Ngày 20-06-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:02 20/06/2024

40. Khi suy niệm thì tất cả các loại tạp niệm không cố ý, đều không cản trở những ích lợi thần thiêng mà linh hồn nhận được khi suy niệm.

(Thánh Thomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:06 20/06/2024
87. VẼ HÌNH QUAN LỚN

Có một quan sứ, mời họa sĩ đến vẽ cho mình một bức tranh.

Họa sĩ rất thật thà, khi vẽ hình ông ta xong thì đưa cho ông ta coi, ông ta vừa nhìn thấy thì nổi trận lôi đình, chửi rủa họa sĩ:

- “Hôm trước ta thấy ngươi vẽ con hổ còn lấy vàng dát mỏng dán lên mắt nó; giống như ta đây làm quan rất lớn, tại sao mày không dán vàng lên hai con mắt của ta?”

(Nhã Ngược)

Suy tư 87:

Vẽ chân dung là vẽ đúng khuôn mặt thật của mình, nghĩa là cái bản mặt của mình nó làm sao thì họa sĩ sẽ vẽ lại như thế, người ta gọi đó là vẽ chân dung.

Có những người lợi dụng quyền chức của mình để hà hiếp dân lành, đại gian đại ác, nhưng lại bắt người ta phải “vẽ” hình của mình thật hiền lành giống ông tiên bà tiên; có những người sống cuộc đời gian ác trời đánh thánh vật, nhưng cũng muốn người ta “vẽ” cho mình khuôn mặt giống ông bụt thật thà dễ mến khi nắm chức quyền; lại có những người dùng một người gian ác nào đó cùng hội cùng thuyền với mình đặt lên cao, rồi ra lệnh cho những bồi bút “vẽ” ông ta là tiên là phật, để lợi dụng sự mê muội của người khác... tất cả những hình vẽ trên đều không phải là vẽ chân dung, nhưng là biếm họa, làm cho mọi người đều mĩm cười chê bai, chế giễu và căm tức, vì nó không đúng sự thật.

Cũng có những người mang danh Ki-tô hữu muốn người khác “vẽ” mình thật có tinh thần bác ái, khi mà mình luôn cho vay ăn lời cắt cổ; có những bậc tu hành ăn uống hưởng thụ mặt mày tròn quay béo tốt hơn cả ông hoàng, nhưng luôn muốn giáo dân thiện nam tín nữ “vẽ” hình mình là một người khắc khổ, nghèo khó tội nghiệp...

Đừng nhờ ai “vẽ” lại chân dung của mình cả, vì như thế sẽ sai đi sự thật và mở đường cho sự kiêu ngạo len vào, nhưng hãy tự mình họa lại chân dung của mình cho giống hình ảnh của Đức Chúa Giê-su khiêm tốn, yêu thương và phục vụ.

Đó chính là chân dung đúng nhất của bậc tu hành và của giáo dân vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 21/06: Con mắt và kho tàng – Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:33 20/06/2024


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.

“Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh tốt, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!”

Đó là lời Chúa
 
Kho tàng đích thực
Lm. Minh Anh
15:35 20/06/2024
KHO TÀNG ĐÍCH THỰC
“Kho tàng của con ở đâu, thì lòng con ở đó!”.

“JOY”, “Niềm vui”, mang một ý nghĩa hết sức ý vị! “J”, JESUS, Giêsu; “O”, OTHERS, tha nhân; và “Y”, YOU, bạn! Đó là ‘trật tự bất di bất dịch’ - “Giêsu - tha nhân - bạn” - trong hành trình tìm kiếm niềm vui của người môn đệ Kitô. Không có trật tự này, niềm vui chỉ là ích kỷ, lạm dụng và thế tục. Với trật tự này, bạn có một kho tàng đích thực!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay không trực tiếp nói đến niềm vui, nhưng nói đến kho tàng; một ‘kho tàng đích thực’ bảo đảm hạnh phúc cho con người mọi thời! Thế nhưng, kho tàng ấy là gì? Nó cống hiến hạnh phúc tạm bợ hay nó tặng trao hạnh phúc miên viễn?

Bạn và tôi nên giao phó trái tim, bản thể sâu kín nhất của mình cho loại kho tàng nào? Chúa Kitô cảnh báo về những ‘kho tàng giả’ đang giằng xé tâm can chúng ta mỗi ngày, những kho tàng thuộc về của cải vật chất. Chúng sẽ bị lấy khỏi chúng ta bất cứ lúc nào; và vào thời điểm chúng ta cần nhất - giờ chết - nhất định chúng sẽ phản bội chúng ta. Tục ngữ Tây Ban Nha có câu, “Không có túi nào trong tấm vải liệm!”.

Chúa Kitô ban cho chúng ta kho tàng duy nhất xứng với trái tim con người, một kho tàng không bao giờ phản bội và có thể đồng hành với chúng ta qua bên kia nấm mồ để bước vào ngưỡng cửa dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Kho tàng đó là gì? Đó chính là con người Ngài, Chúa Kitô. Chỉ sống cho Ngài, yêu mến Ngài trên hết mọi sự, từ bỏ bản thân vì Ngài, chúng ta sẽ sở hữu ‘kho tàng đích thực’ vốn có khả năng thực hiện những khát vọng sâu xa nhất. Chỉ nó mới tồn tại mãi, giúp chúng ta đắm chìm trong niềm vui và hạnh phúc, vì “Kho tàng của con ở đâu thì lòng con cũng ở đó!”.

Kho tàng đó còn là gì nữa? “Jesus and Others”, “Chúa Kitô và Tha Nhân”, nghĩa là tất cả hành động tốt cho tha nhân mà chúng ta làm vì lợi ích của Chúa Kitô! Chỉ khi sống cho Chúa Kitô và tha nhân, chúng ta mới có thể sở hữu ‘kho tàng đích thực’ này.

Thật trùng hợp, bài đọc Các Vua hôm nay nói đến kho tàng Israel đã chọn, họ chọn Thiên Chúa! Sau khi tư tế Giơhôgiađa đặt vương miện lên đầu ấu chúa Giôát, “Ông lập giao ước giữa Đức Chúa, vua và dân, nhờ đó dân trở thành dân của Đức Chúa”. Và thật bất ngờ, Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ một điều ngược lại, không phải dân chọn Chúa; chính Chúa chọn dân, “Chúa đã chọn Sion, đã thích lấy chốn này làm nơi Người ngự!”.

Anh Chị em,

“Kho tàng của con ở đâu, thì lòng con ở đó!”. Lời Chúa tự vấn lương tâm chúng ta. Bạn và tôi đang chạy theo cái gì? Hãy xem xét những gì mà bạn có thể đã coi là “kho tàng” trong đời mình! Điều gì khiến bạn quá lưu luyến trong thế giới đang ‘tan chậm’ này? Tiền của? Danh vọng hay một ‘ngẫu tượng’ nào đó vốn có thể đang giam hãm bạn? Hãy lặng thinh, ‘chìm sâu vào trong’, và để Chúa Thánh Thần chỉ cho bạn! Sau đó, cho phép Ngài giải thoát bạn khỏi những ‘nhà tù tự tạo’ này. Đây là bước đầu tiên hướng bạn tới một cuộc sống giàu có nhất, hạnh phúc nhất; bởi lẽ, bạn sắp sở hữu ‘kho tàng đích thực’ có tên Giêsu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì niềm vui của con luôn bắt đầu với ‘trật tự bất di bất dịch’ vốn khởi đi từ Chúa; đừng để nó đảo lộn khiến con ích kỷ, lạm dụng và thế tục!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thánh ý Chúa trên mỗi con người
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
18:50 20/06/2024
SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ
(Lc 1, 57 – 66.80)
Thánh ý Chúa trên mỗi con người

Đọc lại cuộc đời của thánh thánh Gioan Tẩy Giả từ lúc sứ thần truyền tin cho ông Dacaria đến ngày cắt bì, đặt tên cho con trẻ là Gioan (x. Lc 1,60), chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, an bài và sắp đặt trên đời chúng ta.

Cuộc đời và ơn gọi của Gioan

“Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, Người đã đặt tên cho tôi”(Is 49,1).

Lời Chúa trích sách tiên tri Isaia trên đây thật đúng với ơn gọi, cuộc đời và sứ mạng của nhân vật trọng đại của Thánh Kinh là Gioan Tẩy Giả, gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Trong hàng ngũ các vị đại tiên tri và số những người công chính thì Gioan Tẩy Giả đã được Thiên Chúa quan phòng đặt để đi trước Đấng Thiên Sai, hầu sửa đường trước cho Ngài bằng rao giảng và làm chứng nhân cho Đấng Cứu Thế.

“Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Tha đã thánh hiến ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc” (Gr 1,5).

Lời xác nhận trên trong ý nghĩa đầy đủ nhất nói về Chúa Kitô, nhưng trong một ý nghĩa rộng hơn cũng áp dụng vào trường hợp của Vi Tiền Hô đi trước Ngài. Cả hai đều được sinh ra do kết quả sự can thiệp từ Thiên Chúa: một Đấng được sinh ra bởi một Trinh Nữ, Đấng khác sinh ra bởi một bà lão hiếm muộn. Ngay cả khi còn trong lòng mẹ, Gioan đã chỉ điểm cho thấy Đấng sẽ mặc khải cho thế giới về chương trinh yêu thương của Thiên Chúa.

Cuộc đời của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76). Tất cả những ơn gọi ấy làm nên một lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa tác động trong lịch sử con người. “Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi” (Lc 1,13). Đó là lời Sứ Thần nói với ông Dacaria. Ông đã được Chúa yêu thương và nhậm lời. Chúa đã can thiệp vào lịch sử cuộc đời và ơn gọi của Gioan nói riêng và của mỗi người chúng ta nói chung.

Hiện hữu trong sự quan phòng

Giáo lý Hội Thánh dạy: “Sau khi sáng tạo, Thiên Chúa không bỏ mặc các thụ tạo của Ngài. Ngài không chỉ ban cho chúng hữu thể và hiện hữu, Ngài còn luôn gìn giữ chúng hiện hữu, cho chúng khả năng hành động và đưa chúng đến cùng đích”. Sự gìn giữ, sắp xếp và tác động thúc đẩy các tạo vật để chúng đi đến cùng đích ấy được gọi là việc Thiên Chúa quan phòng. (x. SGLHTCG, số 301). Như vậy, theo Giáo lý của Hội Thánh thì Thiên Chúa không chỉ sáng tạo nên vạn vật rồi bỏ mặc chúng, mà Ngài còn quan tâm chăm sóc và điều hành chúng bằng ý định đầy quyền năng của Chúa.

Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Chúa lưu ý đến từng điều cho con người. Phần ta, ta không thêm được gì cho thân ta, nhưng Chúa quan phòng làm hoàn toàn đầy đủ mọi việc cho ta. Nếu không có Chúa quan phòng, thì mọi sự lo lắng vất vả của chúng ta đều vô ích”.

Thánh Basiliô dùng kiểu nói ví von: “Chúa cho bò ngựa có cỏ, thì lại cho con người có của cải sinh sống. Chúa tạo nên mọi thứ là dự bị cho con người có đủ thức ăn… Không có gì là không có lý do hay tình cờ, nhưng là kết quả của tài khôn ngoan vô cùng”.Thánh Augustinô thì đưa ra một nhận xét chí lý: “Thượng Đế không phải như một kỹ sư xây nhà xong có thể bỏ đấy đi, vì nếu Ngài ngơi tay ra thì tất cả vũ trụ sụp đổ”. Thánh nhân viết tiếp: “Sao tôi lại xin để Chúa ở trong tôi, trong khi tôi không thể tồn tại nếu Chúa không ở trong tôi?” Theo ngài, đúng hơn phải nói: “Tôi không thể tồn tại nếu tôi không ở trong Chúa, mà do đó, nhờ đó và trong đó tất cả mọi vật tồn tại”.

