Ngày 04-06-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Thể
Lm Vũđình Tường
05:21 04/06/2010
Không như các bí tích khác, có bí tích Kitô hữu chỉ nhận một lần trong đời như bí tích Thanh Tẩy và thêm sức. Có bí tích nhận đi nhận lại nhiều lần như bí tích hoà giải và xức dầu. Bí tích Thánh Thể là bí tích duy nhất người Kitô hữu có thể nhận mỗi ngày; trong trường hợp đặc biệt có thể nhận hơn một lần trong ngày. Bí tích Thánh Thể là bí tích Kitô hữu nhận nhiều nhất trong đời.

Thánh Thể và linh mục

Khi Kitô hữu quy tụ lại cử hành bí tích Thánh Thể, Đức Kitô là trung tâm điểm trong cử hành phụng vụ. Linh mục đóng vai chủ sự cung kính lập lại lời nói và hành động chính Đức Kitô đã thể hiện trong bữa Tiệc Li. Thiếu sự chủ tế của linh mục thuộc Giáo Hội, buổi quy tụ không thể là phụng vụ Thánh Thể. Mục đích quy tụ để chung lời tạ ơn, tưởng niệm cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Chúa. Ngoài ra không còn lí do nào chính đáng hơn.

Linh mục được Giáo Hội - nhờ tác động của Chúa Thánh Thần thánh hiến- cất nhắc để cử hành công việc mà chính Đức Kitô đã làm trong bữa Tiệc Li. Linh mục thi hành thừa tác linh mục của chính Đức Kitô, Đấng sáng lập ra bí tích Thánh Thể. Linh mục trong mọi thời đều lập lại các cử chỉ và hành động của Đức Kitô đã làm trong bữa Tiệc Li. Linh mục tự mình sáng chế ra cách thức cử hành bí tích Thánh Thể theo ý riêng sẽ mất tính hiệp thông với Đức Kitô.

Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy Lc 22,19

Qua lời nhắn nhủ này Đức Kitô ban cho các tông đồ chức vụ linh mục để liên kết, gắn bó đời sống các Kitô hữu với Đức Kitô. Chính các tông đồ và các người kế vị đã thực hiện nghi thức đặt tay trong thánh lễ truyền chức linh mục. Mọi nghi thức đặt tay ngoài Giáo Hội không mang tính tông truyền bắt nguồn từ các tông đồ. Họ không hiệp thông với chức linh mục hoàn vũ của Giáo Hội. Họ có thể bắt chước, học đòi theo nghi thức Kitô giáo trong phụng vụ. Tự bản chất thiếu hiệp thông, không bắt nguồn từ Đức Kitô, không gắn bó, liên kết với thân thể Đức Kitô mà Ngài là đầu, Kitô hữu là những chi thể, nên việc họ làm như cành nho lìa khỏi thân.

Thiên chức linh mục không thể tự đứng độc lập một mình mà phải liên kết với Giáo Hội hoàn vũ mà đại diện là giám mục địa phương. Thiếu tính liên kết căn bản này, phần linh thánh nội tâm trống rỗng. Linh mục thiếu phần linh thánh lời cầu sao linh. Thánh nào nhận cầu thay nguyện giúp.

Chức linh mục không ảnh hưởng bởi thời gian, không gian vì thế linh mục tù tội trong rừng sâu, sống biệt lập khỏi giám mục vẫn hiệp thông với giám mục vị linh mục đó trực thuộc. Ngài cử hành các bí tích trong hoàn cảnh dù thiếu thốn khó khăn, bị cấm đoán, các bí tích đó vẫn là bí tích của Giáo Hội Đức Kitô. Trái lại linh mục thiếu hiệp thông dù ở ngay tỉnh thành vẫn không thể hiệp thông.

Chuẩn bị

Cựu Ước ghi lại biến cố Môisen cầu xin Thiên Chúa ban manna nuôi dân trong sa mạc Ex 16,4, nhắc lại biến cố cuộc Vượt Qua Biển Đỏ, trong hành trình về đất hứa.

Tân Ước ghi lại biến cố Vượt Qua của Đức Kitô. Qua khổ hình, chết và sống lại Ngài ban sự sống cho muôn dân, giải phóng họ khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Tổ phụ ăn manna trong samạc. Kitô hữu dùng thần lương là Mình và Máu Đức Kitô.

Tâm điểm đời Kitô hữu

Đức Kitô cầm bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ bánh, trao cho môn đệ phân phát cho dân chúng trong phép lạ hoá bánh ra nhiều. Rất có thể đây là những bước Đức Kitô chuẩn bị trước khi lập bí tích Thánh Thể Gn 6,25-58

Ngài lập lại cùng hành động khi lập bí tích Thánh Thể. Đây không phải là sáng kiến nhất thời, mà là việc làm có chuẩn bị kĩ. Chuẩn bị kĩ ngay cả thời gian, nơi chốn. Đức Kitô đã âm thầm chọn chỗ trước khi các môn đệ hỏi ý kiến về nơi chốn và ngày giờ cho bữa Tiệc Li. Các ngài hỏi Đức Kitô:

Thầy muốn chúng con dọn ở đâu? Người bảo họ. ’Này, khi vào thành, các anh sẽ gặp một người mang vò nước. Cứ đi theo người đó, người đó vào nhà nào thì các anh vào thưa với chủ nhà. Thầy nhắn ông: căn phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã được trang bị. Các anh hãy dọn ở đó. Các ông ra đi và thấy mọi sự y như Người đã nói. Lc 22,8-12.

Nguồn tình yêu

Tại nơi đây Đức Kitô lập bí tích Thánh Thể. Chính nhờ bí tích này mà Kitô hữu có thần linh nuôi linh hồn. Kitô hữu trở nên một dân tộc mới, dân riêng của Chúa được thánh hiến bằng chính Mình Thánh Chúa, được chuộc tội bởi chính Máu Thánh Chúa. Tất cả hy sinh đó đến từ nguồn tình yêu sung mãn Chúa dành cho ta. Vì thế không thể cử hành bí tích Thánh Thể mà thiếu nguồn tình yêu Chúa giữa những người tham dự nghi thức ấy. Tất cả các thành viên tham dự cần liên kết với nhau qua tình yêu Chúa. Nhờ tình yêu ấy mà cuộc sống ta được thánh hiến, nuôi dưỡng và liên kết thành thân thể Đức Kitô.

Trong bí tích Thánh Thể Thiên Chúa là Đấng cung cấp, trao ban sự sống cho nhân loại. Các linh mục thừa tác chỉ làm nhiệm vụ phân phát trong hình ảnh phát bánh và cá mà Đức Kitô đã làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều. Phân phát và thu các miếng bánh vụn là nhiệm vụ của thừa tác viên linh mục. Chúng ta cầu xin biết chuẩn bị tâm hồn thật kĩ trước khi đón nhận nguồn tình yêu Chúa vào trong tâm hồn.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:25 04/06/2010
VỖ BÉO VỊT

N2T


Vỗ béo vịt là một loại phương pháp chăn nuôi đặc biệt, phương pháp này chính là đem vịt nhốt trong một không gian nhỏ hẹp, sau đó lấy những thứ có dinh dưỡng như đậu xanh, cao lương, bắp (ngô), đâu đen.v.v...xay nhuyễn thành bột, làm thành một thỏi thức ăn gia súc dài, sau đó, theo giờ ấn định dùng ống đem thức ăn gia súc nhét cứng vào trong thực quản của con vịt, cưỡng bức nó phải ăn, lại không cho nó vận động, làm như thế mới làm cho con vịt mau lớn. Theo phương pháp đó mà nuôi vịt thì chưa tới một trăm ngày, thì con vịt vừa béo vừa mềm, khi ăn nó thì mùi vị rất thơm phức.

Về sau người ta thấy một vài trường học chỉ chú trọng đến việc lên lớp, chỉ bức bách học trò cố mà nhớ, cố mà học thuộc lòng, giống như cách nuôi cho vịt béo vậy, cho nên bèn dùng chữ “vỗ béo vịt” để hình dung vậy.

(Quang Tự Thuận Thiên phủ trí)

Suy tư:

Thời nay, có rất nhiều trường học vì hiệu trưởng và các thầy cô giáo dạy học theo kiểu chạy theo thành tích, cho nên thường dùng phương pháp “Vỗ béo vịt” để đốc thúc học trò học nhồi học nhét, phải học thuộc lòng, học mà không có giờ để tiêu hóa, học đến nổi đầu óc trở nên đần độn vì không biết suy tư, không biết đặt câu hỏi, không biết sáng tạo.v.v...cho nên không lạ gì có những học sinh lớp sáu mà làm toán cộng trừ không được.

Trong đời sống tín ngưỡng cũng vậy, cũng có người Ki-tô hữu đọc kinh cho thật nhiều mà không suy tư về các kinh mình đã đọc; có những giáo dân kinh sách đọc vanh vách không sót một chữ, nhưng lại không biết cách sống Lời Chúa; có những người Ki-tô hữu lớp giáo lý nào cũng tham dự, nhưng lại sống như người chưa biết Chúa; lại có những người Ki-tô hữu có học thức, trích đoạn kinh thánh hơn cả các tu sĩ, nhưng lại lại lộng ngôn phạm thượng đến cả giám mục linh mục là những người mà –nhờ các ngài- mình trở thành con Chúa và con Hội Thánh. Họ học giáo lý, học thánh kinh như “vỗ béo vịt” không muốn để cho tiêu hóa bằng sự khiêm tốn suy tư cầu nguyện, bằng phục vụ yêu thương, bằng hòa nhã và vui vẻ...

“Vỗ béo vịt” là lợi cho nhà trường (vì chạy theo thành tích), mà hại cho nước nhà (vì đào tạo một thế hệ học sinh không biết suy tư).

Ai hiểu thì hiểu.

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:26 04/06/2010
N2T


21. Các thánh nam nữ đều giống như Chúa Giê-su, mặc dù bị rất nhiều đau khổ, nhưng linh hồn của các ngài luôn kết hợp với Thiên Chúa, không ngừng hưởng kiến phúc lành của Thiên Chúa.

(Thánh nữ Catharina)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:27 04/06/2010
N2T


458. Nếu mỗi một việc có một kịch bản gốc, thì thành công sẽ không làm cho người ta phấn chấn.

 
Phép Thánh Thể: Tạ Ơn và Chia Sẻ
Jos. Tú Nạc, NMS
17:28 04/06/2010
Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-Tô – Năm C (Genesis 14: 18-20; Psalm 110; 1 Corinthians 11: 23-26; Luke 9: 11-17)

Trong nhiều bài tường thuật có ý nghĩa quan trọng hơn đó là những gì mà vẫn còn không được diễn tả và không được giải thích. Đoạn trích từ Sách Sáng thế có vẻ như nhạt nhẽo và vô thưởng vô phạt. Sau khi trở về từ một trận chiến nhỏ với kẻ thù, Abraham đã chia chiến lợi phẩm với một nhân vật bí ẩn tên là Melchizedek. Nhưng sau đó những nghi vấn bắt đầu.

“Thiên Chúa tối cao” này là ai? Đây là tước hiệu phi thường dành cho Thiên Chúa của Israel, và trong thực tế sự kiện này diễn ra trước sự kiện tồn tại của dân Do Thái và giao ước.

Thành phố Salem thực sự là thành phố Jerusalem, vì nó sẽ được đặt tên sau này, nhưng vào thời điểm lịch sử này nó là một thành phố thủ đô của một dân tộc ngoại giáo được biết đến là Jebusites. Nó không phải là thành phần của Israel cho đến triều đại của Vua David gần 1,000 năm sau đó.

Melchizedek – có nghĩa “Hoàng đế Công chính” – được nêu lại trong Thánh vịnh 110 và trong thư gửi cho tín hữu Do Thái chương 5-7. Trong những dòng này ông đã được khắc họa như người sáng lập chức tư tế đời đời và là người không có nguồn gốc con người. Ông hiển nhiên là hình ảnh gây chú ý và duy nhất chúng ta có thể chào mừng nồng nhiệt rằng những tác giả Kinh Thánh đã được cởi mở với nhiều chi tiết hơn một số câu mà chúng ta đã thừa hưởng.

Câu chuyện này đã cho chúng ta biết rằng có rất nhiều tôn giáo diễn ra cách đây lâu hơn so với Kinh Thánh quan tâm liên đới. Điều đó dường như rằng Thiên Chúa luôn được phụng thờ tại Jerusalem, thậm chí trước đó nó đã trở nên trung tâm đền thờ Do Thái.

Thực tế cho thấy rằng hình ảnh linh mục không phải người Do Thái đã được thu hút và sùng kính như vậy tự nó là một điều đáng ngạc nhiên – thậm chí ông còn ban truyền một ơn lành cho sự đáng kính đức tin Do Thái. Thiên Chúa luôn được phụng tự suốt chiều dài lịch sử ở nhiều nơi và nhiều phong cách, và cũng được phục vụ một cách trung tín bởi nhiều người thậm chí những người bên ngoài ranh giới của những gì mà chúng ta gọi là đức tin truyền thống hay tôn giáo.

Điều này đã khuyến cáo chúng ta về việc đặt ranh giới và những giới hạn về Thiên Chúa theo tư duy của chúng ta. Chúng ta không hề biết về toàn bộ câu chuyện của Thiên Chúa và có thể sẽ không bao giờ, nhưng chúng ta có thể nhận thức và ngạc nhiên vào sự khôn ngoan, lòng từ bi và độ lượng của Thiên Chúa.

Sự mô tả của Thánh Phao-lô về Bữa Tiệc ly của Chúa là tham chiếu đầu tiên trong Tân Ước đối với Phép Thánh thể, ngược thời gian trước bốn Tin Mừng vài năm. Đó là hiển nhiên truyền thống thiết yếu buổi bình minh. Có hai từ mà đã hướng về sự suy niệm: tưởng niệm và công bố.

Sự tưởng niệm là tiến trình được dân Do Thái kêu gọi tưởng nhớ đến những kỳ công tuyệt diệu của Thiên Chúa để ngợi khen Người và lĩnh hội linh ứng. Đó là điều gì đó sinh động hơn nhiều so với ký ức thông thường hoặc nghi thức tôn giáo. Đó là một tái cảm nghiệm về một sự kiện như thể nó hiện diện ngay tức khắc.

Thánh Phao-lô khẳng định rằng kỷ niệm về Bữa Tiệc ly của Chúa là một công bố với thế giới đến khi Người trở lại. Ông cũng tạo cho điều đó rõ ràng trong phần còn lại của chương này rằng cách thức mà tổ chức kỷ niệm có tầm quan trọng tối thượng.

Đó là biểu tượng của sự hiệp nhất, giao hòa, liên kết, hiệp thông và xóa bỏ các ranh giới và danh hiệu. Ích kỷ, bè phái, chuyên quyền, tranh giành và bất bình đẳng phải bị triệt tiêu. Chỉ khi những điều kiện này hiện diện thì Phép Thánh thể thực sự là dấu chỉ và loan truyền với thế giới.

Vì những sự tranh giành và xung đột con người sinh ra là bởi tình trạng thiếu thốn – ý tưởng rằng đó là những yếu tố cần thiết của cuộc sống, ngay cả Thiên Chúa, đã bị hạn chế và thế chúng ta trở nên những kẻ thua cuộc.

Sự sợ hãi và tranh giành này do bởi nền tảng hệ thống kinh tế của chúng ta và bị câu thúc với nền văn hóa, cơ cấu chính trị và kiểu cách ứng xử của chúng ta. Câu chuyện cung cấp nguồn thức ăn nhiều một cách kỳ diệu là một minh chứng hùng hồn về những quyền năng của Chúa Giê-su. Chúng ta được thử thách để suy nghĩ lại về những ý tưởng và sự sợ hãi bị nhồi nhét.

Những tông đồ tập trung vào sự thiếu thốn: chúng ta chẳng có gì nhiều hơn năm chiếc bánh và hai con cá. Họ rơi vào khủng hoảng và sẵn sàng từ bỏ.

Nhưng Thiên Chúa với bản tính khoan dung và độ lượng, và tình yêu này tự nó cho thấy những phương thức thiết thực. Chúa Giê-su nhìn lên trời và cầu nguyện điều mà họ cần có – điều gì đó mà chúng ta phải biết để thực hiện. Đã có dư thừa cho tất cả mọi người.

Sự nuôi nấng kỳ diệu ấy đã tiên báo Phép Thánh thể và cả hai ban phát những mẫu mực được Thiên Chúa dành cho hành vi ứng xử của chúng ta. Phép Thánh thể - tạ ơn và chia sẻ. Đó không đơn thuần là nghi lễ mà còn là lối sống và sự sống của nhân loại chỉ có thể phụ thuộc vào đó.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 10 C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:30 04/06/2010
CHỦ NHẬT X THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lc 7, 11-17.

“Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy”.


Bạn thân mến,

Bạn có mũi lòng khi thấy đám ma không, bạn có xúc động khi đi dự lễ an táng mà nghĩ đến người thân của mình đã qua đời không ? Tôi tin rằng chắc chắn là có, đó là điều an ủi bạn và người thân đã qua đời của bạn. Chúa Giê-su cũng như bạn và tôi vậy, Ngài cũng rất xúc động khi nhìn thấy nổi buồn mất con của bà mẹ góa thành Na-in, và Ngài đã làm phép lạ khiến người thanh niên được sống lại.

