Ngày 21-06-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:39 21/06/2024

41. Khi suy niệm mà có tạp niệm đến, thì phải thật bình an đem tâm hồn của mình đặt trước tòa Thiên Chúa.

(Thánh Teresa of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:42 21/06/2024
88. MẮT CỦA ANH NÓNG ĐÓ

Sau khi Vương Văn Thành làm quan thì nơi địa phương ấy có một người rất không thích ông ta.

Ngày nọ, anh ta nhìn thấy cái mũ (mão) quan của Vương Văn Thành hai bên có dây rủ xuống hai dải gấm vừa đúng che mất cái tai, anh ta cười nói:

- “Thưa ngài, cái tai của ngài bị lạnh sao?”

Vương Văn Thành trả lời:

- “Tai của ta không lạnh, nhưng con mắt của ông nóng rồi đó !”

(Nhã Ngược)

Suy tư 88:

Có người thấy người khác ăn nên làm ra thì nóng mặt, tức tối và ghen ghét, thế là không phải chỉ một con mắt nóng mà thôi, nhưng mắt mũi, miệng, mặt và quả tim đều nóng, tội nghiệp cho họ thật chứ không phải chuyện đùa.

Tai bị lạnh thì lấy mũ che lại chẳng hại gì cả, nhưng mắt bị nóng phát hỏa thì nhìn không rõ, nên hay đoán mò đoán bậy làm mất lòng người khác.

Có một vài người Ki-tô hữu tìm nhiều lý do để ngăn cản không cho người khác dâng cúng nhà thờ xây cái này làm cái nọ, vì họ sợ người khác chơi nổi chơi đẹp hơn mình; lại có những người tai không bị lạnh mắt không bị nóng, nhưng luôn luôn nói sai sự thật, chuyện ít nhưng xít cho nhiều, thêm mắm thêm muối làm câu chuyện nhỏ trở thành câu chuyện lớn trầm trọng, có khi có hại và làm mất danh dự của người khác...

Đó là căn bệnh tự ti mặc cảm thường có nơi những người thường cho mình bị thua thiệt vì nghèo, vì không học hành, vì không có tài cán gì...

Khiêm tốn và thành thật chính là ân huệ mà Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta nhận ra ân sủng mà Chúa ban cho tha nhân, đó chính là hâm mộ thật vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 22/06: Hãy ký thác đường đời cho Chúa – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
02:52 21/06/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.

“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo lắng cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào : chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Đó là lời Chúa
 
Trái tim hồn nhiên
Lm. Minh Anh
15:04 21/06/2024
TRÁI TIM HỒN NHIÊN
“Hãy xem chim trời!”.

“Hãy chiêm ngắm Giêsu, vị Chúa làm người; những gì cao cả nhất đã trở thành hiện thân của khiêm tốn và giản dị! Hãy mục kích cách Ngài cư xử với các tội nhân, những người nghèo và các em bé; qua đó, ‘trái tim hồn nhiên’ của Ngài thể hiện!” - Anthony Fortosis.

Kính thưa Anh Chị em,

Với những hình ảnh ‘chim trời, đoá huệ’ trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn bạn và tôi hãy có cho mình một ‘trái tim hồn nhiên’ như Ngài, như trẻ thơ, hầu có thể nhận ra bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trong thế giới, trong mọi sự.

Hãy để cho những thực tế về sự chăm sóc của Cha trên trời đối với những vật phù du này ngấm sâu vào lòng chúng ta! Hãy để những bức tranh tuyệt vời này thúc giục chúng ta nhìn ra các tạo vật mà tin cậy vào tấm lòng yêu thương vô bờ của Ngài! Điều cần thiết là hãy suy gẫm cách thức Ngài chăm chút đến từng sinh vật nhỏ bé vốn chỉ đáng một vài xu này! Từ đó, ngẫm xem làm sao Ngài lại không để mắt đến chúng ta, những con trai con gái - những công trình huy hoàng tột bậc của Ngài - những người con mà Ngài sẵn sàng sai Con Một đến, đổ máu, chết thay cho họ trên thập giá!

Chúa Kitô đã thực sự thâm nhập vào ‘nguyên nhân cốt lõi’ của những lắng lo và băn khoăn vốn thường nuốt chửng và vùi dập con người; nguyên nhân đó là ‘một đức tin còn quá ít ỏi’ nơi mỗi người! Không chỉ ít đức tin; thậm chí, chúng ta còn quá hời hợt trước sự chăm bẵm của Đấng Tạo Thành. Hãy cám ơn Chúa vì sự kiên nhẫn của Ngài, hãy cho phép tấm lòng hiền phụ nơi Ngài thấm sâu linh hồn. Chính sự thấm sâu này, nhận thức này, sẽ đào tạo một ‘trái tim hồn nhiên’ nơi chúng ta; nhờ đó, bạn và tôi có được một đôi mắt trẻ thơ, vốn luôn kinh ngạc và thán phục trước những việc Ngài làm.

Thật trùng hợp, sách Biên Niên Sử hôm nay một lần nữa cho thấy sự kiên nhẫn đầy yêu thương của Thiên Chúa. Tư tế Giơhôgiađa qua đời, các thủ lãnh Giuđa đã làm xiêu lòng vua, “Họ đã bỏ Đền Thờ của Đức Chúa là Thiên Chúa tổ tiên họ, mà phụng sự các cột thờ và các ngẫu tượng”. Thiên Chúa lần lượt sai các ngôn sứ đến để đưa họ về; Dacaria bảo họ, “Các ngươi đã lìa bỏ Chúa, nên Chúa cũng lìa bỏ các ngươi!”. Nhưng làm sao Thiên Chúa có thể bỏ dân! Ngài vẫn hoàn tất lời đã hứa với các tổ phụ, với Đavít. Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở!”.

Anh Chị em,

“Hãy nhìn xem chim trời!”; “Hãy ngước nhìn cánh huệ!”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Việc phó thác chính mình cho Cha trên trời không giải quyết được các vấn đề một cách kỳ diệu, nhưng cho phép chúng ta đối mặt chúng với một thái độ đúng đắn và can đảm: Tôi can đảm vì tôi phó mình cho Chúa Cha, Đấng chăm sóc mọi sự và là Đấng yêu thương tôi rất nhiều!”. Vậy, nếu mỗi người chúng ta ý thức thực sự, tôi đang được Thiên Chúa yêu thương thì tôi hẳn cũng sẽ có một ‘trái tim hồn nhiên’ để nhận ra Ngài đang chăm sóc mình đến từng chi tiết, độc đáo, trên từng chặng đường khác nhau của cuộc đời; cho dẫu đó có thể là những chặng đường chông gai!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để một ai, một điều gì làm trái tim con mất hồn nhiên; nhờ đó, con có thể nhìn thấy mọi sự với đôi mắt trẻ thơ. Ở đó, chỉ có ngạc nhiên và thán phục!”, Amen.

(Tgp. Huế)

 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 12 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:04 21/06/2024
CHỦA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 4, 35-41

“Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”


Anh chị em thân mến,

Có rất nhiều lần chúng ta tự hỏi: Đức Chúa Giê-su là ai? Và cũng có rất nhiều lần khi gặp gian nan thử thách, chúng ta cũng trách Chúa: Chúa đâu rồi sao con khổ thế này?

1. Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa.

Các tông đồ không dễ dàng gì nhận ra thiên tính Thiên Chúa nơi Đức Chúa Giê-su, mặc dù đi theo làm môn đệ của Ngài đã nhiều năm, mặc dù cùng sát cánh bên Ngài, thấy Ngài làm phép lạ, nghe Ngài giảng dạy, thấy Ngài chữa lành bệnh tật.v.v...nhưng các ông vẫn chưa tin Ngài là Thiên Chúa giáng trần.

Ngài nằm ngủ đó, phía sau con thuyền, mặc cho sóng to gió lớn, mặc cho các môn đệ chèo chống thất vọng, Ngài vẫn cứ ngủ, bởi vì Ngài là Thiên Chúa, là Đấng có quyền trên vạn vật, là Đấng tạo dựng nên chim trời cá nước... Và cho đến khi Ngài ra lệnh cho sóng gió lặng yên mà các môn đệ vẫn còn hoài nghi: người này là ai mà đến sóng gió phải nghe lời...!

2. Đức Chúa Giê-su là con người.

Điều này thì quá rõ ràng, bởi vì lý lịch của Ngài thì ai cũng biết, Ngài là con của bà Ma-ri-a, là em bé sinh ra trong hang lừa máng cỏ, là con của bác thợ mộc Giu-se, là người bị quan Phi-la-tô kết án đóng đinh vào thập giá và đã chết...

Nhưng Đức Chúa Giê-su “làm con người” không phải chỉ có như thế, mà điều quan trọng và có ý nghĩa nhất trong việc làm người của Ngài chính là: để chia sẻ thân phận con người như chúng ta, để thông cảm tha thứ và để cứu độ chúng ta...

Nằm ngủ phía sau con thuyền, Đức Chúa Giê-su chắc chắn nghe và thấy các môn đệ của mình sợ hãi lo âu, nhưng đây là dịp để Ngài thử thách lòng tin của các môn đệ mình: giữa bão táp phong ba có còn tin vào Ngài không?

Anh chị em thân mến,

Trần gian là bể khổ, ai cũng nói như thế, mỗi người ai cũng chèo chống con thuyền của mình hy vọng đi vào bến bờ bình an, nhưng không phải ai cũng được bình an khi chèo chống con thuyền cuộc đời của mình.

Đức Chúa Giê-su ở đó, Ngài đang nằm ngủ đâu đó trong con thuyền cuộc đời của mỗi người, cứ tin tưởng và phó thác, cứ chèo chống hết sức mình với niềm tin, vì Đức Chúa Giê-su đang ở trong thuyền, chỉ cần chúng ta kêu cứu, Ngài sẽ ra tay giúp đỡ chúng ta...

Đó là cuộc thử thách lòng tin mà –qua hoàn cảnh- Thiên Chúa luôn gởi đến cho những ai tin tưởng vào Ngài, tin tưởng vào Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, đang hiện diện trong con thuyền cuộc đời của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh người khai phá mở đường
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
02:53 21/06/2024
Hình ảnh người khai phá mở đường

Trong đời sống xưa nay luôn hằng có biết bao nhiêu vị kỹ sư, nhà nghệ thuật, nhà đạo đức, vị Sáng lập mở đường có những sáng kiến nuôi tâm huyết muốn xây dựng những công trình to lớn, như lâu đài, biệt thự, Thánh đường, Tu Viện… có những vị hạnh phúc may mắn được nhìn thấy kết qủa do công trình mình đề nghị đưa ra cùng đốc công xây dựng thành hình, ngay lúc còn sinh tiền.

Ước vọng được nhìn thấy thưởng thức kết qủa công trình mình xây dựng nên là niềm mong ước của con người xưa nay trong mọi lãnh vực đời sống.

Nhưng cũng có những người lại không có được may mắn như thế. Vì giữa đường đời sống công trình đang xây dựng dở dang, họ đã ra đi về thế giới bên kia. Những trường hợp như thế xưa nay luôn hằng có trong lịch sử đời sống con người. Như nhiều cha mẹ sinh thành, nuôi dậy xây dựng cho đời sống con mình khôn lớn thành người trưởng thành, nhưng khi người con công thành danh toại, thì họ không còn được nhìn thấy, thưởng thức kết qủa của công trình mà mình đã đầu tư năng lượng bỏ công sức xây dựng cho con mình. Họ đã ra đi thành người thiên cổ trước đó rồi!

Có hình ảnh như thế trong nếp sống tinh thần đạo giáo đức tin không?

Những hình ảnh như thế không là luật trừ cho trong cả lãnh vực tinh thần đức tin.

Hình ảnh này ngay từ thời Chúa Giêsu còn trên trần gian cũng đã diễn xẩy ra với Ông Thánh Gioan tiền hô, mà hằng năm Giáo Hội Công Giáo, cũng như một số nơi trong Chính Thống, Tin lành, Anh giáo, mừng kính ngày sinh nhật vào ngày 24.06.

Theo Phúc âm thuật kể lại ( Lc1, 5-38 ) Thánh Gioan là con của Thầy cả thượng phẩm Dakaria và bà Elisabeth, người chị em họ hàng với Đức Mẹ Maria. Thiên Thần Chúa, Gabriel đến truyền tin cho Maria, cũng cho hay người chị họ Elisabeth mang trong cung lòng bào thai Gioan được sáu tháng rồi.

Và cũng theo phúc âm thuật lại, Ông Gioan khi lớn lên đã từ gĩa gia đình vào sa mạc sống khắc khổ ăn chay hãm mình loan báo mở đường cho Chúa Giêsu, người anh em họ của ông, đến loan tin mừng rao giảng nước Thiên Chúa ( Lc 3,1/18).Vì thế Ông được gọi là vị tiền hô, người khai sáng dọn đường,, như Chúa Giêsu đã nói về sứ mạng của ông: “Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!”( Lc 7, 27)

Và chính Gioan đã khẳng định về vai trò của mình : “ Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. ( Ga 3,29). Và khi đã làm xong nhiệm vụ người khai phá mở đường cho Chúa Giêsu đến, Ông Gioan sống lòng khiêm nhượng không đứng giữa đường cản lối nữa, mà sống rút lui vào đàng sau: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” ( Ga 3, 30)

Ông Thánh Gioan tiền hô đã đi trước khai phá mở dọn con đường tâm linh cho Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đến thực hiện công trình ơn cứu độ của Thiên Chúa giữa trần gian cho con người. Nhưng chính ông, sau đó đã phải chịu cảnh tù tội, rồi bị chết tử vì đạo trong ngục tù ( Lc 3,19-20, 9,7-9) không còn được nhìn thấy kết qủa, mà ông trước đó đã khai phá mở đường cho Chúa Giêsu đến thực hiện những phép lạ, loan báo tin mừng tình yêu nước Thiên Chúa.

Trong dòng lịch sử của Giáo hội Chúa xưa nay trên trần gian cũng luôn hằng diễn xảy ra những trường hợp tương tự như của Thánh Gioan tiền hô.

“Ngày 15 tháng 12 năm 1625, một tàu buồm Bồ Đào Nha bỏ neo ở vịnh Đà Nẳng, không cập bến được vì sợ bão. Một chiếc thuyền rời cảng đi đến chiếc tàu, Pina lên tàu để lấy những hàng hóa cần thiết như rượu vang và bột lúa mì để dâng lễ. Khi trở lại bờ, một cơn gió mạnh làm thuyền bị chìm; bị vướng bởi chiếc áo dòng, Pina chết đuối, trong khi những người khác của thủy thủ đoàn được cứu. Cái chết của Pina là một cái tang cho dân chúng địa phương cũng như cho cơ sở truyền giáo. Một chiếu chỉ trục xuất các nhà truyền giáo bị đình chỉ thi hành, cho phép cư tang trong 3 tháng. Nhà chép sử Dòng Tên Bartoli viết về linh mục Pina: "Linh mục Pina là người Bồ Đào Nha, thọ 40 tuổi. Ngài được người ngoại giáo mến chuộng vì ngài nói tiếng của họ như chính ngài là người bản xứ Đàng Trong vậy."