Gioan Tẩy là kiểu mẫu điển hình cho sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa can thiệp cụ thể trong lịch sử đời người. Mang danh hiệu là Tiền hô của Đấng Cứu Thế, Gioan có sứ mạng “đem nhiều con cái Ítrael trở về cùng Chúa” (Lc 1, 16). Gioan đã sống xứng danh người loan báo về Đấng Cứu Thế. Là Kitô hữu, chúng ta được Chúa tạo dựng và an bài trong ý định nhiệm mầu cao siêu của Thiên Chúa.

Thánh ý Chúa trên cuộc đời ta

“Từ trong thai mẫu tôi, Chúa là Đấng bảo vệ tôi” (Tvđc).

Hôm nay chúng ta có thể dùng câu của Thánh Vịnh này áp dụng vào chính chúng ta. Thiên Chúa biết và yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta mở mắt chào đời để chiêm ngắm kỳ công của Chúa. Khi sinh ra, mỗi chúng ta nhận được một tên gọi trần gian. Nhưng ngay trước đó, mỗi người đã có một tên thánh : tên mà Thiên Chúa Cha biết và yêu thương từ thuở đời đời cho đến muôn thuở. Điều này đúng mọi người, không trừ một ai. Không ai là người vô danh trước nhan Thiên Chúa! Tất cả đều khác nhau, nhưng có giá trị bình đẳng, và tất cả đều được gọi là con cái của Thiên Chúa.

“Tên nó là Gioan” (Lc 1, 63). Trước sự bỡ ngơ và kinh ngạc của người thân và láng giềng, ông Dacaria xác nhận đây là tên con trai ông, khi ông viết tên đó lên bảng. Chính Thiên Chúa, qua trung gian thiên thần đã đặt tên đó cho Gioan, có nghĩa là: “Thiên Chúa có lòng từ tâm”. Thiên Chúa tốt lành với mọi người: Ngài muốn họ được sống; Ngài muốn họ được cứu chuộc, và trở nên sự chúc phúc cho toàn thể các quốc gia địa cầu. Thiên Chúa thương yêu nhân từ với nhân loại : Ngài hướng dân con cái Ngài trên con đường hành hương về đất hứa nơi mà hòa bình và công chính sẽ ngự trị. Tất cả nhưng điều này đều chứa trong tên của Gioan!

Lạy thánh Gioan Tẩy Giả, xin cầu cho chúng con. Amen.
 
Đêm Giông Tố Biển Hồ
Nguyễn Trung Tây
23:34 20/06/2024
Nguyễn Trung Tây
Đêm Giông Tố Biển Hồ

https://www.youtube.com/watch?v=P_pGEjz44IE

Lời Chúa
Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và này, một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mark 4:35-41).

Suy Niệm
Bài Tin Mừng Mark 4:35-41 tường thuật lại một đêm giông tố trên biển Hồ Galilê.

Khi đó thuyền gỗ có Đức Giêsu và các người môn đệ đang lênh đênh trên sóng biển. Hãi sợ bởi sóng ập vào thuyền gỗ, khiến thuyền đầy nước, các người môn đệ đánh thức Đức Giêsu khi đó đang nằm ngủ. Sau khi truyền lệnh cho Biển Hồ Galilê biển yên sóng lặng, Đức Giêsu la mắng các người môn đệ, “Tại sao các con vẫn chưa có lòng tin?” Lời la mắng của Đức Giêsu khiến độc giả Kinh Thánh nhận ra một điều thật là bất ngờ. Đó là, mặc dù đã đi theo Đức Giêsu một thời gian khá dài, đã chứng kiến Đức Giêsu chữa lành nhiều người, đã được nghe Đức Giêsu giảng dạy nhiều điều, nhưng các người môn đệ vẫn không nhận ra được căn tính đích thực của Đức Giêsu. Bởi thế, chứng kiến tận mắt phép lạ Đức Giêsu dẹp tan sóng biển, các người môn đệ vẫn hoảng sợ để rồi họ hỏi nhau, “Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?”

Thần học gia Wilfrid Harrington đặt vấn đề, thật sự ra, tác giả Máccô đã sử dụng câu chuyện giông tố Biển Hồ để nhắc nhở các tín hữu trong cộng đồng của riêng ngài về mức độ niềm tin đêm giông tố của họ vào Đức Giêsu. Thật vậy, vào khoảng giữa thập niên 70 của thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, hoàng đế La Mã Nero đã bách hại rất nhiều tín hữu Kitô. Cùng thời gian đó, các vị lãnh đạo cột trụ của Giáo hội, Phaolô và Phêrô, đều đã lần lượt tử vì đạo. Thêm vào đó, vào năm 70, đền thờ Giêrusalem của tín hữu Kitô gốc Do Thái bị hủy diệt. Trên tất cả, theo niềm tin phổ biến vào đầu thế kỷ thứ nhất, Đức Giêsu Kitô sẽ tái quang lâm vào một ngày rất gần. Nhưng tín hữu thời tiên khởi đợi mãi, Đức Kitô vẫn chưa xuất hiện.

Trong bối cảnh hoảng loạn và đợi chờ ngày quang lâm của khoảng thời gian đó, tín hữu cộng đồng của thánh Máccô hoang mang dao động với niềm tin vào Đức Giêsu.

Thật sự ra, tín hữu của thời nào cũng vậy, khi giông tố biển đời kéo tới, khi sóng nước dâng ngập khoang thuyền cá nhân, khi tính mạng bị đe dọa bởi những áp lực nặng nề trong cuộc sống, khi đó niềm tin Kitô cũng dễ chao đảo dễ buông xuôi. Khi đó, tôi cũng không còn nhận ra Đức Giêsu vẫn đang đồng hành chung một thuyền gỗ, Ngài vẫn đang ngủ say, đợi chờ tôi đánh thức Ngài dậy, cứu con thuyền đời tôi vượt thoát đêm giông tố Biển Hồ.

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin cho con thấy.
 
VietCatholic TV
Họa vô đơn chí: Đã bị Kyiv tấn công, lại bị Moscow thả bom nhầm. Nga hoảng sợ trước drone ma cà rồng
VietCatholic Media
02:53 20/06/2024


1. Những vụ tự đánh bom ngẫu nhiên của Nga vượt qua cột mốc nghiệt ngã

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Accidental Self-Bombings Pass Grim Milestone”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ba nhà máy lọc dầu trong tỉnh Belgorod đang cháy phừng phừng sau các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine. Cháy nhiều đến mức Vasily Golubev, Thống đốc khu vực Rostov của Nga, nhấn mạnh rằng ông không thể đếm nổi có bao nhiêu bể chứa dầu đang cháy, và phải yêu cầu các tỉnh lân cận giúp dập tắt các trận hỏa hoạn đang hoành hành. Trong bối cảnh đó, hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, Golubev cho biết tỉnh của ông lại gặp thêm một khó khăn nữa khi một phi công Nga lái chiến đấu cơ ném bom SU-34 đã dội bom nhầm vào quận Shebekinsky của Belgorod vào trưa ngày Thứ Tư.

Theo đánh giá của hãng truyền thông độc lập tiếng Nga Astra, số vụ đánh bom vô tình của Nga trên lãnh thổ của Nga và các khu vực ở Ukraine mà nước này xâm lược trong 4 tháng qua đã lên tới ba con số.

Mạc Tư Khoa trước đó đã thừa nhận rằng máy bay của họ đã ném bom nhầm lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Nga, khi các khu định cư và thành phố do Ukraine nắm giữ phải đối mặt với sự tấn công dữ dội của bom dẫn đường trên không cực mạnh.

Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra ở tỉnh Belgorod giáp Ukraine và là nơi có các căn cứ quân sự và cơ sở huấn luyện của Nga. Khu vực này là nơi xảy ra nhiều cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa mà Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Ukraine vì khu vực này bị rung chuyển bởi các vụ nổ gần như hàng ngày.

Trong những vụ việc được báo cáo mới nhất, Astra cho biết một quả bom trên không của Liên Xô FAB với đầu đạn nổ mạnh đã được ném xuống một tòa nhà dân cư ở thị trấn Krapivnoye, thuộc quận Shebekinsky của Belgorod. Thiệt hại vẫn đang được làm rõ.

Hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu, quận Shebekinsky của Belgorod cũng bị ném bom nhưng may mắn là nó không nổ. Cùng ngày hôm đó, một quả bom khác được tìm thấy tại một cánh đồng gần làng Dobroye. Trong cả hai trường hợp, những quả bom này đều không nổ.

Cuối ngày thứ Ba, một quả bom thứ ba được phát hiện ở làng Tseplyaevo-Vtoroye. Golubev cho biết may mắn là cả 3 quả bom đều không nổ, nhưng yêu cầu các phi công Nga vui lòng đừng ném bom lãnh thổ của ông nữa.

Astra nói rằng điều này có nghĩa là tổng số quả bom vô tình rơi trúng lãnh thổ Nga – và những vùng đất mà nước này chiếm giữ trong 4 tháng qua - đã lên tới 103.

Tuy nhiên, những sự việc đáng chú ý khác đã gây ra nhiều thiệt hại hơn những báo cáo mới nhất này. Tháng trước, 7 người bị thương và hàng chục gia cư bị hư hại khi một máy bay Nga thả chiếc FAB-500 xuống Belgorod trong cuộc không kích vào thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 4 Tháng Năm.

Gần hai tuần sau, máy bay quân sự Nga thả 8 quả bom FAB xuống vùng Belgorod vào ngày 16 Tháng Năm, theo Astra các khu vực bị ném bom đã bị phong tỏa và con số thương vong bị dấu kín.

Đã có những sự việc khác về các cuộc tấn công tình cờ của không quân Nga trước đó trong cuộc chiến. Vào tháng 4 năm 2023, một chiến đấu cơ Sukhoi-34 của Nga đã vô tình ném bom vào ngay trung tâm của thành phố Belgorod để lại một miệng núi lửa rộng 60 feet hay 18 m và khiến một khu chung cư phải di tản. Video trên mạng xã hội cho thấy vụ nổ đã nâng một chiếc xe lên nóc một siêu thị trong một sự việc mà Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận là do “vật liệu máy bay vô tình phóng ra”.

2. Tòa án Mạc Tư Khoa kết án vắng mặt Đại tá Ukraine bắn hạ máy bay do thám A-50U của Nga

Hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, sau các báo cáo của Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, theo đó các cuộc điều tra cho biết Kyiv đã bắn hạ một máy bay A-50U vào tháng 2 được cho là không có vũ khí; một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã kết án vắng mặt Đại tá Ukraine Mykola Dzyaman.

Ủy ban điều tra và cơ quan phản gián quân sự của FSB đã cáo buộc Đại tá Mykola Dzyaman, chỉ huy Lữ đoàn hỏa tiễn phòng không số 138 của Lực lượng vũ trang Ukraine, đã ra lệnh bắn rơi một máy bay A-50U của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga. Một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã đưa ông vào danh sách truy nã và kết án vắng mặt ông, Kommersant đưa tin, trích dẫn tài liệu của tòa án.

Vì chiếc máy bay trị giá lên đến 350 triệu Mỹ Kim, bị tấn công trên bầu trời Nga và không liên quan trực tiếp đến chiến sự nên một vụ án hình sự khủng bố đã được mở ra.

Theo Trung Tướng Igor Krasnov, vào ngày 23 tháng 2 năm 2024, một máy bay A-50U của Nga đang tuần tra không phận trên Krasnodar Krai, Đại tá Dzyaman được cho là đã nhận ra rằng chiếc máy bay này không trực tiếp tham gia các hoạt động chiến đấu ở Ukraine, đang bay trên lãnh thổ Nga và không được trang bị vũ khí, nhưng đã ra lệnh cho cấp dưới của mình tấn công nó, khiến 10 người trong phi hành đoàn thiệt mạng.

A-50 cung cấp một số chức năng quan trọng cho cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, như phát hiện các hệ thống phòng không, hỏa tiễn dẫn đường và điều phối mục tiêu cho chiến đấu cơ Nga. Nga sở hữu chưa tới 10 chiếc máy bay loại này. Máy bay A-50 có giá ước tính khoảng 350 triệu Mỹ Kim.

