Ngày 21-06-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa cất tiếng gọi con
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
07:23 21/06/2016
Chúa Cất Tiếng Gọi Con

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIII năm - C

( Lc 9, 51-62)

Bước vào Chúa Nhật thứ XIII thường niên, với chủ để chính là : " Chúa cất tiếng gọi". Ngỏ lời là sáng kiến của Thiên Chúa và con người đáp trả. Êlia và Êlisê là hai nhân chứng. Chúa đã dùng Êlia gọi Êlisê, Êlisê đáp trả (x.1 V 19,16b.19-21). Vì là sáng kiến của Thiên Chúa nên Chúa gọi người Chúa muốn :"Hãy theo Ta" (Lc 9, 51-62). Hôm qua cũng như hôm nay, Thiên Chúa vẫn đến gọi con người ngay giữa dòng đời. Chúa gọi Êlisê khi ông đang cày ruộng (x.1 V 19, 19). Tiếng gọi của Thiên Chúa là nhất. Chúa gọi, Êlisê không thể trốn được, đến nỗi ông không nói được gì. Tiếng gọi của Thiên Chúa là bắt buộc. Êlia làm điều tốt cho Êlisê khi ông đòi trở về nhà để hôn chào cha mẹ. Êlisê bỏ bò lại và chạy theo Êlia mà nói rằng: "Tôi xin đi hôn cha mẹ tôi, rồi tôi theo ngài" (1 V 19, 20).

Khung cảnh thật đơn sơ, nhưng đầy xúc động, không giấu được. Khi Chúa gọi con người, con người không thể cưỡng lại, Ngài không dùng sức mạnh để áp đặt. "Êlisê con ông Saphát, đang cày ruộng với mười hai cặp bò, chính ông đang dẫn cày cặp thứ mười hai" (1 V 19, 19) nghĩa là công việc gần xong. Thiên Chúa đến ra cho ông một chân trời mới. Qua trung gian Êlia, Thiên Chúa gọi Êlisê một cách rất kín đáo : "Khi Êlia đến trước ông, thì đặt áo choàng mình trên ông" (1 V 19, 19). Không một lời chiêu mộ, không một huấn lệnh để bắt ông vâng theo. Êlisê thấy sự công chính và hành động ngôn sứ của Êlia, ông hiểu theo lòng mình. Tiếng Chúa gọi lay động lòng người.

Để đáp lại tiếng Chúa, con người phải có tự do là lẽ đương nhiên. Tự do này do Đức Kitô mang lại cho chúng ta. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô nói : "Đức Kitô giải thoát chúng ta để chúng ta thực sự tự do" (Gl 4, 31b). Chúng ta chỉ thực sự tự do khi chúng ta hoàn toàn đáp lại tiếng Chúa. Từ lúc Thiên Chúa gọi đến lúc con người đón nhận ân sủng để đáp trả cách tự do là cả một thời gian dài để đắn đo và cân nhắc. Như Êlisê, hành động trước tiên là ông thu mình vào trong dĩ vãng, và tìm kiếm sự an toàn nơi gia đình. Đây là người chắc chắn, nhưng ơn của Thiên Chúa là không đổi. Êlia từ chối sự trốn chạy của Êlisê, dù Êlisê không lượm áo choàng Êlia tặng cho. Khi Êlisê tìm gặp được sức mạnh, ông nắm bắt ngay, ông bỏ lại tất cả những gì mình đang có để dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Tương tự như bài Tin Mừng, có ba người được gọi (x. Lc 9, 51-62). Nhưng lịch sử cuộc đời của mỗi người khác nhau. Vấn đề là tiếng Chúa gọi và sự đáp trả của con người.

Câu hỏi được đặt ra cho người thứ nhất khiến chúng ta suy nghĩ. Trước hết, anh không được Đức Giêsu gọi, anh đến xin làm môn đệ Người (x. Lc 9, 57). Giống như ở trường các thầy Rabbi, học trò đến xin theo học. Đức Giêsu không ở trong trường đặc biệt này, Người không có điều kiện ổn định, Người đang trên đường. Bước vào trường Giêsu là lên đường, từ bỏ tất cả những gì ổn định, ngay cả gia tài và địa vị. Theo Đức Giêsu là gắn bó với Người, lên đường tiến về phía trước, cần phải tự mình quyết định, nhưng không thể tiến bước một mình.

Người thứ hai là một ngoại lệ. Chính Đức Giêsu gọi anh. "Hãy theo Ta" ( Lc 9, 59). Người này được kêu gọi cách đặc biệt đi vào trong giao ước tình yêu gắn kết với Thầy. Đối với anh, Đức Giêsu yêu cầu từ bỏ cách triệt để, không trở về chôn cất mẹ cha. Khi anh thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa" ( Lc 9, 59 - 60). Chúng ta không biết anh đáp lại ra sao. Nhưng đòi hỏi ở đây cho thấy, phục vụ Nước Trời luôn kéo theo một sự từ bỏ tận căn. Từ bỏ chính là thước đo tình yêu của ta đối với Đức Giêsu.

Người thứ ba xin theo Đức Giêsu với điều kiện (x. Lc 9, 61). Như trong bài đọc I, thái độ là điều cần phải suy nghĩ. Đối với Đức Giêsu tra tay vào cầy, nghĩa là đang phục vụ người khác chuẩn bị cấy cầy, ngoái lại sau là bỏ dở việc. Quyết định này làm sáng tỏ điều trên. Từ bỏ gia đình không phải là một từ bỏ, vì nó mở ra một gia đình khác. Theo Chúa không loại trừ gia đình đầu tiên nhưng là vượt qua. Gia đình Thiên Chúa là gia đình có Thiên Chúa hiện diện, liên kết hết mọi người lại với nhau một cách chặt chẽ sâu xa hơn gia đình tự nhiên.

Tóm lại, nhân đức đầu tiên của trang Tin Mừng này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống chỉ đẹp khi thực sự sống tự do. Chính tự do, Đức Giêsu "dứt khoát " lên đường đi Giêrusalem nơi Người biết rằng mình sẽ chết. Giá trị của cuộc sống lớn lao hơn khi người ta sử dụng tự do để phục vụ sự sống cho người khác. Cần bước qua những thử thách trong đời, lằng nghe tiếng Chúa gọi và đáp trả. Lịch sử nhân loại chúng ta đang sống, người này liên đới với người kia. Thánh Phaolô khuyên chúng ta : "Ước chi tự do của anh em không phải là cái cớ để làm thoải mãn tính ích kỷ của anh em, trái lại, anh em hãy phục vụ mọi người trong tình yêu" (Gl 5,13).

Công Ðồng Vaticanô II quả quyết rằng "kẻ được Thiên Chúa Cha kêu gọi… theo ý định của ân sủng Ngài" (Lumen Gentium, số 40). Đúng thế, theo Chúa là ra khỏi ý định riêng tư, để đặt mình trong bàn tay và ý định nhiệm mầu của Chúa. Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa là đặt mình trên đường theo Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con thưa với cả cuộc đời : "Lạy Chúa, này con đây, con xin đến để thi hành thánh ý Chúa" (x. Dt 10,7).

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Hãy Theo Thầy
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
22:07 21/06/2016


Hãy Theo Thầy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIII - C

(Lc 9, 51 – 62)

Thánh sử Luca trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, đang khi trên đường hướng về Giêrusalem đã gặp một vài người, có lẽ là đang tuổi thanh xuân, họ hứa sẽ đi theo Người khắp nơi. Chúa Giêsu đã tỏ ra rất yêu sách đối với người bắt gặp dọc đường đến xin : "Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy" (Lc 9, 57), Chúa cảnh báo cho người ấy biết rằng "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người, tức là Ðấng Mesia - không có chỗ gối đầu" (Lc 9, 58), nghĩa là không có một nơi thường trú, và ai đã chọn làm việc với Người trong cánh đồng của Thiên Chúa thì không được quay trở lại (x. Lc 9,57-58.61-2). Với một người khác, Chúa Giêsu nói: "Hãy theo Ta", và yêu cầu anh cắt đứt mọi ràng buộc với gia đình (x. Lc 9,59-60).

Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã phán với chúng ta rằng : "Kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất ..." (Lc 9,23). Hôm nay tương tự như thế Chúa đòi hỏi tất cả : "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa" (Lc 9, 62). Yêu cầu của Chúa Giêsu thật quá khắt khe, vì tất cả những điều người ta giữ thật rất tự nhiên và phù hợp với đạo lý gia đình mà bất ai làm người cũng phải phải có như "hôn chào cha mẹ" và nhất là "chôn cất mẹ cha". Còn gì tự nhiên và ý nghĩa hơn lòng biết ơn đối với người thân chúng ta như cha như mẹ, ấy vậy mà cử chỉ cuối cùng của tình yêu là "chôn cất cha" cũng phải từ bỏ.

Những đòi hỏi trên xem ra quá đáng, nhưng thực ra chúng diễn tả sự mới mẻ và ưu tiên của Nước Thiên Chúa hiện diện ở nơi bản thân của Chúa Giêsu. Nói cho cùng, tính cách triệt để bắt nguồn từ Tình yêu của Thiên Chúa mà Đức Giêsu là kẻ đầu tiên đã vâng theo. Phàm ai từ bỏ mọi sự, kể cả bản thân mình, thì đi vào một chiều kích mới của tự do, được thánh Phaolô định nghĩa như là "bước theo thần trí" (xc. Gl 5,16). Thánh Phaolô viết: " Chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta", và ngài giải thích rằng hình thái mới của sự tự do mà Đức Kitô đã chinh phục cho chúng ta hệ tại việc "phục vụ lẫn nhau" (Gl 5,1.13). Tự do và yêu thương trùng hợp với nhau. Ngược lại, việc tuân theo tính ích kỷ dẫn tới hiềm khích và xung đột.

Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta suy nghĩ về cách chúng ta theo Chúa. Điều quan trọng là chúng ta phải biết theo Chúa với cách thức Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta. Giacôbê và Gioan vẫn chưa học được sứ điệp tình yêu và sự tha thứ nên các ông mới thưa cùng Chúa : "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu hủy chúng không?" (Lc 9,54). Các môn đệ thì Chúa mời gọi từ bỏ gia đình và người thân. Để theo Chúa Giêsu Kitô và thi hành sứ mạng chúng ta được trao phó, tất cả chúng ta phải thanh thoát khỏi những ràng buộc hầu xứng đáng với Nước Thiên Chúa (x. Lc 9,62)

"Hãy theo Thầy". Lời mời gọi trên của Chúa Giêsu vẫn thật cấp bách gửi đến mỗi người chúng ta. Theo Thầy, trở nên môn đệ Thầy để mở mang Nước Chúa. Kẻ đi theo làm tông đồ cho Chúa cần ý thức về sứ mạng của mình là truyền giảng Tin Mừng của Chúa Kitô. Vì, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới có thể qui tụ những con người thuộc đủ mọi sắc tộc, màu da, tiếng nói, khác nhau về văn hóa thành một gia đình, lúc ấy mới có thể hàn gắn những vết thương đau bởi chia rẽ, khác nhau về ý thức hệ, bất bình đẳng kinh tế và những cuộc tấn công bạo lực đàn áp nhân loại cho đến hôm nay. Qua việc truyền giảng Tin Mừng, người tín hữu giúp mọi người nhận ra mình là anh chị em với nhau.

Theo Chúa Giêsu không chỉ có từ bỏ mà còn vác thập giá (x. Lc 9, 22). Từ bỏ cũng có nghĩa là từ chối nhiều điều kiện "thuận lợi " trong cuộc sống giúp thăng tiến bản thân. Khi lựa chọn bước theo Chúa Giêsu, như các Tông đồ, bỏ buông thuyền lưới, gia đình, nghề nghiệp. Con đường theo Chúa Giêsu không trải đầy nhung lụa mà là những gai nhọn và gian nan. Con đường đó dẫn lối về hạnh phúc cho những ai dám từ bỏ mọi sự để sống cho Chúa, dám sống đời hèn mọn, dám sống đời tận hiến với quyết tâm thuộc trọn về Chúa suốt đời. Đó là Ơn Gọi cho những người bước đi theo Thầy Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhận ra những tiếng gọi mời của Chúa, giúp chúng con bước theo và thực thi cách trung thành. Xin cho nhu cầu truyền giáo của Giáo Hội luôn là tiếng gọi chúng con phải quan tâm để ý. Lạy Đức Trinh Nữ Maria Nữ Vương và là Mẹ chúng con, xin cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sudan, Phi Châu – Các Giám mục kêu gọi gác bỏ quá khứ để xây dựng
Thanh Quảng sdb
06:26 21/06/2016
Sudan, Phi Châu – Các Giám mục kêu gọi gác bỏ quá khứ để xây dựng
Thanh Quảng sdb

Theo Thông Tấn Xã Fides phát đi từ Juba ngày 20/6/2016 cho hay các Giám mục Sudan kêu gọi "Bây giờ không phải là thời gian trách cứ, đổ lỗi cho nhau nữa mà đây là thời gian chính phủ và toàn dân cùng chung tay làm việc xây dựng tương lai. Đừng luẩn quẩn mãi trong những chỉ trích dèm pha, phá đổ nhưng hãy cùng nhau sắn tay áo lên làm việc xây dựng một quốc gia mới cho chính mình và cho thế hệ tương lai… Đó là thông điệp của cuộc họp Hội Đồng Giám mục được nhóm họp tại Juba từ 14-16/6 vừa qua.
Được biết một Hiệp định giải quyết những xung đột giữa Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar, tại Cộng hòa Nam Sudan đã được ký kết và các Giám Mục đã đón nhận hiệp định này và kêu mời các tín hữu hỗ trợ các vị lãnh đạo quốc gia: "Hãy hỗ trợ và mời gọi tất cả hãy vượt lên lợi ích cá nhân... Hãy nhìn vào quốc gia và cộng đồng quốc tế để nhìn nhận tất cả là con cái của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đối xử với nhau bằng tình yêu và lòng thương xót, không thù hận và lên án, đó là điều ưu tiên cấp thiết hiện nay để cải tổ và xây dựng lại đất nước đã bị tàn phá qua nhiều thập kỷ".

Các Giám mục kêu gọi tất cả mọi người hãy ngưng loan tải những thù hận chia rẽ các bộ tộc với nhau trên các trang mạng, nhưng hãy loan tải đi sứ điệp hòa bình xây dựng.
Các Giám Mục kêu gọi một trong những ưu tiên mà chính phủ phải đối diện trước tiên là hãy ra lệnh ngưng bắn trên toàn quốc, rồi cải thiện nền kinh tế và việc cung cấp các dịch vụ cơ bản để giải quyết những trợ giúp nhân đạo cho những nơi thiếu thốn trầm trọng. Hãy giúp cho mọi người sống trong an bình, người lao động được trả tiền xòng phẳng và các gia đình được đủ ăn.
Nhắc lại biến cố sơ Veronika Theresia Racková, bị chết sau khi bị bắn trọng thương bởi một phiến quân… (xem Fides 21/05/2016), các Giám Mục nhấn mạnh rằng sơ Veronica "chỉ là một trong hàng ngàn phụ nữ hay đàn ông và trẻ em đã bị giết trong cuộc xung đột vô nghĩa này".
Thông điệp kêu mời Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar hãy tôn trọng thỏa hiệp mà họ đã ký kết, và công khai kêu mời dân chúng hãy sẵn sàng cùng nhau làm việc vì lợi ích của dân tộc bằng trong tinh thần lẫn hành động cụ thể bằng việc làm như cùng nhau cầu nguyện, đối thoại và đáp ứng những nhu cầu cho dân chúng, đặc biệt những người đã bị di tản vì chiến tranh…
Nguồn Fides 20/06/2016
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nâng 4 hồng y đẳng phó tê lên hồng y đẳng linh mục
Chân Phương
07:21 21/06/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô nâng 4 Hồng Y đẳng phó tê lên Hồng Y đẳng linh mục

Trong một công nghị thường lệ vào ngày 20 tháng 6 năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng bốn Hồng Y từ đẳng Hồng Y phó tế (Cardinal - Deacon)lên đẳng Hồng Y linh mục (Cardinal-Priest). Các vị này đều là Hồng Y phó tế tròn 10 năm kể từ khi nhận mũ đỏ từ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI hồi tháng 3 năm 2006; và cũng đều từ 80 tuổi trở lên, dĩ nhiên mất quyền tham gia một Mật nghi bầu giáo hoàng trong tương lai:

• Đức Hồng Y William Levada, nguyên Tổng trưởng của Bộ Giáo Lý Đức Tin, và trước đây từng là Tổng Giám Mục San Francisco; Hoa Kỳ

• Đức Hồng Y Franc Rode, nguyên Tổng trưởng của Bộ Tu sĩ, trước đây từng là Tổng Giám mục Ljubljana, Slovenia;

• Đức Hồng Y Andrea Cordero di Montezemolo, người Ý, nguyên Tổng linh mục Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, và từng là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Vatican

• Đức Hồng Y Albert Vanhoye, tu sĩ Dòng Tên người Pháp, nguyên là Viện trưởng Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng.

Hồng Y Đoàn được gồm các Hồng Y thuộc ba đẳng: Hồng Y giám mục (Cardinal-bishops), Hồng Y linh mục và Hồng Y phó tế. Những sự phân biệt này chỉ là về lễ nghi.

Theo thông lệ, khi một vị chủ chăn giáo phận (thường là một tổng giám mục) được Đức Giáo Hoàng nâng vào hàng Hồng Y Đoàn, vị này sẽ là Hồng Y đẳng linh mục; còn các Hồng Y đẳng phó tế là thành viên của Giáo Triều Rôma. Sau mười năm làm Hồng Y đẳng phó tế, các vị ấy có thể thỉnh cầu Đức Thánh Cha nâng lên Hồng Y đẳng linh mục, như trong bốn trường hợp kể trên.

Hiện tại, Hồng Y Đoàn gồm có 9 Hồng Y đẳng giám mục (trong đó có ba Thượng phụ của các Giáo Hội Đông phương), 168 Hồng Y đẳng linh mục và 36 Hồng Y đẳng phó tế.

Chân Phương
 
Malaysia: Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Sabah mang chủ đề về Lòng Thương Xót
Chân Phương
08:00 21/06/2016
Malaysia: Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Sabah mang chủ đề về Lòng Thương Xót

Kota Kinabalu – Một cuộc hành hương và trải nghiệm với chủ đề trung tâm về Lòng Thương Xót là những gì mà hơn hai ngàn bạn trẻ Công Giáo Malaysia đã có được khi quy tụ về giáo tỉnh Sabah (ở vùng Borneo của Malaysia) nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh, diễn ra từ ngày 6-10 tháng 6.

Theo ghi nhận của Giáo Hội địa phương, các bạn trẻ này đến từ 34 giáo xứ trong 3 giáo phận là Sandakan, Keningau và Kota Kinabalu, họ đã có một sự chuẩn bị ở cấp độ địa phương trước khi quy tụ về thành phố Tawau (thuộc giáo phận Kota Kinabalu) để tham dự Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh với chủ đề là câu Tin Mừng "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương".