Pina có ghi chép về công việc của ông có liên quan tới tiếng Việt: "Về phần con, con đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và về các cung điệu của ngôn ngữ này; con hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Tuy nhiên, mặc dù con cũng đã tập hợp những câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn của các tác giả hầu xác định ý nghĩa của các từ ngữ và các mẹo luật ngữ pháp, thì cho đến giờ này con vẫn còn phải nhờ một người đọc để con ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha, hầu cho những người của chúng ta sau này có thể đọc và học thuộc lòng..." (Thư của Francisco de Pina)” …

…Alexandre de Rhodes đã kể về người thầy của mình: "Ngay từ đầu, tôi đã học với cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha, thuộc giáo đoàn Dòng Tên rất nhỏ bé của chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người đầu tiên bắt đầu giảng giáo lý bằng phương ngữ mà không cần phiên dịch." ( Huỳnh Duy Lộc, Francisco De Pina, Alexandre De Rhodes và chữ quốc ngữ).

Cha Pina như sử sách ghi chép lại là người khai sáng mở đường bỏ công sức năng lượng sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ, Cha Alenxandre De Rhodes là người cùng đầu tư công sức năng lượng góp công vào xây dựng cho hoàn chỉnh thêm, để cùng đóng góp vào việc rao truyền tin mừng đức tin vào Chúa cho dân tộc Việt Nam thuở thế kỷ thứ 17.. Nhưng cả hai vị khai sáng mở đường cho khoa ngôn ngữ này đã không được nhìn thấy kết qủa công trình mình đã mở đường xây dựng trong dòng lịch sử thời gian văn hóa xã hội đất nước Việt Nam, như thấy ngày nay.

Các ngài đã được Thiên Chúa, nguồn đời sống ban cho năng lượng trí óc sáng tạo, nhưng đã sắp đặt con đường đời sống các vị cách khác: Cha Pina qua đời lúc còn trẻ ( 40 tuổi) ngay trên nước Việt Nam, lúc chữ Quốc Ngữ do ngài nghĩ sáng chế ra đang trong giai đoạn phôi thai thành hình. Cha Alenxandre De Rhodes bị trục xuất không được phép ở lại tiếp tục đầu tư vào công trình xây dựng phát triển Chữ Quốc Ngữ nữa.

Như thế có thể nói được các Vị này là người khai sáng mở đường gieo hạt giống, nhưng không là người được đi gặt hái thu hoạch mùa màng!

Mùa Euro 2024 ( 14.06 - 14.07.) diễn xảy ra những trận đấu bóng đá trên sân cỏ sôi nổi hấp dẫn cả triệu con người mọi tầng lớp không chỉ bên Âu Châu, nhưng còn cả trên thế giới nữa theo dõi qua màn ảnh trực tiếp truyền hình. Hình ảnh vị huấn luyện viên đội tuyển đi lại hay chạy theo mép đường biên giới sân cỏ la hét kêu gọi, giơ tay ra hiệu chỉ dẫn các học trò mình dàn trận, điều chỉnh đi theo như kế hoạch đã tập luyện, hoặc thay đổi đội hình chiến thuật…làm liên tưởng nhớ đến hình ảnh Thánh Gioan tiền hô ngày xưa vào sa mạc rao giảng kêu gọi dọn đường cho Chúa Giêsu đến, như phúc âm Thánh Markus thuật lại

“Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con.3 Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.5 Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.” ( Mc 1,2-5)
Tiếng la hét rao giảng đanh thép của Thánh Gioan tiền hô được Thánh gíao phụ Hieronimus (348- 420), người đã sống ẩn dật hằng chục năm trong một hang đá ngay bên cạnh đền thờ Chúa giáng sinh ở Bethlehem, nghiên cứu dịch Kinh Thánh từ tiếng Hylạp sang tiếng Latinh, còn gọi là bản Vulgata, đã dựa theo phúc âm Thánh Markus thuật lại, sắp xếp ví như tiếng sư tử gầm thét trong sa mạc. Vì thế phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh sử Markus có hình con sư tử làm biểu tượng. Vì ngay chương đầu Thánh sử Markus đã tường thuật về nếp sống Gioan tiền hô rao giảng hô to trong sa mạc.

Rồi ngón tay vẫy chỉ của vị huấn luyện viên nơi mép sân cỏ cũng tương tự như hình ảnh ngón tay của Thánh Gioan chỉ hướng giới thiệu Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa “ Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” ( Ga 1,29). Và vì thế có hình tượng vẽ khắc Thánh Gioan tiền hô với ngón tay chỉ lên trời phía trước như người chỉ dẫn đường đi.

Đi vào sa mạc Thánh Gioan tiền hô rao giảng - Ông còn có danh hiệu Gioan Tẩy giả, vì Ông đã rửa tội cho nhiều người và cho cả Chúa Giêsu Kitô ở bờ sông Jordan nữa - trong tư cách sứ mạng của vị sứ gỉa loan báo về Nước Thiên Chúa.

“Thánh Gioan tẩy gỉa không chỉ là người sống cầu nguyện trong tương quan liên lạc chặt chẽ với Thiên Chúa, nhưng ông còn giới thiệu chỉ đường hướng về mối tương quan đó nữa”. ( Giáo hoàng Benedictô 16.)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Phần hai: TÍN NGƯỠNG VÀ VĂN HÓA
Vũ Văn An
15:53 21/06/2024


Chương 8: Sự xuất hiện của văn hóa như người chủ đạo

Có một nền đất cao nhỏ trên Đồi Capitol ở Rome nhìn ra Forum [Diễn đàn] và hàng ngàn năm lịch sử ngoại giáo và Kitô giáo. Tại chỗ đó, bạn vẫn có thể uống nước từ Aqua Marcia, cống dài nhất trong số các cống dẫn nước cổ xưa dẫn nước từ những ngọn đồi phía đông Rome xuống. Ngay bên dưới là Umbilicus Urbis Romae, "cái rốn" mà từ đó mọi khoảng cách được đo trong Đế quốc La Mã, và Rostrum, nơi đầu và tay của Cicero bị đóng đinh sau khi ông bị hành quyết trong Cách mạng La Mã. Ẩn mình trong sườn đồi là Nhà tù Mamertine, nơi các Thánh Phêrô và Thánh Phaolô bị giam giữ vào những thời điểm khác nhau trước khi bị hành quyết ở những nơi bên ngoài thành phố cổ. Một bản sao của Tượng cưỡi ngựa của hoàng đế-triết học Marcus Aurelius nằm ở quảng trường gần đó, và dưới chân đồi là tượng đài của nhà rực lửa cách mạng Rôma thế kỷ 14 Cola di Rienzo. Nói tóm lại, từ vị trí đó, một du khách có hiểu biết có thể tiếp thu phần lớn văn hóa Kitô giáo và ngoại giáo của Rome chỉ trong nháy mắt. Mặc dù lịch sử lâu dài đó chỉ mới được khám phá lại từng phần, bắt đầu từ thời Phục hưng, một cuộc khám phá lại vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay, nhưng nó vẫn đủ để kích thích chàng trai trẻ Edward Gibbon viết: “Chính tại Rome, vào ngày 15 tháng 10 năm 1764, khi tôi ngồi trầm ngâm giữa đống đổ nát của Điện Capitol, trong khi các tu sĩ đi chân trần đang hát Kinh chiều trong đền thờ Jupiter, ý tưởng viết về sự suy tàn và sụp đổ của Thành phố lần đầu tiên nảy ra trong đầu tôi.” (1) Kết quả là cuốn The Decline and Fall of the Roman Empire [Sự sụp đổ của Đế chế La Mã].

Vào ngày lễ Phục sinh năm 1909, một thanh niên 19 tuổi người Anh cũng ngồi tại chỗ đó. Anh cảm thấy xúc động trước một điều gì đó mà sau này anh mô tả như một loại trải nghiệm huyền nhiệm để thực hiện một dự án không kém phần tham vọng, ở một số khía cạnh, bác bỏ lời giải trình của Gibbon về sự suy đồi của đức hạnh La Mã ngoại giáo do ảnh hưởng băng hoại của Kitô giáo: một lịch sử đầy tham vọng của văn hóa nhân bản, bao gồm khá rõ ràng tầm quan trọng của văn hóa Kitô giáo đối với sự hiểu biết và phục hồi thế giới hiện đại. Trong một mục nhật ký sau đó, anh đã mô tả kế hoạch của mình, trên thực tế, là “một lời thề được lập vào Lễ Phục sinh ở Ara Coeli” và nói thêm rằng, kể từ lần được linh hứng ban đầu, anh đã nhận được “ánh sáng tuyệt vời về cách nó có thể được thực hiện. Bất kể tôi có thể không phù hợp đến đâu, tôi tin rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa, tôi nên thử nó.” (2) Dù câu chuyện này được tạo ra như thế nào đi chăng nữa—Rome thường vẫn mê hoặc các tính khí Lãng mạn—cuốn sách tiếp theo, mặc dù diễn biến chậm, nhưng khá ấn tượng và đã gây ảnh hưởng rộng rãi đối với cả việc Công Giáo tự hiểu về mình về phương diện lịch sử lẫn quan điểm về mối quan hệ của nó với văn hóa hiện đại, cả trong và ngoài Giáo hội.

Sau gần hai thập niên, trong đó có mười bốn năm đọc và chuẩn bị trong yên lặng nhưng mãnh liệt, tác giả cuối cùng đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, The Age of the Gods: A Study in the Origins of Culture in Prehistoric Europe and the Ancient Near East [Thời đại của các vị thần: Nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa ở Châu Âu thời tiền sử và Cận Đông cổ đại] (1928), cuốn sách được dự định là cuốn đầu tiên trong bộ lịch sử văn hóa hoàn cầu, toàn diện gồm năm tập. Ông tiếp nối phần đầu tiên với hai tập khác trong bộ: Progress and Religion [Tiến bộ và Tôn giáo] (1929) và The Making of Europe [Sự hình thành Châu Âu] (1931), nhưng chưa bao giờ hoàn thành hai tập cuối cùng. Tuy nhiên, ông ngay lập tức được công nhận là một tiếng nói văn hóa lớn. T. S. Eliot coi ông là “người có ảnh hưởng trí thức mạnh mẽ nhất ở Anh” (3) và mời ông trở thành cộng tác viên thường xuyên cho tạp chí The Criterion của ông, như các chủ bút của các ấn phẩm uy tín khác đã làm. Vào thời điểm Gifford Lectures [Các giảng khóa Gifford] năm 1948–1949 của ông tại Đại học Edinburgh được xuất bản với tựa đề Religion and the Rise of Western Culture [Tôn giáo và Sự trỗi dậy của Văn hóa Phương Tây], lời khen ngợi quả là phổ quát. Tờ Saturday Review gọi tác giả là “nhà văn đáng lưu ý nhất trong thời đại của chúng ta” và “nhà sử học văn hóa vô song”. Tờ New York Times mô tả ông là người có ít đối thủ "về bề rộng kiến thức và sự sáng suốt trong phong cách". Ở Anh, phản ứng thậm chí còn dào dạt hơn. Tờ The Spectator đã gọi Tôn giáo và Sự trỗi dậy của Văn hóa Phương Tây là "một trong những cuốn sách đáng chú ý nhất được sản xuất trong thế hệ này". Nhà dìu dắt cũ của tác giả tại Oxford, giáo sư lỗi lạc về triết học chính trị cổ điển Sir Ernest Barker, gọi ông là “một con người và một học giả có cùng phẩm chất như Acton và von Hügel”. (4)

Những khen ngợi trên càng khiến mọi sự trở nên kỳ lạ hơn khi ngày nay hầu như không ai còn biết đến tên của một trong những nhà sử học và nhà bình luận văn hóa vĩ đại nhất của thế kỷ XX: Christopher Dawson. Một số yếu tố có thể giúp giải thích điều này. Đầu tiên, Dawson trở lại Công Giáo sau trải nghiệm Rôma, một phần vì ông tin rằng văn hóa Công Giáo là một đặc điểm trung tâm và bị bỏ qua ở phương Tây, và ông rất lo lắng về tương lai của nền văn minh phương Tây. Đối với Dawson, đạo Công Giáo thực chất hiện có chủ yếu không phát xuất từ Kitô giáo thời cổ xưa hay trung cổ—thời mà ông ngưỡng mộ nhưng cho rằng đã bị một số nhà hộ giáo Công Giáo hiện đại nhấn mạnh quá mức—mà là từ các thế kỷ gần đây hơn của chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo, vốn là cốt lõi đích thực của văn hóa phương Tây. Và do đó, con đường tốt nhất để phục hồi nền tảng tinh thần của phương Tây, theo quan điểm của ông, nằm ở việc nghiên cứu văn hóa Kitô giáo. Ông thậm chí còn vạch ra một chương trình học cho các trường cao đẳng và đại học Công Giáo vì chính mục đích này, (5) và một số học viện Công Giáo đã tạo ra các chương trình theo hướng mà ông đề xuất.

Văn hóa Kitô giáo với tư cách là một chủ đề cụ thể mang lại nhiều lợi thế, đặc biệt là nó có thể được xác định rõ ràng và tiếp cận theo cách giống như cách chúng ta có thể nghiên cứu văn hóa Trung Mỹ hoặc Hy Lạp-La Mã cổ điển. Chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo phát sinh vào cuối thời Trung cổ và thời Phục hưng và củng cố sự phục hồi của thời cổ đại cổ điển, sự phát triển mới của nghệ thuật và sự phát triển của khoa học hiện đại sơ khai. Bỏ qua chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo đó — và vai trò của nó trong việc định hình văn hóa phương Tây, ngay cả ở dạng chủ yếu ngày nay là hậu Kitô giáo — sẽ là quan niệm sai lầm về thế giới hiện đại và khiến nó mất gốc cả về mặt văn hóa lẫn tâm linh. Và bất cứ sinh vật nào bị cắt đứt khỏi nguồn sống của nó đều đang sống trong thời gian vay mượn.

Chính ở điểm quan trọng này, Dawson đã thách thức không chỉ Gibbon mà cả toàn bộ truyền thống của người Anh và châu Âu vốn tin rằng để chủ nghĩa nhân bản xuất hiện, Kitô giáo phải suy thoái. Đây là những vấn đề lịch sử và tâm linh sâu sắc và khó định hình rõ ràng. Nhưng rõ ràng là cách tiếp cận của Dawson có phạm vi rộng hơn và có thiện cảm với các đường nét rộng lớn của lịch sử loài người hơn là cách tiếp cận của hầu hết các nhà sử học quan tâm đến những vấn đề như vậy. Chẳng hạn, ông ca ngợi Gibbon vì đã nỗ lực thực hiện một nghiên cứu cẩn thận và thực tế về quá khứ, trái ngược với những nhân vật người Pháp như Voltaire, Bayle và Leclerc, những người bằng lòng đưa ra những tuyên bố triết học lớn mà không có nhiều kiến thức lịch sử chính xác. Tuy nhiên, Gibbon đã chia sẻ một số sự hẹp hòi của họ trong các thiện cảm triết học. Như Dawson đã viết trong một bài tiểu luận về Gibbon vào những năm 1930, “Các nhà lãnh đạo của tư tưởng thế kỷ 18 thường biểu lộ sự khinh bỉ và căm ghét tích cực đối với quá khứ. Hoặc nếu không thì họ viết như thể họ đã vượt qua những giới hạn của thời gian bằng một nỗ lực của lý trí thuần túy để họ có thể nhìn xuống lịch sử từ đỉnh cao triết học của mình với một thái độ vô tư và bình tĩnh của một vị thần trên đỉnh Olympus.” (6) Kết quả là họ (bao gồm cả Gibbon ) thường chỉ coi bốn thời kỳ là đáng nghiên cứu: Hy Lạp cổ điển, La Mã thời August, Ý thời Phục hưng và Pháp thời Louis XIV.