Có những bà mẹ đang đau khổ vì con mình đang đi bụi đời không có ngày về; có những bà mẹ nước mắt đã cạn vì con mình đã vuột khỏi tầm tay của mình để lao vào những cám dỗ của thế gian; có những bà mẹ thân hình tiều tụy còm cõi tựa cửa ngóng trông hình dang con mình trở về.v.v...những hình ảnh ấy bạn đã thấy chưa, chính những lời cầu nguyện đau khổ và tin tưởng của những bà mẹ ấy, mà Thiên Chúa đã làm cho những người con của họ “đã chết” mà “sống lại” và có ích cho nhiều người.

Khi phạm tội trọng là linh hồn chúng ta đã chết, tức là không còn liên hệ gì với Thiên Chúa nữa, bây giờ thì không chỉ cha mẹ buồn tủi, mà ngay các thánh nam nữ trên trời cũng khóc cho chúng ta nữa.

Có nhiều người đang cầu nguyện cho chúng ta, có nhiều người đang buồn vì chúng ta đang sống trong tội, và chính nhờ những giọt nước mắt ấy mà Chúa Giê-su đã làm cho linh hồn chúng ta sống lại. Nhưng quan trọng nhất là chính chúng ta phải biết quyết tâm để được Chúa Giê-su nói: “Này con, Ta bảo con: hãy chỗi dậy”, lúc đó thì không còn hạnh phúc nào bằng phải không bạn ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Thánh Thể Là Trung Tâm Đời Sống Kitô Hữu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
23:23 04/06/2010
Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đã từng nói rằng: Tôi mơ ước Tòa Thánh, cùng với tất cả các cơ quan của mình, như một bánh thánh lớn, một chiếc bánh duy nhất được dâng hiến trong hy tế thiêng liêng, giữa lòng Giáo hội như một nhà Tiệc ly rộng lớn...

Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần tôi được dịp giang tay đóng đanh chính mình vào Thập giá với Chúa Giêsu, cùng cạn chén đắng với Ngài...

“ Con muốn hỏi: Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả? Hãy tham dự Thánh lễ, vì không kinh nào, không tổ chức, nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên Thánh giá”

Dù thiếu tất cả, dù mất tất cả, nhưng còn Thánh Thể là còn tất cả vì con có Chúa Thiên Đàng dưới đất... (Trích Bài Thuyết Trình tại Đại Hội Thánh Thể thế giới, MEXICO 2004).

Phép Thánh Thể là trung tâm đời sống phụng vụ chung của Giáo Hội, trong đời sống toàn thể Giáo Hội và trong đời sống mỗi tín hữu Chúa Kitô.

Nhiệm Tích Thánh Thể có vị thế nào trong một ngày của bạn? trong một tuần bảy ngày của bạn? Mỗi người chúng ta đều có thể đặt cho mình câu hỏi này.

Nếu tôi tham dự Thánh Lễ hằng ngày, tôi có thành tâm cố gắng tham dự không?

Tôi có coi Thánh Lễ là thời khắc tối thượng trong ngày của tôi không? Để thờ phượng Thiên Chúa, để tôn vinh sự cao cả của Ngài, để dâng lên Ngài lời chúc tụng và tạ ơn; xin Ngài tha thứ mọi tội lỗi của tôi và của người khác không?

Tôi có coi Hy Lễ Thánh Thể là cơ hội vô cùng cao quí để hiến dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha, và học dâng hiến bản thân tôi nhờ Chúa Kitô không?

Thánh Lễ hằng ngày có được tôi coi là một biến cố sung mãn của phụng vụ mà trong đó tôi dâng lên Thiên Chúa toàn thể ngày giờ của tôi, với những vui buồn, những dự liệu, những thành công và thất vọng không?

Tôi có mong gặp Chúa Giêsu khi Hiệp Lễ không? Ngài đã mời chúng ta đến với Ngài: “Anh chị em hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong anh chị em, vì rời khỏi Thầy anh chị em không làm được gì cả.” Hiển nhiên Ngài muốn ở với chúng ta: “Nếu anh chị em không ăn thịt Con Người và uống máu Con Người thì anh chị em không có sự sống nơi mình.” Và Ngài bảo đảm với chúng ta: “Bất cứ người nào ăn thịt của Thầy và uống máu của Thầy thì người ấy sống trong Thầy và Thầy sống trong người ấy.” Được rước Chúa Giêsu mọi ngày suốt cuộc hành trình trần thế của chúng ta không phải là điều tuyệt vời lạ lùng sao?...

Thay vì than khóc những khó khăn của chúng ta thì chính trong Thánh Lễ là lúc chúng ta dâng những khó khăn đó lên Thiên Chúa. Chúng ta dâng lên Ngài những đau đớn và nhức nhối, những bệnh tật của mình. Chúng ta càng lớn tuổi thì những đau đớn càng nhiều. Nếu không phải là đầu gối thì vai, nếu không phải vai thì cổ, và nếu không phải cổ thì lưng. Chúng ta nhìn nhận rằng ở tuổi bảy mươi thì chúng ta không còn tráng kiện như khi chúng ta hai mươi lăm tuổi, chúng ta càng sớm nhận ra điều này càng tốt.

Chúng ta đến với Thánh Lễ và nhờ Chúa Giêsu chúng ta dâng thực tại đó lên Thiên Chúa. Cả tuổi tác, cả những khó khăn trong gia đình, những hoàn cảnh đau khổ do hành động của người khác gây ra, những đau đầu vì chính trị, vì thiếu an ninh và vắng bóng hòa bình.

Chúng ta cũng dâng lên Thiên Chúa những điều chúng ta hoạch định và hy vọng, học hỏi nghiên cứu và dự phóng tương lai, những lo lắng, những công việc nghề nghiệp, những hoạt động cho cộng đồng Giáo Hội, cả những ước mơ cải đổi thế giới này nên tốt hơn cho tất cả mọi người.

Thánh Lễ cũng là thời gian vui mừng, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những niềm vui hân hoan, sức khỏe, gia đình thuận hòa, thành công về học hỏi nghiên cứu hoặc nghề nghiệp, đời sống gia đình hạnh phúc, bạn bè thân thuộc, và những niềm vui âm thầm khi thấy kế hoạch của chúng ta thành công, khi nhìn những nụ cười tươi trên mặt con cái và cháu chắt chúng ta.

Chúng ta dâng hết tất cả mọi điều đó lên Thiên Chúa. Cùng với bánh và rượu mà chúng ta tiến dâng trong phần Dâng Lễ, chúng ta dâng lên Thiên Chúa toàn thể bản thân chúng ta. Nhờ Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, chúng ta nài xin Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên của lễ đáng được chấp nhận trước mắt Ngài...

Một ngày rồi phải đến lúc tàn. Cho dù ngày đó bắt đầu với ánh bình minh rực rỡ, cũng phải tới lúc hoàng hôn. Cuộc đời chúng ta cũng vậy. Ước chi chúng ta sống tới 200 tuổi, dầu chúng ta đều biết chẳng ai muốn trường thọ như thế. Sẽ đến lúc bóng chiều cuộc đời thấp thoáng ngoài cửa. Những dấu chỉ bắt đầu tăng thêm cho thấy lúc chấm dứt cuộc sống trần thế của chúng ta không còn xa. Sức khỏe suy giảm dần. Xương cốt bắt đầu đau. Cử động mỗi ngày mỗi chậm chạp. Chúng ta cũng bắt đầu quên lãng. Một thứ bệnh tật nào đó phát hiện. Khi bệnh này khỏi thì lại nảy ra bệnh khác. Tóm lại, buổi chiều, hoàng hôn, chập choạng tối, mặt trời lặn của cuộc lữ thứ trần gian của chúng ta bắt đầu lộ diện. Suốt cuộc đời, bắt đầu từ thuở niên thiếu và trong lúc tuổi già, Phép Thánh Thể phải là trung tâm đời sống Kitô hữu chúng ta. Chúa Giêsu ban cho chúng ta hy lễ và các nhiệm tích của Ngài. Giáo Hội rất quí trọng việc tông đồ của các linh mục tuyên úy bệnh viện, các ngài cử hành Thánh Lễ cho bệnh nhân tại bệnh viện hoặc tại gia cho các vị cao niên, và đem Mình Thánh Chúa đến cho họ. Công việc của các ngài rất quan trọng. Người bệnh hoặc cao niên tại gia cũng được an ủi qua việc rước Thánh Thể Chúa đến với họ. Những vị làm công việc tông đồ này hằng ngày thực hiện công việc hết sức cao quí. Người cận kề giờ chết rước Mình Thánh Chúa như Của Ăn Đàng để được Chúa tăng thêm sức và đồng hành trên đường về nơi vĩnh hằng, cuộc hành trình vô cùng quan trọng mà chúng ta đều phải đi. Thánh Ignatius of Antioch gọi Phép Thánh Thể là “linh dược của sự bất tử.”

Khi một Kitô hữu qua đời, điều tối quan trọng mà chúng ta có thể làm cho người đó là dâng hy tế Thánh Lễ. Việc đó quan trọng hơn, có giá trị hơn bông hoa và mộ bia, mặc dầu bông hoa và mộ bia đều không có gì sai trái. Nhưng Thánh Lễ thì quí giá vô cùng cho người quá cố. Thánh Lễ cũng là điểm chính yếu của việc cử hành tang lễ của một Kitô hữu. Và sau tang lễ, chúng ta tiếp tục dâng hy tế Thánh Thể cầu nguyện cho những thân yêu đã ly trần, để nếu các người đó còn ở nơi Luyện Ngục, thì họ sớm được hưởng ánh sáng và bình an của Chúa Kitô. Còn nếu họ đã tới thiên đàng rồi, thì Thiên Chúa ban ân phước của Thánh Lễ, chúng ta dâng để cầu cho các linh hồn đó, cho chính chúng ta hoặc cho những người khác. Vì thế chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho những người thân yêu và xin dâng Thánh Lễ cho họ cho dù chúng ta nghĩ rằng những người đó đã sống tốt lành. (Trích Bài giảng của Đức Hồng Y Francis Arinze).

Nhiệm Tích Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Kitô hữu chúng ta. Câu hỏi là chúng ta có quí trọng và sống chân lý này cao độ hay không?

Ông Effie Cordeiro chia sẽ kinh nghiệm sống Thánh Lễ thật tuyệt vời.

Tôi, Effie Cordeiro, 46 tuổi. Gia đình tôi sống nơi vùng phụ cận thành phố ở Québec nước Canada. Mỗi ngày tôi đều đặn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Thánh Lễ trở thành nguồn ơn vô giá đối với tôi sau khi tôi được hồng phúc nghe bài giảng trong Thánh Lễ có các Em Bé rước lễ lần đầu. Thánh Lễ cử hành tại nhà thờ Thánh Luca. Vị chủ tế và giảng thuyết hôm ấy là Cha Roger Martineau. Cha đặc biệt nói với các Trẻ rước lễ lần đầu:

- Khi các con dùng bữa các con ăn thịt, rau, cá, trứng v.v. Các thức ăn sau đó trở thành máu nuôi sống các con. Cũng giống như thế, lúc các con ăn, hay nói đúng hơn, lúc các con nhận lãnh Đức Chúa GIÊSU khi các con chịu lễ, các con trở thành phần tử của Ngài. Điều này không thể minh chứng bằng khoa học, nhưng sự thật là như thế. Mỗi khi các con tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa với trọn lòng tin, các con được biến đổi trong Đức Chúa GIÊSU KITÔ cho tới một ngày, Đức Chúa GIÊSU thật sự tỏ lộ qua lối cư xử của các con, qua lời các con nói và qua chính cuộc sống của các con.

Lời giải thích của Cha Roger Martineau gây xúc động sâu xa nơi tâm lòng tôi. Tôi làm theo lời khuyên của ngài. Tôi tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Kể từ đó, cuộc đời tôi hoàn toàn biến đổi. Tôi thay đổi trong lối phản ứng trước các sự việc. Tôi thay đổi trong cách thức tiếp nhận và giao tế với người khác. Tôi cũng thay đổi trong lề lối giải quyết các vấn đề. Nói tóm lại, trước mỗi khi làm việc gì, nói lời nào, giao tế với ai và giải quyết vấn đề quan trọng nào, tôi đều cầu nguyện cùng Đức Chúa GIÊSU. Tôi xin Ngài soi sáng cho tôi biết phải hành xử như thế nào cho đúng tư cách là tín hữu Công Giáo. Và Đức Chúa GIÊSU luôn luôn đáp lời tôi cầu xin. Ngài đích thật là sức mạnh, là niềm vui và là gương mẫu cuộc sống của tôi. Đức Chúa GIÊSU là Bạn Chí Thân dấu ái nhất đời tôi.

Nhờ sống kinh nghiệm sâu xa trên đây tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tôi được may mắn là tín hữu Công Giáo. Tôi cũng được ưu đãi vì sống gần nhà thờ Công Giáo có Linh Mục dâng Thánh Lễ mỗi ngày. Nhờ thế tôi được diễm phúc xem lễ và rước lễ mỗi ngày.

Tôi còn được may mắn dành trọn thời giờ trong ngày để phụng sự THIÊN CHÚA với tư cách là thư ký của giáo xứ. Văn phòng giáo xứ chỉ cách nhà thờ vài chục thước. Trước khi bắt tay vào việc hoặc lúc rãnh rỗi tôi ghé vào nhà thờ, đến trước Nhà Tạm và thờ lạy Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể đang ẩn mình trong Nhà Tạm. Đối với những may mắn vừa kể, tôi cảm thấy đời tôi quả nhận lãnh nhiều hồng ân. THIÊN CHÚA cư xử thật nhân hậu đối với tôi. Suốt đời tôi mãi mãi tri ân Ngài.

Còn một hồng phúc khác tôi muốn viết ra nơi đây. Đó là sự kiện tham dự Thánh Lễ mỗi ngày nối kết tất cả các tín hữu Công Giáo lại với nhau. Chúng tôi chú ý tới những người tham dự thánh lễ thường xuyên và có thói quen ngồi chỗ nhất định. Vì thế khi chỗ ngồi vắng bóng, chúng tôi liền nhớ đến và cầu nguyện cho người vắng mặt. Xin THIÊN CHÚA chúc lành và gìn giữ họ cùng gia đình họ. Hoặc khi chúng tôi nhận thấy có người đến tham dự Thánh Lễ với nét mặt âu sầu phiền não, chúng tôi đoán họ có chuyện buồn. Chúng tôi kín đáo cầu nguyện cách riêng cho họ. Và khi hoàn cảnh cho phép, chúng tôi hỏi thăm và san sẻ nỗi buồn của họ. Vâng, đúng thế. Bí tích Thánh Thể nối kết tất cả lại với nhau. Chúng tôi có cùng tâm tình vì chúng tôi cùng nhận lãnh Mình và Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Điểm sau cùng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân chân thành đối với THIÊN CHÚA là được hồng phúc sống trong đất nước tự do. Chúng tôi được hưởng quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi tự do đọc Kinh Thánh. Chúng tôi tự do đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Tôi cầu chúc cho mỗi tín hữu Công Giáo sống trong các nước tự do hãy sử dụng trọn vẹn quyền tự do tôn giáo của mình để sống đạo nghiêm chỉnh và chân thành. Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể chờ đợi mỗi tín hữu Công Giáo đến tham dự Thánh Lễ và rước Ngài hầu Ngài có thể tuôn đổ muôn vạn ơn lành hồng phúc xuống trên từng người.

Tôi không quên cầu nguyện cách riêng cho các tín hữu Công Giáo kém may mắn, sống trong các nước không được thực thi quyền tự do tôn giáo. Tôi xin THIÊN CHÚA cho họ mau chóng tới ngày hưởng mọi quyền tự do, dẫn đầu là tự do tôn giáo. Xin THIÊN CHÚA nhậm lời chúng con nài xin. Amen. (Sister Patricia Proctor, OSC, ”201 Inspirational Stories of The Eucharist”, Franciscan Monastery of Saint Clare, Spokane, Washington, 2004, trang 47-48).(Radio Vatican).

Bí Tích Thánh Thể là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Thánh Thể là trung tâm qui tụ Dân Chúa. Thánh Lễ có sức mạnh truyền giáo. Chúng ta đón nhận Thánh Thể để có sự sống thần linh của Chúa. Xác tín rằng Thánh Lễ là trung tâm của đời sống người Công giáo, nên tôi tìm mọi dịp dâng lễ cho bà con giáo dân.

Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, bạn nên quỳ gối trước Thánh Thể, bạn sẽ học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
 
Trái Tim Chúa Giêsu Hiền Lành Và Khiêm Nhường
Gm. Gioan B. Bùi Tuần
23:35 04/06/2010
Sống vất vả và mang nhiều thứ gánh nặng, đó là thân phận con người, nhất là thời nay.

Cảm thương thân phận đó, Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy. Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Thầy và hãy học cùng Thầy, vì Thầy có lòng hiền lành và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Thầy thì êm ái, và gánh của Thầy thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Ở đây, chỉ xin nói về một số vất vả và gánh nặng trên đường thiêng liêng gợi ý cho chúng ta chạy đến với Trái tim Chúa.