Giáo Hội địa phương viết trong một tuyên bố: Năm Thánh Lòng Thương Xót này, “các bạn trẻ đã được thôi thúc bởi Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa, vì vậy mà họ có thể trở nên những tông đồ của Lòng Thương Xót, rồi hoạt động, loan truyền và cầu nguyện cho một thế giới đang bị tổn thương bởi sự ích kỷ, hận thù và tuyệt vọng”.

Các bạn trẻ đã vác cây Thánh Giá và rước kiệu linh ảnh Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, sống trong những khoảnh khắc phụng vụ, giáo lý và làm công tác bác ái theo mô hình của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Đa số các bạn đều không thể tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức ở Ba Lan vì lý do tài chính.

Đến hiện diện với họ còn có Sứ thần Tòa Thánh tại Malaysia là Đức Tổng Giám Mục Joseph Marino, ngài chủ sự Thánh Lễ khai mạc.

Giảng về lòng thương xót, Đức Tổng Giám Mục Marino mời gọi giới trẻ trở nên "những chứng nhân của Chúa Kitô, để sống đức tin, lòng thương xót và tình yêu của các bạn".

Các bạn trẻ cũng đã lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải và nhiều linh mục đã có các buổi nói chuyện chia sẻ về tâm linh.

Sự kiện này được tổ chức bốn năm một lần, luân phiên giữa các giáo phận thuộc giáo tỉnh Sabah.

Chân Phương
 
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: Cần hoán cải!
Bùi Hữu Thư
09:06 21/06/2016
Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu là Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta thay đổi đời sống, để được hạnh phúc hơn

L'Osservatore Romano: ngày 20/6/2017

Có biết bao nhiêu lần chúng ta tự nhủ phải thay đổi nhưng rồi vẫn tiếp tục như cũ? Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta hãy đến với Người để Người ban hạnh phúc cho chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bàn về điều này trong buổi sáng thứ bẩy vừa qua tại Quảng Trường Thánh Phêrô, trong một buổi gặp gỡ được tổ chức hàng tháng cho các khách hành hương và tín hữu đến Rôma nhân dịp NămThánh của Lòng Thương Xót. Trích dẫn từ Phúc Âm ngày thứ bẩy của Thánh Luca, Đức Thánh Cha suy niệm về sự hoán cải.

Đức Thánh Cha Dòng Tên nhắc nhớ các khách hành hương hiện diện tại quảng trường, và nhấn mạnh lần nữa vào chiều kích nội tâm của việc hoán cải. “Thực ra trong việc này tất cả con người, cả tâm lẫn trí phải biến đổi để trở thành một tạo vật mới, một con người mới. Trái tim thay đổi và con người được canh tân đổi mới.”

Đức Thánh Cha giải thích: “Khi Chúa GIêsu mời gọi một người nào đó hoán cải, ngài không xử sự như một thẩm phán, nhưng bằng việc đến gần gũi thân mật với chúng ta.”

“Chúa Giêsu thuyết phục con người bằng lòng nhân hiền, bằng tình yêu, và qua hành động này Chúa chạm đến tận đáy sâu của trái tim con người, và họ cảm thấy bị hấp dẫn bởi tình yêu Chúa và được thúc đẩy để thay đổi cuộc đời.”

Bao lâu phải thay đổi một lần

Đức Thánh Cha hỏi: “Đã bao lần chúng ta cảm thấy cần phải thay đổi toàn diện con người chúng ta? Bao nhiêu lần chúng ta đã tự hỏi: ‘Tôi phải thay đổi, tôi không thể tiếp tục thế này… Cuộc đời tôi trên lối đi này, sẽ không mang lại hoa trái, sẽ là một cuộc sống vô nghĩa và tôi sẽ không hạnh phúc.’ Đã biết bao nhiêu lần ý tưởng này đã ám ảnh chúng ta, biết bao lần!”

Ngài tiếp: “Và Chúa Giêsu ở bên chúng ta với hai bàn tay vươn ra mời gọi: ‘Lại đây, hãy đến với Ta. Ta sẽ tác động: Ta sẽ thay đổi trái tim con; Ta sẽ thay đổi đời sống con; Ta sẽ làm cho con được hạnh phúc
.’
Bạn có tin như vậy không?

“Nhưng chúng ta có tin như vậy hay không? Bạn nghĩ sao? Bạn có tin như vậy không? Xin hãy bớt vỗ tay nhưng hãy lên tiếng nhiều hơn: các bạn có tin hay không tin? [dân chúng nói: “Có!”] “Sự kiện là như thế này. Chúa Giêsu đang ở bên chúng ta, và đang mời gọi chúng ta thay đổi đời sống. Chính Người, cùng với Chúa Thánh Thần, đã gieo vào lòng chúng ta nỗi thao thức phải thay đổi đời sống, và trở nên tốt lành hơn.”

Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu, và không chống trà, vì chỉ khi chúng ta mở lòng ra cho tình thương xót của Chúa thì chúng ta mới tìm được sự sống và niềm vui thật sự.
Ngài kết luận và nói rằng mọi người sẽ có hạnh phúc hơn nếu: “Chúng ta chỉ cần mở rộng cánh cửa, và Chúa Giêsu sẽ làm mọi sự. Người sẽ làm mọi sự, nhưng chúng ta phải mở lòng thật rộng để Chúa có thể chữa lành và giúp chúng ta tiến bước.”
 
Một Dòng truyền giáo ở Sri Lanka dấn thân liên đới với các nạn nhân lũ lụt
Lã Thụ Nhân
17:11 21/06/2016
Một Dòng truyền giáo ở Sri Lanka dấn thân liên đới với các nạn nhân lũ lụt

Colombo (Agenzia Fides) – Các tu sĩ Dòng Truyền giáo Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria (Clarettian) ở Sri Lanka đang tích cực giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt nhấn chìm đất nước này trong tháng Năm vừa qua, gây ra thiệt hại lớn về người, nhà cửa và các tiện nghi.

Bề trên Cả của Dòng ở Sri Lanka, Cha Rex Constantine cho hay: "sứ mạng của chúng tôi không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt vốn gây ra thảm họa quốc gia cho đất nước này. Là Kitô hữu, chúng tôi quyết định phản ứng bằng ý thức của sự cấp bách và tình liên đới, tham gia vào công tác cứu trợ nhỏ nhoi tùy theo khả năng của chúng tôi". Các tu sĩ Dòng Truyền giáo Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria đã hình thành "Nhóm Khôi phục Thảm họa Clarettian" nhằm lên kế hoạch và phối hợp các nỗ lực cứu trợ và tái thiết. Nhóm này cũng đưa ra các chiến lược và hành động nhằm hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, trong thỏa thuận với các tổ chức khác như Caritas và các tổ chức phi chính phủ.

Nhiều khu vực ở Sri Lanka bị nhấn chìm bởi những trận mưa xối xả từ ngày 10 tháng Năm, làm cho ngập lụt và lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng và nhà cửa. 22 huyện có thiệt hại lớn với 92 người thiệt mạng và 131 vẫn còn mất tích. Khoảng 320 ngàn người đã được sơ tán và đã phải rời khu vực sinh sống của họ, và hiện đang sống như những người di dân nội bộ. Đến nay có 67 ngàn gia đình đang sống trong 497 trại dành cho người tản cư ở 9 quận.

Lã Thụ Nhân
 
Bạo lực ở Chilê: nhà thờ bị đốt và cảnh sát bị tấn công
Lã Thụ Nhân
17:12 21/06/2016
Bạo lực ở Chilê: nhà thờ bị đốt và cảnh sát bị tấn công

Araucania (Agenzia Fides) - Vào rạng sáng thứ sáu 17/06/2016, một đám cháy đã phá hủy một nhà thờ tọa lạc ở thị trấn Collipulli, thuộc vùng Araucania, Chilê. Vụ việc được cho hay là rất nghiêm trọng vì đã có cuộc đọ súng tại khu vực sau khi cảnh sát xuất hiện tại hiện trường. Một sĩ quan cảnh sát bị thương ở mặt, khi ông đang còn trên xe cảnh sát, thì bị những người lạ mặt tấn công.

Hôm thứ Năm 16/6/2016, Bộ trưởng Nội vụ cho biết chính phủ đang soạn thảo một kế hoạch để chống lại bạo lực ở vùng Araucania. Một nguồn tin cho hay: "Những gì xảy ra đêm qua ở Collipulli là một thực tế tồi tệ và nghiêm trọng, không chỉ đối với vụ cháy, mà còn bởi vì cảnh sát bị tấn công, xem như những hành động bạo lực này là những hành vi khủng bố mà chúng ta phải phản ứng".

Những cuộc tấn công chống lại các nhà thờ trong vùng là do cùng một nhóm: những dòng viết cổ xúy cho mục đính ở Mapuche cũng đã được tìm thấy ở Collipulli, một thực tế đã được lặp đi lặp lại trong thời gian gần đây ở các phần khác nhau của khu vực. Cha Catalan Enrique, linh mục chánh xứ của nhà thờ cho biết ngọn lửa đã phá hủy nhà nguyện San Jose và các cơ sở nơi cộng đoàn sinh hoạt, ngài nói "rất xin lỗi vì điều này ảnh hưởng đến cả cộng đoàn".

Đây là đám cháy thứ 14 ở Araucania và các Giám Mục đã yêu cầu có những phản ứng chính trị thích hợp đối với khu vực này.