Đối với một người như Dawson, người có cuốn sách đầu tiên về Thời kỳ đồ đá và tư tưởng của ông trải rộng khắp các nền văn hóa từ châu Mỹ đến toàn bộ lịch sử châu Âu cho đến Viễn Đông, thì đây là một cái nhìn còi cọc về con người. Và nó bắt nguồn chủ yếu từ sự kiện này là các giá trị tôn giáo cụ thể là một “chiều kích không ai hay” đối với những bộ óc như của Gibbon. Evelyn Waugh đã châm biếm sự mù quáng này, đồng thời chỉ ra những thiên phú văn học của Gibbon, trong cuốn tiểu thuyết Helena của ông. Ở đó, một nhà sử học cổ thời nói:

“Giả sử rằng trong những năm sắp tới, khi những rắc rối của Giáo Hội dường như đã qua, thì sẽ có một kẻ bội đạo trong nghề của tôi, một nhà sử học giả, với đầu óc của Cicero hoặc Tacitus và linh hồn của một con vật,” và anh ta gật đầu về phía con vượn kéo xích vàng ríu rít đòi trái cây. “Một người như thế có thể coi việc ghi tên các vị tử vì đạo và bào chữa cho những kẻ bắt bớ là việc kinh doanh của mình. Anh ta có thể bị bác bỏ hết lần này đến lần khác nhưng những gì anh ta viết sẽ lưu lại trong tâm trí người ta khi những phản chứng đã hoàn toàn bị lãng quên. Đó là những gì văn phong thường làm - nó có bí quyết Ai Cập của những người ướp xác. Không nên coi thường nó.” (7)

Bản thân Dawson là một người quá tỉ mỉ công bằng trong việc đặt vấn đề một cách khá sắc bén như vậy, nhưng theo cách riêng của mình, ông không những đưa ra một lời bác bỏ khác đối với việc viết sử của Gibbon—nhiều nhà sử học hiện đại cũng đã làm như vậy—mà, bằng sức hấp dẫn của tư tưởng của chính ông, cả trí tưởng tượng và phong cách, còn tìm cách chuyển sự hiểu biết hoàn cầu của chúng ta về tầm quan trọng của Kitô giáo sang một chủ nghĩa nhân bản thực sự.

 
VietCatholic TV
Tổng tấn công: Phi trường, kho đạn, kho dầu Nga nổ tung. Mỹ bỏ hạn chế. Từ Hà Nội, Putin dọa Nam Hàn
VietCatholic Media
02:57 21/06/2024


1. Bí ẩn bao trùm Crimea khi những tiếng nổ long trời, và các đám khói được báo cáo trên mũi Chauda

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Mystery as Explosions, Smoke Plumes Reported Over Cape Chauda”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Những tiếng nổ long trời, và các đám khói được báo cáo trên mũi Chauda ở Crimea bị Nga tạm chiếm.

“Khói sau vụ nổ ở mũi Chauda ngày càng dày đặc”, kênh Telegram có tên Crimea Wind có trụ sở tại Crimea cho biết hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, đồng thời công bố bản đồ hiển thị vị trí gần đúng của đám cháy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết người ta vẫn còn nghe thấy những tiếng nổ. Ông khẳng định rằng cuộc tấn công của quân Ukraine vào mũi Chauda đã chấm dứt, những tiếng nổ sau này gọi là những vụ nổ thứ cấp vì quân Ukraine đánh trúng kho đạn của Nga được dùng cho các máy bay điều khiển từ xa Shahed kamikaze của Nga.

Ông lưu ý rằng, khu vực này được các lực lượng xâm lược của Nga sử dụng để phóng máy bay điều khiển từ xa kamikaze vào các mục tiêu của Ukraine từ bán đảo Hắc Hải, nơi đã bị nhà độc tài Vladimir Putin sáp nhập vào năm 2014.

Crimea Wind đã đăng một bức ảnh trong một bài đăng riêng biệt, cho thấy những đám khói bốc lên từ địa điểm này. “Đánh giá theo số xe cứu thương, chắc chắn có thương vong ở đó. Theo nguồn tin của chúng tôi, đạn đã phát nổ”, kênh này cho biết.

Phát ngôn nhân Không quân Ukraine Đại Úy Ilya Yevlash nói rằng quân đội Nga đã sử dụng Mũi Chauda trong suốt cuộc chiến để tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa.

Yevlash từ chối giải thích liệu quân đội Ukraine có đủ phương tiện để tấn công khu vực hay không. “Đó là thông tin mật,” Yevlash nói và nói thêm rằng quân đội Nga có một số bãi phóng cho máy bay điều khiển từ xa cảm tử Shahed-136 do Iran sản xuất, vốn đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột.

Yevlash cho biết thêm, Mạc Tư Khoa cũng luân phiên các địa điểm phóng này để gây nhầm lẫn cho lực lượng phòng không Ukraine.

Yevlash nói: “Máy bay điều khiển từ xa có thể thay đổi tuyến đường. Ví dụ, chúng có thể gặp nhau, sau đó tách ra, sau đó bay quanh một thành phố và cố gắng xâm nhập mục tiêu”.

“Nói cách khác, máy bay điều khiển từ xa Shahed đã được lập trình; người Nga phóng những máy bay điều khiển từ xa này sẽ phân tích các tuyến đường và nghĩ ra các khu vực mới mà họ chưa phóng hoặc phân tích thông tin trước đó để sử dụng những máy bay điều khiển từ xa này trong tương lai.”

Các cuộc tấn công vào Crimea đã gia tăng trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, khi Kyiv tìm cách đòi lại bán đảo Hắc Hải.

Tuần trước, hãng tin độc lập ASTRA của Nga đưa tin Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn do Mỹ cung cấp nhằm vào một căn cứ không quân quan trọng của Nga ở Crimea để tấn công hai hệ thống phòng không và một radar.

Lực lượng của Kyiv đã phóng 12 hỏa tiễn từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, qua Crimea và 7 hỏa tiễn đã bị bắn hạ, hãng tin độc lập ASTRA của Nga đưa tin trên kênh Telegram của mình vào ngày 12/6, trích dẫn các nguồn dịch vụ khẩn cấp khu vực.

ASTRA cho biết các cuộc tấn công đã phá hủy hoàn toàn hai hệ thống phòng không S-400 và một trạm radar tại căn cứ không quân Belbek, nằm gần thành phố Sevastopol của Crimea.

“Một trạm radar khác đã bị hư hại ở khu vực mũi Fiolent”, nguồn tin của ASTRA thuộc cơ quan dịch vụ khẩn cấp trong khu vực cho biết. “Mái nhà và cửa sổ của ba ngôi nhà riêng bị hư hại do mảnh đạn ở Sevastopol. Đã xảy ra hỏa hoạn trong một khu rừng. Không có thương vong”, hãng tin này cho biết thêm.

2. Truyền thông Nga đưa tin máy bay điều khiển từ xa nhắm vào phi trường quân sự ở Krasnodar Krai

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Drones target military airfield in Krasnodar Krai, Russian media reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Kênh tin tức Telegram Astra của Nga trích dẫn Veniamin Kondratev, Thống đốc khu vực Krasnodar của Nga, cho biết máy bay điều khiển từ xa đã tấn công phi trường quân sự Yeysk ở Krasnodar Krai của Nga vào rạng sáng Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu.

Người dân báo cáo rằng một đám cháy đã bùng phát do vụ tấn công. Kondratev cho biết các đội cấp cứu của Bộ Tình Trạng Khẩn Cấp đã có mặt tại hiện trường và đang cố gắng dập tắt các đám cháy.

Ông cũng cho biết một số quận trong khu vực, bao gồm cả Yeysk, đã hứng chịu một cuộc tấn công lớn trong đêm. Các khu vực khác bị tấn công bao gồm các quận Severskaya và Temryuk.

Lực lượng Ukraine trước đó đã tấn công phi trường Yeysk vào ngày 5 tháng 4 trong một hoạt động chung giữa tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, và Lực lượng vũ trang. HUR cho biết cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa đã phá hủy 7 máy bay quân sự của Nga.

Quân đội Ukraine đã tăng cường tấn công các mục tiêu quân sự và công nghiệp ở Nga trong những tuần gần đây. Ukraine đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa tầm xa sản xuất trong nước để tấn công thành công các nhà máy lọc dầu và cơ sở vũ khí, khiến Nga phải tuyên bố tăng cường nỗ lực phòng không ở những khu vực này.

3. Mỹ nói Ukraine có thể tấn công vào bên trong Nga 'bất cứ nơi nào' lực lượng Nga tấn công qua biên giới

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US says Ukraine can hit inside Russia ‘anywhere’ its forces attack across the border”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong một diễn biến có thể đoán trước được khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đến thăm Hoa Kỳ, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, cho biết Mỹ đã nói với Ukraine rằng họ có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công bất kỳ lực lượng nào của Nga đang tấn công từ bên kia biên giới - không chỉ những lực lượng ở khu vực gần Kharkiv.

Sự thay đổi tinh tế trong thông điệp – là điều mà các quan chức Hoa Kỳ khẳng định không phải là một sự thay đổi trong chính sách – diễn ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ lặng lẽ bật đèn xanh cho Kyiv tấn công vào lãnh thổ Nga để đáp trả cuộc tấn công xuyên biên giới vào thành phố Kharkiv. Vào thời điểm đó, các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng chính sách này chỉ giới hạn ở khu vực Kharkiv, cùng với các hạn chế khác.

Các lực lượng Ukraine kể từ đó đã sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công vào Nga ít nhất một lần, phá hủy các mục tiêu ở thành phố Belgorod và tìm cách kìm hãm cuộc tấn công của Nga. Nhưng các quan chức Ukraine và Âu Châu khác, đặc biệt là Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, đã ép Mỹ nới lỏng các hạn chế hơn nữa, cho phép Ukraine tấn công bất cứ nơi nào bên trong Nga.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, rằng thỏa thuận với Ukraine về việc bắn vũ khí Mỹ vào Nga sẽ mở rộng tới “bất cứ nơi nào mà lực lượng Nga đang tấn công xuyên biên giới từ phía Nga sang phía Ukraine để cố gắng chiếm thêm lãnh thổ Ukraine”.

Nga trong những ngày gần đây cho biết họ có thể sẽ sớm tấn công thành phố Sumy ở phía đông bắc, cũng gần biên giới Nga. Sullivan cho biết, nếu điều đó xảy ra, chính sách này cũng sẽ được áp dụng ở đó.

“Đây không phải là về địa lý. Đó là về lẽ thường. Nếu Nga đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công từ lãnh thổ của mình vào Ukraine, việc cho phép Ukraine đánh trả các lực lượng đang tấn công họ từ bên kia biên giới là điều hợp lý”, ông Sullivan nói.

Hai quan chức Mỹ, được giấu tên để phát biểu thẳng thắn về các cuộc thảo luận, khẳng định rằng việc cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga để đáp trả phản công từ bất kỳ nơi nào dọc biên giới không phải là một sự thay đổi chính sách kể từ khi quyết định ở Kharkiv được đưa ra. Một quan chức cho biết ban đầu, động thái này chỉ được mô tả trong bối cảnh cuộc tấn công ở Kharkiv đang diễn ra, nhưng điều đó không loại trừ khả năng đánh trả các cuộc tấn công xuyên biên giới khác.

Tuy nhiên, ngôn ngữ của Sullivan khác biệt rõ rệt với những gì các quan chức Mỹ nói hồi tháng 5 khi chính sách mới được trình bày chi tiết. Vào thời điểm đó, một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết: “Tổng thống gần đây đã chỉ đạo nhóm của ông bảo đảm rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí của Mỹ cho mục đích phản công ở Kharkiv để Ukraine có thể đánh trả các lực lượng Nga đang tấn công họ hoặc chuẩn bị tấn công họ”.

Quan chức này nhấn mạnh, chính sách không cho phép tấn công tầm xa bên trong lãnh thổ Nga vẫn “không thay đổi”. Nay thì chính sách này đã thay đổi, quân Ukraine có thể tấn công “bất cứ nơi đâu” bên trong Nga đang đặt ra những mối nguy hiểm cho họ, ông Sullivan nói.

4. Tại Hà Nội, Putin tuyên bố thất bại chiến lược trên chiến trường sẽ chấm dứt tình trạng nhà nước của Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Strategic battlefield defeat would be end of Russia's statehood, Putin claims”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, Putin tuyên bố rằng phương Tây đang cố gắng đẩy Nga tới một thất bại chiến lược trên chiến trường Ukraine, là điều mà theo ông, có nghĩa là sự kết thúc của chế độ nhà nước Nga.

“Đối với Nga, điều này có nghĩa là sự kết thúc của tư cách nhà nước... Điều này có nghĩa là sự kết thúc của lịch sử hàng ngàn năm của nhà nước Nga. Tôi nghĩ điều này ai cũng rõ”, Putin nói trong cuộc họp báo kết thúc chuyến thăm Việt Nam của mình.

“Vậy thì câu hỏi được đặt ra: tại sao chúng ta phải sợ? Đi đến cùng không phải là tốt hơn sao?”

Nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh tuyên bố Mạc Tư Khoa sẵn sàng đàm phán nhưng nói rằng nếu Kyiv muốn kết nối các cuộc đàm phán với việc Nga rút khỏi Ukraine thì “điều đó sẽ không bao giờ xảy ra”.

Việc Nga rút quân hoàn toàn là điểm mấu chốt trong công thức hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Một số điểm của của công thức hòa bình đã được thảo luận vào tuần trước trong hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu ở Thụy Sĩ, nơi Nga không được mời.

Putin đã đưa ra các điều kiện để ngừng bắn ở Ukraine trước hội nghị thượng đỉnh ngày 14/6, cụ thể là rút lực lượng Ukraine khỏi 4 khu vực của Ukraine mà Điện Cẩm Linh tuyên bố sát nhập nhưng không hoàn toàn kiểm soát.

Tối hậu thư đã bị Kyiv và các đối tác bác bỏ. Putin cho biết phản ứng này đã được dự đoán trước và nói thêm rằng các yêu cầu của Nga có thể thay đổi tùy theo tình hình trên chiến trường.

Ukraine và Thụy Sĩ cho biết họ đang xem xét việc mời một đại diện của Nga tới hội nghị thượng đỉnh hòa bình tiếp theo để trình bày với họ về một kế hoạch hòa bình chung. Trong một diễn biến khác, Trung Quốc và Brazil đã đề xuất một hội nghị hòa bình thay thế được cả Kyiv và Mạc Tư Khoa công nhận.

5. Putin cảnh báo Nam Hàn: Gửi vũ khí sát thương tới Ukraine sẽ là 'sai lầm lớn'

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin warns South Korea: Sending killer weapons to Ukraine would be a ‘big mistake’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Nga đưa ra cảnh báo sau khi Hán Thành tuyên bố sẽ xem xét trang bị vũ khí cho Kyiv.

Putin hôm thứ Năm cảnh báo Nam Hàn rằng việc gửi vũ khí sát thương tới Ukraine sẽ là một “sai lầm lớn”.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi Hán Thành tuyên bố sẽ xem xét việc trang bị vũ khí cho Ukraine để đáp trả việc Nga và Bắc Hàn ký hiệp ước phòng thủ chung hôm thứ Tư.

“Nếu Nam Hàn cung cấp vũ khí cho Ukraine, họ sẽ không thích câu trả lời. Tôi hy vọng họ sẽ không làm điều đó, đó sẽ là một sai lầm lớn”, Putin nói trong cuộc họp báo ở Việt Nam, nơi ông đang thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày nhằm tăng cường hợp tác chiến lược.