1/ Trước hết là đổi mới con người cũ

Tâm hồn chúng ta có nhiều dơ bẩn và sai trái. Những tính mê nết xấu chứa nhiều ác tính. Tội nặng, tội nhẹ, cho dù được tha, vẫn để lại nhiều hậu quả xấu. Những hậu quả đó vẫn sống. Chúng chìm vào tiềm thức, rơi sâu xuống vô thức, trở thành những đợt sóng ngầm với những khát vọng thầm kín không kiểm soát nổi.

Xoá được những vết nhơ tâm hồn không là việc dễ. Dẹp tan được những sức mạnh xấu trong con người càng không đơn giản. Mà cứ thế, chúng sẽ bị ác thần lợi dụng. Con người cũ của ta là gánh nặng cho ta và cho bao người khác.

Chúng ta phải đổi mới con người của ta. Thấu suốt hoàn cảnh đó, Chúa Giêsu khuyên dạy ta một cách giải quyết, đó là hãy đến với Trái tim Chúa hiền lành và khiêm nhường.

Thực vậy, khi chúng ta chạy đến với Trái tim Chúa và học ở Trái tim Người sự hiền lành và khiêm nhường, thì chính Trái tim Chúa sẽ dần dần đổi mới tâm hồn ta.

Sự đổi mới tâm hồn được thực hiện trong thẳm sâu con người. Trước hết và căn bản là trái tim sẽ tập sống hiền lành và khiêm nhường. Nhờ đó, sẽ đón nhận được ơn đổi mới Chúa ban cho, như tiên tri Edekiel mô tả: “Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi, các ngươi sẽ được thanh sạch. Các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi” (Ed 36,26-27).

Với thần khí mới, chúng ta sẽ nhận ra Thiên Chúa là tình yêu xót thương, hiền lành và khiêm nhường. Chúa sẽ ban cho chúng ta ơn biết cộng tác với Chúa trong việc đổi mới chính ta. Khi ta được Chúa biến đổi trái tim ta nên giống Trái tim Người, thì chính trái tim ta sẽ là một tác phẩm tuyệt vời có sức làm sáng danh Chúa hơn mọi tác phẩm trần thế.

Một thứ vất vả và gánh nặng khác thúc giục chúng ta chạy đến với Trái tim Chúa hiền lành và khiêm nhường, đó là những đau khổ của ta.

2/ Cách chịu đau khổ

Những đau khổ chúng ta gặp hằng ngày thực rất nhiều. Quen nhất là bệnh tật, túng thiếu, thiên tai, bị khinh khi, bị hiểu lầm, bị xúc phạm, thiếu khả năng, thiếu tài đức.

Đàng nào chúng ta cũng phải đau khổ. Nhưng khi chúng ta đem những đau khổ của ta đặt vào Trái tim hiền lành và khiêm nhường của Chúa, thì chúng ta sẽ được nhận ra những ý nghĩa cao đẹp của những đau khổ ấy, và được Chúa làm cho đau khổ dịu đi.

Chắc chắn là chúng ta cần phải đền tội và cần được thanh luyện.

Chắc chắn là chúng ta có phần nào trách nhiệm về cuộc tử nạn của Chúa. Chắc chắn là chúng ta có phần nào trách nhiệm về tội lỗi người khác, và về những đau khổ của họ. Thế thì những đau khổ của ta sẽ là của lễ đền tội chính đáng.

Cũng chắc chắn là khi chúng ta chịu đau khổ trong cầu nguyện, thì bao người sẽ được nhờ. Việc hy sinh hãm mình cầu nguyện của chúng ta sẽ xua đuổi được ma quỷ ra khỏi lòng nhiều người. Những đau đớn của chúng ta cũng sẽ góp phần đưa Hội Thánh đến vinh quang (x. Mt 16,21).

Rất nhiều khi, những đau khổ ta chịu chứng tỏ được lòng mến yêu của ta đối với Chúa, với Hội Thánh và với người khác một cách có chất lượng. Đau khổ là trường dạy yêu thương. Những người đau khổ là những địa chỉ Chúa tìm đến. “Không phải những người khoẻ mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là những người đau bệnh” (Lc 5,31).

Đau khổ mang biết bao ý nghĩa cao đẹp. Những ý nghĩa đó được Trái tim Chúa dạy ta, nếu chúng ta chấp nhận cũng sống hiền lành và khiêm tốn như Người. Lúc ấy, đau khổ sẽ bỏ được nhiều tính cách khắc nghiệt, nhiều khi còn được an ủi đỡ nâng.

Sau cùng một thứ vất vả gánh nặng của chúng ta, đó là đẩy lùi hận thù, và xây dựng yêu thương hoà bình

3/ Xây dựng yêu thương hoà bình

Chúng ta là con cái Chúa tình yêu. Chúng ta được sai đi đem yêu thương đến cho mọi người. Chúng ta có sứ vụ xây dựng hoà bình cho cộng đoàn đạo đời của ta.

Việc đó khá phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cứ thực hiện bổn phận của mình. Cách thực hiện tốt nhất là chúng ta cậy nhờ Trái tim Chúa.

Trái tim Chúa sẽ huấn luyện trái tim ta nên hiền lành khiêm nhường. Nhờ đó, chúng ta sẽ đón nhận được những ơn Chúa Thánh Thần cần cho việc xây dựng hoà bình.

Thánh Phaolô viết: “Hoa trái của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22).

Cũng nhờ hiền lành và khiêm nhường, chúng ta cũng sẽ biết cách đối xử với mọi thứ người, như thánh Phaolô dạy: “Hãy chúc lành cho mọi người bắt bớ anh em. Chúc lành chứ đừng nguyền rủa. Vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau. Đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan. Đừng lấy ác báo ác. Nhưng chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người” (Rm 12,14-18).

Chúng ta hãy hiền lành và khiêm nhường, để khi chúng ta nói về chân lý, chúng ta cũng sẽ nói một cách khiêm nhường hiền từ, nhất là, để khi chúng ta phục vụ, chúng ta sẽ cố gắng chu toàn bổn phận của mình như người tôi tớ.

Chúng ta không những học nơi Trái tim Chúa sự hiền lành và khiêm nhường, mà chúng ta còn dâng mình ta cho Trái tim Chúa. Qua sự dâng mình này, chúng ta xin Chúa cho trái tim ta, được đầy tình yêu Chúa.

Đạo đức đang xuống dốc một cách trầm trọng. Chúa muốn thanh luyện chúng ta. Chúng ta hãy khiêm nhường đón nhận ơn thanh luyện đó, nhờ Trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha bầy tỏ tình liên đới với Guatemala
Bùi Hữu Thư
05:56 04/06/2010
Trận bão nhiệt đới khiến cho 152 người thiệt mạng và 100 người mất tích.

VATICAN, ngày 3 tháng 6, 2010 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI bầy tỏ lòng thương xót đối với các nạn nhân và những thiệt hại do trận bão nhiệt đới Agatha gây nên tại Guatemala, và kêu gọi các Kitô hữu bầy tỏ “tâm tình bác ái thiết tha” đối với những người bị ảnh hưởng.

Đức Thánh Cha bầy tỏ trong một điện tín được Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Tổng Trưởng Ngoại giao Tòa Thánh ký tên, và được Vatican phổ biến hôm nay. Điện tín được gửi cho Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Khâm sứ Tòa Thánh tại Guatemala.

Bão Agatha đánh vào quốc gia Trung Mỹ này ngày thứ ba vừa qua, nơi chính quyền báo cáo có 152 người thiệt mạng và 100 người mất tích.

Trong điện văn Đức Thánh Cha Benedict XVI nói, ngài “rất đau buồn khi được tin về những thiên tai đã giáng xuống quốc gia thân yêu này, làm cho nhiều nạn nhân bị chết, bị thương và thiệt hại vật chất nặng nề, và khiến cho nhiều gia đình bị vô gia cư.”

Sau khi bầy tò tình liên đới ủi an và hứa cầu nguyện cho họ, Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng Thiên Chúa gia tăng “tâm tình bác ái thiết tha, và cộng tác trong việc tái thiết những khu vực bị tàn phá.”

Điện văn cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và các chức quyền Guatemala hãy “hành động theo tình thân hữu liên đới,” để họ có thể “giúp đỡ hữu hiệu cho quốc gia này vượt qua những ngày tháng khó khăn.”

Từ ngày Thứ Năm vừa qua, Guatemala đã bị ảnh hưởng vì vụ núi Pacaya, nằm gần thủ đô đã phun lửa, và quốc gia này đã chịu thiệt hại nặng nề về ngành canh nông. Chính quyền báo cáo là đã mất gần 60% hoa lợi của mùa cà phê, đây là nguồn lợi tức chính của quốc gia này.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi giải pháp công chính cho miền Gaza
LM Trần Đức Anh, OP
08:26 04/06/2010
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 chia buồn với các nạn nhân và kêu gọi tìm giải pháp công chính cho miền Gaza, sau vụ quân đội Israel tấn công đoàn tàu chở đồ cứu trợ cho dân chúng tại miền này.

Vụ tấn công của quân đội Israel làm cho 9 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Hơn 600 người bị Israel bắt giữ từ sáng ngày 31-5 vừa qua. Dư luận thế giới phẫn nộ vì hành động này. Do sức ép của quốc tế, đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ, Israel đã trả tự do cho những người bị bắt giữ.

Ngỏ lời với các tín hữu hành hương vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 2-6, tại Quảng trường thánh Phêrô, ĐTC nói: ”Tôi rất hồi hộp theo dõi những biến cố bi thảm xảy ra gần giải Gaza. Tôi cảm thấy cần phải bày tỏ sự chia buồn của tôi với các nạn nhân những vụ rất đau thương này, gây lo âu cho tất cả những người quan tâm đến hòa bình trong vùng. Một lần nữa, tôi tha thiết lập lại rằng bạo lực không giải quyết các tranh chấp, nhưng chỉ gia tăng những hậu quả thê thảm và tạo ra bạo lực. Tôi kêu gọi tất cả các vị hữu trách chính trị ở cấp địa phương và quốc tế, hãy không ngừng tìm kiếm các giải pháp công chính qua cuộc đối thoại, để bảo đảm cho dân chúng trong vùng những điều kiện sống tốt đẹp hơn, trong hòa hợp và thanh thản. Tôi mời gọi anh chị em hiệp với tôi cầu nguyện cho các nạn nhân, cho gia đình họ và cho những người đang chịu đau khổ. Xin Chúa nâng đỡ nỗ lực của những người không biết mệt mỏi trong việc hoạt động cho hòa giải và hòa bình”.

Tại Jerusalem, Đức Thượng Phụ Fouad Twal, cũng kêu gọi chính quyền Israel xét lại chính sách phong tỏa miền Gaza. Tuyên bố hôm 2-6-2010 với hãng tin Công Giáo Đức, Ngài nói: ”Cuộc tấn công tàn bạo của lực lượng đặc biệt Israel chống đoàn tàu liên đới là điều thiếu suy xét và vô nghĩa lý. Giới lãnh đạo chính trị Israel bây giờ cần phải suy nghĩ lại và xem đâu là điều thực sự mưu ích và có lợi cho mình”.

Đức Thượng Phụ Twal mô tả việc giảm bớt phong tỏa của Ai Cập và Israel đối với miền Gaza là một bước tiến theo chiều hướng đúng đắn, và cần phải mở rộng cửa biên giới ngày đêm cho người khỏe mạnh cũng như cho người đau yếu. Từ 3 năm nay, dân chúng tại miền Gaza này phải lo toan mọi sự giống như những con chuột trong các ống cống. Tình trạng này cần phải được chấm dứt”.

LM Công giáo duy nhất tại Gaza, Cha José Hernandez cho biết hôm qua, tin về việc mở cửa biên giới giữa Gaza và Ai Cập đã tạo nên sự xôn sao trong dân chúng. Điều chắc chắn lại cửa ngõ này không được mở ra cho mọi người, chẳng vậy thì một nửa dân Gaza đã chạy sang Ai Cập rồi.

Các cơ quan truyền thông đưa tin Ai Cập đã phải mở biên giới với Gaza do sức ép của quốc tế, để cho dân chúng đi lại. Cả Israel cũng loan báo sẽ cho chuyển chở đồ cứu trợ tới Gaza một cách dễ dàng hơn.

Đức Thượng Phụ Twal e ngại rằng những hành động tấn công tàn bạo như đối với đoàn tàu cứu trợ, chỉ có lợi cho phe cực đoan. Những tiếng nói ôn hòa ngày càng ít được lắng nghe” (KNA 2-6-2010)
 
Các giám mục Châu Âu hiệp thông với Giáo Hội Thổ Nhĩ Kỳ
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
08:41 04/06/2010
ROMA, (Zenit.org) - Các giám mục Châu Âu bày tỏ « tình liên đới của mình với toàn thể Giáo Hội Thổ Nhĩ Kỳ », sau cái chết tang thương của Đức Cha Padovese, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ.

Một bức điện thư của Đức Hồng Y Péter Erdő, Chủ Tịch Tổng Hội Đồng Giám Mục Châu Âu (CCEE), ngay trong chiều tối hôm qua đã gợi lại cái chết đầy đau thương của Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ.

« Chúng tôi đau buồn được biết hung tin về cái chết bạo lực xảy ra với Đức Cha Luigi Padovese, Giám Mục Giám Quản Tông Tòa Anatolia và Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ. Trong niềm đau thương vô hạn, chúng tôi bày tỏ tình liên đới của mình đối với toàn thể Giáo Hội Thổ Nhĩ Kỳ », bức điện thư mô tả.

« Thay mặt Tổng Hội Đồng Giám Mục Châu Âu và các giám mục Châu Âu, chúng tôi muốn minh chứng sự hiệp thông trong cầu nguyện và thể hiện sự gần gũi của chúng tôi với các giám mục, linh mục và toàn thể Dân Chúa tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nỗi đau thương này của Giáo Hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nỗi đau thương của cả chúng tôi », Vị Hồng Y người Hunggary nói tiếp.

« Cái chết bi thảm của Đức Cha Luigi Padovese xảy ra ngay trong Đại Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu đã kết hợp ngài cách đặc biết với Chúa Kitô, Đấng đã hy sinh mạng sống mình cho Dân Người. Chúng tôi đầy lòng tin tưởng rằng lòng Thương Xót Thiên Chúa đón nhận và đổ tràn Vinh Quang tình yêu của Ngài cho Đức Cha », Đức Hồng Y Erdö nói tiếp. Tòa Thánh vào ngày này cũng cử hành Lễ Trọng Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, trong khi đó một số nơi lại dời vào ngày Chúa Nhật.

Đức Hồng Y Erdö cũng gợi lên mối liên hệ của Đức Cha Padovese với Dòng Capuxinô: « Chúng tôi muốn bảo đảm sự gần gũi của mình với Đức Thánh Cha, và với các Cha Capuxinô, mà Cố Đức Cha Chủ Tịch cũng là thành viên, bởi vì biến cố này gây tổn thương cho toàn thể Giáo Hội và như vậy chúng ta được khích lệ sống trong tình hiệp nhất và trung thành trong việc phụng sự Thiên Chúa với một tấm lòng nhiệt tình không ngừng được làm mới lại ».

Sau cùng, ngài kết thúc: « Chúng ta trông chờ sự Công Chính từ một mình nơi Thiên Chúa dành cho vị tôi tớ của hòa bình và thiện hảo, người đã luôn luôn làm chứng về lòng nhiệt thành tông đồ và hy sinh cao cả cho dân của mình. Chúng ta đương nhiên cũng cầu nguyện cho kẻ tra tay sát hại, vì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thấu hiểu và thay đổi tâm can con người. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ các Thánh Tông Đồ và thánh Phaolô thành Tarse, nâng đỡ chúng ta được vững vàng trong đức tin và trong niềm hy vọng trước giờ phút đau thương này ».
 
Đức Giáo Hoàng khuyến khích Kitô hữu tại Cyprus mạnh mẽ trong hoàn cảnh khó khăn
Tiền Hô
12:30 04/06/2010
Paphos, Cyrpus, ngày 4 tháng 6 năm 2010 (CNA/EWTN) - Khi vừa đến đến sân bay Paphos tại Cyprus (Síp), Đức Thánh Cha đã chào thăm người dân của đảo quốc này và giải thích mục đích cuộc viếng thăm của Ngài. Ngài cũng liên hệ đến Thượng Hội đồng Giám mục Trung Đông sắp tới, và hy vọng người Cyprus sẽ có nguồn linh hứng trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình cho phần lãnh thổ trên đất nước của họ.

Chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng đến hòn đảo Địa Trung Hải này và sẽ diễn ra trong ba ngày. Điểm nổi bật của chuyến đi là việc công bố "instrumentum laboris", tức là văn kiện dành cho Đặc Nghị Vùng Trung Đông của Thượng Hội đồng Giám mục diễn ra vào Tháng Mười sắp tới.

Tại phi trường, Ngài nói, "là người kế vị Thánh Phêrô, tôi đến đây một cách đặc biệt để chào đón người Công giáo Cyprus, củng cố họ trong đức tin và khuyến khích họ trở nên người Kitô hữu gương mẫu lẫn người công dân gương mẫu; để đóng một vai trò đầy đủ trong xã hội, vì lợi ích của cả Giáo Hội lẫn Nhà Nước".