Lã Thụ Nhân
 
Giáo hội Argentina phản ứng trước tai họa ma túy trong Đại hội Thánh Thể
Lã Thụ Nhân
17:13 21/06/2016
Giáo Hội Argentina phản ứng trước tai họa ma túy trong Đại hội Thánh Thể

Tucuman (Agenzia Fides) – Phạm vị Mục vụ Xã hội và Giáo dân, một trong mười ba phạm vi công việc của Đại hội Thánh Thể lần thứ XI diễn ra tại thành phố San Miguel de Tucuman (Argentina), hôm 17/6 đã đưa ra một hội nghị suy tư về những tai họa của vấn nạn ma túy và buôn bán ma túy, sứ mạng của giáo dân và giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các tham luận trong hội nghị được sự chủ trì của Đức Cha. Jorge Lozano, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Mục vụ Xã hội (Cepas), và Đức Cha Emilio Inzaurraga, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc gia (CNJyP).

Đức Cha Lozano phát triển ba điểm trong bài phát biểu của mình: các vấn đề văn hóa - xã hội của ma túy, các mạng lưới buôn bán ma túy và các câu trả lời mà Giáo Hội trước vấn đề này.

Đại hội Thánh Thể Quốc gia Argentina diễn ra từ thứ năm 16/6 đến Chúa Nhật 19/6 trở thành điểm hẹn cho việc đào tạo, suy tư và dấn thân Kitô giáo của cộng đồng Công Giáo ở Argentina. Thánh lễ khai mạc diễn ra với sự tham dự của bốn vị Hồng Y, hơn 50 Giám mục và khoảng 200 linh mục và khoảng 75.000 tín hữu.

Lã Thụ Nhân
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Khấn Dòng tại Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
Đức Dũng
09:11 21/06/2016
Tong 2 ngày 19 và 20/6/2016, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức đã hân hoan đón tiếp hai Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn và Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Giáo phận Phú Cường, và khoảng 45 linh mục hiện diện trong ngày Vĩnh khấn và Tuyên khấn lần đầu thuộc Hội Dòng. Ngoài ra còn có sự hiện diện của quý tu sỹ, quý ân nhân, quý thân nhân, quý khách mời và cộng đoàn dân Chúa.

Ngày 19/6/2016 - Thánh lễ tuyên khấn lần đầu, kỷ niệm kim và ngân khánh khấn dòng

Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục Giáo phận Phú Cường - đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn Tuyên khấn lần đầu dành cho 16 nữ tu. Kỷ niệm ngân khánh: 02 nữ tu. Kỷ niệm Kim Khánh 04 Nữ tu như sau:

Các nữ tu khấn trọn:
1. Chị Maria Trần Thị Huyền
2. Chị Maria Nguyễn Thị Thu Phượng
3. Chị Anna Nguyễn Thị Thơm
4. Chị Têrêsa Nguyễn Thúy Phượng
5. Chị Maria Nguyễn Thị Minh Anh
6. Chị Catarina Nguyễn Thùy Huyền Trâm
7. Chị Anna Nguyễn Thị Nga
8. Chị Maria Lê Thị Bích Phượng

Các nữ tu khấn lần đầu:
1. Chị Têrêsa Nguyễn Thị Chính
2. Chị Maria Nguyễn Thị Anh Đào
3. Chị Anna Phạm Thị Anh Đào
4. Chị Têrêsa Phan Thị Dương
5. Chị Maria Nguyễn Thị Hoa
6. Chị Maria Dơng Gur K’Soan
7. Chị Anna Bùi Thị Mầu
8. Chị Têrêsa Phạm Thị Nhung
9. Chị Maria Nguyễn Thị Oanh
10. Chị Têrêsa Trương Thị Kim Phương
11. Chị Anna Trần Thị Thái
12. Chị Matta Đậu Thị Thân
13. Chị Anna Phạm Thị Thiện
14. Chị Maria Nguyễn Thị Thùy
15. Chị Maria Hồ Thị Trình
16. Chị Maria Hoàng Thị Xinh

Các nữ Tu mừng kỷ niệm ngân khánh
1. Chị Anna Phạm Thị Phương Dung
2. Chị Maria Nguyễn Thị Thanh Hương

Các nữ tu mừng kỷ niệm kim khánh
1. Chị Maria Nguyễn Thị Hường
2. Chị Maria Nguyễn Thị Nhiên
3. Chị Rôsa Hoàng Thị Loan
4. Chị Catarina Nguyễn Thị Như

Trong thánh lễ, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước đã chia sẻ:

Qua bài Tin mừng. Anh thanh niên giữ những điều răn Chúa dạy, sống tốt đẹp không làm những điều luật cấm mà cố gắng thực hiện những điều Chúa muốn là thảo kính cha mẹ, yêu tha nhân như yêu chính mình. Ở đây Chúa mời gọi anh hãy quên mình, chia sẻ của cải thế gian này cho mọi người và mời gọi anh đi xa hơn, biết chia sẽ tâm tình thánh thoát hơn, và làm những điều tốt hơn để được sống đời đời.

Trong bài đọc 2 Thánh Phaolô chia sẻ: Đức Kitô chịu Đóng Đinh, sẵn sàng làm theo ý Cha, sống phục vụ như một tôi tớ. Đặc biệt những người dấn thân mình theo Chúa Giêsu, những con người bình thường, họ ao ước sự khôn ngoan, những dấu lạ, những quyền năng để theo Chúa Kitô. Một Đức Kitô sẵn sàng dấn thân gieo mình trong tay Thiên Chúa là Cha, sẵn sàng để Chúa Cha dẫn mình từ trời xuống thế, sẵn sàng đi dọc dài năm tháng sống ẩn dật theo ý muốn của Chúa, sống phục vụ và chấp nhận không có chổ tựa đầu, sẵn sàng vâng phục hy sinh trên thập giá, để nói với Chúa Cha rằng “Mọi sự đã hoàn tất và con phó linh hồn con trong tay Cha” Đó là quyền năng, sự khôn ngoan của Thiên Chúa muốn ban tặng cho con người. Đó là lý tưởng mà Chúa ban cho chúng ta. Đặc biệt những người muốn dấn thân, được thánh hiến và được mời gọi

Chúa gọi Samuen không chỉ một lần mà Chúa đã gọi 4 lần, ông mới hiểu được lời mời gọi của Chúa. Lời mời gọi có sức thuyết phục, huấn luyện và được dẫn đi theo con đường của Chúa là đạt tới sự trọn lành và sự sống đời đời.

Mừng kỷ niệm 25 năm, 50 năm Khấn dòng, đây là dịp nhìn lại ơn gọi qua nhiều cách khác nhau, nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc sống của mình, ta nên mở lòng, mở mắt và tai lắng nghe tiếng của Chúa để sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cụ thể, và để được Chúa dẫn mình đi xa hơn, để ta sống làm chứng nhân và làm những điều tốt lành, hoàn hảo như Chúa đã làm, là làm theo thánh ý Chúa là yêu thương như Chúa Cha và trở nên sống một đời sống hoàn mỹ tuyệt vời

Ngày 20/6/2016 - Thánh lễ tạ ơn Vĩnh Khấn

Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh - đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn Vĩnh khấn cho 08 nữ tu

Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã nêu bật ý nghĩa của “ơn gọi” trong đời sống thánh hiến: Theo bài tin mừng của Thánh Gioan. Chúa Giêsu tự ví mình như là cây nho, mà Thiên Chúa Cha đã vun trồng và tất cả chúng ta là những cành nho, cành nào gắn liền với cây sẽ sinh nhiều hoa trái, các chị muốn cuộc đời mình sinh nhiều hoa trái của Chúa Thánh Thần là các chị hãy gắn liền với cây nho, gắn liền với Chúa Giêsu. Không có Chúa thì chúng ta không làm gì được, nếu không ở lại trong Chúa thì chúng ta sẽ như cành nho bị quăng ra ngoài, sẽ bị khô héo, Nếu chúng ta ở lại trong Chúa thì Chúa sẽ ở lại trong chúng ta, các chị xin điều gì thì Chúa sẽ nhận lời và ban cho các chị, các chị làm cho Chúa Cha được tôn vinh, các chị sẽ trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.

Theo thư của Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Philipphê. Thánh Phaolô coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là bữa tiệc được biết Đức Giêsu Kitô chịu Đóng Đinh trên cây thập giá. Các chị coi mọi sự là thiệt thòi so với việc được biết Chúa. Chúng ta được biết Chúa không do sự công chính bởi lề luật mà bởi lòng tin vào Đức Giêsu là con Thiên Chúa hằng sống, chúng ta được thông phần với cuộc khổ nạn với Chúa Giêsu với hy vọng sống lại từ cỏi chết. Các chị đang cố gắng chạy thẳng tới đích để chiếm đoạt nhưng các chị đã được Chúa Giêsu chiếm đoạt rồi. Tiên tri Isaia nói chúng ta đã được tuyển chọn rồi, những người được tuyển chọn, được chịu phép rửa, nhất là những người đang sống đời khấn thánh hiến như các chị. Chúng ta sẽ trở thành giống nòi đức tin giữa muôn dân được Thiên Chúa chúc lành và nhờ Thiên Chúa chúng ta tôn thờ, chúng ta mừng rở hớn hở biết bao, vì người mặc cho ta áo choàng công chính, và hồng ân cứu độ, như chú rể chỉnh tề xiêm áo, như cô dâu lộng lẫy điểm trang.

Trong hai ngày, sau các bài giảng lễ là phần nghi thức Vĩnh khấn, Tuyên khấn và Khấn tạm gồm có 3 phần: tuyển chọn, tuyên khấn và diễn nghĩa. Kế đó là lời nguyện chung và phần phụng vụ Thánh Thể.

