Ngày 03-06-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Tình Yêu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:36 03/06/2012
Một thanh niên đến gặp cha sở và nêu thắc mắc xin giải đáp:

- Cha có tấm hình nào của Chúa Thánh Thần không. Mấy bức tranh vẽ Chúa Thánh Thần như chim bồ câu hoặc lưỡi lửa chẳng có ý nghĩa gì với con cả. Con muốn có một tấm hình của Chúa Thánh Thần để treo trong phòng và cầu nguyện với Ngài.

Cha sở ngẫm nghĩ một lát và nói với anh ta:

- Con có tấm hình nào của Chúa Giêsu không?

Anh mau mắn:

- Có chứ cha! Nhiều lắm, nào là Thánh Tâm Chúa, Chúa Chăn Chiên, Chúa Thương Xót, Chúa Chịu Nạn, con đều có đủ cả.

Cha sở gật gù:

- Con cứ về chiêm ngắm mấy hình đó cũng được. Chẳng phải Chúa Giêsu đã nói ‘ai thấy Thầy thì thấy Cha Thầy sao?’ Nếu ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha, thì ai chiêm ngắm Chúa Giêsu cũng là thấy Chúa Thánh Thần. Không phải là Ba Ngôi chỉ có một bản tính thôi sao?

Người thanh niên vẫn còn ấm ức, có vẻ chưa được thuyết phục lắm. Thấy thế, cha sở hẹn anh tuần sau gặp lại. Đúng hẹn, anh ta đến và cha sở trao cho anh một khung hình bọc kín, ở ngoài có ghi hàng chữ: “Mỗi lần nhìn vào đây con phải nở nụ cười.” Mở ra, anh ta thấy có một tấm gương, trên khung có ghi: “Gặp gỡ Chúa Thánh Thần là gặp gỡ Chúa Kitô nội tại. Con chính là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Hãy nhìn vào khuôn mặt tươi vui của mình và ý thức rằng Ngài đang hiện diện trong con. Rồi con cố gắng sống thế nào để tỏ cho mọi người thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ở trong con.”.

Trong Ba Ngôi Thiên Chúa nhiệm mầu, Chúa Thánh Thần là Đấng trừu tượng nhất, khó hình dung nhất, tuy gần nhưng thật xa. Tuy cụ thể như gió, như lửa, như hơi thở…. như những biểu tượng thật gần gũi trong đời sống con người nhưng lại khó mà nắm bắt trong thế giới hiện thực này.

Có người nông dân dạy con trai mới lớn: muốn cho mướp ra nhiều trái phải bấm ngọn.

Cậu bé hỏi: tại sao?

Người cha trả lời : vì nó tức nên nó đâm trái.

Có thể cậu bé không bằng lòng với câu trả lời của cha, nhưng sau này khi vào đại học nông nghiệp, cậu sẽ biết rõ lý do.

Một em bé đứng trước thi hài ông nội, hỏi mẹ : Mẹ ơi sao ông nội chết vậy hả mẹ?

Mẹ đáp : vì ông nội già rồi.

Bé lại hỏi : thế bà nội già rồi sao không chết ? Chú Tư trẻ vậy sao lại chết.

Người mẹ vui mừng vì thấy con thông minh lý sự nhưng lúng túng không tìm ra câu trả lời thoả đáng. Khi lớn lên bé sẽ hiểu lý do.

Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu. Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau : Đố ai biết lúa mấy cây, Biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất. Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm.

Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là cao cả nhất, khó hiểu nhất. Như sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định : Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta”.

Trước mầu nhiệm Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao sâu,trí khôn nhỏ bé của con người không thể hiễu nổi.Tại sao Một Chúa mà Ba Ngôi? 1 là 3 và 3 là 1 ?.

Vậy phải hiểu và đón nhận mầu nhiệm quá cao siêu này như thế nào?

Ba Ngôi là một mầu nhiệm thuộc đời sống nội tại của Thiên Chúa, vượt qúa mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn hữu hạn con người. Qua bao thời đại, trí khôn con người dựa vào mạc khải để tìm hiểu huyền nhiệm sâu thẳm này.

Thánh kinh có bàn nhiều về mầu nhiệm Ba Ngôi.

- Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất nhưng cũng có mầm móng về mầu nhiệm Ba Ngôi.Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất của Cựu ước ( Đnl 6,4-5). Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần giáo ở Trung đông thời bấy giờ.

- Mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán : Con là con Ta yêu dấu (Mt 1,11).Tiếng nói, chim câu,Chúa Giêsu,ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bàu Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…” Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bàu Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Trong phúc âm Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”( Mt 28,19).Thánh Phaolô luôn cầu chúc: Ân sủng của Đức Kitô,tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.

Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi và là Ba Ngôi :Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa,dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.Mỗi ngôi vị đều bằng nhau về thần tính và ưu phẩm,nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa.Mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất.Nói theo từ ngữ của Công đồng Vatican II : Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha. Chúa Cha chia sẽ và bàn bạc sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.Việc thực hiện sáng kiến ấy giống như một bản trường ca gồm hai phần chính.Đức Kitô thực hiện phần đầu.Ngài nhập thể,mạc khải về Chúa Cha dâng lên Cha hy lễ thập giá để cứu độ.Phần hai dựa vào công trình ấy mà nâng con người lên,đưa con người về cùng Cha, đó là phần vụ của Chúa Thánh Thần. Thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, bổng nhiên nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.

Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau.Ba Ngôi là một gia đình.Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa.Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau.Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung, chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo.Trung với Chúa,hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết,chỉ có thể đón nhận bằng đức tin.Thực tại Ba ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rực rỡ,ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

Nhìn lên cung thánh, ta thấy Thánh Giá,Nhà Tạm,Bàn Thờ.Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu.Trên Thánh Giá,Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha.Ngài tự nguyện chịu đau khổ,chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha,để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài.Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực. Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô.Khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.

Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh,cùng một sự sống đó là tình yêu thần linh.Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.Với chúng ta sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô,Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua thánh thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34).Khi chia sẽ chén hiệp thông cuả Ba Ngôi,chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một( Ga 17,21).

Chúng ta đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa.Nói theo kiểu nói của Đức Hồng y Henry de Lubac : Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương.Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng.Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến.Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương.Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa.Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa,tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa.Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu,không gặp mâu thuẫn đau khổ.Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẽ,là ở lại trong tình yêu.Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác ”Nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh thần”. Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, hiệp thông chia sẽ trong cuộc sống hàng ngày của mình.
 
Lời kinh danh Chúa Giêsu
Lm Phạm Quang Long
21:39 03/06/2012
Nếu có ai hỏi tôi về cách tôi cầu nguyện, câu trả lời đơn giản là: Tôi đọc lời kinh Giêsu. Những ai đã từng nghe nói về câu chuyện của người hành hương Nga sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Lời kinh đó bao gồm việc đọc đi đọc lại câu: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Tôi đã cầu nguyện như thế suốt 40 năm qua, và đã trở nên quá quen thuộc đến đỗi lời kinh tự động phát ra những khi tôi không bận rộn hay không suy nghĩ gì. Thỉnh thoảng, việc này hầu như máy móc, chỉ lặp đi lặp lại, nhưng có lúc nó huy động tất cả sức lực và trở nên mãnh liệt vô cùng.

Tôi hiểu lời cầu này theo cách của riêng tôi. Khi đọc “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa”, tôi ôm trọn cả trời và đất vừa biểu lộ chính Người cho toàn thể nhân loại theo nhiều cách, dưới nhiều tên gọi và hình thức khác nhau. Tôi nhận thức rằng Ngôi Lời soi sáng mọi người trong thế gian, cho dẫu con người không nhận ra Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hiện diện trong từng người, nơi thẳm sâu linh hồn họ. Vượt ra khỏi phạm vi của ngôn từ và tư tưởng, của dấu hiệu và biểu tượng, Ngôi Lời được nói một cách thầm lặng trong mọi tâm hồn, mọi nơi và mọi lúc. Con người có thể hoàn toàn không nhận ra hay cố ý phớt lờ, nhưng bất cứ ở đâu hay bất cứ lúc nào, nếu có ai nghe theo tiếng gọi của sự thật, tình yêu và lòng tốt, tiếng gọi của những đòi hỏi công lý, quan tâm đến tha nhân, hay chăm sóc những người thiếu thốn, thì họ đang đáp lại tiếng gọi của Ngôi Lời. Cũng vậy, khi có ai đi tìm chân thiện mỹ trong khoa học, triết học, nghệ thuật hay thi ca, thì họ đang làm theo sự linh hứng của Ngôi Lời.

Tôi tin rằng Ngôi Lời đã làm người nơi Ðức Giêsu Nadarét; trong Người chúng ta có thể thấy hình thức người của Ngôi Lời, với Người chúng ta có thể cầu nguyện và nhờ Người chúng ta có được mối tương giao yêu thương. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Người tỏ mình ra cho chúng ta bằng những danh xưng và hình thức khác nhau. Ðiều có thể tính đếm được thì lại quá ít so với điều không thể tính đếm, đó là lời đáp trả trước huyền nhiệm được dấu kín trong mỗi tâm hồn. Huyền nhiệm hiện diện nơi mỗi người một khác và chờ đợi câu trả lời của chúng ta qua đức tin, đức cậy và lòng mến.

Khi đọc “xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, tôi tự liên kết chính mình với tất cả nhân loại từ khởi nguyên của thế giới, những kẻ đã kinh nghiệm về sự xa lìa Thiên Chúa và chân lý vĩnh hằng. Là người, tôi nhận thức rằng tất cả chúng ta đều xa lìa Thiên Chúa, xa lìa cội nguồn của mình. Chúng ta vừa lưu lạc trong thế giới của bóng mờ, vừa lẫn lộn giữa dáng dấp bên ngoài của con người và sự vật với thực tại của nó. Nhưng sự vật thường xuyên gây áp lực đòi chúng ta phải thoát ra khỏi bóng mờ để chạm mặt với thực tại, với sự thật và ý nghĩa nội tại của cuộc sống chúng ta, để tìm gặp Thiên Chúa hay bất cứ danh xưng nào mà chúng ta gọi huyền nhiệm đang bao phủ chúng ta.

Vì thế, tôi đọc lời kinh Giêsu để cầu xin được giải phóng khỏi ảo ảnh của thế giới này, khỏi vô vàn cảnh hư ảo và phỉnh lừa đang bao vây quanh tôi. Tôi tìm thấy nơi Giêsu danh xưng mở rộng lòng trí tôi. Tôi xác tín rằng mỗi người chúng ta đều có ngọn đèn và người hướng đẫn bên trong sẽ đưa dẫn chúng ta vượt qua bóng mờ và ảo ảnh đang vây bọc chính mình, và mở rộng lòng trí chúng ta trước chân lý. Ðiều đó có thể xảy ra từng ngày, từng ngày một, qua nghệ thuật, triết học và khoa học, hay thông thường qua các biến cố cũng như cuộc gặp gỡ giữa những con người với nhau. Bản thân tôi nghiệm thấy rằng nguyện ngắm sớm chiều là phương cách trực tiếp và tối ưu nhất để liên lạc với thực tại. Trong nguyện ngắm tôi cố gắng vượt qua thế giới giác quan bên ngoài, thế giới tư tưởng bên trong, để lắng nghe tiếng nói từ bên trong vốn là tiếng vọng của Ngôi Lời đến từ thinh lặng, an tịnh, khi mọi hoạt động của cơ thể và tâm trí ngừng nghỉ. Nhờ thế, trong thinh lặng tôi cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, và cố gắng giữ nguyên cảm nghiệm đó suốt ngày. Trên xe buýt, tàu hỏa hay trên máy bay, trong công việc, nghiên cứu hay khi liên lạc chuyện trò với người khác, tôi cố gắng nhận ra sự hiện diện này trong mọi người, nơi mỗi vật. Và lời kinh Giêsu giữ tôi trong sự hiện diện đó.