Đến giữa người dân Cộng hòa Cyprus với tư cách là "một vị khách hành hương và là tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa", Đức Giáo Hoàng Benedict XVI lần đầu tiên được chào đón bởi chính Đức Thượng Phụ Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống Nea Justiniana và Cyprus Thống Nhất và cũng là "người huynh đệ trong đức tin", hứa hẹn sẽ có thêm những khoảnh khắc như thế trong những ngày sắp tới.

Đề cập đến việc đảo quốc này là "nơi thích hợp" để công bố văn kiện, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI giải thích rằng, Thượng Hội Đồng "sẽ xem xét nhiều khía cạnh về sự hiện diện của Giáo Hội trong khu vực và những thách đố mà người Công giáo phải đối mặt, đôi khi là trong phụng vụ, trong sự sống hiệp thông giữa vòng Giáo hội Công giáo và làm chứng nhân trong xã hội và thế giới".

Về nội dung cuộc họp, Ngài nói, sẽ phản ánh về vai trò lịch sử của các cộng đồng Công giáo ở vùng Trung Đông, đoàn kết với tất cả các Kitô hữu ở khu vực khác, "và chúng ta tin chắc rằng, họ đóng một vai trò không thể thay thế trong nền hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc ở đấy".

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ niềm hy vọng của Ngài với người dân Cyprus rằng, tình bằng hữu và ái quốc của họ thể hiện qua mong ước sống hài hoà với nhau, sẽ truyền hứng khởi cho họ "kiên nhẫn giải quyết những mối quan tâm còn tồn tại mà họ đã chia sẻ với cộng đồng quốc tế vì tương lai đảo quốc này".

Hôm Thứ Năm, Đài Phát Thanh Vatican đã nêu bật tình thế khó khăn trên đảo, mà người ta gọi là "Vấn đề Cyprus". Đài ghi nhận rằng, từ năm 1974 đến tận ngày hôm nay, phần lãnh thổ phía bắc đảo quốc này vẫn tiếp tục bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng, đây là nơi sinh sống của đa số người Hồi giáo Thổ-Cyprus; còn người Hy Lạp-Cyprus thì ở phần lãnh thổ phía nam, phần lớn là tín hữu Chính Thống giáo.

Tất cả mọi người (ở đây) đều hy vọng rằng, sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng có thể giúp đẩy mạnh tiến hành các cuộc đàm phán giữa tổng thống Cyprus - Demetris Christofias - và lãnh đạo Thổ-Cyprus - Dervish Eroglu - có được một giải pháp".

Sau lời chào từ phi trường, Đức Thánh Cha đã đến thăm Giáo Hội Agia Kiriaki Chrysopolitissa như một dịp kỷ niệm đại kết.
 
Cha chủ tịch Đại học Công giáo Hoa Kỳ được bổ nhiệm làm Giám mục Phó Giáo phận Trenton
Tiền Hô
12:33 04/06/2010
.Washington D.C., ngày 4 tháng 6 năm 2010 (CNA/EWTN) - Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã bổ nhiệm Cha David M. O'Connell, Chủ tịch Đại học Công giáo Hoa Kỳ (Catholic University of America) làm Giám mục Phó Giáo Phận Trenton, tiểu bang New Jersey. Việc bổ nhiệm này do Đức Tổng Giám Mục Pietro Sambi - Sứ thần Toà Thánh tại Hoa Kỳ - vừa công bố hôm nay tại Washington D.C.

Một khi làm Giám mục Phó, Đức O'Connell sẽ trợ tá và sau này sẽ kế vị Đức Giám Mục John M. Smith (hiện là giám mục chính tòa Giáo Phận Trenton), khi Đức Giáo Hoàng Benedict chấp nhận đơn từ chức của ngài, theo Giáo Luật, trong một ngày sắp tới đây. Được biết, Đức Giám mục Smith sẽ bước sang tuổi 75 vào ngày 23 tháng 6 năm nay.

Đức Tân Giám mục O'Connell giữ chức chủ tịch Đại học Công giáo Hoa Kỳ tại Washington, D.C. từ năm 1998. Ngài nhận bằng cử nhân Giáo Luật năm 1987 và tiến sĩ Giáo Luật năm 1990 của Đại học Công giáo Hoa Kỳ, với chuyên ngành Cao học Giáo dục Công giáo. Còn Đức Giám mục Smith thì tốt nghiệp Đại học Công giáo Hoa Kỳ với bằng cử nhân Thần Học năm 1961 và tiến sĩ Giáo Luật năm 1966.

Hôm Thứ Sáu vừa qua, Đức O'Connell nói rằng, "Tôi khiêm cung sâu sắc vào sự tin tưởng của Đức Thánh Cha dành cho tôi, và cảm thấy vô cùng tạ ơn khi có thêm cơ hội để tiếp tục phục vụ Giáo Hội". "Tôi đặc biệt hoan hỉ bởi việc được bổ nhiệm về Trenton, đây là nơi rất gần với gia đình tôi tại Langhorne. Đức Giám mục Smith là một vị giám mục tuyệt vời, và tôi mong có được cơ hội làm việc chặt chẽ với ngài và để học hỏi từ ngài".

Giáo Phận Trenton trải dài qua bốn quận trung tâm tiểu bang New Jersey, có số giáo dân Công giáo khoảng 805.000 người trong 113 giáo xứ. Trenton cũng là thủ phủ của tiểu bang.

Về khẩu hiệu giám mục, Đức tân Giám mục O'Connell đã chọn câu tiếng Latinh trích từ Phúc âm Thánh Máccô 10,45: "Ministrare non ministrari" có nghĩa là "phục vụ chứ không để được phục vụ". Ngài giải thích, "Đây là câu được sử dụng trong Thánh Lễ khi tôi được thụ phong linh mục. Nó đã ghi dấu vào tôi một cách mạnh mẽ khiến tôi không bao giờ quên được".

Đức tân Giám mục O'Connell sẽ là giám mục thứ mười của Giáo phận Trenton khi ngài chính thức được tấn phong tại Nhà thờ Chánh tòa Đức Mẹ Mông Triệu vào ngày 6 tháng 8 năm 2010.
 
Tại Hong Kong, các thanh niên Công giáo tưởng nhớ Vụ thảm sát Thiên An Môn
Tiền Hô
13:01 04/06/2010
"Vắn tắt: Hơn 700 thanh niên Công giáo đã tham gia các buổi đốt nến cầu nguyện tại Công viên Victoria. Đối với họ, việc tưởng niệm và đức tin là những giá trị quan trọng. Đức tin giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của sự sống và phẩm giá con người."

Hong Kong (AsiaNews) - Hôm 4 tháng 6, các bạn thanh niên Công giáo nằm trong số 150.000 người tụ tập tại công viên Victoria đã đốt nến canh thức để tưởng niệm lần thứ 21 Vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, họ yêu cầu công lý cho các phong trào dân chủ cùng với việc thả tự do cho Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) và những nhà hoạt động nhân quyền khác tại Trung Quốc.

Mang theo bức tượng Nữ thần Dân chủ, các cuộc biểu tình nhận được sự hậu thuẫn của Liên minh tại Hong Kong Yểm trợ cho các Phong trào Dân chủ Yêu nước ở Trung Quốc, đơn vị tổ chức sự kiện này. Các bức tượng được cảnh sát trả lại sau khi người biểu tình phản đối họ tịch thu một vài ngày trước đây.

Trước cuộc biểu tình, 700 người Công giáo đã tụ tập tại công viên để cầu nguyện với chủ đề: "Phúc thay ai bị bách hại" (Mátthêu, 5:10)

Ba bạn trẻ Công giáo, ở độ tuổi 20, nói với AsiaNews rằng, đức tin cho họ hy vọng để họ có thể yêu cầu sự thật về những gì đã xảy ra vào ngày 4 tháng 6 (1989). Họ tưởng nhớ những nỗi đau khổ của các bạn sinh viên Bắc Kinh, không phải hận thù và trả thù, nhưng để làm chứng cho những việc hy sinh mà các bạn ấy đã làm - như Chúa Giêsu trên cây thập giá - cho tự do, dân chủ và nhân phẩm con người.

Michelle Siu, một giáo viên trẻ và là thành viên của Ủy ban Công lý và Hòa bình cho biết, năm 2004, cô đã đến viếng mộ ba thanh niên bị thiệt mạng vào ngày 3 và 4 tháng 6 năm 1989. Cả ba được chôn cất tại nghĩa trang Babao Shan, ngoại ô Bắc Kinh. Họ là Yin Jing - công chức 36 tuổi, Wu Xiangdong - sinh viên 20 tuổi, và Sun Tie - nhân viên nhà băng 26 tuổi.

"Khi tôi còn là một đứa trẻ, cha mẹ tôi thường đưa tôi đến dự những cuộc tuần hành vào ngày 4 tháng 6. Tôi vẫn còn nhớ khẩu hiệu thường được la hét: "máu đền máu". Tôi đã được các thầy cô giáo thời trung học tác động, giải thích cho chúng tôi về những sự kiện ngày 4 tháng 6, và bây giờ, tôi lại đang chia sẻ nó cho các học sinh của tôi".

Cô nhấn mạnh, "Ngày nay, chúng tôi không đòi hỏi một sự trả thù, nhưng cần sự ủng hộ cho phong trào và sự thật của nó".

Còn Jacky Liu, 21 tuổi, chủ tịch Liên đoàn Sinh viên Công giáo Hong Kong nói rằng, bắt đầu từ giữa tháng trước, sinh viên Công giáo trong nhiều trường cao đẳng và đại học đã tổ chức các cuộc tụ họp cầu nguyện và chia sẻ cho các bạn sinh viên khác về sự kiện ngày 4 tháng 6.

Sinh ra vào tháng 7 năm 1989, tức là một tháng sau vụ thảm sát, Liu cho biết, anh đã tham gia vào các sự kiện tưởng niệm ngày 4 tháng 6 sau khi anh bước vào đại học.

"Sự sống là do Thiên Chúa ban cho. Sự sống của tất cả các sinh viên và những người ủng hộ sự kiện 1989 thật đáng quý, không nên chối bỏ", anh nói.

Các sinh viên Bắc Kinh đã gây xúc cảm trong anh. Họ muốn thay đổi xã hội và thoát khỏi sự bất công, tham nhũng của nó. "Tuổi trẻ có trách nhiệm thực hiện việc nói lên sự thật và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn", anh lưu ý.

Bosco Wong, 25 tuổi, bắt đầu quan tâm về phong trào dân chủ tại Trung Quốc sau khi tham gia hoạt động Công giáo ở trường đại học từ năm 2005. Anh nhớ lại, đó là một trong những tác nhân khiến anh nghĩ rằng, thật khó khăn "nếu không có tự do", và động cơ ấy đã thúc đẩy anh tìm hiểu thêm các phong trào dân chủ tại Trung Quốc.

"Các sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 cũng muốn có những giá trị phổ quát về tự do và dân chủ, giống như các giá trị Kitô giáo của chúng tôi. Nhưng hơn hết, trong đức tin, chúng tôi hiểu cuộc sống và phẩm giá con người quý giá nhường nào, và không có lý do gì để giết chóc và đàn áp cả".

"Những sự kiện như ngày 4 tháng 6 không nên có thêm nữa. Không cần phải chứng minh, chúng tôi sẽ tiếp tục lan truyền thông điệp này tới thế hệ trẻ", anh lưu ý.
 
Luật sư ''cho'' Tòa Thánh Vatican: đang bảo vệ một Quốc gia-Thành Phố Vatican trước các Tòa Án Hoa Kỳ.
Dominic David Trần
17:32 04/06/2010
Hoa Kỳ ngày 04 tháng Sáu năm 2010 lúc 2:11 PM theo Thông Tấn Xã Công Giáo CWN, Jeffrey Lena- vị Luật Sư người Hoa Kỳ hiện đang đại diện "cho" Tòa Thánh Vatican trong một vụ kiện nạp tại Tòa Án thuộc Tiểu Bang Kentucky-trong hồ sơ đi kiện này đã tìm cách để "nêu tên" Đức Thánh Cha Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI như là "một bị đơn hay một người bị kiện" (sic). John Allens nói rõ là Luật Sư Jeffrey Lena "tự coi" chính ông ta như là một phát ngôn viên cho các quyền pháp lý của Quốc gia-Thành Phố nhỏ bé Vatican.

Cho dù Luật Sư Lena sẽ không sử dụng loại ngôn ngữ này, nhưng việc thật sự phải suy nghĩ trong các vụ án liên quan đến Tòa Thánh Vatican, theo như quan điểm luật pháp này; đó là những điều mà các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thường gọi là một sự chọn lựa giữa "Sức mạnh của Luật pháp" và "Luật của Sức mạnh- của kẻ mạnh " trong quan hệ giữa các Nhà Nước hay các Quốc Gia với nhau. Nói một cách khác cho dễ hiểu, "Có lẽ nào những quốc gia thiếu Các sức mạnh về Kinh Tế hay Quân Sự sẽ phải tùy thuộc vào sự bức chế hay những tiếng gọi của các siêu cường?"

Chú thích của ngưòi dịch: Trong ngôn ngữ bình thường "Kẻ mạnh là kẻ có lý- The Might is right" hay "Giàu thời làm chị, khó thời làm em." "Nén bạc đâm toạc tờ giấy hay những câu tục ngữ tương tự ngữ nghĩa như vậy.

Tòa Thánh Vatican thuộc về Giáo Hội của Thiên Chúa hiện nay chỉ rao giảng về Kính Chúa và Yêu Người phó thác mọi sự trong sự quan phòng của Chúa, thì làm gì phải có Qũy Quốc phòng hay Dự trữ tiền để trả cho luật sư trong chuyện kiện tụng thuộc về thế tục như thế này. Tòa Thánh và Hàng Giáo sĩ chỉ Loan Truyền Tin Mừng giữa các dân tộc, Loan truyền Tình Yêu và Lòng Chúa Thương Xót đến với muôn dân- chớ đâu có xuất nhập cảng hàng hóa hay dịch vụ gì.

Vậy mà, Đức Thánh Cha người đại diện cho Thiên Chúa ở trần gian và tuân thủ Giáo Luật nay bỗng dưng bị những kẻ khác đòi nêu tên ngài như một "bị đơn" hay một người "bị kiện"!!!. Vấn đề Luật Lệ và Công Pháp Quốc Tế là ở chỗ "cho dù phải chăm sóc phần hồn cho hơn 1. 4 tỷ Công dân thuộc về Nước Trời-chớ không thuộc thế gian này như Đức Chúa Giêsu đã từng phán dạy- Quốc gia-Thành Phố Vatican về mặt thể lý chỉ có một lãnh thổ rộng khoảng 44 ha với khoảng xấp xỉ 200 vệ binh là thiện nguyện viên từ Thụy Sĩ. Vậy đây là chuyện David đấu trí với gã khổng lồ Goliath nữa hay chăng.

Lạy Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, xin Thiên Chúa thương xót cho Giáo Hội của Chúa trong cuộc lữ hành trần thế này. Vâng, cách đây hai ngàn năm, Đấng Con Một của chính Thiên Chúa cũng đã bị điệu ra trước tòa án thế gian và ngài đã bị đẩy đưa qua lại giữa hai thế lực -2 kẻ mạnh Tiểu Vương Hêrôđê của Quốc gia Do Thái và Tổng Trấn Philatô của Đế Quốc Rôma, xin Chúa ban thêm sức mạnh và ơn bền đỗ cho người Tôi Tớ của Các Tôi Tớ Chúa và chúng con trong những ngày khó khăn này.
 
Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Chypre
LM Trần Đức Anh, OP
18:24 04/06/2010
PAPHOS. Chiều ngày 4-6-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã đến đảo Chypre để viếng thăm trong vòng 3 ngày, cho đến chiều chúa nhật 6-6-2010.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm đảo này. Đối với ĐTC Biển Đức, đây là chuyến viếng thăm thứ 16 của ngài tại hải ngoại và là chuyến thứ 3 trong năm nay sau đảo Malta và Bồ đào nha.

Ngoài việc viếng thăm và củng cố cộng đoàn Công Giáo địa phương, chuyến tông du của ĐTC cũng nhắm tăng cường đối thoại đại kết với Chính Thống giáo và trao tài liệu làm việc của Thượng HĐGM Trung Đông cho các vị đại diện Giáo Hội tại miền này. Công nghị Giám Mục Trung Đông sẽ nhóm tại Vatican từ ngày 14 đến 24-10 năm nay.

Giáo hội tại đảo Chypre

Đảo Chypre chỉ rộng 5.896 cây số vuông với dân số gần 800 ngàn người, trong đó 76% là người gốc Hy lạp phần lớn theo Chính Thống giáo và chỉ có 25 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 3,15%. Có 10% dân đảo Chypre là người gốc Thổ nhĩ kỳ theo Hồi giáo. Ngoài ra có 13% dân số tại đảo này là người nước ngoài. Cộng đồng Công Giáo tại đảo Chypre thuộc ba nghi lễ chính là Maronite, Arméni và la tinh, với tổng cộng 2 GM, 30 LM triều và dòng, 42 nữ tu và 18 tu huynh.