Trong hai ngày. Sau phần hiệp lễ, Nữ tu Tổng Phụ trách tri ân quý Đức Cha, quý cha đồng tế, quý tu sỹ nam nữ, quý khách và cộng đoàn dân Chúa, nhất là quý phụ huynh khấn sinh đã quảng đại đóng góp cho Hội Dòng những hoa trái tốt đẹp, những thành viên trẻ có năng lực góp phần xây dựng Hội Dòng, Giáo Hội và xã hội hôm nay và tương lai. Và dâng lên quý Đức Cha bó hoa tươi thắm bày tỏ lòng tôn quý.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tìm hiểu Công Đồng Toàn Chính Thống: dự thảo văn kiện về mối liên hệ với các giáo hội Kitô Giáo ngoài Chính Thống Giáo
Vũ Văn An
21:39 21/06/2016
Một trong các mối lo ngại và cuối cùng thúc đẩy một số Giáo Hội Chính Thống rút lui khỏi Công Đồng Toàn Chính Thống đang họp tại Crete, Hy Lạp là dự thảo văn kiện nói về các mối liên hệ giữa Giáo Hội Chính Thống với phần còn lại của Kitô Giáo. Chúng tôi nhấn mạnh các chữ phần còn lại, một kiểu nói được Hội Nghị chuẩn bị tổ chức tại Chambésy, Thụy Sĩ, cuối năm 2015, cố tình chọn lựa vì tuy nội dung văn kiện có nhắc tới các Giáo Hội Kitô Giáo khác, nhưng trong thâm tâm, Giáo Hội Chính Thống không thừa nhận bất cứ ai khác ngoài họ là Giáo Hội cả. Người Chính Thống bảo thủ sợ Công Đồng sẽ bị lèo lái theo khuynh hướng của Thượng Phụ Barthôlômêô I muốn từ bỏ địa vị độc tôn làm Giáo Hội của mình.

Muốn hiểu sự kình chống ngấm ngầm và công khai trong Giáo Hội Chính Thống đối với vấn đề đại kết, không gì bằng đọc chính dự thảo văn kiện và chờ xem Công Đồng Toàn Chính Thống, cuối cùng, sẽ đọc nó ra sao.

Công Đồng Toàn Chính Thống: Các Liên Hệ của Giáo Hội Chính Thống với Phần Còn Lại của Thế Giới Kitô Giáo

Nguồn: Văn Phòng Truyền Thông DECR, ngày 28 tháng Giêng, 2016

Dự Thảo Văn Kiện của Công Đồng Toàn Chính Thống, đã được Hội Nghị Tiền Công Đồng tại Chambésy các ngày 10-17 tháng Mười năm 2015 chấp nhận.

Được công bố phù hợp với quyết định của Hội Nghị Toàn Thể (Synaxis) Các Giáo Chủ Các Giáo Hội Địa Phương, Chambésy, các ngày 21-28, Tháng Giêng năm 2016.


• Giáo Hội Chính Thống, vốn là Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện Công Giáo và Tông Truyền, trong ý thức Giáo Hội sâu xa của mình tin chắc chắn rằng mình chiếm vị thế trung tâm trong các vấn đề liên quan tới việc cổ vũ sự hợp nhất Kitô Giáo trong thế giới ngày nay.

• Giáo Hội Chính Thống Giáo đặt cơ sở cho sự hợp nhất của mình trên sự kiện mình được thiết lập bởi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng như trên việc hiệp thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi và trong các bí tích. Sự hợp nhất này được biểu lộ qua việc kế thừa tông đồ và truyền thống giáo phụ và cho đến nay vẫn được sống bên trong mình. Sứ mệnh và nghĩa vụ của Giáo Hội Chính Thống là chuyển giao và công bố sự thật, trong tính viên mãn của nó, chứa đựng trong Thánh Kinh và trong Thánh Truyền, một sự thật vốn đem lại cho Giáo Hội đặc điểm Công Giáo của nó.

• Trách nhiệm của Giáo Hội Chính Thống và sứ mệnh đại kết của nó liên quan tới sự hợp nhất đã được các Công Đồng Chung phát biểu. Các Công Đồng này đã đặc biệt nhấn mạnh đến dây nối kết bất khả phân giữa đức tin đích thực và hiệp thông bí tích.

• Giáo Hội Chính Thống, người không ngừng cầu nguyện “cho sự kết hợp mọi người”, luôn cổ vũ việc đối thoại với các người phân ly khỏi mình, cả xa lẫn gần, bằng cách đóng vai trò lãnh đạo trong việc tìm các cách và phương thế để phục hồi sự hợp nhất mọi người tin vào Chúa Kitô, tham dự phong trào đại kết ngay từ lúc nó mới khởi đầu, và góp phần vào việc thành lập ra nó và phát triển nó. Thêm vào đó, vì tinh thần đại kết và tình yêu đối với nhân loại mà Giáo Hội rất trổi vượt, và để phù hợp với ủy nhiệm thư của Chúa “muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Tm 2:4), Giáo Hội Chính Thống luôn tranh đấu cho việc phục hồi sự hợp nhất Kitô Giáo. Do đó, việc tham dự của Chính Thống Giáo vào phong trào nhằm phục hồi sự hợp nhất Kitô Giáo không hề đi ngược lại bản chất và lịch sử của Giáo Hội Chính Thống. Nó là một biểu thức nhất quán của đức tin tông truyền và Thánh Truyền trong một bối cảnh lịch sử mới.

• Các cuộc đối thoại thần học song phương mà Giáo Hội Chính Thống đang tiến hành hiện nay, cũng như việc tham dự của mình vào phong trào phục hồi sự hợp nhất Kitô Giáo, được đặt cơ sở trên ý thức Chính Thống Giáo và trên tinh thần công đồng (ecumenicity), và nhằm tìm kiếm sự hợp nhất Kitô Giáo đã mất dựa trên đức tin và truyền thống Giáo Hội xưa của Bẩy Công Đồng Chung.

• Sự hợp nhất nhờ đó Giáo Hội nổi bật trong chính bản chất hữu thể của mình là điều không thể phá vỡ được. Giáo Hội Chính Thống nhìn nhận sự hiện hữu trong lịch sử của các Giáo Hội và tuyên tín Kitô khác hiện không hiệp thông với mình, và đồng thời tin rằng các mối liên hệ của mình với họ nên dựa vào việc các Giáo Hội này mau chóng làm sáng tỏ một cách chính xác hơn tất cả các chủ đề Giáo Hội học, nhất là giáo huấn về các Bí Tích, ơn thánh, chức linh mục, và việc kế thừa tông đồ như một toàn thể. Do đó, vì các lý do thần học và mục vụ, Giáo Hội Chính Thống luôn sẵn lòng đối thoại với các Giáo Hội và tuyên tín Kitô đa dạng, và tham dự vào phong trào đại kết hiện nay nói chung, vì tin rằng nhờ thế mình có thể làm chứng tích cực cho tính viên mãn của sự thật về Chúa Kitô và các kho tàng thiêng liêng của mình trước mặt những người ở bên ngoài mình, và theo đuổi một mục đích khách quan: tiến bước trên con đường hợp nhất.

• Chính trong tinh thần ấy mà ngày nay các Giáo Hội Chính Thống Thánh Thiện Địa Phương đều đang tham dự tích cực các cuộc đối thoại thần học chính thức, và đa số các Giáo Hội này tham dự việc làm của các tổ chức liên Kitô Giáo quốc gia, vùng và quốc tế đa dạng, bất chấp cuộc khủng hoảng trầm trọng trong phong trào đại kết. Các hoạt động nhiều mặt như thế của Giáo Hội Chính Thống phát xuất từ ý thức trách nhiệm và từ xác tín rằng việc hiểu biết, hợp tác hỗ tương và các cố gắng chung nhắm tới việc hợp nhất Kitô Giáo có tầm quan trọng nền tảng, để đừng “gây trở ngại cho Tin Mừng của Chúa Kitô” (1Cr 9:12).

• Trong khi tiến hành cuộc đối thoại với các Kitô hữu khác, Giáo Hội Chính Thống không hề đánh giá thấp các khó khăn phát sinh từ đó, nhưng biết rõ các trở ngại đang hiện diện trên đường tiến tới một hiểu biết chung đối với truyền thống của Giáo Hội cổ xưa. Giáo Hội Chính Thống hy vọng rằng Chúa Thánh Thần, Đấng “gắn bó toàn bộ định chế Giáo Hội lại với nhau” (Thánh Ca Kinh Chiều Lễ Hiện Xuống), sẽ hàn gắn mọi vết thương” (lời nguyện trong lúc truyền chức). Về phương diện này, Giáo Hội Chính Thống không những, trong mối liên hệ của mình với phần còn lại của thế giới Kitô Giáo, dựa vào các cố gắng nhân bản của những người tham dự cuộc đối thoại, mà trước nhất và trên hết, nhờ ơn thánh của Thiên Chúa, Đấng vốn cầu nguyện rằng “cho… mọi người nên một” (Ga 17:21), còn dựa vào sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần.

• Việc tham dự vào các cuộc đối thoại thần học song phương hiện thời được công bố trong các Hội Nghị Toàn Chính Thống là kết quả của một quyết định nhất trí của mọi Giáo Hội Chính Thống Thánh Thiện Địa Phương, những Giáo Hội, trong việc làm của mình, có bổn phận phải luôn tham dự tích cực và bền bỉ để không gây trở ngại cho việc nhất trí làm chứng Chính Thống cho vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong trường hợp một Giáo Hội Địa Phương nào đó quyết định không gửi đại diện tới một cuộc đối thoại hay phiên họp của nó, thì cuộc đối thoại vẫn tiếp tục, với điều kiện quyết định này không có tính Toàn Chính Thống. Trước cuộc đối thoại hay phiên họp của nó, một ủy Ban Chính Thống phải thảo luận việc vắng mặt của Giáo Hội Địa Phương, nhờ thế nói lên được tình liên đới và hợp nhất của Giáo Hội Chính Thống.