Đầu tuần này, Putin đã tận dụng chuyến đi đầu tiên tới Bắc Hàn sau hơn hai thập niên để củng cố mối quan hệ với Bình Nhưỡng, quốc gia đã cam kết ủng hộ việc Điện Cẩm Linh xâm lược Ukraine.

Trong khi Putin tuyên bố hiệp ước quốc phòng giữa hai quốc gia bất hảo là “chỉ có bản chất phòng thủ”, thì Hán Thành đã chỉ trích thỏa thuận này và Tổng thống Nam Hàn Doãn Tích Duyệt gọi nó là “vô lý”.

Nam Hàn cho đến nay chỉ cung cấp viện trợ không gây chết người cho Kyiv. Bị ràng buộc bởi Đạo luật Ngoại thương, nước này không thể xuất khẩu vũ khí ngoại trừ “mục đích hòa bình”.

Nếu Hán Thành trực tiếp cung cấp vũ khí cho Kyiv, đó sẽ là một sự thay đổi căn bản trong chính sách lâu dài của nước này là chỉ xuất khẩu vũ khí sang các nước trong thời bình - mặc dù đạn dược của nước này đã đến Ukraine thông qua các nước thứ ba, chẳng hạn như Mỹ.

6. Thêm tàu chiến Nga được phát hiện chạy trốn khỏi Crimea

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “More Russian Warships Spotted Fleeing Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, cho biết một tàu chiến khác của Nga đã được phát hiện đang chạy trốn khỏi Crimea bị tạm chiếm.

“Một chiếc tàu nhỏ khác của Nga đang rời khỏi Crimea của chúng tôi. Chạy đi, chạy đi!” Pletenchuk nói trong cuộc họp báo.

Nga đã buộc phải di dời nhiều tàu chiến của mình khỏi Crimea đến căn cứ Novorossiysk ở khu vực Krasnodar của Nga do các cuộc tấn công của Ukraine đang diễn ra nhằm vào các tàu của họ, khi Kyiv tìm cách đảo ngược việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Kênh Telegram Crimea Wind hôm thứ Tư đưa tin rằng tàu hộ tống mang hỏa tiễn dẫn đường thuộc Dự án 1239 lớp Bora của Nga đã được phát hiện rời bán đảo Hắc Hải cùng với một tàu tuần tra lớp Raptor một ngày trước đó.

Tàu mang hỏa tiễn Dự án 1239 của Nga được thiết kế để chống lại các tàu chiến mặt nước và tàu tốc độ cao của đối phương.

“Hạm đội Hắc Hải của Nga tiếp tục rời Sevastopol bị tạm chiếm”, kênh này cho biết, đề cập đến thành phố cảng ở Crimea. “Cho đến nay, cả hai con tàu này đều có trụ sở cố định ở Sevastopol.”

Nga đã di dời một số tàu quý giá của Hạm đội Hắc Hải khỏi cảng ở Crimea để tránh thiệt hại thêm sau các cuộc tấn công thành công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn hành trình của Ukraine.

Hình ảnh vệ tinh từ tháng 10 năm ngoái cho thấy hạm đội Nga đang chạy trốn từ Sevastopol đến Novorossiysk ở Krasnodar Krai, miền nam nước Nga khi Ukraine nhắm vào các tàu của Mạc Tư Khoa. Các tàu cũng đang hướng tới cảng hải quân Nga ở Feodosia xa hơn về phía đông sau khi quân Ukraine dùng thuyền điều khiển từ xa tấn công vào Novorossiysk.

Những hình ảnh vệ tinh gần đây hơn từ tháng 4, được chia sẻ bởi nhà nghiên cứu tình báo nguồn mở MT Anderson của OSINT, dường như cho thấy Hạm đội Hắc Hải phần lớn đã từ bỏ các căn cứ hải quân lớn ở Crimea.

Trung Tá Pletenchuk cho biết vào tháng 3 rằng “mục tiêu cuối cùng của Kyiv là hoàn toàn không có tàu quân sự của cái gọi là Liên bang Nga ở khu vực Azov và Hắc Hải”. Ông nói với hãng tin RBC của Ukraine hôm thứ Hai rằng một phần ba Hạm đội Hắc Hải của Nga cho đến nay đã bị vô hiệu hóa.

Các chuyên gia thân cận với Bộ Quốc phòng Ukraine trước đây đã nói với Newsweek rằng Kyiv đang bắt tay vào chiến lược phi quân sự hóa Hạm đội Hắc Hải như một phần trong các bước tiến tới giải phóng bán đảo.

Vào tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết Hạm đội Hắc Hải của Nga đã “không hoạt động về mặt chức năng” sau các cuộc tấn công của Ukraine vào Sevastopol.

Shapps cho biết: “Việc Putin tiếp tục xâm lược trái phép Ukraine đang gây ra tổn thất lớn cho Hạm đội Hắc Hải của Nga.

7. Tin tặc Ukraine nhận trách nhiệm về vụ tấn công mạng vào ngân hàng, hệ thống thanh toán của Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukrainian hackers claim responsibility for cyberattack on Russian banks, payment system”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Đội quân công nghệ thông tin của Ukraine, một nhóm chiến tranh mạng tình nguyện, cho biết họ đã tấn công vào các ngân hàng Nga và hệ thống thanh toán Mir của Nga vào ngày Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, khiến một loạt dịch vụ “không hoạt động”.

Hệ thống thanh toán Mir được thiết lập sau khi Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014 sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế bắt đầu hạn chế việc sử dụng thẻ quốc tế.

Việc sử dụng nó đã tăng lên sau khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022 và sau đó các nhà phát hành thẻ lớn Visa và Mastercard rút khỏi Nga.

Đội quân công nghệ thông tin của Ukraine cho biết: “Khi chúng tôi hứa ngày hôm qua sẽ đánh sập hệ thống ngân hàng của đối phương, đó không phải là những lời nói suông.

Theo nhóm, cuộc tấn công đã làm mất kết nối hệ thống thanh toán Mir và các ngân hàng bị ảnh hưởng, bao gồm VTB, Alfa-Bank, Gazprombank, Sberbank, “và nhiều dịch vụ nhỏ hơn”.

Nhóm này cho biết: “Đây có thể là cuộc tấn công DdoS /đi-đốt/ lớn nhất trong lịch sử”.

Theo tờ báo Vedomosti do nhà nước Nga kiểm soát, Mir đã ngừng hoạt động vào khoảng 10 giờ sáng giờ địa phương Mạc Tư Khoa.

Vedomosti cho biết, cuộc tấn công DDoS “ảnh hưởng đến dịch vụ của các ngân hàng và công ty bên thứ ba” và đạt đến đỉnh điểm vào khoảng 2 giờ chiều giờ địa phương, trước khi bị đẩy lùi.

Một cuộc tấn công trước đó của đội quân công nghệ thông tin của Ukraine đã làm gián đoạn hệ thống thanh toán tiền vé ở phương tiện giao thông công cộng Mạc Tư Khoa và Kazan.

8. 40 tàu chiến, chiến đấu cơ, và trực thăng Nga tham gia cuộc tập trận của Hạm đội Thái Bình Dương

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “40 Russian Warships, Fighter Jets, Helicopters Join Pacific Fleet Drills”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu, Nga thông báo rằng 40 tàu chiến, chiến đấu cơ và máy bay trực thăng sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân kéo dài 10 ngày với sự tham gia của Hạm đội Thái Bình Dương và lực lượng mặt đất.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết cuộc tập trận hải quân dự kiến diễn ra từ ngày 18 đến ngày 28 tháng 6 ở Thái Bình Dương, Biển Nhật Bản và Biển Okhotsk, sẽ chứng kiến các binh sĩ thực hành các hoạt động chống tàu ngầm. Họ cũng sẽ bảo vệ các phân đội tàu trên biển; tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn chung chống lại các nhóm tàu thuộc đối phương giả định; huấn luyện để đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và thuyền điều khiển từ xa; và thực hiện một loạt các bài tập huấn luyện và chiến đấu thực tế.

Konashenkov cho biết thêm, cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của “40 tàu, thuyền và tàu hỗ trợ” cùng khoảng 20 máy bay hải quân và trực thăng. Cuộc tập trận sẽ bao gồm các máy bay chống tàu ngầm tầm xa Tu-142M3, Il-38 và Il-38N, trực thăng Ka-29 và Ka-27, sẽ tham gia vào các phương án tìm kiếm và cứu nạn.

Ông cho biết cuộc tập trận được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Đô đốc Viktor Liina, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương.

Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận hải quân. Tháng 4 năm ngoái, Hạm đội Thái Bình Dương đã tiến hành cuộc tập trận với sự tham gia của 25.000 quân nhân, 89 máy bay và trực thăng cũng như 167 tàu chiến, trong đó có 12 tàu ngầm.

Những cuộc tập trận này bao gồm việc tìm kiếm tàu ngầm trên đường tiếp cận Vịnh Peter Đại Đế trên bờ biển phía nam của Primorsky Krai và Vịnh Avacha trên bờ biển phía đông nam của Bán đảo Kamchatka. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết vào thời điểm đó đã diễn ra các cuộc tập trận khác ở Biển Okhotsk và “sự ổn định trong chiến đấu của các tàu ngầm mang hỏa tiễn chiến lược cũng như sự sẵn sàng sử dụng vũ khí của chúng đã được bảo đảm”.

Nga đã triển khai tàu chiến và máy bay tới Biển Caribe vào tuần trước để thực hiện các cuộc tập trận quân sự theo kế hoạch – một động thái mà Mỹ cho biết họ không lo ngại. Là một phần của cuộc tập trận, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan và các tàu hải quân khác của Nga đã cập cảng Havana vào ngày 12 Tháng Sáu và rời đi vào thứ Hai sau 5 ngày lưu trú.

Hai quốc gia đã tăng cường mối quan hệ kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng Ukraine vào tháng 2 năm 2022 và ký một thỏa thuận đối tác chiến lược mới vào thứ Tư.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass dẫn lời nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân nói rằng đất nước của ông “bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết hoàn toàn với chính phủ, quân đội và nhân dân Nga trong việc thực hiện một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine để bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh”. cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ.”

9. Lữ đoàn 24 Ukraine tăng cường phòng thủ Chasiv Yar, nói giao tranh 'cực kỳ khó khăn'

Các đơn vị thuộc lữ đoàn cơ giới số 24 biệt lập của Ukraine đã được tái triển khai để tăng cường khả năng phòng thủ của Lực lượng Vũ trang tại thị trấn tiền tuyến Chasiv Yar ở tỉnh Donetsk. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu.

Sau khi chiếm được Avdiivka vào tháng 2, các lực lượng Nga đã chuyển trọng tâm sang Chasiv Yar, một thị trấn ở độ cao tương đối cao hơn, có khả năng mở đường cho những bước tiến xa hơn vào vùng này.

“Tình hình trong và xung quanh thành phố vô cùng khó khăn”, ông nói.

Lực lượng Nga “liên tục tổ chức các cuộc tấn công trực diện lớn và cố gắng vượt qua khu định cư từ phía bắc và phía nam.”

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cũng báo cáo rằng thành phố đang bị tấn công không ngừng từ các quả bom dẫn đường trên không của Nga.

Ông cho biết lực lượng Ukraine đã gây thiệt hại cho các đơn vị và thiết bị bộ binh của Nga nhưng cũng chịu tổn thất.

Mạc Tư Khoa đang cố gắng bao vây Chasiv Yar bằng cách chiếm các thị trấn xung quanh. Theo quân đội Ukraine, trong cuộc tấn công vào khu vực, các lực lượng Nga đã sử dụng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt được trang bị đạn nhiệt áp.

10. Mark Rutte trở thành Tổng thư ký NATO như thế nào và điều đó có ý nghĩa gì với Ukraine?

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “How Mark Rutte became NATO Secretary General and what it means for Ukraine?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói với khán giả tại Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Politico vào tháng 11 năm 2023, khi nhiệm kỳ của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenburg bước vào 12 tháng cuối cùng: “Có một câu chuyện cười mà tôi đã nghe hôm nọ.”

“Tổng thư ký tiếp theo phải đến từ một quốc gia thành viên mới… chắc chắn phải đến từ một quốc gia đã chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, và sẽ thật tuyệt nếu đó là một phụ nữ.”

“Vì vậy, thật hợp lý khi người đó phải là Mark Rutte,” cô nói đùa, ám chỉ rằng cô, chứ không phải thủ tướng Hòa Lan, sẽ đáp ứng cả ba tiêu chuẩn.

Bất chấp lập luận của Kallas, đến tháng 3, Rutte đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Anh, và đến tháng 6, được 29 trong số 32 quốc gia thành viên NATO ủng hộ. Chỉ còn lại Hung Gia Lợi, Slovakia và Rumani.

Rutte và Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban được cho là đã gặp nhau bên lề bữa tối của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels vào ngày 17 tháng 6. Rutte hứa rằng ông sẽ không cố ép Budapest đóng góp vào các sáng kiến ủng hộ Ukraine của NATO, miễn là Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, không cản trở các sáng kiến ấy. Đó cũng là chủ trương của Tổng thư ký NATO đương nhiệm Jens Stoltenberg. Hung Gia Lợi là một nước nghèo có giúp cũng chẳng được bao nhiêu, không phá đám là tốt rồi.

Orban tuyên bố vào ngày 18 tháng 6: “Theo cam kết của ông ấy, Hung Gia Lợi sẵn sàng ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Rutte cho vị trí Tổng thư ký NATO”.

Tổng thống Slovakia Peter Pellegrini cũng tuyên bố ủng hộ Rutte trong cùng ngày. Thành ra, Rumani là nơi cuối cùng Rutte cần phải vượt qua. Tổng thống Rumani Klaus Iohnannis là đối thủ lâu năm còn lại trong cuộc đua giành chức vụ Tổng thư ký NATO.

Kể từ khi trở thành thủ tướng Hòa Lan vào năm 2010, Rutte đã giữ một tính cách khiêm tốn ở Hòa Lan. Người đàn ông 57 tuổi này nổi tiếng với việc đạp xe đi làm ở The Hague, tiếp tục dạy lịch sử một ngày một tuần tại một trường trung học địa phương và có thể thường xuyên được bắt gặp tại một số quán cà phê và nhà hàng ở trung tâm thành phố.

Rutte, thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Hòa Lan, có biệt danh là “Teflon Mark” vì cách giải quyết khéo léo các vụ bê bối chính trị.

Do tính chất của hệ thống nghị viện Hòa Lan, Rutte đã quen làm việc trong các liên minh phức tạp. Ông được nhiều người đánh giá là một chính trị gia ổn định, xây dựng sự đồng thuận, một đặc điểm đã giúp ông nhận được sự ủng hộ nhanh chóng của hơn 30 nguyên thủ quốc gia trong cuộc tranh cử chức vụ Tổng thư ký NATO.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, Rutte có một năng lực khác khiến ông trở thành một ứng cử viên được nhiều người yêu thích. Trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, Rutte đã chứng tỏ có khả năng đối phó với những ý tưởng bất chợt của Tòa Bạch Ốc và khả năng giao tiếp trực tiếp và thân tình với Tổng thống Trump.

Tại Hội nghị An ninh Munich 2024, Rutte tỏ ra không bị cản trở bởi viễn cảnh 4 năm nữa của Trump, lập luận rằng Âu Châu phải ngừng “rên rỉ, cằn nhằn và than vãn về Trump”.

Nhận xét này lặp lại nhận xét mà ông đã đưa ra về Trump vào năm 2019 khi ông nói, “Chúng tôi phải làm việc với bất kỳ ai trên sàn nhảy.”