Từ 36 năm nay, đảo Chypre bị chia đôi, 1 phần 3 ở miền bắc thuộc người Thổ Nhĩ kỳ và 2 phần 3 ở miền nam thuộc cộng hòa Chypre. Các cuộc thương thuyết cho đến nay chưa đưa tới kết quả nào.

Trên chuyến bay, ĐTC đã nói chuyện với giới ký giả tháp tùng về một số vấn đề ở Trung Đông, đặc biệt về vụ Đức Cha Luigi Padovese, Chủ tịch HĐGM Thổ Nhĩ Kỳ bị người tài xế dùng dao sát hại trưa ngày 3-6 vừa qua tại tư gia.

ĐTC nói: ”Dĩ nhiên là tôi rất đau buồn về cái chết của Đức Cha Padovese, người đã đóng góp rất nhiều vào việc chuẩn bị Thượng HĐGM Trung Đông, người đã cộng tác và lẽ ra là một thành phần quí giá của công nghị GM sắp tới. Chúng ta hãy phó thác linh hồn Người cho lòng nhân từ Chúa.. Vụ sát hại như một bóng đen, nhưng không liên hệ gì với các đề tài của cuộc viếng thăm tại đảo Chypre, và chúng ta không được qui gán vụ này cho Thổ Nhĩ Kỳ hoặc người Thổ. Đây là vụ mà chúng tôi mới chỉ có một ít thông tin, Chắc chắn đây không phải là một vụ ám sát chính trị hoặc tôn giáo. Đây là một vấn đề cá nhân. Chúng tôi còn chờ đợi tất cả các giải thích. Nhưng giờ đây chúng ta đừng lẫn lộn tình trạng đau thương này với cuộc đối với với Hồi giáo và cac đề tài cuộc viếng thăm này.. Đây là một vụ riêng gây đau buồn, nhưng không được làm lu mờ cuộc đối thoại vốn là một đề tài và là một chủ đích cuộc viếng thăm hiện nay của tôi”.

Đức Cha Luigi Padovese người Italia, năm nay 63 tuổi (1947) sinh tại Milano bắc Italia và gia nhập dòng Capuchino, và làm giáo sư môn giáo phụ học tại Học viện Giáo Hoàng Antonianum của dòng Phanxicô ở Roma. Từ 6 năm nay ngài làm Đại diện Tông Tòa miền Anatolie bên Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Mehmet Celalettin, Thị trưởng thành phố Iskenderun nơi có tòa GM của Đức Cha Padovese, thì Đức Cha đã bị người tài xế kiêm cận vệ tên là Murat dùng dao đâm chết trong vườn nhà ngài. Đức Cha được chở vào nhà thương cứu cấp nhưng quá trễ. Thủ phạm bị bắt với tang vật. Ông Murat là một tín hữu Công Giáo làm tài xế cho Đức Cha Padovese từ 4 năm rưỡi nay. Thân phụ và các anh chị em cũng phục vụ Giáo Hội từ nhiều thập niên. Từ ít lâu nay ông bị bệnh tâm lý và đang được chữa trị.

Đón tiếp

Sau 3 tiếng rưỡi đồng hồ bay, máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường Paphos ở miền tây nam đảo Chypre lúc 2 giờ chiều, giờ địa phương. Đây là một thành phố cảng thơ mộng và cổ kính với 40 ngàn dân cư, thu hút nhiều du khách và có nhiều di tích khảo cổ nên được tổ chức Unesco của LHQ liệt kê vào danh sách các gia sản của nhân loại.

Tổng thống Demetris Christofias, phu nhân, đã đón tiếp ĐTC tại chân thang máy bay trước sự hiện diện của đoàn quân danh dự. Quốc thiều Vatican và Chypre được ban quân nhạc trổi lên trong khi ĐTC và Tổng thống tiến vào Hội trường của phi trường, trước sự hiện diện của đông đảo quan khách đạo đời.

Trong diễn văn chào mừng ĐTC, Tổng thống Christofias nhận định rằng: ”Sự hiện diện của ngài hôm nay ở đây mang theo một sứ điệp hòa bình mạnh mẽ vượt lên trên oán thù và chiến tranh. Chúng tôi cùng chia sẻ với ngài quan điểm về hòa bình và công bằng xã hội. Cuộc chiến đấu của chúng ta chống nghèo đói, loại trừ, bất công và nghèo đói trên thế giới là một cuộc chiến chung. Đảo Chypre đang cần những lời hòa bình của ngài, xét vì tình trạng khó khăn của đảo này trong vùng bị chiếm đóng. Xin cho phép tôi được nói rằng nước Chypre đang cần lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của ngài để mau lẹ tìm lại được sự thống nhất và tự do. Chúng tôi biết ơn vì những ngày mà ngài trải qua ở đây với chúng tôi. Sự hiện diện của ngài tại đất nước chúng tôi thực là một cơ hội lịch sử”.

Về phần ĐTC, trong diễn từ đầu tiên trên đất Chypre, sau khi chào thăm tổng thống, chính quyền và các vị lãnh đạo tôn giáo, ngài nói: ”Trong tư cách là người kế vị thánh Phêrô, tôi đặc biệt đến chào thăm các tín hữu Công Giáo tại Chypre, để củng cố họ trong đức tin và khích lệ họ trở thành những tín hữu Kitô gương mẫu, những công dân gương mẫu, và giữ vai trò trọn vẹn của mình trong xã hội, để mưu ích cho Giáo Hội cũng như quốc gia.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Nước Chypre là một vị trí thích hợp để khởi đầu việc suy tư của Giáo Hội chúng tôi về chỗ đứng của Giáo Hội Công Giáo cổ kính tại Trung Đông, tình liên đới của chúng tôi với tất cả các tín hữu Kitô trong vùng và xác tín của chúng tôi, theo đó họ có một vai trò không thể thay để được trong hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã làm phép cây Oliu đặt trước Hội trường của sân bay, tượng tương cho mong ước hòa bình của lãnh thổ này.

Cầu nguyện đại kết

Rời phi trường Paphos, ĐTC đã tiến về nhà thờ Thánh nữ Ciciaca Chrisopolitissa, của Chính Thống giáo, cách đó 25 cây số. Thánh đường này cũng được mở cửa cho các tín hữu Công Giáo và Anh giáo sử dụng kể từ năm 1987 theo quyết định của Đức GM Chính Thống ở địa phương bấy giờ, nay là Đức TGM Chrysostomos của Giáo Hội Chính Thống tại đây. Nhà thờ hướng về khu vực khảo cổ, nơi có vết tích của một Vương cung thánh đường cổ kính của Kitô giáo hồi thế thứ 4.

Cạnh thánh đường có một di tích gọi là ”Cột Thánh Phaolô” rất được các tín hữu tôn kính, nhắc nhớ một lưu truyền theo đó thánh Phaolô tông đồ đã cư ngụ tại đảo này. Nhiều tín hữu Công giáo thuộc phong trào Con đường Tân dự tòng cũng hiện diện, cùng với nhiều người khác, họ đứng trong khu vực khảo cổ, cầm cờ quốc gia nguyên quán và biểu ngữ xuất xứ của họ.

Vào bên trong thánh đường, ĐTC đã chào thăm một số đại diện giáo dân và các nữ tu chiêm niệm trước khi tiến ra lễ đài đơn sơ được dựng bên ngoài Nhà thờ thánh Chrysopolitissa chiều, ĐTC đã chủ sự buổi cầu nguyện đại kết vào lúc 3 giờ rưỡi với sự hiện diện của các vị đại diện và tín hữu Chính Thống cũng như Công Giáo và một số nữ tu chiêm niệm.. Ngoài ra có các đại diện của Giáo Hội Anh giáo và Tin Lành Luther.

Trong lời chào mừng ĐTC đầu buổi cầu nguyện, Đức TGM Chính Thống Chrysostomos cho biết chính tại thánh đường này xưa là một Hội đường Do thái và từ đây thánh Barnabê và Phaolô đã rao giảng Lời Chúa cho người Do thái. Nhưng Lời Chúa không bị xiềng xích, Thánh Thần Tình Thương của Đấng Nhập Thể, chịu đóng đanh và sống lại không thể bị thu hẹp nơi người Do thái. Chúa Kitô đến trần thế để bất cứ ai tin vào Ngài sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời (Ga 3,6). Đức TGM cũng mạnh mẽ tố giác sự chiếm đóng của người Thổ nhĩ kỳ ở miền bắc Chypre, bao nhiêu thánh đường Kitô bị phá hủy, biến thành nơi trần tục và 30 ảnh đạo bị lấy mất.

Về phần ĐTC, trong bài giảng, ngài nhận định rằng:

”Giáo Hội tại đảo Chypre có lý mà hãnh diện về mối liên hệ trực tiếp của mình với lời giảng của thánh Phaolô, Barnabê và Marco, và sự hiệp thông của mình trong đức tin tông truyền, một sự hiệp thông liên kết Giáo Hội tại đây với tất cả các Giáo Hội vẫn duy trì cùng qui luật đức tin. Đây là một tình hiệp thông, tuy bất toàn, nhưng đã liên kết chúng ta với nhau, và thúc đẩy chúng ta vượt thắng những chia rẽ, cố gắng tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn hữu hàinh mà Chúa muốn cho các môn đệ của Ngài. Vì, như thánh Phaolô đã nói: ”Có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh chị em được kêu gọi trở thành một niềm hy vọng của ơn gọi, một Chúa, một đức tin và một phép rửa” (Ep 4,,4-5).

”Tình hiệp thông của Giáo Hội trong đức tin tông truyền là một hồng ân và cũng là một lời mời gọi thi hành sứ mạng. Trong đoạn trích từ sách Tông đồ công vụ chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy một hình ảnh sự hiệp nhất của Giáo Hội trong kinh nguyện, và sự cởi mở của Giáo Hội đối với sự thúc đẩy của Thánh Linh để thi hành sứ mạng truyền giáo, Như thánh Phaolô và Barnabê, mỗi tín hữu Kitô, nhờ phép rửa, được đặt riêng để làm chứng tá ngôn sứ về Chúa Phục Sinh và tin mừng hòa giải của Chúa, lòng từ bi và an bình của Ngài. Trong bối cảnh đó, Thượng HĐGM đặc biệt về Trung Đông, sẽ nhóm tại Roma vào tháng 10 năm nay, sẽ suy tư về vai trò sinh tử của các tín hữu Kitô trong vùng, khuyến khích hợp trong việc làm chứng tá Tin Mừng, giúp đẩy mạnh việc đối thoại và cộng tác giữa các tín hữu Kitô trong toàn vùng. Thật là một điều ý nghĩa vì công việc của Thượng HĐGM sẽ được phong phú thêm nhờ sự hiện diện của các đại biểu anh em từ các Giáo Hội và cộng đồng Kitô khác trong vùng Trung Đông, như một dấu chỉ quyết tâm chung của chúng ta phục vụ Lời Chúa và cởi mở đối với sức mạnh ơn thánh hòa giải của Ngài.

”Sự hiệp nhất của tất cả các môn đệ Chúa Kitô là một hồng ân cần phải cầu xin Chúa Cha ban cho trong niềm hy vọng sự hiệp nhất này sẽ củng cố việc làm chứng tá cho Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Chúa cầu nguyện cho các môn đệ được nên thánh và hiệp nhất để thế gian tin (Ga 17,21). Cách đây đúng 100 năm, tại Hội nghị tại Edinburgh về truyền giáo, sự ý thức mạnh mẽ: sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô là một chướng ngại cản trở việc loan báo Tin Mừng, đã làm nảy sinh phong trào đại kết hiện đại. Ngày nay chúng ta có thể cảm tạ Chúa, Đấng hướng dẫn chúng ta qua Thánh Linh của ngài, đặc biệt trong những thập niên gần đây, tái khám phá gia sản phong phú của các tông đồ chung cho Đông và Tây phương, và qua cuộc đối thoại kiên nhẫn và kiên trì, chúng ta tìm kiến những con đường để xích lại gần nhau hơn, khắc phục những tranh luận quá khứ, và tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.”

Buổi cầu nguyện đại kết kết thúc với kinh Lạy Cha. Sau đó ĐTC còn vào nhà thánh để làm phép tấm bia khánh thánh Nhà Dưỡng Lão mới do cộng đồng Công Giáo la tinh ở Paphos thực hiện.

Liền đó, ĐTC đã lên xe tiến về thủ đô Nicosie của Cộng hòa Chypre cách đó 170 cây số.. Thành phố này có 309 ngàn dân cư, cũng bị chia đôi, đồng đều về lãnh thổ nhưng dân số khác nhau: 224 ngàn dân thuộc cộng hòa Chypre Hy Lạp, và 85 ngàn thuộc phần Chypre Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa hai miền là khu vực trái độn do Quân đội LHQ trấn đóng, và tu viện dòng Phanxicô nơi được dùng làm Tòa Sứ thần Tòa Thánh tọa lạc trong khu vực trái độn ấy.

Đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh vào lúc quá 6 giờ chiều, ĐTC đã dùng bữa tối và qua đêm tại đây.
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI nói bạo lực không thể dẫn đến hoà bình
Paul Minh Nhật
23:30 04/06/2010
VATICAN CITY, JUNE 2, 2010 (Zenit.org): Bạo lực không thể dẫn đến hòa bình, Đức Benedict XVI lặp đi lặp lại "với một tinh thần đau khổ" sau ngày quân đội Israel và các nhà hoạt động cứu trợ cho Palestine xảy ra xung đột trên một chuyến tàu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức giáo hoàng kêu gọi trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phê-rô tại đây ngài đã nói ngài

Đang theo dõi với "sự lo lắng sâu sắc về sự kiên bi thảm đã xảy ra gần khu vực dải Gaza"

Vào ngày thứ hai, sáu chuyến tàu với khoảng 700 hành khách, được biết đến như là "đội tàu nhỏ cho tự do của Gaza", đã nỗ lực nhằm phá vỡ sự phong tỏa của hải quân Isarel để tiếp tế cho Gaza.

Mặc dù chi tiết còn đang được xác thực, sự đối đầu đã làm nổ ra bạo lực trên khoang thuyền của một trong số các con tàu. Các nguồn thông tin báo cáo rằng có khoảng từ 10 đến 20 người đã thiệt mạng, và con số thương vong ở cả hai bên lên đến 70 người.

Ngài nói: "Tôi cảm thấy cần phải bày tỏ sự đau buồn sâu sắc của tôi đến các nạn nhân của một trong những sự kiện đau thương nhất, sự kiện đã làm bận tâm tất cả những ai có con tim khát khao hòa bình tại khu vực này, một lần nữa, tôi xin lặp lại với một tinh thần đau khổ rằng bạo lực không giải quyết được các vấn đề đang được tranh luận, nhưng làm gia tăng những hậu quả bi thảm và nhìn chung gây thêm nhiều bạo lực."

"Tôi kêu gọi tất cả những vị có trách nhiệm chính trị ở cấp độ địa phương và quốc tế, không ngừng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thông qua đối thoại, nhằm bảo vệ những người sống trong khu vực được có điều kiện sống tốt hơn, trong sự hòa hợp và thanh bình.

Tôi mời gọi các bạn hiệp cùng với tôi dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân, cho gia đình của họ và cho tất cả những ai đang đau khổ. Xin Chúa nâng đỡ nỗ lực của những người không biết mệt mỏi trong việc hoạt động cho hòa giải và hòa bình”.
 
Top Stories
Vietnam: Le cardinal-archevêque de Saigon s’est entretenu de la situation de l’Eglise du Vietnam avec les principaux responsables romains
Eglises d'Asie
08:31 04/06/2010
Eglises d’Asie, 4 juin 2010 – Selon une information rapportée par Radio Vatican (émissions en vietnamien) (1), le cardinal-archevêque de Saigon, Mgr J.-B. Pham Minh Mân, a achevé, le 3 juin 2010, un séjour de trois jours à Rome. Il y a rencontré plusieurs hauts responsables de la Curie romaine avec lesquels il s’est entretenu de la situation de l’Eglise au Vietnam.

Le cardinal est arrivé à Rome le 31 mai 2010. Dans les jours qui ont suivi, il a d’abord eu des entretiens avec deux membres importants de la Secrétairerie d’Etat du Saint-Siège, Mgr Dominique Mamberti et Mgr Ettore Ballestrero. Il a ensuite rencontré le cardinal Ivan Dias, préfet de la Congrégation pour l’évangélisation des peuples. Selon le P. Tran Duc Anh, responsable des émissions en vietnamien à Radio Vatican, tous les échanges ont porté sur la situation de l’Eglise du Vietnam après les événements qui ont marqué la démission de l’archevêque de Hanoi, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt.

On sait qu’une controverse, parfois très vive et agressive, a éclaté dans la communauté catholique du Vietnam concernant les pressions gouvernementales qui se seraient exercées, à cette occasion, aussi bien sur le Vatican que sur l’épiscopat vietnamien (2). A plusieurs reprises, en effet, les autorités civiles ont exprimé publiquement leur volonté d’écarter Mgr Kiêt de son poste d’archevêque de la capitale.