• Các vấn đề được nêu lên trong các cuộc thảo luận thần học trong các ủy ban thần học hỗn hợp không luôn luôn là các cơ sở đầy đủ để một Giáo Hội Chính Thống Địa Phương đơn phương cho gọi đại diện của mình về và rút lui khỏi cuộc đối thoại. Như một qui luật, điều cần là phải tránh việc một Giáo Hội rút lui khỏi cuộc đối thoại và trên bình diện liên Chính Thống, phải cố gắng hết sức để bảo đảm việc này: ủy ban thần học Chính Thống tham dự cuộc đối thoại có tư cách đại diện đầy đủ. Nếu một hay nhiều Giáo Hội Chính Thống từ khước tham gia các phiên họp của ủy ban thần học hỗn hợp trong một cuộc đối thoại nào đó vì các lý do nghiêm túc về Giáo Hội học, giáo luật, mục vụ và luân lý, thì Giáo Hội này, hay các Giáo Hội này, nên thông báo cho Thượng Phụ Đại Kết và mọi Giáo Hội Chính Thống bằng văn bản về sự từ khước của mình, phù hợp với thực hành Toàn Chính Thống. Trong cuộc thảo luận Tòan Chính Thống sau đó, Thượng Phụ Đại Kết sẽ tìm sự nhất trí của các Giáo Hội Chính Thống xem phải làm gì, trong đó có khả thể tái thẩm định tiến độ của cuộc đối thoại thần học đó, nếu toàn thể nhất trí điều này là cần thiết.

• Phương pháp luận trong việc tiến hành các cuộc đối thoại thần học là nhằm khắc phục các dị biệt thần học vốn có xưa nay hay nhằm phát hiện các bất đồng mới có thể có và tìm cơ sở chung cho đức tin Kitô Giáo. Các phương pháp này hàm nghĩa rằng toàn thể Giáo Hội tiếp tục được thông tri về sự tiến triển của cuộc đối thoại. Trong trường hợp không thể khắc phục một dị biệt thần học nào đó, thì cuộc đối thoại thần học vẫn có thể tiếp tục, trong khi ấy dị biệt vừa được khám phá phải được ghi chép và thông báo cho mọi Giáo Hội Chính Thống Địa Phương để có hành động cần thiết sau đó.

• Hiển nhiên, mục đích của mọi cuộc đối thoại thần học là phục hồi trọn vẹn sự hợp nhất trong đức tin và đức mến đích thực. Tuy nhiên, các dị biệt thần học và Giáo Hội học hiện có làm ta có thể phát hiện một phẩm trật các khó khăn nào đó đang án ngữ con đường tiến tới việc đạt được các mục tiêu vốn đặt ra trên bình diện Toàn Chính Thống. Tính chuyên biệt trong các vần đề của bât cứ cuộc đối thoại song phương nào cho thấy phải dị biệt hóa các phương pháp áp dụng, chứ không phải dị biệt hóa các mục tiêu, vì mọi cuộc đối thoại đều cùng theo đuổi một mục tiêu chung.

• Nếu cần, các cố gắng phải được đưa ra nhằm phối hợp việc làm của các ủy ban thần học liên Chính Thống, vì xét rằng sự hợp nhất hữu thể bất khả phân của Giáo Hội Chính Thống cần phải được phát hiện và phát biểu cả trong lãnh vực này.

• Bất cứ cuộc đối thoại đã được chính thức thông báo nào cũng kết thúc với việc hoàn tất công việc liên hệ của Ủy Ban Thần Học Hỗn Hợp khi vị chủ tịch của Ủy Ban Liên Chính Thống đệ nạp phúc trình lên Thượng Phụ Đại Kết, người, với sự đồng thuận của các giáo chủ các Giáo Hội Chính Thống Địa Phương, sẽ tuyên bố kết thúc cuộc đối thoại. Không cuộc đối thoại nào được coi là hoàn tất cho tới lúc một quyết định về việc hoàn tất của nó được tuyên bố trên bình diện Toàn Chính Thống.

• Khi đã kết thúc mỹ mãn một cuộc đối thoại thần học, một quyết định, dựa trên sự nhất trí của mọi Giáo Hội Chính Thống Địa Phương, phải được đưa ra trên bình diện Toàn Chính Thống, liên quan tới việc phục hồi sự hiệp thông trong Giáo Hội.

• Một trong các cơ quan chính trong lịch sử phong trào đại kết là Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới (WCC). Một số Giáo Hội Chính Thống đã là thành viên sáng lập của Hội Đồng, và sau đó, mọi Giáo Hội Chính Thống đã trở thành hội viên của nó. Là một cơ quan liên Kitô Giáo có cơ cấu, WCC, cùng với các tổ chức và cơ quan vùng liên Kitô Giáo khác, như Hội Đồng Các Giáo Hội Âu Châu (CEC) và Hội Đồng Các Giáo Hội Trung Đông, đang thực hiện một sứ mệnh quan trọng nhằm cổ vũ sự hợp nhất của thế giới Kitô Giáo, dù họ không bao gồm mọi Giáo Hội và mọi tuyên tín Kitô Giáo. Các Giáo Hội Chính Thống Georgia và Bulgaria đã rút lại tư cách hội viên của WCC: Giáo Hội Georgia rút năm 1997, còn Giáo Hội Bulgaria thì rút năm 1998. Các Giáo Hội này có ý kiến riêng của họ đối với việc làm của WCC và, do đó, không tham dự các cuộc đối thoại được WCC và các tổ chức liên Kitô Giáo khác tiến hành.

• Các Giáo Hội Chính Thống Địa Phương hiện là thành viên của WCC đang tham dự đầy đủ và ngang hàng vào cơ cấu của WCC và bằng mọi phương thế hiện có, đang góp phần làm chứng cho sự thật và cổ vũ sự hợp nhất của các Kitô hữu. Giáo Hội Chính Thống chào mừng quyết định của WCC trong việc đáp lại lời yêu cầu của Giáo Hội liên quan tới việc thành lập Ủy Ban Đặc Biệt về Việc Tham Dự WCC của Chính Thống Giáo; Ủy Ban này đã được thành lập để chu toàn sự ủy nhiệm của Hội Nghị Liên Chính Thống họp tại Thessaloniki năm 1998. Ủy Ban Đặc Biệt đặt để các tiêu chuẩn do Chính Thống Giáo đề ra và được WCC chấp thuận; điều này dẫn tới việc thành lập Ủy Ban Thường Trực Nhất Trí Và Hợp Tác. Các tiêu chuẩn đã được chuẩn nhận và được lồng vào Hiến Pháp và Qui Định của WCC.

• Trung thành với Giáo Hội học của mình, với bản sắc của cơ cấu nội bộ của mình và với giáo huấn của Giáo Hội Bẩy Công Đồng Chung ngày xưa, Giáo Hội Chính Thống, dù tham dự WCC về phương diện tổ chức, nhưng không chấp nhận ý niệm về “sự bình đẳng giữa các tuyên tín” (Equality of confessions) và không thể chấp nhận sự hợp nhất Giáo Hội như một thỏa hiệp liên tuyên tín. Trong tinh thần này, sự hợp nhất được WCC tìm kiếm không thể đơn giản chỉ là sản phẩm của một mình thỏa hiệp thần học; nó còn phải là hoa trái của một đức tin hợp nhất, được duy trì bằng bí tích và được sống trong Giáo Hội Chính Thống.

• Các Giáo Hội Chính Thống thành viên của WCC coi như điều kiện không có không được để họ tham gia WCC là điều khoản chủ yếu trong Hiến Pháp của mình; điều khoản này quả quyết: chỉ những Giáo Hội và tuyên tín nào nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Rỗi, phù hợp với Thánh Kinh, và tin vào Thiên Chúa đã được hiển vinh trong Ba Ngôi, Cha, Con, và Thánh Thần, phù hợp với Kin Tin Kính Nixêa-Constantinốp, mới trở thành hội viên của WCC. Các Giáo Hội này xác tín rằng các giả định Giáo Hội học trong Tuyên Bố Toronto về Giáo Hội, Các Giáo Hội và Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới năm 1950 có tầm hết sức quan trọng để Chính Thống Giáo tham dự Hội Đồng. Do đó, điều rõ ràng là WCC không phải và không thể nào là một “siêu Giáo Hội”. “Mục đích của WCC không phải là thương thảo việc hợp nhất giữa các Giáo Hội, một điều chỉ có thể thực hiện được bởi chính các Giáo Hội hành động dựa vào sáng kiến riêng của họ, nhưng là đem các Giáo Hội tới việc tiếp xúc sống động với nhau và cổ vũ việc nghiên cứu và thảo luận các vấn đề về việc hợp nhất Giáo Hội” (Tuyên Bố Toronto § 2).

• Các viễn ảnh tiến hành các cuộc đối thoại thần học giữa Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội và tuyên tín Kitô Giáo khác luôn phải được dẫn khởi từ các tiêu chuẩn giáo luật của Truyền Thống Giáo Hội lâu đời (điều 7 của Công Đồng Chung Thứ Hai và điều 95 của Công Đồng Chung Quinisext).

• Giáo Hội Chính Thống muốn hỗ trợ việc làm của Ủy Ban Đức Tin và Trật Tự Giáo Hội và luôn chăm chú theo dõi sự đóng góp của nó cho tới tận nay về thần học. Xét chung, Giáo Hội có quan điểm thuận lợi đối với các tài liệu thần học được Ủy Ban chấp thuận với sự tham gia và đóng góp giá trị của các nhà thần học Chính Thống, liên quan tới việc tiếp nhận các tài liệu này như một bước quan trọng hướng tới việc xích lại gần nhau của các Kitô hữu. Tuy nhiên, Giáo Hội Chính Thống không tỏ bầy sự nhất trí trọn vẹn đối với lối giải thích các vấn đề nền tảng về đức tin và trật tự được các tài liệu này đưa ra.