Trước năm 2014, làm việc với Putin là điều không thể tránh khỏi. Rutte đã có mặt tại các sự kiện như lễ ra mắt đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Điều này đã thay đổi vào ngày 17 tháng 7 năm 2014, khi chuyến bay MH17 bị phiến quân do Nga dẫn đầu bắn hạ ở miền đông Ukraine hai giờ sau khi cất cánh từ phi trường Amsterdam Schipol.

Theo hồ sơ của Politico, ông nói trực tiếp với Putin rằng ông rất tức giận và liên tục yêu cầu trả lại tất cả các thi thể. Ông nổi tiếng là một nhà lãnh đạo Âu Châu mà Putin không thể chơi trò đấu trí hoặc cố gắng đe dọa.

Tuy nhiên, trong 8 năm tiếp theo, Rutte đã không ban hành các chính sách để đưa Hòa Lan vào thế sẵn sàng tham chiến. Chi tiêu quốc phòng ở Hòa Lan giảm xuống còn 1,1% GDP vào năm 2015, mức thấp kỷ lục.

Cùng năm đó, có tin tức cho rằng tình trạng thiếu đạn dược có nghĩa là nhiều binh sĩ đang huấn luyện mà không có đạn, một số người phải tạo ra tiếng “nổ” để mô phỏng vũ khí của họ đang được bắn.

Việc cắt giảm ngân sách liên tục và tình trạng thiếu nhân sự đã khiến một cựu tướng quân mô tả tình trạng của quân đội Hòa Lan là “ốm yếu và phải truyền dịch” vào năm 2017.

Sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, chi tiêu quốc phòng đã tăng lên 1,6% vào năm 2022 và ước tính khoảng 1,7% vào năm 2023.

Hòa Lan cuối cùng sẽ chi 2% GDP cả nước cho quốc phòng vào năm 2024 và nổi lên là đối tác đáng tin cậy của Kyiv, dẫn đầu với các sáng kiến như cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine.

Hòa Lan cũng đã phân bổ 4,35 tỷ Mỹ Kim viện trợ quân sự cho Ukraine, đứng thứ năm về tổng thể.

Tuy nhiên, nước này vẫn tụt hậu so với các quốc gia ở Trung và Đông Âu về chi tiêu ngân sách quốc phòng. Chi tiêu quốc phòng của Ba Lan đạt hơn 3% GDP vào năm 2023 và có kế hoạch chi tiêu khổng lồ 4% vào năm 2024.

Trong nhiều thập niên, nhà lãnh đạo Hòa Lan “đã trở thành một nhân vật nổi tiếng bên ngoài Hòa Lan trên đấu trường Âu Châu”, Denis Cenusa, một chuyên gia liên kết tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu, nói với Kyiv Independent.

“Rutte đã tận dụng hiệu quả hơn sự đồng quản lý với các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu khác trong cuộc khủng hoảng do Nga gây hấn với Ukraine,” Cenusa nói.

Trong khi đó, Rutte đã dành nhiều tháng để tập trung vào việc giành chiến thắng trước các quốc gia như Hung Gia Lợi và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia ban đầu phản đối việc ứng cử của ông.

NATO đưa ra quyết định “không phải bằng cách bỏ phiếu mà bằng cách xây dựng sự đồng thuận”, Anna van Zoest, giám đốc Hiệp hội Hiệp ước Đại Tây Dương Hòa Lan và cựu nhà ngoại giao Hòa Lan được bổ nhiệm tới trụ sở NATO, nói với Kyiv Independent. “Cuối cùng thì mọi người đều phải có khả năng đồng ý và điều đó đòi hỏi một Tổng thư ký có thể đảm nhận vai trò hòa giải.”

Rutte sẽ có thể tìm được điểm trung gian giữa các thành viên lớn, thận trọng của NATO, như Đức và Mỹ, và các thành viên láng giềng Nga, một phần vì Hòa Lan không thuộc nhóm nào.

Van Zoest cho biết đây là lý do chính khiến Hòa Lan đã sản sinh được 3 Tổng thư ký NATO.

“Đó là một đất nước đủ lớn để tạo ra ảnh hưởng nhưng cũng đủ nhỏ để không thể nắm quyền chủ động.”
 
Oanh liệt: Thuyền tí hon của Ukraine hạ gục 4 chiến hạm Nga. Thêm 2 kho dầu lớn chìm trong biển lửa
VietCatholic Media
17:35 21/06/2024


1. Kyiv tuyên bố thuyền điều khiển từ xa Magura của Ukraine đã tấn công 4 tàu tuần tra của Nga cùng một lúc

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Single Ukrainian Magura drone hit 4 Russian patrol boats at once, Kyiv claims”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, một thuyền điều khiển từ xa cảm tử của hải quân Ukraine đã phá hủy hoặc làm hư hại 4 tàu tuần tra của Nga cùng một lúc.

Đại Úy Yusov cho biết mặc dù lực lượng Mạc Tư Khoa đã có hệ thống phòng thủ sẵn sàng để bảo vệ trước những cuộc tấn công như vậy nhưng thuyền điều khiển từ xa Magura V5 của cơ quan này vẫn có thể đi vòng quanh chúng.

“Chúng tôi đã thấy trong một số hoạt động gần đây, đối phương đã lên kế hoạch và thực hiện đúng mọi thứ theo một thời khóa biểu nhất định, lợi dụng điều đó, một thuyền điều khiển từ xa Magura đã xuyên thủng các công sự trên biển và hàng rào hỏa lực này, sau đó chiếc thuyền lao thẳng vào mục tiêu.

“Bốn tàu cao tốc Tuna bị tấn công cùng lúc, máy bay trực thăng, pháo binh, vũ khí nhỏ – không cái nào trong số đó có tác dụng.

“Và trên thực tế, chiếc Magura đã phá hủy, làm hư hại và bắn trúng 4 tàu cao tốc của đối phương. Và đây là một kết quả rất tốt.”

Thông tin về thương vong của Nga vẫn đang được làm rõ, Yusov nói với Kyiv Independent.

Trước đó, trong cuộc tấn công ngày 30 tháng 5, cơ quan tình báo quân sự cho biết có hai chiếc thuyền bị trúng đạn trong cuộc tấn công ở Vịnh Vuzka, nằm ở thị trấn Chornomorske trên bờ biển phía tây Crimea.

Ukraine trước đây đã tiêu diệt một số tàu của Nga bằng thuyền điều khiển từ xa Magura, bao gồm tàu đổ bộ Caesar Kunikov, tàu tuần tra Sergei Kotov, tàu đổ bộ Serna và Akula tốc độ cao và tàu hộ tống hỏa tiễn lớp Tarantul Ivanovets.

Các phiên bản mới hơn của Magura V5 được trang bị hỏa tiễn dẫn đường để tấn công các máy bay trực thăng đang tìm cách ngăn chặn chúng.

2. Cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine khiến hai kho dầu của Nga bốc cháy

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Drone Strikes Set Two Russian Oil Depots Ablaze”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các quan chức địa phương, máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công hai nhà máy lọc dầu của Nga hôm thứ Năm, khiến chúng bốc cháy.

Maksim Yegorov, thống đốc vùng Tambov của Nga, đã báo cáo về một vụ nổ và hỏa hoạn tại kho dầu Platonovskaya vào sáng thứ Năm.

“Sáng sớm nay đã xảy ra một vụ nổ và một chiếc xe bồn bốc cháy trên lãnh thổ kho dầu Platonovskaya”, ông nói trên kênh Telegram của mình, đồng thời cho biết thêm rằng các dịch vụ khẩn cấp đang làm việc để khắc phục ngọn lửa và không có thương vong.

Trong một diễn biến khác, thống đốc khu vực Murat Kumpilov cho biết trên Telegram rằng một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một kho chứa dầu ở thị trấn Enem, Cộng hòa Adygea của Nga, nhưng đám cháy này đã nhanh chóng được dập tắt. Ông cho biết ngọn lửa đã lan sang diện tích khoảng 400 mét vuông trước khi được khắc phục vào khoảng 6 giờ sáng giờ địa phương.

Một chiến dịch tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga, bắt đầu vào Tháng Giêng, đã được Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, và Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, gọi tắt là HUR, tuyên bố.

Olha Stefanishyna, phó thủ tướng Ukraine, cho biết hồi tháng 3 rằng các nhà máy lọc dầu của Nga là mục tiêu quân sự hợp pháp trong cuộc chiến vì chúng cung cấp năng lượng cho nền kinh tế chiến tranh của nhà độc tài Vladimir Putin.

Trong khi đó, các báo cáo cho thấy các quan chức Mỹ đã yêu cầu Ukraine hạn chế tấn công vào các trung tâm dầu mỏ để ngăn chặn khả năng gián đoạn thị trường nhiên liệu toàn cầu. Cơ quan tình báo Ngũ Giác Đài hồi tháng trước ước tính rằng ít nhất 14% công suất lọc dầu của Nga đã bị gián đoạn do các cuộc tấn công gần đây.

Tờ Moscow Times hôm thứ Năm đưa tin rằng ít nhất 40 kho dầu và nhà máy lọc dầu của Nga đã bị máy bay điều khiển từ xa tấn công kể từ đầu năm nay, trong đó có một số kho lớn nhất nước Nga.

Các cuộc tấn công mới nhất xảy ra vài ngày sau khi hàng loạt các bể chứa dầu bốc cháy sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào thị trấn Azov thuộc vùng Rostov của Nga. Tình báo Ukraine đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Sáng Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu, thống đốc khu vực Vasily Golubev cho biết các dịch vụ khẩn cấp của Belgorod đã không thể dập tắt đám cháy tại kho dầu ở Azov sau khi nó xảy ra vào ngày 17 tháng 6.

Ông nói trên Telegram: “Thật không may, không thể ổn định tình hình tại kho dầu ở Azov, nơi hai ngày trước vụ hỏa hoạn bùng phát do cuộc tấn công của máy bay điều khiển từ xa. Đám cháy vẫn chưa được dập tắt”.

Thống đốc cho biết thêm: “Lúc 16h40, bể thứ 2 giảm áp. Các chuyên gia của Bộ Tình trạng khẩn cấp tiếp tục làm việc để dập tắt đám cháy. Ngay lúc này, không thể tiếp cận để biết chính xác có bao nhiêu bể dầu đang cháy”.

Belgorod đang có kế hoạch di tản dân chúng trong vùng vì các đám cháy lớn có nguy cơ lan sang các khu định cư. Nhiệt độ trong vùng Azov lên cao, nhiều người cảm thấy khó thở và nhiều người đã phải vào nhà thương.

3. Phiên tòa xét xử công dân Mỹ bị cáo buộc quyên góp cho Ukraine bắt đầu ở Nga

Phiên tòa xét xử Ksenia Karelina, một công dân mang hai quốc tịch Mỹ-Nga bị buộc tội phản quốc vì bị cáo buộc quyên tiền cho quân đội Ukraine, đã bắt đầu vào hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, tại thành phố Yekaterinburg của Nga.

Karelina, một cư dân 33 tuổi ở Los Angeles, đã bị bắt ở Nga vào đầu năm nay khi đang đi thăm ông bà ngoại. Nhà chức trách buộc tội cô tội phản quốc với lý do cô đã quyên góp 51,80 Mỹ Kim cho một tổ chức bác ái của Ukraine có tên là Razom.

Phiên tòa xét xử cô bắt đầu vào ngày 20 tháng 6 tại tòa án khu vực Sverdlovsk và được tổ chức kín. Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, phiên điều trần tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 7 Tháng Tám.

Nếu bị kết án, Karelina phải đối mặt với án tù 20 năm.

Razom của Ukraine cho biết vào ngày 20 tháng 2 rằng họ “kinh hoàng trước thông tin cho rằng một công dân mang hai quốc tịch Mỹ-Nga đã bị chính quyền Nga bắt giữ vì quyên góp bác ái” cho tổ chức này.

Karelina là một trong số nhiều công dân Mỹ hiện đang bị giam giữ ở Nga.

Các quan chức tòa án Nga ngày 17 Tháng Sáu thông báo phiên tòa xét xử tội làm gián điệp đối với Evan Gershkovich, phóng viên tờ Wall Street Journal, người đã bị bỏ tù ở Nga hơn một năm, sẽ bắt đầu vào ngày 26 Tháng Sáu. Gershkovich là nhà báo Mỹ đầu tiên bị bắt vì tội làm gián điệp ở Nga kể từ Chiến tranh Lạnh.

Paul Whelan, cựu Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bị cáo buộc làm gián điệp và bị bắt năm 2018, cũng bị Bộ Ngoại giao Mỹ coi là bắt giữ oan.

Alsu Kurmasheva, nhà báo của Đài Âu Châu Tự do/Đài Tự do mang hai quốc tịch Mỹ và Nga, bị bắt ở Nga vào tháng 10 năm 2023 vì bị cáo buộc vi phạm luật của Nga về đặc vụ nước ngoài. Cô hiện đang bị giam giữ trước khi xét xử sau nhiều lần gia hạn lệnh tạm giam.

Putin hôm 14 Tháng Mười Hai cho biết ông sẽ sẵn sàng đàm phán trao trả các công dân Mỹ bị bỏ tù theo các điều kiện “được hai bên chấp nhận”.

4. Tòa Bạch Ốc nói Trung Quốc cũng nên lo ngại về hiệp ước Nga-Bắc Hàn

Hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu, Tòa Bạch Ốc cho biết thỏa thuận hợp tác được ký kết gần đây giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng không chỉ khiến Mỹ mà cả Trung Quốc cũng phải lo lắng vì nó đe dọa làm suy yếu sự ổn định của Bán đảo Triều Tiên.

Putin và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân đã ký hiệp ước vào đầu tuần này, cam kết cung cấp viện trợ cho nhau nếu một trong hai bị tấn công. Putin không loại trừ khả năng sự hỗ trợ này sẽ bao gồm cả vũ khí.

“Đó là mối lo ngại đối với bất kỳ quốc gia nào quan tâm đến việc duy trì hòa bình và ổn định không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà còn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby cho biết trong bình luận được hãng thông tấn Yonhap trích dẫn.

Theo Tướng Kirby, thỏa thuận này sẽ liên quan đến bất kỳ quốc gia nào tin tưởng vào các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và bất kỳ quốc gia nào ủng hộ Ukraine.

“Chúng tôi nghĩ rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ chia sẻ mối quan ngại đó vì thỏa thuận này dường như cũng trái ngược hoàn toàn với tuyên bố mà Putin và Chủ tịch Tập đưa ra tại Bắc Kinh chỉ một tháng trước, trong đó cả hai nước đều đồng ý kêu gọi một giải pháp hòa bình và ngoại giao cho tình hình này trên Bán đảo Triều Tiên.”

Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn có động lực mới. Và điều đó thật tệ cho Ukraine

Nga đã tăng cường mối quan hệ với cả Bắc Hàn và Trung Quốc trong suốt cuộc chiến toàn diện ở Ukraine.

Trong khi Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Mạc Tư Khoa các gói quân sự phong phú, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo và hàng triệu quả đạn pháo, thì Bắc Kinh khẳng định họ không cung cấp viện trợ sát thương cho cả hai bên.

Trung Quốc vẫn là huyết mạch kinh tế quan trọng của Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế và là nguồn cung cấp hàng hóa lưỡng dụng hàng đầu cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Hàn và hai nước có chung một hiệp ước quốc phòng có từ những năm 1960.

Tướng Kirby nói: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá vị thế của mình trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu cần, nhưng chúng tôi đã ưu tiên khu vực này trên thế giới kể từ khi bắt đầu chính quyền này”.