Le cardinal Jean-Baptiste Mân a exprimé sa satisfaction à l’issue de ses rencontres avec les responsables romains. Il a confié qu’il avait trouvé ces derniers fort au courant de la situation de l’Eglise au Vietnam. Selon lui, le Saint-Père comme les deux congrégations qui sont intervenues dans cette affaire ont respecté la volonté de Mgr Joseph Kiêt, qui avait en conscience fermement demandé à démissionner. Quant à la nomination de Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, au poste d’archevêque de Hanoi, il s’agissait là d’une décision du Souverain pontife. Le cardinal de Saigon a également déclaré que la Secrétairerie d’Etat avait clairement fait savoir à l’Etat vietnamien qu’elle acceptait la démission de Mgr Kiêt par respect pour la volonté de celui-ci.

Lors de sa rencontre avec le préfet de la Congrégation pour l’évangélisation des peuples, celui-ci lui a fait des recommandations concernant l’Eglise du Vietnam. Selon lui, il est nécessaire en premier lieu que les catholiques pratiquent l’entraide mutuelle et, en particulier, que le peuple de Dieu soit exhorté à vivre dans la communion, sur les bases de la foi. En second lieu, un effort doit être fait pour que tous, aussi bien au Vietnam que dans la diaspora, intensifient leurs prières à Notre-Dame de La Vang, pour qu’en toutes circonstances ils cherchent à accomplir la volonté de Dieu. C’est ainsi qu’ils seront de bons catholiques et deviendront de bons citoyens.

Enfin le cardinal a précisé que, dans les jours qui suivront son retour au Vietnam, il rendra compte à l’épiscopat vietnamien de la teneur de ses entretiens avec les responsables romains.

(1) Mise en ligne à l’adresse suivante: http://www.radiovaticana.org/vie/Articolo.asp?c=397988

(2) Voir, par exemple, l’interview de Mgr Joseph Nguyên Chi Linh traduit dans EDA 530

(Source: Eglises d'Asie, 4 juin 2010)
 
Inde: Arunachal Pradesh: l’Eglise catholique dément formellement l’existence de conversions forcées dont l’accusent des groupes bouddhistes
Eglises d'Asie
10:19 04/06/2010
Eglises d’Asie, 4 juin 2010 – Mgr P.K. George, évêque catholique du diocèse de Miao, en Arunachal Pradesh, un Etat de l’extrême nord-est de l’Inde (1), a démenti formellement toute tentative de conversion forcée par l’Eglise, de membres de la communauté bouddhiste, laquelle a récemment envoyé un courrier en ce sens au gouvernement.

Le 21 mai dernier, deux organisations bouddhistes du district de Changlang ont affirmé que des groupes de chrétiens, liés au Conseil national socialiste du Nagaland (NSCM) (2), pratiquaient des conversions forcées, notamment au sein de l’ethnie Tikhak, bouddhiste, du district de Changlang, lequel fait partie du territoire du diocèse de Miao. L’accusation, largement relayée par les médias locaux, a suivi un récent rassemblement œcuménique de catholiques, baptistes et évangélistes dans la résidence de Mgr P.K George.

L’Arunachal Pradesh est l’un des cinq Etats de l’Inde à avoir adopté une loi anti-conversion et les règlements de comptes interethniques et interreligieux sur la base d’allégations de conversion forcée n’y sont pas rares. C’est en tous cas la lecture qu’en fait l’évêque de Maio, qui y voit l’expression de la jalousie de certaines ethnies locales (dont les Tikhak) vis-à-vis des Chakma, un groupe aborigène du Bangladesh qui s’est installé il y a quelques décennies dans cette région aux frontières de l’Himalaya (3). Comptant un certain nombre de convertis au christianisme dans leurs rangs, les Chakma semblent avoir acquis un développement économique et culturel supérieur à celui de certains groupes autochtones qui ne les apprécient guère. L’Arunachal Pradesh souffre d’un grand retard en matière d’éducation, ayant, entre autres, le taux d’analphabétisme (plus de 45 %) le plus élevé des Etats du Nord-Est de l’Inde.

Selon Mgr Thomas Menamparampil, archevêque de Guwahati (Etat de l’Assam), qui a très longtemps travaillé dans ces zones tribales de la frontière, le taux d’alphabétisation est proportionnel à l’expansion du christianisme et serait passé de 1981 à 2001, de 20 % à plus de 54 %.

Les Chakma chrétiens « ont tous demandé [le baptême] volontairement », réaffirme Mgr George, qui ajoute que l’Eglise promeut la « liberté de religion et n’a aucun lien avec ceux qui forcent les gens à se convertir ». Le prélat, qui exerce depuis plus de vingt ans dans la région, a été nommé à la tête du diocèse de Miao, érigé en 2006 (4).

Les deux organisations qui ont saisi le gouvernement de l’Etat afin qu’il prenne des mesures « immédiates pour faire cesser ces activités [de conversions forcées] » envers les Tikhak, sont des mouvements bouddhistes, l’Indigenous Faith and Cultural Society of Arunachal Pradesh (IFCSAP) et la Purbanchal Bhikkhu Sangha. Ce n’est pas la première fois que de telles accusations sont proférées contre les chrétiens du district de Changlang par des mouvements identitaires autochtones (5). Bien que l’Eglise catholique ait souvent expliqué n’avoir aucun lien avec le mouvement de guérilla armé, l’amalgame entre le NSCM et le christianisme perdure, le mouvement séparatiste continuant de se réclamer d’un « maoïsme chrétien ».

L’Arunachal Pradesh, qui est passé en quelques années de l’interdiction totale d’une activité missionnaire à un essor exponentiel du christianisme (6), a vu surgir des mouvements autochtones en réaction à cette soudaine floraison des Eglises chrétiennes. La population, essentiellement aborigène, compte un peu plus d’un million d’habitants d’une grande diversité ethnique et religieuse. Cette volonté de fédérer les différentes croyances pour une meilleure cohésion identitaire aborigène explique le succès de la religion syncrétique de Donyi-Polo (dieu Soleil-Lune), un nouveau culte promu entre autres par l’IFCSAP, lequel a obtenu que le 31 décembre – célébration majeure de Donyi-Polo – devienne un jour férié en Arunachal Pradesh.

Actuellement, selon des sources ecclésiastiques, près d’un quart de la population de l’Etat adhérerait au christianisme dont la moitié au catholicisme. Les autres dénominations chrétiennes se partageraient entre baptistes, pentecôtistes et diverses dénominations évangéliques. Environ 15 à 20 % de la population pratiquerait le bouddhisme, implanté de longue date dans la région (bouddhisme theravada et bouddhisme tibétain), le reste des habitants aborigènes de l’Etat étant adeptes de pratiques animistes et chamaniques.

Lors de la consécration à Miao de la première cathédrale de l’Anurachal Pradesh, le 5 mai dernier, une statue du Christ de 12 mètres de haut a été érigée devant la cathédrale qui s’élève au sommet d’une montagne. Preuve du changement d’attitude du gouvernement envers les chrétiens qui sont désormais une présence qui compte dans l’Etat, c’est le ministre des Finances de l’Arunachal Pradesh qui a dévoilé la statue au cours de la cérémonie qui a suivi la dédicace de la cathédrale, présidée par le cardinal Toppo. « Cette figure du Christ, les bras grand ouverts, qui peut être vue de toute la région de Miao, invite chacun à chercher la paix et suivre le chemin de l’amour », a déclaré Mgr P. K. George lors de la célébration.

(1) L’Arunachal Pradesh, situé dans les contreforts himalayens, est bordé par le Bhoutan, la Birmanie et la Chine. Les relations entre l’Union indienne et la République populaire de Chine, qui revendique depuis 1947 une partie de l’Arunachal Pradesh en tant que « Tibet méridional », se sont encore dégradées lors de la venue du dalaï lama dans l’Etat indien en novembre dernier (voir EDA 516). L’Arunachal Pradesh, appelé North East Frontier Agency (NEFA) jusqu’en 1987, a été l’objet d’incursions militaires et d’occupations intempestives chinoises entre 1959 et 1962.
(2) Le National Socialist Council of Nagalim (NSCN-IM) est une organisation séparatiste armée qui lutte pour la création d’un Etat naga (voir EDA 530). Le NSCN a démenti les accusations de conversions forcées des organisations bouddhistes, reprochant à celles-ci de vouloir ternir son image alors qu’il est en pleine négociation avec le gouvernement fédéral.
(3) Les Chakma forment la plus importante ethnie aborigène des Chittagong Hill Tracts de l’actuel Bangladesh. Plusieurs milliers d’entre eux se sont réfugiés en Inde dans les années 1960 puis 1980, suite aux graves persécutions qu’ils subissaient ainsi qu’à l’inondation de leur territoire par la construction d’un barrage, lorsque la région était sous domination pakistanaise. Contrairement aux autres tribus aborigènes de la région, les Chakma parlent une langue d’origine tibéto-birmane qui a subi des transformations la classant aujourd’hui dans le groupe « bengali-assamais », indo-aryen. Les Chakma, majoritairement bouddhistes (theravada), évaluent leur population à 3 millions d’individus, répartis au Bangladesh, en Inde et en Birmanie.
(4) Mgr George Pallipparampil, salésien et originaire du Kerala, a été le premier prêtre à résider réellement en Arunachal Pradesh malgré les interdictions concernant les activités missionnaires. Il a été élevé à l’épiscopat en 2006 par Benoît XVI, en même temps qu’était érigé le diocèse de Miao. Il est également président de la Commission pour l’évangélisation de la région Nord-Est. Aujourd’hui, les catholiques du diocèse de Miao sont estimés à 75 000, soit environ 17 % de la population (www.miaodiocese.org).
(5) En 2004, le Purbanchal Bhikkhu Sangha déclarait à la presse que le NSCN menaçait les bouddhistes afin de les forcer à embrasser le christianisme (Cf. Arunachal Pradesh Timeline, 9 juin 2004).
(6) Ce sont deux prêtres des Missions Etrangères de Paris (MEP), martyrisés dans la région en 1854, qui sont à l’origine de l’introduction du christianisme en Arunachal Pradesh, suivis peu de temps après par des salésiens. Mais, sous la tutelle britannique comme après l’indépendance, les missionnaires ont été ensuite interdits par une réglementation sévère édictée au nom de la protection de la culture aborigène locale. En 1978, une loi anti-conversion a renforcé les restrictions religieuses; les chrétiens étaient pourchassés, les lieux de culte détruits. Malgré ces mesures, l’Eglise, très minoritaire et essentiellement laïque, a connu un essor fulgurant à partir des années 1990, où l’accès des missionnaires à la région a de nouveau été autorisé. Voir EDA 176, 431

(Source: Eglises d'Asie, 4 juin 2010)
 
In Hong Kong, 150,000 people remember the Tiananmen massacre
Annie Lam
17:52 04/06/2010
More than 700 young Catholics took part in the prayer that preceded the candlelight vigil in Victoria Park. For them, remembrance and faith are important values. Faith helps understand the importance of life and human dignity.

Hong Kong (AsiaNews) – Catholic youths were among the 150,000 people who gathered at the Victoria Park candlelight vigil on 4 June to commemorate the 21st anniversary of 1989 massacre and demand justice for the pro-democracy movement and the release of Liu Xiaobo and other human rights activists in China.

Carrying statues of the Goddess of Democracy, the rally backed the Hong Kong Alliance in Support of Patriotic Democratic Movements in China, which organised the event. The statues were returned by police after people protested against their seizure a few days ago.

Before the rally, 700 Catholics gathered at the park to pray, whose theme was, “Blessed are those who are persecuted.” (Matthew, 5:10)

Three Catholic youths, in their 20s, told AsiaNews that faith gives them hope so that they can demand the truth of what happened on 4 June. They remember Beijing students’ sufferings, not out of hatred and revenge, but in order to bear witness to the sacrifices they made—as Jesus did on the Cross—for freedom, democracy and human dignity.

Michelle Siu, a young teacher and a member of the Justice and Peace Commission, said she had paid tribute in 2004 to graves of three youths, who were killed on 3 and 4 June, 1989. All three are buried in Babao Shan cemetery, in suburban Beijing. They were 36-year-old civil servant Yin Jing, 20 –year-old student Wu Xiangdong, and Sun Tie, 26, a bank employee.

“When I was a child, my parents took me to the marches on June 4. I still recall slogans shouting ‘Blood for blood’. I got inspired by my secondary teachers who explained to us the June 4 incident, and now I am sharing it with my students.”

“Today, we are not demanding a reprisal, but a vindication of the movement and its truth,” she noted.

Jacky Liu, 21, president of the Hong Kong Federation of Catholic Students, said that starting in mid-May, Catholic students in various colleges and universities have organised prayer meetings and sharing for students to reflect on 4 June incident.

Born in July 1989, a month after the massacre, Liu said he got involved in 4 June commemorative events after he entered university.

“Life is given by God. The lives of all students and supporters in the 1989 event were precious and should not have been denied,” he said.

The Beijing students have inspired him. They wanted to change society and rid it of injustice and corruption. “Youths have a responsibility to carry on telling the truth and build a better society,” he noted.

Bosco Wong, 25, began to be concerned about the democracy movement in China after joining Catholic activities in university in 2005. He remembered one activity challenged him to think hard on “what if there is no freedom” and that motivated him to find out more about the pro-democratic movement in China.

“The 1989 students in Tiananmen Square wanted the universal values of freedom and democracy, just like our Christian values. But more, in faith, we understand how precious life and human dignity are, and why there is no reason for killings and suppressions.”

“The June 4 incident is not over. As long as it is not vindicated, we will continue and spread the message to younger generations,” he noted.

(Source: http://www.asianews.it/news-en/In-Hong-Kong,-150,000-people-remember-the-Tiananmen-massacre-18597.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Công Giáo Việt Nam tại thành phố Esbjerg, Đan Mạch, rước kiệu tôn vinh Đức Mẹ
Ngô Văn Thông
17:30 04/06/2010
Thành phố cảng Esbjerg nằm về phía tây của đất nước bé nhỏ Đan Mạch với 5 triệu dân, trong đó có khoảng 3 ngàn người công giáo Việt nam, riêng tại Esbjerg có khoảng 200 giáo dân lớn nhỏ. Họ có cuổc sống đã rất sốt sắng, tham gia tích cực vào những họat động của giáo xứ.

Linh mục chính xứ của Esbjerg là cha Benny Blumsaat. Cha có một thời thanh niên sóng gió, nhưng nhờ sự cầu nguyện liên tục của người mẹ yêu quý, người thanh niên Benny đã được Đức Mẹ hoán cãi đã trở thành một linh mục đạo đức có lòng sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt.

Rước kiệu tôn vinh Đức Maria

Ban đầu, để ghi nhớ ngày 13 tháng 5 năm 1917 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Cha kêu gọi mọi thành viên trong giáo xứ tham gia cuộc rước kiệu Đức Mẹ, thường được tổ cchức vào ngày thứ bảy gần ngày 13 tháng 5 nhất. Lộ trình rước kiệu được bắt đầu từ nhà thờ Nikolaj, qua các đường phố, đặc biệt là con đuờng đi bộ của thành phố là khu buôn bán sầm uất đông người nhất.

Số người tham dự ban đầu còn ít ỏi, chỉ có một số người can đãm tham gia.Việc tôn vinh Đức Mẹ ngoài đường phố này đã gây được sự chú ý của dân thành phố Esbjerg và nhiều nơi khác trên Đan Mạch. Số người đến tham dự rước Đức Mẹ tăng nhanh mỗi năm. Từ con số vài chục người đã tăng lên hàng trăm người là một con số đáng kể so với số người công giáo ít ỏi tái đất nước mà đạo Tinh Lành là quốc giáo.

Cuộc rước kiệu Đức Mẹ năm nay nhiều người tham dự nhất. Trời hôm nay thật đẹp, một ngày nắng ấm sau mùa đông dài lạnh lẽo. Từ 10 giờ 30,đã có nhiều người cầu nguyện trong nhà thờ. Bên ngòai, có 2 chiếc xe bus lớn vừa tới từ Odense và Århus chở theo khỏang 100 khách đến dự rước kiệu. Đúng 11 giờ 00, đoàn rước đi đầu là Thanh Giá nến cao, nhóm thiếu nhi cầm đèn, đuốc sau đó là kiệu Đức Mẹ, tiếp theo la đòan rước đi hàng tư kéo dài mấy trăm thước, đôi khi cũng gây trỡ ngại cho lưu thông ở những ngã tư đèn xanh đỏ. Nhưng tất cả xe và người đều dừng lại nhường cho đoàn kiệu đi qua. Điều nổi bật nhất là khi đoàn rước đi dọc đường đi bộ hôm nay thật đông người, nhộn nhịp kẻ mua người bán tấp nập.Vậy mà khi đòan kiệu đi qua, tất cả mọi sinh họat đều ngừng lại để theo dõi. Chính lúc này, Cha Benny dùng loa cầm tay giới thiệu với mọi người đoàn rước chúng tôi gồm nhiều sắc dân, nhiều giáo sứ, cộng đoàn tại Đan mạch đến tham dự cuộc rước kiệu để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa đã hiện ra tại Fatima năm 1917. Tâm tư của những người tham dự chúng tôi tràn ngập niềm vui. Đến trước Tòa thị chính thành phố, đoàn rước dừng lại cầu nguyện cho Giáo Hội, Quê Hương, gia đình, cộng đòan …

Đoàn kiệu tiếp tục qua một vài con đường trước khi về lại nhà thờ Nikolaj. Lần chuỗi Mân Côi và những bài hát ca tụng Mẹ được tiếp tục, hàng trăm cánh tay với cành hoa nhịp nhàng giương cao mỗi lần hát AVE MARIA như muốn thưa với Mẹ ” Mẹ ơi! Đòan con của Mẹ đây! Xin Mẹ thương giúp chúng con theo gương Mẹ”

Sau hơn một giờ rước kiệu chung tôi trở lại nhà thờ cầu nguyện kết thúc. Trong hội trường và vườn hoa của nhà xứ, thức ăn trưa do cộng đòan Esbjerg đãm trách đã được dọn sẵn, và tiếp đãi ân cần. Chúng tôi được dịp ăn uống trò chuyện quên cả thời gian qua mau. Giờ tạm biệt đã đến, chúng tôi phải chia tay trong luyến tiếc và hẹn nhau hội ngộ năm sau.