• Giáo Hội Chính Thống tin rằng bất cứ mưu toan nào nhằm phá vỡ sự hợp nhất Giáo Hội, bất kể của các cá nhân hay của các nhóm dưới chiêu bài duy trì hay bảo vệ Sự Chính Thống đích thực, phải bị kết án. Như đã được chứng tỏ bằng trọn đời sống của Giáo Hội Chính Thống, việc duy trì đức tin Chính Thống chỉ có thể có nhờ cơ cấu công đồng mà từ thời xa xưa Giáo Hội vốn coi là tiêu chuẩn mạnh mẽ và cuối cùng trong các vấn đề đức tin.

• Chung cho Giáo Hội Chính Thống là ý thức về sự cần thiết phải tiến hành cuộc đối thoại thần học liên Kitô Giáo và do đó, tin rằng đối thoại phải luôn được kèm theo việc làm chứng cho thế giới bằng các hành vi hiểu biết và thương yêu nhau; các hành vi này phản ảnh niềm vui khôn tả của Tin Mừng (1Pr 1:8), loại bỏ bất cứ thực hành cải đạo (proselytism) nào hay bất cứ biểu hiện chống báng liên tuyên tín quá đáng nào. Cũng thế, Giáo Hội Chính Thống coi là quan trọng việc tất cả Kitô hữu chúng ta, được linh hứng bởi cùng những nguyên tắc nền tảng chung về đức tin, phải cố gắng hết sức để sẵn lòng nhất tề giải đáp các vấn đề khó khăn do thế giới ngày nay đặt ra cho chúng ta. Giải đáp này phải đặt cơ sở trên mẫu mực lý tưởng của con người mới trong Chúa Kitô.

• Giáo Hội Chính Thống biết rõ sự kiện này: phong trào phục hồi sự hợp nhất Kitô Giáo mang nhiều hình thức mới trong việc đáp ứng các hoàn cảnh mới và các thách đố mới. Điều cần là Giáo Hội Chính Thống tiếp tục làm chứng cho thế giới Kitô Giáo đang chia rẽ dựa trên Truyền Thống tông đồ và đức tin của mình.

Chúng ta cầu xin để mọi Kitô hữu cùng làm việc với nhau ngõ hầu đem lại gần hơn ngày trong đó, Chúa sẽ thể hiện đầy đủ niềm hy vọng của các Giáo Hội Chính Thống, và sẽ chỉ có một đoàn chiên, và một người chăn chiên (Ga 10:16).

Chambésy, 15 Tháng Mười, 2015
 
Giải đáp phụng vụ: Việc rước lễ qua các thời đại
Nguyễn Trọng Đa
22:05 21/06/2016
Giải đáp phụng vụ: Việc rước lễ qua các thời đại

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Việc cha đề cập trong bài trả lời ngày 20-10-2015, rằng “Cho đến thời gian gần đây, giáo dân thường không rước lễ trong chính Thánh lễ” đã làm cho con ngạc nhiên, và nghĩ là mình biết quá ít về lịch sử của kỷ luật của Giáo Hội về việc rước lễ. Có lẽ sẽ là quá phức tạp để trình bày ở đây, phải không cha, nhưng nếu có thể được, xin cha nói sơ qua cho độc giả biết về lịch sử này. - K. T., Houston, Texas, Mỹ.

Đáp: Tôi nghĩ rằng để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải phân biệt các nguyên tắc tín lý và sự thực hành lịch sử, vì cả hai đã ảnh hưởng như thế nào các nghi thức đã phát triển. Chúng tôi cũng sẽ tự giới hạn mình vào nghi thức cơ bản, và lúc khác sẽ nói về lịch sử rước lễ hai hình và các tư thế của tín hữu.

Về tín lý, Giáo Hội đã luôn xem việc rước lễ như kết luận hợp lý và cần thiết của việc cử hành Thánh lễ. Là hợp lý, bởi vì bất kỳ hy lễ nào có lễ vật là thực phẩm, như là đối tượng của nó, ngụ ý ý tưởng về sự tiêu thụ lễ vật. Là cần thiết, bởi vì đây là ý rõ ràng của Chúa Kitô, Đấng mời gọi chúng ta hãy cầm lấy mà ăn. Do đó, trong thời cổ đại, bất kỳ thành viên nào trong các tín hữu đã dâng bánh và rượu, mà linh mục tiếp nhận, thì đương nhiên trở thành người rước lễ. Ngay cả khi không thành viên nào của các tín hữu rước lễ, kỷ luật phụng vụ Giáo Hội đã luôn luôn yêu cầu rằng ít nhất việc rước lễ của linh mục là cần thiết, để hoàn thành và hoàn thiện hy lễ. Thí dụ, điều này đã được công bố bởi Công đồng Toledo XII năm 681, trong một văn bản được thánh Tôma Aquinas trích dẫn sau này trong Tổng luận thần học (Summa Theologica) của ngài:

"Tôi trả lời rằng, như đã nêu ở trên (79, 5,7), Thánh Thể không chỉ là một bí tích, mà còn là một hy lễ. Bây giờ bất cứ ai dâng lễ vật phải là người chia sẻ trong hy tế, vì lễ vật bên ngoài mà người ấy dâng, là một dấu hiệu của sự hy sinh bên trong, mà nhờ đó người ấy tự hiến mình cho Thiên Chúa, như thánh Âutinh nói (De Civ. Dei x). Do đó, bằng cách tham dự vào hy lễ, người ấy cho thấy rằng hy tế bên trong là giống hy tế của mình. Trong cùng một cách như vậy, khi phân phát hy tế cho người khác, người ấy thấy rằng mình là người phân phát quà tặng của Thiên Chúa, mà mình phải là người đầu tiên tham dự, như Dionysius nói (Eccl. Hier. iii). Do đó, ông phải tiếp nhận được trước khi phân phát cho dân chúng. Theo đó, chúng ta đọc trong chương đã đề cập ở trên (Công đồng Toledo XII, Điều v.): 'Loại hy tế nào mà trong đó người dâng lễ vật không được biết là có một phần?" Nhưng chính khi tham dự vào hy tế mà người ấy có một phần trong đó, như các Thánh Tông Đồ nói (1 Cr 10:18):"Những ai ăn tế phẩm, há chẳng phải là những kẻ được chia lộc bàn thờ sao?” (bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Vì vậy thật là cần thiết cho linh mục, vì ngài thường truyền phép Mình Máu Chúa, để lãnh nhận bí tích này trong tính toàn vẹn của nó. (III, q82 art. 4 resp.)"

Các nguyên tắc về việc rước lễ sau đó được tóm lược một cách long trọng bởi Công đồng Trentô trong phiên XIII, vào tháng 10-1551:

"Bây giờ về việc sử dụng bí tích thánh này, các Nghị phụ đã phân biệt một cách đúng đắn và sáng suốt ba cách tiếp nhận nó. Vì các Nghị phụ đã dạy rằng một số người rước lễ một cách bí tích mà thôi, là người có tội: một số người khác rước lễ một cách thiêng liêng mà thôi, là những người ước ao ăn bánh bởi Trời, được đặt trước mặt họ, và bằng một đức tin sống động làm việc bởi sự bác ái, họ cảm nhận hoa trái và sự hữu ích của việc rước lễ này: trong khi nhóm người thứ ba rước lễ vừa một cách bí tích vừa một cách thiêng liêng, và đây là những người đã chuẩn bị trước, để tiếp cận với bàn tiệc thần linh này với y phục lễ cưới. Bây giờ về việc rước lễ, tập tục của Giáo Hội là rằng giáo dân rước lễ từ tay linh mục; nhưng các linh mục khi cử hành Thánh lễ, phải rước lễ; tập tục này, vốn đến từ một truyền thống tông đồ, phải được duy trì với sự công bình và lý trí. Và cuối cùng Thánh Công đồng này với tình thương phụ tử thật sự khuyên nhủ, khuyến khích, năn nỉ, và van xin, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta, rằng tất cả và mỗi người mang danh hiệu Kitô hữu sẽ đồng ý lâu dài và nhớ dấu hiệu này của sự hiệp nhất, mối dây bác ái, biểu tượng của sự hòa hợp; và hãy nhớ sự uy nghi tuyệt vời, và tình yêu quá đỗi của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ngài ban linh hồn yêu dấu của Ngài như giá sự cứu rỗi của chúng ta, và đã ban cho chúng ta Mình Ngài để ăn, họ cần tin tưởng và kính tôn các mầu nhiệm thánh của Mình và Máu Ngài với sự kiên trì và sự vững chắc của đức tin, với sự sốt mến của linh hồn, với lòng đạo đức và sự thờ phượng, để có thể thường xuyên rước bánh đã truyền phép, và rằng nó có thể mang lại cho họ sự sống của linh hồn, và sức khỏe vĩnh viễn của tâm trí họ; mà được tiếp thêm sức mạnh, để họ có thể, sau cuộc hành trình của sự hành hương khốn khổ này, đi đến quê hương trên trời của họ, ở đó họ ăn, mà không cần mạng che mặt, cùng bánh của các thiên thần, mà hiện giờ họ ăn dưới mạng che mặt thiêng liêng".