Theo cách giải thích của Nga, sự việc có vẻ diễn ra như một cơ hội bất ngờ và Đại tá Dzyaman đã nhanh chóng đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, theo Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội, gọi tắt là HUR, chiếc máy bay cảnh báo sớm A-50U đã bị phục kích sau nhiều lần bay theo một thời khóa biểu có thể đoán trước được.

HUR sau đó đưa tin rằng sau khi A50U bị bắn rơi, người Nga đã rút 5 máy bay của họ khỏi hoạt động chiến đấu. Một số máy bay này đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc không kích gần Avdiivka.

Vào tháng 4, Lực lượng Ukraine đã lần đầu tiên bắn hạ máy bay ném bom chiến lược tầm xa TU-22M3 của Nga mà NATO gọi là Backfire.

Nguồn tin cho biết hệ thống phòng không S-200 đã được sử dụng để bắn hạ máy bay Nga cách Ukraine khoảng 300 km.

Theo các tin tức từ Kyiv, Đại tá Dzyaman không còn là một Đại Tá, ông được vinh thăng Chuẩn Tướng ngay sau chiến công oanh liệt hạ gục chiếc A50 của Nga. Nhà độc tài Putin chỉ có tối đa 10 chiếc A50. Chiếc vừa bị quân Ukraine hạ gục là chiếc thứ hai bị phá hủy. Chiếc đầu tiên bị phá hủy là một chiếc đang đậu ở phi trường Machulishchy của Belarus, cách Thủ đô Minsk 12 km. Nó bị du kích Belarus đặt bom phá tan tành ngày 27 Tháng Hai, 2023.

3. Đồng minh của Putin đưa ra cảnh báo về một cuộc tổng phản công của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Issues Stark Ukraine 'Offensive' Warning”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một chính trị gia Nga có quan hệ thân thiết với Vladimir Putin, quân đội Ukraine đang sử dụng máy bay điều khiển từ xa để rải mìn dọc tiền tuyến trước một cuộc tổng phản công.

Bình luận này được đưa ra trên kênh truyền thông xã hội Telegram bởi Dmitry Rogozin, cựu tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, người hiện đang giữ chức thượng nghị sĩ tại vùng Zaporizhzhia do Mạc Tư Khoa xâm lược của Ukraine.

Ông cho rằng việc Kyiv sử dụng máy bay điều khiển từ xa sản xuất trong nước có thể là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công của Ukraine.

Rogozin nói với các cơ quan truyền thông Nga hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu: “Baba Yagas của Ukraine hiện được đối phương sử dụng vào ban đêm chỉ để gài mìn từ xa trên tất cả các tuyến đường dọc theo tiền tuyến của chúng ta”. “Việc này thường được thực hiện trước một cuộc tấn công.”

Rogozin trước đây đã bày tỏ mối quan ngại của mình về những chiếc máy bay điều khiển từ xa này, khi đăng một loạt hình ảnh vào tháng 4 về những gì ông nói là các thiết bị này và mô tả chúng là một loại vũ khí “cực kỳ nguy hiểm” có thể tiến hành trinh sát và thả đạn dược. Tuần trước, ông cho biết quân đội Nga đã bắt giữ một trong những máy bay điều khiển từ xa và sẽ nghiên cứu cách chế tạo nó.

Còn được gọi là “máy bay điều khiển từ xa ném bom ma cà rồng”, máy bay điều khiển từ xa sáu cánh quạt Baba Yaga được trang bị camera hồng ngoại, có thể mang đầu đạn hỏa tiễn nặng tới 15 kg và di chuyển với tốc độ lên tới 64 km một giờ.

Rogozin không cung cấp thêm bằng chứng nào về ý định tấn công của Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi tháng Tư cho biết Kyiv đã có kế hoạch cho một cuộc tấn công mới, đang chờ hỗ trợ quân sự thêm từ Washington sau khi khoản tiền 61 tỷ Mỹ Kim đã được các nhà lập pháp Mỹ thông qua.

Ukraine đang chờ đợi việc giao đầy đủ vũ khí của Mỹ với hy vọng chúng có thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đã cho phép Kyiv sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công vào một số mục tiêu hợp pháp trên lãnh thổ Nga, sau những lo ngại trước đây của Washington về tình trạng leo thang.

Randall Stone, giáo sư chính trị tại Đại học Rochester ở New York nói với Newsweek rằng việc dỡ bỏ hạn chế tấn công ở Nga là một bước leo thang nhỏ hơn so với những biện pháp khác đã được công bố, chẳng hạn như cho phép chuyển giao chiến đấu cơ F-16.

Stone nói: “Putin đã cho thấy rằng ông ấy không muốn leo thang hoặc mở rộng chiến tranh, ít nhất là chừng nào ông ấy nghĩ rằng mình đang thắng”. “Nga hiện đang giành được một số thắng lợi trên chiến trường và có khả năng đang chờ kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11, vì vậy Putin tin rằng thời gian đang đứng về phía mình”.

Theo tờ Il Fatto Quotidiano, hôm thứ Ba cũng có thông tin cho rằng Ý có thể cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow, cũng như một hệ thống phòng không SAMP/T khác, trong gói viện trợ mới nhất của Rôma dành cho Kyiv.

4. Canada giáng đòn trừng phạt mới vào Nga về những vi phạm nhân quyền

Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 13 cá nhân Nga liên quan đến cái chết của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny và “những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn và có hệ thống liên tục” của Mạc Tư Khoa, chính phủ Canada tuyên bố hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu.

Navalny, đối thủ chính trị chính của Putin, qua đời vào ngày 16 Tháng Hai tại một trại giam ở miền bắc nước Nga, sau khi bị kết án trong một số vụ án hình sự bịa đặt trong khuôn khổ cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến của Điện Cẩm Linh.

Các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các quan chức cao cấp trong cơ quan điều tra, nhà tù và lực lượng cảnh sát của Nga, những người có vai trò trong vụ ngược đãi và giết chết Navalny.

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết: “Khi chúng ta đang sống trong thời kỳ có nhiều cuộc khủng hoảng liên kết với nhau, điều quan trọng là phải tập trung vào những nỗ lực của người Nga trong cuộc đấu tranh vì các quyền và tự do cơ bản của họ”.

“Các biện pháp trừng phạt hôm nay tiếp tục thể hiện một mặt trận mạnh mẽ chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn liên tục của Điện Cẩm Linh cũng như việc nước này đàn áp xã hội dân sự và phe đối lập chính trị ở Nga.”

Joly được tường trình đã nói chuyện với Yulia Navalnaya, góa phụ của Navalny, để chia sẻ thông báo trừng phạt.

Canada mới đây đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới với Nga vào ngày 13 Tháng Sáu trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, ở Ý. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào 11 cá nhân và 16 thực thể Nga được cho là đã tham gia vào các hoạt động hỗ trợ Nga xâm chiếm Ukraine.

Liên minh Âu Châu ngày 27 Tháng Năm công bố cơ chế trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cái chết của Navalny.

5. SBU cho biết cộng tác viên Nga bị buộc tội do thám các vị trí của Ukraine gần Bakhmut đã bị kết án 15 năm tù

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, phát ngôn nhân của SBU Artem Dekhtiarenko, thông báo rằng một cộng tác viên cho Nga do thám các vị trí của Ukraine gần Bakhmut vào mùa xuân năm 2023 đã bị kết án 15 năm tù.

Theo Dekhtiarenko, người đàn ông chưa được nêu tên đã cung cấp vị trí địa lý của các vị trí quân đội Ukraine cho các đặc vụ Nga, những người sau đó sử dụng thông tin tình báo để lên kế hoạch cho các hoạt động liên quan đến bom trên không, pháo binh và các cuộc tấn công trên bộ.

Người đàn ông Ukraine, gốc Nga, cư dân Kostyantynivka ở tỉnh Donetsk, bị bắt giữ vào tháng 5 năm 2023 khi anh ta đang tích cực tiến hành trinh sát gần một cơ sở quân sự. Người đàn ông này ban đầu được tuyển dụng bởi một nhân viên của cơ quan tình báo Nga và được hứa trả lương.

Người đàn ông này thường xuyên liên lạc với các đặc vụ Nga bằng tài khoản ẩn danh thông qua ứng dụng nhắn tin. Theo SBU, các cuộc trò chuyện bằng văn bản thường xuyên bị người đàn ông xóa để tránh bị phát hiện.

Người cộng tác đã bị kết án theo điều 111 của Bộ luật Hình sự Ukraine - hành vi phản quốc được thực hiện trong tình trạng thiết quân luật.

Cuộc điều tra ban đầu được thực hiện bởi SBU ở tỉnh Donetsk và Luhansk dưới sự giám sát của văn phòng công tố khu vực Donetsk.

6. Tòa án nhân quyền Âu Châu ra phán quyết chống lại luật 'tổ chức không mong muốn' của Nga

Luật pháp của Nga coi các tổ chức nước ngoài là “không mong muốn” và việc Mạc Tư Khoa truy tố các cá nhân liên quan đến các nhóm đó vi phạm Công ước Âu Châu về Nhân quyền, Tòa án Nhân quyền Âu Châu, gọi tắt là ECHR, đưa ra lập trường trên trong một phán quyết đồng thanh ban hành ngày 18 tháng 6.

Luật về các tổ chức “không mong muốn” đã có từ năm 2015 và được sử dụng để nhắm vào những người được cho là đối thủ của chế độ Putin.

Một hội đồng gồm bảy thẩm phán đã đồng thanh ra phán quyết rằng luật này vi phạm các điều khoản của công ước về quyền tự do hội họp, hiệp hội và tự do ngôn luận.

“Tòa án nhận thấy rằng các quy định pháp lý liên quan đến 'tổ chức không mong muốn' không được xây dựng đủ chính xác để giúp các tổ chức nộp đơn có thể thấy trước rằng hành động của họ, thường là hợp pháp, sẽ dẫn đến việc bị phân loại là 'không mong muốn' và bị cấm các hoạt động của họ bên trong nước Nga,” ECHR cho biết trong một tuyên bố.

Vụ kiện được đệ trình bởi Quỹ Andrey Rylkov và những tổ chức khác thay mặt cho bốn tổ chức có trụ sở bên ngoài nước Nga - Quỹ Nước Nga Tự do ở Washington, Đại hội Thế giới Ukraine ở Toronto, Hiệp hội các Trường Nghiên cứu Chính trị của Hội đồng Âu Châu ở Strasbourg, và Thông tin Spolecnost Svobody ở Praha.

Bốn tổ chức này bị coi là “không mong muốn” theo luật pháp Nga, trong khi những người nộp đơn khác bị kết án vì liên kết với các tổ chức cũng được coi là “không mong muốn”.

Hiện có 160 tổ chức như vậy bị liệt vào danh sách “không mong muốn”, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan truyền thông độc lập, các nhóm nhân quyền, các tổ chức bác ái và các tổ chức khác.

Các tổ chức thuộc danh sách này bị cấm hoạt động ở Nga và việc các cá nhân hoặc cơ quan truyền thông khác chia sẻ các tin tức liên quan đến họ là bất hợp pháp. Chính phủ Nga đã thông qua luật vào ngày 13 tháng 5, mở rộng danh sách các tổ chức “không được mong muốn” để bao gồm cả những tổ chức được nước ngoài tài trợ. Caritas và hầu hết các tổ chức bác ái Công Giáo được Tòa Thánh tài trợ được xác định là các tổ chức “không mong muốn” theo luật pháp Nga.

7. Ukraine mong đợi sự tăng cường hỏa tiễn Storm Shadow từ đồng minh NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Eyes Storm Shadow Boost from NATO Ally”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo, Ukraine có thể sớm nhận được hỏa tiễn hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không Storm Shadow từ đồng minh NATO Ý như một phần của gói viện trợ quân sự mới.

Gói viện trợ quân sự thứ chín từ Ý đến Ukraine trong bối cảnh Nga xâm lược toàn diện đất nước này sẽ bao gồm hệ thống phòng không SAMP/T, cũng như một loạt hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow, các nguồn tin có thẩm quyền quen thuộc với vấn đề này nói với tờ báo Ý Il Fatto Quotidiano trong một bài báo đăng hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu.

Cho đến nay, Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn Storm Shadow, có tầm bắn chính thức vượt quá 155 dặm hay 250 km và được trang bị đầu đạn nặng 450 kg có thể được triển khai chống lại các mục tiêu cố định.

Kyiv cho đến nay đã sử dụng vũ khí này để nhắm vào các tài sản quan trọng của Nga, bao gồm một tàu chiến và tàu ngầm Rostov-on-Don, có trụ sở tại thành phố cảng Sevastopol của Crimea, vào tháng 9 năm 2023.

Gói mới nhất của Ý sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto trình lên ủy ban giám sát tình báo quốc hội vào cuối tháng.

Timothy Wright, cộng tác viên nghiên cứu về Phân tích Quốc phòng và Quân sự của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, lưu ý rằng hỏa tiễn Storm Shadow mang đến cho Ukraine “khả năng được cải thiện để ngăn chặn các mục tiêu có giá trị cao trong lãnh thổ bị tạm chiếm, chẳng hạn như phi trường, trung tâm hậu cần và các nút chỉ huy và kiểm soát, một số trong số đó cho đến nay vẫn nằm ngoài tầm bắn của vũ khí dẫn đường do phương Tây cung cấp”.

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi yêu cầu Ukraine được phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, hơn hai năm sau cuộc chiến do Mạc Tư Khoa phát động vào tháng 2 năm 2022. Một số thành viên NATO đã bật đèn xanh cho Kyiv tấn công lãnh thổ Nga sử dụng vũ khí họ đã cung cấp.

Vào tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã công khai tuyên bố Vương Quốc Anh cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Anh để tấn công trên đất Nga.

“Ukraine có quyền đó. Giống như việc Nga đang tấn công bên trong Ukraine, bạn hoàn toàn có thể hiểu tại sao Ukraine cảm thấy cần phải bảo đảm rằng họ có thể tự vệ”, Ngoại trưởng Cameron nói hồi tháng 5.

Putin đã cảnh báo Ukraine không được sử dụng vũ khí tầm xa do các thành viên NATO cung cấp để tấn công nước ông. Ông nói vào tháng trước rằng làm như vậy có thể gây ra “một cuộc xung đột toàn cầu”.

8. Các quan chức Berlin cho biết Nga chuyển sang tống tiền và chi nhiều tiền để tuyển mộ gián điệp Đức

Các quan chức Berlin cho biết hôm 18 Tháng Sáu rằng Nga đang “làm việc chăm chỉ” để chặn đứng những ảnh hưởng tai hại từ việc trục xuất các nhà ngoại giao khỏi Đức. Họ đang chuyển sang tống tiền và dụ dỗ trả những khoản tiền lớn để tuyển dụng gián điệp.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã phải đối mặt với sự gián đoạn sau khi các báo cáo tình báo của FSB đánh giá thấp năng lực phòng thủ của Ukraine, khiến Putin đã quản thúc tại gia nhiều quan chức hàng đầu.

Âu Châu sau đó đã trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao bị nghi ngờ hoạt động gián điệp, cản trở nghiêm trọng hoạt động thu thập thông tin tình báo của Mạc Tư Khoa.

Phát biểu ngày 18 Tháng Sáu, nhà lãnh đạo Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức, gọi tắt là BfV, Thomas Haldenwang, cho biết một số vụ việc gần đây cho thấy Nga đang đầu tư số tiền lớn để tuyển dụng gián điệp mới cũng như sử dụng các kỹ thuật tống tiền.

“Nga đang nỗ lực để bù đắp cho việc chính phủ Đức cắt giảm số lượng điệp viên Nga ở Đức”, ông nói trong bình luận được Reuters đưa tin.

Một báo cáo mới từ BFV nêu bật một trường hợp trong đó hai người Đức bị buộc tội làm gián điệp cho Nga vào năm ngoái đã được trả 428.560 Mỹ Kim.

Báo cáo cho biết: “Chi phí tình báo rất lớn này cho thấy các cơ quan của Nga tiếp tục có nguồn tài chính khổng lồ để theo đuổi mục tiêu tình báo của họ”.

Ông cũng cho biết các nhà ngoại giao Đức rất dễ bị tống tiền và “ngay khi họ có được thông tin gây tổn hại về mục tiêu của mình, các cơ quan này sẽ không ngần ngại sử dụng các kỹ thuật tuyển dụng tích cực”.

Nhiều quốc gia Âu Châu đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng các hoạt động gián điệp của Nga trong những tháng gần đây.

Các quan chức Âu Châu nói rằng quyết định của Putin để mở biên giới Nga sau cuộc xâm lược tháng 2 đã cho phép các điệp viên FSB tham gia cùng hàng ngàn người Nga đã trốn khỏi đất nước để tránh bị huy động.

Đồng thời, Tổng cục phản gián quân sự thứ ba, gọi tắt là DKVR, của FSB - cơ quan do thám quân đội Nga và ngăn chặn việc đào tẩu - đã trở thành đơn vị lớn nhất của cơ quan, các nhà phân tích an ninh cho biết.

Các đường dây gián điệp bị cáo buộc của Nga đã được phát hiện ở các quốc gia bao gồm Ukraine, Anh và Slovenia.

Cơ quan an ninh và phản tình báo nội địa Mi5 của Vương quốc Anh được cho là đã được lệnh ưu tiên tấn công vào gián điệp hơn là khủng bố vì Nga, Trung Quốc và Iran tăng cường tuyển dụng đáng kể.

Vào tháng 5, có thông tin tiết lộ rằng Nga đang tuyển mộ những kẻ cực đoan cánh hữu bạo lực để thực hiện các cuộc tấn công phá hoại ở Âu Châu và Anh, làm dấy lên mối lo ngại trong giới lãnh đạo tình báo.

9. Ukraine được đồng minh NATO tăng cường huấn luyện F-16

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Gets F-16 Training Boost From NATO Ally”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo mới, Pháp sẽ đào tạo hơn hai chục phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16 do phương Tây cung cấp trong vài năm tới.

Căng thẳng giữa Kyiv và các đồng minh ngày càng gia tăng liên quan đến các chương trình đào tạo phi công Ukraine và số lượng phi công chuẩn bị cho những chiếc F-16 đến Ukraine.

Tờ Le Monde của Pháp đưa tin hôm thứ Hai rằng Paris sẽ đào tạo 26 phi công Ukraine từ năm 2024 đến năm 2026. Newsweek đã liên hệ với Bộ lực lượng vũ trang Pháp để bình luận qua email.

AFP đưa tin hôm thứ Hai, một nhóm gồm 10 phi công Ukraine, tất cả đều ở độ tuổi 20, hiện đang tham gia chương trình đào tạo cấp tốc kéo dài 6 tháng ở Pháp, sử dụng máy mô phỏng và máy bay Alpha Jet.

Vào tháng 3 năm 2024, Vương quốc Anh cho biết một loạt 10 phi công Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện bay cơ bản và ngôn ngữ với lực lượng không quân nước này. Sau đó, nhóm này được gửi đi “huấn luyện bay nâng cao” với lực lượng không quân Pháp.

Kyiv từ lâu đã kêu gọi các chiến đấu cơ do phương Tây sản xuất với hệ thống điện tử hàng không và radar hiện đại, như máy bay F-16 của Lockheed Martin, để tăng cường khả năng cạnh tranh với lực lượng không quân đông đảo và vượt trội của Nga.

Mặc dù một số quốc gia như Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy và Bỉ – cuối cùng đã cam kết cung cấp F-16 cho Ukraine vào năm ngoái, nhưng mốc thời gian chính xác cho việc cung cấp những chiếc F-16 này vẫn chưa rõ ràng và có thể thay đổi.

Những người ủng hộ Kyiv đã quy định rằng nhân viên Ukraine phải hoàn thành chương trình đào tạo của họ và tất cả cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị cần thiết phải được đưa vào vận hành trong nước trước khi các máy bay phản lực đi vào hoạt động.

Các phi công Ukraine cũng đang được quân đội Mỹ huấn luyện tại Tucson, Arizona và tại một căn cứ không quân của Đan Mạch. Các phi công cũng được đào tạo tại trung tâm huấn luyện F-16 ở phía đông nam Rumani.

Nhưng Ukraine dường như ngày càng thất vọng với tốc độ huấn luyện và việc tiếp tục vắng bóng các máy bay phản lực do phương Tây sản xuất trên bầu trời nước này khi Nga đánh mạnh ở phía đông đất nước.

Oleksandra Ustinova, một chính trị gia Ukraine đứng đầu ủy ban vũ khí và đạn dược của Ukraine, cho biết Mỹ đang đưa ra “lời bào chữa” cho việc có quá ít phi công được đào tạo để lái F-16. Bà nói với The Times trong một bài báo đăng hôm thứ Hai rằng Ukraine sẽ có 20 phi công được đào tạo đầy đủ vào cuối năm 2024.

Ustinova nói: “Cho đến nay, chúng tôi sẽ có ít phi công được đào tạo hơn so với chiến đấu cơ”.

Đầu tháng này, Politico đưa tin rằng các quan chức Kyiv đang thúc đẩy Mỹ và các nước đối tác khác tăng số lượng phi công F-16 đang được đào tạo, nhưng cơ sở có trụ sở tại Arizona, chương trình của Đan Mạch và căn cứ ở Rumani đều có số chỗ đào tạo hạn chế.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi tháng 5 cho biết Kyiv cần từ 120 đến 130 chiếc F-16. Số lượng máy bay phản lực được hứa hẹn chưa đạt đến con số này.

10. Axios cho biết Chatbot Trí Tuệ Nhân Tạo truyền bá tuyên truyền của Nga

Theo kết quả nghiên cứu của NewsGuard do Axios công bố vào hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, các chatbot Trí Tuệ Nhân Tạo hàng đầu, bao gồm ChatGPT, Google Gemini và Meta AI, đang tạo ra và phổ biến các câu chuyện về thông tin sai lệch của Nga.

NewsGuard là một công ty minh bạch kỹ thuật số nhằm chống lại thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông trực tuyến. Đối với nghiên cứu này, các nhà phân tích đã nhập các lời nhắc liên quan đến các chiến dịch đưa thông tin sai lệch đã biết của Nga để kiểm tra phản hồi của 10 chatbot phổ biến.

Nghiên cứu cho thấy các chatbot phản hồi bằng tuyên truyền của Nga trong 32% thời gian, trích dẫn các trang tin tức giả mạo như thể chúng là những nguồn đáng tin cậy.

Đồng giám đốc điều hành của NewsGuard, Steven Brill, nói với Axios: “Điều thực sự đáng báo động là những trò lừa bịp và tuyên truyền mà các chatbot này lặp đi lặp lại thường xuyên hầu như không bị cản trở”.

Nghiên cứu liên quan đến những gợi ý được phổ biến bởi John Mark Dougan, một cựu sĩ quan cảnh sát Hoa Kỳ, phạm tội rồi trốn sang Nga và hiện đang truyền bá tuyên truyền của Điện Cẩm Linh ở Mạc Tư Khoa. Sau đó, các chatbot sẽ thường xuyên nhắc lại những tuyên bố của Dougan, coi chúng là sự thật.

Trong số các tuyên bố sai sự thật của chatbot có tin giả về nhóm blogger của Ukraine can thiệp vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ và một cuộc nghe lén tại dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Các trang tuyên truyền của Dougan được coi là nguồn tin tức hợp pháp trong những trường hợp này.

Brill cho biết: “Báo cáo này thực sự chứng minh cụ thể lý do tại sao ngành này phải đặc biệt quan tâm đến tin tức và thông tin”.

Các nhà phân tích đã tiến hành nghiên cứu của họ bằng cách sử dụng ChatGPT-4 của OpenAI, Trợ lý thông minh của You.com, Grok, Inflection, Mistral, Copilot của Microsoft, Meta AI, Claude của Anthropic, Google Gemini và Perplexity.