Đáp lại hiệp ước Bắc Hàn-Nga, Hán Thành cho biết họ sẽ xem xét lại chính sách không trực tiếp gửi thiết bị quân sự tới Kyiv. Putin đe dọa những hậu quả chưa xác định đối với Nam Hàn nếu vũ khí của nước này đến Ukraine.

Bán đảo Triều Tiên đã bị chia cắt kể từ cuộc chiến tranh vào những năm 1950 và cả Hán Thành và Bình Nhưỡng đều nhìn nhau với ánh mắt nghi ngờ. Bắc Hàn đã nhiều lần đưa ra những lời đe dọa và khiêu khích chống lại nước láng giềng phía Nam.

5. Ở Nga, xe cộ đắt tiền nhưng binh lính thì rẻ—Và đó là lý do tại sao trận chiến ở Vovchansk đang trở thành một cuộc thảm sát bộ binh

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “In Russia, Vehicles Are Expensive But Soldiers Are Cheap—And That’s Why The Battle For Vovchansk Is Becoming An Infantry Massacre”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Năm tuần sau cuộc tấn công phía bắc của Nga ở Ukraine, chiến trường trong và xung quanh Vovchansk – địa điểm giao tranh ngay phía nam biên giới Nga-Ukraine – đã trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với xe thiết giáp của Nga.

Vì vậy, bộ binh Nga tiến vào trận chiến mà không có xe thiết giáp và xe tăng hỗ trợ và chết với số lượng lớn khi máy bay điều khiển từ xa và pháo binh Ukraine tấn công.

Không phải vô cớ mà tỷ lệ thương vong của người Nga - cả bị thương và thiệt mạng - đều tăng trong mùa xuân và mùa hè này. Tổng số thương vong hiện có thể vượt quá nửa triệu. Thương vong của Ukraine thấp hơn nhiều.

Nghịch lý thay, cuộc tắm máu này không báo trước một kết thúc sắp xảy ra cho cuộc chiến rộng lớn hơn. Điện Cẩm Linh tuyển dụng và huấn luyện gấp rút khoảng 30.000 quân mới mỗi tháng - vừa đủ để bù đắp tổn thất hàng tháng.

Vì vậy, ngay cả khi người Nga chết với số lượng đáng kinh ngạc ở Vovchansk và các thị trấn tranh chấp khác, quân đội Nga vẫn tiếp tục bổ sung các đơn vị hiện có và thậm chí thành lập các đơn vị mới. Kriegsforscher, một người điều khiển máy bay điều khiển từ xa của thủy quân lục chiến Ukraine hỗ trợ Lữ đoàn Dù số 82 của Ukraine chiến đấu ở Vovchansk, giải thích: “Họ đang chuẩn bị lực lượng mới cho những tiến bộ trong tương lai”.

Vovchansk là mục tiêu lớn đầu tiên trong cuộc tấn công phía bắc của Nga, bắt đầu vào ngày 10 tháng 5 với các cuộc tấn công đồng thời ở một số nơi dọc biên giới phía bắc Ukraine với Nga. Nhưng lực lượng phía bắc của Nga, với hàng chục ngàn binh sĩ mạnh mẽ, chưa bao giờ vượt qua được thị trấn công nghiệp cách biên giới 4 dặm về phía nam.

Một số lữ đoàn Ukraine, bao gồm Lữ đoàn Dù số 82, chạy về phía bắc để gặp quân Nga. Được trang bị vũ khí của Mỹ, quân Ukraine đã chiến đấu với quân Nga trên từng đường phố, từng tòa nhà - và đã tạm dừng bước tiến của họ vào cuối tháng 5.

Ngày nay, Vovchansk là một bãi giết chóc của bộ binh, và người Nga đang gây ra phần lớn sự tàn sát. Kriegsforscher viết: “Người Nga chỉ sử dụng bộ binh mà không có xe thiết giáp.

Không phải là quân đội Nga không có một số phương tiện, như máy bay Stryker do Mỹ sản xuất của Lữ đoàn Dù số 82 Ukraine, được tối ưu hóa cho chiến đấu đô thị hỗn loạn. Xe thiết giáp chở quân bánh lốp BTR-82 của Nga về cơ bản tương tự như xe Stryker bánh lốp, mặc dù kém phức tạp hơn.

Kriegsforscher lưu ý: Nga “có các phương tiện bọc thép… hoàn hảo để chiến đấu trong thành phố ít nhất là cho việc di tản y tế. Nhưng họ không làm điều này.”

Kriegsforscher viết: “Việc họ lựa chọn sử dụng bộ binh không thiết giáp yểm trợ thật kỳ lạ. Trên thực tế, điều này có ý nghĩa sai trái - đặc biệt đối với các chỉ huy Nga, những người không coi trọng mạng sống của binh lính mình.

Trong 28 tháng chiến đấu cam go, quân đội Nga đã mất khoảng 4.000 xe thiết giáp chở quân, gọi tắt là APC, và xe chiến đấu bộ binh, gọi tắt là IFV - là hai loại xe thiết giáp chở quân vào trận chiến. Các nhà phân tích tại Oryx đã xác nhận rằng trung bình có khoảng 150 chiếc APC và IFV nặng hơn của Nga bị phá hủy mỗi tháng.

Tổn thất của Ukraine thấp hơn nhiều: khoảng 1.000 xe APC và IFV kể từ khi Nga mở rộng chiến tranh với Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Tức là khoảng 30 xe mỗi tháng.

Tỷ lệ tổn thất của Nga đang gia tăng nhanh chóng. Với những lô hàng đạn pháo mới do Mỹ sản xuất, cũng như mở rộng sản xuất máy bay điều khiển từ xa có góc nhìn thứ nhất mang theo chất nổ, các lữ đoàn Ukraine cuối cùng cũng có được hỏa lực cần thiết để tấn công mọi phương tiện của Nga mà máy bay điều khiển từ xa giám sát của họ phát hiện - một sự thay đổi lớn so với mùa xuân năm nay, khi người Ukraine thường định vị được các phương tiện của Nga nhưng không có gì để bắn vào chúng.

Theo nhà phân tích Andrew Perpetua, người kiểm kê số lượng xe bị mất ở Ukraine, vào tháng 5, số lượng xe bị mất ở Nga đã lên tới con số đáng kinh ngạc là 288 xe APC và IFV. “Đây chỉ là những gì chúng tôi có thể nhìn thấy và đếm được,” Perpetua nhấn mạnh.

Vấn đề đối với Nga là ngành công nghiệp của họ có thể xây dựng hoặc tái tạo từ kho lưu trữ dài hạn chỉ khoảng một ngàn APC và IFV mỗi năm. Đó là 1 phần tư số phương tiện mà quân đội sẽ cần trong một năm nếu tiếp tục mất đi với tốc độ hiện tại.

Rõ ràng là áp lực ngày càng tăng đối với các chỉ huy Nga trong việc bảo tồn các phương tiện bọc thép hạng nặng của họ. Ngày càng nhiều nhóm tấn công của Nga đang tham gia trận chiến bằng xe golf Trung Quốc hay bằng xe hơi trên các địa hình tốt hơn một chút. Và đó là những nhóm may mắn so với những nhóm chẳngf có được chiếc xe nào cả.

Ngay cả các đơn vị hỗ trợ cũng đang dùng các phương tiện hạng nặng hơn, chẳng hạn như xe tải Kamaz, thay cho các xe có thể di chuyển trên các địa hình phức tạp, thường được gọi là xe ATV, hay xe địa hình. “Trong chiến đấu, việc vận chuyển bằng xe tải Kamaz là không thể”, một binh sĩ Nga lưu ý trong đoạn video do nhà phân tích War Translated người Estonia dịch.

Tất nhiên, ATV cũng dễ bị tổn thương. Người lính trong video chỉ ra một chiếc ATV bị hư hại nặng do mảnh đạn - những vết sẹo của một cuộc tấn công của Ukraine mà anh ta cho rằng đã giết chết ba sĩ quan ngồi trên chiếc xe mỏng manh. Nhưng đối với nhiều chỉ huy Nga, việc mất một chiếc ATV trị giá 19.000 Mỹ Kim còn hơn mất một chiếc xe tải Kamaz trị giá 100.000 Mỹ Kim - hoặc một chiếc APC hoặc IFV có thể trị giá hàng triệu Mỹ Kim.

Và mất một đội bộ binh còn hơn mất bất kỳ phương tiện nào chừng nào bộ binh còn dồi dào mà phương tiện ngày càng khan hiếm.

Sự thiếu hụt phương tiện hạng nặng này có thể giải thích tại sao cuộc tấn công của bộ binh Nga ở trung tâm Vovchansk cuối tuần qua lại kết thúc với việc có tới 400 người Nga bị bao vây trong một nhà máy hóa chất và phải đầu hàng để tránh bị tiêu diệt.

“Người Nga bị bao vây ở đây và không có cơ hội di tản hay tiếp viện,” một người điều hành máy bay điều khiển từ xa khác của Ukraine báo cáo - có thể vì lực lượng Nga ở Vovchansk thiếu phương tiện hạng nặng có thể đột phá để giải cứu quân bị bao vây. Hoặc, nếu có phương tiện, họ sẽ không sẵn sàng mạo hiểm chỉ để cứu vài trăm binh sĩ.

6. Tổng thống Rumani rút khỏi cuộc đua lãnh đạo NATO, bảo đảm vị trí cho Mark Rutte

Klaus Iohannis, tổng thống Rumani, đã rút khỏi cuộc đua tranh chức tổng thư ký NATO tiếp theo, mở đường cho thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte – người từ lâu được coi là người dẫn đầu cho vị trí này – chính thức nhận được chức vụ này.

Động thái này được đưa ra sau khi thủ tướng Hung Gia Lợi, Viktor Orbán, từ bỏ việc phản đối việc ứng cử của Rutte.

7. Báo cáo cho thấy Ukraine nhận được sự tăng cường hệ thống phòng không Patriot của Mỹ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Gets US Patriot Boost: Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Financial Times, Mỹ sẽ đình chỉ tất cả các đơn đặt hàng cung cấp hệ thống phòng không Patriot và hỏa tiễn đánh chặn cho các quốc gia khác ngoài Ukraine cho đến khi nước này có đủ khả năng tự vệ trước sự xâm lược của Nga.

Động thái này, mà các chuyên gia quốc phòng đã nói với Newsweek là một “bước đi đúng hướng” của Tổng thống Joe Biden, vừa được công bố hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu.

Đồng minh Rumani của NATO cũng đi theo sự chỉ đạo của Mỹ ngày hôm nay khi tuyên bố rằng họ sẽ gửi một hệ thống Patriot tới Ukraine.

Diễn biến này xảy ra sau thông báo của Tổng thống Biden tại hội nghị thượng đỉnh G7 rằng ông đã bảo đảm các cam kết về việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, cho đến nay, Kyiv đã nhận được 8.214 hỏa tiễn phòng không tầm ngắn từ Mỹ và các đồng minh, đồng thời nước này được cho là đang sở hữu ít nhất hai hệ thống phòng không Patriot.

Kyiv đang nỗ lực để có thêm các hệ thống phòng không từ Mỹ do cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này đang bị phá hủy liên tục bởi các cuộc tấn công của Nga, khiến tình trạng mất điện luân phiên trở thành chuyện thường ngày trong cuộc sống hàng ngày ở nước này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước đây đã kêu gọi “ít nhất” 7 chiếc Patriot để bảo vệ các thành phố của đất nước ông. Ông lưu ý rằng Nga phóng khoảng 3.000 hỏa tiễn, máy bay điều khiển từ xa và các loại đạn khác vào Ukraine mỗi tháng.

Tuy nhiên, hệ thống Patriot có giá khoảng 1 tỷ Mỹ Kim và đang có nhu cầu cao trên toàn thế giới. Chỉ có 14 hệ thống được triển khai trên toàn cầu.

Orysia Lutsevych, phó giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu, đồng thời là nhà lãnh đạo Diễn đàn Ukraine tại tổ chức tư vấn Chatham House, nói với Newsweek rằng động thái này là một bước phát triển đáng kể.

“Đó là sự tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước các cuộc tấn công hỏa tiễn gây thiệt hại của Nga. Đặc biệt, khi Ukraine cần bảo vệ mạng lưới năng lượng mà nước này đang nhanh chóng cố gắng xây dựng lại trước mùa đông. Nó cũng sẽ giúp bảo vệ quân đội khỏi những quả bom bay của Nga gây thiệt hại nặng nề cho quân Ukraine ở tiền tuyến”.

Về tác động trong nước, bà trích dẫn việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ viện trợ cho Ukraine và nói rằng “việc tạo điều kiện cho Ukraine thành công trên chiến trường sẽ tạo động lực cho chiến dịch bầu cử của Tổng thống Biden.”

Tổng thống Rumani xác nhận nước này sẽ chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine.

Tuy nhiên, Bucharest cho rằng đây sẽ không phải là thỏa thuận một chiều.

“Khoản quyên góp này được thực hiện với điều kiện nước ta tiếp tục đàm phán với các đồng minh, đặc biệt là với đối tác chiến lược của Mỹ, nhằm đạt được một hệ thống tương tự hoặc tương đương… Đồng thời, cần tìm giải pháp tạm thời để giải quyết vấn đề này, lấp đầy những lỗ hổng tạo ra khi trao đi một hệ thống phòng không quan yếu”, báo cáo trên trang web của tổng thống viết.

Đầu tháng này, Đức cam kết cử một chiếc Patriot khác tới Kyiv. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Berlin sẽ cung cấp vũ khí cùng với pháo phòng không tự hành Gepard và hệ thống phòng không IRIS-T.

8. Putin tuyên bố Nga đang xem xét thay đổi học thuyết hạt nhân

Nga đang xem xét thay đổi học thuyết hạt nhân của mình do những diễn biến “liên quan đến việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân”, Putin tuyên bố trong bài phát biểu ngày 20 Tháng Sáu tại Việt Nam, một ngày sau khi ông đến thăm Bắc Hàn.

Căng thẳng hạt nhân đã gia tăng gần đây sau khi Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 5 cho biết họ sẽ thực hành sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đáp trả những “tuyên bố khiêu khích” có mục đích và không xác định từ phương Tây.

Sau đó, hôm 10 Tháng Sáu, Belarus thông báo sẽ tham gia giai đoạn hai của cuộc tập trận mô phỏng phóng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga.

Phát ngôn nhân NATO Farah Dakhlallah nói với tờ Kyiv Independent hôm 17 Tháng Sáu rằng “không có thay đổi đáng kể nào” đối với khả năng răn đe hạt nhân của NATO ngoài “chương trình hiện đại hóa đang diễn ra”, sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với Telegraph rằng liên minh đang thảo luận về việc triển khai thêm tư thế sẵn sàng vũ khí hạt nhân nếu bị Nga tấn công.

“Chúng tôi hiện đang suy nghĩ về những gì có thể thay đổi trong học thuyết hạt nhân”, Putin nói với các phóng viên tại Hà Nội, nơi ông ký bản ghi nhớ về lịch trình thành lập một trung tâm công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.

Putin tuyên bố rằng Nga không cần một cuộc tấn công phòng ngừa như một phần trong học thuyết hạt nhân của mình “bởi vì trong một cuộc tấn công trả đũa, đối phương chắc chắn sẽ bị tiêu diệt”.

Ông Putin cho biết thêm, quân đội Nga đã chuẩn bị cho “tất cả các tình huống có thể xảy ra” trên tiền tuyến ở Ukraine.