Tuy nhiên, đối với sự thực hành, mọi thứ phát triển theo một cách khác. Thực tế tất cả các tài liệu thời đầu làm chứng cho việc thực hành rước lễ trong Thánh Lễ. Thánh Justin (100-165) nói rằng các phó tế thậm chí còn mang Mình Thánh cho những người vắng mặt sau Thánh lễ nữa. Tuy nhiên, qua thời gian, kỷ luật nới lỏng và ngày càng có ít tín hữu rước lễ. Điều này xảy ra với tốc độ nhanh đáng ngạc nhiên, nên ngay cả Thánh Gioan Kim Khẩu (349-407) phàn nàn: "Chúng tôi đứng trước bàn thờ cách vô vọng, vì không ai bước lên rước lễ cả”. Giáo Hội phải nhắc lại tầm quan trọng của việc rước lễ, ngay cả với các giáo sĩ. Từ thế kỷ IV, chúng tôi tìm thấy các sắc lệnh, vốn qui định rằng các giáo sĩ tham dự thánh kễ trọng, buộc phải rước lễ. Tình hình đạt tới một điểm mà trong năm 1123 Công đồng chung Lateran I xét là cần thiết, để qui định việc xưng tội và rước lễ ít nhất mỗi năm một lần cho tất cả người Công Giáo, như là một sự tối thiểu tuyệt đối. Luật này vẫn còn hiệu lực ngày nay, mặc dù sự thực hành thực sự thay đổi nhiều.

Các lý do mà các tín hữu ít rước lễ là rất phức tạp, và một số lý do là đặc trưng cho một số thời đại nhất định. Một thí dụ là sự phản ứng đối với bè rối Arian trong giai đoạn đầu, vốn dẫn đến một quan niệm đề cao tôn thờ phép Thánh Thể như là "bàn tiệc tuyệt vời của Chúa", làm cho người ta sợ đến gần. Sau đó trong thời Trung cổ, một thực hành gắt gao của việc đền tội trước khi rước lễ, các qui định chi tiết về ăn chay kéo dài, và các khuyến nghị liên quan đến việc kiêng cử hành vi vợ chồng trước khi rước lễ, tạo nên một tổng thể tích lũy cấm đoán làm cho người ta không rước lễ, mặc dù người ta vẫn tham dự Thánh Lễ đều đặn, và sự nhiệt tình tôn giáo vẫn là khá cao. Ngay cả sự gia tăng trong việc chầu Thánh Thể trong thế kỷ XII khiến một số người cho rằng, việc nhìn ngắm Mình Thánh có thể một cách nào đó thay thế việc rước lễ rồi.

Điều này dẫn đến sự phát triển trong nghi thức rước lễ, mặc dù khả năng cho rước lễ tại thời điểm này vẫn là một phần của nghi thức, và nó tiếp tục được sử dụng bất cứ khi nào có tương đối ít người rước lễ. Các hình thức thời đầu của nghi lễ Rôma đã có một lời mời rất ngắn cho các tín hữu, để họ lên rước lễ sau khi linh mục đã rước lễ. Tuy nhiên, công thức này biến mất, mặc dù có tiếng chuông rung lên như một dấu hiệu của lời mời gọi. Vào thế kỷ XII, ở một số nơi một lời giới thiệu đã trở lại, lấy cảm hứng từ các nghi thức cho người bệnh rước lễ, khi nó đã trở thành một thực hành để đọc kinh Cáo Mình lần thứ hai, nếu có ai ngoài linh mục, sắp rước lễ. Và trong thế kỷ XV, sự thực hành là nâng cao Mình Thánh với công thức: “Đây Chiên Thiên Chúa ..." và "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự..." đã được đưa vào Thánh Lễ. Một cách chính thức, các công thức này đã lần đầu được chấp nhận trong Sách Nghi lễ của Giáo Hoàng Phaolô V năm 1614, như một phần của việc rước lễ ngoài Thánh Lễ.

Tuy nhiên, trong thực tế, vì trong nhiều thế kỷ, số lượng người rước lễ mỗi năm một lần là rất đông vào dịp lễ Phục sinh, điều này đã dẫn đến nhiều khó khăn về hậu cần cho việc cho rước lễ trong Thánh Lễ. Điều này ở nhiều nơi đã dẫn đến một sự phân ly giữa thời điểm rước lễ và Thánh Lễ. Ở một số nơi khác, sẽ có các linh mục cho rước lễ mùa Phục sinh từ một bàn thờ cạnh, suốt cả Thánh Lễ, cũng như trước và sau Thánh Lễ. Sự thực hành này đôi khi kéo dài đến các ngày lễ trọng khác.

Tuy nhiên, dần dần đã có sự trở lại rước lễ thường xuyên hơn, đặc biệt là trong các thế kỷ XIX và XX, được thúc đẩy bởi một số hiệp hội thiêng liêng, sự gia tăng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa, và sự động viên của các Giáo hoàng. Điều này tự nhiên dẫn tới sự trở lại với sự thực hành phụng vụ tốt hơn, và việc cho rước lễ thường xuyên trong Thánh Lễ, mặc dù ở một số nơi các thực hành khác vẫn tiếp tục như là tập tục.

Do đó, chuyên viên phụng vụ nổi tiếng J.A. Jungmann, trong tác phẩm chính của ngài về

lịch sử thánh lễ Rôma, đã viết trước cải cách phụng vụ hiện nay:

"Như chúng ta đã thấy, việc rước lễ của linh mục chủ tế thường được tiếp nối bởi việc các tín hữu rước lễ. Điều này là phù hợp cả với kế hoạch ban đầu của Thánh Lễ Rôma. Mô hình này, mà trong thời của chúng ta đã được áp dụng ngày càng nhiều, đã lệ thuộc trong nhiều thế kỷ vào nhiều sự thay đổi bất thường và biến động bạo lực. Các sự thay đổi bất thường và biến động bạo lực này đã có các hiệu lực của chúng trên việc thiết kế phụng vụ về việc các tín hữu rước lễ. Chúng cũng dẫn đến kết quả là trong lời giải thích của Thánh Lễ, thậm chí cho đến nay, việc các tín hữu rước lễ đôi khi được coi là một yếu tố ngoại lai, không thuộc cơ cấu của phụng vụ Thánh lễ, và do đó có thể được bỏ qua". (Zenit.org 21-6-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lướt Sóng
Lê Trị
18:11 21/06/2016
LƯỚT SÓNG
Ảnh của Lê Trị
Sức khỏe mới là sự giàu có thực sự,
không phải vàng, bạc.

It is health that is real wealth
and not pieces of gold and silver.
(Mahatma Gandhi)
 
VietCatholic TV
Kỹ thuật truyền hình: Synchronise audio và video.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:00 21/06/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Các bạn đang theo dõi chương trình huấn luyện kỹ thuật viên truyền hình của VietCatholic.

Trong video này, Thùy Loan xin giới thiệu với các bạn cách synchronise một audio và một video.

Khi ta thu hình riêng vào một clip, và thu tiếng riêng vào một clip khác ta có thể synchronize hai clips với nhau. Hoàn cảnh thường gặp là khi thu nhạc.

Người ca sĩ thu âm trước và có file audio. Khi chúng ta thu hình, chúng ta phát cái audio đó lên cho người ca sĩ hát nhép theo.

Trước hết, Thùy Loan mách các bạn một mẹo nhỏ này.

Ca sĩ không thuộc bài là chuyện bình thường. Muốn người ta không biết mình hát nhép thì làm như sau: Khi người ca sĩ hát phải có người đứng ngoài đọc to lên cái lời hát TIẾP THEO. Như vậy, ca sĩ vừa nghe cái lời đang hát từ cái máy hát vừa biết trước cái câu hát SẮP TỚI. Như thế, sẽ dễ nhép miệng đúng.

Cái khó khăn là khi mình làm như thế thì khi edit ta sẽ gặp vấn đề khi synchronise nếu ta thu vừa cái audio vừa cái tiếng người nhắc tuồng. Muốn khắc phục thì cần phải có 1 cái splitter gắn vào cái headphone của máy hát. Một đầu của splitter connect vào camera để chỉ thu cái audio đó mà không thu những tạp âm bên ngoài. Một đầu của splitter gắn vào 1 cái loa để ca sĩ nghe tiếng nhạc như bình thường. Nếu làm như thế, trong khi thu ta có thể mở air con, hay là nói chuyện thoải mái vì camera không thu những thứ tạp âm.

Khi edit thì ta làm sao?

[Show video ra – cái program for capturing màn hình anh để trên Mega trong folder Studio Uploads – nó là snagit13 có cả key trong đó]

Trước hết, các bạn để cái audio của video hát nhép trên một track, và audio ca sĩ thu từ phòng thu trên một track khác.

Bước 1. Click vào cái video hát nhép (1).

Bước 2. Giữ phím Shift trong khi click vào cái audio phòng thu (2).

Bước 3. Right-click và chọn menu Synchronize rồi chọn như hình bên.

Nếu chẳng may không synchronize được thì ta làm như sau:

Tráo đổi giữa bước 1 và bước 2, nghĩa là chọn cái audio phòng thu là main source và cái video hát nhép là secondary. Rồi làm lại bước 3.

Nếu chẳng may vẫn không synchronize được thì ta làm như sau:

Cắt ngắn cái video hát nhép, chỉ lấy chỗ nào cái Wave Sound rất tương tự cái audio phòng thu.

Sau đó, làm lại các bước 1-3. Kế đó, dãn cái video ra là xong.

Sau khi đã synchonize được, ta cần

• Cắt bỏ những phần thừa ra trên cái video hát nhép.

• Unlink cái audio của video hát nhép.

Một mẹo nhỏ các bạn cũng nên biết là:

Nếu video hát nhép starts trễ hơn audio phòng thu thì nên chèn một tấm hình phía trước cho nó bằng với cái audio. Như vậy, khi ta di chuyển sẽ không bị de-synchronize.

Chúc các bạn thành công.