Vì thế, đối với tôi cầu nguyện là thể nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi tình huống: ồn ào, xáo trộn, bệnh tật, đớn đau và chết chóc, cũng như bình an, vui mừng, thân thiện, cả trong cầu nguyện và thinh lặng sự hiện diện của người luôn luôn có đó. Với tôi, lời kinh Giêsu là phương thế để sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Tôi nhận thấy thật là thuận lợi khi tuân thủ 4 bước của truyền thống cầu nguyện thời Trung cổ: đọc sách, suy gẫm, cầu nguyện và chiêm ngưỡng. Hầu hết mọi người cần chuẩn bị cầu nguyện bằng đọc sách. Ðọc Kinh thánh là cách truyền thống, nhưng không phải để tìm kiếm thông tin, mà với sự chú ý lắng nghe, nhằm thưởng thức như khi chúng ta đã đọc thơ. Vì lý do này mà tôi thích bản Kinh thánh duyệt lại (The Revised Verion of the Bible), là bản bảo tồn được truyền thống phong phú, giàu chất thơ của Anh ngữ.

Tiếp theo sau đọc sách là suy gẫm, nhằm ôn lại những điều đã đọc, đào sâu ý nghĩa và khắc ghi trong lòng; như Ðức Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Ðó là suy gẫm theo truyền thống: vừa khám phá ý nghĩa đạo đức và biểu tượng của bản văn, vừa đem ra áp dụng trong đời sống riêng của mình. Ý nghĩa của biểu tượng vượt ra ngoài ngôn từ và thiết thân đến đời sống của cá nhân, của Giáo hội và của thế giới. Sẽ là một thiếu sót lớn lao khi mà ngày nay chúng ta có được sự hiểu biết sâu xa về nghĩa văn tự, lại lãng quên ý nghĩa phong phú và thâm thúy của biểu tượng muốn hướng chúng ta đến chân lý tối hậu vốn là điều mà Kinh thánh biểu lộ.

Kế tiếp là cầu nguyện (bằng lời). Sự hiểu biết về ý nghĩa sâu xa của bản văn tùy thuộc vào khả năng tâm linh của chúng ta, và điều này có được nhờ cầu nguyện. Cầu nguyện là mở rộng con tim và tâm trí cho Thiên Chúa, tức là vượt ra khỏi lý trí để tự cởi mở trước thực tại siêu nhiên, điều mà mọi ngôn từ và mọi tư tưởng đang nhắm đến. Ðiều này đòi hỏi một sự hiến thân - phó thác. Chừng nào mà chúng ta còn ở trong tầm mức của lý trí, thì chúng ta sẽ bị chi phối bởi cái tôi, tính tự lập và lý trí của mình. Chúng ta có thể khai thác mọi thứ hỗ trợ cho việc cầu nguyện như sách chú giải và những hướng dẫn thiêng liêng, nhưng chừng nào mà cái tôi còn ở vị thế chỉ huy, thì chúng ta vẫn còn bị giam hãm bởi lý trí với những quan niệm và phán đoán của nó. Chỉ khi nào chúng ta từ bỏ cái tôi, bản ngã độc lập của mình, và trở về với Thiên Chúa - Ðấng Chí Linh, thì chúng ta mới có thể đón nhận được ánh sáng, là điều mà chúng ta cần để hiểu được ý nghĩa sâu xa của Kinh thánh. Ðó là tiến trình đi từ cầu nguyện đến sự thâm hiểu, từ khái niệm mông lung đến sự nắm bắt mầu nhiệm bằng trực giác.

Ðến đây, chúng ta chuyển qua giai đoạn chiêm ngưỡng. Chiêm ngưỡng là đích điểm của đời sống Kitô hữu. Ðó chính là sự hiểu biết bằng tình yêu. Thánh Phaolô thường cầu nguyện cho môn đệ người có được kiến thức và am hiểu huyền nhiệm Ðức Kitô. Huyền nhiệm Ðức Kitô là chân lý tối hậu, là thực tại mà con người khao khát. Và huyền nhiệm này được cảm nhận bằng tình yêu. Yêu là ra khỏi chính mình, là hiến mình, là để cho chân lý và thực tại điều khiển mình. Yêu thì không giới hạn nơi một con người hay một vật thể nào, nhưng vươn ra tới vô tận và vĩnh hằng. Ðó là chiêm ngưỡng. Chiêm ngưỡng không phải là thành tựu đạt được do chúng ta, mà là ơn ban cho chúng ta khi chúng ta ra đi. Chúng ta cần phải từ bỏ mọi thứ : ngôn từ, ý niệm, hy vọng, lo sợ hay tất cả sự quyến luyến với chính mình hay bất cứ tạo vật trần thế nào, và để cho huyền nhiệm thiên linh chiếm hữu cuộc đời chúng ta. Tình trạng này giống như sự chết hay một dạng của nó. Ðó là cuộc chạm trán với bóng tối, vực thẳm và trống rỗng. Ðối đầu với trống rỗng, như nhà thần bí Augustine Baker là một đan sĩ người Anh đã nói: "Ðó là cuộc hội ngộ giữa hư không với Hư Không." (It is the union of the nothing with the Nothing).

Ðây là mặt trái của chiêm ngưỡng. Mặt tích cực tất nhiên là điều tương phản: thành đạt, viên mãn, khôn ngoan, hạnh phúc bất diệt; đấy cũng là câu trả lời cho mọi vấn đề, là sự an bình trổi vượt mọi hiểu biết của trí tuệ, là niềm hoan lạc của sự sung mãn tình yêu. Thánh Phaolô đã tóm tắt kinh nghiệm đó trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, như một thí dụ điển hình nhất của sự hiểu biết Kitô giáo:

"Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Tôi cầu xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Ðấng vinh hiển ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Ðức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rẽ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình yêu của Ðức Kitô, là tình yêu vượt xa sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa."

Bede Griffths, In Jesus' Name, Monos No 9-94, Lm Phạm Quang Long dịch với sự cho phép của Tổng Biên Tập báo Monos
 
Hiệp thông và yêu thương như Chúa Ba Ngôi
Lm Đan Vinh
21:41 03/06/2012
1.LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô dạy: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” ( 1 Cr 13,4-7).

2.SUY NIỆM:

Với trí khôn tự nhiên, lòai người chúng ta chỉ nhận biết có Đấng Tạo Hóa là Đấng tạo thành vũ trụ vạn vật thiên nhiên và an bài mọi sự trật tự và ngày càng tiến hóa nên hòan thiện hơn. Tuy nhiên chính nhờ Lời Chúa mặc khải mà lòai người chúng ta mới biết về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Vậy mặc khải nói gì về mầu nhiệm này? Vai trò của mỗi Ngôi thế nào trong công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và ban ơn cứu độ lòai người? Các nhà thần học đã dùng những hình ảnh nào để diễn tả về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi hầu giúp chúng ta lãnh hội được phần nào về mầu nhiệm quan trọng này? Cuối cùng các tín hữu chúng ta phải sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như thế nào?

1)MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI TRONG THÁNH KINH:

1-Cựu Ước nhấn mạnh về một đức tin độc thần: Chỉ một Đức Chúa là Thiên Chúa độc nhất hiện hữu và là Đấng ban ơn cứu độ. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chưa mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Điều răn trọng nhất trong mười điều răn được Đức Chúa ban cho Ít-ra-en qua ông Mô-sê như sau:: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3). Ngôn sứ I-sai-a cũng tuyên sấm lời Thiên Chúa: “Trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành. Và sau Ta cũng vậy. Chính Ta đây là Đức Chúa. Ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ” (Is 43,10-11).

2-Tân Ước mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi:

+Tin Mừng Mát-thêu thuật lại câu chuyện Đức Giê-su chịu phép Rửa của Gio-an Tẩy Giả, trong đó bắt đầu đề cập đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, thì các tầng trời mở ra. Người thầy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự trên Người. Và kìa, có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16). Tiếng phán từ trời là lời của Chúa Cha (Ngôi I), Đức Giêsu đang đứng dưới lòng sông là Chúa Con (Ngôi II) và chim bồ câu ngự trên Người là biểu tượng Chúa Thánh Thần (Ngôi III). Ngòai ra Tin mừng Mát-thêu cũng ghi lại lệnh truyền của Chúa Phục Sinh cho các môn đệ trước khi lên trời nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

+Thánh Lu-ca trong Công vụ Tông đồ đã thuật lại bài giảng của Tông đồ Phê-rô nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: “Thiên Chúa Cha (Ngôi I) đã ra tay uy quyền nâng Người lên (Ngôi II), trao cho Người Thánh Thần (Ngôi III) đã hứa, để Người (Ngôi II) đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2,33).

+Tin Mừng Gio-an nhiều lần đề cập đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Thầy (Ngôi II) sẽ xin Chúa Cha (Ngôi I), và Người (Ngôi I) sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác (Ngôi III), đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14,16). - “Mọi sự Chúa Cha có (Ngôi I) đều là của Thầy (Ngôi II). Vì thế, Thầy (Ngôi II) đã nói: Người (Ngôi III) lấy những gì của Thầy (II) mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15). Nơi khác: “Tôi (Ngôi II) và Chúa Cha (Ngôi I) là Một” (Ga 10,30).

+Thánh Phao-lô diễn tả về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong lời chào như sau: “Nguyện xin ân sủng Đức Giê-su Ki-tô (Ngôi II), tình yêu của Chúa Cha (Ngôi I) và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần (Ngôi III) ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13,13). Trong thư Ga-lát, Phao-lô viết: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa (Ngôi I) đã sai Thần Khí (Ngôi III) của Con mình (Ngôi II) đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên“Áp-ba, Ba ơi!” (Gl 4,6).- Trong thư Ê-phê-sô: “Thật vậy, nhờ Người (Ngôi II), cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí (Ngôi III) duy nhất, mà đến cùng Chúa Cha (Ngôi I)” (Ep 2,18) ; “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí (Ngôi III), cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa (Ngôi II), một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người (Ngôi I), Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6). -Trong thư Ti-tô: “Thiên Chúa (Ngôi I) đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần (Ngôi III) xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô (Ngôi II) Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6).

2)NỘI DUNG MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI:

1-Chỉ có Một Thiên Chúa và “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7), nhưng Người lại có Ba Ngôi: Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng, nên trong Ba Ngôi, không Ngôi nào lớn hơn.

2-Về vai trò của Ba Ngôi:

+Chúa Cha sáng tạo: Khi sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người. Thiên Chúa xuất hiện là Ngôi thứ Nhất như một người Cha. Người dùng Lời quyền năng (Ngôi Hai) làm cho vạn vật từ không xuất hiện (x. St 1,3), và tiếp tục quan phòng gìn giữ để các tạo vật ấy tồn tại, phát triển và tiến hóa ngày một hòan thiện hơn. Người cứu độ loài người bằng việc sai Con Một (Ngôi II) nhập thể cứu chuộc và ban Thánh Thần (Ngôi III) tiếp tục chương trình cứu độ lòai người qua Hội Thánh.

+Chúa Con cứu chuộc: Khi tới Giờ đã định, Chúa Cha (Ngôi I) sai Con Một là Chúa Con (Ngôi II) xuống thế làm người là Đức Giê-su Ki-tô (x. Ga 3,16). Người thi hành sứ mệnh Thiên Sai bằng việc đi khắp nơi công bố Tin mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, và cuối cùng tình nguyện chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người và sống lại để ban ơn cứu độ loài người. Đức Giê-su chính là “Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16), là “Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha” (Mc 1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Người luôn hiệp nhất với Chúa Cha (x. Ga 17,22).

*Về phẩm chức là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su ngang hàng với Thiên Chúa Cha như Người đã nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30.33).

*Về vai trò là Đấng Thiên Sai, Đức Giê-su luôn lệ thuộc vào Chúa Cha trong mọi sự (x. Ga 5,19), và không thể lớn hơn Chúa Cha: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16), “Bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14,28).

*Về mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, Thánh Phao-lô dạy: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa (Ngôi II), mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (Ngôi I), nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa (Ngôi I) đã siêu tôn Người (Ngôi II) và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,6-11).

+Chúa Thánh Thần thánh hóa: Thánh Thần tuôn đổ thần khí ân sủng xuống trên các Tông đồ và các môn đệ trong lễ Ngũ tuần, ban ơn soi sáng giúp lương dân gia nhập Nước Trời là Hội thánh, tiếp tục trợ giúp Hội thánh chu toàn ba sứ mệnh của Chúa Giêsu: Một là làm ngôn sứ rao giảng Tin mừng; Hai là làm tư tế thánh hóa loài người nhờ cử hành các phép bí tích do Chúa Giêsu thiết lập; Ba là làm vương đế phục vụ đoàn chiên được trao…Đấng ấy là Chúa Ngôi Ba, là Chúa Thánh Thần, Thánh Linh hay Thần Khí.

3)MỘT SỐ CÁCH DIỄN TẢ MẦU NHIỆM BA NGÔI KHI DẠY GIÁO LÝ:

Một Chúa Ba Ngôi là chân lý đức tin do Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người đã dạy, nhưng lại khó hiểu đối với tr1i khôn hữu hạn của lòai người. Nhằm giúp các tín hữu hiểu biết phần nào về mầu nhiệm này, các nhà thần học đã cố gắng diễn giải bằng các hình ảnh có trong thực tế đời thường dù chỉ là bất tòan như sau:

1-Thánh Pa-trick dùng hình ảnh lá cây “Tam diệp thảo”: tuy chỉ có một lá, nhưng do ba lá nhỏ dính liền với nhau.

2-Thánh I-nha-xi-ô dùng hình ảnh một hợp âm trên dòng nhạc, gồm ba nốt nhạc chồng lên nhau.

3-Ngoài ra, chúng ta có thể diễn tả mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi bằng mấy hình ảnh đời thường như:

+Nước tuy chỉ là vật chất nhưng có thể xuất hiện dưới ba dạng là: Thể hơi, thể đặc và thể lỏng;

+Hình tam giác đều tuy chỉ là một hình, nhưng có ba góc và ba cạnh bằng nhau.

+Một người đàn ông trong gia đình tuy chỉ là một người nhưng có 3 vai trò: là “cha” đối với con cái, là “con” đối với bố đẻ, là “chồng” đối với vợ.

4)SỐNG HIỆP THÔNG VÀ YÊU THƯƠNG NOI GƯƠNG CHÚA BA NGÔI:

1-Hiệp thông bằng việc năng tuyên xưng đức tin Một Chúa Ba Ngôi: Mỗi lần làm dấu thánh giá và đọc kinh Sáng Danh, người tín hữu tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

2-Hiệp thông bằng việc năng cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi: Người tín hữu cần năng cầu nguyện với Thiên Chúa qua kinh Lạy Cha như Chùa Giêsu đã dạy (x Mt 6,9-13). Năng thưa chuyện với từng Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Con Giêsu và Chúa Thánh Thần, ít nhất 5 lần mỗi ngày: buổi sáng khi vừa thức giấc, trước ba bữa ăn và trước lúc nghỉ đêm.

3-Nội dung những lời cầu nguyện với Thiên Chúa: có thể quy về 5 điều chính sau:

+Một là ngợi khen Cha: noi gương Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25) và như Đức Maria đã tôn vinh Thiên Chúa sau khi được bà Ê-li-sa-bét khen có phúc “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi…” (Lc 1,46-55).

+Hai là tạ ơn Cha: mỗi khi được may lành noi gương một trong mười người phong cùi đã quay lại tạ ơn Thiên Chúa sau khi được ơn chữa lành như lời Đức Giêsu trách những kẻ vô ơn: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngọai bang này” (Lc 17,17-18).

+Ba là xin lỗi Cha: như đứa con thứ đã hồi tâm quay về nhà bày tỏ lòng sám hối vời cha trong dụ ngôn người cha nhân hậu: “Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15,18-19).

+Bốn là vâng lời Cha: noi gương Chúa Giêsu đã cầu nguyện phó thác nơi Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39), hoặc như Đức Maria đã thưa với sứ thần truyền tin: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

+Năm là cầu xin Cha: xin Chúa ban bánh ăn phần xac cũng như ơn cứu độ phần hồn : “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”(Lc 6,9b-13).

4-Sống yêu thương tha nhân noi gương Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa: Người ta thường ví Chúa Ba Ngôi giống như một gia đình với ba Ngôi vị phần là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi yêu thương nhau làm khuôn mẫu cho các thành viên trong gia đình tín hữu và tình yêu vị tha mở rộng đến hết mọi người. Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”(1 Ga 4,20-21).

3.LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊSU, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi dạy cho chúng con bài học này : “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,7). Từ trước đến nay, con vẫn chưa sống được giới răn yêu thương như Chúa dạy: con còn hay nghĩ xấu cho người khác. Con thường tỏ ra ích kỷ, không quan tâm đến người bên cạnh, con thường làm ngơ và không mau mắn đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người nghèo đói bệnh tật đau khổ... Từ nay con quyết tâm sẽ sống yêu thương để nên con ngoan hiếu thảo của Chúa Cha. Xin giúp con luôn biết quảng đại tha thứ những lỗi phạm của người khác, vâng lời cha mẹ và thày dạy, thuận hòa với anh chị em trong gia đình và bạn bè đồng nghiệp. Xin cho con biết nhìn thấy Chúa đang bị bỏ rơi nơi những người bất hạnh, để thể hiện tình thương bằng những việc làm cụ thể như: viếng thăm để an ủi và quảng đại chia sẻ cơm áo gạo tiền… giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn gặp phải, như Chúa dạy được tóm lại trong kinh “Thương Người Có Mười Bốn Mối” và kinh “Hòa Bình” của thánh Phan-xi-cô.
 
Trái tim yêu thương
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:42 03/06/2012
Tháng 6 hằng năm, phụng vụ dành riêng cho việc kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu.

Tháng Trái Tim, bầu khí thiêng liêng thổi hơi ấm đạo đức bao phủ các cộng đoàn giáo xứ. Một cuộc trao đổi giữa trái tim tín hữu với trái tim Chúa Giêsu, giữa các trái tim tín hữu với cuộc đời.

Tấm lòng người Công giáo Việt Nam đối với Thánh Tâm đúng là tâm tình đạo đức nhiệt thành như là cách đáp trả lòng thương xót đặc biệt của Chúa. Trái tim là trung tâm điểm của tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, nên nói tới tình yêu Thiên Chúa, chúng ta liên tưởng tới Trái Tim Chúa Giêsu.

1. Trái Tim Chúa Giêsu

Tất cả cốt lõi của đạo Công Giáo gồm tóm trong một quả tim (x. Mt 11, 25-30 ), bởi lẽ “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Trong cuộc khổ nạn, khi : “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra” ( Ga 19, 34). Hình ảnh Chúa Giêsu trên thập giá với Trái Tim bị đâm thâu là đỉnh cao của Lời tình yêu được tỏ bày. Máu và Nước chảy ra, nguồn mạch tình yêu được khai sinh. Giáo Lý Hội Thánh số 478 dạy : “Trong suốt cuộc đời, cả khi hấp hối và chịu khổ nạn, Đức Giêsu biết và yêu mến mọi người và từng người chúng ta. Người đã hiến mạng cho mỗi người chúng ta. "Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gl 2,20). Người đã yêu chúng ta bằng con tim nhân loại. Do đó Thánh Tâm Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta (x. Ga l9,34), "được coi là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà Đấng Cứu Thế không ngừng dâng lên Chúa Cha hằng hữu và dành cho mọi người không trừ ai". ( ĐGH Pio XII, TĐ « Haurietis aquas » : DS. 3924 ; x. DS 3812).

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được thiết lập từ những cuộc hiên ra của Chúa Giêsu cho thánh nữ Magarita Maria Alacoque, vào những năm cuối của thế kỷ 17. Vào năm 1899, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII chính thức lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cho toàn thể Giáo Hội.

Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với thánh nữ và tỏ cho thánh nữ biết Chúa yêu thương loài người đến thế nào. Ngài nói với thánh nữ: “Nầy là Trái Tim đã yêu thương loài người đến nỗi không còn tiếc gì với họ”.

Tôn thờ Thánh Tâm là nòng cốt của đức tin Công giáo như ĐGH Piô XI và Piô XII đã nói: "Tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu là điểm cốt yếu của đạo chúng ta ". ĐGH Lêo XIII đã dâng hiến toàn thể nhân loại cho Thánh Tâm Chúa. Tình yêu phát xuất từ trái tim Chúa là tình yêu cứu độ và thánh hoá. Nhờ ơn Chúa, trái tim chúng ta được cải đổi, để biết sống bé nhỏ trong tình yêu trái tim Chúa.

2. Trái tim Chúa Giêsu và trái tim Mẹ Maria

Trong niên lịch Phụng vụ của Giáo Hội, lễ kính Thánh Tâm Chúa và lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ đi liền nhau. Các nhà hội họa cũng thường vẽ Trái Tim Chúa Giêsu song song với Trái Tim Đức Mẹ, dưới hai biểu hiệu đau đớn giống nhau: Trái Tim Chúa Giêsu có vòng gai quấn quanh, và Trái Tim Đức Mẹ có lưỡi đòng đâm thâu. Hai Trái Tim biểu hiệu cho hai tình thương mến giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và tình thương yêu của hai Mẹ Con đối với loài người chúng ta.

Trên đỉnh đồi Canvê, hai Trái Tim đều bị đâm thâu qua. Trái Tim Mẹ bị đâm bằng thanh gươm, như lời cụ già Simêon đã tiên báo. Trái Tim Con Mẹ bị đâm thâu bằng lưỡi đòng của tên lính, máu cùng nước chảy ra cho đến giọt cuối cùng (x. Ga 19, 31-37). Trái Tim Con bị đâm thâu qua; Trái Tim Mẹ đớn đau vô cùng. Máu và nước từ Trái Tim Con chảy ra; Những dòng lệ từ đôi mắt Mẹ tuôn rơi chan hòa.

Ở Paray le Monial bên Pháp, Chúa đã tỏ Trái Tim cho Thánh nữ Margarita và dạy làm việc đền tạ Trái Tim Chúa bằng việc tôn sùng Trái Tim, làm giờ Thánh đền tạ, rước lễ các ngày thứ Sáu đầu tháng. Ở Fatima bên Bồ Đào Nha, Đức Mẹ hiện ra cho ba em nhỏ truyền dạy loài người ăn năn đền tội, siêng năng lần hạt Mân Côi, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ và rước lễ đền tạ các ngày thứ Bảy đầu tháng.

3. Trái tim yêu thương

Trái tim là nguồn phát máu đi nuôi thân thể con người, khi nào trái tim ngừng đập, lúc ấy không còn sự sống nữa. Trái tim làm việc kinh khủng để cung cấp máu, không hề nghỉ một giây phút, từ lúc con người sinh ra cho đến lúc chết. Tính ra mỗi phút trái tim chuyển được 10 lít máu,mỗi giờ được 600 lít, một ngày được 14.000 lít, một năm được 5.110.000 lít. Và nếu ai sống được 60 tuổi thì trái tim đã làm việc để chuyển đi được 30.000.000 lít máu. Một ngày, tim đập được 100.000 lần, có một sức mạnh tổng cộng có thể nâng được một toa xa hỏa nặng 45 tấn lên cao một mét. Quả tim có sức mạnh phi thường, không ai ngờ được. Trái tim, một công trình tạo dựng siêu bền. Rất nhỏ được đặt trong lồng ngực, nhưng hoạt động cách không thể ngờ. Mỗi người với 24 giờ, trái tim bơm và lọc được 14.000 lít máu. Thật bất ngờ khi biết được con số. Điều bất ngờ không dừng ở đó, và tôi khám phá ra công việc bơm và lọc 14.000 lít máu của trái tim, cho tôi 24 giờ sống tinh tuyền nhất mặc dù rất nhiều bất toàn trong tôi. Tôi nhớ đến Lời Chúa nói qua tiên tri Edêkiel với toàn thể dân Do thái : “Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới. Bên trong các ngươi Ta sẽ ban xuống một thần khí mới”. Lời ấy như một Lời tái tạo con người cũ thành con người mới.

Như trái tim lọc những dòng máu dơ bẩn khi đi qua các ngõ ngách của cơ thể, để thay vào đó dòng máu tinh tuyền và mang sức sống nuôi dưỡng và làm phát triển toàn thân; Thiên Chúa đang từng giây phút thanh lọc tôi bằng Lời của Người qua dòng đời tôi đang sống. Lời đã sáng tạo và Lời hằng làm nên cái mới. Thiên Chúa đang làm nên những cái mới lưu chảy trong tim tôi. Từng phút giây, Người vẫn không ngừng đổ rót hồng ân Thánh Thần đổi mới cuộc sống trong tôi. Kìa cái cũ đang qua đi và cái mới đang thành sự.

Như công việc của trái tim, tôi không thấy cụ thể những điều trái tim đang làm việc, nhưng tôi biết trái tim vẫn không ngừng rung nhịp đập với trung bình 70 lần một phút trong tôi. Theo từng nhịp đập của trái tim ấy, Thiên Chúa đang hoạt động trong tôi, bởi vì tôi biết rằng Người đã dựng nên tôi, Người cho tôi sự sống và sự sống ấy không ngừng lưu chuyển, cho đến khi tôi được yên nghỉ trong Người. Nếu một ngày kia trái tim này ngừng đập và tôi sẽ trở thành người thiên cổ, nhưng trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa tôi đang an nghỉ. Hôm nay, lúc này, xin tạ ơn Chúa, trái tim tôi vẫn còn nhịp đập. Và như vậy là tôi đang sống, đang hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa. Khám phá ra điều này, tôi nhận thức rằng, mỗi ngày tôi có cả ngàn lý do để tạ ơn Chúa. Sự sống nào không phải là hồng ân Chúa ban tặng để tạ ơn Người luôn mãi?

Như chức năng lọc của trái tim, Thiên Chúa đang thanh luyện cuộc đời tôi bằng Thánh Thần của Người. Lọc những vị kỷ để còn vị tha. Lọc hiềm thù để còn yêu thương. Lọc những gì là ô uế để còn những gì tinh trong. Nếu trái tim không lọc rửa, dòng máu sẽ trở thành dòng sông đem đến chết chóc. Nếu Thánh Thần không được ban xuống trong tôi, như trái tim không còn lọc tẩy, cuộc sống tôi sẽ chết dần chết mòn trong ô uế và tội lỗi. Thánh Thần đang đổi mới cuội đời tôi.

Như chức năng của máu là nuôi dưỡng những phần nhỏ nhất của cơ thể, Thiên Chúa đang tháp nhập toàn bộ cuộc sống này của tôi vào lòng yêu thương của Người bằng cách thẩm thấu. Nếu dòng máu bơm đi từ tim không tới được phần cơ thể nào, cơ thể ấy sẽ chết, và sớm cần được cắt rời khỏi thân thể. Thiên Chúa sống trong tôi và đó là điều tôi cảm nghiệm trong dòng máu lưu chuyển châu thân này, nên tôi biết trong thân thể mỏng giòn yếu đuối này, tôi cần được tham dự vào sự sống của Người.

Như thế, từng phút giây, tôi được mời gọi:

Hãy yêu như đang sống.Hãy sống như đang yêu. Yêu để sự sống tồn tại. Sống để tình yêu có mặt. Tình yêu làm hỗn mang trở nên mầu nhiệm sự sống. Và cũng chính tình yêu ấy làm cho sự sống trường tồn bất diệt khi vượt qua sự chết. Thiên Chúa đã bước vào trần thế bằng thân thể, bằng hình hài, và mang trái tim bằng thịt. Cuộc sống trở nên kỳ diệu khi Thiên Chúa biểu lộ bằng trái tim của nhân loại. Thiên Chúa, Người yêu thương tôi bằng trái tim con người và bằng trái tim của Thiên Chúa. Sự chết không thể chôn kín được tình yêu, bởi sức mạnh của tình yêu là làm cho sống. Một trái tim bằng thịt, không phải là bằng kim khí hoạt động như chiếc động cơ do con người chế tạo. Bằng thịt nên trái tim dễ bị tổn thương, và trái tim được đặt vào lồng ngực được những hàng rào xương sườn che chắn. Thiên Chúa biết tôi mỏng giòn và là bình sành dễ vỡ nên người yêu thương tôi, bao bọc tôi bằng ân sủng của Người. Tình yêu của Thiên Chúa khiến tôi không ngừng tự hỏi : “Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm”.

Lạy rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực thanh cực tịnh Đức Bà Maria cầu cho chúng con.
 
Bí tích Thánh Thể
Lm Giacobe Tạ Chúc
21:48 03/06/2012
Ca dao Việt Nam có nói:

“ Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”


Vâng rất ngon, bởi tình yêu thương từ trong gia đình, chồng vợ yêu thương nhau và họ cảm thấy hạnh phúc dù trong những món ăn rất bình thường. Bữa ăn của con người là nơi hội tụ và kết tinh của một tình thương mến thương. Cùng nhau ăn uống tức là cùng nhau chia sớt đắng cay ngọt bùi. Ngồi trong một bàn ăn là đón nhận nhau là anh em chung một mái nhà. Đức Giê-su đã lập Bí Tích Thánh Thể trong một bữa ăn, bữa ăn có tên gọi là “ A-ga-pê”.

Đức Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong một bữa ăn gia đình . Điều đó cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài thật gần gũi với các môn đệ và với từng người trong chúng ta. Mỗi bữa cơm chiều, bên bát canh rau và nồi cá kho bốc khói, cha mẹ cùng con cái hàn huyên tâm sự, chuyện cuộc đời và chuyện cả tương lai. Đức Giêsu không đi ra ngòai các quy luật tự nhiên và những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người. Chắc hẳn trong cuộc đời tại thế, rất nhiều lần Ngài dùng bữa với các môn đệ. Lúc thì ở nhà chàng trai Lêvi( Lc 5 ,29 – 32). Lúc khác lại ở nhà của người thu thuế Giakêu (Lc19,1- 10 ), và rất nhiều lần Chúa Giêsu đến trọ lại nhà của chị em Maria, Matta và Lazarô ở Bêthania. Bữa ắn chính là khởi điểm cho một hành trình và sứ vụ loan báo Tin mừng. Trong bữa ăn lễ Vượt qua với các môn đệ, Chúa Giê-su thiết lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh. Hai Bí tích này kéo dài sự hiễn diện của Đấng Phục sinh luôn có mặt trong cộng đoàn, nhất là khi cử hành Thánh lễ. Những bữa ăn thường ngày vẫn ba lần trong các gia đình, những bữa ăn Thánh Thể vẫn mỗi ngày mỗi lần hoặc sáng sớm hoặc khi chiều tà. Chúa Giêsu vẫn luôn là người chủ trì và phân phát lương thực sự sống và tình thương của Ngài cho nhân lọai hưởng dùng.

Cơm bánh hằng ngày là cần thiết cho mỗi con người. Đói khát luôn là điều trăn trở của nhân loại vốn là những con người mỏng giòn và sống phải nhờ vào các dưỡng chất. Một khi không còn ăn uống được cách bình thường. Con người sẽ khó mà tồn tại. Cũng vậy, Bánh và Rượu một khi được linh mục đọc lời truyền phép, sẽ trở nên chính Thịt và Máu của Đức Giê-su, đây chính là chất dinh dưỡng rất đỗi cần thiết để mang lại cho con người sự sống tự nhiên và siêu nhiên.

Nguồn thức ăn vật chất trong xã hội ngày hôm nay đang bị nhiều độc tố xâm hại. Mỗi chúng ta luôn khao khát một thứ thần lương nuôi sống con người. Thứ lương thực ấy chính người Cha trên trời hằng ban cho chúng ta. Nếu ngày xưa dân Do Thái đã được hưởng dùng Manna và chim cút từ trời, thì ngày hôm nay, Giáo hội luôn được ban thứ lương thực “trường sinh bất tử”, đó chính là Mình và Máu Chúa Giê-su Ki-tô.
 
Văn Hóa
Thánh Tâm là cả hồng ân
Trầm Thiên Thu
21:47 03/06/2012
Bao la tình yêu Thiên Chúa
Cho con lắng vơi ưu phiền
Trọn đời lòng con tôn kính
Thánh Tâm là cả hồng ân

Luôn cố gắng học với Chúa
An vui thanh thản tâm hồn
Mặc dù trĩu nặng gian khó
Thánh Tâm xoa dịu nỗi buồn

Vì yêu Chúa đã chấp nhận
Hy sinh trao ban tim mình
Giọt máu cuối cùng đã chảy
Thánh Tâm cứu độ đời con

Đời ai gian truân, khốn khó
Ưu tư sớm khuya âm thầm
Mau đến bên Chúa chí thánh
Thánh Tâm che chở, ủi an

Con vững tin lời Chúa hứa
Và luôn ghi nhớ sớm chiều:
“Khi bị treo trên Thập Giá
Tôi kéo mọi người lên theo”.