Putin đã nhiều lần đưa ra các mối đe dọa hạt nhân chống lại Ukraine và phương Tây kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022. Các mối đe dọa đã không thành hiện thực và Nga tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực mà không sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, ngày 14 Tháng Sáu ra tuyên bố cảnh báo Nga không được sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, lưu ý “tư thế đe dọa chiến lược” của Mạc Tư Khoa.

9. Ukraine 'Sẵn sàng cho mọi kịch bản' khi Nga đặt mục tiêu mới

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine 'Ready for Any Scenario' as Russia Sets Sights on New Target”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Ukraine khẳng định quân đội Ukraine đang chuẩn bị cho “bất kỳ kịch bản nào” ở phía nam khu vực Kharkiv của đất nước, sau khi các nguồn tin Ukraine cảnh báo Nga đang chuẩn bị tiến hành một đợt tấn công mới qua biên giới từ khu vực phía đông Luhansk.

Các chiến binh của Kyiv “sẵn sàng cho mọi kịch bản và diễn biến”, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu.

Deep State, một blog chiến tranh nổi tiếng của Ukraine, hôm thứ Ba cho biết Nga đang điều động khoảng 10.000 binh sĩ và 200 hệ thống pháo binh gần làng Borova ở Kharkiv.

Borova nằm ở phía tây thành phố Svatove do Nga kiểm soát ở Luhansk, phía nam khu định cư Kupiansk ở Kharkiv. Nó đã bị Nga chiếm đóng trong cuộc tấn công xâm lược ban đầu của Mạc Tư Khoa vào đầu năm 2022, nhưng các lực lượng Ukraine đã chiếm lại Borova như một phần trong cuộc phản công ngoạn mục của Kyiv vào tháng 10 năm đó.

Trung tâm Chiến lược Quốc phòng, một cơ quan cố vấn của Ukraine, hôm thứ Tư cho biết quân đội Nga được hỗ trợ bởi các lực lượng đặc biệt và “các đơn vị công ty quân sự tư nhân” đang cố gắng “chiếm Borova”. Thuật ngữ “công ty quân sự tư nhân” thường được dùng để chỉ lực lượng lính đánh thuê chiến đấu trong cuộc chiến ở Ukraine.

Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine hôm thứ Ba cho biết Nga đang hy vọng chiếm được thị trấn Cherneshchyna và Pershotravneve ở Kharkiv, một khu định cư ở phía bắc Cherneshchyna ngay sát biên giới vùng Luhansk. Lữ đoàn cho biết thêm, nếu thành công, sau đó Mạc Tư Khoa sẽ tiến vào Borova.

Các lực lượng Nga, cùng với xe thiết giáp và pháo binh, đang sử dụng máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất, bom dẫn đường và vũ khí hóa học, lữ đoàn cho biết thêm trong bài đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu. “Địch đang cử toàn bộ trung đội và đại đội nhân sự xông vào vị trí của chúng tôi.”

Đầu tháng 5, Nga đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới mới vào phía bắc khu vực Kharkiv, trong khi Ukraine cảnh báo Mạc Tư Khoa hy vọng sẽ phân tán và buộc Ukraine phải sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên vào khu vực Kharkiv, để Mạc Tư Khoa có thể nhân thời cơ giành được lợi ích ở khu vực phía đông Donetsk.

Nga nhanh chóng có được một số khu định cư rải rác dọc theo hai đoạn biên giới. Các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa tập trung xung quanh làng Lyptsi—trong vòng khoảng 32 km từ thủ đô khu vực, Thành phố Kharkiv—và thành phố biên giới Vovchansk.

Ukraine sau đó báo cáo giao tranh ngày càng gia tăng ở Donetsk, trong đó Nga đã giành được những thắng lợi nhỏ nhưng ổn định dọc theo khu vực lãnh thổ tiền tuyến kéo dài hàng trăm dặm này.

Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn ở phía nam Kupiansk, bao gồm cả phía tây các thành phố Kreminna và Lysychansk của Luhansk.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói: “Các hậu vệ Ukraine được đào tạo và có động lực, họ biết mình đang chiến đấu vì điều gì”. Ông nói thêm rằng giới lãnh đạo quân sự Ukraine “biết mọi thứ về đối phương trong khu vực đó” và sẽ lên kế hoạch phù hợp.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết trong một bản cập nhật hoạt động lúc 7 giờ tối giờ địa phương hôm thứ Năm rằng Nga đã thả sáu quả bom trên không do KAB dẫn đường qua biên giới vào các khu vực bao gồm Vovchansk và Lyptsi.

Hôm thứ Năm, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết quân Nga đã “tiếp tục tiến công” ở phía bắc Kharkiv, nhắm vào lực lượng Ukraine ở một số khu định cư, bao gồm cả Vovchansk và Lyptsi. Ông ta khoe khoang rằng một nhóm lực lượng riêng biệt của Nga đã “chiếm giữ các vị trí thuận lợi hơn” tại một số điểm phía đông Kupiansk và xuống tới biên giới Luhansk với Donetsk, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã “đẩy lùi” hai cuộc tấn công từ Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine.

10. Nam Hàn cho biết sẽ xem xét cung cấp vũ khí cho Ukraine sau thỏa thuận Nga-Bắc Hàn

Văn phòng tổng thống Nam Hàn đã lên án một thỏa thuận đạt được giữa Nga và Bắc Hàn, trong đó cam kết hỗ trợ phòng thủ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra chiến tranh, hãng tin AP đưa tin.

Văn phòng cũng cho biết Nam Hàn sẽ xem xét lại chính sách hạn chế hỗ trợ Ukraine đối với các nguồn cung cấp phi sát thương.

“Thật vô lý khi hai bên có lịch sử phát động các cuộc chiến tranh xâm lược – Chiến tranh Bắc Hàn và chiến tranh ở Ukraine – lại tuyên bố hợp tác quân sự chung với tiền đề là một cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ xảy ra,” văn phòng của Tổng thống Nam Hàn Doãn Tích Duyệt cho biết.

“Đặc biệt, quyết định của Nga hỗ trợ Bắc Hàn và gây tổn hại đến an ninh của chúng tôi, bất chấp tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết trừng phạt đối với Bắc Hàn, chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ Nam Hàn-Nga”

11. Warsaw cho biết: Khinh khí cầu bay vào không phận Ba Lan từ Nga

Quân đội Ba Lan cho biết một khinh khí cầu đã đi vào không phận Ba Lan vào chiều Thứ Năm, 20 Tháng Sáu, từ tỉnh Kaliningrad của Nga và nói thêm rằng nó không gây ra mối đe dọa nào.

Căng thẳng giữa NATO và Nga đã gia tăng kể từ khi cuộc chiến toàn diện ở Ukraine bùng nổ và các trường hợp máy bay Nga vi phạm không phận của đồng minh là chuyện thường xuyên xảy ra.

Trong trường hợp này, Nga có thể đã mất quyền kiểm soát khinh khí cầu ở tỉnh Kaliningrad sau khi khinh khí cầu này “bị đứt dây buộc và bay vào không phận Ba Lan”, Warsaw cho biết.

“Chính quyền Nga trước đó đã thông báo cho chúng tôi về khả năng vật thể này xâm nhập vào khu vực”, Bộ chỉ huy tác chiến lực lượng vũ trang Ba Lan cho biết.

“Đánh giá sơ bộ cho thấy phía Nga đã mất quyền kiểm soát một trong những cơ sở bảo vệ khinh khí cầu ở tỉnh Kaliningrad.”

Quân đội Ba Lan cho biết họ đã theo dõi khinh khí cầu và vào lúc 7h53 tối giờ địa phương, nó đã đi vào không phận Ba Lan gần biên giới với tỉnh Kaliningrad của Nga và dự kiến sẽ rời đi vào khoảng 8h tối giờ địa phương.

Lực lượng Không quân Ba Lan thường xuyên điều động các chiến đấu cơ của mình trong các cuộc tấn công hàng loạt của Nga nhằm vào miền Tây Ukraine, và đã có những trường hợp hỏa tiễn của Nga bay vào không phận Ba Lan trong thời gian ngắn được ghi nhận.

Trong một sự việc khác vào ngày 15 tháng 11 năm 2022, một hỏa tiễn đã bay vào lãnh thổ Ba Lan trong một cuộc tấn công hàng loạt của Nga, khiến hai thường dân thiệt mạng. Các nhà điều tra Ba Lan sau đó kết luận rằng đó là một quả đạn phòng không của Ukraine được phóng để đánh chặn cuộc tấn công của Nga.

12. Truyền thông đưa tin hỏa hoạn bùng phát tại nhà máy lọc dầu của Nga sau cuộc tấn công của máy bay điều khiển từ xa

Kênh tin tức Telegram Mash của Nga đưa tin một đám cháy đã bùng phát tại nhà máy lọc dầu Ilya ở Krasnodar Krai của Nga sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào cơ sở này vào sáng Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu.

Veniamin Kondratev, Thống đốc khu vực Krasnodar của Nga, báo cáo rằng một số quận trong khu vực đã hứng chịu một cuộc tấn công lớn bằng máy bay điều khiển từ xa.

Cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu được cho là đã gây ra đám cháy khiến hai người bị thương.

Trước đó, Kondratev cũng cho biết máy bay điều khiển từ xa đã tấn công vào một phi trường quân sự ở Yeysk trong cuộc tấn công vào Krasnodar Krai.

Trong những tháng gần đây, lực lượng Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, là điều rất quan trọng để duy trì các nỗ lực chiến tranh cũng như khí tài quân sự của Mạc Tư Khoa.

Các cuộc tấn công vào kho dầu ở Krasnodar Krai hồi tháng 5 được cho là đã làm gián đoạn hoạt động tại hai cơ sở, nhà máy lọc dầu Slavyansk-on-Kuban và Tuapse
 
Quốc hội Ukraine coi Chính Thống Giáo Nga là tà giáo. ĐHY Sarah cảnh báo về sự thiếu hiệp nhất
VietCatholic Media
17:38 21/06/2024


1. Quốc hội Ukraine thông qua luật cấm Giáo Hội Chính thống có liên kết với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa làm tuyên úy quân đội

Quốc hội Ukraine vừa thông qua luật cấm Giáo hội Chính thống, có trụ sở trung ương ở quốc gia gây hấn chống Ukraine, là Chính thống Nga, không được bổ nhiệm giáo sĩ làm tuyên úy quân đội nữa.

Hãng tin “Các Giáo hội Đông phương” (Eastern Churches New Service) đưa tin trên đây, hôm 14 tháng Sáu vừa qua.

Trước đây, tại Ukraine, Giáo hội Chính thống Nga chiếm đại đa số. Nhưng từ khi được độc lập khỏi Nga, Giáo hội Chính thống Ukraine ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là kể từ khi được Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Giáo chủ Chính thống Constantinople, công nhận quyền độc lập hồi năm 2019.

Sau khi Nga tấn công Ukraine, Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa thường được gọi là UOC, cũng tự tuyên bố độc lập với Thượng Phụ Kirill. Chính phủ Ukraine ủng hộ và dành ưu tiên cho Chính thống Ukraine, nhưng có nhiều hạn chế đối với Chính thống trước đây lệ thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa và nay Quốc hội ở Kyiv thông qua luật cấm Giáo hội này bổ nhiệm linh mục tuyên úy quân đội, dù rằng tín hữu quân nhân thuộc Giáo hội này là những công dân Ukraine hoàn toàn và cũng chiến đấu tại mặt trận.

Chính phủ Ukraine vẫn cáo buộc Giáo hội Chính thống, vốn lệ thuộc Mạc Tư Khoa, là vẫn còn bị Chính thống Nga kiểm soát, dù họ đã tuyên bố độc lập với Chính thống Nga.

Quốc hội Ukraine đã nhiều lần đưa ra các nỗ lực nhằm cấm UOC hoạt động tại Ukraine nhưng không thành công.

Tuy nhiên, xu hướng đưa ra các biện pháp mạnh chống lại UOC lại bùng phát trong những ngày gần đây. Thật vậy, trong một diễn biến lạnh tóc gáy, hôm 8 Tháng Sáu, tại Diễn Đàn Kinh Tế thế giới tại thành phố St. Petersburg, Giáo sư Sergei Karaganov, cánh tay phải mới của Putin, tuyên bố bạo chúa Vladimir Putin là Đấng Mêsia, vị cứu tinh của thế giới, kẻ sẽ không chỉ giành chiến thắng trước Ukraine mà còn ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Những bình luận kỳ quái của vị giáo sư này cho thấy Điện Cẩm Linh đang đẩy mạnh tuyên truyền ảo tưởng tôn giáo để biện minh cho cuộc chiến máy xay thịt chống lại Ukraine như thế nào.

Thật là quá sức báng bổ khi xưng tụng Putin, một kẻ đã giết hàng triệu người, một tên hoang dâm vô độ, có vô số nhân tình, là Đấng Thiên Sai.

Thượng phụ Kirill, một đồng minh lâu năm của Putin, cũng tham dự cuộc họp. Ông ta đã không bác bỏ tuyên bố của Karaganov thì chớ, lại còn nói trên TV: “Chúa đã sai Vladimir Putin đến cứu lấy đất Nga.”

Cha Ioann Koval, một linh mục Chính Thống Giáo, hiện đang coi sóc một giáo xứ Chính Thống Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị Thượng Phụ Kirill huyền chức vì chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Putin. Ngài nhận định rằng luận điệu của Giáo sư Sergei Karaganov vượt quá khả năng chịu đựng tâm lý của các Kitô Hữu.

Sau câu chuyện này, nhiều thành viên Quốc Hội Ukraine cho rằng Chính Thống Giáo Nga đang quay sang thờ Putin chứ không phải là Chúa Kitô. Luật cấm Giáo hội Chính thống có liên kết với Chính Thống Giáo Nga đã được thông qua dễ dàng trong bối cảnh đó.

2. Đức Hồng Y Sarah cảnh báo chống lại sự thiếu hiệp nhất giữa các Kitô hữu, nói rằng đó là dấu chỉ phản chứng

Sự thiếu hiệp nhất giữa các Kitô hữu, giữa những người theo Chúa Kitô là dấu chỉ phản chứng đối với sứ mạng làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và việc truyền giáo. Đức Hồng Y Robert Sarah đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề tại Đại Học Tangaza ở Kenya.

Đức Hồng Y Sarah, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích từ năm 2014 đến năm 2021, cảnh báo rằng sự chia rẽ giữa các tín hữu Chúa Kitô khiến họ bị “lợi dụng”.

“Nếu chúng ta không phải là một, nếu chúng ta bị chia rẽ, thì chứng tá của chúng ta về Chúa Kitô cũng bị chia rẽ và thế giới sẽ không tin vào Tin Mừng”, Đức Hồng Y Sarah nói

Đức Hồng Y Sarah kêu gọi những người theo Chúa Giêsu Kitô ở Phi Châu ưu tiên việc tuân thủ sứ điệp Tin Mừng, cho phép các nguyên tắc của đức tin Kitô giáo vượt lên trên tất cả các bản sắc khác, bao gồm bộ lạc, quốc tịch và chủng tộc, cùng các liên kết khác.

“Trước tiên hãy tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức tin Kitô giáo và sau đó với những người đồng hương của chúng ta và những người Phi Châu,” ngài nói trong bài diễn văn có tựa đề “Làm cho mọi dân nước trở thành môn đệ: Nhiệm vụ truyền giáo của Chúa Kitô”.

Để nhấn mạnh sự cần thiết của sự đoàn kết giữa những người theo Chúa Giêsu Kitô, vị Hồng Y 78 tuổi sinh ra ở Guinea đã cảnh báo rằng sự chia rẽ khiến các Kitô hữu “dễ bị lợi dụng”.

“Nếu chúng ta không nỗ lực đạt được sự hiệp nhất trong Chúa Kitô thì chúng ta còn tệ hơn nữa. Sự chia rẽ giữa chúng ta - tôn giáo, sắc tộc và chính trị - dễ bị lợi dụng; họ có thể bị các chính trị gia tham nhũng hoặc thậm chí các thế lực nước ngoài lợi dụng”, ngài nói.

Đức Hồng Y Sarah trước đây đã bày tỏ sự phản đối của mình đối với Fiducia Supplicans, là tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican vốn đã gây ra những phản ứng trái chiều và chia rẽ sâu sắc giữa dân Chúa nói chung và các giám mục Công Giáo trên toàn thế giới nói riêng kể từ khi nó được phát hành vào ngày 18 tháng 12 năm 2023.

Trong một bài suy ngẫm ngày 6 Tháng Giêng mà ngài chia sẻ với Settimo Cielo, một blog của Ý, Đức Hồng Y Sarah đã duy trì lập trường trước đây của mình là không chống đối Đức Thánh Cha.

“Chúng tôi không phản đối Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng chúng tôi kiên quyết và triệt để phản đối tà giáo làm suy yếu nghiêm trọng Giáo hội, là thân thể của Chúa Kitô,” Đức Hồng Y Sarah nói, đồng thời làm rõ sự phản đối của ngài đối với các khuyến nghị của Fiducia Supplicans, cho phép các thành viên hàng giáo sĩ ban phước lành cho “các cặp đồng giới” và các cặp trong “những tình huống bất thường” khác.

Những người thực hành đồng tính luyến ái đang “ở trong tù ngục” của tội lỗi và cần sự thật của “lời Chúa” để giải thoát họ, ngài nói thêm: “Sự thật là lòng thương xót đầu tiên mà Chúa Giêsu ban cho những người tội lỗi”.

Ngài nói: “Sự tự do mà chúng ta phải trao cho những người sống trong các cuộc kết hợp đồng tính luyến ái nằm trong sự thật của Lời Chúa”. “Làm sao chúng ta có thể làm cho họ tin rằng việc ở lại trong ngục tù tội lỗi là điều tốt lành và Chúa mong muốn điều đó?”

Sự thiếu rõ ràng của trong Tuyên ngôn Fiducia Supplicans “chỉ làm tăng thêm sự nhầm lẫn đang ngự trị trong lòng, và một số thậm chí còn lợi dụng nó để hỗ trợ cho nỗ lực thao túng của họ”, Đức Hồng Y Sarah viết trong bài suy tư ngày 6 tháng Giêng, đề cập đến sự chia rẽ do các khuyến nghị của Fiducia Supplicans gây ra.

Trong bài phát biểu tại Kenya, Đức Hồng Y Sarah đã liên kết sự hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô với sự tiến bộ. Ngài nói: “Chỉ có cùng nhau chúng ta mới có thể thịnh vượng”.

Theo Đức Hồng Y Sarah, những thách thức cản trở sứ mạng làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và sứ vụ truyền giáo có thể được giải quyết “bằng cách hướng về Chúa trong lời cầu nguyện và chay tịnh”.

“Bằng cách hướng về Chúa bằng lời cầu nguyện và chay tịnh, Thiên Chúa nâng chúng ta lên. Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và hẹp hòi và mạc khải chính Ngài cho chúng ta bằng cách này hay cách khác. Ngài kỷ luật chúng ta, vì vậy chúng ta không cho phép những khác biệt nhỏ ngăn cản chúng ta làm việc cùng nhau theo mọi cách được phép”

Đức Hồng Y tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp cầu nguyện và ăn chay, hai trong ba trụ cột của Mùa Chay, bên cạnh việc bác ái qua việc bố thí.

“Việc truyền giáo phải bao gồm việc cầu nguyện và ăn chay cùng nhau, ngay cả với những truyền thống tôn giáo khác để đáp lại những tệ nạn mà chúng ta cùng nhau thừa nhận. Bằng cách cầu nguyện và ăn chay, những trở ngại cho việc truyền giáo sẽ được khắc phục”


Source:National Catholic Register

3. Cảm giác “Tháp Ngà” trong tài liệu 'Giám mục Rôma' của Vatican

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong bài phân tích nhan đề “Vatican’s ‘Bishop of Rôma’ Document Has an ‘Ivory Tower’ Feel”, nghĩa là “Cảm giác “Tháp Ngà” trong tài liệu 'Giám mục Rôma' của Vatican” đăng trên tờ National Catholic Register ngày 14 tháng Sáu, 2024, ngài nhận định rằng những đề xuất của Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo có vẻ khá xa vời với thực tế của sự hiệp nhất Kitô giáo ngày nay.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

“Giám mục Rôma”, một tài liệu nghiên cứu của Thánh Bộ Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng và phong trào đại kết trong đó kết hợp báo cáo chi tiết về những phát triển thần học gần đây với những đề xuất phớt lờ những phát triển quan trọng của Giáo hội trong vài năm qua.

Trong thông điệp Ut Unum Sint, nghĩa là “Để họ nên một”, được công bố vào năm 1995, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi các giáo hội Kitô khác và các cộng đồng giáo hội suy nghĩ lại về cách thức thừa tác vụ Phêrô có thể được thực thi nhằm phục vụ sự hiệp nhất Kitô giáo lớn hơn. Đó là một lời mời gọi táo bạo nhưng không tạo ra phản ứng đáng kể từ các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác.

Vào năm 2020, nhân kỷ niệm 25 năm ban hành thông điệp, Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo đã bắt đầu quá trình tham vấn kéo dài nhiều năm để đưa ra tài liệu 43.000 từ hiện tại. Không nhận được phản hồi thực tế từ các hệ phái Kitô giáo khác, bộ quyết định ủy thác phản hồi của riêng mình từ hiệp hội thần học.

Bộ mô tả nó là “thành quả của gần ba năm làm việc thực sự mang tính đại kết và đồng nghị”:

“Nó tóm tắt khoảng 30 câu trả lời cho Ut Unum Sint và 50 tài liệu đối thoại đại kết về chủ đề này. Nó không chỉ có sự tham gia của các viên chức mà còn có sự tham gia của 46 Thành viên và Cố vấn của Bộ, những người đã thảo luận về vấn đề này tại hai Phiên họp Toàn thể. Các chuyên gia Công Giáo giỏi nhất về chủ đề này đã được tham khảo ý kiến, cũng như nhiều chuyên gia Chính thống giáo và Tin lành, phối hợp với Viện Nghiên cứu Đại kết Angelicum.”

Một cuộc khảo sát về nghiên cứu gần đây nhất chắc chắn rất hữu ích cho những người làm việc trong lĩnh vực này. Việc tìm hiểu lý do tại sao lời mời của Đức Gioan Phaolô hầu như không được chú ý là điều cần thiết. Nhưng những đề xuất – và chúng chỉ là những đề xuất – từ Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo có cảm giác như “tháp ngà”, khá xa rời thực tế của sự hiệp nhất Kitô giáo ngày nay.

Tính đồng nghị không phải là một giải pháp

Tiêu đề đầy đủ của tài liệu gợi ý những giả định về việc mọi thứ có thể diễn ra như thế nào hơn là chúng thực sự như thế nào: “Giám mục Rôma: Tính ưu việt và tính đồng nghị trong các cuộc đối thoại đại kết và trong các câu trả lời cho Thông điệp Ut Unum Sint”.

Tính đồng nghị hiện đang là mốt thịnh hành ở Rôma, nhưng chưa bao giờ được đề cập đến trong Ut Unum Sint. Hơn nữa, tính đồng nghị ngày nay không tạo ra sự hiệp nhất mà tạo ra sự chia rẽ. Các cơ cấu đồng nghị đã có từ lâu, và do đó không phải tính đồng nghị luôn tạo ra sự chia rẽ, nhưng trong trường hợp hiện nay, nó đang gây ra chia rẽ.

Việc Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo đề xuất rằng tính đồng nghị lớn hơn sẽ dẫn đến sự hiệp nhất Kitô giáo đã bỏ qua những phát triển quan trọng trong thế giới Kitô giáo, diễn ra ngay cả khi thánh bộ đang tập hợp các tài liệu nghiên cứu của mình:

Các Giáo hội Chính thống - được điều hành bởi tính đồng nghị - không còn hiệp thông với nhau nữa. Mạc Tư Khoa, Giáo hội Chính thống lớn nhất, đã rút phép thông công Constantinople và Kyiv.

Tương tự bị bỏ qua là thực tế là vào năm 2023, nhiều linh trưởng Anh giáo - chiếm 80% Cộng đồng Anh giáo toàn cầu - đã tuyên bố rằng họ không còn công nhận Tổng Giám mục Canterbury là “công cụ của sự hiệp thông”. Vatican đã chọn cách giả vờ rằng điều này đơn giản là không hề xảy ra, đầu năm nay đã tổ chức cuộc họp của Tổng Giám mục Justin Welby và các linh trưởng như thể không có gì thay đổi. Nhưng Cộng đồng Anh giáo - cũng được điều hành bởi tính đồng nghị thông qua các thượng hội đồng - không còn tồn tại nữa.

Giáo hội Chính thống Coptic - một Giáo hội đồng nghị khác - đã cắt đứt quan hệ đại kết với Rôma chỉ vài tháng trước đây vì cho là Vatican chấp thuận chúc lành cho các cặp đồng giới qua Tuyên ngôn Fiducia Supplicans.

Tiến trình “Con đường Thượng hội đồng” ở Đức đã tạo ra sự chia rẽ nghiêm trọng giữa Đức Thánh Cha và các giám mục Đức. Tính đồng nghị hiện đang làm xói mòn sự hiệp nhất nội bộ Công Giáo. Vậy thì tại sao Thánh Bộ Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo lại đề xuất mở rộng thêm?

Trong một vài tuần nữa, nghi lễ Công Giáo lớn thứ hai ở phương Đông, Nhà thờ Syro-Malabar, có thể phải đối mặt với vạ tuyệt thông của nhiều linh mục vì một tranh chấp phụng vụ kéo dài. Nếu xảy ra vạ tuyệt thông hàng loạt thì có thể xảy ra ly giáo. Nhà thờ Syro-Malabar được điều hành bởi tính đồng nghị.

Tính đồng nghị có thể đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của nó. Nhiệm vụ cấp bách của các mục tử Kitô giáo là hạn chế thiệt hại chứ không phải mở rộng ảnh hưởng của nó.

Tài liệu nghiên cứu nói về tính đồng nghị và tính ưu việt bằng những thuật ngữ trừu tượng. Thực tế của thế kỷ 21 là sự chia rẽ chứ không phải sự thống nhất. Về mặt lý thuyết, có thể việc thực thi tính đồng nghị nhiều hơn về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng có thể dẫn đến tiến bộ đại kết, nhưng điều đó đơn giản không xảy ra ngày nay cũng như trong tương lai gần. Vì vậy, tài liệu của Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo vẫn là một công việc mang tính trí tuệ thú vị, nhưng ngày nay không có ứng dụng mục vụ nào cả.

Cũng nên nhớ rằng thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10 năm 2023 đã phát hiện ra rằng không có sự đồng thuận nào về ý nghĩa của tính đồng nghị. Thật vậy, một nhóm làm việc của Vatican đã bị tấn công vào đầu năm nay khi cố gắng tìm ra ý nghĩa cho tính đồng nghị. Nếu Vatican không hiểu tính đồng nghị nghĩa là gì, thì điều đó không thể hữu ích trong việc suy nghĩ lại về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng trong bối cảnh đồng nghị.

Vatican I và Vatican II

Trong khi Công đồng Vatican I (1869-1870) được biết đến nhiều nhất với định nghĩa về tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng, thì giáo huấn của Vatican I về “quyền tài phán phổ quát” lại quan trọng hơn trong đời sống hàng ngày của Giáo hội.

Vatican I đã làm rõ rằng Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền đối với toàn bộ Giáo hội - quyền lực đầy đủ, ngay lập tức và thông thường. Chắc chắn đó là một cách giải thích theo chủ nghĩa tối đa về sứ vụ Phêrô. Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo cho rằng điều này có thể gây ra vấn đề và thay vào đó đề xuất:

“Giáo Hội Công Giáo đưa ra một sự 'tiếp nhận lại', 'tái giải thích', 'giải thích chính thức', 'bình luận cập nhật' hoặc thậm chí 'viết lại' những giáo huấn của Vatican I. Thật vậy, một số cuộc đối thoại nhận thấy rằng những giáo huấn này bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lịch sử của chúng. bối cảnh, và gợi ý rằng Giáo Hội Công Giáo nên tìm kiếm những cách diễn đạt và từ vựng mới trung thành với ý hướng ban đầu nhưng được tích hợp vào nền giáo hội học hiệp thông và thích nghi với bối cảnh văn hóa và đại kết hiện nay.”

“Diễn đạt lại” giáo huấn của một công đồng đại kết là một nhiệm vụ quan trọng, điều mà một công đồng đại kết khác có thể mong muốn đảm nhận. Thật may mắn cho Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo, Vatican II đã thực hiện chính xác điều đó, bổ sung cho giáo huấn của Vatican I về sứ vụ Giáo Hoàng với tính đoàn thể của các giám mục, những người cùng nhau sống tình cộng đoàn của Giáo hội. Vào năm 1995, Đức Gioan Phaolô đã nghĩ chính xác rằng nền giáo hội học hiệp thông của Vatican II đã đưa ra con đường tiến tới. Đó dường như là một con đường hiệu quả hơn là việc xây dựng lại giáo huấn của Vatican I.

Phải chăng là một bước lùi?

Một ví dụ khác cho thấy tài liệu nghiên cứu bỏ qua thực tế hiện tại là Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện hai bước lùi quan trọng liên quan đến đường lối hiệp thông của Vatican II.

Đầu tiên, việc ngài loại bỏ hàng loạt giám mục. Chắc chắn là việc kỷ luật và cách chức các giám mục thường khá phổ biến; nhiều tiếng nói cho rằng Đức Thánh Cha nên làm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, việc bãi nhiệm một giám mục, đặc biệt nếu quá trình này diễn ra mờ mịt hoặc tùy tiện, lại được tinh thần của Vatican I sinh động hơn là Vatican II. Những Kitô Hữu hiện đã tách khỏi Rôma có thể sẽ không quan tâm đến quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng có thể sa thải các giám mục cấp địa phương.

Thứ hai, trong cuộc cải cách Giáo triều Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định rằng việc quản lý có thể được thực hiện bởi giáo dân, nghĩa là quyền lực đó không đến từ chức vụ giám mục, mà là từ sự ủy quyền của chính Đức Thánh Cha. Đó là một quan điểm gây nhiều tranh cãi và chưa được giải quyết chính thức giữa các chuyên gia giáo luật Công Giáo.

Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng quyền lực xuất phát từ sự ủy nhiệm của Giáo hoàng chứ không phải là sự chia sẻ quyền kế vị tông đồ là một bước lùi từ Vatican II tới Vatican I. Không chắc rằng đường lối lạc hậu như vậy sẽ hấp dẫn các Kitô hữu khác liên quan đến việc thực thi sứ vụ giáo hoàng..

“Tài liệu nghiên cứu” là một đóng góp học thuật hữu ích. Nhưng phải chăng đó chỉ là loại công trình thần học mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường chê bai là “thần học bàn giấy”, xa rời đời sống thực tế của người Kitô hữu.


Source:National Catholic Register