NewsGuard đã liên hệ với các công ty để yêu cầu bình luận về kết quả nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.

“Chúng tôi không tin tưởng vào các câu trả lời do hầu hết các chatbot này cung cấp cho các vấn đề liên quan đến tin tức, đặc biệt là các vấn đề gây tranh cãi,” Brill nói.

11. Trung Quốc kêu gọi NATO 'ngưng đổ lỗi' về chiến tranh Ukraine

Trung Quốc hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, đã kêu gọi NATO “ngưng đổ lỗi” về cuộc chiến Ukraine sau khi nhà lãnh đạo liên minh quân sự phương Tây cáo buộc Bắc Kinh làm xấu đi cuộc xung đột khi hỗ trợ cho Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Hai kêu gọi Trung Quốc phải đối mặt với hậu quả vì điều mà các quan chức Mỹ gọi là nỗ lực xuất khẩu lớn để xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Trung Quốc thể hiện mình là một bên trung lập trong cuộc chiến Ukraine và nói rằng họ không gửi viện trợ sát thương cho bên nào, không giống như Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác.

Đáp lại các chỉ trích của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh, nói rằng NATO “nên tự phản ánh thay vì bôi nhọ và tấn công Trung Quốc một cách tùy tiện”.

Cô ta cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ: “Chúng tôi khuyên NATO ngừng đổ lỗi và gieo rắc bất hòa, đừng đổ thêm dầu vào lửa và kích động đối đầu mà thay vào đó hãy làm điều gì đó thiết thực để giải quyết cuộc khủng hoảng bằng chính trị”.

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga đã phát triển gần gũi hơn kể từ khi Putin xâm lược Ukraine, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ những tuyên bố của phương Tây rằng họ đang hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa.

Tuy nhiên, nó đã mang lại một huyết mạch quan trọng cho nền kinh tế bị cô lập của Nga, với thương mại bùng nổ kể từ khi xung đột bắt đầu.

Và các ngoại trưởng G7 hôm thứ Sáu bày tỏ “mối quan ngại mạnh mẽ” về việc chuyển giao vật liệu và phụ tùng vũ khí có công dụng kép từ các doanh nghiệp Trung Quốc sang Nga đang được Mạc Tư Khoa sử dụng để mở rộng quân sự.

12. ISW cho biết Putin đang chuẩn bị cho 'những người kế nhiệm có thể' bằng những đề bạt mới

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Grooming 'Possible Successors' With New Promotions: ISW”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW cho biết, Vladimir Putin đang coi người thân và những đứa trẻ trong vòng thân cận của mình là tương lai của chế độ của mình.

Cơ quan cố vấn Washington, DC đã đưa ra đánh giá này sau khi Putin sa thải bốn thứ trưởng quốc phòng trong một cuộc thanh trừng các quan chức khỏi bộ quốc phòng của ông, được coi là một nỗ lực để dọn dẹp nội bộ khi cuộc xâm lược Ukraine của ông chùn bước trong năm thứ ba trong bối cảnh tổn thất cao mà thắng lợi thì ít ỏi.

Bốn thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nga đã bị thay thế bởi Anna Tsivileva và Pavel Fradkov. Tsivileva là con gái của Yevgeny Putin, em họ của tổng thống Nga, hãng điều tra Agentstvo của Nga đưa tin. Cô cũng đã kết hôn với Sergey Tsavilev, người từng là thống đốc vùng Kemerovo cho đến tháng 5 vừa qua và đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng năng lượng của Nga như một phần trong kế hoạch cải tổ của Putin.

Tsivileva nằm trong số những nhân vật có quan hệ với tổng thống Nga, người đã bị chính phủ Anh trừng phạt sau cuộc xâm lược toàn diện của nhà độc tài vào Ukraine, trong đó Bộ Ngoại giao Anh gọi bà là “người chị họ đầu tiên của Putin từng bị trừng phạt”.

Bà là chủ tịch công ty khai thác than của Nga, Công ty Cổ phần Kolmar Group, công ty cũng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Bà cũng là chủ tịch của Quỹ “Những người bảo vệ Tổ quốc” do Điện Cẩm Linh khởi xướng.

Trong khi đó, Fradkov cũng có quan hệ mật thiết với Putin. Ông là con trai của cựu thủ tướng Nga và đồng minh lâu năm Mikhail Fradkov, đồng thời giữ chức phó quản trị viên thứ nhất của chính quyền tổng thống. Gornin là Thứ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2018.

ISW cho biết, việc bổ nhiệm họ là một phần trong nỗ lực mới nhất của Putin “nhằm giới thiệu người thân và con cái của các quan chức cao cấp khác của Nga với công chúng Nga và bổ nhiệm các cố vấn kinh tế cho Bộ Quốc phòng Nga để cải thiện nền kinh tế thời chiến”.

Đầu tháng này, Tsivileva và Fradkov được cho là đã tham gia Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg cùng với các con gái của Putin và con của các quan chức cao cấp khác nhằm mục đích tạo tiền đề cho họ đảm nhận các vai trò cao cấp và quyền lực trong chính phủ Nga.

Các blogger quân sự Nga hoan nghênh việc sa thải các Thứ trưởng Quốc phòng trước đây Nikolai Pankov, Ruslan Tsalikov, Tatiana Shevtsova và Tướng Quân đội Pavel Popov, mở đường cho việc bổ nhiệm mới, mô tả đây là một động thái quyết định nhằm giải quyết tình trạng tham nhũng trong Bộ Quốc phòng Nga.

Trong khi đó, ISW cho biết việc bổ nhiệm của Putin cho thấy ông có thể đang tìm kiếm “chuẩn bị những người có thể kế nhiệm chế độ của mình từ nhóm con cái, họ hàng và con cái của các quan chức cao cấp khác mà ông ta tin tưởng.
 
Kyiv thắng lớn ở Kharkiv. Tân Tổng thư ký NATO và Donald Trump. Ở Cuba, vỏ tàu ngầm Nga bể từng mảng
VietCatholic Media
15:52 20/06/2024


1. Bản đồ chiến tranh Ukraine tiết lộ các vị trí tiền tuyến được chiếm lại của Kyiv gần Kharkiv

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine War Maps Reveal Kyiv's Recaptured Frontline Positions Near Kharkiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đã giành lại lãnh thổ ở phía đông bắc thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Kharkiv, theo các báo cáo mới, khi Nga tiếp tục tung thêm quân tấn công vào thị trấn biên giới Vovchansk bị tàn phá.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết quân đội Kyiv đã chiếm lại một số vị trí gần Hlyboke, một thị trấn gần khu định cư Lyptsi.

Nga đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới từ vùng Belgorod vào vùng Kharkiv của Ukraine vào đầu tháng 5, nhanh chóng giành được một số khu định cư dọc theo hai khu vực biên giới. Các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa tập trung xung quanh làng Lyptsi—trong vòng khoảng 20 dặm từ thủ đô khu vực, Thành phố Kharkiv—và thành phố biên giới Vovchansk.

Ukraine cho biết họ đã làm chậm cuộc tấn công của Nga, ngay cả khi nước này cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa đang cố gắng sử dụng quá mức các nguồn lực của Ukraine và chuyển hướng nỗ lực khỏi khu vực phía đông Donetsk. Thống đốc khu vực Kharkiv, Oleh Syniehubov, hồi đầu tuần đã mô tả tiền tuyến ở phía bắc Kharkiv là “ổn định”, nhưng cảnh báo rằng mặc dù Ukraine có thể “tự tin” về các hoạt động xung quanh Lyptsi, “các trận chiến đang diễn ra trên mọi con phố, từng ngôi nhà” ở Vovchansk.

Ukraine cũng phải đối mặt với các cuộc tấn công không ngừng bằng bom dẫn đường của Nga, thường được thực hiện bởi các máy bay phản lực Nga đang bay sát lãnh thổ Nga và nằm ngoài tầm kiểm soát của lực lượng phòng không Ukraine.

Cuối tháng trước, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng một số vũ khí do Mỹ cung cấp trên đất Nga được quốc tế công nhận để chống lại cuộc tấn công, mặc dù Kyiv không được phép sử dụng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS.

Vitaly Lytvyn, một sĩ quan thuộc đơn vị tình báo thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, cho biết hồi đầu tuần rằng Kyiv đã “đẩy lùi đối phương” khỏi Lyptsi, đồng thời nói thêm rằng “tình hình ổn định, được kiểm soát nhưng khó khăn vì quân Nga liên tục bổ sung quân số”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Hai: “Lực lượng của chúng tôi đang dần đẩy quân xâm lược ra khỏi khu vực Kharkiv”.

Trong bản cập nhật hoạt động hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đã “cải thiện tình hình dọc tiền tuyến” và tấn công vào các vị trí của Ukraine xung quanh Lyptsi, Vovchansk và làng Starytsia, phía tây nam Vovchansk.

Trung tâm Chiến lược Quốc phòng, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Ukraine, cho biết hôm thứ Ba rằng tình hình rất “căng thẳng” ở phía bắc Kharkiv, với 14 cuộc tấn công của Nga gần Vovchansk trong ngày hôm trước và một cuộc tấn công khác gần Lyptsi.

Quân đội Ukraine sáng sớm thứ Tư theo giờ địa phương cho biết quân đội Nga đã tấn công phía bắc khu vực Kharkiv ba lần kể từ đầu ngày, trong đó có hai lần gần Vovchansk.

Tổ chức nghiên cứu ISW cho biết hôm thứ Ba: “Các lực lượng Nga gần đây đã bổ sung quân cho Vovchansk trong bối cảnh Nga tiếp tục tấn công bằng bộ binh vào khu vực này vào ngày 18 Tháng Sáu”.

Một người lính Nga, xuất hiện trong một đoạn clip do tờ báo độc lập Astra của Nga đăng tải cuối tuần qua, cho biết chỉ hơn 10% binh sĩ trong đơn vị của anh vẫn ở lại trong khu vực sau khi đối mặt với hỏa lực của pháo binh và máy bay điều khiển từ xa của Ukraine ở Vovchansk.

Giao tranh xa hơn về phía nam ở Kharkiv, bao gồm cả phía đông thành phố Kupiansk và xuống biên giới với Donetsk, đã bùng nổ trong phần lớn cuộc chiến tranh toàn diện.

“Đối phương đã không giảm bớt áp lực” xung quanh Kupiansk, Syniehubov nói với hãng thông tấn Ukraine Ukrinform hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu,.

2. Nga dùng mỹ nhân kế để chiêu dụ cộng tác viên, một thanh niên dại gái lãnh 8 năm tù

Tờ Kyiv Post cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Another Honeypot Spilled – Ukraine Arrests Collaborator Lured to Work for Moscow Through Dating Chat”, nghĩa là “Thêm một hũ mật bị đổ – Ukraine bắt giữ cộng tác viên bị dụ làm việc cho Mạc Tư Khoa thông qua trò chuyện hẹn hò trên mạng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã bắt giữ một người đàn ông thất nghiệp sống ở Derhachi, một thành phố gần Kharkiv, khi anh ta đang chụp ảnh các vị trí quân sự theo lệnh của một phụ nữ Nga mà anh ta gặp qua cuộc trò chuyện hẹn hò trên mạng xã hội.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, phát ngôn nhân của SBU Artem Dekhtiarenko, người đàn ông này có quan điểm thân Nga và đã được một “sĩ quan liên lạc của cơ quan đặc biệt Nga”, người này giả làm một công dân bình thường, tiếp cận “thông qua cuộc trò chuyện hẹn hò phổ biến trên ứng dụng nhắn tin Telegram”.

Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết người phụ nữ này đóng giả là một nhà báo và “đóng vai trò là 'người liên lạc' giữa nghi phạm và các cơ quan mật vụ của Nga.”

Dekhtiarenko nói: “Nữ 'nhà báo' Nga bắt đầu 'mối quan hệ lãng mạn' với người đàn ông, và đến lượt mình, anh ta thu thập và giao cho cô vị trí của quân đội Ukraine và các thiết bị ở Derhachi”.

“Nghi phạm đã đi quanh thành phố và bí mật chụp ảnh các căn cứ của Lực lượng Phòng vệ. Thông tin này là cần thiết để Liên bang Nga thực hiện các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa vào thành phố”.

SBU cho biết người đàn ông này đã bị bắt quả tang khi đang chụp ảnh các hoạt động di chuyển của quân đội Ukraine.

“Tại hiện trường, người ta thu giữ một chiếc điện thoại mà nghi phạm dùng để liên lạc với 'bạn gái' người Nga và chụp ảnh các vật thể quân sự”.

Văn phòng Tổng công tố cũng cung cấp các bức ảnh về cuộc trò chuyện giữa nghi phạm và người phụ nữ người Nga, trong đó người phụ nữ nói rằng cô ấy “rất khó chịu khi anh ta tiếp tục làm cho cô ta thất vọng khi không thể cung cấp các hình ảnh nhanh hơn”

“Thành thật mà nói, em rất mong nhận được tin nhắn tích cực của anh. Và em rất khó chịu khi anh cứ tiếp tục làm em thất vọng.

“Em hy vọng ngày mai thức dậy và nhìn thấy tin nhắn tích cực từ anh kèm theo những bức ảnh mà anh đã hứa với em”, tin nhắn của cô ta gửi cho nghi phạm viết.

Người đàn ông này sẽ phải đối mặt với án tù 8 năm.

Dekhtiarenko nói mỉa mai rằng theo kinh nghiệm của anh những người phụ nữ Nga này thường chỉ là những tên đực rựa từ cục an ninh mạng của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, chuyên giăng bẫy trên mạng xã hội.

3. Tình báo quân sự cho biết đã xác định được lính Nga hành quyết tù binh Ukraine gần Robotyne

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian soldiers who executed Ukrainian POWs near Robotyne identified, military intelligence says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, đã xác định được các sĩ quan và binh sĩ Nga đã hành quyết tù binh chiến tranh Ukraine gần Robotyne của Zaporizhzhia vào tháng trước.

Một đoạn video được quay vào nửa cuối tháng 5 ghi lại cảnh quân đội Nga hành quyết 4 binh sĩ Ukraine đầu hàng gần Robotyne, một thị trấn tiền tuyến ở phía nam Zaporizhzhia.

Đoạn video cho thấy các binh sĩ Ukraine bị bắt nằm sấp, sau đó họ bị bắn vào lưng. Tình báo quân sự Ukraine nhấn mạnh hành động này cấu thành tội ác chiến tranh.

Đây là một bằng chứng khác về tội ác chiến tranh của Nga đối với các tù nhân Ukraine, cả quân sự và dân sự, trong suốt cuộc chiến toàn diện.

Đại Úy Yusov cho biết thủ phạm được xác định là các sĩ quan và binh sĩ của Trung đoàn súng trường cơ giới số 70 thuộc Sư đoàn súng trường cơ giới số 42 của Quân đoàn 58. Trạm thường trú của trung đoàn là thị trấn Shali ở Chechnya.

Tên của những thủ phạm bị cáo buộc là Đại úy Dmitry Nagornyi, Thượng úy Temirlan Abutalimov, Trung úy Zaur Bekov và Thượng úy Yusup Imagazaliev.

Cơ quan tình báo cũng xác định chỉ huy trung đoàn vào thời điểm hành quyết là Trung tá Yury Abayev.

Đại Úy Yusov cho biết: “Những tên tội phạm chiến tranh cụ thể này của Nga cũng có thể liên quan đến vụ sát hại thêm một số tù nhân chiến tranh Ukraine vào cuối tháng 5 năm 2024”. Ông cho biết HUR đã thu được cuộc trò chuyện qua radio làm bằng chứng.

Tính đến tháng 3 năm 2024, Văn phòng Tổng công tố Ukraine đã thu thập thông tin trước khi xét xử về hơn 128.000 nạn nhân của tội ác chiến tranh. Các công tố viên cho biết họ đang điều tra vụ án ít nhất 54 tù binh Ukraine bị Nga hành quyết.

Tổng công tố Andrii Kostin hôm 18 Tháng Sáu cho biết các chỉ huy Nga đã ra lệnh “không bắt giữ các quân nhân Ukraine mà thay vào đó là giết họ một cách tàn ác vô nhân đạo”. Ông đưa ra tuyên bố này sau khi tiết lộ đoạn phim quay cảnh một binh sĩ Ukraine bị quân đội Nga chặt đầu và thủ cấp của người lính Ukraine không may bị cắm trên một chiếc xe thiết giáp của quân Ukraine bị hư hỏng trên chiến trường.

4. Ukraine xác định được người lính Ukraine bị quân Nga hành hình

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “POW allegedly beheaded by Russian troops identified, Ukraine says” nghĩa là “Ukraine xác định được tù binh chiến tranh bị quân đội Nga chặt đầu”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, Tổng công tố Andrii Kostin cho biết người lính Ukraine được cho là bị quân đội Nga chặt đầu ở tỉnh Donetsk đã được xác định danh tính.

Kostin đưa tin về việc phát hiện thi thể của người lính này trước Quốc Hội Ukraine, nói rằng đây là một tội ác chiến tranh khác và là một phần trong “chiến lược đã được lên kế hoạch” của Điện Cẩm Linh.

Tổng công tố cho biết văn phòng của ông đã nhận được thông tin rằng các chỉ huy Nga đã ra lệnh “không bắt giữ các quân nhân Ukraine mà thay vào đó giết họ một cách tàn ác vô nhân đạo – bằng cách chặt đầu”.

Ông đã trình trước Quốc Hội Ukraine, thường được gọi là Verkhovna Rada, một bức ảnh cho thấy thủ cấp bị cắt rời khỏi thân thể của người lính Ukraine trên mui chiếc xe thiết giáp bị hư hỏng.

Ông Kostin cho biết danh tính của người lính này đã được xác định, nhưng tên của anh ta vẫn chưa được tiết lộ “vì các thủ tục đang được tiến hành để xác nhận cuối cùng về dữ liệu của anh ta”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng xác định được các chỉ huy Nga có khả năng chịu trách nhiệm về vụ chặt đầu người lính Ukraine”.

“Thực tế này là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy sự coi thường hoàn toàn luật pháp quốc tế và đạo đức chung là chính sách cấp nhà nước của quốc gia khủng bố Nga.”

“Mọi nhà lãnh đạo thế giới bắt tay Putin nên nhận ra rằng người ấy đang bắt tay một tên đồ tể ra lệnh cho những vụ giết người dã man.”

Nga bị cáo buộc phạm nhiều tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, bao gồm cả việc hành quyết các binh sĩ Ukraine bị bắt giữ.

Đầu tháng này, Thanh tra viên Ukraine Dmytro Lubinets đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự quốc tế, gọi tắt là ICRC, điều tra các video cho thấy binh lính Nga đánh đập, làm nhục và đe dọa các tù nhân chiến tranh Ukraine được cho là theo hướng Kharkiv.

Lubinets nói: “Thật không may, cách đối xử như vậy đối với tù nhân chiến tranh Ukraine không phải là một ngoại lệ đối với các quy tắc, mà là một chiến thuật phổ biến của quân xâm lược”.

Lubinets trước đó đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc và ICRC điều tra các tội ác khác đối với tù nhân chiến tranh Ukraine, bao gồm cả việc hành quyết ít nhất 5 tù binh ở Avdiivka vào tháng 2.

Tính đến tháng 3 năm 2024, Văn phòng Tổng công tố Ukraine đã thu thập thông tin trước khi xét xử về hơn 128.000 nạn nhân của tội ác chiến tranh.

5. Thân tàu ngầm Nga bị hư hại trong chuyến thăm Cuba đặt ra nhiều câu hỏi

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Submarine's Damaged Hull During Cuba Visit Raises Questions”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hình ảnh một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga cập cảng Havana vào tuần trước để tập trận dường như cho thấy một số hư hại ở thân tàu, làm dấy lên nhiều câu hỏi trên mạng xã hội.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan và các tàu hải quân khác đã cập cảng Havana vào ngày 12 Tháng Sáu và rời cảng hôm Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, sau 5 ngày lưu trú. Nga đã triển khai tàu chiến và máy bay tới Biển Caribe vào tuần trước để thực hiện các cuộc tập trận quân sự theo kế hoạch – một động thái mà Mỹ cho biết họ không lo ngại.

Những người quan sát cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đang diễn ra đã chia sẻ những bức ảnh chụp chiếc tàu ngầm đang neo đậu trên mạng xã hội, chỉ ra những lỗ hổng trên thân tàu.

Tàu ngầm thường được trang bị lớp phủ tàng hình hoặc lớp cách âm, được thiết kế để hấp thụ sóng âm, khiến chúng ít bị tấn công hơn và tàu địch khó theo dõi hơn. Người ta thường thấy những mảng gạch bị thiếu trên thân tàu ngầm.

Igor Sushko, một blogger quân sự người Ukraine và giám đốc điều hành của Nhóm nghiên cứu Wind of Change, viết trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter: “Tàu ngầm Nga bắt đầu vỡ vụn trong chuyến đi tới Cuba”.

“Liệu nó có quay trở lại Nga không?? Tôi nói rằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đi đến một cảng cách đó vài giờ ở Florida để đào tẩu là hành động tốt nhất”, ông nói thêm.

Marijn Markus, một nhà khoa học dữ liệu ở Hòa Lan, cho biết trên LinkedIn: “Tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Nga, Kazan, đã vỡ vụn khi đến thăm Cuba. Các tấm cách âm của nó đang rơi ra, có nghĩa là tàu ngầm 'tàng hình' có thể sẽ phát ra âm thanh rất lớn dưới nước và phát sáng trên sóng siêu âm.”

Markus viết: “Gạch cách âm có thể thay thế được nhưng Chúa ơi, lỗ hổng ở bên phải…”.

“Khi cập cảng, người ta nhìn thấy các thợ lặn Nga xung quanh tàu ngầm, có lẽ đang cố gắng sửa chữa. Điều đáng kinh ngạc là chiếc tàu ngầm này chỉ mới 6 tuổi. Lưu ý việc mất gạch là một vấn đề mà các cầu thủ phương Tây cũng mắc phải. Thông thường là vấn đề về chất kết dính và sự nén và giãn nở liên tục của thân tàu.”

HI Sutton, một nhà nghiên cứu an ninh hàng hải, cho biết trong một bài báo cho Forbes vào năm 2020 cho rằng lớp phủ chống ồn đặt ra một thách thức về mặt kỹ thuật vì chúng “cần phải gắn bó trong một số môi trường thách thức nhất trên trái đất”.

“Thân tàu ngầm dù được làm bằng thép siêu bền nhưng vẫn có thể uốn cong khi tàu ngầm lặn sâu xuống nước. Và lớp phủ tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ,” ông nói.

“Hải quân Hoa Kỳ không đơn độc gặp thách thức với lớp phủ tàng hình của mình. Hải quân Hoàng gia, triển khai theo mô hình tương tự, thường có một số phần của lớp phủ bị bong ra. Và Hải quân Nga, hoạt động ở Bắc Cực khắc nghiệt, cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự”, Sutton nói. “Những thách thức của họ càng trở nên trầm trọng hơn do vỏ titan của một số tàu ngầm, dường như làm cho lớp phủ khó bám hơn.”

“Vì vậy, lần tới khi bạn nhìn thấy một chiếc tàu ngầm có vết sẹo rõ ràng nơi lớp phủ bị bong ra, hãy nhận ra rằng đó là một vấn đề phổ biến phản ánh các điều kiện vận hành khắc nghiệt. Những sửa chữa có thể đang được thực hiện.”