Trong câu chuyện hàn huyên chúng tôi cũng bàn đến sẽ tổ chức một chuyến Hành Hương Fatima từ ngày 15/11 đén 23/11 và rước một tượng Đức Mẹ thật đẹp từ Thánh Địa Fatima về Đan Mạch để Cộng Đòan Dân Chúa tại đây có dịp kính viếng. Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, qua sự cầu bầu của Mẹ Maria, xin chúc lành cho ý nguyện của chúng con.
 
Huấn từ kết thúc Hội ngộ linh mục của TGM Hà Nội
+ TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
19:34 04/06/2010
Kính thưa quý đức cha, anh em linh mục thân mến, anh chị em giáo dân thân mến.

Cùng với thánh lễ tạ ơn, được cử hành ở tại ngôi nhà thờ đầy ấp kỉ niệm, đầy ấp bầu khí linh thiêng chúng ta đã muốn nói lên lòng biết ơn, lòng tạ ơn đối với Thiên Chúa. Ngài đã thương ban cho chúng ta không biết bao nhiêu là ân huệ. Có những cha nhận xét: từ những việc mà chúng ta không thể ngờ đến được, thì dường như Chúa cũng đã quan phòng đến những việc lớn lao. Để cho ba ngày hội ngộ được diễn tiến, được kết thúc hôm nay một cách tốt đẹp. Cho nên tất cả tâm tình của chúng ta luôn luôn hướng về Chúa. Và nếu có được những thành quả như chúng ta có thể có trông thấy và vô vàn thành quả mà chúng ta không thể thấy được. chúng ta hãy quy chiếu về Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót. Trong những ngày qua, chúng ta cũng có nhiều cơ hội để nhắc đến Đức tổng Giuse, người đã có sáng kiến, người đã góp phần để hình thành, và người đang đồng hành và kết thúc với chúng ta trong buổi hội ngộ này. Chúng ta biết ơn Đức Tổng, chúng ta tiếp tục nhớ và cầu nguyện cho ngài.

Và chúng ta cũng muốn nói, và nói mãi lòng biết ơn của chúng ta đối với ban tổ chức, đối với sự hiện diện đông đủ và nhiệt tình của các cha tham dự. Đối với các giáo xứ, đối với mọi thành phần dân Chúa đã muốn hết sức biểu lộ sự hiệp thông của mình với hội thánh và cũng ý thức được vai trò và ơn gọi của mình trong hội thánh, nên cách này hay cách khác đã góp phần vào rất nhiều cho cái cuộc hội ngộ và cho cái thành quả này.

Nhưng tôi nghĩ rằng đối tượng trung tâm vẫn là anh em Linh mục. Vì thế tôi có một chút cái tâm tình có thể nói là thay mặt cho các Đức Cha giáo phận chia sẻ với anh em trước khi chia tay. Tôi nói thật, chúng tôi rất yêu mến anh em, chúng tôi rất biết ơn anh em. Dù trong cuộc sống, có những lúc và những hoàn cảnh nó không biểu lộ ra được và nhiều khi nó còn biểu lộ ngược lại. Nhưng mà thật sự, trong tận đáy lòng của chúng tôi, chúng tôi hiểu những khó khăn, những vất vả những hy sinh mà anh em đã phải đóng góp để trở nên những cộng tác viên của hàng giám mục. Nếu có một vài cái thành quả nào đó, thì người ta cứ quy hướng về giám mục. Chúng tôi thấy trong những lần đi cử hành lễ nơi này nơi khác người ta cảm ơn giám mục. Mà trong khi đó thì chính cha sở, cha phó, các giảng viên giáo lý, ban hành giáo, mọi người đều làm hết mọi việc để cuối cùng cái thành quả, cái lời tạ ơn thì các giám mục hưởng. Chúng tôi không muốn điều đó. Chúng tôi muốn mãi mãi là những người anh em đồng hành với các cha.

Vậy thì sau cuộc hội ngộ này sẽ ra sao? Tôi chỉ có thể nói một điều này: cuộc hội ngộ này đã an toàn. Nó chỉ thành công với tất cả ý nghĩa của nó.

Chúng ta nhắm 3 mục đích, đây là cuộc hội ngộ, một cuộc gặp gỡ mà chúng ta cũng đã nói nhờ gặp gỡ Chúa mà anh em chúng ta gặp gỡ nhau một cách rất là thân tình. Cuộc hội ngộ này cũng còn là một cuộc hành hương và cuộc hội ngộ này cũng là một cái hình thức thường huấn.

Nếu chúng ta thấy ơn chúa, nếu chúng ta thấy ơn biết bao nhiêu người đã góp phần để xây dựng cái thành quả này. Nếu chúng ta biết ơn nhau, chúng ta hãy đem ba cái điều đó vào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta sẽ tiếp tục hội ngộ. Trước hết, cùng với anh em linh mục giáo tỉnh Hà Nội của chúng ta, thì anh em linh mục giáo tỉnh Huế, giáo tỉnh Sài Gòn cũng đã thực hiện xong cuộc hội ngộ và tôi được biết ở sài gòn vào khoảng 1000, ở Huế vào khoảng 500. Như thế, chúng ta từ nay chúng ta đi trên tất cả cái dải đất việt nam này, anh em Linh mục gặp nhau. Hãy tiếp tục hội ngộ chúng ta hãy chia sẻ với nhau những cái mà chúng ta cảm nghiệmđược, những cái mà chúng ta cảm thấy thật sự cần phải chia sẻ với nhau và tức khắc chúng ta hiểu nhau liền. Chúng ta thông hợp với nhau liền. Cái sự hội ngộ đó diễn ra trên cấp bậc đó nhưng còn nhiều cấp bậc khác. Một cái chuyện mà chúng ta hội ngộ được với các gia đình mà đó đón tiếp chúng ta. Tôi nghĩ rằng hai ba trăm gia đình đó sẽ còn ghi dấu lại sự hiện diên của anh em và chắc rằng anh em cũng không thể quên họ được. Cho nên, chúng ta hãy tiếp tục hội ngộ trong đời sống linh mục, trong đời sống phục vụ của chúng ta.

Nhưng chúng ta cũng phải tiếp tục cuộc hành hương, giáo hội vẫn phải làm một cuộc lữ hành cho tới khi về nước trời. Và giáo hội mà chúng ta đang sống đây là giáo hội hành hương. Và quả thật, tôi thú thật với anh em, tôi đã sống 70 năm trên một cái vùng đất mà tôi chỉ ao ước một điều: giá mà có một cái di tích gì đó của các thánh tử đạo. Vậy mà chúng tôi mỏi mắt tìm cũng không ra. Thế nên, cuối cùng thì đành chọn một vài cái địa điểm mà có những vị linh mục sống thánh thiện đã gây dựng nên cái cơ ngơi gầy dựng nên cái giáo phận. Còn ở đây, chúng ta thấy hiện diện nơi nào, chúng ta đến nơi nào. Chúng ta cũng được có thể là hít thở, chúng ta có thể được trông thấy, chúng ta có thể được cảm thông với các thánh tử đạo, với các thánh của chúng ta. Nhưng mà để tiến đến sự thánh đó, các ngài đã phải trải qua biết bao nhiêu là gian khổ. Hay nói rõ ra là các ngài vẫn phải vác thập giá đi theo chúa Kito. Anh em Linh mục chúng ta không thể tiếp tục hành hương mà chúng ta đã để thập giá qua một bên. Chúng ta phải có thập giá và chúng ta hãy nhìn vào đức Kito, nhưng có một điều là chúng ta cùng với nhau đi theo đức Kito và chắc chắn là cái điều cuối cùng chúng ta vẫn phải tiếp tục thường huấn.

Chúng ta phải định nghĩa thường huấn là được huấn luyện và tự huấn luyện suốt cả cuộc đời linh mục của chúng ta. Khi thì có 4 điều hiện tại, mỗi hiện tại gợi lên chỉ có 1 điểm thôi. Nhưng điều đó cũng đã nói với chúng ta để có thể thi hành cái sứ vụ của chúng ta, chúng ta phải học hỏi, chúng ta phải nỗ lực, và đặc biệt là chúng ta phải cùng với anh em mình học hỏi, nỗ lực, khám phá và thi hành.

Tôi tin rằng, 3 ngày hồng ân vừa qua, sẽ không kết thúc mà nó sẽ đưa chúng ta vào trong cuộc sống và chúng ta không còn vào một cách cô đơn, mà chúng ta có cả một cái tập thể. Linh mục Việt Nam phải có cả 1 cái tập thể, linh mục giáo tỉnh và chúng ta có các giám mục cùng đồng hành với mình. Một vài cái tâm tình như vậy tôi nghĩ đến anh em và cùng với phép lành cuối thánh lễ tôi tuyên bố bế mạc ngày thường huấn linh mục giáo tỉnh Hà Nội 2010.

(Alf. Khai Hoàng ghi lại)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trận đại hồng thủy
Jos. Tú Nạc, NMS
08:40 04/06/2010
Trận đại hồng thủy (The Great Flood)

Con người trong mỗi nền văn hóa của thế giới đều có những câu chuyện đặc biệt riêng của mình. Những câu chuyện này kể về những sự việc đã xảy ra vào thời kỳ khai nguyên lịch sử của họ. Những truyện cổ này được truyền khẩu bởi các bậc phụ huynh cho con cái họ trải qua hàng ngàn năm.

Nhiều truyền thuyết nói về một trân lụt khủng khiếp. Nhiều câu chuyện kể về một người đàn ông nhân từ đã làm đẹp lòng Thiên Chúa. Khi trận lụt đến Thiên Chúa đã cứu vớt người đàn ông nhân từ này cùng với gia đình và một số động vật của ông. Những truyện khác nói về những bậc cha mẹ cứu vớt con cái họ và một số truyện lại đề cập đến trận lụt sẽ diễn ra do điềm báo của những con vật.

Ở Trung Quốc câu chuyện xảy ra như thế này. Cha mẹ của Mahei và Manui chặt một cây khổng lồ. Họ đục rỗng phần lõi của thân cây, để lại lớp vỏ. Họ đặt hai đứa con vào trong thân cây với một số thực phẩm và một con dao. Họ bịt hai đầu thân cây bằng da bò và gằn vài cái chuông bên ngoài thân cây. Cha mẹ chúng bảo chúng không được ra ngoài chờ đến khi rận lụt đi qua.

Khi trận lụt đến, thân cây nổi bồng bềnh trên mặt nước cùng với những đứa bé an toàn bên trong. Sau một thời gian dài, những đứa bé nghe tiếng chuông rung. Điều đó cho chúng biết rằng chúng đã được an toàn trên mặt đất. Chúng khoét một lỗ trên miếng da bò và chui ra ngoài. Chúng là những người duy nhất sống sót trong trận lụt khủng khiếp này.

Dân tộc Peru lại kể câu chuyện của họ theo cách khác. Một nông dân đang chăn đàn lạc đà không bướu của mình. Những con vật này cung cấp thịt, và lông để làm quần áo ấm. Một tháng trước khi trân lụt đến, bầy lạc đà có vẻ rất buồn. Chúng không ăn uống và ban đêm chúng nhìn lên những vì sao. Người nông dân hỏi chúng có điều gì chẳng lành. Chúng nói những vì sao cho biết sẽ có một trận lụt khũng khiếp kéo đến. Người nông dân dẫn sáu đứa con của mình, bầy lạc đà và tất cả lương thực mà có thể mang theo. Ông ta leo tới đỉnh núi cao nhất. Khi nước lũ càng dâng cao, ngọn núi cũng càng vươn cao. Khi nước lũ rút cạn, ngọn núi trở lại độ cao bình thường. Người nông dân và những đứa con của ông là những người duy nhất sống sót sau cơn đại hồng thủy này.

Những câu chuyện này kể cho chúng ta điều gì? Một số nhà khoa học tin họ đã cho thấy một một trận lụt trên toàn thế giới thực sự đã xảy ra. Những nhà khoa học này đã chỉ ra quá trình khám phá sự sót lại của những sinh vật biển – thậm chí trên đỉnh núi cao nhất. Nhưng nhiều nhà khoa học lại không thừa nhận. Họ nói rằng có những lý do khác mà chúng còn sót lại ở đó.

Một số người tin có một trận lụt khủng khiếp nhưng nó chỉ phủ một phần nào của thế giới. Họ nói rằng có thể nó đã xảy ra ở Trung Đông. Đây là nơi mà các khoa học gia đã phát hiện ra bằng chứng những ngôi làng nhỏ của con người rất sớm.

Dù gì đi chăng nữa, thực tế về mức độ của trận lụt này, nhiều câu chuyện kể đã có những sự kiện giống nhau. Họ nói vào thời điểm đó con người đã phạm nhiều tội lỗi và đó là nguyên nhân làm cho thế giới bị hủy diệt. Họ nói rằng con người đã được khuyến cáo về điều gì sẽ xảy ra nhưng chỉ một ít người sống sót. Dân số thế giới ngày nay còn tồn tại là từ những người này.

Kinh Thánh Ki-tô giáo kể lại câu chuyện này như sau:

Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới hoàn hảo. Ở đó không nơi nào có tội lỗi. Thiên Chúa đã tạo nên một người nam và một người nữ sống trên thế gian và được ân hưởng mọi thứ mà Người đã dựng nên. Trên hết Người muốn họ hưởng sự sống bầu bạn của họ. Người biết rằng nếu họ vâng phục nhựng luật lệ đơn giản, họ sẽ luôn luôn được hạnh phúc tràn đầy.

Nhưng người nam và người nữ này đã chống lại Thiên Chúa. Tội lỗi này họ đã truyền lại cho con cái họ và cũng từ họ truyền lại cho những người sinh ra sau họ - tội tổ tông truyền.

Sau đó Thiên Chúa nhìn vào thế giới hoàn hảo này mà tay Người tạo dựng nhận thấy rằng nó đã bị tàn phá. Người nói, “Ta sẽ hủy diệt mọi sự sống trên trái đất bởi con người đã gieo đầy tội lỗi và bạo lực trên trái đất này”.

Nhưng có một người khác biệt. Tên ông là Noah. Noah kính yêu Thiên Chúa và thờ phượng Người. Ông tuân theo những giới răn của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã chọn Noah với một mục đích đặc biệt.. .

Thiên Chúa khuyến cáo Noah rằng Người sẽ đem đến một trận lụt để hủy diệt mọi sinh vật sống trên trái đất. Nhưng Thiên Chúa có một kế hoạch cứu giúp Noah và gia đình ông.

“Hãy đóng một chiếc tàu khổng lồ và làm nhiều phòng”, Thiên Chúa nói. Thiên Chúa đã chỉ bảo ông đóng con tàu này một cách chính xác. Người bảo ông kích cỡ con tàu là bao nhiêu, bao nhiêu tầng, và đặt cửa chỗ nào. Noah làm mọi việc như lời Thiên Chúa đã chỉ bảo.

Khi con tầu khồng lồ này hoàn tất, Thiên Chúa bảo Noah mang mọi thứ thực phẩm vào con tàu. Đoạn Người bảo Noah mang mỗi loại gia súc và gia cầm mỗi loại một đôi một trống một mái vào trong tàu.

Cuối cùng, Noah cùng với vợ ông và ba người con trai và vợ của họ bước vào con tàu. Sau đó Thiên Chúa đóng cửa. Cơn mưa bắt đầu, và nước dâng lên khỏi mặt đất. Trận mưa kéo dài bốn mươi ngày đêm.

Nước càng ngày càng dâng cao cho đến khi tràn ngập tất cả các đỉnh núi đồi dưới toàn bộ bầu trời. Mọi loài sinh vật hít thở khí trời đã chết trong trận lũ.

Noah và gia đình ông đã trôi nổi bồng bềnh an toàn trong con tàu chờ nước lũ rút cạn. Cuối cùng con tàu đã nằm dựa trên đỉnh núi. Nhưng mặt đất vẫn chưa khô. Noah cứ đợi. Sau nhiều tuần lễ, ông mở cửa sổ và thả một con chim. Nó quay trở về với ông cùng chiếc lá xanh của cây ô-liu ngậm trong mỏ. Noah biết rằng trái đất hầu hết đã khô cạn nhưng ông vẫn chờ đợi Thiên Chúa.

