất là 56, 000 Mỹ Kim. Ngày 14 tháng 5, 1999 cả ba tên bị bắt và bị giam giữ tại Trung Tâm Cải Huấn Cameron, Texas.

Thág 11, năm ngoái, tử tù Patrick Murphy, 58 tuổi, biết rõ nhà tù này không hề có tuyên uý Phật Giáo nên đến gần ngày hành quyết anh ta xưng mình là Phật tử và yêu cầu được một vị tuyên uý Phật Giáo đồng hành trong ngày hành quyết. Patrick Murphy cho rằng sau khi bị tử hình, anh ta chỉ có thể đến được cõi Niết Bàn nếu như anh ta có thể cùng tụng kinh với một tu sĩ Phật Giáo. Luật sư anh ta tranh biện rằng hệ thống Tư Pháp Hoa Kỳ chỉ có thể lấy mạng của anh ta ở đời này chứ không thể đánh mất cả hy vọng của anh ta vào đời sau. Tòa Án Tối Cao đã ra phán quyết hoãn thi hành án vào ngày 7 tháng 11, 2019.

Trung Tâm Cải Huấn Cameron đã tìm được một tuyên uý Phật Giáo cho anh ta và dời ngày tử hình đến 5 ngày sau, tức là ngày 12 tháng 11, 2019. Gần đến ngày, Murphy lại khiếu nại vị tuyên uý Phật Giáo tụng kinh bằng tiếng Việt và tiếng Phạn, anh ta không hiểu, Tòa Án Tối Cao lại ra phán quyết hoãn thi hành án lần thứ hai. Đến giờ này Murphy vẫn chưa bị tử hình. Murphy được xem là một tên tội phạm nguy hiểm trong nhóm Texas Seven đã giết chết cả cảnh sát trong một vụ cướp.

Sau những rắc rối liên quan đến Murphy, Bộ Cải Huấn tiểu bang ra lệnh không cho phép tuyên uý của bất cứ tôn giáo nào tháp tùng với các tù nhân trong buồng tử hình.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Texas là một trong nhiều tổ chức đã phản đối quyết định này của Bộ Cải Huấn. Giáo lý Giáo Hội Công Giáo phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình, và tuyên bố rằng những người sắp chết nên được chăm sóc tâm linh.

“Từ chối yêu cầu của một tù nhân có một tuyên úy tháp tùng vào giờ chết của mình thể hiện sự từ chối nghiêm trọng về khả năng tha thứ trong khi nhà nước thực hiện bạo lực trong một vụ hành quyết, ” tuyên bố của Hội đồng Giám mục Texas nói.

“Điều này tấn công nhân phẩm của con người thông qua việc loại bỏ một cách trắng trợn một công việc thương xót, như một hành động cuối cùng, có thể giúp đỡ và an ủi một kẻ phạm tội, là người có thể đang tìm kiếm sự tha thứ của Chúa”

“Từ chối sự hướng dẫn và đồng hành về tâm linh đối với một tù nhân đang đối mặt với việc hành quyết là tàn nhẫn và vô nhân đạo. Đó là một quay lưng với các khía cạnh đạo đức và tôn giáo liên quan đến phẩm giá con người, là điều được bảo vệ rõ ràng bởi Tu Chính Án thứ nhất của Hiến pháp, ” Đức Cha Daniel Flores là Giám mục của Brownsville nói.


Source:Catholic News Agency

2. Cảnh sát kêu gọi dân chúng cung cấp các thông tin liên quan đến vụ đánh cắp nhà tạm của một giáo xứ Công Giáo

Cảnh sát đang kêu gọi công chúng giúp đỡ và một giáo xứ đang cầu nguyện sau khi một nhà tạm chứa Mình Thánh Chúa bị đánh cắp từ một nhà thờ ở Boone, Bắc Carolina vào ngày 16 tháng Sáu.

“Chúng tôi kêu gọi những lời cầu nguyện và sự trả lại một cách an toàn Mình Thánh Chúa sau khi nhà tạm bị đánh cắp khỏi nhà thờ vào tối thứ Ba, ” một lời kêu gọi được đăng trên trang web của Nhà thờ Công Giáo Thánh Elizabeth của Hill Country, thuộc Giáo Phận Charlotte cho biết như trên.

Giáo xứ cho biết vụ trộm đã xảy ra vào một lúc nào đó sau 9 giờ tối thứ ba, và tên trộm đã vào nhà thờ qua một cửa sổ.

Cảnh sát cho biết ngoài nhà tạm ra không có gì bị đánh cắp hoặc hư hỏng. Theo điều tra sơ khởi vụ trộm xảy ra có lẽ không phải vì lòng thù hận đức tin nhưng vì tình trạng khó khăn kinh tế gây ra bởi đại dịch coronavirus.

Cha Brendan Buckler, là cha sở nhà thờ kêu gọi anh chị em giáo dân:

“Hãy cầu nguyện và phạt tạ cho việc mạo phạm bí tích Thánh Thể và nhà thờ”.

Ngài cũng lên tiếng kêu gọi kẻ trộm:

“Chúng tôi cầu nguyện để trái tim của bạn có thể xúc cảm và vui lòng trả lại nhà tạm cho chúng tôi, nhưng đặc biệt nhất là các Mình Thánh Chúa bên trong”.

Giáo xứ đã tổ chức Giờ Thánh phạt tạ vào tối thứ Năm.

Thánh lễ tại nhà thờ vào thứ Tư và thứ Năm đã bị hủy bỏ. Trang web của giáo xứ nói rằng những lời cầu nguyện phạt tạ phải được thực hiện trước khi Thánh lễ có thể tiếp tục tại nhà thờ.

Nhà tạm được mô tả là cao khoảng 60cm và rộng khoảng 30cm, và được làm bằng đồng. Nhà tạm chứa một bình đựng Mình Thánh Chúa, trong đó có Bí tích Thánh Thể.

Cảnh sát đang yêu cầu bất cứ ai sống gần nhà thờ kiểm tra bất kỳ các camera giám sát với hy vọng có thể đã bắt được tên trộm.

Không có nhà thờ khác trong khu vực đã trải qua các vụ trộm hoặc phá hoại trong thời gian gần đây.

Đây là lần thứ hai trong những tháng gần đây, nhà thờ Thánh Elizabeth đã trở thành tiêu đề trên báo chí.

Vào tháng Tư, một người lân cận đã báo cáo với sở y tế địa phương rằng linh mục tại giáo xứ Elizabeth đã cử hành Thánh lễ vào Chúa Nhật Phục Sinh với hơn 10 người, vi phạm các tiêu chuẩn y tế công cộng.

Tuy nhiên, giáo xứ cho biết Thánh lễ Phục sinh được cử hành một cách riêng tư, và phù hợp với cả quy tắc giáo phận và các quy định về sức khỏe.


Source:Catholic News Agency