6. Nhà lãnh đạo dự kiến tiếp theo của NATO có thể có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến tại Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “What NATO's Likely Next Chief Means For Ukraine War”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mark Rutte, thủ tướng Hòa Lan sắp mãn nhiệm có khả năng trở thành nhà lãnh đạo NATO tiếp theo, có mối quan hệ tốt với Donald Trump, điều này có thể giúp liên minh này thoát khỏi bế tắc với Vladimir Putin về cuộc chiến ở Ukraine, bất kể ai giành được Tòa Bạch Ốc.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Tổng thống Trump đã chỉ trích các thành viên NATO không chi tiêu nhiều như Mỹ cho quốc phòng và kể từ khi ông rời nhiệm sở, các cựu quan chức đã nói rằng ứng cử viên hiện tại của Đảng Cộng hòa đã đe dọa rút Mỹ ra khỏi liên minh.

Vào tháng 2, cựu Tổng thống Trump cho biết ông đã nói với các thành viên NATO rằng ông “sẽ khuyến khích” Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” đối với những quốc gia “không tuân thủ” cam kết tài chính với liên minh.

Những bình luận này đã gây ra cảnh báo trong bối cảnh Nga tiến hành xâm lược toàn diện Ukraine và cảnh báo từ các nhà lãnh đạo NATO rằng Putin sẽ tìm cách tấn công các nước trong liên minh.

Nhưng Roger Hilton, nhà nghiên cứu quốc phòng tại tổ chức tư vấn GLOBSEC có trụ sở tại Slovakia, nói rằng ngay cả khi cựu Tổng thống Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc vào tháng 11 tới đây, Thủ tướng Rutte có thể là người tốt nhất để hợp tác với ông ấy. Tại Hội nghị An ninh Munich thường niên gần đây nhất, Rutte cho biết các nhà lãnh đạo nên ngừng “rên rỉ và than vãn về Trump” khi ông kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng bất kể ai thắng cuộc bầu cử Mỹ.

Hilton nói với Newsweek: “Một đặc điểm bị đánh giá thấp trong hồ sơ của ông ấy nhưng có thể có giá trị rất lớn là mối quan hệ tốt của ông ấy với Donald Trump nếu ông Trump giành lại được Tòa Bạch Ốc”. Ông nói: “Theo các tường thuật, Rutte đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giải cứu hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo NATO năm 2018. “Khả năng điều hướng khéo léo Tòa Bạch Ốc kiểu Trump 2.0 của ông ấy sẽ có tầm quan trọng sống còn đối với NATO và Ukraine.”

Cơ hội để Rutte, 57 tuổi, thay thế Jens Stoltenberg, người sẽ từ chức vào tháng 10, đã tăng lên sau khi Hung Gia Lợi và Slovakia hôm thứ Hai cho biết họ sẽ ủng hộ việc đề cử ông trong vai trò lãnh đạo liên minh 32 quốc gia. Rumani, nơi có tổng thống Klaus Iohannis cũng là một ứng cử viên tranh chức Tổng thư ký NATO, là thành viên duy nhất phản đối việc đề cử Rutte.

“Tôi không mong đợi bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào đối với Hoa Kỳ dưới thời Rutte. Ông ấy là một nhà điều hành chính trị sắc sảo, giàu kinh nghiệm, lịch sự và có mối quan hệ đặc biệt tốt, rất thành thạo trong việc tìm kiếm và theo dõi tình hình chính trị trong liên minh”, John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Mạc Tư Khoa và Kyiv, nói với Newsweek.

“ Với sự ủng hộ của ông ấy ban đầu đến từ Mỹ và Đức, tôi không mong đợi ông ấy sẽ thẳng thắn như Stoltenberg trong việc ủng hộ Ukraine và ông ấy có thể sẽ đi theo đường lối của DC”.

Foreman nói thêm: “Ông ấy đã trở nên diều hâu hơn với Nga trong những năm gần đây. Cá nhân tôi không nghĩ ông ấy là sự lựa chọn tốt nhất - một người đàn ông Tây Âu khác - nhưng ông ấy là ứng cử viên ít gây khó chịu nhất cho tất cả các bên.”

Rutte nhậm chức thủ tướng Hòa Lan vào năm 2010 và trong nhiệm kỳ của ông đã giải quyết hậu quả của vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine vào năm 2014 mà đất nước của ông đổ lỗi cho Nga, trong đó 196 trong số 298 nạn nhân là người Hòa Lan.

Vào tháng 9 năm 2022, bảy tháng sau khi Putin bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Rutte nói với Liên Hiệp Quốc rằng nhà độc tài Nga “sẽ không dừng lại ở Ukraine, nếu chúng ta không ngăn chặn ông ấy ngay bây giờ. Cuộc chiến này còn lớn hơn chính Ukraine”.

Vào tháng 4, ông nói “đừng đánh giá quá cao Putin” và ông kết luận rằng “ông ấy không phải là một người mạnh mẽ”.

Hilton cho biết Rutte với tư cách là nhà lãnh đạo NATO “nên được Zelenskiy và Kyiv nhìn nhận tích cực” và giống như Stoltenberg, ông có thể sẽ sử dụng ngoại giao để trấn an các đồng minh đang lo lắng dọc sườn phía đông của NATO.

Hòa Lan đang dẫn đầu một nhóm quốc tế cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, quốc gia mà Rutte đã ký hiệp ước an ninh 10 năm, bảo đảm sự ủng hộ của Hòa Lan bất chấp sự chỉ trích của nhà lãnh đạo cực hữu vừa đắc cử Geert Wilders.

Hilton cho biết: “Một lĩnh vực vẫn chưa được quyết định là liệu việc bổ nhiệm ông ấy sẽ mang lại lợi ích hay tác động tiêu cực đến chính phủ sắp tới của Hòa Lan”. “Cho đến khi Nội các quyết định, cần thêm thời gian trước khi suy đoán xem nó có ý nghĩa gì đối với Ukraine và chi tiêu quốc phòng.”

7. Người đàn ông có giấy tờ tùy thân Ukraine bị bắt ở Bulgaria vì tội gián điệp

Hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, truyền thông Bulgaria đưa tin một người đàn ông 23 tuổi có giấy tờ tùy thân của Ukraine đã bị bắt giữ ở Bulgaria và bị buộc tội làm gián điệp.

Theo báo cáo, người đàn ông này đã xâm nhập trái phép vào lãnh thổ của nhà máy nhiệt điện “Maritsa Iztok 2” một ngày trước đó và bị đội an ninh của địa điểm bắt giữ.

An ninh tìm thấy máy bay điều khiển từ xa, điện thoại di động và nhiều thẻ SIM trên người anh ta.

Truyền thông địa phương đưa tin người đàn ông này đã bị bắt và bị buộc tội thu thập thông tin được coi là bí mật nhà nước nhằm mục đích cung cấp cho nước ngoài.

Vẫn chưa biết liệu anh ta có chụp ảnh một vật thể chiến lược trong nhà máy điện hay không và liệu các thiết bị của anh ta có chứa thông tin bí mật nhà nước hay không.

Cho đến nay, các cơ quan an ninh Bulgaria tình nghi các giấy tờ tùy thân của anh ta là giấy tờ giả vì người này không nói được tiếng Ukraine.

8. Cuộc gặp của Putin với Kim Chính Ân làm dấy lên cảnh báo từ quan chức Anh

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin's Meeting With Kim Jong Un Sparks Warning From UK Official”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh đã đưa ra cảnh báo về cuộc gặp giữa Putin và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân.

Putin hôm thứ Tư đã gặp Kim ở Bắc Hàn trong chuyến thăm đầu tiên của bạo chúa Nga tới nước này sau 24 năm, khi hai nhà độc tài tìm cách tăng cường quan hệ.

Nga ngày càng thấy mình bị cô lập với phương Tây sau cuộc xâm lược Ukraine mà Putin đã phát động vào tháng 2 năm 2022. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã gây ra sự chỉ trích từ hầu hết Âu Châu. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, từ lâu đã có mối quan hệ bất ổn với Nga, coi cuộc xâm lược là vô cớ và là mối đe dọa tiềm tàng đối với phần còn lại của Âu Châu.

Giữa những phản ứng dữ dội, Putin đã nỗ lực tăng cường quan hệ với các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Bắc Hàn, cả hai quốc gia này đều có mối quan hệ căng thẳng với phần lớn phương Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Grant Shapps đã đưa ra lời cảnh báo về cuộc gặp gỡ giữa Putin và Kim.

“Những cảnh tượng kỳ lạ trong chuyến thăm Bắc Hàn của Putin nên được coi là một lời cảnh báo. Một trục chuyên chế mới đang hoạt động để phá hoại các quyền tự do của chúng ta.”

Javed Ali, giáo sư tại Đại học Michigan và cựu giám đốc cao cấp về chống khủng bố tại Hội đồng An ninh Quốc gia, nói với Newsweek hôm thứ Tư rằng cuộc gặp gỡ “nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và sẽ cho phép Nga mua thêm các hệ thống pháo, đạn pháo và đạn dược từ Bắc Bắc Hàn để sử dụng trong cuộc xung đột.

“Mỹ và các đối tác ở NATO và Á Châu nên lo ngại về mối quan hệ ngày càng phát triển này. Nga cũng đã phát triển mối quan hệ tương tự với Iran, nơi Tehran đã cung cấp máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn mà Nga đã sử dụng hàng loạt để chống lại Ukraine trong hai năm qua”, ông nói.

Trong chuyến thăm, Kim nói rằng ông cam kết “ủng hộ hoàn toàn” cuộc chiến của Nga ở Ukraine, mặc dù vẫn chưa rõ chính xác sự hỗ trợ này sẽ như thế nào.

Hãng thông tấn Interfax của Nga hôm thứ Tư đưa tin rằng “một tài liệu cơ bản mới đã được chuẩn bị”, được thiết kế như một nền tảng mới cho quan hệ Nga-Bắc Hàn. Truyền thông nhà nước đưa tin rằng hai nhà độc tài sẽ ký cái mà họ gọi là hiệp ước “đối tác chiến lược toàn diện” nhằm giải quyết các vấn đề an ninh.

Tình báo phương Tây kết luận rằng Bắc Hàn đã cung cấp vũ khí, bao gồm cả hỏa tiễn đạn đạo, cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine. Nhưng các nhà lãnh đạo ở Nga và Bắc Hàn tiếp tục phủ nhận điều đó.

Hãng tin AP đưa tin rằng thỏa thuận này có thể là “mối liên kết mạnh mẽ nhất” giữa hai nước kể từ Chiến tranh Lạnh. AP đưa tin, mặc dù các chi tiết cụ thể vẫn chưa rõ ràng, nhưng thỏa thuận này dự kiến sẽ giúp họ tăng cường quan hệ văn hóa, kinh tế, nhân đạo, đầu tư và an ninh.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Putin đã rơi vào “trong tình trạng tuyệt vọng” cố gắng “phát triển và tăng cường quan hệ với các quốc gia có thể cung cấp cho ông những gì ông cần để tiếp tục cuộc chiến xâm lược mà ông đã bắt đầu chống lại Ukraine.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong cùng cuộc họp báo rằng cuộc họp “chứng minh và xác nhận mối liên kết rất chặt chẽ giữa Nga và các quốc gia độc tài như Bắc Hàn, cũng như cả Trung Quốc và Iran”.

“Tất nhiên, chúng tôi cũng lo ngại về sự hỗ trợ tiềm năng mà Nga cung cấp cho Bắc Hàn khi hỗ trợ các chương trình hỏa tiễn và hạt nhân của họ. Chúng tôi thấy Nga nhận được rất nhiều hỗ trợ quân sự từ Bắc Hàn cũng như từ Iran, và cách Trung Quốc đang hỗ trợ nền kinh tế chiến tranh của họ”, Tổng Thư Ký Stoltenberg nói.

9. Người đàn ông được giải cứu đã qua đời trong bệnh viện sau vụ tấn công Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết một người đàn ông 52 tuổi bị thương trong vụ tấn công của Nga vào Kherson đã chết tại bệnh viện.

Lực lượng Nga đã tấn công quận Dniprovskyi của thành phố vào khoảng 6 giờ chiều giờ địa phương ngày 19 tháng 6. Cuộc tấn công khiến hai người đàn ông 30 tuổi và 52 tuổi bị thương. Họ đang tiến hành công việc sửa chữa trên mái nhà vào thời điểm xảy ra vụ tấn công. Cả hai người đều phải vào bệnh viện.

Người đàn ông 52 tuổi đang trong tình trạng nghiêm trọng. Anh ta bị bầm tím, chấn thương đầu và vết thương do mảnh đạn. Đại Úy Lyutnytska cho biết người đàn ông đã chết vào khoảng 7h20 tối giờ địa phương.

Cô nhấn mạnh rằng kể từ khi Ukraine giải phóng Kherson và các khu vực xung quanh bờ tây sông Dnipro vào tháng 11/2022, quân đội Nga tiếp tục thường xuyên tấn công vào lãnh thổ này.

10. Nga đạt cột mốc tổn thất lớn về pháo binh

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Hits Major Artillery Loss Milestone”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết quân đội Nga đã đạt một cột mốc nghiệt ngã về tổn thất pháo binh trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ông nói: “14.000 - tổn thất hệ thống pháo của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện. Chúng tôi tiếp tục tiêu diệt vũ khí của Nga. Chúng tôi mở đường đến Chiến thắng”.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine, nơi đăng số liệu về tổn thất quân đội và trang thiết bị của Nga như một phần cập nhật hàng ngày về cuộc chiến, cho biết Nga đã mất 48 hệ thống pháo trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 14.007.

Cập nhật mới nhất hôm thứ Tư, quân đội Ukraine cho biết Nga đã mất 1.130 binh sĩ trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 529.750.

Quân đội Kyiv cho biết Mạc Tư Khoa cũng đã mất tổng cộng 15.319 xe chiến đấu bọc thép, 7.984 xe tăng, 19.078 xe chuyển quân và nhiên liệu, 857 hệ thống tác chiến phòng không, 359 máy bay phản lực quân sự, 326 máy bay trực thăng và 28 tàu chiến trong cuộc chiến đang diễn ra.

Nga và Ukraine đang chịu tổn thất đáng kể về quân đội và trang thiết bị khi giao tranh gia tăng ở phía đông Ukraine. Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc tấn công ở khu vực Kharkiv vào ngày 10 tháng 5, chiếm giữ một số thị trấn ở biên giới phía đông bắc Ukraine.

Mạc Tư Khoa hiếm khi chia sẻ thông tin về số thương vong trong cuộc chiến. Tuy nhiên, trong tuyên bố hiếm hoi về những tổn thất trong cuộc chiến Ukraine, Putin cho biết trong cuộc họp báo ngày 5 Tháng Sáu rằng tỷ lệ “tổn thất không thể khắc phục” giữa Nga và Ukraine là 1 trên 5 nghiêng về Mạc Tư Khoa, mà không nêu rõ chi tiết.
 
Nhà Trừ Tà: Con mắt thứ ba huyền bí là gì? Tại sao phải đóng lại? Đề nghị mở Công đồng Vatican III
VietCatholic Media
16:36 20/06/2024


1. Giáo Hội Công Giáo Ukraine mong trở thành Giáo hội Thượng phụ

Theo Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, có đủ điều kiện để trở thành thành một Giáo hội do một vị Thượng phụ cai quản.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức, KNA, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Shevchuk cho biết Giáo hội do ngài lãnh đạo có tám Tổng giáo phận, cũng như các cơ cấu cần thiết. “Chúng tôi cũng đã sẵn sàng hệ thống tự quản trị của một Giáo hội Thượng phụ. Tước hiệu này trước sau gì cũng sẽ được”.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk năm nay 54 tuổi, từ mười ba năm nay là thủ lãnh của năm triệu tín hữu Giáo Hội Công Giáo Ukraine. Ngài từng làm giám mục thuộc Giáo hội này ở Á Căn Đình, nơi sinh trưởng của ngài.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương được thành lập năm 1595, khi một số giám mục thuộc Chính thống Nga và Ukraine cùng với các tín hữu, trong Công nghị ở Brest, xin trở về hiệp nhất với Tòa Thánh, và đã được giữ nguyên phụng vụ và kỷ luật của Giáo hội Chính thống, trong đó giáo sĩ của Giáo hội này không phải giữ luật độc thân như trong Giáo Hội Công Giáo Latinh.

Trong thời kỳ Ukraine còn là một cộng hòa của Liên xô, Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương bị bách hại nặng nề và rơi vào tình trạng hầm trú, tài sản bị trao cho Chính thống Nga Nhiều giám mục, linh mục và tín hữu bị bách hại. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, các tín hữu Công Giáo Ukraine đã phục hồi tự do và đòi lại các thánh đường, tạo nên một sự căng thẳng giữa Tòa Thánh và Chính thống Nga.

Trong lịch sử, các vị tiền nhiệm của Đức Tổng Giám Mục Trưởng Shevchuk đã nhiều lần xin Tòa Thánh cấp tước hiệu Thượng phụ và nâng Giáo hội này lên hàng Giáo hội Thượng phụ, nhưng Tòa Thánh nhất quyết từ chối vì muốn duy trì nỗ lực đại kết Kitô với Chính thống Nga.

Xét về mặt giáo luật Đông phương, không có sự khác biệt về thẩm quyền giữa Thượng phụ và Tổng giám mục Trưởng. Đây cũng là trường hợp Giáo Hội Công Giáo Rumani nghi lễ Đông phương và hai Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương ở Ấn Độ: Syro Malabar và Syro Malankara.

Đức Tổng Giám Mục Trưởng Shevchuk thú nhận là không biết phải chờ đợi bao lâu mới được Đức Thánh Cha cấp tước hiệu này cho Công Giáo Ukraine.

Việc Tòa Thánh nhất quyết muốn duy trì nỗ lực đại kết Kitô với Chính thống Nga bằng mọi giá thường xuyên gây ra lấn cấn giữa Vatican và Ukraine.

2. Lãnh đạo Giáo Hội Armenia Tông Truyền đề xuất Công đồng Vatican III với Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Aram I, là Catholicós của Giáo hội Armenia Tông Truyền, trong buổi tiếp kiến ngày 12 tháng Sáu. Giáo Hội này nằm trong số các Giáo Hội Chính thống Đông phương không còn hiệp thông hoàn toàn với Tòa thánh sau Công đồng Đại kết Chalcedon năm 451.

Đức Giáo Hoàng và Catholicós Armenia, theo sáng kiến của vị này, đã thảo luận về “sự cần thiết của việc triệu tập Công đồng Vatican thứ ba với sự tham gia tích cực của các giáo hội không Công Giáo”. Công đồng Vatican I diễn ra từ năm 1869 đến năm 1870; Công đồng Vatican II, từ năm 1962 đến năm 1965. Đây là các công đồng đại kết thứ 20 và 21 trong lịch sử Giáo hội.

“Các chủ đề quan trọng khác do Catholicós đề xuất” bao gồm “sự cần thiết phải mở rộng và biến đổi các mối quan hệ đại kết thành quan hệ đối tác”, một ngày lễ Phục sinh chung, “tầm quan trọng của việc củng cố sự chung sống giữa Kitô giáo và Hồi giáo ở Li Băng và cuộc bầu cử tổng thống,” “mệnh lệnh thả các tù nhân chiến tranh chính trị Armenia bị giam giữ ở Azerbaijan,” và “sự cần thiết phải trả lại những người Armenia Artsakh bản địa về quê hương của họ dưới sự bảo vệ quốc tế.”

Một ngày trước cuộc họp, Catholicós đã có bài giảng về “Vai trò của tôn giáo trong những thay đổi địa chiến lược ở Trung Đông”. Sau buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha, Catholicós đã tổ chức các cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo; Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia; Đức Hồng Y Claudio Gugerotti, Bộ trưởng Bộ Giáo hội Đông phương; và Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin.

3. Nhật Ký Trừ Tà số 296: Đóng con mắt thứ ba huyền bí

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #296: Closing the Occult Third Eye”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 296: Đóng con mắt thứ ba huyền bí”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chúng tôi đã đi đến mức chấm dứt tình trạng chiếm hữu của ma quỷ. Hầu hết lũ quỷ đã rời đi, chỉ còn lại thủ lĩnh và một nhóm nhỏ. Người lãnh đạo đã suy yếu rất nhiều và “bốc cháy”. Tôi đã sử dụng “Lời cầu nguyện giải thoát khỏi thần linh bói toán” do những người bạn của chúng tôi ở Phi Luật Tân phát triển.* Điều này rất quan trọng vì người phụ nữ đó đã từng dính líu đến phép thuật phù thủy, cũng như mẹ cô ấy và các tổ tiên khác trước cô ấy.

Đã đến lúc đóng “Con mắt thứ ba huyền bí”. Tôi ban phép lành cho trán cô ấy bằng dầu trừ tà và cầu nguyện ba lần: “Con mắt thứ ba huyền bí được thần linh bói toán ban cho, tôi ra lệnh cho cô, nhân danh +Chúa Giêsu, hãy đóng lại và không bao giờ được mở ra nữa”. Có một tiếng hét chói tai! Ồ! Điều đó chắc chắn đã chạm đến thần kinh ma quỷ.

Trong suốt quá trình sở hữu, rõ ràng là Con mắt thứ ba huyền bí của cô đã được mở, nghĩa là cô có mối liên kết với lũ quỷ và do đó cô có quyền truy cập vào một số suy nghĩ và nhận thức của chúng, giống như chúng có quyền truy cập vào một số suy nghĩ và nhận thức của cô. Có một mối quan hệ cộng sinh giữa ma quỷ và linh hồn bị chiếm hữu.

Có vẻ như một số con quỷ thực sự thích sống trong một linh hồn bị quỷ nhập. Ví dụ, tôi từng ra lệnh cho một con quỷ nói với tôi: “Tại sao ngươi không rời đi?” Con quỷ trả lời: “Tôi thích ở đây!” Không còn nghi ngờ gì nữa, điều đó còn tốt hơn là ở trong địa ngục - mặc dù đi đến đâu họ cũng “mang theo địa ngục” theo mình.

Trong những buổi học tiếp theo, chúng tôi lặp lại nghi thức nhắm con mắt thứ ba. Trong quá trình nhắm con mắt thứ ba (tức là- mắt cô ấy nhìn vào thế giới ma quỷ và mắt của chúng nhìn vào cô), lũ quỷ đã nhắn tin cho chúng tôi nhiều lần: “Tôi không thể nhìn hay thở được, tôi tiêu rồi”. “Mắt tôi cháy thành tro rồi.” “Tôi không thở được Stephen. Điều này không làm phiền bạn à?” “Tôi không thể nhìn thấy nữa. Nhà ngươi đã lấy đi con mắt cuối cùng của ta.” Tất nhiên, điều quan trọng là phải coi nhẹ mọi thông tin liên lạc của ma quỷ. Chúng là những kẻ nói dối và thao túng thâm căn cố đế. Nhưng đôi khi Chúa bắt chúng phải nói sự thật.

Nhiều nhà truyền thông, nhà tâm linh và nhà huyền bí tuyên bố có cái nhìn sâu sắc về thế giới tâm linh. Một số người thực sự làm như vậy, nhưng thật không may, nó thường xuất phát từ hoạt động của ma quỷ. Việc sử dụng kênh ma quỷ chỉ khiến người dùng gắn kết hơn với Thế giới bóng tối. Và bất cứ điều gì bạn nhận được từ một kênh xấu xa như vậy đều không bao giờ tốt.

Chúng ta có một phương tiện an toàn và thánh thiện để đến với Thiên Chúa Ba Ngôi và các tầng trời: đó là hãy cầu nguyện trong Chúa Giêsu. Trong Ngài, chúng ta có thể không nhận được những kiến thức hấp dẫn hoặc thông tin mà chúng ta muốn. Nhưng chúng ta cần tin tưởng rằng bất cứ điều gì Chúa muốn ban cho thì đó là điều chúng ta nên có. Bất cứ điều gì Chúa ban đều luôn mang lại lợi ích cho chúng ta và góp phần vào hạnh phúc của chúng ta.


Source:Catholic Exorcism