Cuối cùng Thiên Chúa phán, “Bây giờ ra khỏi con tàu này. Mang theo gia đình con và mọi loài cầm thú. Loài người lại phủ đầy trái đất”.

Đó là một khởi đầu thanh tẩy một thế giới trong sạch. Nhưng Kinh Thánh nói rằng con người vẫn sa cạm bẫy bởi tội lỗi. Câu trả lời cho vấn đề này đã đến sau này rất lâu – trong công cuộc của Chúa Giê-su Ki-tô. Nhưng câu chuyện lũ lụt này kết thúc với lời hứa của Thiên Chúa rằng sẽ không bao giờ có một trận lụt trên toàn thế giới một lần nữa. người nói rằng khi trời mưa Người sẽ đặt một chiếc cầu vồng trên bầu trời. Người nhìn thấy mầu sắc xinh đẹp của cầu vồng và nhớ đến lời hứa của Người với toàn nhân loại.

Những câu chuyện lũ lụt từ mọi đại lục trên thế giới cũng đều kể về lời hứa chiếc cầu vồng này. Phải chăng sự minh chứng rằng con người trong mỗi quốc gia đều nhớ đến một cơn đại hồng thủy như nhau? Hoặc những cây chuyện này nói về những trận lụt khác nhau vào những thời điểm khác nhau? Hoặc tất cả những câu chuyện này chỉ là hư cấu để răn dạy con người về cái thiện và cái ác? Bạn nghĩ thế nào?
 
Thông Báo
Cáo Phó: Nữ Tu Marie Catherine Y Deo
Tòa Giám Mục Kontum
23:55 04/06/2010
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25)

CÁO PHÓ

Hội Dòng Ảnh Phép Lạ

và Gia Đình trân trọng báo tin:



NỮ TU MARIE CATHERINE Y DEO

Sinh năm: 1930

Tại làng Kon Hring – Diên Bình – Đak Hà - Kontum.

- Nhập tu: 1942.

- Khấn dòng: 1950.

- 1950-1956: Phục vụ tại trại phong Dak Kia.

- 1956-1958: Phục vụ bệnh viện Kontum và dạy học tại trường Đức Bà.

- 1958-1975: Phó bề trên Hội Dòng.

- 1975-1995: Bề trên Hội Dòng.

- 1995-2010: Phục vụ tại Cô Nhi Viện Vinh Sơn I.

Đã an nghỉ trong Chúa

Lúc 23g00, ngày 04.06.2010 tại Dòng Ảnh Phép Lạ,

14 Nguyễn Huệ, Phường Thống Nhất, Tp. Kontum

Hưởng thọ 80 tuổi.

Linh cữu nữ tu Marie Catherine được quàn tại Nhà Dòng.

- Nhập quan: 16h 00’, ngày 05 tháng 06 năm 2010

- Di quan: 06h 30’, ngày 07 tháng 06 năm 2010

- Thánh Lễ an táng: 07h 00’, ngày 07 tháng 06 năm 2010

tại Nhà Thờ Chính Toà Kontum và an táng tại Nghĩa trang Tp. Kontum.

Xin quý vị hiệp ý cầu nguyện cho nữ tu Marie Catherine.

@ Xin Quý Cha mang lễ phục tím.

R.I.P
 
Tin Đáng Chú Ý
Công nợ Việt Nam tới mức báo động (1)
Hà-Minh Thảo
09:08 04/06/2010
CÔNG NỢ VIỆT NAM TỚI MỨC BÁO ÐỘNG

Trong sáu tháùng qua, các biến động về tài chánh từ Hy lạp đã lan khắp các quốc gia công nghệ phát triển toàn cầu.

Hy lạp là một quốc gia dân chủ và đa đảng. Nhờ đó, khi người dân không còn tín nhiệm chánh phủ đương quyền ‘bê bối’, không hữu hiệu, họ có quyền chế tài bằng sử dụng lá phiếu để chọn đảng khác để ủy nhiệm điều khiển nhà nước. Nắm ngay cơ hội, trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 04.10.2009, công dân Hy lạp đã dồn phiếu cho Đảng Xã hội của ông George Papandreou thắng cuộc bầu cử Quốc hội. Bắt tay vào việc nước, tân chánh phủ tìm thấy các số liệu cho tài chính công chứng minh mức thâm hụt ngân sách là 12% tổng sản lượng nội địa(1) (TSLNĐ) thường được gọi là GDP (Gross Domestic Product, tiếng Anh hay Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp, chứ không là 6% như giới cầm quyền xuất nhiệm tuyên bố, và 9,40% năm 2010. Ngoài ra, công nợ cao tới 113,40% (410 tỷ mỹ kim), năm 2009, và 120,80% TSLNĐ, năm 2010. Lập tức, Ủy ban Âu châu đòi hỏi một điều tra "toàn diện" để giải thích sự khác biệt này. Nhưng, sau đó, dù người dân phải chịu nhiều hy sinh để được sự trợ giúp tín dụng 110 tỷ euro của 16 quốc gia khu vực euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hy lạp thoát khỏi phá sản, không đủ tiền thanh toán nợ đáo hạn.

Hướng về Quê hương Việt-Nam, đồng bào không được hưởũng sự dân chủ với độc đảng cộng sản, nơi Quốc hội, bao gồm các đại biểu nắm quyền Hành pháp và Tư pháp lẫn quân nhân, đang họp bàn thảo ngân sách và dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam. Một dự án làm tăng công nợ, nhưng hiệu quả kinh tế không chắc. Chúng ta xem mức thâm hụt ngân sách và bách phân công nợ đã đến mức nào so với tài sản của quốc dân vì công nợ được vay giao cho các đảng viên cộng sản quản lý, nhưng việc hoàn trái đè nặng trên từng người dân và con cháu họ.

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT TRƯỚC.

1. (1) Tổng sản lượng nội địa

Tổng sản lượng nội địalà giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên toàn lãnh thổ một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định, thường là ba tháng và một năm. TSLNĐ là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó.

Tổng sản lượng nội địa từng người dân TSLNĐ trung bình của mỗi công dân một quốc gia vào một thời gian nhất định được tính bằng TSLNĐ của quốc gia đó chia cho dân số đúng vào cùng một thời điểm. Trị giá này cho thấy mức thu nhập trung bình mà không cho thấy những cách biệt về thu nhập và của cải của những người dân trong một nước.

Thí dụ: Năm 2008, TSLNĐ nước Việt là 89.829 triệu mỹ kim với dân số 86,2 triệu người thì TSLNĐ trung bình từng người dân là: 89.829 / 86,2 = 1.043 mỹ kim.

Bởi thế, năm 2008, với TSLNĐ 89.829 triệu mỹ kim, Việt-Nam đứng hạng 60 trên thế giới và với TSLNĐ đầu người 1.043 mỹ kim, Việt-Nam được xếp hạng 139 trên 180 quốc gia, theo thống kê Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

TSLNĐ Hy lạp là 357.547 triệu mỹ kim, năm 2008, xếp hạng 28 trên thế giới và và TSLNĐ đầu người 31.570 mỹ kim, hạng 39 thế giới, chiếm khoảng 3% của tổng sản lượng nội địa khu vực đồng euro, gồm 16 quốc gia.

2. Nước Hy lạp đi tới khủng hoảng vì:

a. Trách nhiệm người dân. Nước Hy lạp nghèo, nhưng 11 triệu người dân Hy lạp thì không nghèo vì lợi tức trung bình (TSLNĐ) đầu người là 21.300 euro năm 2008, tức khoảng ớ so với lợi tức trung bình của một người Đức… Người giàu say mê chơi trò trốn thuế. Ngân hàng Thế giới ước lượng 35% của nền kinh tế Hy lạp vận hành một cách không hợp pháp, bán không hóa đơn để người mua không trả thuế Trị giá gia tăng. Do đó, Nhà nước sạt nghiệp…

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính Hy lạp đã công bố danh sách 57 bác sĩ hành nghề tại Athens bị nghi ngờ vi phạm luật thuế vụ. Các chuyên gia ước tính chính phủ Hy lạp đã thất thu mỗi năm lối 30 tỷ euro vì trốn thuế. Đó là nguyên nhân của sự thâm hụt ngân sách và công nợ chồng chất. Theo số liệu Minh bạch Quốc tế (Transparency international) trong năm 2009, người Hy Lạp đã trả 790 triệu euros trong các vụ hối lộ và lại quả.

Trong năm 2008, Tổ chức này đã xếp Hy lạp vào hạng 57 với 4,7 điểm và năm 2009, hạng 71 (3,8 điểm) trên 180 quốc gia. Để so sánh, năm 2008, Việt-Nam được xếp hạng 121 với 2,7 điểm và, năm 2009, vào hạng 120 (2,7 điểm).

b. Hy lạp là quốc gia có tinh thần ‘xã hội chủ nghĩa’, cũng như các nước Liên minh Âu châu khác, vẫn dành những phúc lợi xã hội cho dân chúng. [Vì tinh thần xã hội chủ nghĩa thật sự, họ đã mở rộng cửa đón người Việt tị nạn và chia sẻ ‘bánh mì’ cùng áo mặc trong nhiều thập niên. Cám ơn.]. Các khoản chi xã hội của Hy lạp là 24,20% TSLNĐ, so với 26,90% TSLNĐ 27 quốc gia thành viên Liên hiệp Aâu châu. Trong khi đó, Việt-Nam là một quốc gia theo thể chế chính trị: Cộâng hòa xã hội chủ nghĩa.

3. Công nợ hay Nợ quốc gia.

Chúng ta biết rằng thế giới 'tân tiến’ đang gánh chịu hậu quả hai cuộc khủng hoảng tài chánh mà nguyên nhân chánh đều do việc không thể thanh toán được các khoản tín dụng đáo hạn? Trách nhiệm tình trạng vỡ nợ từ hai phía: chủ nợ và con nợ.

- Các chủ nợ (cơ quan tín dụng, ngân hàng) ham cho vay với lãi suất cao và dễ dàng. Các con nợ (nhà nước hay tư nhân) vay tiền dễ dàng, nên chi tiêu hoang phí vì có cảm tưởng tiêu tiền của người khác, chứ không do mồ hôi nước mắt làm ra. Đôi bên, chủ nợ và con nợ, đều hả hê. Chánh phủ các nước vui thích vì bách phân tăng trưởng kinh tế cao, nhất là khi với hai con số.

- Năm 2007, cuộc khủng hoảng ‘Nợ Thứ cấp’ (Subprime Mortgage Credits) phát xuất từ Hoa kỳ. Các cơ quan tín dụng và ngân hàng đã cho tư nhân vay dễ dàng để xây cất, mua nhà cửa. Khi nợ nần của tư nhân chồng chất và không hòan trả được, thì các chủ nợ mất mát nặng vốn đến nỗi phá sản. Hiện nay, năm 2010, sự gần kề phá sản của các quốc gia khu vực euro do nhà nước đi vay, phung phí và không thanh toán nổi bắt đầu từ Hy lạp.

- Việt-Nam, nước ta, có thể rơi vào tình trạng khánh tận, không trả nợ vay ngoại quốc vì, hiện nay, Công Nợ đã tăng đến mức an toàn.

II. THÂM HỤT NGÂN SÁCH QUỐC GIA.

Ngân sách quốc gia là một thành phần trong hệ thống tài chính, được sử dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế, xã hội ở mọi quốc gia. Luật Ngân sách nhà nước đã được Quốc hội Việt-Nam thông qua ngày 16.12.2002 định nghĩa: « Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách trung ương là ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương. Ngân sách địa phương bao gồm ngân sách của đơn vị hành chính các cấp có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. »

Thâm hụt ngân sách trong kinh tế vĩ mô là tình trạng các khoản chi của ngân sách quốc gia cao hơn các khoản thu, phần chênh lệch được gọi là thâm hụt ngân sách. Trường hợp ngược lại, khi các khoản thu cao hơn các khoản chi được gọi là thặng dư ngân sách. Thu của Chính phủ không bao gồm khoản tín dụng (nợ vay). Chính phủ đi vay chính là một cách để giảm bớt mức thâm hụt ngân sách. Trong lịch sử, phát hành thêm tiền đã từng là một cách tài trợ cho thâm hụt ngân sách, nhưng do hậu quả nghiêm trọng của nó là dẫn đến lạm phát ở mức cao nên ngày nay cách này hầu như không được Chính phủ của bất cứ quốc gia nào sử dụng nữa. Do Chính phủ bù đắp cho thâm hụt ngân sách bằng cách đi vay, nên lũy kế các khoản thâm hụt ngân sách nhà nước đến một thời điểm nào đó chính là nợ quốc gia.

1. - Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008.

Ngày 28.05.2010, các đại biểu Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008. Trong phiên họp, đại biểu Nguyễn văn Pha đã lưu ý các đồng viện: « không thể phát biểu thật ngọn ngành về hàng trăm hàng nghìn con số vì ‘không được học hành bài bản về kinh tế’ ». (Trích bài ‘Chi ngân sách: “Chính phủ không tùy tiện”’, VnEconomy ngày 28.05.2010). Nhưng Quốc hội cũng đã đạt được kết quả của phiên họp: quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008, với tổng thu cân đối 548.529 tỷ đồng; tổng chi 590.714 tỷ đồng; bội chi 67.677 tỷ đồng, bằng 4,58% TSLNĐ.

Nhiều đại biểu đã lo ngại về việc lễ hội được tổ chức tràn lan ở Việt-Nam, trung bình mỗi ngày có 20 lễ hội. Việc quản lý tổ chức còn chưa tốt, nên có nhiều lễ hội tổ chức xô bồ không thực hiện được việc giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân. Họ cũng bày tỏ lo lắng về khoảng cách giàu nghèo đang tăng dần trong nước, sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm dân cư. Mức chênh lệch giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2002 là 8,1 lần đã tăng lên 8,9 lần vào năm 2008.

2. - Dự toán thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009.

Trong phiên họp ngày 10.11.2008, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách nhà nước năm 2009 với 436 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 88,44% tổng số đại biểu với các con số như sau:

Đề mục Ngân sách Số tiền
Tổng thu ngân sách nhà nước trong kỳ 389.900 tỷ đồng
Thu kết chuyển từ năm trước sang 14.100
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (a) 404.000
Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước (b) 491.300
Bội chi ngân sách nhà nước (a) – (b) 87.300 tỷ đồng
Tỷ lệ bội chi so với TSLNĐ4.82%


Để san bằng bội chi ngân sách 87,300 tỷ đồng đó, nhà nước phải đi vay và được chia như sau: Vay trong nước: 71,300 và ngoài nước: 16.000 tỷ đồng.

Ngày 14.04.2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thông báo dự toán chi ngân sách năm 2009 Quốc hội quyết định là 491.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hạn chế tác động không thuận của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã sử dụng gói kích cầu khoảng 145.000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ mỹ kim). Do đó, mức bội chi đã tăng lên 115.900 tỷ đồng (tức 6,9% TSLNĐ, đảm bảo trong phạm vi Quốc hội cho phép) khiến cân đối ngân sách trung ương năm 2009 vẫn còn thiếu và phải xử lý tiếp trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước năm 2010 và các năm kế tiếp.

Mức bội chi 6,9% TSLNĐ mới đảm bảo trả nợ, nguồn nợ chuyển sang năm sau mới giảm dần, nếu không sẽ tiếp tục trong tình trạng ‘treo nợ’.

3. - Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010.

Ngày 11.11.2009, 74,4% đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 là 6% TSLNĐ khi thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội chấp thuận mức bội chi không quá 6,2% TSLNĐ. Do đó, Quốc hội đã phải thông qua toàn bộ Nghị quyết với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 461.500 tỷ đồng, bằng 23,9% TSLNĐ; tính cả 1.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2009 sang năm 2010 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 462.500 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 582.200 tỷ đồng. Do đó, mức bội chi ngân sách nhà nước sẽ là 119.700 tỷ đồng, bằng 6,2% TSLNĐ, dự trù được tài trợ bởi các khoản vay trong nước (98.700 tỷ đồng) và nước ngoài (21.000 tỷ đồng).

Nghị quyết cũng nêu rõ yêu cầu khắc phục tình trạng chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền và sai quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tiếp tục cải cách tiền lương, tăng mức lương tối thiểu từ 650.000 đồng lên 730.000 đồng từ ngày 01.05.2010.

Quốc hội đồng ý, trong năm 2010 phát hành trái phiếu chính phủ 56.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án, công trình thuộc lĩnh vực và danh mục đã được quyết định đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ theo Nghị quyết của Quốc hội. Yêu cầu Chính phủ xây dựng phương án phân bổ vốn trái phiếu chính phủ năm 2010, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

(Còn tiếp)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cát Bụi
Lê Trị
22:16 04/06/2010

CÁT BỤI



Ảnh của Lê Trị

Giữa sa mạc mênh mang thăm thẳm

Thấy con người tựa hạt cát sa

Một cơn gió cuốn về đâu nhỉ

Ở cuối chân trời một cõi Không.

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền